Ngày 02-04-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca suy niệm Chúa nhật tuần 5 Mùa Chay C
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:03 02/04/2019
Chúa Nhật 5 MÙA CHAY. C
(Ga 8: 1-11)
TỰ VẤN


Đền thờ sáng sớm tinh sương,
Chúa ngồi giảng dậy, mở đường thứ tha.
Bấy giờ luật sĩ khảo tra,
Bắt người phụ nữ, đứng ra một mình.
Tố người thiếu phụ ngoại tình,
Xin thầy xét xử, cung hình xử ngay.
Môi-sen đã dạy điều này,
Nhục hình ném đá, hỏi thầy xử sao?
Vào hùa gài bẫy khai mào,
Nếu không kết án, phạm vào luật ghi.
Bắt đầu cúi xuống tránh đi,
Ngón tay Chúa viết, khắc ghi lòng người.
Ai người sach tội trong đời,
Thi hành ném đá, tuôn rơi phỉ lòng.
Kẻ già người trẻ nghe xong,
Từng người rút bước, nhìn trong tâm hồn.
Không ai kết tội là khôn,
Thầy không kết án, lời đồn xóa cho.
Tấm thân cao quý khôn dò,
Con đừng phạm tội, khỏi lo cực hình.

Chúa Giêsu nói: Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá người đàn bà này trước đi. Nhìn cảnh người đàn bà Hồi Giáo bị chôn sống hay bị ném đá cho chết vì tội ngoại tình. Tôi cảm thấy ớn lạnh và khủng khiếp. Các sự cố vẫn còn xảy ra hằng ngày nơi một số nước theo Hồi Giáo.

Phúc âm hôm nay nói về người đàn bà bị bắt qủa tang phạm tội ngoại tình, vậy chứ người đàn ông đồng phạm đâu mà không thấy. Mấy người Biệt phái vui mừng khi bắt được tội phạm, họ dẫn chị ta đến trước mặt Chúa Giêsu. Họ muốn đặt Chúa làm quan án xét xử. Họ dựa vào luật Môisen, người phạm tôi ngoại tình sẽ phải ném đá cho chết. Họ hỏi Chúa Giêsu: Thầy dạy sao? Họ đặt Chúa vào hai trường hợp. Thứ nhất, nếu Chúa không kết án chị ta, như thế Chúa không tuân phục luật lệ Do Thái và kẻ cầm quyền. Thứ hai, nếu Chúa kết án chị, Chúa không có lòng khoan dung và nhân hậu.

Chúa Giêsu thinh lặng và dùng cơ hội này để dạy cho họ một bài học rất khôn ngoan. Ai không có tội cứ việc ném đá chị ta. Một câu trả lời làm mọi người phải tự vấn lương tâm. Mỗi người tự trở về với lòng mình. Từ người lớn tuổi đến những người trẻ lần lượt rút lui. Có nghĩa là ai cũng nhận mình đang có tội. Chúa tiếp tục viết đôi điều trên đất, có nghĩa đất sẽ mau chóng xóa nhòa, tội của chị được tha.

Sau khi những người tố cáo chị đã rút lui. Không còn ai dám kết tội chị. Chúa Giêsu cũng không kết án. Chúa chỉ khuyên chị: Vậy chị hãy đi, từ nay đừng phạm tội nữa. Chúa không bào chữa cho chị và chị ta cũng không chối tội. Thái độ cúi mặt khiêm nhường hối lỗi đủ để Chúa tha tội. Khi Chúa tha là tha tất cả và xóa sạch để họ trở nên con người mới.

Truyện kể : Có một Sơ sống thánh thiện nói với Giám mục. Sơ đã được thị kiến Chúa Giêsu. Để thử Sơ, Giám mục nói: Lần tới khi Sơ nhìn thấy Chúa, Sơ hỏi thử Ngài xem, tội lớn nhất tôi phạm trước khi làm Giám mục là tội gì? Vài tháng sau, Sơ trở lại gặp Giám mục. Ngài hỏi: Chúa Giêsu đã nói gì về tội của tôi. Sơ trả lời: Chúa Giêsu nói Ngài không còn nhớ nữa. Chúa đã tha là tha tất cả như Chúa đã viết trên đất, mọi sự sẽ được xóa sạch đời đời.

Chúa dạy chúng ra bài học đừng xét đoán người khác. Đừng khép kín lòng nhưng hãy mở ra cho người khác cơ hội để sửa lỗi. Khi đã hối lỗi ăn năn và trở về rồi, thì đừng ngoái lại quá khứ để luyến tiếc. Hãy hướng nhìn đến tương lai để nên hoàn thiện hơn và đừng phạm tội nữa.

THỨ HAI, TUẦN 5 MÙA CHAY
(Ga 8, 1-11).
PHẠM TỘI


Quả tang phạm tội ngoại tình,
Đặt nàng trước mặt, khảo hình xót xa.
Thưa Thầy, xin xét tội bà,
Có nên ném đá, để mà nêu gương.
Giê-su cúi xuống bên đường,
Ngón tay viết chữ, vấn vương sự đời.
Người ta hạch hỏi đôi lời,
Chúa đành lên tiếng, cao vời biết bao.
Ai người sạch tội tự cao,
Tự mình ném đá, khai mào trước đi.
Lặng im tâm trí chai lì,
Trẻ con người lớn, thực thi xét mình.
Rút lui trật tự bình sinh,
Những người tố cáo, thật tình ăn năn.
Chúa nhìn thiếu phụ băn khoăn,
Thầy không kết án, điều răn giữ tròn.

THỨ BA, TUẦN 5 MÙA CHAY
(Ga 8, 21-30).
THƯỢNG GIỚI


Trời cao Chúa ngự thiên tòa,
Hạ thân giáng thế, để mà độ nhân.
Rao truyền sứ mệnh gian trần,
Hy sinh chịu chết, vô ngần yêu thương.
Ngày đi giờ đến khôn lường,
Thực hành thiên ý, mở đường quang vinh.
Thương nhìn hạ giới sinh linh,
Chúa từ thượng giới, dủ tình thương yêu.
Ngay từ nguyên thủy thiên triều,
Suối nguồn sự sống, huyền siêu cao vời.
Ngôi Lời mạc khải cho đời,
Quan phòng cứu độ, cho người trần gian.
Chúa Cha ân sủng thương ban,
Mở đường dẫn lối, đổ tràn phúc ân.
Đất trời hòa hợp canh tân
Ngôi Con vinh thắng, triều thần hân hoan.

THỨ TƯ, TUẦN 5 MÙA CHAY
(Ga 8, 31-42).
TỰ DO


Các ngươi cứ ở trong Ta,
Tin vào sự thật, mưa sa phúc lành.
Tâm hồn giải thoát lòng thanh,
Tự do sinh sống, thực hành đại bi.
Chúng tôi đâu phải nô tỳ,
Nhóm dân đáp lại, lầm lì kiêu căng.
Nếu ai phạm tội lăng nhăng,
Trở thành nô lệ, Sa-tăng dẫn đời.
Chúa Con giải thoát con người,
Tự do đích thực, gọi mời dấn thân.
Tự hào dòng dõi hiền nhân,
Ab-ram tổ phụ, dự phần phúc vinh.
Tại sao chống đối biểu tình,
Ta là nhân chứng, kết tình yêu thương.
Cha ông tín thác tựa nương,
Mong ngày cứu độ, tán dương Chúa Trời.

THỨ NĂM, TUẦN 5 MÙA CHAY
(Ga 8, 51-59).
HẰNG HỮU


Nếu ai vâng giữ lời Ta,
Muôn đời được sống, bên Cha nhân hiền.
Những người Do-thái ngạc nhiên,
Tiên tri tổ phụ, qui tiên lìa đời.
Ab-ram đã chết một thời,
Bộ ông cao trọng, hơn người trần ai.
Cho rằng thân phận là ai?
Xưng mình cao cả, thiên sai từ trời.
Các người không biết Ngôi Lời,
Đến từ Thiên Chúa, mọi thời chờ mong.
Phần Ta thông biết trong lòng,
Nguôn ơn phúc cả, theo dòng thời gian.
Cha ông nguyện ước miên man,
Vui mừng chứng kiến, ơn ban bởi trời.
Cha Ta hằng có đời đời,
Ta là Con Một, rạng ngời thánh nhan.

THỨ SÁU, TUẦN 5 MÙA CHAY
(Ga 10, 31-42).
NGÔI CON


Nhóm dân ném đá Ngôi Lời,
Nhạo cười phỉ báng, tạo khơi mối thù.
Lòng dân bao phủ mây mù,
Bịt tai la hét, dập trù chính nhân.
Chúa làm việc tốt cho dân,
Cứu người chữa bệnh, xác thần giải vây.
Dạy lời hằng sống dựng xây,
Mở đường chân lý, đong đầy tin yêu.
Người ta từ chối thiên triều,
Cứng lòng phản phúc, đặt điều cáo gian.
Diệt trừ nhân chứng Cha ban,
Cùng nhau giết chết, mê man thế trần.
Hóa thành nhục thể xác thân,
Những lời mạc khải, xuất thần cao siêu,
Con người dương thế tự kiêu,
Chúa đành im lặng, vì yêu hiến mình.

THỨ BẢY, TUẦN 5 MÙA CHAY
(Ga 11, 45-56).
HY SINH


Thành phần quản trị trong ban,
Các thầy Thượng tế, họp bàn thực thi,
Nhóm người Biệt phái phụ tùy,
Đưa vào Công nghị, diễn suy tìm tòi.
Đi tìm chứng cớ châm ngòi,
Thực thi ý định, dẫn soi trí lòng.
Chúng ta xử trí cho xong,
Một người phải chết, thỏa lòng ghét ghen.
Cai-pha thượng tế thấp hèn,
Loại trừ Cứu Chúa, muối men cuộc đời.
Xầm xì dư luận dậy khơi,
Cố tìm tiêu diệt, kết đời sứ ngôn.
Giê-su lặng lẽ ôn tồn,
Chu toàn thánh ý, giữ hồn bình an.
Xin vâng chén đắng Cha ban,
Hiến mình hy tế, gian nan tội hình.
 
Sức mạnh chữa lành của sự thống hối và của ơn tha thứ
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
09:11 02/04/2019
Chúa Nhật IV Mùa Chay C 2019

Lời mở: Trong phần thứ ba Sứ điệp Mùa Chay 2019 với tựa đề: “Sức mạnh chữa lành của sự thống hối và của ơn tha thứ”, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy ý thức mình là “thụ tạo mới”, như chúng ta vừa nghe trong Bài đọc II (2Cr 5,17-21): “vì ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi. Thật vậy, khi được mạc khải, bản thân thụ tạo có thể đón mừng một cuộc Vượt Qua, mở chính mình ra trước một trời mới, đất mới” với biết bao ân sủng của Chúa. Vì thế chúng ta được mời gọi thống hối, trở về với Cha Trên Trời để cảm nhận ơn tha thứ.

Chúng ta suy nghĩ một vài điểm mà ĐTC gợi ý:

1. Chúng ta là những thụ tạo mới

Chúng ta là những thụ tạo mới vì tất cả đều đã được rửa tội nhân danh Chúa Giêsu, được thông phần vào cái chết và sự phục sinh của Người để “nên đồng hình, đồng dạng với Chúa Giêsu’. Chúng ta thật sự là con cái của Thiên Chúa. Chúng ta nhận được biết bao ân sủng để có thể chia sẻ cho mọi người mọi vật quanh mình tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa.

Đó là nhờ Đức Giêsu Kitô đã chết một cách nhục nhã trên thập giá, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người”, để ban cho chúng ta tất cả những ân huệ cao đẹp nhất của Thiên Chúa: tình yêu, sự sống vĩnh hằng và muôn vàn ân huệ của Thánh Thần. ĐTC mời gọi chúng ta hãy “đổi mới khuôn mặt” của mình để thấy rằng khuôn mặt đó cần phải toả sáng như khuôn mặt biến hình trên núi của Đức Kitô, bởi vì muôn loài thọ tạo vẫn ngong ngóng mong chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người.

2. Vinh quang bị che phủ bởi tội lỗi nên cần thống hối và hoán cải

Tuy nhiên, ĐTC mời gọi chúng ta nhìn lại khuôn mặt của mình đang bị bụi trần che khuất ánh vinh quang. Chúng ta cần nhìn vào đời sống để khám phá ra tình trạng tội lỗi của mình qua dụ ngôn Tin Mừng (x. Lc 15,1-32).

Chúng ta có thể giống như người con thứ đã từng sống sung sướng, đã nhận biết bao ân huệ, tài năng, phương tiện vật chất cũng như tinh thần của Cha Trên Trời, nhưng ta lại tưởng mình đương nhiên có quyền hưởng dùng những thứ ấy, mà chẳng cần đáp lại bằng một thái độ hiếu thảo nào. Ta sống vô cảm vô tâm, chỉ biết hưởng thụ theo lòng đam mê và dục vọng, chẳng cần biết đến ai. Cuối cùng ta đã phung phí mọi ân huệ Cha ban nên trở thành nghèo khó, khốn khổ, bất hạnh. Chúng ta phải đi làm thuê cho những thế lực trần thế để kiếm sống qua ngày, giống như phải đi chăn heo là những con vật hết sức ghê tởm đối với người Do Thái như những tên nô lệ. Chúng ta chịu đựng những cơn đói khát, khốn khổ trong cuộc đời trần thế mà không dám trở về nhà Cha.

Chúng ta cũng có thể đang sống trong tình trạng người con cả, “ bao năm trời hầu hạ Cha, chẳng khi nào trái lệnh Cha”. Chúng ta tự hào mình đang sống trong ơn nghĩa với Cha, ngày ngày cầu nguyện, hàng tuần dự lễ, rước lễ, nhưng vẫn không phát huy những ơn lành của Cha. Chúng ta sống như người làm thuê mà không được trả lương, cảm thấy Cha bất công với mình đến độ không cho mình một con dê nhỏ để ăn mừng với bạn bè. Chúng ta xin ơn này ơn nọ mà Cha Trên Trời không ban theo ý ta xin. Vậy mà, những bọn tội lỗi đàng điếm, vô đạo kia xin ơn gì là được ơn nấy. Chúng ta ghen tức với họ và còn làm buồn lòng cha hơn họ vì “lúc nào cũng ở với Cha” mà không nhận ra được tình Cha yêu thương mình. Chúng ta không bao giờ ngờ được rằng “tất cả những gì của Cha đều là của ta”, tất cả quyền năng, ân huệ, giàu sang của Cha đều thuộc về ta, nhưng vinh quang đó không phát huy đuợc vì thói đạo đức tự mãn, kiêu căng của ta.

Đối với cả hai con, Cha Trên Trời đều ra khỏi nhà, đều sai Con Một của Ngài bỏ trời xuống thế để mời gọi chúng hoán cải. ĐTC mời gọi chúng ta hãy cảm nghiệm được sức mạnh chữa lành của sự thống hối. Ngay khi chúng ta quyết tâm lên đường trở về với cha như người con thứ lên là Cha Trên Trời đã đón đường để ôm lấy ta, trao lại cho ta địa vị làm con và những ân huệ đã mất. Ngay khi chúng ta thành tâm thống hối, nhận ra sự vô tâm của mình và lòng ghen ghét đối với anh chị em để đi vào nhà như người con cả, thì những đau khổ, vất vả, hy sinh ta chịu, ta làm cho Cha, đều được ban thưởng gấp bội, vì tất cả những ân phúc, tình yêu, sự sống vĩnh hằng, vô biên vô tận của Cha đều là của ta. Lúc đó chúng ta sẽ thấy mình tràn đầy ơn Thánh Thần giống như các môn đệ thời sơ khai, để khi ta tiếp xúc với ai thì người đó được cứu độ, đụng chạm đến ai thì họ được chữa lành. “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa” vì chúng ta là những thụ tạo mới và chúng ta nhận được tất cả những điều đó là nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã hoà giải chúng ta với Cha Trên Trời và trao cho chúng ta sứ mạng hoà giải (x. 2Cr 5,18).

3. Chúng ta cần gắn bó với Đức Giêsu để thực hiện sứ mạng hoà giải

Chúng ta cần phải nối kết với Đức Giêsu để thực hiện được sứ mạng hoà giải, vì Thiên Chúa đã trao cho ta sứ mạng nói lời hoà giải với muôn loài. Chúng ta sẽ “đổi mới khuôn mặt” của mình bằng cách lau rửa những vết bẩn để toả được ánh vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta cần “nhìn lại con tim” trống rỗng của mình để thấy nó đang cần đổ đầy những ân huệ của lòng thương xót. Chúng ta cần phải nối kết lại với Chúa Thánh Thần để Ngài soi sáng giúp chúng ta nhận biết mình đang thiếu sót điều gì và cần phải trở về như thế nào.

Lau rửa khuôn mặt mình cho toả ánh sáng không phải chỉ bằng việc cầu nguyện, ăn chay, bác ái, nhưng trước hết cần phải thay đổi thói sống lười biếng, phung phí, ích kỷ, tự mãn quen thuộc của mình bằng những thái độ tích cực hơn. Đó mới thật sự là thống hối, là hoán cải! Thí dụ mỗi buổi sáng khi soi gương, ta hãy nhìn thẳng vào khuôn mặt mình để xem nó có toả sáng niềm vui, bình an, hạnh phúc không. Nếu chưa, thì chúng ta phải tập cười trước gương, phải nghĩ đến những việc tốt đẹp mình sẽ làm cho người thân, cho cộng đồng ngay hôm nay để tạo nên hạnh phúc cho họ. Con tim trống rỗng của ta cũng sẽ tràn đầy ân huệ của Chúa Thánh Thần không phải chỉ bằng việc xưng tội, rước lễ, nhưng ta phải mở lòng ra cho Chúa Giêsu và thở được Thần Khí của Người. Khi đó ta sẽ nhận ra những con người tội lỗi, khốn khổ đều là con của Cha Trên Trời để giúp cho họ sống lại bằng tình yêu của ta khi ta biết tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình, xúc phạm đến mình, gây thiệt hại cho mình và chia sẻ cho họ những ân huệ Cha ban.

Lời kết: Như thế lời hoà giải chúng ta nói với vạn vật qua đời sống tiết độ và với con người qua đời sống cảm thông và chia sẻ, sẽ quy tụ muôn loài trong nhà Cha Trên Trời trong bữa tiệc của đại gia đình. Tất cả chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui, bình an và hạnh phúc. Đó là thứ ánh sáng chúng ta cần toả ra cho thế giới hôm nay.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:32 02/04/2019

127. Nghe lấy lời của Chúa Thánh Thần: “Gần người khôn ngoan thì khôn ngoan, gần người ngu thì ngu.”

(Thánh Don Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:34 02/04/2019
75. HAI QUẢ BONG BÓNG

Một người nọ có một khối u lớn trên cổ, mùa hè thì đi hóng mát và tối thì đến ngủ trong thính đường rộng lớn của miếu thần.

Nửa đêm thần xuất hiện hỏi:

- “Đây là người nào ?”

Tả hữu hầu cận của thần đáp:

- “Đây là người thổi bong bóng.”

Thế là thần ra lệnh cho bộ hạ lấy cái bong bóng (khối u) đến coi. Sáng sớm người ấy tỉnh dậy thì không thấy khối u đâu cả nên sung sướng nhảy lên loạn xạ.

Có một người nọ cũng bị khối u như vậy nghe được câu chuyện đó bèn làm như người ấy, tối anh ta đến ngủ đêm nơi miếu thần. Thần cũng hỏi tả hữu, tả hữu vẫn trả lời là người thổi

bong bóng, thần nói:

- “Đem quả bong bóng hôm qua đến trả lại cho nó !”

(Tiếu phủ)

Suy tư 75:

Mỗi người đàn ông đều có một cục u nơi cổ mà người ta gọi đó là cục u của tội nguyên tổ, (vì nguyên tổ loài người là ông A-dong khi nghe lời vợ ăn trái Chúa cấm, khi vừa nuốt xuống thì sực nhớ lại lời của Chúa nên trái cấm khựng lại nơi cổ và truyền lại cho con cháu sau này (!) chỉ là chuyện cười mà thôi) tội nguyên tổ đã làm cho tâm hồn của con người luôn chống đối Thiên Chúa và trở thành con cái của tội lỗi...

Mỗi người đều có hai cục u: đó là cục u của tội nguyên tổ và cục u của tội mình phạm, hai cục u này đã được Đức Chúa Giê-su gánh lấy khi Ngài giáng sinh làm người, chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại vinh hiển.

Nhưng có những người Ki-tô hữu không muốn đem cục u của tội mình phạm trao vào tay của Đức Chúa Giê-su, họ giành lại cục u đó cho mình khi họ phạm tội, khi họ làm chứng gian, khi họ kiêu căng, khi họ nói xấu anh em chị em...

Không ai thích có cục u trên thân thể của mình, bởi vì có những cục u chết người, có những cục u làm cho người ta nóng giận thất thường, và cũng có những cục u làm cho chúng ta chết đời đời..

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chuyện Người Đàn Bà Hai Ngàn Năm Trước
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
22:56 02/04/2019
Chúa Nhật V Chay C

Nhạc sĩ Song Ngọc viết ca khúc “Chuyện Người Đàn Bà Hai Ngàn Năm Trước” từ trang Tin Mừng hôm nay.
Chuyện người đàn bà hai ngàn năm trước . Áo rách tả tơi, xác thân mệt nhoài. Chuyện người đàn bà nơi thành phố đó, Dấu tích hành thân. Vì đâu ? Vì đâu ? Vì đâu, Nên tội tình mang nhục hình. Vì yêu, tội yêu, tội tình yêu.
Đoàn người cổ thành vây chặt khu phố . Thế giới hiền lương ánh mắt cuồng căm. Nhìn người đàn bà đang chịu tội chết . Đống đá ngổn ngang. Chờ ai ? Chờ tay người ném chết một người không hận thù. Người ơi vì sao đoạ đầy nhau .
Ai, ai người vô tội. Ai, ai người không tội . Hãy mạnh tay ném đá ném đá ném trước đi còn đợi gì?
Ai, người vẹn toàn, Ai người trong sạch Còn chờ chi? Ném chết ném chết . Ném chết tội đồ nhân gian.
Chuyện người đàn bà 2000 năm trước. Sách cổ đã ghi, đống đá còn nguyên. Vì người vô tội hay đời giả dối, Thế giới giả nhân chào thua .Người ơi, tình ơi .
Ai tội đồ, ai tỉnh ngộ . Người ơi, đời ơi, cũng vậy thôi ....
Chuyện người đàn bà hai ngàn năm trước . Sách cổ đã ghi, đống đá còn nguyên.


Nhạc sĩ khéo léo dùng những chữ tương phản như "Thế giới hiền lương, ánh mắt cuồng căm" và đặt câu hỏi, có phải vì người đời giả dối, sợ phải đối mặt với tòa án lương tri với tội của chính mình nên đã lẵng lặng bỏ đi: "Vì người vô tội hay đời giả dối? Thế giới giả nhân? Chào thua! Người ơi, Tình ơi! Ai tội đồ? Ai tỉnh ngộ?..." Nhưng dù sao thì "cũng vậy thôi", ca khúc có kết thúc tốt đẹp và câu hỏi dành riêng cho lương tâm mỗi người.

Với giai điệu chậm buồn, nhạc phẩm kể về một câu chuyện thật lạ lùng, xảy ra hơn hai ngàn năm về trước tại xứ Do thái. Một phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Các kinh sư và những biệt phái dẫn người đàn bà ấy đến trước mặt Chúa Giêsu, rồi bắt đầu phiên xử. “Trong sách Luật, ông Môsê truyền chúng tôi phải ném đá hạng người này, còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Một câu hỏi bất ngờ, nham hiểm và lịch sự. Có lẽ sau khi hỏi Chúa như thế, họ hí hửng với những nụ cười hóm hỉnh ranh mãnh. Họ thì thầm với nhau cách thích thú: lần này thì đừng hòng mà thoát. Họ nắm chắc phần thắng trong tay. Bắn một mũi tên trúng hai con chim. Người đàn bà đã nắm chắc bàn thua trông thấy. Chỉ còn Chúa Giêsu. Ngài đang nghĩ gì và Ngài sẽ làm gì trong cái thế gọng kìm này? Người phụ nữ tuyệt vọng chờ chết với tội danh rành rành.

Thật may mắn cho chị khi gặp được Đấng được mệnh danh là “Chiên Thiên Chúa”, là “Đấng xóa tội trần gian”. Ngài xót thương cho số phận bi đát của chị. Ngài muốn cứu chị khỏi án chết trước mắt, nhất là Ngài muốn cứu chị khỏi án chết đời đời. Ngài sẽ cứu chị, đồng thời Ngài cũng sẽ cho những kẻ muốn ám hại Ngài một cơ hội để họ nhìn lại bản thân họ: Chị ta xấu thiệt đó. Nhưng không chừng các ông lại còn xấu xa hơn chị ta bội phần! Tội của chị thì nhiều người biết lắm, vì chị ta không khéo che đậy. Còn tội của các ông thì thiên hạ ít người nhận ra, bởi các ông khéo che giấu, tô son trét phấn. Đã đến lúc các ông phải nhìn lại chính con người mình rồi đấy!

Thái độ Chúa Giêsu thật trầm tĩnh “cúi xuống lặng lẽ vẽ trên đất”. Họ cứ hỏi mãi. Chúa ngẫng lên nói với họ một đề nghị nhỏ nhẹ ôn hòa nhưng ngầm chứa một thách thức sinh tử quyết liệt “ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Phiên tòa xét xử lưu động bổng chốc thay đổi cục diện. Từ chỗ nắm dao đằng cán, bây giờ họ lại phải nắm lấy chuôi, không khéo sẽ bị đứt tay. Họ lặng lẽ rút lui, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Công bằng mà nói, những người đàn ông có mặt hôm ấy, ngoài Chúa Giêsu ra, đều là những kẻ còn có liêm sỉ và tự trọng. Chúa Giêsu bị đẩy vào thế làm quan tòa bất đắc dĩ, buộc phải ra một bản án xét xử thật nặng, bỗng nhiên trở thành Trạng sư với một bài biện hộ vỏn vẹn có mỗi một câu rất ngắn. Chỉ một câu nói mà Chúa đã hoá giải bẫy giăng sẵn. Hoá giải, bởi lẽ Chúa mời gọi họ hãy nhìn vào bên trong tâm hồn.

Hiện trường xử án lúc này chỉ còn lại hai người. Chúa Giêsu và người phụ nữ. Đấng có quyền tha tội và người đã lỡ lầm phạm tội. Ánh nắng buổi sáng đang lung linh nhảy múa trên bậc thềm.Với giọng nói ấm áp, Chúa hỏi: “Họ đâu hết rồi? Không ai lên án chị nữa hay sao?”. Lần đầu tiên từ lúc bị lôi tới đây, người phụ nữ ngẩng mặt lên. Chị nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu, Ngài có đôi mắt chứa chan tình người,long lanh ánh sáng thiên đàng, đôi mắt hiền dịu sáng lên niềm cảm thông. Chị bưng mặt, giọng nghẹn ngào: “Thưa Thầy, không còn ai nữa. Họ bỏ đi hết rồi”. Bình minh chiếu sáng rạng ngời khuôn mặt, Chúa nói thật nhẹ nhàng: “Tôi không lên án chị đâu! chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Tội nhân bị luận tội trước tòa, rõ ràng nằm trong khung án tử hình, nay ngơ ngác thấy mình được tha bổng, kèm một lời dặn dò: từ nay thôi đừng phạm tội nữa! Chúa Giêsu không kết án nhưng là mở cho chị một con đường đi về phía tương lai, về phía trước.

Hai câu nói của Chúa Giêsu với hai hạng người đều nhẹ nhàng mà sâu xa thấm thía. Với các người kết án, Chúa mời họ nhìn vào phía bên trong. Với người bị kết án, Chúa mở ngõ về phía tương lai.

1. Nhìn về phía bên trong

Một phiên tòa lạ lùng, xử lưu động theo kiểu nói ngày nay. Phe công tố nhao nhao buộc tội và hằm hè chất vấn, không ngờ sau đó lại lần lượt cúi đầu lặng lẽ rút lui. Chỉ vài phút trước đó, họ hung hãn tố cáo đòi ném đá, và bây giờ họ âm thầm ra về. Một sự chuyển biến bất ngờ phát sinh từ lời mời gọi của Chúa Giêsu: “ai trong các ông sạch tội hãy ném đá người phụ nữ này đi”. Khi người ta đòi ném đá tha nhân, người ta tự cho mình là kẻ sạch tội và có quyền lên án kẻ có tội. Nhưng khi người ta khám phá ra mình cũng là tội nhân, người ta không dám lên án nữa vì như thế cũng là tự lên án chính mình. Sự khám phá có được là do cái nhìn về phía bên trong chính mình. Chi tiết mà Thánh Gioan ghi nhận “bắt đầu từ những người lớn tuổi” rất ý nghĩa. Vì càng lớn tuổi càng có bề dày cuộc sống, càng dễ nhận ra bề dày tội lỗi. Càng lớn tuổi càng có cái nhìn nội tâm nhiều hơn.

Có những cái gần mình nhất mà mình lại khó thấy nhất. Đó là bản thân mình. Có những sự thật người ta tìm cách trốn chạy nhiều nhất là sự thật về chính mình. Sự thật ấy chỉ khám phá ra được khi nhìn vào phía bên trong. Nhìn vào bên trong là đi vào nội tâm để nhìn lại chính mình, soi gương tâm hồn. Nhìn lại cuộc sống, lời nói, việc làm mình đã làm, đã sống. Giáo hội luôn khuyên con cái mình xét mình mỗi ngày. Các linh mục, tu sĩ, giáo dân đều có thời gian tĩnh tâm, linh thao để biết mình mà sửa mình. Biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan.

Nhìn vào phía bên trong là một đòi hỏi cần thiết giữa cuộc sống xô bồ, ồn ào với quá nhiều tranh đấu vất vả mưu sinh. Có khi chúng ta ngại vì sợ phải đối diện với chính mình, đối diện với sự thật về mình. Cần có thời gian tĩnh lặng để dâng lễ, cầu nguyện, viếng Chúa. Khi có thời gian nhìn lại chính mình, chúng ta có gương soi và một khoảng cách ngắm nhìn. Tấm gương tốt nhất là Chúa Giêsu. Ngài là mẫu mực. Nơi Ngài và nhờ Ngài mà chúng ta nhận ra những lỗ hổng cuộc đời, nhận ra lý tưởng cần vươn tới.

2. Nhìn về phía trước.

Người ta đòi ném đá người phụ nữ, đóng khung cuộc đời chị trong quá khứ. Quá khứ được đóng dấu bằng tội lỗi. Người ta đánh giá, phán đoán, hành động trên quá khứ đó. Chúa Giêsu không chấp nhận lối nhìn và cách đánh giá ấy. Ngài không đồng loã với tội lỗi. Ngài nhìn nhận người phụ nữ có tội. Nhưng Ngài mở ra một tương lai, gieo vào lòng chị niềm tin tưởng rằng chị có khả năng xây dựng một tương lai mới, một cuộc đời mới,một con người mới: “Chị hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa Giêsu không kết án cũng như không giảm án, không ân xá cho tội nhân. Chúa mở cho chị một con đường hướng về tương lai, làm lại cuộc đời. Đó là con đường sám hối trở về với tình yêu, trở về với đời sống là con cái Thiên Chúa, trở về với tâm hồn bình an. Người phụ nữ ra về lòng tràn ngập niềm vui hoán cải, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương lai. Ngài không khoá chặt cuộc đời một con người cũng như lịch sử nhân loại vào quá khứ, cho dẫu quá khứ ấy có bi thảm và tàn tạ đến đâu chăng nữa. Thiên Chúa luôn luôn mở ngõ và vạch lối cho tương lai.

Vẫn biết tội lỗi trái với đạo giáo, trái với luân thường đạo lý, nhưng đâu chỉ căn cứ vào đạo giáo luân lý để khinh khi, coi thường, kỳ thị sự sống con người được. Đạo giáo luân lý giúp con người sống thăng tiến về mặt tinh thần chứ không bao giờ là bước cản trở nhận chìm con người xuống bùn đen. Đã là người, ai cũng có những khuyết điểm, ai cũng có lúc làm điều lầm lỗi. Nhưng ai cũng có khả năng ý chí ước muốn làm điều lành thánh thiện tốt đẹp. Thiên Chúa dựng nên con người với khả năng như thế.

Chúa Giêsu đã sống và đã nêu gương. Ngài không kết án, không giảm án, nhưng là mở ra con đường hướng về tương lai cho con người tội lỗi làm lại cuộc đời. Lêvi, Giakêu, Mađalêna, Augustinô…và còn biết bao con người đã được Chúa mở ngõ tương lai tươi sáng. Niềm tin đó tạo nên nơi người tín hữu một lối nhìn mới. Đó là nhìn về phía trước, băng mình về phía trước như thánh Phaolô diễn tả: “Tôi chỉ chú ý tới một điều là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước” (Pl 3,13). Đối với Phaolô quên đi chặng đường đã qua là qua khứ bắt bớ Giáo hội Chúa để lao mình về phía trước, phía tương lai mà Chúa Giêsu đã mở ra, đặt ngài làm khí cụ, làm tông đồ dân ngoại. Và Phaolô đã sống hết mình cho tương lai mới.

Trong cách nhìn về tha nhân, có khi người ta khoá chặt người khác trong quá khứ lỗi lầm của họ. Đã một thời “chủ nghĩa lý lịch” khoá chặt con người trong quá khứ, cái quá khứ đâu có do họ!!! Vì lẽ đó mà nhiều nhiều người trẻ tài năng không có cửa cho tương lai, họ bị loại trừ. Con người vốn vẫn hay nhìn phía đàng sau hơn là nhìn về phía đàng trước. Trong khi niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương lai lại luôn thúc bách chúng ta nhìn về phía trước

Nhìn vào phía bên trong để khám phá sự thật về chính mình. Người Hylạp đã từng gắn trên cổng Đền Thờ Deiphes câu châm ngôn “Bạn hãy biết chính mình” và coi sự biết mình như là khởi điểm của khôn ngoan.

Nhìn về phía đàng trước để luôn hy vọng và tin tưởng. Tin vào chính mình, vào con người, vào cuộc đời. Và trên hết là tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương lai chúng ta.



 
Ném đá
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
23:00 02/04/2019
Ngày xưa khi còn nhỏ, tôi thường thắc mắc khi nghe các cụ ông, cụ bà nói với nhau khi tính toán thời gian đến lễ Phục sinh qua các ngày Chúa Nhật: “Ném đá, lễ lá, phục sinh”. Lễ lá, lễ Phục sinh thì dễ hiểu, nhưng làm gì có “lễ ném đá” ?!

Thì ra theo sự hiểu biết của các cụ, đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ V mùa chay nói về người phụ nữ ngoại tình đã được tóm gọn bằng hai từ “ném đá” cho dễ nhớ. Cách nhớ thật đơn giản vì lúc đó lịch Phụng vụ chưa được phổ biến rộng rãi và các phương tiện truyền thông cũng chưa được như bây giờ.

Đoạn Tin Mừng của thánh Gioan thuật lại việc đang khi Chúa Giêsu giảng dậy cho đám đông dân chúng, thì các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? "(Ga 8,4-5)

Lúc đó ắt hẳn người phụ nữ ấy nhục nhã lắm bởi vì cái tội bị khơi lên cho toàn dân thiên hạ biết là cái tội phạm một cách thầm kín. Chắc người đàn bà ấy sợ lắm vì theo luật, bà ấy sẽ bị ném đá cho đến chết. Bà đang đối diện với cái chết, không sợ sao được. Cái sợ ấy càng tăng lên gấp bội khi giờ đây bà đang đứng trơ trọi một mình giữa đám đông lăm le gạch đá, đối diện với người thầy của sự công chính chờ sự phán quyết.

Trước mặt Thiên Chúa ai cũng giống ai, tất cả đều là tội nhân. Có khác chăng chỉ là người tội nhiều hay ít, kẻ tội này người tội kia. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về tội lỗi. Người càng lớn tuổi, chức vụ càng cao, quan hệ càng rộng bao nhiêu thì cạm bẫy kéo theo cũng nhiều bấy nhiêu. Bởi thế bản thân họ sẽ dễ gặp nhiều thử thách cám dỗ và có khi tội càng nhiều và càng nặng hơn!

“Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Ga 1,5). Tội lỗi làm cho con người sợ ánh sáng, sợ phải đối diện trước mặt Chúa. Thiên Chúa là ánh sáng, nên khi đối diện với Người thì mọi tội lỗi sẽ bị phơi bày như Ađam trần truồng trong vườn địa đàng thuở xưa sau khi phạm tội. Càng phạm tội, người ta càng che giấu; tội càng trọng, càng giấu diếm tinh vi. Cái giấu đáng sợ nhất là giấu chính Thiên Chúa, nhưng làm sao giấu diếm được vì Thiên Chúa luôn luôn thấu suốt tâm hồn của con người!

Trước sự truy vấn gài bẫy nham hiểm của các kinh sư và người Pha-ri-sêu, Đức Giêsu cứ cúi xuống và chậm rãi viết trên đất. Tâm tình như chùng xuống, không hừng hực như những người đang kết án, để làm cho mọi việc lắng đọng. Người chậm giận trước tội lỗi của người phụ nữ và bảo họ rằng: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.

Câu nói nhẹ nhàng nhưng thật ý nhị đã đụng chạm vào lương tâm mỗi người trong bọn họ, bởi người ta rất thích ném đá nhau, kết tội nhau, nhưng luôn che giấu tội lỗi của mình cho thật khéo. Câu nói như tiếng chuông giúp lương tâm họ sống lại, bừng tỉnh khỏi mê muội, nhận biết mình tội lỗi. Vì thế khi nghe vậy, họ bỏ đi hết - kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi - không dám kết án người phụ nữ nữa.

Khi chỉ còn lại một mình Đức Giêsu và người phụ nữ, Người ngẩng đầu lên với ánh mắt hiền từ và nhẹ nhàng nói: “Tôi không kết án chị đâu!”. Vị thẩm phán giàu Lòng Thương Xót đã tha tội cho một kẻ đáng chết bằng lời tuyên án dịu dàng nhân hậu. Lời phán xét của Người không sỉ nhục nhưng phục hồi nhân phẩm, đã bỏ qua quá khứ u mê lầm lỗi và mở ra một tương lai hướng thiện: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.

Lúc còn là một cô, cậu thiếu nhi đến tòa giải tội. Ta chỉ xưng những tội rất đơn sơ như: ham chơi, không vâng lời, chửi thề, thậm chí bỏ lễ ngày Chúa Nhật… Nhưng khi trưởng thành, chúng ta cảm thấy rất rõ tội lỗi không đơn giản như thế. Người ta có thể phạm tội một cách có ý thức, hay có khi đặt một đam mê nào đó lên trên lề luật của Thiên Chúa. Người ta cố tình lẩn tránh, lần lữa việc xưng tội vì sợ ảnh hưởng đến địa vị, sợ bị chê cười … và an tâm với ảo tưởng mình không có tội trước mặt mọi người!

Một chuyên gia trong các vụ trọng án cho biết: khi tuyên án tử hình thì kẻ tử tội lúc ấy chưa thấy sợ hãi, có chăng chỉ là chút cảm xúc. Nhưng trước ngày thi hành án tử, kẻ tử tội vô cùng bấn loạn và sợ hãi, bởi vì lúc ấy anh ta biết là cái chết đã gần kề mà không thể thoát được. Kẻ lạnh lùng ghê gớm lắm cũng phải toát mồ hôi trước cái chết mà mình sẽ phải lãnh nhận.

Chỉ khi nào chúng ta nhận thức được rằng án tử bởi tội lỗi sẽ làm cho mình chết đời đời, mà bây giờ lại được tha bổng, thì lúc bấy giờ ta mới cảm nếm được cái hương vị hạnh phúc ngất ngây của sự tha thứ. Thế nên, hãy quay về với Thiên Chúa và giao hòa với tha nhân qua bí tích Hòa Giải để hưởng ân xá, để làm mới lại cuộc đời.

Trở về với Thiên Chúa để nhận ra con người thật của mình, để rồi không còn “ném đá” nhau bằng những lời lẽ quắt quay độc địa. Giao hòa với Thiên Chúa và mọi người để lãnh nhận tình yêu thương tha thứ, để được ra đi thanh thản như Chúa Giêsu đã nói: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
118 vị Giám Mục Pháp họp đại hội mùa Xuân tại Lộ Đức
Lê Đình Thông
11:17 02/04/2019
118 vị giám mục Pháp họp đại hội mùa xuân tại Hội trường các Giám mục tại thánh địa Lộ Đức. Đại hội khai diễn sáng nay đến ngày 05/04/2019. Trong diễn văn khai mạc, Đức Cha Georges Pontier, Tổng Giám Mục Marseilles, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp nhấn mạnh về các khó khăn hiện nay của Giáo hội và xã hội Pháp. Đức TGM Luigi Ventura, Sứ thần Tòa thánh tại Pháp và Đức Hồng Y Philippe Barbarin, TGM Lyon đều không tham dự đại hội. Theo vị chủ tịch đương nhiệm của HĐGM Pháp, ‘‘các vị giám mục cố gắng chu toàn sứ mạng trong mỗi giáo phận’’. Đại hội họp kín để trao đổi về nhiều vấn đề thời sự.

Đức TGM Georges Pontier cho biết các vị giám mục ý thức trách nhiệm đối với thanh thiếu niên, theo tinh thần của Thượng Hội Đồng Giám Mục về việc bảo vệ thanh thiếu niên trong Giáo hội, diễn ra từ 21 đến 24/02/2019. Đức Cha Luc Crépy, chủ tịch ủy ban bảo vệ thanh thiếu niên sẽ tường trình trước đại hội về các công tác đã thực hiện.

Đức TGM Pontier nói tiếp: ‘‘Giáo hội Pháp vững tiến mà không trở lui, hướng về hy vọng.’’ Ngài mời gọi các vị giám mục đề cập đến các vấn đề mà xã hội Pháp phải đương đầu. Bầu khí xã hội và chính trị hiện nay gây nhiều lo ngại, cụ thể là phong trào áo vàng (mouvement des gilets jaunes). Vị chủ tịch HĐGM Pháp mời gọi đại hội thảo luận về đạo luật đạo đức sinh học. Ngoài ra, chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày bầu cử Nghị viện Âu châu, ngài mong muốn các nước châu Âu cùng nhau tìm lại nguồn gốc Thiên Chúa giáo, cùng nhau hướng về tương lai.

Chương trình nghị sự gồm cả việc bầu một vị chủ tịch mới, thay Đức TGM Georges Pontier, 75 tuổi. Ngài đã đảm nhiệm trọng trách này từ năm 2013 và sẽ mãn nhiệm vào ngày 01/07 sắp tới.

Hội đồng Giám mục Pháp gồm 118 vị Hồng Y và giám mục tại chức trên toàn quốc và tại hải ngoại (D.O.M.). Ngoài ra còn có các vị lãnh đạo các địa sở (éparchies) cộng đoàn Arméniens, Ukrainiens, Maronites tại Pháp và vị khâm sứ tòa thánh tại các tỉnh hải ngoại (D.O.M.).

Lê Đình Thông
 
Edward Petin: Nên hiểu thế nào về nhận xét đừng “chiêu dụ tín đồ” của Đức Thánh Cha tại Marốc?
Đặng Tự Do
17:59 02/04/2019
Sáng Chúa Nhật 31 tháng Ba, lúc 10:35, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các linh mục, tu sĩ nam nữ và Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô tại nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô của giáo phận Rabat.

Trong diễn từ với các linh mục, tu sĩ nam nữ và Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, Đức Thánh Cha đã đưa ra nhận xét rằng: “con đường truyền giáo không phải là con đường chiêu dụ tín đồ.”

Nhận xét này gây ra nhiều tranh cãi. Edward Pentin của hệ thống truyền hình EWTN của Công Giáo Hoa Kỳ có bài bình luận nhan đề “What Did Pope Francis Mean By His Remarks About ‘Proselytism?’” đăng trên tờ National Catholic Register hôm 1 tháng Tư. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn nói gì trong nhận xét về việc “chiêu dụ tín đồ”.

Khi được đọc trong bối cảnh, những lời của Đức Phanxicô không phải là những lời gây tranh cãi như nhiều báo cáo của các phương tiện truyền thông nghĩ.

Edward Pentin

Hôm Chúa Nhật Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi cộng đoàn nhỏ bé các tín hữu ở Marốc đừng chiêu dụ tín đồ người Hồi giáo ở nước này, khi nhắc nhớ những lời của Đức Bênêđíctô XVI rằng Giáo Hội không phát triển thông qua việc chiêu dụ tín đồ, nhưng bằng sự lôi cuốn, thông qua các chứng tá.

Những lời bình luận của ngài, được đưa ra trong một cuộc gặp gỡ với các linh mục và tu sĩ tại nhà thờ chính tòa của Rabat, đã gây ra một số lớn các phản ứng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông xã hội.

“Đó là một hình thức Đừng-Truyền giáo mới”, một quan sát viên nhận xét cay đắng trong một tweet, trong khi một người khác nhận xét rằng ông đã hiểu những lời của Đức Giáo Hoàng là từ nay chúng ta hãy phớt lờ Đại Mệnh Lệnh của Chúa Giêsu: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28: 19)

Một linh mục nói với National Catholic Register rằng ngài cảm thấy nhận xét này chỉ là một sự tiếp nối những “mơ hồ liên tục” từ Đức Giáo Hoàng, và tự hỏi “làm thế nào điều này lại có thể được thông truyền cho một Giáo Hội đang bị bách hại?”

Nhưng khi được đọc trong bối cảnh, những lời của Đức Phanxicô không phải là những lời gây tranh cãi như nhiều báo cáo của các phương tiện truyền thông nghĩ.

Chẳng hạn, Đức Thánh Cha không hề khuyên các tín hữu đừng cải đạo người khác để tăng số lượng bé nhỏ của mình, như hàm ý của một số tường trình báo chí.

Đoạn liên quan trong diễn từ của ngài là:

“Sứ mệnh của chúng ta như những người được rửa tội, các linh mục và những người nam nữ tận hiến, không thực sự được xác định bởi số lượng hoặc chiều kích không gian mà chúng ta chiếm giữ, mà là bởi khả năng của chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi và đánh thức sự ngạc nhiên và lòng trắc ẩn. Chúng ta làm điều này bằng cách sống như các môn đệ của Chúa Giêsu, ở giữa những người mà chúng ta chia sẻ cuộc sống hàng ngày, niềm vui và nỗi buồn, đau khổ và hy vọng (x. Evangelii Gaudium - Hiến chế Mục vụ Giáo Hội trong thế giới đương đại, 1). Nói cách khác, con đường truyền giáo không phải là con đường chiêu dụ tín đồ. Xin vui lòng nhớ nhé, những nẻo đường này không phải là những con đường chiêu dụ tín đồ! Chúng ta hãy nhớ lại lời Đức Bênêđíctô XVI đã từng nói: ‘Giáo Hội không phát triển thông qua việc chiêu dụ tín đồ, nhưng bằng sự lôi cuốn, thông qua các chứng tá’ [Một bài giảng vào năm 2007]. Những nẻo đường truyền giáo không phải là những nẻo đường của chiêu dụ tín đồ, vì những nẻo đường như thế luôn luôn chỉ dẫn đến đường cùng, nhưng những nẻo đường ấy phải là cách chúng ta sống với Chúa Giêsu và với những người khác.”

Trong đoạn trước đó, đoạn dẫn nhập, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Chúa Giêsu “mời gọi chúng ta đến với một sứ vụ.” và “Ngài đặt chúng ta vào giữa xã hội như một nắm men: men của Các Mối Phúc Thật và tình huynh đệ, theo đó, là Kitô hữu, tất cả chúng ta đều có thể tham gia làm cho Nước Ngài trị đến.”

Ngài nói tiếp rằng “Trong bối cảnh này, tôi nhớ lại lời khuyên của Thánh Phanxicô với các anh em ngài khi ngài sai họ đi: ‘Hãy đi và rao giảng Tin Mừng: và nếu cần thiết, thì dùng cả lời lẽ [mà biện giải]’”.

Điều đáng chú ý rằng Đức Giáo Hoàng đã không sử dụng một trong hai từ “evangelization” - “truyền giáo” hay “conversion” - “cải đạo” trong diễn từ của ngài. Những thắc mắc chỉ nổi lên xung quanh định nghĩa của từ “proselytism” - “chiêu dụ tín đồ”.

Từ điển tiếng Anh Oxford định nghĩa từ “proselyte” là “một người đã chuyển đổi từ một quan điểm, tôn giáo, hoặc một đảng phái khác,” nhưng nhiều người xem “proselytism” – “chiêu dụ tín đồ” - nghĩa là ép buộc hoặc áp lực cải đạo. Vậy Đức Giáo Hoàng muốn nói gì với từ này?

Định nghĩa của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Massimo Borghesi, tác giả cuốn “The Mind of Pope Francis: Jorge Mario Bergoglio’s Intellectual Journey” – “Suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: hành trình tri thức của Jorge Mario Bergoglio”, nói với tờ National Catholic Register hôm 01 tháng Tư rằng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, chiêu dụ tín đồ “cho thấy một lòng nhiệt thành nhưng thiếu thương xót, được linh hoạt bằng ý chí muốn thủ đắc quyền lực hơn là lòng mong muốn giao tiếp với Chúa Kitô.”

Ông nói thêm rằng “trái lại, một chứng tá nhân bản thật sự về tình yêu đối với tha nhân, như chứng tá của Mẹ Teresa đối với người Ấn Giáo ở Ấn Độ, có khả năng thu hút những con tim, khơi dậy lòng kính trọng đối với các tín hữu Kitô, đối với những con cái của Chúa Kitô.”

Borghesi cũng nhắc đến các vị tử đạo ở thành Tibhirine, là những tu sĩ đã bị những người Hồi giáo Algeria giết vào năm 1996. Các vị là những người “sản sinh lòng yêu mến và ngưỡng mộ đối với đức tin Kitô nơi rất nhiều người Hồi giáo” - một ví dụ khác được ông đề cập đến là Chân phước Charles de Foucauld, sống ở thế kỷ 20, là một nhà truyền giáo người Pháp cũng bị giết ở Algeria trước đó, vào năm 1916, và được Đức Bênêđíctô XVI tuyên Chân Phước vào năm 2005.

“Kitô giáo trong những thế kỷ đầu tiên được mở mang bằng cách thu hút, cả trong những thời kỳ khi danh Chúa Kitô không thể được thốt ra,” ông nói thêm. “Đức Thánh Cha Phanxicô không làm gì khác hơn là nhắc lại một kinh nghiệm cơ bản của Giáo Hội”. Theo Borghesi, những người nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng đang cổ vũ cho một thứ “thần học sai trái” cho thấy họ “không hiểu gì.”

“Không ai trong số các vị giáo hoàng cuối cùng, từ Đức Gioan Phaolô II [xem một bản tuyên ngôn vào năm 1987, trong đó ngài bác bỏ ‘mọi hình thức chiêu dụ tín đồ’] đến Đức Bênêđíctô XVI, nói rằng bạn cần phải đi đến những vùng đất Hồi giáo để dạy giáo lý cho người cho những người theo đạo Hồi,” ông nói. “Vấn đề không phải chỉ là chúng ta không có cơ hội nhưng cũng vì sự tôn trọng. Giáo hội Chính thống cũng yêu cầu một sự tôn trọng tương tự nơi những người Công Giáo đến với các quốc gia có truyền thống gắn bó với Chính thống giáo.”

Nhưng Thánh Phanxicô thành Assisi có đồng ý với đường lối này không? Theo Thánh Bonaventura, Thánh Phanxicô đã đến thăm Quốc Vương Ai Cập Malek al-Kamil 800 năm trước đây “để chỉ cho nhà vua và các cận thần của nhà vua con đường cứu rỗi và công bố chân lý của sứ điệp Tin Mừng”.

Thánh Bonaventura ghi lại rằng Thánh Phanxicô đã rao giảng Tin Mừng cho nhà vua theo cách mà Quốc vương al-Kamil không cảm thấy bị xúc phạm, nhưng có thể thấy tình yêu tuôn chảy từ vị thánh và ngạc nhiên trước sự táo bạo của ngài.


Source:National Catholic Register
 
Tóm tắt “Christus Vivit”, Tông huấn hậu Thượng hội đồng về tuổi trẻ của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
18:56 02/04/2019
Tông huấn “Christus Vivit” đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ký tại Đền Thánh Loreto khi ngài tới đó viếng thăm ngày 25 tháng 3. Hôm nay, 2 tháng 4, kỷ niệm ngày qua đời của vị giáo hoàng tuổi trẻ là Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng đầu tiên viết thư cho tuổi trẻ và sáng lập ra Ngày Giới Trẻ Thế Giới, Tòa Thánh cho công bố Tông Huấn.

Trong khi chờ chuyển ngữ toàn bộ Tông Huấn, chúng tôi xin chuyển ngữ phần tóm tắt Tông Huấn do chính Tòa Thánh công bố
.



Chúa Kitô đang sống

“Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách tuyệt vời, Người mang tuổi trẻ đến với thế giới của chúng ta. Do đó, những lời đầu tiên tôi muốn nói với mọi Kitô hữu trẻ là: Chúa Kitô đang sống và Người muốn bạn được sống!”

Tông huấn Hậu Thượng hội đồng “Chúa Kitô đang sống” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu như thế; Tông huấn này đã được ngài ký vào Thứ Hai ngày 25 tháng 3 tại Nhà thờ Loreto và ngỏ cùng các người trẻ, và “toàn thể dân Chúa”. Trong văn kiện, gồm chín chương được chia thành 299 đoạn, Đức Giáo Hoàng giải thích rằng ngài được gợi hứng bởi rất nhiều suy tư và đàm luận của Thượng hội đồng về giới trẻ, được cử hành tại Vatican hồi tháng 10 năm 2018.

Chương một: Lời Chúa có gì để nói về người trẻ?

Đức Phanxicô nhắc nhở rằng, “trong một thời đại khi người trẻ không được đánh giá cao, một số bản văn cho thấy Thiên Chúa nhìn họ cách khác” (6). Ngài trình bày ngắn gọn về các khuôn mặt người trẻ trong Cựu Ước: Giuse, Gideon (7), Samuen (8), Vua David (9), Solomon và Giêrêmia (10), người hầu Do Thái rất trẻ của Naaman và Ruth trẻ tuổi ( 11). Sau đó, ngài chuyển sang Tân Ước. Đức Giáo Hoàng nhắc lại rằng “Chúa Giêsu, người trẻ muôn thuở, muốn ban cho chúng ta những trái tim luôn trẻ trung” (13) và nói thêm: “chúng ta cũng hãy nhớ rằng Chúa Giêsu không có ích gì đối với những người trưởng thành coi thường người trẻ hay thống trị họ. Ngược lại, Người nhấn mạnh rằng, “người lớn nhất trong các con phải trở nên giống như người trẻ nhất” (Lc 22,26). Đối với Người, tuổi không thiết lập ra đặc quyền, và làm người trẻ không ngụ hàm một giá trị hoặc một phẩm giá thấp hơn”. Đức Phanxicô khẳng định: “Chúng ta không bao giờ nên hối hận vì đã dành tuổi trẻ của mình để làm người tốt, mở lòng ra với Chúa và sống cách khác” (17).

Chương hai: Chúa Giêsu, luôn luôn trẻ trung

Đức Giáo Hoàng đề cập đến chủ đề các năm tháng trẻ trung của Chúa Giêsu và nhắc lại câu chuyện Tin Mừng mô tả Chúa Giêsu “như một thiếu niên, khi Người trở về Nazareth với cha mẹ của Người, sau khi bị lạc và được tìm thấy trong Đền thờ” (26). Đức Phanxicô viết, chúng ta không nên nghĩ rằng “Chúa Giêsu là một thiếu niên lãnh đạm hoặc chỉ biết quan tâm đến mình. Các mối liên hệ của Người là các mối liên hệ của một người trẻ, biết chia sẻ đầy đủ cuộc sống của gia đình và dân của Người”, “không ai coi Người là bất thường hay tách biệt với người khác” (28). Đức Đức Giáo Hoàng chỉ ra rằng, “nhờ tin tưởng vào cha mẹ của Người”, Chúa Giêsu thiếu niên “có thể đi lại tự do và học cách cùng đi với những người khác” (29). Không nên bỏ qua những khía cạnh này của cuộc sống Chúa Giêsu trong thừa tác vụ tuổi trẻ, “kẻo chúng ta sẽ tạo ra các dự án cách ly những người trẻ khỏi gia đình và cộng đồng lớn hơn, hoặc biến họ thành một số ít người ưu tuyển, được bảo vệ khỏi mọi ô nhiễm”. Thay vào đó, chúng ta cần “các dự án có thể củng cố họ, đồng hành cùng họ và thúc đẩy họ gặp gỡ những người khác, tham gia vào việc phục vụ quảng đại, vào sứ mệnh” (30).

Chúa Giêsu “không dạy các bạn, những người trẻ, từ xa hay từ bên ngoài, nhưng từ trong chính tuổi trẻ của các bạn, một tuổi trẻ Người chia sẻ với các bạn” và trong Người, nhiều khía cạnh điển hình của trái tim trẻ trung có thể được nhận ra (31). Với “Người ở bên cạnh, chúng ta có thể uống từ nguồn suối chân thực, nguồn suối giữ cho mọi ước mơ, dự án, lý tưởng tuyệt vời của chúng ta luôn sống động, trong khi thúc đẩy chúng ta công bố điều làm cho cuộc sống thực sự đáng giá” (32); “Chúa đang kêu gọi chúng ta thắp sáng các vì sao trong đêm tối của những người trẻ khác” (33).

Sau đó, Đức Phanxicô nói về tuổi trẻ của Giáo hội và ngài viết: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát Giáo hội khỏi những người khiến Giáo hội già đi, giam cầm Giáo hội trong quá khứ, cầm chân Giáo hội hoặc giữ cho Giáo hội dậm chân tại chỗ. Nhưng chúng ta cũng hãy cầu xin Người giải thoát Giáo hội khỏi một cám dỗ khác: đó là cơn cám dỗ muốn nghĩ rằng Giáo hội trẻ bởi vì Giáo hội chấp nhận mọi thứ được thế giới mời mọc Giáo hội, nghĩ rằng Giáo hội được đổi mới vì Giáo hội gạt thông điệp của mình sang một bên và hành động như mọi người khác. Không! Giáo hội trẻ trung khi Giáo hội là chính mình, khi Giáo hội nhận được một lần nữa sức mạnh được sinh ra từ lời Chúa, từ Bí tích Thánh Thể, và sự hiện diện hàng ngày của Chúa Kitô và sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta” (35).

Đúng là “ trong tư cách chi thể của Giáo hội, chúng ta không nên tách biệt với những người khác”, nhưng đồng thời, “chúng ta phải dám sống khác biệt, để nêu rõ các lý tưởng khác với các lý tưởng của thế giới này, làm chứng cho vẻ đẹp của lòng rộng lượng, việc phục vụ, đức trong sạch, lòng kiên trì, sự tha thứ, lòng trung thành với ơn gọi bản thân, lời cầu nguyện, theo đuổi công lý và ích chung, tình yêu đối với người nghèo và tình bạn xã hội” (36). Giáo hội có thể bị cám dỗ đánh mất sự nhiệt tình của mình và quay đi “tìm kiếm một hình thức an toàn giả tạo, trần tục. Những người trẻ có thể giúp giữ cho Giáo hội trẻ trung” (37).

Đức Giáo Hoàng sau đó trở lại với một trong những giáo huấn thân thiết nhất đối với ngài và, khi giải thích rằng nhân vật Giêsu phải được trình bày “một cách lôi cuốn và hữu hiệu”, đã nói rằng: “Giáo Hội không nên quá bận tâm về chính mình mà trên hết, phải phản ảnh Chúa Giêsu Kitô. Điều này có nghĩa: khiêm tốn nhìn nhận rằng một số điều cần phải thay đổi một cách cụ thể” (39).

Tông huấn nhìn nhận rằng có những người trẻ cảm thấy sự hiện diện của Giáo hội như “một phiền toái, thậm chí như một điều gây khó chịu”. Thái độ này có nguồn gốc của nó “ trong các lý do nghiêm trọng và có thể hiểu được: các tai tiếng tình dục và tài chính; giáo sĩ không được chuẩn bị đầy đủ để tham gia hữu hiệu vào các nhạy cảm của giới trẻ;... vai trò thụ động được giao cho giới trẻ trong cộng đồng Kitô giáo; khó khăn của Giáo Hội trong việc giải thích các lập trường tín lý và đạo đức của mình cho xã hội đương thời”. (40).

Có những người trẻ “muốn có một Giáo hội biết lắng nghe nhiều hơn, làm nhiều điều hơn thay vì chỉ đơn giản lên án thế giới. Họ không muốn thấy một Giáo hội im lặng và sợ sệt lên tiếng, nhưng không phải là một Giáo hội luôn luôn tranh đấu một cách đầy ám ảnh trong hai hoặc ba vấn đề. Để được đáng tin cậy đối với những người trẻ, có những lúc Giáo hội cần lấy lại được sự khiêm nhường của mình và cần lắng nghe, nhìn nhận rằng những gì người khác nói có thể cung cấp một chút ánh sáng nào đó giúp Giáo hội hiểu Tin Mừng rõ hơn” (41). Ví dụ, một Giáo hội quá sợ hãi có thể liên tục chỉ trích “các nỗ lực bảo vệ quyền của phụ nữ và liên tục chỉ ra những rủi ro và sai sót tiềm tàng của những yêu cầu đó”, trong khi một Giáo hội nếu là “một Giáo hội sống động, có thể phản ứng bằng cách lưu ý đến các yêu sách chính đáng của phụ nữ”, dù “vẫn không nhất trí với mọi điều được một số nhóm nữ quyền đề xuất” (42).



Sau đó, Đức Phanxicô trình bày “Mẹ Maria, người phụ nữ trẻ quê ở Nazareth”, và lời Xin Vâng của ngài như lời xin vâng của “một người sẵn lòng mạo hiểm, sẵn sàng đánh cuộc mọi thứ ngài có, không có gì chắc chắn hơn là biết rằng ngài là người mang một lời hứa Vì vậy, tôi hỏi mỗi người trong các bạn: bạn có coi mình là người mang một lời hứa hay không?”(44). Đối với Mẹ Maria, “các thách thức không phải là lý do để nói “không”, và vì thế, ngài đã đặt mình vào nguy cơ, trở thành “người gây ảnh hưởng của Thiên Chúa”. Lòng Giáo hội cũng đầy những vị thánh trẻ tuổi. Đức Đức Giáo Hoàng nhắc đến Thánh Sebastian, Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Joan Arc, Chân phúc tử đạo Anrê Phú Yên, Thánh Kateri Tekakwitha, Thánh Đaminh Savio, Thánh Teresa Hài đồng Giêsu, Chân phước Ceferino Namuncurá, Chân phúc Isidoro Bakanja Chân phúc Marcel Callo, Chân phước trẻ Chiara Badano.

Chương ba: “Các bạn là ‘bây giờ’ của Thiên Chúa”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: chúng ta không thể chỉ nói rằng “những người trẻ là tương lai của thế giới. Mà họ còn là hiện tại của nó; thậm chí ngay lúc này, họ đang giúp làm phong phú nó” (64). Vì lý do này, cần phải lắng nghe họ dù “có xu hướng cung cấp các câu trả lời có sẵn và các giải pháp làm sẵn, mà không để cho các câu hỏi thực sự của họ được nêu lên và đối mặt với những thách thức họ đặt ra” (65).

“Ngày nay, người lớn chúng ta thường bị cám dỗ muốn liệt kê mọi vấn nạn và sai sót của những người trẻ ngày nay... Nhưng đâu là hậu quả của một thái độ như vậy? Xa cách nhiều hơn, ít gần gũi hơn, ít hỗ trợ lẫn nhau hơn” (66). Bất cứ ai được kêu gọi làm cha, mục tử và người hướng dẫn tuổi trẻ nên có khả năng “biện phân được đường đi ở chỗ những người khác chỉ nhìn thấy các bức tường, nhận ra tiềm năng ở chỗ những người khác chỉ nhìn thấy hiểm họa. Đó là cách Thiên Chúa Cha nhìn sự vật; Người biết cách trân trọng và nuôi dưỡng các hạt giống của lòng tốt gieo trong lòng người trẻ. Do đó, cõi lòng mỗi người trẻ nên được coi là “mảnh đất thánh thiêng” (67). Đức Phanxicô cũng mời chúng ta đừng tổng quát hóa, bởi vì “có rất nhiều thế giới của ‘tuổi trẻ’ ngày nay” (68).

Nói về những gì đang xảy ra cho những người trẻ, Đức Giáo Hoàng nhắc lại những người đang sống trong bối cảnh chiến tranh, những người bị bóc lột, nạn nhân của những vụ bắt cóc, tội phạm có tổ chức, buôn bán người, nạn nô lệ và bóc lột tình dục, hiếp dâm. Và cả những người sống bằng cách phạm tội và các hành vi bạo lực (72). “Nhiều người trẻ bị cuốn hút vào các ý thức hệ, bị sử dụng và khai thác làm bia đỡ đạn hoặc lực lượng xung kích để tiêu diệt, gây kinh hoàng hoặc chế giễu người khác. Tệ hơn nữa, nhiều người trong số họ kết cục trở thành cá nhân chủ nghĩa, thù địch và không tin tưởng vào người khác; bằng cách này, họ trở thành một mục tiêu dễ dãi cho các chiến lược tàn bạo và phá hoại của các nhóm chính trị hoặc các thế lực kinh tế” (73). Những người chịu các hình thức bị đẩy qua bên lề và loại trừ về phương diện xã hội vì lý do tôn giáo, dân tộc hoặc kinh tế lại càng đông hơn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô trưng dẫn các thiếu niên và những người trẻ “bị mang thai, đại nạn phá thai, lây lan HIV, nhiều hình thức nghiện ngập (ma túy, cờ bạc, khiêu dâm, v.v.) và số phận của trẻ em đường phố không nhà, không gia đình hoặc tài nguyên kinh tế” (74), những tình huống càng đau khổ và khó khăn gấp đôi đối với phụ nữ. “Là một Giáo hội, ước chi chúng ta không bao giờ không khóc trước các bi kịch này của tuổi trẻ. Ước chi chúng ta không bao giờ trở nên nhàm chán (inured) đối với chúng... Điều tồi tệ nhất chúng ta có thể làm là tiếp nhận tinh thần thế gian mà giải pháp đơn giản là gây mê cho những người trẻ bằng những thông điệp khác, những tiêu khiển khác, những mưu cầu tầm thường” (75). Đức Giáo Hoàng mời các bạn trẻ học cách khóc cho các đồng trang đồng lứa của họ đang trở nên tệ hại hơn bây giờ (76).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích, đúng như thế, “những người nắm quyền lực có cung cấp một số trợ giúp, nhưng thường thì sự trợ giúp này phải trả giá cao. Ở nhiều nước nghèo, viện trợ kinh tế do một số nước giàu hơn hoặc các cơ quan quốc tế cung cấp thường gắn liền với việc phải chấp nhận các quan điểm của phương Tây về tình dục, hôn nhân, sự sống hoặc công bằng xã hội. Chính sách thực dân ý thức hệ này đặc biệt có hại cho người trẻ tuổi” (78). Đức Giáo Hoàng cũng cảnh báo chống lại nền văn hóa ngày nay, một nền văn hóa giới thiệu mô hình làm đẹp trẻ trung và sử dụng cơ thể trẻ để quảng cáo: “nó ít có liên quan đến giới trẻ. Nó chỉ có nghĩa: người lớn muốn cướp tuổi trẻ cho chính họ” (79).

Đề cập đến những “ham muốn, thương tích và hoài bão”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói tới tình dục và tầm “quan trọng thiết yếu” của nó đối với cuộc sống của người trẻ và đối với “diễn trình tăng trưởng của họ về bản sắc". Đức Giáo Hoàng viết rằng: “trong một thế giới không ngừng đề cao tình dục, duy trì mối liên hệ lành mạnh với thân thể mình và một cuộc sống xúc cảm thanh thản là điều không dễ dàng”. Vì lý do này hay lý do khác, đạo đức tình dục thường có xu hướng trở thành một nguồn gốc “khiến người ta không hiểu và xa lánh Giáo hội, bao lâu Giáo hội bị nhìn như một nơi phán xét và lên án”, bất chấp sự kiện có những người trẻ muốn thảo luận các vấn đề này (81). Đối mặt với các phát triển của khoa học, các kỹ thuật y sinh học và khoa học thần kinh, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở các điều này “có thể khiến chúng ta quên rằng sự sống là một hồng phúc và chúng ta là các tạo vật với các giới hạn bẩm sinh, thường bị khai thác bởi những người nắm giữ sức mạnh kỹ thuật” (82).

Sau đó, Tông huấn chuyển sang chủ đề “thế giới kỹ thuật số” từng tạo ra “một cách thức truyền thông mới”, và có thể “tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá thông tin độc lập”. Ở nhiều quốc gia, mạng và màn lưới xã hội “đã trở thành một diễn đàn vững chắc để tiếp cận và làm người trẻ tham dự” (87). Nhưng chúng cũng có thể là nơi “cô đơn, thao túng, bóc lột và bạo lực, thậm chí đi tới trường hợp cực đoan là ‘mạng đen tối’. Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể khiến người ta giáp mặt với các nguy cơ nghiện ngập, cô lập và mất dần giao tiếp với thực tại cụ thể... Các hình thức bạo lực mới đang lan truyền qua các phương tiện truyền thông xã hội, ví dụ như bắt nạt trên mạng. Liên mạng (Internet) cũng là một máng chuyển truyền bá văn hóa khiêu dâm và khai thác con người vì mục đích tình dục hoặc thông qua cờ bạc” (88). Không nên quên rằng trong thế giới kỹ thuật số, “có những tư lợi kinh tế lớn lao” có khả năng tạo ra “các cơ chế để thao túng lương tâm và các diễn trình dân chủ”. Có những cơ sở kín nhằm “tạo điều kiện cho việc truyền bá tin tức giả và thông tin sai lệch, xúi bẩy định kiến và thù hận... Danh tiếng của các cá nhân bị đe dọa qua các cuộc phán xử giản lược thực hiện trực tuyến. Giáo hội và các mục tử của Giáo hội không được miễn trừ hiện tượng này” (89). Trong một văn kiện được chuẩn bị bởi 300 người trẻ từ khắp nơi trên thế giới trước Thượng hội đồng, có lời nói rằng “các mối liên hệ trực tuyến có thể trở thành vô nhân đạo”, và chìm đắm trong thế giới ảo đã tạo điều kiện cho một loại hình “di dân kỹ thuật số”, liên quan đến việc rút khỏi gia đình của họ và các giá trị văn hóa và tôn giáo của họ, và bước vào một thế giới cô đơn” (90).



Đức Giáo Hoàng tiếp tục giới thiệu “các di dân như một hình ảnh thu nhỏ của thời ta”, và nhắc nhớ nhiều người trẻ có mặt trong cuộc di dân này. “Sự quan tâm của Giáo hội đặc biệt tập chú vào những người trốn chạy chiến tranh, bạo lực, đàn áp chính trị hoặc tôn giáo, các thiên tai bao gồm cả những thiên tai do biến đổi khí hậu và từ nghèo đói cực độ gây ra” (91): họ tìm kiếm một cơ hội, một giấc mơ về một tương lai tốt hơn. Những di dân khác “bị lôi cuốn bởi nền văn hóa phương Tây, đôi khi với những kỳ vọng không thực tế khiến họ thất vọng nặng nề. Những kẻ buôn người vô lương tâm, thường xuyên liên kết với các băng đảng ma túy hoặc các băng đảng vũ trang, khai thác điểm yếu của người di dân ... Việc dễ bị tổn thương đặc thù nơi các di dân vị thành niên không có người đi kèm là điều đáng lưu ý... Ở một số nước chủ nhà, hiện tượng di dân gây ra sự sợ hãi và báo động, thường được xúi bẩy và khai thác cho các mục tiêu chính trị. Điều này có thể dẫn đến não trạng bài ngoại, khi người ta tự đóng kín vào chính họ, và điều này cần được giải quyết một cách dứt khoát” (92). Những di dân trẻ tuổi thường cũng trải nghiệm một cuộc bứng gốc về văn hóa và tôn giáo (93). Đức Phanxicô yêu cầu những người trẻ “đừng rơi vào tay những kẻ đặt họ chống lại những người trẻ khác, những người mới đến đất nước của họ và những kẻ khuyến khích họ coi những người sau là mối đe dọa” (94).

Đức Giáo Hoàng cũng nói đến việc lạm dụng trẻ em, biến cam kết của Thượng Hội Đồng trong việc phải đưa ra các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt thành của riêng ngài và bày tỏ lòng biết ơn “đối với những người có can đảm báo cáo tội ác mà họ đã phải chịu” (99). Ngài nhắc nhớ rằng, “cảm ơn Chúa”, những người phạm các tội ác khủng khiếp này không phải là đa số các linh mục, vì đa số này đang thi hành thừa tác vụ của họ với lòng trung thành và quảng đại”. Ngài yêu cầu các người trẻ, nếu thấy một linh mục gặp nguy cơ vì đã đi sai đường, phải có can đảm nhắc nhở vị này nhớ việc mình cam kết với Thiên Chúa và với dân của Người (100).

Tuy nhiên, lạm dụng không phải là tội lỗi duy nhất trong Giáo hội. “Tội lỗi của chúng ta đang bầy ra trước mắt mọi người; chúng xuất hiện quá rõ ràng trên những đường nhăn trên khuôn mặt già nua của Giáo hội, Mẹ và Thầy của chúng ta”, nhưng Giáo hội không dùng đến bất cứ cuộc phẫu thuật thẩm mỹ nào, “Giáo hội không ngại tiết lộ tội lỗi của các chi thể của mình”. “ Chúng ta đừng bao giờ quên rằng chúng ta không được bỏ rơi Mẹ của mình khi bà bị thương” (101). Nhưng hãy đứng bên cạnh Giáo hội, để Giáo hội có thể thu góp mọi sức mạnh và mọi khả năng của Giáo hội để bắt đầu lại”. Khoảnh khắc đen tối này, với sự giúp đỡ của những người trẻ, “có thể thực sự trở thành một cơ hội cho một cuộc cải cách có ý nghĩa tạo thời đại”, mở cửa để chúng ta bước vào một Lễ Ngũ Tuần mới (102).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở các bạn trẻ rằng, “có một lối thoát” trong tất cả các tình huống đen tối và đau đớn. Ngài nhắc lại Tin mừng ban bố vào buổi sáng ngày Phục sinh. Ngài giải thích rằng dù thế giới kỹ thuật số có thể khiến chúng ta gặp nhiều rủi ro, nhưng vẫn có những người trẻ biết cách sáng tạo và sáng chói trong các lĩnh vực này. Giống như Đấng đáng kính Carlo Acutis, người “đã biết cách sử dụng các kỹ thuật truyền thông mới để truyền bá Tin Mừng” (105), ngài đã không rơi vào cạm bẫy và nói: “Mọi người sinh ra đều độc đáo nguyên bản, nhưng nhiều người cuối cùng đã chết như những bản sao”. Đức Giáo Hoàng cảnh báo “Đừng để điều đó xảy ra với các bạn” (106). “Đừng để họ cướp mất niềm hy vọng và niềm vui, hoặc chuốc ma túy khiến các bạn trở thành nô lệ cho lợi ích của họ” (107), hãy tìm kiếm mục tiêu thánh thiện cao cả. “Làm người trẻ không chỉ là theo đuổi những thú vui phù du và những thành tựu hời hợt. Nếu những năm tháng tuổi trẻ của các bạn là để phục vụ mục đích của chúng ở trong đời, thì chúng phải là thời gian của cam kết quảng đại, cống hiến hết lòng” (108). “Nếu các bạn trẻ trong năm tháng, nhưng cảm thấy yếu đuối, mệt mỏi hoặc vỡ mộng, hãy cầu xin Chúa Giêsu đổi mới các bạn” (109). Nhưng hãy luôn nhớ rằng, “rất khó chiến đấu chống lại... những cạm bẫy và cám dỗ của ma quỷ và sự ích kỷ của thế gian... nếu chúng ta trở nên quá cô lập” (110). Đó là lúc chúng ta cần một cuộc sống cộng đồng.

Còn tiếp
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm giáo hạt Phú Thọ: Thực thi bác ái
Văn Minh
10:06 02/04/2019
“Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế” (Dt 13,16).

Hưởng ứng lời Kinh Thánh trên đây, vào lúc 5g30 sáng thứ Sáu ngày 29.03.2019, đại diện Ban Chấp hành (BCH), cùng quý vị ân nhân và các thành viên trong Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm (GĐPTTTCG) giáo hạt Phú Thọ gồm có 80 người trên 02 xe, khởi hành từ giáo xứ Tân Phước đi thực thi bác ái.

Xem Hình

Đồng hành cùng đoàn có cha Gioan Vianney Nguyễn Hữu Lợi, Dòng Máu Châu Báu Chúa Kitô, và anh Phêrô Nguyễn Hồng Thịnh, phó nội vụ BCH/ GĐPTTT TGP Sài Gòn.

Đúng 6g30, đoàn tới Trung tâm Bảo trợ người già:số 93/6 đường số 8, khu phố 5, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TPHCM, do các soeur Dòng Trinh Vương Mẫu Tâm - bảo trợ. Mái ấm Thiên Ân hiện có 136 cụ bà là những người neo đơn không có con cháu. Trong đó, có 30 cụ nằm liệt giường không tự chăm sóc được cho bản thân.

Tại đây, đại diện BCH đã trao 100 thùng mì gói hảo hảo, 700 hộp sữa đặc có đường, và 25.000.000đ (hai mươi lăm triệu đồng) tiền mặt.

Thực hiện công việc bác ái xong, đoàn đitham quan thành phố Đà Lạt. Trên đường đi, đoàn đến Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi, Giáo phận Xuân lộc, cùng nhau đọc kinh, cầu nguyện, xin Mẹ che chở cho đoàn đi trên đường được mọi sự bằng an. Sau đó, đoàn tới Trung tâm dạy nghề Dòng lasan, số 69 đường Triệu Việt Vương, phường 04, TP Đà Lạt.

Sau khi ổn định chỗ nghỉ, các thành viên tham dự Thánh lễ lúc 18g00, do cha Gioan Vianney Nguyễn Hữu Lợi chủ sự và nghỉ đêm tại đây.

Sáng hôm sau, lúc 6g00, tham dự Thánh lễ và sau bữa điểm tâm sáng lúc 8g00, đoàn cùng nhau đi tham quan một số thắng cảnh tại TP Đà Lạt.

Sáng ngày 31.04, lúc 6g00, các thành viên tham dự Thánh lễ Chúa Nhật IV Mùa Chay do cha Gioan Vianney chủ tế. Sau khi ăn sáng xong, lúc 8g00, đoàn lên xe trở về Sài Gòn, kết thúc chuyến đi thật tốt đẹp. Trên đường về, đoàn tới Đức Mẹ suối An Bình đèo Bảo Lộc, đọc kinh tạ ơn và trở về TPHCM lúc 18g00 cùng ngày trong sự bình an.

Được biết, ngoài công việc chia sẻ bác ái nơi Trung tâm Bảo trợ mái ấm Thiên Ân Thủ Đức ra, đại diện BCH cũng trao cho Dòng Gioan Thiên Chúa tại Hố Nai số tiền là 25.000.000đ (hai mươi lăm triệu đồng), cơ sở Nuôi dưỡng hướng nghiệp trẻ khiếm thị Bừng Sáng số: 266/5 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TPHCM, 10.000.000đ, Dòng Saint Paul Kon Tum 5.000.000đ, tô cháo Phạm Ngọc Thạch 5.000.000đ, đến thăm và tặng quà cho 16 linh mục và 01 soeur tại nhà hưu dưỡng Chí Hòa với số tiền 8.500.000đ (tám triệu năm trăm ngàn đồng), giúp đỡ cha Phanxicô Nguyễn Văn Lý – Tu hội Truyền giáo Vinh Sơn, 1.000.000đ, ủng hộ BCH Gia đìnhPTTT giáo hạt Bình An thực hiện chương trình “Cây mùa Xuân” 1.000.000đ (một triệu đồng).Ngoài ra, BCH cũng giúp đỡ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn không phân biệt tôn giáo trong giáo xứ Tân Phước số tiền 11.000.000đ (mười một triệu đồng).

Tổng số tiền của GĐPTTT giáo hạt Phú Thọ thực thi bác ái trong Mùa Chay 2019 được 120.400.000đ, là do các thành viên trong GĐPTTT và quý ân nhân trong giáo hạt Phú Thọ cùng nhau đóng góp.
 
Nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh thăm giáo xứ Đưng K’nớ, Đà Lạt,
Maria Vũ Loan
10:09 02/04/2019
Sáng Chúa Nhật IV Mùa Chay, ngày 31/3/2019, Nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh đã có mặt tại giáo xứ Đưng K’nớ, giáo hạt Đà Lạt, giáo phận Đà Lạt, để cùng hiệp dâng thánh lễ và chia sẻ trong tâm tình Mùa Chay.

Từ thành phố Đà Lạt, phải đi 60 km mới đến được xã Đưng K’nớ. Ban đầu, chúng tôi định đến một nhà thờ chỉ cách TP Đà Lạt 20 km, nhưng rồi Chúa Thánh Thần dẫn chúng tôi đến đây với con đường rừng quanh co rất dễ sợ. Đến quá buổi trưa, hình ảnh ngôi nhà thờ gỗ bên trên những bậc thang đá hiện ra ấn tượng trong mắt chúng tôi. Cha chánh xứ Giêgôriô Nguyễn Quí Trung và cha phó Yon người dân tộc vui vẻ đón chúng tôi trong ngôi nhà gỗ, sau lưng nhà thờ.

Xem Hình

Qua câu chuyện, cha chánh xứ cho biết, giáo họ Đưng K’nớ trước kia là họ lẻ thuộc giáo xứ Lang Biang, được hình thành từ năm 1953, khi các cha Thừa Sai Paris và một số giáo lý viên người Lạch đến truyền giáo tại làng Đưng K’nớ cho những người dân tộc Cil ở nơi này. Ban đầu chỉ có một ngôi nhà nguyện nhỏ bằng gỗ để giáo dân đọc kinh, học giáo lý và được hiệp dâng thánh lễ. Từ sau năm 1975, quí cha không được vào đây dâng thánh lễ nữa.

Đến năm 2008, chính quyền huyện Lạc Dương đồng ý để quí cha ở giáo xứ Lang Biang vào dâng lễ cho giáo dân các ngày Chúa Nhật, lễ trọng và lễ an táng. Nhà nguyện được nới rộng hơn vào năm 2013. Vì lợi ích của 1.500 giáo dân người dân tộc ở vùng sâu, cách xa giáo xứ đến hơn 50 km nên giáo họ được nâng lên hàng giáo xứ từ ngày 01/11/2017, chính cha Grêgôriô được bổ nhiệm là vị chánh xứ tiên khởi. Đến nay, giáo xứ đã có đến 2.250 giáo dân và nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng.

Thánh lễ tối thứ bảy do cha phó người dân tộc hiệp dâng. Vì tất cả giáo dân trong xã là người dân tộc nên không có thánh lễ tiếng Việt ở đây. Cha chánh xứ đã làm quen (đi ra đi vào vùng này dâng lễ) và sống với giáo dân ở đây tổng cộng là 45 năm nên ngôn ngữ không còn là rào cản công việc. Còn cha phó xứ Yon, sau bao năm khổ tu mới trở thành linh mục để được phục vụ chính dân tộc mình một cách gần gũi, thân thiện. Ở đây có thói quen đáng yêu là sau thánh lễ, cha chủ tế ôm và xoa đầu từng cháu thiếu nhi ngay tại gian cung thánh trước khi chúng ra về, làm chúng tôi tròn xoe con mắt.

Vui nhất là câu chuyện trong bữa cơm tối, cũng ở căn nhà gỗ sau lưng nhà thờ. Bữa cơm rất đạm bạc. Cha xứ là “cụ ông” trên 80 tuổi, ăn rau nhiều hơn ăn thịt, cha kể chuyện đến đâu, chúng tôi cười khanh khách đến đó. Cha bảo, mấy chục năm trước nơi đây nghèo nàn, dân chúng còn nặng tục lệ riêng, muốn ăn hai ổ bánh mì thì đổi hai ký cà phê... Cha đi bộ trường kỳ để phục vụ, còn đường đi trong làng thì lên dốc xuống đèo như “bay lên thiên đàng rồi nhào xuống hỏa ngục”, sau này mới đi xe máy. Cha gắn bó nơi này mấy chục năm và tay cha có chiếc vòng mà người dân tộc đeo vào cho cha, mang ý nghĩa “từ nay cha sống chết cùng chúng tôi”. Cha kể chuyện ở rừng, còn chúng tôi cứ lóng ngóng, nghe không hiểu, cha bực mình thốt lên: “Trông dễ thương mà sao chậm hiểu thế!” Rồi các cha và chúng tôi cùng cười xòa. Mọi người ăn cơm, riêng tôi xin ăn mì gói. Thế là một thầy giúp xứ, người dân tộc Lạch, lui cui bưng tô mì nóng hổi lên bàn. Chúng tôi cảm ơn rối rít.

Còn cha phó khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tốt tướng theo “phong cách núi rừng”, thế mà có học vị cao đến cử nhân; cha phải “tu trui” khốn khổ, vì yếu tố “bên ngoài” chứ không phải “bên trong”, rồi mãi mới được làm linh mục. Nhìn cha mà chúng tôi khâm phục trong lòng.

Tâm điểm của chúng tôi trong chuyến công tác là cùng hiệp dâng thánh lễ với cộng đoàn dân Chúa ở đây vào sáng Chúa Nhật, rồi sau đó là chia sẻ Mùa Chay cho 50 gia đình khó khăn với gạo cộng phong bì và 200 em thiếu nhi. Được cha chánh xứ cho phép, chúng tôi còn đứng ở hai con dốc là đường đến nhà thờ, để trao “phong bì quà sáng” một cách tế nhị cho các cụ ông, cụ bà đi lễ. Cái công việc này nó “vặt vãnh” thế đó nhưng sao chúng tôi rất thích. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi chứng kiến được hình ảnh người ta nườm nượp địu con đến nhà thờ từ con dốc quanh co đến bậc thang khá dốc bằng đá ấy.

Giáo dân ngồi kín trong lòng nhà thờ, cả hai bên hành lang và sân cuối khuôn viên. Thật trang trọng và sốt sắng, trước thánh lễ, đoàn rước nhỏ gồm thánh giá nến cao, giúp lễ, những người phục vụ được chọn và cha chủ tế đã đi từ phòng áo, vòng ra cuối nhà thờ, từ từ lên cung thánh trong tiếng cồng chiêng rất sốt sắng làm lòng chúng tôi lâng lâng. Vì là Chúa Nhật IV Mùa Chay nên cha mặc áo hồng, khiến chúng tôi nhớ đến một “câu đối Mùa Chay” trên cung thánh của một nhà thờ ở Sài Gòn:

“Tím cõi lòng sám hối vì tội lỗi Xanh hy vọng vui mừng bởi hồng ân”

Giữa rừng núi bạt ngàn, nơi ngôi nhà thờ gỗ này, của lễ được dâng lên cách đơn sơ chân thành hẳn là ấm lòng Thiên Chúa, là người cha nhân từ.

Xin mọi người thứ lỗi khi chúng tôi kể ra việc này: lúc cha giảng lễ, nhiều em nhỏ cọ quạy, có lẽ vì lạnh, miệng mồm lại nhạt nhẽo nên sụt sịt khóc...chúng tôi bèn vào phòng lấy hai bịch kẹo mút ra âm thầm dúi vào tay chúng, 80 cây kẹo mà chia hết, thế là vị ngọt làm bầu khí “im bặt” vui vẻ, không còn loi nhoi. Ông trùm nói nhỏ với chúng tôi: “Ở đây, nhiều cha mẹ mang kẹo bánh đi để dụ cho chúng nó không khóc”. Chúng tôi gật đầu cười.

Sau thánh lễ là phần phát quà. Vì sân nhà thờ nhỏ nên chúng tôi chỉ ghi nhận sự việc bằng một số hình ảnh. Các cháu được áo thun, Vitamin C, kẹo dẻo và hộp sữa. Hình như các cháu chẳng hiểu gì khi tôi cầm micro nói vài lời. Còn người lớn thì nhận quà thong thả hơn. Ở đây, cha xứ và cha phó mong muốn giáo dân đi đến nhà thờ phải ăn mặc tươm tất gọn gàng, sạch đẹp càng tốt. Thế nên quang cảnh sáng Chúa Nhật ở đây sáng sủa, vui tươi....nhưng khi đến thăm bệnh nhân tại nhà chúng tôi mới thấy dù mặc đẹp, nhà ở của nhiều người giáo dân rất tuềnh toàng.

Sau khi ăn sáng, chúng tôi đi sâu vào làng để thăm những bệnh nhân được quí ông trùm giới thiệu. Này là chị suy thận, kia là ông đau tim, một số người bị tai biến. Phải sẻ chia như thế nào đây đối với các bệnh nhân có những căn bệnh “dành cho nhà giàu” như thế? Thôi thì đến thăm là quí và họ cũng rất vui khi được an ủi phần nào.

Nhà cửa bằng gỗ, chẳng theo một khuôn mẫu nào hết. Có đi vào con đường làng dốc lên dốc xuống mới thấy thót cả tim; dẫu vậy cứ cố gắng đi. Bất ngờ, chúng tôi còn gặp hai cháu bé, đi lễ về đã phải ngồi phụ mẹ, cho đất vào bao nilon để ươm cây cà phê. Dân làng sống bằng việc trồng cà phê. Nải chuối ở đây thì to gấp đôi những nơi khác. Còn rau quả thì rất “sạch” không bị phun thuốc gì hết. Nơi này, cả một xã dân cư mà không có chợ búa gì cả, chỉ có hai tiệm tạp hóa ở đầu làng, bán đủ thứ “trên đời”, từ bánh kẹo đến cá rau... Đặc biệt, nhà dân nơi này có nuôi chó nhưng không phải để bán, để ăn mà xem chúng như là “người bạn sống cùng”, thậm chí đi rừng làm cà phê chó cũng đi theo. Mời các bạn trẻ hay các đoàn từ thiện, thích cảnh núi rừng và thương người dân tộc thật thà thì đến đây thăm cảnh và sẻ chia.

Chúng tôi chào quí cha khi cha xứ đang đi ủng, có người đến chở bằng xe gắn máy, chuẩn bị vào một giáo điểm sâu hơn nữa trong rừng, cách đó 15 km, có mấy chục gia đình giáo dân với ngôi nhà nguyện nhỏ bằng gỗ mới cất. Cha vào đó khoảng hai hay ba ngày thì về. Cha nói: “Thôi về bình an nhé! Có dịp cứ lên đây, xin mời!”. Thế mới biết “cụ già 80” cứ kiên trì truyền giáo nơi rừng sâu heo hút thì quí biết bao!

Chúng tôi lại chào cha phó, tạm biệt làng dân tộc để đi trên con đường quanh co trở ra TP Đà Lạt. Buổi chiều, dạo quanh phố chợ, thấy lòng xốn xang khó chịu: chẳng hiểu đất trời trao quyền hành cho ai mà mấy chục năm qua (từ khi tôi bắt đầu đi dạy học cho đến nay nghỉ hưu đã chín năm) mà phố chợ ở đây ngày càng nhếch nhác, di dân ngày càng đông trong trạng thái vật vã kiếm sống, rác và mùi hôi của nước ứ đọng...chỉ có một số con đường rộng đẹp, sạch sẽ quanh khu nhà thờ Con Gà, bên mấy khách sạn năm sao.

Về đến Sài Gòn, chúng tôi mang theo ít quà đặc sản và một chút tâm tư. Cố mở máy điều hòa ở nhiệt độ thấp cho...giống Đà Lạt, nhưng sao thấy cái lạnh giả tạo quá. Người dân tộc nghèo ở vùng rừng sâu cao nguyên được thiên nhiên ưu đãi bầu khí trong trẻo mát lạnh, nhưng nếu thiếu dinh dưỡng và lao động quá sức thì cái lạnh có khi trở thành nguyên nhân gây bệnh, mà “xén đi” phần tuổi thọ cao thường có ở những người sống nơi vùng cao. Và có lẽ, chỉ có yêu thương chan hòa mới làm cho người ta ấm lại và “bầu khí trong lành” của tình người sẽ xua đi cái ác vốn tiềm ẩn và đang trỗi dậy trong đời sống xã hội phức tạp.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Linh mục bỏ cử hành Thánh lễ của ngày thứ bảy được không?
Nguyễn Trọng Đa
10:29 02/04/2019
Giải đáp phụng vụ: Linh mục bỏ cử hành Thánh lễ của ngày thứ bảy được không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi Trong khu vực của chúng con, chúng con chỉ có một nhà thờ và hai linh mục để cử hành Thánh lễ. Một trong hai vị phải đi nơi khác để cử hành Thánh lễ vào thứ bảy, còn vị kia ở lại để cử hành Thánh lễ cho giáo xứ địa phương vào các ngày này. Bây giờ, gần đây, cha xứ quyết định luôn luôn cử hành Thánh lễ Chúa Nhật vào chiều tối thứ bảy, nghĩa là thay vì có Thánh Lễ của thứ bảy, nay không có Thánh Lễ của thứ bảy vào thứ bảy nữa. Liệu điều này là hợp lệ không, thưa cha? Giáo luật nói gì về việc này? Điều đó có được phép không? Giáo xứ của chúng con là không quá lớn để có ba Thánh lễ Chúa Nhật liên tiếp. Bên cạnh đó, con hiểu rằng nên có một Thánh lễ Chúa Nhật vào chiều tối thứ bảy và có Thánh Lễ của thứ bảy vào buổi sáng thứ bảy, nhưng cha xứ nói rằng không hề có bất kỳ Thánh Lễ của thứ bảy nào nữa. Đúng vậy không? - N. G., Samara, Nga.


Đáp: Tôi hy vọng bạn đọc này sẽ hiểu nếu tôi không đoán được lý do đằng sau quyết định của cha xứ, vì tôi không có cách nào để biết tình hình cụ thể ở đó. Tôi sẽ tuân theo các khả năng được cung cấp bởi luật phụng vụ tổng quát và giáo luật mà thôi.

Về số lượng thánh lễ mà một linh mục có thể cử hành, giáo luật nói:

“Ðiều 905 §1. Ngoại trừ những trường hợp giáo luật cho phép cử hành hay đồng tế Thánh Lễ nhiều lần trong một ngày, tư tế chỉ được quyền dâng lễ mỗi ngày một lần.

§2. Nếu thiếu tư tế, Bản Quyền sở tại có thể cho phép các tư tế, khi có lý do chính đáng, được làm hai lễ mỗi ngày; hơn nữa, khi nhu cầu mục vụ đòi hỏi, làm ba lễ các ngày Chúa Nhật và lễ buộc” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Do đó, khi chỉ có một linh mục, việc đó có thể giới hạn số lượng Thánh lễ được cử hành trong giáo xứ.

Điều này có thể gây ra một vấn đề vào thứ bảy. Bất cứ khi nào, như trường hợp thông thường, các tín hữu nào tham dự Thánh lễ vào tối thứ bảy là làm trọn bổn phận dự lễ Chúa Nhật của mình. Trong trường hợp như vậy, linh mục nhất thiết phải cử hành phụng vụ Chúa Nhật.

Ở một số quốc gia, chẳng hạn như Tây Ban Nha và Ý, các Giám mục đã quy định rằng tất cả các Thánh lễ vào chiều tối thứ bảy phải sử dụng phụng vụ Chúa Nhật. Nhiều giáo phận riêng biệt có các quy định tương tự.

Tại Tây Ban Nha, nơi mà phụng vụ Chúa Nhật phải được cử hành sau 12 giờ trưa, một số tu viện của nữ tu thường cử hành thánh lễ hàng ngày vào buổi tối, nên họ phải cử hành Thánh lễ của thứ bảy vào buổi sáng thứ bảy.

Nếu chỉ có một Thánh lễ mà thôi, thì điều đó có nghĩa là việc cử hành Thánh lễ của thứ bảy được bỏ qua, trừ khi nó trùng với một ngày lễ đặc biệt, chẳng hạn lễ trọng.

Trong nhiều trường hợp, vấn đề không xuất hiện vì hầu hết các linh mục sẽ cử hành hai Thánh lễ vào Thứ Bảy: một vào buổi sáng và một vào buổi tối. Nhu cầu đáp ứng nhu cầu tâm linh của các người thường xuyên tham dự Thánh lễ hàng ngày sẽ là một sự biện minh mục vụ đầy đủ để cử hành hai Thánh lễ.

Tuy nhiên, có nhiều thay đổi, và tình hình mục vụ không phải lúc nào cũng là rõ ràng như vậy. Thí dụ, và không là quá mức, một số tình huống sau đây có thể dễ dàng ảnh hưởng đến quyết định của cha xứ:

- Thánh lễ hàng ngày trong giáo xứ luôn là Thánh lễ buổi tối, vì hoàn cảnh là ít người có thể tham dự Thánh lễ vào buổi sáng.

- Lễ cưới thường được cử hành vào thứ bảy, và do đó, linh mục sẽ phải cử hành hai Thánh lễ, nhưng không thể cử hành ba Thánh lễ.

- Linh mục có các công việc mục vụ khác, vốn cản trở ngài có thể cử hành Thánh lễ vào sáng thứ bảy.

Bạn đọc của chúng ta nên hỏi cha xứ lý do nằm đàng sau quyết định của ngài, và hỏi xem liệu một trong các linh mục có thể cử hành Thánh lễ thứ hai nữa không.

Tuy nhiên, nếu cha xứ xác định rằng đây là giải pháp hợp lý duy nhất, thì nó phải được chấp nhận như vậy.

Việc không cử hành phụng vụ Thứ Bảy có lẽ có nghĩa là giáo xứ sẽ bỏ qua việc mừng lễ một số thánh rất quý mến, và không thể duy trì một số truyền thống tốt, chẳng hạn làm việc kính Đức Mẹ vào ngày thứ bảy.

Biết được như vậy, có khả năng rằng chính cha xứ đã đưa ra một quyết định khó khăn, và chắc ngài là người hối tiếc nhất khi phải từ bỏ việc cử hành Thánh lễ của Thứ Bảy, vì lợi ích chung của các tín hữu. (Zenit.org 2-4-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/dropping-saturdays-mass/