Ngày 19-05-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
10:16 19/05/2019
13. Đức Đức Chúa Giê-su là bậc thầy của thánh đức. Tôi học tập với Ngài và hy vọng Ngài dạy tôi làm thế nào để nên thánh. (Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

------------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
10:22 19/05/2019
16. MỞ TIỆM THUỐC

Có người nọ xuất ngoại lâu lắm mới trở về nhà, vợ của ông ta đã sinh được ba đứa con trai.

Ông chồng kinh ngạc vì tại sao không có chồng ở bên mà lại mang thai, nhưng bà vợ lại mở miệng nói:

- “Chàng đi xuất ngoại đã lâu năm, làm cho thiếp ngày ngày nhớ đêm thương, nhớ quá đến nổi sinh luôn ba đứa con, cho nên thiếp đặt tên cho ba đứa con rất có ý nghĩa: con lớn thì đặt tên là “viễn chí” để tỏ lòng thương nhớ chàng tha hương; đứa con thứ đặt tên là “đương quy” mong chàng trở về; đứa con thứ ba đặt tên là “hồi hương” mong chàng sớm trở về quê hương”.

Ông chồng cười nói:

- “Nếu như tôi tiếp tục xa nhà, thì nhất định bà ở nhà có thể mở thêm được tiệm thuốc mới !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 16:

Có người nói rằng: nói dối giỏi nhất chính là phụ nữ, có người khác lại cho rằng nói dối không gượng miệng chính là các chính trị gia, nhưng có lẽ nói dối siêu nhất là những người đang yêu, và nói dối siêu giỏi là những người đang phạm tội ngoại tình...

Chồng xa nhà nhiều năm mà sinh đến ba đứa con thì đúng là phạm tội ngoại tình, miệng nói trơn tru như bôi mỡ thì chỉ có những người ngoại tình mới như thế.

Có những người Ki-tô hữu đã thuộc về Chúa Ki-tô trong bí tích Rửa Tội, họ cũng đã trở nên một với Chúa Ki-tô khi tham dự Mình Máu Thánh của Ngài, nhưng lại phạm tội “ngoại tình” với ma quỷ là tên vô địch nói dối, cho nên họ cũng đã trở thành kẻ nói dối anh chị em khi vẫn cùng anh em tham dự các bí tích, nhưng tâm hồn của họ thì đã lìa xa Chúa và xa cộng đoàn...

Đã ngoại tình mà lại còn nói dói trơn tru không biết gượng miệng, thì chỉ có con cái ma quỷ mới như thế, bởi vì đặc tính nổi bật nhất của ma quỷ và đệ tử của chúng nó chính là nói dối.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc Đại Hội của Hội Đồng Giám Mục Italia
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
21:59 19/05/2019
Thứ hai ngày 20.5.2019, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khai mạc Đại Hội kín của Hội Đồng Giám Mục tại Phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục và sẽ gặp công chúng vào lúc 16.30. Thứ ba 21.5, vào lúc 9.00 Đức Hống Y Chủ tịch Gualtiero Bassetti, Tổng Giám Mục Perugia-Pieve, sẽ nói phần giới thiệu. Lịch trình làm việc sẽ là chuẩn nhận “Những chỉ dẫn” về bảo vệ vị thành niên và thanh niên dễ bị tổn thương trong Giáo hội, cập nhập về cuộc hội ngộ ở Bari về hoà bình tại vùng Địa Trung Hải (Hội ngộ thnàh phố Bari trong thời 19 đến 23 tháng 2 năm 2020) và đề nghị Hướng đi Mục vụ cho 5 năm 2020-2025.

Chủ đề chính của Đại Hội của Hội Đồng Giám Mục Italia là: “Phương cách và những công cụ cho một sự hiện diện mới về truyền giáo”. Sẽ đào sâu chủ đề trong các nhóm với sự cộng tác của một nhóm 15 nhà truyền giáo. Thứ năm 23, vào lúc 13 sẽ có họp báo kết thúc cùng với sự hiện diện của Đức Hồng Y Chủ tịch Bassetti tại phòng họp của Hội trường Phaolô 6.

Các ký giả và những người làm việc truyền thông có thể vào Hội trường Phaolô 6 để tham dự bài nói chuyện của Đức Thánh Cha tại Phòng Mới của Thượng Hội Đồng Giám Mục vào lúc 15.15 ngày 20 tháng 5 và phần dẫn nhập của Đức Hồng Y Chủ tịch vào lúc 8.30 ngày 21 tháng 5, và họp báo sau khi kết thúc các nhóm vào lúc 13.00 ngày 23 tháng 5.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
ĐGH Phanxicô: Tình yêu của Chúa Kitô giúp chúng ta yêu những người “ở phía bên kia.”
Giuse Thẩm Nguyễn
22:21 19/05/2019


CNA news: Hôm nay Chúa Nhật, ĐGH Phanxicô đã nói rằng tình yêu vô bờ mà Chúa Giê-su yêu mỗi người và mọi người thì giống như tình yêu mà người Công Giáo phải thể hiện với kẻ thù của họ.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào ngày 19 tháng Năm, ĐGH đã mời gọi mọi người hãy trả lời câu hỏi này nơi tâm hồn mình là: “Liệu tôi có thể yêu kẻ thù của mình không?”

Ngài nói rằng “Tất cả chúng ta đều có những người – tôi không biết họ có phải là kẻ thù không – nhưng họ không đồng ý với chúng ta, họ “ở phía bên kia”.

“Hay là ai có người làm tổn thương mình,” thì ĐGH khuyên người ấy hãy tự hỏi mình : Liệu tôi có thể yêu người này không? Ông này, bà kia, đã gây đau đớn cho tôi, con người ấy đã chống lại tôi? Tôi có thể tha cho người ấy không?

Chính tình yêu của Chúa Giê-su dành cho chúng ta đã làm cho hành động yêu thương và tha thứ có thể thực hiện được, phản ánh giây phút trong Bữa Tiệc Ly vào lúc sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giê-su đã ban cho họ một điều răn mới là “ các con hãy yêu nhau như Thày đã yêu các con.”

ĐGH nói, “Chúa Giê-su đã yêu chúng ta trước. Ngài yêu chúng ta mà không màng chi đến sự mỏng dòn, giới hạn và yếu đuối của loài người chúng ta. Chính Chúa đã làm cho chúng ta trở nên xứng đáng với tình yêu không giới hạn và vĩnh cửu của ngài.

“Tình yêu ấy được biểu lộ trên thánh giá của Đức Kitô và được Chúa mời gọi chúng ta sống, là sức manh duy nhất biến đổi trái tim chai đá của chúng ta thành trái tim thịt mềm. Sức mạnh duy nhất có khả năng cải hóa con tim của chúng ta là tình yêu của Chúa Giê-su, nếu chúng ta cũng yêu với một tình yêu này.”

“Tình yêu này làm cho chúng ta có khả năng để yêu kẻ thù của mình và tha thứ cho những ai đã chống lại chúng ta.”

ĐGH Phanxicô lưu ý rằng giới răn yêu nhau mà Chúa truyền ban, không phải là lạ thường nhưng điều làm thành giới răn “mới” là phần của lời “như Thày đã yêu các con.”

Trước cuộc tử nạn, đóng đinh và chịu chết, Chúa Giê-su đã chỉ cho các môn đệ của ngài về một loại tình yêu cội nguồn và gương mẫu mà con người được kêu gọi để trao cho nhau.

Điều lạ thường là tất cả trong tình yêu của Đức Giê-su Kitô, tình yêu mà người đã hiến mạng vì chúng ta. Đó là một nan đề về tình yêu của Thiên Chúa, phổ quát, không điều kiện và không giới hạn, tìm thấy nơi đích điểm trên cây thánh giá.

ĐGH nói rằng “Trong giờ phút tận cùng, trong giờ phút bị bỏ rơi bởi Chúa Cha, Con Thiên Chúa đã biểu lộ và ban cho thế gian sự trọn vẹn của tình yêu.”

ĐGH kết thúc với lời nguyện: Lạy Đức Trinh Nữ Maria xin giúp chúng con, qua lời bầu cử của Mẹ, biết đón nhận nơi Chúa Giê-su, Con Mẹ, quà tặng là giới răn của Ngài và xin Thánh Thần Chúa ban thêm sức mạnh để chúng con biết thực hành giới răn yêu thương ấy trong đời sống hằng ngày của chúng con.”


Source: catholicnewsagency.com Pope: Christ's love helps us love those 'on the other side
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh lễ Truyền Chức LM DCCT Hải Ngoại tại Gx ĐMHCG Garland TX
Trần Mạnh Trác & Phạm Thái Hùng
13:24 19/05/2019
Xem hình ảnh
Vào thứ Bảy ngày 18 tháng 5 năm 2019, trong Thánh lễ lúc 1 giờ chiều tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Cha Phụ tá Greg Kelly của Giáo phận Dallas đã truyền chức Linh mục cho Thầy Phó tế Martin Nguyễn Văn Cát, C.Ss.R., và Thầy Phó tế Trần Đình Khánh Lâm, C.Ss.R., thuộc Phụ tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại.

Vào Chúa Nhật hôm nay, ngày 19 tháng 5 năm 2019, Tân Linh mục Martin Nguyễn Văn Cát, C.Ss.R., sẽ dâng Thánh Lễ Tạ Ơn lúc 5 giờ chiều tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong khi Tân Linh mục Trần Đình Khánh Lâm, C.Ss.R., sẽ dâng Lễ Tạ Ơn tại Nhà thờ Thánh Tâm ở Carrollton lúc 9 giờ sáng.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đức Bênêđíctô XVI và cuộc tranh luận hào hứng quanh các giải thích về tính bất khả thu hồi của Giao Ước Cũ, Tranh Luận 1
Vũ Văn An
00:57 19/05/2019
II. Cuộc tranh luận giữa Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI và Trưởng Giáo Sĩ Do Thái Giáo của Vienna, Arie Folger, về tính vĩnh viễn của giao ước Sinai (tiếp theo)



2. Đức Bênêđíctô trả lời Trưởng Giáo Sĩ Arie Folger

Ngày 23 tháng 8 năm 2018, Đức Bênêđíctô đích thân viết thư trả lời Trưởng Giáo Sĩ Folger, nội dung như sau:

Ông Giáo Sĩ Folger thân mến!

Giáo sư Tück của Đại học Vienna đã gửi cho tôi bài đóng góp của Giáo Sĩ "Nguy hiểm cho cuộc đối thoại?" và tôi chỉ có thể cảm ơn Giáo sĩ rất nhiều về việc đóng góp thêm quan trọng này.

Trước tiên Giáo sĩ giải thích thể loại bản văn của tôi. Đó là một tài liệu về sự bất đồng thần học giữa người Do Thái giáo và Kitô giáo về sự hiểu biết đúng đắn đối với lời hứa của Thiên Chúa với Israel: Kitô giáo chỉ hiện hữu bởi vì sau khi đền thờ bị phá hủy và tiếp theo đời sống và cái chết của Chúa Giêsu thành Nadarét, một cộng đồng hình thành quanh Chúa Giêsu tin chắc rằng toàn bộ Kinh thánh Do Thái nên được trình bầy và giải thích qua Chúa Giêsu. Nhưng niềm tin này không được chia sẻ bởi đa số người Do Thái. Do đó, cuộc tranh luận phát khởi về việc lối giải thích nào là chính xác. Thật không may, cuộc tranh luận này thường hoặc hầu như luôn luôn không được tiến hành bởi các Kitô hữu biết tôn trọng phía bên kia một cách thích đáng. Thay vào đó, lịch sử đáng buồn của phong trào bài Do Thái của Kitô giáo đã khai mở, cuối cùng dẫn đến việc chống Kitô giáo và chống Do Thái giáo của Đức quốc xã và trước chúng ta là Auschwitz như đỉnh cao đáng buồn của nó.

Trong khi đó, điều quan trọng là cuộc đối thoại về việc giải thích chính xác Kinh Thánh của người Do Thái phải được tiếp tục giữa hai cộng đồng mà đức tin vốn dựa vào sự giải thích này. Đối với cuộc đối thoại này, một cơ sở quan trọng về phương pháp luận là tài liệu của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh, "Dân Do Thái và Sách thánh của họ trong Kinh thánh Kitô giáo", ngày 24 tháng 5 năm 2001, mà tôi đã coi là đương nhiên trong các phát biểu của mình như là một cơ sở thuộc phương pháp luận. Theo khả năng con người có thể thấy trước, cuộc đối thoại này trong lịch sử tiếp diễn sẽ không bao giờ dẫn đến một thỏa thuận giữa hai cách hiểu: đây là việc của Thiên Chúa ở lúc kết thúc lịch sử. Còn hiện bây giờ cả hai bên đều vẫn phải đấu tranh để có được cái nhìn sâu sắc đúng đắn và biết tôn kính quan điểm của phía bên kia. Nội dung chính của cuộc đàm luận sẽ là những lời hứa tuyệt vời của Thiên Chúa đối với Israel, mà tôi đã tóm tắt trong phần đóng góp của mình với những chữ chủ chốt sau đây: niềm hy vọng về Đấng Mêxia (Thiên Sai) của Israel; lãnh thổ; Giao ước; giáo huấn đạo đức và việc thờ phượng đúng đắn dành cho Thiên Chúa. Xin cho phép tôi nhắc lại một cách ngắn gọn những gì tôi đã cố gắng truyền đạt trong bài viết của mình về cái hiểu các chủ đề này của Kitô giáo:

(1). Tất nhiên, lời hứa về Đấng Mêxia sẽ luôn gây tranh cãi. Tuy nhiên, tôi tin rằng có thể có sự tiến bộ trong sự hiểu biết lẫn nhau. Tôi đã cố gắng giải thích lại tất cả những lời hứa về Đấng Mêxia dưới nhiều hình thức của chúng, và do đó hiểu lại sự thâm nhập nội tại của những điều đã có và chưa có trong niềm hy vọng [Đấng Mêxia]. Loại hình hy vọng thiên sai dựa trên nhân vật Đa-Vít vẫn còn là điều có giá trị, nhưng bị giới hạn về ý nghĩa của nó. Với tôi, nhân vật hy vọng có thế giá là Môsê, người mà Kinh thánh nói đã chuyện trò như một người diện đối diện với Thiên Chúa. Chúa Giêsu thành Nadarét xuất hiện với Kitô hữu chúng tôi như hình thức chính của niềm hy vọng bởi vì Người hiện diện với Thiên Chúa một cách thân mật. Từ vọng nhìn mới mẻ này, thời gian của Giáo hội rõ ràng không phải là thời gian của một thế giới cuối cùng đã được cứu chuộc, mà đúng hơn là thời gian, đối với các Kitô hữu, giống như bốn mươi năm trong sa mạc đối với dân Do Thái. Nội dung yếu tính của nó, như thế, là việc thực thi tự do của con cái Thiên Chúa, một điều không kém khó khăn đối với các "dân nước" so với Israel trước đây. Việc chấp nhận quan điểm mới này về thời gian của các dân nước sẽ đề xuất một nền thần học về lịch sử mà người Do Thái có thể không chấp nhận nguyên vẹn, nhưng có thể đề xuất một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh chung cho sứ mệnh của chúng ta.

(2). Ngày nay, một sự giải thích đúng đắn về những lời hứa lãnh thổ là điều rất quan trọng đối với mọi bên trong bối cảnh ra đời của Nhà nước Israel. Không nhắc lại tất cả những gì tôi đã viết trong tiểu luận của mình, tôi muốn nhắc lại luận điểm, vốn quan trọng không những chỉ đối với các Kitô hữu, là luận điểm cho rằng Nhà nước Israel hiểu đúng nghĩa, về phương diện thần học, không thể được coi như sự nên trọn của lời hứa lãnh thổ, mà tự nó, là một nhà nước thế tục, mặc dù chắc chắn có cơ sở tôn giáo. Đối với những bậc quốc phụ quốc mẫu của Nhà nước Israel - Ben Gurion, Golda Meir, v.v. – điều khá rõ ràng là nhà nước mà họ tạo ra phải là một nhà nước thế tục - đơn giản vì đó là cách duy nhất để tồn tại. Tôi tin rằng sự phát triển ý tưởng về một nhà nước thế tục thực sự là công phúc của tư duy Do Thái, theo đó chủ nghĩa thế tục không có nghĩa là chống tôn giáo. Tòa Thánh chỉ có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhà nước Israel theo các điều khoản như vậy. Và cuộc tranh luận với người Ả Rập và việc tìm cách sống chung hòa bình với họ cũng bị ràng buộc vào quan điểm này. Tôi tin rằng quả không khó để thấy rằng trong việc thành lập Nhà nước Israel, lòng tín trung của Thiên Chúa đối với Israel được mặc khải một cách mầu nhiệm.

(3). Về mặt luân lý và việc phụng tự, tôi tin rằng bây giờ chúng ta có thể thấy sự hòa hợp lớn hơn bao giờ hết giữa Israel và Giáo hội. Kể từ khi bắt đầu thời hiện đại, toàn bộ chủ đề đã bị lu mờ bởi suy nghĩ bài Do Thái của Luther; vì đối với Luther, sau "trải nghiệm Tháp" của ông, việc bác bỏ lề luật trở nên điều thiết yếu. Trải nghiệm này, một trải nghiệm đối với ông có tính đem lại sức sống, đã kết hợp với lối suy tư của Marcion để tạo ra một chủ nghĩa Marcion tôn giáo giả mạo, chưa bị bác bỏ hoàn toàn. Với tôi, hình như có nhiều cơ hội quan trọng cho một cuộc đối thoại đổi mới với Do Thái giáo về chính điểm này.

Thưa giáo sĩ thân mến, tôi đã nói hơi dài và tôi xin lỗi vì điều đó. Với lời cảm ơn của tôi một lần nữa về bản văn của Giáo sĩ, tôi thực sự là của Giáo sĩ,

[đã ký] Bênêđíctô XVI

3. Trả lời của Trưởng Giáo Sĩ Arie Folger

Cả nhận định của Trưởng Giáo Sĩ Folger lẫn bài trả lời của Đức Bênêđíctô XVI trên đây được đăng trên tạp chí thần học Communio số giữa tháng 9 năm 2018 cùng với thư trả lời thêm của Trưởng Giáo Sĩ Folger như sau:

Ngày 4 tháng 9 năm 2018

Kính thưa ngài,

Cảm ơn ngài đã gửi thư ngày 23 tháng 8 năm 2018 cho tôi qua điện thư của Đức Cha Georg Ganswein và Giáo sư Jan-Heiner Tück vào ngày 30 cùng tháng. Tôi đã đọc thư của ngài và ý tưởng của nó một cách rất chăm chú. Đối với tôi quan trọng hơn bài viết của ngài trên tạp chí Communio, bài mà cả ngài và tôi đều đồng ý nhấn mạnh, là một tài liệu nội bộ của Kitô giáo, thư của ngài chứa các đề xuất thực sự có thể hướng dẫn cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo.

Trước hết, tôi hoàn toàn đồng ý với điểm thứ ba của ngài. Đúng vậy, người Do Thái và Công Giáo đặc biệt được kêu gọi hợp tác để bảo tồn các tiêu chuẩn luân lý ở phương Tây. Phương Tây ngày càng trở nên duy tục - trong khi một nhóm thiểu số ngày càng gia tăng đang coi tôn giáo và các nhiệm vụ tôn giáo của mình một cách nghiêm túc - thì phần lớn ngày càng trở nên bất khoan dung với tôn giáo, người theo tôn giáo và các thực hành tôn giáo. Chúng ta có thể và nên thường xuyên gặp nhau. Cùng nhau chúng ta có thể mạnh mẽ hơn nhiều so với lúc bị cô lập.

Chúng ta chia sẻ các giá trị chung, và đều tôn trọng Kinh thánh Do Thái. Ngay cả khi chúng ta diễn giải khác nhau một vài đoạn văn, chúng ta vẫn có một nền tảng chung ở đây.

Ngoài ra, chúng ta đều đại diện cho các tín phái vốn biểu lộ lòng khoan dung và vận động lớn lao về chính trị. Tất nhiên, có những kẻ cực đoan trong mọi tín phái, nhưng với tư cách là thành viên của Hội nghị Giáo sĩ châu Âu, Hội nghị Giáo sĩ chính thống Đức và Hội đồng Giáo sĩ Mỹ, tất cả đều là các tổ chức Do Thái chính thống nổi tiếng, tôi có thể khẳng định rằng điều rất quan trọng là chúng ta làm việc cho một xã hội khoan dung, và chúng ta luôn kinh hoàng khi một kẻ cuồng tín từ trong hàng ngũ của chúng ta hành động hoặc hành xử khác đi. Tôi tin điều tương tự áp dụng cho Giáo Hội Công Giáo. Và đó là lý do tại sao chỉ có những đại diện tôn giáo như các đồng nghiệp của chúng ta và chúng ta, những người vốn đấu tranh cho một xã hội đa dạng, khoan dung, trong đó người tôn giáo và các quan tâm của họ cũng được tôn trọng, và trong đó các ý niệm tôn giáo có thể tiếp tục ảnh hưởng đến ngôn từ công cộng.

Tôi coi điểm thứ hai của ngài là một cơ sở quan trọng cho cuộc đối thoại giữa người Do Thái và Kitô giáo. Như chúng tôi đã mặc nhiên viết trong tuyên bố của chúng tôi “Giữa Giêrusalem và Rôma”, chúng tôi hiểu rằng điều dễ dàng hơn nhiều cho Giáo hội là thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel như một quốc gia thế tục. Và vâng, xem ra cũng dễ dàng hơn để thực hiện các thỏa hiệp có lợi cho người Palestine nếu nhà nước hiểu chính mình trong tư cách thế tục. Nhưng chính ngài cũng đã viết rằng ngay một nhà nước thế tục cũng không bị loại ra ngoài sự chúc phúc của Thiên Chúa, và nó cũng xác nhận giao ước vĩnh viễn với dân Do Thái. Do đó, khoảng cách giữa các lập trường tương ứng của chúng ta chắc chắn đã được rút ngắn.

Ở đây tôi có thể nhấn mạnh rằng cơ cấu của nhà nước dân chủ Israel thực sự là một thực thể thế tục hoàn toàn, như ngài viết, nhưng ít nhất thì việc người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới ồ ạt trở về Zion không thể là không đáng kể về mặt tôn giáo. Tình cờ, Đức Hồng Y Koch đã đề nghị với chúng tôi trong một lá thư (năm giáo sĩ đã gửi 1 thư ngỏ cho ngài) rằng chúng ta sẽ gặp nhau để thảo luận về chủ đề này. Chúng tôi vừa chỉnh sửa một lá thư sẽ đến tay ngài về vấn đề này. Nếu có cơ hội, tôi sẽ rất biết ơn khi được nói chuyện, và đặc biệt với ngài, thưa ngài.

Và bây giờ đến điểm đầu tiên của ngài. Mặc dù, là một trong số vài học trò của Giáo sĩ Joseph Ber Soloveitchik, tôi cảm thấy gần gũi hơn với điểm thứ ba của ngài (đối diện với các mẫn cảm luân lý của xã hội và bảo vệ người tôn giáo và tự do tôn giáo của họ tốt hơn) hơn là cuộc đối thoại thần học, điều mà Rav Soloveitchik bác bỏ, tôi thấy lời ngài mời gọi theo đuổi một mục tiêu khiêm tốn hơn nhưng có tiềm năng lôi cuốn hơn, vì ngài không ủng hộ một cuộc đối thoại trong đó chúng ta cố gắng thuyết phục nhau mà là một cuộc đối thoại để hiểu nhau. Cách riêng, tôi thấy lời tuyên bố của ngài rằng "trong lịch sử con người, cuộc đối thoại này sẽ không bao giờ dẫn đến một thỏa thuận giữa hai cách hiểu: đây là việc của Thiên Chúa ở lúc kết thúc lịch sử" là tuyên bố quan trọng bởi vì nó cho thấy đối thoại là để hiểu nhau và kết tình hữu nghị chứ không nên được coi như để truyền giáo hoặc để thương lượng các luận điểm thần học.

Xin cho phép tôi trở lại một chủ đề trong bài viết của ngài trên tạp chí Communio, tức Giao ước liên tục. Như tôi đã viết trên tờ Jüdische Allgemeine, tôi hoàn toàn hiểu rằng các Kitô hữu muốn sống theo các trụ cột đức tin của họ. Đó là lý do tại sao Ủy ban Giáo hoàng về Quan hệ Tôn giáo với người Do Thái gọi Giao ước liên tục này là một Mầu Nhiệm. Trong tiểu luận của ngài, ngài cố gắng đối phó với sự căng thẳng của Mầu nhiệm này. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh – một cách không ngạc nhiên chi - khái niệm về Giao ước liên tục quan trọng như thế nào đối với cuộc chiến chống lại chủ nghĩa bài Do Thái. Trong các thế kỷ qua, nhiều Kitô hữu đã biện minh cho phần lớn những đau khổ gây ra cho người Do Thái; họ biện minh nó bằng ý tưởng về một Giao ước đã bị gián đoạn. Tôi không muốn yêu cầu một cộng đồng tôn giáo khác giải thích các học thuyết của họ bằng cách này hay cách khác. Nhưng vì những đau khổ thực sự do các Kitô hữu, nhân danh điều này, thực hiện trong quá khứ đối với người Do Thái, tôi phải làm một ngoại lệ ở đây và yêu cầu rằng luận điểm đối lập, hiện đang được duy trì trong Giáo hội, cụ thể là luận điểm Giao ước liên tục - một luận điểm mà theo quan điểm của ngài không bao giờ có thể khác đi được – nên được đề cao một cách mạnh mẽ.

Trên tạp chí Communio, ngài lý luận rằng Giáo Hội không bao giờ tin vào học lý thay thế. Ngài lý luận trong tư cách đại diện cao nhất, dù hưu trí, của Giáo Hội Công Giáo. Nó thực sự có ý nghĩa lớn trong việc nối chặt về mặt lịch sử một phần nghị trình mới một cách sâu xa vào quá khứ và vào các giáo lý lâu đời nhất. Tuy nhiên, những tội ác trong quá khứ, dù bây giờ được coi là bất trung đối với Kitô giáo, nhưng đã bị các Kitô hữu vi phạm nhân danh Kitô giáo, không nên bị lãng quên. Ngày nay, Con Heo Nái Du Dêu (Judensau) trên các nhà thờ Đức và các bức tượng Ecclesia và Synagoga trên mặt tiền của nhà thờ chính tòa Strasbourg (và nhiều nơi khác) gợi lại cả một quá khứ đen tối lẫn những điều kiện hòa bình và thân thiện ngày nay, trái ngược với lý luận trên, và nên được coi như thế. Điều không thể có là quên lịch sử và khẳng định rằng mọi điều thực sự luôn luôn tốt vì các thủ phạm được cho là sai về mặt thần học. Tôi không cố tình gợi ý rằng ngài muốn che đậy lịch sử đó, không, có Thiên Chúa cấm! nhưng điều rất quan trọng đối với người Do Thái chúng tôi là nếu theo luận điểm của ngài, một luận điểm cho rằng Giáo hội không bao giờ có thể chủ trương thay thế dân Do Thái, họ cũng đọc, như ngài nhấn mạnh, rằng vào một số thời điểm nào đó, nhiều Kitô hữu dù sao cũng đã tuân thủ học lý thay thế - nghĩa là chống lại giáo huấn tinh ròng của Giáo Hội - và do đó biện minh cho vô số nỗi đau buồn.

Với hy vọng rằng việc thư từ của chúng ta - và với “của chúng ta”, tôi cũng muốn bao gồm các đồng nghiệp liên hệ của chúng ta - sẽ giúp củng cố và sâu sắc hóa cuộc đối thoại, và sẽ tạo ra các hành động để phát triển một xã hội tốt hơn.

Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ cử hành lễ Rosh Hashanah, mà chúng tôi hiểu là ngày kỷ niệm tạo dựng ra Ađam, do đó nó là một ngày lễ phổ quát của con người. Tôi chúc ngài Shanah tovah umetukah, một năm tốt lành và ngọt ngào cho người Do Thái giáo, Kitô giáo và tất cả mọi người.

Trân trọng,
Arie Folger, Trưởng Giáo Sĩ của Vienna

4. Cuộc gặp gỡ trực diện giữa Trưởng Giáo Sĩ Folger và Đức Bênêđíctô XVI

Giọng điệu trong lá thư trên rõ ràng tích cực hơn nhiều, và Giáo sĩ Folger mong được đích thân gặp gỡ Đức Bênêđíctô XVI tại Vatican. Theo tờ The Tablet ở Anh và VaticanNews, cuộc gặp gỡ này quả đã diễn ra ngày 16 tháng Giêng, 2019. The Tablet chạy hàng tít ngày 22 tháng Giêng: “Austrian and German Rabbis reconciled with Pope Benedict XVI” (Các Giáo Sĩ Do Thái của Áo và Đức hòa giải với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI”. Còn VaticanNews thì chạy hàng tít: "Rabbi Folger with Pope Benedict: 'A nice, good conversation'"(Giáo sĩ Folger với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô: “một cuộc đàm đạo đẹp và tốt”).

Tờ Tablet cho biết, theo trưởng Giáo Sĩ Do Thái giáo ở Vienna, các căng thẳng giữa Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI và một số giáo sĩ Do Thái giáo người Áo và Đức phát sinh từ 1 bài viết của Đức Bênêđíctô về các mối liên hệ Do Thái-Công Giáo đăng trên tạp chí thần học "Communio" tháng 7 năm 2018 đã được giải quyết.

Ông cho VaticanNews hay ông cùng Giáo sĩ Jehuda Pushkin của Stuttgart, Giáo sĩ Jehoschua Ahrens của Darmstadt (cả hai thuộc Hội Đồng Giáo Sĩ Chính Thống Đức [ORD]) và Đức Giáo Hoàng Hưu Trí đã có một “cuộc đàm đạo rất tốt” trong cuộc gặp gỡ ngày 16 tháng Giêng, 2019 tại Vatican.

Các người Do Thái giáo chính thống nay sẵn sàng “thảo luận các vấn đề chỉ mới xuất hiện trong mấy thập niên gần đây” với người Công Giáo, trước hết là vấn đề Đất Hứa, tức lãnh thổ được Thiên Chúa hứa ban cho người Do Thái.

Ông cho rằng: lẽ tất nhiên người Kitô giáo và người Do Thái Giáo còn nhiều khác biệt về ý kiến, “nhưng nay chúng ta...đang cố gắng nhìn nhau một cách tích cực”.

Hai tôn giáo từng có nhiều giá trị và quan niệm chung “và chúng ta muốn những điều tương tự như nhau cho thế giới và xã hội. Đó chính là lý do chúng tôi gọi người Công Giáo là đối tác, anh em, đồng minh trong mọi nỗ lực làm việc cho thế giới”.

Tường trình của VaticanNews cho hay cuộc gặp gỡ diễn ra tại Đan viện Mater Ecclesiae trong Vườn Vatican. Sau cuộc gặp gỡ này, đã có một cuộc gặp gỡ khác với Đức Hồng Y Koch. Giáo sĩ Pushkin cho biết: tiểu luận của Đức Bênêđíctô gây phẫn nộ nơi công chúng Do Thái Giáo, coi như bước thụt lùi so với Nostra Aetate. Nhưng trong buổi gặp gỡ với Đức Hồng Y Koch, các hiểu lầm này đã được đánh tan. “Người ta có thể nói rằng dù sao, chúng tôi cũng được an tâm và có thể truyền đạt cảm thức thanh thản này cho thế giới Do Thái giáo của Đức”.

Giáo sĩ Yehoshua Ahrens thì cho rằng các thăng trầm trong mối liên hệ Do Thái-Công Giáo là chuyện bình thường. Nhưng cuộc đối thoại Do Thái-Công Giáo trong năm 2019 vững chắc hơn bao giờ hết. “Điều này cũng đã được biểu lộ trong các tuyên bố của Do Thái giáo về Kitô giáo trong các năm gần đây... Cũng có dấu hiệu tin tưởng trong Giáo Hội Công Giáo hay trong các giáo hội Kitô Giáo nói chung. Ngay cuộc tranh cãi quanh Đức Giáo Hoàng Hưu Trí cũng chứng tỏ rằng nó diễn biến một cách xây dựng và những cuộc tranh luận như thế không để lại vết thẹo nào. Có một sự đánh giá cao từ hai bên”.

Kỳ cuối: Nhận định của Đức Hồng Y Kurt Koch
 
Đức Bênêđíctô XVI và cuộc tranh luận hào hứng quanh các giải thích về tính bất khả thu hồi của Giao Ước Cũ, Nhận định
Vũ Văn An
17:37 19/05/2019
III. Nhận định của Đức Hồng Y Kurt Koch

Đức Hồng Y Koch, Chủ Tịch Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo với Người Do Thái, đóng một vai trò có ý nghĩa trong cuộc tranh luận này. Ngài là người cho đăng tải tiểu luận của Đức Bênêđíctô và ngài cũng là người cuối cùng làm an lòng các giáo sĩ quan tâm của Do Thái Giáo đối với tiểu luận và cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo như ta thấy Giáo Sỉ Pushkin quả quyết trên đây.

Trong bài “Information about Self-Understanding: Not calling into question but deepening the dialogue with Jews” đăng trên Katholische Nachrichten-Agentur, Ökumenische Information 33 (14 Tháng Tám, 2018), Đức Hồng Y Koch cho biết ngài ý thức rõ tiểu luận nhận được nhiều nhận định tích cực nhưng cũng đã nhận được nhiều tố cáo ồ ạt, phần lớn cho rằng nó góp phần vào chủ nghĩa bài Do Thái (antisemitism) và bài Do Thái giáo (anti-Judaism). Đức Hồng Y nhận ngài là người đã khuyên Đức Giáo Hoàng Hưu Trí cho công bố tiểu luận trên tạp chí Communio. Chính với tư cách này, ngài muốn nhận định đôi điều. Và điều ngài nhấn mạnh nhất là đối thoại không hẳn để thuyết phục nhau mà để hiểu nhau hơn, do đó, không những trình bầy các điểm có chung mà còn phải trình bầy trung thực các điểm dị biệt. Chính vì thế, ngài tỏ ý buồn khi, trong đối thoại với anh chị em Do Thái Giáo, không thiếu các thần học gia Công Giáo ngại nói đến thập giá.



Phục vụ cách hiểu trong Kitô giáo

Khởi điểm tiểu luận của Đức Bênêđíctô là văn kiện “‘Vì hồng phúc và ơn gọi của Thiên Chúa là điều không thể thu hồi’ (Rm 11:29)” được Ủy Ban Liên Hệ Tôn Giáo với Người Do Thái công bố nhân dịp kỷ niệm 50 năm tuyên bố Nostra Aetate của Công đồng Vatican II. Vì Ủy Ban này chuyên biệt chịu trách nhiệm đối với “các mối liên hệ tôn giáo với Do Thái giáo”, nên, như đã nói trong lời nói đầu, ý định của nó là dựa vào Thánh kinh, làm phong phú và thâm hậu hóa “chiều kích thần học của cuộc đối thoại Do Thái-Công Giáo” trong niềm xác tín rằng Do Thái Giáo và Kitô giáo là hai tôn giáo gắn bó mật thiết với nhau và do đó cũng nên bước vào một cuộc trao đổi thần học. Một trong các vấn đề thần học nền tảng nhất cần phải xem xét là: xác tín nền tảng của Do Thái về tính giá trị vĩnh cửu của giao ước giữa Thiên Chúa và Israel, một giao ước các Kitô hữu chúng tôi cùng chia sẻ, có liên hệ như thế nào với xác tín của Kitô Giáo rằng nơi Chúa Giêsu Kitô một điều mới mẻ đã bước vào lịch sử, để cả hai đối tác có thể cùng nhau cảm thấy mình được hiểu rõ? Ủy Ban đã nhấn mạnh các điểm chủ chốt về vấn đề khó khăn và nhậy cảm này, nhưng cũng chờ mong các phản đáp mới cả từ phía Do Thái lẫn phía Công Giáo.

Đức Bênêđíctô XVI đưa ra câu trả lời theo viễn ảnh Kitô Giáo. Đây không phải là một hành vi của huấn quyền, mà chỉ là ý kiến thần học của bản thân ngài, đó là lý do tiểu luận đã được công bố trong một tạp chí thần học. Vả lại, tiểu luận có tiểu tựa khá khiêm nhường “Các Ghi chú về khảo luận ‘De Judaeis’”.

Đức Bênêđíctô XVI nhận định về hai xác tín nền tảng của cuộc đối thoại Do Thái-Công Giáo, vốn cũng được nhấn mạnh trong văn kiện của Ủy Ban Tòa Thánh, tức là việc bác bỏ nền giáo hội học duy thay thế (supersessionist ecclesiology) — hiểu theo nghĩa người Do Thái, những người không chấp nhận đức tin vào Chúa Kitô, không còn là dân Chúa chọn nữa và Giáo Hội đã thay thế Israel, và xác tín tích cực cho rằng giao ước giữa Thiên Chúa và Israel không thể bị thu hồi. Hai xác tín được Đức Bênêđíctô XVI thảo luận này chắc chắn không nhằm nghi vấn hóa hay tương đối hóa chúng, càng không phải là làm rỗng chúng, nhưng để định rõ và làm chúng biện biệt (discriminating) hơn và nhờ thế thâm hậu hóa chúng về thần học. Về phương diện này, các suy tư của Đức Bênêđíctô XVI là một cách hiểu trong nội bộ Kitô Giáo nhằm cổ vũ cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo chứ tự nó không phải là một văn kiện phát xuất từ cuộc đối thoại này. Cuộc đối thoại này rất quan trọng; nó sẽ tiếp diễn nhằm phát sinh ra các văn kiện mới trên bình diện quốc tế.

Thâm hậu hóa cuộc đối thoại thần học

Các xem xét thần học của Đức Bênêđíctô XVI rất quan trọng đối với cuộc đối thoại. Đức Hồng Y Koch tin rằng trong cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo, nhất là liên quan tới chiều kích thần học của nó, “chúng ta chỉ tiến bộ nếu cả hai bên làm chứng và tái khám phá những gì chúng ta có chung, cũng như nói cho nhau nghe những gì làm chúng ta khác nhau. Các giáo sĩ chính thống của Do Thái Giáo vốn chứng tỏ nguyên tắc này có tính tự nhiên xiết bao trong văn kiện ‘Giữa Giêrusalem và Rôma’ năm 2017 của họ bằng cách tuyên bố công khai và trung thực các xác tín Kitô giáo nào họ không thể chia sẻ mà không đặt câu hỏi liệu có nên chấm dứt cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo hay không... Cũng thế, các Kitô hữu nên và có thể tuyên bố các niềm tin sâu sắc nhất của họ và họ khác với người Do Thái như thế nào và cũng như với đức tin của họ, mối liên hệ sâu sắc với anh chị em Do Thái giáo vẫn có thể được xây dựng và bồi đắp. Chính vì Kitô hữu chúng tôi xác tín rằng chúng tôi có chung Cựu Ước với người Do Thái, thì chúng tôi cũng có bổn phận phải cởi mở tiết lộ việc chúng tôi đọc Cựu Ước dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo như thế nào, mà không bỏ qua cách người Do Thái đọc cùng các trước tác ấy. Sự phân biệt này cũng tương ứng với cách người Do Thái hiểu mặc khải, như giáo sĩ Walter Homolka đã phát biểu một cách chi tiết trong một tiểu luận mới đây, tức việc Do Thái Giáo diễn biến qua một diễn trình tiệm tiến của mặc khải : “Ý niệm của chúng ta là thánh ý Thiên Chúa liên tục được biểu lộ và ở mỗi thời điểm đặc thù, nó phải được giải thích lại một cách không trệch ra ngoài các giải thích của quá khứ”. Và do đó, giáo sĩ Homolka thấy trong Do Thái Giáo, có “sự kính trọng đối với các ý kiến đa dạng” (trong M. Graulich and R. Weimann, eds., Eternal Order in a Changing Society, Freiburg, 2018, p. 32).

Kitô hữu chúng tôi cũng coi mặc khải Tân Ước như 1 phần của diễn trình này. Khi Kitô hữu chúng tôi nói công khai và trung thực với người Do Thái về các niềm tin sâu sắc nhất của mình, chúng tôi thi hành những gì đã được viết trong văn kiện của Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh năm 2001 tựa là “Người Do Thái và Các Sách Thánh của họ trong Kinh Thánh Kitô Giáo”. Một đàng, văn kiện này nhấn mạnh rằng “Các Kitô hữu có thể học hỏi nhiều ở khoa giải thích Do Thái đã có từ 2,000 năm nay”. Đàng khác, ngược lại, nó cũng nhấn mạnh rằng các Kitô hữu chúng tôi có thể hy vọng “người Do Thái giáo sẽ hưởng được lợi ích từ các nghiên cứu của khoa giải thích Kitô giáo”. Đem hai cách đọc vào cuộc đàm đạo với nhau có thể làm giầu lẫn cho nhau. Trong một cuộc đối thoại như thế giữa người Do Thái và Kitô hữu, các điểm giống nhau sẽ được nhấn mạnh, nhưng các điểm dị biệt không bị bác bỏ; chúng phải được kể rõ và phải thâm hậu hóa hữu hiệu các mối liên hệ mà không áp đặt hoặc hạ giá nhau. Đó chính là diễn trình đã được các phát biểu của Đức Bênêđíctô XVI hỗ trợ. Đức Hồng Y Koch xác tín rằng các tuyên bố này sẽ giúp thâm hậu hóa cuộc đối thoại thần học.

Cuộc thảo luận có tính biện biệt trong đó có sự hiện diện của các dị biệt.

Tất nhiên, các giải thích chỉ đạt được hiệu quả mong muốn khi chúng được hiểu như đã được viết và muốn nói. Chúng là “các ghi chú về khảo luận ‘De Judaeis’”, mà trước đây thường được dùng để dị biệt hóa với Do Thái Giáo, nhưng ngày nay nên dùng để cổ vũ các mối liên hệ anh em. Với tập chú này, điều hợp lý là trong tiểu luận, người ta sẽ không tìm được nhiều chủ đề mà người ta vốn mong chờ nơi cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo. Do đó, ở đây gần như không có bất cứ phát biểu nào về tầm quan trọng của Do Thái Giáo thời hậu Thánh Kinh và thời nay. Các thể tài khác, như lịch sử đau khổ của dân Do Thái, rõ ràng là ở hậu trường, và không được chuyên biệt thảo luận vì tiểu luận chỉ nhằm giải nghĩa rõ các hạn từ Kitô Giáo. Tuy nhiên, bất cứ ai đọc “các ghi chú” của Đức Bênêđíctô dưới ánh sáng các tuyên bố đánh giá cao Do Thái Giáo trước đây của ngài hẳn biết chắc rằng tác giả khá rõ ràng trong quyết định của ngài [về việc này]. Ngay bài báo trên tờ Communio cũng không thể đem lại lý do gì để ngờ vực. Điều này được chứng minh ngay bằng tựa đề bài báo “Ơn Thánh và Ơn Gọi không Hối Hận” và bằng cả đoạn cuối cùng trong đó, công thức “giao ước không bao giờ bị thu hồi” đã được giải thích bằng câu của Thánh Phaolô “Reuelos (không thể thu hồi) là ơn thánh và ơn gọi do Thiên Chúa ban” (Rm 11:29). Bài báo của Đức Bênêđíctô phải được đọc và giải thích theo khởi đầu và kết luận này...

Trong số các chủ đề không được Đức Bênêđíctô minh nhiên bàn đến là việc truyền giáo (1) cho người Do Thái. Không thể vì thế mà kết luận rằng ngài kêu gọi phải truyền giáo cho họ. Ở đây, phải phân nhận trên nguyên tắc có việc truyền giáo cho người Do Thái bằng việc công bố hàng ngày của Giáo Hội. Cả ở đây, cũng không có mâu thuẫn nào giữa Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô khi Đức Đương Kim Giáo Hoàng nhấn mạnh trong Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii gaudium [§249]) rằng có một “sự bổ túc phong phú” giữa người Do Thái và Kitô hữu, và “mặc dù một số niềm tin Kitô Giáo không thể được Do Thái Giáo chấp nhận, Giáo Hội vẫn không thể không loan báo Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Mêxia”.

Cuộc đối thoại thành công khi lời phê phán không những chỉ nhấn mạnh tới những điều không có trong bản văn, mà cũng phải xác nhận những điều được nói ở đấy một cách tích cực. Đức Hồng Y đơn cử một điểm. Đúng là theo Đức Bênêđíctô, “về phương diện thần học, lời hứa lãnh thổ hiểu theo nghĩa thuyết tân Mêxia chính trị” (new political messianism) là điều bất khả hữu. Tuy nhiên, ngài phản ảnh quan điểm Kitô giáo về mối tương quan giữa lãnh thổ và con người mà không bác bỏ một quan điểm khác về Do Thái Giáo. Trái lại, ngài minh nhiên chỉ ra rằng vì một cái hiểu khác, Do Thái giáo “phần nào nhất thiết phải tìm cho được ý nghĩa cụ thể đời này cho lời hứa lãnh thổ” và đã tìm thấy nơi Nhà Nước Israel. Và ngài cũng minh nhiên nhận định rằng các biến cố Shoah đã “làm cho nhà nước riêng của họ càng khẩn thiết hơn đối với người Do Thái”. Khi đã nhận ra nơi Nhà Nước Israel một dấu chỉ “lòng trung tín của Thiên Chúa đối với dân Do Thái”, hiển nhiên Đức Bênêđíctô đã xây một câu cầu hiểu nhau đối với một vấn đề phức tạp, một vấn đề, dĩ nhiên, phải được nhìn khác nhau bởi người Do Thái và Kitô hữu nhưng vẫn phải được đeo đuổi xa hơn.

Xử lý cách nhậy cảm các vấn đề vốn nhậy cảm

Điều làm Đức Hồng Y Koch đau lòng là có người chỉ trích Đức Bênêđíctô bài Do Thái và bài Do Thái Giáo. Vì một lẽ giản dị là Đức Bênêđictô luôn chống lại việc bài Do Thái và bài Do Thái Giáo, coi đó như hình thức gian dối của chủ nghĩa bài thần (antitheism). Đức Hồng Y cho rằng không có lý do gì để tố cáo như thế trong bài báo của Đức Bênêđíctô. Nhất là trong xã hội ngày nay khi chủ nghĩa bài Do Thái đang dâng cao, Giáo Hội Công Giáo muốn là và mãi mãi là đối tác đáng tin cậy của người Do Thái trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bài Do Thái này. Đức Hồng Y cho phổ biến bài báo vì đối với ngài, bài báo cho thấy cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bài Do Thái giáo và bài Do Thái có gốc rễ trong chính Tin Mừng Kitô giáo.

Việc cho công bố tiểu luận của Đức Bênêđíctô, một lần nữa, chứng minh rằng điểm nhậy cảm nhất trong cuộc đàm đạo Do Thái-Kitô giáo là Kitô học hay cái hiểu về Đấng Mêxia. Nhưng giữ im lặng hoài về chủ đề này là điều không đúng vì nó liên tiếp tự ý trồi lên. Đúng hơn, vấn đề chủ chốt là liệu các Kitô hữu làm chứng cho một Kitô học khích lệ tranh chấp giữa các tôn giáo hay một Kitô học làm hòa bình trở thành khả hữu. Bất cứ ai đã từng đọc các sách viết về Chúa Giêsu của Đức Bênêđíctô và đã ghi nhận các phản ứng tích cực đối với các sách này từ thế giới Do Thái chỉ có thể xác tín đối với phương thức thứ hai...

Cộng đồng những người hy vọng

Như một kết luận, Đức Hồng Y Koch phát biểu niềm hy vọng của ngài và của các Kitô hữu nói chung: “về vấn đề cánh chung, câu hỏi quan trọng đối với Kitô hữu là liệu họ có thể hy vọng Đấng Mêxia mà người Do Thái mong đợi, và Đấng Mêxia mà Kitô hữu chúng tôi tin đã xuất hiện nơi Chúa Giêsu, sẽ là một. Chính tôi vốn có niềm hy vọng này; tôi tuyên xưng nó. Tôi hy vọng không vì thế mà bị tố cáo là bài Do Thái Giáo. Đối với tôi, tin vào Lời hằng sống của Thiên Chúa, Lời mà Chúa Giêsu vốn công bố một cách trung thành và chính Người cô đọng, là động lực mạnh mẽ nhất trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bài Do Thái và bài Do Thái giáo, nhưng còn mạnh mẽ hơn nữa là việc thúc đẩy đi tìm và vun sới tình bạn. Đối với các Kitô hữu, đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô là phần yếu tính của niềm hy vọng cánh chung vốn là của chung giữa người Do Thái và Kitô hữu và cộng đồng những người đang chờ đợi việc hoàn thành thế giới trong Vương Quốc Thiên Chúa.

“Tôi coi là đáng công việc tiếp tục thảo luận vấn đề thần học cốt lõi này trong cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo. Ngoài ra, tiểu luận của Đức Bênêđíctô mang lại cho nó một thúc đẩy rất tốt đẹp. Tôi vận động cho nó được công bố, vì nó chứa đựng nhiều viễn ảnh cần được khai triển và sâu sắc hóa trong cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo. Với việc công bố tiểu luận, không điều gì bị giật lùi trong cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo. Nhưng theo ý kiến tôi, nó là một phần của cuộc đối thoại chân chính trong đó hai đối tác thông tri rõ ràng cái hiểu thần học về chính mình và trách nhiệm của mình, và các niềm tin họ đem vào cuộc đối thoại mà không tìm cách cải đạo nhau. Vì lý do này, tôi không thể thấy bất cứ nguy hiểm nào hoặc ngay cả nghi vấn nào đối với cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo trong tiểu luận của Đức Giáo Hoàng Hưu Trí, trái lại thấy một gợi hứng để thâm hậu hóa cuộc đối thoại này về phương diện thần học. Tôi hy vọng cách đọc này sẽ chiếm ưu thế, một cách đọc vốn tương ứng với ý định và bản văn đóng góp của ngài”.

Tuyên bố báo chí 22 tháng Giêng, 2019

Bài nhận định chi tiết trên dường như không được nghiên cứu kỹ nên vẫn có những phê phán tiêu cực đối với tiểu luận. Bởi đó, sau cuộc gặp gỡ giữa 3 giáo sĩ Do Thái, trong đó có, Trưởng Giáo Sĩ Arie Folger, và Đức Bênêđíctô tại Vatican, một số đại biểu cả Công Giáo, Thệ phản lẫn Do Thái giáo Đức đã gặp gỡ Đức Hồng Y Koch và do đó, có tuyên bố báo chí ngày 22 tháng Giêng, 2019 tựa là “Không có gì nên rút lại, Cuộc đàm đạo về cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo tại Vatican”.

Thông cáo trên cho hay các đại diện nhận định rằng tiểu luận đã “dẫn đến sự mơ hồ đáng kể cho cuộc đàm luận Kitô giáo-Do Thái. Nhất là, việc ngài phê phán biểu thức ‘giao ước không bị thu hồi’ của Thiên Chúa với Israel khiến người ta hoài nghi liệu việc Giáo Hội Công Giáo đánh giá cao Do Thái giáo dựa trên Nostra Aetate có còn đứng vững không”. Họ lo ngại rằng những gì đã đạt được trong các liên hệ Do Thái-Kitô giáo có thể vì thế mà bị đặt thành nghi vấn.

Trả lời các lo ngại ấy, Đức Hồng Y Koch phần lớn cũng đưa ra các lập luận đã được ngài trình bầy trên đây. Theo ngài, tiểu luận không có thế giá của một văn kiện huấn quyền, mà chỉ là “lập trường của một học giả”. Và khi được hỏi liệu tác giả của tiểu luận có dành cho nó một “trọng lượng” như thế hay không, Đức Hồng Y Koch không trả lời trực tiếp, nhưng ngài nhấn mạnh: “Tuyên bố Nostra Aetate mới có thế giá huấn quyền cao nhất và văn kiện của Ủy Ban được Giáo Hội chính thức ban quyền, trong khi bản văn của Đức Giáo Hoàng Hưu Trí chỉ phản ảnh quan điểm cá nhân của ngài”.

Đức Hồng Y Koch quả quyết rằng “Đức Giáo Hoàng Hưu Trí không hề muốn nghi vấn Nostra Aetate; ngài hoàn toàn ủng hộ bản văn (năm 2015) của Ủy Ban. Ngài chỉ phê phán về thần học hai điểm chuyên biệt, như, liệu người ta thậm chí có thể nói tới “việc thu hồi” giao ước theo cái hiểu của Thánh kinh hay không. Các câu hỏi ngài nêu lên đáng được xem xét, không nhằm rút lại bất cứ điều gì, nhưng thâm hậu hóa [sự hiểu biết]. Trong bối cảnh này, Đức Hồng Y Koch nhận định rằng lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Hưu Trí liên quan tới “việc tái lập giao ước Sinai trong giao ước mới bằng máu Chúa Giêsu” nhằm cái hiểu về chính mình của Công Giáo chứ không hề nhằm hạ giá Do Thái Giáo. Ngài không hề bác bỏ giao ước với Israel đời đời có giá trị. Dĩ nhiên, cuộc tranh luận cho thấy về phía Công Giáo, câu hỏi làm thế nào đức tin Kitô giáo vào tính cứu rỗi phổ quát của Chúa Kitô và tuyên bố đức tin cũng rõ ràng không kém là giao ước không bao giờ bị thu hồi của Thiên Chúa với Israel có thể được duy trì và phát biểu một cách đầy xác tín với nhau mà không gây hại, câu hỏi ấy chưa được trả lời thoả đáng và cần được suy nghĩ nhiều hơn nữa.

Các đại diện cũng cho rằng sau 50 năm, cuộc đối thoại vẫn chỉ là “chiếc mầm nhỏ non nớt”, thành thử đây càng là lý do để niềm tín thác vừa được tạo nên không bị nguy hại bằng những phát biểu gây hoang mang. Đức Hồng Y Koch nhấn mạnh rằng, trong cuộc đối thoại giữa người Do Thái và các Kitô hữu, không bên nào nên phải đặt nghi vấn đối với chính các niềm tin của mình, trái lại phải chờ mong bên kia có các sự thật đức tin không vừa ý mình. Đức Hồng Y than phiền rằng trong cuộc đối thoại với người Do Thái, không phải mọi người Công Giáo đều nói một cách cởi mở, hầu như ai cũng dấu giếm thánh giá. Ngài kêu gọi, trong cuộc đối thoại, mọi bên phải thẳng thắn hơn trên bình diện bình đẳng.

Kết quả mọi tham dự viên cuộc gặp gỡ thỏa thuận rằng công trình thần học cần được tiếp tục, kể cả việc hiểu ý nghĩa thần học của lời hứa lãnh thổ. Họ nhấn mạnh đến ý nghĩa xã hội của cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo. Họ cám ơn Đức Hồng Y Koch về cơ hội được trao đổi cởi mở và xây dựng.
 
Văn Hóa
Chuyện tình của mẹ tôi
Maria Bảo Xuyên
07:51 19/05/2019
Chút cảm nhận về cuộc sống hôn nhân của một người mẹ quê

Ngày xưa ấy hoa tình chớm nở,
Mãi đến giờ đẹp nghĩa phu thê.
Chuyện người thiếu nữ thôn quê,
Tuổi vừa đôi tám cặp kê trăng tròn.

Một thiếu nữ đoan trang ngoan đạo,
Gương đảm đang, hiếu thảo trong nhà.
Danh thơm, tiếng tốt gần xa
Nhiều người mai mối đến nhà chọn dâu.

Ai ai cũng gật đầu “coi mắt”,
Gửi cau trầu sính lễ trao nhau.
Ơn trên Chúa bắc nhịp cầu,
“Cùng nhìn một hướng” tâm đầu, thủy chung.

Lời ước nguyện Chúa thương chúc phúc,
Cuộc “hôn nhân bất khả phân ly”.
Chúa ban sức mạnh diệu kỳ,
Hai người phối ngẫu sống vì, sống cho.

Có nhiều lúc dập vùi giông tố,
Với bao nhiêu cám dỗ theo về.
Đường đời sỏi đá nhiêu khê,
Bấy nhiêu ơn Chúa tràn trề ân ban.

Lời cam kết chỉ hồng son sắt,
Vẫn không quên nguyện ước khi xưa.
Dẫu cho bão táp nắng mưa,
Dẫu tràn nước mắt, dẫu thừa đắng cay...

Người thiếu phụ mấy lần trăn trở,
Đức lang quân “thay đổi” quá nhiều…
Ngổn ngang, khắc khoải trăm chiều,
Muốn rời tổ ấm…con yêu lệ nhòa…

Khấn Chúa thương mắt trào ngấn lệ,
Lễ hy sinh mang dấu đoạn trường.
Âm vang: “Giao ước yêu thương”:
“Gian nan chia sẻ, đoạn trường có nhau”.

Mãi trung kiên một lòng phó thác,
Dẫu gian truân thử thách ngập trời.
Một lòng “kính Chúa yêu người”,
Bài ca Hôn Phối vẹn lời kết giao.

Maria Bảo Xuyên (Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Tình thương)
 
VietCatholic TV
Quân đội hơn 40 nước diễn hành tôn vinh Đức Mẹ tại Lộ Đức
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:58 19/05/2019
Các chuyên gia quân sự cho rằng thông thường người ta diễn binh là để hù dọa đối phương, nâng cao sĩ khí của các lực lượng vũ trang, và trong hầu hết các trường hợp là để đánh bóng cho chế độ.

Cũng có khi người ta diễn binh vì sợ. Diễn binh, hoan hô, đả đảo rầm rộ cho bớt sợ.

Tuy nhiên đó không phải là trường hợp cuộc diễn binh của 12,000 binh sĩ của hơn 40 quốc gia tại Lộ Đức vào hôm thứ Sáu 17 tháng Năm vừa qua. Cuộc diễn binh này là một phần của cuộc hành hương quân sự quốc tế thường niên lần thứ 61, bắt từ ngày thứ Sáu và kết thúc vào cuối ngày Chúa Nhật vừa qua.

Cuộc hành hương quân sự quốc tế, tiếng Pháp gọi là Pèlerinage Militaire International và được viết là PMI, đã được bắt đầu vào năm 1958, nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Chủ đề của cuộc hành hương năm nay là Cherche la Paix et poursuis-la, nghiã là “hãytìm kiếm hòa bình và theo đuổi nó”

Chương trình hành hương bao gồm Thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ, các chương trình thể thao giao hữu giữa quân đội các nước và rước kiệu dưới ánh nến. Những người hành hương cũng sẽ ghé thăm các Hang Đá Lộ Đức và dự các buổi cầu nguyện chữa lành.

Trong suốt những ngày cuối tuần này, các ban nhạc quân nhạc của quân đội 40 nước diễn hành qua các đường phố Lộ Đức, và những người lính của các quốc gia khác nhau được khuyến khích gặp gỡ và làm quen với nhau.

Phái đoàn quân đội Pháp cố nhiên là phái đoàn đông nhất vì là nước sở tại. Kế đó là phái đoàn Hoa Kỳ với tổng cộng 220 người hành hương, bao gồm 51 binh sĩ hiện dịch và 72 người cựu chiến binh, và các thương binh. Phái đoàn Hoa Kỳ được tài trợ bởi các Hiệp sĩ Columbus và Tổng giáo phận Quân đội Hoa Kỳ.

Cha Jeff Laible, tuyên uý của Không quân Hoa Kỳ, đã tham gia cuộc hành hương này trong suốt năm năm qua. Năm nay, ngài là cha giám đốc tinh thần cho phái đoàn Mỹ.

“Cuộc hành hương là một cơ hội để chữa lành, và hiệu quả chữa lành đến từ nhiều phương thế khác nhau”, cha Laible nói.

Đức Cha Joseph Coffey, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Quân Đội Mỹ, cũng có mặt trong phái đoàn năm nay.

Ngài nói với thông tấn xã CNA rằng ngài đã đến Lộ Đức hai lần trước đó.

“Tất nhiên, một số binh sĩ hành hương này đã bị thương về tinh thần và thể lý khi tham gia vào trong các cuộc chiến. Đây là một quá trình chữa lành và chữa lành tuyệt vời.”


Source:Catholic News Agency
 
Giáo Hội Năm Châu 20/05/2019: Tông du thứ 30: Rumani – Nước cộng sản duy nhất có quan hệ ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa
Giáo Hội Năm Châu
18:21 19/05/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Rumani từ 31 tháng 5 đến 2 tháng 6. Đây là chuyến tông du thứ 30 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia và là chuyến tông du thứ 5 của ngài trong năm 2019 này, sau Panama, Abu Dhabi, Rabat, Sofia và Skopje.

Rumani viết theo tiếng địa phương là România, tiếng Anh là Romania. Người Việt thường gọi là Rumani có lẽ gọi theo tiếng Pháp: Roumanie.

Trong thời chiến tranh Việt Nam, Rumani là một quốc gia khá độc đáo đối với chúng ta. Tuy nằm trong khối cộng sản Đông Âu, Rumani có quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với Việt Nam Cộng Hòa. Thật vậy, ngày 26 tháng Sáu năm 1969, Chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước Rumani Nicolae Ceaușescu đã ký hiệp định thư thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước với tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu bất chấp những phản đối của Liên Sô và khối cộng sản. Tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa chỉ chính thức đóng cửa vào ngày 2 tháng Bẩy 1976[1], hơn một năm sau ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản. Trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam, Rumani cũng đóng một vai trò quan trọng trong những sáng kiến nhằm vãn hồi hòa bình.

Địa dư và dân số

Rumani là một quốc gia tại đông nam Âu châu, với diện tích 238,391 km². Phần lớn diện tích của quốc gia này nằm trên vùng đồng bằng sông Danube. Rumani giáp với Ukraine và Moldova về phía bắc và đông bắc; giáp với Hung Gia Lợi về phía tây bắc; giáp với Serbia về phía tây nam; giáp với Bảo Gia Lợi về phía nam và giáp với Biển Đen về phía đông.

Theo thống kê vào tháng Bẩy 2018, dân số nước này là 21,457,000 người. Như thế, Rumani là quốc gia thành viên đông dân thứ bảy của Liên minh Âu châu và thứ mười một của Âu châu. 83.4% dân là người chính gốc Rumani. Kế đến là người gốc Hung Gia Lợi với 6.1% trong đó đa số là người Công Giáo.

Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh vào năm 2017, 85.4% dân số Rumani theo Chính Thống Giáo, 7.35% theo Công Giáo và 4.4% theo Tin Lành. Khác với nhiều quốc gia trong vùng, người Hồi Giáo gần như không có bao nhiêu tại quốc gia này. Dân tộc Rumani được kể là một trong các dân tộc sùng đạo tại Âu Châu. Bất kể gần nửa thế kỷ sống dưới ách cộng sản vô thần, chỉ có 0.2% người Rumani tự nhận mình là người vô thần.

Thủ đô và thành phố lớn nhất của Rumani là Bucharest. Đó cũng là thành phố lớn thứ sáu trong Liên Hiệp Âu Châu và lớn thứ 10 nếu tính trên toàn lục địa Âu châu. Các khu đô thị lớn khác bao gồm Iași, Timișoara, Cluj-Napoca, Constanța, Craiova và Galați. [2]

Lịch sử cận đại

Lịch sử Rumani chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi lịch sử, văn hóa La Mã cổ đại. Lãnh thổ Rumani ngày nay được hình thành do sự hợp nhất của nhiều tiểu quốc thời trung cổ, trong đó quan trọng nhất là Moldavia, Wallachia và Transilvania.

Vương quốc Rumani được thành lập và đã giành được độc lập từ tay Đế chế Ottoman, sau đó được cộng đồng quốc tế công nhận vào năm 1878. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Sô chiếm đóng Rumani. Gheorghe Gheorghiu-Dej, một lãnh đạo đảng Cộng sản bị cầm tù năm 1933, được giải thoát vào năm 1944 đã trở thành nhà lãnh đạo cộng sản đầu tiên của Rumani. Sau chiến thắng nhờ gian lận vào năm 1946, Gheorghiu-Dej buộc vua Mihai I phải thoái vị và rời khỏi đất nước, và tuyên bố Rumani là một nước cộng hòa nhân dân.

Rumani vẫn chịu sự chiếm đóng trực tiếp về quân sự và sự kiểm soát kinh tế ngặt nghèo của Liên Sô cho đến cuối thập niên 1950. Trong thời gian 14 năm chiếm đóng này, tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của Rumani đã bị đưa về Nga khiến quốc gia này rơi vào tình trạng nghèo đói và cạn kiệt tài nguyên.

Ba ngày sau cái chết của Gheorghiu-Dej vào tháng 3 năm 1965, Nicolae Ceaușescu lên nắm quyền và trở thành một nhân vật nổi tiếng ở Rumani và cả ở thế giới phương Tây, vì chính sách đối ngoại độc lập, thách thức quyền lực của Liên Sô. Chính trong bối cảnh đó, ông đã thiết lập ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Hòa Liên Bang Đức, và tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Israel sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967, cũng như thẳng thắn lên án Liên Sô và Khối Warsaw trong việc can thiệp quân sự vào Ba Lan, Tiệp Khắc, và Hung Gia Lợi.

Năm 1989, chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ tại Rumani và nước này quay trở lại con đường tư bản chủ nghĩa. Ngày lễ Giáng Sinh 25 tháng 12, 1989, hai vợ chồng Nicolae Ceaușescu bị một toà án quân sự xử tử hình và lệnh hành quyết diễn ra ngay sau đó.

Rumani chính thức trở thành một thành viên của NATO vào năm 2004 và thành viên Liên minh Âu châu vào năm 2007.[2]

Kinh tế

Sau thời kỳ cộng sản, Rumani trở thành quốc gia gần như nghèo nhất Âu Châu và phải mượn nợ quốc tế để phục hồi đất nước.

Tăng trưởng kinh tế đã phục hồi trong giai đoạn 2013-17, do xuất khẩu công nghiệp mạnh, thu hoạch nông nghiệp xuất sắc và gần đây hơn là các chính sách tài chính mở rộng trong năm 2016-2017. Xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế, dẫn đầu là thương mại với Liên Hiệp Âu Châu, chiếm khoảng 70% thương mại của Rumani.

Chính sách cắt giảm thuế và tăng lương bắt đầu vào năm 2017 đang mang lại những thành quả kinh tế phấn khởi tại Rumani. [3]

Chính trị

Rumani ngày nay là một nước cộng hòa đại nghị. Hiến pháp quy định quốc gia này được điều hành bởi một Tổng thống, một Quốc hội, một Toà án Hiến pháp và một hệ thống các tòa án bên dưới bao gồm Tòa án Tối cao.

Tổng thống là người đứng đầu nhà nước, do dân bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 5 năm, và không được giữ 2 nhiệm kỳ. Khác với nước láng giềng Bảo Gia Lợi mà Đức Thánh Cha vừa viếng thăm, thủ tướng, là người đứng đầu chính phủ, được chỉ định bởi tổng thống chứ không phải là bởi Quốc Hội.

Tổng thống Rumani, người sẽ đón tiếp Đức Thánh Cha, là ông Klaus Iohannis, đã giữ chức vụ này từ ngày 21 tháng 12 năm 2014. Thủ tướng hiện nay là bà Viorica Dăncilă, được tổng thống chỉ định vào ngày 29 tháng Giêng năm 2018.

Rumani có hai viện Quốc hội: Hạ viện và Thượng viện. [2]

Giáo Hội Công Giáo tại Rumani

Người Công Giáo theo nghi thức Latinh ở Rumani là thành viên của một sắc dân thiểu số Hung Gia Lợi. Họ không phải là những di dân. Tổ tiên họ vẫn ở đó từ trước nhưng các cuộc chiến tranh, bản đồ được vẽ lại, nên giờ đây họ thấy mình là người Rumani. Đó là một cộng đồng nhỏ được bao quanh bởi các Kitô hữu Chính thống ở một trong những xã hội sùng đạo tôn giáo nhất Châu Âu. Người Công Giáo sống chủ yếu trong các khu vực đồng bằng ở phía đông của khu vực Transylvania. Người ta có cảm giác rằng những khu vực này là những cái nôi hay một thành trì của Công Giáo. Có một truyền thuyết được phổ biến rộng rãi là Đức Trinh Nữ Maria đã xuất hiện trước một nhóm người Công Giáo đang bảo vệ khu vực này chống lại một đội quân Tin lành xâm lược. Một cuộc hành hương hàng năm đến địa điểm Đức Mẹ hiện ra này giúp củng cố ý thức rằng đây là một thành trì của Công Giáo ở Đông Nam Âu Châu.[4]

Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh, Rumani có 3 tổng giáo phận, 8 giáo phận, một giáo phận Công Giáo Đông phương, và một giáo hạt tòng nhân cho người Armenia.

Tổng số người Công Giáo là 1,453,000, được chăm sóc mục vụ bởi 2006 linh mục trong 1,892 giáo xứ. Bên cạnh đó, còn có 1,141 nữ tu. Giáo Hội sở hữu 15 bệnh viện, 34 viện dưỡng lão và các nhà chăm sóc cho người khuyết tật và một số lớn trường trung học và tiểu học. Giáo Hội cũng có cả một trường Đại Học. [4]

Rumani có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh. Sứ Thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Miguel Maury Buendía, 63 tuổi, người Ý.

7 vị Giám Mục người Rumani sẽ được tuyên phong Chân Phước tử đạo

Trong buổi tiếp kiến dành cho Đức Hồng Y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, vào sáng thứ Ba 19 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y và truyền công bố các sắc lệnh công nhận 7 Giám Mục Rumani bị cộng sản giết hại là các vị tử đạo.

Các Đức Giám Mục Valeriu Traian Frentiu, Vasile Aftenie, Ioan Suciu, Tito Livio Chinezu, Ioan Balan, Alexandru Rusu và Iuliu Hossu đã được nhìn nhận là bị giết vì lòng thù hận đức tin trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 1970 dưới sự cai trị của Nicolae Ceaușescu.

Tất cả các ngài đã bị bắt và bị giam giữ trong các nhà tù và các trại tập trung lao động cho đến chết, thường là do bị cô lập, cảm lạnh, đói khát, bệnh tật hoặc lao động chân tay nặng nhọc. Hầu hết các vị khi còn sống không bao giờ bị xét xử hoặc bị kết án; và khi chết bị vùi chôn trong các ngôi mộ không để lại dấu vết, không được an táng theo nghi lễ tôn giáo.

Một năm trước khi qua đời, Đức Cha Iuliu Hossu được nâng lên hàng là Hồng Y “in pectore” – không công khai danh tính. Sau khi trải qua nhiều năm bị cô lập, ngài qua đời trong một bệnh viện ở Bucharest năm 1970. Lời cuối cùng của ngài là: “Cuộc đấu tranh của tôi đã kết thúc, cuộc đấu tranh của bạn xin vẫn tiếp tục”.

Ngoài việc bị giam cầm và cô lập, Đức Cha Vasile Aftenie còn bị tra tấn tại Bộ Nội vụ cộng sản Rumani đến mức chết vì vết thương vào ngày 10 tháng 5 năm 1950.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong thông báo đưa ra hôm 24 tháng Tư, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chi tiết được cập nhật về chuyến viếng thăm 3 ngày của Ðức Thánh Cha Phanxicô tại Rumani, từ 31 tháng 5 đến 2 tháng 6 năm 2019.

Đây là chuyến tông du thứ 30 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia và là chuyến tông du thứ 5 của ngài trong năm 2019 này, sau Panama, Abu Dhabi, Rabat, Sofia và Skopje.

Thứ Sáu 31 tháng Năm.

Lúc 8:10, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang phi trường quốc tế Henri Coandă-Otopeni của Bucarest.

Lúc 11:30, giờ địa phương, Đức Thánh Cha sẽ đến phi trường Henri Coandă-Otopeni. Tưởng cũng nên biết thêm là Bucarest đi trước Rôma một giờ.

Tại đây sẽ có nghi thức chào đón Đức Thánh Cha.

Sau các nghi thức chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ dùng xe hơi di chuyển đến dinh Cotroceni, là Phủ Tổng Thống Rumani nơi sẽ diễn ra các nghi thức đón tiếp chính thức tại tiền đình của dinh này vào lúc 12g05.

Tiếp theo đó là các cuộc hội kiến của ngài với Tổng thống Klaus Iohannis và sau đó với nữ thủ tướng Viorica Dăncilă.

Lúc 13 giờ, Ðức Thánh Cha sẽ gặp chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn cũng tại Phủ Tổng Thống Cotroceni.

Lúc 15:45, Ðức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Rumani, và Thánh Hội Đồng của Giáo Hội này tại Tòa Thượng Phụ.

Sau diễn từ của Đức Thánh Cha là Kinh Lạy Cha vào lúc 17g tại nhà thờ chính tòa mới của Giáo Hội Chính Thống Rumani nằm kế bên Tòa Thượng Phụ.

Sau đó, Ðức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo tại Nhà thờ Chính Tòa Thánh Giuse của thủ đô Bucarest vào lúc 18g10.

Thứ Bẩy 1 tháng Sáu 6

Lúc 9g30 sáng thứ Bẩy, 1 tháng 6, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến phi trường Bacau.

Đến nơi lúc 10:10, Đức Thánh Cha sẽ dùng trực thăng để bay đến vận động trường Sumuleu-Ciuc, rồi từ đó di chuyển bằng xe hơi đến đền thánh Ðức Mẹ Sumuleu-Ciuc để cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo vào lúc 11g30.

Ban chiều, Ðức Thánh Cha dùng trực thăng bay đến thành phố Iasi và viếng thăm Nhà thờ chính tòa Ðức Maria Nữ Vương của giáo phận địa phương vào lúc 17g25.

Lúc 17:25, ngài sẽ gặp gỡ giới trẻ tại quảng trường trước Tòa Nhà Văn hóa tại Iasi.

Lúc 19g, Đức Thánh Cha đáp máy bay trở về thủ đô Bucarest.

Lúc 20g, Đức Thánh Cha sẽ đến phi trường Henri Coandă-Otopeni.

Chúa Nhật 2 tháng Sáu

Lúc 9h sáng Chúa Nhật 2 tháng 6, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến phi trường Sibiu. Sau 40 phút bay, ngài đến nơi. Từ đây, Đức Thánh Cha dùng trực thăng bay đến thành phố Blaj để chủ sự thánh lễ tuyên phong Chân Phước cho 7 Giám Mục Công Giáo Rumani tử đạo dưới thời cộng sản.

Lúc 13:25, Đức Thánh Cha sẽ dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng trước khi có cuộc gặp gỡ với cộng đoàn người du mục Rom tại vận động trường thành phố Blaj vào lúc 15g45.

Sau cuộc gặp gỡ này, lúc 16g35, Đức Thánh Cha đáp trực thăng tới phi trường Sibiu. Tại đây sẽ diễn ra nghi thức từ biệt, trước khi Ðức Thánh Cha đáp máy bay trở về Rôma vào lúc 17:20. Dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ về đến Rôma vào lúc 18g45 tối Chúa Nhật 2 tháng Sáu.

[1] Foreign relations of Romania

[2] Romania - Wiki

[3] CIA FactBook

[4] Romania


Source:Holy See Press Office