Ngày 19-05-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:36 19/05/2009
QUẢ BOM CHƯA NỔ (2)

N2T


Bác sĩ tâm lý nói với bệnh nhân:

- “Mười năm lại đây, tôi vẫn có một cảm giác tội lỗi khi giúp cho anh, cho đến hôm nay rõ ràng là anh vẫn cứ vì những chuyện rất nhỏ mà cảm thấy tội lỗi quá nặng. Thực tế mà nói anh nên cảm thấy hổ thẹn.”

(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Có những người tự cho mình là thức thời có trí thức, nên thường hay chê bai những người Ki-tô hữu đi xưng tội rằng: nếu có bệnh thì đi khám bác sĩ, nếu có bệnh về tâm lý thì đi bác sĩ tâm lý chữa bệnh, nếu có tội thì ăn năn tội Chúa cũng tha thứ, cần gì phải đến mấy ông linh mục mà xưng tội.v.v...đơn giản là họ -những người trí thức ấy- không hiểu biết tí gì về Giáo Hội và về giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.

Tội, không phải là một thứ bệnh tâm lý để mà đi bác sĩ tâm lý, bởi vì có nhiều người không có vấn đề tâm lý mà vẫn cứ đi xưng tội với linh mục khi họ phạm họ phạm tội; Tội, cũng không phải là một thứ bệnh nơi thân xác, bởi vì có nhiều người mạnh khỏe vẫn cứ đi xưng tội khi họ phạm tội mất lòng Chúa và tha nhân; và khi phạm tội mà chỉ ăn năn tội thôi thì chưa đủ, nhưng còn phải bày tỏ tấm lòng sám hối qua việc đi xưng tội với linh mục, bởi vì qua bí tích Giải Tội họ mới thấy rõ lòng yêu thương và nhân từ của Thiên Chúa.

Bác sĩ tâm lý cảm thấy tội lỗi khi giúp cho bệnh nhân mắc bệnh tâm lý của mình, bởi vì đã mười năm qua mà bệnh nhân của ông cũng vẫn cảm thấy áy náy khi chỉ một việc nho nhỏ mà cảm thấy là có tội rất nặng. Bởi vì bác sĩ tâm lý không hiểu rõ “lương tâm bối rối” thì khác với “tâm lý bất thường” của thân chủ mình.

“Lương tâm bối rối” là tâm hồn không được bình an, người có lương tâm bối rối chỉ được bình an khi tìm đến với Chúa Giê-su, vị bác sĩ vĩ đại của mọi bệnh nhân dù là bệnh nơi tâm hồn hoặc thân xác, và là vị bác sĩ vượt qua mọi thời gian và không gian...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:37 19/05/2009
N2T


19. Không ngại vất vả thì dễ, không ngại oán trách thì khó. “Không ngại oán trách” chính là công phu căn bản để nên thánh.

(Linh mục Vincent Lebbe)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:39 19/05/2009
N2T


120. Phàm là người có sở trường chuyên môn và có năng lực, thì đều trải qua sự học tập gian khổ, cần mẫn nổ lực phấn đấu mới đạt được.

 
Ngước mắt nhìn trời
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
22:51 19/05/2009
Con người thường có hai thái độ sống đối nghịch nhau. Một bên là những người chỉ biết có việc đạo. Sống dưới đất nhưng lòng trí để cả ở trên trời. Không tha thiết gì với những người chung quanh. Không tham gia những sinh hoạt xã hội. Khinh chê tất cả những giá trị ở đời này. Ngược lại, bên kia là những người sống như chỉ biết có việc đời. Chỉ coi trọng những giá trị vật chất. Chỉ biết có đời này. Sống là còn. Chết là hết. Cả hai thái độ đều bất cập.

Việc Đức Giêsu lên trời và những lời Ngài truyền dạy trước khi từ giã trần gian giúp ta có một cái nhìn đúng đắn hơn đối với trời và đối với đất.

Đức Giêsu lên trời. Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.

Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau. Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt. Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối. Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh.

Như thế trời là niềm hy vọng của con người. Con người không còn bị trói chặt vào trần gian. Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc. Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.

Trời nâng cao địa vị con người. Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với súc vật. Súc vật sinh ra để tàn lụi. Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa. Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.

Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.

Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.

Chính Đức Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đấy. Đi đến đâu là gieo yêu thương đến đấy.

Hôm nay Chúa cũng sai các môn đệ và chúng ta đi gieo Tin Mừng khắp thế gian. Hãy đi làm mọi việc tốt đẹp cho mọi người.

Làm việc tốt đẹp ở trần gian đó là góp phần xây dựng nước trời. Góp phần xây dựng trần gian đó là dọn chỗ ở trên nước trời. Trần gian không phải là nơi cho ta bám víu vì không vĩnh cửu. Nhưng trần gian là cơ hội cho ta đạt tới nước trời.
Chính vì thế, người môn đệ của Chúa phải sống giữa trần gian, phải yêu mến trần gian, phải xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.
Tuy nhiên người Kitô hữu làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời. Yêu mến trần gian vì nước trời. Yêu mến trần gian để biến trần gian thành nước trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết nỗ lực xây dựng trần gian trong niềm mong đợi hạnh phúc nước trời. Amen.

Gợi ý chia sẻ:
1) Tin có thiên đàng. Điều này có quan trọng đối với bạn?
2) Người môn đệ của Chúa phải có thái độ nào đối với của cải vật chất?
3) Khi ngắm thứ hai mùa mừng, đọc “Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời”, bạn nghĩ gì? Bạn phải sống làm sao để thực hiện lời cầu nguyện này?
 
Phương tiện để được lên trời
Lm Giacôbê Tạ Chúc
22:56 19/05/2009
Khi nói đến sự di chuyển, ai cũng nghĩ ngay đến các phương tiện. Từ những phương tiện thô sơ: xe đạp, xích-lô, xe ba gác… cho đến những phương tiện hiện đại: xe hơi, máy bay, xe điện ngầm, xe chất lượng cao…Thử hỏi Chúa Giêsu về Trời bằng phương tiện gì? Êlia thì được đưa đi trên chiếc xe rực lửa, còn Chúa Giêsu, chẳng ai biết. Phúc âm chỉ ghi lại:” Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên Trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”(Mc 16, 19).

Người Do Thái quan niệm vũ trụ được chia làm ba phần: phần ở dưới là âm phủ, nơi giam giữ những người tội lỗi, phần ở giữa dành cho thế giới con người. Và trên cùng là nơi Thiên Chúa cùng các thánh ở. Nói theo kiểu bình dân thì Đức Giêsu lên Trời nghĩa là Ngài đi lên theo thứ tự phân chia của vũ trụ. Chúa Phục sinh đã là một sự biến đổi trong vinh quang của Ngài, khi nói Chúa Thăng Thiên, các tác giả Kinh thánh cũng muốn diễn tả một thực tại siêu linh mà con người không thể thấu đạt bằng lý trí của mình, phải đón nhận với cả niềm tin. Như vậy để được lên Trời với Chúa mỗi người cần có những phương tiện tối thiểu, thử đề nghị ba phương tiện giúp chúng ta có”Passport” để về Trời:

Rao giảng Lời Chúa

Trong thư mục vụ 2005, Hội Đồng Giám Mục Việt nam nhắn nhủ các linh mục:” Loan báo Lời Chúa là sứ mạng chính yếu và là lẽ sống của chúng ta. Chính vì sứ mạng này mà chúng ta được chọn và sai đi”(Mt 10,4; Mc 3, 13-14). Đó cũng là di chúc của Thầy chí thánh trước lúc về trời:”Anh em phải đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi lòai thọ tạo”(Mc 16, 15 và Mt 28, 19-20). Đây là lệnh truyền của Chúa, mọi Kitô hữu cần áp dụng trong đời sống của mình. Sứ mạng ngôn sứ, phát ngôn viên của Lời phải được chính những anh chị em giáo dân thi hành trong nhiệm vụ của mình, rao giảng lời Chúa, dù thời thế thuận tiện hay không, thánh Phaolô cũng mãnh liệt xác tín niềm tin của mình:” Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1cr 9,16).

Cử hành các Bí tích

Chúa Giêsu lên trời nhưng chẳng bỏ con người mồ côi, Ngài thiết lập các bí tích để ở cùng nhân lọai mỗi ngày. Giáo hội cử hành Bí tích là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cộng đòan, sự vô hình của Thiên Chúa đã trở thành hữu hình khi con người cùng nhau sống mầu nhiệm Phục sinh. Sách Giáo lý công giáo dạy rằng:” Mỗi cử hành Bí tích là một cuộc gặp gỡ giữa con cái Thiên Chúa với Cha mình, trong Đức Kitô và Thánh Thần. Cuộc gặp gỡ này là cuộc đối thọai qua hành động và lời nói. Các hành động biểu trưng tự nó đã là một ngôn ngữ, nhưng cần có lời Chúa và việc đáp trả của đức tin đi kèm và làm cho những hành vi này nên sống động, để hạt giống nước Trời sinh hoa kết quả trong thửa đất tốt. Những họat động phụng vụ biểu thị những gì lời Chúa muốn diễn đạt: vừa là sáng kiến ân sủng của Thiên Chúa, vừa là lời đáp trả trong đức tin của dân chúa( Số 1153).

Phục vụ bác ái

Có thể nói Giáo hội như là cơ quan tình yêu, nếu sứ mạng truyền giáo là bản chất của Giáo hội thì bác ái là lẽ sống và hành động của Giáo hội. Không thực thi bác ái, Giáo hội sẽ vong thân. Thông điệp Thiên chúa là tình yêu, Đức Thánh Cha Bênêdictô 16 viết:” theo dòng thời gian và sự bành trướng dần dần của Hội thánh, việc thực thi bác ái được xác định như lãnh vực căn bản cùng với việc ban phát các bí tích và việc rao giảng Lời Chúa: việc thực thi bác ái đối với các góa phụ và trẻ mồ côi, với các tù nhân, với các bệnh nhân và người túng thiếu dưới mọi hình thức, thuộc về bản chất của Hội thánh cũng y việc phục vụ Bí tích và rao giảng phúc âm” (số 22).

Rao giảng lời Chúa, cử hành các Bí tích và phục vụ bác ái là con đường dẫn đưa con người lên trời với Chúa Giêsu phục sinh. Con đường nào cũng có những khó khăn và ngăn trở, đã là người Kitô hữu, mỗi người hãy chọn lấy cho mình một con đường nên thánh, để mai ngày cũng được chung phần vinh quang với Chúa trong nước Trời.

Chúa Thăng Thiên không phải để xa cách con người nhưng để gần gũi hơn. Ngài có mặt một cách vô hình, vượt lên không gian và thời gian đó là cách thế mà Chúa dùng để cùng một lúc Ngài ở với hơn sáu tỷ con người trên trái đất này.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha tiếp kiến 53 Giám Mục Peru
G. Trần Đức Anh OP
23:23 19/05/2009
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 18-5-2009, dành cho 53 GM nước Peru, ĐTC khích lệ các vị đẩy mạnh công cuộc truyền giảng Tin Mừng tại nước này.

Các GM Peru vừa kết thúc cuộc hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắn nhủ các vị luôn duy trì tình hiệp nhất với nhau và biểu lộ qua sự thực hành cụ thể tinh thần quí mến đoàn thể với nhau.

ĐTC nhắc đến nhu cầu rao giảng sứ điệp của Đấng Cứu Thế như một nghĩa vụ của tín hữu sau khi được vẻ đẹp và chân lý của Chúa Kitô chinh phục tâm hồn. Ngài nói: ”Về thế, tôi khuyên anh em hãy động viên toàn thể năng lực trong các giáo phận của anh em để họ khởi hành từ Chúa Kitô, luôn chiếu tỏa ánh sáng tôn nhan Chúa, đặc biệt cho những anh chị em vì đôi khi cảm thấy mình ít có giá trị, hoặc không được quan tâm săn sóc đủ trong những nhu cầu tinh thần và vật chất, nên họ tìm kiếm những kinh nghiệm tôn giáo khác đáp ứng những ưu tư của họ”.

ĐTC nhắc nhở các GM Peru hãy sống như những môn đệ can đảm và thừa sai của Chúa, siêng năng viếng thăm các cộng đoàn Giáo Hội, kể cả những cộng đoàn xa xăm và khiêm hạ nhất, nguyện gẫm lâu giờ, chuẩn bị kỹ lưỡng các bài giảng, quan tâm đến các linh mục trong tình phụ tử, các gia đình, người trẻ, các giáo lý viên và nhân viên mục vụ..

Sau cùng, ĐTC đề cập đến tình trạng của nhiều người dân Peru đang thiếu công ăn việc làm, không được săn sóc thích đáng về giáo dục và y tế, hoặc những người đang phải sống trong các khu ô chuột ven các thành phố lớn. Ngài nói: ”Tôi cũng nghĩ đến những người bị rơi vào vòng ma túy và bạo lực. Chúng ta không thể bỏ rơi các anh chị em yếu thế nhất và được Chúa thương yêu và luôn nhớ rằng lòng yêu mến Chúa Kitô thúc giục chúng ta (2 Cr 5,14).

Đức Cha Chủ tịch HĐGM Peru, Miguel Cabrejos Vidarte, OFM, TGM giáo phận Trujillo, trong lời chào mừng ĐTC, đã nói đến tình trạng nghèo đói tầm trọng của dân chúng tại Peru. Theo các thống kê gần đây, hơn 40% dân nước này ở trong tình trạng nghèo, và 14% nghèo cùng cực, thậm chí tại các miền quê số người nghèo lên tới 80%. (SD 18-5-2009)
 
Top Stories
SRI LANKA: Après la victoire de l’armée sri-lankaise sur les Tigres tamouls, les chrétiens s’inquiètent du sort des civils touchés par la guerre
Eglises d'Asie
17:11 19/05/2009
Le plus long conflit d’Asie s’est terminé le 18 mai 2009 avec la reddition sans condition des Tigres tamouls dont les derniers mètres carrés de territoire sont tombés entre les mains de l’armée sri-lankaise.

Depuis l’annonce par Colombo de l’écrasement « définitif » de la guérilla tamoule, mettant fin à un conflit séparatiste qui durait depuis plus de trente ans, les médias diffusent en continu les détails de la victoire de l’armée des « libérateurs » et la nouvelle de la mort du chef des Tigres de libération de l’Eelam tamoul (LTTE). « Le corps de Prabhakaran est parmi les 300 cadavres de terroristes que nous avons récupérés », a assuré le chef de l’armée de terre, le général Sarath Fonseka (1). Le site pro-tamoul tamilnet a de son côté réfuté l’information, affirmant que le « dirigeant bien-aimé [était] vivant et en sécurité », bien que la télévision publique ait diffusé des images du cadavre présumé du chef des Tigres. Le site Internet a également accusé l’armée sri-lankaise de « crimes contre l’humanité », pour avoir abattu des hommes qui se rendaient, et tué des milliers de civils.

Alors que le sud du pays célèbre la victoire sur les Tigres, l’Eglise catholique s’inquiète pour les milliers de blessés et déplacés civils tamouls dont le sort est toujours aussi incertain. Le 17 mai dernier, lors de la messe dominicale, le P. Nihal Ivan Perera, curé de Negombo, près de la capitale, a évoqué la paix à reconstruire et les blessures profondes à cicatriser dans les deux camps. Il a appelé les paroissiens à offrir une aide alimentaire d’urgence aux réfugiés: « C’est notre devoir de chrétiens de prendre soin de nos frères » (2).
Dans le nord du pays, à Vavuniya au cœur de la région dévastée par les combats, le P. Emilianuspillai Santhiapillai, curé de l’église St Anthony, a longuement parlé à ses fidèles de l’aide à apporter à « la population des civils, en très grande souffrance ».

Plus de 200 000 réfugiés civils, selon l’ONU, sont actuellement entassés dans les camps du gouvernement, dans des conditions de plus en plus critiques (3). Le pape Benoît XVI a prié dimanche 17 mai à Saint-Pierre de Rome pour les « milliers d’enfants, femmes et personnes âgées auxquels la guerre a pris des années de vie et d’espoir » et a appelé « les organisations humanitaires, y compris les catholiques, à ne pas ménager leurs efforts pour apporter une aide urgente aussi bien alimentaire que médicale aux réfugiés ».

Depuis l’Inde, le 19 mai, Mgr Chinnappa, archevêque de Madras-Mylapore, dans le Tamil Nadu, a fait part également de son inquiétude pour les déplacés, rappelant que les Tamouls, originaires du sud de l’Inde et vivant au Sri Lanka depuis des siècles, « devaient voir leurs droits respectés » au même titre que les autres populations de l’île. Quant au P. Chinnadurai, porte-parole du Conseil des évêques catholiques du Tamil Nadu et également directeur de la Commission des minorités de l’Etat, il a demandé à ce que les coupables du « génocide d’innocents civils » soient identifiés et punis.

La communauté internationale, dont l’Union européenne, le Comité international de la Croix-Rouge et l’ONU qui avaient dénoncé le « bain de sang » perpétré lors des attaques finales de ces dernières semaines, ont fait savoir, le 19 mai, que le gouvernement du Sri Lanka aurait « à rendre des comptes » au même titre que les belligérants tamouls, de la violation des droits des civils, après enquête sur les conditions dans lesquelles la guerre a été menée. Pour le moment, les zones concernées ne sont toujours pas accessibles aux médias ou aux instances internationales.

(1) AFP, 19 mai 2009.
(2) Ucanews, 19 mai 2009.
(3) Associated Press, 19 mai 2009.

(Source: Eglises d'Asie, 20 mai 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chương Trình Giáo lý và Việt Ngữ tại Giáo Xứ CTTĐVN Arlington,VA
Bùi Hữu Thư
04:30 19/05/2009

Chương Trình Giáo lý và Việt Ngữ tại Giáo Xứ CTTĐVN Arlington,VA



Arlington, VA, ngày 18, tháng 5, 2009:
Ngay từ năm 1976, khi còn là Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Arlington, chương trình giáo lý đã được khởi sự dưới sự điều khiển của Sơ Agatha Trần Thúy Hằng, và năm 1979 khi giáo xứ được thành lập, giáo xứ đã tổ chức các khóa Việt Ngữ Hè từ năm 1980 đến năm 1986 trong năm năm liền dưới sự điều khiển của Giáo sư Bùi Hữu Thư, và sự trợ giúp cuả Tiến Sĩ Ngôn Ngữ Học Phạm Văn Hải và phu nhân.

Khi giáo xứ rời về điạ điểm mới tại Arlington năm 1986, Sơ Hằng làm Giám Đốc Vườn Trẻ Child Enrichment Center kiêm phụ trách giáo lý. Năm 1988, chương trình Giáo lý đã tiếp tục dưới sự điều khiển của Thấy Phó Tế Micae Phạm Minh Kiên. Từ vài chục em lúc khởi sự đến nay chương trình giáo lý đã có trên 500 học viên, và trên 20 thầy cô.

Ngay khi cha Nguyễn Đức Vượng nhận chức chánh xứ, cha đã cho tổ chức các lớp Việt Ngữ quanh năm từ năm 2003. Ông Bùi Hữu Thư, một cựu Phó Hiệu Trưởng các trường Trung Học trong Quận Faifax, về hưu năm 2000, đã được mời làm Hiệu Trưởng Trường Việt Ngữ giáo xứ.

Trường Việt Ngữ hoạt động vào ngày thứ sáu mỗi tuần, ngoại trừ mùa hè nghỉ theo các trường công lập. Giờ học được ấn định từ 7 giờ đến 8 giờ 30 tối. Trong khi các lớp Giáo lý được tổ chức vào ngày thứ bẩy từ 4 giờ đến 5:45 chiều. Việc sắp xếp hai chương trình vào hai ngày khác nhau, giúp cho không phải kết hợp Giáo lý với Việt Ngữ và khiến cho số giờ học tăng thêm được nửa tiếng cho cả hai chương trình.

Ngày Thứ Sáu, cha mẹ chở con em đi học, sau đó tham dự thánh lễ 7 giờ chiều tại giáo xứ. Sau thánh lễ, họ ở lại đọc kinh, chầu Mình Thánh, và đón con ra trường lúc 8 giờ 30.

Ngày Thứ Bẩy, buổi sáng có sinh hoạt hướng đạo lúc 10 giờ, sau đó lúc 1 giờ chiều là sinh hoạt của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Thánh Tâm, và tiếp theo là chương trình giáo lý. Trong khi các em sinh hoạt thiếu nhi và học giáo lý thì phụ huynh chia nhau sinh hoạt với Đoàn Liên Minh Thánh Tâm cho các ông và Hội Các Bà Mẹ Công Giáo cho các bà. Ngoài ra các phụ huynh cũng lo nấu ăn cho các em có sức sinh hoạt từ sáng đến chiều tại nhà thờ.

Năm nay, chương trình Giáo lý mới bế giảng ngày thứ bẩy 16/5/09 vừa qua, với 500 em học sinh. Mùa Phục Sinh năm nay, Đức Cha Loverde, Giám Mục giáo phận Arlington đã đến ban phép Bí Tích Thêm Sức cho 42 em. Ngày thứ bẩy 16/5/09 vừa qua, chương trình giáo lý có 80 em được rước lễ lần đầu.

Sau 6 năm hoạt động Trường Việt Ngữ mới bế giảng các lớp cho niên khóa 2008-2009 ngày 15/5/09 vừa qua với 256 học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 7 và một lớp Song Ngữ cho người lớn. Trường có 27 thầy cô và một ban giám đốc với 4 người.

Hàng năm giáo xứ tổ chức hành hương cuối tháng 5 tại Núi Đức Mẹ Lộ Đức tại Emmitsburg, Maryland, dưới sự hướng dẫn của Thầy Phạm Minh Kiên, và ban giáo lý. Năm nay giáo xứ sẽ đi hành hương tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Hoa Thịnh Đốn, nơi có Nhà Nguyện Đức Mẹ La Vang, ngày 23/5/2009. Năm nay việc tổ chức được trao cho Họ Đạo Đức Mẹ La Vang tại Reston. Đây là một họ lẻ thuộc giáo xứ, được thành lập cách đây 3 năm tại Reston. Cha Holcomb, Giám Đốc Hành Hương và Cha Weston Giám Đốc Phụng Vụ của nhà thờ Đức Mẹ Hoa Thịnh Đốn đã dành mọi sự dễ dàng cho giáo xứ tổ chức cuộc hành hương kính Đức Mẹ nhân dịp Tháng Hoa Tôn Vinh Mẹ La Vang.

Nhân dịp hành hương giáo xứ cũng dâng lên Mẹ La Vang và Thiên Chúa lòng tri ân sâu xa về những ơn lành hồng phúc đã ban xuống cho giáo xứ trong bao năm qua. Nhất là năm nay là năm kỷ niệm 30 năm thành lập giáo xứ.

Các Thầy Cô Giáo lý
Các em gái rước lễ lần đầu
Cha Phó Ngô Văn Thích trao huy hiệu
Các em nhỏ đang theo dõi
Cha xứ Vượng cho chịu lễ
Cha Vượng cho rước lễ


Ban Nhạc giúp vui lễ bế giảng
Các học sinh ngồi xem trình diễn
Các thầy cô đang hát bài Việt Nam
Các em đang vỗ tay hát theo
Chiếu hình ảnh sinh hoạt trong năm
Lớp Mẫu Giáo trình diễn
Lớp 1A
Lớp 1B
Lớp 2A
Lớp 2B
Lớp 3A


Lớp 7: Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ
Các em lãnh phần thưởng xuất sắc
Trung Tá Duane Thompson lớp Song Ngữ phát biểu cảm tưởng
 
Cộng Đoàn Giáo Xứ Đức Mẹ Thánh Tâm San Diego mừng đón Tượng Đức Mẹ Fatima Thánh Du Thế Giới
Joseph Trần
08:10 19/05/2009
SAN DIEGO - Hai tháng trước đây, khi biết tin vào ngày 10 Tháng 5 Năm 2009.Cộng Đoàn Giáo Xứ Đức Mẹ Thánh Tâm được vinh dự đại diện Cộng Đồng Công Giáo Giáo Phận San Diego đón rước Tượng Đức Mẹ Fatima Thánh Du Thế Giới đến thăm đoàn con cái Mẹ tại San Diego, đặc biệt những người con dân Việt Nam đang sống tha hương.

Đức TGM Nguyễn Văn Tốt chào mừng
Để sửa soạn cho ngày vinh dự trọng đại đó, Cộng Đoàn Giáo xứ Đức Mẹ Thánh Tâm San Diego từ Linh Mục Quản Nhiệm, Hội Đồng Mục Vụ tới toàn thể Cộng Đoàn Dân Chúa đều vui mừng và hân hoan sửa soạn tâm hồn với những Thánh Lễ, những giờ cầu nguyện ở Nhà Thờ cũng như những buổi đọc kinh trong các gia đình đều cầu xin và hướng về ngày Đức Mẹ Fatima sẽ đến San Diego. Mặt khác, Cha Quản Nhiệm, Hội Đồng Mục Vụ và các Đoàn Thể Công Giáo Tiến Hành tất bật lo trang trí, Kiệu Xe Hoa, sắp xếp chương trình tổ chức và các Lễ Nghi sao cho thật long trọng, trang nghiêm và sốt sáng. Rồi ngày mong đợi cũng đã đến cùng với bao nhiêu niềm vui tràn đầy:

• Ngày Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima: “Mẹ Thiên Chúa và Mẹ cả Nhân Loại” đến San Diego cũng là ngày Hiền Mẫu “Mother Day”. Ngày vinh danh những Người Mẹ.

• Ngày Cộng Đoàn Dân Chúa San Diego Mùng đón Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima Thánh Du đồng thời cũng được chào đón Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ Thần Tòa Thánh tại Costa Rica, và cũng là thành viên Bộ Ngoại Giao Vatican đặc trách vùng Châu Phi

Theo Chương trình của Ban Tổ Chức thông báo 3 giờ 45 phút Đức Sứ Thần Tòa Thánh đến, và đúng 4 giờ chiều Tượng Đức Mẹ Fatima sẽ đến, nhưng từ 3 giờ trưa, Chủ Nhật Ngày 10 Tháng 5 Năm 2009, từng đoàn xe cộ, và giáo dân khắp mọi ngả đã tấp nập dồn về Nhà Thờ Đức mẹ Thánh Tâm trong ánh nắng chan hòa của một ngày đẹp trời. Đặc biệt ngày đón Đức Mẹ Thánh Du hôm nay Ánh nắng rực rỡ nhưng thời tiết lại dịu mát thỉnh thoảng có những cơn gió mát nhẹ, chứ không nắng chói chang và nóng nực như hai ngày trước đó, có người nói nhỏ với nhau: “ Hôm nay Trời đẹp và mát mẻ quá, có lẽ đây là ơn lành Đức Mẹ gửi đến cho đoàn con của Mẹ tại San Diego”. Đến 3 giờ 30 Qúi Linh Mục, Tu Sỹ, Quan Khách và các Hội Đoàn cùng hang ngàn Giáo Dân đã tập trung đông đảo tại địa điểm hành Lễ: Cuối Nhà Thờ Đức Mẹ Thánh Tâm Đường Marborough và Orange St. trong hang ngũ chỉnh tề và trật tự. trong khi từ các ngả đường người người vẫn đang tấp nập tiến về.

Đúng 3 giờ 45 Phút Xe của Đức TGM Sứ Thần Tòa Thánh với cờ của Quốc Gia Vatican được xe Security chớp đèn dẫn đầu tiến vào vị trí hành Lễ, Đức TGM Phêrô với Phẩm Phục Khâm Sứ Tòa Thánh Vatican bước xuống xe, những tràng pháo tay của Cộng Đồng Dân Chúa vang dậy một góc trời chào đón Ngài. Đức TGM Phêrô đã được Cha Giuse Hoàng Việt Quản Nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Thánh tâm (ĐMTT), Cha Amando Chánh Xứ GXĐMTT, Cha Giuse Lại Văn Đoàn Tuyên Úy Cộng Đồng Công Giáo VN San Diego đón tiếp và hướng dẫn Ngài duyệt qua hang ngũ các Hội Đoàn, Đoàn Thể Công Giáo Tiến hành để vào Phòng Khách Nhà Xứ.

Đúng 4 giờ chiều, Tượng Đức mẹ Fatima ngự trên kiệu chạm trổ Rồng “Bát Cống” sơn son thếp vàng lộng lẫy trên một xe kết hoa tươi tiến vào vị trí hành lễ, một tràng pháo dài trên 20 feet nổ vang cùng với tiếng vỗ tay của đoàn con chào mừng Mẹ. Khi vừa dứt tiếng pháo, Đức Tổng giám Mục Sứ thần Tòa Thánh cùng Qúi Cha tiến tới trước Kiệu Rồng của Mẹ để cùng cử hành một Nghi thức Chào đón Mẹ thật trang nghiêm và long trọng: Ông Cao tấn Tĩnh, Chủ Tịch Hội Tông Đồ Fatima Thế giới và ông Vũ Đức thành, Chủ Tịch Cộng Đoàn Đức Mẹ Thánh Tâm trao đĩa đựng Triều Thiên vàng của Đức Mẹ cho Cha Giuse Hoàng Việt để dâng Đức TGM Sứ Thần Tòa Thánh Đặt Triều Thiên trên Đầu Đức Mẹ, kế tiếp Cha Amando chánh Xứ GX Đức Mẹ Thánh Tâm dâng hương lên Mẹ, sau đó Cha Giuse Hoàng Việt, Quản Nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Thánh Tâm đọc lời chào mừng tung hô Mẹ cùng dâng lên Mẹ những tâm tình yêu mến thiết tha của con cái San Diego với Mẹ. Khi Cha Quản Nhiệm vừa dứt lời, tiếng ca trầm bổng của ca Đoàn Fatima cất lên bài hát: Kính chào Nữ Vương, Nữ Vương Hòa Bình, Nữ Vương Hòa Bình, đây bao tâm hồn thao thức, Dân Con Nước Việt nao nức, cất tiếng ca mừng vui, Kính chào Nữ Vương Hòa Bình. . . . . . Lời ca tiếng hát thiết tha đã làm tâm hồn mọi người lâng lâng, và đồng loạt hơn 2000 người hiện diện cùng cất tiếng hát hòa chung với ca đoàn Fatima làm cho bầu khí trở nên sôi động và sốt sáng. Bài Thánh ca vừa chấm dứt, Cuộc cung nghinh Đức Mẹ khởi sự với Thánh Giá nến cao đi đầu, Tiếp theo là Quốc Kỳ các Quốc Gia: Hoa kỳ, Việt nam Cộng Hòa, Vatican và Hiệu Kỳ của Đức Mẹ Maria., tiếp bước sau các Quốc kỳ là các Đoàn Thể: Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Hội các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Legio Mariae, Đoàn Liên Minh Thánh tâm, Đoàn Thánh Gia, Dòng Ba Phan Sinh, Hội Tông Đồ Fatima, Cộng Đồng các Sắc Dân Mỹ, Mễ, Philippine.. . . và Cộng Đồng Dân Chúa kế đến là các em vũ dâng tiến hoa và Linh Mục Đoàn. Xe Hoa kiệu Đức Mẹ uy nghi đi sau cùng để Mẹ có thể nhìn thấy hết đoàn con cái Mẹ đang hang ngũ chỉnh tề và trang nghiêm lần chuỗi Mân Côi lần lượt bằng ba ngôn ngữ: Việt Nam, Mỹ và Mễ. đi cung nghinh Đức Mẹ Đoàn rước đi qua 4 đoạn đường chung quanh Nhà Thờ: Marboruogh Ave, Pork St, 42nd St, Orange St,. Khi Xe Hoa Kiệu Rồng của Đức Mẹ về tới cuối nhà Thờ, một tràng pháo dài thứ hai nổ vang để một lần nữa chào mừng Đức Mẹ “Nữ Vương Hòa Bình”, đến với đoàn con San Diego. Khi Kiệu Đức Mẹ tiến vào nhà Thờ thì cả Nhà Thờ đứng dậy và cùng hát vang: Tung Hô Mẹ Maria, Tung Hô Mẹ đầy ơn phúc. . . Khi Tượng Mẹ đã yên ngự trên ngai tòa, Đức tổng Giám Mục Phêrô dâng hương trước tượng Mẹ, và Đoàn Vũ Phụng Vụ của các em thiếu Nhi Thánh Thể dâng hoa kính Đức mẹ.

Đúng 5 giờ 30 Thánh Lễ Đại Trào Tạ Ơn Chúa và Mừng Kính Mẹ Fatima do Đức Tổng giám Mục Sứ Thần Tòa Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tốt Chủ Tế và cùng đồng tế với các Linh Mục: L.M. Giám Tỉnh, L.M. Phó Giám Tỉnh Dòng Đồng Công Hải Ngoại, LM. Tuyên Úy Cộng Đồng Công Giáo VN San Diego, Qúi L.M Dòng Xitô, Qúi Cha Xứ các Giáo Xứ bạn. . .

Bài giảng trong Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục cao rao các Thánh Đức của Đức Mẹ Maria: Đức Tin, Đức cậy, Đức Mến, Với lòng Tin tưởng,Cậy trông và phó thác vào Quyền năng của Thiên Chúa mà Đức Maria đã thưa tiếng “xin vâng” để công cuộc “cứu rỗi của Chúa Giêsu được thực hiện, nhờ đó mà Nhân loại đã được “cứu rỗi”. Ngài ca ngợi lòng nhân lành và đầy tình thươnng của Đức Mẹ. Ngài cũng kêu mời Giáo Dân hãy chạy đến với Mẹ, cầu xin cùng Mẹ trong mọi nơi, mọi lúc, và Đức TGM nhờ Ca Đoàn hát bài: Sống Gần Mẹ: Sống gần Mẹ lòng con hoan lạc biết bao Mẹ ơi. Sống gần Mẹ Lòng con êm đềm sướng vui Mẹ ơi. Lòng mẹ ấm êm, dịu dàng con muốn đêm ngày đến nương tựa bên lòng.. . . . đời con chứa chan bao tình âu yếm khi được sống bên Mẹ Đêm ngày.. . để nói lên sự vui sướng và ấm êm, hạnh phúc khi đến với Đức Mẹ và khi được sống gần gũi với Đức Mẹ Maria.. . . .

Cộng Đoàn Dân Chúa đã cùng với Đức TGM, Qúi Linh Mục hiệp dâng Thánh Lễ Tạ Ơn hết sức trang nghiêm, thánh thiện và sốt sáng.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ Tạ Ơn, Linh Mục Giuse Hoàng Việt Quản Nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Thánh Tâm đại diện Ban Tổ Chức và Cộng Đoàn cám Ơn Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần Tòa Thánh, L.M. Giám Tỉnh và Phó Giám Tỉnh Dòng Đồng Công Hải Ngoại, Qúi Cha, Qúi Tu Sỹ, Qúi Đài Truyền hình SBTN, VNTV, VN News.. . . Trung Tâm ASIA, Đài phát Thanh Tiếng Nước Tôi, Tuần Báo Người Việt Todays, Việt Times, Tiếng Việt SD, Thời Mới

Cha Giuse Hoàng Viêt cũng cám ơn toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa, đặc biệt những người đã giúp công, giúp của trong việc tổ chức đón mừng Đức Mẹ Fatima thánh Du Thế Giới.

Cuối cùng Cha Quản Nhiệm dâng lời Chúc Tụng, Cảm Tạ, và cầu xin Mẹ Fatima thương xót và cứu giúp đoàn Con Dân của Mẹ, nhất là đoàn con của Mẹ đang sống lầm than khốn khó và bị bức bách tại Quê Hương Việt Nam. Cha Giuse đã mượn lời kinh “Kính Mừng”: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử Amen. Để kết thúc lời cảm tạ và cầu xin với Mẹ Fatima, sau đó Cha Quản Nhiệm Cộng Đoàn giới thiệu Ông và Bà Chủ Tịch Cộng Đoàn Đức mẹ Thánh Tâm đại diện Cộng Đoàn tặng hoa và qùa của Cộng Đoàn tới Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần Tòa Thánh. để bày tỏ lòng biết ơn Đức TGM,

Sau Thánh Lễ, đoàn con cái Mẹ tiếp tục quay quanh mẹ để kêu xin, cảm tạ, phó dâng cho Mẹ. . . . . . trong Nhà Thờ lúc nào cũng đầy chật người vây quanh Mẹ cho tới 9giờ 30 tối khi Tượng Mẹ rời San Diego để đi San Bernado, mọi người mới ra về trong niềm hân hoan và vui sướng vì đã được Đức Mẹ Fatima đến thăm dù chỉ trong vòng hơn 4 giờ đồng hồ ngắn ngủi, nhưng niềm vui được gần Mẹ và những ơn Phước Mẹ ban thì như bất tận.
 
Chuyến thăm viếng điểm truyền giáo vùng sông nước Kiên Giang và Long Xuyên
Maria Vũ Loan
18:45 19/05/2009
LONG XUYÊN - Vào một ngày giữa tháng năm, tôi trở lại Kiên Giang, sau đó được thăm một giáo điểm truyền giáo và dự giờ dâng hoa kính Đức Mẹ tại giáo xứ; hai việc này làm cho chuyến đi về miền Tây một công đôi ba việc của tôi thêm phần ý nghĩa.

Một điểm truyền giáo chưa có tên.

Xem hình ảnh

Được một bà trùm “mối lái”, tôi đi vào vùng sâu, đến một điểm truyền giáo (xin phép không được nêu tên địa danh ở đây) mà số giáo dân đã có khoảng gần 200 người lớn trẻ em, thế nhưng hằng tuần những người này phải qua một cái phà, túa ra một số con kênh để đi dâng lễ ngày Chúa nhật. Ở Kiên Giang, dọc theo những con sông, có đến hai mươi mấy kênh mà nhiều dân cư đã sống ở đó từ lâu rồi.

Điểm truyền giáo chỉ là một mảnh đất nhỏ do cộng đoàn nhà dòng mua, cất lên thành một căn nhà bình thường. Đức Cha Long Xuyên cho phép một thầy đến đây để sống và hướng dẫn người có lòng mến mộ đạo Chúa. Thầy dạy người ta theo kiểu “du kích”, một ngày hai “ca”, mỗi tốp dăm ba người, thế mà mới mấy tháng nay cũng có được mười người rửa tội.

Những người giáo dân ở đây là dân nhập cư từ miền Bắc vào mưu sinh, sống giữa người dân địa phương miền Nam; tất cả đều không có đất, thường sang các kênh làm mướn như làm cỏ, sạ, bón phân trên ruộng …Dọc theo con sông kéo dài đến tận Rạch Giá này, hai bên bờ là vô số nhà sàn nhà lá mà nhìn vào người ta có thể đoán được mức sống ở đây ra sao; còn con đường đất vào mùa mưa cũng không sạch, nói chung là quang cảnh còn lôm côm luộm thuộm lắm!

Chúng tôi mang theo tập vở học sinh, áo trắng và bánh kẹo để làm quà, rồi phát cho các em ngay trong lòng căn nhà. Trẻ con đến mỗi lúc một đông nhưng đành phải chọn lựa thôi; những em bé quá thì được ít bánh kẹo ăn cho đỡ “buồn mồm”. Trông chúng cũng bình thường, vui hớn hở; nhưng vì là điểm truyền giáo nên chúng tôi “ưu tiên”.

Cuộc gặp gỡ diễn ra chóng vánh. Chúng tôi chỉ có vài lời khuyên đối với các em. Có hai người giáo dân thường gắn bó với thầy trong công việc có vẻ bịn rịn, luyến tiếc vì chúng tôi đến “đánh nhanh rút gọn” quá. Một ông xin chúng tôi ít tiền để giúp cho gia đình kia, người vợ bị bệnh mà chẳng có tiền. Chúng tôi vui vẻ tiếp giúp, nhưng số tiền nhỏ nhoi này thấm gì với bệnh ung thư của chị ấy.

Trước khi giã từ, tôi gợi ý muốn thầy tổ chức làm những công việc liên quan đến “dân trí, dân sinh” thì mới mời gọi người ta đến được, việc dạy giáo lý thì “từng bước từng bước thầm” cũng được, như thế hiệu quả mới “ngon lành!”

Gặp gỡ trẻ em trong kênh

Qua khỏi phà một đoạn đường dài, chúng lại trở vào trong kênh. Có một gia đình tha thiết mời chúng tôi gặp gỡ trẻ em quanh khu vực nhà họ để làm quen học sinh nghèo. Chúng tôi đồng ý dừng chân. Trong lúc chờ đợi mua thêm tập vở cho các em, chúng tôi sinh hoạt, phát kẹo. Không ngờ lúc phát tập, các cháu ra đông quá, chúng tôi có phần lúng túng. Có năm cháu vừa đi đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót về, đến sau cùng, chúng tôi chẳng còn gì để phát, tôi đành nói: “Các cháu này phải cho chúng gấp đôi mới xứng danh lòng Chúa xót thương, chỉ vì đi đọc kinh mà chúng không có quà thì kỳ quá! Nào, anh em góp tiền vào mua thêm tập!”. Mọc việc ổn thỏa, tốt lành. Trẻ con ở đây hiền quá, 100% là con nhà có đạo, bố mẹ chân chất làm ăn, có tí quà chúng vui hẳn lên. Trong ý nghĩ của chúng tôi, với số trẻ em này sẽ có khoảng 15 đến 20 em được chọn ra để nhận tiền học vào đầu năm học mới này. Như thế, việc làm quen hôm nay mới đi vào chiều sâu trong hành trình rong ruỗi của chúng tôi.

Trên đường về, chúng tôi đi ngang qua nhà thờ Thánh Gia trong kênh rất đẹp, lại nhằm vào lúc giáo dân đang chuẩn bị rước kiệu Đức Mẹ vào chiều thứ bảy, có cả dâng hoa, thế nên không mời, chúng tôi cũng dừng chân.

Xem hình ảnh

Hai mươi cháu thiếu nhi vừa trai vừa gái đẹp như thiên thần tung tăng trên sân. Lòng tôi thót lại khi thấy đám mây đen kéo tới. Tôi lâm râm khấn và đọc kinh. Cha xứ đi ngang, tôi chào và kiếm chuyện làm quà: “Kính chào cha ạ! Từ nãy đến giờ con khấn Đức Mẹ và đọc kinh xin ông thánh Vinh Sơn cho trời không mưa…” Cha cười: “Chị khấn sai rồi! Thánh Vinh Sơn hay làm phép lạ cho trời mưa mà!” Tôi cười trừ. Cha bước vào trong mặc áo và xông hương kiệu. Cuộc rước diễn ra tốt đẹp, đội trống làm cho bầu khí thêm vui. Các cháu dâng hoa, nến trong nhà thờ tuyệt đẹp. Một ông trùm cho biết: “Trong tháng hoa, mỗi một giáo khu thay phiên nhau tổ chức ngày thứ bảy như thế này nên mỗi tuần cách tổ chức có khác nhau. Dâng hoa xong rồi chầu Thánh Thể, lần nào giáo dân đi cũng khá đông như hôm nay vậy. Lòng sùng kính Đức Mẹ ở đây làm tôi thấy thích, dường như có cái gì đó thanh bình trong cách sống đạo, người ta không quá tất bật vì cơm áo gạo tiền như ở thành phố; tuy có lam lũ nhưng không quá nghèo nàn thời gian như ở Sài Gòn.

Đám cưới nhà quê

Ngày hôm sau, tôi tham dự một đám cưới ở đây. Dường như ở tất cả các kênh ở vùng này có cách tổ chức lễ cưới như nhau: lễ cưới thường vào buổi chiều, rước dâu bằng ghe, nhà trai cũng đãi hai lần như nhà gái, một lần nhóm họ, một lần tiệc chính thức. Thật là thơ mộng khi cô dâu chú rể đi giữa hai hàng cây xanh, thay vì xe hoa thì là “ghe hoa”, vui thật!

Song tôi chú ý đến hai điều vui và một điều buồn ở đám cưới ở quê. Trong bữa tiệc, từ thanh niên đến người trung niên đều nâng ly mời nhau xoay tua đến nỗi ai dự tiệc về đều say khướt, cái đầu nặng hơn “cái đuôi”. Có lẽ vì uống rượu nhiều, lẽ lam lũ với ruộng đồng nên thanh niên ở đây mau già, đen nhẻm, người quắt lại. Tôi được biết, một tiệc cưới như thế người ta uống từ 120 đến 150 lít rượu đế. Thử tưởng tượng, vào mùa cưới, người dân ở đây đốt cháy lá gan của mình như thế nào! Chắc là thế hệ này không sống qua được tuổi 75. Tại sao không uống “bia Lâm Đồng”, tức là trà đá cho vui, khỏe, rẻ, vừa thanh lọc cơ thể lại không lo bị “mad”. Ước gì quí cha xứ ở vùng này làm sao khuyên được thanh niên, dự tiệc ma chay cưới hỏi, ai cũng chỉ uống chỉ có baly mà thôi, ai uống ít hơn thì có thưởng, được khen công khai.

Còn điều vui, đó là ở vùng quê này luật hôn nhân đạo, đời, một vợ một chồng được giữ rất tốt, người ta rất ít khi bỏ nhau. Không có ai lấy vợ thừa, chồng thừa của ai cả, cũng không ai dám lỗi đạo vợ chồng đến nỗi bị “ném đá”. Còn chuyện vui cỏn con này nữa, phái nữ ở đây được đeo vàng đỏ cổ đỏ tay, có đồ trang sức nào cũng mang ra đeo thoải mái, tha hồ mà “điệu đà”, chẳng bù cho những nơi ở thành phố, đeo sợi dây chuyền lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị giựt té chấn thương “sọ dừa”.

Suy tư kết thúc chuyến đi

Rời vùng quê về thành phố, lòng tôi nghĩ về điểm truyền giáo nho nhỏ đó, nơi có thể nảy sinh nhiều hoa trái cho Giáo Hội theo dòng thời gian; mà bao giờ người mang bước chân truyền giáo cũng phải đeo thêm lòng kiên nhẫn, sự chịu đựng, khôn khéo, mềm mỏng…thì dần dần mới có được những ngôi nhà thờ to đẹp, có đám trẻ con đẹp như thiên thần trong đám rước kiệu Đức Mẹ kia.
 
Tâm Tình trong Đại Hội Thánh Nhạc XIV Vùng Dallas – Fort Worth
Nguyễn Anh Điện
23:10 19/05/2009
DALLAS - Đấy là danh xưng mà nhiều nơi vẫn đặt cho những buổi quy tụ của các ca đoàn trong Giáo hạt hoặc Giáo phận, để giao kết thân thiện và trình diễn Thánh ca, nhưng anh chị em trong vùng Dallas - Fort-Worth (DFW) chỉ gọi sinh hoạt này bằng một cách khiêm tốn: Ngày Truyền Thống Liên Ca Đoàn. Và, lần này đã là lần thứ 14, một chặng đường khá dài kể từ ngày ý tưởng “gom nhau lại “ nhen nhúm trong lòng một vài ca trưởng kỳ cựu.

Nhạc Sĩ Đỗ Vi Hạ đang tổng dợt
Ngày Truyền Thống năm nay, tôi cũng phải lái một đoạn đường dài hơn để về Giáo xứ Thánh Phê-rô tham dự. Sự tập tành vui thú điền viên của tôi chưa biết sẽ đi về đâu, nhưng đã thấy mình bị cách ly ra khỏi thành thị và xem chừng lại phải sống lại cái thời đi Kinh tế mới. Nhưng dù vất vả thế nào thì chiều hôm qua - Thứ Bảy, 16 tháng Năm 2009, tôi như bác nông dân Chung Tử Kỳ đen đúa cũng lại về để … nghe hợp xướng Thánh ca, một đam mê đã gần 40 năm nặng nợ.

Hơn 45 phút lái xe dưới bầu trời mây vây bốn hướng, tôi cầu mong trời đừng sập mưa, đừng kẹt xe để tôi được tham dự trọn vẹn. Nhớ ngày còn ở quê nhà, mỗi lần được người anh họ nhờ tài khéo ngoại giao trong giới tu sĩ, xin được vé tham dự những buổi trình diễn của ca đoàn Hồn Nước, hoặc của Giáo phận Sài Gòn là hai anh em tôi phải đi từ sáng sớm. Tuy vậy, cũng có lần chúng tôi đến vừa kịp để nghe Đức cha Phao-lô ban huấn từ trước khi… bế mạc, rồi lại cưỡi tiếp con ngựa sắt cọc cạch chạy về Hố Nai, trên đoạn xa lộ bụi bặm nắng cháy.

Ca Đoàn Giáo Xứ CTTĐVN - Arlington
Tôi đến nơi kể ra cũng còn khá sớm, tuy không kịp dự phần ôn tập chung để hát trong Thánh lễ, nhưng cũng vừa đủ để cảm nhận lại tâm tình của một ca viên, đã một thời gắn bó với sinh hoạt tốt lành này. Cầm tập tiền dẫn trong tay, tôi lướt qua chương trình và phải giựt mình khi biết là năm nay, có tới mười ca đoàn tham dự. Không ngờ trong vùng DFW, số giáo dân Việt Nam đã tăng nhanh đến thế! Hai mươi bốn năm trước, khi gia đình tôi đặt chân lên đất nước này, thì cả quận Dallas mới có một ca đoàn - Ca đoàn Têrêsa, phục vụ trong cộng đoàn Công giáo Việt Nam tiên khởi được thành lập cuối năm 1976. Nay, chỉ riêng trong giáo xứ tân lập là xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Garland cũng có tới ba ca đoàn thuộc hàng cự phách đã về tham dự đại hội.

Trước khi Thánh lễ khai mạc được cử hành, khi chăm chú theo dõi anh ca trưởng ca đoàn Trinh Vương thân mật sắp xếp chỗ ngồi cho các ca đoàn, tôi nhận thấy một điều là đa số các ca viên đều ở độ tuổi trên dưới ba mươi. Thành phần hạng “lão tướng” sắp có cháu nội ngoại thì cũng không phải là ít so với các ca đoàn bên quê nhà, nhưng riêng các ca viên ở lứa tuổi đôi mươi, thì dường như có sự thiếu vắng đáng quan tâm! Hơn nữa, ngoài một số thân nhân các ca viên, số giáo dân đến tham dự sao quá ít ỏi ? Dấu chấm hỏi cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi cho tới khi nhạc sĩ Đỗ Vi Hạ bước lên bục để điều khiển ca Nhập lễ.

Hơn ba trăm tiếng hát cùng cất lên. Hai bè của mười ca đoàn hát đều như một. Tôi liên tưởng đến sự điêu luyện của ca đoàn Tổng hợp Giáo phận Sài Gòn vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Bài ca Nhập lễ trầm hùng này tuy chưa biết tên, nhưng tôi đã nhận ra ngay rằng, nó đã lọt qua cánh cửa thẩm âm nhỏ li ti khó tính của mình. Mới đầu, tôi cứ ngỡ đây là một bản nhạc xưa cũ mà tôi chưa biết đến. Ở lứa tuổi mà đã một thời được hát những bài hát “lớn” của
Ca Đoàn “chủ nhà” Têrêsa
những nhạc sĩ tên tuổi thì không ít người, trong đó có tôi đã khép lại cánh cửa cảm nhận âm nhạc trong lòng mình. Sự khép lại này chẳng biết là do tính tự nhiên, hay do tính tự … kiêu của một người cho rằng mình thuộc giới “ nhà sang mang hàng hiệu” nhưng chỉ biết rõ rằng, đến độ tuổi nào đó, thì lòng mình chỉ còn rung động với những bài hát cũ, và lòng cứ trơ như đá với những tác phẩm mới - cả nhạc đời lẫn nhạc đạo, nhất là những sáng tác của các nhạc sĩ “hàng xóm” mà mình quen biết.

Bài ca Nhập lễ vừa dứt, tôi nhìn ca trưởng Đỗ Vi Hạ của giáo xứ lân cận bước xuống bục mà thầm khen là anh đã khéo chọn nhạc. Ắt hẳn đây nếu không phải là một bản nhạc ngoại chuyển lời Việt, thì cũng được viết bởi một nhạc sĩ tài danh ? Tôi tự tin vào nhận xét của mình và mở tập dẫn lễ ra để kiểm lại: Chúa Đã Sống Lại của Đỗ Vi Hạ. Ồ ! Thật vậy sao ? Của Đỗ Vi Hạ ? Tôi thầm trách mình… Ôi ! Xưa Chúa đã than thở rằng: ” Không có tiên tri nào được trọng vọng nơi quê hương mình” thì nay, cái thành kiến “Bụt nhà không thiêng” đã lừa tôi một vố thật đậm ! Tôi chợt nhớ rằng, vùng DFW này còn có thêm một nhạc sĩ khác được nhiều người biết đến: Anh Trần Đại Phước, tác giả của Dấu Chân Trên Cát sẽ do ca đoàn Hồng Ân hợp xướng trong đại hội này.

Như một làn gió mới thổi vào lòng mình, tôi chợt nhớ đến anh Trần Đại Nghĩa vừa mới ra đi, nghĩ đến Trần Đại Phước rồi nhớ đến cha Ngô Duy Linh, thày trò của những cuộc đời gắn bó với Thánh nhạc mà tin tưởng rằng rồi “tre già măng mọc“. Đại thụ cũng phải nhú ra từ hạt mầm và hạt giống chẳng nở hoa. Tôi ước mong và tin tưởng những nhạc sĩ “hàng xóm” vùng DFW của tôi một ngày không xa, sẽ nối tiếp ngọn đuốc sáng ngời của các bậc tiền bối trong kho
Ca Đoàn Augustine - GX ĐMHCG
báu Thánh nhạc Việt Nam. Rồi đến thế hệ mai sau, biết đâu lại sẽ có những người nghèo mà …chảnh, chuyên xài “hàng hiệu” như tôi cũng khép kín cánh cửa âm nhạc trong tâm hồn mình, chỉ giữ lại những “bất hủ và bất tử“; trong số đó có những Hải Linh, Kim Long, Ngô Duy Linh… và, có cả Đỗ Vi Hạ cùng Trần Đại Phước, hai nhạc sĩ “Bụt nhà” vùng Dallas,Fort-Worth của tôi ngày hôm nay.

Trong niềm hân hoan vô bờ, nhiều lúc tôi cảm thấy như mình không còn ngồi nơi hàng ghế cuối, mà đang bước cùng các ca đoàn, lần lượt lên bục trình diễn sau Thánh lễ. Mười nhạc phẩm, mười ca trưởng, mười ca đoàn và mười nét điêu luyện riêng. Tuyệt vời! Từ phía cuối nhà thờ nhìn lên, các ca trưởng như những cánh én chao nhịp, làm bừng lên âm vang của mùa Xuân hoà cùng nét rạng ngời lộ trên từng khuôn mặt. Tôi ngồi lặng yên để lòng mình trôi về dĩ vãng, hồi nhớ những năm tháng hồn nhiên, cất chung tiếng hát từ cõi lòng bình an, những năm tháng mà chính lòng mình cảm nghiệm được lời thánh Augustine: “ Hát là cầu nguyện gấp đôi”. Vâng, đúng như thế. Có những người đến với Chúa bằng sự lặng thinh chiêm niệm, nhưng cũng có những người đến với Chúa bằng lời hát hoà trong cung bậc nhịp nhàng. Và chúng con, những người tìm đến với Chúa, đến với nhau qua Thánh nhạc đang có mặt nơi đây để cất lên ngàn lời ca nhưng chung một nhịp - Nhịp đập của trái tim.

Mọi người nắm tay hát bài “Đâu có tình yêu thương”
Ôi ! Lạy Chúa. Trong nguồn ân sủng cảm nhận được từ Thánh nhạc, ngày hôm nay bản thân con không còn điều kiện thuận tiện để cất chung tiếng hát cùng anh em, nhưng con biết rằng, cho dù thánh Augustine dạy: hát là cầu nguyện…, nhưng từ những cảm rung tận đáy lòng, con tin rằng nghe hát cũng là cầu nguyện, vì tim con đang đập như nhanh hơn đôi lần.

Trong Thánh nhạc, chúng con tìm đến nhau. Có những anh chị đến từ Garland, Grand Prairie lân cận và từ Arlington, Fort-Worth xa xôi để về đây cất cao lời tán tụng Hồng ân, Và, cũng có con đây tìm về để lắng đọng tâm hồn trong một buổi tối cuối tuần sau những tháng ngày bôn ba, tìm lại những năm tháng con đến với Chúa bằng con đường êm ái điểm những nốt nhạc dễ thương như những bông hoa dại bên đường.

Nhưng, bên những rung cảm hân hoan vẫn là những ưu tư !

Ca đoàn Trinh Vương GXĐMHCG trình bầy Hội Nghị Diên Hồng
Tại sao ngoài sự hiện diện của các ca đoàn, số người đến để hoà chung niềm vui sao quá ít ỏi ? Phải chăng đã thiếu sự quảng bá hay chủ trương của Ban Tổ chức là giới hạn trong sinh hoạt nội bộ ? Có rất nhiều giáo dân đã nghĩ rằng danh xưng Ngày Truyền Thống Liên Ca Đoàn có nghĩa là ngày chỉ dành riêng cho những ai đang hát trong các ca đoàn, nên cũng ngại đến để nghe. (?) Tiếc thật ! Một Đại hội Thánh nhạc tuyệt vời như thế mà quá ít giáo dân biết tới để đến thưởng lãm và cảm thông. Hy vọng rằng trong Ngày Truyền Thống Liên Ca Đoàn thứ 15, số giáo dân tham dự sẽ đông gấp bội.

Thêm một ưu tư nữa. Tại sao số ca viên lứa tuổi đôi mươi quá ít ỏi ? Vì các em thuộc vào thế hệ sinh trưởng ở hải ngoại, nên vấn đề tiếng mẹ đẻ đang là một trở ngại, hay các em đang bị cuốn hút vào cơn xoáy của xã hội đầy đảo điên này ?. Rồi lớp cha anh qua đi, người mới đến định cư không còn, thì ai sẽ là người nối tiếp phục vụ Giáo hội qua những sinh hoạt tốt lành này?

Trong sự quý mến chân thành, người đang trải những giòng tâm tình này xin cầu chúc sự bình an của Chúa đến cùng quý anh chị đang dấn thân phục vụ trong các ca đoàn khắp nơi, và quý anh chị vùng DFW nói riêng. Ước mong mỗi tấm lòng là một đoá hoa dâng lên Mẹ Maria trong Tháng Hoa này.

Xin Chúa Thánh thần luôn soi sáng, kiên vững con đường mà quý anh chị đang phục vụ Giáo hội, dẫn dắt mọi người đến với Chúa qua Thánh nhạc.

Tháng Hoa, 2009
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đoàn Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ gặp giáo dân tại thành phố Sơn La
Phóng viên Hà Nội
15:18 19/05/2009
SƠN LA - Lúc 13giờ00, ngày 19.5.2009, phái đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã tới thăm gia đình ông Trịnh Xuân Thủy – người đã cho cộng đoàn công giáo thành phố Sơn La mượn tạm ngôi nhà làm nơi thờ tự.

Xin xem hình ảnh phái đoàn gặp giáo dân Sơn La

Cộng đoàn giáo dân Sơn La gồm khoảng trên 500 nhân danh, hầu hết là các giáo dân miền xuôi lên Sơn La làm ăn, sinh sống; đó là chưa kể rất đông các sinh viên Công giáo đang theo học tại trường Đại học Sơn La.

Từ nhiều năm qua, giáo dân Công giáo thành phố Sơn La luôn được chính quyền thành phố Sơn La lưu tâm, giám sát cách đặc biệt, nhất là vào các dịp lễ lớn của đồng bào Công giáo.

Cộng đoàn Sơn La là một trong ba cộng đoàn được Đức giám mục giáo phận Hưng Hóa đăng ký được sinh hoạt tôn giáo với chính quyền Sơn La từ những năm 2006. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Sơn La đã ngang ngược trả lời: “Sơn La không có nhu cầu tôn giáo”.

Từ đó tới nay, mọi sinh hoạt tôn giáo đều bị chính quyền địa phương tìm cách ngăn cản bằng những cách thức hết sức tinh vi, như: lập hương ước áp đặt trong đó nêu rõ không cho giáo dân tụ tập sinh hoạt tôn giáo, tổ chức các buổi họp đấu tố các giáo dân tham gia sinh hoạt tôn giáo… Thậm chí Chủ tịch phường Quyết Thắng đã “ra lệnh giới nghiêm” không cho giáo dân tới dự lễ như đã xảy ra trong đêm Noel 2008 vừa qua…

Lễ Phục sinh 2009 vừa qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La, chính quyền thành phố Sơn La đã huy động rất đông lực lượng cảnh sát, an ninh phường, cán bộ nhân viên phường Quyết Thắng và “quần chúng tự phát” chặn xe không cho linh mục chính xứ Sơn La – Nguyễn Trung Thoại, tới dâng lễ cho bà con giáo dân.

Những ngày qua, để hạn chế và nhằm ngăn cản giáo dân tới gặp các nhân viên thuộc Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, chính quyền Sơn La đã có những động thái kỳ lạ: viết giấy mời các giáo dân tới nghe chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La rằng “ai tới gặp gặp phái đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ là vi phạm pháp luật”.

Bên cạnh đó, các cán bộ an ninh thành phố, phường liên tục gọi điện cho ông Trịnh Xuân Thủy khi ông đang chữa bệnh tại Hà Nội và đề nghị ông “đừng nói gì kẻo làm cho tình hình thêm phức tạp”. Chiều qua, ông Trịnh Xuân Thủy về đến gia đình thì nhận được giấy thông báo của UBND Phường Quyết Thắng, nội dung bản thông báo, có thể thấy ngay được người soạn văn bản đó là Phó chủ tịch Phường có trình độ học vấn đến lớp mấy. Chắc cũng bởi thói hống hách, lộng quyền đã quen của các cán bộ ở nơi này với nhân dân Sơn La hiền lành.

Thông báo của Phường Quyết Thắng tổ chức cuộc gặp ở Nhà Văn hóa bản Giảng Lắc chiều ngày 19/5/2009, dù nhà ông Thủy có lối vào ghi một tấm bảng to tướng “Nhà văn hóa tổ 4”, nhưng họ muốn kéo ông Thủy ra khỏi những giáo dân đồng đạo của ông và thông báo với phái đoàn rằng ông Thủy vắng nhà.

Ông Trịnh Xuân Thủy vừa từ bệnh viện về, không thể đi đến nơi Phường Quyết Thắng bố trí gặp phái đoàn nên đã ở nhà, phái đoàn Ủy ban tự do tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã đến nhà riêng thăm ông Thủy.

Bất chấp những cách làm thiếu minh bạch của chính quyền thành phố Sơn La, ngay từ sáng, các giáo dân đã tới rất đông. Họ cùng cầu nguyện trong ngôi nhà nguyện tạm bợ vốn là chỗ ăn nghỉ của nhóm công nhân do gia chủ làm chủ thầu.

Khoảng 13giờ00, Phái đoàn đã tới thẳng nhà ông Trịnh Xuân Thủy mà không qua UBND phường Quyết Thắng. Cùng đi với đoàn là một cán bộ của tỉnh ủy Sơn La. Khi phái đoàn đến, đông đảo các giáo dân đã có mặt chúc mừng phái đoàn. Tất cả cán bộ nhân viên phường Quyết Thắng, từ phường tới tổ dân phố, đều có mặt, và ngồi lẫn trong nhóm giáo dân. Vì lượng giáo dân tới đông, nên phái đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã mời giáo dân ngồi ngay tại sân nhà ông Trịnh Xuân Thủy để gặp Phái đoàn.

Tại cuộc gặp các giáo dân đã nêu rõ những bất công, những chèn ép, những vi phạm về tự do tôn giáo mà chính quyền tỉnh Sơn La đã áp dụng đối với giáo dân Sơn La trong những năm vừa qua. Họ cũng đã đề đạt lên phái đoàn những tâm tư, ước nguyện mà họ đã nhiều lần đề nghị với chính quyền tỉnh Sơn La nhưng không được đáp ứng.

Phái đoàn đã nghe các giáo dân nói lên hiện trạng về tôn giáo của họ thời gian qua, đã ghi nhận các ý kiến của giáo dân Sơn La và hứa sẽ chuyển những ý kiến này đến các cấp chính quyền Tỉnh Sơn La cũng như nhà nước Việt Nam.

Đi kèm phái đoàn có các cán bộ chính quyền và công an đến nhà riêng ông Thủy, trong đó người ta nhận rõ ràng Chủ tịch Phường Nguyễn Văn Thuận.

Khi giáo dân phát biểu, Nguyễn Văn Thuận đã trâng tráo kể lể như một bài thuộc lòng về những công lao của đảng, nhà nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Sơn La(sic), nhiều đổi thay ở Sơn La dưới sự lãnh đạo của đảng, đồng bào trong đó có công giáo đã làm giàu…

Nguyễn Văn Thuận quên mất một điều rằng đây là Ủy ban Tự do Tôn giáo, chứ không phải Ủy ban Kinh tế của nhà nước Việt Nam để nghe những lời nịnh đầm và sáo rỗng đó.

Nhưng, những lời phát biểu đó đã bị chính các giáo dân đập lại bằng những chứng cứ, hình ảnh rõ ràng. Hình ảnh những công dân Việt Nam phải đề đạt lên phái đoàn Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ những nguyện vọng chính đáng mà họ đã đề nghị với chính quyền Sơn La từ bao năm qua, nhất là họ đã phải cậy nhờ những người ngoại quốc can thiệp để được tự do thờ phượng Chúa, quả là một nỗi nhục quốc thể.

Hành động này của Ủy ban Tự do tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã nâng đỡ những người giáo dân tại Sơn La đang bị nhà cầm quyền chà đạp quyền tự do tối thiểu của họ bằng mọi cách.

Đoàn làm việc với các giáo dân khoảng 1 tiếng rưỡi và quay phim, chụp ảnh với các giáo dân Sơn La trước khi tạm biệt. Khoảng 14giờ30, phái đoàn rời khỏi nhà ông Trịnh Xuân Thủy, trực chỉ thành ủy và UBND tỉnh Sơn La để gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Sơn La.

Những âm mưu của nhà cầm quyền Sơn La cả tuần nay nhằm ngăn chặn phái đoàn tiếp xúc với giáo dân đã bị phá sản kể cả từ Mộc Châu đến Sơn La, sự thật đã bị phơi ra trước ánh sáng.

Chiều tối nay, Phái đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ sẽ lên đường đi thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên.
 
Giáo dân Thái Bình nhất loạt tẩy chay văn nghệ mừng 19/5
Hải Hà
21:56 19/05/2009
Truyền thống Thái Bình

Thái Bình là giáo phận có số giáo dân đông đảo, kiên vững đức tin dù trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo nhất.

Ngay từ thời Giám mục tiên khởi của Giáo phận là Dominico Maria Đinh Đức Trụ, (1908-1960-1982 ) Giáo phận Thái Bình nổi tiếng là một Giáo phận vững vàng về lòng tin và mạnh mẽ đức mến.

Năm 1954, trước làn sóng nhiều linh mục bỏ chạy vào Nam trước thảm họa cộng sản, Linh mục Đinh Đức Trụ tình nguyện ở lại với giáo phận Thái Bình và được Đức cha Santos Ubierna (Ninh) đương nhiệm Giám mục Thái Bình trao phó trách nhiệm điều khiển giáo phận trong hoàn cảnh giáo phận không có Giám mục, từ giữa năm 1954.

Nhiều câu chuyện, nhiều giai thoại về Đức Giám mục Dominico Maria Đinh Đức Trụ hiện vẫn còn truyền lại trong giáo dân và nhân dân Thái Bình về thời kỳ này với lòng tự hào và luyến tiếc.

Đặc biệt, người ta khâm phục sự nhìn xa, trông rộng của Đức Giám mục Dominico Maria Đinh Đức Trụ trước thảm họa cộng sản. Ngài đã hướng dẫn giáo dân sống đúng đường lối tin mừng, cảnh giác trước những hậu quả xấu xa của phong trào như “hợp tác hóa sản xuất nông nghiệp”… mà nhà nước buộc mọi người phải nghe theo để rồi sụp đổ và đưa đất nước vào đói nghèo.

Một vài giai thoại đáng nhớ về Đức Giám mục Dominico Maria Đinh Đức Trụ còn được kể lại như sau: “Thời cộng sản còn hoành hành khát máu, để đi viếng thăm mục vụ các xứ đạo, Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ, giám mục chính toà địa phận Thái Bình, thường phải giả dạng để qua mặt công an cộng sản mới đến được các xứ đạo. Khi thì ngài đóng vai ông bố bế con thơ, có bà mẹ lẽo đẽo theo sau. Có lần, ngài cải trang thành người lái lợn: cũng áo nâu sồng, “quần xắn móng lợn”, nón lá bung vành… khệ nệ khiêng một con lợn …

Qua đồn công an ngài tấp vào nghỉ, đặt lợn xuống cạnh đồn, thở hổn hển, lấy khăn lau mồ hôi nhễ nhãi chảy, lấy nón quạt cho đỡ mệt và xin nước uống, lại còn nói chuyện khôi hài khiến công an không nghi ngờ, vì Đức cha có dáng dấp nông dân, chứ không đạo mạo trắng trẻo như người học thức.

Để phục vụ dân Chúa, người mục tử khôn ngoan không quản ngại đóng vai một ông lái lợn, can đảm đi qua hang sói, để đến được với đoàn chiên Chúa đã trao phó cho mình.

Trong 22 năm trách nhiệm chủ chăn, Ngài đã tỏ ra là một vị chủ chăn khôn ngoan và sáng suốt trong quyết định, bình dân và hiền từ trong tiếp xúc, đạo đức và hy sinh”.


Giáo dân Thái Bình nói riêng, nhân dân Thái Bình nói chung có truyền thống quật cường và bất khuất không chấp nhận sự bạo ngược của chính quyền. Những cuộc nổi dậy của nhân dân toàn tỉnh Thái Bình những năm 1996-1997 vẫn còn dư âm đến hôm nay làm cho nhà cầm quyền mỗi lần nhớ đến vẫn tay đập, chân run.

Sự kiện hôm nay

Gần đây, sự kiện ngày 2/5/2009, giáo dân Giáo phận Thái Bình hành hương Đức mẹ Thái Hà đã bị các cấp cầm quyền, công an ngăn cản ráo riết và trắng trợn bất chấp luật pháp đã cho giáo dân nhận ra bộ mặt nhân nghĩa giả trá của họ.

Ngay cả Giám mục F.X Nguyễn Văn Sang cũng phải “trốn đi từ tối hôm trước” và khi đến Thái Hà còn có người sợ bị ngăn chặn.

Nhiều giáo dân bị ngăn chặn trở lại nhà không được đến hành hương Đức Mẹ Thái Hà để lĩnh ơn Đại xá đã hết sức phẫn uất trước thái độ trắng trợn của nhà cầm quyền.

Giám mục F.X Nguyễn Văn Sang đã gửi “Thư ngỏ” về việc này, nhưng đến nay vẫn mọi chuyện rơi vào sự im lặng như đá ném ao bèo. Dường như nhà cầm quyền đã “điếc” trước những lời này hoặc cố tỏ ra thái độ coi thường ý kiến của Giám mục Thái Bình hiện nay.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều giáo dân, nhất là các đội kèn nữ, các đội trống… bất chấp khó khăn, vượt qua nguy hiểm về bằng được bên Mẹ Thái Hà với niềm khao khát và niềm vui khôn tả.

Những tấm gương đó đã được các linh mục kịp thời động viên và khen ngợi, giáo dân hết sức phấn chấn.

Xem video Hội Kèn nữ giáo phận Thái Bình

Ngày 13/5/2009, nhân ngày lễ Mẹ Fatima tại Giáo xứ Cổ Việt, linh mục Dominico Đặng Văn Cầu – Tổng Đại diện của Giáo phận - đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành vi cản trở tự do đi lại và hoạt động tín ngưỡng của nhà cầm quyền Việt Nam tại Hà Nội và Thái Bình trước mặt đầy đủ các quan chức từ xã đến huyện. Ngài đã đặc biệt khen ngợi và bày tỏ sự cảm phục đối với lòng can đảm của giáo dân Thái Bình, đặc biệt là chị em đội kèn nữ Giáo xứ An Lạc, Cam Châu.

Thái Bình là Giáo phận có nhiều giáo xứ tổ chức các đội kèn nam, nữ và các đội trống rất phong phú. Đặc biệt, giáo xứ Hoàng Xá có chiếc trống sấm lớn nhất Việt Nam hiện nay, chiếc trống này đã vang lên hồi trống cầu nguyện cho Sự thật – Công lý – Hòa bình mở đầu năm 2009.

Nhà cầm quyền đã cho công an các huyện Vũ Thư, Thái Thụy, một mặt sách nhiễu các giáo dân, làm khó dễ cho họ, đặc biệt là chị em đội kèn nữ Cam Châu, An Lạc khi đi hành hương… mặt khác cho cán bộ văn hóa đến các giáo xứ có các đội kèn, trống, các đội văn nghệ… mời và vận động các đội tập luyện văn nghệ tham gia hội diễn văn nghệ tại Huyện Vũ Thư ngày 17/5/2009 để chào mừng ngày 19/5 – sinh nhật Hồ Chí Minh.

Điều đặc biệt ở đây, là họ chỉ mời các đội văn nghệ, kèn trống của các giáo xứ Công giáo, không có bất cứ đội văn nghệ nào bên ngoài tham dự “hội diễn” này.

Đây là một kế khá thâm hiểm, nhà cầm quyền không muốn những tiềng kèn, tiếng trống này vang lên những lời ca ngợi Thiên Chúa và Mẹ Maria, trái lại, dùng nó để ca ngợi, sùng bái một cá nhân được thần thánh hóa, nhằm lừa bịp mọi người.

Nếu sự kiện này được tổ chức trót lọt, báo chí, truyền hình nhà nước được dịp tung hô các đội kèn, đội trống các xứ đạo đã vang lên ca ngợi ơn đảng, ơn bác để làm gương cho các xứ khác noi theo mà quên đi nhiệm vụ của họ là chỉ thờ phượng Thiên Chúa.

Một điều hết sức thú vị, là tất cả những đội kèn, đội trống trước đây nếu được chính quyền ưu ái, thì đã hết sức cảm động và cảm ơn. Họ đã đi hành hương vất vả, tự túc kinh phí và bị ngăn chặn nhưng vẫn hăng hái và hăm hở tìm cách đi bằng được, nay được nhà nước kêu mời, cấp kinh phí và ưu ái nhiều mặt.

Nhưng lần này, tất cả các giáo xứ như An Lạc, Bồng Tiên, Cổ Việt, An Châu, Đông A, Trung Đồng, Trại Gạo, Kính Danh, Truyền Tin, An Lão, Văn Lâm, Đức Long, Đội Trạch, Hoàng Xá… đều nhất loạt không tham gia hội diễn này.

Vì vậy hội diễn đã không thể diễn ra. Như vậy, vở diễn đã bị cháy rất ngoạn mục.

Đây là sự bất ngờ và làm choáng váng nhà cầm quyền trước sự bày tỏ thái độ của giáo dân Thái Bình qua những việc làm bất nhân và bất chấp luật pháp của họ với giáo dân vừa qua. Thậm chí, có những giáo xứ còn nói thẳng vào mặt nhà cầm quyền: “Trống kèn của chúng tôi sắm ra để thờ phượng Thiên Chúa, tại sao chúng tôi đi hành hương Thái Hà thì bị ngăn cản từ trung ương đến địa phương một cách bất hợp pháp, nay các ông lại bày trò mời chúng tôi biểu diễn ca ngợi ông Hồ của các ông với mục đích gì”?

Trước sự phản ứng mạnh mẽ của giáo dân, nhà cầm quyền đã buộc phải muối mặt khi hội diễn không thể diễn ra theo thâm ý của họ.

Đây là một bài học mà giáo dân Thái Bình đã dạy cho nhà cầm quyền vốn quen thói áp đặt và ngang ngược ngăn cản bất hợp pháp quyền của công dân.

Đây cũng là bài học của giáo dân bày tỏ thái độ của mình cho nhiều người chưa hiểu hoặc vẫn có thái độ nhu nhược, hèn nhát, thỏa hiệp với những âm mưu, những thủ đoạn đê hèn của nhà cầm quyền cộng sản với Giáo dân, Giáo hội.

Ngày 19/5/2009
 
Tháng Năm, nhớ sinh nhật những con người vĩ đại
Gioan Lê Quang Vinh
22:24 19/05/2009
Trên Internet tình cờ tôi đọc được những câu thơ:

Ngày dài lắm!
Tôi được kể rằng, ai sinh ra trong tháng 5 sẽ được sống dài,
Cùng nắng, cùng gió, cùng những loài hoa ngào ngạt hương.
Rồi ôm trọn lòng mình…như ngày tháng năm.”


Và bỗng nghĩ đến những người vĩ đại “sống dài cùng nắng cùng gió cùng những loài hoa ngào ngạt hương”. Tháng năm, tháng Hoa của Mẹ mà. Ở thời đại nào thế giới cũng có những con người vĩ đại. Họ vĩ đại không phải vì họ sống khác người hay họ làm cho thế giới rúng động và hoảng sợ, nhưng họ vĩ đại vì họ đã sống trọn vẹn sứ mệnh làm người. Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng con người có một nhân vị và nhân vị ấy cao quí vì biết hướng về siêu việt. Chính Đấng Tạo Hoá, Đấng Cứu Độ và Đấng Thánh Hoá làm cho con người là con người, chứ không phải ai hay cái gì khác. Sống cho trọn kiếp người cho ra người không phải là điều dễ dàng. Nhưng đã có những con người như thế. Tháng năm, tháng có ngày sinh của những con người biết hướng về siêu việt chứ không phải chối bỏ siêu việt.

Người vĩ đại đầu tiên chúng tôi muốn nhắc đến là ĐGH Gioan Phaolô II, Ngài sinh vào ngày 18/5 năm 1920. Con người ấy đã lớn lên âm thầm nhưng đến một thời điểm đặc biệt mà Thiên Chúa định trước, người đã góp phần xoay chuyển lịch sử. Cứ khoảng 9 hay 10 năm là cuộc đời người thay đổi. Rước lễ lần đầu lúc 9 tuổi, lãnh phép Thêm Sức lúc 18 tuổi, rồi người thụ phong linh mục năm 26 tuổi, làm Giám mục 38 tuổi (1958), rồi 9 năm sau làm Tổng Giám mục Krakow năm lúc 46 tuổi. Tám năm sau người được phong làm Hồng Y do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vào (năm 1967), lúc 47 tuổi, và 11 năm sau, lúc 5 giờ 15 chiều ngày 16 tháng 10 năm 1978, người được bầu làm vị Giáo hoàng thứ 263 kế vị Thánh Phêrô ở tuổi 58. Con người vĩ đại ấy có sinh ở Balan với tên gọi là Karol Josef Wojtyla, là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng làm cho thế giới ngưỡng mộ. Người đã làm cho Balan rồi Đông âu quay trở lại, thục hiện lời Mẹ Fatima báo trước năm 1917, năm mà nước Nga trở thành nước Cộng sản. Người đã thổi luồng sinh khí của “ngưỡng cửa thiên niên kỷ” vào Giáo Hội Công Giáo. Và chính người đã làm gương cho lời người rao giảng bằng việc tha thứ cho Mehmet Ali Agca, kẻ đã bắn người. Ông này hiện đã tuyên bố sẽ xin trở lại đạo. Nói hết về cuộc đời vị thánh giáo hoàng này là điều không thể, chúng tôi chỉ xin tóm gọn lại rằng người vĩ đại vì người đã chu toàn sứ mạng trong khiêm tốn, yêu thương và đầy nhiệt huyết vì lòng yêu mến Chúa Giêsu và Mẹ Ngài.

Những con người Việt nam vĩ đại khác được mừng sinh nhật bách niên (trăm tuổi) vào tháng 5 là là Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (về cùng Chúa năm 1988) và Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ đang hưu dưỡng ở Long Xuyên. Một con người vĩ đại khác là người Việt nam sinh năm 1919 (ngày 20/5) ở Ninh bình là Đức Hồng Y vừa từ giã cuộc đời này là Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng. Nhiều người đã nói và viết về các ngài, về cuộc đời các ngài trong những ngày qua, cho nên chúng ta không cần viết thêm nữa. Các ngài là những vị chỉ nghĩ đến việc thực thi Thánh Ý Thiên Chúa và làm cho con người được sống đúng phận người. Các ngài dù đã ra đi hay đang sống những năm tháng cuối của cuộc đời mình, các ngài giống nhau ở chỗ là luôn “trung tín trong những việc nhỏ nhất” như Lời Đức Giêsu đã nói.

Từ những cuộc đời của những người Cha hết mình vì đoàn dân ấy, chúng ta cảm nghiệm được rằng những đòi hỏi của Tin Mừng về cuộc sống, về kiếp người và về sứ vụ mục tử. Nhìn vào tấm gương sáng chói của các ngài, chúng ta cảm thấy Học Thuyết Xã Hội Công Giáo là thực tế, phù hợp với con người của mọi thời đại, mọi xã hội và mọi tầng lớp. Như trên đã nói, con người tự bản chất là siêu việt, là vĩ đại. Nhưng để vươn tới tầm siêu việt ấy, chỉ có một cách duy nhất là thực hành ý định nhiệm mầu của Đấng Tạo Hoá. Giáo lý Công giáo dạy rằng lý trí con người bằng những phương thế tự nhiên – chưa cần đến lời rao giảng – vẫn có thể nhận biết Đấng Tạo Hoá và sống theo tiếng Ngài trong lương tâm. Như thế không ai có thể biện minh rằng vì tôi không biết Ngài nên tôi không thể sống như ý Ngài. Và khi chối bỏ Ngài, hay chống đối Ngài, thì con người tự mình chối từ giá trị siêu việt của mình.

Theo Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, con người siêu việt hay vĩ đại trước hết là vì “Giáo Hội nhìn thấy nơi mỗi người, nam cũng như nữ, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này mỗi ngày được triển khai thêm một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn nơi mầu nhiệm Đức Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người”. (103) Giáo Hội dạy rằng: “Thông điệp căn bản của Thánh Kinh cho biết con người là thụ tạo của Thiên Chúa (x. Tv 139,14-18), và theo thông điệp ấy, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chính là yếu tố định tính và phân biệt con người: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Ngài sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Thiên Chúa đặt con người vào trung tâm và chóp đỉnh của trật tự sáng tạo. Con người (theo tiếng Hipri là “adam”) được tạo dựng từ đất (adamah) và Thiên Chúa thổi hơi sự sống vào mũi Ađam (x. St 2,7).” (108).

Con người cao cả là thế, vĩ đại là thế, nhưng có những kẻ chối từ đặc ân ấy. Họ không làm cho Đức Giêsu “lớn lên” mà lại muốn trao nộp Người vào tay kẻ dữ. Và khi không làm gì được Người thì họ trao nộp những môn đệ trung kiên bước theo Người. Thế gian vốn đã chọn bóng tối và sự chết làm thủ lãnh, không dám mở mắt ra trước ánh sáng chói loà. Còn những con người vĩ đại thì lại khác. Các ngài “biết mình, làm chủ mình, tự do hiến mình và tự nguyện hiệp thông với người khác. Hơn thế nữa, con người được ơn Chúa mời gọi ký kết giao ước với Đấng Tạo Hoá của mình, lấy đức tin và tình yêu đáp trả Ngài, một sự đáp trả mà không thụ tạo nào có thể làm thay con người” như Học Thuyết Xã Hội Công Giáo dạy. Những con người vĩ đại của tháng 5 rõ ràng nhắc cho chúng ta ba chiều kích, ba tương quan mà chúng ta phải cố gắng sống trọn vẹn: tương quan với Thiên Chúa Tạo Hoá (là hình ảnh Ngài), tương quan với chính mình (biết mình, làm chủ mình) và tương quan với anh chị em (tự nguyện hiệp thông với người khác).

Đừng đòi hỏi giá trị cao cả, siêu việt cũng đừng đòi người khác nhận thấy nét siêu việt của mình nếu con người chối từ Đấng tạo thành mình, chẳng biết mình là ai trong vũ trụ bao la này và không ngừng chà đạp anh chị em mình. Nhân quyền được hiểu đơn giản là quyền mà Đấng Tạo Hoá tặng ban cho con người, là quyền bất khả xâm phạm, và điều mà thế gian không hiểu được, bởi lẽ họ không hiểu được quyền ấy đến từ đâu.

Tháng Năm, tháng Hoa của Mẹ. Mẹ vĩ đại nhất trong con cái loài người vì Mẹ là hình ảnh đẹp nhất của Thiên Chúa, Mẹ biết rõ giá trị của mình khi Mẹ thưa “tôi là nữ tỳ Thiên Chúa” và Mẹ làm cho giá trị ấy thành vĩ đại khi Mẹ thưa “Fiat”, Xin Vâng. Nhờ đó Mẹ làm cho phần lớn nhân loại được đi vào siêu việt. Xin Mẹ cho chúng con và người thế gian sống đúng phận người cũng như giúp anh chị em sống đúng phận người ấy, mà không ngăn cản cách này cách khác.
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
CĐCGVN - Nam Úc Phân Ưu đến Đ/ô Paul Nguyễn Minh Tâm Quản Nhiệm Cộng Đồng
Jos. Vĩnh SA
04:11 19/05/2009
CĐCGVN-Nam Úc Phân Ưu Đến Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm

- Cựu Chủng Sinh Khóa 17 Giáo Hoàng Học Viện Pio X Đà Lạt

- Quản Nhiệm Cộng Đồng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc

-Thánh Lễ An Táng Bà Cố Maria sẽ được cử hành vào lúc 8 giờ 30 sáng Thứ Sáu ngày 22 tháng 5 năm 2009 tại Giáo Xứ Sơn Hòa, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức, GP. Bàrịa, Vũng Tàu, VN
 
Văn Hóa
Xin đừng làm mất tuổi thơ của con trẻ
Bùi Hữu Thư
23:17 19/05/2009
Xin đừng làm mất tuổi thơ của con trẻ

Chúng ta có thể thấy những bức hình của các trẻ em di cư bị bắt buộc phải giúp đỡ cha mẹ để kiếm tiền ngay từ khi mới tám chín tuổi. Các em gái thì khâu nút, lớn hơn chút thì có thể máy những đường chỉ cho gấu áo hay gấu quần. Em trai thì cuốc đất làm vườn, trồng tưới, vun sới và hái rau trái cho mẹ đem bán ngoài chợ. Nhìn con mắt của các em bé này chúng ta thấy chúng nói cho chúng ta biết rất nhiều về những đứa trẻ bị bắt buộc phải lớn lên quá sớm, và về việc "đánh mất tuổi thơ của chúng". Vì phải nuôi sống gia đình, cha mẹ các em đã vi phạm luật lệ không cho khai thác sức lao động của con trẻ. Ở tiểu bang Virginia, trẻ em phải đi học cho đến năm 17 tuổi. Các em 14 tuổi trở lên muốn đi làm trong khi đi học thì phải có giấy phép của nhà trường.

Nhưng đây là là một hình ảnh trái ngược: Bé Mai vừa ở trường về. Hôm nay là ngày Thứ Hai, em phải vội vã làm và học bài rồi đi học vũ ballet. Sau ballet là các lớp học nhảy jazz hay tap, vì bây giờ em đã lên lớp năm và em đã vũ được nhiều năm nên phải thêm các bài học mới này trong chương trình. Thứ Ba là ngày em phải học piano, đây là một môn học mà em đã bắt đầu tư lớp một. Thứ Tư là ngày dành cho Hội Nữ Hướng Đạo. Thứ Năm là ngay đi bơi. Thứ Sáu là ngày tập dượt cho một vở kịch cho sân khấu của trẻ em. Thứ Bảy thì có sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể và lớp Giáo Lý ở nhà thờ vào buổi chiều. Chủ Nhật em phải đi lễ với cha mẹ. Bé Mai sanh ra trong một gia đình đầy yêu thương. Cha mẹ em làm việc khá vất vả để có thể cung cấp cho em những lớp học và giải trí xa xỉ này. Những tại sao hình ảnh này lại có cái gì không ổn?

Điều không ổn là: Cho nhiều quá hóa ra là cho quá ít, quá nhiều hoạt động mà có quá ít thì giờ. Các cha mẹ thời nay cũng giống như cha mẹ của Bé Mai, đã làm một lỗi lầm vì tình yêu. Chúng ta hoạch định một thời khóa biểu thật bận rộn cho con em, mà đã lấy đi món quà quí báu về thời giờ - thời giờ mà chúng có thể thật sự coi là của riêng của chúng. Chúng ta đã tạo dựng nên một nhóm người lớn "tí hon" với những thời khóa biểu nặng nề và bận rộn y như thời khóa biểu của chúng ta.

Những đứa trẻ của các gia đình di cư đã bắt buộc phải theo truyền thống của cha mẹ chúng, là làm lụng đầu tắt mặt tối để kiếm miếng ăn. Chúng ta đã không thấy là những đứa trẻ quá bận rộn và phải sống cuộc đời gò bó của người nhớn đã thiếu thốn mất bao nhiêu. Chúng thiếu những gì là hồn nhiên, ngây thơ và vô tội.

Các bài học thực ra không có gì là tai hại. Các hoạt động có tổ chức sẽ đem đến cho trẻ em nhiều khả năng mới. Các hoạt động cũng là cách để cho đứa trẻ có dịp sinh hoạt với các trẻ em khác trong một hoàn cảnh có quy củ. Trong mọi trường hợp, trẻ em có một nhà chuyên môn để hướng dẫn nó quá các giai đoạn học hỏi để đạt được sự thông thạo trong công tác chúng phải học. Những chính đó mới là vấn đề. Trong mỗi hoạt động chúng ta có mẫu mực của một mục tiêu đã tiền định: một bài đàn piano phải trình tấu, một bài vũ phải thông thạo, một trận túc cầu phải thắng.

Chúng ta thử nhớ lại con cái chúng ta khi chúng còn là các em bé sơ sinh. Có ai trong chúng ta có thể mơ đến một đời sống hoàn toàn thoải mái như vậy? Ăn rồi ngủ, ngủ rồi lại ăn. Những hãy thử xem kỹ coi, các em bé này có thể để ra hàng giờ để ngắm nhìn cái nắm tay, rờ cái bàn chân, hay khám phá ra cái mũi của chúng. Và rồi, những tiếng “u ơ” phát ra từ miệng chúng, rồi những tiếng nói "ba ba", "má má" đầu tiên. Rồi tập lát, tập ngồi và tập đứng.

Trong những năm đầu của đời sống, con cái chúng ta - mặc dầu không có bài học, không có thầy dạy, không có chương trình nào ngoài thời khóa biểu của chính chúng - đã tự học đi và học nói một thứ tiếng mới. Điều này không dở chút nào, vì chúng cũng có những mục tiêu, chúng cũng hoàn tất từng giai đoạn trên đường đạt đến mục tiêu, bị thúc đẩy bởi bản tính của con trẻ. Chúng ta cần gợi lại những hình ảnh này và nhớ đặt niềm tin nơi con cái chúng ta. Chúng ta nên khuyến khích con em "bỏ phí" một chút thời giờ để xem cúng có thể làm được cái gì.

Khi chúng ta cho con cái món quà của sự tự do sử dụng thời giờ của chúng, chúng ta đã ban cho chúng cùng với thời giờ tự do, cái dịp để sáng tạo và theo đuổi những mục tiêu của chúng. Bản tính tự nhiên của trẻ em là sáng tạo. Ai nghi ngờ nhu cầu sáng tạo này của các em hãy thử đi một vòng quanh một căn nhà một buổi chiều sau khi một đứa trẻ đã chơi đùa bận rộn. Thế giới kỳ diệu của một kiến trúc sư được cất lên bằng những miếng gỗ hay nhựa và những hình người Leggo. Các gia đình búp bê đang sinh hoạt bận rộn trong cuộc sống hàng ngày. Rải rác còn có thể có những mảnh giấy vụn được viết đầy chữ và vẽ đầy hình. Một trò chơi của trẻ con là một địa điểm tuyệt đẹp cho cha mẹ suy ngẫm. Đứa trẻ này sau này lớn lên sẽ trở thành một nhân vật nào? Con cái chúng ta có nhiều điều phải chỉ cho chúng ta thấy, và nói cho chúng ta biết về chúng. Khi con cái có vẻ thích một môn thể thao hay một nhạc cụ, nếu chúng ta có thể cho chúng những bài học về các ngành đó, thì chúng ta nên vui vẻ mà làm như vậy. Nếu chúng ta thấy nơi con cái chúng ta có một sự khác biệt với anh chị em của nó và không thích học hỏi về một ngành nào, chúng ta có cái hân hạnh là có thể khuyến khích con cái chúng ta chú ý đến một hoạt động khiến cho hoạt động ấy trở nên thực sự là của nó. Chúng ta cần phải tin cậy nơi con cái chúng ta, để tin rằng, nếu bỏ mặc chúng một mình, chúng có thể tự cung cấp những câu trả lời tốt đẹp cho các nhu cầu của chúng.

Khi chúng ta giới hạn bớt các hoạt động được hoạch định, con cái chúng ta sẽ sử dụng thời giờ nhàn rỗi để đạt được những thành quả cao hơn, để trở nên tự tin hơn, và hài lòng hơn về bản thân của chúng và thế giới chung quanh. Vì thời giờ im lặng không có chương trình khiến cho trí óc được thảnh thơi và cởi mở. Chúng ta có thể không biết rõ khi nào thì đời sống tâm linh khởi sự, những lời khuyên dạy trong Thánh Kinh "Hãy im lặng và biết rằng Ta là Thiên Chúa" sẽ có vẻ đúng sự thật bây giờ và cũng như đã đúng trong lịch sử. Con cái chúng ta cần có thì giờ để lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng, để nhắc nhở chúng về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng, và để nhắc nhở chúng rằng chúng thật sự rất đáng yêu.

Chính những nhu cầu của chúng ta về vấn đề này cũng cần được xem xét lại. Chúng ta cũng cần tự ban cho chúng ta những thời giờ nhàn rỗi để không phải làm gì cả, thời giờ để làm quen với chúng ta. Con cái chúng ta quan sát chúng ta và bắt chước chúng ta. Dù muốn hay không, dù hay hay dở, chúng ta cũng đang dạy dỗ chúng mỗi ngày.

Các bậc cha mẹ đạt được các thành quả tốt đẹp trong đời, đã bỏ ra cả cuộc đời để phát triển nghề nghiệp của họ. Họ cũng muốn cho con cái của họ cũng thành công như vậy; để thực hiện việc này, họ đã ban cho con họ những kinh nghiệm của tuổi thơ tốt đẹp nhất và tiếp theo với những trường học, những thầy dạy kèm, và những bài học. Họ là những người có đời sống vội vàng, là những người "sống vội".

Các nhà tâm lý học phỏng vấn cha mẹ, thầy cô và những bác sĩ phân tâm học đã từng làm việc với các trẻ em, con cái của những người có thành quả cao. Họ khám phá ra rằng các trẻ em này, mặc dầu ngoài mặt đang sống một đời sống rất đầy đủ và bổ ích, lại đang phải phấn đấu với cái cảm tưởng là chúng còn kém cỏi, thiếu sư tự trọng, tự tin và chưa xứng đáng với sự mong ước của cha mẹ chúng.

Những bậc cha mẹ được phỏng vấn không phải là những người đã thành đạt một cách tuyệt đối, là những người ích kỷ chỉ muốn thúc đẩy con cái phải thành công để gia tăng thêm sự thỏa mãn của cá nhân họ. Họ là những bậc cha mẹ bình thường chỉ muốn cho con cái có được một đời sống phong phú.

Đa số chúng ta có những cuộc sống bình thường. Chúng ta thấy thích thú về những gì chúng ta làm, và chúng ta làm việc chăm chỉ để có được những phần thưởng về việc làm của chúng ta. Nhưng ở trong một môi trường văn hóa lưu động liên tục, nơi mà nhiều người trong chúng ta không thích đời sống của một đại gia đình như thế hệ cha ông chúng ta, chúng ta có rất ít các mẫu mực để bắt chước về việc làm cha mẹ. Thay vào đó, chúng ta lại nhìn vào những người xung quanh, mà đa số những người sống ở vùng ngoại ô các đô thị đều trạc tuổi chúng ta. Và tất cả chúng ta thuộc một lứa tuổi nào đó đã trở nên quen thuộc với việc hoạch định cho chúng ta những ngày thật bận rộn.

Chúng ta mỗi ngày đều có chức nghiệp phải lo; và buổi tối thì có những hoạt động liên hệ đến công việc làm, những hoạt động cộng đồng, nhưng nỗ lực về thể thao, và những công tác cho trường học hay nhà thờ. Nhu cầu kinh tế đòi hỏi rất nhiều thời giờ làm việc, và nhiều khi vì tự trọng chúng ta phải hoạch định một thời khóa biểu sau giờ làm việc thật bận rộn, vì nếu chúng ta nhìn quanh, chúng ta luôn luôn có thể tìm thấy một người đang làm nhiều hơn chúng ta.

Những đường lối sống này sẽ nói gì với con cái chúng ta khi chúng nhìn gương chúng ta? Chúng ta có giống như những bậc cha mẹ "sống vội", chúng ta làm cho ngày giờ của chúng ta bận rộn đến nỗi chúng ta nói với chúng rằng những thời giờ dùng cho một hoạt động "không được ấn định rõ ràng" là thời giờ phung phí vô ích? Hay là để cho có kết quả chúng ta phải dồn ép tất cả những giờ phút thức tỉnh vào những hoạt động phải có một phần khởi sự, một phần giữa và một phần cuối? Dù cho chúng ta có phải hoạch định chương trình, hay tự ban cho chúng ta một ít thời giờ "xã hội”, thời giờ để canh tân lại tâm hồn. Hay bắt đầu làm gương tốt hơn cho con cái chúng ta.

Hãy khuyến khích con cái chúng ta trở nên những đứa trẻ tốt hơn, vì con trẻ là bồng bột, là sáng tạo, và cởi mở đối với các kế hoạch của Thiên Chúa. Khi chúng ta khuyến khích con cái bỏ phí thời giờ, hay đảm bảo rằng thời gian đó là thời gian tốt. Hay tháo sợi giây cắm điện của máy Vô Tuyến Truyền Hình và máy Nintendo ra. Hãy làm ngơ khi phải nghe câu nói: "Chúng con làm gì bây giờ? Chúng con buồn chán quá." Buồn chán chỉ là bước đầu. Hãy tin cẩn con cái chúng ta về khả năng tìm giải đáp cho sự buồn chán ấy. Hãy hạ thấp những tiêu chuẩn của chúng ta. Khả năng sáng tạo, sự hồn nhiên và sự tăng trưởng có thể đôi khi rất bừa bộn!

Tôi nhớ lại tuổi thơ của tôi vào thập niên 30 và 40. Dù phải học chữ ngay từ lúc mới 4 tuổi và mới 5 tuổi đã phải học Lớp 1, tôi vẫn được thả lỏng cho leo trèo trên mái nhà, leo cây, leo tường, tự phong cho mình danh hiệu Hùng Sơn và tưởng tượng mình là “Tiêu Sơn Tráng Sĩ Trừ Gian Diệt Bạo”. Tôi cũng thích bắn chim bằng súng cao xu, chọi dế, bắt bọ ngựa kéo xe làm bằng hộp đựng diêm quẹt. Đồ chơi tối tân như con trẻ ngày nay có đầy nhà, tôi phải tự chế ra đồ chơi, như làm pháo chìa khoá với tua làm bằng sợi len, diêm sinh, than và miếng giấy xé từ hộp quẹt. Pháo này được ném tung lên trời rồi rớt xuống nổ ròn. Tôi cũng chế các lựu đan bằng bóng đèn đã hư cùng với vôi bột và si, hay dùng diêm sinh chộn chung với những viên đá và gói kín để ném từ trên mái nhà xuống đường cho nổ. Tôi cũng làm các súng bắn vỏ dưa hấu bằng lông ngỗng, và súng bắn trái soan bằng ống tre. Rồi tháng 12, 1946, với chiến dịch “làng không nhà trống”, nhà chúng tôi bị đốt và gia đình phải xuống ghe chạy loạn từ thành phố Nam Định về Trà Bắc, Hành Thiện, Phú Nhai, và sau đó sang Trình Phố Thái Bình. Tôi vẫn được theo học Trường Trung Học Nguyễn Khuyến Trà Bắc và sau đó Trường Trình Phố, nhưng những năm tháng ở miền quê tôi hết sức sung sướng vì được gần gũi với thiên nhiên. Tôi câu cá, vợt tôm, đào hố khi trời mưa để bắt cá rô, bắt cua, bắt lươn trên bờ ruộng, cưỡi trâu, thổi sáo, thả diều, học bơi nhất là bơi lội dưới song, ao và hồ. Những ngày tát ao là những ngày vui nhất. Tôi mê ăn cá mè bọc bùn và nướng rơm bằng vung đất. Tôi biết lặn xuống và bắt tôm làm tổ trong các hộc của các khúc cây bị ngâm nước bên bờ sông Thái Bình. Tôi thích chạy đua với bóng mây trên đường làng, và ngắm gió đùa trên những lớp đòng đòng chín vàng trên ruộng lúa gần mùa gặt như những đợt sóng. Chỉ tiếc là những lúc được an bình vui hưởng tuổi thơ ngây quá ngắn. Chiến tranh buộc gia đình tôi phải chạy từ nơi này sang nơi khác trong suốt 4 năm trời. Giờ đây nhớ lại tôi thấy tôi thật may mắn hơn những đứa con và cháu tôi lớn lên nơi thành thị không có được những thú vui với thiên nhiên hay với những trò chơi tự chế.

Để kết luận chúng ta hãy hình dung hình ảnh này: một đứa trẻ nằm trên bãi cỏ sau nhà. Nó nhìn ngắm những đám mây, nhìn mây bay ngang đâu. Nó đang mơ mộng. Nó đang tăng trưởng. Nó đang bận rộn. Hãy cho con em chúng ta những giờ phút gần với thiên nhiên và để cho trí sáng tạo và tưởng tượng của chúng bay bổng và phát triển.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Cỏ bên đường
Thérésa Nguyễn
19:10 19/05/2009

CỎ BÊN ĐƯỜNG



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Chúng em như hoa gạo trên cây,

Các anh như đám cỏ may bên đường.

Lạy trời dãi gió dầm sương.

Hoa gạo rụng xuống chui luồng cỏ may.


(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền