Ngày 30-03-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:24 30/03/2022

8.Không nuôi dưỡng sự phẫn nộ hận thù trong lòng.

(Thánh Benedict)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:29 30/03/2022
35. NGÔ SINH THÍCH KHOE MẼ

Có một người tên là Ngô Sinh, già rồi mà thích khoe mẽ.

Có một lần đi làm khách, thấy một người mặc áo vải thì cho rằng đó là loại người bình thường, nên tỏ thái độ kiêu ngạo, chỉ gật đầu chào nhẹ mà thôi. Sau đó nhìn thấy chủ nhân đối với người ấy rất cung kính, hỏi ra thì biết người ấy là Trương Bá Khởi nổi tiếng như cồn, thế là lập tức thay đổi thái độ, rất cung kính với Trương Bá Khởi.

Trương Bá khởi cười cười nói:

- “Vừa rồi tôi nhận của ông nửa cái vái, bất tất lại phải làm phiền ông nữa”.

(Khiển Sầu tập)

Suy tư 35:

Ở đời có rất nhiều người ỷ vào tài sản của mình để khinh người nghèo; có rất nhiều người lấy tài học của mình ra để khoe khoang và coi thường những người không học hành, tất cả những hạng người khoe mẽ này đều luôn luôn quỵ lụy và khúm núm trước những người quyền thế và giàu có.

Đức Chúa Giê-su khi đứng trước quan tổng trấn Phi-la-tô đã dõng dạc nói với ông rằng: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài”. (Ga 19, 11)

Nếu Thiên Chúa không ban cho thì chẳng ai có gì cả, kể cả tiền bạc, học thức.v.v...do đó mà người Ki-tô hữu vẫn luôn vui vẻ dễ thương và hòa đồng với những người khác, dù họ có là ông vua giàu có, quyền uy hoặc là nhà bác học thời danh, bởi vì họ xác tín lời của Đức Chúa Giê-su rằng: nếu trời không ban cho, thì chẳng ai có gì cả...

Tiền bạc, quyền uy, danh vọng, học thức thì nhất thời mà thôi, Chúa ban cho để làm lợi cho linh hồn của mình và giúp đỡ tha nhân, hãy nhờ điều ấy, bằng không thì cửa hỏa ngục sẽ nuốt lấy vì sự giàu có, học thức và quyền uy có được ấy của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngày 31/03: Niềm Tin Và Lý Trí - Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đồng
Giáo Hội Năm Châu
03:46 30/03/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật. Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian. Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến. Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.

“Tôi không cần người đời tôn vinh. Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận. Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?

“Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy. Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói?”

Đó là lời Chúa
 
Làm nên sự sống và cứu sống
Lm. Minh Anh
06:08 30/03/2022

LÀM NÊN SỰ SỐNG VÀ CỨU SỐNG
“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ!”.

Một nhà tu đức nói, “Cuộc sống con người là một tiến trình liên tục làm quen với những điều không ngờ! Thiếu nhi trìu mến, thiếu niên dễ dạy, hai mươi hãnh tiến, ba mươi không mệt mỏi, bốn mươi bốc lửa, năm mươi mạnh mẽ, sáu mươi nghiêm túc, bảy mươi trầm mặc, tám mươi đau đớn; thở gấp, và đợi chết… Thế nhưng, ở bất cứ giai đoạn nào, một cuộc sống ‘chỉ có ý nghĩa’ khi cuộc sống ấy ‘làm nên sự sống và cứu sống!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thiên Chúa là đời đời, hằng hữu, và hằng sống; Ngài không trải qua một giai đoạn nào! Vì thế, Ngài luôn là Đấng ‘làm nên sự sống và cứu sống’. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy Thiên Chúa dịu dàng và trìu mến như một người mẹ; sáng tạo và kiên định như một người cha. Từ các thuộc tính ấy, thánh Gioan đã có một định nghĩa tuyệt vời, “Thiên Chúa là Tình Yêu!”.

Bài đọc Isaia gợi lên hình ảnh một phụ nữ đang cho con bú. Mối liên kết giữa người mẹ và đứa con thót lọt trong lòng bà trở thành hình ảnh một mối dây ràng buộc giữa Thiên Chúa và chúng ta. Như một phụ nữ không thể quên đứa con mình đã cưu mang, Thiên Chúa càng không thể quên mỗi người chúng ta. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tuy gọn ghẽ nhưng thật sâu sắc, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”; qua đó, nó lột tả tất cả những gì tốt đẹp nhất và còn hơn thế, tình yêu của một người mẹ, của một người cha có thể có, để dành cho đứa con của mình.

Thiên Chúa không phải là nam, cũng không phải là nữ; “Thiên Chúa là Tình Yêu!”. Tình yêu nam nữ của người cha và người mẹ thuỷ chung kết hợp với nhau làm nên sự sống, cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về tình yêu Thiên Chúa. Hình ảnh Ngài như một người mẹ nhắc chúng ta rằng, đừng hiểu cách Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha trong Tin Mừng hôm nay theo nghĩa đen! Hình ảnh chính yếu Chúa Giêsu nói ở đây thực sự là, Thiên Chúa, Đấng ‘làm nên sự sống và cứu sống!’. Ngài nói, “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy, ban sự sống cho họ”.

Nếu về mặt con người, cần có một người nam và một người nữ để mang lại cuộc sống mới trên thế giới; thì về mặt thiên linh, Chúa Giêsu, hiện thân quyền năng ban sự sống của Thiên Chúa, cũng sẽ ban cho chúng ta sự sống thần linh của Ngài. Ngài đã đến thế gian; nhờ Ngài, qua Ngài và trong Ngài, chúng ta có sự sống của Thiên Chúa và có nó một cách trọn vẹn! Khi nói đến ‘giờ’ của Ngài, Chúa Giêsu dùng hình ảnh một phụ nữ sắp sinh con; ở đây, Ngài muốn nói, chính qua ‘cuộc sinh nở’ tử nạn và phục sinh của Ngài, Ngài ban sự sống mới! Ai mở lòng trước sự hiện diện của Ngài, tức là tin vào Ngài, Đấng đã chết và sống lại cho họ, người ấy được sự sống này, một sự sống từ trên cao, sự sống vĩnh cửu; và sau sự chết, họ đi vào đời đời với sự sống ấy. Vì thế, các môn đệ Chúa Giêsu, nam hay nữ, kết hôn hay độc thân, đều được kêu gọi chia sẻ công việc hiến dâng của Ngài trên thế giới; cùng Ngài ‘làm nên sự sống và cứu sống’.

Anh Chị em,

“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ!”. Tìm đâu được ngôn từ của con người hay của thần minh trên trần gian một câu ngọt ngào, yêu thương và trìu mến đến thế! Ngài là Đấng Tạo Hoá, Cha chúng ta, Đấng ‘làm nên sự sống và cứu sống!’. Cảm nghiệm được hạnh phúc khi làm con Chúa, không ai được phép sống tầm thường! Họ cảm thấy buộc phải chọn sống một đời sống có ý nghĩa! Vậy, hãy thôi sống lây lất, thôi ‘sống qua ngày đợi qua đời!’. Tuỳ sức mình, hãy tái tạo tình yêu, tái tạo niềm vui, tái tạo bình an cho tha nhân. Được như thế, chúng ta đang cùng Thiên Chúa ‘làm nên sự sống và cứu sống’ vậy!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong mọi đấng bậc, xin cho con đừng bao giờ chểnh mảng với bổn phận cao cả của con, cùng Chúa ‘làm nên sự sống và cứu sống’ hầu mở rộng Vương Quốc của Cha!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tha hay không tha
Lm. Thái Nguyên
06:11 30/03/2022


THA HAY KHÔNG THA
Chúa Nhật 5 Mùa Chay C năm C : Ga 8, 1-11

Suy niệm

Thái độ hành xử của Đức Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay được coi như một cuộc cách mạng đối với tâm thức xã hội và luật pháp thời đó. Ngài bênh vực người yếu và phân trần sự bất công mà người phụ nữ phải chịu, cũng như thái độ giả hình của những kẻ luôn dùng quyền để xét xử và kết án. Và Chúa Giêsu đã khơi dậy một ý thức về chính tội lỗi của những kẻ muốn kết án. Trong Tông thư “Mullieris dignitatem” (Về phẩm giá người phụ nữ, 1988), Đức Gioan Phaolô II đã nhắc đến thái độ kỳ thị nữ giới như một hậu quả của tội nguyên tổ (Chương V).

Phúc Âm Thánh Gioan cho thấy đã từng có những cuộc tranh luận gay gắt giữa Đức Giêsu với các Kinh sư và người Pharisêu, và họ đang tìm cách để triệt hạ ảnh hưởng và uy thế của Ngài. Bất ngờ có trường hợp người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình, và họ đã lợi dụng việc này để đưa Đức Giêsu vào tròng. Họ mở ra một phiên tòa ngay lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy cho dân chúng, và mời Ngài làm thẩm phán, với câu hỏi được đặt ra: “Luật Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng người này Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Một câu hỏi bất ngờ, nghe ra chân thành nhưng lại rất nham hiểm. Nếu tha, Ngài chống lại luật Môsê, còn nếu Ngài tuyên bố ném đá, thì phạm đến quyền của đế quốc Rôma, và đi ngược với Tin Mừng Ngài rao giảng. Cả hai gọng kìm đều siết chặt. Ðức Giêsu cúi xuống viết gì đó trên đất, bầu khí lắng đọng, im lìm. Các đối thủ có vẻ đắc thắng trước sự chần chừ của Ngài.

Họ hỏi mãi nên Ngài lên tiếng: “Ai trong các ông vô tội, thì cứ ném đá trước đi”. Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất. Câu trả lời của Ngài như âm vang trong tĩnh lặng, thấm vào tim óc của những người đứng chung quanh, dường như bắt người ta phải đối diện với lòng mình. Đứng trước tòa án lương tâm, ai dám tự hào mình vô tội? Có bao tội bất trung nặng chẳng kém tội ngoại tình. Có bao tội ngoại tình nhưng lại không bị bắt quả tang, không chỉ ngoại tình trong hành động mà còn trong tư tưởng, trong ước muốn. Khi lo tố giác người khác, người ta thường quên tội của mình. Dù sao nhóm người tố giác cũng còn chút lương tâm để nhận ra sự thật về bản thân. Họ đã bỏ đi, một cách nhận mình là kẻ có tội. Và rồi kẻ trước người sau cũng lần lượt rút lui.

Cuối cùng, chỉ còn lại người phụ nữ và Đức Giêsu: người đáng thương và chính Tình Thương (Miseria et misericordia). Ngồi bên cạnh nữ phạm nhân, Chúa Giêsu không một lời khiển trách, Ngài mở lời xoa dịu và trấn an chị:“Tôi không lên án chị đâu....”. Không lên án không có nghĩa là coi nhẹ tội lỗi, hoặc xí xóa cho qua. Nhưng Ngài mời gọi khẩn thiết: “Đừng phạm tội nữa”. Ngài không dung túng cái xấu, nhưng Ngài khơi dậy cái tốt đang còn tiềm ẩn nơi người phụ nữ cũng như nơi cả những người biệt phái. Dù con người vốn yếu đuối, dễ sa ngã, nhưng Ngài vẫn tin tưởng, yêu mến và hy vọng vào họ.

Những kẻ có quyền thường thích lên án, thích trừng phạt, thích dựa vào luật lệ để buộc tội người khác. Đang khi đó, bản chất của quyền hành là để cứu giúp và cứu gỡ nạn nhân. Tội lớn nhất của các Kinh sư và người Pharisêu trong sự kiện này là dùng người đàn bà như một thứ đồ vật, để thực hiện ý đồ của họ, là nhằm đưa Đức Giêsu vào bẫy. Nhưng người gài bẫy lại mắc bẫy, vì đó là hành vi phi đạo đức. Chỉ Chúa Giêsu mới có quyền xét xử và kết án, nhưng Ngài lại làm việc đó với tình yêu.

Sứ điệp trong Tin Mừng hôm nay là “cứu sống” chứ không phải “giết chết”, là mở ra một tương lai, một chân trời mới, một niềm hy vọng, chứ không phải khép lại. Ngài xét xử theo lương tâm chứ không theo lề luật; theo lòng nhân hậu chứ không theo tội phạm. Phán quyết của Ngài là lên án tội lỗi chứ không phải tội nhân, là kêu gọi hoán cải và tuyên bố ơn tha tội, để giải thoát chứ không kiềm buộc.

Là môn đệ Chúa, sự hiện diện của chúng ta là để cứu chữa những gì đã hư hỏng, phục hồi những gì đã hư hao, làm mới lại những gì đã hư hại... để đưa mọi người trở lại với đời sống hiệp thông. Chúng ta chỉ có quyền tha, không có quyền buộc. Quyền kết án thuộc về một mình Thiên Chúa, đừng thay Trời hành đạo, vì là thái độ của kẻ kiêu ngạo. Cũng là người yếu đuối và tội lỗi, nên ta càng phải cảm thương nhau.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Người ta đã mở ra một phiên tòa,
mời Chúa xử người đàn bà phạm tội.
Cách Chúa xử án xem ra thật lạ,
không theo luật mà xử với lòng nhân,
một phiên tòa, kẻ phạm tội được tha,
kẻ kiện cáo lại thấy mình có tội.
Một phiên tòa tĩnh lặng và yên ắng,
không ồn ào nặng lý lẽ thắng thua,
một phiên tòa không phải là xử kiện,
nhưng khơi mở cho lương tâm lên tiếng,
đòi người ta đối diện với lòng mình.
Qua đó Chúa dạy con trong mọi chuyện,
không cứ lấy cái đầu ra giải quyết,
mà trước tiên cần cảm nhận của con tim,
với cái nhìn đầy yêu thương trước đã,
rồi tự động mọi cái sẽ sáng ra.
Chúa không muốn lên án tội lỗi con,
chỉ kêu mời từ nay đừng phạm nữa,
để sống vui với Chúa với mọi người,
góp phần cho thế giới được sáng tươi.
Xin cho con luôn trở về bên Chúa,
để hòa nhịp với trái tim nhân hậu,
biết xót thương và quảng đại với nhau,
đừng ngặt nghèo gây thêm nỗi khổ đau,
vì nếu như Chúa cứ công bình chấp tội,
thì bản thân con không thể nào chịu thấu.
Xin cho con cứ sống một tình yêu vô lượng,
như Chúa đã yêu đến mức độ khôn lường. Amen.
 
Đấng Thấu Suốt Tâm Hồn Con Người
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
06:18 30/03/2022

Đấng Thấu Suốt Tâm Hồn Con Người
CN 5 CHAY C

Sau một đêm nghỉ ngơi ở khách sạn ngàn sao, sáng sớm Chúa Giêsu trở lại đền thờ. “Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy cho họ”. Bỗng có tiếng xôn xao. Một nhóm Kinh sư và Pharisiêu đang lôi một người đàn bà tới, đám đông dạt ra, họ xô chị ra đứng trước mặt Chúa Giêsu. Họ bất ngờ lập tòa án ngoài trời và mời Chúa Giêsu làm quan tòa. Học đọc cáo trạng: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”.

Nghe câu đầu của bản cáo trạng, chúng ta có thể cười thầm: Vậy là các anh đi nhòm qua lỗ khóa nhà người ta hả? Đối với họ thì bản án đã có sẵn trong Luật Môsê: ném đá! Chúa biết họ muốn gì! Chúa trả lời bằng cách: “Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ nói mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Tin Mừng không nói Chúa viết cái gì, chỉ nhắc hai lần “Chúa cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Trước hết, Chúa kéo con mắt và sự chú ý của họ khỏi người đàn bà đang đứng ở giữa, khỏi thái độ quan tòa, tập trung vào ngón tay của Chúa. Chúa thinh lặng, họ cũng thinh lặng. Một lúc sau họ lại hối thúc Chúa trả lời. Chúa ngẩng đầu lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”. Rồi người lại cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Sau khi kéo sự chú ý của họ khỏi người đàn bà và bắt họ cúi xuống nhìn ngón tay của Chúa di chuyển trên mặt đất, Chúa bỗng lật sự chú ý và cái nhìn của họ quay vào chính mình họ. Hãy nhớ Luật do ông Môsê chuyển đạt cho các ông là do Thiên Chúa ban: “Sau khi phán với ông Môsê trên núi Sinai, Đức Chúa ban cho ông hai tấm bia chứng ước, hai tấm bia này do chính tay Thiên Chúa viết” (Xh 31,18). “Những bia ấy là do Thiên Chúa làm ra, chữ là chữ viết của Thiên Chúa, khắc trên đá (Xh 32, 16). “Đức Chúa đã ban cho tôi hai bia đá do ngón tay Thiên Chúa viết” (Đnl 9,10). Chúa như nói với họ: Luật Môsê là do Thiên Chúa ban, do ngón tay Thiên Chúa viết, thì Thiên Chúa mới là Đấng xét xử, và người xét xử các ông nữa đấy! Kết quả là họ nhìn vào chính mình… “rồi họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”. Lối châm biếm thật là sâu sắc: càng già càng lắm tội! Chúa Giêsu chứng tỏ Người có quyền xét xử như Thiên Chúa, soi thấy tâm can mỗi người chứ không theo vẻ bên ngoài.

“Chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu và người phụ nữa thì vẫn đứng ở giữa”. Ta ngạc nhiên: chỉ còn Chúa Giêsu ngồi đó, người phụ nữ thấy chung quanh mình chẳng còn ai nhưng cũng chưa dám bỏ đi. “Vẫn đứng ở giữa,” có thể hiểu là vẫn đứng yên chỗ đã đứng như trước vành móng ngựa ở tòa án, những kẻ tố cáo đứng vây quanh đã nhận biết họ chẳng tốt gì hơn mà đòi kết án chị; họ đã bỏ đi hết, chị đứng một mình trước Đấng có quyền xét xử. Thánh Augustinô bình luận: Chỉ còn lại hai: con người yếu hèn và Đấng đầy lòng thương xót.

Chúa hỏi như để mở cho chị thấy hoàn cảnh của mình: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”. Chị đáp: “Thưa ông, không ai cả”. Đấng có quyền xét xử nói với chị: “Tôi cũng vậy, tôi không kết án chị đâu! Thôi, chị cứ về đi và đừng phạm tội nữa!”. Người không kết án chị, chỉ yêu cầu chị “đừng phạm tội nữa”. Họ không dám kết án chị vì họ tội lỗi hơn chị. Tôi không kết án chị vì tôi là Đấng có quyền xét xử. Lời Chúa Giêsu nghe như vọng lời Thiên Chúa phán trong sách Êdêkien: “Ta lấy mạng sống ta mà thề, Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33, 11; x. 18, 32).

Câu chuyện người đàn bà ngoại tình không phải chết nhưng được sống, cũng minh họa lời Chúa Giêsu mời gọi “hãy đến với tôi mà uống”. Người ta lôi chị đến trước mặt Chúa, nhưng Chúa đã cho chị uống lòng nhân lành thương xót để chị được sống, và đặt chị trở lại trên con đường đi tới sự sống: “Đừng phạm tội nữa!” (x.Tĩnh tâm với Tin Mừng Gioan, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).

Chúa nhật IV, qua dụ ngôn “người cha nhân hậu”, Chúa Giêsu mạc khải về Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương. Chúa nhật V, Chúa Giêsu mạc khải về Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm hồn con người và Ngài luôn mở ngõ cho con người hướng về tương lai.

1. Chúa Giêsu, Đấng thấu suốt tâm hồn con người.

Đứng trước câu hỏi thách thức “Thầy dạy sao?” của cánh Biệt phái, Chúa Giêsu biết rằng cạm bẫy đã được trương ra cho Người. Nếu dạy người ta tha cho người phụ nữ, Người sẽ bị kết án chống lại lề luật; còn nếu dạy người ta ném đá bà, giáo lý về lòng nhân ái của Người sẽ sụp đổ hoàn toàn. Tiến thoái lưỡng nan. Chúa Giêsu im lặng. Kẻ thù đắc chí. Dân chúng đợi chờ. Rồi với câu trả lời “Ai vô tội, hãy ném đá chị này trước đi”, Chúa Giêsu đã phá vỡ sự im lặng của mình để đẩy cánh Biệt phái vào một sự im lặng khác đầy ngột ngạt: sự im lặng trước toà án lương tâm.

Sự kiện này hé mở cho thấy Người là Đấng thấu suốt tâm hồn. Chẳng có gì là thầm kín trước Thiên Chúa toàn tri, chẳng có ai là trong sạch trước Thiên Chúa thánh thiện. Người phụ nữ đã để cho dục vọng buông lơi nên dấn thân vào đường tội lỗi, nhưng cánh Biệt phái cũng đã để cho hận thù xâm chiếm nên bài binh bố trận hòng đẩy Chúa Giêsu vào cạm bẫy chết. Họ có hơn gì? Có gia đình mà còn chim chuột trăng hoa, người ta gọi đó là “ngoại tình”, thế thì có đạo mà còn ác tâm mưu hại người khác có thể gọi là “ngoại đạo” chăng?. Coi chừng: quen kết án người khác về điều gì là tự tố giác mình đang có khuynh hướng ngầm nghiêng về điều đó (F.Sheen). Tội lỗi phải bị lên án, nhưng tội nhân cần được đối xử công bình, mà công bình đích thực trước tiên hệ tại việc ổn định lương tâm riêng tư mỗi người. Lẽ công bình là điều kiện để xây dựng tình nhân ái. (x. ĐGM Giuse Vũ Duy Thống, Nút vòng xoay, tr 53-58).

2. Chúa Giêsu, Đấng giàu lòng nhân ái.

Đẩy cánh Biệt phái vào tận lương tâm trách nhiệm để họ lặng lẽ rút lui, Chúa Giêsu đã tạo điều kiện cho người phụ nữ nhìn lại cuộc sống của mình để ăn năn sám hối và nhìn vào lòng của Người mà tin tưởng làm lại cuộc đời. Là Đấng duy nhất không có tội, Người từ chối lên án. Người không được sai đến để kết án, nhưng là để cứu thoát… câu cuối cùng của bài Phúc âm chính là cao điểm kiết thúc cho cả câu chuyện. Người phụ nữ được tha bổng, không phải vì Chúa Giêsu không cho là quan trọng cái tội mà bà vướng mắc, nhưng chỉ vì lòng nhân ái của Người cao cả bao la. Cao hơn tội bà vấp phạm và bao la hơn nỗi lòng hồi hộp đợi chờ của bà phút ấy. Dẫu sao, đi kèm với ơn tha thứ, vẫn là lời mời gọi “từ nay đừng phạm tội nữa” (sđd).

3. Chúa Giêsu, Đấng mở lối về tương lai

Người ta đòi ném đá người phụ nữ, đóng khung cuộc đời chị trong quá khứ. Quá khứ được đóng dấu bằng tội lỗi. Người ta đánh giá, phán đoán, hành động trên quá khứ đó. Chúa Giêsu không chấp nhận lối nhìn và cách đánh giá ấy. Tội nhân luôn đáng thương nên cần được thương cho đáng. Đó là chuyện tử tế và cũng là chuyện thực tế. Yêu thương họ là cầu nguyện và giúp đỡ họ trở về đường lành. Chúa Giêsu nhìn nhận người phụ nữ có tội. Nhưng Ngài mở ra một tương lai, gieo vào lòng chị niềm tin tưởng rằng chị có khả năng xây dựng một tương lai mới, một cuộc đời mới, một con người mới: “Chị hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa Giêsu không kết án cũng như không giảm án, không ân xá cho tội nhân. Chúa mở cho chị một con đường hướng về tương lai, làm lại cuộc đời. Đó là con đường sám hối trở về với tình yêu, trở về với đời sống là con cái Thiên Chúa, trở về với tâm hồn bình an. Người phụ nữ ra về lòng tràn ngập niềm vui hoán cải, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Một truyền thống nói rằng người đàn bà này là Maria Madalena, người được trừ khỏi bảy quỷ (Lc 8,2), và đã bày tỏ tình yêu qua việc dùng nước mắt rửa chân Chúa, lấy tóc mình lau chân Chúa, xức dầu và hôn chân Chúa Giêsu (Lc 7,37). Một truyền thống khác cho rằng đây là Maria làng Bêtania, em của Matta và Lazarô (Lc 10,39), đã xức dầu thơm cho Chúa (Ga 12,3). Có lẽ người đàn bà ngoại tình, Maria Madalena và Maria làng Bêtania cùng là một người. Và cả 4 Phúc âm đều nói đến Maria Madalena ở mộ Chúa như chứng nhân đầu tiên của sự Sống Lại. Và như người loan báo Tin Mừng Phục Sinh đầu tiên. Chính lòng thương xót của Chúa đã biến đổi từ một người tội lỗi trở thành một môn đệ thân thiết nhất của Chúa Giêsu: “Maria ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người” và trở thành người loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu: Bà Maria Madalena đi báo cho các môn đệ: “tôi đã thấy Chúa” và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20,18). Tình yêu và lòng Sám hối có quyền lực biến đổi bóng tối thành ánh sáng, biến đổi những tội nhân thành các thánh nhân ‘Lumen Gentinm số 171’ (x.ĐGM Giuse Trần Văn Toản, Lời Chúa và cuộc sống năm 2015).

Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương lai. Ngài không khoá chặt cuộc đời một con người cũng như lịch sử nhân loại vào quá khứ, cho dẫu quá khứ ấy có bi thảm và tàn tạ đến đâu chăng nữa. Thiên Chúa luôn luôn mở ngõ và vạch lối cho tương lai.

Vẫn biết tội lỗi trái với đạo giáo, trái với luân thường đạo lý, nhưng đâu chỉ căn cứ vào đạo giáo luân lý để khinh khi, coi thường, kỳ thị sự sống con người được. Đạo giáo luân lý giúp con người sống thăng tiến về mặt tinh thần chứ không bao giờ là bước cản trở nhận chìm con người xuống bùn đen. Đã là người, ai cũng có những khuyết điểm, ai cũng có lúc làm điều lầm lỗi. Nhưng ai cũng có khả năng ý chí ước muốn làm điều lành thánh thiện tốt đẹp. Thiên Chúa dựng nên con người với khả năng như thế.

Chúa Giêsu đã sống và đã nêu gương. Ngài không kết án, không giảm án, nhưng là mở ra con đường hướng về tương lai cho con người tội lỗi làm lại cuộc đời. Lêvi, Giakêu, Mađalêna, Augustinô… và còn biết bao con người đã được Chúa mở ngõ tương lai tươi sáng. Niềm tin đó tạo nên nơi người tín hữu một lối nhìn mới. Đó là nhìn về phía trước, băng mình về phía trước như thánh Phaolô diễn tả: “Tôi chỉ chú ý tới một điều là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước” (Pl 3,13). Đối với Phaolô quên đi chặng đường đã qua là qua khứ bắt bớ Giáo hội Chúa để lao mình về phía trước, phía tương lai mà Chúa Giêsu đã mở ra, đặt ngài làm khí cụ, làm tông đồ dân ngoại. Và thánh nhân đã sống hết mình cho tương lai mới.

Nhìn về phía đàng trước để luôn hy vọng và tin tưởng. Tin vào chính mình, vào con người, vào cuộc đời. Và trên hết là tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương lai chúng ta.



 
Tình thương tha thứ và biến đổi
Lm. Đan Vinh
06:23 30/03/2022

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY C
Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11
TÌNH THƯƠNG THA THỨ VÀ BIẾN ĐỔI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Ga 8,1-11

(1) Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. (2) Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. (3) Lúc đó, các Kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, (4) rồi nói với Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. (5) Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? (6) Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. (7) Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. (8) Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. (9) Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su và người phụ nữ thì đứng ở giữa. (10) Người ngẩng lên và nói : “Này chị, họ đi đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” (11) Người đàn bà đáp : “Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giê-su nói : “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”.

2. Ý CHÍNH :
Tin mừng hôm nay trình bày tình thương bao dung của Thiên Chúa, thể hiện qua thái độ của Đức Giê-su đối với một phụ nữ phạm tội ngọai tình. Câu chuyện được trình bày như một màn kịch gồm 3 hồi như sau :
- Hồi một (x Ga 8,1-5) : Để có cớ tố cáo Đức Giê-su, các Kinh sư và người Pha-ri-sêu đã giải một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình yêu cầu Người xử lý.
- Hồi hai (x Ga 8,6-9) : Hiểu được ý đồ của họ, Đức Giê-su im lặng ngồi xuống và lấy ngón tay viết trên đất. Khi họ gặng hỏi thì Người mới nói : “Ai trong các ông sạch tội thì cứ lấy đá ném trước đi”. Câu trả lời của Đức Giê-su đã làm cho những kẻ tố cáo tội nhân phải âm thầm rút lui.
- Hồi ba (x Ga 8,10-11) : Chỉ còn lại mình Đức Giê-su là người duy nhất trong sạch và có quyền kết án tội nhân. Nhưng Người lại tỏ lòng khoan dung với kẻ có tội khi tuyên bố : “Tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

3. CHÚ THÍCH :
- C 1-3 : + Đến núi Ô-liu : Núi Ô-liu còn được gọi là vườn Ghết-sê-ma-ni, nằm về phía Đông gần thành Giê-ru-sa-lem, (x. Lc 22,39). Đây là một nơi yên tĩnh thuận tiện cho việc cầu nguyện. + Trở lại Đền thờ : Đền thờ nằm trong Thủ đô Giê-ru-sa-lem. Đền thờ đầu tiên do vua Sa-lo-mon xây dựng vào năm 970 trước Công nguyên. Sau đó nhiều lần được tái thiết. Đền thờ được đề cập trong Tin mừng hôm nay do vua Hê-rô-đê trùng tu và mở rộng thêm từ năm 20 trước CN, nhưng sau đó đã bị quân Rô-ma tàn phá bình địa vào năm 70 sau Công nguyên. + Người ngồi xuống giảng dạy họ : Các Thầy “ráp-bi” Do thái khi dạy Thánh kinh, thường ngồi trên một chiếc ghế hay một tảng đá, còn các thính giả thì đứng ngồi xung quanh. + Một người phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình : Đây là một thiếu phụ đã có chồng, nhưng đã quan hệ bất chính với một người khác không phải chồng mình.
- C 4-6a : + Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền phải ném đá hạng đàn bà đó: Luật Mô-sê quy định về hình phạt dành cho tội ngoại tình như sau : “Người đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10). Luật cũng quy định xử tử cả hai kẻ phạm tội bằng hình phạt ném đá (x. Đnl 22,24). Nhưng thời Đức Giê-su, người Rô-ma đã cấm dân Do thái áp dụng luật này (x Ga 18,31). + Họ nhằm thử Người để có bằng cớ tố cáo Người : Các Kinh sư và người Pha-ri-sêu muốn đưa Đức Giê-su vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” để có cớ tố cáo Người. Theo họ nghĩ : Đức Giê-su trả lời đàng nào cũng không ổn : Nếu Người truyền kết án tử hình theo Luật Mô-sê thì họ sẽ tố Người chống lại nhà cầm quyền Rô-ma, vì người Do thái đã bị tước quyền xử tử tội nhân, và Người sẽ bị chính quyền Rô-ma coi là phản lọan. Còn nếu Người truyền tha bổng tội nhân, thì họ sẽ lại nói Người chống lại Luật pháp Mô-sê và đi ngược truyền thống của cha ông.
- C 6b-8 : + Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay vẽ trên đất : Viết trên đất là để bày tỏ thái độ không quan tâm đến sự việc đang xảy ra. + “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” : Qua câu nói này, Đức Giê-su tuy theo Luật Mô-sê để cho phép ném đá tội nhân, nhưng Người cũng nhắc cho những kẻ tố cáo kia biết rằng : Chính họ cũng là kẻ tội lỗi đáng bị xử phạt ! Họ cần tránh thái độ xét đoán ý trái và kết án kẻ khác cách bất công, để khỏi bị Thiên Chúa xét đóan và kết án sau này. Vì dưới cái nhìn của Thiên Chúa, thì mọi người đều là tội nhân và đều cần được xét xử khoan dung (x. Lc 6,36-38).
- C 9-11 : + Họ bỏ đi hết : Tất cả những kẻ tố cáo đều rút lui. + Bắt đầu từ người lớn tuổi : Người lớn tuổi bỏ đi trước, phần vì càng sống lâu thì càng nhiều sai phạm ! Phần khác cũng có thể do các người lớn tuổi khôn ngoan hơn, nên khi thấy không làm gì được Đức Giê-su thì áp dụng nguyên tắc “Tam thập lục kế : đào vi thượng sách !” để tránh khỏi bị liệt vào hạng “đạo đức giả” (x. Lc 11,37-54). + “Tôi không lên án chị đâu!” : Đức Giê-su không xét đoán ai vì Ngừơi đầy lòng từ ái khoan dung (x Ga 8,15). Sứ vụ của Người là đến để cứu độ thế gian (x Lc 9,10). + “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !” : Tuy tha thứ cho tội nhân, nhưng để tránh lạm dụng, Đức Giê-su cũng đòi hối nhân phải thành tâm sám hối, bằng việc quyết tâm không tái phạm nữa. Trong thực tế, để tránh khỏi tái phạm tội thì hối nhân cần ăn năn dốc lòng chừa. Lòng ăn năn sám hối thực sự được biểu lộ qua việc khiêm tốn xin ơn Chúa trợ giúp, thành thật xưng thú tội lỗi, quyết tâm xa lánh dịp tội và làm việc đền tội cân xứng (x. Kinh Ăn năn tội).

4. CÂU HỎI :

1) Hãy cho biết Đền thờ Giê-ru-sa-lem thời Chúa Giê-su do ai xây dựng và xây từ khi nào? Số phận cuối cùng của Đền thờ này ra sao? 2) Luật Mô-sê qui định hình phạt dành cho các kẻ phạm tội ngọai tình là gì?
3) Các đầu mục Do thái có ý đồ gì khi bắt người đàn bà phạm tội ngọai tình đến yêu cầu Đức Giê-su xử lý?
4) Đức Giê-su thể hiện lòng khoan dung đối với tội nhân qua câu nói nào?
5) Lòng ăn năn thực sự phải được biểu lộ bằng những việc gì?
6) Phải chăng khi tha thứ cho tội nhân là Đức Giê-su đã gián tiếp khuyến khích họ lạm dụng tình thương để tiếp tục phạm tội?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

2. CÂU CHUYỆN :

1) CÂY THÁNH GIÁ KHOAN DUNG.
Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha có một tượng Thánh Giá rất đặc biệt : Trên cây thập giá, Chúa Giê-su chỉ chịu đóng đinh có một tay trái và hai bàn chân, còn tay phải đã rời khỏi thập giá và giơ ra phía trước như đang ban phép lành cho hối nhân tại tòa giải tội bên dưới.
Chuyện kể rằng : Một lần kia, khi một linh mục đang ngồi tòa thì một tội nhân vào xưng tội. Vị linh mục ngồi tòa nổi tiếng là nghiêm khắc đối với những tội nhân không chịu chừa cải. Anh chàng vào tòa xưng tội lần này đã nhiều lần phạm tội ngoại tình và cha giải tội cũng nhiều lần ngăm đe. Nhưng chứng nào tật đó, cứ ra khỏi tòa giải tội được ít ngày, anh ta lại tiếp tục sa ngã phạm tội ngoại tình mới xưng. Sau nhiều lần tha thứ, cuối cùng trong lần xưng tội mới đây cha giải tội đã phải nói với anh : “Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh”. Chàng thanh niên ra khỏi tòa giải tội trong tâm trạng nặn trĩu u buồn. Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội và lại vẫn xưng tội ngoại tình như mấy lần trước. Nhưng lần này vị linh mục đã từ chối giải tội cho anh và nói : “Anh đừng có đùa với Chúa ! Lần này ta không tha tội cho anh nữa”. Nhưng một điều kỳ diệu đã xảy ra : Cha giải tội và hối nhân trong tòa đều nghe thấy có tiếng của Chúa Giê-su phán ra từ cây thập giá phía trên tòa giải tội : “Nhưng Ta tha tội cho hối nhân này !”. Rồi Chúa nói riêng với vị linh mục : “Chính Ta mới chịu đổ máu để rửa sạch tội lỗi của loài người chứ không phải con đâu !”
Cũng từ ngày đó, người ta thấy trên cây thánh giá tại tòa giải tội trong nhà thờ trên, cánh tay phải của Chúa Giê-su không còn gắn vào cây thập giá, nhưng bị bung ra trong tư thế đang cúi xuống ban phép lành cho hối nhân trong tòa giải tội, như một lời mời gọi tội nhân hãy tin cậy vào lòng từ bi thương xót của Chúa.

2) ĐƯỢC ƠN HOÁN CẢI THỰC SỰ NHỜ PHÉP GIẢI TỘI.
TA-XI-A-NA là một văn sĩ người Mỹ gốc Liên Xô. Vào năm 1980, cô đã cho ra đời tác phẩm đầu tay tựa đề là “Về một cuộc đổi đời kỳ diệu”. Trong quyển sách đó, cô đã kể lại chi tiết cuộc đời đầy đam mê sóng gió của cô, mà cuối cùng đời cô đã được ơn biến đổi nên tốt hơn gấp bội! Câu chuyện của cô Ta-xi-a-na được tóm gọn như sau :
Ngay từ khi còn bé, Ta-xi-a-na đã được chịu phép rửa tội. Nhưng khi lớn lên, cô ít đến nhà thờ dự lễ Chúa nhật vì cha mẹ của cô không mấy ngoan đạo. Do cứng đầu và hay gây gỗ nên cha mẹ và thầy dạy đều xếp cô vào loại trẻ khó dạy. Ngay từ nhỏ, Ta-xi-a-na đã tỏ ra căm thù tất cả những gì mang tính gò bó, ép cô vào khuôn khổ kỷ luật, vì nó làm cho cô cảm thấy mất tự do vì không thể hoàn toàn làm theo ý mình. Lớn lên, nhờ có trí thông minh siêu hạng, Ta-xi-a-na đã được cấp học bổng lên đại học. Nhưng tại môi trường trí thức này, thay vì kết thân với các sinh viên cùng khóa, thì cô lại thường xuyên giao du với đám ma cô, đầu trộm đuôi cướp, bợm nhậu, đĩ điếm và xã hội đen...! Trong khi sống buông thả như vậy, cô cũng thích nghiên cứu các môn thần bí phương Đông, đặc biệt là môn Yô-ga. Khi tập luyện Yô-ga, mỗi động tác đều đòi người ta phải đọc một câu trong một bài văn vần của môn phái. Có người biết cô là tín hữu nên đã đề nghị cô đọc Kinh Lạy Cha thay cho bài văn vần kia. Ta-xi-a-na đã làm theo lời khuyên này. Các câu trong kinh Lạy Cha đã dần dần thấm nhập vào tâm hồn cô. Rồi một ngày kia, một tư tưởng chợt lóe lên trong đầu Ta-xi-a-na : “Tại sao ta lại không đọc thêm các bản kinh khác nữa, nhất là đọc Lời Chúa trong Thánh kinh?” Càng đọc Lời Chúa, cô càng cảm thấy thích thú về những tư tưởng cao siêu và thánh thiện của Đức Giê-su. Cuối cùng cô quyết định đến với một linh mục đạo đức để tìm hiểu thêm về giáo lý Thánh kinh. Sau đó cô đã cử hành lễ nghi tuyên tín. Cô dọn mình chịu bí tích giải tội và đã được ơn biến đổi hoàn toàn. Từ đây cô tình nguyện hiến thân phục vụ các công việc bác ái xã hội. Về sau cô đã thuật lại phép lạ đổi mới đã xảy ra với cô trong lúc cô đang xưng tội như sau : “Bấy giờ tôi lần lượt kể lại cho vị linh mục nghe các lỗi lầm tôi đã phạm, về những cơn say thâu đêm suốt sáng, các đam mê tình dục quá độ, về những cuộc hôn nhân bất hạnh mà tôi đã từng trải, những lần phải đi phá thai vì bị vỡ kế hoạch dẫn đến hậu quả tai hại là tôi bị mất khả năng sinh sản. Cuộc sống đầy đam mê đã biến tôi trở thành một con người dửng dưng với mọi sự : Tôi chẳng còn có thể yêu ai được nữa !” Sau khi thú tội xong, tôi lắng nghe vị linh mục khuyên bảo. Lời của ngài tuy đơn sơ nhưng mỗi lời đều đánh động tận tâm can tôi. Sau cùng tôi rất xúc động khi đón nhận phép giải tội. Ngay lúc ấy, tôi cảm thấy lòng mình thanh thản như vừa trút bỏ được một gánh nặng ngàn cân”.
Sau lần xưng tội ấy, Ta-xi-a-na đã cảm nghiệm gặp được chính Chúa Giê-su và được Người tha thứ hết mọi lỗi lầm quá khứ. Ta-xi-a-na không những đã được tha tội, mà còn được Chúa chạm đến phần tâm linh sâu thẳm nhất để biến cô thành một tạo vật hòan tòan mới của Người.

3. CHUYỆN TÌNH TRÊN NON CAO.
Một quyển sách tựa đề "Tình trên non cao" kể rằng có một cặp vợ chồng trẻ rất yêu thương nhau và sống hạnh phúc với nhau trên một ngọn núi cao. Hạnh phúc đến nỗi nhiều lần họ đã cùng nhau hô to giữa bầu trời lồng lộng "Chúa ơi, sao mà chúng con hạnh phúc quá !" Nhưng đâu phải chỉ sống với nhau mãi trên núi để hưởng hạnh phúc. Người chồng hằng ngày phải xuống núi làm việc để có tiền mua sắm lương thực và các vật dụng cần. Rồi một ngày nọ, khi đi làm việc, người chồng đã lỡ sa ngã ngoại tình với một phụ nữ khác. Khi biết được điều này, chị vợ tỏ ra rất giận và từ hôm đó không thèm nói chuyện với chồng. Phần người chồng cũng hối hận nhưng không thể xin lỗi để làm hoà với vợ được, vì mỗi lần anh định mở miệng xin lỗi thì chị vợ lại bỏ ra chỗ khác không muốn nghe. Một đêm kia người chồng trên đường về nhà thì đã gặp cơn bão tuyết, chiếc xe ngựa của anh bị đổ xuống bên đường. Con ngựa bị què và anh chồng thì bị gãy xương chân. Nhưng anh vẫn cùng con ngựa cố lết về đến nhà. Người vợ ở trong nhà nhìn ra thấy chồng cố lê lết lên hè cửa, nhưng vẫn không chịu ra mở cửa cho vào nhà. Sáng hôm sau, người ta thấy xác người chồng đã bị chết cứng ngay trước cửa mái ấm gia đình của mình. Một mối tình rất hạnh phúc trên non cao đã kết thúc bi thảm như thế đó, chỉ vì người vợ đã thiếu lòng khoan dung, không cho chồng có cơ hội để quay về.
Cuộc đời con người chúng ta thật không đơn giản mà tốt xấu trắng đen lẫn lộn nhau : có những lúc người ta có thể tốt như thiên thần, nhưng cũng có lúc lại xấu xa như ác quỷ. Tâm hồn có phần sáng phần tối, dù đã lỡ phạm tội nhưng vẫn muốn nên tốt. Do đó trong cuộc sống chung, mỗi người cần có lòng thương xót để tạo điều kiện giúp kẻ trót lầm đường lạc lối có cơ hội trở về.

4. KHÔNG AI HOÀN TOÀN VÔ TỘI.
Ngày xưa tại một nước Hồi giáo, có một người đàn ông bị bắt vì tội trộm cắp, và bị giải ra trước mặt nhà vua làm quan án xét xử. Nhà vua ra lệnh treo cổ tên trộm này đúng như luật định. Khi bị áp giải đến giá treo cổ, tên trộm đã nói với viên quan thi hành án rằng : anh ta có một bí mật do cha anh truyền lại, là có thể gieo trồng hạt giống cây lựu sai quả, khiến nó mọc nhanh và sinh hoa trái chỉ trong thời gian một đêm. Và sẽ thật đáng tiếc, nếu điều bí mật này bị mất đi theo với cái chết của anh. Anh muốn truyền bí quyết này cho hậu thế nhưng chỉ truyền qua nhà vua mà thôi.
Viên cai ngục thay vì thi hành án đã vội giải hắn đến trước mặt vua. Tại đây, tên trộm xin được đào một cái lỗ trên đất, rồi lấy trong túi ra một hạt giống lựu và nói :
- Tâu Đức Vua, hạt giống này chỉ có kết quả kỳ diệu nếu do một người chưa từng phạm tội ăn cắp vun trồng. Vì là một tên trộm cắp, nên thảo dân không thể trồng nó. Thế rồi anh ta quay sang viên quan đứng gần và nói với ông ta :
- Ngài có thể trồng hạt giống này không ạ?
Nhưng viên quan này vội xua tay từ chối và nói :
- Khi còn trẻ, tôi đã có lần lấy một vài đồ vật của bạn bè.
Sau đó, tên trộm lại quay sang nói với viên quan thủ kho của nhà vua :
- Ngài là thủ kho công minh liêm chính. Vậy chắc ngài có thể trồng hạt giống này?
Nhưng viên quan giữ kho tàng của hoàng cung cũng từ chối :
- Cách đây nhiều năm, tôi cũng có lần đã lấy cắp tiền trong kho.
Và cứ như thế, hết người này đến người khác được mời nhưng ai cũng từ chối… Cuối cùng chỉ còn mình nhà vua. Quay sang nhà vua, tên trộm nói :
- Có lẽ bệ hạ sẵn sàng trồng hạt giống này?
Nhưng nhà vua nói :
- Ta phải xấu hổ mà nói rằng : Ta cũng có lần lấy một viên ngọc quý của vua cha.
Bấy giờ tên trộm tử tội nói :
- Tất cả các ngài đều là những người có địa vị và quyền lực, sở hữu không thiếu bất cứ thứ gì. Thế mà không ai trong các ngài cảm thấy mình trong sạch đủ để trồng được hạt giống này. Còn tôi chỉ ăn trộm ít tiền để mua đồ ăn cho khỏi chết đói, mà tôi lại phải bị chết treo cổ hay sao?
Cuối cùng nhà vua đành phải tha bổng cho tên tử tội. Như vậy, câu chuyện trồng hạt lựu chứng tỏ cho thấy : không ai hoàn toàn vô tội !

3. THẢO LUẬN :
Bạn sẽ trả lời ra sao khi có người nói : “Cần chi phải đi xưng tội với ông linh mục chỉ là tội nhân giống như mình? Hoặc xưng tội là điều vô ích, vì chỉ sau một thời gian ngắn tội nhân sẽ tái phạm? Sao không đợi đến lúc phải nằm liệt giường mới xưng tội rồi chết và sẽ không tái phạm nữa?”.

4. SUY NIỆM :

1) Nội dung Tin Mừng hôm nay : thuật lại câu chuyện Đức Giê-su bênh vực và tuyên bố tha tội cho một người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Khi cúi xuống vẽ trên đất, có thể Đức Giê-su đang viết tội của các đầu mục Do thái ra hay đang suy nghĩ để trả lời họ. Nhưng các đầu mục Do thái tưởng đã bắt bí được Đức Giê-su, nên cứ gặng hỏi mãi. Bấy giờ Người ngẩng lên trả lời họ rằng : "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi " (Ga 8,7).
Quả thật, không một ai dám cầm đá ném vì ai cũng ý thức mình đã phạm nhiều tội lỗi… nên sau đó cả bọn từng người lần lượt bỏ đi. Chỉ có Đấng vô tội là Đức Giê-su còn ngồi lại, nhưng Người lại không lên án khi nói với người phụ nữ : “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !” (Ga 8,11). Thật là an ủi biết bao cho chúng ta, là những người tội lỗi. Chúa không đe phạt nhưng đã tin tưởng khích lệ, và muốn các tội nhân hồi tâm sám hối. Người không dung túng tội lỗi, nhưng nâng đỡ và muốn tội nhân sám hối để được sống.

2) Một số suy nghĩ lệch lạc của con người ngày nay về bí tích giải tội :
Ngày nay một số khá đông các tín hữu không đi xưng tội dựa vào các lẽ như sau:
* Do các vị chủ chăn cũng bất toàn : Các chủ chăn cũng chỉ là những con người đầy yếu đuối và đã từng phạm tội, nên không xứng đáng tha tội cho họ.
Tuy nhiên, chính Đức Giê-su đã không nghĩ như vậy khi trao quyền tha tội cho các môn đệ vào chiều ngày phục sinh, dù các ông cũng đã từng phạm tội trước đó như : Tức giận muốn tiêu diệt dân làng Sa-ma-ri vì đã từ chối đón tiếp Thầy trò vào ở trọ; Giành nhau chỗ ngồi, hèn nhát bỏ Thầy chạy trốn, chối không biết Thầy là ai… Dù biết rõ sự yếu đuối bất toàn của các ông, nhưng Chúa Phục Sinh vẫn trao quyền “cầm buộc và tháo cởi” cho các ông như Tin Mừng thuật lại : “Nói xong, Chúa Giê-su thổi hơi vào các ông và bảo : Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).
* Do chưa hiểu đúng về hiệu quả của bí tích giải tội : Có người nói : “Tôi thường đi xưng tội vào mỗi đầu tháng và lần nào tôi cũng chỉ xưng một số tội đã từng xưng nhiều lần trước đó mà không thể chừa được. Do đó xưng tội là một việc làm thiếu hiệu quả nếu không muốn nói là vô ích.
Để nhìn rõ vấn đề, chúng ta hãy so sánh sức khỏe tâm linh với sức khỏe thể xác của chúng ta : Do di truyền, có lẽ ai trong chúng ta ít nhiều cũng mang một số bệnh nan y như : Cao huyết áp cần phải uống thuốc hằng ngày, dị ứng nổi mề đay, bệnh “gút” gây đau nhức cần uống thuốc giảm đau... Mỗi khi căn bệnh tái phát, chúng ta phải đến bác sĩ chuyên khoa khám và dùng một số loại thuốc giống nhau… Nhưng đâu có ai từ chối uống thuốc với lý do rồi bệnh sẽ tái lại? Nếu ta không đi khám bệnh và không uống các thứ thuốc quen thuộc nói trên mới là sai lầm. Ngoài ra mỗi ngày chúng ta đều phải tắm rửa, dù biết rằng đến mai cơ thể sẽ lại bị dơ cần phải tắm lại… Về phạm vi tâm linh cũng vậy : Ai trong chúng ta cũng có một số thói hư rất khó chừa như : Dễ nổi nóng, nói xấu kẻ mình không ưa, ích kỷ và tự ái cao, lười biếng việc đạo đức, uống rượu say sỉn, xem phim ảnh xấu rồi thủ dâm... Dù đã nhiều lần quyết tâm chừa nhưng rồi sau đó vẫn cứ tái phạm… Dù vậy, chúng ta cần phải xưng thú các tội ấy để xin Chúa thứ tha. Hy vọng nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ từng bước chừa bỏ được thói hư để ngày một nên hoàn thiện hơn.
* Do cách xét mình cẩu thả khi xưng tội : Có người chữa mình rằng : “Tôi đã xét mình mãi mà chẳng tìm thấy tội gì mới phạm để xưng khi vào toà giải tội, nhiều khi tôi phải xưng lại một “tội trọng cũ” để đủ điều kiện lãnh phép giải tội. Việc không tìm ra tội nào mới không chứng minh chúng ta đã nên hoàn thiện. Vì có thể do tâm hồn chúng ta đã hoá chai lỳ, khi coi các việc sai trái không có tội. Thực ra mọi người chúng ta đều phạm tội do sự yếu hèn của mình, như thánh Phao-lô đã phải thú nhận : “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Những ai tưởng mình không có tội, thực ra có thể do họ đã xét mình cẩu thả và tự lừa dối mình, như thánh Gio-an dạy : “Nếu chúng ta nói mình không có tội, là đã tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,8).
* Do chưa ý thức về tầm quan trọng của những tội thiếu sót : Trong kinh cáo mình có câu : “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Tội chúng ta phạm có thể là tội cố tình vi phạm một điều luật cấm như dối trá, trộm cắp, ngọai tình, phá thai... hay tội đã bỏ qua không làm điều tốt lẽ ra phải làm như : Bất hiếu với cha mẹ, làm ngơ trước người đau khổ cần được trợ giúp… Trong Tin mừng, Đức Giê-su đã đề cập đến tội thiếu sót này như trong dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó. Ông nhà giàu đã làm ngơ không chịu giúp đỡ La-da-rô, một người nghèo khổ đang nằm trước cổng nhà ông ta (x Lc 16,19-31). Đến ngày tận thế, Vua Thẩm Phán Giê-su cũng sẽ tuyên phạt những kẻ đã bỏ các việc lành lẽ ra phải làm như sau : “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói các ngươi không cho ăn; Ta khát các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ các ngươi chẳng đón tiếp; Ta mình trần các ngươi không cho đồ mặc; Ta ở tù các ngươi đã không viếng thăm...” (Mt 25,41-45).
Những tội thiếu sót này tưởng là tội nhẹ mà thực ra cũng có thể trở thành tội nặng nếu do thiếu tình thương mà ta đã gây thiệt hại nặng cho người cần phải được cấp thời trợ giúp. Chẳng hạn bỏ qua không cứu giúp một người sắp bị chết đuối, không mang đi cấp cứu người bệnh tim bị đột quỵ hay người bị thương do tai nạn xe cộ mất nhiều máu… Tội làm ngơ này đồng nghĩa với giết người như thánh Gio-an viết : “Kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân. Và anh em biết: Không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở trong nó” (1 Ga 3,14b-15).

3) Phải sám hối cụ thể trong Mùa Chay thế nào? :
- Ngoài việc tham dự các buổi tĩnh tâm Mùa Chay, mỗi người chúng ta cần dọn mình xưng tội. Điều quan trọng là phải tìm ra mối tội đầu của mình để quyết tâm chừa cải bằng việc tập các nhân đức đối lập với thói xấu như sau:
- Đối với bản thân : Mỗi ngày chúng ta cần dành ít phút xét mình trong giờ kinh tối gia đình, để ý thức về sự yếu đuối bất toàn của mình. Hãy dọn mình xưng tội mỗi đầu tháng để thánh hóa bản thân. Hãy loại bỏ những đố kỵ ganh ghét, bỏ qua những lời xúc phạm của kẻ khác đối với mình…
- Đối với người thân trong gia đình : Một trong những lý do chính đưa đến đổ vỡ hạnh phúc và ly hôn nơi các gia đình trẻ hiện nay là vợ chồng không bỏ qua lỗi lầm cho nhau. Đôi vợ chồng nên nhất trí với nhau ngay từ khi bắt đầu sống chung : Mỗi khi có điều chi bất bình tranh cãi nhau thì cả hai đều phải sẵn sàng đi bước trước làm hòa, như lời thánh Phao-lô : “Anh em đừng phạm tội : chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng ! (Ep 4,26-27). Sau cơn giận, mỗi người hãy lập tức dâng một lời cầu xin Chúa giúp và ai chủ động bắt chuyện trước sẽ là người chiến thắng, vì đã thắng được tính tự ái của mình.
- Đối với tha nhân ngoài xã hội : Điều chúng ta cần làm ngay trong Mùa Chay này là : Mỗi ngày hãy xét mình để biết có ai đó đang bất hòa với mình để quyết tâm làm hòa với họ. Mỗi lần đọc kinh Lạy Cha, cần lưu ý câu : “Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Mỗi ngày hãy đọc lời Chúa về sự tha thứ. Hãy suy nghĩ lời ông chủ trong dụ ngôn hai con nợ : "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?" (Mt 18,32-33).

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con rất sợ bị bắt quả tang đang phạm một tội nào đó nghiêm trọng. Nhưng lạy Chúa, có tội nào chúng con phạm mà Chúa lại chẳng thấy và không biết? Xin cho chúng con quyết tâm bỏ đi chiếc mặt nạ giả dối, những việc đạo đức hình thức bề ngòai nhằm che đậy những tội ác trong tâm hồn. Nhờ đó, chúng con sẽ luôn sống tình yêu thương và trở nên chứng nhân tình thương của Chúa trước mặt người đời.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Tôi không kết án chị đâu
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:28 30/03/2022

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
“TÔI KHÔNG KẾT ÁN CHỊ ĐÂU”
Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11

Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện rất nổi tiếng về một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, bị những người Biệt Phái và Luật Sĩ mang đến cho Chúa Giêsu để xét xử. Ý đồ của họ là xem Chúa Giêsu sẽ xử lý như thế nào trước tình huống này. Xét theo luật Môsê, người đàn bà này phải chịu ném đá cho đến chết vì tội ngoại tình. Nếu Chúa Giêsu xử theo luật này thì xem ra những lời Đức Giêsu nói về lòng thương xót mâu thuẫn với cách hành xử của Người.

Trong khi họ chờ đợi câu trả lời, Chúa Giêsu không nói gì, nhưng chỉ viết trên đất. Các Giáo Phụ giải thích là Chúa Giêsu viết những tội của họ. Sau đó, Chúa Giêsu đứng dậy và nói: “Ai trong các người sạch tội thì hãy ném đá người này trước.”

1- Đức Giêsu: “có với tội nhân, không với tội lỗi”

Với câu nói này, Đức Giêsu đã đảo lộn tình thế. Thay vì lên án và đòi ném đá người phụ nữ, người ta bắt đầu phải quay trở về với chính mình và xét mình có sạch tội hay không mà đòi kết án người khác. Từ đó, từng người một, bắt đầu từ người già nhất cho đến người trẻ, lần lượt bỏ viên đá xuống và rút lui. Chỉ còn lại Chúa Giêsu và người phụ nữ đứng ở đó. Bây giờ, Chúa Giêsu hỏi: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Chúa Giêsu nói với chị: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11).

Đây quả là những lời đẹp nhất của Tin Mừng! Khi chú giải đoạn Tin Mừng này, thánh Augustinô đã đi đến kết luận này: “Chỉ còn lại có hai điều: nỗi khốn khổ và lòng thương xót.” Nỗi khốn khổ đó là tội lỗi của người phụ nữ và của mỗi người chúng ta. Nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa, chúng ta không thể nào chiến thắng được tội lỗi. Nhưng cuối cùng lòng thương xót Chúa vẫn lớn hơn và đã chiến thắng tội lỗi.

Thật vậy, Đức Giêsu đến mạc khải cho chúng ta biết về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chậm bất bình và rất mực khoan dung. Chính Đức Giêsu là hiện thân của lòng thương xót Chúa Cha. Người đến để cứu vớt, chứ không phải để tiêu diệt hay kết án. Đức Giêsu là Thiên Chúa, Người có quyền tha thứ mọi tội lỗi và cho con người cơ hội để làm lại cuộc đời. Như thế, qua cách hành xử theo lòng thương xót, Chúa Giêsu cho thấy rằng: Người luôn có thái độ cảm thông và thương xót đối với mọi tội nhân. Người không kết án họ. Đồng thời, Chúa Giêsu bày tỏ thái độ không chấp nhận tội lỗi khi quả quyết: “Tôi không kết án chị, nhưng từ nay chị đừng phạm tội nữa.” Chúa Giêsu mở ra cho mọi tội nhân một tương lai và một cuộc sống mới. Người chính là hiện thân của một vị Thiên Chúa nói “có” với tội nhân, nhưng lại cương quyết nói “không” với tội lỗi. Đó là niềm hy vọng cho bất cứ tội nhân nào muốn trở về với Chúa.

2- Dễ dàng ném đá người khác

Cũng như những Biệt Phái và Luật Sĩ, chúng ta thường mù lòa về những khuyết điểm của mình, nhưng lại thấy rõ những khuyết điểm người khác. Về điểm này, thánh Têrêsa Avila có một câu nói rất sâu sắc: “Mỗi người chúng ta thường đeo hai cái túi. Một cái sau lưng đựng những điều tốt của người khác. Còn một cái trước mặt đựng những khuyết điểm của họ.” Tâm lý con người thường có khuynh hướng thích lên án và ném đá người khác, khi tự cho mình trong sạch và vô tội. Nhiều lúc chúng ta còn trút lên người khác trách nhiệm và lỗi lầm của mình. Ađam ngày xưa đổ lỗi cho Evà, còn Evà thì đổ lỗi cho con rắn. Điều này cũng có thể xảy ra trong các lãnh vực chính trị, xã hội và đời sống gia đình: vợ đổ lỗi cho chồng, chồng đổ lỗi cho con; cán bộ đổ lỗi cho nhân dân, thầy giáo đổ lỗi cho học trò v.v... Có lẽ đây là căn bệnh kinh niên của con người, căn bệnh không dám nhận lỗi mình nhưng lại đổ lỗi và thích ném đá người khác. Đó là một thứ đạo đức giả và phán xét bất công!

Những người Luật Sĩ và Biệt Phái trong Tin Mừng không phải là những người xấu hơn chúng ta đó sao? Họ thấy cái rác trong mắt của người khác nhưng lại không thấy cái xà trong mắt mình. Chúng ta cũng thường có cám dỗ khi suy nghĩ rằng thế giới này sẽ tốt hơn, xã hội này sẽ công bình hơn nếu người khác biết thay đổi đời sống, nhưng chính chúng ta lại không muốn thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta quên rằng gốc rễ của sự dữ và những điều xấu xa phát xuất từ lòng mỗi người. Chúng làm tổ trong chúng ta. Nhiều lúc những điều xấu xa thường trá hình với những lý do cao thượng vì danh Chúa hay vì lợi ích chung. Chúng ta thường bào chữa cho lòng ích kỷ, sự vô cảm và những thói hư tật xấu của mình.

Thay vì biết mình và nhìn nhận những khuyết điểm của mình, chúng ta tự coi mình là thẩm phán của những người khác. Rõ ràng đây là một điều vô lý. Bởi lẽ, thẩm quyền này chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa, chỉ có Người là vị thẩm phán tối cao. Người thấu rõ tường tận mọi ẩn dấu và hoàn cảnh của mỗi người. Vì thế, chỉ có Thiên Chúa mới có thể đánh giá chính xác trách nhiệm và tội lỗi của mỗi người.

Chúa Giêsu đã hành xử theo một cách thức rất khác với chúng ta: “Tôi không lên án chị đâu...” Người mời gọi: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa lên án... Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,37-38). Lòng khoan dung của Thiên Chúa chính là bài học mà chúng ta cần noi gương bắt chước. Thay vì lên án người khác, chúng ta học cách hành xử của Chúa Giêsu là sống bao dung và tha thứ cho những lầm lỗi của người khác. Lòng bao dung này mang lại ơn tha thứ mà chúng ta xin trong Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho những kẻ có nợ chúng con.”

3- Cơ hội quý báu để sám hối

Đức Giêsu đến mở ra cho chúng ta một con đường mới: thay vì lên án người khác, mỗi người chúng ta phải cáo mình, nhận lỗi; thay vì ném đá người khác, chúng ta cần có thái độ bao dung và tha thứ những lỗi lầm của người khác. Bởi vậy, chúng ta cần xin ơn Chúa để thay đổi thái độ sống của mình theo cách hành xử của Chúa Giêsu. Người mời gọi chúng ta hoán cải thái độ sống của mình. Nghĩa là thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận và đánh giá của chúng ta, để có cách hành xử giống với Chúa Kitô. Chúng ta đang ở trong những tuần cuối cùng Mùa Chay thánh và tiến gần tới lễ Phục Sinh. Đây là cơ hội quý báu Thiên Chúa mời gọi chúng ta sám hối. Mỗi người hãy sống kinh nghiệm tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa qua bí tích Hòa Giải. Nơi đó, Người ban ơn tha thứ cho chúng ta. Chỉ với một tâm hồn sám hối, chúng ta có thể cử hành cách xứng đáng bí tích Thánh Thể.

Lạy Chúa, khi đối diện với Chúa và anh chị em, chúng con là những tội nhân cần đến lòng thương xót. Xin cho chúng con biết từ bỏ thói lên án người khác để sống khiêm tốn và bao dung hơn với tha nhân. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Chúa tha thứ để con người canh tân
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:23 30/03/2022
Chúa tha thứ để con người canh tân

Suy Niệm Chúa nhật V Mùa Chay - C

(Ga 8, 1-11)

Chúa Giêsu là hiện thân của Lòng Thương Xót, Người đến trần gian mạc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Xót Thương, Đấng ghét tội, không dung túng tội lỗi, nhưng yêu thương kẻ có tội và khoan nhân với tội nhân, vì “Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn hối cải và được sống” (x. Ez 33,11).

Đoạn Tin Mừng (Ga 8,1-11) là bằng chứng hùng hồn về lòng xót thương của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thánh Gioan kể lại việc người ta đem đến cho Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Trong khi con người tố cáo, lên án tử cho tội nhân, còn Chúa Giêsu không kết án chị, nhưng cứu chị khỏi bị ném đá. Chúa không nói với người phụ nữ: chị không có tội, nhưng nói : "Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa" ( Ga 8,11). Chúa Giêsu cho chị cơ hội để thay đổi đời sống. Chỉ có Thiên Chúa mới tha thứ và chờ đợi con người hoán cải đời sống.

Con người trước tội nhân

Người thiếu phụ phạm tội ngoại tình. Hành vi ngoại tình của chị là một hành vi rất kín đáo, nhưng tại sao lại bị bắt quả tang, mà những nhân chứng quả tang lại là các đấng bậc như kinh sư và pharisêu? Chắc chắn, họ phải kiên nhẫn theo dõi, rình chờ nhiều ngày nhiều đêm thì mới “bắt được quả tang” chị phạm tội ngoại tình. Dường như lối sống của họ là đi rình mò, nhòm ngó và dò xét người khác. Họ bới lông tìm vết, đi tìm sự xấu nơi người khác (qua việc vi phạm Lề Luật). Và khi bắt được quả tang người khác phạm Luật, thì họ lấy làm thích thú vạch trần, kết tội và lên án tử cho tội nhân. Có gì đó không ổn nơi ý hướng đen tối trong lòng họ. Họ giữ Luật đến từng chi tiết, họ có trong tay văn bản Lề Luật và họ “bắt quả tang” với những chứng cớ rõ ràng đối với những người vi phạm Lề Luật. Mọi người trong mắt họ đều là tội phạm thực sự hay “tiềm năng”; trong khi “Tội” nằm trong chính tâm hồn họ.

Con người luôn nhìn thấy tội mà không thấy phúc, không thấy tốt chỉ thấy xấu, không cho cơ hội hối cải mà chỉ kết án, xua đuổi, loại trừ, giết chết…!Chỉ nhìn thấy hành vi bên ngoài đã vội vã lên án rồi. Trong khi không biết tại sao chị lại có hành vi như thế. Hoàn cảnh, quá khứ hay vết thương đau nào đã đưa đẩy chị.

Người có tội trước mặt Thiên Chúa

Với bằng chứng quả tang và rất hùng hồn của họ về tội nhân trước mặt Chúa Giêsu : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8, 4-5). Hình như Chúa Giêsu không nghe lời tố cáo rất bài bản dựa vào Luật của họ. Người không quan tâm, không thích nghe người ta kể tội nhau. Người ngồi viết trên đất. Chúng ta không biết Ngài đã viết những gì và có lẽ đó không phải là điều quan trọng nhất. Ðiều này gợi nhớ câu chuyện Sinai, khi Thiên Chúa đã viết các bảng Luật bằng ngón tay của mình (x. Xh 31,18). Thiên Chúa đã hứa sẽ không viết trên tấm bia bằng đá nữa, nhưng trực tiếp lên trái tim (x. Gr 31,33), trên tấm bia bằng thịt của trái tim chúng ta (x. 2Cr 3,3). Chúa Giêsu, lòng thương xót của Thiên Chúa nhập thể viết lên trái tim của con người, để mang lại niềm hy vọng cho nỗi khốn khổ của con người. Chúa đã làm như thế với người phụ nữ, chị đã gặp Chúa Giêsu và tiếp tục được sống. Đúng là chị đã phạm điều luật cấm, nhưng Chúa Giêsu nhìn thấy ở nơi chị, một con người thống khổ đang rất cần lòng thương xót, một bệnh nhân cần được chữa lành, một nạn nhân, cần được giải thoát. Hơn nữa, Người còn biết, và chỉ có mình Người biết đến đến quá khứ đau thương cũng như hoàn cảnh đưa đẩy chị đến hành vi này. Chỉ mình Chúa mới thấu suốt con tim và cuộc đời của chị; vì thế, Người cảm thương chị.

Thiên Chúa tha thứ và cho cơ hội

Lời của Chúa Giêsu với chị thiếu phụ mới đẹp làm sao : " Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị … Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa" ( Ga 8,11). Họ bỏ đi hết, “chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa” (Ga 8, 9b), nghĩa là chỉ còn lại con người khốn khổ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu, tội không phải là không trầm trọng, nhưng Người muốn giúp tội nhân canh tân. Người quan tâm tới tình thương hơn là tội lỗi, vì tình thương lớn hơn tội lỗi.

Hành động không lên án của Chúa Giêsu hoàn toàn khác hẳn với quyết định bỏ đi của những người muốn lên án, vì chắc chắn họ vẫn còn muốn lên án và phải lên án cho bằng được, để chứng minh mình đúng. Chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể lên án, Người đã không lên án, vì nếu lên án, Người cũng chẳng khác gì những kinh sư và luật sĩ, và nhất là bởi vì lên án không thuộc về bản chất của Sự Thiện và Tình Yêu, vốn là chính Chúa. Chị không bị Chúa Giêsu kết án, nhưng tha thứ, một sự tha thứ đáng ngạc nhiên của Thiên Chúa từ bi và hay thương xót giúp chị canh tân cải hóa cuộc đời.

Trong thời gian Mùa Chay thánh này, chúng ta được mời gọi nhận tội lỗi của mình và xin Chúa tha thứ. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Ai Sạch Tội?
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
20:13 30/03/2022
Ai Sạch Tội?

(Chúa Nhật V Mùa Chay C)

Câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trong Tin Mừng thánh Gioan (8,1-11), theo các nhà nghiên cứu thì có lẽ là của Luca, một tác giả đặc biệt đề cao chủ đề lòng thương xót của Chúa. Trong văn học, một chủ đề chính cũng thường được điểm tô đậm nét bằng những yếu tố “phản đề”. Có một cái nhìn cặn kẻ về sự gian ác của con người hẳn nhiên sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa.

Tội ngoại tình: Thoặt xem ra đây là một loại tội dễ lượng thứ, vì bản tính con người mỏng dòn, yếu đuối. Và người ta thường dùng cụm từ “tính xác thịt” như để bào chữa mỗi khi lỗi phạm. Nếu xét tội này theo chiều kích “sự yếu đuối” thì cũng có thể dễ thông cảm. Tuy nhiên, nếu nhìn đây là một sự bất tín, bất trung, là một hành vi phản bội, phá vỡ sự bền vững của đời sống hôn nhân-gia đình, vốn là tế bào của xã hội thì tội này thật đáng sợ.

Nhân loại chúng ta đã và đang phải lao đao vì căn bệnh được gọi là bệnh thế kỷ, bệnh HIV-AIDS. Cái nguy hiểm chết người của căn bệnh này là tế bào dần mất khả năng kháng khuẩn. Khi tế bào hỏng hư thì cả cơ thể có thể gặp hiểm nguy mọi lúc, vì bất cứ vi khuẩn gây bệnh nào, dù là bệnh thường gặp như cảm cúm…Chúng ta đều biết cái nền tảng của xã hội và cũng là của Giáo Hội chính là gia đình. Và nền tảng này được dệt xây trên tình yêu chung thủy và sự tín nhiệm lẫn nhau. Khi đã bất trung thì sự tín nhiệm ít nhiều bị đánh mất. Có thể cái tội bất trung vì yếu đuối không quá trầm trọng nhưng hậu quả của nó thì thật khó lường. Các ngôn sứ thường dùng thứ tội này: “ngoại tình”, để nói đến việc dân xưa bỏ Thiên Chúa mà đi thờ các thần ngoại bang.

Nhất tiển diệt song điêu. Một mũi tên giết hai con chim. Câu nói có thể dùng trong cả trường hợp tích cực lẫn tiêu cực, nhưng thường ám chỉ những hành vi gian ác gây hại cho nhiều đối tượng. Cái bẫy mà nhiều kinh sư và người biệt phái ngày xưa giăng ra để hãm hại Chúa Giêsu quả là hiểm độc. Đã nhiều lần, và nay thêm một lần nữa họ dồn Chúa Giêsu vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Để thực hiện mưu đồ này họ đã không ngần ngại sử dụng sự yếu đuối, tội lỗi của một con người. Có thể nói rằng họ đã kiếm tìm và tận dụng tội lỗi của đồng loại để phục vụ gian kế của mình. Đã là gian ác thì sẽ không chừa một thủ đoạn nào, kể cả việc lợi dụng tội lỗi, sự yếu đuối hay nỗi khốn khổ của tha nhân để thủ lợi hoặc để thực hiện ý đồ đen tối của mình.

“Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Tin Mừng minh nhiên cho ta biết rằng những người biệt phái và luật sĩ hôm ấy cố tình gài bẫy Chúa Giêsu hầu có bằng chứng tố cáo Người, Đấng đã từng tuyên bố rằng “đến không phải để hủy bỏ lề luật và lời các ngôn sứ, nhưng để kiện toàn”(x.Mt 5,17). Chắc hẳn những người cố tình gài bẫy hôm ấy nghĩ rằng phen này Chúa Giêsu không thể thoát. Nếu Người không giữ luật Môsê thì khó mà thuyết phục dân chúng. Còn nếu cứ nhất nhất hành xử theo luật truyền thì sẽ đi ngược với lời giảng dạy của Người về lòng nhân từ, tha thứ cho nhau không chỉ bảy lần mà đến bảy mươi lần bảy (x.Mt 18,21-22).

Nhất ngôn độ bách tính: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”(Ga 8,7). Một lệnh ban để thi hành án ư? Xét về hình thức văn tự thì đúng vậy. Nhưng ẩn sâu bên trong lệnh ban ấy, chính là lời mời gọi xét mình, tự kiểm. Ai là người vô tội? Người Do Thái vốn không xa lạ gì với khái niệm tội lỗi, nếu không muốn nói là rất bén nhạy. Cùng với tổ phụ Đavít xưa họ luôn ý thức thân phận tội lỗi của mình để rồi không ngừng cầu xin ơn tha thứ. “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm. Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm…(Tv 50).

Một lời tuyên phán đã cứu sống người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Lời tuyên phán ấy cũng đã giải thoát cả đám đông gian ác hôm ấy. Hành vi rút lui, bỏ đi, kẻ trước người sau, bắt đầu từ người lớn tuổi, là một lời xưng thú tội lỗi công khai, dù vô ngôn nhưng lại đủ ý. Rút lui là tự nhận mình cũng tội lỗi không kém gì người phụ nữ phạm tội ngoại tình mà có khi còn tồi tệ và xấu xa hơn. Tình yêu thật vạn năng và diệu kỳ. Tình yêu luôn chiến thắng sự hiểm độc, gian ác.

Ai thực sự vô tội? Chúng ta dễ dàng kết luận đó là Chúa Giêsu, vì chỉ còn lại một mình Người và người phụ nữ. Chỉ mình Chúa Giêsu mới có quyền kết án, thế mà Người lại phán: “Tôi không lên án chị. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Người rộng lượng tha thứ cho tội nhân, khoan dung với người phạm tội, nhưng lại cương quyết loại trừ tội lỗi. Để làm điều này thì Đấng vô tội đã cam chịu kết án cách bất công.

Một hành vi vừa nhân ái vừa dịu hiền và tinh tế: “Cúi xuống”. Khi nghe những người biệt phái và kinh sư tố cáo người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, thì Chúa Giêsu đã cúi xuống và viết cái gì đó trên đất. Sau khi người ta hỏi mãi, Người đã ngẩng đầu lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội…” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Không biết Chúa Giêsu viết những gì nhưng hành vi cúi xuống của Người thật nhân hậu và đầy tế nhị. Nếu giả như Người cứ chăm chăm nhìn vào đám đông thì chắc gì đã có chuyện người ta can đảm nhận mình là tội nhân để rồi rút lui tuần tự. “Lạy Chúa, Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.”(Kn 11,23).

Ai trong chúng ta sạch tội? Một câu hỏi khiến chúng ta cần khiêm nhu nhìn nhận con người thật của mình. Tiên vàn hãy lấy cái đà ra khỉ mắt mình hơn là cứ chăm chăm vào cái rác trong mắt tha nhân. Ai trong chúng ta cũng là tội nhân. Mọi người đều cần ăn năn sám hối. Để có thể trở về thì ngoài tình yêu và ân sủng Chúa, chắc hẳn cũng cần sự khoan dung và thái độ ứng xử tế nhị trong sự tôn trọng phẩm giá của nhau. Chúa Kitô không chỉ cúi xuống rửa chân cho chúng ta mà con cúi xuống, làm ngơ để tạo cơ hội cho chúng ta là những tội nhân hoán cải trong danh dự. Người đã nêu gương cho chúng ta thì chúng ta cũng phải bắt chước Người để sống với nhau cho có tình trong sự tôn trọng phẩm giá của nhau.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Đường tắt để nên thánh
Lm. Minh Anh
23:17 30/03/2022
ĐƯỜNG TẮT ĐỂ NÊN THÁNH
“Tôi không cần người đời tôn vinh!”.

M. R. De Haan nói, “Sự khiêm tốn là điều chúng ta nên thường xuyên cầu nguyện, nhưng đừng bao giờ cảm ơn Chúa vì chúng ta có nó! Hãy quên mọi việc tử tế ngay khi bạn vừa làm xong; và quên ngay những khen ngợi, khi bạn vừa giành được. Đó là ‘đường tắt để nên thánh!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy quên ngay những khen ngợi, khi bạn vừa giành được!”. Đó cũng là một trong các chủ đề của Lời Chúa hôm nay! Bởi lẽ, vinh quang và danh dự không thuộc về con người; nó thuộc về Thiên Chúa! Ý thức được điều này, chúng ta sẽ tìm được một ‘đường tắt để nên thánh’.

Thật là sai lầm khi chúng ta thường tìm kiếm những khen lao của con người! Đang khi Thánh Kinh nói, “Hãy dâng về Chúa vinh quang xứng Danh Ngài!”; còn Chúa Giêsu thì bảo, “Tôi không cần người đời tôn vinh!”. Tại sao? Vì lẽ, chỉ Thiên Chúa mới xứng đáng nhận lấy tất cả công lao và chúc tụng cho bất cứ vật thể nào tồn tại, dù lớn hay nhỏ; vì rốt cuộc, chính Ngài tạo thành mọi sự! Ý thức và chấp nhận điều này, chúng ta quả đã bước đi trên đường thánh thiện một cách nhanh chóng! Chúa Giêsu là một gương mẫu tuyệt vời về việc phải tìm kiếm vinh quang không cho bản thân, nhưng cho Đấng Tạo Thành. Vì thế, mỗi khi tìm kiếm ‘những người hâm mộ’, chúng ta thực sự đang tước đi vinh quang mà chỉ một mình Thiên Chúa xứng đáng.

Vì phải ăn mày sự bố thí lời khen của con người, chúng ta lao vào công việc một cách chăm chỉ để có thể được chấp nhận; vậy mà, khi làm thế, khác nào chúng ta tự tạo cho mình một chiếc máy chém không hơn không kém! Vì vậy, khi thanh tẩy những ý định quy ngã này, để tôn vinh một mình Thiên Chúa qua mọi lời nói, hành động và suy nghĩ, thì sự sống đời đời sẽ được ban tặng chúng ta và cho nhiều linh hồn, và đó là ‘đường tắt để nên thánh’ dành cho mỗi người.

Đối lập với sự chấp nhận của con người là sự khước từ của nó. Chúa Giêsu đã trải nghiệm nỗi tuyệt vọng của sự khước từ này khi Ngài bị treo lên. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm mất hết sự chấp nhận của con người, Ngài vẫn được Chúa Cha chấp nhận; Thiên Chúa, Đấng trung thành, cũng là Đấng đã cho Ngài sống lại từ cõi chết. Mầu nhiệm Vượt Qua, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu cho thấy, việc không được con người chấp nhận, không nhất thiết có nghĩa là không có sự chấp nhận của Thiên Chúa! Chúa Giêsu muốn nói, được sự chấp nhận và lời khen của Thiên Chúa còn quý hơn vạn lần so với sự chấp nhận và lời khen của con người.

Thật thú vị, Israel trong bài đọc Xuất Hành hôm nay đã làm điều tương tự. Họ không chấp nhận Thiên Chúa, Đấng cứu thoát; họ không tôn thờ Ngài như Ngài đáng được tôn thờ. Họ đúc một con bò vàng, quỳ xuống thờ lạy nó! Thánh Vịnh viết, “Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng bò ăn cỏ”. Điều đó khiến Thiên Chúa nổi giận đến nỗi Ngài nhất tâm tru diệt họ; và Môisen, một lần nữa, đứng ra, xin Chúa thương tha thứ. Thật xúc động với lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin Ngài nhớ đến con, bởi lòng thương dân Ngài”; và Chúa lại xiêu lòng!

Anh Chị em,

“Tôi không cần người đời tôn vinh!”. Đó là lập trường, cũng là tiêu chí hành động của Chúa Giêsu. Điều này tiết lộ cung cách của Ngài khác hẳn với cung cách của con người. Với Ngài, chỉ có Cha, sống đẹp lòng Cha, và hiến dâng thân mình để cứu độ nhân loại. Đó là mục đích sống của Ngài; và phải chăng cũng là mục đích của cuộc đời chúng ta! Trong những ngày này, thế giới đang chứng kiến những tang thương do cuộc chiến tham tàn của những kẻ ‘tham nhũng quyền lực và khát khao nó một cách bệnh hoạn’, chúng ta được mời gọi hãy trở nên những Môisen, những con người của cầu nguyện, hy sinh và quên mình, hầu khấn xin Chúa thương nhân loại khốn cùng này. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta dâng lên Chúa những khó khăn âm thầm nhỏ bé hằng ngày, cốt chỉ để Thiên Chúa nhìn thấy và tôn vinh Ngài. Vâng! Đó chính là con đường thật nhỏ, thật dễ thương, thật ngắn, một ‘đường tắt để nên thánh’ trong đời thường!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con tránh xa những huyễn danh, một chỉ tìm vinh quang Chúa. Xin cho con khả năng cuốn hút thật nhiều người, không phải về phía con, nhưng cuốn về phía Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
19:10 30/03/2022


Theo tin Tòa Thánh, tại Hội trường Phaolô VI, thứ 4, ngày 30 tháng 3 năm 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về tuổi già. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong lộ trình của các bài giáo lý về chủ đề tuổi già, hôm nay chúng ta sẽ nhìn vào bức tranh dịu dàng được thánh sử thánh Luca vẽ ra, người mô tả hai nhân vật cao tuổi, Simeon và Anna. Lý do sống của các ngài, trước khi rời khỏi thế giới này, là chờ đợi sự viếng thăm của Chúa. Các ngài đã chờ đợi Thiên Chúa, tức Chúa Giêsu, đến thăm các ngài. Nhờ một linh cảm của Chúa Thánh Thần, Simeon biết rằng ông sẽ không chết trước khi nhìn thấy Đấng Mêxia. Anna đến đền thờ mỗi ngày, hết lòng phục vụ Người. Cả hai người đều nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi hài nhi Giêsu, Đấng lấp đầy sự chờ đợi bấy lâu với niềm an ủi và trấn an các ngài khi các ngài từ biệt cõi đời. Đây là cảnh gặp gỡ Chúa Giêsu và chia tay.

Chúng ta có thể học được gì từ hai nhân vật cao niên tràn đầy sức sống thiêng liêng này?

Đầu tiên, chúng ta biết rằng lòng trung thành chờ đợi sẽ làm sắc nét các giác quan. Ngoài ra, như chúng ta biết, Chúa Thánh Thần thực hiện chính điều này: soi sáng các giác quan. Trong bài thánh ca cổ xưa, Veni Creator Spiritus, mà với nó, chúng ta vẫn tiếp tục cầu khẩn Chúa Thánh Thần cho đến ngày nay, chúng ta nói: “Accende lumen sensibus”, “Xin Hướng dẫn tâm trí chúng con bằng ánh sáng đầy phúc của Chúa”, xin soi sáng các giác quan của chúng ta. Chúa Thánh Thần có khả năng làm điều này: làm sắc nét các cảm thức của linh hồn, bất chấp giới hạn và vết thương của các giác quan cơ thể. Tuổi già làm suy yếu, cách này hay cách khác, tính mẫn cảm của cơ thể: người thì bị mù, người thì bị điếc. Tuy nhiên, một tuổi già dành để chờ đợi sự viếng thăm của Thiên Chúa sẽ không bỏ lỡ chuyến đến thăm của Người; trái lại, nó càng sẵn sàng để nắm bắt chuyến viếng thăm này, sẽ có sự nhạy cảm hơn để đón Chúa khi Người vãng lai. Hãy nhớ rằng điều điển hình của Kitô hữu là chú ý đến các chuyến viếng thăm của Chúa, bởi vì Chúa đi qua trong cuộc đời chúng ta, với những cảm hứng, với những lời mời gọi để làm chúng ta trở nên tốt hơn. Và Thánh Augustinô đã từng nói: “Tôi sợ rằng Chúa Giêsu sẽ đi ngang qua tôi mà tôi không biết”. Chính Chúa Thánh Thần chuẩn bị các giác quan để ta hiểu khi nào Chúa đến viếng thăm chúng ta, giống như Người đã làm với Simeon và Anna.

Ngày nay chúng ta cần điều này hơn bao giờ hết: chúng ta cần một tuổi già được ban tặng các giác quan thiêng liêng sống động có khả năng nhận ra các dấu chỉ của Thiên Chúa, hay đúng hơn là Dấu chỉ của Thiên Chúa, tức Chúa Giêsu. Một dấu chỉ luôn luôn thách thức chúng ta: Chúa Giêsu thách thức chúng ta vì Người là “một dấu chỉ bị nói ngược lại” (Lc 2: 34) - nhưng lại làm chúng ta tràn đầy niềm vui. Bởi vì khủng hoảng không nhất thiết mang lại nỗi buồn, không: khủng hoảng trong việc phụng sự Chúa thường mang lại cho anh chị em sự bình an và vui vẻ. Trạng thái gây mê các giác quan thiêng liêng - và điều này thật tệ - Trạng thái gây mê các giác quan thiêng liêng, trong việc phấn khích và làm mất tác dụng các giác quan của cơ thể, là một hội chứng phổ biến trong một xã hội nuôi dưỡng ảo tưởng về tuổi trẻ vĩnh viễn, và đặc điểm nguy hiểm nhất của nó hệ ở sự kiện hầu như ta không nhận thức được nó. Chúng ta không nhận ra chúng ta đang bị gây mê. Và điều này xảy ra. Nó đang xảy ra. Nó đã luôn xảy ra và nó vẫn đang xảy ra trong thời đại của chúng ta. Các giác quan tê cóng, và chúng ta không hiểu điều gì đang xảy ra: khi chúng tê cóng, các giác quan bên trong, các giác quan của Chúa Thánh Thần vốn có khả năng giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa hay sự hiện diện của tên ác, không còn phân biệt được giữa hai điều này nữa.

Khi anh chị em mất xúc giác hoặc vị giác, anh chị em nhận ra ngay lập tức. Tuy nhiên, anh chị em có thể bỏ qua cảm thức của linh hồn, sự nhạy cảm của linh hồn, trong một thời gian dài, sống mà không nhận ra rằng anh chị đã mất đi sự nhạy cảm của linh hồn. Đây không phải chỉ là vấn đề nghĩ về Thiên Chúa hay tôn giáo. Sự vô cảm của các giác quan thiêng liêng liên quan đến lòng trắc ẩn và cảm thương, sự xấu hổ và ăn năn, lòng trung thành và sự tận tâm, sự dịu dàng và danh dự, trách nhiệm đối với bản thân và người khác. Điều lạ là: sự vô cảm ngăn anh chị hiểu lòng trắc ẩn, nó ngăn anh chị em hiểu lòng cảm thương, nó ngăn anh chị em cảm thấy xấu hổ hoặc ăn năn vì đã làm điều gì đó tồi tệ… Nó giống như thế. Các giác quan thiêng liêng tê liệt khiến anh chị em bối rối và anh chị em không còn cảm nhận được những điều đó nữa, về mặt thiêng liêng. Và có thể nói, tuổi già trở thành nạn nhân đầu tiên, nạn nhân đầu tiên của việc mất sự mẫn cảm này. Trong một xã hội chủ yếu sử dụng khả năng mẫn cảm để hưởng thụ, người ta chắc chắn sẽ thiếu sự quan tâm đối với những người yếu đuối, và sự cạnh tranh của những người thắng cuộc sẽ chiếm ưu thế. Và đó là cách sự mẫn cảm đã mất đi. Chắc chắn, kiểu nói hoa mỹ hòa nhập là công thức có tính nghi thức của mọi ngôn từ đúng đắn về mặt chính trị. Nhưng nó vẫn không mang lại sự điều chỉnh thực sự đối với các thực hành của sự chung sống bình thường: một nền văn hóa xã hội dịu dàng đang đấu tranh để phát triển. Tinh thần huynh đệ nhân bản - mà tôi cảm thấy cần phải phát động lại một cách mạnh mẽ - giống như tấm áo bị vứt đi, để được ngưỡng mộ, nhưng… trong một viện bảo tàng. Người ta đánh mất sự mẫn cảm nhân bản, những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở thành nhân bản.

Đúng là, trong đời thực, chúng ta có thể quan sát thấy, một cách đầy biết ơn xúc động, nhiều người trẻ có khả năng tôn vinh tình huynh đệ này một cách trọn vẹn nhất. Nhưng vấn đề chính xác hệ ở chỗ này: có một phân cách, một khoảng phân cách đáng xấu hổ, giữa chứng từ có tính huyết mạch về sự dịu dàng xã hội này và chủ nghĩa tuân thủ vốn buộc tuổi trẻ phải tự hành xử một cách hoàn toàn khác. Chúng ta có thể làm gì để thu hẹp khoảng phân cách này?

Từ câu chuyện của Simeon và Anna, cũng như những câu chuyện khác trong Kinh thánh về những người già nhạy cảm với Chúa Thánh Thần, có một dấu hiệu giấu ẩn đáng được đưa lên hàng đầu. Nói cho đúng, sự nhạy cảm của Simeon và Anna hệ ở điều gì? Nó hệ ở việc nhận ra nơi một em bé, người mà các ngài không sinh ra và người mà các ngài nhìn thấy lần đầu tiên, dấu hiệu chắc chắn về sự viếng thăm của Thiên Chúa. Họ chấp nhận không trở thành nhân vật chủ đạo, mà chỉ là nhân chứng. Và khi người ta chấp nhận không trở thành nhân vật chủ đạo, mà chỉ tham gia như là nhân chứng, thì điều đó thật tốt: người đàn ông đó hoặc người đàn bà đó đang trưởng thành tốt. Nhưng những người luôn muốn trở thành nhân vật chủ đạo chứ không là gì khác, không bao giờ trưởng thành trên hành trình hướng tới sự viên mãn của tuổi già. Sự viếng thăm của Thiên Chúa không hiện thân trong cuộc đời họ, nó không đưa họ vào khung cảnh như những vị cứu tinh: Thiên Chúa không mang thịt xương trong thế hệ của họ, nhưng trong thế hệ sắp đến. Họ mất tinh thần, mất khát vọng sống một cách trưởng thành, và như người ta thường nói, họ sống một cách hời hợt. Đó là thế hệ vĩ đại của những kẻ hời hợt, những người không cho phép mình cảm nhận mọi sự bằng sự nhạy cảm của Chúa Thánh Thần. Nhưng tại sao họ lại không cho phép họ như thế? Một phần vì lười biếng, và một phần vì họ không có khả năng: họ đã đánh mất nó. Thật tệ khi một nền văn minh mất đi sự mẫn cảm Chúa Thánh Thần. Ngược lại, thật tuyệt vời khi chúng ta tìm thấy những người cao niên như Simeon và Anna, những người bảo tồn được sự nhạy cảm Chúa Thánh Thần này, và những người có khả năng hiểu các tình huống khác nhau, giống như hai người này hiểu được hoàn cảnh trước mặt các ngài, đó là việc Đấng Mêxia tỏ mình ra. Không có sự oán giận và buộc tội nào đối với điều này, khi các ngài ở trong trạng thái tĩnh lặng này, hoàn toàn tĩnh lặng này. Thay vào đó là sự xúc động và an ủi lớn lao khi các giác quan thiêng liêng vẫn còn sống động. Sự xúc động và an ủi khi có thể nhìn thấy và loan báo rằng lịch sử của thế hệ các ngài không bị mất đi hoặc lãng phí, nhờ một biến cố nhập thể và tỏ hiện trong thế hệ đang tới. Và đây là điều mà những người cao niên cảm thấy khi các cháu đến nói chuyện với các ngài: các ngài cảm thấy như được hồi sinh. "A, cuộc sống của tôi vẫn còn đây". Việc đi gặp người cao niên là điều rất quan trọng; điều quan trọng là phải lắng nghe các ngài. Nói chuyện với các ngài là điều rất quan trọng, bởi vì có sự giao lưu văn minh, giao lưu sự chín chắn giữa người trẻ và người già. Và nhờ cách này, nền văn minh của chúng ta tiến bộ một cách trưởng thành.

Chỉ tuổi già thiêng liêng mới có thể đem lại chứng tá này, chứng tá khiêm tốn và chói sáng, làm cho nó trở nên có thẩm quyền và gương mẫu cho tất cả mọi người. Tuổi già nào biết hun đúc sự nhạy cảm của linh hồn, đều dập tắt được mọi đố kỵ giữa các thế hệ, mọi oán hận, mọi quy tội để đón chào một cuộc xuất hiện của Thiên Chúa trong thế hệ mai sau, một thế hệ cùng đến với sự ra đi của thế hệ mình. Và đây là những gì đang xảy ra với một người già biết cởi mở đối với một người trẻ biết cởi mở: người đó từ biệt cuộc sống trong khi có thể nói là “chuyển giao” sự sống cho thế hệ mới. Và đây là lời từ biệt của Simeon và Anna: "Hãy để tôi tớ Chúa ra đi bình an". Sự mẫn cảm thiêng liêng của tuổi già có khả năng phá vỡ sự cạnh tranh và xung đột giữa các thế hệ một cách đáng tin cậy và dứt khoát. Điều này chắc chắn là không thể đối với con người, nhưng có thể đối với Thiên Chúa. Và ngày nay chúng ta đang rất cần điều này, tức sự mẫn cảm của tinh thần, sự trưởng thành của tinh thần; chúng ta cần những người lớn tuổi khôn ngoan, trưởng thành về tinh thần, những người mang lại hy vọng cho cuộc sống! Cảm ơn anh chị em.
 
Xã luận của Tòa Thánh: Đừng hạ giá lời lẽ của Đức Phanxicô về việc tái vũ trang trên thế giới
Vũ Văn An
22:05 30/03/2022

Giám đốc Xã luận của Bộ Truyền Thông Tòa Thánh, Andrea Tornielli, vừa có bài xã luận đề cập tới kỹ thuật hạ giá lời lẽ của Đức Phanxicô nói về việc tái trang bị vũ khí trên thế giới hiện nay. Ông viết:



"Đức Giáo Hoàng nói chống lại việc tái vũ trang, nhưng... Đức Giáo Hoàng làm những gì ngài nên làm, nhưng... Đức Giáo Hoàng chỉ có thể nói những gì ngài nói, nhưng..."

Luôn luôn có chữ "nhưng" trong nhiều bình luận gây bối rối đi kèm với tuyên bố rõ ràng "không chiến tranh" của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhằm bối cảnh hóa và hạ thấp các tuyên bố của ngài.

Vì họ không thể giải thích những lời của Giám mục Rôma theo nghĩa mong muốn, vì bằng bất cứ cách nào, họ cũng không thể "bẻ cong" chúng để ủng hộ cuộc chạy đua vũ trang gia tốc sau cuộc chiến tranh xâm lược do Vladimir Putin phát động chống lại Ukraine, nên họ lịch thiệp tự tách mình ra xa chúng, bằng cách nói rằng Đức Giáo Hoàng chỉ có thể nói những gì ngài nói, nhưng sau đó chính trị phải quyết định thôi.

Và chính trị của các chính phủ phương Tây hệ ở việc quyết định tăng nhiều tỷ dô la vốn đã chi tiêu cho các loại vũ khí mới và ngày càng tinh vi. Hàng tỷ đô la không thể được chi tiêu cho các gia đình, chăm sóc sức khỏe, việc làm, hiếu khách, chống nghèo đói.

Theo bước chân của những vị tiền nhiệm trực tiếp của mình, đặc biệt là Thánh Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lặp lại rằng chiến tranh là một cuộc phiêu lưu không có đường trở lui. Những lời của Thánh Gioan Phaolô II nhân dịp hai cuộc chiến ở Iraq và ở Balkan cũng được "ngữ cảnh hóa" và bị hạ thấp, ngay cả trong Giáo hội.
Vị Giáo hoàng từng thúc giục chúng ta "đừng sợ" mở "cánh cửa cho Chúa Kitô" vào đầu triều đại của mình, đã cầu xin một cách vô ích vào năm 2003 với ba nhà lãnh đạo phương Tây có ý định lật đổ chế độ của Saddam Hussein, yêu cầu họ dừng lại. Gần hai mươi năm sau, ai có thể phủ nhận rằng tiếng kêu phản chiến của Thánh Gioan Phaolô II không chỉ mang tính tiên tri mà còn thấm nhuần chủ nghĩa hiện thực chính trị sâu sắc? Chỉ cần nhìn vào đống đổ nát của đất nước Iraq tử đạo, từ lâu đã bị biến thành nơi chứa mọi thứ khủng bố, là hiểu được cái nhìn của vị Giáo hoàng Ba Lan thánh thiện là có tầm nhìn xa đến mức nào.

Điều tương tự đang xảy ra ngày nay. Từ một vị Giáo hoàng không đầu hàng trước tính không thể tránh khỏi của chiến tranh, trước đường hầm không lối thoát được biểu thị bằng bạo lực, trước luận lý sai lầm của việc tái vũ trang, trước lý thuyết răn đe đã tràn ngập thế giới với rất nhiều vũ khí hạt nhân có khả năng tiêu diệt nhân loại. Trong những ngày gần đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng “Tôi rất xấu hổ, khi đọc thấy rằng một nhóm các quốc gia đã cam kết chi hai phần trăm tổng sản lượng quốc gia của họ để mua vũ khí, như một phản ứng đối với những gì đang xảy ra hiện nay. Quả là điên khùng! Giải đáp thực sự không phải là nhiều vũ khí hơn, nhiều lệnh trừng phạt hơn, nhiều liên minh chính trị-quân sự hơn, mà là một cách tiếp cận khác, một cách khác để điều hành thế giới đã hoàn cầu hóa này - không phải bằng cách đe dọa, như trường hợp hiện nay - một cách khác để thiết lập các liên hệ quốc tế. May mắn thay, mô hình chăm sóc hiện đã có sẵn, nhưng thật không may, nó vẫn còn phụ thuộc vào mô hình của sức mạnh kinh tế-kỹ thuật-quân sự".

Lời nói "Không" của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với chiến tranh, một chữ "không" triệt để và xác tín, không liên quan gì đến cái gọi là trung lập cũng như không thể được trình bày như một quan điểm đảng phái hoặc được thúc đẩy bởi các tính toán chính trị-ngoại giao. Trong cuộc chiến này, có những kẻ xâm lược và có những kẻ bị tấn công. Có những kẻ đã tấn công và xâm lược, giết hại dân thường không vũ trang, đạo đức giả che đậy cuộc xung đột dưới chiêu bài "hoạt động quân sự đặc biệt"; và có những người vất vả bảo vệ mình bằng cách chiến đấu cho đất đai của riêng họ. Người kế vị của Thánh Phêrô đã nhiều lần nói điều này bằng những lời lẽ rất rõ ràng, lên án tuyệt đối cuộc xâm lược và tử vì đạo của Ukraine đã diễn ra trong hơn một tháng nay.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngài "chúc lành" cho việc tăng tốc cuộc chạy đua vũ trang, một cuộc chạy đua, đàng khác, đã bắt đầu cách đây một thời gian, do các nước châu Âu đã tăng chi tiêu quân sự của họ lên 24,5% so với năm 2016: bởi vì Đức Giáo Hoàng không phải là "tuyên úy của phương Tây" và bởi vì ngài lặp lại rằng ngày nay, đứng về phía phải của lịch sử có nghĩa là chống lại chiến tranh và tìm kiếm hòa bình bằng bất cứ phương tiện nào. Chắc chắn, Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận quyền tự vệ. Tuy nhiên, nó đặt để các điều kiện, chỉ rõ rằng việc sử dụng vũ khí không được kích động các sự ác và rối loạn nghiêm trọng hơn cái ác cần bị loại bỏ, và nó nhắc lại rằng khi đánh giá điều kiện này, "sức mạnh của các phương tiện hủy diệt hiện đại" có một tầm quan trọng rất lớn. Ai có thể phủ nhận rằng nhân loại ngày nay đang trên bờ vực thẳm chính vì sự leo thang xung đột và sức mạnh của “những phương tiện hủy diệt hiện đại”?

Lúc đọc kinh Truyền Tin vào hôm Chúa Nhật vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng, “Chiến tranh không nên là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta không nên làm quen với chiến tranh! Thay vào đó, chúng ta cần hoán cải sự coi thường của ngày hôm nay thành sự cam kết cho ngày mai. Bởi vì, nếu chúng ta thoát ra được điều này như chúng ta đã thoát được trước đây, tất cả chúng ta sẽ có tội một cách nào đó. Trước nguy cơ tự hủy diệt, ước mong sao nhân loại chịu hiểu rằng đã đến lúc phải xóa bỏ chiến tranh, xóa bỏ nó khỏi lịch sử loài người trước khi nó xóa bỏ lịch sử loài người này”.

Do đó, cần phải xem xét nghiêm túc lời kêu gọi, lời kêu gọi lặp đi lặp lại của Đức Giáo Hoàng. Nó là lời mời được gửi đến chính các chính trị gia để họ suy nghĩ và cam kết.

Cần có một nền chính trị vững chắc và một nền ngoại giao sáng tạo, theo đuổi hòa bình, bằng bất cứ cách nào, ngăn chặn vòng xoáy biến thái mà trong vài tuần đang làm thui chột hy vọng về một quá trình chuyển đổi sinh thái và đang mang lại năng lực mới cho ngành kinh doanh trao đổi và buôn bán vũ khí. Chính làn gió chiến tranh, khi quay ngược kim đồng hồ lịch sử, đang đưa chúng ta trở lại thời đại mà chúng ta hy vọng đã từ bỏ hoàn toàn sau khi Bức tường Bálinh sụp đổ.
 
Văn Hóa
Tại sao chúng ta cần Maurice Blondel, tiếp theo
Vũ Văn An
04:57 30/03/2022

3. Sự cần thiết của triết học trong tôn giáo siêu nhiên

Mặc dù âm sắc tôn giáo do Blondel gióng lên ở cuối luận án năm 1893 của ông hầu như không được các nhà triết học và nhà khoa học trong giới đại học lắng nghe hoặc chỉ nghe qua loa, nhưng nó đã được các nhà quan sát tôn giáo chú ý đến; họ vui mừng khi khám phá ra một chiến sĩ mới của đạo Công Giáo trong giới nòng cốt của trường đại học do nhà nước tài trợ. Các nhà tư tưởng tôn giáo đã nhanh chóng đáp ứng hiện tượng mới này trong đời sống trí thức của quốc gia, điều được họ coi như một hình thức biện hộ cho Kitô giáo. Tháng 9 năm 1895, ngay khi Blondel sắp sửa được bổ nhiệm lần đầu tiên làm giáo sư đại học ở Lille, sau hai năm trì hoãn kể từ lúc ông được chứng nhận đủ tư cách đối với một chức vụ như vậy, một bài báo dài về các xu hướng mới của khoa hộ giáo đã xuất hiện trên tờ Annales de philosophie chrétienne (Niên giám Triết học Kitô giáo), một tạp chí nổi tiếng về tư tưởng Công Giáo vào thời điểm đó, trong đó có nói tới Blondel.

Bài báo được viết bởi giám đốc của tạp chí, Cha Denis, người đã nói về triết học của Blondel như chủ yếu có tính " hộ giáo", ngụ ý làm cho nó lệ thuộc thần học, điều mà Blondel không sẵn sàng chấp nhận, mặc dù có một số ý hướng hộ giáo trong việc ông cho thấy sự cần thiết phải nêu ra vấn đề về một tôn giáo siêu nhiên. Cha Denis cũng nói về phương pháp của Blondel như đơn giản ở lại trong “lĩnh vực tâm lý”, hoặc tự giới hạn trong việc “nắm lấy linh hồn do các nhu cầu thân thiết của nó hoặc với những lý do phù hợp về luân lý và xã hội,” những nhu cầu và lý do, đối với Blondel, có thể sẽ dẫn đến nhiều điều hơn mê tín một chút ở viễn ảnh điều được ông nhắc đến như hiện tượng hành động, chứ không phải những nhu cầu và lý do được ông nhấn mạnh trong hành động như cơ sở cho sự khẳng định nhất thiết về Thiên Chúa hằng sống và sự nhất thiết phải nêu ra câu hỏi về một tôn giáo siêu nhiên thực sự.

Điều Cha Denis ca ngợi nền triết học Công Giáo mới này đã gióng lên hồi chuông báo động trong tâm trí của chàng trai trẻ Blondel trong tư cách một triết gia đang phát động một sự nghiệp trong ngôn từ triết học cho các nhà tư tưởng phê bình hiện đại. Nó giống như nói rằng nền triết học mới này về tôn giáo không thực sự là một triết học theo đúng nghĩa của nó, mà đúng hơn, là một phần của khoa biện hộ thần học hoặc tôn giáo, điều mà Blondel vốn cẩn thận tránh né trong điều có mục đích trở thành một Khoa học Thực hành có phê phán và chỉ có thế, mặc dù nó dẫn đến một câu hỏi hoặc một giả thuyết cần thiết liên quan đến một hồng phúc siêu nhiên được coi, không như dữ kiện trên thực tế, thậm chí như một khả hữu hay một điều chúng ta có thể quan niệm một cách tự nhiên hoặc thuần lý, nhưng đúng hơn là chỉ như điều tất yếu, nếu hành động của con người được coi như đã được đem đến chỗ hoàn thiện một cách vẫn còn cần được xác định.

Là một triết gia ngỏ lời với các triết gia, Blondel nghĩ đến một triết lý về tôn giáo hơn là biện hộ cho Kitô giáo. Ông nhận thấy ngôn ngữ hộ giáo được Cha Denis sử dụng để mô tả phương pháp của ông không liên quan đến điều ông đang cố gắng làm trong tư cách một triết gia. Thực vậy, ông nhận thấy ngôn ngữ hộ giáo tiêu chuẩn được Cha Denis sử dụng không thích hợp và không hữu hiệu để vươn tới “những bộ óc giống như những bộ óc của những người cùng thời với chúng ta vốn được nuôi dưỡng trong trường phái phê bình” (9). Điều cần thiết cho những bộ óc triết học như vậy, và điều ông cố gắng cung cấp trong cuốn sách của ông về Hành động, là những lập luận thuộc một trật tự khác, một trật tự nói một cách chuyên biệt hơn về vấn đề tôn giáo siêu nhiên như được hiểu trong Đạo Công Giáo chứ không chỉ là một “tôn giáo” tự nhiên được định nghĩa một cách mơ hồ chỉ tương ứng với các nhu cầu tự nhiên, tâm lý, xã hội hoặc các nhu cầu khác, một điều vốn được giả thiết như một phần của lập luận hộ giáo, nhưng là điều bị Blondel cho là đang tiến gần đến một loại mê tín bị ông phê phán trong các nền triết học duy lý hiện đại bị mắc kẹt trong trật tự nội tại của lý trí và hành động được ước muốn.

Blondel nghĩ tới phương pháp của ông như một phương pháp triết học và độc lập nghiêm ngặt, như một khoa học của tâm trí và tinh thần cởi mở đối với tất cả những gì lý trí có thể nắm bắt. Ông chỉ bị lôi cuốn vào câu hỏi “hộ giáo” táo bạo hơn bởi một danh xưng bên ngoài không phù hợp với điều ông đang nghĩ về vấn đề tôn giáo trong triết học, càng không phải như một giải pháp khả hữu cho vấn đề. Vì vậy, ông yêu cầu được thực hiện quyền trả lời bài báo của Cha Denis, chủ yếu để xác lập rõ vấn đề, không phải về khoa hộ giáo đúng nghĩa, mà chính xác hơn về “Các Nhu Cầu Cấp Thiết của Tư Tưởng Đương Thời trong Các Vấn Đề của Khoa Hộ Giáo và về Phương Pháp Triết Học trong Nghiên cứu Vấn Đề Tôn Giáo”. Từ đó, có lá thư dài chia thành sáu phần, giải thích phương pháp mà ông nghĩ là cần thiết để đem một triết lý “tự nhiên” về tinh thần và một tôn giáo “siêu nhiên” lại với nhau, mà không nhầm lẫn chúng với nhau, càng không giản lược điều này vào điều kia. Điều mà bài báo trình bầy về phương pháp này muốn cho thấy là tôn giáo và đức tin Kitô giáo cần có một nền triết lý nghiêm túc có tính trí thức và phê phán, không chỉ để chứng minh một số khả tính tín trừu tượng vốn không là bất cứ điều gì khác ngoại trừ đức tin và đức cậy vào hồng phúc của Thiên Chúa, mà còn để mở đường cho ánh sáng siêu nhiên của đức tin soi thấu trí hiểu con người và để cho ân sủng siêu nhiên của đức ái thâm nhập vào ý chí họ. Là một triết gia, Blondel không thể hài lòng với một diễn dịch trừu tượng chỉ có thể áp đặt các dữ kiện hoặc tín điều phải được tin một cách mù quáng và không cần trí hiểu, trong "một phục tùng không được chiếu sáng", như ông sẽ nói ở phần sau trong tiểu luận được dịch để đi cùng với bài báo này (10). Đúng hơn, ông đã phải cho thấy sự cần thiết của việc nhất trí tin theo các mầu nhiệm đức tin và đức ái vì một trí hiểu và ý chí hoàn hảo hơn liên quan đến thể siêu nhiên mầu nhiệm.

Blondel bắt đầu Lá thư bằng một lời phê phán dài về sáu phương pháp hộ giáo đang được sử dụng vào thời điểm đó. Theo ông, một phương pháp nghe có vẻ “triết học”, nhưng không thực sự là triết học theo bất cứ nghĩa phê phán nào. Đó là triết học giả chỉ làm mất uy tín của tôn giáo trong mắt các nhà tư tưởng có óc phê phán. Phương pháp thứ hai tiến hành bằng cách mở rộng một cách lạm dụng các khoa học thực chứng hoặc thực nghiệm vào lĩnh vực cả triết học lẫn hộ giáo, như thể các khoa học thực chứng và thực nghiệm là những khoa học duy nhất đáng kể đối với triết học và / hoặc tôn giáo, trong khi thực ra chúng thậm chí không đáng kể đối với bất cứ điều gì thuộc loại này trong tâm trí của chính các nhà khoa học, chứ đừng nói đến tâm trí của các nhà triết học có óc phê phán về khoa học hoặc về tôn giáo. Blondel nhanh chóng bác bỏ hai cách tiếp cận này, coi chúng hầu như không đáng kể, ngoại trừ có lẽ như gây hiểu lầm cho những người quá dễ bị ấn tượng bởi ngôn ngữ nghe có vẻ cao sang hoặc bởi "bí mật mầu nhiệm" của khoa học hiện đại, do đó rơi vào điều ông gọi là thờ ngẫu tượng "khoa học" hiện đại, đang thay thế cho cả triết học lẫn tôn giáo. Một phần mối quan tâm của ông trong năm 1893 là chỉ ra những bất cập của các khoa học toán học thực nghiệm trong việc xử lý các đối tượng của chính chúng, chứ đừng nói đến hành động của chủ thể hoặc nhà khoa học được giả định trong các khoa học đó (11).

Phương pháp thứ ba phải được bàn đến có nhiệm vụ hai mặt: 1) trả lời các phản bác của chủ nghĩa duy lý hiện đại chống lại siêu nhiên và 2) coi Kitô giáo như một sự kiện lịch sử cần được khảo sát theo các tiêu chuẩn của khoa nghiên cứu lịch sử hiện đại. Dù phương pháp này nói nhiều hơn đến các vấn đề triết học và lý trí đúng nghĩa, cũng như các vấn đề về sự kiện lịch sử, nó vẫn để lại nhiều điều được mong muốn như một lập luận ủng hộ hoặc chống lại tôn giáo dưới bất cứ hình thức nào. Theo Blondel, có ba khó khăn mà nó không thể vượt qua: 1) mối liên hệ được giả định giữa hai đường hướng đặt vấn đề, đường hướng của tư duy phê phán và đường hướng của việc lên tài liệu lịch sử, mối liên hệ này, trong yếu tính, không có tính triết học; 2) ngay cả khi những lập luận liên quan đến sự kiện Kitô giáo có giá trị lịch sử lớn nhất đi nữa, theo cả lý lẽ lẫn đức tin, chúng cũng không nhất thiết có tính hộ giáo liên quan đến vấn đề mà chúng ta chỉ có thể biết như được mạc khải; 3) dù triết học có rất ít điều để nói trong lĩnh vực các sự kiện thực nghiệm, chẳng hạn như ngày sinh hoặc ngày mất, chưa kể đến ngày phục sinh, nếu có, nó vẫn có và có thể có nhiều điều để nói trong lĩnh vực ý tưởng và phê bình thuần lý. Phương pháp thứ ba này không nói gì đến sự cần thiết phải tìm hiểu giả thuyết về một sự trợ giúp siêu nhiên đối với các hữu thể có lý trí để họ tìm kiếm vận mệnh hay sự hoàn hảo thực sự của họ. “Thiết lập khả thể thực tại của siêu nhiên một cách riêng biệt là điều không đủ; người ta phải chỉ ra việc chúng ta cần phải tuân theo thực tại siêu nhiên này” (12).

Blondel đưa ra rất nhiều điều cần thiết cho chúng ta liên quan đến vấn đề siêu nhiên trong phương pháp triết học của riêng ông. Nhưng nếu khoa hộ giáo không tạo được mối liên kết cần thiết này, thì nó sẽ không ảnh hưởng chi tới các tâm trí nâng các yêu cầu khẩn cấp của nhà triết học duy lý lên mức cực đoan chính đáng của chúng, như sẽ trở nên rõ ràng khi chúng ta chuyển sang trọng điểm triết học chủ yếu cần được thực hiện về mối tương quan giữa tự nhiên và siêu nhiên trong thực hành của con người.

Phương pháp thứ tư để làm hộ giáo bị Blondel trẻ phê phán đã được một giáo sư của ông tại Trường Cao đẳng Sư phạm, là Léon Ollé-Laprune, một người có đức tin rất giống với chính Blondel, đem ra thực hành. Phương pháp này đã đi một chặng đường dài trong việc chỉ ra mối liên kết nào đó hoặc một liên hệ họ hàng nào đó giữa Kitô giáo và bản chất luân lý của con người ở điểm tốt nhất của họ, đến nỗi Kitô giáo dường như đáng mong ước đối với linh hồn con người bởi vẻ đẹp hoặc sự tốt lành của nó. Đây là một phương pháp hội tụ giữa hai quan niệm về một cuộc sống lý tưởng của con người mà Blondel thấy rất tương đắc trong tư cách một con người của cả đức tin lẫn lý trí. Nhưng đối với ông, phương pháp này vẫn không đáp ứng được các yêu cầu cấp thiết của triết học. Nó nói quá nhiều về khía cạnh đức tin và quá ít về khía cạnh triết học. Nó không xác định đủ chính mối liên hệ giữa trật tự tự nhiên và trật tự siêu nhiên như một vấn đề kết nối nhất thiết trong đời sống của lý trí, thay vì chỉ là vấn đề hòa hợp giữa khát vọng của bên này hoặc bên kia. Các lập luận của nó đã tạo ra một giả định ủng hộ Kitô giáo dùng như một sự bổ sung hoặc như một sự thỏa mãn đầy đủ cho bản chất chủ yếu của hữu thể luân lý, nhưng theo Blondel, chúng đã không cung cấp một kiểu hộ giáo có tính triết học đúng nghĩa giải quyết vấn đề hoặc khẳng định về sự nhất thiết phải có Kitô giáo trong việc tìm kiếm sự hoàn hảo trong sự hiểu biết và ý chí của con người.

Phương pháp thứ năm dưới con mắt phê bình của nhà triết học là một phương pháp mà trước đây Blondel đã xem xét một cách thuận lợi, nhưng bây giờ ông thấy nó thiếu sót theo quan điểm triết học. Phương pháp này đã tiến xa hơn một bước so với phương pháp hội tụ mà ông đã thấy tương đắc đối với người thầy của mình là Ollé-Laprune. Nó bắt đầu từ một linh hồn đang tự tìm kiếm chính mình, không tuân theo bất cứ quy tắc tư duy nào hoặc theo bất cứ hướng nào, để cho thấy nó đã được dẫn dắt một cách “bất khả chiến bại” như thế nào để nhận ra rằng một cuộc sống thực sự nhân bản phải được hướng dẫn bằng một nền tín lý về cuộc sống mà chỉ có Kitô giáo, và nói cho chính xác hơn, chỉ có Công Giáo mới cung cấp được. Theo Blondel, vấn đề với phương pháp này không phải là nó không tiến đủ xa trong việc thiết lập mối liên kết cần thiết giữa tự nhiên và siêu nhiên, nhưng đúng hơn, nó đi quá xa trong việc trình bày đạo Công Giáo như một chân lý tự nhiên và nhân bản hơn là một điều gì đó siêu nhiên. Trong luận văn về Hành động của mình, Blondel đã cẩn thận tránh kiểu giản lược siêu nhiên thành một thứ tự nhiên trong hữu thể nhân bản. Khi lập luận rằng Đạo Công Giáo thỏa mãn mọi nguyện vọng tự nhiên và hợp lý của hữu thể nhân bản, phương pháp thứ năm này chỉ có thể kết luận về chân lý tự nhiên và nhân bản của đạo Công Giáo, và khi đề xuất chân lý này như một điều thực sự có tính siêu nhiên, nó hoặc là vượt ra ngoài khuôn khổ của lập luận hoặc giản lược điều được cho là siêu nhiên thành một điều gì đó hoàn toàn tự nhiên. Cách tạo ra mối liên kết giữa trật tự tự nhiên của triết học và trật tự siêu nhiên của tôn giáo không phù hợp với cả triết học duy lý một bên lẫn bên kia là giáo huấn tôn giáo chính thống.

Phương pháp hộ giáo thứ sáu và cũng là phương pháp cuối cùng được Blondel trẻ tuổi xem xét là phương pháp mà người Công Giáo cho là hoàn chỉnh nhất và hiệu quả nhất, đó là Chủ thuyết Tôma như nó được dạy trong sách giáo khoa triết học và thần học ở các trường học và chủng viện Công Giáo vào cuối thế kỷ XIX. Blondel chưa bao giờ theo học bất cứ trường học hay chủng viện nào thuộc loại này, nhưng như một sinh viên của các trường học thế tục ở Dijon và Paris, ông đã có dịp duyệt một số sách giáo khoa này, và nhận thấy chúng khá ấn tượng về cả triết học lẫn thần học. Ông tìm thấy ở nơi chúng hai hệ thống tư tưởng rất ăn khớp với nhau, một hệ thuộc triết học và một hệ thuộc thần học, được tập hợp lại với nhau cho mục đích hộ giáo trước một thế giới đầy hoài nghi gồm các nhà triết học và nhà khoa học có óc phê phán. Trong tư cách một triết gia, ông nhận thấy hai hệ thống đủ thuyết phục, nhưng ông không tìm thấy ở chúng bất cứ cách rõ ràng nào để tạo ra mối liên kết giữa hai hệ thống, một hệ thống được cho là hợp lý và một hệ thống được cho là tôn giáo và siêu nhiên, càng không phải là cách kết nối cả hai hệ thống này với các chủ thể nhân bản đang đặt câu hỏi về ý nghĩa cuối cùng của đời sống và hành động của con người trong lịch sử thế giới. Cả hai hệ thống đều tự trình bầy mình như là khách quan và tách biệt với nhau, như thể được xếp chồng lên nhau, nhưng không có bất cứ dấu hiệu nào thấm nhập vào nhau giữa hai hệ thống hoặc dấu hiệu nào về việc một chủ thể có lý trí có thể tìm được cách đi vào một trong hai hệ thống đó, chứ đừng nói cả hai hệ thống cùng một lúc.

Vấn đề Blondel nhìn thấy trong phương thức hộ giáo có tính nhị nguyên này là nó nhắm sai hướng. Ông viết: “Chúng ta đừng lãng phí thời gian để tập dượt những lập luận đã biết, đưa ra một đối tượng, khi chủ thể chưa được chuẩn bị” (13). Các lập luận phải được đưa ra để tác động, không phải lên phía chân lý thần linh, mà lên phía chuẩn bị để đón nhận một mạc khải và một hồng phúc siêu nhiên. Đây cũng là một vấn đề cấp thiết thiết yếu và vĩnh viễn đối với bất cứ tác nhân có lý trí nào, cả người tin lẫn người không tin. Vấn đề này phải được trình bầy một cách triết học hoặc phê phán, phù hợp với những đòi hỏi cấp bách của tư tưởng hiện đại, chứ không phải chỉ một cách giáo điều tách biệt khỏi bất cứ suy nghĩ thực sự nào về tôn giáo như một vấn đề dành cho tư duy thuần lý. Thay vì chỉ phàn nàn về những điều cho là sai lầm của tư tưởng hiện đại và bệnh hoạn của lý lẽ của nó, đúng hơn, Blondel nắm bắt phong trào tư tưởng hiện đại này để xem xem làm cách nào có thể đưa nó trở lại điểm cốt yếu của một vấn đề mà nó đã không còn quan tâm nữa, tức vấn đề tôn giáo siêu nhiên như câu trả lời cho câu hỏi về số phận cuối cùng của con người có lý trí, vấn đề ông đã đặt ra ở phần cuối của luận án về Hành động.

Như Blondel đã thấy, vấn đề là đưa triết học và tôn giáo tiếp xúc trở lại với nhau ở đỉnh cao nhất của lý trí và đức tin mà không giản lược điểu này vào điều kia, “để tôn giáo không chỉ là triết học, và triết học sẽ không hề bị hòa tan vào tôn giáo” (14). Khó khăn của việc làm như thế bắt nguồn từ sự kiện này là, một mặt, có việc đòi quyền tự chủ hoàn toàn về phần triết học như được các triết gia bày tỏ trong khái niệm nội tại, hoặc ý tưởng cho rằng không có gì có thể đi vào ý thức của con người mà không phần nào phát xuất từ nó hay phần nào đó không tương ứng với nhu cầu mở rộng bên trong nó, và mặt khác có sự hiểu biết rằng không có gì là Kitô giáo hay Công Giáo mà lại không phải là siêu nhiên đúng nghĩa, không những theo nghĩa siêu hình về một điều gì đó được áp đặt lên tư tưởng và ý chí của con người cùng với chính hữu thể của nó, mà còn theo nghĩa triệt để hơn nghĩa là ý thức con người không thể rút nó ra từ chính nó.

Điều đặc biệt gây khó chịu cho tác nhân hữu lý về ý tưởng siêu nhiên như một hồng phúc này không phải vì nó vượt quá bất cứ điều gì chúng ta có thể rút ra từ bản thân mình một cách nội tại, mà đúng hơn vì nó được cổ vũ như là được áp đặt lên chúng ta như một vấn đề nghĩa vụ hoặc cần thiết để đạt được cùng đích của chúng ta. “Không phải đối tượng hay hồng phúc là trở ngại mà là hình thức và sự kiện về nó.... Không có nó như vật được nhận và trao ban, nhưng như được tìm thấy và phát xuất từ chúng ta, hoàn toàn không phải là có nó; và đó chính là tai tiếng đối với lý trí” (15).

Điều còn gây tai tiếng hơn nữa đối với lý trí là, ngoài việc nó là một sự kiện hay một sự thật phải tin, nó còn được tạo ra để trở thành vấn đề điều gì là và điều gì phải là một nghĩa vụ. Nếu chúng ta không vào bằng cánh cổng hẹp của hồng phúc siêu nhiên được ban tặng với những điều kiện trói buộc kèm theo, có thể nói như thế, một hồng phúc không hề phát xuất từ chính chúng ta, chúng ta không thể là các Kitô hữu. Hơn nữa, để bước vào cánh cửa này, “chúng ta phải thừa nhận rằng, không có khả năng tự cứu mình, chúng ta có khả năng tự trầm luân mình mãi mãi; và hồng phúc nhưng không, miễn phí và có tính được chọn từ nguồn của nó ấy, đối với người mà nó được ban tặng, trở thành không thể tránh khỏi, bị áp đặt và bắt buộc, đến nỗi dường như không có sự đối xứng giữa các lựa chọn thay thế, vì cuối cùng điều chúng ta không thể tự mình làm trở thành điều chúng ta phải đích thân chịu trách nhiệm (imputable) nếu chúng ta không thực hiện nó, và vì một hồng phúc nhưng không bị biến thành một món nợ đúng nghĩa” (16).

Không một nhà biện hộ Kitô giáo nào vào thời của Blondel đã đặt vấn đề một cách sắc cạnh như thế trước triết học hiện đại. Người ta cũng có thể tự hỏi liệu có bất cứ đối thủ nào của tôn giáo siêu nhiên từng lên khuôn phản bác một cách rõ ràng như thế hay không. Tuy nhiên, Blondel coi chủ trương này của tôn giáo siêu nhiên như điểm cốt yếu để thiết lập một cuộc đối thoại khả niệm với một nền triết học tự cho mình là tự trị trong tính nội tại của nó. Vì trong chủ trương đó của tôn giáo siêu nhiên, Blondel thấy câu định nghĩa về sự cần thiết trong mối liên hệ giữa tự nhiên và siêu nhiên không có trong các phương pháp hộ giáo khác, một sự cần thiết cho phép hoặc thậm chí bắt buộc một sự thâm nhập nhất định của hồng phúc hoặc ban tặng siêu nhiên vào trật tự của tự nhiên hoặc của chính lý trí. “Vì nếu đúng là các yêu cầu cấp bách của Mạc khải có cơ sở, thì chúng ta không thể nói rằng chúng ta vẫn hoàn toàn ở trong chính nhà mình; và về sự thiếu thốn này, sự bất lực này, sự khẩn cấp này, phải có dấu vết nào đó trong con người hoàn toàn là con người cũng như một số tiếng vọng nào đó trong nền triết lý tự trị nhất” (17).

Như thế, việc trình bày ngẫu nhiên một vài ý tưởng rời rạc hoặc một tín điều đặc thù này hay tín điều đặc thù nọ sẽ không ích chi cho một nền hộ giáo Kitô giáo đích thực. Cũng không phải chỉ nguyên việc trình bày một giáo huấn được xác định trong lịch sử về các sự kiện và về một cá nhân lịch sử quan trọng như Chúa Giêsu với tư cách là một bậc thầy tôn giáo. Vấn đề không phải là việc một trong các đối tượng phải tin, mà là tin như thế dưới khía cạnh hình thức và tổng hợp của nó. “Nếu chúng ta không đi đến tận cùng các đòi hỏi cấp thiết chính xác nhất và thách thức nhất của đạo Công Giáo trọn vẹn, chúng ta không có phương tiện dù là để quan niệm một cách hợp lý cuộc gặp gỡ hoặc sự chung sống của một tôn giáo, một điều vốn không chỉ đơn giản là một việc xây dựng của con người với một triết lý không sẵn sàng thoái lui hoặc tan hòa vào thể khôn tả” (18). Chỉ ở tận cùng các đòi hỏi cấp bách này về phần cả lý trí lẫn tôn giáo, triết học và mầu nhiệm mới có thể gặp nhau mà không cần tan hòa vào nhau.

Blondel tự coi mình là một triết gia không muốn thoái lui hoặc bị tan hòa vào thể khôn tả. Để bảo vệ luận án của mình, ông không chấp nhận được gọi là một nhà huyền nhiệm. Điều ông cho là cần thiết, theo ngay quan điểm siêu nhiên Công Giáo, là một triết học dẫn đến sự giao thoa cần thiết giữa triết học và tôn giáo siêu nhiên, mà không phạm vào tính mầu nhiệm siêu nhiên của tôn giáo và đức tin. Điều cần thiết đối với ông là phương pháp nội tại, như ông gọi nó trong Lá thư năm 1896, bắt đầu từ chính khái niệm nội tại đã trở thành đặc điểm của triết học hiện đại. Điểm nói tới tính nội tại đã được một triết gia khác, Léon Brunschvicg, đưa ra trong bài phê bình của ông về L’Action. Blondel lưu tâm nhiều tới điểm này, nhưng cũng đã bổ sung rằng triết học vẫn còn vấn đề về tính siêu việt phải giải quyết liên quan đến vấn đề tôn giáo và số phận con người nói chung, một vấn đề đã được nêu ra ở phần cuối của cuốn Hành động (Năm 1893). Vì chỉ nhờ giải quyết vấn đề số phận con người nói chung, người ta mới có thể đi đến chỗ xác định rõ ràng sự khó khăn hiện hữu trong việc đem triết học tự nhiên và tôn giáo siêu nhiên lại với nhau trong một cách nhìn của người ta về cuộc sống, và như thế đi đến một giải pháp rõ ràng cho sự khó khăn rất có thể đúng đối với cả triết học phê phán lẫn tín điều Công Giáo.

Điều làm cho sự khó khăn này trở nên sắc cạnh theo quan điểm của tư duy phê phán hiện đại là chính khái niệm nội tại từng làm cho nó trở thành chuyên nhất của chính chuyển động siêu việt và của bất cứ hồng ân siêu nhiên nào được quan niệm là nhưng không [gratuitous] theo quan điểm nội tại của tự nhiên và lý trí, nhưng cũng cần thiết hoặc bắt buộc để tiến tới chỗ hoàn thành hành động trong bản chất và lý trí của con người. Không thể giải quyết được sự khó khăn từ phía hồng ân được coi là siêu nhiên, vì điều đó có nghĩa là làm giảm bớt khái niệm siêu việt và sự đòi hỏi cấp thiết của một hồng ân siêu nhiên đúng nghĩa, liên quan đến bản chất và lý trí của con người. Nó chỉ có thể được giải quyết từ phía nội tại tính, nơi mà sự khẳng định về tính siêu việt diễn ra và là nơi giả thuyết về hồng ân siêu nhiên phải được quan niệm như cần thiết cho việc hoàn thành bản chất và lý trí của con người. Từ đó, cần phải có phương pháp nội tại từ phía triết học, không chỉ vì sự cần thiết của việc khẳng định Thiên Chúa như đấng siêu việt trong phương pháp đó, mà còn là sự cần thiết nêu ra câu hỏi về một hồng ân siêu nhiên cần thiết để đem hành động của con người đến chỗ hoàn thành trong mối tương quan với siêu việt.



Blondel đã khai triển khá dài về phương pháp nội tại này trong luận án của ông về điều ông gọi là hiện tượng hành động, trong đó, ông cho thấy, hầu hết những gì chúng ta phải nhất thiết ước muốn trong hành động của mình, chẳng hạn như nỗ lực thể lý và tương tác xã hội, đều phải phù hợp với những yêu cầu cấp bách của ý chí tự do nội tại của chúng ta, giống như triết học phê bình hiện đại đã làm cho trật tự nội tại của vũ trụ thế nào thì chúng ta cũng tìm thấy nó trong ý thức của chúng ta như vậy. Tuy nhiên, cuối cùng, ông cũng cho thấy lối tư duy phê phán này có xu hướng khép kín bản thân nó và vũ trụ của nó ra sao, giống như cách mê tín từng làm, ngay trong lúc nó phê phán mê tín dị đoan. Nó tìm thoả mãn trong chính nó, như mê tín tìm thấy sự thoả mãn trong một vật hữu hạn, như thể không còn gì để tìm kiếm nữa để đạt được sự hoàn hảo của nó. Nó trở nên tự mãn và chuyên nhất, khi trong thực tế hoặc trong nguyên tắc, có vô cùng điều khác để mong muốn hoặc ước muốn hơn thế nữa để tiến đến một phương trình hoàn hảo giữa ý chí được ước muốn và ý chí ước muốn của một con người. Thật vậy, mê tín tác động lên hành động của con người khi mà vô số điều hơn nữa đó được coi như một điều hữu hạn trong kinh nghiệm của chúng ta, một đối tượng, một nghi lễ, một sự sùng bái, thậm chí một khoa học hoặc chính tư duy phê phán, hoặc bất cứ thái độ nào không liên quan đến bất cứ điều gì nhiều hơn chính nó và thế giới của nó, dù rộng lớn đến mức có thể được quan niệm như thế nào. Trong việc phê phán mê tín của ông, Blondel biến tư duy phê phán hiện đại chống lại chính nó như loại trừ bất cứ điều gì siêu việt hoặc siêu nhiên và mở ra con đường cho việc xem xét một điều gì đó không thể bị giản lược thành bất cứ điều gì hoàn toàn tự nhiên trong trật tự nội tại của sự vật và sự việc của con người, một điều gì đó có thể được gọi là tôn giáo đích thực trong mối tương quan với Thiên Chúa như đấng sáng tạo và ban tặng hồng ân thực sự siêu việt, bao gồm hồng ân tự nhiên hoặc lý trí và ý chí.

Một số người có thể nói về tôn giáo tự nhiên, nhưng Blondel trẻ tuổi thì rất thành thạo với khái niệm đó. Như tự nhiên, hoặc được quan niệm trong bất cứ hiện tượng luận nào về tự nhiên hoặc hành động, nếu không được hưởng sự soi sáng thêm từ thần linh, tôn giáo chỉ có thể hóa thành một hình thức mê tín hoặc thờ ngẫu tượng khác. Đối với Blondel, điều quan trọng là tôn giáo chân chính được quan niệm như phát xuất từ Thiên Chúa như là siêu việt, như được cung cấp từ trên cao và phải được chấp nhận một cách tự do và có trách nhiệm. Như chỉ đơn thuần được tìm thấy hoặc chỉ phát xuất từ chúng ta, nó sẽ không phải là loại tôn giáo siêu nhiên mà ông có trong đầu như một cớ vấp phạm đối với lý trí cần được hòa giải với lý trí. Đó là lý do tại sao Blondel không thể chỉ dừng lại ở sự cần thiết phải khẳng định Thiên Chúa trong tính siêu việt của Người trong triết lý hành động của ông. Thừa nhận rằng chúng ta không đạt đến sự hoàn hảo của hành động chỉ bằng cách khẳng định Thiên Chúa trong tính siêu việt của Người, ông nói thêm về một phương thức thay thế cần thiết nảy sinh cho ý chí thuận lý khi đối diện với sự hiện diện tất yếu này của Thiên Chúa trong chúng ta và trong hành động của chúng ta: hoặc chấp nhận sự hiện diện tất yếu này và tuân theo các đòi hỏi của nó để đồng nhịp với việc mở rộng cuộc sống hành động, hoặc làm tê liệt sự hiện diện tất yếu này bằng cách khép kín bản thân và làm nản lòng ý chí trong khát vọng căn bản nhất của nó hướng tới tự do và sự hoàn thiện đích thực. Phương thức thay thế cuối cùng này, một phương thức tự thể hiện trong việc chấp nhận hoặc bác bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong hành động của chúng ta, “tóm lược mọi giáo huấn về thực hành. Con người, tự bản thân họ, không thể là những gì họ đã là bất chấp chính họ, những gì họ cho là họ trở thành một cách tự nguyện. Có hay không, liệu họ có muốn sống, ngay cả cho đến chết, có thể nói như thế, bằng cách đồng ý để Thiên Chúa thay thế hay không? Hoặc nếu không, liệu họ có cao ngạo muốn tự mãn không cần có Thiên Chúa, hưởng lợi nhờ sự hiện diện tất yếu của Người, mà không biến nó thành tự nguyện, vay mượn từ Người sức mạnh để tiến tới mà không cần đến Người, và ước muốn một cách vô hạn mà không ước muốn Đấng Vô Hạn? Ước muốn và không có khả năng, có khả năng và không ước muốn, đó chính là sự lựa chọn tự xuất hiện với tự do: 'yêu chính mình đến khinh thường Thiên Chúa, yêu Thiên Chúa đến khinh thường chính mình'” (19).

Không phải ai ai cũng đều nhìn thấy sự đối lập bi thảm này ở cốt lõi của hành động con người rõ ràng như thế này, nhưng đây chính là sự đối lập mà Khoa học Thực hành sau cùng để lại cho chúng ta, một lựa chọn hướng tới một cuộc sống cao hơn để hành động hoặc một lựa chọn cho điều chỉ có thể coi như cái chết của hành động trong sự thất vọng hoàn toàn và mâu thuẫn với bản thân. Khi các điều đối lập được trình bày một cách triệt để như vậy, câu hỏi để lại cho chúng ta là: điều gì cần có để chúng ta có khả năng ước muốn Đấng Vô Hạn một cách vô hạn nếu chúng ta không có khả năng ước muốn nó tự sức mình với một ý chí được ước muốn hữu hạn? Đây là chỗ triết học một lần nữa được tái kết hợp với một số hình thức tôn giáo siêu nhiên nào đó theo nghĩa Công Giáo.

Ghi chú

9 Xem Lá thư của Blondel gửi Cha Denis trước lá thư dài hơn đã được xuất bản dưới tên “Lettre sur les exigences de la pensée contemporaine en matière d’apologétique et sur la méthode de la Philosophie dans l'étude du problème religieux” [Lá thư về các đòi hỏi của tư tưởng đương thời trong vấn đề hộ giáo và về phương pháp triết học trong việc nghiên cứu vấn đề tôn giáo] được chép lại trong Les Premiers écrits de Maurice Blondel [Các trước tác đầu tiên của Maurice Blondel] (Paris: Presses Universitaires de France, 1956), 4

10 Exigences philosophiques du Christianisme (Các đòi hỏi triết học của Kitô giáo], 13.

11 Xem Action (1893), Phần III, Giai đoạn I.

12 Lettre sur les exigences (Lá thư và các đòi hỏi], 13.

13 Lettre sur les exigences (Lá thư và các đòi hỏi], 28.

14 Như trên, 25.

15 Như trên, 35.

16 Như trên, 36

17 Như trên, 37.

18 Như trên, 38
19. Action (1893), 327.

Còn 1 kỳ
 
VietCatholic TV
Trận Chernihiv: Quân Nga tổn thất quá nặng, cả đoàn xe hy sinh, xe lương thực bị thu giữ.
VietCatholic Media
03:53 30/03/2022


1. Một đoàn xe của Nga ở Chernihiv biến mất, xe lương thực bị bắt giữ

Các lực lượng phòng thủ Ukraine đã giao tranh với một đoàn xe của quân đội Nga ở vùng Chernihiv, phía đông bắc Kiev.

Bộ chỉ huy hành quân phía Bắc của quân đội Ukraine cho biết hôm thứ Ba, một đoàn xe của Nga gồm hai xe bọc thép Tigr, một xe tải Ural chở vũ khí và một xe tăng T-72 đã bị phá hủy.

Ngoài ra, tám thiết bị chiến tranh của Nga bị hư hại nặng và một xe vận tải Ural với chở lương khô bị thu giữ. 22 quân nhân Nga được báo cáo đã bị thiệt mạng vì tham vọng điền rồ của Putin.

Trước đó, lực lượng Ukraine đã tấn công một đoàn xe khác của quân Nga bên ngoài thị trấn Pryluky, vùng Chernihiv, thu được một hệ thống phóng hỏa tiễn đa năng Smerch.

2. Tổng thống Biden thảo luận với các nhà lãnh đạo Âu Châu gia tăng áp lực lên Nga

Hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận với các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp, Anh và Ý về các biện pháp chung nhằm đáp trả hành động gây hấn của Nga ở Ukraine, bao gồm việc gia tăng sức ép kinh tế đối với Nga và củng cố quốc phòng Ukraine.

Một tuyên bố do Tòa Bạch Ốc đưa ra hôm thứ Ba đã cho biết như trên.

“Các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm tiếp tục tăng chi phí đối với Nga vì các cuộc tấn công tàn bạo của họ ở Ukraine, cũng như tiếp tục cung cấp cho Ukraine những hỗ trợ an ninh để tự bảo vệ mình trước cuộc tấn công phi lý và vô cớ này”

Ngoài ra, họ cũng xem xét nỗ lực cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi bạo lực, cả những người đang ở Ukraine và những người đang tìm kiếm nơi ẩn náu ở các nước khác, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu tiếp cận nhân đạo đối với dân thường ở Mariupol.

Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tầm quan trọng của việc hỗ trợ thị trường năng lượng ổn định trong bối cảnh những gián đoạn hiện nay do các lệnh trừng phạt gây ra.


Source:UKRInform

3. 12 người thiệt mạng trong cuộc không kích của Nga vào tòa nhà chính phủ ở Mykolaiv

Ít nhất 12 người thiệt mạng và 33 người bị thương trong một cuộc không kích của Nga vào tòa nhà của cơ quan hành chính khu vực Mykolaiv.

Bộ Nội vụ Ukraine cho biết:

“Vào khoảng 08 giờ 45 ngày 29 tháng 3, quân Nga đã tấn công vào tòa nhà chín tầng của cơ quan hành chính khu vực. Kết quả là phần trung tâm của tòa nhà từ tầng 9 đến tầng 1 đã bị thiêu rụi, nhưng không cháy lan ra thêm. Thi thể của 12 người đã được tìm thấy tại hiện trường vụ không kích, 33 người bị thương.”

Các đơn vị của Dịch vụ Khẩn cấp đã giải cứu và giải thoát 18 người khỏi đống đổ nát. Hoạt động tìm kiếm và cấp cứu vẫn tiếp tục.
Source:UKRInform

4. Bộ Quốc phòng Anh nhận định rằng mục tiêu bao vây Kiev đã thất bại

Theo cập nhật mới nhất của Bộ Quốc phòng Anh, “gần như chắc chắn rằng cuộc tấn công của Nga đã thất bại trong mưu toan bao vây Kiev.”

“Tuyên bố của Nga về việc giảm hoạt động xung quanh Kiev và báo cáo chỉ ra việc rút một số đơn vị Nga khỏi các khu vực này, có thể cho thấy Nga chấp nhận rằng họ hiện đã mất thế chủ động trong khu vực”, Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như trên trong một tuyên bố.. “Rất có thể Nga sẽ tìm cách chuyển hướng sức mạnh chiến đấu từ phía bắc sang các cuộc tấn công của họ ở các khu vực Donetsk và Luhansk ở phía đông.”

Bản đánh giá này phản ánh bản đánh giá của Ngũ Giác Đài. “Nga đã thất bại trong mục tiêu chiếm được Kiev”, một phát ngôn viên Ngũ Giác Đài cho biết trước đó. Tuy nhiên, Ngũ Giác Đài cảnh báo rằng “Nó không có nghĩa là mối đe dọa đối với Kiev đã kết thúc.”

5. Một chủ khách sạn người Nga tốt bụng

Một chủ khách sạn người Nga đã nhận những người Ukraine chạy trốn khỏi cuộc giao tranh, và nói rằng chính sự xấu hổ mà anh ta cảm thấy trước cuộc xâm lược của Nga đã thuyết phục anh ta và gia đình nhận 34 người Ukraine cho đến nay, và đang tiếp tục tăng lên.

Mikhail Golubtsov, một cựu kỹ sư xây dựng người Nga, đã rời quê hương vào năm 2014 sau khi Mạc Tư Khoa sáp nhập Crimea một cách “không thể chấp nhận được”, và hiện đang điều hành một khách sạn khiêm tốn nhưng ấm cúng trên những ngọn đồi xanh tươi ở miền trung Serbia.

Hầu hết các phòng khách sạn của Golubtsov hiện do những người tị nạn Ukraine cư ngụ, những người này có thể ở tại khách sạn miễn phí, bao lâu họ cần.

“Bảy người đầu tiên đến vì một người bạn đã cho họ địa chỉ, bây giờ những người khác cũng đến,” anh nói với Reuters.

“Lúc đầu, sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, tôi bị sốc và rất xấu hổ. Có lúc tôi không dám nói tiếng Nga, nhưng khi khách đến và họ nói tiếng Nga với tôi, tôi cũng nói tiếng Nga lại. Tôi nghĩ điều duy nhất tôi có thể làm bây giờ là giúp đỡ người dân Ukraine bằng cách nào đó”.

6. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho biết 3.9 triệu người Ukraine chạy ra nước ngoài trong tháng qua

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở New York, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đã cho biết tính đến ngày 27 tháng 3, Cao ủy ghi nhận tổng cộng 1.119 người Ukraine đã chết, trong đó có 99 trẻ em. Cao ủy lưu ý rằng những con số này chỉ là con số họ biết chính xác, do dữ liệu từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh được nhận với sự trễ nãi đáng kể.

Theo Cao ủy, cư dân địa phương trên nhiều thành phố của Ukraine thiếu thức ăn, nước uống, thuốc men, điện và hệ thống sưởi.

“Họ bị mắc kẹt. Tuyệt vọng. Sợ hãi. Ở một số khu vực lân cận, việc chôn cất người chết thậm chí không thể diễn ra an toàn.”

Theo Cao ủy, kể từ ngày 24 tháng 2, các tổ chức nhân đạo đã tiếp cận khoảng 890,000 người trên khắp Ukraine, chủ yếu ở miền đông. Họ được cung cấp thức ăn, chỗ ở, chăn màn, thuốc men, nước và các vật dụng vệ sinh.

Đồng thời, do bị pháo kích và mìn, các đoàn xe nhân đạo thường không thể đến được điểm muốn đến.

Hơn 1,230 nhân viên LHQ hiện đang ở Ukraine, làm việc thông qua các trung tâm nhân đạo trên khắp đất nước. Hơn 100 tổ chức nhân đạo đang thực hiện hoặc lên kế hoạch cho các hoạt động ở mỗi khu vực của Ukraine, trong tất cả các lĩnh vực.

Cao ủy cũng ghi nhận thái độ ủng hộ tích cực của các tổ chức xã hội dân sự và tình nguyện viên Ukraine.

“Ukraine là một nghịch lý nhân đạo: ở bên cạnh bạo lực tột độ, chúng ta thấy lòng nhân ái tột độ, tình đoàn kết sâu sắc và sự quan tâm rất dịu dàng.”

Tổng thư ký Martin Griffiths của Cao uỷ đang làm việc với các bên về các thỏa thuận khả thi cho một lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Ukraine.

UN Security Council: 3.9M Ukrainians fled abroad over past month

7. Bộ Tổng tham mưu nhận định quân Nga có thể tập trung nỗ lực vào miền đông Ukraine

Có những dấu hiệu nhất định cho thấy quân đội Nga đang tập trung lại các tàn binh trong các khu vực miền Bắc Kiev để tập trung nỗ lực vào hướng Đông.

Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine đã cho biết như trên.

“Từ nửa đêm, ngày 30 tháng 3, quân Nga không thể tiếp cận biên giới hành chính của Vùng Donetsk và Vùng Luhansk, chấm dứt mưu toan bao vây thành phố Kiev và giành quyền kiểm soát phần tả ngạn của Ukraine”.

“Hiện tại, các đơn vị riêng biệt của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga tiếp tục rút khỏi Vùng Kiev và Vùng Chernihiv. Có những dấu hiệu nhất định cho thấy quân đội Nga đang tập trung lại để tập trung nỗ lực vào hướng Đông”.

Theo Bộ Tổng tham mưu, cái gọi là 'rút quân' cũng có thể là sự luân chuyển của một số đơn vị nhất định, nhằm đánh lừa giới lãnh đạo quân sự của Ukraine và tạo ra quan niệm sai lầm về việc Nga từ bỏ ý định bao vây Kiev.

Ở các hướng Volyn, Polissia và Siverskyi, hành động và vị trí của quân Nga trên thực tế không thay đổi.

Quân đội Nga đang cố gắng giữ các biên giới đã chiếm được. Không có hành động tấn công tích cực nào được thực hiện.

Trên hướng Sloviansk, Nga đang chiếm giữ các vị trí đã chiếm được gần Kamianka và Sukha Kamianka. Các tàn binh Nga đang được tập hợp lại và bổ sung các nguồn dự trữ.

Trên hướng Donetsk, quân xâm lược Nga tiếp tục nổ súng và hành động như vũ bão. Nga đang tiến hành các cuộc không kích và bắn hỏa tiễn vào Kreminna và Mariupol. Quân đội Nga tập trung nỗ lực đánh chiếm Popasna và Rubizhne và giành toàn quyền kiểm soát Maripol nhưng không thành công.

Ở hướng Tavriiskyi, không có thay đổi nào về vị trí của quân Nga được ghi nhận.

Ở hướng Nam Bug, quân Nga đang nỗ lực khôi phục năng lực tác chiến. Họ đang cố gắng kìm chân Quân đội Ukraine bằng các cuộc không kích và pháo binh.

Đặc biệt, các vị trí phòng thủ của Ukraine gần Stepnohirsk, Orikhove và Huliaipole, và Vùng Zaporizhzhia, đều bị pháo kích.

Gần Novokarlivka và Luhivske, Nga tiếp tục bố trì các thiết bị quân sự trong các vị trí đã chiếm được và tạo các hàng rào mìn.

Trong các khu vực hoạt động ở Biển Đen và Azov, không có thay đổi đáng kể nào được ghi nhận.
Source:Ukraine General Staff

8. Tổng thống Zelensky kêu gọi người dân Ukraine đừng mất cảnh giác

Tình hình quân sự ở Ukraine đã không trở nên dễ dàng hơn, và quy mô của những thách thức không hề giảm bớt. Quân đội Nga vẫn có tiềm năng đáng kể để tiếp tục các cuộc tấn công chống lại Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra lập trường trên trong bài phát biểu video của ông vào tối thứ Ba 29 tháng Ba.

Theo ông Zelensky, tất cả người dân Ukraine hôm nay chắc hẳn đã xem tin tức rằng Bộ chỉ huy quân đội Nga được cho là đã quyết định giảm bớt các hành động thù địch trên các hướng Kiev và Chernihiv.

“Chà, điều tương tự cũng có thể nói về Chornobaivka - như thể không quân Nga chỉ đơn giản là quyết định bay ít hơn và các phương tiện quân sự của Nga – di chuyển ít hơn,” ông Zelensky nói.

Ông Zelensky đã bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả các quân trú phòng Ukraine, những người bảo đảm việc bảo vệ Kiev, vì những hành động dũng cảm và hiệu quả của họ đã buộc quân Nga phải rút lui ngưng tấn công theo hướng này. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine kêu gọi người dân Ukraine đừng mất cảnh giác.

“Tình hình đã không trở nên dễ dàng hơn. Quy mô của các thách thức không hề giảm đi. Quân đội Nga vẫn có tiềm năng đáng kể để tiếp tục các cuộc tấn công chống lại nhà nước của chúng ta. Họ vẫn còn rất nhiều thiết bị và vẫn còn đủ số người bị tước đoạt hoàn toàn nhân quyền khi bị đẩy vào chân vạc chiến tranh. Vì vậy, chúng ta luôn phải cảnh giác và không giảm nỗ lực phòng thủ. Cả ở phía bắc quốc gia của chúng ta và ở tất cả các khu vực khác của Ukraine, nơi quân đội Nga đã tạm thời tiến vào”

Theo tổng thống Zelensky, bảo vệ Ukraine là nhiệm vụ số một hiện nay và mọi thứ khác đều bắt nguồn từ đó.

Zelensky nhấn mạnh rằng kẻ thù vẫn ở trong lãnh thổ Ukraine. Các cuộc pháo kích vào các thành phố của Ukraine vẫn tiếp tục. Mariupol bị phong tỏa. Hỏa tiễn và các cuộc không kích không ngừng. Về vấn đề này, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh, Lực lượng vũ trang Ukraine, các đơn vị tình báo và tất cả những người đã tham gia bảo vệ nhà nước là bảo đảm duy nhất cho sự tồn vong của Ukraine ngày nay.
Source:UKRInform
 
Ngôi nhà bào huynh Đức Bênêđíctô XVI mở cửa cho người tị nạn Ukraine. Một tháng dài như một thế kỷ
VietCatholic Media
05:13 30/03/2022


1. Ngôi nhà của bào huynh Đức Bênêđíctô XVI mở cửa cho người tị nạn Ukraine

Ngôi nhà của bào huynh đã quá cố của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã mở cửa cho những người tị nạn Ukraine.

Ngôi nhà ở Regensburg, miền nam nước Đức, trống rỗng sau khi Đức Ông Georg Ratzinger qua đời vào ngày 1 tháng 7 năm 2020, ở tuổi 96. Ngôi nhà ấy hiện được giao cho hai gia đình tị nạn người Ukraine.

Đức Bênêđíctô XVI đã đến thăm anh trai mình vài ngày trước khi Đức Ông qua đời, và cử hành thánh lễ tại ngôi nhà ở Khu Phố Cổ của thành phố.

Tòa nhà hiện là nơi ở của hai gia đình từ thị trấn Horishni Plavni, cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 80 dặm về phía đông nam.

Giáo phận Regensburg cho biết: Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg đã đến thăm các gia đình vào ngày 23 tháng 3. Ngài đã tặng những món quà chào đón là bia, nước chanh, và một bức ảnh Đức Mẹ.

Cha Ruslan Denysiuk, một linh mục Chính thống giáo Ukraine, quyết định rời Ukraine sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vì ông và vợ, Hanna, đang mong đợi đứa con thứ tư của họ vào tháng Tư.

Cha Ruslan rời Horishni Plavni bằng xe hơi cùng với Hanna, ba đứa con của họ là Bogdan (17 tuổi), Maria (12 tuổi) và Ilia (11 tuổi), và bà nội 74 tuổi của họ. Họ lái xe về phía tây đến nước láng giềng Moldova, sau đó qua Rumani, Hung Gia Lợi và Áo, trên một chuyến đi dài hơn 1,550 dặm để đến Đức.

Ngôi nhà cũ của Đức Ông Ratzinger hiện được giao cho gia đình Cha Ruslan. Cùng cư ngụ trong căn nhà này có Galina Lysenko và cô con gái 13 tuổi Aleksandra. Họ là giáo dân trong giáo xứ của Cha Denysiuk. Chồng của Lysenko vẫn ở Ukraine để chiến đấu bảo vệ Horishni Plavni.

Người dân địa phương đã quyên góp nồi niêu, sành sứ, quần áo, bàn ghế và đồ chơi cho hai gia đình.

Nơi ở trước đây của Đức Ông Ratzinger thuộc sở hữu của cộng đoàn Thánh Gioan. Các gia đình chuyển đến với sự giúp đỡ của tổ chức Caritas địa phương. Nhiều ngôi nhà cũng đã được cung cấp và trang bị, với sự hỗ trợ của khu dân cư địa phương và tổ chức xã hội Công Giáo Kolping.

Theo Cơ quan Tị nạn LHQ, hơn 3.6 triệu người đã chạy khỏi Ukraine trong tháng đầu tiên của cuộc chiến. Hơn 200,000 người tị nạn đã đến Đức, quốc gia có dân số 83 triệu người.

Đức Cha Voderholzer đã chủ sự một buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình tại Nhà thờ Regensburg vào ngày 26 tháng 3. Âm nhạc sẽ được cung cấp bởi dàn hợp xướng Regensburger Domspatzen nổi tiếng, từng được dẫn dắt bởi Đức Ông Ratzinger. Cha Denysiuk đã hát một lời cầu nguyện trong Nhà thờ.
Source:Catholic News Agency

2. Sứ điệp Video Đức Thánh Cha gửi các tín hữu Công Giáo Trung Quốc

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp Video cám ơn các tín hữu Công Giáo tại Hoa Lục và Hong Kong, vì chứng tá đức tin trong thời đại dịch.

Sứ điệp được Đức Thánh Cha trao cho Đức cha Stephano Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), tân Giám mục Hong Kong, được ngài tiếp kiến mới đây tại Vatican, và mới được phổ biến trên tuần báo Công Giáo Hong Kong “Sunday Examiner”.

Đức Thánh Cha cám ơn các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc vì “chứng tá đức tin và lòng yêu mến Chúa Kitô, lòng kính mến Mẹ Thánh của Thiên Chúa, đồng thời chúc lành cho mọi người.

Ngài nói: “Anh chị em thân mến, là những tín hữu Công Giáo, tôi chào thăm anh chị em với lòng biết ơn và yêu mến.

“Cám ơn vì chứng tá đức tin, cám ơn anh chị em vì lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Thánh của Thiên Chúa.

“Cám ơn vì công việc của anh chị em và vì rất can đảm chịu đựng đại dịch Covid-19 làm cho chúng ta đau khổ dường nào.

“Chúng ta hãy tiến bước với Chúa. Đôi khi Chúa ẩn náu và chúng ta không thấy Ngài, nhưng Ngài luôn ở cạnh chúng ta.

“Cần kiên nhẫn để hy vọng. Tôi gần gũi anh chị em và rất quí mến anh chị em. Tôi cầu nguyện cho anh chị em và xin anh chị em cũng vui lòng cầu nguyện cho tôi”.

3. Một tháng dài như một thế kỷ - Bài xã luận thứ hai của Tòa Thánh về cuộc xâm lược Ukraine của Nga

Ông Alessandro Gisotti, Phó giám đốc Xã luận của Tòa Thánh vừa có bài nhận định nhan đề “Ukraine: A month as long as a century”, nghĩa là “Ukraine: Một tháng dài như một thế kỷ”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một tháng trong đời một người là gì? Nếu cuộc sống trôi đi một cách “bình thường” thì đó là một quãng thời gian ngắn ngủi, một đoạn đường hầu như không để lại những dấu chân sâu đậm nào trên con đường ta đi. Mọi điều sẽ thay đổi nếu vài tuần đó bị đảo lộn bởi một biến cố làm thay đổi đột ngột đường rầy mà trên đó đoàn tàu lịch sử đang chạy ngon chớn.

Đó chính là những gì đã xảy ra trong một tháng đơn nhất này phân cách chúng ta với đêm giữa ngày 23 và ngày 24 tháng 2 khi các lực lượng vũ trang Nga tiến hành cuộc tấn công chống lại Ukraine. Đúng, một tháng là một khoảng thời gian ngắn, nhưng những ngày đầy đau đớn, khổ sở và thống khổ này dường như dài cả thế kỷ, bởi vì chúng đã đưa chúng ta trở lại cả một thế kỷ cách đáng kinh ngạc— thế kỷ 20 — với mối đe dọa ló dạng của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, thậm chí cả nỗi lo sợ một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba hoàn toàn.

Rất ít người thực sự tin rằng Vladimir Putin sẽ ra lệnh tấn công, vì điều đó có vẻ rất vô lý, quá điên rồ - ngay cả vì lợi ích của người dân Nga - để phát động một cuộc chiến tranh ở trung tâm châu Âu, và hơn thế nữa đang trong một giai đoạn lịch sử trong đó vì đại dịch Covid-19, nhân loại đang phải lao đao để trở lại trên đôi chân của mình.

Nay, rõ ràng những người tìm kiếm cuộc chiến tranh liều lĩnh và bất chính này đã không nghĩ đến việc phải chạm trán với sự phản kháng ngoan cường đến thế của người dân Ukraine, những người mà đối với họ, châu Âu, và không phải chỉ có âu Châu, phải nhìn với sự ngưỡng mộ đối với sức mạnh mà họ đang biểu lộ trong việc bảo vệ tự do của mình.

Người đàn ông, kẻ đã mang nỗi kinh hoàng của chiến tranh trở lại Lục địa Cổ xưa, có lẽ nghĩ rằng chỉ trong vài ngày “vấn đề” sẽ được giải quyết.

Theo cách đó, một lần nữa, ông ta đã phớt lờ bài học lịch sử từng nhắc nhở chúng ta một cách bi thảm - ngay cả đối với những nước được gọi là siêu cường - rằng một khi chiến tranh đã bắt đầu, bạn không bao giờ biết khi nào (và bằng cách nào) nó sẽ kết thúc. Điều chắc chắn duy nhất là cuộc sống của người ta sẽ bị gián đoạn mãi mãi.

“Những kẻ gây chiến đã coi thường nhân loại; chúng không thèm nhìn đến cuộc sống cụ thể của người ta”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thế trong lời kêu gọi chân thành chống lại cuộc xung đột được trình bầy sai trái như “một hoạt động quân sự đặc biệt” này. Điều này hoàn toàn đúng.

Theo quan điểm của những người tiến hành cuộc chiến, Kiev, Mariupol và Kharkiv chỉ là những mục tiêu cần đạt được, những mảnh ghép cần được ghép lại với nhau để đạt được “chiến thắng cuối cùng”.

Nhưng đây không phải là rủi ro của trò đánh cờ tướng, cũng không phải là một trò chơi điện tử. Người người đã thực sự chết trong tháng này, một điều đã làm thay đổi lịch sử và họ tiếp tục chết hàng ngày, thậm chí hàng giờ, tại các thành phố tử đạo của Ukraine.

Cuộc sống cụ thể của con người, cuộc sống của các gia đình, của các người cha, người mẹ, người con của họ, đã bị đảo lộn vĩnh viễn. Những hình ảnh đến hàng ngày từ Ukraine — và một lần nữa, theo lời của Đức Giáo Hoàng, chúng ta phải cảm ơn những nhà báo đã cho phép chúng ta “gần gũi với thảm kịch của dân số đó” - cho chúng ta thấy sự tàn ác của chiến tranh trong tất cả sự man rợ của nó. Và vô nghĩa. Nó không tha điều gì và không tha một ai.

Còn gì khủng khiếp hơn một người mẹ đang mang thai chết cùng đứa con trong bụng dưới những cuộc oanh kích?

“Tất cả những điều này là vô nhân đạo! Thật vậy, nó thậm chí là phạm thánh”, Đức Giáo Hoàng đã cảnh cáo bằng những lời lẽ hẳn phải lay động lương tâm của tất cả mọi người, đặc biệt là các tín hữu, “ vì nó đi ngược lại tính thánh thiêng của sự sống con người, đặc biệt là chống lại sự sống con người không có khả năng tự vệ”.

Mỗi ngày chiến tranh thêm là một thất bại đối với nhân loại, ở Ukraine cũng như ở Yemen, ở Syria và ở Somalia, cũng như ở mọi nơi khác trên hành tinh nơi người ta phải đau khổ vì sự ghê tởm này.

Đây là một thất bại mà Đức Thánh Cha Phanxicô - bằng lời nói, bằng cử chỉ và trên hết là bằng lời cầu nguyện - yêu cầu chúng ta đừng quen với nó, khuyến khích chúng ta xây dựng, với lòng kiên nhẫn và lòng can đảm, một tương lai hòa bình và hy vọng.
Source:Vatican News
 
Bất ngờ nữa cho Putin: Tư lệnh Lữ Đoàn Biệt Kích Nga hy sinh gần Kharkiv cùng với 2 tiểu đoàn
VietCatholic Media
15:30 30/03/2022


1. Tư lệnh Lữ Đoàn Biệt Kích Nga hy sinh gần Kharkiv

Hai tiểu đoàn biệt kích Nga và chỉ huy của Lữ đoàn Biệt kích 200 đã bị hy sinh vì tham vọng điên cuồng của Putin gần thành phố Kharkiv. Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết như trên.

“Trong các trận đánh gần Kharkiv, Lữ đoàn biệt kích 200 của quân Nga đã mất hai tiểu đoàn và tư lệnh của lữ đoàn này, là đại tá Denis Kurilo, đã thiệt mạng. Tổn thất của Lữ đoàn 200 lên tới hơn 1,500 quân.”

Trên hướng Slobozhanskyi, quân đội Nga đã mở rộng hàng ngũ với các đơn vị riêng biệt của Sư đoàn xe tăng 1. Tại đây, quân Nga tiếp tục mở các cuộc không kích và pháo binh vào Kharkiv và Barvinkove và đang cố gắng đánh chiếm Izium. Các trận chiến đang diễn ra dữ dội gần Kamianka, Sukha Kamianka và Tykhotske.

Nhìn chung, theo Bộ Tổng tham mưu, cuộc hành quân tấn công của quân Nga thất bại. Các đơn vị riêng biệt của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã được rút khỏi Vùng Kiev và Vùng Chernihiv. Trong khi đó, nguy cơ Nga tấn công vào các cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự vẫn còn rất cao.

Theo hướng Volyn, quân đội Belarus đang bao vây biên giới Ukraine và tiến hành các hành động khiêu khích.

Trên hướng Polissia, quân đội Nga đang tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo binh, tập hợp lại và rút lui một phần về lãnh thổ Belarus.

Trên hướng Siverskyi, quân Nga đang tiếp tục tiến về thành phố Chernihiv. Quân đội Nga đang cố gắng tiêu diệt dần các đối tượng quân sự và dân sự. Ở hướng Brovary, quân Nga không có hành động chủ động.

Trên hướng Donetsk, Nga gia tăng áp lực hỏa lực và tăng cường các hoạt động tấn công vũ bão ở hầu hết các khu vực. Nga đã tiến hành các cuộc không kích vào Voievodivka, Rubizhne, Lysychansk, Kreminna, Zolote-4, Popasna, Toretsk và Novhorodske. Quân đội Nga cũng đang tập trung nỗ lực đánh chiếm Popasna và Mariupol nhưng không thành công.

Tại thành phố Berdiansk, quân xâm lược Nga đang nỗ lực khôi phục cơ sở hạ tầng cảng sau khi bị tấn công khiến một chiến hạm đổ bộ bị chìm và hai chiếc khác hư hại nặng.

Ở hướng Nam Bug, dưới sự che chở của các trận địa pháo, Nga đang bổ sung sức chiến đấu, dự trữ đạn dược, nhiên liệu.

Lực lượng phòng thủ Ukraine tiếp tục giữ thế phòng thủ trên các hướng Đông, Đông Nam và Đông Bắc. Quân đội Ukraine đang kìm chân quân Nga trên tất cả các hướng và đẩy lùi kẻ thù tại một số khu vực nhất định.
Source:UKRInform

2. Tòa Bạch Ốc cảnh báo: “Đừng ai bị lừa” bởi việc Nga rút quân xung quanh Kiev

Tòa Bạch Ốc đã cảnh báo các đồng minh của mình rằng “Đừng ai bị lừa bởi những tuyên bố của Nga” về việc giảm sự hiện diện quân sự xung quanh thủ đô Kiev của Ukraine và điều quan trọng là phải “nhìn rõ thực tế những gì đang diễn ra trên mặt đất”

Giám đốc truyền thông Tòa Bạch Ốc Kate Bedingfield cho biết tại Washington trong một cuộc họp báo chiều thứ Ba rằng, bất kỳ sự di chuyển nào của lực lượng Nga xung quanh Kiev đều là “tái triển khai chứ không phải rút lui”.

Những bình luận này lặp lại những bình luận đến từ Ngũ Giác Đài ngay trước đó, cảnh báo rằng Kiev “vẫn đang bị đe dọa”.

Trước đó, chính Nga đã lưu ý, thông qua nhà đàm phán hàng đầu của Mạc Tư Khoa trong cuộc đàm phán với Ukraine, Vladimir Medinsky, rằng lời hứa “giảm mạnh” các hoạt động quân sự xung quanh Kiev và miền bắc Ukraine không phải là một lệnh ngừng bắn.

Và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy chỉ nói rằng mặc dù các tín hiệu từ cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ là tích cực, nhưng chúng không át được tiếng nổ của đạn pháo Nga đang dội xuống Ukraine.

Giờ đây, Washington đã tăng cường cảnh báo để thận trọng.

Chúng tôi đang thấy một số lượng nhỏ dường như đang di chuyển khỏi Kiev, điều này cùng ngày mà người Nga nói rằng họ đang rút lui”, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết ngay trước đó.

“Nhưng chúng tôi không chuẩn bị để gọi đây là một cuộc rút lui hay thậm chí là một cuộc tháo chạy. Chúng tôi nghĩ rằng những gì họ có thể nghĩ đến là tái định vị để ưu tiên những nơi khác”.

“Tất cả chúng ta nên chuẩn bị đề phòng một cuộc tấn công lớn nhằm vào các khu vực khác của Ukraine. Nhưng nó không có nghĩa là mối đe dọa đối với Kiev đã kết thúc.

Người phát ngôn Ngũ Giác Đài nói: “Nga đã thất bại trong mục tiêu chiếm được Kiev, nhưng họ vẫn có thể gây ra sự tàn bạo lớn đối với đất nước kể cả ở Kiev”.

3. Tại khu vực Kharkiv, lực lượng Ukraine tiêu diệt máy bay chiến đấu-ném bom và máy bay không người lái của Nga

Tại khu vực Kharkiv, Lực lượng Phòng không Ukraine đã bắn hạ một máy bay chiến đấu-ném bom và các máy bay không người lái của Nga tại khu vực thành phố Izium.

Bộ Tư lệnh Không quân miền Đông cho biết:

“Và một lần nữa khu vực Izium đã là nơi thu hút các vụ tấn công từ trên không của đối phương. Vào ngày 29 tháng 3, nhờ lực lượng phòng không của chúng ta: một máy bay không người lái và một máy bay ném bom chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết đã bị bắn hạ”

Người đứng đầu Cục quân sự khu vực Kharkiv, ông Oleh Synehubov, cho biết Lực lượng vũ trang Ukraine đang tiến hành các chiến dịch tại khu vực Kharkiv để đẩy lùi quân Nga trên nhiều hướng, trọng điểm vẫn là thành phố Izium, qua đó quân Nga muốn vào vùng Luhansk và Donetsk.
Source:UKRInform

4. Ukraine không tiết lộ số người chết trong quân đội cho đến khi chiến tranh kết thúc

Tổn thất của Lực lượng vũ trang Ukraine trong cuộc chiến Nga-Ukraine được coi là “đáng kể”, nhưng không có con số cụ thể nào được nêu lên cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Ông Oleksiy Arestovych, cố vấn của Văn phòng Tổng thống, cho biết như trên.

“Tất nhiên, chúng tôi có những con số này. Tôi biết gần như chính xác, nhưng tôi sẽ không nêu lên, cho đến khi chiến tranh kết thúc… Chúng tôi đang chịu tổn thất, và con số là rất đáng kể. Tổn thất của chúng tôi nhỏ hơn nhiều so với những tổn thất của Nga, nhưng tổn thất của chúng tôi không hề nhỏ. Và mỗi quân nhân sẽ được ghi nhận, mỗi người trong số họ sẽ vẫn còn trong ký ức của chúng tôi, và mỗi gia đình sẽ được bảo đảm cả về danh dự và sự giúp đỡ”, Ông Arestovych lưu ý.

Cố vấn Văn phòng Tổng thống giải thích rằng không có quân đội nào nêu rõ tổn thất của mình trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra bởi vì, thứ nhất, đó là bí mật quân sự và thứ hai, nó có thể giúp kẻ thù đánh giá mức độ hiệu quả của các hành động của họ.


Source:UKRInform

5. Ở Vasylivka, quân Nga đã chặn đứng đoàn xe di tản đang chạy về hướng Zaporizhzhia

Hành lang nhân đạo chính thức được phê duyệt trước đó Enerhodar - Dniprorudne - Skelky - Vasylivka - Zaporizhzhia không hoạt động được. Quân Nga không cho phép một hàng xe di tản gồm hơn 100 xe hơi cá nhân đi qua Vasylivka.

Thị trưởng của Enerhodar, Dmytro Orlov, đã thông báo điều này trên Telegram

“Thật không may, hành lang nhân đạo được công bố chính thức, mở cửa sáng nay, đã không hoạt động. Đoàn xe từ Enerhodar, cũng như từ các thành phố khác của Ukraine di chuyển theo hướng Zaporizhzhia, đều không thể đi qua Vasylivka,”

Theo thị trưởng, tính đến tối thứ Ba, mọi người đã được khuyến cáo quay trở về nhà vì sự an toàn của chính họ.

Như đã đưa tin, hơn 130 xe hơi tư nhân đã rời khỏi Enerhodar, nơi bị quân đội Nga chiếm giữ. Xe tư nhân từ các khu định cư khác của hành lang nhân đạo cũng đã tham gia vào đoàn xe này.


Source:UKRInform

6. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh cảnh báo 'Đừng đẩy chúng tôi vào thế bí'

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, ông Dmitry Peskov đã mô tả các biện pháp trừng phạt gần đây giống như một cuộc chiến chống lại Nga trong lĩnh vực thương mại.

Thật không may, những điều kiện đó, không thân thiện chút nào. Và chúng là kẻ thù, hay giống như kẻ thù đối với chúng tôi. Chúng tôi bước vào giai đoạn, giai đoạn của một cuộc chiến tổng lực. Và chúng tôi ở Nga, chúng tôi cảm thấy mình đang ở giữa chiến tranh, bởi vì các nước Tây Âu, Hoa Kỳ, Canada, Úc, thực sự đang dẫn đầu cuộc chiến chống lại chúng tôi về thương mại, kinh tế, chiếm đoạt tài sản của chúng tôi, tịch thu tiền, và ngăn chặn các mối quan hệ tài chính của chúng tôi.

Và chúng tôi phải tự thích nghi với thực tế mới. Bạn phải hiểu nước Nga.

Đề cập đến căng thẳng đang diễn ra của Nga với Nato, Peskov nói:

Trong một vài thập kỷ, chúng tôi đã nói với tập thể phía tây rằng chúng tôi sợ Nato của các bạn đang di chuyển về phía đông. Chúng tôi cũng sợ Nato tiến gần hơn đến biên giới của chúng tôi bằng cơ sở hạ tầng quân sự của họ. Hãy quan tâm đến điều đó. Đừng đẩy chúng tôi vào thế bí. Đừng.

Trước đó, chúng tôi đã nói, hãy nghe đây, các bạn, chúng tôi không hài lòng với cuộc đảo chính 2014 ở Ukraine, được bảo lãnh bởi Ba Lan, Pháp và Đức. Hãy nhớ các tài liệu với chữ ký của các bộ trưởng ngoại giao liên quan. Nhưng không ai có phản ứng.

Sau đó, chúng tôi nói, nghe này, các bạn, chúng tôi không hài lòng với khả năng Ukraine gia nhập NATO, bởi vì điều đó sẽ gây nguy hiểm cho chúng tôi, và nó sẽ phá hỏng sự cân bằng lẫn nhau ở Âu Châu. Nhưng không ai có phản ứng.

Sau đó, chúng tôi lại nói, nghe này, các bạn, chúng tôi muốn có mối quan hệ bình đẳng. Chúng tôi muốn tính đến mối quan tâm của nhau. Nếu bạn không tính đến mối quan tâm của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ hơi lo lắng. Hoàn toàn không có phản ứng nào.

Về sự bế tắc có thể xảy ra trong việc cung cấp khí đốt của Nga cho Âu Châu sau khi ông Vladimir Putin nói rằng ông muốn thanh toán bằng đồng rúp, người phát ngôn Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ không “làm từ thiện đối với chuyện đó”.

Phóng viên Ryan Chilcote của PBS cho biết “có vẻ như chúng tôi đang gặp bế tắc ở đây” và hỏi: “Liệu Nga có tắt vòi không? Liệu Nga có cắt xuất khẩu khí đốt sang Âu Châu, nếu các nước đó từ chối thanh toán cho lượng khí đốt đó bằng đồng rúp? “

Peskov trả lời: “Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra, nếu họ bác bỏ khả năng này”.

Vì vậy, ngay sau khi chúng tôi có quyết định cuối cùng, chúng tôi sẽ xem xét những gì có thể được thực hiện. Nhưng, chắc chắn, chúng tôi sẽ không làm từ thiện và không gửi khí đốt miễn phí đến Tây Âu.

Khi tiếp tục bị ép, Peskov xẵng giọng: “Không trả tiền, thì không có xăng.”

Peskov nói “không ai nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân” trong một cuộc phỏng vấn với PBS vào tối thứ Hai.

Phóng viên Ryan Chilcote đề nghị ông Peskov làm sáng tỏ sự bối rối xung quanh quan điểm của Nga về khả năng tấn công hạt nhân sau khi quan chức Nga trước đó nói rằng Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn tại của nó bị đe dọa.

Phóng viên Chilcote nói: “Vẫn còn khá nhiều mơ hồ về quan điểm của Nga. Chúng tôi đã nghe một quan chức khác vào cuối tuần, lần này là cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, nói rằng Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nước này phải đối mặt với mối đe dọa về sự tồn tại, ngay cả khi phía bên kia không sử dụng vũ khí hạt nhân”.

“Vì vậy, bạn có thể vui lòng làm rõ cho chúng tôi biết chính xác điều gì sẽ dẫn đến một mối đe dọa hiện hữu đối với Nga không?”

Peskov trả lời:

Trước hết, chúng tôi chắc chắn rằng tất cả các mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt của chúng tôi ở Ukraine phải được hoàn thành. Chúng tôi không nghi ngờ gì về điều đó.

Nhưng tất nhiên, bất kỳ kết quả nào của hoạt động này không phải là lý do cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi có một khái niệm an ninh quy định rất rõ ràng rằng chỉ khi có mối đe dọa đối với sự tồn tại của nhà nước ở đất nước chúng tôi, chúng tôi mới có thể sử dụng và chúng tôi sẽ thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân để loại bỏ mối đe dọa đối với sự tồn tại của đất nước chúng tôi. “

Peskov tiếp tục làm rõ rằng sự tồn tại của nhà nước và “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine “không liên quan gì đến nhau” trong khi nhắc nhở Chilcote rằng Putin trước đó đã cảnh báo các quốc gia khác đừng can thiệp vào công việc giữa Ukraine và Nga trong thời gian có cuộc hành quân đặc biệt.

Chilcote hỏi tiếp: “Ý của ông ấy là ông ấy sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân? Putin đang gợi ý rằng ông ta sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu một bên thứ ba tham gia vào cuộc xung đột, có phải thế không?”

“Tôi không nghĩ vậy,” Peskov trả lời.
 
Vòng trong của Putin bắt đầu lung lay. Tiến Sĩ George Weigel bàn về Ukraine và tham vọng của Putin
VietCatholic Media
17:06 30/03/2022


1. Một số người Nga nổi tiếng xin nghỉ, từ chối ủng hộ chiến tranh

Việc một quan chức cấp cao của chính phủ Nga từ chức và việc ông ta chạy ra nước ngoài không phải là hành động tự nguyện đầu tiên và duy nhất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến giữa Nga với Ukraine, nhưng đó chắc chắn là một trong những sự kiện nổi bật nhất.

Anatoly Chubais, đặc phái viên của Tổng thống Vladimir Putin tại các tổ chức quốc tế về phát triển bền vững, rất nổi tiếng ở Nga. Ông đã giữ các chức vụ cao trong gần ba thập kỷ, bắt đầu dưới thời Boris Yeltsin, nhà lãnh đạo đầu tiên thời hậu Xô Viết.

Một số nhân vật của công chúng đã lên án cuộc xâm lược Ukraine và rời bỏ chức vụ của họ tại các tổ chức và công ty nhà nước, điều này có thể báo hiệu sự chia rẽ trong hàng ngũ chính thức của Nga về cuộc chiến. Cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy sự từ chức đã lọt vào vòng trong của Putin.

Chubais, 66 tuổi, là một trong số ít các nhà cải cách kinh tế thời kỳ 1990 vẫn ở trong chính phủ của Putin và duy trì quan hệ chặt chẽ với các quan chức phương Tây. Người phát ngôn Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Kể từ ngày 24 tháng 2, khi cuộc xâm lược Ukraine nổ ra, chính phủ Nga đã tăng cường áp lực đối với những người chỉ trích trong nước về cuộc xâm lược. Vào ngày 16 tháng 3, Putin cảnh báo rằng ông sẽ thanh trừng Nga khỏi “những kẻ cặn bã và phản bội” mà ông cáo buộc là làm việc bí mật cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Trước tình hình kinh tế suy thoái, nhà lãnh đạo Nga cáo buộc phương Tây muốn tiêu diệt Nga.

Nhiều nhân vật trong giới tinh hoa của Nga đã ra đi sau các phát biểu của Putin.


Source:AP

2. Đức Thánh Cha tiếp các học viên về Bí tích Giải tội

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các cha giải tội đón tiếp, lắng nghe và đồng hành với các hối nhân với tâm tình người cha nhân từ đón người con hoang đàng trở về.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng hôm 25 tháng Ba năm 2022, dành cho các tham dự viên khóa học lần thứ 32 do Tòa Ân giải Tối cao về Bí tích Giải tội và các vấn đề lương tâm, quen gọi là “tòa trong”. Hiện diện tại buổi tiếp kiến, có Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh tòa Ân giải Tối cao, cùng với các chức sắc và chuyên gia của tòa, cũng là các giảng viên trong khóa học. Ngoài ra có các cha giải tội tại bốn Đại vương cung thánh đường ở Roma.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha bày tỏ vui mừng vì con số lớn 800 người, gồm các linh mục và chủng sinh năm cuối tham dự khóa học từ ngày 21 đến ngày 25 tháng Ba, trong số này có 250 người tham dự trực diện. Ngài gọi đó là một dấu hiệu tốt, vì ngày nay một não trạng lan tràn là người ta khó hiểu chiều kích siêu nhiên, và thậm chí còn phủ nhận nó.

Đức Thánh Cha đặc biệt để lại cho các tham dự viên những lời khuyên, qua ba từ chủ yếu là đón tiếp, lắng nghe và đồng hành. Ngài nói:

Việc đón tiếp phải là đặc tính đầu tiên của cha giải tội. “Sự đón tiếp giúp hối nhân đến xưng tội với một tinh thần đúng đắn, không co cụm vào mình và vào tội riêng, nhưng cởi mở đối với tình phụ tử của Thiên Chúa và ân thánh. Đón tiếp là mẫu mực của đức bác ái mục tử mà anh em làm cho trưởng thành trong hành trình huấn luyện tiến đến chức linh mục và phong phú về thành quả đối với hối nhân cũng như chính vị giải tội, người sống tình phụ tử như người cha đối với người con hoang đàng.”

Thứ hai là lắng nghe. “Thái độ này đòi một nội tâm chú ý, sẵn sàng, kiên nhẫn, từ bỏ những ý tưởng riêng, những khuôn mẫu của mình để mở tâm trí nghe hối nhân. Trong một số cuộc giải tội, nhiều khi ta không cần nói hoặc khuyên bảo gì, nhưng chỉ cần lắng nghe và tha thứ. Lắng nghe là một hình thức yêu thương làm cho người khác cảm thấy mình thực sự được yêu mến. Và bao nhiêu lần, sự xưng tội của hối nhân cũng trở thành một cuộc xét mình đối với cha giải tội!”

Thứ ba là đồng hành. “Cha giải tội không quyết định thay cho tín hữu, không phải là chủ lương tâm của người khác. Cha giải tội chỉ đồng hành, với tất cả sự khôn ngoan, phân định và bác ái, nhìn nhận sự thật và thánh ý Chúa trong kinh nghiệm cụ thể của hối nhân. Cần luôn phân biệt giữa cuộc trao đổi trong tòa giải tội, luôn phải tôn trọng ấn tích bí mật của phép Giải tội, khác với cuộc đối thoại trong sự đồng hành linh hướng, tuy cũng có tính chất kín đáo nhưng dưới một dạng khác.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng cha giải tội luôn phải nhắm đến mục đích phổ quát là ơn gọi nên thánh, và kín đáo đồng hành trong vấn đề này, nghĩa là chăm sóc họ, đồng hành với họ.

3. Tiến Sĩ George Weigel bàn về Ukraine và tham vọng của Putin

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine, ông đã có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “On Ukraine”, nghĩa là “Bàn về Ukraine”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Từ nhiều tháng nay, báo chí thế giới đã mô tả các đợt triển khai quân của Nga dọc theo biên giới Ukraine là mũi nhọn của một cuộc xâm lược có thể xảy ra. Tuy nhiên, sự thật là Nga đã xâm lược Ukraine cách đây 7 năm, khi Nga sáp nhập Crimea và “những người đàn ông áo xanh nhỏ bé” của Nga đã châm ngòi cho cuộc chiến ở miền đông Ukraine cướp đi sinh mạng của hơn 14,000 người và hơn một triệu người phải di tản. Dù diễn biến quân sự hiện tại như thế nào, thì một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vẫn chưa phải là “sắp xảy ra”; cuộc xâm lược đó đang diễn ra.

Sự thật đó đã bị che lấp bởi một chiến dịch tuyên truyền và thông tin sai lệch quy mô lớn của Nga. Vì vậy, có một số sự thật bắt buộc phải được nêu lên.

Sự thật đầu tiên: Đây là cuộc khủng hoảng của Nga, không phải là “cuộc khủng hoảng ở Ukraine”. Cái thường được gọi là “cuộc khủng hoảng Ukraine” hoàn toàn là do nhà độc tài Nga Vladimir Putin đưa ra. Ukraine đã không tạo ra cuộc khủng hoảng này. Hoa Kỳ đã không tạo ra nó, và cả NATO cũng vậy. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, đã, đang và sẽ luôn là một liên minh phòng thủ, không còn là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Nga cũng như NATO không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Botswana. Tuyên bố rằng NATO đe dọa Nga là một lời nói dối lớn làm xáo trộn thực tế an ninh ở Trung và Đông Âu: các nước chư hầu cũ của Liên Xô trước đây là Ba Lan, Cộng hòa Tiệp, Slovakia, Hung Gia Lợi, Rumani, Bảo Gia Lợi, và các nước vùng Baltic là Lithuania, Latvia, Estonia, đã gia nhập NATO vì họ sợ Nga, chứ không phải vì họ có ý định xâm lược Nga. Cơ sở lý luận tương tự giải thích cho việc xin gia nhập NATO của Ukraine.

Sự thật thứ hai: Cuộc khủng hoảng được tạo ra một cách giả tạo này, nhằm mục đích gây bất ổn và khuất phục Ukraine, là một trong những biểu hiện cho thấy quyết tâm của Putin trong việc đảo ngược phán quyết của lịch sử trong Chiến tranh Lạnh. Putin đã khá rõ ràng về điều này trong hai mươi năm, và chỉ những kẻ ngu ngốc hoặc những kẻ nhìn qua lăng kính ý thức hệ của “chủ nghĩa bảo thủ quốc gia” mới không hiểu được điều gì đang xảy ra ở đây. Putin, bộ máy cũ của KGB, đang muốn lật ngược chiến thắng của các nền dân chủ non trẻ trước các chế độ chuyên chế lão luyện trong cuộc Cách mạng năm 1989 và sự tan rã của Liên Xô năm 1991. Mục tiêu chiến lược lớn đó là trọng tâm của liên minh được công bố gần đây giữa Chế độ độc tài tham nhũng của Putin ở Nga và chế độ diệt chủng của Tập Cận Bình ở Trung Quốc - một thông báo mà hai kẻ độc ác này đưa ra ngay trước Thế vận hội Mùa đông. Putin và Tập không muốn gì khác hơn là một sự sắp xếp lại cơ bản các vấn đề thế giới, trong đó các chế độ áp bức của chúng gọi là điều hòa. Trong nỗ lực giành quyền bá chủ toàn cầu của các tên bạo chúa, Ukraine và Đài Loan có vai trò như Áo và Tiệp Khắc vào cuối những năm 1930: Nếu họ rơi vào tay các chế độ bạo chúa, những nước khác sẽ lần lượt theo sau.

Sự thật thứ ba: Sự xâm lược đang diễn ra ở Ukraine của Nga được tạo ra bởi một sự trình bày sai lầm về lịch sử, bao gồm cả lịch sử Kitô giáo. Tuyên bố của Putin rằng Ukraine không phải là một quốc gia thực sự được củng cố bởi một Lời nói dối lớn khác: rằng Nga là người thừa kế duy nhất của lễ rửa tội của người Slav ở phía đông vào năm 988, và do đó, là người bảo vệ hợp pháp duy nhất cho những gì các nhà tư tưởng và các nhà biện hộ của Putin gọi là Russkiy mir, hay “Thế giới Nga.” Tuy nhiên, Ukraine, các cộng đồng Chính thống giáo và Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ít nhất cũng có các tuyên bố mạnh mẽ về quyền gia sản lịch sử đó như Nga và Nhà thờ Chính thống Nga. Sự hồi sinh của chủ nghĩa đế quốc Nga ngày nay có lẽ không phải là điều đáng ngạc nhiên; thói quen cũ khó thay đổi. Nhưng vai trò của Giáo Hội Chính thống Nga, gọi tắt là ROC, trong việc hỗ trợ mưu toan làm sai lệch lịch sử của Putin và các thiết kế đế chế mới của hắn đang gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sự nghiệp của Chúa Kitô ở một đất nước đang phục hồi sau sự tàn phá của chủ nghĩa vô thần do nhà nước bảo trợ. Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban đại kết của ROC, gần đây đã nhận được từ Tổng thống Putin “Huân chương của Thánh Alexander Nevsky” vì những “đóng góp to lớn trong việc phát triển các mối quan hệ quốc tế và giữa các hệ phái Kitô”. Lý do của giải thưởng có thể được đọc một cách trung thực hơn là thế này: “vì những dịch vụ cho nhà nước Nga và chế độ Điện Cẩm Linh hiện tại”.

Sự thật thứ tư: Sự gây hấn của Nga ở Ukraine nhằm vào tất cả mọi người, kể cả trẻ em. Cuộc chiến hỗn hợp của Nga chống lại nền dân chủ Ukraine đã bao gồm khoảng 1,000 lời đe dọa đánh bom giả đã làm các trường học trên khắp Ukraine phải đóng cửa kể từ đầu năm - cao gấp 10 lần so với tỷ lệ đe dọa đánh bom giả vào năm 2020 và 2021. Loại người nào lại cố tình khiến hàng trăm nghìn trẻ em và cha mẹ của chúng khiếp sợ trong nỗ lực gây bất ổn cho một người hàng xóm hiền hòa không đe dọa? Kẻ đã sát hại Boris Nemtsov và đầu độc Alexei Novotny, kẻ can thiệp vào cuộc bầu cử của các quốc gia khác, và kẻ nói dối nơi công cộng với sự trơ trẽn có thể khiến Joachim von Ribbentrop phải đỏ mặt.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã làm việc rất hiệu quả để xây dựng lại xã hội dân sự ở Ukraine ngày nay, đã yêu cầu đồng bào Công Giáo ủng hộ bằng lời cầu nguyện. Giáo Hội can đảm đó rất xứng đáng và không chỉ người Ukraine đang mắc nợ Giáo Hội ấy.