Ngày 08-05-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Được yêu bằng một tình yêu riêng
Lm. Minh Anh
00:05 08/05/2022
ĐƯỢC YÊU BẰNG MỘT TÌNH YÊU RIÊNG

“Không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Chiên Lành tiết lộ cho chúng ta một sự thật đầy an ủi! Rằng, Thiên Chúa không phải là một thợ đồng hồ! Ngài yêu thương đoàn chiên của Ngài và chăm bẵm từng con chiên. “Không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi”, nghĩa là Thiên Chúa yêu mỗi người chúng ta đến tuyệt đối, để ai cũng có thể nói, tôi ‘được yêu bằng một tình yêu riêng!’.

Thiên Chúa không phải là một thợ đồng hồ! Các triết gia và khoa học gia thời Khai Sáng say mê lý trí. Họ nhìn vũ trụ, nhìn trật tự và những quy luật của nó, để rồi ví Thiên Chúa như một thợ đồng hồ lão luyện. Ngài đã tạo một chiếc Rolex hoàn hảo, Ngài hài lòng về sự sáng tạo vì nó vận hành chính xác lộ trình Ngài sắp. Các định luật vật lý toàn bích không sai trệch đó cho phép Ngài không cần chăm sóc vũ trụ nữa; Ngài đang nhàn nhã, Ngài đang đi câu cá! Ý niệm này là một ý niệm rất vô thần về Thiên Chúa; đó không phải là Thiên Chúa chúng ta tôn thờ!

Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa luôn hiện diện, quan tâm sâu sắc đến con cái Ngài. Ngài không quên thế giới; Ngài không ở đâu xa! Ngài đã trở thành một con người, ở với con người, chết cho con người, để cứu chuộc con người. Và ngay cả vào thời điểm phải rời khỏi thế giới này, Ngài đã nghĩ ra một cách để ở lại với con người trong Bí tích Thánh Thể. Ngài thể hiện sự mãnh liệt vô hạn trong tình yêu của Ngài khi cảnh cáo, bất cứ ai đe doạ đoàn chiên của Ngài, sẽ tự chuốc cho mình những rủi ro, “Không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi!”.

Chúa Giêsu là sự phản chiếu hoàn hảo của bản thể Chúa Cha, một người Cha từ ái. Ngài nói, “Tôi và Chúa Cha là một”. Ngài ví mình là một mục tử nhân lành, yêu thương bằng tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu mãnh liệt và riêng tư đối với từng con chiên, “Tôi biết chiên của Tôi”. Với một người chăn chiên, thật khó để nghĩ đến những con chiên của mình như những cá thể; nhìn vào chúng, anh thấy một bầy; nói về chúng, “chiên” của anh ở cả số nhiều và số ít. Với Chúa Giêsu thì khác, như Chúa Cha là Đấng Tạo Hoá không như bất kỳ một thợ đồng hồ nào, Chúa Giêsu là Mục Tử không như bất kỳ mục tử nào. Với Ngài, mỗi con chiên là một cá thể, ‘được yêu bằng một tình yêu riêng’. Đến với Chúa Giêsu, bạn không cần đeo bảng tên; Ngài biết tên bạn! Ngài tuyên bố, “Không bao giờ chúng phải diệt vong”; vì “Tôi biết chiên của Tôi”.

Mục tử nhân lành Giêsu cũng đã từng nói, “Tôi còn những chiên khác không thuộc ràn này”. Tình yêu của Ngài còn là một tình yêu phổ quát, vươn xa tới những chân trời, nơi có những con chiên chưa về đoàn tụ trong ràn chiên Ngài. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Isaia đã viết, “Để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất”; bài đọc sách Khải Huyền cũng cho thấy điểm tương đồng, “Tôi là Gioan, đã xem thấy một đám đông không thể đếm được, họ thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói”. Tất cả sẽ làm nên một đoàn chiên, một dân tộc được yêu của Chúa như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca, “Ta là dân Chúa, là đoàn chiên Người dẫn dắt!”.



Anh Chị em,

“Không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi”. Đúng thế, mỗi người chúng ta là một chiếc Rolex tuyệt vời mà Thiên Chúa đã tạo ra; nhưng tuyệt vời hơn, Ngài không bán nó hoặc giao nó cho ai! Ngài khư khư giữ lấy nó, chăm bẵm nó, mặc dầu Ngài cho nó sự tự do, nên đôi lúc nó vận hành chểnh choảng. Mục Tử Giêsu biết chúng ta như chúng ta là, nhưng Ngài vẫn yêu thương mỗi người với một tình yêu rất riêng như trên đời, chỉ có một mình mỗi người. Thật hạnh phúc cho chúng ta khi biết mình ‘được yêu bằng một tình yêu riêng’ đến thế, một tình yêu tuyệt đối trung thành. Cảm nghiệm được điều đó, Phaolô nói, “Ai có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi chúng con là một tuyệt phẩm của Chúa, tuyệt phẩm được cứu chuộc và được tưới đẫm ân sủng xác hồn. Xin cho con biết trân quý tình yêu Chúa và đáp lại mỗi ngày!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 09/05: Tôi là cửa cho chiên ra vào– Lm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:38 08/05/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:14 08/05/2022

5. Linh hồn đến với Mẹ bằng cách lần chuỗi Mân Côi sẽ không phải hư mất.



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:17 08/05/2022
73. BA NGÀY TỚI TRỜI

Một đám khách ngồi lại nói chuyện phiếm, tranh luận trời xa hay gần.

Anh nông phu ngồi bên cạnh nói:

- “Trời cách đất chỉ có khoảng ba bốn trăm dặm. Từ dưới đi lên, chậm thì bốn ngày là tới, nhanh thì ba ngày đến nơi, sáu bảy ngày lên xuống thì dư sức, tại sao các ông tranh luận chi cho mệt?”

Các khách nghe được liền hỏi:

- “Ông nói có chứng cứ chứ?”

Nông dân trả lời:

- “Đương nhiên là có, lẽ nào các ông không biết nơi đây có một phong tục tập quán là đưa thần táo về trời sao? Ngày hăm ba tháng chạp là đưa đi, ngày ba mươi tháng chạp là đưa về, bất quá chỉ có bảy ngày. Nếu tính mỗi ngày đi được một trăm dặm, chia đôi, không phải là ba bốn trăm dặm sao?”

Mọi người cười nói:

- “Nói như thần !”

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 73:

Anh nông dân nói trời cách xa đất chỉ có ba bốn trăm dặm là cùng, vì đưa ông táo vừa đi vừa về chỉ có bảy ngày; các nhà khoa học vũ trụ thì không dám nói trời cách xa bao nhiêu, nên chỉ đo khoảng cách giữa trời và đất bằng tốc độ ánh sáng…

Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta rất rõ ràng: Nước Trời đã đến gần (Mt 10, 7b) và đang ở trong lòng chúng ta.

Thế nhưng, có những người Ki-tô hữu nói Nước Trời còn ở rất xa, xa lắc xa lơ, nên cuộc sống của họ vẫn cứ “nay chén anh mai chén tôi” bất cần Nước Trời đến hay không đến; lại có những người Ki-tô hữu nói rằng đường lên trời xa lắm, và đời còn dài nên cứ sống hưởng thụ của cải vật chất xác thịt, họ quên mất đường lên trời chỉ có một đường và một cửa nhưng rất hẹp và ít người đi, còn đường rộng thì đưa đến diệt vong nhưng lại có nhiều người đi (Mt 7, 13-14).

Nước Trời không xa chúng ta là mấy, ở ngay trong lòng chúng ta khi chúng ta còn ơn nghĩa với Thiên Chúa, khi chúng ta rước Đức Chúa Giê-su Thánh Thể vào trong tâm hồn của chúng ta, và đó là con đường ngắn nhất để lên trời.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tối Cao Pháp Viện truyền rằng thành phố Boston đã vi phạm Tu chính án thứ nhất khi cấm treo cờ Kitô Giáo
Đặng Tự Do
06:16 08/05/2022


Một nhóm có tên là Trại Hè Hiến pháp đã bị từ chối yêu cầu treo cờ trên Tòa thị chính trong một giờ, trong khi Boston đã cho phép các nhóm khác treo cờ của họ.

Tòa án Tối cao đã ra phán quyết nhất trí vào hôm thứ Hai rằng thành phố Boston đã vi phạm Tu chính án thứ nhất khi từ chối cho phép một nhóm công dân treo cờ có thánh giá Kitô Giáo trên Tòa thị chính.

Nhóm, Camp Constitution, nghĩa là Trại Hè Hiến pháp, điều hành một trại hè và có các diễn giả về Hiến pháp Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy “sự hiểu biết về di sản đạo đức Do Thái Giáo và Kitô Giáo của chúng ta.”

Vào năm 2017, nhóm đã bị từ chối yêu cầu treo cờ của họ trên Tòa thị chính với lý do cho phép lá cờ bay dường như là sự đề cao một tôn giáo cụ thể.

Yêu cầu treo cờ trong khoảng thời gian một giờ khi diễn ra một sự kiện được tổ chức bởi Trại Hé Hiến pháp vào ngày 17 tháng 9 nhân kỷ niệm Ngày Hiến pháp.

Nhóm cho rằng quyền tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất của họ đã bị vi phạm và họ đã bị phân biệt đối xử một cách bất công vì các nhóm khác đã được phép treo cờ của họ.

Theo quyết định từ Tòa phúc thẩm vòng 1, trong khoảng thời gian 12 năm, Thành phố Boston đã cho phép các nhóm khác treo cờ của họ tại Tòa thị chính ít nhất 284 lần. Những lá cờ đó bao gồm cờ Thổ Nhĩ Kỳ (mô tả ngôi sao Hồi giáo và lưỡi liềm) và cờ Bồ Đào Nha. Các lá cờ khác bao gồm cờ cầu vồng tự hào đồng tính, cờ chuyển giới màu hồng và xanh lam, và cờ của các nước ngoài bao gồm Albania, Brazil, Ethiopia, Ý, Panama, Peru, Bồ Đào Nha, Puerto Rico, Mễ Tây Cơ. Đặc biệt, tòa thị chính Boston thường xuyên cho phép treo cờ Trung Quốc và Cuba, là các quốc gia có những vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Tất cả chín thẩm phán của Tòa án Tối cao đều đồng thanh nhất trí với phán quyết chống lại thành phố Boston. Hai tòa án cấp dưới đã đứng về phía thành phố trước khi vụ kiện lên tới tòa án cấp cao.
Source:Aleteia
 
Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ Latinh cảnh báo về ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp
Đặng Tự Do
06:17 08/05/2022


Nhân Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5, Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh, gọi tắt là CELAM, đã bày tỏ quan ngại trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các Giám Mục kêu gọi “nhân bản hóa các công ty” để chống lại “quá trình robot hóa và tự động hóa” có thể dẫn đến tình trạng mất việc làm đáng kể. Cho đến nay, 29 triệu người đã thất nghiệp trên tiểu lục địa này. Các Giám mục đặc biệt quan tâm đến “phụ nữ và người di cư, nhiều người trong số họ bị ép làm nô lệ và bóc lột tình dục”. Họ nói: “Mỗi khi một người không tìm được việc làm, thì một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa vẫn chưa được hoàn thành.

Các Giám Mục cũng bày tỏ quan ngại đối với tình trạng của Venezuela, nơi đang diễn ra “cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng” ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc gia này.

Nhắc lại một tuyên bố trước đó, các Giám Mục nói:

“Những hậu quả trầm trọng của nạn đói, suy dinh dưỡng, thiếu thuốc men và các nguồn cung cấp y tế, cùng với những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, đã làm xấu đi phẩm chất cuộc sống và tạo ra một đợt di cư chưa từng có của hàng triệu người Venezuela, những người bị buộc phải di cư sang các nước khác để tìm một lối thoát và những cơ hội tốt hơn”

Các vị lãnh đạo của CELAM cũng ca ngợi các giám mục Venezuela về những “lời nói dũng cảm và chân thành” của họ, và khẳng định rằng nội dung của những lời rao giảng của các Giám Mục nước này là đúng với thực tế và nằm trong “viễn ảnh tiên tri” của Giáo hội.

“Các hiền huynh đang bị buộc tội quảng bá cho hận thù và bạo lực. Chắc chắn là những kẻ cáo buộc các hiền huynh không hiểu được tình yêu của các hiền huynh trong sứ điệp phát sinh từ Tin Mừng. Tuy nhiên, chúng tôi xác tín rằng các hiền huynh đang hành động nhân danh Chúa và chấp nhận những rủi ro của người ngôn sứ”

https://aleteia.org/2022/05/02/rome-the-world-pope-trying-to-personally-evacuate-mariupol-against-robots-more/
 
Nhật ký trừ tà số 188: Tình yêu xua tan ma quỷ
Đặng Tự Do
06:17 08/05/2022


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #188: Love Casts Out Evil”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 188: Tình yêu xua tan ma quỷ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tòa nhà đã bị phá hoại sâu sắc bởi ma quỷ. Đó là địa điểm của những tội lỗi đau buồn - giết người và những lời báng bổ chống lại Chúa. Không có gì đáng ngạc nhiên, một trong những triệu chứng trong tòa nhà đó là sự chia rẽ liên tục đến mức xảy ra xô xát và thậm chí là bạo lực. Một trong những danh hiệu của Satan là: “causa discordiae,” nghĩa là “nguyên nhân của sự bất hòa”. Sự hiện diện của nó luôn thúc đẩy sự bất hòa, chia rẽ và xung đột.

Đội ngũ linh mục và giáo dân của chúng tôi đã tập trung cho một “cuộc thi marathon”, tức là một buổi cầu nguyện tập trung nhiều giờ để đuổi ma quỷ. Chúng tôi cũng có một người có khả năng nhạy cảm tâm linh đi với chúng tôi. Chúng tôi đã hy vọng sẽ bắt đầu đánh bật sự hiện diện của ma quỷ đang cố thủ trong tòa nhà này. Nhưng sau nhiều giờ cầu nguyện giải thoát, không có dấu hiệu nào cho thấy người phụ nữ được trừ tà hay phần còn lại của đội có bất kỳ tiến bộ nào.

Tôi cảm thấy chắc chắn rằng Đức Trinh Nữ sẽ can thiệp và giúp đỡ chúng tôi. Tôi tin rằng chính Đức Mẹ đã gọi chúng tôi đến đó và Mẹ sẽ bảo đảm rằng những nỗ lực của chúng tôi sẽ có kết quả. Vẫn chưa... sau vài giờ không có bất kỳ dấu hiệu tiến triển nào. Khi thời gian của chúng tôi gần hết, tôi bắt đầu lo sợ rằng tòa nhà bị nguyền rủa quá nặng để có thể dọn dẹp được. Có lẽ chúng tôi đã lãng phí thời gian của mình...

Thật bất ngờ, trong những phút cuối cùng, tôi cảm thấy dâng trào tình yêu đối với Đức Trinh Nữ Maria trong lòng. Tôi hướng về Đức Mẹ và dâng lên Mẹ tình yêu của tôi. Ngay lúc đó, người nhạy cảm tâm linh của chúng tôi nghiêng người và thì thầm với tôi, “Những con quỷ đang phản ứng. Một con vừa rời đi.”

Khi Đức Mẹ hiện ra, có tình yêu. Và chính tình yêu đã xua đuổi ma quỷ.
Source:Catholic Exorcism
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 8/5/2022
J.B. Đặng Minh An dịch
16:46 08/05/2022


Chúa Nhật 8 tháng 5, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Tư Mùa Phục sinh. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta mối liên kết giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do thái rằng:

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng cho Phụng vụ hôm nay nói với chúng ta về mối dây liên kết hiện hữu giữa Chúa và mỗi người chúng ta (x. Ga 10:27-30). Khi đề cập đến mối liên kết này, Chúa Giêsu sử dụng một hình ảnh dịu dàng, một hình ảnh đẹp về người mục tử ở lại với bầy chiên. Và Ngài giải thích điều đó bằng ba động từ: Chúa Giêsu nói “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (câu 27). Ba động từ: nghe, biết, theo. Chúng ta hãy xem xét ba động từ này.

Trước hết, bầy chiên nghe tiếng mục tử. Sáng kiến luôn đến từ Chúa. Mọi sự đều xuất phát từ ân sủng của Người: chính Người kêu gọi chúng ta hiệp thông với Người. Nhưng sự hiệp thông này chỉ có được nếu chúng ta biết mở lòng để lắng nghe. Nếu chúng ta điếc lác, Ngài không thể ban cho chúng ta sự hiệp thông này. Hãy mở lòng để lắng nghe, bởi vì lắng nghe bao hàm sự sẵn sàng, nó bao hàm sự ngoan ngoãn, nó bao hàm thời gian dành riêng cho đối thoại. Ngày nay, chúng ta đang ngập trong những ngôn từ và sự cấp bách phải luôn có điều gì đó để nói hoặc làm. Quá thường là khi hai người đang nói chuyện với nhau, thì một người không đợi người kia nói hết suy nghĩ, đã cắt ngang câu nói của người ấy, và trả lời…. Nhưng nếu chúng ta không cho phép người khác nói, thì sẽ không có sự lắng nghe. Đây là một căn bệnh của thời đại chúng ta. Ngày nay, chúng ta đang ngập trong những ngôn từ, bởi sự cấp bách phải luôn có điều gì đó để nói hoặc làm. Chúng ta sợ sự im lặng. Lắng nghe nhau mới khó làm sao! Hãy lắng nghe cho đến cùng, để người kia thể hiện mình, lắng nghe trong gia đình của chúng ta, lắng nghe ở trường học, lắng nghe ở nơi làm việc, và thậm chí trong Giáo hội! Nhưng trước hết cần phải lắng nghe Chúa, Đấng là Lời của Chúa Cha, và Kitô hữu là một đứa trẻ biết lắng nghe, được kêu gọi để sống với Lời Chúa. Ngày nay, chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta có phải là những đứa trẻ đang lắng nghe không, có dành thời gian cho Lời Chúa không, có dành không gian và sự chú ý cho anh chị em của mình không, có biết lắng nghe cho đến khi người kia nói xong, không cắt ngang điều gì người khác đang nói. Những ai lắng nghe người khác cũng biết cách lắng nghe Chúa, và ngược lại. Và họ cảm nghiệm được một điều rất đẹp, đó là chính Chúa lắng nghe - Ngài lắng nghe chúng ta khi chúng ta cầu nguyện với Ngài, khi chúng ta tâm sự với Ngài, khi chúng ta kêu cầu Ngài.

Do đó, lắng nghe Chúa Giêsu trở thành cách để chúng ta khám phá ra rằng Ngài biết chúng ta. Đây là động từ thứ hai liên quan đến người mục tử tốt lành. Người ấy biết những con chiên của mình. Nhưng điều này không chỉ có nghĩa là Ngài biết nhiều điều về chúng ta mà thôi. Biết theo nghĩa Kinh thánh cũng có nghĩa là yêu. Chúa, “trong khi đọc thấu tâm can chúng ta,” yêu thương chúng ta, và Ngài không lên án chúng ta. Nếu chúng ta lắng nghe Ngài, chúng ta khám phá ra điều này – đó là Chúa yêu thương chúng ta. Cách để khám phá tình yêu của Chúa là lắng nghe Ngài. Như vậy, mối quan hệ của chúng ta với Chúa sẽ không còn là khách quan, lạnh nhạt hay bình phong nữa. Chúa Giêsu đang tìm kiếm một tình bạn ấm áp, tin cậy, thân mật. Ngài muốn mang đến cho chúng ta một nhận thức mới và kỳ diệu - đó là biết rằng chúng ta luôn được Ngài yêu thương và do đó, chúng ta không bao giờ bị bỏ rơi một mình. Ở bên người mục tử tốt lành cho phép chúng ta sống kinh nghiệm mà Thánh Vịnh đã nói: “Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng”(Tv 23: 4). Ngài nâng đỡ chúng ta trên tất cả trong những đau khổ, khó khăn, khủng hoảng của chúng ta – là những điều vốn đen tối - bằng cách cùng vượt qua những điều ấy với chúng ta. Và do đó, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn, chúng ta có thể khám phá ra rằng chúng ta được Chúa biết đến và yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có cho Chúa biết tôi không? Tôi có dành chỗ cho Ngài trong cuộc đời mình không? Tôi có mang những gì tôi đang trải qua đến với Ngài không? Và tôi có ý tưởng gì về Người sau nhiều lần tôi trải nghiệm sự gần gũi, lòng trắc ẩn, dịu dàng của Người? Tôi có cảm nghiệm Chúa ở gần, Chúa là mục tử nhân lành không?

Cuối cùng, động từ thứ ba: chiên nào nghe và chiên nào khám phá ra mình được biết đến, thì theo vị mục tử: họ nghe, họ cảm nghiệm rằng họ được Chúa biết và họ đi theo Chúa là người chăn chiên của họ. Những người theo Chúa Kitô làm gì? Họ đi nơi Chúa đi, cùng một con đường, cùng một hướng. Họ đi tìm những người hư mất (x. Lc 15, 4), quan tâm đến những người ở xa, biết ghi khắc trong lòng hoàn cảnh của những người cùng khổ, biết khóc với những ai khóc, họ chìa tay ra cho người hàng xóm của họ, đặt họ trên vai họ. Và tôi? Tôi có để Chúa Giêsu yêu tôi, và bằng cách để Ngài yêu tôi, tôi có chuyển từ yêu Ngài sang bắt chước Ngài không? Xin Đức Thánh Trinh Nữ giúp chúng ta biết lắng nghe Đức Kitô, luôn biết Người nhiều hơn và theo Người trên con đường phục vụ. Nghe Chúa, biết Chúa, theo Chúa.

Sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua, tại San Ramon, Peru, María Agustina Rivas Lopez đã được phong chân phước. Được biết đến với cái tên Aguchita, cô là một nữ tu của Hội Nữ Tử Bác Ái Người Mục Tử Nhân Lành, và đã bị giết vì lòng thù hận đức tin vào năm 1990. Dù ý thức được rằng mình đang liều mạng, nhà truyền giáo anh hùng này luôn ở gần người nghèo, đặc biệt là phụ nữ bản địa, và nông dân, làm chứng cho Tin Mừng của công lý và hòa bình. Xin cho tấm gương của chị khơi dậy trong mọi người ước muốn phụng sự Chúa Kitô một cách trung thành và can đảm. Xin anh chị em một tràng pháo tay cho vị Chân phước mới!

Hôm nay là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi, với chủ đề là “Được kêu gọi xây dựng gia đình nhân loại”. Xin cho cộng đồng Kitô hữu trên mọi lục địa cầu xin Chúa ban ơn cho các ơn gọi linh mục, cho đời sống thánh hiến, cho sự lựa chọn làm nhà truyền giáo và hôn nhân. Đây là ngày mà nhờ phép rửa tội, tất cả chúng ta cảm thấy được mời gọi theo Chúa Giêsu, nói lời xin vâng với Người, noi gương Người để khám phá niềm vui hiến mạng sống mình, phục vụ Tin Mừng một cách vui tươi và hăng say. Trong bối cảnh đó, tôi muốn gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các tân linh mục của Giáo phận Rôma, những người vừa được phong chức sáng nay tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô.

Ngay bây giờ, nhiều tín hữu đang tụ tập quanh ảnh Đức Mẹ được tôn kính trong Đền thờ Pompei, để cầu nguyện Lời cầu khẩn phát ra từ trái tim của Chân phước Bartolo Longo. Quỳ trong tâm hồn trước hình ảnh của Đức Trinh Nữ, tôi phó thác cho Mẹ niềm khát khao nhiệt thành về hòa bình của nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới đang phải gánh chịu thảm họa chiến tranh vô nghĩa. Đặc biệt, tôi trình bày những đau khổ và nước mắt của người dân Ukraine lên Đức Thánh Trinh Nữ. Trước sự điên cuồng của chiến tranh, xin hãy cho chúng con biết tiếp tục lần chuỗi Mân Côi cho hòa bình mỗi ngày. Và chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia, để họ có thể không đánh mất “nhịp đập của những người mong muốn hòa bình” và những người biết rõ rằng vũ khí không bao giờ đạt được điều đó, không bao giờ.

Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những nạn nhân của vụ nổ diễn ra tại một khách sạn lớn ở thủ đô Havana của Cuba. Xin Chúa Kitô Phục Sinh dẫn họ về nhà Cha và ban ơn an ủi cho thân nhân của họ.

Tôi chào tất cả anh chị em đến từ Rôma và những người hành hương từ Ý và nhiều nước khác. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu đến từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Ba Lan và Giáo phận Nantes bên Pháp. Tôi chào Gia đình Dòng Thương Khó, đang kỷ niệm Năm Thánh thứ ba trăm ngày thành lập; những người bị bệnh đau cơ xơ hóa, những người mà tôi hy vọng đang nhận được sự chăm sóc cần thiết; cũng như các tín hữu từ Naples, Pomigliano d'Arco, Reggio Calabria và Foggia; những đứa trẻ từ lớp Thêm sức của Zogno ở Bergamo, và những đứa trẻ từ San Ferdinando ở Rôma. Một lời chào đặc biệt tới nhóm người tị nạn Ukraine và các gia đình đón họ từ Macchie, gần Perugia. Tôi cũng chào các nhà lãnh đạo của Cộng đồng Sant'Egidio từ Mỹ Châu Latinh.

Hôm nay là Ngày của Mẹ ở nhiều quốc gia. Chúng ta hãy trìu mến nhớ đến những người mẹ của chúng ta - một tràng pháo tay dành cho những người mẹ của chúng ta - những người không còn ở với chúng ta dưới thế này, nhưng là những người đang sống trong trái tim của chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta, tình cảm của chúng ta và những lời chúc tốt đẹp nhất của chúng ta dành cho tất cả những người mẹ của chúng ta.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Vẻ đẹp và sự trang trọng: Lễ tuyên thệ nhậm chức của Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ
Đặng Tự Do
16:54 08/05/2022


36 thanh niên thề sẽ bảo vệ Đức Giáo Hoàng, bằng mạng sống của họ nếu cần.

Hàng năm, ngày 6 tháng 5 là ngày các tân binh của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ tuyên thệ nhậm chức, trong một buổi lễ luôn đầy màu sắc. Năm nay, vào ngày 6 tháng 5, sự kiện này đã có thêm một linh hồn, khi tuần lễ được đánh dấu bằng mối quan hệ hợp tác lịch sử giữa Thụy Sĩ và Tòa thánh, hai quốc gia thân thiết với trái tim của tất cả các thành viên của đội quân nhỏ bé của Vatican.

Thời tiết ảm đạm và cuối cùng có mưa vào cuối buổi chiều ở Rôma: do đó, buổi lễ được chuyển đến Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục.

Trong khung cảnh kém hoành tráng này so với sân của Thánh Damasus, các bậc phụ huynh, các quan chức, các cá nhân và nhóm được mời khác không lấp đầy một phần tư căn phòng. Nhưng các mệnh lệnh được hét lên bằng tiếng Đức và tiếng Pháp đã vang lên ngoạn mục dưới Đại Thính Đường hiện đại thường xuyên tổ chức - đặc biệt là vào mùa đông – cho các cuộc tiếp kiến của Đức Giáo Hoàng.

Đầu tiên là phần tuyên đọc câu chuyện về sự hy sinh hiển hách của các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ để cứu Đức Giáo Hoàng Clêmentê Đệ Thất trong Chiến dịch thành Rome, 495 năm trước đó. Tiếp theo là lời cảnh báo vang dội của ba chiếc kèn, trong khi các Ngự Lâm Quân bước vào cùng với âm thanh của tiếng trống.

Đồng phục, áo giáp sáng lấp lánh, mũ bảo hiểm có chùm đỏ, vũ khí trên tay, họ xếp thành một hàng quân trên bục trước bức tượng Phục sinh khổng lồ.

Chỉ huy Christoph Graf đã trình diện các tân binh trước Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi lễ.

Các bài quốc ca của cả hai quốc gia sau đó đã được phát, một số bài phát biểu đã được thực hiện và sau đó là thời điểm mong đợi. Từng người một, những tân binh bước từng bước chậm rãi trước lá cờ đầy màu sắc của Đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ. Giơ ba ngón tay, đặt bàn tay theo tiêu chuẩn, tất cả đều thề, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ tương ứng, sẽ bảo vệ Đức Giáo Hoàng Phanxicô và người kế vị của ngài, cho đến chết nếu cần, cầu xin Chúa và các vị thánh bảo trợ giúp họ thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình.

Năm nay có 36 nam thanh niên gia nhập Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ. Những người Công Giáo Thụy Sĩ trẻ tuổi này, trong độ tuổi từ 19 đến 30, và cao ít nhất 1,74 mét, theo yêu cầu của các quy tắc, được thêm vào hàng ngũ quân đội của Đức Giáo Hoàng. Theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, gần đây Đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã tăng từ 110 lên 135 thành viên vào năm 2015.
Source:Aleteia
 
Các nhà hoạt động phá thai kêu gọi phá hoại các Thánh lễ Công Giáo vào Chúa Nhật
Đặng Tự Do
16:55 08/05/2022


Các nhà hoạt động phá thai đang kêu gọi biểu tình bên trong các nhà thờ Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ vào Ngày của Mẹ. Động thái này được đưa ra để đáp lại ý kiến dự thảo của Tòa án Tối cao bị rò rỉ cho rằng Tòa án có thể lật lại phán quyết Roe chống Wade.

Lời kêu gọi này được thực hiện từ tài khoản Twitter @RuthSentUs, được đặt theo tên của Thẩm Phán quá cố Ruth Bader Ginsburg. Dòng tweet bao gồm một đoạn video về những người biểu tình ồn ào đang đi qua một nhà thờ Công Giáo, hô khẩu hiệu trong khi nhân viên nhà thờ cố gắng đưa họ ra cửa. Dòng tweet đã được chú thích:

“Cho dù bạn là người theo đạo 'Công Giáo phò lựa chọn', cựu Công Giáo, theo đạo khác hay không có đức tin, hãy nhận ra rằng sáu người Công Giáo cực đoan đã chuẩn bị lật đổ phán quyết Roe. Hãy đứng tại hoặc trong một Nhà thờ Công Giáo địa phương vào Chúa Nhật ngày 8 tháng 5. #WarOnWomen #MothersDayStrike”

Lời kêu gọi phá hoại các thánh lễ xảy ra vào thời điểm số lượng tội phạm nhắm vào các Nhà thờ Công Giáo đang gia tăng. Theo USCCB, đã có 129 vụ đốt phá, phá hoại và phá hủy các nhà thờ ở 35 bang kể từ năm 2020.

Các nhà thờ Công Giáo trên khắp đất nước đang chuẩn bị cho các cuộc biểu tình có thể xảy ra trong các Thánh lễ ngày Chúa Nhật.

Tại Giáo phận Pittsburgh, Đức Cha David Zubik đã gửi email cho các giáo sĩ để yêu cầu các biện pháp an ninh được áp dụng, tờ Pittsburgh Post-Gazette đưa tin.

“Chúng tôi biết rằng các nhà hoạt động ủng hộ phá thai đang đe dọa làm gián đoạn các Thánh lễ Công Giáo vào cuối tuần này trong Ngày của Mẹ,” một phát ngôn viên của giáo phận cho biết. “Các giáo xứ trong Giáo phận Công Giáo Pittsburgh có các kế hoạch an ninh và chúng sẽ được thực hiện vào cuối tuần này, như mọi cuối tuần”.

Trong email của mình, Pittsburgh Post-Gazette đưa tin, Đức Cha Zubik khuyến cáo rằng anh chị em giáo dân hãy chuẩn bị gọi 911 nếu những người biểu tình bước vào một nhà thờ và bật camera an ninh.

Ông cũng đề nghị những tình nguyện viên chụp ảnh những người biểu tình và ghi lại biển số xe của họ để giao cho cảnh sát.

“Các mục tử và tình nguyện viên nên làm mọi thứ trong khả năng của họ để giữ cho tình hình bình tĩnh và không đối đầu,” ngài viết.

Bài báo lưu ý rằng các nhà thờ ở thành phố New York cũng đang tăng cường các biện pháp an ninh để chuẩn bị cho các cuộc biểu tình có thể xảy ra vào Chúa Nhật.
Source:Aleteia
 
Thợ làm bánh Ba Lan đến Bucha, Ukraine, để xây dựng lại thành phố
Đặng Tự Do
16:56 08/05/2022


Kể từ khi quân đội Nga rời khỏi khu vực Bucha và mức độ thực sự của những hành động tàn bạo gây ra ở đó được đưa ra ánh sáng, thành phố này đã được biết đến như một trong những địa điểm đẫm máu nhất của cuộc chiến ở Ukraine. Thành phố hiện đang tính đến sự tàn phá, chấn thương của những người sống sót và con số những nạn nhân bị thảm sát được tìm thấy ngày càng nhiều hơn.

Jacek Polewski là một thợ làm bánh người Ba Lan đã bị ấn tượng bởi những gì anh ta nhìn thấy trên bản tin. Anh đã có một quyết định táo bạo: rời tiệm bánh mì của mình ở Poznan, Ba Lan, và lên đường đến Bucha, bắt đầu làm bánh mì để phân phát cho những người sống sót. Anh ấy nói với Polskie Radio:

Khi tôi chứng kiến những gì đã xảy ra ở đó, tất cả sự tàn nhẫn, tôi nghĩ điều tốt nhất tôi có thể làm với tư cách là một thợ làm bánh là giúp khởi động lại các tiệm bánh. Tôi đưa vào Google Maps hai từ: tiệm bánh và Bucha. Một số kết quả hiện lên, tôi đã viết cho người đầu tiên trong danh sách và chủ sở hữu đã viết lại sau vài phút. Chúng tôi đã chất 500 kg bột mì ở Poznań và lên đường”.

Polewski quyết định đóng góp của mình bắt đầu từ một cái gì đó đơn giản, mang lại sự thoải mái cụ thể, còn hơn cả thức ăn. Làm thế nào để bạn tồn tại trong một nghĩa trang ngoài trời? Làm thế nào để bạn đáp ứng các nhu cầu cơ bản? Một thứ thiết yếu là bánh mì, một trong những loại thực phẩm đơn giản và truyền thống nhất.

Trong khi quân đội Nga tiến vào thị trấn, một trong những tiệm bánh ở Bucha đã bị quân xâm lược sử dụng làm căn cứ hậu cần. Khi khởi hành, người Nga đã tước bỏ mọi thứ - chảo nướng, khuôn, dụng cụ làm bếp. Để tiệm bánh trở lại bình thường phải mất nhiều ngày dọn dẹp và sắp xếp lại.

Việc xử lý bát, men và cân trong bối cảnh bóng ma vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí tinh vi khác có vẻ là một công việc buồn cười, nhưng đây là bộ mặt cần cù và xây dựng của con người, hoàn toàn trái ngược với tâm lý chiến tranh.

Bánh mì mới ra lò nói lên sự ấm áp và an toàn trong gia đình.

Từ Poznan ở Ba Lan đến Bucha mất khoảng 11 giờ lái xe theo đường thẳng. Polewski quyết định đi du lịch cùng con trai và một người bạn của mình, chất 500 kg bột mì lên xe của họ. Trên đường đi, họ mua thêm 600 kg nữa.

Họ biết rằng đến Bucha sẽ rất khó nếu không muốn nói là không thể, vì vậy điểm dừng chân đầu tiên là Kyiv. Từ thủ đô, sau ngày 14 tháng 4, cũng có thể đến Bucha. Bước đầu tiên là đến đó mang bánh mì đã được nhào và nướng ở Kyiv. Bước thứ hai - một quá trình đang diễn ra - bây giờ là khởi động lại các tiệm bánh của thành phố Bucha và tạo ra một mạng lưới hợp tác giữa các tiệm bánh trong khu vực.

“Người Nga đã rời khỏi khu vực này; nó đang trở nên an toàn hơn ở đó. Do đó, ý tưởng rằng chúng tôi sẽ đến đó trong một tuần, giúp đỡ nhiều nhất có thể, nướng bánh mì. Chúng tôi ước tính rằng chúng tôi có thể nướng khoảng 1,5 nghìn ổ bánh mì và sau đó phân phối chúng. Nó đáng để hỗ trợ lẫn nhau. Jacek Polewski nói với Wyborcza.pl chưa bao giờ có một cảm giác chung như vậy trong lịch sử Ba Lan-Ukraine của chúng ta trước đây.

Và ý nghĩa của cử chỉ này vượt ra ngoài sự sống cần thiết. Bánh mì mới ra lò là thực phẩm, nhưng không chỉ có vậy. Nó nói lên sự quan tâm và chu đáo mà mỗi chúng ta liên kết với sự thoải mái trong gia đình và gia đình. Sau đó, người ta có thể gợi ý khả năng giúp mọi người tìm lại hy vọng thông qua một ổ bánh mì ấm, đòi hỏi sự chung tay của con người, hoạt động chậm chạp của men và sức nóng của lò nướng. Polskie Radio tường thuật:

“Có nhiều tổ chức ở Bucha cung cấp viện trợ nhân đạo cho cư dân. Vì vậy có thể lấy được thực phẩm, nhưng chủ yếu là các sản phẩm khô hoặc đóng gói hút chân không; Jacek Polewski nói. “Sau khi nướng mẻ bánh đầu tiên, chúng tôi đi phát trước một dãy chung cư vẫn chưa có điện, ga, nước. Mọi người đang nấu ăn ở đó trên ngọn lửa được thắp sáng trước cầu thang. Mọi người đều chộp lấy chiếc bánh mì tươi nóng hổi đó theo đúng nghĩa đen. Bánh mì tươi tượng trưng cho sự ấm áp và an ninh giản dị của quê hương “, người thợ làm bánh nói.

Chiến tranh làm xói mòn định nghĩa của con người tận gốc rễ của nó. Xây dựng lại một tiệm bánh ở nơi có những ngôi mộ tập thể và đống đổ nát có nghĩa là bắt đầu lại từ kiểu chia sẻ mà Chúa Giêsu đã chọn làm cử chỉ cuối cùng của Ngài với các môn đệ của Ngài trước cuộc Khổ nạn.
Source:Aleteia
 
Đức Thánh Cha: Hòa bình chỉ có thể tiến đạt bằng cầu nguyện chứ không bằng vũ khí
Thanh Quảng sdb
18:44 08/05/2022
Đức Thánh Cha: Hòa bình chỉ có thể tiến đạt bằng cầu nguyện chứ không bằng vũ khí

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời kêu gọi hòa bình cho nhiều quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và xin tất cả các tín hữu hãy cầu nguyện để các nhà lãnh đạo đáp lại những mong ước của những thường dân đau khổ của họ, những người luôn xác tín rằng vũ khí sẽ không mang lại hòa bình.

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa kêu gọi hòa bình, phó thác những tâm tình cầu nguyện cho Đức Mẹ.

ĐTC nói: “Quỳ trước Đức Trinh Nữ, con phó thác cho Mẹ nỗi khát vọng hòa bình tha thiết của triệu triệu con người, ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, đang phải gánh chịu những thảm họa chiến tranh vô nghĩa”.

Đức Thánh Cha nói chuyện với những người hành hương đang qui tụ lắng nghe những lời chia sẻ của ngài sau buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô vào buổi trưa Chúa nhật 8/5/2022.

ĐTC cũng ghi nhận vào giờ này, rất nhiều tín hữu cũng đang tập trung xung quanh tượng Mẹ tại Đền thờ Pompeii, để thân thưa với Mẹ lời cầu xin mà Chân phước Bartolo Longo, đã tha thiết khấn xin cùng Đức Nữ Trinh để khẩn thiết xin Mẹ ban cho thế giới chúng ta món quà của hòa bình.

“Với Đức Trinh Nữ,” Đức Thánh Cha nói tiếp, “Tôi đặc biệt dâng lên Mẹ những đau khổ và nước mắt của người dân Ukraine.”

“Trước sự điên loạn của chiến tranh, chúng ta hãy tiếp tục lần chuỗi Mân Côi, cầu xin Mẹ ban hòa bình hằng ngày cho thế giới chúng ta.”

ĐTC cũng xin cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia để họ “không đóng mắt trước những 'cảm xúc' của người dân vô tội của họ, những người chỉ mong ước hòa bình, vì họ biết rõ rằng vũ khí sẽ không bao giờ mang lại được điều đó."

Mua vũ khí không phải là giải pháp giải quyết cho bất kỳ cuộc xung đột nào

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Đức Thánh Cha đã nhiều lần kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột...

Phát biểu trong buổi triều yết ngày 23 tháng 3, ĐTC nhận xét về cách cuộc chiến ở Ukraine cho thấy nhân loại phải loại bỏ bản năng "tự hủy diệt" hung hãn và việc mua thêm vũ khí không phải là giải pháp cuối cùng cho bất kỳ cuộc xung đột nào.

ĐTC yêu cầu các tín hữu hãy cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của chiến tranh - những người đã chết, bao gồm cả “những người lính đã ngã xuống của cả hai bên”, những người bị thương, vô gia cư và những người tị nạn, Đức Thánh Cha nói: “Cầu xin Chúa soi sáng cho chúng ta ý thức là cuộc chiến này là một thất bại của nhân loại."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chia sẻ về Đời Sống Tu Trì- Quý Soeur Dòng Đa Minh Rosa Lima
Sr. Minh Du
00:20 08/05/2022


 
Dâng hoa tại Cộng Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne
Trần Văn Minh
16:04 08/05/2022
Mở đầu tháng hoa, Thứ Ba 3/3/2022. Legio Mariae dâng hoa cộng đoàn.

Thứ Năm đầu tháng 5/5/22.. Hội Mân Côi Vinh Sơn Liêm dâng hoa cộng đoàn.

Thứ Sáu đầu tháng 6/5/22. Đội dâng hao Ngành Nữ Tông Đồ Liên Minh Thánh Tâm dâng hoa.

Thứ Bảy đầu tháng 7/5/22. Đội dâng hoa của Ca đoàn Vô Nhiễm dâng hoa

Chúa Nhật 8/5/22. Đội dâng hoa của Thiếu Nhi Thánh Thể Xứ đoàn Vinh Sơn Liêm Dâng hoa.

Mời xem hình
 
Phỏng Vấn Cha Nhạc Sư Kim Long Nhân Dịp Kỷ Niệm 65 Năm Ngài Viết Thánh Ca
Nữ tu Minh Du
17:03 08/05/2022
Thưa Cha, Con cám ơn Cha đã nhận lời và dành thời gian cho độc giả VietCatholic. Lời đầu tiên chúng con xin chúc mừng cha vừa ghi dấu ngày kỷ niệm mừng 65 năm viết Thánh Ca qua đêm nhạc Ngợi Ca Tình Yêu ngày mùng 02 tháng 5 vừa qua tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon. Mừng 65 tuổi đã là thọ, mừng 65 năm viết thánh ca...thì quả là một hồng ân Chúa ban đặc biệt cho Cha.

Sr. Minh Du: Thưa cha, cái duyên đầu tiên đưa cha đến với việc viết Thánh Ca là gì ạ? Bài đầu tiên của cha sáng tác là bài nào ạ?

Lm. Kim Long: Tôi gia nhập ban hát giáo xứ từ năm 8 tuổi nên những bài thánh ca tôi hát từ nhỏ đã in vào tâm thức và tạo niềm cảm mến thôi thúc tôi khởi hứng những bài thánh ca đầu tiên, bài CON HÂN HOAN BƯỚC LÊN BÀN THỜ CHÚA...(1957) là khởi đầu. Tôi may mắn có cha Ngô Duy Linh khích lệ để tiếp tục.

Sr. Minh Du: Hiện nay cha đã viết được khoảng bao nhiêu ngàn bài và in trong bao nhiêu tuyển tập thưa Cha?

Lm. Kim Long: Tôi chưa bao giờ ngồi đếm nên không thể nói chính xác la bao nhiêu bài, nhưng trên 5.000 bài thì chắc chắn !!!

Sr. Minh Du: Nhìn thấy "gia tài" đồ sộ này, cha cảm nhận điều gì ạ!?

Lm. Kim Long: Tôi vui và tạ ơn Chúa khi nhiều người dùng những bài thánh ca của mình đến thuộc lòng để ngợi khen và cầu nguyện với Chúa.

Sr. Minh Du: Khi sáng tác, tâm trạng vui hay buồn sẽ làm cho cha viết được nhiều hơn ạ!?

Lm. Kim Long: Tôi hay nghĩ về lời của thánh Augustinô : khi người ta vui thì người ta ca hát.... và khi vui nhất la khi YÊU ! Tình yêu sẽ quyết định tất cả. (vui có, buồn cũng có !!!!)

Sr. Minh Du: Thời gian nào trong suốt 65 năm viết thánh ca, cha cho ra đời nhiều tác phẩm nhất!? Thời kỳ nào cha viết sung sức nhất, thưa cha?

Lm. Kim Long: Thời gian sáng tác là khoảng năm 1976- 1989... khi tôi ở Giáo xứ Đức Hòa (tỉnh Long An - Giáo phận Mỹ Tho); 25 tập CA LÊN ĐI, 5 tập CHUNG LỜI NGỢI CA (viết chung với thân hữu và môn sinh), 3 tập NHỮNG BÔNG HOA NHỎ.... Rồi gần đây trong thời gian nghỉ hưu tôi viết tiếp...BÀI CA NGÂN VANG, THÁNH CA CHÚA NHẬT, THÁNH CA NGÀY LỄ...CHUNG PHẦN ĐAU KHỔ, HÁI HOA TÌNH YÊU. NIỆM SUY LỜI CHÚA (4 tập đã ấn hành, sẽ in tập 5 và đang viết tập 6)

Sr. Minh Du: Như vậy theo cha kể, con đếm đã thấy cha xuất bản 42 quyển sách thánh ca, chưa kể tập 5 và 6 Niệm Suy Lời Chúa chuẩn bị phát hành Trong hàng ngàn "đứa con tinh thần" thì cha thích bài thánh ca nào nhất và tại sao thưa cha?

Lm. Kim Long: Bài nào cũng là những đứa con tinh thần của mình nên tôi đều thích...còn ai thích bài nào thì tùy !

Sr. Minh Du: Để sáng tác thánh ca người nhạc sĩ cần có gì và chuẩn bị gì cho mình thưa cha?

Lm. Kim Long: Tôi đã chia sẽ nhiều lần, muốn sáng tác thánh ca thì phải : ĐỌC - SUY – Cầu nguyện

Sr. Minh Du: Cha có nhận xét gì với các sáng tác thánh ca hiện nay, xin cha chia sẻ đôi điều với chúng con..

Lm. Kim Long: Tôi không dám nhận định vế người khác, vì làm sao hiểu rõ được.

Con cám ơn Cha nhiều lắm. Qua những tâm tình chia sẻ vắn gọn nhưng gói trọn tâm tình của một nhạc sư yêu mến Thánh ca và muốn chia sẻ tâm tình yêu Chúa qua lời ca, chúng con tri ân Cha về những âm thầm hy sinh trong sáng tác để nền thánh ca Việt Nam có được hơn năm ngàn bài hát ca tụng Chúa. Xin cho lòng yêu Chúa và khiêm nhường nơi cha luôn được Chúa chúc lành.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Học hỏi Tin mừng Luca 14
Vũ Văn An
23:12 08/05/2022

Bài Tin Mừng Luca 8:11-15: Giải nghĩa dụ ngôn người gieo giống

11“Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa. 12Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. 13Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. 14Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. 15Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.

Trích Tin Mừng Luca trực tuyến, bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ



Chú thích

Hạt giống là lời Thiên Chúa. Luca đồng nhất hóa hạt giống với lời Thiên Chúa, một cách mạnh mẽ hơn Máccô: “Người gieo giống đây là người gieo lời” (4:14). Về “lời Thiên Chúa” xin xem chú thích trong bài Học hỏi Tin mừng Luca: ngày 6/2/2022 (https://vietcatholic.net/News/Html/274093.htm).

Qủy. Luca dùng chữ “qủy” (diabolos) thay cho chữ satanas của Máccô. Satanas là tên người Do Thái dùng để gọi tên “đối thù, kẻ tố cáo, công tố viên”. Trong Cựu Ước, hắn có mặt tại toà thiên đình (Gióp 2:1, Dacaria 3:1-2). Trong khi diabolos, trong tiếng Hy Lạp, thường được dùng để chỉ “tên nói hành”. Cha Fitzmyer cho rằng ở đây Luca muốn nhấn mạnh quyền lực của nó đối với trái tim con người.

Kẻo họ tin mà được cứu độ. Đây là câu Luca thêm vào, trong khi Máccô chỉ nói rằng Satan “cất lời đã gieo”. Nên để ý đến tính song hành của “tin” và “cứu độ”, rất thích hợp với việc nhấn mạnh tới “lời Chúa”. “Tin” sẽ được lặp lại tại câu 13.

Họ tin nhất thời. Luca lại thêm chữ “tin” một lần nữa, nhưng ngài thay tĩnh từ kép proskairos, “nông nổi nhất thời” của Máccô bằng một câu giới từ pros kairon (nhất thời).

Khi gặp thử thách. Luca cố tình thay thế chữ “gian nan” và “ngược đãi” trong Máccô bằng chử “thử thách” (peirasmos) thường có nghĩa là “cám dỗ”, nhưng thực sự có ý chỉ từ bỏ lối sống Kitô giáo khi tính trung kiên được đòi hỏi.

Họ bỏ cuộc. Luca dùng cụm từ “bỏ cuộc” thay thế cho cụm từ “vấp ngã” là động từ nhẹ nhàng hơn, cho thấy Luca tỏ ra ít khoan nhượng đối với những người chỉ gắn bó với một chính nghĩa nào đó bao lâu nó thích hợp với các sở thích của họ.

Những kẻ nghe. Đối với Luca, phản ứng đối với đức tin bắt đầu bằng “nghe” nhưng căn cứ vào nhóm người này và việc mô tả nhóm người tiếp theo, ta thấy đức tin liên hệ đến nhiều điều hơn thế nữa.

Nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp. Luca giữ việc Máccô nhắc đến 3 điều làm phân tâm khiến ta lãng quên cam kết nhưng ngài thay đổi lời văn đôi chút (Maccô: “nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác”).

Với tấm lòng cao thượng và quảng đại. Luca dùng chữ “tấm lòng” nhắc lại chữ “lòng” trong câu 12. Đây là một từ ngữ của Cựu Ước dùng để chỉ nơi phát xuất phản ứng của con người đối với Thiên Chúa và ơn soi dẫn của Người.

Nhận định

Cha Fitzmyer nhận định rằng khi đồng nhất hóa hạt giống với “Lời Thiên Chúa”, Luca đã giữ lại các chi tiết trong giải thích của Máccô (4:13-20), các chi tiết đã không giải thích thêm về hạt giống, nhưng Luca đã đột ngột chuyển sang việc giải thích 4 loại đất trên đó hạt giống được gieo vãi. Từ câu 8:11b, Luca chuyển sang câu 8:12 một cách khá đột ngột, vì “Những kẻ” ở câu 8:12 không là tiếp nối tự nhiên của “hạt giống” ở câu 8:11b. Lý do là vì Luca bỏ câu Mc 4:13 vì nó vừa khó hiểu vừa tỏ ra coi thường các môn đệ, nhưng đã lấy lại câu Mc 4:15.

Cha cũng cho rằng lời giải thích trong Luca khai thác một số chi tiết có tính thứ cấp nơi Máccô. Chữ “lời” tuyệt đối trong Máccô trở thành “Lời Thiên Chúa” trong Luca và lời giải thích của Luca tập chú không hẳn vào số phận hạt giống cho bằng vào các loại đất trên đó hạt giống được gieo vãi. Những loại đất này được đồng nhất hóa với những người nghe khác nhau đáp lại lời Chúa:

a) Những người không có đức tin cứu rỗi. Luca đã dẫn nhập vào lối giải thích của mình các ý niệm riêng của mình về đức tin và ơn cứu rỗi. Nếu “lời Thiên Chúa” là lời cứu rỗi, thì người ta phải đáp ứng bằng đức tin; nhưng cơ hội để làm như thế đã bị lấy mất khỏi nhóm thứ nhất này bởi sự ác hóa thân, bởi ảnh hưởng của bất cứ những gì chống lại chính lời cứu rỗi này;

b) Những người vấp ngã lúc gặp thử thách. Nhóm thứ hai này quả có đáp ứng lời Chúa bằng đức tin, nhưng không được bao lâu. Họ không trung kiên trong khó khăn, nghịch cảnh và đã vội buông bỏ. Việc đào ngũ của nhóm thứ hai này được ngụ ý là không hơn gì đáp ứng của nhóm thứ nhất;

c) Những người lắng nghe lời Chúa nhưng không thực sự đạt tới sự chín mùi trong lối sống Kitô giáo. Nhóm này bắt đầu với việc lắng nghe lời Chúa, nhưng rồi bị phân tâm bởi các quan tâm lo lắng thế gian nên đã không đem việc lắng nghe tới chỗ sinh hoa trái;

d) Những người lắng nghe lời Chúa với sự cởi mở của tâm trí và đã chín mùi đạt tới sự sống Kitô giáo viên mãn. Lời Chúa lôi kéo từ họ phản ứng nhân bản tốt đẹp nhất, một thái độ cao qúy, đại lượng, và hoa trái chín mùi. Họ có hai đặc điểm: giữ lời Thiên Chúa và kiên trì sinh hoa trái từ nó nơi chính họ. Vui vẻ nghe lời Thiên Chúa mà thôi không đủ, nhiều điều hơn thế đòi hỏi nơi Kitô hữu trưởng thành.

Hình thức giải thích của Luca nhấn mạnh tới đức tin và kiên trung nhiều hơn Máccô. Và mặc dù lối giải thích này không nhắc chi tới thành công chắc chắn của mùa gặt cánh chung (sinh gấp trăm như Mc 4:20), nhưng ta không nên đọc nó với tâm thức ấy vì dù sao, nó vẫn bảo đảm “sẽ sinh hoa kết quả”.

Cha Fitzmyer cũng cho rằng với việc nhấn mạnh tới “đức tin”, “thử thách”, “kiên trì” tuy là của nhóm nhưng vẫn chưa nói chi tới Giáo Hội, điều mà Luca sẽ triệt để khai triển trong Tông Đồ Công Vụ.

Trong giải thích của ngài, Thánh Cyril thành Alexandria cho rằng nhóm thứ nhất là những người tâm trí cứng cỏi không chịu tiếp thu hạt giống lời Chúa: “lời bảo khuyên thánh thiêng và thần linh không vào được trong họ, họ cũng không chấp nhận các lời lẽ có thể phát sinh trong họ sự kính sợ Thiên Chúa và nhờ thế họ có thể sinh hoa trái là các nhân đức. Họ đã làm cho họ trở thành ‘vệ đường’ khô cứng cho ma qủy dơ bẩn dẵm đạp lên đến không bao giờ còn sản sinh hoa trái”. Ngài khuyên họ “hãy mở cửa tâm trí anh em, tiếp nhận hạt giống thánh thiêng... hãy canh chừng tâm trí anh em, đóng kín cửa ra vào đối với kẻ trộm, xua đuổi khỏi lòng anh em bầy lũ chim chóc...”

Nhóm thứ hai là những người “đức tin không được chứng minh, chỉ dựa vào ngôn từ mà thôi, không áp dụng tâm trí vào việc khảo sát mầu nhiệm: lòng đạo này thiếu nhựa sống, không rễ. Vì khi họ bước vào nhà thờ, họ cảm thấy vui khoái khi thấy nhiều người tụ tập, và vui vẻ nghe giáo huấn của các vị giảng thuyết, thậm chí còn ca ngợi các vị, nhưng họ làm tất cả những điều này một cách hững hờ không nhận định, phán đoán, thành thử khi ra khỏi nhà thờ, họ liền quên giáo lý thánh thiêng, và lại lao vào các việc làm ăn bình thường, không lưu giữ được gì cho lợi ích tương lai”. Những người này, dù ở thời không bị bách hại, cũng chỉ có một niềm tin lẫn lộn thất thường. Còn trong thời bị bách hại, kẻ thù chân lý tấn Công Giáo Hội của Chúa Cứu Thế, lòng họ đâu có tha thiết chi đến chiến đấu, sẵn sàng cởi bỏ áo giáp để chạy trốn. Thánh Cyril gọi họ là những kẻ sợ sệt và yếu đuối. Tại sao lại trốn chạy khỏi vinh quang, tại sao lại trốn chạy khỏi tranh chấp mình đã được huấn luyện để chiến đấu.

Với những kẻ sợ sệt này, Thánh Cyril mang hình ảnh người chiến binh để khích lệ họ: người chiến binh này được coi là dũng cảm không phải là người thời bình mỉm cười với súng ống đầy mình mà là người, thời chiến, can đảm ra chiến trường chống lại kẻ thù hung hãn. Và ngài trích lời tiên tri Giêrêmia “Hãy cầm lấy vũ khí và khiên mộc”. Còn Thánh Phaolô thì nói với ta: Thiên Chúa không thử thách ta quá sức ta.

Nhóm thứ ba gồm những người, có vẻ như đất tốt, nhờ thế khi lời Chúa được tiếp nhận trong linh hồn họ, có thể nói nó đã mọc lên, và bắt đầu có thể nhìn thấy được, nhưng sau đó bị bóp nghẹt bởi sự quan tâm thế gian, khiến nó thui chột và chết yểu. Thánh nhân khuyên họ noi gương người nông dân rành nghề: kiên tâm thu giọn gai góc, nhổ tận rễ các gai góc này... Nếu không, họ mất một lúc hai điều: hạt giống và công phu của mình.

Ngài khuyên ta trước nhất “gạt bỏ khỏi tâm trí các quan tâm thế gian, và sự lo lắng vô ích khiến chúng ta tìm cách trở nên giàu có. ‘Vì chúng ta đâu có mang gì vào thế gian, cũng đâu có mang được chi ra khỏi nó’”. Vả lại, theo thánh nhân, việc tìm kiếm giầu có chỉ đem lại những hậu quả tai hại: những bữa tiệc trác táng, những khoái cảm của những kẻ ham ăn, và những nước chấm được chuẩn bị cẩn thận; âm nhạc, và sự say xỉn, và cạm bẫy của thói trăng hoa; thú vui và nhục dục, và lòng kiêu hãnh căm thù Thiên Chúa. Tất cả sẽ làm thui chột lời Chúa trong ta.

Nhóm thứ tư ví như đất đai phong phú, có năng xuất cao sinh hoa trái gấp trăm lần. Khi lời Thiên Chúa được gieo vào loại đất này, tức các tâm trí trong sạch và biết loại trừ khỏi mình mọi điều gây hại, nó sẽ bén rễ thật sâu, và vọt mọc lên như nhánh lúa, thân cứng cáp, trổ bông, thành cây lúa hoàn hảo.

Về nhóm người thứ ba đầy gai góc, có tác giả (xem https://redeeminggod.com/sermons/luke/luke_8_4-15/) nhận định rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều ơn phúc tuyệt diệu để chúng ta vui hưởng ở trên đời: đồ ăn thức uống ngon miệng, những khung cảnh tươi đẹp để chiêm ngưỡng, những nơi kỳ diệu để đến thăm... Những điều này không hề là tội lỗi. Thiên Chúa dựng nên chúng và ban chúng cho ta hưởng dùng. Nhưng khi chúng chiếm lĩnh đời sống ta, và thay thế vị trí của Thiên Chúa trong đời ta, chúng trở thành gai góc làm hạt giống lời Chúa chết ngộp.

Tác giả trên cho rằng đại đa số các Kitô hữu ngày nay thuộc loại gai góc này. Họ dành cho Thiên Chúa rất ít thì giờ, mọi thì giờ của họ được dành cho kỳ nghỉ, giải trí, thăm thú đó đây, đến nỗi mỗi tuần một giờ đến Nhà thờ thân thưa với Thiên Chúa họ cũng không làm được!
 
Văn Hóa
Số Phận Tấm Bia Và Danh Xưng Ông Tổ Chữ Quốc Ngữ Của Cha Alexandre De Rhodes
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
09:12 08/05/2022
Số Phận Tấm Bia Và Danh Xưng “Ông Tổ Chữ Quốc Ngữ” Của Cha Alexandre De Rhodes

Lòng biết ơn (gratitude) là một đức tính (virtue), một bổn phận (duty) hay cả hai? Đối với Marcus Tullius Cicero (106-43 trước Công nguyên) – một triết gia, nhà hùng biện và lý luận chính trị Roma – “lòng biết ơn” không chỉ là một đức tính cao trọng nhưng còn là mẹ của các đức tính khác (Gratus animus est una virtus non solum maxima, sed etiam mater virtutum onmium reliquarum); còn đối với triết gia Aristotle thì đó là một món nợ (debt) vì ông tin rằng cảm thấy biết ơn ai nghĩa là cảm thấy mình mắc nợ người đó.

“Lòng biết ơn” trong tiếng Anh là “gratitude” (tiếng Hy Lạp là χάρις, tiếng Latinh là gratia), và từ này đến từ gốc tiếng Latinh là “gratus” có nghĩa là “vui lòng, chào mừng, sẵn sàng tiếp nhận”. Gratus cũng là từ gốc của những hạn từ liên quan như ân huệ (grace), số tiền nhỏ để tặng cho người giúp mình (gratuity) và sự miễn phí (gratis), tất cả những từ này đều nói lên những trạng thái, hành động và những ý nghĩ tích cực.

Từ “gratitude” trong tiếng Pāli là kataññū, nghĩa là “biết những gì mà người khác làm cho mình”, đồng thời những người nhận biết và đánh giá cao sự giúp đỡ hay phục vụ của người khác cũng được gọi là kataññū. Trong các kinh Phật cổ xưa cũng nói rằng người tốt là người biết ơn hoặc lòng biết ơn hoàn toàn ở cấp độ của một thiện nhân.[1] Mahāmaṅgala sutta (Kinh đại phúc đức) nhìn nhận lòng biết ơn là một trong những nguyên nhân để đạt được sự thịnh vượng, sự thành công, và sự vô ơn là một trong những ngăn trở để đạt đến jhāna (Thiền). Hơn thế nữa, đây là một đức tính cao quý của người cao thượng – theo Đức Phật - bởi vì chẳng những là người tốt không thôi mà phải là người cao quý, cao thượng (noble person) thì mới để tâm đến và biết ơn vì những ân huệ mà mình nhận được từ tha nhân (A noble person is mindful and thankful of the favours he receives from others – The Buddha).

Và để tỏ lòng biết ơn những người có công lao trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ mà cha Alexandre de Rhodes là “vị đại diện”, một “đài kỷ niệm cha A-lịch-sơn Đắc-lộ” đã được khánh thành tại Hà Nội, vào lúc 5 giờ chiều ngày 29/5/1941. “Bên đền Bà Kiệu, xế cửa đền Ngọc Sơn, tấm bia kỷ niệm ông Alexandre de Rhodes đã cao xây dưới bốn mái, chiếc phương đình theo lối kiến trúc Đông phương… ông Alexandre de Rhodes đã sống lại với dân Hà thành giữa bầu không khí ngưỡng mộ truy tư đầy vẻ trang nghiêm cảm động trong lễ khánh thành đài kỷ niệm ở Phố bờ Hồ Hoàn Kiếm”[2] “có quan toàn quyền Decoux và hầu khắp thân hào thành phố đến dự”. Trong buổi lễ, ông Bernard de Feyssal đã tóm tắt quá trình lập quỹ xây dựng đài kỷ niệm, bắt đầu từ khoảng năm 1923-1924 với thiếu tá Bonifacy, một người yêu mến sử Việt, và ông Henri Cucherousset, chủ nhiệm báo Éveil Économique de l’Indochine. Trong buổi lễ có các bài diễn thuyết của Đức cha Nguyễn Bá Tòng, ông Ngô Tử Hạ là chủ nhà in và ông Nguyễn Văn Tố là Hội trưởng Hội Trí Tri và Hội truyền bá chữ Quốc ngữ, tất cả đều nói lên công lao của cha Alexandre de Rhodes hay A-lịch-sơn Đắc-lộ trong tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ.[3] Tuy nhiên - như triết gia Thomas Paine đã nói – “thời gian tạo ra nhiều biến đổi hơn là lý lẽ!”.

Số phận “phủ phàng” của tấm bia kỷ niệm A-lịch-sơn Đắc-lộ.

“Cái bia dựng đây có ý ghi chép cái sự nghiệp cụ Đắc-lộ đối với việc truyền bá chữ Quốc ngữ trong buổi sơ khai” (cụ Nguyễn Văn Tố) và cũng là để “tiêu biểu một cái đức tính đáng quý của dân tộc Việt Nam xưa nay không bao giờ quên những cái ơn nghĩa thật là ơn nghĩa” (cụ Ngô Tử Hạ). Thế nhưng, một thời gian sau ngày khánh thành, số phận của tấm bia đã hoàn toàn khác với “cái đức tính đáng quý của dân tộc Việt Nam xưa nay”! “Tấm bia đá đến năm 1957 thì bị gỡ bỏ và mất tích đến năm 1992 thì mới tìm lại được.”[4]

“Không biết ai đã phá bỏ nhà bia này? Tấm bia đã từng làm đe ghè của mấy anh thợ khoá rồi làm bàn của bà bán nước chè chén, rồi lang thang phiêu bạt ra tận bờ sông Hồng. Vào thập niên 80 trên vị trí này đã dựng tượng đài: "Cảm tử cho Tổ Quốc quyết sinh" và người ta cũng quên luôn nhà bia đó”.[5] Không biết độ chính xác đến đâu, nhưng chúng ta cũng có thêm nhiều thông tin chi tiết hơn về tấm bia. “Đêm ngày 9/10/1984, xe cẩu, công nhân kéo đến bia Alexandre de Rhodes rồi người ta dùng cần cẩu loại nhỏ cẩu tấm bia mang quẳng ra mép hồ xí nghiệp Cơ khí 204 (ngoài đê sông Hồng). Tấm bia nằm đó không lâu thì một ông xích lô ở ngõ Pháo Đài (…) phát hiện ra tấm đá to lại bằng phẳng liền gọi vợ con lại và nhờ đám bạn xích lô mang về lát chỗ rửa rau vo gạo”.[6] Được một thời gian, trong nhà có nhiều người đau ốm. Ông đi xem thầy và thầy phán là trong nhà có đồ thờ cúng lạ. Thế là ông lại đem tấm bia bỏ lại bờ đê, trước cửa nhà máy Nước đá. Năm 1992, một chủ hàng cửa sắt là ông Nguyễn Việt Minh lên chợ Đồng Xuân mua vật liệu, đến đúng trước cửa nhà máy Nước đá (Phố Trần Quang Khải), … ghé xe vào gần bờ đê và vô tình ông thấy phiến đá phẳng bị cỏ phủ lên. Tò mò, lật đám cỏ ra và cỏ đất bám trên mặt ông giật mình vì đó là tấm bia Alexandre de Rhodes. “Từng làm việc ở Bảo tàng ông hiểu nếu mang về nhà không kín đáo có thể bị kết tội chiếm đoạt di tích cho dù nó nằm ở bờ đê. Đêm muộn ông nhờ Hùng "toét" lái xe chở về và phải thuê cửu vạn bí mật khiêng vào đặt lên chỗ cống không có nắp. Không một ai trong khu nhà ông biết. Phần tiếng Pháp trên tấm bia đã bị bào mòn, nhưng phần chữ Việt thì còn nguyên.... Khi nghe tin Hội nghị Pháp ngữ tổ chức tại Hà Nội (1997), cũng biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt coi trọng di sản văn hóa nên ông nhờ người báo cáo lên Bộ Văn hóa - Thông tin. Sau đó Bộ cử người xuống và mang đi”.[7] Hiện nay, “tấm bia này đang được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội lưu giữ (sẽ chuyển giao cho Bảo tàng Hà Nội).[8]

Cha A-lịch-sơn Đắc-lộ (Alexandre de Rhodes) là “ông tổ chữ Quốc ngữ”?

Trước hết chúng ta cần phân biệt hai nghĩa của hạn từ mà chúng ta quan tâm: nghĩa cứng (hard meaning) và nghĩa mềm (soft meaning).

Tùy theo cách sử dụng, một từ có thể có nghĩa cứng và nghĩa mềm. Chẳng hạn, trong khoa xã hội học và tâm lý xã hội học, “ý niệm “socialization” có hai nghĩa – nghĩa cứng và nghĩa mềm. Theo nghĩa cứng, “socialization” có nghĩa là “sự chuyển biến một cá nhân vô xã hội (asocial) thành một hữu thể xã hội bằng cách làm cho thấm nhuần những lối suy nghĩ, cảm nghĩ và cách hành xử nào đó”[9] … Nghĩa mềm của “socialization” có thể được định nghĩa là sự tái hòa nhập xã hội, vì thế, đó là tiến trình in sâu những lối suy nghĩ, cảm nghĩ và hành xử nào đó khác với những gì ở bên trong của một cá nhân. Đây là trường hợp của những cá nhân vượt sang một nền văn hóa khác bằng cách thay đổi nhóm thân thuộc của mình …”.[10] Cũng thế, nói về ý niệm “chance”, Aristotle công nhận có hai nghĩa của hạn từ này. “Trước tiên là nghĩa cứng của nó (là cơ hội theo nghĩa vật chất) và sau đó là nghĩa mềm (sự may mắn, như là cội nguồn của sự dồi dào nội tâm nhờ hành động đạo đức)”.[11]

Như vậy, danh xưng “ông tổ chữ Quốc ngữ” mà một số người đời sau thường gán cho cha Alexandre de Rhodes - trong điều kiện mà ngài chưa bao giờ tự nhận danh xưng ấy và không còn cơ hội nào để cải chính với kẻ hậu sinh - cũng có cả nghĩa cứng lẫn nghĩa mềm.

Nghĩa cứng. Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh, tổ (祖) là “người xướng đầu ra một học thuyết hay một tôn giáo”. Từ định nghĩa này, cụm từ “ông tổ chữ Quốc ngữ” có nghĩa là người “xướng đầu” ra chữ Quốc ngữ, hay “người đầu hết, là người sáng lập, gây dựng nên chữ Quốc ngữ”. Đây là nghĩa cứng của cụm từ và khó lòng mà hiểu cha Alexandre de Rhodes là “ông tổ chữ Quốc ngữ” theo nghĩa này. Chính cha Alexandre de Rhodes trong lời tựa cuốn từ điển của mình đã nhắc đến những người khác, những người bản xứ và cha Francisco de Pina đã giúp đỡ ngài học tiếng Việt “Trong công việc này ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm thời gian mà tôi đã lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông-kinh, thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ-đào thuộc hội dòng Giê-su rất nhỏ bé chúng tôi, là thày dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ này mà không dùng thông ngôn”.[12] Đồng thời, ngài cũng tuyên dương công lao của các thừa sai Dòng Tên khác, đặc biệt là cha Gaspar do Amaral với cuốn từ điển tiếng Việt và cha Antonio Barbosa với cuốn từ điển tiếng Bồ: “Tôi cũng sử dụng nhiều công trình của nhiều cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của cha Amaral và cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn tự điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng Annam, ông sau bằng tiếng Bồ-đào, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm”.[13] Từ điển Việt–Bồ–La (Diccionário anamita-português-latim) của cha Amaral và Từ điển Bồ–Việt (Diccionário português-anamita) của Barbosa được cho là đã thất truyền.[14] Một sự khiêm nhường và liêm chính trí thức!

Nghĩa mềm. Trong lễ khánh thành Đài kỷ niệm cha Cha A-lịch-sơn Đắc-lộ ngày (29/5/1941), các diễn giả đã ghi nhận công lao của ngài qua bài diễn thuyết của mình, ngắn gọn và súc tích. Chúng ta lược qua các bài diễn thuyết.

Bài diễn thuyết của Đức cha Nguyễn Bá Tòng phần lớn nói về tiểu sử và “tinh thần tông đồ” của ngài. Thế nhưng đây là “vấn đề tôn giáo” “tuy đấy chính là công nghiệp của ngài”. Bỏ qua “vấn đề tôn giáo”, Đức cha Tòng nhấn mạnh rằng: “Ta cũng công minh mà nhận cha De Rhodes là một bậc ân nhân của nòi giống Lạc Hồng. Cái công vĩ đại của ngài đối với con Rồng cháu Tiên, là ở chỗ đã đem học lực uyên thâm hợp với tài ngữ pháp mà cấu tạo nên bộ chữ Quốc ngữ của chúng ta bây giờ”. Như vậy, Đức cha Tòng nói ngài là “người có công”. Công lao ngài ở chỗ nào? 1/ “chính ngài đã sửa, chữa lại công sáng kiến của các vị thừa sai Bồ Đào, Ý và Tây Ban Nha trước ngài. Ngài đã thêm bớt và quy định thành nên bộ chữ hoàn toàn”. 2/ “Chính ngài là người thứ nhất đã in sách bằng chữ Quốc ngữ. Quyển Yếu lý đạo Công Giáo (Catéchisme) bằng tiếng Latinh và Annam, ngài đã soạn ra và đứng trông coi nhà in Bộ Truyền Giáo Roma đúc chữ Quốc ngữ và in ra, năm 1651. Quyển Tự điển nói trên cũng do nhà in ấy xuất bản do quyền ngài kiểm soát”.

Tóm lại, cha Alexandre de Rhodes là “người có công” vì “cái bộ chữ đó tuy là sự nghiệp của nhiều vị thừa sai người Âu, nhưng cha De Rhodes chiếm một phần quan trọng nhất. Ngài đã làm hoàn thành và đem ra ứng dụng bộ chữ phôi thai từ trước, là nhờ cái thiên tài ngữ khoa của ngài”.

Trong bài diễn thuyết của mình, cụ Nguyễn Văn Tố gọi cha Alexandre de Rhodes là “nhà trước thuật”, với “cái công lớn đem truyền bá chữ Quốc ngữ, là chữ viết tiếng nước nhà, là chữ mà chỉ phải học có hai ba tháng là đọc được viết được” và cũng là người “xuất bản trước tiên – vào khoảng năm 1654 – một quyển giáo lý quốc âm và một quyển tự vị tiếng ta”. Tuy ngài không phải là người phát minh ra chữ Quốc ngữ, nhưng “cái công truyền bá chữ Quốc ngữ lúc ban đầu không phải là nhỏ, có lẽ chẳng kém gì cái công của những bậc đã phát minh ra chữ Quốc ngữ, tức là những vị cố đạo Bồ Đào Nha và những giáo sĩ Việt Nam mà sử học chưa cho biết rõ”. Và cụ cũng đánh giá luôn là “Cái công ấy cũng ngang với công của ông Hàn Thuyên về đời nhà Trần mà người ta thường gọi là ông tổ chữ Nôm”. Cụ gọi Hàn Thuyên là “ông tổ chữ Nôm” mặc dù Hàn Thuyên không phải là người sáng tạo ra chữ Nôm mà chỉ là người “giỏi thơ Nôm. Ông được xem là người phát triển, phổ biến chữ Nôm của Việt Nam”.[15]

Cuối cùng là bài diễn thuyết của cụ Ngô Tử Hạ đáng cho chúng ta quan tâm. Cụ đã cho cha Alexandre de Rhodes là người “tuyên bố ra chữ Quốc ngữ” và hai lần gọi là “ông tổ chữ Quốc ngữ”. Tuy nhiên, cách dùng từ “ông tổ” của cụ Ngô Tử Hạ ở đây không liên quan gì đến “người xướng đầu” hay “người đầu hết, là người sáng lập, gây dựng nên chữ Quốc ngữ” gì hết bởi vì ngay sau đó cụ cũng đã xác định ngay rằng: “Sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ cố nhiên cũng như mọi sự phát minh khác không phải công sức của một người. Nhưng Đức A-lịch-sơn Đắc-lộ có nhiều sách để lại làm di tích cũng như người đã hoàn thành. Vậy kỷ niệm Đức A-lịch-sơn Đắc-lộ tức là kỷ niệm một vị đại biểu cho tất cả mọi người đã có công trong việc đặt ra và sửa chữa chữ Quốc ngữ trước nay”. Từ rất sớm, ngay từ đầu thập niên 1940, người ta đã xem việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là một công trình tập thể chứ không đợi đến mãi sau này mới được các học giả đánh giá lại. Và có thể nói cụ Ngô Tử Hạ đã hiểu cụm từ “ông tổ chữ Quốc ngữ” theo nghĩa mềm.

Như vậy, cha Alexandre de Rhodes được (cụ Ngô Tử Hạ và một số người khác) gọi là “ông tổ chữ Quốc ngữ” theo nghĩa mềm của từ ngữ, vì:

1/ “Chính ngài là người thứ nhất đã in sách bằng chữ Quốc ngữ” (Đức cha Tòng). “Người xuất bản trước tiên – vào khoảng năm 1654 – một quyển giáo lý quốc âm và một quyển tự vị tiếng ta” (cụ Nguyễn Văn Tố). Người “có nhiều sách để lại làm di tích” (cụ Ngô Tử Hạ). Người “tuyên bố ra chữ Quốc ngữ” (cụ Ngô Tử Hạ). “Người đã xuất bản được quyển sách Bổn và quyển tự vị tiếng Việt Nam, tiếng Bồ-đào-nha và tiếng La-tinh là những sách Việt Nam dịch âm theo chữ La-tinh xuất bản trước tiên, nên tên Người cùng lưu truyền với cái công phát minh ra chữ Quốc ngữ” (Bia kỷ niệm).

2/ “Sửa, chữa lại công sáng kiến của các vị thừa sai Bồ Đào, Ý và Tây Ban Nha trước ngài. Ngài đã thêm bớt và quy định thành nên bộ chữ hoàn toàn”, “Ngài đã làm hoàn thành và đem ra ứng dụng bộ chữ phôi thai từ trước, là nhờ cái thiên tài ngữ khoa của ngài” (Đức cha Tòng). “Người đã hoàn thành” (Ngô Tử Hạ), “tập đại thành”[16] hay người “điển chế hóa” chữ Quốc ngữ.

3/ Một vị đại biểu cho tất cả mọi người đã có công trong việc đặt ra và sửa chữa chữ Quốc ngữ trước nay (cụ Ngô Tử Hạ).

Theo dòng lịch sử, người Việt sử dụng 3 hệ chữ là chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Chữ Hán được Sĩ Nhiếp – một quan thái thú nhà Hán - đưa vào Việt Nam và được cho là người đầu tiên mở đường cho Nho học ở Việt Nam. Ông được suy tôn là Nam Giao học tổ (南郊學祖). Từ chữ Hán, người Việt sáng tạo ra chữ Nôm. Ông Hàn Thuyên không phát minh ra chữ Nôm nhưng là người phát triển, phổ biến chữ Nôm, được suy tôn là “ông tổ chữ Nôm”. Cha Alexandre de Rhodes, vì những lý do (1), (2) và (3), được suy tôn là “ông tổ chữ Quốc ngữ” hay “ông triệu tổ chữ Quốc ngữ” (Bernard de Feyssal) theo nghĩa mềm của từ và cũng là để so sánh với công lao của ông Sĩ Nhiếp và ông Hàn Thuyên, được suy tôn là những “ông tổ” chữ Hán và chữ Nôm. Hán và Nôm, hai hệ chữ này ngày nay không còn được người Việt sử dụng nữa, nhưng các “ông tổ” vẫn được thờ cúng tại đền hay được đặt tên đường trên khắp đất nước. Chữ Quốc ngữ hiện được mọi người Việt sử dụng và được cho là “công cụ giúp cho dân tộc ta cất cánh, giúp nhân dân ta vượt khỏi rào cản về ngôn ngữ mà vươn xa hội nhập với nền văn minh của thế giới!” (Gs. Hoàng Chương).[17]

“Chúng ta hết thảy, không phân giai cấp, không biệt tư tưởng, không phân biệt tín ngưỡng, chúng ta chỉ lấy tư cách là người Nam Việt với nhau, mà ghi công một vị - chẳng kỳ vị đó là một nhà chính trị, một nhà phú hương, hay một vị thừa sai – tuy là người ngoại quốc nhưng đã đem tất cả nghị lực tài ba hy sinh cho nòi giống chúng ta. Ghi công một người đã đem đến cho chúng ta một cái cơ quan mở đàng cho bước văn minh chúng ta đang hưởng ngày nay và con cháu chúng ta sẽ còn hưởng mãi mãi ở dưới trời Nam này, tức là cha De Rhodes vậy” (Đức cha Tòng). “Bốn bể anh em không phân chủng tộc và tôn giáo, đến đây chỉ do tấm lòng kỷ niệm một bậc đáng kỷ niệm mà thôi” (Ngô Tử Hạ) và tấm lòng ghi ơn này “tiêu biểu một cái đức tính đáng quý của dân tộc Việt Nam xưa nay không bao giờ quên những cái ơn nghĩa thật là ơn nghĩa” (Ngô Tử Hạ).

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và tất cả những ai đang sử dụng “chữ Quốc ngữ” là đang ăn một thứ quả! “Biết ơn là dấu hiệu của những tâm hồn cao thượng” (Aesop). Nếu tâm không được cao, hay vì một dị ứng nào đó mà phủ nhận công lao của cha Alexandre de Rhodes thì cũng phải hướng tâm cám ơn “ông Trời” - theo tâm thức của người Việt - đã đưa cha đến mảnh đất hình chữ S này để thành toàn bộ chữ Quốc ngữ “đã phôi thai từ trước”. Như thế vừa tránh được tiếng vô ơn mà vẫn giữ được tiếng là người cao quý và có đạo đức. Ngay cả con gà mái, sau khi uống nước, cũng biết ngước đầu lên để tạ ơn ông Trời mà![18]



[1] A I 62; 153.

[2] Hoa Bằng & Tiên Đàm, “Ông Alexandre de Rhodes (1591-1660)”, trong Tri Tân Tạp Chí, số 2-10, Juin, 1941, tr. 3-5.

[3] Cả ba bài diễn thuyết được in lại trong Trung hòa nhật báo, Số 2547, 7 Tháng Sáu 1941, và được trang https://gpquinhon.org/q/ đưa lên trong mục “Ôn cố tri tân”.

[4]https://vi.wikipedia.org/wiki/Alexandre_de_Rhodes

[5]https://www.duongquocchinh.net/2020/03/so-phan-long-ong-cua-ai-tuong-niem.html

[6]http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3091/6679/chuyen-ve-tam-bia-alexandre-de-rhodes.html

[7] Ibid.

[8]https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/chuyen-it-biet-ve-tam-bia-tuong-niem-a-de-rhodes-tai-ha-noi-n20191202073837133.htm

[9] Chelcea, S. & Ilut, Enciclopedie de psihosociologie, București, Editura Economică, 2003, tr. 332.

[10] Patricia-Luciana Runcan, Applied Social Psychology, Cambridge Scholars Publishing, 2014, tr. 9.

[11] John Dudley, Aristotle's Concept of Chance: Accidents, Cause, Necessity, and Determinism, Suny Press, 2012, tr. 372.

[12] Alexandre de Rhodes, Từ điển Annam – Lusitan – Latinh, Viện Khoa học Xã hội, 1991, tr. 3, phần dịch tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính.

[13] Ibid.

[14]https://vi.wikipedia.org/wiki/Từ_điển_Việt–Bồ–La

[15]https://vi.wikipedia.org/wiki/Hàn Thuyên

[16] Kết quả của việc tập hợp những cái hay, cái đẹp tự cổ chí kim rồi đúc kết lại một cách có hệ thống (Đại từ điển tiếng Việt – GSTS. Nguyễn Như Ý, Nxb Văn hóa Thông tin, 1999)

[17] http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=53101

[18] “Even a hen, after it drinks water, raises its head to the skies to thanks God” - Tục ngữ Hy Lạp.
 
VietCatholic TV
Nga tung 22 tay súng bắn tỉa thiện xạ ám hại Zelenskiy. Tướng nướng quân để có thắng lợi dâng Putin
VietCatholic Media
03:18 08/05/2022


1. SSU bắt 11 tay súng bắn tỉa Nga làm tù binh ở Khu vực Kharkiv

Kết quả của một chiến dịch đặc biệt, Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SSU, đã bắt 11 tay súng bắn tỉa Nga ở khu vực Kharkiv làm tù binh.

Ngoài ra, Lực lượng phản gián quân sự của SSU đã vô hiệu hóa một nhóm do thám và phá hoại của đối phương ở Khu vực Khmelnytskyi, bao gồm ba thành viên, đang lên kế hoạch thực hiện các hành động bạo loạn.

Tại Khu vực Zhytomyr, SSU đã bắt giữ một đặc vụ của Liên bang Nga, người đã thu thập dữ liệu về số lượng và khả năng chiến đấu của Lực lượng vũ trang Ukraine.

Tại Vùng Sumy, SSU đã tiết lộ một người đứng đầu hội đồng thành phố, phó của ông ta và một ủy viên hội đồng địa phương, đang cộng tác với kẻ thù.

Hai cộng tác viên khác đã bị SSU giam giữ ở Vùng Kyiv. Họ đã giúp những kẻ xâm lược và làm theo chỉ dẫn của chúng ở Quận Bucha.

Tính chung, SSU đã vô hiệu hóa hơn 140 đặc vụ người Nga và bắt giữ 4.000 cộng tác viên người Ukraine, gốc là người Nga, kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu.

2. Ukraine nói rằng Nga đang tuyệt vọng chiếm thành phố ở Luhansk để tuyên bố một “chiến thắng vĩ đại”

Người Nga muốn chiếm thành phố Severodonetsk để “điều này có thể được bán cho người dân Nga như một chiến thắng lớn”, một quan chức cấp cao ở miền đông Ukraine nói.

“Tất nhiên, họ muốn Severodonetsk, vì đó là thành phố - trung tâm khu vực. Tất nhiên, điều này có thể được bán cho người dân Nga như một chiến thắng lớn”, Serhiy Hayday, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Luhansk cho biết trên Telegram.

Theo ông Hayday, người Nga tuyệt vọng muốn tìm một chiến thắng nên đang áp dụng chiến thuật biển người cổ điển, không hiệu quả trong chiến tranh hiện đại, và gây thương vong rất lớn cho quân đội Nga. Mỗi đợt tấn công, cả trung đội Nga tử trận.

Severodonetsk, một trung tâm công nghiệp quan trọng ở miền đông Ukraine, đã bị quân Nga nã pháo trong nhiều tuần và phần lớn bị phá hủy. Nhưng quân đội Ukraine vẫn ở trong và xung quanh thành phố.

“Và tất nhiên một mục tiêu khác là bao vây quân đội của chúng tôi và cố gắng cắt đường đến Bakhmut và Popasna. Đây là hai hướng chính,” ông nói.

Hayday bác bỏ tuyên bố của Nga rằng họ đã chiếm thị trấn Rubizhne trong cùng một khu vực.

“Thực tế là họ không thể di chuyển thêm nữa và Vệ binh Quốc gia của chúng tôi vẫn ở đó và đẩy lùi mọi cuộc tấn công của kẻ thù,” Hayday nói.

3. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận xét rằng bằng cách giúp Ukraine, chúng ta cũng đang bảo vệ nền dân chủ và tự do của chúng ta

Sự hung hăng tàn bạo của Putin không chỉ nhắm vào Ukraine, mà nó còn đi ngược lại với ý tưởng hợp tác hòa bình, hủy diệt nước Nga và tạo ra một “thực tế mới” ở Âu Châu và thế giới.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết điều này tại một diễn đàn ở Hamburg

“Sự căm ghét của Putin về một nước Ukraine tự do còn lớn hơn sự quan tâm của ông ta đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước Nga. Tư tưởng đế quốc và chủ nghĩa xét lại của ông về quyền lực và sự vĩ đại của Nga có ý nghĩa đối với ông nhiều hơn là hạnh phúc của người dân Nga. Do đó, hành động gây hấn tàn bạo của Putin không chỉ nhắm vào Ukraine, nơi quân đội Nga đang gây ra đau khổ và tàn phá đáng kinh ngạc, mà nó còn nhắm vào bất kỳ hệ thống kinh tế nào. Điều này mâu thuẫn với ý tưởng hợp tác hòa bình vì lợi ích của tất cả mọi người và lợi ích của người dân Nga. Bằng cách này, Tổng thống Putin đã tạo ra một thực tế hoàn toàn mới ở Âu Châu và trên toàn thế giới,” Thủ tướng Scholz nói.

Ông nhấn mạnh rằng trước thực tế mới này, người ta phải hành động và thiết lập lại một trật tự ủng hộ sự phát triển bền vững cho tương lai.

Scholz nhắc lại luận điểm của mình rằng Nga không thể chiến thắng trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, vì điều đó có nghĩa là tương lai của bất kỳ trật tự thế giới nào đều không dựa trên luật lệ mà chỉ đơn thuần dựa trên sức mạnh của vũ khí.

Do đó, ông nhấn mạnh, Đức cùng với các đồng minh và đối tác cung cấp mọi hỗ trợ có thể cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí cần thiết cho việc phòng thủ hiệu quả của nước này.

Ngoài ra, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn và đang dần thắt chặt chúng, và nền kinh tế Nga, theo Thủ tướng, đã bị ảnh hưởng nặng nề, và việc thiếu phụ tùng thay thế, chất bán dẫn và các thành phần công nghệ cao khác làm giảm khả năng gây chiến của Nga một cách có hiệu quả.

“Đồng thời, chúng tôi bảo đảm rằng Ukraine nhận được sự hỗ trợ toàn diện về tài chính và nhân đạo. Trong khối G7, cùng với các tổ chức tài chính quốc tế, chúng tôi đang đóng góp đáng kể vào việc huy động 50 tỷ USD”, Thủ tướng Scholz nói.

Trong bối cảnh đó, ông đề cập đến quan hệ đối tác chiến lược giữa Hamburg và Kyiv, đã được Thị trưởng thứ nhất của Hamburg Peter Tschentscher và Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko đồng ý. Mối quan hệ đối tác như vậy cung cấp sự hỗ trợ cần thiết trong những thời điểm khó khăn và tạo ra triển vọng cho sự phục hồi của cơ sở hạ tầng và nền kinh tế trong tương lai.

“Cùng với tất cả bạn bè và đồng minh của mình, chúng tôi cực lực phản đối các tư tưởng chủ nghĩa xét lại, đế quốc và bành trướng - hôm nay, ngày mai và trong tương lai. Bằng cách giúp Ukraine bảo vệ nền dân chủ và tự do của mình, chúng ta cũng đang bảo vệ nền dân chủ và tự do của chúng ta,” Thủ tướng Scholz nói.

4. Ngoại trưởng Ukraine nhận định: Putin có thể công bố một cái gì đó 'vĩ đại' vào ngày 9 tháng 5, Ukraine sẵn sàng cho bất kỳ kịch bản nào

Kể từ khi bắt đầu hành động gây hấn của Nga vào ngày 24/2, Ukraine liên tục bị Nga đe dọa và ngày nào cũng sẵn sàng cho bất kỳ kịch bản nào, kể cả ngày 9/5.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết điều này tại một cuộc họp báo chung với ngoại trưởng các nước Baltic ở Kyiv.

“Tôi không quan tâm đến ngày 9 tháng 5. Trên thực tế, còn điều gì có thể tồi tệ hơn mà Putin chưa tung ra? Sẽ có nhiều hỏa tiễn bay về phía Ukraine chăng? Người Nga có thể tăng con số này bất cứ lúc nào - trước, sau hoặc vào ngày 9 tháng 5. Liệu có nhiều quân Nga được triển khai tới Ukraine? Điều này cũng có thể xảy ra hàng ngày”, Kuleba nói.

Ông lưu ý rằng Putin có thể sử dụng ngày này cho các mục đích tuyên truyền và thông báo điều gì đó “to lớn, vĩ đại”.

“Kể từ ngày 24 tháng 2, chúng tôi đã sẵn sàng cho bất kỳ kịch bản nào. Và tôi không muốn đánh giá quá cao những mối đe dọa của ngày 9 tháng 5, bởi vì mọi thứ đều có thể thay đổi hàng ngày,” ngoại trưởng Ukraine nói.

Trả lời câu hỏi dành cho tất cả những người tham gia cuộc họp báo về thái độ của các quốc gia họ đối với lễ kỷ niệm ngày 9 tháng 5, là điều mà Nga đã biến thành một sự kiện nổi đình nổi đám, Kuleba nói rằng ngày 9 tháng 5 là từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 5 và ông ta không có gì hơn để nói.

Như đã đưa tin, tình báo Ukraine cũng như một số quan chức quân sự cấp cao của Anh và Mỹ cho rằng, Putin có thể sẽ tuyên bố tổng động viên tại Nga vào ngày 9/5.

5. Lực lượng liên quân Ukraine đẩy lùi tám cuộc tấn công của kẻ thù, phá hủy ba xe tăng, bảy máy bay không người lái trong ngày qua

Trong khu vực diễn ra Chiến dịch liên hợp, quân đội Ukraine đã đẩy lùi tám cuộc tấn công của quân xâm lược Nga trong ngày qua.

“Hôm nay, các binh sĩ của Lực lượng phối hợp đã đẩy lùi thành công tám cuộc tấn công của kẻ thù. Nhờ các hành động khéo léo của họ, binh lính của chúng ta đã gây ra tổn thất cho quân chiếm đóng của Nga.”

Quân trú phòng Ukraine đã phá hủy 3 xe tăng Nga, 8 hệ thống pháo, trong đó có 4 hệ thống phóng hàng loạt, 7 xe bọc thép chiến đấu, 3 đơn vị thiết bị kỹ thuật đặc biệt và 1 xe chuyển quân.

Ngoài ra, các đơn vị phòng không đã bắn rơi 7 máy bay không người lái Orlan-10 trên bầu trời Donbas của Ukraine.

6. Zelensky cảnh báo Nga về hậu quả của việc giết hại quân đội, dân thường tại nhà máy Azovstal

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, nếu quân đội Nga tiêu diệt người dân tại nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, thì bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga sẽ là không thể.

Ông Zelenskiy đưa ra lập trường trên tại một sự kiện ảo do Chatham House tổ chức.

“Nếu họ giết những người mà bây giờ có thể được trao đổi nếu họ là quân nhân, hoặc trả tự do nếu họ là dân thường, hoặc giúp đỡ nếu họ là quân nhân hoặc dân thường bị thương, thì sẽ không có gì để nói về họ ở cấp độ ngoại giao,” Zelensky nói.

Vào ngày 6 tháng 5, trong một lệnh ngừng bắn tại nhà máy thép Azovstal, quân xâm lược Nga đã sử dụng hỏa tiễn dẫn đường chống tăng để bắn trúng một chiếc xe di tản đang di chuyển về phía dân thường. Một chiến binh đã thiệt mạng và 6 người bị thương do vụ tấn công này.

Các chiến binh của Trung đoàn Azov, những người đang bảo vệ Mariupol, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế di tản dân thường khỏi nhà máy Azovstal và kêu gọi Tổng tư lệnh tối cao chăm sóc các binh sĩ bị thương.

7. Quân đội Ukraine giành lại quyền kiểm soát một số khu định cư ở khu vực Kharkiv

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết như sau:

“Tại khu vực Kharkiv, Lực lượng vũ trang Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát các khu định cư ở Oleksandrivka, Fedorivka, Ukrainka, Shestakove, Peremoha và một phần của làng Cherkaski Tyshky.”

Đồng thời, quân Nga tiếp tục thực hiện các hoạt động tấn công tại Vùng Tác chiến phía Đông nhằm thiết lập toàn quyền kiểm soát các vùng Donetsk và Luhansk, đồng thời tạo ra một hành lang trên bộ giữa các vùng lãnh thổ này với Crimea bị chiếm đóng. Hoạt động lớn nhất của quân Nga được quan sát thấy ở các khu vực Slobozhanshchyna và Donetsk. Quân xâm lược tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng giao thông và các khu dân cư.
 
Tối Cao Pháp Viện phê bình thành phố Boston: cờ Kitô Giáo cấm treo, cờ Trung Quốc thì OK.
VietCatholic Media
06:15 08/05/2022


1. Tối Cao Pháp Viện truyền rằng thành phố Boston đã vi phạm Tu chính án thứ nhất khi cấm treo cờ Kitô Giáo

Một nhóm có tên là Trại Hè Hiến pháp đã bị từ chối yêu cầu treo cờ trên Tòa thị chính trong một giờ, trong khi Boston đã cho phép các nhóm khác treo cờ của họ.

Tòa án Tối cao đã ra phán quyết nhất trí vào hôm thứ Hai rằng thành phố Boston đã vi phạm Tu chính án thứ nhất khi từ chối cho phép một nhóm công dân treo cờ có thánh giá Kitô Giáo trên Tòa thị chính.

Nhóm, Camp Constitution, nghĩa là Trại Hè Hiến pháp, điều hành một trại hè và có các diễn giả về Hiến pháp Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy “sự hiểu biết về di sản đạo đức Do Thái Giáo và Kitô Giáo của chúng ta.”

Vào năm 2017, nhóm đã bị từ chối yêu cầu treo cờ của họ trên Tòa thị chính với lý do cho phép lá cờ bay dường như là sự đề cao một tôn giáo cụ thể.

Yêu cầu treo cờ trong khoảng thời gian một giờ khi diễn ra một sự kiện được tổ chức bởi Trại Hé Hiến pháp vào ngày 17 tháng 9 nhân kỷ niệm Ngày Hiến pháp.

Nhóm cho rằng quyền tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất của họ đã bị vi phạm và họ đã bị phân biệt đối xử một cách bất công vì các nhóm khác đã được phép treo cờ của họ.

Theo quyết định từ Tòa phúc thẩm vòng 1, trong khoảng thời gian 12 năm, Thành phố Boston đã cho phép các nhóm khác treo cờ của họ tại Tòa thị chính ít nhất 284 lần. Những lá cờ đó bao gồm cờ Thổ Nhĩ Kỳ (mô tả ngôi sao Hồi giáo và lưỡi liềm) và cờ Bồ Đào Nha. Các lá cờ khác bao gồm cờ cầu vồng tự hào đồng tính, cờ chuyển giới màu hồng và xanh lam, và cờ của các nước ngoài bao gồm Albania, Brazil, Ethiopia, Ý, Panama, Peru, Bồ Đào Nha, Puerto Rico, Mễ Tây Cơ. Đặc biệt, tòa thị chính Boston thường xuyên cho phép treo cờ Trung Quốc và Cuba, là các quốc gia có những vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Tất cả chín thẩm phán của Tòa án Tối cao đều đồng thanh nhất trí với phán quyết chống lại thành phố Boston. Hai tòa án cấp dưới đã đứng về phía thành phố trước khi vụ kiện lên tới tòa án cấp cao.
Source:Aleteia

2. Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ Latinh cảnh báo về ảnh hưởng của cuộc “cách mạng công nghiệp”

Nhân Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5, Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh, gọi tắt là CELAM, đã bày tỏ quan ngại trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các Giám Mục kêu gọi “nhân bản hóa các công ty” để chống lại “quá trình robot hóa và tự động hóa” có thể dẫn đến tình trạng mất việc làm đáng kể. Cho đến nay, 29 triệu người đã thất nghiệp trên tiểu lục địa này. Các Giám mục đặc biệt quan tâm đến “phụ nữ và người di cư, nhiều người trong số họ bị ép làm nô lệ và bóc lột tình dục”. Họ nói: “Mỗi khi một người không tìm được việc làm, thì một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa vẫn chưa được hoàn thành.

Các Giám Mục cũng bày tỏ quan ngại đối với tình trạng của Venezuela, nơi đang diễn ra “cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng” ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc gia này.

Nhắc lại một tuyên bố trước đó, các Giám Mục nói:

“Những hậu quả trầm trọng của nạn đói, suy dinh dưỡng, thiếu thuốc men và các nguồn cung cấp y tế, cùng với những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, đã làm xấu đi phẩm chất cuộc sống và tạo ra một đợt di cư chưa từng có của hàng triệu người Venezuela, những người bị buộc phải di cư sang các nước khác để tìm một lối thoát và những cơ hội tốt hơn”

Các vị lãnh đạo của CELAM cũng ca ngợi các giám mục Venezuela về những “lời nói dũng cảm và chân thành” của họ, và khẳng định rằng nội dung của những lời rao giảng của các Giám Mục nước này là đúng với thực tế và nằm trong “viễn ảnh tiên tri” của Giáo hội.

“Các hiền huynh đang bị buộc tội quảng bá cho hận thù và bạo lực. Chắc chắn là những kẻ cáo buộc các hiền huynh không hiểu được tình yêu của các hiền huynh trong sứ điệp phát sinh từ Tin Mừng. Tuy nhiên, chúng tôi xác tín rằng các hiền huynh đang hành động nhân danh Chúa và chấp nhận những rủi ro của người ngôn sứ”

https://aleteia.org/2022/05/02/rome-the-world-pope-trying-to-personally-evacuate-mariupol-against-robots-more/

3. Nhật ký trừ tà số 188: Tình yêu xua tan ma quỷ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #188: Love Casts Out Evil”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 188: Tình yêu xua tan ma quỷ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tòa nhà đã bị phá hoại sâu sắc bởi ma quỷ. Đó là địa điểm của những tội lỗi đau buồn - giết người và những lời báng bổ chống lại Chúa. Không có gì đáng ngạc nhiên, một trong những triệu chứng trong tòa nhà đó là sự chia rẽ liên tục đến mức xảy ra xô xát và thậm chí là bạo lực. Một trong những danh hiệu của Satan là: “causa discordiae,” nghĩa là “nguyên nhân của sự bất hòa”. Sự hiện diện của nó luôn thúc đẩy sự bất hòa, chia rẽ và xung đột.

Đội ngũ linh mục và giáo dân của chúng tôi đã tập trung cho một “cuộc thi marathon”, tức là một buổi cầu nguyện tập trung nhiều giờ để đuổi ma quỷ. Chúng tôi cũng có một người có khả năng nhạy cảm tâm linh đi với chúng tôi. Chúng tôi đã hy vọng sẽ bắt đầu đánh bật sự hiện diện của ma quỷ đang cố thủ trong tòa nhà này. Nhưng sau nhiều giờ cầu nguyện giải thoát, không có dấu hiệu nào cho thấy người phụ nữ được trừ tà hay phần còn lại của đội có bất kỳ tiến bộ nào.

Tôi cảm thấy chắc chắn rằng Đức Trinh Nữ sẽ can thiệp và giúp đỡ chúng tôi. Tôi tin rằng chính Đức Mẹ đã gọi chúng tôi đến đó và Mẹ sẽ bảo đảm rằng những nỗ lực của chúng tôi sẽ có kết quả. Vẫn chưa... sau vài giờ không có bất kỳ dấu hiệu tiến triển nào. Khi thời gian của chúng tôi gần hết, tôi bắt đầu lo sợ rằng tòa nhà bị nguyền rủa quá nặng để có thể dọn dẹp được. Có lẽ chúng tôi đã lãng phí thời gian của mình...

Thật bất ngờ, trong những phút cuối cùng, tôi cảm thấy dâng trào tình yêu đối với Đức Trinh Nữ Maria trong lòng. Tôi hướng về Đức Mẹ và dâng lên Mẹ tình yêu của tôi. Ngay lúc đó, người nhạy cảm tâm linh của chúng tôi nghiêng người và thì thầm với tôi, “Những con quỷ đang phản ứng. Một con vừa rời đi.”

Khi Đức Mẹ hiện ra, có tình yêu. Và chính tình yêu đã xua đuổi ma quỷ.
Source:Catholic Exorcism
 
Ukraine tuyên bố đã đánh chìm tàu Nga thứ hai trong tuần qua. Xe tăng Nga T-90M mới nhất bị phá hủy
VietCatholic Media
16:50 08/05/2022


1. Ukraine tuyên bố đã đánh chìm tàu Nga thứ hai trong tuần qua. Tăng T-90M tiên tiến nhất bị phá hủy

Ukrein tuyên bố đã đánh chìm tàu Nga thứ hai trong tuần qua. Tăng T-90M tiên tiến nhất bị phá hủy

Thành phố cảng Odessa của Ukrein đã bị tấn công bằng hỏa tiễn trong loạt tấn công mới của Nga liên tục trong hai ngày thứ Bẩy, và Chúa Nhật. Trong khi đó, các nhà chức trách quân sự ở Kyiv tuyên bố rằng: một trong những máy bay không người lái của họ đã đánh chìm chiếc tàu thứ hai của Nga trên Biển Đen. Bộ Tổng Tham Mưu Ukrein nói đã phá hủy một tàu khác của Nga bằng một máy bay không người lái Bayraktar. Con tầu không may đang cập cảng trên đảo Rắn.

Con tầu bị đánh chìm là một tầu đổ bộ với sức chứa khoảng 80 đến 100 binh sĩ. Hai con tàu tuần tra Raptor cũng bị đánh chìm.

Theo thông tin sơ bộ, khoảng 40 binh sĩ Nga đã thiệt mạng.

Một hình ảnh vệ tinh vào sáng Chúa Nhật cho thấy ít nhất một cột khói bốc lên từ hòn đảo.

Bộ Quốc phòng Ukrein đăng trên tweeter rằng.

“Lễ duyệt binh truyền thống của hạm đội Biển Đen của Nga vào ngày 9 tháng 5 năm nay sẽ được tổ chức gần Đảo Rắn - ở dưới đáy biển”

Bộ Tổng Tham Mưu Ukrein nói rằng tổng cộng 10 hỏa tiễn hành trình của Nga đã được bắn vào khu vực Odessa. Đường băng ở sân bay chính lại bị tấn công. Một khu dân cư cũng bị ảnh hưởng.

Theo Bộ Quốc phòng Anh trong báo cáo tình báo mới nhất, cuộc xung đột ở Ukrein đang gây “thiệt hại nặng nề” cho một số đơn vị có năng lực nhất của Nga.

Bộ Quốc Phòng Anh cho biết thêm, ít nhất một chiếc T-90M, loại xe tăng tiên tiến nhất của Nga, đã bị phá hủy trong cuộc giao tranh hôm thứ Bẩy. Báo cáo cho biết: “Sẽ mất nhiều thời gian và chi phí để Nga tái thiết các lực lượng vũ trang của mình sau cuộc xung đột này.

2. Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết: 17,8 triệu đô la sẽ được dùng để gửi máy bay không người lái Switchblade đến Ukraine hôm nay

Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ trao hợp đồng trị giá 17,8 triệu USD cho ngành công nghiệp sản xuất và gửi máy bay không người lái Switchblade tới Ukraine khi cuộc xung đột với Nga vẫn tiếp diễn, một quan chức Bộ Quốc phòng nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu.

“17,8 triệu đô la cho hệ thống máy bay không người lái Switchblade - đó là mức viện trợ sẽ được cung cấp vào cuối ngày hôm nay, vào cuối buổi chiều nay”, Tiến sĩ William A. LaPlante cho biết trong cuộc họp báo.

Các máy bay không người lái này sẽ được mua từ ngành công nghiệp và chuyển giao cho Ukraine theo nguồn vốn của Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, gọi tắt là USAI, đã được phê duyệt trong quỹ bổ sung viện trợ Ukraine, vốn đã được thông qua cùng với một dự luật chi tiêu lớn của Quốc hội Mỹ vào giữa tháng Ba. Tổng số tiền USAI tài trợ trong dự luật đó là 300 triệu đô la, và Bộ Quốc phòng đã trao 136,8 triệu đô la trong số đó cho đến nay, LaPlante cho biết.

Tổng số 136,8 triệu đô la đã mua từ ngành công nghiệp và đang gửi “hệ thống máy bay không người lái Puma, hệ thống vũ khí tiêu diệt chính xác tiên tiến, thiết bị liên lạc, thiết bị và vật tư y tế chiến đấu, bữa ăn sẵn, thậm chí cả ống nhòm,” trong tám hợp đồng khác nhau, LaPlante cho biết.

Bộ Quốc phòng cũng đang sử dụng khoản tài trợ 1,45 tỷ USD đã được Quốc hội Mỹ thông qua trong khoản bổ sung viện trợ Ukraine được ký thành luật vào giữa tháng 3 để thay thế các kho dự trữ hỏa tiễn Javelin và Stinger của Mỹ, cùng với các thành phần quan trọng cho các hỏa tiễn đó, LaPlante cho biết.

Trong khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản tài trợ 3,5 tỷ USD để “bổ sung kho thiết bị của Mỹ gửi đến Ukraine,” LaPlante nói. Cho đến nay, DoD đang sử dụng 1,45 tỷ đô la từ các quỹ đó để thay thế “Stingers, lao và các thành phần quan trọng khác,” LaPlante nói thêm.

“Chúng tôi đang tích cực đàm phán ngay bây giờ cho Stingers và các thành phần liên quan, và điều đó đang diễn ra. Dự kiến sẽ nhận được số tiền đó vào cuối tháng Năm. Đối với Javelins, số tiền sắp xảy ra, đó là tất cả những gì đang xảy ra ngay bây giờ,” LaPlante nói.

3. Zelensky làm việc trên các phương án ngoại giao để cứu quân đội vẫn còn ở Azovstal

Trong bài phát biểu hàng đêm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine có thể di tản phụ nữ và trẻ em khỏi Azovstal với sự giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự.

Ông cho biết ông cũng đang nghiên cứu các phương án ngoại giao để giúp di tản các quân nhân còn lại ở Azovstal.

“Chúng tôi tiếp tục sứ mệnh di tản khỏi Mariupol, cụ thể là từ Azovstal, với sự trung gian của Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự Quốc tế. Trong ngày, đội của chúng tôi đã tổ chức các hoạt động di tản cho hơn 40 dân thường, tất cả là phụ nữ và trẻ em”, Tổng thống Ukraine cho biết.

“Chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ sớm đến được khu vực an toàn sau hai tháng bị pháo kích, phải ở dưới lòng đất trong các hầm trú ẩn. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các phương án ngoại giao để cứu quân đội của chúng ta, những người vẫn ở lại Azovstal. Các tác nhân trung gian có ảnh hưởng đều tham gia, bao gồm cả các quốc gia có ảnh hưởng,” ông nói thêm.

4. Chính quyền Ý thu giữ siêu du thuyền được cho là có liên hệ với chính phủ Nga

Các nhà chức trách Ý đã bắt giữ một siêu du thuyền được cho là có liên hệ với chính phủ Nga, theo thông cáo của cảnh sát tài chính nước này hôm thứ Sáu.

Scheherazade đã được giám sát từ tháng 3 để tìm các mối liên hệ có thể có với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thông cáo báo chí nói rằng các cuộc điều tra “nêu bật sự hiện diện của các mối quan hệ kinh tế và kinh doanh quan trọng” giữa chủ sở hữu du thuyền và “các nhân tố nổi bật của chính phủ Nga”.

Theo cảnh sát Ý, chủ sở hữu của chiếc du thuyền - không được tiết lộ tên - cũng có mối quan hệ với những người Nga khác nằm trong danh sách bị trừng phạt của EU vì “các hành động gây tổn hại hoặc đe dọa đến toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine”.

“Dựa trên những yếu tố này, Ủy ban An ninh Tài chính đã đề xuất với Hội đồng Liên minh Âu Châu về việc đưa người này vào danh sách nói trên”

Bộ trưởng Tài chính Ý Daniele Franco đã ra lệnh phong tỏa con tàu mang cờ của Quần đảo Cayman và đang cập cảng Marina di Carrara của Ý.

5. Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu đã công bố hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine dưới hình thức “bổ sung đạn pháo, radar và các thiết bị khác”.

Gói mới nhất dành cho các thiết bị trị giá 150 triệu USD, bao gồm 25.000 viên đạn pháo 155ly, radar phản pháo, thiết bị gây nhiễu, thiết bị dã chiến và phụ tùng thay thế, một quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết.

Gói hỗ trợ an ninh mới sau đề xuất trị giá 33 tỷ USD của Tổng thống trước Quốc hội vào tuần trước nhằm hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh Nga xâm lược. Mỹ đã nói rõ rằng họ có ý định hỗ trợ lâu dài cho Ukraine và đã cung cấp cho quốc gia này hàng tỷ đô la hỗ trợ quân sự và nhân đạo.

Gói đề xuất vào tuần trước nhiều gấp đôi so với khoản viện trợ quân sự và nhân đạo trị giá 13,6 tỷ USD mà Quốc hội đã thông qua vào tháng trước.

Trong một tuyên bố, ông Biden cho biết chính quyền gần như đã cạn kiệt nguồn tài chính có thể được sử dụng cho việc bảo đảm an ninh và kêu gọi Quốc hội chấp thuận yêu cầu của ông về khoản tiền bổ sung cho Ukraine.

“Với thông báo ngày hôm nay, Chính quyền của tôi gần như cạn kiệt nguồn tài chính có thể được sử dụng để gửi hỗ trợ an ninh thông qua các cơ quan quản lý ngân sách cho Ukraine,” tuyên bố viết. “Để Ukraine có thể thành công trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến này, các đối tác quốc tế của họ, bao gồm cả Mỹ, phải tiếp tục thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm của chúng tôi để giữ cho vũ khí và đạn dược được chuyển tới Ukraine, không bị gián đoạn.”

“Quốc hội nên nhanh chóng cung cấp nguồn vốn được yêu cầu để tăng cường sức mạnh cho Ukraine trên chiến trường và trên bàn đàm phán,” Biden nói thêm.

6. Thị trưởng Kyiv cảnh báo người dân cảnh giác trong Ngày Chiến thắng của Nga

Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko đang kêu gọi người dân nên ở trong nhà từ Chúa Nhật đến Thứ Hai xung quanh Ngày Chiến thắng hàng năm trước Quốc Xã Đức khi các quan chức phương Tây cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể chính thức tuyên chiến với Ukraine vào ngày 9 tháng 5, một ngày biểu tượng cho Nga, mở đường cho Putin đẩy mạnh chiến dịch của mình.

Mặc dù thị trưởng không chính thức áp đặt lệnh giới nghiêm, nhưng các sự kiện sẽ không được tổ chức trong thời gian đó, theo các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội của ông. Ông cho biết sẽ có tăng cường tuần tra trong thành phố.

Klitschko nói: “Nếu ai muốn đi cắm hoa, họ có thể làm như vậy một cách riêng tư... Hãy chú ý và tuân theo các quy tắc an ninh thời chiến.”

“Tôi cũng yêu cầu các bạn không bỏ qua các tín hiệu báo động trên không và ngay lập tức có chỗ nấp. Trong những ngày tới, khả năng cao sẽ xảy ra các cuộc pháo kích bằng hỏa tiễn vào tất cả các khu vực của Ukraine. Hãy ý thức và chăm lo cho sự an toàn của chính mình!” Klitschko cảnh báo.

7. Các lệnh trừng phạt của Vương quốc Anh có thể dẫn đến “sự phá hủy cuối cùng của mối quan hệ song phương”, Nga cảnh báo đại sứ Anh

Đại sứ Anh tại Mạc Tư Khoa Deborah Bronnert đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Sáu về các lệnh trừng phạt mới nhất chống lại Nga, bao gồm các lệnh trừng phạt đối với Công ty Phát thanh và Truyền hình Nhà nước Toàn Nga, theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nga.

“Đại sứ đã được thông báo về sự không thể chấp nhận được của những hành động phá hoại như vậy, việc tiếp tục diễn ra chắc chắn sẽ dẫn đến sự phá hủy cuối cùng của mối quan hệ song phương và gây tổn hại cho mối quan hệ giữa các dân tộc Nga và Vương quốc Anh”, tuyên bố viết.

Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các phương tiện truyền thông Nga “chỉ vì cách đưa tin và cách giải thích của họ về các sự kiện diễn ra trên thế giới không phù hợp với khuôn mẫu của phương Tây, một lần nữa khẳng định rõ ràng thái độ bất nhất và giễu cợt của các chính trị gia Anh, những người mà họ cho rằng tự do phương tiện truyền thông không gì khác hơn là một công cụ để giải quyết các vấn đề thị trường,” tuyên bố cho biết thêm.

Bộ Ngoại Giao Nga cáo buộc Vương quốc Anh và các quan chức của nước này đã áp đặt các lệnh trừng phạt và đưa ra các tuyên bố với “lời đe dọa” “xen kẽ với sự dối trá và thô lỗ hoàn toàn” chống lại Nga.

“Phía Nga sẽ tiếp tục phản ứng gay gắt và dứt khoát đối với tất cả các biện pháp trừng phạt do London khởi xướng và thực hiện các biện pháp trả đũa”, tuyên bố cho biết thêm.

8. Đại sứ quán Mỹ ở Mạc Tư Khoa cảnh báo người Mỹ tránh tụ tập đông người xung quanh Ngày Chiến thắng của Nga

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Mạc Tư Khoa hôm thứ Sáu cảnh báo người Mỹ ở Nga tránh các cuộc tụ tập đông người xung quanh Ngày Chiến thắng vào ngày 9 tháng 5 “do căng thẳng đang diễn ra”.

“Các lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng hàng năm, bao gồm cả lễ duyệt binh chính tại Quảng trường Đỏ, sẽ diễn ra ở Mátxcơva đến hết ngày 9 tháng 5. Chính quyền địa phương sẽ hạn chế di chuyển trong các khu vực diễn ra sự kiện để tạo điều kiện cho các buổi diễn tập cho sự kiện.”

“Trong quá khứ, đã có nhiều cảnh sát hiện diện xung quanh những sự kiện này. Trước tình hình căng thẳng đang diễn ra, công dân Hoa Kỳ nên tránh các cuộc tụ tập đông người ở nơi công cộng,” cảnh báo cho biết.

Ngày 9 tháng 5 kỷ niệm vai trò của Liên Xô trong việc đánh bại Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Nó được đánh dấu hàng năm bằng một cuộc diễu hành quân sự ở Mạc Tư Khoa và một bài phát biểu của Putin. Cuối lễ duyệt binh, ông Putin sẽ đặt vòng hoa tại Lăng mộ Chiến sĩ Vô danh.

Một số quan chức Mỹ và phương Tây tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể chính thức tuyên chiến với Ukraine vào hôm thứ Hai và huy động đầy đủ lực lượng dự bị của mình.

Bộ Ngoại giao trước đó đã kêu gọi công dân Hoa Kỳ rời khỏi Nga ngay lập tức “do cuộc xâm lược vô cớ và phi lý của quân đội Nga vào Ukraine, khả năng quấy rối công dân Hoa Kỳ bởi các quan chức an ninh chính phủ Nga, bao gồm việc giam giữ, việc thi hành luật pháp địa phương một cách tùy tiện, các chuyến bay vào và ra khỏi Nga bị hạn chế, khả năng hạn chế của Đại sứ quán trong việc hỗ trợ công dân Mỹ ở Nga, cũng như các hạn chế liên quan đến COVID-19 và khủng bố”.
 
Báo động tại hàng loạt nhà thờ ở Hoa Kỳ. Câu chuyện cảm động người thợ làm bánh Ba Lan đến Bucha
VietCatholic Media
16:53 08/05/2022


1. Vẻ đẹp và sự trang trọng: Lễ tuyên thệ nhậm chức của Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ

36 thanh niên thề sẽ bảo vệ Đức Giáo Hoàng, bằng mạng sống của họ nếu cần.

Hàng năm, ngày 6 tháng 5 là ngày các tân binh của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ tuyên thệ nhậm chức, trong một buổi lễ luôn đầy màu sắc. Năm nay, vào ngày 6 tháng 5, sự kiện này đã có thêm một linh hồn, khi tuần lễ được đánh dấu bằng mối quan hệ hợp tác lịch sử giữa Thụy Sĩ và Tòa thánh, hai quốc gia thân thiết với trái tim của tất cả các thành viên của đội quân nhỏ bé của Vatican.

Thời tiết ảm đạm và cuối cùng có mưa vào cuối buổi chiều ở Rôma: do đó, buổi lễ được chuyển đến Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục.

Trong khung cảnh kém hoành tráng này so với sân của Thánh Damasus, các bậc phụ huynh, các quan chức, các cá nhân và nhóm được mời khác không lấp đầy một phần tư căn phòng. Nhưng các mệnh lệnh được hét lên bằng tiếng Đức và tiếng Pháp đã vang lên ngoạn mục dưới Đại Thính Đường hiện đại thường xuyên tổ chức - đặc biệt là vào mùa đông – cho các cuộc tiếp kiến của Đức Giáo Hoàng.

Đầu tiên là phần tuyên đọc câu chuyện về sự hy sinh hiển hách của các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ để cứu Đức Giáo Hoàng Clêmentê Đệ Thất trong Chiến dịch thành Rome, 495 năm trước đó. Tiếp theo là lời cảnh báo vang dội của ba chiếc kèn, trong khi các Ngự Lâm Quân bước vào cùng với âm thanh của tiếng trống.

Đồng phục, áo giáp sáng lấp lánh, mũ bảo hiểm có chùm đỏ, vũ khí trên tay, họ xếp thành một hàng quân trên bục trước bức tượng Phục sinh khổng lồ.

Chỉ huy Christoph Graf đã trình diện các tân binh trước Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi lễ.

Các bài quốc ca của cả hai quốc gia sau đó đã được phát, một số bài phát biểu đã được thực hiện và sau đó là thời điểm mong đợi. Từng người một, những tân binh bước từng bước chậm rãi trước lá cờ đầy màu sắc của Đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ. Giơ ba ngón tay, đặt bàn tay theo tiêu chuẩn, tất cả đều thề, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ tương ứng, sẽ bảo vệ Đức Giáo Hoàng Phanxicô và người kế vị của ngài, cho đến chết nếu cần, cầu xin Chúa và các vị thánh bảo trợ giúp họ thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình.

Năm nay có 36 nam thanh niên gia nhập Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ. Những người Công Giáo Thụy Sĩ trẻ tuổi này, trong độ tuổi từ 19 đến 30, và cao ít nhất 1,74 mét, theo yêu cầu của các quy tắc, được thêm vào hàng ngũ quân đội của Đức Giáo Hoàng. Theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, gần đây Đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã tăng từ 110 lên 135 thành viên vào năm 2015.
Source:Aleteia

2. Các nhà hoạt động phá thai kêu gọi phá hoại các Thánh lễ Công Giáo vào Chúa Nhật

Các nhà hoạt động phá thai đang kêu gọi biểu tình bên trong các nhà thờ Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ vào Ngày của Mẹ. Động thái này được đưa ra để đáp lại ý kiến dự thảo của Tòa án Tối cao bị rò rỉ cho rằng Tòa án có thể lật lại phán quyết Roe chống Wade.

Lời kêu gọi này được thực hiện từ tài khoản Twitter @RuthSentUs, được đặt theo tên của Thẩm Phán quá cố Ruth Bader Ginsburg. Dòng tweet bao gồm một đoạn video về những người biểu tình ồn ào đang đi qua một nhà thờ Công Giáo, hô khẩu hiệu trong khi nhân viên nhà thờ cố gắng đưa họ ra cửa. Dòng tweet đã được chú thích:

“Cho dù bạn là người theo đạo 'Công Giáo phò lựa chọn', cựu Công Giáo, theo đạo khác hay không có đức tin, hãy nhận ra rằng sáu người Công Giáo cực đoan đã chuẩn bị lật đổ phán quyết Roe. Hãy đứng tại hoặc trong một Nhà thờ Công Giáo địa phương vào Chúa Nhật ngày 8 tháng 5. #WarOnWomen #MothersDayStrike”

Lời kêu gọi phá hoại các thánh lễ xảy ra vào thời điểm số lượng tội phạm nhắm vào các Nhà thờ Công Giáo đang gia tăng. Theo USCCB, đã có 129 vụ đốt phá, phá hoại và phá hủy các nhà thờ ở 35 bang kể từ năm 2020.

Các nhà thờ Công Giáo trên khắp đất nước đang chuẩn bị cho các cuộc biểu tình có thể xảy ra trong các Thánh lễ ngày Chúa Nhật.

Tại Giáo phận Pittsburgh, Đức Cha David Zubik đã gửi email cho các giáo sĩ để yêu cầu các biện pháp an ninh được áp dụng, tờ Pittsburgh Post-Gazette đưa tin.

“Chúng tôi biết rằng các nhà hoạt động ủng hộ phá thai đang đe dọa làm gián đoạn các Thánh lễ Công Giáo vào cuối tuần này trong Ngày của Mẹ,” một phát ngôn viên của giáo phận cho biết. “Các giáo xứ trong Giáo phận Công Giáo Pittsburgh có các kế hoạch an ninh và chúng sẽ được thực hiện vào cuối tuần này, như mọi cuối tuần”.

Trong email của mình, Pittsburgh Post-Gazette đưa tin, Đức Cha Zubik khuyến cáo rằng anh chị em giáo dân hãy chuẩn bị gọi 911 nếu những người biểu tình bước vào một nhà thờ và bật camera an ninh.

Ông cũng đề nghị những tình nguyện viên chụp ảnh những người biểu tình và ghi lại biển số xe của họ để giao cho cảnh sát.

“Các mục tử và tình nguyện viên nên làm mọi thứ trong khả năng của họ để giữ cho tình hình bình tĩnh và không đối đầu,” ngài viết.

Bài báo lưu ý rằng các nhà thờ ở thành phố New York cũng đang tăng cường các biện pháp an ninh để chuẩn bị cho các cuộc biểu tình có thể xảy ra vào Chúa Nhật.
Source:Aleteia

3. Thợ làm bánh Ba Lan đến Bucha, Ukraine, để xây dựng lại thành phố

Kể từ khi quân đội Nga rời khỏi khu vực Bucha và mức độ thực sự của những hành động tàn bạo gây ra ở đó được đưa ra ánh sáng, thành phố này đã được biết đến như một trong những địa điểm đẫm máu nhất của cuộc chiến ở Ukraine. Thành phố hiện đang tính đến sự tàn phá, chấn thương của những người sống sót và con số những nạn nhân bị thảm sát được tìm thấy ngày càng nhiều hơn.

Jacek Polewski là một thợ làm bánh người Ba Lan đã bị ấn tượng bởi những gì anh ta nhìn thấy trên bản tin. Anh đã có một quyết định táo bạo: rời tiệm bánh mì của mình ở Poznan, Ba Lan, và lên đường đến Bucha, bắt đầu làm bánh mì để phân phát cho những người sống sót. Anh ấy nói với Polskie Radio:

Khi tôi chứng kiến những gì đã xảy ra ở đó, tất cả sự tàn nhẫn, tôi nghĩ điều tốt nhất tôi có thể làm với tư cách là một thợ làm bánh là giúp khởi động lại các tiệm bánh. Tôi đưa vào Google Maps hai từ: tiệm bánh và Bucha. Một số kết quả hiện lên, tôi đã viết cho người đầu tiên trong danh sách và chủ sở hữu đã viết lại sau vài phút. Chúng tôi đã chất 500 kg bột mì ở Poznań và lên đường”.

Polewski quyết định đóng góp của mình bắt đầu từ một cái gì đó đơn giản, mang lại sự thoải mái cụ thể, còn hơn cả thức ăn. Làm thế nào để bạn tồn tại trong một nghĩa trang ngoài trời? Làm thế nào để bạn đáp ứng các nhu cầu cơ bản? Một thứ thiết yếu là bánh mì, một trong những loại thực phẩm đơn giản và truyền thống nhất.

Trong khi quân đội Nga tiến vào thị trấn, một trong những tiệm bánh ở Bucha đã bị quân xâm lược sử dụng làm căn cứ hậu cần. Khi khởi hành, người Nga đã tước bỏ mọi thứ - chảo nướng, khuôn, dụng cụ làm bếp. Để tiệm bánh trở lại bình thường phải mất nhiều ngày dọn dẹp và sắp xếp lại.

Việc xử lý bát, men và cân trong bối cảnh bóng ma vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí tinh vi khác có vẻ là một công việc buồn cười, nhưng đây là bộ mặt cần cù và xây dựng của con người, hoàn toàn trái ngược với tâm lý chiến tranh.

Bánh mì mới ra lò nói lên sự ấm áp và an toàn trong gia đình.

Từ Poznan ở Ba Lan đến Bucha mất khoảng 11 giờ lái xe theo đường thẳng. Polewski quyết định đi du lịch cùng con trai và một người bạn của mình, chất 500 kg bột mì lên xe của họ. Trên đường đi, họ mua thêm 600 kg nữa.

Họ biết rằng đến Bucha sẽ rất khó nếu không muốn nói là không thể, vì vậy điểm dừng chân đầu tiên là Kyiv. Từ thủ đô, sau ngày 14 tháng 4, cũng có thể đến Bucha. Bước đầu tiên là đến đó mang bánh mì đã được nhào và nướng ở Kyiv. Bước thứ hai - một quá trình đang diễn ra - bây giờ là khởi động lại các tiệm bánh của thành phố Bucha và tạo ra một mạng lưới hợp tác giữa các tiệm bánh trong khu vực.

“Người Nga đã rời khỏi khu vực này; nó đang trở nên an toàn hơn ở đó. Do đó, ý tưởng rằng chúng tôi sẽ đến đó trong một tuần, giúp đỡ nhiều nhất có thể, nướng bánh mì. Chúng tôi ước tính rằng chúng tôi có thể nướng khoảng 1,5 nghìn ổ bánh mì và sau đó phân phối chúng. Nó đáng để hỗ trợ lẫn nhau. Jacek Polewski nói với Wyborcza.pl chưa bao giờ có một cảm giác chung như vậy trong lịch sử Ba Lan-Ukraine của chúng ta trước đây.

Và ý nghĩa của cử chỉ này vượt ra ngoài sự sống cần thiết. Bánh mì mới ra lò là thực phẩm, nhưng không chỉ có vậy. Nó nói lên sự quan tâm và chu đáo mà mỗi chúng ta liên kết với sự thoải mái trong gia đình và gia đình. Sau đó, người ta có thể gợi ý khả năng giúp mọi người tìm lại hy vọng thông qua một ổ bánh mì ấm, đòi hỏi sự chung tay của con người, hoạt động chậm chạp của men và sức nóng của lò nướng. Polskie Radio tường thuật:

“Có nhiều tổ chức ở Bucha cung cấp viện trợ nhân đạo cho cư dân. Vì vậy có thể lấy được thực phẩm, nhưng chủ yếu là các sản phẩm khô hoặc đóng gói hút chân không; Jacek Polewski nói. “Sau khi nướng mẻ bánh đầu tiên, chúng tôi đi phát trước một dãy chung cư vẫn chưa có điện, ga, nước. Mọi người đang nấu ăn ở đó trên ngọn lửa được thắp sáng trước cầu thang. Mọi người đều chộp lấy chiếc bánh mì tươi nóng hổi đó theo đúng nghĩa đen. Bánh mì tươi tượng trưng cho sự ấm áp và an ninh giản dị của quê hương “, người thợ làm bánh nói.

Chiến tranh làm xói mòn định nghĩa của con người tận gốc rễ của nó. Xây dựng lại một tiệm bánh ở nơi có những ngôi mộ tập thể và đống đổ nát có nghĩa là bắt đầu lại từ kiểu chia sẻ mà Chúa Giêsu đã chọn làm cử chỉ cuối cùng của Ngài với các môn đệ của Ngài trước cuộc Khổ nạn.
Source:Aleteia