Ngày 25-04-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mục tử tốt lành với 3 chữ D
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
07:05 25/04/2012
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH

Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là Mục Tử Tốt Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Mục Tử Tốt Lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên”. Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành, là Đấng bảo vệ đoàn chiên, yêu thương săn sóc và hy sinh mạng sống cho đàn chiên, là nền tảng, là mẫu mực cho mọi vị chủ chăn tương lai được Ngài trao quyền chăn dắt đoàn chiên, tiếp nối sứ mạng Mục Tử của Ngài.

Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành với những nét đặc trưng sau đây:

- Vị Mục Tử Tốt Lành hết lòng yêu thương những người thuộc về mình. Vì yêu thương nên Ngài quan tâm đến mọi người và đến từng người. Càng quan tâm thì càng biết tường tận: biết họ muốn gì, họ cần gì, họ có thể gặp phải những nguy cơ cạm bẫy hay thử thách nào.

- Vị Mục Tử Tốt Lành luôn đi đầu, đi trước, hướng dẫn, lãnh đạo đoàn chiên, đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi khổ cực cho người thuộc về mình. Mục Tử Tốt Lành đem chiên đến những miền an toàn, có suối mát có cỏ xanh, cho chiên được ăn uống no nê, được nghỉ ngơi thoải mái. Chiên sẽ tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng. Mục Tử Tốt Lành dám hy sinh mạng sống vì chiên.

- Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để yêu thương, chăm sóc, quy tụ mọi con chiên. Ngài biết tên từng con chiên như Cha Ngài biết Ngài ( Ga 10,14-15). Ngài gọi tên từng con chiên và dẫn đi (Ga 10,3). Mục Tử sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên: "Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" ( Ga 15, 13). Chúa Giêsu đã chứng tỏ Ngài là vị Mục Tử Tốt Lành, vị chủ chăn không bao giờ hèn nhát thấy sói tấn công chiên mà bỏ trốn, nhưng Ngài luôn cứu vớt, tập họp, chăn dắt ( Ga 10,9.16 ).

Chúa Giêsu còn cho thấy tính tương phản của hai loại mục tử. Mục tử thật và mục tử giả. Mục tử thật luôn hết mình vì đàn chiên. Mục tử giả chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử thật thì hy sinh cho đàn chiên. Mục tử giả chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử thật luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Mục tử giả chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình, sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.

Đức Hồng Y Yvan Dias, Tổng trưởng Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, đại diện Đức Thánh Cha đã chủ toạ bế mạc Năm Thánh 2010 tại Thánh địa Lavang.

Sau đại lễ, ĐHY Ivan Dias đã gặp gỡ các Giám Mục Việt Nam trong một tiếng đồng hồ để chia sẻ về tình hình cũng như gởi gắm sứ điệp. Về sứ điệp, ngài mời gọi tất cả Giám mục chia sẻ lại cho các linh mục, chủng sinh của mình về 3 chữ D rất cần thiết trong đời sống của người thuộc về Giáo Hội. 3 Chữ D là: Doctrine, Discipline, Dévotion.

1. Doctrine, về giáo thuyết. Mỗi Linh mục hôm nay được mời gọi nắm vững giáo lý Giáo hội Công giáo, giáo huấn Giáo hội, học thuyết xã hội của GHCG, bởi vì nếu không nắm vững những hướng đi trong đó, thì trong cách ứng xử một Linh mục ở tại giáo xứ nhiều khi có những cái chưa chuẩn mực và nếu như cả một Giáo hội mà lại không nắm vững về Doctrine này thì rất nguy hiểm, sẽ đưa Giáo hội đến chỗ không cứu vãn được. Tại sao Tòa Thánh phải lên tiếng về Giáo hội Trung Quốc? Câu trả lời cho biết vì yếu về giáo thuyết. Nếu hiểu Giáo hội không thể tự lực tự cường được thì người ta sẽ có chọn lựa khác. Chẳng phải nói đâu xa, trường hợp của GHVN ngày nay cũng cho thấy thấp thoáng nguy cơ. Hết rồi thời đối đầu, đã bước sang thời đối thoại. Nhưng đối thoại như thế nào để mình vẫn là GHCG, đó lại là cả một tuyến mở ra cho suy nghĩ và vì vậy quan trọng là nắm vững giáo thuyết để có những quyết định phù hợp.

2. Discipline, về kỷ luật. Đây là một vấn đề thường gây khủng khoảng cho các Giáo hội phương Tây. Vấn đề Linh mục lạm dụng tình dục là do việc không tuân thủ kỷ luật của Giáo hội, để đến khi bùng nổ ra thì không vớt vát được. Hiện nay ở nhiều địa phận của Hoa Kỳ đã phải bán hết cơ sở của mình đi để trang trải cho việc xao lãng kỷ luật của một thời. Đây là một vấn đề đau lòng. Do đó, tuân thủ kỷ luật đời sống Linh mục là một cách để giúp Linh mục một đàng thánh hóa bản thân và đàng khác tránh tất cả những hậu quả tai hại. Thời mới bước chân vào Chủng viện, chắc chắn các chủng sinh đều thuộc lòng câu: Ai sống theo kỷ luật là sống theo ý Chúa, và sau này trên bước đường lớn hơn, Linh mục vẫn thường được nghe nhắc nhở: hãy giữ luật thì luật sẽ giữ cho mình, sẽ bảo vệ mình. Cho nên chữ Discipline mời gọi mỗi người trong hướng đi đời Linh mục cũng gắn bó với luật lệ của Giáo hội cách khít khao.

3. Dévotion, lòng đạo đức sốt sắng. Ở đây theo như lời chú giải của ĐHY Dias, thì nó gắn liền với những phong trào đạo đức, có một thời tưởng như bị bỏ rơi vì đi liền với lòng đạo đức bình dân của đại chúng. Thí dụ: tràng hạt Mân Côi, có một thời người ta rẻ rúng cho là loại kinh dành cho phụ nữ, người nhàn rỗi, người già… nhưng sau này người ta cảm nghiệm được sức mạnh của kinh Mân Côi, nhất là sức mạnh hoán cải, sức mạnh thánh thiêng giúp người ta tiến xa trên đường nên thánh. Những cái thuộc loại Dévotion thì thường gắn liền với những hình thức văn hóa. Ví dụ: hành hương coi như chuyện đi chơi, nhưng ở đó cũng là một thứ Dévotion mời gọi Linh mục không nên xem thường. Tất nhiên không thể loại trừ những hình thức Dévotion truyền thống tôn sùng Thánh Tâm, Chầu Thánh Thể, hay là những hình thức khác nhau dành cho các Thánh. Một Linh mục mà rẻ rúng những hình thức đạo đức bình dân thì coi chừng, tưởng là mình ở trên đỉnh cao trí thức, biết đâu lúc nào đó mình rớt xuống vực mà không hay. Lần hạt Mân Côi, đó là một lời kinh tháp tùng Linh mục trên mọi bước đường, trong mọi hoàn cảnh, đó là lời kinh còn lại duy nhất sau khi đã quên đi tất cả. Gắn bó với một sự đạo đức như thế cũng là một cách giúp cho đời Linh mục được vươn lên, được thăng tiến. (x. Huấn từ khai mạc Tình tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết, ngày 10.1.2011, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).

Chúa nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và ơn gọi Tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những mục tử tốt lành. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước.

Trong Sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi năm 2012, ĐTC Bênêđictô xác định: Lời Chúa, cầu nguyện và Thánh Thể là kho tàng quý giá giúp cho các ơn gọi hiểu vẻ đẹp của một cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Nước Thiên Chúa.Ngài mời gọi mời gọi các mục tử : Khi kín múc ở nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện, cùng với việc năng lui tới với Lời Chúa và các Bí tích, cách riêng Bí tích Thánh Thể, mà ta có thể sống tình yêu đối với tha nhân trong đó ta học biết khám phá khuôn mặt của Chúa Kitô (x. Mt 25, 31-46). Trở nên mục tử tốt lành nhờ biết trau dồi giáo thuyết Kinh Thánh (Doctrine), sốt sắng trong lời cầu nguyện gắn bó với Chúa Giêsu (Dévotion) và có tinh thần kỷ luật trong đời sống tu trì (Discipline).

Mục tử tốt lành là phải luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, vị mục tử tốt lành biết rõ đàn chiên,yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hiến mạng vì đàn chiên. Từ đó, vị mục tử tốt lành biết nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao đặc biệt là cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.

Ơn gọi Linh mục Tu sĩ chính yếu là để “sống với Chúa, và để Ngài sai đi”(Mc 3, 14). Sống với Chúa, là lắng nghe tiếng Ngài trong từng giây phút sống, để nên một với Chúa trong gian nan và hạnh phúc. Để Ngài sai đi, là sẵn sàng đi theo con đường Ngài đã đi, thực thi sứ mạng Ngài trao bất chấp những gì xảy ra.

Giáo dân cần Linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ, như học sinh cần thầy cô giáo, như một người bạn sẵn sàng cảm thông chia sẻ vui buồn trong đời sống và như người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.

Hãy cầu nguyện cho các Linh mục được trở nên những mục tử như Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đàn chiên.

Hãy cầu nguyện cho các Linh mục có những đức tính tốt của những Mục Tử tốt Lành mà Thánh Kinh đã mô tả :

- Yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: "Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt" ( Is 40, 11 ).

- Yêu quý từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: "Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc" ( Mt 18, 12-13 ).

- Lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: "Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ" ( Ed 34, 14 ).

- Làm cho chiên được sống no ấm, hạnh phúc: "Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì" ( Tv 23, 1 ); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: "Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm" ( 23, 4 ).

- Tinh thần trách nhiệm đối với đàn chiên rất cao: "Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng" ( Ed 34, 16 ).

- Cứu thoát, giải phóng đàn chiên: "Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên" ( Dc 9, 16 ).

Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử Tốt Lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa. Amen
 
Vị mục tử nhân lành
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
16:29 25/04/2012
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH B
+++
A. DẪN NHẬP

Nhiều người đã nghe Đức Giêsu giảng và làm phép lạ. Họ chỉ hiểu một phần nào giáo lý của Ngài nhưng chưa nhìn ra con người thật của Ngài. Câu hỏi “Ngài là ai” phải được đặt ra. Tuy nghe Đức Giêsu giảng và làm phép lạ như vậy, nhưng họ vẫn nghi ngờ về thân thế, uy quyền và sứ mạng của Ngài.

Để nói lên sứ mạng của Ngài, Đức Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn về người mục tử tốt lành. Người mục tử biết lo cho con chiên, tha thiết với đàn chiên, hiệp thông với đàn chiên, quên bản thân mình và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên. Đức Giêsu tự nhận lấy danh hiệu ấy cho mình khi Ngài nói với họ:”Ta là Mục tử nhân lành”(Ga 10,14).

Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta như mục tử ở giữa đàn chiên. Sự hiện diện của Ngài không phải là sự hiện diện của một người lãnh đạo đầy tham vọng, cũng không phải là sự hiện diện của một người cầm đầu mong được tung hô, nhưng là sự hiện diện của một người mục tử sống chỉ vì đoàn chiên và chỉ lo cho đoàn chiên được nuôi sống và được sống dồi dào.

Chúa Giêsu là mục tử nhân lành tối cao, Ngài lo cho mọi con chiên, nhưng Ngài cũng muốn dùng con người làm mục tử thay mặt Ngài mà săn sóc cho đàn chiên như khi Ngài nói với thánh Phêrô :”Hãy chăm sóc các chiên của Thầy”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Cv 4,8-12

Sau khi Phêrô chữa cho người què từ mới sinh được lành bệnh, ngài cùng với ông Gioan bị điệu đến Thượng hội đồng Do thái về việc chữa lành người què và vì việc ấy đã phạm đến cấm kỵ không cho phép người tàn tật vào Đền thờ.

Trước Thượng hội đồng, Phêrô xác nhận người què ấy được khỏi không phải do quyền phép gì riêng của ông mà chỉ nhờ danh Đức Giêsu, Đấng mà họ đã giết chết nhưng Thiên Chúa đã cho sống lại.

Lợi dụng dịp này, Phêrô giảng về Đức Giêsu : Ngài là viên đá bị những người thợ xây loại bỏ , nhưng Thiên Chúa dùng Ngài làm viên đá góc. Trên trần gian này khó có một Đấng cứu độ nào khác ngoài Đức Giêsu Kitô, nhờ danh Ngài mà mọi người được ơn cứu độ.

+ Bài đọc 2 : 1Ga 3,1-2

Thánh Gioan nói đến mức độ vô cùng lớn lao của tình yêu Thiên Chúa dành cho tín hữu. Ngài nói về tình yêu tuyệt vời mà Thiên Chúa đã bầy tỏ cho chúng ta, bằng cách làm cho chúng ta trở nên những con cái của Ngài. Tình trạng tương lai của chúng ta sẽ được trở nên giống như Đức Giêsu vinh quang. Bài học này mời gọi chúng ta hãy vui lên trong tình trạng của mình, với tư cách là những dưỡng tử của Thiên Chúa.
+ Bài Tin mừng : Ga 10,11-18

Trong những người nghe Đức Giêsu giảng, có nhiều thính giả là người chăn chiên. Đức Giêsu muốn giới thiệu mình là mục tử nhân lành đối với đàn chiên. Ngài muốn so sánh và phân tích mục tử tốt lành và người chăn chiên thuê.

* Người mục tử tốt lành có những đặc điểm này :
a) Thí mạng sống để bảo vệ đàn chiên.
b) Sống thông hiệp với đàn chiên : biết các chiên từng con một, và được các chiên biết.
c) Lo cho đàn chiên được no đủ và tăng thêm, lo tìm chiên lạc và đưa các chiên khác về cùng một đàn và cùng một chủ chiên.

* Kẻ chăn chiên thuê thì không tha thiết gì với đàn chiên, gặp nguy hiểm thì bỏ chạy, họ chỉ biết lo cho bản thân mình, để cho đàn chiên tan tác.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Ta là Mục tử nhân lành

I. MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH

1. Trong Cựu ước

Ngày xưa, đề tài người mục tử xả thân cho đàn chiên là nguồn hứng khởi cho các văn sĩ Thánh kinh, khiến họ mô tả Thiên Chúa như một Đấng Mục tử. Thiên Chúa đã xả thân cho Israel không khác gì người mục tử, vì thế tác giả Thánh vịnh đã hát lên :
Đức Giavê là Mục tử tôi,
Tôi không còn thiếu gì.
Dù phải đi qua thung lũng tối đen
Tôi cũng không hề lo sợ.
(Tv 23,1-4)

Đức Giavê là Chúa chăn dắt Israel. Đây là một hình ảnh được thành hình do kinh nghiệm đời sống du mục từ thời tổ phụ của Israel. Hình ảnh người chăn chiên đưa ra hai liên lạc giữa Giavê và Israel : Ngài vừa là Thủ lãnh của Israel, nhưng đồng thời lại là Bạn. Ngài có đủ uy quyền với Israel, và đủ quyền lực để bảo vệ Israel, nhưng đồng thời Ngài đối xử với Israel một cách hết sức nhân từ và tế nhị. Chính Ngài lo liệu việc chăm sóc đó (x. Tv 23).

Từ đó những nhà lãnh đạo tôn giáo của Israel thay mặt Chúa ở trần gian, cũng được ví như các vị mục tử. Nhưng tiếc thay, có một số thủ lãnh thay vì lo cho đàn chiên, lại tác hại chúng, lợi dụng chúng cho mục đích riêng tư, làm cho chúng tan tác đáng thương hại. Khi điều này xẩy ra, tiên tri Ézéchiel đã nhân danh Chúa nói lên:

“Hỡi các mục tử của Israel, các ngươi đã bị băng hoại rồi ! Các ngươi chỉ biết lo cho bản thân mình chứ chẳng hề nghĩ đến bầy chiên... Các ngươi chẳng chăm sóc những con yếu đuối, chữa lành những con bệnh hoạn, băng bó những con bị thương tích, dẫn về những con lệch đường, hoặc tìm kiếm những con bị lạc mất. Vậy hỡi các chủ chăn, hãy nghe đây, Ta, vị Chủ Tể tối cao, Ta tuyên bố rằng... Ta sẽ tách bầy chiên ra khỏi các ngươi... Ta sẽ giao chúng cho một vị vua giống như Đavít tôi tớ Ta để làm mục tử của chúng và Người ấy sẽ lo lắng chăm sóc chúng”(Ez,2-4,9-10,23).

2. Trong Tân ước

Đứng trước bối cảnh này, Đức Giêsu đã thổ lộ tâm tình khi Ngài nói:”Ta thương dân này, vì chúng như đàn chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36; Mc 6,34). Vậy chúng ta phải đọc bài Tin mừng hôm nay trong bối cảnh này để hiểu lời tuyên bố của Đức Giêsu:”Ta là Mục tử nhân lành, sẵn sàng liều mạng vì đàn chiên... Chúng sẽ nghe tiếng Ta và chúng sẽ trở nên một đàn chiên dưới quyền một chủ chiên”.

Nói cách khác, Đức Giêsu chính là nhân vật mà tiên tri Ezéchiel tiên báo. Giống như Đavít, người mục tử nhân lành, Ngài chăm sóc những con yếu đuối bơ vơ, chữa lành con nào bệnh hoạn, và đi tìm những con chiên lầm đường lạc lối. Nhưng Đavít chỉ là hình ảnh một người chăn chiên khác hoàn hảo hơn. Đó là Đavít mới (Gr 3,15; Ez 34,23t). Người chăn chiên hoàn hảo Thiên Chúa sai đến là Đức Giêsu Kitô.

II. ĐỨC GIÊSU, VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Người Do thái thời Đức Giêsu thường có thái độ nghi ngờ về thân thế , việc làm, uy quyền và sứ mạng của Đức Giêsu. Trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu dùng dụ ngôn về người chăn chiên nhân lành để họ thấy rõ uy quyền đích thực của Ngài. Ngài khẳng định:”Ta là Mục tử nhân lành”.

Ta thấy có sự khác biệt giữa người chủ chăn và người chăn chiên thuê :

1. Người chăn chiên thuê

Người chăn chiên thuê không phải là chủ đàn chiên nên không mấy tha thiết với đàn chiên, họ không dám hy sinh bảo vệ đàn chiên khi gặp nguy hiểm. Vì không có tình yêu tha thiết với đàn chiên nên họ cũng không sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, vất vả, họ trốn tránh trách nhiệm một cách dễ dàng.

Đức Giêsu gọi những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái là những kẻ chăn thuê, họ chỉ lo lắng đến các tư lợi do chức vụ đem đến, chứ không tha thiết gì đến đàn chiên, vì vậy khi gặp nguy hiểm là họ chạy trốn để đàn chiên tản mát.

2. Người chủ chăn

Trái lại, người chủ chăn thương yêu đàn chiên, tha thiết với đàn chiên, không nghĩ đến ích lợi cho mình, sẵn sàng hy sinh cho đàn chiên bất chấp nguy hiểm. Người chủ chăn có ba đặc điểm sau đây :

a) Hiệp thông với đàn chiên

Người chủ chiên biết các chiên, biết từng con một, và ngược lại chiên biết chủ. Đây là hành động hỗ tương. Biết một cách riêng biệt, từng con chiên một với các hoàn cảnh , nhu cầu, khát vọng của con chiên. Con chiên biết nhận ra tiếng của chủ chăn. Thật là những người bạn tri âm. Như thế sự biết hỗ tương này sẽ đưa đến một cuộc sống thân mật giữa hai bên. Đúng thế, chữ “Biết” của Gioan, không những bao hàm nghĩa trí tuệ, nhưng còn là sự hiệp thông cuộc sống dựa trên tình yêu và lý trí. Sự thông hiệp này đã có nơi Chúa Cha và Chúa Con. Đức Giêsu cũng sánh ví sự hiệp thông như thế giữa Ngài và các con chiên.
Truyện : Con mắt của vị hoàng đế.
Đại tướng Marbot, trong một tập ký sự có kể lại : một hôm khi còn là thiếu úy, vua Napoléon sai ông làm một việc cực kỳ nguy hiểm. Đó là giữa đêm khuya, luồn qua bọn lính tuần tiễu đối phương, bắt một người lính Áo đứng canh bên kia bờ sông Danube, tra khảo để xem tình thế quân địch. Sau bao nhiêu cố gắng không thể tưởng tượng được, toán quân của thiếu úy vượt qua được khúc sống và bắt được ba người lính Áo. Sau khi đã hoàn thành công tác, họ đẩy thuyền ra xa, chèo về. Bỗng giòng nước cuốn mạnh đẩy một gốc cây lớn xô mạnh vào thuyền. Tiếng động đó báo hiệu cho bọn lính tuần tiễu Áo. Họ vùng lên bắn xối xả.

Trong cơn nguy biến cùng cực ấy, viên thiếu úy bỗng nhìn thấy một ánh lửa toả ra từ sườn núi chỗ đóng quân bên kia bờ. Viên thiếu úy đã hiểu rằng Napoléon đã theo dõi cuộc xô xát và đang chăm chú nhìn từ cửa sổ của ông.

Đôi mắt phượng hoàng của Napoléon đã xoá tan bóng tối để gửi đến cho những người lính trẻ sự cổ võ, khuyến khích. Viên thiếu úy có cảm tưởng như nhà vua đã quên hết cả một đạo binh để chỉ nhìn về phía anh. Sự chăm chú theo dõi của nhà vua đã đem lại cho những người lính trẻ sự phấn khởi để giúp họ vượt qua được khó khăn và trở về an toàn.

Như người Mục tử nhân lành, Chúa cũng đã chăm chú theo dõi, và nhìn chúng ta như thể chỉ có mỗi người chúng ta là đáng được chú ý. Thiên Chúa chăm sóc chúng ta như chăm sóc một đàn chiên trong đó mỗi con vật chỉ là một con số. Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu biệt loại. Người gọi tên từng người trong chúng ta. Ngài đối xử với chúng ta như thể chỉ có ta là người duy nhất hiện hữu trên trần gian này (Cử hành Phụng vụ Chúa nhật và Lễ trọng, tr 136).

b) Qui tụ và hợp nhất đàn chiên

Người chủ chăn mở đường tìm lối cho những con chiên lạc trở về một đàn vì có những con chiên lầm đường lạc lối. Ngoài ra, còn muốn thu thập các con chiên khác qui tụ lại trong đàn chiên này là dân Israel, ám chỉ Giáo hội sau này, nói lên tính cách phổ quát của Giáo hội.

Biểu tượng người chăn chiên nhân lành là một dịp để Chúa quảng diễn vai trò của Ngài hướng dẫn cả thế giới:”Ta còn những con chiên khác không thuộc về đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn... và sẽ có một đàn chiên và một chủ chiên”. Tất cả mọi người là con chiên của Chúa, chỉ có một Thiên Chúa độc nhất và một Giáo hội duy nhất.

Truyện : Pho tượng Chúa chiên lành.
Pho tượng gây xúc cảm nhất cho khách hành hương La mã là pho tượng Chúa chiên lành vác con chiên thất lạc trên vai đem trở về. Dưới pho tượng, có ghi câu của Abercies vào cuối thế kỷ II rằng:”Ta là môn đệ của một Mục tử thánh thiện đã dẫn đàn chiên ra đồng cỏ xanh tươi bên sườn núi và dưới đồng bằng, vị mục tử có đôi mắt lớn nhìn đến khắp mọi nơi”.

Chúa Kitô chính là người Mục tử nhìn xa thấy rộng ấy. Nhờ sự chết và phục sinh, Chúa đã đạp đổ mọi ngăn cách để mở rộng đàn chiên, bao trùm cả thế giới.. Đàn chiên ấy, ngày nay chúng ta chỉ được nhìn thấy một phần nhỏ và hạn hẹp, sau này trên chốn vinh quang mới được chứng kiến tầm vóc vĩ đại của đại gia đình Thiên Chúa.
(Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa, năm B, tr 70-71)

c) Thí mạng để bảo vệ đàn chiên

Đoạn Kinh thánh này vạch ra nét tương phản giữa người chăn tốt và kẻ chăn xấu, người chăn trung thành và kẻ chăn bất trung. Người chăn ở Palestine phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bầy chiên, nếu có sự gì xẩy ra cho chiên, người ấy phải trưng bầy bằng cớ để chứng minh mình không có lỗi. Luật pháp qui định :”Nếu con vật bị thú rừng xé chết, người lãnh giữ phải đem nó ra làm chứng”(Xh 22,12). Ở đây muốn nói là kẻ chăn phải mang về một bằng cớ nào đó, để chứng minh rằng chiên ấy đã chết, và anh không thể ngăn chặn được cái chết ấy.

Với người chăn, liều mạng để bảo vệ bầy chiên là điều tự nhiên. Lắm khi họ còn phải làm nhiều điều hơn thế nữa để cứu chiên.

Truyện : Liều mạng cứu chiên.
Trong quyển The land and the Book, Thomas Thompson có ghi lại câu chuyện bi đát như sau : Một ngày nọ có chàng mục đồng trẻ tuổi dẫn đàn súc vật đi về vùng lân cận ngọn núi Thabor. Bỗng có ba tên cướp đường người Ả rập xuất hiện. Chàng thanh niên biết rõ chàng sẽ gánh chịu những hậu quả khôn lường, thế nhưng chàng đã không bỏ trốn. Chàng kiên cường chiến đấu để giữ cho bầy súc vật của chàng khỏi rơi vào tay lũ thổ phỉ. Đoạn cuối được kết thúc bằng cái chết liều mạng của chàng thanh niên cho đàn cừu của chàng.

III. KITÔ HỮU CŨNG LÀ MỤC TỬ

1. Sứ vụ của Đức Giáo hoàng

Đức Giêsu đã trao phó trách nhiệm coi sóc đàn chiên của Chúa khi Chúa nói với ông Phêrô tới ba lần:”Hãy chăm sóc chiên của Thầy”(Ga 21,15-17). Và sau khi Chúa về trời, thánh Phêrô trở nên vị lãnh tụ tối cao trong Giáo hội, vị Giáo hoàng đầu tiên đặt ngai tòa tại Rôma, các Tông đồ và mọi tín hữu phải qui phục quyền hướng dẫn của Ngài. Giáo hoàng là vị đại diện Thiên Chúa ở trần gian.

Truyện : Quo vadis ?
Dưới thời bạo chúa Néron bắt đạo. Rôma ngập tràn máu lửa, biết bao nhiêu tín hữu đã chết dưới tay ông bạo chúa điên loạn, bạo tàn.
Giáo hội non trẻ do Đức Giêsu thiết lập như sắp rã rời tan tác. Phêrô là con chim đầu đàn, là trụ cột của Giáo hội. Các tín hữu tha thiết xin Phêrô trốn khỏi Rôma, để tiếp tục hướng dẫn đoàn chiên. Người anh cả một thoáng phân vân, chần chừ. Quả thật đoàn chiên đang nao núng vì sợ thiếu vắng đầu đàn, sao có thể giữ vững niềm tin ? Thầy đã chẳng khuyên khi người ta bắt bớ chúng con ở thành này, thì hãy trốn sang thành khác sao ? Phêrô xách bị gậy đi trốn. Đụng Thầy ở cổng thành, Phêrô hỏi :
- Quo vadis, Domine ? Thưa Thầy, Thầy đi đâu ?
Chúa Giêsu trả lời :
- Nếu con bỏ các Kitô hữu của Thầy thì Thầy sẽ quay lại để chịu đóng đinh cho họ một lần nữa.
Phêrô hiểu ngay lời Thầy, quay trở lại Rôma để an ủi khích lệ đoàn chiên.

2. Sứ vụ các Giám mục, Linh mục

Theo kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, một số ít người trong dân Chúa được gọi, được chọn để đóng vai người mục tử của cộng đoàn. Đó là các Giám mục. Linh mục tức các thừa tác viên có chức thánh. Công việc được giao cho các vị, chính là việc chăn dắt, chăm lo cho đoàn chiên của Thiên Chúa. Tác vụ của các vị là làm sao cho đoàn chiên chẳng những được an toàn mà còn được ăn uống no nê, béo tốt. Trách nhiệm ấy thật cao cả nhưng cũng thật khó khăn và nặng nề. Cao cả vì các vị phải hiện-tại-hoá tấm lòng và cách sống yêu thương và hy sinh xả kỷ của Chúa Giêsu và của Thiên Chúa đối với cộng đồng anh chị em được giao phó cho các vị. Khó khăn và nặng nề vì các vị vẫn là những con người phàm trần với nhiều yếu đuối và đam mê như mọi người khác.

Nhìn vào thực tế, một thực tế không thể chối cãi được và cũng rất bình thường, chúng ta thấy các vị chủ chăn có một vai trò quan trọng trong đời sống thiêng liêng của một cộng đoàn. Nhìn vào thực tế chúng ta cũng thấy rõ là không phải tất cả các vị chủ chăn đều có được tấm lòng yêu thương và cách sống hy sinh quên mình vì đoàn chiên. Vẫn còn đó, những ích kỷ, nhưng vụ lợi, những hưởng thụ không chính đáng ! Vẫn còn đó, những lạm dụng danh nghĩa, những tự tôn tự đại ! Vẫn còn đó những ngại hy sinh, những cách phục vụ nửa chừng nơi các vị chủ chăn của chúng ta.

Nhưng cũng không thiếu gì những vị mục tử hy sinh vì đàn chiên, những gương lành sáng chói còn ghi trong sử sách. Một Gioan Vianney đã tô điểm sáng chói cho khuôn mặt vị Mục tử nhân lành tối cao ! Chính vì thế mà Giáo hội mới tha thiết mời gọi tất cả mọi Kitô hữu cầu nguyện cách đặc biệt cho các vị, để các vị trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng chăn chiên nhân lành. Không có ơn đặc biệt của Thiên Chúa, không ai làm được những chuyện “ngược đời” mà Phúc âm đòi hỏi.

3. Sứ vụ của mọi Kitô hữu

Mọi người đã được chịu phép Thánh tẩy đều được tham gia vào ba chức năng của Chúa Kitô, đó là : chức năng tư tế, chức năng tiên tri và chức năng cai trị. Nhưng theo tư tưởng của Đức Kitô thì “Cai trị là phục vụ”. Ai mà không có quyền phục vụ ? Ai có thể nói là mình không thể phục vụ được trong bất cứ một lãnh vực nào hay một hoàn cảnh nào ?

a) Trong đời sống Kitô hữu nói chung

Nhìn sâu hơn nữa vào tinh thần Phúc âm, chúng ta phải quả quyết rằng : không chỉ có các thừa tác viên có chức thánh mới có sứ vụ mục tử, mà mọi Kitô hữu lớn nhỏ, nam nữ đều được tham gia vào sứ vụ chăm sóc của Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, bí tích Thánh Tẩy đã khiến chúng ta thành chi thể của Thân Mình Mầu nhiệm mà Chúa Kitô là Đầu. Là chi thể, chúng ta mang trong mình tư cách, tính chất, sứ vụ của Đầu. Nếu Đức Giêsu là Mục tử thì mọi Kitô cũng đều là người chăm lo cho anh em là chi thể của Thân mình

b) Trong đời sống gia đình nói riêng.

Gia đình được gọi là Hội thánh tại gia. Trong Hội thánh lớn hay nhỏ đều phải có tổ chức, phải có đầu có cuối như người ta thường nói :”Kim chỉ phải có đầu”. Chúa Kitô đã trao cho thánh Phêrô nhiệm vụ coi sóc Hội thánh toàn cầu, thì Ngài cũng trao cho các Giám mục, rồi đến Linh mục nhiệm vụ chăm sóc Hội thánh tại địa phương là Giáo phận, giáo xứ.

Như vậy, Chúa cũng trao cho cha mẹ nhiệm vụ chăm sóc gia đình – một Hội thánh tại gia – để cha mẹ thi hành sứ vụ mục tử đối với con cái cũng như con cái có sứ vụ chăm lo cho cha mẹ; vợ có sứ vụ mục tử đối với chồng và chồng có sứ vụ mục tử đối với vợ; anh em chị em có sứ vụ mục tử đối với nhau và cứ thế mà rộng ra toàn xã hội và thế giới : mọi người có sứ vụ chăm lo cho nhau, vì mọi người là con cái của Thiên Chúa, đều là anh chị em của nhau, đều thuộc về một ràn chiên duy nhất của Chúa Giêsu Kitô.

4. Sứ vụ hiệp nhất của Kitô hữu

Đức Giêsu muốn qui tụ tất cả các chiên vào trong một đàn chiên, dưới sự hướng dẫn của một Chúa chiên. Nỗi thao thức của Đức Giêsu trước khi vào cuộc tử nạn là cho mọi người hiệp nhất nên một. Tâm tình này đã được Đức Giêsu thổ lộ trong bữa Tiệc ly:”Xin cho chúng hiệp nhất nên một”(Ga 17,23). Nhưng sau khi Chúa về trời rồi, Hội thánh vẫn còn chia rẽ. Hội thánh được ví như một tấm vải bị xé ra nhiều mảnh, cần phải được nối kết lại.

Công đồng Vatican II tha thiết mong mỏi tái lập sự hiệp nhất giữa tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, nên muốn cung ứng cho mọi người Công giáo sự trợ lực, đường lối và phương sách để họ có thể đáp ứng lời mời gọi và ân sủng của Thiên Chúa (Sắc lệnh về hiệp nhất, số 1).

Hàng năm Giáo hội tổ chức tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất từ ngày 18-25 tháng giêng. Tuần lễ hiệp nhật này là sáng kiến của một mục sư Anh giáo ở New York, ông Wattson và người bạn của ông là ông Spencer Jones ở Luân đôn. Kết quả đầu tiên của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất này là sự trở lại Công giáo của chính mục sư Wattson, sau là Linh mục Paul Francis, đồng thời cả cộng đoàn (Association de Réparation) của ông lập cũng trở lại Công giáo. Đức Piô X đã chấp thuận tuần lễ hiệp nhất này trong Giáo hội.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuốn sách minh họa Đức Thánh Cha giáo huấn thiếu nhi
Jos. Tú Nạc, NMS
07:03 25/04/2012
Năm nay, ĐTC Benedict XVI đã cử hành kỷ niệm lần thứ 7 với ngôi vị Đức Giáo Hoàng. Trước khi trở thành Tổng Giám mục Munich, lúc ấy Cha Giu-se Ratzinger là Giáo sư Thần học tại một số khoa của các trường đại học ở Đức. Ngôi vị Giáo hoàng của ngài đã đánh dấu bởi những lời nhận xét thần học cao cả của Ngài trong những huần từ và bài giảng.Những gì làm nhiều người phải ngạc nhiên đó là Ngài cũng có thể bày tỏ khúc chiết mạch lạc những ý tưởng uyên thâm với một mức độ mà thiếu nhi có thể hiểu được. Điều này đã được chứng minh cụ thể vào năm đầu tiên trên ngôi vị Giáo Hoàng của ngài, khi Ngài trả lời những câu hỏi từ những thiếu nhi ở Công trường Thánh Phê-rô về việc lãnh nhận Lễ ban Phép Thánh Thề đầu tiên.

“Tôi đã bị kích thích óc tò mò về những suy nghĩ của cuộc nói chuyện học trò tới những thiếu nhi,” Họa sỹ Ann Engelhart đã nói. “Khi tôi nghe Ngài nói chuyện với những thiếu nhi này ở Rome, tôi nghĩ tôi yêu thích những gì mà Ngài phải nói với chúng. Đó là cuộc đối thoại quan trọng trực tiếp với thiếu nhi, mà còn phù hợp với trình độ của chúng.”

Sau đó, bà đã tiếp xúc trao đổi với nhà văn Amy Welborn đẻ bàn về việc cộng tác viết một cuốn sách về cuộc gặp gỡ này.

“Đó là một sự kiện tuyệt vời. Tôi muốn tạo cho nó được tiếp cận với nhưng thiếu nhi và mọi gia đình trong một khuôn khổ mà sẽ mang đến bổ ích cho họ,” Engelhart đã nói với Đài Phát thanh Vatican.

Cuốn sách có tên Frienship With Jesus: Pope Benedict XVI Speaks to Children on the First Holy Communion. Đó là cuốn truyện tranh được kết hợp với những lời thoại của Đức Thánh Cha, màu sắc phong phú được Engelhart minh họa

“Đó là một cuộc đối thoại quan trọng với những thiếu nhi, nhưng phù hợp với trình độ của chúng. Vì luôn, Đức Thánh Cha thực sự không nói điều bề trên với chúng, ngài nói chuyện với các em thiếu nhi.”
 
Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ của Đức Thánh Cha làm công việc gì?
Nguyễn Trọng Đa
08:25 25/04/2012
Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ của Đức Thánh Cha làm công việc gì?

Đức ông Guido Marini, Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ của ĐTC, cầm sách đứng bên trái ĐTC

ROMA - Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư Phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma.

Hỏi: Trong các buổi cử hành phụng vụ của ĐTC Biển Đức XVI, tôi chú ý đến vị Trưởng Ban Nghi lễ và tự hỏi liệu việc các người khác “giúp” cho ngài, và tất nhiên giúp ĐTC, được gọi là gì? Tôi biết vị Thư ký riêng của Ngài đứng bên Ngài, nhưng không chia sẻ vai trò của vị Trưởng Ban Nghi lễ. Các người khác làm ư? Có người nói với tôi rằng chỉ có một vị Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ của ĐTC mà thôi, đó là Đức Ông Guido Marini. Tôi biết rằng ĐTC thường có một người Mỹ đi kèm theo Ngài, nhưng tôi không biết tên, nhưng đoán là một Tổng Giám mục. Câu hỏi của tôi là: Vai trò của vị này là gì? Có một phẩm trật giữa các vị hay không? Khi còn là một chủng sinh, tôi đã phục vụ tại các Thánh lễ đại triều với các Giám mục, Tổng Giám mục và Hồng y, và tôi biết thường có các Trưởng Ban Nghi Lễ thi hành các vai trò khác nhau trong phụng vụ, nhưng luôn có một Trưởng Ban Nghi Lễ chính thức trong buổi lễ. - D.M., Toronto, Canada.

Đáp: Đức Ông Guido Marini (không có quan hệ bà con với người tiền nhiệm, Đức Tổng Giám Mục Piero Marini) hiện là Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ của ĐTC, và là Trưởng Văn phòng Nghi Lễ Phụng Vụ của ĐTC.

Vai trò của Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ của ĐTC phát sinh ít là từ thế kỷ 15. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban Nghi Lễ đã được điều chỉnh trong nhiều thế kỷ, và các quy định mới nhất xuất phát từ Tông Hiến Pastor Bonus (Mục tử nhân hậu) năm 1988.

Tông Hiến này tăng cường vai trò của Văn phòng Nghi lễ Phụng vụ, làm cho nó trở thành một tổ chức mới của Giáo Triều Rôma với các luật lệ riêng và thẩm quyền riêng.

Theo hồ sơ của Văn phòng trên trang web của Vatican, nhiệm vụ của Văn phòng "là chuẩn bị mọi sự cần thiết cho Nghi lễ phụng vụ, hoặc mọi nghi thức thánh do ĐTC chủ tọa, hoặc Ngài tham dự hay hiện diện tại đó, hoặc nghi lễ do một Hồng y hay Đặc sứ chủ tọa thay cho ĐTC. Các sự chuẩn bị này bao gồm mọi sự cần thiết nhằm bảo đảm sự cử hành xứng hợp và sự tham gia tích cực của các tín hữu. Phạm vi công việc của Văn phòng còn là: cử hành Mật Nghị Hồng y, và hướng dẫn cử hành phụng vụ của Hồng y đoàn khi trống ngôi Giáo hoàng. Một nhiệm vụ quan trọng nhất của Văn phòng là lên kế hoạch, in ấn và phân phối một tập tài liệu kinh nguyện đặc biệt cho mỗi buổi phụng vụ, nhằm bảo đảm sự tham gia xứng đáng và tích cực của những người hiện diện."

Tông hiến nói thêm rằng nhiệm vụ của vị Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ là “duyệt lại và thích ứng các nghi lễ phụng vụ của Giáo Hoàng, theo nhu cầu và theo yêu cầu, trong sự hòa hợp với tinh thần của Công Đồng chung Vatican II, và phù hợp với nét đặc trưng của nghi lễ phụng vụ của ĐTC. Một nhiệm vụ quan trọng nhất là lên kế hoạch và hướng dẫn tất cả các nghi thức phụng vụ của Giáo hoàng, trong các chuyến thăm của ĐTC đến các giáo xứ hoặc các tổ chức trong giáo phận Rôma, cũng như các nghi thức phụng vụ của Giáo hoàng trong các chuyến Tông du của Ngài trên toàn thế giới."

Từ năm 1991, vị Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ cũng chịu trách nhiệm về Phòng Thánh của ĐTC, các nhà nguyện bên trong cho Dinh Tông Tòa, bao gồm nhà nguyện Sistine, Nhà nguyện Thánh Phaolô và nhà nguyện Redemptoris Mater (Mẹ Chúa Cứu Thế).

Trong nhiệm vụ này, vị Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ được sự trợ giúp của khoảng 12 vị phụ tá Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ. Ít nhất một trong các vị này là chức sắc của Văn phòng Nghi lễ Phụng vụ, trong khi các vị khác làm việc trong các cơ quan khác của Giáo triều Rôma. Ngoại trừ những vị nào là chức sắc, các vị khác thường chỉ giúp đỡ trong các buổi phụng vụ ở Rôma, và không cùng đi với ĐTC trong các chuyến tông du. Vào các dịp lễ này, vị Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ của ĐTC được hỗ trợ bởi những người chịu trách nhiệm về phụng vụ ở cấp giáo phận địa phương.

Trong khi trực tiếp hỗ trợ ĐTC, vị Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ cũng giúp hướng dẫn các thừa tác viên khác trong buổi phụng vụ, như các phó tế, thầy giúp lễ và các vị đồng tế. Ít nhất bốn Chưởng nghi phụng vụ có mặt trong một lễ đại triều có ĐTC. Các trợ lý Trưởng ban Nghi lễ cũng giúp các Hồng y trong các dịp đặc biệt, chẳng hạn Mật nghị Hồng y, lễ nắm quyền ở các nhà thờ hiệu tòa, và các buổi lễ quan trọng khác được tổ chức tại Rôma, chẳng hạn lễ tấn phong Giám mục.

Trong thời kỳ trống tòa Giáo hoàng (Vacante Sede): Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ làm nhiệm vụ trong các cuộc họp của các Hồng y, và tham gia Mật nghị Hồng y với các công tác đặc biệt. Với thẩm quyền của Văn phòng, Trưởng ban Nghi lễ phụng vụ là công chứng viên. Do đó, Trưởng ban phải soạn thảo văn bản chính thức của chức năng mà vị này tham dự, như là phần việc của Văn phòng của mình, bao gồm các hồ sơ của Mật Nghị Hồng y, và hồ sơ bầu chọn Tân Giáo Hoàng.

Về khía cạnh thực tiễn của mọi công tác này, Văn phòng Nghi Lễ Phụng Vụ có bảy chức sắc (ba linh mục, hai nữ tu và hai giáo dân) bên cạnh vị Trưởng Ban nghi lễ. Họ chịu trách nhiệm, trong nhiều công tác như soạn thảo các tập cẩm nang, sách lễ, và các tài liệu khác vốn được cung cấp cho các tín hữu ở mỗi buổi lễ. Văn phòng tọa lạc trong Vatican, và ở tầng hầm phía dưới của bức tranh khảm Mater Ecclesiae (Mẹ Giáo Hội) ở Quảng trường Thánh Phêrô. Ngoài ra, còn có sáu cố vấn được bổ nhiệm cho Văn phòng, để tư vấn chuyên môn về khía cạnh lịch sử và kỹ thuật của phụng vụ.

Ngoài các vị trực tiếp tham gia trong phụng vụ, ĐTC thường được đi kèm trong cuộc rước bởi các thư ký riêng của Ngài, và Trưởng Văn phòng đặc trách các vấn đề Nội chính của ĐTC (the prefect of the Papal Household).

Theo hồ sơ của mình, "nhiệm vụ của Văn phòng đặc trách các vấn đề Nội chính của ĐTC là phối hợp các công việc của Phòng chờ ngoài, và tổ chức các cuộc hội kiến của ĐTC với các vị Quốc trưởng, các Vị Đứng đầu Chính phủ, các Bộ trưởng và các quan chức cấp cao khác, cũng như các Đại sứ bên cạnh Vatican đến trình Ủy nhiệm thư. Văn phòng lo chuẩn bị mọi cuộc tiếp kiến – riêng tư, đặc biệt và khoáng đại - và các chuyến thăm của những vị được chính ĐTC tiếp. Văn phòng cũng chịu trách nhiệm sắp xếp các nghi lễ của ĐTC - trừ các buổi cử hành phụng vụ - cũng như cuộc Tĩnh tâm của ĐTC, Hội nghị Hồng y đoàn và Giáo triều Rôma. Ngoài ra, Văn phòng giám sát việc sắp xếp phù hợp theo yêu cầu mỗi khi ĐTC rời Dinh Tông Tòa để đi thăm thành phố Rôma, hoặc thăm trong phạm vi nước Ý. "

Đối với chúng ta là những người không phải là đại sứ hay Quốc trưởng, việc tiếp xúc với Văn phòng đặc trách các vấn đề Nội chính của ĐTC thường bị hạn chế, do phải xin giấy để tham dự các thánh lễ của ĐTC và các cuộc gặp gỡ với Ngài.

Vị trưởng Văn phòng này hiện này là Đức Tổng Giám mục James Michael Harvey, người Mỹ ở thành phố Milwaukee, bang Oregon, và do đó là người mà độc giả trên đây tò mò muốn biết. Trong thực tế, Ngài thường hộ tống ĐTC trong mỗi cuộc lễ và cuộc tiếp kiến ở Vatican và các nơi khác, và thường được nhìn thấy đi kín đáo ngay sau ĐTC. (Zenit.org 24-4-2012)

Nguyễn Trọng Đa
 
Trung Quốc: Lễ tấn phong giám mục Trường Sa
Tiền Hô
10:36 25/04/2012
Trường Sa, 25 Tháng Tư 2012 (AsiaNews) - Cha Khuất Ái Lâm (Qu Ailin) đã được tấn phong làm giám mục của giáo phận Trường Sa (tỉnh Hồ Nam). Buổi lễ đã được tổ chức sáng nay tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội với sự có mặt của hơn 25 linh mục và 200 tín hữu. Mặc dù vị ứng viên giám mục được sự chấp thuận của Vatican và chính phủ Trung Quốc, nhưng buổi lễ vẫn mang hơi hướm của giáo hội "yêu nước" chịu sự chi phối của chính phủ hơn là bầu khí của Giáo Hội Công Giáo. Thực tế, giám mục bị vạ tuyệt thông là Lưu Tân Hồng (Liu Xinhong) của giáo phận Vu Hồ (tỉnh An Huy) cũng tham gia vào buổi lễ, và tổng giám mục Bắc Kinh Giuse Lí Sơn (Li Shan) đã chủ phong nghi thức.

Thời gian qua, Vatican vẫn tiếp tục nhấn mạnh rằng việc tấn phong giám mục phải diễn ra trong sự tôn trọng đức tin của Giáo Hội Công Giáo, và ngăn chặn sự tham dự của các giám mục không còn hiệp thông với Tòa Thánh. Nhưng chính phủ Trung Quốc và Hiệp hội Yêu nước vẫn tiếp tục đòi sự độc lập và tự chủ trong việc tấn phong giám mục mà không cần có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, và họ ép buộc các giám mục hiệp thông với ngài phải tham gia vào các nghi thức tấn phong cùng với những giám mục bị vạ tuyệt thông.

Tổng Giám Mục Lí Sơn của Bắc Kinh hiện là phó chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc từ năm 2010, ngài đã tham gia một số lễ tấn phong giám mục bất hợp thức trong thời gian qua, và theo những gì chúng ta biết thì Tòa Thánh quan ngại rằng ngài đang có một vị trí nào đó vẫn chưa sáng tỏ. Thậm chí, nghiêm trọng hơn đó là sự hiện diện của giám mục Lưu Tân Hồng của giáo phận Vu Hồ (tỉnh An Huy) - người được tấn phong giám mục mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng hồi năm 2006 và nay đang chịu vạ tuyệt thông.

Buổi lễ còn có sự tham dự của các giám mục khác như: Lữ Bồi Sâm (Lu Peisen) của Duyện Châu (Sơn Đông), Lương Kiến Sâm (Liang Jiansen) của Giang Môn (Quảng Đông), Đàm Yến Toàn (Tan Yanquan) của Nam Ninh (Quảng Tây), Lý Tô Quang (Li Suguang) giám mục phụ tá của Giang Tây.

Giáo phận Trường Sa có khoảng 80 nghìn người Công giáo, trong đó có 20 nghìn người sống tại thành phố. Nhưng buổi lễ hôm nay chỉ có 200 tín hữu đến tham dự là một dấu hiệu cho thấy tình trạng bất mãn trong cộng đồng tín hữu đang chịu đựng sự can thiệp của chính phủ và Hiệp hội yêu nước về các nghi lễ tôn giáo thuần túy, và là một minh chứng về bạo lực đối với tự do tôn giáo.

Không chỉ vậy, ông Lưu Nguyên Long (Liu Yuanlong) - hiện là phó chủ tịch của Hiệp hội Yêu nước - đã đến buổi lễ để đọc thư của Mặt trận Thống Nhất và Ban Tôn Giáo chính phủ. Ngoài ra còn có sự hiện diện của các quan chức Mặt trận, Ban Tôn giáo và chính quyền địa phương.

Trước những người tham dự buổi lễ, tân giám mục đã tuyên thệ nhậm chức nhằm phục vụ Giáo Hội và quốc gia, giúp đỡ các linh mục, nữ tu và giáo dân để "tôn trọng luật pháp quốc gia, bảo vệ sự thống nhất quốc gia, ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế ở tỉnh Hồ Nam, tạo nền văn hóa thịnh vượng và hòa hợp xã hội".

Vị tân giám mục sinh năm 1961 tại Hành Dương (Hồ Nam), được thụ phong linh mục vào năm 1995. Ngài là phó chủ tịch Hiệp hội Yêu nước tỉnh Hồ Nam và là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân của thành phố Hành Dương.
 
ĐTC: Mục vụ bác ái cần được thấm nhuần bởi việc chiêm niệm
Linh Tiến Khải
17:15 25/04/2012
Mục vụ bác ái thời Giáo Hội khai sinh dậy cho chúng ta biết rằng không có lời cầu nguyện, thì hoạt động của chúng ta bị giản lược thành chủ trương duy hoạt động và chúng ta có nguy cơ bị ngộp thở trong các công việc thường ngày.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 25-4-2012.

Ngoài các đoàn hành hương đến từ Bắc Mỹ và Âu châu, có các đoàn hành hương đến từ các nước Á châu như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Philippines. Từ Phi châu có đoàn hành hương Nigeria. Từ Châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Mehicô, Guatemala, Venezuela và Brasil.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài mục vụ bác ái đối với các người neo đơn và cần được trợ giúp, như kể trong chương 6 sách Công Vụ. Hồi đó Giáo Hội gia tăng nhân số và các tín hữu nói tiếng Hy Lạp than phiền chống lại các tín hữu gốc Do thái, vì các bà góa của họ bị bỏ quên trong việc phân phát lương thực hằng ngày (Cv 6,1).

Vấn đề không phụ thuộc đối với Giáo Hội và có nguy cơ gây chia rẽ trong lòng cộng đoàn. Đứng trước sự cấp thiết của tình bác ái đối với các người yếu đuối, người nghèo, không được bênh đỡ và vì đức công bằng, các Tông Đồ triệu tập toàn cộng đoàn môn đệ lại để giải quyết vấn đề. Đức Thánh Cha nói:

Các vị đứng trước đòi hỏi đầu tiên loan báo Lời Chúa theo lênh truyền của Chúa nhưng, cả khi đó là đòi hỏi đầu tiên của Giáo Hội, các vị cũng nghiêm chỉnh cứu xét nhiệm vụ bác ái và công bằng, nghĩa là bổn phận trợ giúp các bà góa, người nghèo, yêu thương lo lắng cho các tình trạng túng thiếu của các anh chị em khác, để đáp trả lại lệnh truyền của Chúa Giêsu: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con (x. Ga 15,12.17).

Như thế cần phải tìm ra một giải pháp cho hai thực tại, mà Giáo Hội cần phải sống và đang gây ra khó khăn: đó là việc loan báo Lời Chúa, quyền tối thượng của Thiên Chúa và tình bác ái cụ thể và công lý. Suy tư của các Tông Đồ rất là rõ ràng, các vị họp cộng đoàn lại và nói: ”Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bẩy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6,2-4).

Có hai điều xuất hiện ở đây: thứ nhất, hồi đó trong Giáo Hội có một thừa tác bác ái. Giáo Hội không chỉ loan báo Lời Chúa, mà cũng thực hiện Lời Chúa nữa là lòng bác ái và sự thật. Thứ hai, các người này không phải chỉ có tiếng tốt, mà còn phải là những người tràn đầy Chúa Thánh Thần và khôn ngoan, nghĩa là họ không thể chỉ là những người tổ chức biết làm, mà phải làm trong tinh thần của đức tin với ánh sáng của Thiên Chúa, trong sự khôn ngoan của con tim, và cả khi nhiệm vụ của họ trước hết là thực tế đi nữa, nó cũng là một nhiệm vụ tinh thần. Bác ái và công lý không chỉ là các hoạt động xã hội, mà cũng là các hoạt động tinh thần, được thực hiện trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Như thế, các Tông Đồ đã đương đầu với tình hình này với tinh thần trách nhiệm cao độ.

Bẩy người đã được tuyển chọn, và các Tông Đồ đã cầu nguyện để xin sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đặt tay để họ tự tận hiến cách đặc biệt cho việc phục vụ bác ái này. Như vậy các bước đầu của cuộc sống Giáo hội, trong một nghĩa nào đó, phản ánh những gì đã xảy ra trong cuộc sống công khai của Chúa Giêsu, trong nhà Marta và Maria ở Bêtania. Marta thì bận rộn lo lắng phục vụ Chúa Giêsu và các môn đệ, Maria trái chăm chú lại lắng nghe Lời Chúa (x. Lc 10,38-42). Trong cả hai trường hợp, các lúc cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa không đối chọi với hoạt động thường ngày và việc thực thi bác ái. Việc hoạt động cho tha nhân không bị kết án, nhưng đàng khác nó phải được thấm nhuần bên trong bởi tinh thần chiêm niệm. Phải có sự chiêm ngắm Thiên Chúa trong hoạt động thường ngày. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Chúng ta không được đánh mất chính mình trong chủ trương hoạt động thuần túy, nhưng phải luôn luôn để cho ánh sáng của Lời Chúa thấm nhập vào hoạt động của chúng ta, và như thế học tình bác ái đích thực, học việc phục vụ tha nhân đích thực, là điều không cần tới nhiều sự - dĩ nhiên là phải có những gì cần thiết - nhưng nhất là cần lòng trìu mến của con tim, cần ánh sáng của Thiên Chúa.

Chú thích giai thoại hai chi em Marta và Maria thánh Ambrogio khích lệ các tín hữu cũng tìm những gì không thể bị lấy mất đi, bằng cách chú ý tới Lời Chúa, mà không lo ra; vì cũng xảy ra là hạt giống của lời thiên quốc bị đem đi mất, nếu được gieo dọc lối đi. Hãy noi gương Maria kích thích ước muốn hiểu biết, vì nó là công trình lớn lao và hoàn thiện nhất (Expositio Evangelii secundum Lucam, VII, 85: PL 15,1720).

Đây là một nhắc nhở cho chúng ta ngày nay, thường quen đánh giá mọi sự theo tiêu chuẩn sản xuất và hiệu năng. Văn bản sách Công Vụ nhắc cho chúng ta biết tầm quan trọng của việc làm - vì có cả một bộ được thành lập cho lao động - tầm quan trọng của sự dấn thân trong các hoạt động thường ngày với tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy, nhưng nó cũng nhắc cho chúng ta biết chúng ta cần Thiên Chúa, cần sự hướng dẫn và ánh sáng của Chúa trao ban sức mạnh và hy vọng cho chúng ta. Nếu không có lời cầu nguyện thường ngày, được sống với lòng trung thành, việc làm của chúng ta trống rỗng, vô hồn, và bị giản lược vào chủ trương hoạt động, sau cùng khiến cho chúng ta không được thỏa mãn.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: có một lời cầu rất đẹp như thế này: ”Lậy Chúa, xin soi sáng cho chúng con biết việc phải làm, và khi làm xin Chúa giúp đỡ, để mọi lời nói và việc làm của chúng con luôn khởi sự và hoàn thành trong Chúa”. Cũng vậy, mọi bước đi của cuộc sống chúng ta, mọi hoạt động, cả của Giáo Hội nữa cũng phải được làm trước mặt Chúa và dưới ánh sáng của Lời Chúa... Khi lời cầu nguyện được dưỡng nuôi bằng Lời Chúa, chúng ta có thể nhìn thực tại với đôi mắt mới, với đôi mắt của đức tin, và Chúa là Đấng nói với tâm trí chúng ta ban ánh sáng mới cho đường đi, trong mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Chúng ta tin vào sức mạnh của Lời Chúa và lời cầu nguyện. Sự kiện các Tông Đồ không chỉ chuẩn nhận việc lựa chọn Stephano và các người khác, nhưng còn cầu nguyện rồi đặt tay trên họ ám chỉ việc trao ban nhiệm vụ cho họ, và minh xác rằng việc phục vụ bác ái là một phục vụ tinh thần. Đức Thánh Cha quảng diễn ý nghĩa cử chị đặt tay như sau:

Với cử chỉ đặt tay các Tông Đồ trao ban cho bảy người này một chức thừa tác, để họ nhận được ơn thánh tương xứng. Việc nhấn mạnh trên lời cầu nguyện ”sau khi đã cầu nguyện”, là quan trọng, bởi vì nó minh nhiên chiều kích tinh thần của cử chỉ này. Đây không chỉ là việc đơn thuần trao ban một chức vụ như trong một tổ chức xã hội, mà là một biến cố giáo hội, trong đó Chúa Thánh Thần chiếm hữu bảy người được Giáo Hội tuyển chọn, bằng cách thánh hiến họ cho Chân Lý là Chúa Giêsu Kitô. Chính Người là tác nhân thinh lặng, hiện diện trong việc đặt tay, để các người được chọn được biến đổi bởi quyền năng của Người và được thánh hóa hầu đương đầu với các thách đố cụ thể, các thách đố mục vụ.

Trình thuật cũng cho chúng ta thấy sự tối thượng của lời cầu nguyện và Lời Chúa làm nảy sinh ra hoạt động mục vụ. Đối với Các Chủ Chăn đây là hình thức phục vụ đầu tiên qúy báu đối với đoàn chiên được giao phó cho các vị. Nếu các lá phổi của lời cầu nguyện và Lời Chúa không dưỡng nuôi hơi thở cuộc sống thiêng liêng của chúng ta, thì chúng ta có nguy cơ chết ngộp giữa hàng ngàn sự việc mỗi ngày: lời cầu nguyện là hơi thở của linh hồn và cuộc sống.

Sau khi chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, NBồ Đào Nha, Ba Lan, Croat, Slovac, Hungari và Ý và cầu chúc họ có những ngày hành hương sốt sắng và bổ ích, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Top Stories
Vietnam: Détails complémentaires à propos de l’agression dont a été victime le P. Nguyên Van Binh
Eglises d'Asie
07:08 25/04/2012
Comme l’a déjà rapporté Eglises Asie, le P. Joseph Nguyên Van Bình, curé de la paroisse Yên Kiên (district de Chuong My) dans l’archidiocèse de Hanoi, a été, le 14 avril dernier, victime d’une agression sauvage qui l’a laissé sans connaissance. Les agresseurs, une trentaine de personnes inconnues du prêtre et de ses paroissiens, avaient été surpris par le prêtre alors qu’ils démolissaient une maison récemment acquise et restaurée par le prêtre pour en faire un orphelinat. Des éducatrices et des enfants déjà installés dans cette maison avaient également subi les brutalités de cette troupe de casseurs.

De nouvelles précisions viennent d’être connues grâce au témoignage du P. Binh lui-même et au rapport envoyé par lui à la Sécurité publique du district. Dans son témoignage, il fait un bref récit de son agression : « J’ai été assailli par un groupe de jeunes gens (…). J’étais arrivé devant la porte de notre maison lorsque mon téléphone a sonné. Deux individus se sont détachés du groupe, se sont précipités vers moi, et m’ont arraché le téléphone. Ensuite une vingtaine de membres du groupe des démolisseurs est venue m’entourer. Ils m’ont tabassé le plus méchamment qu’ils ont pu. J’ai été frappé aux oreilles, sur les yeux, au ventre et aux côtes. A la fin, un coup plus fort que les autres, reçu sur l’oreille gauche, m’a jeté à terre. Alors que j’étais étendu, deux jeunes gens chaussés de cuir m’ont donné de violents coups de pied sur l’oreille gauche et la partie gauche de mon dos. Ils m’ont laissé évanoui, et sont allés rejoindre le reste de la troupe pour continuer la destruction de la maison. Plusieurs pensionnaires du futur orphelinat ont également reçu des coups et ont été dépouillés de leurs téléphones portables. »

Le prêtre a ensuite été transporté à l’hôpital, situé à un kilomètre de là, pour y recevoir les premiers soins. Les paroissiens, ayant appris que les autorités étaient intervenues auprès de l’administration de l’hôpital, l’ont alors transporté à l’hôpital allemand de Hanoi. A peine hospitalisé, le P. Binh a reçu une convocation de la Sécurité du district lui enjoignant de se présenter pour interrogatoire. Le prêtre a alors envoyé aux responsables policiers un rapport des faits. Il dénonce « une tentative d’homicide volontaire et la destruction des biens d’un citoyen ». Il propose que soit entamée une action judiciaire portant sur ces deux chefs d’accusation.

Le rapport du prêtre rappelle aussi certains faits ayant précédé, accompagné et suivi l’agression. Le P. Binh y explique en particulier qu’il a acheté lui-même une maison délabrée avec l’intention d’y accueillir des orphelins. Il l’a entièrement restaurée sans enfreindre la loi et sans qu’il y ait eu la moindre intervention des autorités locales. Le 4 mars dernier, les réparations étant terminées, il a introduit dans la maison quelques orphelins et des éducatrices. Dans ce même rapport, le prêtre décrit dans le détail les destructions et les vols effectués par la troupe des démolisseurs, des individus dont le prêtre déclare ignorer l’identité. Il ne connaît pas davantage les motifs de leurs méfaits.

Le rapport contient encore certains faits troublants. Le 30 mars 2012, deux hommes armés sont venus menacer de mort les pensionnaires nouvellement installés dans la maison. Ces menaces ont été signalées au Comité populaire de la commune. Le 13 avril, la veille de l’agression, le président du Comité populaire avait envoyé au P. Binh une lettre interdisant une réunion du groupe de bienfaisance Agape dans les locaux de la maison aujourd’hui saccagée. Dans son rapport, le prêtre signale aussi que lorsqu’il est arrivé à 9h00 du matin sur les lieux où les démolisseurs étaient à l’œuvre depuis un certain temps, de nombreux policiers en uniforme bloquaient les voies d’accès au futur orphelinat. Ils ont empêché les paroissiens d’accéder aux lieux (1).

(1) Ces informations ont été recueillies auprès de VRNs (site des rédemptoristes vietnamiens), dépêche du 23 avril 2012.

(Source: Eglises d'Asie, 25 avril 2012)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bí quyết và kinh nghiệm phỏng vấn, xin việc và làm việc
Tuyết Nhung
07:14 25/04/2012
CHƯƠNG TRÌNH CHUYÊN ĐỀ GIÁO DỤC - BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH

“Tương lai nhân loại sẽ đi ngang qua các gia đình”
(Tông huấn Familiaris Consortio (FC) của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II)

Ngoài Ban tổ chức và các tham dự viên, buổi toạ đàm còn có các vị khách mời: Anh Martino Hoàng Ngọc Quang, anh Luca Lê Nguyễn Văn Ly và anh Inhaxio Nguyễn Quang Tuyển. Sau phần khởi động, Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn có đôi lời chia sẻ khai mạc chương trình.

Trước khi ôn lại nội dung buổi toạ đàm lần I, Thầy Giuse Mai ThanhHoài,giới thiệu chương trình đại hội Gia Đình Thế giới tại Milano từ 30/05 đến 03/06 năm 2012. Chủ đề: "Công việc và ngày lễ". Con người làm việc để nuôi sống gia đình và phát triển gia đình, đó cũng là nơi thực thi liên đới giữa các gia đình và các thế hệ với nhau. Vì thế, chúng ta phải nhìn nhận giá trị của lao động, đón nhận lao động như một sự quan phòng đối với cuộc sống của mình. Nhưng không để mình trở thành nô lệ cho công việc, và không biến công việc thành một thứ ngẫu thần, để có thể tìm trong công việc ý nghĩa cuối cùng quyết định cho cuộc sống. Ngày Chúa Nhật là một ngày dành cho Thiên Chúa, chính trong ngày đó con người cần phải nghỉ ngơi để hiểu ý nghĩa của cuộc sống mình và của cả việc làm của mình. Giới thiệu với tham dự viên chương trình này, diễn giả muốn tham dự viên hiểu rằng, công việc đối với chúng ta rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta phải biết sống, làm việc, nghỉ ngơi đều qui chiếu về Thiên Chúa, để cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Phần I:

Muốn thành công khi đi xin việc, Thầy Hoài lưu ý tham dự viên phải chuẩn bị được bộ hồ sơ xin việc ấn tượng để gây thiện cảm với nhà tuyển dụng. Nếu may mắn được mời phỏng vấn, ứng viên sẽ phải đối mặt với tình huống quyết định thành công hay thất bại. Tuy nhiên, ứng viên cũng không nên quá lo lắng, mà hãy chuẩn bị cho mình một thái độ bình tĩnh, trang phục lịch sự, tác phong chuyên nghiệp, tự tin khi giao tiếp. Hãy đặt những câu hỏi khôn ngoan để tìm hiểu về công việc, thì xác suất thành công sẽ rất cao.

Phần II:

Theo xu hướng hiện nay, các công ty nước ngoài thường phỏng vấn từ 6 đến 8 người.Ứng viên cùng tham gia vào một buổi thảo luận, đề tài mô phỏng một buổi làm việc tại công ty, Ban giám khảo sẽ quan sát, ghi nhận, phân tích và đánh giá hành vi làm việc của từng cá nhân ứng viên trong nhóm thảo luận, để đưa ra quyết định tuyển dụng tiếp theo.

Để tham dự viên có cơ hội thể hiện khả năng của mình, thầy Hoài mời 6 bạn lên cùng thực tập một buổi thảo luận nhóm.

Tình hống:

Công ty ABC là công ty sản xuất và kinh doanh mặt hàng nước trái cây đóng chai tại thị trường Việt Nam. Nhãn hàng JUCY có 3 hương vị chủ lực đặc trưng: dâu, cà rốt và thơm. 6 ứng viên là nhân viên điều hành kinh doanh và tiếp thị (ĐHKD). Ứng viên có 20 phút chuẩn bị cho cuộc họp.

Nhiệm vụ của ứng viên là tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến cùng các ĐHKD trong đội để xây dựng một kế hoạch tung sản phẩm New JUCY gồm 3 hương vị truyền thống dâu, cà rốt, thơm và một hương vị mới Chanh ra thị trường. Yêu cầu của kế hoạch phải cụ thể và đo lường được. Kết thúc cuộc họp, ứng viên trình bày kế hoạch cho các giám đốc kinh doanh và tiếp thị để được thông qua.

Thảo luận nhóm:

Các bạn có 30 phút để chuẩn bị, yêu cầu lập kế hoạch bán hàng và tiếp thị trong khu vực được phân công để tăng doanh số. Tình hình thị trường đang cạnh tranh rất khốc liệt với các công ty nước ngoài, thu nhập giảm người dân chi tiêu dè sẻn. Trước tình hình đó, Ban giám đốc (BGK) quyết định tung ra thị trường một sản phẩm mới. BGĐ rất mong một kế hoạch tung hàng đạt hiệu quả cao. Kế hoạch đòi hỏi sáng tạo, và hiệu quả về chi phí.

Các bạn thảo luận khá sôi nổi, mỗi người đều đưa ra kế hoạch của mình, và cùng thống nhất với kế hoạch của nhóm đề ra. Tuy nhiên khi hết thời gian chuẩn bị, các bạn chưa đưa ra được kế hoạch chung theo yêu cầu, cũng như chưa gây được ảnh hưởng tích cực để đạt được đồng thuận nhóm.

Trong khi chờ đợi kết luận của BGĐ & ý kiến của tham dự viên, MC Vũ Minh hát tặng tham dự viên bài hát với nhịp điệu vui tươi và nhiều ý nghĩa.

Ý kiến tham dự viên:

- Ứng viên có tinh thần thảo luận nhóm, tuy nhiên kế hoạch đưa ra chưa hợp lý vì chưa đạt được kết quả như yêu cầu đề ra, chưa tập trung vào chi phí. Trong kinh doanh chi phí phải đưa lên hàng đầu, nếu không đạt được điều đó, thì công ty sẽ ở bên bờ vực phá sản ngày một ngày hai.

Ý kiến của ban giám khảo:

Khi phỏng vấn nhóm, công ty không tuyển một cá nhân xuất sắc, mà tuyển cả nhóm. Vì thế, chúng ta phải biết lắng nghe nhau để có sự hợp nhất và tìm ra ý kiến đồng thuận hơn là bảo vệ ý kiến riêng mình, động viên mọi người cùng đưa ra ý kiến, một người được đánh gía cao là người mời được người khác cùng thảo luận. Trong khi thảo luân, dù mong ý kiến của mình được quan tâm, chúng ta cũng không nên ngắt lời người khác, cần kiên nhẫn đợi người khác nói xong, bởi lấn lướt trong đối thoại sẽ là thiếu tinh thần đồng đội.

Thảo luận nhóm cần lưu ý: Khi có người khác trình bày quan điểm mà chúng ta dự định trình bày, đừng vội thất vọng, hãy lắng nghe thật kỹ và bổ sung thêm quan điểm của mình, chúng ta sẽ được nhận xét là người biết lắng nghe và tư duy tốt, chúng ta nên khẳng định mình, nhưng tránh va chạm người khác. Các thành viên trong nhóm ở vị trí, văn hoá vùng miền khác nhau, nhưng khi đã làm viêc thành một nhóm, công ty sẽ đánh giá theo cách làm việc chung nhất. Chúng ta cũng nên quan tâm đến ngôn ngữ không lời, cử chỉ, ngữ điệu cơ thể… Gắn kết & hăng say, thể hiện quyết tâm để đạt mục tiêu cuối cùng. Dẫn chứng hiệu quả sáng tạo. Nhiệm vụ cuối cùng không kém phần quan trọng là ghi chép kết quả buổi thảo luận, và tổng hợp những ý kiến khác biệt để đem lại hiệu quả.

Buổi toạ đàm diễn ra trong không khí vui vẻ và cởi mở, tham dự viên học được nhiều điều từ buổi toạ đàm. Mong rằng, tham dự viên sẽ ứng dụng được ít nhiều kết quả từ buổi tọa đàm vào cuộc mưu sinh đầy thử thách.

Trước khi kết thúc buổi toạ đàm Ban tổ chức gửi lời cám ơn và tặng những bó hoa tươi thắm cho khách mời. Đồng thời kết thúc chương trình với đoạn Kinh Thánh:

“Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. (33) Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (MT, 31-33).
 
3 tân Phó tế Việt Nam được truyền chức tại ĐCV Holy Apostles ở Norwich
Michael Hai Le
14:05 25/04/2012
CONNECTICUT - Vào lúc 11 giờ, thứ 7 ngày 14/04/2012, tại nhà nguyện Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ thuộc chủng viện Holy Apostles, Đức Cha Michael R. Cote, Giám Mục giáo phận Norwich đã chủ tế thánh lễ truyền chức phó tế cho ba thầy Việt Nam: thầy Gioan Phạm Văn Đỉnh, Thầy Giuse Phùng Văn Sáu thuộc giáo phận Thanh Hóa và Thầy Giuse Nguyễn Văn Huy thuộc giáo phận Hải Phòng. Cùng đồng tế với Đức Cha Michael Cote có Cha Douglas L.
Mosey - giám đốc đại chủng viện; Cha Andrew Phạm Phong - đại diện giám mục giáo phận Thanh Hóa tại Hoa Kỳ, và 30 linh mục thuộc các dòng và triều đến từ các tiểu bang của Hoa Kỳ. Đến hiệp dâng thánh lễ còn có sự hiện diện của các tu sĩ nam nữ thuộc các dòng tu và các chủng sinh, quý ông bà cố, thân nhân, ân nhân, bạn hữu của ba Tân chức, và khoảng trên 300 giáo dân thuộc hai cộng đoàn Bridgeport và Hardfort cũng đến chia vui và cầu nguyện cho các Tân chức. Hình ảnh đông đảo mọi người tới tham dự thánh lễ đã làm phong phú tình hiệp thông, sức sống bề bỉ của Giáo hội và niềm hy vọng của ba Tân chức.

Là những người Việt Nam đầu tiên theo học tại đại chủng viện Holy Apostles, các thầy được ví như những hoa trái đầu mùa của hai giáo phận Thanh Hóa và Hải Phòng tại chủng viện. Ngày hôm nay, cánh đồng truyền giáo của Giáo hội sẽ có thêm những thợ gặt lành nghề mang về những bó lúa trĩu nặng hân hoan. Các thầy sẽ là những người thợ gặt mới, biết hy sinh và phục vụ hữu ích cho Giáo hội; là những chứng nhân sống động cho Tin Mừng Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô giữa lòng đời hôm nay.

Điều đó đã được Đức cha Michael Cote nhấn mạnh trong bài chia sẻ của mình. Ngài nói: “Được bén rễ sâu trong đức tin, các con hãy ăn ở trong sạch và không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa và người đời, là điều phù hợp với các thừa tác viên của Đức Ki-tô và với các người ban phát những mầu nhiệm Thiên Chúa. Các con đừng để mất niềm tin cậy vào Phúc Âm, vì các con không phải chỉ là những người nghe, mà còn phải là thừa tác viên của Phúc Âm. Gìn giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm ngay thẳng. Các con hãy minh chứng bằng việc làm Lời Chúa mà các con rao giảng bằng miệng, để dân Ki-tô hữu được Chúa Thánh Thần làm cho sống, trở nên của lễ tinh tuyền được Chúa chấp nhận. Và tới ngày thế mạt, khi ra đón Chúa, các con có thể nghe Người phán: “Hỡi tôi tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng vui mừng với Chúa của ngươi”.”

Thánh lễ được cử hành trong bầu khí trang nghiêm, thánh thiện và sốt sắng, là sự kết hợp đan xen giữa những nghi thức Phụng vụ bằng tiếng Anh và những bài Thánh ca Việt, tạo nên một sự hiệp nhất trong tình yêu Thiên Chúa, không phân biệt sắc tộc, ngôn ngữ và sự thể hiện hòa hợp bao dung của hai nền văn hóa Việt – Mỹ. Phần nghi thức phụng vụ bằng tiếng Anh do các thầy Mỹ phụ trách. Phần hát lễ do ca đoàn tổng hợp của nam nữ tu sĩ, chủng sinh Việt Nam đang du học tại Bắc Mỹ đảm nhiệm. Đến tham dự Thánh lễ và chia vui trong ngày trọng đại, những tà áo dài điểm xuyết trong không gian thánh thiêng ấy như muốn bừng lên một nét đẹp truyền thống và sắc nét của văn hóa Việt Nam trên mảnh đất xa xôi này.

Sự hiện diện đông đủ mọi thành phần dân Chúa đã làm cho thánh lễ thêm phần trang trọng, và hơn nữa, đó là nguồn động viên, là lời chúc mừng và khích lệ lớn lao dành cho các tân chức trong ngày vui phải xa quê hương, xứ sở, xa người thân và xa gia đình giáo phận. Trong chặng hành trình mới này, những lời cầu nguyện sẽ giúp các Thầy có thêm tinh thần và nghị lực để có thể tiếp bước theo chân Chúa, và để mai sau có thể trở nên người Mục tử tốt lành như những gì mà Giáo hội, Giáo phận và mọi người kỳ vọng.

Hân hoan trong niềm vui đang tỏa rạng trên Giáo phận Thanh Hóa thân yêu, Thánh lễ cũng như một niềm vui nhỏ bé góp vào trong bầu trời Hồng phúc đang nở rộ nơi quê hương, xứ sở. Xin dâng lên Thiên Chúa những khúc ca lòng, và rồi từ hôm nay “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Gioan 17,19).
 
Thông Báo
Thư Mời Ca Đoàn
Nguyễn Đức Vượng
11:32 25/04/2012
Ngày 15 Tháng 4 Năm 2012

Thư Mời Ca Đoàn Công Giáo Việt Nam Khắp Nơi Trên Thế Giới

Nhân dịp kỷ niệm 6 năm khánh thành Nguyện Đường Đức Mẹ La-Vang tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ. Chúng tôi xin trân trọng thông báo và kính mời Quí Ca Đoàn, Quí Nhạc sĩ, Quí Ca Trưởng và Quí Nhạc Công khắp nơi về tham dự Ngày Hành Hương này từ ngày 14 - 16 tháng 6 năm 2012.

Trong dịp này, chúng ta sẽ đón tiếp Đức Cha Vincentê Nguyễn Văn Long, OFM Conv. Giám Mục Phụ Tá Melbourne và nhiều Linh Mục, Phó Tế, Nam Nữ Tu Sĩ và Giáo Dân khắp nơi về tham dự.

Chương trình 3 Ngày Hành Hương gồm có: Hội Thảo, Giảng Thuyết, Thánh Lễ, Chầu và Rước Thánh Thể, hôn kính Xương Các Thánh, Hoà Giải, họp mặt Quí Nhạc Sĩ Công Giáo, Ca trưởng, Ca Viên, Ca Đoàn, Thánh Nhạc, Văn Nghệ và tham quan Thủ đô Washington. D.C

Riêng về phần Thánh Nhạc cho các thánh lễ và văn nghệ, chúng tôi kính mời Quí Ca Đoàn ghi danh tham gia để hát cho các thánh lễ trong 3 Ngày Hành Hương. Đặc biệt cùng với Ca Đoàn Tổng Hợp hát Thánh Lễ Đại Trào ngày Thứ Bảy cũng như đóng góp các tiết mục cho chương trình văn nghệ: Ca, Múa, Vũ, Nhạc, Kịch, Hợp ca...

Ngoài ra, các Ca Đoàn, Ca Viên cùng Quí Nhạc Sĩ và Quí Ca Trưởng có buổi hội thảo về Thánh Nhạc với đề tài: 3 a (Ca Trưởng, Ca Đoàn và Ca Hát Phụng Vụ) do Cha Trưởng Ban Thánh Nhạc Linh mục Nhạc sĩ GB Nguyễng Đức Vượng O.P diễn thuyết. Và chúng ta sẽ chào mừng " Ngày Thánh Nhạc" lần thứ 5 cũng được tổ chức trong dịp Hành Hương này.

Để cho việc tổ chức và sắp xếp được chu đáo, xin quí anh chị ghi danh sớm nhất có thể và hạn chót đến ngày 20 Tháng 05 năm 2012. Xin ghi danh ở những địa chỉ thuận tiện nhất: Linh mục Nguyễn Đức Vượng, E-mail: vuongduc@yahoo.com. Số phone: (703) 863-4122, hoặc chúng tôi Văn Duy Tùng. E-mail: vanduytung@yahoo.com. Số phone: (703) 362-3267

Nếu anh chị em muốn chuyên chở và ở lại trong nhà của các giáo dân suốt thời gian Hành Hương, xin cho chúng tôi biết để hướng dẫn và sắp xếp.

Xin cám ơn sự hợp tác của quí anh chị em và xin Chúa cùng Đức Mẹ La Vang chúc lành.

Kính mời,

Hợp Thỉnh,

Văn Duy Tùng và

Lm. Nguyễn Đức Vượng

Trưởng Ban Thánh Nhạc

Liên Đoàn Công Giáo VN tại Hoa Kỳ
 
Hành hương các sắc tộc tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Washington, DC) ngày 19/5
Phạm Dươmg Hãn
10:07 25/04/2012
Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington, Virginia, ngày 25/4/2012: Trân Trọng thông báo:

Trong ngày hành hương các sắc tộc tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Washington, DC) vào ngày 19/5 sắp tới, giáo xứ CácThánh Tử Đạo Arlington Virginia đã được giao trọng trách hát cho phần dâng hoa của Giáo Xứ Mẹ Việt Nam (Silver Spring, Maryland) và thánh lễ đồng tế do Đức Hồng Y Donald Wuerl -Tổng Giám Mục Địa Phận Washington chủ tế. Cha Nguyễn Đức Vượng cũng sẽ hiện diện để đồng tế.

Giáo xứ xin kính mời các thiện nguyện viên cũng như các ca viên trong các ca đoàn cùng tham gia 2 buổi tập hát sau đây: Thứ tư ngày 2 tháng 5 và thứ sáu ngày 11 tháng 5. Cả 2 buổi đều bắt đầu từ 8 giờ tối cho đến 9:30 tối. Theo yêu cầu của ban tổ chức, tất cả các bài hát tại thánh lễ phải hát bằng tiếng Anh. Do đó chúng ta sẽ phải tập luyện các bài hát sau đây:

1.Glory and Praise to our God (Lyrics & Music: Dan Schutte, ©1976, OCP)

2. Only This I Want (Text & Music: Dan Schutte, ©1981, OCP)

3. I Am The Bread Of Life (S. Suzanne Toolan, 1971, GIA)

4. Immaculate Mary (Lyrics & Music: Jeremiah Cummings, ©1971, GIA)

Bộ lễ do cha xứ và anh Phạm Dương Hãn sáng tác cũng đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh và đã được cho phép sử dụng trong thánh lễ đó. Đây cũng là cơ hội để chúng ta giới thiệu bộ lễ này đến các sắc dân khác nhau.

Đặc biệt năm nay ca đoàn sẽ được hỗ trợ bởi dàn nhạc trẻ của giáo xứ với hơn 40 thành viên. Đây là dàn nhạc vẫn đàn lễ hằng tuần vào chiều thứ bảy trong lễ 6 giờ chiều.

Anh Phạm Dương Hãn (ca đoàn Thánh Tâm và Ca trưởng ca đoàn Chân Phước Gioan Phaolo II) được trao trọng trách điều khiển ca đoàn cho thánh lễ. Giáo xứ ước mong mọi người sẽ cộng tác đông đảo với anh cũng như để cổ vũ tinh thần cho dàn nhạc trẻ để tiếng hát của người Việt Nam và của giáo xứ chúng ta sẽ được cất cao lên trong thánh lễ đặc biệt này. Giáo xứ xin đa tạ.
 
Lớp Huấn Luyện Ca Viên
Sister Theresia Nguyễn
11:37 25/04/2012
Văn Phòng Mục Vụ Việt Nam - TGP Seattle xin trân trọng thông báo:

LỚP HUẤN LUYỆN CA VIÊN
Ngày 23 & 24 tháng 6 năm 2012


Để góp phần phát triển nền Thánh Nhạc Việt Nam qua việc đào tạo Ca Viên cho các ca đoàn. Lớp Huấn Luyện Thánh Nhạc, Xướng Âm và Luyện Thanh Căn Bản sẽ được tổ chức tại Tòa Tổng Giám Mục Seattle do Nhạc Sư Phạm Đức Huyến và các phụ giáo hướng dẫn. Lớp Huấn Luyện Ca Viên sẽ học vào hai ngày cuối tuần:

THỜI GIAN:
Thứ Bảy và Chúa Nhật
Ngày 23 và 24 tháng 6 năm 2012
Mỗi ngày học từ 8:00 A.M. – 7:00 P.M.

ĐỊA ĐIỂM:

Tòa Tổng Giám Mục Seattle
Isaac Orr
910 Marion St.
Seattle, WA 98104

GHI DANH:
Từ nay đến hết ngày 15 tháng 6 năm 2012

LỆ PHÍ + TÀI LIỆU:
$120 / 1 học viên

LIÊN LẠC:
Văn Phòng Mục Vụ Việt Nam TGP Seattle
Sr. Theresia Nguyễn
710 9th Ave
Seattle, WA 98104
Email: theresia.nguyen@seattlearch.org
ĐT: 206-274-3191

LƯU Ý:
- Các học viên ở xa, cần đưa đón phi trường và nơi ăn chốn ở, xin vui long liên lạc với Văn Phòng Mục Vụ Việt Nam.
- Chương trình chi tiết Huấn Luyện Ca Viên sẽ được gởi đến quý học viên sau.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tháp Chuông Giữa Ngọ
Nguyễn Bá Khanh
21:20 25/04/2012
THÁP CHUÔNG GIỮA NGỌ
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Chuông ngọ, từng hồi chuông ngọ đổ
Từng hồi chuông ngọ đổ chơi vơi
Con nghe chuông đổ rồi con khóc
Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!
(Trích thơ của Nguyễn Bính)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền