Ngày 15-04-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:56 15/04/2018
62. TAY GIỐNG CỦ GỪNG SỐNG
Có anh chàng ngốc đi lên phố, nghe thấy một người coi tướng đang coi tướng tay cho người ta nói như sau:
- “Tay của đàn ông mà mập mềm như bông gòn, thì phải là người giàu có, tay của phụ nữ mà cứng thô như củ gừng sống thì lúa gạo đầy kho châu báu đầy rương”.
Anh chàng ngốc vỗ tay cười lớn, nói:
- “A ha, tay vợ của tôi giống như củ gừng sống”.
Người coi tướng hỏi:
- “Căn cứ vào đâu mà anh biết ?”
Chàng ngốc trả lời:
- “Hôm qua tôi bị nó đánh một cái ngay miệng, hôm nay vẫn cảm thấy cay và rát !”
(Chuyện tiếu thời thượng)

Suy tư 62:
Căn cứ theo tướng học mà nói nếu người đàn ông mà có bàn tay mềm, đầy đặn thì là tướng thiên về dục vọng, điểm chút màu hồng nữa là người háo sắc; người đàn bà mà có bàn tay như củ gừng sống, nghĩa là nhìn không đẹp cho lắm, xương xẩu, thì là người có óc triết lý, thích cãi lý và vất vả...
Đó là tướng học, nhưng nếu ai biết mình có bàn tay như thế mà sửa đổi cuộc sống, sửa tính tình của mình cho tốt, thì là con người tốt rồi vậy.
Có những cô gái là Ki-tô hữu “không thèm” tin nơi Thiên Chúa, mà ngày ngày cứ soi gương coi cái nốt ruồi nơi gò má của mình rồi than thở buồn phiền, vì mình có số sát chồng, rồi bực bội, rồi bi quan, rồi bỏ bê công việc, và nguy hiểm hơn là sống không định hướng, vì cho rằng mình có số sát chồng nên buông thả...
Đức tin dạy cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa là Đấng nắm giữ vận mạng hiện tại, tương lai và quá khứ của chúng ta, mình sống mình chết là ở trong tay Thiên Chúa, mình nghèo mình giàu là ở trong tay Thiên Chúa...
Nhưng mình có sát chồng hay không là ở nơi đời sống của chúng ta, nếu đời sống của chúng ta thánh thiện đạo đức thì cho có một trăm cái nốt ruồi trên gò má cũng chẳng nhằm nhò gì, nhưng nếu chúng ta có đời sống không đạo đức, không phù hợp với tinh thần Kitô giáo thì dù không có một nốt ruồi nào nơi gò má, chúng ta cũng vẫn có thể giết chồng như thường...
Cái hình dáng bên ngoài cũng có thể phản ảnh lại bên trong của tâm hồn, nhưng có đôi lúc hình dáng bên ngoài cũng “được” tô một lớp son phấn như khuôn mặt của các cô gái nên khó mà thấy được tâm hồn, chỉ có cách hay nhất là dùng ánh sáng Lời Chúa để chiếu soi mà thôi...
Bởi vì Lời Chúa không những dọi sáng đường chúng ta đi, mà còn dọi sáng tâm hồn của chúng ta nữa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 3 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:58 15/04/2018
Chúa Nhật III PHỤC SINH

Tin Mừng : Lc 24, 35-48
“Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.”


Bạn thân mến,
Lời đầu tiên hôm nay của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng cũng chính là “bình an cho các con”, như thế để cho chúng ta hiểu ra rằng: bình an chính là hạnh phúc mà con người mãi mê tìm kiếm, nhưng tìm mãi tìm hoài mà cũng không tìm thấy bình an đích thực, chỉ là những bình an giả tạo mà thôi. Hôm nay tôi xin chia sẻ với anh chị em một thực tại sống động mà chúng ta -những người Ki-tô hữu- đang thực hiện, đó chính là mỗi người trở nên chứng nhân về việc Chúa đã chết và đã sống lại qua ngôn hành của chúng ta trong cuộc sống.

1. Anh em có gì ăn không ?
Ma quỷ thì không có thân xác nên không thể ăn được, chỉ những ai còn sống mới biết đói biết khát, chỉ những ai đói mới đòi ăn và khát mới đòi uống, nhưng Đức Chúa Giê-su thì không phải vì đói vì khát mà xin ăn, nhưng chính là để chứng minh cho các môn đệ của Ngài biết rằng Ngài đã sống lại thật rồi.
Có rất nhiều người chung quanh chúng ta đang ngửa tay hỏi chúng ta: các anh các chị có gì ăn không ? Họ xin ăn không phải để nói rằng họ đã từ cõi chết sống lại, nhưng là để cho chúng ta nhận ra Đức Chúa Ki-tô phục sinh đang ở trong người của họ, để chúng ta nhận ra chính Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, chung quanh chúng ta, nơi những người đói khát, nghèo khó...
Các tông đồ đã mau mắn đem bánh lại cho Chúa ăn, các ngài vui mừng quá đổi vì Chúa đã sống lại.
Khi chúng ta mau mắn đưa cơm bánh cho người nghèo là chúng ta vui mừng vì được phục vụ Chúa Phục Sinh nơi người anh em chị em nghèo khó, đó chính là niềm vui phục sinh, là cách làm chứng cho mọi người biết rằng Đức Chúa Giê-su vẫn ngày ngày đang sống lại nơi mỗi một người Kitô hữu.
Ai có đói mới thấy quý từng mảnh vụn cơm bánh, ai có khát mới thấy từng giọt nước là quý, ai có ngửa tay nói anh có gì ăn không, mới thấy giá trị của sự sống là cao quý vô cùng, mới thấy rõ thật giá trị của cơm thừa canh cặn, mới thấy rõ sự nhục nhã của kiếp ăn xin nghèo đói. Do đó, chỉ cần một ánh mắt khinh bỉ, chỉ cần một lời nói bóng gió, chỉ cần một thái độ khinh khi là làm cho tâm hồn của họ thêm đau đớn...
Ai có cầm bánh đưa ra cho người nghèo đói ăn thì mới cảm nghiệm được niềm vui của tâm hồn, nó thanh thoát, nó toả lan đến những người chung quanh, bởi vì chính họ đã nếm được sự hạnh phúc của việc cho kẻ đói ăn tức là cho Chúa Giê-su Phục Sinh ăn...

2. Anh em có gì ăn không ?
Đây không còn là một lời xin, đây cũng không còn là một lời đòi hỏi của người nghèo đói, nhưng là môt câu hỏi thân thiết quan tâm lẫn nhau giữa người với người, giữa anh em chị em với bè bạn.
Nếu mỗi ngày chúng ta gặp nhau mà hỏi: anh có gì ăn không, con cái anh có gì ăn không, để quan tâm và giúp đỡ, thì quả thật bình an của Thiên Chúa đang ở trong chúng ta. Một câu hỏi năm xưa của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh đã làm cho các tông đồ vui sướng như thế nào, thì hôm nay, một câu hỏi như thế của chúng ta đối với người anh em chị em, thì cũng khiến cho họ rất sung sướng và hạnh phúc, vì họ được biết có người luôn quan tâm đến họ và gia đình họ.
Nếu chúng ta ai cũng biết bỏ đi cái ích kỷ nhỏ nhen trong tâm hồn để nói với người hàng xóm đang chật vật vì miếng cơm : anh chị hôm nay có gì ăn không ? thì chính họ đã nhận ra được Tin Mừng phục sinh nơi con người của chúng ta, bởi vì chỉ có những ai có một tâm hồn bình an, yêu thương, khiêm tốn mới có thể thật lòng quan tâm đến người khác cách vô vị lợi.

Đức Chúa Giê-su không khách sáo khi nhận bánh nơi các môn đệ của mình, Ngài ăn ngay trước mặt các ông, cũng vậy, có những lúc chúng ta không cần hỏi anh em có gì ăn không, nhưng chúng ta vẫn có thể chủ động quan tâm giúp đỡ người anh em, đó chính là thái độ tích cực mà–có thể nói- chỉ có những Ki-tô hữu mới có thói quen tốt đẹp này..
.
Anh chị em thân mến,
Có lúc nào chúng ta hỏi người anh chị em nghèo đói bên cạnh nhà mình: anh chị em có cần gì không, tôi giúp đỡ ?
Có lúc nào chúng ta chủ động coi những người lân cận của mình hôm nay ai bị bệnh phải đi bệnh viện, ai già cả neo đơn, ai có con cái đông lo không xuể...?
Đó chính là chúng ta thay mặt Đức Chúa Giê-su Phục Sinh quan tâm đến anh chị em, đem bình an và hạnh phúc của Ngài đến cho mọi người vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:00 15/04/2018

11. Người có tu đức giống như thuyền đi ngược giòng, nếu họ không ra sức chống chèo, thì sẽ bị đi xuống.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha chuẩn y các sắc lệnh tuyên phong Bậc Đáng Kính.
Đặng Tự Do
00:16 15/04/2018
Sáng thứ Bẩy 14 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Hồng Y Angelo Amato, tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh. Ngài đã chuẩn y các sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 8 vị Tôi Tớ Chúa, và nâng các vị lên hàng Bậc Đáng Kính.

Trong số các vị mới được nâng lên hàng Bậc Đáng Kính có 3 linh mục và 5 nữ tu: một vị người Ấn Độ, một vị người Tây Ban Nha, một vị người Bồ Đào Nha, một vị người Canada và 4 vị người Ý.

Vị đầu tiên là Cha Varghese Payapilly, một linh mục triều người Ấn Độ, là đấng sáng lập dòng các Nữ tu của người cùng khổ. Ngài sinh ra trong một gia đình giàu có ở Konthuruthy vào ngày 8 tháng 8 năm 1876 và qua đời vì bệnh thương hàn ở Ernakulam vào ngày 5 tháng 10 năm 1929.

Sau trận lụt kinh hoàng vào năm 1924, cha Varghese biến giáo xứ của ngài thành một trung tâm dành cho người vô gia cư. Kinh nghiệm này đã khiến ngài thành lập dòng các Nữ tu của người cùng khổ vào ngày 19 tháng 3 năm 1927. Ngày nay, dòng này có rất nhiều nhà cho trẻ em đường phố, những người cao tuổi bị bỏ rơi, những người ăn xin, những người mắc bệnh ung thư và liệt kháng, và những người tàn tật về thể chất và tinh thần. Dòng cũng có các trung tâm lao động, bệnh viện, nhà dưỡng lão, bệnh xá, nhà trẻ và trường học.

Các vị khác được nâng lên hàng các Bậc Đáng Kính trong dịp này gồm có:

Cha Emanuele Nunes Formigão, linh mục triều người Bồ Đào Nha, là đấng sáng lập Dòng Các Nữ Tu Phạt Tạ của Đức Mẹ Fatima. Ngài sinh tại Tomar vào ngày 1 tháng Giêng năm 1883 và qua đời tại Fatima vào ngày 30 tháng Giêng năm 1958.

Cha Ludovico Longari, người Ý, một thành viên của Dòng các Linh mục Bí Tích Thánh Thể; sinh ở Montodine vào ngày 20 tháng 6 năm 1889 và qua đời ở Ponteranica vào ngày 17 tháng 6 năm 1963.

Nữ tu Elizabeth Bruyère, người Canada, đấng sáng lập Dòng Các Nữ Tu Bác ái Ottawa; sinh tại L'Assomption vào ngày 19 tháng 3 năm 1818 và qua đời ở Ottawa ngày 5 tháng 4 năm 1876.

Mẹ Bề Trên Margherita Ricci Curbastro, người Ý, nhủ danh Constance, đấng sáng lập Dòng Nữ tì Thánh Tâm Chúa Giêsu Đau Khổ; sinh tại Lugo di Romagna vào ngày 6 tháng 10 năm 1856 và qua đời ngày 7 tháng Giêng năm 1923.

Mẹ Bề Trên Florenza Giovanna Profilio, đấng sáng lập Dòng các Nữ Tu Phanxicô Vô Nhiễm Nguyên Tội thành Lipari; sinh tại Pirrera (Ý) vào ngày 30 tháng 12 năm 1873 và qua đời ở Rôma ngày 21 tháng 2 năm 1956.

Mẹ Bề Trên Maria Dolores của Chúa Kitô Vua (nhủ danh Maria Di Majo), người Ý, đấng sáng lập Dòng các Nữ tì Truyền giáo của Chúa Kitô Vua; sinh tại Palermo vào ngày 16 tháng 12 năm 1888 và qua đời ngày 27 tháng 6 năm 1967.

Nữ tu Justa Domínguez, Bề Trên tỉnh dòng Tây Ban Nha, của Dòng các Nữ tu Vincent de Paul, sinh ra tại Azpeitia vào ngày 2 tháng 11 năm 1875 và qua đời ở Madrid vào ngày 18 tháng 12 năm 1958 .
Source: Vatican News An Indian among 8 new Venerable Servants of God
 
Nhiều cuộc biểu tình ôn hòa trước bệnh viện để hỗ trợ cha mẹ của em Alfie Evans.
Giuse Thẩm Nguyễn
08:40 15/04/2018
(EWTN News/CNA) Trong cuộc đấu tranh căng thẳng về vấn đề chăm sóc y tế cho em Alfie Evans, hàng trăm người đã biểu tình bên ngoài bệnh viện nhi đồng Alder Hey trong tuần này để hộ trợ cho em và cha mẹ của em.

Em Evans, 23 tháng tuổi, bị chứng bệnh thần kinh thoái hóa kỳ lạ đã phải nằm viện từ tháng Mười Hai, năm 2016.

Cha mẹ của em muốn em được tiếp tục điều trị và đưa em tới bệnh viện Bambino Gesu ở Roma, nhưng các viên chức ở bệnh viện Alder Hey đã kiện ra tòa vì cho rằng việc tiếp tục điều trị không là giải pháp tốt nhất cho em và rằng nên rút bỏ y cụ trợ giúp sự sống của em. Một vài quan tòa đã có phán quyết nghiêng về bệnh viện.

Theo đài BBC thì trường hợp của em Alfie đã gây chú ý trên bình diện quốc tế và khiến cho hằng trăm người biểu tình trước bệnh viện Liverpool vào đêm thứ Năm. Cảnh sát địa phương nói rằng những người biểu tình “ôn hòa”, dù rằng có gây một vài trở ngại lưu thông và phiền hà cho những người đến bệnh viện. Hôm thứ Sáu lại có thêm những người đến biểu tình để tỏ tình đoàn kết với Alfie và cha mẹ em.

Cha mẹ của em là Kate James và Tom Evans đã đấu tranh chuyển con họ đến bệnh viện khác để tiếp tục định bệnh và điều trị. Tuy nhiên, những cố gắng của họ đã thất bại, thua cả hai vụ kiện ở tòa Tối Cao và Tòa Kháng Án và vụ kiện của họ cũng bị bác bỏ bởi Tòa Tối Cao và Tòa Nhân Quyền Châu Âu.

Vào tháng Hai, Tòa đã phán quyết cho phép bệnh viện Alder Hey được ngưng chữa trị cho Alfie, trái với ước muốn của cha mẹ em.

Evans và James lại tiếp tục một cuộc đấu tranh pháp lý mới, yêu cầu các quan tòa ở Tòa Kháng Án tiếp tục cho phép dùng y cụ trợ giúp sự sống và điều trị cho Alfie. Nhân viên tòa án đã công bố cuộc điều trần của họ vào hôm Thứ Hai, nói rằng một quan tòa đã quyết đinh cho phép Alfie được tiếp tục điều trị trong lúc chờ điều trần.

Tòa Án Tối Cao vừa định ngày chính thức chấm dứt y cụ trợ giúp sự sống cho Alfie, nhưng chi tiết về kế hoạch chấm dứt sự sống thì không được công bố.

Tuy nhiên cha mẹ của Alfie nói là họ đã có kế hoạch thay thế khác. Vì lệnh của tòa sẽ hết khi mà bệnh viện lấy bỏ y cụ trợ giúp sự sống của Alfie, thì cha mẹ có thể với tư cách là người chăm sóc cho Alfie sẽ đưa con mình đến Roma để theo đuổi một cách điều trị khác.

James and Evans nói với BBC rằng họ có xe cứu thương riêng và một máy bay phản lực sẵn sàng để cất cánh.

Theo Evans, “hiện nay không có án lệnh nào nói rằng Alfie phải ở lại bệnh viện cả. Chúng tôi đã chuẩn bị hết sức cẩn thận và chúng tôi sẽ chở Alfie trên một chiếc xe tải nhỏ được trang bị đầy đủ, có bác sĩ trên xe chăm sóc.”

Cha mẹ của Alfie dự trù sẽ bay qua Roma đến thẳng bệnh viện Nhi Đồng Bambino Gesu. Tuy nhiên Evans nói rằng hôm Thứ Sáu cảnh sát đã có mặt tại bệnh viện Alder Hey để canh giữ không cho chúng tôi mang Alfie đi.

ĐGH vừa mới viết trên mạng xã hội rằng hy vọng thiết tha của ngài là những gì cần thiết sẽ được thực hiện cho bé Alfie Evans đáng thương này và mọi người thấu hiểu được nỗi đau đớn của cha me em.

Đầu tháng này, cha mẹ của Alfie nói rằng con trai của họ đã có những dấu hiệu khả quan, khỏe mạnh hơn, phản ứng hơn,có thể tự thở được. Em cũng đã duỗi chân tay, ho, nuốt và ngáp.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho Syria.
Giuse Thẩm Nguyễn
08:43 15/04/2018
(Vatican News) Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng sáng nay, ngày 15 tháng Tư năm 2018, ĐGH lại một lần nữa kêu gọi hòa bình ở Syria.

Ngài nói “Cha rất quan ngại về tình hình thế giới hiện nay, dù rằng có nhiều giải pháp khả thi cho cộng đồng quốc tế, nhưng vẫn còn khó khăn trong việc thỏa thuận một hành động chung vì hòa bình ở Syria và những vùng khác trên thế giới”

ĐGH đã nói rằng “Trong lúc cha tiếp tục cầu nguyện không ngừng nghỉ cho hòa bình và mời goi mọi người có thiện chí cũng làm như vậy, cha kêu gọi các nhà lành đạo chính trị hãy bảo đảm rằng hòa bình và công lý phải là ưu tiên hàng đầu.”

ĐGH đưa ra lời kêu gọi này sau một ngày Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp đã thực hiện một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào một số căn cứ ở Syria, vì cho rằng chính quyền Syria đã xử vụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến chống lại các lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, Syria và các đồng minh của họ đã từ chối những cáo buộc này.

Cả hai phía vẫn tiếp tục đe đọa việc xử dụng vũ lực.
 
Đức Giáo Hoàng bày tỏ nỗi buồn trước vụ sát hại các nhà báo Ecuador
Đặng Tự Do
15:38 15/04/2018
Hôm Chúa Nhật, 16 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn khi nhận được tin về vụ giết ba nhà báo do một nhánh của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC, thực hiện. FARC đã bị giải tán theo một hiệp định hòa bình với chính phủ Colombia. Tuy nhiên, một số đơn vị của tổ chức này vẫn tiếp tục gieo rắc bạo lực cho Colombia và nước láng giềng Ecuador.

Đức Thánh Cha nói trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng:

“Tôi cầu nguyện cho họ và gia đình, và tôi gần gũi với người dân Ecuador, khuyến khích họ tiến về phía trước, đoàn kết và hòa bình, với sự giúp đỡ của Chúa và Mẹ Rất Thánh của Ngài.”

Trong khi đó, tổng thống Ecuador, đã tuyên bố sẽ truy nã, bắt giữ và trừng phạt những kẻ giết người.

Sau khi được xác nhận là phóng viên Javier Ortega, nhiếp ảnh gia Paul Rivas và người tài xế Efrain Segarra đã bị bắt cóc vào ngày 26 tháng 3 bởi các tay súng thuộc nhóm Oliver Sinisterra, tổng thống Ecuador Lenin Moreno đã hủy chuyến đi của mình tới Hội nghị Thưọng Đỉnh Mỹ Châu tại Peru, và tuyên bố sẽ có những hành động ngay lập tức để phối hợp với quân đội Colombia. Ông cam kết chống lại bọn khủng bố về điều mà ông gọi là: “thể chế mà họ đã chọn”.

Ông cũng nói: “Tôi sẽ giữ lời hứa của mình, như tôi luôn luôn làm vậy, tôi sẽ ra tay mạnh mẽ chống lại bọn tội phạm, tôi cảm nhận được nỗi đau của các thân nhân.”

Ông đã đưa ra một phần thưởng tương đương với một trăm ngàn đô la cho ai chỉ điểm để giúp bắt được tên cầm đầu là El Gaucho.

Colombia, Venezuela, Peru và Á Căn Đình đã gửi thư chia buồn và bày tỏ sự ủng trợ.
Source: Vatican News - Journalists murdered in Ecuador; Pope expresses sorrow
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Xứ Tân Phú Mừng Kính Lễ Lòng Chúa Thương Xót
Phương Nga
08:39 15/04/2018
“ Hôm nay con hãy dâng lên Ta toàn thể Nhân loại nhất là người Tội lỗi.Hãy nhận chìm họ trong đại dương thương xót của Ta “ (Nhật ký Thánh nữ Faustina)

Sau Đại lễ kính Lòng Chúa Thương xót tại Tổng giáo phận Sài Gòn cho tất cả cộng đoàn dân Chúa trong Giáo phận vào Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh ngày 08-04-2018,Hội Lòng Chúa Thương xót giáo xứ Tân Phú đã trở về cùng cộng đoàn dân Chúa hân hoan mừng kính lễ Chúa Thương xót là bổn mạng của Hội vào lúc 17g ngày 10-04-2018.Trước đó,Cha Linh hướng Giuse đã tổ chức tuần Cửu Nhật Chúa Thương xót để Hội chuẩn bị tâm hồn,suy niệm về mầu nhiệm Chúa Phục Sinh cùng thánh hóa bản thân cho các hội viên nhất là các chị em sắp Tuyên hứa .Buổi lễ gồm 4 phần:

Xem Hình

CẦU NGUYỆN :

Khi các Hội viên đã tề tựu chung quanh Bàn thờ Chúa Thương xót ,Chị Maria Ngoan (Phó Ban điều hành)xướng kinh :

-Hát kinh Chúa Thánh Thần,

Lần chuỗi Chúa Thương xót 50 kinh ,

Hát :Ngợi ca Lòng thương xót Chúa đã ban tặng con hỡi trái tim từ nhân ,con tín thác nơi Ngài.Chiều đồi núi Calve âm thầm Người chết treo thân thập tự đã hiến dâng máu đào để cứu đời con và dòng suối yêu thương chan hòa từ trái tim Cha tuôn tràn tẩy xóa đi bao lỗi tội tái sinh đời con.để mọi người suy gẫm và bước vào Cuộc rước .

CUNG NGHINH CHÚA THƯƠNG XÓT

Vào lúc 17g đã có một cuộc rước kiệu trong sự tĩnh lặng nhưng trọng thể để Cung nghinh Chúa Thương xót ,theo các thứ tự : Thánh giá nến cao,Cờ hội ,là những màu áo đồng phục đỏ rực rỡ của các Hội viên đã làm tăng sự sống động và diễn tả ý nghĩa Tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu Đấng đầy lòng Thương xót cùng với sự hiện diện của:

-Các Tân hội viên Lòng Chúa Thương xót

- Quý Ân nhân

- Đại diện các Cộng đoàn Lòng Chúa Thương xót Tổng giáo phận ,Hạt Tân Sơn nhì và các giáo xứ bạn.

- Quý Sơ các Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm.

-Đại diện các Giáo họ.

-Quý Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Tân Phú.

-Kiệu Chúa Thương xót do các Nam hội viên phụ trách.

-Lễ sinh

-Cha Giuse Phạm Công Minh Linh giám Hội Lòng Chúa Thương xót giáo xứ Tân Phú chủ sự thánh lễ .

-Cha Giuse Phạm Văn Thới (Nguyên Linh giám ) đồng tế thánh lễ .

Khởi sự cuộc rước,Ca đoàn Hiệp hội Thánh Mẫu hát bài Cầu xin Chúa Thánh Thần và Lòng Chúa Thương xót”Nguyện xin Chúa cho con một trái tim mới …” để ca ngợi chúc tụng Chúa cho cộng đoàn cùng hiệp thông.

THÁNH LỄ :

Cuộc rước đi vòng quanh hành lang nhà thờ và cộng đoàn cùng Ban Lễ sinh rước Cha Linh giám Giuse Phạm Công Minh chủ sự thánh lễ và Cha Giuse Pham Văn Thới ( Nguyên Linh giám ) của Hội lên Bàn thánh.Lúc này trong nhà thờ cộng đoàn giáo xứ đã hiện diện đông đủ Ca đoàn hát ca nhập lễ “Lòng Cha từ bi thương xót,lòng Cha bao la yêu mến ..”Cha Giuse chủ sự tâm tình với công đoàn :

Cùng với Giáo hội,chiều nay Giáo xứ chúng ta và Hội Lòng Chúa TX mừng kính bổn mạng của Hội.Mỗi lần mừng Đại lễ Chúa Thương xót là chúng ta được mời gọi tin tưởng và phó thác vào Chúa.Lạy Chúa Giêsu con tín thác vào Chúa .Chúng ta hãy xin Chúa thương xót và tha thứ cho chúng ta để lời cầu nguyện của chúng ta được xứng đáng và Chúa vui nhận.

Bài đọc 1 : Trích sách Tông đồ Công vụ do chị Têrêsa Dung đọc.

Bài đọc 2 : 1 Ga 5,1-6 do anh Gioan Kim Duy đọc

Bài Tin Mừng theo Thánh Gioan (20,19-29) Cha Giuse (Nguyên Linh giám) diễn giảng :

Cha xin chào cộng đoàn và chào quý Hội viên:

Ngày trước khi Cha về đây,mỗi lần rước là Cha lại tự hỏi bao giờ mình mới lên đến bàn thánh và hôm nay cũng trong tâm tình ấy vì ngôi thánh đường vừa dài và vừa rộng thênh thang.

Tin mừng nói “Như Cha đã sai Thày thì Thày cũng sai anh em ..”(Ga 20,21)Đố cộng đoàn biết Chúa sai các môn đệ đi đâu ?” Thưa Cha ” Để rao giảng Tin mừng Phục sinh “.Nhưng các môn đệ đã rao giảng bằng cách nào?Có phải khi Chúa vừa ra khỏi mộ thì các môn đệ đã đứng sẵn ở đó và mỗi người cầm một chiếc máy chụp hình rồi đưa Chúa lên mạng,lên Facebook không ? Thưa Cha “Không ạ!”

Đúng vậy anh chị em,Chúa không muốn các môn đệ làm cách đó vì người ta sẽ mổ xẻ Chúa ra thành các khía cạnh khác nhau và không có kết quả cao mà Chúa muốn chúng ta làm bằng cách khác “Đố cộng đoàn biết đó là cách nào ?” Thưa Cha “Đó là Loan báo bằng chính cuộc sống của mình là phải năng cầu nguyện với Chúa,phải biết hy sinh và kiên trì trước những khó khăn”

Vâng ! Chúng ta là những hội viên Lòng Chúa TX chúng ta phải lấy chính Lòng thương xót ra để loan báo ;vì lòng thương xót của Chúa lớn hơn tất cả mọi tội lỗi của con người .Khi chúng ta đến tòa giải tôi là chúng ta được đón nhận sự tha thứ .Sau khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ rồi cho các ông xem các vết đinh trên chân tay và cạnh sườn người.

Cộng đoàn thử nghĩ xem,bằng cách nào chúng ta nhận ra Chúa Giêsu trên cây thánh giá nếu cả 3 người hôm ấy chịu chết đều có khuôn mặt và hình thể giống nhau ?Thưa đó là vết thương bị tên lính đâm nơi trái tim của Chúa và máu cùng nước chảy ra “ Đúng vậy ! và khi vết thương mở ra thì cũng là lúc Trái tim Chúa hé mở và Lòng thương xót của Chúa cũng hé mở .Theo giáo lý Công Giáo thì những vết thương ghi khắc trên thân thể của Chúa là vì chúng ta phạm tội nên chỉ cần nhìn vào đó là chúng ta nhận ra tội lỗi của mình.Máu và Nước chảy ra là hình ảnh Chúa ôm lấy chúng ta và tha thứ hết.

Khi Thiên Chúa muốn dựng lên Bà Eva Ngài cũng lấy xương sườn của Ông Adam trong lúc ông mê ngủ để thổi hơi vào và tạo nên người phụ nữ để mang đến hạnh phúc cho ông; để rồi một lần nữa Chúa lại chịu đau đớn tột cùng vì vết đao đâm nơi cạnh sườn để mang lại hạnh phúc cho con người .Nơi Chúa Giêsu luôn có :

-Một lòng thương xót để đón nhận lỗi lầm của chúng ta

-Một lòng thương xót chỉ biết trao ban cho chúng ta hồng ân sự sống.

Vậy chúng ta hãy rao giảng Lòng Chúa thương xót bằng chính đời sống của mình,một đời sống lỗi lầm và thiếu sót cũng như phải có một lòng thương xót biết tha thứ cho anh chị em mình .Đức Thánh Cha Phanxico Phanxico xác quyết rằng”Chỉ những người nào biết đón nhận Lòng thương xót của Chúa thì mới mở lòng ra thương xót anh chị em mình và như vậy thì người ấy phải năng chạy đến với Chúa”

Xin Lòng thương xót của Chúa ban cho chúng ta nhiều ơn lành và xin Chúa ban cho chúng ta biết đón nhận Lòng thương xót của Chúa để chúng ta thương xót tha nhân như chính mình Amen.

NGHI THỨC TUYÊN HỨA CHO TÂN HỘI VIÊN :

Chị Maria Hoa Hội trưởng đọc danh sách 23 Tân hội viên và mời tất cả lên cung thánh ,các chi em tuyên hứa trong đồng phục áo dài đỏ đứng trước Cha chủ sự.

-Cha mời các Tân hội viên đọc Kinh Tận hiến cho Lòng Chúa Thương xót.

-Các Tân hội viên đọc kinh Tuyên hứa

-Cha phỏng vấn các Tân hội viên và tất cả đáp lại

-Cha đọc lời nguyện: “Lạy Chúa Giêsu là Lòng Thương xót của Cha trên trời.Xin Chúa đón nhận các Tân hội viên vào Lòng Thương xót của Chúa ……”

-Cha tuyên bố nhận các Tân hội viên vào Hội Lòng Chúa Thương xót của giáo xứ và các chị em được hưởng một ơn Đại xá.

-Cha làm phép phù hiệu và trao cho mỗi Tân Hội viên .Cuối cùng Cha mời các Tân Hội viên quay xuống cộng đoàn để mọi người chúc mừng.Các chị trở về chỗ ngồi và tiếp tục dự lễ.

Trong khi Truyền phép Thánh Thể Cha chủ sự dành những lời cầu nguyện cho các linh hồn Ân nhân,Thân nhân và các Hội còn sống cũng như đã qua đời đặc biệt cầu cho tất cả Hội viên trở nên Chứng nhân Lòng Thương xót của Chúa …

Trước khi nhận phép lành Chị Hội trưởng thay mặt cho Hội dâng lên Cha Chánh xứ Giuse lời cảm tạ vì đã cho phép tổ chức buổi lễ .Cha Nguyên linh giám Giuse Phạm Văn Thới đã không ngại đường xa về đây dâng thánh lễ cầu nguyện và chia sẻ Tin Mừng cho cộng đoàn .

Cha Linh giám Giuse Phạm Công Minh hàng ngày hàng giờ đôn đốc chị em cầu nguyện,làm việc tông đồ và Cha đã chăm lo cho các buổi lễ của Hội về cả tinh thần lẫn công sức trang trí,tập luyện các tiết mục diễn nguyện về Lòng thương xót của Chúa.

-Quý Sơ các Dòng và Quý tu sĩ đã đến tham dự thánh lễ,Ca đoàn đã dâng lời ca tiếng hát để buổi lễ thêm thánh thiêng và sốt sắng.

-Đại diện Hội đồng mục vụ Giáo xứ đã giúp đỡ tổ chức buổi lễ

-Đại diện các Giáo họ và các Đoàn thể trong giáo xứ đã hiện diện và thêm lời cầu nguyện.

-Các Hội viên của Hội đã quy tụ đông đủ để thực hiện các nghi thức để cùng ra đi Loan báo Tin Mừng và Lòng thương xót của Chúa.

-Cộng đoàn dân Chúa giáo xứ đã cùng rước kiệu và dâng lễ cầu nguyện cho Hội và cho giáo xứ .

Xin Chúa Thương xót qua Mẹ Maria luôn tuộn đổ nhiều ơn lành trên Quý Cha,Quý Sơ,Quý khách và Cộng đoàn .

Tất cả cùng hát bài “Lòng Chúa Thương xót" để ca ngợi Lòng thương xót của của Chúa Giêsu và qua Chúa Giêsu mọi người được đến với Thiên Chúa Cha.

Buổi lễ kết thúc lúc 19 giờ cùng ngày trong niềm hân hoan và tin tưởng.Lạy Chúa Giêsu ! Con tín thác vào Chúa .

Phương Nga

Truyền Thông giáo xứ Tân Phú
 
Curia Tân Sơn Nhì Mừng Kính Lễ Mẹ Truyền Tin
Phương Nga
08:53 15/04/2018
“ Vâng ! Tôi đây là nữ tỳ của Chúa,tôi “Xin vâng” như lời Sứ thần truyền”(Lc 1,38)

Lễ Đức Mẹ Truyền Tin(Acies) là một trong những lễ hội lớn của Legio Mariae.Trong lễ này toàn thể hội viên Legio sẽ dâng mình cho Đức Mẹ để nhờ Mẹ mà đến với Thiên Chúa.

Năm nay,Curia Tân Sơn Nhì đã hân hoan mừng lễ Acies vào lúc 8g ngày 10-04-2018 tại thánh đường giáo xứ Tân Phú Hạt Tân Sơn Nhì Sài Gòn.Với 400 hội viên trong đồng phục trắng khăn và cà vạt xanh.Buổi lễ đã tăng thêm phần long trọng và ấm cúng.

Xem Hình

Khi Ban Quản trị Curia cùng Đội Mẹ Chúa Ngôi Ba vừa hoàn tất bàn thờ Mẹ Maria bên cạnh Vexxium thì các hội viên đã quy tụ về đông đủ.Anh Phê rô Kiến Trưởng ban mời tất cả vào thánh đường.Anh cũng nói về ý nghĩa và mục đích của buổi lễ để mọi người chuẩn bị tâm hồn.Lễ Acies hôm nay được tổ chức với 3 phần chính:

CẦU NGUYỆN VÀ HUẤN TỪ CỦA CHA LINH GIÁM

Đúng 8g30,chị Mẫn Nhi (Phó Ban Quản trị) xướng kinh Legio :

-Kinh Chúa Thánh Thần, Kinh Khai mạc của Legio,Lần chuỗi 50 sự Vui,Kinh Lạy Nữ Vương ..Tất cả cùng cầu nguyện sốt sắng và chuẩn bị cho nghi thức Dâng Mình.

Cha Giuse Kiều Hoàng An Linh giám hiện diện, Anh Trưởng giới thiệu Cha với cộng đoàn;mọi người vỗ tay đón chào Cha.Cha cũng đáp lại bằng lời chào và đi vào nội dung:

Hôm nay là lễ Mẹ Truyền Tin hay còn gọi là lễ Dâng Mình (lễ Acies) quý Ông bà cao niên chắc đã nhiều năm dự lễ này và cũng đã nhiều lần Dâng mình cho Đức Mẹ cũng như đoan hứa bằng câu”Lạy Nữ Vương là Mẹ con ,toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ”.Nhưng chúng ta phải xét lại chúng ta Dâng mình cho Đức Mẹ là qua Mẹ và nhờ Mẹ để đến với Chúa Giêsu và trong một năm qua chúng ta có gần Chúa và gần cộng đoàn không?.Lễ hội Acies là dịp để chúng ta cầu nguyện cho Bề trên ,cho cha Linh hướng và cho các hội viên vì ở đây không chỉ là ngày vui mà là ngày nhắc lại cho chúng ta tương quan với Chúa và với mọi người .

Với con số 400 hội viên hiện diên hôm nay,thế nhưng những thánh lễ Thứ Ba đầu tháng thì đông nhất là 120 và ít nhất là 80 hội viên tham dự,bởi vì một số còn tham gia các cộng đoàn khác như:Các Bà mẹ CG,Hội Lòng Chúa Thương xót,Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm vvv.Tất cả chúng ta đều Dâng mình và nói”Lạy Nữ Vương là Mẹ con,toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ..”chúng ta hãy quyết tâm:

-Cầu nguyện với Chúa cho chúng ta ngày càng gần Chúa nhiều hơn

-Cầu nguyện với Mẹ cho chúng ta sống hết lòng hơn

Và cầu nguyện cho chính chúng ta ngày càng gắn bó với nhau hơn và kết hợp thực hiện công tác Legio tốt hơn.

RƯỚC VEXXIUM VÀ NGHI THỨC DÂNG MÌNH

Sau phần chia sẻ của Cha Linh hướng Giuse ,Anh Trưởng mời cộng đoàn đứng lên và tỏa ra hai bên và xếp thành hai hàng từ cuối nhà thờ lên để Dâng Mình.Anh Sơn Đội trưởng Mẹ Chúa Ngôi Ba cầm Vexxium đi đầu,kế tiếp là Cha Linh hướng Giuse ,Ban Quản trị ,những vị cao niên ,hội viên già yếu cùng tất cả hội viên của Curia và một số giáo dân thuộc giáo xứ Tân Phú lên Dâng mình,trong đó có Cụ Rường 97 tuổi và hai cháu bé 1 tuổi và 3 tuổi.Những hội viên Khuyết tật hoặc bệnh nặng được các chị Ban Quản trị dìu lên tận bàn thờ Đức Mẹ.Ca đoàn hát bài Ave Maria để ca tụng Mẹ ..

Kết thúc Nghi thức Cha Linh giám đã đọc lời nguyện Dâng toàn thể hội viên cho Đức Mẹ:

Lạy Chúa chúng con dâng những hội viên Legio Marae,cách riêng là những hội viên của Curia Tân Sơn Nhì lên cho Chúa nhờ việc Dâng mình cho Đức Trinh nữ Maria là Mẹ Chúa Kitô cũng là Mẹ của chúng con.Xin Chúa ban tràn đầy ân sủng trên mỗi người chúng con để chúng con ngày càng gắn bó với Mẹ và trở nên giống Chúa Kitô qua việc dâng hiến cuộc đời chúng con cho Mẹ bằng cách lặp lại lời thề hứa hôm nay.Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con Amen.

Phần Dâng mình kết thúc,các hội viên nghỉ giải lao 15 phút,Chị Maria Mẫn Nhi mời tất cả lên chụp hình lưu niệm cùng Cha Linh hướng Giuse ,theo thứ tự do ban Quản trị sắp xếp.Chụp hình vừa xong là đến giờ cử hành thánh lễ,hầu hết không giải lao ,nhưng không ai thấy mệt vì ngày vui trọng đại của mình .

THÁNH LỄ :

Trước khi dâng thánh lễ Cha Giuse Linh giám chủ sự chia sẻ :Curia chúng ta vừa hoàn tất Nghi thức Dâng mình,mừng lễ Mẹ Truyền Tin hôm nay cầu xin cho các hội viên biết yêu mến Mẹ Maria như Mẹ đã yêu mến Chúa Giêsu và chúng ta cũng yêu mến nhau.như Mẹ Maria đã yêu chúng ta.

Bài đọc 1: Isaia 6,10-14 do chị Maria Vân đọc

Bài đọc 2: Trích thư gửi Tín hữu Do Thái Hebr 10,4-10 chị Maia Mẫn Nhi đọc

Tin mừng theo Thánh Luca (1,26-38) Cha Giuse chủ sự giảng :

Chúng ta cử hành lễ Acies hôm nay châm hơn phụng vụ một ngày và phụng vụ lời Chúa cho chúng ta điều gì trong hành trình dâng của lễ như trong bài đọc gửi Tín hữau Do Thái “Máu chiên bò Chúa cũng không ưng và của lễ toàn thiêu Chúa cũng không nhận “..Như vậy khởi đi từ mọi sự chúng ta dâng lên cho Chúa hay những gì chúng ta có đều là của Chúa .Dâng thánh lễ hôm nay chúng ta có tâm tình tạ ơn là tâm tình thường xuyên,một tâm tình tạ lỗi là một tâm tình phải có,rồi lại một tâm tình Xin ơn và một tâm tình Hy vọng.

Tạ tội vì những lầm lỗi của chúng ta và chúng ta xin lỗi Chúa,chúng ta tạ ơn vì mọi ơn lành Chúa đã ban cho chúng,tâm tình xin ơn vì có những biến cố trong cuộc đời chúng ta cần xin Chúa soi sáng để chúng ta tiến bước trên hành trình đi về với Chúa.Ngày xưa các tín hữu Do Thái đã hiến tế bằng máu chiên bò,nhưng Chúa không nhận vậy chúng ta biết lấy gì để dâng Chúa đây?

Vậy thì chúng ta phải dâng mình và kết hợp với Chúa Giêsu vì đó là của lễ Chúa Cha ưng ý nhất .Đức Thánh Cha Gioan Phaolo đã chọn một trọng tâm trong đời Giáo hoàng của Ngài là “ Lạy Mẹ Maria toàn thân con thuộc về Mẹ”Điều chính yếu trong việc tôn kính Đức Mẹ là chúng ta dâng hoàn toàn cho Mẹ để chúng ta mỗi ngày hoàn thiện hơn và nên giống Chúa Giêsu hơn chúng ta dâng mình cho Chúa Giêsu qua Mẹ Maria vì Đức Maria là một nữ tỳ gần Chúa nhất nên Mẹ đã biết cách phải kết hợp với Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu chúng ta cũng biết được Chúa Cha yêu chúng ta như thế nào ?Cha Sở của con khi qua Israel về có tặng cho con một tràng chuỗi Mân côi ,tràng chuỗi này các Sơ bên đó làm ra chỉ dành riêng cho các Cha,khi tặng tràng chuỗi cho con Cha muốn con siêng năng đọc kinh Mân côi vì :

- Đọc kinh Mân côi sẽ bớt nóng tính

- Đọc kinh Mân côi rèn tính kiên trì

- Và đọc kinh mân côi giúp ta sống đức Tin và yêu mến Chúa và Mẹ Maria nhiều hơn.

Ngày hôm nay người ta hay hay nói về Lòng Chúa Thương xót với những Chứng từ đức Tin,nhưng nếu như vậy thì chính Legio mới có nhiều chứng từ nhất.Khi Cha đi Xức dầu cho một cụ già hơn 80 tuổi .Cụ nói” Cha ơi ! Xin Cha cầu nguyện cho con bớt đau đớn “mặc dù vậy,cụ vẫn rước lễ rất sốt sắng hay như trường hợp khác cả nhà không ai theo đạo Công Giáo,bên trong là bàn thờ Chúa còn bên ngoài là bàn thờ Ông Địa.Nhưng cụ bà vẫn một lòng yêu Chúa và năng lãnh nhận các Bí tích.Đó là chứng từ vì trong lúc đau khổ mà người ta vẫn gắn chặt lấy Chúa.

Có một điều dường như chúng ta có giới hạn giờ công tác và điều này đôi khi làm gò bó và khô khan vì khi còn là Chủng sinh Cha từng đi công tác này.Với 2 giờ công tác không ai trả công cho chúng ta nhưng chúng ta thấy Chúa an ủi chúng ta,và đức Tin chúng ta thêm vững mạnh.Bởi vì chúng ta nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh mà vẫn luôn trung thành với Chúa.

Dâng lễ Acies hôm nay,các hội viên quy tụ khá đông đủ cho chúng ta thấy sức sống của Legio mạnh mẽ;nhưng sức sống đó đang vơi dần đi khi các lớp tuổi 90,80,70,60,50 và 40 còn những lứa 17 và 20 thì không có ..giống như một cây cổ thụ có gốc thật to mà không có tán và lá ..chúng ta không có lực lượng kế thừa ! ..

Khi Cha về Tân Phú gặp Cha Sở,được Cha dặn dò một vấn đề quan trọng là “Hãy cố gắng củng cố Junior” nhưng đã 2 năm rồi mà vẫn “Chưa thấy hồi âm “..về điều đó.

Ước gì Chúa ban cho các hội viên Legio thêm lòng đạo đức để Curia Tân Sơn Nhì luôn vững vàng và phát triển trong ơn nghĩa Chúa và Mẹ Maria..Amen

Sau Truyền phép Cha Linh giám đã cầu nguyện cho các Ân nhân,thân nhân và các hội viên Curia kẻ còn sống cũng như người đã qua đời .Xin cho các hội viên Legio gắn bó với Mẹ Maria để nhờ Mẹ mà đến với Chúa nhiều hơn.

Cuối thánh lễ Anh Trưởng đại diện toàn Curia cảm ơn Cha Chính xứ Giuse đã cho phép tổ chức buổi lễ ,Cha Linh giám Giuse luôn nâng đỡ và dìu dắt Curia,ca đoàn đã hát lễ rất hay,các hội viên và cộng đoàn dân Chúa đã về tham dự thánh lễ để thêm phần sốt sắng và long trọng.

Tất cả cùng hát bài “Xin vâng” để noi gương bắt chước Mẹ Maria đã “Xin vâng” và nhờ đó công cuộc cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện.Toàn hội viên đọc kinh Bế mạc của Legio.

Phương Nga

Truyền thông TGP Sài Gòn
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 16/04/2018: Đền Thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:42 15/04/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Trong Tông Huấn mới Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra các bước thực tiễn để đạt đến sự thánh thiện

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một tông huấn mới, Gaudete et Exsultate (Mừng rỡ Hân hoan), trong đó ngài đưa ra các chỉ dẫn thực hành nhằm đạt đến sự thánh thiện trong thế giới hiện đại.

Toàn bộ Tông huấn được chia làm 5 chương với 177 đoạn.

Đức Thánh Cha nói rằng tài liệu này “không phải muốn trở thành là một luận văn về sự thánh thiện”, nhưng muốn “tái đề nghị lời mời gọi thánh thiện một cách thực tế cho thời đại chúng ta, với mọi rủi ro, thách thức và cơ hội”.

Sự thánh thiện, theo Đức Thánh Cha, không chỉ dựa vào lời cầu nguyện thôi mà còn phải bao gồm việc phục vụ những người quẫn bách và việc tự làm chủ bản thân.

Ngài đưa ra một ví dụ: “một người phụ nữ đi mua sắm, cô ấy gặp một người hàng xóm và họ bắt đầu nói chuyện, và những lời tán gẫu bắt đầu nổi lên. Nhưng cô ấy nói trong tâm hồn mình: ‘Không, tôi sẽ không nói xấu ai’. Đây là một bước tiến trong sự thánh thiện.”

Ngài viết tiếp: “Sau đó, ở nhà, một đứa con của cô muốn nói chuyện với cô về những hy vọng và ước mơ của nó, và mặc dù mệt mỏi, cô ấy ngồi xuống và lắng nghe với sự kiên nhẫn và tình yêu. Đó là một sự hy sinh mang lại sự thánh thiện.”

“Sau đó cô ấy cảm nghiệm một số lo lắng, nhưng nhớ lại tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria, cô ấy lấy chuỗi hạt của mình ra và cầu nguyện lòng đầy đức tin. Một con đường thánh thiện khác lại mở ra. Sau đó, cô ấy đi ra đường, gặp một người nghèo và dừng lại để nói một lời tốt đẹp với người ấy. Lại thêm một bước hướng đến sự thánh thiện.”

Mở rộng thêm trong bối cảnh gặp người vô gia cư vào một đêm lạnh giá, Đức Giáo Hoàng viết: “Tôi có thể xem ông ta như là một điều bực bội.. . hoặc tôi có thể đáp lại với đức tin và đức ái, và tôi nhìn thấy trong người này một con người có phẩm giá giống hệt như phẩm giá của riêng tôi.”

“Một Kitô hữu là như thế!”

Trong chương thứ ba, Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào mỗi mối phúc trong tám mối phúc thật và cách Kitô hữu có thể sống theo những đòi buộc này, và sau đó trong chương bốn, ngài hướng cái nhìn của độc giả vào những dấu chỉ của sự thánh thiện trong thế giới ngày nay, bao gồm sự kiên nhẫn, hiền lành và niềm vui.

Đức Thánh Cha cũng chỉ trích các Kitô hữu chỉ tập trung vào một vấn đề chuyên biệt, chẳng hạn như phá thai, hay việc gây thiệt hại cho người khác.

Mặc dù việc chống đối phá thai “cần phải rõ ràng, mạnh mẽ và nhiệt thành, vì ở đây mối đe dọa là phẩm giá của một mạng sống con người, là điều luôn luôn là thánh thiêng”, tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm: “Cuộc sống của người nghèo, là những người đã chào đời, đang trong cảnh thiếu thốn, bị bỏ rơi và bị thiệt thòi, cũng thánh thiêng không kém”

Đức Thánh Cha đặc biệt chỉ trích những người theo thuyết “tân Pelagia”, mà theo Đức Thánh Cha, là những người “bị ám ảnh bởi lề luật, bởi những lợi ích xã hội và chính trị, bởi một mối quan tâm thận trọng đối với phụng vụ, giáo lý và uy tín của Giáo Hội, và một sự mơ hồ về khả năng đối phó với các vấn đề thực tiễn, cũng như sự quan tâm quá mức đối với các chương trình tự hoàn thiện cá nhân.”

Ngài nhận xét rằng: “Một số Kitô hữu dành quá nhiều thời gian và sức lực cho những điều này, hơn là để cho Thánh Linh dẫn dắt mình theo con đường yêu thương”.

Đức Thánh Cha cảnh báo rằng chủ nghĩa “tân pelagia” này có thể khiến cho Giáo hội “trở thành một bảo tàng viện hoặc là sở hữu của một số ít người được chọn.”

Trong chương cuối cùng, Đức Giáo Hoàng nhắc đến ma quỷ nhiều lần, đó không phải là “chuyện thần thoại” và các Kitô hữu cần phải có tinh thần chiến đấu liên tục chống lại ma quỷ.

Ngài nói: “Chúng ta không nên nghĩ về ma quỷ như một huyền thoại, một biểu trưng, một biểu tượng, một hình dung từ hoặc một ý tưởng”.

“Sai lầm này sẽ dẫn chúng ta đến sự mất cảnh giác, gây ra những bất cẩn và cuối cùng dễ bị tổn thương hơn. Ma quỷ không cần phải nhập vào chúng ta. Nó đầu độc chúng ta với những nọc độc của hận thù, biệt lập, ghen tị và tội lỗi. Khi chúng ta mất cảnh giác, nó tận dụng cơ hội để phá hủy cuộc sống của chúng ta, gia đình và cộng đồng của của chúng ta.”

Tông huấn cũng đặc biệt nhắc đến Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận của Việt Nam. Đức Thánh Cha viết:

“Khi Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bị giam trong tù, ngài đã không mòn mỏi chờ đợi được trả tự do. Nhưng chọn lựa của ngài là: ‘Tôi sống giây phút hiện tại, tràn đầy tình thương’; và cách ngài cụ thể hóa điều đó là: ‘Tôi lợi dụng những cơ hội xảy ra mỗi ngày, để hoàn thành những công việc thông thường một cách ngoại thường’”.

Tông huấn này là tài liệu quan trọng thứ năm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sau Lumen Fidei, Laudato Si ', Evangelii Gaudium và Amoris Laetitia.

Tông huấn Gaudete et Exsultate (Mừng rỡ Hân hoan) của Đức Thánh Cha Phanxicô về “ơn gọi thánh thiện trong thế giới hiện đại” đã được công bố vào sáng ngày thứ Hai 9 tháng Tư., Đức Thánh Cha đã ký vào tài liệu này ngày 19 tháng Ba năm nay, lễ kính Thánh Giuse.

Tài liệu này đã được Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, Giám quản Giáo phận Roma trình bày tại một cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Tham dự cùng Đức Tổng Giám Mục còn có nhà báo Gianni Valente, một người Ý làm việc cho Fides, cơ quan thông tấn xã Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và Paola Bignardi, một nhà giáo dục và là cựu Chủ tịch Tổ chức Công Giáo Tiến Hành Italia.

Tựa đề của lời Tông huấn là cụm từ được sử dụng trong Phúc Âm Matthêu chương 5 câu 12, phần cuối của Tám Mối Phúc Thật “Anh em hãy mừng rỡ hân hoan, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.”

2. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Tông huấn Gaudete et Exsultate

Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, là Tổng Giám Mục Galveston-Houston và Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ Công Giáo, đã ra thông báo hoan nghênh Tông huấn “Gaudete et Exsultate” (Mừng rỡ Hân hoan) của Đức Thánh Cha Phanxicô về “Ơn gọi thánh thiện trong thế giới đương đại.” Trong tuyên bố, Đức Hồng Y DiNardo bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của ngài đối với Đức Thánh Cha vì những lời khuyên và lời mời gọi mỗi Kitô hữu “thừa nhận và mở lòng mình ra với những điều Thiên Chúa mong muốn nơi họ.”

Đức Hồng Y DiNardo viết về “Gaudete et Exsultate” như sau:

“Tôi muốn đích thân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của tôi với Đức Thánh Cha vì những lời mạnh mẽ, và thẳng thắn của ngài trong Tông huấn Gaudete et Exsultate. Trong Tông huấn này, Đức Thánh Cha Phanxicô rất rõ ràng - Ngài đang làm nhiệm vụ của mình như là vị Đại Diện Chúa Kitô, bằng cách thúc giục mạnh mẽ mỗi và mọi Kitô hữu, một cách tự do vô điều kiện, hãy nhìn nhận và mở lòng mình ra với những gì Thiên Chúa mong muốn nơi họ: Đó là: “nên thánh, như Ngài là thánh” (1 Pr 1:15) Nhiệm vụ được ủy thác cho mỗi người chúng ta trong Nước Rửa Tội rất đơn giản - nhờ ân sủng và quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi để trở thành những vị thánh.

'Đừng sợ sự thánh thiện (số 32).' Những lời này của Đức Thánh Cha đã bật lên trong tôi khi tôi đọc Tông huấn này lần đầu tiên. Một cách nào đó, mỗi người chúng ta có một nỗi sợ hãi không dám cố gắng vươn đến sự thánh thiện - một nỗi sợ hãi rằng chúng ta sẽ bị người đời chế giễu, chê chối, hoặc thậm chí ghét bỏ, chúng ta sẽ bị tách biệt khỏi đám đông. Tuy nhiên, đó chính là những gì Chúa đã kêu gọi mỗi người và mọi người trở nên! Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta: Một Kitô hữu không thể nghĩ đến sứ mệnh của mình trên trái đất này nếu không nhìn thấy sứ mệnh ấy là một con đường nên thánh, vì 'đây là ý muốn của Thiên Chúa, đó là sự thánh hóa anh em (1 Thes 4: 3) (số 19.). '

Đức Thánh Cha mô tả sự thánh thiện đến qua những cố gắng hàng ngày mà mỗi người chúng ta phải đối mặt. Trong cuộc sống thường nhật, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta: 'Chúng ta cần nhận biết và chống lại khuynh hướng hung hăng và ích kỷ của chúng ta, và đừng để cho chúng đâm rễ sâu trong chúng ta' (số. 114). Tuy nhiên, ngài nói, đây là trận chiến thật ngọt ngào, vì nó cho phép chúng ta vui mừng mỗi khi Chúa chiến thắng trong cuộc sống của chúng ta '(số 158).

Một đoạn văn đặc biệt chỉ ra sự cần thiết phải hành động một cách lịch thiệp trong tất cả các tương tác của chúng ta, đặc biệt là khi sử dụng các phương tiện truyền thông. Đức Thánh Cha viết: “Các Kitô hữu cũng có thể bị lôi cuốn vào mạng lưới bạo lực bằng lời nói thông qua internet và các diễn đàn truyền thông kỹ thuật số”. Điều này có thể đúng ngay cả trong các phương tiện truyền thông Công Giáo (số 115). Ngay cả trong những bất đồng nóng giận của chúng ta với nhau, chúng ta luôn luôn cần phải nhớ rằng chính Thiên Chúa là Đấng phán xét chứ không phải con người (Giacôbê 4:12).

Trong ánh sáng của niềm vui Phục Sinh, khi chúng ta cử hành sự sống lại của Chúa chúng ta, tôi khuyến khích mọi Kitô hữu nhen nhóm lại ơn gọi nên thánh khi được rửa tội của chúng ta bằng cách đọc những lời khuyên tuyệt vời này của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt là phần rất đẹp về Tám Mối Phúc Thật. Qua việc trình bày Hiến Chương Nước Trời, và đưa ra những ví dụ về cách sống ơn gọi nên thánh của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, Đức Thánh Cha đã ban cho chúng ta một công cụ tuyệt vời để đổi mới tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho nhau.”

3. Tình trạng của các tín hữu Kitô tại dải Gaza

Theo linh mục Công Giáo duy nhất tại dải Gaza, trong sáu năm qua số Kitô hữu trong lãnh thổ này đã giảm mạnh từ 4,500 người xuống còn 1,000, do những điều kiện khắc nghiệt mà họ phải đối phó trong cuộc sống.

Người dân tại Gaza “sống trong một nhà tù lộ thiên vì chúng tôi không thể đi ra đi vào lãnh thổ này. Chúng tôi không thể thăm người thân, tìm việc làm, thuốc men hay bệnh viện tốt ở bên ngoài”, cha Mario da Silva nói với ACI Prensa.

Dải Gaza có diện tích 365 km vuông, là một phần của Palestine, nằm ở phía tây Israel với dân số 1.8 triệu người. Kể từ năm 2007, lãnh thổ này đã được cai trị bởi phong trào Hồi giáo Hamas.

Kể từ khi Hamas lên nắm quyền ở đó, Israel và cả Ai Cập đã phong tỏa kinh tế dải Gaza, hạn chế dòng người và hàng hóa ra vào vùng đất nhằm giảm bớt các vụ tấn công hoả tiến bắn vào Israel từ lãnh thổ này.

Cha Silva, linh mục của Dòng Ngôi Lời, nhớ lại rằng khi ngài đến Gaza vào năm 2012 “tình hình đã rất khó khăn. Theo thời gian, tôi hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn, nhưng nó chỉ trở nên tồi tệ hơn.”

Người dân Gaza chỉ có điện trong ba giờ mỗi ngày, và thiếu nước uống.

Hầu hết người dân Gaza đang thất nghiệp, và những người làm việc phải sống với số tiền ít ỏi “khoảng 150-200 đô la một tháng”.

“Gaza thực sự là một nhà tù. Mọi người không có tiền và có một tình hình thật khủng khiếp. Đó là tình trạng đói nghèo tràn lan.”

Các điều kiện khắc nghiệt tại Gaza đã dẫn đến những cuộc di dân của người Kitô hữu Palestine.

Cha Silva cho biết thêm: “Mỗi năm các tín hữu Kitô được phép thăm viếng những nơi thánh trong Lễ Phục Sinh và Giáng Sinh”, và nhiều người trong số họ ra đi không bao giờ trở lại”.

4. Bạo lực bùng lên tại dải Gaza

Hàng chục người đã thiệt mạng kể từ hôm thứ Sáu 6 tháng Tư vừa qua khi các cuộc đối đầu bạo lực giữa những người biểu tình Palestine và các lực lượng Israel đã bùng lên dọc biên giới Israel-Gaza.

Quân đội Israel đã bắn đạn thật thẳng vào những người biểu tình Palestine dọc theo hàng rào biên giới. Theo quân đội Israel, bạo lực trong những ngày này được kể là khốc liệt nhất tại Gaza từ năm 2014.

Bảy người, kể cả một thiếu niên, đã bị bắn chết ở miền đông Gaza vào hôm thứ Sáu. Bộ Y tế Palestine ở Gaza cho biết như trên trong một tuyên bố.

Hơn 1,000 người bị thương, ít nhất 25 người trong số đó bị thương nghiêm trọng. Hàng chục người bị thương đã được điều trị gần hàng rào biên giới. Mười hai phụ nữ và 48 trẻ em nằm trong số những người bị thương.

Những căng thẳng đã bùng lên ở cả hai phía của biên giới Gaza-Israel trong ngày 6 tháng Tư là ngày người Palestine gọi là ngày “Thứ Sáu Cuồng Nộ”. Đó là một phần trong các cuộc biểu tình “March of Return”, với mục tiêu là vượt qua hàng rào biên giới và trở về những vùng đất của họ, nay đã trở thành một phần của Israel.

5. Tin tức loan truyền nhanh trên Internet về hiện tượng máu Chúa rỉ ra tại Đền Thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem

Sau khi được hạ xuống từ trên thánh giá, thi thể Chúa được đặt lên một phiến đá để xức dầu trước khi chôn cất. Phiến đá ấy được gọi là “the Stone of the Anointing” (Phiến đá xức dầu) và được đặt bên trong Đền Thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem.

Trong tuần qua, tin tức loan truyền rất nhanh trên Tweeter nói rằng đã xảy ra hiện tượng máu rỉ ra từ hôm Thứ Sáu Tuần Thánh Chính Thống Giáo 6 tháng Tư vừa qua.

Một tweet đọc được như sau: “Tin tức mới nhất từ #Jerusalem tại nhà thờ Phục Sinh: máu được rò rỉ từ phiến đá đặt thi thể Chúa Giêsu trước khi chôn cất. Bạn có thể nghe thấy cảnh sát Israel đang đóng cửa khu vực này”, đã được retweet khoảng 1,800 lần và nhận được hơn 2,500 cái likes trong vài giờ đầu tiên. Tweet này do Twitter Nicola Kanaan tung ra.

Nhà thờ Thánh Mộ - Holy Church of the Holy Sepulchre - là danh từ của Công Giáo, người Chính Thống Giáo gọi là nhà thờ Phục sinh – Holy Church of Resurrection.

Các tweet được chia sẻ và đánh giá cao ngay trong ngày đầu tiên trên trang web Reddit, nơi người dùng chủ yếu vào để xem một video là có thật hay không.

Khi bị chất vấn bởi các Twitter khác là những người không thể tìm thấy thông tin về vấn đề này từ các nguồn khác, Kanaan tung ra một đoạn video thứ hai, mà ông cho là cảnh quay bên ngoài Nhà thờ Mộ Thánh cho thấy đám đông đang xô đẩy nhau để vào nhà thờ xem phép lạ.

Sự thật là gì?

Video trong đó ông Kanaan tuyên bố là “tin tức mới nhất” và ông đã tận mắt chứng kiến hôm 06 tháng Tư năm 2018, thực ra đã được chính ông tải lên YouTube vào ngày 11 tháng Chín năm 2015. Nói cách khác, ông Kanaan không nói sự thật. Tin này chỉ là fake news.

Nhiều người ngây thơ tung tin giả với dụng ý cổ vũ lòng đạo đức nơi người khác. Tin giả không làm tăng vinh quang Chúa, gây nên nên thất vọng, và là một dấu chỉ phản chứng của niềm tin Kitô. Hãy nghe lời Chúa cảnh báo:

“Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Ðức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Ðừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Ðừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Ðừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Ðức Vua cao cả. Ðừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen được. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ. (Mt 5, 33-37).

6. Số người Công Giáo Hoa Kỳ tham dự các thánh lễ đang giảm dần

Căn cứ vào một cuộc khảo sát cuả viện Gallup, thì số lượng người Công Giáo Hoa Kỳ đi dự lễ đã giảm nhanh và đều đặn trong vòng 10 năm qua, nay chỉ còn có 39 %.

So với những năm 2005-2008, số trung bình những người đi dự thánh lễ trong vòng 7 ngày là 45%, nhưng từ năm 2014 cho đến 2017 thì giảm 6 %.

Thời hoàng kim có lẽ là vào năm 1955, khi mà 3 trong 4 người Công Giáo đã không quên đi dự thánh lễ hằng tuần, lúc đó số tham dự trung bình cho mọi lứa tuổi là 75%.

Đối với số người trẻ tuổi từ 21 đến 29, trong những năm 2005-2008 có sự gia tăng đến 29%, nhưng qua đợt thống kê mới nhất, năm 2014-2017, lại giảm chỉ còn có 25%.

Nhóm tuổi tham dự cao nhất là 60 tuổi trở lên, bây giờ đang là 49%, tức là đã giảm so với 59% trong 10 năm vừa qua.

Viện Gallup cũng lưu ý rằng tuy sự tham dự Thánh Lễ hàng tuần sút giảm nhưng tỷ lệ tổng thể của những người Mỹ nhận mình là người Công Giáo thì “khá ổn định,” tức là không giảm, lý do có lẽ là, theo viện Gallup, là do sự tăng triển của số dân nhập cư gốc Latin.

Cuộc nghiên cứu cũng cho biết về số người dự lễ cuả các nhà thờ Tin Lành, vẫn khá ổn định, giữ vững ở mức 45% trong mười năm qua, mặc dù số giáo dân Tin Lành nói chung đang giảm sút đáng kể, từ 71% vào 60 năm trước, bây giờ chỉ còn có 47% trên tổng số dân Mỹ.

7. Đức Giáo Hoàng nói với Thừa Sai Lòng Thương Xót rằng sự phục vụ của họ rất quý giá cho Giáo Hội

Trong buổi tiếp kiến chung với khoảng 550 các Thừa Sai Lòng Thương Xót tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tái khẳng định rằng nhiệm vụ của họ rất cần thiết cho Giáo Hội và cũng nhắc nhở họ rằng con đường của người Kitô là một con đường đầy khó khăn “với những tảng đá dễ vấp ngã và những vỏ chuối dễ trượt chân.”

Hội Đồng Giáo Hoàng về Phúc Âm Hóa đã tổ chức một cuộc họp mặt các Thừa Sai Lòng Thương Xót tại Roma trong vài ngày để cầu nguyện và tường trình. Trong cuộc gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào hôm thứ Ba, Đức Giáo Hoàng đã nói rằng họ đang cung cấp một dịch vụ thiết yếu cho Giáo Hội

Mặc dầu mục đích ban đầu của Đức Giáo Hoàng là giao nhiệm vụ chọ họ chỉ giới hạn trong Năm Lòng Thương Xót thôi, nhưng Đức Giáo Hoàng đã quyết định gia hạn nhiệm vụ và khuyến khích họ tiếp tục cải tiến “sứ vụ thương xót” vì có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều người đã hoán cải trở lại nhờ sự phục vụ của họ.

Chúng ta cần phải trông thấy Chúa Kitô phục sinh từ bên trong, lấy tay sờ vào các vết thương, dấu chỉ tình yêu của Ngài như tông đồ Toma, và nhận ra Ngài qua các vết thương như các môn đệ xưa kia. Bước vào trong các vết thương của Chúa là chiêm ngưỡng tình yêu vô bờ vọt ra từ trái tim Ngài, là sờ mó được tình yêu thương xót của Ngài, là Đấng luôn luôn tha thứ cho chúng ta.

8. Thánh lễ kính Lòng Thương Xót Chúa tại Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng Thánh Lễ cử hành lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót trước thềm đền thờ Thánh Phêrô, với sự tham dự của hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có 60 Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và 550 Linh Mục, thừa sai Lòng Thương Xót Chúa.

Quảng diễn trình thuật Phúc Âm kể lại biến cố Chúa Kitô phục sinh hiện ra với các tông đồ có sự hiện diện của Tôma, là người không chỉ muốn trông thấy Chúa, mà còn lấy tay sờ vào các vết thương cuộc khổ nạn của Ngài nữa, Đức Thánh Cha ghi nhận động từ “trông thấy” được lập lại nhiều lần. “Các môn đệ vui mừng trông thấy Chúa” (Ga 20,20); và họ nói với Toma: “Chúng tôi đã trông thấy Chúa” (c. 25). Nhưng Phúc Âm không miêu tả họ trông thấy Chúa thế nào, cũng không miêu tả Đấng Phục Sinh, mà chỉ ghi nhận một đặc điểm: “Ngài tỏ cho các ông thấy tay và cạnh sườn” (c. 20). Xem ra Phúc Âm muốn nói với chúng ta rằng các môn đệ đã nhận ra Chúa qua các vết thương của Ngài. Tôma cũng đã muốn trông thấy “dấu đanh trong các tay của Chúa” (c. 25) và ông tin sau khi đã trông thấy (c. 27).

Chúng ta phải cám ơn tông đồ Tôma vì ông đã không chỉ bằng lòng nghe các người khác nói rằng Chúa Giêsu sống, và trông thấy Ngài bằng xương bằng thịt, mà ông đã muốn trông thấy bên trong, lấy tay sờ vào các vết thương là các dấu chỉ tình yêu của Chúa. Phúc Âm gọi ông là “Didimo” có nghĩa là song sinh. Và trong nghĩa này Tôma thật sự là anh em song sinh của chúng ta. Vì đối với cả chúng ta nữa biết rằng có Thiên Chúa thôi không đủ: một Thiên Chúa phục sinh nhưng xa xôi không làm tràn đầy cuộc sống chúng ta; một Thiên Chúa xa cách, cho dù có công bằng và thánh thiện tới đâu đi nữa, cũng không lôi kéo chúng ta. Không, chúng ta cần “trông thấy Thiên Chúa”, tay sờ vào Đấng đã sống lại vì chúng ta.

Chúng ta có thể trông thấy Ngài qua các vết thương. Khi nhìn vào đó, các môn đệ đã hiểu rằng Chúa đã không yêu thương họ để giỡn chơi, và Ngài tha thứ cho họ, mặc dầu giữa họ dã có người chối bỏ Ngài, có người bỏ rơi Ngài. Đức Thánh Cha định nghĩa việc bước vào trong các vết thương của Chúa như sau:

Bước vào trong các vết thương của Chúa là chiêm ngưỡng tình yêu vô hạn vọt ra từ trái tim Ngài. Là hiểu rằng con tim Ngài đập cho tôi, cho bạn, cho từng người trong chúng ta. Anh chị em thân mến, chúng ta có thể coi mình là kitô hữu và nói về biết bao nhiêu giá trị của đức tin, nhưng như là các môn đệ chúng ta cần trông thấy Chúa Giêsu bằng cách sờ mó tình yêu của Ngài. Chỉ như thế chúng ta mới đi vào con tim của đức tin, và như là môn đệ chúng ta tìm thấy một sự bình an và một niềm vui (cc. 19-20) mạnh mẽ hơn mọi ngờ vực.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài giảng: sau khi đã trông thấy các vết thương của Chúa, Toma đã kêu lên “Lậy Chúa con và là Thiên Chúa của con” (c. 28). Tôi muốn lưu ý tính từ thánh Tôma lập lại: “của con”. Đó là một tính từ chiếm hữu và nếu chúng ta suy nghĩ xem ra nó không hợp, khi quy chiếu về Thiên Chúa: làm sao Thiên Chúa lại có thể là “của tôi” được?. Làm sao tôi lại có thể làm cho Đấng Toàn Năng là “của tôi”? Thật ra, khi nói là “của tôi”, chúng ta không phạm thánh, nhưng chúng ta tôn vinh lòng thương xót của Ngài, bỏi vì chính Ngài đã muốn “trở thành của chúng ta”. Và như trong một câu chuyện tình chúng ta nói: “Chúa đã làm người vì con, Chúa đã chết và sống lại cho con và khi đó Chúa không chỉ là Thiên Chúa ; Chúa là Thiên Chúa của con, Chúa là sự sống của con. Nơi Chúa con đã tìm ra tình yêu mà con kiếm tìm, và còn hơn thế nữa nhiều, như con đã không bao giờ tưởng tượng được”.

Thiên Chúa không bị xúc phạm là “của chúng ta”, bởi vì tình yêu đòi hỏi sự tín thác, lòng thương xót đòi hỏi sự tin tưởng. Ngay ở đầu Mười Điều Răn Thiên Chúa đã nói: “Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (Xh 20,2) và Ngài nhấn mạnh: “Ta là Chúa Thiên Chúa của ngươi, Ta là một Thiên Chúa ghen tương” (c. 5). Đây là đề nghị của Thiên Chúa, người yêu ghen tương, tự giới thiệu như Thiên Chúa của bạn. Và từ con tim xúc động của Tôma vọt lên câu trả lời: “Lậy Chúa của con và Thiên Chúa của con”. Hôm nay qua các vết thương, trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta hiểu rằng lòng thương xót không phải là một đức tính của Ngài giữa các đức tính khác, mà là nhịp đập của chính con tim Ngài. Và như thế giống như Tôma chúng ta không sống như các môn đệ lưỡng lự, sùng kính nhưng lảo đảo; chúng ta hãy trở thành những người say mê Chúa!

Vậy làm thế nào để hưởng nếm tình yêu này, hôm nay làm thế nào để sờ tay vào lòng thương xót của Chúa Giêsu? Phúc Âm cũng gợi ý cho chúng ta, khi nhấn mạnh rằng vào chính chiều ngày Lễ Phục Sinh (x. c.19), nghĩa là vừa sống lại, điều thứ nhất Chúa Giêsu làm là trao ban Thánh Linh để tha tội. Để sống kinh nghiệm tình yêu cần đi qua đó: để cho mình được tha thứ. Nhưng đi xưng tội xem ra khó khăn. Trước Thiên Chúa chúng ta bị cám dỗ làm như các môn đệ trong Phúc Âm: đóng kín cửa lại. Các vị đã làm thế vì sợ hãi và chúng ta cũng sợ hãi, xấu hổ mở lòng ra và nói lên các tội lỗi của mình. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn hiểu sự xấu hổ, không xem nó như một cửa khép kín, nhưng như bước đầu tiên của sự gặp gỡ. Khi chúng ta cảm thấy xấu hổ, chúng ta phải biết ơn: nó có nghĩa là chúng ta không chấp nhận sự dữ, và điều này tốt. Sự xấu hổ là một lời mời gọi thầm kín của linh hồn cần đến Chúa để chiến thắng sự dữ. Thảm cảnh đó là khi không còn biết xấu hổ gì nữa. Chúng ta đừng sợ cảm thấy xấu hổ! Và từ xấu hổ chúng ta bước sang sự tha thứ!

Trái lại, có một cửa đóng kín trước ơn tha thứ của Chúa, đó là cửa của sự chịu trận. Các môn đệ đã sống kinh nghiệm ấy, kinh nghiệm rằng vào lễ Phục Sinh họ nhận thấy mọi sự trở lại như trước kia: họ vẫn còn ở đó, tại Giêrusalem, nhưng mất tin tưởng; “chương Giêsu” xem ra kết thúc, và sau bao thời gian sống với Ngài đã không có gì thay đổi. Cả chúng ta nữa cũng có thể nghĩ: “Tôi là kitô hữu từ biết bao lâu nay, mà chẳng có gì thay đổi cả, tôi luôn luôn phạm các tội như cũ”. Khi đó, mất tin tưởng, chúng ta khước từ lòng thương xót. Nhưng Chúa kêu gọi chúng ta: “Con không tin rằng lòng thương xót của Cha lớn lao hơn sự khốn nạn của con hay sao? Con lại tái phạm tội ư? Hãy lại xin sự thương xót, và chúng ta hãy xem ai sẽ thắng thế!” Thế rồi, ai hiểu biết bi tích tha tội, thì cũng biết điều này: không đúng là mọi sự lại như trước. Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Vào mỗi lần được tha thứ chúng ta được củng cố, khích lệ, bởi vì chúng ta cảm thấy được yêu thương một lần nữa, được ôm một lần nữa. Và khi được yêu thương, chúng ta cảm thấy đớn đau hơn trước. Đó là một sự đau đớn sinh lợi, từ từ tách chúng ra khỏi tội lỗi. Khi đó chúng ta khám phá ra rằng sức mạnh của sự sống là lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và tiến tới, từ sự tha thứ này sang sự tha thứ khác.

Sau sự xấu hổ và chịu trận có một cửa khác đóng kín, đôi khi bằng thép: đó là tội lỗi của chúng ta. Khi tôi phạm một tội lớn, nếu trong tất cả sự lương thiện tôi không muốn tha thứ cho chính mình, tại sao Thiên Chúa lại sẽ phải làm điều đó với tôi? Tuy nhiên, cửa này chỉ khoá từ một phía, là phiá chúng ta; đối với Thiên Chúa nó không bao giờ lại không có thể bước qua được. Như Phúc Âm dậy, Chúa thích vào “chính khi các cửa đóng kín”, khi mọi ngõ xem ra bị chặn lại. Ở đó Thiên Chúa làm những việc kỳ diệu. Ngài không bao giờ quyết định xa cách chúng ta, chính chúng ta để Ngài ở bên ngoài. Nhưng khi chúng ta xưng tội, thì xảy ra điều chưa từng nghe: chúng ta khám phá ra rằng chính tội lỗi đã giữ chúng ta xa cách Chúa ấy lại trở thành nơi gặp gỡ Ngài. Nơi đó Thiên Chúa bị thương tích vì tình yêu đến gặp các vết thương của chúng ta. Bởi vì Ngài là lòng thương xót, và làm các điều kỳ diệu trong các bần cùng của chúng ta. Như thánh Tôma hôm nay chúng ta hãy xin ơn nhận biết Thiên Chúa của chúng ta: tìm ra trong sự tha thứ của Ngài niềm vui của chúng ta, tìm ra trong lòng thương xót của Ngài niềm hy vọng của chúng ta.
 
TV Thời Sự Giáo Hội Và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 16/4/2018
VietCatholic Network
23:57 15/04/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 15 tháng Tư.

2- Đức Thánh Cha chia buồn với quốc gia Algeria, Bắc Phi Châu trong tai nạn máy bay quá thảm khốc.

3- Đức Thánh Cha tham dự phiên họp tiền Thượng Hội Đồng vùng Amazon.

4- Thư của Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục Chilê về những cáo buộc đối với vị Giám Mục Giáo phận Orsono.

5- Triển vọng về một Thượng Hội Đồng Giám Mục về Phụ nữ.

6- Tòa Thánh chúc mừng các Phật Tử nhân dịp lễ Vesakh.

7- Đề nghị thánh hiến Mêxicô cho Trái Tim vô nhiễm Mẹ Maria.

8- Các nước Mỹ, Anh và Pháp đồng loạt tấn công Syria, Đức Hồng Y Bechara Rai lên án chiến tranh.

9- Tin giả trên Internet về hiện tượng máu Chúa rỉ ra tại Đền Thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem.

10- Tân Ban Chấp Hành của Tuyên Úy Đoàn Việt Nam Úc Châu, niên khóa 2018-2020.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Niềm Vui Ơn Cứu Độ.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết