Ngày 10-05-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Niềm hy vọng của chúng ta
LM. Anphong Trần Đức Phương
07:48 10/05/2010
NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA

(LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI)

Lễ Chúa Giêsu Lên Trời thường được mừng vào ngày Thứ Năm sau Chúa Nhật VI Mùa Phục Sinh, nhưng ở nhiều Giáo Phận, Lễ này thường được chuyển vào ngày Chúa Nhật VII Mùa Phục Sinh để giáo dân có thể đi dâng Thánh Lễ đông đủ hơn. Thánh Lễ hôm nay mừng kỷ niệm Chúa Giêsu Lên Trời trong vinh quang sau 40 ngày hiện ra với các môn đệ để chứng minh Ngài đã sống lại thật.

Lễ Chúa Giêsu Lên Trời là niềm hy vọng cho chúng ta là các tín hữu của Chúa: Chúa Giêsu đã sống cuộc đời trần gian như một người nghèo khó, rao giảng Tin Mừng cứu độ, chịu khổ nạn và chịu chết để chuộc tội chúng ta, chịu táng trong mồ; nhưng sau ba ngày, Ngài đã Sống Lại và Lên Trời trong vinh quang để mở đường về trời cho mọi người chúng ta, khi mỗi người chúng ta lần lượt từ giã cuộc đời đau khổ trần gian qua cái chết mà ai cũng phải trải qua. “Sinh Qúy Tử Quy!” “Sống Gửi Thác Về!” Sự chết không còn là sự tuyệt vọng, một sự tan biến vào hư vô, nhưng là ‘qua cuộc đời’ đau khổ này để trở về quê hương thật, trở về với Chúa là Cha (Sách Khôn Ngoan 3:1-7).

Bài Đọc I (Năm A, B, C: Công Vụ Tông Đồ 1: 1-11) là đoạn đầu của Sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các Tông đồ: Chúa Giêsu đã căn dặn các ông đừng rời xa Giêrusalem, chờ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống ban ơn thánh hóa và soi sáng để các ông trở nên những Tông đồ nhiệt thành đi rao giảng Phúc Âm tình thương của Chúa cho mọi người, ở mọi nơi, bắt đầu từ Giêrusalem.

Bài Đọc II (Năm A, B, C: Thư Êphêsô 1: 17-23) Thánh Phaolô cầu xin Chúa cho các tín hữu được ơn soi sáng để hiểu biết và tin tưởng nơi Chúa Giêsu đã ‘từ cõi chết sống lại’ và đã Lên Trời trong vinh quang, Ngài là đầu toàn thể Hội Thánh, và chúng ta là các chi thể của Ngài.(Bài Đoc II Năm C có thể chọn Thơ Do Thái 9:24-28;10:19-23).

Bài Phúc Âm (Năm C: Luca 24: 46-53) là đoạn cuối cùng của Phúc Âm Thánh Luca. Trong đoạn này, Thánh sử Luca ghi lại những lời Chúa Giêsu nói với các Tông đồ về những lời “các Tiên tri nói về Đấng Kitô phải chịu khổ hình, nhưng ngày thứ ba Ngài sống lại từ cõi chết” đã được thực hiện, và bổn phận các Tông đồ là phải làm chứng cho cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa, và “rao giảng sự thống hối và ơn tha tội cho mọi người, mọi nơi bắt đầu từ Giêrusalem;” sau đó, Chúa Giêsu chúc lành cho các ông trước khi “rời khỏi các ông mà lên trời.” Các Tông đồ được ơn an ủi của Chúa, vui mừng trở lại Giêrusalem và vào Đền thờ ca tụng Thiên Chúa.

Trng Bài Phúc Âm hôm nay, Thánh Luca cũng ghi lại nơi Chúa Giêsu về trời là gần Bêtania; nhưng trong Công Vụ Tông Đồ (1:12), Thánh Luca ghi rõ hơn về địa điểm Chúa Giêsu lên trời là núi Ô-liu, gần Bêtania. Bêtania ở đây là quê hương của bà Mátta, Maria và Lagiarô, cách Giêrusalem gần 3 cây số (Gioan 11: 18), khác với Bêtania ở phía đông sông Giođanô, nơi Thánh Gioan Baotixita làm Phép Rửa (Gioan 1:28). Nếu chúng ta có dịp hành hương kính viếng Đất Thánh, chúng ta sẽ được hướng dẫn đi kính viếng địa điểm nơi Chúa Giêsu về Trời như Thánh Luca ghi lại.

Trong sách Công Vụ Tông Đồ 1:13-14, Thánh Luca còn ghi thêm một điểm đặc biệt khác rất cảm động, đó là: sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh lên trời, các ông vui mừng về Giêrusalem để cùng họp nhau cầu nguyện chung tại ngôi nhà nơi các ông thường cư ngụ, chờ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, có cả sự hiện diện của Mẹ Maria, anh em của Chúa và mấy bà đạo đức khác.

Trước khi Chúa Giêsu lên trời, Chúa cũng đã hứa với các Tông Đồ: “Cha vẫn còn ở với các con mọi ngày cho đến tận thế!” (Matthêu 28:20). Như vậy, Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là Ngài từ bỏ Giáo Hội, từ bỏ Đoàn Chiên của Chúa, nhưng Ngài vẫn ở cùng Giáo Hội và chăn dắt đoàn chiên của Chúa qua các vị Mục Tử mà Chúa đã chọn, đã thánh hiến và sai đến giữa chúng ta (Mátthêu 28: 18-20; Gioan 21: 15-17). Vậy, chúng ta đừng bao giờ thất vọng khi thấy những biến cố đau thương, những bách hại xảy ra cho Giáo Hội. Con thuyền Giáo Hội, trong khi vượt biển trần gian, luôn gặp những sóng to, gió lớn, những bão tố, nhưng không bao giờ bị chìm đắm, như Chúa đã nói với Thánh Phêrô: “Con là Đá, trên Đá này, Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày, và mọi quyền lực thế gian cũng không thắng nổi!” (Mátthêu 16:18).

Cuộc vượt biển trần gian của mỗi người chúng ta cũng nhiều khi gặp ‘sóng to, gió lớn’ nhưng đừng bao giờ chúng ta thất vọng, vì Chúa Giêsu Sống Lại và Lên Trời là Niềm Hy Vọng vững chắc của chúng ta là những tín hữu của Chúa.

Xin Chúa Giêsu Lên Trời chúc lành cho Giáo Hội của Chúa, cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam, cho mọi người chúng ta, gia đình chúng ta, và cho toàn thể thế giới. Tạ ơn Chúa! Amen! Alleluia! Alleluia!
 
Chiếc thang trong đời sống
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
10:28 10/05/2010
Chiếc thang trong đời sống

Chiếc thang bằng gỗ hay bằng kim loại sắt thép có nhiều nấc bậc cách quãng đều nhau được đóng chặt vào hai thanh gỗ hay hai thanh thép hai bên vững chắc. Từ nấc bậc dưới người ta bước leo lên bậc cao, và cứ như thế leo đạt tới chỗ cao muốn với tới. Khi muốn xuống thấp, người ta lại lui trở ngược đi theo bậc bước xuống.

Chiếc thang nối liền hai chiều kích dưới thấp và trên cao cho bước chân con người đạt tới. Chiếc thang là phương tiện giúp con người leo lên cao và leo đi xuống dưới thấp.

Trong đời sống đức tin đạo giáo theo truyền thống cũng thế có hai lãnh vực lên và xuống: Con đường đi tới Thiên Chúa vươn lên trên cao; trời ở trên cao, và đất ở bên tầng dưới.

Sau khi sống lại Chúa Giêsu lên cao trở về trời. Lên cao không chỉ hiểu nhìn theo nhãn giới địa lý hình thể, nhưng còn theo khía cạnh nội dung phẩm chất nữa. Đó là về phương diện tinh thần, nhiều hay ít tới gần trời cao và như thế tới Thiên Chúa.

1.Chiếc thang ông Giacóp

Có bản văn cổ điển trong Kinh thánh nói về chiếc thang trong đời sống, đó là chiếc thang của Ông Giacóp ( St 28, 12-13).

„Ông Giacóp chiêm bao thấy một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên đó có các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống. Và kìa Thiên Chúa đứng trên thang mà phán…)

Ông Giacóp trong giấc chiêm bao ban đêm lúc ngủ đã nhìn thấy Thiên Chúa và chiếc thang nối liền giữa trời và đất lại với nhau. Các Thiên thần là những sứ gỉa của Thiên Chúa đi lên xuống có nhiệm vụ chuyển lời cầu xin lên Thiên Chúa và đồng thời xuống dưới đất trông coi gìn giữ mặt đất.

Thiên Chúa đứng trên đầu chiếc thang nói với Giacóp hứa ban cho Ông và con cháu Ông chúc phúc lành, sự giầu sang phú túc.

2.Chiếc thang Đức Mẹ Maria

Tháng Năm, còn gọi lả tháng Hoa kính Đức Mẹ Maria, chúng ta người Công giáo mang bông hoa nến hát mừng kính Đức Mẹ. Nhưng còn chiếc thang, như của Ông Giacóp, có liên quan trong đời sống cùng vai trò của Đức Mẹ Maria không?

Chiếc thang trong giấc mơ của Ông Giacóp nối liền trời và đất lại với nhau. Nhưng qua Đức Mẹ Maria, Thiên Chúa nối liền trời cao với đất lại gần nhau.

Chúa Giêsu, con Thiên Chúa đã trở thành người trong cung lòng Đức Mẹ Maria. Chúa Giêsu là người và là Thiên Chúa. Đức Mẹ Maria đã hạ sinh con Thiên Chúa ra làm người, như thế có khác nào chiếc thang của Ông Giacóp nối trời và đất lại với nhau, Thiên Chúa và con người với nhau.

Cung lòng Đức Mẹ Maria là ngôi nhà cho Ngôi Lời Thiên Chúa cư ngụ. Vì thế trong kinh cầu có câu ngợi khen ca tụng: Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy.

Đời sống và cung lòng Đức Mẹ Maria là ngôi nhà, là bến bờ tình yêu thương cho Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xuồng làm người sống giữa trần gian.

Và qua đó Đức Mẹ khác nào như chiếc thang cho con Thiên Chua bước đi từ trời cao xuống trần gian mang tình yêu Thiên Chúa thể hiện ơn cứu độ cho linh hồn con người.

Sau 33 năm sống trên trần gian, Chúa Giêsu trở về trời cao. Giáo Hội do Chúa thành lập nối tiếp sứ mạng của Ngài trên trần gian.

3.Chiếc thang Giáo Hội Chúa Giêsu

Như thế Giáo Hội Chúa Giêsu ở trần gian có là chiếc thang nối trời và đất lại không?

Giáo Hội Chúa Giêsu ở trần gian từ hơn hai ngàn năm qua có nhiệm vụ loan truyền làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa con người.

Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng những con người trần thế có đức tin vào Thiên Chúa, khởi đầu từ 12 Thánh Tông đồ và do chính Chúa Giêsu tuyển chọn. Trung thành với sứ mạng Chúa trao, Giáo Hội tiếp tục công việc gìn giữ cùng sống theo truyền thống đạo đức cùng văn hóa tâm tính con người mỗi thời đại, mỗi dân tộc đất nước, làm sao cho Tin Mừng nước Chúa sống động, duy trì giữa và cho con người.

Cụ thể việc gìn giữ kho tàng Lời Chúa và ban phát các Bí Tích trong đời sống Giáo Hội. Thánh lễ Misa là trung tâm của đức tin Công giáo. Từ nguồn ơn bí tích Thánh Thể này, Giáo Hội kín múc được sức sống. Từ nguồn sức sống này mọi người cùng đức tin vào Chúa, dù còn sống trên trần gian hay đã qua đời cùng liên kết gắn bó với nhau, qua lễ hy sinh của Chúa Giêsu trên thánh gía.

Sống làm chứng cho Chúa đòi hỏi Giáo Hội phải dấn thân hy sinh, phải chấp nhận vác thánh gía như chính Chúa Giêsu đã sống trải qua: Ngài bị đóng đinh cho tới chết trên thập gía.

Và như thế, Giáo Hội khác nào như chiếc thang cho chính mình, cho mọi người bước leo lên tới nguồn sức sống của Chúa. Chiếc thang Giáo Hội nối liền con người và Thiên Chúa lại với nhau qua việc cử hành ban phát các Bí Tích, chỉ đường cho con người hướng về trời cao, như Thanh Gioan Vaney đã nói với cậu mục đồng Antoine Givre hôm 09.02.1818 lên đường đến nhận nhiệm sở mới ở làng quê xứ Ars bên Pháp: „Cám ơn con. Con chỉ đường cho ta tới xứ Ars. Ta sẽ chỉ cho con đường hướng về trời!“

Theo dòng thời gian, chiếc thang Giáo Hội, vì là những con người trần thế, có thể cũ hay có thể bị gẫy hao mòn. Nhưng không vì thế mà phá vứt dẹp bỏ đi, hay bi thảm hóa làm lung lạc hoang mang. Trái lại, tìm cách sửa sang làm cho mới lại, cho vững chắc trở lại như ý Chúa muốn.

Đức bác ái yêu thương cùng lòng kính trọng nhau luôn luôn là con đường tốt nhất cho ý kiến xây dựng đổi mới. Và đó cũng là giới răn mới của Chúa.

*****************

Chiếc thang bằng cây gỗ sắt thép là phương tiện cho con người leo lên cao, bước xuống thấp.

Chiếc thang tinh thần niềm tin đạo giáo, như chiếc thang Đức Mẹ Maria, chiếc thang Giáo Hội Chúa Giêsu, nối liền dẫn đưa tâm hồn con người đi tới gần Thiên Chúa, trời với đất lại với nhau.

Tháng hoa kính Đức Mẹ Maria 2010

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày Như Một Người Bạn #4
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
13:44 10/05/2010
Trò chuyện với Chúa mỗi ngỳy như Người Bạn # 4

“TÂM SỰ VỚI CHÚA LUÔN NHƯ HƠI THỞ”

Thầy Giêsu nói: “Giờ đây họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha.” (Ga 17, 7)

Thưa Thầy, Mẹ Maria được Chúa Cha chọn làm hiền mẫu của Thầy. Là các bà mẹ trong gia đình, con đã nhận biết bao ân huệ, làm vợ, làm mẹ… Thế mà con cứ xin nữa, nhiều quá! Mà con chẳng thực hành. Con Noi gương Mẹ Thầy, để chu toàn bổn phận người mẹ.

1- Con sẽ sống bằng Bánh Sự Sống Lời Chúa và Thánh Thể cho con cháu và cùng chia sẻ vui buồn với con, gần con, lắng nghe con, giành thì giờ cho con, nhất là gặp gỡ con vào những giờ kinh tối gia đình.

2- Như vậy, con sẽ được theo Mẹ trong việc trực tiếp dạy bảo, nói năng, suy nghĩ, hành động, ăn uống, nghỉ ngơi. Tất cả con đều làm gương sáng cho con cháu trong lời ăn tiếng hát để ca ngợi Chúa.

3- Nhờ Lời Thầy dạy mà con cảm nghiệm được Nước Trời ở ngay trong gia đình con từ bây giờ, khi con nhịn nhục tha thứ cho nhau, phục vụ nhau trong tình yêu của Thầy. Bàn tiệc vĩnh cửu có từ đây.

4- Con luôn tập luyện để có sức khỏe tốt bằng cách hạn chế ăn uống, tập thể dục, đời sống tâm linh vui vẻ có Lời Thầy hướng dẫn, tương quan, gặp gỡ Thầy hàng ngày, mọi lúc trong Thần Khí của Thầy.

5- Như vậy, lúc nào con cũng có sức khỏe, niềm vui, tình thương, nụ cười cho con cái, gia đình, ngoài giáo xứ, và xã hội. Chắc con sẽ nhiều bạn tốt để chia sẻ niềm vui về Thầy và cuộc sống hôm nay.

6- Nhờ có sức sống dồi dào của Thần Khí Thầy, con sẽ sự sống mới toả ra với người chung quanh nhận biết Thầy, để họ cùng con có hạnh phúc Nước Trời ngay bây giờ và niềm vui vĩnh cửu. Amen.

Con nghĩ đây là bản Kinh rất đúng nghĩa cho các bà mẹ đang cần.

Phó tế: JB. Maria Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Các con là chứng nhân
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
18:10 10/05/2010
LỄ THĂNG THIÊN C

+++

A. DẪN NHẬP

Hôm nay lễ Chúa Giêsu lên trời kết thúc cuộc đời ở trần gian theo như những gì Kinh Thánh đã tiên báo. Theo cái nhìn của Luca, thì “Thời kỳ Israel” đã nhường chỗ cho “Thời kỳ Đức Kitô”. Giờ đây, “Thời kỳ của Đức Kitô” lại nhưỡng chỗ cho “Thời kỳ của Giáo hội”.

Bài đọc Tin mừng trích trong tác phẩm cuối của Tin mừng Luca, chứa đựng trình thuật đầu tiên của Luca về biến cố lên trời. Ở đây Thăng thiên được trình bầy như được xẩy ra vào Chúa nhật Phục sinh. Đức Chúa Phục sinh cho các Tông đồ thấy Kinh thánh đã tiên báo về Đức Kitô phải chịu đau khổ và sống lại như thế nào (Lc 24,48).

Khi hiện ra với các Tông đồ, Đức Giêsu đã trao cho các ông sứ vụ rao giảng Tin mừng bắt đầu từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất (Lc 24,47) và phải làm chứng cho Ngài nơi muôn dân nước (Lc 24,48). Đồng thời Ngài cũng hứa sẽ ban Chúa Thánh Thần đến cùng họ (Lc 24,49). Sau khi đã căn dặn các môn đệ nhiều điều, Đức Giêsu lên trời trước mặt các ông. Họ vui mừng trở về Giêrusalem để chờ đợi Chúa Thánh Thần.

Lễ Thăng thiên được xem như đỉnh điểm của đời sống Đức Giêsu và là khởi điểm sứ vụ của Giáo hội. Do đó, mọi thành viên trong Giáo hội phải tích cực thi hành sứ vụ này bằng đời sống chứng nhân trước mặt mọi người.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 1,1-11

Khởi đầu sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta biết: sau khi sống lại Đức Giêsu tiếp tục hiện ra với các môn đệ trong 40 ngày và trước khi về trời, Ngài còn ban các ông những lời dạy cuối cùng

- Đức Giêsu dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các môn đệ biết rằng sau khi đã chịu nạn chịu chết, Ngài vẫn còn sống.

- Ngài khuyên các ông hãy chờ đợi Chúa Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã hứa ban.

- Ngài còn trao cho các ông sứ mạng rao giảng Tin mừng để làm chứng cho Ngài trên khắp cùng thế giới.

+ Bài đọc 2: Ep 1,17-23

Trong thư gửi cho tín hữu Ephêsô, thánh Phaolô chúc cho các tín hữu được ơn khôn ngoan để lòng trí mở ra mà hiểu rõ đâu là niềm hy vọng mà họ đã nhận được.

Ngài còn cho biết: Chính Chúa Cha đã cho Đức Giêsu sống lại; chính Chúa Cha đã tôn vinh Đức Giêsu; cũng vẫn Chúa Cha đã đặt Đức Giêsu làm Chúa tể muôn loài, làm đầu Hội thánh. Chúng ta có thể đặt trọn niềm tin cậy ở Ngài.

+ Bài Tin mừng: Lc 24,46-53

Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Phaolô đã nói và trong Tin mừng hôm nay còn nói lại:

- Những lời căn dặn cuối cùng: theo Sách Thánh, Đức Kitô phải qua chịu nạn rồi mới tới Phục sinh. Các môn đệ phải rao giảng và làm chứng cho Đức Giêsu dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà Ngài sẽ ban cho.

- Đức Giêsu về trời: Luca đã dùng cách viết của loài người để tạm diễn tả việc Đức Giêsu thăng thiên. Ngài về trời có nghĩa là Ngài rời bỏ tình trạng hèn hạ của loài người mà trở về tình trạng vinh quang của một vị Thiên Chúa, nghĩa là Ngài chỉ thay đổi cách hiện diện.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Chứng nhân của Đức Kitô

I. ĐỨC GIÊSU VỀ CÕI TRỜI

1. Theo sách Tin mừng và Công vụ Tông đồ

Thánh Luca là tác giả sách Tin mừng và Công vụ Tông đồ. Theo sách Công vụ Tông đồ, chúng ta đọc thấy biến cố lên trời xẩy ra vào ngày thứ 40 sau Phục sinh. Trái lại, trong sách Tin mừng, Luca lại đặt biến cố này vào ngay chiều ngày Phục sinh. Thực ra, sách Tin mừng có ý viết về sứ mạng của Đức Giêsu bắt đầu từ Galilê đến Giêrusalem, và sách Công vụ Tông đồ viết về sứ mạng của Giáo hội bắt đầu từ Giêrusalem đến toàn thế giới. Việc Đức Giêsu lên trời là cái bản lề giữa hai sứ mạng đó; hay nói cách khác, lúc Đức Giêsu lên trời là lúc Đức Giêsu bàn giao sứ mạng lại cho Giáo hội để tiếp tục công trình của Ngài.

2. Ý nghĩa việc lên trời

Việc lên trời của Đức Giêsu có hai ý nghĩa, đó là giai đoạn rao giảng của Đức Giêsu đã qua, đã chấm dứt và mở ra một kỷ nguyên mới cho Giáo hội.

a) Một giai đoạn đã qua

Ý nghĩa trọng đại của việc Đức Giêsu lên trời là sự cứu chuộc mà Ngài đã thực hiện cho loài người qua cái chết đền tội và sống lại của Ngài đã hoàn thành và viên mãn cho đến đời đời.

Đức Giêsu đã làm xong công việc cứu chuộc, đã hoàn thành sứ mạng Cha Ngài đã trao phó là cứu chuộc nhân loại tội lỗi, bằng chính cái chết đền tội trên thập giá và đã sống lại để cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài được sự sống đời đời. Sự cứu chuộc ấy đã hoàn toàn đầy đủ cho đến muôn đời. Và như vậy, đã chấm dứt thời kỳ mà niềm tin của các môn đệ đặt vào một Thầy bằng xương bằng thịt, vào sự hiện diện của thân thể Thầy. Từ nay, các môn đệ sẽ liên kết với một Đấng Thầy đời đời vượt thời gian và không gian.

b) Khởi đầu một kỷ nguyên mới

Kế hoạch của Thiên Chúa được ghi trong Sách Thánh không chấm hết cùng với cái chết, phục sinh và lên trời vinh hiển của Đức Giêsu, mà còn tiếp tục trong Hội thánh. Sứ điệp Tin mừng được hoạch định”cho muôn dân”, được rao giảng bắt đầu từ Giêrusalem.

Một giai đoạn lịch sử cứu độ được hoàn tất. Mới kỷ nguyên mới được chuẩn bị, kỷ nguyên đi gieo rắc Tin mừng bắt đầu từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất.

Thật là nghịch lý ! Đức Giêsu rời khỏi họ, thế mà họ không buồn phiền. Các môn đệ ra về trong sự vui mừng chứ không phải tấm lòng sầu muộn vì họ biết rằng từ nay không có gì có thể ngăn cách mình với người Thầy của mình. Thánh Phaolô đã phát biểu: ”Ai có thể phân cách chúng ta với tình yêu thương của Chúa Cứu thế” ? Và Ngài khẳng định: ”Tôi biết chắc chắn rằng bất kỳ sự sống, sự chết… chẳng có thể phân rẽ chúng ta ra khỏi sự yêu thương mà Thiên Chúa đã thể hiện nơi Đức Giêsu, Chúa chúng ta”(Rm 8,35-38).

II. TRAO SỨ MẠNG RAO GIẢNG TIN MỪNG

1. Sứ vụ rao giảng Tin mừng

Đức Giêsu về trời vẫn giao sứ mạng cho các môn đệ và Giáo hội phải rao giang Tin mừng: ”Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đức Messia phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba sẽ từ cõi chết chỗi dậy. Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân bắt đầu từ Giêrusalem”(Lc 24,46-47).

Khi Chúa về trời thì cũng là lúc các Tông đồ phải ra đi. Các ngài đi tuyên xưng niềm tin, tin vào Đấng đã chết nhưng nay đã phục sinh, đã chiến thắng tử thần và nay đang được tôn vinh. Người từ Cha mà đến và lại trở về với Cha.

Khi Chúa về trời thì cũng là lúc các Tông đồ phải xuống núi. Đi xây dựng một thế giới đầy tình yêu thương, huynh đệ, công bằng, văn minh; xứng với trời mới dất mới mà Chúa Con đã cứu chuộc để hiến dâng lên Cha.

Thật là vinh dự cho chúng ta được tiếp nối các Tông đồ đi rao giảng Lời Chúa, và làm chứng nhân cho Ngài. Nhưng đó cũng là một thách đố nặng nề, vì còn 80% cư dân trên hành tinh này chưa đón nhận Tin mừng.

Truyện: Hoàn thành tác phẩm

Nhạc sư sáng tác người Ý, Giacomo Puccini, để lại cho đời một số những tác phẩm ca nhạc kịch – opera – rất nổi tiếng, chẳng hạn như La Bohême và Madame Butterly. Năm 1922, lúc 64 tuổi, ông bị ung thư ác tính. Mặc dù cơn bệnh hành hạ thân thể, Puccini vẫn nhất định phải hoàn tất vở ca kịch Turandot mà bây giờ nhiều người đánh giá là vở ca kịch hay nhất của ông.

Ông làm việc ngày đêm. Nhiều người khuyên can ông phải nghỉ ngơi vì nghĩ rằng ông không thể nào hoàn tất vở ca kịch này được. Khi con bệnh trở nên trầm trọng, Puccini đã viết cho học trò của mình: ”Nếu thầy không hoàn tất vở ca kịch Turandot được, thầy muốn các con tiếp tục công việc ấy cho thầy”.

Năm 1924, ngày số phận đã tới, khi Puccini sang Bỉ giải phẫu, ông qua đời hai ngày sau đó. Trở về Ý, các học trò của ông qui tụ nhau lại, mỗi người một tài năng khác nhau tiếp tục sáng tác vở ca kịch Turandot của thầy để lại. Sau khi nghiên cứu và làm việc với tất cả tâm hồn, họ đã hoàn tất vở ca kịch này.

Năm 1926, lần đầu tiên trên thế giới, vở ca kịch đã được trình diễn tại nhà hát ca kịch La Scala ở Milan. Vở này đã được điều khiển bởi người nhạc trưởng môn sinh rất được Puccini ưa thích, Arturo Toscanini. Tất cả mọi sự diễn tiến tốt đẹp cho đến khi dàn hòa tấu trình diễn tới khúc nhạc mà Puccini đã sáng tác dang dở. Những giọt nước mắt đã rơi xuống trên khuôn mặt của người điều khiển. Ông ngưng dàn nhạc lại, buông cây đũa điều khiển xuống, quay ra khán giả và nói lớn: ”Nhạc sư đã viết đến đây, rồi ông qua đời”. Cả nhà hát im lặng một hồi lâu. Không ai nhúc nhích ! Không một tiếng động ! Hoàn toàn thinh lặng !

Sau vài phút, người nhạc trưởng cầm cây đũa điều khiển lên, quay ra khán giả, mỉm cười qua những giọt lệ rơi và nói lớn: ”Nhưng các môn sinh của ông đã hoàn tất tác phẩm này”. Khi vở ca kịch Turandot kết thúc, cả nhà hát bùng lên tràng pháo tay như sấm nổ vang trời. Trong rạp hát không còn một con mắt nào khô ráo. Ai cũng rơi lệ và không ai có thể quên được giây phút ấy (Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr 190).

Rao giảng Tin mừng là sứ vụ Đức Giêsu đã trăn trối lại cho các môn đệ Ngài, cho Giáo hội nói chung và cho mỗi người chúng ta nói riêng. Trước khi xa cách con cái, Ngài đã để lại cho mỗi người chúng ta lời di chúc qua các Tông đồ: ”Vậy các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con”.

Qua các thời đại, Giáo hội đã, đang và luôn mãi hăng hái, trung kiên thi hành sứ mạng đó. Mặc dầu Giáo hội luôn phải trải qua những giai đoạn khó khăn, bách hại, cấm cách, nhưng dân Chúa vẫn hiên ngang rao giảng và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Tin mừng. Lòng can đảm, chí trung kiên đó đã cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta không phải đơn phương chiến đấu, nhưng Chúa luôn đồng hành với mọi người như lời Ngài đã phán: ”Thầy ở cùng các con mọi ngày đến tận thế”.

2. Rao giảng bằng cuộc sống

Có nhiều cách rao giảng Tin mừng, có người phải từ bỏ gia đình đi đến những miền xa, phải trèo non lặn suối, có khi phải liều mạng để rao giảng Tin mừng. Đây là những người có ơn kêu gọi đặc biệt, còn phần đông chúng ta chỉ có thể rao giảng trong môi trường cụ thể của mình, đó là rao giảng bằng đời sống. Đó chính là sống Lời Chúa Giêsu truyền dạy trong chính cuộc sống riêng của mỗi ngưởi, Để rao giảng Đức Giêsu cho thế gian, chúng ta phải bắt đầu bằng cách tự rao giảng Ngài cho chính chúng ta trước. Có câu ngạn ngữ Trung hoa như sau:

“Tiên chánh kỳ tâm hậu tu kỳ thân,

Tiên tu kỳ thân hậu tề kỳ gia,

Tiên tề kỳ gia hậu trị kỳ quốc

Tiên trị kỳ quốc hậu bình thiên hạ”.

Tâm hồn có chân chính thì bản thân mới tốt đẹp,

Bản thân có tốt đẹp thì gia đình mới thuận hòa,

Gia đình có thuận hòa thì quốc gia mới thịnh trị,

Quốc gia có thịnh trị thì thế giới mới hòa bình.

Cũng thế, muốn rao giảng Đức Giêsu cho thế gian, chúng ta phải đưa Ngài vào chính cuộc sống chúng ta trước, sau đó lời rao giảng về Ngài mới tỏa lan khắp cùng thế giới. Nếu có đủ số người Kitô hữu biết đưa Đức Giêsu vào cuộc đời mình thì gợn sóng ấy sẽ biến thành cơn sóng thủy triều, rồi cơn thủy triều sẽ thay đổi bộ mặt trái đất thành tuyệt vời đến mức chúng ta chưa bao giờ dám mơ ước.

III. SỨ MẠNG LÀM CHỨNG CHO CHÚA

Đức Giêsu nói với các môn đệ: ”Các con làm chứng về những điều ấy”(Lc 24,48) tức là làm chứng cho chính Thầy.

Vậy làm chứng là gì ? Làm chứng là nhận thức một sự kiện mà chính mình đã kinh nghiệm. Nói rõ hơn, làm chứng là chứng nhận bằng lời nói hay bằng hành động một sự việc đã xẩy ra, một sự kiện có thật mà mình đã thấy, đã trải qua.

Còn chứng nhân hay người làm chứng, là kẻ nghe gì thì nói lại y như vậy, thấy sao thì thuật lại như vậy, rất đúng, rất trung thực. Ngược lại thì người ta gọi là phản chứng. Ở tòa án, chứng nhân hay nhân chứng là người nói sự thật những điều tai nghe mắt thấy. Trong đời sống hằng ngày, chứng nhân là người sinh sống và hành động như mình biết, tin tưởng và xác tín.

Triết học dạy rằng: “Nhất chứng phi chứng, nhị chứng chứng quả”.

Tất cả những điều kể trên đã có quá hai người làm chứng, cách riêng là mười một môn đệ, cách chung là toàn dân đồng thời với Chúa, sau đó là chúng ta qua các môn đệ Ngài.

Hiểu như vậy, các Tông đồ là những chứng nhân đầu tiên về cuộc đời của Đức Giêsu, bởi vì các ngài đã đi theo Chúa, sống với Chúa gần ba năm trời, nhất là các ngài là những nhân chứng thấy tận mắt và sờ tận tay cái chết đau thương và sự phục sinh tỏ tường của Chúa.

Vì thế, Chúa muốn các ngài làm chứng cho Chúa. Bởi vì tất cả mọi mầu nhiệm, mọi tín lý, mọi chứng cớ về Đức Giêsu đếu bắt đầu và kết thúc ở mầu nhiệm Phục sinh: phục sinh của Chúa Kitô và phục sinh của nhân loại. Hai việc phục sinh ấy liên kết chặt chẽ với nhau. Bởi vì có Phục sinh tức là có sự tồn tại của con người và sự sống vĩnh cửu. Tất cả những điều đó chỉ có thực khi việc phục sinh của Chúa có thực. Do đó, làm chứng về sự sống lại của Chúa có nghĩa là làm chứng cho sự chiến thắng và vinh quang của Chúa. Cũng thế, làm chứng về sự sống lại của loài người có nghĩa là làm chứng về ơn cứu độ, sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc trường sinh của loài người.

Đến lượt chúng ta hôm nay, mỗi người chúng ta cũng phải là một chứng nhân. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: ”Mỗi ngưởi giáo dân, trong bản chất, là một chứng nhân”. Bởi vì khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội, nhất là phép Thêm sức, là chúng ta đã được Chúa Kitô trao sứ mệnh làm chứng cho Ngài. Và tất cả chúng ta đã biết: cách thức làm chứng tốt nhất là đời sống tốt đẹp của chúng ta.

Truyện: Những gì tôi biết về Chúa Kitô.

Sau đây là một cuộc đối thoại độc đáo giữa một người tân tòng Công giáo và một người vô thần:

- Anh đã theo đạo Công giáo rồi sao ?

- Vâng, nói đúng và rõ hơn, tôi đã xin theo Đức Kitô.

- Thế thì chắc anh biết rất nhiều về ông ta, vậy anh hãy nói cho tôi biết ông ta sinh ra trong quốc gia nào ?

- Rất tiếc là tôi đã có học những chi tiết này trong một khóa giáo lý, nhưng tôi lại quên mất.

- Thế khi chết, ông ta được bao nhiêu tuổi ?

- Tôi không nhớ rõ lắm nên cũng không dám nói.

- Vậy anh có biết ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài, có bao nhiêu tác phẩm ông ta để lại, nói chung, về cuộc đời sự nghiệp của ông ta ?

- Như vậy, anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã thực sự đi theo ông Kitô.

- Anh nói đúng một phần. Tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết qúa ít về Đức Kitô. Thế nhưng, điều mà tôi biết rất rõ là thế này: ba năm trước, tôi là một tên nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ. Gia đình tôi xuống dốc một cách kinh khủng. Mỗi tối khi trở về nhà, vợ và các con tôi đều tức giận và buồn tủi. Thế mà, bây giờ thì tôi đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ nần, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc, các con tôi ngong ngóng chờ đợi tôi về nhà mỗi tối sau giờ làm ca. Tất cả những điều này, không ai khác hơn, chính Đức Kitô đã làm cho tôi. Và đó là tất cả những gì tôi biết về Ngài… (Theo Parole de vie).

Trong tông huấn Evangelii nuntiandi, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói lên vai trò của chứng nhân trong cuộc sống như sau: ”Do đó, chính với phẩm cách và đời sống mình, mà Giáo hội sẽ phúc âm hóa thế giới; nói cách khác, bằng sự “chứng tá” sống động về lòng trung thành của mình với Chúa Giêsu – chứng tá về sự khó nghèo và siêu thoát, về sự tự do khi đối đầu với các quyền lực trần gian – nói tóm lại, là chứng tá của sự thánh thiện” (Evangelii nuntiandi, đoạn 41),

IV. HÃY THEO CHÚA VỀ TRỜI

1. Quê hương chúng ta ở trên trời

Trước khi ra đi vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu dã khích le các Tông đồ: ”Lòng các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với các con rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho các con. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho các con, thì Thầy lại đến, và đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó”(Ga 14, 1-3).

Tin tưởng như thế, thánh Phaolô cũng nói rằng: ”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trờ đến cứu chúng ta”(Pl 320).

Nếu chúng ta biết Đức Giêsu của chúng ta đang ở trên trời thì lòng chúng ta phải hướng về đó. Không có nơi nào đáng yêu bằng nơi đó. Đó là nơi mà các bậc thánh đã yêu mến một quê hương tốt hơn – quê hương ở trần gian – mà các ngài gọi là quê hương trên trời.

Nhưng nhìn vào thực tế, chúng ta phải nhìn nhận rằng: chúng ta đã quá bén rễ sâu vào cuộc sống trần gian, đã quá quyến luyến những thực tại chóng qua. Chúng ta đã chọn trái đất này làm quê hương vĩnh cửu và sẵn sàng bán rẻ linh hồn mình lấy một nắm tro bụi. Dân Do thái ngày xưa đã thờ lạy con bò vang thế nào thì hôm nay con người cũng đang đi vào con đường ấy.

2. Điều kiện để về trời

Đức Giêsu phán: ”Không phải những ai cứ kêu Lạy Chúa ! Lạy Chúa ! mà được vào Nước Trời, mà chỉ những ai làm theo thánh ý của Cha Ta”(Mt 7,21-23; Lc 6,46; 13,26-27).

Nước Trời hay thiên đàng là phần thưởng cho những ai đã cố gắng thi hành theo thánh ý Chúa. Như thế, Chúa không cho phép chúng ta tự rút mình ra khỏi các công tác, các hoạt động thuộc về đời này, chẳng làm gì ngoài việc chiêm ngắm cõi đời mà thôi !

Thánh Phaolô đã vạch ra một loạt các nguyên tắc để giúp người Kitô hữu tiếp tục công việc ở đời này và duy trì một mối liên hệ bình thường với thế gian này. Nhưng phải có chỗ khác biệt là từ nay trở đi, Kitô hữu phải nhìn nhận mọi sự trong ánh sáng, trong bối cảnh là cõi đời đời. Nghĩa là người ấy sẽ không sống dường như đời này là tất cả những gì mình quan tâm, nhưng phải đặt thế gian này trong bối cảnh của cõi sống đời đời.

Vậy những ai xác tín rằng quê hương đích thực của đời mình là ở trên trời cao thì trước hết và trên hết hãy qui hướng tất cả mọi sự trong cuộc sống, vận dụng mọi hoàn cảnh về nơi đó để cố gắng chiếm đoạt cho bằng được dù phải trả bất cứ giá nào. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là phải chạy trốn khỏi cuộc sống khốn khổ này, trái lại phải vui tươi, can đảm chu toàn mọi trách nhiệm, bổn phận mà Chúa đã giao phó cho mỗi ngưởi với điều kiện đừng để cho bản thân, gia đình, của cải, danh lợi làm chủ, điều khiển đến độ quên hết đời sau.

Chúng ta hãy bắt chước các Tông đồ khi chia ly với Thầy mình thay vì buồn sầu, chán nản, các ngài hớn hở vào đời làm nhiệm vụ được giao phó vì các ngài thâm tín rằng phải sống ở trần gian một ít lâu, nhưng hy vọng chắc chắn đợi ngày tái ngộ với Thầy mình trên quê trời.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:17 10/05/2010
THÓI XẤU

N2T


Từ Hàm của đời nhà Minh nói với người thời ấy rằng, người xưa bình phẩm tốt xấu về một con ngựa, thì trước tiên coi lông ngựa màu của nó như thế nào, nếu lông của ngựa có hình dáng xoắn ốc thì có tốt và có xấu. Nếu xoắn năm vòng thì là ngựa tốt, nhưng nếu xoắn mười bốn vòng thì ông chủ ngựa sẽ bị nguy hiểm.

Cho nên, “thói xấu毛病” (1) nguyên là nói đến khuyết điểm của lông ngựa, về sau mới từ từ mở rộng ám chỉ đến khuyết điểm của con người và sự việc quá xấu. Ví dụ như Ngô Trác thời Tống trong thư hồi âm cho Từ An Trát có đề cập đến thiếu sót của văn chương giống thì như cỏ mùa xuân, bất kể cẩn thận hay chú ý như thế nào thì nó vẫn cứ xuất hiện.

Do đó văn chương muốn viết thật hay thì phải có sự trau dồi, học hỏi và chỉ bảo giữa bạn bè với nhau.

(Tương Mã thư)

Suy tư:

Đã là con người –trừ Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria- thì ai cũng có thói xấu và khuyết điểm, không một ai vỗ ngực nói mình là người không có thói xấu và khuyết điểm.

Khuyết điểm thì như cỏ mùa xuân sinh sôi nảy nở vô số, nếu không chú ý và quyết tâm sửa đổi những thói xấu hoặc khuyết điểm của mình, thì sẽ bị những thói xấu và khuyết điểm ấy phủ che mất, làm cho bản thân không vươn thẳng trong cuộc sống của mình, như cỏ dại mọc lan tràn che phủ hoa màu ruộng lúa, và như thế sẽ không thể thu hoạch hoa màu tốt tươi được.

Người xưa nhìn lông ngựa để biết ngựa tốt hay ngựa xấu, người ta cũng nhìn hành vi và lời nói của người Ki-tô hữu để coi họ có phải là người Ki-tô hữu chân chính hay không?

Người Ki-tô hữu chân chính là người có tâm hồn vâng phục các đấng bề trên, là người có tinh thần phục vụ tha nhân, là người biết đặt Thiên Chúa trên hết mọi sự, là người không hề bỏ lễ ngày chủ nhật nếu không có lý do chính đáng, là người nói lời sự thật và không hề gây mâu thuẩn giữa anh chị em với nhau.

Thói xấu và khuyết điểm thì ai cũng có, nhưng người khôn ngoan thì luôn biết xét mình để nhổ cỏ dại (thói xấu, khuyết điểm) trong tâm hồn của mình.

(1) 毛 là lông; 病 là bệnh: 毛病 (phát âm là mão binh) nghĩa là thói xấu, khuyết điểm.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:18 10/05/2010
N2T


51. Con người ta đón nhận Thánh Giá thì tiêu diệt lòng tham, chấm dứt hành vi tội lỗi, tránh xa hư vinh và quét sạch sai lầm.

(Thánh Leo I Giáo Hoàng)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:20 10/05/2010
N2T


437. Một sự báo đền đẹp nhất của cuộc sống chính là: giúp đỡ tha nhân và đồng thời cũng giúp đỡ chính mình.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc đấu tranh cho sự tự do của các người bất đồng chính kiến với Nhà Nước xã hội chủ nghĩa Cuba.
Linh Tiến Khải
06:41 10/05/2010
Phỏng vấn ông Guillermo Coco Farinhas, tù nhân chính trị

Chúa Nhật 2-5-2010 sau thánh lễ tại nhà thờ thánh Rita trong thủ đô La Habana, lần đầu tiên đoàn 12 phụ nữ mặc quần áo trắng là mẹ và vợ của các nhà bất đồng chính kiến với Nhà Nước cộng sản Cuba, đã có thể tuần hành biểu tình mà không bị đe dọa và sỉ vả bởi các nhóm phò Nhà Nước.

Người ta còn nhớ vào mùa xuân năm 2003 trong lúc toàn thế giới hướng mắt theo dõi chiến cuộc tại Irak, Chủ tịch Fidel Castro đã phát động chiến dịch càn quét phong trào bất đồng chính kiến tại Cuba. Theo các quan sát viên tình hình chính trị thế giới, đó đã là một sứ điệp Chủ tịch Fidel Castro gián tiếp gửi cho chính quyền của tổng thống Bush, để chứng minh cho thấy Nhà Nước xã hội chủ nghĩa Cuba vẫn còn rất mạnh. Đã có 75 người gồm các nhà trí thức, nghệ sĩ và nhà báo bị bắt giam, bị xét xử sơ sài và kết án, có người tới 28 năm tù vì tội gọi là ”làm gián điệp”. Nhờ áp lực quốc tế một số đã được trả tự do, nhưng hiện nay vẫn còn có 53 người bị giam giữ. Và đoàn ”các bà mặc quần áo trắng - Damas de Blanco” là mẹ là vợ của họ, đã kiên trì tranh đấu yêu cầu Nhà Nước trả tự do cho họ vì họ vô tội. Mỗi ngày Chúa Nhật sau khi tham dự thánh lễ tại nhà thờ thánh nữ Rita, họ tuần hành dọc ”Đại lộ số 5” là đại lộ chính trong thủ đô La Habana, tay cầm hoa lay-ơn trắng miệng hô to ”Tự do, Tự do”. Bà Laura Pollan, người khởi xướng phong trào ”phụ nữ mặc quần áo trắng” nói: ”Chúng tôi không phải là một phong trào chính trị. Chúng tôi là những phụ nữ tuyệt vọng, tranh đấu cho sự tự do của chồng con chúng tôi. Họ vô tội, nhưng bị tù chỉ vì sự kiện có các tư tưởng khác với tư tưởng của Nhà Nước”. Chồng bà là nhà báo Hector Maseda bị giam giữ trong nhà tù Aguica tại Matanzas, cách La Habana 150 cây số.

Thật ra cho tới nay, Nhà Nước Cuba làm ngơ không thèm ngó ngàng gì tới họ. Trong qúa khứ đã có các cuộc biểu tình chống biểu tình, do nhà nước giàn dựng để cho thấy nhân dân ủng hộ chính quyền. Nhưng sau khi tù nhân chính trị Orlando Zapata Tamayo tuyệt thực cho tới chết ngày 24-2-2010 sau 85 ngày không ăn không uống, Nhà Nước Cuba lo sợ vi khuẩn chống đối nổi loạn lan rộng trong lòng người dân Cuba, vốn đã rất bất mãn với đường lối cai trị sắt máu của chính quyền.

Cộng đồng thế giới đã mạnh mẽ lên án thái độ cai trị tàn ác, vô ích và không thể biện minh được của nhà nước Cuba. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu châu và cả Mehicô là liên minh lịch sử của Cuba, cũng đã mạnh mẽ chỉ trích thái độ chai lì khép kín của Chủ tịch Raul Castro đối với các người bất đồng chính kiến. Vì thế từ ba tuần qua ”Các phụ nữ mặc quần áo trắng” đã không thể tới Đại lộ số 5, vì họ bị công an mặc thường phục chặn bên ngoài nhà thờ, đe dọa và bắt họ phải về nhà. Khi họ từ chối, thì liền bị các nhóm phò Nhà Nước bao vây, chửi bới sỉ vả, xô đẩy. Trò hề ”quần chúng tự phát” do Nhà Nước giật dây giàn dựng đã kéo dài tại ”đất nước cách mạng Cuba khố rách áo ôm” này từ nửa thế kỷ qua, vẫn tiếp tục không thay đổi.

Ông Joachim Villalobos, chuyên viên phân tích tình hình chính trị xã hội Cuba cho biết ”Các cuộc tuyệt thực đang đánh bại chính quyền trên bình diện luân lý”. Đây không phải là các hành động hiếu chiến của cộng đoàn Cuba lưu vong tại Miami bên Hoa Kỳ, mà là các cử chỉ hòa bình do các công dân bị chính quyền kết án tù đầy ”không còn lối thoát”. Giáo Hội Công Giáo đã kêu gọi chính quyền thực thi những thay đổi đã hứa với nhân dân. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nguyệt san ”Lời Mới”, Đức Hồng Y Jaime Ortega Tổng Giám Mục La Habana, đã kêu gọi Nhà Nước rộng mở đối thoại an hòa với phe đối lập, cũng như trả tự do cho các tù nhân chính trị. Đức Hồng Y cũng kêu gọi Hoa Kỳ tìm ra một thỏa hiệp với Cuba, nhưng tổng thống Obama đã chỉ cho phép viếng thăm Cuba dễ dàng hơn, mà không đáp ứng các chờ mong của Chủ tịch Raul Castro.

Trả lời các nhà báo về biến cố Nhà Nước đã không cho người sách nhiễu nhóm phụ nữ mặc quần áo trắng biểu tình hôm Chúa Nhật mùng 2 tháng 5 vừa qua, Đức Hồng Y Ortega cho biết trong các ngày trước đó ngài đã yêu cầu chính quyền làm tất cả những gì có thể để tránh các chuyện đáng buồn như đã xảy ra trong các Chúa Nhật trước. Khi các phụ nữ mặc quần áo trắng ra khỏi nhà thờ thánh nữ Rita họ đã bị các nhóm chống lại sự phản đối của họ chửi bới và đe dọa, vì cho rằng sự phản đối của họ là do nước ngoài xúi bẩy. Và chính quyền đã cho Đức Hồng Y biết là các phụ nữ mặc quần áo trắng có thể biểu tình mà không gặp vấn đề, miễn là tuân giữ một vài điều kiện liên quan tới lộ trình. Đức Hồng Y không biết đây có phải là ”một sự mềm dẻo mới” của chính quyền hay không, nhưng nó là một cử chỉ tốt. Vì sự kiện các bà mẹ và vợ của các tù nhân chính trị biểu lộ ước mong cho chồng con của họ được trả tự do là điều dễ hiểu, và như là người họ đáng được tôn trọng và qúy mến. Đức Hồng Y còn cho biết thêm là Giáo Hội đã yêu cầu nhà báo Guillermo Farinhas ngưng ngay cuộc tuyệt thực vì ông đã không ăn uống từ 68 ngày qua. Đức Hồng Y đã thăm ông ba lần, và ngài cho biết rất buồn vì lời yêu cầu của ngài bị khước từ. Ông Farinhas cũng từ chối đề nghị của chính quyền trả tự do cho ông với điều kiện là rời khỏi Cuba.

Bà Laura Pollan, một trong những bà mẹ lãnh đạo nhóm tranh đấu cho sự tự do của thân nhân họ, cho biết cử chỉ của Nhà Nước là bất ngờ và tích cực. Đây đã là ”một chiến thắng nhỏ” của tinh thần kiên trì, của lý trí và nhất của là tình yêu thương của họ đối với chồng con của họ và đối với Thiên Chúa. Bà cho biết nếu chính quyền không muốn có các cuộc tuần hành khác nữa, thì chỉ cần trả tự do cho chồng con của họ bị bỏ tù bất công.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Guillermo Coco Farinhas, tù nhân chính trị vì bất đồng chính kiến với Nhà Nước xã hội chủ nghĩa Cuba. Ông Farinhas đã bị bỏ tù cùng với 74 người khác gồm các nhà trí thức, nghệ sĩ, và chuyên viên truyền thông.

Từ ngày 24 tháng 2 tới nay ông Farinhas đang tuyệt thực để phản đối chính sách cai trị độc tài tàn ác của Nhà Nước Cuba. Ông đã bắt đầu cuộc tuyệt thực vì bị Nhà Nước Cuba khước từ không cho ông tham dự đám táng của ông Orlando Zapata Tamayo, là tù nhân chính trị đầu tiên đã tuyệt thực 85 ngày không ăn không uống cho tới chết để phản đối chính sách cai trị vô nhân và vô luân của Nhà Nước cộng sản Cuba. Ông Zapata đã yêu cầu Nhà Nước Cuba đối xử với các tù nhân chính trị một cách nhân đạo hơn.

Sau khi ông Zapata qua đời, ông Coco Farinhas quyết định tiếp tục cuộc đấu tranh cho phẩm giá và quyền làm người của các tù nhân. Ông yêu cầu Nhà Nước Cuba trả tự do cho 26 tù nhân chính trị đau yếu, trong đó có kỹ sư Librado Linares Garcia, hầu như bị mù, nhà trí thức công giáo Blas Giraldo Reyes và nhà báo Pedro Arguelles Moran.

Hỏi: Thưa ông Farinhas, ông đã quyết định thay thế chỗ của ông Zapata trong cuộc đấu tranh bất bạo động này từ ngày 24 tháng 2 tới nay bằng cách tuyệt thực không ăn uống gì cả. Tình trạng sức khỏe của ông hiện ra sao?

Đáp: Tôi không bị sốt. Nhiệt độ trong người tôi là giữa 36 và 36 độ rưỡi, và áp huyết là 100 trên 60. Bác sĩ của tôi cho biết là tôi có thể chết trong 20 hay 30 ngày tới đây.

Hỏi: Chủ tịch Raul Castro đã nói là ông ta sẽ không nhượng bộ bất cứ áp lực nào. Nếu tiếp tục tuyệt thực, ông sẽ chết. Tại sao ông lại lựa chọn một quyết định tuyệt đối như thế?

Đáp: Chính quyền không để cho tôi có sự lựa chọn nào khác. Tuyệt thực là phương thế độc nhất mà tôi có để chống lại chính quyền tàn bạo và độc tài của anh em nhà Castro. Tôi không muốn chết, nhưng tôi sẵn sàng chết.

Hỏi: Chết nhân danh cái gì, thưa ông?

Đáp: Nhân danh nền dân chủ của đất nước tôi, nhân danh ông Orlando Zapata và nhân danh 26 tù nhân chính trị đau yếu sắp chết, mà chính quyền vẫn ngoan cố tiếp tục giam giữ họ trong tù. Tôi hy vọng rằng ngày tôi không còn sống nữa, chính quyền sẽ quyết định trả tự do cho họ. Đàng khác chính Bộ Nội Vụ đã tuyên bố rằng họ không còn ở trong các điều kiện có thể ở lại trong tù nữa.

Hỏi: Thưa ông, có hai người tù khác đã ngưng tuyệt thực vì cho rằng nếu còn sống họ sẽ hữu ích cho dân nước Cuba hơn là chết. Còn ông, ông vẫn tiếp tục kiên trì trong việc tuyệt thực hay sao...

Đáp: Tôi tôn trọng sự lựa chọn của họ, nhưng tôi kiên vững trong sự lựa chọn của tôi. Việc thành lập một quốc gia cần có các người tử đạo của nó. Khi nào tôi chết, thì giáo sư Felix Bonne sẽ thay thế chỗ của tôi tiếp tục cuộc tuyệt thực. Giáo sư đã tuyên bố như thế, cũng như tôi đã tuyên bố với ông Zapata. Chế độ không thể làm ngơ không biết tới chúng tôi cho tới vô tận được.

Hỏi: Ông đã quen biết cá nhân ông Orlando Zapata có phải thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Đó là vào năm 1991. Khi ấy ông Zapata làm thợ nề trong công trình xây dựng một khách sạn tại trung tâm thủ đô La Habana. Hồi đó ông là thành viên của tổ chức ”Thanh Niên Cộng Sản” và thuộc ”Lữ đoàn đáp trả nhanh chóng”, có nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc gặp gỡ của các nhà bất đồng chính kiến với Nhà Nước. Nghĩa là với những người thuộc nhóm của tôi là nhóm ”Liên Minh Tự Do” thường tụ họp với nhau. Ông ta nói chuyện với chúng tôi và sau khi hiểu các lý lẽ của chúng tôi, ông đã bỏ tổ chức Thanh Niên Cộng Sản để gia nhập nhóm bất đồng chính kiến và đứng chung chiến tuyến với chúng tôi.

Hỏi: Cả ông cũng đã từng là thành viên của tổ chức ”Thanh Niên Cộng Sản”, và đã từng tiến chiến đấu bên Angola. Và thân phụ của ông đã nhận lệnh của Che Guevara bên Congo, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Tôi đã tin nơi chủ nghĩa của Castro và chủ nghĩa xã hội. Tôi vẫn còn tin tưởng nơi một nhà nước xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ, đúng nghĩa. Nhưng ông Fidel Castro và giờ đây ông Raul Castro đã biến Cuba trở thành một nhà máy người. Nhà Nước Cuba đã cung cấp cho dân chúng việc giáo dục, săn sóc y tế và niềm hy vọng, nhưng lại cướp mất đi mọi quyền tự do của người dân. Ngày nay đất nước Cuba là một nhà tù khổng lồ, mà chỉ có gia đình Castro có chìa khóa. Tôi đã rời bỏ đảng cộng sản, sau khi Nhà Nước Cuba vu khống cho tướng Ochoa là buôn bán ma túy và kết án ông hồi năm 1989. Nhưng thật ra tôi đã bắt đầu xa lánh đảng cộng sản ngay từ năm 1980, khi xảy ra vụ xuất hành của Mariel, lúc hàng ngàn người dân Cuba bao vây tòa đại sứ Perù để xin giấy rời bỏ Cuba. Chỉ khi đó tôi mới ý thức được là có biết bao nhiêu người muốn rời bỏ đất nước Cuba trốn đi nơi khác để tìm tự do.

Hỏi: Thưa ông Farinhas, ông đã lập gia đình và có môt con gái 8 tuổi. Gia đình ông đã sống lựa chon này của ông như thế nào?

Đáp: Clara vợ tôi đã không đồng ý với cuộc tuyệt thực của tôi, nhưng vẫn liên đới và ở sát bên tôi. Diosangeles, con gái tôi thì không biết gì cả. Nó chỉ nghĩ rằng bố nó bị đau thôi. Tôi đã viết cho cháu một bức thư từ biệt, để khi lớn hơn cháu sẽ đọc. Tôi đã giải thích cho cháu hiểu là cha của cháu yêu cháu và không bao giờ muốn rời xa cháu. Nhưng ông phải làm điều đó để góp phần vào một tương lai tự do hơn cho dân nước Cuba. Khi tôi cảm thấy thân xác đau đớn qúa, thì tôi đọc một đoạn Phúc Âm thánh Gioan, trong đó Chúa Giêsu nói: ”Không có tình yêu nào lớn hơn là hiến mạng sống mình cho các bạn hữu”. Và tôi đã tìm cách giải thích cho cháu Diosangeles hiểu điều đó.

(Avvenire 28-4-2010)
 
Đức Thánh Cha khuyến khích các gia đình yêu mến, đọc và suy niệm Lời Chúa
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
08:20 10/05/2010
Đức Thánh Cha khuyến khích các gia đình yêu mến, đọc và suy niệm Lời Chúa

ROMA, (zenit.org) - « Hãy yêu mến, đọc và suy niệm Lời Chúa », đó là lời khuyến dụ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi cách riêng cho các gia đình.

Đức Giáo Hoàng đã ngỏ lời mời gọi này bằng Tiếng Pháp sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào buổi trưa Chúa Nhật ngày 9 tháng Năm tại quảng trường thánh Phêrô trước sự hiện diện của hàng ngàn khách hành hương.

« Phụng vụ hôm nay nhắc chúng ta rằng bình an được thiết lập dựa trên tình yêu của Thiên Chúa và trên lòng trung tín đối với Lời Chúa », Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

« Bằng cách đặt Lời này vào trung tâm đời sống của mình, người tín hữu vui hưởng bình an nội tâm ngay cả trong những thử thách, bởi vì được cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa bên cạnh mình. Xin anh chị em can đảm yêu mến, đọc và suy gẫm Lời Chúa trong gia đình ».

« Đó là con đường lý tưởng để cho các gia đình trở nên tổ ấm bình an », ngài nhấn mạnh trước khi nói tiếp: « Hãy cầu nguyện cho các linh mục nghỉ hưu ! Ước chi các ngài trung thành với Lời Chúa cho đến cùng ! ».

Bằng Tiếng Ý và nhiều ngôn ngữ khác, Đức Thánh Cha đã trao phó cho các tín hữu ba ý chỉ cầu nguyện: cho Giáo Hội và cho cuộc viếng thăm của ngài tại Bồ Đào Nha cũng như tại Fatima; cách riêng cho các linh mục; và cho nền hòa bình trên thế giới.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng nhắc đến Đức Trinh Nữ Maria như là người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Đức Kitô, trước tiên ở chỗ đã suy đi ngẫm lại và hiểu Lời của Đức Giêsu, Con của Mẹ tốt hơn bất kỳ một môn đệ nào khác.
 
Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện cho chuyến hành hương Bồ Đào Nha
Dominic David Trần
10:29 10/05/2010
Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện cho chuyến hành hương Bồ Đào Nha

Đìện Vatican, ngày 9 tháng Năm, 2010 / 11:27 AM theo bản tin liên hợp của Thông Tấn Xã Công giáo toàn cầu (CNA/EWTN News).- trước khi khởi xướng Kinh "Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng" tại Điện Vatican trong ngày Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã mời gọi mọi người cùng cầu nguyện cho chuyến hành hương của ngài đến Bố Đào Nha từ ngày 11 đến 14 tháng Năm 2010.

Sau khi phác họa vắn tắt về nghị trình hành hương sẽ bao gồm các chặng dừng chân tại thủ đô Lisbon và đô thị số 2 của nước Bồ Đào Nha là Porto, Đức Thánh Cha nói rằng đích đến chủ yếu trong chương trình hành hương của ngài sẽ là Thánh địa Fatima. Tại nơi này sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 10 Năm ngày Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ tôn phong lên Bậc Á Thánh cho hai trẻ chăn cừu là Jacinta và Francesco.

Đức Thánh Cha cũng lưu ý đây là lần đầu tiên ngài kính viếng Đền Thánh Đức Mẹ Maria tại Fatima với tư cách là Đức Giáo Hoàng và ngài mời gọi tất cả mọi người cùng đồng hành với ngài trong chuyến hành hương này; cùng "tham gia tích cực trong lời cầu nguyện"

Đức Thánh Cha nói rằng: " tất cả cùng một lòng một dạ- chúng ta khấn xin Đức Trinh Nữ Maria cầu bầu cho Hội Thánh Công Giáo, đặc biệt cho các Linh Mục Giáo Sĩ và cho nền hòa bình trong thế giới."
 
Đức Thánh Cha nhất định đến kính viếng Đức Mẹ Fatima bất chấp tro bụi núi lửa
Dominic David Trần
12:10 10/05/2010
Đức Thánh Cha nhất định đến kính viếng Đức Mẹ Fatima bất chấp tro bụi núi lửa

Điện Vatican ngày 10 tháng Năm, 2010 / 09:59 AM theo bản tin liên hợp của Thông Tấn Xã Công giáo toàn cầu (CNA/EWTN News) chuyến hành hương đến Bồ Đào Nha của Đức Thánh Cha vẫn thực hiện như đã quyết định, bất chấp các đám mây tro bụi khổng lồ phun ra đã khiến phải hủy bỏ mọi chuyến bay đến nước Bồ Đào Nha trong cuối tuần.

Đức Thánh Cha sẽ bắt đầu chương trình 4 ngày thăm viếng nước Bồ kể từ ngày thứ Ba 11 tháng Năm và sự kiện cao nhất trong nghị trình sẽ là chặng dừng chân tại Thánh Địa Fatima. Thánh Địa Fatima là nơi có bề dày lịch sử với Đức Thánh Cha. Chuyến thăm viếng đến nước Bồ Đào Nha, quốc gia thuộc Âu châu này sẽ kéo dài từ thứ Ba đến thứ Sáu tuần này bắt đầu từ chuyến thăm thủ đô Lisbon sau đó đến Thánh Địa Đức Mẹ Fatima; và sau cùng là thăm đô thị Porto.

Linh Mục Federico Lombardi SJ, Phát Ngôn Nhân của Tòa Thánh Vatican tuyên bố trong cuối tuần là cho đến lúc này chương trình tông du của Đức Thánh Cha thăm viếng Bồ Đào Nha sẽ không bị thay đổi cho dù các đám mây tro bụi khổng lồ tiếp tục phun ra từ núi lửa Eyjafjallajökull của nước Cộng hòa Băng Đảo. Các lớp tro bụi đã khiến phải đóng cửa hầu hết các phi trường Bồ Đào Nha và hàng mấy trăm chuyến bay đi đến thủ đô Lisbon và đô thị Porto đã bị hủy bỏ.

Theo Thông Tấn Xã Bồ Đào Nha cho đến nay các phi trường đã mở cửa lại nhưng nguy cơ đe dọa bởi tro bụi làm cho các chuyến bay cũng có thể bị đình hoãn. Kế hoạch dự phòng được tường thuật là sẽ chuyển hướng đáp máy bay đặc biệt phục vụ Đức Thánh Cha đến phi trường Faro- nơi cách xa phi trường quốc tế Lisbon khoảng hơn 160 cây số về phía Nam.

Đức Thanh Cha Benedicto, theo nghị trình dự trù- sẽ đến phi trường quốc gia Lisbon vào đúng 11giờ địa phương vào sáng ngày thứ Ba 11 tháng Năm. Bày tỏ nỗi vui mừng về cuộc tông du sắp đến, Đức Thánh Cha Benedicto mời gọi mọi người cùng cầu nguyện và cùng đồng hành với ngài đến kính viếng Thánh Địa Đức Mẹ Fatima trước khi ngài khởi xướng nguyện kinh "Lạy Nữ Vương Thiên Đàng" tại Công trường Thánh Phêrô.

Đức Hồng Y Jose Saraiva, nguyên Bộ Trưởng Thánh Bộ Tuyên Thánh của Giáo Triều Rôma đã nói với Đài Truyền Thanh Vatican trong cuối tuần qua là Đức Thánh Cha Benedicto có một quan hệ đặc biệt với Đền Thánh Đức Mẹ Fatima. Đức Hồng Y Saraiva giải thích " Đã có một mối liên kết đặc biệt giữa Đền Thánh Đức Mẹ Fatima và Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI bởi vì giữa biết bao sự kiện đã qua Đức Hồng Y Ratzinger cũng đã chủ sự biết bao nhiêu cuộc hành hương quốc tế có hàng mấy trăm ngàn người tham dự."

Đức Hồng Y cũng gợi nhớ lại một cuộc hội thảo quốc tế về "Thị Kiến Đức Mẹ hiện ra tại Fatima" đã được tổ chức tại Viện Đại Học Công giáo Porto- ngày đó Đức Hồng Y Ratzinger đã được giao phó trách nhiệm công bố " Mầu Nhiệm Thứ Ba của Đức Mẹ Fatima" và văn kiện Tòa Thánh đọc lúc cuối Đại Lễ tôn phong Á Thánh cho các Chân Phước Jacinta và Francesco cách đây đúng 10 năm. Các văn kiện được soạn thảo và đệ trình bởi Thánh Bộ Giáo Lý-Đức Tin lúc ấy do Đức Hồng Y Joseph Ratzinger là Tổng Trưởng.

Đức Hồng Y Jose da Cruz Policarpo, Thượng Phụ Giáo Chủ Lisbon nói với Nhật báo Avvenire của Hội Đồng Giám Mục Ý Đại Lợi rằng; " kể từ lúc được bầu lên ngôi vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Benedicto XVI rất khao khát được đến kính viếng Đức Mẹ Fatima."

Đức Hồng Y Thượng Phụ Giáo Chủ Lisbon cũng nói rằng Đức Thánh Cha Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI chắc chắn sẽ quảng diễn về mối liên kết sâu xa với Thánh Địa Đức Mẹ Fatima trong suốt chuyến tông du lần này."
 
Đức Thánh Cha đến Fatima để trình bầy tác động của Thiên Chúa trong lịch sử
Bùi Hữu Thư
12:33 10/05/2010
Giải thích của phát ngôn viên Tòa Thánh

Rôma, Thứ hai ngày 10 tháng 5, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Phát ngôn viên Tòa Thánh kiêm giám đốc trung tâm truyền hình Vatican khẳng định trong phần bình luận của ấn bản cuối cùng của Octava Dies của Trung Tâm Truyền hình Vatican: “Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ đến Fatima để trình bầy tác động của Thiên Chúa trong lịch sử.”

Giám đốc văn phòng truyền thông Tòa Thánh nhắc lại các lý do khiến Đức Thánh Cha quyết định trở lại thăm Bồ Đào Nha từ ngày 11 đến 14 tháng 5, mười năm sau vụ phong thánh Jacinta và Francisco Marto.

Ngài giải thích: “Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã muốn rằng ‘bí mật thứ ba’ của Fatima sẽ được tuyên bố nhân dịp phong chân phước hai mục đồng Jacinta et Francisco, vào năm Thánh 2000, là lúc giao điểm giữa hai thiên niên kỷ.”

“Một thế kỷ đầy những sóng gió mà những thị kiến tại Fatima đã giải thích, cung cấp một bài giảng về tu đức vừa bi thảm vừa soi sáng: những thời kỳ chiến tranh và tử đạo, khi Giáo Hội và chính Đức Thánh Cha đả phải tham dự trực tiếp vào những đau khổ và khao khát ơn cứu rỗi cho toàn thể nhân loại.”

“Một sứ điệp đã được trao phó cho các đứa trẻ thất học, tại một địa điểm tầm thường, thông thường cũng như các trường hợp có những biến cố lớn về Đức Mẹ. Một sứ điệp, thật giản dị nhưng phát xuất một quyền năng thiêng liêng có thể vượt thắng những biên thùy và truyền đạt qua những xáo trộn trầm trọng nhất trong lịch sử con người.”

Bây giờ, khi bí mật đã được tỏ hiện về các biến cố đã xẩy ra, thì sứ điệp Fatima còn nói gì thêm với chúng ta? Khi cho phát hành bản văn của ‘bí mật’, Đức Hồng Y Ratzinger, trước khi trở thành Giáo Hoàng, đã kết thúc phần bình giải của ngài và nói: “’Tác động của Thiên Chúa, Chúa của lịch sử, và sự đồng trách nhiệm của con người, trong sự tự do bi đát và phong phú, là hai bức tường nâng đỡ lịch sử nhân loại. Đức Nữ Trinh hiện ra tại Fatima đã trả chúng ta về những giá trị đã bị quên lãng, về tương lai của nhân loại trong Thiên Chúa, mà chúng ta là những thành viên, một cách năng động và có trách nhiệm.”

Linh mục Lombardi kết luận: “Chúng ta cần có con mắt trong sạch và vô tội để nhìn giòng đời trong thiên niên kỷ mới, và để hiểu đâu là những nguy hiểm và những hy vọng chân chính nhất. Sứ Điệp Fatima giữ được tất cả giá trị trước lịch sử.”
 
Chương trình chi tiết chuyến tông du 4 ngày của Đức Giáo Hoàng tới Bồ Đào Nha.
Ngọc Loan
21:54 10/05/2010
Roma: Sau đây là chương trình chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng tới Bồ Đào Nha theo giờ địa phương, giờ Phương Tây ở trong ngoặc.

Thứ Ba, 11 tháng 5 (Rome, Lisbon)

-- 8:50 sáng (2:50 sáng) Khởi hành từ Phi Trường Leonardo da Vinci tại Roma.

-- 11 giờ sáng (6 giờ sáng) Tới Phi Trường Quốc Tế Portela tại Lisbon. Buổi lễ chào mừng Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha đọc diễn văn.

-- 12:45 chiều(7:45 sáng) Lễ chào mừng tại Tu Viện Hieronymites ở Lisbon. Đức Thánh Cha viếng thăm tu viện.

-- 1:30 chiều(8:30 giờ sáng) Đi thăm Tổng Thống Anibal Cavaco Silva tại dinh Quốc Gia Belem.

-- 6:15 chiều(1:15 chiều) Đức Giáo Hoàng chủ sự Thánh Lễ tại Quãng Trường Terreiro do Paco. Đức Giáo Hoàng ban bài giảng, Đức Thánh Cha ban huấn dụ nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Tổ Chức Cristo Rei Sanctuary tại Almada.

Thứ Tư, 12 tháng 5 (Lisbon, Fatima)

-- 7:30 sáng (2:30 sáng) Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh Lễ riêng tại Tòa Khâm Sứ ở Lisbon.

-- 10 giờ sáng (5 giờ sáng) Gặp gỡ các nhà lãnh đạo văn hoá tại Trung Tâm Văn Hóa Bêlem. Đức Giáo Hoàng đọc bài diễn văn.

-- 12 giờ sáng (7 giờ sáng) Tiếp kiến Thủ Tướng Jose Socrates tại Tòa Khâm Sứ.

-- 3:45 chiều(10:45 giờ sáng) Khởi hành từ Tòa Khâm Sứ.

-- 4:40 chiều(11:40 giờ sáng) Đáp trực thăng từ Phi Trường Quốc Tế Portela.

-- 5:10 chiều(12:10 trưa) Tới sân bay trực thăng gần Vận Động Trường Thánh Phố tại Fatima.

-- 5:30 chiều(12:30 trưa) Đức Giáo Hoàng viếng thăm và cầu nguyện tại Nguyện Đường Đức Mẹ hiện ra.

-- 6 chiều(1 giờ trưap.m.) Chủ sự buổi cầu nguyện với các Linh Mục, Tu Sĩ, Đại Chủng Sinh, Phó Tế tại Thánh Hường Rất Thánh Ba Ngôi. Đức Giáo Hoàng ban huấn dụ.

-- 9:30 chiều(4:30 chiều) Ban Phép Lành tham dự kiệu nến ngoài khuôn viên Đền Thánh Fatima. Đức Giáo Hoàng ban huấn dụ.

Đức Giáo Hoàng tham dự buổi lần chuỗi Mân Côi tại Nguyện Đường Đức Mẹ Hiện Ra.

Thứ Năm, 13 tháng 5 (Fatima)

-- 10 giờ sáng (5 giờ sáng) Đức Giáo Hoàng chủ sự Thánh Lễ tại công trường nơi Đền Thánh Fatima. Đức Giáo Hoàng chào mừng các tín hữu và ban bài giảng.

-- 1 giờ trưa(8 giờ sáng) Tham dự buổi ăn trưa với các Giám Mục Bồ Đào Nha và viếng thăm Tu Viện Dòng Kín Đức Bà Carmelô tại Fatima.

-- 5 giờ chiều( 12 giờ trưa) Gặp gỡ các Tổ Chức có liên quan đến mục vụ xã hội tại Thánh Đường Rất Thánh Ba Ngôi. Đức Giáo Hoàng ban huấn từ.

-- 6:45 chiều(1:45 trưa) Gặp gỡ các Giám Mục Bồ Đào Nha tại Hội Trường của Dòng Kín Đức Bà Carmelô. Đức Thánh Cha ban bài huấn dụ.

Thứ Sáu, 14 tháng 5 (Fatima, Porto, Rome)

-- 8 giờ sáng (3 giờ sáng) Khởi hành từ Tu Viện Dòng Kín Đức Bà Carmelô.

-- 8:40 sáng (3:40 giờ sáng) Đáp trực thăng từ Fatima.

-- 9:30 sáng (4:30 giờ sáng) Tới sân bay trực thăng tại Gaia.

-- 10:15 sáng (5:15 sáng) Chủ sự Thánh Lễ ngoài trời tại Avenida dos Aliados ở Porto.

-- 1:30 trưa(8:30 giờ sáng) Buổi lễ giã từ Giáo Hoàng tại Phi Trường Quốc Tế. Đức Thánh Cha ban huấn từ.

-- 2 giờ chiều(9 giờ sáng) Đáp máy bay đi về Rome.

-- 6 giờ chiều (12 giờ trưa) Tới Phi Trường Ciampino tại Roma kết thúc chuyến Tông Du Giáo Hoàng 4 ngày.
 
Top Stories
Vietnam: le nouvel archevêque coadjuteur de Hanoi accueilli par une messe solennelle à la cathédrale
Eglises d’Asie
10:33 10/05/2010
VIETNAM: le nouvel archevêque coadjuteur de Hanoi accueilli par une messe solennelle à la cathédrale

Lors de la messe d’accueil de leur archevêque coadjuteur, les catholiques de Hanoi se recueillent à l’intérieur de la cathédrale et s’expriment au dehors

Eglises d’Asie, 10 mai 2010 – Une messe d’action de grâces à l’occasion de la venue dans la capitale d’un nouvel archevêque coadjuteur, Mgr Pierre Nguyên Van Nhon, a été célébrée, le 7 mai dernier, dans la cathédrale de Hanoi. Une foule nombreuse y participait, grave, fervente et recueillie – comme à son habitude – à l’intérieur de la cathédrale, aussi fervente mais beaucoup plus démonstrative sur le parvis. Cette messe était attendue avec une certaine appréhension par certains, avec fébrilité par d’autres. L’émotion due à la nomination et surtout à la crainte d’un éventuel départ de l’archevêque actuel, Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt, avait, dans les jours précédents, fait monter la tension et donné lieu à de nombreux débats et déclarations, principalement sur Internet. L’invitation adressée aux fidèles pour cette messe leur demandait de « ne rien apporter avec eux d’inutile à la célébration et de s’abstenir de tout geste et de toute parole pouvant nuire au bon déroulement des cérémonies ».

Au final, les responsables du « bon déroulement des cérémonies » ont réussi, dans une certaine mesure, à éviter tout incident à l’intérieur de la cathédrale, où le recueillement était total, et à limiter les débordements, d’ailleurs peu importants, à l’extérieur de la cathédrale. Un service d’ordre fourni, principalement composé de séminaristes, avait été mobilisé par l’archidiocèse. Ceux-ci ont invité les porteurs de banderoles et de portraits de l’archevêque à s’en débarrasser avant d’entrer dans la cathédrale ou sinon de rester à l’extérieur. C’est ainsi qu’on a pu voir sur le parvis, des groupes assez nombreux présentant des portraits de Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt et déployant des banderoles dont les inscriptions proclamaient leur attachement et leur affection à leur pasteur. Une vidéo circulant sur Internet montrait aussi une fanfare de cuivres faisant entendre la mélodie de la prière attribuée à saint François d’Assise, allusion directe aux manifestations de prière ayant eu lieu lors de l’affaire de la Délégation apostolique et de la paroisse de Thai Ha en 2008.

Comme l’a déclaré lui-même Mgr Joseph Nguyên Chi Linh dans son allocution au cours de la messe (1), ce fut l’occasion pour les diverses composantes du peuple de Dieu de s’exprimer et, pour les évêques du Vietnam, d’entendre la voix de la communauté du peuple de Dieu. Ces derniers ont d’ailleurs, eux-mêmes, pris la parole et commenté, chacun à sa manière, la signification profonde de cette nomination et les circonstances qui l’entouraient. Trois évêques sont intervenus au cours des cérémonies, Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt, qui accueillait le coadjuteur récemment nommé, Mgr Pierre Nguyên Van Nhon, qui répondait aux souhaits de bienvenue, et Mgr Joseph Nguyên Chi Linh, vice-président de la Conférence épiscopale, qui, à ce titre, souhaitait la bienvenue au nouvel archevêque.

Dans sa présentation de l’archevêque coadjuteur, Mgr Joseph Kiêt a insisté sur le thème de la communion entre le pasteur et son troupeau. Après avoir rapidement indiqué que son état de santé actuelle justifiait la présence d’un archevêque coadjuteur, il a souligné que lorsqu’un évêque recevait la charge d’un diocèse, il était lié à lui par un lien d’amour et que Mgr Pierre Nhon adoptait, aujourd’hui, Hanoi comme patrie. Désormais, le nouvel archevêque vivra, souffrira et se réjouira avec son peuple. Et il a invité ses fidèles à lui être soumis comme ils lui ont été soumis.

Dans sa réponse, comme il l’a fait plus tard dans l’homélie, le nouvel archevêque coadjuteur à privilégié l’idée d’obéissance. Il a d’emblée déclaré: « Je viens ici par obéissance à Dieu et par obéissance au Saint-Père. » Il a ajouté que, comme le montre l’histoire du Christ et de l’Eglise, cette obéissance était liée aux mystères de la croix et de la souffrance – une façon pour l’archevêque coadjuteur de faire allusion aux sentiments ressentis aujourd’hui par la communauté de Hanoi. Il a fait également référence à la devise choisie par Jean XXIII, lors de son ordination épiscopale: « Obéissance et paix ».
 
Vietnam: Le vice-président de la Conférence épiscopale se réjouit de l’expression des différences dans la communauté du peuple de Dieu
Eglises d’Asie
10:44 10/05/2010
VIETNAM: Le vice-président de la Conférence épiscopale se réjouit de l’expression des différences dans la communauté du peuple de Dieu

Eglises d’Asie, 10 mai 2010 – Mgr Pierre Nguyên Van Nhon, accueilli le 7 mai dernier dans la cathédrale de Hanoi en tant qu’archevêque coadjuteur (1), est le président de la Conférence épiscopale du Vietnam. Celui qui le recevait, Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt, en est le secrétaire. Il revenait donc à Mgr Joseph Nguyên Chi Linh, le vice-président, de souhaiter la bienvenue au nouvel archevêque au nom de l’ensemble des évêques du Vietnam.

Les propos de Mgr Linh ont surpris par leur réalisme et leur franchise mais ils ont été finalement accueillis avec beaucoup d’intérêt et ont même suscité une certaine reconnaissance chez ceux qui avaient mis en cause le bien-fondé de la nomination de l’archevêque coadjuteur. Au début de la messe, Mgr Kiêt, présentant l’archevêque coadjuteur, avait insisté sur la communion qui unissait le pasteur et ses brebis. C’était le thème de l’obéissance qu’avait choisie Mgr Nhon pour répondre aux paroles de bienvenue et pour commenter les lectures du jour. Quant à Mgr Linh, il aura à la fin de la messe, abordé l’événement du jour d’un point de vue totalement différent, mais finalement complémentaire.

Dès le début, sans fioritures et avec une certaine brusquerie, l’allocution du vice-président de la Conférence épiscopale a abordé de front le problème posé à la communauté catholique de Hanoi par la nouvelle nomination. L’évêque a mis en pleine lumière les divergences qui s’étaient manifestées à cette occasion dans la communauté catholique: « On ne peut nier que cette nomination a provoqué un certain nombre de contestations, ces derniers jours. Certains, avec pessimisme, considèrent qu’il s’agit d’une erreur du Saint-Siège et du signe d’une Conférence épiscopale divisée et troublée… Que cela serait même un triste épisode de l’histoire de l’Eglise du Vietnam et plus particulièrement de l’archidiocèse de Hanoi. »

Mais l’évêque du diocèse de Thanh Hoa refuse de s’attrister et continue: « En prenant le parti de l’optimisme, nous pouvons tirer des conclusions positives de cet événement. La première est que toutes les composantes du peuple de Dieu ont eu l’occasion d’exprimer franchement leurs désirs et leurs souhaits. En même temps, nous avons pu acquérir une expérience plus profonde du rôle et de la mission des moyens de communication modernes. Alors qu’elle fête ses 50 ans, la hiérarchie de l’Eglise au Vietnam entre dans une période nouvelle grâce à eux. Les pasteurs entendent désormais mieux et plus concrètement la voix de la communauté du peuple de Dieu. »

Mgr Linh continue en affirmant qu’au-delà de l’opposition, il existe une unité profonde: « La deuxième conséquence positive de cet événement est la suivante: bien que différents voire même opposés, tous les points de vue en présence ont un dénominateur commun, c’est l’amour de l’Eglise. Les réflexions, la manière de comprendre sont différentes, mais l’amour est le même. Dans le contexte et dans l’esprit de l’Année sainte 2010, nous avons là une occasion de vivre l’esprit de communion et plus spécialement de faire preuve de davantage de courage face aux différences. Nous devons faire une analyse plus fouillée des histoires d’Eglise, et cela publiquement. En même temps, il nous faut découvrir le prix à payer pour protéger la fraternité à l’intérieur de la grande famille de l’Eglise. Très certainement, chacun souhaite ce qu’il y a de mieux pour l’Eglise. Mais s’exclure l’un l’autre par amour de l’Eglise, n’est-ce pas là une contradiction tout à fait inacceptable ? Différents les uns des autres, certes, mais toujours prêts à s’aider et à continuer à s’aimer pour une Eglise, une, sainte, catholique et apostolique, tel est le signe que nous continuons d’appartenir à l’Eglise fondée par le Christ. »

L’évêque affirme ensuite que personne ne peut s’arracher à l’unité fondamentale de l’Eglise qui se manifeste dans le Souverain pontife: « Si nous ne sommes pas convaincus de cette dimension mystérieuse de l’Eglise, nous ne pourrons pas nous accepter les uns les autres, et reconnaître le rôle du Père commun de l’Eglise. La décision du Souverain pontife, peut-être, ne répond-elle pas à l’attente humaine de certains de ses enfants. Mais elle est la décision du représentant du Christ sur la terre. »

Mgr Linh conclut en soulignant le témoignage rendu à l’unité de l’Eglise par la célébration eucharistique, exhortant chacun à construire l’unité de l’Eglise et à la préférer à son opinion personnelle (2).

(1) Voir dépêche diffusée il y a 30 minutes

(2) Le texte vietnamien de l’allocution a été mis en ligne sur le site de la Conférence épiscopale du Vietnam. La traduction est de la rédaction d’Eglises d’Asie.
 
Protests by faithful mar installation of coadjutor in Hanoi
Catholic World News
17:06 10/05/2010
Dozens of Catholic activists stood outside Hanoi's cathedral of St. Joseph on May 6, expressing their concern at the installation of Bishop Peter Nguyen Van Nhon as coadjutor to Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet. Many Catholics fear that the coadjutor was appointed as part of a Vatican ceremony to ease out Archbishop Kiet, who has clashed with the government.

Government officials, on the other hand, gave their full support to the coadjutor. State-controlled media emphasized that the appointment was made by Pope Benedict XVI with the approval of the Vietnamese government-- thus reinforcing the Catholic activists' fears.

Full Report: http://vietcatholic.net/News/Html/80023.htm
 
Hanoi Archbishop to resign
J.B. An Dang
19:33 10/05/2010
The transfer of leadership will occur on May 13, and no later than May 18, Kiet must go. State media personnel have been told.

According to local sources, news leaked via state media journalists indicates that Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet is going to resign in the next few days following the roadmap sketched to the Vatican by the Vietnamese government.

Reliable state media journalists whose duty is to describe the archbishop’s resignation as a glory victory of the regime in the international stage told Catholics on Monday that Hanoi local officials have organized a big party to celebrate the victory this weekend.

State media journalists have reportedly been told to use this opportunity to smash harder on the shaken trust towards the Vatican of Vietnamese Catholics and hence weaken their resistance against demands of local governments on properties of the Church and individuals.

Archbishop Joseph Ngo has not commented on the news. However, movements inside the archbishopric office indicate the news is reliable.

This would be a very sad chapter in the history of the Church in Vietnam.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày lễ của mẹ tại giáo phận Xuân Lộc
Maria Vũ Loan
08:36 10/05/2010
Ngày lễ của mẹ tại giáo phận Xuân Lộc

Vào Ngày Của Mẹ, 09/5/2010, từng đoàn, từng đoàn người trên những chiếc xe lớn từ 12 giáo hạt đổ về làm sân Tòa Giám Mục Xuân Lộc tươi đẹp vì những tà áo dài đủ màu sắc và rộn rã bước chân của những người mẹ. Hôm nay, thân mẫu của các linh mục, tu sĩ trong giáo phận đã về đây để mừng Ngày Của Mẹ do giới hiền mẫu Giáo phận tổ chức, http://www.youtube.com/watch?v=tzzoe6qiH68

Xem hình ngày lễ của Mẹ tại giáo phận Xuân Lộc

Trước giờ khai mạc, hội trường lớn của Tòa Giám Mục ồn ào vì tiếng cười tiếng nói. Dù vậy việc ổn định chỗ ngồi vẫn nhịp nhàng vì các bà cố được ngồi theo hạt của mình. Bầu khí của ngày hội lớn hôm nay thật trang trọng vì trên ngực các bà cố là một bông hồng màu đỏ, các chị hiền mẫu cũng đều mặc áo dài, làm cho nét mặt tươi tắn phúc hậu của tuổi trung niên hay nhăn nheo sạm nắng của các bà cố cũng vẫn đẹp.

Phần thuyết trình

Mở đầu ngày hội, cha đặc trách giới hiền mẫu của giáo phận Đa Minh Nguyễn Văn Tòng giới thiệu giáo sư Lê Đình Bảng trình bày đề tài “Hãy giữ lấy di sản văn hóa đức tin”. Trước khi đi sâu vào đề tài này, nhà thơ đã nói lên những cảm xúc của mình; đặc biệt là cảm xúc về người mẹ của chính ông. Đó là một người mẹ ao ước có con là linh mục nhưng Chúa đã rẽ lối cuộc đời của ông, để ông trở thành một nhà báo, một nhà thơ Công giáo với tất cả tâm huyết của một người yêu mến và phục vụ Giáo hội, trong tâm tình người giáo dân. Thế nên trong suy nghĩ của người mẹ thì bà không hài lòng nhưng từ góc nhìn của đức tin đó lại là điều tốt đẹp Chúa muốn cho cuộc đời ông.

Đi sâu vào kho tàng văn hóa Công giáo người dự được nghe những câu chuyện rất hay mà giáo sư dẫn lối vào chủ đề.

- Năm 2003, giáo sư Trần Văn Khê đã viết một bài trên báo Giác Ngộ “Đạo Phật đáng cứu rỗi đời tôi” mà trong đó, ông cho rằng chính tiếng chuông chùa và tiếng kinh kệ hằng ngày đã đi sâu vào đời ông.

- Năm 1947, Văn Cao đã viết được những bài ca nổi tiếng và chính nhạc sĩ thổ lộ rằng: “Từ bé tôi đã được nghe tiếng đàn dương cầm tại nhà thờ khiến trong con người tôi có được những cảm hứng để viết lên những tác phẩm âm nhạc đó.”

- Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã rong ruỗi khắp các làng quê để gom góp trên một ngàn câu hò trong kho tàng dân ca Nam bộ như là gia tài của mình.

- Ở làng quê ngày trước, mỗi độ vào tháng hoa, nhiều ngôi chùa biết rằng người Công giáo thường đi hái hoa dâng Đức Bà, nên họ mở cổng chùa hàm ý ai cần lấy hoa thì xin mời vào vì trong chùa rất nhiều hoa. Đến cuối tháng hoa, vào ngày giã hoa, nhà chùa trịnh trọng mang mấy mâm hoa sang nhà thờ xin dâng cũng để tỏ tình thâm giao. Một nét văn hóa tuyệt vời!

Tất cả những cái đó góp thành một nét văn hóa tôn giáo. Nhà thơ Lê Đình Bảng than phiền rằng: “Trong khi đó, Công giáo của chúng ta có cả một kho tàng thi ca văn hóa mà ông bà tổ tiên đã chuyển tải và sống đức tin bằng các loại hình văn hóa nghệ thuật mà cụ thể là dâng hoa, dâng hạt, ngắm đứng, ngắm nhân tài, than hang đá, ngắm lễ, những bài kinh biến thành thơ “Thiên đàng hỏa ngục hai bên”…nhưng chúng ta rất ít khi chú ý đến tài sản phi vật thể vốn có này.

Thậm chí những giá trị đạo đức gia đình có được từ trong việc đọc kinh tối cũng dần dần đánh mất khi bữa cơm gia đình bị phân rẽ vì cuộc sống đô thị, rồi ti-vi đánh cắp thời gian một cách tinh vi, sự thu hút của internet. Rồi nhiều nhà thờ khi tổ chức dâng hoa, không cho các em mặc áo dài mà cho mặc áo đầm và thay vì hát bài dâng hoa thì lại hát “liên khúc thánh ca”. Như thế, tất cả các vốn quí này có mai một theo dòng thời gian không?

Gần một giờ đồng hồ nói chuyện, sau cùng nhà thơ đề nghị chúng ta đừng coi thường quá khứ và có tinh thần giáo dục cũng như phục hồi những giá trị cũ, vốn là ngọn lửa nhỏ ấm áp trong việc rao giảng Tin Mừng với hồn nghệ thuật thi ca Công giáo.

Phần nói chuyện trở nên sinh động khi hai bà cố và một chị hiền mẫu lên ngâm minh họa làm phần nói chuyện thêm sinh động, http://www.youtube.com/watch?v=SOySkQ0A0zU và http://www.youtube.com/watch?v=_3Z4WLQT9Mw

Đức Giám mục nói chuyện với các bà cố

Sau ít phút giải lao, Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh đã nói chuyện với các bà cố một cách thân tình, thân tình vì những điều Đức cha nói đến rất thực tế. Đức cha cho rằng, ngày nay nếu muốn chiếm đoạt con người thì người ta lôi kéo con người về phía của mình bằng cách gieo rắc, thống lĩnh, không chế tư tưởng. Hiện tại, chúng ta đang sống trong một xã hội có khá nhiều tờ báo, có nhiều đài phát thanh, nhiều kênh truyền hình…nhưng chưa có tờ báo nào rao truyền đức tin Công giáo; chưa có một đài phát thanh hay đài truyền hình nào phục vụ cho công việc rao giảng Tin Mừng. Các môi trường sống đạo ngày càng nhỏ đi trong khi môi trường xã hội ngày càng bành trướng.

Cách đây mấy chục năm, chính các bà cố đang ngồi trước mặt tôi đây đã giáo dục con cái, truyền bá đức tin cho thế hệ trẻ bằng cách sống đạo đức đơn sơ của mình, thế nên giáo hội Công giáo Việt Nam trù phú ơn gọi, có nhiều người trẻ ý thức hy sinh phục vụ Giáo hội. Các bà mẹ là những con đê ngăn dòng nước lũ cuốn chực trôi những điều tốt đẹp trong cái nôi gia đình; nếu để những kẽ hở nhỏ thì nước sẽ thấm vào, lâu ngày đê bị bở, sức mạnh của nước sẽ ào vào phá vỡ đê một cách dễ dàng. Thế nên, Hội Thánh và mỗi người phải có cách thế của mình để chống trả những cơn nước lũ thế gian.

Thế hệ nào cũng vậy, bao giờ các linh mục tu sĩ cũng là những con người yếu đuối mỏng giòn vì thế lời cầu nguyện rất cần thiết. Trong đời thường, có nhiều người thấy khuyết điểm của các linh mục thì kêu lên Đức Cha; tôi nghĩ rằng, đôi khi Đức cha cũng khó xử, có những sự việc nếu cầu cứu đến các bà cố thì tốt nhất.

Riêng gia đình các ông bà cố lại càng phải đạo đức gương mẫu trong đời sống, đừng vì một chút vật chất mà tranh chấp, kiện tụng mà đánh mất hình ảnh đẹp, là gia đình thánh thiện giữa nhiều gia đình chung quanh.

Sau cùng Đức cha đã nói lời tuyên dương các ông bà cố đã sinh con, dâng hiến con mình cho Giáo hội, lại luôn là những mẫu gương sáng chói trong đời sống và giúp các con của mình hoàn thành nhiệm vụ. Thật sự Giáo hội luôn hãnh diện vì các linh mục, tu sĩ có cha mẹ như vậy.

Thánh lễ đồng tế

Thánh lễ đồng tế được cử hành ngay tại hội trường lớn mà các bà cố đang tham dự, do Đức cha phụ tá chủ sự, cùng đồng tế có Đức ông Vinh Sơn Tú và quí cha.

Hôm nay, các bà cố cùng tham dự một thánh lễ, cùng nghe một bài giảng, cùng chung một tiệc thánh và cùng vui một tiệc mừng. Các bà được hiểu rằng, thế giới xung quanh lúc nào cũng có biến động, căng thẳng đang ngấm ngầm phá hoại con người chúng ta, từ đây khiến chúng ta khát khao bình an. Nhưng người Công giáo đi tìm thứ bình an bắt nguồn từ Thiên Chúa vì cách thức ban bình an của Chúa Giêsu khác với cách thức đem bình an của con người.

Chúa không đem bình an theo nhãn quan của nhân loại mà phải có từ một hành trình trong nỗ lực của bản thân. Đây là cuộc chiến đấu cam go từ ngoại cảnh lẫn nội tâm, nghĩa là phải sống và hành động trong yêu thương. Hơn nữa, chỉ trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần mới thực sự có được bình an vì Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất.

Các bà cố là những người trao ban bình an và hạnh phúc cho người khác, có đúng không? Thưa đúng, vì bà trao ban bình an cho con cái; bàn tay linh mục, tu sĩ của con bà lại đem bình an hạnh phúc đến cho nhiều người khác. Tại sao bà được cao trọng như vậy? Thưa vì bà đã hy sinh rất nhiều, chịu đựng những cơn sóng gió một cách âm thầm, rất nhiều cố gắng để gia đình an bình, để con bà đi gieo rắc bình an.

Thánh lễ khép lại trong niềm vui khi cha đặc trách giới hiền mẫu đưa ra một ý tưởng là giáo phận Xuân Lộc sẽ cố gắng xây một nhà hưu dưỡng đặc biệt dành cho các bà cố. Tiếng vỗ tay vang dội khắp hội trường. Rồi các bà cố lũ lượt ra dự tiệc.

Thật khó tưởng tượng khi có cả ngàn người mẹ dự chung một tiệc mừng. Có tiếng hò, tiếng hát và cả tiếng ngâm thơ. Quí cha cho biết, trong số này có hai bà cố có bốn con là linh mục. Có bà cố kia rất vui tính, bà nói đùa rằng: “Tôi là bà cố NGỒI, nếu được là bà cố ĐỨNG thì mới thích!”. Hỏi mãi bà cố mới giải thích: “Bà cố NGỒI là chỉ có con gái làm Ma-sơ, còn bà cố ĐỨNG là có con trai làm cha!!”. Ai mà không buồn cười khi nghe giải thích như vậy, nhưng xin đừng suy diễn thêm! Có bà cố khác, tuy lớn tuổi nhưng vẫn hăng say đến tham dự, bà có người con là linh mục tình nguyện đến một hòn đảo để phục vụ; một thời gian dài cha không được về thăm nhà, bà cố nhớ con đến quay quắt, phải sang đảo để thăm con! Gần đây, cha mới được về thăm Việt Nam một cách dễ dàng hơn. Điều đáng chú ý là người con ưu tuyển của bà cố này sống rất bác ái, rất hay giúp đỡ người nghèo các nơi. Bữa tiệc mừng trưa nay là phần cuối cùng của ngày hội.

Lời kết

Ngày Của Mẹ, có nhiều bà mẹ được tưởng nhớ tới, được chúc mừng, được quan tâm và được an ủi. Những bà mẹ có được đặc ân ban bình an qua bàn tay con mình, hay những bà mẹ chỉ có người con đang phục vụ âm thầm cho Giáo hội, cống hiến cho xã hội, hoặc những bà mẹ chỉ làm tròn bổn phận trong thiên chức làm mẹ của mình và những bà mẹ đã khuất bóng…đều đáng được trân trọng và yêu thương; vì quí bà đã được cộng tác với Thiên Chúa sinh ra con người luôn cố gắng chung tay xây dựng một Giáo hội của Chúa Kitô tốt lành, một xã hội công bình bác ái và một thế giới hòa bình an lành.
 
Một thoáng Cần Giờ
Thanh Tâm
08:42 10/05/2010
MỘT THOÁNG CẦN GIỜ

Tạm biệt cái nắng, cái gió của thành phố, chúng tôi ghé thăm vài điểm truyền giáo ở Cần Giờ. Chúng tôi thì đến Cần Thạnh - một xã nằm ven biển thuộc huyện Cần Giờ, cách thành phố khoảng 70 Km về hướng Đông. Hẳn mục đích chuyến thăm của chúng tôi không phải là để nghỉ mát nhưng là để nghe, nhìn, tiếp xúc, tìm hiểu và cảm thông với đời sống của những anh chị em ở vùng truyền giáo này. Bên cạnh đó, chúng tôi học h ỏi kinh nghiệm truyền giáo với quý cha, quý thầy ở đây.

Mặc dù thời gian ngắn ngủi, nhưng chúng tôi cũng đã khám phá và hiểu được phần nào về nỗi khó khăn, sự vất vả của những anh chị em cũng như của quý cha, quý thầy ở Cần Thạnh nói riêng và Cần Giờ nói chung.

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

Phải nói rằng, Cần Giờ là một vùng truyền giáo có nhiều thuận lợi lẫn khó khăn. Hiện nay, Cần Giờ có ba giáo điểm do các cha Dòng Chúa Cứu Thế bám trụ gồm: Cần Thạnh, Đồng Hòa và An Thới Đông.

Về mặt đối ngoại, có lẽ Cần Thạnh và Đồng Hòa là hai giáo điểm tương đối có thuận lợi hơn so với An Thới Đông. Hai giáo điểm Cần Thạnh và Đồng Hòa có nhà thờ là nơi sinh hoạt tôn giáo, được nhà nước chính thức công nhận; ở giáo điểm An Thới Đông chờ đợi mãi mới có phép của nhà nước để xây nhà thờ. Riêng ở Đồng Hòa, nói rằng đã có nhà thờ cho oai, nhưng thật ra chỉ là một căn nhà ọp ẹp, được tân trang lại, chiều ngang khoảng 5 mét và chiều dài khoảng 9 mét. Hơn nữa, vì hai giáo điểm trên được thành lập lâu hơn so với giáo điểm An Thới Đông, nên có một số giáo dân “đạo gốc” còn trụ lại sau những năm chiến tranh như là hạt nhân của giáo điểm.

Tuy nhiên, hiện nay, dẫu An Thới Đông là giáo điểm mới thành lập, nhưng lại có nhiều người đến để tìm hiểu đạo hơn so với Cần Thạnh và Đồng Hòa. Hy vọng trong tương lai, An Thới Đông sẽ có nhiều người đón nhận đức tin Công Giáo và sẽ là giáo điểm truyền giáo đầy năng động sau khi ngôi nhà thờ được mọc lên.

Bên cạnh những thuận lợi còn có những khó khăn, phần đông người dân ở Cần Giờ sống bằng nghề biển, tình trạng kinh tế còn bấp bênh, việc mưu sinh ít nhiều chi phối việc sống lòng tin.

Ngoài ra, Cần Giờ vừa là nơi thu hút nhiều cư dân ở những nơi khác đến lập nghiệp, lại vừa có một số ít phân tán đi làm ăn ở phương xa, tạo nên sự bất ổn định, thậm chí phức tạp. Cần Giờ cũng còn là điểm du lịch, tuy chưa thu hút nhiều khách lắm, nhưng nếu không cẩn thận đề phòng thì người dân ở đây sẽ phải đối mặt với các tệ nạn xã hội. Hơn nữa, quá trình đô thị hoá đã và đang tác động tích cực lẫn tiêu cực đến lối sống của người dân ở đây.

PHONG CẢNH

Màn đêm buông xuống, thú vị biết bao khi ta ngồi bên bờ biển Cần Thạnh để lắng nghe tiếng thì thầm của biển, để hòa quyện cùng hơi thở của đại dương. Trông về phía Vũng Tàu, tôi như bị cuốn hút bởi vẻ đẹp huyền ảo của một con đường ngoằn ngoèo ven biển rực lên những ánh đèn lung linh, soi mình trên biển; chỉ có mình ngọn hải đăng ở trên cao là luôn dõi mắt đăm đăm hướng về khơi xa, như đang mong những con thuyền đi xa cập bến bình yên.

Hình ảnh ấy đã gợi lên trong tôi hình ảnh Đức Kitô – Ánh Sáng đích thực soi chiếu cho thế gian. Ngài là ngọn hải đăng chiếu soi, định hướng cho những ai đang lênh đênh giữa biển đời tăm tối để giúp họ định hướng cuộc đời. Ngài luôn sẵn sàng chờ đợi những con thuyền trở về bến bình an. Ngài không thụ động như ngọn hải đăng, chỉ đứng nhìn những mảnh đời đang đối mặt với sóng to gió lớn giữa biển khơi; trái lại, Ngài đã đi theo họ, ở trên thuyền với họ như khi xưa Ngài đã ở trên thuyền cùng với các tông đồ.

Hình ảnh ấy làm tôi nhớ đến những anh chị em ở Cần Giờ, họ đang đối mặt với những cơn sóng to gió lớn, không phải của đại dương mà là của trào lưu đô thị hóa. Sóng gió ngoài khơi thật dễ sợ, vì nó có thể nhấn chìm tàu bè và những người đi trên đó. Cũng vậy, dẫu những cơn sóng đô thị hoá có thể đem đến những cơ hội mới để phát triển, giúp đời sống của một số người khá lên về mặt kinh tế, nhưng nó cũng kéo theo những hậu quả khôn lường: tạo nên những hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, cuốn người ta vào vòng xoáy của lối sống hưởng thụ, đua đòi, tệ nạn, làm cho người ta bị mất phương hướng, mất đức tin, nếu như người ta không tìm cho mình một ý nghĩa, một lẽ sống vượt ra ngoài sự chi phối của vật chất.

Vấn đề là làm sao khơi lên nơi những anh chị em đó niềm hy vọng, niềm xác tín vào Đức Kitô, Đấng đang sống, hằng yêu thương và đang có mặt trên thuyền đời của họ. Có lẽ đây cũng là nỗi khắc khoải, băn khoăn của quý cha, quý thầy ở vùng truyền giáo Cần Giờ.
 
Giải bóng đá SVCG Hà Nội: Hà Nam Vô Địch
Antonmarialong
10:41 10/05/2010
Giải bóng đá SVCG Hà Nội: Hà Nam Vô Địch

Sáng ngày 09/05/2010 giải bóng đá Sinh Viên Công Giáo Tổng Giáo Phận Hà Nội đã khép lại sau một thời gian dài (từ ngày 10/01/2010 đến ngày 09/05/2010) diễn ra vô cùng cam go và quyết liệt.

Với sự góp mặt của 20 đội bóng thuộc các nhóm sinh viên trong giáo tỉnh Hà Nội tham gia, theo cơ cấu của ban tổ chức giải vì có đông đội tham gia nên giải sẽ tiến hành theo thể thức đá loại trực tiếp. Qua các trận đấu loại thì hai gương mặt sáng giá nhất của giải là đội tuyển SVCG Hà Nam và SVCG Phát Diệm đã gặp nhau trong trận chung kết. Trước khi diễn ra trận chung kết, theo giới chuyên môn đánh giá thì Hà Nam tỉ lệ đoạt cúp cao hơn rất nhiều so với Phát Diệm, vì đã đánh bại Cộng Đoàn Vinh thì chức vô địch sẽ chắc chắn sẽ về tay Hà Nam.

Xem hình ảnh giải bóng đá SVCG Hà Nội

8h55 trọng tài dẫn hai đội tiến ra sân thi đấu, sau ít phút bắt tay chào nhau và cùng chào khán giả, đúng 9h trọng tài đã cất tiếng còi khai cuộc.

Ngay từ những phút thi đâu đầu tiên đã diễn ra vô cùng kịch tính với những pha tranh cướp bóng và những pha uy hiếp về khung thành của cả hai đội, hai bên đều chơi với chiến thuật phòng ngự chặt và phản công nhanh, cả hai đều khát khao chiến thắng. Với Phát Diệm mơ ước được lần đầu tiên nâng chiếc cúp vô đich trên tay, còn Hà Nam muốn khẳng định đẳng cấp của mình và ghi tên thêm vào bảng vàng thành tích với chức vô địch lần thứ 4.

Ngay từ phút thứ 3 của trận đấu từ một pha đá phạt góc của tiền vệ trái Mạnh Hà, tiền vệ trung tâm mang áo số 7 Lê Quang Vịnh đã tung người móc bóng vào phía xa khung thành của đội tuyển Phát Diệm hạ đo ván thủ môn của Phát Diệm ghi bàn thắng cho Hà Nam làm ngỡ ngàng tất cả đội bóng của Phát Diệm cũng như các cổ động viên trên khán đài.

Những phút thi đấu tiếp theo, các cầu thủ Phát Diệm luôn biến hóa lối chơi và thay đổi chiến thuật nhằm tìm kiếm bàn thắng san hòa, nhưng dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Lê Quang Vịnh đội tuyển Hà Nam đã chơi một cách rất bài bảng và kỷ luật theo đúng phong cách của đội tuyển ITALIA.

Sau 25 phút thi đấu của hiệp thứ nhất, tỉ số vẫn là 1-0 nghiêng về phía các cầu thủ Hà Nam. Các cầu thủ ra sân nghỉ.

Sau ít phút nghỉ ngơi và bàn bạc chiến thuật các cầu thủ lại tiếp tục trở lại sân và bước vào hiệp thứ 2 của trận đấu.

Sang hiệp hai thì Hà Nam gần như hoàn toàn làm chủ trận đấu, 25 phút thi đấu của hiệp 2 kết thúc không một bàn thắng nào được ghi thêm. Như vậy kết thúc 50 phút của trận đấu, với bàn thắng duy nhất của mình cầu thủ mang áo số 7 Lê Quang Vịnh đã giúp đưa Hà Nam lần thứ 4 bước lên ngôi vô địch.

Kết thúc trận đấu anh trưởng Sinh viên Công Giáo Tổng Giáo Phận Hà Nội đã trao cúp vô đich và phần thưởng cho đội tuyển Hà Nam.

Sau khi đoạt chức vô địch đội tuyển Hà Nam đã tổ chức ăn mừng tại đền Thánh Giê-ra-đô giáo xứ Thái Hà vào lúc 12h trưa ngày 08/05/2010. Trong tiệc liên hoan mừng chiến thắng có sự hiện diện của Cha linh hướng Giuse Nguyễn Văn Phượng, anh trưởng SVCG Tổng Giáo Phận Hà Nội và hơn 60 thành viên của nhóm.
 
5000 tín hữu Việt Nam tại Âu Châu về hội tụ bên Mẹ Banneux - Liège
CSJ Bruxelles
15:49 10/05/2010
HÀNH HƯƠNG NĂM THÁNH LÃNH ƠN TOÀN XÁ TẠI BANNEUX

MUÔN LÒNG CÙNG HƯỚNG VỀ QUÊ MẸ VIỆT NAM


Sáng ngày 09/05/2010, khoảng gần 5000 tín hữu Việt Nam từ khắp nơi trên đất Bỉ, Hòa Lan, Đức và Pháp nô nức kéo nhau về hội tụ bên Mẹ Banneux - Liège, trong tiếng nói tiếng cười, trong lời cầu nguyện qua những chuỗi kinh Mân Côi, các Bí Tích và nhất là lãnh nhận Ơn Toàn Xá.

Đến với ngày hành hương hôm nay, muôn lòng cùng hướng về đất mẹ Việt Nam, hiệp thông với Giáo Hội Mẹ qua chặng đường dài gần 500 năm khai sinh (1533-2009), 305 năm hình thành (1659-2009) và 50 năm trưởng thành (1960-2010).

Xem hình hành hương

Khởi đầu cho ngày hàn hương là việc rước kiệu kính Đức Mẹ Banneux do CDCGVN tại Đức phụ trách dưới sự hướng dẫn của Cha Ngọc Long. Đoàn kiệu bắt đầu trước tượng đài Đức Mẹ, rồi rước vòng qua suối nước- nơi Đức Mẹ hiện ra, và dừng lại trong ngôi nhà thờ lớn của Linh Điạ, bằng vũ điệu dâng hoa đơn sơ, tâm tình của các em nhỏ.

Sau phần rước kiệu, mọi người tản ra các nơi để dùng cơm trưa. Trong niềm vui của ngày gặp gỡ, mọi người chia sẻ cho nhau những nụ cười thân thiện, kể cho nhau nghe về cuộc sống, chuyền cho nhau những tin tức vui buồn về đất Mẹ Việt Nam, Đồng thời cũng khích lệ nhau cố gắng sống đời - sống đạo nơi xứ người.

Khoảng 13h30 tất cả lại quây quần bên nhau trong ngôi nhà thờ lớn, cùng giới thiệu và chào đón Cha FX. Nguyễn Xuyên - trưởng ban tổ chức, quý Cha đến từ các nước Bỉ, Đức Hòa Lan, quý tu sĩ nam nữ và từng Cộng đoàn hiện diện tron ngày họp mặt bằng các tràng pháo tay thật dài và dòn dã.

Kế đến, mọi người được mời gọi trở về nguồn, cùng nhau ôn laị chút lịch sử về Giáo Hội Việt Nam, qua phần thuyết trình « 350 nămGiáo Hội Việt Nam » của Cha F.M Hoàng Văn Nghĩa – tuyên úy của Hội Tông Đồ Fatima tại Âu Châu. Hình ảnh về Giáo Hội Mẹ Việt Nam được sinh ra trong đau khổ, lớn lên bởi máu đào của các bậc tiền nhân như đang hiện ra trước mắt và trong mỗi một tâm hồn. Giáo Hội ấy hôm nay đã trưởng thành trong niềm kiên trung vững chãi, nhưng cũng từng ngày bước đi giữa biết bao nhiêu khó khăn thử thách đang ập đến …. Để kết thúc phần thuyết trình, Cha Nghĩa đã gợi lại lời hứa của Mẹ Maria năm xưa với nước Nga rằng: « Trái tim Mẹ sẽ thắng ». Ngài cũng nói lên lòng nguyện ước cho tất cả các tín hữu Việt Nam được thật tình yêu mến và gắn bó với Mẹ, trở nên Tông Đồ của Mẹ. Bởi một khi con cái của Mẹ đông đảo lớn mạnh như sao trời và ngày đêm kêu cầu mẹ thì Chủ Nghĩa Cộng Sản sẽ không thể thắng nổi.

Sau phần thuyết trình của Cha Nghĩa là Nghi thức Sám Hối, lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải. Vì con số tín hữu quá đông, mà thời gian lại hạn hẹp nên các linh mục không thể ban bí tích Giải tội cho từng cá nhân. Vì thế, cộng đoàn đi vào giờ Sám Hối Chung bằng lời cầu xin tha thiết ơn Chúa Thánh Thần, sau đó lắng nghe đoạn Lời Chúa Ga 21,15-19: « Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không ? », cùng một vài gợi ý Suy niệm Xét Mình về các lỗi phạm trong tình yêu đối với Chúa, với Hội Thánh và anh em đồng loại. Trong sự tĩng lặng của tâm hồn, mỗi người được mời gọi nhìn nhận những giới hạn yếu đuối của bản thân, quỳ gối thành tâm thống hối, xin Chúa tha thứ và ban ơn trợ giúp cho hành trình đức tin, để mỗi ngày biết đáp trả như Tông đồ Phêrô: « Lạỵ Chúa, con yêu mến Ngài! ». Sau đó, Cha Đào Văn Thạnh - chủ tế phần Nghi thức Hòa Giải cùng với các Linh mục đồng tế giơ tay ban phép tha tội cho toàn thể Cộng đoàn. Nghi thức Hòa Giải được kết thúc trong niềm vui, nụ cười, qua những cái bắt tay và trao hôn bình an mà Cha Chủ tế mời gọi mọi người để bày tỏ cử chỉ giao hòa, cùng với ca khúc « Thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa» do Cha Công điều kiển.

Nghi thức Hòa giải kết thúc, Cha Công hướng dẫn Cộng Đoàn ôn lại các bài hát cho phần Thánh lễ tiếp theo sau.

15h30’ Thánh lễ long trọng mừng Năm Thánh Giáo Hội Việt nam được bắt đầu, dưới sự chủ tế của Đức Giám Mục sở tại A. Jousten, Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Đệ - Giám Mục Giáo Phận Thái Bình và quý Cha đồng tế.

Khởi đầu thánh lễ Cha Hưng – tuyên úy CDCGVN tại Hòa Lan nói lên lời chào mừng Đức Cha Jousten, Đức Cha Nguyễn Văn Đệ, quý linh mục, nam nữ tu sĩ và các Cộng đoàn dân Chúa Âu Châu hiện diện hôm nay. Đức Cha Jousten cũng đáp từ bằng lời chào Đức Cha Phêrô và toàn thể Cộng đoàn. Ngài nói lên niềm vui được hiện diện giữa những người VN và lơì cầu chúc cho từng tín hữu VN ở Âu Châu được bén rễ sâu trong đức tin.

Thánh lễ được diễn ra trong bầu khí thật sốt sắng, dưới sự điều khiển phần thánh ca của Cha Công. Sau Công Bố Tin Mừng là bài giảng của Đức Cha Đệ. Ngài khai triển đoạn Tin Mừng Ga 14, 23-29 trong cái nhìn sâu xa về Chén đắng của Chúa Giêsu. Ngài cắt nghĩa cho công đoàn hiểu rằng chén đắng lớn lao nhất, làm cho Chúa Giêsu đau đớn nhất đó là thế gian chối từ tình yêu của Thiên Chúa. Qua đó, Ngài mời gọi mỗi người tín hữu Việt Nam kiện cường niềm tin và lòng yêu mến Thiên Chúa, đón nhận Thiên Chuá vào trong cuộc đời mình, và để Lời Người làm chủ. Nhờ đó, ta mới có sự bình an đích thực - bình an của Thánh Thần.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha FX Nguyễn Xuyên - trưởng ban tổ chức ngày hành hương đại diện toàn thể cộng đoàn dân Chúa nói lên lời cám ơn chân thành với Đức Cha Jousten, đã vì yêu thương dân Việt đã đến chủ tế thánh lễ và hiệp thông với niếm vui của Giáo Hội VN trong vi ệc mừng năm thánh. Ngài cũng nói lên lời cám ơn với ĐứcCha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, nhân chuyến đi Rôma, đã ghé sang và hiệp với con cái Việt Nam trong ngày đại lễ. Cha Xuyên cũng thay mặt cho từng người dân Việt ở Châu Âu nói lên lòng biết ơn Giáo Hội Mẹ Việt Nam đã ươm trồng hạt giống đức tin nơi mỗi tâm hồn tín hữu, vì thế, dù sống ở xa quê hương xứ sở nhưng vẫn một lòng hướng về, gắn bó, yêu mến và cầu nguy ện cho Giáo Hội quê nhà, nhất là trong những ngày tháng hiện tại đang gặp nhiều khó khăn thử thách.

Thánh lể bế mạc với phép lành tòa Thánh từ tay Đức Cha Jousten. Nắng chiều bắt đầu tàn, ngày đang dần khép lại, mọi người ra về trong niềm vui sướng hân hoan. Tạm biệt nhau mà lòng cứ luyến tiếc cho một ngày hành hương đã trôi qua quá nhanh. Ai nấy đều ước nguyện trong tương lai lại được có những ngày họp mặt như hôm nay!
 
Giáo Xứ Paris học hỏi và cử hành Năm Thánh 2010
Trần Văn Cảnh
21:16 10/05/2010
Giáo Xứ Paris học hỏi và cử hành Năm Thánh 2010

Để sống Năm Thánh 2010, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề nghị một phương thức hai điểm: 1- « Có những cử hành chung cho cả nước và có những cử hành riêng cho địa phương ». 2- « Cử hành năm Thánh 2010 là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua trong tâm tình tạ ơn vì biết bao hồng ân Chúa ban, tạ ơn vì những hy sinh của các bậc tiền nhân, các ân nhân cũng như các chứng nhân đức tin; đồng thời tạ lỗi vì đã chưa bày tỏ được hình ảnh Giáo Hội như lòng Chúa mong ước. Đây cũng là cơ hội cho ta nhìn vào hiện tại với cặp mắt đức tin để phân định những thách đố cũng như những thuận lợi cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đây còn là thời điểm thúc đẩy chúng ta nhìn tới tương lai với quyết tâm xây dựng một Giáo Hội như gia đình của Chúa, như cộng đoàn hiệp thông huynh đệ, và là cộng đoàn loan báo Tin Mừng Chúa Kitô nhằm phục vụ sự sống và phẩm giá của mọi người, nhất là những người nghèo khổ ».

Theo phương thức trên, Ban Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris đã đưa ra một chương trình « Học hỏi về Năm Thánh 2010 » thực hiện trong 8 tuần lễ. Mỗi chúa nhật, trước thánh lễ 11 giờ 30, Ban Giám Đốc đã mời Giáo Sư Trần Văn Cảnh hướng dẫn Cộng đoàn học hỏi về lịch sử Giáo Hội Việt Nam và lịch sử Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Paris.

1. 09/05: Dẫn nhập: Tìm hiểu Năm Thánh 2010
2. 16/05: GHVN hình thành, 1533-1659
3. 23/05: GHVN phát triển, 1659-1960
4. 30/05, GHVN trưởng thành, 1960-hôm nay
5. 06/06: CGVN Paris thành hình, 1784-1952
6. 13/06: CGVN Paris tăng số lượng, 1952-1977
7. 20/06: CGVN Paris có tổ chức mới, 1977-hôm nay
8. 27/06: Hướng tương lai cho GHVN
9. Và lần thứ 9, GXVN Paris sẽ theo Tuyên Úy Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp và toàn thể các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, để tổ chức Đại Hội Mừng Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Việt Nam, trong hai ngày 03-04/07/2010 tại Paris với sự tham dự của Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp và Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Bài 1: TÌM HIỂU NĂM THÁNH 2010

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Paris. Chúa nhật, 09-05-2010, trước thánh lễ 11 giờ 30, GS Trần Văn Cảnh đã vắn tắt giới thiệu về Năm Thánh 2010. Ông nói: « Năm Thánh hay Năm Toàn Xá mà HĐGMVN đã chọn để « kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm tại Việt Nam » có nguồn gốc từ trong Cựu Ước. Đó là lễ của Do thái giáo được tổ chức 50 năm một lần để tưởng nhớ việc dân Israel được giải phóng khỏi Ai-Cập, như Chúa đã dạy ông Môsê: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ 50 là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mọi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình” (Lv 25,10). Trong Giáo Hội Công Giáo, Năm Thánh chủ yếu là năm Đức Thánh Cha dành riêng để ban ân xá đặc biệt cho các tín hữu với những điều kiện đã quy định như xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng; ân xá có thể tha một phần hay tha hết mọi hình phạt tạm do tội đã phạm và đã được tha. Theo ý hướng này, Năm Thánh 2010, đối với Giáo Hội Việt Nam, là thời điểm của ân sủng và canh tân.

Về Năm Thánh 2010, HĐGMVN đã phổ biến nhiều tài liệu. Nhưng tài liệu vắn tắt, súc tích và dễ hiểu nhất cho giáo hữu chúng ta, có lẽ là « Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa về việc chuẩn bị Năm Thánh 2010 », ngày 17.4.2009. Trong thư này Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trình bày 5 điểm rõ rệt: ý nghĩa, mục đích, hoạt động, cách cử hành và cách tham gia sống Năm Thánh 2010 như sau:

“Như anh chị em biết, ngày 24.11.1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã ban hành Tông hiến Venerabilium Nostrorum, quyết định thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Như thế, bước sang năm 2010, chúng ta sẽ kỷ niệm 50 thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, ghi nhớ một chặng đường lịch sử, đánh dấu sự phát triển của Giáo Hội tại Việt Nam. Chính vì thế, ngày 29.9.2008, chúng tôi đã gửi thư thỉnh nguyện lên Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, xin phép mở Năm Thánh 2010. Chúng tôi vui mừng báo tin cho anh chị em: ngày 11.2.2009, qua thư của Tòa Ân giải Tối Cao, Đức Thánh Cha đã chuẩn nhận thỉnh nguyện của Hội đồng Giám mục Việt Nam, cho phép cử hành Năm Thánh 2010, từ ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24.11.2009, đến lễ Hiển Linh 6.1.2011. Giáo Hội Việt Nam sẽ khai mạc Năm Thánh trọng thể tại Hà Nội và bế mạc bằng cuộc hành hương lớn tại Thánh Địa La Vang. Đặc biệt, vào tháng 11 năm 2010, chúng ta sẽ có Đại Hội Dân Chúa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, quy tụ các đại diện của các giáo phận và mọi thành phần Dân Chúa, để cùng với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam định hướng cho đời sống Giáo Hội trong tương lai. Ngoài những cử hành chung trong cả nước, mỗi giáo phận sẽ có những cử hành riêng tại địa phương nhằm tạo cơ hội cho tất cả mọi tín hữu tham gia tích cực vào việc cử hành và sống Năm Thánh đặc biệt này.

Cử hành năm Thánh 2010 là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua trong tâm tình tạ ơn vì biết bao hồng ân Chúa ban, tạ ơn vì những hy sinh của các bậc tiền nhân, các ân nhân cũng như các chứng nhân đức tin; đồng thời tạ lỗi vì đã chưa bày tỏ được hình ảnh Giáo Hội như lòng Chúa mong ước. Đây cũng là cơ hội cho ta nhìn vào hiện tại với cặp mắt đức tin để phân định những thách đố cũng như những thuận lợi cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đây còn là thời điểm thúc đẩy chúng ta nhìn tới tương lai với quyết tâm xây dựng một Giáo Hội như gia đình của Chúa, như cộng đoàn hiệp thông huynh đệ, và là cộng đoàn loan báo Tin Mừng Chúa Kitô nhằm phục vụ sự sống và phẩm giá của mọi người, nhất là những người nghèo khổ.

Để tạo điều kiện cho mọi thành phần Dân Chúa có thể tham gia tích cực vào việc cử hành Năm Thánh, chúng tôi sẽ thường xuyên gửi thông tin đến anh chị em qua trang web và qua tập san Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cũng như qua những thông tin tại mỗi giáo xứ và cộng đoàn. Chúng tôi tha thiết xin anh chị em tích cực tham gia vào việc cử hành Năm Thánh 2010 bằng nhiều hình thức: tham gia bằng cách cầu nguyện ngay từ bây giờ cho việc cử hành Năm Thánh đạt kết quả tốt đẹp; tham gia bằng cách xây dựng cộng đoàn và giáo xứ mà anh chị em đang hiện diện và phục vụ; tham gia bằng cách đóng góp ý kiến gửi về cho Ban Tổ Chức Năm Thánh. Chúng tôi cũng mong anh chị em tham gia bằng cách giúp Giáo Hội có ngân khoản cần thiết để lo chi phí tổ chức những sự kiện lớn trong Năm Thánh.”

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

Sau phần trình bày của GS Trần Văn Cảnh, Ông Nguyễn Văn Thơm, Ủy Viên Xây Dựng, HĐMV đã đặt ra với GS Cảnh năm câu hỏi.

1- H. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mở Năm Thánh 2010 để làm gì?

T. Như Do thái giáo đã tổ chức, 50 năm một lần, Năm Toàn Xá để tưởng nhớ việc dân Israel được giải phóng khỏi Ai-Cập; Hội đồng Giám mục Việt Nam mở Năm Thánh 2010 để kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm, biến cố đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam.

2- H. Đâu là ý nghĩa của Năm Thánh 2010?

T. Năm Thánh 2010 là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua trong tâm tình tạ ơn và tạ lỗi cũng như tìm về cội nguồn nơi Ba Ngôi Thiên Chúa để biết mình là ai và có mặt tại Việt Nam để làm gì; kế đến, nhìn vào hiện tại với cặp mắt đức tin để nhận ra lởi mời gọi của Thiên Chúa qua những dấu chỉ thời đại; cuối cùng, nhìn tới tương lai với quyết tâm xây dựng một Giáo Hội như lòng Chúa mong ước.

3- H. Năm Thánh 2010 khởi sự và kết thúc vào thời điểm nào?

T. Năm Thánh 2010 khởi sự từ lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24 tháng 11 năm 2009 đến lễ Hiển Linh 6 tháng Giêng năm 2011. Giáo Hội tại Việt Nam sẽ khai mạc Năm Thánh cách trọng thể tại Hà Nội và bế mạc bằng cuộc hành hương lớn tại Thánh Địa La Vang.

4- H. Trong Năm Thánh 2010, Giáo Hội cử hành những gì?

T. Ngoài những cử hành chung trong cả nước, đặc biệt là Đại hội Dân Chúa được tổ chức vào tháng 11 năm 2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi giáo phận còn có những cử hành riêng nhằm tạo cơ hội cho mọi tín hữu tham gia tích cực vào cử hành và sống Năm Thánh đặc biệt này.

5- H. Chúng ta có thể làm những gì để tham gia tích cực vào việc cử hành Năm Thánh?

T. Để tham gia tích cực vào việc cử hành Năm Thánh, chúng ta có thể cầu nguyện cho việc cử hành Năm Thánh đạt được kết quả tốt đẹp, học hỏi và tham gia các cử hành, nỗ lực xây dựng cộng đoàn và giáo xứ mà chúng ta đang hiện diện và phục vụ, đóng góp ý kiến cho Ban Tổ chức Năm Thánh, và giúp Giáo Hội có đủ ngân khoản chi phí cho việc tổ chức các sự kiện lớn trong Năm Thánh này.

Nguyện xin Chúa cho mọi tín hữu, giáo sĩ, tu sĩ cũng như giáo dân, mỗi người biết nghe theo tiếng Chúa gọi mình, xây dựng Giáo Hội như lòng Chúa mong muốn, trong hiệp thông, mầu nhiệm và sứ vụ.

Paris, ngày 09 tháng 05 năm 2010

Trần Văn Cảnh

(Viết theo Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh
http://www.hdgmvietnam.org/tai-lieu-hoc-hoi-trong-nam-thanh-toan-tap/1719.83.6.aspx)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chiều kích mục vụ và đại kết của hiệp thông
Vũ Văn An
01:03 10/05/2010
Vị giáo sĩ thứ hai (1) nói tới Hiệp Thông là Đức Hồng Y Basil Hume, cố tổng giám mục Westminster và chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Anh và Wales từ năm 1979 cho tới khi qua đời vào năm 1999, người từng tham gia Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 1985 bàn nhiều tới chủ đề hiệp thông. Sinh thời, Đức Hồng Y Basil Hume có nhiều cái nhất: được coi là vị hồng y người Anh có triển vọng cao nhất làm giáo hoàng kể từ Đức Hồng Y Pole của thời kỳ 1548-1550, được sự kính trọng của công chúng bên ngoài Giáo Hội Công Giáo, là đan viện phụ (Dòng Biển Đức) đầu tiên được cử làm tổng giám mục Westminster kể từ khi tái lập hàng giáo phẩm Anh vào năn 1850, dù chưa làm giám mục ở đâu bao giờ. Dưới thời ngài làm tổng giám mục, đạo Công Giáo được chấp nhận trong xã hội Anh hơn 400 năm trước đó, cao điểm là cuộc viếng thăm nhà thờ chính tòa Westminster vào năm 1995 của Nữ Hoàng Elisabeth II. Ngài cũng là vị giáo chủ Công Giáo đã đọc thánh thư trong lễ nhậm chức của Tổng Giám Mục Anh Giáo Robert Runcie của Canterbury năm 1980. Cũng dưới thời ngài, Đức Gioan Phaolô II đã được Nữ Hoàng Anh chào đón tại London năm 1982, đây là cuộc thăm viếng Anh đầu tiên của một vị giáo hoàng. Đức Hồng Y Hume được người ta biết đến qua công trình gia tăng lòng khoan dung và hiểu biết giữa Giáo Hội Công Giáo và các tôn giáo khác.

Trong cuốn “Towards A Civilisation Of Love, Being Church In Today’s World”, do nhà Hodder & Stoughton xuất bản năm 1988, Đức Hồng Y có viết một bài tựa là “Church as Communion” (Giáo Hội như Hiệp Thông), sau khi tham dự hai Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1985 (kỷ niệm 20 năm bế mạc Vatican II) và năm 1987 (Về vai trò giáo dân). Cả hai Thượng Hội Đồng này đều bàn tới chủ đề hiệp thông trong Giáo Hội, dĩ nhiên nặng về mục vụ hơn tín lý.

Về chữ hiệp thông

Đức HY Hume cho rằng khởi nguyên, hiệp thông là dịch từ chữ “koinonia”, một thuật ngữ Hy Lạp, rất nổi tiếng trong các trước tác thần học của Chính Thống Giáo. Người ta thường dịch chữ này thành “communio” trong tiếng La Tinh, nhưng thật ra “communio” không hẳn đã lột tả được “koinonia”; chữ “communion” trong tiếng Anh dường như còn xa với nghĩa của “koinonia” hơn nữa. Theo Đức Hồng Y, các chữ sau đây trong tiếng Anh có khi lại hay hơn: partnership, shared life, joint partaking, và fellowship như đề nghị của J.M. Tillard trong One in Christ, năm 1986. Chính vì thế, nhà thần học Đức, sau này được phong hồng y, là Walter Kaspar, nhận định rằng dù ý niệm “communio” rất chính yếu trong các văn kiện của Vatican II, nhưng từ ngữ này không nhất thiết cố định trong cách dùng của nó. Vì song song với từ này, Công Đồng còn dùng nhiều từ tương tự như “communitas” (cộng đồng), “societas” (xã hội)… Chính ý niệm “communio” cũng có nhiều bình diện khác nhau về ý nghĩa. Bởi thế, phải kết luận rằng đây là một ý niệm đang thành hình (emerging concept).

Thực ra, Đức Hồng Y Hume không đưa ra câu định nghĩa chính thức cho chữ hiệp thông, mà cố gắng nhận rõ xem ý niệm hiệp thông, một ý niệm đang thành hình này, đóng góp ra sao vào cái hiểu của ta về Giáo Hội học và nhất là sự can dự của nó vào công cuộc hợp nhất Kitô Giáo. Ngài bảo: muốn hiểu hiệp thông, trước nhất ta phải hiểu mầu nhiệm, một từ hết sức xa lạ đối với tâm trí con người thời nay. Vì tâm trí này thường cho rằng: điều, hiện nay không giải thích được, đơn thuần chỉ là một vấn đề sớm muộn gì cũng sẽ được giải đáp qua việc áp dụng và phát triển kiến thức. Suy nghĩ ấy chính là phó sản của cách tiếp cận thực tại có tính khoa học hiện rất thành công. Tuy nhiên đối với cái hiểu tôn giáo, điều chính yếu là phải nắm vững rằng có một thực tại không bao giờ tiết lộ các bí mật của mình cho năng lực của một mình tri thức nhân bản mà thôi, dù nó không hiển nhiên mâu thuẫn. Thánh Tôma Aquinô viết rằng: “Người biết Thiên Chúa hơn cả chính là người biết rằng bất cứ anh ta nghĩ gì, nói gì, thì đều xa với điều Thiên Chúa thực sự là” (Opusculum 10, de Causis, Lect.6).

Hiệp thông nằm ở tâm điểm của mầu nhiệm này. Giáp mặt với thực tại tối hậu của Giáo Hội ấy, ta chỉ hy vọng mỗi ngày một hiểu sâu hơn chân lý mạc khải về nó, chứ đừng hòng múc cạn sự phong phú của nó hay nắm bắt được tính viên mãn của nó.

Trong tinh thần đại kết, Đức Hồng Y dựa vào Ủy Ban Anh Giáo và Công Giáo Quốc Tế (ARCIC) để định nghĩa chữ “koinonia” là “mối tương quan giữa những con người phát sinh từ việc họ tham dự vào cùng một thực tại như nhau” (Phúc Trình Sau Cùng, số 5). Trong câu định nghĩa này, ta thấy có 3 yếu tố: thực tại được chia sẻ, chính sự chia sẻ, và mối liên kết từ đó mà ra.

Sự phát triển của ý niệm hiệp thông

Đến lúc có Thượng Hội Đồng Đặc Biệt năm 1985, mừng 20 năm kết thúc Công Đồng Vatican II, thì ý niệm hiệp thông đã bén rễ sâu trong tư duy thần học của cả Giáo Hội. Thượng Hội Đồng này không những nói tới hiệp thông mà còn cho thấy nó vừa là một ý niệm hữu dụng trong thần học vừa là một kinh nghiệm sống trong Giáo Hội. Phúc Trình sau cùng của Thượng Hội Đồng này viết rằng: “Giáo Hội học về hiệp thông là ý niệm chính yếu và nền tảng trong các văn kiện của Công Đồng… Kể từ Công Đồng Vatican II trở đi, nhiều điều đã được thực hiện khiến cho Giáo Hội, như hiệp thông, được hiểu rõ hơn và được diễn dịch một cách cụ thể hơn thành thực tại sống động”. Sau đó, Phúc Trình đi thẳng vào ý nghĩa của hiệp thông:

“Từ ngữ phức tạp ‘hiệp thông’ nghĩa là gì? Xét từ nền tảng, nó là vấn đề hiệp thông với Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần nhờ Chúa Giêsu Kitô. Sự hiệp thông này hiện hữu nhờ lời Thiên Chúa và các bí tích. Bí Tích Rửa Tội là cửa và nền tảng của hiệp thông trong Giáo Hội; Bí Tích Thánh Thể là nguồn và là đỉnh cao trọn đời sống Kitô Giáo (xem Lumen Gentium, số 11). Hiệp thông với Thân Thể Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể mang ý nghĩa, tạo ra hay xây đắp sự kết hợp thân mật mọi tín hữu trong Nhiệm Thể Chúa Kitô vốn là chính Giáo Hội (xem 1Cor 10:16ff).

“Cho nên không thể giản lược Giáo Hội học về hiệp thông nguyên tuyền vào các vấn đề thuộc tổ chức hay các vấn đề thuộc uy quyền. Trái lại, hiệp thông có tính giáo hội học là nền tảng cho trật tự trong Giáo Hội nhất là cho mối tương quan đúng đắn giữa tính thống nhất và tính đa dạng trong Giáo Hội”.

Suy tư hết sức quan trọng trong Phúc Trình Sau Cùng có thể tóm tắt như sau: thực tại tối hậu mà người rửa tội chia sẻ với nhau chính là sự sống của Chúa Ba Ngôi. Kinh nghiệm chia sẻ sự sống ấy là nhờ lời Chúa và các bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Mối liên kết phát sinh từ sự chia sẻ ấy chính là cộng đồng giáo hội. Như thế, chia sẻ sự sống Chúa Ba Ngôi chính là sự hiệp thông với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần nhờ Chúa Giêsu Kitô, ba Ngôi, một Thiên Chúa. Điều ấy cấu thành mầu nhiệm nội tại nhất của Giáo Hội. “Koinonia” không phải là một trừu tượng hóa mà là một thực tại sống động. Ủy Ban Anh Giáo và Công Giáo Quốc Tế cho ta thấy kinh nghiệm đã dẫn tới lý thuyết ra sao, chứ không ngược lại. Ủy Ban này quả quyết: “Trong truyền thống Kitô Giáo buổi đầu, việc suy tư về kinh nghiệm ‘koinonia’ đã mở đường cho người ta hiểu mầu nhiệm Giáo Hội. Dù trong Tân Ước, ‘koinonia’ chưa bao giờ đồng nghĩa với ‘Giáo Hội’, nhưng từ ngữ này thích hợp nhất để nói lên mầu nhiệm nằm dưới nhiều hình ảnh Tân Ước về Giáo Hội” (Phúc Trình Sau Cùng của ARCIC, số 4).

Kinh nghiệm chia sẻ sự sống Ba Ngôi nhờ lời Chúa và bí tích, và cảm thức nên một phát sinh từ đó đã được cộng đồng Kitô Giáo tiên khởi đem ra sống hàng ngày. Điều ấy được thuật lại trong Sách Công Vụ Các Tông Đồ. Sách kể rằng các Kitô hữu Giêrusalem chỉ có “một trái tim và một linh hồn” (Cv 4:32) và họ “chuyên chăm với lời giáo huấn của các tông đồ và hiệp thông với nhau, cùng bẻ bánh và cầu nguyện” (Cv 2:42). Lời giáo huấn của các tông đồ, bẻ bánh và cầu nguyện chính là ba thực tại nền tảng được các Kitô hữu tiên khởi nàychia sẻ, tạo nên giữa họ một mối liên hệ đặc biệt. Không những họ chỉ có “một trái tim và một linh hồn” mà họ còn “để mọi sự làm của chung” và “phân phối theo nhu cầu mỗi người” (Cv 2:44-45). Soạn giả Công Vụ Các Tông Đồ nhấn mạnh điều này nữa: cộng đồng sống hợp nhất như một ấy được cấu thành bởi “tất cả những người tin” (xem Cv 4:32).

Trình thuật trên cho thấy hai điểm chủ yếu của mọi cộng đồng Kitô Giáo: lời Chúa và Thánh Thể, hai phương tiện dẫn tới sự hiệp thông nền tảng và quan trọng với chính Chúa Ba Ngôi. Sự hiệp thông này, sự nên một với Chúa Ba Ngôi này, chính là tiêu mẫu cho sự hiệp thông giữa những người đã được dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa và được tái tạo trong Chúa Kitô. Nền tảng Thánh Kinh của sự hiệp thông này tìm thấy trong thư thứ nhất của Thánh Gioan (1Ga 1:3): “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người”. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, được Phúc Âm Gioan ghi lại, cũng cho ta thấy ý nghĩa của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con, và sự hiệp thông giữa chúng ta với nhau, tuy không sử dụng chữ hiệp thông:

“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17:20-23).

Ta cần nhớ Chúa Kitô chính là sự hợp nhất của ta. Sự hiệp thông của ta với Chúa Cha xẩy ra trong Chúa Kitô. Sự hợp nhất này hàm chứa nhiều ơn phúc hết sức đa dạng và phong phú: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1Cor 12:4-6). Các đặc sủng được Thánh Phaolô mô tả trong chương này cũng nội tại trong hiệp thông. Nhưng mọi đặc sủng này được duy trì trong sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó chính là lý do khiến Thánh Phaolô soạn ra thánh thi ca tụng tình yêu trong Chương 13. Phải đọc thánh thi trong ngữ văn Giáo Hội: nó không có ý nói tới các thiên hướng bản thân cho bằng tình yêu Thiên Chúa, vốn là nguồn gốc và thực tại của hiệp thông.

Nhờ Bí Tích Rửa Tội, ta trở nên chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Hình ảnh nhiệm thể này là hình ảnh rõ ràng nhất và giúp ta nhiều nhất trong các hình ảnh của Thánh Phaolô để hiểu ta được hợp nhất ra sao với Chúa Kitô và với nhau. Ta là các chi thể của một thân thể mà Chúa Kitô là đầu và “tuy nhiều, ta chỉ là một thân thể trong Chúa Kitô”. Bí Tích Rửa Tội tháp nhập ta vào nhiệm thể Chúa Kitô, được ban cho sự sống mà ta chia sẻ với những người rửa tội khác. Thánh Phaolô nói tới điều đó như sau: “Do đó, nhờ Phép Rửa, ta được chôn với Người trong cái chết, để cũng như Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha thế nào, chúng ta nữa, chúng ta cũng sẽ bước đi trong sự sống mới” (Rm 6:4).

Vai trò Chúa Thánh Thần

Để hiểu sâu xa hơn ý niệm hiệp thông, ta phải suy niệm nhiều hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần. Vì sự hiệp thông với Chúa Cha nơi Chúa Con là nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần ấy từng là là trên mặt nước vào ngày hỗn mang để đem thế giới vào hiện hữu. Chúa Thánh Thần ấy cũng là Đấng đã phủ bóng trên Trinh Nữ Maria và Đấng sinh ra bởi Trinh Nữ chính là Con Thiên Chúa. Trong lửa và gió, Chúa Thánh Thần ấy đã được tuôn đổ trên các Tông Đồ tại Phòng Trên Lầu và Giáo Hội Chúa Kitô đã được sinh ra. Công Đồng bảo Chúa Thánh Thần là Đấng có “trách nhiệm về sự hiệp thông của các tín hữu đến nỗi Người ban cho họ sự gắn bó sâu sắc với nhau trong Chúa Kitô. Như thế, Người là nguyên lý của sự hợp nhất trong Giáo Hội” (Sắc Lệnh về Đại Kết, Unitatis Redintegratio, số 2).

Thần học của các giáo hội Chính Thống luôn đặt Chúa Thánh Thần ở tâm điểm của ‘koinonia’. Đối với các giáo hội này, sự sống của Giáo Hội luôn phát sinh từ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Có lẽ tốt hơn không nên nói Chúa Thánh Thần ở trung tâm ‘koinonia’ mà nói Người là trung tâm ban sự sống, sự sống Chúa Kitô, cho những người được tái sinh bằng nước và Chúa Thánh Thần. Ta hãy nghe nền thần học này nói về Chúa Thánh Thần:

“Việc Chúa Thánh Thần đến trong Giáo Hội không phải là một biến cố lịch sử biệt lập trong dĩ vãng, mà là một hồng ân thường hằng đem sự sống lại cho Giáo Hội, bảo đảm sự hiện hữu của Giáo Hội trong lịch sử nhân loại, làm cho chứng tá của Giáo Hội đối với Vương Quốc Thiên Chúa thành thực hiện được. Chúa Thánh Thần là sức mạnh Thiên Chúa nhờ đó Giáo Hội có khả năng vâng theo mệnh lệnh của Chúa Phục Sinh: ‘Hãy ra đi làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28:19)… Việc thường hằng tuôn đổ Chúa Thánh Thần của ngày Ngũ Tuần lên Giáo Hội này là một thực tại trong thờ phượng của Giáo Hội, trong phụng vụ của Giáo Hội và trong cử hành Thánh Thể ngày Chúa Nhật, nhưng nó còn tràn lan quá các giới hạn của việc thờ phượng kia để cấu thành động năng nội tại làm dấu ấn cho mọi biểu thức và mọi sinh hoạt của đời sống Giáo Hội’” (Orthodox Thought, Phúc Trình các tham khảo với Chính Thống Giáo do WCC tổ chức 1975-1982, Genges Tsetes chủ biên, WCC, Geneva, 1983, các tr.38-39).

Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày Ngũ Tuần thường được coi là để phục hồi sự hợp nhất của gia đình nhân loại và đảo ngược lại sự chia rẽ do tháp Babel tạo ra. Chúa Thánh Thần vì thế là Thần Trí của hợp nhất. Việc Người tiếp tục được đổ ra mãi mãi thúc đẩy ta không ngừng tái khám phá sự hợp nhất của ta với Thiên Chúa.

Tính hiệp đoàn và tính đồng trách nhiệm

Đức Hồng Y Hume cho hay nói đến hiệp thông, ta không thể không nói tới tính hiệp đoàn và tính đồng trách nhiệm. Cả hai ý niệm ấy đều đã được thời gian gần đây tái nắm bắt và khai triển với một hiểu biết tốt hơn về mầu nhiệm Giáo Hội.

Thực vậy, Thượng Hội Đồng Đặc Biệt năm 1985 đã suy tư về cả hai ý niệm trên. Trong phúc trình sau cùng, THĐ này viết rằng: “Giáo hội học hiệp thông đem lại cho tính hiệp đoàn (collegiality) cái nền bí tích của nó”. Đối với Giáo Hội Công Giáo, tính hiệp đoàn có nghĩa là các giám mục được thụ phong để trở thành các thành viên của một hiệp đoàn vốn thừa hưởng vai trò và chức năng của các tông đồ. Hiệp đoàn này, với Phêrô đứng đầu, đảm bảo sự hiệp thông sống động của các giáo hội. Hiệp đoàn các giám mục có thể hành động một cách hiệp đoàn theo nghĩa hẹp hay theo nghĩa rộng khi hành động của một số thành viên được thực hiện trong tinh thần hiệp đoàn, dù toàn bộ hiệp đoàn không can dự vào.

Theo nghĩa hẹp, tính hiệp đoàn bao hàm hoạt động của toàn thể hiệp đoàn cùng với đầu của mình, hướng về toàn thể Giáo Hội. Nó được phát biểu một cách hiển nhiên trong công đồng chung. Bên cạnh đó, còn có những hình thức thể hiện có tính bán phần mà thực chất đều là dấu chỉ và dụng cụ của tinh thần hiệp đoàn, như các thượng hội đồng giám mục, các hội đồng giám mục. Giáo Triều v.v…

Trong mấy năm cuối thế kỷ 20, việc phát triển tinh thần hiệp đoàn đã trở thành một trong các dấu chỉ sống động của một tân sinh khí mới tìm thấy trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Nhờ tinh thần này, các giáo hội địa phương ngày càng trở nên ý thức hơn sự hợp nhất và hiệp thông của mình, cũng như sẵn sàng và tích cực đảm nhiệm nhiều trách nhiệm hơn đối với nhau. Hiện nay, hiệp thông được cảm nghiệm theo chiều ngang lẫn chiều dọc. Nó vừa là sự nên một với các giáo hội địa phương khác trên thế giới, vừa là sự hợp nhất nhờ mối liên quan của từng giáo hội ấy với Phêrô tại Rôma.

Một phát triển khác giúp tạo ra sự hợp nhất nhiều hơn và biểu lộ việc Chúa Thánh Thần tiếp tục đổ xuống theo phương thức Ngũ Tuần chính là việc gia tăng cảm thức đồng trách nhiệm trong từng giáo hội địa phương. Phúc trình sau cùng của THĐ viết rằng: “Kể từ Công Đồng Vatican II, một loại hợp tác mới giữa hàng giáo dân và hàng giáo sĩ đã xẩy ra trong Giáo Hội… Trong loại hợp tác này, người ta thấy một cảm nghiệm mới về sự kiện tất cả chúng ta đều là Giáo Hội”.

Tài liệu chuẩn bị của Thượng Hội Đồng năm 1987 về vai trò giáo dân tuyên bố rằng: “Các bí tích rửa tội và thêm sức biến người giáo dân thành các người tham dự vào ‘ba chức vụ’ của Chúa Kitô: tư tế, tiên tri và vương đế, giúp họ đủ tư cách sống sứ điệp đặc thù của Dân Chúa” (số 23). Trong thực hành cũng như trong lý thuyết thần học, ta đã hiểu được rằng tất cả các giáo dân đều tham dự tích cực, không thể miễn chuẩn, vào hành động qua đó Chúa Phục Sinh đã kéo mọi người tới với Người để sau cùng qui phục họ, cùng với Người, vào Chúa Cha ‘ngõ hầu Thiên Chúa là tất cả trong tất cả’. Họ có một chỗ đứng đặc biệt trong thế giới và nhờ thế, chính trong tư cách giáo dân, họ được kêu gọi chấp nhận giá trị của sáng thế và, nhờ ơn Chúa giúp, biết liên hệ nó với Thiên Chúa nhờ các hoạt động đa dạng của họ, nhờ cuộc sống và công việc hàng ngày của họ ngõ hầu vương quốc của công lý, tình yêu và hòa bình được thiết lập. Mọi tín hữu của Chúa Kitô, mọi chi thể đã được rửa tội của Giáo Hội, trước nhất và trên hết được mời gọi chia sẻ cùng một hiệp thông, cùng một ‘koinonia’. Tất cả chúng ta đều phải tìm kiếm và tìm được sự kết hợp với Thiên Chúa và với nhau. Ta phải chia sẻ một đời sống ơn thánh, một đức tin, một Thánh Thể, một sứ mệnh; và những điều đó phải đi trước việc chúng ta được chỉ định một thừa tác vụ riêng biệt qua tấn phong hay qua hình thức thánh hiến khác.

Như thế, các thừa tác vụ, các hình thức sống và phục vụ trong lòng Giáo Hội đều chỉ là những chức năng khác nhau của cùng một sứ mệnh. Và các thừa tác viên đã được ban cho nhiều đặc sủng là để phục vụ sự hợp nhất của nhiệm thể Chúa Kitô và để chu toàn sứ mệnh đơn nhất kia. Lý tưởng thừa tác vụ hợp tác hay, đúng hơn, thừa tác vụ liên lập này cung cấp cho ta một mô thức về Giáo Hội và một thực tại sống động thực sự nói lên mầu nhiệm nội tại của Giáo Hội. Chính từ tinh thần này, các hội đồng giáo xứ, giáo hạt và giáo phận đang xuất hiện, các ủy ban và ủy hội quốc gia đang được hình thành để trợ giúp các hội đồng giám mục, và các hình thức tham khảo cũng như hợp tác đang được đưa ra ở mọi cấp bậc trong Giáo Hội. Nhờ thế, một ý thức thâm hậu hơn về ‘koinonia’ đang dần dần lên khuôn cho các cơ cấu và đời sống Giáo Hội. Các quan niệm trước đây, vốn liên kết chặt chẽ với mô thức uy quyền và cấu trúc chung với xã hội thế tục, đang nhường bước cho một cái hiểu có ý thức hơn về mầu nhiệm và thực tại độc đáo của Giáo Hội.

Đại kết

Việc tái khám phá các nét phong phú của ‘koinonia’ dần dần cũng làm thay đổi cái hiểu của ta về phong trào đại kết Kitô Giáo. Nó giúp giải thích cả sự hợp nhất nền tảng của ta, sự hợp nhất mà ngay cả sự chia rẽ cũng không bao giờ thành công trong việc tiêu hủy nó, lẫn sự thúc đẩy đầy năng động tính hướng tới sự hợp nhất hữu cơ đầy đủ.

Như đã thấy, ARCIC hiện đang ở tuyến đầu trong việc thăm dò ‘koinonia’ và áp dụng nó vào phong trào đại kết. Ở phần dẫn nhập cho phúc trình sau cùng của mình, Ủy Ban đã đưa ra lời tuyên bố hết sức chủ yếu và nền tảng sau đây: “Mặc dù sự hợp nhất của chúng ta bị thương tật do chia rẽ gây ra, nhưng nó không bị tiêu diệt. Nhiều mối dây liên kết vẫn đang hợp nhất chúng ta. Chúng ta vẫn đang tuyên xưng cùng một đức tin vào một Thiên Chúa đích thực; chúng ta vốn lãnh nhận cùng một thần khí; chúng ta vốn được rửa bằng cùng một phép rửa, và chúng ta vẫn đang rao giảng cùng một Chúa Kitô" (số 1).

Việc hỗ tương nhìn nhận tính thành sự của phép rửa Kitô Giáo đã thay đổi sâu xa các mối tương quan giữa các Kitô hữu hiện đang phân rẽ. Sự thay đổi này từng xẩy ra trong 40 năm trước cuối thế kỷ 20. Để thấy điều ấy, bạn chỉ cần so sánh giáo huấn của Công Đồng Vatican II với phương thức đã được cả Đức Piô XII sử dụng trong thông điệp Mystici Corporis (Nhiệm Thể). Vào thời của vị giáo hoàng này, tài liệu trên quả có tính tiên tri và gây ảnh hưởng sâu xa. Nhưng ta hãy nghe sắc lệnh về hiệp nhất của Vatican II:

“Bất chấp các bất đồng, những ai đã nhờ đức tin được Thiên Chúa chấp nhận trong phép rửa, đều được tháp nhập vào Chúa Kitô. Nên quả là chính đáng khi gọi họ là các Kitô hữu và họ xứng đáng được con cái Giáo Hội Công Giáo coi là anh chị em trong Chúa” (UR.3)

Trong khi ấy, qua thông điệp trên, xem ra Đức Piô XII muốn loại người khác ra khỏi hiệp thông: “Trong cộng đồng đích thật các tín hữu, chỉ có một Thân Thể, một Thánh Thần, một Chúa và một Phép Rửa thế nào thì cũng chỉ có một đức tin thế ấy; và do đó, bất cứ ai từ khước không nghe lời Giáo Hội phải bị coi là ngoại đạo và thu thuế, như lời Chúa truyền. Từ đó suy ra: những ai chia rẽ nhau trong đức tin và trong việc cai quản không thể là người sống trong một thân thể như đã được mô tả, và sống bởi cùng một Chúa Thánh Thần” (Mystici Corporis, số 21).

Sự tương phản biểu kiến khá rõ. Nó phần nào nói lên thái độ nói chung của người Công Giáo Rôma hồi ấy, một thái độ không đưa ra giải pháp nào khác ngoài nhắm vào việc trở lại cá nhân và đợi cho các giáo hội khác từ từ tàn lụi. Xem ra các giáo hội ấy không mang lại một hy vọng cứu rỗi nào. Tuy nhiên, thực ra Công Đồng Vatican II đã tiếp nhận nhiều quan điểm giáo hội học của Mystici Corporis và triển khai chúng theo cái nhìn của mình. Như thái độ của thông điệp này với các giáo hội khác. Đức Piô XII từng viết: “chúng ta mời gọi họ (nghĩa là những người không thuộc cùng một Giáo Hội Công Giáo hữu hình) tự do ưng thuận các thúc đẩy bên trong của ơn thánh Chúa và cố gắng giải thoát mình khỏi một tình trạng trong đó, họ không thể chắc chắn có ơn cứu rỗi đời đời” (MC, số 102). Nói như thế rồi, ngài cũng đã nhìn nhận rằng “dù rất có thể họ có liên hệ với Nhiệm Thể Chúa Kitô qua một hoài mong và ước muốn vô thức nào đó…”. Câu ấy rõ ràng hàm ý: họ có liên hệ cách nào đó với Nhiệm Thể Chúa Kitô. Giáo huấn của Vatican II đã đặc biệt khai triển điều này trong hiến chế Lumen Gentium.

Các nghị phụ Vatican II minh nhiên nhìn nhận rằngThiên Chúa hành động cả ở bên ngoài sự hợp nhất hữu hình của Giáo Hội Công Giáo Rôma:

“Các anh em ly khai với chúng ta cũng cử hành nhiều lễ nghi phụng vụ của Kitô giáo. Những lễ nghi ấy, chắc chắn có thể thực sự phát sinh đời sống ơn thánh và phải được công nhận là đường đưa đến sự thông hiệp vào ơn cứu rỗi, tuy cách thức có khác nhau tùy hoàn cảnh của mỗi Giáo Hội hay Cộng Ðoàn” (UR. 3).

Ngày nay, người Công Giáo nhìn nhận rằng khi phép rửa được thực hành đúng cách, dù ở trong hay ở ngoài sự hợp nhất hữu hình của Giáo Hội Công Giáo, thì người được rửa tội nào cũng được tháp nhập vào Chúa Kitô, chắc chắn là chi thể trong Nhiệm Thể của Người. Hơn nữa, Giáo Hội Công Giáo hiện nay nhìn nhận rằng “một số yếu tố hay ơn phúc quan trọng nhờ đó Giáo Hội rút tỉa ra các cơ cấu và đời sống của mình cũng có khả năng hiện hữu ở bên ngoài Giáo Hội Công Giáo hữu hình”.

Người Công Giáo Rôma không thể nào tránh né mà không giáp mặt với hai loạt vấn nạn từng được cái hiểu mới này nêu ra. Thứ nhất, nếu mọi người được rửa tội đều tháp nhập vào Chúa Kitô, thì đâu là mối liên hệ giữa Giáo Hội định chế hữu hình và Nhiệm Thể Chúa Kitô? Theo nghĩa hiện thực nào Giáo Hội Công Giáo có thể tự coi mình là Giáo Hội hữu hình? Có cần thiết phải có một Giáo Hội định chế chăng? Thứ hai, nếu có những yếu tố hay ơn phúc hợp lệ (valid) hiện hữu và hoạt động ở bên ngoài Giáo Hội Công Giáo, thì tại sao người Công Giáo lại cảm nhận mình bị thúc bách phải khẩn trương xử lý các vấn đề lớn lao về định chế liên quan đến sự hợp nhất Kitô Giáo? Tại sao không để ai ở yên đó mà vui hưởng các ơn phúc của Thiên Chúa? Tại sao không chấp nhận tình trạng riêng rẽ như là chứng cớ của tính đa diện chứ không phải của sự chia rẽ?

Hiển nhiên, trả lời các câu hỏi ấy không phải là việc đơn giản. Hơn trước kia nhiều, ta cần nhìn nhận rằng quả là ngu xuẩn khi cố gắng định chế hóa một cách cứng cỏi sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Không bao giờ có thể giam hãm Người vào những kinh mương được ủy quyền. Phải thành thật và quảng đại biện phân được hành động của Thiên Chúa tại những nơi bất ngờ, chứ không chỉ tại các giáo hội và cộng đoàn Kitô Giáo mà còn tại các truyền thống tôn giáo khác nữa. Tất cả chúng ta đều thất bại không nhìn thấy Thần Trí Thiên Chúa hành động trong trái tim toàn thể nhân loại, và trong mọi khía cạnh của sinh hoạt và tiến bộ nhân bản.

Nhưng đồng thời, ta cũng phải dè chừng chủ nghĩa dửng dưng (indifferentism). Ta phải làm hết cách tìm ra sự chắc chắn của chân lý tuyệt đối. Đức Piô XII nói lên phương thức bất biến của Công Giáo khi ngài viết trong Mystici Corporis: “Quả là lầm lạc xa vời chân lý Thiên Chúa khi trình bày Giáo Hội như một cái gì không sờ mó được và vô hình, như một thực tại ‘hơi khí’ (pneumatic), nhờ một sợi dây vô hình, gom lại được một số cộng đoàn Kitô hữu bất kể các dị biệt của họ về đức tin” (số 4).

Lịch sử dân Do Thái và lịch sử Dân Kitô Giáo của Thiên Chúa chắc chắn cho ta thấy chân lý này: hành động của Chúa nơi trần gian mang một khuôn mặt nhất định, một khuôn hình và một mục tiêu có thể biện phân được. Khi giao tiếp với nhân loại, Người chú ý tới nhu cầu nhân bản cần có một cộng đồng của ta; Người xây dựng trên bản nhiên. Đức Hồng Y Hume tin rằng điều cực kỳ quan trọng là Nhiệm Thể Chúa Kitô, giống như Đầu của nó, phải vừa có tính nhập thể vừa có tính bí tích. Trong thuật ngữ của Công Đồng, Giáo Hội là “dấu chỉ bí tích hay dụng cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất cho toàn thể nhân loại” (Lumen Gentium, số 1). Chúng ta cần một Giáo Hội hữu hình, một cộng đồng tin yêu biết chào đón, đầy sống động. Thế giới cũng cần Giáo Hội hữu hình như nhân chứng cho việc Thiên Chúa cư ngụ giữa loài người và như dấu chắc chắn chỉ hy vọng và hoà giải.

Đức Hồng Y tin rằng điều ấy khiến ta đương đầu với loạt câu hỏi thứ hai: Giáo Hội hữu hình có cần phải hợp nhất không? Sự hợp nhất Kitô Giáo có phải là dấu chỉ không thể miễn chuẩn cho thấy hành động của Thiên Chúa hay không?

Nếu Nhiệm Thể Chúa Kitô, tức Giáo Hội, phải hữu hình là vì nó có sứ mệnh trong trần gian và vì trần gian, nhưng để chu toàn sứ mệnh này, nó có cần phải hợp nhất hay không? Sứ điệp Phúc Âm chắc chắn sẽ ra yếu ớt, thậm chí còn thui chọt, nếu các tiếng nói tuyên xưng nó trống đánh xuôi kèn thổi ngược, không nói như một người. Người Zulu có một câu phương ngôn nói rằng: “tôi không thể nghe được điều bạn nói vì bạn (nói) như sấm sét”.

Ta cần luôn luôn trở lại với lời cầu nguyện khẩn thiết của Chúa Giêsu cho sự hợp nhất trong chương 17 Phúc Âm Thánh Gioan và biết đánh giá sự ưu tiên phải cầu nguyện và làm việc cho sự hợp nhất Kitô Giáo. ‘Koinonia’ nhất định hàm chứa nhu cầu hợp nhất. Chúng ta được rửa tội để gia nhập sự toàn diện và tính hợp nhất của sự sống Thiên Chúa; tính đa phức và phong phú trong các hồng ân của Người không cho phép có sự chia rẽ và bất hoà, mà là sự hoà điệu và hòa hợp của tâm trí trong cùng một chan hòa đơn nhất sự sống và tình yêu. Là người Công Giáo, ta cần nói với các anh chị em chia cách trong Chúa Kitô rằng: “Chúng tôi muốn anh chị em chia sẻ mọi của cải hiện có trong kho lẫm của Giáo Hội Công Giáo nhưng đồng thời chúng tôi cũng nhìn nhận trong mỗi anh chị em nhiều khía cạnh nơi cuộc sống trong Chúa Kitô của anh chị em có thể góp phần nâng đỡ và khuyến khích chúng tôi trong cố gắng làm môn đệ Chúa Kitô của mình”.

Đức Hồng Y Hume cho rằng chúng ta đang bước vào một chặng đường mới của cuộc lữ hành đức tin. Đây không phải chỉ là vấn đề phong cách đại kết tốt và khoan dung lẫn nhau. Chúng ta đang từ việc hợp tác đại kết bước qua việc cam kết cùng đi tìm sự hiệp thông tối hậu. Ta phải biết nhau tốt hơn, không phải để bác bỏ hay sửa sai mà là biết đánh giá và khẳng định lẫn nhau. Quả thế, tôi được chính Giáo Hội Công Giáo đòi phải tôn trọng và tôn kính gia tài của các giáo hội khác. Công Đồng Vatican II bảo “Điều chủ yếu là người Công Giáo phải vui lòng nhìn nhận và trân quí các gia bảo Kitô Giáo chân thực tìm thấy nơi anh chị em ly khai với chúng ta và là các gia bảo vốn phát sinh từ cùng một gia tài chung với chúng ta. Quả là chân thực và hữu ích khi nhìn nhận gia bảo của Chúa Kitô và các nhân đức đang hành động trong đời sống những người khác hiện làm chứng cho Chúa Kitô, mà đôi khi còn đổ cả máu mình ra nữa” (UR, số 4).

Khía cạnh không thể thỏa hiệp

Tuy nhiên, Đức Hồng Y cho rằng nhiệm vụ hoạt động cho hợp nhất và cho chân lý đòi ta phải lưu ý tới khía cạnh không thể thoả hiệp được trong giáo huấn Công Giáo.

Nhìn nhận hồng ân Thiên Chúa trong các giáo hội khác không hề làm giảm hay bác bỏ tính độc đáo (uniqueness) của Giáo Hội Công Giáo. Văn kiện Công Đồng về đại kết đã cẩn thận quả quyết rằng: “Giáo Hội Công Giáo sở hữu được sự phong phú của toàn bộ chân lý mạc khải của Thiên Chúa và mọi phương thế của ơn thánh” (UR. 3). Công Đồng không có khả năng nhìn nhận một vị thế như thế cho các giáo hội khác:

“các anh em tách riêng khỏi chúng ta, cá nhân cũng như Cộng Ðoàn và các Giáo Hội của họ, không được hưởng sự hiệp nhất đã được Chúa Giêsu Kitô rộng ban cho những kẻ Người đã tái sinh và cho sống chung trong một thân thể duy nhất và trong đời sống mới, sự hiệp nhất mà Thánh Kinh và Truyền Thống đáng kính của Giáo Hội đều tuyên xưng” (UR. 3).

Giáo Hội Công Giáo không ủng hộ ý niệm một Giáo Hội hợp nhất mà lại bị tả tơi vì ly giáo và lạc giáo và nay đang chờ đợi việc trở về của từng giáo hội cá thể để tái tạo Giáo Hội vĩ đại trong tương lai. Đức Hồng Y Hume sợ rằng đó là ý niệm được nhiều người ngoài Giáo Hội Công Giáo ưa chuộng nhưng nó không được chúng ta ủng hộ vì nó phá hoại cái hiểu của chúng ta về Giáo Hội và lối đọc lịch sử Kitô Giáo của ta. Ta không thể làm gì hơn là một lần nữa, trong khiêm nhường và trung thành, khẳng định xác tín của ta như đã được Vatican II quả quyết: “Chỉ nhờ Giáo Hội Công Giáo của Chúa Kitô là ‘phương thế cứu rỗi chung’ ta mới có thể đạt được đầy đủ các phương tiện cứu rỗi. Thật ra chúng tôi tin Chúa đã ủy thác cho Cộng Ðoàn Tông Ðồ được Phêrô lãnh đạo tất cả sản nghiệp Tân Ước để tạo thành một thân thể duy nhất của Chúa Kitô ở trần gian” (UR.3).

Hiến chế về Giáo Hội, số 8, cũng tuyên bố rằng Giáo Hội của Chúa Kitô ‘tồn hữu’ (subsistit) trong Giáo Hội Công Giáo ‘dưới sự cai quản của đấng kế vị Thánh Phêrô’. Theo Đức Hồng Y Hume, từ La Tinh “subsistit” phải dịch là “tiếp tục ở bên trong” hay “phải được tìm thấy ở bên trong”. Từ này được chọn để tránh không bác bỏ việc này: nhiều yếu tố quan trọng của Giáo Hội Chúa Kitô và các hành động thánh hóa cũng được tìm thấy nơi các giáo hội khác. Bản La Tinh viết như sau:

“haec ecclesia, in hoc mundo ut societas constituta et ordinata, subsistit in ecclesia Catholica, a successore Petri et Episcopis in eius communione gubernata, licet extra eius compaginem elementa plura sanctificationis et veritatis inveniantur, quae ut dona Ecclesiae Christi propria, ad unitatem Catholicam impellum” (Như một xã hội được thiết lập qui củ trên trần gian, Giáo Hội ấy tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, do Ðấng kế vị Phêrô và các giám mục hiệp thông với Ngài điều khiển, và mặc dù bên ngoài cơ cấu của Giáo Hội còn có nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý, nhưng những yếu tố ấy là những ơn riêng của Giáo Hội Chúa Kitô, thúc bách đến sự hiệp nhất công giáo).

Thay đổi tận gốc rễ

Thực tại hiệp thông đòi hỏi rằng việc tháp nhập lúc ban đầu của ta vào Nhiệm Thể Chúa Kitô và việc ta chia sẻ một cách bất toàn nhưng luôn luôn tiến triển sự sống và tình yêu của Chúa Ba Ngôi, đến thời Chúa muốn, phải biến thành một hiệp thông có tính hữu cơ, tính bí tích và trọn bộ. Trong tiến bộ hiệp thông ấy, tất cả chúng ta phải kinh qua không những một thay đổi sâu xa về cơ cấu mà là một biến cải tận gốc (radical metanoia) (2), thay đổi cõi lòng, mà bề ngoài xem như một cuộc chết đi nhưng thực tế là một cuộc phục sinh.

Chúng ta mới chỉ ở trong giai đoạn phôi thai nhất của cuộc phát triển trên. Ý niệm hiệp thông, từng được trân quí trong quá khứ, hiện đang đem lại một hứa hẹn tươi đẹp cho tương lai. Đức Hồng Y Kaspar tóm lược điều ấy một cách tuyệt vời như sau: “hiểu sự hợp nhất của Giáo Hội như sự hợp nhất của hiệp thông là chìa khóa mới của đại kết”. Có được chìa khóa ấy, tất cả chúng ta có thể thăm dò nhiều gia trang đang chứa các kho báu sự sống và tình yêu của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Hume xác tín điều này: ý niệm hiệp thông sẽ mãi mãi bất toàn nếu xét nó như chỉ nguyên tuyền liên hệ tới đời sống bên trong của Giáo Hội mà thôi. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến để Con Một Người bước vào trần gian, lãnh lấy lịch sử của ta, sống, chết và sống lại vì ta và vì toàn thể nhân loại. Chúa Kitô làm cho lòng say mê của Thiên Chúa đối với công lý và hoà bình được nhập thể, một thứ công lý và hòa bình nẩy sinh từ việc hòa giải bên trong. Người đến đem tin mừng cho người nghèo, tự do cho người bị giam cầm, làm người mù trông thấy, làm kẻ bị áp bức được giải thoát và đem năm hồng ân của Chúa đến cho mọi người (Lc 4:18,19).

Đây là công trình chữa lành và canh tân, tạo ra những mối tương quan nhân bản, một xã hội của sự sống và yêu thương mà Thiên Chúa chia sẻ với tạo dựng của Người. Tất cả những điều ấy cấu thành sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô lúc sinh thời; nó vẫn là sứ mệnh của Nhiệm Thể Người lúc này và mãi mãi. Giáo Hội như hiệp thông không chỉ có chiều kích hoàn toàn thiêng liêng, khác với trần gian nhưng còn là một tạo dựng mới không ngừng tiếp diễn, là trời mới đất mới không phải chỉ được chờ mong ở đời sau mà phải được thiết lập ngay ở đây và lúc này như là nước trời mà hàng ngày chúng ta vẫn cầu xin cho mau đến trong lời kinh của chính Chúa Kitô dạy. Đức Phaolô VI hay nói đến “nền văn minh tình yêu” mà Giáo Hội đang vật lộn để thiết lập ở đây và lúc này. Đó chính là xây dựng nước Thiên Chúa ngay trong thị trấn con người, điều mà chúng ta vốn đã cam kết dấn thân và làm nó xuất hiện hàng ngày trong cuộc sống và hành động của ta.

Ghi chú

(1) Xem bài Hiệp Thông (VietCatholic 8-5-2010)

(2) Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, trong bài chào mừng Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tân Phó Tổng Giám Mục Hà Nội, nhân thánh lễ tạ ơn ngày 7 tháng 5 năm 2010, tại nhà thờ chính toà Hà Nội, dùng hình ảnh khác để đề cập tới cùng một nội dung “metanoia” này. Ngài bảo: muốn hiệp thông, đôi khi ta “phải hiến tế quan điểm riêng của mình”.
 
Hà Nội, cánh cửa đã khép lại: TGM Ngô Quang Kiệt sắp ra đi.
Bảo Giang
08:28 10/05/2010
Hà Nội, cánh cửa đã khép lại: TGM Ngô Quang Kiệt sắp ra đi.

Chỉ còn vài ngày nữa là Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt sẽ chính thức rời nhiệm vụ ở TGP Hà Nội. Con đường đi tim Công Lý, Sự Thật và Hòa Bình do Ngài và giáo dân Hà Nội đã mở ra trong mấy năm vừa qua bằng máu và nước mắt sẽ đi về đâu?

Điều đó thì chưa ai biết. Nhưng có một điều chắc chắn chắn là: Ngày 7-5-2010 vừa qua đã là lần cuối cùng TGM Kiệt xuất hiện tại nhà thờ lớn trên cương vị TGM chính tòa Hà Nội. Nhưng sau đây, chỉ trong vài ngày ngắn ngủi nữa. Hình bóng ấy, tiếng nói ấy, tấm lòng thủy chung ấy và đặc biệt, những bước chân bì bõm lội nước bùn đi thăm dân của Ngài cũng chỉ còn là trong kỷ niệm và hoài vọng mà thôi.

Tại tại? Tại sao?

Không phải chỉ có một câu hỏi tại sao, nhưng còn hàng ngàn câu hỏi khác đã, đang và sẽ được đặt ra quanh vụ việc bổ nhiệm TGM phó và việc Ngài vội vã ra đi, giao nhiệm vụ TGM lại cho vị mới đến sẽ chẳng tìm ra được câu trả lời đích thực. Có chăng, cho đến nay, chỉ là những phỏng đoán và suy diễn mà thôi.

Bạn là người giáo dân tại Hà Nội. Bạn sẽ khóc hay vui mừng?

Bạn là người yêu Công Lý, Sự Thật và Hòa Bình bạn có cảm nghiệm gì về biến cố mang tính cách lịch sử này? Bạn có thấy là thất vọng lắm không?

Bạn là người công Giáo đang sống tại Việt Nam sẽ được nghe các đấng Bản Quyền của mình giải thích ra sao về vụ việc này?

Bạn là người công giáo gốc Việt Nam nay đang mang quốc tích ở các quốc gia đệ tam, hay là những người tỵ nạn cộng sản Việt Nam tại hải ngoại, luôn mong ước và hoạt động để đòi Tự Do Công Lý, Nhân Quyền và Độc Lập cho Việt Nam sẽ nghĩ gì?

Vâng, còn rất nhiều những câu hỏi khác nữa. Nhưng trong phạm vi của bản tin này. Tôi chỉ xoay quanh những câu chuyện còn nóng, cũng như là tình cảnh của những câu chuyện ấy vừa xảy ra vào ngày ngày 7-5-2010 tại Hà Nội mà thôi:

Trong thánh lễ gọi là Tạ Ơn và nghinh đón vị tân TGM phó Hà Nội có những điều xem ra khác lạ như sau:

1, Đoàn rước của các vị Chủ Tế và đồng tế đã vào bằng cửa hông nhà thờ thay vì cửa chính ở cuối nhà thờ.

2. Sau khi đoàn chủ tế bước qua cánh cửa hông nhà thờ, tất cà các cánh của ra vào nhà thờ đều đã được lệnh đóng lại. Đóng lại giống y như tình cảnh của các tông dồ gặp nhau trong lo sợ sau khi Đức Kitô bị đóng đinh trên Thánh Gía.

3. Trứớc đó, các đại chủng sinh làm công tác như là các nhân viên an ninh đã đến tịch thu tất cả những băng rôn cá nhân tán tụng hay hình ảnh của TGM Kiệt do các giáo dân mang vào trong nhà thờ.

4. Trong lúc bên trong có thánh lễ, có rất nhiều giáo dân phải đứng “xem lễ” qua khung cửa đóng kín vẫn trân trọng những tấm băng rôn quấn trên đầu, cầm trên tay hay những hình ảnh uy vũ của TGM Kiệt, trong trật tự. Không một tiếng hô ồn ào.

5. Trên tất cả mọi khuôn mặt, từ các vị chủ lễ đến các giáo dân ngồi trong nhà thờ cũng như người ngồi ở ngoài nhà thờ, không có lấy một chút hân hoan, Trái lại chỉ có những nét mặt buồn xo.

6. Khi lễ xong, đoàn chủ lễ kéo nhau ra về bằng cửa ở phía buồng áo của nhà thờ. Tất cả đều đi trong lặng lẽ, rời rạc, không hàng ngũ.

7. Vị TGM phó đi đơn côi một mình hai tay nắm chặt vào nhau như kẻ đang ăn năn với những bước đi qúa nạng.

7 Người đoạn hậu là TGM Kiệt với cây gậy Mục Tử trong tay. Nhưng đây là lần khác thường duy nhất và cũng là lần cuối ở nới đây. Ngài không có nét cười hiền hậu khi xứa. Không ban phép lành trên đường cho bất cứ. Vá Ngài cũng không dừng bước khi có nhiều giáo dân muốn phá rào cản bảo vệ tiến về phía Ngài. Ngài lặng lẽ, chậm chạp. Lần đầu tiên cây gậy như qúa nặng trong tay vị Mục Tử nhân hậu.

Đó là những tình cảnh bên ngoài. Phía bên trong lại có câu chuyện phản đề khác là: GM Nguyễn chí Linh trong bài chúc mừng có nói rằng:

“Không thể phủ nhận được rằng việc bổ nhiệm này đã gây ra một số tranh cãi trong những ngày vừa qua. Có người bi quan cho đó là sai lầm của Toà Thánh Vatican, là dấu hiệu của một Hội đồng Giám mục Việt Nam đang bị phân hoá, bị khuynh loát, thậm chí là một trang sử buồn cho Giáo Hội Việt Nam và cách riêng, cho Tổng giáo phận Hà Nội.”

Không chỉ là lời xác nhận lẻ loi ấy, Ngài còn tỏ ra rất công bằng khi nhận định và nhắc nhở mọi người là:

“… mọi thành phần Dân Chúa đã có cơ hội nói lên nguyện vọng của mình một cách chân thành…. “…dù khác biệt, thậm chí có khi là đối lập, nhưng tất cả mọi quan điểm đều có một mẫu số chung là lòng yêu mến Giáo Hội. “… Nhưng nếu vì yêu mến Giáo Hội mà chúng ta loại trừ nhau thì không còn gì mâu thuẫn bằng. Khác biệt nhau nhưng vẫn sẵn sàng nhường nhịn, yêu thương nhau, vì một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, đó mới là dấu chỉ chúng ta còn thuộc về Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập.”

Rất nhiều người đặt hy vọng vào bài nói chuyện của vị phó chủ tịch HDGMVN. Tìếc thay, khi âm vang của tiếng nói còn rộn rã trong lòng thì nhiều người đã bật khóc vì bài thơ của Tào Thực;

“Nấu đậu bằng giây đậu,

Đậu trong nồi đậu khóc,

Cùng trong một gốc sinh,

Sao giết nhau quá vội!”


Thưa GM Nguyễn chí Linh, Chỉ còn vài ngày nữa là TGM Ngô Quang Kiệt phải chấm dứt nhiệm vụ Mục Tử ở Hà Nội, là địa phận mà Ngài đã xác định rằng:“Khi nhận một giáo phận, vị giám mục phải suốt đời gắn bó yêu thương giáo phận đó”

Nay, mới 58 tuổi đời, Ngài lại phải… ra đi. Như thế là nghĩa gì và điều Ngài nói trên kia giải thích ra sao?

Xin kính tiễn vị TGM can trường vì Công Lý, vì Sự Thật của quê hương Việt Nam là Giuse Ngô Quang Kiệt, luôn đi trong bình an và ân sủng từ Trời Cao.
 
Ý nghiã về một câu nói
Jos. Tú Nạc, NMS
09:12 10/05/2010
Ý NGHĨA VỀ MỘT CÂU NÓI

Sống trên đời ai cũng muốn được làm người với tư tưởng trong sạch, lành mạnh; sống trong một gia đình trên thuận dưới hòa, hiếu đễ gia phong; ra ngoài xã hội được nhiều người kính mến, tin yêu. Để đạt được ba điều ấy, một câu danh ngôn khuyên ta: “Một mình, ta hãy giữ tư tưởng; trong gia đình, ta hãy giữ tính tình; ra ngoài xã hội, ta phải giữ gìn ngôn ngữ.” Qua câu nói đó, qua câu nói đó, chúng ta liên tưởng đến câu nói của Đức Tổng Giám Mục Giu-se Ngô Quang Kiệt – một Mục Tử nhân hiền ( “hiền” khác với “lành”, “hiền” là người khôn –ngoan- tài- đức) – khi Ngài giới thiệu Đ/c Tân Phó TGM Hà Nội: “… Từ nay Ngài không chỉ đồng cảm hay đồng hành với anh chị em, nhưng sẽ đồng sinh, đồng tử với anh chị em…” Một câu nói đã thể hiện sâu nặng tình cảm giữa chủ chiên và đàn chiên, cũng là để khuyên con cái mình và gián tiếp nhắc nhở Đ/c Phó TGM trong việc xử kỷ tiếp vật.

Nếu đọc toàn văn bài giới thiệu của Ngài ta mới cảm được tại sao phải “đồng sinh đồng tử” với đàn chiên của mình. Ngài đã chân thành nói lên cái quá khứ sống đạo của Anh Chị Em giáo hữu thuộc TGP Hà Nội khó khăn, thiệt thòi. Điều này thì bất cứ ai, lương hay giáo cũng đều quá biết. Cho nên họ cần phải có chỗ dựa – chỗ dựa tinh thần – cây cao bóng cả - người cha trung kiên, chân thành, đồng cam cộng khổ với con cái và sẵn sàng đồng sinh đồng tử - từ bỏ chính bản thân.

Cây đứng một mình dễ bị lay chuyển, thú sống một mình dễ bị sát hại. Người cũng vậy, khác gì cây và thú kia dễ bị ngoại cảnh ảnh hưởng và chi phối, xoay chuyển hoặc đầu độc tư tưởng mà làm hư hỏng cả cuộc đời và tác động đến một cộng đoàn. Vì vậy bản thân ta cần phải thận trọng, kiểm soát mọi ý nghĩ, tư tưởng và hành động.

Gia đình vốn là một xã hội thu nhỏ, tuy là người thân với chúng ta, nhưng quan điểm và tư tưởng vẫn có những điểm bất đồng. Sự xung đột và tính tình rất có thể nảy sinh. Mà hễ xung đột về tư tưởng thì phát triển nhanh chóng, có khi phá hủy cả hạnh phúc gia đình. Cho nên sống trong cùng một gia đình, chúng ta cần phải cận thận thói ăn, nết ở để tránh va chạm có thể xảy ra.

Ông cha ta thưở xưa có học phong cách học đâu mà đã đúc kết không biết bao nhiêu câu ca dao, tục ngữ nhằm giáo dục nhân cách và phẩm chất con người:

“Chim khôn hót tiếng rảnh rang,

Người khôn nói tiến dịu dàng dễ nghe.”

Thật rõ ràng người xưa đã căn cứ vào ngôn ngữ để định giá trị con người. Do đó, trong ứng xử chúng ta cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trong nói năng.

Câu ca dao trên giúp ta một phương châm về xử kỷ tiếp vật: phải biết thận trọng trong tư tưởng, ngôn ngữ và hành động để trau giồi bản thân, sống hòa hợp với tha nhân. Nhưng thử hỏi: ta giữ gìn tư tưởng, ngôn ngữ và hành động như thế nào? Và bằng cách nào?

Tư tưởng con người là giá trị tinh thần của con người. Con người mà tư tưởng không lành mạnh là mất đi phẩm giá. Tuy ta không cần một tư tưởng siêu phàm, nhưng cần phải có một tư tưởng vui hòa, trong suốt.

Hình ảnh Đức TGM Giu-se những ngày đầu chân ướt, chân ráo từ Nam ra Bắc – tuy là cố hương thật đấy những vốn hoàn toàn xa lạ - quản một Giáo phận đìu hiu cả về tinh thần lẫn vật chất: Giáo đường tan nát, Chiên hiền xác xơ. Thế mà con người ấy với một tư tưởng vui hòa, trong suốt, Ngài đã khôi phục từ hoang tàn, đổ nát.

Rồi về Hà Nôi, ở một địa vị cao hơn, trọng trách nhiều hơn, tư tưởng ấy, vị Mục Tử nhân hiền ấy lại tiếp tục dẫn dắt đàn Chiên với những thăng trầm của TGP. Vì lời phát biểu phản ảnh đúng sự thật của Ngài mà truyền thông nhà nước đã xuyên tạc,bóp méo ý nghiã câu nói để Ngài phải chịu bao nhiêu “phỉ báng”. Con người ấy không lẽ lại không biết về logic ngữ nghĩa của một văn bản thuyết minh? Ngài thừa khả năng để hiểu, để dạy câu tục ngữ của Pháp: “Phải uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói” (Il faut tourner la langue sept fois avant parler).

Ngôn ngữ của ngài đã thể hiện điều tín nghĩa. Có tin được mình, người ta mới yêu mình, mới nghe mình. Có như thế ta mới mong tạo được sự nghiệp ở đời. Khổng Tử đã dạy: “Người không có tín thì không đứng vững được ở đời” (Nhân vô tín bất lập). từ đó Anh Chị Em giáo hữu TGP Hà Nội một lòng tin tưởng đứng dưới bóng Ngài, một lòng cung kính Ngài – cảm động làm sao những hình ảnh ấy!

Rồi hôm nay, Ngài lại nhấn mạnh đến những từ “đồng cảm”, đồng hành”, “đồng sinh”, “đồng tử”. Vậy là nhất nhất người Mục Tử không bao giờ bỏ đàn chiên của mình lạc lõng, bơ vơ.

À, mà sao Ngài không nhắc đến từ “đồng thuận”? – cõ lẽ Ngài muốn tránh vần đề nhạy cảm nào chăng? Trong gia đình không có hòa khí, sự xung đột dẫn đến tan nát hạnh phúc gia đình. Trong gia đình khi cha giận con mà bỏ mặc, con cái sẽ trở nên hư hỏng. Con cái buồn cha một đôi điều mà trở nên sa đọa, bê tha. Chung qui cũng chỉ vì sống mà không chịu tìm hiểu nhau, nhân nhượng nhau, anh em thì “trâu trắng, trâu đen”; vợ chồng, cha con thì “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Thế nên đã “đồng cảm” lẽ đương nhiên phải “đồng thuận” – yêu thương và hòa thuận luôn đi đôi với nhau – không bao giờ nói “đồng cảm chứ không đồng thuận” – phi logic về ngữ nghĩa và tâm lý tình cảm.

Con người sống trong già đình là một xã hội thu nhỏ như đã nói mà còn muốn được hạnh phúc thi ra ngoài xã hội, sống trong một phạm vi rộng lớn, tiếp xúc với bao người, há chẳng được kẻ yêu người kính ư?

Thành phần xã hội vốn vô cùng phức tạp. Trong cùng một Giáo hội, là con một Cha, anh em một Nhà thì trên thuận dưới hòa là giá trị của đạo đức căn bản. Vì thế ý tứ ngôn ngữ vô cùng quan trọng. Cũng một lời nói có thể được tất cả, nhưng cũng một lời nói có thể mất tất cả.

Những câu nói của Đức Tổng Giu-se biểu hiện được việc giữ gìn ngôn ngữ cốt lấy điều “thận trọng”, lấy “chữ tín” làm đầu. Giữ được chữ tín thì ngôn ngữ trong sáng, kẻ yêu người kính thì làm gì mà không sống mãi với Anh Chị Em giáo hữu của TGP Hà Nội.

Sống trên đời, con người phải biết “lập thân, lập đức, lập ngôn, lập chí” để trở thành người khả kính. Xây dựng tư tưởng, tình cảm đó là một phần của việc lập thân, lập đức; gìn giữ ngôn ngữ đó là điều lập ngôn. Lập chí là đạt thành ước vọng, thực hiện lý tưởng của mình. Nếu đã lập được thân, được đức, được ngôn thì tất mở rộng con đường để tiến đến đạt thành lý tưởng. Hạnh phúc thay, Anh chị Em giáo hữu TGP Hà Nội có một người Cha Quảng đại – Đức Tổng Giu-se!

Hổ thay cho những ai đứng bên trên hay đứng một bên trong tư thế … “wait and see”!

Jos. Tú Nạc, NMS
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Con Của Mẹ
Joseph Ngọc Phạm
22:07 10/05/2010

CON CỦA MẸ



Ảnh của Joseph Ngọc Phạm


Khi bốn tuổi cho quen tay vẽ

Viết đủ mầu con kẻ con chơi

Bàn ăn luôn cả ghế ngồi

Đáp đền ơn mẹ con bôi khắp cùng. …

(Trích thơ ngoại quốc phóng dịch bởi Ngô Quang Võ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền