Ngày 12-05-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 13/05/2018 Lễ Chúa Lên Trời dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:52 12/05/2018
Bài Ðọc I: Cv 1, 1-11

"Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Ðức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: "Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần".

Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?" Người bảo họ rằng: "Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất". Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.

Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: "Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9

Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:

1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay,

hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui!

Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý,

Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian.

2) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng,

Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang.

Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa

hãy ca mừng, ca mừng Vua ta!

3) Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian,

hãy xướng ca vịnh mừng Người.

Thiên Chúa thống trị trên các nước,

Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người.

Bài Ðọc II: Ep 1, 17-23

"Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời".

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 16, 15-20

"Ðang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời".

Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa.

Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:15 12/05/2018
70. CÓ KHÔNG TAI
Dân gian thường gọi người Dương Châu là “không có tai”.
Một hôm, người Dương Châu là Lục Nguyên Tùng cùng với Ô Tá Khanh người Đan Đồ gặp nhau, Lục Nguyên Tùng hỏi Ô Tá Khanh tên họ là gì, Ô Tá Khanh trả lời: “Họ Ô”.
Lục Nguyên Tùng lại hỏi:
- “Ô ﹝烏﹞(1) là con rùa phải không ?”
Ô Tá Khanh luôn miệng nói:
- “Là Ô ﹝鄔﹞ (2) có tai ấy mà.”
(Lộ thư)

Suy tư 70:
Chữ tiếng Hoa thật đúng là rắc rối, thiếu hoặc khác đi một nét hoặc một bộ thì ý nghĩa khác xa nhau như...trời và đất, mặc dù đọc giống nhau, người ta nói đồng âm khác nghĩa là như thế.
Trong chữ nghĩa (chữ Hoa) có “bộ tai” hay không có “bộ tai” thì đều quan trọng như nhau, thì huống chi là con người ? Người không có tai thì không thể nghe được, người có tai mà chỉ thích nghe những lời nói xấu của người khác, thích nghe những lời nói tục tỉu dơ bẩn thì cũng giống như không có tai vậy.
Không ai có lỗ tai để nghe được những lời than van trách móc, những lời hối hận của tội nhân, những lời ăn năn và lo buồn của hối nhân cho bằng lỗ tai của các linh mục, các ngài nghe không phải để nghe mà chơi hoặc nghe để mà nghe, nhưng các ngài nghe để chẩn đoán “bệnh linh hồn” cho hối nhân, nghe để làm cho họ trở nên con người tốt đẹp hơn trước mặt Thiên Chúa và mọi người.
Có người nghe Lời Chúa tai bên này và quên ngay ở lỗ tai bên kia, có người nghe được lời tâm sự của người anh em thì cười và chế giễu cho là vớ vẩn, lại có người nghe được những lời khuyên bảo chí tình của người khác, nhưng lại nói rằng đó là lời khuyên của đàn bà con nít không thèm nghe...
Lỗ tai của con người khác với lỗ tai của con vật ở chỗ: con người biết nghe lời hay của Thiên Chúa, còn con vật thì không, nhưng nếu “những hòn đá sẽ kêu lên để chúc tụng Thiên Chúa” được, thì các con vật cũng sẽ kiện cáo chúng ta trước mặt Thiên Chúa là chúng rất muốn nghe lời của Ngài mà không được, còn chúng ta được nghe mà lại không thèm nghe lời của Chúa, lúc đó thì sao nhỉ ?
Thưa, chắc chắn là đau đớn khủng khiếp gấp trăm ngàn lần cuộc khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 (hay gọi là 911) tại nước Mỹ, đau khổ hận thù đó chính là hỏa ngục vậy !

(1) 烏đọc là “u” là con quạ, tiếng Hán Việt là Ô, “烏龜u quây” nghĩa là con rùa.
(2) 鄔cũng đọc là “u”, tiếng Hán Việt cũng là Ô, phía bên phải có bộ 阝giống cái tai người, là họ 鄔.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (Lễ Thăng Thiên)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:17 12/05/2018
LỄ ĐỨC CHÚA GIÊ-SU LÊN TRỜI

Tin Mừng: Mc 16, 15-20.
“Đức Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.”


Bạn thân mến,
Theo quy luật tự nhiên có hợp thì có tan, có tan rồi mới có hợp, sau khi sống lại từ cõi chết, Đức Chúa Giê-su đã ở với các tông đồ khoảng bốn mươi ngày rồi lên trời trước mặt các ông. Trong tâm tình hy vọng sẽ có ngày lên trời với Đức Chúa Giê-su, tôi xin chia sẻ với bạn ba suy tư sau đây:
1. Đức Chúa Giê-su lên trời: dọn chỗ cho chúng ta.
Giáo Hội được gọi là thân thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, và Ngài chính là đầu của thân thể mầu nhiệm ấy. Đầu (Chúa Ki-tô) hiện tại đang ở trên thiên đàng, và Thân Thể (Giáo Hội) hiện đang trên đường lữ thứ ở trần gian, và chung cuộc sẽ được sum họp với Đầu trên thiên đàng.
Đức Chúa Giê-su đã lên trời trước mặt các môn đệ, không phải lên trời trước những ống kính camera của thời hiện đại, nhưng trước những con mắt xác thịt và con mắt đức tin của các môn đệ. Con mắt xác thịt của các môn đệ chỉ nhìn thấy Đức Chúa Giê-su lên trời và không còn thấy Ngài nữa trong đám mây bao phủ, nhưng con mắt đức tin của các ngài thì vẫn cứ thấy Đức Chúa Giê-su lên trời và ngự bên hữu Chúa Cha, và quan trọng hơn, nhờ con mắt đức tin mà các tông đồ an tâm ở lại, vì các ngài biết rằng Chúa đã lên trời trước để dọn chỗ cho những kẻ tin vào Ngài, trong đó có bạn và tôi.

2. Chúa Giê-su lên trời: để Đấng an ủi đến.
Như người mẹ sắp đi xa đã chuẩn bị tất cả cho con cái ở nhà: thức ăn thức uống, áo quần mặc, các thứ cần thiết để người mẹ an tâm đi xa mà con cái ở nhà cũng không thiếu gì. Đức Chúa Giê-su cũng vậy, Ngài đã chuẩn bị tâm hồn cho các môn đệ của mình đón nhận Chúa Thánh Thần là Đấng được sai đến nhân danh Ngài, để Chúa Thánh Thần ở với các tông đồ và Giáo Hội của Ngài cho đến tận thế.
Đức Chúa Giê-su không ở lại với các môn đệ của mình bằng thể lý hình hài thân xác, nhưng ở lại với các tông đồ và Giáo Hội trong bí tích Thánh Thể và nơi Đấng an ủi, vì Chúa Thánh Thần sẽ dạy dỗ, khai trí và ban sức mạnh cho các tông đồ, để các ngài hiểu rõ những lời dạy của Đức Chúa Giê-su mà chu toàn trách nhiệm mà Ngài đã ủy thác cho khi Ngài lên trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo...” Sứ mệnh này sẽ không được thực hiện và hoàn thành, nếu không có Đấng an ủi và là chân lý đến và ở với Giáo Hội cho đến ngày Chúa Giê-su lại đến lần thứ hai trong vinh quang của Thiên Chúa.

3. Chúa Giê-su lên trời: niềm hy vọng của chúng ta.
Đức Chúa Giê-su đã lên trời, đó là niềm hy vọng lớn nhất của bạn và tôi, cũng như của tất cả những ai tin vào Ngài, niềm hy vọng này được tỏa lan từ nơi cuộc sống đầy yêu thương và phục vụ tha nhân của bạn và tôi. Vì niềm hy vọng sẽ được lên trời ấy, mà bạn và tôi làm những điều lành và tránh những điều ác; vì niềm hy vọng ấy mà bạn và tôi luôn yêu mến và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình, bởi vì nếu không mang một niềm hy vọng lớn lao ấy, thì bạn và tôi cũng sẽ như bao người trẻ khác sống hưởng thụ, ích kỷ, mưu mô, ghét ghen, kiêu ngạo.v.v...
Giáo Hội sống trong niềm hy vọng đợi chờ ngày Chúa Giê-su lại đến, nhưng Giáo Hội cũng sẽ không bỏ mặc cho sự dữ hoành hành trên những con người mà Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống mình để cứu chuộc họ, do đó mà Giáo Hội vẩn luôn mời gọi con cái mình –những người Ki-tô hữu- dù sống trong một xã hội nhiều bất công và khốn khó, thì vẫn cứ luôn hy vọng ngày Chúa Giê-su lại đến, để được kết hợp với Ngài luôn mãi.
Bạn thân mến,
Mừng lễ Đức Chúa Giê-su lên trời là niềm vui mừng và hy vọng.
Vui mừng là vì Chúa Giê-su đã sống lại thật và hiện hữu, để từ nay Ngài không còn phải chết nữa; hy vọng là vì sự phục sinh và lên trời của Ngài là hứa hẹn một đời sống hạnh phúc bất diệt mai sau, khi bạn và tôi từ giã cõi đời này.
Để được lên trời với Đức Chúa Giê-su, thì ngay từ bây giờ, bạn và tôi cần phải thực hành mệnh lệnh truyền giáo của Ngài: hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Tin Mừng mà bạn và tôi rao giảng không phải là Tin Mừng của thế gian, nhưng là của Nước Trời. Do đó mà bạn và tôi, cũng như những người Ki-tô hữu khác phải đem hết tâm hồn và trí óc để sống Lời Chúa và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:19 12/05/2018

19. Người có đức hạnh dễ dàng khiêm tốn, biết cẩn thận khích lệ và biết trông cậy vào Thiên Chúa. Nhưng người thiếu đức hạnh thì dễ dàng kiêu ngạo, uể oải, dễ dàng trông cậy vào sức mình.

(Thánh Bonavetura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Lễ Thăng Thiên B : Năm “Lá Bùa”
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
12:15 12/05/2018
Lễ Thăng Thiên B : Năm “Lá Bùa”

Tin Mừng theo thánh Mac-cô thuật rằng, trước khi thăng thiên, Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Một đi rao giảng cho mọi loài thụ tạo, lại hứa trao cho các ông, tạm gọi, 5 “lá bùa” kèm theo : "Nhân danh Thầy họ sẽ (1) trừ quỷ, (2) nói các thứ tiếng mới lạ, (3) cầm rắn trong tay, và (4) nếu có uống phải chất độc thì cũng không bị hại ; (5) họ đặt tay trên những người bệnh và bệnh nhân sẽ được lành mạnh" (Mc 16, 17-18). Những trợ giúp này có thực không hay Chúa hứa cuội : cầm rắn trong tay, uống phải thuốc độc… Phaolô cũng từng bị rắn độc cắn, nhưng không sao đó ! (x. Cv 28, 3tt). Ta sẽ lần lượt xem 5 “lá bùa” này có thực hữu dụng không !

1. «Trừ được quỉ»: quỉ tượng trưng cho thế lực của sự ác. Người thật sự tin vào Thiên Chúa -là nguồn sức mạnh của mình- có thể thắng được những thế lực của sự ác hay của tội lỗi ngay trong bản thân mình. Cụ thể là thắng được những cám dỗ, những tư tưởng xấu, những khuynh hướng xấu, v.v… Nếu đức tin của họ mạnh hơn nữa, họ có thể giúp những người yếu tin cũng thắng được thế lực ác giống như họ. Tật xấu hút thuốc, tật xấu “nói xấu,” ai bỏ được, đích thị là “trừ được quỉ” !

2. «Nói được những tiếng mới lạ»: Người có đức tin đích thực và sống nhuần nhuyễn đức tin ấy sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa và Đức Giêsu, tức là chứng ngộ được chân lý nơi bản thân mình. Nhờ đó họ có thể tự diễn đạt đức tin của mình theo đủ mọi phương thức khác nhau, chứ không dùng những kiểu nói sáo mòn, thiếu chất sống. Họ luôn luôn dùng những cách diễn tả mới lạ, phù hợp với thời đại, với trình độ của người nghe, giúp người nghe cũng cảm nghiệm được thực tế đức tin như họ. Họ như một thầy thuốc đã nắm thật vững cốt yếu của y lý nên biết tùy bệnh mà tự mình cho thuốc thật hữu hiệu, phù hợp với từng căn bệnh, không sao y những bài thuốc có sẵn của người khác để áp dụng chữa bệnh một cách máy móc giống như những y sĩ chưa nắm vững y lý. Hay như một thầy giáo đã tiêu hóa thật kỹ môn mình dạy nên chỉ cần nói tất cả những gì đang có sẵn trong bụng không phải lệ thuộc một bài bản nào cả. Họ có thể nói một cách sáng tạo theo đủ kiểu đủ cách mới lạ để học sinh dễ hiểu mà vẫn luôn luôn chính xác, chứ không nô lệ vào những giáo trình mẫu do người khác soạn sẵn.

3. «Cầm được rắn trong tay»: Người có đức tin đích thực ắt nhiên có tâm hồn an bình và đầy tràn tình yêu. Họ coi mọi người -dù xấu ác hay ghét họ, muốn làm hại họ- như anh em ruột thịt và sẵn sàng hy sinh cho những người ấy. Vì thế, họ có thể tiếp xúc, sống gần, cận kề… với những người xấu ác mà không hề bị hại, vì những người nguy hiểm này vẫn luôn cảm nghiệm được tình thương của họ dành cho mình: không ai lại muốn hại người đang yêu thương mình.

Ở đây chúng ta cũng cần nhắc tới Phaolô mà sách Công Vụ thuật lại. Khi Phaolô cùng nhóm tù trôi dạt vào đảo Malta, dân địa phương đối xử một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh. Phao-lô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông. Người địa phương thấy con vật lủng lẳng ở tay Phaolô thì bảo nhau : "Chắc chắn người này là một tên sát nhân : hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống." Nhưng Phaolô giũ con vật vào lửa mà không hề hấn gì. Họ cứ đợi Phaolô sẽ sưng phù lên hoặc lăn ra chết ; nhưng đợi lâu mà không thấy có gì khác thường xảy đến cho ông, thì đổi ý và bảo Phaolô là một vị thần. (Cv 28, 3-6)

4. «Dù có uống nhằm thuốc độc cũng chẳng sao»: Tất cả những nghịch cảnh, những đau khổ trong cuộc đời không thể làm mất được sự bình an và hạnh phúc của những người có đức tin thật sự. Với đức tin, họ biết rằng tất cả những đau khổ hay nghịch cảnh Chúa gửi tới đều là những hồng ân do tình thương của Ngài. Họ tin rằng: «Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người» (Rm 8,28), và «những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta» (Rm 8,18). Vì thế, họ rất vui khi đau khổ hay nghịch cảnh xảy tới, nên đau khổ hay nghịch cảnh cỡ nào cũng không hề làm hại được họ.

5. «Nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ»: Người có đức tin đích thực có sức cảm hóa và giúp những người xấu, người ác -là người bị bệnh về tâm linh- trở về đường ngay nẻo chính. Họ có khả năng nâng đỡ và thêm sức mạnh cho những người yếu đuối tinh thần. Ai gần họ cũng cảm thấy mình bình an hạnh phúc hơn, tin vững mạnh vào Thiên Chúa, vào chính bản thân và tương lai mình hơn. Thực ra các tông đồ chữa bệnh phần xác rất nhiều, kể cả cho kẻ chết sống lại. Sách Công Vụ thuật rằng Phaolô hôm đó giảng mãi đến nửa đêm. Một thiếu niên kia, tên là Êu-ty-khô, ngồi ở cửa sổ, đã thiếp đi và ngủ say trong khi ông Phao-lô vẫn cứ giảng. Vì ngủ say, nên nó ngã từ tầng thứ ba xuống. Vực lên, thì nó đã chết. Ông Phao-lô xuống, cúi mình trên nó, ôm lấy và nói : "Đừng xôn xao nữa, vì nó sống mà !" Rồi Phaolô lên, bẻ bánh và ăn. Ông còn nói chuyện khá lâu, mãi đến tảng sáng mới ra đi. Lúc đó, người ta đưa cậu bé lên, đang sống, và ai nấy được an ủi không ít (x. Cv 20, 7-12).

Cho nên đúng là có 5 “lá bùa”, 5 trợ lực thực sự, mà Mac-cô gọi là “dấu lạ” kèm theo : «các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng».

Một phụ nữ tên là Mensi đã đăng quảng cáo trên một tờ báo địa phương như sau: "Nếu bạn cô đơn hay gặp khó khăn nào, xin hãy gọi điện thoại cho tôi. Tôi bị liệt phải ngồi xe lăn tay, nên rất ít khi ra ngoài. Chúng ta có thể trao đổi nan đề với nhau. Mời bạn cứ gọi. Tôi rất thích nói chuyện với bạn".

Việc đáp ứng quảng cáo này rất kỳ lạ. Mỗi tuần bà Mensi nhận được khoảng từ 30 cú phôn, và bà rất mừng. Điều gì thúc đẩy một người tàn tật ngồi trên xe lăn tay muốn tiếp xúc nói chuyện với những người khác?

Bà Mensi kể rằng trước khi bị tê liệt bà có sức khỏe hoàn toàn, nhưng rất tuyệt vọng. Bà đã tự tử bằng cách nhảy từ trên gác cao xuống đất. Nhưng thay vì chết, bà bị tê liệt từ thắt lưng trở xuống. Nằm trong nhà thương bà hoàn toàn tuyệt vọng. Nhưng một hôm bà nghe như Chúa Giêsu nói với bà: "Mensi ơi, trước đây con đã có một thân xác hoàn hảo, nhưng linh hồn con lại què quặt. Kể từ nay con sẽ có thân xác què quặt, nhưng linh hồn con kháng kiện".

Sau khi ra khỏi nhà thương, bà Mensi quyết tâm dâng đời mình cho Chúa. Bà cầu xin Chúa cho bà được chia sẻ niềm tin của mình với người khác. Rồi bà đăng báo như đã kể trên đây.

Công việc của bà Mensi xem ra như không có gì đối với người khác. Nhưng với bà, đó là công việc lớn lao nhất mà một người tàn tật có thể làm để phục vụ Chúa.”

Và lời cuối cùng của bài viết cũng là lời nhắc nhở rất cụ thể về việc loan báo Tin Mừng bình an dành cho những ai muốn “có Chúa cùng hoạt động” trong thế giới kỹ thuật số hiện đại như ngày nay:

“Mỗi người tin Chúa phải làm một việc nào đó để giúp đồng bào, đồng loại của mình. Mạnh khỏe hay tật nguyền, trẻ tuổi hay già nua, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện, viết thư hay làm bất cứ điều gì theo khả năng, nếu chúng ta thực sự muốn đem Chúa vào tâm hồn những người chung quanh mình”.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH Phanxicô gặp các giám mục Chilê vào tuần tới về vụ bê bối lạm dụng tình dục.
Giuse Thẩm Nguyễn
12:34 12/05/2018
(Vatican News) Văn phòng báo chí Tòa Thánh vừa ra một tuyên bố vào hôm thứ Bẩy cho biết ĐGH Phanxicô sẽ có cuộc họp với các giám mục Chilê từ ngày 15-17 để xem xét chi tiết vụ bê bối lạm dụng tình dục của giáo sĩ, đã làm hoen ố hình ảnh của Giáo Hội Châu Mỹ La Tinh trong những thập niên vừa qua.

Trong cuộc họp này, ĐGH và các giám mục sẽ xem xét chiều sâu nguyên nhân và hậu quả cũng như động cơ dẫn đến một số trường hợp bao che và sơ sót trầm trọng chống lại những nạn nhân bị xâm phạm tình dục ở Chilê.

ĐGH sẽ đưa ra kết luận riêng của ngài sau khi nhận được nhiều bằng chứng gồm các văn bản và lời nói từ hai thành viên đã thực hiện một công tác tìm hiểu thực tế , dẫn đầu bởi ĐTGM Charles Scicluna của giáo phận Malta đến Chilê.

Những thay đổi lâu dài thích hợp.

ĐGH Phanxicô cùng với ĐHY Marc Ouetllet, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám Mục sẽ có cuộc họp với 33 giám mục Chilê, gồm cả hai vị đã về hưu. Văn phòng Báo Chí Tòa Thánh giải thích rằng “Mục đích của “tiến trình công nghị” dài này là để cùng nhau suy tư, trong sự hiện diện của Thiên Chúa, trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta vì những vết thương hủy hoại này và để nghiên cứu những thay đổi thích hợp và lâu dài hầu ngăn chặn sự lập lại những hành vi đáng trách này.”

“Điều cơ bản là lấy lại niềm tin vào Giáo Hội qua những vị mục tử tốt lành, những người đã sống chứng nhân để nhận ra tiếng nói của Đấng Chăn Chiên Lành và những người đã cùng đồng hành đau khổ với những nạn nhân và làm việc trong cương quyết và không mệt mỏi trong việc ngăn chặn lạm dụng.”

Tòa Thánh cám ơn các giám mục vì sự vâng phục và khiêm nhường lắng nghe Chúa Thánh Thần của các ngài và nói rằng ĐGH vẫn kêu gọi cộng đồng dân Chúa ở Chilê tiếp tục cầu nguyện cho tất cả mọi người ơn hoán cải.

Cuộc họp sẽ hoàn toàn trong phạm vi bảo mật và ĐGH sẽ không công bố gì trước và sau cuộc họp.

ĐGH gặp các nạn nhân bị lạm dụng.

Vào ngày 27 tháng Tư vừa qua, tai Vatican ĐGH đã gặp ba nạn nhân bị lạm dụng bởi linh mục Fernando Karadima người Chilê. Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh giải thích rằng “ưu tiên” của ĐGH là “lắng nghe những nạn nhân, xin họ tha thứ và tôn trọng tính bảo mật của những cuộc nói chuyện này.” Mục đích là tạo ra một “bầu khí tin tưởng và chia sẻ những đau khổ.”

ĐGH thừa nhận đã phạm sai lầm.

Trước đó vào tháng 8 tháng Tư, trong một thư luân lưu gởi cho các giám mục Chilê và sau nhiệm vụ kiếm tìm thực tế của ĐTGM Scicluna, ĐGH đã thừa nhận có “ những sai phạm trầm trọng trong việc đánh giá và nhận thức về tình hình, đặc biệt do thiếu những thông tin trung thực và cân bằng liên quan đến lạm dụng tình dục của giáo sĩ tại Chilê.

ĐGH đã bi chỉ trích công khai vì đã giải quyết trường hợp của Giám Mục Juan Barros, người bị tố cáo là bao che và thậm chí tham dự vào việc lạm dụng những người nam và trẻ nam bởi linh mục.

Trong bức thư, ĐGH mời gọi các giám mục Chile đến Roma để thảo luận về vấn đề này.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Thánh Mẫu La Vang Kỳ III tại Tổng Giáo Phận Melbourne
Khắc Thái
02:00 12/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Liên Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Victoria mừng kính Thánh Catarina
Trần Văn Minh
02:49 12/05/2018
Melbourne, vào lúc 10:30 sáng Thứ Bảy Ngày 12/5/2018. Tại Ngôi Thánh đường Thánh Đa Minh cổ kính số 816 trên đường Riversdale, vùng Camberwell, Victoria. Liên Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh, thuộc Tỉnh Dòng Đức Mẹ Lên Trời, đã dâng lễ trọng thể mừng kính Thánh Nữ Catarina Thành Siena, Dòng Đa Minh.

Xem hình

Trước khi dâng lễ mừng kính thánh nữ. Một vị đại diện cho Liên Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Victoria đã lên đọc tiểu sử Thánh nữ Tiến sỹ Hội thánh Catarina, Ngài là con út trong một gia đình đông con, cha mẹ giầu có, nhưng Ngài đã biết khấn nguyện và dâng mình cho Thiên Chúa rất sớm, khiến cha mẹ của Ngài rất phiền lòng. Mặc dù, Ngài luôn tuân phục và làm tròn bổn phận của người con, qua bao gian nan thử thách. Nhưng ý nguyện đi tu để một đời đồng trinh theo Chúa đã khiến cho cha mẹ Ngài hiểu ra tiếng gọi thiêng liêng và không ngăn cản Ngài gia nhập Dòng Đa Minh.

Thánh lễ do Linh Mục Nguyễn Văn Toàn OP, Chánh xứ Nhà thờ Thánh Đa Minh thay mặt cho linh mục Tổng linh hướng của Liên Huynh Victoria chủ tế, Ca đoàn Trẻ Đa Minh phụ trách thánh ca. Ban phục vụ Liên huynh đoàn Victoria, cùng với các ban phục vụ các huynh đoàn và đông đảo đoàn viên trong đồng phục áo của Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh về hiệp dâng Thánh Lễ.

Trong bài chia sẻ xin tóm tắt, Linh mục chủ tế cũng nhắc lại tiểu sử của vị Thánh nữ, sống trong thời nạn dịch hoành hành tại châu Âu cướp đi sinh mạng lên đến 1/2 dân số trên lục địa này. Gia đình lại khá giả, vì thế mà cha mẹ thánh nữ không muốn cho con mình đi tu. Và những hình phạt nhằm răn đe thánh nữ được mang ra áp dụng, nhưng đã không làm thay đổi ý nguyện dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa của thánh nữ. Và trong cương vị của Thánh nữ, Ngài đã làm được rất nhiều điều có ích cho giáo hội. Ngài qua đời Ngày 29 Tháng 4 Năm 1380. 81 năm sau đó Ngài được phong thánh. Ngày 4/10/1970 Đức Giáo Hoàng Phaolo VI đã tôn phong Ngài vào hàng Tiến sỹ Hội Thánh.

Sau lời cám ơn của vị đại diện Liên huynh Victoria, quý vị đại diện ban phục vụ và toàn thể đoàn viên liên huynh đoàn hiện diện được mời lên chụp hình lưu niệm và sau đó mời qua hội trường dùng bữa trưa trong tình thân ái.

Mọi người vui vẻ và cảm tạ Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Thánh nữ đã ban cho buổi sáng trời đẹp, vì ngày trước đó, Melbourne đã mưa cả ngày, tưởng như nếu không có một buổi sáng trời đẹp, chắc mọi người khó đến được với nhau để dâng lễ mừng kính Thánh nữ Tiến sỹ Catarina. Xin Cảm tạ ơn Chúa.
 
Bia Kinh Phúc Thật Tám Mối bằng tiếng Việt sẽ được khánh thành trên núi Beatitudes bên Do Thái
Lm John Trần Công Nghị
15:39 12/05/2018
TIN NAM CALI - Để đánh dấu 30 năm Phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, người Công Giáo Việt Nam sẽ tặng 2 món quà quí là tượng Đức Mẹ La Vang bia Kinh Phúc Thật Tám Mối cho Thánh địa Do Thái. Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh sẽ sang làm phép và khánh thành tượng Đức Mẹ La Vang ngày 18/10/2018 tại Kyriat Yearim (Jerusalem) và bia Kinh Phúc Thật Tám Mối ngày 19/10/2018 tại núi Beatitudes cùng với sự tham gia của các linh mục nam nữ tu sĩ và các phái đoàn hành hương từ Việt Nam và từ khắp nơi trên thế giới.

Trong bài viết hôm nay chúng tôi xin được trình bày về tiến trình thực hiện Kinh Bát Phúc bằng tiếng Việt Nam và khung cảnh Nhà thờ và Núi Beatitudes.

Những ai đã hành hương tới Do thái khi thăm nhà thờ Kinh Lậy Cha và nhìn thấy trong đó có “Kinh Lậy Cha” bằng tiếng Việt thì tự nhiên đều cảm thấy tự hào và gần gũi hơn với lời kinh chính Chúa đã dậy hoặc đến thăm nhà bà Isave được đọc kinh “Linh hồn tôi chúc tụng Chúa (Magnificat)” và khi thăm nơi nhà ông Simeon được hát mừng kinh “Muôn Lậy Chúa (Nunc dimittis)” lòng chúng ta cảm thấy sung sướng tuyệt vời.

Trong niềm mơ ước đưa Lời Chúa vào tâm hồn người Việt Nam mỗi khi có dịp thăm đất thánh và ước vọng từ lâu của chúng tôi là nếu như bài giảng quan trọng của Chúa trên núi Bát Phúc ước chi có tiếng Việt Nam thì hay biết mấy.

Bia Kinh Phúc Thật Tám Mối

Ước vọng này đã được toại nguyện: Vào ngày 14/9/2017 Sơ Bề trên Telesphora Dòng nữ Phanxicô là giám quản Nhà thờ ở Núi Beatitudes đã chính thức đồng ý cho người Công Giáo Việt Nam dựng Bia Tám Mối Phúc Thật bằng tiếng Việt Nam.

Đây sẽ là Bia Tám Mối Phúc đầu tiên ở nơi này. Vị trí của bia kinh nằm trong khung viên giữa Nhà thờ và Tu viện, tại bàn thờ Thánh Phêrô (bàn thờ số 4). Trong khu vườn kiểng, và khu từ nhà thờ đi xuống tu viện có các bàn thờ để cho các nhóm hành hương có thể ngồi cầu nguyện, suy tư, và tham dự thánh lễ.

Hiện nay ở núi Beatitudes chỉ có Tám Phúc bằng tiếng la-tinh ở trong nhà thờ và bên ngoài lối đi đến nhà thờ có 8 bia đá cẩm thạch nhỏ, mỗi bia có ghi một Phúc bằng tiếng Anh. Khi cho phép có bia Kinh Tám Mối Phúc bằng tiếng Việt Nam đặt ở đây, Sơ có nói “Rồi đây chắc chắn nơi đây cũng sẽ có trăm ngôn ngữ khác nữa nếu họ biết có bia bằng tiếng Việt”. Mà thực tế đã xẩy ra, trong tháng vừa qua, người Công Giáo Ba Lan đã xin phép có bia kinh bằng tiếng Ba Lan. Nhưng tiên khởi vẫn là tiếng Việt Nam thật là hãnh diện biết bao!

Để thực hiện bia đá Kinh Phúc Thật Tám Mối Thật chúng tôi đã tốn rất nhiều công sức vì phải liên lạc từ xa: từ việc tìm loại đá tốt và bền vững, tìm thợ khắc chữ, người thực hiện. Rất may mắn là chúng tôi được Sơ Têrêxa Quy và anh Lưu Huy Phong bên Do thái tận tình giúp đỡ và giám sát việc khắc chữ tiếng Việt để không sai dấu và được hoàn mỹ.

Bia Kinh Phúc Thật Tám Mối được khắc chữ Việt Nam trên đá granite mầu đen vững chắc đã được thợ bên Do thái hoàn thành và chờ ngày khánh thành.

Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu là cốt lõi cho việc sống đạo theo Chúa.

Bài giảng trên núi còn gọi là bài giảng "Tám Mối Phúc Thật" có thể nói những điều Chúa gọi là “phúc” thì thực ra đi ngược những gì mong đợi, chúng ngược dòng xã hội và văn hóa thời đó, nhưng thực ra đó lại chính là một “Hiến Chương Nước Trời”. Nhưng điều căn bản mà Chúa muốn con người thực hành trong cuộc sống thì sẽ tìm ra con đường an bình và hạnh phúc.

Phúc âm Thánh Mat-thêu thuật bài giảng của Chúa Giêsu như sau: “Người mở miệng dạy họ rằng: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Matthêu 5:2-12)

Bài giảng trên núi, một bản tóm tắt mạnh mẽ về các giáo lý căn bản của Chúa Giêsu, mở ra với tuyên bố của Ngài về tám mối phúc thật, bắt đầu bằng “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ…” Matthêu 5: 3). Đó thực sự là lời tuyên bố cách mạng và chói tai, không phù hợp với những gì dân chúng đang mong đợi… Nhưng đối với đa số dân chúng là những người nghèo khó, Chúa Giêsu đã cho họ niềm hy vọng, niềm tin khi họ biết tìm kiếm giá trị sự sống không phải chỉ ở đời này, những cốt lõi là sự sống mai hậu, sự sống muôn đời.

Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng Bài giảng trên núi theo thánh sử Matthêu kể lại là tóm tắt những điều quan trọng Chúa giảng dậy vào các thời điểm khác nhau chứ không nhất thiết là một bài giảng liên tục.

Bài giảng cho thấy những người theo Chúa Giêsu, được mô tả như là “muối đất”, nên sống thế nào để họ có mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa và với những người khác. Ngài nói: “Tôi nói với anh em, trừ khi sự chính trực của anh em vượt quá những người luật sĩ và người Pharisieu, anh em sẽ không vào được Nước Trời.” (Mathêu 5:20)

Ngay từ thế kỷ thứ 4 đã có một ngôi nhà thờ nhỏ được xây dựng ở địa điểm này và nó được sử dụng cho đến thế kỷ thứ 7. Di tích của nhà thờ cũ đó đã được phát hiện trên dốc từ nhà thờ hiện tại đi xuống.

Nhà thờ hiện nay tọa lạc gần tàn tích của một ngôi nhà thờ nhỏ thời đế quốc Byzantine từ cuối thế kỷ thứ 4, và gần di tích của một tu viện nhỏ ở phía đông nam. Một phần sàn nhà ghép khảm của nhà thờ thời đế quốc Byzantine đã được tìm thấy và nay được trưng bày ở Caparnaum.

Núi Bát Phúc

Núi Bát Phúc được cho là bối cảnh Chúa Giêsu làm phép lạ biến 5 chiếc bánh và 2 con cá nuôi 5000 người ăn, và là nơi Chúa giảng "bài giảng trên Núi" nổi tiếng nhất. Khung cảnh nơi đây là một trong những nơi thanh bình và đẹp nhất tại Đất Thánh.

Nhìn ra bờ biển phía tây bắc của Biển Galilea, nơi nghỉ mát yên bình này mang đến cho khách hành hương khung cảnh đầy mê hoặc thuộc phía Bắc của Biển hồ và nhìn sang bên kia hồ là các vách đá của Cao nguyên Golan.

Cũng trong tầm mắt nhìn là những nơi đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu ở Galilêa, kể cả thị trấn Capernaum cách đó 3km, nơi Ngài đã đến giảng dậy và cư ngụ nhiều lần nơi nhà của gia đình Phêrô. Ngay bên dưới là khe núi Sower’s Cove, nơi người ta tin rằng Chúa Giêsu đã giảng dạy ngụ ngôn của Người Gieo Giống (Mark 4: 1-9) từ một chiếc thuyền neo đậu trong hồ.

Địa điểm chính xác khi Chúa Giêsu giảng bài giảng trên Núi (Matthêu 5: 1-7: 28) không được xác định. Nhưng người Kitô hữu từ bao lâu nay đã hành hương tới nơi này để kỷ niệm sự kiện bài giảng Bát Phúc tại nhà thờ Bát Phúc, được xây dựng trên sườn núi và có đường dẫn tới từ cao tốc Tiberias-Rosh Pina.

Tại Núi Bát Phúc cũng là nơi Chúa Giêsu đã gặp các môn đệ của mình sau khi Ngài phục sinh. Phúc Âm kể rằng:

Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Matthêu 28: 16-20).

Nhà khảo cổ học Bargil Pixner nói: “Bãi rộng bên trên hang động còn tồn tại này, được gọi là Mughara Ayub, phải được coi là nơi theo truyền thống là nơi Chúa giảng Bài giảng trên núi. Ngọn đồi Eremos thực sự cung cấp một cái nhìn tuyệt vời về phía toàn bộ hồ Galilea và nhìn về các làng xung quanh. Ngọn đồi này hoang vu có nghĩa là không có trồng trọt, vì thế Chúa Giêsu có thể tụ tập đám đông dân chúng xung quanh mà không gây thiệt hại cho nông trại hay người nông dân chung quanh”.

Trên đỉnh cao của đỉnh của núi Beatitudes cũng có một tòa nhà có tên là “Trung tâm Kitô giáo” dành cho các cuộc họp, nghiên cứu và tĩnh tâm được gọi là Domus Galilaeae (Nhà Galilea), được khánh thành vào năm 2000. Trung tâm này nằm chỉ hơn 1 km từ những tàn tích của địa danh Chorazin cổ đại. Trung tâm và tu viện liền kề thuộc về Neo-Catechumenal Way (Con đường Tân Dự Tòng), một phong trào Công Giáo nhắm hướng tới sự giáo huấn và hình thành đời sống Kitô hữu. Kiến trúc Trung tâm được thiết kế bởi người sáng lập phong trào là Kiko Argüello và một nhóm kiến trúc sư.

Nhà thờ Bát Phúc

Nhà thờ Bát Phúc là một nhà thờ Công Giáo ở gần Biển hồ Galilea, Israel. Nhà thờ này được xây dựng trên ngọn đồi Bát Phúc (Mount of Beatitudes) ở giữa Tabgha và Caparnaum, nơi mà xưa kia Chúa Giêsu đã giảng Bài giảng trên núi còn gọi là "bài giảng Tám mối Phúc thật" và cũng gọi là “Hiến Chương Nước Trời”.

Nhà thờ Bát Phúc là một tòa nhà hình bát giác thanh lịch và bao bọc chung quanh là hành lang với các cột chống như tại hành lang thuộc các tu viện kín xưa kia. Tòa nhà được xây dựng hòa nhập vào sườn dốc của núi đồi.

Nhà thờ mới được xây dựng vào năm 1938 cho các nữ tu dòng Phanxicô, với thiết kế của kiến trúc sư người Ý tên là Antonio Barluzzi. Tám mặt của nhà thờ chiếu ánh sáng chan hòa và thoáng mát đại diện cho 8 phúc, và mỗi phúc được viết bằng tiếng Latinh ở phía trên các cửa sổ.

Bàn thờ được đặt ở vị trí trung tâm được gắn với một vòm được chống đỡ bằng 4 cột đá alabaster và onyx mảnh mai quí hiếm. Xung quanh bàn thờ trên sàn khảm các biểu tượng bằng mosaic bảy nhân đức là: công lý, bác ái, khôn ngoan, đức tin, dũng cảm, hy vọng và tiết độ.

Các Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tới dâng lễ misa tại nhà thờ này khi các vị viếng thăm Đất Thánh. Nhà thờ này hiện nay do các Nữ tu Dòng Phanxicô coi sóc. Khung cảnh rộng rãi của Mount Beatitudes (còn được gọi là Mount Eremos, một từ Hy Lạp có nghĩa là nơi vắng vẻ không người ở) cung cấp không gian rộng rãi cho một đám đông lớn tụ tập để nghe Chúa Giêsu giảng dậy.

Người hành hương tên là Egeria (khoảng năm 381) đã ghi lại một truyền thống từ thời người Kitô hữu gốc Do thái ở thị trấn Capernaum lúc ban đầu. Egeria kể về một hang động ở sườn đồi Seven Springs, gần Tabgha, và sau khi mô tả Nhà thờ Chúa hóa bánh và cá ra nhiều, đã viết: "Gần nơi này, trên một ngọn núi, có một hang động trên núi mà Đấng Cứu Thế đã lên để giảng bài Tám mối phúc thật".

Các Phái Đoàn Hành Hương sang khánh thành Bia Kinh Bát Phúc bên Do thái:

Hiện đã có các phái đoàn sau đây:

  • Phái đoàn do Đức TGM Giuse chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam sang Do thái chủ sự làm phép khánh thành.
  • Phái đoàn các Linh mục, Tu sĩ và Nữ tu tại Hoa Kỳ do Đức ông Trịnh Minh Trí và Cha Nguyễn Xuân Hương hướng dẫn.
  • Phái đoàn VietCatholic Hoa Kỳ do Cha Lê Quang Hiền, cha Trần Công Nghị và Cha Nguyễn Công Đoan hướng dẫn.
  • Phái đoàn VietCatholic Úc châu do Cha Văn Chi hướng dẫn.
  • Ngoài ra còn các Phái đoàn khác từ Việt Nam và các quốc gia khác sẽ được loan báo sau.
  • Muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc vietcatholic@gmail.com


LM. John Trần Công Nghị
VietCatholic, Mother’s Day ngày 13 tháng 5 năm 2018
 
Văn Hóa
Nhớ về mẹ.
Lm.Daminh Nguyễn ngọc Long
08:07 12/05/2018
Nhớ về mẹ.

Thời tiết tháng Năm đang là mùa Xuân không khí mát dịu. Con nhớ đến mẹ hằng ngày, nhưng hôm nay con nhớ đến mẹ nhiều hơn. Vì ngày mai, theo tập tục nếp sống văn hóa xã hội là „Ngày của mẹ“, nhưng gọi là „Ngày nhớ ơn mẹ“ hay „ngày hiền mẫu“ thì đúng cùng hay hơn.

Mẹ của con đã khuất núi về bên kia thế giới. Nhưng theo đức tin Công Giáo linh hồn mẹ trở về quê hương trên nước Chúa. Như thế mẹ vẫn còn sống trên thế giới bên kia.

Con nhớ lại, khi xưa lúc còn nhỏ mẹ là tất cả, là bầu trời thế giới riêng của con. Mẹ bồng ẵm con trên tay mẹ, hát cho con nghe, mẹ cầm tay con vẽ những hình ảnh con thú vật, cái nhà, đường đi, cây bông hoa... bằng những đường nét đơn sơ nghuệch ngoạch. Thật là một thời gian êm đềm tốt đẹp đã sống trải qua tuổi thơ bé bên mẹ.

Con bây giờ những khi làm điều gì, con nhớ mãi kỷ niệm lúc còn nhỏ tuổi bên mẹ khi xưa, như mỗi tối mẹ ngồi bên giường nói chuyện với con, cùng con tập làm dấu thánh gía, đọc kinh Kính mừng, mẹ quạt ru con ngủ, rồi mơ màng thiếp ngủ đi lúc nào không hay nữa. Và cả những lúc con đau bệnh, mẹ đến ngồi bên giường lau mặt thay quần áo cho con, cầm ly nước dỗ dành con uống thuốc, săn sóc cho con.

Con nhớ lại tất cả những gì mẹ đã dành thì giờ làm cho con, để anh chị em chúng con quây quần bên mẹ.

Con chắc mẹ không sao hiểu biết được thế nào, cùng mức độ tình yêu thương mà chúng con nhờ mẹ mà có được, cùng học hỏi được.

Mẹ là điều gì cao qúi vô gía cho đời chúng con!

Mẹ đã khám phá ra, học hiểu được tình yêu thương trải qua những năm tháng, phải, suốt cả cuộc đời lo lắng nuôi dậy chúng con. Và chúng con học hỏi được tình yêu qua nhờ mẹ. Mẹ đã chỉ dẫn cho chúng con cách thức sống như thế nào để cho đời sống được tốt đẹp.

Con không biết phải làm sao có thể cám ơn mẹ, vì mẹ đã dành cho con thời giờ qúa qúi báu.

Con nghẹn ngào không biết dùng ngôn ngữ lời lẽ nào để diễn tả tấm lòng của mẹ sâu thẳm, mà lại trong sáng cùng cao quí cho đời của con!

Thời ngày xưa con còn bé giờ đây sống trở lại với những kỷ niệm bên mẹ ngày nào.
Con cám ơn mẹ Mẹ đã hằng đồng hành săn sóc tuổi thơ bé của con. Điều này thật chất phác đơn thành. Nhưng lại thật là một bầu trời tràn đầy hạnh phúc!

Ngày nhớ ơn mẹ, con không còn có thể biếu tặng món qùa gì cho Mẹ. Vì mẹ đã ra đi về thế giới bên kia, khoảng cách giữa trời và đất. Nhưng dẫu vậy mẹ vẫn hằng sống động trong trái tim tình yêu mến của con còn ở dưới trần gian. Nhớ về mẹ với những kỷ niệm chan chứa tình yêu mến lòng biết ơn.

Theo đức tin giáo lý đạo Công Giáo, sự sống con người được Thiên Chúa tạo dựng. Nhưng Mẹ đã nhào nặn thân hình con, cho con bơi lội trong cung lòng mẹ, và trong suốt đời tuổi thơ cũng như tuổi trẻ của con trên cánh tay, trong lòng, trên đầu gối mẹ. Mẹ đã cưu mang con trong cung lòng mẹ nằm kề sát ngay bên dưới trái tim của mẹ.

Thân xác con người không chỉ là một hỗn hợp sinh lý hóa của hai yếu tố âm dương phát triển thành. Không, không phải chỉ như thế đâu. Đấng Tạo Hóa đã nắn đúc tạo thành hình thân xác con người có sự sống phát triển. Dẫu vậy, một phần thân thể, một phần trái tim con là do từ dòng máu thân thể và trái tim của mẹ. Đó là ý muốn của Đấng Tạo Hóa khiến làm ra như vậy.

Mẹ là người đầu tiên chứng kiến, khi con mở môi miệng nói tiếng e a đầu đời, khi con khệnh khạng lảo đảo bước đi bước thứ nhất đời con.

Ngôn ngữ, giọng nói, tiếng cười, cùng dáng đi đứng của con phần lớn là những nề nếp thói quen con chịu ảnh hưởng, hay đã được học nơi mẹ.

Đó là những điều, mà không bao giờ có thể dùng tiền bạc mua được. Con cám ơn mẹ, vì mẹ đã luôn có mặt gần kề bên con ngay từ những giây phút khởi đầu đời con.

Như lời cám ơn, con viết những dòng chữ này, để nói lên tâm tình con luôn luôn nhớ đến mẹ, con hằng yêu mến mẹ.

Con muốn sống như mẹ, vững mạnh cùng can đảm! Vì nhờ mẹ mà con có được kinh nghiệm cùng học hỏi được thế nào là tình yêu thương bác ái.

Mỗi khi nhớ đến mẹ, con cảm nghiệm ra tình mẹ hiện thực trong đời sống con người. Nhưng lại qúa thiêng liêng không có hình hài cùng mầu sắc.

Mỗi khi suy nghĩ đến bổn phận của một người mẹ, con hiểu ra rằng, lòng mẹ như đóng khung trong thân thể người mẹ. Nhưng lại bao la sâu thẳm, không sao đo lường được.

Mỗi khi trong niềm vui mừng hòa lẫn trong dòng nước mắt nhớ nhung dâng lời kinh cầu khấn cho linh hồn mẹ, con cảm nghiệm được hương vị tình mẹ êm thắm nhẹ nhàng. Nhưng lại rộn ràng trào dâng, phát đi tín hiệu bừng lên sức phấn khởi cho con.

Ngày nhớ ơn Mẹ.
Lm.Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh N ghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ Con Tâm Tình
Nguyễn Đức Cung
07:51 12/05/2018
MẸ CON TÂM TÌNH
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Bên con từ thuở còn thơ
Mong khi khôn lớn nhớ lời mẹ khuyên
(nđc)

Happy Mother’s Day!