Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Tôma rằng: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người".
Philipphê thưa: "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con".
Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: "Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: 'Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha?' Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho".
Đó là lời Chúa
11. Người giảng đạo chân chính là người khi chuẩn bị nói những lời khuyến bảo thánh thiện thì nên tự mình cảnh giác trước, phải nỗ lực học tập, không nên lơ là hành thiện, hành động không như lời nói mà không biết xấu hổ khi khuyên người khác, khiến cho họ chịu không nổi bèn nói: “Bác sĩ, nên trị bệnh mình trước đã.”
(Thánh Gregory)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Một ông già râu biến thành trắng, nên kêu bà vợ bé nhổ đi.
Vợ bé nhìn thấy râu bạc quá nhiều, nhổ từng sợi thì mệt nhọc nên lựa râu đen mà nhổ. Nhổ xong, ông già lấy gương soi thì rất kinh ngạc, bèn lớn tiếng chửi mắng vợ bé, bà ta nói:
- “Lẽ nào râu ít không nhổ, lại hao tâm đi nhổ râu nhiều sao?”
(Tiếu lâm quảng ký)
Suy tư 67:
Trong cuộc sống, con người ta đôi lúc cũng có hành động như bà vợ bé: nhổ râu đen và để lại râu bạc, vì râu đen ít hơn râu bạc, đó là suy nghĩ của những kẻ lười biếng và không muốn hy sinh, thích hưởng thụ.
Có một vài người Ki-tô hữu khi đi lễ cha giảng dài cũng chê mà cha giảng ngắn cũng chê, thì ta biết đời sống thiêng liêng của họ không có sự hy sinh và lòng mến Chúa; có những người lặn lội mưa gió để đi lễ ở nhà thờ nào có cha giảng ngắn, nhưng cha giảng ngắn mà cuộc sống ham mê rượu chè cờ bạc đĩ điếm của họ sao mà dài thế không thấy họ sửa đổi gì cả. Thế mới biết cuộc sống của người không có hy sinh và đau khổ thì chỉ có đòi hỏi mà không muốn cộng tác, chỉ có ích kỷ mà không có vị kỷ...
Dù râu bạc trắng có nhiều hơn râu đen thì râu đen vẫn cứ biểu hiện sự mạnh khỏe của thân thể, nhổ nó đi là làm cho thân thể mất vẻ đẹp tự nhiên. Hy sinh và đau khổ tự nó là một huyền nhiệm trong cuộc sống của con người, nhất là đối với người Ki-tô hữu thì nó là một phương tiện để họ càng ngày càng nên giống Đức Chúa Giê-su hơn.
Ai hiểu được ý nghĩa của sự đau khổ hơn người Ki-tô hữu chứ ! Vậy mà có nhiều người Ki-tô hữu oán trời trách người khi đau khổ đến...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
CÂU TRẢ LỜI CHO MỌI VẤN ĐỀ
“Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”; “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha!”.
Harry Emerson Fosdick nói, “Người chọn nơi bắt đầu của một con đường, sẽ chọn nơi nó dẫn đến. Nó là lối dẫn đến quyết định cho mọi kết thúc!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa lễ kính hai thánh Philipphê và Giacôbê tông đồ, một lần nữa, cho thấy Chúa Kitô là “lối dẫn đến quyết định cho mọi kết thúc!”. Khi nói, “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”; “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha!”, Chúa Kitô chứng tỏ, Ngài là ‘câu trả lời cho mọi vấn đề!’.
Trong Tin Mừng hôm nay, Philipphê nói, “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!”; Chúa Giêsu trả lời, “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha!”. Một câu trả lời khá mơ hồ cho một con người thực dụng như Philipphê; ấy thế, đó là câu trả lời không thể thật hơn! Bởi lẽ, không ai thấy Thiên Chúa mà không phải chết, nên Con Thiên Chúa phải làm người như mọi người để con người được thấy Ngài. Cốt lõi của giáo lý về sự Nhập Thể là, giờ đây, “khuôn mặt” của Thiên Chúa được hiển hiện trong con người Chúa Kitô. Thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha, thấy Chúa Kitô là thấy thiên đàng. Rất nhiều điều kỳ diệu đang chờ đợi chúng ta bên kia cuộc sống, nhưng chúng ta có thể hưởng nếm chúng trước trong Chúa Giêsu Kitô. Ngài là Đấng đã ‘mang trời xuống đất’; và trong Ngài, chúng ta đến gần Thiên Chúa; Ngài đã ‘mang đất lên trời’. Tư cách là Đường, Ngài đưa chúng ta đến với Cha; tư cách là Sự Thật, Ngài mặc khải Cha; tư cách là Sự Sống, Ngài chia sẻ sự sống Thiên Chúa cho chúng ta; Ngài là ‘câu trả lời cho mọi vấn đề!’.
Một sự trùng hợp thú vị là, trong thư Côrintô hôm nay, đến mấy lần, Phaolô đề cập việc nhìn thấy Chúa Giêsu, mà với quyền năng của Chúa Cha, Ngài đã sống lại từ cõi chết. Phaolô cho biết, Đấng Phục Sinh đã hiện ra ‘với Phêrô, với nhóm 12, với 500 anh em, với Giacôbê, với tất cả các tông đồ; và sau cùng, hiện ra với Phaolô như một đứa con đẻ non’. Nhờ việc nhìn thấy đó, những con người đầu tiên này đã mạnh mẽ đi đến tận cùng trái đất, rao giảng Tin Mừng cứu độ của Ngài. Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu!”.
Anh Chị em,
“Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”; “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha!”. Mỗi ngày, chúng ta bước đi trên con đường có một tên gọi hẳn hoi; với một mục đích cụ thể. Mỗi bước chân tâm linh của chúng ta dẫm trên con đường Giêsu, mắt chúng ta hướng lên trời. Như thế, trong Chúa Giêsu, mỗi bước chân của chúng ta đã bước đi ‘trong đích đến’; nói đúng hơn, đón nhận Chúa Giêsu, tin yêu bước theo Ngài, chúng ta đã đạt tới sự sống đích thực theo kế hoạch của Thiên Chúa. Vậy Kitô hữu không còn gặp bất cứ vấn đề nào nữa sao? Không, vấn đề cuộc sống vẫn còn đó, nhưng vì Con Thiên Chúa, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, đã đi qua tất cả mọi nẻo gian khó của đời này, và Ngài đã toàn thắng khi đánh bại thần chết… nên Ngài có thể cứu thoát chúng ta ở bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Hãy nhìn lên Chúa Giêsu Kitô trên thập giá; ở đó, bạn và tôi sẽ gặp được “câu trả lời cho mọi vấn đề!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, xin cho con ngày càng nên một với Chúa. Để ai nhìn thấy con, họ cũng nhìn thấy Chúa trong con!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Các Loại Mục Tử
CN 4 PHỤC SINH C
Tập 1 của bộ sách “Phúc Âm trong dụ ngôn”, Cha Nguyễn Tầm Thường suy niệm về dụ ngôn “Mục Tử Nhân Lành”, với 8 đoản khúc xuyên suốt 117 trang sách từ trang 8 đến trang 125. Thật nhiều kiến thức thú vị bổ ích và những suy tư sâu sắc.
Chương 34 sách tiên tri Êdêkien đã báo trước về các loại mục tử khác nhau. Tất cả các loại mục tử này đã xảy ra trong thời Chúa Giêsu. Các mục tử bất xứng này còn được loan báo rộng rãi trong lời của tiên tri Isaia (56, 10-11) và Giêrêmia (10, 21-22; 50,6).
Chương 34 của sách Êdêkien dành riêng nói về các loại mục tử nhà Israel. Có thể chia ra thành ba mục đề:
- Mục tử làm thuê
- Mục tử tốt lành
- Loan báo Đức Kitô
Chăn chiên là chủ đề từ Cựu Ước đến Tân Ước nói rất nhiều và rất chi tiết.
1. Mục tử làm thuê (Ed 34,1-10)
Mục tử làm thuê chỉ nghĩ đến mình. Bình tâm mà nói, trong Giáo Hội, chắc không ai là mục tử làm thuê. Nhưng từ mục tử tốt lành, ma quỷ gieo vào lòng nhiều thứ ham muốn, vì thiếu nhiệt thành cho phần rỗi các linh hồn, họ bị rơi vào cạm bẫy một cách kín đáo. Trở lại lời khuyên của Phaolô viết cho Timôthê, người ‘con ông sinh ra trong đức tin’: “Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6,7-10). Có nhiều thứ ham muốn khác, Phaolô không chọn. Không hiểu tại sao Phaolô lại viết cho Timôthê, lòng ham muốn tiền bạc là cội rỗi mọi điều ác.
Tiền là một nhu cầu rất cần. Khi nói “nhu cầu” thì không thể thiếu. Thí dụ, không khí là nhu cầu, nước là nhu cầu. Đó là nhu cầu tuyệt đối. Không có những nhu cầu này, người ta chết. Nhưng nhu cầu cũng lại có lúc cần, lúc không. Thí dụ, vượt biên, lênh đênh trên biển, hết lương thực thì một ly nước trị giá cả cây vàng. Đến bờ, nước cho không biếu không.
Nhu cầu và lòng ham muốn hoàn toàn khác nhau. Nhu cầu là điều cần, ham muốn là điều muốn thêm. Từ nhu cầu bước qua ham muốn là ranh giới vô hình. Nó mong manh như sợi chỉ. Trong cuộc sống, người ta có khuynh hướng biện minh ham muốn là nhu cầu. Người ta chỉ thấy cái cần, không thấy cái dư. Ở đây Phaolô nói lòng ham muốn tiền bạc, chứ không nói tiền bạc là cội rễ sự ác.
Từ một mục tử tốt lành có thể trở thành vừa tốt vừa xấu, khó có thể nhận ra tính chất kẻ làm thuê. Vì thế, có thể nói không có mục tử làm thuê trong Giáo Hội. Nhưng nếu dựa vào những đặc tính trái ngược với vị mục tử nhân lành trong Phúc âm Gioan: không hy sinh cho đoàn chiên, để cho chiên tán loạn, không thiết gì đến chiên; với một trong ba đặc tính này thì mục tử đó có chất làm thuê. (Phúc Âm trong dụ ngôn, trang 109-110).
Chúa Giêsu còn cho thấy tính tương phản của hai loại mục tử. Mục tử thật và mục tử giả. Mục tử thật luôn hết mình vì đàn chiên. Mục tử giả chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử thật thì hy sinh cho đàn chiên. Mục tử giả chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử thật luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Mục tử giả chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình, sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.
2. Mục tử tốt lành (Ed 34,11-22).
Thánh Kinh mô tả :
- Yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: "Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt" (Is 40, 11).
- Yêu quý từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: "Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc" (Mt 18, 12-13).
- Lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: "Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ" (Ed 34, 14).
- Làm cho chiên được sống no ấm, hạnh phúc: "Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì" (Tv 23,1); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: "Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm" (23, 4).
- Tinh thần trách nhiệm đối với đàn chiên rất cao: "Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng" (Ed 34,16).
- Cứu thoát, giải phóng đàn chiên: "Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên" (Dc 9,16).
3. Đức Kitô Vị Mục Tử Tốt Lành
Êdêkien loan báo mục tử tốt lành sẽ đến (Ed 34,23-31).
Đức Kitô khẳng định căn tính của Ngài là Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Đức Kitô lựa chọn lên tiếng kết án những bất công cho dân oan. Chúa đã kích mạnh mẽ nhóm Pharisiêu là những mục tử tôn giáo làm khổ dân vì các Lề Luật tôn giáo họ đặt ra. Trước những ngày sắp bước vào thương khó, Chúa đuổi những người buôn bán trong đền thờ cũng là đương đầu với thế lực “nhóm lợi ích” này. Ai có được những chỗ buôn bán tốt trong đền thờ nếu không là con ông cháu cha, là người nhà những kẻ có thế lực? Làm sao các Tư Tế có thế lực này tự do buôn bán mà không cần lính Roma bảo kê rồi đóng thuế? Vì thế, Chúa đụng vào thế lực này là đụng vào cái chết. Như sách Công vụ Tông đồ (4,27) khẳng định là Hêrôđê đã cùng Philatô gặp nhau trong thành để bàn định bản án cho Đức Kitô. (sđd trang 77).
Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành với những nét đặc trưng sau đây:
- Vị Mục Tử Tốt Lành hết lòng yêu thương những người thuộc về mình. Vì yêu thương nên Ngài quan tâm đến mọi người và đến từng người. Càng quan tâm thì càng biết tường tận: biết họ muốn gì, họ cần gì, họ có thể gặp phải những nguy cơ cạm bẫy hay thử thách nào.
- Vị Mục Tử Tốt Lành luôn đi đầu, đi trước, hướng dẫn, lãnh đạo đoàn chiên, đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi khổ cực cho người thuộc về mình. Mục Tử Tốt Lành đem chiên đến những miền an toàn, có suối mát có cỏ xanh, cho chiên được ăn uống no nê, được nghỉ ngơi thoải mái. Chiên sẽ tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng. Mục Tử Tốt Lành dám hy sinh mạng sống vì chiên.
- Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để yêu thương, chăm sóc, quy tụ mọi con chiên. Ngài biết tên từng con chiên như Cha Ngài biết Ngài (Ga 10,14-15). Ngài gọi tên từng con chiên và dẫn đi (Ga 10,3). Mục Tử sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên: "Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" (Ga 15,13). Chúa Giêsu đã chứng tỏ Ngài là vị Mục Tử Tốt Lành, vị chủ chăn không bao giờ hèn nhát thấy sói tấn công chiên mà bỏ trốn, nhưng Ngài luôn cứu vớt, tập họp, chăn dắt (Ga 10,9.16).
“Khi có một mục tử tốt, đàn chiên sẽ tăng trưởng và lắng nghe người ấy. Người chăn chiên tốt cũng biết lắng nghe đàn chiên, hướng dẫn và chăm sóc đàn chiên. Và đàn chiên biết cách phân biệt giữa các mục đồng, đàn chiên tin cậy mục tử tốt lành. Chỉ có người chăn chiên trông giống Chúa Giêsu mới đem lại sự tự tin cho đàn chiên...” (ĐTC Phanxicô, 03/05/2020).
Chúa nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và ơn gọi Tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những mục tử tốt lành. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước. Mục tử tốt lành luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, vị mục tử tốt lành gần gũi biết rõ đàn chiên, yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hiến mạng vì đàn chiên. Từ đó, vị mục tử tốt lành biết nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao đặc biệt là cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.
Linh mục là Mục tử, người chăm sóc phần hồn các tín hữu. Một sứ mạng rất cao quý. Linh mục noi gương Chúa Giêsu Mục Tử Tối Cao, tận tình phục vụ tha nhân qua công việc mục vụ với đức ái mục tử. Đây là linh đạo của linh mục giáo phận.
Hãy cầu nguyện cho các Linh mục được trở nên những mục tử như Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đàn chiên. Trong bài giảng Lễ Dầu năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các linh mục : “Cha mời gọi các con điều này, các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên. Người chăn chiên thì có mùi chiên, làm cho cái mùi ấy thành cái mùi thực, giống các người chăn chiên ở giữa đoàn chiên của các con. Mùi của chiên chỉ có được bằng cách sống các thực tại đời sống hàng ngày của họ, các bối rối khó khăn của họ, các niềm vui của họ, các gánh nặng và các hy vọng của họ”.
Cha sở Gioan Vianney là bổn mạng các Linh mục. Hôm nay ngày cầu nguyện cho các mục tử, xin ngài giúp anh em linh mục chúng con luôn biết sống theo gương sáng mục tử của ngài. Amen.
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
CHÚA LÀ MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30
Trong cả ba năm phụng vụ, vào Chúa Nhật IV Phục Sinh chúng ta được nghe bài Tin Mừng Gioan về người mục tử nhân lành. Ở Chúa Nhật vừa rồi, Lời Chúa giúp chúng ta suy niệm về người đánh cá; Tin Mừng Chúa Nhật giới thiệu với chúng ta về người mục tử. Đây là hai hình ảnh quan trọng như nhau để diễn tả về sứ vụ cứu độ trong Tin Mừng. Hình ảnh thứ nhất có tước hiệu “những kẻ chài lưới người,” và hình ảnh thứ hai có tước hiệu là “mục tử của các linh hồn.” Cả hai danh hiệu đều được áp dụng cho các Tông Đồ.
1- Chân dung người mục tử
Phần lớn miền Giuđêa là vùng cao nguyên với đất cằn cỗi và sỏi đá, chỉ phù hợp cho việc chăn nuôi hơn là trồng trọt. Những cánh đồng cỏ xanh thì rất khan hiếm nên đoàn chiên phải luôn di chuyển từ nơi này tới nơi khác; không có những thành lũy bảo vệ và vì thế, người mục tử phải luôn hiện diện với đàn chiên. Một du khách của thế kỷ trước đã để lại cho chúng ta một bức chân dung về người mục tử ở Palestina như sau: “Khi bạn thấy người mục tử xuất hiện trên một đồng cỏ, ông không ngủ, nhưng quan sát từ xa, với dáng phong trần sương gió, tựa mình trên chiếc gậy, chăm chú theo dõi đoàn chiên di chuyển, bạn hiểu tại sao người mục tử có tầm quan trọng như thế trong lịch sử của Ítraen. Vì thế, họ dành tước hiệu này cho vị vua của họ và chính Đức Kitô đã dùng tước hiệu này như biểu tượng để diễn tả về hy sinh chính mình.”
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được trình bày như là mục tử của dân Người: “Chúa là mục tử của tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Tv 23,1). “Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt” (Tv 95,7). Trong sách tiên tri Isaia, Đấng Mêsia tương lai cũng được miêu tả với hình ảnh của người mục tử: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11).
Trong Tân Ước, hình ảnh lý tưởng về người mục tử này được ứng nghiệm một cách đầy đủ nơi Chúa Kitô. Người là Mục Tử nhân lành, đã dong duổi đi tìm những con chiên lạc; Người động lòng thương xót con người bởi vì, Người thấy họ như “đàn chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36); Người gọi các môn đệ của Người là “đàn chiên bé nhỏ” (Lc 12,32). Thánh Phêrô gọi Chúa Giêsu là “Mục Tử của linh hồn chúng ta” (1 Pr 2,25) và Thư gửi tín hữu Do Thái nói về Người như là “Mục Tử cao cả của đoàn chiên” (Dt 13,20).
2- Nét tiêu biểu của vị Mục Tử nhân lành
Tin Mừng Chúa Nhật này làm nổi bật những nét tiêu biểu của Chúa Giêsu, Mục Tử nhân lành. Nét tiêu biểu thứ nhất đó là sự hiểu biết lẫn nhau giữa người mục tử và đoàn chiên: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Trong một số nước ở Châu Âu, chiên được nuôi và phát triển một cách chính yếu vì để cung cấp thịt; ở Ítraen, trước hết chúng được nuôi để lấy lông và sữa. Vì lý do này, chúng được nuôi giữ nhiều năm trong đoàn chiên của người mục tử. Nên ông biết rõ đặc điểm mỗi con và đặt cho chúng những danh xưng rất thân tình.
Điều mà Chúa Giêsu muốn nói qua hình ảnh này là rất rõ. Người biết các môn đệ của Người (như Thiên Chúa biết hết mọi người). Người biết rõ tên của họ. Đối với Kinh Thánh, biết tên gọi cũng có nghĩa là biết rõ bản chất sâu xa nhất của họ. Người yêu thương họ với một tình yêu cá vị và với tình yêu đó, Người đối xử mỗi người như họ là duy nhất, hiện hữu, không ai thay thế đối với Người. Chỉ có Chúa Kitô mới biết rõ mỗi người môn đệ Chúa thế nào và mỗi người môn đệ đó chính là chúng ta.
Đoạn Tin Mừng còn nói với chúng ta điều gì đó nữa về người Mục Tử tốt lành. Người hiến mình cho và vì đoàn chiên, không ai có thể cướp chúng khỏi tay Người. Những con vật hoang dã – những con sói và loài báo – và những tên cướp là cơn ác mộng đối với những mục tử ở Ítraen. Trong những nơi hoang liêu như thế, chúng luôn là mối đe dọa thường xuyên. Đó là những khoảnh khắc cho thấy sự khác biệt giữa mục tử đích thực và người chăn thuê. Người mục tử đích thực là người chăm sóc, bảo vệ đoàn chiên khỏi sự tấn công của lũ sói, dẫu phải đối diện với nguy cơ phải bỏ mạng; còn người chăn thuê là người chỉ làm việc vì tiền công, không phải vì lòng yêu mến đoàn chiên, và thường họ chẳng có yêu mến gì đoàn chiên.
Khi đối diện với những nguy hiểm, người chăn thuê đào tẩu và bỏ đoàn chiên ở lại với lũ sói hoặc lũ cướp; còn người mục tử đích thực thì dám can đảm đối diện với nguy hiểm để bảo vệ và cứu vớt đoàn chiên. Điều này diễn tả lý do tại sao phụng vụ đề nghị chúng ta chọn đọc đoạn Tin Mừng về người Mục Tử nhân lành trong Mùa Phục Sinh, thời điểm mà Chúa Kitô minh chứng Người là Mục Tử nhân lành đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên qua cuộc tử nạn trên thập giá và phục sinh vinh hiển.
3- Chúng ta là đoàn chiên của Người
Khi suy ngắm hình ảnh Chúa là mục tử tốt lành, một câu hỏi đặt ra trong tâm trí chúng ta: Tại sao Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến thế? Đây cũng là câu hỏi mà tác giả Thánh Vịnh đã từng thắc mắc: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? (Tv 8,4-5). Con người chỉ là cát bụi mong manh: “Thật con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu” (Tv 39,6-7). Nhưng con người được Thiên Chúa tạo dựng rất cao cả: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,6-7).
Triết gia Blaise Pascal đã diễn tả sự tương phản giữa sự khốn cùng và vĩ đại của con người: “Con người chỉ là một cây sậy, một cây yếu ớt nhất trong thiên nhiên, nhưng là một cây sậy biết suy tư” (Tư Tưởng 347). Con người trổi vượt hơn mọi loài vì con người giống hình ảnh Thiên Chúa và được Người yêu thương một cách đặc biệt.
Như thế, Đấng Phục Sinh chính là vị Mục Tử nhân lành, Người yêu thương, chăm sóc và lo lắng cho chúng ta như mục tử chăm sóc đoàn chiên của mình.
Để kết thúc, chúng ta tâm nguyện với lời ca của Thánh Vịnh:
“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23). Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
Phát biểu trước khách hành hương quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô để đọc kinh “Truyền Tin” trưa ngày 1 tháng 5, Đức Thánh Cha đề cập đến thành phố Mariupol, “thành phố của Đức Maria” đã bị “dội bom và phá hủy bình địa”.
ĐTC nói: “Tôi thật đau buồn và khóc than cho những đau khổ của người dân Ukraine, đặc biệt là những người yếu đuối già nua và trẻ em. “Thậm chí còn có những báo cáo khủng khiếp về việc trẻ em bị săn đuổi và trục xuất.”
Một lần nữa ĐTC kêu gọi mở ra các hành lang nhân đạo an toàn cho những người bị mắc kẹt trong thành phố, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô.
Theo bản tin Vatican tường thuật: Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài tự hỏi liệu hòa bình có thực sự đang được tìm kiếm giữa “một sự xào xáo khủng khiếp của nhân loại hay không”. ĐTC tự hỏi liệu mọi cố gắng đang được thể hiện để “ngăn ngừa vũ khí hạng năng hay không”.
ĐTC kêu gọi: “Chúng ta hãy tìm kiếm hòa giải qua con đường đối thoại và hòa bình! Và chúng ta hãy cầu nguyện cho các nỗ lực của Liên hợp quốc để sơ tán người dân khỏi nhà máy thép ở Mariupol do người Ukraine đang cố thủ được bắt đầu từ Chủ nhật này với sự hợp tác của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế. Có tới 1.000 người dân đang bị kẹt ở khu vực nhà máy, cùng với khoảng 2.000 máy bay chiến đấu của quân đội Ukraine.
Nỗ lực sơ tán được phối hợp giữa các quan chức của Ukraine và Nga
Theo hãng tin AP, có tới 100.000 người còn kẹt lại trong thành phố bị phong tỏa này. Mariupol là một thành phố cảng quan trọng gần Bán đảo Crimea.
Vào đầu tháng 4, thị trưởng thành phố là ông Vadym Boychenko ước tính có ít nhất 10.000 cư dân đã chết trong các cuộc giao tranh, con số mà ông nghĩ đã tăng lên đến 20.000 người vào thứ Bảy này! Trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình, ông cho biết hơn 40.000 người đã bị cưỡng bức trục xuất khỏi thành phố!
Ngày 29/4, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cho biết đã có 2,899 thường dân thiệt mạng được xác nhận kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu cách đây hai tháng, nhưng con số thực sự được cho là cao hơn nhiều. Bộ Quốc phòng Anh ước tính khoảng 15,000 quân nhân Nga đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh và ước tính có hàng nghìn quân nhân Ukraine bị thương vong.
Chủ nhật tuần trước, ngày 24 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ cho cả thế giới về cuộc xâm lăng đã trải qua hai tháng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. ĐTC tiếp tục kêu gọi đình chiến trong dịp lễ Phục sinh ở Ukraine, liên kết lời kêu gọi hòa bình của Ngài với một ngày mà các Kitô hữu thuộc Giáo hội Đông phương kỷ niệm lễ Phục sinh.
Đức Thánh Cha cho hay: “Thật đáng buồn, trong những ngày linh thiêng và trang trọng nhất đối với tất cả các Kitô hữu, người ta vẫn nghe thấy tiếng bom đạn gầm xé, gây chết chóc hơn là tiếng chuông báo tin về sự Phục sinh quang vinh của Chúa Giêsu!
Tại nhà ga xe lửa ở Lviv, rìa cực tây của Ukraine, những người phụ nữ Ukraine đang ở ngã ba đường cả về thể chất lẫn tâm lý.
Sau khi đến thành phố, hiện là điểm dừng chân cho những người phải di dời, cũng như nơi tiếp nhận viện trợ nhân đạo và vũ khí, họ đã phải tự đặt ra cho mình một loạt câu hỏi khó khăn. Chúng ta nên đi đâu tiếp theo? Các con tôi sẽ an toàn ở đó chứ? Chúng ta sẽ ở lại trong bao lâu?
Trong tâm trí của họ là một nỗi sợ hãi: Liệu chúng ta có một ngôi nhà để trở về hay không?
Họ phải đối mặt với tình huống tiến thoái lưỡng nan, và nhiều người đang phải đưa ra quyết định nhanh chóng về tương lai của gia đình họ một mình.
Các quy định về nghĩa vụ quân sự ở Ukraine có nghĩa là nam giới từ 18 đến 60 tuổi bị ngăn chặn không được rời khỏi đất nước. Và, trong mọi trường hợp, nhiều người đã chọn ở lại và tham gia cuộc chiến.
Vì vậy, trong khi hàng triệu người Ukraine đã chạy trốn khỏi cuộc xâm lược của Nga kể từ khi cuộc xâm lược của Tổng thống Vladimir Putin được đưa ra cách đây hơn hai tháng, thì hầu hết tất cả những người đã vượt biên là phụ nữ và trẻ em. Họ chiếm đến 90% con số đáng kinh ngạc những người tị nạn Ukraine.
Các bà mẹ phần lớn phải gánh chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng di cư, nhặt nhạnh từng mảnh sau khi gia đình họ tan nát, chăm sóc con cái và cha mẹ già. CNN đã nói chuyện với một số người đang cân nhắc xem liệu đã đến lúc đưa gia đình họ trở lại Ukraine hay chưa.
Một phụ nữ, Liudmyla Sobchenko, 28 tuổi đến từ vùng Zhytomyr, phía tây bắc Kyiv, đã dành ba tuần ở Ba Lan với con trai nhỏ và mẹ già trước khi quyết định đã đến lúc phải về nhà.
“Tôi sẽ không nói điều kiện sống ở Ba Lan tồi tệ... Nhưng đó không phải là đất của chúng tôi,” cô nói.
Kể từ cuối tháng 3, khi CNN đến thăm nhà ga ở Lviv, dòng người Ukraine về nước đã tiếp tục tăng và hiện nay là khoảng 30.000 người mỗi ngày, theo Andrii Demchenko, một nhân viên báo chí của Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine. “Chúng tôi không có quyền hỏi mục đích của chuyến đi, nhưng nhiều phụ nữ đã chia sẻ rằng họ không còn muốn ở nước ngoài nữa,” anh nói với CNN hôm thứ Ba.
Một số hình ảnh đau lòng nhất về cuộc chiến là từ các ga đường sắt trên khắp Ukraine. Đám đông chen lấn vào toa, trẻ sơ sinh được bế trên cao. Các cặp đôi ôm nhau trong những lời chia tay nồng nàn, tuyệt vọng. Đôi bàn tay và khuôn mặt nhỏ bé áp vào cửa sổ sương mù khi những người cha đứng một mình, thổn thức trên sân ga.
Nhiều người đã đi qua ga Lviv trước khi đi đến nước láng giềng Ba Lan, hoặc xa hơn. Giờ này qua giờ khác, một làn sóng phụ nữ và trẻ em. Tên của các thành phố và thị trấn mà họ để lại - Sumy, Kyiv, Kharkiv, Kherson - đã tạo ra một chòm sao đau khổ trải khắp Ukraine.
Nhiều tuần sau cuộc di cư đầu tiên, tòa nhà theo trường phái Tân nghệ thuật lớn, cách khu phố cổ của thành phố hai dặm, vẫn bận rộn với các gia đình đang di chuyển. Nhưng không phải tất cả đều hướng về phía Tây. Một số, như Sobchenko, đã bắt đầu quay trở lại.
Source:CNN
Chúa Nhật 1 tháng 5, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Phục sinh. Bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta biến cố Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trên bờ hồ Tibêria.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền.
Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá.
Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách.
Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
Vậy khi các môn đệ đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.
Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.
Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.
Anh chị em thân mến, chúc ngày Chúa Nhật vui vẻ!
Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Ga 21:1-19) thuật lại việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra lần thứ ba với các Tông đồ. Đó là một cuộc gặp gỡ diễn ra bên Hồ Galilê, và trên hết là có sự tham gia của ông Simon Phêrô. Mọi chuyện bắt đầu bằng việc ông nói với các môn đệ khác: “Tôi đi đánh cá đây” (câu 3). Không có gì lạ về điều này, vì ông là một ngư dân, nhưng ông đã bỏ công việc này từ khi bỏ lưới trên bờ hồ đó để theo Chúa Giêsu. Và bây giờ, trong khi Đấng Phục sinh đang chờ đợi, Phêrô, có lẽ hơi thất vọng, đã đề nghị với những người khác rằng ông sẽ quay trở lại cuộc sống cũ của mình. Và những người khác chấp nhận ý kiến đó: “Chúng tôi sẽ cùng đi với ông”. Nhưng “đêm đó họ không bắt được gì”. (câu 3).
Điều này có thể xảy ra cho chúng ta, vì mệt mỏi, thất vọng, có lẽ vì lười biếng, quên Chúa và bỏ bê những lựa chọn tuyệt vời mà chúng ta đã thực hiện, để tự bằng lòng với điều gì đó khác. Ví dụ, không dành thời gian để trò chuyện cùng nhau trong gia đình, thích những trò tiêu khiển cá nhân; chúng ta quên lời cầu nguyện, để bản thân bị cuốn vào những nhu cầu của chính mình; chúng ta bỏ bê việc bác ái, với lý do là có những việc cấp bách hàng ngày phải lo toan. Nhưng, khi làm như vậy, chúng ta thấy mình thật thất vọng: đó là nỗi thất vọng mà Thánh Phêrô cảm thấy, với những tấm lưới trống rỗng, giống như ông. Đó là con đường đưa anh chị em đi lùi và không làm anh chị em hài lòng.
Và Chúa Giêsu làm gì với Phêrô? Chúa trở lại bờ hồ nơi ngài đã chọn ông, Anrê, Giacôbê và Gioan. Ngài không khiển trách họ - Chúa Giêsu không trách móc, Ngài luôn luôn chạm đến trái tim - nhưng dịu dàng gọi các môn đệ: “Các con” (câu 5). Sau đó, Chúa mời họ, như trước đây, hãy can đảm giăng lưới của họ một lần nữa. Và lần này lưới được lấp đầy, đến mức tràn ra ngoài. Anh chị em thân mến, khi lưới mình trống rỗng trong cuộc sống, không phải là lúc để cảm thấy tiếc cho bản thân, để vui chơi, quay trở lại với những thú tiêu khiển cũ. Đã đến lúc bắt đầu lại với Chúa Giêsu, đã đến lúc tìm lại can đảm để bắt đầu lại, đã đến lúc phải ra khơi lần nữa với Người. Chúng ta luôn phải đối mặt với một sự thất vọng, hoặc một cuộc sống đã mất đi phần nào ý nghĩa – khi thấy “hôm nay tôi cảm thấy như thể tôi đã đi lùi lại phía sau” - hãy lên đường một lần nữa với Chúa Giêsu, bắt đầu lại, dấn thân vào chỗ nước sâu! Chúa đang chờ anh chị em. Và Người chỉ nghĩ về anh chị em, tôi, mỗi người trong chúng ta.
Phêrô cần “cú sốc” đó. Khi nghe Gioan kêu lên: “Chúa đó!” (câu 7), ông lập tức nhảy xuống nước và bơi về phía Chúa Giêsu. Đó là một cử chỉ yêu thương, bởi vì tình yêu thương vượt lên trên sự hữu ích, tiện lợi hay bổn phận; tình yêu tạo ra điều kỳ diệu, nó truyền cảm hứng cho lòng nhiệt thành sáng tạo, được tự do trao tặng. Theo cách này, trong khi Gioan, người nhỏ tuổi nhất, nhận ra Chúa, thì chính Phêrô, người lớn tuổi nhất, lại lao về phía Người. Trong cuộc bơi lặn đó, có tất cả sự nhiệt tình mới được tìm thấy của Simon Phêrô.
Anh chị em thân mến, hôm nay Chúa Kitô Phục Sinh mời gọi chúng ta đến với một động lực mới - tất cả mọi người, mỗi người trong chúng ta - Người mời gọi chúng ta lao vào điều tốt lành mà không sợ mất mát điều gì, không tính toán quá nhiều, không đợi người khác bắt đầu. Tại sao? Thưa: Đừng chờ đợi người khác, bởi vì để ra ngoài gặp Chúa Giêsu, chúng ta cần phải loại bỏ thăng bằng hiện nay. Chúng ta cần loại bỏ thăng bằng với lòng can đảm, phục hồi bản thân, nhưng khôi phục lại bản thân trong trạng thái mất cân bằng, chấp nhận rủi ro. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân: liệu tôi có khả năng bộc phát lòng quảng đại, hay tôi kiềm chế những thôi thúc của trái tim mình và khép mình vào thói quen, và những sợ hãi? Hãy nhảy vào, đi sâu vào. Đây là lời hôm nay của Chúa Giêsu.
Sau đó, ở cuối đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu hỏi Thánh Phêrô ba lần, cùng một câu hỏi: “Con có yêu mến Thầy không?” (câu 15-16). Hôm nay Chúa Phục Sinh cũng hỏi chúng ta: Con có yêu mến Thầy không? Bởi vì trong lễ Phục sinh, Chúa Giêsu cũng muốn lòng chúng ta sống lại; bởi vì đức tin không phải là vấn đề về kiến thức, mà là về tình yêu. Con có yêu mến Thầy không? Chúa Giêsu hỏi anh chị em, tôi, chúng ta, những người có lưới trống và sợ bắt đầu lại; những người không có can đảm để lao vào và có lẽ đã đánh mất động lực của chúng ta. Con có yêu mến Thầy không? Chúa Giêsu hỏi. Kể từ đó, Phêrô thôi không đánh bắt cá nữa và chuyên tâm phục vụ Thiên Chúa và cho anh chị em của mình đến mức hiến mạng sống tại đây, nơi chúng ta đang đứng hiện nay. Còn chúng ta thì sao, chúng ta có muốn yêu mến Chúa Giêsu không?
Xin Đức Mẹ, Đấng đã sẵn sàng nói “xin vâng” với Chúa, giúp chúng ta khám phá lại sự thôi thúc để làm điều tốt.
Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Hôm qua, Cha Mario Ciceri và Cô Armida Barelli đã được phong chân phước tại Milan. Vị đầu tiên là một phó xứ; ngài dành hết mình để cầu nguyện và giải tội, thăm hỏi những bệnh nhân và ở bên cạnh các cậu bé tại nhà hát, như một nhà giáo dục nhẹ nhàng và người hướng dẫn an toàn. Đó là một gương sáng của một mục tử. Armida Barelli là người sáng lập và hoạt náo viên của Phong Trào Thiếu Nữ Công Giáo Tiến Hành. Cô đã đi khắp nước Ý để truyền cảm hứng cho các cô gái và phụ nữ trẻ về sự cam kết của giáo hội và dân sự. Cô đã hợp tác với Cha Gemelli để thành lập một tu hội đời cho những người phụ nữ và Đại học Công Giáo Thánh Tâm, nơi đang kỷ niệm thường niên ngày hôm nay và đã đặt tên cho trường Đại Học là “Với trái tim của một người phụ nữ” để vinh danh cô. Xin anh chị em một tràng pháo tay cho các vị Chân phước mới!
Hôm nay là ngày đầu tháng dành riêng cho Mẹ Thiên Chúa. Tôi xin mời tất cả các tín hữu và cộng đoàn hãy lần chuỗi Mân Côi cho hòa bình mỗi ngày trong tháng Năm. Suy nghĩ của tôi hướng đến thành phố Mariupol của Ukraine, “thành phố của Đức Maria”, bị đánh bom và phá hủy một cách dã man. Một lần nữa, từ đây, tôi xin lập lại thỉnh cầu của mình rằng phải bố trí các hành lang nhân đạo an toàn cho những người bị mắc kẹt trong các xưởng luyện thép ở thành phố đó. Tôi đau khổ và khóc khi nghĩ đến những đau khổ của người dân Ukraine, và đặc biệt, những người yếu nhất, người già và trẻ em. Thậm chí có những báo cáo khủng khiếp về việc trẻ em bị bắc cóc và trục xuất.
Và trong khi chúng ta đang chứng kiến một sự suy thoái rùng rợn của tình nhân loại, tôi tự hỏi, cùng với rất nhiều người đau khổ, liệu hòa bình có thực sự đang được tìm kiếm; liệu có ý muốn tránh tiếp tục leo thang bằng lời nói và quân sự hay không; cho dù mọi thứ có thể đang được thực hiện để ngăn chặn vũ khí. Tôi cầu xin các bạn, chúng ta đừng đầu hàng logic của bạo lực, trước vòng xoáy gian ác của vũ khí. Cầu mong con đường đối thoại và hòa bình được thực hiện! Hãy cùng cầu nguyện.
Và hôm nay là Ngày Lao động. Có thể nó sẽ là một sự kích thích để làm mới những nỗ lực để bảo đảm rằng công việc là phù hợp với phẩm giá ở mọi nơi và cho tất cả mọi người. Và mong thế giới công ăn việc làm tiếp tục truyền cảm hứng cho ý chí phát triển một nền kinh tế hòa bình. Và tôi muốn tưởng nhớ đến những công nhân đã chết tại nơi làm việc: đó là một thảm kịch lan rộng, có lẽ quá nhiều.
Ngày mốt, 3 tháng 5, là Ngày Tự do Báo chí Thế giới của UNESCO. Tôi bày tỏ lòng kính trọng đối với các nhà báo, những người đã trả giá bằng mạng sống của mình để phục vụ quyền này. Năm ngoái, 47 nhà báo bị giết trên toàn thế giới, và hơn 350 người bị bỏ tù. Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến những người đã can đảm thông báo cho chúng ta về những vết thương của nhân loại.
Tôi xin chào tất cả các bạn, các tín hữu Rôma và những người hành hương từ Ý và nhiều nước khác. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu đến từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cũng như giáo xứ Maronite ở Nazareth và giáo xứ Saint Rita ở Warsaw. Tôi chào Ca đoàn “Năm Thánh” của Conselve và các học sinh của Mascalucia. Một ý nghĩ đặc biệt dành cho Hiệp hội “Meter”, là hiệp hội đã nhiều năm chống lại bạo lực và lạm dụng trẻ vị thành niên, luôn đứng về phía những đứa trẻ nhỏ. Và tôi cũng chào các bạn trẻ của phong trào Immacolata.
Tôi cầu chúc một ngày Chúa Nhật may mắn cho tất cả anh chị em! Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
1. Cảm tử quân Ukraine đánh vào cơ sở quân sự trên đất Nga ở Belgorod
Thông tấn xã Reuters cho biết: video trên mạng xã hội cho thấy đám cháy và cột khói đen bốc lên từ một địa điểm ở thành phố Belgorod, Nga, cách biên giới Ukraine không xa. Một đoạn video khác cho thấy cảnh sát khu vực chuyển hướng giao thông khỏi khu vực và máy bay trực thăng lượn vòng phía trên thành phố.
Thống đốc vùng Belgorod, Vyascheslav Gladkov, cho biết trên Telegram rằng một đám cháy đã bùng phát tại một cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng.
Ông nói: “Trên biên giới của ba thành phố - quận Borisov và Belgorod và quận đô thị Yakovlevsky - một đám cháy đã xảy ra trên lãnh thổ của một trong những cơ sở của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.
Hôm thứ Năm, 28 tháng Tư, Nga cảnh báo phương Tây rằng, sẽ có các phản ứng quân sự cứng rắn đối với bất kỳ cuộc tấn công nào nữa vào lãnh thổ Nga, đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ và các đồng minh chủ chốt của họ phá hoại an ninh Âu Châu bằng cách công khai kích động Ukraine tấn công Nga.
Hai tháng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, trong những ngày gần đây, Nga đã báo cáo những gì họ nói là một loạt các cuộc tấn công của lực lượng Ukraine, vào các khu vực của Nga giáp biên giới với Ukraine, và cảnh báo rằng các cuộc tấn công như vậy có nguy cơ leo thang chiến tranh đáng kể.
Ukraine đã không trực tiếp nhận trách nhiệm nhưng nói một cách mơ hồ rằng, đó là luật nhân quả. Nga đã phản đối những tuyên bố từ Anh, một thành viên của NATO cho rằng việc Ukraine nhắm mục tiêu vào các hoạt động hậu cần của Nga là hợp pháp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, nói với các phóng viên tại Mạc Tư Khoa rằng: “Ở phương Tây, họ đang công khai kêu gọi Kiev tấn công Nga, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí nhận được từ các nước NATO”.
“Tôi không khuyên bạn nên kiểm tra sự kiên nhẫn của chúng tôi thêm nữa.”
Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Ba cho biết nếu các cuộc tấn công như vậy tiếp tục thì Mạc Tư Khoa sẽ nhắm vào các trung tâm ra quyết định ở Ukraine, bao gồm cả những nơi mà họ cho rằng có các cố vấn phương Tây đang giúp đỡ Kyiv.
“Các thủ đô của Kiev và phương Tây nên nghiêm túc xem xét tuyên bố của Bộ Quốc phòng rằng việc tiếp tục xúi giục Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga chắc chắn sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn từ Nga”
2. Các cuộc pháo kích lại bùng lên tại nhà máy thép Azovstal
Sau khoảng thời gian yên tĩnh hiếm hoi khiến khoảng 100 người có thể di tản an toàn, khu liên hợp thép Azovstal ở Mariupol lại bốc cháy vào đêm Chúa Nhật. Đại úy Svyatoslav Palamar, chỉ huy phó của Trung đoàn Azov, đã cho biết như trên.
“Quân xâm lược bắt đầu nổ súng vào Azovstal một lần nữa ngay sau khi việc di tản một số thường dân Ukraine được hoàn thành,” anh nói và xác nhận báo cáo của chỉ huy lữ đoàn 12 Lực lượng Vệ binh Quốc gia, Denis Schlega.
Đại úy Palamar tuyên bố rằng quân Nga đang sử dụng “tất cả các loại vũ khí”.
Không rõ liệu cuộc pháo kích mới có gây nguy hiểm cho giai đoạn tiếp theo của cuộc di tản khỏi Azovstal, dự kiến diễn ra vào thứ Hai hay không. Ước tính hàng trăm thường dân Ukraine vẫn đang bị mắc kẹt trong đống đổ nát của nhà máy.
Phó Thủ tướng Ukraine, Iryna Vereshchuk, cho biết “hàng trăm dân thường vẫn bị phong tỏa ở Azovstal cùng với những người bảo vệ Mariupol. Tình hình đã trở thành dấu hiệu của một thảm họa nhân đạo thực sự, bởi vì mọi người đang cạn kiệt nước, thực phẩm và thuốc men,” cô nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergey Lavrov, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ý hôm Chúa Nhật rằng “Chính quyền Kyiv đang cố gắng bằng mọi cách để đạt được sự rút lui của các phần tử cực đoan Ukraine còn lại ở Azovstal, vì trong số họ có thể có các sĩ quan và lính đánh thuê phương Tây.”
Không có bằng chứng nào cho thấy các công dân phương Tây nằm trong số các chiến binh tại Azovstal. Để biện minh cho tội ác của Nga tại Mariupol, Ngoại giao Nga nói:
“Tình hình đối đầu tại nhà máy Azovstal ở Mariupol là do mong muốn cứng đầu, thậm chí cuồng loạn của Zelenskiy, nhóm của ông ta và những người bảo trợ phương Tây nhằm đạt được mục tiêu rút tất cả những người này và đưa họ đến lãnh thổ Ukraine.”
3. Pelosi nói “Mỹ đứng cùng Ukraine” sau khi gặp Zelenskiy ở Kyiv
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng bà đã đến Kyiv vào hôm thứ Bảy để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và gửi “một thông điệp rõ ràng tới thế giới rằng Mỹ luôn sát cánh cùng Ukraine”.
Pelosi dẫn đầu phái đoàn quốc hội chính thức đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm đất nước kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu hơn hai tháng trước.
“Mỹ sát cánh với Ukraine, chúng tôi sát cánh với Ukraine cho đến khi giành được chiến thắng, và chúng tôi sát cánh với NATO”, Pelosi nói với các phóng viên ở Rzeszow, Ba Lan, sau khi rời Ukraine.
Pelosi nói rằng bà và Zelenskiy đã thảo luận về hỗ trợ nhân đạo và tài chính trong chuyến thăm của bà, chỉ kéo dài hơn ba giờ. Pelosi nói rằng đó là “một vinh dự lớn” khi được gặp tổng thống Zelenskiy và “truyền tải đến anh ấy thông điệp về sự đoàn kết từ Quốc hội Hoa Kỳ và thông điệp về sự đánh giá cao.”
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với các phóng viên vào sáng Chúa Nhật rằng ông vẫn chưa nói chuyện với chủ tịch Hạ Viện về chuyến đi của bà.
4. Câu chuyện đằng sau huy chương tổng thống Zelenskiy trao cho Pelosi
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tặng bà Nancy Pelosi một số tặng phẩm tượng trưng trong chuyến công du tới Kyiv vào hôm thứ Bảy, cảm ơn Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ vì sự ủng hộ của bà đối với Ukraine.
Tổng thống Zelenskiy đã trao tặng Pelosi “Huân chương Công chúa Olga” vì “đóng góp cá nhân đáng kể” của bà trong việc củng cố mối quan hệ giữa Ukraine và Mỹ. Olga là người phụ nữ đầu tiên cai trị Kievan Rus, nhà nước Đông Slav đầu tiên. Huy chương mang tên bà được trao cho những phụ nữ đã đạt được thành công đáng kể trong chính trị và xã hội – thể hiện sức mạnh phụ nữ ở Ukraine.
Ông cũng trao cho Pelosi một lá cờ Ukraine mà ông và các thành viên nữ của quốc hội, bao gồm cả những người mà bà đã gặp tại Điện Capitol Hoa Kỳ gần đây, đã ký, theo phát ngôn viên Drew Hammill của Pelosi.
5. Tại sao thời gian của chuyến đi của Pelosi đến Kyiv lại quan trọng
Chuyến đi không báo trước của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến Kyiv để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ và các đồng minh đang tăng cường hỗ trợ lâu dài cho Ukraine khi cuộc xâm lược của Nga kéo dài sang tháng thứ ba.
“Tôi biết ơn các bạn về tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ này từ Hoa Kỳ, người dân và Quốc hội - sự ủng hộ của lưỡng viện và lưỡng đảng. Tôi, với tư cách là Tổng thống, đội ngũ của chúng tôi và người dân Ukraine đánh giá cao tín hiệu này. Điều này cho thấy Hoa Kỳ ngày nay là nước đi đầu trong việc ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Liên bang Nga”, ông Zelenskiy cho biết như trên, theo một tuyên bố do văn phòng tổng thống công bố.
Tuần trước, đáp lại lời cầu xin từ Zelenskiy, một nhóm gồm 40 quốc gia do Mỹ tập hợp tại Đức đã đồng ý tạo ra một dòng chảy vũ khí cho Ukraine, để đẩy nhanh tiến độ cứu nguy cho quốc gia này đang phải chiến đấu với cường quốc quân sự thứ hai trên thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, người đã gặp tổng thống Ukraine ở Kyiv với Ngoại trưởng Antony Blinken vào tuần trước cho biết: “Chúng ta phải di chuyển nhanh hơn cho kịp với tốc độ chiến tranh”.
Hạ viện hôm thứ Năm đã thông qua luật cho phép Biden sử dụng một đạo luật có từ thời Thế chiến II, được gọi là Đạo luật Lend-Lease năm 1941, để nhanh chóng cung cấp vũ khí cho Ukraine theo dạng cho mượn. Luật đó ban đầu được tạo ra để giúp các lực lượng chống lại Hitler, và phản ánh sự cấp thiết của Quốc hội trong việc hỗ trợ các lực lượng vũ trang Ukraine.
Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm đã yêu cầu Quốc hội viện trợ thêm 33 tỷ đô la nhằm hỗ trợ Ukraine trong vài tháng tới khi cuộc chiến tàn khốc và không ngừng của Nga bước sang một giai đoạn mới. Biden cũng đưa ra một đề xuất có thể gây áp lực hơn nữa đối với các nhà tài phiệt Nga về cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cả việc sử dụng tiền từ tài sản bị tịch thu của họ để tài trợ cho quốc phòng Ukraine.
Gói này lớn hơn đáng kể so với các gói khác đã được đưa ra và gấp hơn hai lần khoản viện trợ quân sự và nhân đạo trị giá 13,6 tỷ USD mà Quốc hội đã thông qua vào tháng trước.
6. Hơn 4 triệu tấn ngũ cốc bị chặn ở các cảng Ukraine do chiến tranh
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết gần 4,5 triệu tấn ngũ cốc đã bị chặn tại các cảng của Ukraine. Xuất khẩu thông qua các tuyến đường biển bị hoãn lại trong bối cảnh cuộc xâm lược quân sự của Nga.
Theo Liên Hiệp Quốc, trước chiến tranh, Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mì và sản xuất ngô lớn nhất thế giới. Nhiều quốc gia dựa vào nguồn cung lúa mì của Ukraine.
Vereshchuk nhận xét cay đắng rằng: “Cái đói không nên trở thành vũ khí”. Bà kêu gọi nối lại nguồn cung cấp lương thực của Ukraine cho các quốc gia khác để giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Các chính phủ phương Tây đã nhiều lần cảnh báo về khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực và nạn đói ở một số quốc gia do cuộc chiến chống Ukraine của Nga. Vào tháng 3, Liên Hiệp Quốc đã chứng kiến giá lương thực tăng hơn 12%, là mức cao kỷ lục kể từ năm 1990.
Giá cả tăng cao và gián đoạn nguồn cung đã gây nguy hiểm cho an toàn thực phẩm ở Trung Đông, Phi Châu và các khu vực Á Châu, nơi dân số thường xuyên bị suy dinh dưỡng và nơi hàng triệu người sống bằng bánh mì mà họ nhận được từ trợ cấp hoặc có thể mua với giá rẻ.
Cần nhắc lại rằng hồi cuối tháng 3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết Hải quân Nga đang chặn đường vào các cảng của Ukraine, tước đi cơ hội xuất khẩu ngũ cốc của Kyiv và ngăn không cho 94 tàu chở lương thực tiến vào Địa Trung Hải.
1. Lễ tuyên thệ của các tân Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ trong năm nay
Vì tình trạng đại dịch vẫn chưa hết, nên lễ tuyên thệ của 36 tân Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ tại Vatican, ngày 06 tháng Năm tới đây sẽ được tiến hành trong khuôn khổ giới hạn. Nghĩa là chỉ có sự tham dự của các thân nhân gần, cụ thể là cha mẹ và anh chị em của các tân Ngự Lâm Quân, các đại diện chính thức của chính phủ Liên bang Thụy Sĩ và Giáo hội.
Thông cáo công bố hôm 28 tháng Tư vừa qua của Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ cho biết trong số các chức sắc Công Giáo từ Thụy Sĩ, có Đức Cha Felix Gmuer, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, và Viện phụ Urban Federer của Đan viện Biển Đức Einsiedeln. Đây là lần thứ ba lễ tuyên thệ của các Ngự Lâm Quân được cử hành trong khuôn khổ giới hạn, và được trực tuyến.
Vị nhận lời tuyên thệ vẫn là Đức Tổng Giám Mục Phụ Tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh Edgar Peña Parra. Các tân Ngự Lâm Quân tuyên thệ cam kết hết sức bảo vệ Đức Thánh Cha và người kế vị hợp pháp, sẵn sàng hy sinh mạng sống, nếu cần. Sáng thứ Sáu, ngày 06 tháng Năm, các tân Ngự Lâm Quân và thân quyến sẽ tham dự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô.
Lễ tuyên thệ của các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ diễn ra hằng năm vào ngày 06 tháng Năm, ghi nhớ biến cố ngày 06 tháng Năm năm 1527, 189 Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ của Đức Giáo Hoàng Clemente VII (1523-1534) bị quân Đức và những người lính Tây Ban Nha đánh thuê, tấn công và cướp phá thành Roma. 147 Ngự Lâm Quân đã tử trận trên chiến trường để cứu Đức Giáo Hoàng và có 42 Ngự Lâm Quân chạy vào đồn Thiên Thần, qua hành lang nhỏ trong tường thành, gọi là “Passetto di Borgo”.
2. Đoàn Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ
Vì tình trạng đại dịch vẫn chưa hết, nên lễ tuyên thệ của 36 tân Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ tại Vatican, ngày 06 tháng Năm tới đây sẽ được tiến hành trong khuôn khổ giới hạn. Nghĩa là chỉ có sự tham dự của các thân nhân gần, cụ thể là cha mẹ và anh chị em của các tân Ngự Lâm Quân, các đại diện chính thức của chính phủ Liên bang Thụy Sĩ và Giáo hội.
Ngày 6 tháng Năm năm nay đã được đánh dấu bằng một Thánh lễ riêng và lễ đặt vòng hoa tưởng niệm 147 Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã anh dũng hy sinh vào năm 1527 để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clementê Đệ Thất.
Từ năm 1970 các ngự lâm quân Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.
Tuy nhiên, vai trò của ngự lâm quân Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới. Từ năm 2017, các tân binh phải theo một chương trình mới trong đó họ được đào tạo tại trường võ bị Isone thuộc tổng Ticino bên Thụy Sĩ trước khi theo các khóa học tại Rôma.
Để được nhận vào đoàn quân đầy màu sắc này, các tân binh phải là Thụy Sĩ, thực hành đạo, chưa lập gia đình, tuổi từ 19 đến 30 tuổi và cao ít nhất 1.74 mét!
Từ năm 2018, đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ đã được trang bị một chiếc nón mới thay cho chiếc nón sắt nặng nề truyền thống.
Chiếc nón mới làm bằng nhựa và được làm bằng kỹ thuật in 3 chiều, nhẹ hơn, dễ đội hơn. Giá một chiếc nón như vậy là 740 EU, nghĩa là chỉ bằng nửa chiếc nón kim loại cũ.
Chiếc nón mới bằng nhựa PVC được đóng dấu với huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Giuliô II, là vị Giáo Hoàng đã thành lập đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ vào năm 1506.
Chiếc nón mới có khả năng chống tia cực tím là điều quan trọng vì các ngự lâm quân phải thi hành công việc của họ nhiều giờ dưới trời nắng.
3. Họ chạy trốn khỏi Ukraine để bảo vệ con cái của họ. Bây giờ những người mẹ này đang trở về nhà
Tại nhà ga xe lửa ở Lviv, rìa cực tây của Ukraine, những người phụ nữ Ukraine đang ở ngã ba đường cả về thể chất lẫn tâm lý.
Sau khi đến thành phố, hiện là điểm dừng chân cho những người phải di dời, cũng như nơi tiếp nhận viện trợ nhân đạo và vũ khí, họ đã phải tự đặt ra cho mình một loạt câu hỏi khó khăn. Chúng ta nên đi đâu tiếp theo? Các con tôi sẽ an toàn ở đó chứ? Chúng ta sẽ ở lại trong bao lâu?
Trong tâm trí của họ là một nỗi sợ hãi: Liệu chúng ta có một ngôi nhà để trở về hay không?
Họ phải đối mặt với tình huống tiến thoái lưỡng nan, và nhiều người đang phải đưa ra quyết định nhanh chóng về tương lai của gia đình họ một mình.
Các quy định về nghĩa vụ quân sự ở Ukraine có nghĩa là nam giới từ 18 đến 60 tuổi bị ngăn chặn không được rời khỏi đất nước. Và, trong mọi trường hợp, nhiều người đã chọn ở lại và tham gia cuộc chiến.
Vì vậy, trong khi hàng triệu người Ukraine đã chạy trốn khỏi cuộc xâm lược của Nga kể từ khi cuộc xâm lược của Tổng thống Vladimir Putin được đưa ra cách đây hơn hai tháng, thì hầu hết tất cả những người đã vượt biên là phụ nữ và trẻ em. Họ chiếm đến 90% con số đáng kinh ngạc những người tị nạn Ukraine.
Các bà mẹ phần lớn phải gánh chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng di cư, nhặt nhạnh từng mảnh sau khi gia đình họ tan nát, chăm sóc con cái và cha mẹ già. CNN đã nói chuyện với một số người đang cân nhắc xem liệu đã đến lúc đưa gia đình họ trở lại Ukraine hay chưa.
Một phụ nữ, Liudmyla Sobchenko, 28 tuổi đến từ vùng Zhytomyr, phía tây bắc Kyiv, đã dành ba tuần ở Ba Lan với con trai nhỏ và mẹ già trước khi quyết định đã đến lúc phải về nhà.
“Tôi sẽ không nói điều kiện sống ở Ba Lan tồi tệ... Nhưng đó không phải là đất của chúng tôi,” cô nói.
Kể từ cuối tháng 3, khi CNN đến thăm nhà ga ở Lviv, dòng người Ukraine về nước đã tiếp tục tăng và hiện nay là khoảng 30.000 người mỗi ngày, theo Andrii Demchenko, một nhân viên báo chí của Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine. “Chúng tôi không có quyền hỏi mục đích của chuyến đi, nhưng nhiều phụ nữ đã chia sẻ rằng họ không còn muốn ở nước ngoài nữa,” anh nói với CNN hôm thứ Ba.
Một số hình ảnh đau lòng nhất về cuộc chiến là từ các ga đường sắt trên khắp Ukraine. Đám đông chen lấn vào toa, trẻ sơ sinh được bế trên cao. Các cặp đôi ôm nhau trong những lời chia tay nồng nàn, tuyệt vọng. Đôi bàn tay và khuôn mặt nhỏ bé áp vào cửa sổ sương mù khi những người cha đứng một mình, thổn thức trên sân ga.
Nhiều người đã đi qua ga Lviv trước khi đi đến nước láng giềng Ba Lan, hoặc xa hơn. Giờ này qua giờ khác, một làn sóng phụ nữ và trẻ em. Tên của các thành phố và thị trấn mà họ để lại - Sumy, Kyiv, Kharkiv, Kherson - đã tạo ra một chòm sao đau khổ trải khắp Ukraine.
Nhiều tuần sau cuộc di cư đầu tiên, tòa nhà theo trường phái Tân nghệ thuật lớn, cách khu phố cổ của thành phố hai dặm, vẫn bận rộn với các gia đình đang di chuyển. Nhưng không phải tất cả đều hướng về phía Tây. Một số, như Sobchenko, đã bắt đầu quay trở lại.
Source:CNN
1. Quân phòng thủ Ukraine tiêu diệt hai xe tăng địch, gần 20 hệ thống pháo của Nga trong khu vực phía Đông
Trong khu vực diễn ra Chiến dịch liên hợp, quân trú phòng Ukraine đã phá hủy hai xe tăng Nga và gần 20 hệ thống pháo của đối phương trong ngày Chúa Nhật 1 tháng 5.
Trên các hướng Donetsk và Luhansk, các binh sĩ Ukraine đã đẩy lùi thành công 10 cuộc tấn công của đối phương trong 24 giờ của ngày Chúa Nhật.
Kết quả là quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 2 xe tăng, 17 hệ thống pháo, 38 xe bọc thép chiến đấu và 10 xe chuyển quân của đối phương.
Các đơn vị phòng không ở miền đông Ukraine đã bắn rơi 7 máy bay không người lái.
Trong vòng một tuần qua, Lực lượng liên quân của Ukraine đã đẩy lùi 63 cuộc tấn công của đối phương.
Tổng cộng, trong thời gian này, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 45 xe tăng Nga, 43 hệ thống pháo, 4 xe đặc chủng, 149 xe chiến đấu bọc thép, 6 xe chiến đấu đặc biệt, 3 đơn vị thiết bị kỹ thuật đặc biệt, 68 xe cơ giới, bao gồm 8 xe chở nhiên liệu và 4 xe phòng không.
Trong tuần qua, các đơn vị phòng không đã bắn rơi 6 máy bay, 32 máy bay không người lái và 2 hỏa tiễn hành trình của quân xâm lược Nga.
2. Vladimir Putin và Sergey Lavrov đều thấy mình hố to rồi
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Ý, Ngoại trưởng Lavrov nói: “Truyền thông phương Tây xuyên tạc những lời đe dọa của Nga. Nga chưa bao giờ làm gián đoạn nỗ lực đạt được các thỏa thuận bảo đảm rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ phát triển”.
Hôm 26 tháng Tư, chính Sergey Lavrov đã nói rằng răn đe hạt nhân là “quan điểm chính của Nga”, và nói thêm “mối nguy hiểm là nghiêm trọng, là có thật, không thể coi thường”.
Đáp lại, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng những bình luận của Nga về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân là “vô trách nhiệm.”
Ông nói: “Không ai nên đưa ra những bình luận vu vơ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc khả năng cần thiết phải sử dụng chúng.
Ông Biden cũng nói rằng “không đúng” khi cho rằng Mỹ và NATO đang trong một cuộc chiến tranh với Nga thông qua Ukraine - và những tuyên bố của Nga về một cuộc chiến ủy nhiệm như thế chỉ là “cách giải thích cho sự thất bại của họ” ở Ukraine.
“Chúng không đúng sự thật”, Biden nói hôm thứ Năm khi một phóng viên hỏi về cáo buộc của Ngoại trưởng Lavrov rằng NATO đang sử dụng Ukraine như một đại diện trong cuộc chiến chống lại Nga. Chính Nga là nước khởi đầu cuộc chiến, nhưng giờ đây họ cố tuyên truyền rằng Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu sử dụng Ukraine để tấn công họ.
“Những gì họ phát biểu thực sự khiến tôi quan tâm, bởi vì điều đó cho thấy sự tuyệt vọng mà Nga đang cảm thấy trước sự thất bại nặng nề của họ trong việc thực hiện những gì họ đã đặt ra ban đầu.
Tôi nghĩ rằng những gì họ nói không phản ánh sự thật nhưng phản ánh sự thất bại của họ, và vì vậy thay vì nói rằng người Ukraine được trang bị một số khả năng để chống lại lực lượng Nga, họ phải nói với người dân của họ rằng Hoa Kỳ và tất cả NATO đang tham gia vào việc tiêu diệt quân đội và xe tăng của Nga, v.v.”
Khi được hỏi sau đó về khả năng gây hấn của Nga đối với NATO và các đồng minh, ông cho biết Mỹ đã “chuẩn bị cho bất cứ điều gì có thể xảy ra”.
Đầu tiên, chính Putin tung ra luận điệu răn đe hạt nhân khi tuyên bố rằng các lực lượng hạt nhân của Nga đã được đặt ở chế độ báo động cao. Sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov củng cố thêm luận điểm này khi nói rằng “mối nguy hiểm là nghiêm trọng, là có thật, không thể coi thường”.
Bây giờ, cả Vladimir Putin và Sergey Lavrov đều thấy mình ngu. Răn đe hạt nhân của họ đã khiến các Quốc Hội phương Tây chấp thuận nhanh chóng các yêu cầu chi viện cho Ukraine. Vụ chuẩn chi đến 33 tỷ USD là một ví dụ điển hình.
Cả Vladimir Putin và Sergey Lavrov đều không mơ hồ rằng, không chỉ Nga có vũ khí hạt nhân, các quốc gia khác cũng có; và nếu họ bảo quân Nga tấn công hạt nhân, các tướng Nga có làm theo không, để rồi chết cả đám, hay quay súng lại giết chết họ ngay lập tức.
3. Những người bảo vệ Kharkiv nhận được ống nhòm trị giá gần 35.000 EUROS
Theo Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, Lực lượng phòng thủ Kharkiv đã nhận được một lô ống nhòm hiện đại do người dân Síp, Hà Lan và Ba Lan hỗ trợ, cụ thể là 200 ống nhòm trị giá gần 35.000 EUR.
“Cư dân của Síp, Hà Lan và Ba Lan đã trao cho chúng tôi 200 ống nhòm trị giá gần 35.000 euro, được chuyển từ Síp đến Kharkiv cho Tập đoàn quân phía Đông của Vệ binh Quốc gia Ukraine, và Cảnh sát khu vực Kharkiv “
Lô hàng đã được chuyển qua Âu Châu với chi phí của các tình nguyện viên Ba Lan, trong khi ở biên giới với Ukraine, lô hàng đã được các đối tác Ukraine của họ thông qua tổ chức phi lợi nhuận “Kharkiv with You” và “HelpArmy” đưa về Kharkiv.
“Cảm ơn những người bạn thực sự của chúng tôi, một chiếc xe tải lớn đã chuyển những ống nhòm đến Kharkiv, tất cả đều nguyên vẹn và an toàn”
Theo Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, trong số những người khởi xướng nỗ lực hỗ trợ này có một phụ nữ là cô Yulia Staroselska, người địa phương Kharkiv nổi tiếng.
“Nhiều người nhớ cô ấy là Yulia Bezrukava, gương mặt đại diện cho công ty truyền hình Tonis Center độc lập, phi chính phủ đầu tiên của Ukraine. Là ngôi sao của đài truyền hình Kharkiv, cô ấy vẫn đang tham gia thành công trong lĩnh vực báo chí, nhưng cô đang ở Síp, nơi Julia tổ chức các chương trình truyền hình và radio nổi tiếng”
4. Đan Mạch và Thụy Điển cho biết một máy bay do thám của Nga đã vi phạm không phận của họ.
Các quan chức chính quyền cho biết máy bay Nga đã đi vào không phận Đan Mạch vào tối thứ Sáu ở phía đông đảo Bornholm của Đan Mạch trước khi bay vào không phận Thụy Điển.
“Đại sứ Nga sẽ được triệu tập tới Bộ Ngoại giao vào ngày mai,” Ngoại trưởng Đan Mạch, Jeppe Kofod, đã tweet vào Chúa Nhật, đề cập đến một “sự vi phạm mới của Nga đối với không phận Đan Mạch”.
Bộ ngoại giao Thụy Điển cũng cho biết đại sứ Nga sẽ được triệu tập tại Stockholm.
“Có những thủ tục được thiết lập cho loại trường hợp này. Nó liên quan đáng chú ý đến việc triệu tập đại diện của quốc gia có liên quan đến bộ ngoại giao,” Ngoại trưởng Kofod nói.
Kofod nói thêm rằng điều đó là “hoàn toàn không thể chấp nhận được và đặc biệt đáng lo ngại trong tình hình hiện nay”, ám chỉ đến việc Nga xâm lược Ukraine và gia tăng căng thẳng với NATO, trong đó Đan Mạch là một thành viên.
Henrik Mortensen, một sĩ quan báo chí chỉ huy quốc phòng Đan Mạch, nói với AFP hôm Chúa Nhật về vụ việc.
“Đó là một chiếc máy bay trinh sát đã ở trong không phận của chúng tôi trong một khoảnh khắc rất ngắn. Hai chiếc F-16 của Đan Mạch ngay lập tức can thiệp”, Mortensen nói và cho biết thêm rằng những sự việc như vậy rất hiếm.
Đan Mạch là một thành viên của Nato, không giống như Thụy Điển, nơi đang diễn ra cuộc tranh luận về việc liệu nước này có nên từ bỏ tình trạng không liên kết và tham gia liên minh hay không.
Được báo Dagens Nyheter đặt câu hỏi, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển cho biết không có bằng chứng nào cho thấy vụ vi phạm có liên quan đến các cuộc thảo luận hiện tại về việc Stockholm cuối cùng tham gia Nato.
Nga đã phát đi tín hiệu rằng Stockholm và Helsinki nên xem xét hậu quả của động thái gia nhập NATO đối với quan hệ song phương và kiến trúc an ninh tổng thể của Âu Châu.
5. Những kẻ xâm lược Nga liên tục tuyển mộ những kẻ phá hoại mới
Nga liên tục tuyển mộ những kẻ phá hoại mới, do đó những nỗ lực của các cơ quan thực thi pháp luật Ukraine hiện nay là xác định những kẻ như vậy, chặn đứng chúng, ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc.
Cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Rostyslav Smirnov đã đưa ra lập trường trên, trên kênh truyền hình quốc gia, khi trả lời câu hỏi của một phóng viên, rằng có bao nhiêu người ủng hộ “thế giới Nga” hiện đang hoạt động ở Ukraine.
“Tôi không thể nói số lượng chính xác của họ, nhưng tôi chắc rằng có khá nhiều người trong số họ - nhiều người đã bị lộ, nhiều người đang bị theo dõi, và cũng có nhiều người vẫn chưa được xác định. Đó là bởi vì họ được tuyển dụng không ngừng, bị thu hút vì lý do tài chính, vì những động cơ nhất định, có lẽ vì một số lý do ý thức hệ, có lẽ cũng do đe dọa, v.v.”, Smirnov nói.
Ông gợi ý rằng công việc của những người thực thi pháp luật để xác định những cá nhân như vậy sẽ không bao giờ dừng lại, ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc.
“Ngay cả trong giới tinh hoa chính trị của chúng ta và những giới khác, cũng có những kẻ như vậy, chúng ta phải liên tục thực hiện những cuộc thanh trừng này, để bảo đảm rằng chúng ta không có những kẻ phản bội đó. Chúng ta hiểu rất rõ và đã trải qua nhiều vấn đề như vậy trong lịch sử của chúng ta. Chúng ta phải liên tục làm việc về vấn đề này - cả dịch vụ an ninh SBU, Cảnh sát Quốc gia và các cơ quan khác sẽ tham gia vào việc này. Bởi vì sau những gì đã xảy ra, chúng ta không có quyền cho phép kẻ thù cai trị đất nước của chúng tôi”, Smirnov nói.
Vấn đề của Ukraine và nhiều quốc gia khác trong vùng là trong thời kỳ Liên Xô, người Nga không ngừng đưa di dân sang các quốc gia này để tạo ra bất ổn lâu dài.
6. Tại Kherson, thành phố lớn đầu tiên sụp đổ, Nga đang thay thế tiền tệ của Ukraine bằng đồng rúp của Nga.
Theo AFP, Kirill Stremousov, một quản lý dân sự và quân sự của Kherson nói rằng “bắt đầu từ ngày 1 tháng Năm, chúng tôi sẽ chuyển đến khu vực đồng rúp,” theo hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti.
Đây là một chiến thuật để hợp pháp hóa “quyền kiểm soát thành phố và các khu vực xung quanh Nga thông qua việc cài đặt một chính quyền bù nhìn thân Nga”, theo một bản cập nhật tình báo do Bộ Quốc phòng Anh công bố. Bộ Quốc phòng cho biết “động thái này cho thấy ý định của Nga nhằm gây ảnh hưởng chính trị và kinh tế mạnh mẽ ở Kherson trong dài hạn”.
1. Thị trưởng Mariupol cho biết Hội Hồng Thập Tự và Liên Hiệp Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán di tản
Thị trưởng Mariupol Vadim Boichenko cho biết phái bộ của Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự đang đàm phán để bảo đảm việc di tản hàng trăm người dân địa phương bị mắc kẹt trong nhà máy thép Azovstal.
Phát biểu trên kênh truyền hình Ukraine hôm thứ Bảy, ông kêu gọi “tất cả các đối tác quốc tế đoàn kết vì một mục tiêu - cứu mạng người dân địa phương, cứu nhà máy thép và những người dân địa phương hiện đang ẩn náu trong các hầm trú bom Azovstal.”
“Phái bộ của Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự đang đàm phán với Nga. Chúng tôi đang chờ đợi kết quả của các cuộc hội đàm này. Chúng tôi đang chờ xem rằng chúng tôi sẽ có được hành lang này và cứu sống hàng trăm cư dân Mariupol của chúng tôi hay không”
Văn phòng Tổng thống Ukraine hôm thứ Sáu cho biết họ có kế hoạch di tản Azovstal, nhưng các quan chức Ukraine sau đó nói rằng người Nga đã chặn đường vào nhà máy.
Một chỉ huy Ukraine bên trong cơ sở này cho biết tình hình bên trong nhà máy thép Azovstal bị bao vây ở thành phố Mariupol là “vượt xa một thảm họa nhân đạo”.
Serhiy Volyna, thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36, cho biết có hàng trăm người trong công trình thép, trong đó có 60 trẻ em, đứa trẻ nhất mới 4 tháng tuổi.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông cho biết vì cuộc tấn công gần đây của Nga nhằm vào bệnh viện dã chiến của nhà máy, không có thiết bị y tế quan trọng và người dân “có rất ít nước, rất ít thức ăn”.
Volyna nói:
Phòng mổ bị đánh trực diện. Và tất cả các thiết bị phẫu thuật, mọi thứ cần thiết để thực hiện phẫu thuật đã bị phá hủy nên hiện tại, chúng tôi không thể điều trị cho những người bị thương của mình, đặc biệt là những người bị mảnh bom và vết đạn.
Anh ấy nói thêm:
Chúng tôi đang chăm sóc những người bị thương ngay bây giờ bằng bất cứ công cụ nào chúng tôi có. Chúng tôi có quân y viện và họ đang sử dụng mọi kỹ năng có được để chăm sóc những người bị thương. Và hiện tại, chúng tôi không có bất kỳ công cụ phẫu thuật nào nhưng chúng tôi có một số thứ cơ bản. Nhưng chúng tôi cũng đang rất cần thuốc. Chúng tôi hầu như không còn thuốc.
2. Tổ chức Trợ giúp Giáo hội đau khổ khuyến khích Kitô hữu ở lại Li Băng
Tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội đau khổ khuyến khích các tín hữu Kitô Li Băng ở lại quê hương và đừng tìm cách xuất cư ra nước ngoài vì tình trạng kinh tế khó khăn tại nước này.
Mới đây một phái đoàn của Tổ chức bác ái này đã viếng thăm Li Băng để cứu xét tại chỗ các dự án cần tài trợ.
Đức Tổng Giám Mục Joseph Spiteri, Sứ thần Tòa Thánh tại Li Băng, nói với đại diện của tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ rằng người ta nói các tín hữu Kitô ở Li Băng nói chung là những người có trình độ học vấn cao hơn, được chuẩn bị kỹ hơn và có nhiều hơn các thân nhân ở nước ngoài. Vì thế họ dễ dàng xuất cư hơn và tìm được những công việc làm tốt hơn. Vì vậy điều càng quan trọng hơn, đó là đầu tư vào những dự án nhắm khuyến khích các tín hữu Kitô ở lại Li Băng.
Theo Đức Tổng Giám Mục Spiteri, một điểm quan trọng trong các dự án mà Giáo hội cần tài trợ, đó là hỗ trợ các trường Công Giáo. Thông thường nhà nước Li Băng tài trợ một nửa học phí cho các học sinh tại các trường này, nhưng vì tình trạng khủng hoảng kinh tế và chính phủ gần bị phá sản, chính phủ không còn tài trợ học phí cho các học sinh tại các trường Công Giáo nữa. Vì thế, Giáo hội phải tìm kiếm tài trợ cho các trường này, trong đó Giáo hội xin tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ đảm trách việc này. Một nửa còn lại Giáo hội sẽ phải tìm kiếm.
Theo Đức Sứ thần Tòa Thánh, các trường Công Giáo tại Li Băng rất quan trọng vì chúng bảo tồn sự hiện diện của Kitô giáo, giữ cho các gia đình ở lại trong các làng mạc và kiến tạo công ăn việc làm cho các giáo viên và các nhân viên của các trường. Ví dụ, nhờ trợ giúp này các giáo viên nam nữ tại hơn 50 trường Công Giáo được hỗ trợ 300 Mỹ kim mỗi năm học. Vì tình trạng khủng hoảng, số tiền này được dành để nâng đỡ về mặt lương thực, hoặc xăng dầu để di chuyển.
Đức Tổng Giám Mục Spiteri cũng nhận xét rằng: “Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” tài trợ nhiều dự án ở Li Băng, nơi mà tình trạng khủng hoảng kinh tế lên tới mức trầm trọng. “Li Băng khác với tất cả các nước khác ở Trung Đông, không những vì có nhiều Kitô hữu hơn, nhưng còn vì đây là quốc gia duy nhất trong vùng ủng hộ một Hiến pháp dân sự. Điều này càng cho thấy cần hỗ trợ sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại Li Băng.
3. Tiến Sĩ George Weigel: Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Mạc Tư Khoa
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “The Pope And The Patriarch Of Moscow”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Mạc Tư Khoa”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Đức Thánh Cha Phanxicô chắc chắn rất đau buồn trước cuộc tàn sát ở Ukraine. Và khi chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng đại kết của Giáo Hội Công Giáo, Đức Hồng Y Kurt Koch, nói với các nhà báo rằng ngài chia sẻ niềm tin của Đức Giáo Hoàng rằng những lời biện minh tôn giáo dành cho hành vi xâm lược là “báng bổ” — tức là cách sử dụng xấu xa những điều thuộc về Chúa — chúng ta có thể chắc chắn rằng điều này cũng là quan điểm của Đức Phanxicô.
Vậy thì tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô nên gặp Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga, như một số cá nhân và phong trào trong Giáo hội đã từng thúc giục? Kể từ cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2, Kirill đã liên tục đưa ra các biện minh tôn giáo cho cuộc tấn công man rợ của Nga vào Ukraine. Vậy thì Kirill có phải là một kẻ báng bổ không?
Một số người trong số những người cổ vũ cho cuộc gặp gỡ lần thứ hai giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Kirill có khả năng nghĩ mắc chứng “ảo ảnh”. Họ đã tưởng tượng rằng khi hai nhà lãnh đạo tôn giáo gặp nhau trong thời chiến để cầu nguyện cho hòa bình, thì điều đó thể hiện một cách sinh động cho khả năng của người Kitô, nhân danh đức tin Phục sinh và các chuẩn mực đạo đức phổ quát, có thể vượt lên trên lòng căm thù dân tộc và lòng yêu nước. Tuy nhiên, điều đó chỉ là tưởng tượng dựa trên sự nguỵ biện.
Kirill Gundayev bắt đầu sự nghiệp giáo hội của mình tại Hội đồng Giáo Hội Thế giới trong một công việc chỉ được giao cho một người hoàn toàn được tin cậy và có khả năng làm việc với KGB, là cơ quan tình báo bí mật của Liên Xô. Trong những năm làm giáo chủ Chính thống giáo Nga, Kirill đã thúc đẩy một tầm nhìn mở rộng về “thế giới Nga”, làm sai lệch lịch sử Kitô giáo của người Slav phía đông, và cổ vũ cho sự phục hưng chủ nghĩa đế quốc dựa trên chủ nghĩa Sa hoàng và chủ nghĩa Stalin. Kirill cũng là cơ quan ngôn luận trong chiến dịch thông tin sai lệch của Nga, trong đó tuyên bố bạo chúa Vladimir Putin là vị cứu tinh của nền văn minh chống lại sự suy đồi của phương Tây – đó là một lời nói dối đã đánh lừa được quá nhiều người Công Giáo.
Một cuộc gặp gỡ giữa Giám mục đương nhiệm của Rôma và Đức Thượng phụ đương nhiệm của Mạc Tư Khoa sẽ không phải là cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo tôn giáo. Đó sẽ là một cuộc gặp giữa một nhà lãnh đạo tôn giáo và một công cụ quyền lực của nhà nước Nga.
Nhưng, một số có thể nhanh nhẩu trả lời, đó, vấn đề chính là ở chỗ đó. Bằng cách tiếp tục cuộc đối thoại cá nhân với Kirill mà ngài đã mở ra ở Havana vào năm 2015, Đức Phanxicô sẽ trao quyền cho Kirill để có tác động kiềm chế Putin trong khi định vị Vatican là nhà môi giới trung thực trong việc dàn xếp một hòa bình đàm phán ở Ukraine.
Đó cũng là một điều tưởng tượng, ảo ảnh cuộc đời.
Thứ nhất, trong mối quan hệ Putin-Kirill, Thượng Phụ Kirill không có đòn bẩy thực sự. Tổng thống bạo chúa không tìm đến Thượng Phụ để tìm lời khuyên chiến lược, và chắc chắn ông ta cũng không tìm đến ngài Thượng Phụ để hoán cải đạo đức. Ông ta trông đợi Kirill tạo ra vỏ bọc cho mình và hỗ trợ. Là những gì ông ta nhận được.
Thực tế đáng buồn là sự phụ thuộc đối với nhà nước ngăn cản việc lãnh đạo Chính thống giáo Nga nói sự thật với quyền lực Điện Cẩm Linh, hoặc kêu gọi vị sa hoàng thời hậu cộng sản hoán cải. Những gì Kirill và các cộng sự của ông ta (như Tổng Giám Mục Hilarion Alfeyev, chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại) đưa ra là một lời biện minh giả danh tôn giáo cho tham vọng đế quốc của Putin, đồng thời bảo đảm với những người Nga thực hiện các hành động bạo lực khủng khiếp chống lại thường dân rằng, họ là những người yêu nước thực sự, và là những người con của Tổ quốc Nga.
Thứ hai, ý tưởng về Vatican là nhà môi giới trung thực toàn cầu dựa trên một quan niệm sai lầm về cách Tòa thánh có thể gây ảnh hưởng trong thế giới ở thế kỷ 21. Vatican ngày nay không phải là Quốc gia của Đức Giáo Hoàng đầu thế kỷ 19: một cường quốc Âu Châu cấp ba vẫn sử dụng đòn bẩy tại các sự kiện như Đại hội Vienna năm 1814–1815. Quốc gia Đức Giáo Hoàng không còn tồn tại, và thế giới của Metternich, Castlereagh, và Hồng Y Ercole Consalvi, bộ trưởng ngoại giao tài giỏi và hiệu quả của Đức Giáo Hoàng Pius Đệ Thất cũng không còn.
Tuy nhiên, như Đức Gioan Phaolô II đã chứng minh, Tòa Thánh có quyền lực trong thế giới ngày nay: quyền lực của chứng nhân đạo đức, bắt đầu bằng cách gọi mọi thứ bằng đúng tên của chúng. Bài bình luận của Vatican trong cuộc chiến Ukraine vào tháng thứ hai đã sử dụng một từ vựng chân thực hơn những gì được hiển thị trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến. Tuy nhiên, kể từ Lễ Phục sinh, tiếng nói của Đức Giáo Hoàng và Vatican vẫn là tiếng than thở hơn là tiếng nói tiên tri tố cáo hành vi xâm lược và chỉ đích danh kẻ xâm lược. Lỗ hổng đó được kết hợp bởi những lời lẽ thiếu thận trọng gợi ý rằng không có cuộc chiến tranh nào là hợp pháp về mặt đạo đức, điều này không đúng với việc Ukraine bảo vệ lãnh thổ của mình và về sự chuyển đổi văn hóa và chính trị của đất nước bắt đầu với cuộc Cách mạng Nhân phẩm Maidan ở Kyiv vào hai năm 2013 và 2014.
Bằng việc tàn sát dã man những người vô tội ở Bucha, ở Mariupol, và trên khắp Ukraine, Vladimir Putin đã tự bêu xấu mình bằng dấu ấn của Cain. Kirill đã cố gắng che đậy dấu ấn đó. Việc Giám mục Rôma đã gặp Kirill như thể ông Thượng Phụ người Nga này là một nhà lãnh đạo tôn giáo thực sự sẽ khiến những người Ukraine theo Công Giáo và Chính thống giáo thất vọng một cách cay đắng, những người sẽ coi đó là một sự phản bội một cách vô lý; nó sẽ làm cạn kiệt vốn đạo đức của Tòa thánh trong các vấn đề thế giới; và nó sẽ không đóng góp gì cho hòa bình.
Source:First Things