Ngày 11-05-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục sinh 12/5/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:13 11/05/2019
Bài Ðọc I: Cv 13, 14. 43-52

"Ðây chúng tôi quay về phía các dân ngoại".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Có nhiều người Do-thái và tòng giáo theo các ngài, được các ngài khuyên bảo bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa.

Ðến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: "Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: "Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất". Nghe vậy các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng.

Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo và các thân hào trong thành bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 5

Ðáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ; hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.

Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ.

Bài Ðọc II: Kh 7, 9. 14b-17

"Chiên Con sẽ thống trị họ, và dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan, đã xem thấy một đám đông không thể đếm được, họ thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói, đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên; họ mặc áo trắng dài, tay cầm lá vạn tuế.

Và một bô lão đã nói với tôi: "Ðây là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy nó trắng trong máu Con Chiên. Vì thế, họ ở trước ngai vàng Thiên Chúa, và ngày đêm phụng sự Người trong đền thánh Chúa, Ðấng ngự trên ngai vàng đặt ở giữa họ. Họ sẽ không còn đói khát; mặt trời và nóng bức sẽ không làm khổ họ, vì Con Chiên đứng trước ngai vàng sẽ thống trị họ, sẽ dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống, và Thiên Chúa sẽ lau hết mọi giọt lệ nơi mắt họ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 10, 27-30

"Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một".

Ðó là lời Chúa.
 
Linh Mục - Mục Tử
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
05:29 11/05/2019
Chúa Nhật CHÚA CHIÊN LÀNH

Lễ Chúa chiên lành, chúng ta cùng nhìn lại một khía cạnh nhỏ, trong rất nhiều khía cạnh xảy ra do những tương quan giữa linh mục và anh chị em mà Chúa trao ban cho ngài.

Linh mục hàng ngày tiếp xúc cùng mọi con người. Tất cả những người đến với linh mục, trừ những trường hợp có công tác, xin lễ, hay những công việc thường xuyên nào đó, tất cả số còn lại dường như có một điểm chung: Dù là ai, thuộc tầng lớp, tâm tính, lứa tuổi nào, họ đều có những góc khuất của tâm hồn, mà chỉ bản thân họ và sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa mới biết mà thôi.

Nếu những góc tâm hồn ấy chất chứa hạnh phúc, sự đỡ nâng, tình yêu, hy vọng..., ngay cả khi phải long đong và ưu tư mà vẫn thấy được ánh sáng phía đàng trước, thì đều là tín hiệu đáng mừng và không có gì đáng nói.

Nhưng trong số họ, nhiều người bị cô đơn, bị bỏ rơi, bị ruồng rẫy, bị bạc đãi, bị phản bội, bị bách hại..., dù là tinh thần hay thể xác..., đều là những người đáng thương, đáng được sớt chia, thấu hiểu và cảm thông.

Chỉ là chủ quan, tôi nghĩ rằng, hơn ai hết, từ tòa giải tội, cho đến những gặp gỡ hàng ngày, chỉ có linh mục là người được biết nhiều nhất về tâm tư, về những chiều sâu lắng đọng trong tâm hồn anh chị em mình.

Bởi có biết bao nhiêu điều, nhất là những tội lỗi, những chấn thương tâm hồn, có khi đã lắng suốt nhiều năm, ngay cả vợ chồng với nhau còn chưa được biết, ngay cả những chuyên viên tư vấn tâm lý còn chưa được đương sự bộc lộ, hay chưa được bộc lộ hoàn toàn, thì những anh chị em ấy vẫn có thể nói ra với linh mục để xin chúc phúc lành, xin được động viên, chia sớt, ủi an, giúp thêm lời sống, giúp thêm ý kiến để có chút ánh sáng phía trước mà tiếp tục sống.

Nhất là lời cầu nguyện. Tất cả những anh chị em này, trong đau khổ, trong nỗi xót xa của lòng mình, đều muốn vị linh mục đang lắng nghe họ, hãy cầu nguyện cho họ, cho hoàn cảnh của họ...

Trong số những anh chị em trĩu nặng tâm tư, không chỉ là tín hữu Kitô, mà có cả nhiều anh chị em ngoài Hội Thánh Chúa. Tôi đã từng bắt gặp người cán bộ khá cao cấp, đến trút bỏ nỗi niềm của anh cho vị linh mục có chút thân thiện với anh...

Vì thế, trong cuộc đời này, từng có biết bao nhiêu linh mục, mang theo trong tâm tư, mang theo trong suốt một đời cầu nguyện, mang theo trong từng hiến lễ mỗi ngày của mình, không biết bao nhiêu bí mật của vô vàn cuộc đời con người.

Những bí mật này sẽ theo mãi, theo mãi... như trái tim, như giọt máu trong thân thể, suốt đời, cho đến giờ vị linh mục trình diện trước tòa Đấng Cứu Chuộc.

Nói chính xác hơn, khi vị linh mục khép lại hành trình đời mình, thì những trăn trở, những tâm tư, có khi là bức xúc, có khi là tội lỗi, là mặc cảm, là tất cả những gì được xem như bí mật của đời người... cũng sẽ theo ngài đi về bên kia cuộc đời, mà không có bất kỳ ai là người thứ ba được biết...

Và như vậy, đã có biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu bí mật về cuộc đời của anh chị em đã theo vị linh mục để trình diện trước tòa phán xét của Thiên Chúa hằng sống...

Biết bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu thổn thức, bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu uất ức, bao nhiêu cái bi ai... của những kiếp người được linh mục mang theo bên mình để hiến dâng lên Chúa, để cầu nguyện trực tiếp ngay bên ngai tòa Chúa.

Đó là vinh quang, danh dự. Nhưng đó cũng là trách nhiệm cao quý của linh mục.

Được thấu hiểu nỗi niềm thuộc về góc khuất nơi tâm hồn con người, điều đó cũng nói lên lòng yêu mến, sự tin tưởng mà anh chị em dành cho linh mục.

Lòng yêu mến, sự tin tưởng của anh chị em dành cho linh mục, cùng sự trân trọng, sự thấu hiểu mà linh mục dành cho anh chị em mình là vốn liếng, là tài sản đáng quý hết sức của Hội Thánh Chúa Kitô.

Qua linh mục, Hội Thánh trở nên nguồn sống sinh động, nguồn an ủi, nguồn hy vọng của con người. Qua bàn tay lãnh đạo cách tận tụy, đầy tình yêu hy sinh của linh mục, Hội Thánh mãi mãi là bà mẹ chăm sóc, nâng niu, bảo vệ từng đứa con của mình.

Vì thế, trong một suy tư mà thánh Giám mục Augustino từng chia sẻ: "Cho anh chị em, tôi là Giám mục. Cùng với anh chị em, tôi là Kitô hữu", thì người linh mục cũng có thể nói: "Cho anh chị em, tôi là linh mục. Cùng với anh chị em, tôi là Kitô hữu".

Vì thế:

1. Một mặt, trong từng giây phút sống, người linh mục không được buông lỏng trách nhiệm. Ngài phải chăm chút từng tí một cho ơn gọi của mình bằng việc thường xuyên cầu nguyện, thường xuyên kết hợp với Chúa, nhất là dâng thánh lễ sốt sắng, và chìm đắm trong thinh lặng tuyệt đối trước Mình Thánh Chúa để múc lấy ơn Chúa, múc lấy sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần mà hoàn thành cách tốt nhất trách nhiệm được trao phó.

2. Mặt khác, để mang lại chính lợi ích thiêng liêng cho bản thân mình, người tín hữu nói riêng, tất cả mọi người nói chung, hãy cầu nguyện cho các linh mục được yêu mến Chúa, thánh thiện và dư đầy ơn Chúa. Nhờ đó, các ngài có đủ những điều kiện thiêng liêng cần thiết mà lãnh đạo và trao ban cho chúng ta.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:29 11/05/2019
7. Con cần phải làm một người thánh thiện, như Thiên Chúa muốn con thánh thiện. (Thánh Bonavita)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:32 11/05/2019
8. CÁ NGẮN TRONG GIẾNG

Chủ tiệm tiếp đãi khách, mỗi lần ăn cơm thì đều có nấu cá, nhưng chỉ nhìn thấy đầu và đuôi, rất ít khi thấy khúc giữa của con cá. Khách hỏi:

- “Chủ tiệm à, cá của ông ở đâu đem lại vậy ?”

Chủ tiệm trả lời:

- “Tất cả đều nuôi ở trong ao đó”.

Khách nói:

- “Tôi e rằng nuôi ở trong giếng ấy, nếu không thì tại sao mấy con cá này ngắn như vậy chứ !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 8:

Người Việt Nam có câu nói “ở ống thì dài, ở bầu thì tròn” có nghĩa là con người ta sinh sống ở đâu thì quen ở đó.

Có người sinh sống ở Mỹ nên cung cách nói năng cũng đều như người Mỹ; có người sống với người miền núi nên cung cách cư xử cũng như người miền núi; có người từ nhỏ đến lớn chỉ quanh quẩn trong làng xóm nên cung cách cũng rất miệt vườn, tất cả những cung cách trên đều đúng và không có gì đáng trách.

Cái trách là khi dọn cơm cho khách mà chỉ có đầu và đuôi cá, còn khúc ngon nhất là khúc giữa thì lại không có.

Có người cứ nghĩ rằng sống ở Mỹ nên khi về quê hương thì phải ra vẻ ta đây là Việt kiều, nên coi người lớn ở quê cũng ngang hàng như con nít, ăn nói hách hách cái mặt, họ chỉ dọn cho người ta cái đầu và cái đuôi xương xẩu (cái xấu) của nước Mỹ, còn cái khúc giữa đẹp đẽ ngon lành (cái văn minh, đẹp đẽ, lịch sự) của nước Mỹ thì họ không đem ra cho bà con lối xóm thưởng thức...

Người Ki-tô hữu từ nhỏ đến lớn đều ở cạnh nhà thờ, đi lễ nhà thờ, học giáo lí ở nhà thờ, lãnh nhận các bí tích và ơn sủng tại nhà thờ, thì đương nhiên phải trở nên người tín hữu tốt lành và thánh thiện. Nhưng cũng có một vài người Ki-tô hữu “ở ống” nhưng không dài, “ở bầu” mà không tròn, bởi vì chính họ muốn cái ống cũng như cái bầu đều tròn hoặc dài theo ý của mình !

Hãy lấy Lời Chúa để làm cho tâm mình phù hợp với hoàn cảnh, chứ đừng lấy ý riêng mình bắt hoàn cảnh phải giống như mình, đó là người khôn ngoan vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

-----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 4 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:36 11/05/2019
Chúa Nhật 4 PHỤC SINH

(Ngày cầu cho ơn thiên triệu)

Tin mừng: Ga 10, 27-30.

“Tôi ban sự sống đời đời cho chiên của tôi”.

Bạn thân mến,

Giáo Hội dành riêng Chúa Nhật này để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục, tu sĩ, để Giáo Hội ngày càng có thêm nhiều người hiến dâng cuộc sống của mình để phục vụ Thiên Chúa trong ơn gọi của mình, trong niềm xác tín vào ơn gọi linh mục mà tôi đã lãnh nhận từ nơi Giáo Hội, tôi xin chia sẻ với bạn ba điểm này:

1. Ơn thiên triệu là một sáng kiến của Thiên Chúa.

Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương nhân loại mà có những sáng kiến độc đáo vượt qua trí khôn của con người để cứu chuộc nhân loại, trong đó có sáng kiến kêu gọi một số người sống đời tận hiến, để thay mặt Ngài để hiến tế, để tha tội, để phục vụ tha nhân và loan truyền Phúc Âm cho mọi người, đó chính là các linh mục, các tu sĩ nam nữ, và những người tự nguyện sống trong các cộng đoàn tu hội đời được Giáo Hội chấp thuận.

Ơn thiên triệu tự nó đã nói lên được lòng ưu ái của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi, bởi tự bản chất của nó là mời gọi, là triệu tập những người thiện chí đi theo lời mời gọi của Ngài để trở nên một dụng cụ mới hơn, đắc lực hơn trong công việc rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc.

Sáng kiến này được Đức Chúa Giê-su thực hiện đầu tiên khi Ngài kêu gọi các tông đồ đi theo Ngài, để tiếp tục sứ mạng cứu chuộc của Ngài ở trần gian, và hơn hai ngàn năm nay Thiên Chúa –qua Giáo Hội- vẫn tiếp tục mời gọi những tâm hồn thiện chí biết quên mình để phục vụ và yêu thương Ngài nơi tha nhân, chính ơn gọi này đã làm cho nhân loại ngày càng tốt tươi hơn, gần gủi với nhau hơn, và thấy rõ được tình yêu Thiên Chúa hơn, qua đời sống tận hiến của các linh mục và các tu sĩ nam nữ trong Giáo Hội.

Bởi vì Ơn thiên triệu là một sáng kiến độc đáo của Thiên Chúa, nên chỉ có Thiên Chúa mới độc quyền kêu mời và tuyển chọn ai thì theo ý muốn của Ngài mà thôi, và như thế thì thật vinh dự cho người được chọn vậy...

2. Linh mục là quà tặng Thiên Chúa ban cho thế gian.

Đức Chúa Giê-su –Đấng cứu độ trần gian- đã vì yêu thương nhân loại mà thiết lập chức linh mục –bí tích Truyền Chức thánh- để qua bí tích này, nhân loại đón nhận vô vàn ân sủng của Ngài ban cho qua các linh mục, và chính nhờ bí tích này mà Đức Chúa Giê-su –qua bí tích Thánh Thể- đã trở nên của ăn của uống nuôi dưỡng linh hồn những người tin vào Ngài. Đây là một hồng ân và là một món quà vô giá, mà chỉ có Thiên Chúa mới hào phóng ban tặng cho nhân loại mà thôi, bởi vì không một cá nhân nào tự quyền cho mình lam linh mục, không một tổ chức nhân loại nào có quyền tự phong chức linh mục cho người khác, hoặc đặt người trong tổ chức của mình làm linh mục, nếu đoàn thể đó không hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo và đức giáo hoàng Rô-ma.

Các tín hữu Công Giáo càng ý thức mình là người Ki-tô hữu, thì càng đề cao vai trò của các linh mục trong đời sống thiêng liêng của mình, bởi vì từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt lìa đời, người Ki-tô hữu đã được hưởng biết bao ơn lành của Thiên Chúa từ tay các linh mục, đó chính là hồng ân và là quà tặng của Thiên Chúa ban cho họ, chính qua bí tích Truyền Chức thánh mà linh mục trở nên Đức Chúa Ki-tô thứ hai để tiếp tục sứ mạng và công việc của Đức Chúa Ki-tô tại trần gian này, đó là hiến tế, tha tội và thông ban ân sủng của Thiên Chúa cho người giáo dân.

Không có linh mục thì không có thánh lễ, không có thánh lễ thì không có tiệc thánh Mình và Máu Đức Chúa Ki-tô, tức là không có hy tế dâng lên Chúa Cha xin Ngài ban ơn và tha tội cho nhân loại tội lỗi, do đó mà giáo dân cần phải yêu mến, trân trọng và gìn giữ món quà quý giá mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại, đó là các linh mục của Chúa.

3. Cầu nguyện, hy sinh và yêu thương các linh mục, tu sĩ nam nữ.

Bạn thân mến,

Có giáo dân khóc vì có một số linh mục không làm tròn bổn phận cao quý của mình, có một vài giáo dân bực mình vì có một số linh mục cũng như các tu sĩ nam nữ chưa thực sự dấn thân vì Tin Mừng và vì tha nhân, có những người chống đối và chỉ trích cách sống của một số linh mục, vì những linh mục này sống không giống với những gì mà họ đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa và Giáo Hội...

Trách cứ, buồn phiền, chỉ trích của bạn và của tôi với các linh mục là do những bức xúc mà có, nhưng nếu chỉ trích mà không cầu nguyện cho các ngài, buồn phiền mà không yêu mến các linh mục, trách cứ mà không tha thứ, thì –xét cho cùng- cũng chẳng cải thiện được gì, mà có khi còn mở đường cho người khác chống đối các linh mục của chúng ta. Do đó, mà bạn và tôi nên tự hỏi mình: có lúc nào tôi cầu nguyện cho các linh mục của Giáo Hội không ?

Trong ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu hôm nay, tôi xin mời anh chị em trong giáo xứ của mình tăng gia lời cầu nguyện và làm các việc hy sinh, để cầu nguyện cho các linh mục và các tu sĩ nam nữ trong Giáo Hội. Bởi vì chỉ có cầu nguyện, hy sinh và yêu thương là những phương thế chữa lành, và ban sức mạnh giúp cho các linh mục và các tu sĩ nam nữ đi trọn con đường tận hiến của mình mà thôi...

Xin Thiên Chúa và Đức Mẹ Ma-ri-a –Mẹ của các linh mục và của các tu sĩ nam nữ- chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Chúa Nhật Mang “Giai Điệu Ngọt Ngào”
Lm Giuse Trương Đình Hiền
20:21 11/05/2019
(Chúa Nhật 4 Ps (Năm C 2019), Chúa Nhật Chúa Chiên Lành

Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi Linh Mục-Tu Sĩ)


Nếu sách Công Vụ Tông Đồ trong những ngày nầy cho chúng ta sống lại “cái thuở ban đầu hồn nhiên và thánh thiện của Hội Thánh Chúa Ki-tô”, thì cũng ở nơi những trang “nhật ký” tuyệt vời nầy, bao nhiêu hình ảnh và chứng từ sống động của Phêrô, của các Tông đồ, của Stêphanô, của Philipphê, của các Ki-tô hữu thời sơ khai, và nhất là của Vị Tông đồ “ngã ngựa trên đường Đa-mát” – Phaolô, càng làm cho chúng ta cảm nhận sự hiện diện thân thương và đầy quyền năng Thánh Thần của Đức Ki-tô, Vị mục Tử nhân lành đang chăm sóc “đoàn chiên bé nhỏ” mà Ngài mới chính thức thiết lập trên trần gian, sau khi Ngài từ cõi chết sống lại, nhất là kể từ biến cố Lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Trích đoạn sách CVTĐ hôm nay thuật lại con đường truyền giáo đầy nhiêu khê vất vả của hai Tông đồ Phaolô và Banaba qua các địa danh Pec-ghê, Antiokia, Pixidia, Icônium… ; các ngài đã gặp trở ngại và sự chống đối mạnh mẽ của những người thuộc Do Thái giáo khi các Ngài loan báo Tin Mừng về Chúa Giêsu. Tuy nhiên chính sự quay lưng chối từ của họ, đã củng cố cho “ơn gọi loại biệt” của hai vị tông đồ nầy là “quay về phía dân ngoại”, một sứ mệnh mà cho tới mãi hôm nay, đã không còn là chuyện “loại biệt của một số tông đồ”, nhưng là sứ vụ chung cho toàn thể Hội Thánh, sứ vụ “Đi Ra”, như lời khẳng định trong tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” của Đức đương kim Giáo hoàng Phanxicô :

“Sau cùng, chúng ta không thể quên rằng loan báo Tin Mừng trước hết và trên hết là giảng Tin Mừng cho những người không biết Đức Giêsu Kitô hay luôn luôn chối bỏ Ngài.” (Số 14).

“Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (Số 20)

Nhất là lời kêu gọi của Ngài trong Năm Thánh lòng thương xót :

“Trong Năm Thánh này, chúng ta có thể trải nghiệm việc mở lòng tiếp nhận những người đang sống tại những vùng ven xa xôi nhất của kiếp nhân sinh, thường được tạo nên trong cảnh khốn cùng do chính thế giới ngày nay…. Ước gì bàn tay chúng ta nắm lấy đôi tay họ và kéo họ đến với chúng ta. Ước chi tiếng nói của họ trở thành tiếng nói của chúng ta, và ước chi chúng ta có thể chung tay phá đổ những rào cản của thái độ dửng dưng lãnh đạm, vẫn thường được dùng để che giấu thói giả hình và tính ích kỷ.” (Tông sắc Dung nhan LTX sô 15)

Cái viễn tượng muôn dân được nghe loan báo Tin Mừng, được hưởng niềm vui ơn cứu độ, được trở thành “đoàn chiên được chăm sóc trong mái nhà Thiên Chúa” đã không bao giờ là một viễn cảnh mơ hồ hay một dự định hoang tưởng ; nhưng đó chính là cùng đích, là điểm đến chung cuộc trong kế hoạch diệu kỳ đầy tình thương của Thiên Chúa mà nhiều trang Kinh Thánh đã nêu bật. Hôm nay, chúng ta đã nghe sách Khải huyền mô tả :

“Tôi là Gioan, tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên…Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ” (Bđ 2 : Kh 7,9.14-17)

Đó cũng chính là niềm hy vọng ngút ngàn mà dân Chúa từ bao nhiêu ngàn năm trong lịch sử đã cảm nhận qua bài thánh vịnh được ngâm nga nhiều nhất, thánh vịnh về Người Mục Tử Thiên Chúa :

“Chúa là Mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi…

Lạy Chúa, Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc…

Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,

Ly rượu con dầy tràn chan chứa…” (Tv 22)

Tuy nhiên, nếu tinh ý một chút, chúng ta có thể nhận ra rằng : nơi những hình ảnh thoạt như tình cờ, chân quê mộc mạc của môi trường du mục trên vùng thảo nguyên Palestine được mô tả trong thánh vịnh 22 lại cưu mang cả một “kho tàng ý nghĩa” sẽ được đong đầy và hiện thực ngay chính trong Mùa Phục Sinh nầy.

Thật vậy, nếu Gia-vê Thiên Chúa, “Người Mục Tử của cựu ước” dẫn dắt đoàn chiên với “dòng nước trong”, với “rượu đầy tràn”, với “dầu thơm lựng”, thì “Người Chăn Chiên của Tân ước”, Đức Kitô -Tử nạn - Phục sinh, đã chăm sóc “đoàn chiên mới” với “dòng nước tinh tuyền của Nhiệm tích Thánh Tẩy”, với “ly rượu, tấm bánh là chính Máu Thịt Người”, với “Dầu Thánh Thần được thông ban qua hồng ân Thêm Sức”.

Chẳng phải trọng tâm của mùa Phụng Vụ Phục Sinh đó chính là cử hành, sống và đào sâu ý nghĩa của ba Nhiệm Tích Khai Tâm Kitô giáo : Thánh Tẩy, Thánh Thể và Thêm sức đó sao ! Và đó chính là phương thế, là con đường, là năng lực “Người Chăn chiên vô hình Giêsu” đã chọn để chăm sóc, dẫn đưa và nuôi sống đoàn chiên mà Ngài đã cứu chuộc bằng chính cuộc Nhập Thể-Tử nạn- Phục sinh của Ngài suốt 2000 năm nay và cho mãi đến tận thế.

Khẳng định điều đó cũng có nghĩa là một lần nữa chúng ta tuyên xưng : Hôm qua, hôm nay và mãi mãi, “Người chăn chiên vô hình Giêsu-Kitô” chưa bao giờ buông tay bỏ mặc “đoàn chiên nhỏ” của Người, bởi chính Người đã long trọng xác quyết cách đây 2000 năm với người Do Thái, và hôm nay với mỗi người chúng ta :

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi…” (Tm Ga 10,27-28)

Cho dù lời đoan quyết đó chưa hiện thực hoàn toàn trong thế giới hôm nay, bởi chưng, như chính Ngài đã tiên báo : “Tôi còn những chiên khác không thuộc ràn nầy. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16), thì viễn cảnh “một đoàn chiên và một mục tử” vẫn là tiêu đích chung cuộc phải đến !

Cũng chính trong ý nghĩa đó mà sứ điệp Lời Chúa được chuyển tải trong chính Ngày Chúa Nhật đặc biệt nầy, không chỉ để chúng ta suy niệm, sống và xác tín mà còn để thiết tha nguyện cầu cho “Đàn chiên của Đức Kitô mỗi ngày thêm đông số” và được chăm sóc đàng hoàng, và nhất là, cho Giáo Hội hôm nay có thêm những Phaolô và Banaba, có thêm những Phêrô và Philipphê, có thêm những Maria Mađalêna, những Phaxicô Xavie, những Têrêsa Hài Đồng, Têrêsa Calcutta…những tâm hồn quảng đại biết “đập bể bình dầu cam tùng tuyệt hảo của chính cuộc đời mình để làm rực lên mùi thơm cho căn nhà Hội Thánh”

Hy vọng rằng, sau chính ngày Chúa Nhật hôm nay, đâu đó trên muôn vạn nẻo đường thế giới, sẽ rộn rã bước chân vui và âm vang tiếng cười và câu ca của nhiều bạn trẻ, những câu ca mang đầy hy vọng cho một thế giới mới, thế giới yên vui của Người Mục Tử nhân lành :

“Chân đi đạp đồi non biển đời bao sóng gió. Ngài đỡ nâng con dù nguy biến vẫn ở cùng con. Yêu thương làm hành trang ngọn đèn tim thắp sáng. Một đời vui như đàn chim hót suối reo đầu ngàn.”

Vâng, đó chính là âm vang của “giai điệu ngọt ngào” mang tên gọi đặc biệt của chính ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh được cử hành trên khắp các nhà thờ Công Giáo trên toàn thế giới : Chúa Nhật CHÚA CHIÊN LÀNH !

LM. Giuse Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nước Mỹ xúc động trước cậu bé giúp lễ hy sinh chết cho bạn học được sống
Đặng Tự Do
22:07 11/05/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm 9 tháng Năm, các Giám Mục Hoa Kỳ đã vinh danh Kendrick Castillo, 18 tuổi, cậu bé giúp lễ của nhà thờ Notre Dame của thành phố Denver Hoa Kỳ. Cậu bé đã hy sinh khi chỉ còn 3 ngày nữa là tốt nghiệp.

Vào lúc 1:53 chiều giờ địa phương, ngày thứ Ba 7 tháng Năm, hai thủ phạm đã vào trường trung học STEM ở Highlands Ranch, Denver mang theo súng ngắn và các vũ khí khác. Chúng nổ súng ở hai địa điểm riêng biệt, giết chết một học sinh và làm bị thương 8 học sinh khác. Cảnh sát đã đến ngay hiện trường hai phút sau đó nhưng không cần phải nổ súng vào các thủ phạm vì chúng đã bị khuất phục và tước vũ khí bởi các học sinh can đảm, dẫn đầu là Kendrick Castillo.

Kendrick Castillo đã lao vào tên hung thủ Devon Erickson, 18 tuổi, đẩy hắn vào góc tường để các học sinh khác có cơ hội chạy thoát. Trong lúc giằng co hung thủ bắn chết Kendrick nhưng các học sinh can đảm khác đã khuất phục và tước vũ khí của hắn. Hung thủ thứ hai, nhỏ tuổi hơn, đã bị an ninh của nhà trường khống chế.

Nếu không có sự hy sinh anh dũng của chú bé giúp lễ Kendrick Castillo, sẽ có rất nhiều học sinh bị giết trong thảm kịch này. Thật vậy, tại thời điểm xảy ra vụ nổ súng, nhà trường có khoảng 1,850 học sinh; và cảnh sát Denver cho biết hai tên thủ phạm mang vào trường ít nhất năm khẩu súng ngắn, trong đó hai khẩu đã được sử dụng trong vụ tấn công này, và một khẩu tiểu liên tự động. Các cảnh sát viên cũng đã đến nhà tên Devon Erickson và tịch thu một chiếc xe có vẽ hàng chữ “Xã hội khốn kiếp” cũng như ba con số “666” và một ngôi sao năm cánh, là các biểu hiện của Satan. Điều đáng lưu ý là tên thủ phạm thứ hai là một đứa con gái, được tường thuật là bạn gái của tên Devon Erickson. Danh tính chưa được cảnh sát tiết lộ.

Trong phiên tòa khẩn cấp hôm thứ Năm 9 tháng Năm, Devon Erickson, mặc bộ đồ tù và bị còng ngồi cúi đầu dường như muốn che mặt sau mái tóc nhuộm của mình. Cảnh sát nói rằng hắn và bạn gái can tội cố ý giết người hàng loạt. Cả hai đều không có tiền án. Nhưng Kevin Cole, một người bạn học cũ, nói rằng “Có những dấu hiệu khiến chúng tôi không ngạc nhiên ai đã gây ra vụ án này vì ta có thể thấy điều đó từ lâu rồi. Đáng buồn là cuối cùng hắn ta đã ra tay. Toàn bộ thời gian tôi ở bên hắn ta, hắn luôn nói đùa về điều đó.” Vào chiều ngày thứ Ba, nó không còn là những lời nói đùa nữa. Các nhà điều tra cho biết đôi trai gái này đã bước vào trung tâm của khuôn viên nhà trường trang bị súng lục, bắn một cách ngẫu nhiên vào những học sinh không có phương thế tự vệ.

Nui Giasoll, một học sinh chứng kiến mọi sự kể lại như sau: “Điều tiếp theo tôi biết là hắn ta rút súng ra vào bảo không ai được di chuyển. Kendrick lao tới Erickson và khống chế hắn. Kendrick cho tất cả chúng tôi có đủ thời gian để chui xuống gầm bàn. Cuối cùng cảnh sát ùa vào đã khống chế các nghi phạm.”

Trong buổi tưởng niệm một học sinh nói:

Tôi muốn đọc đoạn sau từ Kinh Thánh (Ga 1:5) – “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.”

Bất kể những gì đã diễn ra, các bạn vẫn có một ánh sáng mà Thiên Chúa muốn các bạn chiếu soi. Cầu nguyện cùng tôi nhé.

Lạy Chúa Cha trên trời, chúng con tạ ơn Cha vì đã ban cho chúng con giây phút này.

Lạy Chúa, trái tim chúng con tan nát. Có biết bao chán chường, bao nhiêu tức giận, và bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong căn phòng này, vào lúc này đây. Nhưng chúng con tin tưởng rằng vấn đề không phải là chiến đấu chống lại nhau vì điều chúng con muốn là cùng nhau đấu tranh để tạo ra một sự khác biệt. Lạy Chúa, ánh sáng của chúng con rực rỡ hơn cái tối tăm của thế giới này và khi chúng con thêm một tia sáng vào với nhau, nó sẽ càng rực rỡ hơn, và rực rỡ hơn. Và Thiên Chúa ở cùng chúng con trong thời điểm cần thiết này. Xin Chúa ở cùng chúng con khi chúng con rất cần đến Chúa. Xin Chúa hiện đến giữa những rối ren. Lạy Chúa chúng con tạ ơn Chúa vì Chúa quá yêu chúng con. Xin ở cùng chúng con hôm nay và ngày mai và luôn mãi vì lạy Chúa chúng con cần đến Chúa. Amen.


Source:Catholic News Agency
 
Những bà mẹ đau khổ vì con có thể nhìn vào tấm gương người phụ nữ vừa được Giáo Hội tuyên Chân Phước
Đặng Tự Do
08:28 11/05/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Cuối tuần qua, Đức Hồng Y Angelo Becciu đã tuyên Chân Phước cho Maria Concepcion Cabrera de Armida, thường được gọi tắt là Conchita, tại thủ đô của Mễ Tây Cơ. Conchita là người phụ nữ giáo dân đầu tiên của Mễ Tây Cơ được tuyên Chân Phước.

Trong bài giảng lễ tuyên Chân Phước cho Conchita, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh đã mô tả vị tân Chân phước như một người vợ, một người mẹ, và một góa phụ - và là người truyền cảm hứng cho các dòng tu và các hiệp hội truyền giáo với các sáng kiến tông đồ không giống ai.

Chân Phước Conchita sinh ngày 8 tháng 12, năm 1862 tại San Luis Potosi. Ở tuổi 22 chị kết hôn với Francisco Armida và có 9 người con với ông. 17 năm sau đó, ở tuổi 39, chị rơi vào cảnh góa bụa và phải một mình chăm sóc cho 9 đứa con. Đứa nhỏ nhất chỉ mới 2 tuổi.

Tình cảnh của Conchita còn thê thảm hơn nữa trước cuộc cách mạng Mễ Tây Cơ thù địch với đức tin Công Giáo, kéo dài từ năm 1910 đến năm 1921 giết chết gần 1 triệu người trong số 15 triệu dân Mễ Tây Cơ lúc bấy giờ; và làm lung lạc đức tin của nhiều người Công Giáo. Dạy con nên người trong hoàn cảnh bi đát đó thật là chuyện không dễ chút nào.

Chưa hết, chị cho biết đã nghe tiếng Chúa giao cho chị một sứ vụ là phải viết thật nhiều. Chị chưa từng cho rằng mình đã được thị kiến thấy Chúa hay Đức Mẹ nhưng cho biết đã nói với Chúa qua những lời cầu nguyện và chiêm niệm. Đức Giáo Hoàng Piô thứ X và các Giám Mục Mễ Tây Cơ vào thời ấy đã đánh giá rất cao các bài viết của chị về thần học và triết học, dù chị chỉ là một người phụ nữ bình thường và hàng ngày phải vật lộn với cuộc sống để nuôi 9 đứa con.

Những đứa con của chị cho biết hiếm khi nào thấy chị ngồi viết các tác phẩm thần học và triết học này vì chị phải tần tảo nuôi con. Thế mà, chị đã viết được 60,000 trang bản thảo viết tay.

Chị qua đời vào ngày 3 tháng Ba, năm 1937 thọ 74 tuổi. Trước khi chết, nhìn lại cuộc đời mình, chị viết:

Tôi gánh vác trong tôi ba cuộc đời, tất cả đều rất nặng nề: cuộc sống gia đình với nhiều nỗi buồn một ngàn loại khác nhau, cuộc sống của một người mẹ; với tất cả những nỗi sầu và sức nặng của nó, đôi lúc làm tôi đau khổ cho đến kiệt sức; và cuộc sống nội tâm, nặng nhất trong tất cả, với những đỉnh cao, những cơn bão và những cuộc đấu tranh, ánh sáng và bóng tối của nó. Xin tạ ơn Chúa vì mọi thứ!

Lên tiếng ca tụng cuộc đời chị Conchita, Đức Hồng Y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh nói:

“Maria Concepcion Cabrera de Armida đã biết chọn Chúa với một tình yêu tuyệt đối, và đặt Ngài làm trung tâm của cuộc đời chị, trong khi chăm sóc gia đình và ngôi nhà của mình. Làm thế nào mà vị tân Chân phước có thể làm tất cả những gì được yêu cầu? Đức Hồng Y Angelo Becciu cho biết chị đã thành công vì “chị không làm theo cảm hứng của riêng mình, nhưng theo kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chị”.

Bí quyết của Conchita, theo Đức Hồng Y Becciu là “sống trong thế giới này nhưng không thuộc về thế giới này”.


Source:Vatican News
 
Giám Mục bị công an Trung Quốc đánh bể đầu và lôi đi biệt tích suốt 23 năm giờ ở đâu?
Đặng Tự Do
10:01 11/05/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Cháu trai của một giám mục người Trung Quốc đã bị bắt 23 năm trước cho biết ông không biết chú mình đang bị giam ở đâu, thậm chí vị Giám Mục còn sống hay không ông cũng không biết.

“Chú tôi giờ ở đâu và liệu chú ấy còn sống hay không, tôi hoàn toàn không rõ. Tôi buồn bã rưng rưng nước mắt mỗi khi nghĩ đến chú tôi nay đã 87 tuổi. Xin cầu nguyện cho ngài,” anh Tô Thiên Hựu (蘇 天祐 - Su Tianyou) nói với UCANews.

Chú của anh là Đức Cha Giacôbê Tô Triết Dân (蘇哲民,Su Zhi-min) Giám Mục Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ở phía tây nam Bắc Kinh.

Năm 1996, trong khi đang chủ sự một buổi rước kiệu, ngài bị công an Trung Quốc đánh bể đầu lôi đi, Chúng buộc tội ngài tiến hành các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp. Đức Cha Giacôbê đã từ chối gia nhập Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, được nhà nước công nhận. Ngài sinh ngày 1 tháng 7 năm 1932, và là một trong số các Giám Mục thầm lặng đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm, nhưng không được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận.

Đó không phải là lần đầu tiên Đức Cha Giacôbê bị bắt. Theo Ủy ban Nhân quyền của Hạ viện Hoa Kỳ, Đức Cha Giacôbê đã phải ngồi tù 40 năm, mặc dù chưa hề bị chính thức buộc tội, cũng chưa lần nào bị đưa ra xét xử trước tòa.

Trước khi bị bắt vào năm 1996, Đức Cha Giacôbê Tô Triết Dân đã bị giam giữ ròng rã 26 năm trong tù hoặc trong các trại lao động cưỡng bức. Chính phủ Trung Quốc coi Đức Cha là “thành phần phản cách mạng” vì “từ những năm 1950, ngài đã từ chối gia nhập Hiệp hội Công Giáo Yêu nước,” Ủy ban Nhân quyền Hạ Viện Hoa Kỳ nói.

Đức Cha Giacôbê được trả tự do từ một nhà tù Trung Quốc vào năm 1995, vì lúc đó bọn cầm quyền tin rằng ngài sắp chết. Tuy nhiên, khi thấy ngài khoẻ trở lại và có thể cử hành các nghi lễ, chúng đã bắt giữ ngài tức khắc.

Vào tháng 11 năm 2003, trong một hoàn cảnh hoàn toàn là tình cờ, gia đình phát hiện ngài đang nằm điều trị tại một bệnh viện ở Bảo Định, bị bao quanh bởi đám cảnh sát và công an. Ủy ban Nhân quyền nhấn mạnh rằng: từ đó, “gia đình ngài đã không biết bất cứ một tin tức nào về ngài, mặc dù nhiều lần đã yêu cầu quốc tế can thiệp”.

Cháu trai ngài là Tô Thiên Hựu, nói với UCANews rằng vào năm 2015 một quan chức Trung Quốc nói với ông rằng Đức Cha Giacôbê có thể được thả nếu có sự cải thiện trong quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc.

Vào tháng 9 năm 2018, các quan chức Bắc Kinh và Vatican đã ký một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc, nhằm mục đích thống nhất Giáo hội hầm trú và Giáo Hội công khai do Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc lãnh đạo.

Theo Tô Thiên Hựu, cả Vatican và các quan chức Trung Quốc đều không cho biết liệu bây giờ Đức Cha Giacôbê có được thả hay không.

Vào tháng 10 năm 2018, Đức Cha Micae Dương Minh Chương (楊鳴章 Yeung Ming-cheung) nói rằng giáo phận Hương Cảng tiếp tục cầu nguyện cho Đức Cha Giacôbê, và hy vọng ngài sẽ sớm được được trả tự do.

Đức Cha Dương Minh Chương than thở với thông tấn xã Reuters rằng: “Hiện nay ngài đang trong tù, hay đang bị quản thúc ở một nơi nào đó, hoặc ngài đã chết, không ai biết trừ ra các cán bộ công an Trung Quốc.”

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, được công bố ngày 29 tháng Tư, lưu ý rằng bất kể thỏa thuận Vatican-Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục đã được ký kết hồi năm ngoái, tình trạng đàn áp người Công Giáo đã tăng lên rất đáng kể từ đó cho đến nay.

Ông Johnnie Moore, thành viên trong Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng:

“Trong vòng vài ngày kể từ khi Vatican ký kết thỏa thuận này, người Trung Quốc đã sử dụng nó như một vỏ bọc để bắt tay vào việc bách hại công khai các cộng đoàn Công Giáo thầm lặng.”


Source:Catholic Herald
 
Hành trình ơn gọi của tân linh mục Nicola Pacetta kéo dài 43 năm.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
18:21 11/05/2019
Đức Cha GianCarlo Maria Bregantini, Tổng Giám Mục Campobasso-Bojano - Italia, đã truyền chức linh mục cho Nicola Pacetta 73 tuổi vào ngày 11 tháng 5 năm 2019 tại giáo xứ thánh Antôn Padua. Tân linh mục đã là cha và ông nội của 6 cháu trước khi vào Chủng viện “Mẹ Đấng Cứu Chuộc” (Redemptoris Mater) ba năm trước đây. Sau nhiều năm sống gòa bụa, làm việc truyền giáo và phân biện ơn gọi

Tân linh mục giải thích về ơn gọi trưởng thánh của mình như sau: Ơn gọi đặc biệt này gắn liền với “sự trung thành của Chúa hướng dẫn và bảo trọng một cuộc hành trình để tôi có thể cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa” Thật ra, tiếng Chúa gọi vang lên trong thời niên thiếu khi tôi gia nhập Chủng viện Phanxicô cho tới giai đoạn tập viện, tạ ơn về đức tin của Mẹ tôi đã đồng hành với tôi từ lúc nhỏ qua những bài học tâm linh và nhở tạp chí thông tin và văn hóa tôn giáo “Sứ giả thánh Antôn” (Il Messagero di Sant’ Antonio).

Sau thời gian tập viện, Nicola chọn con đường hôn nhân luôn được tình yêu Thiên Chúa nâng đỡ. Sau đó, Nicola đi theo một hành trình mà tình yêu vợ chồng đã biến đổi để anh trở thành người hướng dẫn và chứng nhân cho các cặp vợ chòng trẻ.

Sau khi vợ qua đời vì một thứ bệnh không thể chữa lành và sau 5 năm truyền giáo, Nicola dứt khoát theo Chúa trong ơn gọi linh mục, dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Bojnao Bregantini,Tổng Giám Mục Campobasso-Bojano, Italia. Ngày 12 tháng 5 năm 2019, tân linh mục Nicola Pacetta sẽ dâng thánh lễ đầu tiên tại giáo xứ thuộc Campolieto, thuộc tỉnh Campobasso-Bojano. Cha Pancetta nói: “Nhà của tôi chính là Đền thánh nơi đó mọi người sống đức tin và sống hiệp thông qua ánh sáng và đức tin. Tôi sẽ trao đức tin của tôi cho con cháu của tôi”

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Các nhận định về Tự Sắc “Các con là ánh sáng thế gian” của Đức Thánh Cha Phanxicô
Vũ Văn An
18:45 11/05/2019
Điều đầu tiên nên biết là nhận định của người đóng góp lớn vào việc soạn thảo tự sắc. Người đó là Đức Tổng Giám Mục Charles Jude Scicluna của Malta, hiện là phụ tá tổng thư ký tại Bộ Giáo Lý Đức Tin, Bộ được coi là “Bộ Có Năng Quyền” hàng đầu trong diễn trình báo cáo do Tự Sắc dự liệu. Chính ngài đã giới thiệu tự sắc với báo chí tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh.



Theo Linda Bordoni của VaticanNews, Đức Tổng Giám Mục Scicluna đã dùng một ngôn từ đơn giản để tóm tắt tinh thần của Tự Sắc: “Nếu bạn thực sự yêu mến Giáo Hội, bạn cần báo cáo tác phong xấu; nếu bạn báo cáo tác phong xấu, bạn sẽ được bảo vệ; các nạn nhân nên biết rằng Giáo Hội có nghĩa vụ lắng nghe họ, nâng đỡ họ, cung cấp cho họ sự giúp đỡ họ cần”.

Đức Tổng Giám Mục cũng cho hay văn kiện này do một đội ngũ thuộc nhiều bộ sở khác nhau cùng soạn thảo “nó là kết quả của việc làm theo nhóm, rất khổ công” chứ không phải chỉ của Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Theo Michael J. O’Loughlin của Tạp chí America, các nhà lãnh đạo Công Giáo nói chung hoan nghinh Tự Sắc của Đức Phanxicô. Tuy nhiên, các nhóm tranh đấu cho các nạn nhân thì tỏ ra dè dặt hơn.

Trong số những vị ủng hộ Tự sắc, ta thấy có Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago, người hồi tháng 11, 2018, đã thả nổi ý niệm trách nhiệm giải trình của giám mục (bishop accountability) tương tự như điều Vatican vừa công bố. Ngài gọi các biện pháp của Tự Sắc là “cách mạng”.

Trái lại, Anne Barrett Doyle, đồng giám đốc của BishopAccountability.org, trong một tuyên bố, viết rằng quy tắc mới là “một bước tiến tới” đặc biệt trong việc bảo vệ người báo cáo, không đòi người báo cáo phải giữ im lặng và buộc các giám mục phải tiếp nhận các thủ tục báo cáo vi phạm. Tuy nhiên, cô cho biết thêm: “Thế nhưng gần như không đủ” vì không nói tới trừng phạt, không đề cập gì tới “zero tolerance” (tuyệt đối không dung thứ).

Nhóm Survivors Network for Those Abused by Priests cũng đưa ra lời ca ngợi Tự Sắc đã truyền phải báo cáo kể cả các lạm dụng đối với “người lớn dễ bị tổn thương”. Tuy nhiên, nhóm cho rằng mặc dù Tự Sắc đòi các giám mục phải tuân theo luật lệ dân sự địa phương liên quan đến việc báo cáo các lạm dụng, nhưng không đòi mọi giám mục phải báo cáo với cảnh sát.

Nhóm trên có cái nhìn giới hạn của các quốc gia tự do dân chủ không muốn Giáo Hội giữ một số cuộc điều tra cho riêng mình. Họ bảo: “có lẽ chúng ta sẽ có ấn tượng nhiều hơn nếu luật lệ mới đòi các viên chức của Giáo Hội, thay thế vào đó, phải báo cáo cho cảnh sát và các công tố viên. Sự giám sát của các thẩm quyền bên ngoài, thế tục sẽ bảo vệ trẻ em tốt hơn và ngăn đe các vụ che đậy”.

Điều ấy không nhất thiết lúc nào cũng đúng, nhất là khi các thẩm quyền bên ngoài kia càng ngày càng tỏ ra muốn triệt hạ ảnh hưởng của Giáo Hội. Vả lại, Tòa Thánh từ lâu vốn cho rằng các hệ thống luật lệ khác nhau tại các quốc gia khác nhau khiến một luật lệ phổ quát về báo cáo trở thành bất khả hữu, và việc áp đặt một luật lệ như thế nhất định sẽ xâm hại tới giáo hội ở những nơi người Công Giáo là một thiểu số bị bách hại. Đàng khác, lần đầu tiên trong lịch sử, các quy tắc mới này có dự liệu việc các giáo sĩ phải tuân theo các đòi hỏi báo cáo dân sự nơi họ sinh sống, và nghĩa vụ báo cáo cho Giáo hội không hề phương hại đến ác đòi hỏi này.

Về phương diện minh bạch (transparency), Đức Hồng Y Cupich cho rằng việc tham gia của giáo dân trong diễn trình điều tra bảo đảm sự minh bạch ấy. Tuy nhiên, Kim Smolik, người đứng đầu tổ chức Leadership Roundtable, một nhóm cải cách do giáo dân lãnh đạo nhằm cổ vũ sự minh bạch và việc giải trình trách nhiệm trong Giáo hội, tuy gọi luật lệ mới là “một bước tiến quan trọng cho người Công Giáo khắp thế giới” nhưng cho hay: nhiều điều hơn nữa cần được thực hiện.

Bà cho rằng mặc dù chưa hẳn dựa vào sự thay đổi văn hóa cần thiết cho việc giải quyết tận gốc các nguyên nhân tạo ra việc lạm dụng và che đậy, nhưng luật lệ mới đã cung cấp nền tảng để các hội đồng Giám Mục tạo ra các chính sách giải trình trách nhiệm có ý nghĩa đối với khu vực của họ.

Đức Hồng Y Seán O’Malley, trong một tuyên bố, viết rằng điều rất có ý nghĩa là luật lệ mới đã bao gồm các người lớn “bị vi phạm tình dục do bạo lực hoặc đe dọa hay lạm quyền” vì các nạn nhân này có thể là các chủng sinh và tu sĩ.

Trong mấy tháng gần đây, cả truyền thông thế tục lẫn tạp chí phụ nữ của Tòa Thánh đều đã tường trình việc lạm dụng tình dục các nữ tu Công Giáo trên thế giới. Trong một tuyên bố gừi cho tạp chí America, Hội Đồng Lãnh Đạo Các Nữ Tu nói rằng họ “hài lòng khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra một biện pháp tiến bộ có ý nghĩa” và họ sẽ tiếp tục học hỏi Tự Sắc đê hiểu các hệ luận của Tự Sắc đối với các nữ tu.

Gần đây cũng đã có những trường hợp các giám mục Mỹ bị các Tổng Giám Mục giáo tỉnh điều tra, điều Đức Hồng Y Cupich cho là mô thức hữu hiệu. Như trường hợp Tổng Giám Mục William Lori của Baltimore điều tra các lời tố cáo Đức Cha Michael Barndsfield của Tây Virginia có tác phong tình dục xấu xa. Và vụ Đức Hồng Y Timothy Dolan xử lý các đơn tố cáo cựu Hồng Y McCarrick dựa vào cuộc điều tra của một ủy ban giáo dân của tổng giáo phận; cuộc điều tra này thấy các lời tố cáo đã có từ mấy thập niên chống lại vị cựu Tổng Giám Mục Washington là đáng tin cậy.

Đức Hồng Y Dolan của New York cho rằng luật lệ mới là “một dấu chỉ nữa cho thấy ý của Đức Thánh Cha muốn thiết lập việc cải tổ, phát huy việc hàn gắn, và bảo đảm công lý. Đây là một bước tiến hết sức cần thiết và cực kỳ quan trọng đối với giáo hội hoàn vũ”.

Mọi người còn nhớ, tháng 11 năm ngoái, Hội Đồng Giám Mục Hoa kỳ sắp sửa bỏ phiếu để chấp thuận một số biện pháp rốt ráo nhằm loại bỏ tai tiếng lạm dụng, nhưng được Tòa Thánh yêu cầu, các ngài đã hủy bỏ cuộc đầu phiếu ấy. Và sau đó là Hội Nghị thượng đỉnh về việc bảo vệ trẻ em. Nay, theo nhận định của Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, “khuôn khổ hiện có tại Hoa Kỳ, bao gồm việc vươn tay ra với các nạn nhân, lập trường tuyệt đối không dung thứ, báo cáo các lời tố cáo cho thẩm quyền dân sự và tài chuyên môn của giáo dân tại các ủy ban duyệt xét sẽ đặt chúng ta vào thế sẵn sàng đem các chỉ thị của Đức Thánh Cha ra hành động”.

Đức Hồng Y Cupich thì cho rằng “điều xẩy ra hồi tháng 11 giúp mọi sự có thời gian chín mùi vì lợi ích của Giáo Hội hoàn vũ”.

Ký giả John Allen của Tạp chí Crux gọi việc ban hành Tự Sắc là một việc làm lớn vì luật lệ mới là “một bước thêm nữa và sâu sắc trong việc ngăn ngừa và đấu tranh chống lạm dụng”.

Ông cho rằng đây là lần đầu tiên, mọi giáo phận trên thế giới đều phải có 1 hệ thống công khai để tiếp nhận các lời tố cáo lạm dụng và che đậy, các giáo sĩ và tu sĩ có nghĩa vụ báo cáo và khi báo cáo được bảo vệ.

Và mặc dù luật lệ mới không đề cập đến việc báo cáo tội lạm dụng và che đậy cho nhà cầm quyền dân sự, vì đây chỉ nói đến các thủ tục của Giáo Hội, nhưng các thủ tục này không hể ngăn cản các nghĩa vụ hiện có dưới luật pháp dân sự.

John Allen cũng lưu ý tới một nét đặc biệt trong việc đòi bất cứ cơ quan giáo triều xử lý sự việc như thế nào đều có nghĩa vụ phải thông báo cho Phủ Quốc Vụ Khanh và các bộ sở khác có liên quan biết điều gì đang diễn ra. Trong thế giới gần như phong kiến của Vatican, chia vùng “lãnh chúa” riêng biệt xưa nay, sự phối hợp này phải được coi là cách mạng.

Tuy nhiên, Ông cũng cho rằng tác dụng của Tự Sắc mạnh mẽ nhất nơi các nước bên ngoài Phương Tây. Vì nói cho cùng, các nước Phương Tây, hầu như nước nào cũng đã có các biện pháp này rồi. Vả lại, Tự Sắc dường như muốn củng cố vị trí nổi bật của Phủ Quốc Vụ Khanh, một điều nhiều người vốn cho là gây trở ngại cho việc đánh phá tệ nạn lạm dụng và che đậy.

Nhưng điều cũng rõ ràng là Đức Phanxicô nghiêm túc đối với việc diệt trừ tai tiếng lạm dụng và che đậy lạm dụng trong Giáo Hội.

Theo Inés San Martin của tạp chí Crux, trong buổi họp báo công bố Tự Sắc, Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho rằng đây là “một ngày quan trọng đối với việc bảo vệ các vị thành niên trong Giáo Hội” và mô tả luật lệ mới là một đóng góp vào việc “làm cho Giáo Hội trở thành căn nhà an oàn hơn bao giờ hết cho các trẻ em, người yếu đuối và dễ bị thương tổn của chúng ta”.

Cũng theo Martin, Đức Tổng Giám Mục Scicluna nhấn mạnh rằng lần đầu tiên trong lịch sử, luật lệ Giáo Hội hoàn vũ minh nhiên nói đến “nguyên tắc có tính yếu tính” là mình không chứa đựng bất cứ điều gì phương hại đến “các quyền lợi và nghĩa vụ được thiết lập ở mọi nơi bởi pháp luật nhà nước”.

Theo Martin, việc soạn thảo văn kiện này do Phủ Quốc Vụ Khanh điều động nhưng các bộ sở khác được yêu cầu góp ý kiến ít nhất vào hai dự thảo, 1 vào đầu tháng Tư và 1 vào cuối tháng ấy. Tiết lộ này có lý hơn vì như Allen đã nhận định, tự sắc có vẻ đề cao vai trò của Phủ Quốc Vụ Khanh.

Hannah Brockhaus của CNA thì gọi việc trao trách nhiệm điều tra cho vị Tổng Giám Mục giáo tỉnh là mô hình Tổng Giám Mục giáo tỉnh (Metropolitan Model) do Đức Hồng Y Cupich đề xuất tại phiên họp hồi tháng 11, 2018 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và tại Hội Nghị Thượng Đỉnh ở Vatican hồi tháng 2, 2019 về việc bảo vệ vị thành niên.

Và dù Tự Sắc không nói đến các hình phạt, nhưng theo Brockhaus, các hình phạt đã có sẵn trong Giáo Luật. Ở cuối cuộc điều tra, kết quả được gửi tới Bộ có năng quyền và Bộ này sẽ áp dụng các hình phạt sẵn có trong Bộ Giáo Luật.

Kurt Martens, giáo sư thường trú của trường giáo luật Đại Học Công Giáo America và là chủ bút của tờ The Jurist, viết trên America cho rằng với tự sắc mới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chứng tỏ ngài rất nghiêm túc đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng. “Luật lệ mới ban hành chỉ mấy tháng sau hội nghị thượng đỉnh về lạm dụng hồi tháng 2, 2019 tại Rôma. Thời gian và giọng điệu của luật lệ mới quả có tính cách mạng, thế nhưng luật lệ thì đặt cơ sở vững chắc trên truyền thống”.

Ông cho rằng đây cũng là do trải nghiệm đau đớn và đôi khi cay đắng của Giáo Hội Hoa kỳ và các tiếng nói của tín hữu hoàn cầu giúp đem đến sự thay đổi trong thái độ và luật lệ. “Nay không còn đường trở lui, và giọng điệu quả đã được điều hướng về tương lai”.

Martens coi việc bảo vệ người tố cáo có “tính cách mạng trong giáo luật và bảo đảm bất cứ nạn nhân nào muốn kể lại câu truyện của họ đều không thể bị im tiếng”.

Ông cũng cho rằng một trong các điều phi thường của luật lệ mới là nếu hành xử không tốt 1 cuộc điều tra mà ngài chịu trách nhiệm, vị giám mục có thể bị điều tra về tội che đậy.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ Tạ ơn kỷ niệm 10 năm Giám mục - Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
Vũ Đình Bình
07:53 11/05/2019
Sau nhiều năm trống tòa, ngày 12 tháng 5 năm 2009, Giáo phận Ban Mê Thuột hân hoan đón mừng Đức Tân Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản.

Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, sinh ngày 26 tháng 11 năm 1956 tại giáo xứ Tuy Hòa, giáo phận Quy Nhơn, là con thứ bảy trong số chín người con của ông bà Nguyễn Văn Biện và Maria Hoàng Thị Lụa. Ngài theo học tại Tiểu chủng viện Quy Nhơn từ năm 1968 đến 1975, rồi học triết và thần học tại Trung tâm huấn luyện Mằng Lăng, Tuy An (Đại chủng viện) từ năm 1975 đến 1988.

Ngài thụ phong Linh mục ngày 16 tháng 9 năm 1993. Phó xứ Tuy Hòa từ năm 1993 đến 1996. Từ năm 1996 đến 2005, học tại Học viện Công Giáo Paris và tốt nghiệp Thạc sĩ Thần học. Năm 2005, ngài trở về phụ trách huấn luyện các chủng sinh của giáo phận Quy Nhơn và giảng dạy tại Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang. Từ ngày 05 đến 26-10 năm 2008, ngài làm chuyên viên tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ 12 về Lời Chúa tại Roma.

Xem Hình

Ngày 21 tháng 2 năm 2009, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI bổ nhiệm ngài làm Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột. Lễ tấn phong Giám mục tổ chức tại nhà thờ Chính Tòa Ban Mê Thuột ngày 12 tháng 5 năm 2009, do Đức TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giáo phận Huế, chủ phong; Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Đà Nẵng và Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục phó Nha Trang, phụ phong.

10 năm Giám mục, “Thần Khí đã đưa Đức Cha len lỏi đi khắp các thôn làng người Kinh và các buôn sóc đồng bào sắc tộc. Ngài đã đem Thần Khí đến với dân Chúa càng ngày càng thắm thiết sống động Tin Mừng, Đức Cha đã chuyển lửa cho Giáo phận Ban Mê Thuột sống đạo hết sức mạnh mẽ trong sự hiệp thông Đức Tin và Đức Mến”. (Lời chúc mừng của Cha Stephano, TĐD, năm 2018)

Lúc 5g00 sáng ngày 11.5.2019, tại Nhà nguyện Tòa Giám mục, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản chủ sự Thánh lễ tạ ơn kỷ niệm tròn 10 năm được tấn phong Giám mục. Đồng tế với ngài có Cha TĐD, Quý Cha TGM, Quý Cha Quản hạt, Quý Cha trong Giáo phận. Về tham dự thánh lễ có quý Tu sĩ nam nữ, Ứng sinh, Đệ tử, thân bằng quyến thuộc và đông đảo tín hữu gần xa.

Trong tâm tình đầu lễ, Đức Cha Vinh Sơn cảm tạ Thiên Chúa đã thương chọn ngài làm Linh mục, một hồng ân vô giá. Tạ ơn Chúa đã chọn ngài làm mục tử chăm sóc Giáo phận Ban Mê Thuột rộng lớn với một cộng đoàn quảng đại. Trong 10 năm qua, ngài đã cố gắng học theo gương Chúa Giêsu để luôn trung thành với Chúa, với Giáo hội và yêu mến cộng đoàn dân Chúa bằng cả con tim và khối óc của mình. 10 năm qua, ngài cũng đã học được nhiều điều từ gương sống hy sinh quên mình vì dân Chúa của các linh mục trong Giáo phận; gương dấn thân phục vụ khiêm tốn của các tu sĩ; gương quảng đại nhiệt thành của các tín hữu và sự hiệp nhất của mọi thành phần dân Chúa. Xin tiếp tục cầu nguyện để ngài luôn yêu mến Chúa và yêu mến anh chị em tín hữu, chu toàn trách nhiệm chăm sóc Giáo phận theo ý Chúa muốn. Trong Thánh lễ này, xin cộng đoàn hiệp ý với ngài, cầu nguyện cho các ân nhân đã góp công, góp của xây dựng Giáo phận Ban Mê Thuột phát triển tốt đẹp. (Mời nghe Tâm tình Tạ ơn)

Trong phần giảng lễ, sau bài Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6, 61-70) “Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống”. Đức Cha Vinh Sơn diễn giảng về thái độ của dân Do Thái thời bấy giờ. Khi Chúa Giêsu làm những phép lạ thì họ tuốn đến với Người rất đông, còn khi Người dần dần mạc khải về Con Người, về sứ mạng của Người phải thực hiện, thì số người tin vào Người lại giảm dần; nhiều môn đệ cũng rút lui, không còn theo Người nữa…

Trong ngày tạ ơn tròn 10 năm về với Giáo phận Ban Mê Thuột, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta biết đón nhận Chúa dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Những lúc thuận tiện, chúng ta hiểu rằng Chúa đang giúp chúng ta điều kiện phát triển để chuẩn bị đón nhận những khó khăn. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta đặt niềm tin vào Chúa Giêsu như chiếc la bàn hướng dẫn bước đi của chúng ta: “Thầy là Đường, là Sự thật và là Sự Sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6)…

10 năm chỉ là giai đoạn khởi đầu giúp chúng ta làm quen với nhau từ cung cách làm việc đến ngôn ngữ mình sử dụng. Khi hiểu nhau rồi, chúng ta đặt mình dưới tình yêu để được Chúa hướng dẫn. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn mọi thành phần dân Chúa sống trong tinh thần hiệp nhất yêu thương để loan báo danh Chúa đến cho mọi người. (Mời nghe Bài Giảng)

Cuối lễ, Cộng đoàn hân hoan chúc mừng Đức Cha Vinh Sơn bằng bài ca truyền thống “Bước Theo Thần Khí” (của Ns. Vinam).

Cha TĐD đại diện Linh mục đoàn và mọi thành phần dân Chúa, nói lên tâm tình yêu mến, vâng phục Đức Giám Mục Giáo phận. 10 năm tấn phong Giám mục của Đức Cha như là 10 năm hôn ước giữa Đức Cha và Giáo phận Ban Mê Thuột, Đức Cha đã đi khắp các vùng miền trong 8 Giáo hạt và gặp gỡ tất cả mọi thành phần dân Chúa, Đức Cha đã hết lòng yêu thương Giáo phận. Đức Cha cũng quảng đại tha thứ tất cả những lỗi lầm làm phiền lòng Đức Cha. Xin dâng lời cảm tạ và chúc mừng ý niệm hôn ước 10 năm phục vụ đầy hy sinh của Đức Cha. Nguyện xin Chúa phục sinh luôn sống động nơi Đức Cha, xin Chúa Thánh Thần dìu dắt và làm tươi trẻ tâm hồn để Đức Cha cất bước cao hơn, xa hơn trong tâm tình bài ca an bình của người đi gieo.

Đáp từ, Đức Cha Vinh Sơn nói: Ngay từ ngày đầu về với Giáo phận Ban Mê Thuột, ngài đã ao ước giúp cho tất cả các tín hữu trong Giáo phận cảm nhận được niềm hạnh phúc được làm con cái Chúa và được sống trong Giáo phận Ban Mê Thuột. Ước ao này, ngài sẽ ấp ủ trong suốt cuộc đời. Đức Cha nói thêm: Ngài rất vui khi được làm việc với hàng ngũ linh mục ngày càng đông đảo và luôn sống tinh thần người mục tử nhân hậu. Ngài cảm nhận được Chúa dắt đi qua sự đồng hành và yêu thương của các cộng đoàn như giòng nước luôn đẩy ngài về phía trước. Xin tiếp tục cầu nguyện để ngài luôn cảm thấy hạnh phúc vì được phục vụ dân Chúa tại Giáo phận Ban Mê Thuột và Quý Cha, Quý Tu sĩ, Anh Chị Em cũng cảm thấy hạnh phúc vì được ngài phục vụ.
 
Văn Hóa
Hiền Mẫu : : Nhớ đến mẹ
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
07:56 11/05/2019
Mother day : Nhớ đến mẹ

Theo tập tục văn hóa xã hội nhiều nước trên thế giới hằng năm dành một ngày riêng nhớ đến mẹ. Nước Đức và nhiều nước bên Âu Châu hằng năm lấy ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm là ngày nhớ ơn mẹ.

Nhớ đến người mẹ sinh thành ra con người, ai cũng cảm động nhớ đến mẹ mình với lòng yêu mến biết ơn.

Cung lòng người mẹ là nôi tổ ấm đầu tiên cho người con thành hình phát triển lớn lên từ lúc được Đấng Tạo Hóa tạo dựng ban cho sự sống.

Rồi từ khi mở mắt chào đời, vòng tay mẹ là bến bờ che chở bình an cho người con trong mọi hoàn cảnh.

Mẹ là người luôn cảm nhận ra nhu cầu cho đời sống người con. Khả năng đó gọi là trực gíac. Khả năng này còn có tên là giác quan thứ bảy do Trời cao ban cho, mà người mẹ nào cũng đều có trong thiên chức sinh con và nuôi dậy con.

Phải, giác quan thứ bẩy bén nhậy của người mẹ giúp bà như nghe được tiếng rì rào của cây cỏ từ dưới lòng đất đang phát triển vươn lên, trước khi thân cây vươn trồi lên không trung!

Người mẹ nào cũng đều sống trải qua những lúc đau bệnh, mệt nhọc. Nhưng tình yêu và sự dấn thân hy sinh cho người con, cho gia đình, nên người mẹ thường hay kín đáo không tỏ lộ nỗi đau yếu của mình ra bên ngoài. Bà âm thầm tiếp tục làm việc nuôi con mang niềm vui hạnh phúc cho con cái gia đình.

Khả năng này của người mẹ do được Trời cao phú ban cho sức lực chịu đựng dẻo dai, sự nhẫn nại chăm chỉ cùng sự suy nghĩ mềm dẻo theo sát với thực tế nhu cầu đời sống cho con cái gia đình.

Người mẹ từ chiều tối trước khi đi ngủ thường hoạch định ra trong tâm trí một chương trình làm việc lo cho gia đình ngày hôm sau. Và cứ thế từ lúc thức dậy cho tới chiều tối bà thực hiện chương trình đó linh hoạt mang lại niềm vui sức sống cho gia đình.

Khả năng này của người mẹ không sao có thể đền bù trả bằng tiền bạc hay bằng bất cứ vật chất nào.

Người mẹ săn sóc con cái gia đình bằng trái tim lòng yêu mến.

Người Mẹ nhìn con cháu gia đình mình bằng con mắt tâm hồn.

Người Mẹ nghĩ đến gia đình, cảm nhận cho con cái cho gia đình bằng trái tim của mình.

Thiên Chúa đã trao cho con người giới răn thứ bốn là chỉ dẫn trong cung cách sống với cha mẹ: Con phải thảo kính cha mẹ con!

Ngày nhớ ơn mẹ, xin thắp cây nến lòng biết ơn mẹ nơi tòa Đức Mẹ Maria, cầu cho người mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng, dậy dỗ người con nên người khôn lớn ở đời.

Cây nến lòng yêu mến nơi tòa Đức Mẹ cho người mẹ trần gian đang nuôi con.

Cây nến lòng hiếu thảo nơi tòa Đức Mẹ cho người mẹ đã đi về đời sau.

Ngày nhớ ơn Mẹ
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Tặng Mẹ
Nguyễn Đức Cung
08:25 11/05/2019
HOA TẶNG MẸ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Chúc Mừng Ngày của Mẹ !!!
Happy Mothers Day !!!.