Ngày 01-05-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ai yêu hãy giữ lấy lời
Lm Vinh Sơn
08:37 01/05/2016
Chúa Nhật VI Phục Sinh C: AI YÊU HÃY GIỮ LẤY LỜI...

Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29

Louis, 15 tuổi, học nghề thuỷ thủ trên một chiếc tàu buôn. Một hôm, trời mưa to gió lớn làm cho các thuỷ thủ lạnh cóng và rét run. Viên thuyền trưởng đem rượu Whisky ra cho các thuỷ thủ uống để chống lạnh. Ông cũng đem rượu cho cậu bé Louis, nhưng cậu từ chối không uống. Viên thuyền trưởng ép cậu phải uống kẻo bị lạnh, nhưng Louis vẫn một mực từ chối. Vì tự ái, viên thuyền trưởng bắt cậu ra sàn tàu đứng ôm cột buồm suốt đêm.

Sáng hôm sau, khi điểm tâm xong, viên thuyền trưởng mới chợt nhớ ra cậu bé Louis. Mọi người chạy lên sàn tàu thì thấy cậu bé đã ngất xỉu dưới chân cột buồm.

Sau khi sưởi ấm và làm cho cậu bé tỉnh, viên thuyền trưởng mới dịu dàng hỏi : “Tại sao cháu lại cố chấp như thế ?”. Cậu bé trả lời : “Thưa ông, vì trước khi chết, mẹ cháu dạy cháu đừng bao giờ uống rượu. Và cháu đã hứa với mẹ điều ấy”.

Viên thuyền trưởng ngạc nhiên hỏi: “Tại sao ?”.

Cậu bé ngậm ngùi kể lại: “Cha cháu say sưa tối ngày vì rượu. Mỗi lần say, ông về đánh đập mẹ cháu, lấy đồ đạc trong nhà bán để uống rựơu. Mẹ cháu buồn quá sinh bệnh rồi chết. Cháu rất thương mẹ cháu. Xin ông đừng bắt cháu làm ngược lại những gì mẹ cháu đã dạy bảo”. Viên thuyền trưởng cảm động ôm lấy cậu bé và nói : “Con xứng đáng là con của ta, ta sẽ truyền nghề cho con” (Câu chuyện theo các cha Dòng Cát Minh).

Cậu bé Louis vì yêu mến mẹ nên đã vâng giữ lời mẹ dạy dù gặp thử thách gian nan, và cả khi nguy hiểm đến bản thân, hình ảnh đó gợi cho chúng ta lời Chúa hôm nay : “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy”.

Tin mừng Gioan 14,23-29 là trung tâm đoạn văn (từ Ga 13,31 đến hết Ga 16) gọi là “Diễn từ cáo biệt”, đuợc coi như là những lời di chúc của Chúa Giêsu trước khi bước vào cái chết khổ giá nếu xét theo trình tự văn mạch của Tin mừng Gioan. Nếu đặt trong tiến trình lịch Phụng vụ, đoạn Tin mừng này là lời nhắn nhủ trước lúc đi xa của Đức Giêsu, vì là Chúa Nhật thứ 6 Phục sinh chuẩn bị cho thứ năm (hoặc Chúa Nhật tới ở Việt Nam) mừng Chúa Lên Trời và không gặp lại các Tông đồ một cách hữu hình nữa nên những Lời của Ngài là lời ly biệt, di chúc cho các môn đệ Ngài.

Đức Giêsu khẳng định: người yêu mến Ngài, thì phải “giữ lời” Ngài, nghĩa là gắn bó với lời Ngài loan báo và nhận biết bằng đức tin những gì Ngài đã yêu cầu (x. Ga 14,15.21.23), và đáp lại bằng trọn cuộc đời dấn thân thực tế và quảng đại theo Lời Ngài. Khi ấy, người giữ Lời sẽ được đón tiếp Chúa Cha như Chúa Giêsu khẳng định: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Thật thế muốn sống với Chúa Cha trong Đức Giêsu, người tín hữu phải “giữ các lời Người” (Ga 14, 24). Sự sống này, như Đức Giêsu xác định, lại chính là sự sống của Người và cũng là sự sống mà Người nhận từ Chúa Cha, nhưng sự sống đó cũng có chung với Chúa Cha.

Bất cứ ai tin vào Ngài – Con Người – và yêu thương Ngài, liên kết với Ngài theo cách này (“giữ lời”), thì đều sẵn sàng đón Chúa Cha và Chúa Con; đến cư ngụ nơi người tin và giữ Lời và sẽ ở lại bền bỉ với người ấy. Chúa Giêsu đã liên tục nhắc lại: “Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (x. Ga 16,32; 8,29). Điều này đúng cho bất cứ ai yêu thương Đức Giêsu: người ấy không phải cô độc, không bị lạc lõng và bỏ rơi; dù không hữu hình, Đức Giêsu và Chúa Cha vẫn ở bên người ấy.

Đối với Đức Giêsu, bằng chứng cho thấy Người liên kết với Chúa Cha là những việc Người làm (x. Ga 14,10-11). Cũng như trong Cựu Ước, dân Israel đi tới chỗ biết Thiên Chúa của họ do họ thấy Ngài che chở họ đặc biệt là những kẻ nhỏ bé nhất, yếu đuối nhất, những ngoại kiều, trẻ mồ côi, và các quả phụ. Cho nên, chúng ta thấy qua những trang Tin Mừng, Đức Giêsu cũng đang làm những việc tương tự: Ngài loan báo Tin Mừng cho người nghèo, giải phóng cho kẻ tù đầy, chúc lành cho trẻ nhỏ, chữa bệnh cho người đau ốm, bảo vệ những kẻ cô thế, goá phụ... Tất cả những việc làm cùa Chúa Giêsu cho thấy: Thiên Chúa đang ở trong Ngài và Ngài đang ở trong Thiên Chúa. Cho nên, như Chúa Giêsu, lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa chỉ có giá trị nếu lòng yêu mến thể hiện bằng việc làm. Đó là “Lòng yêu mến” được cụ thể hóa bằng việc làm khi “vâng giữ lời Chúa”.

Thật thế, chính trong ánh sáng của lời Thầy: yêu và giữ lời Ngài, thực thi đức bác ái với tha nhân, thực thi huấn lệnh của Ngài: Các con hãy yêu thương nhau… là được Chúa đến cư ngụ, mời tôi và bạn đưa những tâm tình nồng nhiệt của người đang yêu và được yêu vào gia đình bạn, bạn bè, cộng đoàn. Để nơi có sự hiện diện của người yêu va giữ lời sẽ trở thành tổ ấm của tình yêu Thiên Chúa: sống trung thành lời dạy của Thầy, chan hòa sự yêu thương, hoà hợp với tình huynh đệ, hy sinh cho nhau để mọi người cùng hạnh phúc vì được hiện diện trong tình thương mến nhau.

Tình yêu này đơm hoa kết trái là bình an tràn ngập tâm hồn như Chúa Giêsu đã di chúc: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Bởi vì sự bình an đến từ sự cư ngụ của Cha, Con và Thánh Thần, là sự bình an viên mãn như Đức Kitô khẳng định “không như thế gian ban tặng”. Sự bình an viên mãn giúp chúng ta vượt qua mọi hoàn cảnh của cuộc sống, cho nên như Đức Giêsu khuyên: “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi.”

Hơn nữa. yêu Thầy, giữ lời Thầy, chia sẻ tình yêu, được Thầy và Cha Thầy cùng Đấng Bảo Trợ đến trong tâm hồn, tình trạng bất toàn, tội lỗi, yếu đuối khiếm khuyết được Ngài chữa lành và làm công chính hóa chúng ta như thánh Phaolô đã khẳng định: “Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính” (Rm 8,10).

Nếu yêu thì giữ lấy Lời

Lời dạy tha thiết thương người anh em

Anh em chung một cội nguồn

Nguồn yêu đến từ Cha trên cõi Trời…

Trời ban bình an ngập lòng

Thật thế ,

... Ai yêu hãy giữ lấy Lời.

Lm Vinh Sơn, Sài Gòn ngày 01/05/2016
 
Hoàng thượng hay viên ngọc
LM. Giuse Trương Đình Hiền
08:38 01/05/2016
HOÀNG THƯỢNG HAY VIÊN NGỌC ?

(Chúa Nhật 6 PHỤC SINH - Năm C 2016)

Có câu chuyện kể rằng :

Một hôm nhà vua triệu tập các cận thần. Vua đưa cho quan Tể Tướng một viên ngọc trai lóng lánh và hỏi:

- Ông hãy nói viên ngọc này đáng giá bao nhiêu?

- Muôn tâu, nó đáng giá còn hơn số lượng vàng khối mà 100 con lừa có thể chở.

- Ông hãy đẫp vỡ nó ra!

- Muôn tâu Bệ Hạ, làm sao hạ thần có thể phung phá một báu vật như thế ạ!

Nhà vua thưởng cho quan Tể Tướng một chiếc áo danh dự và lấy lại viên ngọc. Kế đó vua đưa viên ngọc cho quan Thị Vệ, cũng hỏi:

- Theo ông, nó đáng giá bao nhiêu?

- Bằng nửa vương quốc.

- Hãy đập vỡ nó ra!

- Ðập vỡ viên ngọc này ư? Muôn tâu Bệ Hạ, tay thần không thể nào làm được việc đó.

Nhà vua cũng thưởng cho ông này một chiếc áo danh dự, lại còn tăng lương cho ông. Sau cùng nhà vua đưa viên ngọc cho Abdul:

- Ngươi có biết viên ngọc này đẹp đến mức nào không?

- Muôn tâu, đẹp không thể nói được.

- Hãy đập nát nó đi.

Lập tức Abdul lấy hai viên đá đập vỡ viên ngọc ra và nghiền nó thành bụi. Quần thần thét lên sợ hãi vì sự táo bạo của Abdul. Họ hỏi:

- Tại sao nhà ngươi dám làm thế chứ?

Abdul bình tỉnh đáp:

- Lệnh của Hoàng Thượng đáng giá hơn bất kỳ viên ngọc quý nào. Tôi tôn kính Hoàng Thượng chứ không tôn kính viên ngọc.

Nhà vua khen ngợi thái độ của Abdul và thưởng chàng trọng hậu hơn cả hai vị quan kia.

Câu chuyện ngụ ngôn đó nhắc nhở chúng ta chính lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay : “Ai yêu mến ta thì hãy giữ lời ta”.

Một mệnh đề chỉ võn vẹn có 9 chữ đó nhưng lại bao gồm tất cả nội dung của đức tin và việc thực hành đức tin.

“Yêu mến ta” : Trọng tâm và tiêu đích của niềm tin kitô giáo đọng lại nơi một Ngôi Vị, một con người, Đức Giêsu-Kitô. Và qua Đức Kitô, chúng ta đến với Chúa Cha và thuộc về Chúa Thánh Thần. Hành trình đến và gặp gỡ Thiên Chúa là hành trình của tình yêu, từ trái tim đến với trái tim. Thiên Chúa không phải là một vị thần xa lạ để chúng ta chỉ biết “kính nhi viễn chi”, đứng xa xa mà chiêm ngắm trong một mối tương quan xa lạ, cách biệt. Thứ tôn giáo đó, niềm tin vào một Thượng Đế lạnh lùng xa cách đó thế nào cũng sẽ dẫn tới hoặc là một thái độ lãnh đạm, thờ ơ để rồi đi tới chỗ vô tín, vô thần. Hoặc là một thái độ cực đoan sẵn sàng nhân danh thượng Đế để thoả mãn mọi khát vọng trần tục của chính mình bằng đủ thứ hành động gian ác.

Chúng ta đừng quên câu chuyện của Phêrô : sau biến cố chối thầy 3 lần trong đêm Ngài bị nộp, thì ngay khi sống lại, Chúa Giêsu chỉ hỏi Phêrô võn vẹn một câu cho 3 lần : “Con có yêu mến thầy không ?”.

Ngày hôm nay, câu hỏi đó cũng được dành cho mỗi người chúng ta : “Con có yêu mến ta không?”.

“Hãy giữ lời ta” : Nhưng điều gì để chứng tỏ lòng yêu mến Chúa ? Có phải thường xuyên kinh nguyện, dâng lễ rước lễ hằng ngày, bố thí cho người nghèo liên tục, đọc thuộc từng câu từng đoạn trong sách Phúc âm…Dĩ nhiên làm được như thế thì còn gì bằng. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì chẳng khác nào câu chuyện chàng thanh niên giàu có đến chất vấn Chúa Giêsu để Ngài chỉ cho con đường nên trọn lành : “Tôi đã giữ trọn tất cả những điều đó ngay từ thuở nhỏ”. Nhưng khi được Đức Kitô đề nghị “hãy về bán hết của cải, bố thí cho người nghèo, rồi hãy đến theo ta”. Anh ta đã xịu mặt bỏ đi vì anh có nhiều của cải. Anh muốn được lên thiên đàng cùng với tất cả của cải của anh để hưởng thụ chứ không phải vì yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Đức Kitô để sẵn sàng thực thi lời mời gọi của Ngài.

Hình như trong cuộc sống đời thường của chúng ta hôm nay còn có quá nhiều lần chúng ta đã ứng xử như thế đối với Thiên Chúa. Chúng ta giữ đạo, giữ luật, không phải vì động lực của tình yêu mà chỉ vì muốn chiếm một chỗ trên thiên đàng để an dưỡng, hoặc ít ra khỏi phải nếm trải cực hình nơi hoả ngục.

Quả thật, chúng ta chỉ nhìn thấy viên ngọc trai và để ý tới nó mà chẳng nhận ra chân dung của vị Hoàng thượng và ý muốn của Ngài !

Đấng bảo trợ là Thánh Thần : Và để xác quyết việc thể hiện niềm tin như thế là khả thi, không phải tự sức con người, nhưng nhờ sức mạnh đến từ Thiên Chúa, Ngài đã mặc khải về Chúa Thánh Thần :

“Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy dỗ anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.

Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai đã nhất loạt làm chứng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Sách TĐCV trong BĐ 1 hôm nay đã nêu bật vai trò của Chúa Thánh Thần trong các hướng dẫn của các Tông Đồ về việc định hướng mục vụ cho cộng đoàn tiên khởi : “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”

Trong một thế giới mà chiều kích trần tục đang muốn chiếm lĩnh mọi cơ cấu xã hội, kể cả cơ cấu phẩm trật của Hội Thánh, thì niềm tin của người Kitô hữu phải luôn được thanh lọc để hết sức tỉnh táo mà nhận ra sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa và sức tác động của Chúa Thánh Thần.

Như thế, cuộc họp mừng hôm nay chính là cơ hội để chúng ta được Thiên Chúa viếng thăm và ban sức mạnh của Thánh Thần, là nguồn mạch của sự bình an đích thực. Chúng ta làm nên một cộng đoàn hiệp thông trong Chúa Ba Ngôi, qui tụ chung quanh Đức Kitô, để thể hiện tình yêu dành cho Thiên Chúa qua sức tác động của Chúa Thánh Thần. Để rồi từ đây, chúng ta ra đi, làm chứng về một Giáo Hội mà mọi thành phần đều “yêu mến Chúa Kitô và giữ Lời Ngài”, một Giáo Hội luôn mặc lấy sự bình an của yêu thương và hiệp nhất, một Giáo Hội đang cưu mang niềm hy vọng mãnh liệt về một ngày mai tươi sáng mà sách Khải huyền trong BĐ 2 hôm nay đã diễn tả như một “Giêrusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa…”. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tâm tình của một Giám Mục Mỹ khi hay tin một Giám Mục Ấn bị bắt cóc và đánh đập tàn tệ
Đặng Tự Do
17:48 01/05/2016
Đức Cha Michael Pfeifer
Trước tin tức một giám mục Công Giáo ở Ấn Độ phục vụ một giáo phận nghèo chủ yếu gồm toàn những người “Dalits”, hay “cùng đinh”, đã bị bắt cóc và đánh đập dã man, hầu hết người Công Giáo Mỹ cảm thấy thật khủng khiếp, nhưng về cơ bản cảm giác đau buồn trước tin này cũng nhanh chóng trôi qua.

Đối với Đức Cha Michael Pfeifer, Giám Mục nghỉ hưu ở San Angelo, Texas, thì không phải như thế bởi vì vị giám mục Ấn Độ ở trung tâm của câu chuyện này là một người bạn thân và đã từng là linh mục của giáo phận.

Đức Giám Mục Prasad Gallela bị bắt cóc vào ngày 25 tháng Tư, cùng với người tài xế của mình, và bị đánh đập dữ dội suốt đêm trước khi được thả ra cách giáo phận Cuddapah của ngài hơn 50 dặm.

Đức Cha Pfeifer nói hôm thứ Sáu 29 tháng Tư rằng nạn nhân trong vụ tấn công này là “một một nhà lãnh đạo Giáo Hội rất ưu tú”, là người xứng đáng với sự quan tâm và hỗ trợ của người Công Giáo Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Crux, Đức Cha Pfeifer cho biết:

“Tôi đã nhận được tin này từ các nguồn khác nhau, và tôi email cho ngài ngay lập tức. Ngài trả lời ngày hôm qua, và tôi rất vui khi được biết ngài vẫn còn có thể gửi email được. Đó là một cái gì đó rất tích cực, xét vì những vết thương trầm trọng trên người của ngài. Tôi đã bị sốc khi thấy một người tốt như vậy, một nhà lãnh đạo Giáo Hội lớn như thế lại bị đánh đập tàn tệ ... thậm chí có thể mất mạng.

Ngài là một người bạn thân của tôi. Tôi biết ngài có lẽ khoảng 12 năm trước đây, khi ngài lần đầu tiên đến Giáo Phận San Angelo. Tôi mời ngài, và ngài đã phục vụ như một linh mục ở đây nhiều năm. Ngài là một trong những linh mục tốt nhất từ bên ngoài đất nước tôi từng nhận được. Ngài rất có khả năng, có một sự nhạy cảm mục vụ rất đặc biệt, và thích nghi rất tốt với nền văn hóa của Tây Texas.

Khi các linh mục quốc tế đến đây, thường có một cuộc xung đột giữa các nền văn hóa, nhưng ngài thích nghi tốt hơn so với bất kỳ linh mục khác từng phục vụ ở đây. Chúng tôi trở thành những người bạn tốt, và tôi nhìn thấy những phẩm chất và khả năng của ngài. Khi ngài được gọi trở lại Ấn Độ để dạy thần học trong các chủng viện, tôi đã thất vọng, nhưng tôi hiểu tại sao, vì ngài rất có năng khiếu về lãnh vực này và một người thích suy tư.

Tôi cũng không ngạc nhiên khi ngài được bổ nhiệm giám mục, vì tôi nhìn thấy những phẩm chất của một giám mục trong linh mục tốt này. Kể từ đó, ngài đến gặp tôi nhiều lần, và tôi đã ủng hộ ngài. Tôi dành sự ngưỡng mộ cao nhất cho ngài.”
 
Phó tổng thống Mỹ ca ngợi Đức Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
18:05 01/05/2016
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô vì lòng từ bi của ngài trong một bài diễn văn hôm 29 tháng Tư tại một cuộc họp tại Vatican. Ông nói rằng Đức Thánh Cha đã mang lại hy vọng cho nhiều người. Đối với cá nhân ông, ngài đã an ủi ông khi con trai ông là Beau Biden qua đời hôm 30 tháng Năm 2015. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có 3 người con và Beau Biden là người con cả. Ông Beau Biden, từng là Tổng Chưởng Lý của bang Delaware, đã qua đời ở tuổi 46 vì bị ung thư não bộ.

Phát biểu với cử tọa về y học tái tạo, Biden dành nhiều thời gian của mình để trình bày sáng kiến “Moonshot” do ông đưa ra để đánh bại bệnh ung thư, và nói rằng nhiều nhà lãnh đạo quốc tế đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào nỗ lực này. Ông nói rằng hối tiếc lớn nhất của ông là quyết định không tranh cử làm tổng thống Hoa Kỳ, như thế ông đánh mất cơ hội có thể thúc đẩy kế hoạch này trong tư cách tổng thống Mỹ.
 
Đức Thánh Cha gặp vị Giám Mục Ý giáp giới với Áo về tình trạng người tị nạn
Đặng Tự Do
18:17 01/05/2016
Brenner Pass
Trong một cuộc trò chuyện với một giám mục Ý có giáo phận giáp giới với Áo, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ người tị nạn.

Đức Cha Ivo Muser là Giám mục giáo phận Bolzano-Bressanone, trước đó đã chỉ trích quyết liệt một quyết định của Áo muốn xây dựng các rào cản và các cấu trúc khác tại Brenner Pass.

Một thông cáo báo chí từ giáo phận Giám mục Muser cho biết rằng trong cuộc nói chuyện vào ngày 27 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô “đã nói về tầm quan trọng trong việc hỗ trợ người tị nạn ... nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giúp đỡ những người đang phải lánh nạn”.

Ngày hôm sau, 28 tháng Tư, Italia, là nước vẫn duy trì lập trường phản đối việc đóng cửa Brenner Pass, và Áo đã đạt được một thỏa thuận hủy bỏ kế hoạch đóng cửa này.
 
Công việc cải tổ các cơ quan truyền thông Vatican cần phải mất 2 năm nữa
Đặng Tự Do
19:31 01/05/2016
Đức Ông Dario Edoardo Viganò
Vị lãnh đạo Viện Truyền thông Vatican cho biết việc củng cố các cơ quan truyền thông của Vatican không thể hoàn thành trước năm 2018.

Đức Ông Dario Edoardo Viganò, là người được bổ nhiệm hồi tháng Sáu năm ngoái để lãnh đạo Viện Truyền Thông tân lập, đã mô tả quá trình cải tổ các cơ quan truyền thông của Vatican trong một bài diễn văn tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá. Ngài nói rằng những cải tổ liên quan đến việc tinh giản các văn phòng và thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với nhu cầu của thời đại truyền thông.

Đức Ông Viganò thừa nhận rằng những nỗ lực truyền thông của Vatican đã bị cản trở bởi sự trùng lặp những nỗ lực, trong một hệ thống mà các bộ phận, bao gồm nhiều cơ quan báo chí, đài phát thanh Vatican, trung tâm truyền hình, và nhật báo trên tờ Quan Sát Viên Rôma -- mỗi cơ quan hoạt động độc lập với nhau. Hệ thống đó đưa đến một cách tiếp cận thiếu nhất quán, là “một thảm họa” cho những nỗ lực tiếp cận công chúng của Vatican.

Cho đến thời gian gần đây, cả Radio Vatican lẫn tờ Quan Sát Viên Rôma đều tham gia tường trình các bài giảng của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ sáng tại nhà nguyện Santa Marta với những bài tường trình và cách phiên dịch từ tiếng Ý sang tiếng Anh đôi khi khá khác biệt.

Hiện nay, có 650 nhân viên làm việc toàn thời trong các cơ quan truyền thông của Vatican.
 
Buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 01/05/2016
VietCatholic Network
19:52 01/05/2016
Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật, 01 tháng 05, với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Chúa Thánh Thần chính là quà tặng mà Đức Giêsu đã trao ban cho chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần sẽ dạy dỗ và nhắc cho chúng ta nhớ lại mọi lời của Đức Giêsu.

Ngài nói:

“Tin Mừng ngày hôm nay đưa chúng ta đến với Bữa Tiệc Ly. Trong bữa ăn tối cuối cùng ấy, trước khi chịu khổ hình và cái chết trên thập giá, Đức Giêsu đã hứa trao ban cho các Tông đồ một món quà, đó chính là Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ đến để dạy dỗ và làm cho mọi người trong cộng đoàn của các môn đệ nhớ lại tất cả mọi điều mà Đức Giêsu đã nói. Thật vậy, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: ‘Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.’ (Ga 14, 26). Dạy dỗ và làm nhớ lại. Đây chính là điều mà Chúa Thánh Thần thực hiện trong tâm hồn của chúng ta.

Trong những giây phút khi chuẩn bị trở về với Chúa Cha, Đức Giêsu đã nói trước với các môn đệ rằng Chúa Thánh Thần sẽ đến. Chúa Thánh Thần đến, trước hết, là để dạy dỗ các môn để hiểu một cách tròn đầy và chắc chắc hơn về Tin Mừng; kế đến, là giúp các ông đón nhận Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày, sống Tin Mừng đó và sẵn sàng ra đi làm chứng. Trong khi nhắn nhủ những lời tâm huyết với các Tông đồ - hay nói đúng hơn là ‘sai đi’ – trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo trên khắp mặt địa cầu, Đức Giêsu hứa là sẽ không để các ông mồ côi, đơn độc. Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, sẽ ở với họ, luôn bên cạnh họ và ở trong họ để bảo vệ và gìn giữ họ. Đức Giêsu trở về với Chúa Cha nhưng vẫn tiếp tục đồng hành và huấn luyện các môn đệ ngang qua món quà tuyệt vời là Chúa Thánh Thần.

Điểm thứ hai nơi chiều kích sứ mạng của Chúa Thánh Thần được hàm chứa trong việc giúp các Tông đồ hiểu và nhớ lại tất cả mọi lời của Đức Giêsu. Thầy Chí Thánh đã nói với các Tông đồ tất cả mọi sự: với Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, sự mặc khải của Thiên Chúa đã được trọn vẹn. Thánh Thần sẽ làm cho họ nhớ lại những lời giáo huấn của Đức Giêsu trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau của cuộc sống, để họ có thể đặt những giáo huấn ấy vào trong thực hành. Đây cũng chính là điều diễn ra trong Giáo Hội ngày hôm nay. Khi được hướng dẫn bởi ánh sáng và quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội cũng có thể mang món quà cứu độ đến hết mọi người. Món quà ấy chính là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi mỗi ngày anh chị em đọc một đoạn Tin Mừng, hãy nài xin với Chúa Thánh Thần rằng: ‘Xin cho con hiểu và ghi nhớ mọi lời của Đức Giêsu.’ Rồi sau đó, anh chị em bắt đầu đọc Tin Mừng và hãy đọc mỗi ngày.

Chúng ta không mồ côi: Đức Giêsu luôn bên cạnh chúng ta, ở giữa chúng ta và ở trong chúng ta! Sự hiện diện cách mới mẻ của Ngài trong lịch sử được thực hiện ngang qua Thánh Thần. Nhờ Thánh Thần, chúng ta có thể xây dựng một tương quan sống động với Đức Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh nhưng nay đã phục sinh. Chúa Thánh Thần, Đấng đã ngự vào tâm hồn chúng ta ngang qua Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thêm Sức, luôn hoạt động trong cuộc đời chúng ta. Ngài hướng dẫn chúng ta biết cách suy nghĩ, hành động, biết phân biệt những điều tốt xấu; giúp chúng ta biết thực hành lòng bác ái của Đức Giêsu, đó là trao ban chính mình cho người khác, đặc biệt những ai đang nghèo túng và cần kíp nhất.

Chúng ta không mồ côi! Dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần cũng là bình an mà Đức Giêsu đã trao tặng cho các môn đệ: ‘Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.’ (câu 27). Điều này hoàn toàn khác với những gì mà con người thường cầu chúc cho nhau và cố gắng đạt được. Bình an của Đức Giêsu phát sinh từ sự chiến thắng trên tội lỗi, trên cái tôi ích kỷ ngăn cản chúng ta yêu tha nhân như anh em mình. Bình an là quà tặng của Thiên Chúa và là dấu chỉ sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta. Mỗi môn đệ, mà ngày hôm nay được mời gọi bước theo Đức Giêsu vác thánh giá, đều nhận được sự bình an của Đức Kitô Phục Sinh trong sự chắc chắn về chiến thắng của Ngài và trong việc mong chờ sự ngự đến của Ngài trong vinh quang.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta có tâm tình ngoan ngoãn để đón nhận Chúa Thánh Thần như là Người Thầy nội tâm và như là Ký Ức sống động về Đức Kitô trong cuộc hành trình dương thế hằng ngày của chúng ta.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha đã gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.

Đức Thánh Cha nói thêm:

“Tôi xin gởi những tâm tình chân thành tới những người anh chị em của chúng ta thuộc Giáo Hội Đông Phương, ngày hôm nay, đang mừng lễ Phục Sinh. Xin Thiên Chúa Phục Sinh mang đến cho tất cả mọi người những món quà của ánh sáng và sự bình an. Christos anesti! (Đức Kitô đã phục sinh!)

Tôi cũng nhận được một tin hết sức đau buồn đến từ Syria: Các hình thức bạo lực tiếp tục làm trầm trọng thêm những hoàn cảnh nhân đạo đã đến bờ tuyệt vọng của đất nước này, đặc biệt là tại thành phố Aleppo. Họ tiếp tục giết hại các nạn nhân vô tội, trong đó có nhiều trẻ em, những người đau yếu, bệnh tật và ngay cả những người đã có những hy sinh rất lớn trong việc dấn thân giúp đỡ người khác. Tôi tha thiết kêu gọi các bên xung đột hãy tôn trọng việc đình chiến và tăng cường việc đối thoại đang được diễn ra. Đó là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình.

Ngày mai tại Roma, Hội Nghị Quốc Tế với chủ đề ‘Sự phát triển bền vững và những hình thức công việc dễ bị tổn thương nhất’. Tôi hy vọng rằng sự kiện này có thể khuấy lên mối bận tâm của các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị và kinh tế, cũng như xã hội dân sự, để từ đó chúng ta có thể thúc đẩy một mô hình phát triển nhấn mạnh đến phẩm giá con người, hết sức tôn trọng những tiêu chuẩn về lao động và môi trường sinh thái.

Tôi cũng đặc biệt chào mừng hiệp hội ‘Meter’, một tổ chức từ nhiều năm nay đã chiến đấu chống lại các hình thức lạm dụng trẻ em. Lạm dụng trẻ em thực là một bi kịch. Chúng ta phải bảo vệ trẻ em và nghiêm trị những kẻ bạo hành. Cám ơn những dấn thân làm việc của anh chị em và xin anh chị em tiếp tục can đảm trong công việc này.”
 
Đức Giáo Hoàng lo ngại vì giao tranh bùng nổ dữ dội tại Aleppo, Syria
Đặng Tự Do
22:11 01/05/2016
Aleppo, sáng ngày 30 tháng Tư 2016
Sau một thời gian tạm thời yên ắng nhờ thỏa thuận ngừng bắn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ có hiệu lực từ hôm 27 tháng Hai, chiến cuộc đã bùng lên dữ dội từ hơn một tuần qua tại Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria.

Ít nhất 252 người đã chết trong hơn một tuần qua.

Đức Tổng Giám Mục Antoine Audo của Công Giáo Nghi Lễ Chanđê, vẫn còn đang coi sóc tổng giáo phận này, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng người dân trong thành phố kinh hoàng thất đởm trong 10 ngày qua trước những cuộc pháo kích của phiến quân Hồi Giáo do Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Saudi và các nước khác yểm trợ; và những trận dội bom từ máy bay của quân chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn.

“Tình hình của người dân thật là thảm họa”, Đức Cha Antoine Audo nói. “Trước chiến tranh, chúng tôi có hơn 150,000 Kitô hữu của các nghi lễ khác nhau ở Aleppo. Hôm nay, khoảng hai phần ba đã trở thành người tị nạn ngay tại đất nước của họ hoặc đã tìm cách lánh nạn ở các nước khác, chẳng hạn như Li Băng, và cả ở phương Tây.”

Đức Cha Antoine Audo âu lo rằng cuộc chiến kinh hoàng đang diễn ra từ mấy ngày qua có thể là giọt nước làm tràn đầy ly. Những người còn lại có lẽ sẽ ra đi bằng mọi giá.

Theo Đức Cha Audo, quan hệ giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo Aleppo thường là tốt và thậm chí đã được cải thiện kể từ khi cuộc xung đột Syria bắt đầu vào năm 2011.

Đức Cha nhấn mạnh rằng các lực lượng chiến đấu chống lại chế độ Assad tại Aleppo “là những nhóm đang được tài trợ từ bên ngoài của đất nước. Họ không đến từ Syria.”

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng ngày 01 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Tôi nhận được một tin hết sức đau buồn đến từ Syria: Các hình thức bạo lực tiếp tục làm trầm trọng thêm những hoàn cảnh nhân đạo đã đến bờ tuyệt vọng của đất nước này, đặc biệt là tại thành phố Aleppo. Họ tiếp tục giết hại các nạn nhân vô tội, trong đó có nhiều trẻ em, những người đau yếu, bệnh tật và ngay cả những người đã có những hy sinh rất lớn trong việc dấn thân giúp đỡ người khác. Tôi tha thiết kêu gọi các bên xung đột hãy tôn trọng việc đình chiến và tăng cường việc đối thoại đang được diễn ra. Đó là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình.

Ngày mai tại Roma, Hội Nghị Quốc Tế với chủ đề ‘Sự phát triển bền vững và những hình thức công việc dễ bị tổn thương nhất’. Tôi hy vọng rằng sự kiện này có thể khuấy lên mối bận tâm của các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị và kinh tế, cũng như xã hội dân sự, để từ đó chúng ta có thể thúc đẩy một mô hình phát triển nhấn mạnh đến phẩm giá con người, hết sức tôn trọng những tiêu chuẩn về lao động và môi trường sinh thái.”
 
Bản dịch Việt Ngữ Tông Huấn Amoris Laetitia - Niềm Vui Yêu Thương
Vũ Văn An dịch
20:51 01/05/2016


Cập nhật hàng ngày

Chương 0. Phần Dẫn Nhập (từ số 1-7)

Chương 1. Dưới ánh sáng Lời Chúa (từ số 8-30)

Chương 2. Các trải nghiệm và thách đố của các gia đình (từ số 31-49)

Chương 2 (tt). Các trải nghiệm và thách đố của các gia đình (từ số 50-57)

Chương 3. Nhìn lên Chúa Giêsu: ơn gọi của gia đình (từ số 58-75)

Chương 3 (tt). Nhìn lên Chúa Giêsu: ơn gọi của gia đình (từ số 76-88)

Chương 4. Chương Bốn: Lòng Yêu Thương và Hôn Nhân (từ số 89-104)

Chương 4 (tt). Chương Bốn: Lòng Yêu Thương và Hôn Nhân (từ số 105-119)

Chương 4 (tt). Chương Bốn: Lòng Yêu Thương và Hôn Nhân (từ số 120-135)

Chương 4 (tt). Chương Bốn: Lòng Yêu Thương và Hôn Nhân (từ số 136-149)

Chương 4 (tt). Chương Bốn: Lòng Yêu Thương và Hôn Nhân (từ số 150-164)

Chương 5. Chương Năm: Lòng yêu thương sinh hoa trái (từ số 165-177)

Chương 5 (tt). Chương Năm: Lòng yêu thương sinh hoa trái (từ số 178-198)

Chương 6. Chương Sáu: Một Số Viễn Ảnh Mục Vụ (từ số 199-216)

Chương 6 (tt). Chương Sáu: Một Số Viễn Ảnh Mục Vụ (từ số 217-239)

Chương 6 (tt). Chương Sáu: Một Số Viễn Ảnh Mục Vụ (từ số 239-258)

Chương 7. Chương Bảy: Hướng tới việc giáo dục con cái tốt hơn (từ số 259-279)

Chương 7 (tt). Chương Bảy: Hướng tới việc giáo dục con cái tốt hơn (từ số 280-290)

Chương 8. Chương Tám: Đồng Hành, Biện Phân và Hội Nhập Sự Yếu Đuối (từ số 291-312)

Chương 9. Chương Chín: Linh Đạo Hôn Nhân và Gia Đình (từ số 313-325)
 
Các tín hữu Chính Thống Giáo và Công Giáo Đông phương mừng Chúa Phục Sinh
Đặng Tự Do
20:44 01/05/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chúc mừng đến các tín hữu Chính Thống Giáo và Công Giáo nghi lễ Đông Phương, nhân dịp Lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật mùng một tháng Năm theo lịch Julian.

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 1 tháng Năm, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi xin gởi những tâm tình chân thành tới những anh chị em của chúng ta thuộc Giáo Hội Đông Phương, ngày hôm nay, đang mừng lễ Phục Sinh. Xin Thiên Chúa Phục Sinh mang đến cho tất cả mọi người những ân sủng của ánh sáng và bình an. Christos anesti! (Đức Kitô đã phục sinh!)”

Trước đó, trong một tweet trên account @Pontifex của mình, Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi gởi lời chào thân ái đến các tín hữu của Giáo Hội Đông Phương, đang cử hành Lễ Vượt Qua ngày hôm nay. Χριστὸς ἀνέστη!”

Trong khi đó, một cuộc đàm phán tại Minsk đã dẫn đến một thỏa thuận theo đó các lực lượng chính phủ Ukraine và ly khai do Nga hậu thuẫn thực hiện một lệnh ngừng bắn toàn diện ở phía đông nam Ukraine, nơi cả người Chính thống giáo lẫn anh chị em tín hữu Công Giáo Đông phương đang mừng lễ Phục sinh.

Hiệp ước đình chiến có hiệu lực vào lúc nửa đêm thứ Bảy 30 tháng Tư, nhưng theo nguồn tin chính phủ Ukraine một người lính đã thiệt mạng và nhiều người bị thương vào ngày Chúa Nhật ở miền Đông Ukraine trong một trường hợp chính phủ Ukraine cáo buộc là các thành phần ly khai đã vi phạm hiệp ước đình chiến.

Trong một thông điệp, Đức Thượng Phụ Đại kết thành Constantinople, là Bácthôlômêô I, kêu gọi các tín hữu làm chứng cho tình yêu với những người láng giềng của họ giữa sự tàn bạo của một thế giới đương đại, đang bị sâu xé bởi chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh và đau khổ.

Các giám mục Chính thống Ý, Malta, và Gennasius, cũng đã ban hành những lời kêu gọi “thanh tẩy con tim” để có thể “cảm nhận đầy đủ sự hiện diện của Đấng Phục Sinh”.

Trong khi đó, Thượng Phụ của Giáo Hội Chính thống Serbia, là Irinej, đã gửi một thông báo yêu cầu các tín hữu hãy tha thứ, “đừng phán xét người khác” và “đừng sợ hãi thế giới bất chấp những hệ tư tưởng thế tục, sự chia rẽ, hận thù và bạo lực.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Xứ Thuận Nghĩa: Khai Mạc Tháng Hoa & Cầu Nguyện Cho Đồng Bào Miền Trung
Fx. Đinh Nguyễn
20:42 01/05/2016
Giáo Xứ Thuận Nghĩa: Khai Mạc Tháng Hoa & Cầu Nguyện Cho Đồng Bào Miền Trung

Tháng Năm là thời điểm chuyển giao giữa mùa xuân và mùa hè, là thời điểm muôn hoa đua nở khoe sắc màu, vạn vật tràn đầy sức sống. Những âm thanh, ca khúc quen thuộc vang lên như hợp thành bài ca tình ái dâng kính Mẹ hiền. Tháng Năm là tháng dâng hoa kính Mẹ Thiên Chúa. Giáo Hội đã dành trọn tháng Năm để bày tỏ lòng tôn kính, mến yêu đặc biệt đối với Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu nơi trần thế. Trong tháng Năm, rất nhiều nhà thờ Công Giáo tại Việt Nam đang gìn giữ truyền thống rước kiệu, dâng hoa kính Mẹ. Có nhiều Giáo xứ còn giữ tập tục dâng hoa kính Mẹ hằng đêm, dâng lên Mẹ tràng hoa Mân Côi vào những buổi trưa hè. Dâng hoa kính Mẹ Maria là một nghĩa cử cao đẹp của người con hiếu thảo đối với Mẹ Thiên Chúa, mẹ của muôn dân.

Xem Hình

Trong tâm tình đó, vào lúc 19h30', ngày 01 tháng 05 năm 2016, ngày đầu tháng kính Đức Mẹ, cũng là ngày kính nhớ Thánh Giuse Thợ, bắt chước lòng yêu mến Đức Mẹ của các bậc tiền nhân, Giáo xứ Thuận Nghĩa tổ chức cuộc rước kiệu, dâng hoa kính Mẹ. Đêm rước kiệu, dâng hoa kính Mẹ có sự hiện diện của Cha quản xứ Antôn, Cha quê hương, quý Tu sĩ nam nữ, các ban ngành đoàn thể cùng đông đảo bà con giáo dân. Đoàn con Giáo xứ Thuận Nghĩa quây quần bên nhau, trên tay cầm những bó hoa tươi thắm, cùng thắp lên những ngọn nến cung nghinh Mẹ viếng thăm vòng quanh làng Thuận Nghĩa. Những bàn thờ tôn kính Mẹ của các gia đình trong Giáo xứ, các Hội đoàn, các tổ liên gia đã chuẩn bị và trang trí thật tôn kính trang nghiêm, góp phần làm cuộc rước thêm long trọng. Đoàn rước đi đến đâu thì những lời ca vạn Đức Mẹ, những tràng Mân Côi cất lên như len lỏi vào các khu xóm xóa tan bóng tối hiu quạnh. Truyền thống rước kiệu, dâng hoa kính Mẹ của Giáo xứ Thuận Nghĩa như là một lời thưa chuyện, một bản tình ca tạ ơn, khấn xin Đức Mẹ đã gìn giữ ban muôn ơn phúc cho mỗi người, mỗi gia đình trong Giáo xứ.

Khi đoàn rước kiệu về đến khuôn viên nhà thờ, Cha quản xứ Antôn bày tỏ sự vui mừng khi thấy sự hiện diện đông đảo của bà con giáo dân. Ngài cũng ngỏ lời với tất cả mọi người trong Giáo xứ: "Yêu mến Mẹ là dấu chỉ chắc chắn phần rỗi chúng ta. Hãy thể hiện lòng yêu mến Mẹ bằng cách: Trang hoàng bàn thờ mẹ trong các gia đình; Dành nhiều thời gian đến tham dự thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích; Siêng năng lần chuỗi Mân Côi...". Sau lời huấn từ của Cha Antôn, gần 100 con hoa lần lượt dâng lên Mẹ những lời ca điệu múa thật trang trọng và sốt sắng. Cùng hoà quyện trong những điệu múa và lời ca tiếng hát du dương, Cha quản xứ Antôn và Cha quê hương dâng lên Mẹ bó hoa tươi thắm, dâng kính Mẹ cuộc đời Linh mục. Quý Tu sĩ dâng kính Mẹ bó hoa khiết trinh, những ngày tháng dâng hiến. Những em thiếu nhi dâng lên Mẹ những việc hy sinh, đời sống đơn sơ trong trắng. Toàn thể giáo dân dâng lên Mẹ những khác nhau thể hiện tấm lòng của từng người: Hoa tin tưởng; hoa hy sinh; hoa yêu thương; hoa phục vụ; hoa kiêm nhường; hoa dấn thân; hoa phó thác... Ước mong sao trong tháng này mỗi người, mỗi gia đình cố gắng noi gương Mẹ, hy sinh trong cuộc sống, làm nhiều việc lành để trang bị những bó hoa muôn sắc, muôn màu làm lộ phí cho hành trình về nhà Cha.

Để thể hiện tinh thần hiệp thông, sau phần dâng hoa kính Mẹ, Giáo xứ Thuận Nghĩa thắp nến cầu nguyện cho môi trường, đặc biệt cầu nguyện cho đồng bào các tỉnh Miền Trung đang phải chịu sự ô nhiễm môi trường một cách trầm trọng. Cha quản xứ Antôn cũng nêu lên thực trạng của môi trường ngày nay, các nguyên nhân làm cho môi trường bị ô nhiễm, hậu quả ô nhiễm môi trường, Ngài cũng đưa ra các giải pháp để cải thiện môi trường như: Bỏ rác vào đúng nơi quy định, tiết kiệm nước, tiết kiệm điện... Ngài khuyên mỗi người nên trồng một cây xanh. Ngài cũng nhấn mạnh về tội phá hoại môi sinh: "Đây là tội ác hủy hoại môi trường sinh thái và diệt chủng tiềm tàng". "Không bảo vệ môi trường là phá hoại công trình sáng tạo của Thiên Chúa, phá hoại thiên nhiên, hủy hoại sự sống của nhân loại, mà hủy hoại sự sống là trọng tội ".

Buổi rước kiệu, dâng hoa kính Mẹ và cầu nguyện cho đồng bào Miền trung kết thúc. Mọi người ra về trong tâm tình yêu mến Mẹ Maria và thầm nguyện xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường “Xanh-Sạch”, cho cuộc sống bình yên trở lại với người dân tại Miền Trung thân yêu.

Fx. Đinh Nguyễn
 
Lễ thánh Giuse Thợ tại giáo xứ Bến Sắn
Xứ Bến Sắn
08:47 01/05/2016
Lễ thánh Giuse Thợ tại giáo xứ Bến Sắn

Vào lúc 6 giờ ngày 30/04/2016, toàn thể cộng đoàn trại phong Bến Sắn long trọng cử hành thánh lễ mừng Kính Thánh Giuse Thợ cũng chính là bổn mạng của trại phong Bến Sắn. Thánh lễ được diễn ra tại tượng đài Thánh Giuse trong bầu không khí bình an và lành thánh dưới sự chủ tế của Cha Đa minh Nguyễn Đức Trung- chánh xứ Bến Sắn, đồng tế với ngài có Cha chánh xứ Hội Nghĩa - Giuse Nguyễn Khắc Hoài.

Xem Hình

Ngay từ rất sớm, bà con giáo dân cũng như các bệnh nhân trong khu trại phong đã đến hiện diện cùng nguyện kinh cầu nguyện với thánh Giuse đển chuẩn bị tâm hồn sốt sắng bước vào thánh lễ.

Trong bài giảng hôm nay, cha Đa minh đã nêu cao tấm gương đạo đức thánh thiện của Thánh Cả Giuse. Ngài âm thầm thinh lặng và làm việc, mang lại cho lao động một ý nghĩa cao sâu linh thánh. Thánh Giuse đã chấp nhận một công việc, một nghề tay chân: nghề thợ mộc. Với nghề thợ mộc, một nghề không có gì là vinh dự lắm trong xã hội Do Thái, thánh Giuse vẫn kiên trì phục vụ. Ngài làm việc với tất cả ý thức trách nhiệm của mình. Chính từ nơi gia đình thánh nagiarét, Chúa Giêsu đã học nơi thánh Giuse sự cần mẫn lao động, đã học nơi Mẹ Maria sự kiên nhẫn, đơn sơ phục vụ trong những công việc gia đình hết sức tầm thường nhưng là những công việc của đời thường, là những lao công của cuộc đời con người. Khởi đi từ gia đình Nagiarét, người Kitô hữu trên khắp thế giới cũng được mời gọi yêu mến lao động dù là lao động chân tay hay lao động trí óc. Tất cả đều được gọi mời gắn liền với thánh cả Giuse, quan thầy và là Đấng bảo trợ của giới lao động. Cha Đa minh cũng ước mong cho tất cả các bậc cha mẹ trong gia đình cũng biết noi gương gia đình Thánh Gia sống đời cần mẫn, làm việc với đức tin, với lòng yêu mến công việc của mình vì những công việc chân chính sẽ giúp cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa.

Cuối thánh lễ, cha Đa minh cũng đã gởi lời chúc mừng đến toàn thể bà con giáo dân, các bệnh nhân nhân ngày bổn mạng. Cha cũng nguyện xin Thánh Giuse ban nhiều ơn bình an trong cuộc sống cho tất cả mọi người.
 
Thánh lễ tạ ơn 40 năm thành lập cộng đoàn CGVN tại Gx San Gabriel Mission, TGP Los Angeles
Lê Sự
19:52 01/05/2016
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hoàng Kỳ Tổ Quốc
Trầm Hương Thơ
19:47 01/05/2016
Em nhấc cao lên Quốc Kỳ Vàng
Lá cờ Dân Tộc đã vẻ vang
Năm Châu phất phới tung trong gió
Rồi sẽ quay về với Nước Nam

Sử hùng dân tộc sẽ sang trang
Giòng giống Trưng Vương vẫn huy hoàng
Ngàn năm oanh liệt còn ghi dấu
Con cháu Hùng Vương luôn sẵn sàng

Nhân loại đang nguyền rủa cộng nô
Cúi mặt đi theo lũ rợ hồ
Bàn tay nhuộm máu giòng Âu Việt
Rước voi, cõng rắn, đám tội đồ

Công an, bộ đội quay lại mau
Sao lại theo phò đám giặc tàu
Chúng đang hãm hại dân tộc Việt
Còn chút lương tri phải biết đau

Cái bọn trung ương vơ vét giàu
Dâng đất cho giặc chẳng xót đau
Rừng tan biến nát đầy chất độc
Từ nam chí bắc đã nát nhàu

Hãy cùng đứng lên hỡi Đồng Bào
Cờ Vàng Tổ Quốc hãy gìơ cao
Trong ngoài họp lại diệt bạo chúa
Bán nước cầu vinh chạy ngã nào

Cùng phất cao lên ngọn Cờ Vàng
Dựng lại Tổ Quốc cho vẻ vang
Năm Châu kính trọng dân tộc Việt
Giòng giống Hùng Vương phải huy hoàng.

30.04.2016
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Chúc mừng Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí dâng Thánh Lễ mừng Ngân Khánh Linh Mục
Lm Peter Võ Sơn
08:44 01/05/2016
Philadelphia, Pennsylvania: Chúa Nhật tuần qua, lúc 3:00 giờ chiều ngày 24 tháng 4 năm 2016, Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí dâng Thánh Lễ Tạ Ơn – Ngân Khánh Linh Mục tại Thánh Đường St. Helena, thành phố Philadelphia, Bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Cùng đồng tế với Ngài, có khoảng 30 linh mục, gia đình, bạn bè và Giáo Dân giáo xứ Thánh Helena và Tổng Giáo Phận Philadelphia.

25 năm Linh Mục, 25 năm mục vụ tận tâm của Ngài cho Giáo Hội Chúa Kitô trong Tổng Giáo Phận Philadelphia. Thật là niềm vui lớn lao không chỉ cho Đức Ông Giuse, mà cho Giáo Xứ Thánh Helena và cộng đồng dân Chúa.

Đức Ông Giuse sinh ngày ngày 20 tháng 7 năm 1962 tại Sài Gòn, Việt Nam. Năm 1980, Ngài rời Việt Nam đến định cư tại Hoa Kỳ; Sau khi học xong chương trình ở Chủng Viện, năm 1991 chịu chức Linh mục tại Phildelphia cho Tổng Giáo Phận Philadelphia; Năm 2001 Tiến sĩ giáo dục; 2002 Chánh Xứ Giáo Xứ Thánh Helena, Philadelphia; 2003 nhận tước Đức Ông.

Đức Ông Giuse tham gia sinh hoạt Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ rất tích cực. Từ năm 1998-2002: làm thủ quỹ Miền Trung Đông Hoa Kỳ; 2002-2006 Thư ký Miền Trung Đông, phụ tá xây dựng Nguyện Đường La Vang, đặc trách thực hiện kỷ yếu La Vang. Thứ Bảy, ngày 23 tháng 7 năm 2016, Liên Đoàn sẽ tổ chức Thánh Lễ kỷ niệm 10 năm Nguyện Đức Đức Mẹ La Vang trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Quốc Gia ở Washington DC.

Đức Ông Giuse đã phục vụ Miền Trung Đông Hoa Kỳ với chức vụ Chủ Tịch Miền 2 nhiệm kỳ (2006-2010 và 2010-2011); Chủ Tịch Liên Đoàn nhiệm kỳ 2011-2015; hiện tại Đức Ông Giuse phục vụ Liên Đoàn Công Giáo nhiệm kỳ II (2015-2019).

Tháng 9 năm 2015, Đại Hội Gia Đình Thế Giới tại Tổng Giáo Phận nhà, với trách nhiệm Chủ Tịch Liên Đoàn và đặc trách mục vụ Việt Nam của Tổng Giáo Phận Philadelphia, Đức Ông Giuse cùng với Tổng Giáo Phận và Ban Tổ Chức Đại Hội Gia Đình của Tòa Thánh làm việc tích tực để có kết quả Đại Hội tốt đẹp. Rất vinh dự cho người Việt Nam khi Lời Chúa được công bố bằng tiếng Việt trong Thánh Lễ Bế Bạc Đại Hội được chủ sự bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tiếng Việt được xem là một trong 5 ngôn ngữ chính thức của Đại Hội. Chương trình “mở cửa đón khách” của Đức Ông Giuse tiếp qúy Đức Cha, qúy Cha, Tu Sĩ Nam Nữ và Anh Chị Em tham dự Đại Hội rất chu đáo.

Cùng với Đức Ông Giuse và mọi thành phần dân Chúa tại Hoa Kỳ, xin được hiệp dâng lên Thiên Chúa về những Ân Phúc Ngài ban cho Đức Ông Giuse nhân dịp kỷ niệm 25 năm Hồng Ân. Cùng với quý Cha trong Ban Thường Vụ và Hội Đồng Trung Ương của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, chúc mừng và cám ơn Đức Ông Giuse rất rất nhiều đã và đang nhiệt tâm cho những sinh hoạt của Liên Đoàn Công Giáo. Qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của các Linh Mục, ban cho Đức Ông dồi dào sức khỏe, luôn nhiệt tâm đem hết tài năng Chúa ban phục vụ cho Giáo Hội Chúa Kitô, cho Liên Đoàn và xã hội.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nguyên Văn Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Phanxicô (các số 291-312)
Vũ Văn An
21:08 01/05/2016
Chương Tám: Đồng Hành, Biện Phân và Hội Nhập Sự Yếu Đuối

291. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng quả quyết rằng, mặc dù hiểu rõ: bất cứ việc phá vỡ dây hôn phối nào “cũng chống lại ý muốn của Thiên Chúa”, nhưng Giáo Hội cũng “ý thức được tính yếu đuối mỏng dòn nơi nhiều con cái của mình” (311). Được soi dẫn bởi ánh mắt của Chúa Giêsu Kitô, “Giáo Hội yêu thương hướng về những người chỉ tham dự vào đời sống của Giáo Hội một cách bất toàn, vì nhìn nhận rằng ơn Chúa cũng hoạt động trong đời họ bằng cách ban cho họ lòng can đảm để làm điều tốt, săn sóc lẫn nhau trong yêu thương và phục vụ cộng đồng nơi họ sống và làm việc” (312). Cách tiếp cận này cũng đã được củng cố nhân dịp cử hành Năm Thánh dành cho lòng thương xót này. Dù luôn duy trì lời kêu gọi phải hoàn thiện và yêu cầu người ta đáp trả Thiên Chúa cách trọn vẹn hơn, “Giáo Hội vẫn phải đồng hành một cách đầy lưu tâm và chăm sóc với những người yếu đuối nhất trong số con cái mình, từng biểu lộ nhiều dấu hiệu cho thấy một lòng yêu thương đầy thương tích và rối rắm, bằng cách phục hồi nơi họ niềm hy vọng và tin tưởng, giống ngọn hải đăng ở bến cảng hay ngọn đuốc giữa đám đông nhằm soi sáng cho những ai lạc đường hay đang gặp giông bão” (313). Ta đừng quên rằng trách vụ của Giáo Hội thường giống như trách vụ của một bệnh viện dã chiến.

292. Là một phản ảnh của sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, hôn nhân Kitô Giáo được thể hiện đầy đủ trong sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà hiến thân cho nhau trong một lòng yêu thương tự do, trung thành và độc chiếm, những người thuộc về nhau cho tới chết và sẵn sàng truyền sinh, và được thánh hiến nhờ bí tích ban cho họ ơn thánh để trở nên một Giáo Hội tại gia và chất men gây sự sống mới cho xã hội. Một số hình thức kết hợp mâu thuẫn triệt để với lý tưởng này, trong khi nhiều hình thức khác thể hiện nó ít nhất từng phần và theo phương thức loại suy. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng quả quyết rằng Giáo Hội không coi thường các yếu tố xây dựng trong các hoàn cảnh chưa hoặc không còn tương hợp với giáo huấn về hôn nhân của mình nữa (314).

Tính tiệm tiến trong việc săn sóc mục vụ

293. Các Nghị Phụ cũng cân nhắc hoàn cảnh chuyên biệt của cuộc hôn nhân chỉ có tính dân sự hay cả việc chỉ sống chung với nhau, tuy có phân biệt thích đáng, bằng cách nhận định rằng “khi những cuộc kết hợp như thế đạt được một sự ổn định đặc thù, được luật pháp thừa nhận, có đặc điểm của một lòng âu yếm sâu đậm và có trách nhiệm đối với con cái, và chứng tỏ có khả năng vượt qua thử thách, thì chúng có thể tạo dịp cho việc săn sóc mục vụ với viễn ảnh sau cùng tiến tới việc cử hành hôn phối” (315). Đàng khác, một nguồn gây quan tâm là nhiều người trẻ ngày nay không tin tưởng hôn nhân và chỉ sống chung với nhau, hoãn cam kết hôn nhân vô hạn định, trong khi nhiều người khác phá bỏ cam kết đã đưa ra và lập tức sau đó bước vào một cam kết mới. “Là các chi thể của Giáo Hội, họ cũng cần được săn sóc về mục vụ, một săn sóc thương xót và đầy giúp đỡ” (316). Vì các mục tử của Giáo Hội không những có trách nhiệm phải cổ vũ hôn nhân Kitô Giáo mà còn phải “biện phân về mục vụ hoàn cảnh của rất nhiều người nay không còn sống thực tại này nữa. Bước vào cuộc đối thoại mục vụ với những người này là điều cần thiết để phân biệt được các yếu tố nào trong đời họ có thể dẫn đến sự cởi mở lớn hơn đối với Tin Mừng hôn nhân trong tính viên mãn của nó” (317). Trong việc biện phân mục vụ này, ta cần phải “nhận diện các yếu tố nào có thể cổ vũ việc truyền giảng Tin Mừng và việc tăng trưởng nhân bản và tâm linh” (318).

294. “Chọn kết hôn dân sự hay, trong nhiều trường hợp, chỉ đơn giản sống chung với nhau, thường không được thúc đẩy bởi thiên kiến hay đề kháng chống việc kết hợp bí tích, nhưng bởi các hoàn cảnh văn hóa hoặc ngẫu nhiên” (319). Trong các trường hợp như thế, ta cũng nên tỏ lòng kính trọng đối với các dấu hiệu yêu thương phần nào phản ảnh lòng yêu thương của chính Thiên Chúa (320). Ta biết rằng hiện đang có “sự gia tăng liên tục trong con số những người, sau khi sống với nhau trong một thời gian dài, đã yêu cầu được cử hành hôn phối trong Giáo Hội. Đơn giản chỉ sống chung với nhau thường là một quyết định dựa trên thái độ tổng quát muốn chống đối bất cứ điều gì có tính định chế và dứt khoát; nó cũng có thể được thực hiện trong khi chờ đợi có nhiều an toàn hơn trong đời sống (việc làm ổn định và thu nhập đều đặn). Ở một số quốc gia, các cuộc kết hợp de facto (trên thực tế), xẩy ra rất nhiều, không hẳn vì bác bỏ các giá trị liên quan tới hôn nhân và gia đình, mà chủ yếu vì việc cử hành hôn nhân bị coi là quá tốn kém trong nhiều hoàn cảnh xã hội. Thành thử, cảnh nghèo về vật chất đã đẩy người ta vào các cuộc kết hợp de facto” (321). Bất cứ là vì điều gì, “mọi hoàn cảnh này đòi một đáp ứng xây dựng, tìm cách biến đổi chúng thành các cơ hội có thể dẫn tới thực tại hôn nhân và gia đình trọn vẹn phù hợp với Tin Mừng. Những cặp này cần được chào đón và hướng dẫn một cách kiên nhẫn và kín đáo” (322). Đó chính là cách Chúa Giêsu cư xử với người đàn bà Samaria (xem Ga 4:1-26): Người đề cập tới ước muốn được yêu thương đích thực của nàng, ngõ hầu giải thoát nàng khỏi đêm tối của đời nàng và đem nàng tới niềm vui trọn vẹn của Tin Mừng.

295. Theo các đường hướng trên, Thánh Gioan Phaolô II đã đề ra điều gọi là “luật tiệm tiến” vì biết rằng con người nhân bản “biết, yêu và thực hiện điều tốt về luân lý theo các giai đoạn tăng trưởng khác nhau” (323). Đây không phải là “tính tiệm tiến của lề luật” nhưng đúng hơn là tính tiệm tiến trong việc thi hành một cách khôn ngoan các hành vi tự do của những người chưa ở vị trí có thể hiểu, đánh giá hay thi hành trọn vẹn các đòi hỏi khách quan của lề luật. Vì lề luật tự nó là một ơn phúc của Thiên Chúa dùng để chỉ đường, một ơn ban cho mọi người không trừ ai; nó có thể được tuân giữ nhờ sự trợ giúp của ơn thánh, cho dù mỗi con người nhân bản “tiến bước từ từ với sự hội nhập tiệm tiến các ơn phúc Chúa ban cũng như các đòi hỏi của tình yêu dứt khoát và tuyệt đối của Thiên Chúa trong suốt cuộc sống bản thân và xã hội của họ” (324).

Biện phân các hoàn cảnh không hợp lệ (325)

296. Các Nghị Phụ đề cập tới nhiều hoàn cảnh yếu đuối hay bất toàn khác nhau. Ở đây, tôi muốn nhắc lại một điều mà tôi tìm cách minh xác với toàn thể Giáo Hội, kẻo chúng ta theo đường lầm: “có hai cách suy nghĩ đã diễn ra trong suốt lịch sử Giáo Hội: vứt bỏ và phục hồi. Từ thời Công Đồng Giêrusalem, đường lối của Giáo Hội vẫn luôn là đường lối của Chúa Giêsu, đó là con đường thương xót và phục hồi... Đường lối của Giáo Hội là không kết án ai mãi mãi; nó là việc tuôn đổ dầu thơm thương xót của Thiên Chúa trên tất cả những ai kêu xin với một tâm hồn thành thực... Vì lòng bác ái chân thực luôn không cần công trạng, luôn vô điều kiện và nhưng không” (326). Thành thử, điều cần là phải “tránh các phán đoán không tính đến sự phức tạp của những hoàn cảnh khác nhau” và phải “ nhất thiết lưu ý tới việc người ta chịu đau khổ ra sao vì hoàn cảnh của họ” (327).

297. Đây là vấn đề phải vươn tay ra với mọi người, phải giúp mỗi người tìm được cách riêng của họ để tham dự vào cộng đồng Giáo Hội và nhờ thế cảm thấy lòng thương xót “không cần công trạng, vô điều kiện và nhưng không” mơn trớn mình. Không ai có thể bị kết án mãi mãi vì điều này không phải là luận lý học của Tin Mừng! Ở đây, tôi không chỉ nói tới người ly dị và tái hôn, mà là mọi người, trong bất cứ hoàn cảnh nào họ rơi vào. Dĩ nhiên, nếu một ai đó phách lối coi một tội khách quan như thể là thành phần của lý tưởng Kitô Giáo, hay muốn áp đặt một điều gì đó khác hơn là điều được Giáo Hội dạy bảo, thì họ không hề có thể có tham vọng giảng dậy hay rao giảng cho người khác; đây là trường hợp nói đến một điều vốn tách biệt người ta khỏi cộng đồng (xem Mt 18:17). Người như thế cần lắng nghe lại sứ điệp của Tin Mừng và lời kêu gọi ăn năn của nó. Thế nhưng, ngay đối với họ, cũng vẫn có cách nào đó để tham dự vào đời sống cộng đồng, hoặc trong dịch vụ xã hội, các buổi tụ tập để cầu nguyện hay một cách khác do sáng kiến riêng của họ gợi ý, với sự biện phân của linh mục quản xứ. Còn về cách xử lý với các hoàn cảnh “không hợp lệ”, các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã đạt được sự thoả thuận tổng quát và được tôi ủng hộ như sau: “Khi xem xét cách tiếp cận mục vụ với những người đã ký kết cuộc hôn nhân dân sự, những người ly dị và tái hôn, hay chỉ sống chung với nhau, Giáo Hội có trách nhiệm phải giúp đỡ họ hiểu rõ khoa sư phạm của Thiên Chúa trong đời sống họ và đề nghị với họ sự giúp đỡ để họ đạt tới sự viên mãn của kế hoạch Thiên Chúa dành cho họ” (328), một điều luôn có thể có nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần.

298. Những người ly dị đã bước vào một kết hợp mới, chẳng hạn, có thể rơi vào nhiều hoàn cảnh khác nhau, mà ta không nên nhồi nhét vào những cách xếp loại quá cứng ngắc, không chừa chỗ nào cho việc biện phân thích đáng có tính bản thân và mục vụ. Một chuyện là cuộc kết hợp thứ hai được củng cố với thời gian, có những đứa con mới, được chứng thực là trung thành, hiến thân quảng đại, có cam kết Kitô Giáo, ý thức tính bất hợp lệ của nó và cả sự khó khăn lớn lao này là nếu trở lại chắc chắn lương tâm sẽ cảm thấy có lỗi. Giáo Hội nhìn nhận các hoàn cảnh “trong đó, vì các lý do nghiêm túc, như việc dưỡng dục con cái chẳng hạn, người đàn ông và người đàn bà không thể thỏa mãn nghĩa vụ phải ly thân” (329). Cũng có những trường hợp của nhiều người, tuy cố gắng hết sức để cứu vãn cuộc hôn nhân đầu của họ nhưng vẫn bị bỏ rơi một cách bất công, hay “những người đã bước vào cuộc kết hợp thứ hai vì lý do dưỡng dục con cái, và đôi khi chủ quan tin chắc trong lương tâm rằng cuộc hôn nhân đầu, đã bị tan vỡ không thể cứu chữa, chưa bao giờ thành sự cả” (330). Tất cả những hoàn cảnh này là một chuyện, chuyện khác là cuộc kết hợp mới, phát sinh từ cuộc ly dị mới đây, với tất cả mọi đau khổ và bối rối có thể gây ra cho con cái và mọi gia đình, hay trường hợp một người liên lỉ không chu toàn các nghĩa vụ của mình đối với gia đình. Ta phải luôn hiểu rõ rằng đây không hề là lý tưởng được Tin Mừng đề xuất cho hôn nhân và gia đình. Các nghị phụ Thượng Hội Đồng quả quyết rằng việc biện phân của các mục tử phải luôn diễn ra “bằng một việc phân biệt thoả đáng” (331), với phương pháp thẩm định kỹ lưỡng về các hoàn cảnh” (332). Ta biết rằng không hề có “những công thức dễ dàng” (333).

299. Tôi nhất trí với nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng khi nhận định rằng “Những người đã rửa tội ly dị và tái hôn dân sự nên được hội nhập nhiều hơn vào các cộng đồng Kitô Giáo theo nhiều cách có thể, tránh mọi dịp gây gương xấu. Luận lý học của việc hội nhập này là chìa khóa cho việc đồng hành mục vụ với họ, không những để họ thấy họ vẫn thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội, mà còn để họ có được một cảm nghiệm hân hoan và sinh hoa trái trong Nhiệm Thể ấy. Họ là người đã rửa tội, họ là anh chị em, Chúa Thánh Thần tuôn đổ các ơn phúc và đặc sủng vào trong họ để sinh ích cho mọi người. Sự tham dự của họ có thể được phát biểu trong nhiều việc phục vụ khác nhau trong Giáo Hội: nên Giáo Hội phải biện phân xem có thể hủy bỏ những hình thức nào trong số các hình thức loại trừ đang được áp dụng trong sinh hoạt phụng vụ, mục vụ, giáo dục và định chế. Không những họ không nên tự coi mình như bị tuyệt thông, mà họ còn cần được sống và lớn mạnh như các chi thể sống động của Giáo Hội, cảm nghiệm Giáo Hội như mẹ hiền vẫn đang đồng hành với họ, săn sóc họ một cách âu yếm, và khích lệ họ trên đường đời và đường Tin Mừng. Việc hội nhập này cũng cần thiết đối với việc săn sóc và giáo dục con cái họ, vốn phải được coi là quan trọng nhất” (334).

300. Nếu ta xét tới tính đa dạng vĩ đại trong các hoàn cảnh cụ thể như các trường hợp tôi vừa kể, thì dễ hiểu được việc: cả Thượng Hội Đồng lẫn Tông Huấn này đều không có hy vọng cung cấp được một loạt các qui định tổng quát mới, có bản chất giáo luật và có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Điều có thể làm được đơn giản chỉ là một khuyến khích đổi mới đối với việc phải đảm nhiệm việc biện phân các trường hợp đặc thù một cách có trách nhiệm, cả bản thân lẫn mục vụ, một việc biện phân biết thừa nhận điều này: vì “mức độ trách nhiệm không như nhau trong mọi trường hợp” (335), nên các hậu quả hay hiệu quả của một qui luật không luôn nhất thiết phải như nhau (336). Các linh mục có bổn phận phải “đồng hành [với người ly dị và tái hôn] trong việc giúp đỡ họ hiểu rõ hoàn cảnh của họ theo giáo huấn của Giáo Hội và các hướng dẫn của giám mục. Trong diễn trình này, điều hữu ích là việc xét lương tâm trong những giờ phút suy niệm và thống hối. Người ly dị và tái hôn nên tự vấn: mình đã hành xử ra sao với con cái khi kết hợp vợ chồng lâm khủng hoảng; mình có cố gắng hay không để hòa giải; điều gì đã xẩy ra cho bên bị bỏ rơi; mối liên hệ mới gây ra những hậu quả nào cho những người khác trong gia đình và cho cộng đồng tín hữu; và mình đã làm gương ra sao đối với những người trẻ đang chuẩn bị hôn nhân. Một suy niệm nghiêm túc có thể sẽ tăng cường niềm tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót không bị từ chối cho bất cứ ai” (337). Điều ta đang nói đây là một diễn trình đồng hành và biện phân sẽ “hướng dẫn tín hữu ý thức được hoàn cảnh của họ trước mặt Thiên Chúa. Đàm đạo với vị linh mục, ở tòa trong, sẽ góp phần vào viêc đào tạo phán đoán đúng về những gì đang gây trở ngại cho khả thể tham dự trọn vẹn hơn vào đời sống Giáo Hội và về các biện pháp có thể cổ vũ sự tham dự này và làm nó lớn mạnh. Xét vì tính tiệm tiến không có trong chính lề luật (Familiaris Consortio, 34), nên việc biện phân này phải luôn lưu ý tới các đòi hỏi chân lý và bác ái của Tin Mừng, như đã được Giáo Hội đề xuất. Để việc biện phân này diễn ra, các điều kiện sau đây nhất thiết phải hiện diện: khiêm nhường, theo ý muốn và yêu thương Giáo Hội cũng như giáo huấn của Giáo Hội, thành thực tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và ước muốn đáp ứng thánh ý Người cách trọn hảo hơn” (338). Các thái độ này là điều chủ yếu để tránh các nguy cơ hiểu lầm trầm trọng, như quan niệm cho rằng bất cứ linh mục nào cũng có thể nhanh chóng ban cấp “các luật trừ”, hoặc, một số người nào đó có thể nhận được các đặc ân bí tích nhờ việc đổi chác ân huệ. Khi một người có tinh thần trách nhiệm và khéo xử, vốn không có tham vọng đặt ước muốn của mình lên trên ích chung của Giáo Hội, gặp được một mục tử biết nhìn nhận tính nghiêm túc của vấn đề gặp phải, thì không thể có nguy cơ việc biện phân chuyên biệt này sẽ dẫn người ta tới chỗ nghĩ rằng Giáo Hội duy trì một tiêu chuẩn hai mặt.

Các yếu tố giảm khinh trong việc biện phân mục vụ

301. Để hiểu một cách thỏa đáng khả thể và nhu cầu biện phân đặc biệt trong một số hoàn cảnh “bất hợp lệ”, một điều luôn cần phải lưu ý, kẻo có người nghĩ rằng các đòi hỏi của Tin Mừng đã bị thỏa hiệp cách nào đó chăng. Giáo Hội sở đắc cả một tổng hợp suy tư chắc chắn liên quan tới các nhân tố và hoàn cảnh giảm khinh. Do đó, không thể đơn giản nói rằng tất cả những người trong bất cứ hoàn cảnh “bất hợp lệ” nào đều đang sống trong tình trạng tội trọng hay không có ơn thánh hóa. Ở đây, nhiều điều có liên quan chứ không phải chỉ là việc không biết qui luật. Một chủ thể rất có thể biết đầy đủ về qui luật, thế nhưng lại gặp khó khăn lớn trong việc hiểu rõ “các giá trị cố hữu của nó” (339) hay rơi vào một hoàn cảnh cụ thể không giúp họ hành động khác đi và quyết định cách khác mà không phạm tội thêm. Như các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã nói “Có thể có các nhân tố khiến khả năng đưa ra quyết định trở thành hạn chế” (340). Chính Thánh Tôma Aquinô cũng nhìn nhận rằng một người nào đó có thể có ơn thánh và đức ái, nhưng lại không có khả năng thi hành bất cứ nhân đức nào một cách tốt đẹp (341); nói cách khác, dù một ai đó có thể có mọi nhân đức luân lý thiên phú, họ vẫn không biểu lộ được một cách rõ ràng sự hiện hữu của một trong các nhân đức này, vì việc thực hành nhân đức này ra bên ngoài đã bị làm cho khó khăn: “Người ta nói rằng một số vị thánh không có một số nhân đức nào đó, theo nghĩa các ngài cảm thấy khó khăn trong việc thực hiện chúng, cho dù các ngài có thói quen đối với mọi nhân đức” (342).

302. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhắc đến các nhân tố này một cách rõ ràng: “việc quy tội và việc chịu trách nhiệm đối với một hành động có thể được giảm thiểu hay thậm chí triệt tiêu vì do không biết, vô ý, bị cưỡng ép, sợ hãi, thói quen, quyến luyến vô trật tự và các nhân tố tâm lý hay xã hội khác” (343). Trong một đoạn khác, Sách Giáo Lý một lần nữa nhắc đến “sự thiếu chín chắn về cảm giới, sức mạnh của thói quen đã mắc phải, các tình trạng lo âu xao xuyến hay các nhân tố tâm lý hay xã hội khác làm giảm khinh hay thậm chí xóa hẳn tính quy trách luân lý” (344). Vì lý do này, một phán đoán tiêu cực về một hoàn cảnh khách quan không hàm nghĩa một phán đoán về việc quy trách hay qui tội người liên hệ (345). Dựa trên các xác tín này, tôi coi là thích đáng điều được nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng quả quyết: “Trong một số hoàn cảnh, người ta rất khó có thể hành động khác đi. Cho nên, dù vẫn duy trì qui luật tổng quát, nhưng cần phải thừa nhận rằng trách nhiệm đối với một hành động hay một quyết định nào đó không như nhau trong mọi trường hợp. Dù vẫn phải lưu ý tới việc đào tạo lương tâm thích đáng nơi người ta, nhưng việc biện phân mục vụ phải dự liệu các hoàn cảnh này. Ngay các hậu quả của các hành vi cũng không nhất thiết phải như nhau trong mọi trường hợp” (346).

303. Khi nhìn nhận ảnh hưởng của các nhân tố cụ thể như trên, ta có thể nói thêm rằng lương tâm cá nhân cần được xem xét tốt hơn bởi đường lối thực hành của Giáo Hội trong một số hoàn cảnh không hiện thân được một cách khách quan cái hiểu của ta về hôn nhân. Dĩ nhiên, phải cố gắng hết sức trong việc khuyến khích sự chín chắn của một lương tâm được soi sáng, được đào luyện và đồng hành nhờ sự biện phân có trách nhiệm và nghiêm túc của mục tử, và việc tín thác nhiều hơn vào ơn thánh Thiên Chúa. Thế nhưng, lương tâm không những có thể thừa nhận rằng một hoàn cảnh nhất định nào đó không tương ứng một cách khách quan với các đòi hỏi tổng quát của Tin Mừng. Nó còn có thể thành thực và trung thực nhìn nhận rằng đối với hiện nay, đây là đáp ứng quảng đại nhất có thể có đối với Thiên Chúa, và tiến tới chỗ nhìn thấy một cách khá chắc chắn rằng về phương diện luân lý thì đây là điều chính Thiên Chúa đòi hỏi giữa tính phức tạp cụ thể trong các giới hạn của họ, dù nó chưa trọn vẹn là lý tưởng khách quan. Dù sao, ta hãy nhớ rằng việc biện phân này có tính năng động; nó phải mãi mãi cởi mở đối với các giai đoạn tăng trưởng mới và các quyết định mới có khả năng giúp cho lý tưởng này được thể hiện cách trọn vẹn hơn.

Các qui luật và sự biện phân

304. Quả là hạn hẹp, khi chỉ xét xem liệu các hành động của cá nhân có tương hợp với một lề luật hay một qui luật tổng quát hay không, vì điều này không đủ để biện phân và bảo đảm việc trung thành trọn vẹn với Thiên Chúa trong cuộc sống cụ thể của con ngườì nhân bản. Tôi khẩn khoản yêu cầu điều này: ta nên luôn nhớ giáo huấn của Thánh Tôma Aquinô và học cách biết lồng nó vào việc biện phân mục vụ của ta: “Dù có sự nhất thiết trong các nguyên tắc tổng quát, càng đề cập tới những điều đặc thù, ta càng gặp nhiều thiếu sót... Trái lại, trong phạm vi hành động, chân lý hay sự đúng đắn thực tế không như nhau trong mọi áp dụng đặc thù, mà chỉ trong các nguyên tắc tổng quát mà thôi; và nơi những người mà sự đúng đắn này hệt như nhau trong các hành động riêng của họ, nó cũng không được mọi người biết đến như nhau... Càng đi vào chi tiết, càng găp nhiều ngoại lệ” (347). Đúng là các qui luật tổng quát ấn định một điều tốt mà không bao giờ người ta được coi thường hay làm ngơ, nhưng trong công thức phát biểu của chúng, chúng không thể tuyệt đối dự liệu được mọi hoàn cảnh đặc thù. Đồng thời, cũng cần phải nói rằng: chính vì lý do này, ta không thể nâng điều vốn chỉ là một phần của việc biện phân thực tế trong các hoàn cảnh đặc thù lên hàng một qui luật. Điều này không những sẽ dẫn đến một thứ giải nghi học (casuisrtry) không thể dung thứ được, mà còn gây nguy cơ cho chính các giá trị mà ta cần phải đặc biệt thận trọng duy trì (348).

305. Chính vì vậy, mục tử không được cảm nhận điều này: chỉ cần áp dụng các lề luật luân lý vào những người đang sống trong các hoàn cảnh “bất hợp lệ” là đã đủ, như thể các lề luật này là những viên đá dùng để ném vào cuộc sống người ta. Đó là trường hợp khép kín cõi lòng của những người quen nấp đàng sau các giáo huấn của Giáo Hội, “ngồi trên tòa Môsê và phán xét các vụ án khó khăn và các gia đình bị thương tích, đôi lúc một cách tự tôn và hời hợt” (349). Cũng trong đường hướng này, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã nhận định rằng “không thể trình bầy luật tự nhiên như một bộ các qui luật dứt khoát tự áp đặt một cách tiên thiên lên chủ thể luân lý; đúng hơn, nó là một nguồn gợi hứng khách quan cho diễn trình quyết định có tính bản vị sâu xa” (350). Vì các hình thức của điều kiện hóa và các nhân tố giảm khinh, rất có thể, dù ở trong một hoàn cảnh tội lỗi khách quan, một hoàn cảnh có thể không bị qui tội về phương diện chủ quan, một ai đó vẫn có thể sống trong ơn thánh Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái, trong khi lãnh nhận sự giúp đỡ của Giáo Hội để tiến tới mục tiêu này (351). Việc biện phân phải giúp tìm ra các cách thế khả hữu để đáp trả Thiên Chúa và lớn lên giữa các giới hạn của người ta. Vì suy nghĩ mọi sự đều đen và trắng, nên đôi khi ta đóng kín đường ơn thánh và đường tăng trưởng, không khuyến khích các nẻo đường nên thánh nhằm đem vinh quang lại cho Thiên Chúa. Ta hãy nhớ điều này “giữa các giới hạn lớn lao của con người, một bước nhỏ cũng có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn cả một đời bề ngoài có vẻ đàng hoàng, nhưng không ngày nào phải đối đầu với khó khăn lớn lao” (352). Việc chăm sóc mục vụ thực tiễn của các mục tử và cộng đồng không thể không lưu ý tới thực tại này.

306. Trong mọi hoàn cảnh, khi xử lý với những người không gặp khó khăn trong việc sống luật Chúa cách trọn vẹn, lời mời gọi theo via caritatis (con đường đức ái) phải được nghe thật rõ ràng. Đức ái huynh đệ là luật đầu tiên của các Kitô hữu (xem Ga 15:12; Gl 5:14). Ta đừng quên những lời hứa hẹn của Sách Thánh: “hãy duy trì lòng yêu thương nhau liên lỉ, vì lòng yêu thương che phủ rất nhiều tội lỗi” (1Pr 4:8); “hãy đoái tội lập công, bằng cách làm việc nghĩa, là tỏ lòng từ bi đối với người nghèo, may ra thời thịnh vượng của ngài sẽ được kéo dài” (Đn 4:24); “Nước dập tắt lửa hồng, bố thí đền bù tội lỗi” (Hc 3:30). Đây cũng là điều Thánh Augustinô truyền dạy: “cũng như lúc bị lửa đe dọa, ta chạy đi tìm nước để giập tắt nó... lúc ngọn lửa tội lỗi bùng lên từ đống trấu lòng ta và ta bối rối, (và nếu) lúc đó có cơ hội thực hiện một việc thương xót, ta hãy hân hoan trong đó, như thể tìm được vòi nước để dập tắt ngọn lửa bùng” (353).

Luận lý của lòng thương xót mục vụ

307. Để tránh mọi hiểu lầm, tôi xin nhấn mạnh rằng Giáo Hội không hề chống lại việc đề xuất lý tưởng hôn nhân trọn vẹn, vốn là kế hoạch của Thiên Chúa trong mọi nét cao cả của nó: “Các người trẻ đã chịu phép rửa nên được khuyến khích để hiểu rằng bí tích hôn phối có thể phong phú hóa các triển vọng yêu thương của họ và họ có thể được nâng đỡ bởi ơn thánh của Chúa Kitô trong bí tích này và bởi khả năng tham dự trọn vẹn vào đời sống Giáo Hội” (354). Thái độ nửa nóng nửa lạnh, bất cứ loại duy tương đối nào, hay sự dè dặt không thích đáng nào trong việc đề xuất lý tưởng này, đều không trung thành với Tin Mừng cũng như thiếu lòng yêu thương của Giáo Hội dành cho giới trẻ. Tỏ sự hiểu biết đối với các hoàn cảnh ngoại lệ không bao giờ hàm nghĩa muốn làm lu mờ ánh sáng của lý tưởng trọn vẹn hơn này, hay đề xuất kém hơn điều Chúa Giêsu đã đề xuất cho con người nhân bản. Ngày nay, quan trọng hơn việc chăm sóc mục vụ đối với các trường hợp thất bại là cố gắng mục vụ phải làm sao củng cố các cuộc hôn nhân và do đó, ngăn cản chúng khỏi tan vỡ.

308. Đồng thời, từ việc ý thức được tầm quan trọng của các hoàn cảnh giảm khinh, cả tâm lý, lịch sử lẫn sinh học, mà ta có nhận định này “dù không sao lãng lý tưởng Tin Mừng, ta vẫn cần phải đồng hành một cách đầy thương xót và nhẫn nại với các giai đoạn có thể có trong việc tăng trưởng bản thân khi chúng xuất hiện từ từ”, chừa chỗ cho “lòng thương xót của Chúa, một lòng thương xót thúc đẩy ta cố gắng hết sức” (355). Tôi hiểu những ai vẫn thích lối chăm sóc mục vụ khắt khe hơn, vốn không có chỗ cho mơ hồ. Nhưng tôi thành thực tin rằng Chúa Giêsu muốn có một Giáo Hội biết lưu ý tới điều tốt mà Chúa Thánh Thần vốn gieo vào giữa sự yếu đuối của con người, là một Bà Mẹ, dù lớn tiếng nói rõ giáo huấn khách quan của mình, “vẫn luôn làm bất cứ điều tốt nào có thể làm, cho dù trong khi làm thế, giầy dép của mình bị vấy bẩn bởi đất bùn hè phố” (356). Khi đề xuất với tín hữu lý tưởng trọn vẹn của Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội, các mục tử của Giáo Hội cũng phải giúp họ cư xử với những người yếu đuối một cách cảm thương, tránh làm bực mình hay phán đoán khắc nghiệt hoặc hấp tấp thái quá. Chính Tin Mừng cũng bảo ta đừng phán đoán hay kết án (xem Mt 7:1; Lc 6:37). Chúa Giêsu “mong ta ngưng việc tìm kiếm những hốc tường bản thân và cộng đoàn để tránh mọi rối loạn bất hạnh của con người, và thay vào đó, hãy bước vào thực tại đời sống người khác và biết được sức mạnh của lòng âu yếm. Bất cứ khi nào ta làm được như thế, đời ta đều trở nên phức tạp một cách kỳ diệu” (357).

309. Quả là ơn quan phòng khi các suy tư trên diễn ra trong Năm Thánh dành cho lòng thương xót, cũng vì khi đối đầu với nhiều hoàn cảnh khác nhau ảnh hưởng tới gia đình, “Giáo Hội được ủy nhiệm việc loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, trái tim sống động của Tin Mừng, một loan báo, theo cách riêng, phải đi thẳng vào tâm trí mỗi con người. Cô Dâu của Chúa Kitô phải rập khuôn tác phong của mình theo Con Thiên Chúa, Đấng đi tới mọi người, không trừ ai” (358). Giáo Hội biết rằng Chúa Giêsu là người chăn một trăm con chiên, chứ không phải chỉ có chín mươi chín con. Người yêu thương mọi con. Hiểu được như thế, “dầu thơm thương xót có thể sẽ lan tỏa tới mọi người, bất luận là tín hữu hay người xa lạ, như dấu hiệu cho thấy nước Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta rồi” (359).

310. Ta không thể quên rằng “lòng thương xót không những là hành động của Chúa Cha; nó đã trở thành một tiêu chuẩn để biết ai mới là con cái thực sự của Người. Nói tóm lại, ta được kêu gọi biểu lộ lòng thương xót vì lòng thương xót đã được biểu lộ với ta trước tiên” (360). Đây không phải là một sự lãng mạn nguyên tuyền hay một đáp trả nửa ấm nửa lạnh đối với tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu luôn tìm kiếm điều tốt nhất cho ta, vì “lòng thương xót chính là nền tảng đời sống của Giáo Hội. Mọi sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội phải được bảo bọc trong một tình âu yếm mà Giáo Hội vốn biểu lộ với các tín hữu; không điều gì trong việc rao giảng và làm chứng của Giáo Hội cho thế giới lại có thể thiếu lòng thương xót được” (361). Đúng là có lúc “ta hành động như những người nắm toàn quyền ơn thánh hơn là các điều giải viên của nó. Nhưng Giáo Hội không phải là phòng thuế; nó là nhà của Chúa Cha, nơi có chỗ dành cho mọi người, với đủ mọi vấn đề của họ” (362).

311. Việc giảng dạy thần học luân lý nên kết hợp các xem xét trên, vì dù đúng là phải tỏ ra quan tâm đối với tính toàn vẹn trong giáo huấn luân lý của Giáo Hội, nhưng luôn phải tỏ ra quan tâm đặc biệt đối với việc nhấn mạnh và khuyến khích các giá trị cao cả nhất và có tính trung tâm nhất của Tin Mừng (363), nhất là tính ưu vị của đức ái như là một đáp trả đối với ơn phúc yêu thương hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa. Đôi lúc, ta thấy khó có thể dành chỗ cho lòng yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa trong sinh hoạt mục vụ của ta (364). Ta đặt quá nhiều điều kiện lên lòng thương xót đến nỗi ta làm rỗng hết ý nghĩa cụ thể và tầm quan trọng thực sự của nó. Đây là cách tệ hại nhất để làm loãng Tin Mừng. Chẳng hạn, đúng là lòng thương xót không loại trừ công lý và chân lý, nhưng trước hết và trên hết, ta phải nói rằng lòng thương xót chính là sự viên mãn của công lý và là biểu hiện ngời sáng nhất của chân lý Thiên Chúa. Vì lý do này, ta nên luôn coi là “thiếu thỏa đáng bất cứ quan niệm thần học nào, cuối cùng, nghi vấn cả sự toàn năng của Thiên Chúa và, nhất là, lòng thương xót của Người” (365).

312. Điều trên đem lại cho chúng ta một khuôn khổ và một khung cảnh giúp ta tránh thứ luân lý có tính bàn giấy lạnh lùng trong việc xử lý các vấn đề nhậy cảm hơn. Thay vào đó, nó đặt ta vào bối cảnh biện phân mục vụ đầy tình yêu thương xót, luôn sẵn sàng hiểu biết, tha thứ, đồng hành, hy vọng và, trên hết, hội nhập. Đây là tư duy cần trổi vượt trong Giáo Hội và dẫn ta tới chỗ “mở rộng lòng ta cho những người hiện đang sống tại những ngoại biên xa xôi nhất của xã hội” (366). Tôi khuyến khích các tín hữu đang rơi vào các hoàn cảnh phức tạp hãy tin tưởng nói chuyện với các mục tử của mình hay với các tín hữu giáo có đời sống dấn thân cho Chúa. Có thể không phải lúc nào họ cũng tìm được nơi các tín hữu này sự xác nhận đối với các ý nghĩ hay ước vọng của họ, nhưng chắc chắn họ sẽ nhận được một chút ánh sáng nào đó giúp họ hiểu rõ hơn hoàn cảnh của họ và tìm ra nẻo đường tăng trưởng bản thân. Tôi cũng khuyến khích các mục tử của Giáo Hội lắng nghe họ một cách nhậy cảm và thanh thản, với ước nguyện thành thực có thể hiểu được cảnh ngộ và quan điểm của họ, ngõ hầu giúp họ sống đời họ tốt hơn và thừa nhận chỗ đứng riêng của họ trong Giáo Hội.

Kỳ Sau: Chương Chín: Linh Đạo Hôn Nhân và Gia Đình

_______________________________________________________________________________________________

(311) Relatio Synodi 2014, 24.

(312) Ibid. 25.

(313) Ibid., 28.

(314) Cf. ibid., 41, 43; Relatio Finalis 2015, 70.

(315) Ibid., 27.

(316) Ibid., 26.

(317) Ibid., 41.

(318) Ibid.

(319) Relatio Finalis 2015, 71.

(320) Cf. ibid.

(321) Relatio Synodi 2014, 42.

(322) Ibid., 43.

(323) Tông Huấn Familiaris Consortio (22 tháng 11,1981), 34: AAS 74 (1982), 123.

(324) Ibid., 9: AAS 74 (1982), 90.

(325) Cf. Bài Giáo Lý (24 tháng 6, 2015): L’Osservatore Romano, 25 tháng 6, 2015, p. 8.

(326) Bài Giảng trong Thánh Lễ Cử Hành Với Các Tân Hồng Y (15 tháng 2, 2015): AAS 107 (2015), 257.

(327) Relatio Finalis 2015, 51.

(328) Relatio Synodi 2014, 25.

(329) Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22 tháng 11, 1981), 84: AAS 74 (1982), 186. Trong những hoàn cảnh như thế, nhiều người, tuy biết và chấp nhận khả thể sống “như anh trai em gái” mà Giáo Hội đề xuất với họ, nhưng đã nhấn mạnh rằng nếu một số cách phát biểu sự thân mật không có, “thì lòng chung thủy thường gặp nguy cơ và gây thiệt hại tới lợi ích con cái” (Gaudium et Spes, 51).

(330) Ibid.

(331) Relatio Synodi 2014, 26.

(332) Ibid., 45.

(333) Đức Bênêđíctô XVI, Diễn Văn với Cuộc Gặp Mặt Các Gia Đình Thế Giới ở Milan (2 tháng 6, 2012), Câu trả lời số 5: Insegnamenti VIII/1 (2012), 691.

(334) Relatio Finalis 2015, 84.

(335) Ibid., 51

(336) Đây cũng là trường hợp liên quan tới kỷ luật bí tích, vì việc biện phân có thể nhận ra có những hoàn cảnh đặc thù trong đó không có lỗi nghiêm trọng. Trong những trường hợp như thế, có thể áp dụng điều tìm thấy trong các văn kiện khác: xem Evangelii Gaudium (24 tháng 11, 2013), 44 và 47: AAS 105 (2013), 1038-1040.

(337) Relatio Finalis 2015, 85.

(338) Ibid., 86

(339) Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22 tháng 11, 1981), 33: AAS 74 (1982), 121.

(340) Relatio Finalis 2015, 51.

(341) Cf. Summa Theologiae I-II, q. 65, art. 3 ad 2; De Malo,

2, art. 2.

(342) Ibid., ad 3.

(343) No. 1735.

(344) Ibid., 2352; Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Bố về An Tử Iura et Bona (5 tháng 5, 1980), II: AAS 72 (1980), 546; Đức Gioan Phaolô II, trong lời phê phán phạm trù “chọn lựa căn bản”, đã thừa nhận rằng “chắc chắn có những hoàn cảnh rất phức tạp và không rõ ràng theo quan điểm tâm lý học, và ảnh hưởng tới việc có thể qui tội một cách chủ quan cho người có tội” (Tông Huấn Reconciliatio et Paenitentia [2 tháng 12, 1984], 17: AAS 77 [1985], 223).

(345) Cf. Hội Đồng Giáo Hoàng lo Các Bản Văn Luật Pháp, Tuyên Bố Liên Quan Tới Việc Cho Phép Các Tín Hữu Ly Dị và Tái Hôn Rước Lễ (24 tháng 6, 2000), 2.

(346) Relatio Finalis 2015, 85.

(347) Summa Theologiae, I-II, q. 94, art. 4.

(348) Trong một bản văn khác, khi nhắc đến việc nhận thức qui luật cách tổng quát và việc nhận thức đặc thù do biện phân thực tế, Thánh Tôma Aquinô quả quyết rằng “Nếu chỉ một trong hai hiện diện, thì điều đáng ước ao hơn chính là việc nhận thức thực tại đặc thù, vì nó gần gũi hơn với hành động”: Sententia libri Ethicorum, VI, 6 (ed. Leonina, t. XLVII, 354.)

(349) Diễn Văn Bế Mạc Phiên Họp Toàn Thể Lần Thứ Mười Bốn Thượng Hội Đồng Giám Mục (24 tháng 10, 2015): L’Osservatore Romano, 26-27 tháng 10, 2015, p. 13.

(350) Ủy Ban Thần Học Quốc, In Search of a Universal Ethic: A New Look at Natural Law (2009), 59.

(351) Trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm sự trợ giúp của các bí tích. Do đó, “tôi muốn nhắc nhở các linh mục điều này: không được coi tòa giải tội như phòng tra tấn, mà đúng hơn là nơi gặp gỡ với lòng thương xót của Chúa” (Tông Huấn Evangelii Gaudium [24 tháng 11, 2013], 44: AAS 105 [2013], 1038). Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Phép Thánh Thể “không phải là một phần thưởng cho người hoàn hảo, nhưng là một món thuốc và món ăn mạnh mẽ cho người yếu đuối” (ibid., 47: 1039).

(352) Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11, 2013), 44: AAS 105 (2013), 1038-1039.

(353) De Catechizandis Rudibus, I, 14, 22: PL 40, 327; cf. Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11, 2013), 194: AAS 105 (2013), 1101.

(354) Relatio Synodi 2014, 26.

(355) Tông Huấn Evangelii gaudium (24 tháng 11 2013), n. 44: AAS 105

(356) Ibid., 45.

(357) Ibid., 270.

(358) Sắc Chỉ Misericordiae Vultus (11 tháng 4, 2015), 12: AAS 107 (2015): 407.

(359) Ibid., 5: 402.

(360) Ibid., 9: 405.

(361) Ibid., 10: 406.

(362) Tông Huấn Evangelii gaudium (24 tháng 11, 2013), n. 47: AAS 105

(363) Cf. ibid., 36-37: AAS 105 (2013), 1035.

(364) Có lẽ vì một tính bối rối nào đó, được che dấu dưới lòng nhiệt thành muốn trung thành với sự thật, một số linh mục yêu cầu nơi các hối nhân một mục đích cải sửa quá thiếu sắc thái đến nỗi khiến lòng thương xót bị che mờ bởi việc mưu cầu điều được coi là công lý tinh tuyền. Vì lý do này, sẽ là điều hữu ích nếu nhớ tới giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô II, vị đã quả quyết rằng khả thể sa ngã trở lại “không nên gây hại tới tính chân chính của giải pháp” (Thư gửi Đức Hồng Y William W. Baum nhân dịp Khóa Học về Tòa Trong do Tông Tòa Xá Giải tổ chức [22 tháng 3, 1996], 5: Insegnamenti XIX/1 [1996], 589).

(365) Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, The Hope of Salvation for Infants Who Die Without Being Baptized (19 tháng 4, 2007), 2.

(366) Sắc Chỉ Misericordiae Vultus (11 tháng 4, 2015), 15: AAS 107 (2015), 409.
 
Nguyên Văn Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Phanxicô (các số 313-325)
Vũ Văn An
20:08 01/05/2016
Chương Chín: Linh Đạo Hôn Nhân và Gia Đình

313. Bác ái mang nhiều sắc độ khác nhau, tùy ở bậc sống ta được mời gọi bước vào. Mấy thập niên trước đây, khi nói tới việc tông đồ giáo dân, Công Đồng Vatican II nhấn mạnh đến linh đạo phát sinh từ cuộc sống gia đình. Công Đồng quả quyết rằng linh đạo giáo dân “sẽ tiếp nhận đặc tính đặc thù của nó từ các hoàn cảnh... của cuộc sống hôn nhân và gia đình” (367), và “việc chăm sóc gia đình không nên xa lạ” đối với linh đạo này (368). Chúng ta nên dừng lại ở đây để mô tả một số đặc điểm căn bản của nền linh đạo chuyên biệt đang diễn ra trong đời sống gia đình và các mối liên hệ của nó.

Một nền linh đạo hiệp thông siêu nhiên

314. Ta đã luôn nói tới việc Thiên Chúa cư ngụ ra sao trong tâm hồn những người sống trong ơn thánh của Người. Hôm nay, ta có thể nói thêm rằng Chúa Ba Ngôi hiện diện trong đền thờ hiệp thông vợ chồng. Thiên Chúa cư ngụ trong các ca ngợi của dân Người thế nào (xem Tv 22:3), thì Người cũng cư ngụ sâu trong lòng yêu thương vợ chồng đang làm cho Người vinh quang như thế.

315. Nhan Thiên Chúa cư ngụ trong các gia đình cụ thể, có thực chất, với mọi rắc rối và đấu tranh, mọi vui tươi và hy vọng hàng ngày của họ. Sống trong một gia đình khiến chúng ta khó mà giả vờ hay gian dối được; ta không thể ẩn phía sau một mặt nạ. Nếu tính chân thực này được lòng yêu thương gợi hứng, thì Chúa ngự trị ở đó, cùng với niềm vui và sự bình an của Người. Linh đạo yêu thương gia đình được làm thành bởi hàng ngàn những cử chỉ nhỏ mọn nhưng có thực chất. Trong tính đa dạng của rất nhiều ơn phúc và gặp gỡ vốn phong phú hóa sự hiệp thông sâu sắc này, Thiên Chúa có nơi cư trú của Người. Sự tương quan hỗ tương này “đem thể nhân bản và thể thần linh lại với nhau” 369), vì nó được đổ đầy lòng yêu thương của Thiên Chúa. Xét cho cùng, linh đạo hôn nhân là linh đạo của dây ràng buộc trong đó có lòng yêu thương thần linh cư ngụ.

316. Trải nghiệm hiệp thông gia đình tích cực chính là nẻo đường nên thánh và tăng trưởng huyền nhiệm đích thực, một phương thế để kết hợp sâu xa hơn với Thiên Chúa. Các đòi hỏi có tính huynh đệ và cộng đoàn của đời sống gia đình là một thúc đẩy để tăng trưởng tính cởi mở của tâm hồn và do đó, gặp gỡ Chúa một cách trọn vẹn hơn. Lời Thiên Chúa nói với ta rằng “ai ghét anh em mình là ở trong bóng tối, và bước đi trong bóng tối” (1Ga 2:11); một người như thế “cư ngụ trong sự chết” (1Ga 3:14) và “không biết Thiên Chúa” (1Ga 4:8). Vị tiền nhiệm Bênêđictô XVI của tôi vốn nhấn mạnh rằng “khép mắt đối với người hàng xóm của ta cũng làm ta mù lòa đối với Thiên Chúa” (370) và, cuối cùng, lòng yêu thương chỉ còn là thứ ánh sáng “liên lỉ chiếu sáng một thế giới đã trở nên tối tăm” (371). Nếu ta “yêu thương nhau, Thiên Chúa sẽ cư ngụ trong ta, và lòng yêu thương của Người sẽ được hoàn hảo trong ta” (1Ga 4:12). Vì “con người nhân bản có một chiều kích xã hội cố hữu” (372) và “biểu thức đầu tiên và nền tảng của chiều kích xã hội này chính là cặp vợ chồng và gia đình” (373), nên linh đạo trở thành nhập thể nơi sự hiệp thông của gia đình. Do đó, những người có hoài mong linh đạo sâu sắc không nên có cảm thức cho rằng gia đình làm họ sao lãng việc tăng trưởng trong sự sống Thần Khí, mà đúng hơn coi nó như nẻo đường Chúa dùng để dẫn họ tới đỉnh cao của việc kết hợp huyền nhiệm.

Tụ tập nhau để cầu nguyện dưới ánh sáng Phục Sinh

317. Nếu gia đình đặt tâm điểm nơi Chúa Kitô, Người sẽ thống nhất và soi dẫn toàn bộ cuộc sống của nó. Những lúc đau buồn và khó khăn sẽ được trải nghiệm trong sự kết hợp với thập giá của Chúa, và sự gần gũi của Người sẽ giúp họ vượt qua được các khoảnh khắc đó. Trong những giờ phút đen tối nhất của đời sống gia đình, kết hợp với Chúa Giêsu trong cảnh bị bỏ rơi của Người sẽ giúp ngăn ngừa được cuộc tan vỡ. Dần dần, “với ơn thánh của Chúa Thánh Thần, [các người phối ngẫu] sẽ lớn lên trong sự thánh thiện xuyên suốt đời sống vợ chồng, cũng nhờ cả việc tham dự vào mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô nữa, một mầu nhiệm sẽ biến đổi các khó khăn và đau buồn thành của lễ yêu thương” (374). Hơn nữa, các giây phút hân hoan, thư dãn, cử hành, và cả làm tình nữa cũng được cảm nghiệm như một tham dự vào sự sống phục sinh một cách trọn vẹn. Các cặp vợ chồng, bằng những cử chỉ hàng ngày khác nhau sẽ khuôn định một “không gian được Thiên Chúa soi sáng trong đó họ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa phục sinh” (375).

318. Gia đình cầu nguyện là cách đặc biệt để phát biểu và củng cố đức tin phục sinh (376). Nên dành ít phút mỗi ngày đến với nhau trước nhan Thiên Chúa để thổ lộ với Người các âu lo của ta, để cầu xin cho các nhu cầu của gia đình ta, để cầu nguyện cho một ai đó đang gặp khó khăn, để xin giúp biết cách biểu lộ yêu thương, để cảm tạ Người đã ban sự sống và các ơn phúc của nó, để xin Đức Mẹ che chở ta dưới tà áo hiền mẫu của ngài. Với ít lời lẽ đơn sơ, giờ phút cầu nguyện này có thể đem lại ơn phúc mênh mông cho các gia đình của chúng ta. Các cách phát biểu khác nhau của lòng đạo đức bình dân là kho báu linh đạo đối với nhiều gia đình. Hành trình cầu nguyện có tính cộng đoàn của gia đình lên tới tuyệt đỉnh ở việc cùng nhau chia sẻ Thánh Thể, nhất là trong bối cảnh nghỉ ngơi Chúa Nhật. Chúa Giêsu gõ cửa các gia đình, để chia sẻ với họ bữa ăn Thánh Thể (xem Kh 3:20). Ở đấy, vợ chồng luôn có thể ký kết lại giao ước vượt qua từng kết hợp họ và phải phản ảnh giao ước mà Thiên Chúa từng ký kết với nhân loại trên thập giá (377). Thánh Thể chính là bí tích của giao ước mới, trong đó, công trình cứu chuộc của Chúa Kitô đã được thực hiện (xem Lc 22:20). Dây liên kết chặt chẽ giữa đời sống vợ chồng và Thánh Thể, do đó, trở nên càng rõ ràng hơn (378). Vì của ăn Thánh Thể đem lại cho vợ chồng sức mạnh và sự thúc đẩy cần thiết để sống giao ước hôn nhân hàng ngày như một “Giáo Hội tại gia” (379).

Một linh đạo của tình yêu độc chiếm và tự do

319. Hôn nhân cũng là trải nghiệm việc thuộc về một người khác cách trọn vẹn. Vợ chồng chấp nhận thách đố và nguyện ước nâng đỡ nhau, về già với nhau, và nhờ thế, phản ảnh chính lòng trung tín của Thiên Chúa. Quyết định vững chắc này, một quyết định lên khuôn lối sống ta, chính là một “đòi hỏi bên trong của giao ước tình yêu phu phụ” (380), vì “người nào không thể quyết chí yêu thương mãi mãi thì khó lòng có thể yêu thương dù chỉ một ngày” (381). Đồng thời, lòng trung thành này cũng sẽ vô nghĩa về phương diên linh đạo nếu nó chỉ là vấn đề tuân theo một lề luật một cách vâng lời nhẫn nhục. Đúng hơn, nó là vấn đề của cõi lòng mà chỉ có Thiên Chúa mới trông thấy được (xem Mt 5:28). Mỗi buổi sáng, khi vừa thức dậy, ta hãy tái xác nhận trước Thiên Chúa lòng quyết chí trung thành của ta, bất chấp chuyện gì sẽ xẩy đến trong ngày. Và mọi người chúng ta, trước khi đi ngủ, đều có thể hy vọng khi thức giấc lại được tiếp tục cuộc phiêu lưu này, vì tin vào ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Nhờ cách này, mỗi người phối ngẫu đối với người kia là một dấu hiệu và là một dụng cụ của sự gần gũi của Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta: “Này, Thầy sẽ ở với các con mãi mãi, cho tới tận cùng thời gian” (Mt 28:20).

320. Sẽ tới lúc tình yêu vợ chồng đạt đến đỉnh cao của tự do và trở nên căn bản cho một sự độc lập lành mạnh. Điều này sẽ xẩy đến khi mỗi người phối ngẫu hiểu ra rằng người kia không phải là của riêng mình, nhưng họ có một chủ nhân ông quan trọng hơn nhiều, đó là Chúa duy nhất. Không có ai khác ngoài Chúa có quyền đòi hỏi chiếm hữu cốt lõi sâu xa nhất và bản vị nhất của người mình yêu; chỉ có Người mới là tâm điểm tối hậu của đời họ. Đồng thời, nguyên tắc của hiện thực tính linh đạo đòi phải có điều này: không người phối ngẫu nào được quyền đòi người kia phải hoàn toàn thỏa mãn các nhu cầu của mình. Hành trình linh đạo của mỗi người, theo lời lẽ rất hay của Dietrich Bonhoeffer, cần giúp họ đạt tới một “tỉnh mộng” nào đó đối với người kia (382), giúp họ ngưng, đừng chờ mong ở người kia một điều gì đó chỉ dành riêng cho tình yêu Thiên Chúa mà thôi. Việc này đòi ta phải giải tư (divestment) nội tâm. Không gian mà mỗi người phối ngẫu duy nhất dành cho mối liên hệ bản thân của họ với Thiên Chúa không những giúp hàn gắn các thương tích của cuộc sống chung, mà còn giúp vợ chồng tìm thấy nơi tình yêu Thiên Chúa nguồn suối ý nghĩa sâu sắc nhất của chính đời họ. Mỗi ngày, ta đều nên khẩn cầu Chúa Thánh Thần trợ giúp ta biến tự do nội tâm này thành một điều khả hữu.

Một linh đạo chăm sóc, an ủi và khuyến khích

321. “Đối với nhau, đối với con cái và đối với thân nhân họ, vợ chồng Kitô hữu là những người cộng tác của ơn thánh và chứng tá đức tin” (383). Thiên Chúa kêu gọi họ trao ban sự sống và chăm sóc sự sống. Vì lý do này, gia đình “luôn luôn là ‘bệnh viện’ gần nhất” (384). Nên ta hãy chăm sóc lẫn nhau, hướng dẫn và khuyến khích lẫn nhau, và cảm nghiệm việc này như là một phần trong nền linh đạo gia đình của ta. Sống như cặp vợ chồng là hàng ngày chia sẻ công trình sáng tạo của Thiên Chúa, và đối với người kia, mỗi người là một thách đố liên lỉ của Chúa Thánh Thần. Tình yêu Thiên Chúa được công bố “nhờ lối sống và lời lẽ cụ thể qua đó một người đàn ông và một người đàn bà diễn tả lòng yêu thương phu phụ của họ” (385). Như thế, hai người là những phản ảnh hỗ tương của tình yêu thần thánh ấy, những phản ảnh biết an ủi bằng một lời nói, một cái nhìn, một bàn tay giúp đỡ, một cái vuốt ve, một cái ôm hôn. Vì lý do này, “muốn tạo lập một gia đình là cương quyết muốn trở thành một phần trong giấc mơ của Thiên Chúa, là quyết chí mơ mộng với Người, là muốn cùng Người xây dựng, là tham gia với Người trong lịch sử xây dựng dài lâu một thế giới trong đó không ai còn cảm thấy mình đơn độc nữa này” (386).

322. Mọi cuộc sống gia đình đều là một “cuộc chăn dắt” về lòng thương xót. Do lòng yêu thương và sự chăm sóc, mỗi người chúng ta đều để lại dấu tích lên đời người khác; cùng với Thánh Phaolô, ta có thể nói rằng “Anh chị em là thư giới thiệu của chúng tôi, được viết... không phải bằng mực mà bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống” (2Cr 3:2-3). Mỗi người chúng ta là một “người đánh cá người” (Lc 5:10), một người đánh cá, nhân danh Chúa Giêsu, đã “thả lưới” (xem Lc 5:5) bắt những người khác, hay là người nông phu cày những thửa đất mới của những người họ yêu thương, tìm cách khai thác được từ họ những điều tốt đẹp nhất. Tính sinh hoa trái của vợ chồng bao hàm việc giúp đỡ người khác, vì “yêu ai là mong ở họ một điều gì đó không thể xác định hay dự kiến trước được; đồng thời, một cách nào đó, điều này phải giúp họ khả năng thực hiện hoàn toàn lòng hoài mong này” (387). Tự nó, đây là một cách thờ phượng Thiên Chúa, Đấng đã gieo không biết bao nhiêu điều tốt lành nơi người khác với niềm hy vọng ta sẽ giúp làm chúng lớn lên.

323. Một cảm nghiệm linh đạo sâu sắc là chiêm ngắm người thân yêu của ta bằng con mắt Thiên Chúa và nhìn thấy Chúa Kitô ở nơi họ. Điều này đòi một sự tự do và cởi mở giúp ta biết đánh giá phẩm giá của họ. Ta chỉ có thể hiện diện trọn vẹn với người khác khi hiến trọn thân ta và quên đi mọi điều khác. Các người thân yêu của ta đáng được ta lưu tâm. Chúa Giêsu là mẫu mực của ta trong việc này, vì ở bất cứ nơi nào người ta tiến gần để nói với Người, Chúa Giêsu đều nhìn thẳng vào họ, trực tiếp và đầy yêu thương (xem Mc 10:21). Không ai cảm thấy bị làm ngơ khi ở trước mặt Người, vì lời lẽ và các cử chỉ của Người luôn chuyên chở câu hỏi này: “con muốn Ta làm gì cho con?” (Mc 10:51). Đây là điều ta cảm nghiệm trong cuộc sống hàng ngày của gia đình. Ta không ngừng được nhắc nhở rằng mỗi người đang sống với ta đều đáng được lưu tâm đầy đủ, vì họ sở đắc phẩm giá vô biên như là đối tượng của tình yêu bao la của Chúa Cha. Điều này làm phát sinh một tình âu yếm dịu dàng có thể “dấy lên nơi người kia niềm vui được yêu thương. Tình âu yếm được phát biểu một cách hết sức đặc thù bằng việc thể hiện sự lưu tâm đầy yêu thương trong lúc xử lý các giới hạn của người khác, nhất là khi những giới hạn này hiển nhiên” (388).

324. Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, gia đình không những cởi mở đối với sự sống qua việc sinh sản ra nó ngay trong chính mình mà còn ra đi và mở rộng sự sống bằng việc săn sóc người khác và mưu cầu hạnh phúc của họ. Sự cởi mở này tìm được cách phát biểu đặc thù trong việc hiếu khách (389), một việc được lời Chúa khuyến khích một cách hùng hồn: “Đừng sao lãng việc biểu lộ lòng hiếu khách cho những người xa lạ, vì nhờ vậy, có những người đã tiếp đón các thiên thần mà không hay biết” (Dt 13:2). Khi một gia đình đón tiếp và vươn tay ra với người khác, nhất là người nghèo và người bị bỏ rơi, thì đây là “một biểu tượng, một chứng tá và tham dự vào chức phận làm mẹ của Giáo Hội” (390). Là một phản ảnh Chúa Ba Ngôi, lòng yêu thương có tính xã hội là điều thực sự thống nhất hóa ý nghĩa linh đạo của gia đình và sứ mệnh của gia đình đối với người khác, vì nó làm cho sơ truyền hiện diện đầy đủ với mọi mệnh lệnh có tính cộng đoàn của nó. Gia đình sống linh đạo của mình chính nhờ việc cùng một lúc là Giáo Hội tại gia và là tế bào sinh tử để biến đổi thế giới (391).

* *
325. Giáo Huấn của Thầy Chí Thánh (xem Mt 22:30) và của Thánh Phaolô (xem 1Cr 7:29-31) về hôn nhân đã được ấn định, không phải do tình cờ, mà là trong bối cảnh của chiều kích tối hậu và dứt khoát của hiện hữu nhân bản. Chúng ta khẩn thiết phải tái khám phá sự phong phú của giáo huấn này. Nhờ lưu tâm tới nó, các cặp vợ chồng sẽ tiến tới chỗ biết nhìn ra ý nghĩa sâu xa của hành trình đời sống họ. Như Tông Huấn này thường ghi nhận, không gia đình nào từ trời rơi xuống đã thành hình hoàn toàn; các gia đình cần phải không ngừng lớn lên và trưởng thành trong khả năng yêu thương. Đây là ơn gọi khôn nguôi phát sinh từ hiệp thông trọn vẹn của Chúa Ba Ngôi, từ sự hợp nhất sâu xa giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, từ cộng đồng yêu thương là Thánh Gia Nadarét, và từ tình huynh đệ tinh ròng giữa các thánh ở trên thiên đàng. Việc chúng ta chiêm niệm sự nên trọn mà chúng ta chưa đạt được cũng giúp ta, trong một viễn ảnh thích đáng, nhìn thấy cuộc hành trình có tính lịch sử được chúng ta thực hiện trong tư cách gia đình, và nhờ cách này, ngưng, đừng đòi hỏi các mối liên hệ liên ngã của ta phải hoàn hảo, phải tinh tuyền trong ý hướng và phải nhất quán, những điều ta chỉ gặp được trong Vương Quốc sắp đến mà thôi. Nó cũng giữ ta khỏi phán đoán khắc nghiệt những người đang sống trong các hoàn cảnh yếu đuối. Mọi người chúng ta đều được kêu gọi tiếp tục cố gắng hướng tới một điều lớn hơn chính chúng ta và các gia đình của chúng ta, và mọi gia đình phải luôn cảm nhận được sự thúc đẩy này. Ta hãy thực hiện cuộc hành trình như các gia đình này, ta hãy tiếp tục sánh bước bên nhau. Điều chúng ta đã được hứa hẹn luôn lớn hơn điều chúng ta có thể tưởng tượng ra. Ước chi chúng ta đừng bao giờ ngã lòng vì các hạn chế của mình, hay ngưng việc tìm kiếm sự viên mãn của một lòng yêu thương và sự hiệp thông mà Thiên Chúa đã hứa ban cho ta.

Kinh Thánh Gia

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse,
Nơi các ngài, chúng con được chiêm ngưỡng
vẻ sáng lạn của tình yêu đích thực,
chúng con tin tưởng chạy tới với các ngài.

Lạy Thánh Gia Thất Nadarét,
Xin ban ơn cho các gia đình chúng con
Cũng trở thành nơi hiệp thông và cầu nguyện,
trường chân chính của Tin Mừng
và các Giáo Hội nhỏ tại gia.

Lạy Thánh Gia Thất Nadarét,
Xin cho các gia đình chúng con đừng bao giờ
cảm nghiệm bạo lực, hất hủi và chia rẽ nữa:
xin cho tất cả những người bị thương tổn hay xúc phạm
sẵn sàng tìm được an ủi và chữa lành.

Lạy Thánh Gia Thất Nadarét,
Xin làm cho chúng con, một lần nữa, biết lưu tâm
tới tính thánh thiêng và bất khả vi phạm của gia đình,
và vẻ đẹp của nó trong kế hoạch Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse,
Xin nhân từ nghe lời chúng con cầu xin.

Amen


Ban hành ở Rôma, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, trong Năm Thánh Đặc Biệt Của Lòng Thương Xót, ngày 19 tháng Ba, Lễ Trọng Kính Thánh GIuse, năm 2016, năm thứ tư triều Giáo Hoàng của tôi.

Franciscus

_______________________________________________________________________________________
(367) Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân Apostolicam Actuositatem, 4.
(368) Cf. ibid.
(369) Gaudium et Spes, 49.
(370) Thông Điệp Deus Caritas Est (25 tháng 12, 2015), 16: AAS 98 (2006), 230.
(371) Ibid., 39: AAS 98 (2006), 250.
(372) Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng, Christifideles Laici (30 tháng 12, 1988), 40: AAS 81 (1989), 468.
(373) Ibid.
(374) Relatio Finalis 2015, 87.
(375) Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng, Vita Consecrata (25 tháng 3, 1996), 42: AAS 88 (1996), 416.
(376) Cf. Relatio Finalis 2015, 87.
(377) Cf. Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22 tháng 11,1981), 57: AAS 74 (1982), 150.
(378) Ta cũng không nên quên rằng giao ước của Thiên Chúa với dân Người được phát biểu như một lễ cưới (xem Edk 16:8, 60; Is 62:5; Hs 2:21-22) và giao ước mới cũng được trình bầy như một cuộc đính hôn (xem Kh 19:7; Ep 5:25).
(379) Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, 11.
(380) Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn, Familiaris Consortio (22 tháng 11, 1981), 11: AAS 74 (1982), 93.
(381) Id., Bài Giảng Thánh Lễ với Các Gia Đình, Cordoba, Argentina (8 tháng 4, 1987), 4: Insegnamenti X/1 (1987), 1161-1162.
(382) Cf. Gemeinsames Leben, Munich, 1973, p. 18. Bản tiếng Anh: Life Together, New York, 1954, p. 27.
(383) Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân Apostolicam Actuositatem, 11.
(384) Bài Giáo Lý (10 tháng 6, 2015): L’Osservatore Romano, 11 tháng 6, 2015, p. 8.
(385) Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22 tháng 11, 1981), 12: AAS 74 (1982), 93.
(386) Diễn Văn tại Buổi Canh Thức Cầu Nguyện của Lễ Hội Các Gia Đình, Philadelphia (26 tháng 9, 2015): L’Osservatore Romano, 28-29 tháng 9, 2015, p. 6.
(387) Gabriel Marcel, Homo Viator: prolégomènes à une métaphysique de l’espérance, Paris, 1944, p. 66. Bản tiếng Anh: Homo Viator. An Introduction to a Metaphysics of Hope, London, 1951, p. 49.
(388) Relatio Finalis 2015, 88.
(389) Cf. Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22 tháng 11, 1981), 44: AAS 74 (1982), 136.
(390) Ibid., 49: AAS 74 (1982), 141.
(391) Về các khía cạnh xã hội của gia đình, xin xem Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 248-254.
 
Toàn bộ bản dịch Việt Ngữ Tông Huấn Amoris Laetitia - Niềm Vui Yêu Thương
Vũ Văn An dịch
20:56 01/05/2016


Cập nhật hàng ngày

Chương 0. Phần Dẫn Nhập (từ số 1-7)

Chương 1. Dưới ánh sáng Lời Chúa (từ số 8-30)

Chương 2. Các trải nghiệm và thách đố của các gia đình (từ số 31-49)

Chương 2 (tt). Các trải nghiệm và thách đố của các gia đình (từ số 50-57)

Chương 3. Nhìn lên Chúa Giêsu: ơn gọi của gia đình (từ số 58-75)

Chương 3 (tt). Nhìn lên Chúa Giêsu: ơn gọi của gia đình (từ số 76-88)

Chương 4. Chương Bốn: Lòng Yêu Thương và Hôn Nhân (từ số 89-104)

Chương 4 (tt). Chương Bốn: Lòng Yêu Thương và Hôn Nhân (từ số 105-119)

Chương 4 (tt). Chương Bốn: Lòng Yêu Thương và Hôn Nhân (từ số 120-135)

Chương 4 (tt). Chương Bốn: Lòng Yêu Thương và Hôn Nhân (từ số 136-149)

Chương 4 (tt). Chương Bốn: Lòng Yêu Thương và Hôn Nhân (từ số 150-164)

Chương 5. Chương Năm: Lòng yêu thương sinh hoa trái (từ số 165-177)

Chương 5 (tt). Chương Năm: Lòng yêu thương sinh hoa trái (từ số 178-198)

Chương 6. Chương Sáu: Một Số Viễn Ảnh Mục Vụ (từ số 199-216)

Chương 6 (tt). Chương Sáu: Một Số Viễn Ảnh Mục Vụ (từ số 217-239)

Chương 6 (tt). Chương Sáu: Một Số Viễn Ảnh Mục Vụ (từ số 239-258)

Chương 7. Chương Bảy: Hướng tới việc giáo dục con cái tốt hơn (từ số 259-279)

Chương 7 (tt). Chương Bảy: Hướng tới việc giáo dục con cái tốt hơn (từ số 280-290)

Chương 8. Chương Tám: Đồng Hành, Biện Phân và Hội Nhập Sự Yếu Đuối (từ số 291-312)

Chương 9. Chương Chín: Linh Đạo Hôn Nhân và Gia Đình (từ số 313-325)
 
Văn Hóa
Giuse xóm đạo quê nghèo
Đinh Văn Tiến Hùng
16:36 01/05/2016
Giuse xóm đạo quê nghèo

Lễ kính Thánh Giu-se thợ 1/5 hàng năm

Làm sao quên được quê xưa,
Giáo đường vương vấn lơ thơ mây buồn,
Chiều về vang vọng hồi chuông,
Con đường xóm nhỏ nghe vương tiếng người.

Chuông ngân thúc dục gọi mời,
Bước chân vội vã về nơi giáo đường :
Giu-se Thánh Cả nêu gương,
Con chiên Họ Đạo mến thương dâng đầy,
Sớm chiều qui tụ nơi đây,
Dâng lời khấn nguyện ngày ngày tin yêu.
Ngoài kia đã tắt nắng chiều,
Bàn thờ toả sáng,bóng xiêu Tượng vàng,
Rộn lên tiếng hát ca vang :
‘ Giu-se xóm nhỏ nghèo nàn thủa xưa…’ (*)
Kính yêu biết mấy cho vừa !
Tuổi thơ dịu ngọt còn mơ màu hồng.
Say sưa nhìn Chúa Hài Đồng,
Trên tay Thánh Cả ẵm bồng nâng niu,
Tay kia Huệ Trắng mến yêu,
Ôi! Sao đẹp quá làm siêu ngất hồn!…..

Nơi đây nhạt nắng chiều hôm,
Xa quê vắng cả tiếng chuông gọi mời,
Giáo đường chốn ấy quê tôi,
Nhớ thương xóm đạo khuất nơi quê nghèo!

(*) Mượn ý lời bài Thánh ca ‘Giu-se xóm đạo điêu tàn’ của cố Lm Đạo Minh Dòng thánh Giu-se.

Đinh văn Tiến Hùng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Dấu Vết Chiến Tranh
Nguyễn Ngọc Liên
18:07 01/05/2016
DẤU VẾT CHIẾN TRANH
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Chiến tranh để lại những gì?
Nhà tan cửa nát trẻ thì thiếu cha…
(bt)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 26/04 – 02/05/2016: Chung quanh trận động đất kinh hoàng tại Ecuador
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:34 01/05/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha bất ngờ tham dự một sự kiện nhân ngày Trái Đất

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự một sự kiện tại làng Borghese ở Rôma tối Chúa Nhật 24 tháng Tư để đánh dấu Ngày Trái Đất.

Sáng kiến mang tên “Làng Trái đất. Sống cùng nhau trong thành phố. Rôma tại Mariapolis”, được tài trợ bởi Ngày Trái đất Italia, tổ chức Connect 4 Climate và phong trào Focolare của Rôma.

Theo phong trào Focolare, hay còn gọi là tổ ấm, “ý tưởng chính là tạo ra một ngôi làng tạm thời trong thành phố Rôma, với sự tham gia của nhiều sáng kiến hoạt động hàng ngày để biến thủ đô thành một nơi tốt hơn để sống, nơi mà mỗi công dân và các khách du lịch, bất kể tuổi tác, tầng lớp xã hội hay văn hóa, có thể trải nghiệm những đóng góp không thể thay thế của chính họ vào cuộc sống của thành phố”.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra thông điệp Laudato Si trong đó ngài kêu gọi mọi người “chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta”.

Sự kiện tại Rôma diễn ra chỉ vài ngày sau khi các nhà lãnh đạo thế giới đã chính thức ký Hiệp định Paris về khí hậu, COP21.

2. Các tu sĩ Salesien phát động chiến dịch chống tệ nạn trẻ em nô lệ

Nhân Ngày quốc tế chống tệ nạn trẻ em nô lệ, các tu sĩ Don Bosco mạnh mẽ phát động chiến dịch chống tệ nạn này có tên là “Bẻ gẫy xích xiềng của trẻ em nô lệ”.

Trong một thông cáo gửi tới hãng thông tin Fides của Bộ Truyền Giáo, văn phòng truyền giáo Salesien Tây Ban Nha khẳng định rằng: chúng tôi muốn trao ban tiếng nói cho hàng triệu trẻ em, cho thế giới thấy tệ nạn này, và đòi hỏi các biện pháp giúp nhổ tận gốc rễ tệ nạn này của thế kỷ XXI. Các tu sĩ Salesien cũng nhấn mạnh rằng tuy nạn nô lệ đã đưọc huỷ bỏ cách đây 200 năm, nhưng hiện nay trên thế giới vẫn có 9 triệu trẻ em là nạn nhân của nạn nô lệ và các khai thác lạm dụng đủ loại trong lãnh vực lao động và kỹ nghệ tình dục. Việc tuyển lựa nhân công với đồng lương thấp, cảnh nghèo túng, thiếu cơ may, và cảnh gia đình tan nát, cũng như sự kiện đánh mất đi các giá trị cộng đoàn là các lý do chính của nạn trẻ em nô lệ.

Các nhà máy làm gạch và máy dệt bên Afghanistan và Ấn Độ dùng các trẻ em công nhân và bắt các em làm việc như nô lệ trong các điều kiện vô nhân. Bên Brasil trẻ em phải làm việc trong các hầm mỏ. Tại Myanmar trẻ em làm việc trong các cánh đồng trồng mía. Bên Sierra Leone trẻ em làm việc trong kỹ nghệ tìm kim cương, và tìm Coltan bên Cộng hoà dân chủ Congo. Trong khi bên Ai Cập và Benin trẻ em hái bông trong các đồn điền trồng bông. Bên Côte d’ Ivoire trẻ em hái cacao. Và tại nhiều nước khác trên thế giới hàng ngày có hàng triệu người trẻ em và người trẻ bị khai thác bóc lột sức lao động trong các công xưởng hay trong gia đình, trong kỹ nghệ nạn mại dâm hay ăn mày. Mục đích chiến dịch của các tu sĩ Salesien là cống hiến cho các trẻ em nạn nhân của nô lệ một cơ may mới, để các em bẻ gẫy xích xiềng nô lệ và tự làm chủ cuộc sống của mình.

3. Toà Thánh kêu gọi thăng tiến nền tài chánh có trách nhiệm

Toà Thánh kêu gọi thăng tiến một nền tài chánh quốc tế có tinh thần trách nhiệm và ý thức luân lý để loại trừ tình trạng bất bình đẳng xã hội và phát huy một việc phát triển có thể chịu đựng nổi.

Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài phát biểu tại phiên họp về phát triển có thể chịu đựng nổi do Liên Hiệp quốc triệu tập tại New York hôm 21 tháng 4 vừa qua.

Đức Hồng Y nhắc lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong chuyến viếng thăm Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9 năm ngoái, và quy chiếu chương trình nghị sự năm 2030 liên quan tới sự Phát triển có thể chịu đựng nổi. Nó là một dấu chỉ hy vọng quan trọng. Nhưng hy vọng này chỉ có thể thành sự thực, nếu chương trình được thi hành một cách thật sự, liêm chính và hữu hiệu. Nó đòi hỏi việc tài trợ công cộng cũng như nỗ lực tài trợ và đầu tư cá nhân. Lý do vì nó liên quan tới thiện ích của căn nhà chung, mà mọi giới phải góp phần săn sóc theo các tiêu chuẩn luân lý đạo đức xã hội. Các hoạt động tài chánh vô trách nhiệm luân lý tạo ra các bất bình đẳng xã hội. Như Đức Phaolo VI đã khẳng định trong Thông điệp “Phát triển các dân tộc” phát triển là tên gọi mới của hoà bình. Hoà bình là điều kiện và môi trường cần thiết cho mọi phát triển đích thực và lâu bền.

4. Vai trò quan trọng của gia đình trong cuộc chiến chống ma túy

Gia đình nắm giữ một vai trò nền tảng trong cuộc chiến chống lại việc sử dụng ma tuý.

Đức Tổng Giám Mục Bernarrdito Auza, Phát ngôn viên Tòa Thánh tại các tổ chức Liên Hiệp Quốc, đã khẳng định như trên trong bài phát biểu hôm 21 tháng 4 vừa qua trong phiên họp đặc biệt nhóm tại New York trong những ngày này. Mục đích phiên họp là xác định hướng đi tổng quát và các đường lối chính trị ưu tiên trên thế giới liên quan tới vấn đề ma tuý cho các thập niên tới đây. Trong bài phát biểu Đức Tổng Giám Mục Auza nêu bật lập trường của Toà Thánh chống lại việc hợp thức hóa sử dụng ma tuý, trái lại cần phải đương đầu với các vấn đề khiến cho người ta rơi vào cám dỗ sử dụng ma tuý. Toà Thánh không bao giờ nhấn mạnh đủ về vai trò nòng cốt của gia đình trong các chiến thuật giúp phòng ngừa, chữa trị, phục hồi và tái hội nhập người nghiện ma tuý vào cuộc sống xã hội. Các trẻ em được săn sóc thường cũng được giáo dục nói không với ma tuý. Nhưng rất tiếc trong các gia đình hiệp nhất, người ta cũng có thể trở thành nạn nhân của ma tuý. Cả những người này cũng cần được nâng đỡ và các chữa trị từ phía các gia đình và cộng đoàn. Trong nghĩa này không được để trên cùng một bình diện các người sử dụng ma tuý, các tay buôn bán ma tuý và các người phân phát ma tuý. Vì không phải mọi hành động liên quan tới mà tuý đều trầm trọng như nhau, và một kiểu trả lời không cân xứng không giúp phục hồi người nghiện ma tuý. Ngày nay ma tuý và các tai hại nó gây ra là một vấn đề quốc tế, vì thế cần phải có sự cộng tác quốc tế đề ra một chiến thuật toàn vẹn và quân bình chống lại tệ nạn này.

5. Hơn một ngàn bạn trẻ Ấn độ tham dự ngày Quốc tế giới trẻ

Hội đồng Giám mục Ấn độ cho biết sẽ có hơn 1000 bạn trẻ Ấn độ tham dự ngày Quốc tế giới trẻ diễn ra tại Cracovia vào cuối tháng 7 năm nay.

Hội đồng Giám mục cũng cho biết chính quyền Ba lan sẽ cấp visa miến phí cho các tham dự viên Ấn độ có nhu cầu xin visa. Việc ghi danh sẽ kết thúc vào cuối tháng 6. Phong trào Giới trẻ Công Giáo Ấn độ sẽ điều phối việc ghi danh của các bạn trẻ Ấn độ. Như hãng tin Fides đã loan tin, Đức Cha Henry D'Souza của Bellary sẽ hướng dẫn phái đoàn các bạn trẻ Ấn độ tham dự Đại hội giới trẻ ở Ba lan.

Trong một buổi giới thiệu mới đây, Đức Tổng Giám mục Salvatore Pennacchio, Sứ thần Tòa Thánh tại Ấn độ đã miêu tả ngày quốc tế giới trẻ như một cuộc đối thoại hiệu quả giữa các bạn trẻ và Giáo Hội.. Đức sứ thần cũng giải thích lý do Cracovia được chọn làm nơi tổ chức ngày Quốc tế giới trẻ năm nay, vì đó là địa điểm gắn kết với 2 vị quảng bá Lòng Thương Xót: nữ tu Faustina Kowalska và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Trong thời gian viếng thăm Ba lan, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm đền Thánh Lòng Thương xót và nhà nguyện thánh Faustina.

Hiện tại đã có hơn 600 ngàn bạn trẻ từ 180 quốc gia đăng ký tham dự ngày Quốc tế giới trẻ. Các bạn sẽ quay quần quanh vị cha chung, Đức Thánh Cha Phanxicô, từ 26-31 tháng 7. Chủ để của ngày Quốc tế giới trẻ là “Phúc cho các con là những người hay thương xót, vì các con sẽ được xót thương.

6. Hội Đồng Giám Mục Anh tán đồng tuyên bố của Quốc hội lên án tội diệt chủng của quân khủng bố Hồi Giáo IS

Các Giám Mục Anh quốc tán đồng tuyên bố của Quốc hội lên án quân khủng bố Hồi Giáo IS về tội diệt chủng đối với các kitô hữu, người Yazidi và các nhóm thiểu số khác bên Trung Đông.

Sau Quốc Hội Hoa Kỳ, những ngày vừa qua Quốc hội Anh cũng thông qua tuyên ngôn lên án các vụ bách hại và các hành động tàn ác của nhà nước Hồi IS là tội diệt chủng. Quốc hội Anh cũng yêu cầu chính quyền London đưa các tội phạm này ra trước Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và đưa các kẻ tội phạm ra trước toà án quốc tế .

Trong một thông cáo Đức Hồng Y Vincent Nichols, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Anh và vùng Galles, nhấn mạnh rằng thảm cảnh của Syria và vùng Trung Đông đòi hỏi sự chú ý và hành động của chúng ta. Cần chặn đứng bạo lực và điều này cần tới sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra cũng cần giải toả tất cả các bãi mìn cũng như các quả bom chưa nổ để đem lại an ninh cho các vùng liên hệ. Sau cùng cần tái thiết nhà cửa và các cơ sỏ hạ tầng cho dân chúng cũng như dấn thân tái xây dựng sự tin tưởng trong các cộng đoàn. Tất cả các điều này đỏi hỏi thời gian, tài nguyên và sự dấn thân chung của các dân tộc vùng Trung Đông và của cộng đoàn quốc tế.

7. Những nữ tu hạnh phúc nhất thế giới?

Cộng đoàn “những truyền thông viên Thánh Thể của Thiên Chúa Cha” là cộng đoàn gồm các nữ tu yêu thích âm nhạc và ao ước rao giảng về Thiên Chúa bằng quà tặng tài năng mà Thiên Chúa ban cho họ. Cộng đoàn được Mẹ Gabriela del Amor Crucificado và cha Antonio Lootens thành lập năm 2004 từ 2 cộng đoàn đan sĩ ẩn tu. Cộng đoàn nằm trong Giáo phận Cali, tây nam Colombia, có 65 nữ tu dấn thân truyền giảng Tin Mừng qua phương tiện truyền thông xã hội.

Nữ tu María Victoria de Jesús cho Catholic News Agency biết: “sứ vụ tông đồ của các chị là loan báo Tin Mừng qua càng nhiều phương tiện truyền thông càng tốt”, và đặc sủng của các nữ tu là “truyền thông tình yêu của Thiên Chúa Cha.”

Nữ tu Maria Nazareth, người thành lập nhóm nhạc trong cộng đoàn nhắc lại lời của Ðức Giáo Hoàng Phao-lô VI là Giáo Hội sẽ có tội nếu không sử dụng các phương tiện hiệu quả của truyền hình, và lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II: nên có một nhóm những người thánh hiến hiến thân trong các phương tiện truyền thông. Chị nói: “cộng đoàn chúng tôi đã phát sinh như thế.”

Các chị đã phát hành album tiếng Tây ban nha “Yo le Canto” - Tôi hát - và đăng tải nhiều video ca nhạc khác trên mạng internet. Hiện tại các chị đang tiến hành thực hiện các bài hát mới để phát hành vào năm 2017, và đã phát thường xuyên trên các kênh Công Giáo ở Colombia, Peru và Los Angeles.

Chị cho biết sứ vụ âm nhạc của các chị đã bắt đàu cách đây 3 năm khi các chị sản xuất CD đầu tiên với sự giúp đỡ của một số giáo dân. Chị nói: “Trong năm ngoài chúng tôi đã bắt đầu phát hành các video clip nhạc để có thể đến được với nhiều người hơn. Chúng tôi họat động trong các hình thức nghệ thuật và nghe nhìn như radio, phim ảnh, âm nhạc, và truyền thông xã hội.” Trong khi cộng đoàn được thành lập chủ yếu để hoạt động trong lãnh vực phương tiện truyền thông thì sức mạnh âm nhạc nổi lên một cách tự nhiên nơi các chị em có năng khiếu âm nhạc.

Chị Maria Nazareth nhận định rằng: “trước khi mang một thông điệp thì cần phải có một chứng nhân sống, trung thành với Thiên Chúa và với lời mời gọi của Người. Thật sự là các lời khấn nghèo khó, vâng phục và khiết tịnh giúp chúng tôi cho đi chính mình. Phương tiện đầu tiên của truyền thông là cuộc sống của chúng ta và đó chính là Tin mừng sống - điều thế giới cần. Rồi những điều khác sẽ đến.”

Chị cho biết các công việc được các chị tự làm lấy, từ viết lời, đạo diễn hay quay phim. Các chị học cách để tạo nên những sản phẩm tốt, vì những sản phẩm chất lượng tốt là điều tốt nhất dành cho Thiên Chúa.

Chị nhấn mạnh: “mục đích của các chị là trợ giúp tất cả các giáo phận, không chỉ ở Cali, để Giáo Hội có một sưc mạnh; có mặt ở mọi nơi mà người ta chưa có đức tin hay chưa biết về Thiên Chúa; tìm kiếm các con chiên lạc và củng cố những con không ở trong đàn.”

Chị kết luận: “Khi người ta nghe chúng tôi họ nói họ cảm thấy bình an, tình yêu của Chúa Cha, và có những người đã khóc. Các nữ tu đã chạm đến trái tim của người khác bằng chính cuộc sống cầu nguyện của các chị# những trái tim cần một tiếng nói khích lệ để cảm thấy được Thiên Chúa yêu thương. Chúng tôi tìm cách để mang lại hi vọng cho con người.”

Các clip video của các chị có thể tìm thấy trên Youtube với tựa đề: “Yo le canto”.

8. Trận động đất kinh hoàng tại Ecuador làm sụp đổ tất cả nhưng tượng Đức Mẹ còn nguyên

Mọi thứ xung quanh đều sụp đổ, nhưng chiếc hộp kính trong đó có tượng Đức Mẹ Ánh Sáng vẫn không hề hấn gì sau một trận động đất 7.8 độ xảy ra ở Ecuador vào ngày 16 tháng Tư.

Bức tượng được đặt tại trường Leonie Aviat trong khu vực hành chánh của quận Tarqui, Manta Canton, Ecuador, là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất.

Nữ Tu Patricia Esperanza, thành viên Dòng Tận Hiến Thánh Phanxicô Đệ Salê tại Guayaquil, nói với Catholic News Agency (CNA) rằng trường học này do cộng đoàn của Sơ điều hành đã bị biến thành đống đổ nát. Nhưng mặc dù toàn bộ nhà trường sụp đổ, chiếc hộp kính bao quanh Đức Trinh Nữ - là Đấng bảo trợ của Dòng – vẫn hoàn toàn không bị hề hấn gì.

Sơ nói là các nữ tu không thể không kinh ngạc.

Nữ Tu María del Carmen Gómez thuộc cộng đoàn tại Manta nói với CNA rằng hôm Thứ Tư 20 tháng Tư, khi các sơ bắt đầu dọn dẹp, thì họ phát hiện ra bức tượng.

Sơ nói: “Không chỉ Đức Trinh Nữ không bị gì, mà cả Chúa Giêsu trong nhà tạm cũng không sao”

“Mình Thánh Chúa được đặt trong một nguyện đường nhỏ ngay lối vào trường. Nhà nguyện bị cháy nhưng chúng tôi thấy nhà tạm còn nguyên vẹn cùng với một số đồ dùng phụng vụ khác được sử dụng cho việc cử hành Thánh Thể và một bức tượng Đức Mẹ Ánh Sáng nhỏ khác nữa”.

Hiện tượng này mang lại niềm hy vọng cho cộng đoàn Tarqui và niềm an ủi cho người dân Ecuador trên toàn quốc.

Dòng Tận Hiến Thánh Phanxicô Đệ Salê đã hoạt động tại trường này kể từ năm 1960 và đã có hơn 900 học sinh ghi danh theo học trong năm học này.

Trận động đất vào ngày 16 Tháng Tư – được chính quyền công bố là tồi tệ nhất tại Ecuador trong vòng 70 năm qua – đã làm 600 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

9. Hồi ký của một nữ tu thiệt mạng trong trận động đất tại Ecuador

Trận động đất 7.8 độ Richter xảy ra tại Ecuador hôm thứ Bẩy, 16 tháng Tư vừa qua làm cho hơn 400 người chết, khoảng 3000 người bị thương và 1700 người bị mất tích. Trong số những người thiệt mạng có nữ tu Clare Crockett, 33 tuổi và 5 em thỉnh sinh thuộc Hội dòng Nữ Tỳ Gia đình của Mẹ ở Playa Prieta.

Clare Crockett là cư dân của thành phố Derry, Bắc Ái nhĩ lan, gia nhập dòng Nữ Tỳ Gia đình của Mẹ ngày 11 tháng 8 năm 2001, khi được 18 tuổi và được diễm phúc khấn trọn đời ngày 8 tháng 9 năm 2010. Chị là người đã lồng tiếng cho nhân vật Lucy trong loạt phim thiếu nhi “Hi Lucy” được chiếu trên mạng truyền hình Lời Vĩnh cửu từ nhiều năm nay. Chị được miêu tả như siêu sao, là viên kim cương của gia đình và là người có khả năng làm cho gian phòng sáng lên với những năng khiếu Chúa ban. Chị có khả năng hài hước mang đến nụ cười cho nhiều người. Chị đã sáng tác nhiều bài hát và xem đây là cách giúp đem nhiều người đến với Chúa, giúp cho họ gặp được Chúa. Chị đã dâng hiến đời mình để đến với các trẻ em và những người trẻ. Chị đã chết như cách chị sống: quên mình giúp đỡ người khác. Vào ngày Chúa Nhật vừa qua, khi chị đang dạy đàn guitar cho các trẻ em thì trận động đất xảy ra. Chị cố gắng đưa các em đến nơi trú ẩn nhưng tòa nhà đã sập đè trên chị và các em. Sau đây là chứng từ của chị về hành trình ơn gọi của mình.

“Tôi lớn lên trong một gia đình Công Giáo. Tôi từ một phần nhỏ của cái thế giới được gọi là Derry nằm ở Bắc Ái nhĩ lan. Nơi tôi lớn lên, “Công Giáo” và “Tin lành” là những từ ngữ chính trị. Lớn lên trong một gia đình Công Giáo không nhất thiết là bạn tham dự Thánh lễ hàng ngày hay có những đào tạo về đức tin Công Giáo. Những người Công Giáo muốn xây dựng một Ái nhĩ lan thống nhất thì giết những người Tin lành và ngược lại, những người Tin lành không muốn một Ái nhĩ lan thống nhất thì giết những người Công Giáo. Công Giáo đối với tôi nghĩa là những điều này. Thiên Chúa không có vai trò gì trong cuộc sống của tôi. Trong một xã hội mà sự thù ghét thống trị thì không có chỗ cho Thiên Chúa.

Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã muốn trở thành diễn viên. Khi tôi khoảng 15 tuổi, tôi đã tham gia vào một công ty diễn xuất và có người quản lý. Tôi là người giới thiệu cho một vài chương trình truyền hình, tôi viết kịch bản, diễn xuất trong nhiều vở kịch, đạt các giải thưởng, và khi lên 18 tôi đã có một vai nhỏ trong một cuốn phim. Tôi rất thích hội hè. Các ngày cuối tuần, kể từ khi tôi 16, 17 tuổi, là những ngày say sưa với bạn bè. Tôi tiêu tốn nhiều tiền vào rượu chè và thuốc lá.

Một ngày kia, một người bạn gọi tôi: “Clare, bạn có muốn đi Tây ban nha không?” Tôi nghĩ: một chuyến đi không mất tiền đến Tây ban nha, 10 ngày hội hè dưới ánh mặt trời ở Tây ban nha, dĩ nhiên là tôi muốn đi. Bạn tôi nói với tôi là các người tham dự sẽ gặp nhau vào tuần sau đó. Ngày hẹn găp đến và tôi đã đi đến nơi hẹn. Đi vào phòng, tôi thấy toàn những người khoảng 40 và 50 tuổi, trên tay đang cầm chuỗi Mân côi. Tôi hỏi họ: “Các cô sẽ đi Tây ban nha à?” Tôi hỏi họ và sợ là họ sẽ trả lời điều mà chỉ sau 3 giây tất cả trả lời một cách nhiệt tình: “đúng vậy, chúng tôi sẽ đi hành hương”. Tôi muốn trốn khỏi họ nhưng vì tên tôi đã có trên vé nên tôi phải đi. Bây giờ tôi nhận thấy cách mà Đức Mẹ dùng để mang tôi trở về nhà, về với Mẹ và con của Mẹ.

Cuộc hành hương rơi vào Tuần Thánh, được tổ chức trong một đan viện thế kỷ 16, không hoàn toàn như những điều tôi nghĩ về Tây ban nha. Chúng tôi đã tham dự cuộc gặp gỡ Tuần Thánh với một nhóm gọi là “Gia đình của Mẹ” và tôi không thích thú lắm. Tuy nhiên, chính trong cuộc hành hương nàỳ mà Thiên Chúa ban cho tôi ơn nhận ra là Người đã chết cho tôi trên Thánh giá. Sau khi nhận ơn này, tôi biết là mình phải thay đổi. Tôi tự hỏi mình: “Nếu Người đã làm điều này cho tôi, tôi phải làm gì cho Người?”

Thật là dễ dàng để nói với Thiên Chúa: “con sẽ làm bất cứ điều gì Chúa muốn con làm” khi bạn đang tĩnh tâm hay đang cảm thấy tình yêu của Thiên Chúa, nhưng khi bạn “xuống núi” thì điều này không còn dễ dàng nữa. Các nữ tu đã mời tôi cùng với họ và các bạn nữ khác đi hành hương đến Ý. Tôi đã tham gia và dù cho thái độ hời hợt bên ngoài của tôi, Thiên Chúa đã nói với tôi rõ ràng: Người muốn tôi sống như các nữ tu trong sự khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Tôi đã trả lời Người một cách ngay lập tức: “Con không thể là một nữ tu. Con không thể bỏ uống rượu, hút thuốc, hội hè, nghề nghiệp và gia đình của con”. Một điều không thể nghi ngờ là nếu Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta làm điều gì, Người sẽ ban cho chúng ta sức mạnh và ân sủng để thực hiện. Không có sự trợ giúp của Người tôi không thể làm những điều phải làm để đáp lại lời mời gọi của Người và theo Người.

Sau khi tôi nhận ra điều Chúa đang gọi tôi làm, Người đã ban cho tôi một ơn lớn lao khi tôi đang tham gia một cuốn phim ở Anh. Tôi thấy rằng dù dường như tôi có mọi thứ, trong thực tế tôi chẳng cò gì. Tôi cảm thấy một sự trống rỗng to lớn khi tôi ngồi trên giường ngủ của khách sạn. Những điều tôi muôn tôi đã đạt được nhưng tôi vẫn không hạnh phúc. Tôi biết tôi chỉ thực sự hạnh phúc khi làm điều Chúa muốn tôi làm. Tôi biết là tôi phải bỏ mọi sự và theo Người. Tôi biết rõ ràng là Người đang yêu cầu tôi tín thác vào Người, đặt cuộc sống của tôi ở trong tay Người và tin.

Tôi bây giờ rất hạnh phúc được thánh hiến trong dòng các nữ tu Nữ Tỳ Gia đình của Mẹ. Tôi không bao giờ thôi ngạc nhiên về cách Chúa hoạt động trong các linh hồn, cách Người biến đổi cuộc sống của một người và làm chủ trái tim người ấy. Tôi cám ơn Chúa đã kiên nhẫn đối với tôi và vẫn tiếp tục thêm nữa. Tôi không hỏi Người tại sao Người đã chọn tôi, tôi chỉ đón nhận nó. Tôi hoàn toàn tùy thuộc vào Người và Mẹ Rất Thánh của chúng ta và tôi xin Người và Mẹ ban cho tôi được ơn trở thành bất cứ điều gì các Ngài muốn tôi là.”