Ngày 16-04-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:27 16/04/2024

19. Thánh sủng có thể làm cho người có tinh thần nghèo khó được giàu có đức hạnh, lại có thể làm cho người giàu có đức hạnh được khiêm tốn trong lòng.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:33 16/04/2024
31. MAY MẮN TUỔI CHÓ

Rất nhiều người ăn cơm trên bàn, trong đó có một người ăn như quỷ đói, tướng ăn thì rất khó coi, ăn ngấu ăn nghiến, lấy đồ ăn của người khác mà ăn hết.

Có người hỏi hắn ta:

- “Ông tuổi con gì?”

Tên tham ăn trả lời:

- “Tuổi con chó.”

Người ấy liền nói tiếp:

- “Tốt, rất tốt, may mà ông tuổi chó, nếu như tuổi con hổ chẳng lẽ ông không nuốt sống tất cả chúng tôi đây sao?”

(Tiếu lâm)

Suy tư 31:

Người Việt Nam chúng ta rất coi trọng cách ăn uống, bởi vì người Việt Nam chúng ta có một tâm hồn quãng đại biết nghĩ đến người khác, và coi cách ăn uống như là một nét văn hóa rất phong phú, do đó thức ăn không quan trọng bằng cách ăn.

Càng có địa vị, học thức, thì cách ăn uống phải lịch sự tao nhã hơn những người khác.

Đức tính nhân bản được tỏ lộ rõ nhất trong cách ăn uống, bởi vì khi con người ta thưởng thức khoái lạc hưởng thụ đúng theo ý mình thích, thì bản năng “động vật” trong con người sẽ bày ra rất tự nhiên:

Có một vài người dâng mình làm tôi tớ Thiên Chúa, mà khi ăn uống thì không giữ gìn để ý cách ăn, nên ăm ngồm ngoàm, thức ăn dính trên mép rất khó coi, lại còn vừa ăn vừa nói chuyện lớn tiếng và cười ha hả làm thức ăn bay ra người đối diện; lại có một vài người đi tu ăn uống có bia rượu thì quên mất mình là ai, uống rượu như bợm nhậu, nói năng không lịch sự và ồn ào...

Ông quan ở đời ăn uống như thế thì bị người ta chửi cho vào mặt, hoặc ít nữa là chửi thầm rủa sả sau lưng, thật đáng tội nghiệp, huống chi là chúng ta –những linh mục tu sĩ- càng tội nghiệp hơn khi người ta nói: ông cha, ông thầy đó là dân bợm ăn bợm nhậu thứ thiệt...

Linh mục nghĩa phụ của tôi là nhà tâm lý giáo dục khi còn làm giám đốc tiểu chủng viện tại Vũng Tàu, đã chia sẻ với tôi rằng: muốn biết tính tình “chú” (các tiểu chủng sinh) nào như thế nào thì chỉ cần cho các “chú” ra biển Vũng Tàu tắm và quan sát, thì biết ngay; hoặc khi các “chú” ăn cơm thì cũng biết ngay cá tính của các “chú” ấy, bởi vì khi vui đùa hay khi ăn uống thì cá tính của con người sẽ dễ dàng bộc lộ ra nhất.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 17/04: Hãy tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu – Lm. Giuse Phêrô Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
01:48 16/04/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài. Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Ðấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời”.

Đó là lời Chúa
 
Không gì lấp đầy
Lm. Minh Anh
15:38 16/04/2024
KHÔNG GÌ LẤP ĐẦY
“Tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai!”.

“Tôi có cảm tưởng dường như trong tim tôi có một lỗ hổng lớn; và tôi không thể lấp đầy nó bằng bất cứ thứ gì!”. Đó là cảm nhận của một cô gái trẻ vừa trở lại với các Bí tích sau nhiều năm. Chúa Kitô không cho phép bất cứ điều gì lấp đầy trái tim cô! Nó đang khao khát Ngài, một khát khao cháy bỏng. Trái tim cô thuộc về Ngài, và chỉ một mình Ngài!

Kính thưa Anh Chị em,

Hẳn cô gái trẻ mà ‘không gì lấp đầy’ trái tim cô đã hiểu rất rõ câu nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, “Tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai!”. Gặp lại Chúa Kitô, ngụp lặn trong lòng thương xót của Ngài, cô trải nghiệm một điều gì đó thật vĩnh cửu.

Được tạo dựng cho vô biên, mỗi người có một khao khát bên trong; cơn khát đó có tên ‘Lỗ Hổng’ của trái tim. Dù nhỏ hay không quá nhỏ, nó vẫn là một lỗ hổng ‘có kích cỡ bằng Chúa Kitô!’ và nó thuộc về Ngài. Ngài không cho phép bất cứ điều gì khác lấp đầy! Vậy nếu điều đáng khao khát thực sự của trái tim bạn là Chúa Kitô, thì thử hỏi, điều gì có thể ngăn cản bạn và tôi đến với Ngài? Phải chăng đó là kiêu hãnh, lười biếng tinh thần, hay hời hợt thiêng liêng? Vậy mà, đằng sau những lý do ấy, thường là một nỗi sợ. Sợ mở lòng cho Chúa Kitô! Bởi lẽ, chúng ta thường nghĩ rằng, mở lòng cho Ngài, tôi sẽ thua cuộc! Chính xác! Đó là nỗi sợ đụng chạm đến cái tôi của mình.

“Đừng sợ Chúa Kitô! Ngài không lấy gì đi, nhưng ban cho bạn tất cả. Hãy dâng toàn thân cho Ngài, chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Vâng. Hãy mở ra, mở rộng những cánh cửa cho Chúa Kitô và bạn sẽ tìm thấy sự sống đích thực!” - Bênêđictô XVI. Trải nghiệm ‘mở ra’ này cũng là trải nghiệm của Saolô. Đó là một biệt phái cuồng tín, đã từng lầm lạc đến nỗi giết chóc Hội Thánh; một con người hãnh tiến, kiêu ngạo và mù quáng - bài đọc một. Thế nhưng, một khi mở ra cho Chúa Kitô, Saolô - nay là Phaolô - không còn là mình, nhưng trở nên một lợi khí của Ngài. Nhờ Phaolô, Hội Thánh mừng vui, dân ngoại vui mừng và hoàn vũ hân hoan, “Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Tôi sẽ không để mất một ai!”. Chúa Giêsu không để mất một ai, kể cả những kẻ chống đối Ngài, giết Ngài. Ngài đến tìm kiếm một nhân loại hư mất; trong đó, có những con người đã mất hoặc trên đà hư mất. Ngài tìm Matthêu, Giakêu; tìm người phụ nữ Samaria; tìm thiếu phụ ngoại tình; tìm biệt phái Nicôđêmô, Saolô. Và đến cuối đời, Ngài kịp tìm người trộm lành. Hãy để cho Ngài nhận ra bạn! Nói cho Ngài ‘nơi’ bạn và tôi đang hư mất! ‘Không gì lấp đầy’ trái tim chúng ta ngoài Ngài, Đấng không cho phép bất cứ điều gì khác lấp đầy nó! Thú vị thay, đây cũng là ước vọng của chính Thiên Chúa, Đấng sở hữu muôn loài lại ước ‘được lấp đầy’ bởi bạn và tôi. Hãy để cho ‘giấc mơ kép’ của Ngài thành hiện thực bằng cách làm rỗng trái tim để Ngài tự do yêu bạn, sử dụng bạn, lấp đầy bạn! Và ngược lại, hãy lấp đầy trái tim Ngài bằng tình yêu của trái tim bạn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không được lấp đầy bởi Chúa, trái tim con sẽ được lấp đầy bởi những thứ khác. Cho con biết, con thuộc về ai. Hãy lấp đầy con, và con sẽ lấp đầy Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn từ của Đức Phanxicô với các tham dự viên Phiên họp toàn thể của Ủy Ban Giáo hoàng về Kinh Thánh
Vũ Văn An
15:44 16/04/2024

Thứ năm, 11 tháng 4 năm 2024, tại Hội trường Mật nghị, Đức Phanxicô, đã tiếp các tham dự viên phiên họp toàn thể của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh với chủ đề: bệnh tật và đau khổ trong Kinh Thánh. Nhân dịp này ngài đã đọc diễn từ sau, được đăng trên L’Osservatore Romano, Ấn bản hàng tuần bằng tiếng Anh, Năm thứ năm mươi bảy, số 15, Thứ Sáu, ngày 12 tháng 4 năm 2024, tr. 5.



Tôi vui mừng được chào đón anh chị em vào cuối phiên họp toàn thể hàng năm của anh chị em, trong đó anh chị em đề xuất khám phá một chủ đề hiện sinh - một chủ đề hiện sinh mạnh mẽ -: bệnh tật và đau khổ trong Kinh Thánh. Đó là một sự tìm tòi liên quan đến mọi con người, vì họ phải chịu sự yếu đuối, mong manh và cái chết. Thực thế, bản chất bị tổn thương của chúng ta cũng mang trong mình những thực tại giới hạn và hữu hạn, đồng thời phải chịu đựng những mâu thuẫn của cái ác và nỗi đau.

Chủ đề này rất gần gũi với tâm hồn tôi: đau khổ và bệnh tật là những đối thủ cần phải đối đầu, nhưng điều quan trọng là phải làm như vậy theo cách xứng đáng với nhân loại, có thể nói là theo cách của con người. Loại bỏ chúng, biến chúng thành những điều cấm kỵ mà tốt nhất là không nên nói đến, có lẽ vì chúng làm hỏng hình ảnh hiệu năng bằng mọi giá, hữu ích để bán và kiếm lời, chắc chắn không phải là giải pháp. Tất cả chúng ta đều chùn bước trước sức nặng của những trải nghiệm này, và chúng ta phải tự giúp mình vượt qua chúng bằng cách trải nghiệm chúng trong tương quan với người khác, mà không quay lưng lại với chính mình và không nổi loạn chính đáng để biến thành cô lập, bỏ rơi hay tuyệt vọng.

Chúng ta cũng biết, từ chứng từ của rất nhiều anh chị em chúng ta, rằng nỗi đau và sự yếu đuối, dưới ánh sáng đức tin, có thể trở thành những yếu tố quyết định trong một tiến trình trưởng thành: “thử thách đau khổ” cho phép chúng ta nhận ra điều gì là thiết yếu, và điều gì không. Nhưng trên hết, chính tấm gương của Chúa Giêsu đã chỉ đường cho chúng ta. Người kêu gọi chúng ta chăm sóc những người đang sống trong hoàn cảnh bệnh tật, với quyết tâm chiến thắng bệnh tật; đồng thời, Người tế nhị mời gọi chúng ta kết hợp những đau khổ của chúng ta với lời đề nghị cứu rỗi của Người, như một hạt giống sinh hoa trái. Theo nghĩa thực tế, tầm nhìn đức tin của chúng ta đã thôi thúc tôi đề xuất một số điều đáng suy nghĩ xoay quanh hai hạn từ mang tính quyết định: lòng cảm thương sự hòa nhập.

Đầu tiên, lòng cảm thương cho thấy thái độ thường xuyên và đặc trưng của Chúa đối với những người yếu đuối và thiếu thốn mà Người gặp gỡ. Khi nhìn thấy khuôn mặt của rất nhiều người, những đoàn chiên không có người chăn đang chật vật tìm đường sống (x. Mc 6:34), Chúa Giêsu đã cảm động. Người có lòng thương xót đối với đám đông đói khát và kiệt sức (x. Mc 8:2) và không mệt mỏi tiếp đón những người bệnh (x. Mc 1:32), những người mà Người lắng nghe lời cầu xin của họ. Chúng ta hãy nghĩ đến những người mù cầu xin Người (x. Mt 20:34) và nhiều bệnh nhân xin được chữa lành (x. Lc 17:11-19). Người động lòng thương xót - Tin Mừng nói - đối với người đàn bà góa đi cùng đứa con trai duy nhất của mình ra mộ (x. Lc 7:13). Quả là lòng cảm thương lớn lao. Lòng cảm thương này của Người biểu lộ như sự gần gũi và khiến Chúa Giêsu đồng cảm với nỗi đau khổ: “Ta đau yếu và các con đã đến thăm Ta” (Mt 25:36). Lòng cảm thương dẫn đến sự gần gũi.

Tất cả những điều này cho thấy một khía cạnh quan trọng: Chúa Giêsu không giải thích đau khổ, nhưng Người nghiêng mình về phía những người đau khổ. Người không tiếp cận nỗi đau bằng những lời động viên chung chung và những lời an ủi vô ích, mà đón nhận hoàn cảnh của họ, để bản thân cảm động trước nó. Kinh Thánh soi sáng theo nghĩa này: nó không để lại cho chúng ta một cuốn sổ tay những lời hay ý đẹp hay một cuốn sách công thức về những cảm xúc, nhưng cho chúng ta thấy những khuôn mặt, những cuộc gặp gỡ và những câu chuyện cụ thể. Chúng ta hãy nghĩ đến Gióp, với sự cám dỗ của bạn bè ông trong việc đưa ra các lý thuyết tôn giáo liên kết đau khổ với sự trừng phạt của Thiên Chúa; nhưng chúng va chạm với thực tại đau đớn, được chứng kiến bởi chính cuộc đời Gióp. Vì vậy, câu trả lời của Chúa Giêsu là rất quan trọng; đó là lòng cảm thương mang vào mình và bằng cách mang vào mình, cứu con người và biến đổi nỗi đau của họ. Chúa Kitô đã biến đổi nỗi đau của chúng ta bằng cách biến nó thành của riêng Người đến tận cốt lõi: bằng cách cư trú trong đó, chịu đựng nó và dâng hiến nó như một món quà tình yêu. Người không đưa ra những câu trả lời dễ dàng cho câu hỏi “tại sao” của chúng ta, nhưng trên thập tự giá, Người đã biến “lý do” vĩ đại của chúng ta thành của riêng Người (x. Mc 15:34). Vì vậy, những người thấm nhuần Kinh Thánh sẽ thanh tẩy hình ảnh tôn giáo của họ về những thái độ sai lầm, học cách đi theo con đường được Chúa Giêsu chỉ ra: chạm vào nỗi đau khổ của con người bằng chính bàn tay của mình, với sự khiêm tốn, hiền lành và thanh thản, để mang lại, nhân danh Thiên Chúa nhập thể, sự gần gũi của một sự hỗ trợ cụ thể và cứu độ. Chạm bằng tay, không phải về mặt lý thuyết, mà bằng tay.

Và điều này dẫn chúng ta đến hạn từ thứ hai: hòa nhập. Ngay cả khi nó không phải là một hạn từ trong Kinh thánh, nó cũng thể hiện một đặc điểm nổi bật trong phong cách của Chúa Giêsu: việc Người đi tìm những người tội lỗi, những người lạc lối, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người bị kỳ thị, để họ có thể được chào đón trong nhà Chúa Cha ( xem Lc 15). Chúng ta hãy nghĩ đến những người phong cùi: đối với Chúa Giêsu, không ai bị loại trừ khỏi ơn cứu rỗi của Thiên Chúa (x. Mc 1:40-42). Nhưng sự hòa nhập cũng bao gồm một khía cạnh khác: Chúa muốn con người trọn vẹn được chữa lành, về tinh thần, linh hồn và thể xác (x. 1Tx 5:23). Vì việc chữa lành thể xác khỏi sự ác sẽ chẳng ích gì nếu không chữa lành tâm hồn khỏi tội lỗi (x. Mc 2:17; Mt 10:28-29). Có một sự chữa lành hoàn toàn: thể xác, linh hồn và tinh thần.

Viễn ảnh hòa nhập này khiến chúng ta có thái độ chia sẻ: Chúa Kitô, Đấng đã đến giữa dân chúng làm việc lành và chữa lành người bệnh, đã truyền cho các môn đệ chăm sóc người bệnh và nhân danh Người chúc lành cho họ (x. Mt 10:8; Lc 10:9), chia sẻ với họ sứ mạng an ủi của Người (x. Lc 4:18-19). Vì vậy, qua kinh nghiệm đau khổ và bệnh tật, chúng ta, với tư cách là Giáo hội, được mời gọi bước đi cùng với tất cả mọi người, trong tình liên đới Kitô giáo và nhân loại, mở ra những cơ hội đối thoại và hy vọng nhân danh sự yếu đuối chung của chúng ta. Dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu “cho chúng ta thấy một cộng đồng có thể được xây dựng lại như thế nào bởi những người nam nữ đồng cảm với sự dễ bị tổn thương của người khác, những người từ chối việc tạo ra một xã hội loại trừ, và thay vào đó hành động như những người hàng xóm, nâng đỡ và phục hồi những người bị vấp ngã vì lợi ích chung” (Thông điệp Fratelli Tutti, 67).

Anh chị em thân mến, khi để lại cho anh chị em những hiểu biết sâu sắc này, tôi cảm ơn vì sự phục vụ của anh chị em và tôi khuyến khích anh chị em khám phá một cách sâu sắc, với sự nghiêm túc phê phán và tinh thần huynh đệ, những chủ đề anh chị em đang nghiên cứu, để rọi ánh sáng Kinh Thánh lên những vấn đề nhạy cảm mà ai cũng quan tâm. Lời Chúa là liều thuốc giải độc mạnh mẽ cho mọi sự hẹp hòi, trừu tượng và ý thức hệ hóa đức tin: đọc trong Chúa Thánh Thần, nơi nó được viết ra, nó làm tăng niềm đam mê đối với Thiên Chúa và con người, khơi dậy lòng bác ái và làm sống lại lòng nhiệt thành tông đồ. Vì thế, Giáo Hội luôn cần được uống từ suối nguồn Lời Chúa. Tôi chúc lành cho anh chị em và sứ mệnh của anh chị em là làm dịu cơn khát của Dân Thánh Chúa bằng dòng nước ngọt ngào của Chúa Thánh Thần. Và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Cảm ơnanh chị em.
 
Cảnh sát bắt được người đàn ông ăn mặc như linh mục để cướp các giáo xứ Công Giáo tại California
Đặng Tự Do
15:50 16/04/2024


Cảnh sát ở California vừa thông báo bắt giữ một người đàn ông giả dạng linh mục để tiếp cận và cướp bóc một số giáo xứ Công Giáo trên khắp đất nước.

Nhiều giáo xứ Công Giáo ở cả New York và Texas trong vài tháng qua cho biết đã gặp phải một người đàn ông, trong một số trường hợp, tự nhận mình là “Cha Martin” và người này đã tìm cách xâm nhập vào các giáo xứ để đánh cắp hàng trăm đô la.

Kẻ lừa đảo gần đây nhất đã được báo cáo tại một số giáo xứ ở khu vực New York; và có lần anh ta đã thành công trong việc đánh cắp gần 1.000 đô la.

Hôm thứ Năm, Sở Cảnh sát Quận Riverside ở Riverside, California, đã thông báo rằng họ đã bắt giữ cá nhân bị nghi ngờ thực hiện những vụ lừa đảo đó.

Sở cảnh sát cho biết một ngày trước đó họ đã xác định được một chiếc xe hơi phù hợp với mô tả về chiếc xe có liên quan đến vụ cướp.

Cảnh sát cho biết: “Người điều khiển phương tiện, được xác định là Malin Rostas, 45 tuổi, cư dân New York, đã bị bắt giam vì lệnh truy nã trọng tội ở Pennsylvania vì tội trộm cắp”.

Các nhà điều tra địa phương “đã phát hiện ra Rostas là 'Cha Martin' và vừa định đột nhập một nhà thờ địa phương.

Cảnh sát cho biết Rostas đã bị bắt theo lệnh truy nã còn tồn đọng và anh ta sẽ bị buộc tội bổ sung về tội cố ý trộm cắp.

Họ cho biết văn phòng cảnh sát trưởng “tin rằng có thể có thêm nạn nhân của vụ trộm”. Cuộc điều tra vụ án đang được tiến hành.

Tại New York vào tháng trước, kẻ lừa đảo đã vào một giáo xứ ở Queens cũng như nhà mẹ của các nữ tu Dòng Thánh Đôminicô Amityville ở Long Island. Anh ta cũng được cho là đã cố gắng lừa đảo tại một giáo xứ ở Brooklyn vào năm ngoái.

Trong khi đó, vào mùa thu năm ngoái, anh ta đã xuất hiện tại sáu giáo xứ khác nhau trong Giáo phận Dallas và cũng tìm cách ăn cắp hàng trăm đô la từ một giáo xứ ở Houston.


Source:Catholic News Agency
 
Nhật Ký Trừ Tà số 287: Bói toán phải chăng chỉ là trò chơi thôi sao?
Đặng Tự Do
15:51 16/04/2024


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #287: Divination- Is it just a game?”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 287: Bói toán phải chăng chỉ là trò chơi thôi sao?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hầu hết mọi người đều đánh giá thấp tác hại tâm linh tiềm tàng và tà ác do bói toán như cầu cơ, đồng cốt, bài tarot, ma thuật và hỏi ý kiến người chết. Mọi người thường nói với tôi, “Đó chỉ là một trò chơi thôi mà” hoặc “Chúng tôi nghĩ nó sẽ rất vui.” Điều đáng buồn là kết quả là một số người bị ma quỷ hành hạ. Gần đây tôi đã nhận được email bên dưới và nó tóm tắt rất rõ trải nghiệm của nhiều người:

“Con theo dõi cha trên TikTok và tải xuống ứng dụng. Con đang cần một vài lời cầu nguyện...Gần đây con đã bắt đầu xem các phương tiện tâm linh trên TikTok mà con biết là sai. Việc này diễn ra trong vài tuần. Con nhận thấy rằng con bắt đầu lo lắng và trầm cảm nghiêm trọng. Con cũng không thể ngủ vào ban đêm và thường thức dậy trong khoảng từ 2:30 đến 3 giờ sáng, điều này vẫn đang xảy ra. Kể từ đó con đã dừng lại và cầu nguyện để được tha thứ. Sáng nay khi con đang nói chuyện với các con của mình thì một chiếc thìa bay khỏi bàn. Điều đó khiến các con của con sợ hãi.... Cha khuyên con nên cầu nguyện điều gì?”*

Khi đọc email này, nó có một số đặc điểm nổi bật của một trải nghiệm ma quỷ đích thực: Thứ nhất, là sự lo lắng/trầm cảm nghiêm trọng bất thường; Thứ hai là rối loạn giấc ngủ bao gồm thức dậy gần giờ ma quỷ 3 giờ sáng; Thứ ba, là những sự kiện phi thường như chiếc thìa bay ngang qua phòng.

Tôi đề nghị người này tham gia vào một chế độ cầu nguyện chuyên sâu về sự giải thoát, bao gồm cả những lời cầu nguyện để đuổi tà ma bói toán, ngoài việc đưa điều này vào việc xưng tội theo bí tích.** May mắn thay, sự tham gia của cô ấy chưa đến mức nghiêm trọng và các triệu chứng của cô ấy đã bắt đầu giảm bớt. Đối với những người tham gia sâu hơn, quá trình giải phóng mất nhiều thời gian hơn, thậm chí nhiều năm.

Tôi hiểu rằng WitchTok và những trang như vậy có hàng tỷ lượt xem! Chúng ta không có đủ nhà trừ quỷ để đối phó với làn sóng dữ dội của những người bị ma quỷ gây ra. Sẽ đến một ngày mà nhiều người sẽ kêu cầu các linh mục cầu nguyện cho họ được giải thoát và sẽ có rất ít người có thể được giải thoát. Thực ra, ngày đó đã đến gần chúng ta rồi.


Source:https://www.catholicexorcism.org/post/exorcist-diary-287-divin
 
Đức Thánh Cha Phanxicô khôi phục danh hiệu Đức Thượng Phụ Tây phương trong Niên giám Tòa Thánh
Đặng Tự Do
15:52 16/04/2024


Danh hiệu này được Đức Giáo Hoàng Theodore thông qua vào năm 642 và được sử dụng trong nhiều thế kỷ, mặc dù phải đến năm 1863, dưới triều đại giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9, danh hiệu này mới xuất hiện lần đầu tiên trong Niên giám Tòa Thánh.

Trong ấn bản năm 2024 của “Annuario Pontificio,” hay Niên giám Tòa Thánh, được phát hành trong tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khôi phục tước hiệu giáo hoàng danh dự cổ xưa là “Đức Thượng Phụ Tây phương”, đảo ngược quyết định đình chỉ tước vị này năm 2006 của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.

Sự chỉ định danh dự này đã xuất hiện trở lại trong danh sách “các danh hiệu lịch sử” được sử dụng để chỉ thực tại thần học và trần thế của chức vụ giáo hoàng. Những danh hiệu này bao gồm Đại diện Chúa Giêsu Kitô, Người kế vị Hoàng tử các Tông đồ, Giáo hoàng tối cao của Giáo hội Hoàn vũ, và Tổng Giám mục của giáo phận Rôma, cùng những danh hiệu khác nữa.

Sau quyết định hủy bỏ danh hiệu này của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI vào năm 2006, Bộ Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo (lúc đó là Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo) đã đưa ra một tuyên bố lưu ý rằng danh hiệu này đã trở nên “lỗi thời” và “không còn sử dụng được nữa”.

Hội Đồng lập luận rằng sự hiểu biết về văn hóa và địa lý của phương Tây đã mở rộng từ Tây Âu sang cả Bắc Mỹ, Úc và New Zealand.

Vào thời điểm đó, Hội Đồng cho biết: “Việc từ bỏ danh hiệu này nhằm thể hiện chủ nghĩa hiện thực lịch sử và thần học, đồng thời, là việc từ bỏ một yêu sách, một sự từ bỏ có thể mang lại lợi ích cho cuộc đối thoại đại kết”.

Aristomenis “Menios” Papadimitriou, một nhà sử học tôn giáo tại Đại học Fordham chuyên về Kitô giáo hiện đại, nói với CNA qua email rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm tìm hiểu về quyết định này sẽ có nguy cơ “chủ yếu là suy đoán” và “không có cơ sở hiểu biết nghiêm chỉnh về sự quản lý giáo hội”.

Nhưng Papadimitriou lưu ý rằng “trọng tâm của nó là câu hỏi về ý nghĩa lịch sử và đương đại của danh hiệu giám mục tôn kính ‘Đức Thượng Phụ’ và cuộc đời của danh hiệu đó qua những thăng trầm của lịch sử”.

Cả Bộ Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo lẫn Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đều không đưa ra tuyên bố giải thích quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc khôi phục danh hiệu này.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện những thay đổi đối với các chức danh giáo hoàng trong Annuario Pontificio, một cẩm nang chính thức dài hơn 2.400 trang về cơ cấu và hàng lãnh đạo toàn cầu của Giáo Hội Công Giáo.

Các danh xưng tôn kính trước đây đã được xuất bản bên trên tiểu sử ngắn gọn của giáo hoàng, nhưng tính đến năm 2020, chúng được liệt kê bên dưới tiểu sử đó với phông chữ nhỏ hơn và được xác định là “danh xưng lịch sử”.

Theo Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, quyết định năm 2020 “nhằm chỉ ra mối liên hệ với lịch sử của giáo hoàng” hơn là “lịch sử hóa” chính các tước hiệu.

Cùng năm đó, Đức Hồng Y Gerhard Mueller, cựu tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican, đã bác bỏ động thái này, gọi đó là một hành động “man rợ thần học”.

Ngài lập luận rằng cuốn kỷ yếu sửa đổi đã trộn lẫn thuật ngữ “Đại diện của Chúa Kitô” với những danh hiệu “không liên quan gì đến quyền tối thượng và chỉ phát triển về mặt lịch sử chứ không có ý nghĩa tín điều, chẳng hạn như 'Quốc trưởng Thành phố Vatican'“.

Nikos Tzoitis, một nhà phân tích tại văn phòng báo chí của Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople và là cựu phát ngôn viên của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, đã lập luận trong một bài báo ngày 6 tháng 4 rằng quyết định của Đức Giáo Hoàng về việc giới thiệu lại danh xưng kính trọng Đức Thượng Phụ Tây Phương là một phần của việc khám phá lại tình huynh đệ.”

Tzoitis viết: “Bằng cách này, ngài muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của tính đồng nghị đã mất trong Giáo hội của Chúa, vốn thể hiện Thân thể của Chúa Kitô và lấy tính đồng nghị làm công cụ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã củng cố đối thoại đại kết như một trong những ưu tiên chính trong triều đại giáo hoàng của ngài.

Vào năm 2014, Đức Phanxicô, trong chuyến tông du tới Thánh địa, đã gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Thượng phụ Chính thống giáo Đại kết Athenagoras I của Constantinople trên Núi Ô-liu ở Giêrusalem vào năm 1964.

Đó là cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa một giáo hoàng và một thượng phụ đại kết kể từ năm 1438, đánh dấu một sự thay đổi mô hình trong mối quan hệ đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính thống giáo Đông phương.

“Chúng ta cần phải tin rằng, giống như tảng đá trước ngôi mộ đã bị ném sang một bên, thì mọi trở ngại cho sự hiệp thông trọn vẹn của chúng ta cũng sẽ bị loại bỏ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài phát biểu năm 2014 với Đức Thượng phụ Đại kết.


Source:Catholic News Agency
 
Việc Trump chùn bước trước Lệnh cấm phá thai gây ra làn sóng chấn động nơi phong trào phò sinh
Vũ Văn An
16:12 16/04/2024

Jonathan Liedl (*) trên National Catholic Register, ngày 12 tháng 4 năm 2024, tường trình rằng việc Donald Trump từ chối ủng hộ các hạn chế phá thai ở cấp liên bang đã thúc đẩy việc tự vấn lương tâm nghiêm túc trong phong trào ủng hộ sự sống, khiến các nhà hoạt động cũng như các nhà bình luận đều bày tỏ sự thất vọng, sợ những người ủng hộ việc phá thai mạnh hơn để giành được thế đứng và thậm chí đánh giá lại mối quan hệ với ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa.



Phản ứng rộng rãi xảy ra sau khi Trump - người đã bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Tối cao khi còn là tổng thống, được ca ngợi là công cụ giúp lật ngược vụ Roe kiện Wade vào năm 2022 - tuyên bố trong một thông điệp video ngày 8 tháng 4 rằng “các tiểu bang sẽ quyết định” tương lai của việc phá thai ở Hoa Kỳ, không tán thành lệnh cấm phá thai liên bang kéo dài 15 tuần được nhiều tổ chức ủng hộ sự sống ủng hộ.

“Quan điểm của tôi bây giờ là chúng ta thực hiện phá thai theo cách mà mọi người đều muốn điều đó từ quan điểm pháp lý, các tiểu bang sẽ xác định bằng bỏ phiếu hoặc ra các luật lệ, hoặc có lẽ cả hai, và bất cứ điều gì họ quyết định phải là luật của lãnh thổ, trong trường hợp này là luật của tiểu bang.” Trump nói trong video.

Ứng cử viên tổng thống nói thêm rằng quan điểm của ông là “tất cả là về ý chí của người dân” và cử tri phải làm theo “trái tim của họ, hoặc trong nhiều trường hợp, tôn giáo hoặc đức tin của bạn”. Hai ngày sau, ông nói với giới truyền thông rằng ông sẽ không ký lệnh cấm phá thai trên toàn quốc nếu chiếm lại Nhà Trắng.

Các phản ứng từ phong trào ủng hộ sự sống có nhiều mức độ từ hỗn hợp đến hoàn toàn tiêu cực. Một số người đã chỉ trích quyết định của Trump trong khi vẫn nhấn mạnh rằng ông là ứng cử viên ủng hộ sự sống được ưa thích hơn vào tháng 11, trong khi những người khác nhấn mạnh rằng cựu tổng thống không có xác tín thực sự ủng hộ sự sống, và thay vào đó chỉ kêu gọi các mục tiêu khẳng định sự sống khi có lợi về mặt chính trị cho ông ta.

Alexandra DeSanctis của National Review cho biết trên một bài đăng trên mạng xã hội phản hồi thông điệp video của ứng cử viên Đảng Cộng Hòa: “Những người ủng hộ sự sống cần phải nhận ra rằng Donald Trump không phải là một ứng cử viên ủng hộ sự sống, và chúng ta không nên cho rằng ông ấy sẽ cai trị như thể vấn đề này quan trọng với ông ấy.”

Ngay cả CatholicVote, tổ chức đã tán thành nỗ lực tranh cử của Trump, cũng chỉ trích quan điểm của ứng cử viên tổng thống.

Logan Church, giám đốc chính trị của nhóm vận động, nói với National Catholic Register: “Chỉ đơn giản ủy quyền chính sách phá thai cho từng tiểu bang sẽ không giải quyết được mức độ nghiêm trọng của vấn đề”.

Tuy nhiên, CatholicVote bày tỏ “sự tin tưởng rằng chính quyền Trump sẽ một lần nữa bổ nhiệm các quan chức ủng hộ các nguyên tắc ủng hộ sự sống, bao gồm việc bảo vệ quyền lương tâm, hạn chế tài trợ của người đóng thuế cho việc phá thai và củng cố các biện pháp ủng hộ sự sống ở cấp tiểu bang”.

Hậu quả chính trị

Một số nhà lãnh đạo ủng hộ sự sống, như Shawn Carney của 40 Day for Life, nói với EWTN News rằng quyết định của Trump không ủng hộ lệnh cấm liên bang “có lý”, vì lệnh cấm phá thai liên bang kéo dài 15 tuần “sẽ là một thảm họa về mặt chính trị. ”

Biện pháp này có thể sẽ không nhận được đủ phiếu bầu để Quốc hội thông qua hiện nay, mặc dù cuộc thăm dò cho thấy công chúng ủng hộ việc hạn chế phá thai sau ba tháng đầu tiên, một quan điểm được đa số các nước châu Âu chủ trương.

Nhưng những người ủng hộ sự sống khác lo ngại rằng bằng cách từ bỏ vấn đề này ở cấp quốc gia, Trump sẽ khuyến khích đảng Dân chủ “lấp đầy khoảng trống lập pháp” do đảng Cộng hòa để lại bằng các chính sách ủng hộ phá thai triệt để.

Trong một tuyên bố, Marjorie Dannenfelser, chủ tịch của Susan B. Anthony Pro-Life America, cho biết: “Nói vấn đề được 'trả lại cho các tiểu bang' là nhường cuộc tranh luận quốc gia cho Đảng Dân chủ, những người đang làm việc không ngừng nghỉ để ban hành luật bắt buộc phá thai trong suốt 9 tháng mang thai”.

Các nhà lãnh đạo ủng hộ sự sống cũng bày tỏ lo ngại về tác động mà quyết định của Trump sẽ gây ra trong toàn Đảng Cộng hòa, xét vì cựu tổng thống đang nắm quyền lãnh đạo đảng.

Thực thế, hiệu quả có ngay lập tức, với việc ứng cử viên Thượng viện của Đảng Công Hòa Kari Lake dẫn trước Trump sau khi Tòa án Tối cao Arizona giữ nguyên lệnh cấm phá thai từ thế kỷ 19, nhấn mạnh rằng cử tri các tiểu bang nên quyết định vấn đề và bà sẽ phản đối mọi hạn chế của liên bang đối với việc phá thai.

Một niềm hy vọng trong cơn bĩ cực có thể có trong bối cảnh thất vọng nặng nề đối với một số nhà hoạt động ủng hộ sự sống có thể là do không có cơ hội hạn chế phá thai, Đảng Cộng hòa có thể sẵn lòng hơn trong việc hợp tác với Đảng Dân chủ về các chính sách làm giảm nhu cầu phá thai. Ví dụ, trong tuyên bố của mình, Lake nhấn mạnh rằng bà sẽ ủng hộ các chính sách như nghỉ phép có lương vì gia đình, tiền thưởng khi sinh con và khiến việc nhận con nuôi trở nên ít tốn kém hơn (mặc dù bà cũng cho thấy bà ủng hộ việc thụ tinh trong ống nghiệm, điều mà Giáo hội lên án là một hành vi vô đạo đức).

Mối lo ngại cho rằng quan điểm của Trump về việc phá thai hoàn toàn là vấn đề chính trị chứ không phải nguyên tắc, càng trở nên sâu sắc hơn khi cựu tổng thống chỉ trích Tòa án Tối cao Arizona, nói rằng phán quyết của họ “đã đi quá xa” và “sẽ được giải quyết,” chỉ vài ngày sau khi ông cho biết các tiểu bang sẽ quyết định vấn đề.

“Thật buồn cười khi mọi thứ chuyển từ 'đó là vấn đề đúng đắn của một tiểu bang' sang 'tiểu bang này đã đi quá xa' chỉ trong vài ngày. Người đàn ông này không phải là đồng minh của các bạn, những người ủng hộ việc bảo vệ sự sống,” Đảng Đoàn kết Hoa Kỳ, một đảng thứ ba lấy cảm hứng từ giáo huấn xã hội Công Giáo, có ứng cử viên tổng thống, Peter Sonski, là cựu biên tập viên của National Catholic Register, cho biết như thế.

Nhà bình luận Công Giáo Ross Douthat, một nhà báo chuyên mục của The New York Times, thậm chí còn đi xa hơn khi chỉ trích những quan điểm ủng hộ sự sống của Trump, gợi ý trong một chuyên mục ngày 10 tháng 4 rằng Trump là “kẻ xúi giục ủng hộ sự lựa chọn [phá thai] của đất nước”, xét vì phong cách bảo thủ của ông “hoàn toàn không phù hợp với phong trào ủng hộ sự sống như nó mong muốn và cần được nhìn nhận”.

“Nếu bạn đặt mục tiêu bảo vệ quyền lợi của những người dễ bị tổn thương nhất đồng thời hứa bảo vệ và hỗ trợ cho phụ nữ ở tình trạng dễ bị tổn thương nhất của họ, và người lãnh đạo của bạn là một người đàn ông nổi tiếng với lối sống ăn chơi, thể hiện sự phân biệt giới tính thô bạo và coi thường sự yếu đuối, thì mọi người sẽ có một số câu hỏi chính đáng về việc liệu họ có thể tin tưởng bạn để thực hiện tốt những lời hứa về tình yêu và sự quan tâm của bạn hay không,” Douthat viết như vậy.

Người phụ trách chuyên mục này nói thêm rằng, vì những người ủng hộ việc bảo vệ sự sống đã ủng hộ Trump, phong trào này hiện đang bị bắt làm con tin một cách hữu hiệu bởi một ứng cử viên đã không thể hiện cam kết mang tính nguyên tắc đối với các mục tiêu của họ, đồng thời có thể đẩy đất nước đi xa hơn với việc phá thai thông qua tính cách của ông ta.“Roe đã biến mất,” anh lưu ý. “Nhưng giờ đây họ bị mắc kẹt trong một thế giới nơi hình ảnh của họ được xác định bởi giá trị của người giao dịch [chứng khoán] hơn là của chính họ”.

Nhà bình luận Công Giáo Ramesh Ponnuru đã viết trên tờ The Washington Post rằng “sự thờ ơ của Trump đối với chính nghĩa ủng hộ sự sống có lẽ là tuyên bố trung thực nhất về quan điểm của ông trong nhiều năm,” đồng thời chỉ trích cựu tổng thống và toàn thể đảng Cộng hòa vì “về cơ bản không làm gì để chuẩn bị cho khả thể Roe sẽ bị lật đổ” và nay đang áp dụng cách tiếp cận “con đường ít kháng cự nhất”.

Ponnuru viết trên National Review: “Phong trào ủng hộ sự sống hiện đang nhìn thấy một số mặt trái của việc đi theo một người đàn ông không quan tâm đến nguyên nhân của nó và ít có khả năng kiểm soát xung lực của mình”.

Đẩy lùi

Một số người ủng hộ việc bảo vệ sự sống đã bác bỏ những lời chỉ trích Trump, nhấn mạnh rằng ông là một lựa chọn tốt hơn Tổng thống Joe Biden, một người Công Giáo ủng hộ việc mở rộng triệt để việc tiếp cận phá thai, và lập luận rằng việc công khai chỉ trích Trump sẽ làm tổn hại đến cơ hội bầu cử của ông.

Lila Rose, người đứng đầu nhóm hoạt động ủng hộ sự sống LiveAction, tỏ ra phẫn nộ trước những lời chỉ trích này. “Kể từ khi nào các ứng cử viên chính trị phải trở thành những con bê vàng mà chúng ta phải tôn thờ và không bao giờ thắc mắc?” cô viết trên X.

Rose nói thêm rằng cô chưa bao giờ nói không bỏ phiếu cho Trump, và đã nhiều lần nói rằng Biden là kẻ “tàn ác” vì chính nghĩa ủng hộ sự sống. Nhưng nhà lãnh đạo ủng hộ sự sống nói rõ rằng không ai đứng trên những lời chỉ trích vì đã không bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất - kể cả chính trị gia mà một số người gọi là “tổng thống ủng hộ sự sống nhất trong lịch sử”.

Cô nói: “Việc kỳ vọng thấp đối với các cử tri bảo thủ là một bệnh dịch và việc khăng khăng rằng chúng ta không bao giờ được chỉ trích hoặc lập hồ sơ thẳng thắn trong ‘bộ tộc’ của chính mình là điều cực kỳ độc hại. Đó không phải là sự cam kết với sự thật hay điều tốt đẹp, đó là sự sùng bái cá nhân.”
_________________________________________________________________________________________________
(*) Jonathan Liedl Jonathan Liedl là biên tập viên cao cấp của National Catholic Register. Quá trình của ông bao gồm công việc tại hội nghị Công Giáo cấp tiểu bang, ba năm đào tạo ở chủng viện và dạy kèm tại một trung tâm nghiên cứu Kitô giáo của trường đại học. Liedl có bằng B.A. về Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Ả Rập (Đại học Notre Dame), bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Công Giáo (Đại học St. Thomas), và hiện đang hoàn thành bằng Thạc sĩ Thần học tại Chủng viện Saint Paul. Ông sống ở Thành phố đôi của Minnesota.
 
Hội đồng Hồng Y trợ giúp Giáo hoàng trong việc cải tổ Giáo triều nhóm họp tại Vatican
Thanh Quảng sdb
17:20 16/04/2024
Hội đồng Hồng Y trợ giúp Giáo hoàng trong việc cải tổ Giáo triều nhóm họp tại Vatican

Phiên họp tháng Tư của Hội đồng Hồng Y đã bắt đầu vào thứ Hai (15/4/2024) với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô. Lần họp cuối cùng diễn ra vào tháng Hai và có sự tham gia của ba phụ nữ, những người được mời tham dự để đóng góp cho các Hồng Y và Đức Thánh Cha các chủ đề vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.

(Tin Vatican)

Cuộc họp tháng Hai

Phiên họp cuối cùng diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 2 năm 2024 và có sự tham gia của ba phụ nữ để đóng góp các chủ đề vai trò phụ nữ trong Giáo hội. Đó là Sơ Linda Pocher, một nữ tu Salêdiêng và giảng viên về Kitô học và Thánh Mẫu học tại Phân Khoa Giáo hoàng về Khoa Giáo dục của Đại học Auxilium ở Rôma; Sơ Giuliva Di Berardino, một thành viên của Tu Hội Nữ Vương (Ordo Virginum) thuộc Giáo phận Verona, giáo sư chịu trách nhiệm về các khóa học Tâm linh và Linh thao; Nữ Giám mục Jo Bailey Wells, giám mục Giáo hội Anh giáo và Phó Tổng thư ký Hiệp hội Anh giáo. Các cuộc họp vào tháng 2 của các Hồng Y với Đức Thánh Cha và thư ký Hội đồng cũng tập trung vào các tiến trình thượng hội đồng đang diễn ra trong Giáo hội và về chủ đề truyền giáo, với sự đóng góp của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle và Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, các vị đại diện của Thánh Bộ về việc Truyền giáo.

Hội Đồng Hồng Y (C9) mới

Sau khi Đức Thánh Cha đổi mới Hội đồng này vào ngày 7 tháng 3 năm 2023, Hội đồng Hồng Y gồm có các Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh; Fernando Vérgez Alzaga, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về quốc gia Vatican và Thống đốc Quốc gia Thành Vatican; và các Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, Tổng Giám mục Kinshasa; Oswald Gracias, Tổng Giám mục Bombay; Seán Patrick O'Malley, Tổng Giám mục Boston; Juan José Omella Omella, Tổng Giám mục Barcelona; Gérald Lacroix, Tổng Giám mục Quebec; Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg; Sérgio da Rocha, Tổng giám mục São Salvador da Bahia. Thư ký là Đức cha Marco Mellino, giám mục hiệu tòa Cresima. Cuộc họp đầu tiên của Hội Đồng Hồng Y (C9) mới được tái tổ chức vào ngày 24 tháng 4 năm ngoái.

Thành lập Hội đồng Hồng Y mới (C9)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập Hội Đồng Hồng Y với một nhóm Hồng Y cố vấn cho ngài trong việc canh tân Giáo triều vào ngày 28 tháng 9 năm 2013 và hỗ trợ ngài trong việc điều hành Giáo hội hoàn vũ. Nhiệm vụ này đã thành hiện thực trong Tông hiến Praedicate Evangelium mới được công bố vào ngày 19 tháng 3 năm 2022. Cuộc họp đầu tiên của C9 được bắt đầu nhóm họp vào ngày 1 tháng 10 năm 2013.
 
VietCatholic TV
Đại tang của Nga: Bộ Tư Lệnh Crimea và Bộ Chỉ Huy Thủy Quân Lục Chiến trúng hỏa tiễn, nổ tan tành
VietCatholic Media
03:14 16/04/2024


1. Tình báo cho biết Lực lượng Ukraine tấn công Bộ Tư Lệnh quân Nga ở bán đảo Crimea bị Nga tạm chiếm

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề Source: Ukrainian forces hit command post in Russian-occupied Crimea ““. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nguồn tin tình báo quân sự nói với Kyiv Independent rằng hôm Thứ Hai, 15 Tháng Tư, lực lượng Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công hỏa tiễn vào Bộ Tư Lệnh quân Nga ở bán đảo Crimea bị Nga tạm chiếm, nơi các văn phòng hàng đầu của Nga được triển khai.

Thông tin này được đưa ra sau khi có thông tin về vụ nổ ở Crimea vào buổi trưa giờ địa phương. Cảnh báo không kích kéo dài suốt hai giờ.

Nhóm du kích địa phương Atesh cho biết âm thanh hoạt động của lực lượng phòng không Nga nổ suốt trong 2 tiếng đồng hồ đi kèm với những tiếng nổ long trời. Atesh tuyên bố rằng căn cứ quân sự của Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 810 của Nga ở Sevastopol cũng đã bị tấn công.

Theo kênh Telegram Crimea Wind, máy bay Nga cũng được ghi nhận cất cánh trong thời điểm cảnh báo không kích.

Lúc 6 giờ chiều ngày thứ Hai 15 Tháng Tư, theo giờ địa phương, Sergei Aksyonov, Thống đốc khu vực bán đảo Crimea, do Nga dựng nên, xuất hiện trên TV kêu gọi dân chúng giữ bình tĩnh và không được đưa tin hay tiết lộ những gì nhìn thấy.

Trong những tháng gần đây, Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công vào Crimea bị tạm chiếm, nhắm vào các tài sản quân sự của Nga trong và xung quanh Hắc Hải.

Phát ngôn nhân Hải quân Dmytro Pletenchuk hôm 30 Tháng Ba cho biết Nga đã rút gần như toàn bộ tàu lớn khỏi các cảng ở Crimea bị tạm chiếm sau cuộc tấn công thành công của Ukraine.

2. SBU: Thuyền không người lái hiện đại hóa của Ukraine có thể mang 1 tấn thuốc nổ đi xa hơn 1.000 km

Artem Dekhtiarenko, phát ngôn nhân của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết hôm 15 Tháng Tư rằng thuyền không người lái Sea Baby của hải quân Ukraine đã được hiện đại hóa và hiện có thể mang gần một tấn chất nổ để tấn công mục tiêu cách xa hơn 1.000 km.

Dekhtiarenko nói thêm: “Điều này có nghĩa là SBU có thể tiếp cận mục tiêu ở hầu hết mọi nơi trên Hắc Hải”.

Trong những tháng gần đây, Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công vào Crimea bị tạm chiếm, nhắm vào các tài sản quân sự của Nga trong và xung quanh Hắc Hải bằng thuyền không người lái, máy bay không người lái và hỏa tiễn tầm xa được sản xuất trong nước. Nga đã xâm lược trái phép bán đảo này từ năm 2014.

Trung tâm Truyền thông Chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine mới đây đưa tin, tính đến đầu tháng 2 năm 2024, 33% tàu chiến của Hạm đội Hắc Hải của Nga đã bị Ukraine vô hiệu hóa.

Dekhtiarenko cho biết trên truyền hình quốc gia rằng SBU hiện sử dụng hai loại thuyền không người lái - Sea Baby và Mamai.

“Đây đã là những thế hệ thuyền không người lái mới, được nhóm chuyên gia SBU làm việc và tiếp tục làm việc cùng với các thành viên khác của Lực lượng An ninh và Quốc phòng để cải tiến.”

Theo Dekhtiarenko, các thuyền không người lái trên biển được SBU sử dụng cho đến nay đã tấn công 11 tàu chiến Nga và cây cầu Crimea nối bán đảo bị tạm chiếm với Nga.

Dekhtiarenko cho biết vào năm 2022, khi SBU lần đầu tiên bắt đầu sử dụng thuyền không người lái trên biển tự sản xuất, trên toàn thế giới không có lựa chọn thay thế nào cho những thuyền không người lái này. Phát ngôn nhân cho biết thêm, các thuyền không người lái hiện tại của phương Tây có kích thước lớn nhưng không cơ động, chúng có thể dễ dàng bị “trạm radar của đối phương” phát hiện và chúng cũng không có đầu đạn.

“Ngày nay, một thuyền không người lái trị giá 8,5 triệu tiền Ukraine, tức là, khoảng 216.000 Mỹ Kim) đã tiêu diệt tàu chiến của đối phương trị giá hàng chục triệu Mỹ Kim”.

Để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của máy bay không người lái Ukraine vào hạm đội Hắc Hải, các lực lượng Nga ở Crimea đang bị tạm chiếm đang xây dựng các rào cản ở lối vào Vịnh Sevastopol, nhóm đảng phái Atesh đưa tin vào ngày 27 tháng 3.

Nga cũng đang cố gắng tăng cường phòng thủ cảng Novorossiysk, nơi Mạc Tư Khoa đã bắt đầu tái triển khai hạm đội Hắc Hải từ Sevastopol vào năm ngoái, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật hàng ngày vào ngày 31 Tháng Ba.

3. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định Iran triển khai chiến thuật của Nga áp đảo Israel

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Iran Deploying Russian Tactics To Overwhelm Israel: ISW”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một đánh giá mới, sau khi Iran tiến hành cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên từ lãnh thổ của mình vào Israel, cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái khổng lồ của Iran nhắm vào Israel cuối tuần qua tương tự như chiến thuật mà Nga sử dụng trong các cuộc tấn công thường xuyên vào Ukraine,.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, của Mỹ cho biết hôm thứ Hai: “Việc Iran sử dụng máy bay không người lái và hỏa tiễn cho thấy Iran đang học hỏi từ người Nga để phát triển các gói tấn công ngày càng nguy hiểm và hiệu quả chống lại Israel”.

Nga đã tiến hành hàng ngàn cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái vào Ukraine trong gần 26 tháng chiến tranh tổng lực ở nước này. Họ đã bắn nhiều loại hỏa tiễn và máy bay không người lái vào Ukraine, bao gồm cả máy bay không người lái nổ Shahed do Iran thiết kế.

ISW đánh giá: “Những cuộc tấn công này của Nga nhằm xác định phương án tối ưu để xuyên thủng hệ thống phòng không và hỏa tiễn của phương Tây”.

Iran đã phát động một cuộc tấn công trên không quy mô lớn vào Israel trong đêm, mô tả cuộc tấn công là để trả đũa vụ tấn công vào lãnh sự quán Iran ở Syria vào ngày 1 tháng 4. Một số thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã thiệt mạng, nhưng Israel chưa bình luận chính thức.

Tehran cho biết họ đã thực hiện “một loạt cuộc tấn công quân sự vào các căn cứ quân sự của Israel” như một phần của “quyền tự vệ vốn có” trước cái mà họ gọi là “các hành động xâm lược quân sự tái diễn của Israel”.

Phát ngôn nhân Lực Lượng Phòng Vệ Israel, Đề Đốc Daniel Hagari, cho biết Iran đã bắn 170 máy bay không người lái có chất nổ, hơn 30 hỏa tiễn hành trình và hơn 120 hỏa tiễn đạn đạo về phía Israel. IDF cho biết “một số lượng nhỏ các vụ đánh trúng mục tiêu đã được xác định”, bao gồm cả “thiệt hại nhỏ” đối với một căn cứ quân sự ở miền nam Israel.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm thứ Bảy cho biết lực lượng Mỹ ở Trung Đông đã chặn “hàng chục” hỏa tiễn và máy bay không người lái hướng tới Israel từ Iran, Iraq, Syria và Yemen. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết quân đội Mỹ đã điều động máy bay và tàu khu trục phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo tới khu vực trong tuần qua, đồng thời cho biết thêm Mỹ “đã giúp Israel hạ gục gần như toàn bộ máy bay không người lái và hỏa tiễn đang bay tới”.

Quân đội Mỹ cũng tham gia tích cực vào việc ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn của phiến quân Houthi từ Yemen ở Biển Đỏ trong những tháng gần đây.

Viện nghiên cứu cho biết các cuộc tấn công của Iran mang lại cho Tehran cơ hội đánh giá các chiến lược tấn công khác nhau, hiểu cách “họ có thể né tránh và áp đảo hệ thống phòng không và hàng hải của Mỹ một cách hiệu quả hơn”.

Mỹ cung cấp cho cả Israel và Ukraine khả năng phòng không. Kyiv cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc bảo vệ lãnh thổ của mình bằng các thiết bị hiện có trước các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga. Mạc Tư Khoa đã liên tục tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự của Ukraine.

Hôm thứ Bảy, Đức cho biết họ sẽ chuyển thêm một hệ thống Patriot cho Ukraine. Patriot do Mỹ sản xuất được coi là tiêu chuẩn vàng về phòng không, được cho là có khả năng đánh chặn một số hỏa tiễn tiên tiến nhất của Nga.

Sáng sớm Chúa Nhật, lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng 10 máy bay không người lái cảm tử Shahed và 4 hỏa tiễn phòng không dẫn đường vào Ukraine trong đêm.

4. Đồng hồ đang điểm: Nga có kho vũ khí dự trữ một năm

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ nhận định như trên trong bài tường trình nhan đề “The Clock Is Ticking: Russia Has A One-Year Reserve Of Weapons”

Khi cuộc chiến rộng lớn hơn của Nga với Ukraine bước sang năm thứ ba, có ba động lực chính đang định hình chiến trường.

Thứ nhất: Nga đã được huy động toàn lực về mặt chính trị, công nghiệp và quân sự. Nhưng việc huy động này đang làm cạn kiệt nguồn lực mà Điện Cẩm Linh không thể tái tạo. Quan trọng nhất là kho vũ khí cổ điển thời Chiến tranh Lạnh.

Nói cách khác, Nga mạnh nhưng mong manh.

Thứ hai: Ukraine cũng đang huy động, nhưng nước này vẫn dựa vào viện trợ nước ngoài để đáp ứng các nhu cầu tài chính và quân sự cấp bách – và các thành viên Quốc Hội tại Hạ viện Hoa Kỳ đang từ chối một phần quyết định của khoản viện trợ đó.

Thứ ba: Chiến thuật của Ukraine vượt trội hơn chiến thuật của Nga, giúp đội hình Ukraine đánh bại đội hình đông hơn nhiều của Nga. Nhưng chiến thuật không còn phù hợp khi nào và ở đâu lực lượng Ukraine hết đạn.

Sự tác động qua lại của ba động lực này giải thích những mâu thuẫn dường như hiển nhiên hàng ngày dọc theo chiến tuyến dài 600 dặm của cuộc chiến rộng lớn hơn. Quân Ukraine đánh bại hầu hết các cuộc tấn công của Nga, gây thương vong thảm khốc cho các nhóm tấn công ngày càng được trang bị kém của Nga.

Nhưng người Nga vẫn tiếp tục tiến lên và tiếp tục chiếm được vị trí. Và người có thể ngăn chặn các bước tiến của người Nga—Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson—cho đến nay vẫn từ chối làm như vậy.

Tất cả những gì Johnson phải làm là đưa ra biểu quyết một dự luật có tỷ lệ ủng hộ áp đảo, trong đó sẽ gửi 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ cho Ukraine. Viện trợ sẽ chi trả cho đạn dược mà lực lượng Ukraine cần để cầm chân lực lượng Nga cho đến khi Nga cuối cùng cạn kiệt kho vũ khí thời Chiến tranh Lạnh dự trữ của họ.

Trong 26 tháng chiến đấu cam go, quân đội Nga đã mất 15.300 xe tăng, phương tiện chiến đấu, pháo và các loại vũ khí khác ở Ukraine, cùng với hàng trăm ngàn binh sĩ. Tổn thất của quân đội Ukraine cũng nặng nề bằng một phần ba.

Tuy nhiên, lực lượng Nga ở Ukraine đang lớn hơn bao giờ hết. Tướng quân đội Mỹ Christopher Cavoli, chỉ huy hàng đầu của NATO, nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện: “Quân đội này hiện nay thực sự đã lớn hơn - 15% - so với thời điểm họ xâm chiếm Ukraine”. “Trong năm qua, Nga đã tăng sức mạnh quân đội tiền tuyến từ 360.000 lên 470.000.”

Điều đó chỉ có thể thực hiện được vì Điện Cẩm Linh đã tuyển hơn 300.000 nam giới bắt đầu từ cuối năm 2022 bên cạnh việc tăng tiền thưởng cho các tình nguyện viên. Đồng thời, các lữ đoàn Nga đã cắt giảm huấn luyện cơ bản cho tân binh nhằm tăng tốc việc đưa các lực lượng mới ra mặt trận.

Nhưng những tân binh mới chưa được chuẩn bị này không thể tồn tại lâu ở tiền tuyến. Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, gần đây, có khoảng 800 đến 1.000 người Nga thiệt mạng mỗi ngày trong cuộc chiến rộng lớn hơn.

Lính Nga chết nhanh như khi đến Ukraine. Bộ Quốc phòng Estonia đã kết luận, trong một nghiên cứu gần đây, rằng việc giết chết 100.000 người Nga trong năm nay sẽ gây tổn hại vĩnh viễn, nếu không muốn nói là làm sụp đổ nỗ lực huy động lực lượng của Điện Cẩm Linh.

Ukraine đang trên đà giết chết 300.000 người Nga trong năm nay. Quân số của Nga không bền vững.

Tổn thất phương tiện của Nga cũng không bền vững. Ngành công nghiệp Nga sản xuất 500 hoặc 600 xe tăng mới và có thể hơn một ngàn phương tiện chiến đấu mới mỗi năm. Quân đội Nga mất hơn một ngàn xe tăng và gần 2.000 phương tiện chiến đấu mỗi năm – và tỷ lệ tổn thất ngày càng tăng.

Có một khoảng trống – khoảng trống mà Điện Cẩm Linh lấp đầy bằng cách rút bớt các kho dự trữ dài hạn và các phương tiện chiến đấu có từ những năm 1970, hoặc thậm chí từ những năm 60 hoặc 50 trong một số trường hợp. Nhưng những chiếc xe cũ này là nguồn tài nguyên hữu hạn. Được xây dựng trong thời kỳ hoàng kim công nghiệp của Liên Xô, chúng không thể được thay thế bằng sản phẩm mới.

Điều đáng lo ngại đối với người Nga là những dự đoán gần đây nhất cho rằng, ngay từ giữa năm 2025, sẽ không còn bất kỳ xe tăng và phương tiện chiến đấu cũ nào được cất giữ trong kho nữa. Artur Rehi, một nhà phân tích và quân nhân người Estonia đã viết: “Thời gian không còn nhiều đối với Nga”.

Chúng ta đã thấy bằng chứng về sự thiếu hụt: Quân đội Nga tham chiến trên những chiếc xe tải chở hàng, không bọc thép, và thậm chí cả xe golf mui trần mà Điện Cẩm Linh mua từ một công ty Trung Quốc.

Không cần phải nói rằng xe golf không thể tồn tại lâu trong cuộc chiến với các đội hỏa tiễn chống tăng hung hãn nhất của Ukraine và những người điều khiển máy bay không người lái lành nghề nhất. Sẽ không có vấn đề gì nếu quân đội Nga ở Ukraine có 300.000 hay 400.000 người nếu những người đó hoàn toàn không được bảo vệ trên chiến trường.

Sự mong manh của quân đội Nga có thể được thể hiện rõ hơn nếu quân đội Ukraine không thiếu đạn dược và đôi khi không có khả năng bắn trả. Khi cuộc tấn công năm 2023 của Ukraine kết thúc vào cuối năm ngoái sau khi đạt được những thành tựu khiêm tốn, Nga đã nắm thế chủ động và tiến hành tấn công dọc theo chiến tuyến.

Thời điểm không thể tồi tệ hơn đối với người Ukraine. Gần như đúng vào thời điểm giữa tháng 10, Chủ tịch Hạ viện Johnson đã từ chối đưa ra biểu quyết về khoản tài trợ mới trị giá 60 tỷ Mỹ Kim mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất cho Ukraine.

Bị tước đi hàng trăm ngàn quả đạn pháo và hàng ngàn hỏa tiễn đất đối không mà Tổng thống Biden hy vọng mua được, lực lượng Ukraine đã phải đưa ra những lựa chọn khó khăn: rút lui khỏi các vị trí mà lẽ ra họ có thể nắm giữ được nếu có đầy đủ hỏa lực.

Một đơn vị đồn trú gồm 2.000 người của Ukraine đã rời khỏi thành phố Avdiivka vào giữa tháng 2 sau khi gây thương vong cho hàng chục ngàn người Nga đang tấn công và sau đó hết đạn. Giờ đây, một đơn vị đồn trú khác gồm 2.000 người của Ukraine cũng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự ở quận kênh đào Chasiv Yar.

Đồng thời, các khẩu đội phòng không tốt nhất của Ukraine đã im lặng trước nhu cầu hỏa tiễn do Mỹ sản xuất. Các thành phố lớn nhất của Ukraine – Kyiv, Kharkiv và Odesa – ngày càng không có khả năng phòng thủ khi ngày càng có nhiều hỏa tiễn và bom của Nga tấn công những thành phố ấy.

Sáu trăm thường dân Ukraine, bao gồm cả trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích vào tháng Ba. Một cuộc tấn công hỏa tiễn vào Kyiv đêm qua đã phá hủy nhà máy điện lớn nhất thành phố, khiến hàng ngàn ngôi nhà và xưởng sản xuất vũ khí quan trọng chìm trong bóng tối. Bridget Brink, đại sứ Mỹ tại Ukraine, hôm qua đã kêu gọi: “Bây giờ cần có thêm lực lượng phòng không và sự hỗ trợ của chúng ta”.

Quân đội Ukraine đang mất đất, nhưng họ đang mất đất trước quân đoàn quân Nga được huấn luyện kém cưỡi trên những chiếc xe cổ. Họ đang mất đất chỉ vì hết đạn. Cavoli nói: “Khả năng của người Ukraine trong việc bảo vệ lãnh thổ mà họ hiện đang nắm giữ và không phận của họ sẽ suy giảm nhanh chóng - sẽ suy giảm rất nhanh chóng - nếu không có sự hỗ trợ tiếp tục của Hoa Kỳ”.

Ngược lại, với sự hỗ trợ của Mỹ, quân đội Ukraine được tái vũ trang có thể bảo vệ các thành phố của mình khỏi các cuộc tấn công của Nga và trên tiền tuyến, đạt được ưu thế về hỏa lực trước quân đội Nga đang nhanh chóng cạn kiệt vũ khí hiện đại.

Bi kịch thay, sự lựa chọn lại không phải do người Ukraine thực hiện. Tùy thuộc vào một người đàn ông, một người Mỹ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là người hiểu rõ chính trị và các rủi ro. “Nếu các đối tác của Ukraine hành động dứt khoát, tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể đánh bại khủng bố Nga trước khi nó lan rộng hơn”, Tổng thống Zelenskiy nói.

5. Chúng tôi ở Ukraine biết rất rõ nỗi kinh hoàng': Zelenskiy lên án cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Iran vào Israel

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ngày 14 Tháng Tư lên án cuộc tấn công trên không quy mô lớn của Iran nhằm vào Israel, cho rằng Ukraine đã quen với “nỗi kinh hoàng của những cuộc tấn công tương tự” và kêu gọi các đồng minh hành động nhiều hơn để ngăn chặn leo thang thêm ở Trung Đông.

Lực lượng Phòng vệ Israel, gọi tắt là IDF, ngày 14 Tháng Tư cho biết Iran đã phóng 170 máy bay không người lái, 30 hỏa tiễn hành trình và 120 hỏa tiễn đạn đạo. Phần lớn đã bị bắn hạ bên ngoài Israel. Theo phát ngôn nhân Lực Lượng Phòng Vệ Israel, Đề Đốc Daniel Hagari, một số hỏa tiễn đạn đạo đã xâm nhập vào lãnh thổ Israel, gây thiệt hại nhỏ cho Căn cứ Không quân Nevatim.

Al Jazeera dẫn lời Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đưa tin, cho biết cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay được cho là có sự tham gia của máy bay không người lái “Shahed” do Iran thiết kế, mà Nga đã tung vào Ukraine hàng ngày trên khắp đất nước.

“Âm thanh của máy bay không người lái 'Shahed', một công cụ khủng bố, giống nhau trên bầu trời Trung Đông và Âu Châu,” Zelenskiy nói trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào. “Âm thanh này phải đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh cho những người tự do, và chứng tỏ rằng chỉ có sự đoàn kết và kiên quyết của chúng ta mới có thể cứu được mạng sống và ngăn chặn sự lây lan của khủng bố trên toàn thế giới.”

Tổng thống Zelenskiy nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi ở Ukraine biết rất rõ sự khủng khiếp của các cuộc tấn công tương tự của Nga, vốn sử dụng cùng máy bay không người lái 'Shahed' và hỏa tiễn của Nga, cùng với chiến thuật tấn công hàng loạt.

Tuyên bố của Zelenskiy được đưa ra vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Ukraine lên án cuộc tấn công của Iran vào Israel và cảnh báo leo thang trong khu vực, đồng thời kêu gọi nỗ lực ngăn chặn “xung đột khu vực lớn hơn”.

Cuộc tấn công nhằm đáp trả cuộc tấn công của Israel vào lãnh sự quán Iran ở Syria vào ngày mùng một tháng Tư như một phần của cuộc chiến tranh Israel-Hamas rộng lớn hơn. Israel đã tấn công vào lãnh sự quán Iran để đáp trả các cuộc tấn công của các nhóm ủy nhiệm của Iran là Hamas và Hezbollah trên lãnh thổ của họ. Nói cách khác, Israel không vô cớ tấn công vào Syria. Hơn thế nữa, cuộc tấn công đáp trả của Iran là không tương xứng. Không thể đáp lại cuộc tấn công một hỏa tiễn bằng cuộc tấn công hơn 300 hỏa tiễn và máy bay không người lái.

Zelenskiy kêu gọi “sự hỗ trợ hữu hình” để tăng cường an ninh quốc tế và “kiên quyết chống lại tất cả những kẻ muốn biến khủng bố thành một điều bình thường mới”.

Tổng thống nhấn mạnh: “Thế giới không thể chờ đợi các cuộc thảo luận tiếp tục diễn ra”. “Lời nói không ngăn được máy bay không người lái và không đánh chặn được hỏa tiễn.”

“Điều quan trọng là Quốc hội Hoa Kỳ phải đưa ra những quyết định cần thiết để tăng cường sức mạnh cho các đồng minh của Mỹ vào thời điểm quan trọng này.”

Mặc dù Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ Mỹ Kim bị trì hoãn vào tháng 2, bao gồm 60 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine và 14 tỷ Mỹ Kim cho Israel, Quốc hội vẫn chưa bật đèn xanh cho gói này.

Hạ viện sẽ xem xét một dự luật ủng hộ Israel vào tuần tới, theo lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Đảng Cộng hòa Steve Scalise. Ông lưu ý rằng thông tin chi tiết sẽ được công bố sau.

Các Dân biểu Hoa Kỳ đang xem xét việc kết hợp viện trợ cho Israel và Ukraine trong cùng một dự luật hoặc xem xét chúng một cách riêng biệt.

6. Sau cuộc tấn công của Iran, Hạ viện hành động tức khắc về viện trợ của Israel, nhưng viện trợ Ukraine tiếp tục lơ lửng

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “House to act on Israel aid, but Ukraine up in the air, after Iran’s attack”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson thề sẽ giải quyết viện trợ cho Israel sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hôm thứ Bảy của Iran và áp lực lưỡng đảng thông qua.

Và điều đó làm dấy lên câu hỏi liệu nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa có hành động dựa trên viện trợ của Ukraine hay không, điều này xảy ra khi các nhà lãnh đạo Ukraine cảnh báo rằng họ đang cạn kiệt nguồn lực để chống lại sự xâm lược quân sự của Nga và khi ông phải đối mặt với các mối đe dọa bị lật đổ bởi một số thành viên của chính mình.

Trong một cuộc phỏng vấn trên “Sunday Morning Futures with Maria Bartiromo” của Fox News, Johnson cho biết ông có kế hoạch tiếp tục với các dự luật viện trợ Israel trong tuần này, mặc dù ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết, lưu ý rằng họ đang “xem xét các lựa chọn trên tất cả các dự luật bổ sung.”

Khi được hỏi về Ukraine, Johnson không cho biết khi nào vấn đề này sẽ được thực hiện hay liệu nó có liên quan đến nguồn tài trợ của Israel hay không. Tuy nhiên, ông trích dẫn chuyến thăm gần đây của ông với Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-A-Lago có trụ sở tại Florida, chỉ ra một số ý tưởng mà trước đây ông đã đưa ra bao gồm việc gửi thêm tiền tới Ukraine dưới dạng cho vay.

Trump đã “đưa ra khái niệm cho vay-cho thuê, một khái niệm thực sự quan trọng mà tôi nghĩ có rất nhiều sự đồng thuận, cũng như những ý tưởng khác, Đạo luật Repo, nhằm tịch thu tài sản của những kẻ đầu sỏ tham nhũng ở Nga để giúp chi trả cho việc này.” Chủ tịch Hạ Viện cho biết, đồng thời lưu ý rằng họ sẽ tập hợp kế hoạch của riêng mình và gửi nó tới Thượng viện. “Tôi nghĩ đây là những ý tưởng mà tôi nghĩ có thể đạt được sự đồng thuận và đó là những gì chúng tôi đã và đang nỗ lực thực hiện.”

Johnson đã chịu áp lực từ cả hai phía trong việc tổ chức một cuộc bỏ phiếu về việc hỗ trợ quân sự cho Kyiv bị đình trệ trong nhiều tháng. Thượng viện đã thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ Mỹ Kim để giúp trang bị vũ khí cho Ukraine, Israel và Đài Loan vào tháng 2.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ Iran - mặc dù hầu hết bị lực lượng phòng không của Israel, Mỹ và các quốc gia khác đánh bại - đã đánh dấu sự leo thang mạnh mẽ ở Trung Đông. Và nó cũng làm dấy lên những lời kêu gọi mới về việc Hạ viện bỏ phiếu về dự luật tăng tốc viện trợ quân sự cho cả Israel và Ukraine.

Nhưng không giống như viện trợ của Israel và Đài Loan, Johnson đang phải đối mặt với các mối đe dọa đối với chức Chủ tịch Hạ Viện của mình từ trong hàng ngũ của chính ông nếu ông đưa dự luật viện trợ cho Ukraine ra bỏ phiếu. Dân biểu Marjorie Taylor Greene vẫn chưa bắt đầu kiến nghị bãi chức Mike Johnson, nhưng bà cho rằng điều đó có thể thay đổi khi quan sát Johnson giải quyết vấn đề viện trợ cho Ukraine như thế nào.

Một số đảng viên Cộng hòa hàng đầu - bao gồm cả ba lãnh đạo của các ủy ban liên quan - lập luận sau các cuộc tấn công rằng Johnson phải tổ chức bỏ phiếu để cấp viện trợ cho cả đồng minh Israel và Ukraine cũng như Đài Loan và các đối tác Thái Bình Dương khác.

Chủ tịch Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul nói rằng liệu dự luật được Thượng viện thông qua có được đưa ra bỏ phiếu hay không “là quyết định của Chủ tịch Hạ Viện”. Ông và các chủ tịch ủy ban an ninh quốc gia khác sẽ thảo luận vấn đề này với Johnson.

“Chúng ta phải hoàn thành việc này. Tôi cầu xin - điều tôi cần giáo dục các đồng nghiệp của mình là tất cả họ phải gắn kết với nhau,” McCaul nói trên chương trình “Face the Nation” của CBS, lập luận rằng các mối đe dọa do Iran, Nga và Trung Quốc gây ra có mối liên hệ với nhau.

“ Tôi có một cam kết rằng nó sẽ được đưa ra sàn, ưu tiên của tôi là trong tuần này,” anh ta nói thêm, thời gian sắp hết.

Chủ tịch Tình báo Hạ viện Mike Turner hôm Chúa Nhật đã dự đoán một dự luật viện trợ tổng hợp cuối cùng sẽ được Hạ viện thông qua trong tuần này với “sự ủng hộ áp đảo”.

“Tôi nghĩ Chủ tịch Hạ Viện đã nói rất rõ ràng: Ông ấy ủng hộ nguồn tài trợ của Ukraine. Ông ủng hộ việc tài trợ cho Israel. Ông ấy ủng hộ gói Á Châu,” Turner, một người ủng hộ hàng đầu của Ukraine trong Đảng Cộng hòa, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Gặp gỡ báo chí” của NBC vào Chúa Nhật. “Đó là một phần của dự luật bổ sung về an ninh quốc gia và ông ấy đã nói rõ rằng ông ấy thấy rằng con đường đó sẽ đến với Hạ viện trong tuần này.”

Và Chủ tịch Dịch vụ Vũ trang Hạ viện Mike Rogers đã nói với POLITICO vào Chúa Nhật rằng ông “100 phần trăm” ủng hộ lời kêu gọi gói bổ sung đầy đủ này.

Johnson cho đến nay đã bỏ qua đề xuất của Thượng viện. Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ ôn hòa đã đưa ra gói nhỏ hơn trị giá 66 tỷ Mỹ Kim, chỉ tập trung tài trợ cho viện trợ quân sự và bao gồm các biện pháp an ninh biên giới.

Một trong những dự luật của Hạ viện dự kiến sẽ được đưa ra tại Hạ viện trong tuần này là dự luật lưỡng đảng do Dân biểu Michelle Steel đứng đầu nhằm mục đích thực hiện vĩnh viễn các lệnh trừng phạt do Đạo luật trừng phạt Iran năm 1996 thiết lập, ngay trước thời hạn dự kiến hết hạn là vào năm 2026, theo một đảng viên Đảng Cộng hòa có hiểu biết trực tiếp về vấn đề này.

Theo một thông cáo báo chí sau khi đạo luật được Ủy ban Đối ngoại thông qua vào năm ngoái, dự luật này nhằm “bảo đảm Mỹ có thể duy trì các biện pháp răn đe quan trọng và gây áp lực lên chế độ Iran để ngăn họ sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Trong những tuần sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas, Johnson đã thúc đẩy một dự luật viện trợ chỉ dành cho Israel. Biện pháp này bị đảng Dân chủ phản đối. Johnson lại nhắc lại đường lối này vào Chúa Nhật, đồng thời chỉ trích Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ Hạ viện vì phản đối các dự luật viện trợ độc lập của Israel.

Trong khi đó, các đảng viên Đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng Johnson cần phải đưa ra bỏ phiếu về gói viện trợ nước ngoài mà Thượng viện đã thông qua hai tháng trước. Thượng viện đã thông qua biện pháp này với sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng và dự luật tài trợ sẽ được chuyển trực tiếp đến bàn của Tổng thống Biden nếu Hạ viện thông qua.

Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby, phát biểu trên “Fox News Sunday”, từ chối cho biết liệu Tổng thống Biden có ký dự luật viện trợ chỉ dành cho Israel hay không. Ông đã thúc đẩy dự luật của Thượng viện.

Kirby nói: “Nếu đạo luật lưỡng đảng đó được thông qua tại Hạ viện, nó sẽ được thông qua,” đồng thời cho rằng đây là cách nhanh nhất để giúp đỡ Ukraine. “Có đủ phiếu bầu cho nó. Vì vậy, thông điệp của chúng tôi gửi đến Chủ tịch Hạ Viện là hãy nêu rõ điều đó tại phiên họp, hãy biểu quyết để viện trợ có thể đến Israel và Ukraine theo cách nhanh nhất có thể - và không cần phải quay lại Thượng viện để đàm phán lại. Chắc chắn là như thế.”

Cuộc tấn công của Iran vào Israel đã chứng kiến một loạt thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện kêu gọi bỏ phiếu về dự luật ngay khi Quốc hội trở lại vào thứ Hai.

“ Thế giới đang bốc cháy. Chúng ta nên sát cánh cùng các đồng minh Đảng Dân chủ của mình và đẩy lùi đối phương của tự do,” lãnh đạo Đảng Dân chủ Hạ viện Hakeem Jeffries cho biết hôm Chúa Nhật. “Hạ viện phải thông qua dự luật an ninh quốc gia lưỡng đảng. Ngày mai.”

Dân biểu Gregory Meeks của New York, đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, gọi biện pháp của Thượng viện là “điều duy nhất có thể được thông qua”.

“Gói duy nhất mà chúng ta nên thực hiện, gói duy nhất mà tôi sẽ ủng hộ là gói đã được lưỡng đảng thông qua tại Thượng viện,” Meeks nói trên chương trình “The Weekend” của MSNBC.

“Chúng tôi có thể thông qua nó vào tối mai khi chúng tôi quay lại. Nó có thể nằm trên bàn của tổng thống vào sáng thứ Ba,” ông nói thêm.

7. Truyền hình Nhà nước Nga muốn Mạc Tư Khoa chinh phục ba tiểu bang của Mỹ

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian State TV Wants Moscow to Conquer Three US States”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Trong lần xuất hiện gần đây trên đài truyền hình nhà nước Nga, nhà khoa học chính trị Nga Sergey Mikheyev cho rằng “đế chế” của đất nước nên phát triển để bao gồm ba tiểu bang của Mỹ.

Đoạn clip về nhận xét này bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội vào hôm thứ Sáu khi nó được chia sẻ bởi Anton Gerashchenko, một nhà phê bình thẳng thắn đối với Nga và là cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine. Mikheyev đề cập đến lãnh thổ mà ông muốn Nga tiếp quản, bao gồm ba tiểu bang ở cực tây của Mỹ và hai quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, ở Âu Châu.

“Tôi muốn đế chế Nga nắm trong tay Alaska, Hawaii, California, Phần Lan và Ba Lan,” ông nói. “Mặc dù Ba Lan và Phần Lan rất hôi hám nhưng thành thật mà nói thì tôi rất muốn chúng. Chúng ta sẽ làm sạch chúng.”

Gần cuối clip, người dẫn chương trình đã nhanh chóng bác bỏ nhận xét của Mikheyev vì “mơ tưởng” xa rời chính trị thực tế.

“Đúng, nhưng một lần nữa, mơ tưởng là một chuyện và chính trị thực tế lại là chuyện khác,” người dẫn chương trình nói.

Trong khi đó, Gerashchenko không coi những bình luận của nhà khoa học chính trị này là viển vông.

Gerashchenko viết: “Các nhà tuyên truyền Nga mơ về trật tự thế giới mới. “Và bạn biết những gì? Họ có ý đó.”

Lãnh thổ mà ngày nay được gọi là Alaska đã bị Nga chiếm làm thuộc địa trước khi được Hoa Kỳ mua vào năm 1867, với số tiền tương đương hiện nay là khoảng 152 triệu Mỹ Kim. Sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào năm 2022 và những lời tuyên bố ngày càng cao về nỗ lực sáp nhập các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, những đề xuất về việc chiếm lại Alaska từ Mỹ đã trở nên phổ biến. Trong một bài đăng trên mạng xã hội vào tháng 12, cũng do Gerashchenko dịch, nhà lập pháp Nga Sergei Mironov cho rằng nước Mỹ đang suy yếu và ám chỉ rằng Nga có thể chiếm lại Alaska bằng vũ lực.

“Bạn có muốn một trật tự thế giới mới không? Của bạn đây. Venezuela đang sáp nhập bang thứ 24 của mình, Guyana-Essekibo. Điều này đang diễn ra ngay trước mặt bá chủ vĩ đại một thời là Mỹ. Tất cả những gì còn lại là Mexico lấy lại Texas và phần còn lại của các vùng lãnh thổ. Đã đến lúc người Mỹ phải nghĩ về tương lai của họ và cả về Alaska.”

Trong một phiên hỏi đáp năm 2014, Putin đã bác bỏ việc chiếm lại Alaska khi bị một cử tri ép về vấn đề này, kêu gọi họ “đừng lo lắng về” nó.

“Tại sao bạn cần Alaska?” Putin hỏi ngược lại có vẻ gắt gỏng. “Nhân tiện, Alaska đã được bán vào khoảng thế kỷ 19. Louisiana được người Pháp bán cho Hoa Kỳ vào khoảng thời gian đó. Hàng ngàn kilômét vuông đã được bán với giá 7,2 triệu Mỹ Kim, mặc dù bằng vàng.” Nhà lãnh đạo Nga cũng gọi việc mua bán này là “quá hời”.

Tuy nhiên, Putin đã gây ra mối lo ngại về Alaska vào tháng Giêng, khi ông ký sắc lệnh phân bổ kinh phí cho việc tìm kiếm, ghi danh và bảo vệ hợp pháp tài sản của Nga ở nước ngoài, bao gồm cả tài sản ở các lãnh thổ cũ của Đế quốc Nga và Liên Xô, trong đó sẽ bao gồm tiểu bang thứ 49 của Hoa Kỳ.
 
Putin cách chức Tướng Dù: Ukraine cạn kiệt đạn dược, lính Nga vẫn bỏ chạy. Viện trợ Kyiv đến đâu?
VietCatholic Media
15:03 16/04/2024


1. Putin cách chức các chỉ huy trong bối cảnh không chiếm lại được các đầu cầu của quân Ukraine ở Kherson

Hai chỉ huy Nga đã bị cách chức vì không chiếm lại được các khu vực phía nam Ukraine đã bị mất trong cuộc phản công của Kyiv vào mùa hè năm ngoái, theo các nguồn tin thân Điện Cẩm Linh.

Tư Lệnh Quân Đoàn Tổng Hợp số 18 của Nga, đang chiến đấu gần Krynky, ở phía nam Kherson, đã bị sa thải cùng với chỉ huy của Trung đoàn súng trường cơ giới số 70, đang chiến đấu gần Robotyne ở tỉnh Zaporizhia, theo cho các blogger quân sự Nga.

Người đầu tiên là Trung tướng Arkady Marzoev mặc dù nhà lãnh đạo đơn vị sau không được kênh Telegram Pozivnoy nêu tên trong một bài đăng được chia sẻ bởi các blogger quân sự nổi tiếng khác vào hôm Thứ Hai, 15 Tháng Tư.

Trong bản cập nhật mới nhất, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết cho đến nay Quân Đoàn Tổng Hợp thứ 18 của Nga đã thất bại trong cố gắng đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine và nỗ lực đẩy lực lượng của Kyiv khỏi bờ đông sông Dnipro của vùng Kherson, nơi họ thiết lập một đầu cầu chiến thuật vào tháng 11.

Cả hai đơn vị đều không giành lại được các lãnh thổ mà lực lượng Ukraine đã chiếm được ở tỉnh Zaporizhzhia và Kherson trong cuộc tấn công mùa hè năm ngoái. ISW cho biết các bộ phận của Trung đoàn súng trường cơ giới số 70 đã bị “suy thoái đáng kể” trong các cuộc phản công định kỳ nhằm chiếm lại lãnh thổ xung quanh Robotyne kể từ tháng 9 năm 2023.

Tổ chức nghiên cứu Washington, DC cho biết, Mạc Tư Khoa có thể đang hy vọng ban lãnh đạo mới sẽ dẫn đến giành được lãnh thổ xung quanh Robotyne và Krynky, để họ có thể tuyên bố rằng họ đã xóa bỏ kết quả của cuộc phản công của Ukraine.

Diễn biến này xảy ra sau khi Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi nói rằng Nga đã đặt mục tiêu chiếm thị trấn Chasiv Yar, ngay phía tây thành phố Bakhmut bị Nga tạm chiếm, trước ngày 9 tháng 5, là dịp Ngày Chiến thắng, đánh dấu vai trò của Liên Xô trong việc đánh bại Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai.

Ông nói rằng quân đội Nga đang cố gắng đột phá phía tây Bakhmut trong nỗ lực tiếp cận Kênh đào Siverskyi Donets để chiếm Chasiv Yar và tiến xa hơn về phía Kramatorsk.

“Việc thực hiện kế hoạch của đối phương bị cản trở bởi sự phòng thủ anh dũng của các chiến binh của chúng ta,” Syrskyi cho biết như trên hôm Chúa Nhật, đồng thời ca ngợi quân đội Ukraine “đã bò xuống đất theo đúng nghĩa đen, trấn áp các cuộc tấn công hàng ngày của đối phương”.

Bình luận của ông được đưa ra sau cảnh báo ông đưa ra tuần trước rằng tình hình ở mặt trận phía đông Ukraine đã “xấu đi đáng kể trong những ngày gần đây” khi Nga tăng cường tấn công ở phía đông kể từ cuộc bầu cử tổng thống vào tháng trước.

2. Johnson lên kế hoạch bỏ phiếu riêng tại Hạ viện về viện trợ Israel, Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Johnson plans separate House votes on Israel, Ukraine aid”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson có kế hoạch tổ chức các cuộc bỏ phiếu riêng biệt trong tuần này về các gói hỗ trợ mới cho Israel và Ukraine, nhằm mục đích tập hợp các liên minh mong manh để hỗ trợ cả hai đồng minh đang gặp khó khăn.

Động thái này nhằm vượt qua sự phản kháng của các thành viên Quốc Hội chống đối việc hỗ trợ Kyiv và giải quyết cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái gần đây của Iran vào Israel. Bloomberg đưa tin, bằng cách tận dụng cảm giác cấp bách của nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ để sát cánh cùng Israel sau vụ tấn công, Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson muốn đánh giá quyết tâm của các phe phái cực đoan trong việc ngăn chặn viện trợ cho Ukraine.

Dân biểu Cộng hòa quá khích Marjorie Taylor Greene của Georgia đã đe dọa sẽ kích hoạt một cuộc bỏ phiếu để loại bỏ Chủ tịch Hạ Viện nếu bất kỳ sự hỗ trợ nào cho Ukraine được xem xét tại Hạ viện.

Vào ngày 15 tháng 4, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết trong một cuộc họp ngắn rằng “chúng tôi sẽ không chấp nhận một dự luật viện trợ riêng” cho Israel. “Một dự luật viện trợ riêng thực sự sẽ không giúp ích được gì cho Israel và Ukraine. Nó thực sự sẽ trì hoãn những viện trợ cần thiết,” Jean-Pierre lưu ý, đồng thời kêu gọi Hạ viện thông qua dự luật viện trợ trị giá 95 tỷ Mỹ Kim cho Israel, Ukraine và Đài Loan.

Việc Mỹ chậm trễ hỗ trợ Ukraine đã ảnh hưởng trực tiếp đến chiến trường, dẫn đến việc mất thành phố tiền tuyến quan trọng Avdiivka. Với tình hình leo thang ở mặt trận phía Đông và việc Nga tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nhấn mạnh việc Quốc hội Mỹ không phê duyệt viện trợ quân sự có thể khiến Ukraine thua cuộc.

Lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo quốc hội đã đạt được “sự đồng thuận” vào ngày 14 Tháng Tư về nhu cầu cấp thiết của Quốc hội là nhanh chóng cung cấp viện trợ cho Israel và Ukraine. Schumer bày tỏ sự lạc quan rằng các hành động sẽ được thực hiện trong tuần này để hỗ trợ cả hai quốc gia, như ông đã đề cập trong cuộc họp báo ở New York.

3. Kh-69 là gì? Hỏa tiễn hành trình cận âm mới của Nga 'nguy hiểm hơn' Dagger

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “What Is Kh-69? Russia's New Subsonic Cruise Missile 'Worse' Than Dagger”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Việc Mạc Tư Khoa triển khai một loại hỏa tiễn hành trình mới ở Ukraine đã làm dấy lên lo ngại rằng Vladimir Putin hiện nay sở hữu một loại vũ khí “nguy hiểm hơn” so với hỏa tiễn đạn đạo siêu thanh “Dagger” nhanh hơn mà Tổng thống Nga từng khoe khoang trước đó.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, hôm thứ Sáu cho biết Nga đang sản xuất và triển khai một hỏa tiễn hành trình cận âm mới, được đặt tên là Kh-69, nhằm tiếp tục bắn phá cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Lần đầu tiên Ukraine đề cập đến việc Nga sử dụng chúng là vào tháng 2 mặc dù đã có những trường hợp cá biệt vào năm ngoái.

Cơ quan nghiên cứu Washington DC cho biết hỏa tiễn cận âm không đối đất đã được sử dụng trong cuộc tấn công hôm thứ Năm nhằm phá hủy máy biến áp, tua-bin và máy phát điện của Nhà máy Nhiệt điện Trypilska ở Kyiv.

Mặc dù không nhanh bằng hỏa tiễn đạn đạo siêu thanh phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal – từ tiếng Nga có nghĩa là “dao găm” – cơ quan truyền thông Defense Express của Ukraine đưa tin rằng Kh-69 “xét về những hậu quả của nó đối với người Ukraine, có thể nguy hiểm hơn”.

Cơ quan truyền thông cho biết, mặc dù có tốc độ cận âm và có đầu đạn nhỏ hơn Kh-47M2, một trong sáu loại vũ khí siêu thanh được ông Putin tiết lộ năm 2018, “việc Nga sử dụng hỏa tiễn Kh-69 có thể được coi là một tai ương tồi tệ hơn đối với Ukraine”.

Lực lượng Nga có thể phóng Kh-69 từ khoảng cách 240 dặm cách xa mục tiêu của họ. ISW cho biết, con số này vượt quá phạm vi ước tính trước đó là 190 dặm và gấp đôi phạm vi 120 dặm của biến thể Kh-59MK2 gần đây nhất.

Ngoài phạm vi mở rộng, Kh-69 còn có thể được phóng từ máy bay chiến thuật Sukhoi Su-34 và Su-35 vốn phổ biến hơn máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95MS và máy bay đánh chặn MiG-31K thường được sử dụng trong các cuộc tấn công hỏa tiễn.

Phát ngôn nhân Không quân Ukraine, Đại Úy Ilya Yevlash, cho biết Kh-69 là phiên bản cải tiến của hỏa tiễn hành trình Kh-59 mà Mạc Tư Khoa đã sử dụng để nhắm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine trong vài tuần qua.

Tuy nhiên, ông nói rằng khả năng sản xuất hỏa tiễn của Nga phụ thuộc vào việc họ có thể được cung cấp các phụ tùng quan trọng hay không và Mạc Tư Khoa khó có thể sản xuất chúng nhanh hơn so với các hỏa tiễn khác được sản xuất trong nước.

Ông nói rằng các lực lượng Ukraine vẫn đang phát triển các phương pháp chống lại Kh-69 nhưng các hệ thống phòng không Patriot có thể sẽ đánh chặn được chúng.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Đức hôm thứ Bảy thông báo rằng họ sẽ cung cấp một hệ thống Patriot khác để “tăng cường hơn nữa” khả năng phòng không của Ukraine sau các cuộc không kích gần đây của Nga.

4. Iran đưa ra mối đe dọa mới đối với Mỹ

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Iran Issues Fresh Threat to U.S.”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Iran đã cảnh báo Israel về một cuộc tấn công lớn hơn nếu nước này trả đũa cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn của Iran, đồng thời nói thêm rằng các căn cứ của Mỹ sẽ trở thành mục tiêu nếu Washington hỗ trợ Israel trong bất kỳ hoạt động quân sự nào chống lại Tehran.

Iran đã bắn hơn 300 máy bay không người lái và hỏa tiễn vào Israel vào cuối ngày thứ Bảy, để đáp trả cuộc tấn công ngày 1 tháng 4 mà nhiều người đổ lỗi cho Israel nhằm vào tòa nhà lãnh sự quán Iran ở Damascus, Syria, khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có hai tướng cao cấp của Iran.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết lực lượng Mỹ đã giúp Israel bắn hạ “gần như toàn bộ” máy bay không người lái và hỏa tiễn. Ông cho biết ông sẽ triệu tập một cuộc họp của các đồng minh vào Chúa Nhật “để điều phối một phản ứng ngoại giao thống nhất trước cuộc tấn công trắng trợn của Iran”.

Thiếu tướng Mohammad Hossein Bagheri, tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Iran, nói với truyền hình nhà nước rằng phản ứng của Iran “sẽ lớn hơn nhiều so với hành động quân sự tối nay nếu Israel trả đũa Iran”.

Bagheri nói rằng Tehran đã liên lạc với Mỹ thông qua Đại sứ quán Thụy Sĩ, nơi giải quyết các lợi ích của Mỹ ở Iran khi không có quan hệ ngoại giao, rằng bất kỳ sự ủng hộ nào cho hành động trả đũa của Israel chống lại Iran sẽ khiến các căn cứ khu vực của Mỹ trở thành mục tiêu.

“Nếu Mỹ tham gia vào các hành động gây hấn tiếp theo của Israel thông qua các căn cứ mà họ có ở khu vực Trung Đông hoặc các cơ sở quân sự mà họ có trong khu vực và thông tin này được xác nhận với chúng tôi, thì các căn cứ của họ trong khu vực sẽ không hãy an toàn,” anh nói.

Theo hãng thông tấn nhà nước IRNA, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho biết nước này đã dạy cho Israel “một bài học khó quên”. Ông cũng cảnh báo rằng “bất kỳ hành động mới nào chống lại lợi ích của Iran sẽ gặp phải phản ứng cứng rắn và đáng tiếc”.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết nước ông không có ý định tiếp tục hoạt động quân sự chống lại Israel.

Ông gọi cuộc tấn công là “thực thi quyền phòng thủ hợp pháp”, đồng thời nói thêm rằng nó cho thấy đường lối có trách nhiệm của Iran đối với “hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế”.

Ông nói thêm: “Vào thời điểm này, Cộng hòa Hồi giáo Iran không có ý định tiếp tục các hoạt động quân sự, nhưng nếu cần, họ sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình trước bất kỳ hành động xâm lược mới nào”.

Trong cuộc gặp với các đại sứ nước ngoài hôm Chúa Nhật, Amir-Abdollahian cho biết Iran không tìm cách tấn công vào các lực lượng hoặc căn cứ của Mỹ, theo hãng thông tấn Tasnim.

Tuy nhiên, ông cho biết những nơi có căn cứ của Mỹ đã được cảnh báo rằng nếu không phận hoặc lãnh thổ của họ được Mỹ sử dụng để hỗ trợ hành động quân sự của Israel thì các căn cứ đó sẽ trở thành mục tiêu.

Ông nói: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi chưa bao giờ hoan nghênh sự leo thang căng thẳng trong khu vực”. “Hôm nay chúng tôi đã nói với Tòa Bạch Ốc rằng hoạt động của chúng tôi có giới hạn và nhằm mục đích trừng phạt chế độ Phục quốc Do Thái.”

Iran và Israel từ lâu đã tiến hành một cuộc chiến tranh trong bóng tối, nhưng cuộc tấn công hôm thứ Bảy là lần đầu tiên Iran tiến hành một cuộc tấn công quân sự trực tiếp từ lãnh thổ của mình vào Israel.

“Chúng tôi đã chặn được họ. Cùng nhau, chúng ta sẽ giành chiến thắng”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết như trên, nhưng vẫn chưa rõ Israel sẽ phản ứng như thế nào.

Nó xảy ra khi căng thẳng trong khu vực lên đến mức cao nhất kể từ khi Israel phát động cuộc chiến chống lại Hamas ở Dải Gaza sáu tháng trước, sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 khiến 1.200 người ở Israel thiệt mạng và 250 người khác bị bắt làm con tin. Kể từ đó, cuộc tấn công của Israel ở Gaza đã giết chết hơn 33.000 người Palestine, hãng tin AP đưa tin, dẫn lời các quan chức y tế địa phương.

5. Cuộc tấn công mới nhất của Nga vào Kharkiv khiến 2 người thiệt mạng, và ít nhất 4 người bị thương

Hôm Thứ Ba, 16 Tháng Tư, Thống đốc Oleh Syniehubov đưa tin lực lượng Nga đã tấn công làng Lukiantsi ở tỉnh Kharkiv bằng một quả bom dẫn đường trên không, khiến 2 người thiệt mạng và ít nhất 4 người bị thương.

Các khu định cư ở tỉnh Kharkiv phía đông bắc Ukraine hứng chịu các cuộc tấn công hàng ngày của Nga do nằm gần tiền tuyến và biên giới với Nga.

Syniehubov cho biết trên Telegram rằng Nga đã tấn công một cơ sở giáo dục ở Lukiantsi vào khoảng 2 giờ chiều giờ địa phương.

“Hai người đã thiệt mạng và số người bị thương đang được xác định. Tất cả các nạn nhân đều là dân thường.”

Theo Syniehubov, số thương vong dân sự tăng lên vào khoảng 4:45 chiều giờ địa phương, khi hai phụ nữ, 63 và 66 tuổi, và hai người đàn ông, 38 và 65 tuổi, được xác nhận bị thương.

Lukiantsi nằm cách Kharkiv, thủ phủ của khu vực, khoảng 20 km về phía đông bắc và chỉ cách biên giới với vùng Belgorod của Nga vài km.

Quân đội Nga đã tấn công vào 15 khu định cư ở Kharkiv trong đêm và ngày 14 tháng 4, giết chết một phụ nữ 57 tuổi và làm bị thương một phụ nữ khác, Syniehubov đưa tin trước đó.

6. Zelenskiy: Nga tiếp tục được tiếp cận phụ tùng hỏa tiễn, máy bay không người lái

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối thứ Hai, 15 Tháng Tư, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy than thở rằng viện trợ quân sự cho Ukraine vẫn còn bị hạn chế, trong khi Nga tiếp tục được tiếp cận “các thành phần quan trọng cần thiết để sản xuất hỏa tiễn và máy bay không người lái”.

“Mỗi hỏa tiễn nhắm vào Ukraine chứa ít nhất hàng chục phụ tùng – thiết bị điện tử, chip – do các công ty từ các nước khác cung cấp và nhập khẩu qua lãnh thổ các nước láng giềng của Nga”

“ Tất cả những điều này phải và có thể bị ngăn chặn. Chúng ta phải ngăn chặn việc dung túng khủng bố, và chặn đứng khả năng của những kẻ khủng bố tìm kiếm đồng minh trên khắp thế giới; và chặn đứng bản thân sự khủng bố của Nga dưới mọi biểu hiện của nó”.

Zelenskiy nói thêm rằng thực tế là “các lệnh trừng phạt chống lại Nga vẫn đang bị phá vỡ” và Ukraine đã chờ đợi viện trợ quân sự của Mỹ trong nhiều tháng “khiến cho sự tự tin của những kẻ khủng bố cũng đã tăng lên trong nhiều tháng”.

Ông nói: “Chúng ta không thể lãng phí thêm thời gian nữa.

Viện trợ của Mỹ cho Ukraine đã bị trì hoãn kể từ mùa thu năm 2023 do nhiều phiên bản khác nhau của dự luật viện trợ nước ngoài đã bị chệch hướng do những bất đồng về an ninh biên giới. Một số thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã từ chối ủng hộ gói viện trợ về mặt nguyên tắc, chủ trương phản đối viện trợ cho Kyiv.

Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược liên tục do không có sự hỗ trợ thêm.

Trong cùng bài phát biểu, ông Zelenskiy cũng cho rằng tình hình hiện tại trên chiến tuyến ở Ukraine ngày càng khó khăn, đặc biệt là ở hướng Donetsk bị Nga tạm chiếm.

Trước đó cùng ngày, Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết giới lãnh đạo quân sự Nga đặt mục tiêu chiếm thị trấn Chasiv Yar, ngay phía tây Bakhmut bị Nga tạm chiếm ở tỉnh Donetsk, vào ngày 9 tháng 5.

Vào ngày 9 tháng 5, Nga kỷ niệm Ngày Chiến thắng, một ngày lễ quân sự quan trọng đánh dấu chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai.

Syrskyi cho biết quân đội Nga đang tập trung nỗ lực đột phá phía tây Bakhmut bị tạm chiếm. Ông giải thích rằng họ đang cố gắng tiếp cận kênh Siversky Donets, một tuyến đường thủy nhân tạo ở phía nam con sông Siversky Donets, và chiếm giữ Chasiv Yar – để tiến xa hơn về phía vùng đông dân cư Kramatorsk.

Syrskyi nói: “Kế hoạch của đối phương đang bị cản trở bởi sự phòng thủ anh dũng của các lữ đoàn của chúng ta, những người đã tự đào sâu vào lòng đất theo đúng nghĩa đen, ngăn chặn các cuộc tấn công hàng ngày của đối phương”.

7. Kyiv cho biết Nga đặt mục tiêu chiếm được mục tiêu quan trọng mới trong vài tuần tới

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Aiming To Capture New Critical Target in Weeks: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng tư lệnh Ukraine cho biết các lực lượng Nga hy vọng sẽ chiếm được khu định cư phía đông Chasiv Yar trong vài tuần tới sau khi ông cảnh báo giao tranh ở miền đông Ukraine đã “trở nên tồi tệ hơn đáng kể”.

Quân đội Nga đang nỗ lực chiếm Chasiv Yar trước ngày 9 tháng 5, Tư lệnh quân đội Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết như trên hôm Chúa Nhật, 14 Tháng Tư.

Thị trấn nằm ở phía tây Bakhmut, nơi quân Nga chiếm được vào tháng 5 năm 2023 sau nhiều tháng giao tranh gay gắt và đẫm máu. Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, đánh giá hôm thứ Bảy rằng việc chiếm được Chasiv Yar sẽ “cho phép Nga tấn công vào vành đai các thành phố pháo đài quan trọng về mặt hoạt động của Ukraine”. Viện này cho biết Nga hiện đang ở vùng ngoại ô phía đông của Chasiv Yar.

Những “thành phố pháo đài” này phần lớn nằm ở phía tây của tiền tuyến hiện tại, chạy dọc từ Sloviansk đến Kramatorsk, sau đó xa hơn về phía nam đến Druzhkivka và Kostiantynivka.

Tổ chức nghiên cứu này cho biết, việc chiếm giữ Chasiv Yar cũng có thể giúp Nga cắt đứt khu định cư Kostiantynivka, cách tiền tuyến khoảng 12 km hoặc chỉ hơn 7 dặm, điều này sẽ làm tổn hại đến “xương sống phòng thủ của Ukraine” ở khu vực Donetsk.

Việc Nga tấn công lực lượng phòng thủ của Ukraine dọc theo mặt trận phía đông diễn ra trong lúc mối lo ngại ở Kyiv về tương lai viện trợ quân sự của Mỹ - một trụ cột quan trọng hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine - ngày càng sâu sắc. Một gói trị giá 60 tỷ Mỹ Kim đã bị trì hoãn tại Quốc hội, do đấu tranh chính trị nội bộ, chỉ vài tuần trước khi một cuộc tấn công được dự đoán của Nga sẽ diễn ra sớm nhất là vào cuối tháng 5.

Các quan chức Ukraine và các nhà phân tích phương Tây cho rằng việc thiếu các nguồn lực quan trọng như đạn dược đã hạn chế khả năng của Ukraine trong việc chống lại các hoạt động của Nga.

Tư lệnh quân đội cho biết Mạc Tư Khoa đang cố gắng “xuyên thủng hệ thống phòng thủ của chúng tôi ở phía tây Bakhmut”, giành quyền kiểm soát Chasiv Yar và “tạo điều kiện để tiến xa hơn” về phía thành phố Kramatorsk của Donetsk. Thành phố nằm ở phía tây bắc Chasiv Yar.

Syrskyi cho biết Ukraine đã tăng cường phòng thủ, bao gồm hệ thống tác chiến điện tử, sử dụng máy bay không người lái và cung cấp đạn dược dọc mặt trận phía đông.

Trong suốt hơn 25 tháng chiến tranh toàn diện, khu vực phía đông Donetsk của Ukraine vẫn là điểm nóng của các cuộc đụng độ. Sự thất thủ của Bakhmut năm ngoái và việc chiếm được Avdiivka, thành trì cũ của Ukraine vào tháng 2/2024, là hai chiến thắng lớn nhất của Nga trong năm qua, cả hai đều nằm ở Donetsk.

Syrskyi cho biết hôm thứ Bảy rằng Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào mặt trận phía đông chạy qua Donetsk trong tháng qua. Ông nói thêm như trên rằng giao tranh dọc khu vực tiền tuyến này “trở nên tồi tệ hơn đáng kể trong những ngày gần đây”.

Syrskyi cho biết, Nga đang “tích cực tấn công” gần thị trấn Lyman của Donetsk, phía bắc Bakhmut và dọc tuyến phía tây nam Bakhmut. Về phía thành phố Pokrovsk, phía tây nam Bakhmut, Mạc Tư Khoa đang sử dụng “hàng chục” xe tăng và xe chiến đấu bộ binh để cố gắng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Ukraine, nhà lãnh đạo quân đội cho biết thêm.

Tổ chức nghiên cứu ISW cho biết hôm thứ Bảy rằng Nga dường như đang đặt “sự nhấn mạnh thay thế” vào những nỗ lực của mình xung quanh Lyman, Chasiv Yar và Pokrovsk. ISW cho biết thêm: “Các lực lượng Ukraine đã phòng thủ thành công trước các nỗ lực tấn công cấp độ hoạt động kiểu này trước đây của Nga khi họ có các nguồn lực mà Mỹ hiện đang giữ lại “.

Viện nghiên cứu đánh giá: “Các lực lượng Ukraine hiện đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt đáng kể cả đạn pháo và phương tiện phòng không, cả hai đều là những thành phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ của họ và các lực lượng Nga đang tận dụng những sự thiếu hụt này cũng như điều kiện thời tiết được cải thiện”.

Syrskyi cho biết hôm thứ Bảy rằng các hoạt động của Nga đã được hỗ trợ bởi “thời tiết khô ráo, ấm áp, khiến hầu hết các khu vực trống trải trên địa hình đều có thể tiếp cận được với xe tăng”.

8. Thăm dò, một nửa thanh niên Pháp sẵn sàng chiến đấu ở Ukraine để bảo vệ nước Pháp

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Poll: Half of French youth willing to fight in Ukraine to defend France”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Theo một cuộc thăm dò do tờ báo Pháp Le Parisien công bố vào ngày 12 Tháng Tư, hơn một nửa số công dân trẻ Pháp sẽ chiến đấu ở Ukraine để bảo vệ nước Pháp.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quân sự, gọi tắt là IRSEM, và Tổng cục Chiến lược và Quan hệ Quốc tế, gọi tắt là DGRIS, đã khảo sát 2.300 thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 25 vào mùa hè năm ngoái.

Các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Pháp đã đặt câu hỏi: “Nếu việc bảo vệ nước Pháp yêu cầu nước này tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine, liệu bạn có sẵn sàng bảo vệ đất nước của mình không?”

Trong số những người được hỏi, 51% nói có, trong đó có 17% chắc chắn đồng ý và 34% trả lời “có thể có”.

Công dân trẻ Pháp cũng ủng hộ việc triển khai quân đội Pháp tới Ukraine hơn thế hệ cũ. Trong cuộc khảo sát, 31% thanh niên có suy nghĩ tích cực về việc triển khai quân Pháp ở Ukraine, trong khi chỉ có 17% những người trên 50 tuổi đồng tình.

Trước mối đe dọa hạt nhân của Nga, 69% người tham gia bày tỏ lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Gần một nửa cho biết việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại một quốc gia trong một cuộc chiến tranh lớn là có thể chấp nhận được.

Với việc Ukraine đang phải đối mặt với những khó khăn trên chiến trường, bị cản trở bởi nguồn tài trợ chậm trễ từ Mỹ và thâm hụt vũ khí, một số nước Âu Châu ngày càng lo ngại rằng chiến tranh có thể lan rộng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 14 Tháng Ba gọi việc Nga xâm lược Ukraine là vấn đề “sống còn” đối với Pháp và Âu Châu. Vào tháng 2, tổng thống nói rằng ông sẽ không loại trừ khả năng đưa quân phương Tây tới Ukraine.

Estonia và Cộng hòa Tiệp cũng cho rằng Âu Châu không nên bác bỏ ý tưởng triển khai quân đội cho các nhiệm vụ phi chiến đấu.

Ukraine không yêu cầu quân đội phương Tây mà thay vào đó yêu cầu thêm viện trợ quân sự để giúp đỡ binh sĩ Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói với đài truyền hình Pháp BFMTV hôm 11 Tháng Ba rằng “bao lâu Ukraine còn cầm cự được, quân đội Pháp có thể ở lại lãnh thổ Pháp”.

9. Zelenskiy nói với Mỹ: Cuộc tấn công của Iran vào Israel là 'lời cảnh tỉnh' để củng cố các đồng minh của Mỹ

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelenskyy to US: Iran’s attack on Israel is ‘wake-up call’ to fortify America’s allies”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết cuộc tấn công của Iran vào Israel tối thứ Bảy là một “lời cảnh tỉnh” để Washington tiếp tục hỗ trợ các đồng minh của Mỹ.

“Điều quan trọng là Quốc hội Hoa Kỳ phải đưa ra những quyết định cần thiết để tăng cường sức mạnh cho các đồng minh của Mỹ vào thời điểm quan trọng này,” Zelenskiy nói sau vụ tấn công hỏa tiễn và máy bay không người lái của Tehran vào Israel trong đêm – ám chỉ sự chậm lại gần đây của viện trợ và những tác động dây chuyền mà nó có thể gây ra đối với an ninh toàn cầu.

“Ukraine lên án cuộc tấn công của Iran vào Israel bằng cách sử dụng máy bay không người lái và hỏa tiễn 'Shahed',” Zelenskiy nói, và đưa ra sự tương đồng giữa chiến thuật của Tehran và chiến thuật mà Mạc Tư Khoa sử dụng để chống lại Ukraine.

Kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc tế thực hiện “mọi nỗ lực” để “ngăn chặn sự leo thang hơn nữa” cuộc chiến ở Trung Đông, nhà lãnh đạo Ukraine lập luận rằng “các hành động của Iran đe dọa toàn bộ khu vực và thế giới, giống như hành động của Nga đe dọa một cuộc xung đột lớn hơn”.

Và sau đó ông đưa quan điểm của mình về Ukraine: “Lời nói không ngăn được máy bay không người lái và không đánh chặn được hỏa tiễn. Chỉ có sự hỗ trợ hữu hình mới làm được điều đó.”

Ông cũng đề cập đến một gói viện trợ lớn của Mỹ đã bị cản trở bởi sự tranh cãi giữa các đảng phái trong Quốc hội Mỹ, khi sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine nói chung đã mất đà trong những tháng gần đây. Hôm thứ Bảy, Đức cuối cùng đã đồng ý gửi hệ thống phòng không Patriot tới Kyiv để giúp bảo vệ Ukraine khỏi hỏa tiễn đạn đạo của Nga. Nhưng Berlin vẫn tiếp tục từ chối cung cấp hỏa tiễn hành trình Taurus.

Trong tháng qua, chính phủ Kyiv đã kêu gọi Mỹ và các đối tác phương Tây khác gửi thêm lực lượng phòng không tới Ukraine khi Nga bắn phá nước này bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái. Nếu xung đột ở Trung Đông leo thang, một số nhà quan sát tin rằng điều đó sẽ làm tổn hại đến sự ủng hộ cho các nỗ lực chiến tranh của Kyiv.

Maksym Skrypchenko, chủ tịch Trung tâm Đối thoại xuyên Đại Tây Dương Ukraine, nói với POLITICO trong một cuộc phỏng vấn rằng một cuộc xung đột rộng hơn “có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Ukraine”. Ông nói: “Nếu các nguồn lực được chuyển sang Israel, thì còn lại ít hơn cho Ukraine… bất kỳ cuộc xung đột nào tiêu tốn các nguồn tài nguyên mà Ukraine cần đều ảnh hưởng tiêu cực đến chúng tôi”.

Ông đặc biệt lưu ý đến các hệ thống phòng không, cũng như đạn pháo và các vật tư quân sự khác. Mặt khác, Skrypchenko nói thêm, cuộc tấn công của Iran vào Israel có thể “củng cố” nỗ lực của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson trong việc thuyết phục nhiều đảng viên Cộng hòa thông qua dự luật bổ sung an ninh quốc gia đang bị đình trệ, trong đó sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự cho Israel, Ukraine và Đài Loan.

Skrypchenko nói: “Gói viện trợ riêng cho Israel trước đây không thành công, vì vậy việc kết hợp nó với viện trợ cho Ukraine có thể là đường lối khả thi duy nhất”. “Lý do rất thuyết phục: Israel phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng cùng loại vũ khí mà Iran cung cấp cho Nga.”

Kể từ cuộc tấn công của Iran, bản thân Johnson đã nhấn mạnh sự ủng hộ của ông đối với việc thông qua gói hàng.

“Các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Đảng Cộng hòa hiểu sự cần thiết của việc sát cánh cùng Israel,” Johnson nói với Fox News hôm Chúa Nhật. “Chúng tôi sẽ thử lại trong tuần này và các chi tiết của gói đó hiện đang được tổng hợp lại. Chúng tôi đang xem xét các phương án cho tất cả các vấn đề bổ sung này.”

Sự miễn cưỡng của phương Tây trong việc cung cấp tài chính và vũ khí xảy ra vào thời điểm các lực lượng của Mạc Tư Khoa đang đạt được tiến bộ trên chiến trường và Putin, vừa mới giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử bị bóp méo, đang tận dụng mọi cơ hội để tăng cường tấn công vào Điện Cẩm Linh.
 
Ăn mặc như linh mục để trộm cướp, vừa sa lưới cảnh sát Cali. Nhà Trừ Tà cảnh cáo những ai đi coi bói
VietCatholic Media
15:48 16/04/2024


1. Cảnh sát bắt được người đàn ông ăn mặc như linh mục để cướp các giáo xứ Công Giáo tại California

Cảnh sát ở California vừa thông báo bắt giữ một người đàn ông giả dạng linh mục để tiếp cận và cướp bóc một số giáo xứ Công Giáo trên khắp đất nước.

Nhiều giáo xứ Công Giáo ở cả New York và Texas trong vài tháng qua cho biết đã gặp phải một người đàn ông, trong một số trường hợp, tự nhận mình là “Cha Martin” và người này đã tìm cách xâm nhập vào các giáo xứ để đánh cắp hàng trăm đô la.

Kẻ lừa đảo gần đây nhất đã được báo cáo tại một số giáo xứ ở khu vực New York; và có lần anh ta đã thành công trong việc đánh cắp gần 1.000 đô la.

Hôm thứ Năm, Sở Cảnh sát Quận Riverside ở Riverside, California, đã thông báo rằng họ đã bắt giữ cá nhân bị nghi ngờ thực hiện những vụ lừa đảo đó.

Sở cảnh sát cho biết một ngày trước đó họ đã xác định được một chiếc xe hơi phù hợp với mô tả về chiếc xe có liên quan đến vụ cướp.

Cảnh sát cho biết: “Người điều khiển phương tiện, được xác định là Malin Rostas, 45 tuổi, cư dân New York, đã bị bắt giam vì lệnh truy nã trọng tội ở Pennsylvania vì tội trộm cắp”.

Các nhà điều tra địa phương “đã phát hiện ra Rostas là 'Cha Martin' và vừa định đột nhập một nhà thờ địa phương.

Cảnh sát cho biết Rostas đã bị bắt theo lệnh truy nã còn tồn đọng và anh ta sẽ bị buộc tội bổ sung về tội cố ý trộm cắp.

Họ cho biết văn phòng cảnh sát trưởng “tin rằng có thể có thêm nạn nhân của vụ trộm”. Cuộc điều tra vụ án đang được tiến hành.

Tại New York vào tháng trước, kẻ lừa đảo đã vào một giáo xứ ở Queens cũng như nhà mẹ của các nữ tu Dòng Thánh Đôminicô Amityville ở Long Island. Anh ta cũng được cho là đã cố gắng lừa đảo tại một giáo xứ ở Brooklyn vào năm ngoái.

Trong khi đó, vào mùa thu năm ngoái, anh ta đã xuất hiện tại sáu giáo xứ khác nhau trong Giáo phận Dallas và cũng tìm cách ăn cắp hàng trăm đô la từ một giáo xứ ở Houston.


Source:Catholic News Agency

2. Nhật Ký Trừ Tà số 287: Bói toán phải chăng chỉ là trò chơi thôi sao?

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #287: Divination- Is it just a game?”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 287: Bói toán phải chăng chỉ là trò chơi thôi sao?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hầu hết mọi người đều đánh giá thấp tác hại tâm linh tiềm tàng và tà ác do bói toán như cầu cơ, đồng cốt, bài tarot, ma thuật và hỏi ý kiến người chết. Mọi người thường nói với tôi, “Đó chỉ là một trò chơi thôi mà” hoặc “Chúng tôi nghĩ nó sẽ rất vui.” Điều đáng buồn là kết quả là một số người bị ma quỷ hành hạ. Gần đây tôi đã nhận được email bên dưới và nó tóm tắt rất rõ trải nghiệm của nhiều người:

“Con theo dõi cha trên TikTok và tải xuống ứng dụng. Con đang cần một vài lời cầu nguyện...Gần đây con đã bắt đầu xem các phương tiện tâm linh trên TikTok mà con biết là sai. Việc này diễn ra trong vài tuần. Con nhận thấy rằng con bắt đầu lo lắng và trầm cảm nghiêm trọng. Con cũng không thể ngủ vào ban đêm và thường thức dậy trong khoảng từ 2:30 đến 3 giờ sáng, điều này vẫn đang xảy ra. Kể từ đó con đã dừng lại và cầu nguyện để được tha thứ. Sáng nay khi con đang nói chuyện với các con của mình thì một chiếc thìa bay khỏi bàn. Điều đó khiến các con của con sợ hãi.... Cha khuyên con nên cầu nguyện điều gì?”*

Khi đọc email này, nó có một số đặc điểm nổi bật của một trải nghiệm ma quỷ đích thực: Thứ nhất, là sự lo lắng/trầm cảm nghiêm trọng bất thường; Thứ hai là rối loạn giấc ngủ bao gồm thức dậy gần giờ ma quỷ 3 giờ sáng; Thứ ba, là những sự kiện phi thường như chiếc thìa bay ngang qua phòng.

Tôi đề nghị người này tham gia vào một chế độ cầu nguyện chuyên sâu về sự giải thoát, bao gồm cả những lời cầu nguyện để đuổi tà ma bói toán, ngoài việc đưa điều này vào việc xưng tội theo bí tích.** May mắn thay, sự tham gia của cô ấy chưa đến mức nghiêm trọng và các triệu chứng của cô ấy đã bắt đầu giảm bớt. Đối với những người tham gia sâu hơn, quá trình giải phóng mất nhiều thời gian hơn, thậm chí nhiều năm.

Tôi hiểu rằng WitchTok và những trang như vậy có hàng tỷ lượt xem! Chúng ta không có đủ nhà trừ quỷ để đối phó với làn sóng dữ dội của những người bị ma quỷ gây ra. Sẽ đến một ngày mà nhiều người sẽ kêu cầu các linh mục cầu nguyện cho họ được giải thoát và sẽ có rất ít người có thể được giải thoát. Thực ra, ngày đó đã đến gần chúng ta rồi.


Source:https://www.catholicexorcism.org/post/exorcist-diary-287-divin

3. Đức Thánh Cha Phanxicô khôi phục danh hiệu “Đức Thượng Phụ Tây phương” trong Niên giám Tòa Thánh

Danh hiệu này được Đức Giáo Hoàng Theodore thông qua vào năm 642 và được sử dụng trong nhiều thế kỷ, mặc dù phải đến năm 1863, dưới triều đại giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9, danh hiệu này mới xuất hiện lần đầu tiên trong Niên giám Tòa Thánh.

Trong ấn bản năm 2024 của “Annuario Pontificio,” hay Niên giám Tòa Thánh, được phát hành trong tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khôi phục tước hiệu giáo hoàng danh dự cổ xưa là “Đức Thượng Phụ Tây phương”, đảo ngược quyết định đình chỉ tước vị này năm 2006 của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.

Sự chỉ định danh dự này đã xuất hiện trở lại trong danh sách “các danh hiệu lịch sử” được sử dụng để chỉ thực tại thần học và trần thế của chức vụ giáo hoàng. Những danh hiệu này bao gồm Đại diện Chúa Giêsu Kitô, Người kế vị Hoàng tử các Tông đồ, Giáo hoàng tối cao của Giáo hội Hoàn vũ, và Tổng Giám mục của giáo phận Rôma, cùng những danh hiệu khác nữa.

Sau quyết định hủy bỏ danh hiệu này của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI vào năm 2006, Bộ Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo (lúc đó là Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo) đã đưa ra một tuyên bố lưu ý rằng danh hiệu này đã trở nên “lỗi thời” và “không còn sử dụng được nữa”.

Hội Đồng lập luận rằng sự hiểu biết về văn hóa và địa lý của phương Tây đã mở rộng từ Tây Âu sang cả Bắc Mỹ, Úc và New Zealand.

Vào thời điểm đó, Hội Đồng cho biết: “Việc từ bỏ danh hiệu này nhằm thể hiện chủ nghĩa hiện thực lịch sử và thần học, đồng thời, là việc từ bỏ một yêu sách, một sự từ bỏ có thể mang lại lợi ích cho cuộc đối thoại đại kết”.

Aristomenis “Menios” Papadimitriou, một nhà sử học tôn giáo tại Đại học Fordham chuyên về Kitô giáo hiện đại, nói với CNA qua email rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm tìm hiểu về quyết định này sẽ có nguy cơ “chủ yếu là suy đoán” và “không có cơ sở hiểu biết nghiêm chỉnh về sự quản lý giáo hội”.

Nhưng Papadimitriou lưu ý rằng “trọng tâm của nó là câu hỏi về ý nghĩa lịch sử và đương đại của danh hiệu giám mục tôn kính ‘Đức Thượng Phụ’ và cuộc đời của danh hiệu đó qua những thăng trầm của lịch sử”.

Cả Bộ Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo lẫn Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đều không đưa ra tuyên bố giải thích quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc khôi phục danh hiệu này.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện những thay đổi đối với các chức danh giáo hoàng trong Annuario Pontificio, một cẩm nang chính thức dài hơn 2.400 trang về cơ cấu và hàng lãnh đạo toàn cầu của Giáo Hội Công Giáo.

Các danh xưng tôn kính trước đây đã được xuất bản bên trên tiểu sử ngắn gọn của giáo hoàng, nhưng tính đến năm 2020, chúng được liệt kê bên dưới tiểu sử đó với phông chữ nhỏ hơn và được xác định là “danh xưng lịch sử”.

Theo Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, quyết định năm 2020 “nhằm chỉ ra mối liên hệ với lịch sử của giáo hoàng” hơn là “lịch sử hóa” chính các tước hiệu.

Cùng năm đó, Đức Hồng Y Gerhard Mueller, cựu tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican, đã bác bỏ động thái này, gọi đó là một hành động “man rợ thần học”.

Ngài lập luận rằng cuốn kỷ yếu sửa đổi đã trộn lẫn thuật ngữ “Đại diện của Chúa Kitô” với những danh hiệu “không liên quan gì đến quyền tối thượng và chỉ phát triển về mặt lịch sử chứ không có ý nghĩa tín điều, chẳng hạn như 'Quốc trưởng Thành phố Vatican'“.

Nikos Tzoitis, một nhà phân tích tại văn phòng báo chí của Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople và là cựu phát ngôn viên của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, đã lập luận trong một bài báo ngày 6 tháng 4 rằng quyết định của Đức Giáo Hoàng về việc giới thiệu lại danh xưng kính trọng Đức Thượng Phụ Tây Phương là một phần của việc khám phá lại tình huynh đệ.”

Tzoitis viết: “Bằng cách này, ngài muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của tính đồng nghị đã mất trong Giáo hội của Chúa, vốn thể hiện Thân thể của Chúa Kitô và lấy tính đồng nghị làm công cụ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã củng cố đối thoại đại kết như một trong những ưu tiên chính trong triều đại giáo hoàng của ngài.

Vào năm 2014, Đức Phanxicô, trong chuyến tông du tới Thánh địa, đã gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Thượng phụ Chính thống giáo Đại kết Athenagoras I của Constantinople trên Núi Ô-liu ở Giêrusalem vào năm 1964.

Đó là cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa một giáo hoàng và một thượng phụ đại kết kể từ năm 1438, đánh dấu một sự thay đổi mô hình trong mối quan hệ đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính thống giáo Đông phương.

“Chúng ta cần phải tin rằng, giống như tảng đá trước ngôi mộ đã bị ném sang một bên, thì mọi trở ngại cho sự hiệp thông trọn vẹn của chúng ta cũng sẽ bị loại bỏ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài phát biểu năm 2014 với Đức Thượng phụ Đại kết.


Source:Catholic News Agency
 
Thánh Ca
Anima Christi - Lạy Linh Hồn Chúa Kitô
Phạm Trung
15:37 16/04/2024