Ngày 04-04-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sáu Chín
Lm Vũđình Tường
00:41 04/04/2008
Phúc Âm thánh Luca (23,44-46) thuật lại

từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín, mặt trời tối đi. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng:

'Lậy Cha, Con xin phó linh hồn Con trong tay Cha’. Nói xong, Người tắt thở.

Đây là một trùng hợp ngẫu nhiên hay Chúa có mục đích của Ngài. Hai số sáu và chín đảo lộn từ số đến nghĩa, đảo lộn mọi trật tự trời đất.

Trước hết thử nhìn hai con số. Sáu chính là chín ngược lại và chín đổi chiều thành sáu. Hai số hoặc có thể hoán chuyển vị thế cho nhau, hoặc đảo lộn vị trí nhau. Đảo lộn vị trí làm đảo lộn ý nghĩa.

Kinh thánh ghi rõ khởi đầu bằng số sáu, giờ thứ sáu trời đất trở nên ảm đạm. U buồn bao phủ không gian, tối tăm bao trùm mặt đất. Không phải mây mù che lấp khoảng trời. Kinh thánh ghi rõ tối tăm bao trùm mặt đất. Thời gian kéo dài ba giờ đồng hồ cảnh thê lương, kinh khủng, hoảng sợ tăng dần với thời gian. Đến giờ thứ chín, mọi sự chín mùi Chúa trút hơi thở.

CÁC HIỆN TƯỢNG

Trước hết là hiện tượng trên không trung, trời đất thay đổi. Mặt trời khuất đi, không phải là nhật thực vì đó là ngày rằm trùng với lễ Vượt qua (chú giải Tân Ước Luca 23, 44). Hơn nữa nhật thực không kéo dài ba giờ, chỉ một khoảng thời gian ngắn.

Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: “Người này quả thật là công chính”. (Luca 23,47)

Đám lính canh và đám đông dân chúng đứng xem chứng kiến sự kiện lạ tất cả đều thay đổi thái độ. Đang hung hăng, thách thức Chúa. Chứng kiến điềm lạ trên trời, đám đông đấm ngực ăn năn cúi gầm mặt ra về.

Một thay đổi khác trong đám lính. Lo sợ, dối trá và tiền bạc là nguyên nhân làm thay đổi lòng người luẩn quẩn trong vùng sáu chín. Sống cảnh tranh sáng, tranh tối, vừa vui vừa sợ. Lính vui vì được hưởng tiền thưởng lớn; cùng lúc đó lo sợ bị phạt; sợ quan tổng trấn biết họ gạt. Sợ các thượng tế bao che không nổi.

Thay đổi từ phía các nhà lãnh đạo họ đang dự tiệc mừng vì đã giết được người làm họ mất ăn, mất ngủ. Tin đưa đến họ lo lắng làm sao để xoay đổi thời cuộc.

Các thượng tế họp với các kì mục, sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ hắn đã đến lấy trộm hắn đi. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự” (Mathêu 28,13-15).

Mạch văn câu nói dối ngắn gọn nhưng bóng tối bao trùm từ khung cảnh đến hành động. Khung cảnh tối tăm vì là ban đêm. Sự việc xảy ra lúc ngủ nhắm mắt nên cũng tối thui. Hành động ăn trộm phải là hành động đen tối. Điều này cho thấy các thượng tế và kì mục vẫn đang sống khoảng thời gian 6-9. Họ chưa ra khỏi khoảng thời gian đó vì tối tăm còn bao phủ lòng họ. Dẫu thế vẫn không tránh khỏi thay đổi từ vui mừng ra sợ sệt. Vui vì giết được kẻ tử thù là Đức Kitô. Sợ vì nghe báo cáo Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Kẻ chọn sống trong tối tăm dùng thủ đoạn khuyến dụ, đe doạ, mua chuộc, cưỡng bách người khác sống trong tối tăm vào phe họ. Từ chối Chúa là Ánh Sáng là tự nguyện sống trong tối tăm. Sống trong tối tăm là sống trong lo sợ, thiếu bình an.

CÁC TÔNG ĐỒ

Các Tông Đồ vẫn run sợ, vẫn lo bị bắt, bị tù đày nên lẩn trốn sau cửa then cài. Gặp Ngài các ông ra khỏi vùng sáu chín, trở nên mạnh bạo phi thường, hiên ngang đương đầu với roi vọt, sẵn sàng tra chân vào tù, trở thành nhân chứng sống động. Sáng tinh sương lúc viếng mộ các bà nhận tin vui, thay đổi từ lo lắng sầu muộn sang tin yêu hy vọng tràn trề. Trên đường Emau các môn đệ cũng thay đổi từ u sầu sang hy vọng đến nỗi quên cả nguy hiểm của màn đêm, giữa đêm ra đi lòng đầy niềm vui. Thái độ của Tôma đòi bằng chứng. Gặp Thầy ông quì sụp xuống xưng tụng: Lậy Chúa, lậy Thiên Chúa của con.

SÁNG TẠO

Sách Sáng Thế Kí câu đầu tiên ghi ‘Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm”. Bóng tối bao trùm hình ảnh của giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Trong sáng tạo Chúa phán có ánh sáng liền có ánh sáng cho thấy Ánh Sáng chiến thắng bóng tối. Đức Kitô sống lại từ cõi chết ban Ánh Sáng soi sáng muôn dân. Ai muốn nhận ánh sáng Phục Sinh hãy đến với Ngài, tin vào Ngài sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống.

Chúa không hủy hoại tạo vật cũ. Hình dạng vóc dáng bên ngoài của ta vẫn như cũ. Ngài mang sự sống mới đến cho tạo vật cũ, con người cũ được tái sinh qua Bí Tích Thánh Tẩy trở nên con người mới, mặc lấy Chúa Kitô Phục Sinh, là phần tử sống động trong Chúa Kitô. Đức Kitô thay đổi đời sống nội tâm con người. Thập giá là biểu tượng của án tử; Ngài biến thành thập giá ban ơn cứu độ. Dân tộc mới không cần cùng màu da, tiếng nói nhưng có chung một Phép Rửa, chung một Cha, chung một ngôn ngữ, chung một luật đó là luật yêu thương. Chung một thân thể mà Đức Kitô là đầu và Kitô hữu là các chi thể. Vì thế không còn tình trạng Chúa Kitô ở đây hay Chúa Kitô ở kia mà mỗi Kitô hữu là hình ảnh của một Kitô Phục Sinh. Bằng chứng, dấu tích đòn vọt, mạo gai, dấu đinh của Chúa Kitô Phục Sinh tìm thấy nơi người anh em.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh : http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Hãy luôn vững tin trong mọi thử thách đau khổ!
Lm Nguyễn Hữu Thy
01:45 04/04/2008
Chúa nhật III Mùa Phục Sinh/A

Hãy luôn vững tin trong mọi thử thách đau khổ!


(Lc 24,13-35)

Chắc hẳn bài Tin Mừng về hai môn đệ Em-mau lại khơi dậy trong chúng ta những tình cảm và tư duy mới. Có lẽ trong những cảm xúc hoang mang và đầy thất vọng của hai môn đệ Em-mau phản ảnh những gì đang làm bức xúc nhiều Kitô hữu ngày nay!

Vâng, hai người lữ hành trên đường về Em-mau lòng đầy thổn thức, đau buồn và thất vọng tột độ. Họ đã đặt hết mọi hy vọng vào Ðức Giêsu Na-da-rét. Họ tin Người là Messia, là Ðấng Thiên Sai, Ðấng đã được hứa từ bao thế kỷ qua và nay đến lúc Người sẽ ra tay giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách thống trị ngoại bang Rôma. Hẳn đã đến lúc thiết lập lại sức mạnh, sự huy hoàng và sự ấm no thịnh vượng cho Ít-ra-en. Bởi thế, họ đã sẵn sàng bỏ lại tất cả để theo Ðức Giêsu: Gia đình, nghề nghiệp và cuộc sống quen thuộc xưa nay của mình.

Thế nhưng giờ đây, Ðức Giêsu đã bị giết chết một cách nhục nhã như thể một tên tử tội. Thầy của họ đã thất bại hoàn toàn! Tất cả thế là hết! Bao hy vọng ôm ẵm từ ba năm nay đều tan thành mây khói! Và còn đau buồn hơn nữa, là chính đức tin của họ vào Thiên Chúa cũng bị lung lay! Tại sao Thiên Chúa lại có thể bỏ rơi Vị Cứu Tinh dân tộc mà Người đã tuyển chọn? Thiên Chúa ở đâu, khi Ðức Giêsu kêu lên trong cơn cùng khổ ở trên thập giá: «Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi con?» (Mt 15,34). Tất cả những sự kiện đó chắc hẳn đã làm nẩy sinh trong họ tư tưởng: Hoặc Ðức Giêsu không phải là Ðấng Messia, hoặc Thiên Chúa không phải là Ðấng họ từng tin tưởng!

Vì lòng đầy ứ bao tư tưởng nghi ngờ thất vọng như thế, nên tin tức về ngôi mộ chôn xác Chúa trở nên trống không và sự loan báo của Thiên Thần là Ðức Giêsu đã sống lại, đối với họ không phải là điều nghiêm chỉnh hay có thể lật lại được cục diện. Quả thực «mắt họ như bị mù lòa, nên không nhận ra Người được» (Lc 24,16). Họ hoàn toàn bị giam hãm và cầm tù trong những quan niệm đầy tính cách trần thế của họ về nước Ít-ra-en mới mà Ðấng Messia sẽ thiết lập, như họ đã tâm sự: «Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người sẽ là Ðấng cứu chuộc Ít-ra-en!» (Lc 24,21). Sự tuyệt vọng khủng khiếp đó đã làm cho họ đâm ra cay đắng đến nỗi trở nên mù lòa. Ðối với họ chỉ còn một lối thoát duy nhất: Phải xa rời Giê-ru-sa-lem, nơi chôn vùi bao hy vọng về tương lai của họ!

Chân thành mà nói, ngày nay nhiều Kitô hữu trong chúng ta cũng đang mang trong mình tâm trạng tương tự như thế khi họ đưa mắt nhìn về Giáo Hội. Họ đã đặt biết bao nhiêu hy vọng vào Công Ðồng Vatican II. Họ đã hy vọng sẽ có một Giáo Hội mới, tân tiến, hoàn toàn thông thoáng, mở rộng mọi cánh cửa cho mọi trào lưu tư duy nhân loại; một Giáo Hội có sức thu hút mạnh mẽ đối với các tâm hồn, hoàn toàn bênh vực cho những người nghèo khổ cô thế cô thân; một Giáo Hội biết xóa bỏ mọi tục lệ cũ kỹ trong quá khứ và được canh tân một cách tuyệt căn, như cho phép phụ nữ làm Linh mục, cho phép những người ly dị được tự do chịu các phép bí tích, chấp nhận sự sống chung của những người đồng tình luyến ái, v.v… Ðó là những hy vọng của họ. Thế nhưng trong thực tế? Trước mắt họ, họ chỉ nhìn thấy một Giáo Hội khư khư ôm giữ những hình thức khô cứng của quá khứ; một Giáo Hội không biết đón nhận những sáng kiến tân thời của các tín hữu cấp tiến; một Giáo Hội không biết cởi mở đối với nữ giới, để họ cũng được tham dự vào các chức vụ hàng tư tế, v.v… Vâng, nhiều người đã nghĩ và đã có những cái nhìn như thế về Giáo Hội.

Trong khi đó, những người khác lại kêu trách phàn nàn về số phận mình hẩm hiu. Họ đã hy vọng là Thiên Chúa công minh sẽ ban thưởng cho đời sống đức tin trung kiên gương mẫu của họ. Vâng họ đã sống một cuộc sống rất đàng hoàng tử tế, vuông tròn mười điều răn Chúa cũng như tuân giữ mọi điều Giáo Hội dạy. Nhưng trong thực tế hằng ngày, họ chỉ thấy mất mát thua thiệt. Trong khi những kẻ sống ngang tàng, nguội lạnh lại thành công, sung sướng!

Còn nhiều người khác, tương tự như Ðức Giêsu xưa, đã kêu cầu đến Thiên Chúa trong cơn cùng khổ của họ. Nhưng Người đã chẳng lắng tai nghe lời họ, khiến họ có cảm giác như khi họ kêu điện thoại cho một người nào đó, nhưng lại không có ai ở nhà hoặc không có ai muốn cầm ống lên nghe cả; lời kêu cứu của họ chỉ còn là tiếng vang trong sa mạc! Và có lẽ họ cũng đã tìm an ủi nơi những người đại diện của Giáo Hội. Nhưng họ đã không tìm gặp được ai thực sự biết lắng tai nghe họ và biết thông cảm với họ theo cách thức mà họ hằng mong muốn chờ đợi!

Cuối cùng, còn có nhiều người khác thì tâm hồn đầy những chán nản ê chề về những trống rỗng vô nghĩa của cuộc đời. Người ta có thể so sánh họ với hai người môn đệ trên đường tiến về Em-mau, có khác chăng là khác ở chỗ: họ đã tự lừa dối mình, khi họ đi tìm sự an ủi và sự giải sầu qua những hoạt động cũng như những phương tiện lệch lạc, rẻ tiền và tạm thời, chứ không qua việc lắng nghe Lời Chúa, tâm sự với Ðấng Phục Sinh và tham dự việc Bẻ Bánh với Người, như hai người lữ hành Em-mau.

Bài Tin Mừng tường thuật rằng Ðức Giêsu đã đến đồng hành và trao đổi câu chuyện với hai người môn đệ Em-mau. Nhưng họ đã không nhận ra Người. Còn chính Người đã giải thích cặn kẽ cho họ hiểu rằng tất cả những điều đang làm cho họ và các môn đệ khác lo âu và thất vọng, nhất thiết «phải xảy ra». Ðó chính là điều Ðức Giêsu đã từng nói trước kia nhiều lần. Nhưng xem ra họ đã quên hết hay không muốn nhớ những điều đó, bởi vì chúng không trùng hợp với quan niệm và những chờ đợi của họ. Cũng vì thế, họ đã không thể hiểu được những lời báo trước về sự Phục Sinh của Ðức Giêsu, tức:

• Cái chết của Ðức Giêsu là con đường dẫn đưa vào đời sống mới,

• Qua cuộc khổ nạn của Ðức Giêsu, Thiên Chúa đã đem lại sự cứu độ cho nhân loại,

• Thập giá là con đường cứu rỗi, v.v…

tất cả những điều đã được loan báo đó hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng hiểu biết của họ!

«Thập giá Ðức Giêsu là nguồn ơn cứu độ» (x. Mt 10,38; Rm 6,8; Gl 2,20.5,24tt). Phải chăng chân lý đó đã chi phối được mọi tâm tư và toàn bộ con người của chúng ta? Phải chăng chân lý đó là nguồn động lực đỡ nâng chúng ta, củng cố chúng ta trong khi gặp phải những đau khổ thử thách trên đường đời, trong cuộc sống hằng ngày?

Chân lý đó sẽ không bao giờ có thể chi phối hay thấm nhập được vào con người chúng ta, nếu chúng ta chỉ nhắm tới và đặt hết mọi hy vọng vào những điều trước mắt, những điều chóng qua đời này, chứ không biết nhìn đến mục đích tối hậu của cuộc đời! Vâng, nếu chúng ta chỉ hướng lòng nhìn tới những điều hiện tại, chúng ta sẽ liều mình lạc xa mục đích cuộc sống và phải lần mò bước đi trong đêm tối của sự vô tri và chán nản. Chỉ từ mục đích chân thật của cuộc sống mà chúng ta được kêu mời tìm đạt tới, mới có được ánh sáng chân lý chiếu giãi trên nỗi đau khổ mà chúng ta đang phải đối mặt. Bởi vậy, trong cuộc sống hằng ngày cũng cần phải có những cái «phải chấp nhận», cả với những thách đố nặng nề của chúng nữa, thí dụ: Bệnh tật đau ốm, các tai họa, những thất vọng chán chường, sự cô đơn buồn tủi trong tuổi già và còn bao nhiêu điều khác nữa.

Nhưng, là một điều lầm lẫn nếu khi chúng ta phải đối mặt với các thử thách nặng nề như thế trong cuộc sống, mà lại chỉ tự an ủi mình bằng những tư tưởng hay lời nói đạo đức thuần tuý! Vâng, thật là một thái độ không phù hợp với tinh thần Kitô giáo, khi người ta bằng lòng và chấp nhận nỗi đau khổ một cách quá giản tiện và thụ động, chứ không chịu đem hết nỗ lực để loại bỏ những điều ác hại ra khỏi thế giới, một việc làm cần thiết và vốn nằm trong tầm tay của mình.

Dĩ nhiên, trong cuộc sống con người còn hiện hữu một giới hạn hay một biên giới nào đó mà khả năng nhân loại của chúng ta không sao vượt qua được, không sao giải thích được và vì thế cũng không sao có thể loại bỏ được, nhưng phải chấp nhận. Ðó chính là lúc đức tin vào Ðức Giêsu Kitô phục sinh nâng đỡ và bổ sức cho chúng ta để vui lòng chấp nhận sự thử thách, chịu đựng sự đau khổ.

Lời nguyện cầu của Ðức Giêsu trên thập giá là một tiếng kêu trong sự khốn cùng, phát xuất từ một con tim đầy đau khổ. Ðiều đó chứng minh rằng chính Ðức Giêsu cũng không tránh khỏi sự sợ hãi, bị Thiên Chúa bỏ rơi! Nhưng đàng khác, trong chính nỗi đau thương cùng cực đó, Người đã phó thác hoàn toàn vào sự an bài đầy khôn ngoan và yêu thương của Thiên Chúa, như trong buổi chiều hôm trước tại vườn cây dầu Người đã cầu nguyện với sự xác tín sâu xa: «Lạy cha, không phải ý con được thể hiện, nhưng là ý Cha» (Lc 22,42).

Và tâm tình tin tưởng phó thác tuyệt đối đó vào Thiên Chúa, vào Cha của Người, còn được khẳng định lại một lần nữa qua những lời nói cuối cùng của Người trên thánh giá, trước khi tắt thở: «Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha» (Lc 23,46).

Ðó cũng chính là điều đức tin chờ đợi nơi chúng ta, tức chúng ta hãy trả lời cho «câu hỏi tại sao» đầy nhiêu khê rắc rối của cuộc đời bằng những lời của Kinh Lạy Cha: «Nguyện cho ý Cha được thể hiện!»

Vâng, chắc chắn chúng ta sẽ không thể tiếp tục tiến xa hơn được nữa, nếu chúng ta chỉ dừng lại nơi «câu hỏi tại sao»: Tại sao lại là tôi? Tại sao tôi không làm chi nên tội, mà Thiên Chúa lại phạt tôi như thế nầy? Con người thường chỉ nhìn thấy những tình tiết cụ thể trước mắt, chứ ít khi nhìn được tổng quát con đường đời của mình. Còn Thiên Chúa luôn nhìn thấy suốt toàn diện cuộc sống con người và những vui buồn Người gửi đến cho chúng ta đều nhằm gây ích lợi cho chúng ta. Vả lại, chúng ta đừng quên rằng khi Thiên Chúa đã gửi đến cho chúng ta những thử thách và những đau khổ thế này thế kia, thì Người tự quyết định, chứ Người không bao giờ dò hỏi ý kiến chúng ta trước, để xem liệu chúng ta có bằng lòng hay không.

Vì thế, chỉ ai biết tin tưởng vào Thiên Chúa thì mới có thể phó thác tất cả cho Người được. Nhờ tinh thần tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa như thế, người đó sẽ có được đầy đủ nghị lực để chịu đựng được các thử thách đau khổ của mình, để bền tâm bước đi trên con đường thập giá.

Ðúng vậy, chúng ta đừng lấy làm ngạc nhiên, nếu nhiều khi vì lý do đức tin mà chúng ta phải hứng chịu những thiệt thòi mất mát trong cuộc sống. Chúng ta đừng lấy làm ngạc nhiên, nếu chúng ta dù tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa mà vẫn phải gánh chịu mọi thử thách đau khổ, chứ không hề được chuẩn chước. Nhưng trong những khi bị thử thách đau khổ, chúng ta hãy luôn xác tín rằng chúng ta không hề bị bỏ rơi, nhưng luôn có Ðức Kitô cùng đồng hành, như lời Người đã hứa: «Thầy ở với chúng con mọi ngày cho tới tận thế» (Mt 28,20), hay: «Thầy sống và chúng con cũng sẽ sống» (Ga 14,19). Hai môn đệ Em-mau đã xin người bạn đồng hành chưa quen biết: «Xin bạn hãy ở lại đây với chúng tôi!» Và trong khi cùng ngồi ăn với người bạn đồng hành «mắt họ liền mở ra và họ liền nhận ra Người» (Lc 24,29-31). Qua đó, vị thánh sử muốn quả quyết rằng mỗi người tín hữu cũng như mỗi cộng đoàn Kitô giáo sẽ chỉ có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Ðức Kitô giữa họ một cách chắc chắn, khi họ cùng nhau cử hành mầu nhiệm Thánh Thể trong tâm tình thân ái huynh đệ.

Bởi vậy, trong Thánh Lễ chúng ta cử hành hôm nay, Ðức Kitô thật sự đang hiện diện giữa chúng ta. Nhưng chỉ những ai biết mở rộng lòng mình để đón nhận Tin Mừng Phục Sinh của Người và cùng với Người cũng như với tất cả các anh em của Người tham dự Thánh Lễ, Bữa Tiệc Thánh, thì mới có thể cảm nhận được sự hiện diện thực sự của Người!
 
Hành trình Emmau
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
09:34 04/04/2008

Hành trình Emmau

Hành trình Emmau, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Em hồi xưa giúp lễ cho tôi. Bây giờ lớn rồi, không giúp lễ nữa, nhưng đi lễ Chúa Nhật đều đặn. Con trai sinh ra bên Úc mà tiếng Việt nói giỏi không thua chi tiếng Anh. Còn hơn một năm nữa, em sẽ ra trường, văn bằng Master. Chiều hôm qua, em ghé vào nhà tôi, miệng sặc sụa mùi rượu. Tôi hỏi sao lại uống rượu ban ngày. Em nói bị vợ bỏ. Tôi phá ra cười trong bụng, nhưng không tỏ lộ trên nét mặt, bởi em đã đám cưới bao giờ đâu mà có vợ. Tôi hỏi em bây giờ thì sao? Em nghiêm nét mặt nói ngày mai cha ra nhà xác mang con về, chôn con ở đất thánh. Tôi nói bộ không còn gì để cứu vãn nữa hay sao? Em con trai râu quai nón nhìn rất nam nhi mà tự dưng lăn dài hai hàng nước mắt. Em nức nở khóc nói nó bỏ con đi lấy chồng rồi. Cha ơi giờ con chẳng còn gì nữa. Tan nát hết rồi cha ơi. Em lại gục mặt xuống khóc nức nở cha ơi mai cha ra nhà xác mang con về chôn.

Nhìn em khóc, tôi cũng mủi lòng. Tôi thương em khổ. Tôi muốn an ủi nói thời gian sẽ chữa lành vết thương. Nhưng tôi yên lặng không nói chi, bởi biết có nói cũng bằng thừa.

Bác mới dọn về ở gần nhà xứ. Lâu lâu bác ghé qua, mang vào cho tôi tô cá kho, chén cháo lòng. Hôm qua, bác ghé vào, đầu quấn khăn tang, mặt buồn. Bác xin lễ cho bố mẹ. Bác nói,

- Ngày tản cư lên Hải Phòng, nhà cửa ruộng nương bỏ lại hết. Tôi khóc sưng cả nước mắt. Bố mẹ cũng không kịp gặp. Có mấy lạng vàng để dành chôn dưới lu nước sau hè cũng không về được để mà đào lên? Tôi vừa đi vừa khóc. Thiệt như người chết dở. Lên tới được Hải Phòng được mấy ngày, tin ở nhà hốt hoảng đưa lên bố mẹ đều đã bị chôn sống đúng ngay ngày bỏ làng mà đi. Nhận được tin dữ, tôi té ngã bất tỉnh. Một tuần sau tôi cứ ngồi ở đầu hè khóc sưng cả mắt. Phần tủi thân bởi đại tang, vừa tang bố lại vừa tang mẹ. Một hai nhất định đòi về làng. Bác trai mà không cản lại, chắc giờ cũng không còn xác mà mang đi chôn.

Tôi nghĩ làm người Việt Nam trong vòng một trăm năm vừa qua mất mát nhiều quá. Nếu có ai hỏi bạn nghĩ gì về nước Việt Nam, tôi không nói ra, nhưng tự nhiên đầu óc cứ nghĩ tới hành trình Emmau.

Chị sinh hoạt trong Hội Lêgiô, tôi lâu lâu ghé vào Hội chia sẻ một bài giảng, dâng một thánh lễ. Hôm qua, tôi giảng về nỗi mất mát của hai môn đệ trên đường Emmau. Tự nhiên chị ngồi ôm mặt khóc nức nở, khóc thành tiếng. Tôi hỏi chị, chị nói,

- Cha nghĩ thử coi, chồng chị chết trong trại cải tạo, xác không biết chôn ở đâu. Chị còn mỗi mình nó. Chị bồng nó trên vai xin phép anh cho chị mang con đi vượt biên. Tới Úc, chị ngày cày hai job nuôi con. Ong Tây ong Việt lờn vờn trước cửa, nhưng chị đóng cửa lòng nuôi con khôn lớn. Mười tám tuổi, nó xin phép mẹ đi dự tiệc Prom ra trường. Nửa đêm, đồng hồ gõ 12 tiếng, cảnh sát gõ cửa đưa tin con chị bị xe vận tải cán nát bấy.

Nói tới đây chi lại vực mặt vào hai lòng bàn tay khóc mùi mẫn.

Tôi nhìn chị khóc, tự nhiên tôi mơ tới Chúa gọi tên em như ngày nào Chúa đã gọi Lazarô bước ra khỏi ngôi mộ đá.

Gặp em, gặp bác, gặp chị, tôi cứ nghĩ tới hành trình Emmau. Tôi nghĩ tới những lần tôi cũng đã thất vọng khi con thuyền đánh cá đang lênh đênh trên biển, những người trên thuyền đang bị hải tặc hành hung, máu đỏ, mạng sống, đời người loang lổ một khoảng sàn tàu nhỏ nhoi.

Nghe lời chia sẻ của em, của bác, và của chị, tôi lại nhớ tới không biết bao nhiêu lần tôi bừng con mắt dậy chỉ để nhận ra giờ này mình đã trắng tay. Bao nhiêu mộng mơ vào trong tương lai giờ này đã tan biết hết. Vào những giây phút thất vọng như thế, tôi cứ hay nghĩ tới hành trình Emmau,

- [Vào một buổi sáng mùa Xuân], có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem bẩy dặm đường. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Ðức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu (Luke 24:13-17).

Nỗi mất mát nào chẳng mà đớn đau, bởi vì cách đây khá lâu, cũng đã có rất nhiều người cũng đã cảm nghiệm được sự mất mát to lớn cho một giấc mơ. Nhìn hòn đá đang từ từ che kín ngôi mộ, nhiều người có cảm tưởng mình đang lăn tảng đá chôn lấp giấc mơ của chính mình. Còn gì nữa mà mơ! Có người bỏ về làng tiếp tục nghề đánh cá. Có người âm thầm ngồi than khóc trong bóng tối. Có người treo cổ tự sát.

Cuộc sống là một tổng hợp của những buồn và vui, khóc và cười, mất và được. Có những lúc nổi giận, đốt hết. Có những lúc từ bi, thứ tha. Có những lúc mất hết, trắng tay. Những mất mát trong đời là một phần của cuộc sống. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận ánh sáng ban ngày và bóng tối ban đêm. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận mình đang còn trẻ và mình cũng đang già. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận mình là con của bố và của mẹ, có những người chị, người anh, và người em.

Nhưng chấp nhập không thì cũng chưa đủ. Phải hy vọng, hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn, rực rỡ hơn. Hy vọng như người con hoang đàng, hai người phụ nữ, một người bên giếng nước, một người trước tòa án, đã hy vọng những dĩ vãng những lỗi lầm của mình sẽ được quên đi, sẽ được xóa nhòa. Hy vọng như Phêrô đã từng hy vọng là mình sẽ được thứ tha. Thất vọng như Giuđa đã từng tuyệt vọng vào một ngày mai. Cành cây bên vệ đường là nơi người mất hy vọng tìm đến. Một sợi dây treo lên, một mạng người rớt xuống. Hy vọng như hai người môn đệ của hành trình Emmau...

Theo như Luca, vào một buổi sáng mùa Xuân, có hai người quyết định rời bỏ thành phố Giêrusalem. Trên con đường bẩy dậm dẫn về ngôi làng nhỏ bé Emmau, có hai người mất hy vọng đang đi với nhau. Nhưng Niềm-Hy-Vọng đã tới với họ. Niềm-Hy-Vọng chuyện trò với họ. Và bởi Niềm-Hy-Vọng, họ quyết định quay về Giêrusalem, thành phố của mất hy vọng. Họ quay về để tạo dựng lại một niềm hy vọng mới. Bao nhiêu người chứng kiến cảnh tảng đá đang từ từ chôn lấp một xác chết. Họ thất vọng. Họ cảm nghiệm đắng cay cho một mất mát. Nhưng rồi họ lại hy vọng, hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Cuối cùng đúng như họ mơ ước, mùa Xuân, Mùa Hy Vọng đã tới gần hai ngàn năm.

www.nguyentrungtay.com
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
12:32 04/04/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần (29)

281. Ngay từ năm 1974, Kinh Thánh đã được dịch ra 1.500 ngôn ngữ

Hãng tin Kipa, ngày 02.01.1974, đăng tin rằng Ban Liên Lạc của Pháp về Kinh Thánh cho biết hiện nay Kinh Thánh đã được dịch ra 1.500 ngôn ngữ, gồm 255 ngôn ngữ dịch trọn bộ Kinh Thánh, 346 ngôn ngữ dịch Tân Ước, 899 ngôn ngữ trích dịch Kinh Thánh.

282. Chúa Giêsu với Lời Chúa

Ai đọc Sách Thánh, ai đọc Lời Chúa, - ngay chỉ đọc một Lời Chúa mà thôi, - thì chính Đức Giêsu đang nói với họ rằng: "Chính Thánh Kinh làm chứng về Thầy” (Ga 5,39).

Chúa Giêsu là Lời trên hết mà Thiên Chúa nói với chúng ta sau khi đã nhiều lần nhiều cách, phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ (x.Dt 1,1 ).

Chính nhờ hướng về Đức Giêsu, mà các sách thánh Cựu-Ước có được đầy đủ ý nghĩa của mình: "Tất cả các Sách Thánh, chỉ là một Cuốn Sách Độc Nhất, và cuốn Sách Độc nhất nầy, là Đức Kitô ”(Hughes de Saint-Victor).

Trong thời kỳ giảng đạo, điều Chúa Giêsu lo lắng nhất, là làm sao cho người ta được nghe Lời Chúa, vì chỉ Lời Chúa mới làm cho người ta được sống đời đời, như lời Ngài phán: "Con người sống không phải bằng của ăn mà thôi, nhưng còn sống bằng Lời từ miệng Chúa phán ra" (Mt 4,4). Vì thế, sau khi rao giảng Lời Chúa chổ nầy xong, Chúa Giêsu liền đi đến chổ khác để rao giảng Lời Chúa. Nếu có nơi nào cầm giữ Ngài lại, thì Ngài từ chối: "Thầy còn phải đi rao giảng Tin Mừng cho nhiều nơi khác nữa" (Lc 4,43).

Trước khi về trời, Chúa Giêsu ra lệnh quan trọng nhất cho các tông đồ và môn đệ của Ngài: "Các con hãy đi khắp thế gian mà rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16.15).

283. Chúa Giêsu là Thầy dạy đặc biệt về Sách Thánh

Chúa Giêsu nói ai muốn hiểu Lời Chúa thì hãy đến với Ngài: "Ai nghe lời Cha mà muốn tìm hiểu lời ấy, thì hãy đến với tôi” (Ga 6,45).

Trước khi về trời, Chúa Giêsu dành nhiều thời giờ quý báu để dạy Thánh Kinh cho các môn đệ: "Rồi Người bảo: " Khi còn ở với các con, Thầy đã từng nói với các con rằng tất cả những gì Sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm". Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc 24,44-45).

Sau khi đã dạy hết mọi điều trong Thánh Kinh cho các môn đệ, Chúa Giêsu mới ra lệnh cho họ ra đi rao giảng Lời Chúa (x. Lc 24,47 ), và sau đó, Ngài mới an tâm bay về trời (x. Lc 24,51).

284. Mẹ tôi hoặc Chúa Giêsu Kitô phán xét tôi, tôi chọn ai?

Một giáo dân hỏi Đức Giám Mục Phanxicô Salêsiô một câu như sau:

- “Kính lạy Đức Cha, sau khi qua đời, Đức Cha muốn ai phán xét Đức Cha, Chúa Giêsu Kitô hay là mẹ của Đức Cha?”

Mặc đầu thương mẹ mình hết sức và hoàn toàn tin cậy vào mẹ mình, thánh Phanxicô Salêsiô trả lời ngay, không chút ngập ngừng:

- “Cha chọn Chúa Giêsu Kitô phán xét cha!”

285. Ba ý trong ba câu trả lời

Ba người thợ kia đang làm việc để xây cất một ngôi thánh đường.

Được hỏi anh đang làm gì, ba người thợ nầy trả lời ba cách khác nhau.

Người thợ thứ nhất trả lời: “Tôi đang đục đá.”

Người thợ thứ hai trả lời: “Tôi đang làm việc để kiếm tiền.”

Người thợ thứ ba trả lời: “Tôi đang làm Nhà Thờ.”

Ba người, tuy làm một việc như nhau, nhưng lại có ba ý khác nhau: ý người thợ thứ nhất nói đến sự cực nhọc mình phải chịu trong khi làm việc; ý người thợ thứ hai nhắm đến lợi nhuận mình sẽ lãnh được sau khi làm việc; còn ý người thợ thứ ba nói đến việc xây dựng Nhà Chúa, xây dựng Nhà Cầu Nguyện, xây dựng Nhà Thờ.

286. Gian phòng nầy chưa đầy đủ, còn thiếu một đồ vật.

Khi có dịp đến thăm một ngôi nhà giàu sang của hai vợ chồng cứ hằng ngày cải lộn nhau mãi, nhà chính trị Wintorsh liền đưa ra nhận xét như sau:

- “Nhà nầy đang thiếu một đồ đạc.”

Những người nghe, đều cải chính:

- “Nhà nầy giàu sang, nhà nầy đầy đủ cả, nhà nầy không thiếu một cái gì.”

Nhà chính trị Wintorsh liền xác quyết:

- “Nhà nầy thiếu một bàn quỳ để cầu nguyện.”

Câu trả lời nầy ngụ ý sâu xa: lý do mà hai vợ chồng trong ngôi nhà giàu sang nầy hằng ngày cứ cải lộn nhau mãi, là vì họ thiếu cầu nguyện chung với nhau.

287. “Hãy kêu cha giải tội trước, rồi mới kêu bác sĩ sau.”

Năm 1832, một cơn dịch tả nổi lên tại Paris, thủ đô nước Pháp, cướp đi sinh mạng rất nhiều người.

Lúc bấy giờ, đang còn là sinh viên, Frederic Ozanam ở trọ trong ngôi nhà của nhà bác học Ampère.

Phòng ngủ của nhà bác học ở trên lầu. Mỗi tối, trước khi lên giường ngủ, Ampère nhắc nhở Ozanam một câu như sau:

“ Bạn thân mến, nếu bệnh dịch tả tấn công tôi đêm nay, tôi sẽ dùng gậy mà khỏ khỏ nơi sàn nhà. Khi đó, tôi không xin bạn lên lầu giúp tôi đâu, nhưng tôi xin bạn hãy đi mời ngay tức khắc cha giải tội cho tôi, rồi sau đó mới đi kêu bác sĩ.”

288. Những em học sinh giáo lý nầy quá ngoan!

Một cô giáo lý viên kia dạy một lớp giáo lý cho các em tiểu học.

Vì có một việc rất cần, cô đi ra khỏi lớp dạy mà quên dặn các em phải làm gì.

Khi về lại, cô tưởng các em trong lớp sẽ lộn xộn lắm. Không ngờ, cô thấy lớp học im lặng và rất có trật tự. Cô rất bằng lòng với các em học sinh của mình, nhưng cô vẫn thắc mắc hỏi:

- “Tại sao không có cô trong lớp mà các em vẫn thinh lặng và có trật tự tuyệt vời như vậy?”

Một em gái nhỏ thưa:

- “Thưa chị, khi chị không thấy các em, thì Chúa vẫn thấy các em.”

289. Không gì dễ cho bằng phạm tội!

Để sống không phạm tội như một vị thánh, một trăm năm cũng khó đạt được. Nhưng để phạm tội như một người tội lỗi, chỉ cần một giây, một phút là đủ.

Ý thức được sự nguy hiểm nầy, những người đạo đức cũng như các vị thánh, mỗi sáng thức dậy, đều khiêm nhượng than thở với Chúa rằng:

- “Lạy Chúa, nếu ngày hôm nay Chúa không thương giúp con, con sẽ chối Chúa như Phêrô và bán Chúa như Giudà rất đễ!”

290. Người khôn là người đợi chết!

Một người kia đi du lịch qua nước Pháp. Ông đến bờ biển Côte d’Azur để nghỉ mát. Tại đây, ông bị tai nạn giao thông và chết tại chổ. Bộ giao thông của nước Pháp liền đặt nơi nầy một tấm bảng có ghi câu: “Nơi đây, một người đến nghỉ một ngày nhưng rồi phải ở lại đây luôn mãi.”

Thật đúng như lời thánh Bênađô cảnh cáo: “Sự chết đợi con mọi nơi, thì con cũng đợi nó mọi chốn. Như vậy, mới là người khôn.”

Như vậy, người khôn là người đợi chết!
 
Người chỉ huy lãnh đạo
LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP
17:39 04/04/2008
NGƯỜI CHỈ HUY LÃNH ĐẠO

Người chỉ huy lãnh đạo, ở ngoài đời thường được gọi là chủ tịch, giám đốc, thủ trưởng; còn ở trong đạo thì vẫn được kêu là bề trên, viện phụ, tu viện trưởng. Những vị này đều đứng đầu, chịu trách nhiệm, cầm cân này mực cho một tập thể hay cộng đoàn. Vai trò của các ngài thật quan trọng, và có tính quyết định về sự thịnh suy của một cơ cấu hay tổ chức. Vì vậy, người trong tổ chức hay cộng đoàn, ai cũng đợi chờ nhiều nơi người chỉ huy lãnh đạo. Người ấy mà tài năng và có tinh thần phục vụ ích chung thì đoàn thể, tổ chức được nhờ. Singapore và Malaysia trong những thập kỷ vừa qua tiến bộ nhanh, là nhờ tài lãnh đạo của những con người như Lý quang Diệu và Mahatir Mohamed.

Vai trò của người chỉ huy lãnh đạo có thể ví như vai trò của một ca trưởng trong một ca đoàn hay ban hợp xướng, hoặc nhạc trưởng trong một dàn nhạc hòa tấu.

Vai trò của nhạc trưởng là điều khiển. Muốn vậy, phải thành thạo âm nhạc và biết chỉ huy, qua bàn tay hay cây đũa đánh nhịp. Người lãnh đạo cũng phải thạo nghề của mình là chỉ huy. Người chỉ huy không nhất thiết phải làm hết, nhưng là nhờ và chỉ cho người khác làm. Cái hay là biết nhờ và biết chỉ. Nhưng người được nhờ cũng cần phải hợp tác nữa. Cái khéo của người chỉ huy là biết cảm hóa và thuyết phục người khác hợp tác với mình. Nếu ai cũng có lòng chung và tinh thần trách nhiệm thì không nói làm gì, nhưng có những người không phải như vậy.

Người nhạc trưởng có đôi tay để đánh nhịp và đôi tai để nghe. Tay để điều khiển còn tai để điều chỉnh. Tay để chỉ vào nhịp cho đúng, hát chỗ to chỗ nhỏ, chỗ nhanh chỗ chậm; còn tai để nghe xem có chỗ nào sai cung lạc dấu hay lỡ nhịp nhanh chậm v.v... Ca đoàn hay, là nhờ ca trưởng giỏi; dàn nhạc hay, là nhờ nhạc trưởng có tai âm nhạc, nghe chỗ nào sai của nhạc công là biết luôn để sửa chữa, lại giỏi điều khiển để làm cho nhạc công giữ đúng và vào đều nhịp.

Như vậy, điều đó đòi ca trưởng phải biết rõ ca đoàn và dàn nhạc của mình, điểm mạnh điểm yếu, người hay kẻ dở v.v... rồi uốn nắn, sắp xếp, điều chỉnh lại. Trong âm nhạc, phải có sự hài hòa thì trong cộng đoàn hay tập thể cũng vậy. Cũng như trong ca đoàn hay dàn nhạc, ca viên nào hát ngang, nhạc công nào không sử dụng nhạc khí thành thạo thì không nên để họ ở lại trong đó, mà nên mời họ đi chỗ khác để họ làm những công việc thích hợp hơn với họ. Nhiều khi vì ích chung của tập thể, người lãnh đạo phải có can đảm sắp xếp lại, bằng cách phân công, bổ nhiệm cho đích đáng, để mọi người ai cũng thấy rằng mình được sử dụng đúng khả năng và vị trí. Người được đi học chuyên môn thì nên cho người ta làm việc theo đúng khả năng và ngành nghề, kẻo uổng phí những tháng năm học hành ở nuớc ngoài, rồi về nhà, tài năng và học hành chuyên môn bị “bỏ xó”, không được dùng đến. Như vậy, thật là uổng phí và buồn lòng cho người không được sử dụng theo đúng khả năng. Thử hỏi sự bổ nhiệm như thế liệu có đạt được hiệu năng mong muốn không, vì làm công việc không được học hành chuẩn bị trước ?

Có ca trưởng hay nhạc trưởng tài ba mà không có ca viên giầu khả năng, tận tâm, thiện chí thì cũng bằng không. Vì thế, phải có cả hai bên: bên điều khiển cũng như bên chịu sự điều khiển. Bên điều khiển thì hiển nhiên phải có tài rồi, còn bên chịu điều khiển cũng phải hợp tác và đón nhận sự điều khiển nữa. Chẳng vậy, sẽ xẩy ra cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Hoàn cảnh mới bây giờ khó khăn. Những người trẻ vào tu hiện nay thường nghĩ khác. Hoàn cảnh mới, tâm lý khác nhưng những yếu tố căn bản của đời tu không khác được. Chừng nào người đi tu nghĩ khác với cốt cách muôn đời của nghiệp tu, thì chừng đó khó có đởi tu theo đúng nghĩa. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ lớn của người chỉ huy lãnh đạo cộng đoàn là gieo vào lòng tu sĩ nam nữ ngay từ đầu và năng nhắc đi nhắc lại, ý tưởng cốt yếu này là đi tìm Chúa để thấy Chúa rồi đem Chúa đến cho người khác, bằng những họat động dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy theo lý tưởng đặc thù của mỗi Dòng.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:10 04/04/2008
NỮ OA VÁ TRỜI

N2T


Thiên thần Nữ Oa không muốn nhìn thấy loài người mình dựng nên phải chịu đau khổ, thế là bà ta tìm rất nhiều loại đá có năm màu, dùng lửa lớn nấu luyện thành đá lỏng vá vào lỗ hổng lớn ở trên trời, rồi lại dùng đá vôi lấp đầy khe nứt trên mặt đất làm cho nước lớn bình lặng; tiếp theo Nữ Oa chặt chân con rùa khổng lồ dựng bốn phía trên mặt đất, lại chống đỡ trời thêm một lần nữa, cuối cùng trời đất hồi phục bình an tĩnh lặng.

Nhưng, qua cuộc biến động này thì trời và đất đều bị xiêu vẹo ! Nhật nguyệt tinh tú đều rơi trượt về phía bắc, do đó mà xuất hiện bốn mùa và ngày đêm; trên mặt đất phía tây bắc thì cao, mà phía đông nam thì thấp, tất cả các sông ngòi đều chảy về phía đông nam. Con người thì lại được cái phúc trong cái họa, bắt đầu sống theo quy luật: làm việc khi mặt trời xuất hiện, và mặt trời lặn thì nghỉ.

(Tây Hán, Lưu An: Chuẩn Nam tử)

Gợi ý:

Thiên Chúa không bao giờ muốn con người phải chịu đau khổ, bởi vì không một cha mẹ nào lại muốn con mình phải khổ, nhưng khổ không phải do cha mẹ, mà là do con cái không nghe lời dạy bảo của cha mẹ, cho nên mới có câu: “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.

Vạn vật, tứ thời bát tiết vận hành theo chu kỳ của chúng nó mà Thiên Chúa đã định sẵn, khởi đầu từ mùa xuân, đến hạ rồi qua thu và cuối cùng là mùa đông. Mỗi mùa đều có công dụng của nó để làm cho cuộc sống con người được tốt đẹp hơn, đó chính là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người vậy.

Thời đại khoa học phát triển vượt bực, con người có thể làm được mọi chuyện theo khả năng của mình, nhưng khả năng con người thì có hạn, mà vũ trụ trì bát ngát vô biên, cho nên con người cứ khắc khoải muốn được làm chủ vũ trụ này: thế là những phát minh khoa học không còn để phục vụ hòa bình của loài người nữa, mà là trở thành những công cụ phục vụ cho chiến tranh, và thế là mọi đau khổ của con người từ đó mà bắt đầu vậy.

Các em thực hành:

- Luôn biết vâng lời cha mẹ và những người có trách nhiệm dạy dỗ mình.

- Không gây gỗ với bạn bè, vì gây gỗ chỉ đem lại nỗi buồn và đánh mất tình bạn.

- Noi gương Chúa Giê-su khi còn bé: biết học giáo lý và đến nhà thờ tham dự thánh lễ.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:11 04/04/2008
CHỦ NHẬT III PHỤC SINH

Tin mừng: Lc 24, 13-35.

“Họ đã nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh.”

Bạn thân mến,

Hai môn đệ trên đường Em-mau đã không nhận ra được Chúa Giê-su khi cùng với họ đi chung đường và cùng trò chuyện với họ, họ không nhận ra Ngài vì lòng họ đang bực bội vì những gười Do Thái đã giết chết thầy của mình, và họ đang thất vọng vì niềm tin vào thầy đã tan thành mây khói, tâm hồn bất an và lòng trí rối loạn thì chắc chắn sẽ không để ý đến những chuyện chung quanh, và họ đã thật sự nhận ra khi lòng đã bình lặng khi ngồi vào bàn ăn và thấy cử chỉ quen thuộc của Chúa Giê-su...

Trong cuộc sống xô bồ với nhiều lo toan, đã nhiều lần bạn và tôi không nhận ra được Chúa Giê-su đang đồng hành với mình:

- Ngài đồng hành với chúng ta dưới hình dáng người khách qua đường.

- Ngài đồng hành với chúng ta dưới hình dáng của người ăn mày bên lề đường.

- Ngài đồng hành với chúng ta với hình dáng người đồng sự nơi công sở, nơi học đường.

- Ngài đồng hành với chúng ta với hình dáng người bạn thường hay chỉ trích những việc làm chưa tốt của chúng ta.

- Ngài đồng hành với chúng ta nơi những người mà chúng ta gặp gỡ tiếp xúc trong cuộc sống.v.v...

Chúa Giê-su đã sống lại rồi, sự chết, không gian và thời gian sẽ không làm chủ được Ngài nữa, do đó mà Ngài luôn hiện diện khắp nơi trên mặt đất này, để đồng hành và chia sẻ với chúng ta niềm hạnh phúc thiên đàng.

Bạn thân mến,

Tâm hồn của bạn và tôi sẽ không bao giờ “nóng” lên khi Chúa Giê-su đồng hành với chúng ta qua hình dạng người này người nọ, nếu chúng ta không thực sự cùng đồng hành với Ngài ngay trong cuộc sống đời thường của mình.

Con mắt của bạn và tôi sẽ không bao giờ “mở ra” để nhìn thấy Chúa Giê-su đang đồng hành với mình, nếu chúng ta không thực sự kết hợp với Ngài trong bí tích Thánh Thể, bởi vì chỉ có những ai thực sự kết hợp với Chúa Giê-su Thánh Thể thì mới hiểu được mình đang đồng hành với Ngài trên đường về quê trời, dù tâm trạng đang lo âu vì ngày mai lấy gì ăn lấy gì mặc, dù cuộc sống có rất nhiều đau khổ xảy ra...

Chúa Giê-su luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống của mỗi người, đó chính là niềm tin Phục Sinh của bạn và tôi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:12 04/04/2008
N2T


13. Khi rước lễ, Máu châu báu của Chúa Giê-su Ki-tô thực sự chảy trong huyết mạch của chúng ta, thân xác thánh của Ngài và thân thể của chúng ta kết hợp với nhau.

(Thánh John Vianney)
 
Nước Cha Trị Đến
Vũ Văn An
21:05 04/04/2008

4. Nước Cha Trị Đến



Ta có thể và rất tự nhiên coi lời nguyện cho “Nước Cha trị đến” như lời cầu xin chính của Kinh Lạy Cha, vì Nước Thiên Chúa chắc chắn là sứ điệp và là lời công bố chính của Chúa Giêsu. Khi kể lại lần đầu tiên Chúa Giêsu xuất hiện nơi công chúng, phúc âm Mác-cô đã tóm tắt sứ điệp của Người như sau: “thì giờ đã đến và Nước Thiên Chúa đã gần kề; hãy ăn năn và tin vào phúc âm” (Mc 1:14; xem Mt 4:17). Phần thánh Luca, ngài thuật lại việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải tiến về phía trước ra sao: “Ta còn phải rao giảng tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác nữa, vì Ta được sai đến vì mục tiêu này” (Lc 4:43). Việc công bố Nước Thiên Chúa vì thế không là gì khác mà là chính mục tiêu của việc Chúa Giêsu bước vào trần gian. Tính trung tâm của ý niệm Vương Quốc càng trở nên rõ ràng khi ta biết rằng thuật ngữ Nước Thiên Chúa hay Nước Trời xuất hiện 46 lần trong Phúc Âm Mátthêu, 16 lần trong Phúc Âm Máccô và 38 lần trong Phúc Âm Luca.

1. Nước hay triều đại

Mà nếu lời cầu xin này chính yếu như thế, ta cần hiểu nghĩa của nó một cách rõ ràng. Ở đây, ta thấy có chữ Nước. Chữ này tương đương như chữ kingdom (vương quốc) của tiếng Anh mà ngày nay phần đông người ta hiểu như một lãnh thổ hay một khu vực lãnh thổ dưới quyền cai trị của một chính phủ hay một vị vua nào đó. Như Nước Anh, vương quốc Bỉ… Nhưng trong Tân Ước, nước không phải là một lãnh thổ, mà đúng hơn là triều đại của Thiên Chúa. “Nước Thiên Chúa đã gần kề” chỉ có nghĩa là “Thiên Chúa sắp sửa khởi đầu triều đại của mình; vương quyền của Người nơi trần gian sắp sửa bắt đầu”. Tưởng cũng nên nhấn mạnh ở đây, lời cầu xin này trong bản tiếng La-tinh như sau: “Adveniat Regnum tuum”. “Regnum” quả có nghĩa là triều đại và đã có lần Hội Đồng Giám Mục Việt-Nam đã cho đọc thử bản dịch mới của Kinh Lạy Cha trong đó, thuật ngữ Triều Đại đã được sử dụng thay thế cho thuật ngữ Nước. Không hiểu vì sao, việc đọc thử ấy đã không biến thành việc đọc thật sự trong phụng vụ và việc cầu nguyện hàng ngày.

Điều thứ hai, Tân Ước sử dụng đến hai thuật ngữ: Nước Chúa và Nước Trời. Hai thuật ngữ ấy cùng chỉ một thực tại, tìm cách phân biệt hai thuật ngữ này là điều sai lầm. Có điều, Phúc Âm Mátthêu ít khi nói Nước Chúa, trái lại hầu như lúc nào cũng nói đến Nước Trời. Trái lại hai phúc âm nhất lãm kia, tức các Phúc Âm Máccô và Luca, thì hầu như không bao giờ nói tới Nước Trời, mà luôn nói đến Nước Chúa. Lý do có thể là vì người Do Thái ngoan đạo ít khi dám nhắc đến tên Thiên Chúa trên môi miệng mình. Nếu có thể, họ thích dùng kiểu nói vòng vo (periphrasis) đầy tôn kính. Mà chữ vòng vo tôn kính chỉ Thiên Chúa đối với họ chính là Trời. Phúc Âm Mátthêu hiển nhiên được coi có tính Do Thái hơn tất cả các phúc âm kia, cho nên để tránh nói Thiên Chúa, soạn giả đã dùng chữ Trời thay thế. Nên không nói Nước Thiên Chúa mà nói Nước Trời. Trái lại, hai soạn giả phúc âm Máccô và Luca, vì ít có tính Do Thái hơn, nên chả ngần ngại gì không nói Nước Thiên Chúa.

2. Định nghĩa hay không định nghĩa

Mặt kkác, xem ra không ai bận tâm đến việc định nghĩa chữ Nước hay Triều Đại. Nước hay Triều Đại ấy được mô tả bằng hình ảnh và loại suy cũng như bằng các đòi hỏi và hiệu quả của nó, chứ không bằng nhiều lời định nghĩa. Tuy nhiên, để hiểu nó, bắt buộc ta phải tìm ra một định nghĩa để làm việc.

Văn chương Hi-bá-lai nổi tiếng về việc năng sử dụng lối song đối. Thói quen của họ là nói đến sự việc hai lần: vế thứ hai của song đối nhắc lại, hay khuếch đại, hoặc giải thích vế đầu. Đặc điểm ấy dễ thấy nhất trong các Thánh Vịnh. Như Thánh Vịnh 46:8:

Chúa các đạo binh ở với chúng ta;

Chúa Gia-cóp là nơi trú ẩn của ta.

Hay Thánh Vịnh 121:5:

Chúa là Đấng gìn giữ con;

Chúa là bóng che bên tay phải con.

Trong Kinh Lạy Cha, hai lời cầu xin sau đây đã được đặt song song bên cạnh nhau:

Nước Cha trị đến

Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời (Mt 6:10).

Theo phép song đối của văn chương Hi-bá-lai, thì vế thứ hai trên đây quả đã giải thích và định nghĩa cho vế thứ nhất, như thế, ta có định nghĩa sau đây: Nước Chúa là một xã hội trên trần gian trong đó ý Chúa được thể hiện cách hoàn hảo giống như ở trên trời. Nghĩa là thể hiện ý Thiên Chúa và hiện diện trong Nước (của Người) chỉ là một điều, cùng là một điều. Là công dân một nước hay thần dân một vương quốc, nhất thiết bao hàm việc vâng theo luật lệ của nước ấy hay các sắc chỉ của vua ấy. Là thành viên Nước Thiên Chúa nhất thiết bao gồm việc chấp nhận ý Thiên Chúa.

Định nghĩa trên giúp ta hiểu vị thế của Chúa Giêsu trong Nước Chúa và đồng thời giải thích được một số câu nói lạ lùng trong Tân Ước. Mátthêu 11:1 cho biết Chúa Giêsu phán thế này: “Ta bảo thật các ông, trong số những người do phụ nữ sinh ra, không ai trọng hơn Gioan Tẩy Giả; ấy thế nhưng người thấp kém nhất trong Nước Trời cũng cao trọng hơn ông ta” (xem thêm Luca 7:28). Hệ luận là với việc Chúa Giêsu và Nước Trời xuất hiện, một điều gì đó hoàn toàn mới đã bước vào cuộc đời. Điều mới ấy là điều gì? Ta hãy nhớ lại định nghĩa trên đây về Nước Trời: hiện diện trong Nước ấy là hoàn toàn chấp nhận và thi hành ý Thiên Chúa.Chúa Giêsu Kitô là người và là người duy nhất từng chấp nhận và thi hành trọn vẹn ý Thiên Chúa. Cho nên, Nước Chúa đã xuất hiện cùng với Chúa Giêsu. Nước Chúa đến trong chính Người. Người nhập thể và nhập thân Nước ấy. Chúa Giêsu không chỉ công bố Nước Chúa; mà Người là chính Nước Chúa thể hiện trong cuộc sống con người. Người mang tới cho con người cả sứ điệp lẫn sự tỏ hiện của Nước Chúa.

Như thế ngay lập tức ta nhìn Nước Thiên Chúa bằng hạn từ ý Thiên Chúa, và do đó Nước Thiên Chúa trở thành một việc bản thân. Nước ấy đầu hết không phải là ý niệm bao gồm quốc gia, dân tộc và xứ sở. Nước Thiên Chúa là một điều gì đó bắt đầu với chính tôi. Nói về Nước ấy không phải để đưa ra một lý thuyết thần học, dựng ra một chương trình chính trị, nhưng là đặt mình đối diện với một thách đố bản thân trong đó ta chấp nhận hay từ khước ý Thiên Chúa dành cho ta. Nước Thiên Chúa, do đó, bao hàm việc cá nhân chấp nhận ý Thiên Chúa. Cầu xin cho “Nước Cha trị đến” có nghĩa là cầu xin “Lạy Chúa, xin giúp con thực hiện ý Chúa”.

Điều này càng rõ hơn khi ta xem hai đoạn Tân Ước song song sau đây. Trong Máccô 9:43, ta thấy:

Nếu tay con làm cớ cho con phạm tội thì hãy cắt bỏ nó đi; thà cụt tay mà vào được Nước Thiên Chúa còn hơn là đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục.

Còn trong Máccô 9:47, ta thấy:

Nếu mắt con làm cớ cho con phạm tội, thì hãy móc bỏ nó đi; thà một mắt mà vào được Nước Thiên Chúa còn hơn là đủ hai mắt mà phải vào hỏa ngục.

Trong hai đoạn văn trên sự sống và Nước Chúa chỉ là một điều, cùng là một điều. Ta chỉ tìm thấy sự sống trong vâng phục Thiên Chúa. Thể hiện ý Người, ta tìm được bình an cho ta. Chỉ trong Nước Thiên Chúa, mới có sự sống, vì rõ ràng sự sống chỉ là điều nó có nghĩa khi nó được sống trong vâng phục ý Thiên Chúa.

3. Ý nghĩa Nước Chúa

Khi đã hiểu được mối liên hệ gắn bó giữa Nước Chúa với ý Chúa và sự sống, ta sẽ hiểu được rất nhiều các đoạn văn, hình ảnh và ý niệm của Tân Ước.

i. Trước hết, Nước Chúa phải bắt đầu bằng lời mời. Đó là lời mời đích danh Thiên Chúa ngỏ với mỗi người để họ chấp nhận ý Người, ý đã được biểu lộ trong Chúa Giêsu Kitô. Chính vì thế, nó đã được lên hình tượng như một bữa tiệc hay bàn tiệc được chủ nhà mời khách đến dự. Khách có thể chấp nhận hay từ chối lời mời ấy và do đó lãnh nhận vẻ vang hay điếm nhục (Mátthêu 22:1-14; Luca 14:16-24). Bước vào Nước Chúa là chấp nhận lời mời Thiên Chúa gửi cho khách mời của Người, và khách mời phải luôn luôn chấp nhận luật lệ của gia đình nơi ông bước vào.

ii. Chính vì lẽ trên, Nước Chúa và thống hối luôn luôn đi đôi với nhau. Sứ điệp tiên khởi của Chúa Giêsu là lời kêu gọi thống hối vì Thiên Chúa sắp sửa khởi đầu triều đại của Người (Máccô 1:14; Mátthêu 4:17). Xét theo chiểu tự, thống hối có nghĩa là thay đổi tâm trí (metanoia); còn ăn năn trở lại có nghĩa là quay lại và hướng về phía ngược lại. Đối với cuộc đời, bản năng tự nhiên của con người là muốn biến ý chí, ước muốn và hoài mong riêng của mình thành lực lượng chủ chốt và chuyển dịch mọi sự khác ở trên đời. Khi người nào đó bước vào Nước Chúa, họ phải có được sự thay dạ đổi lòng giúp họ thôi không còn vâng theo ý chí riêng của mình nữa, mà là theo ý Thiên Chúa, là thôi không còn nhìn vào mình mà là nhìn vào Chúa. Kitô hữu là người biết chấp nhận rằng họ không còn bao giờ làm điều họ thích nữa; nhưng luôn luôn điều Chúa thích. Cuộc sống Kitô giáo bắt đầu với họ, họ khởi sự bước vào Nước Chúa, khi họ lên tiếng hỏi, như Thánh Phaolô trên đường tới Đamát đã hỏi: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Công Vụ 22:10).

iii. Đó cũng là lý do tại sao Nước Chúa nhất thiết khởi đầu từ những khởi sự nhỏ nhất. Người ta không bước vào Nước Chúa như những đám đông; họ phải bước vào đó như những cá nhân; vì cái lúc bước vào ấy bao giờ cũng là một chấp nhận ý Chúa có tính bản thân và cá thể. Đó là lý do tại sao việc hạt mù tạt, một thứ hạt nhỏ nhất trong các hạt, lớn thành một cây to lại là biểu tượng của Nước Chúa (Mátthêu 13:31, 32). Đó là lý do tại sao, nếu một ai đó được đặt vào một môi trường thù nghịch hay thờ ơ với lời mời gọi của Thiên Chúa, họ không nên coi đó như điều đáng tiếc và đáng ghét, nhưng là đặc ân và là thách thức làm hạt nhỏ xíu từ đó phát sinh ra Nước Chúa.

iv. Điều đó cũng giải thích tại sao người ta không còn xa Nước Chúa. Chúa Giêsu từng nói với Thầy Thông Luật khôn ngoan và nhiều hiểu biết rằng ông ta không xa Nước Thiên Chúa (Máccô 12:28-34). Người ta có thể ở trong tình thế hiểu biết ý Chúa và phần nào đó muốn chấp nhận ý ấy, nhưng lại run sợ trước viễn ảnh phải vâng phục hoàn toàn. Đó chính là lý do tại sao một trong các cản trở không vào được Nước Chúa là thiếu khả năng thực hiện một quyết định dứt khoát. Chúa Giêsu từng nói với những kẻ muốn dấn bước theo chân Người rằng: “Ai đã đặt tay vào chiếc cày mà còn nhìn lại phía sau không xứng đáng với Nước Chúa” (Luca 9:61, 62). Không thể có bất cứ điều gì gọi là trung lập tốt lành đối với Nước Chúa được. Ta có thể đang ở ngưỡng cửa của nó, nhưng vẫn không vào được trong nó cho đến lúc chịu quyết định dứt khoát chấp nhận ý Thiên Chúa.

v. Điều đó cũng giải thích tại sao hoàn cảnh do Nước Chúa tạo ra chủ yếu lại có sự pha trộn. Có đến hơn một dụ ngôn của Chúa Giêsu nhắc đến điểm này. Lúa mì và cỏ dại cùng mọc với nhau (Mátthêu 13:24-30). Lưới vét gom đủ thứ cá (Mátthêu 13:47). Nếu việc vào Nước Chúa và việc chấp nhận ý Chúa đều là một việc và cùng là một việc, thì quả có đủ loại đáp ứng đối với các đòi hỏi của Nước Chúa ấy. Có thể có thẳng thừng và cố ý từ khước ý Thiên Chúa. Mà cũng có thể có ước muốn chấp nhận ý ấy nhưng lại thiếu khả năng tùng phục cần thiết. Rất có thể có hàng loạt mức độ tiếp nhận khác nhau đi từ việc chấp nhận có tính dò chừng, sợ sệt đến việc cam kết hoàn toàn có tính hào hiệp và mạo hiểm. Sự pha trộn trong hoàn cảnh con người là một điều có sẵn trong thân phận họ, trong các liên hệ của họ với Thiên Chúa và ý muốn của Người.

vi. Chính ở đây, ta thấy có sự khác biệt trong ý niệm Nước Thiên Chúa do Chúa Giêsu đem tới cho con người. Chúa nói với Philatô: “Nước tôi không thuộc thế gian này” (Gioan 18:36). Người Do Thái quan niệm Nước Chúa theo nghĩa thịnh vượng vật chất, quyền uy chính trị, sự vĩ đại của quốc gia. Vì thế trong Nước Thiên Chúa, họ mong chờ một thế giới đầy rẫy cái đẹp và dư thừa mới; họ hy vọng cuối cùng dân Do Thái sẽ chiếm vị trí lãnh đạo thế giới. Cho đến tận nay, vẫn còn lối giải thích Nước Chúa theo nghĩa cải cách xã hội và phúc lợi vật chất. Đã đành tất cả những thứ ấy đều là thành phần của Nước Chúa, nhưng chúng là kết thúc chứ không phải là khởi đầu của Nước Chúa; chúng không phải là chính Nước Chúa cho bằng là hoa trái của Nước ấy. Chúa Giêsu từng phán: “Nước Ta ở trong (hay ở giữa) các con” (Luca 17:21). Chúa Giêsu hết sức rõ ràng về điểm này: sự thay đổi tiên khởi phải xẩy ra trong con người, vì nếu nó không xẩy ra, thì bất cứ hoàn cảnh mới nào cũng rơi trở lại hoàn cảnh cũ. Đòi hỏi khác được Chúa Giêsu đưa ra là các cá nhân phải chấp nhận ý Thiên Chúa trước khi có bất cứ sự thay đổi nào trong xã hội. Nước Chúa phải trị đến trong tâm hồn con người trước cả khi Nước ấy bắt đầu trị đến trong thế giới nói chung.

4. Các cố gắng cần thiết để vào Nước Chúa

Còn nhiều điều phải nói về cá nhân và Nước Chúa. Nhưng dù sao ta cũng đã nắm được sự thật căn bản này là hiện diện trong Nước Chúa và chấp nhận để thực thi ý Người chỉ là một và là cùng một điều, và chúng là điều duy nhất dẫn đến sự sống theo nghĩa Thiên Chúa muốn hiểu. Chính dưới ánh sáng của sự thật này, ta hiểu được các lời của Chúa Giêsu liên quan đến cường độ các cố gắng cần có để vào Nước Chúa.

i. Vào Nước Chúa là điều đáng cố gắng. Chúa Giêu từng phán: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Chúa và sự chính trực của người” (Mátthêu 6:33). Và người ta đã dẫn giải câu ấy như sau: “Hãy đặt Nước Chúa làm đối tượng cho mọi cố gắng của ngươi”. Luca và Mátthêu đều có dịch bản riêng một câu nói khó hiểu của Chúa Giêsu. Trong Luca 16:16, ta thấy “Cho đến thời Gioan, có Lề Luật và các tiên tri; còn từ thời đó, Tin Mừng Nước Chúa được loan báo, và ai cũng dùng bạo lực mà vào”. Thuật ngữ “dùng bạo lực mà vào”là dịch chữ biazesthai, đây là động từ thường dùng để chỉ hành động quân đội lao như vũ bão vào một thành phố trong quyết tâm xâm nhập cho bằng được. Mátthêu nhắc lại điều này như sau: “Từ thời Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với bạo lực, ai có bạo lực thì chiếm được nó” (Mátthêu 16:16). Rất có thể, nhất là trong bản văn Mátthêu, câu này có ý nói đến cuộc bách hại và tấn công đầy bạo lực mà Nước Chúa đang phải chịu đựng. Nhưng cũng rất có thể, nhất là trong bản văn Luca, câu này muốn nói tới ý niệm người ta phải lao như vũ bão mà vào Nước Chúa như toán quân anh dũng lao như vũ bão vào một thành phố. Có tác giả như Denny đã viết đâu đó rằng: “Nước Trời không dành cho người nhanh chí (well-meaning) mà là cho người bền chí gắng gượng (desperate)”. Kitô hữu tài tử (dilettante) sẽ chẳng bao giờ vào được Nước Chúa. Chỉ những ai khát vọng sâu sắc mới vào được đó. Ta chả cần phải nhìn đâu xa hơn thảm kịch trong Vườn Diệt-si-ma-ni để thấy Chúa Giêsu đã phải khó khăn xiết bao trong việc chấp nhận ý Thiên Chúa và hành động theo nó. Ý nghĩa của thảm kịch ấy rất đơn giản: thực thi ý Chúa là việc đáng để ta cố gắng, để ta phải “hấp hối”, phải đổ máu và mồ hôi. Làm công dân và thành viên Nước Trời cũng thế.

ii. Nước Chúa đáng giá mọi sự. Chúa Giêsu từng kể một dụ ngôn kép về của báu chôn dấu ngoài đồng và chuỗi trân châu đáng giá ngàn vàng (Mátthêu 13:44-46). Ở cả hai trường hợp, người khám phá đã hiến mọi sự để mà chiếm lấy. Xem ra, để trở nên thành viên của Nước Chúa, người ta phải trả một giá rất đắt. Họ có thể phải hy sinh mọi tiện nghi và dễ chịu họ đang hưởng. Họ có thể phải để qua một bên mọi tham vọng bản thân họ đã đạt được. Có khi họ còn phải hy sinh cả các mối liên hệ bản thân gần gũi và thân thiết nhất, vì Chúa Giêsu từng đòi hỏi rằng lòng trung thành với Người phải vượt trên cả lòng trung thành với cha mẹ, anh em, vợ chồng… vốn có sẵn trong trái tim con người nhân bản (Mátthêu 10:37; Luca 14:26). Nghĩa là chẳng có giá nào quá cao đến không trả được để trở nên thành viên của Nước Thiên Chúa và thực thi ý muốn của Thiên Chúa.

iii. Bước vào Nước Chúa đáng giá bất cứ hy sinh nào. Bàn tay, con mắt, bàn chân nào làm cớ cho ta phạm tội cũng cần phải cắt bỏ vất đi (Mátthêu 10:29, 30). Không một hy sinh nào quá triệt để và quá đau như mổ xẻ đến không làm được, nếu đó là giá phải trả để vào được Nước Thiên Chúa và thực thi ý Người muốn.

5. Đặc tính của người bước vào

Cũng cần chú ý một điều chả có chi phải xấu hổ khi phải chật vật lắm mới thực thi được ý Chúa. Hãy nhìn vào Chúa Kitô trong Vườn Diệt-si-ma-ni là đủ an ủi rồi. Trò không hơn Thầy. Chỉ xấu hổ khi thua trận mà thôi. Điều nữa: Thiên Chúa không bất công, vì chiến trận càng khốc liệt, đắng cay, thì phần thưởng càng lớn, có khi gấp cả trăm lần (Luca 18:29; Máccô 10:28-30; Mátthêu 19:27-30). Cuộc chiến không phải là để không có gì, cho nên cần đối diện với nó cách hào hiệp và hân hoan. Giờ đây, ta hãy xét xem người bước vào Nước Chúa cần những đặc tính gì. Ta thấy có hai đặc tính rút từ Các Mối Phúc Thật:

i. Nước Trời và các ơn phúc của nó thuộc người nghèo khó trong tinh thần (Mátthêu 5:3). Chữ trong tiếng Hy Lạp là ptochos dùng để chỉ người không những chỉ nghèo mà thôi mà là tuyệt đối và hoàn toàn xác xơ. Nó dịch chữ ani của tiếng Hi-bá-lai vốn miêu tả kẻ nghèo hèn, trong cảnh vô vọng của mình chỉ còn biết trông cậy vào Thiên Chúa. Điều ấy có nghĩa là Nước Thiên Chúa thuộc những ai biết nhìn nhận sự xác xơ toàn diện của mình và biết đặt trọn lòng cậy trông vào Thiên Chúa. Vào Nước Trời thuộc những ai biết khiêm hạ đặt sự nghèo khó của mình trong sự giầu có của Chúa, đặt sự dốt nát của mình trong sự khôn ngoan của Chúa, đặt tội lỗi mình trong lòng xót thương của Chúa, đặt sự thất bại luân lý và cuộc chiến chống cám dỗ của mình trong ơn thánh của Người. Nó thuộc những ai biết nhìn nhận bổn phận phải thực thi ý Chúa, đồng thời cũng nhìn nhận việc mình hoàn toàn không có khả năng làm việc ấy nếu không có sự trợ giúp của Chúa.

ii. Nước Trời và các ơn phúc của nó thuộc những ai bị bách hại vì “lòng ngay” (Mátthêu 5:10). Người bách hại rõ ràng là người yêu mến ý Chúa hơn sự dễ chịu bản thân, hơn danh tiếng bản thân, hơn tham vọng bản thân, hơn yên ổn an toàn bản thân, hơn cả chính sự sống mình. Sự đe dọa mà việc vâng theo ý Chúa ngày nay đem lại cho phần lớn người ta không hẳn là mất mạng sống hay tự do. Mà đôi khi chỉ là mất nổi tiếng, bị chê cười, đơn độc, phải từ bỏ nguyên tắc. H.G. Wells có lần nói rằng đặc điểm của thời đại này là trong nó tiếng nói của người lân cận nhiều khi át cả tiếng nói của Thiên Chúa. Đối với người bước vào Nước Chúa, tiếng nói của Chúa phải là tiếng nói thúc đẩy nhất trên thế gian.

iii. Hơn một lần, Chúa Giêsu đặt ra một trong những điều kiện tối cao để vào Nước Chúa là phải có tinh thần như trẻ em (Mátthêu 18:2,3; Máccô 10:14, 15; Mátthêu 19:14; Luca 18:16, 17). Trẻ em có hai đặc tính vĩ đại sau đây: khiêm nhường và tín thác. Một em bé bình thường không muốn nổi nang, địa vị và tiếng tăm. Một em bé bình thường không bao giờ hoài nghi người nhà không có đó chờ em về; em sẽ lên đường cùng cha mẹ làm cuộc hành trình mà chả cần biết đường đi và cũng chẳng phải lo lắng việc trả tiền lộ phí chi hết mà vẫn tín thác hoàn toàn. Khiêm nhường và tín thác là giấy thông hành để vào Nước Trời.

iv. Có một đoạn gây ngạc nhiên trong Bài Giảng Trên Núi ở Mátthêu 5:17-20. Ở đó, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến Lề Luật; không một chữ hay một nét của nó lại trở thành vô giá trị bao giờ. Bất cứ ai lỏng lẻo trong các đòi hỏi của nó sẽ chỉ được chỗ thấp nhất trong Nước Trời. “Ta bảo thật các ông, trừ khi sự công chính của các ông vượt xa sự công chính của các luật sĩ và Pharisêu, các ông sẽ không vào được Nước Trời”. Điều này có nghĩa gì?

Câu này có nghĩa là ai muốn tham gia làm thành phần Nước Trời thì bổn phận phải khó hơn bổn phận của Luật Sĩ và Pharisêu. Ta biết các luật sĩ và Pharisêu là những người đặt căn bản cuộc sống của họ trên việc vâng theo luật. Mà đặc tính chính của luật là người ta có thể thoả mãn nó. Khi người ta đã làm điều luật đòi hỏi, đã trả hết nợ phải trả theo luật, đã chịu ra tòa và trả hết hình phạt, thì luật chả còn đòi hỏi nào khác đối với họ. Nhưng đặc điểm cuộc sống trong Nước Chúa là luật yêu thương, mà đặc điểm của yêu thương là chả có ai thỏa mãn được hết các đòi hỏi của nó. Không ai đã từng yêu trừ khi họ cảm nhận rằng dù cho người yêu cả trăng sao mặt trời vẫn chưa đủ. Được yêu là tự đặt mình vào một món nợ đến “xuống tuyền đài chưa tan” như Nguyễn Du của Việt-Nam từng nói. Thành ra sự trói buộc đặt cho người Kitô hữu là một trói buộc không một luật sĩ hay người Pharisêu nào có thể hiểu nối. Luật Nước trời là yêu thương, và do đó trách nhiệm của các thành viên Nước Chúa đối với Thiên Chúa và đồng loại là không có biên giới.

6. Các cản trở

Đã có những đặc tính cho người muốn vào Nước Chúa, thì cũng có những cản trở khiến người ta không thể vào đó được.

i. Phục vụ ngoài môi cản trở người ta không vào được Nước Chúa. Không phải người nói Lạy Chúa, Lạy Chúa vào được Nước Trời nhưng là người thực hành ý Thiên Chúa” (Mátthêu 7:21). Tuyên xưng mà không mang ra thực hành có lẽ là lỗi lầm thông thường nhất trong lòng Giáo Hội. Lời cầu nguyện viết cho Hội Nghị Lambeth (của Anh Giáo) năm 1948 có đoạn như sau: “Lạy Chúa toàn năng, xin ban cho chúng con ơn không những biết nghe mà còn biết thực thi lời Chúa, không những biết thán phục mà còn biết vâng theo học lý của Chúa, không những tuyên xưng mà còn thực hành tôn giáo của Chúa, không những yêu mà còn sống phúc âm của Chúa. Nên xin Chúa ban ơn này cho chúng con là điều gì chúng con học được về vinh quang của Chúa chúng con biết tiếp nhận trong lòng và biểu lộ ra bằng cuộc sống chúng con”. Đó là đường dẫn vào Nước Trời.

ii. Tinh thần không tha thứ cản trở người ta không vào được Nước Trời. Chúa Giêsu nói rõ điểm này trong dụ ngôn tên đầy tớ độc ác không biết tha nợ (Mátthêu 18:23-35). Người không biết xót thương là người chẳng có liên hệ gì với Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Một trái tim hận thù tự động đóng cửa với tình yêu Thiên Chúa. Người không chịu tha thứ không thể vào trước thánh nhan Thiên Chúa là Đấng mà ý muốn duy nhất là sẵn sàng tha thứ. Người muốn được tha thứ phải học biết tha thứ. Trong Nước Chúa, không có chỗ nào cho người có trái tim nuôi dưỡng hận thù đối với đồng loại mình, người mà lúc còn sống đã có rạn nứt không được hàn gắn giữa họ và người khác.

iii. Giầu có làm cho việc bước vào Nước Trời trở nên rất khó khăn. Chúa Giêsu từng nói: “Ta bảo thật các con, thật khó cho một người giầu vào được Nước Trời. Ta nói thật đó, con lạc đà chui qua lỗ kim khâu còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Chúa” (Mátthêu 19:23, 24; Máccô 10:23-27; Luca 18:24, 25). Tại sao? Có hai lý do chính:

Thứ nhất, sở hữu nhiều của cải vật chất có khuynh hướng cột chặt tâm tư tình cảm của con người ta vào trần gian này. Họ có quá nhiều quyến luyến với trần gian đến không thể ngước mắt quá cái trần gian ấy được.

Thứ hai, sự giầu có có thể trở nên điều một số người gọi là “ơn cứu rỗi cạnh tranh”. Nó có thể tạo ra cảm thức an ổn giả tạo; nó có khuynh hướng khiến người ta nghĩ rằng họ có thể mua được đường vào đường ra bất cứ điều gì. Nó làm người ta nghĩ rằng họ có thể đương đầu với cuộc đời một cách tốt đẹp, chả cần chi tới Thiên Chúa.

Chúa Giêsu không bao giờ tuyên bố rằng sự giầu có ngăn cản người ta không vào được Nước Chúa, nhưng quả Người có nói nó làm cho việc vào Nước Chúa trở nên rất khó khăn, vì nó làm người ta quên khuấy cả việc có Nước trời.

Cũng còn nhiều điều khác có thể nói về Nước Chúa. Nước ấy bao hàm việc đánh bại đau khổ, bệnh hoạn và sự chết (Mátthêu 4:23; 10:1, 7, 8; 11:1-6; Máccô 6:7; Luca 7:19-23; 9:11). Chúa Giêsu cho hay nếu nhờ bàn tay Thiên Chúa mà Người trừ được ma qủy, thì Nước Chúa đã đến rồi (Mátthêu 12:8). Nước Chúa nhất thiết là việc đánh bại sự ác và quyền lực của nó.

Kết luận

Nước Thiên Chúa là phổ quát. Phúc âm của Nước Trời sẽ được rao giảng khắp thế giới (Mátthêu 24:14), và người ta sẽ từ bắc, từ nam, từ đông, từ tây đến ngồi trong Nước ấy (Mátthêu 8:11; Luca 13:29). Không có phân biệt chủng tộc, không có tối huệ quốc… Nước Chúa sẽ đến. Một cách bí mật, âm thầm, nhưng không tài nào ngăn chặn được, hạt giống cứ thế phát triển (Máccô 4: 26-29). Con người có thể làm chậm Nước ấy, họ có thể cản trở Nước ấy, nhưng sau cùng Nước ấy sẽ đến.

Sự phát triển ấy không phải là phát triển bất tận, không cùng; nhưng là một phát triển tới chỗ hoàn thiện. Nước Chúa bắt đầu trong thời gian, nhưng có tận cùng khi vĩnh cửu sau cùng sẽ ló dạng trên thời gian và khi các vương quốc trần gian sẽ trở thành Vương Quốc Thiên Chúa và Đấng Kitô của Người.

Nước Cha trị đến, quả là lời cầu xin có ý nghĩa! Nó không phải là lời cầu xin cho một điều gì đó xẩy ra cho thế giới mà ta chỉ là kẻ bàng quan. Nó là lời cầu xin cho ta biết chấp nhận ý Thiên Chúa; cho ta biết bằng lòng trả giá cho việc chấp nhận ấy; cho ta thanh tẩy hết các trở ngại đối với việc chấp nhận ấy; cho ta có được những điều làm thông hành để vào Nước ấy. Không ai cần phải cầu lời cầu xin này trừ khi họ sẵn sàng trao phó con người mình cho ơn thánh Chúa để ơn thánh ấy biến họ thành tạo vật mới. Đây không phải là lời cầu xin dành cho người muốn dậm chân tại chỗ.

Viết theo William Barclay, The Plain Man Looks At The Lord’s Prayer, Fontana Books, 1964.

(Còn tiếp)
 
Giải Đáp Phụng Vụ: Các Thánh cầu cho các linh hồn trong luyện ngục
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
21:29 04/04/2008
ROME (zenit.org).- Giải đáp của Cha Dòng Đạo Binh Chúa kitô, Edward McNamara, giáo sư phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum.

Giáo Hội thường được gọi là sự hiệp thông các thánh, Giáo Hội chiến đấu, Giáo Hội tinh luyện và Giáo Hội Khải Hoàn. Chúng ta sống trên mặt đất này được cổ võ cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục hầu giúp các linh hồn thanh luyện mình khỏi tội lỗi để hưởng phúc kiến. Câu hỏi của con là: Các thánh trên thiên đàng có cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục như chúng ta làm không? –S.B., San Gwaalta

Câu hỏi có tính thần học hơn là phụng vụ và là thần học rất tư biện, nhưng cũng rất hấp dẫn. Điểm then chốt của vấn đề quay xung quanh cách thế các thánh trên thiên đàng có thể biết những thực tại xảy ra trên mặt đất và trong luyện ngục.

Nói chung hầu hết các nhà thần học cho rằng môt khi con người vào trong lãnh vực phúc kiến, thì không có phương tiện phổ quát tới được những tư tưởng chùng ta hay là tới thực tại trái đất.

Bất cứ sự hiểu biết nào các thánh có được thì nhận lãnh trực tiếp bởi Chúa, và hầu như chắc chắn Chúa cho các thánh biết được những thỉnh nguyện xin sự cầu bàu của các ngài, trong một cách chúng ta chỉ có thể tưởng tượng nhưng không bao giờ nắm bắt đầy đủ đang khi còn sống dưới thế này.

Do đó tôi tưởng chúng ta có thể khẳng định cách tin tưởng rằng các thánh cầu bàu cho các linh hồn trong lưyện ngục, trong những trường hợp khi có ai trên mặt đất thỉnh cầu sự cầu bàu của vị thánh nào đó cho một linh hồn riêng biệt.

Chính Giáo Hợi cầu xin các thánh trong kiểu này, mặc dầu một cách phổ quát, trong nghi thức từ biệt cuối cùng bên huyệt chôn khi cầu cho người tín hữu:

“X. Xin các thánh của Chúa đến giúp anh/chị! Xin các thiên thần Chúa đến gặp anh/chị”

Đ. Xin đón nhận linh hồn anh/chị và trình anh/ chị lên Thiên Chúa Tối Cao.”

Nếu Giáo Hội đề nghị một kinh để cầu xin các thánh đến giúp người chết, như vậy Giáo Hội rõ ràng tin sự giúp đỡ này là có thể.

Từ một quan điểm thần học, có thể nói là rất khó để khẳng định rằng các Thánh cầu bầu do sáng kiến các ngài, cho các linh hồn trong luyện ngục mà không có hình thức cầu bầu trên thế gian này.

Điều đó không có nghĩa là không xảy ra; đúng là chúng ta không có

cách nào để biết.

Cũng có thể là trong một cách chung sự tham gia của các thánh trong phụng vụ trên trời tiếp tục làm vinh quang Thiên Chúa, cũng là có ích lợi cho các linh hồn trong luyện ngục, nhưng một lần nữa chúng ta không biết về cách thức chính xác điều này có thể xảy ra.

Như thi sĩ Thomas Grey đã nói: “Nơi nào sự dốt nát là hạnh phúc trọn vẹn, ‘ở đó sự ngu xuẩn nên khôn ngoan.”

Nếu chúng ta chắc rằng các thánh thiên đàng cầu nguyện cách độc lập cho các linh hồn trong luyện ngục, có lẽ nhiều người sẽ nhượng cho sự cầu bàu quyền thế của các thánh, hành vi bác ái thiêng liêng cầu nguyện cho các người chết.

Phúc của sự dốt nát bắt buộc chúng ta tiếp tục thi hành sự cầu bàu này về phần chúng ta trong hy vọng những kẻ khác sẽ làm như vậy cho chúng ta khi chúng ra ra đi.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Do Thái tiếp tục áp lực việc sửa lời nguyện ngày Thứ Sáu Tuần Thánh
Đặng Tự Do
05:44 04/04/2008
Rome -Một thầy cả Do Thái Giáo tham dự trong các cuộc thảo luận liên tôn với Giáo Hội cho rằng trong tuần tới đây Tòa Thánh sẽ đưa ra một thông báo minh xác lập trường đối với bản văn lời cầu nguyện dành cho người Do Thái trong Phụng Vụ La Tinh ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Thầy cả David Rosen
Thầy cả David Rosen, chủ tịch Ủy Ban Quốc Tế Do Thái Giáo về Tham Vấn Liên Tôn nói với các ký giả hôm 3/4 rằng Đức Hồng Y Tarciscio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ ký một tuyên cáo đã được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI chuẩn y. Bản tuyên cáo này nhằm đáp trả những quan tâm được nêu lên bởi những nhà lãnh đạo Do Thái sau khi Đức Thánh Cha đưa ra bản văn mới thay cho lời nguyện truyền thống trong sách lễ Rôma 1962 dành cho Phụng Vụ tiếng La Tinh ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Ông Rosen nói thêm là ông đã thấy bản thảo lời tuyên cáo này và theo ông thì nó sẽ giúp người ta hiểu đúng rằng “Giáo Hội Công Giáo hoàn toàn chống lại việc chiêu dụ tín đồ” và do đó, sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa Công Giáo và Do Thái Giáo. Tuyên bố của ông Rosen có hàm ý cho rằng Giáo Hội sẽ ngưng truyền giáo cho người Do Thái Giáo.

Tòa Thánh không bình luận gì về các tuyên bố của ông David Rosen. Nhiều người cảm thấy trong những lời tuyên bố của ông Rosen có những điều khó hiểu và mâu thuẫn. Lập trường của Giáo Hội từ trước đến nay vẫn là chống đối lại những hình thức cưỡng bách cải đạo. Giáo Hội luôn xem đức tin là một hồng ân Thiên Chúa ban cho mỗi người. Vì thế, Giáo Hội không dùng những mánh khoé bất chính để rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, sứ vụ chính yếu của Giáo Hội là truyền giáo trước hết và trên hết là qua những chứng tá cho Chúa Kitô và cho Tin Mừng, và qua lời cầu nguyện. Giáo Hội có bổn phận truyền giáo cho người Do Thái và cho mọi dân tộc và Giáo Hội sẽ không ngơi cầu nguyện cho ơn hoán cải.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong số ra ngày 6/2, tờ L'Osservatore Romano (Quan Sát Viên Rôma) đã đưa ra một thông báo của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh theo đó Đức Thánh Cha đã truyền cho sửa lại lời cầu cho người Do Thái trong Phụng Vụ tiếng La Tinh ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trong sách lễ Rôma 1962.

Thay đổi này chỉ áp dụng cho “hình thức ngoại thường” của Phụng Vụ (ý chỉ Thánh lễ tiếng La Tinh). Sách Lễ Rôma dành cho nghi thức Phụng Vụ sau Công Đồng Vatican II vẫn giữ nguyên lời cầu ngày Thứ Sáu Tuần Thánh như hiện nay.

Nhiều nhà lãnh đạo Do Thái Giáo đã xin Đức Thánh Cha duyệt xét lại lời cầu dành cho người Do Thái trong nghi thức tưởng niệm Chúa chịu chết. Cụ thể, họ xin bỏ đi những ý liên quan đến “sự mù quáng” không tin vào Chúa Kitô là Mêsia như đã được loan báo.

Nhiều người còn đi xa hơn khi lên tiếng yêu cầu Giáo Hội phải bỏ đi ý cầu nguyện cho sự trở lại của người Do Thái.

Lời cầu mới bỏ đi những ý liên quan đến “sự mù quáng” nhưng vẫn giữ ý cầu nguyện cho sự hoán cải của người Do Thái.

Lời cầu mới được Đức Thánh Cha sửa đổi đã từng được Đức Thánh Cha Piô XII, và Đức Thánh Cha Gioan XXIII sửa lại. Bản đang dùng trong sách lễ 1962 là bản của Đức Thánh Cha Gioan XXIII.

Lời cầu mới do Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đưa ra có nội dung như sau:

Chúng ta hãy cầu nguyện cho người Do Thái: Xin Thiên Chúa là Chúa chúng ta soi sáng tâm hồn họ, để họ nhận biết Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ của toàn thể nhân loại.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho mọi người được cứu độ và nhận ra chân lý, xin vì lòng thương xót Chúa cho toàn thể nhà Israel cũng được giải thoát khi cùng toàn thể nhân loại tiến vào Giáo Hội của Chúa, nhờ Chúa Kitô chúng ta. Amen.
 
Đức Hồng Y André Vingt-Trois: Giáo Hội Pháp – một Giáo Hội mệt mỏi
Nguyễn Việt Nam
06:17 04/04/2008
Paris - Theo nhật báo Công Giáo La Croix, trong diễn văn với tư cách chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris nhìn nhận những dấu hiệu “mệt mỏi” của nhiều linh mục Công Giáo Pháp trước sự tục hóa sâu rộng của xã hội nước này.

Đức Hồng Y Vingt-Trois
Đức Hồng Y Vingt-Trois, người được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp hồi tháng Mười Một vừa qua, đã đọc diễn văn trong phiên bế mạc hội nghị mùa xuân của Hội Đồng Giám Mục Pháp trong đó hầu hết thời gian các Đức Giám Mục đã họp kín.

Đức Hồng Y nhìn nhận những khó khăn mà các nhà lãnh đạo Giáo Hội đang phải đối phó với cả bên trong nội bộ Giáo Hội lẫn bên ngoài xã hội, khi ngài đề cập đến những vấn đề như an tử, nhập cư, những vấn đề của giáo phận và giáo xứ.

Với các linh mục coi xứ, Đức Hồng Y nói: “Chúng ta đều rõ những gánh họ phải mang trên lưng rất nặng nề”. Cùng với những gánh nặng của công việc mục vụ hàng ngày, các linh mục đang phải “đối diện với cảm giác quay vù vù” của cuộc sống hiện đại, lúng túng không biết làm sao đáp trả trước những thách đố và làm sao bảo tồn đức tin cho những thế hệ tương lai.

Theo Đức Hồng Y, những “thay đổi sâu xa” đã gây ra nhiều chịu đựng cho các vị mục tử. Vì thế, anh chị em giáo dân nên tránh cám dỗ trút mọi vấn nạn lên đầu các mục tử. Đức Hồng Y nhận xét “Nhiều nhóm bây giờ quay ra chê trách chính Giáo Hội của mình” và ghi nhận xu hướng tấn công các Giám Mục về khả năng lãnh đạo của các ngài. Khuynh hướng này ngày càng tăng trong hàng ngũ các giáo dân Pháp.

Đức Hồng Y cảnh giác “cám dỗ rất Pháp là trông mong vào một phép lạ cải tộ các cơ cấu” để phục hồi Công Giáo tại Pháp. Cũng tệ hại như vậy là khuynh hướng muốn “vặn ngược đồng hồ” để quay lại những thập niên 1950 hay thậm chí đến thế kỷ thứ 19.

Đáp trả đúng đắn nhất cho cuộc khủng hoảng hôm nay là các Giám Mục, các mục tử làm sao mang mọi người Công Giáo lại với nhau để cùng làm việc cho sự thịnh vượng của Giáo Hội “Chúng ta không thể đưa lợi thế cho một nhóm cá biệt nào trình bày chính mình như viễn kiến duy nhất hợp lệ cho tương lai” của Giáo Hội.

Đức Hồng Y Vingt-Trois cũng lên tiếng tố cáo giới truyền thông đã dự phần vào việc lợi dụng với hậu ý khai thác tình cảm gây nên từ cái chết của Chantal Sebire, một bệnh nhân ung thư, người đã tự kết liễu đời mình sau khi thỉnh cầu không thành công tòa án cho các bác sĩ giúp bà an tử. Ngài nói: “Giáo Hội sẽ tiếp tục nâng đỡ cho tất cả những ai dự phần vào sứ vụ chăm sóc sức khoẻ”.

Cuối cùng, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng xã hội Pháp cần chuẩn bị đón nhận những nhóm di dân mới đồng thời đưa ra các trợ giúp kinh tế cho các nước nơi người dân phải bỏ nước ra đi.
 
Cộng sản và đảng Xanh tấn công một nhà chính trị phò sinh Italia
Thúy Dung
06:34 04/04/2008
Bologna -
Ông Giuliano Ferrara
Một nhà chính trị phò sinh Italia đã phải hứng chịu trứng và chai lọ trong cuộc vận động hôm 2/4 vừa qua tại Bologna. Nhật báo Italia Il Giornale trong số ra ngày ¾ đã cho biết như trên.

Ông Giuliano Ferrara, nhà lãnh đạo của phong trào bình dân chống phá thai đã xuất hiện chung với các ứng cử viên tranh cử quốc hội tại vùng Emilio-Romagna khi vụ gây rối xảy ra.

Khoảng 100 thành viên đảng cộng sản và đảng Xanh đã chửi thề, mắng nhiếc ông Ferrara. Ông Ferrara đã phản ứng lại và hét vào mặt những kẻ chống đối ông “Đây không phải là dân chủ”. Những kẻ chống đối ông liền chọi trứng và chai lọ về hướng ông Ferrara, gây cho 15 người bị thương phải đưa đi bệnh viện, trong đó có ông Ferrara, phóng viên tờ Repubblica và các viên chức cảnh sát.

Thị trưởng Bologna, ông Sergio Cofferati, bình luận rằng “Điều vừa xảy ra tại Bologna làm xấu mặt thành phố và lịch sử dân chủ và khoan dung của Bologna”. Chính ông Cofferati cũng là một đảng viên cộng sản. Ông cho rằng “mọi người phải có quyền nói lên ý nghĩ của mình nơi công cộng và không ai có quyền ngăn cản họ”.
 
Tòa Thánh làm sáng tỏ Bí Tích Rửa Tội cho người Hồi Giáo Magdi Allam
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
21:27 04/04/2008
VATICAN (Zenit.oerg).- Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh gợi ý rằng việc Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẵn sàng rửa tội một người trở lại Công Giáo có gương mặt nổi bật từ Hồi Giáo, là nhằm khẳng định sự tự do chọn lựa tôn giáo, xuất phát từ phẩm giá con người.

Cha Dòng tên Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Vatican, ngày thứ Năm đã phổ biến một sứ điệp trả lời cho công bố từ Giáo sư Aref Ali Nayed, một phát ngôn viên cho 138 học giả Hồi Giáo mùa Thu vừa qua đã viết thơ cho Đức Giáo Hoàng và những nhà lãnh đạo Kitô hữu khác, để tim kiếm sự đối thoại hơn nữa giữa những người Kitô hữu và Hồi Giáo.

Công bố của Nayed ghi nhận những phản đối của ông đối với bí tích rửa tội của một phó biên tập nhật báo Corriere della Sera, Magdi Allam, bí tích rửa tội mà Đức Thánh Cha đã cử hành trong Thánh Lễ Thứ Bảy Tuần Thánh.

Tiếp tục đối thoại

Cha Lombardi bắt đầu công nhận khẳng định của Nayed về “ý muốn tiếp tục sự đối thoại để những người Hồi giáo và Kitô hữu hiểu biết nhau sâu sắc hơn.”

“Cha không hề đặt thành vấn đề cuộc hành trình đã bắt đầu bằng thơ từ và những tiếp xúc đã được thiết lập trên một năm rưỡi qua, giữa những người Hồi Giáo đã ký những bức thơ thời-danh và Vatican, cách riêng qua Hội Đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn Giáo,” cha Dòng Tên nói tiếp. “Quá trình này phải tiếp tục, nó rất quan trọng, nó không nên chấm dứt, và nó có ưu tiên trên những tình tiết có thể là chủ đề những sự hiểu lầm.”

Tuy nhiên, Cha Lombardi đặt bí tích rửa tội của Allam trong bối cảnh Vọng Phục Sinh.

Cha nói rằng “việc ban bí tích rửa tội cho người nào bao hàm một sự công nhận người đó đã tự do và chân thành chấp nhận đức tin trong những điều cơ bản của đức tin như được diễn tả trong sự “tuyên xưng đức tin”, điều mà được công bố công khai trong nghi thức rửa tội.

Dĩ nhiên, các tín hữu được tự do giữ những ý niệm riêng mình trong một phạm vi lớn của những vấn đề và những bài toán, trong đó tính đa dạng hợp pháp hiện hữu giữa những Kitô hữu. Đón tiếp một người tín hữu mới vào trong Giáo Hội rõ ràng không có ý nghĩa là cbiếm đoạt hết tất cả ý niệm và tư tưởng cuả người đó, cách riêng trong những vấn đề chính trị và xã hội.”

Cha Lombardi đã khẳng định rõ ràng rằng Allam “có quyền diễn tả những ý niệm riêng mình.” Và hơn nữa, cha nói những ý niệm này “vẫn là những tư tưởng cá nhân của anh không hề trở thành sự diễn tả công khai về các lập trường của Đức Giáo Hoàng hay là của Toà Thánh.”

Trở lại Regenburg

Trả lời cho qui chiếu của Nayed về bài thuyết trình năm 2006 của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tại Đức Quốc, bài thuyết trình mang lại sự chú ý rộng rải sau khi những trích dẫn của Đức Giáo Hoàng được lấy từ bối cảnh và được gán là sai lầm, viên chức Vatican đã khẳng định rằng “những lời giải thích [cho phát biểu đó] phù hợp đúng với những ý nghĩ của Đức Giáo Hoàng đã được phát biểu cách đây ít lâu và không có lý do đặt những ý nghĩ đó thành vấn đề một lần nữa.”

“Đồng thời,” Cha Lombardi nói thêm. “một số chủ đề được đề cập tới lúc đó, như tương quan giữa đức tin và lý trí, giữa tôn giào và bạo lực, dĩ nhiên còn là chủ đề của sự suy tư và bàn cãi, và của những quan điểm khác nhau, bởi vì chúng liên quan những vấn đề không thể được giải quyết một lần và cho tất cả.”

Cha Lombardi cũng đề cập những qui chiếu tới những lời của Đức Thánh Cha trong phụng vụ ngày thứ Bảy Tuần Thánh.

Viên chức Vatican đã khẳng định rằng “phụng vụ Vọng Phục Sinh được cử hành như mọi năm, và biểu tượng ánh sáng và sự tối luôn là một phần của phụng vụ. Đó là một phụng vụ long trọng và sự cử hành phụng vụ đó do Đức Giáo Hoàng trong Quảng Trường Thánh Pherô là một dịp rất đặc biệt. Nhưng việc tố cáo sự giải thích của Đức Giáo Hoàng về những biểu tượng phụng vụ—một điều mà ngài luôn làm và trong đó ngài là thầy—thuộc ‘thuyết Manichae’, có lẻ cho thấy một sự hiểu lầm về phụng vụ Công Giáo hơn là một sự phê bình thích đáng về những lời của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI.”

Sự khác biệt đáng được hưởng

Cha Lombardi quan sát hơn nữa những công bố của Nayed về sự giáo dục Công Giáo.

“Sau cùng, chúng ta hãy bày tỏ, tới phiên mình, sự bất mãn của chúng ta về điều Giáo sư Nayed nói liên quan tới sự giáo dục trong các trường học Kitô hữu trong các xứ đa phần Hồi Giáo, nơi ông phản đối nguy cơ thu phục tín đồ,” linh mục nói. “Chúng tôi cảm giác rằng những cố gắng giáo dục lớn của Giáo Hội Công Giáo, cũng trong những xứ với đa phần không-Kitô hữu […] nơi qua một thời gian rất lâu dài đa số sinh viên trong các trường học và đại học Công Giáo là không-Kitô hữu và may mắn đã ở như vậy—đang khi bày tỏ sự đánh giá cao cho sự giáo dục họ đã nhận lãnh—đáng được một sự đánh giá hoàn toàn khác.

“Chúng tôi không nghĩ Giáo Hội ngày nay đáng bị cáo là thiếu lòng kính trọng phẩm giá và sự tự do con người; phẩm giá và tự do này chịu những xúc phạm hoàn toàn khác, đôi với những xúc phạm này phải được ưu tiên lưu ý tới. Có lẽ Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận nguy hiểm của sự rửa tội này cũng vì lý do này: khẳng định quyền tự lựa chọn tôn giáo xuất phát từ phẩm giá con người.”
 
Magdi Allam tường thuật con đường của anh tới sự trở lại
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
21:30 04/04/2008
VATICAN (Zenit.org).- Bản dịch bài tường thuật của Magdi về sự anh trở lại Công Giáo. Nhà báo Hồi Giáo được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI rửa tội trong Thánh Lễ Vọng Phục sinh Thứ bảy trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Một hình thức ngắn của tường thuật này đã xuất hiện như một là thơ gởi cho Paolo Mieli, giám đốc tờ báo Italian Corriere della Sera. Allam là phó giám đốc tờ báo. * * *

Các bạn thân mến

Tôi đặc biệt được diễm phúc để chia sẻ với các bạn niềm vui bao la của tôi vì Lễ Phục Sinh này đã đem lại cho tôi ân huệ đức tin Kitô hữu. Tôi vui mừng đề nghị lá thơ tôi đã gởi cho giám đốc báo Corriere della Sera, Paolo Mieli, trong thơ đó tôi thuật lại truyện hành trình nội tâm đã đem tôi đến chỗ lựa chọn sự trở lại Công Giáo. Đây là văn bản trọn vẹn của lá thơ, chỉ được đăng có một phần trong báo Corriere della Sera.

• * *

Thưa Giám đốc thân mến

Điều tôi sắp tường thuật cho ngài liên hệ sự chọn lựa đức tin tôn giáo và liên hệ sự sống cá nhân của tôi, trong sự chọn lựa này tôi không muốn bao hàm bất cứ cách nào Corriere della Sera, là một danh dự cho tôi được làm phó giám đốc của báo này “ad personam” từ năm 2003. Như vậy tôi viết cho ngài như một nhân vật chính của biến cố, với tư cách một công dân riêng tư.

Chiều hôm qua tôi đã trở lại Công Giáo của người Kitô hữu, từ bỏ đức tin Hồi Giáo trước của tôi. Như vậy, sau cùng tôi thấy ánh sáng, nhờ ân sủng Chúa—là một hậu quả lành mạnh của một sự thai nghén lâu dài, chín chắn, được sống trong đau khổ và vui mừng, cùng với sự suy nghĩ thân mật và sự diễn tả có ý thức và hiển nhiên. Tôi đặc biệt biết ơn Đức Thánh Cha Giáo Hoàng Biển Đức XVI, kẻ đã ban cho tôi các bí tích gia nhập Kitô Giáo, bí tích rửa tội, thêm sức và Thánh Thể, trong vương cung Thánh Pherô trong suốt thời gian cử hành long trọng đêm Vọng Phục Sinh. Và tôi đã chọn cái tên Kitô hữu đơn giản nhất và đầy đủ nhất: “Cristiano.” Do đó từ chiều hôm qua tên tôi là Magdi Cristiano Allam.

Đối với tôi đó là ngày tốt đẹp nhất của đời tôi. Được ân huệ đức tin Kitô hữu trong thời gian kính nhớ sự phục sinh Chúa kitô do tay Đức Thánh Cha là, đối với một người tín hữu, một đặc ân vô song và vô giá. Tới tuổi gần 56 […],đó là một biến cố lịch sử, bất thường và không thể quên, biến cố đánh dấu một sự xoay chiều triệt để và quyết định với qúa khứ.

Phép lạ sự phục sinh của Chúa Kitô dã dội lại trong linh hồn tôi, giải thoát nó khỏi sự tối tăm trong đó huấn giáo về sự hận thù và sự bất bao dung trước mặt “kẻ khác,” bị kêt tội không phê phán như là “kẻ thù,” là ưu tiên hơn tình yêu và sự tôn trọng “người tha nhân,” kẻ luôn luôn, trong bất cứ trường hợp nào, là “nhân vị”; như vây, vì tâm trí tôi được giải thoát khỏi tình trạng tối tăm của một ý thức hệ hợp pháp hóa những sự nói dối và sự phỉnh gạt, sự chết hung bạo dẫn tới sự sát nhân và tự tử, sự khuất phục đui mù nạn độc tài, tôi có khả năng cố kết với tôn giáo đích thực của đức tin, của sự sống và sự tự do.

Trong ngày Phục Sinh đầu tiên của tôi như là một Kitô hữu tôi không những đã khám phá Chúa Giêsu, tôi khám phá lần đầu tiên gương mặt của Thiên Chúa thật và duy nhất, Người là Thiên Chúa của đức tin và lý trí. Sự trở lại Công Giáo của tôi là sự hạ cánh của một sự suy gẩm nội tâm từ từ và sâu sắc mà tôi không thể tự thoát ra, vì qua năm năm tôi bị nhốt trong một sự sống dưới sự canh gát với sự giám sát trường kỳ tại nhà và với một sự hộ tống cảnh sát đối với mọi cử động của tôi, bởi vì những hâm doạ chết và những àn tử từ những người qúa khích và khủng bố Hồi Giáo, cả những người ở trong và ở ngoài nước Italy.

Tôi phải tự hỏi mình về thái độ của những kẻ công khai công bố fatwas (sự quyết định hợp thức của giáo chủ Hồi giáo), những phán quyết pháp lý Hồi giáo, chống lại tôi—tôi là người Hồi giáo—như là một “kẻ thù của Hồi Giáo,” ‘kẻ giả hình bởi vì nó là người Kitô hữu Coptic cho mình là người Hồi Giáo để làm hại Hồi Giào,” “người nói láo và kẻ lăng mạ Hồi Giáo,” hợp thức hóa án tử của tôi bằng cách này.

Tôi tự hỏi sao mà những người như tôi, chân thành và dạn dĩ kêu gọi cho một “Hồi Giáo dung hoà,” nhận lãnh trách nhiệm liều mình trong ngôi thứ nhất về việc tố cáo thuyết quá khích và thuyết khủng bố Hồi Giáo, kết cục bị án tử nhân danh Hồi Giáo trên nền tảng kinh Quran. Tôi buộc phải thấy rằng, bên kia sự có thể xảy ra của hiện tượng quá khích và khủng bố Hồi Giáo xuất hiện trên một cấp bậc toàn cầu, gốc rễ sự dữ là cố hữu trong một Hồi Giáo về phương diện sinh lý học thì hung bạo và về lịch sử thì có tính xung đột

Đồng thời Chúa quan phòng đã đem tôi gặp những người Công Giáo thực hành có lòng ngay những kẻ, do chứng từ và tình bạn của họ, lần hồi trở thành một điểm qui chiếu về sự chắc chắn của chân lý và sự vững vàng của các giá trị. Để bắt đầu với, giữa rất nhiều bạn hữu từ phong trào Hiệp Thông và Giải phóng, tôi sẽ nhắc đến Cha Julian Carron; và sau đó có những tu sĩ đơn sơ như Cha Gabriele Mangiarotti, Nữ Tu Maria Gloria Riva, Cha Carlo Maurizi và Cha Yohannis Lahzi Gaid; có sự phát hiện các Salesians nhờ Cha Angelo Tengattini và Cha Maurizio Verlezza, sự phát hiện đó cuối cùng đã dẫn đến một tình bạn đổi mới với bề trên cả là Cha Pascual Chavez Villanueva; có sự đùm bọc của các giám chức cấp cao có lòng nhân đạo cao cả như Hồng Y Tarcisio Bertone, Đức Giám Mục Luigi Negri, Giancarlo Vecerrica, Gino Roamanazzi và, hơn hế1, Đức Giám Mục Rino Fisichella, kẻ đích thân đồng hành tôi trong hành trình chấp nhận thiêng liêng đức tin Kitô hữu.

Nhưng không nghi ngờ, sự gặp gỡ bất thường và quan trọng nhất trong quyết định trở lại của tôi là sự gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Giáo Hoàng Biển Đức XVI, người tôi khâm phục và bênh đỡ, với tư cách một người Hồi Giáo, sự tinh thông của ngài khi ghi nhận sự liên kết không thể phân ly giữa đức tin và lý tri như là một nền tảng cho tôn giáo chân chính và văn minh nhân loại, và là kẻ mà tôi hoàn toàn nối kết với như là một Kitô Hữu linh hứng tôi với ánh sáng mới trong sự hoàn thành sứ vụ Thiên Chúa đã dành cho tôi.

Cuộc hành trình của tôi là một cuộc hành trình bắt đầu khi tôi được bốn tuổi, mẹ tôi Safeya--một người Hồi Giáo có đức tin và thực hành-- trước hết trong loạt “những biến cố tình cờ” chứng tỏ không chút nào là sản phẩm may rủi nhưng đúng hơn là một phần nguyên vẹn của vận mệnh thần linh mà tất cả mọi người chúng ta đã được ấn định cho—(mẹ tôi) đã giao phó tôi cho sự chăm sóc yêu thương của Nữ Tu Lavinia thuộc các Nữ tu Thừa sai Comboni, vì xác tín về sự tốt lành của nền giáo dục mà các tu sĩ Công Giáo và Italian sẽ ban cho, những tu sĩ đã đến Cairo, thành phố nơi sinh trưởng của tôi, để minh chứng cho đức tin Kitô hữu của họ bằng một việc làm nhắm công ích. Như vậy tôi bắt đầu một kinh nghiệm sống trong trường nội trú, được các Salesians Học Viện Don Bosco trong trường trẻ em và cao đẳng theo dõi, trường này dạy tôi không những khoa học về kiến thức nhưng hơn hết ý thức về những giá trị.

Chính nhờ những phần tử các hội dòng Công Giáo mà tôi đã đạt được quan niệm đạo đức về sự sống cách sâu sắc và thiết yếu, theo quan niệm này con người được dựng nên theo hình ảnh và nên giống Thiên Chúa, được gọi thực thi một sứ vụ lồng vào trong khung của một mục đích phổ quát và đời đời hướng về sự phục sinh nội tâm của những cá nhân trên mặt dất này và của toàn thể nhân loại trong ngày phán xét, sự phán xét căn cứ trên đức tin vào Thiên Chúa và và trên tính ưu việt của các giá trị, dựa trên ý nghĩa của trách niệm cá nhân, và trên ý nghĩa của bổn phận đối với toàn thể. Chính nhờ một sự giáo dục Kitô hữu và sự chia sẻ sự sống với các tu sĩ Công Giáo mà tôi đã vun trồng một đức tin sâu sắc trong chiều kích siệu việt và cũng đã tìm thấy sự chắc chắn của chân lý trong những giá trị tuyệt đối và phổ quát.

Có một thời gian khi sự hiện diện thân yêu và lòng sốt sắng tôn giáo của mẹ tôi đã đem tôi đến gần hơn Hồi Giáo, tôn giáo mà tôi đã thỉnh thoảng thực thi trên cấp bậc văn hóa và trong đó tôi đã tin trên một cấp bậc thiêng liêng theo một sự giải thíh mà lúc đó – năm 1970s—tương ứng cách tóm tắt với một đức tin tôn trọng những con người và bao dung đối với người thân cận, trong một bối cảnh--bối cảnh của chế độ Nasser—trong đó nguyên lý thế tực về sự phân cách của phạm vi tôn giáo và phạm vi thế tục đã thắng thế.

Cha tôi Muhammad hoàn toàn theo thế tục và đồng thuận với ý kiến của đa số người Ai Cập lấy phương Tây làm mẫu liên hệ với sự tự do cá thể, những tập quán xã hội và những kiểu văn hóa và nghệ thuật, mặc dầu thuyết độc tài chính trị của Nasser và ý thức hệ hiếu chiến của thuyết Pan-Arabism nhắm tới sự loại trừ thể lý nước Israel vô phúc đã dẫn tới tai họa cho Ai Cập và đã mở đàng cho sự tiếp tục lại thuyết Pan-Islamism, tới sự đi lên của những người quá khích Hồi Giáo đến quyền hành và sự bùng nổ của nạn khủng bố Hồi Giáo toàn cầu hóa.

Những năm dài tại trường cho phép tôi biết Công Giáo rõ và gần, và những người nữ và nam đã hiến mình để phục vụ Thiên Chúa trong lòng Giáo Hội. Lúc đó tôi đã đọc Kinh Thánh và các sách Tin Mừng và tôi đã bị thu hút bởi gương mặt nhân bản và thần linh của Chúa Giêsu. Tôi đã có một đường đi dự Thánh Lễ và cũng đã xảy đến, chỉ một lần, tôi đã đến bàn thờ để rước lễ. Đó là môt cử chỉ rõ ràng báo hiệu sự hấp dẫn của tôi đối với Kitô Giáo và muốn thành một phần của cộng đồng tôn giáo Công Giáo.

Lúc đó, khi tôi tới Italy vào đầu thập niên 1970 giữa những giòng đời học sinh nổi loạn và những khó khăn hội nhập, tôi trải qua một thời kỳ thuyết vô thần được hiểu như là một đức tin, tuy nhiên thuyết này cũng được xây dựng trên những giá trị tuyệt đối và phổ quát. Tôi không bao giờ thờ ơ với sự hiện diện của Thiên Chúa dường như bây giờ tôi cảm thấy rằng Thiên Chúa của tình yêu, của đức tin và lý trí hoà hợp hoàn toàn với gia sản những giá trị kết rễ trong tôi.

Thưa Giám Đốc thân mến, ngài hỏi tôi có sợ cho mạng sống tôi không, vì ý thức rằng sự trở lại Kitô Giáo sẽ chắc chắn mang lại cho tôi một án tử khác, và nặng hơn nhiều, vì bỏ đạo. Ngài hoàn toàn có lý. Tôi biết điều tôi đương đầu, nhưng tôi đối mặt vận mạng của tôi với đầu tôi ngẩng cao, đứng thẳng và với sự vững vàng nội tại của một kẻ có sự chắc chắn về đức tin mình. Và tôi sẽ còn hơn như vậy sau cử chỉ can đảm và lịch sử của Đức Giáo Hoàng, người, vừa biết ý muốn của tôi, liền đồng ý đích thân ban các bí tích gia nhập Kitô Giáo cho tôi.

Đức Thánh Cha đã gởi một sứ điệp rõ ràng và cải cách cho một Giáo Hội mà cho tới nay đã quá khôn ngoan trong sự trở lại của người Hồi Giáo, kiêng cử việc thu phục tín đồ trong đa số các xứ Hồi Giáo và không nói gì về thực tại những kẻ trở lại trong những xứ Kitô hữu. Vì sợ. Sự sợ không có khả năng bảo vệ những người trở lại trước án tử hình vì bỏ đạo và sợ trả đũa chống những Kitô hữu đang sống trong các xứ Hồi Giáo. Đúng, ngày nay, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, với chứng từ của ngài, nói với chúng ta rằng chúng ta phải thắng sự sợ hãi và không nên sợ đến khẳng định chân lý của Chúa Giêsu cả với những người Hồi Giáo.

Về phần tôi, tôi nói đây là thời gian chấm dứt sự lạm dụng và sự bạo hành của những người Hồi Giáo, những kẻ không tôn trọng sự tự do lựa chọn tôn giáo. Tại Italy có hàng ngàn người trở lại đạo Hồi Giáo nhưng sống đức tin mới của họ trong bình an. Nhưng cũng có hàng ngàn người Hồi Giáo trở lại Kitô Giáo nhưng bị cưỡng bức giấu đức tin của mình vì sợ bị ám sát bởi những kẻ quá khích Hồi Giáo ẩn nấp giữa chúng ta. Bởi một trong những “biến cố tình cờ” này gợi lên bàn tay kín đáo của Chúa, bài đầu tiên tôi đã viết cho Corriere ngày 3/9/2003 có nhan đề “Những Hang Toại Đạo mới của những người Hồi Giáo trở lại.” Đó là một sự điều tra về những người Hồi Giáo mới trở lại Kitô Giáo tại Italy, họ chỉ trich trạng thái cô độc thiêng liêng và nhân bản sâu sắc của họ trước những thể chế nhà nước bỏ trốn không bảo vệ họ và chỉ trích sự thinh lặng của chính Giáo Hội.

Phải, tôi hy vọng rằng cử chỉ lịch sử của Đức Giáo Hoàng và bằng chứng của tôi sẽ dẫn tới sự xác tín rằng thời giờ đã đến phải bỏ sự tối tăm những hang toại đạo, và công khai tuyên bố ý muốn của họ nên chính mình trọn vẹn. Nếu tại Italy, trong nhà chúng ta, cái nôi Công Giáo, chúng ta không sẵn sàng bảo đảm sự tự do tôn giáo trọn vẹn cho mọi người, làm sao chúng ta có thể đáng tin khi chúng ta tố cáo sự vi phạm sự tự do này nơi khác trong thế giới? Tôi cầu xin Thiên Chúa trong Lễ Phục sinh đặc biệt này ban ơn phục sinh tinh thần cho tất cả những tín hữu trong Chúa Kitô mà tới ngày nay vẫn còn bị khuất phục sự sợ. Phục Sinh hạnh phúc cho mọi người.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy tiến bước trên con đường chân lý, sự sống và sự tự do với những cầu chúc tốt đẹp nhất của tôi cho mọi thành công và sự lành.

Magdi Allam
 
Đức Giáo Hoàng rửa tội một nhà báo Hồi Giáo trong đêm Vọng Phục Sinh
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
21:31 04/04/2008
VATICAN (zenit.org).- Ngày Magdi Allam trở thành một người công Giáo là một ngày hạnh phúc, theo nhà báo Hồi Giáo kẻ được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI rửa tội trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh.

Allam, người có nguồn gốc từ Ai cập, là một trong bảy người—năm nữ và hai nam--Đức Thánh Cha đã rửa tội tại Đền Thờ Thánh Pherô.

Đức Thánh Cha cũng đã ban các bí tích Thánh Thể và thêm sức cho bảy tân tòng từ năm xứ: Italy, Cameroon, Trung Hoa, Hoa Kỳ và Peru.

Allam, phó giám đốc tờ Corriere della Sera, một trong những tờ báo lớn nhất và xưa nhất tại nước Italy, và ông đã sống tại Italy gần 35 năm.

Khi giải thích điều dẫn Đức Giáo Hoàng ban bí tích rửa tội cho nhà báo, Cha Federico Lombardi, Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói, “Đối với Giáo Hội Công Giáo, bất cứ ai xin nhận lãnh bí tích rửa tội sau một cuộc tìm hiểu cá nhân sâu sắc, một sự lựa chọn tự do hoàn toàn và một sự chuẩn bị đầy đủ, thì có quyền nhận lãnh bí tích ấy.”

“Về phần mình,” Cha Lombardi nói thêm, “Đức Thánh Cha ban bí tích rửa tội trong quá trình phụng vụ Phục Sinh cho những tân tòng nào đã được giới thiệu với ngài, không phân biệt giữa người với người, ‘ nghĩa là, coi tất cả những người đó là quan trọng bằng nhau trước tình yêu của Thiên Chúa và được tiếp nhận trong cộng đồng Giáo Hội.”

Trong một bức thơ gởi cho giám đốc, có đăng trong tờ Corriere della Sera, Allam, người đã lấy tên Cristiano làm tên rửa tội của mình, đã giải thích rằng chứng từ của những người Công Giáo, những kẻ “lần lần trở nên một điểm qui chiếu về sự chắc chắn của sự thật và sự vững chắc của các giá trị,” đã đóng một vai trò quan trọng trong sự trở lại của anh.

Giữa những người Công Giáo này, anh chỉ rõ chủ tịch của phong trào Hiệp Thông và Giải phóng, Cha Julian Carron; cựu bề trên cả Dòng Salêsiên, Pascual Chavez Villanueva; Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh; và Giám Mục Rino Fisichella, giám đốc Đại Học Lateran Giáo Hoàng, những người “đích thân đồng hành với anh trong cuộc hành trình đón nhận thiêng liêng đức tin Kitô hữu.”

Anh nói ảnh hưởng quyết định nhất là ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, “người tôi đã khâm phục và, với tư cách một người Hồi Giáo, đã bênh vực sự tinh thông của ngài trong việc ghi lại sự liên kết vững chắc giữa đức tin và lý trí như là một nền tảng cho tôn giáo đích thực và văn minh nhân loại, và ngài là kẻ tôi gắn bó với cách trọn vẹn như một Kitô Hữu linh hứng tôi với ánh sáng mới trong sự hoàn thành sứ vụ Thiên Chúa đã dành cho tôi.”

“Đối với tôi đó là ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi,” anh nói.

Thái Độ

Đức Giáo Hoàng đã nói trong bài giảng của ngài, khi ngõ lời với các tân tòng: “Chúng ta phải trở lại luôn luôn, suốt đời quay về với Chúa. Và luôn mãi chúng ta phải để tâm hồn chúng ta đựơc lôi kéo khỏi sức mạnh của trọng lực, lôi chúng xuống, và trong nội tâm chúng ta phải nâng chúng lên cao: trong chân lý và tình yêu.”

Đức Thánh Cha đã giải thích rằng sự trở lại không phải là một sự lựa chọn một ngày là xong, nhưng là một thái độ cơ bản phải gặp được sự viên mãn của nó trong sự sống hằng ngày.

Sự trở lại, ngài nhấn mạnh, hệ tại “ quy linh hồn chúng ta về Chúa Giêsu kitô và như vậy về Thiên Chúa hằng sống, về sự sáng.”

Đó là sự nâng cao tâm hồn lên tới Chúa, “vượt qua tất cả sự xoắn vào nhau của những bận tâm chúng ta, của những ước muốn chúng ta, của những âu lo chúng ta và của những rối trí chúng ta.”

“Sự trở lại có nghĩa là “luôn luôn chúng ta phải quay chúng ta khỏi những hướng đi sai lầm.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI kết thúc bài suy niệm của ngài với lời cầu này: “Vâng. lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở nên những con người của Phục Sinh, những người nam và nữ của ánh sáng, tràn đầy lửa và tình yêu của Chúa.”
 
Đức Giáo Hoàng Biển Đức xvi kêu gọi đối thoại tại Tây Tạng
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
21:32 04/04/2008
VATICAN (Zenit.org). Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI xin sự đối thoại và lòng bao dung để vượt qua con khủng hoảng Tây Tạng.

“Tôi theo dõi với lòng lo âu sâu sắc những tin tức trong những ngày này đến từ Tây Tạng. Tâm hồn phụ tử của tôi cảm thấy buồn phiền và đau khổ trước sự đau khổ của quá nhiều người.” Đức Giáo Hoàng đã nói như trên sau buổi tiếp kiến chung Thứ Tư hàng tuần 19/3 trong Đại Thính Đường Phaolô VI.

Những bạo loạn chống cai trị 57 năm Trung Hoa của vùng này đã mang lại một sự đàn áp thẳng tay của các thẩm quyền Trung Hoa, đang khi sư lo âu lan rộng vào trong những tỉnh lân cận với dân chúng đông đảo Tây Tạng.

Những phản đối bắt đầu tại thủ đô tuần trước để đánh dấu kỷ niệm cuộc khởi nghĩa thất bại 1959 chống quyền cai trị Trung Hoa.

“Mầu nhiệm sự thương khó và sự chết của Chúa Giêsu, mà chúng ta sống lại trong Tuần Thánh này, giúp chúng ta nhạy cảm đặc biệt với tình huống của họ,” Đức Thánh Cha khẳng định. “Với bạo lực, những vấn đề không được giải quyết, chỉ trầm trọng thêm.”

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện xin “Thiên Chúa toàn năng, nguồn mạch ánh sáng, soi sáng tâm trí mọi người và ban cho mỗi người sự can đảm chọn lựa con đàng đối thoại và bao dung.”
 
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Lòng Thương Xót Chúa
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
21:33 04/04/2008
“Tất cả Giáo Hội chứng tỏ Lòng Thương Xót Chúa muốn ban cho con người”

Castel Gandolfo ( Zenit.org).-Bài dịch lời chào Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI hôm Chúa Nhật trước lúc đọc kinh Regina Caeli gởi đến hàng ngàn người qui tụ trong hành lang nơi ở của giáo hoàng tại Castel Gandolfo, miền Nam Roma.

* * *

Anh chị em thân mến:

Trong Năm Thánh 2000, tôi tớ thân yêu của Chúa, Đức Gioan Phaolô II đã ra lệnh trong toàn thể Giáo Hội rằng ngày Chúa Nhật sau Phục Sinh, ngoài tước hiệu là Chúa Nhật “in albis” cũng sẽ được gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa. Ngài làm điều này cùng với việc phong thánh cho Faustina Kowakska, một nữ tu khiêm tốn Ba lan, sinh năm 1905 và qua đời năm 1938, một sứ giả nhiệt tình của Chúa Giêsu thương xót.

Lòng thương xót trên thực tế là hạt nhân trung tâm của sứ điệp Tin Mừng; đó là chính tên Thiên Chúa, với gương mặt này Người đã tự mặc khải trong cựu ước và cách đầy đủ trong Chúa Giêsu Kitô, sự nhập thể của tình yêu sáng tạo và cứu chuộc. Tình yêu thương xót cũng soi sáng gương mặt của Giáo Hội, và được bày tỏ, qua các bí tích, cách riêng bí tích hoà giải, và bằng những việc bác ái tập thể và cá biệt.

Tất cả những gì Giáo Hội nói và làm chứng tỏ lòng thương xót Chúa cảm xúc đối với con người. Khi Giáo Hội phải nhắc về một chân lý bị coi thường, hay là một sự lành bị phản bội,Giáo Hội luôn làm vậy do một lòng thương yêu đầy thương xót, ngõ hầu những con người có thể có sự sống và có dồi dào (x. Gioan 10:10). Từ lòng thương xót Chúa, ban bình an cho các tâm hồn, cũng phát sinh hoà bình đích thực cho thế giới, hoà bình giữa các dân tợc, các văn hóa và các tôn giáo.

Như nữ tu Faustina, Đức Gioan Phaolô II tới phiên ngài đã trở thành một tông đồ của lòng thương xót Chúa. Trong đêm ngày thứ Bảy khó quên này, ngày 2 tháng Tư, 2005, khi ngài nhắm mắt lìa thế giới này, chính vào lúc đêm vọng Chúa Nhật II Phục Sinh được cử hành, và nhiều người lưu ý đến sự trùng hợp này, cũng mang theo một chiều kích Maria—thứ Bảy đầu tháng—và chiều kích của lòng thương xót Chúa.

Thực vậy, triều giáo hoàng lâu dài và muôn mặt của ngài gặp ở đây hạt nhân trung tâm; tất cả thuộc sứ vụ của ngài phục vụ chân lý về Thiên Chúa, về con người và về hoà bình trong thế giới, được tổng kết trong lời công bố này, như chính ngài đã nói tại Krakow-Lagiewniki năm 2002, khi khánh thành Đền cả kính Lòng Thương Xót Chúa, “ Ngoài lòng thương xót Chúa không có ngưồn mạch hy vọng nào khác cho nhân loại.” Sứ điệp của ngài, như sứ điệp của Thánh Faustina, giới thiệu gương mặt Chúa Kitô, sự mặc khải tối cao lòng thương xót Chúa. Chiêm nghắm luôn gương mặt này: đó là gia sản Người đã để lại cho chúng ta, mà chúng ta đón nhận với niềm vui và coi như của riêng chúng ta.

Sẽ có sự suy tư riêng biệt về lòng thương xót Chúa trong những ngày tới nhờ Đại Hội Tông Đồ Thế Giới về Lòng Thương Xót Chúa, sẽ tiến trình tại Roma và sẽ được khai mạc với Thánh Lễ, nếu Chúa muốn, tôi sẽ chủ sự Thánh Lễ này trong buổi sáng ngày thứ tư, 2/4, trong ngày kỷ niệm lần thứ ba cái chết của Tôi Tớ Chúa Đức Gioan Phaolô II. Chúng ta hãy đặt đại hội dưới sự bảo hộ trên trời của Mẹ Maria Chí Thánh, Mẹ Thương xót. Chúng ta phó thác cho Mẹ vấn đề trọng đại hoà bình trong thế giới ngõ hầu lòng thương xót của Chúa hoàn thành điều không thể với sức mạnh nhân bản mà thôi, và ban cho lòng can đảm để đoái thoại và hoà giải.

* * *

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha chào dân chúng trong những thứ tiếng khác nhau. Trong tiếng Anh ngài nói:

Tôi chào tất cả những khách hành hương và thăm viếng nói tiếng Anh hiện diện ở đây hôm nay. Bài Tin Mừng Chúa Nhật này nhắc chúing ta nhớ rằng nhờ đức tin chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong Giáo Hội, và chúng ta lãnh nhận bởi Người ân huệ Thánh Thần. Trong mùa Phục Sinh này xin cho chúng ta tăng cương ý muốn minh chứng cho Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô kêu gọi chúng ta sống một sự sống hoà bình và niềm vui. Trên mỗi người anh chị em hiện diện và trên các gia đình anh chị em, tôi cầu xin Chúa ban những phép lành hạnh phúc và khôn ngoan..
 
Đức Giáo Hoàng nhắc tới chứng từ của Đức Gioan Phaolô II
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
21:33 04/04/2008
VATICAN (Zenit.org).-Triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II là một dấu chỉ và chứng từ về sự Chúa Kitô phục sinh, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định trong một Thánh Lễ giỗ lần thứ ba ngày Đức Gioan Phaolô II qua đời.

Trong bài giảng Thánh Lễ hôm thứ Tư cử hành tại Quảng Trường Thánh Pherô, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói rằng “Ngày 2 tháng Tư đã được in trong ký ức Giáo Hội vì là ngày Tôi Tớ Chúa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từ biệt thế giới này. […] Từ đó, Vương Cung Vatican và Quảng Trường này thật sự trở nên trung tâm thế giới.”

“Đúng như ba năm qua, hôm nay cũng vậy, một thời gian ngắn đi qua từ Lễ Phục Sinh. Tâm hồn Giáo Hội thấy mình còn chìm ngập trong mầu nhiệm phục sinh của Chúa. […] Ngài cảm thấy một đức tin kỳ lạ trong Người, và với Người, ngài đã giữ được một đàm thoại thân tình, độc đáo, liên tục.

“Chỉ thấy ngài cầu nguyện cũng đủ: Ngài chìm ngập chính xác trong Chúa và xem ra mọi sự khác trong những lúc này bị bỏ qua môt bên.”

Đức Thánh Cha đã nói rằng sự sống toàn diện của người tiền nhiệm của ngài bị chìm ngập trong chiều kích thiêng liêng này.

“Triều giáo hoàng của ngài, nói chung và trong nhiều lúc đặc biệt này, tự tỏ mình cho chúng ta như là một dấu chỉ và là chứng từ sự Chúa Kitô sống lại. Tính năng động phục sinh này, biến đời sống của Đức Gioan Phaolô II thành một sự đáp trả trọn vẹn cho tiếng gọi của Chúa, không thể diễn tả trừ ra không có một sự tham gia trong những đau khổ và sự chết của vị Thầy và Đấng Cứu Chuộc thần linh.

Đừng sợ

Đức Thánh Cha đã nhắc lại Karol Wojtyla cũng đã đau khổ trong tuổi bé thơ, “vì gặp thánh giá trong đường đi của ngài, trong gia đình của ngài, với dân của ngài.”

“Rất sớm ngài đã quyết định vác thánh giá bên cạnh Chúa Giêsu, theo những vết chân của Ngườị Ngài ao ước làm tôi tớ trung thành của Chúa đến nỗi đón nhận tiếng gọi tới chức linh mục như là một ân huệ và một sự cam kết suốt sự sống của ngài. Với Chúa, ngài đã sống, và với Chúa, ngài đã muốn chết.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nhắc lại “những lời thiên thần trong ngày Phục Sinh, [đừng sợ], nói với các người nữ trước ngôi mộ trống trơn […] đã trở thành một kiểu khẩu hiệu trên môi Đức Gioáo Hoàng Gioan Phaolô II, từ những bắt đầu long trọng thừa tác vụ Phêrô của ngài.”

“Ngài đã lập lại những lời đó trong những dịp khác nhau cho Giáo Hội và cho thế giới. Ngài luôn luôn lập lại những lời đó với sự vững vàng không lay chuyển, bằng cách trước hết cầm cây gậy trên đầu có thánh giá, và sau này, khi sức lực thể xác yêu kém hầu như tựa vào thánh giá, cho tới ngày thứ Sáu Tuần Thánh cuối cùng, ngày mà ngài tham dự Đàng Thánh Giá từ nhà nguyện riêng của ngài, hai tay ôm lấy thánh giá.”

Chứng từ cuối cùng

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định ”Đó là chứng từ của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh cuối cùng mà Goan Phaolô II đã cử hành trên mặt đất, chứng từ đó là một “chứng từ thinh lặng tình yêu đối với Chúa Giêsu”.

“Bối cảnh hùng hồn này của sự đau khổ nhân bản và của đức tin, trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh cuối cùng này, cũng chỉ cho các tín hữu và cho thế giới bí quyết của mọi sự sống Kitô hữu” Câu nói ‘đừng sợ’ này không dựa trên sức loài người, cũng không trên những thành công đã hoàn tất, nhưng đúng hơn, chỉ dựa trên lời Chúa, trên thánh giá và sự phục sunh của Chúa Kitô. Trong mức độ mà ngài lột bỏ mọi sự, cuối cùng, lột bỏ cả những lời nói của ngài, sự từ bỏ hoàn toàn này vì Chúa Kitô đã tỏ hiện với sự sáng sủa ngày càng tăng.

“Như đã xảy ra cho Chúa Giêsu, cũng vậy trong trường hợp của Gioan Phaolô II, những lời nói cuối cùng đã nhường chỗ cho sự hy sinh sau cùng, cho sự hiến mình. Và sự chết là dấu ấn của một đời sống hoàn toàn dâng cho Chúa Kitô, đồng hình đồng dạng với Người cả về thể xác với những nét đau khổ và sự bỏ mình đầy tin tưởng trong tay Cha trên trời. “Tôi hãy đi vào nhà Cha,’ những lời này—những kẻ ở bên ngài tường thuật—là những lời cuối cùng của ngài, sự hoàn thành một cuộc sống hoàn toàn hướng về sự hiểu biết và chiêm ngắm gương mặt Chúa.”

Bước tiến của sự dữ

Đức Thánh Cha đã nhắc lại ”Tôi Tớ Chúa, Đức Gioan Phaolô II đã biết và đích thân đã sống những thảm cảnh khủng khiếp của thế kỷ 20, và ngài đã tự hỏi trong một thời gian lâu dài điều gì có thể chận lại bước tiến của sự dữ”.

“Câu trả lời chỉ có thể gặp được trong tình yêu của Chúa. Chỉ lòng thương xót của Chúa, trên tực tế, có khả năng hạn chế sự dữ; chỉ tình yêu toàn năng của Chúa có thể lật đổ quyền thống trị của những kẻ dữ và quyền lực phá hoại của tính ích kỷ và hận thù. Vì lẽ này, trong cuộc thăm viếng cuối cùng của ngài tại Ba Lan, khi ngài trở về quê hương ngài, ngài đã nói, ‘Trừ ra lòng thương xót của Chúa, không còn nguồn mạch hy vọng nào khác cho nhân loại.”

Đức Thánh Cha kết luận “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Người đã ban cho Giáo Hội tôi tớ trung thực và can đảm này.Và khi chúng ta dâng Hy Lễ cứu chuộc cho linh hồn được tuyển chọn này, chúng ta cầu xin ngài tiếp tục cầu bàu từ thiên đàng cho mỗi người chúng ta, cho tôi cách riêng, là kẻ Chúa Quan Phòng đã kêu gọi tiếp nhận gia sản thiêng liêng vô giá của ngài.”

“Mong cho Giáo Hội, theo huấn giáo và gương của ngài tiếp tục cách trung thành sứ vụ rao giảng Tin Mừng mà không thỏa hiệp, phổ biến không mỏi mệt tình yêu thương xót của Chúa Kitô, nguồn gốc hoà bình thật cho toàn thế giới.”
 
Lòng Bác Ái Dựa Trên Đức Tin Nơi Chúa Kitô
Bùi Hữu Thư
23:17 04/04/2008

Lòng Bác Ái Dựa Trên Đức Tin Nơi Chúa Kitô



VATICAN, 4 tháng 4, 2008 - Đức Thánh Cha Benedict XVI đích thân cảm ơn các thành viên của Hội Tài Trợ Giáo Hoàng về sự yểm trợ của họ giúp cho ngài có thể thực hiện các công trình mục vụ của ngài trong Giáo Hội hòan vũ.

Đức Thánh Cha tiếp kiến các thành viên của hội này ngày hôm nay. Hội tổ chức các cuộc gây quỹ hàng năm để yểm trợ các cộng trình bác ái, các ngân khỏan tài trợ, các dự án và học bổng cho các quốc gia đang mở mang.

Đức Thánh Cha cho các thành viên của hội này hay "Chính nguồn nguyên liệu của dịch vụ tình yêu của Giáo Hội (trong khi giáo hội cố gắng giảm thiểu sự đau đớn của người nghèo và yếu đuối) có thể được tìm thấy trong Đức Tin không lay chuyển rằng Chúa Kitô đã thực sự chiến thắng tội lỗi và sự chết; và trong khi phục vụ cho các người anh chị em, giáo hội cũng phục vụ chính Chúa Kitô trong khi chờ đời Người lại đến trong vinh quang."

Ngài tiếp, "Các bạn thân mến, tôi rất vui mừng có được cơ hội này để bầy tỏ lòng biết ơn của tôi trước sự yểm trợ quảng đại của Hội Tài Trợ Giáo Hoàng qua các dự án tài trợ và các học bổng, giúp tôi thi hành mục vụ tông đồ của tôi trong Giáo Hội hoàn vũ. Tôi xin các bạn cầu nguyện cho tôi, và tôi cam đoan sẽ cầu nguyện cho các bạn."

"Cầu mong cho các công trình tốt đẹp của các bạn tiếp tục tăng trưởng, và đem lại cho các người anh chị em của các bạn niềm hy vọng vững vàng là Chúa Giêsu không bao giờ ngưng đổ tràn sự sống của Người cho chúng ta trong các bí tích để chúng ta có thể cung ứng cho các nhu cầu vật chất và tinh thần cho toàn thể gia đình nhân lọai."

Đức Hồng Y John Krol, nguyên là Tổng Giám Mục Hưu Trí của Tổng Giáo phận Philadelphia đã thiết lập Hội Tài Trợ Giáo Hoàng có văn phòng chính tại Hoa Kỳ năm 1990.
 
Top Stories
Vietnam Man Runs 'Abortion Orphanage'
AP
16:10 04/04/2008
Sitting cross-legged on a straw mat in the middle of the living room, Tong Phuoc Phuc sings a soothing Vietnamese lullaby. For a moment, his deep voice works magic, and the tiny room crammed with 13 babies is still.

Phuc giggles like a proud papa. He's not related to any of them, but without him, many of these children likely would have been aborted. And to Phuc, abortion is unimaginable.

The 41-year-old Catholic from the coastal town of Nha Trang has opened his door to unwed expectant mothers in a country that logs one of the world's highest abortion rates. In 2006, there were more than 114,000 abortions at state hospitals in Ho Chi Minh City — outnumbering births.

Most pregnant, unmarried Vietnamese women have few options. Abortion is a welcome choice for many who simply cannot afford to care for a baby or are unwilling to risk being disowned by their families.

The communist government calls premarital sex a ''social evil.'' Abortion, however, is legal and performed at nearly every hospital. And unlike in some Western countries where the issue is hotly contested, the practice stirs little debate here.

But shelters for women who want to keep their babies are rare. Phuc promises them food and a roof until they give birth, and then cares for the children until the mothers can afford to take them. In the past four years, he's taken in 60 kids, with about half still living in his two houses.

''Sometimes we have 10 mothers living here. .. sleeping on the floor,'' says Phuc, a thin man with dark, weathered skin and teeth stained brown from years of smoking. ''The problem is that a lot of young people live together and have sex, but they have no knowledge about getting pregnant. So they get abortions.''

Phuc says he made a deal with God seven years ago when his wife encountered complications while in labor with their son. He vowed that if they were spared, he would find a way to help others. As his wife lay recuperating after the difficult birth, he recalls seeing many pregnant women going into the delivery room but always leaving alone.

''I was wondering, 'where are the babies?''' he says, cradling an infant in each arm. ''Then I realized they had abortions.''

Phuc, a building contractor, started saving money to buy a craggy plot of land outside town. He then began collecting unwanted fetuses from hospitals and clinics to bury in graves on the property. At first, doctors and neighbors thought he had gone mad. Even his wife questioned spending their savings to build a cemetery for aborted babies.

But he kept on, and now some 7,000 tiny plots dot the shady hillside, many marked with bright red, pink and yellow artificial roses.

''I believe these fetuses have souls,'' says Phuc, who has two children of his own. ''And I don't want them to be wandering souls.''

Vietnam was ranked as having the world's highest abortion rate in a 1999 report by the U.S.-based Guttmacher Institute, which tracks the statistics. More recent reliable data for both public and private clinics are unavailable. Aid agency Pathfinder International says abortions remain high in Vietnam but appear to be declining slightly.

Dr. Vo Thi Kim Loan has run her own clinic just outside Ho Chi Minh City since 1991. She says the number of young, unmarried women seeking quick, discreet abortions has increased with more teen girls having sex before marriage. She also still sees a steady stream of married women coming in for repeat abortions because their husbands disapprove of contraceptives.

Preference for boys is another factor. Vietnamese women with access to ultrasound sometimes terminate pregnancies after discovering they're carrying girls in a country where couples are encouraged to have just two children.

Phuc isn't sure why so many Vietnamese choose abortion and says more women need to understand safer forms of birth control are available.

He says word of his unusual graveyard eventually spread, and women who had undergone abortions started visiting to pray and burn incense. Phuc urged them to tell others considering the same option to talk with him first.

Phan Thi Hong Vu looks lovingly at her chubby 7½-month-old baby boy sucking on a pacifier surrounded by all the other babies on Phuc's floor. She shivers at the thought of how close she came to losing him.

''I actually went to the hospital intending to get an abortion, but I was so scared,'' says Vu, who was 3½ months pregnant at the time. ''I decided to go home and think about it. Two weeks later, I met with Phuc.''

She moved into the 904-square-foot house soon after and remains there with seven other new or expectant mothers. They spend their days washing, feeding, burping, changing and playing with the babies — all but one are under a year old. The constant chorus of crying, coughing and cooing fills the living room, which is lined with pink and blue cribs and adorned with a crucifix, the Virgin Mary and a photo of the late Pope John Paul II.

It's a full-time operation that involves Phuc's entire family. His older sister manages the chaos, mixing vats of strained potatoes and carrots and preparing formula for bottles, while shushing crying babies and chasing crawlers. The entrance to the single-level cement house tells the story: rows of bibs, booties, jumpers and spit rags hang drying in the sun.

It costs about $1,800 a month to care for all 33 babies and the women. Phuc gets donations from Catholic and Buddhist organizations and from people who have heard about his work. On a recent day, a local family dropped by with an envelope sent from their daughter in California who had read about Phuc on a Vietnamese Web site. Two years ago, he even got a letter from Vietnamese President Nguyen Minh Triet praising him for caring for women and children scorned by society.

Health authorities say they support what he's doing, but also keep a close eye on him to ensure everything is legitimate in a country where baby selling and child trafficking are a problem. Some people accuse Phuc of condoning premarital sex.

Phuc's operation is not a registered orphanage, which means he cannot put any of the children up for adoption. But even if he could, he shakes his head and says his goal is to reunite each child with its mother or to raise them as his own. So far, 27 babies have gone home.

''I will continue this job until the last breath of my life,'' he says. ''I will encourage my children to take over to help other people who are underprivileged.''
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Có cần lập một Ban Mục Vụ Văn Hóa trong mỗi Cộng Đoàn Công Giáo không?
Lm. Trần Cao Tường
17:38 04/04/2008
Có cần lập một Ban Mục Vụ Văn Hóa trong mỗi Cộng Đoàn Công Giáo không?

Chưa kịp trả lời thì tôi đã phải giật mình đọc mấy hàng chữ của ĐGH Gioan Phaolô II. Năm 1982 khi thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, ngài đã nói riêng với Đức Hồng Y Poupard với niềm xác tín qua kinh nghiệm đời mình: “Nếu không có một chương trình mục vụ về văn hóa thì chẳng có chăm sóc mục vụ gì cả.”

Thế là thế nào?! Từ bao năm nay mình vẫn làm mục vụ, lo làm lễ, cử hành các bí tích, rao giảng Lời Chúa trong các thánh lễ, sinh hoạt hội đoàn... cho xứ đạo có thể chạy được, mà ngài lại bảo “chẳng có chăm sóc mục vụ gì cả” là làm sao!

Thì ra cho đến hôm nay, tôi cũng như nhiều người được đào tạo mang một mô thức và một tâm thức (tức một cách nhìn và cách hành xử) để thi hành một nhiệm vụ vỏn vẹn trong lãnh vực nhà thờ, “bó rọ” trong một cộng đoàn, gọi là mục vụ thiêng liêng, còn những mảng đời khác xem ra tôi cũng chẳng để tâm cho đủ, như mục vụ xã hội cũng chỉ coi là một vài việc làm bác ái nào đó... Và tuyệt nhiên chẳng để bao phần trăm sức lực và chất xám cho mục vụ văn hóa, vì xem ra chẳng có gì “ăn uống” với nhiệm vụ của mình cả, như là chuyện của người khác, nếu có ai làm chuyện đó thì mình cũng nghĩ đó chỉ là chuyện thêm hoa hoè hoa sói như đồ trang sức mà thôi!

KIỀNG MẤY CHÂN?

Thế là kiềng ba chân chỉ còn có một thì làm sao ĐGH Gioan Phaolô không bảo là “chẳng có chăm sóc mục vụ gì cả”. Và liệu có đứng vững như vậy được không trong đà tiến mới mà không chao đảo không? Kinh nghiệm của ĐGH Gioan Phaolô II khi bước chân ra khỏi nhà thờ là đã phải đối diện và đương đầu với một xã hội có thực, vẫn gọi là dấn thân trần thế. Một xã hội mà tiêu chuẩn nhiều khi đối nghịch với niềm tin đạo Chúa, một nền văn hóa vô thần và duy vật, vì con người được xác định rõ ràng bằng văn bản của “sư phụ” là “con vật kinh tế” mà!

Và ĐGH Biển Đức XVI thì lại hay nói tới một nền văn hóa của thần chết tương đối hóa mọi giá trị để chỉ còn một giá trị tôn thờ “duy con vật” của xã hội tục hóa Âu Mỹ và những nước chậm tiến đang rướn cổ đuổi theo với những khủng hoảng đang thấy được, như những lớp di dân từ vùng thôn quê vào thành phố kiếm công việc làm ăn, bị bứng ra khỏi cái nôi vẫn coi là yên ổn từ nhiều năm nay nên phải lay lất như cái cây bị bật rễ! Chả lẽ đó không phải là việc mục vụ của mình vì họ không thuộc xứ đạo mình sao?!

Mục vụ là công việc chăn nuôi thì việc chăm sóc phải thấy rõ nhu cầu của con người ngày nay gồm ba chiều kích, không thể thiếu một chiều kích nào được. Và bây giờ nhiều người thấy rõ cái mô thức mục vụ kiềng ba chân, chỉ thiếu một chân là đã mất cân bằng:

- Mục vụ thiêng liêng.

- Mục vụ xã hội.

- Mục vụ văn hóa.

NHỮNG THAO THỨC CÓ THỰC

Mấy năm gần đây về phía giáo dân đã có những bài viết đề cao mục vụ văn hóa và nói lên tầm quan trọng trong đà tiến của xã hội khi phải đối diện với nhiều chiều kích mới mà nhiều khi ra khỏi nhà thờ mình thấy lảo đảo! Lý do dễ hiểu là một tuần nhiều người chỉ đến nhà thờ được một giờ đã là loại khá, nghe lời Chúa và lời giảng khoảng 10 phút mà nhiều khi chưa kịp lọt tai, đang khi phải sống với đời sống thực với tất cả số thời giờ còn lại, giữa những trạng huống rất ngược với những điều vừa nghe trong nhà thờ, chưa kể là những giao tiếp với những bạn bè và hội đoàn xã hội và chính trị, cũng như rất đông người ngoài Công giáo hay những văn hóa phẩm giải trí hoặc thăng tiến vượt ra khỏi tầm tay của nhà thờ. Đâu là cách hành xử của mình như một người Công giáo sống đạo giữa đời? Đâu là chiều kích ngôn sứ của người “được sai đi loan báo Tin Vui”?

Trên Mạng Lưới Dũng Lạc góp tư liệu xây nhà văn hóa & niềm tin, trong trang Mục Vụ Văn Hóa (www.dunglac.net/mucvuvanhoa) đã có loạt bài rất đáng chú ý của Gs. Trần Văn Cảnh về Sinh Hoạt Văn Hóa của Giáo Xứ Việt Nam ở Paris, và tập tài liệu giới thiệu chính sách mục vụ văn hóa.

“Trong điện văn gởi cho Giáo Xứ Việt Nam Paris ngày 25.06.1996, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo Xứ, «Ðức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu Việt Nam Paris dùng việc cử hành đại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ của họ như khởi điểm của một giai đoạn mới trong đời sống cộng đoàn giáo xứ, mà thuỷ chung trung tín với văn hoá việt nam của họ và liên đới với dân tộc việt nam của họ, hầu trở thành những chứng nhân phát huy tinh thần Phúc Âm giữa đồng bào và anh em của họ.”

Linh mục chính xứ đã ghi nhận việc này khi viết: «Là một cộng đoàn sắc tộc tại thủ đô Paris, Giáo Xứ Việt Nam không thể không là một « cộng đoàn văn hoá». Văn hoá phản ánh nếp sống riêng của dân tộc ta, văn hoá ăn sâu vào cách sống đạo của người công giáo việt nam, văn hoá cần thiết để hội nhập vào xã hội Pháp tiếp đón chúng ta. Vì thế, ngay từ khi mới thành lập, tại trung ương đã có quán cơm xã hội, nghĩa là đã có «các món ăn việt nam», đã có báo chí, nghĩa là những tờ báo «chữ việt nam», đã có những buổi học tập, diễn thuyết bằng tiếng việt dành riêng cho «đồng bào việt nam», vừa để bảo toàn tinh thần văn hoá dân tộc, vừa chuẩn bị cho họ «hội nhập vào văn hoá và xã hội Pháp.”

Tiếp đến là loạt bài viết của ông Nguyễn Long Thao “Hoạt động văn hóa của giáo xứ Việt Nam tại Paris”. Đây là bài viết đặc sắc, nói lên một nỗ lực cụ thể về sinh hoạt văn hóa nơi một xứ đạo. Bài viết này đã tạo được độ rung mạnh nơi các cộng đồng Công giáo Việt khi phải nhìn lại những ưu tiên về mục vụ hiện nay. Một trong những phản ứng rất tích cực là bài viết của ông Trần Vinh “Nhân đọc bài Hoạt động văn hóa của giáo xứ VN tại Paris của Nguyễn Long Thao.”

Một cách cụ thể, giáo xứ Việt Nam tại Paris đã có một Ban Mục Vụ Văn Hóa rõ ràng, với một số sinh hoạt đã đạt thành quả

* Báo Giáo Xứ Việt Nam, Paris: Từ 1975 tới nay đã thực hiện 206 số. Nội dung luôn có những bài về Lễ Tết, các tập tục cưới hỏi, tín ngưỡng dân gian, các đề tài văn học, các tác giả, về tiếng Việt, những tâm tình yêu thương, nhớ nhung quê hương đất nước, v.v.

* Giáo xứ đã tổ chức được 44 cuộc diễn thuyết do các học giả và giáo sư, trong số đó nhiều đề tài về văn hóa dân tộc: Đời Sống Thôn Quê Việt Nam Với Vấn Đề Điền Địa, Đời Sống Tín Ngưỡng Của Dân Tộc Việt Nam, Thi Ca Dân Tộc, Hôn Nhân Xưa Và Nay, Quan Niệm Về Trời, Giáo Dục Việt Nam Qua Tác Phẩm Đoạn Tuyệt, Thờ Cúng Tổ Tiên, Mê Tín Dị Đoan Của Người Việt Nam, Việt Nam Văn Hóa, Văn Minh Và Văn Chương, Thi Sĩ Hàn Mặc Tử, Vua Quang Trung, Alexandre De Rhodes-400 Năm Sinh Nhật, Sự Nghiệp Văn Hóa Và Kiến Trúc Của Cụ Sáu Trần Lục, Mạn Đàm Về Thơ, Học Giả Petrus Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa Huỳnh Tịnh Của, v.v.

* Giáo xứ đã xuất bản 54 cuốn sách. Chỉ riêng cuốn Đức Tin Và Văn Hóa ra năm 2004 đã bao gồm tới 13 bài khảo luận văn hóa rất công phu và hữu ích: Niềm Tin Trong Văn Hóa Việt Nam (gs. Tạ Minh Khánh), Đất Việt Là Quê Hương Của Đạo Trời (ls. Lê Đình Thông), Chữ ‘Trời’ Trong Một Số Cổ Thi Quố Âm Việt Nam (bs. Nguyễn Văn Ái), Đồi Chiếu Các Tín Ngưỡng Và Tôn Giáo Ở Việt Nam Với Kitô Giáo (lm. Mai Đức Vinh), Đức Tin Công Giáo Và Niềm Tin Phật Giáo (ls. Nguyễn Thị Hảo), Đạo Nào Cũng Giống Nhau? (lm. Mai Đức Vinh), Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam (gs. Phương Oanh), Hội Nhập Văn Hóa Qua Thánh Ca Việt Nam (gs. Hồng Nhuệ), Đức Hiếu Thảo (Bình Huyên), Tôn Kính Tổ Tiên (lm. Mai Đức Vinh), Đóng Góp Của Thơ Công Giáo Vào Việc Truyền Bá Tin Mừng (phó tế Phạm Bá Nha), Thư Mục Báo Chí Công Giáo Việt Nam (lm. Trần Anh Dũng),Cây Văn Hóa Việt Nam Trồng Tại Giáo Xứ Paris (gs. Trần Văn Cảnh).

Và ông Trần Vinh kết luận: “Tác giả Nguyễn Long Thao đã nhận xét thật xác đáng: ‘Chính sách mục vụ văn hóa giáo xứ luôn đặt việc rao giảng Tin Mừng trong bối cảnh hội nhập văn hóa Việt Nam, lúc thì đức tin Kitô giáo được lồng trong khuôn mẫu văn hóa Việt Nam, lúc thì văn hóa Việt Nam được trình bầy dưới chiều kích niềm tin Kitô giáo.’”

THỬ NHÌN QUA NHỮNG CHIẾN LƯỢC TRUYỀN BÁ “SỨ ĐIỆP” MANG CHẤT THUYẾT PHỤC

Những quảng cáo trên Tivi hằng ngày vẫn được gọi là những sứ điệp (message), có ý truyền thông một “tin mừng” nào đó tạo chất thuyết phục và ham thích. Hãng Sony, bia Budweiser, nước Coke dù đã chế ngự thế giới rồi mà vẫn cứ tiếp tục nhồi vào máu, ám vào tim mọi người qua những quảng cáo liên tục, khiến cho thiên hạ không mua không được.

Muốn thành công truyền đạt một “sứ điệp”, các hãng thường phải dành khoảng một phần ba ngân sách. Quảng cáo trên Tivi trong giải Superbowl chỉ trong 30 giây đã phải trả 3 triệu Mỹ kim mà người ta cũng sẵn sàng bỏ tiền ra, vì chuyện đó sẽ đạt kết quả gấp bội.

Vào thời đại truyền thông đại chúng, ai cũng rao truyền quảng bá một điều gì đó, từ quảng cáo đến những khuynh đảo của đảng phái chính trị! Ai cũng tìm cách lôi kéo người khác theo mình, mua hàng hóa của mình. Và họ đã đạt thành công nhờ những kỹ thuật cao độ, tạo được tính thuyết phục. Người ta tin là vì được nghe nói tới nhiều, xem tận mắt những trình bày hấp dẫn mang lại tiện ích. Người ta đã tạo được đòn tâm lý là mọi người đều thích món hàng đó, rất hợp thời!

Sở dĩ các lái buôn thành công trong việc xỏ mũi thiên hạ mà lôi đi, vì họ đã áp dụng đúng chiến thuật gồm bốn điểm:

1. Tạo ra niềm tin rằng cứ mua mấy thứ sản phẩm đó là thế nào cũng ngon lành hạnh phúc. Trong quảng cáo, ai cầm lon nước Coca uống cũng vui vẻ yêu đời quá sức; ai dùng loại xà bông gội đầu đó thì tóc cũng óng mượt bay bay như mây trời.

Đâu có ngờ là người mẫu này có thể chả dùng loại xà bông đó, nhưng vẫn phải cười tươi, nhe răng đúng độ bài bản, đứng trong phòng studio cho những tay lấy ảnh chuyên nghiệp vẽ vời: năm sáu loại đèn chiếu khác nhau từ nhiều góc cạnh cho nét mặt nổi lên như ba chiều vậy, cho tóc long lanh mầu nắng thủy tinh; rồi để quạt máy thổi từ góc phòng cho tóc bay bay. Thế là ăn ảnh đứt đi chứ. Rồi ngầm bảo rằng đẹp như vậy là do xà bông gội đầu loại đó. Thế là người ta cứ răm rắp tuân lệnh mà mua về. Vẫn có nhiều kẻ tin hơn kinh Tin Kính!

2. Tạo cảm tưởng tin rằng mọi người đang dùng sản phẩm đó cả, hợp thời và văn minh quá sức. Vậy là nếu không mua thì tự cảm thấy lạc hậu chẳng giống ai. Thôi đành cũng phải gồng mình chứ biết sao.

3. Cứ ám ảnh bằng ấn rất nhiều hình ảnh qua mọi hình thức, để thành phản ứng tự động mà không cần suy nghĩ đúng sai. Chẳng hạn như những hình ảnh của công ty Disney xuất hiện trong bất cứ gì liên hệ tới đời sống hằng ngày của trẻ, từ sách học đến những chương trình hoạt họa và các đồ chơi.

Đây là một khám phá của khoa tâm lý thời mới: đa số các phản ứng và hành động của con người đều do những hình ảnh trong đầu, chứ không phải là những suy tư lý luận. Vì nhiều hình ảnh chả hợp lý tý nào mà nhiều người vẫn theo. Vậy là người ta cứ "nhất trí" suy nghĩ bằng những hình ảnh đó, hành động theo kiểu những hình ảnh đó. Vậy là “văn hóa toàn cầu” đạt đích.

4. Tạo ấn tượng cứ phải leo thang thêm cho hợp thời. Bất cứ một sản phẩn nào vừa ra lò thì ngay ngày sau đã thấy giới thiệu một thứ mới nâng cấp "up-grade". Vừa mua xong cái máy này chưa kịp sử dụng đã thấy bị lỗi thời, vì kìa một mặt hàng mới cùng loại hấp dẫn hơn nhiều đa xuất hiện. Cứ thế mà sinh bất mãn kinh niên. Lại phải lo nâng cấp hay thay thế cái mới. Và chả bao giờ thỏa, vì các tay làm ăn luôn tìm ra cái mới hơn nữa để chiêu dụ thôi thúc lên cơn thèm khát nhức nhối không cùng!

Joseph Kincheloe và Shirley Steinberg trong khảo cứu về Mức Ảnh Hưởng Tới Lớp Trẻ đã cho biết rằng hiện nay hai công ty Disney và McDonald's có mãnh lực đào tạo cách suy nghĩ và hành động của trẻ mạnh hơn cả hệ thống trường tiểu học.

Cách đây mấy năm, chỉ nguyên ba hãng Gatorade, Hanes, và MCI WorldCom đã phải trả từ 42 tới 47 triệu Mỹ kim một năm cho thần tượng thể thao môn bóng rổ là Michael Jordan để thuê anh chàng này tươi cười cầm chai nước ngọt Gatorade, sử dụng điện thoại hay mặc đồ Hanes.

Chưa kể một điều khác khủng khiếp hơn, đó là tiền trả của hãng Nike cho một mình Michael Jordan quảng cáo trong vòng mấy chục giây cho giầy Nike nhiều hơn là tổng số tiền lương của tất cả nhân công làm cho hãng Nike. Thế mới biết ai mua giầy Nike là đã phải trả tiền cho Michael Jordan nhiều hơn là giá trị thật của đôi giầy.

Vì chiến thuật của hãng nhằm làm sao tạo ra được ấn tượng là ai cũng thích giầy Nike, dân sành điệu là phải đi giầy Nike, vì đi giầy đó thì sẽ đầy hoạt lực và hiệu năng như Mike Jordan như lời “rao truyền” thôi miên: “Hãy như Mike!” (Be like Mike). Mặc đồ có dấu Nike là theo được đà tiến bộ, vì kìa tất cả mọi cầu thủ chơi giải Túc Cầu Thế Giới hay giải Super Bowl đều mặc đồ Nike.

Và ban cầm đầu hãng Nike mỗi tháng hay cuối năm ngồi lại tính sổ sẽ vỗ tay cười chiến thắng vì chiến thuật của mình thành công trông thấy, vì đã xỏ mũi sai khiến được bao người ngoan ngoãn nghe lệnh mình, ít người có thể cưỡng lại được. Nguyên một mình Michael Jordan qua quảng cáo đã làm cho hãng Nike thu lợi thêm được trên 5 tỷ tiền Mỹ.

MÌNH ĐÃ CÓ SÁCH LƯỢC MỤC VỤ VĂN HÓA CHƯA?

Ngày nay ai cũng nói tới kinh tế toàn cầu, văn hóa toàn cầu. Nhưng có dịp đào sâu hơn, người ta ngỡ ngàng nhận ra chính truyền thông đã có quyền lực đào tạo cách suy nghĩ và hành xử của con người trong thời đại mới, theo một giá trị và một mẫu mực giống y như nhau, bên Đông cũng như bên Tây.

Trước khi có toà đại sứ Mỹ tại Hà nội thì đã có CNN. Đây là tiếng nói của tổ chức siêu quyền lực lèo lái “khắp tứ phương thiên hạ” đi vào chiều hướng toàn cầu hóa theo một “trật tự mới” (novus ordo seclorum) như đại ấn tín (the great seal) được công khai in trên tờ một đồng tiền Mỹ.

Vào thời đại ai cũng mạnh bạo và hiên ngang truyền đạt “sứ điệp” một cách thành công, thì có thể mình chỉ loanh quanh mấy sinh hoạt trong một xóm đạo, qua mục vụ thiêng liêng và mấy hoạt động hội đoàn, với những cách chuyển đạt đã lỗi thời, không còn đủ lực hấp dẫn! Nhiều người chỉ đến nhà thờ mỗi tuần được một lần, “chính sách mục vụ” dành cho việc truyền thông sứ điệp Tin Vui chỉ vỏn vẹn có 10 phút qua phần Lời Chúa và chia sẻ, mà không chắc được mấy chữ lọt vào tai! Không phải là vì “thế gian” quá khoẻ lấn lướt, mà có thể mình chưa cảm thấy được sức mạnh của lãnh vực truyền thông để hình thành một chính sách mục vụ văn hóa, diễn đạt làm cho Tin Vui vui thật.

Giáo dân Việt Nam rất rộng lượng. Kêu gọi góp tay làm ân nhân xây nhà thờ thì rất hào hứng. Sở dĩ vậy vì mục vụ cho đến nay vẫn đặt nền từ đơn vị xứ đạo, nên mọi sinh hoạt của mình chỉ quanh quẩn trong một làng nhỏ, một xóm đạo, nhu cầu và tầm nhìn cũng có biên giới ở đó. Một linh mục sau thời gian thụ huấn cũng được cử về một “đơn vị”, có nhiệm vụ cho “đơn vị” đó chạy được. Đó là một tâm thức đã được hình thành từ nhiều năm và nhiều đời thành một cái nếp suy nghĩ và nếp hành xử, mà chưa kịp nhận thức và đạo tạo một tâm thức mới với những nhạy cảm mới.

CÓ CẦN MỘT BAN MỤC VỤ VĂN HÓA KHÔNG?

Ở hải ngoại, người Công giáo Việt Nam trước đây rất tha thiết hỗ trợ xây lại các nhà thờ, bây giờ thì lại nhạy cảm về những chương trình giúp người nghèo, đặc biệt là người cùi.

Nhưng lãnh vực tuyền thông và văn hóa thì xem ra vẫn được xếp loại “xa xỉ phẩm”, đang khi ai cũng thấy quyền lực của nó trong thế giới ngày nay. Có nhiều “cơ quan ngôn luận” ăn nói ngổ ngáo sai lệch, mà nếu mình có đọc qua thì chỉ bảo là chuyện tầm phào, nhưng đâu có ngờ là nhiều người đang đọc nó mà coi là những khám phá mới lạ thích thú. Truyền thông đại chúng là vậy, không thể coi thuờng được.

Vậy mà một bản “sứ điệp” qua một bài giảng có hay mấy cũng chỉ tới tai được trung bình một ngàn người trong vòng năm tới mười phút, và tầm đi xa được có mấy chục thước tới cửa nhà thờ. Từ lý thuyết trong đạo, ở cuối lễ có “chúc anh chị em đi bình an”, người tín hữu nhận sứ mạng được Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng. Nhưng thử hỏi mình đã làm gì và bằng cách nào để truyền đạt sứ điệp đó?

Đã là sứ điệp thì phải nói ra được, diễn ra được, loan báo được, có nội dung đàng hoàng, để người khác có thể cảm nhận. Sứ điệp này phải mang chất thuyết phục, làm mê thích, mang lại kết quả cao.

Trong bức thư thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa vào năm 1982. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết: Một đức tin không kiến tạo văn hóa là một đức tin không hoàn toàn được chấp nhận, không được nghĩ suốt, và không được sống cách trung tín.

Tại sao giáo dân đã được đào tạo để nhạy cảm làm ân nhân xây những cái cột nhà thờ lớn, mà không được trồng tỉa nên một tâm thức xây ngôi nhà văn hóa Công giáo có liên hệ tới sứ mạng loan báo Tin Vui.... Xây cất nhà thờ là điều cần thật, nhưng xây ngôi nhà văn hóa Công giáo cho đạo mình có thể bén rễ sâu vào đại chúng, vào tâm thức người mình thì chắc chắn phải cần hơn trong lúc này.

Đó là chính sách đầu tư cho những chương trình huấn luyện chất xám, về sách vở, về mạng lưới vi tính, về cơ sở văn hóa....Có thể đây là một thiếu sót lớn trong chương trình giáo dục tôn giáo? Chả lẽ mỗi lần nói đến truyền giáo là chỉ nghĩ về chuyện đi lên mấy buôn làng người Thượng?

Đường hướng và chính sách truyền đạt sứ điệp Tin Mừng cho đất nước mình và người mình phải là một kế sách thống nhất từ trên, từ Hội Đồng Giám Mục, từ những chương trình đào tạo. Mục vụ văn hóa có là một môn học cần thiết trong chương trình huấn luyện trong các chủng viện và dòng tu? Có kế hoạch nào đào tạo cảm quan dành đúng chỗ cho những sinh hoạt mục vụ văn hóa trong các xứ đạo?

Khi từ trên đã thống nhất đuờng hướng, những vị lãnh đạo đã thấy rõ môi trường, phương thức và mục tiêu đã chọn lựa ưu tiên trong chính sách loan truyền Tin Vui cho thời đại mới, thì tự nhiên giáo dân cũng rung cảm. Và một tâm thức mới có thể hình thành. Và lúc đó mới có được những ân nhân sẵn sàng góp tay xây ngôi nhà văn hóa Công giáo.

Về điểm này, ông Nguyễn Long Thao đã nhận xét: “Thế nhưng, nếu chúng tôi không lầm thì các giáo xứ Việt Nam hiện nay ở hải ngoại, hầu như chỉ chú ý đến mục vụ thiêng liêng, một chút về mục vụ xã hội. Còn mục vụ văn hóa, ngoài cái công tác dậy Việt ngữ cho các em thiếu nhi ra, giáo xứ rất lơ là về mục vụ văn hóa, coi đó là một thứ xa xỉ phẩm. Nếu có sinh hoạt mục vụ văn hóa nào đó thì cũng chỉ là công tác cá nhân, không phải là sinh hoạt chính của giáo xứ. Một bằng chứng cụ thể là tại San Jose, California nơi có số giáo dân đông vào hàng thứ nhì trên nước Mỹ, thế mà không có một tờ báo Công giáo nào, còn các sinh hoạt văn hóa khác chỉ “năm thì mười họa”!

Chúng ta cứ thường nghe phải nỗ lực rao giảng Tin Mừng. Nhưng lời kêu gọi trên đây liệu có ý nghĩa gì và liệu có hữu hiệu hay không nếu không dùng phương tiện mục vụ văn hóa.

CHỪNG NÀO MỚI BẮT ĐẦU KẺO SỢ RẰNG QUÁ MUỘN?

Thế giới bây giờ tiến quá nhanh với những vấn đề mới và nhu cầu mới. Kinh nghiệm từ các giáo hội Âu châu cho thấy, nếu mình không đáp ứng kịp mà chỉ lo giữ cơ cấu thể chế, thì một lúc nào đó người ta sẽ bỏ mình, bỏ đạo mà chạy theo các “bùa” hộ mạng. Lúc đó thì mình chỉ còn biết lẽo đẽo chạy theo đàng sau một cách tội nghiệp. Điều này cũng có thể đúng cho cả Việt Nam trong lúc chuyển mình tiến lên kinh tế thị trường.

ĐGH Biển Đức quả là một người rất nhạy bén đã nhìn thấu những dấu chỉ thời đại qua văn hóa, nhận định cặn kẽ về những chuyển biến này để tìm ra giải pháp cho giáo hội trong lúc lịch sử đang sang trang.

Nhìn vào sách vở Công giáo bằng tiếng Việt mình, trước đây vốn đã nghèo nàn thưa thớt, mà từ thời điểm 1975 thì quả là một lỗ hổng quá lớn! Lớp người ra đi hay ở lại đều trải qua một giai đoạn kinh hoàng. Phải mất một thời gian dài chao đảo không an cư làm sao lạc nghiệp?! Mà ở trong nước thì lo bơi lội để sống sót đã là phúc rồi.

Thành thử ra mấy chục năm trời hầu như không có một công trình nào bề thế về văn hóa Công giáo trừ những bài báo rải rác đó đây, hay những tiếng than van mà chẳng biết bắt đầu từ đâu! Bây giờ hơi tạm “hoàn hồn” thì thế hệ đầu đã đến tuổi ngồi thở, mà thế hệ trẻ thì chưa được sửa soạn để sẵn sàng!

Nhiều người đã bắt đầu bàn tới một thư viện online, một hệ thống có tổ chức để dịch những sách quá cần thiết đáp ứng nhu cầu giáo hội Việt Nam đã nhiều năm thiếu vắng sách vở, một mạng lưới văn hóa Công giáo, nhưng điều quan trọng vẫn là ai làm, làm bằng cách nào, và ai có thể bắt đầu?!

MỘT VÀI NỖ LỰC GÓP TAY ĐI TỚI

Cuối tháng Giêng năm 2008, một cuộc họp mặt của tác giả Đồng Xanh Thơ được tổ chức tại toà giám mục Phan Thiết, do nhà thơ Cao Huy Hoàng điều hợp. Sau hai tập góp nhặt thơ Công giáo “Thơ Đọng Đầu Nguồn” từ những bài thơ từ ngày có đạo Chúa tại Việt Nam, do nhà thơ Lê Đình Bảng chủ biên, cũng như “Góp Nhặt Thơ Công Giáo Hôm Nay” (tập 1) do linh mục nhà thơ Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh chủ biên, cuộc họp mặt này ghi mốc một nỗ lực đáng kể sau một năm góp sức và được đưa lên Mạng Lưới Dũng Lạc. Cả hai tập thơ trên cũng đã được đưa vào Tủ Sách Dũng Lạc. Và hiện cũng đang có một dự tính cho việc hình thành một Trang Văn Xuôi Vườn Non Ô-liu để trồng những cây viết trẻ.

Nhiều người đã từng thao thức về tình trạng văn hóa và văn học Công giáo chưa được phổ biến đúng tầm mức. Và ai cũng ước mong: “Giá mà mỗi người Công giáo, giáo phẩm cũng như giáo dân, ý thức hơn về ưu tiên đầu tư xây ngôi nhà văn hóa Công giáo nhiều hơn, thì cái không khí sách vở Công giáo sẽ bớt vắng vẻ tiêu điều đi, và Đạo Chúa có chiều phát triển thêm lên và sâu rộng hơn nơi đại chúng!”

Nhưng nếu chỉ trăn trở hay ngồi ước ao “giá mà…” để chờ người khác làm thì biết chờ đến bao giờ?! Kinh nghiệm các cuộc phục hưng ngay cả một dân tộc như Nhật cũng bắt đầu bằng những nhóm người dám xích lại với nhau mở tới một tâm thức mới và một chiều hướng mới đi trước cả Minh Trị Thiên Hoàng. Chỉ một nhóm nhỏ như Tự Lực Văn Đoàn cũng đã thổi được một luồng gió mới về văn học và xã hội cho thời chuyển tiếp.

Có thể đây cũng là thời điểm đã đến lúc chín mùi. Từ đầu năm 2005, với nhiều nỗ lực và kiên trì, một số anh em, gồm cả linh mục và giáo dân, đã mạo muội thử tạo ra một mạng lưới như mảnh đất để nhiều người có thể góp tay với nhau mà góp phần vào công việc cùng xây ngôi nhà Văn Hóa Công Giáo, lấy tên là Mạng Lưới Dũng Lạc (www.dunglac.org và www.dunglac.net).

Mạng Lưới mang tên thánh Dũng Lạc, vị thánh tiêu biểu các thánh Việt đã được thế giới tuyên dương, tức là trân trọng cả một đạo sống đức tin Công giáo trong tinh thần Việt, trong căn cước và lý lịch Việt, với một đường hướng hội nhập văn hóa, cũng như góp phần thăng tiến văn hóa Việt.

Mạng Lưới Dũng Lạc đã và đang thực hiện:

1. Ý thức góp phần Công giáo vào gia tài chung của Mẹ Việt Nam để xiển dương đạo sống văn hóa Việt có sức bay lên trong cái thần dũng lực của rồng và an lạc của chim tiên, như biểu hiệu Cánh Chim Dũng Lạc bay lên trong logo MLDL. Như vậy, vừa hội nhập văn hóa vừa phải thăng tiến văn hóa như nghiên cứu của Ủy Ban Giáo Hoàng về Văn Hoá trong ‘Hướng Tới Một Tiếp Cận Mục Vụ Văn Hóa’ (Toward a Pastoral Approach to Culture). Trong chiều hướng này MLDL cũng hân hạnh được nhiều người ngoài Công giáo cùng góp mặt.

Em sẽ múa điệu Văn Lang Vũ Bộ

Nhịp trống đồng gọi màu nắng ca dao
.

(Nguyễn Ngọc Danh)

2. Gom góp những tác phẩm và tư liệu về văn hóa và văn học Công giáo từ những ngày đầu tiên đầu thế kỷ 17 khi hạt giống Tin Mừng Đạo Chúa gieo vào mảnh đất quê hương Việt Nam. Hiện đã có những cuốn sách từ thời trước cha Đắc Lộ và những vị truyền giáo đầu tiên, những tập Góp Nhặt Thơ Công giáo từ thế kỷ 17, Nhân Vật Công Giáo từ thế kỷ 17, và nhiều cuốn sách quí và hiếm trong Tủ Sách Dũng Lạc. Trong đường dài mong sẽ có thể tiến tới một thư viện Công giáo online.

3. Mời gọi các cây viết Công giáo cùng góp tay vun trồng và xây dựng, coi đây là sứ mạng chung, để làm sao tạo ra được một mảnh đất mà mỗi người đều có thể đóng góp được một điều gì cho việc cùng nhau xây dựng ngôi nhà Văn Hóa Công giáo. Có người đóng góp những bài viết suy tư như về hội nhập văn hóa và mục vụ văn hóa; có người gom vào những tác phẩm, dần dà sẽ thành một cái gì lớn dần lên. Trong chiều hướng này, điều thật lạc quan là hiện đã có được trên 80 người góp mặt làm thành như Ban Biên Tập. Mỗi người đều có một Trang website riêng để gom góp những gì liên hệ cho dễ thấy và dễ tìm.

4. Trồng các mầm non: Những trang Văn Thơ Trẻ cũng đang được mở ra như trang Đồng Xanh Thơ, Vườn Non Ô-liu... Vì như kiểu nói của linh mục nhà thơ Trăng Thập Tự: “Không ai sẽ gặt được gì nếu đã không có người gieo. Ta phải gieo và ta sẽ gieo gì đây để, 30 năm nữa, mừng 500 năm Kitô giáo Việt Nam, con em chúng ta có đưa mắt nhìn vào mảnh vườn văn thơ Công Giáo sẽ khỏi phải lại gặt lấy một tiếng thở dài?”

CÓ GÌ MỪNG ĐỂ HÃNH DIỆN LOAN BÁO KHÔNG?

Đầu năm 2008, nhóm Sứ Điệp từ Boston tái ngộ với số 11, và bắt đầu đưa lên Mạng Lưới Dũng Lạc. Tập san có chủ đích rõ là chuyển đạt sứ điệp Tin Mừng bằng văn học nghệ thuật, với sự góp mặt của nhiều cây viết ngoài Công giáo trong chiều hướng đi tìm chân thiện mỹ với nhau. Nhóm đang có dự định buổi gặp gỡ trao đổi chí hướng với một số nghệ sĩ Công giáo trong sứ mạng chuyển đạt sứ điệp.

Một trong những niềm vui phục vụ, là từ ngày nhiếp ảnh gia Nguyễn Đức Cung và tôi chủ trương phòng ảnh nghệ thuật và chiêm/niệm/thiền, đã có nhiều người ngoài Công giáo thưởng ngoạn và khuyến khích: “Một tấm ảnh đúng là bằng một ngàn lời nói, vượt qua ranh giới tôn giáo để cống hiến những phút giây ấm lòng.”

Cũng từ đầu năm 2008, Bản Tin Dũng Lạc, với nội dung chủ yếu xoay quanh chủ đề chính là Văn Hóa và Đức Tin, đã bắt đầu phát hành hàng tháng dưới dạng báo điện tử, do nhóm Mạng Lưới Dũng Lạc chủ trương và Gs. Trần Văn Cảnh và Lm. Phạm Văn Tuệ điều hợp.

Quả thực, đã là tin mừng thì không chỉ để “răn bảo” nhau mấy phút trong nhà thờ, mà phải được truyền đi, nói cho người khác nghe nữa. Bản tin này phải mang chất thuyết phục vể cả nội dung lẫn cung cách diễn đạt. Người ta phải “đầu tư” bằng một ngân sách lớn để nói hay và hay nói về món hàng của họ. Nói tới rồi nói lui, nghiên cứu thị trường, đổi chiến thuật đều đều, đồi kiểu quảng cáo... để đạt kết quả cao.

Những nhà truyền giáo dòng Tên đầu tiên đến Việt Nam vào đầu thế kỷ 17 đã dành ưu tiên số một cho vần đề nghiên cứu văn hóa và tiếng nói trước khi đổ nước “con muốn vào lòng người Hoa Lang không?” Rồi bẵng đi cả mấy thế kỷ tự nhiên cái ưu tiên này bị gác sang bên cạnh mãi mới có được bộ sách của linh mục Léopold Cadière. Ngày nay, đi vào cụ thể, chúng ta đang chọn lựa chính sách nào, mục tiêu nào, phương cách nào, trong việc truyền đạt sứ điệp Tin Vui?

Linh mục Trăng Thập Tự trong bài chia sẻ về văn học nghệ thuật Công giáo đã có nhận xét rất chính xác: “Vào các nhà sách đời, ta có thể dễ dàng tìm được nhiều sách Phật Giáo, cách riêng của Thiền Tông, nhưng sách Công Giáo hầu như không có quyển nào. Sách Thiền Học lối cuốn cả người Công Giáo vì được viết với những phong cách và thể loại rất đi vào lòng người. Muốn có được cùng một sức lôi cuốn, cần có một lớp người cầm bút sống và cảm nghiệm Tin Mừng thật sâu xa... Trong một cuộc chiến tranh nhân dân, bên nào giành được giới văn học nghệ thuật thì sớm muộn sẽ chiến thắng. Đó cũng là một khoé cửa giúp ta nhìn về tương lai công cuộc phúc âm hoá tại Việt Nam.”

“Tiến tới một công việc quy mô cả nước, muốn kết quả, cần có nhiều nhân sự đủ khả năng và cơ động? Ví dụ, một trang mạng có sức lôi cuốn bạn trẻ cần phải có một nhóm người đủ năng lực và làm việc thường xuyên… Chúng con nghĩ đến những Dòng tu lớn, cả dòng nam và dòng nữ… Thiết tưởng, trong các văn kiện chính thức của nhiều Dòng, đã có hàm chứa việc truyền giáo qua con đường văn học nghệ thuật.”

Biết rằng văn học nghệ thuật quan trọng như vậy trong vấn đề truyền giáo, nhưng có chương trình nào hỗ trợ và huấn luyện những cây viết, về nội dung sứ điệp, về phương thức chuyển đạt, về nghệ thuật sáng tác...? Và đã có kế hoạch nào cho thị trường tiêu thụ các tác phẩm Công giáo?

MỤC VỤ VĂN HÓA, MỘT SỨ VỤ THUỘC CĂN TÍNH CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO

Ở hải ngoại, một số cộng đoàn đã bắt đầu một số hình thái sinh hoạt mục vụ văn hóa như giáo xứ Việt Nam tại Paris, với những sinh hoạt cụ thể như tổ chức những buổi nói chuyện vế văn hóa và văn học... Có cộng đoàn dành rõ ràng một ngân sách mỗi năm để hỗ trợ những cơ quan truyền thông, những mạng lưới Công giáo hay thư viện, dành thời biểu để giới thiệu những tác phẩm Công giáo giá trị.

Nhìn cho kỹ, ban mục vụ văn hóa cũng chính là ban truyền giáo, là chuyển đạt sứ điệp Tin Vui bằng những phương tiện hợp thời ngày nay. Đây là lúc người con Chúa cần ý thức tích cực góp phần trực tiếp vào việc truyền rao Lời Chúa bằng nhiều cách, qua văn học nghệ thuật, sách báo, mạng lưới, báo điện tử... để sứ điệp Tin Mừng không chỉ bị giới hạn trong mấy phút hay trong khuôn khổ nhà thờ, mà có thể đi tới được nhiều người, tới được cả những người ngoài Công giáo.

Cùng nhau tạo được một tâm thức mới với rung cảm mới trong lãnh vực này thì quả thật cánh đồng lúa chín đang diễn ra trước mắt kia rồi. Mục vụ văn hóa và văn học nghệ thuật quả là con đường đi tới được cánh đồng truyền giáo, vì đi thẳng được vào lòng người trong cảm quan của cuộc sống nhân sinh.

Hiện nay đã có khá nhiều trang mạng mang tính Công giáo. Trang thì mạnh về tin tức sinh hoạt, trang thì chuyên về mục vụ thiêng liêng thêm chút xã hội. Nhưng những trang riêng dành cho người Công giáo như thế đôi khi bị dị ứng đối với người ngoài Công giáo, và nhiều người chẳng muốn đi vào! Vì thế rất cần có thêm những trang về mục vụ văn hóa, tức nhằm hướng truyền giáo, chuyển đạt Tin Mừng cho đại chúng.

Mấy năm trước, anh bạn tôi phàn nàn: “Có nhiều người Công giáo viết văn, làm thơ, nhưng có rất ít nhà văn và nhà thơ Công giáo.” Ý anh muốn nói còn quá ít tác phẩm chuyển đạt được sứ điệp Tin Mừng trong khung mạch đại chúng dân mình bằng ngôn ngữ đời thường.

Không phải cứ nói tới sứ điệp Tin Mừng là phải đưa hình Chúa hay Đức Mẹ ra là được, có thể đôi khi còn bị dị ứng nữa là đàng khác, nhưng phải khởi đi từ những rung động trong tim mỗi người đang khắc khoải tìm câu trả lời cho ý nghĩa cuộc sống.

Lúc này thì cơ may đã đến, đã đúng thời chứ chưa muộn. Thời của vi tính, thời của trang mạng. Ai sẽ bắt đầu? Báo Time đã chọn chính Bạn là người quan trọng nhất trong năm (Time’s Person of the Year is You). Họ không lầm lẫn hay giỡn chơi đâu. Họ chọn thật đấy.

Bạn chính là Người Quan Trọng Nhất Năm Nay, khi bạn biết mở đọc, góp tay bằng tinh thần và vật chất, và giới thiệu các mạng lưới truyền sứ điệp Tin Vui. Ưu thế của truyền thông là nói hay và hay nói về sứ điệp mình đang muốn chuyển.

Mục vụ văn hóa như vậy không còn phải là chuyện thêm thắt trang hoàng nữa, mà là một mệnh lệnh đang bắt đầu cụ thể, một sứ vụ bắt buộc làm nên bản sắc người Công giáo. Và một hội đồng gọi là mục vụ thì ngoài các ban về phụng vụ, tài chánh, xã hội, thăng tiến nội tâm... không thể thiếu ban mục vụ văn hóa, có nhiệm vụ tạo ý thức và rung cảm, đôn đốc các chương trình cụ thể nơi xứ đạo của mình để mở tới những cửa ngõ đi vào cánh đồng truyền giáo đang hiện thực.

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng...” (Lc 4:18).

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ...” (Mt 28:19)

Và ĐGH GioanPhaolô II thì khẳng định: "Chỉ khi nào đi vào lòng một nền văn hóa và qua một nền văn hóa, Ðức Tin Công giáo mới thực sự tham dự vào lịch sử và kiến tạo lịch sử." (Tông huấn Người Tín Hữu Giáo Dân" #44)

Lời quả quyết của Ngài vẫn là một thách đố đối với các cộng đoàn Công giáo khi thành lập hội đồng mục vụ: “Nếu không có một chương trình mục vụ về văn hóa thì chẳng có chăm sóc mục vụ gì cả.”
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hành Hương Thánh Địa: Giêrusalem
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
13:09 04/04/2008
HÀNH HƯƠNG ĐẤT THÁNH (3)

Giêrusalem

Thời Chúa Giêsu thành Giêrusalem ở trên hai ngọn đồi, giữa là thung lũng Tyropeon, xuyên qua hai đồi đó theo hướng bắc nam. Đồi phía tây là khu cư xá và đồi phía đông là khu Đền thờ. Mạn đông Đền thờ là thung lũng Cedron. Bên kia thung lũng Cedron là núi Cây dầu. Thung lũng Cedron gặp thung lũng Gehenna ở mạn nam Đền thờ. Thung lũng Gehenna là ranh giới thành Giêrusalem về phía tây.

Cuộc Tử nạn tại Giêrusalem của Đấng Cứu Thế được bốn Phúc Âm kể lại một cách tỉ mỉ nên có thể theo dõi một cách dễ dàng những việc đã xảy ra trong mấy ngày đầy những kỷ niệm thánh đó.

Đoạn đường cuối cùng của cuộc hành trình Cứu độ diễn ra từ thung lũng sông Giordan tới Giêrusalem. Ở đây Phúc Âm Thánh Luca đã cho biết khá đầy đủ về chi tiết. Từ Giêricô, trong thung lũng sông Giordan, Chúa Giêsu lên miền lân cận Giêrusalem.

Thành Giêrusalem có đồi vây xung quanh: bên đông là núi Cây dầu, trên núi có đường đi từ Giêrusalem tới Giêricô. Trên sườn núi phía đông có làng Bêthania, quê hương Matta, Maria và Lazarô. Trên đỉnh núi Cây dầu có làng Bethphagê, ở khoảng này Chúa đã bắt đầu cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem. Gần đó là nơi mà Chúa đã dạy kinh Lạy Cha và giảng về thế mạt. Trước những ngày Tử nạn, theo Phúc Âm Thánh Gioan, ta biết Chúa Giêsu đã nhiều lần tới Giêrusalem.

Phúc Âm Thánh Gioan còn cho biết những nơi Chúa đã qua: h ồ Bêzatha có năm dãy hành lang ở gần cửa Chiên (Ga 5,2) về mạn bắc Đền thờ; hồ Siloê ở mạn nam đồi Ophel (Ga 9,7) gần đó có tháp Siloê mà Phúc Âm Thánh Luca đã nhắc tới (Lc 13,4). Đền thờ là nơi Chúa hằng tới viếng mỗi khi tới Giêrusalem và cũng là nơi đã chứng kiến những cuộc tranh luận gay go giữa Chúa Giêsu và các kẻ muốn loại trừ Ngài. Đáng chú ý là hành lang Salomon về mạn đông. Góc đông nam sân Đền thờ là “Pinnaculum templi” (nơi cao của Đền thờ), là nơi, theo cổ truyền, quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu gieo mình xuống.

Nhờ đã đọc và học Thánh Kinh nên khi hành hương đến Giêrusalem, tôi càng xác tín và thêm lòng yêu mến Chúa.

Đọc 2 bài hành hương Đất Thánh trên mạng, Cha Tự Cường-OP gởi tặng cho tôi cuốn sách thật hay. Cuốn “What Jesus saw from the Cross” – “Những điều Đức Giêsu trông thấy từ cây thập tự”. Tác giả A. D. Sertillanges, O.P; Người dịch Fr. Thomas Tuý, O.P.

Cha Sertillanges là tu sĩ Đaminh, người Pháp sống ở đầu thế kỷ 20. Ngài là chuyên viên về Thánh kinh, khảo cổ, thuyết giảng, giáo sư nhiều năm ở trường Kinh thánh Đaminh ở Giêrusalem.

Tham khảo thêm cuốn “Trên đỉnh cao thập giá” của Đức Giám mục Fulton Sheen. Nhờ vậy tôi có nhiều tư liệu để viết về thành Thánh Giêrusalem.

Giêrusalem được xem là thành phố thiêng liêng của ba tôn giáo lớn trên thế giới: Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Tư liệu lịch sử cổ Ai Cập đã nói đến Giêrusalem, có từ 3.000 năm trước CN.

Với người Do Thái giáo, Giêrusalem là nơi Đavít lập thành đô.

Với người Kitô giáo, Giêrusalem là nơi xảy ra nhiều sự kiện cuối đời của Chúa Giêsu, nhất là biến cố tử nạn của Ngài.

Với người Hồi giáo, Giêrusalem là nơi giáo chủ Mahômét đã đến hành hương, là thánh địa quan trọng của họ sau Mecca và Medina trung tâm của đạo Hồi ở Ả rập Sauđi.

Giêrusalem, tiếng Do Thái gọi là Yerushalayim, người Ả rập gọi là Al Quds, có nghĩa là thành phố văn hoá đa dạng. Như một trung tâm tôn giáo quan trọng vào thời cổ, thuộc miền Cận Đông, Giêrusalem như ngã tư nơi xảy ra nhiều cuộc tranh chấp. Khảo cổ xác minh điều đó ở những di tích của thành cổ còn sót lại.

Sau chiến tranh giữa khối Ả rập và Israel vào năm 1948, Liên Hiệp quốc chính thức can thiệp. Sau nhiều tháng dàn xếp của thế giới bên ngoài, năm 1949 Israel và các quốc gia Ả rập (Ai Cập, Syri, Liban, Jordan) đã đồng ý việc phân chia ranh giới của Liên Hiệp quốc về một Israel theo như bản đồ, trong đó Giêrusalem chia làm hai: Khu Cổ thành thuộc về Cisjordani (xứ nằm bên kia bờ sông Jordan), khu mới thuộc về Israel. Nhìn vào bản đồ, cả hai bên không mấy hài lòng. Không chỉ là đất đai bình thường, ở những phần đất ấy còn liên hệ đến những gì linh thiêng nhất vì tôn giáo và lịch sử của Israel cũng như các nước vùng Cận Đông là một.

Năm 1956 chiến tranh lại xảy ra, nhưng không giải quyết được gì. Năm 1967, một cuộc chiến khác, người ta gọi là: Chiến tranh Sáu Ngày. Ở trận Jordani, Israel bất thần đổ bộ vào khu vực cổ thành, họ đã chiếm trọn. Họ tuyên bố sẽ tìm mọi cách để giữ Thánh địa Giêrusalem. Còn về phía Jordani thì vua Hussein đã tuyên bố với quốc dân: “...quân đội chúng ta đã đổ máu để bảo vệ từng thước đất của non sông và máu của họ còn chưa khô... Bây giờ sự tình như vậy rồi, lòng tôi nát tan khi nghĩ đến những chiến sĩ đã ngã gục trên chiến trường, nghĩ đến phần đất thiêng liêng của tổ tiên...”. Chiến tranh tranh giành phần đất thánh của hai bên vẫn tiếp tục xảy ra cho đến ngày nay. Thánh địa Giêrusalem vẫn là nơi xảy ra những cuộc tranh chấp, được khoanh vùng, thế giới đang tìm cách giải quyết, Giêrusalem không chỉ là quyền lợi của nhà nước Jordani mà của Cisjordani (hay Transjordani) một nước Palestine bị xoá xổ kể từ khi Israel đánh chiếm Giêrusalem vào năm 1967.

Giêrusalem chia thành hai khu: khu vực cổ gồm các Thánh Địa, masculin khu vực mới gồm nhà ga, các trung tâm thương mại...

Người Do Thái xem Giêrusalem như thủ đô, Liên Hiệp quốc không công nhận điều đó, ngày nay các trung tâm ngoại giao, hành chính đều nằm ở Tel Aviv. Giêrusalem ở trong một vị thế như lạc lõng với những vùng đất bên ngoài vì: ra khỏi Giêrusalem ít Km là những vùng đất núi đồi khô cằn. Phía đông là Biển Chết, nước rất mặn không sinh vật nào sống được. Trên bờ Biển Chết, còn lại di tích của Sodoma và những phát hiện Qumran gọi là “Những cuộn giấy da vùng Biển Chết”, ở Biển chết mặt đất lõm xuống, nơi thấp nhất thế giới, 394m so với nước biển.

Thánh địa từ nhiều thế kỷ chia thành từng khu. Hiện nay, khu người Kitô giáo 2,5% gồm cổng Goá phụ, Thánh đường Mộ Thánh, con đường Chúa vác thập giá. Khu người Hồi giáo 25% gồm cổng vua Herod, cổng thánh Etienne,masculin cổng Dorée gần vườn Giếtsêmani và núi Cây dầu bao gồm cả Đền thờ chính và giáo đường AlAqsa và giáo đường Omar xây năm 691 sau CN, bức tường Than Khóc. Khu vực Chính Thống Armêni gồm thành và pháo đài vua Đavít, dinh thự vua Herod. Khu vực người Do Thái 70% gần như bị phá huỷ năm 1948 và được xây lại từ năm 1967.

Giêrusalem nằm trên một ngọn đồi ở độ cao 800m. Khu vực mới do viện Knesset quản lý gồm nhiều tu viện, một trường đại học và đài tưởng niệm Yad Vashem.

Có thể hiểu nguyên nhân việc phân chia, tranh dành các di tích Thánh ở Giêrusalem của người Hồi, Do Thái và Kitô giáo. Cả ba tôn giáo độc thần, với Kinh Thánh, Abraham là Tổ Phụ. Tuy rằng Mahômét là người sáng lập đạo Hồi, người Ả rập tin Ismael là thuỷ tổ của họ, Ismael lại là con của Abraham và nàng hầu Agar. Mahômét nhìn nhận các sách của Môisen, Thánh vịnh và các sách Tin mừng như là sách Thánh. Chúa Giêsu như là vị ngôn sứ, Mẹ Maria cũng được tôn kính đặc biệt.

( Mahômét sinh tại LaMecque vào năm 570. Năm 610 ông bắt đầu giảng tại quê nhà về ngày phán xét của Chúa, một Thiên Chúa gọi là Đấng Allad mà ông tự xem mình là vị Đại tiên tri cuối cùng và ông mời gọi họ sám hối. Đồng hương của ông không nghe. Ông bèn qua thành La Mecque năm 622. Ở đây ông thành công. Rồi ông dùng võ lực khuất phục đồng hương. Ông mất năm 632. cuốn kinh Coran được xem như kinh thánh của đạo Hồi. Đạo Hồi lan tràn mạnh với khẩu hiệu – Tin hay Chết).

Lịch Sử thành Giêrusalem:

Lịch sử của Thành Thánh là những cuộc chiến tranh, thôn tính, tàn phá và xây dựng lại. Đế quốc Babilon, Batư, Hylạp, La Mã, Byzantine, Thỗ Nhĩ Kỳ, Ottoman, Đế Quốc Anh đều đã đặt chân lên Giêrusalem. Có lẽ ít nơi nào trên thế ghi lại chứng kiến sự biến thiên cũng như sự cộng hưởng của nhiều nền văn hóa, tôn giáo như miền đất này. Trong mọi thời kỳ, đền thờ vốn là biểu tượng của Israel vinh quang và nhục nhã, trung thành và phản bội.

Khu mộ cổ
Ba ngàn năm trước CN, Giêrusalem chỉ là vùng đất nhỏ bé. Người Canaan đã đến đó sinh sống, đồng hoá sắc dân bản địa. Họ ở trên vùng đất cao, dùng nguồn nước cạnh Gikhon, nằm giữa hai thung lũng Cedron và Tyropocon. Khoảng năm 2000, dân Amôri chiếm được miền này. Khoảng 1800, họ thành lập thành luỹ ở Giêrusalem, tường thành bao gồm cả đất của dixième dân và chiếm Ôphel ở phía bắc, họ còn đào một đường hầm xuyên qua đá để lấy nước ở suối Gikhon. Vào thế kỷ 14, các bức thư của El Amarna cho biết Giêrusalem lọt vào tay một quân vương tên là AbbiHepa. Sự thống trị của người Canaan kéo dài tới thời Đavít.

Nằm trên độ cao 800m, bao gồm thành phố mới và thành phố cổ. Thành phố cổ do vua Đavít thành lập và con ông, vua Salomon đã cho kiến thiết một Đền thờ vĩ đại nhất thời bấy giờ, nhưng Đền thờ đã hai lần bị phá huỷ và bị người La mã bình địa năm 70 sau CN. Giêrusalem trải qua một quãng thời gian dài thành nơi linh thiêng của người Kitô giáo, nhưng năm 637 người Ả rập chiếm đóng và Giêrusalem lại thành thánh địa của đạo Hồi, họ tin rằng: chính trên mỏm núi Moriah, Mahomet đã bay về trời, thế là họ cho xây đền thờ Đá (Dome of the Rock). Năm 1099, Thập Tự quân chiếm đóng, Giêrusalem thành một nước thuộc quyền người Kitô giáo và sau cuộc đánh chiếm người Hồi Ottoman 1250 lại đặt dưới sự thống trị người Hồi Ả rập.

Sau chiến tranh thế giới lần I, năm 1922 Giêrusalem đặt dưới quyền kiểm soát của người Anh. Năm 1948, người Do Thái về lập quốc, chiến tranh xung đột giữa Israel và Ả rập xảy ra, Liên Hiệp quốc đã phân chia khu Cổ thành Thánh địa Giêrusalem thuộc về xứ Jordanie. Năm 1967, chiến tranh “Sáu ngày” Israel chớp nhoáng chiếm lĩnh khu Cổ thành. Năm 1980, viện Knesset (viện dân biểu) chính thức tuyên bố “thủ đô vĩnh viễn” bất chấp sự phản đối của khối Ả rập. Trong khu vực cổ thành có các bức tường từ thời Thổ Nhĩ Kỳ, những bức tường từ thời Salomon và Herod còn dấu tích và còn nhiều di tích thánh, những vết tích Đền Thánh còn sót lại. Mỗi tôn giáo đều có khu phố riêng: khu vực Kitô giáo nằm về phía Tây Bắc quanh mộ Chúa Giêsu; khu Hồi giáo năm hướng Đông Nam trên thung lũng Cedron.

Salomon xây Đền Thờ:

Thế kỷ thứ 10 trước CN, Đavít lấy Giêrusalem làm trung tâm của nước Do Thái. Ông muốn xây một thành Thánh. Kế nghiệp cha, Salomon đã cho xây dựng một Đền Thánh nguy nga, lộng lẫy.

Vua Salomon có vàng bạc, đàn gia súc, có mùa màng và lòng kiêu căng nhưng không có vật dụng hảo hạng, thợ lành nghề và ý niệm nghệ thuật xây dựng. Vì vậy ông phải nhờ đến các người Tyrians, họ có đủ tài nguyên cần thiết và quan niệm kiến trúc cơ bản cộng với nghệ thuật của Ai cập và Assyria.

Trong vòng bảy năm, từ 1013 tới 1006, nhà của Giavê được hoàn thành. Giống như các đền đài Ai Cập, phần căn bản của nó là Pylon hay tiền đường mặc áo, cung thánh ngoại vi hay nơi thiêng liêng, phần bên trong linh thiêng hơn, nơi cực thánh không ai được đặt chân vào ngoại trừ các thượng tế, một năm một lần. Một số các phòng phụ cận dùng vào việc phục dịch đền thờ. Toàn bộ kiến trúc được dẫy cột bao quanh gọi là hành lang có mái. Phần này được hoàn tất muộn về sau.

Bên dưới Haram của Salomon là các hồ chứa nước dùng cho các nhu cầu của nhân viên phục vụ đền thánh và việc tế lễ. Còn việc tắm rửa thì đã có một bể bằng đồng lớn gọi là "biển đồng" ( the sea of Bronze). Nó bắt chước các chậu tắm của Susa và cuối cùng là cung điện vua thượng vị với hoàng hậu của ông ở. Ông cư ngụ bên cạnh Đức Chúa của mình.

Như thế, Salomon hoàn thành công trình thật tráng lệ. Các kích thước cùng với hình thể, hoa văn, phù điêu, chữ nghĩa là phổ thông nơi não trạng Ai cập. Chiều kích của từng phần và các chi tiết được trù liệu như các yếu tố của một bài toán mà lời giải là toàn thể kiến trúc. Nền cao bên hông tam giác đều, phía trước là tam giác vuông - mà theo Platô tam giác đẹp nhất, hoàn thiện nhất là tam giác vuông góc các cạnh được đo như sau 3, 4 và 5.

Việc trang trí gồm có các tấm phù điêu dát vàng theo như thói quen người Babylon. Sàn nhà làm bằng gỗ bá hương và thông già, gồm luôn cả vỉa hè. Các bình thiêng thánh gần như bằng vàng ròng toàn khối. Các bàn lễ vật, các chân đèn, các cánh thiên thần Cherubim khắc bằng gỗ dát vàng. Các dụng cụ tuỳ tùng khác được trang trí hào phóng.

Dân Israel đã đồng hóa tình yêu đền thánh với lòng sùng mộ Đức Chúa: "Lạy Đức Chúa các đạo binh, cung điện Ngài xiết bao khả ái, mảnh hồn này khát khao mòn mỏi, mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng" (Tv 83, 2-3).

Đất nước chia đôi, lưu đày

Vương triều của Salomon đến cuối đời thì bị phân chia. Trong số 12 chi tộc Israel chỉ có hai chi tộc – Giuđa và Benjamin – trung thành với nhà vua, còn các chi tộc khác lập một vương quốc mới, vương quốc Israel. Do vậy nước chia làm hai: Giuđa và Israel. Chiến tranh giữa hai nước xảy ra. Miền Bắc bị đế quốc Assyri xâm chiếm vào năm 721. Miền nam Giuđa Bị đế quốc Babilon tàn phá năm 587, Đền Thánh bị thiêu đốt, dân Do Thái phải tha phương cầu thực sống kiếp lưu đày.

Hồi hương, xây lại đền thờ lần thứ hai.

Đế quốc Assyri và Babylon bị đế quốc Ba Tư đánh bại. Năm 538, vua Ba Tư là Cyrus hạ chỉ cho phép người Do Thái lưu đầy được hồi hương trở về quê cha đất tổ. Vua Zorobabel xây dựng tạm đền thờ trên đống đổ nát. Nó được đặt trên nền cũ nhưng nhỏ hơn chút ít. Năm 537, Đền thờ bắt đầu được tái thiết nhưng 17 năm ròng rã vẫn chưa xong. Sau cùng, nhờ Khacgai và Giacaria, Đền thờ được hoàn thành, được xây cất theo Đền thờ của Salomon và cùng một kích thước. Năm 445, Nêhêmia xin vua Ba Tư xây dựng lại tường luỹ bảo vệ chung quanh. Ông thực hiện trong một thời gian kỷ lục, hai tháng thì xây xong.

Đế quốc Hylạp, anh em nhà Maccabê.

Rồi thành Giêrusalem bị đế quốc Hy lạp chiếm. Năm 166-165, một cuộc nổi dậy trong dân Do Thái, ngoài Mattathia còn có anh em nhà ái quốc Maccabê, họ nổi dậy và đã thành công. Tháng 12 năm 165 Giuđa chiếm được Đền thờ, tổ chức lễ Hanmica cũng gọi là lễ Ánh sáng, để nhắc lại ngày tẩy uế và dâng hiến lại Đền thờ cách trọng thể. Cuộc nổi dậy đó không là một sự thành công hoàn toàn nhất là về phương diện tôn giáo.

Hêrôđê xây đền thờ lần thứ ba.

Ngôi đền thứ hai tồn tại cho đến khi Pompey của Roma thôn tính Giêrusalem và Hêrôđê cả tự phong mình lên ngôi vua ở thành phố. Ông vua tiếm vị và sát nhân này cho xây lại đền thờ Zorobabel, để hoà giải với dân tộc Do Thái, nhất là giai cấp tư tế và đền bù muôn vàn tội lỗi đã xúc phạm đến dân tộc ấy. Ông cần tới ba năm để thu gom vật liệu cần thiết, và bám sát vào đồ án trước đây, chỉ tôn tạo dấu vết cổ xưa, cố gắng dựng lại cách sắp xếp thuở ban đầu, mặc dù chủ yếu dùng kỹ thuật Hy lạp – Roma.

Khi mọi sự đã sẵn sàng, Hêrôđê bắt tay vào việc. Mười ngàn thợ tốt được sử dụng dưới sự giám sát của một ngàn tư tế. Chỉ những tư tế này mới được làm việc nơi cung thánh và cực thánh. Trong vòng 18 tháng, phần "Naos" (nơi cực thánh) được hoàn tất và cung hiến. Tám năm nữa để xây dựng tiền đường và hành lang. Nhưng những công việc phụ kéo dài đến thời Agrippa, phỏng năm 64 sau công nguyên nghĩa là cho tới chiều hôm trước ngày lại bị tàn phá.

Xét theo tổng thể, thì ngôi đền Hêrôđê để lại, thể hiện quan niệm kiến trúc tinh tế. Các cột hành lang quay quanh một dinh cơ đồ sộ, cái nọ chồng lên cái kia, gọi là hiên hàng cột mà tuyệt đỉnh là chính cung thánh nằm ngay trên đỉnh đồi.

Coi từ phía xa, và trong nguồn ánh sáng thuận lợi, nó có một hiệu ứng ánh sáng kỳ diệu, tuờng đá cẩm thạch trắng, trang trí vàng bạc giống như một khối tuyết lóng lánh. Nhìn từ phía núi Olivêtê, khi mặt trời mọc nó sáng chói với các mái vòm mạ vàng, các cổng, các hoa văn, các dây leo to tuớng bằng vàng ròng ở cổng chính lấp loáng dưới ánh mặt trời lung linh. Trước quang cảnh rực rỡ đó, lòng khách hành hương không khỏi bùng lên một ngọn lửa kiêu hãnh, thì thầm lời Thánh vịnh: "Tại Sion, cảnh sắc tuyệt vời, Thiên Chúa hiển minh" (Tv 59,2).

Thế nhưng, khi thiên hạ tiến đến từng đoàn lũ từ khắp nơi để tham dự các lễ hội lớn, xô lấn nhau vào cổng, tràn ngập các sân. Khi các tư tế lăng xăng đây đó để chu toàn chức vụ. Khi các tiến sĩ tranh luận lề luật, chung quanh là học trò vãng lai hay thường xuyên. Khi hội đồng Sanhedrin nhóm họp để cân nhắc. Khi các chiên cừu, bò lừa, chiên dê được dẫn qua cổng để làm lễ hiến tế, khi các cùi hủi đến để được tẩy sạch, khi các người chồng lo lắng dẫn vợ tới chịu phép thanh tẩy bằng nước "cay đắng", khi những người đổi tiền, những lái buôn bồ câu và bánh tiến, thực hiện dịch vụ ồn ào, thì kiến trúc khổng lồ này trở nên náo nhiệt, sống động, diễn tả sức sống của tất cả những thứ mà nó đứng làm tiêu biểu. Lúc ấy toàn bộ nơi chốn uy nghiêm này đầy ắp tiếng lách tách của lửa cháy, tiếng rống của súc vật bị giết, tiếng nói, giọng cười, tiếng chân bước và kèn đồng thúc giục. Đền thờ giống như một “siêu thị”, tấp nập buôn bán, ồn ào náo nhiệt. Điều đó, khiến Chúa Giêsu nổi giận làm một cuộc “thanh tẩy đền thờ” (Ga 2). Khách hành hương phải chịu những tệ nạn của bọn đổi tiền bóc lột với giá cắt cổ.Thật là bất công và càng tệ hơn nữa khi người ta nhân danh Tôn giáo để trục lợi. Bên cạnh bọn đổi tiền còn có một số người bán bò, chiên, bồ câu để khách hành hương mua làm lễ vật toàn thiêu. Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua đựơc các con vật ở sân Đền Thờ. Luật quy định các con vật làm của lễ phải lành lặn không tỳ vết. Có những chức sắc kiểm tra khám xét con vật. Mỗi lần khám xét phải trả 1/12 siếc-lơ, không được mua vật ở ngoài Đền thờ. Khốn nổi, mỗi con vật mua trong đền thờ đắt gấp 15 lần ở bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bốc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công này lại càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.

Chính vì những điều ấy đã làm Chúa Giêsu bừng bừng nổi giận.Chúa lấy dây thừng bện thành roi đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.

Trong Phúc âm hiếm khi thấy Chúa Giêsu nổi giận. Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa; lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội; xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình vì họ không biết việc họ làm. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi hãy học lấy nơi Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường. Vậy mà ở đây, Chúa đã nỗi giận đùng đùng, lật tung bàn ghế,lấy dây thừng làm roi xua đuổi tất cả.

Khung cành đền thờ phải là nơi yên tĩnh, thánh thiêng.Thế mà nay lại ồn ào huyên náo, mua bán đổi chác, tranh giành, cãi cọ, đôi co như là một cái chợ buôn bán sầm uất. ”Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). “Nhà của Ta là nhà cầu nguyện, còn các ngươi làm thành hang trộm cướp” ( Mt 21,12-13). Chúa Giêsu thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy. ”Nơi buôn bán”, “Hang trộm cướp”, Đền thờ nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa, nay lại quá bất kính, quá bát nháo khiến Chúa Giêsu phải đau lòng. Lời ngôn sứ Giêrêmia quở trách dân Do thái xưa đã nên ứng nghiệm ( x Gr 7,11).

Thế là Chúa Giêsu thực hiện một cuộc thanh tẩy Đền thờ vì Ngài yêu mến đền thờ. “Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa,mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Tv 69,10). Lòng nhiệt thành với Đền thờ sẽ dẫn Đức Giêsu đến chỗ bị người đời bách hại (x Ga 15,5). Tại sao Chúa Giêsu lại hành động như vậy ?

Chúa Giêsu làm như vậy vì nhà Thiên Chúa đã bị xúc phạm. Trong sân đền thờ có thờ phượng mà không có lòng tôn kính.Thờ phượng mà không có lòng tôn kính là việc bất xứng.Đó là việc thờ phượng hình thức chiếu lệ.Trong sân Đền thờ người ta cãi vả về giá cả,tiếng ồn ào huyên náo tạo thành một cái chợ chứ không phải là Đền thờ.

Chúa Giêsu hành động như vậy để chứng minh rằng việc dâng thú vật làm lễ tế không còn thích đáng nữa.

Các ngôn sứ đã loan báo: “Đức Chúa phán, ngần ấy hy lễ của các ngươi đối với Ta nào có nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta chán ngấy. Máu chiên dê Ta chẳng thèm. (Is 1,11). ”Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu Ngài cũng không chấp nhận” ( Tv 50,16).Thái độ thanh tẩy Đền thờ của Chúa Giêsu chứng tỏ Chúa đòi hỏi lòng thành kính. Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa là tấm lòng chân thành.

Lý do thứ ba chính là “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện”. Đền thờ là nơi Thánh, là chốn Thiên Chúa hiện diện tiếp nhận phụng tự của người dâng lễ và thông ban cho họ sự sống và các ân huệ của Người.Các chức sắc Đền thờ, các con buôn người Do thái đã biến đền thờ thành nơi huyên náo, nổi loạn.Tiếng bò rống, tiếng chiên kêu, tiếng rao hàng, lời qua tiếng lại mặc cả, cãi cọ mua bán làm cho khàch hành hương không thể cầu nguyện được.

Không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm. Khi đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa thấy sự huy hoàng của Đền thờ, nhưng Chúa Giêsu lại nói rằng: sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào.

Khi người Do thái chất vấn: Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ? Chúa Giêsu bảo: cứ phá Đền thờ này đi, trong 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại. Chúa ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Người. Đền thờ ở đây chính là thân thể Chúa Giêsu mà mỗi người Kitô hữu là một viên đá sống động xây dựng nên đền thờ ấy.Thân thể phục sinh của Ngài là đền thờ mới, nơi con người thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực trong tinh thần và trong chân lý.

Đế quốc Lamã phá đền thờ

Đối với người Do Thái, tôn giáo và chính trị là một. Những người kế vị Maccabê quá trần tục, họ tranh dành nhau địa vị, người thì tự xưng là vua: Aristôbôrô I; người tự xưng là Thượng tế: Hátmon. Người Do Thái phản ứng quyết liệt, họ phủ nhận quyền lãnh đạo tôn giáo cũng như chính trị đó. Trong bối cảnh đó, người La mã đã đặt chân đến theo lời mời giảng hoà việc tranh chấp giữa vua và Thượng tế. Dịp này, người La mã tiến vào Giêrusalem, nước Giuđa bị biến thành chư hầu. Hicanô được đặt làm vua Do Thái từ năm 37-4 trước CN, ông cho xây dựng Đền thờ. Dưới sự cai trị của quan tổng trấn La mã, Pônxiô Philatô (ông được hoàng đế Tibêriô bổ nhiệm năm 26, giữ chức vụ 10 năm, rồi bị mất chức năm 36 sau vụ giết hại một số người Samaria vô tội), Chúa Giêsu bị xử tử ở Giêrusalem.

Vào năm 70 sau CN, vị tướng La mã Titus đem đại quân vây hãm thành. Ông ra lệnh không được đốt phá. Một quân nhân như bị thúc đẩy bởi một sức kỳ lạ đã cầm bó đuốc đang cháy ném vào bên trong Đền thờ, lửa bốc cháy nhanh, không chữa được. Sau khi đám cháy tàn lụi, Titus ra lệnh phá huỷ thành và Đền thờ, ngoại trừ, như sử gia Josèphe cho biết, ba lều tháp và một bức tường, để cho hậu lai thấy sự kiên cố của thành bị phá.

Năm 132 vào thời hoàng đế Adrien, ông truyền xây một ngôi chùa thờ thần Jupiter, Giêrusalem gọi là Aelia Capitolina, là một thành chính thức thuộc về La mã. Năm 362, Julius mệnh danh là “người chối đạo” cho phép cũng như giúp mọi phương tiện cho người Do Thái xây lại Đền thờ, nhưng không thành vì khi khởi công có chuyện kỳ lạ là những ngọn lửa từ dưới nền móng bốc lên khiến thợ xây phải bỏ cuộc (sự việc đó đã được các giáo phụ như Grêgôriô Nazianze, Gioan Kim Khẩu và một số sử gia không có đạo sống vào năm 363 như Socrate, Sozomène, Theodoret kể lại).

Thời vua Constantin.

Năm 333 thời Constantin, người Do Thái được phép đến than vãn chỗ đặt Bàn thờ Toàn thiêu, ông cho phá đền Capitolina, để lộ thiên đồi Golgotha và mồ thánh. Thánh nữ Hêlêna, mẹ hoàng đế đã tìm ra Thánh giá của Chúa Giêsu và hai cây thập giá của hai tên tử tội, Constantin đã cho xây một giáo đường trùm lên khu vực đó.

Nhiều thăng trầm.

Thế kỷ thứ 5, bắt đầu có phong trào người Kitô hữu về hành hương Đất Thánh, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đã cho lập nhiều lữ quán để đón tiếp các đoàn hành hương. Năm 614 người Ba Tư chiếm được Giêrusalem, đốt phá các nơi thờ tự, bắt thượng phụ Zacaria và lấy di tích Thập Giá đem theo. Ít lâu sau, Heracliô lấy lại được Thập giá trong tay người Ba Tư (629). Năm 638, người Ả rập chiếm được Giêrusalem, họ cho xây tại chính tâm Đền thờ giáo đường El Apsa, sau đó giáo đường Omar. Kể từ đó, người Do Thái thường đến than khóc tại bức tường Than Khóc. Người Hồi giáo đã chiếm Thánh địa từ lâu, nhưng các chủ nhân Ả rập này tương đối dễ dãi với các tín hữu địa phương và khách hành hương, miễn là nộp thuế cho họ. Hoàng đế Charlemange còn cho xây dựng một đan viện ở núi cây dầu. Nhưng từ năm 1009, vua Hakim phá Mồ Thánh. Năm 1071, Hồi giáo Ả Rập gốc Thổ Nhĩ Kì phá huỷ, bôi nhọ những nơi thánh thiêng nhất của Kitô giáo cũng như cản trản những đoàn hành hương Thánh địa.

Một cuộc chiến tranh mới xảy ra: chiến tranh của lòng tin. Bấy giờ, vua La mã, Alexius Commecus thỉnh ý Đức Giáo hoàng Urban II. Giáo hoàng cho triệu công nghị ở Clermont nước Pháp, người kêu mời mọi người sẵn sàng lên đường bảo vệ đức tin. Trước lời hiệu triệu vừa hùng hồn vừa thống thiết của Đức Giáo hoàng, như ngọn lửa nhiệt thành bốc cháy, mọi người từ tu sĩ, tín hữu la lên: “Chúa sẽ phù trợ”. Đạo binh Thánh giá không phải là quân đội có tổ chức mà là sự tập trung ô hợp, nhưng không vì thế mà không có người lãnh đạo. Một đội quân mà thành phần là: tu sĩ, hiệp sĩ, nhà quý tộc, binh lính, nông dân, người buôn bán, có cả trẻ em.. Họ tin rằng họ thắng chỉ vì có Chúa độ trì... năm 1096, đoàn quân thứ nhất lãnh đạo của Godfrey of Bouillon đa phần là hiệp sĩ và những nhà quí tộc. Sau chín tháng ở Antioch...Tháng 6 năm 1099 họ bắt đầu vào Giêrusalem vào ngày 15/07/1099 họ chiếm được Giêrusalem. Khi tiến vào Mồ thánh họ đi bộ, đầu để trần, đến nơi họ quì gối rồi hôn phần đất mà Chúa Giêsu chịu chết. Họ cho xây các thánh đường mới, trong đó có thánh đường Mồ thánh, nhà Tiệc ly...

Năm 1187, Saladin chiếm được Giêrusalem. Năm 1516, lại rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào năm 1540, Soliman II cho xây một tường luỹ ở phía Bắc chạy dọc theo tường luỹ của Agrippa, còn phía Nam nơi từ tường thành phía nam Đền thờ chạy dài đến phía bắc Nhà Tiệc Ly. Đó là bức thành hiện có và cũng từ đó bắt đầu thời suy tàn...

Giêrusalem bây giờ được phân chia thành hai phần rõ rệt. Phần ngoại thành được xây cất hiện đại, với những cơ quan đầu nảo của chính phủ Dothái. Phần Cổ Thành, nằm trong bức tường đá cổ xưa, với các nơi thánh đối với Kitô giáo, cũng như Do Thái giáo và Hồi giáo.

Ngoại thành Giêrusalem

Từ sáng sớm, chúng tôi đã lên đường để kịp ngắm Giêrusalem trong ánh bình minh rực rỡ. Nổi bật là đền thờ Hồi giáo với mái vòm bằng vàng ròng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời.

Thành Giêrusalem, gồm hai khu vực chính là khu cổ thành được xây thêm từ ngày tái thiết quốc gia (1948) và thành Giêrusalem được gọi là khu Tân Trang.

Chúng tôi đang ở ngoại thành Giêrusalem, đứng trên đồi Ôlivata ngắm nội thành rồi đi thăm 3 nhà thờ.

Nhà thờ Kinh Lạy Cha.

Hành lang Kinh Lậy Cha
Khi các môn đệ xin Chúa dạy cầu nguyện, Chúa đã dạy kinh Lạy Cha (Mt 6,7-15). Đây là lời kinh duy nhất Chúa để lại. Tảng đá Chúa ngồi để dạy Kinh Lạy cha vẫn còn đó. Nhà thờ này do các Sr Dòng Kín Cát Minh người Pháp coi sóc.

Nhà thờ Kinh Lạy Cha
Nơi đây có 114 phiến đá ghi kinh Lạy Cha bằng 114 ngôn ngữ. Có bản kinh bằng tiếng Việt do Đức Cố Giám Mục Phạm Ngọc Chi đặt từ năm 1959.

Shamir và chúng tôi dừng lại trước bản kinh Lạy Cha tiếng Latinh, Shamir cất kinh, mọi người cùng hát, các bà thuộc lòng kinh Latinh từ bé. Mỗi ngày vẫn hát kinh Lạy Cha, sao hôm nay lại hát hay và cảm động đến vậy ?

Nhà nguyện Chúa thăng thiên.

Đi ngược lại một đoạn đường, chúng tôi viếng Nhà nguyện thăng thiên.

Có một viên đá khoảng 1m2, in dấu bàn chân Chúa khi lên trời. Nhà nguyện này do đoàn thập tự quân xây, ngày nay đã về tay người Hồi giáo quản lý.

Nhà nguyện Chúa Thăng Thiên. Tảng đá nơi Chúa lên trời
Về địa điểm Lên Trời, Kinh thánh không nói rõ. Thánh sử Luca đặt nó chung quanh Betania. Khi họ rời căn phòng mà Chúa đã hiện ra với họ. Đức Kitô Phục sinh dẫn các môn đệ tới Betania và Ngài giơ tay lên chúc lành cho các ông. Đang khi chúc lành cho họ, Ngài rời khỏi họ và được đưa về trời (Lc 24, 50-51).Tông đồ công vụ thì viết: “Bấy giờ các ông từ trên núi gọi lá núi Oliva trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sabát” (Cv 1,12).

Khi nói: “Ta lên cùng Cha Ta, cũng là Cha các con, lên cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa của các con” (Ga 20,17). Chúa Giêsu chẳng thể minh bạch hơn. Sự thực Ngài đã bày tỏ với các ông nhiều lần như vậy. Những lời Chúa nói lúc long trọng rời các ông dịu dàng biết bao! Nó giống như Ngài đang đứng bên bờ của các mầu nhiệm thiên giới: “Cha Ta cũng là Cha các con, Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các con!”. Như thế, chúng ta và Đức Kitô chỉ có một Cha. Chúng ta là thành phần của gia đình thần linh. Chúa về trời để chuẩn bị “chỗ ở” cho mỗi người chúng ta.

Như vậy mỗi người đều sẽ có một cuộc “lên trời” hay tối thiểu một chỗ ở được chuẩn bị sẵn! Trước hết là cuộc “thăng thiên” tinh thần. Rồi ở cuối thời gian, cuộc “thăng thiên” như Chúa Giêsu: “ Hoa quả đầu mùa của những kẻ phải chết” sẽ đưa anh em mình vào chuyến xe lửa tốc hành về thiên cung. Đầu của Thân Mình Màu Nhiệm đã lên trời thì tất nhiên các chi thể sẽ theo sau một ngày nào đó.

Từ núi Cây Dầu nhìn về Giêrusalem trong nắng sớm càng thấy vẻ uy nghi, rực rỡ, sang trọng. Các môn đệ tiến lại gần và chỉ cho Chúa Giêsu những lâu đài, thành quách của Đền thờ; nhưng Ngài nói: “Sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”. Các ông tò mò muốn biết điều Ngài nói sẽ xảy ra lúc nào. “Khi các con xem thấy sự tàn phá ghê sợ sẽ xảy ra trong nơi thánh mà tiên tri Đaniel đã đề cập đến, lúc bấy giờ những ai ở xứ Giuđa hãy chạy trốn lên núi; kẻ nào ở trên mái nhà thì đừng chạy xuống khuân đồ đạc ra khỏi nhà, ai ở ngoài đồng chớ nên trở về lấy áo choàng của mình. Khốn thay đà bà mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy... Trong những ngày ấy sẽ có tai họa lớn lao chưa từng xảy ra...” (Mt 24,15-22; Mc 13,14-20; Lc 21,20-24). Những gì Chúa Giêsu nói đã thành sự thật vào năm 70 sau CN dưới thời Titus, vị tướng La mã.

Nhà nguyện được xây giống như giọt lệ chảy xuống nơi khoé mắt, tưởng niệm Chúa khóc thương thành Thánh sẽ bị tàn lụi.

Chúa đứng trên núi, nhìn xuống thành Giêrusalem và thương khóc cho thành này (Lc 19, 14-42). Nhìn xuống dưới là hàng ngàn nấm mộ cổ đã có đó trước khi Chúa Giêsu ra đời. Và từ trên cao nhìn xuống thành này thật đẹp, bao quát tất cả. Giêrusalem đúng là thành thánh được Chúa chọn, dân của Chúa diễm phúc biết bao. Đứng nơi đây, cảm thấy hạnh phúc và cảm động vì cũng được đứng ngay nơi Chúa đứng khi xưa. Dấu chân con được lồng trong dấu chân Chúa.

Vườn Giệtsimani.

Đi bộ xuống một dốc dài, đường lát đá, hai bên tường dựng đứng toàn là đá tảng, chúng tôi đến vườn cây dầu. Con đường nào cũng dẫn xuống thung lũng Cedron, đến cánh đồng Giosaphat, các mồ mả, cuối cùng tới định mệnh Giệtsimani, ở đây Chúa qua cơn hấp hối khủng khiếp.

Vườn có 7 cây oliu gốc to sần sùi, trong đó có một cây đã hơn hai ngàn năm.

Vườn Cây Dầu

Nơi đây Chúa quì cầu nguyện trước khi bước vào khổ nạn (Lc 39-44), Giuđa hôn Thầy một nụ hôn giả dối, phản bội bán Thầy. Rồi Chúa bị bắt, bị điệu đi xét xử qua 3 toà án.

Vườn Cây Dầu, Chúa quỳ cầu nguyện

Mồ hôi tuôn hòa lẫn máu đào

Xót thương Ngài rừng lá lao xao

Cảm Tình Ngài đất trời rơi lệ
.

Ngôi vườn thật đẹp nằm sát bên Thánh Đường của Các Dân tộc.

Nhà thờ của các dân tộc

Gọi tên như vậy vì nhiều quốc gia đã đóng góp tiền của để xây nên Thánh đường này. Trước bàn thờ, tảng đá lớn được bao quanh bằng hàng rào như chiếc mão gai, có thể đưa tay để đặt vào tảng đá. Chúng tôi được một cha dòng Phanxicô dẫn vào quỳ trước tảng đá cầu nguyện. Thật bối hồi xúc động, được quỳ gối nơi Chúa đã từng quỳ gối cầu nguyện đến đổ mồ hôi máu. Mỗi người hôn kính tảng đá và thì thầm cầu nguyện với Chúa cách sốt mến lạ lùng.

Nhà thờ Các Dân Tộc
Chính tại nơi đây đã diễn ra đêm sầu khổ tột cùng của Chúa. Thời gian là vào khoảng 10 giờ đêm, phía đông trăng tròn đã lên cao, tỏa ánh sáng huyền ảo xuống mặt đất, các tảng đá lớn phản chiếu rõ mồn một, những nấm mồ trắng lung linh nhập nhoà, những phiến lá Oliva màu bạc lấp lánh như dát kim loại. Các ngọn đuốc của đám vệ binh Đền thờ xem ra không cần thiết, tiếng lách cách gươm đao, lưỡi kiếm loảng xoảng trong đêm.

Chỉ cần vài bước lên khỏi thung lũng là Chúa Giêsu và các tông đồ đã ở dưới cái bóng to lớn của tháp đền thờ. Con đường đầy ánh trăng vì chị nguyệt đã lên cao. Bên phải Ngài là đường đi núi Môab, sông Giođanô và Biển Chết. Toàn bộ miền triền núi này người ta trồng nho, có nhiều nắng và nho xanh tươi. Vì vậy, Đức Giêsu đã nhân cơ hội để ví mình như cây nho: “Ta là thân nho, các con là cành…” (Ga 5,15).

Đêm cuối cùng Ngài không muốn gây phiền hà cho các bạn thân thiết. Cuộc Khổ Nạn đã bắt đầu. Ngày mai Ngài sẽ gặp cái chết và nấm mồ. Đức Giêsu vào vườn, chọn riêng ra ba tông đồ: Phêrô, Giacôbê và Gioan, những kẻ Ngài quí mến đặc biệt, mặc dù tất cả các tông đồ đều được Ngài yêu dấu. Ngài truyền các ông khác ngồi trên đám cỏ chờ đợi, như thể chẳng bao lâu Ngài sẽ trở lại với họ, và tiếp tục bài diễn từ hoặc đi tiếp lên đỉnh núi.

Nhưng lúc này linh hồn vĩ đại ấy, vốn vẫn dũng cảm phi thường, thì lại rùng mình sợ hãi vì viễn tượng kinh hoàng trước mắt. Tấn kịch bi thảm sắp diễn ra làm Ngài chết điếng. Phúc âm thuật lại: “Người cảm thấy hãi hùng xao xuyến” (Mc 14,33). Ngài quằn quại như không còn khả năng ở một mình với cơn ác mộng. Ngài tiết lộ nó cho các môn đệ, lo lắng như thể giải thích cho họ sự thay đổi đột ngột phong thái bình thường của mình: “Linh hồn Thầy lo buồn đến chết được”. Đấng Toàn Năng như các tiên tri loan báo, cố vấn kỳ diệu, kẻ chiến thắng sự chết và tử thần, lại xem ra ngã quị trước viễn tượng khổ giá. Ngài yêu cầu các môn đệ giúp đỡ: “Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy”. Ngài khẩn khoản họ (Mt 26,38). Nhiều lần Ngài từng dặn dò các môn đệ “canh thức”, nhưng chưa lần nào nói “với Thầy” như hôm nay. Rồi Ngài bắt đầu cơn hấp hối vượt khả năng hiểu biết của chúng ta. Điều này chẳng bao giờ tiết lộ cho loài người. Các tác giả Phúc âm không chỉ nói Ngài quì xuống đất mà dùng từ sấp mặt xuống hay ngã sấp xuống đất. Tức nằm phủ phục xuống đất. Một chén đắng mà Ngài không thể uống đã được Thiên Chúa đề nghị. Thân mình Ngài run rẩy khiếp sợ, đến nỗi nước mắt trào ra còn lẫn cả máu nữa. Ngài đã khóc với toàn bộ tồn tại của mình. Ngài khóc như một người rướm máu. Và đối với Ngài máu và nước mắt ấy là giọt sương của đêm cuối cùng trên trái đất. Câu nói: “Linh hồn Thày buồn sầu đến chết được” chưa bày tỏ hết thực tế. Lo buồn của Ngài vượt qua giới hạn của cái chết, vì chết chỉ đụng đến thân xác, và thân xác chỉ chịu đựng được có giới hạn. Có những nỗi khổ đau làm tan nát trái tim. Nhưng nếu muốn Thiên Chúa có thể trợ giúp sự yếu đuối của linh hồn, ngõ hầu tinh thần có khả năng chịu đựng xa hơn. Lúc này đối với Đức Giêsu, thần chết đã đứng ngoài ngưỡng cửa của cơn hấp hối. Nhưng về phần linh hồn thì không có giới hạn như vậy. Chén đắng chồng chất chén đắng cho tới khi giá gỗ tới như một giải thoát. Ai có thể thâm nhập được vào những đoạn trường này? Sau những giọt nước mắt hòa lẫn máu ấy, ai có khả năng mô tả? Còn bao nhiêu máu và nước mắt nữa tắm gội linh hồn Đấng Cứu Thế? Nó giống như dòng thác đổ vào vực thẳm của đại dương?

Loài người chẳng bao giờ có khả năng thấu hiểu viễn tượng khủng khiếp của Đức Giêsu, chỉ có thể phỏng đoán chút ít. Trên hiện trường thì là cái sầu khổ, đau đớn và cái chết. Đột nhiên hình bóng cây giá gỗ xuất hiện trước mắt Ngài. Cho rằng ý nghĩ về thập hình đã thường xuyên hiện diện trong tư tưởng của Ngài và Ngài đã chấp nhận nó ngay từ đầu. Ngài đã từng nói tới trong các bài thuyết giảng, thí dụ trong Gioan Ngài nói: “Chính vì giờ này mà Con đã đến” (12,27). Nhưng chúng ta không biết được tất cả sự hãi hùng bất ưng mà viễn tượng mang lại cho Chúa, sau thói quen suy tư làm cho đường nét của nó trở thành lu mờ. Khi đau đớn thâm nhập toàn bộ thân xác, và toàn bộ tâm trí tập trung vào hình ảnh của khổ nạn, thì sự hành hạ vượt ra khỏi mọi giới hạn. Đó là tình huống của Đức Giêsu xét như con người lúc này.

Tảng đá Chúa quỳ cầu nguyện đến đổ mồ hôi máu.
Thánh vịnh 54,5-6 mô tả: “Nghe trong tim mình đau thắt lại, bóng tử thần khủng khiếp chụp xuống con. Bao run sợ nhập cả vào người, cơn kinh hãi tứ bề phủ lấp’. Ứng nghiệm vào Đức Giêsu thật chính xác. Ngài bị đánh đòn trong tư tưởng và đóng đinh trong ý nghĩ trước khi sự việc xảy ra. Viễn tưởng đó kéo lê Ngài qua mảnh vườn, dốc ngược lên nhà Anna, tới chỗ ở của Caipha. Cho đến đồn binh Antonia, dọc theo các phố xá, đến lúc chết và mai táng trong mồ. Ngài trông thấy tất cả, và có lúc Ngài bị ám ảnh rằng chẳng làm thế nào thoát được. Mặt úp xuống đất, tay giang thẳng, Ngài phải nếm sự cay đắng tột cùng của kiếp người cô đơn.

Nội thành Giêrusalem nằm trong khu nội thành có chu vi 4km, được bao bọc bằng bức tường thành vĩ đại xây bằng đá, tường cao 12 mét, chung quanh có 8 cổng ra vào nằm ở 4 phía Đông Tây Nam. Cổng phía Tây bị người Hồi giáo xây bít lại.

Nhà cửa, đền đài trong thành cổ đều được xây dựng bằng đá, kể cả các đuờng phố chằng chịt cũng được lát đá. Đá ở đây là nguồn nguyên liệu hầu như vô tận, dễ dàng khai thác tại chỗ. Cả một thành phố, đá chồng trên đá, nhìn xa,màu đá trắng sáng, tạo cho Giêrusalem một hình ảnh kiên cố, vững bền, pha chút ngạo nghễ. Người Dothái rất tự hào về thủ đô của họ, có đến gần 5000 năm lịch sử. Họ cất cao lời thánh vịnh 17:

Cổng Tây người Hồi giáo xây bít lại
“Người là núi đá con nương nhờ,. là thành lũy cho con ẩn mình,là Đấng giải thoát con…Tôi ẩn náu nơi Chúa Trời tôi. Người là núi đá, là khiên mộc, là thành lũy chở che. Tôi chỉ cần hô lên: Tôn vinh Chúa, là thắng ngay hết mọi địch thù. Họ thâm tín rằng: Thành thánh luôn được Thiên Chúa chúc phúc. Xin Chúa từ Sion xuống cho muôn vàn ân phước. Để trong suốt cuộc đời, bạn dược thấy Giêrusalem luôn phồn vinh” (Tv 127).

Người ta thường ví Giêrusalem như viên ngọc quý trên vương niệm nhà Israel. Vì thế trong cuộc tranh chấp hiện nay, Giêrusalem là mảnh đất không thể khoan nhượng…!

Cổ thành Giêrusalem chỉ có diện tích 0,9 km2, hiện có 36.500 dân sinh sống trong đó chỉ có 4.000 người Do Thái, trên tổng số 700.000 dân của thành phố Giêrusalem hiện nay. Hình thù của nó bây giờ có từ năm 1538 khi Soliman II Magnifico cho xây tường thành hiện hữu.

Thành Cổ Giêrusalem chia làm bốn khu phố: khu phố Do Thái với bức tường phía Tây, cũng gọi là bức tường than khóc, nơi người Do thái vẫn đến cầu nguyện và than khóc, đặc biệt trong ngày Sabát và các ngày lễ lớn; khu phố Hồi giáo từ cửa Damasco tới sân thượng với các đền thờ Hồi giáo; khu phố Kitô giáo với Vương Cung Thánh Đường Mộ Thánh; và khu phố Armeni chung quanh nhà thờ kính thánh Giacobê, vị Giám mục đầu tiên của Giêrusalem.

Hình thù của cổ thành Giêrusalem chịu ảnh hưởng của tình hình xung khắc kéo dài từ 60 năm qua. Vào cuối cuộc chiến tranh 1948-1949, Giêrusalem do nước Giordani hoàn toàn kiểm soát, và các người Do Thái buộc phải rời khỏi khu phố của mình. Sau cuộc chiến 6 ngày vào năm 1967, Israel kiểm soát toàn bộ cổ thành, và người Do Thái trở lại sống trong khu phố của họ, với các cộng đoàn nhỏ cả bên trong các khu phố khác. Trong khu phố Hồi giáo có trường Rabbi, theo khuynh hướng cực đoan Ateret Cohanim.

Nút thắt khó giải quyết nhất là khu vực bức tường phía tây (tường than khóc) và khu vực sân đền thờ Do Thái xưa kia, nơi hiện có hai đền thờ Hồi giáo.

(Còn tiếp)
 
Người Việt Nam Công Giáo: Dân Chúa Việt Nam (tiếp theo)
Hà-Minh Thảo
17:31 04/04/2008
NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO (14)
CHƯƠNG X: DÂN CHÚA VIỆT NAM
(Tiếp theo)

II.- NHỮNG HÌNH ẢNH ĐỂ HIỂU GIÁO HỘI

Giáo Hội Công Giáo là một mầu nhiệm. Muốn hiểu một mầu nhiệm, chúng ta phải dùng các hình ảnh.

- Cây nho. Nếu Giáo Hội Dân Chúa là cây nho, thì mọi người tín hữu là cành. Chúa Giêsu nói rõ: « Ta là cây nho, các con là cành » (Gn. 15,5).

Thánh Sử Gioan còn mời gọi chúng ta đi xa hơn, và đưa chúng ta đến khám phá mầu nhiệm của cây nho: Nó là biểu tượng và hình ảnh không những của dân Thiên Chúa. Ngài là gốc cây nho, còn chúng ta, môn đệ Ngài, chúng ta là cành. Ngài là « Cây Nho thật », các cành phải kết hợp để được sống (Gn, 15:1…).

Công đồng chung Vatican II lái lại hình ảnh cây nho trong Thánh Kính để giải thích Giáo Hội: « Cây nho thật chính là Chúa Kitô; chính Ngài ban phátsự sống và sức sinh sản cho các cành là chúng ta. Qua Giáo Hội, chúng ta sống trong Ngài, và không có Ngài chúng ta chẳng làm được việc gì. » (Ánh sáng muôn dân số 6).

- Dân Chúa. Mọi tín hữu hợp thành Dân Chúa, tức Giáo Hội. Đức Thánh Cha Piô XII quả quyết: « Các tín hữu giáo dân là người đứng ở mặt tiền phong trong đời sống của Giáo Hội. Nhờ họ, Giáo Hội trở nên nguyên lý sự sống cho xã hội loài người. Vì thế, chính họ phải ý thức ngày càng rõ rệt là họ không những thuộc về Giáo Hội mà là Giáo Hội, nghĩa là cộng đồng các tín hữu trên mặt đất, dưới sự hướng dẫn của vị thủ lãnh chung là Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám mục hiệp thông với Người. Họ là Giáo Hội. » (AAS 38-149, 1946)

- Nhiệm thể Chúa Kitô và chính Ngài là đầu. Hình ảnh cây nho, Hình ảnh Dân Chúa đưa chúng ta đền hình ảnh cuối cùng: Giáo Hội là Nhiệm thể Chúa Kitô và Ngài là đầu. Như vậy, Ơn Gọi người giáo dân trong Giáo Hội là được làm con Chúa. Tông Huấn về giáo dân tóm gọn trong câu: « Phép Rửa Tội tái sinh chúng ta trong sự sống ơn Chúa; nó hợp nhất chúng ta với Chúa Giêsu Kitô, với thân thể Ngài là Giáo Hội, xức dầu cho chúng ta trong Chúa Thánh Thần bằng cách cho chúng ta trở nên những Đền Thờ Thiêng Liêng. » (Tông Huấn về giáo dân số 10).

Phẩm giá mới của con người được chịu phép Rửa Tội là làm Con Chúa. Họ gọi Chúa là Cha và trở thành anh em với nhau (Gal 3; 26-29; 4,4-7). Hằng ngày họ tuyên xưng lời cầu nguyện của Chúa Kitô: « Lạy Cha chúng con ở trên trời… » (Mt.6, 9-13).

III.- GIÁO HỘI HOÀN VŨ.

1. ĐỨC THÁNH CHA.

Danh từ ‘Pape’, tiếng Pháp, và ‘Pope’, tíếng Anh, có nghĩa đơn giản là ‘Cha’. Trong cổ ngữ Hy Lạp, đó là một từ của một người con dùng để diễn tả tình cảm dành cho một cha trong gia đình, nhưng bây giờ, từ này được mượn nhờ tiếng La Tinh để ám chỉ đến sự tôn kính. Người Công Giáo, Đông Phương nói tiếng Hy Lạp và Tây Phương nói tiếng La Tinh đều dùng chữ ‘Cha’ dành cho các vị Linh Mục, ‘Đức Cha’ cho các Giám Mục và các Giáo Trưởng (patriarchs) cũng như Đức Thánh Cha, là những vị đứng đầu của các gia đình thiêng liêng.

Đức Thánh Cha là Giám Mục Giáo phận Roma, được duy trì nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã trao cách đặc biệt cho Phêrô, Người đứng đầu các Tông Đồ, và phải được chuyển tiếp cho các người kế vị Ngài, là thủ lãnh của tập đoàn Giám Mục. Người là Đại diện Đức Kitô và Chủ chăn của toàn thể Giáo Hội đang lữ thứ trần gian. Vì thế, do uy lực của nhiệm vụ, Người có quyền tối cao, trực tiếp và phổ quát trong Giáo Hội Hoàn vũ, và luôn tự do hành sử quyền ấy. [Giáo Luật (GL) điều 331]

Đức Thánh Cha nhận lãnh quyền tối cao, trực tiếp và phổ quát trong Giáo Hội do sự bầu cử hợp lệ mà Ngài đã chấp nhận cùng với sự tấn phong Giám Mục. Vì thế, ai được đắc cử vào chức Giáo Hoàng mà đã có chức Giám Mục, thì lãnh quyền nói trên ngay chính lúc chấp nhận. Còn nếu người đắc cử không có chức Giám Mục, thì lập tức phải được truyền chức Giám Mục. (Hiện tại, trong Hồng Y Đoàn có nhiều Đức Hồng Y chỉ là Linh mục). Nếu Đức Thánh Cha từ chức, thì sự từ chức chỉ trở thành hữu hiệu khi phải được tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận. (GL điều 332)

Công Đồng Florence (năm 1439) xác nhận đây là một vấn đề của đức tin. Công Đồng Vatican I (năm 1870) chuẩn phê xác nhận đó. Công Đồng Vatican II (năm 1964), xác nhận rằng Chúa Giêsu Kitô đã trao ban vị trí đứng đầu Giáo Hội chỉ cho Phêrô mà thôi khi đã trích dẫn ra những đoạn Tin Mừng:

a. « Ông đưa Simon đến với Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn Simon mà nói: ‘Ngươi là Simôn, con của Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha - nghĩa là: Đá.’ » (Gioan, 1:42)

b. « Khi họ đã lót lòng rồi, Đức Giêsu nói với Simôn Phêrô: ‘Simôn, con của Gioan, ngươi có mến Ta hơn các kẻ này không?’ Simôn thưa với Ngài: ‘Vâng, lạy Chúa, Ngài biết con yêu mến Ngài!’ Đức Giêsu nói với ông: ‘Hãy chăn giữ chiên của Ta!’ » (Gioan, 21:15)

c. « Và Ta, Ta bảo ngươi: “Ngươi là Đá và trên Đá ấy, Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta, và quyền môn âm phủ sẽ không thắng nổi. » (Máthêu, 16:18)

d. « Nhưng Ta đã cầu xin cho ngươi, ngõ hầu lòng tin của ngươi khỏi bị tiêu diệt. Phần ngươi, một khi đã trở lại, ngươi hãy củng cố anh em ngươi ». Chúa Kitô là Người đã chọn Thánh Phêrô như là vị đứng đầu các Tông đồ và là người lãnh đạo Giáo Hội hữu hình, có toàn quyền xét xử để truyền lại một cách liên tục đến cho những vị kế thừa chức vị Giáo Hoàng của Ngài, cùng với thẩm quyền tuyệt đối để công bố về các vấn đề có liên quan đến Đức tin hay Luân lý.

(1) Đức Thánh Cha, do uy lực của sứ vụ, có quyền không những trên toàn thể Giáo Hội, mà còn có quyền tối thượng trên tất cả các Giáo Hội địa phương và các hợp đoàn Giáo Hội địa phương. Quyền tối thượng ấy tăng cường và bảo vệ quyền riêng biệt, thông thường và trực tiếp mà các Giám Mục nắm giữ trong các Giáo Hội địa phương được giao phó cho các Đức Giám mục coi sóc.
(2) Trong khi thi hành nhiệm vụ Chủ Chăn tối cao của Giáo Hội, Đức Thánh Cha luôn luôn thông hợp với các Giám Mục khác và kể cả với toàn thể Giáo Hội. Tuy nhiên, việc quyết định phương cách, hoặc đơn phương hoặc tập đoàn, để thi hành nhiệm vụ, tùy theo nhu cầu của Giáo Hội, là quyền của Ngài.
(3) Không thể kháng cáo hoặc thượng tố chống lại một án văn hay nghị định của Đức Thánh Cha. (GL điều 333)

Trong khi thi hành nhiệm vụ, Đức Thánh Cha được hỗ trợ bởi các Giám Mục; các vị có thể cộng tác với Đức Thánh Cha bằng nhiều phương cách khác nhau, một trong những phương cách đó là Thượng Hội Nghị Giám Mục. Ngoài ra, Ngài còn được sự giúp đỡ của các Hồng Y, các nhân vật khác và các định chế khác nhau, theo nhu cầu của mọi thời đại. Tất cả các nhân vật và các định chế ấy lo chu toàn trách vụ đã giao phó nhằm thiện ích của tất cả các Giáo Hội nhân danh và với quyền hành của Giáo Hoàng, theo những quy tắc luật định. (GL điều 334).

Hầu hết các Đức Thánh Cha đều là những người rất thánh thiện. Trong tổng số 265 vị Giáo Hoàng tính cho đến thời của Đức đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI, thì đã có 81 vị là Thánh và 9 vị Chân Phước. Trong số này, có 41 vị Giáo Hoàng đầu tiên được trở nên Thánh. Trong số 32 vị Giáo Hoàng đầu tiên, những vị đã cai quản Giáo Hội suốt thời kỳ bách hại tại La Mã (vốn chấm dứt vào năm 312), thì có tới 28 vị đã tử đạo.

Những Tước Vị của Đức Thánh Cha:

- Giám Mục Rôma (Bishop of Roma, tiếng Anh, và Eùvêque de Rome, tiếng Pháp);
- Đại Diện Đức Kitô ở trần gian (Vicar of Christ, Vicaire du Christ);
- Thừa kế Vị Hoàng Tử (có nghĩa là ‘Thứ Nhất’ hay Phêrô) của các Tông Đồ ở Tòa La Mã (hay Tòa Rôma);
- Giám Mục đứng đầu trong các Giám Mục anh em thuộc Giáo Tỉnh Truyền Giáo Rôma, nghĩa là, Ngài chính là Đức Tổng Giám Mục (Archbishop and Metropolitan, Archevêque et Métropolitain);
- Giáo chủ (Primate, Primat) toàn Giáo Hội Ý Đại Lợi;
- Giáo Trưởng của Tây Phương, tức tất cả những Giáo Hội theo Lễ Nghi La Tinh;
- Tôi Tớ của Những Tôi Tớ (Serviteur des Servicteurs, tiếng Pháp), để bắt chước Chúa Kitô, được mời gọi để phục vụ Dân Thiên Chúa;
- Cha tinh thần của tất cả các tín hữu Công giáo, được kính mến gọi là Đức Giáo Hoàng, hay Đức Thánh Cha hay Người Cha Thánh Thiệân (Holiness, Sainteté), vì tuy Người không phải là một Vị Thánh nhưng tất cả những điều của Chúa Kitô mà Người cai quản đều là thánh thiện cả.
- Quốc Trưởng Quốc Gia Vatican, với những luật lệ quốc tế để giúp bảo toàn nền tự trị của nhiệm kỳ Giáo Hoàng của Người.

Chiếc Mũ Ba Tầng của Đức Giáo Hoàng là một vương miện tượng trưng cho ba loại Quyền Bính Tối Cao của Đức Thánh Cha:

- Quyền Chủ Chăn Hoàn Vũ;
- Quyền Giáo Huấn;
- Quyền Quốc Trưởng một quốc gia Vatican độc lập và có chủ quyền.

Chiếc Mũ Ba Tầng còn mang một ý nghĩa thiêng liêng về ba chức vụ của Chúa Kitô là: Tư Tế, Tiên Tri và Vương Giả. Thiên Chúa thực thi các chức năng này qua các Tông Đồ, và cụ thể qua Phêrô, để tất cả họ được thánh hóa, daỵ dỗ và được cai quản vì Danh Ngài và bởi Quyền Bính của Ngài như đã được đề cập trong các Sách Tin Mừng:

« Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: ‘Người ta nói Con Người là ai?’ Các ông thưa: ‘Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ’. Đức Giêsu lại hỏi: ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ Ông Simon Phêrô thưa: ‘Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’. Đức Giêsu nói với ông: ‘Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.’ » (Matthêu, 16:13-19)

« Rồi Chúa nói: ‘Simon, Simon ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh’. » (Luca, 22:31-32)

Lúc cuối Công Đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục, vị Giáo Hoàng cuối cùng đội mũ ba tầng này, bước xuống các bậc tam cấp từ ngai giáo hoàng tại Vương Cung Đại Thánh Đường Thánh Phêrô và, bằng một cử chỉ thật cảm động, đã đặt mũ trên bàn thờ, nói lên sự khiêm nhường và coi đó như là một dấu chỉ sự từ bỏ danh vọng cùng quyền lực để cùng thông hiệp với tinh thần canh tân, đổi mới của Công Đồng Chung Vatican II. Sau đó, mũ ba tầng này được bán đi và tiền được biếu cho người nghèo.

2. HỒNG Y ĐOÀN

Hồng Y Đoàn gồm những vị được Đức Thánh Cha cất nhắc lên chức vị Hồng Y, có nghĩa vụ cố vấn và cộng tác thân cận với Đức Thánh Cha trong việc cai quản Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, và để bầu ra người kế vị Người. Các Đức Hồng Y là những viên chức làm việc tại Giáo Triều Rôma hay các Đức Tổng Giám Mục chính tòa khắp thế giới, và những vị khác được chọn ra tùy theo ý muốn của Đức Thánh Cha.

Các Đức Hồng Y là những vị ‘cadre’, tiếng La Tinh, có nghĩa là bản lề hay mấu chốt điểm, bắt đầu từ thế kỷ thứ IV. Từ năm 1059, các Đức Hồng Y có nhiệm vụ bầu phiếu Đức Giáo Hoàng, và Hồng Y Đoàn được thành hình kể từ năm 1150. Qua nhiều thế kỷ, con số các Đức Hồng Y được gia tăng, từ 70, một con số mang ý nghĩa Kinh Thánh, vì có 70 người đứng tuổi (niên trưởng) đã giúp Môisê trong việc lãnh đạo dân Israel và 70 Môn đệ, bên cạnh các Tông Đồ, đã giúp trong sứ vụ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, hai Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Gioan Phaolô Đệ Nhị đã tấn phong Hồng Y vượt quá số 70 này, nhằm để quốc tế hóa Hồng Y Đoàn cùng với các vị trong chức vụ giám mục đến từ khắp thế giới. Ngày hôm nay, có 119 Đức Hồng Y có quyền bầu Đức Giáo Hoàng và 78 Đức Hồng Y, trên 80 tuổi, không còn quyền bầu.

Giáo Hội Việt-Nam, từ 1976 đến giờ, đã có ba Đức Hồng Y Tổng Giám mục Hà nội (Giuse-Maria Trịnh như Khuê, Giuse-Maria Trịnh văn Căn và Phaolô-Giuse Phạm đình Tụng), một Đức Hồng Y Tổng Giám mục Sài gòn Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn và Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận. Trong dịp tiến cử Hồng Y ngày 21.10.2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên bố tên 30 Đức Hồng Y và giữ kín tên một Đức Hồng Y in pectore (giữ kín trong lòng). Một vài nguồn tin đoán đó có thể là Đức Cha Stanislaw Dziwisz, khi đó là thư ký Đức Thánh Cha, nay là Hồng Y Tổng Giám mục Cracovie (Ba lan) hoặc một Hồng Y thuộc các Giáo Hội bị kiểm soát như Soudan hay Trung quốc và, tại sao không thể là Việt-Nam (lời hứa trả lại Tòa Khâm sứ cho Giáo phận Hà nội chưa được thi hành từ hơn hai tháng qua là một thí dụ Việt-Nam không tôn trọng tôn giáo).

Giáo Luật, điều 351, triệt 3, qui định: vị được bổ nhiệm làm Hồng Y, nếu, trong khi loan tin, Đức Giáo Hoàng không tiết lộ tên (in pectore), thì trong thời gian chờ đợi, vị này không có bổn phận và quyền lợi nào của các vị Hồng Y; nhưng khi nào tên được công bố, thì không những Đức Hồng Y có bổn phận và quyền lợi của một Hồng Y, nhưng còn được hưởng quyền kể từ ngày Đức Thánh Cha được tuyển chọn nhưng ‘in pectore’. Nếu không có bút từ gì về vị Hồng Y ‘in pectore’ do Đức Giáo Hoàng trước để lại, thì vị Kế Nghiệp không bị buộc theo những quyết định của Vị Tiền Nhiệm mình. Và lúc đó, vị Tân Giáo Hoàng được hoàn tự do trong mọi quyết định.

Việc giữ kín tên của vị Hồng Y ‘in pectore’ đã có từ thời Đức Alexandro VI (1492-1503) hay từ thời Đức Giulio II (1503-1513).

a.- Các Hồng Y Giám Mục là những thành viên có thứ bậc cao nhất trong Hồng Y Đoàn và có nhiệm vụ bầu cử một vị Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, với sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng, sẽ đứng ra chủ trì những cuộc phiên hội họp.

Danh hiệu Hồng Y Giám Mục được bắt nguồn từ hai phần trong lịch sử:
- Hồng Y là danh hiệu được trao phó cho người cố vấn cho vị Giám Mục Rôma, đã có từ thế kỷ IV. Sau đó, nó được trao cho những người đang giữ một số chức vụ chính trong các văn phòng giáo sĩ liên đới với Tòa Thánh La Mã. Kể từ năm 1059, những vị Hồng Y được bổ nhiệm này trở thành những vị có đặc quyền bầu phiếu của vị Giám Mục Rôma. Tuy nhiên, mặc cho danh hiệu được dùng để phân biệt ra các vị Hồng y bởi những văn phòng cổ xưa (như các hạt, các giáo xứ và các giáo phận); thì ngày hôm nay các vị Hồng Y đã không còn có một vai trò chính thức trong việc cai quản của các vị.
- Ngày nay, Đức Hồng Y thường là các Đức Giám Mục của các Giáo phận hay các viên chức của Giáo triều, và với tư cách là Hồng Y, các Vị này có nhiệm vụ bầu phiếu và cố vấn cho Đức Giáo Hoàng.

Danh hiệu Giám Mục là nhằm ám chỉ đến một trong những giáo phận thuộc vùng ngoại ô (hay còn được gọi là những tòa ngoại ô) nhằm hình thành nên Giáo tỉnh Rôma. Kể từ thế kỷ thứ IV, các vị Giám Mục của những Giáo phận này đóng vai trò trong việc tôn và tấn phong Đức Giáo Hoàng. Để làm được việc này, một thành viên trong các vị sẽ đứng ra chủ trì, gọi là vị Giám Mục Ostia.

Ngày hôm nay, những vị Giám Mục thật sự của 7 tòa ngoại ô này chẳng đóng một vai trò nào trong việc bầu chọn Đức Giáo Hoàng. Thay vào đó, sáu vị Hồng Y Giám Mục giữ danh hiệu của những tòa này, cùng với vị Niên Trưởng của Hồng Y Đoàn, là người nắm hai chức vị, thuộc Tòa Ostia và Tòa mà vị ấy đã có trước khi được bầu để trở thành Niên Trưởng.

b.- Các Hồng Y Linh Mục là những vị Hồng Y có số đông nhất là 142 vị, trong số các Hồng Y Đoàn. Các vị này bao gồm luôn cả các viên chức của Giáo Triều Rôma, cũng như những vị Tổng Giám Mục của các địa phận chính trên khắp thế giới. Những vị Hồng Y Linh Mục giữ một hiệu tòa cụ thể nào đó trong Tòa Rôma, một sự phản ánh mờ nhạt của lịch sử vào thời kỳ đầu của các giáo sĩ Rôma trong việc tham dự phần vào việc bầu chọn ra Đức Giáo Hoàng. Nội trong cấp bậc của Hồng Y Linh Mục, các vị Hồng Y có mức độ thâm niên dựa trên ngày được bổ nhiệm làm Hồng Y, và có thể được thăng tiến lên cấp bậc cao hơn là Hồng Y Giám Mục.

Việt-Nam hiện có 2 Đức Hồng Y Linh mục là Đức Tổng Giám Mục Danh Dự
của Tổng Giáo Phận Hà Nội (trên 80 tuổi) và Đức Tổng Giám Mục Phạm Minh Mẫn của Tổng Giáo Phận Sài Gòn (dưới 80 tuổi). Trong hoàn cảnh hiện tại Việt-Nam thiếu Giám mục, vì nhiều Giáo phận chỉ có Giám quản hay Giám mục đã quá 75 tuổi chưa được thay thế, chứ không thiếu Hồng Y.

c.- Các Hồng Y Phó Tế hay Trợ Tá là các viên chức của Giáo Triều Rôma và các nhà thần học được vinh danh bởi Đức Giáo Hoàng vì sự đóng góp của họ cho Giáo Hội. Ngày nay có khoảng 30 vị Hồng Y Phó Tế đều giữ danh hiệu được trao phó một giáo xứ trong 3 địa hạt của Rôma.

Trong quá khứ, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đã là Hồng Y Phó Tế.

(Còn tiếp)
 
Văn Hóa
Giọt mồ hôi
Sa Mạc Hồng
12:34 04/04/2008
Giọt mồ hôi

Những giọt mồ hôi
Rơi xuống trên đồng ruộng
Cho lúa xanh tươi
Cho người người vui no ấm!

Những giọt mồ hôi
Rơi xuống trên công trường xây dựng
Dù mưa hay nắng
Những mái nhà thôn xóm khang trang
Cho người người vui sống bình an!

Những giọt mồ hôi
Thấm ướt mái đầu xanh thơ bé
Những học sinh miệt mài
Trong ngôi trường thân yêu
Đèn sách cho tâm trí nâng cao
Cho trái tim mở rộng dạt dào
Tình người muôn thuở!

Những giọt mồ hôi
Rơi xuống trên sân vận động
Chảy dài trên cơ bắp tự hào
Của những người yêu mến thể thao
Rèn luyện cho đời tươi sáng
Cho thành tích sống khỏe vui!

Và từ xưa, lâu lắm
Đã có những giọt mồ hôi
Của một người tử tội
Chết trên Thập giá trần truồng
Mồ hôi ướt đẫm máu hồng
Cho lúa đơm bông
Cho ngôi nhà hạnh phúc
Cho tình người nồng ấm nở hoa
Cho nhân loại tìm về nguồn sống thật
Cho hồn người siêu thoát an hòa!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đường Làng Xưa
Sen K.
00:42 04/04/2008

ĐƯỜNG LÀNG XƯA



Ảnh của Sen K. – Philippines

Tôi tìm về đường xưa vương dấu bụi

Ngõ quanh co trong cơn lốc xoáy mùa

Tôi bàng hoàng nhìn cuối đường xa lạ

Những sắc hương tan vội đến già nua.

(Trích thơ của Phan Cát Linh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền