Ngày 27-04-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người tông đồ có biệt hiệu là Điđymô
Lm Giacôbê Tạ Chúc
07:56 27/04/2011
Khi nói đến Tôma, chúng ta nghĩ ngay tới một tông đồ cứng tin, mà mỗi lần nói về ai đó cứng lòng,nghi ngờ về Thiên Chúa thì lập tức chúng ta đưa Tôma ra làm thí dụ .

Cũng thật tội nghiệp cho Ngài, đi theo chúa bao năm, cũng vất vả, cũng vô vàn những gian lao thử thách,Tôma được mô tả như một con người sáng suốt, thực tế quả cảm, theo Phúc âm của Gioan. Khi cùng với Chúa Giêsu và các tông đồ lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua, Tôma đóan chắc những việc lớn lao sẽ diễn ra ở Giêrusalem nên ngài tuyên bố: “ Chúng ta hãy cùng đi để chết với Người” (Ga 11, 16 ). Vậy mà không biết lý do gì, xui xẻo cho Tôma, ông không có mặt trong lần hiện ra của Chúa Giêsu với các Tông đồ(Ga 20,19 – 24). Lần ấy ông chỉ nghe thuật lại, các tông đồ khẳng định họ đã gặp Chúa Giêsu Phục sinh:“ các môn đệ khác nói với ông : chúng tôi đã được thấy Chúa” (Ga 20, 25). Thấy Chúa à? Các anh nói sao chứ, với tôi thì còn kiễm chứng đã, tôi chưa thể chấp nhận. Không phải Tôma không tin Chúa, bởi vì ngài đã làm môn đệ của Chúa Giêsu. Trong con người Tông đồ có biệt danh là Điđymô nghĩa là song sanh có một cái gì đó mời gọi khám phá và bước vào, cho một hành trình đầy những thách đố như các nhà thám hiểm chinh phục các đỉnh núi. Đức cố Giáo hòang Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp: “Đức tin và lý trí” rằng: “Đức tin và lý trí như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý”. Chấp nhận tin Chúa không có nghĩa là thụ động: há miệng đợi sung rụng, mà phải hòai nghi để thăng tiến và đón nhận, dấn thân phục vụ cho tin mừng. Với Tôma niềm tin phục sinh đang ở giả thiết, và con người có quyền chất vấn, đặt vấn đề : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25). Có lẽ chúng ta phải tôn Tôma làm thầy của vị thánh tiến sỹ thiên thần là Tôma Aquinô , Ngài đã cho thấy một cái nhìn tổng hợp giữa đức tin và lý trí, siêu nhiên và tự nhiên, triết học và thần học tất cả đều dựa trên đức tin mạc khải. Hai con đường tìm kiếm Thiên Chúa mà Giáo hội vẫn dùng để mời gọi con người đón nhận Mạc khải là yêu mến(Augustinô), và hiểu biết( Aristote). Đức Giêsu chấp nhận đề nghị của Tôma, lần hiện ra này có cả ông cùng các tông đồ khác:“ Rồi Người bảo ông Tôma:“Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin “( Ga 20, 27 ). Lý trí con người luôn có những giới hạn nhất định: không gian, thời gian, môi trương, hòan cảnh … Tôma bị chi phối trong một không gian rộng lớn mà với trí hiểu quá nhỏ bé, ông không thể trực diện với chúa mọi nơi trong chính con người của mình. Phải có ơn soi sáng và sự trợ giúp tận tình để khai thông trí hiểu và niềm tin nơi ông. Đức Giêsu đã cho chúng ta một câu trả lời đầy đủ nhất :“ Vì đã thấy Thầy nên con tin. Phúc thay những người không thấy mà tin ! “( Ga 20 , 29)

Con người ngày nay cũng thích truy tầm chân lý, họ mang trong mình những khát vọng sâu xa nhất, khám phá Thiên Chúa cũng như bơi trong đại dương bao la bất tận, chẳng biết đâu là bến bờ . Cám ơn tông đồ Tôma vì nhờ ông mà mọi người đều có thể gặp được Đấng Phục Sinh , không phải một Đức Giêsu trên sách vở mà ngay trong chính cuộc đời .
 
Kính Thánh Laurensô Hưởng, linh mục tử đạo
Thanh Sơn
08:09 27/04/2011
Sinh ra tại xã Tụy Hiền
Kẻ Sài, Hà Nội nối liền khi xưa
Mồ côi từ nhỏ lúc chưa
Được 3 tuổi đã nắng mưa dãi dầu

May được ông chú nhà giầu
Đem về nuôi dạy chăn trâu giữ đồng
Lâu lâu ông chú cũng trông
Không con, nuôi cháu nối tông giống dòng

Thương yêu tha thiết vun trồng
Ông bà tìm chỗ tương đồng hỏi cho
Từ từ dạm hỏi sau lo
Sự đời nghĩ cũng lắm trò trớ trêu

Trình thưa chàng quyết một điều
Dâng mình cho Chúa vì yêu Lời Ngài
Đến xin cha Duyệt công khai
Cha thương chấp nhận dậy bài siêng chăm

Sơn Miêng giúp xứ xa xăm
Sau lên chủng viện ba năm học hành
Bỗng dưng thời vận bất thành
Triều đình diệt đạo tan tành về quê

Về nhà bán thuốc dạo thuê
Ông chú ngoại giáo bắt về lập thân
Khuyên lập gia thất ân cần
Thầy Hưởng kiếm cách khất lần thời gian

Ông chú hứa sẽ trao ban
Nếu lập gia thất sẻ san gia tài
Nhưng Thầy cố gắng van nài
Chờ thời gian đã một vài năm thôi

Ông chú mắng cho một hồi
Không nghe thì cứ đi thôi đừng về
Ra đường Thầy xoay đủ nghề
Từ làm thuốc dạo, làm thuê cho người

Thời gian bắt đạo dần nguôi
Trở về chủng Viện quyết xuôi theo NGÀI
Tám năm tu học miệt mài
Thiên chức Linh Mục trong ngoài hân hoan

Về làm phó xứ lo toan
Miêng Sơn, Bạch Bát, bạt ngàn khó khăn
Yên Lộc, Lạc Thổ, siêng năng
Cánh đồng truyền giáo siêng chăm từng ngày

Thành tâm đạo đức hăng say
Giúp người ngèo khó khoan thay tâm hồn
Tinh mơ cho đến hoàng hôn
Tâm hồn hướng thượng kính tôn Chúa Trời

Gieo trồng đồng lúa tuyệt vời
Mùa gặt đang dở bỗng đời đau thương
Triếu đình bắt đạo cùng đường
Ngài thường phải trốn dưới mương ngoài đồng

Lên rừng bụng đói lòng không
Xuống thuyền neo giữa giòng sông lắm ngày
Ngài sợ liên lụy không hay
Giáo dân, giáo xứ những ai giúp Ngài

Ngày đêm đói lạnh trần ai
Nhưng quyết trung tín chỉ NGÀI mà thôi
Về giúp kẻ liệt xong rồi
Xuống thuyền bỗng chốc một hồi trống vang

Quan quân xộc đến kinh hoàng
Bốn bên vây lại vênh vang bắt Ngài
Bước ra Ngài rất khoan thai
Xin tha cho hết những ai theo Ngài

Tổng Tùy là đứa thù dai
Sợ Lời ngay thật của Ngài khi xưa
Bắt nạt dân chúng làm bừa
Cơ hội hành hạ như mưa trả thù

Giải lên quan tỉnh nhốt tù
khảo tra Cha vẫn khiêm nhu trả lời
Đạo chỉ thờ Chúa trên trời
Dạy người ngay thẳng cho đời xinh tươi

Giết tha gì đó mặc người
Những đìều nhân nghĩa Chúa Trời truyền ban
Lương tâm tôi thật an nhàn
Không có hối hận phàn nàn ai chi

Quan bèn làm án gởi đi
Triều đình Lệnh xuống thực thi trảm hình
Cuối đường đẹp chữ trung trinh
Hai bên gươm giáo cung nghinh pháp trường

Ngài được ngồi võng lên đường
Phó dâng hồn xác xiển dương danh Thầy
Ba hồi trống dục ngất ngây (27.04.1856)
Lưỡi đạo chém xuống máu đầy phun lên

Uớp cho đồng lúa xanh rền
Hạt giống muôn thuở vươn lên vô cùng
Hôm nay Giáo Hội kính chung
Thánh Nguyễn Văn Hưởng cầu cùng chúng con

Công bình sự thật chưa tròn
Quê hương tà thuyết vẫn còn cùm gông
Tự Do Công Lý ngóng trông
Bước chân Tử Đạo vẫn đông như thường.

Tù đầy khắp cả Quê Hương
Từ nam chí bắc pháp trường khắp nơi
Tiếng oan dậy đất ngất trời
Tà quyền còn đó còn đời khổ đau.

Hôm nay 27.4, Giáo Hội mừng kính Thánh Laurensô Nguyễn Văn Hưởng, Linh mục tử đạo.
Thánh Laurensô Nguyễn Văn Hưởng sinh năm 1802 tại xã Tụy Hiền, xứ Kẻ Sài, tổng Trinh Tiết, tỉnh Hà Nội.
Tử Đạo ngày 27.04.1856 tại gần núi Cánh Riêu xứ Bạch Bát
Thi Hài chôn cất tại Vĩnh Trị nơi chủng viện xưa.
Ngày 02.05.1909 ĐGH Piô X tôn phong Ngài lên bậc chân phước
Ngày 19.06.1988 ĐGH Gioan Phaoô II Tôn Phong Ngài là Hiển Thánh.



 
“Chúng tôi đã thấy Chúa”
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:12 27/04/2011
Chúa Nhật II PHỤC SINH

Cả bốn Tin mừng đều thuật lại những lần hiện ra của Chúa Phục Sinh với những cá nhân (Ga 20,14-17; Mt 278,5-7; Lc 24,25-31; Mc 16,9-13) và những nhóm môn đệ khác nhau (Mt 28,16-20;Lc 24,36-49;Ga 21,1-23).

Tường thuật Chúa Phục Sinh đến với Nhóm Mười Hai vào ngày thứ nhất trong tuần có một tầm quan trọng đặc biệt. Nhóm Mười Hai trở thành nền tảng của cộng đoàn Phục Sinh, thành những chứng nhân mắt thấy tai nghe về Chúa Phục Sinh, để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người ( x. CV 4,20).

Khi Chúa đến với Nhóm Mười Hai lần đầu tiên vào chiều ngày thứ nhất trong tuần thì Tôma vắng mặt. Các Tông đồ đã nói với ông :”Chúng tôi đã được thấy Chúa”(Ga 20,25). Đây vừa là lời tuyên xưng đức tin vừa là lời làm chứng về Chúa Phục Sinh. Những lời này có tác dụng chuẩn bị và khơi dậy đức tin đã phai lạt nơi Tôma.

Tám ngày sau, cũng trong cộng đoàn đó, Tôma tìm lại được đức tin của mình. Chính cộng đoàn đã thắp sáng lên niềm tin cho người anh em. Bởi đó, khi Chúa Phục Sinh với lời mời gọi yêu thương:” Tôma,hãy xỏ ngón tay con vào lỗ đinh,hãy đặt bàn tay con vào cạnh sườn Thầy.Chớ cứng lòng nhưng hãy tin” thì lập tức Tôma được biến đổi từ bóng tối nghi nan sang ngời sáng niềm tin “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”(Ga 20,28).
Một trong những khuyết điểm lớn nhất của Tôma là ông đã tự tách rời khỏi các Tông Đồ khác, khỏi đời sống cộng đoàn. Trong sự choáng váng, thất vọng, chán nản, trong tâm trạng hoài nghi, đau khổ, ông đã tự nhốt mình trong sự cô đơn xa lánh anh em,tìm quên lãng trong sự phiền muộn nên đánh mất cơ hội gặp Chúa Phục Sinh. Chỉ đến khi tham gia trở lại với cộng đoàn, ông mới gặp gỡ Ngài và nhờ đó ông đã tìm lại được lòng tin mạnh mẽ, kiên trung.

Hành trình của Tôma đi qua ba giai đoạn: vắng mặt, nghi ngờ và tuyên xưng đức tin.Truyền thống Giáo hội kể lại, Tông đồ Tôma qua Ấn độ truyền giáo và chịu tử đạo ở đó.

Đức tin của người tín hữu được trao ban và nhận lãnh nơi cộng đoàn Phục Sinh, cộng đoàn giáo xứ. Nơi cộng đoàn này, người tín hữu được nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin, hoặc tìm lại được niềm tin của mình.

Đức tin Kitô giáo vừa có chiều kích cộng đoàn vừa có chiều kích cá nhân. Đức tin cá nhân được cộng đoàn nuôi dưỡng và làm thành đức tin cộng đoàn. Cộng đoàn lớn lên và phát triển là nhờ đức tin cá nhân. Cộng đoàn làm cho đức tin cá nhân phong phú và độc đáo.

Lời Chúa được công bố giữa cộng đoàn Thánh Thể chính là Lời Phục sinh, mỗi người tín hữu lắng nghe và chấp nhận cho riêng mình. Mỗi người, nhờ lòng tin và lòng mến mà Lời Chúa sẽ sinh hoa kết quả trong tâm hồn.

Mình Máu Chúa được trao ban cho mọi tín hữu trong cộng đoàn Thánh Thể, mỗi cá nhân tín hữu lại đón nhận với mức độ đức tin khác nhau. Người tín hữu phải đủ đức tin khi rước Thánh Thể của Đấng đã chết và sống lại.Không chỉ ăn uống Mình Máu Chúa mà còn là gặp gỡ riêng tư với Chúa Phục Sinh như Tôma vậy.Trong cuộc gặp gỡ riêng tư này, người tín hữu được đón nhận sự sống dồi dào vào tâm hồn mình.

Đời sống cộng đoàn thật quan trọng cho niềm tin người tín hữu. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Huấn “Người Kitô hữu giáo dân” đã đưa ra bốn hình ảnh về giáo xứ, cộng đoàn Phục Sinh, cộng đoàn Thánh Thể.

* Giáo xứ là một gia đình của Thiên Chúa chan hoà tình bác ái huynh đệ: mọi người được đón tiếp chân thành,được sống trong bầu khí bác ái,được cảm thấy mình được kính trọng, được yêu thương che chở,ai cũng cảm thấy mình thuộc về giáo xứ là một vinh dự.

* Giáo xứ là một cộng đoàn nuôi dưỡng đức tin: Mọi người được bồi dưỡng đức tin,được kêu gọi sống đức tin,được giúp hiểu biết các vấn đề đức tin. Các Thánh lễ, các giờ giao lý,các buổi cầu nguyện luôn hướng về Thiên Chúa, được Lời Chúa và lời Giáo hội soi sáng để người tín hưũ hiểu biết những biến cố cuộc đời.

* Giáo xứ là một cộng đoàn có tổ chức: Mọi người được sắp xếp trong một hệ thống trật tự,có phân công, có trách nhiệm.Tất cả liên hệ với nhau trong tinh thần hiệp thông, cộng tác, trách nhiệm để xây dựng giáo xứ tốt đẹp.

* Giáo xứ là một cộng đoàn truyền giáo: Đây là hình ảnh mà Công Đồng Vatian II đề cao nhất,hình ảnh cộng đoàn truyền giáo. Mọi người được nuôi dưỡng đức tin, được sống tình bác ái để ra đi truyền giáo, loan báo Tin Mừng Phục Sinh, rao truyền niềm vui, niềm hy vọng như cộng đoàn Nhóm Mười Hai đã ra đi đến với muôn dân.

Cộng đoàn phụng vụ ngày Chúa Nhật là điểm hẹn chính thức và thường xuyên của Chúa Phục Sinh với các tín hữu.Không nên lỗi hẹn với Chúa trong các cuộc họp cộng đoàn ( x.Dt 10,25), trái lại cần chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh. Người luôn có mặt để giải thích Kinh Thánh đồng thời mở lòng mở trí cho các tín hữu hiểu Lời Người (x.Lc 24,32.45) và hiến ban chính mình để nuôi sống người tín hữu chúng ta.

Tôma đã nhờ cộng đoàn yêu thương nâng đỡ mà tìm lại được niềm tin.Nơi Tôma có cái gì đáng yêu đáng ngưỡng mộ, tuy cứng lòng tin nhưng lại dễ dàng khiêm nhường đón nhận những góp ý chân thành của cộng đoàn.

Nhờ Tôma mà ta có được mối phúc thứ chín: “Phúc cho ai không thấy mà tin”(Ga 20,29).Mối phúc này nghe như có lời dặn dò: muốn thấy điều mình tin, hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình không thấy và chừng như cũng có lời ước hẹn: tin điều mình không thấy sẽ thấy điều mình tin. Mỗi tín hữu vững tin sẽ thấy điều mình tin để nói được rằng:”Tôi đã thấy Chúa”(Ga 20,18), nhờ đó cả cộng đoàn cũng đều nói lên :”Chúng tôi đã thấy Chúa”(Ga 20,25).
 
''Bình an cho các con''
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:13 27/04/2011
Chúa Nhật II PHỤC SINH

Trên những chuyến xe khách, xe buýt, các bến xe… người ta thường thấy những hàng chữ “chúc quý khách thượng lộ bình an”. Người tài xế Công giáo treo hình Đức Mẹ trên xe có kèm theo hàng chữ “Nữ Vương ban sự bình an”. Người tài xế Phật giáo treo hình Đức Phật, dù có hay không có hàng chữ nào, trong lòng họ vẫn cầu mong Đức Phật ban bình an.

Theo Hán tự, chữ “bình” có nghĩa là bằng phẳng, đều hòa, hòa hợp, thoải mái. Chữ “an”, theo cách viết là “người nữ ở trong nhà”, có nghĩa là được bảo vệ, an toàn. Như vậy, bình an nói lên trạng thái tâm hồn, trạng thái nội tâm thư thái, an hòa, vui tươi, bình thản, vững chắc. Do đó, bình an khác với hòa bình. Hòa bình nói lên trạng thái bên ngoài: không còn cạnh tranh, không còn chinh chiến, xô xát, súng đạn, gươm đao. Cho nên có khi có hòa bình nhưng không có bình an. Nhân loại thì khao khát hòa bình, còn mỗi con người thì khao khát bình an. Chúa Giêsu sống lại từ ngày thứ nhất trong tuần đã hiện ra với các môn đệ và ban bình an cho các ông. Lời đầu tiên của Chúa Phục Sinh là : “ Bình an cho anh em” (Ga 20,19-21). Bình an là hồng ân của Chúa Phục Sinh ban cho các môn đệ (Ga 20,26; Lc 24,36). Các sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ thuật lại: mỗi lần Chúa Giêsu hiện đến đều thấy các môn đệ hội họp trong nhà, cửa đóng then cài vì sợ người Do thái. Khi Chúa hiện diện, sự sợ hãi của các môn đệ tan biến và các ông có được niềm vui, bình an, can đảm. “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em… anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi”(Ga 14,27).

Có một sự khác biệt cơ bản giữa bình an “thế gian ban tặng” và “bình an Chúa Giêsu ban tặng”. 1. Bình an Chúa Giêsu là bình an trong tâm hồn. Chúa Giêsu Phục Sinh là niềm vui lớn lao nhất của các Tông Đồ và của các phụ nữ đạo đức. Niềm vui nhân lên gấp bội khi Chúa trao quà tặng Bình an. -"Bình an cho các con". Khi tâm hồn của các Tông Đồ hoang mang lo lắng buồn vui lẫn lộn về sự việc Chúa chết và sống lại, thì lời chúc lành của Chúa Giêsu rất đúng lúc để củng cố đức tin và đem lại an bình cho tâm hồn của các ông. -"Bình an cho các con". Sự bình an này không giống bình an của người đời ban tặng. Sự bình an của người đời là tạm bợ và sẽ không tồn tại; bởi vì người đời chỉ dựa vào của cải vật chất để trấn an tâm hồn đầy bất an. Người ta chúc nhau được bình an, nhưng không ai tìm được bình an trong cuộc sống. Người giàu có thì cảm thấy bất an khi đêm về vì sợ kẻ trộm. Người có địa vị thì sợ kẻ khác chiếm đoạt, lật đổ. Người mạnh khoẻ thì sợ đau ốm... Tất cả đều ở trong trạng thái mất bình an.

Có câu chuyện kể rằng: trong triều của một vị vua nọ có hai họa sĩ rất tài ba nhưng luôn ganh ghét đố kỵ nhau. Một hôm nhà vua phán : “Ta muốn phán quyết một lần dứt khoát ai trong hai ngươi là người giỏi nhất. Vậy hai ngươi hãy vẽ mỗi người một bức tranh theo cùng một đề tài, đó là bình an”. Hai họa sĩ đồng ý. Một tuần sau họ trở lại, mỗi người mang theo bức vẽ của mình. Bức họa của người thứ nhất vẽ một khung cảnh thơ mộng : những ngọn đồi nhấp nhô bao quanh một cái hồ rộng với mặt nước phẳng lì không một gợn sóng. Toàn cảnh gợi lên một cảm giác thanh thản, thoải mái. Sau khi xem xong, nhà vua nói : “Bức họa này rất đẹp, nhưng trẫm chưa hài lòng.”. Bức họa của người thứ hai vẽ một thác nước. Hình ảnh rất sinh động đến nỗi nhìn nó người ta như nghe được tiếng nước đổ ầm ầm xuống vực thẳm. Nhà vua nói : “Đây đâu phải là một cảnh bình an”. Họa sĩ thứ hai bình tĩnh đáp : “Xin bệ hạ nhìn kỹ hơn một chút nữa xem”. Nhà vua nhìn kỹ và khám phá một chi tiết mà ông chưa chú ý : Trong một nhành cây nép mình sau dòng thác lũ, có một tổ chim. Trong tổ, chim mẹ đang ấp trứng, đôi mắt nửa nhắm nửa mở. Chim mẹ đang bình thản chờ các con mình nở ra. Nhà vua nói : “Ta rất thích bức tranh này. Nó đã chuyển tải được một ý tưởng độc đáo về bình an, đó là vẫn có thể sống bình an ngay giữa những xáo trộn của cuộc đời”. Và nhà vua đã trao giải nhất cho tác giả bức hoạ này.

Bình an không giống như yên ổn. Yên ổn là ở bên ngoài còn bình an thì ở bên trong. Bình an là tình trạng của một tâm hồn đang có tương quan tốt với Thiên Chúa và với tha nhân. Thành tố quan trọng của bình an là sự công chính. Bởi thế, không có bình an cho kẻ dữ. Bình an là kết quả của lòng trông cậy vào Chúa và khi ước muốn làm đẹp lòng Chúa là điều quan trọng bậc nhất trong đời. Đây là điều mà ta có thể có ngay giữa những xáo trộn, xung đột và những vấn đề rắc rối chưa giải quyết được. Chỉ có Bình An của Chúa mới làm cho chúng ta được hạnh phúc. Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đang hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa nên Ngài vẫn có thể nói về bình an ngay cả khi kẻ thù của Ngài đã đến gần và sắp giết chết Ngài. -"Bình an cho các con". Thế giới như đang sống trên một lò lửa. Chiến tranh, khủng bố, thiên tai, động đất… Thế gian chưa có bình an. Cho nên sự Bình An của Chúa Giêsu vẫn luôn có giá trị đích thực cho nhân loại, cho những tâm hồn khắc khoải tìm kiếm bình an trong cuộc sống. 2. Hoa quả của Bình An. Có nhân thì có quả. Có tranh chấp thì sinh ra hận thù. Có ghét ghen thì sinh ra mưu mô thủ đoạn. Đó chính là chuyện nhân quả mà hằng ngày chúng ta đều thấy và biết. Việc lành cũng như việc xấu, mọi thứ đều có nhân quả của nó. Hoa quả của Bình An là : yêu thương, tha thứ, bao dung, quảng đại, khiêm tốn, nhẫn nại , nhịn nhục... Tâm hồn có sự bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh; chúng ta biết thông cảm với người làm ta bực mình; dễ dàng cảm thông với những người không yêu mến; sẽ khiêm tốn hơn trong lời nói trong cử chỉ thái độ của mình...

Hoa quả của bình an chính là tình yêu của Chúa Kitô thúc bách chúng ta làm việc thiện, thúc bách chúng ta vì anh em mà phục vụ như Chúa Kitô đã phục vụ, như các thánh Tông Đồ đã phục vụ Giáo Hội. Hoa qủa bình an thể hiện bằng tiếng cười, niềm vui, hạnh phúc trong gia đình, an hoà thư thái trong tâm hồn. Hoa quả bình an cũng chính là sự thật. Ta cảm thấy bình an khi mình sống ngay thẳng, sống theo sự thật. Con người ta ai cũng muốn có bình an trong tâm hồn, nên luôn cầu chúc cho nhau được bình an. Nhưng sẽ không có bình an thật, nếu tâm hồn không có tinh thần Phục Sinh của Chúa Kitô, tinh thần đổi mới con người cũ trở nên con người mới sống theo hướng dẫn của Thánh Thần. Tâm hồn tràn ngập bình an là tâm hồn đạo đức. Đó là người hạnh phúc. Tâm hồn bình an khi hòa giải với Chúa, tin yêu Chúa. Tâm hồn bình an khi hòa giải với chình mình. Tâm hồn bình an khi hòa giải với mọi người sống chung quanh. Tâm hồn bình an khi không chất chưa tham vọng, không chất chứa oán hờn ganh ghét bất hòa. Tâm hồn bình an khi tâm hồn không bị xáo trộn bởi đam mê bất chính. Tâm hồn bình an khi là con người tự do đích thực và tôn trọng người khác. Đó là bình an Chúa Kitô để lại cho chúng ta.

Con người ta ai cũng cần sự bình an, có khi còn cần hơn cả cơm ăn áo mặc nữa. Chúa luôn muốn ban bình an cho chúng ta. Giáo hội cũng mong muốn như vậy. Cho nên mỗi khi tham dự thánh lễ, linh mục thay mặt Chúa và Giáo hội cầu chúc: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”, rồi linh mục nói với chúng ta: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Có bình an của Chúa ở nơi mình, chúng ta mới có bình an để chia sẻ cho nhau.

Bình an là một hồng ân Chúa ban và cũng là một trách nhiệm. Không phải chúng ta chỉ cầu khẩn và tìm kiếm bình an cho mình mà còn phải là “khí cụ bình an của Chúa”, góp phần tạo nên bình an cho mọi người và cho toàn xã hội.

Ước gì cuộc đời của tôi của bạn, trong mọi nơi mọi lúc, nhất là lúc xao xuyến, âu lo, sợ hãi, thử thách, luôn nghe được lời chúc bình an của Chúa Phục Sinh: Bình an cho anh em.
 
Lòng thương xót
Lm Giuse Trần Việt Hùng
09:49 27/04/2011
Giáo Hội dành Chúa Nhật thứ hai sau Lễ Phục Sinh trong Tuần Bát Nhật để tôn thờ Lòng Thương Xót Chúa (Divine Mercy). Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (Chân Phước Gioan Phaolô Đệ Nhị) thiết lập Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót vào ngày 30 tháng 4, 2000. Cũng là ngày Đức Giáo Hoàng JP II phong thánh cho Chị Maria Faustina Kowalska. Chúa Giêsu đã mặc khải Lòng Thương Xót của chính Ngài cho chị thánh. Những ai tham dự việc cử hành Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, khi đã xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng thì sẽ được thừa hưởng những ân sủng đặc biệt. Sẽ được tha thứ hình phạt tạm do tội gây nên qua những tội đã xưng thú. Làm việc Sùng kính Lòng Thương Xót Chúa trước sự hiện diện của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể nơi Nhà Tạm, đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính và lời nguyện lòng thương xót “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Ngài” (Merciful Jesus, I trust in you).

Chúng ta hãy học hỏi và nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa qua Lịch Sử Cứu Độ. Trong Kinh Thánh Cựu Ước có nhiều trích đoạn nói về Thiên Chúa công thẳng, hay báo thù, sửa phạt, hay ghen tương và phán xét nghiêm minh. Con người cảm nhận một Thiên Chúa xa vời và đáng kính sợ. Qua thời gian lữ hành chiêm niệm, cầu nguyện và được thanh luyện, Dân Chúa chọn đã thay đổi não trạng và quan niệm sống hữu thần. Hình ảnh Thiên Chúa yêu thương, từ bi và động lòng trắc ẩn dần dần được mạc khải. Khi ông Môisen xin cho được nhìn thấy vinh quang của Chúa: Người phán: "Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Đức Chúa trước mặt ngươi. Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót (Xh. 33,19).

Lòng thương xót (Compassion) của Thiên Chúa trải rộng từ đời này tới đời kia. Qua bao gian nan thử thách, nhiều lần Dân Chúa chống đối, cứng đầu cứng cổ và ngỗ nghịch chạy theo thần dân ngoại, Thiên Chúa vẫn rộng mở cánh tay đón nhận trở về và ôm ấp vào lòng. Chúa không muốn tiêu diệt Dân mà Chúa đã tuyển chọn. Tác giả sách Các Vua diễn tả: Nhưng Đức Chúa tỏ lòng nhân từ và chạnh lòng thương đoái nhìn họ, vì Người đã lập giao ước với các tổ phụ Abraham, Ixaác và Giacóp. Người không muốn diệt trừ họ, và cho đến nay vẫn không xua đuổi họ cho khuất nhan Người (2Vua 13,23). Thiên Chúa là người Cha nhân hậu và rộng lượng từ bi tha thứ. Cho dù Chúa có sửa phạt đôi chút nhưng rồi Chúa lại dẫn đưa về.

Thiên Chúa yêu thương chăm sóc Dân Chúa như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh. Chúa đánh phạt, rồi Chúa lại tha. Chúa để dân chịu khổ sở trong lưu đầy xa xứ, rồi Chúa lại dẫn về quê hương xứ sở. Thiên Chúa như mục tử tốt lành dẫn đàn chiên tới nguồn suối chỗ nghỉ ngơi. Chúa sẽ không bỏ rơi đoàn Dân Chúa nếu họ biết trung thành và nép mình bên Chúa. Sách Sử Biên đã ghi lại từng bước đường Dân đã đi: Thật vậy, nếu anh em trở lại với Đức Chúa, thì các anh em của anh em và con cháu của anh em sẽ gặp được lòng thương xót trước mặt quân chiến thắng và sẽ được trở về đất này: vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng từ bi nhân hậu, Người sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ, nếu anh em trở lại với người."(2 Sb. 30.9). Chúng ta biết dù rằng đã bao lần Chúa yêu thương chăm sóc bảo vệ nhưng chứng nào tật ấy, dân chúng cứ ngoảnh mặt làm ngơ. Họ chạy theo thờ lạy các thần ngoại bang và sống theo thói tục của những người vô thần. Họ đã chóng quên đi những kỳ công của Chúa đã thực hiện cho cả dân tộc được chọn. Tiên tri Nêhêmia đã than thở về dân Chúa chọn: Họ giả điếc làm ngơ, cũng chẳng thèm ghi nhớ những kỳ công Chúa làm. Họ cứng đầu cứng cổ muốn phản loạn cùng Ngài, nuôi trong lòng ý định trở lại kiếp làm tôi. Nhưng Chúa là Thiên Chúa luôn sẵn sàng thứ tha, Ngài từ bi nhân hậu, chậm giận, giàu tình thương, đã không bỏ rơi họ (Nh. 9.17).

Trong cơn thử thách lưu đầy, nhiều lần Dân Do-thái cảm thấy như Thiên Chúa vắng mặt và bỏ rơi. Giữ lời Giao Ước, tình yêu của Thiên Chúa luôn ấp ủ thương yêu. Dù bị lưu đầy và tản mát, Chúa vẫn cho dân tộc có cơ hội được đoàn tụ: Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp (Is. 54,7). Thiên Chúa vẫn tiếp tục thứ tha và đón nhận con dân về quê hương xứ sở. Chúa luôn nhớ lời giáo ước và không hề lãng quên: Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương (Tv. 103,8). Tiên tri Isaia đã diễn tả hình ảnh một Thiên Chúa yêu thương và luôn mong tìm hạnh phúc phúc an vui cho con cái loài người: Vì vậy Đức Chúa đợi chờ để thi ân cho anh em, Người sẽ đứng lên để tỏ lòng thương xót, vì Đức Chúa là Thiên Chúa công minh, hạnh phúc thay mọi kẻ đợi chờ Người!(Is. 30,18).

Các tiên tri tiếp tục được sai đến để mời gọi Dân Chúa hãy ý thức hối cải và trở về bên tình yêu Chúa. Ta sẽ cho các ngươi gặp được lòng thương xót và khiến nó thương xót các ngươi và cho các ngươi trở về đất nước các ngươi (Giêr. 42,12). Thiên Chúa luôn bảo vệ và đứng về phía Dân Ngài. Đôi khi Ngài dùng các dân tộc lân bang để thanh luyện và thức tỉnh lòng dân. Tiên tri Giêrêmia nhắc nhớ về gia nghiệp của Dân Chúa: Nhưng sau khi đã bứng rồi, Ta sẽ lại đem lòng chạnh thương chúng và cho chúng trở về, ai nấy về phần gia nghiệp, về phần đất của mình (Giêr. 12,15). Không có cha mẹ nào lãng quên con mình và dù cha mẹ có quên con thì Thiên Chúa cũng không bao giờ bỏ rơi. Tác giả Sách Ai-ca đã phải thốt lên rằng: Vì quả thật, Đức Chúa chẳng bỏ rơi mãi mãi: có làm khổ, Người cũng xót thương, vì Người vốn từ bi cao cả (Aica 3,31-32).

Các Thánh Vịnh là những lời cầu nguyện chân thành và tâm tình nhất. Mỗi ngày Giáo Hội đã dùng lời Thánh Vịnh để cùng dâng lên Thiên Chúa những lời ngợi khen, cảm tạ và tôn vinh danh Chúa. Qua mọi thời, Thiên Chúa luôn thành tín và rất yêu thương Dân Ngài. Phần Ngài, muôn lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín (Tv. 86,15). Thiên Chúa như người Cha luôn ở cạnh con cái để nâng đỡ, bảo vệ và phù trợ. Thiên Chúa động lòng thương Dân trong mọi trạng huống của cuộc đời. Thiên Chúa là chỗ chúng con nương tựa và ẩn thân: Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn (Tv. 103,13). Thiên Chúa luôn công bằng và chính trực khi xét xử nhưng tình thương bao la của Chúa luôn tỏa lấp cuộc đời: Chúa là Đấng nhân từ chính trực, Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương (Tv. 116,5).

Chúa Giêsu là Con Dấu Ái của Chúa Cha đã giáng trần tiếp tục mặc khải cho chúng ta biết về tình yêu của Chúa Cha. Chúng ta xác tín vào tình yêu thương của Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời. Chúa Giêsu biểu tỏ tình thương với hết mọi người, đặc biệt với những ai lầm than vất vả: Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt (Mt. 9,36). Chúa chăm sóc chọ họ từng li từng chút. Ngày xưa trong hoang địa, Thiên Chúa ban cho dân có Manna, chim cút và nước uống trong sa mạc. Nay Chúa Giêsu cảm thương sự đói khát của Dân không những của ăn tinh thần mà cả về thân xác: Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường."(Mt. 15,32).

Chúa Giêsu còn quan tâm đến những vấn đề cá nhân và khổ đau riêng tư về bệnh hoạn tật nguyền. Chúa chữa mắt cho người mù được thấy, chữa kẻ câm nói được, cho người điếc được nghe, kẻ bị phung hủi được lành sạch và mọi thứ bệnh đang hủy phá cuộc sống của con người cả thể xác lẫn tinh thần. Thánh Matthêô viết: Đức Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người (Mt. 20,34). Chúa chạnh lòng thương đoàn dân đông đảo đói khát sự chữa lành: Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ (Mt. 14,14). Chúa để tâm đến cả những nhu cầu nhỏ mọn của cuộc sống. Chúa nhìn thấu tâm tư khao khát của họ. Chúa đã ôm ẵm và chúc lành cho các trẻ nhỏ. Trong khi vác thánh giá nặng nề, Chúa còn đứng lại yên ủi con thành Giêrusalem.

Thánh Phaolô nhận ra lòng từ ái của Chúa qua việc đánh thức tâm hồn Ngài. Phaolô đã hiến dâng cuộc đời còn lại để rao giảng về lòng thương xót của Chúa. Phaolô nhắc nhở mọi người đã người đã được Thiên Chúa là hãy có lòng thương cảm. Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta trở nên thành viên trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta phải sống như những người con được thánh hiến qua các nhân đức: Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại (Col. 3,12).

Chúng ta hãy cậy trông vào lòng từ bi nhân hậu của Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dù hạnh phúc, dù giầu hay nghèo, dù vui buồn sướng khổ, dù gian nan, dù đau khổ, dù đói khát, dù bệnh tật, dù thất vọng, chúng ta hãy giữ đức tin và sự kiên trì. Chúa sẽ không bỏ rơi những ai trông cậy nơi Ngài. Thánh Giacôbê đã lấy gương của ông Gióp để khuyên dạy chúng ta: Phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp và đã thấy mục đích Chúa nhắm, vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu (Giac. 5,11). Chúa là cùng đích và là nguồn an vui hạnh phúc của đời con.

Kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu bị đâm thâu để tuôn trào nguồn ân phúc cho mọi người. Hai nguồn tia sáng Máu và Nước tuôn chảy từ trái tim Chúa. Hai nguồn tình yêu và hy vọng sẽ sưởi ấm cuộc đời của chúng con. Chúng con sẽ tìm thấy nguồn ủi an và lòng thương xót dịu hiền của Chúa. Bàn tay Chúa dẫn chúng con đi qua mọi nẻo đường. Trái tim Chúa là nơi chúng con ẩn náu nương thân. Xin Lòng Thương Xót của Chúa tuôn đổ trên chúng con nguồn suối lộc chan hòa, để chúng con luôn say mê tình Chúa. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Chúng con hoàn toàn tín thác nơi Chúa (Jesus, I trust in you)..
 
Thưa ai là Tôma?
Tuyết Mai
12:19 27/04/2011
(Chúa Nhật Thứ 2 Mùa Phục Sinh, Năm A)

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Đoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". (Ga 20, 19-31).

Không gì sung sướng cho bằng sống trên trần gian mà tâm tư của chúng ta không một chút lo lắng hay sợ hãi khi biết có Chúa ở cùng. Đây là sự cảm nhận của hết thảy tông đồ của Chúa, tuy dù thực tế là Thầy của mình chẳng có một chút gì gọi là có của cải để mà lận lưng. Thế mà suốt 3 năm trường Thầy trò sống thật là vui vẻ hạnh phúc bên nhau. Sống được như thế thì thoải mái biết là chừng nào. Thế mới gọi là có Tự Do thật sự!?. Bởi của cải luôn ràng buộc và cột chặt cuộc đời chúng ta vào đấy! Nếu chúng ta thật sự mà hỏi lòng thì chắc anh chị em sẽ đồng ý với tôi là mình chỉ cần 30% những gì chúng ta đang có là đủ sống!?. Còn 70% kia chúng ta có thể chia sẻ cho tất cả những ai đang cần được chúng ta chia sẻ.

Nhưng vì lòng của chúng ta thì luôn sống ích kỷ, chỉ trao ban cho những gì chúng ta không còn dùng được, hay đã quá đát (expiration date) rồi!. Con người chúng ta vì sự khó khăn trong cuộc sống nên có tánh tích lũy từ còn bé. Tôi nghĩ đó là lẽ thường tình, bởi ai hiểu cuộc sống của ngày mai hay trong tương lai ta sẽ ra sao? Biết có còn được dư ăn dư mặc như ngày hôm nay không? Hà huống chi dĩ vãng của chúng ta đã từng sống trong cực khổ và khó nghèo? Nên sự vén khéo và tích trữ là chuyện rất là thường tình cho tất cả mọi người. Chỉ có những con người khi sinh ra đã được nằm trong một gia đình vọng tộc, giầu nứt vách, thì mới không có cái tánh biết dự trữ mà thôi!.

Vì tình đời là thế cho nên tôi có lời khuyên cùng tất cả những thanh niên thiếu nữ, ai đang có những tâm tình muốn đi theo Chúa, hiến dâng trọn một cuộc đời của mình cho Chúa, thì xin hãy cảm nhận được con đường đi theo Chúa. Không bao giờ Chúa để cho anh chị em phải một mình cả! Khi chúng ta có thể mạnh mẽ hình dung ra là Ngài luôn bên cạnh chúng ta. Chỉ vì chúng ta thiếu Đức Tin và hay cứng lòng mà thôi!. Rất đúng khi chúng ta có những nghĩ ngợi lung lắm, có thể rất nhiều tháng ngày chúng ta không có thể ngủ được, chỉ vì muốn đi theo Chúa mà bước chân còn ngần ngại? Nếu chúng ta sợ sự cực khổ vì thiếu miếng ăn, giấc ngủ, và thiếu giờ cầu nguyện chăng? Thiết nghĩ Chúa và các tông đồ chẳng có ngày nào mà thiếu ăn, thiếu ngủ, hay thiếu giờ cầu nguyện cả! Hay chúng ta sợ phải đến những nơi mà mang lại cho chúng ta sự chết chóc hoặc tử vì đạo chăng? Nếu có, Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh vô song để có thể chịu đựng nổi, và nếu chúng ta xin được chịu Tử Đạo.

Con đường chúng ta chọn theo Chúa, xin hãy nhìn xem chung quanh chúng ta có anh chị em nào sống một mình đâu mà sợ. Nhà dòng thì có biết bao nhiêu người sống chung trong tình huynh đệ, Chúa có để họ một mình đâu!. Vâng, thiết nghĩ anh chị em nên tìm hiểu nơi mình sẽ đến để chứng kiến tận mắt con đường hiến dâng của mình có thích hợp với nơi ấy hay không mà thôi! Và chúng ta hãy nhìn chung quanh chúng ta mà xem, các Linh Mục Triều họ sống có cộng đoàn, họ cũng có sống một mình đâu!?. Vả lại khi chúng ta chọn con đường theo Chúa, có phải là con đường chúng ta sẵn sàng chấp nhận những gì trước mặt và bỏ lại tất cả những gì của thế gian, lại đằng sau lưng?. Tuy thế, theo Chúa không có nghĩa là ở mọi thời đại lại không có hình bóng của Tôma! Tôma hiện hữu khắp ở mọi nơi thưa anh chị em!. Nhưng có phải Thầy Giêsu đã dùng Tôma để dậy dỗ và mở mắt cho tất cả mọi Tôma thấy rằng: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".

Cho nên sự cô đơn không nhất thiết dành cho những người chọn đi tu theo Chúa đâu! Cô Đơn là dành cho tất cả những ai không Tin Vào Chúa, như Tôma cứng lòng và thiếu Đức Tin vậy! Trong khi tất cả số nhiều là 10 vị đều nhất quyết đồng thanh rằng họ đã thấy Thầy hiện đến và trao ban Bình An cho họ. Cho dù sống trên đời chúng ta có khăng khăng bướng bỉnh như thế nào, cũng phải tin rằng 10 người kia đã thấy và đã tin chứ!?. Chúng ta hãy nhìn cuộc đời theo Chúa của các tông đồ Ngài. Suốt cuộc hành trình theo Ngài từ khi Chúa Giêsu đi Rao Giảng cho đến khi Ngài chịu Chết, Chúa chỉ vắng mặt có vài ngày mà thôi! Sau đó suốt cuộc đời còn lại tất cả đã nhận được Bình An của Thầy mình và sứ mạng đem Tin Mừng của Chúa đến tận cùng trái đất. Có Bình An của Thầy, có Thánh Thần hộ mạng, có Thần Khí Ngài luôn thúc đẩy chúng ta, sống một cuộc đời thanh thản bình an, thì đâu là khó khăn, và đâu là cực khổ???. Đó là hạnh phúc vĩnh cữu muôn đời mà chúng ta được Chúa tuyển chọn, sống dâng hiến trọn một đời cho Ngài và chỉ riêng Ngài mà thôi!. Ai bảo sống ngoài đời không khổ? Có ai từng nghe bài hát được nhái lại của một nhạc trưởng nhà thờ Columban có tựa đề « Ai Bảo Đi Tu Là Khổ » chưa? Quả thật tôi cảm thấy đi tu là sướng lắm chứ!!!. Sướng nhất trần đời. Nếu không tin tôi, xin cứ thử là biết ngay.

Đi Tu sướng hay khổ là thường do tâm tư của mình còn mang nặng tình đời. Tôi biết có nhiều anh chị em bước đầu đi tu có rất nhiều lý do, chứ không phải ai cũng được Ơn Gọi thật sự đâu!. Chứ có Ơn Gọi thật sự thì chúng ta không khẩn khoản, không e dè, không ngần ngại mà tìm đến với Ngài càng sớm chừng nào càng tốt chừng nấy!. Bởi vì thế hình ảnh của Tôma vẫn còn ở mọi thời đại nhưng Chúa vẫn luôn có cách để mở mắt họ và làm cho họ phải tin. Chỉ có những Tôma mới có tâm hồn không có Sự Bình An tuyệt đối của Thiên Chúa. Chỉ có những Tôma vì cứng lòng nên mới phải bám vào những gì của trần gian ban tặng. Và vì những Tôma ấy mà Giáo Hội luôn gặp những khó khăn, chống đối, và đôi khi đi ngược lại những gì Giáo Hội luôn Tin Tưởng và theo từ trước đến nay.

Chúa Giêsu nói: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". Amen.

 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:31 27/04/2011
GỌI TRÀ

N2T


Nhà nọ có khách đến thăm, ông chồng liên tiếp gọi trà không nghỉ. Vợ nói:

- “Cả năm không mua trà, trà đâu mà có ?”

Ông chồng nói:

- “Nước lạnh cũng được mà”.

Vợ lại nói:

- “Một que củi cũng không có thì nước lạnh làm sao nóng lên được chứ ?”

Ông chồng nghe đến đây thì nhịn không được, mở miệng chửi:

- “Đồ đàn bà ngu, lẽ nào trong gối không có một ít cỏ khô sao ?

Vợ càng giận dữ hơn chồng, lập tức chửi lại:

- “Đồ thứ đàn ông thúi, mấy viên gạch viên đá đó lẽ nào đem đốt để nấu nước được sao ?”

Suy tư:

Con người ta ai cũng có sĩ diện của mình, chức vụ càng lớn, địa vị càng cao thì sĩ diện càng bộc lộ hơn qua cách hành xử của họ; gia đình giàu có thì có sĩ diện của người giàu có, gia đình nghèo khó thì cũng có sĩ diện của người nghèo khó, nhưng sĩ diện như thế nào để người khác không thể coi thường mình đó là điều đáng nói.

Có những người vì sĩ diện của tôn giáo mình, mà có người khi thấy người khác chế nhạo đạo mình thì tức tối thóa mạ; có người thấy người khác bắt chước các cha làm lễ để nhạo họ thì tức tối chửi bới; có người thấy bạn bè nói xấu các linh mục và giáo dân thì đòi đánh họ.v.v...Tất cả những hành vi ấy đều là vì sĩ diện và do lòng yêu mến tôn giáo của mình, không có gì để đáng nói, nhưng điều đáng nói là khi chửi bới thóa mạ người khác thì có nói lên được bác ái của Chúa Giê-su không ?

Chúa Giê-su khi bị đóng đinh trên thập giá thì cũng bị các thượng tế, các binh sĩ và dân chúng nhạo báng chê cười, nhưng Ngài không hề thóa mạ họ, trái lại Ngài cầu xin Cha tha tội cho họ là những người đã chế nhạo và đã đóng đinh mình.

Nhà không có trà thì mời nước lạnh cũng được cần gì phải giữ sĩ diện để chồng vợ to tiếng với nhau; khi người khác cố tình hoặc vô ý xúc phạm đến niềm tin của mình thì tìm cách để cho họ biết như thế là không đúng, cần gì phải chửi bới thóa mạ để Chúa Giê-su đau buồn thêm nữa...

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:28 27/04/2011
N2T

42. Thiên Chúa coi trọng những người công chính, vì một người công chính mà tha tội cho vô số người tội lỗi.

(Thánh Hieronimus)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Toà Kháng Cáo từ chối thách đố về Ngày Cầu Nguyện Quốc Gia
Bùi Hữu Thư
04:20 27/04/2011
Hoa Thịnh Đốn (CNS) -- Vào ngày 5 tháng 5 sắp tới, các sinh hoạt được dự trù cho ngày Cầu Nguyện Quốc Gia sẽ diễn tiến bình thường, nhờ phán quyết ngày 14 tháng Tư của một uỷ ban ba thẩm phán của Tòa Kháng Cáo Số 7 của Hoa Kỳ (7th U.S. Circuit Court of Appeals.)

Toà này phán quyết rằng Hội Không Bị Ràng Buộc bởi Tôn Giáo (Freedom From Religion Foundation) không có căn cứ để thách đố quyền của tổng thống Obama là tuyên xưng ngày này là ngày Cầu Nguyện Quốc Gia vì bên bị không thể nào dẫn chứng về những thiệt hại cho họ vì ngày này.

Hội này nộp đơn kiện năm 2008, nói rằng ngày đó vi phạm việc phân cách giữa giáo hội và quốc gia.

Chính phủ Obama kháng cáo phán quyết này và lý luận là ngày này công nhận vai trò của tôn giáo tại Hoa Kỳ.

Ngày Cầu Nguyện Quốc Gia đã được tổ chức ngay từ khi Quốc Hội ban hành một đaọ luật đòi hỏi tổng thống lựa chọn một ngày mỗi năm cho việc này.

Một đạo luật năm 1988 ấn định ngày thứ năm đầu tháng là Ngày Cầu Nguyện Quốc Gia. Việc người Công Giáo tham gia ngày này là ngoại lệ -- Uỷ Ban Ngày Cầu Nguyện Quốc Gia là một tổ chức Phúc Âm Kitô giáo miễn phí (nonprofit Christian evangelical organization) -- nhưng mức độ tự do một nhóm tôn giáo được hưởng sẽ có ảnh hưởng đến mức độ tự do của tất cả các nhóm khác.

Vụ kiện này theo lời bà Annie Laurie Gaylor, đồng sáng lập Hội Không Bị Ràng Buộc bởi Tôn Giáo thì sẽ được chống án lên tòa trên, nhưng chỉ vì vấn đề "còn đứng vững" thay vì giá trị của vụ kiện -- hiển nhiên là việc tìm kiếm tự do tôn giáo, trong khi được tranh đấu trước công cộng nhiều hơn trên lãnh vực quốc tế, cũng có một chiến tuyến tại quốc gia Hoa Kỳ.

Trong khi tự do tôn giáo không hoàn toàn tuyệt đối -- chẳng hạn, các tín hữu không thể minh chứng việc đậu xe bất hợp pháp chỉ vì những chỗ đậu xe này gần nhà thờ của họ -- các thử nghiệm thỉnh thoảng tiếp tục nẩy sinh để xác định người Hoa Kỳ có thể có tự do tôn giáo được bao nhiêu.
 
Đức Gioan Phaolô II và Mẹ Têrêsa: Cuộc gặp lịch sử ở Nirmal Hriday Ashram
Lã Thụ Nhân
05:57 27/04/2011
Đức Gioan Phaolô II và Mẹ Têrêsa: Cuộc gặp lịch sử ở Nirmal Hriday Ashram

Kolkata (AsiaNews) - Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sẽ được phong chân phước vào ngày 01 tháng Năm tới, nhưng đối với nhiều người trên thế giới, ngài đã là một vị thánh. Cũng giống như Mẹ Têrêsa, người được Đức Giáo Hoàng người Ba Lan phong chân phước ngày 19 tháng Mười năm 2003, nhưng đã được nhiều người xem như một vị thánh trong một thời gian dài. Hai vị phi thường của đức tin đã gặp nhau nhiều lần, nhưng cuộc gặp gỡ được mong đợi nhất đã diễn ra vào ngày 03 tháng Hai năm 1986 tại Calcutta, Ấn Độ, trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến Nirmal Hriday Ashram, nhà cho người sắp qua đời ở Kaligath. Mẹ Têrêsa gọi đó là "ngày hạnh phúc nhất của đời tôi".

25 năm sau, tại siêu đô thị 13 triệu dân, vẫn còn nhiều người nhớ sự kiện này. Trước hết là Đức Giám Mục thời bấy giờ, Đức Cha Henry D'Souza, người đã tháp tùng cùng Đức Thánh Cha: "Ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta đối với thành phố là rất lớn. Đức Thánh Cha đã thu hút con tim và khối óc của người dân Calcutta. Người dân thuộc mọi tôn giáo đã xếp hàng 10 km từ Dum Dum đến Hridaya Nirmal. Nhìn qua đám đông, Đức Thánh Cha bảo tôi rằng: Hiền đệ có nhiều người Công Giáo ở Calcutta này, tôi nói với ngài không phải vậy và giải thích rằng những người này thuộc mọi tôn giáo đến để chào đón người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, chờ ban phép lành từ ngài".

Đức Cha D'Souza cho hay thêm: "Đối với người dân Calcutta, thật là ý nghĩa khi Đức Gioan Phaolô II đã bắt đầu chuyến thăm thành phố ở Hridaya Nirmal. Điều này cho thấy mối quan tâm trước nhất của Đức Thánh Cha là người nghèo, người hấp hối, và người đau khổ. Với hành động của tình thương, lòng trắc ẩn và nhân từ, ngài đã chiếm được con tim của người dân".

Sự kiện quan trọng khác là khi Đức Thánh Cha hôn Mẹ Teresa, dấu hiệu yêu mến khác lệ thường này cho thấy lòng trắc ẩn của Lòng Thương Xót Chúa Giêsu ôm ấp lấy người nghèo của nhân loại. Đức Thánh Cha đã đến để làm thoả cơn khát Chúa Kitô và làm chứng cho người nghèo".

Mẹ Têrêsa mở viện cho người hấp hối đầu tiên vào năm 1952 gần ngôi đền nữ thần Kali ở Kaligath, đổi tên thành Nirmal Hriday, "Nhà của trái tim tinh khiết". Từ đó đến nay, nhà này đã nhận được ít nhất 50.000 người hấp hối.

Trong chuyến tông du của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viếng thăm ngang dọc khắp Nirmal Hriday ít nhất là 40 phút. Ngài cho rằng viện cho người hấp hối, nơi có 120 giường cho người bệnh và hấp hối là một nơi thiêng liêng, là nơi "mầu nhiệm sự đau khổ của con người gặp gỡ mầu nhiệm của đức tin và tình yêu".

Đức Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta cho hay ngài không có câu trả lời dễ dàng cho sự nghèo đói khủng khiếp: "Tôi không thể trả lời đầy đủ tất cả câu hỏi của anh em, tôi không thể cất đi tất cả nỗi đau của anh em. Nhưng tôi chắc chắn điều này: Thiên Chúa yêu thương anh em bằng một tình yêu vô hạn. Anh em là quý giá trong cách nhìn của Ngài".

Trong chuyến thăm tu viện này, Đức Thánh Cha được Mẹ Têrêsa dẫn đi dừng lại từng gường bệnh của 86 bệnh nhân, ban phép lành cho từng người một. Chuyến thăm khép kín cửa đối với giới truyền thông, nhưng một phát ngôn viên Toà Thánh Vatican, người tháp tùng cùng Đức Giáo Hoàng nói rằng vị giáo hoàng đã "hết sức xúc động".

Phần lớn các bệnh nhân là người Ấn giáo, nhưng Đức Thánh Cha đã tặng mỗi người tràng hạt và ban phép tử thi cho bốn người qua đời được để ở nhà xác nhỏ bằng nước thánh.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã giúp Dòng Thừa Sai Bác Ái để phục vụ bữa ăn tối cho người bệnh, với bánh mì, cà ri khoai tây và bánh pudding. Một trong những bệnh nhân cho biết: "Tôi không biết ông ta là ai nhưng ông ta phải có một nhà lãnh đạo tuyệt vời".

Vào cuối buổi tối, Đức Giáo Hoàng gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo và văn hóa thành phố và thúc giục họ tiến đến một "tình liên đới mới mới" với người hấp hối và người bị bỏ rơi trên đường phố Calcutta. Ngài cho hay: "Các thánh và những người nam và người nữ đích thực của mọi tôn giáo đã luôn luôn đi đến lòng trắc ẩn mạnh mẽ và năng động đối với người nghèo và người đau khổ... Ngày nay, lương tâm xã hội và tôn giáo bị thách đố bởi bởi những bất bình đẳng ngày càng tăng giữa các khu vực phát triển và những người đang ngày càng phụ thuộc; bởi sự bất công khi các tài nguyên cần thiết bị chuyển sang sản xuất các loại vũ khí chết chóc và hủy diệt khủng khiếp".

Năm 1989, trong một cuộc phỏng vấn, họ hỏi mẹ Têrêsa là nơi đẹp nhất mà mẹ đã tới thăm là gì. Mẹ nói: "Kaligath - nơi con người chết trong bình an, trong tình yêu của Thiên Chúa: Đây là điều tuyệt vời nhất".

25 năm sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Nirmal Hriday đã được khôi phục và cải tạo ở nhiều nơi, nhưng hồi ức về chuyến tông du của ngài vẫn còn sống động, như là những hình ảnh của ngài với mẹ trong khi các con hát và nhảy múa chào đón ngài.

Đối với Sr. Glenda, 57 tuổi, hiện là bề trên của Nirmal Hriday, định nghĩa của biểu tượng được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đưa ra vẫn đúng: một nơi thiêng liêng, nơi "mầu nhiệm sự đau khổ của con người gặp gỡ mầu nhiệm của đức tin và tình yêu"; "Đối với chúng tôi đó là niềm vui cho nơi đây. Chúa Giêsu ở đây mỗi ngày, trong thân xác của người bị bỏ rơi... Đến giờ, có 110 bệnh nhân hấp hối, đau khổ từ tất cả các loại bệnh tật giai đoạn cuối. AIDS, ung thư, bệnh lao... Chúng tôi chào đón họ nơi đây và chúng tôi cảm thấy rằng Chúa Giêsu đến thăm chúng tôi".

Ý tưởng về một "tình liên đới mới ", do Đức Thánh Cha đưa ra, ngày nay vẫn mang lại thành quả. Sr. Glenda cho hay: "Nếu nhìn vào danh sách các nhà tài trợ sẽ thấy tất cả các nhà tài trợ của chúng tôi là người Ấn giáo. Không ai trong số họ đã từng phản đối sự hiện diện của chúng tôi. Kaligath cho chúng tôi nguồn mọi ơn phúc, vì nó là nhà đầu tiên được Mẹ Têrêsa mở. Ngay cả những người Ấn giáo cũng xem đó là nguồn ơn phúc".
 
Giáo hạt Tòng Nhân có thêm thêm 900 thành viên Anh giáo
Lã Thụ Nhân
06:02 27/04/2011
Giáo hạt Tòng Nhân có thêm thêm 900 thành viên Anh giáo

Luân Đôn (Zenit.org) .- Trong tuần này, khoảng 900 người Anh Giáo đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Trong khi điều này có thể là một khởi đầu nhỏ nhoi đối với một số người, thì Đức ông Andrew Burnham khuyến khích đàn chiên của ngài nhớ rằng đã có ít Kitô hữu hơn trong Lễ Phục Sinh đầu tiên.

Khoảng 30 nhóm cựu Anh Giáo, bao gồm hơn 60 giáo sĩ, đã gia nhập Giáo hạt Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham, giáo hạt mới dành cho những người Anh Giáo gia nhập Giáo Hội Công Giáo theo kế hoạch được Đức Thánh Cha đề xuất trong Tông Hiến "Anglicanorum Coetibus".

Tại buổi tiếp khoảng 20 thành viên mới hôm thứ Ba ở Oratory Oxford, Đức Ông Burnham lưu ý rằng thậm chí 1.000 người Công Giáo mới vẫn không "có ý nghĩa thống kê". Vị linh mục là một trong ba cựu giám mục Anh giáo được phong chức vào hàng linh mục Công Giáo vào tháng Giêng. Ngài cho hay: "Mỗi lần chúng ta nghe thấy một tập hợp các số liệu thống kê quốc gia, ngay cả những số liệu thống kê đối với các bệnh hiếm, những con số dường như là hàng ngàn và hàng chục ngàn. 20 hoặc 30, 60, 900 hay 1000 mang ý nghĩa gì? "

Ngài cảnh báo về một kịch bản "nguy hiểm" mà "các nhóm của Anh giáo sẽ đến chỉ đơn giản là tan vào đám đông," và rằng "cử chỉ giàu tưởng tượng và tiên đoán của Đức Giáo Hoàng trong Tông Huấn ‘Anglicanorum Cœtibus’ sẽ trở nên không là gì". Đức Ông Burnham cho hay thêm: "Nhưng có một kịch bản thú vị hơn nhiều có thể mở ra. Và ở đây chúng ta cần phải quay trở lại Phục Sinh đầu tiên. Con số tham gia thậm chí nhỏ hơn so với bây giờ. Đến cuối Bữa Tiệc Ly các môn đệ chỉ còn mười một. Lúc Chúa Giêsu chết trên thập tự giá, chỉ có hai người ở đó - Đức Mẹ và Thánh Gioan, người môn đệ dấu yêu. Tại Vườn Phục Sinh đã có một người và hai người".

Ngài khẳng định "Từ những khởi đầu nhỏ đó, Kitô giáo đã biến chuyển từ một nhóm nhỏ bị nghi ngờ người Galilê, hơn là Do Thái giáo không hợp thời, để trở thành tôn giáo chính thức được thế giới biết đến và không hoàn toàn thành công lúc khởi đầu".

"Tôi cầu nguyện cho các nhóm cựu Anh giáo, như ở đây tại Oxford, có thể phát triển và phát triển mạnh trong mảnh đất màu mỡ của Giáo Hội Công Giáo", Đức Ông nói thêm rằng sự phát triển của Giáo Hội nằm ở "sự đóng góp của mỗi người chúng ta".
 
Chân phước Gioan-Phaolô II – Sứ giả Hòa bình
Trầm Thiên Thu
08:52 27/04/2011
Ngày 1-5-2011, tại Rôma, Đức Gioan-Phaolô II được giáo hội tôn phong tước hiệu Chân phước. Không riêng người công giáo mà cả những người thuộc các tôn giáo khác cũng hòa chung niềm vui thánh thiện này. Ngài giản dị mà vĩ đại và thánh thiện, thể hiện tình yêu và thứ tha như Đức Giêsu: Rửa chân và hôn chân người được rửa, đích thân đến nhà tù để tha thứ cho người đã ám sát mình là Mehmet Ali Ağca, yêu thương trẻ em, hòa đồng với giới trẻ, siêng năng lần hạt, có tâm hồn văn nghệ,… Tên cúng cơm của ngài là Karol Wojtyła. Ngài được mệnh danh là Sứ giả Hòa bình. Chứng nhân thứ nhất là thánh nữ Faustina, chân phước Gioan-Phaolô II là nhân chứng thứ nhì của Lòng Thương Xót Chúa.

Đức Gioan-Phaolô II cai quản Giáo hội Công giáo La Mã trên cương vị Giáo hoàng gần 27 năm. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên không là người Ý kể từ giáo hoàng người Đức gốc Hà Lan Adrian VI qua đời năm 1523, triều đại của Đức Gioan-Phaolô II là triều đại dài thứ ba trong lịch sử các triều đại giáo hoàng. Mặc dù triều đại của ngài được đánh dấu bằng sự suy yếu của Công giáo tại các nước phát triển Tây phương, đồng thời có sự mở rộng của vai trò giáo hội ở Thế giới thứ ba và cộng sản Đông Âu. Việc bầu chọn Đức Gioan-Phaolô II làm giáo hoàng được nhiều người tin tưởng với sự thúc đẩy thay đổi ở Âu châu để cuối cùng dẫn đến sự suy sụp của các nước cộng sản (downfall of the communist states) và sự nổi dậy của các chế độ dân chủ (emergence of democratic regimes).

Thầy Karol Wojtyła thụ phong linh mục ngày 1-11-1946, lúc 26 tuổi, do Đức TGM Adam Stefan Sapieha giáo phận Kraków chủ phong. Sau đó, ngài dâng lễ tạ ơn tại nhà thờ chính tòa Kraków. Rồi ngài được đi Rôma học tiến sĩ ở Viện Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas (Pontifical Athenaeum of St. Thomas Aquinas), thường gọi là Angelicum. Ở đó ngài học thêm về thần học và chính trị. Ngài nghiên cứu các bài viết của ĐGH Grêgôriô II, các giáo huấn của thánh Gioan Thánh giá, hiện tượng học (phenomenology) của Max Scheler. Ngài còn nghiên cứu cả Yves Congar, một nhà lý luận quan trọng về đại kết (ecumenism). Ngài học 2 năm tại Đại học Bỉ ở Rôma. Đại học này chỉ có 22 sinh viên là linh mục và chủng sinh, trong đó có 5 người Mỹ. Trong môi trường đa ngữ này, LM Wojtyła trau dồi thêm tiếng Pháp và tiếng Đức, đồng thời bắt đầu học tiếng Ý và tiếng Anh. Trong luận án tiến sĩ Doctrina de fide apud S. Ioannem a Cruce (Học thuyết Đức tin theo Thánh Gioan Thánh giá), ngài nhấn mạnh bản chất gặp gỡ riêng với Thiên Chúa. Mặc dù luận án tiến sĩ của ngài được chấp thuận hồi tháng 6/1948, ngài vẫn không được nhận bằng tốt nghiệp vì ngài không có văn bản luận án (đó là luật của Angelicum). Ngày 16/12/1948, ban giảng huấn thần học tại ĐH Jagiellonian ở Kraków xem xét lại luận án của ngài, và LM Wojtyła được cấp bằng.

Ngài trở về Ba Lan vào mùa hè năm 1948, và ngài được bổ nhiệm mục vụ tại giáo xứ Niegowić, cách Kraków 15 dặm. Đến Niegowić vào mùa thu hoạch, việc đầu tiên của ngài là quỳ xuống và hôn đất – một “thói quen tốt” mà ngài vẫn làm khi làm giáo hoàng. Động thái này trở thành “thương hiệu” của ngài, nhưng không phải của chính ngài, vì ngài nói rằng ngài bắt chước vị thánh người Pháp của thế kỷ 19 là LM Gioan Maria Vianney, cha sở xứ Ars (Curé d'Ars).

Lm Karol Wojtyła ở Niegowić, Ba lan, 1948.

Tháng 3/1949, ngài được thuyên chuyển qua xứ thánh Florian ở Kraków. Ngài dạy môn đạo đức tại ĐH Jagiellonian ở Kraków và sau đó dạy tại ĐH Công giáo Lublin. Ngài quy tụ một nhóm gần 20 người trẻ, gọi là Rodzinka (gia đình nhỏ), để cùng cầu nguyện, thảo luận triết học, giúp đỡ người mù và người bệnh. “Gia đình nhỏ” tiếp tục phát triển. các bạn trẻ bắt đầu gọi ngài là Wujek (chú, bác) để người ngoài không biết ngài là linh mục khi phải đi ra ngoài. Nhóm của ngài càng phát triển càng liên kết chặt chẽ, vài người trong nhóm kết hôn. Cuối cùng, nhóm của ngài có đến 200 người, và được gọi là Środowisko (hiểu theo nghĩa “môi trường” hoặc “hoàn cảnh”). Hằng năm cả nhóm cùng đi trượt tuyết và chèo thuyền. Khi đi chèo thuyền, LM Wojtyła thường dùng thuyền 2 người để cùng trao đổi và hướng dẫn tâm linh. Ngài dâng thánh lễ ngay trên thuyền, và lấy 2 mái chèo làm Thánh giá. Năm 1955, những người chèo thuyền tham dự cuộc thi quốc tế trên sông Dunajec. Thuyền của “chú” Wojtyła bị thủng ngay tại đích đến (finish line). LM Wojtyła đã viết một loạt bài trên báo Công giáo Tygodnik Powszechny (Tuần báo Phổ thông) ở Kraków giải quyết các vấn đề đương thời của giáo hội.

Các tác phẩm văn chương của LM Karol Wojtyła nở rộ trong 12 năm đầu làm linh mục. Chiến tranh, sống dưới chế độ cộng sản, và trách nhiệm mục vụ của ngài xuất hiện trong các bài thơ và kịch bản của ngài. Các tác phẩm đó được ngài ký bằng bút danh (pseudonyms) Andrzej Jawień và Stanisław Andrzej Gruda. Ngài dùng các bút danh để phân biệt tác phẩm văn chương với tác phẩm tôn giáo (ngài ký tên thật), và cũng để tránh sự “dòm ngó” của người khác.

Ngài có bằng tiến sĩ thứ hai, đánh giá tính khả thi của đạo đức Công giáo (feasibility of a Catholic ethic) dựa trên hệ thống đạo đức của nhà hiện tượng học (phenomenologist) Max Scheler (An Evaluation of the Possibility of Constructing a Christian Ethics on the Basis of the System of Max Scheler – Đánh giá tính khả dĩ của việc xây dựng Đạo đức Kitô giáo theo Hệ thống của Max Scheler, năm 1954). Cũng như với bằng tiến sĩ thứ nhất, ngài cũng không được cấp bằng ngay, vì chính quyền cộng sản cấm ban giảng huấn của ĐH Jagiellonian cấp bằng. Cùng với việc chuẩn bị tại ĐH Công giáo Lublin, cuối cùng ngài cũng nhận được bằng tiến sĩ triết năm 1957, và ngài được bầu làm trưởng khoa đạo đức học (Chair of Ethics) năm 1956.

Ngày 5/8/1958, trong chuyến đi chèo thuyền 2 tuần với nhóm Środowisko ở sông Lyne, thuộc Đông Bắc Ba Lan, LM Karol Wojtyła nhận được một lá thư cho biết phải đến gặp TGM Hồng y Wyszynski, giáo phận Warsaw. Khi ngài đến văn phòng tòa TGM, ĐHY cho ngài biết ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá (auxiliary bishop) của TGM Eugeniusz Baziak, tổng giáo phận Kraków, vì tổng giáo phận bị trống ngôi (sede vacante) do ĐHY Sapieha qua đời. LM Wojtyła vâng lời và đến thẳng tu viện Ursuline và xin được vào nhà nguyện để cầu nguyện. Ngài ngạc nhiên thấy các nữ tu đang phủ phục trước Nhà Tạm (tabernacle).

Ngài kể trong cuốn Rise, Let us be on our Way (Hãy đứng dậy, chúng ta cùng lên đường) rằng khi ngài vào một căn phòng đầy các linh mục, với tin tức về việc ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá, TGM Baziak đã nói lớn: “Habemus papam” (Chúng ta đã có giáo hoàng). Ngài cho rằng những từ này có thể là lời tiên tri trong ánh sáng của các sự kiện xảy ra tiếp theo. Thế là Karol Wojtyła đã tìm được chính mình, là vị giám mục trẻ nhất Ba Lan lúc mới 38 tuổi. Ngài được TGM Baziak tấn phong giám mục vào ngày lễ thánh Wenceslaus, 28/9/1958, tại nhà thờ chính tòa Wawel ở Kraków.

Năm 1959, ĐGM Wojtyła bắt đầu thói quen hằng năm là cử hành thánh lễ vọng Giáng sinh ở một khu đất trống tại Nowa Huta, một thành phố công nghiệp do cộng sản xây dựng không xa Kraków, và là thành phố đầu tiên ở Ba Lan không có nhà thờ nào. Nhưng do áp lực của người Công giáo, một nhà thờ được xây dựng tại Nowa Huta năm 1977.

TGM Eugeniusz Baziak qua đời tháng 6/1962, và ngày 16/7/1962, GM Karol Wojtyła được bổ nhiệm làm giám quản (Vicar Capitular) của tổng giáo phận cho đến khi bổ nhiệm TGM. Ngày 5/10/1962, ĐGM Karol Wojtyła đi Rôma tham dự Công đồng Vatican II. Là một giám mục trẻ và có chức vụ tương đối thấp trong hàng giáo phẩm, ĐGM Wojtyła ngồi ở cạnh cửa Đền thờ Thánh Phêrô. Trước khi tới Công đồng, ĐGM Wojtyła đã gởi một tiểu luận cho các ủy viên (commissioners) để chuẩn bị Công đồng, ngài đề nghị rằng thế giới muốn biết giáo hội phải nói gì về con người và tình trạng con người. Câu trả lời của giáo hội là gì đối với việc phổ biến tính hiện đại gây thất vọng và sự hiện hữu của con người?

Ngài góp 2 tài liệu ảnh hưởng nhất và mang tính lịch sử nhất của Công đồng là Decree on Religious Freedom (Sắc lệnh về Tự do Tôn giáo – bản Latin là Dignitatis Humanae) và Pastoral Constitution on the Church in the Modern World (Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại – bản Latin là Gaudium et Spes).

Ngày 30/12/1963, ĐGH Phaolô VI bổ nhiệm ngài làm TGM Kraków. Năm 1960, TGM Wojtyła xuất bản cuốn Tình yêu và Trách nhiệm (Love and Responsibility), đó là lời biện hộ các giáo huấn truyền thống của giáo hội về giới tính và hôn nhân quan điểm thần học mới (new philosophical standpoint). Năm 1967, ngài có công trong việc công thức hóa Tông thư Humanae Vitae (Sự sống Con người) – tông thư này giải quyết các vấn đề tương tự, đồng thời cấm phá thai và kế hoạch hóa gia đình theo cách nhân tạo. Năm 1967, ĐGH Phaolô VI bổ nhiệm TGM Wojtyła làm hồng y.

Tháng 8/1978, sau khi ĐGH Phaolô VI qua đời, ĐHY Wojtyła được vào Mật viện Giáo hoàng (Papal Conclave). Khi đó, các hồng y bầu chọn ĐHY Albino Luciani, TGM Venice, với niên hiệu Gioan-Phaolô I. Lúc 65 tuổi, ĐHY Luciani là người trẻ nhất theo tiêu chuẩn giáo hoàng. ĐHY Wojtyła, lúc đó 58 tuổi, còn hy vọng được vào Mật viện lần nữa trước khi 80 tuổi (hạn tuổi đối với các hồng y được bầu làm giáo hoàng). Tuy nhiên, triều đại giáo hoàng của Đức Gioan-Phaolô I chỉ kéo dài 33 ngày vì qua đời ngày 28/9/1978. Tháng 10/1978, ĐHY Wojtyła trở lại Vatican để bầu giáo hoàng. Có hai nhóm ứng viên “mạnh”: ĐHY Giuseppe Siri, TGM Genoa, và ĐHY Giovanni Benelli, TGM Florence với một vị phụ tá thân cận của ĐGH Gioan-Phaolô I. Trong những lần bỏ phiếu đầu tiên, ĐHY Benelli chênh lệch 9 phiếu. Tuy nhiên, ĐHY Wojtyła an toàn là một ứng viên thỏa hiệp (compromise candidate), một phần nhờ sự ủng hộ của ĐHY Franz König, tổng giáo phận Vienna, và các vị khác mới đầu ủng hộ ĐHY Giuseppe Siri.

Ngày hôm sau, với cương vị giáo hoàng, ngài dâng thánh lễ với hồng y đoàn (College of Cardinals) tại Nguyện đường Sistine (Sistine Chapel). Sau thánh lễ, ngài ban phép lành đầu tiên, gọi là Urbi et Orbi (phép lành truyền thống), đài phát thanh phát sóng toàn thế giới.

Cũng như vị tiền nhiệm, ĐGH Gioan-Phaolô II miễn lễ đăng quang truyền thống (traditional Papal coronation) và chỉ mặc tu phục giản dị để nhậm chức vào ngày 22/10/1978. Khi nhậm chức giáo hoàng, các hồng y quỳ gối trước ngài để tuyên hứa và hôn nhẫn, ngài đứng dậy khi ĐHY Stefan Wyszyński (người Ba Lan) quỳ gối, ngăn hồng y này hôn nhẫn và ôm hồng y này.

Ngài được bầu làm giáo hoàng ngày 12/11/1978. Việc bầu chọn một giám mục ở một đất nước cộng sản giống như cốt truyện một cuốn sách (1963) và bộ phim The Shoes of the Fisherman (Đôi giày của Ngư ông, 1968).

Ngày 13/5/1981, ĐGH Gioan-Phaolô II vào Quảng trường Thánh Phêrô, ngài bị Mehmet Ali Ağca bắn bị thương nặng, hắn là tay súng chuyên nghiệp thuộc nhóm Sói Xám (Grey Wolves). Hắn dùng súng lục 9 ly bán tự động bắn ngài vào bụng, xuyên qua đại tràng và ruột non vài phát. Ngài được đưa ngay vào bệnh viện Gemelli. Ngài bất tỉnh trên đường đến bệnh viện. Dù không bị đứt động mạch nhưng ngài bị mất 3/4 lượng máu và gần hết máu. Cuộc phẩu thuật kéo dài 5 giờ. Khi tỉnh lại, trước khi phẫu thuật tiếp, ngài nói các bác sĩ đừng gỡ bỏ Dây Quàng Vai (Brown Scapular, dây các phép) khi phẫu thuật. Ngài nói rằng Đức Mẹ Fatima đã cứu ngài.

“Tôi có thể quên vụ [Ali Ağca ám sát ngài] ở Quảng trường Thánh Phêrô xảy ra vào hôm đó và vào lúc Mẹ của Đức Kitô lần đầu hiện ra với những dân nghèo hơn 60 năm trước tại Fatima thuộc Bồ Đào Nha hay không? Vì mọi thứ xảy ra với tôi trong ngày đó, tôi cảm thấy sự quan tâm và bảo vệ đặc biệt của Đức Mẹ, đã trở nên mạnh hơn viên đạn” (Đức Gioan-Phaolô II – Ký ức & Đồng nhất, NXB Weidenfeld & Nicolson, năm 2005, tr. 184).

Ağca bị một nữ tu và những người đứng gần đó bắt giữ, sau đó cảnh sát đến điệu hắn đi. Hắn bị án tù chung thân. Hai ngày sau lễ Giáng sinh năm 1983, Đức Gioan-Phaolô II đích thân đến nhà tù thăm hắn. Ngài và hắn nói chuyện riêng khoảng 20 phút. Ngài cho biết: “Những gì chúng tôi nói chuyện vẫn được giữ bí mật, chỉ anh ta và tôi biết. Tôi nói với anh ấy như một người anh em mà tôi đã tha thứ và là người tôi hoàn toàn tin tưởng”.

Ngày 2/3/2006, Ủy ban Mitrokhin của Ý, do Silvio Berlusconi thành lập và dẫn đầu là thượng nghị sĩ Paolo Guzzanti, kết luận rằng Liên bang Soviet (Soviet Union) đã đứng sau vụ ám sát Đức Gioan-Phaolô II, nhằm trả đũa việc ngài ủng hộ tình đoàn kết (solidarity), giới Công giáo, phong trào công nhân Ba Lan ủng hộ dân chủ (pro-democratic Polish workers' movement), một chủ thuyết đã được Michael Ledeen và Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (United States Central Intelligence Agency) ủng hộ lúc đó. Tường trình của Ý cho biết rằng các bộ an ninh cộng sản Bulgaria (Communist Bulgarian security departments) đã được dùng để không lộ vai trò của Liên bang Soviet (Soviet Union). Báo chí tường trình cho biết rằng Tình báo quân đội Soviet (Soviet military intelligence, tiếng Nga là Glavnoje Razvedyvatel'noje Upravlenije) – không phải là KGB – chịu trách nhiệm. Phát ngôn viên Boris Labusov, thuộc Cơ quan Tình báo Ngoại quốc của Nga (Russian Foreign Intelligence Service) gọi sự kết tội đó là “lố bịch” (absurd). Trong chuyến tông du của Đức Gioan-Phaolô II tới Bulgaria hồi tháng 5/2002, thư ký của ngài là TGM Stanisław Dziwisz, đã viết trong cuốn A Life with Karol (Sống với Đức Karol) rằng ĐGH tin rằng liên bang Soviet cũ đã đứng phía sau vụ ám sát ngài nhưng họ không thừa nhận. Bulgaria và Nga đã tranh cãi về kết luận của Ý, nói rằng ĐGH từ chối liên kết với Bulgaria.

Vụ ám sát thứ hai xảy ra vào ngày 12/5/1982, một ngày trước ngày “kỷ niệm” ám sát lần một, ở Fatima (Bồ Đào Nha), một người đàn ông đã đâm ngài bằng lưỡi lê. Anh ta bị bảo vệ bắt, dù TGM Stanisław Dziwisz sau đó cho biết rằng Đức Gioan-Phaolô II đã bị thương nhưng không tiết lộ về vết thương nguy hiểm tới tính mạng ngài. Kẻ ám sát ngài là linh mục Juan María Fernández y Krohn, thuộc phe hữu của Tây Ban Nha, được TGM Marcel Lefebvre (thuộc Hội Thánh Piô X) phong chức linh mục và chống lại những thay đổi do Công đồng Vatican II, gọi ĐGH là đặc vụ của Cộng sản Moscow (Mát-cơ-va) và Khối Mác-xít Đông Âu. Sau đó Fernández y Krohn rời bỏ Công giáo La Mã và bị tù 6 năm. Cựu linh mục này được điều trị bệnh tâm thần (mental illness) và bị trục xuất khỏi Bồ Đào Nha, rồi làm cố vấn pháp luật (solicitor) ở Bỉ. Tháng 7/2000, ông ta lại bị bắt sau khi leo qua tường rào an ninh (security barricade) ở Dinh Hoàng gia Brussels (Royal Palace of Brussels), kết tội vua Tây Ban Nha Juan Carlos đã giết anh của ông ta là Alfonso năm 1956.

Đức Gioan-Phaolô II cũng là một trong các “đích nhắm” của tổ chức Bojinka được Al-Qaeda tài trợ khi ngài đến Philippines năm 1995. Kế hoạch đầu tiên của họ là giết Đức Gioan-Phaolô II khi ngài thăm Philippines dịp Đại hội Giới trẻ (World Youth Day) năm 1995. Ngày 15/1/1995, một kẻ đánh bom tự sát (suicide bomber) mặc tu phục linh mục, khi Đức Gioan-Phaolô II đi qua hắn để đến chủng viện San Carlos ở TP Makati. Hắn đến gần ngài và cho nổ bom. Vụ ám sát ngài có tổ chức để nhằm đánh lạc hướng. Tuy nhiên, lửa hóa chất đã báo động cho cảnh sát ở gần đó, và những kẻ ám sát ngài đã bị tóm gọn trước khi Đức Gioan-Phaolô II đến.

Ngài là vị giáo hoàng trẻ tuổi nhất kể từ ĐGH Piô IX được bầu vào năm 1846. Đức Gioan-Phaolô II làm giáo hoàng khi còn khỏe mạnh và tương đối trẻ, vẫn đi xe đạp, đi bơi và trượt tuyết. Tuy nhiên, sau 25 năm trên cương vị giáo hoàng, vụ ám sát năm 1981 và chứng ung thư đã khiến sức khỏe ngài giảm sút. Ngài phải cắt một khối u ở đại tràng năm 1992, bị trật khớp vai năm 1993, gãy xương đùi năm 1994, và cắt ruột thừa năm 1996.

Năm 2001, một bác sĩ chỉnh hình nói rằng Đức Gioan-Phaolô II bị bệnh Parkinson, như đã được nghi ngờ một thời gian, Vatican biết điều này vào năm 2003. Ngài khó nói vài câu một lượt, tai cũng khó nghe hơn. Ngài còn bị viêm khớp nặng ở đầu gối chân phải, do đó ngài ít đi bộ trước công chúng. Tuy nhiên, ngài vẫn tiếp tục đi khắp thế giới. Những ai đã gặp ngài đều nói rằng dù sức khỏe yếu kém nhưng ngài vẫn hoàn toàn tỉnh táo.

Về cuối triều đại giáo hoàng của ngài, có những người ngoài và trong giáo hội nghĩ rằng ngài nên từ chức hoặc về hưu. Thậm chí người ta còn đề nghị nhiệm kỳ giáo hoàng. Tuy nhiên, khi Đức Gioan-Phaolô II nói rằng ngài chấp nhận Ý Chúa muốn ngài làm giáo hoàng, ngài sẽ hoàn thành nhiệm vụ đến khi chết, dù tư liệu của ngài cho thấy ngài đã viết đơn xin từ chức năm 2002.

Ngày 1/2/2005, ngài được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Agostino Gemelli ở Rôma vì bị nhiễm trùng thanh quản cấp tính và ho, do cảm cúm. Tòa thánh Vatican cho biết là ngày hôm sau tình trạng sức khỏe ngài đã ổn định, nhưng ngài vẫn ở trong bệnh viện đến khi khỏe hẳn. Ngày 6/2, ngài xuất hiện trước công chúng để đọc kinh Truyền tin (Angelus) ở cửa phòng bệnh viện bằng giọng khàn. Ngài không thể cử hành lễ Tro tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 9/2, và trở về Vatican ngày 10/2.

Ngày 24/2/2005, ngài bắt đầu khó thở và bị sốt, ngài được đưa ngay vào bệnh viện Gemelli để được phẫu thuật mở khí quản (tracheotomy). Một sĩ quan cận vệ của thủ tường Ý Silvio Berlusconi nói rằng Đức Gioan-Phaolô II là một người trầm lặng (serene) sau khi được phẫu thuật. Ngài đưa tay lên và muốn nói điều gì đó, nhưng các bác sĩ khuyên ngài không nên nói. Ngài ban phép lành từ cửa sổ bệnh viện vào thứ Bảy 27/2 và Chúa nhật 6/3, ngài nói bằng tiếng Đức và tiếng Ý khi gặp ĐHY Ratzinger (nay là ĐGH Bênêđictô XVI) trên tầng 10 của bệnh viện Gemelli vào ngày thứ Ba 1/3. ĐHY Ratzinger nói với báo giới quốc tế: “ĐGH nói với tôi bằng tiếng Đức và tiếng Ý. Ngài hoàn toàn minh mẫn. Tôi vui mừng thấy ngìa sáng suốt để có thể nói về các vấn đề chính bằng giọng nói của ngài. Chúng tôi thường trao đổi bằng tiếng Đức. Chi tiết không quan trọng – ngài nói về các vấn đề chính”.

Khi đọc kinh Truyền tin ngày Chúa nhật 13/3, lần đầu tiên ngài có thể nói với khách hành hương từ khi nhập viện lần nữa. Chiều hôm đó, ngài trở về Vatican sau gần 1 tháng nằm viện. Chúa nhật lễ Lá (ngày 20/3), ngài xuất hiện một lúc tại cửa sổ để gặp khách hành hương. Ngài được hàng ngàn người hoan hô khi ngài lặng lẽ cầm nhánh ô-liu vẫy chào. Đây là lần đầu tiên ngài không thể cử hành Lễ Lá. Ngài xem lễ qua ti-vi quay cảnh thánh lễ ở Quảng trường Thánh Phêrô.

Ngày 24/3, ĐHY Alfonso Lopez Trujillo của giáo phận Colombia cử hành nghi thức rửa chân tại Đền thờ Thánh Phêrô. ĐHY đại diện Đức Gioan-Phaolô II trong nghi thức thứ Năm Tuần Thánh ở Vatican và nói rằng ĐGH muốn vâng theo Ý Chúa. Ngày 27/3, đại lễ Phục sinh, ngài cũng xuất hiện một lúc tại cửa sổ. Ngài muốn nói mà không nói được. Cuối tháng đó, ngài đến gần cái chết.

Ngày 31/3/2005, ngài bị sốt cao vì nhiễm trùng niệu đạo, nhưng ngài không được đưa vào bệnh viện vì ngài muốn được chết tại Vatican. Cuối ngày hôm đó, Vatican thông báo rằng Đức Gioan-Phaolô II đã lãnh nhận Bí tích Xức dầu, nghi thức cuối cùng của giáo hội Công giáo La Mã, lần đầu ngài lãnh nhận bí tích này từ vụ ám sát năm 1981.

Ngày 1/4, tình trạng sức khỏe ngài rất yếu, suy tim và suy thận nhanh. Ngài phải tiếp thực phẩm qua đường mũi. Sáng hôm đó ngài đã lên cơn đau tim, nhưng vẫn tỉnh táo. Joaquin Navarro Valls, phát ngôn viên của Vatican, không nói về cơn đau tim của ngài, nhưng nói ngài bị suy tim và trong tình trạng nguy kịch.

Vài báo Ý nói ngài qua đời lúc 20:20 CEST (18:20 UTC), nhưng ngay sau đó, Tòa thánh nói ngài chưa chết, và mọi chuyện đã thay đổi. Đài truyền hình Sky Italia nói rằng tim và não của ngài vẫn hoạt động.

Khoảng 00:37 CEST ngày 2/4 (22:37 UTC ngày 1/4), phát ngôn viên Tòa thánh đưa tin ngắn về sức khỏe của ngài và xác nhận ngài đã lãnh nhận các Bí tích cuối cùng, không nói về việc đưa ngài tới bệnh viện, và gặp những người thân cận nhất, trong số đó có ĐHY Ratzinger. ĐHY Ratzinger nói: “Ngài biết mình sắp chết và đã chào biệt tôi lần cuối”. Ngài cũng muốn được đọc những lời suy niệm về 14 chặng đàng Thánh giá đã suy niệm vài ngày trước.

Rất nhiều người trẻ đến canh thức. Trong sứ điệp cuối cùng của ngài, đặc biệt dành cho giới trẻ trên thế giới, ngài nói: “Cha tìm kiếm các con. Bây giờ các con đã đến với cha. Cha cảm ơn các con”.

Chiếu tối, Tòa thánh thông báo tình trạng sức khỏe của ngài vẫn nguy kịch. Đến sáng, ngài lại bị sốt cao. Khoảng 19:00 CEST (17:00 UTC), báo đài Ý đưa tin Đức Gioan-Phaolô II đã bất tỉnh. Hầu như hết hy vọng.

Theo LM Jarek Cielecki, lời cuối của ngài trước khi qua đời là tiếng “Amen”, rồi ngài nhắm mắt lại. Tại phòng riêng của ngài, lúc 21:37 CEST (19:37 UTC) ngày 2/4, ngài trút hơi thở cuối cùng, 46 ngày sau sinh nhật thứ 85 của ngài. Giấy chứng tử ghi nhiễm trùng và suy tim là những nguyên nhân gây tử vong.

Hình bên phải, từ trái qua phải: Tổng thống George W. Bush và phu nhân, cựu tổng thống George H. W. Bush (cha), cựu tổng thống Bill Clinton, Ngoại trưởng Condoleeza Rice -->

Khi ngài qua đời, có sự hiện diện của 2 thư ký riêng của ngài là TGM Stanisław Dziwisz và Mieczysław Mokrzycki, Marian Jaworski, TGM Stanisław Ryłko và LM Tadeusz Styczeń. Ngài được giúp đỡ nhờ bác sĩ riêng là Renato Buzzonetti, với 2 bác sĩ khác là Alessandro Barelli và Ciro D'Allo, với các y tá khi cần thiết. Cũng có 3 nữ tu dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu giúp đỡ ngài trong giờ phút cuối cùng.

Ngay sau đó, ĐHY Quốc vụ khanh (Secretary of State) Angelo Sodano đến, có cả Sứ thần Tòa thánh Eduardo Martínez Somalo, TGM Leonardo Sandri, thư ký văn phòng, và TGM Paolo Sardi, nguyên Sứ thần Tòa thánh. Sau đó, ĐHY Ratzinger, trưởng Hồng y đoàn (College of Cardinals), và ĐHY Jozef Tomko cũng hiện diện.

Hơn 2 triệu công dân Vatican với 1 tỷ người Công giáo hoàn cầu và nhiều người không Công giáo đã thương tiếc Đức Gioan-Phaolô II. Ngài luôn nói rằng khi ngài qua đời nên coi như giai đoạn chuyển qua cuộc sống vĩnh hằng. Đám đông ở Vatican đã vỗ tay khi được thông báo ngài qua đời, theo thói quen truyền thống Ý biểu hiện lòng kính trọng.

Tại Ba Lan, người Công giáo tụ họp tại nhà thờ ở Wadowice, nơi sinh của ngài. Đài truyền hình quốc gia hoãn lại các chương trình khác từ ngày 1/4/2005 để chiếu thánh lễ. Dân Ba Lan rất kính trọng ngài và coi ngài là “cha”, họ đã rất buồn khi ngài qua đời. Chính phủ Ba Lan tuyên bố 6 ngày đại tang ngài.

Nhiều vị lãnh đạo thế giới đã bày tỏ thương tiếc ngài và cho treo cờ tang tại quốc gia của họ:

• Tại Argentina, các sinh viên giữ thinh lặng một lúc trước khi vào lớp sau khi nghe tin Đức Gioan-Phaolô II qua đời. Tổng thống Néstor Kirchner của Argentina nói: “Hàng triệu người chúng ta đang khóc thương Đức Gioan-Phaolô II, các giáo huấn của ngài tiếp tục theo chúng ta đến hết đời, mãi mãi”.

• Thủ tướng Úc John Howard nói rằng Đức Gioan-Phaolô II nên được nhớ đến là một người đấu tranh cho tự do để chống lại cộng sản, và là một vị lãnh đạo Kitô giáo vĩ đại.

• Tại Brazil, nước có số người Công giáo đông nhất thế giới, tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva bày tỏ niềm tiếc thương của dân Brazil đối với ngài. Chính phủ tuyên bố 7 ngày quốc tang dành cho ngài. Đêm trước khi ngài qua đời, thượng nghị viện Brazil đã ngưng họp và các nghị sĩ đã cùng đọc kinh Lạy Cha (Lord's prayer) để cầu nguyện cho ngài hồi phục. Sau khi ngài qua đời, thượng nghị viện đã dành một phút mặc niệm ngài.

• Thủ tướng Paul Martin của Canada nói: “Phần tư thế kỷ qua, Đức Gioan-Phaolô II đã là biểu tượng của tình thương và niềm tin, hòa bình và lòng trắc ẩn… Hôm nay, nỗi đau của chúng ta là nỗi đau chung của thế giới”. Ngày 4/4, thủ tướng Martin và các vị lãnh đạo của Canada đã tưởng niệm Đức Gioan-Phaolô II tại Hạ viện (House of Commons). Cờ rũ treo khắp nước và tại một số tòa nhà ngoại giao; cờ tang treo cho đến ngày an táng ngài. Tỉnh Manitoba để sách phân ưu cho người ta ghi vào.

• Tại Chilê, chính phủ tuyên bố 3 ngày quốc tang. Tổng thống Ricardo Lagos cho biết: “Đức Gioan-Phaolô II không ở xa chúng ta. Tên ngài đã trở thành một phần của lịch sử, tư tưởng của ngài sẽ luôn truyền cảm hứng cho chúng ta để xây dựng một quốc gia công bình hơn và một thế giới hòa bình hơn”.

• Tổng thống Álvaro Uribe Vélez của Colombia cho treo cờ tang trên các tòa nhà chính phủ và các tòa đại sứ treo cờ rũ 2 ngày. Tổng thống nhấn mạnh đến sự chiến đấu vì hòa bình thế giới của Đức Gioan-Phaolô II.

• Chính quyền Cuba cho phép ĐHY Jaime Lucas Ortega y Alamino phát biểu trên đài truyền hình: “Đây là một con người đã gánh chịu sức nặng luân lý của thế giới trong suốt 26 năm... biến ngài thành biểu tượng luân lý duy nhất đối với lòng nhân đạo trong những năm qua đầy khó khăn và chiến tranh”. Chính quyền Cuba tuyên bố 3 ngày quốc tang.

• Thủ tướng Ấn độ Manmohan Singh cũng đã ghi lời phân ưu tại tòa đại sứ Vatican ở New Delhi. Chính phủ Ấn độ tuyên bố 3 ngày quốc tang.

• Tại Anh quốc, nữ hoàng Elizabeth II diễn tả niềm tiếc thương sâu sắc trước cái chết củ Đức Gioan-Phaolô II và ghi nhớ những nỗ lực của ngài trong việc thúc đẩy hòa bình khắp thế giới. Thủ tướng Tony Blair nói: “Thế giới đã mất một vị lãnh đạo tôn giáo đáng kính đối với người có đạo hay không có đạo”.

• Tại Tòa Bạch Ốc (White House) và các tòa nhà công tại Hoa Kỳ đều treo cờ rũ trong ngày an táng Đức Gioan-Phaolô II. Tổng thống George W. Bush bày tỏ lòng thương tiếc ngài và gọi ngài là “nhà vô địch của tự do nhân quyền” (champion of human freedom), là “nguồn cảm hứng cho hàng triệu người Mỹ” (inspiration to millions of Americans) và là “anh hùng của mọi thời đại” (hero for the ages). Tổng thống Bush là tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ tham dự đám tang một vị giáo hoàng. Cựu tổng thống Bush cha và cựu tổng thống Bill Clinton cũng hiện diện tại đám tang ngài.

Nhiều nước có số người Công giáo đông đã tuyên bố quốc tang dành cho ngài. Chính phủ Philippines tuyên bố để tang đến khi an táng ngài. Gabon và Paraguay tuyên bố 5 ngày quốc tang, Costa Rica 4 ngày quốc tang, Ý 3 ngày quốc tang, Bồ Đào Nha cho treo cờ rũ trên các tòa nhà công từ sau khi biết tin ngài qua đời, Bolivia, Cape Verde, Croatia, Đông Timor, Haiti, Malawi và Seychelles cũng có hoạt động tương tự. Peru và Tây Ban Nha tuyên bố 1 ngày quốc tang.

Ai Cập và Lebanon cũng có số dân Công giáo đông, họ tuyên bố 3 ngày quốc tang. Kosovo tuyên bố 2 ngày quốc tang. Còn Albania, Bosnia và Herzegovina tuyên bố 1 ngày quốc tang. Tại Công hòa Macedonia, các hoạt động văn hóa được hoãn lại trong ngày Đức Gioan-Phaolô II qua đời. Pháp và Đức cũng cho treo cờ rũ.

Nhiều lãnh tụ không Công giáo ở khắp thế giới đều bày tỏ niềm thương tiếc ngài.

Từ khi Đức Gioan-Phaolô II qua đời, nhiều giáo sĩ tại Vatican, kể cả ĐHY Angelo Sodano giảng trong thánh lễ an táng, đều nhắc đến ngài là vị giáo hoàng vĩ đại. Báo Corriere della Sera của Ý gọi ngài là “người vĩ đại nhất” (The Greatest). Danh xưng “vĩ đại nhất” đã dành cho 2 vị giáo hoàng hồi thế kỷ I là Đức Lêô Cả và Grêgôriô Cả. Các học giả về Thánh luật (Canon law) đều nói rằng không có quy trình chính thức nào để tuyên bố một vị giáo hoàng là “vĩ đại”, danh xưng này được hình thành qua công chúng, và vẫn được áp dụng.

Lễ kính viếng (Rite of Visitation) từ 4/4 tới 7/4 tại Đền thờ Thánh Phêrô. Di chúc của ngài được công bố ngày 7/4 cho thấy ngài muốn được an táng tại quê hương Ba Lan nhưng quyết định cuối cùng thuộc Hồng y đoàn, muốn an táng ngài dưới Đền thờ Thánh Phêrô, tôn trọng ý muốn của ngài nên an táng ngài ở “đất trống” (in bare earth).

Thánh lễ cầu hồn ngày 8/4 là kỷ lục thế giới về số người tham dự và số vị lãnh đạo quốc gia hiện diện. Số các vị lãnh đạo quốc gia tham dự lễ an táng còn đông hơn đám tang của Winston Churchill (1965) và Josip Broz Tito (1980). Bốn vị vua, 5 nữ hoàng, 70 tổng thống và thủ tướng, hơn 14 vị lãnh đạo các tôn giáo và rất nhiều tín hữu. Khoảng 4 triệu người quy tụ về Rôma, chưa từng thấy trong lịch sử Kitô giáo. Khoảng 250.000 – 300.000 người trong khuôn viên Vatican. Trưởng Hồng y đoàn là ĐHY Joseph Ratzinger lúc đó đã chủ tế. Đức Gioan-Phaolô II được an táng trong hầm mộ dưới Đền thờ Thánh Phêrô, khu mộ của các vị giáo hoàng, nơi mà trước đó là thi hài Đức Gioan XXIII. Nơi đây trống vì hài cốt Đức Gioan XXIII được dời vào trong Đền thờ sau khi được phong chân phước.

Chiếc quan tài rất giản dị của con người vĩ đại Gioan-Phaolô II.

Lạy Chân phước Gioan-Phaolô II, xin nguyện giúp cầu thay cho chúng con biết tích cực tìm kiếm và xây dựng hòa bình, luôn sống giản dị, nhưng can đảm trong mọi nghịch cảnh để chứng tỏ là con cái Thiên Chúa. Amen.
 
Mỹ: Ngày cầu nguyện cổ vũ ơn thiên triệu
Nguyễn Trọng Đa
09:20 27/04/2011
Mỹ: Ngày cầu nguyện cổ vũ ơn thiên triệu

Washington - Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn thiên triệu sẽ được tổ chức ngày 15-5, ngày Chủ nhật Chúa Chiên lành, để nhấn mạnh nhiệm vụ của người Công giáo là cổ vũ ơn thiên triệu linh mục và đời sống thánh hiến.

Đức Tổng giám mục Robert J. Carlson, tổng giáo phận St Louis, Chủ tịch Uỷ ban Giáo sĩ, Đời sống thánh hiến và Ơn thiên triệu, thuộc Hội đồng giám mục Mỹ, nói: “Chúng ta đều có trách nhiệm mời gọi các người trẻ xét xem liệu Thiên Chúa kêu gọi họ làm linh mục hay sống đời sống thánh hiến hay không. Ơn gọi này thách thức niềm xác tín sâu xa của chúng ta, và dẫn đến việc phát hiện ra sự thật sâu sắc nhất về bản thân mình".

Tổng giám mục nói: “Những người được Chúa kêu gọi, xứng đáng với lời cầu nguyện và sự cổ vũ của chúng ta, để đáp trả cách rộng lượng và không dè dặt”.

ĐTC Biển Đức 16 đã công bố rằng chủ đề của Ngày Cầu Nguyện này là "Đề xuất Ơn Gọi trong Giáo Hội địa phương". Sứ điệp của Ngài lưu ý rằng các linh mục chánh xứ, gia đình, giáo lý viên và các thừa tác viên giới trẻ, nên tận dụng "mọi thời điểm” của cuộc sống giáo hội địa phương cho việc cầu nguyện và các hoạt động, nhằm đem lại cho thanh thiếu niên cảm thức thuộc về Giáo Hội, và một cảm thức trách nhiệm của họ để đáp trả cho ơn gọi làm linh mục hay sống đời tu sĩ.

Nữ tu Mary Joanna Ruhland, Dòng Đức Mẹ Từ Bi, phó giám đốc Văn phòng Ơn thiên triệu của Hội đồng giám mục Mỹ, nói: “Chúng tôi hy vọng rằng, tất cả các thành viên của Giáo Hội sẽ khuyến khích và thúc đẩy ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến trong gia đình, giáo xứ, trường học và trong cộng đồng của họ".

Hội đồng Giám mục Mỹ đã lập ra hai trang web, một trang Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác, để giúp giáo dân xây dựng một nền văn hóa ơn thiên triệu.

Các trang web, www.ForYourVocation.org hoặc www.PorTuVocacion.org, bao gồm các băng nghe nhìn về một số linh mục và các tu sĩ Dòng nêu lên các chứng tá của họ, và lời chứng của các bậc cha mẹ có con đáp trả ơn gọi của Chúa. Các trang web này cũng giới thiệu nhiều kinh nguyện và các nguồn biện phân ơn gọi cho nam giới và phụ nữ, kế hoạch bài học cho nhà giáo dục, và các nơi tĩnh tâm cho các giáo xứ. (CNA 27-4-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Linh mục Ấn Độ làm Khoa trưởng khoa Giáo luật ở Roma
Phạm Kim An
09:25 27/04/2011
Linh mục Ấn Độ làm Khoa trưởng khoa Giáo luật ở Roma

Roma - Linh mục tiến sĩ Jesu Pudumai Doss, người Ấn Độ, được bổ nhiệm làm Khoa trưởng Khoa Giáo luật, thuộc Đại học giáo hoàng Salesiana (UPS) tại Roma của Dòng Don Bosco.

Tiến sĩ Jesu Pudumai Doss trở thành người Ấn Độ đầu tiên được bổ nhiệm làm Khoa trưởng của Khoa Giáo luật, trong lịch sử 70 năm của Khoa này, ở UPS.

Cha thay thế linh mục tiến sĩ David Albornoz, người Chile.

Linh mục tiến sĩ Pascual Chavez, Đại chưởng ấn của Đại học Giáo hoàng Salesiana, và là Cha Bề trên Cả Dòng Don Bosco, đã bổ nhiệm Tiến sĩ Pudumai Doss theo sắc lệnh ký ngày 15-4, và thông báo rằng cha Doss sẽ nhận chức Khoa trưởng kể từ ngày 29-4, đúng ngày lễ thánh nữ Catarina thành Siena, bổn mạng của nước Ý và châu Âu.

Tiến sĩ Pudumai Doss, 43 tuổi, phát biểu về việc bổ nhiệm mình: “Đây là một dấu hiệu tín nhiệm và đánh giá cao của cha Bề trên Cả đối với Ấn Độ, và sự đóng góp quý báu của nước này cho Đại học UPS, đặc biệt là trong những năm gần đây”.

Cha nói thêm: “Tuy nhiên đây là một trách nhiệm lớn lao mà tôi hy vọng sẽ thực hiện tốt với sự giúp đỡ của tất cả các giáo sư của phân khoa, nhất là các linh mục Dòng Don Bosco, trong đó có các vị mà chúng tôi rất tự hào vì có nhiều vị giữ các chức vụ khác nhau về Giáo luật ở cấp Giáo hội hoàn vũ, chẳng hạn vị Ðại Diện tư pháp và chủ tịch của Tòa án sơ thẩm khu vực Lazio của Giáo phận Roma, và vị phó Chưởng lý của Tối cao Pháp viện Tòa thánh”.

Lưu tâm đến số lượng sinh viên giảm bớt, tân Khoa trưởng thú nhận: “Đây là một thời điểm khó khăn và tế nhị cho phân khoa của chúng tôi, do sự sút giảm về giáo sư và sinh viên của Dòng”.

Tiến sĩ Doss nói cha có kế hoạch "nghiên cứu và đề xuất trong những năm tới mọi khả năng để làm sống lại phân khoa của chúng tôi".

Là giáo sư trợ giảng tại UPS từ năm 2002, Tiến sĩ Pudumai Doss là người Ấn Độ thứ hai giữ chức Khoa trưởng tại Đại học có sáu phân khoa này.

Linh mục Giáo sư Scaria Thuruthiyil là Khoa trưởng phân khoa Triết học của UPS trong thập niên 1990.

Là người gốc thành phố Chennai, Ấn Độ, và trước đây là một linh mục dòng Don Bosco tỉnh Dòng Chennai, Tiến sĩ Pudumai Doss đỗ Tiến sĩ Giáo luật, và có hai bằng thạc sĩ về Giáo luật Latinh và Giáo luật phương Đông, cũng như hai thạc sĩ về Văn chương Anh và Giáo dục, và bằng cử nhân về Luật dân sự Ấn Độ.

Là tác giả của nhiều cuốn sách về Giáo Luật, Tiến sĩ Pudumai Doss đã viết nhiều bài trong các tạp chí quốc tế, và đồng tác giả của nhiều cuốn sách khác - chẳng hạn cuốn Freedom of Enquiry and Expression in the Catholic Church. A Canonico-Theological Study (Bangalore 2007) “Quyền tự do nghiên cứu và phát biểu trong Giáo Hội Công Giáo. Một nghiên cứu thần học-giáo luật”.

Ngoài việc dạy ở UPS, cha cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Trung Tâm Thần Học Don Bosco, thành phố Chennai, và các trung tâm thần học khác ở Bangalore và Shillong. Cha là một thẩm phán bên ngoài tại Tòa án khu vực của Giáo phận Roma, và là một Ủy viên đặc biệt cho các nố Favor fidei (quyền ưu tiên tín ngưỡng) tại Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ở Vatican. Cha cũng là cố vấn Giáo Luật cho nhiều giáo phận của Ý và các Dòng tu. (UCA News 27-4-2011)

Phạm Kim An
 
Đi tìm kiếm con người lạc loài
Pt Huỳnh Mai Trác
10:17 27/04/2011

Trong những ngày Tam Nhật Thánh, Đức Bênêđictô XVI muốn lôi kéo mọi người ra khỏi giấc ngủ triền miên, tấ t cả mọi người trong đó gồm có những người Kitô hữu hầu ra khỏi giấc ngủ làm cho họ “không còn cảm nhận thấy sự hiện hữu của Thiên Chúa và cũng làm cho họ dửng dưng không còn cảm thấy xúc động trước sự ác”.
Ngà y Thứ sáu Tuần Thánh, trước giờ phụng vụ trong Đền Thánh Phêrô và Đi Dàng Thánh giá ở Côlisê, Đức Thánh Cha đã trả lời cuộc phỏng vấn trước Đài Truyền Hình gồm có bảy câu hỏi đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Bảy câu hỏi trong hàng ngàn câu hỏi khác. Những câu hỏi đến từ những những vấn đề t hiết yếu về những thảm kịch về kiếp sống của con người.

Câu hỏi đầu tiên là của một em bé người Nhật về thảm cảnh của sự ác. Một sự ác mà không ai hiểu nổi, như là cuộc động đát vừa qua. Một sự xấu xa như là một bí ẩn về sự đau khổ của những kẻ vô tội.

Nhưng Đức Bênêđictô XVI đã đi thẳng vào vấn đề này. Ngài đã giải thích trong cuộc tiếp kiến chung vào ngày Thứ Tư Tuần Thánh và trong bài giảng của Ngài trong Thánh Lễ Làm Phép Dầu vào buổi sáng ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Lần dầu tiên ngài ứng khẩu không nhìn vào giấy. Lần thứ hai bài viết cầm trong tay ngài nói lên những lời phát xuất tự đáy con tim.

Qua những nghi thức về Lễ Phục Sinh, đem lại cho chúng ta hiểu thêm quan điểm của Ngài là đem con người đến gần với Thiên Chúa là việc ưu tiên trong triều đại của Ngài. . .Một Thiên Chúa có vẻ xa xăm, nhưng trên thực tế, là luôn luôn đi tìm kiếm con người lạc loài.

Ngài nói về bài thánh ca “Dies iras” (Ngày tận thế), bài hát này không còn dùng trong phụng vụ vì gieo kinh hoàng, nhưng cũng nói lên long nhân ái bao la, như khi diễn tả”Quaerens me, sedisti lassus”, và ngài đã dịch ra như sau: Khi ngươi đi tìm kiếm Ta, người đã ngồi xuống trong mệt mỏi. . .Nhưng những cố gắng của ngươi cũng không có uổng công!”.

Và ai đã đọc về cuộc phiêu lưu của Thiên Chúa “Ngài đã hướng đến chúng ta bởi một ình yêu trong trắng và bởi vì vậy nên đã làm người và đến tận cùng trong vực thảm của kiếp sống con người, cho đến đêm tối trong sự chết.

Giấc ngủ của các môn đệ Chúa trên Núi Cây Dầu, trong lúc Chúa Giêsu chấp nhận uống chén đắng của cuộc khổ nạn, Đức Bênêđictô XVI nói trong cuộc tiếp kiến chung vào ngày Thứ Tư Tuần Thánh – đó chính là sự không xúc cảm của chúng ta đối với Thiên Chúa dẫn đến việc dửng dưng với sức mạnh của sự ác xấu xa trong thế giới.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh là :”Hãy luôn đi tìm kiếm khuôn mặt của Thiên Chúa” khi nói đến thánh vịnh 105.. Đó cũng chính là những điều ngài đã giảng dạy mà chúng ta đã được nghe trong bài diển thuyết năm 2008 ở Paris về “quaerere Deum”, nghĩa là đi tìm kiếm Thiên Chúa như là căn bản nguồn gốc của nền văn minh Tây Phương. (nguồn tin Chiesa).
 
Sự sụp đổ của nền văn hóa Kitô Giáo Tây Phương (tiếp theo và hết)
Nguyễn Kim Ngân
12:59 27/04/2011
SỰ SỤP ĐỔ CỦA NỀN VĂN HÓA KITÔ GIÁO TÂY PHƯƠNG

(tiếp theo và hết)

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, D.D., J.C.D.

Nguyên Tổng Giám Mục Giáo Phận Saint Louis (Hoa Kỳ)

Đương Kim Chánh Án Toà Tối Cao

Bài thuyết trình trước Tổng Hội Sinh Viên Công Giáo Úc Đại Lợi của ĐHY Burke vào ngày 20 tháng 02 năm 2011 có thể coi như một sự khai triển ý tưởng của Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Biển Đức XVI trong cuốn sách ngài viết một thời gian ngắn trước khi lên ngôi Giáo Hoàng: “Christianity and The Crisis of Cultures” (Kitô giáo và cuộc khủng hoảng của các nền văn hoá) do Ignatius xuất bản vào năm 2006 (bản dịch từ nguyên tác bằng tiếng Ý: “L’Europa di Benedetto nella crisi delle culture,” do Edizioni Cantagalli, Siena, xuất bản năm 2005).

Rốt cuộc, muốn phục hưng một nền văn hóa Kitô giáo vốn đã kiến tạo ra nền văn minh của Tây Phương, và đã gây ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới, dường như không có phương cách nào khác ngoài con đường sống thánh. Chỉ mới đây thôi, trong buổi triều yết hàng tuần, nhân kết thúc chương trình dậy giáo lý kéo dài hai năm tập trung vào các thánh và các vị tiến sĩ của Hội Thánh, ĐGH Biển Đức XVI đã tuyên bố rằng làm thánh không có gì là phức tạp cả, mà trái lại dễ cứ như đếm ‘một, hai, ba’ vậy. Này nhé: (1) Đi dự Lễ Chúa Nhật; (2) Sớm tối tưởng nhớ và kết hiệp với Chúa; và (3) Suốt cả ngày làm gì cũng theo sát Mười Điều Răn Ngài (xem “Holiness: Easy as 1, 2, 3” trong zenit.org ngày 13 tháng 4 năm 2011). Tuy nhiên, cần phải tỉnh táo và canh thức, bởi lẽ chính khi ta mê ngủ trước sự hiện diện của Chúa, là lúc ta trở thành vô cảm trước tội lỗi và sự ác. Dửng dưng với Chúa thì ta sẽ ra chai lỳ trước tội lỗi. (xem “Indifference to God brings Indifference to Evil,” trong zenith.org, ngày 25 tháng 4, 2011).

Xin tiếp tục cống hiến bạn đọc phần tiếp (cũng là phần chót) bản lược dịch bài thuyết trình của ĐHY Raymond Burke. Xin xem “The Fall of the Christian West” theo địa chỉ sau đây: www.catholicculture.org/culture/library/view.cfm?recnum=9567


Sống Thánh: Chương Trình của công cuộc Tân Phúc Âm Hóa

Đối diện với thách đố của đời Kitô hữu trong một thế giới hoàn toàn duy tục, Đấng Đáng Kính--sắp sửa lên hàng Chân Phước—là ĐGH Gioan Phaolô II đã mời gọi ta tham gia công cuộc Tân Phúc Âm Hóa. Đó là giảng dậy đức tin, cử hành đức tin trong các bí tích, kinh nguyện và lòng sùng kính, cũng như sống niềm tin bằng việc thực hành các nhân đức, y như thể mới làm lần đầu tiên, có nghĩa là với sự dấn thân và nhiệt tình của các môn đệ và tông đồ tiên khởi tại chính nơi ta đã sinh trưởng. Trong tình huống nghiêm trọng của thế giới hôm nay, ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhở rằng, cũng y như các môn đệ tiên khởi ngày xưa, sau khi đã nghe Thánh Phêrô rao giảng vào dịp lễ Ngũ Tuần, ta cũng phải hỏi ngài: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Và cũng giống các môn đệ tiên khởi đó đã phải đối diện với một thế giới ngoại đạo chưa hề được nghe biết Chúa Giêsu Kitô, thì ta cũng đang phải đối đầu với một nền văn hóa lãng quên Thiên Chúa và thù nghịch với lề luật mà Ngài đã viết trong tâm hồn mỗi con người.

Đứng trước thách đố lớn của thời đại, ĐGH Gioan Phaolô II đã cảnh báo rằng ta sẽ không thể nào cứu được mình và cứu được thế giới này bằng việc tìm ra “một công thức thần diệu” hay “phát minh ra một chương trình mới.” Ngài bảo rõ rằng: “Không, ta không thể được cứu rỗi bởi một công thức, mà phải bởi một Nhân Vật, một Ngôi Vị, với lời Ngài đoan hứa: Ta luôn ở với con.”

Ngài lưu ý rằng cái chương trình ta đem ra đối lại với thách đố gay go về mặt tinh thần của thời đại rốt cuộc phải là chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng hằng sống trong Hội Thánh. Ngài giải thích như sau: “Chương trình đã có sẵn rồi: đó là kế hoạch tìm thấy trong Phúc Âm và trong Thánh Truyền, lúc nào cũng chỉ một kế hoạch ấy thôi. Trọng tâm của nó chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng phải được biết đến, yêu thương và noi theo, ngõ hầu nơi Ngài, ta có thể sống đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, để rồi cùng với Ngài biến đổi lịch sử cho tới khi nó viên thành trong Giêrusalem thiên quốc. Chương trình này không hề đổi thay với thời gian và theo sau các nền văn hóa, cho dù nó dùng thời gian và các nền văn hóa đó nhằm đến một cuộc đối thoại chân thực và sự thông đạt hữu hiệu.”

Tóm lại, đối với mỗi người chúng ta, chương trình dẫn đến tự do và hạnh phúc chính là sống thánh.

Quả vậy, Đấng Đáng Kính GH Gioan Phaolô II đã phác họa toàn thể kế hoạch mục vụ cho Hội Thánh trên nền tảng là sự thánh thiện. Ngài giải thích như sau: “Phác họa kế hoạch mục vụ trên nền sự thánh thiện là một chọn lựa kéo theo nhiều hậu quả. Nó bao hàm niềm xác tín rằng, do bởi Phép Thánh Tẩy là cửa ngõ đích thực dẫn vào nguồn thánh thiện của Thiên Chúa qua việc hòa nhập với Đức Kitô và cư ngụ trong Thánh Thần Ngài, vì thế thật là mâu thuẫn nếu ta chỉ hướng đến một nếp sống tầm thường, mang ấn dấu của một thứ đạo đức tối thiểu, và một tâm tình tôn giáo nông cạn. Khi hỏi người tân tòng: ‘con có muốn lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy’ không? thì cũng có nghĩa là ta đang hỏi họ rằng: ‘con có muốn nên thánh’ không? Nói khác đi, ta đang bầy ra trước mặt họ cái bản chất căn cốt của Bài Giảng Trên Núi: “các con hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời của các con là đấng hoàn thiện” (Mt. 5:48).

Tiếp đó, trích lời Công Đồng Vaticanô II, ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhở rằng “ta không nên hiểu lầm lý tưởng thánh thiện là một hiện hữu ngoại thường, chỉ dành cho một thiểu số “anh hùng ngoại lệ.” ĐGH dậy rằng: ngay cả cuộc sống hàng ngày của ta cũng mang chất phi thường là bởi vì nó được sống trong Chúa Kitô, và bởi thế, có thể làm phát sinh nơi ta một nét thánh thiện đẹp đẽ vô song. Ngài nói: “Đường thánh thiện thì muôn ngàn nẻo, tùy theo ơn gọi mỗi người. Cha cảm tạ Chúa vì trong những năm gần đây Ngài đã cho Cha được phúc tôn phong một số lớn Kitô hữu, trong số này có nhiều giáo dân nhưng đã đạt được mức thánh thiện ngay trong các tình huống bình thường nhất của cuộc đời. Đã đến lúc phải nhiệt tình đề nghị cho mọi người cái mức tiêu chuẩn cao này của đời sống Kitô hữu bình thường: toàn thể đời sống cộng đoàn Kitô hữu và gia đình Kitô hữu là phải đi theo chiều hướng này. Khi chứng kiến nơi ta sự cải hóa đời sống hàng ngày trong ý hướng đạt mức tiêu chuẩn thánh thiện cao, các anh chị em chúng ta sẽ khám phá ra mầu nhiệm lớn trong chính đời sống hàng ngày của họ, trên dòng đời ấy, Thiên Chúa hằng ngày vẫn tuôn đổ xuống nguồn tình yêu vô biên và không ngưng nghỉ của Ngài.

Tháng Mười Một vừa qua, trong chuyến hành hương về lễ đài Thánh Giacôbê Cả tại Compostela, nước Tây Ban Nha, ĐGH Biển Đức XVI đã thúc dục dân chúng Âu Châu nhận ra hồng ân cao cả là tình yêu Thiên Chúa ban xuống cho thế giới này, trong Đức Giêsu Kitô, và dấn bước theo Ngài trên đường sống thánh. Những lời ngài nói với dân chúng Âu Châu vốn đang lãng quên Thiên Chúa và thù nghịch với giới luật Ngài, cũng áp dụng được cho các quốc gia không-Kitô khác. Những lời này khi lồng trong khung cảnh hành hương thì càng ngời sáng hơn bởi vì mục tiêu hành hương là mở mắt ra để nhìn thấy mầu nhiệm lớn lao của tình yêu Chúa trong đời ta, nghĩa là, để nhìn thấy bản chất phi thường của đời sống bình thường. Ta hãy lắng nghe ngài nói: “Thiên Chúa là nguồn sống của ta. Ngài là nền tảng và chóp đỉnh của tự do, chứ không phải đối kháng lại tự do. Làm thế nào để người phàm có thể xây dựng được một căn bản vững chắc, và làm thế nào tội nhân có thể hòa giải được với chính mình? Tại sao ai nấy đều thinh lặng trước thực tại đầu tiên và cốt yếu của đời sống con người? Tại sao cái điều mang tính chất quyết định trong đời sống lại bị giam hãm tù túng nơi khu vực riêng tư cá nhân hoặc bị đẩy lùi vào bóng tối? Ta không thể sống trong bóng tối, không nhìn thấy mặt trời. Thế thì làm thế nào mà Thiên Chúa, vốn là nguồn sáng của tâm trí, năng lực của ý chí, và sức hút của trái tim, lại bị chối bỏ quyền dọi sáng để xua tan đi bóng tối ngập tràn? Chính vì thế mà ta cần phải lắng nghe Thiên Chúa một lần nữa dưới bầu trời Âu Châu này; xin cho những lời thánh thiện này không được thốt ra vô ích, hoặc được sử dụng cho một mục đích khác. Nó phải được nói lên một cách thánh thiện. Ta phải lắng nghe lời ấy trong cuộc sống hàng ngày, trong thinh lặng của công việc, trong tình huynh đệ, và trong những khó khăn đến theo thời gian.” Những lời này của vị Cha Chung đã nêu rõ tính năng động cố hữu của đời sống trong Thánh Thần nơi ta, khiến ta trở nên chứng nhân của mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa trong đời và biến cải đời ta hướng về Chúa Kitô một cách trọn vẹn hơn cũng như góp phần biến đổi thế giới.

Sống Thánh và Chứng Tá Căn Bản cho Sự Thật về Dục Tính Con Người.

Giờ đây, điều cần thiết là nêu rõ mối tương quan giữa việc thực hành các nhân đức trong sạch, khiết tịnh, và nết na, nghĩa là sống sự thật về dục tính và sự sống con người, và thực hành công bình. Việc tôn trọng sự sống con người thì gắn chặt với việc tôn trọng sự toàn vẹn của hôn nhân và gia đình. Việc tấn công vào sự sống vô tội và không tự vệ được của các thai nhi, chẳng hạn, đã khởi phát từ cái nhìn sai lạc về dục tính con người, đưa đến việc sử dụng các phương tiện cơ học hay hóa học để triệt hạ cái bản chất mang tính sản sinh cốt thiết của hành vi vợ chồng. Sự sai lầm là ở chỗ cho rằng cái hành vi vốn đã bị cải biến một cách nhân tạo vẫn còn mang tính trọn vẹn của nó. Sai lầm cũng là ở chỗ cho rằng hành vi ấy vẫn mang tính kết hợp hay ân ái, cho dù bản chất sản sinh của nó đã bị vi phạm triệt để. Quả thế, không còn mang tính kết hợp nữa, nếu một trong hai người phối ngẫu cứ khư khư giữ lại một phần cốt yếu của món quà tự hiến, vốn là cốt tủy của sự phối hợp vợ chồng. Cái gọi là “não trạng ngừa thai” không là gì khác hơn ngoài việc chống lại sự sống. Quả thế, muôn vàn các hình thức gọi là ngừa thai không là gì khác hơn là phá thai, nghĩa là, chúng phá hủy đi một mầm sống đã thụ thai, đã khởi đầu.

Thủ thuật nhào nặn hành vi vợ chồng, như Đầy Tớ Chúa GH Phaolô VI đã can đảm nhận định, đã đưa đến không biết bao nhiêu là hình thức bạo lực cho đời sống hôn nhân và gia đình. Theo với đà lan tràn của não trạng ngừa thai, nhất là nơi giới trẻ, dục tính con người không còn được nhìn như là món quà từ Thiên Chúa, vốn lôi kéo người nam và người nữ lại với nhau, trong mối dây yêu đương trọn đời và trung thành, được kết triều thiên bằng món quà là một mầm sống mới, mà trái lại, chỉ là một dụng cụ để thỏa mãn cá nhân. Một khi sự phối hợp tính dục không còn được nhìn nhận là tự bản chất phải mang tính sản sinh, thì dục tính con người tất sẽ bị lạm dụng dưới nhiều dạng thức nhưng tất cả đều gây phương hại sâu xa, thậm chí hủy hoại luôn cả cá nhân lẫn xã hội. Chỉ cần nghĩ đến sức công phá đang hàng ngày xẩy đến cho cả thế giới xuất phát từ kỹ nghệ hình ảnh khỏa thân trị giá hàng tỉ Mỹ kim. Muốn cải biến nền văn hóa Tây phương, tự căn bản, phải công bố sự thật về sự phối hợp vợ chồng, một cách tròn đầy trọn vẹn, và phải chấn chỉnh lại lối suy nghĩ ngừa thai lúc nào cũng sợ hãi sự sống, sợ hãi sinh sản.

Cần ghi nhận rằng, trong Thông Điệp ‘Caritas in Veritate,’ ĐGH Biển Đức XVI đã đặc biệt quy chiếu vào Thông Điệp Humanae Vitae, cho thấy tầm quan trọng của nó trong việc ‘diễn trình cái ý nghĩa nhân bản trọn vẹn của việc phát triển mà Hội Thánh đề nghị.” Đức đương kim GH đã minh định rằng giáo huấn của Humanae Vitae không hề đơn giản là một vấn đề “luân lý cá nhân,” như sau: “Humanae Vitae cho thấy mối dây liên kết bền chặt giữa đạo đức về sự sống và đạo đức về xã hội, được trình bầy trong một lãnh vực mới của Huấn Quyền vốn đã dần dần được phơi bầy trong hàng loạt văn kiện, mới nhất là Thông Điệp Evangelium Vitae của ĐGH Gioan Phaolô II.”

ĐGH lưu ý ta về tầm quan trọng thiết yếu của việc thấu hiểu đúng đắn về dục tính trong việc phát triển con người chân chính.

Nói về vấn đề sinh sản, ĐGH Biển Đức XVI nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hiểu cho thật đúng về dục tính con người, về hôn nhân và gia đình. Ngài viết: “Vì quan tâm lo lắng đến việc phát triển con người đích thực mà Hội Thánh hằng thúc dục con người tỏ lòng tôn trọng trọn vẹn những thiện hảo nhân bản trong việc hành xử dục tính. Không thể nào giản lược nó đơn thuần như thú vui hoặc tiêu khiển. Cũng không thể giảm hạ việc giáo dục phái tính trở thành việc chỉ dẫn thuần túy kỹ thuật để chỉ nhằm bảo vệ những người trong cuộc khỏi nhiễm bệnh hay “nguy cơ” sinh đẻ. Làm như thế chính là làm nghèo đi và không đoái hoài tới ý nghĩa của dục tính, một ý nghĩa cần được cả cá nhân lẫn cộng đồng nhìn nhận và đảm nhận.”

Việc phục hồi sự tôn trọng tính toàn vẹn của hành vi vợ chồng là điểm thiết yếu đối với tương lai của nền văn hóa Tây phương, đối với sự thăng hoa của nền văn hóa sự sống. Theo ngôn từ của ĐGH Biển Đức XVI thì “một lần nữa cần phải làm cho thế hệ tương lai thấy rõ được nét tươi đẹp của hôn nhân và gia đình. Cũng cần cho họ thấy rằng hai cơ chế hôn nhân và gia đình đáp ứng được các nhu cầu sâu xa nhất cũng như phẩm giá của con người.” Ngài còn ghi nhận rằng: “Chính quyền được mời gọi để ban hành các chính sách nhằm thăng tiến tính trung tâm và tính toàn vẹn của gia đình được đặt nền trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, vốn là tế bào tiên khởi của xã hội, và đảm lãnh trách nhiệm đối với các nhu cầu kinh tế và tài chánh của nó, trong khi tôn trọng tính cách tương quan thiết yếu của nó.”

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo nhắc nhở ta rằng “sự phóng túng luân lý xuất phát từ một quan niệm sai lạc về tự do con người” và “điều kiện tiên quyết của việc phát triển tự do chân thật chính là để cho mình được luật luân lý giáo huấn cho.” Như thấy rõ từ những suy tư trên, tự do cá nhân nói riêng, và tự do xã hội nói chung, đều tùy thuộc vào một nền giáo dục căn bản trong sự thật về dục tính con người và việc thi hành sự thật đó qua một nếp sống trong sạch và khiết tịnh. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo dậy rằng: “Những ai đảm nhiệm việc giáo dục thì có bổn phận giáo huấn giới trẻ biết tôn trọng sự thật, phẩm chất của trái tim, và phẩm giá luân lý cũng như thiêng liêng của con người” (số 2526). Đối với người Kitô hữu, tự căn bản, đó chính là việc giáo dục để sống thánh, để tôn trọng phẩm giá bất khả nhượng của con người mình, bao gồm cả hồn lẫn xác, và tôn trọng phẩm giá người khác như chính mình vậy.

Lương Tâm, Hướng Dẫn Viên Không Sai Lầm để Sống Thánh

Nếu muốn sống thánh, sống trọn vẹn hơn và trung thành hơn với Chúa Kitô, nghĩa là, dâng đời mình cho Chúa Kitô, không dè giữ, thì trái tim ta phải đi tìm kiếm nguồn khôn ngoan và sức mạnh nơi Trái Tim Chúa Giêsu, một trái tim bị đâm thâu; lương tâm ta phải được đào luyện để lắng nghe tiếng Chúa mà thôi, và từ chối điều gì làm suy yếu hay một cách nào đó triệt hạ việc ta làm chứng tá cho sự thật mà Ngài đã dậy dỗ ta qua Hội Thánh. Bằng lời kinh và việc đạo đức hàng ngày cũng như bằng việc học Giáo Lý của Hội Thánh và Huấn quyền, lương tâm ta được đào tạo theo ý Chúa, theo Luật của Ngài vốn là sự sống của ta.

Lương tâm, tiếng nói của Chúa, thỏ thẻ vào lòng ta--nói theo ngôn từ của Chân Phước HY Gioan Henry Newman--thì đó chính là “vị Đại Diện Chúa Kitô đích thực.” Có nghĩa là lương tâm lúc nào cũng ăn khớp với chính Chúa Kitô là đấng giáo huấn và thông đạt cho ta qua vị Đại Diện Ngài là ĐGH, cùng với các vị Giám Mục hiệp thông với ngài. Cũng Chân Phước HY Newman đã ghi nhận rằng: “Lương tâm chính là sứ giả của Đấng--cả về mặt tự nhiên lẫn về mặt ân sủng—đang nói với ta từ phía sau bức màn, và giáo huấn chỉ dậy ta qua các vị đại diện của Ngài.”

Ngày nay ta cần lưu ý đến một khái niệm sai lạc về lương tâm, cố tình sử dụng lương tâm để biện minh cho các hành vi tội lỗi, đối kháng lại lời mời gọi nên thánh. Trong diễn từ Giáng Sinh 2010 đã viện dẫn, ĐGH đã suy tư về khái niệm lương tâm, được mô tả rất trung thực và trong sáng trong tác phẩm của Chân Phước HY Newman, để đối lại với quan niệm sai lạc về lương tâm đang phổ biến trong thế giới hôm nay, như sau:

“Ngày nay, từ ngữ ‘lương tâm’—xét về các vấn nạn luân lý và tôn giáo—có nghĩa là cái chiều kích chủ quan, là cá nhân, là cái cấu thành thẩm quyền quyết định cuối cùng. Thế giới được chia làm hai lãnh vực: khách quan và chủ quan. Lãnh vực khách quan bao gồm những gì có thể tính toán và kiểm chứng được bằng thí nghiệm. Tôn giáo và luân lý nằm ngoài tầm với của các phương pháp này, và vì thế, được coi như thuộc lãnh vực chủ quan. Nói cho cùng, không hề có những tiêu chuẩn khách quan. Do đó, thẩm quyền tối hậu ở đây chính là một mình chủ thể mà thôi, và đó chính là điều từ ngữ ‘lương tâm’ muốn diễn đạt: trong lãnh vực này, chỉ một mình cá nhân, với trực giác và kinh nghiệm, mới có thể quyết định. Lối hiểu lương tâm của Newman thì hoàn toàn trái ngược với quan niệm nêu trên. Với Newman, ‘lương tâm’ có nghĩa là khả năng con người hướng về sự thật: đó là khả năng nhận ra chân lý, chân lý nguyên tuyền, chính trong các lãnh vực mà con người có thể quyết định được trong cuộc sống mình—đó là tôn giáo và luân lý. Cùng lúc đó, lương tâm—xét như khả năng con người hướng về sự thật—áp đặt trên nó cái bổn phận phải bước theo con đường sự thật, tìm kiếm sự thật, và khi tìm thấy thì đầu phục sự thật. Lương tâm vừa là khả năng hướng về sự thật, lại vừa là sự tuân phục sự thật vốn sẽ tự mạc khải ra cho người nào đi kiếm tìm sự thật với tất cả cõi lòng rộng mở.”

Chính vì thế, lương tâm không hề đặt ta làm trọng tài phân xử điều đúng và điều thiện hảo, nhưng nối kết ta lại trong việc theo đuổi chính sự thật là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta là đấng duy nhất phân xử điều đúng và điều thiện hảo, ngõ hầu tư tưởng, lời nói, và việc làm của ta đem sự thật đó ra mà thi hành.

Cũng trong cùng diễn từ Giáng Sinh năm ngoái đó, ĐGH Biển Đức XVI đã giải thích một đoạn văn của Chân Phước HY Newman, một đoạn văn đã thường bị hiểu sai, cố ý lèo lái nhằm hỗ trợ cho khái niệm chủ quan sai lầm về lương tâm. Ngài ghi nhận như sau:

“Để hỗ trợ cho lối biện luận rằng quan niệm của Newman về lương tâm thì ăn khớp với lối hiểu đầy chủ quan của con người thời đại, người ta thường trưng dẫn lá thư trong đó Newman có nói rằng--nếu phải nâng ly rượu đối ẩm—thì ngài sẽ cạn chén với lương tâm trước rồi mới cụng ly với Giáo Hoàng sau. Thế nhưng, trong lời phát biểu này, ‘lương tâm’ không hề có nghĩa là phẩm cách trói buộc tối hậu của trực giác chủ quan. Nó chỉ muốn diễn tả tính dễ tiếp cận và lực trói buộc của sự thật: chính trên nền tảng này mà lương tâm được xây dựng. Ly thứ hai là cùng cạn chén với ĐGH bởi lẽ ngài có trách nhiệm yêu cầu ta phải vâng phục sự thật.”

Nói khác đi, không bao giờ có sự đối kháng giữa điều lương tâm đòi buộc và điều chân lý đức tin đòi hỏi nơi ta, như ĐGH công bố. Quả vậy, lương tâm lôi kéo ta vào sự thấu hiểu chân lý ngày một sâu xa hơn và gắn bó với chân lý ấy qua tư tưởng, lời nói và việc làm.

Sống Thánh và Tử Đạo vì Đức Tin

Chứng tá cho việc sống thánh chính là tử đạo, dưới hình thức này hay hình thức khác. Theo lời Kinh Thánh, đó là chết cho mình để sống cho Chúa Kitô (2Cor 5:15; 1Pet 2:24). Đây là điều Đầy Tớ Chúa LM Gioan A. Hardon gọi lả “sự kiện rõ rệt sờ sờ của việc theo Chúa thực sự.” Nói tới tử đạo, ta thường nghĩ ngay đến các vị đã đổ máu ra để minh chứng lòng trung thành yêu mến Chúa, các vị đã bị sát hại vì người ta căm ghét Chúa Kitô và niềm tin Kitô giáo. Tử đạo bằng máu là chứng tá cao cả nhất và là gương sáng minh chứng tình yêu hằng ngày ta dành cho Chúa Kitô, cho dù ta không bị đòi buộc phải đổ máu. Qua tử đạo, các thánh lôi kéo nhiều ơn lành xuống cho đời ta sống hằng ngày. Nói theo lời Đầy Tớ Chúa LM Hardon, thì “qua những đau khổ các ngài phải chịu, ta như trở thành giầu có hơn, bởi lẽ, qua công nghiệp các ngài, toàn thể Hội Thánh trở nên thánh thiện hơn.”

Là một người chồng và một người cha, đồng thời cũng là một chức sắc thế giá dưới triều Hoàng Đế Henri VIII, Thánh Tôma More đã tử đạo vì đức tin vào thế kỷ thứ 16. Dù bị giam tù chờ ngày chịu án tử hình, ngài kiên trì lắng nghe tiếng Chúa, hơn là lắng nghe những lời người phàm thuyết phục ngài hành động theo lối suy nghĩ của loài người, chứ đừng theo sự khôn ngoan của Chúa và lề luật luân lý. Vào ngày xử án, mùng 1 tháng 7 năm 1535, Thánh Tôma More đã nắm chặt Thánh Truyền của Hội Thánh, để theo tiếng lương tâm, nhất quyết không nhìn nhận Hoàng Đế Henri VIII như Thủ Lãnh Tối Cao của Hội Thánh. Khi nghe vị Chưởng Ấn bảo rằng có biết bao nhiêu Giám Mục và chức sắc đã nhìn nhận như thế rồi, Thánh Tôma More trả lời: “Thưa ngài, nếu ngài có một giám mục thì tôi lại có cả trăm vị thánh; nếu ngài có một nghị viện, thì tôi cũng có các Công Đồng Chung cả ngàn năm nay…” Khi Nam Tước xứ Norfolk tố cáo ngài trả lời gian dối, Thánh Tôma More đáp lại rằng: “Những điều tôi nói đều xuất phát từ lương tâm và sự an bình trong đáy tim tôi, có Thiên Chúa là đấng thấu tỏ lòng người chứng giám.” Thế là ngài bị kết án tử hình. Bản án đến từ sự căm ghét niềm tin Công giáo và giáo huấn của Thánh Phêrô là đấng Đại diện Chúa Kitô trên trần gian. Khi lên đoạn đầu đài, Thánh Tôma More đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi chết như là trung thần của Hoàng Đế, nhưng trước hết và trên hết, như là trung thần của Thiên Chúa.” Thánh Tôma More đã phục vụ vua mình một cách hoàn hảo bằng cách vâng lời Chúa là đấng mạc khải chân lý Ngài qua lương tâm mình, vốn được giáo huấn và thông truyền bởi gương sáng các thánh trong Hội Thánh cũng như bởi Huấn Quyền. Cũng vậy, ta chỉ phục vụ anh chị em mình một cách hoàn hảo khi ta lắng nghe tiếng lương tâm mình mà trung thành phục vụ Chúa và không bao giờ thỏa hiệp.

Trong dịp Tông Du Vương Quốc Anh năm ngoái, qua diễn từ tại Điện Westminster, ĐGH Biển Đức XVI đã suy tư về về các vấn nạn mà Thánh Tử Đạo Tôma More đã tiếp tục đặt ra cho ta như những người kết hợp nên một với Chúa trong Hội Thánh Chíến Đấu, Đau Khổ và Khải Hoàn. Ngài giải thích rằng: “Các vấn nạn căn bản trong vụ xử ánThánh Tôma More vẫn tiếp tục đặt ra cho ta bằng những hạn từ luôn luôn đổi thay trong những tình huống xã hội mới. Trong khi tìm cách đẩy mạnh công ích, mỗi thế hệ phải tự hỏi: đâu là những đòi hỏi mà chính quyền có thể áp đặt một cách hợp lý trên người công dân, và áp đặt tới mức độ nào? Phải nại vào thẩm quyền nào để giải quyết các vấn đề lưỡng nan luân lý? Các vấn đề này dẫn ta đến thẳng những nền tảng đạo đức của công luận. Nếu các nguyên tắc luân lý làm nền tảng cho tiến trình dân chủ không là gì khác hơn là sự đồng thuận có tính cách xã hội thì rõ ràng là các tiến trình này sẽ dễ lung lay – chính đây là thách đố thực sự của mọi nền dân chủ.”

Ngày nay, niềm tin của ta cũng đang phải đối diện với một thách đố tương tự như thời Thánh Tôma More. Đứng trước cao trào phản-sự-sống và phản-gia-đình của bao nhiêu người đang nắm quyền trong nền văn hóa hôm nay, ta hãy cầu xin, nhờ Thánh Tôma More cầu bầu, cho ta được luôn trung thành và can đảm yêu mến Chúa Kitô nơi mỗi người anh chị em ta, nhất là những ai đang sống trong hoàn cảnh khó khăn mà Chúa gọi là “những người bé mọn” nhất trong số những anh chị em của Ngài.”

Ngoài ra còn có tử đạo bằng bách hại nữa. Cha Hardon giải thích như sau: “Không phải người tín hữu nào chịu đau khổ vì Chúa thì cũng đều chết vì Ngài cả đâu. Sự chống báng đức tin và lối sống Kitô hữu không phải đều kết thúc bằng sự chết đầy bạo lực dành cho các nạn nhân bị bách hại. Do đó, cần phân biệt tử đạo bằng máu và tử đạo không đổ máu vì bị áp bức, vốn không thua kém-- mà có khi còn nhiều đau khổ hơn--tử đạo bằng máu nữa.”

Cứ nghĩ đến việc bách hại các anh chị em ta ở Trung Quốc hay tại một số quốc gia Hồi giáo mà xem. Bề ngoải có vẻ như được tự do, vì không bị giam tù, nhưng thực ra, “những người đó đều bị tước lột hết mọi thứ tự do của con người trong việc hành đạo và phụng sự Thiên Chúa theo niềm tin của mình.”

Suy nghĩ sâu xa hơn về tử đạo áp bức, ta còn nhận ra rằng tại một số quốc gia mang tiếng là tự do, có những chính sách và luật lệ rõ ràng là áp bức người Kitô hữu trong việc tuân thủ luật luân lý tự nhiên. Chẳng hạn như người bác sĩ bị toà án dân sự bó buôc phải ghi toa các thứ thuốc phá thai, hoặc trường hợp có vị linh mục bị toà án dân sự cáo buộc tôi sử dụng “lời lẽ căm ghét” chỉ bởi vì ngài giảng dậy về tính tai ác tự thân của hành vi đồng tính. Không phải là vô cớ mà ngày càng thấy nỗi lo ngại gia tăng về việc Hội Thánh không còn có thể đảm trách các công trình giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và công tác bác ái tại một số quốc gia bởi vì luật dân sự đòi buộc các công trình của Hội Thánh phải cộng tác với các hành vi vốn luôn luôn và hoàn toàn sai trái.

Đầy Tớ Chúa LM Hardon trích dẫn một đoạn sách Khôn Ngoan về việc người vô thần bách hại người đạo hạnh vốn bị coi như một “lời quở trách đối với họ.” Đoạn sách cho thấy lối suy nghĩ của những kẻ chống báng đức tin như sau:

10“ Ta hãy bức hiếp tên công chính nghèo hèn,

kẻ goá bụa, ta đừng buông tha,

bọn tóc bạc già nua, cũng chẳng nể.

11 Sức mạnh ta phải là quy luật của công lý,

vì yếu đuối chẳng làm nên chuyện gì.

12 Ta hãy gài bẫy hại tên công chính,

vì nó chỉ làm vướng chân ta,

nó chống lại các việc ta làm,

trách ta vi phạm lề luật,

và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.

13 Nó tự hào là mình biết Thiên Chúa,

xưng mình là con của Đức Chúa.

14 Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta,

thấy mặt nó thôi là ta chịu không nổi.

15 Vì nó sống thật chẳng giống ai,

lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị.” (Sách Khôn Ngoan 2: 10-15)


Khi việc tuân thủ luật luân lý gậy ra chống đối, ta phải nhớ rằng, khi sống trong Chúa Kitô, ta trở thành một dấu mâu thuẫn đối với lề lối suy nghĩ của thế gian. Đời ta trở thành như lời quở trách vì vi phạm luật luân lý, không phải vì mục đích quở trách, mà vì muốn góp phần cứu độ trần gian.” Ta cũng phải nhớ rằng, cũng như các vị tử đạo, chứng tá của ta cũng sẽ giúp làm thay đổi xã hội, và rồi ra sẽ bảo vệ cũng như nuôi dưỡng đời sống con người.

Sau cùng, có tử đạo bằng chứng tá, là hình thức phổ biến nhất, gắn liền với đời sống Kitô hữu. Nó có thể mặc hình thức chịu đựng tư thù hoặc sự dửng dưng khi làm chứng sống đạo. Đầy Tớ Chúa LM Hardon mô tả tử đạo bằng chứng tá như sau: “Tất cả những gì ta thấy về tử đạo bởi bạo lực thì đều lặp lại ở đây, có khác chăng là ở phương cách chống báng. Ở đây, người tín hữu kiên cường tuân theo huấn quyền Hội Thánh; người tôi tớ trung thành với ĐGH; người mục tử đầy xác tín giảng dậy giáo lý chân chính; người tu sĩ hiến thân sống trung thành với các lời khấn thanh bần chân thật, thanh tịnh liêm chính, và vâng phục chân thành; những bậc làm cha mẹ chăm lo giáo huấn con cái về tôn giáo và luân lý, sẵn sàng hy sinh quảng đại để xây dựng và săn sóc cho một gia đình Kitô giáo—dù là cha mẹ tự nhiên hay cha mẹ nuôi--tất cả những người này không tránh được những phê phán gay gắt và chống báng công khai. Tuy nhiên, họ phải đặc biệt chuẩn bị sẵn sàng sống trong một bầu khí lạnh lùng đối với niềm tin sâu xa nhất của mình.”

Sự thù nghịch và nỗi dửng dưng ngày càng lan rộng đối với niềm tin ta đang ôm ấp trong lòng sẽ cám dỗ ta buông xuôi nản chí, có khi đi đến chỗ tránh né làm chứng cho đức tin giữa nơi công cộng. Thế nhưng, sự tử đạo ta được mời gọi và được thánh hiến cũng như kiện cường bằng Bí Tích Thanh Tẩy và Thêm Sức đòi buộc ta làm chứng không mệt mỏi, vì tin rằng Chúa sẽ đem lại hoa trái tốt lành. Đứng trước hiện tình gia đình đổ vỡ, mạng sống của trẻ vô tội không thể tự vệ bị tấn công dồn dập, sự kết hợp hôn nhân nguyên tuyền trong xã hội hôm nay bi vi phạm nặng nề, thì lời mời goị tử đạo bằng chứng tá xem ra càng khẩn thiết hơn.

Tới một mức độ nào đó, như Cha Hardon giải thích, một hình thức chứng tá căn bản và cốt yếu chính là sự hiến thân cho việc giảng dậy lành mạnh về niềm tin, vốn là điều kiện cho việc yêu mến và phục vụ đức tin. Bởi đó, ngài hiến dâng những tháng ngày còn lại của đời mình với chút tàn lực để xây dựng và làm phát triển Công Cuộc Tông Đồ Giáo Lý của Đức Mẹ, nhằm đào tạo các giáo lý viên vững về linh đạo và sâu về giáo lý. Đứng trước những thách đố lớn trong việc giảng dậy đức tin Công giáo trong thời đại chúng ta, ngài nhắc các giáo lý viên nhớ đến những môn đệ tiên khởi, là các Kitô hữu thời sơ khai, với ơn Chúa giúp, đã trung thành rao giảng một cách hiệu quả cho một thế giới ngoại đạo, với cái giá là chính máu đào của mình.

Khi đặt chân đến vùng đất này (Úc Đại Lợi), tôi không thể không nói đến gương anh hùng của Mẹ Maria MacKillop, đã được ĐGH Biển Đức XVI phong thánh ngày 17 tháng 10 năm ngoái. Mẹ cống hiến cho giáo dân Công giáo tại Úc và trên toàn thế giới một tấm gương làm chứng tá đức tin trọn vẹn, không hề mỏi mệt, cách riêng qua công cuộc tông đồ là rao truyền đức tin. Trong bài giảng Thánh Lễ Phong Thánh, ĐGH Biển Đức XVI đã nhắc lại sự hiến thân của Mẹ “trong vai một thiếu nữ để giáo dục người nghèo tại những vùng đất xa xôi hẻo lánh hay vùng thôn quê Úc, khuyến khích nhiều chị em phụ nữ gia nhập cộng đoàn phụ nữ đầu tiên các nữ tu tại đất nước này.” Khi nói tới những thách đố mà Mẹ gặp phải, ĐGH lưu ý rằng “những lời kinh Mẹ dâng lên Thánh Cả Giuse và lòng sùng kính sâu xa Mẹ dành cho Thánh Tâm Chúa Giêsu-- mà Mẹ dâng hiến toàn thể Tu Hội mới lập của Mẹ cho Ngài—đã khiến Mẹ có được những ân huệ cần thiết để sống trung thành với Chúa và Hội Thánh.” Cầu xin Thánh Nữ Maria Thánh Giá MacKillp, Đồng Trinh và Sáng Lập Tu Hội Nữ Tu Thánh Giuse Thánh Tâm Chúa, giúp cho giới trẻ Úc, nam cũng như nữ, biết làm chứng tá cho Chúa một cách trung thành, không mỏi mệt, ngõ hầu, nhờ lời Mẹ chuyển cầu, có thể xây dựng lại được nền văn hóa Kitô giáo tại xứ sở thân yêu này.

KẾT LUẬN

Sau khi đã suy tư về tình trạng suy sụp của nền Kitô giáo Tây phương và tìm phương cách để sửa đổi lại, theo tiếng gọi sống thánh và tử đạo vì đức tin, vì phần rỗi của ta cũng như phần rỗi của thế gian, ta nhận thấy rằng chính Chúa Kitô mới làm cho ta có thể sống thánh và trở nên kẻ tử đạo chân chính. Chỉ khi đi theo Ngài một cách trung thành không dè giữ thì ta mới có thể đem ánh sáng đến cho trần gian. Ngài luôn ở với ta như lời đã hứa, để nâng đỡ ta bằng ân sủng và dư tràn ơn Thánh Thần Ngài.

Ta không thể kết thúc mà không nói đến những phương cách phi thường Chúa Kitô đã dùng để đến với ta trong Hội Thánh, cùng đồng hành với ta trong cuộc đời lữ hành, và nâng đỡ ta trong việc trung thành làm chứng tá trọn vẹn cho Ngài, đồng thời đưa ta về nhà Cha trong bình an. Tôi muốn nói đến các Bí Tích Thánh Thể và Thống Hối. Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Kitô kết hợp tâm hồn ta, một cách hoàn hảo nhất có thể làm được trên dương thế này, với Rất Thánh Trái Tim Ngài. Ngài nuôi dưỡng sức sống của Chúa Thánh Thần nơi ta bằng chính lương thực vô song là Mình Máu Ngài. Thánh Thể không chỉ kiện cường ta về mặt thiêng liêng khiến ta trở thành tử đạo chân chính, mà còn là mẫu mực tử đạo, mẫu mực yêu thương tinh tuyền và vị tha, không điều kiện, ‘cho tới cùng’ (Gioan 13:1).

Tâm điểm và nguồn mạch đời sống người tử đạo vì đức tin chính là hy lễ Thánh Thể, thờ lậy Thánh Thể, và tất cả mọi hình thức sùng kính Thánh Thể, nhất là viếng Thánh Thể và Hiệp Lễ thiêng liêng suốt cả ngày. Qua việc sùng kính Thánh Thể và tất cả mọi việc sùng kính chân chính, ta nối dài tình hiệp thông với Chúa trong Hy lễ Thánh Thể đến từng khía cạnh của cuộc sống, vào mọi khoảnh khắc của đời ta.

Bí tích Thống Hối canh tân nguồn ân sủng từ Bí Tích ThánhTẩy và Thêm Sức, qua một gặp gỡ với Chúa Kitô để xưng thú tội lỗi và hưởng ơn tha thứ. Việc năng xưng tội, kể cả việc xưng tội vì lòng sốt sắng sùng kính, là điều tối cần thiết để có thể tăng triển trong sự thật được thông tri cho ta qua lương tâm. Gắn liền với nó chính là việc tự vấn lương tâm và ăn năn tội hằng đêm, qua đó, từng ngày qua, ta quay trở về với Chúa Kitô ngự trị trong lòng ta và dọn mình lãnh nhận Bí Tích Cáo Giải. Sự liêm khiết và can trường cần thiết cho người tử đạo bằng chứng tá trong thế giới hôm nay đòi hỏi phải có sự thân mật với Chúa Kitô, vốn chỉ có thể có được qua việc tự vấn lương tâm và ăn năn tội hằng ngày, cùng với việc gặp gỡ Ngài thường xuyên qua Bí Tích Thống Hối.

Mẹ Maria vừa là gương mẫu, vừa là đấng cầu bầu mạnh thế cho ta khi sống cuộc tử đạo bằng chứng tá, bằng bách hại và bằng máu. Mẹ là người như ta, cùng chia sẻ kiếp người như ta, thế nhưng, Mẹ được gìn giữ khỏi mọi tì ố tội lỗi ngay từ lúc đầu thai. Tự thuở vào đời cho đến suốt cả cuộc đời, Mẹ lúc nào cũng luôn luôn và hoàn toàn thuộc trọn về Chúa Kitô. Trong Thông Điệp Veritatis Splendor (Chân Lý Ngời Sáng), Đấng Đáng Kính Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở rằng Mẹ đóng một vai trò không ai thay thế được trong việc giúp đỡ ta trở thành chứng tá cho Chúa qua việc tử đạo.

Dù chia sẻ thân phận con người chúng ta, Mẹ vẫn hoàn toàn rộng mở trước ân sủng của Thiên Chúa. Không hề biết tội là gì, nhưng Mẹ rất thương cảm với mọi yếu đuối con người. Mẹ hiểu con người tội lỗi nên Mẹ thương yêu ta với tình của Hiền Mẫu. Chính vì thế, Mẹ đứng hẳn về phía sự thật và chia sẻ gánh nặng Hội Thánh qua việc luôn luôn kêu gọi nhắc nhở từng người về đòi hỏi của luân lý. Mẹ cũng không bao giờ cho phép con người tội lỗi bị dối lừa bởi những kẻ bảo rằng họ yêu con người bằng cách biện minh cho chính tội lỗi con người, bởi Mẹ biết rằng nếu thế thì sự hy sinh của Chúa Kitô, Con Mẹ, sẽ hóa vô ích. Không có một sự giải thoát nào xuất phát từ những học thuyết dối gạt, cả trong lãnh vực triết học lẫn thần học, có thể đem lại hạnh phúc cho con người; chỉ có Thập Giá và vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh mới có thể đem lại bình an cho lương tâm con người và sự cứu độ cho đời người.

Xin Mẹ Maria cầu bầu cho chúng ta để có thể trở nên những chứng nhân chân chính và trung thành của Chúa Kitô đang sống động trong mỗi người chúng ta. Cũng xin Mẹ cho ta biết luôn tìm về với Mẹ, để Mẹ dẫn ta đến với Con Mẹ, với lời khuyên dậy từ ái, như Mẹ đã nói với những người lo việc ẩm thực tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì thì cứ làm theo.” (Gioan 2:5) Xin Chúa biến đổi đời sống ta và thế giới này. Xin Chúa kiện cường chúng con, những thành viên của Tổng Hội Sinh Viên Công Giáo Úc, trong sứ mệnh “xây dựng một nền văn hóa Công giáo để sống trong chân lý và bác ái.”

Lễ Phục Sinh 2011

Nguyễn Kim Ngân
 
ĐTC: Chúa Kitô Phục Sinh trao ban cuộc sống mới cho tín hữu và giúp họ biến đổi thế giới
Linh Tiến Khải
10:53 27/04/2011
Chúa Kitô Phục Sinh trao ban cuộc sống mới cho tín hữu và giúp họ biến đổi thế giới, bằng cách sống cuộc sống mới và loan báo và làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh mỗi ngày.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói với gần 50.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 27-4-2011 tại quảng trường thánh Phêrô.

Nhiều du khách đã về Roma hành hương và tham dự các lễ nghi Tuần Thánh. Cũng có một số tới để chờ được tham dự thánh lễ phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II vào Chúa Nhật mùng 1-5 tới đây.

Vì đang trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh nên trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về đề tài ”lễ Phục Sinh như trung tâm của mầu nhiệm kitô”. Chúa Kitô phục sinh từ trong kẻ chết là nền tảng đức tin của chúng ta. Ngài nói:

Từ lễ Phục Sinh dãi tỏa ra như từ một trung tâm sáng láng nóng bỏng toàn phụng vụ của Giáo Hội, với nội dung và ý nghĩa của nó. Việc cử hành phụng vụ cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô không chỉ là một sự tưởng niệm đơn sơ biến cố này, nhưng là việc hiện thực nó trong mầu nhiệm, đối với cuộc sống của từng kitô hữu và của từng cộng đoàn giáo hội. Thật thế, niềm tin nơi Chúa Kitô biến đổi cuộc sống, bằng cách thành toàn trong chúng ta một sự phục sinh liên tục, như thánh Phaolô viết cho các tín hữu tiên khởi: ”Xưa kia anh em đã là bóng tối, giờ đây anh em là ánh sáng trong Chúa. Vì thế anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,8-9).

Chúng ta có thể làm cho cuộc sống trở thành lễ Phục Sinh như thế nào? Làm thế nào để toàn cuộc sống trong ngoài của chúng ta có được ”hình thái” phục sinh? Cần phải hiểu ý nghĩa đích thật sự phục sinh của Chúa Giêsu: biến cố đó không phải chỉ là trở lại sự sống trước kia, như đối với ông Ladarô hay người thanh niên làng Naim, mà là một cái gì hoàn toàn khác và mới mẻ. Sự sống lại của Chúa Kitô là điểm tới của một cuộc sống không còn chịu sự hư nát của thời gian nữa, một cuộc sống mênh mông trong sự vĩnh hằng của Thiên Chúa. Trong sự phục sinh của Chúa Giêsu bắt đầu một điều kiện mới của cuộc sống con người; nó soi sáng và biến đổi lộ trình của mỗi ngày sống, và mở ra một tương lai khác và mới mẻ trong phẩm chất đối với toàn thể nhân loại. Vì thế, thánh Phaolo không chỉ gắn liền sự phục sinh của kitô hữu với sự sống lại của Cháu Giêsu (x. 1 Cr 15,16.20), mà còn chỉ cho thấy phải sống mầu nhiệm phục sinh trong cuộc sống thường ngày của chúng ta như thế nào nữa.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: trong thư gửi tín hữu Côlôxê thánh Phaolô nói: ”Nếu anh em đã sống lại với Chúa Kitô, thì hãy tìm kiếm các sự trên trời, nơi Chúa Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa, hãy nghĩ tới các sự trên trời, đừng nghĩ tới các sự dưới đất” (3,1-2). Thoạt tiên, khi đọc văn bản này, xem ra thánh Tông Đồ muốn bênh vực việc khinh rẻ các thực tại trần thế, nghĩa là mời gọi quên thế giới của khổ đau, bất công và tội lỗi này đi để sống trước thiên đàng. Nhưng trong trường hợp đó thì tư tưởng về ”trời” sẽ là một loại tha hóa. Nhưng để tiếp nhận ý nghĩa đích thật của văn bản, thì không được tách rời nó khỏi bối cảnh. Thánh Phaolô xác định rất rõ ràng điều người muốn nói về ”các sự trên trời” cần tìm kiếm, và ”các sự hạ giới” phải coi chừng. Trước hết đâu là ”các sự của trái đất” phải tránh: thánh Phaolô viết: ”Hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (3,5). Giết chết trong chúng ta ước muốn các của cải vật chất không thể thỏa mãn, tính ích kỷ, là gốc rễ của mọi tội lỗi. Như thế, thánh Tông Đồ mời gọi các kitô hữu cương quyết không dính bén với ”các sự của hạ giới”; người muốn làm cho chúng ta hiểu một cách rõ ràng những điều thuộc về ”con người cũ” mà kitô hữu phải lột bỏ để mặc lấy Chúa Kitô.

Thánh nhân cũng chỉ cho thấy rõ ràng đâu là những sự của thượng giới, mà kitô hữu phải tìm kiếm và nếm hưởng. Chúng thuộc về ”con người mới” đã mặc lấy Chúa Kitô một lần cho tất cả trong Bí Tích Rửa Tội, nhưng nó luôn cần được canh tân ”theo hình ảnh của Đấng đã tạo dựng ra nó” (Cl 3,10). Thánh Phaolô miêu tả những điều thượng giới như sau: ”Là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương, vậy hãy mặc lấy các tâm tình thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau... Nhưng trên hết mọi đức tính, anh em hay mặc lấy lòng bác ái đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14).

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Như thế thánh Phaolô không mời gọi kitô hữu trốn tránh thế giới, mà Thiên Chúa đã đặt để chúng ta trong đó. Đúng thật là chúng ta là công dân của một ”kinh thành khác”, nơi là quê hương đích thật của chúng ta. Nhưng con đường hướng tới đích điểm đó chúng ta phải bước đi trong cuôc sống thường ngày trên trái đất này. Được tham dự vào cuộc sống của Chúa Kitô phục sinh, ngay từ bây giờ chúng ta phải sống như các con người mới trong thế giới này, trong con tim của kinh thành trần gian. Rồi Đức Thánh Cha quảng diễn điểm này như sau:

Đây không chỉ là con đường giúp biến đổi chính chúng ta, mà cũng giúp biến đổi thế giới nữa, để trao ban cho kinh thành trần gian một gương mặt mới, tạo điều kiện cho sự phát triển con người và xã hội theo cái luận lý của tình liên đới, của lòng tốt, trong sự tôn trộng sâu xa đối với phẩm giá của từng người. Thánh Tông Đồ nhắc nhở cho chúng ta biết đâu là các nhân đức phải đồng hành với cuộc sống kitô. Trên hết có đức bác ái, mà mọi nhân đức khác đều liên hệ như với suối nguồn và dạ mẹ. Nó tóm tắt ”các sự trên trời”: cùng với đức tin và đức cậy, đức ái diễn tả luật lớn của cuộc sống kitô và định nghĩa bản chất sâu xa của nó.

Như vậy, lễ Phục Sinh đem lại sư mới mẻ của sự vượt qua sâu thẳm và toàn vẹn: từ cuộc sống nô lệ tội lỗi bước sang một cuộc sống của sự tự do, được tình yêu linh hoạt, là sức mạnh đánh đổ được mọi biên giới và xây dựng một sự hài hòa mới trong con tim và trong tương quan với tha nhân và với các sự vật.

Mỗi một kitô hữu, mỗi một cộng đoàn, nếu sống kinh nghiệm sự vượt qua phục sinh này, không thể không là men mới trong thế giới, bằng cách tự hiến một cách không dè dặt cho các việc cấp thiết và đúng đắn nhất, như chứng tá của các Thánh thuộc mọi thời đại và mọi nơi chốn cho thấy. Các chờ đợi của thời đại chúng ta cũng nhiều biết bao nhiêu: kitô hữu chúng ta tin chắc rằng sự phục sinh của Chúa Kitô đã canh tân con ngươi, mà không lấy nó ra khỏi thế giới, trong đó nó xây dựng lịch sử của mình. Chúng ta phải là các chứng nhân sáng ngời của cuộc sống mới đó, mà lễ Phục Sinh đã đem lại cho chúng ta. Như thế lễ Phục Sinh là món qùa ngày càng cần được luôn luôn tiếp nhận một cách sâu xa hơn trong đức tin, để có thể hoạt động trong mọi hoàn cảnh, với ơn thánh của Chúa Kitô, theo cái luận lý của Thiên Chúa, cái luận lý của tình yêu thương. Ánh sáng sự phục sinh của Chúa Kitô phải đi vào trong thế giới này của chúng ta, phải tới với nó như sứ điệp chân lý và sự sống cho tất cả mọi người qua chứng tá thường ngày của chúng ta.

Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Các bạn thân mến, Chúa Kitô đã sống lại thật! Chúng ta không thể giữ cho chúng ta sự sống và niềm vui mà Người đã ban cho chúng ta trong lễ Phục Sinh, nhưng phải trao ban cho những người mà chúng ta tiếp xúc. Đó là bổn phận và sứ mệnh của chúng ta: dấy lên trong con tim của tha nhân niềm hy vọng nơi có thất vọng, niềm vui nơi có nỗi buồn, sự sống nơi có cái chết. Làm chứng mỗi ngày cho niềm vui của Chúa phục sinh có nghĩa là luôn sống trong ”cách thức phục sinh”, và làm vang lên lời loan báo tươi vui rằng Chúa Kitô không phải là một tư tưởng hay một ký ức của quá khứ, mà là một Người sống với chúng ta, sống cho chúng và sống trong chúng ta; và với Người, cho Người và trong Người chúng ta có thể đổi mới mọi sự (x. Kh 21,5).

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Croat, Tchèques, Slovac, Sloveni, Lituani, Hungari và Ý.

Chào đông đảo các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ tổng giáo phận Milano về hành hương Roma, Đức Thánh Cha nói Chúa Kitô nói với họ cũng như đã nói với các môn đệ xưa kia: ”Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con... Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20,21-23). Các con hãy đáp trả lời Chúa với niềm vui và tình yêu biết ơn đối với món qúa đức tin bao la, và các con sẽ là chứng nhân đích thật niềm vui và hòa bình của Người tại khắp mọi nơi. Ngài xin sự phục sinh của Chúa Kitô là suối nguồn bất tận của sự khích lệ, ủi an và hy vọng cho các anh chi em đau yếu. Đức Thánh Cha cầu chúc sự hiện diện của Chúa Phục Sinh hoạt động trong gia đình của các cặp vợ chồng mới cưới, với lời cầu nguyện hàng ngày dưỡng nuôi tình yêu hôn nhân của họ.

Sau cùng, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Cỗ áo quan của Ðức cố Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
13:06 27/04/2011
Cỗ áo quan của Ðức cố Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị

Trong tang lễ đức cố giáo hòang Gioan Phaolô đệ nhị, hình ảnh nổi bật cùng mang ý nghĩa sâu đậm nhất vừa về đạo đức thần học lẫn đời sống của người qúa cố là cỗ áo quan của ngài.

Chiếc áo quan bao bọc thân xác của Ðức cố Thánh Cha Gioan Phaolo đệ nhị bằng gỗ giữ y nguyên mầu thiên nhiên không sơn phết pha nhuộm chạm trổ.

Chiếc hòm đựng thân xác ngài lại đóng theo hình chữ nhật góc cạnh bằng phẳng thẳng đứng. Những góc mộng nối các góc đầu gỗ lại với nhau, và những mắt vết cùng đường gân của gỗ còn hiện hình nguyên trạng.
Trên mặt cỗ áo quan khắc hình cây Thánh Gía, chữ M và cuốn Phúc âm m62u đỏ đặt nằm bên trên.

Quan tài ngài được khiêng rước đặt trên nền đất có một tấm thảm lót bên dưới, trước bàn thờ dâng Thánh lễ và bên cạnh là một cây nến Chúa Phục sinh đang cháy tỏa ánh lửa.

Hình ảnh thật mộc mạc đơn sơ. Nhưng lại đánh động mạnh tâm hồn mọi người có mặt tại chỗ hôm tham dự Thánh lễ an táng ngài và những người xem qua màn ảnh truyền hình!

1. Người chết nối linh thiêng vào đời

Lời ca thấm nhuộm tâm tình suy tư thoát ra từ đáy tâm hồn của cố nhạc sĩ Trịnh công Sơn: „Người chết nối linh thiêng vào đời!“ gợi nhớ lại đời sống cùng lời nói khi xưa của đức cố Thánh cha Gioan Phaolo đệ nhị nằm xuôi hai tay trong cỗ quan tài bằng gỗ mộc mạc.

Nhìn chiếc áo quan của ngài, do chính ngài mong muốn cho mình, gợi nhớ đến lời suy tư: Chết không phải là hết, là tan xương nát thịt biến mất hẳn vào hư vô! Nhưng người đã khuất núi vẫn còn hiện diện trong tâm tưởng người còn đang sống trên trần gian.

1.1. Hơn 26 năm đức cố Thánh Cha Gioan Phaolo sống là người mục tử hy sinh trọn sức lực thể xác lẫn tinh thần và dồn tất cả mọi thời giờ cho Giáo hội công giáo thế giới và nổi tiếng hầu như ai cũng nghe biết đến ngài. Nhưng khi qua đời lại chọn cho mình „chiếc giường – chiếc áo quan “ đơn sơ bằng gỗ mộc mạc.

Một gương mẫu đời sống hy sinh khiêm nhường không chỉ lúc còn sống mà cả lúc đã chết!

1.2. Hơn 26 năm là vị thủ lãnh đạo Công giáo hoàn cầu có quốc gia Vatican riêng. Nhưng khi khuất núi lại mong muốn được chôn trong trong lòng đất mẹ như tất cả mọi người, không muốn được đặt trong một lăng tẩm bằng đá cẩm thạch nổi trên mặt đất.

Một đời sống tâm niệm nhìn nhận mình là tạo vật của Ðấng Tạo Hóa: Từ đất bụi con đã được tạo thành. Và giờ đây con cũng trở về với đất bụi.

1.3. Hơn 26 năm là người kế vị Thánh Phero, thay mặt Chúa ở trần gian, có đủ mọi quyền hành tháo cởi, trói buộc cao cả. Nhưng khi chết lại mong muốn được khiêng đặt nằm trên nền đất trước bàn thờ Thiên Chúa.

Một đời sống không chỉ lúc còn sống, mà cả lúc xuôi hai tay nằm xuống cũng muốn hằng tuyên xưng: Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác đời con!

1.4. Hơn 26 năm phục vụ Giáo hội vì tình yêu Thiên Chúa và con người. Nhưng lúc chết lại chọn cho mình chiếc áo quan đóng theo một hình chữ nhật phẳng lì, không chạm trổ góc cạnh, sơn phết, không cờ quạt bông hoa bao phủ.

Một đời sống chân thành không muốn để mình bị những lớp hào nhoáng bóng bẩy che lấp, làm lu mờ xa Thiên Chúa và xa con người.

1.5. Hơn 26 năm là Giáo hoàng của Giáo hội được kính trọng, được tung hô vạn tuế. Nhưng lúc qua đời lại mong muốn chỉ có cây Thánh Gía Chúa Giêsu đóng gắn trên mặt ván và cây nến Chúa Giêsu Phục sinh duy nhất dựng bên cạnh chiềc quan tài của mình.

Một đời sống thấm nhuần đức tin vào Thánh giá và ánh sáng Chúa Phục sinh không chỉ tuyên xưng lúc còn sống, nhưng cả lúc chết cũng hằng trung tín với. Ánh sáng Chúa Phục sinh soi đường dẫn lối trong cuộc đời và cũng ánh sáng đó dẫn đưa trở về nhà Cha trên trời.

1.6. Hơn 26 năm đi tìm kiếm đến với con người, sống làm chứng cho tình yêu của Chúa. Nhưng lúc chết không muốn có một vòng hoa, một dòng chữ băng vải tưởng niệm nào chăng mắc xung quanh quan tài mình. Chỉ có cuốn Phúc âm của Chúa đặt nằm bên trên

Một đời sống dấn thân hoàn toàn cho Chúa khi còn sống cũng như lúc đã qua đời. Bầu khí không bông hoa đèn nến trướng vải có vẻ khô khan cứng lạnh. Nhưng những trang trí hình thức đó không cần thiết, không thêm gì cho tình yêu Chúa. Phúc âm mới là nền tảng cho đời sống ra khơi làm nhân chứng.

1.7. Hơn 26 năm thu hút hấp dẫn người trẻ khắp thế giới. Nhưng lúc qua đời chỉ có tấm hình Chúa Giêsu sống lại căng trên đỉnh đầu chiếc quan tài.

Một đời sống chỉ biết làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh (xx. Cv 1,22). Chính Chúa phục sinh gây lòng hào hứng phấn khởi cho người Trẻ hôm qua, hôm nay và ngày mai. Vị Giáo hoàng chỉ là dụng cụ được Ngài dùng để sống và nói với người trẻ về Ngài.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolo chết rồi mà vẫn muốn gần gũi, muốn sống tình liên đới với thiên nhiên, với con người như khi lúc còn sống. Sức sống chân thành nội tâm đó có sức cảm hóa thu hút lòng người. Ðây là một người, như xưa kia Chúa Giêsu đã nói với Nathanael, „ lòng dạ đơn sơ chân thành ngay thẳng“ ( Ga 1, 47)

2. Trong trái tim con người


„Những gì khắc ghi sâu đậm trong tâm hồn người khác là (đài)kỷ niệm đẹp nhất của một người để lại.“ (Albert Schweitzer)

Trong di chúc để lại, đức cố Thánh Cha Gioan Phaolô viết: „ Cha không để lại tài sản nào cần thiết phải phân chia“.

Nhưng ngài đã để lại rất nhiều: Một gia sản tinh thần khổng lồ!

Những bài suy tư, những bài giảng, những thư ngài viết, những câu nói chân thành đạo đức tình người, những thông điệp tông huấn, cả những nụ cười, những lời nói vui đùa của ngài với hết mọi lớp người trong những cuộc gặp gỡ. Những lời của ngài để lại hướng dẫn chỉ đường và theo đó con người có thể phác họa một nếp sống đức tin vào Chúa và tình người với nhau.

Và ngài còn để lại một mẫu đài kỷ niệm tuyệt vời: Hình ảnh chiếc quan tài bằng gỗ đơn sơ mộc mạc, trong đó ngài nằm xuôi hai tay!

Hai kỷ niệm này ghi khắc sâu đậm mãi mãi trong tâm hồn con người.

Trăm nghìn triệu Bạn trẻ đến với ngài, muốn cùng thông cảm sự đau khổ lúc ngài trên giường bệnh hấp hối và ngày lễ an táng . Vì họ cảm thấy ngài và họ cùng liên kết trong tình nghĩa cha con. Họ cảm thấy mang nặng nợ với ngài

Xưa kia ngài đã đi tìm kiếm đến thăm họ. Giờ đây họ có nghĩa vụ tinh thần đến thăm ngài, đến tiễn đưa ngài.

Xưa kia ngài chỉ dẫn họ cách sống đức tin cách cầu nguyện ở những kỳ Ðại hội Giới trẻ thế giới. Giờ đây họ đến trước sân nhà ngài chắp tay đốt nến đọc kinh cho ngài.

Xưa kia ngài giơ vòng tay ra phía trước rộng mở đón chào họ. Giờ đây nghe đến tên ngài, nhìn thấy áo quan bao bọc ngài, họ dùng đôi bàn tay vỗ thành tiếng âm vang như muốn gào lên: Chúng con xin chào cha!

Xưa kia ngài hằng cổ võ tinh thần họ: các con Bạn Trẻ là tương lai của xã hội và Giáo hội! Giờ đây họ căng biểu ngữ viết lên tâm tình: Santo subito! Xin hãy tôn vinh phong thánh ngay cho đức thánh cha của chúng ta!

Ðức cố Thánh cha Gioan Phaolo đã đến với con người, với người trẻ bằng trái tim vui tươi niềm nở, đã nói với họ bằng ngôn ngữ tình yêu đơn giản dễ hiểu.

Bây giờ chết rồi, ngài cũng còn nói bằng ngôn từ dễ hiểu nhất: chiếc quan tài bằng gỗ đơn sơ mộc mạc đặt nằm trên nền đất.

Hình ảnh (đài) kỷ niệm này ghi khắc sâu đậm nhất trong lòng người hơn cả.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long




 
Paraguay - Một Cuộc Phục Sinh
LM. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
20:47 27/04/2011
PARAGUAY – MỘT CUỘC PHỤC SINH

Đại hội giới trẻ (Pascua Juvenil)

Sau vài tháng tham dự khóa tu nghiệp giành cho các nhà đào tạo tại Colombia, tôi đã trở về lại Paraguay trước những ngày bước vào Tuần Thánh để lo cho công việc mục vụ.

Các nhà truyền giáo Tây Ban Nha ngày xưa đã để lại những di sản tinh thần quí báu cho các nhà truyền giáo hậu thế khi các ngài biết đặt mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa như là trung tâm điểm của đời sống đức tin chứ không phải là mầu nhiệm Giáng Sinh.

Ngày Chúa Nhật Lễ Lá tôi phải chạy đến 3 giáo điểm khác nhau để dâng lễ dù theo dự báo thời tiết thì trời sẽ mưa. Tuy nhiên khi kết thúc 3 thánh lễ (2 thánh lễ sáng và một thánh lễ buổi chiều) thì tối đó trời mới đổ mưa lớn. Vì là lễ lá và có bài đọc thương khó nữa nên mỗi thánh lễ kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ và việc di chuyển đến các giáo đểm truyền giáo khá xa nên nguyên cả ngày Chúa Nhật Lễ Lá tôi rong ruổi như con thiêu thân đến tối mịt mới về. Mệt nhưng vui vì người ta tham dự thánh lễ đông đúc và tôi cảm thấy hứng thú vì lâu ngày được dịp khua miệng để giáo huấn cho người khác dù nhiều người chỉ đi lễ một lần trong năm vào dịp Lễ Lá này.

Nhớ lại những ngày ở Việt Nam khi còn là giáo lí viên, rồi khi làm thầy, Tuần Thương Khó hay Tuần Thánh tôi rất mong được các cha chọn để hát thương khó dù mình chẳng giỏi gì về âm nhạc. Đôi lần tôi được chọn đóng vai người kể nhưng cũng đôi lần phải đóng vai quân dữ để hét thật to “Đóng đinh nó vào Thập giá!!!”. Các Bài Hát Thương Khó của Đức Cha Phao-lô Nguyễn Văn Hòa vẫn còn vang vọng đâu đó trong tiếm thức khi Tuần Thánh đến. Vậy mà nhiều năm rồi ở bên xứ truyền giáo tôi cũng muốn hát lắm, muốn làm bản nhạc theo cung giọng của người dân bản xứ để thu hút giáo dân mà chưa thực hiện được. Vả lại đúng những ngày lễ trong Tuần Thánh muốn tìm những người biết hát một tí thì không tìm ra vì người dân ở đây chỉ biết hát theo cảm hứng mà không hề biết một nốt nhạc nào. Cả những ngày lễ lớn như Lễ Dầu, Lễ Truyền Chức, Lễ Bổn Mạng Giáo Phận mà cũng chẳng có môt bài hát nào có nhạc cả. Các ca viên chỉ ca những bài “vũ như cẩn” theo giọng rung chat chúa của họ nên riết rồi cũng quen. Nhiều khi mình muốn làm một cái gì đó cho oai một tí nhưng cơ hội không đến với mình thì đành chịu thôi.

Trong những ngày Tam Nhật Thánh, tôi được mời giúp tĩnh tâm cho giới trẻ và cũng lợi dụng cơ hội này để tìm kiếm ơn gọi. Có 10 chú chủng sinh ngoại trú cũng đến tham dự với tôi trong dịp này. Chân thành mà nói giới trẻ ngày nay khá thờ ơ với việc đạo hạnh nên việc đến nhà thờ vào Chúa Nhật và các dịp lễ khá hiếm hoi. Các chú chủng sinh ngoại trú tham dự với tôi trong những ngày này cũng tâm sự với tôi rằng họ chỉ tham dự thánh lễ khoảng 6 lần trong năm! Thế đó. Các em dự tu mà chỉ tham dự thánh lễ mấy lần trong năm thì thử hỏi những bạn trẻ khác tham dự bao nhiều lần trong năm? Tôi đã đưa ra 5 câu hỏi đơn giản sau bài thuyết trình để các bạn trẻ chia sẻ theo nhóm nhằm có thể đáp ứng những nguyện vọng của giới trẻ và cũng để có dịp trao đổi với các anh em linh mục đang làm việc mục vụ. Một trong những câu hỏi mà mà tôi đưa ra là : Tại sao giới trẻ ngày nay ít đến nhà thờ? Các em đã mạnh dạn chia sẻ lí do là vì các linh mục giảng dài, hay la mắng khi giảng, và trong bài giảng chẳng có gì hấp dẫn. Một vài í kiến khác cho rằng vì cha mẹ không làm gương tốt và không hề quan tâm nhắc nhở đến việc đạo lí cho các em. Một lí do khác nữa mà các em đưa ra là nhiều người đi tu đã làm gương mù, gương xấu nên các em không thích. Khi nghe những góp ý của các em tôi cũng đau lắm vì “sự thật mắc lòng mà”, nhưng tôi cũng cố lắng nghe và lần lượt phân tích cho các em từng khía cạnh để hai bên hiểu nhau hơn.

Một trong những câu hỏi mà các em cũng thích tranh luận là : Giới trẻ nghĩ gì về đời tu và những người đi tu ngày nay? Các bạn trẻ cho rằng đời tu là một chuyện thật khó hiểu vì những người đi tu phải sống độc thân và phải tự lo cho mình tất cả. Một bạn trẻ khác thật ngây ngô khi phát biểu rằng những người đi tu là trốn tránh trách nhiệm gia đình và bất hiếu với cha mẹ vì chẳng giúp đỡ gì cho gia đình và cho cha mẹ. Tôi hơi chột dạ một tí và muốn phản ứng ngay lời phát biểu của em nhưng kịp bình tĩnh lại để nghe em nói cho hết vì đã chấp nhận tranh luận là chấp nhận nghe những ý kiến trái chiều, thậm chí những ý kiến ấy có thể làm cho mình khó chịu nữa. Cũng có em chững chạc hơn phát biểu rằng những người đi tu ngày nay thực là những người “không bình thường” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nghĩa là những người đó phải có một cái gì đặc biệt lắm mới có thể chống lại những cơn cám dỗ Tiền – Tài – Tình trong thời đại này.

Tôi đã tổng kết tất cả những tranh luận của các em như là một bài học quí báu cho mình dù chính tôi là người thuyết trình và đưa ra tranh luận. Có lẽ trong một dịp thuận tiện nào đó tôi sẽ chia sẻ với các anh em linh mục đồng môn của mình để các anh em có thể hiểu hơn tâm tình của giới trẻ vì Binh pháp Tôn Tử có dạy : "Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng" ("Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng").

Một cuộc phục sinh


Thời tiết Paraguay giao mùa nên lúc này thường có dự báo mưa bão nên cũng ảnh hưởng đến các sinh hoạt trong Tuần Thánh. Dẫu vậy, các bạn trẻ cũng hăm hở đến tham dự các sinh hoạt trong giáo xứ vì Paraguay và các nước Công giáo vùng Nam Mỹ cho phép nghĩ học từ Thứ Tư Tuần Thánh. Chính vì thế mà các linh mục phải luôn tạo ra những sáng kiến để thu hút giới trẻ tham dự đại hội giới trẻ để lấp khoảng thời gian rãnh rỗi vì “nhàn cư vi bất thiện”. Những người lớn trong dịp này cũng đi đàng Thánh giá Thứ Sáu Tuần Thánh và cũng hát vang dội với giới trẻ. Tuy nhiên phần giữ chay và kiêng thịt ngày Thứ Sau Tuần Thánh thì hầu như chẳng ai giữ được vì họ không có thói quen nhịn ăn. Ngay cả các em chủng sinh ở với tôi và tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trước đó và ngay cả Thứ Sáu Tuần Thánh nữa mà chẳng có em nào giữ chay được. Các anh em linh mục Paraguay cũng chẳng có người nào giữ được thì làm sao mà bảo giáo dân giữ chay! Và tôi nghĩ Chúa cũng chẳng trách phạt họ vì những chuyện cỏn con này nhưng tôi thấy cũng hơi kì kì sao đó.

Trong ngày Tam Nhật Thánh có 2 đám tang làm tôi hơi suy nghĩ một tí dù tôi vẫn biết sống chết đều là của Chúa. Cái chết bất ngờ đầu tiên là của một Nũ tu người Nhật đã từng phục vụ ở Paraguay trên 50 năm. Chính vị Nữ tu này đã giúp tôi rất nhiều khi vào năm ngoái tôi kiêm nhiệm hai giáo xứ cách xa nhau vì cha xứ ở đó lâm trọng bệnh. Sơ cùng là người Á châu nên xem tôi như đồng hương và Sơ quí mến tôi vô cùng. Tuy khá lớn tuổi nhưng Sơ không hề bệnh tật gì. Sau lễ tiệc ly thứ Năm Tuần Thánh, Sơ dọn dẹp cung thánh và bị vấp ngã, người ta đưa Sơ lên bệnh viện và Sơ đã trút hơi thở cuối cùng ở đó. Sơ đã dùng bữa tiệc ly cuối cùng với Chúa và ra đi thanh thản dù những người còn sống vô cùng thương tiếc Sơ.

Cái chết thứ hai là của một cụ ông dù 99 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông cụ chết đúng chiều thứ Sáu Tuần Thánh sau khi đi đàng Thánh Giá trọng thể. Ông cụ sinh ngày 25 tháng 12, nghĩa là cùng ngày sinh với Chúa Giêsu và cùng ngày chết vớ Chúa Giêsu, nhưng khi Chúa Giêsu bị đóng đinh và chết trên thập giá chỉ vỏn vẹn hưởng dương 33 tuổi. Sự trùng hợp hi hữu này không biết nói lên điều gì đây nhưng để lại trong tâm một vài suy nghĩ.

Chúa đã sống lại thật, Alleluia-Alleluia. Trong tuần Bát Nhật và trong Mùa Phục Sinh này chúng ta sẽ luôn cất tiếng Alleluia để ngợi khen Chúa. Tôi hơi buồn một tí vì khi trở về nhà sau những ngày tĩnh tâm cho giới trẻ, tôi phát hiện là kẻ trộm đã viếng thăm phòng tôi và dọn đi những gì có thể dọn. Cũng may là chiếc vi tính và máy chụp hình tôi mang theo cho công việc chứ không thì giờ đây chẳng có gì để mà chia sẻ nữa. Tôi tự nhủ thôi thì của đi thay người. Tôi cũng cố gượng cười để Phục Sinh với Chúa.

Paraguay, Mùa Phục Sinh 2011,

LM. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
 
Top Stories
Mgr Leopoldo Girelli se présente aux évêques du Vietnam comme le premier représentant officiel du Saint-Siège dans ce pays depuis 1975
Eglises d'Asie
06:03 27/04/2011
Eglises d'Asie, 27 avril 2011 - Le centre pastoral de l’archidiocèse de Saigon accueille cette année les évêques des 26 diocèses du pays pour leur première Assemblée annuelle. Celle-ci qui a commencé dans l’après-midi du lundi de Pâques, 25 avril se prolongera tout au long de la semaine (1). La métropole du Sud-Vietnam a été choisie pour la réunion en raison de deux événements devant s’y produire : le 26 avril, la cérémonie de la pose de la première pierre du futur siège de la Conférence épiscopale, qui sera édifié à Saigon (depuis sa fondation en avril 1980, la Conférence épiscopale ne possède pas encore de siège officiel) et le 29 avril, la participation des évêques à l’ordination de l’évêque auxiliaire de Phu Cuong récemment nommé.

Cependant l’événement le plus important de ces premiers jours de l’Assemblée reste sans conteste la présence du représentant non-résident du Saint-Siège, Mgr Leopoldo Girelli, à la séance inaugurale du lundi de Pâques, dans la soirée. Elle a été précédée d’un banquet offert par les évêques au représentant du pape. Après le salut du Saint-Sacrement et la prière à l’Esprit Saint, les évêques se sont rassemblés et ont tout d’abord écouté l’allocution du président de la Conférence, Mgr Pierre Nguyên Van Nhon. Celui-ci a présenté à l’assemblée les évêques nouvellement nommés, ordonnés ou déplacés. Ils sont assez nombreux : l’évêque de Hung Hoa, Mgr Jean-Marie Vu Tat, son prédécesseur dans ce diocèse, actuellement évêque de Dalat, Mgr Antoine Vu Huy Chuong, l’évêque auxiliaire nommé de Phu Cuong, Mgr Joseph Nguyên Tân Tuoc, et enfin l’évêque de Cân Tho, Mgr Tri Buu Thiên.

Vint enfin le moment où le représentant du Saint-Siège, Mgr Leopoldo Girelli présenta à l’assemblée la lettre de créance adressée par le pape au président de la Conférence épiscopale. Il fit remarquer que sa présence au milieu des évêques en ce jour était un événement historique. C’était en effet la première fois depuis 1975 que l’Eglise du Vietnam accueillait un représentant officiel du Saint-Siège, bien que non-résident (2).

Ce fut ensuite le tour de Mgr Cosme Hoang Van Dat, nouveau secrétaire de la Conférence depuis la dernière assemblée. Il a présenté le programme des travaux pour la semaine. Les évêques vont consacrer beaucoup de temps à la préparation et à la rédaction de la Lettre commune qui devrait s’appuyer sur les conclusions de la grande Assemblée du peuple de Dieu de la récente Année sainte. Parmi les autres sujets de débats, le secrétaire a également cité le synode des évêques du monde à Rome, la préparation de l’assemblée élargie de la FABC (Fédération des Conférences épiscopales d’Asie) qui aura lieu au Vietnam en 2012, la construction du centre marial de La Vang, et enfin la Journée Mondiale de la Jeunesse qui aura lieu en Espagne.

(1) Ces informations ont été recueillies sur le site de la Conférence épiscopale : http://hdgmvietnam.org/nhat- ky-hoi-nghi-thuong-nien-ky-i-nam-2011-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-25–2942011-1/2850.63.8.aspx

(2) Après le 30 avril 1975, le délégué apostolique, Mgr Henri Lemaître, fut expulsé du Vietnam

(Source: Eglises d'Asie, 27 avril 2011)
 
Bishop of Kontum held by police on charges of having ''baptized people''
Asia-News
06:11 27/04/2011
Bishop Michael Hoang Duc Oanh was able to celebrate Easter Mass in the Montagnard village of Son Lang, where he was prevented from celebrating Christmas. He found policemen and women of the Communist League outnumbering the faithful.

Kontum (AsiaNews) - He was able to celebrate Easter Mass, but was detained and brought to the police station, on charges of of having baptized people. It is yet another violation of religious freedom by the authorities of Son Lang, K'Bang County (central Vietnam), in the area of the Montagnards and it happened to Bishop Michael Hoang Duc Oanh, who was previously prevented from celebrating mass for Christmas in the same village.

In view of Easter, the bishop had sent numerous petitions to the authorities at all levels, asking for permission to celebrate Mass in a village where it has never been possible to celebrate the Eucharist. Permission was granted.

But when Msgr. Duc Oanh arrived, along with a priest, he found a hostile atmosphere because police and women of the Communist League women outnumbered the faithful, controlling and mocking the Catholics and the bishop. A long queue of Catholics requested permission to confess. The celebration of the sacrament of reconciliation took place to the sound of laughter and jokes at the gestures of the faithful.

And after the Mass, the bishop and the priest were brought to the police station and subjected to interrogation for hours. The officials accused the bishop of violating the permit that "only allowed the celebration of Easter Mass, as he had also" baptised persons "," deliberately exceeding what was allowed”.

The bishop protested, denying that he had "baptized people," he explained that he had only helped the faithful to reconcile themselves with God. "Before eating - he said - you wash your hands. Likewise, before attending the Mass, we wash ourselves, reconciling ourselves with God."

The concern of the communist authorities and their charges are explained by the fact that the diocese is witnessing a large number of conversions, with 50 thousand baptisms over the past two years.
 
l vescovo di Kontum fermato dalla polizia, con l’accusa di aver “battezzato persone”
Asia-News
06:08 27/04/2011
Mons. Michael Hoang Duc Oanh ha potuto celebrare la messa di Pasqua tra i montagnard del villaggio di Son Lang, nel quale non aveva potuto celebrare il Natale. Ha trovato poliziotti e donne della Lega comunista più numerosi dei fedeli.

Kontun (AsiaNews) – Ha potuto celebrare la messa di Pasqua, ma è stato fermato e portato negli uffici della polizia, con l’accusa di aver battezzato. E’ l’ennesima violazione della libertà religiosa compiuta dalle autorità di Son Lang, nella contea di K’Bang (Vietnam centrale), nella zona dei montagnard. E’ accaduto al vescovo Michael Hoang Duc Oanh, recatosi nello stesso villaggio nel quale a Natale gli era stato impedito di celebrare la messa.

In vista della Pasqua, il vescovo aveva inoltrato numerose petizioni alle autorità di ogni livello, chiedendo di poter celebrare la messa in un villaggio nel quale non era mai stato possibile celebrare l’eucaristia. Permesso che gli è stato concesso.

Ma quando mons. Duc Oanh è arrivato, insieme a un sacerdote, ha trovato un’atmosfera ostile, con uomini della polizia e donne della Lega femminile comunista che superavano di numero i fedeli e che controllavano a sbeffeggiavano vescovo e cattolici. Una lunga fila dei quali ha chiesto di potersi confessare. La celebrazione del sacramento della riconciliazione è avvenuta tra scoppi di risa e battute a commento dei gesti dei fedeli.

E dopo la messa, il vescovo e il sacerdote sono stati portati agli uffici della polizia e sottoposti per ore a interrogatori. Gli agenti hanno accusato il vescovo di aver violato il permesso avuto che “consentiva solo la celebrazione della messa di Pasqua”, mentre egli aveva anche “battezzato persone”, “superando deliberatamente ciò che gli era concesso”.

Il vescovo ha protestato, negando di aver “battezzato persone”, e spigando di aver solo aiutato i fedeli a riconciliarsi con Dio. “Prima di mangiare - ha detto - voi vi lavate le mani. Allo stesso modo, prima di partecipare alla messa, noi ci laviamo riconciliandoci con Dio”.

La preoccupazione delle autorità comuniste e le loro accuse si spiegano col fatto che la diocesi vede un grandissimo numero di conversioni, testimoniate da 50mila battesimi negli ultimi due anni.
 
Three Vietnamese priests running for election to Communist ruling body
Catholic World News
21:05 27/04/2011
Three Catholic priests are candidates for election to the Vietnamese national assembly, the “highest organ of state power” under the nation’s constitution.

Fr. Phan Khac Tu
The candidacy of the three priests has prompted criticism among Vietnamese Catholics, in light of the clear Church policy against political activity by priests, and also in light of these priests’ clear support for the Communist government.

Father Tran Manh Cuong and Father Le Ngoc Hoan, of the dioceses of Ban Me Thout and Bui Chu, respectively, are already members of the current 12th national assembly; they are running now for membership in the 13th assembly, which will be elected on May 22. A third priest, Father Phan Khac Tu of the Saigon archdiocese, is running for the first time, and his candidacy has drawn more public attention.

Father Tu is chief editor of Catholics and People, a magazine that was founded with government support in 1975 and became known for its frequent criticism of Pope John Paul II and the Vatican. His election campaign has highlighted Father Tu’s involvement in the Vietnam war, even claiming that he built a secret factory to produce bombs that could be used against American soldiers. In an interview with a state-run media outlet, Father Tu voiced his pride in running such a factory inside a church in central Saigon.

The Code of Canon Law (285-3) forbids clerics from holding political office “if it means sharing in the exercise of civil power.” In an open letter to the Vietnamese hierarchy, several priests—including Father Nguyen Van Ly, a prominent dissident who has spent almost 15 years in prison—argue that membership in the national assembly falls into that proscribed category, since the group exists to legitimize decisions of the Communist Party. “It is clear from Church teachings that no true Catholic can ever be a Communist, or condone Communism,” the priests add. They ask the Vietnamese bishops to take disciplinary action against the priests who are candidates for election.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
49 Giáo dân Cồn Dầu đã được UNHCR cấp quy chế tị nạn
Lê Nguyên Hồng
09:54 27/04/2011
Theo tin từ BPSOS – Uỷ ban cứu trợ thuyền nhân vượt biển –Một số đồng bào người Việt tại giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng, Việt Nam đang xin tị nạntại Thái Lan đã được văn phòng Cao Uỷ về người tị nạn (UNHCR) tại Bangkok cấpquy chế tị nạn.

Trong số 55 người Cồn Dầu xin tị nạn, hiện đã có 39 trườnghợp đã được nhận quy chế tị nạn ngày 26/04/2011. Còn lại 9 người đến sau chưalàm xong thủ tục phỏng vấn.

Xin chúc mừng bà con Cồn Dầu. Họ đã được đền đáp sau gần1 năm trời sống trong phấp phỏng, lo lắng sợ hãi cao độ như cảnh gà con chạy quạ.Nhưng hôm nay họ đã thành công.

Có được kết quả như ngày hôm nay chính là nhờ những nỗ lựckhông ngừng nghỉ, và cách làm việc tận tâm tận lực của BPSOS, đứng đầu là tiếnsĩ Nguyễn Đình Thắng giám đốc điều hành của trung tâm này. Được sự hỗ trợ củangài cựu đại sứ Grover Gioseph Rees, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã thành côngtrong việc đấu tranh trên phương diện pháp lý can thiệp cho các giáo dân Cồn Dầu.

Cũng cần phải nhắc đến những nỗ lực của BPSOS trong việcvận động hành lang pháp lý tại Hoa Kỳ để các vị dân biểu liên bang kịp thời lêntiếng can thiệp, tác động đến chính giới Hoa Kỳ và những quốc gia có quan tâm đếntình hình vi phạm tự do tôn giáo của nhà cầm quyền tại Việt Nam.

Chương trình 4 giai đoạn cứu Cồn Dầu của BPSOS do tiến sĩNguyễn Đình Thắng soạn thảo đã hoàn tất những công đoạn chính, trong đó phải kểđến nỗ lực vận động pháp lý cho việc bảo vệ chủ quyền bất động sản của xứ Đạo CồnDầu, Đà Nẵng. Việc hỗ trợ pháp lý và bảo vệ nhân quyền, bảo vệ tự do tôn giáo chođồng bào trong nước mới là việc chính yếu, cần nhiều thì giờ và công sức…

Việc 39 người Cồn Dầu được cấp quy chế tị nạn vì lý do bịđàn áp tôn giáo đã cho cả thế giới biết rằng: Hiện nay ở Việt Nam, nhà cầm quyềntiếp tục ngang nhiên vi phạm nhân quyền, vi phạm tự do tôn giáo. Bởi vì trongquá trình phỏng vấn và điều tra trường hợp cụ thể của nhóm tị nạn Cồn Dầu,UNHCR đã tìm được các bằng chứng nhà nước Việt Nam Cộng Sản hôm nay vẫn chà đạpnhân quyền, ngăn cấm quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Đã đến lúc quốc tế cầnmạnh tay hơn với những việc làm phi pháp của nhà cầm quyền Việt Nam.
 
Thánh Vọng Phục Sinh tại Giáo xứ Lào Cai
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
12:16 27/04/2011
Lào Cai là một giáo xứ thành phố cửa khẩu Việt – Trung. Ngày thường trong tuần người Trung Quốc đến nhà thờ thăm và du lịch đông hơn người Việt Nam. Nhưng ngày chủ nhật và các ngày lễ trong thì Người Việt Nam lại chiếm ưu thế. Lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh là một điển hình.

Theo quan niệm của người thành phố Lào Cai, chỉ cần đi lễ chủ nhật là đúng luật dạy. Nhiều khi trước Thánh lễ chủ nhật 15 phút vẫn chưa thấy người nhưng bắt đầu Thánh lễ thì mọi chỗ lại kín hết. Cũng vậy, xưng tội mỗi năm một lần theo đúng luật. Như thế, dịp Tuần Thánh và Tam nhật Thánh là cơ hội tốt nhất để xưng thú tội lỗi của mình.

Giáo xứ Lào Cai là một xứ rất lớn về mặt địa lý và đa dạng về sắc tộc. Nó bao gồm các huyện: Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Simacai và thành phố Lào Cai. Họ đã đến tham dự lễ Phục Sinh từ nhiều ngày trước. Nhà xứ trở thành trung tâm thực thụ. Từ đó, nhiều nhu cầu được phát sinh. Các em nhỏ thì chịu bí tích Thánh Tẩy. Người lớn thì lãnh nhận bí tích Hoà Giải. Người già thì lãnh nhận bí tích Xức Dầu. Một số các đôi vợ chồng thì hợp thức hóa hôn nhân. Công việc thật tất bật. Nhưng bầu khí nhà xứ thật vui nhộn!

Trong những ngày của mùa chay thánh, các linh mục cùng quí Thầy, quí Dì đến các giáo họ, giáo xứ để tĩnh tâm và chia sẻ Lời Chúa cho giáo dân. Đây không chỉ là cơ hội tốt để đào sâu giáo lý, Lời Chúa cho giáo dân mà còn là dịp tốt các mục tử biết rõ hơn về từng con chiên và hoàn cảnh của họ. Biết để cảm thông và biết để có những phương án mục vụ tối ưu.

Hơn nữa, đây cũng là cơ hội rất tốt để thống nhất cách thức đọc kinh và ngắm nguyện, bởi giáo xứ Lào Cai là giáo xứ có nhiều giáo dân đến từ nhiều Giáo phận khác nhau. Đó là công việc không hề đơn giản. Cần có nhiều thời gian và sư phạm !

Đặc biệt, trong những ngày Tam Nhật Thánh, các linh mục giáo xứ phải làm việc với hết khả năng và nhiệt huyết của mình mới đáp ứng phần nào nhu cầu của giáo dân. Chẳng hạn trong Tam Nhật Thánh, các linh mục thường ngồi tòa giải tội đến 12g00 đêm.

Theo chương trình, đúng 22g00 Thánh lễ Vọng được bắt đầu bằng nghi thức làm phép lửa ở cuối nhà thờ. Mọi nguồn sáng đều tắt. Riêng, chậu than được làm phép và lấy lửa dùng vào việc thắp Nến Phục Sinh. Lúc đó, chủ tế xướng Ánh sáng Chúa Kitô. Cộng đoàn đáp tạ ơn Chúa. Và cứ làm như vậy 3 lần. Sao mà linh thiêng quá!

Tiếp theo, chủ tế công bố Tin Mừng (Exsultet). Đúng là Tin Mừng chứ không phải tin buồn. Bởi tin Con Thiên Chúa đã phục sinh từ cõi chết: “Mừng vui lên, hỡi muôn lớp cơ binh Thiên Thần trên trời. Cùng vui lên, hỡi những Nhiệm mầu thánh này, tiếng loa cứu độ hãy vang rền không gian...”. Nghe sao mà trang trọng và sốt sáng!

Tiếp đó, phần Phụng vụ Lời Chúa được bắt đầu. Giáo hội cho chúng ta đọc lại sách Sáng Thế để biết Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vàn muôn vật. Nhưng đặc biệt là bài sách Xuất Hành, Giáo Hội khẳng định rằng việc đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập qua biển Đỏ là hành trình của Giáo Hội lữ hành phải đi qua...

Trong bài chia sẻ Thánh Lễ Vọng này, Cha xứ cũng nói lên tầm quan trọng của biến cố Phục Sinh. Đây là biến cố quan trọng nhất trong mọi biến cố. Bởi nếu không có biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu nhân loại chìm đắm trong muôn vàn tội lỗi và sự chết. Nhưng qua biến cố Phúc Sinh, nhân loại được hân hoan và sống một đời sống mới.

Thánh lễ thật trang trọng và sốt sáng bởi đây là “mẹ của các đêm”, là “đỉnh cao của phụng vụ kitô giáo”. Thánh lễ Vọng Phục Sinh cũng là ngày Giáo Hội đề cao và cầu nguyện cho người dự tòng. Có thể nói đây là đêm cao điểm và thích hợp nhất để những người dự tòng lãnh nhận bí tích khai tâm. Giáo xứ Lào Cai cũng hân hoan chào đón 13 người dự tòng, sau nhiều ngày học hỏi giáo lý, xin lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Con số 13 là con số 12 Tông đồ và Chúa Giêsu. Hi vọng con số 13 này cũng là dấu chỉ tích cực cho giáo xứ Lào Cai trên bước đường truyền giáo. Thánh lễ được kết thúc vào lúc 0g30 ngày hôm sau.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh xin nhìn đến miền truyền giáo mênh mông bát ngát này và ban nhiều thợ gặt lành nghề để các ngài ra đi thu được nhiều kết quả về cho Chúa!

 
Một lần đến thăm các nữ tu Cát Minh Việt Nam ở Alabama
Peter Ca Nguyen
15:48 27/04/2011
MOBILE - Thánh lễ Truyền Dầu năm nay là cơ may để Linh Mục, Chủng Sinh về bên vị Chủ Chăn của mình, và đây cũng là cơ hội để tôi có dịp đến thăm các nữ tu Cát Minh người Việt đang tu luyện tại Tổng Giáo Phận Mobile, Alabama, Hoa Kỳ và hiểu rõ hơn về đời sống tu luyện của các chị.

Xem hình ảnh

Đúng vào dịp Tuần Bát Nhật Phục Sinh, các nữ tu nơi đây được tiếp khách, nói chuyện vui vẻ, khách được phép tham quan trong và ngoài nội vi Tu Viện. Đây là dịp đặc biệt dành cho các nữ tu trong suốt một năm.

Khuôn viên Tu Viện tĩnh lặng đến khó tả giữa chốn đô thị xa hoa ngay trung tâm Thành Phố. Những khuôn mặt hiền hòa, nhân hậu suốt ngày chỉ biết có bốn bức tường và những lời kinh nguyện vang lên một ngày 7 lần, làm át đi những tiếng sầm uất chung quanh. Rồi những bữa cơm đạm bạc theo tinh thần khó nghèo của Mẹ Thánh Terexa đã làm lùi lại những sự xa hoa bên ngoài, và những lời tâm sự ngây thơ mộc mạc đã nói lên tất cả con người nữ tu nơi đây.

Tám gương mặt trẻ nơi đây được nhiều người ví von như là tám bông hoa hoa. Tuổi đời của tám nữ tu chưa bước sang ngưỡng cửa bốn mươi. Mẹ Bề Trên được ví như là người Mẹ vượt trên tất cả, bao gồm nét hiền hòa, thánh thiện hòa lẫn nụ cười xinh xắn, một con người chững chạc với bề dày lịch sử ơn gọi hơn 20 năm khi tuổi đời chưa tròn 40.

Có những nữ tu tâm sự với tôi, sống trên nước Mỹ mấy tháng trời nhưng nhiều lúc cứ tưởng đang ở Việt Nam, có hơn chăng là cái bếp ga. Bởi ở Việt Nam mỗi khi nấu ăn, các chị của chúng tôi phải quỳ xuống, nhẹ nhàng đưa luồn gió từ đôi môi ra mới hy vọng có được ngọn lửa bốc cháy. Còn ở đây chỉ cần một thao tác nhẹ thôi là đã có ngay ngọn lửa nóng rồi.

Trong số họ có người sang tới Mỹ chân ướt chân ráo, thì người thân trong gia đình được Chúa gọi về, chị đành tín thác tất cả vào sự quan phòng của Chúa mà không mảy may chút buồn lòng theo thói quen người đời.

Chúng tôi không thể cầm lòng trước lời tâm sự của một nữ tu kể về cuộc hành trình ơn gọi của Chị, khi đã can đảm bỏ mặc những khó khăn chồng chất. Bước chân đi tu khi tuổi đời mới tròn 12. Ông bà Cố chị đều lần lượt ra đi vĩnh viễn không quay về, bỏ lại cho chị 4 người em nhỏ để chị nuôi nấng. Là người chị cả nhưng cũng là người mẹ, người cha của 4 đứa em thơ. Bao gánh nặng phía trước luôn thách đố chị. Chẳng biết chốn linh thiêng hai Cụ có thấu hiểu cho nỗi lòng của người chị, người mẹ, người cha và đặc biệt là người nữ tu hay không, nhưng chị đã phải đấu tranh rất nhiều để thực hiện lý tưởng cao đẹp của mình mới có được ngày hôm nay khi tuổi đời mới 28 và trên 10 năm tu luyện.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng ở nơi những nữ tu Cát Minh không chỉ đơn thuần có thế, mà nó còn toát lên một nét đặc thù khác nữa đó là nét nhân từ, thánh thiện, ngây thơ mà tôi tạm dùng cụm từ “ Tám như một”.

Với tuổi đời các nữ tu Cát Minh nơi đây, cái tuổi mà đáng ra họ là những tinh hoa của thế gian với những thực tại, thì họ lai quay về với sự khép kín cầu nguyện, không mường tượng đến thế sự, làm toát lên sự ngây thơ, thánh thiện của những bậc chân tu. Xét về mặt đức tin, chúng tôi cảm thấy hãnh diễn vì bên cạnh những nhà truyền giáo đã có những con người luôn sát cánh bằng những lời cầu nguyện, và đây là nền tảng vững chắc nhất mà mẹ Hội Thánh luôn kêu mời.

Sống cuộc đời dâng hiến mà các nữ tu Cát Minh nơi đây đã, đang và sẽ ngày đêm vun trồng, tuy những bông hoa này có phần chậm trễ, có phần trái mùa so với thời gian và địa lý. Nhưng Đức Tổng Giám Mục Thomas Rodi và người dân xứ đạo nơi đây cảm thấy an tâm và rất tự hào. Một xứ đạo mang tên Monica gần kề với đa phần là người Việt và Cha Chánh Xứ luôn đồng hành cùng các nữ tu cũng là sự an ủi lớn với họ ở nơi đất khách quê người.

Tu Viện Cát Minh số 716 Dauphin Island Parkway, Thành Phố Mobile- Alabama, trong tương lai không xa, sẽ là nơi đón tiếp những bạn trẻ dám dấn thân vì giáo hội, và cũng là nơi cho nhiều con người đang gặp khó khăn về tâm linh biết chạy đến nương tựa.
 
Hội Nghị Thường Niên Caritas Giáo Phận Phan Thiết 2011
Hồng Hương
21:41 27/04/2011
Hội Nghị Thường Niên Ban BAXH - Caritas Phan Thiết đã diễn ra ngày 27.4.2011 tại Nhà thờ Kim Ngọc trong niềm hân hoan mừng Chúa Phục Sinh. 320 đại diện các giáo xứ, giáo họ, dòng tu, tu đoàn, Nhóm Tác Viên Tin Mừng, Hội Têrêxa đã về tham dự .

Xem hình ảnh

Chương trình bắt đầu với phần chào mừng Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Nguyên Giám Mục GP Phan Thiết, Cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam, Giám đốc Caritas Phan Thiết, Quý cha Đặc trách Caritas 4 Giáo hạt Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Đức Tánh, Bắc Tuy và quý linh mục, tu sĩ, các đại diện Caritas trên khắp Giáo phận.

Bài thuyết trình với đề tài “Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu” mở đầu cho Hội nghị. Đức Cha Phaolô bắt đầu với việc giải thích tiếng Caritas bắt nguồn từ câu nói của Thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16) để dẫn vào “Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu” của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Ngài khẳng định đời sống Giáo hội, đời sống Kitô hữu có một trách nhiệm ba mặt theo phương diện mục vụ là: Cử hành các Bí Tích; Loan báo Tin Mừng; Làm việc bác ái. Vậy thì nhiệm vụ Bác ái cũng quan trọng như hai nhiệm vụ kia. Đức Cha phân biệt Tình yêu eros (là tình cảm tự nhiên, chỉ mong chiếm đọc người khác) và tình yêu agapê (biến chủ thể thành lễ vật, thành sự dâng hiến cách vô vị lợi). Đó chính là tình yêu mà người làm Caritas phải hướng đến theo gương tự hiến chỉ vì yêu của Thiên Chúa cho con người. Theo đó, Caritas không phải là bố thì mà là chia sẻ để nâng cao phẩm giá con người. Caritas không phân biệt lương giáo, và hơn bao giờ hết đem tình yêu phục vụ anh em lương dân là cơ hội để họ nhân biết Thiên Chúa là tình yêu, là Cha của mọi người.

Tiếp đến, Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, Tân Giám đốc Caritas Việt Nam, thông qua Hội nghị một số tin tức của Caritas Việt Nam trong năm 2010 và một soeur trình bày các hoạt động và kế hoạch của Trung Ương cho các Caritas Giáo phận trong thời gian sắp đến. Cũng trong phần này, Đại diện Caritas TGP Sài Gòn, một trong những Caritas được đào tạo bài bản, chia sẻ về công việc thiết lập và hoạt động Caritas các giáo xứ với các mảng như huấn luyện nhân sự, thành lập đội ngũ Liên Kết Viên Caritas, nối kết các thành viên Caritas Hạt, hoạt động Caritas giáo xứ, kinh phí để thực thi Bác ái – Caritas .v.v.

Sau giờ giải lao, cha Giuse Nguyễn Hồng Phước thuyết trình đề tài “Mục vụ Bảo vệ Sự sống” của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Nội dung chia sẻ gồm 5 phần giới thiệu lần lượt về ý nghĩa và công việc của Nhóm Bảo Vệ Sự Sống, giới thiệu về Các Mái Ấm nuôi và hướng dẫn các chị em lầm lỡ để giữ lại thai nhi, công việc chôn cất thai nhi, công tác giáo dục - giảng dạy – tư vấn – truyền thông của các linh mục và thành viên đặc trách về vấn đề này.

Chương trình sinh hoạt chiều bắt đầu với phần trình bày của cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Giám đốc Caritas Phan Thiết, về hoạt động của Caritas năm 2010 và kế hoạch thực hiện trong năm 2011. Qua 2 năm hoạt động, mạng lưới Caritas từ cấp Giáo phận, Giáo hạt đến Giáo xứ (Giáo họ) qua các mang hoạt động: y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, phát triển, cứu trợ thiên tai … liên kết chặt chẽ với nhau đem lại nhiều lợi ích cho anh chị em gặp hoàn cảnh khó khăn. Cha nhấn mạnh đến việc tổ chức hoạt động bảo vệ sự sống tại địa phương và thành lập nhóm Liên Kết Viên cùng với các hoạt động khác của Caritas Phan Thiết trong năm 2011.

Nữ tu Thanh Mai (Dòng MTG Nha Trang) kinh nghiệm hoạt động bảo vệ sự sống và hoạt động hiện nay của Mái Ấm Tình Thương (Lagi, Hàm Tân). Trong Hội Nghị năm nay, có phần báo cáo điển hình hoạt động của Caritas 3 Giáo xứ Vinh Tân, Ma Lâm, Kim Ngọc. Tùy theo tình hình nhu cầu địa phương mà mỗi giáo xứ đều có thế mạnh trong hoạt động của mình.

Sau phần báo cáo điển hình, nữ tu Ngô Vân hướng dẫn cách làm sổ thu chi và báo cáo cho các giáo xứ. Cha Giám đốc Caritas Phan Thiết giải đáp thắc mắc của tham dự viên và đúc kết chương trình Đại hội. Cha cũng thay mặt Caritas Phan Thiết cám ơn sự hiện diện của các linh mục Đặc trách Caritas Giáo hạt, các đại biểu, cha sở và những anh chị Giáo xứ Kim Ngọc đã phục vụ để Đại hội diễn ra tốt đẹp.

Hội Nghị thường niên Caritas GP Phan Thiết 2011 kết thúc vời Giờ Chầu Thánh thể do cha Giuse Nguyễn Hữu An, Phó Giám đốc Caritas Phan Thiết, chủ sự.

VP Caritas Phan Thiết
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phải chăng kẻ chiến thắng cam tâm tình nguyện đi làm “Lao Nô” cho quân thù?
Hà Long
08:39 27/04/2011
Càng gần đến ngày 30/4 những người chiến thắng, đích danh gọi là cộng sản Bắc Việt thì họ sẽ sơn son thếp vàng lại tấm bảng “PHONG THÁNH” cho cuộc “Đại Thắng Mùa Xuân 1975” thật thần thánh “Chống Mỹ, cứu nước - Giải phóng Miền Nam”, đã đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào. Đúng như thế, Mỹ đã phải tủi nhục thân tàn ma dại chạy trối chết thoát khỏi vũng lầy chiến tranh VN; còn bọn Ngụy, đích danh gọi là Quân Đội VN Cộng Hòa và chính quyền tự do dân chủ Miền Nam bàng hoàng lo sợ chịu thân phận của kẻ chiến bại và phải chấp nhận tất cả mọi sự trừng trị của cs Bắc Việt. Hình như sự trừng phạt này vẫn còn tiếp tục… kéo dài đến 36 năm nay. Chỉ cần lật một trong 700 tờ báo lề phải, như tờ QĐND trong những ngày cuối tháng 4 là người đọc thấy họ đang rỉ rả về những luận điệu thù hận này.

Phóng viên chiến trường người Anh, ông John Pilger thuở ấy ghi lại nhật ký chiến trường vào những ngày cuối cùng của tháng 4/1975 tại thủ đô Sài Gòn. Lúc ấy vị đại sứ Mỹ Graham Martin xuất hiện trên truyền hình Sài Gòn, cam kết Washington sẽ không rời Việt Nam. Lời cuối cùng của ông Martin: "Tôi, Đại sứ Mỹ, sẽ không chạy trốn lúc nửa đêm. Bất kỳ ai cũng có thể tới nhà tôi và chứng kiến tôi chưa thu dọn hành lý".

Một lời trấn an hèn nhát của vị đại diện chính quyền Washington trước khi đào tẩu. Phóng viên Pilger cho biết thêm về một tín hiệu triệt thoái rút quân toàn diện của quân đội Mỹ vào ngày 29/4/1975 khi lực lượng quân đội Mỹ cho phát sóng Radio mật hiệu di tản bằng bản nhạc Giáng Sinh bất hủ do ca sĩ nổi danh Bing Crosby hát: " I'm dreaming of a white Christmas " – (Tôi mơ ước về một Giáng Sinh tuyết) thì một người bạn hữu của nhà phóng viên Pilger đã quyết định ngay lập tức: "OK, chạy được rồi đấy!". (Một thông báo về di tản được bí mật ghi ra như sau: mang theo hai bộ quần áo để thay đổi, một áo mưa, một bộ dụng cụ may vá, một cái ô dù, một cái mở hộp, thuốc phòng chống côn trùng, giấy chứng nhận kết hôn…). Cuộc di tản căng thẳng chớp nhoáng và cuối cùng trên nóc nhà tòa đại sứ Mỹ đã đưa được khoảng 7.000 người bằng trực thăng ra khỏi VN, gồm 1.300 người Mỹ và 5.500 người Việt trong vòng 18 tiếng đồng hồ.

Thế là hết! Chấm dứt cuộc tham chiến của Mỹ với người bạn Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30/4/1975. Miền Nam Việt Nam đã bị bức tử!

Thời gian qua mau, đã 36 năm rồi! Thời gian của một nửa đời người sống trên hành tinh này! Bắc Nam đã thống nhất, nhưng đến ngày kỷ niệm thứ 36, thay vì có thể kể cho nhau nghe những từ ngữ yêu thương, hòa giải, nối kết tình anh em giữa hai miền thì người Miền Nam vẫn còn phải đón nhận những mặc cảm của kẻ chiến bại, vẫn còn là ngụy quân, ngụy quyền, bù nhìn tay sai, phục vụ cho âm mưu thực dân mới, những từ ngữ Mỹ cút Ngụy nhào vẫn còn oang oang nơi cửa miệng của kẻ tiếp tục say men chiến thắng để chủ đích kết án bản chất hiếu chiến phản động cho người Miền Nam. Điều ấy chẳng khác chi một bản giáo điều bảo thủ mù quáng nhằm nuôi dưỡng thù hận của quá khứ chiến tranh!

Đến nay, chưa có một luận đề tin tưởng và bao dung nào được nói về sự hòa giải bình đẳng của dân tộc ngoài cách đe dọa cải tạo hoặc bắt đi tù học tập từ năm 1975 tại Việt Nam. Nước Đức sau thống nhất, các nhà lãnh đạo chính trị cũng như tôn giáo, xã hội quá khoan dung, thay vì trả thù hoặc kết án kẻ chiến bại, tất cả mọi người đồng tâm đưa tay ra kết đoàn nâng đỡ và xây dựng đất nước.

Tại Việt Nam, chờ mãi đến 35 năm sau mới có một người can đảm ký tên Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ gửi thư lên Quốc Hội VN vào ngày 30/8/2010: “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa”. Lời kiến nghị này chẳng khác những gì người Đức giữa Đông và Tây đã thực hiện thành công trong 20 năm vừa qua cho dân tộc họ. Luật sư Cù Huy Hà Vũ - người đang được thế giới chú ý về bản án tù bất công 7 năm, đã đưa ra luận đề thuận lòng người, ít nhất cho những người đã được hưởng cuộc sống tự do của chế độ VN Cộng Hòa: “Dù là tất yếu để Non – Sông Việt Nam liền một giải, để Độc lập Dân tộc được toàn vẹn thì đó vẫn là một cuộc Nội chiến, một cuộc chiến tranh Huynh - Đệ tương tàn giữa những người Việt Nam.

Vì vậy, một khi chiến tranh chấm dứt thì xóa bỏ hận thù giữa những người Việt từng ở hai bờ chiến tuyến hay Hòa giải Dân tộc là Nghĩa vụ, và hơn thế nữa, là Đạo lý của mọi người Việt Nam. Và trong sự nghiệp Hòa giải này – tôi khẳng định – vĩ đại không kém cuộc chiến vừa kết thúc nhằm thống nhất đất nước – những người chiến thắng phải đi bước trước, mà giang tay ôm vào lòng những người anh em chiến bại để tỏ chữ Hiếu đối với Mẹ chung - Tổ quốc, để mọi người Việt dẫu chính kiến có khác biệt lại sum họp Một Nhà!

… Trớ trêu thay, Ban lãnh đạo của nước Việt Nam thống nhất sau 30 năm chiến tranh chẳng những đã không học tập tấm gương hòa giải dân tộc của Hồ Chí Minh, mà ngược lại, còn khoét sâu vết thương của dân tộc bằng việc tập trung “cải tạo” trong nhiều năm trời cả trăm nghìn quân nhân, viên chức Việt Nam cộng hòa, bằng kỷ niệm liên tục 35 năm nay “Ngày giải phóng Miền Nam” đậm chất “thắng – thua”… đẩy không ít người Việt thuộc chính quyền cũ rơi vào vòng xoáy của sự thù hận với hệ quả là một số người bị chính quyền mới kết vào “tội xâm phạm an ninh quốc gia”!

Một khúc mắc thời đại, hay đúng hơn là một vết thương nhiễm trùng chưa có thuốc kháng chế bám chặt trên cơ thể của 3 triệu đảng viên csVN từ 36 năm qua. Vết thương này, cho đến nay không ai được phép đụng vào cứu chữa cho nó. Ngày nay Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tìm cách tiếp cận đến thân chủ để mổ xẻ ung nhọt độc hại này: “Và hận thù ấy lại dẫn đến chia rẽ khác không kém phần đau đớn, lần này ngay trong nội bộ những người đã ca khúc khải hoàn, bởi có mấy gia đình Việt Nam không có người thân ở bên kia chiến tuyến.

Kinh khủng hơn nữa, chính những hận thù và chia rẽ dân tộc ấy đang từng ngày, từng giờ tiếp tay cho nguy cơ Việt Nam bị Bắc thuộc lần thứ Tư và lần này e vĩnh viễn!”. - Hết trích.

Theo thống kê, người Việt Nam đang sống trong giải đất hình chữ S với dân số 85 triệu thì gần 2/3 đã được sinh ra sau chiến tranh VN - hai thế hệ trẻ người Việt Nam đã sinh ra sau 1975, như thế trên dưới 50 triệu người VN chưa bao giờ nghe tiếng súng hoặc tiếng bom nổ trong đời của mình, và họ không phải nghĩ đến cảnh cầm súng bắn vào nhau nơi chiến trường. Tại sao phải gieo lòng thù hận của quá khứ chiến tranh vào tâm trí của hai thế hệ trẻ này?! Có thể nói dân tộc Việt Nam sau sự đô hộ 100 năm của thực dân Pháp, bây giờ là lúc ngưng tiếng súng hoàn toàn để tạo thành một khối, gói trong cùng một bọc để có thể sống trong hòa bình xây dựng đất nước hùng mạnh.

Trong lúc này tư tưởng hòa giải thật lòng, từ con tim giữa hai miền Nam Bắc của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ cần thiết hơn bao giờ hết cho dân tộc Việt Nam.

Minh chứng đã có của dân tộc Đức, họ chỉ cần thời gian 20 năm sau thống nhất đã thành công xây dựng đất nước tiến lên và nước Đức đang trở thành một quốc gia giàu mạnh nhất trong khối Liên Hiệp Âu Châu.

Phát triển đất nước Việt Nam thời hiện tại bằng kinh tế mũi nhọn Vanashin?

Còn Việt Nam với chính sách toàn quyền đảng trị của csVN sau 36 năm thống nhất chúng ta thực đã đủ sức vươn lên cao như sức mạnh của con rồng Á Châu? Chúng ta đã được phép tự hào sánh vai song bước cùng các quốc gia bạn bên cạnh và trong vùng? Được gia nhập WTO thay vì gia tăng được sức mạnh từ đôi tay của mình hay luôn phải cúi đầu ngửa tay nhận viện trợ của người ngoài nhằm tiếp tục xóa đói giảm nghèo?

Sức mạnh của thế giới được tính theo sự tăng trưởng kinh tế và sự nâng cao đời sống của người dân. Dường như người quốc nội cũng như những nhà đầu tư ngoại quốc đang nhìn thấy những công trình mũi nhọn của VN cứ như con tàu thả dốc không phanh xe. Tên gọi Vinashin với số nợ kinh hoàng hơn 86.000 tỷ đồng, tiếp theo với các tin tức trong những ngày vừa qua đăng tải về vụ Công ty Cho thuê tài chính ALC II liên quan đến ngân hàng Agribank cũng đang trên đường phá sản giống như dập khuôn với Vinashin vì thua lỗ 3.000 tỉ đồng. Được kể thêm phải nêu ra Tổng công ty xăng dầu đang thâm thủng ngân quỹ hàng ngày tỉ đồng chỉ trong vòng 3 tháng. Thua lỗ cứ gia tăng như cơn sóng thần Tsunami cuốn vào nền kinh tế VN, ví dụ năm 2010 công ty Điện lực Việt Nam (EVN), một tập đoàn lớn của Nhà nước đã thông báo lỗ hơn 8.000 tỉ đồng. Thế mà vào đầu tháng 4/2011 tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) cho biết, EVN còn nợ tập đoàn này khoảng 5.000 tỉ đồng. Chuyện nợ ngàn tỉ cứ như trò đùa chẳng khác đưa tay mua vài bó rau trong thời bão giá: đã lỗ thật to làm sao còn sớm trả được nợ? Tiếp theo vào đầu tháng 3/2011 Thanh tra Chính phủ cho biết 5 ngân hàng to đã có nhiều sai phạm gây thất thoát 160 tỷ đồng cho nhà nước.

Câu chuyện nợ nần của VN chưa kịp đến hồi kết thúc thì cách đây vài hôm, 20/4/2011 báo chí lại khui thêm ra việc Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã lên tiếng về việc EVN nợ mình 1.600 tỷ đồng, thời điểm mang nợ tính đến 31/3/2011. Như vậy, trong khoảng một thời gian ngắn tập đoàn Điện lực Việt Nam đã bị phanh phui ra số nợ lớn của PetroVienam và Vinacomin, cộng chung nợ của 2 nơi là 6.600 tỷ đồng. Nếu tính thêm vào số thua lỗ 8.000 tỉ đồng trước đó sẽ tổng cộng ra một con số rất nghiêm trọng 14.600 tỉ đồng. Tập đoàn EVN luôn được mệnh danh là đứa “con cưng” của nền kinh tế Việt Nam và đang “ngập đầu ngập cổ” trong nợ nần.

Lại một đứa “con cưng” khác của nền kinh tế nước nhà, Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã thua lỗ đậm trong 3 tháng đầu năm. Báo SGTT đưa tin: sáng nay 4/4, bà Đàm Thu Huyền, phó tổng giám đốc tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, thống kê nhanh của đơn vị này cho thấy, tính đến hết ngày 31/3, Petrolimex đã lỗ 2.650 tỉ đồng trong quý 1. Tính ra mỗi ngày công ty Petrolimex đang lỗ một khoản tiền khổng lồ trên 29 tỷ đồng. Nhà nước đang giữ 75% cổ phần của tổng công ty này.

Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận một sự phá sản có hệ thống từ những tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước thua lỗ khi ông cho biết thống kê cách đây 2 năm trước: Năm 2009, cả nước có 1.358 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI hoạt động. Tuy nhiên, có tới 56% trong số này báo cáo làm ăn thua lỗ. Hầu như họ đều là những doanh nghiệp nhà nước hoặc có cổ phần của nhà nước.

Nhìn thất bại thê thảm như thế người ta có thể nói rằng một đằng do quản lý kinh tế, tài chính yếu kém, đằng khác phải có một động cơ to lớn đứng sau lưng, đó là một màng nhện rối mù nhằm hưởng lợi chia chác miếng bánh với nhau hoặc táo tợn tham gia vào đục khoét tham nhũng, rửa tiền hoặc lấy tiền nhà nước làm của riêng.

Sự tụt dốc về kinh tế đang đè nặng lên nợ công của Việt Nam, năm 2010 đã đạt đến mức 56,6% GDP: tổng sản lượng quốc gia. Mức nợ công kỷ lục của VN dưới triều đại của TT Nguyễn Tấn Dũng. Con số này so sánh với nợ công của Hy Lạp khoảng 1/3. Đây là một tiếng chuông báo động cho nền kinh tế VN, dù rằng nhiều chuyên gia kinh tế VN vẫn kiên định số nợ công của VN còn nằm trong ngưỡng cửa an toàn. Người bi quan cho rằng nợ công ở Việt Nam đang tăng nhanh và sẽ trở thành căn bệnh "kinh niên" của nền kinh tế. Đàng khác những tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước cứ tiếp tục thua lỗ - có nơi đã tuột dốc đến 3 năm rồi – thì lãi xuất của nợ công rõ ràng càng tăng lên cao.

Tình hình kinh tế lụn bại chưa từng xảy ra đang làm cho người dân VN xoay sở rất khó khăn trong thời bão giá trầm trọng này. Nạn lạm phát đang từ 8,93, nay trong tháng 3 đã phi mã tới mức độ báo động 13,89% khiến cho Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế phải liên tục cảnh báo nhà nước csVN. Nơi đang đoạt giải quán quân gây sốc về lạm phát là TP Sàigòn với 14% so với năm vừa qua và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 5/2008. Lại thêm một kỷ lục mới về lạm phát của TT Nguyễn Tấn Dũng khi ông hãnh diện đưa ra chỉ tiêu lạm phát chỉ đến ngưỡng 7% cho năm 2011. Ngoài ra nguồn ngoại tệ dự trữ của năm 2010 là 25,8 tỉ Đôla, bây giờ đã bốc hơi nhanh chóng mất đi một nửa còn 12,2 tỉ trong đầu năm 2011. Công ty xếp hạng tín nhiệm về đầu tư Moody's Investors Service Inc. cảnh báo rằng nếu nguồn ngoại tệ dự trữ tiếp tục giảm sẽ làm mất cán cân cân bằng kinh tế tại VN.

Nếu tính thêm nợ nước ngoài chúng ta sẽ thấy con số cứ vùn vú tăng lên cao cho nhà nước VN. Vào tháng 1/2011 Bộ Tài chính đã công bố bản tin nợ nước ngoài số 6 và cho biết trong năm 2010 VN đã vay thêm 1 tỉ USD, nâng tổng số nợ lên 29 tỉ USD, chiếm 42,2% GDP. Số tiền lãi phải trả cho chủ nợ nước ngoài thì Việt Nam phải cần trên 4 tỉ USD, tương đương 80.000 tỉ ĐVN để hoàn thành số nợ cho năm 2011. Các nhà kinh tế nhìn ra số tiền này đang chiếm đến 11,9% tổng chi ngân sách của VN.

Nhà nước csVN luôn có một biệt tài chạy chữa theo kiểu đột phá “vỡ chỗ nào đắp ngay chỗ đấy” hoặc là “đi tắt đón đầu” trong cảnh “dầu sôi lửa bỏng” đang làm cho cuộc sống của người dân điêu đứng lầm than về bão giá: thực phẩm, điện, nước, gas xăng dầu, nhà cửa, thuốc men, v.v… tăng lên như phi mã và cộng thêm với đồng tiền VN trượt giá. Dân nghèo cứ phải thắt lưng buộc bụng sống vất vưởng cho qua ngày.

Tiện nói về lạm phát chúng ta cần biết thêm một chút về Hy Lạp và Ireland. Tại Hy Lạp mức lạm phát trong năm 2010 tăng lên 5,4%, mức cao nhất từ 13 năm nay. Và Ireland cũng trong năm 2010 nạn lạm phát phi mã lên 5,6%, khi ấy trong khi khối Liên Minh Âu Châu đồng lòng lấy tiêu chuẩn ở mực cao nhất là 3%. Việc gì đã đến với hai quốc gia này thế giới đã biết tỏ tường: bị phá sản toàn diện, dân chúng lầm than với bão giá. Như thế, mức báo động đỏ 13,89% vượt kỷ lục lạm phát ở VN có làm cho người dân lo sợ không? Và VN đang tiến dần đến bờ vực thẳm phá sản chăng?

Đọc được 2 bình luận trong báo nhà nước, tờ mạng Vietstock (Thông tin dữ liệu tài chính kế toán kinh tế VN) vào ngày 20/04/2011 với tựa đề “Lạm phát của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới” cho thấy tình hình kinh tế hiện tại rất khẩn trương. Nhìn vào các nước trong khu vực tại châu Á, họ chỉ có lạm phát từ mức 0 đến 6% mà thôi.

Tại diễn đàn mở của báo Vietstock chúng ta đọc được những bức xúc hiện tại của người dân, ví dụ điển hình qua:

- San (20/04/2011 - 14:44): Bao nhiêu năm liền gần đây lạm phát VN luôn ở mức quá cao, dân nghèo càng ngày càng khổ, mà sao không thấy ai phải chịu trách nhiệm nhỉ?

- Đỗ Trọng Tường (20/04/2011 - 12:22): Hoan hô VN ta đứng hạng nhì thế giới (về lạm phát). Thật là OAI - HOÀNH TRÁNG và vinh dự cho VN ta. Như vậy ta có đi ra ngoại quốc thì thế giới sẽ phải NGẢ NÓN mà kính nể TA chứ. Đây là một minh chứng hùng hồn cho sự TÀI LÃNH ĐẠO và điều hành kinh tế của đất nước. HY VỌNG rằng trong thời gian tới TA phải Đứng hạng 1 thế giới, thế mới thật là OAI hoàn hảo.

Trở về đống sắt vụn khổng lồ Vinashin, một điều thú vị khi tìm được các tài liệu của các năm cũ, một chi tiết cho chúng ta thấy nợ quá hạn của Vanashin vào năm 2008 khi được thanh tra kiểm đến chỉ là một con số rất nhỏ không đáng lo ngại cho một mũi nhọn kinh tế nhà nước hàng đầu: 3.812 tỉ đồng nợ. Đùng một cái, như cơn sóng thần Tsunami ụp đến, chỉ qua 2 năm sau tiền nợ đã trở thành 86.000 tỉ đồng. Kỷ lục của Việt Nam!

Một chi tiết khác chúng ta cần biết, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước VN, tính đến 31/12/2008, tổng nợ tín dụng của 7 Tập Đoàn mũi nhọn quốc gia (Dầu khí, Than khoáng sản, Cao su, Dệt may, Công nghiệp Tàu thủy, Điện lực, Bưu chính Viễn thông) là 128.786 tỉ đồng, tăng nợ lên 20,54% so với cuối 2007, chiếm gần 10% so với tổng nợ tín dụng đối với nền kinh tế VN ở cùng thời điểm.

Như thế, những món nợ và thua lỗ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước kể trên có thể tuột dốc theo dấu vết của chiếc tầu mũi nhọn Vinashin không? Thời gian sẽ là mức đo chính xác nhất cho họ và cho nhà nước csVN!

Cuộc cứu nguy nền kinh tế VN bằng cách xuất khẩu lao động hoặc là buôn nô lệ?

Theo cách nhìn của chính quyền csVN, qua cuộc Hội thảo Đánh giá thực trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã trở về Việt Nam vừa diễn ra ở Hà Nội thì chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn (Sic!), nhằm góp phần giải quyết nhiều vấn đề của lao động xã hội như giải quyết việc làm cho người dân.

Cách định nghĩa này xem thật mỹ miều và mang tính nhân văn kinh tế. Kế hoạch cứu nguy nền kinh tế này đã được thực hiện trong nhiều năm nay. Lý do chính đáng là lợi nhuận quá to lớn cho người ban hành luật về nó, còn công nhân đi lao động cũng có dịp cải thiện cuộc sống kinh tế cho riêng mình và gia đình, điều này không ai có thể phủ nhận về việc mang sức lực và mồ hôi đổi lấy cơm ăn áo mặc của họ. Nhiều người cũng đã dựa vào đó để đạt được thành quả tốt đẹp.

Một con số thống kê chính thức làm cho người đọc thấy được lợi nhuận đang nằm trong tay của nhà nước csVN. Theo báo cáo của Quỹ hỗ trợ XKLĐ thuộc Bộ LĐ-TB-XH vào tháng 3/2009 mở mắt cho chúng ta thấy một siêu lợi nhuận như sau: “… Từ năm 2004 (thời điểm thành lập) đến nay, Quỹ hỗ trợ XKLĐ đã thu tới hơn 92 tỷ US (Đôla Mỹ) nhưng đến nay Quỹ này mới chi hơn 2,4 tỷ. Theo Quyết định số 163/2004/QĐ-TTg, Quỹ hỗ trợ XKLĐ thuộc Bộ LĐ-TB-XH nhằm thực hiện việc phát triển thị trường lao động ngoài nước; nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của lao động VN trên thị trường lao động quốc tế; hỗ trợ rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp trong hoạt động XKLĐ.”

Một cú làm ăn nhẹ nhàng, không tốn sức, giầu nhất mà lại nhàn nhất, chẳng cần phải bỏ vốn đầu tư mà siêu lợi nhuận mang về hàng tỉ Đôla Mỹ, hơn hẳn rất nhiều các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước.

Vì thế khi trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 23/3, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH khẳng định trong năm 2011, có thể hoàn thành chỉ tiêu đưa 87.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2010, các doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động Việt Nam đã đưa lao động đi làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 85.546 lao động, đạt 100,64% kế hoạch, tăng 16,4% so với năm 2009.

Theo đánh giá của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, hầu hết lao động nghèo đang có việc làm khá ổn định ở nước ngoài với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng ở thị trường Malaysia; 6 triệu đồng đến 7 triệu đồng ở Libya, UAE và 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/tháng ở Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết con số của năm 2010 như sau:

28.499 lao động đi Đài Loan
11.741 lao động đi Malaysia
8.628 lao động đi Hàn Quốc
5.903 lao động đi Lào
5.242 lao động đi Libya
5.241 lao động đi UAE
4.913 lao động đi Nhật Bản
4.725 lao động đi đến các thị trường khác là
3.615 lao động đi Campuchia
3.124 lao động đi Macao
2.729 lao động đi Ả rập Xê út
1.204 lao động đi Bahrain

Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo bảng thống kê từ năm 2007 đến tháng 6/2010 có 282.106 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức, trong đó họ đi đến các quốc gia làm việc:

89.887 lao động đi Đài Loan
39.817 lao động đi Malaysia
39.382 lao động đi Hàn Quốc
32.196 lao động đi Khu vực Trung Đông
19.590 lao động đi Nhật Bản
12.092 lao động đi Khu vực châu Phi

Nhìn con số 282.106 lao động chính thức (chưa tính thêm vào con số lớn lao động chui) để có đủ hồ sơ nhận việc làm cũng như để xuất cảnh, chi phí cho cò, cho các công ty có chức năng xuất khẩu lao động, cho chính quyền địa phương, các tòa đại sứ, vé máy bay, v.v… Đổ đồng mỗi bộ hộ sơ người lao động phải ứng trước cả 10.000 USD, có chỗ việc làm tốt phải chi nhiều tiền hơn. Điều này đã mang lại gần 3 tỉ USD, so sánh hơn một nửa số nợ khổng lồ của đống sắt vụn Vanashin. Một sáng kiến buôn nô lệ của thời đại mới như là cách thức nhằm tăng cường kinh tế cho họ. Ngoài ra, hàng năm phải cộng thêm số tiền gửi về cho gia đình của những người đi lao động nước ngoài khoảng 2 tỉ USD (số ước tính qua các ngân hàng, con số gửi ngoài có thể lên cao hơn nữa).

Thêm một tin thú vị sốt dẻo và thật mới vào ngày 22/4, tại TP Cần Thơ, Bộ LĐ-TB-XH phối hợp cùng Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc về “Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài”. Tình trạng phụ nữ VN lấy chồng nước ngoài trở thành ồ ạt theo phong trào „ra đi xóa đói giảm nghèo“ và bên cảnh xuất cảnh lao động thì việc lấy chồng nước ngoài cũng được xem là một nền kinh tế mũi nhọn quan trọng hàng đầu. Qua những tổ chức trung gian, cò và chi phí cho nhà nước làm giấy tờ số tiền lên đến hàng tỉ Đôla Mỹ. Tại hội nghị này Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: “Từ năm 1995-2010, cả nước có hơn 257.555 công dân VN kết hôn với người nước ngoài hoặc kết hôn với công dân định cư ở nước ngoài, trong đó có trên 80% là phụ nữ. Công dân VN đã kết hôn với công dân của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ”. Trong đó, Trung Quốc chiếm gần 11%, Đài Loan chiếm 30%, Mỹ gần 14 %, Hàn Quốc gần 13%... Theo thống kê của Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Đài Bắc, hiện có hơn 100.000 cô dâu VN đã lấy chồng sang Đài Loan. Con số lấy chồng nước ngoài này cũng chẳng kém gì những người đang đi lao động nước ngoài trong 15 năm vừa qua.

Hiện nay, 539.661 người đi lao động nước ngoài và các chị em phụ nữ lấy chồng nước ngoài đang là một nguồn lợi vô tận (không vốn) cho nhà nước csVN.

Báo chí Mỹ phanh phui ra vụ “Lao Nô” Việt Nam tại Mỹ vào ngày 15/4/2011

Những ngày vừa qua bài toán cho sự bền vững của kế hoạch đưa người đi xuất khẩu lao động nước ngoài vẫn chưa thể giải quyết vẹn toàn, nếu ký giả Lise Olsen tờ báo Mỹ của Housten Chronicle, Texas phát hành ngày thứ sáu, 15/4/2011 không viết về tệ nạn buôn người lao động bất hợp pháp từ VN với tựa đề dựa theo bản dịch của anh Ba Sàm: „Họ là những “Lao Nô nhập cư” bị các công ty của Mỹ lừa? Công nhân Việt cáo buộc các công ty ở bên nhà đã bóc lột họ“. (Were they 'indentured servants'? Cheated by U.S. firms, Vietnamese allege homeland exploited them). Một bài báo dài lột tả rõ ràng những chi tiết đen tối đứng đằng sau sân khấu lấy tên Xuất khẩu Lao động của nhà nước csVN.

Vị thẩm phán của Quận Harry đưa ra quyết định một khoản tiền bồi thường chưa có tiền lệ là 60 triệu Đôla cho những thợ hàn người Việt được tuyên bố là đã bị các công ty cung ứng lao động của Mỹ bóc lột.

Đơn kiện xác định thủ phạm là hai công ty lớn của Việt Nam, cả hai công ty này đều do nhà nước (VN) sở hữu một phần: Công ty Dịch vụ và Đầu tư Thương mại, tên viết tắt là Interserco, và Tổng công ty Công nghiệp Ô tô, tên viết tắt là Vinamotors.

Luật sư của các công nhân này, Tony Buzbee, cho rằng các công ty có quan hệ với chính phủ Việt Nam nói trên đã cố tình tuyển dụng lừa đảo để xuất khẩu rất nhiều người lao động và bóc lột họ theo cách chiếm đoạt số tiền tiết kiệm của họ rồi đưa họ sang làm việc tại những công ty của Mỹ chỉ muốn thu lợi từ những nhân công “chung quy chỉ là những lao nô nhập cư.” Đơn kiện lên tòa án liên bang này đòi một khoản tiền bồi thường nữa là 100 triệu đô.

Một điều hèn hạ theo thói quen làm việc cẩu thả vô trách nhiệm của các vị đại diện của nhà nước csVN tại nước sở tại- nơi nào cũng thế, họ trốn tránh gặp gỡ báo chí. Tờ báo Housten Chronicle cho độc giả Mỹ biết thêm tình tiết:

Nhân viên tại tòa lãnh sự quán của Việt Nam ở Houston đã không nhấc máy trả lời những lời cáo buộc và những cuộc gọi tới tòa đại sứ Việt Nam ở Washington rồi được hướng dẫn là phải gọi tới lãnh sự quán ở Houston. Phát ngôn viên của tòa đại sứ đã không nhấc máy trả lời các cú điện thoại gọi tới hôm thứ Tư.

Lý do thưa kiện được tờ báo địa phương này viết rất rõ ràng:

Năm 2008, người lao động muốn được tuyển dụng phải trả ngay một khoản thủ tục phí lên tới 15.000 đôla – số tiền này được gom từ tiền thế chấp nhà cửa, bán phương tiện làm ăn sinh sống và vay mượn tiền tiết kiệm cả đời của những người họ hàng. Để đổi lại, họ được hứa hẹn sẽ nhận được tổng số tiền công vào khoảng 100.000 đôla cho một hợp đồng kéo dài 30 tháng.

Sau khi sang tới Mỹ, những công nhân này được đưa tới sống trong “những ngôi nhà như dành cho súc vật”, “bị đối xử như những lao nô nhập cư” và bị sa thải sau 8 tháng khi chính các công ty môi giới này dự định thay họ bằng những chuyến hàng mới và do đó là những khoản thanh toán thủ tục phí mới, theo các cuộc phỏng vấn và theo đơn kiện được đệ trình lên tòa án liên bang hàng quận ở Galveston.

“Đây là cường quốc và chúng tôi không thể tin nổi, rút cục chúng tôi đã bị lừa như thế này, công ty đang lừa chúng tôi,” Ngo Ba Chin, một người trong số những công nhân nói trên đã trả lời báo Chronicle thông qua một người phiên dịch. Tình cảnh ở đây tồi tệ hơn bất cứ nước nào khác mà anh ta từng tới làm việc chẳng hạn như Nga, Hàn Quốc và Lybia. “Không khác gì đi tù.”

Vấn đề ngoại giao được đặt ra về nhân quyền và quyền của người lao động do tờ báo Housten Chronicle tiếp tục luận cứ:

Bộ Ngoại giao Mỹ công bố từ rất lâu trước đây đã chỉ trích chính phủ Việt Nam không bảo vệ công dân của mình khỏi nạn buôn người trong đó bao gồm cả việc “các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam”, hầu hết là những công ty của nhà nước, đã thu những khoản phí bất hợp pháp và quá cao. Những khoản phí này thuộc loại “cao nhất” so với mức phí của “nhân công nước ngoài đến từ tất cả các nước châu Á khác”, điều này khiến cho họ rất dễ bị rơi vào tình trạng bị trói chặt vì nợ nần và lao động cưỡng bách,” Báo cáo năm 2010 về tình hình buôn người do Bộ Ngoại giao công bố đã viết như vậy.- Hết trích.

Như thế, lần này nhà nước csVN sẽ phải muối mặt đối diện với dư luận của người dân Hoa Kỳ đang giơ tay chỉ đích danh kẻ buôn người bất hợp pháp mà nhà nước csVN luôn tìm cách dối trá che đậy. Nếu cuộc kiện cáo này còn kéo dài nơi pháp đình của nước Hoa Kỳ tự do và báo chí có dịp khui thêm ra các ngõ ngách lừa đảo đưa dân VN đi làm nô lệ thì e rằng nhà nước VN phải cúi đầu nhục nhã nhận tội. Một điều ai cũng biết - chính quyền sở tại cũng như người VN sống tại nước ngoài, mọi người rõ ràng nhìn thấy cánh tay vươn dài của một hệ thống buôn người trái phép của csVN chính là những tòa đại sứ, lãnh sự VN ở nước ngoài. Đối với hạng người này chỉ biết có tiền, tiền và tiền…, và họ sẵn sàng hành hạ dân của mình sống ở nước ngoài để nhận được tiền đưa tay. Ai đang ở Mã Lai luôn biết rõ rằng khi gọi điện thoại vào sứ quán VN thì cả ngày không có ai chịu bắt máy nghe.

Tạm kết

Tiền đề viết cho chủ đề bài này: Phải chăng kẻ chiến thắng cam tâm tình nguyện đi làm „lao nô“ cho quân thù? cho thấy điều ấy đã trở thành hiện thực ngay trên quê hương của đế quốc Mỹ. Rồi kẻ chiến thắng, được gọi là cs Bắc Việt phải cúi đầu chịu nhận án xử từ chiếc búa công lý tại toà án Mỹ.

Ký giả Lise Olsen phải là một người rất am tường về Việt Nam cũng như về kế hoạch buôn người trái phép của csVN để tố cáo “kẻ chiến thắng” với những lời lẽ đanh thép. Thiết tưởng rằng nếu chúng ta thêm lời bình luận vào cũng bằng thừa.

Nơi đây chúng ta nên đặt câu hỏi cho người cs Bắc Việt: Đâu rồi chiến thắng thần thánh của 30 tháng 4 năm 1975? Đâu rồi lý tưởng giải phóng đánh đuổi thực dân, chống lại bóc lột của tư bản? Đâu rồi một thiên đường cộng sản xã hội chủ nghĩa luôn hão huyền hứa hẹn cho dân tộc VN từ 66 năm nay?

Không lẽ người cộng sản VN đang phản bội lại lý tưởng cao quý của mình để dã tâm trở thành một kẻ mang chính dân mình bán đi làm nô lệ cho những kẻ tử thù đã thất bại khi đối địch trong cuộc chiến như đế quốc Mỹ và thực dân Pháp, nếu thêm các Đồng Minh tư bản tự do khác vào nữa như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Mã Lai…? Hoặc diễn tả theo cách khác: việc buôn người cho kẻ thù tư bản là nguồn lợi nhuận duy nhất và đang là kế hoạch mũi nhọn cứu nguy nền kinh tế của người chiến thắng, cs Bắc Việt! Nếu đúng như thế thì Lao Nô đi bán sức mình cho bọn “Tư Bản giãy chết” nước ngoài đang trở thành người “Con Cả rất tốt bụng” nằm trong diện kinh tế vĩ mô “giàu nhanh mà nhàn” của nhà nước csVN. Đểu cáng đến mức tận cùng lúc được nghe từ cửa miệng một vị quan to ở Hà Nội phán ra rằng: “Đấy, nhà nước thật lòng muốn giúp dân xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho họ!”.

Một câu hát trong bản nhạc Chiều Tây Đô được phép tạm kết cho bài viết này: “… Bao năm giải phóng như thế này phải không anh ?”.

… với vài phút mặc niệm cho ngày 30/4/1975
 
Văn Hóa
Nhạc Phẩm ''Tín Thác Lòng Thương Xót Chúa''
Phạm Trung
07:49 27/04/2011
Nhân dịp đại lễ mừng Kính Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, hân Hạnh giới thiệu Nhạc Phẩm "Tín Thác Lòng Thương Xót Chúa" của Phạm Trung
 
Hoa lòng
Trầm Thiên Thu
19:53 27/04/2011
Hoa lòng dâng kính Mẹ yêu

Là từng ngày tháng gian lao vơi đầy

Noi gương Mẹ sống miệt mài

Xin vâng Thánh Ý không sai chút nào

Nhất tâm tuân thủ trước sau

Yêu người, mến Chúa, sớm chiều cậy tin

Hoa lòng sướng, khổ, vui, buồn

Kính dâng Mẹ trọn xác hồn đời con

Trăm năm một chuyến thuyền nan

Nguyện xin Mẹ hướng dẫn con đêm ngày

Tháng Năm – 2011
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thượng Lộ Bình An
Đặng Đức Cương
21:23 27/04/2011
THƯỢNG LỘ BÌNH AN

Ảnh của Đặng Đức Cương

“Dù qua lũng âm u, tôi không sợ gì nguy khốn,

Vì có Chúa ở cùng tôi”

(Thánh vịnh 23,22-4)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Bướm Ngày Xuân
Tâm Duy, Lm
21:21 27/04/2011
HOA BƯỚM NGÀY XUÂN
Ảnh của Tâm Duy, Lm
Hương của mùa xuân khắp đó đây
Trăm hoa tụ hội bướm ong đầy…
(Trích thơ của TTL)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền