Ngày 03-04-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lòng Chúa thương xót
Lm. Vinh Sơn
08:49 03/04/2016
Chúa Nhật II Phục Sinh C

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Ga 20,19-31

“Thiên Chúa nhớ lại Lòng Thương Xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1, 55). Chúa Giêsu khẳng định với chị thánh Faustina: “Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn tội lỗi của con và cua cả nhân loại”.

Lòng thương xót Chúa đươc Giáo Hội tôn kính vào Chúa Nhật II Phục Sinh - Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, vào năm Thánh 2000 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chính thức tuyên bố. Chính Chúa Giêsu đã tỏ ra cho thánh nữ Faustina qua chị cho cả nhân loại về kho tàng tình yêu của Ngài luôn được ban phát và nhất là Ngày Chúa Nhật trong tuần Bát nhật Phục sinh: “ Ngày đó các cửa đập Lòng Thương Xót sẽ trào tuôn ân sủng vì được mở ra. Không một linh hồn nào phải sợ sệt khi đến gần Ta, dù tội lỗi của họ đỏ như máu. Lòng Thương Xót của Ta bao la đến nổi không một trí khôn loài người hay Thiên Thần nào có thể ước lượng hay dò thấu cho đến muôn đời. Mọi vật hiện hữu đều phát xuất từ vực thẳm Lòng Thương Xót tha thiết nhất của Ta. Hết thảy các linh hồn trong quan hệ với Ta sẽ được chiêm ngưỡng Tình Yêu và Lòng Thương Xót Ta suốt cuộc đời. Lễ tôn kính Lòng thương Xót bắt nguồn từ sâu thẳm lòng thiết ái của Ta”.

Lòng Chúa thương xót được nhắc đến nhiều bản văn trong Tin Mừng, đăc biệt Tin Mừng Gioan 20,19-31: Tình yêu và lòng thương xót của Đấng Phục sinh tuôn trào trên các tông đồ và qua các Ngài tiếp tục trên nhân loại .

Trong nhà Tiệc ly các tông đồ đóng kín vì sợ hãi (x. Ga 20, 19): Thầy vừa bị chịu án tử trên thập giá, tinh thần còn đang hoang mang thì các phụ nữ trong nhóm khi đi viếng mộ về đã loan tin “giật gân”: họ thấy “mộ trống” (Ga 20, 1-2) và thấy Thầy sống lại (x. Ga 20, 18)… Sự sợ hãi càng tăng bội phần khi nghe dân Do thái đang lưu truyền nhau “xác ông Giêsu bị các môn đệ ông ấy lấy cắp rồi phao tin Thầy của họ đã sống lại”, tin này do các người lính canh mồ Chúa bị các thầy tư tế mua chuộc tung ra (x. Mt 28, 11-15), vì thế các ông luôn sống trong hoang mang, sợ hãi và một số đã bỏ về quê như hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24, 13-23).

Đấng Phục sinh đã hiện diện giữa các môn đệ, các ông còn hoảng hốt hơn vì tưởng là ma (x. Lc 24, 36), Ngài đã đưa các vết thương cho các ông xem, chính vết thương đã làm nỗi niềm sợ hãi trở nên vui mừng và hy vọng (x. Ga 20, 21 ; Lc 24, 39-40). Hơn nữa tất cả mọi vết thương của các tông đồ và của nhân gian , dù là thể lý hay tâm linh đều được Con Thiên Chúa mang lấy hầu họ được chữa lành như Thánh Phêrô đã chia sẻ : “Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành” (1P, 2 24b)

Niềm sợ hãi và mỗi vết thương của nhân gian, mọi nỗi đau của cuộc sống nhân sinh kể từ nay có Đấng Phục sinh cưu mang, qua Ngài, Thiên Chúa cùng ôm trọn vết thương của chúng ta trong chính thân thể Con Ngài- đã mang, Ngài đã chết và cả khi sống lại.

Giữa nổi sợ hãi, gặp Chúa Phục Sinh, Ngài ban bình an cho các ông : « bình an cho các con » (Ga 20, 20) như Chúa Giêsu đã hứa hẹn với chúng ta: "Ta ban bình an cho các con. Ta ban thứ bình an mà thế giới không thể ban tặng cho các con" (Ga 14, 27). Bình an phục sinh chiến thắng sợ hãi, sự chết

Ngài thổi Thần Khí vào các ông(x Ga 20, 22). Thổi thần khí vào các ông như xưa kia Thiên Chúa đã thổi Thần khí tạo sự sống cho Vũ Trụ và cụ thể cho con người có hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1, 3 ; 2, 6). Đấng Phục sinh ban Thần Khí vào công trình sáng tạo người mới được tạo thành từ Phục sinh của Ngài trong sự sống mới như Thánh Phaolô đã nói : « Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8, 11). Sự bình an và Thần khí tạo sức sống mới, sức sống chữa lành niềm tin cho các môn đệ

Không có trong nhà Tiệc Ly lúc Chúa Phục sinh hiện ra. Tôma vẫn sợ hãi vì trước những biến cố vừa xảy ra: Thầy bị án, bị giết chết.. niềm tin của Tôma vào Thầy bị sụp đổ, vì Ngài đã chết và mọi sự liên quan đến Thầy đã chấm dứt. Chúa Kitô Phục sinh lại có mặt giữa lòng tin bị thử thách của Tôma, Ngài mời ông chạm đến các thương tích của Ngài và đừng cứng lòng tin. Tâm hồn chai đá được phục sinh, khiến sợ hãi được thay thế bằng bình an, bao nhiêu vết thương được chữa lành. Trong ánh sáng Phục sinh cùng Thần Khí ông thốt lên với niềm tin : “Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” (Ga 20, 28).

Trong tạp chí Guidepots, bác sĩ Scott Harrison, một chuyên viên phẫu thuật bàn tay có viết rằng: lần nào giải phẫu ông cũng đều kêu lên vào một lúc nào đó: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”. Ông có thói quen lạ lùng nầy từ hồi ông còn ở Việt Nam. Một đêm nọ, vừa mới rời trường Y, ông được kêu đi gắp một viên đạn bị kẹt trong tay một người lính. Đã vậy, ông còn phải giải phẫu dưới ánh sáng của ngọn đèn pin. Cuộc giải phẫu ấy khiến ông cảm xúc sâu xa đến nỗi sau khi cuộc chiến kết thúc, ông đã quyết định đi chuyên ngành giải phẫu bàn tay. Nhờ đi sâu vào lãnh vực chuyên môn nầy, ông đã thẩm định được cách sâu sắc cơn đau khủng khiếp do một vật gây ra, chẳng hạn như một viên đạn, khi vật ấy xuyên thủng lớp xương, lớp gân và những sợi dây thần kinh nơi bàn tay con người. Nhà phẫu thuật ấy kể rằng ông thường giật thót người mỗi lần nghĩ đến cơn đau kinh khiếp Chúa Giêsu phải chịu khi đôi tay Ngài bị đóng đinh vào thập giá.

Khi chia sẻ bài Tin Mừng hôm nay, ông nói rằng theo ông, tiếng kêu “lạy Chúa là Thiên Chúa của con” của Thánh Tôma không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin, mà còn là tiếng kêu đầy rung động khi vị tông đồ nhìn thấy dấu vết của đôi bàn tay bị xé toạc ra của Chúa Giêsu. Chỉ đến lúc đó, Tôma mới hoàn toàn nhận thức được cơn đau đớn Chúa Giêsu đã phải chịu trên thập giá. Theo nhận định của nhà phẫu thuật, khám phá nầy hầu như vượt quá mức chịu đựng của Tôma. Và ông đã kết thúc bản văn đầy cảm động đó với lời chứng sau đây: “Mỗi lần giải phẫu mà nhìn phía dưới làn da của bàn tay con người, tôi luôn nhớ tới Chúa Kitô đã hy sinh đôi tay toàn hảo của Ngài cho tôi, và cũng như Tôma, tôi thốt lên: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con”.

Khi ngắm nhìn bàn tay bị đâm thâu như Tôma, xin cho chúng ta cảm nghiệm tình yêu và lòng thương xót Chua dành cho chúng ta như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cảm nghiệm: « Tông đồ Tôma đã công nhận Chúa Giêsu là “Đức Chúa và là Thiên Chúa” khi ngài đặt tay mình vào trong vết thương cạnh sườn Người. Thật không lạ gì, nhiều vị thánh đã gặp trong tim của Chúa Giêsu sự diễn đạt sâu xa nhất của mầu nhiện tình yêu này »

Các môn đệ và nhất là Tông Đồ Tôma là hình ảnh của chúng ta trong những thử thách, yếu tin,: trước những đau khổ và sự dữ, lòng sợ hãi luôn ngự trị, lòng tin bị lung lay và trở nên chai cứng. Đức Kitô Phục sinh, Đấng đã mặc lấy những đau khổ và thương tích của con người, và đã tỏ ra tình yêu và lòng thương xót qua các thương tích, chính các thương tích đụng chạm và chữa lành mọi yếu đuối thương tích của chúng ta.

Thật thế, như Đấng Phục sinh phán với chị Thánh Faustina:

“Trong ngày lễ “tình thương xót”, lòng thẳm sâu của Tình Ta nhân từ xót thương mở ra. Ta tuôn đổ cả một đại dương ơn phúc cho những tâm hồn nào đến múc nguồn thương xót của Ta…”

Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 02/04/2016.

 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:31 03/04/2016
23. TRANG ĐIỂM MỘT NỬA.
Một con mắt của Lương Nguyên đế đã bị mù, ông ta rất sủng ái Từ Cơ, nhưng Từ Cơ lại rất chán ông ta, từ chán ghét đến oán hận Nguyên đế.
Mỗi lần Nguyên đế cho triệu vào thì bà ta chỉ trang điểm một nửa khuôn mặt mà thôi, ý là vì Nguyên đế chỉ còn một con mắt nên nhìn không thấy toàn bộ khuôn mặt của bà ta, để làm nhục Nguyên đế, về sau bà ta bị Nguyên đế phát giác và lập tức chém đầu bà ta.
(Độc dị chí)

Suy tư 23:
Yêu và hận là hai thái cực không bao giờ cùng song song tồn tại trên sự chân thật, nhưng chúng nó có thể làm cho con người ta trở thành thiên thần hay thành quỷ dử.
Tình yêu thì không phân biệt tuổi tác, khuyết tật hay đẹp xấu, nhưng nó cần phân biệt rõ ràng sự chung thủy và thành thật. Một công chúa có thể yêu một anh nghèo khổ, một chàng trai nhiều tài có thể yêu một cô gái xấu xí, hay một người ngoại quốc yêu một người không cùng dân tộc.v.v...tất cả đều có thể xảy ra trên thế gian này. Nhưng dù anh nghèo hay anh giàu, cô đẹp hay cô xấu, thì anh và chị cũng luôn đòi hỏi một tình yêu chung thủy và thành thật.
Từ Cơ đã nhục mạ vị quân vương chột mắt không phải vì ông ta xấu xí, nhưng là nhục mạ tình yêu chân thành của ông ta, cho nên bị chém đầu. Bà ta đùa giỡn với một tình yêu chân thành.
Đức Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu chung thủy và chân thật, chung thủy là vì dù cho chúng ta thờ ơ, coi nhẹ tình yêu của Ngài, thì Ngài vẫn cứ yêu thương chúng ta; chân thật là Ngài đã yêu đến cùng, và đã chết nhục nhã trên thánh giá để cứu chuộc chúng ta.
Cũng như Từ Cơ đã chết vì làm nhục một tình yêu chân thật, tôi cũng sẽ bị chết đời đời nếu tôi làm nhục tình yêu của Đấng chí thánh đã dành cho tôi: một tình yêu đem lại sự sống đời đời cho những ai vui lòng đón nhận nó.
Không một vị thánh nào vào thiên đàng mà chỉ trang điểm có một nửa cho linh hồn, nhưng trang điểm toàn diện, nghĩa là yêu Chúa hết linh hồn hết trí khôn và trên hết mọi sự.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng Chúa Nhật Thương Xót của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
20:29 03/04/2016
Mọi ốm yếu của ta đều tìm được sự chữa lành nơi lòng thương xót của Thiên Chúa.

“Chúa Giêsu làm nhiều dấu lạ khác trước mặt các môn đệ, nhưng không được ghi lại trong sách này” (Ga 20:30). Tin Mừng là sách nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, để được đọc đi đọc lại, vì mọi sự Chúa Giêsu nói và làm đều nói lên lòng thương xót của Chúa Cha. Tuy nhiên, không phải mọi sự đều đã được ghi lại; Tin Mừng của lòng thương xót vẫn còn là một cuốn sách bỏ ngỏ, trong đó, các dấu lạ của các môn đệ Chúa Giêsu, tức các hành vi yêu thương cụ thể và các chứng tá tốt đẹp nhất của lòng thương xót, tiếp tục được ghi chép. Tất cả chúng ta đều được mời gọi trở nên những người sống động viết lên Tin Mừng, những người loan báo Tin Mừng cho mọi người nam nữ thời nay. Chúng ta làm việc này bằng cách thực hành các việc thương xót phần hồn và phần xác, vốn là các tiêu điểm của đời sống Kitô hữu. Nhờ các cử chỉ đơn sơ nhưng mạnh mẽ này, dù không được ai trông thấy, ta có thể đồng hành với người thiếu thốn, mang tới cho họ tình âu yếm và sự an ủi của Thiên Chúa. Và như thế là tiếp tục công việc lớn lao của Chúa Giêsu vào ngày Phục Sinh, khi Người tuôn đổ lòng thương xót của Chúa Cha vào tâm hồn các môn đệ đang run sợ của Người, đem đến cho họ Chúa Thánh Thần, Đấng tha thứ tội lỗi và ban phát niềm vui.

Đồng thời, câu truyện chúng ta vừa nghe trình bầy với chúng ta một tương phản rõ rệt: có sự sợ hãi nơi các môn đệ; các ngài tụ họp đàng sau những chiếc cửa kín mít; và rồi có việc sai đi của Chúa Giêsu, Đấng sai các ngài lên đường vào thế giới để công bố sứ điệp tha thứ. Sự tương phản này có thể cũng đang có nơi chúng ta, được cảm nhận như là một cuộc tranh đấu bên trong giữa một tâm hồn khép kín và lời mời gọi yêu thương phải mở toang các cánh cửa vốn bị tội lỗi khép kín. Đây là lời mời gọi sẽ giải thoát chúng ta để chúng ta ra khỏi con người của chúng ta. Chúa Kitô, Đấng vì yêu thương, đã bước qua nhiều chiếc cửa vốn bị ngăn chặn bởi tội lỗi, cái chết và quyền lực hỏa ngục, muốn đi vào mỗi người chúng ta để mở toang những cánh cửa khép kín của lòng ta. Chúa Giêsu, Đấng nhờ sự phục sinh của Người, đã chiến thắng sợ sệt và kinh hãi vốn giam hãm chúng ta, muốn phá tung mọi cánh cửa khép kín của ta và sai ta ra đi. Con đường mà Thầy Phục Sinh chỉ cho ta là con đường một chiều, nó chỉ có một hướng: nghĩa là ta phải tiến về phía trước, quá chúng ta, để làm chứng cho sức mạnh chữa lành của tình yêu đã chiếm được chúng ta.Ta thấy phía trước ta một nhân loại hay bị thương tích và sợ hãi, một nhân loại đang mang nhiều vết thẹo đau đớn và bất trắc. Trước tiếng kêu thổn thức muốn được thương xót và bình an, chúng ta nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi đầy cảm hứng: “Như Chúa Cha đã sai Thầy thế nào, Thầy cũng sai các con như vậy” (Ga 20:21).

Mọi ốm yếu của ta đều tìm được sự chữa lành nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Thực thế, lòng thương xót của Người không giữ khoảng cách nào: lòng thương xót này luôn tìm cách gặp gỡ mọi hình thức nghèo khó và giải phóng thế giới này khỏi quá nhiều thứ nô dịch. Lòng thương xót muốn đụng tới các vết thương của mọi người, để chữa lành chúng. Làm tông đồ của lòng thương xót nghĩa là đụng tới và xoa dịu các vết thương hiện đang làm đau đớn các thân xác và linh hồn của nhiều người trong các anh chị em của chúng ta. Chữa lành các vết thương này là chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu, chúng ta làm cho Người hiện diện và sống động; chúng ta giúp những người khác, những người đụng tới lòng thương xót của Người bằng đôi tay của mình, nhìn nhận Người là “Chúa Tể và là Thiên Chúa” (Ga 20:28), như thánh tông đồ Tôma xưa. Đây là sứ mệnh Người trao cho chúng ta. Rất nhiều người đang yêu cầu được lắng nghe và hiểu biết. Tin Mừng của lòng thương xót, cần được công bố và viết ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, luôn đi tìm con người với những trái tim kiên nhẫn và rộng mở, “những người Samaria nhân hậu” biết cảm thương và im lặng trước mầu nhiệm của mỗi anh chị em. Tin Mừng của lòng thương xót đòi phải có những người phục vụ đại lượng và vui tươi, những người yêu thương tự do không chờ mong được đền đáp bất cứ điều gì.

“Bình an cho các con!” (Ga 20:21) là lời Chúa Giêsu chào các môn đệ của Người; cũng một bình an này đang chờ đợi mọi người nam nữ thời nay. Đây không phải là thứ bình an do thương thuyết mà có, nó không phải là việc không có tranh chấp: nó là bình an của Người, bình an phát xuất từ trái tim của Chúa Phục Sinh, bình an đã đánh bại tội lỗi, sợ sệt và chết chóc. Nó là thứ bình an không chia rẽ mà hợp nhất; nó là thứ bình an không bỏ rơi chúng ta nhưng làm cho chúng ta cảm thấy được lắng nghe và được yêu thương; nó là thứ bình an trì chí ngay trong đớn đau và giúp hy vọng đâm bông. Thứ bình an này, giống như vào ngày Phục Sinh, được sinh ra như mới do sự tha thứ của Thiên Chúa, vốn làm cõi lòng xao xuyến của chúng ta được thanh thản. Được trở thành người mang bình an của Người, đó là sứ mệnh được ủy thác cho Giáo Hội vào ngày Phục Sinh. Trong Chúa Kitô, chúng ta sinh ra để trở thành các khí cụ hòa giải, đem sự tha thứ của Chúa Cha đến cho mọi người, biểu lộ khuôn mặt yêu thương của Người bằng các cử chỉ thương xót cụ thể.

Trong Thánh Vịnh đáp ca, chúng ta nghe thấy những lời này: “Tình yêu của Người bền vững thiên thu” (Tv 117/118: 2). Thực vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa kéo dài muôn thuở: nó không bao giờ chấm dứt, nó không bao giờ thoái lui khi đối diện với những tâm hồn khép kín, và nó không bao giờ mệt mỏi. Trong cái muôn thuở này, chúng ta tìm được sức mạnh trong những lúc thử thách và yếu đuối vì chúng ta biết chắc chắn: Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Người ở với chúng ta muôn thuở. Chúng ta hãy cảm tạ Người vì một tình yêu lớn lao đến thế, một tình yêu chúng ta không tài nào hiểu thấu; Nó bao la xiết bao! Chúng ta hãy cầu xin để được ơn không bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc kín múc giếng thương xót của Chúa Cha và đem nó đến cho thế giới. Chúng ta hãy cầu xin để cả chúng ta cũng trở nên những người có lòng thương xót, biết truyền bá sức mạnh của Tin Mừng ra khắp nơi, và viết các trang Tin Mừng mà Thánh Tông Đồ Gioan chưa viết hết.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa - Tuần chầu lượt Đền Thánh Bác Trạch 2016
Chín Kiếm / Phạm Thiền
09:41 03/04/2016
Đại lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa - Tuần chầu lượt Đền Thánh Bác Trạch 2016

Như đã đưa tin, ngày 13 tháng 3 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố mở một "Năm Thánh đặc biệt" gọi là "Năm Thánh Lòng Thương Xót". Năm Thánh Lòng Thương Xót được bắt đầu với việc mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phê-rô vào ngày 08 tháng 12 năm 2015 - Đại Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội.

Xem Hình

Theo truyền thống Công Giáo từ thế kỉ XIII đã ấn định, mỗi thế kỉ có một Năm Thánh. Tuy nhiên, từ năm 1475, để giúp mỗi thế hệ đều được hưởng ơn phúc Năm Thánh vì vậy Năm Thánh được cử hành 25 năm hoặc 50 năm một lần. Năm Thánh cuối cùng gần đây nhất là năm 2000 thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Năm Thánh ngoại thường lần cuối là năm 1983 để kỉ niệm 1950 năm biến cố Tử nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu.

Vì vậy, Năm Thánh 2016 là Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót được thiết lập bởi Đức Thánh Cha Phanxicô để toàn thể Giáo Hội chiêm ngắm Tình Thương Thiên Chúa mà phản ảnh hiển nhiên hơn Thiên Chúa Tình Thương.

Cũng theo đó, ngày 20 tháng 12 năm 2015, Đức Cha Phêrô Giám mục Giáo phận Thái Bình đã long trọng cử hành nghi thức mở Cửa Thánh tại Đền Thánh Lòng Thương Xót Bác Trạch. Hơn ba tháng từ ngày mở Cửa Thánh, Đền Thánh Bác Trạch đã đón hàng trăm đoàn hành hương từ khắp nơi về chiêm ngắm, hầu kín múc suối nguồn Hồng ân Lòng Thương Xót của Đấng Kitô.

Ngày Đại lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót vào Chúa Nhật II Phục Sinh được Đức Giám Mục Giáo phận ấn định cùng là ngày chầu lượt của Giáo xứ Đền Thánh. Đây thực sự là ngày Đại lễ của Giáo xứ. Ngay từ Lễ Phục Sinh, những người con Bác Trạch xa xứ từ khắp mọi miền đất nước: từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Xoài, Rạch Giá, đến Quảng Bình, Vinh…rồi Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội…khắp mọi nơi, đã là con cháu Bác Trạch đều gác lại công việc làm ăn, kinh doanh, trở về nguồn cội, để được chung hưởng niềm vui Hồng ân, cũng là để cùng mọi người thể hiện Tình yêu và Hy sinh cho Quê hương.

Có lẽ ít có nơi nào (kể cả trong hay ngoài Giáo phận) có được ngôi Thánh đường mang dáng vẻ đặc biệt, uy nghi, tráng lệ như Đền Thánh Bác Trạch. Vẻ đẹp của kiến trúc và sự tinh xảo trong một không gian huy hoàng khiến mỗi người dù tới đây bao lần cũng vẫn còn y nguyên cảm xúc như lần đầu được đặt chân tới Đền thiêng. Phải chăng, chính suối nguồn Lòng Thương Xót vô biên của Chúa đã tuôn đổ trên mảnh đất nơi đây từ bao đời nay và Ngôi Thánh đường đồ sộ này chính là "phản ảnh hiển nhiên của Thiên Chúa Tình Thương" ?

Hôm nay, ngày 03 tháng 4 năm 2016, Chúa Nhật II Phục Sinh, tại Đền Thánh diễn ra Thánh lễ trọng thể kính Lòng Chúa Thương Xót cũng là Thánh lễ Chính tiệc tuần Chầu lượt Giáo xứ.

Đúng 8 giờ 30 phút, Kiệu Lòng Chúa Thương Xót được khởi đi từ Linh đài Đức Mẹ La Vang trong âm vang của tiếng cồng chiêng và các Ban kim nhạc Giáo xứ.

Thánh lễ được diễn ra trong bầu khí linh thiêng, trang trọng và sốt sáng, do Đức Cha Phêrô, Giám mục giáo phận chủ sự. Đồng tế với Đức Cha có cha Tổng đại diện Giáo phận Fr.Ass, quý Đức Ông, quý cha Hạt trưởng, quý cha khách và đông đảo quý cha trong toàn giáo phận: cùng với sự hiệp thông của chừng hai mươi ngàn quý tu sĩ nam nữ và tín hữu, trong đó có nhiều mảnh đời kém may mắn.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Giám Mục Giáo phận ngỏ lời chúc cộng đoàn được tràn đầy ân sủng Chúa Phục Sinh và tình thương của Chúa Ki-tô trong ngày Đại lễ Kính Lòng Chúa Thương xót.

Đức Giám Mục cũng mời gọi cộng đoàn Hãy trở nên nhân chứng và ra đi để làm nhân chứng về Lòng Chúa Xót Thương. Đừng tuyệt vọng, đừng đánh mất niềm tin cho dù ai đó đang gặp đau khổ, bệnh tật về thể xác hay tinh thần. Với những người được may mắn, lành lặn, hãy biến đức tin thành hành động, vì chúng ta không chỉ chiêm ngắm dung nhan Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta không chỉ cầu nguyện, nhưng chúng ta hãy làm, hãy có những hành vi dù là nhỏ nhất để tỏ lộ Tình thương của Chúa trong tình liên đới với tha nhân.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phê-rô chia sẻ nhiều khía cạnh về Lòng Chúa Thương Xót, nhưng sứ điệp cao cả của ngày Đại lễ đã khiến hàng ngàn tín hữu rung động tận trong sâu thẳm cõi lòng. Đức Giám Mục chia sẻ tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Năm Thánh là phải “mở toang cửa mồ”, mở toang cánh cửa đang đóng kín cõi lòng u tối trong tâm hồn của mỗi chúng ta; để đón Chúa vào thanh tẩy và làm sach những tội lỗi; những thói ích kỉ, vô ơn, vô cảm trước nỗi đau tha nhân. Ngài đặc biệt mời gọi cộng đoàn “Hãy khởi đầu tình yêu thương từ con số 0”. Điều này đã khiến cả cộng đoàn phải sững sờ trong những nghĩ suy. Thật vậy, bởi ai trong chúng ta đã từng nghĩ rằng chúng ta thường làm những việc lỗi đức công bằng nhiều hơn là những việc bác ái? Vậy Khởi đầu của Tình Thương, của bác ái, hãy bắt đầu bằng: Không nói hành, nói xấu, không làm hại, không vùi dập người khác… thì quý giá hơn nhiều chút tiền bạc mà chúng ta coi là đang làm từ thiện.

Cuối bài giảng, Đức Cha chủ tế một lần nữa mời gọi cộng đoàn hãy ra khỏi nấm mồ để được cùng sống lại, cùng Phục Sinh với Chúa Kitô.

Kết thúc Thánh lễ, Thay mặt cho Giáo xứ, Đức ông Tôma đã trân trọng cám ơn Đức Cha, quý cha cùng toàn thể cộng đoàn đã về hiệp dâng Thánh lễ trong tinh thần hiệp thông.

“Phúc cho những ai có lòng thương xót sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt.5.7)

Lạy Chúa Giêsu,

nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót,

xin ban cho chúng con những ơn chúng con đang cầu xin.

Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha

và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

Bài Chín Kiếm/Ảnh Phạm Thiềm - BTTGP
 
Giáo phận Vĩnh Long : Đại lễ kính Lòng Thương Xót Chúa
Người La Mã
09:53 03/04/2016
GIÁO PHẬN VĨNH LONG: ĐẠI LỄ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Hôm nay, Chúa Nhật II PS – Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, nhiều giáo phận trong cả nước tổ chức Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót một cách long trọng. Những giáo phận lớn như Sài Gòn và Thái Bình có trực tuyến Thánh Lễ đại trào kính Lòng Thương Xót Chúa này.

Xem Hình

Giáo phận nhỏ bé Vĩnh Long cũng tổ chức Đại Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót và Thánh Lễ cũng được cử hành tại một giáo xứ nhỏ bé của giáo phận mang tên Long Mỹ.

Từ sáng sớm, nhiều đoàn con cái Chúa đến từ nhiều nơi trong giáo phận. Có những đoàn ở gần nhưng cũng có những đoàn đến từ Trà Vinh, Sa Đéc, Bến Tre … và cả tận từ Sài Gòn nữa. Có thể nói nhiệt tâm nhất đó chính là sự hiện diện của ca đoàn Mai Tâm – một ca đoàn chuyên phục vụ những nơi có nhu cầu với cung cách phục vụ bằng cả tấm lòng. Mai Tâm – ngoài việc dâng lời ca tiếng hát còn chia sẻ chút chút gì đó cho những nơi, những mảnh đời bất hạnh.

9 giờ, chương trình sinh hoạt của ngày đại lễ hôm nay được bắt đầu.

Thánh Lễ đại trào được cử hành lúc 10 giờ. Chủ sự Thánh Lễ hôm nay là Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai – giám mục Giáo Phận Vĩnh Long. Cùng đồng tế với Đức Cha Phêrô có khoảng 40 linh mục đến từ các giáo xứ trong giáo phận và có cả linh mục đến từ giáo phận Mỹ Tho và cả Sài Gòn nữa.

Đặc biệt trong Thánh Lễ này có nghi thức làm phép Hội Trường Lòng Chúa Thương Xót của giáo xứ Long Mỹ cũng như Đức Giám Mục ban bí tích thêm sức cho 20 thụ nhân.

Thánh Lễ kéo dài 2 tiếng trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng.

Sau Lễ, cộng đoàn cùng dung chung bữa cơm thân mật do giáo xứ khoản đãi.

Nghỉ giải lao một lát, cộng đoàn cùng bước vào chương trình sinh hoạt của buổi chiều và kết thúc bằng giờ Chầu Thánh Thể hết sức trang nghiêm và sốt sang.
 
Nhóm Lòng Chúa Thương xót Phủ Cam Huế hành hương Năm Thánh và mừng bổn mạng
Trương Trí
10:17 03/04/2016
LỄ KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT NHÓM LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT GIÁO PHẬN HUẾ MỪNG BỔN MẠNG

Hôm nay, Chúa Nhật cuối tuần Bát nhật Phục sinh, Nhóm Lòng Chúa Thương xót Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam tổ chức Hành hương Năm Thánh Lòng Thương xót và mừng Bổn mạng. Cùng tham dự lễ Bổn mạng Lòng Chúa Thương xót có các anh chị hội viên thuộc Giáo xứ Tân Mỹ và Giáo xứ Phú Hậu.

Xem Hình

Vào lúc 13giờ30, anh chị em hội viên Phủ Cam đã đón tiếp gần 100 hội viên giáo xứ bạn hành hương qua Cửa Năm Thánh để bắt đầu giờ kinh Lòng Chúa Thương xót.

Tiếp đó, Cha Phanxicô Xaviê Trần Phương, một chứng nhân của Lòng Chúa Thương xót đã chia sẻ về đề tài: “Thương xót như Chúa Cha”: Chính Chúa đã mạc khải cho Thánh nữ Faustina về Lòng Thương xót của Chúa: “Hãy rao truyền cho toàn thế giới biết lòng thương xót khôn nguôi của Ta.” Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người đã phong Hiển Thánh cho Nữ tu Faustina cũng đã chỉ thị rằng: “Trong trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào và cách riêng trong thời đại chúng ta đang sống. Giáo Hội phải coi một trong những nhiệm vụ chính yếu của mình là rao truyền và thể hiện Lòng Thương xót Chúa đã được mạc khải một cách tuyệt vời trong Đức Kitô.”

Cha Phanxicô Xaviê Trần Phương còn nhấn mạnh, để đến được với Lòng Xót thương của Chúa, mọi người cần phải đến với Bí tích Cáo giải và tôn sùng Thánh thể. Vì Thánh thể chính là “Thịt” của Đức Kitô vì yêu thương nhân loại, đã chịu chết trên Thập giá. Hãy ngước nhìn lên Thập giá Chúa để nhận biết Chúa muốn nói gì với chúng ta.

Cha Phanxicô Xaviê Trần Phương cũng đã chia sẻ về chính cuộc đời của Ngài: Đặt chân vào Đại Chủng viện Xuân Bích Huế thì xảy ra biến cố giải phóng miền Nam, các thầy phải trở về với gia đình. Nhưng các thầy vẫn một lòng kiên trung đi theo tiếng gọi của Chúa. Để rồi năm 1994, khi Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể nhận chức Giám quản Tổng tòa Tổng Giáo phận Huế. Ngài đã liên tiếp truyền chức 2 lần cho 12 thầy, trong đó có Cha Phanxicô Xaviê Trần Phương. Sau hơn 20 năm mục vụ, năm 2015 Ngài bị tai nạn gãy xương chân, mà Ngài lại bị bệnh tiểu đường khá nặng, vì thế chân Ngài bị hoại tử, Bác sĩ quyết định phải cưa chân. Ngài cảm thấy hụt hẫng và không thể chấp nhận được, tuổi 60 của một Linh mục là thời điểm chin muồi nhất của cuộc đời mục vụ, tuổi sung sức nhất. Làm sao Ngài có thể chấp nhận việc bị cưa chân để trở thành tàn phế, Ngài cảm thấy vô cùng chán nản.

Tuy nhiên, khi nằm trên giường mỗ, Ngài vẫn tỉnh táo dù đã gây tê. Ngài cho biết: nằm trên bàn mỗ từ lúc 7giờ30 đến 12giờ30 mới hoàn tất ca mỗ, Ngài đã phó dâng mọi sự cho Thiên Chúa và Mẹ Maria, Ngài nhớ đến việc Chúa Giêsu chịu biết bao khổ hình rồi mới bị đóng đinh trên Thập giá. Thế là Ngài liên tục lần chuỗi Mân côi và chuỗi Lòng Thương xót trong suốt thời gian phẫu thuật. Các bác sĩ cho biết: với căn bệnh của Cha, dù phẫu thuật cưa chân nhưng vẫn chưa được an toàn cho lắm. Ngài chấp nhận và trao phó mọi sự theo Thánh ý của Chúa. Ngài suy nghĩ rằng, trong số 12 linh mục được thụ phong cùng với Ngài đã có 2 Cha mất, Ngài vẫn còn may mắn hơn. Từ đó Ngài trở nên tươi vui và chấp nhận cuộc sống mới. Ngài sung kính Lòng Thương xót Chúa và luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa và Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương xót.

Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến, Hạt trưởng hạt Thành phố, Quản xứ Chính tòa Phủ Cam mời đại diện của các Nhóm đứng lên chia sẻ về sinh hoạt Lòng Chúa Thương xót tại Giáo xứ mình. Ngài kêu gọi các nhóm hãy thể hiện tình yêu thương và nâng đỡ những ai đang gặp khốn khó.

Đúng 3 giờ, Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương xót trọng thể do Cha Quản xứ Chính tòa chủ tế, cùng tham dự Thánh lễ có Cha Phêrô Trần Văn Quí và Cha Anrê Nguyễn Văn Phúc, là 2 Cha hưu dưỡng.

Trong bài giảng lễ, Cha Quản xứ Chính tòa Antôn Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ: Trong thời gian Ngài phụ trách sinh viên của Giáo phận, có một lần đang sinh hoạt, có mấy sinh viên hỏi Ngài rằng họ đã xa Chúa trong nhiều năm nay rồi. Vậy thì nay làm sao để được gần Chúa. Ngài nói rằng: Thiên Chúa luôn yêu thương hết thảy mọi người, chỉ có con người quay lưng với Chúa, chứ Thiên Chúa luôn mời gọi mọi người hãy đến với Chúa. Thiên Chúa không chỉ tha tội mà còn xóa bỏ tội lỗi cho con người nếu con người biết tìm đến Chúa: “Đây Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xóa tội trần gian.”

Sau Thánh lễ, Chị Mađalêna Văn Thị Nỡ, Trưởng Nhóm Lòng Chúa Thương xót Phủ Cam thay mặt toàn thể hội viên nói lời tri ân Cha Quản xứ, quí Cha và HĐGX đã yêu thương tạo điều kiện cho ngày Hành hương và mừng Bổn mạng hết sức sốt sắng và tốt đẹp. Đặc biệt cảm ơn Cha Phanxicô Xaviê Trần Phương đã chia sẻ sâu sắc về đề tài Long Chúa Thương xót, Ngài đem chính bản thân mình để minh chứng cho Lòng Thương xót của Thiên Chúa.

Quí Cha đã chụp hình lưu niệm với anh chị em trước Cửa Năm Thánh Lòng Thương xót Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam.

Một buổi tiệc nhỏ cộng thêm những tiết mục văn nghệ đặc sắc của các nhóm tạo nên những nụ cười tươi trẻ, đặc biệt tiết mục múa của các chị U70, U60 và U50 của Phủ Cam thật đặc sắc và uyển chuyển không thua kém gì lớp trẻ.

Ông Mathêô Nguyễn Đình Lục, Chủ tịch HĐGX Chính tòa Phủ Cam thay mặt Giáo xứ khen ngợi và biểu dương tinh thần đạo đức và cầu nguyện của anh chị em Lòng Chúa Thương xót. Ông kêu gọi mọi người hãy phát huy hơn nữa trong yêu thương đoàn kết, để Nhóm ngày càng vững mạnh hơn.

Kết thúc ngày Bổn mạng là giờ Chầu Thánh thể long trọng kính Lòng Thương xót của Chúa do Cha Phó xứ Đaminh Nguyễn Hữu Khôi chủ sự với phần Phụng vụ Lời Chúa do nhóm Lòng Chúa Thương xót Phủ Cam phụ trách.

Trương Trí
 
Hai Đức Cha Vincent Dâng Thánh Lễ Đại Trào Tôn Vinh Lòng Chúa Thương Xót Tại Melbourne
Trần Văn Minh
15:11 03/04/2016
Melbourne, Sau Tam nhật Thánh tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót. Chiều Chúa Nhật 3/4/2016. Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne đã long trọng dâng Thánh lễ đại trào Tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót vô cùng trọng thể.

Mời xem hình

Thánh lễ đồng tế được hai Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Melbourne chủ tế, cùng Đức Cha Nguyễn Văn Bản Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột và 16 linh mục trong và ngoài giáo phận đồng tế.

Trước khi Thánh lễ đồng tế cử hành. Từ lúc 1 giờ chiều, Cộng đồng đã nghe Đức Cha Nguyễn Văn Bản thuyết giảng. 3 giờ, Chầu Lòng Chúa Thương Xót và nhất là cuộc rước kiệu trọng thể tượng Lòng Chúa Thương Xót lúc 4.45, được Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, và đông đảo với hằng ngàn giáo dân khắp nơi trong Tổng Giáo phận về tham dự rước kiệu.

Nhờ vào Lòng Chúa Thương Xót, một buổi chiều với thời tiết ấm áp, nắng và gió nhẹ, trời trong. Đoàn rước đi hàng bốn mà kéo dài tới hơn 300 mét, tại Debneys Park rộng mênh mông, chưa tính tới đông đảo những người đến trễ hơn đứng đầy trong khuôn viên trung tâm hướng về đoàn rước. Lời ca, tiếng hát thật trang nghiêm, sốt sắng lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, sau mỗi chục kinh. Đoàn kiệu ngừng để mọi người hướng về tượng Chúa, Linh mục chủ sự xông hương và hướng dẫn viên đọc lời suy niệm.

Khi kiệu tượng Chúa an vị trước lễ đài. Liên Ca đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam TGP Melbourne, với hơn 150 ca viên cùng các nhạc cụ hùng hậu, được những bàn tay tài hoa sử dụng đã tấu lên những bài Thánh ca thật xuất sắc, du dương nhưng cũng không kém phần hùng tráng ca tụng và tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót. Dặc biệt với dàn âm thanh nổi tiếng của Bằng Uyên đã góp phần không nhỏ cho đại lễ.

Đây là một đại lễ của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam trong TGP Melbourne, với 15 cộng đoàn tại các giáo xứ cùng về Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, cũng là trung tâm hành hương năm Thánh mở Cửa Thương Xót. Nên năm nay có số người về dự đông nhất, khuôn viên trung tâm trở nên nhỏ hẹp, nhiều người phải ngồi trong hội trường, cầu thang, chân tượng đài, chỗ nào cũng có người, mà theo ước tính có thể hơn ba ngàn người về dự.

Trong niềm tri ân cảm tạ, ông Nguyễn Đình Trị, trưởng ban tổ chức, đã lên cám ơn quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ban chấp hành cộng đồng, các cộng đoàn, Liên ca đoàn và toàn thể mọi người đã đồng hành, nâng đỡ, khuyến khích, góp công, góp sức, góp tài, vật lực, các đoàn thể đã cử người phục vụ, trang trí, để tổ chức buổi đại lễ thành công một cách rất tốt đẹp, lời nói nhỏ nhẹ, khiêm hạ, chân thành, đã được mọi người nhiệt liệt vỗ tay.

Nguyễn Ngọc Trúc, trưởng ban mục vụ cũng lên thay mặt cộng đồng cám ơn Hai Đức Cha, quý cha, quý tu sỹ nam nữ, liên Ca đoàn, các cộng đoàn, nhất là Đức Cha Vincent Long, Linh mục quản nhiệm, ban tổ chức, các đoàn thể cùng Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, với lòng hiếu khách đã bỏ nhiều công sức để tổ chức đại lễ thật tốt đẹp.

Đáp từ, Đức Cha Nguyễn Văn Bản, với lời nói nhẹ nhàng nhưng khúc triết, rõ ràng, đã cám ơn Đức Cha Long, và Linh mục quản nhiệm cùng toàn thể cộng đồng. Trong bốn ngày qua, đã đón tiếp và được giảng thuyết về Lòng Chúa Thương Xót. Ngài rất vui khi được nhìn thấy các cụ trong cộng đồng đi nghe giảng, ngồi lâu thường thì từ lúc 2.30 cho đến sau Thánh lễ lúc 8 giờ mà không cảm thấy mệt mỏi, Ngài nhìn ai cũng chăm chú nghe, chứ chưa thấy ai ngủ. Đức Cha cũng hẹn có dịp gặp lại cộng đồng Melbourne trong tương lai khi có điều kiện.

Niềm vui hiện rõ trên gương mặt, Đức Cha Vincent Nguễn Văn Long đã ngỏ lời trước cộng đồng, Cám Ơn Đức Cha Bản, vị đại diện cho Giáo Hội quê hương, không ngại xa xôi, với bao nhiêu công việc mục vụ của mùa Phục Sinh, đã đến với cộng đồng để thuyết giảng về lời Chúa, về Lòng Chúa Thương Xót. Cám ơn đến quý cha đã thể hiện tinh thần liên đới, hiệp nhất, yêu thương, đoàn kết. Bớt thời gian mục vụ để về dâng lễ chung của cộng đồng. Cám ơn cha quản nhiệm và Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, là một Trung tâm Công Giáo Việt Nam vững mạnh trong cộng đồng. Nhờ những dịp lễ này, cộng đồng Công Giáo Việt Nam chứng minh sức sống đạo dồi dào, sung mãn. Trong cương vị Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Melbourne, đã đi dâng lễ tại nhiều sắc dân, kể cả sắc dân chính mạch, nhiều nhà thờ, kể cả nhà thờ Chánh tòa. Chưa có nơi nào Đức Cha thấy tổ chức được như Cộng đồng Việt Nam chúng ta. Lời nói của Đức Cha, vị chủ chăn đã làm cho mọi người vui mừng vỗ tay nhiệt liệt.

Sau Thánh lễ một bữa tiệc mừng được tổ chức ngay tại khuôn viên trung tâm, trong niềm vui, mọi người chia sẻ những món ăn ngon, tong tiếng vui cười, thăm hỏi nhau và chụp hình lưu niệm bên nhau, thể hiện Lòng Chúa Thương Xót đơn giản nhất là: niềm vui bình an đến với nhau.

Đây là buổi đại lễ kết thúc sau Tam Nhật Thánh Lòng Chúa Thương Xót được Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne tổ chức hằng năm, với những giờ chầu suy tôn, giảng thuyết các chủ đề mỗi ngày, và Thánh lễ đồng tế. Đã được rất đông đảo giáo dân trong khắp Melbourne về tham dự, trong niềm vui chung để đón nhận lời Chúa.
 
Lễ Lòng Thương Xót Chúa tại Giáo xứ St Margaret Mary Brunswick - Úc Châu
Tô Tịnh
18:53 03/04/2016
Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót tại Giáo xứ St Margart Mary Brunswick Australia (Tô Tịnh)
Coi hình (Le Hải)

Hằng năm vào dịp lễ Lòng Chúa Thương Xót, giáo xứ thường có tuần chín ngày và ba ngày tĩnh tâm chuẩn bị cho ngày đại lễ. Năm nay ba ngày tĩnh tâm được linh mục Nguyễn Trọng Thiên thuộc dòng Ngôi Lời ở Melbourne giúp hai ngày và linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng phụ trách một ngày.
Năm nào ngày đại lễ này cũng là một ngày lễ hội cho nhiều bạn bè thân hữu tụ về để tạ ơn, để ngợi ca tình Chúa thương phù trợ cho cá nhân gia đình và cộng đoàn…
Sau giờ chầu Lòng Chúa Thương Xót lúc 3 giờ, cộng đoàn đã coi phim của nữ thánh Faustina trước khi Cộng đoàn tập trung tại Trung tâm Thiên Ân để rước kiệu Lòng Chúa Thương Xót vào thánh đường… Khi kiệu di ảnh của Lòng Thương Xót Chúa được đặt trước bàn thờ và một thánh giá được đặt trước kiệu để mọi người đưa bông hồng trắng hoặc đỏ lên cắm vào thánh giá trước khi Thánh lễ được bắt đầu…
Trong bài giảng thuyết linh mục chủ tế gợi lại nguồn gốc và ý nghĩa đại lễ này là ca tụng, tung hô tình yêu Chúa vì bản thể của Ngài là tình yêu… Và tình yêu nhân ái của Ngài luôn dành cho nhân thế ngay từ thuở tạo dựng, khi con người xa ngã, Chúa đã tha thứ và hứa ban Đấng cứu thế… Trải qua dòng lịch sử vào thế kỷ 16 Chúa đã hiện ra với nữ thánh Margarita Maria ở Pháp bày tỏ cho Thánh nữ biết tình yêu thương chan chứa của Chúa phát xuất từ trái tim Ngài… Nhân thế với thời gian lãng quên sự tôn kính tình yêu Chúa nơi Thánh Tâm Chúa, nên vào cuối thế kỷ 20 Chúa lại hiện ra và mạc khải cho nữ thánh Faustina ở Ba lan về tình yêu nhân ái của Ngài. Tình yêu và sự mặc khải này đã được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cổ súy và đặt thành đại lễ trong niên lịch phụng vụ của Giáo Hội.
Sau thánh lễ tất cả được mời vào trong Hội trường để chia sẻ của ăn của uống và hàn huyên tâm sự…
Tô Tịnh
 
Giáo hạt Củ Chi Phú Cường mừng lễ Lòng Thương Xót Chúa
Tôma Đỗ Lộc Sơn
19:03 03/04/2016
Củ Chi. -9 giờ sáng ngày 3/4/2016, trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ Sơn Lộc tràn ngập nắng và gió, đồng thời cũng tràn ngập những tà áo dài đầy màu sắc của quý bà, quý cô cùng với sự lịch lãm của quý ông quý anh, đã làm cho ngày đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót của hạt Củ Chi, tổ chức tại nơi đây thêm phần trang trọng.

Xem Hình

Giáo hạt Củ Chi có 12 giáo xứ và 1 giáo họ. Nhà thờ Sơn Lộc được chỉ định là điểm Hành hương Năm thánh mừng Kim Khánh Giáo phận và ngày hôm nay gần 3000 người đã quy tụ về đây để tham dự thánh lễ với niềm tin yêu, mong muốn được hưởng ơn thương xót.

Thánh lễ được Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước dâng lễ, cùng hiệp dâng có Cha Simon Nguyễn Văn Thu - quản hạt Củ Chi, chánh xứ Sơn Lộc. Cha Phaolô Nguyễn Văn Khi – nguyên quản hạt Củ Chi cùng 15 cha trong hạt và Hội Thừa Sai VN. Tham dự có quý tu sĩ của nhiều cộng đoàn trong hạt và đông đảo bà con giáo dân các giáo xứ.

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse chia sẻ đoạn Tin mừng CN II Phục sinh: (lược ghi) Đức Giêsu đã hiện ra giữa các môn đệ, Ngài ban bình an cho các ông, Ngài đã cho các ông xem các thương tích. Đức Giêsu có được sự bình an khi đã chiến thắng được sự chết. Để được hưởng sự bình an, mỗi người chúng ta phải hy sinh, phải chiến thắng được tội lỗi. Lòng thương xót của Chúa tuôn đổ trên chúng ta, chúng ta phải hứng lấy bằng các việc lành và chúng ta có được bình an.

Ca đoàn hôm nay gồm nhiều ca viên các giáo xứ và Dòng Mẹ Nhân Ái, những bài thánh vịnh, đáp ca và bài hát được thể hiện một cách tôn nghiêm sốt sáng, giúp cho mọi người có lòng yêu mến Chúa hơn.

Cuối lễ, Cha Simon hạt trưởng Củ Chi đã có lời cảm ơn Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và bà con giáo dân xa gần, Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Để nhận được ơn toàn xá, cộng đoàn đọc kinh Lạy cha, kinh tin kính và cúi đầu nhận phép lành toàn xá. Kết thúc công đoàn hát vang bài: “Mừng Năm Thánh Giáo Phận”. nhạc của cha Mattheu Nguyễn Thanh Yên.

Mọi người xuống nhà sinh hoạt dung cơm trưa với món ăn tự chọn.

Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
Tuần Cửu Nhật và Mừng Kính Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót tại Sydney.
Diệp Hải Dung
20:51 03/04/2016
Tuần Cửu Nhật và Mừng Kính Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót tại Sydney.

Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót TGP Sydney tổ chức tuần Cửu Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót tại Giáo đoàn Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị Fairfield từ Thứ Sáu Tuần Thánh 25/03/2016 và kết thúc vào ngày Chúa Nhật 03/04/2016 mừng kính Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót Năm Thánh tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly, Sydney.

Xem Hình

Suốt 9 ngày của Tuần Cửu Nhật trong những giờ nguyện kinh cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót, Cha Linh hướng Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót FX Nguyễn Văn Tuyết đã lồng vào những bài chia sẻ theo chủ đề riêng của từng ngày và dâng Thánh lễ tạ ơn. Đặc biệt có qúy Cha Nguyễn Thái Hoạch và Cha Nguyễn Hoàng Dương thuyết giảng những đề tài về Lòng Chúa Thương Xót và cùng với Cha FX Nguyễn Văn Tuyết hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn.

Sáng Chúa Nhật 03/04/2016 hàng ngàn giáo dân đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bingelly Sydney tham dự mừng kính Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót. Tất cả mọi người tập trung trên tượng đài Đức Mẹ. Khai mạc giờ đền tạ Ban Tây Nhạc Cecilia thổi bài Kính Mừng Nữ Vương và Cha FX Nguyễn Văn Tuyết cùng với mọi người dâng giờ đền tạ Đức Mẹ. Sau đó 3 hồi chiêng trống, kiệu cung nghinh Thánh tượng Lòng Chúa Thương Xót rước về hội trường Trung Tâm. Cuộc kiệu rất trang nghiêm và sốt sắng, mọi người cùng dâng lên Chúa chuỗi kinh Lòng Chúa Thương Xót cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình, Cộng Đồng và Giáo Hội.

Khi Thánh tượng Lòng Chúa Thương Xót tiến vào hội trường và an vị trên bàn thờ. Cha Nguyễn Văn Tuyết ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người đã đến tham dự Đại Lễ Mừng Kính Lòng Chúa Thương Xót và cũng là Năm Thánh. Kế tiếp anh Vũ Văn Minh đại diện Phong Trào đọc sơ lược tiểu sử về Lòng Chúa Thương Xót mà Chúa Giêsu đã uỷ nhiệm cho Thánh nữ Faustina. Sau đó quý Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch và Cha Nguyễn Hoàng Dương cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Nguyễn Văn Tuyết nói về Năm Thánh của Lòng Thương Xót được xem như hội tụ của tất cả mầu nhiệm và ân sủng của Hội Thánh...mạc khải cho Thánh nữ Faustina, Chúa Giêsu đã mạc khải rằng: Đại lễ Lòng Thương Xót là sự nổi bật tình thương sâu thẳm của Người và nhân loại sẽ không có hòa bình đến khi quay lại với nguồn Thương Xót của Chúa. Đồng thời Cha cũng chia sẻ về bài Phúc Âm hôm nay mà Thánh Tôma đã tin vào Chúa Giêsu thật sự đã sống lại từ cõi chết...

Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót TGP Sydney mừng Đại Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót.

Kế tiếp bà Agatha Nguyễn Thị Kim Nhẫn Trưởng Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót TGP Sydney ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý quan khách, quý ân nhân và mọi người đã không quản ngại cùng đến tham dự Thánh lễ và hiệp chung lời cầu nguyện cho Phong Trào. Đặc biệt cám ơn Ban Mục Vụ Giáo đoàn Fairfield đã tận tình giúp đỡ trong Tuần Cửu Nhật vừa qua tại Giáo đoàn.

Thánh lễ kết thúc, mọi người cùng ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng kính Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót trong nhà ăn Trung Tâm.

Diệp Hải Dung
 
Thông Báo
Lễ giỗ 3 năm Cha Giuse Phạm văn Tuệ tại New Orleans
VietCatholic
11:45 03/04/2016
Hôm nay là giỗ 3 năm ngày

CHA CỐ GIUSE PHẠM VĂN TUỆ
tạ thế ngày 3/4/2013 (sinh ngày 3/3/1947)

Chúng ta cùng dâng lời Tạ Ơn Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta
một mục tử tốt lành, người bạn chân thành, cộng tác viên đắc lực
và là người hoạt động không mệt mỏi cho công lý và chân lý.

Chúng ta cầu nguyện và hợp ý với gia đình và thân nhân của Ngài
Xin Chúa ban phúc trường sinh trên Thiên Quốc
và cho gia đĩnh được luôn an bình trong cánh tay Chúa và Đức Mẹ.

Thánh lễ giỗ chính thức cầu nguyện cho
Linh Hồn Cha Cố Giuse Phạm Văn Tuệ
sẽ được tổ chức vào Chúa Nhật, ngày 10/4/2016 lúc 4pm
tại nhà thờ Giáo Xứ Thánh Giuse (Woodlawn)
6450 Kathy Ct. New Orleans, LA 70131

do Cha Giuse Trần Đình Thắng, Chánh Xứ Giáo Xứ Thánh Giuse,
Cha Gioan Baotixita Trần Bắc-Hải và Cha Phêrô Nguyễn Thanh Hoài đồng tế
và là Đại diện cho các anh chị em Linh Tông và Gia đình

Xin thông báo và kính mời qúi Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, Quý Ông Bà,
Anh Chị Em và Các Cháu và những người yêu mến Cha Giuse
đến tham dự hoặc hiệp ý trong Thánh Lễ Giỗ 3 Năm này.

Kính báo
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Vườn Đào
Đặng Đức Cương
18:11 03/04/2016
VƯỜN ĐÀO
Ảnh của Đặng Đức Cương
Muôn hoa kheo sắc lừng vũ trụ
Diễm ảo hồn Xuân bừng mộng viên...!
(Trích thơ của Lan Tím)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 29 – 04/04/2016: Vụ khủng bố các tín hữu Kitô tại Lahore, Pakistan
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
11:55 03/04/2016
1. Taliban nổ bom tự sát tấn công các Kitô hữu mừng lễ Phục sinh giết chết ít nhất 65 người

Ít nhất 65 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương trong một vụ đánh bom tự sát tại một công viên cho trẻ em ở Lahore, thủ phủ của tỉnh Punjab của Pakistan vào tối Chúa Nhật Phục sinh 27 tháng Ba.

“Một số đông dân chúng, đa số là phụ nữ và trẻ em, đã có mặt tại công viên Gulshan-e-Iqbal ở Lahore khi một kẻ đánh bom tự sát cho nổ bom quấn trên người. Những người bị thiệt mạng và bị thương phần lớn là phụ nữ và trẻ em,” Cảnh sát trưởng Haider Ashraf của Lahore cho biết như trên.

Ông cho biết thêm số người tụ tập trong công viên ngày cuối tuần thường không có bao nhiêu người. Nhưng vì là lễ Phục Sinh, nên đông đảo các cộng đồng Kitô hữu đến đây họp nhau mừng lễ.

Maulvi Omar Khalid Khurasani, tên cầm đầu nhóm Taliban Jamaatul Ahrar, nhận trách nhiệm về vụ tấn công tự sát ở Lahore. Trong một tuyên bố nhóm này nói:

“Các thành viên của cộng đồng Kitô hữu mừng lễ Phục Sinh hôm nay là mục tiêu hàng đầu của chúng tôi”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào chiều Chúa Nhật đưa ra một tuyên bố lên án vụ tấn công, gọi đó là một “hành động hèn nhát.”

Quân đội Pakistan cũng đưa ra một tuyên bố nói rằng họ “quyết tâm mang những kẻ giết những người anh chị em và trẻ con vô tội ra trước công lý và sẽ không bao giờ cho phép những hành vi mất nhất tính và man rợ này ảnh hưởng đến cuộc sống và tự do của chúng ta.”

2. Tuyên bố của Tòa Thánh về vụ khủng bố tại Lahore, Pakistan

Tối Chúa Nhật phục sinh 27 tháng 3, ngay sau khi được tin về vụ khủng bố, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã ra thông cáo nói rằng:

“Vụ tàn sát kinh khủng hàng chục người vô tội ở công viên tại thành Lahore tạo nên một bóng đen buồn thảm và lo âu trên ngày lễ Phục Sinh. Một lần nữa oán ghét sát nhân lại làm thương tổn một cách hèn nhát cho những người vô phương thế tự vệ nhất. Đức Thánh Cha đã được thông báo về vụ này. Cùng với ngài, chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân, gần gũi những người bị thương và các gia đình bị thương tổn, với nỗi đau khổ vô biên của họ, với các thành phần của các tín hữu Kitô thiểu số, một lần nữa lại là nạn nhân của bạo lực cuồng tín, và với toàn dân Pakistan bị tổn thương. Như Đức Thánh Cha đã khẳng định sáng Chúa Nhật phục sinh hôm nay, mặc dù những biểu hiện đáng kinh tởm của oán ghét, Chúa chịu đóng đanh vì chúng ta và đã phục sinh tiếp tục ban cho chúng ta ơn can đảm và hy vọng cần thiết để xây dựng những con đường cảm thông, liên đới với những người đau khổ, đối thoại và công lý, hòa giải và an bình”.

3. Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tại Lahore, Pakistan

Trưa thứ hai, 28 tháng 3, Đức Thánh Cha đã chủ sự kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với hàng ngàn tín hữu tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Ngài tái lên án vụ khủng bố tại Pakistan.

Thứ hai sau phục sinh là ngày lễ nghỉ tại Italia. Trong bài huấn dụ ngắn, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tái xác tín và tín thác nơi sự sống lại của Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta. Ngài nói:

“Hôm nay, chúng ta dừng lại trước ngôi mộ trống của Chúa Giêsu và trong niềm kinh ngạc và biết ơn, chúng ta suy niệm mầu nhiệm cao cả Chúa sống lại. Sự sống đã chiến thắng sự chết. Lòng thương xót và tình thương đã chiến thắng tội lỗi! Cần có niềm tin và hy vọng để cởi mở đối với chân trời mới mẻ và tuyệt vời này. Chúng ta hãy để cho mình được cảm xúc tràn ngập, cảm xúc được biểu lộ qua bài ca tiếp liên trong lễ phục sinh: “Đúng vậy, chúng tôi chắc chắn Chúa Kitô đã sống lại thực”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng chân lý này đã ghi đậm một cách không thể xóa nhòa đời sống của các Tông Đồ: sau khi Chúa sống lại, các vị tái cảm thấy cần phải theo Thầy, và sau khi lãnh nhận Thánh Linh, các vị ra đi không chút sợ hãi, loan báo cho mọi người những gì các vị đã thấy tận mắt và đích thân cảm nghiệm”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Trong Năm Thánh này, chúng ta được kêu gọi tái khám phá và đón nhận nồng nhiệt lời loan báo đầy an vui về sự phục sinh: “Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã sống lại!”. Nếu Chúa Kitô đã sống lại, chúng ta có thể nhìn với đôi mắt và tâm hồn mới mẻ mỗi biến cố trong đời sống chúng ta, kể cả những biến cố tiêu cực. Những lúc tăm tối, thất vọng và tội lỗi có thể biến đổi và loan báo một con đường mới. Khi chúng ta đã động chạm đến tận cùng sự lầm than và yếu đuối của chúng ta, Chúa Kitô phục sinh mang lại cho chúng ta sức mạnh để trỗi dậy. Nếu chúng ta tín thác nơi Chúa, thì ơn thánh của Ngài cứu vớt chúng ta!

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha nhắc đến vụ khủng bố xảy ra tại công viên giải trí Gulshan-e-Iqbal ở thành phố Lahore, thủ phủ bang Punjab, Pakistan, do nhóm Jamatul Ahrar nguyên là đồng minh với nhóm Taleban: khoảng 7 giờ tối Chúa Nhật phục sinh 27-3 vừa qua: tên khủng bố tự sát đã cho nổ tung bom mang quanh mình, làm cho ít nhất 72 người chết và 340 người bị thương, đa số là tín hữu Kitô. Trong số những người thiệt mạng có 30 trẻ em theo tin tức sơ khởi. Chính quyền bang Punjab đã bắt giữ 50 người có liên hệ tới vụ khủng bố này.

Đức Thánh Cha nói: “Hôm qua, tại miền trung Pakistan, Lễ Phục Sinh đã bị đẫm máu vì một vụ khủng bố kinh tởm, sát hại bao nhiêu người vô tội, trong đó phần lớn là các gia đình thuộc cộng đoàn Kitô thiểu số, nhất là các phụ nữ và trẻ em, họ họp nhau tại một công viên để mừng lễ phục sinh. Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với những ngừơi bị thương tổn vì tội ác hèn nhát và điên rồ này, và tôi mời gọi cầu nguyện cho đông đảo các nạn nhân và những người thân yêu của họ. Tôi kêu gọi chính quyền dân sự và mọi thành phần xã hội ở Pakistan, hãy thi hành mọi nỗ lực để trả lại an ninh và sự thanh thản cho dân chúng, và đặc biệt là cho các nhóm tôn giáo thiểu số, dễ bị tổn thương nhất. Một lần nữa tôi lập lại rằng bạo lực và oán ghét sát nhân chỉ dẫn đến đau khổ và tàn phá; sự tôn trọng và tình huynh đệ là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình. Ước gì Lễ Chúa Sống lại khơi dậy nơi chúng ta, một cách mạnh mẽ hơn nữa, lời khẩn nguyện dâng lên Thiên Chúa để chặn đứng những bàn tay của các kẻ bạo lực, đang gieo rắc kinh hoàng và chết chóc, và ước gì trên thế giới, tình thương, công lý và hòa giải được hiển trị”.

4. Đức Thánh Cha rửa tội 12 dự tòng, có Ông Bà Đại Sứ Hàn Quốc

Lúc 8 giờ rưỡi tối thứ Bẩy Tuần Thánh 26 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô và ban bí tích Rửa tội cho 12 dự tòng gồm 6 người Albani, 2 người Hàn quốc, 1 người Hoa, phần còn lại là người Camerun và Ấn độ.

Trong số các tân tòng có Đại sứ Hàn quốc cạnh chính phủ Italia, Ông Stefano Yong-Joon Lee (Lý Vĩnh Tuấn) 60 tuổi, và Phu nhân Stella Hee Kim (Kim Hỉ) 54 tuổi. Ông bà Đại Sứ Hàn quốc cạnh Tòa Thánh, Francesco Kim Kyung-Surk, làm cha mẹ đỡ đầu cho hai đồng hương của mình.

Người trẻ nhất trong các tân tòng là cô Mary Stella Trương Lý (Li Zhang) người Hoa, 22 tuổi.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 40 Hồng Y, 30 Giám Mục và 300 linh mục, trong đó có một số là người Việt, trước sự tham dự của khoảng 9 ngàn tín hữu.

5. Sự lạ Thứ Sáu Tuần Thánh: chiếc gai cuả Chúa ở Andria lại chảy máu.

Kể từ năm 1633 là lúc mà người ta bắt đầu ghi chép những biến cố xảy ra cho 'chiếc gai cuả Chúa’ thì từ đó đến nay, không hề sai trật, hễ cứ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mà lại trùng hợp với ngày Lễ Truyền Tin, tức là ngày 25 tháng 3, thì chiếc gai lại rỉ máu.

Lần chót sự lạ này xảy ra là vào năm 2005, và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay cũng trùng với lễ Truyền Tin, cho nên chiếc gai lại chảy máu nữa.

Ngày lễ Truyền Tin thường là ngày 25 tháng 3, tuy nhiên để tránh trùng hợp với Tuần Thánh cho nên Hội Thánh Công Giáo và nhiều giáo phái Tin Lành thường di dời ngày lễ này qua một ngày khác một cách tạm thời cho năm đó, nhưng những nơi theo Nghi Lễ đông Phương thì vẫn giữ y như thế.

Sự trùng hợp giữa hai ngày lễ này thì không nhiều, chúng ta may mắn được chứng kiến tới 2 lần trong vòng 10 năm qua, nhưng lần sau thì phải đợi tới 141 năm nữa, tức là năm 2157.

‘Chiếc gai cuả Chúa’ là một chiếc gai nhọn, tương truyền là lấy được từ chiếc 'mão gai' mà quân lính Roma đã đội cho Chúa trong cuộc Thương Khó cuả Người. Lai lịch đích xác về chiếc gai này thì không được xác định theo phương pháp khoa học hay lịch sử, người ta chỉ biết là nó đã xuất hiện và được tôn kính tại nhà thờ chính toà cuả thành phố Andria cuả Ý từ năm 1308.

Vì có sự lạ như thế cho nên mỗi lần có sự trùng hợp giữa hai ngày lễ thì người ta lập một hội đồng gồm nhiều giáo sĩ và khoa học gia để quan sát chiếc gai.

Năm nay cũng vậy, một hội đồng đông đảo đã đến quan sát tại chỗ, và sau cùng thì Đức Giám Mục về hưu là Raffaele Calabro, ở Andria, đã tuyên bố chiếc gai đã bắt đầu chảy máu nữa.

Theo sự đồng thuận cuả ủy ban thì đây là một phép lạ, với 3 giọt trông như “đá hồng ngọc” xuất hiện và đọng trên chiếc gai, ở dưới chiếc điã cũng có những giọt 'hồng ngọc' khác nữa nhưng họ cho rằng đó là những vật thể đã xuất hiện từ phép lạ năm 2005 và bây giờ thì được 'tái sinh'.

Sau khi mở ra quan sát xong, người ta đã cẩn thận niêm phong 'thánh tích' lại.

Đức Giám Mục Calabro đã dâng lời cảm tạ Chúa “về những hồng ân, là một phép lạ và cũng là một món quà tình yêu của Thiên Chúa, mà Ngài đã ban cho cộng đồng này.”

6. Mẹ Angelica qua đời hôm Chúa Nhật Phục Sinh 2016 tại đan viện ở Hancevill, Alabama.

Mẹ Mary Angelica, nữ tu dòng chiêm niệm thánh Clara, người nổi tiếng thế giới như vị sáng lập mạng lưới Công Giáo toàn cầu của hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu đã từ trần vào lúc 5 giờ chiều giờ địa phương ngày Chúa Nhật Phục sinh 27 tháng 3 năm 2016, hưởng thọ 92 tuổi.

Michael P. Warsaw, chủ tịch và giám đốc điều hành của đài truyền hình Lời vĩnh cửu nói: “Hôm nay là một ngày đầy đau buồn đối với toàn gia đình của hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu. Ðối diện với thử thách của bệnh tật và đau đớn kéo dài, tấm gương vui tươi và cầu nguyện liên lỉ của mẹ chứng tỏ tinh thần Phanxicô mà mẹ gắn bó chặt chẽ. Chúng tôi cám ơn Chúa về Mẹ Angelica và về đời sống phi thường của mẹ”.

Mẹ Angelica sinh năm 1923 tại Canton, Ohio, với tên gọi là Rita Antoinette Rizzo. Ngày 15 tháng 8 năm 1944, ở tuổi 21, mẹ gia nhập dòng các nữ tu chiêm niệm thánh Clara ở Cleveland. Một năm sau mẹ nhận tên tu sĩ là Mary Angelica Truyền tin. Không lâu sau đó, khi đan viện ở Cleveland thành lập một đan viện mới ở Canton, mẹ đã được chọn đến tu viện mới này. Mẹ khấn lần đầu ngày 2 tháng 1 năm 1947, và khấn trọng vào năm 1953. Năm 1956, trước cuộc phẫu thuật xương sống nguy hiểm, mẹ đã khấn hứa với Chúa, nếu mẹ có thể đi lại được, mẹ sẽ lập một đan viện ở miền Nam. Vào ngày 20 tháng 5 năm 1962, Ðức Tổng giám mục Thomas J. Toolen của Mobile đã dâng hiến đan viện Ðức Bà các Thiên Thần tại Irondale, Alabama.

Tại Irondale này, những ý tưởng của mẹ đã hình thành và những cách thức đặc biệt giáo dục đức tin Công Giáo đã dẫn đến việc thực hiện các cuộc nói chuyện trong các giáo xứ, xuất bản các tờ rơi và sách, rồi các cơ hội trên đài phát thanh và truyền hình. Vào khoảng năm 1980, các nữ tu đã biến gara xe của nình thành phòng thu của đài truyền hình. Dù chỉ có vốn kiến thức của học sinh trung học, không có kinh nghiệm gì về lãnh vực truyền hình, và với số vốn chỉ có 200 đô la trong nhà băng, vào ngày 15 tháng 8 năm 1981, Mẹ đã bắt đầu hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu và làm chủ tịch và giám đốc điều hành. Dù vài lần gần bị khánh kiệt tài sản nhưng mẹ đã từ chối kiếm tiền bằng các quảng cáo, chỉ dựa vào sự đóng góp của các khán giả. Sau 34 năm, hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu là hệ thống truyền thông rộng lớn nhất thế giới với 11 kênh truyền hình riêng biệt bằng nhiều thứ tiếng, phát đến với hơn 264 triệu gia đình ở 145 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chương trình “Mother Angelica Live”, trong đó sự hài hước và khả năng thông truyền đức tin Công Giáo cho cả người Công Giáo và không Công Giáo của mẹ được biết, bắt đầu năm 1983. Các chương kế tiếp của chương trình tiếp tục phát sóng đều đặn và được dịch sang các thứ tiếng, bao gồm tiếng Tây ban nha, Ðức và Ucraina.

Bên cạnh việc thành lập hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu và đan viện Ðức bà các Thiên Thần, Mẹ cũng thành lập dòng các nhà truyền giáo Phanxicô của Lời vĩnh cửu, một cộng đoàn nam tu, đặt trụ sở tại Irondale. Năm 1995, mẹ được Thiên Chúa soi sáng thành lập một đan viện mới và một nhà thờ trên khu đất rộng 400 mẫu tây ở vùng nông thôn Hanceville, Alabama. Vào năm 1999, các nữ tu đã di chuyển từ Irondale đến chỗ mới ở Hanceville này. Ðan viện Ðức bà các Thiên Thần và đền thánh Thánh Thể được dâng hiến vào tháng 12 năm 1999. Ðền thánh này trở thành một trong những nơi được các khách du lịch thăm viếng nhiều nhất ở tiểu bang Alabama. Trước khi mẹ thôi giữ chức vụ Chủ tịch và giám đốc ban điều hành, tạp chí Time đã miêu tả mẹ Angelica “được cho là người phụ nữ Công Giáo ảnh hưởng nhất Hoa kỳ.”

Trong cuộc đời mình, mẹ đã chiến đấu với bệnh tật và các thử thách thể lý. Vào đêm Giáng sinh năm 2001, mẹ đã bị đột quỵ vì suy nhược và xuất huyết não, dẫn đến hậu quả là mẹ bị liệt một phần và không thể nói được. Những năm cuối mẹ sống âm thầm lặng lẽ bên các chị em nữ tu trong đan viện ở Hanceville.

Vào năm 2009, mẹ được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trao huân chương “Pro Ecclesia et Pontifice” - “cho Giáo Hội và Ðức Giáo hoàng”, nhìn nhận sự trung thành và việc phục vụ phi thường của mẹ cho Giáo Hội Công Giáo Roma. Huân chương này là một Thánh giá, là vinh dự cao nhất của Ðức Giáo hoàng dàng cho giáo dân cũng như giáo sĩ. Vì tình trạng bệnh tật của mình nên mẹ đã nhận huân chương trong nơi ở cá nhân của mình. Nhưng trong một buổi lễ, Ðức giám mục Robert J. Baker của Birmingham đã tuyên dương mẹ, ngài nói: “Những nỗ lực của mẹ Angelica đã đi tiên phong trong việc loan báo Tin mừng và có một ảnh hưởng to lớn trên thế giới chúng ta.” Ðức Thánh Cha Phanxicô khi đang ở trên chuyến bay đến Cuba, cũng đã gửi lời chúc lành cho mẹ và xin mẹ cầu nguyện cho ngài.

Thánh lễ an táng của mẹ đã được cử hành vào thứ Sáu ngày 1 tháng 4 năm 2016 tại đền thánh Thánh Thể ở Hanceville. Sau đó, thi hài mẹ được chôn cất tại nhà thờ hầm mộ của đền thờ

7. Giáo Hội tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố tại Brussels

Tại Vương Cung Thánh Đường kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Thánh Gudula, người Công Giáo ở Brussels mừng lễ Phục Sinh trong niềm thương tiếc các nạn nhân trong vụ đánh bom tự sát giết chết 35 người.

Bà Benedicte Lefèvre, một giáo dân cho biết: “Chúng tôi nhớ đến tất cả các nạn nhân này trong trái tim chúng tôi. Phục Sinh có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng tôi vì vậy chúng tôi đang cố gắng để tìm một ý nghĩa cho tất cả những gì đã xảy ra. Và suy tư về điều này”

Bên trong, với những bài thánh ca cổ kính của Lễ Phục sinh vang vọng, Đức Tổng Giám Mục Jozef de Kesel đã dâng thánh lễ. Hôm thứ Ba, chính ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố, ngài đã phải hủy bỏ thánh lễ Dầu được dự trù cử hành vào buổi chiều cùng ngày với các linh mục trong tổng giáo phận.

Đức Cha nói phóng viên Reuters về bài giảng của mình trong thánh lễ Phục sinh như sau.

“Đó là một lời kêu gọi đoàn kết, trước hết cho các Kitô hữu tham dự thánh lễ. Nhưng đó cũng là một lời kêu gọi đoàn kết cho tất cả các công dân của nước ta. Bởi vì tôi nghĩ rằng chúng ta đều là nạn nhân, tất cả chúng ta.”

Gần đó, tại Place de la Bourse, một đài tưởng niệm tạm thời tiếp tục được xây dựng, nhiều người đến cầu nguyện cho những người thiệt mạng và bị thương trong các vụ đánh bom.

8. Giáo Hội Công Giáo Hoa kỳ có hàng ngàn thành viên mới vào dip lễ Phục Sinh.

Các giáo phận trên khắp Hoa Kỳ đã báo cáo về cho Hội đồng Giám mục Hoa kỳ con số các dự tòng và ứng viên gia nhập Giáo Hội vào đêm vọng Phục sinh năm 2016. Dự tòng là những người chưa bao giờ được rửa tội, họ sẽ nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức và rước lễ lần đầu vào đêm vọng Phục sinh. Còn các ứng viên là những người đã được rửa tội trong một truyền thống Ki-tô khác và phép rửa tội này được Giáo Hội Công Giáo công nhận. Những ứng viên này sẽ gia nhập Giáo Hội qua một nghi thức tuyên xưng đức tin, và sau đó sẽ nhận bí tích Thêm sức và rước lễ lần đầu.

Có những giáo phận đón nhận hơn 1,000 dự tòng và vài trăm ứng viên vào dịp này như Tổng giáo phận Los Angeles, giáo phận lớn nhất Hoa kỳ, sẽ đón nhận 1,638 tín hữu mới; giáo phận Orange có 915 dự tòng và 622 ứng viên; tổng giáo phận New York chào đón 497 dự tòng và 1,116 ứng viên, giáo phận Washington thì nhận 1,375 tín hữu mới. Cũng có số đông dự tòng và ứng viên ở vùng Texas như giáo phận Forth Worth có 587 ứng viên và 626 dự tòng, trong khi giáo phận Austin có 359 dự tòng và 393 ứng viên.

Có một điều đặc biệt là trong nhiều giáo phận có các gia đình mà toàn bộ thành viên sẽ gia nhập Giáo Hội trong đêm vọng Phục sinh này. Từ việc một thành viên trong gia đình mong muốn gia nhập Giáo Hội Công Giáo, các thành viên khác của gia đình cũng chia sẻ mong muốn tốt đẹp này và cùng đăng ký học hỏi gia nhập Giáo Hội. Pamela Morrison, một giáo dân thuộc tổng giáo phận Philadelphia cho biết, cuộc trở lại của bà là một hành trình dài được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Bà và chồng của bà sẽ nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể vào đêm Vọng Phục sinh này. Bà nói: “Tôi đã biết đây là nơi tôi thuộc về, nhưng nó còn thêm một ơn nữa là chồng tôi sẽ gia nhập Giáo Hội Công Giáo với tôi.” Còn gia đình của Anthony và Kimberly Sim thì lại quyết định cùng gia nhập Giáo Hội Công Giáo khi con gái của họ, 12 tuổi, học sinh một trường Công Giáo, bày tỏ ý định muốn được rửa tội. Một trường hợp khác ở tổng giáo phận Baltimore, một thiếu nữ 14 tuổi đã nhận đức tin Công Giáo khi cô chiến đấu với bệnh ung thư. Phục sinh này cô sẽ cùng mẹ và 2 chị em khác lãnh nhận các bí tích khai tâm, trong khi cha của cô cũng sẽ sớm hoàn tất chương trình gia nhập đạo.

9. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS bị đánh bại tại Palmyra

Sáng Chúa Nhật Phục sinh, các phóng viên báo chí đã có thể vào thành phố Palmyra để quay phim chụp ảnh. Hình ảnh lạc quan nhất là binh sĩ Syria vui đùa chơi túc cầu trên đường phố Palmyra, sau một trận chiến dữ dội kéo dài gần 3 tuần. Còn hình ảnh bi quan nhất là những kiến trúc cổ đại từ thời La mã tại thành phố đã từng là địa điểm du lịch lớn nhất của Syria đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá tan hoang trước khi rút chạy.

Bô binh của chính phủ Syria được sự hậu thuẫn rất có hiệu quả của không quân Nga và không quân Syria đã đánh bại hoàn toàn bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Trong gần ba tuần, không quân Nga đã mở 40 cuộc không kích tấn công dữ dội vào hơn 100 mục tiêu.

Các cuộc đụng độ lẻ tẻ vẫn tiếp tục tại một vài nơi, nhưng phần lớn quân IS đã tháo chạy về phía đông thành phố.

Đây là một đòn chí mạng đối với bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Về mặt chiến lược quân đội Syria ngày nay có thể dùng Palmyra như một “bệ phóng để mở rộng hoạt động quân sự” chống IS trong các đồn lũy của chúng tại Raqqa và Deir al-Zor.