Ngày 20-04-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Sáu Tuần Thánh - Lễ Suy Tôn Thánh Giá 19/4/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
16:05 20/04/2019
Bài Ðọc I: Is 52, 13-53, 12

"Người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta".

(Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Này tôi tớ Ta sẽ được cao minh, sẽ vinh thăng tấn phát, cao cả tuyệt vời. Cũng như nhiều người đã kinh ngạc, vì thấy người tàn tạ mất hết vẻ người, dung nhan người cũng không còn nữa, cũng thế, muôn dân sẽ sửng sốt, các vua không còn biết nói chi trước mặt người. Vì họ sẽ thấy việc chưa ai kể cho mình, sẽ biết điều mình chưa hề được nghe.

Ai mà tin được điều chúng ta nghe? Và Chúa đã tỏ ra sức mạnh cho ai? Người sẽ lớn lên trước mặt Ngài như một chồi non, như một rễ cây, tự đất khô khan. Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người.

Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta.

Người hiến thân vì người tình nguyện và không mở miệng như con chiên bị đem đi giết, và như chiên non trước mặt người xén lông, người thinh lặng chẳng hé môi. Do cưỡng bách và án lệnh, người đã bị tiêu diệt; ai sẽ còn kể đến dòng dõi người nữa, bởi vì người đã bị khai trừ khỏi đất người sống; vì tội lỗi dân Ta, Ta đánh phạt người. Người ta định đặt mồ người giữa những kẻ gian ác, nhưng khi chết, người được chôn giữa kẻ giàu sang, mặc dầu người đã không làm chi bất chánh, và miệng người không nói lời gian dối. Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ.

Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ. Bởi đó, Ta trao phó nhiều dân cho người, người sẽ chia chiến lợi phẩm với người hùng mạnh. Bởi vì người đã hiến thân chịu chết và đã bị liệt vào hàng phạm nhân, người đã mang lấy tội của nhiều người, và đã cầu bầu cho các phạm nhân.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 30, 2 và 6. 12-13. 15-16. 17 và 25

Ðáp: Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha

Xướng: Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con muôn đời tủi hổ, vì đức công minh Ngài, xin cứu chữa con! Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con.

Xướng: Con trở nên đồ ô nhục đối với những người thù, nên trò cười cho khách lân bang, và mối lo sợ cho người quen biết; gặp con ngoài đường, họ tránh xa con. Con bị người ta quên, không để ý tới, dường như đã chết, con đã trở nên như cái bình bị vỡ tan.

Xướng: Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài, con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại.

Xướng: Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Lòng chư vị hãy can trường mạnh bạo, hết thảy chư vị là người cậy trông ở Chúa.

Bài Ðọc II: Dt 4, 14-16; 5, 7-9

"Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời".

Trích thư gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, chúng ta có một thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Chúa Kitô vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

PHÚC ÂM: Ga 18, 1 - 19, 42

"Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".

C: Người đọc Chung, Thánh Sử; S: Người đối thoại khác, hoặc Cộng đoàn. J: Chúa Giêsu

C. Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi với môn đệ sang qua suối Xêrông, ở đó có một khu vườn, Người vào đó cùng với các môn đệ. Giuđa, tên phản bội, đã biết rõ nơi đó, vì Chúa Giêsu thường đến đấy với các môn đệ. Nên Giuđa dẫn tới một toán quân cùng với vệ binh do các thượng tế và biệt phái cấp cho, nó đến đây với đèn đuốc và khí giới. Chúa Giêsu đã biết mọi sự sẽ xảy đến cho Mình, nên Người tiến ra và hỏi chúng:

J. "Các ngươi tìm ai?"

C. Chúng thưa lại:

S. "Giêsu Nadarét".

C. Chúa Giêsu bảo: "Ta đây".

C. Giuđa là kẻ định nộp Người cũng đứng đó với bọn chúng. Nhưng khi Người vừa nói "Ta đây", bọn chúng giật lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi chúng:

J. "Các ngươi tìm ai?"

C. Chúng thưa:

S. "Giêsu Nadarét".

C. Chúa Giêsu đáp lại: "Ta đã bảo các ngươi rằng Ta đây! Vậy nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những người này đi".

C. Như thế là trọn lời đã nói: "Con chẳng để mất người nào trong những kẻ Cha đã trao phó cho Con". Bấy giờ Simon Phêrô có sẵn thanh gươm, liền rút ra đánh tên đầy tớ vị thượng tế, chém đứt tai bên phải. Ðầy tớ ấy tên là Mancô. Nhưng Chúa Giêsu bảo Phêrô rằng:

J. "Hãy xỏ gươm vào bao. Chén Cha Ta đã trao lẽ nào Ta không uống!"

C. Bấy giờ, toán quân, trưởng toán và vệ binh của người Do-thái bắt Chúa Giêsu trói lại, và điệu Người đến nhà ông Anna trước, vì ông là nhạc phụ của Caipha đương làm thượng tế năm ấy. Chính Caipha là người đã giúp ý kiến này cho người Do-thái: để một người chết thay cho cả dân thì lợi hơn. Còn Phêrô và môn đệ kia vẫn theo Chúa Giêsu. Môn đệ sau này quen vị thượng tế nên cùng với Chúa Giêsu vào trong sân vị thượng tế, còn Phêrô đứng lại ngoài cửa. Vì thế, môn đệ kia là người quen với vị thượng tế, nên đi ra nói với người giữ cửa và dẫn Phêrô vào. Cô nữ tì gác cửa liền bảo Phêrô:

S. "Có phải ông cũng là môn đệ của người đó không?"

C. Ông đáp:

S. "Tôi không phải đâu".

C. Ðám thủ hạ và vệ binh có nhóm một đống lửa và đứng đó mà sưởi vì trời lạnh, Phêrô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế hỏi Chúa Giêsu về môn đệ và giáo lý của Người. Chúa Giêsu đáp:

J. "Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ, Tôi thường giảng dạy tại hội đường và trong đền thờ, nơi mà các người Do-thái thường tụ họp, Tôi không nói chi thầm lén cả. Tại sao ông lại hỏi Tôi? Ông cứ hỏi những người đã nghe Tôi về những điều Tôi đã giảng dạy. Họ đã quá rõ điều Tôi nói".

C. Nghe vậy, một tên vệ binh đứng đó vả mặt Chúa Giêsu mà nói:

S. "Anh trả lời vị thượng tế như thế ư".

C. Chúa Giêsu đáp:

J. "Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó; mà nếu Ta nói phải, thì tại sao anh lại đánh Ta?"

C. Rồi Anna cho giải Người vẫn bị trói đến cùng vị thượng tế Caipha. Lúc ấy Phêrô đang đứng sưởi. Họ bảo ông:

S. "Có phải ông cũng là môn đệ người đó không?"

C. Ông chối và nói:

S. "Tôi không phải đâu".

C. Một tên thủ hạ của vị thượng tế, có họ với người bị Phêrô chém đứt tai, cãi lại rằng:

S. "Tôi đã chẳng thấy ông ở trong vườn cùng với người đó sao?"

C. Phêrô lại chối nữa, và ngay lúc đó gà liền gáy.

Bấy giờ họ điệu Chúa Giêsu từ nhà Caipha đến pháp đình. Lúc đó tảng sáng và họ không vào pháp đình để khỏi bị nhơ bẩn và để có thể ăn Lễ Vượt Qua. Lúc ấy Philatô ra ngoài để gặp họ và nói:

S. "Các ngươi tố cáo người này về điều gì".

C. Họ đáp:

S. "Nếu hắn không phải là tay gian ác, chúng tôi đã không nộp cho quan".

C. Philatô bảo họ:

S. "Các ông cứ bắt và xét xử theo luật của các ông".

C. Nhưng người Do-thái đáp lại:

S. "Chúng tôi chẳng có quyền giết ai cả".

C. Thế mới ứng nghiệm lời Chúa Giêsu đã nói trước: Người sẽ phải chết cách nào. Bấy giờ Philatô trở vào pháp đình gọi Chúa Giêsu đến mà hỏi:

S. "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?"

C. Chúa Giêsu đáp:

J. "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?"

C. Philatô đáp:

S. "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?"

C. Chúa Giêsu đáp:

J. "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng nước tôi không thuộc chốn này".

C. Philatô hỏi lại:

S. "Vậy ông là Vua ư?"

C. Chúa Giêsu đáp:

J. "Quan nói đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi".

C. Philatô bảo Người:

S. "Chân lý là cái gì?"

C. Nói lời này xong, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ:

S. "Ta không thấy nơi người này có lý do để khép án. Nhưng theo tục lệ các ngươi, ta sẽ phóng thích cho các ngươi một tù nhân vào dịp Lễ Vượt Qua. Vậy các ngươi có muốn ta phóng thích Vua Do-thái cho các ngươi chăng?"

C. Họ liền la lên:

S. "Không phải tên đó, nhưng là Baraba".

C. Baraba là một tên cướp. Bấy giờ Philatô truyền đem Chúa Giêsu đi mà đánh đòn Người. Binh sĩ kết một triều thiên bằng gai nhọn đội lên đầu Người và nói:

S. "Tâu Vua Do-thái!"

C. Và vả mặt Người. Philatô lại ra ngoài và nói:

S. "Ðây ta cho dẫn người ấy ra ngoài cho các ngươi để các ngươi biết rằng ta không thấy nơi người ấy một lý do để kết án".

C. Bấy giờ Chúa Giêsu đi ra, đội mão gai và khoác áo đỏ. Philatô bảo họ:

S. "Này là Người".

C. Vừa thấy Người, các thượng tế và vệ binh liền la to:

S. "Ðóng đinh nó vào thập giá! Ðóng đinh nó vào thập giá!"

C. Philatô bảo họ:

S. "Ðấy các ngươi cứ bắt và đóng đinh ông vào thập giá, phần ta, ta không thấy lý do nào kết tội ông".

C. Người Do-thái đáp lại:

S. "Chúng tôi đã có luật, và theo luật đó nó phải chết, vì nó tự xưng là Con Thiên Chúa".

C. Nghe lời đó Philatô càng hoảng sợ hơn. Ông trở vào pháp đình và nói với Chúa Giêsu:

S. "Ông ở đâu đến?"

C. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại câu nào. Bấy giờ Philatô bảo Người:

S. "Ông không nói với ta ư? Ông không biết rằng ta có quyền đóng đinh ông vào thập giá và cũng có quyền tha ông sao?"

C. Chúa Giêsu đáp:

J. "Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho, vì thế nên kẻ nộp tôi cho quan, mắc tội nặng hơn".

C. Từ lúc đó Philatô tìm cách tha Người. Nhưng người Do-thái la lên:

S. "Nếu quan tha cho nó, quan không phải là trung thần của Xêsa, vì ai xưng mình là vua, kẻ đó chống lại Xêsa".

C. Philatô vừa nghe lời đó, liền cho điệu Chúa Giêsu ra ngoài rồi ông lên ngồi toà xử, nơi gọi là Nền đá, tiếng Do-thái gọi là Gabbatha. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Philatô bảo dân:

S. "Ðây là vua các ngươi".

C. Nhưng họ càng la to:

S. "Giết đi! Giết đi! Ðóng đinh nó đi!"

C. Philatô nói:

S. "Ta đóng đinh vua các ngươi ư?"

C. Các thượng tế đáp:

S. "Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Xêsa".

C. Bấy giờ quan giao Người cho họ đem đóng đinh.

Vậy họ điệu Chúa Giêsu đi. Và chính Người vác thập giá đến nơi kia gọi là Núi Sọ, tiếng Do-thái gọi là Golgotha. Ở đó họ đóng đinh Người trên thập giá cùng với hai người khác nữa: mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa. Philatô cũng viết một tấm bảng và sai đóng trên thập giá. Bảng mang những hàng chữ này: "Giêsu, Nadarét, vua dân Do-thái". Nhiều người Do-thái đọc được bảng đó, vì nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh thì gần thành phố, mà bảng viết thì bằng tiếng Do-thái, Hy-lạp và La-tinh. Vì thế các thượng tế đến thưa với Philatô:

S. Xin đừng viết "Vua dân Do Thái", nhưng nên viết: "Người này đã nói: 'Ta là vua dân Do-thái'".

C. Philatô đáp:

S. "Ðiều ta đã viết là đã viết".

C. Khi quân lính đã đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá rồi thì họ lấy áo Người chia làm bốn phần cho mỗi người một phần, còn cái áo dài là áo không có đường khâu, đan liền từ trên xuống dưới. Họ bảo nhau:

S. "Chúng ta đừng xé áo này, nhưng hãy rút thăm xem ai được thì lấy".

C. Hầu ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Chúng đã chia nhau các áo Ta và đã rút thăm áo dài của Ta". Chính quân lính đã làm điều đó.

Ðứng gần thập giá Chúa Giêsu, lúc đó có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng:

J. "Hỡi Bà, này là con Bà".

C. Rồi Người lại nói với môn đệ:

J. "Này là Mẹ con".

C. Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Sau đó, vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giêsu nói:

J. "Ta khát!"

C. Ở đó có một bình đầy dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành cây hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giêsu nói:

J. "Mọi sự đã hoàn tất".

C. Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Hôm đó là ngày chuẩn bị lễ: để tội nhân khỏi treo trên thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày Sabbat là ngày đại lễ, nên người Do-thái xin Philatô cho đánh dập ống chân tội nhân và cho cất xác xuống. Quân lính đến đánh dập ống chân của người thứ nhất và người thứ hai cùng chịu treo trên thập giá với Người. Nhưng lúc họ đến gần Chúa Giêsu, họ thấy Người đã chết, nên không đánh dập ống chân Người nữa, tuy nhiên một tên lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người; tức thì máu cùng nước chảy ra. Kẻ đã xem thấy thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cho các người cũng tin nữa. Những sự việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Người ta sẽ không đánh dập một cái xương nào của Người". Lời Kinh Thánh khác rằng: "Họ sẽ nhìn xem Ðấng họ đã đâm thâu qua".

Sau đó, Giuse người xứ Arimathia, môn đệ Chúa Giêsu, nhưng thầm kín vì sợ người Do-thái, xin Philatô cho phép cất xác Chúa Giêsu. Philatô cho phép. Và ông đến cất xác Chúa Giêsu. Nicôđêmô cũng đến, ông là người trước kia đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Ông đem theo chừng một trăm cân mộc dược trộn lẫn với trầm hương. Họ lấy xác Chúa Giêsu và lấy khăn bọc lại cùng với thuốc thơm theo tục khâm liệm người Do-thái. Ở nơi Chúa chịu đóng đinh có cái vườn và trong vườn có một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai. Vì là ngày chuẩn bị lễ của người Do-thái và ngôi mộ lại rất gần, nên họ đã mai táng Chúa Giêsu trong mộ đó.
 
Bước theo Chúa Kitô Khải thắng Alleluia
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
05:24 20/04/2019
Phục Sinh là niềm tin táo bạo của Kitô giáo. Bởi bất cứ ai tuyên xưng niềm tin Phục Sinh, người đó sẽ đặt tất cả vận mạng đời đời của mình nơi một Con Người mà họ tin đó là Thiên Chúa của họ: Chúa Kitô, Đấng đã làm người, đã chết, đã sống lại và nay Người vẫn sống đến muôn đời.

Vì thế, mọi tín hữu khắp thế giới cử hành mầu nhiệm cực trọng ấy trong đêm tràn ngập ánh sáng này, là họ cử hành vinh quang khải thắng của Chúa Kitô, Đấng mà họ tin rằng, chính họ sẽ được cùng tham dự vào sự khái thắng của Người.

I. ĐÊM CHÚA KITÔ KHẢI THẮNG.

Đêm nay, đêm lễ Phục Sinh. Đêm mẹ của mọi đêm. Đêm chan đầy tình Trời trao cho lòng người. Đêm rực ánh sáng. Đêm mà nhờ sự phục sinh của Người Con Một yêu dấu, Thiên Chúa đổ tràn ơn cứu độ trên mọi sinh linh, trong khắp vũ trụ.

Mừng lễ Phục Sinh đêm này, chúng ta vui mừng sống sự khải hoàn của Chúa Kitô, Chúa chúng ta.

Đây là đêm Chúa Cha siêu tôn Chúa Kitô và đặt Người làm Chúa các chúa, Vua muôn vua.

Đây là đêm Chúa Kitô đi vào bất diệt: Đó là sự sống vượt không gian, vượt thời gian, sự sống vinh thắng trên sự chết.

Từ đây Chúa Kitô là nguồn sống và là nguồn trao ban sự sống. Người làm chủ sự chết. Từ đây đến muôn đời, Chúa Kitô không còn lệ thuộc sự chết. Sự sống bất diệt của Chúa cũng là sự chiến thắng của Người trên mọi thế lực hỏa ngục và tội lỗi.

II. CHỈ CÓ TỰ HẠ MỚI ĐẾN KHÀI THẮNG

Nhưng không có vinh quang nào mà không có cái giá của nó. Để đạt tới sự khải thắng đời đời hôm nay, Chúa Kitô đã phải đi qua con đường tự hạ.

Thư gởi tín hữu Dothái nói về sự tự hạ của Chúa Kitô:

"Người đã vào cung thánh không phải với máu con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình... Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống" (Dt 9, 12a. 14b).

"Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lẽ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài" (Dt 10, 5-7).

Thánh Phaolô cũng chứng minh con đường tự hạ ấy của Chúa Kitô: Chúa Kitô "đã tự hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu" (pl 2, 8-9).

Khi tham dự đêm chiến thắng, cũng là mầu nhiệm chiến thắng của Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi hãy vươn lên, hãy chiến thắng những gì tầm thường, những gì trì trệ kéo ta xa Chúa, xa sự sống phục sinh mà Chúa cho ta tham dự vào.

III. CON ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI.

Hãy làm lại đời sống của mình, để ta tinh tuyền, thanh sạch như màu trắng của chiếc áo trắng Hội Thánh cho ta khoác lên mình trong ngày rửa tội.

Hãy hướng tới một đời sống toàn ánh sáng như ngọn lửa phục sinh cháy sáng, đó cũng chính là ngọn lửa trong ngày ta được rửa tội, bằng việc khám phá lại chính mình, kiện toàn những gì tốt đẹp và khắc phục những gì thuộc về sự yếu đuối của bản tính người.

Hãy lắng nghe Chúa Kitô mời gọi: Hãy nên thánh như Thiên Chúa là Đấng Thánh, để từng ngày, từng ngày, ta mạnh dạn bước tới trong ơn Chúa mà chỉnh đốn đời mình.

Hãy dứt khoát vững một quyết tâm, đừng quên sót, đó là không bao giờ nô lệ tội lỗi. Dù nghèo hay giàu, dù thất bại hay gặp được những thuận lợi ở đời này về tiền bạc, về danh vọng, về quyền lực... sẽ không bao giờ bị đốn ngã lương tâm, không bao giờ quên sót quyết tâm chỉ dành cho Chúa đời minh mà thôi.

Với tất cả lòng tin, ta đặt vào lòng thương xót của Chúa hành trình mà mình bước theo Người. Đó mới chính là con đường duy nhất, chúng ta phải đi để đạt đến ơn phục sinh cùng Người.

Tham dự đêm hồng phúc này, một lần nữa, chúng ta xác tín sự khải thắng mà Chúa Kitô đã đạt tới khi Người tự hạ dâng hiến chính mình. Nhờ xác tín, ta bước theo Chúa bền vững hơn, mạnh mẽ hơn, trung thành hơn.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:55 20/04/2019

145. Thiên Chúa muốn bạn giống như Ngài, nhưng bạn có ý định muốn Ngài giống như bạn, như thế bạn không thích những việc mà Thiên Chúa thích.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:59 20/04/2019
93. CÓ KHÔNG CÓ BỐ MẸ

Có đứa con nọ, mỗi khi ông bố ra khỏi nhà thì để hắn ta ở nhà giữ cửa tiệm.

Không lâu sau thì có người đến mua hàng, hỏi:

- “Tôn ông có không ?

Đứa con nọ trả lời:

- “Không có”.

- “Tôn đường có không ?”

- “Không có”.


Buổi tối, ông bố về nhà thì biết được chuyện này bèn nói với con:

- “Tôn ông chính là ba đây, tôn đường chính là má con đấy, sao con lại nói là không có chứ ?”

Đứa con nọ nghe lời trách mắng thì rất phiền não, nói:

- “Ai mà biết được bố mẹ hai người đều có thể bán chứ ?”

(Tiếu phủ)

Suy tư 93:

Người mua hỏi trỏng trỏng, người bán là thằng nhỏ ngu ngơ thì làm sao mà hiểu được ý tứ, cho nên không nên trách đứa con ngờ nghệch của mình.

Có những người lớn ỷ mình giỏi giáo lý nên đem chuyện giáo lý “cao siêu mầu nhiệm” ra hỏi trẻ em, trẻ em không trả lời được thì chê là dốt giáo lý, chê cha mẹ không dạy dỗ và có khi trách mắng chúng nó.

Với trẻ em thì đừng đem cái hiểu biết cao siêu của mình ra mà khoe khoang, với người “trình độ kém” thì nên đem cái biết của mình ra thực hành mới mong họ hiểu, với người chậm hiểu thì đừng nói lóng nói quanh co, nhưng nên dùng câu cách bình dị, như thế mới đúng là người học nhiều hiểu rộng.

Cần phải khiêm tốn với tất cả mọi hạng người thì mới trở nên người của mọi người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mầu Nhiệm Sự Chết và Sống Lại
Lm. F.x Nguyễn Thanh Bình, SVD
14:44 20/04/2019
Mầu Nhiệm Sự Chết và Sống Lại

Vào buổi chiều tối ngày 15 tháng 4, nước Pháp nói riêng và nhiều người trên khắp thế giới nói chung, bày tỏ nổi buồn đau xót vô tận như mất đi một người thân trước cảnh tượng đại hỏa hoạn của Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Paris.

Vương Cung Thánh Đường được xây dựng trên 800 năm với nét kiến trúc cổ kính mang chiều kích tâm linh và văn hóa ngàn đời, là biểu tượng tôn giáo và văn hóa thiêng liêng của nước Pháp nói riêng, và là một di sản vô giá của thế giới nói chung. Vì thế, không phải chỉ riêng người Công Giáo tại Pháp hay người Công Giáo khắp nơi trên thế giới mới cảm thấy sự mất mát không bao giờ ngờ này, mà cả mọi dân tộc trên thế giới cũng đồng cảm trong vụ tai nạn này.

Với một gia sản truyền thống đức tin độc đáo nằm tại trung tâm của nước Pháp thế mà nước Pháp là một nước tục hóa. Người ta không còn tin vào Thiên Chúa nữa và nhiều nhà thờ bị bỏ hoang. Nước Pháp đang ta tôn thờ chủ nghĩa tự do và hưởng thụ.

Chắc có lẽ vụ hỏa hoạn đã thức tỉnh mọi người trên nước Pháp, đánh thức lòng tin của họ. Chiều ngày đó, họ tuôn đến để chứng kiến tận mắt điều không ai bao giờ ngờ được. Một đền thờ mất đến cả hơn hai trăm năm để xây dựng lộng lẫy với niềm tự hào văn minh trí tuệ con người từ thời Trung Cổ, thế mà đền thờ kiên cố ấy trở thành đống tro tàn chỉ trong tít tắt vài tiếng đồng hồ Đền thờ ấy không khác gì một bông hoa héo tàn như lời thánh vịnh 102 được vang lên trong các lễ tang:

“Đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi …”

Dẫu biết rằng không có cái ngờ nào giống nhau. Nhưng hình như chữ ngờ này hoàn toàn khác lạ với bao chữ ngờ khác, nó quá to lớn trong lịch sử của con người. Một sức sống phi thường kiên cố của ngôi đền thờ vừa thu hút hàng chục ngàn khách hành hương trong ngày, chỉ trong vài tiếng đồng hồ sau đó trở ra cát bụi. Ai có ngờ được cảnh phủ phàng này? Về thể xác, Ngôi Thánh Đường đã chết. Chết đột ngột. Chết bất ngờ. Bất ngờ còn hơn là một người ra đường bị tai nạn.

Thế nhưng qua vụ hỏa hoạn đó đã nói lên điều gì tốt đẹp không? Chắc hẳn là có. Qua cái chết bất ngờ đau thương đó sẽ làm cho ngôi Thánh Đường sống lại khải hoàn vinh quang như lời thánh Phaolô nhắn nhủ cộng đoàn Philippê : “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta giống nên thân xác vinh hiển của Người.” (Pl 3:21).

Hình ảnh sống lại của nhà thờ Notre Dame đã được hiện lên trong tư tưởng của những những người than khóc và yêu mến ngôi đền thờ ấy. Đang khi ngôi đền thờ còn “hấp hối” chính vị Tổng Thống quốc gia đã đến hiện trường “than khóc” và tuyên bố sẽ xây dựng lại ngôi đền thờ trong năm năm. Và đúng ba ngày sau đó số tiền hứa đóng góp tái xây dựng ngôi đền thờ đã lên 1 tỉ đồng Euro. Như vậy, ngôi đền thờ đã sống lại, sống lại trong lòng con người đang yêu mến và than khóc. Hàng ngàn người tuôn đến ngôi thánh đường, cùng chung niềm tin bày tỏ niềm tin vào Chúa. Hình ảnh cầu nguyện chung của gia đình Kitô hữu hiệp nhất đã thấu đến lòng thương xót Chúa. Lời cầu nguyện của họ được phát xuất từ con tim chứ không bằng môi miệng. Giọt nước mắt và nổi u buồn trên gương mặt bày tỏ lòng chân thành của lời cầu xin. Việc tái xây dựng lại ngôi đền thờ dĩ nhiên không quan trọng cho bằng niềm tin của con người được biểu hiện sống động trước mắt nhân loại.

Chuyện đại họa đã diễn ra ngay ngày đầu tiên của Tuần Thánh, thời gian mà người Kitô giáo kỷ niệm cuộc khổ nạn đau thương và sự chết của Chúa Giêsu. Không biết đây là sự ngẫu nhiên hay là do sự quan phòng. Thế nhưng, nhìn theo chiều kích tâm linh thì cho thấy sự hỏa hoạn mang lại một chiều kích tâm linh lạ thường. Hình cây thánh giá chiếu sáng trong màn cảnh u tối hư nát trong đền thờ hiển nhiên đập vào mắt con người, nhắc nhở nhân loại nhìn lên thánh giá trong cảnh u tối của cuộc đời và chính nơi đó cho niềm an ủi và hy vọng phục sinh khải hoàn. Đây là sứ điệp sống lại, sứ điệp Phục Sinh cho nước Pháp và cả nhân loại trong mùa Phục Sinh 2019 này.

Dĩ nhiên nhìn theo chiều khích xã hội thì việc ngôi đền thờ bị cháy là chuyện xui xẻo. Nhưng nhìn về mặt tâm linh thì nhắc nhở cho con người như là một cánh hoa bị rơi rụng bởi một cơn gió thoáng qua. Không điều gì trên cõi đời này tồn tại mãi mãi cho dù có kiên cố đến mấy. Chỉ có Thiên Chúa là hiện hữu muôn đời. Cái chết là định luật của thiên nhiên. Nhưng chết không phải là đau khổ tuyệt vọng. Nhưng phải trải qua sự chết mới bước đến sự sống mới.

Mầu nhiệm chết và sống lại là bài học rất khó nghe cho nhiều người và càng rất khó hiểu cho những người kém lòng tin. Vì thế chính Chúa Giêsu đã chứng minh mầu nhiệm ấy qua cái chết và sống lại của Người. Thế nhưng hình như vẫn còn khó hiểu. Vụ hỏa hoạn của nhà thờ Notre Dame có thể là một ví dụ rất cụ thể và gần gủi với kinh nghiệm của con người.

Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Paris thực sự đã chết và đã sống lại. Alleluia, Alleluia!

Lm. F.x Nguyễn Thanh Bình, SVD
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuần Thánh trong văn chương nghệ thuật
Vũ Văn An
06:31 20/04/2019
Mầu nhiệm Chúa Kitô chịu khổ hình, chết và sống lại là mầu nhiệm chỉ có thể đứng đàng sau mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn lôi cuốn tâm trí từ người bình dân đến hàng thức giả bậc nhất của nhân loại. Và dù có cố gắng bao nhiêu, họ đành phải dừng lại chỉ để chiêm ngắm.



Các di tích thánh của Chúa Giêsu

Đó là kết luận của công trình nghiên cứu vừa được công bố tại Rôma. Nhà báo và người viết tiểu luận Grzegorz Gorny và nhiếp ảnh gia Janusz Rosikon đã dành 2 năm ròng du hành và gặp gỡ để thực hiện một cuộc điều tra kiểu báo chí về các di tích thánh (relics) của Chúa Kitô. Kết quả là tác phẩm “Các chứng tá Mầu Nhiệm. Cuộc Điều Tra Các Di Tích Thánh của Chúa Kitô” do nhà Libreria Editrice Vaticana ấn hành. Cuốn sách được ra mắt, ngày 28 tháng Ba vừa qua, tại Palazzo della Rovere, trụ sở Hội Hiệp Sĩ Mộ Thánh.

Đây là một tác phẩm độc đáo vì không những nó là thành quả khảo cứu trong các văn khố mà còn có sự cộng tác của các nhà khoa học nổi danh trên thế giới, những người sử dụng tính nghiêm ngặt của khoa học để điều tra tính chân thực của các di tích thánh của Chúa Giêsu liên quan tới cuộc Khổ Nạn, cái Chết và việc Chôn cất Người.

Trong số các di tích thánh được nghiên cứu, người ta thấy ngoài Khăn Liệm nổi tiếng ra, còn có Thánh Giá, các mũi đinh, Mão Gai, Cột Đánh Đập, Áo Khoác của Chúa Kitô ở Argenteuil, áo sống tại Treviri, Khăn Lau Mặt tại Manoppello, Khăn Liệm tại Oviedo và nhiều di tích thánh khác.

Hai tác giả theo dấu các di tích cuộc Khổ Nạn của Chúa ở nhiều quốc gia trên thế giới và thu lượm tài liệu phong phú về một số đồ vật chuyên biệt vẫn tồn tại từ cổ đại đến ngày nay. Họ lùng sục các văn khố, nói chuyện với các sử gia và gặp gỡ các nhà khoa học nổi danh của thế giới... Họ không chấp nhận bất cứ điều gì về đức tin nhưng khởi đi từ các nguồn lịch sử để tìm cách xác nhận tính chân thực của các di tích thánh trong các cuộc tìm tòi khoa học. Chính Gorny giải thích: “chúng tôi lắng nghe một cách chú ý tiếng nói của các khoa học gia được trang bị với các phương thế tân tiến hơn là các trình thuật lịch sử và tôn giáo. Tuy nhiên, hai con đường này thường gặp nhau. Các kết quả của các phân tích lâu dài và khoa học chi tiết trùng hợp với những gì từng được truyền tải từ Truyền Thống truyền khẩu và văn viết của Kitô Giáo. Chúng tôi thấy khoa học và tôn giáo không nhất thiết mâu thuẫn với nhau”.

Tuy thế, Gorny nhấn mạnh rằng: các di tích thánh cũng là một thách thức vĩ đại đối với các nhà khoa học, “ở giai đoạn nhận thức này của nó, khoa học tỏ ra bất lực trong khả năng giải thích làm thế nào một số di tích đã thành hình. Do đó, chúng tôi thấy nhiều nhà khoa học trung thực đã tự mở lòng mình cho chiều kích mầu nhiệm”.

Stabat Mater

Nét mầu nhiệm cũng được đọc thấy nơi bài ca Tuần Thánh bất hủ Stabat Mater. Đây là một bài thơ phụng vụ có nguồn gốc từ thế kỷ 13, được liên kết với Thứ Sáu Tuần Thánh, gợi hứng cho lòng sùng kính Công Giáo bao đời nay, nhưng cũng gợi hứng cho nhiều nhạc sĩ suốt trong các thế kỷ qua. Palestrina, Vivaldi, Haydn, Schubert, Rossini, Liszt, Dvořák, Verdi, và, gần đây hơn, Pärt (trong số nhiều nhạc sĩ khác) đều đã sử dụng nó trong công trình sáng tác của mình.

Người ta chú ý tới ca khúc Stabat Mater bất hủ của Giovanni Battista Pergolesi (1710-1736), nhà nhạc sĩ tài hoa, qua đời lúc chỉ mới 26 tuổi đời. Chính lúc sắp qua đời vì bệnh lao, ông sáng tác bài ca còn lại mãi trong lòng người này.

Có nhà bình luận cho rằng trong số hơn 700 nhạc phẩm sử dụng bản văn này, tác phẩm của Pergolesi nổi bật nhất đến nỗi Roger Scruton của Đài BBC, khi sản xuất cuốn phim tài liệu Why Beauty Matters, đã lấy nó làm cơ sở cho một phản công chống lại khuynh hướng bài bác tín ngưỡng hết sức tầm thường mà ma quái hiện nay. Để làm việc này, ông đã cho trình diễn bản nhạc với 2 giọng trầm (alto) và cao (soprano) giúp người thưởng ngoạn đi vào nỗi sầu buồn của Đức Maria không phải chỉ bằng những âm thanh muộn phiền sầu não mà cả một tinh thần nâng cao kết hợp với lễ hy sinh của Con Trai ngài.

Quả thực hai gọng trầm và cao một đàng diễn tả nỗi đau của kiếp nhân sinh, nỗi đau lớn nhất, nỗi đau không thể nào tưởng tượng được. Nhưng giọng kia, cao hơn, giúp ta nhìn lên, kêu gọi ta tham dự vào hành vi vĩ đại nhất trong lịch sử con người, góp tiếng cho Đấng Cứu Thế. Cả hai hòa nhập thành nỗi đau của Người Mẹ, kết hợp với nỗi đau của Con Mình, trở thành ơn cứu chuộc và dẫn đường đi vào niềm vui (xem phụ lục 1 bản dịch bài Stabat Mater của linh mục Lê Quang Trình).

Pange lingua

Niềm vui ấy cũng đã được Thánh Tôma Aquinô ghi nhận và làm nổi bật vào Thứ Năm Tuần Thánh. Linh mục Terrance Klein, trong bài “St. Thomas Aquinas captures the heart of Holy Thursday” đăng trên America ngày 18 tháng Tư, 2019, cho rằng Thứ Năm Tuần Thánh không phải là đêm buồn phiền vì Chúa Kitô muốn bữa tiệc sau cùng của Người trở thành bữa ăn cộng đồng.

Bài thánh ca ta hát đêm đó, tức bài “Pange lingua gloriosi” do Thánh Tôma Aquinô sáng tác, bắt đầu bằng lời tán tụng: tán tụng Chúa Giêsu, Đấng đã kết thúc đời Người y như lúc khởi đầu nó cũng như luôn luôn sống nó, bằng cách trở thành ơn phúc của Thiên Chúa, trở thành sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta.

Bất kể nằm trong máng cỏ hay ở ngoài đồng Galilê, Chúa Kitô không bao giờ chỉ là một sự hiện diện thiêng liêng. Người là Thiên Chúa mặc lấy xác thịt ta và cả các gánh nặng của nó.

Pange, lingua, gloriósiMiệng tôi hãy hát khen mầu nhiệm
Córporis mystérium,Thân Xác vinh quang,
Sanguinísque pretiósi,và Máu qúy giá
Quem in mundi prétiumMà Vua đã đổ ra
Fructus ventris generósiLàm giá chuộc thế gian,
Rex effúdit géntium.Hoa trái của lòng dạ quảng đại
.

Nobis datus, nobis natusTừ Trinh nữ không tì vết
Ex intácta Vírgine,Được ban cho chúng ta, được sinh ra cho chúng ta,
Et in mundo conversátus,Và Người đàm đạo ở thế gian,
Sparso verbi sémine,mãi là hạt giống của lời để gieo vãi;
Sui moras incolátusRồi Người kết thúc Đời Người
Miro clausit órdine.cách diệu kỳ

Nét thiên tài của Chúa Kitô, tạm dùng kiểu nói này để làm nổi bật tính sáng tạo trong trí hiểu nhân bản của Người, là nối kết việc người Do Thái cử hành nghi thức giao ước của Thiên Chúa với việc chính Người sẽ hiến mình trên thập giá sắp tới. Cả tính liên tục lẫn tính tương phản đều đáng lưu ý: Thiên Chúa dễ dàng giải thoát Israel khỏi cảnh nô lệ; nhưng chỉ bằng việc hiến mình, trao thân vào tay chúng ta, như của lễ và của ăn đàng, Chúa Kitô mới giải thoát ta khỏi tội lỗi.

Đôi khi người ta cho rằng Thánh Tôma, cũng như người Trung Cổ đồng thời với ngài quá tập chú vào hình loại (species) Thánh Thể thay vì bữa ăn Thánh Thể. Nhưng thực ra, ngài đã nắm được tâm điểm những gì diễn ra trong đêm Thứ Năm, những gì diễn ra ngày hôm sau trên thánh giá và những gì sẽ diễn ra ở mọi Lễ Tạ Ơn sau đó. Bằng chính tay Người, Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta.

Tin mừng gia Thánh Gioan, một Tin Mừng luôn được đọc trong nghi thức Thứ Năm Tuần Thánh, cũng đã làm như thế khi tập chú vào hành vi khiêm nhường rửa chân hơn là bữa ăn theo nghi lễ. Trong mọi trình thuật, cốt lõi đều rõ ràng: Chúa Kitô sống và chết cho người khác. Người đơn giản là một hiến dâng.

In suprémæ nocte coenæVào đêm Bữa Tiệc Sau Cùng
Recúmbens cum frátribusNgồi với các anh em,
Observáta lege pleneTrước nhất chu toàn giới luật
Cibis in legálibus,Người, ăn Chiên Vượt Qua;
Cibum turbæ duodénæSau đó, bằng chính tay mình,
Se dat suis mánibus.Người hiến mình, làm của ăn cho các Tông Đồ.

Tuy nhiên, lịch sử đầy những chuyện hiến tình chỉ để bị làm ngơ, từ chối hay phản bội. Thánh Tôma nhấn mạnh: chỉ có trái tim biết yêu mới tri nhận được Chúa Kitô và được Người thẩm thấu.

Verbum caro, panem verumTrước là lời, bánh tự nhiên,
Verbo carnem éfficit:Bằng Lời, Người biến bánh thành Thịt:
Fitque sanguis Christi merum,và rượu thành Máu Chúa Kitô;
Et si sensus déficit,Và nếu giác quan không nhận ra
Ad firmándum cor sincérumchỉ có đức tin mới đủ
Sola fides súfficit.để củng cố trái tim thành thật

Chúa Kitô không để lại một giáo huấn cố định bằng văn bản. Trước đây, Người nói rải rác; giờ đây, Người cẩn thận tập trung vào bàn tay Người. Người tạo ra một cộng đồng, các chứng nhân sống động sẵn sàng gặp gỡ Người và làm chứng cho Người bằng cách tham dự vào chính việc hiến mình của Người với hành vi yêu thương.

Chúa Kitô kết thúc bữa ăn bằng các Thánh Vịnh ngợi khen. Thánh Tôma kết thúc bài thánh ca của ngài bằng cách tập chú vào Chúa Kitô vẫn còn ở bàn ăn, vẫn còn đang trao ban mình Người cho những kẻ tiếp nhận Người. Bạn không thể dửng dưng đối với tình yêu bằng thân xác. Bạn phải đáp trả bằng tất cả con người của bạn.

Tantum ergo SacramétumVì thế, sấp mình thờ lạy,
Venerémur cérnui:Chúng ta tôn kính Bí Tích cực trọng,
Et antíquum documéntumHơn các hình thức thờ phượng xưa
Novo cedat rítui:Các nghi thức ơn thánh mới trổi vượt;
Præstet fides suppleméntumĐức tin sẽ bổ túc
Sénsuum deféctui.cho các thiếu sót của giác quan.
Genitóri, GenitóqueCho Chúa Cha và Chúa Con
Laus et jubilátio,hãy dành ca ngợi và mừng vui, chào kính,
Salus, honor, virtus quoquevinh dự, và quyền uy
Sit et benedíctio:cùng chúc tụng,
Procedénti ab utróquevà cho Thánh Thần từ mỗi hai Đấng phát xuất
Compar sit laudátio.ca ngợi tương tự.
Amen.Amen

(Xin xem phục lục 2: bản dịch "Pange lingua" của Sách Lễ Rôma ấn bản năm 1962)
__________________________________________________________________________________
Phụ Lục
(1)

Stábat Máter dolorósaMẹ đứng lặng bên Thánh giá thương đau,
Iuxta Crúcem lacrimósa,Chốn đây xác Con tan nát gục đầu ;
Dum pendébat Fílius.Chan hoà đôi mắt tuôn lệ sầu
Cúius ánimam geméntem,Lòng Mẹ nức nở rên xiết đớn đau,
Contristátem et doléntemTrái tim xót xa se thắt nghẹn ngào,
Pertransívit gládius.Khác gì gươm sắc đâm lọt vào.
O quam trístis et afflíctaLạy Mẹ đáng được chúc phúc kính tôn,
Fúit ílla benedíctaCủa Con Một yêu nay đã không còn,
Máter Unigéniti !Ôi Mẹ ôi biết bao sầu buồn !
Quae maerébat et dolébat,Kìa Mẹ nhân hiền thổn thức tâm can,
Pía Máter, dum vidébatĐớn đau ngắm xem muôn nỗi nhục nhằn,
Nati póenas ínclyti.Trên người Con Thánh mang tội trần.
Quis est hómo qui non fléret,Nào ai nỡ nhìn Mẹ Chúa Ki-tô
Mátrem Chrísti si vidéretVới bao xót xa đau đớn vô bờ,
In tánto supplício ?Ai người không mắt tuôn lệ mờ ?
Quis non pósset contristári,Nào ai trông Mẹ thống thiết bi ai
Chrísti Mátrem contempláriGánh chung đớn đau cùng với Con Ngài,
Doléntem cum Fílio ?Ai người không xót thương ngậm ngùi ?
Pro peccátis súae géntisMẹ nhìn Chúa Giê-su dưới mưa roi
Vídit Jésum in torméntis,Trút lên xác thân dập nát tơi bời
Et flagéllis súbditum.Chính vì tội lỗi dân của Người.
Vídit súum dúlcem nátumMẹ nhìn Con mình rất đỗi khoan nhân,
Moriéndo desolátum,Phút giây lâm chung đau đớn muôn phần
Dum emísit spíritum.Đến tận khi tắt hơi lìa trần.
Eia Máter, fons amóris,Lạy Mẹ chính là nguồn suối mến yêu,
Me sentí re vim dolórisGiúp con thấy uy lực nỗi u sầu,
Fac, ut técum lúgeam.Để cùng Mẹ thiết tha nguyện cầu.
Fac ut árdeat cor méumNguyện xin đốt lòng con sốt sắng luôn,
In amándo Chrístum Déum,Mến yêu Chúa Ki-tô hết tâm hồn,
Ut síbi compláceam.Vâng phục Thánh ý cho vẹn tròn.
Sáncta Máter, ístud ágas,Lạy Thánh Mẫu nguyện in dấu trong con
Crucifíxi fíge plágasVết thương Đấng trên thập giá khốn cùng,
Córdi méo válide.Xin được ghi khắc sâu vào lòng.
Túi Náti vulneráti,Mẹ ơi xin để con cái sớt chia
Tam dignáti pro me páti,Đớn đau Đấng mang thương tích ê chề,
Poénas mécum dívide.Chết vì tội lỗi con nặng nề.
Fac me técum pie flére,Mẹ cho con được than khóc không nguôi
Crucifíxo condolére,Đấng chịu đóng đinh, hiệp thông với Người,
Donec égo víxero.Tỏ lòng thảo hiếu cho trọn đời.
Iuxta crúcem técum stáre,Con ao ước được cùng đứng ngay bên
Et me tíbi sociáreThánh Giá đau thương tỏ nỗi ưu phiền,
In plánctu desídero.Chung lời than khóc bên Mẹ hiền.
Vírgo vírginum praeclára,Lạy Đức Nữ Trinh trên các nữ trinh,
Míhi iam non sis amára,Với con tỏ ra cay đắng sao đành,
Fac me técum plángere.Xin cùng than khóc với lòng thành.
Quando córpus moriétur,Ngày kia xác thân con sẽ tiêu tan,
Fac ut ánimae donéturKhứng ban cho con vinh phúc thiên đàng,
Paradísi glória.Khi hồn con thoát ly phàm trần.
Amen.Amen.


(2)

Chúng tôi kính lạy và ngợi khen sự mầu nhiệm Mình Thánh rất sang trọng, Máu Thánh rất châu báu vô cùng, xưa bởi lòng Đức Bà Maria đồng trinh sạch sẽ mà ra, đã để Mình trong phép mầu nhiệm này, để được ở cùng chúng tôi: là đêm sau hết, khi Người còn ngồi cùng các đầy tớ mà ăn bữa tối, là bữa trọng trên hết các bữa; khi đã giữ cho đủ các phép đạo cũ truyền lại mà ăn bữa này, đoạn mới phó mình cho mười hai đầy tớ lấy làm của ăn. Ngôi thứ Hai ra đời làm Người phán một lời phép tắc vô cùng, mà làm cho bánh thật trở nên Mình Người, cùng làm cho rượu nho hóa nên Máu Người thật; vì vậy dù là con mắt chúng tôi xem chẳng thấy, thì phải có đức Tin cho được vững lòng.
Vậy chúng tôi phải thờ lạy phép Rất Thánh Rất Trọng dường ấy, vì các phép trong đạo cũ chẳng bằng phép này, thì chúng tôi phải có lòng tin cho bền, thay vì con mắt chúng tôi xem thấy, chúng tôi phải ngợi khen Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Thánh Thần, cùng thờ lạy kính mến ngợi khen và hát mừng sự mầu nhiệm Rất Thánh này đời đời chẳng cùng. Amen.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh Lễ Vọng Phục sinh 2019
J.B. Đặng Minh An dịch
17:03 20/04/2019
Lúc 8g30 tối thứ Bẩy 20 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh Lễ Vọng Phục sinh bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Những người phụ nữ mang dầu thơm đến ngôi mộ, nhưng họ sợ rằng cuộc hành trình của họ chỉ là vô ích, vì một tảng đá lớn nằm chắn lối vào huyệt mộ. Hành trình của những người phụ nữ đó cũng là hành trình của chính chúng ta; nó giống như hành trình của ơn cứu rỗi mà chúng ta cử mừng tối nay. Đôi khi, dường như mọi thứ đều bị vấp phải một hòn đá nào đó, chẳng hạn như vẻ đẹp của kỳ công sáng tạo vấp phải bi kịch của tội lỗi; sự giải phóng khỏi chế độ nô lệ vấp phải sự bất trung với giao ước; và những lời hứa của các tiên tri vấp phải sự thờ ơ của người dân. Cũng vậy, trong lịch sử của Giáo Hội và trong lịch sử cá nhân của chúng ta, dường như các bước chúng ta thực hiện chẳng bao giờ đưa chúng ta đến mục tiêu. Chúng ta có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng vỡ mộng là quy luật nghiệt ngã của cuộc sống.

Tuy nhiên, hôm nay chúng ta thấy rằng hành trình của chúng ta không phải là vô ích; nó không vấp phải tảng đá che mộ. Một cụm từ duy nhất làm kinh ngạc những người phụ nữ và làm thay đổi lịch sử: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24: 5). Tại sao anh chị em nghĩ rằng mọi thứ đều vô vọng, rằng không ai có thể lấy đi bia mộ của chính anh chị em? Tại sao anh chị em lại thối chí và thất bại? Phục sinh là ngày lễ mừng những bia mộ được lấy đi, những tảng đá được lăn qua một bên. Chúa lấy đi cả những phiến đá khó nhất đang nghiền nát hy vọng và những mong đợi của chúng ta như chết chóc, tội lỗi, sợ hãi, và tinh thần thế gian. Lịch sử loài người không dừng lại trước một mộ bia, bởi vì ngày nay nó gặp được “tảng đá sống” (xem 1 Pr 2: 4), là Chúa Giêsu Phục sinh. Chúng ta, trong tư cách là Giáo Hội, được xây dựng trên Ngài; và, ngay cả khi chúng ta chán nản và bị cám dỗ để đánh giá mọi thứ dưới ánh sáng của những thất bại, Ngài đến để canh tân tất cả mọi thứ, lật ngược mọi nỗi thất vọng của chúng ta. Mỗi người trong chúng ta được mời gọi để tái khám phá nơi Chúa Kitô Phục sinh Đấng đang lăn những tảng đá nặng nhất ra khỏi con tim chúng ta. Vì vậy, trước tiên chúng ta hãy tự hỏi: đâu là hòn đá mà tôi cần phải loại bỏ, tên của nó là gì?

Thông thường, điều ngăn cản hy vọng chính là hòn đá chán nản ngã lòng. Một khi chúng ta bắt đầu nghĩ rằng mọi thứ đang trở nên tồi tệ và rằng mọi thứ còn có thể tồi tệ hơn nữa, chúng ta ngã lòng và tin rằng cái chết mạnh hơn sự sống. Chúng ta trở nên yếm thế, tiêu cực và tuyệt vọng. Tảng đá này chồng chất lên phiến đá kia, chúng ta xây dựng trong mình một tượng đài cho sự bất mãn của chính chúng ta: đó là ngôi mộ chôn vùi hy vọng. Cuộc sống trở thành một chuỗi những lời phàn nàn và chúng ta trở nên suy nhược về tinh thần. Một loại tâm lý huyệt mộ thắng thế: mọi thứ kết thúc ở đó, hết còn chút hy vọng sống sót thoát ra nào. Tuy nhiên, ngay lúc đó, chúng ta lại nghe thấy câu hỏi hùng hồn của lễ Phục sinh: “Sao anh chị em lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” Chúa không được tìm thấy nơi sự cam chịu. Ngài đã sống lại; Ngài không ở đấy. Đừng tìm kiếm Ngài ở nơi anh chị em sẽ không bao giờ tìm thấy Ngài: Ngài không phải là Chúa của kẻ chết mà là của người sống (x. Mt 22:32). Đừng chôn vùi hy vọng!

Có một tảng đá khác vẫn thường đóng kín trái tim: đó là tảng đá tội lỗi. Tội lỗi quyến rũ; nó hứa hẹn mọi thứ dễ dàng và nhanh chóng, thịnh vượng và thành công, nhưng sau đó chỉ để lại nỗi cô đơn và cái chết. Tội lỗi đang tìm kiếm sự sống giữa những kẻ chết, và kiếm tìm ý nghĩa của sự sống trong những thứ chóng qua. Tại sao anh chị em tìm kiếm sự sống giữa những kẻ chết? Tại sao không quyết định từ bỏ tội lỗi, là thứ giống như một hòn đá chắn ngay trước lối vào trái tim của anh chị em để ngăn không cho ánh sáng của Chúa thâm nhập vào? Tại sao không ưu tiên chọn Chúa Giêsu, là ánh sáng thực sự (x. Ga 1: 9), hơn sự hào nhoáng của giàu sang, sự nghiệp, tự cao tự đại và lạc thú? Tại sao không nói với những điều trống rỗng của thế giới này rằng từ nay anh chị em không sống cho chúng nữa, nhưng là cho Chúa của sự sống?

2. Chúng ta hãy trở lại với những người phụ nữ đã đến ngôi mộ của Chúa Giêsu. Họ dừng lại trong sự kinh ngạc vì tảng đá đã bị lấy đi. Tin Mừng cho chúng ta biết khi thấy các Thiên thần, các bà đứng đó “sợ hãi, và cúi mặt xuống đất” (Lc 24: 5). Họ không đủ can đảm để nhìn lên. Chúng ta cũng làm như thế thường xuyên biết chừng nào? Chúng ta thích co cụm bên trong những thiếu sót của chúng ta, thu mình lại trong nỗi sợ hãi. Thật kỳ lạ, nhưng tại sao chúng ta lại làm như thế? Không hiếm khi là bởi vì khi ủ rũ và khép kín trong chính chúng ta, chúng ta cảm thấy kiểm soát được, vì ở một mình trong bóng tối của trái tim chúng ta thì dễ dàng hơn là mở tung lòng mình ra với Chúa. Nhưng mà, chỉ một mình Ngài mới có thể nâng chúng ta dậy. Một nhà thơ đã từng viết: “Chúng ta không bao giờ biết chúng ta cao đến mức nào, cho đến khi chúng ta được mời gọi để trỗi dậy”(E. Dickinson). Chúa mời gọi chúng ta đứng dậy, vươn đến lời Ngài, nhìn lên và nhận ra rằng chúng ta được tạo ra cho thiên đàng, chứ không phải cho trái đất, cho đỉnh cao của sự sống chứ không phải cho chiều sâu của cái chết: Sao anh chị em lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?

Chúa yêu cầu chúng ta nhìn cuộc sống như Ngài nhìn nó, vì trong mỗi chúng ta, Ngài không ngừng nhìn thấy một hạt giống của vẻ đẹp không thể bị đè bẹp. Đứng trước tội lỗi, Ngài thấy con trai và con gái Ngài được phục hồi; trước cái chết, anh chị em được tái sinh; trong hoang tàn, các con tim được hồi sinh. Vậy thì đừng sợ: Chúa yêu cuộc sống của anh chị em, ngay cả khi anh chị em sợ phải nhìn vào nó và giữ nó. Trong biến cố Phục sinh, Chúa cho anh chị em thấy Người yêu thương cuộc sống đến mức nào: thậm chí đến mức sống hoàn toàn cuộc sống ấy, trải qua đau khổ, bị bỏ rơi, cái chết và địa ngục, để rồi vươn lên khải hoàn ngõ hầu cho anh chị em biết rằng: “Các con không cô đơn; hãy đặt trọn niềm tin của các con nơi Thầy!”

Chúa Giêsu là một chuyên gia trong việc biến những cái chết của chúng ta thành sự sống, những than khóc của chúng ta thành hân hoan nhảy mừng (x. Tv 30:11). Với Ngài, chúng ta cũng có thể trải nghiệm một Pasch, nghĩa là một cuộc Vượt Qua từ sự tập trung vào chính mình đến tình hiệp thông, từ lẻ loi cô độc đến được ủi an, từ sợ hãi đến tự tin. Chúng ta đừng cứ cúi mặt xuống đất trong sợ hãi, nhưng hãy ngước mắt nhìn lên Chúa Giêsu Phục sinh. Ánh mắt của Chúa lấp đầy chúng ta với hy vọng, vì ánh mắt ấy cho chúng ta biết rằng chúng ta được yêu thương vô bờ bến, và dù chúng ta có tạo ra bao nhiêu những thứ lộn xộn, tình yêu của Người vẫn không thay đổi. Đây là một xác tín duy nhất không thể tranh cãi mà chúng ta có trong cuộc sống này: đó là tình yêu của Chúa [dành cho chúng ta] sẽ không bao giờ đổi thay. Chúng ta hãy tự hỏi: Trong cuộc sống của tôi, tôi đang tìm kiếm ở đâu? Tôi đang nhìn chằm chằm vào nghĩa trang, hay đang tìm kiếm Đấng Hằng Sống?

3. “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” Các Thiên thần đã hỏi những người phụ nữ câu hỏi này, và nói tiếp rằng: “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê” (Lc 24: 6). Những người phụ nữ đó đã mất hy vọng, bởi vì họ không nhớ ra những lời của Chúa Giêsu, lời Ngài đã phán cùng họ tại Galilê. Mất đi ký ức sống động về Chúa Giêsu, họ cứ nhìn vào ngôi mộ. Đức tin luôn cần quay trở lại Galilê, để đánh thức lại tình yêu đầu tiên của mình đối với Chúa Giêsu và lời mời gọi của Người: hãy nhớ đến Người, hãy quay trở lại với Người bằng tất cả tâm trí và con tim của chúng ta. Trở về với một tình yêu sống động của Chúa là điều cần thiết. Nếu không, chúng ta là một “bảo tàng viện” đức tin, không phải là một đức tin Phục Sinh. Chúa Giêsu không phải là một nhân vật của quá khứ; Ngài là một nhân vật đang sống ngày hôm nay. Chúng ta không biết Ngài từ các sách lịch sử; chúng ta gặp gỡ Ngài trong cuộc sống. Hôm nay, chúng ta hãy nhớ lại lần đầu tiên Chúa Giêsu gọi chúng ta như thế nào, cách thức Ngài vượt qua bóng tối của chúng ta, sự phản kháng, và tội lỗi của chúng ta, cũng như cách thức Chúa chạm đến trái tim của chúng ta với những lời của Ngài.

Những người phụ nữ, nhớ ra những gì Chúa Giêsu nói, đã rời ngôi mộ. Phục sinh dạy chúng ta rằng các tín hữu không nán lại nghĩa trang, vì họ được mời đi ra để gặp Đấng Hằng Sống. Chúng ta hãy tự hỏi: Trong cuộc sống của tôi, tôi sẽ đi đâu? Đôi khi chúng ta chỉ đi theo hướng những vấn nạn của mình, rất nhiều những vấn nạn, và chỉ chạy đến với Chúa để cầu cứu. Nhưng khi đó, chính những nhu cầu của chúng ta, chứ không phải là Chúa Giêsu, đang hướng dẫn các bước đi của chúng ta. Chúng ta tiếp tục tìm kiếm Người sống giữa kẻ chết. Hay, biết bao lần, một khi chúng ta đã gặp gỡ Chúa rồi, chúng ta lại quay về với cõi chết, đào bới những hối tiếc, trách móc, đau đớn và bất mãn, mà không để Chúa Phục Sinh thay đổi chúng ta?

Anh chị em thân mến: chúng ta hãy đặt Đấng Hằng Sống vào trung tâm của cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy xin ân sủng không bị cuốn trôi đi bởi dòng triều của biển cả những vấn đề của chúng ta, chúng ta hãy cầu xin ân sủng để đừng bị mắc cạn trên những bãi cát tội lỗi hoặc sụp đổ trên những bờ đá của sự chán nản và sợ hãi. Chúng ta hãy tìm kiếm Người trong và bên trên tất cả mọi thứ. Với Ngài, chúng ta sẽ sống lại.


Source:Vatican News
 
Nhà thờ Notre Dame cháy rụi cuối cùng có thể phục hưng đời sống thiêng liêng của người Pháp
Vũ Văn An
23:46 20/04/2019


Ít nhất đó cũng là nhận định của Claire Giangravè thuộc tập san Crux ngày 20 tháng Tư. Cô cho rằng với người Công Giáo Pháp, những người xưa nay ít chịu biểu lộ đức tin nơi công cộng trong một xứ sở duy tục hóa cao độ, quang cảnh điêu tàn của Notre Dame sau cơn hỏa hoạn có thể sẽ gợi hứng cho một cuộc canh tân và quay về với gốc rễ của họ.

Giangravè đã cùng hai ký giả của Currents News qua Paris để xem những gì còn lại sau trận hỏa hoạn. Điều họ khám phá được là một đất nước hợp nhất trong việc theo đuổi một cuộc canh tân, không hẳn chỉ là ngôi thánh đường lịch sử, mà cả đức tin từng gợi hứng cho việc xây dựng nó cách nay gần 1 ngàn năm.

Người Công Giáo Pháp phần lớn đã thích ứng với nền văn hóa laïcité, một nhãn hiệu độc đáo của chủ nghĩa duy tục Pháp nhằm áp đặt nghiêm ngặt sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước. Nói theo ngôn từ Thánh Kinh, họ theo một hình thức nào đó của chủ nghĩa Nicôđêmô, đẩy đức tin vào lãnh vực tư.

Nay thì nhiều người Công Giáo Pháp cho hay các ngọn lửa dìm ngập Notre Dame có thể cũng đã làm bùng lên một tia lửa tâm linh, nhất là nơi các thế hệ mới, gợi hứng để họ tuyên xưng đức tin một cách công khai và từ đống tro tàn xây dựng lại nền tảng của họ.

Ba ký giả nói chuyện với các nhà hoạt động, những người, cùng với hàng ngàn người cả già lẫn trẻ và các gia đình, diễn hành trên đường phố Paris để công khai tuyên xưng các niềm tin phò sự sống của họ. Một vị Giám Mục ở khu ngoại ô Paris, từng chứng kiến nhiều người trẻ tham gia Đàng Thánh Giá hôm Thứ Sáu Tuần Thánh vừa qua với ngài, nói với các ký giả rằng họ có thể đang chứng kiến thời khắc tân phúc âm hóa đối với người Công Giáo Pháp.

Họ nhìn nhận rằng các mối liên hệ với nhà nước Pháp vẫn còn nhiều phức tạp, nhưng đã có một chiều hướng cho thấy việc nhìn thấy trái tim tôn giáo và văn hóa Pháp gần như tiêu tan đã khiến người ta hiểu ra sứ điệp này: đây là những điều đáng để người ta phải đấu tranh cho.

Một khoảnh khắc để truyền giảng Tin Mừng

Marie Cabaud và Joseph Meaney là một cặp vợ chồng Mỹ Pháp làm việc cho phong trào phò sự sống gần Paris. Cả hai đều dấn thân cho chính nghĩa phò sự sống và đã dành hết các cố gắng của họ để giúp vận động cộng đồng địa phương, các cố gắng này, khởi đầu từ năm 2014, đã đưa hơn 50,000 người Pháp ra đường phố để bảo vệ trẻ chưa sinh.

Cabaud nói với Crux trong một cuộc phỏng vấn ngày 18 tháng 4. “Đó là điều chưa từng xảy ra trước đây. Người Công Giáo Pháp không có truyền thống diễn hành ở đường phố”.

Mặc dù thừa nhận rằng Notre Dame có một ý nghĩa đặc biệt như một trung tâm lịch sử và văn hóa của Paris, bà vẫn lo ngại rằng vai trò chính của nó trong mắt các tín hữu Pháp có thể bị làm ngơ.

Bà nói: “Điều thực sự quan trọng về vấn đề này là Notre Dame là trái tim của Giáo hội. Chúng ta cần tập trung vào việc tái thiết nó từ bên trong, chứ không chỉ ở bên ngoài”.

Chồng bà nhận xét rằng kể từ khi họ chuyển đến Paris năm 2014, Pháp đã trải qua một loạt các biến cố quan trọng, từ các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu đến chiến thắng tại Giải Túc Cầu Thế Giới, các biến cố đã góp phần vào một tri nhận cho rằng nước này có thể đang kinh qua một “khoảnh khắc thay đổi sâu xa”, mà đỉnh cao là trận lửa tại Notre Dame.

Ông Meany thì nói rắng “có cảm giác như đất nước này thực sự là tâm điểm của rất nhiều xung đột và rất nhiều đau khổ, nhưng đồng thời cũng rất nhiều vui mừng hân hoan. Dường như một cuộc đấu tranh tâm linh thực sự đang diễn ra”.

Arnaud Boutheon, đại diện của Hội Hiệp sĩ Columbus ở Paris, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 18 tháng 4 rằng vụ hỏa hoạn tại nhà thờ Notre Dame đã gợi hứng cho người Công Giáo ở Pháp tự đặt câu hỏi về đức tin và các niềm tin của họ.

Ông nói: “Khi chúng ta tìm kiếm bản sắc của mình, khi chúng ta tìm kiếm điều hợp nhất mọi người dân Pháp, qua biến cố bi đát này, chúng tôi nhận ra: mọi người đều hết sức xúc động và mọi sự chia rẽ có thể biến mất trước nhân loại này”.

Boutheon đã tổ chức buổi trình diễn ánh sáng “Đức Bà của Lòng Chúng Ta” (Lady of Our Hearts) trên mặt tiền của nhà thờ Notre Dame vào năm ngoái, một buổi trình diễn đã tụ tập hàng ngàn người trước nhà thờ vào tháng 10. Ông nói rằng người đứng đầu Hội Hiệp sĩ, Carl Anderson, yêu cầu ông khuyến khích người Công Giáo Pháp tái nối kết với nguồn gốc và di sản của họ. Ông nói: “Nay là cơ hội rất lớn để chúng ta truyền giảng Tin Mừng vì nhiều người từ nước ngoài và Pháp sẽ quay trở lại trong những ngày tới để dự lễ Phục sinh. Bên kia bi kịch, ta có sự hy vọng”.

Khối lập phương và Nhà thờ Chính Tòa



Tại nơi vốn được gọi là “Manhattan của Paris”, tâm điểm kiên cố về kinh doanh và trung tâm kỹ thuật của Pháp, La Défense, Đức cha Matthieu Rouge của Nanterre đang chuẩn bị để hướng dẫn tín hữu đi Đàng Thánh Giá vào hôm Thứ Sáu.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 19 tháng 4, ngài nói: “Tôi nghĩ Pháp có thể là một trong những quốc gia ít tôn giáo nhất trên thế giới. Rất khó để người Pháp nói, chẳng hạn, rằng họ là người Công Giáo”.

Giáo phận Nanterre nằm ở ngoại ô Paris và cảnh quan của nó bị chi phối bởi Grande Arche, một khối lập phương trắng đồ sộ. Dưới bóng râm của nó, Đức Cha Rouge đã hướng dẫn người Công Giáo băng qua quảng trường, với số lượng tăng đều ở mỗi chặng, bao gồm nhiều người trẻ và những khuôn mặt mà vị giám mục nói ngài chưa từng gặp trước đây. Silvia, một người Công Giáo Pháp gốc Ý tham dự Đàng Thánh giá cho biết “đây là một thời khắc gặp gỡ nhau”.

Bà nói rằng “Người ta ở đây rất kín đáo về tôn giáo và về chính trị, họ càng kín đáo hơn nữa”; bà nói thêm: “trận hỏa hoạn ở Notre Dame có thể giúp tình cảm của họ trồi lên”.

Đối với Jean Paul, một tín hữu trong đám rước, trận lửa tại nhà thờ chính tòa gây ra “nỗi buồn sâu thẳm”.

Anh nói: “Chúng tôi khóc nhưng chúng tôi cũng đã cầu nguyện. Tôi đã thấy rất nhiều người cầu nguyện vào lúc này, không chỉ cho nhà thờ chính tòa mà còn cho cả Giáo hội nói chung nữa”.

Anh nói thêm “Đây cũng là cách để khám phá điều gì sai trái trong Giáo hội, và để làm sáng tỏ và tiến tới việc phục hồi Giáo hội”.

Theo vị giám mục, ngọn lửa có thể gợi hứng cho các tín đồ gặp gỡ và chia sẻ cảm xúc của họ với nhau và cho rằng nó có thể khuyến khích người Công Giáo sống thực đức tin của họ và có lẽ cả việc truyền giảng Tin Mừng nữa.

Liên quan đến các mối liên hệ với nhà nước, ngài thận trọng hơn, mô tả các liên hệ giữa chính phủ và Giáo hội Pháp là “nghịch lý”.

Ngài nói “Chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều, và mọi nguyên thủ quốc gia đều phải biết rằng đây là một quốc gia Công Giáo có nguồn gốc sâu xa, nhưng đồng thời, ông ấy hoặc bà ấy phải cổ vũ một chủ nghĩa thế tục cứng rắn”.

Theo ngài, việc xây dựng lại Notre Dame sẽ mục kích việc phô bầy các mối liên hệ lúng túng này. “Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể trải nghiệm ở một thời điểm nào đó, năng động tính thông thường giữa Giáo hội và chính phủ Pháp, nghĩa là nhiều mối liên hệ nhưng đôi khi là những liên hệ khó khăn.



Lời kêu gọi xây dựng nhà thờ chính tòa

Cho đến nay, người trẻ Công Giáo là người dễ tiếp thu nhất đối với lời kêu gọi hành động mà cảnh tượng Notre Dame đang bốc cháy đã gợi hứng. Các nhóm tuổi trẻ đã xuất hiện ở cấp cơ sở, như nhóm “Batisseur” (Thợ Xây); những người này đang gắn bó với nhau tìm cách cứu nhà thờ chính tòa.

“Với những cuộc tuần hành lớn phò sự sống năm 2014, những người trẻ tuổi đã nhận ra rằng chúng tôi không thể dựa vào nhà nước hoặc các định chế người như ông bà và cha mẹ tôi nữa”. Jacob nói như thế, và thêm rằng trong 30 năm qua, người Công Giáo đã quen với việc giữ cho đức tin của họ tránh xa tầm mắt của công chúng. Anh nói “Chúng tôi nên tỏ ra không hổ thẹn và rõ ràng hơn, hoặc ít nhất là lớn tiếng nhiều hơn về những gì chúng tôi làm”.

Anh nói thêm rằng nhiều người trẻ đã bất lực nhìn những người lính cứu hỏa xông vào để cứu nhà thờ chính tòa và tự hỏi làm thế nào họ có thể sử dụng tài năng của mình để cứu Notre Dame, tự hỏi có phải “Thiên Chúa đang gửi đến chúng ta tín hiệu để đi sâu hơn, sâu hơn vào mầu nhiệm chết và phục sinh hay không”.

Anh nói “Có lẽ đây là thời gian để trở về cội nguồn, không chỉ kinh doanh, giáo dục, và diễn hành mà chúng ta còn phải xây dựng lại các nhà thờ”.

“Có lẽ tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành các thợ xây nhà thờ chính tòa”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đàng Thánh Giá trọng thể ngoài trời tại Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne Thứ Bảy Tuần Thánh
Trần Văn Minh
00:45 20/04/2019
Lúc10 giờ sáng Thứ Bảy Tuần Thánh, 20/4/19. Một ngày trời rất đẹp, trong xanh nên bầu trời có chiếc máy bay phun khói trắng hình Thánh giá = Tình yêu. Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm đã tổ chức Đàng Thánh Giá trọng thể ngoài trời thật sốt sắng, đi từ cộng đoàn quanh một vòng khu Debney Park rồi về lại trung tâm.

Xem hình

Sau các lời nguyện. Cha Quản nhiệm đã vác Thánh giá Chúa khởi hành cho cuộc thương khó Chúa qua 14 chặng đàng Thánh Giá. Tiếp theo là Ban mục vụ cộng đoàn rồi tới các hội đoàn, đoàn thể, các giáo khu đã tiếp theo các chặng đường còn lại, và kết thúc tại lễ đài trung tâm. Trước khi ra về, mọi người lại viếng mộ Chúa để kính viếng và hôn chân Chúa như một lời tạ ơn về cuộc thương khó mà Chúa đã chịu để cứu chuộc nhân loại.
 
Canh thức Phục Sinh tại Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột - 2019
Vũ Đình Bình
12:39 20/04/2019
Đêm nay, Giáo hội cử hành đêm Canh Thức Vượt Qua để kính nhớ Đêm Thánh Chúa sống lại, kết thúc 40 ngày chay tịnh. Đây là đêm mà Đức Giêsu Kitô đã phá xiềng xích tội lỗi, chiến thắng sự chết, đem lại sự sống đích thực, và quyền làm con Thiên Chúa cho nhân loại.

Vào lúc 21g30 tối 20.4.2019, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, chủ sự Thánh lễ Canh thức Phục Sinh tại nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột.

Đêm vọng Phục sinh bắt đầu bằng Nghi thức thắp nến Phục Sinh. Tất cả đèn điện đều phụt tắt, toàn bộ khuôn viên nhà thờ Chính Tòa ngập chìm trong bóng đêm u tịch, chỉ còn lại đốm lửa nhỏ nơi tiền sảnh Hội trường. Tại đây, Đức Cha Vinh Sơn làm phép lửa, rồi dùng mũi nhọn vẽ hình thánh giá, viết chữ Anpha ở phía trên, chữ Ômêga bên dưới, viết số 2019 ở bốn đầu Thánh Giá, cắm năm hạt hương vào hình Thánh Giá trên nến phục sinh, lấy lửa mới làm phép, rồi thắp sáng ngọn nến phục sinh và xướng lên: “Ánh sáng Chúa Kitô”.

Xem Hình

Đức Cha chủ tế cùng đoàn rước Nến Phục Sinh tiến lên lễ đài. Lửa từ nến phục sinh được truyền sang thắp sáng tất cả những ngọn nến của các tín hữu. Đèn điện trong khu vực bừng sáng, rực rỡ. Cha phó Vinh Sơn Phạm Hữu Mạnh cất cao bài ca Exsultet: Mừng vui lên, hỡi chư thần chư thánh.

Việc tưởng niệm Đức Kitô tử nạn và phục sinh đạt tới cao điểm trong đêm Vượt Qua này. Đêm nay là đêm mà người Do Thái ăn thịt chiên và được cứu thoát. Đêm nay là đêm mà Chúa Kitô đã đập tan xiềng xích của tội lỗi và sự chết. Đêm nay là đêm mà Hội Thánh từ thuở ban đầu vẫn chờ mong Chúa đến.

Đêm canh thức Phục Sinh năm nay tại nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột, được tổ chức ngoài trời, có 2 màn hình lớn để mọi tín hữu đều có thể tham dự cách sốt sắng.

Sau Nghi thức thắp nến Phục Sinh là phần Phụng vụ lời Chúa. Cộng đoàn được nghe lại các bài đọc:

- Trích sách Sáng Thế. (St 1, 1 - 2, 2) “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm thật là tốt đẹp”. Từ nguyên thuỷ Thiên Chúa đã tạo thành trời đất.

- Trích sách Sáng Thế. (St 22, 1-18) “Của lễ hiến tế của Abraham, Tổ phụ chúng ta”. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”

- Trích sách Xuất Hành. (Xh 14, 15 - 15, 1)”Con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn”. Ngày đó Chúa cứu Israel khỏi tay Ai-cập.

- Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma. (Rm 6, 3-11) “Chúa Kitô, một khi tự trong cõi chết sống lại, Người không chết nữa”.

- Và bài Phúc âm: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 24, 1-12) “Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết?” Thuật lại việc: Sáng ngày thứ nhất trong tuần, các bà đi ra mồ mang theo thuốc thơm đã dọn sẵn. Thấy hòn đá đã lăn ra khỏi mồ, nhưng bước vào, các bà không thấy xác Chúa Giêsu.

Sau bài Phúc âm, Đức Cha Vinh Sơn chia sẻ: Đêm nay Giáo hội long trọng cử hành Lễ Phục sinh, mừng Chúa Giêsu Kitô chiến thắng sự chết, phá tan xiềng xích tội lỗi để đưa chúng ta vào cuộc sống mới, cuộc sống của những con người được giải thoát, được hưởng ơn cứu độ. Sự sống lại của Chúa Giêsu, điều mà ngay lúc bấy giờ, các môn đệ không thể nào hiểu nổi; Thì ngày nay, chúng ta nhờ niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô phục sinh qua chứng từ của các tông đồ và nhờ ánh sáng của các Bài Đọc cựu ước có thể nhận ra một vài nét căn bản… Thời gian 40 ngày được gần gũi Chúa Giêsu Kitô phục sinh đã giúp các môn đệ biết rằng Ngài đã sống lại và sẵn sàng đem mạng sống ra làm chứng về điều này.

Đức Cha nhắn nhủ: Là người Kitô hữu, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Chúng ta tin rằng, sự sống lại của Chúa Giêsu cũng chính là tương lai của chúng ta. Nhờ tin, chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Chấp nhận chết đi con người cũ, chắc chắn, chúng ta sẽ được sống lại với Ngài trong ngày sau hết. (Mời nghe Bài Giảng)

Tiếp theo là phần phụng vụ Phép Rửa. Đức Cha Vinh Sơn làm phép nước. Cộng đoàn thắp sáng ngọn nến của mình từ nến Phục Sinh và lặp lại lời tuyên hứa khi chịu phép Rửa, khẳng định lại lời cam kết này và cố gắng mỗi ngày chết cho tội lỗi nhiều hơn để được sống lại với Chúa trọn vẹn hơn.

Đức Cha chủ tế rẩy nước thánh trên cộng đoàn. Xin Chúa cho mọi người được niềm vui phục sinh, được thấm nhuần ơn cứu chuộc của Đức Kitô phục sinh, cho đức tin được củng cố và tăng trưởng mỗi ngày một hơn. Xin ban Thánh Thần làm cho chúng con nên người mới, để cuộc sống chúng con tràn đầy ánh sáng của Chúa.

Thánh lễ tiếp nối qua phần Phụng vụ Thánh Thể trong niềm hân hoan mừng Đức Kitô sống lại vinh hiển.

Trước khi kết lễ, Ông chủ tịch HĐGX thay mặt cộng đoàn có đôi lời tri ân và dâng lên Đức Cha Vinh Sơn, Cha quản xứ bó hoa tươi tỏ lòng con thảo. Ông cầu chúc cộng đoàn Mùa Phục Sinh tràn đầy ân sủng, thánh đức.

Đức Cha Vinh Sơn ban phép lành trọng thể, kết thúc Thánh lễ. Cầu chúc Niềm Vui Phục Sinh đến với mọi người, mọi nhà, và lan tỏa khắp nơi nơi. Alleluia!
 
Tưởng niệm cuộc khổ nạn của Đức Kitô 2019 tại Giáo xứ CTTĐVN Seattle.
Nguyễn An Qúy
12:42 20/04/2019
Tukwila. Trời Seattle hôm nay có những cơn mưa nhẹ, ngoài trời hơi lành lạnh. Cùng với Giáo Hội hoàn vũ bước vào ngày thứ hai của Tam Nhật Vượt Qua, giáo xứ CTTĐVN cử hành tưởng niệm cuộc khổ nạn của Đức Kitô một cách long trọng với những nghi thức đạo đức mang truyền thống Việt Nam như nguyện ngắm, nghi thức tháo đanh, hạ xác Chúa và kiệu Xác Chúa chung quanh nhà thờ trước nghi thức Tôn Kính Thánh Giá.

Khung cảnh của ngôi thánh đường hôm nay khá nhộn nhịp qua việc cử hành ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa một cách trang trọng với những nghi thức trọn vẹn mang tính truyền thống Việt Nam để hiệp thông với mầu nhiệm Vượt Qua.

Đúng 3 giờ chiều, kỷ niệm giờ Chúa chết, đông đảo giáo dân đã cùng nhau cử hành chuỗi lòng thương xót Chúa. Sau đó là phần nguyện ngắm mười lăm sự thương khó Chúa đến hơn 4 giờ là nghi thức đầy cảm động với việc tháo đanh, hạ xác Chúa. Đây là một hoạt cảnh khá cảm động đã đưa cộng đoàn dân Chúa hiện diện hướng về nổi đau tận cùng mà Chúa đã chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Nghi đoàn tham dự phần diễn nguyện nghi thức tháo đanh và hạ Xác Chúa đều mặc áo tang để nói lên ý nghĩa của việc cử hành ngày Chúa chịu chết. Hai vị trung niên đóng vai 2 môn đệ của Chúa là Giuse Arimathia và Micôđêmô đã bắt thang trèo lên tháo đanh và hạ xác Chúa Giêsu xuống rồi trao cho Đức Mẹ là hình ảnh sinh động với lời kinh nguyện gẩm đầy cảm động khiến nhiều người trong cộng đoàn dân Chúa hiện diện đã ứa lệ. Xác Chúa được đưa vào vào chiếc Hòm trang trí khá trang trọng. Cha chủ sự xông hương và cuộc Rước Kiệu bắt đầu. Trời bắt đầu có cơn mưa nhẹ, đoàn kiệu khá dài đã đi vòng quanh nhà thờ và tiến vào khu vực nhà mồ được thiết kế trong hội trường thật ấm cúng. Nghi thức nguyện ngắm, tháo đanh, hạ xác Chúa và cuộc rước kiệu Xác Chúa kết thúc lúc 5 giờ.

Xem Hình

Đúng 5 giờ nghi đoàn đã sẵn sàng cùng với quý linh mục tiến lên bàn thánh để bắt đầu nghi thức Tôn Kính Thánh Giá theo phụng vụ của Giáo Hội. Cá clinh mục cùng với nghi đoàn đã quý gối trước cung thánh trong thinh lặng để tưởng nhớ cuộc khổn nạn của Chúa. Linh mục đoàn tham dự cử hành nghi thức Tôn Kính Thánh Giá do cha Trần Hữu Lân chủ sự cùng với cha Nguyễn Sơn Miên và cha Nguyễn Văn Khải Dòng Chúa Cứu Thế đến giúp giáo xứ trong những ngày Tam Nhật Nhật Thánh.

Cha chủ sự công bố: hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội cử hành nghi thức mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Chúa qua việc Suy Tôn Thánh Giá.

Nghi thức được bắt đầu vào phần phụng vụ là phần Lời Chúa. Phần phụng vụ Lời Chúa trong đó Bài Đọc 2 có đoạn: "Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người"

Phụng vụ Lời Chúa tiếp nối qua bài Thương Khó Chúa Giêsu Kitô khá dài được hát rất trang trọng và đầy cảm động. Vì bài thương khó dài nên cha chủ sự đã mời giáo dân ngồi để cùng hiệp thông vào sự thương khó của Chúa.

Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải phụ trách chia sẻ Lời Chúa. Bài chia sẻ khá dài nhưng cách trình bày của cha Khải rất sinh động nên toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện đã lắng nghe một cách chăm chú từ đầu đến cuối thỉnh thoảng vang lên tiếng cười với lối nói dí dỏm của ngài. Mở đầu bài giảng ngài đã nhấn mạnh đến cái chết của Đức Kitô mà những người lên án Chúa đã trao cho Chúa một bản án tử hình như những người nô lệ thời đó là việc đóng đinh Chúa trên thập giá. Thời đó việc đóng đinh vào thập giá là bản án dành cho những tội nhân của thành phần nô lệ. Chúa của chúng ta cũng bị liệt vào hạng người khốn cùng này. Kết thúc nbài giảng ngài nói: Cháu ở Roma đã nghe Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: Hỡi các anh em linh mục, niềm hạnh phúc nhất của giáo dân trong những giờ thánh lễ là anh em giảng bài giảng ngắn. Để cho các bác cũng được hạnh phúc cháu xin chấm dứt ở đây Amen (mọi người cười rộ). Sau bài chia sẻ Lời Chúa là nghi thức cầu nguyện chung của Giáo Hội. Đây là phần cầu nguyện đặc biệt mà hàng năm được cử hành vào Thứ Sáu Tuần Thánh là lời cầu nguyện chung được kết hợp giữa giáo dân và cha chủ sự gồm việc cầu nguyện cho 10 thành phần: 1 Cầu cho Hội Thánh. 2 Cầu cho Đức Giáo Hoàng. 3 Cầu cho hàng Giáo sĩ và Giáo dân. 4 Cầu cho người Dự Tòng. 5 Cầu cho các Kitô hữu được hiệp nhất. 6 Cầu cho người Do Thái. 7 Cầu cho những người ngoài Kitô Hữu. 8 Cầu cho người Vô Thần. 9 Cầu cho những nhà lãnh đạo các Quốc Gia. 10 Cầu cho những người đau khổ.

Sau phần cầu nguyện là phần Tôn Kính Thánh Giá. Thánh Giá cao từ phía cuối nhà thờ được che khăn đỏ và từ từ tiến lên cung thánh với câu hát được xướng lên bởi linh mục phụ trách: "đây là gỗ thánh giá, chúng ta hãy đến thờ lạy Ngài". Nghi đoàn tiến đến cung thánh thì Thánh Giá được đặt vào bệ phủ khăn màu đỏ và cộng đoàn bắt đầu hôn kính Thánh Giá. Vì số lượng giaó dân tham dự nghi thức phụng vụ chiều thứ Sáu rất đông nên Thánh Giá được đặt ở 7 vị trí để giáo dân hôn kính để giảm bớt thời gian khá dài. Phần phụng vụ tưởng niệm ngày Chúa chết được tiếp nối qua phần Rước Mỉnh Thánh Chúa. Phần phụng vụ lúc 5 giờ kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa và Tôn kính Thánh Giá lúc 5 gìờ được kết thúc lúc 6 gờ 50 phút sau phép lành kết thúc, trong thinh lặng cộng đoàn dân Chúa ra để nhường nhà thờ cho nghi thức tiếp vào lúc 7 giờ 30.

Nguyễn An Quý
 
Lễ Vọng Phục Sinh tại Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne
Trần Văn Minh
16:55 20/04/2019
Melbourne, lúc 8 giờ 30 tối Thứ Bảy Tuần Thánh 20/4/2019. Tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Hợp cùng Giáo Hội Hoàn Vũ, Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm cũng hân hoan dâng lễ đồng tế mừng lễ Chúa Phục Sinh thật trọng thể tại lễ đài trung tâm.

Xem hình

Trong một ngày thời tiết rất đẹp, Trăng 16 sáng tròn phía trên đầu như cũng hân hoan mừng vị Vua Vũ Trụ sống lại vinh hiển. Thánh lễ đồng tế do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân Quản nhiệm cộng đoàn chủ tế cùng với Linh mục Giuse Trần Minh Hiếu và thầy Phó tế Gioan Đinh Văn Bổn Dòng Thánh Thể đồng tế. Liên Ca đoàn Babylon và Bêlem trong bộ đồng phục đại lễ rất đẹp, phụ trách phần thánh ca thật xuất sắc được sự cộng tác âm thanh chuyên nghiệp của gia đình Bằng Uyên, và Tâm Như phụ trách hướng dẫn các nghi thức rất rõ ràng lưu loát giúp cho buổi lễ thêm phần sốt sắng hơn.

Nhờ trời đẹp. Mọi thành phần dân Chúa, từ trẻ em theo cha mẹ, đến các cụ già được con chở đến, trong những bộ trang phục đẹp nhất đã về trung tâm để cùng nhau dâng lễ tạ ơn Chúa, và cũng để cùng nhau hân hoan mừng Chúa Phục Sinh. Những khuôn mặt thân thương ngồi đều trên các hàng ghế đã được kê thành hàng lối khắp sân rộng lớn và cả các khu vực bên trong trước khu lễ đài.

Mở đầu lễ vọng Phục Sinh 2019. Nghi thức làm phép lửa và nến Phục Sinh được Linh mục chủ tế long trọng ghi các chữ Alpha và Omega là khởi nguyên và tận cùng trên đầu và cuối nến Phục Sinh, ghi niên hiệu 2019 và ghim năm nút hương vào Thánh giá, tượng trưng cho năm dấu đinh của Chúa trên nến phục sinh. Ánh lửa từ nến Phục Sinh được các trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể thắp lên và truyền ra khắp cộng đoàn, khi nến Phục Sinh được Cha chủ tế rước lên lễ đài với ba lần tung hô: Ánh sáng Chúa Kitô cộng đoàn đã vang lên lời đáp: Tạ ơn Chúa. Và ánh sáng điện đã chan hòa xua tan bóng tối của thế gian.

Linh mục đã hát vang bài nào vui lên, trước khi các bài đọc của lễ Vọng Phục Sinh các bài đọc “Sáng Thế Ký,” “Xuất Hành” với các bài đáp ca do liên ca đoàn cùng cả cộng đoàn cùng chung một lời đáp ca được chiếu trên màn ảnh. Kinh Vinh Danh Được Cha chủ tế cất lên cùng với tiếng chuông nhà thờ mừng rỡ reo vui.

Sau các bài đọc, Linh mục chủ tế đã có bài chia sẻ về lễ Phục sinh là đỉnh điểm của người kitô hữu, và nến Phục Sinh là ngọn lửa của Thiên Chúa thắp sáng trong tâm hồn mỗi người, là con Chúa, chúng ta phải giữ sao cho ngọn lửa đó không bao giờ tắt trong tâm hồn. Chủ tế dùng nến Phục Sinh để làm phép nước, cộng đoàn được mời thắp nến sáng lên, cùng lập lại lời tuyên xưng đức tin. Chủ tể lấy nước thánh đi rẩy khắp mọi nơi và ca đoàn hát vang: Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra Halleluia.

Thánh lễ kết thúc trong tiếng reo mừng Halleluia, Halleluia. Mọi người ra về trong niềm vui phục sinh, và cùng chúc nhau mừng Chúa sống lại Halleluia.
 
Giáo xứ Tân việt Canh Thức Vượt Qua
Vinh sơn Trần văn Đẩu
17:19 20/04/2019
Tối thứ bảy lúc 21g ngày 20/4/2019, tại thánh đường giáo xứ Tân việt, Cha chánh xứ Đa minh Vũ ngọc Thủ đã chủ sự Thánh lễ Canh thức Vượt qua thật trọng thể với sự hiện diện đông đảo cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Tân việt.

Mở đầu đêm canh thức là phần Phụng vụ Ánh sáng. Tại tiền sảnh thánh đường, cha chủ tế làm phép lửa mới. ghi các biểu tượng của Chúa Ki Tô lên Nến Phục sinh và lấy Lửa mới thắp Nến Phục sinh. Nến Phục sinh được long trọng rước lên cung thánh với ba lần tung hô “ Ánh sáng Chúa Ki Tô – Tạ ơn Chúa “. Ngọn lữa từ nến Phục sinh lan tỏa ra khắp Thánh đường sáng chan hòa ấy, bài công bố Tin mừng Phục sinh – Exsultet được cất lên thật sốt sáng.

Xem Hình

Sauk hi long trọng khai mạc đêm canh thức, Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Lời Chúa. Qua các bài đọc cựu ước trích từ sách Sáng thế, xuất hành và E6dekiel, cộng đàn cùng ôn lại lịch sự cứu độ. Sau bài cựu ước cuối cùng, Kinh Vinh Danh được cất lên rộn rã hòa trong tiếng chuông ngân vang. Cùng lúc,bàn thờ được trang trí rực rỡ với hoa và nến để diễn tả niềm hân hoan mừng Chúa sống lại. Sau bài Thánh thư, chủ tế đã long trọng xướng ba lần Haleluia để chính thức khai mạc mùa Phục sinh. Tiếp đó cộng đoàn nghe bài Tin mừng của Thánh Luca trình thuật về ngôi mộ trống, báo hiệu sự sống lại từ cõi chết của Đức Ki Tô.

Sau đó là phần phụng vụ Thánh tẩy, Cha chủ tế làm phép nước và mời cộng đoàn với nến trong tay, cùng long trọng tuyên xưng đức tin. Rồi Ngài lấy nước Thánh rẩy lên dân chúng để nhắc lại cho các tín hữu về Bí tích thánh tẩy mà họ đã lãnh nhận. Nhờ nước Thánh tẩy chúng ta đã cùng chết với Đức Ki Tô cho tội lỗi để rồi cùng được Phục sinh với Người.

Cuối cùng là phần Phụng vụ Thánh thể. Cộng đàn cùng sốt sáng tham dự trong niềm vui mừng Chúa Phục Sinh. Thánh lễ kết bthuc1 trong tiếng ca hân hoan: ‘ Lạy Nữ Vương thiên đàng hãy vui mừng – Haleluia ‘.

Hiệp cùng toàn thể các tín hữu trên toàn thế giới. cộng đoàn giáo xứ Tân việt đã sốt sáng cử hành các nghi thức của đêm Phục sinh – đỉnh cao của cả năm phụng vụ - một cách trọng thể. Ước mong sao niềm vui của Đấng Phục Sinh trong đêm cực Thánh này tiếp tục được lan tỏa đến từng thành viên trong giáo xứ, nhờ đó cộng đoàn giáo xứ thực sự trở nên cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Đồng thời cũng biết chiếu tỏa niềm vui phục sinh đến những người chưa biết Chúa.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Sydney
Diệp Hải Dung.
19:42 20/04/2019
Tối thứ Bảy 20/04/2019 khoảng 6000 người, kể cả những người không Công Giáo đã đến công viên Paul Keating Park Bankstown, Sydney tham dự Lễ Vọng Phục Sinh. Giờ khai mạc đoàn Phụng Vụ và quý Cha xuống cuối công viên với nghi thức trang trọng làm phép Lửa và nến Phục Sinh. Tất cả mọi người đều hướng về cuối công viên thinh lặng cầu nguyện và đón mừng Ánh Sáng Phục Sinh của Chúa KiTô.

Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết Chủ Tế làm phép Lửa Mới và Nến Phục Sinh, Cha Paul Văn Chi cung nghinh nến Phục Sinh được rước lên lễ Đài và thắp sáng cho tất cả mọi nguời, tiếp theo là Phụng Vụ Lời Chúa do Cha Paul Văn Chi điều hợp, mọi người đều sốt sắng hướng lên Lễ đài và giơ cao ngọn Nến hân hoan mừng Chúa Sống Lại. Hàng ngàn ánh nến và các đèn trên Lễ đài và công viên Paul Keating đều bật sáng lên, tạo bầu khí rực rỡ trong ánh sánh vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh, cùng với Bài Alleluia uy nghiêm huy hoàng trong đêm Vọng Phục Sinh do Ca đoàn Thánh Mẫu La Vang Giáo đoàn Cabramatta hợp xướng.

Xem Hình

Cha Trần Kim Phú tuyên đọc Phúc Âm và trong bài giảng Cha Lê Hồng Mạnh nói về sự mầu nhiệm Phục Sinh qúa lớn lao và cũng là một biến cố lịch sử trọng đại….như các phụ nữ trong Phúc Âm đêm nay đi tìm người sống giữa sự chết, sáng sớm tinh sương các bà mang dầu thơm đi viếng mộ Chúa, dù biết rằng sức yếu không lăn tảng đá đậy cửa mồ, nhưng các bà vẫn đi, đi với cảm tính của người nữ, cảm tính của một tình yêu và khai mở cho một sứ mạng loan báo niềm vui Chúa sống lại….và Thánh nữ Mary MacKillop cũng kêu mời chúng ta hãy phó thác tin tưởng vào Thiên Chúa….

Sau bài giảng nghi thức làm phép nước Thánh mới và rảy trên Cộng Đoàn tham dự sau đó quý Cha cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Truớc khi kết thúc Thánh lễ, anh Nguyễn Ngọc Khiêm Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney ngỏ lời chúc mừng Phục Sinh, Happy Easter, đến quý Cha, quý Sơ, và tất cả mọi người trong Cộng Đồng, đặc biệt cám ơn Ca đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta đã phụng vụ phần Thánh nhạc rất hay, tạo cho mọi người sốt sắng trong buổi Lễ, anh cũng cám ơn Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và Liên đoàn Thanh Niên Công Giáo TGP Sydney và Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Cabramatta với phần phụng vụ Thánh lễ hôm nay đồng thời anh cũng thông báo ngày mai Chúa Nhật Phục Sinh các anh chị em Tân Tòng được Rửa Tội tại Giáo Đoàn Thánh Tử Đạo Anrê Phú Yên Reveby và Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta, Cha Paul Văn Chi thay mặt Ban Tuyên Úy cũng ngỏ chúc mừng Phục Sinh và giới thiệu quý Cha hiện diện trong Thánh lễ hôm nay, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Trần Văn Trợ, Cha Lê Hồng Mạnh, Cha Trần Kim Phú, Cha Nguyễn Hoàng Trung, Cha Phạm Minh Ước, Cha Phạm Hoàng Trung và Cha Nguyễn Đình Dung.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ra về trong niềm tin yêu của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, với lời tung hô vang vọng: Tạ Ơn Chúa Alleluia, Alleluia...

Diệp Hải Dung.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Con đường nhận ra Chúa Giêsu sống lại
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
17:17 20/04/2019
Con đường nhận ra Chúa Giêsu sống lại

Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu có câu: „Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh!“

Kinh Thánh, phúc âm theo Thánh Gioan thuật lại, Maria Magdalena, Tồng đồ Phero và Tông đồ Gioan là ba người tiên khởi khám phá ra Chúa Giêsu đã sống lại. Họ là nhân chứng thấy ngôi mộ chôn Chúa Giêsu trống không còn xác Chúa Giêsu nữa. ( Ga 20,1-18).

Ba người thấy ngôi mộ chôn Chúa Giêsu trở nên trống, và họ tin Chúa đã sống lại theo ba cách thế, đúng hơn theo ba con đường khác nhau.

Con đường Tông đồ Phero

Tông đồ Phero, sau khi được Maria Magdalene báo tin không thấy xác Chúa Giêsu trong mộ nữa, là người đến sau cùng. Nhưng Ông lại là người trước tiên đi vào trong ngôi mộ.

Vào bên trong mộ, ông quan sát nhìn chung quanh, như một người chuyên môn điều tra sự việc. Ông thấy„ những băng vải còn đó, và khăn che đầu đầu Chúa Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải khác, nhưng cuốn lại xếp riêng ra một nơi. ( Ga 20, 6-7).

Cách thế quan sát nhìn ngôi mộ trống của Phero với những tang chứng như thế không phải là sự tò mò, nhưng nói lên chiều nhận thức sự việc của một người với tầm suy nghĩ của trí khôn. Vì tầm suy nghĩ thường hay thắc mắc về những chi tiết và tìm bằng chứng ít là có một vài chỉ dẫn cho trí khôn rồi mới có thể tin hay không.

Trong hàng ngũ 12 Tông đồ của Chúa Giesu, Ông Phero là một nông dân làm nghề chài lưới và có tính tình bộc trực nóng nảy nói năng làm theo cảm tính nhiều hơn. Nhưng lần này Ông lại có cung cách sống của một người trí thức, biết bỡ ngỡ thắc mắc đi tìm chứng cớ cho đức tin vào Chúa Giêsu thầy mình đã sống lại.

Như vậy ngay từ đầu Tông đồ Phero qua cung cách của mình đã muốn nói lên đức tin tôn giáo là không chỉ là việc của trái tim tình yêu mến, nhưng cũng cần đến lý trí, đến đầu óc suy nghĩ nữa.

Con đường theo Tông đề Gioan

Tông đồ Gioan, người được Chúa Giêsu yêu mến trong hàng ngũ 12 Tông đồ, bước vào ngôi mộ chôn Chúa Giêsu sau Tông đồ Phero, như Kinh Thánh viết thuật lại: „Ông đã thấy và đã tin!“ ( Ga 12,8). Ông không cần bằng chứng nhìn thấy những băng vải liệm xác, tấm khăn che đầu Chúa Giesu nói lên Chúa Giêsu đã sống lại không còn nằm ở đây nữa, rồi mới tin như Tông đồ Phero.

Với Gioan tin là điều tiên khởi. Đức tin với Ông thuộc trực giác, cảm nhận từ bụng nhiều hơn.

Khi còn trẻ thơ hay thỉnh thoảng cả nơi người gìa lớn tuổi cũng có hình thái tin như vậy. Họ tin vào Thiên Chúa, và không đặt ra thắc mắc có Thiên Chúa hay không có Thiên Chúa. Những người tin như Gioan, họ biết hồ nghi là gì, nhưng họ thấy không cần đặt thành vấn nạn thắc mắc.

Họ có nhu cầu cần sự bao che đùm bọc nơi Thiên Chúa. Vì tin rằng nơi Thiên Chúa họ có được bình an hạnh phúc. Và vì thế họ tin vào Chúa.

Trong đời sống xưa nay có những người luôn sống trong hoài nghi thắc mắc, nhưng không sao đạt tới một đời sống no đủ bình an cho tâm hồn. Như thế những người sống tin tưởng hồn nhiên như Gioan, như các trẻ em nhỏ, có đời sống niềm vui hạnh phúc, dù bị cho là ấu trĩ, nhưng lại giúp mang đến thăng bằng cho cán cân giữa hoài nghi và tin tưởng.

Con đường theo Maria Magdalena.

Magdalena không thuộc vào nhóm 12 Tông đồ của Chúa Giêsu tuyển chọn. Chị ta là người tin tưởng yêu mến đi theo Chúa Giêsu.

Magdalena đến mộ chôn Chúa Giêsu trước tiên và là người rời ngôi mộ sau cùng. Chị ta rời khỏi nơi ngôi mộ khi đã tìm thấy Chúa Giêsu. Vì với chị ta một đời sống không có Chúa Giêsu, không là một đời sống. Ở bên cạnh xác Chúa Giêsu đã chết được hạnh phúc hơn là một nơi nào đó không có Chúa Giêsu. Chính vì thế, Magdalena không ngừng đi tìm kiếm Chúa Giêsu. Chị ta đã tìm thấy Chúa Giêsu không chết, nhưng vẫn còn sống.

Với Maria Magdalena đức tin không phải là điều suy xét từ của trí khôn suy nghĩ tìm hiểu, cũng không phải là cảm nhận của trực giác của tiếng nói phát ra từ bụng, nhưng là từ trái tim tâm hồn.

Như vậy có thể nói cung cách dạng thức tin như thế này là sự gắn bó thân thiết từ trong nội tâm.

Và có thể nói Maria Magdalena là vị bổn mạng, là gương mẫu sống đức tin của các người sống đời chiêm niệm thân bí đạo đức. Với họ đức tin là tích tụ kết qủa của những kinh nghiệm, mà họ đã sống trải qua, đã cảm nhận ra ngay trong chính đời sống mình.

Tông đồ Phero, tông đồ Gioan và Maria Magdalena, cả ba người nhận ra tin Chúa Giêsu đã sống lại theo ba cách thức con đường khác nhau. Không con đường nào tốt hơn hay kém con đường nào. Đó là công trình Thiên Chúa đã tạo dựng nên nơi đời sống con người trong công trình thiên nhiên.

Không ai bắt buộc phải theo một hay hai hay cả ba con đường đó để tin nhận vào Chúa Giêsi đã sống lại.

Thiên Chúa ban cho mỗi người trái tim, trí khôn cùng tầng cảm giác thần kinh, không ai giống ai, cùng hoàn cảnh điạ lý và tâm lý khác nhau. Nên mỗi người phải dùng những điều đó tìm ra con đường cách thế phù hợp cho mình để tin“ Đức Giêsu phải sống lại từ cõi chết! ( Ga 20,9).

Có thế đời sống đức tin vào Chúa mới mang đến sự thăng bằng và niềm vui hạnh phúc cho tâm hồn.

Mừng lễ Chúa Giêu phục sinh
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ngài Đã Sống Lại
Nguyễn Đức Cung
08:28 20/04/2019
NGÀI ĐÃ SỐNG LẠI
Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Chúa đã sống lại ALLELUIA !!!
 
VietCatholic TV
Nỗi ngậm ngùi trong đám tang Chúa ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ở Giêrusalem
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:35 20/04/2019
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Hoan Ca Phục Sinh, Trình bày: Ca Đoàn Hiển Linh, Montclair, SanBernadino, CA
VietCatholic Network
22:18 20/04/2019

Thánh Ca: Hoan Ca Phục Sinh,
Trình bày: Ca Đoàn Hiển Linh, Montclair, SanBernadino, CA