Ngày 12-04-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đường của Chúa - Đường dẫn về trời
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:26 12/04/2008
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH A

Ga 14, 1-12


Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Những năm tháng sống với các môn đệ quả thực hạnh phúc, Chúa đã sống với các ông, đã huấn luyện, dạy dỗ các ông và hé mở cho các ông thấy Nước Trời. Các môn đệ cứ tưởng, Thầy của mình sẽ sống mãi, sẽ làm vua, sẽ khôi phục nước Israen và các ông sẽ tha hồ chia nhau những chức vị trong Vương Quốc của Thầy. Nhưng, đùng một cái Thầy bị bắt, bị kết án tử hình, bị treo trên Thập Giá và rồi Thầy Phục Sinh đúng như lời Thầy đã nói trước. Chúa sống lại đã hiện ra với các ông để củng cố đức tin các ông và minh chứng cho các ông Ngài đã sống lại thật. Chúa Phục Sinh không thể ở lại mãi với các môn đệ trong thân xác Phục Sinh, Ngài phải trở về với Chúa Cha và dọn chỗ cho các Ngài.

CUỘC CHIA LY NÀO CŨNG MANG LẠI LO ÂU, BUỒN PHIỀN VÀ KHỔ ĐAU:

Sống trên gian trần người nào cũng có lúc phải suy nghĩ, lo âu, đau buồn vì những quyết định, về những trách nhiệm khiến họ mất ăn mất ngủ. Đặc biệt khi phải xa lìa người thân, cha mẹ, anh em vv…con người đều cảm thấy nôn nao, xao xuyến và đau buồn khôn xiết. Đối với các môn đệ, Chúa Giêsu đã ở với họ suốt 3 năm ròng, Thầy trò đã cùng nhau chia xẻ ngọt bùi, đắng cay.Nay, khi biết Chúa Giêsu không còn ở với mình nữa, các ông đâm ra hoang mang, xao xuyến tột độ. Đây là lẽ thường tình của con người, nhất là khi những người ra đi xa lại là những con người thân thiết, đã từng nếm ngọt chia cay với mình. Các môn đệ rơi vào trường hợp này.

NHƯNG CHÚA ĐÃ NÓI VỚI CÁC MÔN ĐỆ:

Chia ly, xa lìa buồn và lo âu, hoang mang thiệt, nhưng Chúa cho các ông biết sự ra đi của Ngài là hoàn toàn cần thiết và hoàn toàn có lợi cho các ông. “ Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em”( Ga 14,1-3 ). Chúa Phục Sinh cho các môn đệ hay Ngài đi về với Chúa Cha và cũng cho các môn đệ hay Cha của Ngài cũng là Cha của các Ngài và Cha của mọi người. “ Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy ( Ga 14, 6 ). Rồi Chúa quả quyết: “ Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” ( Ga 14, 6 ). Chúa là sự thật bởi vì Người dẫn chúng ta từ sự lo âu đến an bình, từ sự đau khổ đến vinh quang, từ sự chết đến sự sống, từ đời sống trần gian mau qua đến đời sống trường sinh. Đức Giêsu là sự thật. Sự thật về một Thiên Chúa hay chạnh thương và giầu lòng thương xót. Sự thật về một Thiên Chúa cứu độ và giải thoát con người. Đức Giêsu là sự sống. Sự sống vĩnh hằng, sự sống trường sinh. Sự sống ngay chính trong cung lòng Chúa Cha ban cho mọi loài được sống. Chúa là Đấng cứu độ duy nhất, Ngài muốn cứu tất cả mọi người, không trừ một ai, miễn là con người biết mở lòng ra để đón nhận ơn của Chúa.

Chúa là đường. Người đã trở nên người phàm là cốt để nơi Người, mọi người thấy được Chúa Cha. Người đã đi hết con đường của Người, con đường làm mọi người ngỡ ngàng, nhưng sau này con người đều hiểu bởi vì con đường ấy là con đường tình yêu, con đường Thập Giá và sự chết, mọi người sẽ chinh phục được sự thật của chính mình và sẽ đạt tới sự sống. Con đường của Chúa là con đường phục vụ, con đường tự hiến, con đường hẹp vì con đường rộng rãi dẫn tới hư vong. Chúa đã ngang qua Thập Giá để kéo mọi người lên cùng Chúa. Và tình yêu của Người là tình yêu cứu độ, tình yêu tự hiến và hy sinh:” Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ).

Đạo là đường. Chúa chính là đường, là cửa chuồng chiên. Ai muốn vào nước trời phải đi ngang qua cửa chuồng chiên.

Như một câu hát của Soeur Sourire:” Tất cả mọi nẻo đường của trần thếsẽ đưa ta về trời…”. Có ngang qua đau khổ, ngang qua thử thách, Thập Giá, con người mới có vinh quang, mới được sự sống đời đời. Các môn đệ từ Phêrô, Phaolô, Batolômêô, Tôma vv…tất cả đã kinh qua con đường đó vì họ đã tin nhận Chúa “ là đường, là sự thật, là sự sống” ( Ga 14, 6 ).

Lạy Chúa Phục Sinh xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn tuyên xưng Chúa là đường, là sự thật, là sự sống. Xin cho chúng con biết trải qua sự đau khổ mà Chúa đã kinh qua để chúng con cùng được vinh quang với Người. Amen.
 
Vang vọng
Lm Vũđình Tường
07:33 12/04/2008
Có nhiều giọng nói khác nhau. Người thích giọng này, kẻ khác thích giọng nọ. Mỗi người một kiểu, không giọng nào giống giọng nào. Trầm bổng, cao thấp, thánh thót ngâm nga, ngọt ngào, chua chát hay khàn khàn nhừa nhựa. Mỗi giọng phát ra một âm thanh đặc biệt, làn sóng phát âm cao thấp là đặc tính riêng của từng người. Có giọng từa tựa nhau. Không có giọng giống hệt nhau. Vì lí do đó mà ca sĩ thu hút độc giả ghiền giọng hát của họ. Chỉ cần nghe qua dĩa nhạc hay câu nói, người nghe xác định đích danh giọng vừa nghe.

ẤN TƯỢNG

Giọng nói chiếm một địa vị quan trọng trong cách xử thế và biểu lộ tình cảm. Qua đối thoại hay quan sát vài cử điệu đủ gây nên ấn tượng tốt xấu đối với người đó. Ấn tượng ban đầu chiếm ưu thế trong phán đoán về một người.

Nghe nói thấy mà ghét.

Nghe nói thật dễ thương.

Nghe qua biết là xạo.

Nghe thấy mất cảm tình.

Nghe qua biết dân vùng nào.

Nghe không tin được.

Nghe qua biết là dân nịnh bợ, đon hót.

Không chỉ con người mới biết phân biệt giọng của người. Con vật nhận giọng của chủ. Người ta huấn luyện chim nói, chó nghe, cá heo múa, voi đóng xiệc vì chúng nhận được giọng chủ. Hiểu chủ nhiều ít không rõ nhưng làm theo lệnh chủ là một thực tế rõ ràng.

CHỦ CHIÊN

Người chăn chiên dùng hình ảnh này nhắc nhở đàn chiên của mình. Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Chiên nghe biết giọng mục tử và đáp trả. Dù xa, dù gần, dù bận rộn cũng cố gắng đáp lại tiếng gọi. Đáp trả tiếng gọi bằng nhiều cách khác nhau.

VÌ YÊU

Trong tất cả các câu đáp trả. Đáp trả vì yêu, vì mến, thích và kính trọng mục tử là cách đáp trả cao quý hơn cả vì đáp trả đến từ trái tim, từ tấm lòng chân thành. Con tim mục tử phát ra làn sóng yêu thương và chiên đáp lại tình yêu đó. Hai khối tình gặp nhau: tình mục tử, tình chiên gắn bó.

PHÓ THÁC

Đáp trả vì tin tưởng, phó thác vì tin rằng mục tử nhìn xa, hiểu rộng biết nhiều và luôn ước mong điều tốt lành cho đàn chiên, chăm lo cho sự an toàn của chiên. Mục tử nhận ra nguy hiểm trước mắt, tiên đoán nguy hiểm trong tương lai. Thấy nguy lên tiếng gọi thu chiên về đàn, giúp chiên tránh tai nạn. Chiên đọc được ý nghĩ thầm kín tốt lành của mục tử và nhận ra lòng mến thiết tha mục tử dành cho. Vì thế chiên yên tâm, một lòng phó thác cuộc đời cho mục tử.

SỢ HÃI

Có trường hợp đáp trả vì sợ hình phạt. Không vâng lời sớm muộn gì cũng bị phạt nên tốt hơn hết đáp trả tránh phiền hà, than khóc sau này. Không đáp trả vì yêu mến mà mong làm tròn lề luật, tránh bị phạt, bị quở trách. Như thế không sợ mục tử mà sợ cây trượng của mục tử.

PHẦN THƯỞNG

Nhiều chiên nghĩ đến phần thưởng, nước thiên đàng mà ráng đáp trả tiếng gọi. Cứ làm đi đời sau Chúa trả công là câu nói khuyến khích, nâng đỡ hỗ trợ nhau khi hoạn nạn, lúc gặp sự khó, chán chường.

TẤM LÒNG VÀNG

Dù đáp trả với mục đích gì đi nữa thì mục tử cũng thấy an tâm hơn là chiên không nghe. Chiên đáp trả nhiều, nhận nhiều; đáp trả ít nhận ít. Chiên không đáp trả, chọn đi đường riêng. Sói rừng đến chiên tự chống đỡ. Thắng trầy da tróc vảy, thua làm mồi cho sói rừng, thú dữ. Chiên xa đàn chủ không đành lòng bỏ chiên cho sói rừng cấu xé, chủ vẫn âm thầm theo sau và sẵn sàng trợ giúp một khi chiên ngỏ lời xin giúp.

Chiên bất mãn vì bất cứ lí do gì mục tử nhân lành không bao giờ bỏ chiên. Khuyên bảo lí luận chiên nào có nghe. Can ngăn không xong, cản bước không được mục tử đành chào thua. Mục tử nhân lành đau lòng nhìn chiên đi hoang, cắn răng chịu đau. Thương chiên, biết chiên khổ, chiên gặp nguy, cứu không được vì chiên không muốn được cứu. Chiên đang tâm bỏ đàng lành, nghe lời khuyến dụ hoang đường, tin lời hứa hão huyền sớm muộn gì cũng sập bẫy. Chiên nào nhận ra nguy hiểm đang rình rập, chiên nào quan tâm nỗi lòng chủ chiên. Chọn con đường một chiều quyết tâm ra đi. Những ngày tháng hạnh phúc sống chung đàn, chiên làm ngơ.

CHAI ĐÁ

Nghe giọng nói hiểu cõi lòng. Khi cõi lòng đóng lại càng nói càng thừa, cõi lòng càng đóng kín, phản ứng chống lại càng mạnh. Tâm trạng của chiên bỏ đàn là thế, lòng chiên ra chai đá. Tấm lòng và giọng chủ chiên không thay đổi. Chiên không nhận ra lòng mình đã thay đổi chỉ biết đối kháng vì chiên nghĩ về mình nhiều quá, chú trọng đến mình nhiều quá mà quên là ngoài chiên ra còn có chiên khác cần chăm lo. Còn có những chiên lạc đàn cần mang về. Còn có chiên thương tích cần băng bó. Còn có chiên đau yếu cần thuốc thang. Chủ có cả đàn chiên cần chăm lo. Chiên khôn nghĩ đến nhu cầu của chiên khác để giúp đỡ, đời chiên hết u sầu. Chiên luôn nghĩ đến mình, đời chiên sẽ khổ đau vì cho đi chính là nhận lãnh.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
Nguyễn Vinh Gioang
11:52 12/04/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (27)

261. Với Chúa Giêsu, mọi sự đều trở nên vô cùng tốt đẹp

Tại Cana, nước lã đặt nơi xó vắng, nhờ Chúa Giêsu, đã trở thành rượu ngon được khen ngợi trên bàn tiệc.

Với Chúa Giêsu, những gì tầm thường trong con người và trong đời sống của chúng ta, đều trở nên vô cùng tốt đẹp.

262. Tư tưởng của người nóng nảy và của người hiền lành

Người nóng nảy và người hiền lành khác nhau trong tư tưởng: một bên thì đầy những tư tưởng tức tối, giận dữ, ghen, ghét, oán, hờn, tẩy chay, lên án...; một bên thì đầy những tư tưởng đại độ, rộng xét, xét đoán ngay lành, xét đến những mặt tốt của kẻ khác...

263. Lời nói của người nóng nảy và của người hiền lành

Người nóng nảy và người hiền lành khác nhau trong lời nói: một bên thì nói những lời chỉ trích, lời hống hách, lời chua cay, lời hiểm hóc, lời sâu độc, lời tức tối, lời tục tằn, lời thô lỗ, lời hung bạo...; một bên thì nói lời dịu dàng, lời lễ phép, lời êm ái, lời cao thượng, lời thành thật, lời thông cảm, lời tha thứ...

264. Thái độ của người nóng nảy và của người hiền lành

Người nóng nảy và người hiền lành khác nhau trong thái độ: một bên thì có thái độ thô lỗ, tàn bạo, hống hách, khinh dễ, kiêu căng, la ó, rộn ràng, mặt hầm hầm, mặt trợn dọc, tay tát, chân đá, làm hùm làm hổ, dọa nạt kẻ khác, dể nổi tam bành lục tặc...; một bên thì có thái độ hiền lành, nhịn nhục kẻ khác khi kẻ khác tức tối chửi bới họ, im lặng tha thứ khi kẻ khác làm mất lòng họ hoặc làm họ thiệt hại, nhã nhặn và lễ phép đối với kẻ mình không thích...

265. Có tư tưởng mà không đem ra thực hành thì cũng như không

Chúng ta hơn người nhờ chúng ta thực hiện những gì chúng ta đã suy nghĩ chín muồi trong đầu óc.

Điều quan trọng là phải đem ra thực hiện những gì chúng ta đã suy nghĩ trong đầu óc.

Có tư tưởng mà không đem ra thực hành thì cũng như không. Thống chế Foch nói: “Tôi không có những tư tưởng nào lạ thường đâu. Nhưng những tư tưởng nào tôi có, tôi thực hiện chúng.”

266. Ai là người trông cậy vào Chúa?

Người trông cậy vào Chúa không phải là kẻ tự hào lấy của cải thế gian làm thoả mãn, không phải là kẻ bi quan yếm thế, không phải là kẻ chán nản buông xuôi, không trông chờ gì ở tương lai, nhưng là kẻ, vì cảm nghiệm được sâu xa rằng chỉ có Thiên Chúa mới là hạnh phúc thật, nên tin rằng thế nào cũng chiêm hữu được Thiên Chúa cho mình và cho kẻ khác ngay khi còn ở đời nầy, và sau khi chết, ở đời sau.

267. Người công giao hoàn toàn tin tưởng vào bàn tay kỳ diệu của Chúa

Đứng trước một tương lai tối tăm và bấp bênh, người công giáo vẫn bình an và đầy tin tưởng vì họ biết rằng không có gì xảy đến cho họ mà không do bàn tay kỳ diệu của Người Cha của họ trên trời, là Thiên Chúa toàn năng (làm được mọi sự), toàn tri (biết hết mọi điều) và toàn ái (yêu thương không bờ không bến).

268. Người công giáo phục vụ anh chị em một cách hoàn toàn vô vị lợi

Chúa Giêsu không quản ngại một điều gì để giúp cho loài người. Cái chết trần trụi của Ngài trên thập giá là một sự nhắc nhở muôn đời về tình yêu lạ lùng nây: yêu không có giới hạn, yêu cho đến cùng.

Theo gương Chúa Giêsu, người công giáo chúng ta phục vụ anh chị em đồng loại một cách hoàn toàn vô vị lợi.

Chúng ta không phục vụ như người lính đánh thuê, như người làm công chờ được trả lương. Chúng ta không sống theo luật ích kỷ của người đời: cho để mà nhận chứ không phải cho để mà cho.

Khi phục vụ tha nhân, chúng ta không mong chờ được đền ơn đáp nghĩa, nhưng chỉ biết vui mừng vì được làm chứng cho tình yêu cao cả của Chúa Giêsu, Đấng chỉ biết phục vụ một cách hoàn toàn vô vị lợi.

269. Sự quan trọng của bầu khí gia đình trong việc giáo dục

Chính bầu khí gia đình ảnh hưởng vô cùng quan trọng trên các em.

Trong bầu khí yên vui của một gia đình hạnh phúc, đầy cảnh trên thuận dưới hoà, mọi thành phần đều yêu thương nhau, con trẻ sẽ được nẩy nở một cách kỳ diệu.

Trái lại, trong bầu khí ngột nagt của một gia đình bất hạnh, đầy cảnh lủng củng, không ai thật tình yêu thương ai, con trẻ sẽ mang lấy những ảnh hưởng xấu suốt đời.

270. Ta hãy thành thực khen kẻ khác

Khi khen ai, ta xem người đó là quan trọng.

Khi khen ai, ta làm cho người đó có thiện cảm với ta vì họ thấy ta quan tâm đến họ.

Muốn cho ai về phe mình, chúng ta hãy thành thật khen họ. Vì sao? Vì ai cũng thích được khen: người chồng muốn vợ khen vì mình vừa làm được một việc có kết quả; người vợ muốn được chồng khen vì mình đã công phu dọn một bữa cơm thậ ngon; bề trên muốn bề dưới khen vì mình đã đối xử đại độ đối với họ; bề dưới muốn được bề trên khen vì mình đã tận tâm làm việc; người con muốn được cha mẹ khen, học trò muốn được thầy giáo khen: ai cũng múôn được người khác khen.

Ta hãy khen kẻ khác một cách thành thật, khen tự đáy lòng. Đó cũng là một cách thực thi đức bác ái kitô-giáo.
 
Sống Một Đời Theo Ơn Gọi
Tuyết Mai
11:57 12/04/2008
Sống Một Đời Theo Ơn Gọi

Cuộc đời sống trên trần thế có phải cùng đích của tất cả chúng con là để được sống tốt đẹp, cho mình, gia đình, xã hội, và là cho tất cả anh chị em hay không? Sống biết có Chúa trên cao dõi mắt nhìn. Sống lương tâm không cắn rứt là khi chúng con đặt lưng xuống giường là ngủ liền. Sống tâm hồn bình thản an vui. Sống hạnh phúc với những gì mình hiện đang có bởi Chúa ban. Sống chấp nhận với những bệnh tật, nghèo khổ, khiếm khuyết, và thiếu thốn. Sống Bình An là khi mình giới hạn sự đòi hỏi. Hãy tập bỏ cái ”Muốn” mà thay thế vào cái mình ”Cần”!

Chúng con Cần Có Chúa trong cuộc đời.

Cuộc đời chúng con không có Chúa quả là cuộc đời vô nghĩa và vô vọng. Khi chúng con không cần có Chúa chẳng khác chi chúng con tự cắt đi ống dưỡng khí. Không có Chúa cuộc đời chúng con như cá mắc cạn. Không có Chúa cuộc đời của chúng con mất cả phương hướng và lạc loài cô đơn như thiếu ánh sáng, như người mù đi trong đêm tối. Vâng cuộc đời chúng con rất Cần có Chúa. Vì Chúa là tất cả cho cuộc đời chúng con Chúa ơi!

Chúng con Cần có anh chị em để Chia Sẻ.

Tưởng tượng nếu cuộc đời chúng con mà không có anh chị em để chia sẻ để yêu thương thì quả chúng con không được bình thường? Tưởng tượng nếu chúng con bị tai nạn và thoát chết trên một côn đảo chỉ có mình và thiên nhiên thì cuộc đời thật chán chường, buồn sầu, căng thẳng, điên, và có thể đưa đến cái chết dần mòn vì không có ai chia sẻ buồn vui với. Xin cho chúng con biết nhìn cái tốt của anh chị em chúng con mà sống hòa thuận với nhau vì chính chúng con chẳng có ai là hoàn thoàn chân thiện mỹ cả! duy chỉ có Thiên Chúa mà thôi! Cho chúng con hiểu rằng con người của chúng con ai cũng đều có hai mặt tốt và xấu. Chấp nhận được cái xấu của anh chị em thì rồi dần dà anh chị em cũng chấp nhận được cái xấu của chúng con.

Ngẫm nghĩ mà thấy Chúa của chúng ta hay lắm! Mỗi người Chúa tạo dựng nên, không ai giống ai cả! Cả là một tác phẩm tuyệt diệu và tuyệt mỹ Chúa nắn nót cho từng cá nhân một. Ai cũng có tánh tốt và tánh xấu, ấy thế mà sống nhường nhịn nhau để tạo thành một mái ấm, một cộng đoàn, một xã hội, và một quốc gia có luật lệ trên dưới đàng hoàng. Có phải nếu chúng ta ai cũng giống ai và ai cũng như ai thì chẳng khác chi là người máy và tất cả chắc sẽ không ai nhường ai. Vì tôi thích ăn bánh hạnh nhân thì tất cả đều thích ăn bánh hạnh nhân thì quả sẽ có chiến tranh vì tranh dành, từ con nít cho đến người lớn.

Chúng con Cần được Thông Cảm và được Cảm Thông.

Cuộc đời nếu không có sự thông cảm và hiểu nhau thì quả chúng con sẽ không được thoải mái và bình an. Trong gia đình vợ chồng rất cần sự thông cảm lẫn nhau để không hiểu lầm mà làm mất đi hòa khí gia đình. Cha Mẹ phải biết thông cảm cho con cái và hiểu chúng để chúng tin tưởng mà không làm điều sai quấy để trở thành hư hỏng. Ngoài đời chúng con càng phải biết thông cảm vì trăm người là trăm ý. Trong gia đình mà còn có sự khác biệt hà huống gì ngoài đời là người dưng nước lã. Có thông cảm thì hiểu người hơn và ít cố chấp hơn là người thiếu hoặc hoàn toàn không có sự thông cảm.

Chúng con Cần biết Xin Lỗi và Phục Thiện.

Lậy Chúa! Đây mới là điều khó khăn nhất cho chúng con vì Lậy Chúa cái Tôi của chúng con lớn lắm Chúa ạ! Không thể nào được vì sao? Vì đó là thể diện của Chúng con và là niềm tự hào của chúng con. Xin lỗi chỉ dành cho hạng người cổ bé và nghèo khổ. Không thể nào áp dụng cho chúng con được. Ai đời quyền cao chức trọng như con mà làm gì phải mở miệng đi xin lỗi ai. Cái gì con làm cũng đều đúng cả! và không ai có quyền bảo là con làm sai. Tuyệt đối. Còn phục thiện ư!? Lại còn khó hơn là xin lỗi nữa! Có ai dám nói là con sai mà con phải cần phục thiện? Công nhân mà con nghe được là mất việc ngay với con.

Xin cho chúng con biết bỏ bớt cái Tôi để còn nhìn thấy anh chị em đang cần sự giúp đỡ của chúng con. Để đừng nói những lời nặng nhẹ mà buồn lòng anh chị em của chúng con. Bởi chúa ban cho tất cả chúng con quyền làm người bằng nhau và kính trọng lẫn nhau. Ai có dư phân phát cho ai không có. Ai may mắn sống trong nhung lụa chia sẻ cho kẻ đói ăn. Ai lành lặn tìm đến với người khuyết tật để an ủi họ. Ai có lòng và trái tim giống Chúa sẽ tìm đến tất cả anh chị em ai có nhu cầu, dù một nụ cười, một câu nói, chịu lắng nghe, một cái ôm vỗ về, tất tất chẳng đòi hỏi tiền bạc nhưng là cả một tấm lòng và trái tim biết rung động trước tình cảnh của anh chị em.

Chúng con Cần sống Khiêm Nhường và Bác Ái.

Lậy Chúa sống trên đời ăn thua nhau có mỗi cái chức quyền và thế lực mà Chúa lại bảo con khiêm nhường ư!? Không thể nào được đâu Chúa ơi! Cha Mẹ chúng con đã tốn bao nhiêu tiền của để chạy chức vụ cho con mà bảo con cúi đầu khiêm nhường sao được? Chạy tiền đâu có ít hở Chúa? Giữa con người và con người chỉ khác nhau có ở chỗ đó! Đi đâu là phải được đón rước và phục dịch như ông bà hoàng thì con mới hả hê và thỏa thích. Được mọi người biết đến. Được mọi người cúi đầu chào. Được gọi ông ông và bẩm bẩm thì con mới ưa mà bố thí chứ không thì cút xéo, con không cần biết họ là ai.

Lậy Chúa! Con có biết sống Bác Ái đấy chứ như vừa mới đây con có bố thí cho một Cô Nhi Viện và được báo chí và đài truyền hình nói rất nhiều về con, Chúa không hay biết gì ư!? Hình của con còn đầy trên mấy mặt báo. Cho như thế thì con mới cho chứ Chúa lại bảo con cho tay trái mà đừng để cho tay mặt nó biết. Đôi khi tay mặt của con nó thấy cho nhiều quá nó lấy bớt lại thì cũng có sao đâu!? Đời con còn dài Chúa ơi! Con thích cứ mỗi tháng lại thấy cái mặt con trên vài tờ báo như vậy mới là có tiếng trong giới thương mại và trong giới của những tai to mặt bự chứ Chúa. Chúa cũng đâu đến nỗi khe khắt và hạn hẹp với con phải không Chúa, đâu có đáng chi để Chúa để ý!?.

Chúng Con Cần Biết Cảm Tạ Thiên Chúa.

Cuộc đời là những chuỗi ngày dài Cảm Tạ. Cảm Tạ Thiên Chúa Quyền Uy Toàn Năng Hằng Hữu của chúng con. Xin cho chúng con biết cảm tạ Thiên Chúa ngày đêm, từng giây từng phút, và từng ngày tháng trôi qua cho đến hết cuộc đời ngắn ngủi giới hạn của chúng con. Cảm tạ Chúa luôn ban cho chúng con mọi thứ, mọi điều, mọi cái chúng con là, và mọi cái chúng con đã, đang, và sẽ có. Xin cho chúng con biết cảm nhận Tình Yêu Vô Biên mà Chúa đã Hy Sinh cho tất cả con cái của Ngài.

Xin cho chúng con biết chấp nhận cuộc sống hiện tại dù thiếu thốn, tật bệnh, cực khổ, buồn sầu, neo đơn, già nua, bệnh của thời đại là đua đòi tranh chấp và bon chen, mệt mỏi, và căng thẳng đến đâu chăng nữa! Có Chúa là chúng con có Tất Cả. Chúa sẽ ban cho chúng con thêm Sức Mạnh, Ơn Bền Đỗ, Phó Thác, và Cậy Trông, thì mục đích sống nơi trần gian này sẽ Biến Thành những chuỗi ngày vui Hạnh Phúc Trong Tình Yêu của Chúa và anh chị em của chúng con. Xin cho chúng con biết chấp nhận mà đừng kêu ca than thân trách phận. Bởi càng than thì chúng con càng chưa nhận biết Tình Yêu của Chúa? Bởi càng than thì chúng con chưa biết sống hy sinh bỏ mình mà sống cho Chúa và cho anh chị em? Bởi càng than thì sự cám dỗ càng mạnh sẽ dễ dàng làm cho chúng con xa Chúa hơn vì tiền bạc vì những mối lợi vô bổ và rất nguy hiểm cho Linh Hồn của chúng con.

Chúng Con Cần Biết Sống Theo Ơn Gọi của chúng con.

Lậy Chúa! Vâng xin cho chúng con biết sống một cuộc đời Theo Ơn Gọi của chúng con mỗi ngày cho nên dù chúng con là ai đi chăng nữa! là một học sinh nghèo, một công nhân, một nông dân, một ăn mày, một người bán vé số, một thầy dòng, một sơ, một linh mục, một luật sư, bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, thầy giáo, nhân viên công xưởng, thương gia, v.v…

Cùng đích của một cuộc đời Vĩnh Cửu là tất cả chúng con được trở về Quê Cha của chúng con ở Trên Trời. Một nơi mà Hạnh Phúc Sẽ Muôn Đời luôn được bên cạnh Ba Ngôi Thiên Chúa là Cha là Con và là Thánh Thần
. Amen.

Xin Như Một Tông Đồ

Lậy Chúa! Xin cho con như Tông Đồ Ngài.
Được đến khắp chốn khắp nơi trên địa cầu.
Truyền giảng Nước Chúa đến nơi cho mọi nhà.
Đem An Bình của Chúa đến muôn nơi.

Lậy Chúa! Xin cho con luôn bên cạnh Ngài.
Từ bỏ tất cả thế gian không nề hà.
Dù phải vất vả sống hy sinh từng ngày.
Chỉ mong được Hạnh Phúc mãi không lo.

Lậy Chúa! Xin cho con luôn an phận đời.
Đừng phải dính bén thiết tha trên bạc tiền.
Đừng phải mắc lỗi trước Thiên Nhan của Ngài.
Luôn Phụng Thờ vì sống có bao lâu.

Lậy Chúa! Xin cho con yêu thương mọi người.
Dù có những lúc phải nghe không thuận lòng.
Dù có những lúc mắt gai nhưng phải đành.
Xem cuộc đời là gió thỏang mây bay.

ĐK:
Lậy Chúa! Xin cho con qua cuộc sống này.
Dù đường đi quanh co dẫn về Nước Trời.
Lậy Chúa! Đôi khi mây giăng mù lối về.
Chỉ cần có Chúa Giúp Sức Dắt Con Đi.
Chỉ cần có Chúa Giúp Sức Kéo Con Về. ... Nẻo Ngay.
 
Chúa Nhật Chúa Chiên Lành: Ngày cầu nguyện cho Ơn Gọi
Lm Anphong Trần Ðức Phương
12:03 12/04/2008
CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN NHÂN LÀNH

Ngày cầu nguyện cho Ơn Gọi

• NGÀY CẪU NGUYỆN ĐẶC BIỆT CHO CÁC CHỦ CHĂN TRONG GÍAO HỘI.
• NGÀY CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI (World Day of Prayer for Vocation).
• KINH CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH MỤC ĐỤƠC ƠN THÁNH HÓA.
• KINH CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI (Vocation Prayer).

Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh, thường được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Câu xướng trước Phúc Âm cuả các năm A, B và C đều trích trong Phúc Âm Thánh Gioan (10,14): “Ta là Mục tử nhân lành, Ta biết chiên của Ta, và chiên của Ta biết Ta!” Các bài Phúc Âm năm A, B và C đều trích trong Phúc Âm của Thánh Gioan:10, 1-10 (Năm A); 10,11-18 (Năm B); 10, 27-30 (Năm C).

Trong các bài Tin Mừng trên đây, Chúa Giêsu xác định Ngừoi chính là cửa của đoàn chiên, và cũng chính là người chăn chiên nhân lành. Chỉ những chủ chiên nào đi theo cửa của Ngừơi (theo đường lối của Người) mới là chủ chiên thật (Gioan 10,2).

Suy nghĩ về Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Cha M. D. Phillippe, O.P. viết những lời suy niệm sau đây:

“Mọi công việc trong cuộc đời truyền giáo của Chúa Kitô, vị Chủ Chăn Nhân Lành, đều đơn giản là những công việc của tình thương xót đối với đoàn chiên, đối với mọi người. Tuy nhiên, chính nơi cơn “hấp hối” tại vườn “Cây Dầu” và trên Thánh Giá mà chúng ta cảm nghiệm được trọn vẹn Lòng Thương Xót của Chúa.

“Mọi khổ đau của những người tội lỗi, mọi hậu quả của tội lỗi, Chúa Kitô đều vui lòng mang lấy vào mình. Không một khổ đau nào của nhân loại xa lạ với Chúa Kitô. Người thấu suốt tất cả và mang lấy tất cả vào trong thâm sâu của trái tim Người. Người đã sống những giây phút thật căng thẳng mà không ai có thể cảm nghiệm được. Người mang lấy tất cả vì tình yêu vô biên đối với mọi người chúng ta. Tình thương xót của Chúa thật huyền diệu và đi đến tuyệt đỉnh!

“Là vị Mục Tử nhân lành, Chúa Kitô biết những điều Người phải làm. Người biết từng con chiên với những yếu đuối và những nhu cầu của từng con chiên. Người biết rằng để trở nên một Mục Tử nhân lành theo đúng ý nghĩa, người chủ chăn phải yêu mạng sống của con chiên hơn mạng sống của mình; phải muốn đặt mình vào hạng những người tội lỗi, vào hạng những người bị ruồng bỏ để có thể cứu vớt mọi người; phải dám ‘tự hủy ra không’ để có thể chấp nhận mọi bất hạnh, khinh chê, và bị coi như tầm thường hơn hết mọi người!

Khổ hình Thập Giá với ý nghĩa đặc biệt trọn vẹn của khổ đau để cứu chuộc, đã tỏ cho chúng ta thấy rõ tình thương xót vô biên của Chúa. Không từ chối gì cả, Người đã chấp nhận mọi khổ đau, mọi nhục nhã, mọi gánh nặng tới mức không còn có thể chịu đựng hơn được nữa. Như vậy, lòng Thương Xót của Chúa không phải chỉ ở chỗ tìm đến để giúp đỡ những người yếu đuối, mà còn ở chỗ, như một người mẹ, cúi mình xuống tận những kẻ đã sa ngã và cúi xuống sâu hơn họ để cứu vớt họ và nâng họ lên (chứ không phải kéo họ lên; Người đã vác con chiên lạc lên vai và đưa về đoàn, đưa về lại cuộc sống).

Tự hạ mình xuống sâu thẳm, Chúa Kitô đã muốn bị coi như kẻ đáng tội hơn cả Babara (Mat-theu 27,16...), như một kẻ tội phạm công khai, như một kẻ nói phạm thượng, như một kẻ thù của lề luật Moise, kẻ không chịu giữ ngày Sabat, một kẻ nguy hiểm quấy phá dân chúng. Hơn nữa, Chúa Kitô còn muốn trở nên như một đồ vật mà người ta che mắt không dám nhìn, đến nỗi khi đã chết rồi còn bị người ta đâm vào cạnh sườn thấu tới trái tim.

“Như vậy, Tình thương xót của Chúa là một thực thể bao quát tất cả con người, không một chi thể nào trong thân thể của Người không bị thương tích, và linh hồn Người cảm thấy buồn sầu đến chết đi trong cơn hấp hối (Mat-thêu 26,38).

Hy lễ thập giá thật là một sự tôn thờ tuyệt đỉnh và cũng biểu lộ tình Chúa thương xót đến tuyệt đỉnh. Nơi trái tim của Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá vừa mang sự Thờ Phượng (Chúa Cha), vừa mang tình thương xót nhân loại như anh em để giúp đỡ họ, an ủi họ, chuộc lấy mọi tội lỗi của họ và đem lại cho họ nguồn sống mới.” (Dịch theo bản tiếng Anh, trong Magnificat, April 2005, Fourth Sunday of Easter; những chữ ở ngoặc đơn là chú thích của người dịch).

Ðọc những dòng trên đây, chúng ta càng hiểu biết sâu xa hơn tình thương xót cuả Chúa Giêsu, Ðấng Chăn chiên nhân lành, đối với đoàn chiên như thế nào, đến nỗi đã chấp nhận mọi khổ đau đến cùng cực và đổ đến giọt máu cuối cùng cho đoàn chiên của Chúa! Và khi không còn sống ở trần gian nữa, Người vẫn tiếp tục “nuôi sống đoàn con” bằng chính Mình và Máu Thánh Người hiện diện thật sự trong Hình Bánh và Hình Rượu (Bí tích Thánh Thể), và thánh hóa đoàn chiên bằng các “phép Bí tích nhiệm mầu.”

Thực sự, qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu vẫn ở với Giáo Hội “ mọi ngày cho đến tận thế!”( Mattheu 28,20) Chúa Giêsu vẫn là vị Chủ Chăn chính điều hành Giáo Hội và qua các thời đại Chúa luôn luôn dẫn dắt đoàn chiên Chúa nhờ sự lãnh đạo của các vị chủ chăn Chúa chọn. Chúa đã chọn Thánh Phêrô và các Thánh Tông đồ và thành lập Giáo Hội Chúa kể từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Ngài và thánh hóa các Ngài. Từ đó, qua từng thế kỷ, Chúa vẫn tiếp tục gọi và chọn một số người để làm Chủ chiên chăn dắt Ðoàn chiên Chúa.

Chúa chọn ai?

“Chúa chọn những người mà Chúa muốn (Matco 3,13 ) và trao cho những nhiệm vụ theo Thánh ý Chúa: Người thì làm Tông đồ, người thì làm Ngôn sứ, người thì chuyên rao giảng Tin mừng, người chuyên lo việc quản trị và giảng dạy... (Thơ Epheso 4,11). Không ai có quyền đặt mình vào địa vị trong Giáo Hội, nhưng tất cả đều do Chúa chọn và cắt đặt.

“Nhưng tại sao Chúa chọn con?”

Vào những ngày sắp chịu chức Linh Mục, theo sự hướng dẫn của Cha Linh hướng và Cha Giảng Phòng (giảng tĩnh tâm để chuẩn bị chịu chức Linh mục) tôi thường cầu nguyện và nói thầm với Chúa: “Tại sao Chúa chọn con?”... Rồi vào ngày Lễ Truyền Chức cũng như dịp Lễ “Mở Tay” (Lễ Tạ Ơn) tôi thật cảm động khi nghe ca đoàn hát: “Không phải vì con Chúa chọn con! Nhưng vì bí nhiệm tình yêu Chúa!.

Vâng, “không phải vì con Chúa chọn con” nhưng Chúa chọn “những ai mà Chúa muốn” (Matcô 3,13), sau khi Chúa đã lên núi một mình để cầu nguyện suốt đêm ( Luca 6,12 ). Ðó thật là một sự kỳ diệu của Ơn Gọi theo Thánh Ý Chúa. Chúa gọi Phêrô dù Ông đã “chối Chúa tới ba lần dù Chúa đã cảnh cáo Ông trước!” và lại còn đặt Ông làm Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội. Chúa đã chọn Phaolô ngay trên con đường Ông đi tìm bắt và bách hại đoàn chiên non trẻ của Chúa! Và suốt đời Ông vẫn phải mang những “yếu đuối” của mình ‘Ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối!’... (2 Cor. 11,29 ) Mọi người được Chúa gọi và chọn đều cảm thấy mình bất xứng và thật lo lắng trước trách nhiệm được trao phó” như Ðức Ðương Kim Giáo Hoàng Benedicto XVI, khi được bầu chọn lên ngôi Giáo Hoàng, trong “Lời Tâm Tình Ðầu Tiên của Ngài” cũng chia sẻ kinh nghiệm đó: “Tôi cảm thấy bất xứng và... thật lo lắng trước trách nhiệm được trao phó...” nhưng “Ơn Chúa đủ cho tôi!” (2Cor. 12,9…); nên Ðức Giáo Hoàng cũng nói tiếp: “Tôi cảm thấy như bàn tay quyền năng của Thiên Chúa nắm chặt lấy tay tôi. Tôi như nhìn thấy ánh mắt tươi cười của Chúa và lắng nghe Chúa nói với tôi đặc biệt vào lúc này: “Con đừng sợ!”. Với tâm tình đó, những người được chọn đều khiêm tốn như Mẹ Maria để thưa lời “Xin Vâng!”.

Như vậy, chúng ta mới hiểu tại sao Chúa Giêsu đã “lên núi thức suốt đêm để cầu nguyện” (Luca 6,12) trước khi chọn các Tông đồ. Hơn nữa trong đêm trước khi tự trao mình để chịu cuộc khổ nạn để cứu chuộc nhân loại, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa đã cúi mình xuống để rửa chân cho các Tông đồ để dạy cho các Ông bài hoc phục vụ trong khiêm tốn và Chúa đã tâm tình và căn dặn các tông đồ nhiều điều mà Phúc Âm theo Thánh Gioan đã ghi lại suốt các đoạn 13, 14, 15; còn toàn đoạn 17 ghi lại những lời Chúa Giêsu cầu nguyện thiết tha với Ðức Chúa Cha cho các Tông đồ đang hiện diện, cũng như cho các Chủ chăn qua mọi thời đại; đặc biệt trong câu “Con không xin Cha cất họ ra khỏi thế gian; nhưng xin gìn giữ họ khỏi mọi sự dữ!” (Gioan, 17,15).

Trong thời gian giúp các giáo xứ Hoa Kỳ, khi gặp gỡ Giáo dân, thường có những người sau khi chào hỏi đã nói với tôi một cách thân tình “Thank you Father for being a priest!” (Cám ơn Cha đã là một Linh Mục!”. Chúng ta thường có lòng yêu mến và hằng cầu nguyện cho các chủ chăn trong Giáo hội; nhưng đặc biệt trong ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, chúng ta hãy dâng nhiều hy sinh và lời cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng cũng như cho các chủ chăn trong toàn thể Giáo Hội, cách riêng các chủ chăn Chúa sai đến làm việc giữa chúng ta.

Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh cũng là Ngày Thế Giới đặc biệt cầu nguyện cho Ơn Gọi (World Day of Prayer for Vocations): Trong Thánh lễ cũng như trong các kinh nguyện, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện cho có nhiều người được Chúa gọi và chọn để trở nên các nhà Truyền giáo và Chủ Chăn để rao giảng và chăn dắt Ðoàn chiên Chúa.Chúng ta cũng cầu xin với Mẹ Maria, Mẹ Hàng Gíao Sĩ, chuyển cầu cho chúng ta.

KINH CẦU CHO CÁC LINH MỤC.

Lạy Chúa Giêsu/ là linh mục cao trọng, là Đấng tế lễ đời đời. Bởi lòng quá yêu dấu loài người là anh em của Chúa, nên Chúa đã mở kho tàng Trái Tin cực thánh Chúa, mà lập ra chức vị linh mục, thì nay chúng tôi cũng xin Chúa khấn đổ vào lòng các linh mục / nhửng dòng nước trường sinh / bởi lòng thương yêu vô cùng Trái Tim Chúa.

Xin Chúa sống trong mình các linh mục/ và dùng các Ngài, mà ban phát ơn lành của lòng thương xót Chúa. Xin Chúa hành động với các linh mục, và dùng các Ngài/ mà hành động trong thế gian.

Lại xin Chúa làm cho các linh mục được hoàn toàn giống Chúa, mà trung thành bắt chước các nhân đức cao trọng của Chúa, để nhân danh Chúa/ và nhờ quyền phép Chúa Thánh Thần, các Đấng ấy nhiệt thành/ làm những việc xưa Chúa đã làm/ mà cứu người ta cho được rỗi.

Lạy Đấng Cứu Chuộc loài người! Xin Chúa nhìn xem biết bao nhiêu kẻ /đang nằm trong bóng tối tăm lầm lạc. Xin Chúa xem đến vô số giáo hữu theo đường tội lỗi/ hòng sa xuống vực sâu.

Xin Chúa trông đến biết bao người bần cùng đói khát, những người dốt nát mê muội, và nhửng kẻ yếu đuối nhát hèn/ đang rên rỉ than khóc/ vì không có linh mục coi sóc, giữ gìn.

Xin Chúa dùng các linh mục mà ở lại với chúng con. Xin Chúa sống trong mình các linh mục, và dùng các Ngài mà hành động, và trở lại dưới thế gian này/ mà dạy dỗ, tha thứ, yên ủi, tế lễ/ và kết hợp mối tình yêu mến, ràng buộc lòng Chúa với loài người chúng con cho đến trọn đời. Amen

KINH CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI

Lạy Thiên Chúa chí ái, Giáo Hội Chúa đã được Chúa thương ban cho những linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, các thành viên tu hội đời, các tông đồ giáo dân / luôn tận hiến để hằng ngày đem Chúa đến cho mọi ngừơi trên khắp thế giới. Xin Chúa giúp các vị đó luôn kiên cường trong sứ vụ. Xin Chúa cũng kêu gọi thêm nhiều người cùng tham gia trong công cuộc phục vụ dân Chúa. Amen.
 
Giờ Thánh Ngày Thế Giới CẦu Nguyện cho Các Ơn Gọi
GP Đà Lạt
13:02 12/04/2008
Chúa nhật, 13/4/2008

GIỜ THÁNH NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO CÁC ƠN GỌI

I. KHAI MẠC

1. Đặt Mình Thánh Chúa. Hát kính thờ Thánh Thể.

2. Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con hết lòng thờ lạy Chúa, cảm tạ và tôn vinh Chúa. Giờ phút này, chúng con tin Chúa đang hiện diện giữa cộng đoàn chúng con, để yêu thương và mời gọi chúng con đến với Chúa, không phải vì Chúa mà chính là vì chúng con, bởi lẽ Chúa muốn qui tụ, trao ban tình yêu và sức mạnh của Chúa cho chúng con, và hơn thế nữa, để mời gọi chúng con bước theo Chúa. Xin Chúa thương thanh tẩy chúng con.

3. Tâm tình sám hối

Lạy Chúa, Chúa là Mục Tử tốt lành đã hy sinh chính mình để đem lại sự sống cho đàn chiên. Xin Chúa thương xót chúng con. Đ/ Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa, Chúa là Mục Tử quy tụ các chiên tản mác khắp nơi về một đàn chiên duy nhất. Xin Chúa thương xót chúng con. Đ/ Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa, Chúa là Mục Tử dẫn dắt đàn chiên đến đồng cỏ xanh tươi. Xin Chúa thương xót chúng con. Đ/ Xin Chúa thương xót chúng con.

4. Hát: Lắng nghe Lời Chúa

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA – SUY NIỆM.

5. Công bố Tin Mừng

Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo Thánh Gioan (10,9-11)

Khi ấy, Chúa Giêsu nói rằng: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.

6. Suy niệm

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã ghi lời xác quyết của Chúa Giêsu: “Tôi là cửa, ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu”. Lời xác quyết này có nghĩa là chỉ một mình Người là trung gian duy nhất, nhờ đó con người có thể đạt đến hạnh phúc chân thật. Người là cửa duy nhất mà qua đó đàn chiên có thể bước vào nơi trú ẩn vững chắc. Chỉ mình Người là Trung Gian duy nhất của ơn cứu độ, là Vị Thầy duy nhất nắm trọn vẹn chân lý, là người Hướng Đạo duy nhất dẫn đưa con người đến quê hương vĩnh cửu. Là Con Thiên Chúa trở nên người phàm, Người được Chúa Cha sai đến để yêu thương, chăm sóc, qui tụ mọi con chiên. Người biết tên từng con chiên như Cha Người biết Người (x. Cv 4,12; Ga 10,14-15).

Khi xác quyết mình là cửa chuồng chiên, Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng: “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6b). Vì thế, mọi con chiên phải đi qua cửa duy nhất là Chúa Giêsu. Đi qua Người, đàn chiên mới có tự do, được sống và sống dồi dào.

Ai qua cửa ấy, nghĩa là tin nhận Đức Kitô, sống theo giáo huấn của Người. Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên đích thực, Người được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc chúng ta và ban cho chúng ta của ăn thần linh chính là Bánh và Nước hằng sống. Người là Đấng duy nhất dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời. Chúng ta hãy lắng nghe lời Người mạc khải: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”. Là Mục Tử, Người đã đi trước dọn đường cho chúng ta, chúng ta hãy ngoan ngoãn bước theo Người, vì “Người là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), ai theo Người thì không sợ hư mất.

Hôm nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiến tế mạng sống vì chúng ta và cho chúng ta, để chúng ta là những người đã đặt niềm tin vào Chúa và cũng như những người chưa tin Chúa được quy tụ thành một đàn chiên duy nhất chung quanh Người, trong Nước Cha Người. Chúng ta hãy tiếp tục sống chứng nhân của Người ở trần gian để cánh cửa luôn luôn rộng mở tiếp đón nhiều người theo.

7. Hát: Chúa là Mục tử

8. Suy niệm

Mục Tử nhân lành sống tận tâm tận lực chăm sóc, lo lắng cho từng con chiên một. Vị Mục Tử dành tất cả cho đàn chiên. Chúa Giêsu là Đấng chăn chiên lành duy nhất và chân thật, không tiếc gì với đàn chiên, ngay cả mạng sống mình. Người là Mục Tử hoàn hảo nhất, vì Người để mắt chăm sóc từng con chiên, không muốn và không để bất cứ con chiên nào phải lạc xa đàn. Người đến không mang lại lợi ích gì cho Người mà để cho đàn chiên được sống và sống dồi dào.

Người là Mục Tử giàu lòng thương xót, không bao giờ ruồng rẫy chúng vì tội lỗi xúc phạm, không bao giờ mỏi mệt vì chúng thất tín, không bao giờ chối từ ơn tha thứ, nhưng luôn luôn sẵn sàng quên bất cứ điều xúc phạm nào, trao trả ân sủng cho tội nhân, “Người không bẻ gẫy cây lau bị dập”. Nơi Người chỉ có sự dịu dàng và hay thương xót, chậm giận và giàu lòng từ bi. Người đã yêu thương với tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu (x. Ga 15,13). Quả thực, chính nơi mầu nhiệm khổ nạn mà cao điểm là cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã thể hiện chức năng mục tử của Người ở mức độ trọn vẹn nhất. Chúa Giêsu đã khắc họa chân dung người mục tử đích thực với nỗi niềm và thao thức duy nhất là “cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào”. Cũng chính nơi thập giá, Chúa Giêsu đã mở cửa Nước Trời cho chúng ta.

Người đã yêu thương chúng ta như thế đó ! Vậy chúng ta phải đáp trả lại tình yêu cho Người thế nào cho cân xứng ? Chúng ta hãy theo và học mẫu tình yêu mà Chúa Giêsu đã dạy “các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34), “không có tình yêu nào trọng cho bằng tình yêu hiến mạng sống mình vì người yêu” (Ga 15,13). Chính Chúa Giêsu là hiện thân của tình yêu đó, Người yêu thương chúng ta như bạn hữu (Ga 15,13-15), Người đến để phục vụ và hiến thân cho chúng ta (Mt 20,28). Người yêu chúng ta không chỉ ban cho mẫu gương để chúng ta bắt chước (Ga 13,14), nhưng còn thông ban cho chúng ta chính tình yêu Người có (Ga 15,3) và sự bình an của Người (Ga 14,27). Tất cả tình yêu Người có từ Cha Người, Người chuyển thông hết cho chúng ta, để nhờ đó chúng ta có thể tham dự vào tình thương của Thiên Chúa Cha (Ga 14,23).

Được trở nên Kitô hữu chúng ta là những con người hạnh phúc nhất trên cõi đời này, vì chúng ta đã có Chúa Giêsu là vị Mục tử nhân lành tuyệt vời nhất ! Chúng ta không được sống cho chính mình mà phải cho người khác. Chúng ta không nên chỉ sống với những cái gì mình có, với những người nào mình yêu thích mà phải sống với những cái gì, người mình không thích nữa. Chúng ta phải cố gắng sống với một thao thức làm thăng tiến và phát triển cộng đoàn nơi chúng ta đang sống, đang phục vụ. Chúng ta phải sống với tinh thần tự hiến hơn là vì bắt buộc, cưỡng chế. Hãy làm với tinh thần tự hiến vì tình yêu hơn là làm vì bổn phận hay bắt buộc. Có như thế, chúng ta đã phần nào đi vào cuộc sống tương quan thân mật với mục tử nhân lành của chúng ta.

9. Lời khẩn cầu và ca ngợi.

Chúng ta cùng cảm tạ và ca ngợi Chúa Giêsu:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống giữa bóng đêm tội lỗi, nhưng Chúa mở mắt cho chúng con được nhìn thấy ánh sáng.

Đ/ Vì ân huệ này, chúng con ca ngợi Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã làm ô danh Chúa, nhưng Chúa đã rộng tình thứ tha. Đ/
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã không giữ lời thề với Chúa, nhưng Chúa đã tái lập giao ước với chúng con. Đ/
Lạy Chúa Giêsu, chúng con gây chia rẽ, chúng con sống bất hòa, nhưng Chúa đã liên kết chúng con trong gia đình Giáo Hội. Đ/
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã chết vì phạm tội, nhưng Chúa đã chết để chúng con được sống muôn đời. Đ/

10. Tin Mừng

Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo thánh Matthêô (9,36-38)

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

11. Suy niệm 3

Trong bầu khí canh tân của Công Đồng Vaticanô II, với ý thức “trở về nguồn”, năm 1964, Cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã thiết lập ngày thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi, vì lẽ ơn gọi liên quan đến tất cả các kitô hữu và, do bí tích rửa tội, mọi người đều được gọi nên thánh. Từ đó đến nay, hằng năm vào chúa nhật Chúa chiên lành, ý thức này càng nhắc nhở chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe vài tâm tình của đức thánh cha Bênêđictô trong Sứ điệp lần thứ 45 năm nay:

Tôi đã chọn đề tài “Ơn gọi phục vụ Giáo-Hội–truyền-giáo” cho Ngày Thế Giới cầu cho các ơn gọi sẽ được cử hành ngày 13/4/2008. Chúa Giêsu phục sinh đã ủy thác cho các Tông Đồ mệnh lệnh: “Vậy các con hãy đi giảng dạy tất các các dân nước, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19), và Ngài hứa với họ: “Này đây Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Giáo Hội là thừa sai trong toàn bộ và trong mỗi phần tử của mình. Nếu, do bí tích Rửa tội và Thêm sức, mỗi tín hữu Kitô được kêu gọi làm chứng tá và rao giảng Tin Mừng, thì chiều kích truyền giáo càng được gắn liền với ơn gọi Linh Mục một cách đặc biệt và thâm sâu hơn. …

Chúa động lòng thương đối với dân chúng, vì trong khi rảo quanh các thành thị và làng mạc, Ngài gặp thấy những đám đông mệt mỏi và kiệt lực, “như những chiên không có người chăn” (x. Mt 9,36). Từ cái nhìn yêu thương ấy nảy sinh lời Chúa mời gọi các môn đệ: “Vậy các con hãy xin chủ mùa gặt để Người sai thợ đến trong mùa gặt của Người” (Mt 9,38), và Ngài sai Nhóm 12 trước tiên đến 'với các chiên lạc Nhà Israel', với những lời dặn dò kỹ lưỡng. Nếu chúng ta dừng lại để suy niệm về trang này của Tin Mừng theo thánh Mathêu, thường được gọi là ”diễn văn truyền giáo”, chúng ta nhận thấy tất cả các khía cạnh nói lên đặc tính hoạt động truyền giáo của một cộng đồng Kitô, muốn trung thành với mẫu gương và giáo huấn của Chúa Giêsu. Việc đáp lại tiếng gọi của Chúa bao hàm sự đương đầu, một cách thận trọng và đơn sơ, với mọi nguy hiểm và cả những cuộc bách hại nữa, vì “một môn đệ không cao trọng hơn Thầy, một đầy tớ không trọng hơn chủ” (Mt 10,24). Được nên một với Thầy, các môn đệ không còn đơn độc trong khi rao giảng Nước Trời, vì chính Chúa Giêsu hành động trong họ: “Ai đón nhận các con là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40). Và ngoài ra, trong tư cách là những chứng nhân đích thực, ”có quyền năng từ trên cao” (Lc 24,49), họ rao giảng cho mọi dân ”sự hoán cải và sự tha thứ tội lỗi” (Lc 24,47).

Ngoài ra, để Giáo Hội có thể tiếp tục thi hành sứ mạng Chúa Kitô đã giao phó và không thiếu các nhà truyền giảng Tin Mừng mà thế giới đang cần, điều cần thiết là, trong các cộng đồng Kitô, cần phải liên tục giáo dục đức tin cho các trẻ em và người lớn, cần duy trì ý thức sinh động về trách nhiệm truyền giáo nơi các tín hữu và về sự liên đới với các dân tộc trên thế giới. Hồng ân đức tin mời gọi tất cả các tín hữu Kitô cộng tác vào công cuộc truyền giảng Tin Mừng. Cần nuôi dưỡng ý thức ấy bằng việc giảng thuyết và huấn giáo, phụng vụ và huấn luyện liên tục về cầu nguyện; ý thức ấy cũng tăng trưởng nhờ thực thi việc đón tiếp, bác ái và tháp tùng thiêng liêng, cũng như bằng một dự án mục vụ, trong đó có phần quan tâm đến các ơn gọi.

Ơn gọi linh mục thừa tác và đời sống thánh hiến chỉ triển nở trong một thửa đất được vun trồng kỹ lưỡng về mặt thiêng liêng. Thực vậy, những cộng đồng Kitô nào sống khẩn trương chiều kích truyền giáo trong mầu nhiệm Giáo Hội, sẽ không bao giờ co cụm vào mình. Sứ vụ truyền giáo, như chứng tá về tình yêu của Chúa, đặc biệt trở nên hữu hiệu khi được chia sẻ trong cộng đồng, “để cho thế gian tin” (x. Ga 17,21). Ơn gọi là hồng ân mà Giáo Hội hằng ngày phải cầu xin Chúa Thánh Linh. Giống như thuở ban đầu, quây quần quanh Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Tông Đồ, Cộng đồng Giáo Hội đang học hỏi nơi Mẹ cách thức cầu xin Chúa cho có thêm nhiều tông đồ mới, biết sống nơi mình niềm tin và tình yêu cần thiết cho sứ vụ truyền giáo.

Trong lúc tôi gửi những suy tư này đến tất cả các cộng đồng Giáo Hội, để họ đón nhận làm của mình và nhất là gợi hứng từ đó để cầu nguyện, tôi khích lệ sự dấn thân của tất cả những người đang hoạt động trong tin tưởng và quảng đại để phục vụ ơn gọi và tôi thành tâm gửi Phép lành đặc biệt của tôi đến các nhà đào tạo, các giáo lý viên và tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ đang tiến bước trong hành trình ơn gọi.

12. Đọc chung kinh cầu cho các ơn gọi.

Lạy Chúa Giêsu là Vị Mục Tử đích thực – là Đấng chăn dắt các tâm hồn – Chúa đã chọn các Tông Đồ theo nghề chài lưới người – và không ngừng lôi cuốn các bạn trẻ – có tâm hồn sốt sắng và quảng đại –, để biến họ nên môn đệ Chúa – và thừa tác viên của Hội Thánh –; xin rèn luyện con người họ – biết chia sẻ nỗi khát khao của Chúa – trong sứ vụ cứu độ phổ quát mà Chúa đã hoàn tất – qua cái chết hồng phúc trên thập giá – và hằng ngày tái diễn nơi Hy Tế Bàn Thờ.

Lạy Chúa là Vị Thượng Tế hằng sống – để chuyển cầu cho nhân loại chúng con –, xin mở ra cho người trẻ chân trời của thế giới hôm nay – nơi đang vang lên lời cầu nguyện chân thành của biết bao anh chị em – để họ được ánh sáng chân lý soi dẫn – và có tâm hồn nồng cháy lửa mến yêu – mà quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi – tiếp nối sứ vụ cứu thế và xây dựng Hội Thánh – là Thân Thể huyền nhiệm của Chúa –; xin cho họ trở nên "muối đất và ánh sáng trần gian" – làm dấu chỉ Nước Thiên Chúa hiện diện ngay ở đời này – hầu tôn vinh Danh Chúa và hướng tới lợi ích mọi người.

Lạy Chúa, xin cho lời đáp trả ơn gọi – cũng trải rộng đến các phụ nữ – có tâm hồn thanh khiết và đầy sức sống – để họ biết khao khát đời sống trọn lành theo Phúc Âm – và thực hiện tinh thần phục vụ Hội Thánh – một cách cụ thể nơi các anh em mình – là những con người cần đến sự trợ giúp và đức ái của họ –. Chúng con cầu xin – vì Chúa hằng sống và hiển trị đến muôn thuở muôn đời – Amen.

III. KẾT THÚC

13. Hát: Này con là Đá. Lời nguyện cầu cho Đức Giáo Hoàng.
14. Hát: Đây nhiệm tích. Lời nguyện và phép lành MTC.
15. Hát kết thúc: Xin vâng.
 
Chọn vào cánh cửa Giêsu
LM Giuse Trương Đình Hiền
14:43 12/04/2008
Ngày cầu cho ơn thiên triệu linh mục-tu sĩ

CHỌN VÀO CÁNH CỬA GIÊSU

Dẫn nhập đầu lễ:

Chúa Nhật “Chúa Chiên Lành” lại trở về trong nhịp sống Phụng vụ của Dân Chúa. Mầu nhiệm Đức Kitô, Vị Mục Tử nhân lành và là “cửa chuồng chiên” lại được Phụng vụ một lần nữa khơi gợi để cộng đoàn chúng ta cùng suy tư, chiêm ngưỡng và cầu nguyện. Chúa Nhật Chúa Chiên lành năm nay lại trở về trong bối cảnh Hội Thánh tại Việt nam đang nỗ lực với định hướng mục vụ giáo dục Kitô giáo mà đối tượng chính yếu là các gia đình. Chính vì thế, trong ngày “Quốc tế thiên triệu linh mục và tu sĩ” nầy, chúng ta sốt sắng cầu nguyện cho các gia đình công giáo ý thức hơn vẽ đẹp và sự cao quý của chức linh mục và đời sống tu trì, đồng thời góp phần tích cực hơn trong việc cỗ võ và đào tạo ơn gọi thánh hiến từ trong các gia đình. Giờ đây, để xứng đáng cử hành Thánh lễ, xứng đáng sống trọn vẹn ơn gọi của Bí Tích Thánh Tẩy, là nhiệm tích đưa chúng ta vào đời sống siêu nhiên do chính Đức Kitô Vị Mục Tử Nhân Lành dẫn đưa và chăm sóc, chúng ta hãy (đón nhận Nước Thánh với tâm hồn sám hối).

Giảng Lời Chúa:

Từ xa xưa trong cựu ước, danh xưng “Mục tử” đã thấp thoáng trong ngôn ngữ Thánh kinh: Tổ phụ Giacóp đã chúc phúc cho các con trong một bài ca kinh thật dài, mà danh xưng Mục Tử được qui hướng cho Gia-vê Thiên Chúa toàn năng:

“Những cây cung của nó vẫn vững vàng,
Và những cánh tay của nó vẫn lanh lẹ,
Nhờ tay Đấng Vạn năng của Gia-cóp,
Nhờ danh Vị mục Tử, tảng Đá của Ít-ra-en.” (St 49, 24)

Nhưng các nhà Kinh Thánh học vẫn cho rằng: Danh xưng và hình ảnh Thiên Chúa - Mục tử được khắc họa rõ nét nhất qua những lời cầu nguyện nơi các thánh vịnh, đặc biệt với hai thánh vịnh 22 và 79:

“Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 22,1)

“Lạy Mục Tử nhà Ít-ra-en,
Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giu-se,
Như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe !” (Tv 79,2)

Và chắc chắn danh xưng nầy, hình ảnh nầy đã được các sứ ngôn như Ê-dê-ki-en, Giê-rê-mi-a, I-sa-ia-a...tiếp tục sử dụng cách tự nhiên và triển khai thêm những ý nghĩa phong phú:

“Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt...” (Ez 34, 11-12)

Như Mục Tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,
Tập trung cả đoàn dưới cánh tay.
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
Bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11)

Và rồi, trên từng cây số của hành trình lịch sử cứu độ, Thiên Chúa, Vị Mục Tử nhân lành đó, lại sai nhiều “vị chăn chiên nhân loại” thay mặt Người chăn dẫn đoàn chiên, để cho “Dân Người không bao giờ vắng bóng mục tử” (Ds 27,15-20), như Mô-sê, Gio-suê, Đa-vít...

Và cũng từ khi xuất hiện các mục tử nhân loại đó, Thiên Chúa, qua miệng các ngôn sứ, không ngừng giáo dục, đào tạo, cảnh báo để làm sao Dân Chúa vẫn có được “những mục tử như lòng Chúa mong ước” (Gr 3,15; 23,3) và loại bỏ những mục tử xấu, phản bội Thiên Chúa và lý tưởng và sứ mệnh của mình (Gr 50,6; Ez 341-10...).

Và khi thời gian tới múc mãn kỳ, Thiên Chúa đã “sai Người Con Một”, “Mục Tử của mọi mục tử”, “Đấng Chăn Chiên Lành” phản ảnh trọn vẹn ảnh hình của Chúa Cha, Vị Mục Tử mà Dân Chúa bao ngàn năm mong ước ngóng chờ, đến giữa cánh đồng nhân loại để thi hành trọn vẹn sứ mệnh cứu độ và chăn dắt “Đoàn chiên mới của Thiên Chúa”, đoàn chiên được chính Ngài hy sinh và cứu chuộc bằng giá máu, như chính Ngài đã dõng dạc tuyên bố:

“Tôi chính là Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11)... “Ta đến để cho chiên được sống và sống phong phú” (Ga 10,10). Những ngày Phục sinh vừa qua và trong những ngày nầy, phải chăng cộng đoàn Hội Thánh đang sống lại những biến cố, sự kiện và kỷ niệm liên quan mật thiết đến “Vị Mục Tử Nhân Lành” và công trình cứu độ của Ngài, một công trình mà “kỳ công thắng lợi” chính là một đoàn chiên đông đảo qui tụ muôn tiếng nói, mọi màu da, một Hội Thánh duy nhât, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Nhưng sứ điệp mà chúng ta dừng lại hôm nay lại chính là “Cánh cửa chuồng chiên”, hay tạm gọi bằng một tên khác “Cánh cửa Giêsu”, như đã được chính Đức Kitô phán dạy qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu”.

1. Cánh cửa Giêsu mở ra chiều thứ Sáu !

“Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9). Đức Kitô nói những lời nầy hình như vào thời điểm khi cuộc hành trình dưới thế trong tư cách một “phàm nhân” của Ngài sắp sửa kết thúc, khi Người thấy trước “hầu hết các môn đồ” sắp sửa “sẻ đàn tan nghé” vì đối diện với thập giá, khi trong lòng của Giuđa đang trỗi dậy một mưu đồ bội phản để khước từ “lời chân lý của thầy Giêsu và quyết chọn những đồng bạc của mấy ông tư tế...”.

Và như thế, cho dù không phải là một dự báo tiêu cực, thì chắc chắn, trong cái nhìn xuyên suốt thời gian và không gian của một Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự sống, Đức Kitô phải thấy có quá nhiều người sẽ không thèm chọn “cánh cửa Giêsu”, cũng như Ađam, Eva thay vì chọn Lời Thiên Chúa đã “vươn tay chọn trái cấm ngon lành” !

Mà có sai đâu ! Khi buổi chiều thê lương trên đồi Sọ gần tắt nắng, khi những ồn ào của âm thanh sĩ nhục và cuồng nộ vẫn còn vang vọng lưng đồi, khi các người tử tội đang quằn quoại chiến đấu với tử thần trong những phút giây hiếm hoi sau hết...thì chỉ duy có một người duy nhất đã chọn “cánh cửa Giêsu”: “Ông Giêsu ơi ! Khi Ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,32)...

Nếu “cánh cửa Giêsu” mà cử mở riết theo đúng cái “qui trình” như buổi chiều Thứ Sáu Can-Vê, và sau đó thì tuyệt nhiên không có gì xảy ra, không còn gì để nói... thì e rằng, kể từ sau buổi chiều thê lương “thứ Sáu can Vê”, chắc chẳng có con ma nào lại đi theo cái nẻo của “người trộm bên tay hữu”, cái nẻo dẫn về một “Nước Chúa” mông lung và đâu đó vời vợi xa xôi.

2. Có nhiều đấy !

Nhưng, Ngày Thứ Nhất trong tuần đã đổi thay tất cả. Con đường dẫn cô gái làng chơi hoàn lương Maria Mađalêna về “Mộ trống” đã dần dần dẫn đưa Phêrô, Gioan, Tôma, hai môn đệ Emmau...đi tới cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh từ trong cõi chết; và rồi dẫn dắt bao la bạt ngàn nhân loại muôn tiếng nói, mọi màu da lũ lượt cùng nhau ngang qua “cánh cửa Giêsu” để tiến về quê hương hằng sống.

Mà cũng thật lạ lùng ! Nhút nhát, bốc đồng như Phêrô, đã từng khiếp nhược chối Thầy trước một con đàn bà đầy tớ. Thế mà, chỉ 50 ngày sau “Biến cố Phục Sinh”, một nghị lực thần linh đã chỗi dậy trong ông, đến độ, chỉ trong một “bài làm chứng” súc tích, vắn gọn, ông đã chinh phục được một lần một “mẽ cá với 3.000 người rửa tội”. (BĐ 1: Cv 2, 41). Và rồi cũng chính với nghị lực thần linh ấy, “thay vì vâng phục loài người” để được an thân thoải mái, ông đã chọn “cánh cửa Giêsu” để phải một đời lao đao lận đận với cuộc bách hại dữ dội của Nêrô và cuối cùng chết thảm với hình khổ đóng đinh ngược đầu xuống đất.

Chính Phêrô đã cảm nghiệm sâu sắc chân lý nầy, nên Ngài đã sẻ chia như một lời di chúc mà chúng ta nghe công bố trong bài đọc 2 hôm nay:

Anh em thân mến, nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban. Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế...

Mà có phải chỉ mình Phêrô đâu ! Suốt hai ngàn năm nay đã có hàng hàng lớp những con người quyết chọn “cánh cửa Giêsu” cho dù phải trả giá, nhẹ nhất thì cũng bằng một cuộc đời “nghèo khó với hành trang Tám Mối phúc Thật”, như cuộc đời của bao nhiêu linh mục, tu sĩ nam nữ, những anh chị em tông đồ giáo dân, những người thiện nguyện...và cao nhất là bằng chính mạng sống như Anrê Phú Yên và 117 Thánh Tử đạo Việt nam, như bao chứng nhân anh hùng tử đạo hữu danh hay vô danh trên khắp cùng trái đất.

3. Ngày nay, có còn không những người chọn “cánh cửa Giêsu ?”

Sau hai ngàn năm, xem ra “Cánh cửa Giêsu” vẫn chưa phải là “đồ cỗ” để phải bị vất vào sọt rác của thời gian ! Bằng chứng là mới đây, khi vừa thôi chức vụ thủ tướng vương quốc Anh, Ngài Tony Blair đã quyết chọn “cánh cử Giêsu” để đi hết những ngày còn lại với người bạn đời. Trong khi đó, cự tổng thống Liên bang Sô Viết, Gorbacheb mới vừa “mặc khải cuộc hành trình niềm tin Kitô của chính mình”.

Nhưng phải công nhận rằng: thế giới hôm nay có quá nhiều cánh cửa hấp dẫn và bắt mắt lạ kỳ đang mở toang để cám dỗ, chào mời, khiến sự chọn lựa của bao người luôn bị đặt trước một thử thách không nhỏ. Mà tâm lý nhân loại hôm nay lại thích “fastfood – mì ăn liền – mốt thời thượng”. Chính vì thế, những giá trị đạo đức truyền thống của Á Đông như “Tam cương, Ngũ thường, nhân, nghĩa, lễ, trí, tin, công dung, ngôn, hạnh, cần kiệm, liêm, chính...hay của nền tu đức Kitô giáo như: Tin, Cậy, Mến, hảm mình, ăn chay, làm phúc, khó nghèo, trong sạch, vâng phục, bác ái, vị tha, phục vụ...gần như đang “lạc lõng giữa phố chợ đông người”. mà một khi gia đình, xã hội không còn “đeo bám” các giá trị nhân bản và luân lý, đạo đức nền tảng nầy một cách anh hùng và sinh động, thì sẽ có nhiều người xa dần “cánh cửa Giêsu” để ào ạt chọn vào “cánh cửa của Satan”, được khéo ngụy trang dưới bao nhiêu hình thức dễ thương bắt mắt.

Dù sao, ở giữa lòng Hội Thánh, thời nào Chúa cũng cho mọc lên những vì sao lấp lánh. Cuối thế kỷ 20, ngôi sao “Têrêsa Calcutta” rực sáng giữa bầu trời thế giới để chiếu dọi muôn người tìm đến “Cánh cửa Giêsu” qua con đường khiêm tốn, khó nghèo để phục vụ những người dưới đáy cùng xã hội. Đầu thế kỷ 21, Đức Gioan-Phaolô II, rồi mới đây chị Chiara Lubich, người khai sinh “Phong trào Folcolare – Tổ ấm”, đã qua đời, nhưng đã để lại những di sản tinh thần quý giá giúp cho bao nhiêu con người tìm thấy “cánh cửa Giêsu” và mạnh mẽ can đảm chọn vào cánh cửa khó khăn nầy.

Mà không phải chỉ có những người mang niềm tin Kitô mới độc quyền chọn “cánh cửa Giêsu” đâu nhé. Tất cả những ai chấp nhận sống yêu thương, phục vụ, sẵn sàng xã thân vì chính nghĩa của tự do, công bình, bác ái, sẵn sàng đứng về phía của người cùng khổ để yêu thương và binh vực họ, để đồng cảm và sẻ chia như Lê thị Công Nhân, Nguyễn văn Đài, Trần Khải Thanh Thủy, cố giáo sư Hoàng Minh Chính...tất cả những người ấy, cho dù là tín đồ Phật giáo hay Cao đài, người lương, Tin Lành hay Hồi giáo...họ đang “chọn vào cánh cửa Giêsu đó nhé.” Đúng như bài thơ của một ai đó với những câu thơ viếng nhà thơ hoạn nạn Nhân văn-Giai phẩm Trần Dần mất hơn chục năm trước (1997):

Những con người
chọn những đường đi hẹp
sẽ dẫn tới bao la …
Về bên Chúa
có nhiều điều để nói …
Những lời ấy
âm vang dội lại …
Cho thế gian
bừng nở hoa hồng.


Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau và cho những ai đang dấn thân sống trong chức linh mục và đời thánh hiến mãi mãi trung thành chọn “cánh cửa nhỏ - con đường hẹp” của Chúa Giêsu, của Tin Mừng” để cho dù có phải mất mát thiệt thòi hay lao đao lận đận một cách nào đó, thì luôn hãy nhớ rằng: cánh cửa nhỏ đó, con đường hẹp đó sẽ “dẫn tới bao la...về bên Chúa...và sẽ “cho thế gian bừng nỡ hoa hồng”.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:40 12/04/2008
ĐỆ TỬ HỌC NGHỆ

N2T


Truyền thuyết ngày xưa nói rằng: mèo là một loại động vật rất giỏi, mọi người đều nói bản lĩnh của nó thâm sâu không thể đo lường được, nên ồ ạt đến để xin học nghệ. Qua những lớp sàng lọc thì sư phụ mèo mới thu nhận được ba tên đệ tử, đó là: Beo gấm, hổ và gấu.

Ngày thứ nhất, giữa hai cây lớn thì sư phụ mèo cột một sợi dây thừng và kêu các đệ tử nhảy qua. Beo gấm nhảy phốc lên không bay qua được; con hổ nhảy một cái vượt qua được; đến phiên con gấu nhảy, sau khi làm một điệu bộ rất đẹp thì nhảy qua, nhưng nó rất là không linh hoạt, vừa xuống thì bị sợi dây vướng chân, thử mấy lần đều không thành công. Con gấu mất đi lòng tin, lợi dụng khi sư phụ không chú ý bèn len lén bỏ về.

Ngày thứ hai, sư phụ mèo lại dạy chúng nó nhảy cao. Con hổ sau khi nghe nội dung học tập thì không lấy làm gì cả, trong lòng nghĩ: mọi người đều nói mèo giỏi, nhưng chẳng qua chỉ có thế mà thôi, ta vừa sinh ra là đã biết nhảy cao rồi, bây giờ lại còn lãng phí thời gian ở đây nữa chứ ?

Quả nhiên, ngày thứ ba, sư phụ mèo chỉ còn lại một mình beo gấm, nó rất phục beo gấm dám quyết tâm học đến cùng, thế là trong ngày đó bày ra bản lãnh điêu luyện: leo cây.

Về sau, con hổ và con gấu nhìn thấy beo gấm leo cây thì ngưỡng mộ mãi không thôi. Nhưng chúng nó hối hận thì không còn kịp nữa, mà sư phụ mèo cũng không thu nhận đệ tử nữa.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Con hổ và con gấu một đứa thì không có tính nhẫn nại, một đứa thì bởi vì không khiêm tốn, cho nên bỏ lỡ cơ hội tốt để học tập. Thật ra mấu chốt của học tập thành công chính là thuộc về những ai có thể kiên trì đến cùng, thì người ấy thắng lợi.

Việc học, ban đầu thì lúc nào cũng khó nhọc và nản chí, nhưng nếu hiểu biết điều mình đang theo đuổi học tập, thì tự nhiên có sự cố gắng và quyết tâm.

Có nhiều người có cái tính kiêu ngạo như con hổ, họ nói mình là con nhà đạo dòng, đạo gốc, mới sinh ra là đã biết làm dấu Thánh Giá rồi, biết đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng rồi, thế là họ không thèm học giáo lý, không thèm tham gia các buổi học Khinh Thánh, thậm chí còn không thèm nghe cha giảng khi tham dự thánh lễ nữa.

Học giáo lý thì có khi nản lắm và không hứng thú, nhưng nếu biết mình đang học tập về Chúa Giê-su thì chắc chắn các em sẽ vui vẻ để học, bởi vì Chúa Giê-su chính là Đấng cứu độ chúng ta.

Các em thực hành:

- Cố gắng học giáo lý để biết thêm về Chúa Giê-su.

- Mỗi ngày cố gắng đọc một câu Kinh Thánh.

- Siêng năng cầu nguyện với Chúa Giê-su Thánh Thể.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:42 12/04/2008
N2T


21. Người siêng năng rước lễ là người thanh bạch vô tội, trong tình yêu của Chúa Thánh Thần họ có sự tiến triển rất lớn.

(Thánh Alphonsus Liguori)
 
Người chăn chiên vô hình
LM. Giuse Trương Đình Hiền
19:27 12/04/2008
CHÚA NHẬT 4 PS (A), CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH: NGÀY QUỐC TẾ CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI LINH MỤC-TU SĨ



NGƯỜI CHĂN CHIÊN VÔ HÌNH



Dẫn nhập đầu lễ:

Kính thưa cộng đoàn,

Chúng ta đang họp nhau cử hành Chúa Nhật “Chúa Chiên Lành”, mà sứ điệp phụng vụ có nội dung cốt lõi đó là: Đức Kitô, Vị Mục Tử nhân lành, nhờ cái chết và sự phục sinh, Ngài đã mang lại cho chúng ta nguồn sống dồi dào. Cũng chính trong ý nghĩa nầy, Hội Thánh đã chọn Ngày Chúa Nhật hôm nay làm ngày “Quốc Tế cầu nguyện cho ơn gọi linh mục-tu sĩ”. (Hôm nay cũng là ngày cuối cùng trong tuần “9 Ngày cầu nguyện cho ĐTC G.P II”, Vị Mục Tử và là Người Cha vĩ đại của chúng ta mới qua đời hôm 02.04. Chúng ta hiệp cùng toàn thể Dân Chúa cầu nguyện cho linh hồn Đức Thánh Cha, đồng thời cầu nguyện cho cuộc mật nghị Hồng Y vào ngày mai, 18.04, bầu Vị Mục Tử mới trên Ngai Tòa Thánh Phêrô.)

Hôm nay cũng là dịp để chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội có thêm nhiều ơn gọi dấn thân trong chức linh mục và đời sống thánh hiến; đặc biệt cầu nguyện cho Giáo phận, giáo hạt và giáo xứ chúng ta có được nhiều tâm hồn thanh niên thiếu nữ quảng đại và nhiệt thành đáp trả lời mời gọi của Chúa Kitô trên con đường tu trì. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho tất cả những ai đang dấn thân trên con đường thánh thiện nhưng cũng đầy thử thách gian nan nầy được trung thành mỗi ngày trong chọn lựa của mình để phục vụ Chúa và anh chị em.

Giờ đây, để xứng đáng cử hành Thánh lễ, xứng đáng sống trọn vẹn ơn gọi của Bí Tích Thánh Tẩy, là nhiệm tích đưa chúng ta vào đời sống siêu nhiên do chính Đức Kitô Vị Mục Tử Nhân Lành dẫn đưa và chăm sóc, chúng ta hãy (đón nhận Nước Thánh với tâm hồn sám hối).

Giảng Lời Chúa:

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Trong bối cảnh mục vụ của Giáo Hội Việt Nam vào thời điểm thập niên 80: không có chủng viện đào tạo linh mục, không có phong chức, không có nơi để huấn luyện ơn gọi tu trì, nhiều nơi vắng bóng chủ chăn…, trước bức tranh ảm đạm đó, có nhiều kẻ đâm ra bi quan và nhìn đời sống đức tin của Dân Chúa Việt Nam với không ít lắng lo và sợ hải…

Tuy nhiên, nếu quan sát thật gần, thật kỷ nhịp sống đức tin hằng ngày của các cộng đoàn Dân Chúa khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, thì những nổi bi quan lo lắng gần như tan biến mất. Linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự đã thực sự cảm nhận được điều nầy trong bài thơ “NGƯỜI CHĂN CHIÊN VÔ HÌNH” được viết vào ngày 17.08.1980:

Thế ra Ngài là người chăn chiên

Và là người chăn chiên độc quyền

Ngài ở đây từ bao thế hệ

Cho đoàn chiên tung tăng hồn nhiên.

Tôi cứ nghĩ bầy chiên bơ vơ

Bé tong teo, ốm yếu, dại khờ

Tôi phải về mau làm mục tử

Nhưng không thưa Ngài, tôi lầm to

Tôi về đây một chiều mùa hè

Trố mắt nhìn tôi nhìn say mê

Những con chiên no tròn bụ bẫm

Hơn cả khi có kẻ vỗ về

Ôi người chăn chiên vô hình kia

Tôi hiểu ra tôi sẽ chỉ là

Một cái bóng Ngài trên nội cỏ

Một con berger rất dư thừa….

1. Đức Kitô vẫn chăn dắt đoàn chiên của Ngài.

Mà không chỉ hôm nay, thế kỷ nầy, Giáo Hội mới như thế. Đức Kitô Mục Tử, Người Chăn chiên vô hình đã chăn dắt đoàn chiên bé bỏng của Ngài ngay từ thuở ban sơ, ngay từ khi còn trong trứng nước và Ngài vẫn chăn dắt đàn chiên của Ngài như thế trãi dài qua muôn thế hệ. Chúng ta thử đưa mắt theo dấu sách Công Vụ Tông đồ để nhìn về điểm khởi đầu của Hội Thánh.

Khi các Thượng tế Do Thái thành công trong việc đòi tổng trấn Philatô cho bằng được “bản án tử hình Đức Giêsu Nadarét”, thì họ chắc mẩm rằng: cái tổ chức gọi là “Nước thiên Chúa” của tên Giêsu thợ mộc người Nadarét kia vĩnh viễn bị “xóa sổ bụi đời”, và nhóm tông đồ cọng sự viên thân tín quê mùa dốt nát xuất thân từ làng chài Galilê kia rồi cũng sẽ rã đám, chả làm được trò trống gì để đáng quan ngại. Tuy nhiên, hơn 50 ngày sau cái chết của Giêsu, cũng ngay tại thủ đô Giêrusalem, giữa thanh thiên bạch nhật, Phêrô, người tông đồ đã từng sợ hải chối thầy 3 lần trong đêm thầy bị bắt, đã hùng hồn công bố “sứ điệp phục sinh”, làm chứng Đức Giêsu và Vương quốc của Ngài đang thực sự bắt đầu. Và sau bài giảng đầu tiên mang tính “tuyên ngôn thiết lập vương quốc” đó, đã có khoảng 3000 người xin chịu phép rửa để qui tụ thành “một đàn chiên”, để từ đó lớn mãi lớn mãi, cho đến hôm nay đã chiếm lĩnh cả thế giới. (BĐ 1)

Nếu cho rằng, Hội Thánh sở dĩ có mặt, kiện toàn và phát triển là hoàn toàn do những phương thế và yếu tố trần tục thì không nghiêm chỉnh chút nào. Bởi chưng, ngay từ những tháng năm đầu giáp mặt cùng thế giới, thế giới cuồng tín và duy luật của do Thái, thế giới triết lý văn hóa sâu sắc của Hi Lạp, thế giới đa thần, hưởng thụ và và hùng cường của đế quốc Rôma…quả thật “đàn chiên nhỏ” của Đức Kitô chỉ là “hạt bụi, là cỏ dại bên vệ đường lịch sử”, những hạt bụi, những cọng cỏ lại liên tục bị những “bàn chân sắt máu” của con người chà đạp, bách hại thảm thương. Thế nhưng những hạt bụi bé bỏng, những cọng cỏ âm thầm đó cứ tồn tại và lớn lên, cho đến một ngày đã trở nên một “Nhiệm Thể” đĩnh đạt, một “Cây Tùng” tỏa bóng khắp địa cầu. Chỉ có thể cắt nghĩa được “hiện tượng” nầy: đó là nhờ có một sức thiêng, một điểm tựa nhiệm mầu, một bàn tay quyến thế dẫn dắt đỡ nâng, một chiếc gậy uy linh bảo vệ chăm sóc. Bàn tay đó, chiếc gậy đó chính là của “Người Chăn Chiên vô Hình”, của Đức Kitô phục sinh, của Thiên Chúa tình yêu, của Thánh Thần Đấng ban sự sống. Chân lý nầy, sự kiện nhiệm mầu nầy đã làm ngỡ ngàng chàng trai pharisiêu Saulô khi anh ta nhiệt tình với cả bạo lực triệt hạ cái tôn giáo mới nầy, cái đàn chiên “khố rách áo ôm” nầy trong biến cố “ngã ngựa trên đường Damas”. Saulô không ngờ Giêsu Nadarét lại hiện thân ngay nơi các tín đồ của Ngài: “Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm bắt. Giơ chân đạp mũi nhọn thì khốn cho ngươi”. Sức lực nào đã bẻ ngoặc cuộc đời Saulô ngoài Đấng Chăn chiên vô hình mà “anh đang tìm bắt bớ” ! Vì thế, cho đến mãi ngàn đời, Hội Thánh vẫn không ngừng hát bài ca Thánh vịnh 22 mà không bao giờ sợ lỗi thời hay không còn giá trị thời gian:

Chúa chăn nuôi tôi, Chúa chăn nuôi tôi. Chúa đưa tôi đi qua mọi nẽo đường. người đưa tôi đi lên núi cao, say sưa gió biển, vui uống suối miền nam, vững tâm qua rừng mịt mù.

Người đưa tôi đi lên vườn trái ngát xanh trên đồi. Người dẫn tôi về tựa trùng dương buông gió dìu mây trời. Người sắp cho tôi yến tiệc thơm hương hoa, Người rót cho tôi ly rượu thắm chan hòa. Đầu tôi Người xức dầu thơm nồng nàn. (Bài ca diễn ý TV 22 của Phanxicô)

Và trên cuộc hành trình theo sau Vị Mục Tử Nhân lành, Người chăn chiên vô hình đầy quyền năng đó, lại cứ đông vui, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi ngày, qua bí tích rửa tội, không chỉ có “3000 người” như hôm Lễ Ngũ Tuần cách đây 2000 năm, mà là có tới hàng vạn, hàng triệu anh chị em tin nhận Đức Kitô và dấn bước theo Ngài. Qua cái chết và cuộc tang lễ của Đức Gioan-Phaolô II, Vị Mục Tử thay mặt Đức Kitô trên trần gian vừa qua, chúng ta lại được dịp nhận rõ chính Đức Kitô, Mục Tử nhân lành đang chăn dắt đàn chiên của Ngài như thế đó.

2. Trong đàn chiên của Mục tử Giêsu, ta phải sống thế nào ?

Có một chân lý nền tảng mà đã là kitô hữu, đã là thành viên trong Giáo Hội, ai ai cũng phải chấp nhận: Theo Đức Kitô thì phải dấn bước vào con đường thập giá, phải chấp nhận con đường hẹp và nhất là phải luôn đối diện, gặp gỡ một Đấng Phục sinh. Tuy nhiên, rất ít người trong chúng ta thực hành đến nơi đến chốn chân lý nầy và cứ muốn tìm kiếm một “con đường rộng rãi thênh thang với đầy hoa thơm cỏ lạ”. Chính vì thế, suốt dọc dài lịch sử Hội Thánh, đã có không ít người đã bỏ cuộc, đã thối lui, sau khi đối diện thực sự với thập giá, với Canvê…Với những người đó, Thiên Chúa chỉ có mặt, chỉ can thiệp khi đời họ lên hương, khi may mắn chợt về…và đạo, tôn giáo chỉ là một lúc dừng chân để thư giản; ngoài ra chả cần quan hệ, gặp gỡ một Đấng vô hình nào cả. Nếu có quan hệ, có gặp gỡ chăng chỉ là để khấn vái, chạy chọt xin xỏ một điều gì đó mà hiện tại khả năng của mình chưa thể thực hiện được. Quả thật, những người nầy đã “bôi bác” nhiệm tích rửa tội mà họ nhận lãnh, đã hạ thấp phẩm giá Kitô hữu mà họ được vinh dự mang tên, và đã tự làm nghèo nàn đi cái mối quan hệ sống động và đầy thân thương giữa mình và Thiên Chúa, giữa cuộc sống mình và sự chăm sóc đầy tế nhị thân thương của Vị Mục Tử Nhân Lành.

Trong khi đó, cũng có không ít người đã lý luận: Ở trong đàn chiên làm gì cho mệt. Cứ tự do bay nhảy bên ngoài không sướng sao. Cũng vì lý luận như thế mà “con cừu của ông Séguin” đã bỏ mạng bên bờ suối vắng vì đã tự ý bỏ đàn tung tăng một mình giữa rừng khuya. Không, chúng ta, những người Kitô hữu, chúng ta hoàn toàn được giải thoát để sống trong môi trường tự do của con cái Thiên Chúa. Bởi vì Đấng chúng ta tin thờ chính là Đường, Sự thật và là sự sống, Ngài là Mục Tử nhân lành sẵn sàng hy sinh tất cả vì đàn chiên, cả đến mạng sống. Chúng ta đừng quên rằng mục đích của chương trình cứu độ được thực hiện trong Đức Kitô đó là đem lại sự sống thần linh cho con người, vốn đã bị đánh mất do tội lỗi. Tin nhận Đức Kitô, đi trên con đường của Ngài, qua lối cổng là chính Ngài, con người sẽ gặp được hạnh phúc đích thực. Vì Ngài “đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào”.

Và nếu có ai đó đã hơn một lần ngã quỵ vì thương tích của lỗi lầm yếu đuối, thì hãy tin rằng Ngài sẽ đến nâng dậy và băng bó những vết thương để cùng Ngài tiếp tục tiên bước.

Nếu có ai đó đã, đang hay sẽ từng bị dập vùi vì những đoạn trường khổ đau của cuộc đời…thì hãy tin rằng Đức Kitô đang đến để vác lên vai và ân cần chăm sóc…

3. Và thế giới hôm nay đang cần những mục tử như lòng Chúa mong ước.

Nhưng cũng đã 2000 năm, Người chăn chiên vô hình Giêsu lại không ngừng sai đến những mục tử môn sinh, những “cánh tay và chiếc gậy nối dài” của Ngài để chăm sóc đàn chiên mỗi ngày mỗi đông và cũng sinh ra lăm điều phức tạp. Chính vì thế, vẫn mãi mãi cần những Phêrô, những Gioan, những Giacôbê, những Maria Mađalêna, những Augustinô, Đôminicô, Phanxicô, Anrê Phú Yên, Têrêxa Calcutta, Gioan-Phaolô II…Chính vì thế, Ngài đã từng căn dặn chúng ta: “Lúa chión đầy đồng, thợ gặt lại ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến trên đồng lúa…”. Cho nên hôm nay, Giáo Hội lại một lần nữa tha thiết nguyện cầu cho ơn kêu gọi linh mục-thánh hiến, cầu nguyện cho Giáo Hội có những tâm hồn quảng đại và anh hùng “sẵn sàng đập bể bình dầu thơm cuộc đời để xức chân cho Chúa, để làm rực lên mùi thơm cho ngôi nhà Giáo Hội” (Tông huấn Đời Thánh Hiến của ĐTC G.P II)

Và tất cả chúng ta cũng có thể mượn lời thơ của Cha Trăng Thập Tự để thân thưa với Chúa rằng:

Và tôi cũng là một con chiên

Còn Ngài mới là người chăn chiên

Và tôi thích rồi như vậy mãi

Để Ngài đưa tôi đi bằng yên.

Lối quanh co và thung lũng sâu

Suối trong veo đồng xanh một màu

Tôi sẽ chạy theo cây gậy Ngài

Ở bên Ngài tôi lo gì đâu.

Nếu khi nào tôi lỡ lạc xa

Thì Người chăn chiên vô hình ạ,

Xin hãy đánh tôi bằng gậy hiền

Và lôi tôi về với đoàn chiên.
 
Rất cần ơn thánh Chúa
+ GM G.B. Bùi Tuần
22:35 12/04/2008
RẤT CẦN ƠN THÁNH CHÚA

Đối với người công giáo, ơn thánh Chúa là vấn đề rất quan trọng.

Từ khi Chúa Giêsu phán: "Không có Thầy, chúng con không làm gì được" (Ga 15,5) ơn thánh Chúa được coi là hết sức cần thiết. Riêng trong lãnh vực đạo đức, ơn thánh Chúa giữ một vai trò đặc biệt, không gì thay thế được.

Ở đây, chúng ta gẫm suy về vài điểm mà thôi.

1/ Rất cần ơn thánh Chúa để đối phó với các lực lượng phá hoại trong mình ta

Trong mỗi người chúng ta luôn có ánh sáng, nhưng cũng luôn có bóng tối. Ánh sáng thôi thúc chọn điều lành. Bóng tối dụ dỗ chọn điều xấu. Càng nơi người đạo đức, cuộc chiến nội tâm càng quyết liệt. Thánh tông đồ Phaolô tự cáo mình: "Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm... Khi tôi muốn làm điều thiện, thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay... Tôi thật là một người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Rm 7,16-24).

Nhờ ơn Chúa, mà thánh Phaolô nhận ra mình mang trong bản thân những lực lượng phá hoại.

Cũng nhờ ơn Chúa, mà thánh Phaolô đã thắng được những lực lượng phá hoại đó.

Biết bao người không được như vậy. Không những họ không thắng được sự ác trong mình, mà cũng không nhận ra trong mình có nhiều sự ác.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nêu lên trường hợp người biệt phái và người thu thuế cùng lên đền thờ cầu nguyện. Người biệt phái được dư luận coi là loại đạo đức. Ông ta cũng tự tin như vậy, khi ông nói với Chúa: "Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: Tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí không dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18,11-13). Và Chúa Giêsu kết luận: Người thu thuế thì được nên công chính, còn người biệt phái thì không.

Chuyện trên đây cho ta thấy: Người thu thuế, tuy rất tội lỗi, nhưng đã đón nhận ơn Chúa, để biết mình và biết sám hối, nên đã được tha. Còn người biệt phái đã không nhận ơn Chúa, nên không biết mình, không biết sám hối, nên không được tha.

Hai người khác nhau ở chỗ: Kẻ thì có khiêm nhường, nên đã đón nhận được ơn Chúa, và người thì không có khiêm nhường, nên đã không đón nhận được ơn Chúa.

Dụ ngôn vừa nêu vẫn xảy ra mọi thời. Nếu chúng ta không khiêm nhường, cứ tưởng mình đạo đức, nên tự tin, tự mãn, tự kiêu, do đó mà không đón nhận được ơn Chúa, thì số phận dành cho ta cũng sẽ như số phận dành cho người biệt phái.

2/ Rất cần ơn thánh Chúa để giải thoát mình ra khỏi những tội tập thể

Tội tập thể là những sai trái thuộc chung cộng đoàn và quần chúng.

Trong Phúc Âm, tội tập thể trước hết là tội thuộc một nhóm. Họ là các kinh sư và biệt phái. Thánh Matthêu liệt kê các tội tập thể của kinh sư và biệt phái trong hẳn một chương dài, tức chương 23. Chúa Giêsu gọi đích danh những kinh sư và biệt phái ra, và kể cụ thể các tội của nhóm họ (x. Mt 23,1-36).

Tiếp đến, tập thể là quần chúng. Chúa Giêsu đã nói về đám đông đó rất rõ: "Giả như Thầy không làm giữa họ những việc không một ai khác đã làm, thì họ đã không có tội. Nhưng nay họ đã thấy rồi, mà vẫn ghét cả Thầy lẫn Cha Thầy" (Ga 15,24).

Hồi đó, đích thân Chúa Giêsu sống giữa đám đông Do Thái, và bên cạnh nhóm kinh sư và biệt phái. Chúa giảng dạy, Chúa làm phép lạ, Chúa mời gọi, Chúa răn đe, Chúa chịu khổ nạn vì họ. Nhưng ít người trong họ đã rút mình ra khỏi được cách suy nghĩ và cách sống của tập thể. Tại sao vậy? Thưa vì họ có tự do, và Chúa trọng sự tự do của họ. Chúa sẵn sàng ban ơn. Nhưng Chúa không ép ai phải nhận. Chỉ những ai khiêm nhường.

Đối với nhiều người, nhóm là chỗ dựa, đám đông là tiêu chuẩn. Họ ẩn mình trong nhóm. Họ đẩy trách nhiệm cho đám đông. Áp lực của tập thể rất lớn. Nhưng những ai khiêm nhường, biết cầu xin với Chúa, thì Chúa sẽ ban cho họ ơn biết đón nhận ý Chúa. Họ vẫn thương tập thể, nhưng chỉ để cho ơn Chúa lôi kéo mình mà thôi.

3/ Rất cần ơn thánh Chúa để sám hối trở về

Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy sám hối là cửa lối vào Tin Mừng. Nhưng không phải tất cả mọi người đã đi qua cửa sám hối.

Đọc chuyện Hội Thánh, chúng ta thấy: Đức Mẹ Maria nhiều lần khẩn khoản mời gọi sám hối. Nhưng số người vâng lời Mẹ để sám hối vẫn không đông.

Có nhiều người, tuy biết mình sống trong tội lỗi, nhưng vẫn không sám hối, hoặc có sám hối, nhưng chỉ hời hợt. Sự thực trên đây là rất đáng buồn và rất nguy hiểm.

Tại sao người ta không chịu sám hối. Thưa không phải vì thiếu lời răn bảo, cũng không phải vì không gặp được nhà thờ, hay linh mục giải tội, cũng không phải vì họ cảm thấy không cần thiết. Nhưng thường vì họ không tự mình chỗi dậy được.

Chỗi dậy khỏi tội là bẻ gẫy được xiềng xích sự ác quấn quanh mình. Chỗi dậy là thắng được lũ quỷ Satan chiếm đoạt lòng mình. Chỗi dậy là sống giữa đời mà không bị thói xấu của đời vây hãm.

Chỗi dậy như thế đâu phải việc dễ. Kinh nghiệm cho thấy: Chỗi dậy tuy khó, nhưng với ơn thánh Chúa, việc chỗi dậy sẽ dễ dàng.

Ơn thánh sẽ đến với ta, nhờ lòng thương xót Chúa, và một phần cũng vì ta được nhiều người cầu nguyện hy sinh đền tội cho, và cũng vì ta biết đón nhận ơn thánh một cách khiêm nhường.

Hiện nay, trong lãnh vực đạo đức, đâu đâu cũng kêu cứu. Nơi tốt kêu cứu, vì tình hình bị đe doạ. Nơi không tốt kêu cứu, vì tình hình rất bi đát. Nơi lừng chừng kêu cứu, vì tình hình rất mong manh.

Chúng ta hãy khiêm tốn cầu xin Chúa thương đến mọi người mọi nơi.

Chúng ta khiêm tốn xin Chúa ban ơn thánh của Người, để công việc chấn chỉnh Hội Thánh Việt Nam được thực hiện tốt bây giờ và mãi mãi.

Chúng ta khiêm tốn cầu xin Chúa thương đến chúng ta cách riêng, vì chúng ta xác tín: Không có ơn thánh Chúa, chúng ta không thể làm gì được trong lãnh vực đạo đức.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội truyền Giáo PIME đánh dấu 150 năm truyền giáo tại Hồng Kông
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:45 12/04/2008
Hong Kong (AsiaNews) - Để đánh dấu kỷ niệm 150 năm các nhà truyền giáo của Học việc Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại (PIME) có mặt ở Hồng Kông, hôm 11/04/2008, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã cử hành Lễ tạ ơn ở Nhà thờ Chính tòa Hồng Kông và một Hội nghị về những thách đố hiện nay trong việc loan báo Tin Mừng ở Trung Quốc cũng tổ chức vào tối cùng ngày.

Trước đó một ngày, tại Nhà Clear Water Bay của PIME ở New Territories đã diễn ra buổi cầu nguyện và “tiệc thân mật”. Trước 150 thực khách, khoảnh khắc lịch sử đã được đánh dấu và một phiến đá đặc biệt được khánh thành để nhắc lại 207 nhà truyền giáo PIME đã đặt chân lên mảnh đất này trong 1,5 thế kỷ qua. Trong thành phần tham dự có sự hiện diện của Đức Hồng y Trần Nhật Quân, Đức Cha Phụ tá John Tong và một số vị thẩm quyền của giáo phậncùng với các đại diện giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ.

Các nhà truyền giáo PIME (còn được biết với tên Hội truyền giáo Milan) bắt đầu công cuộc mạo hiểm của họ ở Hồng Kông và Trung Quốc vào ngày 10/04/1858 khi Cha Paolo Reina, đến từ Saronno, nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Hồng Kông. Từ một nhóm nhỏ người Công Giáo đến nay giáo phận đã đạt được thành quả khoảng 350 ngàn tín hữu cùng với 100 ngàn người di dân Phi Luật Tân, cũng như có khoảng 4000 người chịu phép Thánh Tẩy mỗi năm. Trong Thánh thi tán tụng "Lạy Thiên Chúa", Đức Cha John Tong đã cám ơn các nhà truyền giáo PIME đã có công nuôi dưỡng Giáo phận của Trung Quốc lớn nhất thế giới này: “Anh em phải rất hãnh diện vì công việc của anh em và chúng tôi hy vọng rằng anh em sẽ tiếp tục phục vụ Giáo Hội Hồng Kông, và nơi đây anh em cảm thấy như ở quê hương của mình”.

Đức Hồng y Giuse đã bày tỏ lòng khâm phục của ngài đối với Đức Cha Enrico Valtorta và Đức Cha Lorenzo Bianchi, hai vị giám mục truyền giáo của Hồng Kông mà cá nhân ngài biết được.

Cha Sergio Ticozzi đã lượt lại các giai đoạn của Hội truyền giáo PIME và nhấn mạnh rằng cộng đoàn ở Hồng Kông rất lưu tâm đến Trung Quốc và người dân của nước này.

Trong sự kiện này, có sự hiện của vị trợ tá của Hội truyền giáo là Cha Quirino De Ascaniis, năm nay kỷ niệm 100 ngày sinh và 75 năm trong cương vị nhà truyền giáo. Là một người xứ Giulianova (Teramo), được mọi người yêu mến qua sự giản dị đích thực theo Tin Mừng, ngài đã nhận được một bức thư dài của Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh State Tracisio Bertone và được Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI chúc lành.

Ông Đại sứ Ý Đại Lợi tại Bắc Kinh Riccardo Sessa và viên lãnh sự quán tại Hồng Kông cũng hiện diện trong sự kiện này. Một số giáo dân có đóng góp đáng kể cho Hội truyền giáo PIME cũng tham dự, nhằm bày tỏ lòng biết ơn của người Công Giáo Hồng Kông đối với công việc vô giá của các nhà truyền giáo, nhất là trong việc công bố Phúc Âm.

Tất cả các vị khách được tặng một quyển sách được viết nhân dịp này có tựa đề: Từ Milan đến Hồng Kông, 150 năm Hội truyền giáo.
 
Bế Mạc Tổng Tu Nghị Dòng Salêdiêng: "Xin cho tôi các linh hồn, cỏn các sự khác cứ lấy đi"
Hồng Ân
09:56 12/04/2008
ROMA: 12.04.2008, Tổng Tu Nghị lần thứ 26 của Dòng Salêdiêng Don Bosco chính thức bế mạc sau những ngày sống trong ân sủng của Chúa Thánh Thần. Với chủ đề “DAMIHI ANIMAS, COETERA TOLLE - XIN CHO TÔI CÁC LINH HỒN, CÒN NHỮNG SỰ KHÁC CỨ LẤY ĐI”, TTN26 được xem là Lễ Ngũ Tuần mới của toàn Dòng cách riêng và cho Giáo Hội cách chung.

Chính chủ đề này, như sứ điệp của ĐTC Benedetto gởi cho TTN, diễn tả “cùng một kế hoạch đời sống tông đồ và thiêng liêng mà Don Bosco đã chọn”; “diễn tả một tổng hợp của khoa thần nghiệm và tu đức của người Salêdiêng” [toàn văn sứ điệp của ĐTC: http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?Id=52840]. Chủ đề này cũng nhấn mạnh đến “tầm quan trọng trong việc giúp cho giới trẻ biết phát huy những năng lực nội tâm thành nguồn sống năng động và tích cực; tạo cơ hội cho chúng gặp gỡ được những tư tưởng cao thượng nơi nhân tính và những giá trị Tin Mừng; khích lệ chúng trở thành những nhân tố hữu ích trong xã hội qua lao động và việc tham gia vào các thiện ích chung”.

Với 232 thành viên, đến từ 129 quốc gia, Tổng Tu Nghị đã bàn về các vấn đề chính được khởi hứng từ câu châm ngôn của Don Bosco “Xin cho con các linh hồn”; duyệt xét hành trình trong sáu năm qua; định hướng đi cho toàn Dòng trong sáu năm tới, bầu Cha Bề Trên Cả và ban Tổng Cố Vấn. Cha Pasqual Chavez, tái đắc cử trách nhiệm Bề Trên Cả - Đấng kế vị thứ IX của Don Bosco, trong diễn văn khai mạc đã trình bày tổng quát hiện trạng của Dòng, trong đó ngài đề cập đến lòng trung thành với Don Bosco trong việc phục vụ giới trẻ và tính thế giới của Dòng Salêdiêng. Đồng thời ngài cũng trình bày rằng hiện nay toàn Dòng có 15750 tu sĩ và thống kê mỗi năm có khoảng 520 tập sinh.

Với cái nhìn về tương lai, Cha Bề trên Cả Chavez đã nêu lên 5 đường nét lớn: 1.Thiên niên kỷ thứ ba: việc Tân Phúc Âm Hóa (dẫn đưa giới trẻ đến với Chúa Giêsu bằng những hình thức mới. Tìm những hình thức mới để đem Tin mùng đến cho giới trẻ); 2. Trổ hoa thánh thiện (Lời mời gọi nên thánh của ĐTC Gioan Phaolô II, vì thế Sự thánh thiện phải là chương trình của Thiên Chúa dành cho người Salêdiêng); 3. Thời gian Ân Sủng (trong đó kỷ niệm 150 năm thành lập Tu Hội và 200 năm Sinh nhật Don Bosco (2015);4. Cộng thể Salêdiêng, chủ thể nội dung thứ nhất của sứ mệnh (Trước hết họ được mời gọi sống hiệp thông, vì thế sứ mệnh thứ nhất là sống như anh em với nhau. Đời sống huynh đệ hệ tại ở việc tiếp nhận con người, tình yêu đích thực, niềm vui sống và làm việc chung, mọi người tích cực tham gia); 5. Tính sứ ngôn của giáo dục và tính hiện thực của Hệ thống Giáo dục Dự phòng (Đức Ái Mục Tử - Giáo dục mới cần những nhà giáo dục mới).

Cha Bề Trên Cả, trong diễn văn chào mừng ĐTC Benedetto XVI nhân buổi tiếp kiến riêng dành cho TTN26 vào ngày 31.03, đã canh tân lòng trung thành của con cái Don Bosco với ĐTC và với Giáo Hội. Đồng thời ngài cũng ngỏ lời với ĐTC rằng “như 30 năm trước chúng con đã khởi đầu ‘kế hoạch Phi Châu’, và đã mang lại nhiều hoa trái dồi dào về ơn gọi, về công cuộc và về việc thăng tiến người trẻ; thì chúng con cũng đang định hướng thực hiện ‘kế hoạch Châu Âu’. Nghĩa là tìm kiếm những cách thế mới trong việc rao giảng Tin Mừng cho châu lục này, để có thể đáp lại những nhu cầu thiêng liêng cũng như nhu cầu xã hội của giới trẻ”.

Trong diễn văn bế mạc TTN26, Cha Bề Trên Cả Chavez kêu mời tất cả các tu sĩ và toàn thể gia đình Salêdiêng sống 5 điểm chính yếu: 1. Xuất phát lại từ Chúa Kitô và Don Bosco: chính Chúa Kitô là trung tâm điểm của cuộc sống, nhờ đó người Salêdiêng trao hiến toàn bộ ‘con tim, sức lực, thời gian và cả cuộc sống cho giới trẻ’ như Don Bosco; 2. Tâm hồn truyền giáo, nghĩa là ‘thao thức vì phần rỗi nhân loại qua kinh nghiệm và chia sẻ cuộc sống với Chúa Giêsu và Don Bosco’; 3. Kế hoạch trong 6 năm tới trong đó nhấn mạnh đến ‘kế hoạch Châu Âu’; 4. Yêu mến và trung thành với Don Bosco: “Đây là điều quan trọng mang tính sống còn đối với các Salêdiêng để tiếp tục đoàn sủng của Don Bosco, để hiểu biết Ngài, học hỏi nơi Ngài, yêu mến Ngài, bắt chước Ngài, khẩn cầu cùng Ngài và lấp đầy mình bằng nhiệt tâm tông đồ tuôn trào từ Thánh Tâm Đức Kitô. Lòng nhiệt thành này chính là khả năng trao hiến chính mình, chạnh lòng thương các linh hồn, hy sinh vì tình yêu, đón nhận trong niềm vui đời sống thường nhật và sẵn sàng từ bỏ tất cả vì lý tưởng tông đồ’; 5. Sống “nhiệt tâm tông đồ”, được gợi hứng từ chính Don Bosco khi mùa hè năm 1846 ngài hứa với các học sinh: ‘đời Cha là dành cho các con’; nhờ đó giới trẻ có thể tìm gặp nơi những người tu sĩ Salêdiêng sự sẵn sàng và sự đồng hành trong đời sống.

“Da mihi animas, cetera tolle” là lời kinh nguyện của tu sĩ Salêdiêng trong từng ngày sống. Trở về với Don Bosco để phục vụ giới trẻ; lắng nghe và trao hiến đời mình cho Thiên Chúa và cho giới trẻ cho đến hơi thở cuối cùng.
 
The Beautiful Hands of a Priest
Unknown
12:13 12/04/2008
The Beautiful Hands of a Priest

We need them in life’s early morning,
we need them again at its close;
We feel their warm clasp of true friendship,
we seek them when tasting life’s woes.
At the altar each day we behold them
and the hands of a king on his throne
Are not equal to them in their greatness,
their dignity stands all alone;
And when we are tempted and wander
to pathways of shame and of sin,
It’s the hand of a priest will absolve
us—not once, but again and again;
And when we are taking life’s partner,
other hands may prepare us a feast,
But the hand that will bless and unite
us is the beautiful hand of a priest.
God bless them and keep them all holy
for the Host which their fingers caress;
When can a poor sinner do better than
to ask Him to guide thee and bless?
When the hour of death comes upon us,
may our courage and strength be increased
By seeing raised over us in blessing,
the beautiful hands of a priest!

Consecration to the Holy Spirit

O Holy Spirit, receive the perfect and complete consecration of my whole being.
In all my actions, grant me the grace of being my Light, my Guide, my Strength
and the Love of my heart. I surrender myself to You, and I ask of You the grace
to be faithful to Your inspirations. Holy Spirit, transform me through Mary and
with Mary into a true image of Christ Jesus, for the glory of the Father, and the
salvation of the world. Amen


Litany for Priests

For our Holy Father, Pope Benedict.
Lord, give him Your Heart of the Good Shepherd.
For the successors of the Apostles.
Lord, give them fatherly concern for their priests.
For Your Bishops chosen by the Holy Spirit.
Lord, keep them close to Your sheep.
For Your Pastors.
Lord, teach them to serve rather than to seek to be served.
For confessors and spiritual directors.
Lord, make them docile instruments of Your Spirit.
For those who announce Your Word.
Lord, let them communicate Your Spirit and Life.
For those who help the lay apostolate.
Lord, encourage them to give witness.
For those who work among the poor.
Lord, make them see and serve You in them.
For those who care for the sick.
May they teach them the value of suffering, Lord.
For poor priests.
Help them, Lord.
For sick priests.
Heal them, Lord.
For elderly priests.
Give them joyful hope, Lord.
For the sad and afflicted.
Console them, Lord.
For anxious and troubled priests.
Give them Your peace, Lord.
For the ridiculed and persecuted.
Defend their cause, Lord.
For lukewarm priests.
Inflame them, Lord.
For the discouraged.
Give them courage, Lord.
For those who aspire to the priesthood.
Give them perseverance, Lord.
To all priests.
Give them fidelity to You and Your Church, Lord.
To all priests.
Give them obedience and love for the Holy Father, Lord.
To all priests.
Let them live in communion with their Bishop,Lord.
That all priests.
Be one as You, Lord, and the Father are One.
That all priests.
May promote justice with which You, Lord, are just.
That all priests.
Collaborate in the unity of the Presbyterate, Lord.
That all priests, filled with Your presence.
Live joyfully in celibacy, Lord.
To all priests.
Grant them the fullness of Your Spirit, Lord,
and transform them into Yourself.


In a special way, I pray for those priests through whom
I have received Your graces:
I pray for the priest who baptized me and for those
who have absolved me of my sins, r
econciling me with You and with Your Church.
I pray for those priests in whose Masses
I have participated and who have given me Your Body as nourishment.
I pray for those priests who have shared Your Word with me,
and for those who have helped me and led me toYou. Amen


World Priest Day Prayer

Heavenly Father,
We come before you today to ask your blessing on our brothers,
Whom you have called to the Sacrament of Holy Orders.

Lord Jesus,
We ask that you support them with your presence
And fill them with grace to serve you faithfully.

Gracious Spirit,
Unite us in service with those whom you have called.
Open our hearts to encourage our brothers and sons to pursue your calling,
And open their hearts to hear Your call to this most Holy Sacrament.
Amen.
 
Bế mạc Tổng Tu Nghị lần thứ 26 Dòng Salêdiêng Don Bosco tại Roma
Francesco Đức Thịnh SDB
12:54 12/04/2008
ROMA – Theo nguồn tin Báo ANS (Agenzia Info Salesiana) hôm nay Thứ Bảy 12/04/2008 lúc 11giờ (giờ Roma – Italia) tức 5giờ chiều (giờ Việt Nam) tại Nhà Nguyện của Trụ Sở Trung Ương Cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Salêdiêng Don Bosco Pascual Chavez Villanueva đã chủ sự Thánh Lễ đồng tế cùng với 232 thành viên của Tổng Tu Nghị đến từ 129 quốc gia trên thế giới để bế mạc Tổng Tu Nghị lần thứ 26 của Dòng.

Bề Trên Tổng Quyền và Ban Tổng Cố Vấn Dòng Nhiệm kỳ 2008-2014
Được biết Tổng Tu Nghị lần thứ 26 của Dòng Salêdiêng đã chính thức khai mạc hôm mùng 03 tháng 03 năm 2008, nhưng trước đó theo lịch trình các thành viên của Tổng Tu Nghị đã có mặt tại Roma từ ngày 23 tháng 02 năm 2008 để tham dự tuần hành hương về lại cội nguồn là những nơi mà chính Thánh Gioan Bosco đã sinh ra, sống và làm việc phục vụ sứ mệnh Salêdiêng ở Torinô miền Bắc Nước Ý, đây là thời gian rất qúy báu được dành riêng cho các thành viên của Tổng Tu Nghị nhằm kín múc, khơi dậy và kiện cường tinh thần Salêdiêng, sau những ngày hành hương nói trên các thành viên Tổng Tu Nghị đã trở về lại Pisana - Roma là Trụ Sở trung ương của Dòng để tham dự Tuần Tĩnh Tâm trước khi khai mạc Tổng Tu Nghị. Sau tuần tĩnh tâm ngày thứ hai 03 tháng 03 năm 2008 Cha Bề Trên Tổng Quyền Pascual Chavez Villanueva người Mêxicô đã long trọng khai mạc Tổng Tu Nghị.

Trong thời gian Tổng Tu Nghị các thành viên Tổng Tu Nghị đã bầu chọn Bề Trên Tổng Quyền và Ban Tổng Cố vấn mới, Cha Pascual Chavez Villanueva người Mexicô đã tái đắc cử Bề Trên Tổng Quyền nhiệm kỳ II trong 6 năm (2008 – 2014), Cha Adriano Bregoli người Ý cũng tái đắc cử Phó Bề Trên Tổng Quyền với nhiệm kỳ II, Cha Francesco Cereda người Ý cũng tái đắc Tổng Cố Vấn đào luyện của nhiệm kỳ II, đặc biệt lần này Cha Bề Trên Tổng Cố Vấn vùng Á
Cha Andrew Wong SDB
Châu Đại Dương là Cha Andrew Wong người Phi Luật Tân năm nay 58 tuổi đương kim Giám Tỉnh - Tỉnh Dòng Manila Phi Luật Tân đã đắc cử Tân Bề Trên Tổng Cố Vấn vùng Á Châu Đại Dương (trong đó có Việt Nam) thay thế Cha Václav Klement người Czech trước đây là Bề Trên Tổng Cố Vấn vùng Á Châu Đại Dương. Và đây cũng là lần đầu tiên một Sư Huynh Salêdiêng
Sư Huynh Marangio SDB
được bầu vào chức vụ Tổng Quản Lý của Tu Hội đó là Sư Huynh Claudio Marangio người Ý năm nay 43 tuổi.

Sau hơn 1 tháng hội họp, để kỷ niệm 162 năm trước đây vào ngày lễ phục sinh 12 tháng 04 năm 1846 ngày mà Thánh Gioan Bosco đã khánh thành Nguyện xá tại Valdocco (cái nôi của Salêdiêng), hôm nay thứ bảy 12 tháng 04 năm 2008 Cha Bề Trên Tổng Quyền đã chủ sự thánh lễ Bế mạc Tổng Tu Nghị lần thứ 26 của Dòng. Mở đầu bài giảng Cha Bề Trên Tổng Quyền Pascual Chavez nói: “ Đã đến lúc Anh Em sẽ trở về các Tỉnh Dòng của mình và đảm nhận lấy cuộc sống và sứ mệnh Salêdiêng trong cuộc sống thường nhật, Lời Chúa phải là tiếng nói cuối cùng vang lên trong Tổng Tu Nghị của chúng ta, và Lời Ngài cũng sẽ chiếu sáng như những ngọn hải đăng trên quê hương đất nước của Anh Em, Lời Chúa sẽ như là lương thực thiêng liêng nâng đỡ và đồng hành với chúng ta, và Anh Em hãy luôn lập lại Lời của Chúa trong cuộc sống thường nhật của mình.”

Vào cuối bài giảng Cha Bề Trên Tổng Quyền đã nhắc lại cùng với các thành viên của Tổng Tu Nghị về lịch sử của ngày Lễ Phục Sinh 12 tháng 04 năm 1846 ngày mà Don Bosco đã khánh thành Nguyện Xá tại Valdocco, ngày này cũng chính là ngày cuối cùng mà những người Salêdiêng đã tìm được một ngôi nhà tại Valdocco. Ngày hôm nay 12 tháng 04 năm 2008 khi chúng ta kết thúc Tổng Tu nghị lần thứ 26 thì cũng chính là lúc chúng ta bắt đầu một chặng đường mới cho sức sống của toàn Tu Hội và cho mỗi Tỉnh Dòng”.

Kết thúc Thánh Lễ, Cha Bề Trên Tổng Quyền đã ngỏ lời cám ơn các Bề Trên Tổng Cố Vấn đã mãn nhiệm kỳ và ngài đã trao tặng cho mỗi vị một tượng Đức Mẹ Phù Hộ bằng gỗ rất đẹp, nhân dịp nàyCha Bề Trên Tổng Quyền cũng đã công bố Cha Francis Alencherry người Ấn Độ nguyên Tổng Cố Vấn Truyền Giáo vừa mới mãn nhiệm kỳ sẽ chính thức nhận nhiệm vụ sinh động tại Bangladesh để mở một Cộng Thể Salêdiêng đầu tiên tại đây, đây cũng là một biên cương mới của Sứ Mệnh Salêdiêng được mở ra sau Tổng Tu Nghị lần thứ 26 này.

Sau khi kết thúc Tổng Tu Nghị, được biết phái đoàn các thành viên Tổng Tu Nghị của Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam sẽ dành một chút thời gian thăm viếng Nước Pháp và Nước Hungary để khích lệ và động viên tinh thần làm việc và truyền giáo của một số Anh Em Salêdiêng Việt Nam đang sống và làm việc truyền giáo tại hai Quốc Gia này.

Cầu chúc phái đoàn Salêdiêng Việt Nam gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp nhất và trở về Quê Hương Việt Nam được bằng an.

Thủ Đức 12/04/2008
 
Đức Thánh Cha kêu gọi bớt võ trang để hỗ trợ phát triển
LM Trần Đức Anh OP
14:44 12/04/2008
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 tái kêu gọi các nước hãy giảm bớt chi phí võ trang quân sự và tiến tới việc thiết lập một ngân quỹ quốc tế để trợ giúp phát triển hòa bình cho các dân tộc.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp gửi các tham dự viên Hội nghị quốc tế do Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình tổ chức tại Roma trong 2 ngày 11 và 12-4-2008 về đề tài ”Giải trừ võ trang, phát triển và hòa bình. Viễn tượng giải trừ võ trang toàn diện”.

Trong sứ điệp, ĐTC nhận xét rằng ngày nay cộng đồng thế giới như bị lạc hướng. Tại nhiều miền trên trái đất vẫn còn những căng thẳng và chiến tranh, và cả tại những nơi không có chiến tranh người ta sống trong tâm tình sợ hãi và bất an.

ĐTC nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa phát triển và hòa bình đồng thời ngài khẳng định rằng: ”Không thể nghĩ đến việc giảm bớt võ trang nếu trước đó người ta không loại bỏ bạo lực tận căn, nghĩa là nếu trước đó con người không quyết liệt hướng về sự tìm kiếm hòa bình, sự thiện và điều công chính.. Theo nghĩa đó, việc giải trừ võ trang không phải chỉ liên quan tới việc võ trang của các Nhà Nước, nhưng còn liên hệ tới mỗi người, được kêu gọi giải trừ võ trang chính con tim của mình và trở thành những người xây dựng hòa bình khắp nơi. Bao lâu còn có nguy cơ bị xúc phạm, tấn công, thì bấy lâu việc võ trang của các quốc gia tiếp tục là điều cần thiết vì lý do tự vệ hợp pháp, vốn là một điều được liệt kê vào số những quyền bất khả nhượng của các quốc gia, vì có liên hệ tới chính nghĩa vụ của Nhà Nước phải bảo vệ an ninh và hòa bình của dân chúng”.

ĐTC tố giác sự thiếu tôn trọng nguyên tắc ”mỗi nước chỉ được sở hữu đủ võ khí để tự vệ” đã đưa tới một sự nghịch lý là Nhà Nước đe dọa sự sống và an bình của dân chúng mà họ muốn bảo vệ bằng việc võ trang, khi chuẩn bị chiến tranh.

Ngoài ra, số lượng tài nguyên khổng lồ về vật chất và nhân sự đang được dùng cho chi phí quân sự và võ trang, những tài nguyên đó bị tước khỏi các dự án phát triển các dân tộc, nhất là những dân nghèo khổ và túng thiếu nhất. Đó cũng là điều đi ngược lại Hiến chương của LHQ (n.26).

ĐTC nêu bật sự kiện việc sản xuất và buôn bán võ khí trên thế giới liên tục gia tăng và đang lôi kéo nền kinh tế thế giới đi theo chúng. Hiện đang có xu hướng đặt nền kinh tế dân sự và nền kinh tế quân sự chồng lên nhau, như người ta thấy càng ngày càng phổ biến các lại hàng hóa và kiến thức có thể dùng cho cả hai lãnh vực dân sự và quân sự. Nguy cơ này đặc biệt trầm trọng trong lãnh vực sinh học, hóa học và hạt nhân, trong đó các chương trình dân sự không bao giờ là chắc chắn, nếu không loại bỏ hoàn toàn các chương trình dân sự và thù địch”.

Vì thế, ĐTC viết: ”Tôi tái lên tiếng kêu gọi các nước hãy giảm chi phí quân sự võ trang, và cứu xét nghiêm túc ý tưởng thành lập một ngân quỹ thế giới nhắm tài trợ cho các dự án phát triển hòa bình cho các dân tộc”.

Theo viện Sipri (Stockholm Internazional Peace research Institut), năm 2006, Hoa kỳ đã chi 528,7 tỷ mỹ kim cho quốc phòng, tương đương với 46% tổng số chi phi của thế giới cho quân sự. Anh quốc chi 59 tỷ mỹ kim, Pháp 53 tỷ, Trung quốc 49 tỷ và Nga 34,7 tỷ mỹ kim cho quốc phòng. Năm 2006, Hoa kỳ xuất khẩu võ khí các loại và bán được 7.929 tỷ mỹ kim (SD 12-4-2008)
 
ĐTC Benedictô XVI tưởng nhớ sự đóng góp lớn lao cho Phúc Âm của ĐHY Ernesto, Tổng giám mục Mexicô
Peter Nguyễn Minh Trung
22:31 12/04/2008
VATICAN (Zenit.org) - ĐTC Benedict XVI đã gửi điện chia buồn sâu sắc tới giáo phận Mexicô về sự ra đi của Đức Hồng Y Ernesto Corripio Ahumada, Tống Giám Mục Mexico, qua đời vào thứ 5 vừa qua ở tuổi 88.

Điện văn của Đức Thánh Cha được gửi đến ĐHY Norberto Rivera Carrera chia buồn về sự ra đi của Đức cố Hồng Y như một "vị mục tử sốt sắng" với "sự đóng góp vĩ đại cho công cuộc Phúc âm hóa".

Ngài nói: "Tôi đau buồn sâu sắc trước sự ra đi của ĐHY đáng kính Ernesto Corripio Ahumada, nguyên TGM Mexico, sau khi ngài chịu đựng cơn bệnh kéo dài trong thanh thản. Tôi muốn biểu lộ lời chia buồn chân thành của tôi tới Đức Hồng Y, tới thân bằng quyến thuộc của Đức cố Hồng Y Ernesto và tới toàn thể người dân Mexico. Tôi hiệp thông với ĐHY trong lời cầu nguyện cho vị mục tử nhiệt thành phục vụ Dân Chúa và phó thác linh hồn ngài cho lòng thương xót trong tay Cha Nhân Lành."

"Tôi tưởng nhớ đến sự nhiệt thành của ngài tại Tampico và sau này ngài phục vụ trong cương vị Tổng Giám Mục giáo phận Antequera, Puebla de Los Angeles và Mexico, cũng như trong cương vị chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mexico trong nhiều năm, cũng không quên kể đến sự đóng góp lớn lao của ngài trong công cuộc truyền giảng Phúc Âm. Tất cả đều để nên chứng tá cho tình yêu vô bờ bến cho Thiên Chúa và Giáo Hội."

Về phần mình, ĐHY Rivera đã phát biểu như sau với vị tiền nhiệm: "Như điều xảy ra với mọi con người vĩ đại trên trái đất, sự ra đi của ĐHY Ernesto để lại một khoảng trống không thể lấp đầy, nhưng giữa chúng ta, lời dạy và cuộc đời chứng nhân đức tin là người Kitô hữu của ngài sẽ mãi còn hiện diện."

Đức cố Hồng Y Ernesto Corripio Ahumada được biết đến nhờ sự phục vụ của ngài đối với người dân Mexico bản xứ, ngài cũng là người khởi sự cho quá trình phong thánh của Thánh Juan Diego.

ĐHY Ernesto sinh năm 1919 tại Tampico và trải qua những năm tháng khó khăn nhất trong thời kỳ bách hại tôn giáo ở Mexico. Ngài được thụ phong Linh mục năm 1942, thụ phong Giám mục năm 1952 ở tuổi 33 và phục vụ trong cương vị Tổng Giám Mục thủ đô Mexico từ năm 1977 đến 1994.
 
Top Stories
A Catholic Wind in the White House
Daniel Burke/ Washington Post
14:27 12/04/2008
A Catholic Wind in the White House

Shortly after Pope Benedict XVI's election in 2005, President Bush met with a small circle of advisers in the Oval Office. As some mentioned their own religious backgrounds, the president remarked that he had read one of the new pontiff's books about faith and culture in Western Europe.

Save for one other soul, Bush was the only non-Catholic in the room. But his interest in the pope's writings was no surprise to those around him. As the White House prepares to welcome Benedict on Tuesday, many in Bush's inner circle expect the pontiff to find a kindred spirit in the president. Because if Bill Clinton can be called America's first black president, some say, then George W. Bush could well be the nation's first Catholic president.

This isn't as strange a notion as it sounds. Yes, there was John F. Kennedy. But where Kennedy sought to divorce his religion from his office, Bush has welcomed Roman Catholic doctrine and teachings into the White House and based many important domestic policy decisions on them.

"I don't think there's any question about it," says Rick Santorum, former U.S. senator from Pennsylvania and a devout Catholic, who was the first to give Bush the "Catholic president" label. "He's certainly much more Catholic than Kennedy."

Bush attends an Episcopal church in Washington and belongs to a Methodist church in Texas, and his political base is solidly evangelical. Yet this Protestant president has surrounded himself with Roman Catholic intellectuals, speechwriters, professors, priests, bishops and politicians. These Catholics -- and thus Catholic social teaching -- have for the past eight years been shaping Bush's speeches, policies and legacy to a degree perhaps unprecedented in U.S. history.

"I used to say that there are more Catholics on President Bush's speechwriting team than on any Notre Dame starting lineup in the past half-century," said former Bush scribe -- and Catholic -- William McGurn.

Bush has also placed Catholics in prominent roles in the federal government and relied on Catholic tradition to make a public case for everything from his faith-based initiative to antiabortion legislation. He has wedded Catholic intellectualism with evangelical political savvy to forge a powerful electoral coalition.

"There is an awareness in the White House that the rich Catholic intellectual tradition is a resource for making the links between Christian faith, religiously grounded moral judgments and public policy," says Richard John Neuhaus, a Catholic priest and editor of the journal First Things who has tutored Bush in the church's social doctrines for nearly a decade.

In the late 1950s, Kennedy's Catholicism was a political albatross, and he labored to distance himself from his church. Accepting the Democratic nomination in 1960, he declared his religion "not relevant."

Bush and his administration, by contrast, have had no such qualms about their Catholic connections. At times, they've even seemed to brandish them for political purposes. Even before he got to the White House, Bush and his political guru Karl Rove invited Catholic intellectuals to Texas to instruct the candidate on the church's social teachings. In January 2001, Bush's first public outing as president in the nation's capital was a dinner with Washington's then-archbishop, Theodore McCarrick. A few months later, Rove (an Episcopalian) asked former White House Catholic adviser Deal Hudson to find a priest to bless his West Wing office.

"There was a very self-conscious awareness that religious conservatives had brought Bush into the White House and that [the administration] wanted to do what they had been mandated to do," says Hudson.

To conservative Catholics, that meant holding the line on same-sex marriage, euthanasia and embryonic stem cell research, and working to limit abortion in the United States and abroad while nominating judges who would eventually outlaw it. To make the case, Bush has often borrowed Pope John Paul II's mantra of promoting a "culture of life." Many Catholics close to him believe that the approximately 300 judges he has seated on the federal bench -- most notably Catholics John Roberts and Samuel Alito on the Supreme Court -- may yet be his greatest legacy.

Bush also used Catholic doctrine and rhetoric to push his faith-based initiative, a movement to open federal funding to grass-roots religious groups that provide social services to their communities. Much of that initiative is based on the Catholic principle of "subsidiarity" -- the idea that local people are in the best position to solve local problems. "The president probably knows absolutely nothing about the Catholic catechism, but he's very familiar with the principle of subsidiarity," said H. James Towey, former director of the White House Office of Faith-Based and Community Initiatives who is now the president of a Catholic college in southwestern Pennsylvania. "It's the sense that the government is not the savior and that problems like poverty have spiritual roots."

Nonetheless, Bush is not without his Catholic critics. Some contend that his faith-based rhetoric is just small-government conservatism dressed up in religious vestments, and that his economic policies, including tax cuts for the rich, have created a wealth gap that clearly upends the Catholic principle of solidarity with the poor.

John Carr, a top public policy director for the U.S. Conference of Catholic Bishops, calls the Bush administration's legacy a "tale of two policies."

"The best of the Bush administration can be seen in their work in development assistance on HIV/AIDS in Africa," says Carr. "In domestic policy, the conservatism trumps the compassion."

And other prominent Catholics charge the president with disregarding Rome's teachings on the Iraq war and torture. But even when he has taken actions that the Vatican opposes, such as invading Iraq, Bush has shown deference to church teachings. Before he sent U.S. troops into Baghdad to topple Saddam Hussein, he met with Catholic "theocons" to discuss just-war theory. White House adviser Leonard Leo, who heads Catholic outreach for the Republican National Committee, says that Bush "has engaged in dialogue with Catholics and shared perspectives with Catholics in a way I think is fairly unique in American politics."

Moreover, people close to Bush say that he has professed a not-so-secret admiration for the church's discipline and is personally attracted to the breadth and unity of its teachings. A New York priest who has befriended the president said that Bush respects the way Catholicism starts at the foundation -- with the notion that the papacy is willed by God and that the pope is Peter's successor. "I think what fascinates him about Catholicism is its historical plausibility," says this priest. "He does appreciate the systematic theology of the church, its intellectual cogency and stability." The priest also says that Bush "is not unaware of how evangelicalism -- by comparison with Catholicism -- may seem more limited both theologically and historically."

Former Bush speechwriter Michael Gerson, another evangelical with an affinity for Catholic teaching, says that the key to understanding Bush's domestic policy is to view it through the lens of Rome. Others go a step further.

Paul Weyrich, an architect of the religious right, detects in Bush shades of former British prime minister Tony Blair, who converted to Catholicism last year. "I think he is a secret believer," Weyrich says of Bush. Similarly, John DiIulio, Bush's first director of faith-based initiatives, has called the president a "closet Catholic." And he was only half-kidding.

© 2008 Washington Post, Daniel Burke is a national correspondent for Religion News Service, Sunday, April 13, 2008, Washington Post
 
Cardinal: Papal events with Bush don't signal approval of policies
Catholic News Service
14:39 12/04/2008
VATICAN CITY (CNS) -- Pope Benedict XVI's upcoming visit to the White House to meet with U.S. President George W. Bush does not signal Vatican support of the Bush administration's foreign policies, a Vatican official said.

The April 15-16 encounters with the president when the pope arrives in the U.S. and at the White House should "absolutely not" be seen as support of Bush and his stance on Iraq, said Cardinal Renato Martino, president of the Pontifical Council for Justice and Peace and a longtime Vatican diplomat.

The cardinal spoke to reporters April 11 during a break in an international conference on disarmament sponsored by the Vatican council.

"The pope and the Holy See cannot renounce with one visit all the Holy See's positions of rejecting war, always encouraging dialogue to smooth over disagreements and fostering cooperation," he said.

He said the argument that U.S.-led troops have to remain in Iraq in order to bring security and protect the Christian minority is open to question.

"Obviously the main error was to start a war, a second war" after the Gulf War against Iraq in 1991, he said.

But whether it is wise to keep troops in Iraq is "a very difficult judgment" to make because some analysts say "the daily slaughter that unfolds in Iraq" is rooted in the continued presence of foreign troops, said the Italian cardinal.

Cardinal Martino, who served as the Vatican's permanent observer to the United Nations, 1986-2002, said he and others at the U.N. "did everything" to prevent what they saw as unjust attacks against Iraq in 1991.

However, Vatican lobbying and repeated papal appeals against the 2003 war against Iraq failed, he said.

"But this does not mean the pope's role (in calling for a peaceful resolution to conflict) is useless," said Cardinal Martino.

The pope's role is much like the priest urging his flock "to follow the Ten Commandments. It's then up to us to follow them or not," he said.

The pope has a duty to "prophetically proclaim peace" everywhere the threat of war looms, he added.

(Source: Carol Glatz /Catholic News Service)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Tu Sĩ toàn quốc lần II tại Bùi Chu: Tu Sĩ và Năm Thánh 2010
Ban Tổ Chức
13:26 12/04/2008
Đại Hội Tu Sĩ toàn quốc lần II tại Bùi Chu: Tu Sĩ và Năm Thánh 2010

BÙI CHU - Uỷ Ban Tu Sĩ thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam phối hợp với Hội Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam tổ chức Đại Hội Tu Sĩ Toàn Quốc lần II tại Toà Giám Mục Bùi Chu, từ ngày 14 tháng 4 năm 2008 đến ngày 17 tháng 4 năm 2008. Với ý thức đây là một Đại Hội quan trọng, tổng kểt sinh hoạt Tu Sĩ trong những năm qua và hướng tới tương lai, mà gần nhất là hướng tới Công Nghị 2010- Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam.

I. Ban Tổ chức:
a. Ủy Ban Tu Sĩ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
b. Hội Liên Hiệp các Bề trên Thượng cấp Việt Nam

II. Thời gian:
a. Từ 14.04.2008 đến 17.04.2008
b. Địa điểm TGM giáo phận Bùi Chu, Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định
ĐT: 0350 3751653 Fax: 0350 3887521

III. Nội Dung: Tu Sĩ và Năm Thánh 2010
Đề tài 1: Báo cáo các sinh hoạt Tu sĩ thuộc 3 Tổng Giáo Phận: Saigon, Huế, Hanoi
Đề tài 2: Tìm kiếm và Đào tạo Ơn gọi: Nhìn lại quá khứ, hướng về tương lai.
Đề tài 3: Thẩm định + tuyển chọn Ơn gọi: Nhìn lại quá khứ, hướng về tương lai.
Đề tài 4: Đào tạo các Nhà Đào tạo - Huấn luyện: Nhìn lại quá khứ, hướng về tương lai.
Đề tài 5: Mẹ Vô Nhiễm: Mẫu gương các Tu sĩ.
Đề tài 6: Tu sĩ và Công Nghị (năm Thánh) 2010.
Đề tài 7: Cơ cấu - Hoạt động của Ban Tu sĩ HĐGM/VN và các Ban Tu sĩ giáo phận.

"Phaolô trồng, Apôlô tưới, Chúa mới làm cho lớn lên"(1Cr 3:6)
IV. Thành Phần Tham Dự:
a. Quí Bề Trên trong Ban Điều Hành Liên Hiệp các Bề Trên 10
b. 26 Đặc trách Tu sĩ của 26 Giáo phận 26
c. Mỗi Dòng 2 Đại biểu: một Bề trên + một Đặc trách Đào luyện 200
d. Khách mời: Các Đức Cha và Thuyết trình viên 10

V. Thuyết Trình Viên:
a. Bề trên Giám tỉnh Dòng Notre Dame: Tìm kiếm và Đào tạo Ơn gọi
b. Bề trên Giám tỉnh Dòng Tên: Biện phân Ơn gọi và động cơ Ơn gọi
c. Cha Micae-Phaolo Trần Minh Huy PSS: Đào Tạo các Nhà Đào Tạo
d. Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ: Tu sĩ và Công Nghị 2010
e. Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm: Mẹ Maria mẫu gương Tu sĩ

Kính xin hiệp thông cầu nguyện cho Đại Hội
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Sẽ trả lại đất Thánh địa La Vang
Đài BBC
12:44 12/04/2008
Sẽ trả lại đất Thánh địa La Vang

BBC - Trong một quyết định gây bất ngờ cho nhiều người, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã đồng ý trao gần như toàn bộ đất đai Thánh địa La Vang cho Giáo hội Công giáo Việt Nam.

La Vang là địa chỉ quan trọng của CGVN
Một phái đoàn của Vatican cũng chuẩn bị tới Hà Nội vào tháng Sáu tới. Trong các chủ đề thảo luận với chính phủ Việt Nam có các khu đất đai bên Công giáo muốn lấy lại, như tòa Khâm sứ Hà Nội và Giáo hoàng Chủng viện Đà Lạt.

Tại cuộc họp hôm thứ Năm 10/4/2008 giữa UBND tỉnh Quảng Trị và Tòa Tổng giám mục Huế, chính quyền đã loan báo sẽ trao trên 21 hectare đất Thánh địa La Vang lại cho Giáo hội Công giáo sử dụng, cộng thêm hơn hai hectare giữ làm khu sinh thái.

Trả lời phỏng vấn của đài BBC, cha Nguyễn Vinh Gioang, Linh mục quản nhiệm Trung tâm Thánh mẫu Toàn quốc La Vang nói đây là kết quả của một quá trình đề đạt nguyện vọng bấy lâu nay.

Cha Gioang cho biết, trước khi có quyết định này và sau 1975, Trung tâm Thánh mẫu La Vang chỉ được sử dụng sáu, bảy hectare. Phần đất còn lại đã giao cho người canh tác, nay các hộ này sẽ phải dời đi dành đất cho sinh hoạt tôn giáo.

Được biết quá trình trao trả đất đai sẽ được tiến hành sau khi hai bên chính quyền và Giáo hội bàn chi tiết.

Di chỉ quan trọng

Thánh địa La Vang nằm cách thành phố Huế khoảng 60 cây số về phía Bắc và là một trong các địa chỉ quan trọng nhất của cộng đồng Thiên chúa giáo Việt Nam.

Người Công giáo lưu truyền câu chuyện Đức Mẹ Maria hiện ra năm 1798 tại đây để cứu giúp các tín đồ đang phải trốn vào rừng để tránh triều đình Tây Sơn tàn sát.

Năm 1820, giáo đường đầu tiên đã được xây lên tại địa điểm Ðức Mẹ hiện ra.

Một phái đoàn của Vatican cũng chuẩn bị tới Hà Nội vào tháng Sáu tới.

Một thánh đường khác được xây để vinh danh Ðức Mẹ La Vang được xây giữa khoảng 1886 đến 1901.

Tuy nhiên các công trình qua thời gian chiến tranh, bom đạn đều bị tàn phá.

Thánh đường xây lên sau cuộc chiến Việt Nam quá nhỏ, không phù hợp với các đợt đại hội La Vang mà tín đồ tới dự lễ lên đến hàng trăm ngàn người.

Nay dường như đã có hướng giải quyết thuận lợi cho Thánh địa La Vang.

Tuy nhiên Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn tiếp tục đặt câu hỏi về hai địa chỉ quan trọng khác là tòa Khâm sứ tại Hà Nội và Chủng viện mang tên Giáo hoàng Pius X tại Đà Lạt, hiện vẫn đang do chính quyền quản lý.

Trong vụ tòa Khâm sứ, hàng ngàn giáo dân đã tụ tập cầu nguyện ngoài trời nhiều ngày liền hồi đầu năm nay để đòi lại đất mà họ cho là thuộc về Giáo hội công giáo.
 
Đảng viên trang bị ca mê ra!
Đinh Phan
13:39 12/04/2008
Đảng viên trang bị ca mê ra!

Đảng viên trang bị ca mê ra,
Đi làm phóng sự xứ Tháí Hòa.
Ghi âm, quay ảnh "Bọn phản động!",
Nói gian, chụp mũ "Dân hạng nhì!"

Là người ắt phải có lương tri!
Cam tâm đánh mất "chữ nhân nghì?"
Các bạn đang viết báo nhà nước...
Hành động sao chẳng chút nghĩ suy!

Hà Nội ngày 14/4/2008
 
Nội dung buổi làm việc của các Linh mục và Ban Đại Diện giáo xứ Thái Hà với chính quyền
Đồng Nhân
14:07 12/04/2008
HÀ NỘI -- Chúng tôi nhận được bản sao lá thư của các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đang phụ trách giáo xứ Thái Hà báo cáo cho Bề Trên Giám Tỉnh của Dòng về diễn tiến và nội dung buổi làm việc với Đoàn Thanh tra Liên ngành tại sở Tài nguyên Môi trường Huyện Đống Đa, Hà nội, theo như giấy mời của cơ quan Chính quyền sở tại. Chúng tôi xin đăng nguyên văn lá thư tường trình như sau:

Tu viện Thái Hà, Hà Nội, tối ngày 11.04.2008

Kính gửi cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Bề trên Giám tỉnh DCCT Việt Nam
Đồng kính gửi cha Mát Thêu Vũ Khởi Phụng, Bề trên Tu viện DCCT Hà Nội

Kính thưa quý cha Bề trên

Từ ngày 08.04 đến nay 11.04, truyền hình Hà Nội và báo Hà Nội Mới tiếp tục đưa tin về Giáo xứ Thái Hà. Nội dung quy chụp cho giáo xứ những điều không có thật, phóng đại, xuyên tạc và dối trá một cách trắng trợn các sự kiện đang diễn ra, làm người ta hiểu sai bản chất của các sự việc.

Ngày 09.04.2008, ba anh em chúng con cùng với cha Bề trên Vũ Khởi Phụng, nhận được giấy mời đến dự buổi làm việc với Đoàn Thanh tra Liên ngành vào 8 h 30’ ngày 11.04.2008. Cha Nguyễn Văn Phượng và cha Đinh Tiến Đức không có giấy mời.

Theo giấy mời, sáng nay, 11.04.2008, đúng 8 h 30’, 5 anh em linh mục chúng con có mặt tại Sở Tài nguyên-Môi trường và Nhà đất Hà Nội, số 18 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội. Giáo xứ Thái Hà còn cử 6 ông bà đại diện đi theo để gặp đoàn thanh tra Thành Phố.

Các cán bộ ở Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà Đất chỉ cho những cha có giấy mời vào tham dự cuộc gặp. Chúng con không đồng ý. Vì các cha và các giáo dân trong giáo xứ đều đồng trách nhiệm trong vụ việc nhà đất đang liên quan. Chúng con đòi được vào hết, nếu không thì thôi. Sau nửa tiếng trao đổi, các các bộ trong Đoàn Thanh tra mới đồng ý cho cả 2 linh mục và 6 giáo dân vào phòng họp với điều kiện phải xuất trình CMND.

Ngay khi mới đến chúng con đã thấy công an xuất hiện, có anh công an mặc quân phục cứ theo riết chúng con trong phòng đợi trước khi lên phòng họp. Ở ngoài phố Huỳnh Thúc Kháng, trên quán cà phê cạnh Sở Tài nguyên Môi trường, có xe công an đậu và các công an ngồi canh.

Ông Trịnh Kiên Đĩnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên –Môi trường & Nhà đất, Trưởng đoàn Thanh tra Liên ngành giới thiệu các thành viên tham dự.

Phía chính quyền, có 18 người hiện diện trong phòng họp, ngoài ông Đĩnh còn có các ông Trần Việt Trung-Phó Trưởng đoàn Thanh tra, ông Phó Giám đốc Sở Tài nguyên –Môi trường & Nhà đất, các cán bộ đại diện một số các phòng ban của thành phố Hà Nội và quận Đống Đa mà nhiều người chúng con không được giới thiệu rõ danh tính.

Phía giáo xứ Thái Hà có cha Nguyễn Văn Thật-Phó Bề trên làm Trưởng đoàn, theo ngài còn có các cha Nguyễn Nam Phong, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Phượng, Đinh Tiến Đức. Cũng có 6 giáo dân được giáo xứ cử đi làm đại diện là ông Nguyễn Văn Lân, bà Bé, ông Nguyễn Văn Hoan, ông Nguyễn Đình Long, ông Đinh Xuân Tương, bà Nguyễn Thị Việt.

Ông Đĩnh-Trưởng đoàn Thanh tra Liên ngành làm chủ toạ cuộc họp. Ông cho biết mục đích của cuộc họp là thông báo cho chúng con (các linh mục và giáo dân giáo xứ Thái Hà) biết nguồn gốc khu đất, quá trình sử dụng đất và chỉ đạo giải quyết của Thành Phố khi có các tranh chấp, hướng giải quyết được Đoàn Thanh tra kiến nghị.

Chúng con xin phép quay phim, ghi âm và chụp hình buổi họp để làm tư liệu báo cáo cho Cha Giám Tỉnh và Cha Bề trên Tu viện Hà Nội cũng như để trình bày cho giáo dân trong giáo xứ được biết các việc làm của chúng con khi đại diện làm việc với Đoàn Thanh tra. Ông chủ toạ đồng ý.

Cuộc họp kéo dài từ 9 h đến 13 h. Họp thâu trưa.

Ông Trưởng đoàn Trình bày và giải thích dựa theo một báo cáo dài khoảng khoảng 9 trang (nếu chúng con nhớ không lầm), chúng con xin có bản copy để theo dõi, ông chỉ cho một bản chung cho 13 người. Ông cũng không cho mang về và không cho chụp hình. Ông trình bày từ 9 h cho tới 10 h 45’.

Báo cáo chung cuộc của Đoàn Thanh tra mà ông Trưởng Đoàn nói là bản dự thảo, còn chưa ký tên, đề cập đến các vấn đề nguồn gốc khu đất, quá trình sử dụng nhà đất của các bên liên quan, các chỉ đạo giải quyết của Thành Phố, các kết luận và kiến nghị của Đoàn Thanh tra cho Thành Phố.

Liên quan đến nguồn gốc khu đất, báo cáo của ông Trưởng Đoàn không đề cập đến vấn đề nhà đất khu vực nhà thờ Thái Hà thuộc sở hữu hợp pháp, liên tục của DCCT từ năm 1928 đến nay (2008). Hơn nữa báo cáo còn khẳng định ngày 24.10.1961 cha Giuse Vũ Ngọc Bích đã ký giấy bàn giao cho nhà nước quản lý 51.468 m 2 / 60.250 m 2.

Bản báo cáo cũng đưa ra công khai một thông tin mới là Công ty CP May Chiến Thắng đã bán đất cho Công ty Đầu tư-Xây dựng-Thương mại Phúc Điền nhưng Công ty này đã thanh lý hợp đồng từ tháng 3 năm 2007 (mà khi ấy chúng con được biết là do Công ty này phát hiện ra phần đất mình mua thuộc nhà thờ Thái Hà).

Phần kết luận, liên quan đến nhà thờ Thái Hà, báo cáo vẫn khẳng định:

• Việc Giáo xứ đòi lại/xin lại đất đai mà Công ty Chiến Thắng đang quản lý là không có cơ sở để giải quyết.

• Giáo xứ Thái Hà chiếm đất sử dụng hợp lệ mà không hợp pháp của Công ty Vật tư Xi Măng, của Sở Điện Lực- khu đất thuộc ĐềnThánh Giêrađô.

• Giáo xứ vi phạm luật đất đai và luật giao thông khi phá tường rào bảo vệ của Công ty Chiến Thắng và dựng lều trại ở lề đường.

• Giáo xứ vi phạm pháp lệnh và nghị định về tín ngưỡng tôn giáo khi dựng ảnh tượng, đặt bàn thờ và đọc kinh cầu nguyện ở tường rào Công ty Chiến Thắng và lề đường thuộc ngánh 49, ngõ 64, phố Nguyễn Lương Bằng.

Phần hướng giải quyết, báo cáo của Ông Trưởng Đoàn Thanh tra kiến nghị:

• UBND TP Hà Nội ra quyết định về việc đòi đất của Giáo xứ Thái Hà.

• UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất thuộc Công ty May Chiến Thắng đang quản lý giao cho UBND Quận Đống Đa làm công viên cây xanh để phục vụ dân cư trong khu vực.

• UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất thuộc Đến Thành Giêrađô mà báo cáo bảo là thuộc quyền quản lý của Công ty Vật tư Xi măng và thuộc Sở Điện Lực- giao cho UBND Quận Đống Đa làm tụ điểm sinh hoạt văn hoá phục vụ dân cư trong khu phố.

• Đề nghị TP giao cho Sở Giao thông Công chánh nghiên cứu xây dựng tuyến đường phía sau khu đất.

Báo cáo có cách trình bày và cách dùng từ ngữ bất lợi cho Giáo xứ Thái Hà. Hầu hết chẳng có thông tin gì mới ngoài những điều mà giáo xứ đã biết. Ngay cả phần kết luận. Chẳng hạn vấn đề làm con đường phía sau khu đất. Cái ngách 49 chạy phía sau khu đất đã lớn đủ để xe tải lưu thông, thực ra là họ muốn làm con đường cắt nganh khu đất thuộc Đền Thánh Giêrađô nay để nối sang các con đường nhỏ ở phía sau và như vậy con đường này còn chạy dọc theo tường nhà thờ Thái Hà hiện nay. Nếu như vậy không gian sinh hoạt của giáo xứ còn bị thu hẹp nữa và không gian thờ tự còn bị ảnh hưởng nặng nề.

Còn kiến nghị thu hồi đất khu vực Công ty May Chiến Thắng và các Công ty Vật tư Xi măng cùng Sở Điện lực chiếm dụng thì chúng con đồng ý. Nhưng kiến nghị thu hồi để biến khu vực này thành công viên cây xanh và tụ điểm sinh hoạt văn hoá thì thật là một kiến nghị gây “sốc” cho chúng con. Quý cha bề trên nghĩ sao khi đầu nhà thờ là một tụ điểm sinh hoạt văn hoá và lối vào nhà thờ cũng là lối vào công viên cây xanh. Mà những nơi này ở khắp nước có những sinh hoạt “văn hoá” thế nào thì quý cha cũng đã biết. Những sinh hoạt ấy có bảo đảm không gian tôn giáo của nhà thờ nữa không?

Chúng con, các linh mục và giáo dân, trình bày khoảng 15 ý kiến. Nội dung liên quan đến khu đất chúng con khẳng định cha Vũ Ngọc Bích chưa bao giờ bàn giao nhà đất cho nhà nước quản lý. Chúng con cũng khẳng định nhà đất mà công ty may Chiến Thắng chiếm dụng là nhà đất của Giáo xứ, Giáo Hội và Nhà Dòng mà đại diện chưa bao giờ hiến hay bán cho nhà nước mà nhà nước cũng chưa bao giờ mua hay trưng thu.

Chúng con còn chỉ ra những mâu thuẫn và phi lý trong báo cáo của Đoàn Thanh tra, chẳng hạn báo cáo của Đoàn nói là ngày 24.10.1961 cha Vũ Ngọc Bích ký giấy bàn giao đất cho nhà nước quản lý. Thế mà tại sao nhà nước có văn bản quyết định giao đất cho xí nghiệp Dệt Thảm len Đống Đa từ ngày 30.01.1961 khi cha Bích chưa ký giấy bàn giao? Chỉ có thể nói là chính quyền tự chiếm đất và giấy tờ cha Vũ Ngọc Bích ký là giả mạo. Vì chính ngày cho đến khi chết cũng không bao giờ ký giấy hiến phần đất này cho nhà nước.

Chúng con cũng phản đối các cáo buộc chúng con vi phạm, phản đối nội dung xuyên tạc của các bản tin trên Đài Truyền hình Hà Nội và các bài báo trên báo Hà Nội mới. Hôm nay ông Trưởng Đoàn lại bảo văn bản báo cáo của Đoàn Thanh tra chỉ là dự thảo chứ chưa phải kết luận, vậy mà tối hôm qua, 10.04.2008, Truyền hình Hà Nội đã chiếu văn bản ấy và bảo là các kết luận của Đoàn Thanh tra. Thế là thế nào chúng con không hiểu!

Chúng con cũng phản đối các kiến nghị thu hồi đất để làm tụ điểm sinh hoạt văn hoá và công viên cây xanh. Chúng con kiến nghị thu hồi đất để trả lại cho giáo xứ Thái Hà, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của hàng nghìn người, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của Giáo xứ, phù hợp với xu thế xây dựng một đất nước công bằng, dân chủ và văn minh.

Phần cuối cuộc gặp, ông Trưởng đoàn Thanh tra phát biểu lớn tiếng, yêu cầu giáo xứ tôn trọng pháp luật, đề nghị UBND quận Đống Đa tăng cường vận động giải thích tuyên truyền cho giáo dân, rằng hôm nay (buổi gặp này) là buổi tuyên truyền pháp luật. (Từ buổi làm việc có nội dung đối thoại được ghi trên giấy mời đến lúc này thành buổi tuyên truyền pháp luật!)

Chung cuộc, thấy đã quá muộn giờ, chúng con thưa với Đoàn Thanh tra rằng để đi đến thống nhất, cần phải tiếp tục đối thoại, chứ buổi làm việc hôm nay hai bên chưa thống nhất được gì, nói đúng hơn là chúng con chưa đồng ý với các kết luận và kiến nghị hướng giải quyết của Đoàn Thanh tra. Chúng con cũng xin Đoàn Thanh tra không nên kết luận đơn phương. Cuộc họp hôm nay chưa có biên bản, chúng con chưa ký vào bất cứ giấy tờ nào.

Kính thưa quý cha bề trên

Buổi làm việc với Đoàn thanh tra Liên ngành tại Sở Tài nguyên-Môi trường & Nhà đất Hà Nội hôm nay chúng con thấy chưa hé mở một chút ánh sáng nào trong việc giải quyết vấn đề đất đai Giáo xứ Thái Hà, đáp ứng nguyện vọng cấp thiết, chính đáng và hợp pháp của hàng chục nghìn người sinh hoạt đạo nghĩa ở Giáo xứ. Trái lại chúng con thấy, với các kết luận và kiến nghị của Đoàn Thanh tra, càng khiến chúng con và giáo dân trong giáo xứ cảm thấy bức xúc hơn.

Cuộc họp mãi 13 h mới kết thúc. Thấy muộn mà chúng con chưa về một số giáo dân cũng ra đón chờ ở cổng Sở. Chúng con tới nhà khoảng 13 h 30’. Lúc này giáo dân đang tập trung cầu nguyện ở Đền Giêrađô, vì tưởng chúng con gặp chuyện gì. Giáo dân cho biết sáng nay, trong lúc chúng con đi lên họp trên Thành Phố, thì ở nhà có các đoàn cán bộ và công an cấp quận và cấp phường đến làm công tác truyên truyền cho giáo dân.

Hoá ra là thế! Đoàn Thanh tra mời chúng con lên TP để tuyên truyền cho chúng con, còn ở nhà thì các đoàn cán bộ khác đến tuyên truyền giáo dân!

Chúng con vào nhà nguyện Giêrađô cầu nguyện. Các linh mục và giáo dân chúng con vừa về từ Sở Tài nguyên-Môi trường & Nhà đất cũng chia sẻ cho cộng đồng giáo dân ở nhà được biết nội dung buổi làm việc.

Lúc này, khi chúng con đang viết thư này, Truyền hình Hà Nội tiếp tục đấu tố Giáo xứ Thái Hà.

Chúng con xin kính trình như thế để cho Cha Bề trên Giám tỉnh và cho Cha Bề trên Tu viện Hà Nội để các ngài hiệp thông chia sẻ, cầu nguyện và hướng dẫn chúng con.

Xin Chúa Cứu Thế luôn ở cùng các ngài và chúc lành cho các ngài nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Chúng con- các linh mục đang phục vụ tại Giáo xứ Thái Hà

Giuse Nguyễn Văn Thật Hà Nội-Phó Bề trên Tu viện
Gioan Nguyễn Nam Phong
Giuse Nguyễn Văn Phượng
Giuse Đinh Tiến Đức
Phêrô Nguyễn Văn Khải
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Phải chăng chúng ta biết lắng nghe nhau?
Nguyễn Văn Thành
07:59 12/04/2008
Nhằm giải quyết những vấn đề đang xảy ra đó đây trong lòng Quê Hương, chúng ta cần can đảm ngồi lại với nhau và đặt ra cho nhau một cách trung thực câu hỏi cơ bản trong cuộc sống Làm Người: Phải chăng chúng ta biết lắng nghe và chấp nhận nhau?

Để giúp mỗi người tìm ra câu trả lời cho bản thân và cuộc đời, bài chia sẻ nầy sẽ lần lượt khảo sát những vấn nạn sau đây:

- Lắng nghe có nghĩa là gi?

- Lắng nghe để làm gì?

- Chúng ta sẽ gặp những cạm bẫy nào, khi lắng nghe?

- Ai là người anh chị em thực sự cần được chúng ta lắng nghe?

1.- Ý NGHĨA CỦA LẮNG NGHE

Sách vở và tài liệu đề cập vấn đề lắng nghe thường nhấn mạnh một số động tác cụ thể có ý nghĩa sau đây: (xem tham khảo 1)

1.1- Lắng nghe không phải chỉ là nghe. Hẳn thực, trong cuộc sống, vô số nhiễu động ngày ngày bao vây chúng ta. Chúng cưỡng bức chúng ta nghe. Nhưng không ai tìm cách lắng nghe những nhiễu loạn ấy. Chúng ta còn tìm cách lánh xa, chạy trốn.

1.2- Để có thể lắng nghe người anh chị em, thái độ và tác phong của chúng ta là im lặng ngồi xuống, trân quí con người của họ.

Nói cách khác, khi chấp nhận ngồi vào bàn với nhau, lắng nghe nhau một cách trân trọng, chúng ta đã bắt đầu coi nhau như anh chị em ruột thịt. cho dù khoảnh khắc ấy chỉ mong manh, thoáng qua, nhạt nhòa.

1.3- Càng yêu quí một người, chúng ta càng dễ dàng lắng nghe cách trao đổi, chia sẽ, trình bày của người ây.

1.4- Trái lại, khi quan hệ giữa chúng ta và người ấy bắt đầu giảm sút, suy đồi, đi vào ngõ cụt...khả năng lắng nghe của chúng ta tự khắc bắt đầu biến chất và thoái hóa.

Cũng vậy khi một người không gây được thiện cảm nơi chúng ta, vì bất cứ lý do gì, điều họ nói ra có thể là những điều chướng tai, nhức óc cho chúng ta. Về phần chúng ta, trong những hoàn cảnh tương tự, chúng ta dễ dàng bóp méo, xuyên tạc nội dung phát biểu của họ.

1.5- Trước một người có thái độ và diện mạo thiện cảm, tự nhiên chúng ta có xu thế lắng nghe họ một cách dễ dàng.

1.6- Khi tâm hồn chúng ta nặng trĩu những lo âu, trầm cảm, bực bội, tức giận... khả năng lắng nghe của chúng ta mất chất lượng bén nhạy. Thái độ tiếp nhận của chúng ta cũng giảm suy, mai một, cùn mòn rất nhiều. Khi có những trường hợp khổ đau tràn ngập, lý trí bị suy sụp, con người chúng ta không còn sáng suốt, minh mẫn. Các giác quan cũng do đó bị hạn chế và tê liệt.

Trong những tình huống như thế, thay vì lắng nghe, chúng ta trở nên lơ là, lảng trí, "mầt hồn, lạc vía". Theo ngôn ngữ của Thiền học, chúng ta không còn có mặt trong hiện tại, ở đây và bây giờ. Chúng ta đánh mất chính mình. Tình trạng loạn động này rất thường xảy ra trong cuộc sống náo nhiệt của thế giới ngày hôm nay.

1.7- Khi lắng nghe ai một cách thích thú thực sự, chúng ta dễ dàng thiết lập những quan hệ hài hòa, tích cực, xây dựng với người ấy. Ngược lại, vì chúng ta thiếu chăm nom, nuôi dưỡng khả năng này, bao nhiêu quan hệ giữa người với người, cho dù tốt đẹp trước đây trong quá khứ gần và xa... có thể gãy đổ tan tành…cơ hồ một cánh đồng lúa mùa, sau một trận bão lụt tàn phá, hủy hoại.

Vì lý do này, không gì có thể thay thế tác phong và thái độ lắng nghe, nếu chúng ta có kỳ vọng kiên định xây dựng, vun đắp, khai triển những quan hệ tiếp xúc, trao đổi giữa chúng ta và người khác.

Trong tinh thần này, lắng nghe là một của ăn tâm linh khả dĩ nuôi sống con người. Đó cũng là một quà tặng vô giá, mà con người có trách nhiệm dâng hiến cho nhau, để giúp nhau làm người, trong cuộc sống hằng ngày.

2.- LẮNG NGHE VÀ CHIỀU KÍCH LÀM NGƯỜI

Cũng trong chiều hướng này, khi tôi lắng nghe ai với trọn con người, một đàng tôi vươn tới chiều kích làm người. Đàng khác, tôi đãi ngộ, cư xử người được tôi lắng nghe như một con người giống như tôi, ngang hàng tôi, có quyền làm chủ thể phát biểu, diễn tả, bộc lộ mình ra ngoài.

Lề lối giáo dục ngày nay đang nhấn mạnh và phát huy cách thức đãi ngộ ấy. Thậm chí một đứa bé mới sinh ra, khi chưa sử dụng ngôn ngữ "có lời" của môi trường, đã "mặc khải mình" dưới nhiều hình thức khác nhau như tiếng khóc, nụ cười, liếc nhìn, chân tay vận động...(x. tham khảo 2) Hơn ai hết, nếu người mẹ không lắng nghe đứa con của mình trong địa hạt này, từ những ngày đầu tiên, em đã bị hụt hững một phần nào trên cơ sở làm người. Không được lắng nghe, ở đây trong quan hệ mẹ con, em sẽ không học được bài học lắng nghe một cách nhuần nhuyễn, thành thục, trong quan hệ giữa người với người sau này.

Bác sĩ tâm thần René Spitz đã đưa ra ví dụ về "nụ cười sinh lý", để minh họa những điều vừa được trình bày.(x. tham khảo 3) Một đứa bé mới lọt lòng mẹ, một tuần hay vài ba ngày sau, đã mĩm cười trong giấc ngủ. Đó là nụ cười sinh lý, một phản ứng tự phát, bộc lộ tình trạng của đứa trẻ được thỏa mãn về mọi mặt như lương thực, y phục, nhiệt độ, tiêu hóa, không khí... Theo cách giải thích bình dân của bà mẹ Việt Nam, đứa trẻ mĩm cười với "Bà Mụ, Bà Tiên" đang hiện về dạy dỗ, trao đổi, tiếp xúc.

Phải đợi đến ít nhất ba bốn tháng sau, bà mẹ hay là một thành viên khác trong gia đình có phận sự chăm sóc thường xuyên, liên tục cho đứa bé, mới có khả năng trao đổi nụ cười với em ấy khi tiếp xúc, bồng ẵm, vui đùa, xoa bóp, vuốt ve...Thiếu những quan hệ tiếp xúc liên tục "mặt nhìn mặt", "da chạm da", đứa bé sẽ thiếu nụ cười. Hay là nụ cười của em sẽ xuất hiện rất chậm trễ, sau bảy hoặc tám tháng, như chúng ta có thể quan sát nơi những đứa trẻ trong các cô nhi viện quá đông, quá lớn, thiếu công nhân viên chăm sóc và nuôi nấng.

Nụ cười như hạt lúa đã có mặt từ những ngày đầu tiên trong ruộng đồng da thịt, cơ thể của đứa bé. Nụ cười sinh lý ấy chỉ lớn lên, nở hoa, sinh hạt, trở thành "nụ cười xã hội", để hai mẹ con có khả năng tiếp xúc, trao đổi, cùng nhau sung sướng, hân hoan, hạnh phúc... chỉ khi nào bà mẹ biết chăm sóc, vun trồng, tưới tẩm, nuôi dưõng hạt giống ấy.

Nói một cách vắn gọn, nếu người mẹ không lắng nghe con, bà không hái được bông hoa "nụ cười xã hội" trên khuôn mặt của con.

Cũng vậy, trong địa hạt ngôn ngữ, nếu bà mẹ không biết lắng nghe con chuyện trò, líu lo, ca hát, để hưởng nhận hạnh phúc đang trào dâng trong cõi lòng làm mẹ của mình, đứa bé sẽ chậm nói và có khi không học nói.

Cái gì xảy ra giữa hai mẹ con trong hai năm đầu đời, cũng đang xảy ra trong quan hệ giữa người với người. Người mẹ không chờ đợi, đòi hỏi đứa con phải cười phải nói. Bà chỉ đơn phương lắng nghe như bà ăn, bà thở. Nhờ vậy, con bà sẽ cười, sẽ nói, theo nhu cầu và tốc độ tự nhiên của mình.

Trong quan hệ giữa người với người, cũng có những định luật tương tự: khi trong môi trường, cộng đoàn, quê hương và nhân loại, có những tâm hồn biết lắng nghe không chờ đợi, đòi hỏi, đặt điều kiện, phê phán, tố cáo... tự khắc ở phía bên kia, đằng trước, sẽ có những người đang cố quyết trở thành người.

Bà mẹ vun trồng trong bốn, năm tháng, mới có thể gặt hái đóa hoa nụ cười trên khuôn mặt của đứa con. Có lẽ chúng ta phải vun trồng mảnh đất lắng nghe một cách liên tục trong vòng 100 năm, mới gặt hái được "Đức Bụt", hay là "Một Con Người Công Chính" đang tái lâm trên Quê Hương, Đất Nước. Nếu chính bản thân tôi không làm bà mẹ lắng nghe, tôi thắp hương chờ đợi ai? Trên cơ sở nào, tôi đòi hỏi kẻ khác, phía bên kia phải làm... đang khi đó chính tôi đang ù lì, bị động, vô cảm?

3.- LẮNG NGHE ĐỂ CHIA SẺ VÀ ĐỒNG HÀNH

Thái độ hay tác phong lắng nghe đòi hỏi chính chúng ta hãy im lặng, nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng, để người đối diện có thể nói ra tất cả những điều họ cần bộc lộ, chia sẽ.

Thế nhưng, im lặng trong nhiều trường hợp có liên hệ đến đời sống xã hội, có thể mang sắc thái và ý nghĩa tiêu cực như "khinh thị, không coi trọng, tự cao, đóng kín cửa lòng...". Phải chăng nhiều bà vợ đã than trách chồng mình "tránh né, thiếu trao đổi, trốn mình trong bốn bức tường im lặng cao ngạo hay là lãnh đạm"? Nhằm giải tỏa một số vấn đề căng thẳng trong quan hệ vợ chồng, người nữ thường được yêu cầu "nâng cao chất lượng lắng nghe và giảm hạ liều lượng phát biểu. Vượt quá ba ý tưởng, những câu nói của các bà đã bắt đầu bị sàng lọc, xuyên tạc, bóp méo, biến chất". Bà mẹ nào cũng đã hiểu rõ: khi dọn cho ai ăn quá nhiều, người ấy sẽ có nguy cơ "trúng thực".

Cũng trong chiều hướng tạo hòa khí và phát huy quan hệ tốt đẹp, người chồng được yêu cầu "có mặt, đóng góp, tham dự". Im lặng chỉ biến thành "vàng“, khi họ biết lưu tâm, đặt trọng tâm vào người phát biểu.

Im lặng chỉ trở thành lắng nghe; và lắng nghe chỉ mang bộ mặt và tâm hồn im lặng, khi chúng ta đón nhận và chấp nhận người trước mặt. Chúng ta trân trọng, tìm hiểu, ghi nhận từng lời họ nói ra. Còn hơn thế nữa, chính con người toàn diện của họ trở thành quan trọng cho chúng ta.

Theo cách giải thích của tâm lý ngày nay, lắng nghe ai một cách thực sự, là "đi vào bên trong nội tâm" của người ấy, chia sẽ, đồng hành, đồng cảm với họ. Sở hữu hóa nghĩa là biến thành của mình "cái khung qui chiếu" của họ. Thuật ngữ này có vẽ kiểu cách, phiền toái, phức tạp. Nhưng thực chất và ý nghĩa của nó rất đơn giản. Khám phá khung qui chiếu của một người là lắng nghe họ, một cách rất thành tâm và cố quyết trả lời cho chính mình, những câu hỏi sau đây:

- Trong những điều họ phát biểu, cái gì là sự kiện hoàn toàn khách quan có thể được kiểm chứng?

- Khi họ phát biểu, họ trình bày cho tôi những cảm xúc và xúc động nào? Họ đau nhói ở đâu? Họ phập phồng, ngột ngạt ở chỗ nào?

- Từ địa hạt xúc động có liên hệ đến cơ thể và các hiện tượng sinh lý hóa, tôi bước qua lãnh vực tình cảm: để được lắng nghe, họ kêu tên và đặt tên cho tâm tình của mình như thế nào? Buồn, sợ, bực bội, bất mãn, tức giận, tuyệt vọng... đó là những loại ”thời tiết, khí hậu“, tạo nên nắng mưa trong tâm hồn của họ.

- Sau đó tôi vươn lên bình diện thuyên giải, nhằm tìm hiểu: Qua những điều họ nói, họ có ý kiến gì về chính mình, về người khác, về cuộc sống...

Những ý kiến ấy mới xuất hiện hay là đã đóng lớp rêu rong từ bao nhiêu đời, từ những ngày thơ ấu? Phải chăng đó là những thành kiến, những kiến lập họ tiếp thu từ người khác, ở nơi khác, nhưng chưa bao giờ được khảo sát hay là cập nhật hóa một cách nghiêm chỉnh?

Nói cách khác, cái gì là dư luận, tiếng đồn? Cái gì là xác tín đặt cơ sở trên lý luận vững chãi? Cái gì là năng động do họ sáng tạo? Cái gì là bị động do người khác áp đặt cho họ? Và người khác ấy là ai, mang tên tuổi gì?

Ý kiến của họ là một kết luận dựa trên cơ sở khách quan vững vàng, đã được kiểm chứng? Hay ngược lại, đó còn là một giả thuyết mong manh tạm bợ? Phải chăng đó chỉ là một lời phán quyết hoàn toàn đơn phương, độc lộ, thiếu nền tảng?

- Cuối cùng, khi lắng nghe người đối diện phát biểu về người khác, bất kể là người thân hay kẻ xa lạ, tôi cần tìm hiểu họ có những loại quan hệ nào với tha nhân: Hài hòa tích cực, hay là căng thẳng, xung đột? Họ đang nuôi dưỡng lập trường nào trong bốn loại lập trường tâm lý sau đây ?(x tham khảo 4 )

Một: Tao thắng mầy thua,

Hai : Tao thua mầy thắng,

Ba : Tao thua mầy thua,

Bốn: Tôi thắng, bạn thắng, chúng ta cùng thắng với nhau và nhờ vào nhau.

Nói tóm lại, "khung qui chiếu" của họ bao gồm những gì, trên năm bình diện khác nhau như: sự kiện khách quan, cảm xúc, tâm tình, kiến giải và quan hệ?

Để có thể khám phá bao nhiêu dữ kiện và tin tức cần thiết như vậy, chúng ta không thể không tìm hiểu, học tập và tôi luyện. Nhờ đó, chúng ta có thể đóng góp, xây dựng cuộc đời cho người khác.

Đi một buổi chợ còn học được một mớ khôn! Huống hồ, nếu chúng ta biết lắng nghe, một cách thành tâm và có tính khoa học, chúng ta sẽ nhận rất nhiều điều, trên bước đường làm người. Và sau khi biết nhận như vậy, chúng ta sẽ là những người biết cho.

4.- NHẬN VÀ CHO TRONG ĐỘNG TÁC LẮNG NGHE

Trong những ý nghĩa vừa được trình bày và quảng khai trên đây, phải chăng thái độ Lắng nghe làm nên bản chất đích thực của tất cả những ai cố quyết làm người trong trời đất này? Và khi lắng nghe một người - cho dù người ấy nói hay hoặc nói dở, nói đúng hoặc nói sai, cao thượng hoặc tầm thường - chúng ta làm công việc gây ý thức cho họ nhận thức được rằng: cuộc đời đang CHO họ rất nhiều. Đến phiên họ, nếu họ tìm một người để cho; tìm một điều để cho; tìm một cơ hội để cho... lập tức họ trở nên giàu có. Họ đang làm một bà mẹ với hai bàn tay êm ái. Với nụ cười xinh đẹp. Với một liếc nhìn bao la, rộng lượng. Với một lời nói ấm áp, khích lệ. Với một tia ánh sáng nho nhỏ trong đôi mắt...

Khi lắng nghe với một thái độ nhận và cho như vậy, chúng ta không cần phải khẳng định lập trường "đồng ý" hay là "không đồng ý". Chúng ta đang ở trên bình diện Thương Yêu.

Thương yêu như vậy gồm có hai hơi thở ra vào là Từ và Bi.

- Từ là mang lại niềm hân hoan, phấn khởi.

- Bi là đồng cảm, chia sẽ những đắng cay, chua xót trong cuộc đời.

Đó là ý nghĩa sâu xa, mục đích cuối cùng, và đó cũng là giá trị cần được chúng ta thực thi và đeo đuổi, mỗi lần chúng ta lắng nghe một người anh chị em.

5.- NHỮNG Ý NGHĨA CHỦ YẾU CỦA LẮNG NGHE

Trong bản tóm lược sau đây, tôi liệt kê lại sáu ý nghĩa chủ chốt của tác phong lắng nghe:

Động tác thứ nhất: Khi lắng nghe, tôi giữ im lặng.

Động tác thứ hai: Tôi giữ im lặng là vì tôi đặt trọng tâm vào người đang nói và chia sẽ. Không những điều họ nói, chính toàn diện con người của họ là một giá trị quan trọng đối với tôi.

Động tác thứ ba: Khi lắng nghe, tôi không nhắm bày tỏ ý kiến đồng ý hay không đồng ý. Tôi học tập, tìm hiểu khung qui chiếu của người phát biểu. Đặc biệt tôi phân định một cách rành mạch rõ ràng đâu là sự kiện, đâu là tình cảm xúc động, đâu là kiến giải, đâu là lời phê phán.

Động tác thứ bốn: Khi lắng nghe và tìm hiểu như vậy, tôi giúp người phát biểu ý thức về bản chất đích thực và sâu xa của họ là cho và thương yêu, vì họ đang được thương yêu.

Động tác thứ năm: Để đánh giá chất lượng của tác phong lắng nghe, tôi dựa vào ba tiêu chuẩn: Một là sống trong hiện tại, để chú ý và lưu tâm người đang hiện diện với tôi. Hai là học tập, tìm hiểu. Ba là có mặt một cách vui thích và hứng thú, thay vì bày tỏ những xúc động nhàm chán và bực bội.

Động tác thứ sáu: Để có thể duy trì chất lượng của lắng nghe, mục đích cuối cùng mà tôi đeo đuổi là thương yêu. Thiếu động cơ này thúc đẩy, tôi không còn sống trung thực. Tôi đi vào con đường phê phán nhị nguyên.

6.- NHỮNG CẠM BẪY CỦA LẮNG NGHE

Lắng nghe với sáu động tác vừa được liệt kê, không phải là một công việc dễ dàng và tự nhiên. Một đàng, tôi phải thường xuyên tôi luyện. Đàng khác, tôi phải đánh giá một cách khoa học và sáng suốt, bằng cách đề phòng bốn cạm bẫy đang có mặt ở khắp nơi:

Cạm bẫy thứ nhất: Tôi cắt ngang, giành nói. Tôi vi phạm qui luật im lặng.

Cạm bẫy thứ hai: Tôi kết luận quá sớm. Tôi chưa nắm vững toàn bộ khung qui chiếu của người phát biểu. Lối nhìn của tôi còn quá phiến diện. Cho nên người đối diện cảm thấy mình bị hiểu lầm, không được lắng nghe một cách đích thực và trọn vẹn.

Cạm bẫy thứ ba: Tôi mơ mộng, nghĩ đến chuyện đã qua hay là chuyện chưa tới. Tôi không sống trong hiện tại.

Cạm bẫy thứ bốn: Thay vì im lặng, học hỏi, tìm hiểu đến nơi đến chốn, tôi lèo lái câu chuyện qua một hướng khác. Tôi đề nghị lề lối giải quyết, tôi phóng ngoại, giải thích, tôi phê phán, khen chê lên mặt mô phạm, tôi bùng nổ, giận hờn, bực bội, la lối...

Nói tóm lại, vì tôi thiếu kỹ năng lắng nghe, tôi không biết giữ im lặng một cách thanh thản, hồn nhiên, dễ dàng và khéo léo. Từ đó, người phát biểu không có khả năng "mặc khải mình" như lòng họ chờ đợi, khao khát. Cũng vì vậy, họ chưa nhận ra bản chất đích thực sâu xa của mình là làm sứ giả của Tình Thương trong cuộc đời này.

Trái lại, khi cảm thấy mình được lắng nghe, nghĩa là được tiếp nhận và yêu thương, họ đã bắt đầu mở rộng con mắt tâm linh, và từ từ ý thức đến sứ mệnh làm người của mình là "Cho".

Hẳn thực, tôi đang cho chỉ vì tôi đã nhận lãnh rất nhiều, trong cuộc sống.

Tháng Tư 2008 - CH-1694 ORSSONNENS/Fr - Thụy Sỉ

SÁCH THAM KHẢO:

1- Cameron L - Solutions - Future Pace U.S.A. 1985,

2- Goleman D - Emotional Intelligence -Bantam U.S.A. 1995.

3- Gordon T - Être Parent, ça s’apprend - Marabout 1995.

4- Nguyễn văn Thành - Phát Huy Nhân Lực - T.N. Lausanne 1998.

5- Nguyễn văn Thành - Đường vào Nội tâm - T.N. Lausanne 1997.
 
Tin Đáng Chú Ý
Thượng Nghị Sĩ John McCain lên tiếng sau đây về Trung Hoa và Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008
Peter Nguyễn Minh Trung
12:31 12/04/2008
Thượng Nghị Sĩ John McCain lên tiếng sau đây về Trung Hoa và Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008

Arlington, VA, Hoa Kỳ, 10 tháng 04, 2008:

Mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc là quan trọng, và chúng ta đánh giá cao khả năng hợp tác của chúng ta với nhà cầm quyền Trung Quốc trải rộng trong các lãnh vực chiến lược, kinh tế và ngoại giao. Nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc phải hiểu là trong thế giới tân tiến của chúng ta, cách thức một quốc gia đối xử với dân chúng của mình là một đối tượng chính đáng của sự quan tâm quốc tế. Trung Quốc đã ký kết nhiều thoả ước quốc tế đặt sự đối xử của Trung Quốc đối với dân chúng là đối tượng của quan tâm chính đáng này, không còn là vấn đề thuộc về chủ quyền quốc gia. Để được làm một thành phần chủ yếu có trách nhiệm trong thế giới tân tiến, một chính quyền cũng còn phải có trách nhiệm trong nước, để bảo vệ, chứ không phải để chà đạp, các quyền của người dân chính nước mình.

Tôi lên án sự đàn áp tàn bạo của nhà cầm quyền Trung Quốc và sự tiếp tục trấn át tại Tây Tạng những người chỉ muốn thực hành tín ngưỡng và bảo vệ văn hóa và di sản của họ. Tôi đã theo dõi kỹ lưỡng Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi tin rằng Ông là một người của hoà bình, một người phản ảnh được những hy vọng và hứng khởi của nhân dân Tây Tạng. Tôi thúc đẩy chính quyền của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc hãy đề cặp thẳng nguyên nhân gốc rễ của sự bất ổn tại Tây Tạng bằng cách mở cuốc đối thoại chân thành với Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhắm đến việc cho Tây Tạng được tự trị nhiều hơn. Tôi thúc đẩy nhà cầm quyền Trung Quốc hãy bảo đảm sự phản đối ôn hòa không bị đàn áp bằng bạo lực, hày thả ngay những tu sĩ và dân chúng bị bắt giữ vì đã diễn đạt một cách ôn hòa quan điểm của họ và hãy cho phép thế giới bên ngoài được tự do vào Tây Tạng.

Tôi hiểu và khâm phục quyết định không tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội của thủ tướng Anh Quốc, Gordon Brown. Tôi tin là Tổng thống Bush sẽ duyệt xét lại sự tham dự buổi lễ của Ông và, dựa trên những hành động của Trung Quốc, quyết định là có thích hợp để tham dự hay không. Nếu các chính sách và lối hành xử của Trung Quốc không thay đổi, là tôi,tôi sẽ không tham dự lễ khai mạc. Nó không phục vụ gì cho nhà cầm quyền Trung Quốc, và chắc chắn là không phục vụ gì đối với dân chúng Trung Hoa, khi mà Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác giả vờ là sự đàn áp nhân quyền tại Trung Quốc không tạo sự quan tâm nào đối với chúng ta. Nó là, sẽ là và phải là mối quan tâm của chúng ta.

SAU ĐÂY LÀ NGUYÊN BẢN TIẾNG ANH CỦA THƯỢNG NGHĨ SĨ JOHN MCCAIN TẠI WEBSITE CỦA ÔNG:

For Immediate Release
April 10, 2008 Contact: Press Office
703-650-5550

Statement By John McCain On China And The Olympic Games

ARLINGTON, VA -- U.S. Senator John McCain today issued the following statement on China and the Olympic Games:

"Our relationship with China is important, and we value our ability to cooperate with the Chinese government on a wide variety of strategic, economic, and diplomatic fronts. But the Chinese government needs to understand that in our modern world, how a nation treats its citizens is a legitimate subject of international concern. China has signed numerous international agreements that make China's treatment of its citizens a subject of legitimate international concern, not just a matter of national sovereignty. To be a responsible stakeholder in the modern world, a government must also be responsible at home, in protecting, not trampling, the rights of its people.

"I deplore the violent crackdown by Chinese authorities and the continuing oppression in Tibet of those merely wishing to practice their faith and preserve their culture and heritage. I have listened carefully to the Dalai Lama and am convinced he is a man of peace who reflects the hopes and aspirations of Tibetans. I urge the government of the People's Republic of China to address the root causes of unrest in Tibet by opening a genuine dialogue with His Holiness, the Dalai Lama, aimed at granting greater autonomy. I urge the Chinese authorities to ensure peaceful protest is not met with violence, to release monks and others detained for peacefully expressing their views and to allow full outside access to Tibet.

"I understand and respect Prime Minister Brown's decision not to attend the Olympic opening ceremonies. I believe President Bush should evaluate his participation in the ceremonies surrounding the Olympics and, based on Chinese actions, decide whether it is appropriate to attend. If Chinese policies and practices do not change, I would not attend the opening ceremonies. It does no service to the Chinese government, and certainly no service to the people of China, for the United States and other democracies to pretend that the suppression of rights in China does not concern us. It does, will and must concern us."

(Nguồn: http://www.johnmccain.com/Informing/News/PressReleases/b7a26d26-c42f-4936-b22d-31a844019136.htm)
 
Vận động viên của Pháp bị nhà cầm quyền Trung Cộng hăm dọa
Peter Nguyễn Minh Trung
12:34 12/04/2008
PARIS (Sport News) - Viên Đại sứ Trung Cộng tại Pháp, Kong Quan đã cảnh báo Henri Sérandour, Chủ tịch Ủy ban Thế vận quốc gia Pháp (CNOSF) rằng các viên chức Trung Cộng sẽ không ngần ngại tháo gỡ cái huy hiệu «POUR UN MONDE MEILLEUR» (Cho một thế giới hoàn hảo) mang trên người các vận động viên cầm đưốc thế vận hội…

Tin tức này do đồng nghiệp chúng tôi, Tờ l’Équipe, loan báo. Ngày hôm qua, đại sứ Trung Cộng tại Pháp, ông Kong Quan đã hăm dọa các vận động viên Pháp tham gia vào cuộc rước đuốc là sẽ tháo giật ra từ ngực những người này cái huy hiệu «Pour un monde meilleur». Bản tin ghi lại.

Một đòn phép sắt máu của Kong Quan

Ngày thứ hai mùng 7 tháng Tư. Đuốc Thế Vận Hội được dự trù chạy vòng quanh Paris. Ngọn đuốc đã hoàn tất lộ trình bởi một cố gắng kinh khủng: các cuộc biểu tình, những đàn áp của nhân viên công lực…Bị kẹt cứng giữa những tính toán chính trị, nhưng các vận động viên cũng không tránh khỏi nhiều sự phỉ nhổ, hành hung, chửi rủa…

Người ta có thể sẽ quên là có một vài người nào đó đã mang trên người mình một dấu hiệu nhẹ nhàng hoài nghi chế độ Trung Cộng: cái huy hiệu «Cho Một Thế Giới Hoàn Hảo». Mộtbiểu tượng rất là hội ý. Thế nhưng đối với viên đại sứ Trung Cộng tại Pháp đây là một điều quá quắt lắm rồi.

David Douillet (cựu vô địch Nhu đạo): «Chúng sẽ thấy chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng»

Ông Kong Quan điên tiết lên, gọi điện thoại cho Ủy ban Thế vận quốc gia Pháp (CNOSF). Lại gặp đúng viên chánh văn phòng của ông Chủ tịch, Jean-Paul Clémençon. Kong Quan kênh kiệu ra lệnh cho ông này ngăn chận các người cầm đuốc thế vận mang huy hiệu. Jean-Paul Clémençon liền cho cấp trên mình, Henri Sérandour biết liền. Sérandour giận dữ, tới phiên ông ta thông báo cho nhóm ra sáng kiến về huy hiệu «Pour un monde meilleur» biết rõ vụ việc. David Douillet, một trong các thành viên hàng đầu của phong trào thách thức: «Chúng hãy cố giật cái huy hiệu trong người tôi đi, rồi chúng sẽ thấy chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng.»

Henri Sérandour: «Một huy hiệu với những cái còng»

Viën Chủ tịch của CNOSF Henri Sérandour, tìm cách xem coi phản ứng của Ủy ban Thế vận Quốc tế (OIC) ra sao. Được OIC trả lời như một gáo nước lạnh tạt vào mặt: không thuận lợi cho việc mang theo một huy hiệu riêng biệt gì cả…Henri Sérandour mới nổi sùng lên: «Tôi đã hội ý với các vận động viên chúng tôi là không mang một huy hiệu gì chống đối trực tiếp Trung Cộng cả, nhưng ở cái huy hiệu này chỉ cầu mong cho một thế giới được hoàn hảo. Nếu người Trung Hoa muốn, thì các vận động viên của chúng tôi, trái lại có thể mang một huy hiệu với hình ảnh của những cái còng.»

(Theo My Free Sport)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Dại Bên Đường
Thérésa Nguyễn
00:20 12/04/2008

HOA DẠI BÊN ĐƯỜNG



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Hoa dại vẫn là hoa dại thôi

Từ thủa xa xưa chẳng có người

đặt cho tên gọi loài hoa ấy

Hoa dại suốt đời chẳng có đôi.

(Trích thơ Hà Thiên Sơn)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền