Ngày 05-04-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:57 05/04/2009
HÀO KHÍ

N2T


Một hôm, các đệ tử muốn biết loại nhân tài nào thích hợp để đi tu.

Đại sư nói: “Có một loại người, họ chỉ có hai cái áo lót nhưng bán đi một cái, dùng tiền ấy đi mua một đóa hoa.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Câu trả lời của đại sư thật thâm thúy và rất đúng với tinh thần tu trì của đạo Công Giáo: đức ái.

Một người nếu không biết cảm thông trước những đau khổ của tha nhân, thì cũng sẽ không thể đưa tay ra phục vụ người khác, họ không nên đi tu làm linh mục hoặc tu sĩ.

Một người nếu dửng dưng trước những bất công của tha nhân thì họ cũng sẽ không có lòng yêu người, họ không nên đi tu làm linh mục hoặc làm tu sĩ.

Một người nếu thích hưởng thụ vật chất xa hoa thì đi đến đâu –dù nơi đó nghèo khó- họ cũng sẽ trở thành người hưởng thụ giữa đám dân nghèo, họ không nên đi tu làm linh mục hoặc làm tu sĩ.

Một người nếu luôn tự nhận mình tài cao học rộng hơn người khác, thì họ cũng sẽ luôn cãi lời, chống đối và không vâng phục giám mục hoặc bề trên, họ không nên đi tu làm linh mục hoặc làm tu sĩ...

Đức ái là cho đi chứ không muốn nhận, đó chính là hào khí của đời sống tu trì.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:58 05/04/2009
N2T


130. Địa vị rất cao mà tâm chí hèn hạ, ăn ở cao sang mà cuộc sống ti tiện, miệng nói lời hay mà không muốn làm, nói lời rỗng tuếch quá nhiều mà không thực hành, mặt mày uy trọng mà hành vi cợt nhã, quyền thế hiển hách mà trong lòng hay thay đổi, những việc đó chính là xấu xa bẩn thỉu.

(Thánh Bernardus)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:01 05/04/2009
N2T


75. Xác thực nắm vững trọng tâm của mỗi vấn đề, phân công công tác, phân phối thời gian thích hợp.

 
Tôi là ai trong bi kịch thương khó ?
LM. Giuse Trương Đình Hiền
01:37 05/04/2009
CHÚA NHẬT LỄ LÁ (Năm B)

Tôi là ai trong bi kịch thương khó ?



Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đưa cộng đoàn chúng ta tới một khung cảnh hoàn toàn ngược lại với nghi thức đầu lễ. Thật vậy, với cử hành KIỆU LÁ, tưởng niệm cuộc VÀO THÀNH của Chúa Giêsu, chúng ta cùng hô vang lời cung chúc Giêsu, vạn tuế Đấng Nhân Danh Chúa mà đến, chúng ta sống lại những giờ phút khải hoàn vinh quang của một Vị Vua chiến thắng tiến vào thủ đô của vương quốc Ngài giữa hàng hàng lớp lớp thần dân với rừng hoa sắc lá và nhứng tiếng hoan hô dậy đất vang trời… Trong khi đó giờ đây, ngay từ Bài đọc 1, trích sách Sứ ngôn I-sa-i-a, hình ảnh Người Tôi Tớ Gia-vê “đưa lưng cho người ta đánh đòn, đưa má cho ngươì ta giật râu”… đã từ từ khắc hoạ chân dung của một Đấng Cứu Thế đang tiến vào cuộc khổ nạn. Tiếp đến là bài thánh ca trong thư Phaolô gởi giáo đoàn Philíp, ca tụng một “Đức Kitô vâng lời cho đến chết và chết trên cây Thập tự”, như một lời tuyên xưng miên viễn về mầu nhiệm Tử Nạn-Phục Sinh của Con Một Thiên Chúa. Ấn tượng nhất lại chính là trình thuật Thương khó của Tin Mừng Mác-cô, mở ra trước mắt chúng ta bi hùng kịch Tử Nạn, như một cuộc hồi ức, một tưởng niệm về hình ảnh và các biến cố sau cùng của Thầy Chí Thánh, những hình ảnh đã khắc sâu trong tâm khảm của muôn thế hệ Ki-tô hữu.

Tại sao Phụng Vụ hôm nay lại trình bày hai khung cảnh trái ngược nhau như thế trong cùng một cử hành ?

1. Mầu nhiệm VƯỢT QUA của Đức Kitô luôn là một “tác động kép”: Tử Nạn – Phục Sinh.; Tự Huỷ – Vinh Quang; Sống – Chết; Đau thương – Chiến thắng…

Trước hết ĐK đã đi vào cuộc Vượt Qua, đi vào biến cố trọng đại cuối cùng của đời Ngài, biến cố tự hiến vì tình yêu Cha và vì tình yêu con người một cách đĩnh đạc, mạnh mẽ, chấp nhận anh hùng.: “Mạng sống của Ta, Ta có thể trao ban và lấy lại…Hạt lúa mì rơi xuống….Nầy con đến để thực thi ý Cha..”

Dĩ nhiên Ngài không tìm kiếm cuộc khổ nạn, sự chết như một một người thất vọng tìm tới cái chết tự tử. Cái chết, cuộc khổ nạn của Ngài hoàn toàn do con người: Con người đã hầm rập, âm mưu khử Người cho rãnh (như các trình thuật Tin Mừng đã cho thấy suốt những ngày Mùa Chay vừa qua); vì chân lý mà Ngài tuyê rao, Tin Mừng mà Ngài công bố, nhất là chính cuộc sống và cung cách ứng xử Ngài với tha nhân và với Thiên Chúa…làm họ mất ăn mất ngủ, làm họ sợ phải đổi thay, phải hy sinh, phải chấp nhận từ bỏ không phải chỉ là nếp suy nghĩ thiển cận, cách ứng xử tầm thường, mà là toàn bộ cuộc sống cũ với cái tôi giã hình và ích kỷ, hủ hóa và kiêu căng…Phần Ngài, Ngài không chịu thoả hiệp, không mị dân, luồn lách để tồn tại, hay kiếm chác một vinh dự, một chỗ đứng an thân, một hạnh phúc rẻ tiền…Ngài làm chứng chân lý Chúa Cha giao cho Ngài đến tận cùng dù phải trả một giá đắt là chính mạng sống mình (Bđ 2: Ngài đã vâng lời…)

2. Nhưng khởi đi từ cuộc khổ nạn, một giòng suối sự sống đã phát sinh.

Thập giá, cái chết của ĐK trong chương trình kỳ diệu của Chúa Cha lại trở thành dấu hiệu, thành phương thế, thành cơ hội để Thiên Chúa được tôn vinh và con người được cứu rỗi. Thiên Chúa thường hay làm những chuyện cắc cớ như thế: cái mà ma quỉ, con người cho là bỏ đi, là thấp hèn, nhỏ rức… thì Thiên Chúa có thể biến thành cái vĩ đại khôn lường: Thập giá, sự chết, sự thất bại tan nát của Con Một Thiên Chúa: trước mặt địch thù, ma quỉ, thế gian, quả thật “rồi đời rồi, xong rồi, xoá sổ rồi…” Nhưng Thiên Chúa qua đó “Thu họp tất cả muôn dân…Ta có bị treo lên….Ngài đã chết để chiến thắng sự chết và sống lại ban nguồn sống mới…”. Chúa Nhật Lễ Lá là sự cắt nghĩa của Phụng vụ về ý nghĩa Tử Nạn-Phục Sinh cách cụ thể và rõ nét nhất. Phụng vụ hôm nay cũng là dịp để nhắc nhở cho chúng ta thấy sự tráo trở, thay lòng đổi dạ của loài người chúng ta trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa: Mới hoan hô vạn tuế ngày hôm trước đã vội kết án “đóng đinh” ngày hôm sau. Mới hôm trước “vạn tuế Đấng Nhân Danh Chúa mà đến”, hôm sau đã “tha Baraba, đóng đinh Giêsu vào thập giá”. Trong khi đó, Đức Kitô vẫn trung thành trong tình yêu dành cho con người cho dù bị phản bội, bán đứng, chối từ.: “Xin Cha tha cho chúng…Ngài đã nhìn Phêrô…” và suốt 2000 năm nay Ngài luôn tha thứ, yêu thương đợi chờ hết mọi người nhân thế trong đó có chúng ta…

Chúng ta đang cùng toàn Dân Chúa tiến vào bắt đầu tuần lễ sống lại những biến cố sau cùng mang ơn cứu độ của Chúa Giêsu, từng bước khám phá tư cách làm Con Thiên Chúa của Đức Kitô, tư cách “Người anh của muôn vạn đứa em”, một lần nữa, tái khẳng định niềm tin vào sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Tuần lễ nầy cũng là dịp để chúng ta nhìn nhìn lại chính mình mà xét xem Tôi là ai trong bi kịch thương khó ?

Nhiều khuôn mặt trong Thảm kịch thương khó sẽ xuất hiện trong Tuần Thánh nầy để chúng ta nhận ra khuôn mặt của chính mình. Vâng, hãy nhìn lại khuôn mặt của chính mình để xét xem thử có chút gì đó giống cái “bản mặt” trâng tráo phản bội của Giuđa khi đã lắm lần dùng những cử chỉ và lời nói đãi bôi để phản bội lẫn nhau; giống cái mặt trơ trẻn của Phêrô khi hèn nhát chối bỏ đức tin trước những thử thách hay những đe dọa đến miếng cơm manh áo; giống cái mặt hung dữ, nham hiểm của mấy ngài tư tế, thượng tế khi ác độc, hận thù tìm cách loại trừ kết án cho được những người dám nói sự thật hay những kẻ bất đồng quan điểm với mình; giống cái mặt giả nhân giả nghĩa mị dân của Hêrôđê, Philatô khi sẵn sàng vứt bỏ công lý, tình người để duy trì những quyền lợi cá nhân, gia đình hay phe nhóm; giống những gương mặt hồ đồ của đám dân Do Thái tiền hậu bất nhất, chỉ chực hùa theo đám đông và sẵn sàng vô tâm kết án những thân phận hiền lành thấp cổ bé miệng.

Cũng ước mong sao trong những ngày Tuần Thánh nầy, trên khuôn mặt và trong trái tim của mỗi người chúng ta vẫn còn phảng phất một chút gì đó nổi xót thương ngậm ngùi của Đức Mẹ, nổi xót xa thống hối của Phêrô, nổi thương đau giúp đỡ của Simêon, nổi đồng cảm hiệp thông của những người phụ nữ Salem, của môn đệ Gioan, niềm xác tín và tràn trào hy vọng của tên trộm lành…Mà không phải chỉ để sống lại một thái độ và tâm tình sướt mướt ủy mị, nhưng là một thái độ đức tin sâu xa và can đảm sẵn sàng chết đi cho những tăm tối tội lỗi, yếu hèn để thật sự sống lại với Đức Kitô Phục sinh trong nổi vui ngút ngàn khởi đi, vang vọng từ bài ca Exlutet (Mừng Vui Lên) trong đêm Vọng PS.
 
Hồi cuối trong Phúc Âm Máccô (1)
Vũ Văn An
03:42 05/04/2009
Hồi Cuối Trong Phúc Âm Máccô

Hầu như ngày nay, ai cũng tin rằng Phúc Âm Máccô là phúc âm được viết ra đầu tiên, dựa vào những cảm nghiệm bản thân của vị tông đồ, dù phản bội, vẫn được Thầy cất nhắc vào địa vị lãnh đạo đoàn chiên lớn nhỏ của Người. Nó cũng là phúc âm có tính “đa văn hóa” nhất vì dù người không biết mảy may chi về truyền thừa Do Thái, vẫn lãnh hội được nó một cách dễ dàng. Có người còn cho rằng: nó cũng là phúc âm sinh động nhất, tượng hình nhất và đã nói tới phản ứng tâm lý, thì không thua gì các bậc thầy của tâm lý học chiều sâu ngày nay. Trong Tuần Thánh năm nay, ta thử cùng nhau đọc lại Phúc Âm của ngài.

I. Tình Yêu Phí Phạm (Mc 14:1-25)

Nhập Đề: Như một vị vua từ bỏ cả ngôi vị để san bằng mọi phân cách, cả về tâm lý, để có thể cưới người yêu quê mùa nghèo nàn như một người nhà quê chính hiệu, một thứ quá phạm (extravagance) của tình yêu, Chúa Giêsu cũng đã chứng tỏ cùng một tình yêu như thế đối với chúng ta. Và như ta đã thấy, còn hơn thế nữa, vì Người vốn không cùng một bình diện phàm trần như ta, nhưng đã làm mình thành người phàm như chúng ta để có thể thương yêu chúng ta. Đúng như thi hào Wordsworth của Anh đã viết về Người “rời bỏ ngôi cao, mặc xác phàm”, một thứ quá phạm, không ai hiểu nổi.

1. Yêu và Ghét: Tương Phản Sắc Nét Học hỏi về phúc âm này, ta thấy Thánh Máccô nhiều lần đem một số biến cố đặt cạnh nhau khiến ta nhìn ra tính tương phản cũng như các nối kết về nhấn mạnh và chủ đề. Trong bài này, thánh nhân gom lại với nhau nhiều truyện tương phản nhau về yêu và ghét, bện chúng với nhau để tối đa hóa tác động của chúng trên tâm hồn ta. Đó là trình thuật về lòng thù ghét của các tư tế đối với Chúa Giêsu đan kết với trình thuật về tình yêu của người đàn bà Bêtani đối với Người. Rồi truyện Giuđa Iscariốt càng ngày càng trở thành phản bội bên cạnh truyện Chúa Giêsu yêu các môn đệ đến quên mình, kể cả chính Giuđa. Việc pha trộn các chủ đề tương phản này tạo ra một mạch truyện cảm động tác động đến trái tim và tinh thần ta rất sâu sắc.

1.1 Các lãnh tụ tôn giáo thù ghét. Xem Mc 14:1-2: Trước Vượt Qua 2 ngày, các lãnh tụ này họp bàn cách bắt giam và xử tử Chúa Giêsu. Họ chỉ còn sợ dân. Vượt Qua là dịp nguy hiểm, khách hành hương sẽ đổ về đông đảo, bất lợi cho họ. Họ phải hành động nhanh. Cái thứ vội vàng này quả là đặc điểm của lòng thù hận. Thù hận không biết đợi. Nó phải hành động ngay khi có cơ hội. Thù hận cũng lén lút, bí mật, trong bóng đêm, không ai thấy. Âm mưu của các lãnh tụ tôn giáo ở đây có đủ những nét ấy. Tại sao họ muốn giết Chúa Giêsu? Để bảo vệ quyền lực của họ. Chúa Giêsu vốn là một đe doạ đối với quyền lực ấy. Họ muốn tự trưng bày là người thánh thiện, thuộc về Chúa, nhưng Chúa Giêsu lột mặt nạ sự dối trá và giả hình của họ. Khi sự ác bị vạch mặt, nó luôn trả đũa.

1.2 Bêtani. Xem Mc 14: 3-9. Chúa dùng bữa tại nhà Simong Cùi và được một người đàn bà vô danh xức dầu thơm. Một nét tương phản. Truyện này xẩy ra 6 ngày trước Vượt Qua, được thánh Máccô lồng vào đây, một cách không theo thứ tự thời gian chút nào. Chỉ để làm nổi sự tương phản giữa yêu và ghét. Máccô không kể tên người đàn bà này, nhưng theo thánh Gioan (12:1-8), bà tên Maria, em của Mácta và chị của Lagiarô. Có ba chuyển động trong câu truyện này.

1.2.1 Hành động hy sinh đầy yêu thương: một bình dầu thơm đắt tiền. Thánh Gioan kể: đập bình ra, bà đổ cả lên đầu và lên chân Chúa Giêsu. Một hành động khiến mọi người hiện diện chú ý.

1.2.2 Đáp ứng bất mãn của người chứng kiến. Máccô cho hay một số người chứng kiến bất bình với hành động của Maria. Tại sao? Phí phạm. Thánh Gioan bảo người phản đối chính là Giuđa, vì anh ta vốn là tên ăn cắp. Hắn vốn là người trọng đồng tiền, hơn cả chính Thầy. Giuđa biết giá tiền mọi sự nhưng chẳng biết giá trị của sự gì.

1.2.3 Đáp ứng xác nhận của Chúa qua 5 điều:

(1) “Cứ để cô ấy làm…cô ấy đã làm cho tôi một việc tốt đẹp”. Cái tốt ấy nằm ở chỗ quá phạm (extravagance): đập cả bình dầu quí, hiếm, đắt tiền mà đổ hết lên đầu lên chân Chúa. Cam tùng (nard) là thứ hiếm trồng tại Phương Đông, phải nhập cảng, nên rất đắt. Theo Giuđa phải đến 300 quan tiền (denarii). Một quan thường là tiền công một ngày của lao công.

(2) Hành động đúng lúc: người nghèo có luôn, nhưng Chúa Giêsu đâu luôn có đó. Giúp người nghèo là điều tốt. Nhưng có những cơ hội chỉ có một trong đời, không nắm thì nó vuột đi mãi mãi. Maria đã nắm được cơ hội ấy. Chúa bảo: quả đúng lúc.

(3) Chúa Giêsu nói "Điều gì làm được cô đã làm". Cô chỉ làm một việc thôi, một việc cô có thể làm, nhưng cô đã làm cách hoàn hảo. Hãy dùng những gì mình có và làm những gì mình có thể. Không nuôi nổi thế giới, thì nuôi một người. Không giảng cho thế giới thì giảng cho những người xung quanh. Không ủi an được hết những người đơn côi trên thế giới, thì ủi an một hai.

(4) Chúa nói: “Cô đã lấy dầu thơm ướp thân thể tôi trước, để chuẩn bị ngày mai táng”.

Điểm đáng lưu ý là nhiều lần Chúa đã cho các môn đệ hay Người sắp sửa qua đời. Dường như không một ai trong các ông tin lời Người, Maria thì tin. Bà tin Người và bà khóc thương Người, cả trước khi Người qua đời. Chính điều đó thúc đẩy bà hành động.

(5) Hành vi của bà sẽ được tưởng nhớ mãi, bất cứ nơi nào Phúc âm được rao giảng. Lời tiên tri này đã được ứng nghiệm suốt hơn 20 thế kỷ qua.

2. Một Việc Buôn Bán Lạnh Lùng và Đầy Tính Toán

2.1 Ngay sau đó, thánh Máccô thay đổi khung cảnh: từ tấm tình yêu quá phạm đến hành vi tồi tệ nhất trong toàn bộ lịch sử loài người: việc phản thầy của Giuđa. Xem Mc 14:10-11. Được hứa tiền từ các lãnh tụ tôn giáo, Giuđa tìm cơ hội trao nộp Người.

2.2 Nhiều người biện hộ cho Giuđa. Anh ta chỉ bị hướng dẫn sai: hy vọng Chúa Giêsu sẽ xây dựng một vương quốc trần gian, nhưng khi không thấy, thì tìm cách buộc Người phải hành động. Trao nộp là buộc Người phải hành động. Cùng lắm chỉ có thể nói anh ta có ý xấu. (Gần đây còn có Phúc Âm Giuđa ra đời vẽ ra hình ảnh còn tích cực hơn nữa về Giuđa: không có tội mà còn có công lớn trong chương trình cứu thế của Chúa Giêsu!)

2.3 Nhưng Thánh Kinh không cho phép một giải thích như vậy. Giuđa đến gặp các thượng tế một cách đầy ý thức, với ý định phản bội Chúa. Anh ta đưa ra sáng kiến. Không ai hướng dẫn sai anh ta hết. Đâu là động lực của Giuđa? Máccô cho hay đó là lòng tham. Các thượng tế hứa cho tiền và Giuđa chấp nhận. Anh ta vốn là người tính toán. Đời Chúa không bằng số tiền các thượng tế hứa cho. Việc phản thầy quả là một việc buôn bán không hơn không kém.

3. Bi Kịch Tại Thượng Lầu

3.1 Từ cảnh bội phản, ham tiền, thánh Máccô đưa ta trở lại chủ đề đẹp đẽ của yêu thương quá phạm tại Phòng Tiệc Vượt Qua. Xem Mc 14: 12-16: các tông đồ chuẩn bị tiệc. Giống như vụ sắp xếp con lừa để vào Giêrusalem, ở đây chắc chắn Chúa Giêsu cũng đã sắp xếp trước để có căn phòng trên lầu. Việc xếp đặt này có một chi tiết đáng lưu ý. Chúa bảo các tông đồ: “các anh đi vào thành, và sẽ có một người (đàn ông) mang vò nước đón gặp các anh”. Người đàn ông hồi đó mà mang vò nước cũng giống như người đàn ông thời nay mà mang ví đầm. Mang vò nước vốn là việc của đàn bà. Dấu chỉ ấy vì vậy rõ mồn một, không thể nào lầm được. Tại sao Chúa dùng dấu chỉ lạ lùng ấy? Mỗi biểu tượng Chúa dùng đều có một ý nghĩa. Trong một buổi lễ khác, ta lại thấy xuất hiện hình ảnh người đàn ông với vò nước. Truyện này kể trong Phúc âm Gioan (Ga 7:38-39): ai khát hãy đến với tôi.

3.2 Rồi Chúa Giêsu dẫn ta vào Phòng Trên Lầu. Xem Mc 14:17-21. Cả một thống khổ, sầu buồn trước viễn tượng phản bội. Một trong bọn con sẽ phản thầy. Thà nó đừng sinh ra! Nhiều người nghĩ đến bức tranh Tiệc Ly của Leonard da Vinci (nhất là ngày nay với tiểu thuyết của Dan Brown và phim cùng tên của Ron Howard). Nhưng Chúa và các môn đệ đâu có ngồi bàn, nhưng nằm trên đi-văng theo thói người La-Mã lúc ấy. Theo sắp xếp này, Gioan và Giuđa ngồi hai bên cạnh Chúa, cả hai cùng gần Chúa, cùng với tới một đĩa với Chúa. Chúa bảo một trong hai người này sẽ phản bội Người. Nhưng nghe thế, không môn đệ nào nói: “à, con biết ai phản bội rồi” Trái lại, người nào cũng nhìn vào chính mình, tự vấn phải chăng trong mình ẩn hiện đâu đó tư tưởng phản thầy chăng. Và các ông lên tiếng hỏi “phải con không”. Không, không phải cái thứ dự cảm, cái khuynh hướng phản bội lấp ló đâu đó trong mỗi người chúng ta. Mà là một phản bội có ý thức, có suy nghĩ lạnh lùng, có suy nghĩ tính toán trước.

3.3 Đến đây, phúc âm Gioan tiếp: Giuđa vừa nhận miếng bánh, Xatan liền nhập vào y. Chúa Giêsu bảo y: “anh làm gì thì làm mau đi” (Ga 13:27). Và thế là Giuđa rời Phòng Trên Lầu. Nhưng trước khi hắn rời phòng, Chúa bảo các môn đệ: “Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người”. Việc Người bị phản bội bởi chính người của mình đã được tiên báo từ lâu. Và do đó, việc phản bội của Giuđa là cố ý, tự ý. Thiên Chúa không thúc đẩy hắn phạm tội, chính hắn chọn làm việc đó. Bởi thế lời của Chúa thật nghiêm khắc: “thà nó đừng sinh ra”. Chưa có lời nào của Chúa nghiêm khắc bằng. Đáng cho ta suy nghĩ. Tuy nhiên để hiểu đúng câu này, tưởng nên đọc chú giải của nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ: Đức Giêsu không muốn nói đến tình trạng trầm luân đời đời của Giuđa. Câu này nói lên tâm tình ghê tởm của hành động phản bội mà thôi. (Xem Bốn Sách Tin Mừng, tr.192, chú thích m).

4. Bánh và Chén

4.1 Giờ đây, Máccô đưa ta đến cảnh cuối cùng của Phòng Trên Lầu, một cảnh mọi Kitô hữu cùng cử hành và tưởng niệm khắp mọi nơi trên thế giới suốt hơn hai mươi thế kỷ qua. Xem Mc 14:22-25. Hãy lãnh nhận mà ăn, này là mình Thầy… Hãy lãnh nhận mà uống, này là máu giao ước của Thầy…

4.2 Giao ước đây là giao ước nào? Giao ước là một hiệp ước chính thức. Chúa Giêsu muốn nói khi đổ máu mình ra, một giao ước mới xuất hiện giữa Thiên Chúa và loài người. Từ đây, ơn cứu độ sẽ đặt căn bản lễ hy sinh hoàn hảo của Chúa Giêsu. Giao uớc cũ bao hàm việc giữ các nghi thức và lễ tế làm biểu tượng cho tương lai; chúng tượng trưng cho một lễ tế sắp tới. Chẳng bao lâu và cho muôn đời sau, đức tin cứu rỗi phải trông vào lễ tế hoàn hảo của Chúa Giêsu như hành vi hoàn tất.

4.3 Sau cùng, Chúa cho các ông hay: thế là chấm dứt, Người sẽ không uống chén nào nữa cho đến khi uống chén mới trong Nước Thiên Chúa. Đến đây, ta mới hiểu tại sao Máccô xếp trình thuật này bên cạnh truyện Maria thành Bêtani. Chúa sẽ làm điều Maria đã làm một cách biểu tượng. Thay vì mở nút bình, bà đã đập bể bình, đổ hết dầu thơm lên đầu và chân Chúa. Người cũng sẽ “bị đập bể” ra cho các môn đệ và mọi người. Mùi dầu thơm của Maria tỏa khắp gian phòng. Máu Chúa Giêsu trên thánh giá xông mùi thơm ngát lên Thiên Chúa, kéo tha thứ xuống khắp trần gian. Mùi thơm ấy phải thấm vào đời ta và qua ta tỏa lan khắp trần đời.

Kết: Sự hy sinh của Chúa vì yêu ta cho thấy đó là một tình yêu quá phạm, hơn việc Maria đập bể bình dầu thơm vô tận. Người muốn nhắn nhủ: hãy làm mọi việc vì yêu.
 
Năm Thánh Phaolô: Con Thiên Chúa được thai sinh bởi một người nữ
Jos.Tú Nạc, NMS
17:20 05/04/2009
Lá thư của Phaolô gửi dân Galata là bài bút chiến sắc xảo nhất của Ngài. Sau lời chào hỏi (1:1-5). Phaolô đã rút ngắn lời cầu nguyện tạ ơn thường lệ để mắng mỏ những người rối đạo của mình vì đã thay đổi niềm tin, “tôi lấy làm ngạc nhiên rằng các ngươi đang trốn bỏ một cách vội vã Người mà đã mời gọi các ngươi trong sự chiếu cố của Chúa Ki-tô và cậy trông một Tin mừng khác” (1: 6).

Phaolô hồi tưởng rằng bởi sự chấp nhận Tin mừng và Phép Rửa, họ đã được ban ơn Chúa Thánh thần và đã trải qua sự tự do làm con cái Thiên Chúa. Giờ đây họ đã tỏ ra sẵn sàng nghe một thông điệp khác hơn thông điệp mà ngài đã rao giảng, quay sang một tình trạng nô lệ, tôi đòi không làm con cái Chúa.

Lá thư của Phaolô gửi đến dân Galata hướng sự chú ý đến Dân ngoại thay đổi ý định (tôn giáo) phải tuân tho điều luật hay không, đó là, họ buộc phải tuân theo những điều kiện theo nghi thức của nó. Phaolô thuyết phục họ không nên như vậy. Nhưng sau đó, ngài đã truyền bá Phúc âm cho họ, “những nhà truyền giáo” khác – chắc hẳn những người Do thái đã đến với niềm tin Chúa Giêsu Kitô– dân Galata hay thay đổi bởi sự phủ nhận của Phaolô và nói rằng họ phải phục tùng để cắt bì cùng những mệnh lệnh nghi thức khác.

Phaolô đã xem thông điệp này, thông điệp làm mất uy tín của Tin mừng. Vì ngài biết rằng với những người có quyết tâm kiên định, chẳng hạn như những ai đó đã có sự cải đạo mới đây là thiên về để muốn thực hiện những việc giữ đúng các điều khoản ngay lành, trọn vẹn đối với Thiên Chúa. Nói cách khác, họ thèm muốn bằng cách nào đó để được hưởng ơn cứu rỗi.

Lập luận của Phaolô là điều mà tuân thủ vào luật lệ là một sự sa lầy (“nếu bạn tự nguyện chịu phép cắt bì; Chúa Jesus sẽ không ban ơn phúc cho bạn” – 5: 2). Đối với những người nhẹ dạ, cả tin chấp nhận cắt bì theo nghi thức tôn giáo thì sau đó “bắt buộc tuân phục toàn bộ luật lệ (5: 3), một Mãnh lực, thậm chí không thể chống đỡ.

Phaolô đưa ra một đề nghị khác, tiếp cận và nói “điều duy nhất để mà củng cố niềm tin là cách hoạt động đức tin” (tự nó phô diễn) “qua sự trung thành và nhân từ dành cho người khác – tình yêu”. Vì muốn là các môn đệ, con đường duy nhất để đạt tới mối quan hệ đúng đắn là đức tin trong việc làm cứu độ của Thiên Chúa, người mà đã để Chúa Jesus, con một của mình chết trên Thập giá vì tội lỗi thiên hạ, sau đó Người sống lại từ cõi chết.

Sự tự do Ki-tô giáo, Phaolô đã dạy, không chỉ là tự do từ tình trạng nô lệ, mà còn là sự tự do phục vụ cho tha nhân. Phaolô mô tả một cách súc tích đời sống Ki-tô giáo như một sự bao hàm “được đức tin tự nó diễn tả thông qua đức ái” (5: 6).

Đối với những ai muốn chấp nhân, thực hiện những qui định của điều luật để giành được sự ưu đãi của Thiên Chúa được tóm lại trong một lời yêu cầu độc nhất: “Yêu người xung quanh như yêu chính bản thân.”

Phaolô đã tuyên bố một cách tự tin với dân Galata – đã kích dộng để bỏ hẳn niềm tin phó thác của họ tới Tin mừng của Thập giá – rằng qua Lễ rủa, họ đã trở nên một sự sáng tạo mới. Từ nay trở đi, không có sự phân biệt dị đồng (người Do thái hoặc người Hy lạp, nô lệ hoặc tự do, nam hay nữ), là bất kỳ giá trị nào, tầm quan trọng nào “vì tất cả các bạn đều là một nhất thể trong Đấng Jesus Ki-tô.”

Phaolô đưa ra một ngụ ý ngắn gọn về sự hiện thân của Con Thiên Chúa “khi tràn đầy thời gian đã đến” để chứng minh rằng Thiên Chúa đã có một lịch trình bởi việc mà người đập tan sự đau khổ của nhân loại, ban ơn cứu rỗi mà Người đã hứa từ những ngày xa xưa thông qua các tiên tri.

Khi Phaolô nói rằng Chúa Jesus “được thai sinh bởi một người nữ, được sinh ra theo Điều luật” (4:4), ngài đã trình bày sơ qua sự đoàn kết nhất trí của Chúa Ki-tô với dân Israel. Chủ tâm của Phaolô là muốn dùng cái chết thích đáng của Chúa Jesus trên Thập giá để đập tan sự ràng buộc trên nhân loại đầy tội lỗi “để mà chúng ta (cả dân Do thái lẫn Dân ngoại) có thể lãnh nhận sự nuôi nấng như con cái” (4:5).

Việc Chúa Jesus phục sinh tràn đầy ơn Chúa Thánh thần của Người, điều này, đã cho Yếu tính một cách tự do, giờ đây cho phép được thực hiện điều – của riêng họ - mà họ đã không thể đạt được để sống một cuộc sống mới ưu đãi của Thiên Chúa.

Với một sự tái tạo của Thiên Chúa – như là người mà ban sự cứu rỗi cho những ai tin tưởng – các môn đệ không còn cần tìm thấy cá nhân hoặc tôn giáo của mình cao hơn mà là lợi thế của người xung quanh họ được coi trọng hơn.

Nếu bạn “sống bởiYếu tính” (đó là bạn đi trên con đường mà được Yếu tính dẫn dắt đời sống môn đồ của bạn), Phaolô đã bảo ng

Trong Galata 5: 19-23, Phaolô đã liệt kê những mánh khóe nhục dục và sau đó là kết quả của Yếu tính. Ông đã nhận thức sắc xảo, tinh tế rằng trong đời sống cộng đồng của giáo hội, “nhục dục” sinh ra bè phái và tranh chấp. Bằng sự tương phản, Yếu tính mang đến niềm tin tình yêu cộng đồng, niềm vui, bình yên, kiên định, nhân từ, bao dung, tràn đầy niềm tin, thanh tao và tự kiểm soát.

“Nhục dục” đại diện cho những ham muốn bất kỳ cho việc tự tư tự lợi nào của con người đã đối kháng ý chí tu sỹ và toàn bộ đời sống cộng đồng. Những đối thủ của Phaolô có thể đã nhấn mạnh mãnh lực đáng sợ của lực đẩy nguy hiểm này của nhục dục và đã đề nghị “tuân theo lề luật” như là cách để chiến thắng nó.

Phaolô đã bác bỏ yêu sách này, tuyên bố rằng Yếu tính của Thiên Chúa đầy đủ quyền năng và là tác nhân duy nhất để lật đổ sự kìm kẹp của nhục dục. Nếu bạn được dẫn bởi Thần trí, bạn sẽ không còn bị lệ thuộc vào điều luật.

Nguồn “the Catholic Register”
 
Chứng nhân cho thời đại
LM. Phêrô Hồng Phúc
20:06 05/04/2009
CHỨNG NHÂN CHO THỜI ĐẠI

Có một câu chuyện kể rằng: “Một hôm thần dữ Satan triệu tập tất cả sứ giả của mình lại để sai đến trần gian với sứ mạng duy nhất này là giải thích cho con người biết Thiên Chúa đã chết rồi.

Các sứ giả ra đi. Nhưng không bao lâu sau tất cả đều trở về. Thần dữ Satan ngạc nhiên hỏi:

Tại sao các ngươi thực hiện công tác nhanh như thế? Hay là có chuyện gì trục trặc?
Các sứ giả đồng thanh trả lời:

Thưa Ngài, chúng tôi không còn việc gì để làm nữa. Bởi vì tất cả những nơi chúng tôi đi qua trên trần gian, nơi nào con người cũng sống như thể Thiên Chúa đã chết thật rồi. Họ hận thù, chém giết nhau, gian tham, trộm cắp. Không có gì xấu mà con người không làm. Dù nhiều người vẫn còn xưng danh là kẻ tin Thiên Chúa. Nhưng cách sống của họ không hề biểu lộ niềm tin này mà ngược lại như là loan báo Thiên Chúa đã chết rồi. Như vậy chúng ta đâu cần tốn công thuyết phục con người nữa.”

Câu chuyện trên cho chúng ta một ý nghĩa: Chúng ta chỉ tuyên xưng Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại thì chưa đủ, còn phải trở thành chứng nhân cho niềm tin ấy.

* Chứng nhân như Maria Madalena:

“Tôi đã thấy mồ Đức Kitô đang sống và vinh quang của Đấng Phục Sinh” (Ca Tiếp liên lễ Phục Sinh). Nấm mồ là biểu trưng của sự chết, nhưng Maria Madalêna lại thấy mồ Đức Kitô đang sống. Để được như vậy, chị thánh đã cất công đi tìm Chúa, tìm và theo Chúa khi Thầy đang sống và tìm Thầy khi Thầy đã chết. Chị đã đập vỡ bình đựng thuốc thơm quý giá và xức chân Chúa Giêsu. Chị rửa chân Chúa bằng nước mắt sám hối và lấy tóc mà lau. Việc làm của chị đã được Chúa Giêsu biện minh cho là chị đã có ý tẩm liệm xác Thầy trước.

Chính vì chị đã dám đập vỡ bình thuốc thơm quý giá đắt tới gấp mười lần giá bán Thầy của Giuda phản bội, nên ý chí quyết tâm làm lại cuộc đời của chị đã được biểu lộ. Đập vỡ bình thuốc xa xỉ phẩm như đoạn tuyệt cuộc sống xa hoa thế gian. Chị chỉ còn lại nước mắt sám hối và tinh thần canh tân cuộc đời theo sát bước Chúa Giêsu mà chị đang được ôm chân.

Đó là hình ảnh của một chứng nhân dám làm lại cuộc đời theo chân Chúa. Chị không cần phải xức xác Chúa Giêsu nữa vì Chúa đã nhận việc xức xác đó của chị rồi. Chỉ Giuda phản bội mới tuyệt vọng vì chỉ được nhìn thấy Đức Giêsu Kitô chết vì tội của mình. Còn Maria Madalêna thì khác. Chị không thấy xác Thầy. Ngay nấm mồ chị cũng thấy là mồ Đức Kitô đang sống. Và hơn nữa, chị còn thấy vinh quang của Đấng Phục Sinh!

Một cuộc sống chứng nhân như vậy, là một Chúa Kitô Phục sinh giữa lòng thế giới. Làm sao Satan có thể dễ dàng thuyết phục thế giới rằng Thiên Chúa đã chết?

* Chứng nhân như Gioan:

Vừa được tin của Maria Madalêna, Gioan đã đến mồ trước. Ông đã thấy và ông đã tin.

Thánh Augustino nhận xét: Việc ông thấy là việc khác mà ông tin lại là việc khác. Ông thấy ngôi mộ trống nhưng ông tin là Chúa Giêsu Kitô đã Phục sinh.

Bởi vì cũng ngôi mộ trống ấy, những người Do thái cố chấp đã cố tình cắt nghĩa: đó là vì các môn đệ đến lấy trộm xác Thầy. Khi người ta không tin thì người ta có thừa lý do để cắt nghĩa. Nói như J.P Duplantier: “Ngôi mộ không trống cũng chẳng đầy, nhưng nó đã trở nên một ngôn ngữ”. Ngôn ngữ Phục Sinh! Người không định kiến, không duy lý, biết lắng nghe và thiện chí, là người biết nhận ra chân lý ngang qua các biến cố trong đời thường. Satan không thể tuyên truyền Chúa chết đối với những người như vậy.

* Chứng nhân như Phaolô:

Với một lời tuyên bố của Phaolo: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Đức tin đã biến thành hành động, Chúa Giêsu Kitô Phục sinh giữa thời đại ta đang sống bằng xương bằng thịt, có thể động chạm như các Tông đồ xưa được quyền động chạm đến thân xác Thầy để kiểm chứng; “Ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây” (Lc 24,39). Chỉ khác một chút là Đức Kitô bằng xương thịt theo đức tin của Phaolô, là xương thịt như ta, nhưng là xương thịt luôn có Đức Giêsu Kitô đồng hành, luôn có Đức Giêsu Kitô Phục Sinh sống động trong lời nói, cử chỉ, tư tưởng, việc làm... Một Đức Giêsu Kitô Phục Sinh như thế, mỗi người chúng ta có thể thực hiện được và như thế, không bao giờ Satan có quyền an nhàn tuyên bố thế giới hôm nay sống như Thiên Chúa đã chết.


Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,
những chứng nhân của mọi thời đại
vẫn còn luôn hiện thân trong thời đại của chúng con
như dấu chứng của một dấu chứng của một chân lý luôn ngời sáng.
Các chứng nhân ấy
cũng trở thành vĩnh cửu nhờ sát nhập vào sự sống Phục sinh của Chúa –
một sự sống chiến thắng thế gian,
chiến thắng Satan và sự chết.
Xin cho chúng con được theo sát dấu chân chứng nhân của các ngài
để chúng con nên nhân chứng cho thời đại chúng con đang sống.
Nhờ cuộc sống chứng nhân này,
chúng con cũng được thông phần chiến thắng của Chúa
cho tới ngày chúng con được cùng Hội thánh
hưởng vinh quang trong Nước Cha trên trời. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông điệp gửi người Phật tử nhân ngày lễ Vesakh
Phụng Nghi
00:20 05/04/2009
Vatican City (AsiaNews) - Một lời cám ơn gửi đến “các bạn Phật tử thân mến” vì những chứng ngôn đầy linh hứng về tinh thần vô trước và an nhiên”, cùng với lời mời gọi “chiến đấu” chống hình thức nghèo nàn “ngăn cản con người và gia đình sống xứng đáng với phẩm giá; một sự nghèo đói vi phạm công lý và bình đẳng, và như vậy, đe dọa sự chung sống hòa bình.” Đó là hai điểm căn bản trong bức thông điệp nhân ngày lễ Vesakh được công bố hôm qua của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn giáo.

Vesakh là một ngày lễ Phật quan trọng nhất, để tưởng niệm sự đản sinh, thành đạo và tịch diệt của Đức Thích ca, ba biến cố này đều xảy ra trong tháng Vesakh. Năm nay, lễ này nhằm vào ngày 8 tháng 4 tại Nhật bản và Đài loan, vào ngày 2 tháng 5 tại Hàn quốc, và ngày 8 tháng 5 tại các quốc gia khác có truyền thống Phật giáo.

Bằng những từ ngữ giản dị và thân mật, bức thông điệp bày tỏ sự gần gũi của người Công giáo với các cộng đồng Phật tử. Bức thông điệp viết: “Trung thành với các truyền thống tinh thần của mình, chúng ta cùng nhau không chỉ có khả năng đóng góp vào phúc lợi của những cộng đồng riêng của chúng ta, mà còn cho cả cộng đồng nhân loại trên toàn thế giới.”

Nhắc lại những lời Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI về tinh thần khó nghèo “được chọn lựa” và sự nghèo khó “phải chống trả” (thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2009, bài giảng Thánh lễ ngày 1 tháng giêng), Hội đồng Giáo hoàng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với việc “các vị tu sĩ nam nữ và nhiều giáo chúng sùng đạo đã “chọn lựa” nếp sống khó nghèo từng nuôi dưỡng trái tim con người về phương diện tinh thần, làm phong phú đời sống với tuệ giác sâu xa hơn về ý nghĩa cuộc nhân sinh.”

Đồng thời, bản thông điệp cũng minh thị rằng “đối với tín đồ Kitô giáo, chọn lựa nếp sống khó nghèo cho phép người ta đi theo bước chân Chúa Giêsu. Làm như thế, người Kitô hữu bỏ mình để nhận được ơn Chúa Kitô, Đấng vốn giầu sang phú quý nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng ta để lấy cái nghèo của ngài mà làm cho chúng ta trở nên giàu có (xem 2 Corintô 8:9 ).” Thông điệp cũng nhắc đến “nạn nghèo đói cần phải chống trả: đó là sự nghèo nàn về tình thương, luân lý và tinh thần”, những người sống trong các xã hội giầu có bị đặt ra ngoài lề, và “nhiều hình thức chán chường mệt mỏi, bất chấp cảnh thịnh đạt về kinh tế”, và kêu mời các cộng đồng Phật giáo “đề cao thiện chí của toàn thể cộng đồng nhân loại.”
 
Việc Phong Thánh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lẽ đã đến giai đoạn cuối
Bùi Hữu Thư
04:58 05/04/2009

Việc Phong Thánh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lẽ đã đến giai đoạn cuối



VATICAN (CNS)
– Họ mang hoa và những bức thư đến mộ ngài. Họ hát những bài ca để tưởng nhớ đến ngài. Và họ cầu nguyện cho việc phong thánh của ngài.

Lễ giỗ lần thứ tư của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngày 2 tháng 4 được đánh dấu bởi một sự háo hức tiếp theo các báo cáo cho hay Đức Cố Giáo Hoàng sẽ được phong Chân Phước vào ngày giỗ lần thứ năm trong năm tới.

Vatican đã im lặng trước các nguồn tin này. Nhưng tâm tư của hàng ngàn người kéo đến viếng mộ ngài năm nay và tụ tập tại Vương cung thánh đường thánh Phêrọ để tham dự lễ cầu hồn, lại chứa chan hy vọng.

Samantha Coveleski, 22 tuổi thuộc tỉnh Lewes, Delaware nói, "Biết bao nhiêu người đã nói đến việc ngài được phong chân phước. Đây chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi việc này xẩy ra. Ngài đang tiến nhanh tới việc phong thánh, và người ta chỉ còn chờ để chính thức hóa thôi.”

Coveleski là một trong những người chen chúc dưới hầm của Vương cung thánh đường thánh Phêrô ngày 2 tháng 4 để viếng thăm mộ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Họ để lại các ngọn nến, những bức hình và những lá thư, họ thì thầm các kinh nguyện bằng đủ mọi thứ tiếng. Trên phiến đã cẩm thạch trắng có ba bông hồng đỏ.

Coveleski nói, "Có biết bao nhiêu người yêu mến ngài hết sức. Khi bạn đến bên mộ, bạn có thể cảm nhận rằng đây là một việc trọng đại. Ngài đã đến với mọi người khi làm Giáo Hoàng, và nơi đây, bạn có thể thấy ngài được thương mến biết bao."

Đức Thánh Cha Benedict XVI dâng Thánh Lễ cầu hồn và nói ngài cầu nguyện cho “ơn phong Chân Phước” cho vị tiền nhiệm của ngài. Năm 2005, Đức Thánh Cha Benedict đã đưa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô vào con đường phong thánh nhanh chóng và không cần chờ đợi thời gian bình thường 5 năm trước khi xét án phong thánh.

Điều này dường như đáp ứng được những biểu ngữ "Santo subito!" ("Phong Thánh Ngay Bây Giờ!") đã được dương lên cao trong Thánh Lễ an táng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô.

Theo Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato, Bộ Trưởng Thánh Bộ Phong Thánh: giai đoạn giáo phận cho vụ phong thánh đã hoàn tất vào tháng Tư 2007. Tháng 11 vừa qua, một nhóm thần học gia cố vấn cho Thánh Bộ Phong Thánh bắt đầu nghiên cứu văn kiện đề nghị phong thánh dài 2.000 trang.

Đức Tổng Giám Mục Amato Archbishop Amato cho Radio Vatican hay là khi tài liệu này được hoàn tất, vụ án sẽ được các hồng y và giám mục thành viên của Bộ Phong Thánh xem xét. Nếu được chấp thuận, sẽ được trình lênh Đức Thánh Cha để có quyết định cuối cùng về một nghị định “khả kính” có nghiã là một người đã sống các nhân đức Kitô một cách anh hùng.

Trong khi đó, có một hiện tượng được cho là một phép lạ do sự cầu bầu của cố Giáo Hoàng – liên quan đến một nữ tu người Pháp được cho là đã khỏi bệnh Parkinson – đang được nghiên cứu trong một thể thức 5 giai đoạn bởi các chuyên viên y tế, một ủy ban y tế, các cố vấn thần học, các thành viên của Thánh Bộ và cuối cùng là Đức Thánh Cha.

Với nghị định “khả kính”, và một phép lạ được công nhận, việc phong chân phước sẽ xẩy ra.

Đức Tổng Giám Mục Amato nhấn mạnh rằng Toà Thánh không thể nào hứa hẹn một lịch trình cho những phần việc này. Sự kiện Vatican đang xúc tiến nhanh chóng vụ án không có nghĩa là “hấp tấp hay hời hợt,” nhưng trái lại đòi hỏi sự chú ý cẩn thận đến các chi tiết.

Phong Chân Phước năm năm sau ngày qua đời có thể không được dân chúng coi là nhanh chóng “subito,” nhưng vẫn là một kỷ lục mới trong giáo hội; ngay Chân Phước Mẹ Têrêsa thành Calcutta, người được mô tả là một vị “thánh sống” và cũng được miễn giai đoạn chờ đợi 5 năm, cũng phải mất 6 năm mới hoàn tất thủ tục.

Tuy nhiên, Toà Thánh vốn ưa thích các ngày kỷ niệm, và không ai phủ nhận ngày 2 tháng Tư năm tới là ngày trọng đại. Hồng Y Stanislaw Dziwisz thuộc giáo phận Krakow, thư ký riêng cho Đức Cố Giáo Hoàng và một trong những người thúc đẩy việc phong chân phước mạnh nhất, đã nói hồi tháng Ba là thể thức sẽ hoàn tất trong vòng vài tháng tới.

Hồng Y Dziwisz, có mặt tại Rôma nhân dịp lễ giỗ lần thứ tư cho các phóng viên hay là một sự việc được coi như một phép lạ đã xẩy ra mới đây ngay tại mồ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô.

Hồng Y Dziwisz nói: “Một bé trai 9 tuổi người từ tỉnh Gdansk, Ba Lan, bị ung thư thận và không đi đứng được, đã được cha mẹ đưa đến mồ. Khi họ rời nơi này, đứa trẻ đã nói với họ, ‘Con muốn bước đi,’và bắt đầu đi được và khỏe mạnh.”

Các giới chức Vatican không phổ biến 251 vụ khác được cho là những sự chữa lành “không giải thích được” và các biến cố khác được gán cho sự cầu bầu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và đã được lưu trữ vào hồ sơ. Cũng giống như Tổng giám mục Amato, các giới chức này nhấn mạnh sự cẩn trọng cho việc nghiên cứu đang tiến hành và cho hay là chưa có kết quả.

Báo Vatican, L'Osservatore Romano, đã đánh dấu lễ giỗ năm nay bằng cùng một giọng văn cẩn trọng, và viết rằng phong thánh cao trọng hơn việc đề cao một cá nhân được rất nhiều người mến chuộng.

Trong cùng một bài báo đã kể lại một câu chuyện ngắn về sự liên hệ giữa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô và Đức Thánh Cha Benedict, người khi còn là Hồng YJoseph Ratzinger đã phục vụ trên 23 năm dưới triều cố Giáo Hoàng với chức vụ bộ trưởng thánh bộ Tín Lý.

Bài báo viết, khi gặp gỡ để duyệt xét các bản thảo của các văn kiện quan trọng với các cộng sự viên cao cấp, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô thường ngồi lại sau khi đã thảo luận và nói: “Chúng ta cần phải xem lại vấn đề này một lần nữa. Theo sắc diện, Hồng Y Ratzinger có vẻ chưa hoàn toàn đồng ý. Chúng ta cần phải suy nghĩ thêm."

Trong Thánh Lễ Cầu Hồn, Đức Thánh Cha Benedict nhấn mạnh sự liên tục về đường lối làm việc giữa Đức Cố Giáo Hoàng và triều đại của ngài. Rồi, cũng như nhiều người đi trước, ngài đã xuống tới mộ Cố Giáo Hoàng để qùy và cầu nguyện.
 
Giáo Hội phải dám đề cập đến chính trị nếu không muốn phản bội Tin Mừng
Nguyễn Việt Nam
06:37 05/04/2009
(Catholic News Agency). Tuần qua, tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ, Đức Cha Jose Leopoldo Gonzalez, đã bảo vệ quyền của các Đức Giám Mục nước này đề cập đến những vấn đề chính trị, chống lại những khuynh hướng của một số chính trị gia muốn Giáo Hội im tiếng trên lãnh vực này.

“Giáo Hội phải dám đề cập đến chính trị nếu không muốn phản bội Tin Mừng”, ngài khẳng định như trên. Tuy nhiên, Đức Cha giải thích thêm “Giáo Hội không bao giờ nói theo kiểu chính trị phe phái vì Giáo Luật ngăn cấm điều đó”.

Trong một cuộc họp báo tại văn phòng Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ hôm thứ Tư, Đức Cha Gonzalez nhận định rằng dân chủ không có nghĩa là “đi bầu” nhưng còn có nghĩa là “quan tâm đến lá phiếu của mình. Theo nghĩa đó chúng ta có một con đường dài phải theo đuổi, và đây không phải chỉ là công việc của Giáo Hội nhưng của tất cả mọi người.”
 
Truyền thông lôi kéo 92,000 người xa lìa Giáo Hội quay về
Đặng Tự Do
07:25 05/04/2009


Một con số ước lượng lên đến 92,000 người xa lìa Giáo Hội tại giáo phận Phoenix Hoa Kỳ đã quay về trong năm qua nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của chương trình Catholics Come Home.

Chương trình Catholics Come Home gồm một loạt các chương trình truyền hình và các tài liệu trên mạng lưới điện toán toàn cầu nhấn mạnh đến những khía cạnh của đức tin thường bị hiểu nhầm. Bên cạnh việc trình bày những khía cạnh tích cực của Giáo Hội Công Giáo,chương trình cũng giới thiệu những con người thật, những chứng tá thật của những anh chị em giáo dân giáo phận Phoenix đã lìa xa Giáo Hội, lý do họ làm như thế và tại sao họ quay lại.

Vào những thời điểm có số khán giả đông nhất hàng đêm – và cũng là lúc mà chi phí quảng cáo Giáo Hội phải trả cho các đài truyền hình là đắt nhất – chương trình 2 phút của Catholics Come Home giới thiệu những khía cạnh của đức tin, Thánh Kinh, các phép bí tích; cũng như vai trò thiết yếu của Giáo Hội Công Giáo trong việc hình thành các nhà thương, các nhà nuôi trẻ mồ côi, các trường học tại địa phương cũng như vai trò của Giáo Hội trong khoa học, hôn nhân, đời sống gia đình, xã hội.

Một chương trình quảng cáo 2 phút khác trình bày những suy tư triết học sâu xa trong bối cảnh là những người nam nữ xem lại trước mắt họ cuộn phim về chính cuộc đời họ được quay lại với những điều tốt đẹp nhất và những gì thê thảm nhất đã diễn ra.

Một chương trình quảng cáo 2 phút khác nữa gồm chứng tá của những anh chị em đã xa lìa Giáo Hội và nay đã quay về. Họ nói với khán thính giả tâm tình trong những ngày xa Giáo Hội và niềm hân hoan khi trở về.

Tom Peterson, giám đốc sáng lập chương trình Catholics Come Home, cho biết thêm là chương trình này còn mua sách tặng cho những ai có ý hướng muốn tìm hiểu về Giáo Hội Công Giáo và gởi sách đến tận nhà dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Đây là một chương trình rất đồ sộ và rất tốn kém. Tuy nhiên, Đức Cha Thomas J.Olmsted nói: “Với những ai đã xa lìa Giáo Hội, không còn thực hành niềm tin của mình, chúng tôi muốn nói với họ là chúng tôi mong muốn họ quay về.”

Trước những thành công của giáo phận Phoenix, nhiều giáo phận khác của Hoa Kỳ cũng đã bắt có những chương trình tương tự. Từ đầu mùa Chay năm nay, giáo phận Corpus Christi ở Texas đã có chương trình tương tự bằng tiếng Anh và cả tiếng Tây Ban Nha.

Trong khi đó, hơn nửa triệu người Hoa Kỳ ở khắp 50 tiểu bang và cả từ 80 quốc gia khác đã vào xem các chương trình trên mạng lưới thông tin của giáo phận Phoenix. Quý vị có thể xem tại đây: http://www.catholicscomehome.org/
 
Những cố gắng phi thường của Giáo Hội Ba Lan để đưa ra ánh sáng vụ Katyn
Thúy Dung
14:41 05/04/2009
Lavrenti Pavlovich Beria
The Record - Liên Hoan Phim Điện Ảnh Quốc Tế tại Australia trong tuần qua đã trình chiếu cuốn phim Katyn: The Forest Of Death (Katyn: Cánh rừng xác chết) của đạo diễn Andrzej Wajda. Cuốn phim trình bày câu chuyện lịch sử bi đát của Ba Lan khi 25,700 quân nhân, viên chức, và thường dân Ba Lan bị cộng sản Liên Xô sát hại để đổ thừa cho quân Đức Quốc Xã. Cuốn phim cũng vinh danh những cố gắng phi thường của Giáo Hội tại Ba Lan và cả cá nhân Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong nỗ lực đưa ra ánh sáng vụ này.

Tháng Ba năm 1940, Lavrenti Pavlovich Beria (Лаврентий Павлович Берия) giám đốc cơ quan mật vụ Liên Xô NKVD (tiền thân của KGB) trình lên Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Liên Xô kế hoạch thủ tiêu 25,700 quân nhân, viên chức, và thường dân Ba Lan trong khu vực Kozielsk, một vùng giáp biên giới Ukraine và Nga.

Kế hoạch thủ tiêu được thông qua và giao cho tướng công an Petr Karpovich Soprunenko thi hành. Trong hơn một tháng, hàng ngày Soprunenko ký “danh sách tử hình” cho các biệt đội công an Liên Xô thảm sát các nạn nhân tại Tver, Kharkov và Smolensk. Thi hài các nạn nhân sau đó được đưa lên xe tải và ném vào mồ chôn tập thể tại cánh rừng chết Katyn.

Liên Hoan Phim Điện Ảnh Quốc Tế tại Australia đã trình chiếu cuộc phỏng vấn Đức Ông Zdzislaw J Peszkowski, một người tù nhân trong trại Kozielsk may mắn sống sót. Theo Đức Ông Peszkowski, ngay từ dưới thời cộng sản, Giáo Hội tại Ba Lan đã có nhiều nỗ lực để đưa vụ này ra ánh sáng.

“Vì danh Chúa - chúng tôi tha thứ cho họ - Nhưng vấn đề là sự thật và công lý phải được sáng tỏ”. Theo cha Peszkowski, đã có một sự câm lặng đáng sợ toàn cầu theo sau Hiệp Định Teheran 1943 giữa Wiston Churchill, Franklin Roosevelt và Stalin.

“Đầu tiên là hàng chục ngàn nạn nhân vô phương tự vệ bị ám hại, sau đó cả sự thật về câu chuyện bi đát này cũng bị ám hại.”

Trong cuộc vận động ráo riết để đưa vụ này ra ánh sáng vào năm 1991, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận xét: “Vấn đề Katyn luôn luôn hiện diện trong lương tâm chúng ta và không thể bị tẩy sạch khỏi ký ức của Âu Châu”.

Niềm an ủi đã đến cho các nạn nhân và gia đình họ khi đúng vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm 1992, Mikhail Gorbachev tuyên bố tại điện Kremlin là NKVD phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát này.
 
Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ Chúa nhựt lễ Lá tại Vatican
Bình Hòa
19:44 05/04/2009
VATICAN - Theo truyền thống, chúa nhật lễ lá mở đầu Tuần thánh, cũng gọi là mùa Thương khó, với bài trình thuật về cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu. Thoạt tiên bầu khí xem ra ảm đạm. Tuy nhiên, phụng vụ của chúa nhựt lễ lá cũng mang một sắc thái khác, đó là cuộc kiệu tưng bừng của các thiếu nhi đón rước đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem để hoàn tất kế hoạch cứu độ nhân loại. Đó là lý do mà ngày này được chọn làm ngày thế giới các bạn trẻ. Thực ra hai khía cạnh vừa rồi liên kết mật thiết với nhau. Các bạn trẻ được mời tham gia cuộc rước kiệu để tôn vinh Chúa Giêsu, không phải như một người hùng hay một vĩ nhân, nhưng như là Đấng Cứu chuộc nhân loại nhờ thập giá. Hàng năm ngày thế giới bạn trẻ được cử hành tại tất cả các giáo phân, còn đại hội quốc tế thì được tổ chức 2-3 năm một lần. Đại hội quốc tế lần chót đã diễn ra năm ngoái tại Sydney và lần tới sẽ đưọc tổ chức vào năm 2011 tại Madrid. Vào cuối thánh lễ do đức thánh cha chủ sự vào hồi 9 giờ rưỡi sáng hôm qua, đã có cuộc chuyển giao cây thánh giá cao 3 thước từ đại biểu giáo phận Sydney cho đại biểu giáo phận Madrid. Thực vậy, các buổi đại hội giới trẻ được đặt dưới cây thánh giá, biểu tượng của tình yêu phục vụ trao hiến. Vương quyền của Thiên Chúa được thiết lập nhờ thập giá chứ không nhờ quyền lực. Các bạn trẻ cũng như các Kitô hữu được mời gọi đi theo con đường ấy.

Bài giảng của đức thánh cha dựa trên đoạn Tin mừng theo thánh Gioan chương 12 (câu 20-34) đã được công bố vào chúa nhựt tuần trước, để giải thích về bản chất vương quyền của Chúa Giêsu. Vào lúc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, người ta đã tung hô Người như là Con Vua Đavit, kẻ khôi phục vương triều (xc Mc 11,9). Khi bị điệu trước toà tổng trấn Philatô, đức Giêsu cũng bị tố cáo vì tội nổi loạn vì tự xưng làm vua. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp ấy, người ta đã quan niệm vương quyền theo nghĩa chính trị trần tục. Vương quyền của đức Giêsu thì khác. Khác ở chỗ nào? Đức thánh cha nói:

Chúng ta có thể nhận thấy hai đặc trưng căn bản của vương quyền này. Thứ nhất, vưong quyền này trải qua thập giá. Bởi vì Chúa Giêsu đã trao ban mình hoàn toàn, ngày nay khi sống lại Người thuộc về tất cả mọi người và hiện diện với mọi người. Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta lãnh nhận kết quả của hạt lúa mì đã chết, tức là sự tăng gia những tấm bánh tiếp diễn cho đến tận thế và ở khắp nơi. Đặc trưng thứ hai của vương quyền này là tính cách phổ thế, bao hàm hết mọi dân tộc. Điều này đã có thể xảy ra bởi vì đây không phải là vương quyền của quyền lực chính trị, nhưng thuần tuý dựa trên sự gắn bó bằng tình yêu, một tình yêu đáp trả tình yêu của Chúa Giêsu đã ban mình cho hết mọi người. Chúng ta cần phải học hỏi nhiều về hai đặc trưng vừa nói, cách riêng là tính phổ thế. Điều này có nghĩa là không ai có thể đặt như là tuyệt đối bản thân mình, văn hóa của mình, thời đại của mình, thế giới của mình. Điều này đòi hỏi rằng tất cả chúng ta cần phải đón nhận lẫn nhau, biết khước từ một chút gì riêng tư của mình. Tính phổ quát bao gồm mầu nhiệm thập giá, sự vượt thắng chính mình, sự tuân phục lời của Chúa dành cho Giáo hội. Tính phổ quát và thập giá đi đôi với nhau. Có như vậy thì mới có hoà bình.

Chúa Giêsu nói tiếp: “Ai yêu chuộng mạng sống của mình thì sẽ mất nó; ai ghét mạng sống mình ở đời này thì sẽ bảo toàn nó đến muôn đời” (Ga 12,25). Ai muốn dành hết mọi sự cho mình, chỉ biết sống cho mình, thì sẽ mất. Cuộc sống ích kỷ của họ sẽ trở nên nhàm chán và trống rỗng. Chỉ khi biết từ bỏ mình, chỉ trong sự trao hiến mình cho người khác, chỉ khi đáp lại tiếng “Xin vâng” cho cuộc sống cao cả hơn, tức là Thiên Chúa, thì cuộc sống chúng ta mới trở nên bao la vĩ đại. Đó là ý nghĩa của nguyên lý tình yêu mà Chúa Giêsu đã đề ra cho các môn đệ. Thực vậy, yêu thương có nghĩa là từ bỏ mình, trao ban mình, không muốn chiếm hữu mình, không khép kín trong cái tôi, nhưng biết nhìn đến người khác. Nguyên lý tình yêu cũng trùng hợp với mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm của sự chết và sống lại của Chúa Kitô. Vào một lúc nào đó trong cuộc đời, Chúa đòi hỏi chúng ta hãy trả lời “xin vâng”, từ bỏ bản thân, hy sinh cái tôi của mình. Sự cao cả của cuộc sống nằm ở chỗ dám đáp lại tiếng “Xin vâng” như vậy: nếu không có sự hy sinh thì không mong gì sẽ cuộc đời sẽ thành công.

Tiếp tục suy niệm về đoạn Tin mừng, đức thánh cha ghi nhận rằng khi nghĩ đến cái chết, nghĩ đến hạt lúa mì phải tan rã, Chúa Giêsu cũng tỏ ra bồi hồi xúc động. Người cũng chia sẻ nỗi lo âu như chúng ta. Và rồi thánh Gioan ghi thêm hai câu nói của Chúa: “Tôi biết nói gì đây: Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”? (Ga 12,27) Đứng trước đau khổ, chúng ta cũng có thể kể lể than thở với Thiên Chúa, trình bày cho ngài những lo lắng của chúng ta, những khó khăn của chúng ta. Chúng ta đừng ngần ngại sống thành thực với ngài. Nhưng liền sau đó, thánh sử ghi thêm một câu nói nữa: “Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Cha” (Ga 12,28); những lời này cũng tương tự như Phúc âm nhất lãm: “Xin đừng theo ý con nhưng xin theo ý Cha (Lc 22, 42). Đây là điểm then chốt của việc cầu nguyện: biết rằng vinh quang của Thiên Chúa, chương trình của Thiên Chúa thì lớn hơn tư tưởng và ước muốn của ta. Cầu nguyện có nghĩa tin tưởng rằng đường lối của Chúa thì đúng, ý định của Chúa là chân lý và tình thương, cuộc đời của ta sẽ tốt đẹp nếu biết hoà hợp với kế hoạch của Chúa.

Trong phần kết luận, ĐTC đã nhắn nhủ các bạn trẻ: mỗi khi chúng ta chạm đến thập giá Chúa Kitô, chúng ta chạm đến mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Người Con yêu quý cho chúng ta. Thập giá nói lên tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Đồng thời nó cũng nói lên ý nghĩa cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta không biết đáp lại tiếng gọi của thập giá bằng tiếng Xin vâng, thì chúng ta không mong gì kết hiệp với Chúa Kitô.

Vào cuối thánh lễ, như đã nói ở đầu, đã có nghi thức chuyển giao thập giá từ phái đoàn giáo phận Sydney cho phái đoàn giáo phận Madrid. Trước khi xướng kinh Truyền tin và ban phép lành kết thúc, ĐTC cũng thêm lời kêu gọi các quốc gia hãy ký kết thoả ước ngăn cấm việc sử dụng mìn giết người, cũng như kêu gọi cộng đoàn quốc tế hãy quan tâm trước thảm cảnh của nhiều thuyền nhân bị thiệt mạng đang diễn ra trong những ngày này ở miền Nam Italia.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Paraguay: Một thách đố mới nơi xứ truyền giáo
Lm. Trần Xuân Sang, SVD
01:54 05/04/2009
Công tác đào tạo

Thế là tôi đã bước vào công việc đào tạo tại chủng viện truyền giáo vùng Nam Mỹ. Thực lòng mà nói nếu cho tôi có sự lựa chọn hoàn toàn tự do giữa việc truyền giáo và việc huấn luyện, tôi sẽ chọn việc truyền giáo như là ưu tiên số một cho đời tu của mình. Ngay từ thơ ấu tôi đã ước muốn trở thành một nhà truyền giáo như thánh Phan-xi-cô Xavie hay chân phước Đa-mi-en, tông đồ của người cùi ở Hai-ti, Nam Mỹ mà Giáo hội sẽ phong thánh cho ngài trong năm nay.

Tuy nhiên, trong đời tu tôi không thể tự do quyết định mọi ước muốn của mình vì tôi có lời khấn vâng lời. Chính vì lẽ đó mà tôi đã bước vào lĩnh vực huấn luyện cho các nhà truyền giáo tương lai trong môi trường chủng viện tại xứ truyền giáo với nhiều khắc khoải, âu lo.

Mặc dù có những sự chuẩn bị trước để bước vào công việc huấn luyện, tôi vẫn cò rất nhiều bỡ ngỡ và băn khoăn khi chính thức nhận việc. Những băn khoăn và bở ngỡ đó ngày càng lộ rõ khi các chủng sinh của tôi bắt đầu lộ chân tướng của nền văn hóa Nam Mỹ. Họ sống khá phóng túng, đòi hỏi nhiều tự do và thường xuyên phạm qui theo khuôn phép của Nhà Dòng. Vì ít ơn gọi nên một vài chủng sinh có tư tưởng họ là những thành phần ưu tuyển mà các chủng viện và Nhà Dòng phải đặc biệt quan tâm đến họ!

Tôi đã từng là một chủng sinh tinh nghịch và có cá tính mạnh. Các vị đào tạo của tôi thời đó là những người rất nghiêm khắc và quyền uy. Có những vị khiển trách rất nặng lời, thậm chí “bạt tai” hay dùng đến chân tay những chủng sinh nào vi phạm để răn đe và thậm chí cho ra khỏi Dòng ngay lập tức nếu chủng sinh nào cố tình vi phạm luật. Ở đây chỉ cần nói hơi nặng lời một tý là sẽ có vấn đề nên tôi đã cố hắng hết mình với sự kiên nhẫn hiếm có để có thể chế ngự những cơn nóng giận vô ích của tôi và tìm những giải pháp khả dĩ trong việc đối thoại với các chủng sinh của mình.

Với tư cách của một nhà đào tạo trong khuôn khổ của một chủng viện đa văn hoá, tôi đã cố gắng lấy câu Lời Chúa “Hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” làm châm ngôn sống cho đời mình. Phải nói thật rằng nhiều khi tôi muốn hét lên thật to, la lên thật lớn để giảm cơn tức giận vì những tu sĩ linh mục tương lai của mình phải nói là có những lối hành xử quá lố lăng và thiếu văn hoá! Tuy nhiên tôi đã kịp bình tĩnh và kìm hãm cơn nóng giận để thay đổi tình thế.

Một ngày lễ phong chức

Lần đầu tiên sau mấy năm sống ở Paraguay tôi mới có dịp dự một lễ phong chức linh mục của một ứng sinh người Paraguay. Phải nói thật rằng nếu không có các tu sĩ truyền giáo nước ngoài từ các Dòng tu quốc tế đến đây làm việc thì không biết lấy đâu ra số nhân sự linh mục tu sĩ đảm trách công việc mục vụ ở đây. Trong một cuộc họp định kỳ với các lin mục trong giáo phận tháng 3 vừa qua, Đức giám mục sở tại đã thông báo con số linh mục, tu sĩ và chủng sinh của giáo phận có lịch sử lâu đời này mà cảm thấy xót xa. Ngài cũng cho biết trước đây mỗi giáo phận đều có Đại chủng viện nhưng nay đã bán hoặc cho thuê vì không có ứng sinh. Mặc dù kinh phí cho việc huấn luyện luôn đặc ưu tiên hang đầu nhưng dường như các bạn trẻ ngày nay không mấy quan tâm đến việc tu trì.

Paraguay hiện tại có 16 giáo phận với số tín hữu hơn 5 triệu người mà số linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. 15 giáo phận đã cùng nhau gởi ứng sinh trong một đại chủng viện duy nhất mà con số chủng sinh Triết khá khiêm tốn là 61. Một giáo phận khác có chủng viện độc lập do một giám mục của hội Opus Dei vừa mới hình thành cách đây 3 năm mà chưa được Hội Đồng Giám Mục Paraguay chấp thuận thì có con số ứng sinh đông hơn 15 giáo phận kia gộp lại nhưng lại có quá nhiều vấn đề. Đức giám mục của hội Opus Dei gốc Argentina, đương kim giám đốc của đại chủng viện mới thành lập này đã gom tất cả các ứng sinh trong khắp đất nước để đào tạo gấp rút linh mục cho giáo phận của ngài nhưng ngài đã tính toán sai lầm. Năm đầu tiên khi điều kiện kinh tế dồi dào do một số người công giáo buôn lậu hay rửa tiền rồi cảm thấy hối hận nên giúp đỡ chủng viện để lương tâm bớt bị cắn rứt. Các chủng sinh được trang bị tận răng và hưởng những điều kiện vật chất sung túc nên họ hăng hái. Đến năm kế tiếp khi vị tổng thống mới từng là cựu giám mục quyết dẹp bỏ thảm nhũng và tệ nạn xã hội khiến những tên đầu cơ tích trữ hay buôn lậu dần dần sa lưới nên kinh phí cho các chủng sinh bị sa sút trầm trọng khiến hơn một nửa số chủng sinh cảm thấy đời tu không mấy hấp dẫn nữa và đã rút lui gọn nhẹ. Đây quả thực là một chuyện nhức nhối và đau lòng mà nói ra thì sợ cho là vạch áo xem lưng. Nhưng nếu không nói thì báo chí cũng đã nói hết rồi vì đây là một đất nước tự do không thể bưng bít được dù đó là chuyện của chính quyền hay là của giáo quyền. Nếu ai làm sai thì họ đều khui ra để thiên hạ được biết.

Quay lại chuyện dự lễ phong chức. Ở đây vì thiếu ơn gọi nên mấy năm mới có được 1 hay 2 linh mục mới. Những ứng sinh sẽ được phong chức ngay tại giáo xứ nơi họ sinh sống để cổ võ ơn gọi. Gia đình ứng sinh có thể mời bao nhiêu người tuỳ ý. Chính quyền điạ phương nơi ứng sinh linh mục được chịu chức sẽ ủng hộ một nửa số tiền để lo cho việc ăn uống vì đó là niềm hãnh diện của họ khi có một thành viên thuộc địa phương họ lên chức, nửa còn lại do cha xứ xin từ các nguồn khác. Gia đình ứng sinh linh mục không phải bỏ ra đồng nào để lo. Họ chỉ lo in một số giấy mời cho những người ở xa, còn lại là loan báo trên đài phát thanh thành phố hay địa phương ngày giờ diễn ra thánh lễ. Chuyện của giáo hội là chuyện của giáo hội. Họ muốn tổ chức ở đâu và khi nào là tuỳ vào giám mục và cha xứ chứ không phải là tùy vào ông quận trưởng hay tỉnh trưởng.

Tham dự thánh lễ chịu chức ở đây mà thấy thương cho các tân chức. Dù họ có nhiều khách mời, nhiều tự do thật đấy nhưng khâu tổ chức quá đơn sơ và phải nói là quá nhạt nhẻo. Vị giám mục chủ phong và các linh mục đồng tế không hề có được một cái khăn giấy để lau mồ hôi hay một ly nước mát để uống trước hoặc sau thánh lễ. Vị giám mục chủ tế và khách mời được phát một phiếu thức ăn để nhận phần ăn sau khi kết thúc thánh lễ. Linh mục chưởng nghi thì quên rất nhiều chi tiết quan trọng trong phần nghi thức phong chức nhưng vị giám mục chủ tế người Tây Ban Nha vẫn không hề lộ vẻ bực dọc mà âm thầm sửa sai. Phải nói thật nếu thiếu sự kiên nhẫn và lòng bao dung thì khó mà hợp hợp với dân tộc này.

Mục vụ di dân

Khi nhận bài sai làm việc huấn luyện, tôi cũng nhận thêm bài sai làm tuyên uý cho các cộng đồng đa chủng tộc tại vùng cực Nam của Paraguay này cùng với một linh mục người Argentina. Chính vị giám mục nguyên chủ tịch hội đồng giám mục Paraguay đã đến chủ sự thánh lễ và trao giấy bổ nhiệm cho tôi cùng với anh em linh mục người Argentina để coi sóc 24 cộng đoàn nằm rải rác trong địa hạt Obligado. Địa hạt này đa số là người gốc Đức, Ba-lan, Brazil, Nga-sô và Nhật Bản. Đúng là đất lành chim đậu. Đây là vùng có an ninh và sạch sẽ nhất của Paraguay. Đất nước của Paraguay nhưng ở tỉnh này chỉ có khoảng 40 phần trăm người Paraguay và người Paraguay chịu ảnh hưởng văn hoá của người gốc Âu châu nên cũng văn minh, lịch sự hơn. Từ lâu rồi nơi đây chỉ do các linh mục người Đức hay Ba-lan làm tuyên uý nhưng nay vì các cha tuổi già, sức yếu và không có người thay thế nên mới đưa một linh mục người Argentina đang làm Hiệu trưởng trường trung học và tôi, một người Việt da vàng, mũi tẹt kiêm nhiệm làm tuyên úy cho các cộng đoàn đa chủng tộc này.

Những ngày đầu mới về vừa phải lo việc huấn luyện, vừa phải lo thăm các cộng đoàn của người di dân khiến tôi cảm thấy uể oải và chán nản, nhất là một số người gốc Đức và Ba-lan tỏ vẻ kỳ thị người da vàng như tôi vì biết bao năm rồi họ đã quen dần với những mục tử là người đồng hương của họ. Nhưng rồi khi hai bên đã hiểu nhau thì họ bắt đầu cởi mở và quí mến tôi hơn. Đó cũng là một niềm an ủi khi tôi đang sống giữa một thế giới đa văn hoá với nhiều tập tục khác nhau.

Một kỷ niệm đáng nhớ là khi tôi đi cử hành lễ an táng cho một bà cụ người Đức nhưng chồng bà là người Ba-lan. Rồi các con cái bà kết hôn với người Brazil, Nga-sô, Nhật và Paraguay nên ngày hôm đó cả gia đình liên hiệp quốc của người quá cố đều có mặt. Những người thân và con cháu bà lại thuộc nhiều tôn giáo khác nhau vì là xứ tự do nên họ đã đề nghị tôi cho họ hát theo tôn giáo của họ, nhất là của những người thuộc giáo hội Tin Lành Luther. Không thể nào cấm cản họ được vì tôi là người mới đến và họ đã hát thật hay. Sống trong môi trường đa văn hoá, đa chủng tộc này cũng đã dạy tôi những điều bổ ích, nhất là lĩnh vực mục vụ di dân xuyên biên giới này.

Hôm nay ngồi viết lại những dòng tâm sự này trong những ngày đầu của Tuần Thánh như là một lời nhắn gởi đến những người bạn xa gần nhớ đến các linh mục, tu sĩ đang làm nhiệm vụ nơi tiền tuyến trong các lĩnh vực truyền giáo và cầu nguyện cho họ để họ nhận ra giá trị của công việc mà họ đang làm. Cũng xin cầu nguyện cho ơn gọi linh mục trong Năm Thánh Linh Mục để nhiều bạn trẻ biết dấn thân hơn trong cánh đồng truyền giáo ở các nước có nhiều tự do nhưng vắng bóng các vị mục tử nhiệt thành. Xin cầu chúc mọi người một mùa Phục Sinh tràn đầy ơn Thánh và cũng phục sinh với Chúa khi biết rũ bỏ con người cũ xấu xa của mình.

Paraguay, Lễ Lá 2009
 
Hội thảo của Ủy ban Loan báo Tin Mừng – Hội đồng Giám mục Việt Nam
Ban Thư ký UB. LBTM
05:22 05/04/2009
“Người thừa sai trên cánh đồng sứ vụ”

SAIGÒN – Từ ngày 23 – 25/3/2009 tại Trung Tâm Văn Hoá-Đức Tin (VHĐT) đã diễn ra cuộc hội thảo về Sứ vụ Truyền giáo do Ủy ban Loan Báo Tin Mừng (LBTM) tổ chức với chủ đề “NGƯỜI THỪA SAI TRÊN CÁNH ĐỒNG SỨ VỤ”.

Các thành viên tham dự gồm các linh mục Trưởng ban LBTM của 26 Giáo phận (GP), đại diện Hội Thừa Sai Việt Nam, đại diện 15 Giáo hạt của TP. HCM, đại diện 33 dòng tu/tu hội/tu đoàn và một số giáo dân. Các linh mục thuộc Đại chủng viện Thánh Giuse TPHCM và các linh mục của Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Saigòn cũng được mời tham dự.

Cuộc hội thảo được khai mạc lúc 14g ngày 23/3/2009. Sau khi Cha Đa Minh Ngô Quang Tuyên – Tổng Thư Ký UB.LBTM - giới thiệu thành phần tham dự, dưới sự chủ toạ của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục GP. Kontum - chủ tịch UB.LBTM, và chào mừng vị khách đặc biệt là Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống – chủ tịch UB. VHĐT, chương trình làm việc được bắt đầu với những lời định hướng của Đức Cha chủ tịch:

Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội, là bổn phận của mỗi Kitô hữu. Hội thảo này sẽ bàn tới:

1. Rà soát lại công tác truyền giáo những năm vừa qua với những sự kiện và con số cụ thể.
2. Phân tích những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, dưới những khía cạnh thực tế thuận lợi và không thuận lợi, những điểm tích cực và tiêu cực, những khả năng và những giới hạn của sứ vụ truyền giáo.
3. Định hướng những việc cụ thể cần làm, trong tương lai.

Lm. TTK trưởng ban tổ chức điều hành diễn tiến các buổi hội thảo. Các thuyết trình viên gồm: Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn – TTK UB Truyền thông Xã hội kiêm TTK UB Bác ái Xã hội phụ trách đề tài 1; Lm. Giuse Trịnh Tín Ý – TTK UB VHĐT trình bày đề tài 2; và Nữ tu Elisabeth Trần Thị Quỳnh Giao, Dòng Phan Sinh Thừa Sai (FMM) với đề tài 3.

Tổng số thành viên tham dự: 130 vị, đựơc chia thành 10 tổ có Tổ trưởng điều hành và thư ký ghi chép biên bản thảo luận. Các thuyết trình viên có khoảng 30 phút để gợi lên những điểm nhấn cần thảo luận tại các tổ. Nhờ đó, các ý kiến được đóng góp thật phong phú, tự nhiên. Sau những giờ thảo luận và đúc kết chung, các hội thảo viên thoải mái giao lưu trong giờ giải lao, nhất là trong 2 bữa cơm trưa tự phục vụ ngày 24 và 25/3/2009.

Tập tài liệu phục vụ cho cuộc hội thảo được in sẵn và phân phối cho các tham dự viên gồm 3 phần:

1/ Giáo huấn của Hội Thánh được trích từ 3 văn kiện: Huấn dụ 1659, Ad Gentes và Evangelii Nuntiandi.
2/ Các bản báo cáo tình hình truyền giáo của các GP, một số GP không gởi báo cáo bằng văn bản nhưng đã gởi hình ảnh minh hoạ về truyền giáo và Ban tổ chức đã thiết kế thành hơn 20 posters, được trưng bày cho cuộc hội thảo thêm phần sống động và trung thực.
3/ Một số bài tham luận diễn tả chân dung người thừa sai, soi sáng một số vấn đề còn đang được tranh luận hoặc mở ra những hướng mới cho sứ vụ tông đồ.

Ngoài những tài liệu trên còn những tài liệu bổ sung: Tập “Truyền giáo tại Châu Á” rất đặc sắc của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) do Lm. Tổng Thư ký tuyển dịch và thân tặng hội thảo viên cùng một số tài liệu khác của thuyết trình viên.

Một quyết định được công bố: Đức Cha thành lập Ban Thường vụ cho UB. LBTM để làm việc tông đồ hiệu quả hơn. Ban Thường vụ sẽ gồm Đức Cha, Cha TTK, 3 linh mục đại diện 3 miền (cụ thể: cha Xuân Lâm GP. Hà Nội – cha Minh Hảo GP. Ban Mê Thuột – cha Xuân Thảo GP. Xuân Lộc); 3 – 4 tu sĩ đại diện các Dòng Tu (cụ thể: chị Quỳnh Giao, Phan Sinh Thừa Sai – chị Oanh, Đa Minh – chị Gìn, Đức Bà Truyền giáo – Thầy Tân, Dòng Tên) và 3 giáo dân (cụ thể: ông Vũ Sinh Hiên – chị Ngọc Thuỷ Gx. Vinh Sơn – ông Đỗ Văn Lộc, nhóm Gia Đình cùng theo Chúa). Tổng cộng 11 – 12 người. Ngài cũng nhấn mạnh đến việc mở thêm các giáo điểm, lập các Ban Truyền giáo tại mỗi giáo xứ, phát động mạnh hơn phong trào đọc kinh gia đình, dùng một Kinh Truyền giáo chung trong cả nước (cụ thể là Kinh Truyền giáo của TGP Saigòn, đã có imprimatur của Đức Hồng Y), và in thật nhiều sách Kinh Thánh. Ngài cũng cho rằng những vấn đề trên cần được bàn thêm thật kỹ nhằm đạt hiệu quả tối đa.

Nói về bầu khí thiêng liêng, cuộc hội thảo đã được đặt dưới ánh sáng của Lời Chúa: khai mạc cuộc hội thảo là nghi thức cung nghinh Lời Chúa. Mỗi tổ trước khi bước vào thảo luận đều đọc đoạn Kinh Thánh soi sáng cho vấn đề cần thảo luận. Ngày kết thúc thảo luận 25/3 (lễ Truyền Tin) Cha Tổng Thư ký hướng dẫn lần chuỗi Mân Côi Mầu Nhiệm thứ nhất “Chúa Nhập Thể” là khởi đầu Tin Mừng vào trần gian, và Mẹ Maria gìn giữ, chia sẻ Tin Mừng ấy trong tinh thần khiêm tốn – yêu thương – dấn thân, là mẫu gương người thừa sai.

Buổi chiều, Cha Tổng Thư ký nồng nhiệt cám ơn Đức Hồng Y, 2 Đức Cha phụ tá TGP Saigòn, đã nhiệt tình hỗ trợ cho cuộc hội thảo, sau đó ngài hướng dẫn các thành viên quy tụ quanh vị Giám Mục chủ tịch UB. LBTM để lắng nghe huấn dụ cuối cùng, và cùng nhau đọc kinh Tin Kính tuyên xưng Đức Tin và lãnh phép lành trước khi dùng bữa trưa chia tay với bài ca “Ra về trong hi vọng và mừng vui ! Ra về trong an bình của Thiên Chúa ….”
 
Thư của Đức cha Chủ tịch HĐGM VN về Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam
+GM. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
16:22 05/04/2009
Thư của Đức cha Chủ tịch HĐGM VN
về Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam


TÒA GIÁM MỤC ĐÀLẠT

9 Nguyễn Thái Học
ĐÀLẠT – LÂM ĐỒNG
Email: tgmdalat@gmail.com

Đàlạt, ngày 19 tháng 3 năm 2009

Kính thưa Đức Hồng y và quý Đức cha,

Ngày 09/9/1659 Đức Thánh Cha Alexander VII thiết lập hai Đại diện Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài sau 125 năm hạt giống Tin Mừng bắt đầu được gieo xuống trên quê hương thân yêu chúng ta. Từ đây Giáo Hội Việt Nam từng bước được phát triển - dù phải trải qua nhiều đau khổ và thử thách, với đông đảo tín hữu anh dũng hy sinh tính mạng vì đức tin.

Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã ký Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thiết lập Phẩm trật Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, với 3 Tổng giáo phận gồm 20 Giáo phận trong đó có ba Giáo phận mới là Mỹ Tho, Đàlạt và Long Xuyên.

Tiếp đến, từng bước Giáo Hội Việt Nam có thêm các Giáo phận mới được thiết lập: Đà Nẵng (18/01/1963), Phú Cường, Xuân Lộc (14/10/1965), Ban Mê Thuột (22/6/1967), Phan Thiết (30/01/1975) và Bà Rịa (20/11/2005). Chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa !

Nay bước vào dịp mừng 50 năm biến cố lịch sử về việc thiết lập Phẩm trật Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam mong muốn cử hành Năm Thánh, "đi từ khởi điểm và chứng nhân đức tin đến tỏa sáng và chia sẻ niềm tin".

Được Hội Đồng Giám Mục ủy nhiệm, ngày 29/9/2008 tôi đã gửi Thư xin Tòa Thánh cho mở Năm mừng Kỷ niệm Kim Khánh và ngày 11/02/2009 Tòa Ân Giải Tối Cao, thừa lệnh Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gửi Văn thư trả lời về Năm Thánh từ ngày 24/11/2009 đến 02/01/2011.

Nay, xin kính gửi Đức Hồng y và quý Đức cha để tường và chuẩn bị cử hành tại quý Giáo phận.

Nhờ lời Thánh Cả Giuse, Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam chuyển cầu, xin Chúa thương ban tràn đầy niềm vui và bình an cho chúng ta.

Kính thư,

+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Giám mục Giáo phận Đàlạt
Chủ tịch HĐGM Việt Nam

VP TGM kinh chuyen.
 
Giáo dân giáo xứ Đồng Tiến Saigòn hiến máu nhân đạo ngày Lễ Lá
Maria Vũ Loan
17:37 05/04/2009
SAIGÒN - Sáng Chúa nhật 05/4/2009, ngày đầu Tuần Thánh, nhiều nhà thờ trong giáo phận Sài Gòn đã họa lại hình ảnh Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với nghi thức làm phép lá và rước lá.

Xem hình ảnh

Trong khuôn viên nhà thờ Đồng Tiến, hạt Phú Thọ, Sài Gòn cùng lúc đã diễn ra hai hình ảnh: đoàn rước lá và những giáo dân hiến máu nhân đạo.

Những chiếc lá dừa được quí sơ dòng Mến Thánh Giá đã biến hóa thành kiểu đẹp hơn. Nhiều người lớn có phần quen thuộc với hình ảnh này, vì đã có những lễ lá đi qua trong đời; nhưng có lẽ các cháu thiếu nhi thì vui một cách tự nhiên vì hôm nay được đi rước với cành lá trong tay, khác với ngày Chúa nhật bình thường. Dù các cháu chẳng hiểu hết ý nghĩa của lời tung hô vạn tuế từ miệng dân chúng Do Thái xưa dành cho một “vị vua” mà rất tiếc “vị vua” này không chọn thế gian – một thế gian có nhiều sự thống trị gian ác - làm nước của Ngài; và lời tung hô ấy ít ngày nữa lại chuyển thành lời kết tội Ngài rất hùng hồn.

Vị linh mục trẻ đứng giữa khuôn viên có cây xanh và hồ nước làm phép lá; màu áo đỏ ở giữa lùm cây làm cho người ta dễ liên tưởng đến cảnh Chúa Giêsu trong vườn Giệt-si-ma-ni bên cạnh cái họa sắp ập đến. Một người mà biết trước sự đau khổ sẽ xảy đến cho mình thì đáng sợ biết bao!

Đoàn rước trang nghiêm đi nửa khuôn viên nhà thờ rồi cùng dâng thánh lễ tại thánh đường. Trong khi đó, nửa khuôn viên còn lại của giáo xứ tấp nập giáo dân ở nhiều lứa tuổi khác nhau, đang tươi cười ở hành lang nhà xứ, làm thủ tục cho đi dòng máu chảy trong con người mình, với suy nghĩ sẽ cứu được người nào đó chẳng hề quen biết. Trên chiếc xe của đoàn y tế đậu trước phòng khách cha xứ lúc nào cũng có ba người cho máu trên xe. Không biết những bạn trẻ Công giáo khi duỗi thẳng cánh tay cho máu đi ra, có liên tưởng đến dòng máu đỏ tươi chảy trên trán cùng thân thể Chúa, một hình ảnh sinh động, thảm thương trong tuần này không?

Sau thánh lễ, các cháu thiếu nhi Thánh Thể đã thực hiện chặng đường thánh giá ngay trong lòng nhà thờ để tưởng niệm cuộc khổ nạn Chúa một cách đơn sơ; còn những giáo dân hiến máu tập trung tại phòng ăn bồi dưỡng sức khỏe bằng một bữa ăn và nhận những phần quà do giáo xứ tặng thêm. Các vị trong Hội Đồng Mục Vụ cũng có mặt như để biểu lộ trách nhiệm khi tiếp đoàn y tế.

Được biết, cha chánh xứ Gioan B. Trần Thanh Cao trong các thánh lễ Chúa nhật tuần trước đã khuyến khích giáo dân nên có lòng quảng đại, nghĩa cử đẹp trong tuần thánh bằng cách hiến máu cứu người.

Hai sự việc trong một buổi sáng mở đầu tuần thánh tại giáo xứ Đồng Tiến đã giúp giáo dân thêm lòng sốt sắng mà hiệp thông với Giáo Hội địa phương và chuẩn bị cho tam nhật vượt qua một cách ý nghĩa.
 
Đại hội giới trẻ tại GP Lạng Sơn với chủ đề ''Gia đình-trường học của tình thương''
Dominic Vũ
20:18 05/04/2009
LẦN ĐẦU TIÊN GIÁO PHẬN LẠNG SƠN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ VỚI CHỦ ĐỀ “GIA ĐÌNH – TRƯỜNG HỌC CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG”

Lạng Sơn - Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, được sự cổ võ và ủng hộ của Đức cha Giuse, cha đặc trách giới trẻ cùng với các linh mục và tu sỹ trong giáo phận lần đầu tiên tổ chức đại hội giới trẻ cấp giáo phận vào đúng ngày Lễ lá năm nay. Đại hội diễn ra từ chiều thứ bẩy cho đến hết trưa Chúa Nhật.

Dù hai giờ chiều mới chính thức khai mạc đại hội, nhưng những cách cổng của Nhà Thờ Chính Tòa Cửa Nam đã được rộng mở từ sáng sớm để đón tiếp các đoàn giới trẻ từ nơi xa đổ về. Nơi xa nhất là giáo xứ Hà Giang, để đết được Tòa Giám Mục Lạng Sơn, các bạn trẻ phải trẩy ngược lên phố núi với quãng đường trên dưới 400 km. Kế đến là các xứ Tà Lùng, Bó Tờ thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi địa đầu tổ quốc cách Tòa Giám Mục khoảng 200 km, dù đường không quá xa nhưng đèo dốc và hiểm trở nên cũng phải mất đến nửa ngày các bạn trẻ mới có thể về tới được nhà chung.

Đúng hai giờ chiều thứ bẩy các bạn trẻ toàn giáo phận đã hiện diện đông đủ trước khuôn viên Nhà Thờ Chính Tòa để chào đón Đức Cha, quý cha và các tu sỹ nam nữ trong giáo phận. Sau khi chia sẻ mục đích và ý nghĩa của ngày họp mặt, vị cha chung của giáo phận đã chính thức khai mạc đại hội. Kế đến là bài nói chuyện về đề tài: “Gia đình – trường học của tình yêu thương” được đảm nhiệm bởi cha Tôn Khánh Duy, dòng Đaminh. Về phần các bạn trẻ, sau khi nghe chia sẻ cùng với những câu hỏi gợi ý, đã tập hợp thành từng nhóm nhỏ để thảo luận chung và đặt ra những vấn nạn thiết thực liên quan đến đời sống gia đình. Để rồi những thắc mắc được chính vị chủ chăn của mình giải gỡ và đưa ra những giải pháp cho từng vấn nạn trong giờ chia sẻ của ngài sau phần “workshop”. Buổi chiều được kết thúc bằng giờ sám hối cộng đoàn để chuẩn bị cho các bạn trẻ đón nhận Bí Tích Hòa Giải sau đó.

Sau Thánh Lễ tối thì hội diễn văn nghệ được bắt đầu. Với sự đa dạng của đêm diễn, các bạn trẻ có dịp thi thố sự năng động và khả năng văn nghệ của mình. Nào múa, nào hát, nào kịch nhưng tất cả đều xoay quanh về chủ đề chính của ngày hội đó là gia đình. Đêm văn nghệ đã gởi gắp nhiều thông điệp và để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem.

Sáng hôm sau, tức Chúa Nhật Lễ Lá, sau giờ kinh và điểm tâm sáng các bạn trẻ lại tiếp tục bước theo tiến trình của đại hội bằng một trò chơi lớn. Đỉnh điểm của ngày đại hội là Thánh Lễ Lá được chủ tế bởi Đức Giám Mục cùng với sự đồng tế của Linh Mục đoàn. Thánh Lễ kết thúc sau lời tâm tình và dặn dò vị chủ chăn gởi đến từng bạn trẻ tham dự đại hội.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bài Ca Người Tôi Trung
Phanxicô Xaviê
20:10 05/04/2009
Bài Ca Người Tôi Trung

Dựa theo Is 42, 1-4a & 50, 4-11 để viết tặng 8 anh chị em giáo dân Thái Hà
và những nhà đấu tranh công lý ở Việt Nam.


Đây tôi trung, Chúa Thượng hằng nâng đỡ,
Người tuyển chọn và quý mến bội phần.
Cho Thần Khí Người ngự xuống trên họ,
Làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.

Cây lau bị giập, không đành bẻ gẫy,
Tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.
Nhưng mạnh mẽ trung thành với sự thật,
Không yếu hèn khuất phục lũ ngu si.

Hỡi dân tộc miền xa xăm, hải đảo,
Hãy chú ý và hãy lắng nghe tôi:
Với bạo quyền, đừng mong tôi gục ngã,
Cho đến ngày công lý được sáng soi.

Chúa thương tôi, Người đã ban nguồn sống,
Cho được làm môn đệ Đấng Thiên Sai.
Để tôi biết trọn một bề nhân nghĩa,
Người môn đệ trung tín với thiên thai.

Ngày qua ngày, Người vẫn luôn đánh thức,
Buổi sáng dậy và mở rộng đôi tai.
Để tôi biết lắng nghe người kiệt sức,
Và đỡ nâng tỉnh mộng lúc ban mai.

Ai tranh tụng, ai nào dám kết tội,
Vì tất cả như áo mục mối ăn.
Trong bóng tối, ánh sáng nào chiếu rọi,
Khi ngọn lửa các người tự đốt lên.
Sẽ thiêu trụi trong đớn đau cùng cực.
Cả thiên đường trần thế cũng hoang tàn.

Còn sợ chi đòn thù hay mắng nhiếc,
Có Chúa Thượng, Đấng phù trợ đây rồi !
Người ở bên, giúp tôi được công chính,
Cho rạng ngời Danh Thánh Chúa Thượng tôi.

Phanxicô Xaviê.
 
Văn Hóa
Giới thiệu sách mới của cha Nguyễn Trọng Tước
Trà Lũ
07:38 05/04/2009
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI CỦA CHA NGUYỄN TRỌNG TƯỚC

Gần đây tôi được người bạn thân tặng một cuốn sách đạo. Tôi vốn khô khan nên vẫn rửng rưng với sách đạo. Thấy cuốn sách in ấn thật đẹp, vì tò mò tôi cầm lên. Tiêu đề ‘ Kẻ Đi Tìm’, tác giả Nguyễn Tầm Thường. A, Nguyễn Tầm Thường thì tôi biết. Đây là một tác giả nổi tiếng, vừa là nhà thơ, nhà văn, nhiếp ảnh gia, một nhà tư tưởng, một nhà đạo đức học, và trên hết là một linh mục Dòng Tên. Đó là Cha Nguyễn Trọng Tước. Và cuốn sách đã cuốn hút tôi suốt một ngày.

Sách viết về hai tháng tác giả sống ở Đất Thánh Giêrusalem, đúng vào Mùa Lễ Phục Sinh năm 2006. Trước đây tôi có đi hành hương Đất Thánh một tuần. Nói là hành hương cho ra vẻ đạo đức chứ tôi di Đất Thánh như một du khách, cỡi ngựa xem hoa, nơi nào cũng đi qua, chả xúc động bao nhiêu, chả cầu nguyện chi nhiều. Còn đây, tác giả là một linh mục vừa thông thái vừa đạo đức, thuộc Kinh Thánh, lại sống đêm ngày hai tháng ròng rã, nên cuộc thăm viếng của Ngài hoàn toàn khác của tôi. Sự thâu lượm của Ngài thât là dồi dào phong phú. Ngài không viết phóng sự, mà ngài viết về những suy niệm khi thăm viếng nơi Chúa sinh ra, lớn lên, đi rao giảng, nơi bị bắt, bị làm nhục và nơi bị tử hình. Suy niệm trộn lẫn với lời cầu nguyện. Sách gồm 34 đề tài. Sau mỗi đề tài là những tấm ảnh màu, chính tay ngài chụp và ghi chú thích. Vì ngài là một nhiếp ảnh gia có tài nên các bức ảnh này rất đẹp và ý nghĩa. Tôi chưa bao giờ thấy cuốn sách nào viết về Đất Thánh Giêrusalem có nhiều ảnh mầu đẹp như vậy.

Ngài dẫn độc giả tới tất cả những nơi liên hệ tới cuộc đời Chúa Giêsu, từ nơi Thiên Thần Truyền Tin, nơi Đức Mẹ đi thăm Bà Eligiabet, hang đá Belem, núi Tabor nơi Chúa biến hình, nơi Chúa dạy các tông đồ Kinh Lạy Cha, hồ Tibêria, hồ Galilê, mái nhà Bêtania, Đền Thờ Giêrusalem, Vườn Giếtsimani, Dinh Caipha, Dinh Philatô, con đường Thánh Giá... Ngài vừa đi, vừa quan sát, vừa tìm hiểu, vừa cầu nguyện.

Đề tài nào tác giả cũng diễn tả thâm trầm. Riêng tôi, có 2 đề tài đã làm tôi xúc động lần đầu tiên trong đời, đó là đề tài Ngài nói về Hang Be Lem và đề tài nói việc táng xác Chúa Giêsu.

- Hang Bê Lem. Xưa nay, mỗi lần lễ Giáng Sinh là mỗi lần tôi nghĩ tới Be Lem với hang đá máng lừa, với cảnh Chúa Hài Đồng nằm yên trên máng cỏ, với Mẹ Maria và Thánh Giuse quần áo tươm tất, với thiên thần vây quanh, hang đá đầy ánh sáng và âm nhạc. Xưa nay chưa có ai nói cho tôi hay về cái bẩn thỉu bụi bặm của một hang đá hoang dã, Mẹ Maria sinh con ra mà không có nước tắm rửa, bần hàn nhơ nhớp, không một ai giúp đỡ, hai vợ chồng nghèo nàn, bơ vơ, và trơ trọi giữa cánh đồng. Tác giả đã cho tôi thấy cái hoang tàn bẩn thỉu khi Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần. Ngài đã chọn việc sinh ra trong cảnh nghèo hèn bẩn thỉu tưởng không có cảnh nào nghèo hèn bẩn thỉu hơn ! Xưa nay chưa bao giờ tôi nghĩ tới cảnh Chúa Giêsu sinh ra lại thê thảm như vậy. Xưa nay tôi cứ nghĩ hài đồng Giêsu lúc sinh ra thì sạch sẽ thơm tho, béo tốt hồng hào và tươi cười...

- Táng xác Chúa. Lúc Chúa tắt thở thì dưới chân thập tự có Đức Mẹ, có môn đệ Gioan và Mađalêna. Nhưng khi táng xác Chúa thì không thấy những người này. Cả bốn Phúc Âm chỉ nói tơi hai ngươi trí thức Do Thái, hai người ái mộ Chúa từ lâu nhưng lòng ái mộ dấu kín trong lòng. Đến khi Chúa chết, họ không vỡ mộng về niềm tin của mình, mà trái lại, họ công khai biểu lộ lòng tin. Đó là Ông Giosép và ông Nicôđêmô, cả hai là thành viên của Hội Đồng Do Thái, cả hai nhà giàu, cả hai là dân trí thức. Ông Giosép tháo xác, còn ông Nicôđêmô đem một trăm cân mộc dược trộn trầm hương để tẩm xác Chúa. Ông Giosép cho Chúa ngôi mộ của chính mình.

Xưa nay ít khi tôi nghĩ tới cuộc đời nghèo hèn cùng cực của Chúa Giêsu. Sinh ra không nhà. Khi giảng đạo thì ngủ đường. Chết thì không mồ, phải chôn nhờ. Hai người làm việc chôn cất lại là hai người Do Thái xa lạ, các người thân bỏ trốn hết.

Đó là hai điều tôi thu lượm được từ sách qúy, rất cá nhân.

Qua các bài suy niệm, ta thấy tác giả Nguyễn Tầm Thường là một người đạo đức thâm trầm, sống đơn sơ và khó nghèo. Chuyện bà sơ già Dòng Kín phụ trách bàn thờ Đền Pater Noster đã mở cửa để ngài vào làm lễ giữa ban trưa đã nói lên điều đó. Bà sơ đứng nép bên trong dự lễ. Lễ xong thì bà sơ già xuất hiện và xin ngài cầu nguyện cho mình. Bà sơ già sống ở đây đã lâu, đã xem bao nhiêu linh mục làm lễ, mà tại sao lại tỏ ra cảm động đặc biệt về buổi lễ do một ông cha da vàng nhỏ bé dâng? Rõ ràng là vì bà đã nhìn thấy vị linh mục này toát ra một sự thánh thiện đặc biệt. Có hai chỗ làm tôi quả quyết như vậy. Ngay trang đầu sách ngài đã nói tới việc ngài chuẩn bị làm lễ: ngài đọc trước các bài sách thánh sẽ đọc trong lễ. Tôi thấy nhiều linh mục đâu có chuẩn bị như vậy vì khi làm lễ các ngài mở sách lung tung, mở lên mở xuống. Rồi chương nói về Emmanuel: Chúa Ở Cùng Anh Chị Em, tác giả đã kể rằng nhiều linh mục ngay đầu lễ khi nói lời ‘Chúa ở cùng anh chị em’ mà không nói bằng tâm hồn, lòng trí linh mục còn đang lo tìm trang sách, đang mở sách, đang ngó vào sách chứ không nhìn vào giáo dân. Tôi thấy tác giả đã nói đúng, quả thực nhiều cha đã như vậy. Việc này làm giáo dân chia trí và thất vọng về cha chủ tế nhiều lắm. Xưa nay muốn biết linh mục nào đạo đức hay không thì tôi chỉ cần xem cách các ngài dâng lễ là thấy liền.

Cuốn sách đã lôi cuốn tôi, đã làm tôi suy nghĩ đại loại như trên.

Ngoài ra, một trong những lý do chinh phục được người đọc là tác giả đã sống ở Đất Thánh Giêrusalem vào chính mùa Phục Sinh, lâu những hai tháng. Hàng ngày tác giả đã sống giữa người Do Thái, người Hồi Giáo, người Palestine, Chính Thống Giáo, Tin Lành. Tác giả đã sống, đã cảm nghiệm, đã cầu nguyện, rồi sau mới ghi chép những suy niệm này. Đây là những kinh nghiệm sống, có thực, chứ không do tưởng tượng. Cũng như trước đây, khi viết về Mẹ Calcutta, tôi biết tác giả đã sang Ấn Độ và sống khó nghèo như người Ấn Độ trong 6 tháng. Tác giả đã sống thực, có kinh nghiệm sống, rồi tác giả mới viết.

Tác giả vốn là nhà thơ nhà văn nên nhiều chỗ tác giả viết văn rất hay, rất thơ. Văn xuôi mà đọc lên, nhiều đoạn nghe như thơ.

Đôi điều chân thành, xin trân trọng giới thiệu KẺ ĐI TÌM, tác phẩm thứ 12, sách mới nhất vừa phát hành của Cha Nguyễn Trọng Tước.

Toronto, Mùa Phục Sinh 2009

Trà Lũ

---------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ghi chú: Cha Nguyễn Trọng Tước hiện là tác giả của 2 tập thơ, 10 sách suy niệm, và 24 băng giảng thuyết. Muốn mua các tác phẩm này, xin liên lạc:

Hoa Kỳ:

Thái Bình Store, 14186 Brookhurst St, Garden Grove, CA 92843. USA

Tel: (714) 530-3011. caotbich@yahoo.com

Canada:

Hoàng Nga, 3669 Bloomington Cres, Mississauga, ON. L5M-7B3. Canada

Tel (905) 821-0276, hnga@sympatico.ca

Âu châu:

Nguyễn Thị Phương Anh, 56 Place St. Sebastien, Bte 10,

1420 Braine l’Alleud. BELGIUM

Tel: (32) 02-384-4243. nguyen-phuong-anh@hotmail.com

Úc Châu:

Ngo Tuyet Hoa, 24 Tarana Cres, St.Albans 3021, AUSTRALIA

Tel: 04-0362-0424. ngotuyethoa71@optusnet.au
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News