Ngày 02-04-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 4 MC A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:52 02/04/2011
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY

Tin mừng : Ga 9, 1.6-9. 13-17. 34-38
“Anh mù đến rửa ở hồ Si-lô-ác và khi về thì nhìn thấy được”.


Anh chị em thân mến,
Theo truyền thống của Giáo Hội, chủ nhật thứ tư mùa chay là chủ nhật của vui mừng và hy vọng, vui mừng là vì chúng ta sẽ được cùng sống lại với Chúa Giê-su trong đêm phục sinh của Ngài, và hy vọng chờ ngày Ngài đến trong vinh quang phục sinh. Do đó mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta chia sẻ nổi vui mừng với người mù đã được Chúa Giê-su làm cho sáng mắt và thấy được nhìn thấy.

Là người Ki-tô hữu, chúng ta đều biết rằng, ngoài con mắt xác thịt ra, thì chúng ta còn có thêm “con mắt tâm hồn” nữa, con mắt xác thịt thì chúng ta nhìn thấy mọi sự theo xác thịt và tính ích kỷ của chúng ta; con mắt tâm hồn thì nhìn mọi sự theo sự hướng dẫn của Lời Chúa và lời giáo huấn của Giáo Hội.

Có một câu chuyện nhỏ như thế này :
Có con sâu róm đi ngang qua trước mặt con trâu, con trâu la lớn :”Trời ạ, nó xấu quá”.
Chúa Tạo vật nói : “Không, nó rất đẹp”.
- “Ngài cảm thấy nó đẹp ư ?”- Con trâu nghi ngờ và cảm thấy ghét, nói tiếp : “Ngài coi, toàn thân nó toàn là lông là lông, béo phệ ụt ịt, nhìn thấy tởm lợm”.
Chúa Tạo Vật nói:
- “Này con, con nhìn vẻ bên ngoài của nó, còn Ta, Ta nhìn vẻ bên trong của nó !” .


Anh chị em thân mến,
Con trâu nhìn vẻ bên ngoài của con sâu róm bằng con mắt xác thịt, nên nó thấy con sâu róm rất xấu và tởm lợm muốn nôn mửa, nhưng Thiên Chúa lại nhìn vẻ bên trong của con sâu róm, nên Ngài thấy nó rất đẹp.

Có rất nhiều lần chúng ta nhìn vẻ bên ngoài của người anh em chị em bằng con mắt xác thịt, nên chúng ta chỉ thấy họ toàn là những người xấu, những người tội lỗi đáng bị gạt ra bên ngoài xã hội, cho nên chúng ta không thèm qua lại với họ, thế là chúng ta đã tự mình xây một bức tường ngăn cách giữa chúng ta với tha nhân, giữa Thiên Chúa với chúng ta; con mắt xác thịt chính là những thành kiến nặng nề của mình, nó cũng là những kiêu ngạo và những suy nghĩ thiên vị của chúng ta trong cuộc sống đời thường.

Chúng ta tự hào mình là người sáng mắt, thông biết thiên văn địa lý, cho nên chúng ta coi thường tha nhân, thế nhưng con mắt tâm hồn của chúng ta đã bị mù mất tiêu mà chúng ta không biết.

Chúa Giê-su đã chữa cho người mù sáng mắt, và đồng thời, Ngài cũng mở mắt đức tin cho anh ta, để anh ta nhận thấy được người đang nói chuyện với mình chính là Đấng Mes-si-a. Chúng ta cầu xin Chúa Giê-su chữa con mắt tâm hồn của mình, để chúng ta không còn nhìn thấy người tội lỗi là người đáng chết, vì Chúa Giê-su không kết án họ; không còn nhìn thấy người nghèo là những người ăn bám vì Chúa Giê-su vẫn thương xót họ; không còn nhìn thấy những cô gái điếm là những người đáng bị ném đá vì Chúa Giê-su luôn sẵn sàng tha thứ cho họ…

Vui mừng vì mình được chữa lành hơn là bặm môi kết án anh em, hy vọng vì mình được cứu chuộc hơn là thở dài thất vọng vì anh em chị em mình, đó là sứ điệp của chủ nhật thứ tư mùa chay hôm nay vậy…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Nhân cách
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
07:47 02/04/2011
Ai đã từng chơi cây cảnh hay kiểng thì hiểu rất rõ về nghệ thuật uốn cành cây. Muốn uốn cành đẹp phải uốn khi cành còn non yếu. Người chơi kiểng phải chăm sóc, cắt tỉa và chăm bón từng cành rất cẩn thận. Uốn cảnh là một nghệ thuật. Cây cảnh sẽ phát triển theo ý của người chơi kiểng. Có những cây cảnh qúi đáng giá tiền ngàn và cả tiền triệu. Người chăm sóc kiểng phải rất kiên nhẫn trong thời gian và không gian. Chúng ta biết rằng dục tốc bất đạt.

Thiên Chúa trao ban cho con người có quyền trên tất cả mọi loài. Con người có quyền thuần hóa (to tame) các con vật để chúng trở nên nhu mì, dễ dậy. Những con ngựa hoang, người ta có thể thuần hóa nên ngựa thuần tính kéo xe hay chạy đua. Người ta có thể huấn luyện cho dữ trở thành những con cho săn tốt. Người ta thuần hóa những con vật hoang dã để giúp vào công việc sản xuất như trâu bò, ngựa voi và các thú vật nuôi trong nhà. Các người chuyên môn còn có khả năng huân luyện các thứ con vật để làm trò như chó, khỉ, chim, mèo, chuột…Các con vật sẽ lập đi lập lại các động tác làm trò khi có đủ điều kiện kích thích.

Chúng ta thường gọi những người sống nơi rừng rú hoặc ăn lông ở lỗ là những người sơ khai. Còn có những người trong các bộ lạc ở rừng sâu sống theo bản năng tự nhiên. Đôi khi cách sống của họ còn man rợ. Họ sinh sống theo những đòi hỏi thiên về thể xác hơn là tinh thần. Tuy nhiên trong bất cứ cộng đồng thô sơ nào, họ cũng có những kỷ luật và cách thế tổ chức riêng theo tục lệ. Ngắm nhìn cách ăn mặc, nhà cửa, ăn uống, chia sẻ và sống chung có nhiều khác biệt. Những người sơ khai ăn mặc đơn sơ trần trụi. Nhà cửa là những túp lều bằng cây lợp lá. Họ thường ăn tươi, nuối sống các thú vật bẫy được. Uống nước suối thiên nhiên trên nguồn. Chữa bệnh bằng hoa qủa lá rừng. Họ sống rất đơn sơ và thanh bạch. Cử xử với nhau rất thân tình. Biết chia sẻ vui buồn trong cùng bộ lạc. Họ có tinh thần tương thân tương ái.

Từng bước từ các bộ lạc, nhóm nhỏ dân cư, các tiền nhân đã tổ chức thành dòng họ, làng mạc và thành dân tộc. Tổ tiên của con người nhìn xa trông rộng đã có những hướng đi cho giống nòi. Những bậc tài trí đã ghi khắc những hoa trái thành qủa tình thần qua nền văn hóa riêng. Những anh hùng kiệt xuất nên gương sáng cho cho thế hệ con cháu qua cách ứng xử, khuất phục thiên nhiên và con người. Cha ông nói rằng: Ba năm trồng cây, trăm năm trồng người. Để trở thành người hữu ích cho dân tộc và xã hội, con người phải đi vào khuôn phép.

Sống trong môi trường xã hội và được giáo dục rất là quan trọng. Câu truyện một cô bé tên Rơ Châm H’Pnhiên, 8 tuổi đi lạc vào rừng. Cô là Việt kiều Campuchia. Ông Ksor, cha cô bé kể: Gia đình thuộc dân tộc Giơ-rai, gốc xã Ia Do, Huyện Đức Cơ. Ngày 12 tháng 4, 1989. Cô bé học lớp Hai, mải đi tìm bò lạc, em đã đi sâu vào rừng và không biết đường về. Dân làng tìm kiếm 3 ngày không thấy. Đành bỏ cuộc. Tháng 1 năm 2007, một nhóm người địa phương ở khu vực đi làm rẫy. Họ phát hiện phần cơm trưa bị bốc ăn vụng. Nhóm người này quyết định rình để bắt thủ phạm. Trưa ngày 13 tháng 1, 2007. Họ bắt được ‘người rừng’. Lúc bắt gặp, ai cũng sợ hãi, không tin vào mắt mình. Một hình người con gái đen đúa, không mảnh vải che thân, tóc dài chấm gót rối bù, miệng chỉ ú ớ. Người địa phương đưa ‘người rừng’ về xóm và báo công an. Ông Ksor Lu có mặt. Ông không cầm được nước mắt khi phát hiện người rừng chính là con gái mình đã bị lạc cách đây 18 năm. Ông Ksor Lu định ôm con vào lòng, nhưng nó sợ qúa, cào rách cả mặt và chỉ chực chạy trốn. Phải vất vả lắm hai vợ chồng ông Ksor Lu mới làm quen và giữ được cô để cắt tóc, móng tay, móng chân, tắm gội và mặc quần áo. Phải mất một thời gian khá dài để cô được thuần hóa và học nói tiếng người.

Con người không được giáo dục sẽ trở thành con người hoang. Bởi thế, sự kết tụ và sống chung với nhau đã nẩy sinh ra những điều tốt đẹp, gọi là văn hóa. Tiếp theo bước tiến văn minh, mọi dân tộc đã đóng góp vào kho tàng văn hóa của nhân loại rất nhiều điều hay, lẽ phải để giúp con người sống tốt và hữu ích cho xã hội. Mỗi thư viện đều có một gia sản tinh thần gọi là Tủ sách Học Làm Người. Như thế muốn nên người phải học làm người. Nếu không được giáo dục và huấn luyện, con người sẽ trở thành nửa người, nửa ngượm, nửa đười ươi. Muốn nên người tốt chúng ta phải được học, trau đồi trí đức và được huấn luyện.

Kinh nghiệm cho thấy những thành qủa giáo dục rất tốt của người Nhật Bản. Qua cuộc động đất và sóng thần xảy ra tại Sendai, Japan vào ngày 11 tháng 3, 2011, trên thế giới người ta đã đánh giá dân tộc Nhật Bản là một dân tộc có kỷ luật và tự trọng. Quan sát trên màn ảnh truyền hình về những sự cố xảy ra trong những ngày qua, người dân Nhật rất bình tĩnh, can đảm, kiên nhẫn và sức chịu đựng mãnh liệt bầy tỏ tinh thần kỷ luật rất cao. Cho dù khổ đau, họ luôn nghĩ đến tha nhân. Họ nghĩ đến và giúp đỡ người khác trước các nhu cầu của mình. Họ sống tinh thần cộng đồng chia sẻ. Ai cũng có thể nhận thấy sự kiên cường này. Đó là bản chất của một dân tộc văn minh kỹ thuật.

Công việc giáo dục thì rất quan trong. Giáo dục áp dụng cho mọi lứa tuổi. Học làm người là phải học và chịu sự huấn luyện từng ngày. Hòang đế Napoleon của Pháp Quốc khi tiếp kiến các mệnh phụ phu nhân, ông đã hỏi: Các bà sinh con, các bà nghĩ phải dạy con khi nào? Có một bà mau mắn thưa: Tôi nghĩ phải dạy con từ thuở lên ba. Napoleon nói: Không phải. Một bà khác lên tiếng: Thưa hoàng đế, người ta nói dậy con khi chúng còn trong lòng mẹ. Napoleon nói tiếp: Không phải. Lúc ấy, các bà không biết trả lời sao. Một bà lên tiếng: Xin hoàng đế cho biết là phải dậy con khi nào? Napoleon nói: Phải dậy con 20 năm trước khi nó sinh ra. Mọi người ngỡ ngàng. Lúc đó mới thấy Napoleon trả lời thật tuyệt vời. Dậy con 20 năm trước, có nghĩa là dậy cha mẹ nó trước. Cha mẹ tốt thì con cái mới tốt. Cây tốt thì sinh trái tốt.

Con người cần phải rèn, phải uốn và phải giáo dục cho nên người. Dạy con phải dạy ngay tuổi còn thơ. Con người được sinh ra đời phát triển theo thời gian và phải học làm người, mới trở nên người hữu dụng cho xã hội. Xã hội văn minh cần có học đường để giáo dục con người về mọi ngành nghề. Lễ giáo rất là quan trọng. Cha ông của chúng ta đã tiên liệu dậy rằng: Tiên học lễ, hậu học văn. Lễ nghĩa đi đầu. Người ta thường nói: Lời chào cao hơn mâm cỗ. Lời nói và thái độ xử thế sẽ đi vào lòng người. Cái nết đánh chết cái đẹp. Không phải chỉ các người trẻ mới cần cái nết. Trong mọi lứa tuổi, cái nết đều là tinh hoa của cuộc sống. Đừng để người đời dè bửu: Già mà không nên nết.

Mỗi người có một nhân cách (personality) khác nhau. Chúng ta có nhiều cách diễn tả tâm tình và bộc lộ ước muốn, lời nói. Thái độ (attitude, manner) được tỏ lộ qua diện mạo và cách cư xử. Người ta thường nói đến thái độ trung hậu, hiền hòa, nhũn nhặn, đơn sơ, tự trọng, trầm tĩnh và cảm mến. Đây là những biểu tỏ tích cực gây nhiều thiện cảm trong cuộc sống. Ngược lại, còn có những thái độ cộc cằn, nóng nảy, hung ác và dữ tợn. Những thái độ này thường gây mất cảm tình và bị người đời xa tránh. Chúng ta có thể tự nhận rằng tính của tôi là thế. Đúng thật, cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Mỗi người một tính khí khác nhau.

Người đời có thể nhìn xét con người qua tư cách (aptitude) của họ. Sự biểu tỏ nóng giận với người khác là trở về với chính bản năng tự nhiên chưa thuần. Người ta thường nói: Một sự nhịn bằng chín sự lành. Nóng giận thì mất khôn. Hành xử khi chúng ta nóng giận là chúng ta tự tỏ rõ bản chất cộc cằn và thô lỗ của chúng ta. Sự nóng giận bày tỏ qua cử chỉ, lời nói, hành động và tư cách con người của chúng ta. Khi đó chúng ta tự thua cho chúng ta trước khi thắng người khác. Thắng mình thì khó hơn thắng vạn quân là thế. Kìm hãm được cơn giận dữ của mình, chúng ta mới thắng được mình và thắng được người.

Chúng ta phải học để tự khắc phục chính mình, vì thường bản năng thú tính vẫn tồn tại trong mỗi người. Cho nên người ta thường nói: Tính nào tật đó hay ngựa quen lối cũ. Nếu không được thường xuyên nhắc bảo và chỉ dậy, chúng ta sẽ dễ buông xuôi theo cách sống tự nhiên. Người xưa, khi chưa có đủ quần áo và phương tiện dệt vải, nên người ta ở trần. Ngày nay, có quần áo dư giả người ta lại thích trở về thời hoang dã, chỉ muốn bớt chút quần, chút áo để hở hang. Hở hang của thời nay là đưa con người ngược dòng trở về với bản năng thú tính của người tiền cổ.

Cha ông luôn nhắc nhở con cái cháu chắt hãy ngoan hiền, thành thực và nhu mì. Những lời rất nhắn nhủ rất tâm tình: Con đừng học thói chua ngoa. Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười. Chúng ta được thừa hưởng kho tàng văn hóa bao la từ nhiều nguồn. Chúng ta học hỏi từ nguồn văn hóa đẹp của dân tộc Việt. Chúng ta lãnh nhận những lời khôn ngoan trong Kinh Thánh. Chúng ta trau dồi những tư tưởng của các danh nhân trên thế giới. Chúng ta nhận lãnh từ sự giáo dục trong gia đình, học đường và xã hội. Tất cả những tinh hoa trí đức của con người sẽ giúp chúng sống nên người hơn. Bổn phận của mỗi người chúng ta là phải thành nhân, thành thánh và thành con của Chúa nữa.

Con người cần có giáo dục, có uốn nắn và có sự dạy dỗ, thì con người mới nên người. Ai cũng phải học. Ông 70 học ông 71. Học ở trường lớp và học ở trường đời. Càng học chúng ta càng cảm thấy mình còn qúa nhiều thiếu xót. Học để biết mình còn dốt. Lời khôn ngoan thì bao la, chúng ta có thể ngụp lặn trong lời hay lẽ đẹp. Điều quan trọng là hãy áp dụng nó vào cuộc sống. Vì nói một trăm thước, không bằng bước một gang. Và người ta nói rằng con đường xa nhất là từ trên trán tới bàn tay. Có nghĩa là lý thuyết tới thực hành còn một khoảng cách xa.

Hữu xạ tự nhiên hương. Cái hay cái đẹp tự nó tỏa ngát hương. Không cần ai phải giới thiệu. Cuộc sống của chúng ta được bày tỏ qua tư cách, thái độ và nhân cách của chúng ta. Chúng ta không cần biện hộ và giãi bày cho chính mình. Sự thật muôn đời vẫn là sự thật.
 
Đừng vô cảm
+ Gm. Gioan B. Bùi Tuần
07:49 02/04/2011
Vô cảm là một tiêu cực tồi tệ trong đạo đức. Vô cảm thuộc về cái tâm. Cái tâm thuộc về tâm linh, nhưng được diễn tả ở trái tim, nên hay gọi là trái tim cho dễ hiểu.

Người vô cảm là người có trái tim chai cứng.

Hậu quả của vô cảm trong đạo đức là rất nghiêm trọng. Xin đưa ra vài cảnh báo của Chúa được ghi trong Phúc Âm.

1. Hậu quả khủng khiếp của vô cảm trong đạo đức

Về vô cảm trước những khổ đau của người khác, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn ông phú hộ và người ăn mày Ladarô. Ông phú hộ hưởng cuộc đời sung sướng. Người nghèo khó Ladarô thì ngồi ăn xin ở cổng nhà ông phú hộ. Ladarô vừa nghèo, vừa bệnh tật. Ông phú hộ không thể không biết người ăn mày đó ngày đêm ở cổng nhà ông. Nhưng ông vô cảm. Sau cùng, người nghèo khó Ladarô chết. Ông được đưa lên thiên đàng. Ít lâu sau, ông phú hộ cũng chết. Ông bị ném xuống hoả ngục. Hình phạt rất khủng khiếp. Đâu có ngờ!

Về vô cảm đối với tình yêu Chúa, Chúa Giêsu đã nói về thành Giêrusalem: "Giêrusalem, Giêrusalem, đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà của các ngươi sẽ bỏ mặc cho các ngươi" (Lc 13,34).

Lần khác, Chúa Giêsu nhìn Giêrusalem mà khóc. Người nói: "Sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm" (Lc 19,44). Hình phạt rất nặng nề. Đâu có ngờ!

Về vô cảm trước sự không theo ý Chúa, Chúa Giêsu nói rõ: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác" (Mt 7,21-23). Họ bị kết án, vì họ đã nhân danh Chúa mà làm những việc lành để tìm lợi riêng, chứ không thực sự để làm sáng danh Chúa. Án phạt thực đau đớn. Đâu có ngờ!

Nguy cơ của vô cảm sẽ tăng lên, khi nó phát triển theo hướng phạm thêm tội lỗi.

2. Phát triển phức tạp của vô cảm

Người vô cảm trước tiếng gọi của bổn phận mến Chúa yêu người, lại hay che giấu lỗi lầm của mình bằng lối sống đạo đức giả.

Phúc Âm nói về họ như những người thích vẻ đạo đức bề ngoài. Họ giữ luật kiêng việc ngày Sabat, không ngồi chung bàn với những người tội lỗi, rửa tay trước khi ăn. Họ tỏ ra bén nhạy, hăng say và tỉ mỉ với những hình thức đạo đức như thế. Mục đích chính là gây uy tín.

Lối sống đạo đức bề ngoài đó dễ lây lan. Đông người trở thành nhóm. Nhiều nhóm làm nên giai cấp. Khi giai cấp có quyền lợi riêng và luật lệ riêng, nó sẽ trở thành cơ chế. Cơ chế như thế là một quyền lực. Nó lèo lái, hướng dẫn dư luận, nhiều khi áp đảo.

Theo Phúc Âm, chính giai cấp đạo đức giả đã kích động đám đông đổi lòng đối với Chúa Giêsu. Họ đưa đám đông đến sự vô cảm tột độ, đó là hiệp thông hiệp nhất với họ trong quyết tâm loại trừ Chúa Giêsu bằng cái án chết rất mực bất công. Mấy ngày trước, đám đông còn hoan hô đón rước Chúa Giêsu. Thế mà bây giờ họ quay ra phỉ báng, nhạo cười, nhục mạ và xin giết Người. Lúc hấp hối, trên thánh giá, Chúa kêu khát. Họ cho chút giấm chua thay vì nước. Chứng tỏ sự vô cảm của họ đã đưa họ tới sự thù ghét triệt để một cách man rợ kinh hoàng.

Vô cảm là một sức mạnh phá hoại đạo đức vừa tinh vi, vừa thô bạo. Nhất là khi nó đã trở thành nếp sống bình thường. Thời xưa là thế, thời nay cũng vậy.

3. Vô cảm lớn nhất

Kinh Thánh coi sự không ăn năn sám hối trước những cảnh báo là một vô cảm rất lớn. Trong ăn năn sám hối, điều quan trọng cần thực hiện là đổi mới cái tâm.

Thánh vương Đavít cầu nguyện: "Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một quả tim trong trắng" (Tv 51,12).

Nơi tiên tri Giêrêmia, Chúa phán: "Ta sẽ ghi luật Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ viết luật đó trên trái tim chúng" (Gr 31,33).

Nơi tiên tri Êdêkien, Chúa phán: "Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt Thần Khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá, và ban cho chúng một trái tim bằng thịt" (Ed 11,19).

Tất nhiên, trái tim nói đây phải được hiểu là một trái tim thẳm sâu, tức cái tâm, thuộc tâm linh.

Chính trái tim sâu thẳm ấy được Kinh Thánh gọi là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Chính tại đó, Chúa đến gặp ta, ta gặp gỡ Chúa. Chính tại đó, Chúa ở lại với ta. Chính tại đó, Chúa ban cho ta lửa tình yêu và ánh sáng chân lý. Chính tại đó, ta sẽ có những lựa chọn, những hướng đi, những quyết định, nhờ Lời Chúa dẫn đưa.

Khi nghe lời Chúa Giêsu phán: "Tôi hy sinh mạng sống tôi cho đoàn chiên" (Ga 10,15), nếu tôi cảm thấy xúc động trong trái tim, thì xúc động đó là vang vọng từ cái tâm sâu thẳm của tâm linh. Xúc động đó là rất tư riêng.

Khi suy gẫm lời Chúa Giêsu nói: "Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con" (Ga 15,12), nếu tôi cảm thấy xao xuyến trong lòng, thì xao xuyến đó là rung động từ cái tâm sâu thẳm của tâm linh. Rung động đó thúc giục tôi gần gũi và chia sẻ.

Chính vì trái tim sâu thẳm giữ một vai trò quan trọng trong đời sống đạo đức, nên sám hối cần phải đổi mới nó. Nếu không, sám hối sẽ chỉ là hình thức. Vô cảm sẽ vẫn còn vô cảm.

Tình hình hiện nay có nhiều dấu hiệu không lành. Có nhiều tiếng báo động. Nhưng trong lãnh vực phần rỗi, trái tim nhạy bén sẽ là cơ quan báo động cần thiết nhất. Nếu chẳng may, nó đã vô cảm, thì phần rỗi sẽ ra sao?

Riêng tôi, cho dù có thể đôi khi còn vô cảm trong một số lãnh vực, nhưng không bao giờ vô cảm trước lời Chúa phán sau đây: "Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay không thương đứa con mình mang nặng đẻ đau. Cho dù họ có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên con bao giờ" (Is 49, 15). Tôi tin vào tình yêu thương xót Chúa. Niềm tin ấy đã cứu tôi.
 
Dấu chỉ và phép lạ
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:00 02/04/2011
Dấu chỉ và phép lạ

Phương pháp „audiovisual – nghe nhìn xem“ thịnh hành phổ thông hầu hết trong mọi lãnh vực. Phương pháp này hấp dẫn, mang lại sự rõ ràng cụ thể cùng dễ nhớ cho người xem nghe tìm hiểu vấn đề nào đó. Nhưng nhiều hình ảnh nối tiếp cùng phức tạp cũng làm tâm trí không kịp thu nhận tiêu hóa, hay chỉ lúc xem thấy thích và sau đó rơi vào quên lãng!

Phim ảnh chiếu bóng, tạp chí, báo chí hình ảnh, truyền hình, Video DVD, Internet…là những phương tiện truyền thông của khía cạnh này.

Ngày xưa phương pháp này chưa phát triển có mặt trên thị trường, nên con người chú ý tới lời nói, tới những dấu chỉ truyền đi trong thiên nhiên nhiều hơn. Vì hình ảnh không nhiều cùng không phức tạp, nên không làm tâm trí con người trở nên mệt qúa sức thu nhận. Do đó hình ảnh dấu chỉ được giữ lưu lại trong tâm trí kỹ lâu cùng gợi lên nhiều suy tư hơn.

Con người cần nghe, cần dấu chỉ hình ảnh để nhìn xem. Và con người xưa nay còn muốn hơn thế nữa. Họ luôn mong muốn có phép lạ nữa.

Dấu chỉ hình ảnh thì có thể có nhiều. Nhưng phép lạ thì ít rất hiếm, và không thể do con người hay máy móc kỹ thuật làm ra được.

Phép lạ thuộc về thế giới lãnh vực thần thiêng thánh đức. Chỉ có Thiên Chúa, Đức Mẹ, các Thánh mới làm được phép lạ thôi.

Xưa nay, hễ nơi nào có phép lạ xảy ra, con người đều muốn đến đó sống nhìn xem tận mắt và cầu xin khấn khứa cho mình nữa, như Đức Mẹ bên Fatima, bên Lộ Đức, ở Lavang, ở Banneux…

Đây là điều phải đạo và chính đáng trong đời sống đạo giáo đức tin!

Chúa Giêsu ngày xưa khi đi rao giảng nước Thiên Chúa đã làm nhiều dấu chỉ và phép lạ cho con người.

Nhưng ngày nay chúng ta phải nhìn cùng đọc hiểu dấu chỉ và phép lạ của Chúa Giêsu như thế nào?

Thánh Augustinô đã có suy tư: Dấu chỉ và phép lạ là một ngôn ngữ. Đã là ngôn ngữ chúng ta cần phải hiểu nó, phải đánh vần viết ra thành chữ nghĩa.

Những dấu chỉ và phép lạ của Chúa Giêsu thực hiện đều nằm trong một hệ thống văn phạm nhất định. Vì thế thử tìm cách đọc ngôn ngữ phép lạ này của Ngài, mong tìm ra chìa khóa mở ra ý nghĩa của ngôn ngữ này.

Dấu chỉ và phép lạ Chúa Giêsu làm luôn luôn trong tương quan với niềm tin tôn giáo. Nếu chỉ là điểm điều gì lạ lùng ngoạn mục gây kéo chú ý, không phải là phép lạ. Dấu chỉ và phép lạ phải luôn luôn là điều gì trông đợi mong mỏi từ nơi Thiên Chúa, điều cầu khần xin giúp đỡ, điều cầu xin dấu chỉ của Thiên Chúa. Vì thế, những dấu chỉ và phép lạ Chúa Giêsu thực hiện luôn luôn đi liền với đức tin.

Không phải những dấu chỉ và phép lạ làm gây nên đức tin, nhưng đức tin là điều kiện trước hết: „ Chúa Giêsu nói với cha của em bị bệnh xin chữa lành: Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể với người tin“ ( Mc 9,23) .

Nơi nào không có lòng tin, Chúa Giêsu không thể làm dấu chỉ phép lạ được. Không phải vì Chúa Giêsu không có quyền năng, nhưng nơi đó không có không gian điều kiện. Ở quê nhà Nazareth, nơi Chúa Giêsu bị chồng đối coi thường, Ngài không làm phép lạ nào. ( Mc 6,5).

Và khi người ta đòi hỏi dấu chỉ chứng tỏ Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, để họ tin vào ngài. Ngài cũng không đáp ứng đòi hỏi đó của họ. ( Mc 8,11-13).

Dấu chỉ và phép lạ không chỉ trong tương quan với đạo gíao đức tin, mà còn với đời sống con người nữa. Như trong Phúc âm thuật lại những trường hợp khó khăn cụ thể: „ Thưa Thầy, người đầy tớ của tôi bị tê bại nằm ở nhà đau đớn lắm.“ ; hay người đàn bà xứ Phoenexi khoản khẩn khoản kêu xin Chúa Giêsu giúp làm phép lạ chữa con bà bị qủy ám, và Chúa đã chữa lành cho con bà. ( Mc 7,25-26).

Nhìn thấy tình cảnh đau khổ của con người, Chúa Giêsu đã làm phép lạ chữa lành những người bị bệnh phong cùi, bị mù lòa, bị tật nguyền đi đứng không được ( Mc 1,41).

Thấy người mù từ thuở mới sinh, động lòng thương cảm, Chúa Giêsu lấy bùn trộn với nước bọt xức trên mắt anh làm phép lạ chữa cho anh được sáng mắt nhìn thấy mọi sự. (Ga 9, 1-7).

Những dấu chỉ và phép lạ Chúa Giêsu truyền đi tín hiệu tới tận trái tim tâm hồn con người. Đó là một loại ngôn ngữ mang đến niềm vui cho lòng con người, cùng gợi lên trong tâm trí con người sự suy nghĩ.

Và như thế dấu chỉ và phép lạ Chúa Giêsu làm không chỉ là để giúp con người, nhưng còn kêu gọi họ trở về với sự lành thánh, với Thiên Chúa. Vì phép lạ chữa lành Chúa Giêsu làm mang dấu chỉ về sự quan trọng, sám hối của trái tim tâm hồn, chữa lành tha thứ tội lỗi. Qua đó, Chúa Giêsu muốn con người thay đổi đời sống. Và cũng vì thế có sự phản kháng chống đối

Dấu chỉ và phép lạ Chúa Giêsu làm mang đậm dấu hiệu lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Trong tất cả những dấu chỉ phép lạ Chúa Giêsu thực hiện, không có dấu chỉ phép lạ nào lớn hơn sự hy sinh của Chúa cho con người trên cây thánh gía. Sự hy sinh dấn thân chịu chết trên Thánh gía của Chúa Giêsu là sự chữa lành lớn nhất, cùng là sự tha thứ hòa giải giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Những Phép lạ Chúa Giêsu làm luôn luôn là những dấu chỉ báo trước về sự sống lại.

Khi Chúa Giêsu chữa cho người đàn bà gù lưng được thẳng đứng lên lại, cho người mù được sáng mắt…đều nói gợi về phục sinh. Những người được phép lạ Chúa chữa lành đã được sống mầu nhiệm sống lại.

Những dấu chỉ và phép lạ của Chúa Giêsu là những dấu chỉ sự thương khó chịu nạn của ngài, cây thánh gía và sự sống lại của ngài.

Mùa chay 2011

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

 
Đốt lên một que diêm
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
12:08 02/04/2011
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY (A 2011)

Đốt lên một que diêm

1. Tin : Khước từ bóng tối và Chọn lựa ánh sáng

Vào năm 2004 và tiếp sau đó năm 2006, một đạo diễn phim người Nga, Timur Bekmambetov đã làm chấn động thị trường phim thế giới với hai siêu phẩm phim hành động giả tưởng Night watch (2004) và Day watch (2006). Nội dung của hai bộ phim nầy dựa trên một truyền thuyết về cuộc đối đầu và chiến tranh khủng khiếp của hai thế lực Bóng tối và Ánh sáng…

Không chỉ phim ảnh ưa khai thác chủ đề “bóng tối và ánh sáng” mà cả trong thi ca, âm nhạc, văn chương, hội hoạ…chủ đề nầy cũng rất được khai triển.

Vừa rồi, trong làng nhạc trẻ Việt nam đã xuất hiện một nữ nhạc sĩ kim ca sĩ trẻ Lê Cát Trọng Lý với một album nhạc đầu tay mang tựa đề : Bóng Tối và ánh sáng đã gây xôn xao và ấn tượng trong làng phê bình và thưởng ngoạn âm nhạc.

Quả thật, Ánh Sáng – Bóng Tối đó là hai đối cực tượng trưng cho hai cuộc sống, hai thế giới, hai lãnh vực hoàn toàn đối nghịch nhau, cách xa nhau, triệt tiêu nhau. Và trong ngữ nghĩa Kinh Thánh, Ánh Sáng là tượng trưng cho chân lý và sự sống, cho vinh quang Thiên Chúa, cho niềm tin yêu hy vọng, cho ơn cứu độ…Còn Bóng Tối là quê hương của lầm lạc, tội lối, ma quỷ, gian ác. Nếu Thiên Chúa ngay từ đầu đã dựng nên ánh sáng như thực tại đầu tiên của công trình sáng tạo ; thì vào chiều Thứ Sáu, khi Con Chúa tắt hơi trên Đồi Sọ, bóng tối đã bao trùm không gian.

Trong khi đó, các Sứ ngôn không ngần ngại loan báo viễn tượng về một “ngày mai rực sáng của thời đại Thiên Sai” để bỏ lại những ngày “lưu đầy sống kiếp lầm than lầm lũi bước đi trong miền âm u tử địa” (Is 9,1). Và khi thời Tân ước đến, Thánh Gioan đã không ngần ngại gọi Đức Kitô là “ánh sáng cho nhân loại, ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối không diệt được ánh sáng…là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 3-9). Và chính Đức Kitô đã cụ thể hoá ý nghĩa đối nghịch đó trong chính bản vị mỗi người : “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta yêu chuộng bóng tối hơn ánh sáng”(Ga 3, 19) ; “phàm ai làm điều dữ, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách”(Ga 3, 20)

Sứ điệp phụng vụ hôm nay tập chú vào “huyền nhiệm ánh sáng” để vừa dẫn lối đưa đường các anh chị em dự tòng đến một chọn lựa nghiêm túc : hoặc là ở lại trong bóng tối của lầm lạc và xa cách Thiên Chúa, hoặc là bước tới ngưỡng cửa của đời sống mới trong ánh quang của con cái sự sáng qua bí tích Rửa tội ; đồng thời cũng gọi mời tất cả cộng đoàn tín hữu hãy mạnh mẽ tiến bước trên con đường của chân lý phúc âm và loại trừ mọi biểu hiện của cuộc sống ù lỳ trong bóng tối của tội lỗi.

2. Để nhìn thấy ánh sáng cần có “đôi mắt của Thiên Chúa”.

Ánh sáng có rực sáng bao nhiêu, ban ngày có rạng thế nào, thì đối với người mang đôi mắt mù, tất cả cũng chỉ là bóng tối. Trong lãnh vực thiêng liêng, người ta sẽ không thể nhận ra Thiên Chúa, các công trình tuyệt diệu của Ngài, tình yêu cứu độ của Ngài, khi người ta bị mù loà tâm hồn. Lời Chúa hôm nay đề nghị chúng ta cần Thiên Chúa ban cho đôi mắt sáng thiêng liêng để nhìn bằng đôi mắt của chính Ngài. Nếu đôi mắt của I-sai ngày xưa chỉ nhìn thấy “diện mạo bên ngoài” thì với cái nhìn của Thiên Chúa, tiên tri Samuel đã “nhìn sâu tận đáy lòng” ; và vì thế, cậu con trai út Đa-Vít đã được xức dầu tấn phong làm vua Ít-ra-en (BĐ 1). Đối với các anh chị em dự tòng săp sửa lãnh nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo, thì việc trang bị “đôi mắt thiêng” đó chính những tháng ngày chăm chuyên học hỏi giáo lý, kinh nguyện, sống đạo. Còn đối với chúng ta, những người Kitô hữu, để có được đôi mắt sáng của Thiên Chúa thì phải sám hối, thanh lọc cõi lòng, ăn năn trở lại. Gỡ bỏ đi những cái nhìn đầy thiên kiến, ghét ghen, ích kỷ ; lột bỏ đi những chiếc gương đen của kết án, xét đoán, hoài nghi, thù hận ; vứt xa đi những chiếc mặt nạ giã hình, môi mép, vụ hình thức của những anh chàng biệt phái như trong chuyện kể Tin Mừng về phép lạ chữa khỏi chàng mù hôm nay…để thay bằng đôi mắt đức của người mù tự thuở mới sinh, mà lần đầu tiên diện kiến Đức Kitô, đã quỳ xuống thân thưa với tất cả tấm lòng đơn sơ khiêm hạ : “Lạy Ngài Con Tin”. (TM).

Đó cũng chính là điều mà trong BĐ 2, Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô đã nhắc bảo chúng ta : “xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng, mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công bình chân thật…”

3. Cùng với đôi mắt của Thiên Chúa, một thế giới hồi sinh


Chính khi được trang bị với đôi mắt mới ấy, một thế giới mới sẽ được hồi sinh trong ta và chung quanh ta. Nói cách khác, một khi tâm hồn ta tràn ngập ánh sáng Chúa Kitô, thì chúng ta sẽ có nhiều sức mạnh, nghị lực và tình yêu để đẩy lùi những mãnh lực của bóng tối tội lỗi và sự chết.

Và công việc nầy lại không phải chỉ là cuộc chiến đấu tiêu cực, những lời nói suông, những dự định hay ho nhưng rỗng tuếch ; mà phải luôn là những hành động tích cực, như ngụ ý của một chuyện ngụ ngôn Ấn Độ sau đây :

Ngày kia, các môn đệ của thầy Haxiđich bên Ấn Độ đến than phiền với thầy về ảnh hưởng xấu của ma quỷ trên thế gian. Họ hỏi thầy phải làm thế nào để có thể xua đuổi ma quỷ?

Thầy Haxiđich đề nghị trước hết hãy lấy chổi bắt đầu quét bóng tối khỏi căn phòng nhỏ dưới hầm. Các môn sinh ngạc nhiên trước lời dạy bảo đó. Nhưng họ cũng đành lòng vâng theo. Sau nhiều giờ mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhãi, nhưng họ vẫn không đuổi được bóng tối ra khỏi căn phòng nhỏ. Thầy Haxiđich bảo các môn sinh lấy gậy đập bóng tối để đuổi ma quỷ ra khỏi phòng. Nhưng vẫn uổng công vô ích. Lần thứ ba, thầy bảo các môn sinh hãy xuống hầm gào thét nguyền rủa bóng tối. Họ đã khan cổ, mất tiếng mà vẫn không sáng thêm được chút nào.

Sau cùng thầy bảo các môn sinh : “Hỡi các con, mỗi người trong các con hãy đương đầu với thách đố của bóng tối bằng cách đốt lên một cây nến”.

Họ thi hành theo lời thầy. Và kìa, lập tức bóng tối đã bị đuổi đi. căn hầm tối tăm lạnh lẽo bỗng trở nên sáng rực và ấm cúng.

Đó cũng chính là cảm nhận của tác giả Nguyễn Văn Thành trong bài viết rất thâm thuý: đốt lên một que dim… thay vì ngồi nguyền rũa “Bóng tối” :

Em chỉ thinh lặng đốt lên một que diêm, thay vì ngồi nguyền rủa đêm tối.

Đảm nhiệm cuộc đời như vậy là CHO. Cho vô điều kiện. Cho bất kỳ một cái gì: Một nụ cười, một bàn tay, một hơi ấm, một chút tình người.

Khi cho như vậy, điều Em nhận lại là Hạnh Phúc. Thiếu chất liệu Hạnh Phúc nầy, trong bản thân và cuộc đời, con người của Em sẽ tức khắc héo úa, nghèo nàn và tàn tạ.

Hỡi Em, Em hãy hạnh phúc. Tự khắc, bằng cách nầy hay cách khác, Em sẽ tạo hạnh phúc cho một vài anh chị em Đồng Bào đang có mặt hai bên cạnh em. Quê Hương nhờ đó, sẽ từ từ ngập Trời Ánh Sáng. Muôn vì sao sẽ mọc lên trong cuộc đời của Em…

Và giờ đây, “Ánh sáng cứu độ” đang ở giữa chúng ta, Đức Kitô đang thầm nói với chúng ta như Ngài đã từng nói với anh chàng mù vừa được sáng mắt : “Người đó chính là kẻ anh đang nhìn thấy và đang nói với anh” (TM). Chúng ta hãy cầu xin cho các anh chị em dự tòng trên khăp thế giới và cho chính ta thật sự được gặp gỡ và đón nhận Ngài, để giờ nầy có được lòng tin đơn sơ chân thành như anh chàng mù thuở trước và trên độ đường Mùa Chay thánh tiến về lễ Phục Sinh, tâm hồn chúng ta luôn rạng ngời ánh sáng niềm tin và chân lý, tình yêu và ân sủng.

Lạy Chúa Giêsu

Chúa gọi chúng con là con cái của sự sáng
dù Chúa biết trong lòng chúng con vẫn còn nhiều góc tối.
làm sao để chúng con có thể sống xứng đáng
với những mong đợi và hy vọng mà Chúa đặt nơi chúng con?
Những lúc con chơi vơi giữa ngã ba chợ đời,
xin Chúa là quy chiếu để con hướng về.
Những lúc con bước đi chênh vênh trên bờ cám dỗ
xin Chúa là điểm tựa để con vượt thoát.
Những lúc con còn mê mải trong bóng tối,
xin chiếu dọi ánh sáng của Chúa vào sâu thẳm hồn con.
Xin cho con đừng ngại ngần e sợ trước ánh sáng của Chúa.
vì ánh sáng ấy là cứu độ đời con. Amen.


GiuseTrương Đình Hiền
 
Đóng đinh Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
15:35 02/04/2011
CHÚA NHẬT LỄ LÁ, năm A

Mt 27, 11-54

Tuần thánh bắt đầu bằng Chúa nhật Lễ Lá, cuộc rước Chúa Giêsu đi vào thành Thánh Giêrusalem với lời tung hô của trẻ em và người lớn Do Thái cho thấy một cuộc vinh quang thường tình dưới con mắt trần gian. Cuộc vinh quang này, quả dạy mọi người bài học bất hủ ở đời này: vinh quang chỉ tạm bợ, chỉ chóng qua và điều còn lại là sự ê chề của kiếp sống. Chúa nhật Lễ Lá dạy chúng ta: ” Đức Kitô đã sống giây phút vinh quang trần gian mau qua, nhưng cái cốt lõi của Ngài không giống bất cứ một Vị Vua Chúa trần gian nào, Ngài đi vào Giêrusalem trong tiếng tung hô: Hoan hô Con Vua Đavít nhưng để chấp nhận sự tự nguyện chết cứu độ trần gian theo ý Thiên Chúa Cha. Đây là vinh quang của Ngài, vinh quang chỉ có được nơi Thập Giá bởi “ Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người chết vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).

Tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu, ngày tôi đến phục vụ các anh chị em Dân tộc Kơho. Việc đến phục vụ họ chẳng có gì là ghê gớm và đó cũng chỉ là chuyện thường tình của một người được bề trên sai đi phuc vụ. Nhưng điều đáng nói là tôi và một Cha bạn được sai đi phục vụ khi mới lãnh nhận sứ vụ Linh mục được gần một tháng. Sứ vụ linh mục, chúng tôi lãnh nhận cũng là một sự tự nguyện và nói cách linh thiêng hơn là được Thiên Chúa tuyển chọn. Nhưng đến một vùng xa xôi trong hoàn cảnh tất cả đều mới, giữa một hoàn cảnh mới là một điều rất đáng ghi nhớ của tôi. Đến giữa người Dân tộc, sống giữa họ và phục vụ họ là một ơn huệ và một điều hết sức linh thánh giữa lúc tuổi đời của chúng tôi còn quá trẻ 28, 29 tuổi để lãnh đạo một giáo xứ, một vùng truyền giáo. Có thể nói một cách dân dã, chúng tôi đi tới vùng truyền giáo trong vinh quang của tuổi trẻ như Chúa Giêsu đi vào Giêrusalem trong tiếng tung hô của trẻ em Do Thái tay cầm lá cọ, lá vạn tuế và cưỡi trên mình lừa. Chúa đi vào Giêrusalem vinh quang tạm bợ để lãnh nhận cái chết cứu độ nhân loại. Anh em chúng tôi đến với người Dân tộc không phải trong vinh quang của tuổi trẻ để rồi được chết như Chúa, nhưng là để sống, phục vụ anh chị em mình, giúp anh chị em mình và mình sống đỡ bất xứng hơn để không đang tâm đóng đinh Chúa vào Thập Giá. Thật vậy, bài Tin Mừng Lễ Lá hôm nay trình bầy rất nhiều nhân vật và cho thấy cả đoàn lũ đám đông dân chúng. Thực tình mà nói, tất cả dù trẻ nhỏ, dù người lớn, dù là các vị lãnh đạo tôn giáo và thế quyền lúc đó, ai cũng một cách nào đó không ít thì nhiều đã tiếp tay đóng đinh Chúa vào Thập Giá. Những nhân vật chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng ngày hôm nay như Giuđa, như Phêrô, như các tông đồ, hay như Philatô, các vị lãnh đạo Do Thái, Roma, các quân lính hay dân chúng lúc đó quả một cách nào đó diễn tả hình ảnh của mỗi người chúng ta.

Chúng ta có thể là một Giuđa đã đang tâm bán Chúa do thái độ vô tâm của chúng ta khi chúng ta theo Chúa nhưng lại không biết lắng nghe và thực thi lời Chúa mà lại sống hoàn toàn thờ ơ, lãnh đạm hơn một kẻ vô tín.

Chúng ta có thể là một Phêrô dù cương quyết theo Chúa, làm con cái Chúa qua Bí tích rửa tội và đã sống lâu trong Hội Thánh nhưng đức tin thì không sâu xa nên khi gặp khó khăn thử thách dễ chùn bước, tỏ ra như người không biết Chúa.

Chúng ta cũng có thể như Philatô biết Chúa là Đấng vô tội nhưng lại không dám bảo vệ Chúa, không dám tuyên xưng mình là người có đạo, khi gặp sóng gió dễ phủi tay để không phải chịu liên lụy vì mình là người theo Chúa.

Chúng ta cũng có thể là những người lính chỉ biết làm theo người trên mà không dám bênh vực sự thật dẫu biết đó là sự thật vì con người quá hèn nhát, yếu đuối.

Chúng ta cũng có thể là người của đám đông, a dua, bị kích động, dẫu biết hùa theo là không đúng nhưng vẫn cứ nhẹ dạ hùa theo.

Đọc bài Tin Mừng tường thuật về sự thương khó của Chúa Giêsu với một bản án bất công và vô lý. Chúng ta cảm thấy thật xót xa, ê chề, chua cay và mệt mỏi. Chúng ta có lúc đã đấm ngực khóc lóc van xin vì một cách nào đó chính chúng ta cũng đã góp phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Chúng ta xin cho mọi Kitô hữu luôn có một tình thương quả cảm, trung tín của thánh Gioan, luôn đi theo Chúa và ngay khi Chúa bị treo trên Thập Giá, Ngài đã không sợ sệt, không hoang mang, Ngài đã đứng dưới chân Thập Giá để biểu lộ lòng trung tín với Thầy và nói lên tình thương không gì cản ngăn đối với Thầy.

Chúng ta cũng xin cho mọi Kitô hữu luôn có tấm lòng bao la dạt dào như Mẹ Maria, đứng dưới chân Thập Giá, cùng Con Mẹ là Đức Kitô đồng công chịu đau khổ để góp phần cứu chuộc nhân loại với Ngài.

Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúa Giêsu đã chết vì yêu: ” Khi Ta bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta “ “ Ơn cứu độ chứa chan nơi Người “.

Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ tội lỗi cho chúng con vì chúng con đã nhiều lần xúc phạm và làm tổn thương Chúa. Amen.
 
Ánh sáng đích thật
Lm. Phêrô Hồng Phúc
18:23 02/04/2011
ÁNH SÁNG ĐÍCH THẬT

Người mù từ khi mới sinh là một cấu tạo tự nhiên, không y khoa nào có thể chữa khỏi. Người mù bẩm sinh này đã được nghe nói về Chúa Giêsu và hôm nay, anh đã làm mọi cách để đến được với Chúa và xin Chúa Giêsu chữa cho anh được khỏi mắt. Ngay khi anh được sáng thì bắt đầu có một cuộc tra vấn anh rất nghiêm khắc. Những người trong giới lãnh đạo Do Thái đặt ra đủ mọi nghi vấn. Trước hết là nghi có sự hoán đổi giữa những người mù bẩm sinh và những người giống như anh ta. Thứ hai là có đúng anh ta bị mù bẩm sinh không?. Họ gặp anh mù và gặp cả cha mẹ của anh để chất vấn. Tất cả những hoài nghi đó đều không có căn cứ, bởi sự xác quyết chân thật của cha mẹ anh cũng như của chính anh.

Một điều mà chúng ta chú ý ở đây không phải là việc anh mù bẩm sinh được sáng mắt hay không sáng mắt, vì sự việc đã quá rõ ràng. Nhưng những người của giới lãnh đạo Do Thái thì cố gắng lái sự thật theo ý riêng của họ. Trước hết là họ khẳng định Chúa Giêsu, người chữa bệnh cho anh ta, là một người tội lỗi vì đã làm vào ngày Sabbat. Chúng ta thấy người mù bẩm sinh, từ khi anh được sáng mắt, anh cũng sáng lên trong đức tin và mức độ sáng ấy song song với việc làm chứng cho một Đấng mà đến lúc đó anh ta vẫn chưa được gặp Ngài. Rằng: “Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì làm sao có thể mở mắt người mù từ khi mới sinh” (x. Ga 9,32-33). Một lý luận đơn giản và một xác quyết về một sự thật rõ ràng khiến cho những người trong giới lãnh đạo Do Thái phải lúng túng. Họ quay lại để chỉ trích anh: “Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?” (Ga 9, 34). Một quan niệm Do Thái hồi đó: những người dị tật, những người son sẻ đều bị kết án là những người sinh ra trong tội. Thật là đau đớn và kỳ thị. Điều quan trọng là người mù bẩm sinh này đã dám lên tiếng. Anh ta lên tiếng để dám nói với những người trong hội đồng Do Thái rằng anh đã được khỏi mù và rằng “Những người đến từ Thiên Chúa mới có thể làm được điều đó” (x. Ga 9,31). Người ta hỏi anh ta: “Anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?”. Anh mạnh mẽ tuyên bố: “Người đó là một tiên tri” (x.Ga 9,17). Đối với người Do Thái việc đặt niềm tin vào tiên tri là lớn nhất, cho nên anh mù bẩm sinh đã đạt tới độ tin cậy lớn nhất của người Do Thái lúc ấy, về Đức Giêsu là một tiên tri. Trong khi giới lãnh đạo Do Thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Người mù bẩm sinh này không phải là không biết điều đó, nhưng anh đã mạnh dạn làm chứng về một sự thật và trước một sự thật rõ ràng như thế, họ chẳng có thể bắt bẻ được điều gì, người ta chỉ còn có một cách là đuổi anh ta ra ngoài. Ngay khi anh ra ngoài, anh được tiến lên một bước nữa trong đức tin của mình. Đó là anh không chỉ gặp một tiên tri, mà anh được gặp chính Đấng Messia - Đức Giêsu Kitô. Ngài hỏi anh: “Anh có muốn tôn thờ Thiên Chúa không?” Anh đã thưa với Ngài: “Nhưng Người là ai để tôi tin?”. Đức Giê su trả lời: “Là Đấng đang nói với anh đây”. Đúng là người mù này đã sáng lên trong mắt đức tin !

Với những người Do Thái cố chấp, khi chứng kiến phép lạ Chúa làm, họ bảo: “Ông này dùng quyền của tướng quỉ Benzebut mà trừ quỉ”(x.Lc 11,14-15). Chúa Giêsu xưng mình là Con Thiên Chúa, họ kết luận Chúa là phạm thượng. Họ giương bẫy, họ chất vấn trực tiếp Chúa Giêsu và đã hơn một lần họ bị câm lặng. Chừng ấy mà họ vẫn tìm mọi cách để bắt và thậm chí còn âm mưu giết Chúa Giêsu. Trong khi người mù bẩm sinh này chỉ nghe nói đến Giêsu và khi người đó đứng trước mặt anh, không chỉ xưng danh mà còn xưng là Con Thiên Chúa đang nói với anh thì anh ta đã lập tức thốt lên: “Lạy Thầy, con tin” và anh ta sấp mình thờ lạy. Một đức tin đơn sơ, trực giác và mạnh mẽ như vậy thật xứng đáng được Chúa chữa cho anh khỏi mù. Đó chính là điều mà chúng ta nhận được một sứ điệp từ việc chữa mù mắt cho anh ta, rằng: “Chính là để xét xử mà Ta đã đến trong thế gian để người mù được xem thấy và người xem thấy lại nển mù” (Ga 9,39). Đúng là Chúa đến để mở mắt những người mù và lại làm cho những người kiêu căng lại trở nên đui mù, những người biệt phái tự tự ái và vì tự ái, họ lại một lần nữa nhúng chàm. Rằng: “Ông nói như vậy thì chúng tôi mù cả sao?”. Chúa Giêsu xác quyết một điều kết luận còn mạnh mẽ hơn nữa: “Nếu các ông mù thì tội các ông được tha. Nhưng vì các ông bảo các ông không mù thì tội các ông còn đó” (Ga 9,41). Điều này cho chúng ta thấy, mù hay không mù nơi con mắt thể là lý không quan trọng cho bằng mù hay không mù con mắt của lương tâm, con mắt của tâm hồn. Người mù bẩm sinh này có một con mắt đức tin trong sáng trong tâm hồn, cho nên Chúa đến để mở mắt thể lý cho anh và anh đã trở nên chứng nhân của Đức Kitô. Trong khi đó, những người giới chức lãnh đạo Do Thái xưng mình là những người hiểu biết và thông tuệ thì hôm nay Chúa kết luận cho họ thấy rằng tội của các ngươi còn đó. Với cách nói của Chúa Giêsu, chúng ta hiểu rằng, họ mới chính là những người mù bẩm sinh vì cố tình đi theo một ý riêng của mình.

Chúng ta đang đánh giá về một thời đại cách đây 21 thế kỷ, nhưng những gì mà chúng ta bình luận hôm nay lại cũng đang diễn ra ở giữa thời đại của chúng ta. Tục ngữ Việt Nam nói: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng” không thiếu những người nghĩ rằng mình sáng suốt thì lại trở nên đui mù trước chân lý đời đời, và những người đơn sơ bé mọn, những người bị coi là mê tín lạc hậu thì lại nhìn rõ chân lý ngàn đời. Vì vậy, hơn bao giờ hết, tiếng nói của lương tâm, ánh sáng của tâm hồn, niềm vui thanh cao của những tâm hồn sạch tội đang được đề cao. Ước gì Giáo Hội hôm nay luôn luôn có những con cái với ánh nhìn thanh cao, với tâm hồn trong sáng và với một đức tin mạnh mẽ. Họ làm chứng cho thế giới thấy Đức Giêsu Kitô đang hiện diện ở giữa trần gian này và Người đang tiếp tục mở mắt những người mù để nhận ra lòng thương xót vô biên của Chúa, đồng thời ánh sáng chói chan ấy cũng sẽ làm chói mắt những kẻ nào vốn đã mang một cái mắt bị thương tật trong linh hồn là những người đau mắt ghét sự sáng.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Chúa là ánh sáng đến trong thế gian.
Xin đừng để chúng con chói mắt vì sự sáng.
Nhưng xin cho chúng con hạnh phúc
vì được có ánh sáng của Chúa,
để chúng con không đi trong bóng tối tăm
và không đi trong lầm lạc.
Ánh sáng của Chúa dẫn đưa chúng con
về bến bờ hạnh phúc,
về sự sống đời đời
và về Nước Tình Yêu vĩnh cửu của Chúa. Amen.
 
Bữa Tiệc Ly diễn ra khi nào ?
Trầm Thiên Thu
19:11 02/04/2011
Vấn đề ngày tháng diễn ra Bữa Tiệc Ly do có sự trái ngược giữa các Phúc âm nhất lãm (Synoptic Gospels) và Phúc âm theo thánh sử Gioan. Thánh sử Máccô, người mà thánh sử Matthêu và Luca theo những điểm chính, cho chúng ta biết ngày tháng chính xác: “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? Chiều đến, Đức Giê-su và Nhóm Mười Hai cùng tới” (Mc 14:12, 17). Chiều ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, những con chiên Vượt Qua được hiến tế trong Đền Thờ, trước Lễ Vượt Qua (Passover). Theo niên đại của các Phúc âm nhất lãm thì đó là thứ Năm.

Sau khi mặt trời lặn, Lễ Vượt Qua bắt đầu, và lúc đó Chúa Giêsu và các môn đệ ăn Lễ Vượt Qua, cả những khách hành hương đến Giêrusalem. Trong đêm chuẩn bị sang thứ Sáu, theo biên niên sử nhất lãm, Chúa Giêsu bị bắt và bị đưa ra trước tòa án. Sáng thứ Sáu, Ngài bị Philatô kết án tử và ngay sau đó là “khoảng giờ thứ ba” (khoảng 9 giờ sáng), Ngài bị dẫn đến Thập giá. Chúa Giêsu chết lúc giờ thứ chín (khoảng 3 giờ chiều). “Chiều đến, vì hôm ấy là ngày áp lễ, tức là hôm trước ngày Sa-bát, nên ông Giôxếp tới. Ông là người thành Arimathê, thành viên có thế giá của hội đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa. Ông đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu” (Mc 15:42-43). Việc an táng xảy ra trước khi mặt trời lặn, vì lúc đó ngày Sa-bát bắt đầu. Ngày Sa-bát là ngày Chúa Giêsu được an táng trong mồ. Sự phục sinh xảy ra vào “ngày thứ nhất trong tuần”, tức là ngày Chúa nhật.

Khoa nghiên cứu niên đại gặp vấn đề là cuộc xử án và đóng đinh Chúa Giêsu đã xảy ra vào ngày Lễ Vượt Qua, mà năm đó rơi vào thứ Sáu. Đúng, nhiều học giả đã cố gắng chứng minh cuộc xử án và đóng đinh Chúa Giêsu hợp với quy luật Lễ Vượt Qua. Nhưng dù các học giả tranh luận như vậy, vẫn có vẻ khả nghi không biết cuộc xử án trước mặt Philatô và việc đóng đinh Chúa Giêsu có được phép và có thể xảy ra vào ngày lễ quan trọng của người Do Thái như vậy hay không. Vả lại, có lời bình luận trong Phúc âm theo thánh sử Máccô ngược lại giả thuyết này. Ngài nói với chúng ta rằng hai ngày trước lễ Bánh Không Men, các thượng tế (chief priests) và các kinh sư (scribes) tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu để bắt giết Ngài, nhưng về phương diện này họ tuyên bố: “Đừng làm vào chính ngày lễ, kẻo dân chúng náo động” (Mc 14:2). Theo trình thuật này, việc xử tử Chúa Giêsu thực sự xảy ra vào chính ngày lễ đó.

Chúng ta hãy qua trình thuật của thánh sử Gioan. Thánh sử Gioan viết dài nhất để chứng tỏ rằng Bữa Tiệc Ly không là bữa ăn Vượt Qua. Ngược lại: Chính quyền Do Thái dẫn Chúa Giêsu đến trước tòa Philatô để tránh vào dinh (praetorium), “họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được” (Ga 18:28). Do đó, Lễ Vượt Qua chỉ bắt đầu vào buổi chiều tối, và lúc xử án thì bữa ăn Vượt Qua chưa diễn ra; cuộc xử án và đóng đinh Chúa Giêsu xảy ra vào ngày trước Lễ Vượt Qua, vào “ngày chuẩn bị”, không phải chính ngày lễ. Lễ Vượt Qua năm đó từ chiều tối thứ Sáu đến chiều tối thứ Bảy, không phải từ chiều tối thứ Năm đến chiều tối thứ Sáu.

Mặt khác, kết cuộc của các sự kiện vẫn giống nhau: Chiều tối thứ Năm – Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu với các môn đệ, nhưng không là bữa ăn Vượt Qua; thứ Sáu, trước ngày lễ, không là chính ngày lễ – cuộc xử án và đóng đinh Chúa Giêsu; thứ Bảy – an táng trong mồ; thứ Bảy – phục sinh. Theo trình tự này, Chúa Giêsu chết lúc những con chiên Vượt Qua bị sát tế trong Đền Thờ. Chúa Giêsu chết như một con chiên thật, chỉ được các “sát thủ” báo trước trong Đền Thờ.

Nối kết quan trọng này về phương diện thần học, cái chết của Chúa Giêsu xảy ra đồng thời với việc sát tế các con chiên Vượt Qua, đã khiến nhiều học giả loại bỏ cách mô tả của thánh sử Gioan là thần học. Họ cho rằng thánh sử Gioan đã thay đổi niên đại để tạo sự nối kết thần học này, điều được coi là minh nhiên trong Phúc âm. Ngày nay, càng lúc càng rõ ràng rằng niên đại của thánh sử Gioan có thể thích hợp lịch sử hơn niên đại của Phúc âm nhất lãm. Vì như đã nói ở trên: cuộc xử án và đóng đinh Chúa Giêsu vào ngày lễ là khó có thể hiểu. Mặt khác, Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu có vẻ rất gần với truyền thống Lễ Vượt Qua, từ chối đặc tính Lễ Vượt Qua này là khó hiểu.

Do đó đã có nhiều cố gắng để dung hòa hai niên đại. Điều quan trọng nhất và thực sự thu hút nỗ lực dung hòa hai truyền thống này đã được nữ học giả người Pháp Annie Jaubert phát triển một loạt giả thuyết được công bố từ năm 1953. Chúng ta không đi vào chi tiết của các giả thuyết này; chúng ta hãy hạn chế vào những điểm chính.

Bà Jaubert dựa vào hai văn bản ban đầu đề nghị cách giải quyết vấn đề. Trước tiên, bà nói đến lịch cổ có trong Sách Năm Toàn Xá (Book of Jubilees), đó là văn bản bằng tiếng Hê-brơ có từ nửa sau của thế kỷ II trước Chúa Kitô. Lịch này có các chu kỳ mặt trăng và dựa vào năm có 364 ngày, chia thành 4 mùa, mỗi mùa có 3 tháng, có hai mùa có 30 ngày và một mùa có 31 ngày. Thời đó mỗi quý có 91 ngày, chính xác là 13 tuần, và mỗi năm có chính xác 52 tuần. Theo đó, các lễ phụng vụ rơi vào cùng ngày mỗi năm. Đối với Lễ Vượt Qua, điều này nghĩa là ngày 15 tháng Nisan luôn luôn là thứ Tư và bữa ăn Vượt Qua được tổ chức sau khi mặt trời lặn vào chiều tối thứ Ba. Theo Jaubert, Chúa Giêsu mừng Lễ Vượt Qua theo lịch này, nghĩa là vào chiều tối thứ Ba, và Ngài bị bắt trong đêm chuyển sang thứ Tư.

Jaubert so sánh cách giải quyết này với 2 vấn đề: Trước tiên, Chúa Giêsu ăn bữa Vượt Qua thật, như truyền thống nhất lãm vẫn giữ; nhưng thánh sử Gioan cũng đúng, theo đó chính quyền Do Thái, theo lịch của họ, không mừng Lễ Vượt Qua cho đến sau khi xử Chúa Giêsu, và do đó Chúa Giêsu bị xử vào ngày trước Lễ Vượt Qua thật, không phải chính ngày lễ. Cả truyền thống nhất lãm và truyền thống Johan có vẻ đúng về cơ bản của sự khác nhau giữa hai lịch.

Sự thuận lợi thứ hai được Annie Jaubert nhấn mạnh cho thấy cùng thời điểm đó nỗ lực giải quyết còn yếu kém. Bà chỉ ra rằng các niên đại truyền thống (Phúc âm nhất lãm và Johan) phải ép toàn bộ các sự kiện thành vài giờ: nghe nói trước khi Chúa Giêsu bị dẫn đến Philatô, vợ Philatô có một giấc mơ, Chúa Giêsu bị giao cho Herod, rồi giao lại cho Philatô, rồi ông rửa tay thanh minh, rồi việc kết án tử, vác thập giá và bị đóng đinh. Theo Jaubert, hoàn tất mọi thứ trong khoảng vài giờ có vẻ khó khả thi. Cách giải quyết của bà cung cấp một cách sắp xếp thời gian từ đêm chuẩn bị sang thứ Tư cho đến sáng thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday).

Bà cũng tranh luận rằng thánh sử Máccô đưa ra một hệ quả chính xác về các sự kiện Chúa nhật Lễ Lá (Palm Sunday), thứ Hai và thứ Ba, nhưng rồi chuyển thẳng qua bữa ăn Vượt Qua. Theo ngày tháng truyền thống, hai ngày còn lại không có gì được tính đến. Cuối cùng, Jaubert nhắc chúng ta rằng, nếu lý thuyết của bà đúng thì chính quyền Do Thái có thể đã thành công theo kế hoạch giết Chúa Giêsu vào giờ tốt trước ngày lễ. Lúc đó Philatô trì hoãn việc đóng đinh cho tới thứ Sáu, vậy là lý thuyết đúng dù có chút lưỡng lự.

Dĩ nhiên, người ta phản đối cách sửa lại niên đại của Bữa Tiệc Ly vào thứ Ba là truyền thống lâu đời ấn định lễ vào thứ Năm, điều mà chúng ta thấy rõ ràng được thiết lập ngay từ thế kỷ II. Bà Jaubert đáp lại bằng cách chỉ ra văn bản thứ hai mà lý thuyết của bà dựa vào: Cái gọi là Didascalia Apostolorum (1), một văn bản từ thế kỷ III đặt Bữa Tiệc Ly vào thứ Ba. Bà cố gắng chứng tỏ sách này duy trì một truyền thống cổ, cũng có trong các văn bản khác.

Để đáp lại, người ta phải nói rằng các dấu vết truyền thống đối với bà ám chỉ là chưa đủ thuyết phục. Khó khăn khác là Chúa Giêsu không thể dùng lịch theo quy luật Qumran. Chúa Giêsu lên Đền Thờ dự đại lễ. Thậm chí Ngài nói tiên tri về sự tàn phá Đền Thờ và xác định điều này bằng hành động mạnh mẽ, Ngài vẫn theo lịch Do Thái, đặc biệt là chứng cớ trong Phúc âm theo thánh sử Gioan. Thật vậy, người ta có thể đồng ý với Jaubert rằng lịch năm Toàn xá không hạn chế theo Qumran và Essenes (2). Nhưng điều này không đủ để bào chữa cho việc áp dụng lịch đó đối với Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu. Như vậy điều này có thể hiểu rằng lý thuyết Annie Jaubert – thu hút ngay từ đầu – bị đa số các nhà chú giải bác bỏ.

Vậy chúng ta nói gì? Cách đánh giá tỉ mỉ có trong một cuốn sách của John P Meier viết về Chúa Giêsu, ông giới thiệu cuốn 1 là cuốn nghiên cứu về niên đại của cuộc đời Chúa Giêsu. Ông kết luận rằng người ta phải chọn giữa niên đại nhất lãm và Johan. Ông tranh luận rằng, về cơ bản của mọi nguồn, các chứng cớ đều “ủng hộ” thánh sử Gioan.

Thánh sử Gioan đúng khi ngài nói rằng lúc xét xử Chúa Giêsu trước tòa Philatô thì chính quyền Do Thái chưa ăn Lễ Vượt Qua, và như vậy phải giữ đúng nghi lễ. Thánh sử Gioan đúng khi cho rằng việc đóng đinh không xảy ra vào ngày lễ, nhưng vào hôm trước ngày lễ. Điều này nghĩa là Chúa Giêsu chết vào giờ mà các chiên Vượt Qua đang bị sát tế trong Đền Thờ. Sau đó các Kitô hữu thấy điều này không trùng khớp, họ coi Chúa Giêsu là con chiên thật, theo cách này mà họ hiểu ý nghĩa thật của nghi lễ con chiên – điều này có vẻ theo tự nhiên.

Vấn đề vẫn còn: Tại sao Phúc âm nhất lãm nói về bữa ăn Vượt Qua? Điều gì là cơ bản đối với truyền thống này? Không phải Meier có thể đưa ra cách trả lời thuyết phục cho vấn đề này. Ông đã cố gắng – như nhiều nhà chú giải khác – qua những bài phê bình của ông. Ông tranh luận rằng Mc 14:1a và 14:12-16 – những đoạn duy nhất mà thánh sử Máccô nói đến Lễ Vượt Qua – được thêm vào sau. Ông nói rằng khi nói đến Bữa Tiệc Ly không có ám chỉ nào về Lễ Vượt Qua.

Tuy nhiên, tranh luận này là giả tạo. Nhưng Meier đúng khi chỉ ra trong cách diễn tả về chính bữa ăn, Phúc âm nhất lãm kể lại một ít về nghi thức Lễ Vượt Qua như thánh sử Gioan. Như vậy, với chút dè dặt nào đó, người ta có thể đồng ý với kết luận của ông: “Toàn bộ truyền thống Johan, từ đầu tới cuối, hoàn toàn đồng ý với truyền thống nhất lãm nguyên thủy về đặc tính phi Vượt Qua (non-Passover character) của bữa ăn” (A Marginal Jew, i, tr. 398).

Chúng ta phải hỏi Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu thực sự là gì. Và bằng cách nào có được cách quy kết ban đầu khả nghi về đặc tính của Lễ Vượt Qua? Câu trả lời của Meier rất đơn giản và có nhiều khía cạnh thuyết phục: Chúa Giêsu biết Ngài sẽ chịu chết và biết Ngài không thể ăn Lễ Vượt Qua lần nữa. Hoàn toàn biết rõ nên Ngài mời các môn đệ ăn Bữa Tiệc Ly theo cách thức rất đặc biệt, không theo nghi thức Do Thái, nhưng là cách từ giã của Ngài; khi đang ăn, Ngài trao cho họ điều mới lạ, Ngài trao ban chính Ngài là con chiên thật và do đó Ngài thiết lập Lễ Vượt Qua của Ngài.

Trong các Phúc âm nhất lãm, lời tiên tri về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu hình thành một phần của bữa ăn. Thánh sử Luca giới thiệu một cách nghiêm trọng và bí ẩn: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” (Lc 22:15-16). Cách nói nước đôi. Có thể Chúa Giêsu đang ăn bữa Vượt Qua bình thường với các môn đệ lần cuối cùng. Nhưng cũng có thể Ngài không còn ăn bữa Vượt Qua nữa, mà Ngài muốn ăn bữa Vượt Qua mới.

Có điều nổi bật từ toàn bộ truyền thống: Đặc biệt là bữa ăn chia tay này không là Lễ Vượt Qua cũ, nhưng là Lễ Vượt Qua mới mà Chúa Giêsu đã hoàn tất. Cho dù Ngài chia sẻ bữa ăn với Nhóm Mười Hai không là bữa Vượt Qua theo nghi thức đạo Do Thái (Judaism), nhưng sự liên kết bên trong toàn bộ sự kiện với cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu vẫn rõ ràng. Đó là Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu. Và theo nghĩa này, Ngài vừa ăn mừng vừa không ăn mừng Lễ Vượt Qua: Các nghi thức cũ không thể được thực hiện – khi thời giờ của họ đến, Chúa Giêsu đã chết rồi. Nhưng Ngài đã trao ban chính Ngài, do đó Ngài thực sự ăn mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ. Lễ cũ không bị bãi bỏ mà vẫn đầy ý nghĩa.

Các chứng cớ mới đây nhất đối với quan điểm về lễ cũ và lễ mới, có cách giải thích mới về đặc tính Lễ Vượt Qua trong bữa ăn của Chúa Giêsu qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, được thấy trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô: “Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1 Cr 5:7; x. Meier, A Marginal Jew, i, tr. 429f). Như trong Mc 14:1, đây là ngày thứ nhất trong tuần lễ Bánh Không Men và ngay sau đó là Lễ Vượt Qua, nhưng cách hiểu theo nghi thức cũ được chuyển thành cách hiểu theo Kitô học (Christological) và hiện sinh (existential). Ngày nay Bánh Không Men ám chỉ chính các Kitô hữu, những người được giải thoát khỏi tội lỗi bằng cách thêm men vào. Nhưng Chiên hiến tế là Đức Kitô. Ở đây thánh Phaolô hài hòa với cách giới thiệu của thánh sử Gioan về các sự kiện. Đối với ngài, sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô trở thành Lễ Vượt Qua kéo dài mãi mãi.

Về cơ bản này, người ta có thể hiểu rất sớm về Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu – kể cả không chỉ một lời tiên tri mà còn sự tham dự thực sự của Thập giá và sự Phục sinh trong Thánh Thể – được coi là một Lễ Vượt Qua: như Lễ Vượt Qua của Ngài. Và như vậy đó.

(Chuyển ngữ từ CatholicHerald.co.uk)

(1) Sách Giáo lý các Tông đồ là sách chuyên khảo bằng tiếng Hy Lạp về luân lý và tín lý mà truyền thống cho rằng do các thánh Tông đồ soạn ra. Có lẽ phần lớn do một giám mục ở Syria viết trong thế kỷ III. Nó tạo phần đầu của Hiến chương Tông đồ, nghĩa là 8 cuốn sách đầu tiên của các Tông đồ. Sách bàn về việc chăm lo các hối nhân, bổn phận của giáo sĩ và giáo dân, và bảo vệ đức tin chống lại lạc giáo. Cuốn sách này thường được gọi là nỗ lực đầu tiên của Bộ giáo luật.

(2) Phái Êsêniô là các nhóm người Do thái sống khổ hạnh trước CN, không được nêu tên trong Kinh thánh hoặc sách Talmud (Huấn giáo Do Thái), nhưng được Philo nhắc đến (năm 20 trước CN đến năm 40 sau CN), Josephus (năm 37 trước CN, khỏang năm 100), và Pliny Cả (năm 23-79). Danh từ này có nghĩa là “những người đạo đức”. Họ dường như bắt đầu sống khổ hạnh vào thế kỷ II trước Công nguyên, và chấm dứt phái này vào thế kỷ II sau CN, và luôn tồn tại ở Palestine. Theo Josephus, số người theo phái này khỏang 4.000 người vào cuối thế kỷ I. Họ là một hội chuyên biệt, chủ yếu làm nông nghiệp. Nói chung là họ không lập gia đình, nhưng không bác bỏ giá trị hôn nhân, và tuyển người vào hội bằng cách nhận trẻ em làm con nuôi. Họ thực hiện đời sống cộng đòan cách nghiêm ngặt nhất, và cũng là hệ thống đẳng cấp cứng rắn. Ngòai mê tín dị đoan, họ còn tin Đức Chúa (Giavê) và sự bất tử. Họ hầu như bị quên lãng trong lịch sử tôn giáo, cho đến khi người ta phát hiện các Sách cuộn Biển Chết vào năm 1947. Hầu như chắc chắn đây là một cộng đoàn phái Êsêniô, đã làm ra kho tàng văn chương được tìm thấy ở Qumran, gần Biển Chết. (Từ nguyên Hy Lạp là Hosioi – thánh nhân, tu sĩ; hoặc từ chữ Aramaic – người thinh lặng).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Buổi họp của Ủy Ban Song Phương các đại biểu của Do Thái và Tòa Thánh
Bùi Hữu Thư
06:07 02/04/2011
ROME, Thứ sáu 1 tháng Tư, 2011 (Le Monde vu de Rome) – Trách nhiệm của các tín hữu Do Thái và Công Giáo là làm nhân chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thế gian trong khi ý thức về những thất bại của mình trong quá khứ và là những chứng nhân đích thực của sự hiện diện này.

Đây là điều các tham dự viên buổi hội của Ủy Ban Song Phương các đại biểu của các thầy cả Rabbi Do Thái và Uỷ Ban của Tòa Thánh về các mối tương quan tôn giáo với Do Thái giáo, trong một tuyên cáo được văn phòng Truyền Thông của Toà Thánh phổ biến ngày thứ sáu này. Buổi họp song phương lần thứ sáu này chú trọng vào những thách đố của đức tin và việc lãnh đạo tôn giáo trong xã hội giáo dân, được triệu tập từ ngày 29 đến 31 tháng Ba.

Phái đoàn Do Thái được Rabbi Shear Yashuv Cohen hướng dẫn và phái đoàn Công Giáo do Đức Hồng Y Argentine Jorge Maria Mejía dẫn đầu.

Hai phái đoàn ghi nhận rằng trong xã hội, mặc dầu có “nhiều lợi ích”, “những phát triển về kỹ thuật mau chóng, chế độ tiêu thụ quá mức, một lý tưởng bất tuân luật pháp với sự nhấn mạnh về cá nhân con người”, đang được phát triển “không kể đến cộng đồng và sự an vui của tập thể.” Thế giới tân tiến của chúng ta đã “mất đi ý thức về sự trực thuộc, ý nghĩa và mục đích của đời sống.”

Người Do Thái và Công Giáo đã công nhận là hai tôn giáo này đóng “một vai trò quan trọng”, “vừa cung ứng niềm hy vọng lẫn một lối hành xử đạo đức xuất phát từ sự nhận thức về sự hiện diện thiêng liêng và hình ảnh thiêng liêng trong tất cả mọi con người.”

Tuyên cáo nói: “Các truyền thống của chúng ta loan truyền sự quan trọng của kinh nguyện, vừa là biểu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa vừa là phương cách để khẳng định nhận thức này và những đòi hỏi luân lý.”

Tuyên cáo giải thích: “Trách nhiệm của các tín hữu là làm nhân chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế gian trong khi ý thức được những thất bại của chúng ta trong qúa khứ,” trong khi nhấn mạnh sự cần thiết phải là nhân chứng trong ngành giáo dục, giữa các giới trẻ, trong giới truyền thông, qua “việc thiết lập các cơ quan trợ giúp, đặc biệt chú ý đến các người yếu đuối, các bệnh nhân và những người sống ngoài lề xã hội, theo tinh thần của 'tikkun olam' (chữa lành cho thế giới).”

Tuy nhiên, các phái đoàn bầy tỏ trong tuyên cáo của họ là “họ mong ước các vấn đề còn bị tắc nghẽn trong các cuộc thương thuyết giữa Tòa Thánh và quốc gia Do Thái” sẽ “được giải quyết mau chóng và các thoả hiệp song phương” sẽ “được thông qua không chậm trễ.”
 
ĐTC Gioan Phaolô II được phong chân phước vì sự thánh thiện, chứ không vì triều đại giáo hoàng của Ngài
Nguyễn Trọng Đa
09:07 02/04/2011
ĐTC Gioan Phaolô II được phong chân phước vì sự thánh thiện, chứ không vì triều đại giáo hoàng của Ngài

ROMA (CNS) – ĐTC Gioan Phaolô II sẽ phong chân phước, không vì tác động của Ngài trên lịch sử hoặc trên Giáo Hội Công Giáo, mà vì cách thức Ngài sống các nhân đức tin, cậy, mến, theo Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Thánh bộ phong thánh.

Trong một cuộc họp báo tại Đại học Giáo Hoàng Thánh Giá ở Roma ngày 1-4, Đức Hồng y nói: “Rõ ràng vụ phong chân phước của Ngài đã được tiến hành nhanh, nhưng tiến trình đã được thực hiện cách cẩn thận và tỉ mỉ, theo các quy luật mà chính Ngài ban hành năm 1983".

Đức Hồng y cho biết rằng Giáo hội muốn đáp ứng cách tích cực cho niềm hy vọng của nhiều người Công giáo để phong chân phước cách nhanh chóng cho ĐTC Gioan Phaolô II, nhưng cũng muốn chắc chắn rằng Ngài, người đã qua đời năm 2005, đang ở trên thiên đàng.

Đức Hồng Y Amato cho biết tiến trình phong Thánh là một trong các lĩnh vực của đời sống Giáo Hội, nơi đó sự đồng thuận của các thành viên Giáo hội, từ ngữ kỹ thuật gọi là "sensus fidelium" ("cảm thức của tín hữu"), được quan tâm đáng kể.

Đức Hồng y nói: “Từ ngày ĐTC từ trần ngày 2-4-2005, dân Chúa bắt đầu rao truyền sự thánh thiện của Ngài, và hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn người, đã viếng mộ của Ngài mỗi ngày. Một dấu hiệu khác nữa là số lượng sách tiểu sử về Ngài được xuất bản nhiều, và số lượng các tác phẩm của Ngài được dịch và tái bản tăng lên.

Hồng y nói thêm: “Trong quá trình điều tra phong chân phước, có populi vox (tiếng nói dân chúng), kèm theo vox Dei (tiếng nói của Thiên Chúa) - các phép lạ - và vox ecclesiae (tiếng nói của Giáo hội), vốn là phán quyết chính thức được ban ra, sau khi phỏng vấn các nhân chứng và tham khảo ý kiến của các sử gia, bác sĩ, nhà thần học và các nhà lãnh đạo Giáo hội để xác minh sự thánh thiện của ứng viên”.

Theo Đức Hồng y, việc phong chân phước và phong thánh không phải là công nhận sự hiểu biết vượt trội về thần học của một người, cũng không phải về các thành tựu vĩ đại của người đó. Ngài nói rằng khi tuyên bố một người là thánh nhân, Giáo hội chứng minh cho sự việc là người ấy đã sống các nhân đức Kitô giáo một cách thực sự phi thường, và là một gương mẫu cho người khác noi theo. Theo Ngài, ứng viên phải được cảm nhận "như một hình ảnh của Chúa Kitô."

Đức Hồng Y Amato cho biết thêm: “Áp lực của công chúng và của các phương tiện truyền thông đã không gây phiền toái cho tiến trình, nhưng đã giúp đỡ tiến trình, bởi vì đó là một dấu hiệu thêm nữa cho sự nổi tiếng về thánh thiện của ĐTC Gioan Phaolô II, và đây là điều Giáo hội đòi hỏi bằng chứng trước khi tiến hành phong chân phước cho một người”.

Ông Joaquin Navarro-Valls, người đã phục vụ như là phát ngôn viên Tòa thánh dưới thời ĐTC Gioan Phaolô II, phát biểu tại cuộc họp báo rằng giọng nói, cách phát âm, cử điệu, sự hiện diện tại bàn thờ hoặc trên khán đài của Ngài đã góp phần vào sự thành công của Ngài như một người giao tiếp giỏi.

Ông nói thêm: “Nhưng chìa khóa cho tính hiệu quả này là Ngài tin chắc rằng mỗi người được dựng nên giống hình ảnh Chúa. Tôi nghĩ điều này hấp dẫn người khác hơn là cách thức Ngài phát biểu. Ai nấy đều cảm thấy là Ngài rất chân thành trong việc nhìn nhận phẩm giá của họ và vận mệnh của họ được sống với Chúa”.

Theo ông, “Ngài là người xác tín sâu xa về chân lý của câu nói trong sách Sáng thế - “Chúa dựng nên người nam người nữ giống hình ảnh Chúa”. Điều này đã cho Ngài lạc quan, ngay cả khi Ngài không còn có thể đi bộ, và cả khi Ngài không còn nói được”.

Đức Hồng y người Tây Ban Nha, một thành viên của Opus Dei, cho biết ngài có diễm phúc quen biết ba vị thánh: Josemaría Escriva de Balaguer, người sáng lập Opus Dei; Chân phước Mẹ Teresa thành Kolkata, và ĐTC Gioan Phaolô II. Theo ngài, cả ba vị có đặc điểm chung là một cảm thức về sự hài hước, nụ cười sẵn sàng và khả năng cười vui.

Đối với những ai vấn nạn về việc tại sao ĐTC Gioan Phaolô II được phong Chân phước chỉ sáu năm sau khi Ngài qua đời, và những người nói rằng sự bùng nổ của các vụ bê bối lạm dụng tình dục trong thời Giáo hoàng của Ngài phủ một bóng mờ trên triều đại của Ngài, ông Navarro-Valls nói rằng mọi người phải nhớ rằng việc phong chân phước không là một phán quyết về triều đại giáo hoàng, nhưng chỉ về sự thánh thiện cá nhân của một ứng viên.

Theo ông, câu hỏi chủ chốt phải là: “Liệu chúng ta có thể đoan chắn rằng Ngài đã sống các nhân đức Kitô giáo một cách anh hùng không?" (CNS 1-4-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Hồng y tổng giáo phận Mexico than nạn tự tử gia tăng
Nguyễn Trọng Đa
09:13 02/04/2011
Hồng y tổng giáo phận Mexico than nạn tự tử gia tăng

Mexico City, Mexico - Đức Hồng Y Norberto Rivera Carrera, tổng giáo phận Mexico City (Mexico), đã bày tỏ nỗi lo buồn về số lượng các vụ tự tử gia tăng ở trong nước.

Phát biểu với 2.000 người trẻ đang tụ họp để tham dự Thánh Lễ ngày 29-3, Đức Hồng y nói: “Các bạn cần nghiêm túc suy nghĩ về các bạn đang đi đâu, mong muốn đạt loại hạnh phúc nào. Chúa Giêsu cho chúng ta niềm hạnh phúc không bao giờ ngưng, một niềm vui vô tận, một hạnh phúc mà không ai có thể lấy đi được”.

Một nghiên cứu, do nhà nghiên cứu Luiz Guilherme Borges Guimaraes đứng đầu thực hiện và công bố ngày 26-27/3, cho thấy số lượng các vụ tự tử ở Mexico tăng 275% từ năm 1970 đến năm 2007. Nghiên cứu cho thấy rằng các người trẻ trong độ tuổi 15-29 là đặc biệt có nguy cơ tự tử.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng ma túy, uống rượu, và thiếu các mục tiêu, làm gia tăng nguy cơ tự tử.

Đức Hồng Y Rivera cũng kêu gọi các người trẻ hãy đến gần Chúa Kitô hơn để tìm ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Ngài nói rằng trí tuệ không phải là tích lũy kiến thức hoặc thông tin, nhưng "là để tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống của mỗi người".

Ngài kêu mời người trẻ cần bắt chước người Samari nhân hậu và tiếp cận những người nghèo túng.

Ngài nói thêm rằng việc học hành không chỉ là một phương tiện để kiếm tiền, uy tín hay quyền lực, nhưng để đưa tài năng của mình phục vụ tha nhân. (CNA 1-4-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Chương trình cho Ngày Cầu Nguyện ở Assisi, năm 2011
Nguyễn Trọng Đa
09:49 02/04/2011
Chương trình cho Ngày Cầu Nguyện ở Assisi , năm 2011

Vatican – Ngày 2-4, Văn phòng báo chí Tòa thánh Vatican công bố chương trình sơ bộ của Ngày cầu nguyện, mà ĐTC Biển Đức 16 và đại diện các tôn giáo thế giới sẽ ở bên nhau để cùng cầu nguyện tại Átxidi. Ngày này đã được ĐTC công bố trước vào ngày 1-1-2011, nói về giá trị của tự do tôn giáo để mang lại hòa bình trên thế giới. Do sự kiện sẽ diễn ra ngày 27-10 năm nay, ĐTC cũng muốn kỷ niệm 25 năm ngày gặp gỡ đầu tiên tại Átxidi, được Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II triệu tập. Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng những người không tôn giáo, nhưng cam kết cho công lý và hòa bình trên thế giới, sẽ tham dự ngày này.

Dưới đây là toàn văn thông cáo của Văn phòng báo chí Tòa thánh Vatican:

"Khách hành hương của sự thật và hòa bình"

Ngày suy tư, đối thoại và cầu nguyện cho hòa bình và công lý trên thế giới.

Ngày 1-1-2011, sau kinh Truyền Tin, ĐTC Biển Đức 16 tuyên bố rằng Ngài muốn kỷ niệm 25 năm ngày cuộc gặp gỡ lịch sử đã diễn ra tại Átxidi ngày 27-10-1986, theo ước muốn của các Tôi tớ của Thiên Chúa, Chân phước Gioan Phaolô II. Vào ngày kỷ niệm này, tức ngày 27-10 năm nay, ĐTC dự định sẽ tổ chức một ngày suy tư, đối thoại, và cầu nguyện cho hòa bình và công lý trên thế giới, thực hiện một cuộc hành hương đến nhà thờ Thánh Phanxicô và mời anh em Kitô hữu thuộc các giáo phái khác nhau, đại diện các truyền thống tôn giáo của thế giới, và trong một nghĩa nào đó, tất cả mọi người nam nữ có thiện chí, tham gia với Ngài một lần nữa trong cuộc hành trình này.

Ngày này sẽ lấy chủ đề: "Khách hành hương của sự thật và hòa bình". Mỗi con người xét cho cùng là một người hành hương đi tìm kiếm chân lý và sự thiện. Các tín hữu cũng liên tục thực hiện cuộc hành trình hướng tới Thiên Chúa: do đó có khả năng và thực sự là có sự cần thiết để phát biểu và đi vào đối thoại với tất cả mọi người, các tín hữu và những người không tin, mà không hy sinh bản sắc riêng của mình hoặc dung thứ cho các hình thức hỗ lốn. Để cho cuộc hành hương của chân lý được sống thật sự, nó mở ra con đường đối thoại với người khác, không loại trừ ai và cam kết cho mỗi người trở thành người xây dựng cho tình huynh đệ và hòa bình. Đây là các yếu tố mà ĐTC muốn đặt ở trung tâm của sự suy tư.

Vì lý do này, ngoài đại diện của các cộng đồng Kitô và các truyền thống tôn giáo chính, một số nhân vật thuộc thế giới văn hóa và khoa học sẽ được mời để chia sẻ chuyến đi - những người, trong khi không xưng là thuộc tôn giáo nào, nhưng tự coi mình là người tìm kiếm chân lý và có ý thức về trách nhiệm chia sẻ cho chính nghĩa của công lý và hòa bình trong thế giới của chúng ta. Do đó, hình ảnh chuyến hành hương tổng kết ý nghĩa của sự kiện. Sẽ có một cơ hội để nhìn lại chặng đường đã đi từ cuộc họp đầu tiên tại Átxidi đến cuộc họp kế tiếp vào tháng 1-2002, và cũng để nhìn về tương lai, với quan điểm là sẽ tiếp tục, cùng với mọi người nam nữ có thiện chí, đi trên con đường đối thoại và tình huynh đệ, trong bối cảnh một thế giới biến đổi nhanh chóng. Thánh Phanxicô, con người nghèo khó và khiêm hạ, sẽ một lần nữa chào đón mọi người đến thành phố quê hương Ngài, vốn đã trở thành một biểu tượng của tình huynh đệ và hòa bình.

Các phái đoàn sẽ rời Roma bằng xe lửa sáng 27-10, cùng đi với ĐTC. Khi đến Átxidi, các vị sẽ đi đến nhà thờ Đức Bà Các Thiên Thần, nơi các cuộc họp trước đây sẽ được nhắc nhớ lại và chủ đề của Ngày ấy sẽ được khai thác ở chiều sâu hơn. Lãnh đạo của một số phái đoàn sẽ có bài phát biểu và ĐTC cũng sẽ có bài diễn văn.

Sau đó các đại biểu sẽ chia sẻ một bữa ăn trưa đơn giản: một bữa ăn theo kiểu đạm bạc, nhằm thể hiện bữa ăn huynh đệ, đồng thời nói lên sự liên đới với nỗi đau khổ của rất nhiều người nam nữ không biết đến hòa bình. Các vị sẽ tuân giữ một thời gian thinh lặng để suy tư cá nhân và cầu nguyện. Buổi chiều, mọi người đang có mặt tại Átxidi sẽ đi tới nhà thờ Thánh Phanxicô. Đây sẽ là cuộc hành hương, và trong chặng cuối cùng, thành viên của các phái đoàn cũng sẽ tham gia; chuyến đi nhằm tượng trưng cho cuộc hành trình của người siêng năng tìm kiếm sự thật và tích cực xây dựng công lý và hòa bình. Chuyến đi sẽ diễn ra trong im lặng, dành chỗ cho sự suy niệm và cầu nguyện cá nhân. Dưới bóng của nhà thờ Thánh Phanxicô, nơi mà các cuộc họp trước đó cũng đã diễn ra, giai đoạn cuối cùng của Ngày sẽ bao gồm một sự đổi mới trang trọng của cam kết chung vì hòa bình.

Để chuẩn bị cho ngày này, ĐTC Biển Đức 16 sẽ chủ trì một Đêm Canh Thức cầu nguyện tại Đền thờ thánh Phêrô vào buổi tối trước đó, cùng với các tín hữu của Giáo phận Roma. Các Giáo Hội riêng và các cộng đồng trên toàn thế giới được mời gọi tổ chức các buổi cầu nguyện tương tự. Trong các tuần lễ sắp tới, Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về cổ vũ sự hiệp nhất Kitô hữu, Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, và Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa sẽ viết thư mời nhân danh ĐTC cho tất cả những người sẽ được mời. ĐTC kêu gọi các tín hữu Công giáo cùng với Ngài cầu nguyện cho việc cử hành sự kiện quan trọng này, và Ngài tỏ lòng biết ơn với tất cả những người có thể sẽ hiện diện tại thành phố quê nhà của Thánh Phanxicô để chia sẻ cuộc hành hương tâm linh này. (AsiaNews 2-4-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Vatican: bảo vệ tác quyền giọng nói của Đức Giáo Hoàng
Tiền Hô
10:36 02/04/2011
Rôma, 31 Tháng Ba 2011 (Rome Reports) - Từ bây giờ trở đi, cấm sử dụng tiếng nói của Đức Giáo Hoàng cho các mục đích thương mại. Vatican đã ban hành luật mới nhằm tránh sự lạm dụng giọng nói của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, cũng như tiếng nói của các vị giáo hoàng trước đó, cho những mục đích mà Vatican cho rằng sẽ vi phạm "danh dự, danh tiếng, sự tôn kính và uy tín của Đức Giáo Hoàng".

Luật này quy định cụ thể tác quyền sử dụng tiếng nói, nhưng nó cũng bao gồm hình ảnh và bài viết liên quan. Họ nói rằng điều này sẽ giúp tránh những sự thao túng các tài liệu Huấn Quyền của Đức Giáo Hoàng, và để chấn chỉnh chúng khỏi bị sử dụng cho mục đích thương mại.

Vatican cũng lưu tâm đến việc tạo ra các đồ lưu niệm có thể gây khó chịu, chẳng hạn như kẹo hoặc đồ uống mang hình ảnh của Đức Giáo Hoàng. Tòa Thánh có thể sẽ khởi kiện những người lạm dụng các hình ảnh, giọng nói hay bài viết của các hồng y và giám mục từ Giáo Triều Rôma.
 
Mexico: một vị Hồng Y lo buồn vì tình trạng tự tử tăng cao
Tiền Hô
10:37 02/04/2011
Mexico City, 1 Tháng Tư 2011 (CNA) - ĐHY Norberto Rivera Carrera của Mexico City đã bày tỏ nỗi lo buồn về sự gia tăng số lượng các vụ tự tử ở trong nước.

Đức Hồng Y đã nói chuyện với 2.000 bạn trẻ tập trung dâng Thánh Lễ vào hôm 29 Tháng Ba. Ngài nói với họ rằng, "các con cần phải nghiêm túc suy nghĩ về nơi mình đang đi, loại hạnh phúc mà các con muốn đạt đến. Chúa Giêsu ban cho chúng ta một niềm hạnh phúc không bao giờ kết thúc, một niềm vui vĩnh cửu, một niềm hoan lạc mà không ai có thể lấy đi".

Một nghiên cứu được phát hành từ ngày 26-27 Tháng Ba thực hiện bởi nhà nghiên cứu Luiz Guilherme Borges Guimaraes cho biết, số lượng các vụ tự tử ở Mexico đã tăng lên 275% trong thời gian từ năm 1970 đến 2007. Nghiên cứu này cũng cho thấy, độ tuổi đáng lo ngại là những người trẻ tuổi từ 15-29. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho rằng, sử dụng ma túy và rượu, cũng như sống thiếu mục tiêu sẽ tăng nguy cơ tự tử.

ĐHY Rivera cũng kêu gọi những bạn trẻ đến gần với Chúa Kitô để tìm ý nghĩa cuộc đời của họ. Khôn ngoan không phải là tích lũy kiến thức, thông tin, nhưng "là việc tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc đời của một con người", ngài nói.

ĐHY còn kêu gọi giới trẻ bắt chước người Samari nhân lành để tiếp cận với những người cần đến mình. Ngài nói thêm rằng, việc học tập không chỉ đơn giản là một phương tiện để kiếm tiền, danh vọng, quyền lực, nhưng để mang quà tặng để phục vụ tha nhân.
 
Cộng Hòa Congo: một giám mục bị Tòa Thánh cách chức vì quản trị yếu kém
Tiền Hô
10:38 02/04/2011
Vatican, 31 Tháng Ba (AFP) - Giáo Hội Công Giáo đã cách chức một giám mục tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo (Phi Châu) vì quản trị yếu kém. Vatican cho biết trong một thông cáo, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã "cách chức Đức Giám Mục Jean-Claude Makaya Loemba khỏi việc chăm sóc mục vụ cho Giáo Phận Pointe-Noire".

Thông cáo nói rằng, động thái hiếm hoi này được thực thi vì có những "vấn đề nghiêm trọng trong việc quản trị tại giáo phận, có cả việc quản lý tài chính", và "căng thẳng đang gia tăng trong giáo phận". Nhưng theo Vatican, vụ việc này không liên quan đến vấn đề luân lý tính dục.

Hãng tin I-Media trích dẫn các nguồn từ Vatican cho biết, việc quản trị tại Giáo Phận Pointe-Noire đã sa sút và vị giám mục này đã mất uy tín từ hàng giáo sĩ của mình.

Giám Mục Makaya Loemba 56 tuổi, được thụ phong linh mục năm 1983, và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm giám mục chính tòa giáo phận này vào Tháng Mười Hai năm 1995.

I-Media cũng cho biết trường hợp này là bất thường, vì vị giám mục này đã từ chối lời đề nghị từ chức của Vatican. Các động thái tương tự của Tòa Thánh đã từng được sử dụng vào Tháng Giêng năm 1995, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cách chức giám mục Jacques Gaillot của Evreux, ở Pháp.

Trong những tháng gần đây, một số giám mục ở miền trung và miền tây Phi Châu như Cộng Hòa Trung Phi, Benin và Burkina Faso đã từ chức. Không có lý do chính thức nào được đưa ra, nhưng nhiều giám mục - thường là những vị trẻ tuổi - phải từ chức bởi có các vấn đề về quản trị, hành vi tính dục hoặc hoạt động tôn giáo không tương thích với Giáo Hội Công Giáo.
 
Đức Gioan-Phaolô II đã thay đổi cuộc đời tôi
Trầm Thiên Thu
19:05 02/04/2011
Natalia Tsarkova, một họa sĩ (HS) Chính thống giáo, là một trong số ít phụ nữ có thể vào Viện hàn lâm Nghệ thuật (Russian Academy of Arts) rất uy tín ở Moscow. 10 năm trước, bà chỉ vẽ cho giai cấp thượng lưu. HS Natalia Tsarkova đã vẽ 5 bức chân dung ĐGH Gioan-Phaolô II. Và mọi sự đã thay đổi…

Một hôm, bà tới Rôma với dự định chỉ ở 3 tháng nhưng rồi từ đó bà không rời khỏi Rôma nữa. Bà cho biết lý do chính là ĐGH Gioan-Phaolô II đã làm thay đổi cuộc đời bà.

HS Natalia Tsarkova: "Về cá nhân tôi, ĐGH Gioan-Phaolô II đã làm thay đổ cuộc đời tôi khi tôi gặp ngài trong 3 tháng tôi ở Rôma. Nơi ngài, tôi thấy có điều gì đó đặc biệt. Tôi nghĩ ngài nói bằng sự quan phòng của Thiên Chúa (Divine Providence). Tôi rất biết ơn vì được gặp vị giáo hoàng vĩ đại này".

Năm 2000, người ta đề nghị bà vẽ chân dung ĐGH Gioan-Phaolô II nhân dịp sinh nhật 80 của ngài và cũng là để mừng Năm Toàn Xá. Điều bà không mong đợi lại trở thành bức chân dung chính thức của ĐGH Gioan-Phaolô II.

HS Natalia Tsarkova: "Đối với tôi, khá hãnh diện vì đó như một giấc mơ, nhưng cũng là trách nhiệm vẽ chân dung vị giáo hoàng này. Tôi đã vẽ và hiện nay bức chân dung đó trở thành bức chân dung chính thức của ngài. Tôi rất vui đã làm được vậy. Tôi có những thính giả riêng khi tôi giới thiệu bức chân dung đó. ĐGH rất vui. Ngài nói bằng tiếng Nga với tôi và hỏi, ‘Chị là người Nga hả? NNghệ thuật Nga muôn năm!'. Ngài nói tôi cứ tiếp tục vẽ".

Ngoài các bức chân dung ĐGH Gioan-Phaolô II, Natalia Tsarkova còn vẽ vài bức khác, chẳng hạn bức Virgin of Hope (Đức Mẹ Hy Vọng), được tặng cho ĐGH Gioan-Phaolô II khi ngài thêm Mầu Nhiệm Sự Sáng (Luminous Mysteries) vào kinh Mân côi hoặc bức The Last Supper (Bữa Tiệc Ly), bức này phản ánh việc tìm kiếm hòa bình và yêu thương mà ĐGH Gioan-Phaolô II đã tuyên bố. Gam màu diễn tả tốt nhất về ĐGH Gioan-Phaolô II đã được thực hiện rất rõ nét.

HS Natalia Tsarkova: "Chân dung ngài đa số được vẽ bằng màu xanh lá, biểu tượng của niềm hy vọng. Nhưng nói chung, tôi muốn nói rằng có ba thứ: Màu xanh diễn tả niềm hy vọng, màu trắng và màu đỏ là màu của sự tinh khiết, niềm tin và yêu thương”.

Natalia chắc chắn rằng chưa có một ngăn trở nào đối với việc vẽ chân dung các vị lãnh đạo của Giáo hội Công giáo.

HS Natalia Tsarkova: "Qua nghệ thuật, tôi cảm thấy mình như một chiếc cầu nối. Tôi rất hạnh phúc, Tôi yêu môi trường mà tôi tới. Tôi có nhiều bạn bè và tôi cảm thấy rất được đánh giá cao".

Bà nói rằng ở Rôma bà thấy được những gì bà tìm kiếm, bà muốn chia sẻ về sứ vụ tìm kiếm hòa bình của ĐGH Gioan-Phaolô II qua nét vẽ của bà. Bà muốn lưu lại Rôma càng lâu càng tốt.

(Chuyển ngữ từ RomeReports.com)
 
Top Stories
Program published for Assisi Day of Prayer, 2011
AsiaNews
10:44 02/04/2011
The Pope and the representatives of world religions will travel by train from Rome to the city of St. Francis, with moments of joint reflection and silent prayer, they will stop in Santa Maria degli Angeli and after a "frugal" lunch, will go on pilgrimage to the Basilica of St. Francis. The night before there will be a vigil in St. Peter's for the diocese of Rome, presided over by Benedict XVI

Vatican City (AsiaNews) - The Vatican Press Office today released the preliminary program of the day that Benedict XVI and representatives of world religions will spend together in prayer in Assisi. The day was pre-announced by the pope on January 1, speaking of the value of religious freedom to bring peace in the world. Due to take place on 27 October this year, the pope also wants to remember the 25 years since the first meeting in Assisi, called by Pope John Paul II. The statement stresses also that non-religious people, committed to justice and peace in the world, will take part.

Here is the full text of the communiqué of the Vatican Press Office:

“Pilgrims of truth, pilgrims of peace”

Day of reflection, dialogue and prayer for peace and justice in the world

On 1 January 2011, after the Angelus, Pope Benedict XVI announced that he wished to commemorate the 25th anniversary of the historic meeting that took place in Assisi on 27 October 1986, at the wish of the Venerable Servant of God John Paul II. On the day of the anniversary, 27 October this year, the Holy Father intends to hold a Day of reflection, dialogue and prayer for peace and justice in the world, making a pilgrimage to the home of Saint Francis and inviting fellow Christians from different denominations, representatives of the world’s religious traditions and, in some sense, all men and women of good will, to join him once again on this journey.

The Day will take as its theme: “Pilgrims of truth, pilgrims of peace”. Every human being is ultimately a pilgrim in search of truth and goodness. Believers too are constantly journeying towards God: hence the possibility, indeed the necessity, of speaking and entering into dialogue with everyone, believers and unbelievers alike, without sacrificing one’s own identity or indulging in forms of syncretism. To the extent that the pilgrimage of truth is authentically lived, it opens the path to dialogue with the other, it excludes no one and it commits everyone to be a builder of fraternity and peace. These are the elements that the Holy Father wishes to place at the centre of reflection.

For this reason, as well as representatives of Christian communities and of the principal religious traditions, some figures from the world of culture and science will be invited to share the journey – people who, while not professing to be religious, regard themselves as seekers of the truth and are conscious of a shared responsibility for the cause of justice and peace in this world of ours. The image of pilgrimage therefore sums up the meaning of the event. There will be an opportunity to look back over the path already travelled from that first meeting in Assisi to the following one in January 2002, and also to look ahead to the future, with a view to continuing, in company with all men and women of good will, to walk along the path of dialogue and fraternity, in the context of a world in rapid transformation. Saint Francis, poor and humble, will once more welcome everyone to his home town, which has become a symbol of brotherhood and peace.

The delegations will set off from Rome by train on the morning of 27 October, together with the Holy Father. Upon arrival in Assisi, they will make their way to the Basilica of S. Maria degli Angeli, where the previous meetings will be recalled and the theme of the Day will be explored in greater depth. Leaders of some of the delegations present will make speeches and the Holy Father will likewise deliver an address.

There will follow a simple lunch, shared by the delegates: a meal under the banner of sobriety, intended to express fraternal conviviality, and at the same time solidarity in the suffering of so many men and women who do not know peace. There will follow a period of silence for individual reflection and prayer. In the afternoon, all who are present in Assisi will make their way towards the Basilica of Saint Francis. It will be a pilgrimage in which, for the final stretch, the members of the delegations will also take part; it is intended to symbolize the journey of every human being who assiduously seeks the truth and actively builds justice and peace. It will take place in silence, leaving room for personal meditation and prayer. In the shadow of Saint Francis’ Basilica, where the previous meetings were also concluded, the final stage of the Day will include a solemn renewal of the joint commitment to peace.

In preparation for this Day, Pope Benedict XVI will preside over a Prayer Vigil at Saint Peter’s the previous evening, together with the faithful of the Diocese of Rome. Particular Churches and communities throughout the world are invited to organize similar times of prayer. In the coming weeks the Cardinal Presidents of the Pontifical Councils for the Promotion of Christian Unity and of Interreligious Dialogue and the Pontifical Council for Culture will write in the Holy Father’s name to all those invited. The Pope asks the Catholic faithful to join him in praying for the celebration of this important event and he is grateful to all those who will be able to be present in Saint Francis’ home town to share this spiritual pilgrimage.
 
Papal Address on Sacrament of Reconciliation
Zenit
17:11 02/04/2011
VATICAN CITY, APRIL 2, 2011 (Zenit.org).- Here is a L'Osservatore Romano translation of Benedict XVI's March 25 address to participants in a course on the internal forum organized by the Apostolic Penitentiary.

Dear Friends,

I am very glad to address to each one of you my most cordial welcome. I greet Cardinal Fortunato Baldelli, Major Penitentiary, and I thank him for his courteous words. I greet Bishop Gianfranco Girotti, Regent of the Penitentiary, the personnel, the co-workers and all the participants in the Course on the Internal Forum which has now become a traditional appointment and an important occasion for deepening the knowledge of topics linked to the sacrament of Penance. I would like to reflect with you on an aspect not sufficiently thought about but which is of great spiritual and pastoral importance: the pedagogical value of Sacramental Confession.

Although it is true that it is always necessary to safeguard the objectivity of the effects of the sacrament and its correct celebration in accordance with the norms of the Rite of Penance, it is not out of place to reflect on how much it can educate the faith of both the minister and the penitent. The faithful and generous availability of priests to hear confessions - after the example of the great saints of the past from St John Mary Vianney to St John Bosco, from St Josemaría Escrivá to St Pius of Pietrelcina, from St Joseph Cafasso to St Leopold Mandi - shows all of us that the confessional may be a real "place" of sanctification.

How does the sacrament of Penance educate? In what sense does its celebration have pedagogical value, especially for ministers? We may start by recognizing that the mission of priests is a unique and privileged observation point, from which it is daily granted to contemplate the splendour of divine Mercy. How often in celebrating the sacrament of Penance the priest witnesses real miracles of conversion which, in renewing "the encounter with an event, a person" (Deus Caritas Est, n. 1), reinforces his own faith! Basically, hearing confession means witnessing as many professiones fidei as there are penitents, and contemplating the merciful God's action in history, feeling tangibly the saving effects of the Cross and of the Resurrection of Christ, in every epoch and for every person.

We are often faced with true and proper existential and spiritual dramas that find no answer in human words but are embraced and taken up by divine Love, which pardons and transforms: "though your sins are like scarlet, they shall be as white as snow (Is 1:18).

If, on the one hand knowing and, in a certain way, visiting the depths of the human heart, even its darkest aspects, tests the humanity and the faith of the priest himself, on the other, it fosters within him the certainty that it is God who has the last word over human evil and history, it is his Mercy which can make all things new (cf. Rev 21:5).

Then, how much the priest can learn from exemplary penitents: through their spiritual life, the seriousness with which they carry out their examination of conscience, the transparency with which they admit their sins and their docility to the Church's teaching and to the confessor's instructions.

From the administration of the sacrament of Penance we may draw profound lessons of humility and faith! It is a very strong appeal to each priest for knowledge of his own identity. We will never be able to hear the confessions of our brothers and sisters solely by virtue of our humanity! If they approach us, it is only because we are priests, configured to Christ the Eternal High Priest, and enabled to act in his Name and in his Person, to make God who forgives, renews and transforms, truly present. The celebration of the sacrament of Penance has a pedagogical value for the priest, as regards his faith, as well as the truth and poverty of his person, and nourishes within him an awareness of the sacramental identity.

What is the pedagogical value of the sacrament of Penance for penitents? We should state beforehand that first and foremost it depends on the action of Grace and on the objective effect on the soul of the member of the faithful. Of course, sacramental Reconciliation is one of the moments in which personal freedom and an awareness of self need to be expressed particularly clearly. It is perhaps also for this reason, in an epoch of relativism and of the consequent attenuated awareness of one's being, that this sacramental practice is also weakened.

Examination of conscience has an important pedagogical value. It teaches us how to look squarely at our life, to compare it with the truth of the Gospel and to evaluate it with parameters that are not only human but are also borrowed from divine Revelation. Comparison with the Commandments, with the Beatitudes and, especially, with the Precept of love, constitutes the first great "school of penance".

In our time, marked by noise, distraction and loneliness, the penitent's conversation with the confessor can be one of the few - if not the only - opportunities to be truly heard in depth.

Dear priests, do not neglect to allow enough room for the exercise of the ministry of Penance in the confessional: to be welcomed and heard is also a human sign of God's welcoming kindness to his children. Moreover the integral confession of sins teaches the penitent humility, recognition of his or her own frailty and, at the same time, an awareness of the need for God's forgiveness and the trust that divine Grace can transform his life. Likewise, listening to the confessor's recommendations and advice is important for judging actions, for the spiritual journey and for the inner healing of the penitent.

Let us not forget how many conversions and how many truly holy lives began in a confessional! The acceptance of the penance and listening to the words "I absolve you from your sins", are, lastly, a true school of love and hope that guides the person to full trust in the God Love, revealed in Jesus Christ, to responsibility and to the commitment to continuous conversion.

Dear priests, our own prior experience of divine Mercy and of being humble instruments teaches us an ever more faithful celebration of the Sacrament of Penance and profound gratitude to God who "gave us the ministry of reconciliation" (2 Cor 5:18).

I entrust to the Blessed Virgin Mary, Mater misericordiae and Refugium peccatorum, the fruits of your Course on the Internal Forum and the ministry of all Confessors, as I bless you all with great affection.

(©L'Osservatore Romano - 30 March 2011)
 
Afghan riots over Quran-burning: 2 days, 20 dead
Patirck Quinn, AP
17:17 02/04/2011
KABUL, Afghanistan – Afghans rioted for a second day Saturday to protest the burning of a Quran in Florida, killing nine people in Kandahar and injuring more than 80 in a wave of violence that underscored rising anti-foreign sentiment after nearly a decade of war.

The desecration at a small U.S. church has outraged Muslims worldwide, and in Afghanistan it further strained ties with the West. On Friday, 11 people were killed, including seven foreign U.N. employees, in a protest in the northern city of Mazar-i-Sharif.

The protests come at a critical juncture as the U.S.-led coalition gears up for an insurgent spring offensive and a summer withdrawal of some troops, and with Afghanistan's mercurial president increasingly questioning international motives and NATO's military strategy.

Two suicide attackers disguised as women blew themselves up and a third was gunned down Saturday when they used force to try to enter a NATO base on the outskirts of Kabul, NATO and Afghan police said. Earlier in the week, six U.S. soldiers died during an operation against insurgents in eastern Afghanistan near Pakistan, where the Taliban retain safe havens.

President Hamid Karzai expressed regret for the 20 protest deaths, but he also further stoked possible anti-foreign sentiment by again demanding that the United States and United Nations bring to justice the pastor of the Dove Outreach Center in Gainesville, Florida, where the Quran was burned March 20. Many Afghans did not know about the Quran-burning until Karzai condemned it four days after it happened.

The pastor, the Rev. Terry Jones, had threatened to destroy a copy of Islam's holy book last year but initially backed down. On Friday he said Islam and its followers were responsible for the killings.

In the southern city of Kandahar, the cradle of the Taliban, hundreds of Afghans holding copies of the Quran over their heads marched in protest of the burning. Security forces shot in the air to disperse the crowd, but it was unclear how the protesters were slain, said Zalmai Ayubi, a spokesman for the provincial governor.

The Kandahar governor's office said nine protesters were killed and 81 others were injured in the demonstration that turned into a riot. Seventeen people, including seven armed men, have been arrested, the statement said.

The protests began Friday in Kabul, Herat in western Afghanistan and Mazar-i-Sharif, where thousands flooded the streets.

In Mazar-i-Sharif, Afghan demonstrators stormed a U.N. compound, shooting and killing four Nepalese guards, a Norwegian, a Romanian and a Swede. Afghan authorities suspect insurgents melded into the mob; they announced the arrest of more than 20 people, including a militant they suspect was the ringleader of the assault.

The top U.N. envoy in Afghanistan, Staffan de Mistura, said the organization was temporarily redeploying 11 staff members from Mazar-i-Sharif to Kabul.

"This is not an evacuation, it is a temporary redeployment because the office is not functioning. We will be ready to go back as soon as we can establish an office that is secure enough," he told reporters.

The U.N. Assistance Mission in Afghanistan, known as UNAMA, has some 1,500 staff — about 80 percent Afghans — operating in 18 regional and provincial offices across the country and in liaison offices in neighboring Pakistan and Iran.

In late 2009, the U.N. sent about 600 foreign staff out of the country or into secure compounds after three gunmen stormed a Kabul guest house used by U.N. staff and killed 11 people, including five U.N. workers.

Karzai has in recent months increasingly criticized both the international community and U.S.-led foreign forces — the first for being ineffectual and unaccountable, the second for causing unnecessary civilian casualties in its campaign against insurgents.

Some Western diplomats privately say Karzai stoked some of the tension in recent days by making speeches about issues that had not gained much attention in the country, including the Quran burning.

De Mistura, however, said he drew no connection between the riots and Karzai's earlier condemnation of the Quran-burning. He said it takes "two to three weeks for information to percolate. It's not like in the West. Then it goes through the mosque and then through the Friday prayers."

"I don't think we should be blaming any Afghan. We should be blaming the person who produced the news — the one who burned the Quran," he said.

Although the Taliban are responsible for the vast majority of killings in Afghanistan, civilian casualties from coalition operations are a major source of strain in the country's relationship with the United States. The deaths tend to generate widespread outrage and Karzai has said they will no longer be tolerated.

The politicking could be part of an effort to reach out to the Taliban as Karzai tries to build bridges with the insurgents as part of a peace and reconciliation process. He and his advisers no longer refer to the Taliban as insurgents. They are often referred to as armed opposition groups.

The Taliban themselves have no such qualms and openly call for the overthrow of Karzai's government. Last week about 300 Taliban fighters overran the tiny capital of a remote mountainous district in northeast Nuristan province and raised their flag over city hall.

(http://news.yahoo.com/s/ap/as_afghanistan;, Associated Press writers Deb Riechmann and Amir Shah in Kabul, and Mirwais Khan in Kandahar contributed to this report.)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại diện tổ chức Misereor thăm Caritas Hải Phòng
Liên Nguyễn
07:19 02/04/2011
HẢI PHÒNG - Ngày 25và 26.03.2011 vừa qua, Caritas Hải Phòng đã tiếp Ông Klemens Ochel vị đại diện Misereor tổ chức phát triển của Công giáo Đức.
Xem hình ảnh
Sáng ngày 25.03 tại văn phòng Caritas Hải Phòng Cha giám đốc đã giới thiệu cho Ông Ochel về các hoạt động Caritas Hải Phòng đang làm, sau đó các nhân viên đã báo cáo về tiến độ thưc hiện dự án "Xây dựng năng lực cho các tình nguyện viên và chăm sóc cho người có HIV/AIDS tại cộng đồng trong giáo phận Hải Phòng” do tổ chức Misereor hỗ trợ.

Chiều đến, Ông Ochel, Cha giám đốc cùng với nhân viên xuống thực địa, thăm một số gia đình bệnh nhân HIV/AIDS. Tại các gia đình, Ông đã lắng nghe, động viên, đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn của họ.

Vào buổi tối, Ông Ochel đã gặp gỡ và chia sẻ với anh chị em nhóm Ve Chai Nhân Ái Hải Phòng. Ông chia sẻ những cảm nghiệm của một người bác sỹ dành cho người có HIV/AIDS, “giúp cho họ đơn giảm không phải chỉ bằng vật chất mà còn bằng tình yêu mến và lời cầu nguyện”… Ông Ochel cũng mong muốn các thành viên trong nhóm Ve Chai Nhân Ái cùng với Caritas Hải Phòng tiếp tục cộng tác với tổ chức Misereor trong nhiều lĩnh vực khác để làm giảm những khó khăn cho người kém may mắn trong xã hội.

Sáng ngày 26.03 Ông Ochel cùng với Cha giám đốc và nhân viên Caritas Hải Phòng về thăm và tham dự buổi truyền thông “ Kiến thức cơ bản về HIV/AIDS” tại giáo xứ Mỹ Động do truyền thông viên của Caritas Hải Phòng trình bày.

Tại đây các bạn trẻ đã rất chú ý lắng nghe và hăng hái tham gia thảo luận nhóm, từng câu hỏi của các bạn trẻ đã được giải thích một cách rất rõ ràng và đầy đủ.

Ông Ochel đã thể hiện sự hài lòng của mình về chuyến thăm Carias Hải Phòng khi Ông tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm làm việc mà tổ chức Misereor đã làm, để Caritas Hải Phòng làm việc với cộng đồng một cách tốt hơn nữa trên con đường phục vụ Chúa và tha nhân.

Qua chuyến thăm này Ông cũng có những trao đổi với Cha giám đốc Caritas Hải Phòng để đem lại hiệu quả cao hơn cho người nhiễm HIV và người thân của họ, “không chỉ đơn thuần là chăm sóc bệnh nhân mà còn giúp phát triển về đời sống kinh tế để thoát nghèo”. Thực tế, đây cũng là vấn đề Cha giám đốc Caritas Hải Phòng luôn thao thức mỗi khi có cuộc họp với nhân viên tại Văn Phòng, chính vì vậy Cha giám đốc cũng mạnh dạn đề xuất với Ngài Ochel, tổ chức Misereor có thể hỗ trợ Caritas Hải Phòng làm với người nghèo, như giúp người nghèo phát triển kinh tế và giáo dục để trẻ em nghèo được đi học và học nghề, nhằm giúp cải thiện đời sống của họ.

Cha giám đốc cùng với nhân viên, tình nguyện viên đã dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho ông Ochel và tổ chức Misereor được bình an và phát triển, đến với những nơi còn thiếu thốn khó khăn để tình thương của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi mọi người.
 
Thư mời: Chương trình 'Mở Đường Phúc Thật'
LM Rôcô Nguyễn Duy
07:30 02/04/2011
THƯ MỜI
Nhân kỷ niệm lễ giỗ lần thứ 40 Cố Linh mục Gio-an La-san Nguyễn văn Vinh (1971-2011)

Ban Thánh Nhạc Giáo phận Thành Phố phối hợp với Trung tâm Mục Vụ Saigon, tổ chức buổi trình diễn nhạc phẩm MỞ ĐƯỜNG PHÚC THẬT, một tác phẩm độc đáo thuộc loại cantate (hợp xướng nhiều bè có dàn nhạc phụ họa), để giới thiệu và tôn vinh một tài năng âm nhạc xuất chúng. Nhạc phẩm này chưa được biết đến bao nhiêu – vì chỉ được trình diễn lần thứ I tại Hà Nội năm 1957 do chính tác giả điều khiển, với 200 ca viên, và mới đây ngày 17.01.2011 tại Nhà thờ Mai Khôi, Quận 3, Tp.HCM;

Buổi diễn sẽ được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ số 6 bis Tôn Đức Thắng, Q.1 Tp.HCM. lúc 19g30 ngày thứ Hai, 11-4-2011 (Hội trường G.B Phạm Minh Mẫn)

Xin trân trọng kính mời,

L.m. Rôcô Nguyễn Duy
Trưởng Ban Thánh Nhạc


C h ư ơ n g t r ì n h
CHỦ ĐỀ: Mở Đường Phúc Thật

1. Gloria (trích bộ lễ cung Si thứ của J.S.Bach)
2. Lạy Cha (Cố Lm Nguyễn văn Vinh – hiệu đính & phối khí: Tiến Linh)
3. Mở đường phúc thật (Cố Lm Nguyễn văn Vinh – hiệu đính & phối khí: Tiến Linh)
4. Ở dưới vực sâu (Cố Lm Nguyễn văn Vinh – hiệu đính & phối khí: Tiến Linh)

Buổi trình diễn được đặt dưới sự chủ tọa của Đức Cha
Phêrô Nguyễn Khảm, Giám mục Phụ tá TGP.TPHCM
 
Hội thảo chủ đề ĐGH Gioan Phaolô II ''Vượt qua ngưỡng cửa của Thiên niên lỷ III''
+ GM Giuse Vũ Duy Thống
07:54 02/04/2011
THÔNG BÁO
CỦA ỦY BAN VĂN HÓA / HĐGMVN


Nhân dịp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được phong chân phước ngày 1 tháng 5 năm 2011. Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt nam sẽ tổ chức cuộc Hội Thảo về đời sống và sứ vụ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II với chủ đề VƯỢT QUA NGƯỠNG CỬA THIÊN NIÊN KỶ THỨ III tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sàigòn, số 6B Tôn Đức Thắng, Q. 1, TPHCM vào ngày 6 tháng 5 năm 2011.

Dịp này UBVH cũng phát hành tập sách (lưu hành nội bộ) cùng tên VƯỢT QUA NGƯỠNG CỬA THIÊN NIÊN KỶ THỨ III.

Kính mời quý Đức Cha, Quý Đức Ông, Quý Cha, Quý Tu Sĩ và anh chị em giáo dân tới tham dự.

Giấy mời sẽ được gửi tới Quý Vị trước ngày 15.4.2011.

Phan Thiết, ngày 6 tháng tư năm 2011

Chủ Tịch UBVH / HĐGMVN
Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống


CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO

Buổi Sáng
8g 30 Khai mạc
9g 00 Đề tài 1: Đời Sống Và Sứ Vụ Của Đức Gioan Phaolô II
Thuyết Trình Viên: Cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng
10g00 Giải lao
10g15 Đề tài 2: Đức Gioan Phaolô II Và Vấn Đề Đạo Đức Sinh Học
Thuyết trình viên: Đức Cha Têphanô Tri Bửu Thiên
11g15 Giải lao
11g30 Cơm trưa

Buổi Chiều
13g30 Đề tài 3: Gioan Phaolô II, Cánh Cửa Hòa Bình
Thuyết trình Viên: Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt
14g30 Giải lao
14g45 Đề tài 4: Đức Gioan Phaolô II Với Giới Trẻ
Thuyết trình viên: Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
15g45 Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đúc kết
16g15 Lời chào tạm biệt


NỘI DUNG TẬP SÁCH
VƯỢT QUA NGƯỠNG THIÊN NIÊN KỶ THỨ BA


1/ Đức Gioan Phaolô II, Đời Sống Và Sứ Vụ
2/ Đức Gioan Phao Lô II, Cánh Cửa Hòa Bình
3/ Đức Gioan Phaolô II Và Vấn Đề Đạo Đức Sinh Học
4/ Đức Gioan Phaolô II với Giáo Hội, Xã Hội và Nhà Nước
5/ Đức Gioan Phaolô II Với Giới Trẻ
6/ Đức Gioan Phaolô II Trước Cuộc Khủng Hoảng Nhân Bản
7/ Đức Gioan Phaolô II Và Đức Trinh Nữ Maria
8/ Đức Gioan Phaolô II Và Lương Tâm
9/ Đức Gioan Phaolô II Và Phụ Nữ
10/ Đức Gioan Phaolô II Và Đức Tin
11/ Đức Gioan Phaolô, Vị Giáo Hoàng Mục Vụ
12/ Đức Gioan Phaolô II, Vị Giáo Hoàng của Truyền Thông
13/ Đức Gioan Phaolô II, Vị Giáo Hoàng Của Đối Thoại Liên Tôn.
 
Thánh lễ Thêm sức tại giáo xứ Mường Riệc
Tin Yêu
07:46 02/04/2011
HÒA BÌNH. Chiều ngày 01/04/2011, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Giáo phận Hà nội đã tới thăm và dâng thánh lễ ban bí tích thêm sức cho gần 400 các em và người lớn giáo miền Mường Riệc – Mường Đổn – Mường Cắt và Vụ Bản, giáo hạt Thanh Oai, Tổng giáo phận Hà nội.

Xem hình ảnh

Một ngày thật vui mừng, một ngày Đại Hồng Ân đối với Giáo miền Mường Riệc, được chào đón vị cha chung của Tổng giáo phận tới thăm và cử hành thánh lễ ban bí tích thêm sức cho giáo miền.

Đúng 15h00, đoàn xe của Đức Tổng Giám mục có mặt tại cổng nhà thờ Giáo xứ Mường Riệc trong tiếng vỗ tay, tiếng trống, tiếng cồng chiêng không ngớt, với những băng reo hoan hô Đức Cha, chúc mùng Đức Cha, với những tiếng hát đơn sơ chân thành của những giáo dân bản mường: Hân hoan đoàn con vui mừng đón Đức Cha, cảm tạ hồng ân của Chúa bao la, hôm nay đoàn con mừng ngày cha đã tới, đem sức sống mới cho đoàn chúng con.

15h30 Thánh lễ thêm sức được diễn ra trong sự trang nghiêm sốt sáng. Cùng đồng tế với Đức Tổng có Cha Quản hạt Thanh oai - Giuse Nguyễn Khắc Quế, Cha Quản hạt Nam Định - Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh, Cha Phó chánh văn phòng tòa giám mục – Giuse Vũ Quang Học, Cha Giám đốc trung tâm hành hương Sở kiện – Giuse Nguyễn Văn Tiến và ba cha miền Hòa Bình.

Trong bài giảng, Đức Tổng chia sẻ với cộng đoàn: tôi vui mừng vì thấy sự hiện diện đông đảo của anh chị em. Điều đó nói lên niềm tin và lòng đạo đức nơi anh chị em. Ngài nhắn nhủ mọi người hãy cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành Chúa ban cho giáo xứ trong những năm tháng qua, hãy tiếp nối truyền thống cha ông mến Chúa và yêu người, xây dựng quê hương xứ họ. Ngài ngỏ lời riêng với những người chuẩn bị lãnh nhận bí tích thêm sức: “Bí tích Thêm sức ghi ấn tích thiêng liêng, và giúp các con thêm kiên cường, và cũng đòi buộc các con cách mãnh liệt hơn, các con phải trở nên nhân chứng của Đức Kitô, bênh vực và loan truyền Đức Tin bằng lời nói và việc làm. Từ nay từng giây, từng phút các con sống trong Chúa Thánh Thần; làm chứng cho Đức Tin, và loan truyền Chúa cho mọi người.

Nghi thức thêm sức cũng được diễn ra thật trang trọng, sốt sáng. Vì số lượng người thêm sức đông nên Đức Tổng mời gọi thêm năm cha trong đoàn đồng tế cùng ban Bí tích thêm sức với Ngài. Trong 387 người được đón nhận Bí tích thêm sức, có một nửa số người là người lớn, nhiều Bố(ông), nhiều Mệ(bà) đã cao tuổi. Người nhiều tuổi nhất là 74 tuổi.

Tưởng cũng nên biết là sau 50 năm, vào ngày 25 tháng 7 năm 2006 giáo miền Mường Riệc mới có dịp đón nhận Bí tich thêm sức do Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt. Và sau đó 5 năm, hôm nay giáo miền Mường Riệc lại được Đức Tổng Phê-rô về ban Bí tích thêm sức. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người lớn tuổi chưa được đón nhận Bí tích thêm sức vì ở trên các đồi rất xa nhà thờ, vì còn phải đi làm ăn nơi xa… Điều đặc biệt đáng chú ý là trong một gia đình có ba thế hệ cùng được đón nhận Bí tích thêm sức. Có gia đình cả bố, cả mẹ và các con, cả nhà ta được đón nhận Bí tích thêm sức. Thật vui mừng cho giáo miền Mường Riệc, một ngày Đại Hồng Ân.

Sau Thánh lễ, một em đại diện cho những người được đón nhận Bí tích thêm sức cám ơn Đức Tổng, Quý Cha và cộng đoàn bằng tiếng dân tộc, và một em khác dịch lại bằng tiếng kinh. Hôm nay cũng đúng là ngày sinh nhật của Đức Tổng, vì thế, sau bài cám ơn là những tiếng pháo tay, những bó hoa tươi thắm, những tiếng cồng chiêng và bài “Happy Birthday” được cất lên để chúc mừng ngày Sinh Nhật Đức Tổng.

Thánh lễ kết thúc đã để lại ấn tượng tốt đẹp khó phai nơi người dân Bản Mường. Hôm nay họ càng cảm nghiệm hơn tình Chúa dành cho họ, được thể hiện qua Giáo Hội, Qua vị Chủ Chăn của Tổng Giáo Phận, các linh mục, các thày các sơ và cộng đoàn giáo xứ.

Thánh lễ khép lại, nhưng đồng thời, cũng mở ra một phương hướng mới, niềm vui mới, cách sống đạo mới và Đức tin kiên cường mới. Đúng như bài hát của cộng đoàn: … hôm nay đoàn con mừng ngày Cha đã tới, đem sức sống mới cho đoàn chúng con.
 
Giáo phận Thanh Hóa mở khóa huấn luyện dâng hoa cộng đồng năm 2011
Vân Sơn
12:04 02/04/2011
Giáo phận Thanh Hóa mở khóa huấn luyện dâng hoa cộng đồng năm 2011

Trong đời sống sinh hoạt tôn giáo, dâng hoa là một hình thái đạo đức bình dân kính Đức Mẹ được mọi người ưu thích. Ca từ là một loại hình văn chương bình dân được mô phỏng theo các làn điệu dân ca, quan họ, thơ, vè… được mọi người ngâm đọc theo các cung giọng khác nhau, rất dễ nhớ và dễ thuộc.

Tại các xứ đạo ở Việt Nam, nhất là các giáo xứ tại Miền Bắc thường tổ chức dâng hoa kính Đức Mẹ cách trọng thể và diễn ra trong suốt cả tháng Năm. Trước đây các “con hoa” là các thiếu nữ, nhưng qua thời gian và để cho việc dâng hoa được mở rộng đến mọi thành phần trong giáo xứ, các “con hoa” có cả thiếu nhi, các bà mẹ, có xứ thậm chí “con hoa” là các ông nữa.

Nhận thấy đây là một truyền thống quí báu đáng được lưu truyền, thể hiện tâm tình con thảo với Đức Maria và muốn phát huy truyền truyền thống quí báu đó. Đức cha Giuse Nguyễn chí Linh, giám mục Thanh Hóa đã quyết định mở khóa tập huấn dâng hoa chung trong toàn giáo phận, với mục đích:

- duy trì truyền thống đạo đức bình dân tốt đẹp này cũng như thích nghi các cử điệu, ca từ cho phù hợp với thời đại;

- đồng bộ hóa dâng hoa tại các giáo xứ để hướng tới ngày dâng hoa chung trong toàn giáo phận sẽ được tổ chức vào ngày 31 tháng Năm hằng năm;

- giúp đào tạo các “cán bộ nòng cốt” – là những người tập dâng hoa cho giáo phận.

- Tạo hiện trường chung để các người tập dâng hoa giao lưu, nghiên cứu và đưa ra những bài ca, lời vãn, cử điệu… để nâng cao trình độ dâng hoa cho toàn giáo phận.

Trưa ngày 28 tháng 3 năm 2011, dưới sự chủ tọa của Đức cha giáo phận, tại giáo xứ Chính Tòa đã khai mạc khóa tập huấn dâng hoa cộng đồng năm 2011.

Đến tham dự có quý cha, quý sơ Hội dòng MTG Thanh hóa, quý Ban hội đồng mục vụ xứ Chính Tòa và gần 100 học viên đến từ các giáo xứ trong giáo phận.

Khóa tập huấn diễn ra trong 3 ngày từ ngày 28 đến 31 tháng 03 dưới sự hướng dẫn của Ban huấn luyện do quý sơ Hội Dòng MTG Thanh Hóa đảm trách.

Thời gian các học viên ăn ở và sinh hoạt chung với nhau là một cơ hội vô cùng hữu ích. Vì qua khóa tập huấn này, các chị, các mẹ có cơ hội giao lưu làm quen với nhau, cùng học hỏi các kinh nghiệm tập hoa trong các giáo xứ và có cơ hội để cùng nhau ôn lại các bài ca vãn cổ quí giá đã thất truyền hay bị lạc điệu, sai lời.

Sau khóa huấn luyện, các học viên được phát chứng chỉ và được công nhận là thành viên trong ban huấn luyện dâng hoa cấp giáo phận.

Vân Sơn
 
Lễ bế mạc khóa tập huấn dâng hoa tại Trung Tâm Thánh Mẫu Từ Phong
Xương Giang
09:51 02/04/2011
BẮC NINH: Vào lúc 13g00 ngày 2/4/2011, đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt giám mục giáo phận Bắc Ninh đã dâng thánh lễ kính Đức Mẹ và bế mạc lớp tập huấn dâng hoa kính Đức Mẹ tại Trung Tâm Thánh Mẫu Từ Phong, thuộc giáo phận Bắc Ninh.

Xem hình ảnh

Dâng hoa kính Đức mẹ hay tháng hoa (tháng 5) đã đi vào tâm thức và không thể nào thiếu được trong sinh hoạt tôn giáo của người Công Giáo Việt Nam nói chung và của người Kitô hữu tại giáo phận Bắc Ninh nói riêng. Kể từ năm nay, giáo phận Bắc Ninh mong muốn thống nhất được chương trình dâng hoa kính Đức Mẹ và dâng hoa kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trên toàn thể giáo phận. Vì vậy để chuẩn bị cho tháng dâng hoa kính Đức Mẹ, Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Bắc Ninh đã mở khóa tập huấn dâng hoa Đức Mẹ từ ngày 28 tháng 3 đến ngày 2 tháng 4 năm 2011.

Trong khóa tập huấn này, 94 chị em từ các xứ họ và một số dòng tu ở giáo phận Bắc Ninh đã về Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Bắc Ninh tham gia khóa tập huấn dâng hoa kính Mẹ. Tham gia khóa học dâng hoa này, các học viên đã được các giảng viên là các chị thuộc tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất hướng dẫn tận tình từ những cung điệu hát đến các cử điệu sao cho phù hợp với truyền thống và cung cách dâng hoa Kính Đức Mẹ trong hoàn cảnh mới.

Ngày kết thúc khóa học lại đúng vào ngày thứ 7 đầu tháng, các học viên đã đến Trung Tâm Thánh Mẫu Từ Phong cách tòa giám mục Bắc Ninh 13 km về phía Nam, để dâng lời tạ ơn Chúa và Đức Mẹ bằng chính những bài dâng hoa mà các học viên đã học được ở khóa huấn luyện này. Đặc biệt, đức cha giáo phận cũng về Trung Tâm Thánh Mẫu dâng lễ kính Đức Mẹ và cùng với lớp học dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã ban muôn vàn ơn lành xuống trên giáo phận cũng như cho các học viên trong khóa tập huấn này.

Sau khóa huấn luyện, các học viên sẽ trở về các xứ họ và những nơi mình phục vụ để chuẩn bị và hướng dẫn cho các đoàn hoa trong các xứ họ của giáo phận. Ước mong sao, tất cả các giáo họ đều có đoàn hoa và mọi người đều có thể dâng hoa kính Đức Mẹ được, qua đó mỗi người tín hữu sẽ trở thành một bông hoa trong vười hoa muôn sắc mầu dâng lên Mẹ.
 
Mùa Chay: Chuyến đi thăm giáo phận Long Xuyên
Maria Vũ Loan
10:06 02/04/2011
Nếu có ai đến thăm một giáo phận khá nhiều lần thì có còn những cảm xúc “khám phá” của người từ nơi xa đến không? Thưa có! Cứ mỗi lần về thăm quê, tôi lại được thăm giáo phận Long Xuyên, ngược lại, mỗi khi được dự lễ lạc ở Long Xuyên, tôi lại ghé về thăm quê, tiếp tục hiểu thêm về những người dân quê Kiên Giang.

Xem hình ảnh

Đường về quê

Tôi và người thân lên xe lúc 0 giờ 00, bỏ lại Sài Gòn hai lời mời khả dĩ có thể lấy tin cho mạng truyền thông quốc tế, thấy tiêng tiếc! Đường về miền tây ban đêm xe thưa thớt. Nếu tài xế gật đầu một cái vì buồn ngủ là chúng tôi có thể “về với Chúa” hoặc nằm trong bệnh viện. Tôi ngẫm nghĩ, trên đường về Quê Trời, nếu người ta không “tỉnh thức” thì hỏng cả một hành trình; ai có chức quyền thì trách nhiệm càng nhiều, nếu có lạc lối (như anh tài xế kia) thì kéo theo nhiều người khác, đó là bi kịch của liên đới cộng đồng! Tài xế cho xe ghé vào một trạm để tạm nghỉ, ăn uống. Muỗi ùa vào cửa xe. Bầu khí khó thở hơn vì pha trộn mùi của thức ăn, xăng dầu, bánh trái…tôi không hài lòng về trạm dừng chân này, nhưng một người nói: “Tài xế cho mình dừng ở đâu thì mình phải chịu vậy!” Nếu hành trình về quê Trời, mà sự lựa chọn phải tùy thuộc vào người khác, nhất là gặp những người có liên đới đến cuộc đời mình mà thiển cận, nông cạn thì có khi là một nỗi bất hạnh.

Một số người đang nấu nướng, có khoảng gần chục cô gái đang ngồi quanh đống lá chuối để gói nem. Thì ra khi mọi người đang ngon giấc, vẫn có những bạn trẻ thức đêm làm việc mưu sinh. Một vị ở trên xe tiếc rẻ: “Những bạn trẻ này nếu ở nước ngoài sẽ làm việc trong các hãng, xưởng. Nếu kinh tế không suy thoái, thế giới sẽ giàu có nhờ những bàn tay của người trẻ như thế này”. Tôi thấy thú vị khi nghe những nhận định như vậy.

Một niềm vui tại nhà thờ Chánh Tòa

Đã nhiều lần tôi được tham dự thánh lễ ở nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên, mỗi lần lý do của buổi lễ khác nhau nên cảm xúc trong tôi cũng thay đổi. Giáo phận đang vui mừng tạ ơn vì đã hình thành một trụ sở mới ở Sài Gòn. Lời giảng của Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu làm suy tư của tôi đi ngược dòng thời gian của năm, mười năm trước:

“..như một tâm tình đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận…với ba ý nghĩa:

- Với việc xây dựng trụ sở Long Xuyên, giáo phận hy vọng tiếp tục làm trổ sinh hoa trái từ những cuộc qui tụ.
- Khi xây dựng trụ sở, giáo phận mong muốn sẽ có cơ hội THI HÀNH VAI TRÒ LÀM MẸ VÀ LÀTHẦY ĐỂ HUẤN LUYỆN ĐỨC TIN.
- Khi xây dựng trụ sở, giáo phận muốn đi ra ngoài ranh giới của giáo phận để hướng về cuộc qui tụ lớn hơn của Mầu Nhiệm Nước Thiên Chúa….”

Tôi rất thích ba ý nghĩa trên. Trước đây, thỉnh thoảng tôi có đến trụ sở Long Xuyên vì những mối quan hệ “thiêng liêng”. Cũng như một số giáo phận khác có trụ sở riêng, đây là những căn nhà do Đức cha Micae mua để tiện công việc của giáo phận tại Sài Gòn. Tầm nhìn của Đức Cha Micae rất “có chiến lược”. Nhưng rồi sau năm 1975, Nhà Nước mượn một nửa; rồi mới đây trả lại phần một nửa đã mượn đó, nên Tòa Giám mục có kế hoạch hình thành một tòa nhà lớn này. Một trong những người “có công” trong việc được nhận lại phần cơ sở cho mượn là Sơ Th.- người quản lý tại đây trong nhiều năm. Sơ từng tâm sự với tôi rằng, Sơ đã nộp đơn đi nhiều nơi, ra tận Hà Nội, vất vả, gian truân, nhiêu khê lắm mới được chấp thuận. Năm nay, trụ sở này “hoành tráng” thì Sơ cũng về hưu rồi. Tôi và Sơ ngồi nói chuyện với nhau mà “ngậm ngùi” một thuở đã qua, giá mà mọi việc nhanh hơn, sớm hơn! Lỗi tại ai vậy nhỉ?

Trong một số bài viết của tôi, trên báo mạng cũng như báo in, thường bộc lộ một chút ước mong, trong Giáo Hội việc đào tạo con người được chú ý hơn là việc xây cất, nhưng nếu việc xây cất đáp ứng nhu cầu đào tạo nào đó, thì tốt lắm thôi! Sở dĩ tôi cứ thao thức là vì một số nơi ở Sài Gòn, sau khi xây cất, thiếu nhi chẳng có chỗ sinh hoạt ngoài trời, người già bước vào sân nhà thờ chẳng có chỗ mà “nâng tâm hồn lên cùng Chúa!”.

Sau thánh lễ, Đức Cha có biệt danh “giám mục nông dân” từ nhà thờ đi ra có vẫy tay nhìn tôi, tôi xúc động cúi chào mà quên rằng, chụp hình Đức Cha lúc vẫy tay là đẹp nhất, tôi lại tiêng tiếc! Tôi cười và cúi chào nhiều linh mục quen. Một cha làm việc ở Tòa Giám mục nói: “Nhiều cha thích đọc bài của chị trên mạng Truyền Thông Công Giáo lắm đấy!” Tôi cười vui: “Xin đa tạ quí độc giả linh mục! Khi nào cha được đội mũ dài, chống gậy có đầu cong thì con lại xuống đây chụp hình chớp chớp!” Đối với tôi, những gặp gỡ như thế là vui.

Tiệc buổi trưa tại Đại Chủng viện có món gà quay ăn với bánh bò ngọt làm tôi thấy ngồ ngộ. Mỗi bàn có chai rượu màu nâu là rượu Sim mua từ Phú Quốc, nhấp miệng thấy ngon ngon. Tiệc có những giáo dân nông dân tham dự thì phải có tí rượu là đúng thôi! Tàn tiệc, tôi vào thăm Đức Cha GB. Bùi Tuần như bổn phận của người con. Tôi nói: “Đức Cha có vẻ khỏe hơn lúc trước, viết ngày càng hay, thật tuyệt vời ạ! Con mà viết liền hai bài là thấy mệt quá trời!” Đức Cha trả lời rất tâm lý: “Cha không phải lo toan gì, còn con phải làm nhiều việc bên ngoài nên thấy mệt đó thôi!”.

Người dân quê Kiên Giang

Đường từ thành phố Long Xuyên về Kênh 1, tuy xa nhưng cũng phấn khởi. Con đường đang làm khá rộng, hứa hẹn điều tốt lành cho việc đi lại. Quãng đường dài gần 50 cây số làm tôi hiểu thêm về người dân sống giáp ranh giữa tỉnh An Giang và Kiên Giang.

Những bao lúa phơi dọc con đường trông đẹp mắt. Người dân quê đang vui vì năm nay lúa trúng mùa, lại “trúng giá”. Thảo nào, sống mấy ngày ở vùng này, tôi thấy ai cũng phấn khởi khoe số tấn lúa mà ruộng mình đạt được. Nhà máy xay lúa chất đầy các bao màu vàng môn, ghe mua lúa đi lại trên sông rộn ràng. Quí vị tưởng rằng điều tôi nói là bình thường lắm sao? Không đâu, tin tức quốc tế cho biết, nhiều nơi tai ương làm cho khốn khó, chiến tranh làm cho chết chóc; dân chúng vẫn vui với ngày mùa như thế này là thanh bình, hạnh phúc lắm đấy! Còn “hòa bình” có trong lòng mỗi người hay không thì tôi không dám bàn đến! Cơn bão vật giá do xăng dầu tăng lên rồi sẽ tràn vào đồng quê này, nhưng thôi, cứ vui và tạ ơn vì trúng mùa trước đã.

Dọc con đường nhỏ, tôi rất thích thú khi ghé vào nơi người ta đan cần xế, tức là những cái sọt có quai để đựng trái cây, cá biển…Người ta đi dọc theo con kênh, mua những cây trúc dài, xanh mướt, mang về rọc ra từng bó, đan thành sọt, lấy dây thép bọc vành cho khỏi sút ra, làm quai, chồng lên từng hai chục cái, rồi mang lên ghe, đò chở ra Rạch Giá bỏ mối. Làm từ lúc mua trúc, cho đến thành phẩm, trung bình mỗi người kiếm được từ 4 đến 6 Usd một ngày. So với mức chi tiêu ở vùng quê Việt Nam thì cũng sống được.

Về đến nhà được một chút, tôi lại được hai bà mời đi thăm nhà nghèo. Chuyến đi xa của tôi bao giờ cũng dính dáng chút ít đến những kẻ khốn cùng, có lẽ đó là một ơn gọi. Một túp nhà nhỏ xiêu vẹo sâu trong ruộng làm tôi phải xuống ghe, rồi lên bờ, gian khổ như mấy lần trước. Ở vùng này, không có ruộng thì đi làm mướn, không làm mướn được thì đi mót lúa, có thế thôi!

Cũng không thiếu những người đã giàu lên khi tôi vào thăm một lò ấp gà vịt. Nghề này vất vả nhưng có tiền khi chuyên cung cấp gà vịt giống cho những người chăn nuôi có tính gia đình. Dù ở quê, nếu biết khai thác thì người ta vẫn có thể sống trong sung túc. Đúng là tình Chúa bao la!

Thăm một giáo xứ ở kênh 5

Khi xuống vùng Cái Sắn, Tân Hiệp, tôi tạm trú ở kênh 1 B, cách nhà thờ có 10 mét. Quí cha và quí thân hữu mời tôi đến thăm nhà thờ kênh Zérô, kênh 5, nhà mồ côi ở kênh 7, tham quan núi Ba Thê, nhà thờ ở núi Tượng, nhưng tôi chỉ còn sức thăm giáo xứ Thức Hóa ở kênh 5 mà thôi!

Nhiều bà con trong kênh kháo nhau rằng kênh 5 là “kênh nhà giàu” vì có nhiều người thân ở nước ngoài. Tôi cũng thấy kênh 5 giàu khi hai bên bờ kênh xi-măng lát rộng sát mé sông, sạch sẽ, nhiều nhà khang trang trong khi ở kênh khác đường xi-măng chỉ rộng hai mét, nhiều nhà gạch vách tôn. Tôi đến đây vì linh mục chánh xứ mới đổi về chính là cha Hạnh, lần trước đã đi cùng tôi đến thăm gia đình bất hạnh (có anh thanh niên bị tâm thần, người em bị mù và người anh mới qua đời). Sau lần thăm viếng đó, nhóm Bông Hồng Xanh và hai ba giáo dân ở đây góp được vài triệu, còn bao nhiêu là tiền của cha ủng hộ, rồi căn nhà chứa nhiều chuyện đau buồn đó đã được sửa sang sạch sẽ.

Thật lạ mắt khi cha vẽ bản đồ rồi giải thích rõ ràng: gọi là kênh vì ruộng chạy dọc theo con kênh người ta sống trên hai bên bờ rồi làm ruộng ở đó. Có con sông ngang, gọi là sông Đòn Dông, làm cho người ta chia kênh ra làm hai đoạn: từ quốc lộ 80 đi vào gọi là phần A, đi qua sông ngang gọi là phần B (Kênh 1A, kênh 1B), nếu kênh có tên là chữ thì là kênh D1, qua sông ngang là D2. Còn dọc hai bờ sông Đòn Dông là những dân nhà nghèo không có ruộng, gọi là dãy nhà “kinh tế”, tức là kinh tế mới.

Giáo xứ kênh 5 gồm những gia đình có gốc ở Thức Hóa, thuộc tỉnh Nam Định miền Bắc, giàu vì có truyền thống nấu rượu. Rượu kênh 5 là đặc sản đã thành thương hiệu “Rượu nếp kênh 5” nổi tiếng. Rượu nếp này được đưa ra Phú Quốc ngâm với quả Sim, thành rượu Sim Phú Quốc. Hiện nay, trong giáo xứ còn khoảng 20 lò sản xuất rượu theo truyền thống gia truyền. Tôi nhấp thử thấy rượu nếp ngon, thơm tự nhiên. Quí cha vùng Cái Sắn này nói riêng, ở giáo phận Long Xuyên nói chung, đều không lạ lẫm gì khi giáo dân mời cha vài ly cho “ấm bụng”!

Ban đầu chỉ có khoảng 40 gia đình, trên diện tích 30 m x 1.000 m, sau thành giáo xứ với 750 giáo dân trên diện tích 2 km vuông. Khuôn viên nhà thờ rộng lý tưởng với 60.000 mét vuông. Cha xứ cũ làm một công viên vui chơi phía sau nhà thờ, nay theo thời gian đã xuống cấp, còn cha xứ mới đang chỉnh trang nhà thờ nên chưa nghĩ đến làm mới lại công viên. Chả bù cho những thành phố, chen chen chúc chúc đến khổ!

Cầu chúc giáo xứ ở kênh 5 nếu có giầu hơn thì giầu cả nhân đức lẫn tình thương.

Một lời chào

Tạm biệt Long Xuyên, tạm biệt Kiên Giang nơi có người giáo dân chăm chỉ với ruộng đồng, vui buồn với hạt lúa. Hẹn gặp lại những dòng sông mang theo sức sống của nước chảy vào miền đất của một giáo phận.
 
Hành hương Tòa Giám mục Giáo phận Phát Diệm
Teresa Avila Phạm Thùy Chi
10:28 02/04/2011
Tòa Giám mục Giáo phận Phát Diệm có vị trí ở đầu Nhà thờ Chính Tòa Phát Diệm, đó là vị trí đối với Nhà thờ, còn về vị trí địa lý tính từ đường giữa đi vào nhà thờ thì Tòa Giám Mục lại nằm sau nhà thờ. Có hai đường vào Tòa Giám Mục, con đường chính cổng to cho ô tô đi vào được là con đường dọc Nhà thờ Chính tòa và Quần thể nhà thờ; con đường ngắn hơn thông từ Tòa Giám Mục với Nhà thờ Chính Tòa bằng một cửa gỗ sơn màu đỏ và mỗi khi có những lễ trọng, lễ đặc biệt sẽ có đoàn rước Đức cha, các Cha đi từ Tòa Giám Mục ra Nhà thờ.

Hồi tôi mới tìm hiểu đạo, chưa biết việc học giáo lý, chưa biết đến đi lễ theo giờ giấc chương trình, chưa có bạn bè là người Công giáo... Tôi rất thắc mắc về từ ngữ và thuật ngữ Công giáo, có khi từ ghép Hán – Việt, có khi có đối thoại giữa tiếng Việt và tiếng Anh tiếng Pháp, ví dụ như: “Khi linh mục trao Mình Thánh Chúa, ngài nói 'Mình Thánh Chúa Kitô'. Giáo dân lãnh nhận và thưa 'Amen'”. Tôi tra từ điển tiếng Việt từ 'Amen' để tìm nghĩa nhưng không có! Và những lần tôi đi một vòng Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Giám Mục Hà Nội tôi cũng rất thắc mắc: “Tòa Giám Mục” nghĩa là gì? “Tòa” thì đương nhiên là “Tòa nhà” rồi; còn “Giám Mục” nghĩa là gì? Chịu, chưa biết! Nhưng giáo dân gọi Đức cha là Giám Mục, hay thử ghép “Tòa nhà – Đức cha”. Đúng rồi, Tòa Giám Mục là Tòa nhà là nơi ở và làm việc của Đức cha.

Đang khi tôi cứ tự tìm cách giải nghĩa cho mình hiểu về từ ngữ – thuật ngữ thì bỗng nhiên tôi được nhận một cuốn sách mỏng “Thuật Ngữ Thần Học Anh – Việt” từ cha Hiển dòng Đaminh Việt Nam tặng. Từ đó tôi ý thức hơn về thuật ngữ thần học của Công Giáo khi nói cũng như khi cầu nguyện. Khi được đi học giáo lý, tuần đầu tiên, tôi đã viết ra 100 câu hỏi thắc mắc về Đạo Thiên Chúa gửi anh giáo lý viên xin anh giải thích, anh giáo lý viên “thua” không trả lời được và vội đưa tờ câu hỏi đó cho cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên, Bề trên DCCT Hà Nội. Tôi thấy cha và anh giáo lý viên đứng ở cửa sổ tầng hai nhà dòng nhìn tôi. Sau hôm đó, trong những thời gian theo học giáo lý và phục vụ ở Thái Hà, tôi đã được nghe cha Hiên giảng về đạo Công giáo, cha khuyến khích tôi tìm hiểu về các thánh tử đạo Việt Nam. Quả thực, sau này khi đã gia nhập Hội Thánh, tôi không hề thấy sự giải thích học hiểu về từ ngữ – thuật ngữ Công Giáo cũng như về Phụng Vụ, Kinh Thánh, Giáo Luật... được tổ chức trong giáo xứ, trong giờ học giáo lý hay trước sau thánh lễ, ai muốn hiểu thì tự tìm hiểu!.

Câu chuyện về ngày lễ cầu nguyện cho ân nhân của giáo phận Phát Diệm năm 2007 tôi có kể việc trưa hôm sau đã theo đoàn ân nhân để được vào tham quan Tòa Giám Mục. Lần đầu tiên bước vào đây, một cảm giác cho tôi suy nghĩ là Tòa Giám Mục không giống như Tu viện, các dãy nhà tòa nhà không đều nhau về diện tích và có nhiều kiểu kiến trúc, điều đó là do bối cảnh hội nhập qua lịch sử của Giáo phận. Tôi đã nhầm tòa nhà cao tầng ngay con đường chính đi vào là nhà chính của Tòa Giám Mục, nhưng không phải, mà là dãy nhà hai tầng mái ngói mới là nhà chính. Tầng một có phòng khách, có một số phòng ở của các cha. Tầng hai là tầng có phòng ở của Đức cha. Nhà nguyện Tòa Giám Mục ở giữa hai tòa nhà và dãy nhà của Đức cha. Tòa Giám Mục có nhà ăn và các dãy nhà khác. Tất cả đều trong khuôn viên rộng đi đi lại lại cũng hơn hai mươi phút đồng hồ.

Quần thể Nhà thờ Phát Diệm thời cha Phêrô Trần Lục làm chính xứ Phát Diệm, ngài đã xây dựng nhà xứ và khuôn viên Tòa Giám Mục bây giờ trước đây chính là nhà xứ Phát Diệm. Nghe cha Hồng Phúc kể lại thì vào thời gian năm 1895 Đức cha Alexander Marcou (Thành) làm Giám mục phó Giáo phận Tây Đàng Ngoài, hai Đức cha Grendreau (Đông) và Đức cha Marcou đã bàn nhau chia Giáo phận Tây Đàng Ngoài làm hai giáo phận, giáo phận mới lấy tên là Giáo phận Duyên Hải Đàng Ngoài còn gọi là Giáo phận Thanh (nay là Giáo phận Phát Diệm và Giáo phận Thanh Hóa) ngài đi tìm địa điểm đặt Tòa Giám Mục và đã chọn Phát Diệm làm Tòa Giám Mục.

Khi Phát Diệm được chọn làm cơ sở của Tòa Giám Mục thì cha Trần Lục có thưa với Đức cha: “Nếu biết Phát Diệm làm Tòa Giám Mục thì con đã cho xây dựng to rộng hơn.”

Giáo phận Duyên Hải Đàng Ngoài được thành lập ngày 2 tháng 4 năm 1901, Đức cha Marcou đã ở đây. Năm 1924 có sự thay đổi tên gọi Giáo phận gọi theo tên địa bàn hành chính, Giáo phận Thanh gọi là Giáo phận Phát Diệm.

Năm 1932 Giáo phận Thanh Hóa được thành lập tách từ Giáo phận Phát Diệm với một diện tích rộng gấp 10 lần Giáo phận Phát Diệm chiếm trọn tỉnh Thanh Hóa (11.136.300km2), còn Giáo phận Phát Diệm diện tích là 1.786.770km2 gồm toàn tỉnh Ninh Bình và một xã Khoan Dụ huyện Chi Nê của tỉnh Hòa Bình. Những năm cuối đời Đức cha Marcou sống và làm việc tại Giáo phận Thanh Hóa, ngài qua đời ở Thanh Hóa ngày 7.12.1939, hưởng thọ 82 tuổi. Ngày 9.12.1939 thi hài của ngài được đưa về an táng trong lòng Cung Thánh Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm.

Từ ngày Đức cha Yến cho chuyển hướng đi chính từ hướng Tây sang hướng Đông vào Tòa Giám Mục đường đi từ Thị trấn vào Tòa Giám Mục và Nhà thờ Chính Tòa gần hơn hẳn đoạn đường và khu phố ở đây đông vui hơn kể từ ngày kỷ niệm 100 năm thành lập Giáo phận Phát Diệm. Liên tiếp những ngày vui đến với Giáo phận và Giáo xứ Phát Diệm như chuyện từ nay nhà xứ Phát Diệm chuyển ra ngoài khu nhà song song với Nhà thờ mà Chính quyền địa phương trao trả lại cho Tòa Giám Mục.

Một con đường mới hình thành chạy thẳng từ phố Đông vào tới cổng Tòa Giám Mục, con đường rất đẹp và tôi thường đi dạo trên con đường này, có nhiều điều thú vị trên con đường thơ mộng đó là nơi mà những người nghèo khó luôn đứng chờ cha xứ, các cha của Tòa Giám Mục hay khách tham quan để xin các cha và các vị khách bố thí, tôi quan sát và thỉnh thoảng tôi cũng cho những người nghèo đó mỗi người 2.000 đồng, họ rất vui. Một điều tôi nhận thấy là phía bên phải con đường đi từ phố Đông vào Tòa Giám Mục, có nhà vệ sinh lớn ở vị trí song song với hang đá Lộ Đức cách cổng Tòa Giám Mục 10m, tôi cảm thấy không thoải mái vì có nhà vệ sinh trước cổng Tòa Giám Mục, tôi đã thưa với cha Hồng Phúc và cha giải thích cho tôi hiểu: Khi Nhà thờ Phát Diệm là điểm hành hương tham quan của khách thập phương thì người người ở khắp nơi nơi đổ về tham quan Nhà thờ Phát Diệm. Sân nhà xứ là nơi để xe ô tô, những khi đông nhất là cả trên mười xe 50 chỗ để trong sân và có hàng chục nghìn người đi lại sinh hoạt, thì quanh khu vực nhà thờ và nhà xứ có ba nhà vệ sinh lớn để giải quyết nhu cầu cho hàng trăm, hàng nghìn người đến Phát Diệm là thế. Vậy thì, tôi thầm nghĩ: giải pháp cho cổng Tòa Giám Mục không phải chịu nhà vệ sinh án ngữ trước cổng nữa thì có thể chuyển hướng đi sang phía cổng ở đường dong từ cầu ngói đi vào, cổng này sẽ đối diện với cổng nhà Hưu của Phát Diệm. Dầu vậy thì người dân nhận thấy sự khó chịu đó nhưng còn sự quyết định thay đổi hay không thay đổi thì vẫn là quyền của Đức cha và các cha Phát Diệm.

Ngày gần đây nhất tôi tới Tòa Giám Mục Phát Diệm đó là ngày lễ tấn phong Giám mục 8.9.2009. Tòa Giám Mục bây giờ đẹp và thơ mộng, từ cổng đi vào là thấy bên phải có ruộng lúa vườn cây hoa màu, bên trái là thảm cỏ, con đường với hàng cây nhãn dọc từ cổng phụ thẳng tới nhà ăn Tòa Giám Mục, một sân nhỏ trước hành lang tầng một Tòa Giám Mục là nơi tụ họp giáo dân trong những dịp lễ Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán để mừng chúc Đức cha, các cha và các ngài sẽ tặng quà cho giáo dân vui phấn khởi lòng đạo đức hơn. Tôi đã từng được tham dự những ngày lễ đó như chính mình cũng là người con của Giáo phận Phát Diệm vậy.

Trong ơn Chúa ban, những ngày về Phát Diệm khi được đi chia sẻ ở xứ Tân Khẩn 8.11.2007, tôi được tham quan tu viện Mến Thánh Giá Lưu Phương theo lời mời của Dì Maria Trần thị Thanh, Tổng Thư Ký Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm.

Dì Thanh dẫn tôi đi tham quan từ phòng khách qua hành lang tu viện tới khu chăn nuôi trồng trọt tăng gia của nhà dòng, phía cuối dãy nhà dòng là ngôi nhà hai tầng khang trang sử dụng làm trường mầm non có 5-7 lớp (tôi không nhớ rõ) và mỗi lớp trên 30 cháu, mức học phí cộng với tiền ăn ở trường thu rẻ hơn 10 lần so với ở Hà Nội. Sau khi giới thiệu về trường mầm non xong, dì chỉ cho tôi xem khu nhà ở của các chị, nhà bếp và cạnh đó là ao cá và vườn chuối nơi để lại sự tích về việc “Quỷ nhập tu viện”. Dì và tôi đi men theo hàng cây chuối sau vườn là ra tới nhà phát thuốc chữa bệnh và nhà bán đồ đạo, sau cùng dì đưa tôi vào Nhà nguyện của nhà dòng. Trong Nhà nguyện có mấy chị đang cầu nguyện, dì Thanh và tôi cùng quỳ cầu nguyện với Chúa. Tôi cảm tạ ơn Chúa vì đã được dì Thanh đưa đi thăm nhà dòng và nhất là tôi được đi qua hành lang tu viện vào thời điểm tôi rất ước ao mong có giây phút yên vui đi lại trên hành lang tu viện.

Có một dòng tu nữ mà tôi đã tha thiết khấn xin được vào tu ngay từ những ngày đầu tiên chọn Chúa đó là Dòng Kín, tôi muốn sống đời sống cầu nguyện xa cách bên ngoài xã hội nhưng ý Chúa lại muốn tôi sống phục vụ Giáo Hội và Chúa đã làm tất cả để tôi yêu Chúa, phục vụ hết mình cho Chúa và thỉnh thoảng Chúa cho tôi ngắm nhìn ước mơ của mình qua mỗi lần gặp nữ tu hay thăm viếng nhà dòng để tôi được nhìn lại mình. Các chị hiền lành, nhân ái và khiêm nhường, luôn luôn các chị nói năng thật dịu dàng cả khi từ chối, sự quan tâm và khéo tay của các chị đúng là nhất!... Còn tôi, tôi thật vụng về và hay tủi thân đến nỗi có người đã than với tôi: “Ôi, tân tòng ơi là tân tòng!”. Các người thân và giáo dân nói gì, suy nghĩ gì về tôi, tôi đều được Chúa cho biết, tôi giận hờn nhưng rồi tôi thưa với Chúa “Con là con bé bỏng” (Kn 9,5). Tôi khóc nhiều nhưng sống hồn nhiên và vui tươi vì đối với Thiên Chúa tôi tin mình thật là bé bỏng, mình chẳng thể làm hại ai được và luôn mong được yêu thương.

Những ngày thực hiện chương trình hành hương Phát Diệm vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 2008, tôi có ghé vào nhà dòng thăm dì Thanh, cảm ơn dì, tôi tặng dì hai túi chun buộc tóc xanh đỏ với hàng nghìn cái chun nhỏ xíu các mầu, xin dì gửi cho các chị ở trường mầm non để các chị dùng buộc tóc cho những bé gái. Tôi thấy dì vui, dì kể cho tôi biết là nhà dòng đang bắt đầu xây Nhà nguyện mới và xin tôi thêm lời cầu nguyện cho nhà dòng. Tôi vâng lời và rất vui khi nhìn ra ngoài công trường thấy các dì các chị đang là thợ xây thợ nề!

Ngày 7 tháng 9 năm 2008 tôi về Phát Diệm để tham dự lễ Sinh nhật Đức Mẹ thì hay tin bên nhà dòng có chị Dung mới qua đời hôm trước, ngày hôm sau thì lễ an táng, tôi xin sang dự lễ an táng của chị, cùng thêm lời cầu nguyện cho chị. Trong lễ an táng của chị Dung tôi đã được gặp dì Hường ở Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thành Đức và chị Gương Phó Tổng Phụ trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, hai nữ tu ở hai thế hệ nhưng cực kỳ tuyệt vời.

Có thời gian tôi đang suy sụp tinh thần, tôi đã được dì Hường hết lòng động viên và chia sẻ. Tôi rất biết ơn dì và các chị em Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm.

Hà Nội, ngày 2.4.2011
 
Văn Hóa
Chuyện Phiếm Đạo Đời
Trần Ngọc Mười Hai
07:52 02/04/2011
Chuyện Phiếm Đạo Đời

“Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi,”
Biết người có nhớ nhung chi,
Hết rồi giây phút phân ly…”

(Hoàng Dương – Hướng Về Hà Nội)

(1Pe 2: 17)

Nói về Hà Nội, như thành phố của cách xa, lưu luyến để hướng mắt, là nói như thế. Nhưng nếu lại nói về một Hà Nội nay đã đổi thay từ ngày trước, giờ đây chỉ còn lại trong ký ức của người đã ra đi, thì cũng nên nói như người trẻ vào buổi “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney hôm ấy 5/3/2011, như sau:



“Theo em, nếu muốn tìm hiểu thêm về quá trình đổi thay, hay biến dạng; thậm chí là tiến trình qua đó có sự việc một thành phố bị xoá tên trên bản đồ thế giới đến thế nào, thì không gì bằng lắng nghe bản nhạc Việt viết về Sàigòn, Hà Nội. Một trong các bài nhạc tiêu biểu cho cung cách ấy là bài “Hướng Về Hà Nội” do nhạc sĩ Hoàng Dương sáng tác từ những năm trước 1954. Lúc ấy, Hà Nội của ông đã bắt đầu có dấu hiểu đổi thay, và ông kịp ghi lại hình ảnh đổi thay qua âm thanh và ca từ, trước khi nó chỉ là một hoài niệm.



Giống nhiều thành phố lớn trên thế giới, Hà Nội là thành phố cổ xưa có cả nghìn năm tên tuổi. Thế nhưng, khi nghe lại bài này, ta thấy nó không xưa cổ chút nào mà còn hiện đại nữa là đằng khác. Bởi, mỗi lần nghe các ca sĩ cất lên ca từ của bài này, ta càng nhận ra sự kết hợp hài hoà giữa hai khung cảnh cũ/mới vô cùng quyến rũ của Hà Nội thời tiền chiến. Nơi đây, cổ kính và hiện đại, tượng trưng cho quá khứ với tương lại, luôn bổ sung cho nhau. Bàng bạc trong ca từ của bài hát, là hình ảnh của một thời vàng son đã qua, xen kẽ với nét tân kỳ của người dân thành phố, lớp người luôn theo kịp nếp sống văn minh thế giới. Đó là những tà áo màu tung bay khắp phố, rồi lại đến ‘ánh đèn giăng mắc muôn nơi’, toả ánh văn minh đến khắp mọi miền.



Thì ra, linh hồn của một thành phố cổ xưa không toát ra từ những mái tường rêu phong đổ nát, hay từ các ‘quán cóc liêu xiêu’ nghèo nàn, như một số ca khúc sau này viết về Hà Nội. Mà nó được hun đúc từ vô số âm thanh được thể hiện qua cung cách sinh hoạt hiện đại của người dân thị thành. Chính điều này đã tạo nên sinh khí cho thành phố. Thiếu nó, thành phố cổ chỉ là bảo tàng viện không sức sống, cứ thoi thóp chờ ngày bị đào thải khỏi cuộc chơi. Với ý nghĩ ấy, tác giả thầm tiếc cho một giá trị tinh thần sắp sửa biến mất, một giai cấp tiểu tư sản, đại diện cho thế hệ con dân ưu tú nhất của đất nước, đã lũ lượt bỏ đi không hẹn ngày trở lại. Bài hát của ông đã phác hoạ tuyệt vời cảnh Hà Nội bị giằng xé giữa những dằn vặt nội tâm của hai lớp người đi và ở, giữa cũ và mới. Hà Nội trong tâm tưởng của ông tuy thật gần mà cũng thật xa cách, tách rời. Nó luôn ẩn chứa cái ngọt ngào của bản tình ca, lẫn cái não nùng của sự chia lìa đến vĩnh viễn. Người ở lại phải giấu nó xuống tận đáy lòng, người ra đi cứ phải hát mãi những lời réo gọi tháng ngày đã lùi dần vào dĩ vãng.



Cuối cùng, ông chọn ở lại, bám lấy mảnh đất thân yêu cho đến hơi thở cuối cùng. Từ đó đến nay, suốt hơn 60 năm dài đằng đẵng, ông đã ẩn mình dạy hồ cầm trong nhạc viện Hà Nội, chưa từng rời xa Hà Nội. Và, người yêu nhạc, vì thế, sẽ mãi mãi được thưởng lãm bài “Hướng về Hà Nội”, để người mình tự hào về một Hà Nội với bề dày cả ngàn năm văn hiến. Đồng thời, sẽ khiêm tốn đón nhận và dung hoà với các luồng văn hoá khác trên thế giới, để Hà Nội có thể đứng vững hơn, trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ mới. Đáng tiếc thay, Hà Nội nay đã thay hình đổi dạng, không còn chút gì giống với Hà Nội trong bài nhạc của Hoàng Dương nữa. Vậy thì, có gì bền vững với thời gian không? Chỉ tiếng guốc khua thôi cũng chắng bao hàm một nghĩa lý gì? Vậy thì tại sao người người vẫn lấy làm buồn mỗi khi nghe lại ca khúc ấy?” (trích lời giới thiệu bài “Hướng Về Hà Nội” của Anthony Việt Quốc đêm nhạc “Hát Cho Nhau” với chủ đề “Muôn thuở còn yêu”)



Nếu bạn và tôi, ta những nói về Hà Nội hay nơi nào, như khung trời thời buổi trước, chắc hẳn người người sẽ còn nói và hát nhiều hơn nữa, để coi đó như một phấn chấn, bổn phận, cần gìn giữ. Thế thì, mời bạn và mời tôi, ta cứ nghe và cứ nói thoải mái, vô tư. Hiền từ. Như thường lệ. Nói và hát, một đôi câu còn vương vấn ở đâu đó:



“Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi,

Nắng hè tô thắm lên môi, thanh bình theo guốc reo vui.

Hà Nội ơi, kiếp đời muôn hướng buông trôi,

Nhớ về người những đêm rơi,

Nhắn theo ngàn cánh chim trời…”

(Hoàng Dương – bđd)



“Kiếp đời muôn hướng”, “Nhớ về người những đêm rơi”, “theo cánh chim trời”, vẫn là tình tự thân thương của mọi người, ở đời thường. Những người, vẫn chú trọng vào cái hay/đẹp của mọi thời, rất muôn thuở. Với nhà Đạo, “Nắng hè tô thắm lên môi”, “nước hồ là ánh gương soi”, là tâm tư lập trường, về cuộc sống. Sống gắn bó, với thời buổi như chưa một lần rời bỏ. Rời, thành phố. Xa, thánh Hội vì lãng quên. Bất đồng. Phẫn uất?

Vì gì đi nữa, vẫn là những tình tự mà người nghệ sĩ trên từng nhớ đến, nên đã hát:



“Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xưa,

mắt buồn lồng những đêm mưa,

Não nùng mây gió đong đưa.

Hà Nội ơi, nỗi lòng gởi gấm cho nhau,

nhớ hoài chỉ biết thương đau,

đắng cay chờ những kiếp sau.”

(Hoàng Dương – bđd)



Nơi Hội thánh, có người vẫn nhớ và cứ thương, nên đã “hướng về thành phố xa xưa”, có “mắt buồn lồng những đêm mưa.” Mưa trong mắt, vì vẫn còn đó tâm tình của “mây gió đong đưa”, “Não nùng mây gió” ở đâu đó. Nơi, từng quan niệm về một Thánh hội có động thái không hài lòng. Đến độ thốt lên:



“’Luật lệ ở Anh nay không còn dành chỗ cho niềm tin Kitô-giáo nữa, dù Đạo này từng có mặt nhiều thế kỷ, ở đây’, đó là khẳng định của hai thẩm phán khi đưa ra phán quyết không cho phép vợ chồng Eunice và Owen Johns được quyền bảo dưỡng trẻ có tuổi từ 5 đến 10 nữa, chỉ vì lý do hai người “không đề cao lối sống đồng tính luyến ái” cho con trẻ.



Trước phán quyết này, hai vợ chồng chỉ nói: ‘Thật ra, điều chúng tôi muốn làm là tình nguyện giúp trẻ em cần bảo dưỡng, có được cơ ngơi tình người, nhiều xót thương. Hồ sơ của chúng tôi đầy đủ các đặc trưng kinh nghiệm làm cha mẹ bảo dưỡng đúng qui cách. Thế nhưng, lý do dẫn đến việc này, là bởi sự việc chúng tôi là Kitô hữu vốn có cái nhìn chính đáng của Đạo về chức năng tình dục, thế nên rõ ràng là bọn tôi không còn thích hợp với vai trò làm cha làm mẹ bảo dưỡng như thế nữa. Các vị chánh án đây lại cứ nghĩ rằng lập trường sống của chúng tôi có thể gây hại cho con trẻ. Thêm vào đó, Ủy Ban Bảo Vệ Nhân Quyền và Cơ Hội Đồng Đều bảo cho chúng tôi biết là: lập trường đạo đức của chúng tôi có thể gây ‘độc hại’ cho con trẻ. Chúng tôi không tin như thế. Chúng tôi lâu rày được chuẩn bị để yêu thương và đón nhận bất cứ mọi bé. Điều mà chúng tôi không muốn làm là cứ buộc phải nói cho trẻ biết chuyện sống đồng tính luyến ái là điều tốt, không sao hết. Chúng tôi không đồng ý chuyện ấy.”



Hai vị thẩm phán ở Toà Thuợng Thẩm nước Anh có nói: nước Anh là một xã hội đa-văn hoá và ‘trần tục’, trong đó luật lệ của vương quốc này không bao hàm một sinh hoạt Kitô giáo nào hết. Hai vị nhấn mạnh rằng: nhiều người ‘không hiểu’ là xã hội Anh thực sự không còn dành chỗ cho Kitô-giáo’ nữa. Dù rằng lịch sử từng chứng mình rằng nước này thuộc thành phần Kitô giáo phương Tây, và dù họ từng có giáo hội là Kitô giáo được thiết lập từ lâu, nay có nhiều đổi thay trong đời sống tôn giáo và xã hội, ở thế kỷ vừa qua.” (x. Michael Kirke, Christianity is so yesterday, says UK high court, MercatorNet 02/3/2011)



Thật chẳng rõ, nhạc sĩ Hoàng Dương có là Kitô hữu, hay không. Và, cũng chẳng hiểu: ông có lòng mộ Đạo nhiều hay ít. Nhưng, nếu ông còn sống đến hôm nay, lại nghe được lời nhận định rặt như thế, hẳn ông sẽ thêm vào câu hát trên, chỉ một chữ Kitô giáo thay vì Hà Nội, rồi mới hát:



“Một ngày, mùa chinh chiến ấy,

Chim đã xa bầy mịt mờ bên trời bay

Một ngày tả tơi hoa lá, ngóng trông về xa,

luyến thương hình bóng qua.”

(Hoàng Dương – bđd)



“Luyến thương hình bóng qua”, chỉ là những luyến và thương những tháng ngày Hội thánh từng sống ở đời nhưng chưa là và vẫn không là “hình bóng”, để người nhạc sĩ đây, vị chánh án ấy, phải kêu lên như thế. Tuy không hề “ngóng trông về xa”, mà “luyến thương hình bóng qua”, nhưng không là sự thật rất thực, mà chỉ là:



“Một ngày, tàn cơn chinh chiến,

lửa khói lăn chìm, tìm về nơi bờ bến

một ngày hồng tươi hoa lá,

hát câu tình ca nói lên lời thiết tha.”

(Hoàng Dương – bđd)



“Nói lời thiết tha”/tha thiết, tức: phải nói đúng, nói thật, những sự thật từng phơi bày trước mắt. Nói thật, là nói: Hội thánh lâu nay vẫn cứ là cái bung xung để mọi người nhắm vào đó mà tranh chấp, úy kỵ. Kỳ thực, Hội thánh Chúa vẫn là thánh hội đứng vững sau bao thăng trầm của sự sống.

Thế giới, có nhìn Hội thánh bằng ánh nhìn khác biệt, thì ánh mắt và tầm nhìn của thế giới, nay vẫn mang tính úy kỵ Uý và kỵ, là bởi Hội thánh trước sau vẫn cứ nhìn thế giới bằng ánh nhìn thiếu thiện cảm. Mất cảm thông. Thế nên, luôn có sự căng thẳng, giằng co, tranh đấu từ hai phía. Căng thẳng, vì Hội thánh không yêu thế giới như Thiên Chúa thương yêu loài, từ muôn đời. Chẳng thế mà, thành viên nọ của thánh hội Đức Kitô nay nhận định về sự căng thẳng ở trên, nên mới bảo:



“Nhờ Công Đồng Vatican II, Hội thánh không còn công khai lên án thế giới nữa. Hội thánh đã tự mở lòng mình, ít ra là trên nguyên tắc, để đi vào cuộc đối thoại với thế giới nhân trần. Tuy là thế, Hội thánh hôm nay có nhiều khuynh hướng cho thấy còn đó khía cạnh tiêu cực đối với nhân trần. Khuynh hướng nhìn thế giới hiện tại như một thảm bại không thể hàn gắn. Khuynh hướng này, muốn tái tạo một Đạo giáo mới của Đức Kitô, trong đó Hội thánh mới sẽ sống các khía cạnh của đời người nhưng lại không muốn dính dự vào thế giới quanh mình. Trong khi đó, có những người -trong số này có cả tôi- vẫn tin vào lời mời gọi Hội thánh sống như men trong bột, là thế giới. Có như thế, Hội thánh mới hoạt động hữu hiệu trong lòng thế giới ngõ hầu tạo dựng không phải Hội thánh mới mà là xã hội mới. Xã hội của thiên niên kỷ thứ ba, đã diễn ra.” (Armand Vielleux, đan sĩ Xitô Scourmont, Bỉ)



Vị nào tìm cách sống “ngoài thế giới” lại nghĩ là mình đang ở trong ‘thế giới đặc biệt của Chúa’ sẽ thấy rằng mình đang tìm kiếm Chúa. Điều đó có nghĩa: tìm Chúa ở đâu đó, nên chưa gặp. Họ vẫn tìm Chúa ở nơi xa, nên khó lòng. Điều lạ kỳ hôm nay, là: người người chấp nhận rằng: không nên kiếm tìm Chúa làm gì, bởi có tìm cũng chẳng gặp. Bởi Chúa đã tìm ra mình rồi. Đã gặp mình, ngay trong cuộc sống thường nhật, mà người đời gọi đó là “thế giới” nhân trần.

Quả thế. Chúa vẫn tìm ta và Ngài đã gặp. Ngài gặp ta, trong công việc hằng ngày, ở huyện. Có gặp ta, Chúa mới tỏ cho ta biết nhiều sự việc ở đời thường, trong đó có chuyện về Chúa. Nói về Chúa. Cả những chuyện thời đại, ta đang sống nữa. Những chuyện và những sự, mà chẳng ai hỏi hoặc lên kế hoạch để gặp Chúa. Dù không lên kế hoạch, nhưng người người chắc vẫn nhận và vẫn biết rằng: Chúa vẫn tìm, và vẫn gặp.

Người người đều biết Thiên Chúa là Chúa của niềm vui tươi, kỳ diệu. Điều lạ này, khác với những gì ta nghe biết, từ thuở trước. Nghe rằng: Chúa chỉ yêu nếu ta chứng tỏ mình là người tốt. Nghe và biết, rằng: Thiên Chúa cao xa vời vợi thật khó đạt. Ta chỉ đạt đến Ngài sau khi chết, mà thôi.

Mặc dù thế, điều mới lạ ở đây, hôm nay, là: Chúa đến với ta trong khuôn khổ hạn hẹp cuộc đời, là thế giới. Thế giới, có đủ niềm vui/nỗi buồn, thật không thiếu. Vẫn không ngờ. Không thiếu và cũng chẳng ngờ rằng: những chuyện khiến ta thay đổi lối nhìn về Hội thánh và thế giới, là ngày nay nếu muốn gặp Chúa, vẫn nên đi vào cuộc đời, mà tìm kiếm. Thay và đổi, còn ở chỗ: Chúa tìm gặp người đời không chỉ trong Hội thánh thôi, mà cả ở ngoài đời. Nơi thế giới. Thay và đổi, để rồi sẽ nghe lời thánh nhân, vẫn thường nói:



“Hãy tôn trọng mọi người;

Hãy yêu mến anh em;

Hãy kính sợ Thiên Chúa,

hãy tôn trọng vua.”

(1Pe 2: 17)



Nếu thánh Phêrô còn sống đến hôm nay, hẳn ngài sẽ không còn khuyên bảo mọi người trong Hội thánh hôm nay: hãy tôn trọng không chỉ mình vua thôi, mà là tôn và trọng cả thế giới. Từ trên xuống dưới. Tôn trọng mọi người trong thế giới và coi họ như có Chúa ở bên trong, rồi cứ thế mà vui sống. Vui mà sống, như truyện kể nhè nhẹ ở bên dưới để minh hoạ một sự thật rất thực, như sau:



Ngày nọ, có một đan viện phụ Dòng Khổ tu tìm đến một vị tu sĩ Ấn Giáo tại chân núi Himalaya. Với tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu viện do ông chủ trì. Khi trước, tu viện này là một trong những trung tâm thu hút không biết bao nhiêu khách hành hương. Nhà nguyện lúc nào cũng vang tiếng hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn phòng lúc nào cũng có người ở... Nay tu viện trở thành một ngôi chùa trống vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như tắt lịm. Nhà nguyện vắng kẻ ra người vào. Một số tu sĩ còn lại sống uể oải buông thả... Vị viện phụ muốn hỏi tu sĩ Ấn Giáo: đâu là nguyên nhân đã đưa đến tình trạng này? Phải chăng vì tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đè nặng lên cộng đoàn?



Sau khi nghe đức viện phụ kể, vị tu sĩ Ấn Giáo ôn tồn nói: "Cái điểm yếu của cộng đoàn: đó là sự vô tình". Vị tu sĩ Ấn Giáo giải thích như sau: "Ðấng Cứu Thế đã cải trang thành một người phàm ở giữa chư vị, nhưng chư vị vô tình không nhận ra Ngài".



Nghe tu sĩ Ấn Giáo giải thích, đức viện phụ bèn hối hả trở về tu viện, lòng ông miên man tự hỏi: "Ai là người được Ðấng Cứu Thế đang mượn hình dáng để trở lại với loài người?" Cả tu viện có không đầy mười người. Ðấng Cứu Thế không thể là chính ông, vì ông tự biết mình là con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện: có người nào toàn vẹn để Ðấng Cứu Thế mượn hình dáng? Nhưng, ông vẫn tin lời của vị tu sĩ Ấn Giáo xác quyết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành người nào đó sống trong cộng đoàn...



Với niềm xác tín ấy, ông quy tu tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà mình. Ðôi mắt của mỗi người mở to và ai cũng bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Có điều chắc chắn là: vì Ðấng Cứu Thế đã cải trang, nên không ai nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong nhà đều có thể là Ðấng Cứu Thế... Từ đó, ai ai cũng đối xử với nhau như với chính Ðấng Cứu Thế. Chẳng mấy chốc, bầu khí yêu thương, huynh đệ đã trở lại với tu viện. Sự thánh thiện ấy chẳng mấy chốc lan đi khắp nơi. Các tín hữu từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến gõ cửa Nhà Dòng...



Nếu mọi người, ai cũng nhìn nhau và đối xử với nhau như với chính Chúa Giêsu, thì chiến tranh hận thù sẽ không có lý do tồn tại trên mặt đất này. Sự vắng bóng của Thiên Chúa trong xã hội, hay đúng hơn sự vô tình của con người không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống: đó là đầu mối của mọi thứ bất hòa, chiến tranh, xáo trộn trong xã hội.



Chối bỏ Chúa cũng có nghĩa là chối bỏ con người. Sự băng hoại của xã hội xây dựng trên chủ thuyết vô thần là một bằng chứng hùng hồn về hậu quả của sự chối bỏ Thiên Chúa. Khi con người chối bỏ Thiên Chúa, con người cũng chà đạp con người.”



Người kể truyện hôm nay lại rút ra bài học cho cuộc sống, ở thế giới nhân trần. Bài học ấy, người nghệ sĩ trên từng viết thành giòng chảy âm nhạc, rất nghe quen, rằng:



“Hà Nội ơi, biết người còn có trông mong,

Hướng về ai nữa hay không

những ngày xa vắng bên sông.

Hà Nội ơi, những chiều sương gió dâng khơi

Có người lặng ngắm mây trôi,

Biết bao là nhớ tơi bời.”

(Hoàng Dương – bđd)



Nhớ Hà Nội, là nhớ Hội thánh và nhớ thế giới của một thời. Thời, có những giòng chảy yêu thương, đầm ấm rất tình người. Ở muôn nơi.



Trần Ngọc Mười Hai

vẫn nhớ Hà Nội quê mình

như Hội thánh, rất yêu đời.

Yêu thế giới cũng rất người.







Đẹp lắm! Trên đời những vấn vương,

Chao ôi! Thiên lí một con đường.”

(dẫn từ thơ Lưu Trọng Lư)

Ga 11: 3-45

Bởi vấn vương, nên đời người vẫn là con đường của thiên lý. Của, những vấn vương. Thương tình bầu bạn rải khắp nhân gian, như trình thuật nay còn nói.

Trình thuật, nay thánh Gioan lại nói đến tình bạn, Chúa vấn vương nhiều tình thương. Lòng Chúa xót thương, vấn vương tình người bạn vừa mới còn đó nay khuất bóng đi vào chốn ngủ vùi, khiến Ngài phải ra tay chữa chạy. Nhưng thiên lý đời người vẫn phải đương đầu với nỗi chết, theo cung cách khác biệt. Khác biệt ở chỗ: người có kinh nghiệm về chết chóc lại đã đặt cuộc đời mình vào niềm tin vô bờ bến. Nhờ có tin, con người mới thấy được chân lý của sự sống đang đi dần vào chốn ngủ vùi rất miên viễn. Nhờ niềm tin, người người mới hiểu được nhiệm tích vượt qua là để sống lại. Sống, bằng một hành trình băng qua thế giới khác. Hành trình đó, là cởi bỏ những lớp vỏ bọc bên ngoài để rồi người người dám đón nhận nỗi chết đang trờ tới.

Không kể về yếu tố siêu nhiên, đạo giáo, người người sẽ nhận ra nỗi chết chính là con đường thiên lý rất tự nhiên buộc Lazarô khi xưa và nay là mọi người phải đi qua. Tựa như hạt cải có rơi xuống đất và chết mục, nó mới đạt được hành trình tiến triển để vươn thành cây cải cao lớn. Cứ sự thường, con người vẫn có khuynh hướng chối bỏ khiá cạnh bình thường/tự nhiên con đường thiên lý vốn dẫn tới nỗi chết dần mòn, ở con người.

Thiên Chúa ban cho mỗi người quà tặng quý giá là chính sự sống, để ta tôn trọng. Khi tặng ban, Ngài cũng kèm theo đó một hệ thống biến cải để hoàn thiện sự sống của mỗi người bằng việc chết dần mòn như một tiến trình tăng trưởng cần có, ở mọi loài. Quà Chúa ban, Ngài không chỉ ban tặng cho cá nhân riêng một ai để rồi mỗi người cứ khư khư giữ nó suốt đời mình. Quà Ngài ban, là ban tặng cả và trời đất vũ trụ, theo qui cách rất tự nhiên, thực tiễn. Quà Ngài ban, đã hiện tỏ cả vào lúc trước khi ta lọt lòng mẹ. Và, nơi quà tặng bình thường/tự nhiên ấy, luôn có qui luật của sự chết dần mòn ngõ hầu sẽ còn diễn tiến suốt đường thiên lý, của cuộc đời.

Là hữu thể sống, con người không mặc lấy cho mình qui trình khép kín, tự thấy mình đầy đủ, nhưng vẫn là qui trình mở để sống với hệ thống mở rộng khác còn lớn nhiều, là thiên nhiên. Chính vì thế mỗi cá nhân riêng lẻ tự thấy không thể tập trung mọi sự, kể cả sự sống, cho riêng mình. Tức, có sống là phải có chết. Ít ra, là chết dần mòn. Bởi, mỗi cá nhân là thành phần của cộng đồng vũ trụ, trong đó sự chết là chuyện bình thường, rất tự nhiên. Cá nhân con người không thể chối từ tính bình thường/tự nhiên của sự chết. Chí ít, là chết dần mòn.

Ở tuần thánh, tín hữu Đức Kitô thường suy tư cùng một kiểu như thế khi nghĩ về cái chết của Đức Giêsu. Đó là thói quen cho rằng: chắc vì sự cố nào đó xảy đến khiến Chúa mới bị bắt và bị bách hại cho đến chết, đến dần mòn. Có người còn nghĩ: Chúa chết là do bọn xấu tra tay làm chuyện tày trời để Ngài phải tức tưởi đi vào chốn ngủ vùi. Và, họ coi cái chết của Chúa là do lỗi tội của con người mà ra. Thực tình, ít ai hiểu được tính bình thường/tự nhiên của con đường “thiên lý” những chết dần Chúa chấp nhận. Ngài chấp nhận, để thực hiện ý Cha khi Cha muốn tạo dựng sự sống cho muôn loài.

Chúa chấp nhận liệt mình vào với những người bé nhỏ, rất dễ chết. Thực sự, Chúa chấp nhận đường thiên-lý-những-chết-dần chẳng vì bọn xấu dám ra tay trừ khử Ngài, cho bằng Ngài không muốn thay mặt loài người sửa đổi luật bình thường/tự nhiên mà Cha Ngài tạo ra. Ngài chết dần, là vì yêu thương con người. Ngài muốn trở thành giống hệt người phàm. Nhất quyết không rút lui khi thấy có khó khăn, bực bõ. Chết chóc. Và, bằng vào việc chấp nhận đường-thiên-lý-rất-chết-dần như con người, Ngài mới tỏ cho mọi người thấy Ngài yêu thương họ biết chừng nào.

Ốm đau tật bệnh, cũng như thế. Bệnh là khủng hoảng cá nhân. Tật, là ngõ bí khó tránh thoát. Khi mắc phải tật/bệnh, ta không còn thấy mình là mình nữa, nhưng đã mất đi cái ‘mình’ ấy và cứ hy vọng sẽ đạt trở lại tính chất ‘riêng tây’ của cái “mình” ấy. Có thể không. Có hay không, vẫn là chuyện bình thường. Tự nhiên.

Người mắc phải tật/bệnh sẽ cảm thấy may mắn nếu có ai ở cạnh, không nói ra, những vẫn gửi cho mình thông điệp nào đó để nói rằng: sự việc xảy ra như thế là chuyện bình thường, dễ hiểu. Kinh nghiệm thương đau là cái gì có thật, ai cũng biết. Chẳng riêng gì chỉ mình thôi. Đến khi bạn bè hỏi han/thăm viếng mới vỡ lẽ ra rằng thông điệp của đường thiên-lý-rất-chết-dần được đón nhận rất thông suốt. Cũng chẳng có gì phải sợ. Chẳng sợ đau đớn, cô đơn, cho đến chết.

Điều người bệnh cần, không phải ai cũng có thể tâm tình, dù riêng tư. Cũng chẳng do người chạy chữa đưa ra lý lẽ để “giải thích” về căn bệnh. Nhưng, chỉ cần người khẳng định: đó là tiến trình rất bình thường/tự nhiên của trời đất. Đã là người, ai ai cũng đều phải ngang qua con đường thiên-lý-chết-dần ấy. Bởi, bạn bè là lẽ sống trong con đường ấy. Không cần bạn chữa chạy về tinh thần. Cũng chẳng cần bạn tặng quà, để vui hơn. Chẳng cần đến phép lạ, mà chỉ cần thuận theo chiều quay của qui luật bình thường/tự nhiên của sự sống.

Nhà thương, thường là nơi người người tìm đến giải pháp kỹ thuật cho mọi trường hợp tật bệnh. Nơi đó còn là cơ ngơi để giúp những người đang còn yếu hiểu được qui luật như thế. Nhuốm bệnh, là tình trạng không thể sống sót mà không có người giúp đỡ. Là, chết dần chết mòn suốt đoạn đường thiên lý, rất trớ trêu. Nhà thương, còn là nơi có người thương yêu chăm nom săn sóc cho người đau yếu thấy dễ chịu. Chăm nom săn sóc từ cái ăn thức uống, rất vệ sinh. Là nơi, để người đau yếu kềm chế cơn đau. Nơi, để người còn khoẻ chăm sóc liên tục, rất đặc biệt. Nơi, bảo đảm kỹ thuật nay an toàn.

Với tật bệnh, tuy vẫn cần giải pháp kỹ thuật để chữa chạy. Nhưng với con đường thiên-lý-rất-chết-dần, thì vô phương. Và, khi ấy quyết định có nên đưa người đau yếu vào nhà (để) thương hoặc viện (để) dưỡng lão hay không, lại là quyết định của người khoẻ, chứ không phải người đau yếu, tật bệnh. Người đau và yếu khi ấy đã mất đi khả năng kềm chế các quyết định như thế. Và, bên dưới sự việc, thì chính thiên nhiên là kẻ trợ đắc tiến trình bình thường/tự nhiên, “thiên lý” ấy.

Người đau yếu đang rơi vào tiến trình rất “thiên-lý-chết-dần” tại nhà, hoặc ở nhà thương, là người đang thực hiện một sự việc bình thường/tự nhiên rất chết dần. Họ muốn được đối xử như sự việc bình thường. Và, họ vẫn muốn làm thành phần trái đất và không muốn để mất tiêu chuẩn hoặc bị đào thải khỏi chốn miền đầy yêu thương ấy. Họ không chối bỏ sự thật. Cũng chẳng muốn bạn bè quên đi sự việc là họ đang trên đường thiên-lý-rất-chết-dần. Và không muốn ai làm ầm ỹ. Nói tóm, họ là người bình thường muốn được bình tĩnh khi cái chết chợt đến, như chuyện bình thường/tự nhiên, trong đời.

Ta đang đi vào tuần thánh là tuần để suy tư về sự chết dần của Đức Chúa-làm-người. Phúc Âm trình bày việc Chúa đi vào cái chết là về lại cùng Cha. Ngài về lại, sau khi hoàn tất sứ vụ của Ngài ở nơi này. Nơi, con đường thiên-lý-có sự chết, trên trái đất. Và, ý tưởng của thánh Gioan hôm nay nói về tính bình thường/tự nhiên của sự chết Chúa chấp nhận. Điều đó áp dụng cho ta, cho người thân của ta nữa.

Tác giả Sarah Coakley có lần từng viết: “Đã có e ngại thời hiện đại lôi cuốn nhiều người hiểu rằng: chết dần mòn, sự tắt lịm của ‘lịch trình tiến hoá’ chính là điều tệ hại nhất xảy đến với mọi người, và mọi sự. Nếu là tôi, tôi sẽ biện luận rằng… cơn hấp hối sâu xa nhất của Đức Chúa là sự mất mát phí phạm thấy rõ trong tạo dựng của Thiên Chúa sẽ được đo lường bằng lời loan báo của Chúa Thánh Linh về một hy vọng sống lại.” (x. Harvard Divinity Bulletin, 2002)

Xem như thế, có chết “bất đắc kỳ tử” hoặc chết dần mòn, thì sự chết vẫn là để loan báo sự sống lại rất tự nhiên như qui luật bình thường của sự sống.

Với tư thế hướng về sự sống lại ngay khi chết, ta cũng nên về với lời thơ trên mà ngẫm nghĩ:



“Đẹp lắm! Trên đời những vấn vương,

Chao ơi! Thiên lí một con đường

Đi trong trời đất từ duyên ấy

Sớm tối không rời một chữ thương.”

(Lưu Trọng Lư – Đi Giữa Vườn Nhân)



Cũng một chữ “thương” ấy, giải quyết hết mọi chuyện rất bình thường. Chuyện sống, chuyện chết và sống lại của Đức Chúa và con người trong trời đất thân thương. Bình thường. Tự nhiên.



Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch.
 
Anh mù được sáng
Hai Tê Miệt Vườn
07:37 02/04/2011
ANH MÙ ĐƯỢC SÁNG

Anh mù từ thửa mới sinh,
Hôm nay được thấy nhờ tin vào Ngài.
Vậy là thoát khõi họa tai,
Chẳng còn tăm tối tương lai huy hoàng.
Cuộc đời lại được chứa chan,
Thánh ân cứu độ, đầy tràn tình thương.
Từ nay anh sống kiên cường,
Chứng nhân sự thật, can trường giảng rao.
Đời anh sáng tựa trăng sao,
Đêm đen lấp lánh trên cao giữa trời.
Đây là cách thế kêu mời,
Mọi người dương thế sống đời thiện chân.
Giúp nhau thực hiện điều lành.
Con đường đức ái hoàn thành ý Cha,
Cuối đời tất cả về nhà,
Gặp Cha từ ái hoan ca chữ Tình.

CON CŨNG MÙ LÒA

Con đây một kẻ mù lòa,
Chẳng mù đôi mắt nhưng là tâm linh.
Thế nên đâu có cái nhìn,
Thật là ngay thẳng chân tình yêu thương.
Trí tâm đầy dẫy ghen tương,
Hằng luôn đố kỵ, vấn vương gian tà.
Chính vì con để quỷ ma,
Dẫn đường đưa lối đi xa nẻo lành.
Ngày đêm chỉ biết tranh giành,
Quyền uy thế lực làm phần riêng tư.
Cõi lòng chẳng có nhân từ,
Nhưng luôn chất chứa thói hư đầy mình.
Nay con khẩn thiết nài xin,
Chúa thương cứu chữa tái sinh cõi lòng.
Đời con lại được sạch trong,
Để rồi nhìn thấy mênh mông biển tình.
Sống cho trọn nghĩa vẹn tình,
Mai này sẽ được hưởng vinh trên trời.

Chúa Nhật IV Mùa Chay, 03/04/2011