Ngày 04-05-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Phục sinh 5/5/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
02:01 04/05/2019
Bài Ðọc I: Cv 5, 27b-32. 40b-41

"Chúng tôi là chứng nhân các lời đó cùng với Thánh Thần".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, thầy thượng tế hỏi các tông đồ rằng: "Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?" Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Ðức Giêsu sống lại, Ðấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Ðấng Cứu Ðộ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người!" Họ ra lệnh đánh đòn các tông đồ và tuyệt đối cấm không được nhân danh Ðức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Ðức Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5 và 6. 11 và 12a và 13b

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ.

Xướng: Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ.

Xướng: Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời.

Bài Ðọc II: Kh 5, 11-14

"Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, ...vinh quang và lời chúc tụng".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan, đã thấy và nghe tiếng các thiên thần đông đảo vòng quanh ngai vàng, tiếng các sinh vật và các vị kỳ lão; số họ đông hằng ngàn hằng vạn, họ lớn tiếng tung hô rằng: "Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quý, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng". Tôi lại nghe mọi thọ tạo trên trời, trên đất, dưới đất, trên biển và dưới biển, tung hô rằng: "Chúc Ðấng ngự trên ngai và chúc Chiên Con được ca tụng, danh dự, vinh quang, quyền năng đến muôn đời". Bốn sinh vật thưa: "Amen", và hai mươi bốn vị kỳ lão sấp mặt xuống và thờ lạy Ðấng hằng sống muôn đời.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 21, 1-14 {hoặc 1-19}

"Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: "Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông". Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.

Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi "Ông là ai?", vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

[Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người lại hỏi: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người hỏi ông lần thứ ba: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến". Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: "Con hãy theo Thầy".]

Ðó là lời Chúa.
 
Chăm lo chứng tỏ tình yêu
Lm. Nguyễn Xuân Trường
07:06 04/05/2019
Chúa phục sinh luôn đem niềm vui ngỡ ngàng cho các môn đệ.

Phúc Âm tuần này kể chuyện giữa lúc các môn đệ đang thất vọng, chán nản, buồn bã vì hì hục suốt đêm đánh cá mà chẳng được con nào, thì Chúa đã cho các ông một mẻ lưới đầy cá. Chúa chăm lo công việc cho môn đệ. Còn gì vui hơn khi công việc đang thất bại thảm hại thì thành công lại tới.

Thêm vào đó, Chúa chăm lo bữa ăn cho môn đệ. Đúng lúc các ông đang mệt mỏi, đói khát vì vất vả đánh cá cả đêm ngoài biển, khi vào bờ, Chúa khiến các môn đệ vui đến ngỡ ngàng khi Ngài đã chuẩn bị sẵn bánh nướng, cá nướng cho các ông ăn. Oh, what a nice surprise! Chăm lo chứng tỏ tình yêu. Thế nên, khi Phêrô nói yêu mến Chúa, thì Chúa liền bảo ông hãy chăm lo đoàn chiên Chúa.

Ngày hôm nay, Chúa Phục Sinh vẫn tiếp tục chăm lo cho chúng ta có những niềm vui ngỡ ngàng.

Điều quan trọng là: Ngay giữa những gian nan, mệt mỏi, thất bại, chúng ta có tin tưởng là Chúa vẫn đang hiện diện chăm lo cho chúng ta; chúng ta có sẵn sàng vâng nghe lời Chúa hướng dẫn như các môn đệ đã vâng lời Chúa thả lưới hay không mà thôi.

Đặc biệt là, Chúa Giêsu phục sinh vẫn đang hiện diện chăm lo bữa ăn cho chúng ta trong mọi Thánh lễ.

Khi tham dự Thánh lễ là lúc chúng ta đi dự tiệc: bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể.

Chúa không chỉ cho chúng ta ăn bánh và cá, nhưng Ngài cho chúng ta ăn chính Lời Chúa và Mình Chúa.

Thế thì, ước mong sao chúng ta đi dự lễ cũng hân hoan như đi dự tiệc. Để rồi, thay vì mệt mỏi nói phải đi lễ, thì chúng ta hân hoan nói được đi lễ. Amen.
 
Chúa nhật 3 PS: Đúng tần số
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
09:14 04/05/2019
Một số người trong chúng ta, thời chưa có internet, đã hơn một lần giơ tay vặn nút dò đài trên chiếc Radio. Rà tới chỗ 19m, 25m, 31m, 41m… quay đi quay lại cũng ngần ấy làn sóng. Nhất là làn sóng 31m. Nhưng mà rà tới đó rồi còn phải xê đi xích lại đôi chút (fine tuning) mới bắt được đúng đài mà mình muốn. Bởi lẽ cũng 31m đó, nhưng có biết bao nhiêu là đài: VN, BBC, VOA, Úc,… Mỗi đài trên làn sóng 31m đó có một tần số riêng, ví dụ : Hà Nội 31m 10.060KHz, VOA 31m 9890KHz, BBC 31m 9605KHz… (Những máy thu thanh nào có bộ rà đài bằng tần số, thì chỉ cần bấm nút : td. 10060 là ra ngay đài HN). Vì thế chúng ta hay nghe thông báo : "Chương trình chúng tôi được phát trên làn sóng 31m, tức là 9710 kilo chu kỳ." Phải đúng tần số thì mới bắt được đài mà ta cần.
Máy thu hình cũng vậy. Mỗi kênh có một tần số hình, tần số tiếng riêng. Rà đúng là hình rõ, tiếng trong. Rà lệch là hình mờ tiếng đục.
Chúa Giêsu chịu chết tại Giêrusalem, khi sống lại, Ngài hiện ra với các môn đệ cũng tại Giêrusalem, phía nam Palestina. Nhưng có một lần hiện ra với chị Maria Mađalêna tại Gierusalem, Chúa Giêsu nhờ chị đi báo với các môn đệ là hãy trở về Galilê, họ sẽ được gặp Chúa tại đó. Từ Giêrusalem về lại Galilê, chặng đường hơn trăm cây số, có lẽ phải ba ngày đường mới trở về đó được. Họ đã về "để gặp Chúa."
Trong khi chờ gặp Thầy mình hiện ra, họ rủ nhau đi đánh cá : 7 người tất cả: Phêrô, Toma, Natanael, 2 người con của Zebeđê : Gioan và Giacôbê, và hai môn đệ khác… Họ thức trắng đêm mà vẫn trắng tay : đêm ấy họ không bắt được gì cả. Sáng ra khi đã có thể nhận biết được người và thuyền, chứ không phải còn mờ mờ tối tối nữa, Chúa Giêsu hiện ra. Nhưng không ai nhận ra Chúa, mặc dầu họ từ Gierusalem trở về Galilê là "để gặp Chúa." Nói theo ví dụ trong phần mở đề, thì họ đã cố ý tiến đến làn sóng 31m, nhưng vẫn chưa “tinh chỉnh” cho đúng tần số để có thể bắt gặp được Chúa. Họ chỉ mới “thấy” Giêsu đứng trên bờ, như một chàng thanh niên nào đó. Chúa Giêsu gợi ý để họ bắt đúng tần số. Ngài phát tín hiệu:
“Các chú có gì ăn không ?” Ngôn ngữ miền biển có nghĩa là có đánh được con cá nào không ? Họ trả lời “không”. Chán nản, mệt mỏi, vẫn chưa nhận đúng tần số. Chúa lại phát tín hiệu mới như là một lệnh: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền, anh em sẽ bắt được cá !”
Bên phải và bên trái thì khác gì đâu. Nhưng giống như một mật hiệu, khi cá thu được nhiều, Gioan (chúng ta tạm xem Gioan là người môn đệ Chúa yêu, như truyền thuyết xưa nay), Gioan nhận đúng tần số và báo liền cho Phêrô : “Chúa đó.” Còn các môn đệ khác, kéo lưới lên bờ đếm được 153 con cá to, lưới không rách, lại thấy than hồng có cá đang nướng bên trên, cộng thêm ít bánh bên cạnh, kèm theo lời mời nghe rất quen của Chúa: “anh em hãy đến mà ăn,” họ mới thật sự là rà đúng tần số. Không ai dám hỏi Người là ai, vì các ông lúc đó biết rằng chính là Chúa.
Do đâu Gioan nhận ra được ngay chính Chúa đó (rà đúng tần số nhanh nhất) ? Thưa :
1) Do Gioan có lòng trong sạch. Phúc thứ 6 trong Bát Phúc : Phúc cho ai có lòng trong sạch vì họ sẽ được "nhìn thấy Chúa." Những tâm hồn trong sạch, nhìn thấy Chúa nhanh hơn vì con mắt họ trong sáng. Có người còn nói mạnh, vì Gioan theo truyền thống là tông đồ duy nhất không lập gia đình, ở độc thân, giữ đức trong sạch, nên ông dễ nhận ra Chúa hơn các tông đồ khác. Nhưng lý do này không đủ mạnh cho bằng :
2) Do Gioan yêu Chúa và được Chúa yêu.
Gioan được kèm theo biệt hiệu “kẻ Chúa yêu”. Trước khi nhận ra “chính Chúa đó” và thông báo cho Phêrô, thì biệt hiệu “Kẻ Chúa yêu” được sách Tin Mừng nhấn mạnh: “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với Phêrô: Chúa đó.”
Từ trái tim đi tới trái tim là con đường nhanh nhất. Khi hai tim cùng rung một nhịp, một tần số, thì dù cách xa nghìn trùng cũng “thấy nhau”. Hoàng thi Thơ có làm bài hát “Khi tình yêu đến” với những lời lẽ thật ý nghĩa này: “Khi tình yêu tình yêu tới, tuy có đông người, đôi mắt đôi mắt ta buồn cười, một người ta thấy thôi.” Cả một rừng người, chỉ thấy có một mình "ên" em !
Chính tình yêu đã mở mắt cho Gioan và giúp Gioan thấy được cái mà người khác không thấy.
có thể bỏ
[Người ta nói rằng tình yêu là một năng lực diệu kỳ, làm cho người ta mạnh thêm, có thêm nhiều nghị lực để vượt qua những chướng ngại, chịu đựng những hy sinh và cuộc sống thêm lạc quan.
Điều này thật ra rất bình thường chẳng có gì khó hiểu. Chúng ta thử điểm lại một số kinh nghiệm trong cuộc sống của mình xem. Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau ? Thích chở nhau đi chơi ? Thích lặn lội mưa nắng đến tìm nhau ?
Nếu không yêu thì đem số tiền dành dụm mua một món quà đưa cho người khác, quả là dại ! Nếu không yêu thì gò lưng đạp xe chở người ta đi chơi thì quả là ngu ! Nếu không yêu mà lặn lội mưa nắng đi tìm người ta thì quả là khờ !
Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi khác : Tặng quà là một niềm vui, được chở người ta là một sung sướng, lặn lội mưa nắng tìm đến nhau là bằng chứng của cả một tấm lòng thiết tha ! Cho nên thánh Augustinô đã nói rất đúng : “Ubi amatur, non laboratur”: khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc.
Đối với Chúa cũng thế. Nếu ta không yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, vác thập giá là một cực hình. Còn nếu ta yêu Chúa nhiều thì đương nhiên ta thích cầu nguyện, thì đương nhiên ta ham đến nhà thờ, thì đương nhiên ta sẵn sàng vác những thánh giá hy sinh Chúa gởi đến hàng ngày. Cho nên muốn sống đạo tốt thì cần thiết phải có lòng yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa nhiều thì hăng say sống đạo tích cực, yêu mến Chúa ít thì ít hăng hái tích cực hơn, và nếu không yêu mến Chúa thì đạo trở thành gánh nặng, và làm những bổn phận trong đạo không khác nào con trâu kéo cày.]

Trong bài Tin mừng, Chúa dọn sẵn cá, bánh, là một cách thức biểu lộ tình thương. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Ai sống cũng trong tình yêu thì nhận ra ngay được tình yêu.
Chính Phê-rô, cuối bài Tin Mừng (bài dài) cũng được thử thách bằng 3 câu hỏi: Có yêu mến Chúa không ?
Một nhà kinh doanh ở Chicago có một môn giải trí vui vui, là cứ cuối tuần, ông chọn 5, 7 em bé của các gia đình nghèo, cho các em bộ đồ mới, dẫn các em đi công viên giải trí rồi đi ăn. Cứ vậy, tuần này qua tuần kia. Một hôm, sau bữa ăn khá ngon, một em bé 8 tuổi chỉ vào nhà kinh doanh và nói : “Thưa ông, ông là Giêsu.” Em bé này nói câu như Gioan nói với Phêrô : “Chính Chúa đó.”
Những ai làm ơn lành cho ta, có lẽ ta dễ nhận ra ”chính Chúa đó”.
Nhưng Chúa Giêsu không chỉ ở nơi những ân nhân, Ngài còn ở nơi cộng đoàn, nơi người linh mục, nơi Thánh Thể, và nhất là nơi những người cùng khổ.
Đó là những cách hiện diện của Chúa, những hiện thân của Ngài. Nhiều người trong chúng ta dư “biết” điều đó, nhưng chúng ta không dễ gì nhận ra (thấy) Ngài : như chúng ta biết làn sóng 31m đó… nhưng không thấy Ngài, vì tần số yêu thương ta chưa rà tới. Nói khác đi, ta chưa thật sự sống yêu thương nên không dễ gì nhận ra Chúa.
Phải sống thế nào như một nữ tu tập sự của Mẹ Têrêxa Calcutta : Sau khi chăm sóc cho một người nghèo khổ hấp hối, trở về báo cáo với Mẹ: "Thưa Mẹ, hôm nay con đã đụng tới thân thể Đức Kitô."
Chúng ta cũng phải yêu Chúa và nhất là yêu người để nhận ra ngay đó là Chúa ("chính Chúa đó") mà chúng ta yêu mến. ĐGH Phanxicô khi đi thăm những người tàn tật, đã nói : anh chị em là xác thịt của Chúa Kitô ! “Chính Chúa đó !”

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Lao động
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
18:28 04/05/2019
Tháng Năm với những ngày nắng gay gắt, nóng như nung vẫn chưa vơi. Những cơn mưa chờ đợi vẫn chưa thấy tới và tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Thời tiết đã thực sự gây khó khăn cho cuộc sống và sản xuất của những người lao động, đặc biệt là những người phải làm việc nhiều dưới ánh mặt trời. Biết thế nhưng ngày ngày người ta vẫn phải gồng mình lao động đổ mồ hôi để biến đổi các vật chất tự nhiên thành của cải vật chất cần thiết cho cuộc sống của mình.

Nhiều quốc gia đã đồng tình dành ngày đầu tiên của tháng Năm làm ngày Quốc Tế lao động để tỏ lòng biết ơn và tôn vinh những người lao động. Giáo Hội Công Giáo cũng luôn đòi hỏi và đề cao công bình xã hội cho giới lao động. Năm 1955, Đức Thánh Cha Piô XII đã tuyên bố quan điểm của người Công Giáo về ngày Lễ Lao Động, và tuyên xưng Thánh Giuse Lao Động là Ðấng Bảo Trợ giới lao động thợ thuyền.

Theo Tin Mừng, Thánh Giuse sống ở Nagiarét, làm nghề thợ mộc để nuôi sống bản thân và phụ giúp Đức Maria nuôi dưỡng Đức Giêsu. Trong bối cảnh gia đình Nagiarét, việc lao động của thánh Giuse đã nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Bởi vì việc Chúa Giêsu nhập thể làm người cũng cần có những nhu cầu vật chất như bao con người.

Thiên Chúa đã muốn con người cùng lao động trong chương trình sáng tạo của Người. Sau khi thiết lập vũ trụ, Người cho con người quyền làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất với lời chúc lành sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất (x. St 1,28). Và trước khi con người sa ngã, “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.” (St 2,15).

Nhưng cũng giống như nguyên tổ loài người xưa kiêu ngạo, muốn làm cho mình được tinh khôn nên đã ăn trái cấm vì vậy con cháu đã phải cực nhọc đổ mồ hôi trán mọi ngày trong đời mới kiếm được miếng cơm manh áo (x. St 3,17-19). Có một thời, người ta quá đề cao một vài thành tựu có được do sức lao động và khoa học kỹ thuật với những tên gọi, khẩu hiệu cao ngạo đại loại như “bình trị thiên, có sức người sỏi đá cũng thành cơm …”. Đành rằng lao động là vinh quang, nhưng đằng sau cái vinh quang đó là biết bao gian khổ nhọc nhằn đầy ắp những giọt mồ hôi nước mắt, có khi là máu và thậm chí là mạng sống con người.
Kinh Thánh cũng rất nghiêm khắc với sự ở không, biếng nhác lao động. Kẻ lười biếng sẽ không có gì để ăn và có nguy cơ chết đói (x. Cn 13,4 và 21,25), thánh Phaolô cũng không ngần ngại nói thẳng với những người ngán ngẩm lao động: “ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Th 3,10). Với dân tộc Việt Nam, cha ông ta cũng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm thực tiễn để lại trong kho tàng ca dao: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” hoặc “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”.

Trong xã hội, mỗi người đều phải có nghĩa vụ đóng góp những sản phẩm do công sức lao động của mình làm ra vì một mình ta không thể đáp ứng được tất cả những nhu cầu của bản thân. Hưởng dùng của cải vật chất do công lao của người khác làm ra là ta đã mắc nợ và đến lượt ta phải trả nợ với đời. Nhưng từ xưa đến nay (và có lẽ mai sau) vẫn còn có những kẻ “không gieo mà gặt, ngồi mát ăn bát vàng …”. Trên các trang báo, truyền hình và các phương tiện truyền thông người ta đã đưa lên nhiều thủ đoạn tinh ranh, xảo quyệt nhằm chiếm đoạt tài sản, của cải vật chất của người khác.

Bên cạnh đó, một vấn đề vẫn gây nhức nhối cho xã hội hiện nay là thực trạng lao động nhiều nhưng việc làm phù hợp thì ít. Năm nào cứ đến mùa tuyển sinh, tốt nghiệp thì người ta lại khơi lên những con số không ít các lao động trẻ với những tấm bằng tốt nghiệp trong tay không tìm được việc làm hoặc phải làm những việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Và cái vòng lẩn quẩn ấy cứ thế xoay đều, không có việc làm thì “nhàn cư vi bất thiện, đói bụng đầu gối phải bò” bằng mọi cách!

Chắc hẳn Đức Giêsu cũng đã phải vất vả phụ giúp và tiếp nối công việc của cha Giuse để lo việc kinh tế trong gia đình với Mẹ Maria. Nhưng Người đã nâng lao động lên tầm giá trị cao hơn khi tuyên bố với đám đông dân chúng đi tìm Người sau khi được ăn bánh no nê: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận." (Ga 6,27).

Trong ngày Quốc Tế lao động và khai mạc tháng hoa kính Đức Mẹ, chúng ta hãy cầu nguyện và noi gương bắt chước Thánh Giuse cùng Mẹ Maria trong gia đình Nagiarét xưa: sống và lao động theo đúng ý nghĩa là góp phần làm vinh quang cho Thiên Chúa qua sự sáng tạo vũ trụ, con người.

Xin cho mọi người lao động không chỉ làm một cách máy móc, chiếu lệ, qua loa cho mau hết giờ để kiếm nhiều lợi ích, tiền của cho bản thân; nhưng mang một ý nghĩa cứu độ và phục vụ, lao động theo lời mời gọi của Thiên Chúa.
Xin cầu nguyện cho mọi người lao động đều có công ăn việc làm xứng đáng với địa vị và khả năng của mình để làm vơi bớt đi những bất công và gánh nặng cho xã hội. Xin cho mọi thành quả lao động của con người được như của lễ đẹp lòng dâng lên Chúa với lòng biết ơn cảm mến chân thành.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
18:53 04/05/2019
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh

3. Lạy Chúa, “Chúa muốn con làm gì ?” Hãy xem, đó mới là dấu hiệu của đức hoàn thiện. (Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
18:58 04/05/2019
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

THUÊ CON VE SẦU TỐT HƠN

Có một phú ông, đối xử rất hà khắc bạc ác với đầy tớ, từ trước đến nay chưa cho họ ăn no mặc ấm.

Một hôm, lão ta uống rượu ngâm thơ trong vườn, biết trên cây có tiêng kêu, nên đầy tớ hỏi lão ta:

- “Lão gia, cái gì kêu trên cây vậy ?”

Chủ nhân không thèm suy nghĩ nói:

- “Vậy mà cũng không biết à, con ve sầu đấy !”

Hỏi:

- “Ve sầu ăn gì ?”

Trả lời:

- “Ăn gió uống sương”.

Lại hỏi:

- “Ve sầu có mặc áo quần không ?”

Đáp:

- “Không mặc được”.

Đầy tớ hỏi tiếp:

- “Quá tốt, nên để cho con ve sầu đến hầu hạ lão gia thì có thể tiết kiệm được tiền hơn là thuê chúng tôi vậy !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 5:

Ngày xưa cũng như ngày nay đều có những ông chủ bạc ác khi đối xử với các đầy tớ, họ đối xử bạc ác là vì họ coi đồng tiền bỏ ra to hơn cái tình đồng loại giữa người với nhau.

Con người ta dù là người giàu sang hay nghèo khổ, dù là người có địa vị cao hay không có địa vị thì cũng đều là con người, cho nên cần phải đối xử với nhau theo lẽ công bằng và bác ái của Tin Mừng...

Cũng có những người Ki-tô hữu xử sự theo Tin Mừng như thế với đầy tớ của mình, nên đã có những người đầy tớ trở thành người Ki-tô hữu vì ông bà chủ đối xử nhân ái với họ, họ đối xử với người làm công trong tình bác ái, vì họ hiểu rằng, trong Chúa Ki-tô tất cả mọi người đều là anh em chị em với nhau.

Không có con người hèn và con người sang bởi vì tất cả đều được Thiên Chúa dựng nên từ bùn đất, cái hèn và cái sang đều ở nơi nhân cách của mỗi con người mà ra.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 3 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
19:02 04/05/2019
Chúa Nhật 3 PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 21, 1-19

“Đức Đức Chúa Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các môn đệ; rồi cá, Ngài cũng làm như vậy”.

Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su đã sống lại, đó là niềm tin của chúng ta và đó cũng là một thách đố cho nhân loại ngày xưa cũng như ngày hôm nay, Ngài đã sống lại và đang hiện diện với bạn và tôi trong thánh lễ này trên bàn thờ, khi chúng ta cùng nhau ăn Thịt và uống Máu của Ngài, và đó là dấu hiệu để chúng ta nhận ra chúng ta đều là anh chị em với nhau trong Ngài. Trong niềm xác tín ấy tôi xin chia sẻ với bạn hai điểm sau đây:

1. Bẻ bánh là tuyên xưng Đức Chúa Ki-tô đã sống lại.

Thánh lễ được lập lại mỗi giây mỗi phút trên khắp thế giới, nghĩa là nơi đâu có linh mục công giáo thì ở đó đều có thánh lễ, đó là một bằng chứng cho thấy Đức Chúa Giê-su đã sống lại cách sống động nhất mà Giáo Hội luôn đề cao và mời gọi các tín hữu sốt sắng tham dự thánh lễ.

Nơi thánh lễ linh mục làm lại cử chỉ mà Đức Chúa Giê-su thường làm với các Tông Đồ đó là cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông ăn. Cử chỉ này Đức Chúa Giê-su đã làm trước khi chịu chết, và Ngài vẫn làm sau khi từ cõi chết sống lại, và sẽ được Giáo Hội của Ngài –Giáo Hội Công Giáo- tiếp tục làm (bẻ bánh) cho đến ngày Ngài lại đến trong vinh quang, đó là hiến tế tạ ơn –thánh lễ-.

Đức Chúa Giê-su đã sống lại, và tấm bánh mà chúng ta ăn chính là Mình Thánh sống động của Ngài, vì sống động, nên trở thành động lực thúc đẩy những ai ăn và uống Mình Máu Thánh ấy phải trở nên những công cụ sống động phục vụ tha nhân, theo ý muốn của Đấng đã từ cõi chết sống lại là yêu thương và phục vụ lẫn nhau, như Ngài đã rửa chân phục vụ các môn đệ của mình.



2. Phục vụ là tuyên xưng Đức Chúa Ki-tô đã sống lại.

Đức Chúa Giê-su đã sống lại, Ngài nướng bánh và cá để phục vụ bữa ăn cho các môn đệ sau một đêm đánh cá mệt mỏi, Ngài tuy là Thầy và là Chúa, nhưng Ngài đã phục vụ trong cung cách là người bạn chí thiết của các môn đệ: bình dị và đầy yêu thương.

Ở đời có nhiều cách phục vụ: người bán hàng phục vụ khách hàng là vì để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, họ phục vụ không phải vì yêu thương khách hàng nhưng là vì túi tiền của họ; bác sĩ khám bệnh chăm sóc bệnh nhân với cung cách là nghề bác sĩ; nhà giàu bố thí cho người nghèo khi có dịp lễ hay vận động làm việc từ thiện; các “cò mối” phục vụ khách hàng.v.v... đều là những người vì mình chứ không vì người...

Người Ki-tô hữu có nhiều cách để tuyên xưng Đức Chúa Giê-su sống lại, nhưng cách hữu hiệu nhất là vì tha nhân và vì anh em mà phục vụ như Đức Chúa Giê-su đã làm, bởi vì không một xác chết nào biết phục vụ, nhưng phải là người đang sống mới biết phục vụ người khác. Đức Chúa Giê-su đã chết và đã sống lại, nghĩa là Ngài vẫn đang sống nên Ngài phục vụ trong chúng ta, và qua chúng ta mà mọi người nhận biết yêu mến và kính thờ Ngài...

Bạn thân mến,

Trong giáo xứ của tôi đang phát động chương trình “giờ kinh tối trong các gia đình” trong năm Đức Tin này, đây là một nổ lực lớn để cho mỗi người Ki-tô hữu và đặc biệt là mỗi người trong giáo xứ ý thức về sứ mạng tông đồ của mình.

Từ trong gia đình cha mẹ và con cái “truyền giáo” cho nhau, bằng cách phục vụ lẫn nhau như Đức Chúa Giê-su đã rửa chân phục vụ cho các tông đồ của mình.

Bẻ bánh và phục vụ là hai điều kiện tiên quyết để mọi người nhận ra Đức Chúa Giê-su phục sinh, đang sống động trong công việc hàng ngày của bạn và tôi, do đó mà chúng ta cần có một tâm hồn biết đặt phục vụ lên trên mọi nguyên tắc, để ưu tiên phục vụ những người cần phục vụ, nhất là những người bất hạnh trong xã hội hôm nay.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

---------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khôi hài ngoạn mục của lịch sử: Đức Giáo Hoàng thăm quốc gia đã từng mưu sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Đặng Tự Do
08:10 04/05/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tờ báo Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, của Ý, cho biết các tài liệu được phục hồi từ các cơ quan tình báo Đông Đức cũ xác nhận mưu toan ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1981 là do KGB Liên Xô ra lệnh và giao cho đặc vụ KDS của Bảo Gia Lợi thực hiện, trong khi mật vụ Stasi của Đông Đức được giao nhiệm vụ phối hợp các hoạt động và xóa bỏ mọi dấu vết sau đó.

Vụ ám sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã diễn ra vào ngày Thứ Tư, 13 tháng Năm năm 1981, tại quảng trường Thánh Phêrô. Vị Giáo hoàng Ba Lan đã bị tên Mehmet Ali Ağca bắn bốn phát. Ngài bị thương và bị mất máu nghiêm trọng.

Bắt đầu vào tháng 8 năm 1980, Ağca, dưới bí danh Vilperi, bắt đầu qua lại khu vực Địa Trung Hải, thay đổi hộ chiếu và danh tính thường xuyên, có thể để che giấu điểm xuất phát của mình ở Sofia, Bảo Gia Lợi. Hắn vào đến Rôma ngày 10 tháng 5 năm 1981, bằng tàu điện từ Milan.

Theo lời khai của Ağca trước các cơ quan an ninh Italia, hắn ta đã gặp ba tên đồng bọn nữa tại Rome, một người Thổ Nhĩ Kỳ và hai người Bảo Gia Lợi, trong một chiến dịch được chỉ huy bởi Zilo Vassilev, tùy viên quân sự tòa đại sứ Bảo Gia Lợi ở Ý.

Theo kế hoạch, hắn ta là người chủ chốt, bên cạnh đó còn một tay súng dự phòng nữa là Oral Çelik. Hắn ta sẽ nổ súng trước vào Đức Giáo Hoàng, và nếu không thành công, Oral Çelik sẽ bắn tiếp và nếu cần thì cho nổ bom. Sau đó, cả hai tên trà trộn vào đám đông đang hỗn loạn và trốn vào Đại sứ quán Bảo Gia Lợi.

Vào ngày định mệnh 13 tháng 5, 1981, hai tên ngồi trong quảng trường, làm bộ viết bưu thiếp trong khi chờ Đức Giáo Hoàng đến. Khi Đức Giáo Hoàng đứng trên một chiếc xe Fiat mui trần đi qua ngang, vây quanh bởi một đám đông những người ủng hộ và yêu mến ngài, Ağca đã bắn bốn phát và làm ngài bị thương nặng.

Cả bốn viên đạn đều bắn trúng Đức Giáo Hoàng. Hai viên trúng phía ruột dưới của ngài trong khi hai viên còn lại đánh vào ngón trỏ và cánh tay phải của ngài và cũng làm bị thương hai người ngoài cuộc là Ann Odre, ở Buffalo, New York, bị đánh vào ngực; và Rose Hall bị thương nhẹ ở cánh tay. Đức Giáo Hoàng ngay lập tức được đưa đến bệnh viện.

Một nữ tu đứng gần đó chứng kiến tất cả hành động của tên Ağca chỉ thẳng vào mặt hắn và la lên: “Hắn là thằng vừa bắn Đức Giáo Hoàng.”

Hắn quăng khẩu súng xuống đất bỏ chạy vào đám đông đang hỗn loạn, nhưng bà sơ can đảm nhất quyết không tha vừa chạy theo sau lưng vừa la làng: “Hắn là thằng vừa bắn Đức Giáo Hoàng.”

Nhiều người can đảm chạy theo người nữ tu can đảm và phụ với ông Camillo Cibin, là vệ sĩ của Đức Giáo Hoàng, và là tổng thanh tra trong đoàn Hiến Binh Vatican quật ngã hắn xuống.

Thấy không xong, tên đồng bọn Çelik hoảng loạn bỏ chạy không dám nổ súng và cũng chẳng dám ném bom.

Ngày Đức Gioan Phaolô II bị bắn cũng là ngày kỷ niệm một trong những sự kiện quan trọng nhất trong thế kỷ 20 – đó là ngày Đức Mẹ bắt đầu hiện ra ở Fatima, Bồ Đào Nha năm 1917. Ngài tin rằng Đức Mẹ đã can thiệp và cứu mình trong vụ ám sát nên đã đến Fatima 3 lần tạ ơn Đức Mẹ cũng như phong Chân Phước cho 2 trẻ mục đồng đã được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra.

Địa điểm xảy ra vụ nổ súng được đánh dấu bằng một bia nhỏ có hình huy hiệu Giáo Hoàng của Gioan Phaolô II và ngày tháng xảy ra biến cố này được ghi bằng chữ số La Mã.

Chiếc Fiat mà Đức Giáo Hoàng di chuyển khi xảy ra vụ ám sát hiện đang ở trong viện Bảo tàng Vatican.

Aqca bị tòa án Ý bắt giữ ngay lập tức và sau đó bị kết án chung thân. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tha thứ cho Ağca. Ngài cũng xin Tổng thống Ý Carlo Azeglio Ciampi ân xá cho y. Hắn bị trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Sáu năm 2000.

Ngày hôm nay, 5 tháng Năm, 2019, gần đúng 39 năm sau, một vị Giáo Hoàng đang đến thăm đất nước đã từng mưu sát vị tiền nhiệm của ngài. Lịch sử quả là có biết bao những điều thật bất ngờ.


Source:Corriere della Sera
 
Đức Thánh Cha mang lại hòa bình, thống nhất cho nước Bulgaria và Bắc Macedonia
Thanh Quảng sdb
19:05 04/05/2019
Đức Thánh Cha mang lại hòa bình, thống nhất cho nước Bulgaria và Bắc Macedonia

Tổng trưởng Ngoại giao của Tòa thánh Vatican là ĐHY Pietro Parolin cho hay chuyến tông du hải ngoại lần thứ 29 của ĐTC, đưa ngài đến Bulgaria và Bắc Macedonia từ ngày 5 đến 7 tháng 5 năm 2019. Đức Hồng Y Parolin đã nhìn vào logo và phương châm của chuyến tông du này với chủ đề là “Pacem in Terris” - Hòa bình trên Trái đất – một chủ đề của thánh giáo hoàng Gioan XXIII, vị giáo hoàng đầu tiên và Đại diện thánh Phêrô đặt chân đến các vùng đất này.
Đức Hồng Y giải thích: ĐTC sẽ là sứ giả của hòa bình, là chứng nhân của Chúa Kitô Phục sinh, vì chúng ta đang trong mùa Phục sinh, chúng ta nhớ đến sự hiện ra của Chúa Giêsu Phục sinh cho các môn đệ của mình, lời chào đầu tiên của Ngài là “Bình an cho anh em”.
ĐHY Parolin dẫn giải thêm rằng chủ đề hòa bình, vốn là trọng tâm của thánh giáo hoàng Gioan XXIII, sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô xử dụng lại trong cùng một tâm tình mà thánh giáo hoàng XXIII đã thực hiện là: xây đắp tình huynh đệ, lòng nhân từ dịu hiền, gặp gỡ tha nhân, làm nổi bật những nỗ lực hợp nhất vượt lên những gì gây chia rẽ!
Những đặc điểm tuyệt vời này của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã thực hiện ngay từ thời điểm ngài còn là Khâm sứ Tòa thánh ở Bulgaria; ĐHY tin rằng xuyên suốt qua dòng lịch sử này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp nối điều này trong cuộc tông du này của ngài.

Đại kết
Khi đến Bulgaria Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến cầu nguyện tại Trung tâm Chính thống thánh Cyril và Methodius, trong cuộc gặp gỡ với các đại diện của các giáo phái tôn giáo khác nhau và thăm viếng Đức Thượng phụ Neophyte - người đứng đầu Giáo hội Chính thống tại Bulgaria – ĐHY nói: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ suy tư trên cuộc đời của hai vị thánh là Cyril và Methodius để đem vào cuộc sống hiện tại dựa vào lịch sử của quá khứ.
Đức Hồng Y nói: Hai vị thánh này là những vị thánh của Giáo hội vào những kỷ thứ đầu khi mà Giáo hội còn hiệp nhất chưa bị phân chia do nhưng căng thẳng đưa tới sự gãy đổ và chia cắt...
ĐHY Parolin nói: Các ngài là những Nhân chứng giúp chúng ta tái tìm lại sự hiệp nhất, trong nhiệt tâm truyền giáo cho mọi dân tộc bằng các phương tiện tân thời, và bằng những ngôn ngữ mới! Cho nên cuộc tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ kiện cường tình huynh đệ đại kết để cho người khác nhận ra chúng ta là những người anh em trong cùng một Chúa Giêsu, hầu vượt qua những chia rẽ căng thẳng vẫn còn tồn đọng.
ĐHY còn cho hay ước muốn theo đuổi sứ mệnh Kitô giáo để mang Tin Mừng đến cho thế giới chắc chắn sẽ được kiện cường hối thúc chúng ta hiệp nhất, hầu công bố Lời hằng sống cứu độ mà Chúa đã giao phó cho chúng ta.

Những người di cư và người tị nạn
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng dự kiến thăm các trại tị nạn trong cuộc tông du này. Đức Hồng Y Parolin nhắc nhớ lại bốn động từ thường được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn để kêu mời tình đoàn kết và hành động liên quan đến người di cư và người tị nạn: Chào mừng, Bảo vệ, Thúc đẩy và Hòa nhập.
ĐHY nêu ra rằng Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện mục tiêu này bằng những hành động cụ thể không ngừng mỏi mệt hầu thực hiện được mục tiêu quan trọng này trong hầu hết các cuộc tông du của Ngài cũng như trong nhiều tình huống và cảnh trạng khác nhau.
Trong chuyến tông du này ĐTC cũng muốn nhấn mạnh đến những khía cạnh này, hầu bảo vệ phẩm giá của anh chị em chúng ta, những người dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi.

Mẹ Teresa thành Calcutta
Tại Bắc Macedonia, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm thành phố Skopje, nơi Mẹ Teresa thành Calcutta đã được sinh ra chào đời, một người đã hiến thân trọn vẹn cho những người nghèo khổ.
Đức Hồng Y Parolin cho hay cùng với thánh Giáo hoàng Gioan XXIII và hai thánh Cyril và Methodius, Mẹ thánh Teresa sẽ là một nhân vật được nói đến cách đặc biệt trong chuyến tông du này.
Đức Hồng Y Parolin đoan chắc rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nhất định sẽ hấp thụ các lời giảng dạy và tinh thần của các vị thánh trên và biến chúng thành tâm tư riêng của mình hầu thuyết phục các tín hữu hãy đưa các chương trình từ thiện vào hành động.

Thách thức và cơ hội
ĐHY tin tưởng rằng không có một thách đố nào mà lại không nắm bắt lấy cơ hội trong chuyến tông du này, đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử tại Bulgaria và Bắc Macedonia trong thời điểm này mà theo ĐHY thì đất nước này đang đứng trước một ngã tư của cuộc hòa giài và hòa hợp các sắc dân, trong một xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo.
Và ĐHY kết luận: Đây là một dịp để khơi dậy một trào lưu hòa hợp hòa giải các nền văn hóa đa diện hầu làm phong phú hóa lẫn nhau.
 
Chuyến thăm Bảo Gia Lợi và Macedonia của Đức Phanxicô: nhỏ thôi nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn
Vũ Văn An
19:33 04/05/2019
Đó là nhận định của Elise Harris trên tạp chí Crux số ngày 3 tháng 5, 2019. Nữ ký giả này cho rằng chuyến đi “có thể là trường hợp điển hình những chuyện lớn phát xuất từ những điều nhỏ mọn. Vì dù hai quốc gia này thuộc loại ngoại vi và nhỏ bé, nhưng chuyến viếng thăm của ngài mang nhiều ý nghĩa thuộc nhiều bình diện khác nhau cả về phương diện tôn giáo lẫn phương diện chính trị.



Một đàng, sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng tại hai quốc gia trước đây do Cộng Sản thống trị nơi người Công Giáo là thiểu số nhỏ nhoi sẽ là một khích lệ lớn lao cho số dân Công Giáo địa phương, ngày càng trẻ trung hơn, đang cố gắng sống đức tin của họ trong một bối cảnh xã hội chính trị trong đó, tự do tôn giáo thời hậu cộng sản, xét về nhiều mặt, vẫn còn là một ý niệm mới mẻ, đang trên đà khai triển.

Chuyến viếng thăm của ngài cũng đáng kể về mặt đại kết, vì các Kitô hữu Chính Thống chiếm đa số dân trong cả hai nước. Đại kết vốn là hòn đá góc của triều giáo hoàng Phanxicô và chuyến ngài viếng thăm các vị lãnh đạo các giáo hội Chính Thống Bảo Gia Lợi và Macedonia sẽ giúp củng cố các mối liên hệ của Vatican với cộng đồng Chính Thống tại Đông Âu.

Về bình diện chính trị, nghị trình xã hội của Đức Phanxicô cũng sẽ được làm nổi bật khi xử lý các vấn đề như nghèo đói và di dân. Bảo Gia Lợi vốn là quốc gia nghèo nhất Châu Âu, còn Macedonia, vốn nghèo nhất trong các cộng hòa Yugoslav thời tiền cộng sản, vẫn đang trong diễn trình phục hồi.

Vươn tay ra với người nghèo và những người bị đẩy qua bên lề chắc chắn sẽ mang một ý nghĩa đặc biệt khi Đức Giáo Hoàng đến viếng thăm Skopje, Macedonia, nơi sinh của Thánh Teresa Calcutta, được Đức Thánh Cha Phanxicô phong hiển thánh năm 2017 và vốn nổi tiếng đã hiến đời mình phục vụ “những người nghèo nhất trong số những người nghèo” trong các khu bùn lầy nước đọng ở Ấn Độ.

Giáo hội và nhà nước

Mặc dù chủ nghĩa cộng sản ở Macedonia và Bảo Gia Lợi đã có những hình thức khác nhau từ giữa những năm 1940 đến đầu những năm 1990, nhưng tác động của nó vẫn được cảm nhận cho đến ngày nay, nhất là trong nền kinh tế và giữa các cộng đồng tôn giáo từng bị đàn áp dữ dội.



Hầu hết chế độ cộng sản ở Macedonia là dưới thời Joseph Braz Tito, người nổi tiếng là nhà lãnh đạo cộng sản duy nhất thời ấy đã phá vỡ mối liên hệ với Liên Xô và thi hành hệ thống riêng, khiến ông được nổi tiếng.

Cuộc đàn áp tôn giáo dưới thời Tito khá nhỏ so với hầu hết các quốc gia cộng sản khác vào thời điểm đó. Mặc dù chế độ chính thức khó chịu đối với tôn giáo, Giáo hội Chính thống giáo Macedonia, vốn được độc lập vào năm 1967, được phép hiện hữu và hoạt động tự do, trong khi các cộng đồng khác, trong đó có Hồi giáo, Công Giáo và Kitô giáo Thệ phản, được phép thực hành dưới những hạn chế nhất định.

Tại Bảo Gia Lợi, Chính thống giáo được đối xử ưu ái để đổi lấy sự phục tùng nhà nước, trong khi người Công Giáo và các cộng đồng tôn giáo khác phải đương đầu với một cuộc bách hại công khai. Tài sản bị tịch thu, giáo sĩ và tín hữu bị cầm tù, quấy rối hoặc thậm chí bị giết, và các tín hữu có ít quyền hợp pháp.

Khi nói đến mối liên hệ giữa Giáo hội và nhà nước ngày nay, ít nhất nơi người Công Giáo, tình hình tuy không thù địch nhưng phần lớn thờ ơ vì số lượng nhỏ người Công Giáo ở mỗi quốc gia.

Nói với Crux, Gonzalo Sanz, một người Công Giáo từ Tây Ban Nha đến làm việc cho công ty AD về thị trường năng lượng và sống ở Bảo Gia Lợi trong 1 thập niên qua, cho biết các mối liên hệ với chính phủ “không phải là không hiện hữu”, nhưng chúng “ không được nghĩ tới mấy".

Tuy nhiên, anh cho biết, có sự tôn trọng rất lớn đối với “các vị tử đạo thời cộng sản”, và đối với các giám mục và linh mục đã cương quyết không từ bỏ đức tin của họ trước các đe dọa của chính phủ.

Sanz cho biết, hầu hết các cuộc tranh đấu hiện nay là về các vấn đề như ý thức hệ phái tính, do chính phủ thúc đẩy chỉ để bị phản đối bởi người Chính thống giáo, Công Giáo và Thệ phản, khiến vấn đề này trở thành vấn đề thống nhất hóa đối với mọi cộng đồng Kitô giáo.

Đức Giám Mục Kiro Stojanov của Skopje cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với trang web Công Giáo “katolici.mk”, rằng ở Macedonia, có mối liên hệ chặt chẽ hơn với chính phủ, nơi có một ủy ban về liên hệ giữa các Giáo hội và các cộng đồng và nhóm tôn giáo.

Hiến pháp bảo đảm tự do tôn giáo, chính thức công nhận Giáo hội Chính thống giáo Macedonia với Tòa tổng giám mục Ohrid (MPC-OA), Hồi giáo, Công Giáo, Giáo hội Methodist Thệ phản và các cộng đồng Do Thái giáo, mà các nhà lãnh đạo đuợc tổ chức các cuộc họp thường xuyên.

Đức Cha Stojanov nói “Có thể nói rằng có các mối liên hệ tốt đẹp giữa các nhóm, mặc dù luôn có cơ hội để cải thiện”. Ngài nói thêm rằng ở bình diện chính phủ, “tự do tôn giáo đang trong giai đoạn chuyển tiếp, như trường hợp các nước khác đang trong diễn trình chuyển tiếp. Điều dễ hiểu là mọi sự đang trong diễn trình hướng tới một nền dân chủ hoàn hảo hơn”.

Một cộng đồng nhỏ bé giữa lòng Chính thống giáo

Ở cả hai quốc gia, Đức Phanxicô sẽ được chào đón bởi các cộng đồng Công Giáo nhỏ nhưng đang phát triển. Ở Bảo Gia Lợi, người Công Giáo chiếm khoảng 0,5% dân số 7.1 triệu người, trong khi ở Macedonia, họ chỉ là 1% trong số 2 triệu dân.



Xét về mối liên hệ giữa người Công Giáo và Chính thống giáo, tình hình, dù khác nhau ở mỗi quốc gia, phần lớn là thân ái giữa các tín hữu bình thường nhưng đôi khi căng thẳng giữa các hàng giáo phẩm, đặc biệt là ở Bảo Gia Lợi.

Trong các bình luận ngỏ với Crux, Cha Pavo Sekerija, giám đốc Caritas Macedonia, một tổ chức từ thiện của Đức Giáo Hoàng nhằm phục vụ cả người Công Giáo lẫn người ngoài Công Giáo trong khu vực và hướng dẫn các tình nguyện viên cho chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, về sự đa dạng của các cộng đồng tôn giáo, đã nói rằng “mối liên hệ ấy là sự phong phú lớn nhất và cũng là thách thức lớn nhất của chúng tôi”.

Tâm tư trên đã được Cha Boris Stoykov lặp lại; ngài là cha xứ tại giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời ở Zhitnitsa; Ngài nói với Crux rằng ở đất nước ngài, các liên hệ giữa giáo dân tốt đẹp nhưng có “nhiều khó khăn” khi đụng tới hàng giáo sĩ.

Ngài nói “Có nhiều khoan dung và tôn trọng bởi vì ở đây, ở Bảo Gia Lợi, có nhiều đại diện của một số tín phái tôn giáo. Đây là một quốc gia trong đó có nhiều người Hồi giáo hơn người Công Giáo, vì vậy các mối liên hệ giữa giáo dân tốt hơn, nhưng có khó khăn hơn nơi hàng giáo phẩm”.

Tương tự như thế, Sanz nói rằng anh đã nói chuyện với một số linh mục ở Bảo Gia Lợi; các ngài kể lại việc nhìn vào các cộng đoàn của các ngài trong một số Thánh lễ Chúa Nhật và thấy rằng gần một nửa là người Chính thống giáo, và các ngài hy vọng nhiều người Chính thống giáo sẽ tham dự Thánh lễ ngày 6 tháng 5 của Đức Phanxicô tại Rakovsky; trong thánh lễ này, ngài sẽ cho khoảng 200 trẻ em rước lễ lần đầu.

Sanz cho biết, lý do là vì mặc dù việc tham dự thánh lễ hàng tuần là điều bắt buộc đối với người Công Giáo, nhưng không bắt buộc đối với người Chính thống giáo, nghĩa là tín hữu Chính thống giáo muốn đi lễ Chúa Nhật luôn có thể làm như vậy tại một giáo xứ Công Giáo.

Anh nói rằng ngôn ngữ được sử dụng trong phụng vụ cũng tạo sự khác biệt, vì các buổi phụng vụ của Chính thống giáo được cử hành theo truyền thống bằng các ngôn ngữ cổ trong khi các buổi phụng vụ của Công Giáo được cử hành bằng tiếng Bảo Gia Lợi, làm cho Thánh lễ dễ theo dõi hơn. Anh cho biết mỗi năm có khoảng 40-50 người gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Sanz cho hay: Tuy nhiên, ở bình diện thể chế, nhiều lần các giám mục Chính thống đối xử với các đối tác Công Giáo của họ, như thể người Công Giáo không hiện hữu; anh lưu ý rằng dù sẽ có một cuộc gặp gỡ đại kết với các nhà lãnh đạo Chính thống giáo ở Macedonia, Giáo hội Chính thống Bảo Gia Lợi, vốn có truyền thống trung thành với Mạc tư khoa, nên đã từ chối giúp đỡ việc tổ chức chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, chỉ đồng ý gặp Đức Phanxicô thôi chứ không có gì khác hơn.

Sanz nhận định: Hầu hết sự căng thẳng này xuất phát từ cảm thức duy quốc gia, nhưng dù vậy, các cộng đồng tôn giáo vẫn có thể hợp tác qua các hoạt động bác ái và chiến đấu để duy trì bản sắc Kitô giáo của Bảo Gia Lợi giữa các áp lực thế tục.

Ở Macedonia, các liên hệ có xu hướng ấm áp hơn. Đức Cha Stojanov cho biết trong cuộc phỏng vấn của ngài rằng một phái đoàn đại diện cho cả Chính thống giáo lẫn Công Giáo đang thực hiện một cuộc hành hương hàng năm đến Rôma để viếng mộ của Thánh Cyril, một vị thánh rất được tôn kính trong cả hai truyền thống.

Ngoài ra, còn có một hội đồng liên tôn, tổ chức các cuộc họp thường xuyên, trong đó các nhà lãnh đạo của mọi cộng đồng tôn giáo tập hợp để thảo luận các vấn đề liên quan đến luật pháp, nhân quyền, luân lý và đạo đức. Họ thường xuyên đến thăm nhau vào các ngày lễ và các cuộc họp cá nhân không phải là điều bất thường.

Đức Cha Stojanov cho biết “Nguyên tắc căn bản không những chỉ là sự khoan dung, mà còn có sự hợp tác, tôn trọng lẫn nhau và đóng góp chung nhằm vào các tín hữu và tất cả những người có thiện chí”.

Cha Sekerija thì lưu ý rằng có lần, Đức Phanxicô đã nói rằng, “nơi duy nhất không có xung đột là nghĩa trang”, ý muốn nói các căng thẳng sẽ tồn tại chừng nào con người còn tồn tại. Ngài kêu gọi phải giáo dục người ta hơn nữa “chịu học tập để chấp nhận sự đa dạng và sống như một khả thể chứ không như một rào cản”.

Mẹ Teresa và một “nụ hôn cho người nghèo”

Có lẽ đặc điểm xác định chuyến đi của Đức Giáo Hoàng đến Macedonia và Bảo Gia Lợi sẽ là một tập chú vào cảnh nghèo. Đức Giáo Hoàng, người vốn kêu gọi một Giáo hội nghèo cho người nghèo, sẽ đến thăm nơi sinh của Mẹ Teresa, người đã dành cả cuộc đời của mình để phục vụ những người nghèo nhất trong số những người nghèo.



Macedonia và Bảo Gia Lợi đều là những quốc gia nghèo. Bảo Gia Lợi hiện có mức lương tối thiểu thấp nhất ở châu Âu, khoảng $ 319 một tháng, so với Hy Lạp, nơi mức lương tối thiểu là $ 765 và Bỉ, với $ 1,782 một tháng.

Một viên chức liên đoàn lao động gần đây đã nói rằng, “Bảo Gia Lợi là Bangladesh của châu Âu”, nghĩa là họ làm hàng hóa giá rẻ cho các công ty nước ngoài để xuất khẩu đi nơi khác.

Tại Macedonia, ước tính 39,4% dân số hơn 2 triệu người sống dưới mức nghèo, nghĩa là khoảng 600,000 cá nhân hiện đang sống trong nghèo đói, với nạn thất nghiệp là một trong những nguyên nhân lớn nhất.

Trong khi ở Bảo Gia Lợi ngày 6 tháng 5, Đức Phanxicô sẽ đến thăm một trại tị nạn ở quận Vrazhdebna của Sofia. Đặt tên theo quận, trại được mở hồi tháng 9 năm 2013 khi những người di cư bắt đầu ồ ạt đổ vào châu Âu.

“Trại” thực ra là một ngôi trường bỏ hoang được sửa chữa làm nơi trú ngụ cho di dân và người tị nạn trên đường đến các nước khác khắp châu Âu. Gần 500 người đã được chào đón khi trung tâm lần đầu tiên mở cửa, với 20 người có lúc bị nhồi nhét vào cùng một căn phòng.

Theo Sanz, hiện chứa khoảng 300 người, hầu hết đến từ Syria và Afghanistan, trung tâm vào năm 2014 đã được Quỹ tị nạn châu Âu tài trợ 80% và 20% từ ngân sách quốc gia. Nó cung cấp các lớp học ngôn ngữ và chăm sóc y tế, với hầu hết các vật tư được cung cấp bởi hội Các Bác sĩ Không Biên giới, cũng như các bữa ăn, phòng tắm và chỗ ngủ.

Đức Phanxicô cũng sẽ gặp gỡ những người nghèo trong khi ngài đến Macedonia vào ngày 7 tháng 5, một điểm dừng chân được tổ chức bởi Dòng truyền giáo Bác ái của Mẹ Teresa.

Theo Cha Sekerija, những người nghèo tham dự trải nghiệm được “tình yêu và sự gần gũi” của các nữ tu trên căn bản hàng ngày, tuy nhiên, họ bị hạn chế về không gian. Trong cuộc gặp gỡ, các nữ tu Dòng Truyền giáo Bác ái sẽ phân phát các bữa ăn nóng hổi.

Đức Cha Stojanov nói “Các bạn đã biết trong các chuyến đi của ngài, Đức Giáo Hoàng không bao giờ quên người nghèo. Tôi muốn nói chuyến thăm này cho thấy một cách tượng trưng ‘một nụ hôn cho người nghèo’”.

Một Giáo hội trẻ trung

Kitô giáo ở Bảo Gia Lợi và Macedonia có xu hướng trẻ trung, tự hào có nhiều gia đình trẻ đang hoạt động và tham gia vào các cộng đồng giáo xứ. Như ngài quen làm trong gần như mọi chuyến viếng thăm quốc tế, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ những người trẻ tuổi trong biến cố đại kết và liên tôn với giới trẻ Macedonia vào ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm.

Nói về đức tin sâu sắc của người Công Giáo ở Bảo Gia Lợi, Đức Cha Stoykov nói với Crux rằng "sự kiện sau 45 năm cộng sản, những người này, những người Công Giáo ở Bảo Gia Lợi này, vẫn duy trì được đức tin của họ, với tôi, là một phép lạ nhỏ của ơn thánh vì áp lực của chế độ chống lại Giáo hội rất mạnh mẽ".

Đức Cha cho hay: Ở Rakovsky, một trong những thành phố lớn nhất ở Bảo Gia Lợi, nơi sẽ cử hành Thánh lễ và rước lễ lần đầu cho khoảng 200 trẻ em, có 17,000 cư dân và trong số đó, “có nhiều người sẽ tới tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, trong đó có cả người trẻ”. Ngài nói thêm rằng thế hệ trẻ đã không từ bỏ đức tin”.

Theo Sanz, sau chuyến viếng thăm của Thánh Gioan Phaolô II tại Bảo Gia Lợi vào năm 2002 “đã có một sự bùng nổ ơn gọi”, hầu hết là làm linh mục hoặc đời sống tu trì. Hầu hết người Công Giáo đều tin tưởng rằng sự phấn khích y như thế sẽ diễn ra sau chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô và Giáo hội địa phương sẽ nhận được “một hồng ân” sau khi chào đón Đức Thánh Cha.

Sanz nhận định “Bảo Gia Lợi là một Giáo hội trẻ trung”; anh giải thích hiện anh đang hợp tác trong một dự án mở trường Công Giáo đầu tiên ở nước này sau thời cộng sản. Trong thời kỳ cộng sản, ba trường Công Giáo ở Sofia đã bị đóng cửa, và cho đến ngày nay, không có trường nào đã mở cửa lại.

Mặc dù các trường tôn giáo ở Bảo Gia Lợi về mặt kỹ thuật vẫn bị cấm, dự án đang diễn tiến và được đăng ký như một trường học thông thường, phi tôn giáo có tên là “Regina Sofia” (Nữ Vương Sofia). Tuy nhiên, Sanz cho biết các viên chức giáo dục của chính phủ biết rõ nguồn gốc Công Giáo của trường, và thậm chí đã xin vé tham dự Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng.

Anh nói, Bảo Gia Lợi “là một Giáo hội đang lớn dần”, nơi các chỗ thờ phượng đang được xây dựng “tại các khu vực ưu đãi, nơi trước đây không có nhà thờ nào”.

Nói về cuộc gặp gỡ sau cùng giữa các người trẻ liên tôn mà Đức Giáo Hoàng sẽ tổ chức ở Macedonia, Đức Cha Stojanov bày tỏ hy vọng cuộc gặp gỡ sẽ “cải thiện hơn nữa sự chung sống và hợp tác với người khác và với những người khác với chúng ta, như một chính nghĩa làm phong phú lẫn nhau, chứ không phải một điều khiến chúng ta xa cách nhau”.

Đức Cha cho rằng “tuổi trẻ như một phạm trù là những người cởi mở nhất đối với việc sống chung trong tương lai”; ngài giải thích rằng họ sẽ có cơ hội đặt các câu hỏi với Đức Giáo Hoàng.

Và theo ngài, thông điệp của Đức Giáo Hoàng gửi giới trẻ sẽ là “Magna Carta” (Đại Hiến Chương) cho nền mục vụ giới trẻ, “cũng như một khích lệ đối với việc chung sống và hợp tác của các thế hệ trẻ trong tương lai, không chia rẽ trên cơ sở đức tin và quốc gia.
 
Ngày Tự do Báo chí Thế giới: Truyền thông vì Dân chủ
Thanh Quảng sdb
20:28 04/05/2019
Ngày Tự do Báo chí Thế giới: Truyền thông vì Dân chủ

Hôm nay kỷ niệm “Ngày Tự do Báo chí Thế giới” với chủ đề “Truyền thông vì Dân chủ.

Con số 95 ký giả bị giết trong khi thi hành nhiệm vụ chỉ trong năm ngoái và 700 ký giả bị giết trong mười năm qua cũng như 348 ký giả bị tù đầy là những tiếng nói mãnh liệt cho thời đại hôm nay.

Qua các dữ liệu được Liên đoàn báo giới quốc tế phát hành vào tháng 4 năm nay, thì Hiệp hội Phóng viên không biên giới tố cáo các cuộc bạo lực chưa từng thấy đối với các ký giả, hầu hết họ là nạn nhân mà bị những người cố tình nhắm giết họ lúc họ đang làm nhiệm vụ của họ. Dẫu vậy, các ký giả và phóng viên vẫn tiếp tục mạo hiểm cuộc sống của họ trong các khu vực xung đột hầu có thể cung cấp tin tức trung thực và đáng tin cậy về các sự kiện đang xảy ra trên thế giới, và điều tra các câu chuyện về tội phạm và tham nhũng…

Chỉ số tự do báo chí thế giới
Một trong những mục tiêu của Ngày Tự do Báo chí Thế giới là bày tỏ lòng kính trọng đối với các ký giả đã hiến mạng trong lĩnh vực này. Một cách khác là đánh giá tình trạng tự do báo chí trên toàn thế giới. Tường trình về tự do báo chí thế giới, được công bố hàng năm do Hội các phóng viên không biên giới thực hiện, báo cáo chính xác qua các định giá về trạng báo chí trong 180 quốc gia. Chỉ có 24 phần trăm trong số những quốc gia này được cho là tốt. Na Uy đứng đầu danh sách về tự do báo chí, với Turkmenistan đứng chót.
Theo bản tường trình năm 2019, thì sự thù địch đối với các ký giả bị giới nhà lãnh đạo chính trị ở nhiều quốc gia kích động qua các hành động bạo lực ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên đã gây ra một mức độ đáng sợ và nguy hiểm chưa từng thấy đối với các ký giả.

Ngày tự do báo chí thế giới
Ngày Tự do Báo chí Thế giới được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thành lập năm 1993 và được mừng kỷ niệm hàng năm. Năm nay, với chủ đề: “Truyền thông Tự do vì Dân chủ”: báo chí và bầu cử trong thời đại ngày nay, thảo luận về những thách đố mà giới truyền thông phải đối diện trong các cuộc bầu cử, vì truyền thông luôn phải hỗ trợ cho các tiến trình hòa bình hòa giải.
Khi công bố chủ đề này, ngài Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, cho hay: Không có nền dân chủ nào hoàn hảo mà không cho quyền truy cập vào các nguồn tin minh bạch và đáng tin cậy. Đây là nền tảng cho việc xây dựng các thể chế công bằng và vô vị lợi, giữ cho các nhà lãnh đạo có trách nhiệm và nói lên sự thật trước quyền lực.
Báo cáo trung thực và báo chí nhằm xây dựng hòa bình đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong Thông điệp của Ngày Truyền thông Thế giới năm ngoái. Trong bản tin gửi cho Hội Báo chí Quốc tế, Đức Thánh Cha gọi các ký giả là những người bảo vệ cho sự trong sáng của tin tức và mô tả những gì họ làm không chỉ là một công việc thuần túy, mà còn là một trọng trách cho một sứ mệnh...
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Liên Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Victoria mừng kính lễ Thánh Catarina
Trần Văn Minh
05:41 04/05/2019
Melbourne, lúc 10 giờ 45 sáng Thứ Bảy 4/5/2019, Tại Nhà Thờ Thánh Đa Minh số 816 Riversdale Rd vùng Camberwell. Liên Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Victoria đã tề tựu về ngôi Thánh đường Mẹ thân yêu để dâng lễ mừng kính Thánh Nữ Catarina là Tiến Sỹ Hội Thánh cũng là Thánh phụ của Dòng Thuyết Giáo Đa Minh.
Xem hình
Trước thánh lễ, chị Nguyễn Thị Hương trưởng ban phục vụ của Huynh Đoàn Thánh Gioan, Flemington đã lên đọc tiểu sử của Thánh Nữ Catarina, vị thánh có tài thuyết giảng, cũng như thuyết phục để giảng hòa cả về phần đạo lẫn phần đời.
Sau đó, đoàn Thánh Giá nến cao đã rước đoàn đồng tế lên bàn thờ để dâng lễ. Thánh lễ đồng tế do Linh mục Nguyễn Văn Toàn OP Chánh xứ Nhà thờ Thánh Đa Minh và cũng là linh hướng của Liên huynh Victoria chủ tế và Linh mục Duy OP đồng tế.
Sau khi làm dấu và chào mừng quý đoàn viên liên huynh, quý cha đã cùng với Liên Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Victoria đọc kinh thần vụ, do Ban Phục Vụ Huynh Đoàn Thánh Martine phụ trách.
Thánh lễ đã được Cha chủ tế và liên huynh đồng hiệp dâng sau đó. Trong bài chia sẻ tin mừng. Xin tóm tắt: Linh mục chủ tế đã kể lại cuộc đời Thánh Nữ. Ngài là người con thứ 24 trong gia đình có 25 người con. Do đó, Thánh Nữ Catarina không được học hành tới nơi, tới chốn. Nhưng Ngài lại có đời sống hết mực khiêm nhường, Ngài đã sống và học được từ Chúa Giêsu.
Đời sống khiêm nhường và đơn sơ, Ngài đã nhận ra và chia sẻ những khổ đau của con người. Ngài cũng đã có công lớn trong việc thuyết phục để hàn gắn sự chia rẽ mà giáo hội đã kéo dài trong suốt 70 năm, và thuyết phục Đức Giáo Hoàng Grêgoriô XI lúc đó quay trở về Giáo đô Rôma. Qua đời dâng hiến, Thánh Nữ đã sớm nhận ra ơn gọi của Chúa để dâng hiến đời mình.
Sau lễ, Chị Nguyễn Thị Thanh Liễu đại diện Ban phục vụ Liên Huynh Victoria đã lên cám ơn quý cha, ông Nguyễn Hoa Kỳ đại diện của Ban Phục vụ Liên Huynh Việt Nam Úc Châu, cùng toàn thể đoàn viên đã về dâng lễ mừng kính Thánh Catarina.
Trong một buổi sáng trời có mưa nhẹ, các đoàn viên từ 6 huynh đoàn trong Tiểu bang Victoria, phần đông là cao tuổi. Được con cháu chở đến hay dùng phương tiện công cộng mà thường là xe Tram, các vị cho biết, đi từ miền Tây qua đây phải thay đổi mấy lần xe và đi qua hơn 50 trạm. Nhưng nhờ ơn Chúa, còn sức đi được, thì còn đi dâng lễ cùng liên huynh đoàn mỗi năm.
Đặc biệt, Huynh đoàn tương đối còn trẻ là Huynh Đoàn Thánh Cẩm, Noble Park và phần đông huynh đoàn là Ca đoàn Đa Minh của Liên Huynh Victoria. Sau Thánh lễ một bữa tiệc nhẹ đã được tổ chức trong hội trường của nhà xứ để mọi người dùng bữa trưa, và cũng để hàn huyên tâm sự cùng nhau. Được biết, Liên Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh mỗi năm về nhà thờ Thánh Đa Minh hai lần để mừng kính Thánh Nữ Catarina 29/4. Thánh Đa Minh vào ngày 3/8.
 
Ca Đoàn Giuse Xứ Tân Phú Mừng Bổn Mạng.
Phương Nga
09:05 04/05/2019
“ Ông ấy không phải là con bác Thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria sao? (Mt 13,55)

Thánh cả Giuse,một mẫu gương tuyệt vời, vì Ngài đã “Xin vâng “lời Thiên Chúa đón Mẹ Maria về nhà mình và đồng hành cùng Mẹ trong suốt hành trình Chúa Giêsu sinh ra,lớn lên và đi rao giảng.Ngài được nhận làm bổn mạng của nhiều dòng tu, cộng đoàn, hội đoàn trên giáo hội toàn cầu.

Vào lúc 17g Thứ Tư 01-5-2019, ca đoàn Giuse đã mừng kính lễ Thánh Giuse Thợ,bổn mạng của ca đoàn, cũng là ngày mừng kính Thánh cả Giuse bổn mạng của giáo xứ Tân Phú.Chương trình buổi lễ có 4 phần: Chầu Thánh Thể,Cung nghinh Thánh Thể, Dâng hoa và Thánh lễ.

Xem Hình

Trong phần cầu nguyện,ông Ký An xướng kinh Chúa Thánh Thần,kinh Trọn tốt, kinh Tin,Cậy, Mến và lần hạt 50 mùa Mừng cho cộng đoàn hiệp thông. Cha Giuse Lê Hoàng chủ sự Giờ Chầu Thánh Thể.

Vì thời tiết có mưa lớn nên phần Cung nghinh Thánh Thể không thực hiện được ở các Nhà tạm ngoài trời mà chỉ rước vòng quanh hành lang nhà thờ theo thứ tự Thánh giá Nến cao: Thiếu nhi Thánh Thể,quý Sơ,quý Chức, Đội hoa 5 Giáo họ và Đội hoa giáo xứ,Phương du do 4 viên chức Xứ họ đảm trách.Cha Giuse Lê Hoàng Chánh xứ cung nghinh Thánh Thể, quý Cha Phó và cộng đoàn.Khi kết thúc bài Thánh ca cuối cùng “Nguyện xin Thánh cả Giuse quyền cao sang. ..”Đoàn rước đã trở vào nhà thờ và chuẩn bị chương trình Dâng hoa.

Ban tổ chức đặt tượng Mẹ trên một khung gỗ có hai bàn tay ý nghĩa dâng lên tất cả cuộc sống cho Mẹ.Các cháu bé Đội hoa họ Chư Thánh Dâng hoa với 4 bài diễn nguyện: Hát mừng Mẹ Maria,Khấu đầu Tạ ơn,Một trời Hoa và Xin dâng Mẹ..Cộng đoàn cùng chú ý hiệp thông và cùng dâng lời càu xin lên Mẹ.

Đúng 19g thánh lễ mới bắt đầu,ca đoàn Giuse hát bài ca nhập lễ “Ca vang lên hòa lời ngợi khen danh Thánh Giuse”Cha Chánh xứ chủ sự và quý Cha Phó trong lễ phục trắng tiến lên bàn thánh.Cha Chánh xứ Giuse chia sẻ với cộng đoàn:

Thánh Phaolo nói”Trong mọi hoàn cảnh chúng ta hãy tạ ơn Chúa”Chúng ta tạ ơn vì Chúa Giêsu đã Phục sinh vinh quang, tạ ơn vì Chúa đã ban cho chúng ta một mẫu gương tuyệt vời là Mẹ Maria, cũng như Thánh Cả Giuse là một gia trưởng mẫu mực.Chúng ta hãy noi gương các Ngài bằng cách chu toàn bổn phận người Kitô giáo.Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta hồn an xác mạnh và nhân lễ bổn mạng hôm nay chúng ta cùng cầu nguyện cho cộng đoàn gx người còn sống cũng như kẻ đã qua đời.

Theo bài Tin Mừng Thánh Matthêu( 13,54-58) Cha giảng:

Với biết bao nỗ lực để chuẩn bị cho ngày lễ hôm nay: Các giáo họ đã dựng các Nhà tạm Thánh Thể, chuẩn bị Đài Đức Mẹ, ca đoàn Giuse thì tập hát và Đội hoa họ Chư Thánh luyện tập 2 tháng trời.Mừng kính Thánh Giuse Thợ là bổn mạng Truyền thống của gx Tân Phú; mà trước đó chúng ta đã có 3 ngày Tĩnh tâm và một ngày Chầu Thánh Thể thay cho Tổng Giáo phận.

Và hôm nay nữa anh em Truyền thông quá đông đủ để làm nhiệm vụ loan báo Tin Mừng.Nhưng tất cả chúng ta không làm theo ý mình mà chỉ vì Danh Chúa, nhất là việc Dâng hoa cho Mẹ Maria là để chúng ta và các con em của chúng ta noi theo mẫu gương của Mẹ. Như Thánh Phaolo nói”Anh em thực hiện bao nhiều việc cho Chúa thì anh em sẽ được thưởng công xứng đáng bấy nhiêu”

Mừng kính lễ Thánh cả Giuse Lao động, chúng ta hãy chiêm ngắm Ngài là một thợ mộc thanh bần chẳng có danh giá gì! Nhưng Chúa Giêsu lại xuống thế và làm con nuôi Ngài, tuân phục và học hỏi nghề thợ mộc của Ngài. Qua những bài sách Thánh chúng ta thấy Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự một cách trật tự và thú vị rồi trao lại cho con người để con người vận dụng khả năng của mình quản lý và xử dụng. Nhưng thử hỏi vì tính kiêu ngạo và bản năng hưởng thụ con người đã gây nên sự xáo trộn và những hậu quả khôn lường làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đảo lộn thời tiết và khí hậu rồi cũng chính con người lại phải gánh chịu những hậu quả khốc liệt đó.

Chúng ta hãy noi gương Thánh Giuse vì Ngài đã luôn vâng theo ý Chuá trong mọi việc từ nghề nghiệp đến cuộc lữ hành cùng chịu bao gian nan khổ cực với Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Là Kitô hữu, chúng ta hãy tận dụng mọi khả năng để phục vụ cho sự sống của con người nhất là thực hiện theo ý Chúa chỉ dẫn, đó mới là đẹp ý Chúa và làm tỏa sáng Danh Chúa. Ước gì trong thánh lễ bổn mạng hôm nay,cộng đoàn hãy quy hướng về Chúa, trong mọi việc hãy chạy đến với Thánh Giuse để xin Ngài bầu cử là làm mọi việc phục vụ Chúa và anh em đều vâng theo Thánh ý Chúa để chúng ta cùng được hưởng Nước Trời mai sau.

Trong phần Lời nguyện giáo dân,anh G.B Trần Công Hùng (PCT HĐMV) đã dâng một lời cầu nguyện đặc biệt cho ca đoàn Giuse để các anh chị đem lời ca tiếng hát của mình mà tôn vinh và phục vụ Chúa.Trước khi ban phép lành Ban thường vụ đã mời đại diện 5 Giáo họ, ca đoàn Giuse và Đội hoa họ Chư Thánh đã đóng góp công sức và khả năng giúp buổi lễ mừng Thánh cả Giuse Thợ bổn mạng giáo xứ hôm nayhoàn tất tốt đẹp.

Cha xứ Giuse Lê Hoàng cũng chúc mừng cộng đoàn giáo xứ, ca đoàn Giuse mừng bổn mạng, quý Ông quý Anh có bổn mạng Giuse. Cha cũng khen ngợi quý Sơ dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm đã trang trí toàn bộ hoa từ lễ Đài Đức Mẹ đến cung thánh và bàn thờ, quý Sơ dòng MTG Phát Diệm đã rèn luyện cho Đội hoa họ Chư Thánh suốt hai tháng trời, đến hôm nay diễn nguyện sốt sắng và đẹp mắt.

Buổi lễ kết thúc lúc 20g cùng ngày. Ca đoàn Giuse hát 2 bài kết lễ: Hãy đến cùng Giuse và Alleluia một cách xuất sắc và ý nghĩa. Cha xứ Giuse và quý Cha Phó chụp hình cùng Ban điều hành Xứ họ và ca đoàn Giuse. Cộng đoàn cũng vui mừng vì đã hiệp thông trong ngày mừng kính Thánh Giuse Thợ và sau thánh lễ đã tranh thủ chụp hình luu niệm cùng nhau.

LƯỢC SỬ CA ĐOÀN GIUSE:

Ca đoàn Giuse là một trong những ca đoàn kỳ cựu và chủ lực của giáo xứ Tân Phú.Ca đoàn Giuse được Cha cố tiền nhiệm Đaminh Vũ Nguyên Thiều thành lập năm 1976 khởi điểm là 40 ca viên và qua nhiều thay đổi thì vẫn duy trì số lượng cho đến nay. Riêng lễ bổn mạng hàng năm, đều có thêm 20 anh chị em Cựu ca viên về tham dự và hát lễ.

Ca trưởng đầu tiên là Nhạc sĩ Cao Thanh Hoàng,kế tiếp là anh Giuse Lê Ngọc Linh và hiện nay anh Giuse Vũ Đức Phương là ca Trưởng đương nhiệm.Ca đoàn hát lễ luân phiên theo sự phân công hàng tuần của giáo xứ cũng như chỉ hát lễ Cưới hoặc lễ Tang tại gia cho Ân nhân,thân nhân và thành viên của ca đoàn.

Hiện nay có 40 ca viên từ độ tuổi 20 đến 50, được tập hát một tuần 2 lần vào buổi tối. Khi có lễ trọng hoặc lễ bổn mạng thì tăng thêm giờ tập hát.Ngày thường mặc ca viên mặc trang phục thường, nhưng khi tham dự lễ trọng ca đoàn mặc đồng phục áo Rôma màu đỏ,cổ viền vàng. Ca đoàn cũng có một số Ân nhân đỡ đầu, nhưng không ổn định về số lượng.

Phương Nga.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thánh Giá Trên Đồi Tình Yêu
Tấn Đạt
08:39 04/05/2019
THÁNH GIÁ TRÊN ĐỒI TÌNH YÊU
Ảnh của Tấn Đạt

Thánh Giá minh chứng của tình yêu,
Hy sinh cao cả biết bao nhiêu,
Chết khổ nhục, không lời oán trách,
Núi Sọ cô đơn buồn hắt hiu !
(Trích thơ của Đinh Văn Tiến Hùng)