Ngày 20-05-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tấm bánh tình yêu
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
10:06 20/05/2008
Tấm bánh tình yêu

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Ga. 6, 51-58

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, tôi không ngừng ngỡ ngàng trước tình yêu của Người. Tình yêu ấy vô cùng cao cả nhưng lại rất đỗi đơn sơ. Đơn sơ như hình ảnh tấm bánh.

Tấm bánh, tình yêu gần gũi.

Sao Chúa không hoá thân làm viên kim cương quý giá mà lại làm một tấm bánh? Tấm bánh bình thường, quen thuộc quá. Từ khi kinh tế phát triển, bánh càng ngày càng xuống giá, bớt được quý trọng.

Tuy bình thường, nhưng bánh vẫn là lương thực cần thiết cho con người. Cũng như khí trời, như nước, bánh đi vào sinh hoạt hằng ngày của con người. Bình thường lắm nhưng không có không được.

Chúa trở thành tấm bánh để gần gũi với loài người, để đi vào sinh hoạt đời thường của con người. Con người có thể đến với Chúa dễ dàng, không e ngại, sợ sệt. Chỉ là một tấm bánh vừa tầm tay mọi người. Chỉ là một tấm bánh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người. Thật khiêm nhường mà đầy ý nhị.

Thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu xa vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến.

Tấm bánh, tình yêu tự hiến.

Bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm. Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng. Được sử dụng là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, vì tấm bánh bao giờ cũng mời mọc tiêu thụ.

Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu chết cho ta được sống. Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa bé nhỏ đi cho ta được lớn mạnh.

Tấm bánh bị tiêu hoá để thực hiện một tình yêu hiệp thông.

Tấm bánh, tình yêu hiệp thông.

Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp thông. Người không ngừng mời gọi con người đến sống thân mật với Người. Người tự nhận mình là cây nho và mời gọi mọi người hãy trở thành cành nho gắn kết với cây nho.

Hôm nay, Người còn chủ động trở thành tấm bánh để hoà vào từng giòng máu, từng thớ thịt của con người trong một kết hiệp sâu xa. Người tự tiêu huỷ mình để trở thành thịt máu của con người. Không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa.

Tấm bánh gợi lên một bàn tiệc tại đó anh em quây quần trong tình thương, chia sẻ lương thực và chia sẻ tâm tình. Không còn gì đẹp hơn. Chính Chúa Kitô tự hiến mình để quy tụ chúng ta. Chính Chúa Kitô bị bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết.

Với những gợi ý như thế, Chúa hướng dẫn tôi trong tình yêu mến, trong cử hành và trong cách sống Bí tích Thánh Thể.

Yêu mến Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn?

Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, quên mình, thiệt thòi vì Chúa và vì anh em?

Sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ với những người sống quanh ta, trong mọi môi trường cuộc sống?

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1) Khi dâng lễ, tấm bánh có gợi lên cho bạn điều gì về tình yêu của Đức Giêsu không?

2) Khi bạn rước lễ, bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa không?

3) Phép Thánh Thể thôi thúc bạn làm gì?
 
Các bài suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
GP Long Xuyên
10:07 20/05/2008
Các bài suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

(Dnl. 8, 2-3.14b-16a; 1Cr. 10, 16-17; Ga. 6, 51 -58)

1. Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

Tác giả Tin Mừng nói rõ, chúng ta ở vào thời kỳ "ít lâu trước lễ vượt qua, một đại lễ của người Do Thái”(6,4). Tác giả đưa biến cố được sống thời Đức Giêsu (bánh hoá nhiều, bài giảng ở Capharnaum) về với thời của Israel (Manna thời xuất hành với sự hướng dẫn của Môsê) để các độc giả thấy rõ hơn tính thời sự trong thời của Giáo Hội (sau khi Đức Giêsu phục sinh, trong việc chia sẻ Lời Chúa và bánh của bí tích Thánh Thể). Vì lòng thương xót đám đông đã theo Ngài, Đức Giêsu đã nuôi họ bằng "năm chiếc bánh mạch nha và hai con cá" (6,9), như thế Ngài cho thấy rõ phần nào căn tính đích thực của Ngài. Bởi thế các chứng nhân đã không lầm, họ đồng hoá Ngài với vị đại ngôn sứ, Đấng đã được ông Môsê loan báo trong sách Đệ Nhị Luật (18,15): "Giữa các ngươi, trong số anh em các ngươi, Chúa là Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi”. Thật vậy, trước những dấu lạ mà Đức Giêsu đã thực hiện, người ta nói “chính Ngài là vị đại ngôn sứ phải đến trong thế gian”. Nhưng, thánh Gioan viết, hiểu lầm sứ mạng của Ngài, họ "toan bắt ép Ngài làm vua của họ" (6,14-15). Vì thế để tránh họ, Đức Giêsu rút lui một mình lên núi trước khi đi qua bờ bên kia cách kín đáo với các môn đệ của Ngài.

Chính "ở trong hội đường Capharnaum" (6.59) đám đông đi tìm và gặp Ngài, Đức Giêsu giảng cho họ một bài về bánh ban sự sống", trong đó Ngài đào sâu ý nghĩa của bánh, ý nghĩa đã hiện hữu trong dấu chỉ, và dạy họ rằng, đối với họ. Đấng đã hoá bánh ra nhiều cũng chính là bánh của nhân loại. Câu 51 đến 58. đã được ghi trong sách bài đọc năm A này, và đã làm thành đoạn cuối của bài giảng, không thể tách rời khỏi các câu trên, với sự song song rất rõ ràng giữa phần đầu và phần cuối của bài giảng tại Capharnaum.

Cũng lời mở đầu: “Ta là bánh sự sống" (câu 35) và "Ta là Bánh hằng sống” (câu 51). Cũng lời cuối về sự sống vĩnh cửu: “Ai tin Ta sẽ có sự sống đời đời" ( câu 58).

Cùng lời quảng diễn về những xì xầm (đối chiếu với những "xì xầm" trong sách Xuất Hành, và những chống đối của người Do Thái) làm sao ông ta có thể nói: “Ta từ trời xuống" (câu 42), và làm sao con người ấy lại có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn" (câu 52).

Nhưng trong lúc phần đầu của bài giảng trình bày "bánh sự sống" trong Đức Kitô với tư cách là Đấng mặc khải của Chúa Cha Lời Thiên Chúa từ trời xuống, thì phần hai lại quy chiếu cách rõ nét về bí tích Thánh Thể.

ĐỨC GIÊSU BÁNH HẰNG SỐNG TỪ TRỜI XUỐNG.

Ở phần đầu của bài đọc của sách này, khi quảng diễn Đệ Nhị Luật 8,3 Đức Giêsu tự giới thiệu mình trước hết như là "Bánh sự sống" cho những ai tiếp nhận sứ điệp của ngài bánh hằng sống từ trời xuống, đó là mặc khải cuối cùng cho loài người. Đức Giêsu đã mặc khải bằng lời nói và việc làm của Ngài, bằng mầu nhiệm trọn vẹn của Ngài, bằng chính con người của Ngài vì Ngài là "Ngôi Lời trở thành xác phàm" (Ga 1,14). Ngài có thể áp dụng cho chính mình những gì mà Cựu ước đã nói về Lời của Thiên Chúa hay sự khôn ngoan thần linh, là của ăn duy nhất có thể làm dịu cơn đói khát của con người: "Ta là bánh sự sống, ai đến với Ta, sẽ không bao giờ đói nữa, ai tin Ta sẽ không hề khát bao giờ" (cf. Pro. 9,5,- Sir. 24,21).

Một giai đoạn mới đã vượt qua với phần hai của bài giảng.

Ở đây sự gợi lại cái chết của Đức Giêsu, như nguồn sống, được làm rõ nét hơn "bánh mà Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, ban cho thế gian được sống. Và chữ "THỊT" làm nhớ lại lời mở đầu của thánh Gioan 1,14: “Ngôi Lời đã hoá thành xác phàm. A. Marchadour quảng diễn: chính Đấng nhập thể hiện diện. Nhưng ở đây lời lẽ thích đáng được diễn đạt: cái chết của Đức Giêsu như nguồn sống cho nhân loại. "Ngôi Lời trở thành xác phàm" (1,14). Thịt trở thành bánh (6,51). Giữa việc nhập thể, cái chết trên thập giá và bí tích Thánh Thể có một sự liên tục mật thiết. (Phúc âm thánh Gioan "Centurion", 1992, trang 108).

Và nếu, cho đến bây giờ cái tiếng chính là "TIN", “ĐẾN VỚI TÔI" thì bây giờ chúng ta lại thấy những từ: "BAN", "ĂN và UỐNG". A. Marchadour viết tiếp: "Trong phần cuối của bài giảng của Đức Giêsu, những từ về Thánh Thể (eucharistiques) chiếm chỗ quan trọng với tính hiện thực mà người ta chỉ có thể hiểu vào thời đại của Giáo Hội. Giữa các câu 53, 54-56, thay vì từ "ĂN" truyền thống, Gioan dùng một từ có vẻ sống động hơn: "nhai, cắn" điều đó còn nhấn mạnh hơn đến sở hữu và nghĩa nội tâm hoá cần thiết. Trong trường hợp này, phần bài giảng này có thể chịu ảnh hưởng những cuộc tranh cãi trong cộng đồng Kitô giáo của Gioan trên tính hiện thực của Thánh Thể (Phúc âm thánh Gioan "Centurion", p.109) Đức Giêsu cũng là bánh từ trời xuống vì trong bí tích, cái mà Ngài ban làm của ăn chính là "thịt" Ngài hiến dâng cho sự sống của thế gian, ăn thịt (động từ lặp lại 8 lần trong một ít câu) và "uống" máu Ngài, là nhận lấy sự sống của Ngài, là thông hiệp với mầu nhiệm chết và sống lại của Ngài: chúng ta ở vào thời "ít lâu trước lễ Vượt qua, thịt của Đức Giêsu được ban để cho thế gian được sống" (câu 51). Giờ Giuđa nộp Thầy mình đã gần đến, Gioan lưu ý (câu 64 và 70-71). Đến phiên mình, nhờ Ngài với Ngài và trong Ngài, Ngài chấp nhận liều mình trở nên "tấm bánh bẻ ra cho thế giới mới". (Đại hội Thánh Thể Lộ Đức, 1981).

BÀI ĐỌC THÊM:

1) Ngày nay cũng thế, khi thông hiệp với Đức Kitô trong đức tin, người Kitô hữu ở trong Ngài và nhận được sự sống đời đời (A. March, "Dossier biblique số 41, trang 13-14).

Khi giảng tại Capharnaum, Chúa Giêsu đã không thể nói rõ cách trực tiếp về Thánh Thể, điều người ta không thể hiểu nổi trước bữa tiệc ly, trước cái chết và sự sống lại của Ngài. Cụm từ "bánh sự sống" trước hết là một cách nói về Đức Giêsu như Đấng mặc khải từ trời đến và lời Ngài là của ăn và của uống (Hãy đến mà ăn bánh của Ta hãy uống rượu nho mà Ta đã dọn sẵn cho các con: Prov. 9,5). Tất cả bài giảng trước hết gợi lên lòng tin vào Đức Giêsu Đấng mặc khải, nhưng việc thực hiện Thánh Thể cũng lộ ra trong thuật ngữ Kitô giáo: "ăn, uống, có sự sống". Tuy nhiên phần cuối thì trực tiếp chỉ về "Thánh Thể" chúng ta hãy quan sát. Thật vậy, từ câu 51, Đức Giêsu gợi lên cái chết của Ngài như là nguồn sự sống: bánh mà tôi sẽ ban cho, chính là thịt tôi để cho thế gian được sống. Từ "thịt" làm nhớ đến lời mở đầu: Lời trở nên xác phàm (1,14). Chính việc nhập thể (incarnation) được diễn tả ở đây, trong giai đoạn kết thúc: cái chết của Đức Giêsu, Ngôi Lời trở nên thịt (xác phàm), thịt làm thành của ăn. Giữa việc nhập thể, cái chết và Thánh Thể có một sự liên tục. Ngày nay Đức Giêsu vắng mặt trong thân thể Người, sự mặc khải của Ngài vẫn còn đó và Thánh Thể là trọng tâm mà loài người được mời gọi, cùng với cơ may cũng như rủi ro bị từ chối như vào thời Đức Giêsu vậy: Lời này chói tai quá, ai mà nghe được! (6,60). Ở câu 53-56, thay vì động từ "ăn", Gioan dùng một từ rất mạnh: "nhai, cắn". Có lẽ là để nhấn mạnh đến tính hiên thực của Thánh Thể: Thật vậy, một số Kitô hữu, những người thuộc phái ngộ đạo, từ chối sự trung gian thể chất của các bí tích để kết hiệp với Đức Giêsu, cũng như họ từ chối không tin sự hiện hữu của nhân loại tỉnh trong Đức Giêsu, đến trong xác thịt (1Ga 4,2). Nhưng vì thế, để sự trung gian của bánh không phải là ma thuật: chính tinh thần làm cho sống, xác thịt có ích chi (Ga 6,56). Thánh Thể, Mình Máu thông ban cho tín hữu ơn mà những người đồng thời với Đức Giêsu tìm kiếm: sự sống vĩnh cửu từ bây giờ và mãi mãi, ở với Đức Giêsu. Hôm nay cũng vậy, người Kitô hữu thông hiệp với Đức Giêsu trong đức tin, ở với Ngài và có sự sống đời đời.

2) “Cao quý thay mầu nhiệm đức tin” (Mgr. L.Daloz trong "Chúng ta đã thấy vinh quang Ngài" Desclée de Brouwer, trang 87-88).

Đức Kitô phải mời gọi chúng ta đặt mình vào đỉnh cao của đức tin để mặc khải cho chúng ta về mầu nhiệm đức tin. Chúa nhắc lại lời khẳng định đã đưa đến những lời "xì xầm": "Ta là bánh ban sự sống”. Ngài bác lại lời bắt bẻ về manna mà người ta nại ra để chống lại Ngài: "Trong sa mạc, cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, cho nên chưa phải là thứ bánh ban sự sống. Trái lại ai ăn bánh bởi trời sẽ không hề chết bao giờ: ai tin và ăn bánh này sẽ sống muôn đời". Và đây là lời tuyên bố gây vấp phạm… bánh mà Ta ban, chính là thịt Ta để cho thế gian được sống… Tuy nhiên trước sự chống đối, Chúa Giêsu chẳng những không dịu giọng mà trái lại còn nhấn mạnh bằng bốn câu rất rõ ràng và thực tế: "Nếu các ông không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài… ai ăn thịt Ta, và uống máu Ta... thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của sống… ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy...". Không có lối thoát nào cả, không có cách nào khác để có sự sống, có sự phục sinh để ở trong Ngài. Không thể rõ ràng hơn được nữa. Hòn đá, vật chướng ngại, chính là hòn đá gốc để các môn đệ được sống, hòn đá thử thách của sự thật về đức tin. Như thế, Thánh Thể cắm sâu vào trung tâm của hiện hữu Kitô giáo. Trong bóng tối của mầu nhiệm, những ai muốn có sự sống phải hướng về đó, vì đó là của ăn để sống: bánh bởi trời là như thế: rất khác với thứ bánh mà cha ông các ngươi đã ăn, họ đã hết, nhưng ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Không một lời diễn giảng, thánh sử kết thúc đơn sơ: Đó là những lời dạy của Đức Giêsu trong hội đường Capharnaum. Đó là cách bánh hằng sống và chén cứu độ được dặt vào tay chúng ta không một lời giải thích nào. "Cao cả thay nhầu nhiệm đức tin".

3) “Hai bàn Tiệc" (J.Perron, trong "Đọc Kinh Thánh" số 52, trang 139-140).

Nếu tách rời những câu trước với đoạn văn này, sẽ đi đến nguy hiểm là làm nghèo nàn đi, hơn nữa làm sai nghĩa về lời dạy về Thánh Thể của Gioan. Những gì nói về bí tích phải để mở ra một nhân quan rộng hơn nhiều hơn những gì nói trong bài thuyết giảng. Nếu Đức Giêsu là bánh ban sự sống trong Thánh Thể, là bởi trước hết Ngài là bánh cho những ai tiếp nhận lời Ngài và chứng của Ngài, và vì thế phần đầu chỉ nói đến người "tin vào", phần hai nói đến người “tin hiệp-thông", nhưng hai phần, phần nào cũng không thể thiếu, bởi lẽ không thể nói đến "người hiệp thông" mà trước hết người ấy không phải là kẻ tin, nếu không có sự khẳng định ở câu 47 thì câu khẳng định 54 chẳng có nghĩa gì hay là dẫn đến tình trạng làm cho Thánh Thể chỉ là một nghi lê ma thuật. Thánh Tôma Aquinô nhắc nhở rằng mọi bí tích đều là "bí tích đức tin" (sacra men ta fidei). Cuối cùng nếu đức tin có thể bỏ qua bí tích (không nói đến rước lễ thiêng liêng hay rửa tội bằng lòng muốn) thì bí tích không thể có nếu không có đức tin. Đức tin là sự kết hiệp đầu tiên với Đức Kitô, phải đi trước nghi lễ bí tích và hướng về đó" (A.Feuillet). Sự tình bày về Thánh Thể này cũng mời gọi chúng ta, như các cải tổ Công đồng đã làm, tìm lại chỗ đứng của phụng vụ Lời Chúa đi trước và chuẩn bị cho nghi lễ bẻ bánh trong các cử hành của chúng ta - cả hai phải kết hợp với nhau cách sâu xa như hai đoạn của bài giảng thuyết của Gioan. Các tác giả Kitô giáo xưa đã hiểu như thế khi họ nói đến "hai bàn tiện trong Giáo Hội: "Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc thánh". Có lẽ vì thế mà sinh ra những hậu quả đáng giận của phong trào cải cách: sự chia cắt mà người ta có thể diễn tả một cách hài hước: người Tin lành thì ra khỏi cửa với cuốn Kinh Thánh trong túi và người Công giáo đi ra mang theo Mình Thánh Chúa. Lời dí dỏm, trên đây, nếu có thể nói lên một cái gì về thực tế của sự kiện, thì phải nói rằng cả hai cộng đồng, mỗi bên chỉ giữ cho mình một nữa mầu nhiệm Thánh Thể, một phần của bài giảng thuyết trên chủ đề "bánh ban sự sống".

3. Bí tích Thánh Thể

Nếu đọc lại Phúc Âm, chúng ta sẽ thấy từ việc chuẩn bị đến việc thiết lập và cử hành bí tích Thánh Thể, tất cả đều được diễn ra trong bàu khí của một bữa ăn.

Thực vậy, bữa tiệc thứ nhất đó là đám cưới Cana, tại đây Chúa Giêsu đã làm phép lạ biến nước lã hóa thành rượu ngon. Qua phép lạ này Chúa Giêsu không phải chỉ muốn cứu cho đôi tân khỏi bị bẽ mặt với khách mời vì thiếu rượu, mà còn muốn củng cố niềm tin cho các môn đệ, cũng như chuẩn bị cho các ông đón nhận bữa tiệc ly sau này, khi Ngài biến rượu thành máu thánh Người.

Tiếp đến là phép lạ Chúa Giêsu làm cho bánh hóa nhiều để nuôi dưỡng đám đông trong hoang địa. Qua phép lạ này, Chúa Giêsu đã chính thức hứa ban cho chúng ta thứ của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn chúng ta:

- Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống, ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ có sự sống đời đời. Và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại ngày tận thế. (Ga 6,55-56).

Thế nhưng, quan trọng hơn cả phải là bữa tiệc ly, qua đó Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể vào buổi chiều ngày Thứ năm Tuần Thánh. Phúc âm đã kể lại như sau: Đang khi ngồi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và phán:

- Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Ta sẽ bị nộp vì các con.

Cùng một thể thức ấy Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói:

- Tất cả hãy cầm lấy mà uống vì này là chén máu Ta, máu giao ước sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. (Mt 26,26-29).

Cuối cùng, đó là bữa ăn nơi quán trọ gần làng Emmaus. Sau khi hai môn đệ mời Người vào nghỉ chân, Người đã cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ. Và họ đã nhận ra Người đã Phục sinh, đã sống lại. (Lc 24,13 -35).

Nhìn vào đời thường, chúng ta thấy, những người cùng ngồi ăn với nhau trong một bàn tiệc trong một bữa cơm, thường có một mẫu số chung nào đó. Mẫu số chung ấy có thể là tình nghĩa gia đình, tình nghĩa bè bạn. Mẫu số chung ấy còn có thể là một niềm vui, một nỗi buồn, hay một công việc cùng làm. Vì thế, bữa ăn trở nên một biểu tượng của tình yêu, của cảm thông, của hợp nhất.

Bàn tiệc Thánh Thể cũng vậy, phải là biểu tượng của yêu thương, của cảm thông, của hợp nhất, như lời thánh Phaolô:

- Chúng ta tuy nhiều, nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh và làm nên một thân thể Đức Kitô. (1Cr 10,17)

Vì thế, sống Bí tích Thánh Thể cũng chính là sống yêu thương, sống cảm thông, sống hợp nhất. Chúng ta phải bắt chước cộng đoàn Giêrusalem ở những năm tháng đầu tiên khi Giáo hội còn phôi thai. Từ nghi thức bẻ bánh trở về, họ đã gom góp tài sản riêng làm của chung, rồi phân phối theo nhu cầu của mọi người, đến nỗi dân ngoại đã phải thán phục và kêu lên:

- Kìa xem họ yêu thương nhau biết là chừng nào. (Cv 2,42-46).

Còn chúng ta thì sao? Hằng ngày, hay ít nữa là hàng tuần, chúng ta đều đến nhà thờ tham dự thánh lễ, thế nhưng, trong cuộc đời, chúng ta đã thực sự sống yêu thương, sống cảm thông và sống hiệp nhất với nhau hay chưa?

4. Một trao đổi khôn tưởng

Bài Phúc Âm này là phần chính của bài giảng về bánh sự sống, được Chúa dạy sau phép lạ hóa bánh ra nhiều và bước đi trên nước. Qua những phép lạ ấy, Chúa Giêsu đã chứng tỏ quyền năng của Ngài trên thiên nhiên, trên thân thể Ngài và quyền phân phát vô tận lương thực thần linh, mà bánh hóa nhiều là biểu tượng. Như đối với phần đông các bản văn của thánh Gioan, đoạn này đòi hỏi sự suy niệm và đón nhận chăm chú hơn là lời bình giải. Chính để giúp suy niệm, mà một vài ghi chú sau đây được đề ra:

1) “Ta là bánh sự sống từ trời xuống”

Chúng ta có thể giải thích lời này như một mệnh đề phát biểu sự kiện Nhập Thể. Sự sống đời đời hứa cho ai ăn bánh ấy là sự sống siêu nhiên, do Đức Kitô mang đến cho kẻ nào tin vào Ngài như là Đấng được Chúa Cha sai đến. Nhưng lời ấy còn có ý nghĩa khác. “Bánh Ta sẽ ban là thịt Ta chịu nộp cho thế gian được sống”. Ở đây Chúa Giêsu nói về tương lai. “Bánh” cho đến đây có thể chỉ Chúa Giêsu lương thực đức tin, nay mang một ý nghĩa mới: Đức Kitô -Bánh ăn– đã trao nộp thịt mình cho thế gian được sống. Điều ấy có nghĩa là nếu phép Thánh Thể là một lương thực, đồng thời cũng là lễ hy sinh. Đức Kitô tự nộp làm của lễ hy sinh trong cuộc tử nạn trên thập giá. Thánh Thể đồng hóa hy lễ ấy và tiếp nối cho đến mãi mãi. Chúng ta có nghĩ rằng khi tham dự vào bàn tiệc của Chúa, mối dây liên kết huynh đệ đầu tiên và chính yếu nhất nối liền chúng ta với hy lễ của Ngài hay không? Những buổi cử hành phép Thánh Thể nối kết làm một sự thông hiệp của chúng ta với nhau. Đừng bao giờ chia cắt những gì Chúa đã liên kết. Các thánh lễ của chúng ta, cử hành chia sẻ, cũng phải cử hành lòng thờ phượng.

2) Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, người ấy ở trong Ta và Ta ở trong người ấy.

Lời này của Chúa cho thấy rõ một sự hỗ tương quan trọng. Thực vậy, thoạt xét người ta có thể đơn giản nghĩ rằng Đức Kitô ở trong người nào ăn mình Ngài. Như thế chưa đủ, điều ngược lại cũng đúng. Người ước ao mình được ở trong Ngài, người ấy được đi vào và ở trong Đấng tạo dựng cứu chuộc, viên mãn của mình. Làm sao nghĩ tưởng một điều như vậy? Chúa đã muốn như thế. Ngài ban cho con người một khả năng phi thường hòa nhập vào thần linh. Khi rước mình Đức Kitô, người tín hữu tiến dần đến sự hòa nhập với Đức Kitô. Nếu nghĩ rằng con người sẽ biến Thiên Chúa thành người khi được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Ngài thì thật là ấu trĩ. Con người được biến thành Thiên Chúa mới đúng. Con Thiên Chúa khi hiến thân làm lương thực thần hóa người nào được ăn Ngài. Ngài cho người ấy được tham dự vào bản tính thần linh. Điều này khiến ta nghĩ đến câu tán tụng của mùa Giáng Sinh: Ôi trao đổi kỳ diệu, Thiên Chúa làm người để người được nên Thiên Chúa.

5. Thánh lễ làm cho chúng ta trở thành anh em

Càng ngày người ta càng nghe câu nói làm tổn thương đến đời sống Kitô hữu: “Tôi là tín hữu nhưng không hành đạo”. Tôi hy vọng rằng tất cả con người bạn nổi lên chống lại cái khẳng định tách rời sự “hành đạo” với “đức tin” này. Nhưng chúng ta hãy xem xét kỹ mối dây liên kết giữa hai điều trên.

Việc chúng ta suy niệm về Bánh Hằng Sống sẽ chỉ cho chúng ta thấy mối liên kết giữa hai phần của cuộc sống Kitô hữu: “Nếu các ngươi không ăn thịt Ta, nếu các ngươi không uống máu Ta, các ngươi sẽ không có sự sống”

Tiếng cốt lõi đó là: sự sống. Người tín hữu không hành đạo rất có ý muốn “sống đức tin” của mình. Và điều này được thể hiện tức khắc do một mối quan tâm chính đáng về tình yêu thương anh em: “Tôi tin vào Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Chúa Kitô không đòi hỏi tôi phải đi lễ, Ngài đòi hỏi tôi phải yêu thương”.

Ngài đòi hỏi cả hai việc! Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”, cũng chính là Chúa Giêsu đã báo trước cho chúng ta: “Nếu các con không hiệp thông cùng thịt và máu Ta, các con sẽ không có sự sống. Sự sống này cho phép các con là anh em với nhau như Thầy là anh em với các con”.

Phép Thánh Thể kết hợp chúng ta với cuộc sống của Chúa Kitô đến nỗi chúng ta không dám nghĩ đến điều đó nếu chính Ngài không nói với chúng ta: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì kẻ ấy ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”. Tôi nghĩ đến một câu rất hay của thánh Cypriano: “Ai chiếm trọn tâm lòng chúng ta kẻ ấy cũng được chúng ta nói đến”. Người ta có thể thêm: người ấy cũng hiện diện trong các cử chỉ của chúng ta, trong cách thức chúng ta yêu thương nữa.

Người tín hữu muốn yêu thương mà “không đi lễ” thì không thấy được rằng họ ít có đức tin bởi vì họ không tin vào một lời nói mạnh mẽ của Chúa Giêsu: “Không ăn Bánh Hằng Sống thì các ngươi sẽ không có sự sống”. Người tin nửa vời này và người không tin có thể rất thương yêu nhau như anh em. Điều này rất thường gặp. Nhưng họ khó và hiếm khi yêu thương “như Chúa Giêsu”. Đối với người không tin, đây là điều bình thường. Đối với người tín hữu thì đây là một sự lệch lạc: muốn là môn đệ của Chúa Giêsu, bắt chước Chúa Giêsu mà không nuôi dưỡng mình bằng sự sống của Ngài.

Tôi biết rõ vấn nạn kinh khủng này: thực ra, người tín hữu hành đạo không bỏ lễ có yêu thương anh em đến thế chăng?

Trước hết, vơ đũa cả nắm là điều không tốt. Có những người tôn sùng Thánh Thể mà sự dễ thương và lòng độ lượng nói lên rất nhiều về “sự sống của Chúa Kitô” nơi họ.

Nhưng vấn đề Thánh Thể –liên quan đến tất cả chúng ta- chính là vấn đề sức sống Thánh Thể của chúng ta. Nhận lãnh sự sống bằng cách ăn Bánh Hằng Sống đòi hỏi một sự chú ý, một sự gắn bó bên trong là những điều thường quá thiếu vắng. Rước lễ dần dần trở nên ma thuật và thói quen, như thể việc di chuyển và giơ hai tay ra là đủ để trở nên một người xin sự sống đầy quyền lực. Không, điều này đòi buộc một niềm tin thức tỉnh nói với chúng ta lúc ấy, là tại sao chúng ta đi rước lễ và chúng ta vừa nhận lãnh thứ lương thực gì. “Một thứ bánh bị bẻ ra vì một thế giới mới”, một cuộc sống bị nghiền nát để chúng ta có thể thoát ra khỏi ích kỷ và kiêu ngạo. Không có cái chết này làm sao chúng ta là anh em với nhau được?

6. Thánh Lễ nối dài

Nhân ngày lễ kính Mình và Máu thánh Đức Kitô hôm nay, tôi muốn trình bày về mối liên hệ giữa thánh lễ với cuộc đời mỗi người chúng ta. Mối liên hệ ấy được diễn tả qua hai ý tưởng.

Ý tưởng thứ nhất: cuộc đời chính là một thánh lễ được nối dài.

Thực vậy, có nhiều người trong chúng ta chỉ sống đạo trong nhà thờ, nhưng lại không sống đạo giữa lòng cuộc đời. Tới nhà thờ, họ là những con chiên ngoan. Nhưng khi thánh lễ kết thúc, bước xuống cuộc đời, họ lại vội vã dẹp bỏ niềm tin, như cởi bỏ bộ quần áo đẹp họ mặc vào khi đi tham dự thánh lễ, cất kỹ trong tủ, để hóa kiếp trở thành một loài lang sói bằng những hành động thù oán, bất công và ghen ghét.

Họ tách biệt thánh lễ ra khỏi cuộc đời và trong suốt khoảng thời gian còn lại, họ quên đi mình là người Kitô hữu.

Tôi nghĩ rằng cách sống đạo chỉ hạn hẹp trong bốn bức tường nhà thờ chắc chắn sẽ không thể nào làm đẹp lòng Chúa, bởi vì chính Ngài đã muốn chúng ta phải sống đạo giữa đời. Ngài đòi hỏi chúng ta phải trở nên như men trong bột, như muối trong thức ăn, như ánh sáng trong đêm tối. Nghĩa là tình thần của Phúc âm phải thấm nhiễm vào toàn bộ cuộc sống chúng ta, rồi từ nền tảng ấy, nó dần dần cải tạo cái môi trường xã hội chúng ta đang tiếp xúc.

Khi vị Linh mục nói với chúng ta:

- Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an.

Điều ấy không có nghĩa là: thánh lễ đã kết thúc khi cánh cửa nhà thờ khép lại, trái lại còn phải mở ra cho chúng ta một thánh lễ khác nữa, thánh lễ giữa lòng cuộc đời, thánh lễ của chính cuộc sống.

Điều ấy còn muốn nói lên rằng chúng ta phải kéo dài thánh lễ từ nhà thờ đến cuộc sống, phải biến cuộc đời chúng ta trở thành một thành lễ nối dài, phải thực hiện tinh thần thánh lễ trong chính môi trường và hoàn cảnh xã hội. Hay nói một cách khác: điều quan trọng không phải chỉ là phải sống đạo trong nhà thờ, mà còn phải sống đạo trong cuộc đời. Mỗi người chúng ta phải trở nên muối ướp cho xã hội khỏi ươn thối, phải trở nên men làm cho xã hội dậy lên hương thơm thánh thiện, phải trở nên ánh sáng phá tan bóng tối đang bao phủ xã hội. Và như vậy, cuộc đời chính là một thánh lễ được nối dài.

Ý tưởng thứ hai: Dưới một góc độ nào đó, Thánh lễ cũng chính là cuộc đời được kết đọng lại.

Thực vậy, nhiều khi chúng ta đã có quan niệm sai lạc, coi việc đi tham dự thánh lễ như đi xem một vở kịch, một cuốn phim, để rồi có thái độ hoàn toàn thụ động và dửng dưng.

Trong khi đó, thánh lễ đòi hỏi mỗi người tham dự phải có một thái độ tích cực. Chúng ta cùng dâng thánh lễ với vị Linh mục, bởi vì chúng ta cùng sống một tâm tình, cùng dâng một lễ vật là Mình và Máu thánh Đức Kitô.

Ngoài ra, lễ vật riêng tư của mỗi người còn là những lao công vất vả, những khổ đau buồn phiền, những gian nguy thử thách mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống. Chúng ta dâng lên cùng với Mình và Máu thánh Đức Kitô, nhờ đó những hy sinh nhỏ bé và tầm thường của chúng ta sẽ có được một giá trị thiêng liêng to lớn, trở nên như một góp phần vào hy lễ thập giá, đồng thời trở nên như những sợi chỉ vàng dệt thành tấm vải cuộc đời của chúng ta.

Như thế, dưới một góc cạnh nào đó, thánh lễ cũng chính là cuộc đời được kết đọng lại. Chúng ta nên nhớ rằng: Thánh lễ trong nhà thờ cần phải được tiếp nối trong cuộc sống thường ngày bằng cách chấp nhận những gian khổ là như thập giá Chúa muốn chúng ta vác lấy, cũng như bằng cách thực thi những hành động bác ái yêu thương, giúp đỡ những người chung quanh. Đồng thời, cuộc sống của chúng ta cũng cần phải được cử hành trong thánh lễ tại nhà thờ bằng cách dâng lên Chúa những thập giá, những hy sinh chúng ta gặp phải.

Và như vậy, có một sự pha trộn, có một sự hòa nhập, có một sự liên hệ mật thiết giữa thánh lễ được cử hành trong nhà thờ với cuộc đời chúng ta đang sống.

7. Sức sống

Tại Tây Ban Nha có một câu chuyện về cậu bé tên là Marcellino. Mới sinh ra cậu bị người ta quăng trước cửa tu viện, và đã được các tu sĩ đem về nuôi.

Vốn tính hay nghịch ngợm, nên thày đầu bếp không cho cậu leo lên gác. Nhưng vì tò mò, một ngày kia Marcellino lén leo lên, cậu ngạc nhiên thấy một người khổng lồ bị treo trên thập giá. Nghĩ rằng người ấy chắc là đói lắm, nên đêm hôm ấy Marcellino vào bếp ăn cắp bánh mang lên cho ông. Người khổng lồ đưa tay nhận bánh và mỉm cười với cậu.

Từ đó, ngày nào cậu cũng đem bánh cho người ấy. Ngày kia, ông âu yếm ôm lấy cậu bé và hỏi:

- Con thích nhất điều gì trên trần gian này?

Cậu mau mắn thưa:

- Con muốn được gặp mẹ con.

Người ấy liền nói với cậu bé:

- Con sẽ được gặp mẹ con ngay tức khắc nếu con chấp nhận phải chết đi.

Hôm sau các thầy tìm thấy cậu nằm chết như đang ngủ say trong vòng tay thương mến của Chúa Giêsu.

Vì yêu thương mẹ, muốn được ở bên mẹ, mà Marcellino đã bằng lòng chịu chết. Vì yêu thương con người, Đức Giêsu cũng đã sẵn lòng chịu chết để cho con người được sống. Hơn nữa, Người còn có sáng kiến là hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, để được ở mãi với con người, để làm của ăn của uống, như lương thực nuôi dưỡng con người trên cuộc hành trình về quê trời. Người đã hứa: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.

Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu. Khi mời gọi: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Đức Giêsu muốn các Kitô hữu hãy lập lại cái chết tự hiến vì yêu thương của Người, bằng cả cuộc sống dấn thân và trao ban.

Khi lãnh nhận bánh Thánh Thể, người tín hữu ý thức mình đang lãnh nhận tình yêu Chúa. Và như dòng suối ân tình, họ lại tuôn trào tình yêu Chúa sang cho anh em đồng loại.

Khi chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể, người tín hữu cũng muốn chia sẻ cơm bánh cho tha nhân, chia sẻ hồng ân của Đức Kitô cho những kẻ đói nghèo, túng thiếu, không nơi nương tựa.

Chính khi nhận lãnh Thánh Thể để rồi chia sẻ trao ban, người tín hữu lại nhận được sự sống trường sinh và niềm vui lại tràn ngập tâm hồn.

Vì thế, sống Bí tích Thánh Thể chính là sống yêu thương, sống Bí tích Thánh Thể là sống cho và vì Đức Kitô, sống Bí tích Thánh Thể là sống như Đức Kitô đã sống và đã hiến trao cách quảng đại cho tha nhân.

Người tín hữu không lãnh nhận bánh Thánh Thể để cất giữ cho riêng mình, nhưng là để biến con người mình thành lương thực nuôi dưỡng anh em.

Việc chia nhau một tấm bánh nhắc nhở chúng ta sống là phải chia sẻ và trao ban, sống là yêu thương và hy sinh cho nhau.

Trong thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 45, Đức Thánh Cha kêu gọi: “Chúng ta rước Mình Thánh Chúa Kitô mà đồng thời lại sống xa lạ với những người đang đói khát, kẻ bị bóc lột, tù đày hay đau yếu”.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, khi chúng con sống yêu thương là chúng con đang làm chứng rằng: Chúa chính là sức sống mãnh liệt của chúng con.

Xin cho chúng con khi lãnh nhận bánh Thánh Thể cũng đón nhận được sức sống mới của Chúa, để chúng con ra đi làm chứng cho tình yêu Chúa trong cuộc sống chúng con.

8. Lương thực

Một số anh chị em dự tòng sau khi được học hỏi về sự cao quý, về tầm quan trọng và về sự cần thiết của thánh lễ cũng như của bí tích Thánh Thể đã đưa ra câu hỏi: Nếu thánh lễ và mầu nhiệm Thánh Thể cao quý và cần thiết cho đời sống thiêng liêng như vậy, thì tại sao nhiều người Công giáo lại không đi dâng lễ, hay nếu có đi thì lại ngồi ở ngoài hút thuốc, nói chuyện, chơi giỡn và hầu như không bao giờ rước Mình Thánh Chúa?

Một câu hỏi quả là gây nhức nhối và rất đáng để những người mang danh là Kitô hữu phải suy nghĩ. Có lẽ ta khó có thể tìm được một lý do nào chính đáng để trả lời cho thắc mắc này ngoài việc thú nhận rằng; do yếu kém về giáo lý, do thiếu hiểu biết về Chúa, về những gì Người đã dạy và đã làm, do thiếu ý thức về những sự thánh thiêng, do thiếu trưởng thành trong đời sống đạo nên mới xảy ra những trường hợp như vậy. Vì những cái thiếu kể trên nên nhiều người đã không thấy được sự cao quý và tầm quan trọng của việc dâng lễ và việc rước Thánh Thể. Những người này coi việc đi dâng lễ ngày Chúa nhật chỉ là một khoản luật phải giữ để khỏi có tội, để khỏi bị phạt mà thôi. Họ không ý thức rằng Thánh Lễ và Thánh Thể là những điểm hẹn để họ gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của mình. Họ cũng không biết rằng đây là cơ hội rất quý báu để có thể kín múc lấy nguồn sự sống, nguồn ân sủng cần thiết cho cuộc đời.

Thánh lễ và bí tích Thánh Thể không do Hội Thánh, không do bất cứ ai bịa đặt ra, nhưng là do chính Chúa Kitô thiết lập. Thánh Lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại hy lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên thánh giá để tiếp tục chuyển thông ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi. Và Thánh Thể chính là lương thực nuôi sống linh hồn ta trong hành trình làm người, cũng là hành trình đi về quê hương trên trời. Chúa Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần: “Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì sẽ được sống đời đời”. Ngay cả khi Người biết rõ ràng rằng: Nếu Người nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi, Người vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Chúa Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.

Con người không chỉ có thân xác nhưng còn có linh hồn. Và mục đích của đời sống làm người không chỉ là sự no đủ cơm áo phần xác mà còn là sự no đủ của đời sống tâm linh nữa: “Người ta sống không chỉ bởi bánh”.

Thiết tưởng mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây đều có dư khả năng để nhận thức điều này. Vấn đề còn lại là thái độ của chúng ta đối với Thánh Lễ và Thánh Thể như thế nào mà thôi.

9. Thánh Thể

Một hôm, người ta hỏi một em bé chín tuổi mới được rước lễ lần đầu: “Đâu là sự khác biệt giữa cây thánh giá và Mình Thánh Chúa?”. Em bé ấy đã trả lời rất hay và rất đúng rằng: “Trên cây thánh giá, người ta thấy Chúa Giêsu. Nhưng Ngài không có ở đó. Còn trong bánh Thánh, người ta không thấy Ngài, nhưng Ngài ở trong đó”. Đúng vậy, về phép Thánh Thể người ta không thể nhìn bằng con mắt xác thịt, mà chỉ có thể nhìn bằng con mắt đức tin, bởi vì đây là một mầu nhiệm đức tin, nhưng đây cũng là một mầu nhiệm của tình yêu thương. Chúng ta hãy tìm hiểu nhân ngày lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa hôm nay. Trong bữa tiệc ly, bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ vào chiều ngày thứ năm tuần thánh, Chúa đã làm một việc rất quan trọng, đó là biến bánh miến thành thịt Ngài và biến rượu nho thành máu Ngài, đồng thời Chúa truyền cho các môn đệ hãy làm như vậy để tưởng nhớ đến Ngài. Như vậy, bữa tiệc ly này đã trở thành thánh lễ đầu tiên do chính Chúa Giêsu, là linh mục tối cao, cử hành, và việc biến bánh rượu trở nên Mình Máu Ngài là bí tích Thánh Thể do Chúa thiết lập và Chúa muốn sự kiện cao quý này, tức là thánh lễ, được tiếp diễn luôn mãi qua các môn đệ của Ngài.

Vì thế, trong thánh lễ, khi linh mục lặp lại những lời của Chúa Giêsu: “Này là Mình Thầy”, “Này là chén Máu Thầy”, tức thì bánh không còn là bánh, rượu không còn là rượu nữa, nhưng là Mình và Máu Chúa Giêsu. Dĩ nhiên đây là một chân lý cao siêu, vượt quá sự hiểu biết của trí khôn loài người. Bởi vì trước và sau khi linh mục đọc lời truyền phép, chúng ta có nhìn xem, đụng chạm tới hay nếm một tấm bánh chưa truyền phép và một hình bánh đã truyền phép, chúng ta chẳng thấy có gì khác nhau, hay là có đưa vào phòng thí nghiệm để phân chất, chúng ta vẫn thấy như thường về phẩm chất, khối lượng và hình thức. Tuy nhiên, theo đức tin, thì lại khác xa nhau một trời một vực: một đàng là Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, một đàng là tấm bánh nhỏ bé, tầm thường. Chính vì thế, sau truyền phép, linh mục lớn tiếng công bố: Đây là màu nhiệm đức tin.

Đúng vậy, Thánh Thể là một bí tích đức tin. Nhưng cũng còn là bí tính tình yêu. Tại sao vậy? Thánh Gioan tông đồ đã viết: Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ của Ngài và đã yêu thương họ đến cùng. Yêu thương đến cùng có nghĩa là yêu thương đến tột bực. Tột bực tình yêu của Chúa Giêsu ở đây là việc lập phép Thánh Thể, để từ nay Ngài trở thành nơi gặp gỡ tình yêu giữa Ngài với chúng ta và giữa chúng ta với nhau.

Sau hết, Thánh Thể còn là bí tích của sự chia sẻ. Chúng ta biết: Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bầu khí thân tình của một bữa ăn từ giã. Tấm bánh Chúa đã cầm và phân chia cho các môn đệ cũng như chén rượu Ngài đã trao cho các môn đệ là để họ cùng ăn cùng uống trong tình huynh đệ, và chính việc chia sẻ này đã được Chúa dùng như dấu chỉ để các môn đệ làm mà nhớ đến Ngài. Cũng vậy, ý thức chia sẻ đòi buộc mỗi người chúng ta không được đóng khung những buổi cử hành Thánh Thể bên trong nhà thờ, nhưng phải sống mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm yêu thương ngay trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta cũng không thể cử hành Thánh Thể một cách trung thực nếu chúng ta sống dửng dưng ích kỷ, không quan tâm đến những anh chị em chung quanh. Nếu chúng ta nghèo của cải vật chất, chúng ta hãy chia sẻ, hãy cho nhau tình thương, sự thông cảm, vị tha, bác ái dưới mọi hình thức với hết mọi người.

Bí tích Thánh Thể cao quý biết bao và đem lại ơn ích biết bao nhiêu. Thế mà nhiều người vẫn còn thờ ơ hoặc chưa yêu mến cho thật đầy đủ. Được bao nhiêu người rước lễ, có người chỉ rước lễ một năm một lần. Nhiều người rước lễ không nên, hoặc không chuẩn bị đầy đủ hoặc không cám ơn đàng hoàng. Đến nhà thờ là gặp Chúa, tâm sự với Chúa, thế mà có những thái độ bất kính: nói chuyện riêng, có những cử chỉ bất kính. Chúng ta hãy xin Chúa tha thứ và cố gắng sống tốt đẹp hơn.

10. Tấm bánh

Là con người, chúng ta không thể chỉ sống bằng cơm bánh. Chúng ta còn phải chịu đựng nhiều kiểu đói khát. Chúng ta hãy mở Tin mừng, để hiểu về những loại tấm bánh khác nhau, mà Đức Giêsu đã ban cho nhân loại, từ đó, Người đang làm thỏa mãn nhiều khao khát của họ.

Đối với những người đã đi theo Chúa vào sa mạc, và những người đang đói khát, Người đã ban cho họ bánh ăn hằng ngày, nhờ đó, đã làm thỏa mãn được cơn đói về thể lý của họ.

Đối với những người phong cùi mà thân thể đang bị héo mòn, Người đã ban cho họ tấm bánh duy nhất có ý nghĩa quan trọng đối với họ – đó là được chữa lành bệnh tật.

Đối với người phụ nữ đang ở một mình tại giếng Giacóp, Người đã ban cho bà tấm bánh của lòng ân cần tử tế, và do đó, đã làm thỏa mãn lòng khao khát được chấp nhận.

Đối với những người tội lỗi, Người đã ban cho họ tấm bánh của ơn tha thứ, do đó, đã làm thỏa mãn lòng khao khát được cứu độ.

Đối với những người bị khước từ và ruồng bỏ, bằng cách hòa hợp với họ, cùng ăn uống với họ. Người đã ban cho họ tấm bánh của tình thân hữu, do đó, đã làm thỏa mãn lòng khao khát được cảm thấy mình có giá trị.

Đối với người góa phụ thành Naim, một người đã chôn cất đứa con trai duy nhất, và đối với Marta và Maria, là những người chị vừa mới chôn cất em trai họ là Lagiarô, Người đã ban cho họ tấm bánh của lòng thương xót, và đã chứng tỏ cho họ thấy rằng ngay cả trong cái chết, chúng ta vẫn có thể được Thiên Chúa cứu giúp.

Đối với Giakêu, một người thu thuế giàu có, đã tước đoạt bánh từ bàn ăn của người nghèo, Người đã bắt đầu bằng cách tự để cho Người được mời vào bàn ăn của ông ta. Sau đó, Người đã đánh thức nơi ông ta một niềm khao khát được có một đời sống tốt đẹp hơn, Người đã giúp ông ta biết chia sẻ cho người nghèo tiền bạc bất chính của mình.

Đối với kẻ trộm chết bên cạnh mình, Người đã ban cho anh ta tấm bánh của sự hòa giải với Thiên Chúa, do đó, Người đã ban lại bình an cho tâm hồn bị bối rối của anh ta. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, có một người lại khước từ tấm bánh Đức Giêsu ban.

Có một thanh niên giàu có, được Người ban cho tấm bánh của đời sống ngay chính, nhưng đã từ chối, vì anh ta không muốn từ bỏ những của cải của mình.

Có những ký lục và Pharisêu được Người ban cho không chỉ một lần, mà nhiều lần, tấm bánh của sự hoán cải, nhưng họ đã từ chối dù chỉ một mẫu bánh.

Có những người dân thành Giêrusalem mà Người yêu dấu, trong những dòng nước mắt, Người đã ban cho tấm bánh của sự bình an, nhưng họ đã từ chối, và hậu quả là thành phố của họ bị phá hủy.

Có một ông quan Philatô, mà Người ban cho tấm bánh của sự thật, nhưng ông ta không hề thèm khát muốn ăn, vì nó đặt địa vị của ông ta vào tình trạng rủi ro.

Đức Giêsu đã chia sẻ chính Người cho mọi người, bằng nhiều cách thức khác nhau, và dưới nhiều hình thức khác nhau, trước khi ban cho họ bản thân mình như là thức ăn và nước uống, trong bữa Tiệc Ly.

Đức Giêsu nuôi dưỡng chúng ta bằng rất nhiều cách đặc biệt trong Phép Thánh Thể. Chỉ khi nào chúng ta đánh mất ý nghĩa sự hiện diện của Đức Kitô trong tất cả mọi mặt, thì sự hiện diện của Người trong Phép thánh Thể trở nên một vấn đề. Những người có ý thức sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa trong toàn bộ tạo vật, thì sẽ không gặp khó khăn gì lớn, trong việc tin tưởng rằng Người đang hiện diện bằng một cách thức rất đặc biệt trong Phép Thánh Thể.

Chỉ duy nhất Thiên Chúa là Đấng thỏa mãn được những khao khát và mong mỏi của tâm hồn chúng ta, vì chỉ một mình Người có thể ban cho chúng ta tấm bánh sự sống đời đời. Đây là tấm bánh mà chúng ta được đón nhận trong Phép Thánh Thể. Nếu không có tấm bánh đó, chúng ta sẽ không có sức mạnh để đi theo Đức Kitô.

11. Duy nhất

Trong suốt những năm từ 1984 đến 1986, Ethiopie đã phải chịu đựng một nạn đói khủng khiếp. Đức Hồng y Hume ở Westminster kể lại một sự kiện đã xảy ra, khi ngài thăm viếng Ethiopie giữa thời kỳ nạn đói. Một trong những nơi mà ngài thăm viếng là một trại định cư nằm trên các sườn đồi, tại đó, dân chúng đang chờ đợi thực phẩm không chắc sẽ được gửi tới. Đức Hồng Y đã được chở đến đó bằng trực thăng.Ngay khi ngài vừa mới bước ra khỏi trực thăng, thì có một bé trai, khoảng độ 10 tuổi, chạy đến và nắm bàn tay của ngài. Cháu bé không mặc quần áo gì cả, chỉ đóng một cái khố nhỏ mà thôi. Suốt thời gian mà Đức Hồng Y có mặt ở đó, cháu bé này không hề buông tay mình ra khỏi bàn tay của ngài.

Trong khi Đức Hồng y và bé trai này đi bên nhau, cháu bé có hai cử chỉ: cháu dùng một bàn tay chỉ vào miệng của mình, còn bàn tay kia vẫn nắm chặt bàn tay Đức Hồng Y, và ép sát bàn tay ngài lên má của mình.

Sau này, Đức Hồng Y đã nói: “Đây là một đứa trẻ mồ côi, đã bị mất hết cha mẹ vì nạn đói. Tuy nhiên, bằng hai cử chỉ đơn giản đó, cháu bé đã chứng tỏ hai nhu cầu đói khát căn bản của con người. Bằng cử chỉ đầu tiên, cháu bé đã cho tôi thấy cơn đói ăn của mình, và bằng cử chỉ kia, cháu đã nói lên nhu cầu được yêu thương. Không bao giờ tôi quên được sự kiện đó, và cho đến hôm nay, tôi vẫn thắc mắc không biết cháu bé đó còn sống không. Tôi còn nhớ là khi bước lên trực thăng, cháu cứ đứng nhìn tôi bằng một cái nhìn đầy trách móc”.

Bài đọc hôm nay nói: “Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”. Đức Giêsu đã trích dẫn những lời này, trong khi Người bị cám dỗ ở trong sa mạc.

Chúng ta cần có cơm bánh hàng ngày. Đó là nhu cầu đầu tiên và cơ bản nhất của con người. Nhưng chúng ta còn cần nhiều hơn thế nữa. Cơm bánh chỉ nuôi dưỡng chúng ta phân nửa mà thôi – đó là về mặt thể lý. Nhưng chúng ta còn có mặt tinh thần nữa. Tinh thần cũng kêu gào đòi được nuôi dưỡng. Ngay cả đứa trẻ đang chết đói trên đây cũng đã nhận ra điều đó. Trong Phép Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng bằng lương thực là lời của Thiên Chúa, lời hằng sống có tác động an ủi, hướng dẫn, truyền cảm hứng, và thử thách chúng ta. Và trong sự hiệp thông Thần Thánh, chúng ta được nuôi dưỡng bằng lương thực là sự sống đời đời. Trong bữa tiệc Thánh Thể, chúng ta có lương thực nuôi dưỡng tư tưởng, tâm hồn và tinh thần của mình. Ở đây, chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện kéo dài của Đức Kitô với chúng ta. Người không hiện diện với tư cách như là một ký ức mơ hồ của một con người đã sống từ trước đây rất lâu, nhưng là một sự hiện diện đích thực, ban sự sống làm biến đổi chúng ta. Bằng cách đón nhận lương thực là Phép Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng, và giống như Đức Kitô, chúng ta cũng có khả năng nuôi dưỡng cả những người khác nữa.

12. Tình yêu của Thiên Chúa

Mừng kính Mình và Máu Thánh Đức Kitô, chúng ta cùng nhau chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ về tình yêu Thiên Chúa đã dành cho chúng ta, nhất là qua bí tích Thánh Thể.

Thực vậy, tình yêu là một đề tài xưa như trái đất và được đề cập đến nhiều nhất qua sách vở, qua nghệ thuật cũng như qua cuộc sống. Tuy nhiên, con người vẫn chưa khai triển hết vẻ phong phú của tình yêu, cho nên tới bây giờ, tình yêu vẫn còn là một câu chuyện thời sự nóng bỏng trên môi miệng chúng ta.

Nếu đưa mắt nhìn xem, chúng ta sẽ thấy cuộc sống của chúng ta được dệt nên bởi biết bao nhiêu yêu thương. Những người bạn chân thành luôn nâng đỡ để cùng nhau theo đuổi một mục đích, một lý tưởng. Những cặp tình nhân mà trái tim luôn đập cùng một nhịp yêu thương. Những người mẹ luôn ân cần nuôi dạy những đứa con thơ dại. Tình yêu ở trước mặt cũng như ở sau lưng chúng ta. Thế nhưng, đâu là mẫu số chung cho những thứ tình yêu ấy? Đâu là điểm làm cho mặc cho những thứ tình yêu ấy một giá trị và đưa chúng vào một lãnh vực cao cả hơn?

Tôi xin trả lời:

- Đó là sự hy sinh.

Thực vậy, đúng như tuc ngữ đã bảo:

- Yêu nhau chẳng quản xa gần,

Mấy sông cũng lội,, mấy ngàn cũng qua.

Đã yêu thương nhau, thì sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh cho nhau và vì nhau để mưu cầu hạnh phúc cho nhau, nhu một câu danh ngôn đã bảo:

- Hãy cho tình yêu vào máy cán, nếu nó tiết ra chất hy sinh, thì đó là một tình yêu thức thiệt, bằng không thì chỉ là một tình yêu thứ dổm mà thôi.

Sự hy sinh phải là nền tảng căn bản, trên đó tình yêu được xây dựng, cho dù sóng gió cuộc đời có phũ phàng, cũng không thể làm cho nó bị lay chuyễn. Hy vinh và tình yêu luôn bổ túc lẫn cho nhau: hy sinh sẽ làm cho tình yêu trở nên tinh ròng và tình yêu tinh ròng sẽ giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận hy sinh.

Thánh Gioan đã định nghĩa: Thiên Chúa là tình yêu. Ngài chính là tình yêu tuyệt hảo nhất, khuôn mẩu cho mọi tình yêu của chúng ta. Và như vậy, chắc chắn sự hy sinh Ngài dành cho chúng ta cũng thật lớn lao.

Sự hy sinh ấy bắt đầu từ nguyên thủy. Khi tạo dựng nên trời và đất, Ngài đã một phần nào đặt mình vào sự giới hạn của không gian và thời gian. Thế nhưng, Ngài đã nhận được những gì, nếu không phải là sự phản bội của loài người, một tạo vật đã được Ngài dựng nên theo hình ảnh của Ngài.

Tuy nhiên, dù con người có phản bội, Ngài cũng đã không bỏ rơi con người trong án phạt của sự chết, trái lại Ngài đã đưa ra chương trình cứu độ và thực hiện chương trình ấy trong dòng thời gian, bằng cách sai Con Một Ngài xuống thế để cứu chuộc chúng ta.

Giả như bây giờ xảy ra một cuộc hỏa hoạn, hẳn chúng ta sẽ ca tụng hành vi can đảm của người đã dám coi thường cái chết, nảy vào vùng lửa cháy để cứu thoát một em bé nào đó. Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài đã hy sinh vì chúng ta và đã đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng trên thập giá, như lời Ngài đã phán:

- Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.

Hơn thế nữa, Ngài lãi còn trao ban cho chúng ta Mình và Máu thánh Ngài làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Vì vậy, chúng ta có thể nói được rằng bí tích Thánh Thể chính là bí tích của tình yêu Thiên Chúa.

Hẳn rằng nhiều người trong chúng ta đã nghe nói đến nạn đói năm Ất Dậu 1945 tại miền Bắc. Đó là một nạn đói thật khủng khiếp, giết hại gần hai triêu người.

Có hai mẹ con người kia cũng lâm vào cảnh tang thương ấy và nằm hấp hối chờ chết bên vệ đường. Người mẹ trước khi nhắm mắt, đã không thể nào cầm lòng được trước tiếng khóc của đứa con thiếu sữa. Bởi đó, bà đã làm một hành động táo bạo, đó là cắn đứt ngón tay trỏ, để đứa con được bú những giọt máu cuối cùng của mình thay cho dòng sữa đã cạn kiệt, với hy vọng nó sẽ được cứu sống.

Câu chuyện cảm động ấy không phải chỉ xảy ra một lần, nhưng nó còn xảy ra mỗi ngày trong bí tích Thánh Thể.

Thực vậy, trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu đã trối lại cho chúng ta Mình Máu thánh Ngài làm lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta, như lời Ngài đã xác quyết:

- Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống. Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì sẽ được sống đời đời.

Chính nhờ của ăn thần linh này, chúng ta được kết hiệp mật thiết với Chúa, được trở nên giống Chúa và được chia sẻ sự sống ân tình với Ngài.

Vì thế, hãy siêng năng tham dự thánh lễ và hãy sốt sắng rước lể mỗi khi có thể, để đáp trả tình yêu thương vô biên Chúa đã dành cho mỗi người chúng ta trong bí tích Thánh Thể.

13. Bánh

Trong sách Giáo lý Công giáo số 1358, Giáo Hội tóm lược ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể vào những điểm chính như sau:

1. Thánh Thể là sự cảm tạ và ngợi khen Chúa Cha: Thánh Thể là lời chúc tụng để Giáo Hội bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa vì tất cả những ơn lành Ngài đã thực hiện qua việc sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa nhân loại. Ý nghĩa trước hết của thánh lễ là “Lễ Tạ Ơn” Thiên Chúa. Câu chuyện kể về một phụ nữ thường xuyên mang theo mình cuốn sách mỏng. Chị đặt tên cho nó là cuốn sách ghi chép tiểu sử cuộc đời. Chị thường chia sẻ với bạn bè rằng nó chẳng mất nhiều thì giờ để đọc, vì cuốn sách chỉ có ba trang giấy. Lại chẳng có một chữ nào được viết trên đó cả. Trang đầu tiên màu đen. Chị nói rằng nó đại diện cho các tội lỗi xưa nay của chị. Trang thứ hai màu đỏ, nó biểu tượng cho máu Chúa Giêsu đã đổ ra vì tội lỗi của chị. Trang thứ ba màu trắng, đại diện cho chính chị sau khi đã được lau sạch trong máu của Chúa Giêsu Kitô, Người đã làm cho chị trở nên trắng hơn tuyết.

2. Thánh Thể tưởng niệm sự hy sinh của Chúa Giêsu: Một câu chuyện có thật gợi lên sự hy sinh cao cả của Chúa Kitô được những tù binh người Anh bị lính Nhật giam giữ trên bờ sông Kwai kể lại như sau: Một người lính Anh Quốc của trung đoàn Argyll bị lính Nhật bắt giam phải đi làm lao động khổ sai xây dựng đường rầy xe lửa. Như thường lệ, sau mỗi ngày lao động, tất cả những dụng cụ làm việc phải được kiểm kê. Ngay khi một nhóm tù binh vừa trao nộp dụng cụ xong, sắp sửa trở về trại, thì người lính Nhật canh giữ la lên rằng có một cái xẻng bị mất. Anh lính quả quyết rằng một người nào đó đã ăn cắp và bán cho người Thái. Cả nhóm tù binh phải tập họp lại. Anh lính Nhật bước tới bước lui trước mặt từng người tù, anh phô trương, nộ nạt, sỉ vả họ vì hành động xấu xa và vô ơn đối với hoàng đế. Đến lúc phát cáu, hắn nổi giận, và la hét. Hắn yêu cầu thủ phạm phải bước ra khỏi hàng ngũ chấp nhận hình phạt. Nhưng chẳng có ai động đậy. Tên lính Nhật lại càng nổi cơn điên lên cao độ hơn nữa. Hắn hét lên: “Tất cả phải chết! Chết hết! Chết hết!”.

Để chứng tỏ điều hắn nói là thật, hắn lên cò súng, kê báng súng lên vai và chĩa nòng súng vào từng người một, sẵn sàng bắn từ đầu cho đến cuối. Vào lúc đó Argyll bước tới, đứng yên và nói: “Tôi đã làm điều đó”. Tên lính Nhật tuôn ra tất cả sự thù hận, hắn đấm đá túi bụi vào Argyll. Tuy nhiên anh vẫn đứng lặng thinh với khuôn mặt đầy máu me đang chảy xuống. Sự yên lặng của anh đã khiêu khích sự phẫn nộ của tên lính Nhật lên tột độ. Hắn nắm lấy cây súng trường, đưa lên cao khỏi đầu, và với một tiếng tru lên như chó, hắn bắn vào đầu Argyll. Argyll tung người lên, rơi xuống đất, rồi nằm yên bất động. Mặc dù rõ ràng rằng người tù đã chết, nhưng tên lính Nhật vẫn tiếp tục đánh anh cho đến khi hắn kiệt sức mới thôi! Những người tù khổ sai đã lãnh xác người bạn mình, vác những dụng cụ lao động trên vai, bước về trại. Khi những dụng cụ lao động được đếm lại một lần nữa ở đồn lính canh, đã không có cái xẻng nào bị mất cả. Tất cả dụng cụ lao động đều đầy đủ!

Thánh Thể là sự tưởng niệm cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô. Theo ý nghĩa của Thánh Kinh “tưởng niệm” không chỉ có nghĩa là nhớ lại những biến cố của quá khứ, nhưng còn có nghĩa công bố những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện cho loài người. Trong Tân Ước từ “tưởng niệm” còn có nghĩa là sự tái diễn có tính cách bí tích, làm cho trở thành hiện tại sự hy sinh của Chúa Kitô như Công đồng Vatican II đã nói: “Tất cả mỗi khi hy lễ thập giá mà Chúa Kitô, lễ Vượt Qua của chúng ta, được hiến tế trên bàn thờ, thì công cuộc ơn cứu chuộc của chúng ta được thực hiện”.

3. Thánh Thể là sự hiện diện của Chúa Kitô: Nhờ quyền năng của Lời Ngài và của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội bằng nhiều cách: trong việc cầu nguyện của Giáo Hội, nơi những người nghèo khó, nơi các bệnh nhân, các tù nhân, trong bí tích của Ngài, trong hy lễ Thánh Thể, và nơi con người của thừa tác viên. Đặc biệt nhất là Ngài hiện diện dưới hình bánh và hình rượu trong Bí tích Thánh Thể. Đó là ngày lễ Phục sinh ở trong tù. Có chừng hơn 10.000 tù nhân chính trị bị giam giữ bởi một chế độ tàn bạo và áp bức. Một nhóm tù nhân Kitô hữu muốn cử hành Bí tích Thánh Thể, nhưng họ không có bánh lễ, không có rượu nho, không có chén thánh, cũng chẳng có sách lễ, không có Thánh Kinh, và không có cả linh mục nữa. Những tù nhân không phải là Kitô giáo cũng nhiệt tình giúp đỡ: “Chúng tôi sẽ giúp đỡ các anh. Chúng tôi sẽ nói chuyện rì rào rất êm ái để quý vị có thể gặp nhau mà không lôi kéo sự chú ý của các tên canh tù”. Một trong những tù nhân Kitô hữu lên tiếng góp ý với đồng đạo: “Chúng ta không có bánh lễ, cũng chẳng có lấy một giọt rượu nho, nhưng chúng ta sẽ cử hành như thể chúng ta có tất cả”. Và người tù nhân Kitô hữu đó bắt đầu hướng dẫn mọi người tham dự thánh lễ qua các nghi thức phụng vụ. Mọi người đều ngạc nhiên vì anh nhớ từng lời, từng kinh đã nghe được qua bao nhiêu thánh lễ ngày Chúa nhật từ khi còn bé. Khi đọc đến những lời của Chúa Giêsu đã nói trong bữa Tiệc Ly, anh quay sang người bạn tù bên cạnh mình. Rồi nắm lấy hai bàn tay mà nói: “Đây là mình ta sẽ bị nộp vì các con”. Và sau đó tất cả mọi người trong nhóm đi một vòng tròn, từng người một, mỗi người quay sang người bên cạnh, mở rộng đôi bàn tay và lập lại những lời của Chúa Giêsu: “Đây là mình ta sẽ bị nộp vì các con”.

“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” là một mệnh lệnh được thi hành không chỉ trong thánh lễ với linh mục thừa tác viên chính thức của Giáo Hội, nhưng còn được sống thánh lễ và cử hành bằng chính đời sống của các Kitô hữu nữa. Thánh Inhaxiô thành Antiokia đã nói: “Thánh Thể là linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết”. Đây chính là bảo chứng của Vương Quốc tương lai, sự sống đời đời như lời Chúa phán hôm nay: “Đây là bánh từ trời xuống… Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.

14. Thánh Thể

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cầm bánh trong tay và nói trước mặt các môn đệ: “Đây là Mình Thầy”, lập tức mọi người hiểu rằng tấm bánh kia là thân thể Chúa, nghĩa là tấm bánh kia, bên ngoài có hình thù, mầu sắc, hương vị của bánh nhưng bản thể của bánh đã biến sang bản thể của Thiên Chúa. Làm sao có thể như thế được? Đối với Thiên Chúa thì không thành vấn đề, bởi vì Thiên Chúa đã từng làm cho có manna đầy tràn ở trong hoang địa, và nước trở thành rượu ngon ở tiệc cưới Cana, thì việc biến bánh ra Mình Chúa đối với Chúa là chuyện dễ dàng, dễ dàng đến độ Ngài chỉ cần một lời nói “Đây là Mình Thầy”. Có ai trong chúng ta dám nói tôi là thế này tôi là thế nọ không? Thí dụ: “Tôi là ánh sáng”. Chúng ta chỉ có thể nói: “Tôi có ánh sáng” hay “tôi chế ra ánh sáng La-de”, chứ không ai có thể nói: “Tôi là ánh sáng”. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng tạo dựng ra ánh sáng, mới có nền tảng mà tuyên bố “Tôi là ánh sáng”. Cho nên, khi Chúa nói: “Đây là Mình Thầy” là một câu nói quả quyết, một câu nói quả quyết sự đồng nhất.

Một số người chối Bí tích Thánh Thể đã cho rằng: câu Chúa nói: “Đây là Mình Thầy” chỉ có ý nghĩa tượng trưng, ám chỉ một việc khác. Chúng ta có thể trả lời như sau: Để có ý nghĩa tượng trưng, phải có một trong bốn ý sau đây: Thứ nhất, một cái gì tượng trưng rõ ràng, chẳng hạn khi chúng ta chỉ vào pho tượng thánh Giuse mà nói: “Đây là thánh Giuse”. Thứ hai, một kiểu nói dụ ngôn, chẳng hạn như hạt giống gieo là lời Chúa. Thứ ba, một ý nghĩa tượng trưng tự nó, chẳng hạn như tre trúc tượng trưng cho lòng ngay thẳng, bông huệ tượng trưng cho sự thanh khiết. Thứ tư, một bản văn ám chỉ tới một chuyện khác, chẳng hạn Isaac ám chỉ Chúa Giêsu. Lời truyền phép của Chúa Giêsu không ở trong bốn trường hợp đó. Tự bản chất và công dụng của bánh không bao giờ ám chỉ đến thân thể. Chúa cũng không cắt nghĩa gì thêm, vì quá rõ ràng, đến nỗi người Do Thái lấy làm chướng tai, không nghe được và bỏ đi. Trong Cựu Ước cũng như Tân Ước không bao giờ dùng tấm bánh để ám chỉ về người ta, cho nên, câu Chúa nói “Đây là Mình Thầy” phải hiểu là một chân lý quyền năng của Chúa. Như vậy, câu Chúa nói “Đây là Mình Thầy” là Chúa lập Bí tích Thánh Thể. Đây là điều chắc chắn, là chân lý tuyệt đối, nhắc nhở chúng ta những điều quan trọng sau đây:

Thứ nhất, Chúa Kitô hiện diện thật sự trong phép thánh Thể. Chúa Kitô ở trong phép Thánh Thể là Chúa Kitô vinh hiển, nhân tính Ngài hiện diện trong bí tích đó không còn đau khổ, buồn phiền, cô đơn nữa. Những kiểu nói Ngài cô đơn, vắng lặng trong nhà tạm chỉ là để nhắc nhở thái độ dễ vô ơn, thờ ơ của chúng ta đối với Chúa.

Thứ hai, Chúa Kitô hiện diện trong phép Thánh Thể là trạng thái hết sức khiêm hạ vì thương yêu loài người. Chúa âm thầm tự trở nên một tù nhân giữa loài người. Phải có một tình yêu cao độ chúng ta mới hiểu được sự ở lại trong khiêm hạ này. Cũng trong sự khiêm hạ âm thầm này mà có biết bao phạm thượng, lộng ngôn xúc phạm đến Chúa qua bao thế hệ. Đó cũng là lý do nữa nhắc nhở chúng ta thêm lòng kính mến bí tích tình yêu tột đỉnh này.

Thứ ba, Chúa Kitô với hai bản tính đều ở trong bánh và rượu. Ở mỗi hình thái đều có đủ Chúa Kitô thật. Nhưng chúng ta nên nhớ: Chúa Kitô ở trong hình thái bánh rượu không còn lệ thuộc vào không gian, thời gian hay trương độ, trọng lượng như xác thịt người phàm nữa. Ngài ngự trong hình bánh rượu, Ngài nghe, biết, thấy chúng ta cầu nguyện, không bằng con mắt xác thịt như chúng ta mà bằng thần tính của Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta hãy siêng năng đến cầu nguyện với Chúa trong Thánh Thể.

Chúng ta hãy nhớ và thực hành hai điều sau: Thứ nhất, mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta hãy cố gắng rước lễ, bởi vì chả lẽ đi dự tiệc mà lại không ăn tiệc? Chúng ta phải chuẩn bị chu đáo để rước lễ. Nhưng cũng đừng vì một đôi khuyết điểm hay yếu đuối nhỏ mà chúng ta nghĩ rằng mình không xứng đáng rước Chúa. Thật ra khi rước lễ, tình yêu chúng ta dành cho Chúa Giêsu đủ để Ngài tha thứ những tội nhẹ và khuyết điểm của chúng ta. Thứ hai, ngoài thánh lễ, Chúa vẫn ở với chúng ta trong nhà tạm. Vì thế, mỗi khi vào nhà thờ chúng ta hãy ý thức sự hiện diện của Chúa, chúng ta cúi đầu hay bái gối với một lòng biết ơn và kính trọng, rồi chúng ta bắt đầu cầu nguyện với một lòng tin sâu xa: Chúa Kitô đang hiện diện thực sự trước chúng ta, đang lắng nghe chúng ta, đang muốn ban ơn cho chúng ta.

15. Chúa Giêsu bồng ẵm tôi

Một trong những truyện hay của cuộc đời Chúa Giêsu là truyện Chúa bồng ẵm một em bé. Các tông đồ tranh cãi xem ai là người cao cả nhất. Chúa Giêsu bảo các ông: “Ai muốn ở bậc nhất thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”. Rồi Chúa dắt một em bé lại và để em đứng giữa các ông. Chúa bồng ẫm em và nói: “Ai đón nhận một trẻ nhỏ như em bé này vì danh Ta là đón nhận Ta, và ai đón tiếp Ta, thì không phải đón tiếp Ta, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Ta” (Mc 9,36).

Theo truyền tụng thì em bé này sau trở nên thánh Ignatuiô thành Antiochia, Ngài đã hiến dâng mạng sống vì Chúa Kitô năm 107. Khi còn là thiếu niên, Ignatio thường dẫn bạn bè tới nơi mà Chúa Giêsu đã bồng ẵm cậu và bảo bạn bè: “Các bạn coi đó. Đây là chỗ Chúa Giêsu đã bồng ẵm tôi”.

Nếu bạn muốn, bạn có thể coi đó là câu chuyện tưởng tượng của thời trung cổ, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã bồng ẵm một em bé. Sự kiện đó hôm nay làm nổi bật tư tưởng của tôi, nghĩa là trong sự Hiệp lễ, chúng ta không chỉ ôm ẵm Chúa Giêsu, nhưng chính Ngài cũng ôm ẵm chúng ta.

Có lẽ không bao giờ bạn nghĩ đến sự Hiệp lễ trong cách này. Chúng ta nói trực riếp: “Tôi đón nhận Chúa Giêsu trong sự hiệp lễ... Chúa Giêsu ngự vào trong lòng tôi”. Chúng ta nói về những hiệp lễ như là ôm ẵm Chúa. Nhưng hiệp lễ cũng có nghĩa là Chúa ôm ẵm chúng ta. Chúa Giêsu đón nhận chúng ta vào lòng Ngài cách đặc biệt. Không chỉ là Chúa Giêsu ngự trong chúng ta, mà chúng ta cũng ở trong Chúa Giêsu. Đó là ý nghĩa của điều Chúa nói với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: “Ai ăn Thịt ta và uống Máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”. Chúng ta có thể nói như thánh Ignatiô: “Đây là nơi Chúa Giêsu bồng ẵm tôi”.

Thánh Cyrilo thành Alexandries so sánh sự hiệp nhất này với hai miếng sáp ong hòa lẫn với nhau. Thánh Têrêxa thành Lisieux đã diễn tả sự hiệp lễ lần đầu của Ngài như là sự hoà tan với Chúa Kitô.

Bạn hãy tưởng tượng một em bé chạy lại gặp cha nó. Nó giang cánh tay nhỏ bé quàng vào cổ cha nó. Cố sức ôm chặt lấy cha nó. Nhưng người cha bồng lấy đứa con trong vòng tay to khỏe, ôm ấp đấ yêu thương. Sự hiệp lễ cũng phần nào giống như thế. Chúng ta ôm ẫm Chúa Kitô. Chúng ta đón rước Ngài ngự vào lòng ta. Chúa Giêsu ôm ẫm ta, đưa ta vào lòng Ngài.

Bạn hãy suy nghĩ điều này và bạn bắt đầu nhận thức rằng sự quan trọng không phải là tình yêu, lòng khát khao hay những lời cầu nguyện của chúng ta, mặc dầu tất cả cần phải có. Sự quan trọng nhất là tình yêu vô biên của Chúa Giêsu. Ngài ước mong ôm ẵm chúng ta, chia sẻ chính đời sống Ngài cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta ở lại trong Ngài như chúng ta muốn Ngài ở lại trong chúng ta.

Sự thật kỳ lạ này chúng ta cử hành hôm nay, ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tôn vinh Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Trong sự buồn thảm của tuần thánh, chúng ta đã làm mới lại ngày thứ năm thánh đầu tiên, khi Chúa Giêsu trao ban chính Ngài cho các tông đồ, và các ông được dâng chính mình cho Ngài. Sự thật vui mừng lớn lao quá, chúng ta muốn cử hành một cách dặc biệt trong một ngày đặc biệt, Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta ước ao làm mới lại ước vọng được ôm ẵm Chúa Kitô và được Ngài ôm ẵm chúng ta.

Xin Chúa chúc lành cho các bạn.

16. Tặng phẩm thần linh - Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Phúc Âm kể lại: Đang khi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn. Rồi Người cầm lấy chén rượu và nói: Này là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống. (Mt 26, 26- 29; Lc, 22, 14- 20). Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể và Chúa dặn dò các môn đệ: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.

Tiệc Thánh Thể này được chính Chúa Giêsu tiên báo trong tiệc cưới Cana, được hứa ban cho dân ở Caphanaum, được thiết lập trong Tiệc Ly và đã được chính Chúa cử hành đầu tiên tại làng quê Emmau. Bốn khung cảnh này hòa quyện đan kết với nhau thật tuyệt đẹp trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu chúng ta.

Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau.

Thánh Thể chính là Tặng Phẩm Thần Linh mà Thiên Chúa trao cho nhân loại.

Lịch sử cứu độ là lịch sử hồng ân và là lịch sử tình yêu tự hiến của Thiên Chúa. Cao điểm của lịch sử này là Thập Giá Đức Kitô. Thập Giá là tột đỉnh hy sinh của Thiên Chúa. Thập Giá biểu lộ tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Thập Giá cũng là tột đỉnh hy sinh của Đức Kitô, Đấng đã hạ mình vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên Thập Giá. Thập giá là cao điểm tình yêu tự hiến của Chúa Kitô.

Tình yêu sâu thẳm và khôn dò của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập Giá Đức Kitô là tình yêu vượt thời gian. Tình yêu tự hiến của Đức Kitô biểu lộ bằng cái chết cũng vượt thời gian. Chúa Kitô chỉ tự hiến một lần, tự hiến trọn vẹn thay cho mọi lần. Chúa đã biểu lộ điều này trong bữa Tiệc Ly. Từ đó, Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, là trọng tâm và là tột đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội. Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Không có Thánh Thể thì không có Giáo Hội. Giáo hội là thân mình gồm nhiều người ăn cùng một bánh là thân mình Đức Kitô (1 Cor10, 17).

Giáo hội luôn định tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được Truyền Phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô. Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể. Chính Chúa Thánh Thần Kitô hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Khi linh mục, thừa tác viên của Giáo hội, thay mặt Chúa Kitô đọc Lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép mà linh mục đọc không phải là một câu thần chú có một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời Truyền Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa Kitô muốn nói qua môi miệng của linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y nguyên Lời Truyền Phép của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy "khoảng cách" giữa linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên "công hiệu", làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa. Đã có một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là thay đổi bản thể hay "biến thể". Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là công việc của người phàm, dù người ấy là linh mục. Vì ý thức điều đó, Giáo hội thiết tha khẩn cầu trước lúc linh mục Truyền Phép:

"Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể II).

"Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể III).

"Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).

Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện thực sự giữa chúng ta, trong hình bánh và rượu. Điều đó không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự bằng những cách khác, như hiện diện qua lời Kinh Thánh, hiện diện trong Giáo hội, hiện diện nơi những người nghèo khổ, hiện diện giữa hai hoặc ba người họp nhau cầu nguyện (Mt 18, 20). Tất cả những cách hiện diện đó đều là hiện diện thực. Có điều khác là: Đức Kitô không đồng hóa với lời Kinh thánh, Lời Kinh thánh được đọc lên không là bản thân Đức Kitô; Đức Kitô cũng không đồng hóa với người nghèo, vì người nghèo không là bản thân Đức Kitô, dù Ngài đã nói: "Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống..." (Mt 25, 35- 36). Trái lại nơi Bí Tích Thánh Thể, sau Lời Truyền Phép, bánh và rượu là Đức Kitô, là bản thân Ngài, là bản thể Ngài, là Mình và Máu Ngài. Trong Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện của Đức Kitô có một chiều sâu hữu thể mà không nơi nào có. Sự hiện diện đích thực và đặc biệt này của Đức Kitô là kết quả của một sự thay đổi mà tác động thay đổi chính là công việc của Chúa Thánh Thần làm khi linh mục đọc Lời Truyền Phép. (x trang Web: simonhoadalat.com, Mục Thần học, Tặng phẩm Thần Linh, Đức Cha Bùi Văn Đọc)

Bí Tích Thánh Thể là sáng kiến của tình yêu. Tình yêu luôn có những sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu. Thiên Chúa đã yêu thế gian nỗi ban chính Con Một... (Ga 3, 16) và Con Một là Đức Giêsu đã yêu cho đến cùng, đã lập Bí tích Thánh Thể để ở với con người luôn mãi.

Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường, nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống con người hàng ngày. Chúa Giêsu đã muốn trở nên những gì cần thiết và gần gũi đó. Người muốn bánh và rượu trở nên thịt máu của Người. Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập Giá, Đức Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Vật chất đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh.

Mình và Máu Chúa Kitô là hồng ân vô giá, chúng ta đón nhận để có sự sống thần linh của Chúa. Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, chúng ta nên quỳ gối trước Thánh Thể, chúng ta có thể học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.

17. Kẻ ăn Tôi sẽ sống nhờ Tôi

Suy Niệm

"Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết nhưng tôi muốn con tôi được sống". Đó là lời của bà Susanna sau khi được cứu trong trận động đất ở Ácmêni vào tháng 12-1987.

Trong số hàng ngàn người bị vùi lấp dưới đống gạch, có hai mẹ con bà Susanna may mắn còn sống sót. Cô con gái bốn tuổi đòi uống nước. Tìm đâu ra nước khi hai mẹ con không có lối ra? Tình mẫu tử đã gợi lên cho bà một ý nghĩ táo bạo, đó là rạch ngón tay mình chảy máu để cho con mút. Đứa bé đã đỡ khát nhờ máu người mẹ. Nó đã sống cho đến khi cả hai mẹ con được cứu. Câu truyện trên giúp ta hiều phần nào bí tích Thánh Thể.

Đức Giêsu đã chết để chúng ta được sống. Ngài chấp nhận chịu đổ máu qua cái chết thập giá, và Ngài muốn máu Ngài trở nên thức uống cho chúng ta.

Trong các nhà thờ, vào dịp lễ Giáng sinh, thường có những người ngoài Kitô giáo đến dự lễ. Cũng có ít người tò mò lên "ăn bánh thánh". Họ ngạc nhiên vì tấm bánh mỏng manh, nhạt nhẽo. Nhưng họ sẽ ngạc nhiên hơn nhiều nếu chúng ta bảo họ: "Ăn tấm bánh đó là ăn thịt Chúa, uống chén rượu đó là uống máu Chúa". Thật là kinh khủng, làm sao có chuyện như vậy?

Đây là mầu nhiệm đức tin, không dễ giải thích cho người ngoài.

Tất cả bắt đầu từ ước muốn lạ lùng của Đức Giêsu. Ngài muốn nuôi nhân loại bằng chính con người Ngài. Ngài muốn trở thành đồ ăn thức uống cho nhân loại: "Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy. Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là Máu Thầy."

Mình và Máu tượng trưng toàn thể con người Đức Giêsu. Nên khi rước lễ, ta không chỉ rước thịt mình Ngài, mà rước lấy cả con người Ngài dưới dạng tấm bánh.

Rước lễ là gắn bó với một ngôi vị: "Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy (c.56).

Rước lễ không phải là đón nhận một xác chết, nhưng là gặp gỡ Đức Giêsu đã chết và nay đã phục sinh. "Như tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy" (c.57).

Rước lễ là đón lấy sự sống từ Đấng đang sống, cũng là sự sống duy nhất bắt nguồn từ Chúa Cha.

Hôm nay, Đức Giêsu phục sinh có một lối hiện diện mới mẻ. Ngài không hiện diện dưới dạng một con người, nhưng dưới dạng đồ ăn, đồ uống.

Như thế cả vật chất bất động cũng được nâng lên, cả lao công của con người cũng được thánh hiến. Vật chất trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh. Vật chất có chỗ trong thế giới của Thiên Chúa.

Ước gì thế giới vật chất ở quanh ta cũng nên thánh, nhờ được chia sẻ trong yêu thương.

Gợi Ý Chia Sẻ

Bài Tin Mừng hôm nay có 10 từ "sống". Bí tích Thánh Thể là bí tích ban sự sống. Bạn có thấy thánh lễ đem lại sức sống cho bạn không? Nếu không, tại sao?

Bạn nghĩ gì về thái độ của bạn khi rước lễ? Đó có phải là một cuộc gặp gỡ thân tình không? Bạn có chuẩn bị gì khi rước lễ? Bạn có dành những giây phút lặng lẽ để tâm sự với Chúa sau rước lễ không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm, ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân, và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.

Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi, để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.

Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp, nơi lớp học tình thương lúc chiều tà, nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm, nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ, nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ, nơi các tiệm cho mướn băng video, nơi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ...

Nhưng lạy Chúa, trước hết, xin cho đời con là một ngọn đèn, xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ, mời người ta dừng lại, trầm tư, và gặp được Chúa.
 
Sống Sứ Điệp Lòng Thương Xót là Sống Bí Tích Thánh Thể
Phaolô Phạm Xuân Khôi
17:35 20/05/2008
Sống Sứ Điệp Lòng Thương Xót là Sống Bí Tích Thánh Thể

Công Đồng Vaticanô II gọi Bí Tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” (Lumen Gentium #11). Qua Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ban Mình Thánh và Máu Thánh Người làm thần lương nuôi dưỡng linh hồn chúng ta và ân sủng để chúng ta chu toàn nhiệm vụ hằng ngày. Nhờ Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta được kết hợp mật thiết với Đức Kitô, và càng ngày càng trở nên giống Người. Tất cả các Bí Tích Khác đều quy hướng về Bí Tích Thánh Thể. Sống Bí Tích Thánh Thể thật là cần thiết cho việc lớn lên và phát triển đời sống thiêng liêng. Mọi bàn luận về Lòng Thương Xót cần bao gồm Bí Tích Thánh Thể vì cả hai là một. Lòng Thương Xót là Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể. Hay nói đúng hơn, Thánh Thể chính là Chúa Giêsu đầy Thương Xót.

Nhà Tạm là Toà Thương Xót

Trong Nhật Ký của Thánh Faustina, Chúa nói với một linh hồn tội lỗi, "Nầy, Ta đã thiết lập một Tòa Thương Xót nơi trần thế vì con - đó là Nhà Tạm - và từ Tòa này Ta muốn ngự vào lòng con" (Nhật Ký, 1485).

Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu (Sacramentum Caritatis). Chúa yêu chúng ta nên Người muốn cho chúng ta được sống, và được sống dồi dào (x. Ga 10:10). Người muốn ở với chúng ta luôn mãi (x. Mt 18:20). Người yêu chúng ta đến cùng (x. Ga 13:1), đến nỗi hiến mạng sống vì chúng ta (x. Ga 15:13). Không những thế, Người muốn chúng ta nên một với Người bằng cách ban chính Thịt và Máu Người làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Trong chương 6, Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa nói rằng Người là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Người nói thêm:

"Vì Thịt Thầy chính là của ăn, và Máu Thầy chính là của uống… Thật, quả thật, Thầy nói với các con, nếu các con không ăn thịt Con Người và uống máu Người, trong mình các con sẽ không có sự sống; ai ăn thịt Thầy và uống máu Thầy có sự sống đời đời, Thầy sẽ cho nười ấy sống lại trong ngày sau hết" (Ga 6:53-54).

Vậy Bí Tích Thánh Thể là Tòa Thương Xót. Chúa thương xót chúng ta là những con người yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội, nên đã ban chính Thịt và Máu Người để thêm sức mạnh cho chúng ta và chữa lành chúng ta.

Sự Hiện Diện Thật

Hội Thánh dạy rằng ngay lúc Truyền Phép trong Thánh Lễ, bánh và rượu trên bàn thờ biến thể thành Mình và Máu của Đức Chúa Giêsu Kitô. Bánh và ruợu không còn nữa, mặc dầu vẻ bề ngoài không thay đổi. Thực ra thì Thiên Chúa ở khắp mọi nơi trong tinh thần, sự hiện diện của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể (Đức Kitô hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể với Mình, Máu, Linh Hồn và Thiên Tính) được gọi là sự Hiện Diện Thật.

Trong Linh Ảnh Lòng Thương Xót, có những tia Máu và Nước phát ra từ chỗ Trái Tim Chúa bị đâm thâu qua. Thánh Faustina cũng thấy những tia đó phát ra từ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể nơi mặt nhật.

Chị viết: "Khi tôi ở trong nhà thờ chờ xưng tội, tôi cũng thấy những tia sàng này phát ra từ mặt nhật và tỏa ra cả nhà thờ. Hiện tượng này kéo dài suốt giờ chầu. Sau khi ban phép lành, tia sàng tỏa ra cả hai bên rồi trở lại mặt nhật. Những tia sáng này rất rạng rỡ và trong như pha lê. Tôi xin Chúa Giêsu đoái thương đốt lửa yêu mến Chúa trong tất cả các linh hồn rất nguội lạnh. Dưới những tia sáng này một tâm hồn sẽ ấm áp lên dù nó có lạnh như một tảng băng; dù có cứng như đá, nó sẽ tan vỡ thành bụi tro” (Nhật Ký, 370).

Ngày khác Chị viết: "Khi linh ảnh được trưng bày trên bàn thờ trong buổi chầu Thánh Thể trong dịp Lễ Corpus Christi (kính Mình Máu Thánh Chúa) [ngày 20 tháng 6, năm 1935], lúc linh mục đặt Mình Thánh Chúa và ca đoàn bắt đầu hát, tôi thấy những tia sáng từ linh ảnh xuyên qua Bánh Thánh và tỏa ra toàn thế giới. Rồi tôi nghe những lời sau: Những tia sáng thương xót này đã chiếu qua Bánh Thánh, và chúng sẽ chiếu soi toàn thế giới" (Nhật Ký, 441).

Sống Thánh Thể

Chúa muốn chúng ta không những chỉ rước Thánh Thể, mà còn muốn chúng ta sống Thánh Thể. Sống Thánh Thể có nghĩa là để cho Chúa Giêsu ngự vào từng tế bào của thân thể chúng ta và để ân sủng Người biến đổi toàn diện con người chúng ta. Nhờ thế chúng ta trở thành biểu tượng của tình yêu cao vời của Người giữa thế gian.

Trước hết sống Bí Tích Thánh Thể là quy chiếu tất cả về Chúa, làm tất cả mọi sự trong đời để tôn vinh Chúa. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết:

Việc phượng tự mới của người kitô hữu [Bí Tích Thánh Thể] bao trùm hết mọi khía cạnh của đời sống, bằng cách biến đổi chính đời sống này: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cor 10, 31)…( Sacramentum Caritatis #71)

Là mầu nhiệm để sống, Thánh Thể được hiến ban cho mỗi chúng ta trong điều kiện hiện tại, làm cho hoàn cảnh sống của chúng ta trở nên nơi sống hằng ngày sự mới mẻ của Kitô giáo. Nếu Hy Tế Thánh Thể nuôi dưỡng và làm lớn lên nơi chúng ta điều đã được trao ban trong Bí tích Rửa Tội, nhờ đó tất cả chúng ta được mời gọi đến sự thánh thiện (x. Lumen gentium, số 39-42), điều đó phải xuất hiện và bày tỏ cách đích thực nơi những hoàn cảnh hoặc tình trạng sống của mỗi người kitô hữu. Ngày qua ngày, họ trở nên một phượng tự đẹp lòng Thiên Chúa bằng cách sống ơn gọi của chính mình. Khởi điểm từ sự tập hợp phụng vụ, chính Bí tích Thánh Thể dẫn đưa chúng ta vào trong thực tại hằng ngày để mọi sự được thực hiện vì vinh quang của Thiên Chúa (Sacramentum Caritatis #79).

Thứ đến Sống Thánh thể là để những tia sáng thương xót từ Thánh Thể Chúa chiếu qua chúng ta đến toàn thế giới. Nhờ đó chúng ta trở nên hình ảnh của Lòng Thương Xót, chiếu Tình Yêu và Lòng Thương Xót vào lòng tha nhân.

"Các con là ánh sáng thế gian, một thành xây trên đồi cao không thể giấu được. Không ai thắp đèn và để ở đưới đáy thùng, nhưng để trên giá mà soi sáng cả nhà. Hãy tỏa sự sáng của các con ra trước mặt mọi người, để họ thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con trên Trời" (Mt. 5:14-16)

Chúa muốn chúng ta đón rước Người trong việc rước và viếng Thánh Thể thường xuyên. Người muốn ban phát dư đầy ân sủng cho chúng ta, nhưng nhiều người trong chúng ta còn quá lơ là. Trong một lời nhắn nhủ cùng Thánh Faustina, Người nói:

"Họ đối xử với Ta như một vật vô tri, trong khi Trái Tim Ta đầy tình yêu và thương xót. Để cho con biết một chút đau đớn của Ta, con hãy tưởng tượng một người mẹ dịu hiền nhất và rất thương con, trong khi đó các con hắt hủi tình yêu của bà. Con xem bà đau khổ ra sao. Không ai có thể an ủi bà. Đây chỉ là một hình ảnh mờ nhạt và na ná như tình yêu của Ta." (Nhật Ký, 1447)

Tình Trạng Ân Sủng

Những người lên rước Chúa phải ở trong tình trạng ân sủng, nghĩa là sạch tội trọng. Thánh Phaolô viết:

"Vì vậy, ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì xúc phạm đến Mình và Máu Chúa. Phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén đó. vì ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình" (1 Cor. 11:27-29).

Quyền Năng của Bí Tích Thánh Thể

Bí Tích Thánh Thể làm cho trái tim chúng ta nên sốt sắng và thêm lòng yêu Chúa. Quyền năng của Bí Tích Thánh Thể làm cho chúng ta liên kết với Chúa Giêsu bằng một mối dây liên hệ mật thiết. Bí Tích này tha các tội nhẹ, đem lại bình an, sức mạnh và làm thỏa mãn những ai có lòng ăn năn chừa cải tội lỗi. Vì chúng ta là phần tử của Nhiệm Thể Chúa là Hội Thánh, Bí Tích này cũng kết hợp chúng ta với Hội Thánh và những phần tử khác của Nhiệm Thể này.

Không có cách nào tốt hơn để chúng ta có mạnh sức thi hành sứ vụ này là dành nhiều thì giờ trước Sự Hiện Diện của Nguồn Tình Yêu và Thương Xót trong Bí Tích Thánh Thể. Nếu chúng ta bỏ vài giờ ra ngồi trước một tia phóng xạ, chúng ta sẽ thay đổi ra sao? Chúa chắc chắn phải có nhiều cường lực hơn những tia phóng xạ. Nếu chúng ta đến với Người để nhận ân sủng và Lòng Thương Xót, chúng ta sẽ thay đổi ra sao?

Hội Thánh phân biệt giữa quyền năng khách quan của Bí Tích khi Chúa ban ân sủng cho chúng ta nhờ tác động của Đức Kitô (ex opere operato) và tâm tình (chủ quan) của chúng ta khi lãnh nhận những ân sủng này (ex opere operantis). Khi chúng ta cảm thấy các lỗi lầm của mình quá trầm trọng hoặc đức tin mình quá yếu, hay cảm thấy khô khan, đừng chỉ dựa vào tình cảm của mình mà suy nghĩ và hành động, nhưng phải dựa trên niềm tin vào Sự Hiện Diện Thật của Chúa và quyền năng của Người trong Bí Tích Thánh Thể mà đến với Người.

Kết Luận

Bí tích Thánh Thể là món quà cao quý nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta. Chúng ta có nhiệm vụ rước Chúa và thăm viếng Chúa thường xuyên nơi Bí Tích Thánh Thể để đáp lại tình yêu mà Người đã dành cho chúng ta. Khi hoàn cảnh không cho phép chúng ta đến cùng Chúa nơi Nhà Tạm, thì chúng ta nên dành vài phút mỗi ngày thờ lạy và rước Người cách thiêng liêng.

Lạy Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể. Con kính mến Chúa trên hết mọi sự, và khao khát được rước Chúa vào linh hồn con. Vì con không thể rước Chúa thật được bây giờ, thì xin Chúa ít ra ngự vào lòng con cách thiêng liêng. Con xin ôm chặt lấy Chúa như Chúa đã ngự đó, và xin kết hợp hoàn toàn với Chúa. Xin đừng bao giờ để con lìa xa Chúa. Amen

Thánh Faustina nhận ra món quà cao quý của Bí Tích Thánh Thể nên thêm vào tên Chị: Sơ Maria Faustina của Bí Tích Thánh Thể. Chị viết, "nếu thiên thần biết ghen, các vị sẽ ghen với chúng ta hai điều; một là việc rước Lễ, và việc khác là chịu đau khổ" (Nhật Ký, 1804).

(Theo Nhật Ký của Thánh Faustina và Tông Huấn Sacramentum Caritatis, cùng tài liệu của Hội Tông Đồ Lòng Thương Xót).
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:57 20/05/2008
THỎ TRẰNG ĐỔI CÁI ĐUÔI

N2T


Thỏ trắng tên là Tiểu Mẫn cùng gia đình trú ngụ dưới một cây đại thụ, hằng ngày Tiểu Mẫn đều xách giỏ cùng với thỏ mẹ đi vào trong rừng hái nấm ăn. Tối thì trở về nhà, Tiểu Mẫn nhìn thấy nấm vừa to vừa tươi, thì vây lấy mẹ tay chân múa may không thôi.

Nhưng mấy ngày sau ấy, Tiểu Mẫn không thể vui vẻ được, bởi vì các bạn đều nói đuôi của nó vừa ngắn vừa nhỏ không đẹp chút nào cả. Tiểu Mẫn bỉu môi nhìn cái đuôi nhỏ của mình, buồn bả nói: “Vì mày đó, nên các bạn không chơi với ta nữa.”

Một hôm, Tiễu Mẫn đang hái nấm, nhìn thấy con sóc vểnh cái đuôi lớn lông mượt mà đang nhảy qua nhảy lại trên cành cây, rất là hâm mộ, nói: “Chị sóc, cái đuôi của chị rất là đẹp>”

Con sóc lắc đầu nói: “Không, cái đuôi của em mới là đẹp hơn, vừa nhỏ vừa mềm.”

- “Vậy thì chúng ta đổi đuôi cho nhau được không nào ?”- Tiểu Mẫn đề nghị.

- “Được thôi.”

Sau khi đổi cho nhau cái đuôi, Tiểu Mẫn nhìn cái đuôi mới ở sau thân, màu sắc nó óng ánh mền dẻo, nó hát to lên và chạy vào trong rừng lớn, muốn đem chuyện này nói cho mọi người biết.

Lúc ấy, từ trong cây tùng chạy ra một con sói xám to lớn, nó nhe hàm răng muốn nhảy vồ đến bắt Tiểu Mẫn, Tiểu Mẫn chạy thục mạng, nhưng cái đuôi lớn cứ kéo nặng nề phía sau, làm sao có thể chạy nhanh được, mắt nhìn sói xám truy đuổi tới. Lúc bấy giờ, thỏ mẹ từ trong rừng nhảy ra, nó nhảy như bay, phút chống đánh lạc hướng của sói xám. Tiểu Mẫn núp sau gốc cây, buồn quá nên khóc, không ngờ cái đuôi đẹp ấy suýt làm nó mất mạng.

Thỏ mẹ chạy đến, vừa giúp nó lau khô nước mắt vừa nói: “Con ngốc của mẹ, con có tất cả những thứ tốt nhất trên thế gian, rất thích hợp với con, tại sao con lại đi hâm mộ của người khác chứ ?”

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Chúng ta nên có lòng tự tin đối với bản thân của mình, không nên mù quáng cho rằng những thứ gì của người khác đều là tốt nhất, còn của mình thì là xấu nhất, bởi vì cái tốt nhất là cái thích hợp với mình mà thôi.

Có một vài em cho rằng vì gia đình mình nghèo, nên tự ti mặc cảm không muốn chơi đùa với bạn bè, không muốn mời bạn bè về nhà mình chơi, không muốn nói cho mọi người biết mình có mẹ đang ngồi ngoài đường bán rau bán quả.v.v...Không nên mặc cảm như thế, bởi vì nghèo không phải là một cái tội, cái nghèo cũng không làm mất đi nhân cách và tính tự trọng của mình, nhưng chỉ có những ai đánh mất đi lòng tự tin nơi bản thân mình mới suy nghĩ như thế mà thôi.

Phải tự tin ở mình: mặc áo cũ nhưng rất thích hợp vừa vặn với vóc dáng và hoàn cảnh của gia đình thì rất tốt, còn hơn là nhìn bạn bè mặc áo mới mà cứ mặc cảm với cái áo mình đang mặc, thì quả là chúng ta coi thường sự hy sinh to lớn của cha mẹ mình...

Các em thực hành:

- Vui vẻ dùng những gì mình đang có, mà không so sánh với những gì của người khác có.

- Biết tự tin nơi tài năng của mình.

- Khen ngợi sự tài giỏi của bạn bè, nhưng không được tự coi mình là người không biết gì.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:58 20/05/2008
N2T


29. Tình cảm con người thì nhìn bên ngoài nên thường bị sai lầm, duy chỉ có cậy vào ân sủng của Thiên Chúa thì vĩnh viễn không thể sai lầm.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Suy Niệm Lễ Minh Máu Chúa Kitô A. 25.5.2008
Phó tế GB Nguyễn Văn Định
19:49 20/05/2008
Mình Máu Thánh Đức Kitô A: 25-05-08

Body and Blood of Christ

Lời Chúa cho hôm nay:

TÔI LÀ BÁNH HẰNG SỐNG

* I MYSELF AM THE LIVING BREAD *

*Huyền Đồng

Bài đọc 1: Đệ nhị luật 8, 2-3; 14-16=Bánh Man-na trong Samạc / Manna in the Desert.

Bài đọc 2: 1Cor.10, 16-17=Cùng chia sẻ một tấm bánh / We all partake of the one load

Tin Mừng: Gioan 6, 51-58=Bánh từ trời xuống / The bread came down from the heaven Gợi ý cảm nghiệm Sống và chia sẻ 3 bài đọc trên: ( Reflections, live out and share )

1/ Trong bài Tin Mừng Gioan Đức Kitô đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống…”Ngài đã là tấm bánh cho tôi ăn được Sống và cũng muốn tôi là tấm bánh cho anh em đang cần đến tôi hàng ngày. Tôi đã thực sự là tấm bánh chưa? Những người đau khổ đang mong tôi điều gì?

“I myself am the living bread come down from heaven…”

( Ga. 6, 51 )

2/ Đức Kitô còn nhấn mạnh thêm về Ngài: “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn...” Con người ngày nay đã tham lam ăn uống, bóc lột lẫn nhau cho thỏa xác thịt. Bạn đã dùng của ăn như thế nào? Lời Chúa có phải là bánh cho bạn hàng ngày ?

This is bread that came down from heaven. Unlike your ancestors who ate and die… ( Ga.6, 58 )

3/ Trong bài đọc1,sách Đệ nhị luật viết:”Lòng anh em đừng kiêu ngạo mà quên Chúa.. Đấng đã đưa anh em ra khỏi đất Ai Cập. Nhiều người đã hứa với Chúa khi được xuất ngọai sẽ làm việc này việc nọ… Còn tôi đã làm gì khi ở hải ngọai? Tiền bạc và vật chất đã giúp gì cho tôi? Remember, the Lord, your God who brought you out the land of Egypt that place of slavery. (Đnl. 8, 14 )

4/ Thánh Phaolô diễn tả Mình Thánh Chúa Kitô như sau:”Bởi vì chỉ có một tấm bánh…nên chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể.” Sự hiệp nhất trong gia đình và xã hội đã bị đổ vỡ qúa nhiều! Bạn đã giữ vững gia đình trong tinh thần nào? Đức tính nào bảo vệ cho bạn ? Because the loaf of bread is one, we many thought we rae, are one body. ( 1Cor. 10, 17 )

Câu Kinh Thánh tôi chọn làm Châm ngôn Sống tuần này: ( The Best God’s Word )

CHÚNG TA TUY NHIỀU NGƯỜI; NHƯNG CŨNG CHỈ LÀ MỘT THÂN THỂ (1Cor.10,17)

We, many thought we are, are one body.

C-Bây giờ tôi phải làm gì để Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể: ( So what am I doing/ For action ) Tôi có thể đọc lại 4 Gợi ý Cảm nghiệm Sống và chia sẻ và chọn lấy 1 để thi hành. Tôi chia sẻ của cải, tình thương, thăm người tù, bệnh nhân, viếng xác kẻ chết, bớt ăn uống… D-Tôi cầu nguyện luôn và Sống lời tôi cầu nguyện: ( I pray and practise, Prayer in action ) Lạy Chúa, Đức Kitô đã nói: Đây là bánh hằng Sống từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn và họ đã chết. Xin cho con ăn bánh chính là Lời hằng Sống của Chúa. Thánh Phaolô đã nói: Chúng ta tuy nhiều người nhưng là một thân thể trong Đức Kitô. Xin dạy cho con sau khi bẻ bánh, biết chia sẻ tình yêu của Ngài đến anh em túng nghèo.

Lời hay ý đẹp:

TÔN SÙNG THÁNH THỂ MÀ KHÔNG SỐNG MẦU NHIỆM THÁNH THỂ LÀ ĐEM TÌNH THƯƠNG ĐẾN CHO MỌI NGƯỜI, THÌ KỂ NHƯ KHÔNG SỐNG LỜI CHÚA.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng Nêu Lên Vai Trò Của Giáo Hội Trong Xã Hội Bị “Xâu Xé”
Bùi Hữu Thư
00:08 20/05/2008

Đức Giáo Hoàng Nêu Lên Vai Trò Của Giáo Hội Trong Xã Hội Bị “Xâu Xé”



Ghi Nhận Một Mẫu Mực Cho Xã Hội Được Bắt Rễ Từ Thiên Đàng

GENOA, Ý, ngày 19, tháng 5, 2008 – Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nói, trong một xã hội bị giằng co, xâu xé giữa toàn cầu hóa và cá nhân chủ nghĩa, Giáo Hội được mời gọi để đề ra một bằng chứng cho sự hiệp nhất.

Đức Giáo Hoàng khẳng định như thế vào Chúa Nhật vừa qua, gần lúc kết thúc hai ngày thăm viếng mục vụ tại thành phố Genoa và Savona.

Trong bài giảng của Thánh Lễ bế mạc ngày Lễ Chúa Ba Ngôi, Đức Giáo Hoàng nói, “ngày lễ này mời gọi chúng ta chiêm niệm về Thiên Chúa; mời gọi chúng ta leo núi như Môi sen đã làm. Mặc dầu thoạt tiên điều này có vẻ như đưa chúng ta đi xa thế giới và những vấn đề của thế giới; nhưng trên thực tế, chúng ta sẽ khám phá rằng chính khi chúng ta hiểu biết Chúa nhiều hơn, chúng ta mới lãnh nhận được những hướng dẫn thực tiễn và quý báu cho đời sống."

Ngài tiếp, "Nhân loại không đạt được các thành qủa một cách tuyệt đối đơn phương, bằng cách tự lừa dối mình và cho mình là chúa; nhưng ngược lại, khi nhận biết mình là những đứa con, những tạo vật cởi mở và biết vươn lên tới Chúa và tới tha nhân, thì trong bộ mặt của những người này, họ sẽ thấy được hình ảnh của Người Cha chung.”

Đức Giáo Hoàng tiếp, "Rõ ràng là quan niệm về Chúa và con người này nằm ngay chính nền tảng của một mẫu mực tương ứng của cộng đồng nhân loại, và đó là xã hội. Là một mẫu mực, nó đi trước mọi hình thức lề luật có quy chuẩn, có pháp lý hay có tổ chức, và tôi có thể nói là có bất cứ đặc điểm về văn hóa nào.

"Đó là một mô hình của gia đình nhân loại nối kết ngang và chung cho mọi nền văn minh; một cái gì ngay từ khi còn thơ ấu, kitô hữu chúng ta đã mong muốn diễn tả bằng cách khẳng định rằng tất cả con người đều là con Thiên Chúa, và do đó đều là anh chị em.”

"Trong một thế giới bị xâu xé giữa chủ nghĩa toàn cầu hóa và chủ nghĩa cá nhân, Giáo Hội được mời gọi để đưa ra những chứng tích về ‘tình huynh đệ”, và sự hiệp thông. Thực tại này không phát xuất từ ‘gốc rễ’ nhưng là một mầu nhiệm, để có thể nói là được ‘bắt rễ từ Thiên Đàng’ trong một Thiên Chúa Ba Ngôi.”
 
Cùng Tìm Hiểu về 12 Đức Tín Trổi Vượt Thời Thơ Ấu của Đức Trinh Nữ Maria
Anthony Lê
08:44 20/05/2008
Cùng Tìm Hiểu về 12 Đức Tín Trổi Vượt Thời Thơ Ấu của Đức Trinh Nữ Maria

Thánh John Eudes
Thánh John Eudes - nguyên là vị Linh Mục người Pháp - được Thiên Chúa trao ban cho một biệt tài mà ít có ai có được trong thời gian đó, chính là sự giảng thuyết năng động uyên thâm, và lòng kính mến cao độ đến Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ.

Với biệt tài về giảng thuyết như vậy, vị Thánh đã không ngừng nghỉ nói về Đức Maria và Chúa Giêsu qua rất nhiều bài giảng và bài viết - một kho tàng kiến thức hết sức uyên thâm mà vị Thánh đã để lại cho hậu thế. Không những thế mà vị Thánh cũng rất lưu tâm và luôn tìm mọi cách để bảo vệ những người phụ nữ đang gặp phải sự gian nguy, ác báo hay đe dọa, và cũng từ chính ý hướng đó mà vị Thánh đã thành lập ra Dòng các Linh Mục và các Nữ Tu Bác Ái Đức Bà (Congregation of the Sisters of Our Lady of Charity).

Nói về Đức Maria, Thánh John Eudes đã đề cập tới 12 Đức Tính trổi vượt thời ấu thơ trong loạt bài viết của vị Thánh có nhan đề "The Wondrous Childhood of the Most Holy Mother of God" (Thời Thơ Ấu Trỗi Vượt của Mẹ Rất Thánh của Thiên Chúa) ở Phần 3, Chương 2, qua đó vị Thánh nêu ra những đức tín trỗi vượt đó của Đức Trinh Nữ Maria gồm:

Sự trong trắng, sự giản đơn, sự nhẫn nhục, sự vâng phục, sự kiên nhẫn, tình yêu dành cho Thiên Chúa, lòng bác ái hướng đến những người chung quanh, sự khinh miệt và tách rời thế giới tội lỗi trần tục; sự trung trinh vẹn toàn, sự thinh lặng, sự tử tế và nhu mì, và sự khiêm tốn.

Nói về sự trong trắngthơ ngây của Đức Mẹ, chúng ta ai nấy cũng đều biết rằng là sau Chúa Kitô, Người Con Chí Thánh của Mẹ, thì Mẹ là Người duy nhất không phải mắc tội tổ tông, không phạm tội cũng như chưa bao giờ làm tổn thương đến bất kỳ ai.

Kế đến Mẹ luôn ghi giữ và thực tập những lời của Thiên Chúa trong lòng, và vì tấm lòng của Mẹ đơn sơ như bồ câu, cho nên chính Thiên Thần của Chúa đã phải lên tiếng ngợi khen Mẹ. Mẹ chính là một người hoàn toàn xa lạ đối với sự tò mò và tính hai mặt (duplicity). Mẹ chỉ có một cùng đích duy nhất đó là hướng tất cả mọi ý định, mong ước và hành động của Mẹ để làm hài lòng Thiên Chúa, và để tuân phục tất cả mọi dự định đáng yêu của Thiên Chúa mà thôi.

Đức tín trỗi vượt thứ ba chính là sự nhẫn nhục mà Mẹ đã coi trọng và luôn tự coi chính bản thân của Mẹ như là những tạo vật nhỏ bé nhất của Thiên Chúa. Mẹ đã nói với Thánh Mechtilde rằng đức tín đầu tiên mà Mẹ phải thực luyện và sống đó chính là sự nhẫn nhục (*).

Đức tín trỗi vượt thứ tư chính là việc Mẹ biết vâng phục Thiên Chúa qua hình ảnh của cha và mẹ của mình, cũng như qua các vị Bề Trên một cách tuyệt đối đến nổi Mẹ chưa bao giờ gây ra cho họ bất kỳ những nổi đau nào, cho dẫu là bé nhỏ nhất.

Đức tín trỗi vượt thứ năm, mà không có bất kỳ một ai - ngoại trừ Người Con Chí Thánh của Mẹ - đã phải chịu đựng sự quằn quại, đau khổ, sự tra tấn, sự sỉ nhục, sự thiếu thốn và sự đớn đau đến cực độ như là chính bản thân của Mẹ, vì chưa có ai có được tính kiên nhẫn như vậy, và Mẹ đã có được đức tín đó ngay từ thưở còn ấu thơ. Khi đó Mẹ biết rằng Người Con của Thiên Chúa sẽ phải xuống trần gian và gánh chịu những sự tra tấn hung bạo nhất, và một cái chết tàn khốc nhất để cứu rỗi nhân loại, và từ chính sự hiểu biết này, mà Mẹ đã có một tình yêu hết sức phi thường dành chỉ cho Thiên Chúa mà thôi, và tình yêu đó đã khiến cho Mẹ phải khổ đau tột cùng để làm nhân chứng hùng hồn qua việc thực hành đức tín kiên nhẫn cho tất cả mọi người chúng ta.

Đức tín trỗi vượt thứ sáu chính là tình yêu của Mẹ dành cho Thiên Chúa quá lớn đến nổi Mẹ thích bị tiêu hủy hơn là để cho bất kỳ tạo vật nhỏ bé nào thể hiện ra thứ tình yêu cao vời mà Mẹ đã dành cho Đấng Tạo Dựng. Mẹ đã từ bỏ tất cả, đã hy sinh tất cả, chỉ vì tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa. Mẹ không có dự định nào cả ngoài những dự định của Thiên Chúa mà thôi.

Và nếu Thiên Chúa gọi Người Con của Ngài chính là "Virum voluntatis meae," (Isaia 46:11), thì Ngài cũng có thể gọi Đức Maria là "Virginem voluntatis meae," hay "Ái khanh lòng Ta hỡi! " (Vocabitur voluptas mea) (Isaia 62:4). Mẹ luôn đặt niềm vui và sự sung sướng của Mẹ vào trong những ý chỉ mà Thiên Chúa tiền định, vì đó chính là một thử thách cao vời nhất về tình yêu thương dành cho Thiên Chúa.

Đức tín trỗi vượt thứ bảy mà Mẹ có được chính là lòng bác ái dành cho những người chung quanh. Từ việc đọc Thánh Kinh, Mẹ biết được rằng một ngày nào đó những kẻ thù hung bạo nhất của Con Mẹ sẽ đến để đóng đanh Đấng Cứu Độ - Đấng mà Mẹ yêu thương vô song, dẫu vậy Mẹ vẫn liên lũy cầu xin lòng thương xót của Chúa Cha Trên Trời, và dâng Con Một Người lên cho sự cứu rỗi nhân loại, để từ đó Máu của Đấng Cứu Chuộc, được tuôn đổ xuống cho tất cả loài người chúng ta.

Đức tín trỗi vượt thứ tám mà Mẹ đã có được xuất phát ngay từ thưở ban sơ trong cuộc sống của Mẹ chính là sự khinh miệt hoàn toàn về thế giới trần tục, với nhiều lý do chính đáng và sâu xa hơn cả Thánh Phaolô, khi Mẹ cũng có thể nói rằng: "Omnia arbitror ut stercora" (Phílíphê 3:8), tức coi mọi sự như rác để được Chúa Kitô mà thôi; Mẹ đã hoàn toàn từ bỏ chính bản thân của riêng mình, những mong ước và sự cúi mình, cùng với những ý định riêng của Mẹ, để hoàn toàn làm thỏa mãn và vâng phục theo tất cả mọi ý chỉ của Thiên Chúa trong tất cả mọi sự. Mẹ đã sống và ngửi thấy chỉ một mình tình yêu của Thiên Chúa dành cho Mẹ, và tình yêu của Mẹ dành cho Ngài mà thôi.

Đức tín trỗi vượt thứ chín mà hầu hết tất cả các Vị Tiến Sĩ của Hội Thánh đều phải nhìn nhận khi Đức Maria hãy còn là trẻ thơ rằng: đứa trẻ quý hóa này đã biết khấn nguyện giữ gìn tiết trinh của mình ngay từ lúc được chào đời, vì nếu Đức Maria được sự lựa chọn giữa việc trở thành Mẹ của Thiên Chúa để không còn là một trinh nữ nữa, hay vẫn còn là một trinh nữ nhưng lại mất đi phẩm giá để trở thành Người Mẹ của Thiên Chúa, và nếu Thiên Chúa phán lệnh cho Đức Maria phải chọn một trong hai, thì Mẹ lúc nào cũng chọn việc vẫn còn trinh tiết cho chính kế hoạch riêng của Thiên Chúa. Và điều đó đã được minh chứng bởi những lời đáp trả của Đức Maria cho Sứ Thần Gabriel: "Quomodo fiet istud,..." (Luca 1:34-38).

Đức tín trỗi vượt thứ mười chính là sự thinh lặng sâu sắc mà Mẹ đã có được từ tuổi ấu thơ. Trong Thánh Kinh lẫn trong chiều dài lịch sử của Giáo Hội, hay qua các bài viết của bất kỳ tác giả nào đi nữa, chẳng có ai ghi nhận hay đề cập tới một lời duy nhất được nói ra từ Đức Maria khi Mẹ còn ở nhà cha-mẹ, khi Mẹ dâng mình vào Đền Thánh, và trong suốt khoảng thời gian Mẹ trú lưu tại nơi đó.

Đức tín trỗi vượt thứ mười một đó là sự tử tế và nhu mì của Đức Maria, vì đức tín này mà Mẹ không bao giờ qưở trách những ai cho dẫu là tội lỗi lắm khi họ đến khẩn cầu Mẹ về ơn cứu rỗi của họ nơi Thiên Chúa. Chính vì thế mà Giáo Hội luôn cất tiếng ngợi khen rằng: "Vita, dulcedo et spes nostra. O benigna! O clemens! O dulcis Virgo Maria!"

Và đức tín trỗi vượt cuối cùng chính là sự khiêm hạ, nhún nhường mà không có ai trong chúng ta có được!

Hãy ngợi khen và ngàn lần cảm tạ đến Ngài, ôi hỡi Thiên Chúa, vì tất cả những điều thiện hảo mà Ngài đã ban xuống cho Đứa Trẻ Maria xưa kia. Muôn đời vinh danh và kính tôn Đức Maria đáng yêu của chúng ta vì tất cả mọi vinh hiển mà Mẹ đã dành trọn cho Ba Ngôi Cực Thánh của Thiên Chúa qua việc thực thi những đức tín trỗi vượt trong suốt thời Mẹ còn là ấu thơ!

P.S. (*) "O virtutum Regina, dic obsecro, quae erat prima virtus in qua te in infantia exercuisti?" At illa respondit: "Humilitas et obedientia atque amor." Liber, spec. grat., ở Trang 1, Dòng 29
 
Người Công giáo Trung quốc mặc niệm nạn nhân động đất và tham gia các nỗ lực cứu trợ
Phụng Nghi
09:24 20/05/2008
Chengdu (CNA) – Hôm qua, người Công giáo Trung quốc đã cùng đồng bào mình mặc niệm và cầu nguyện cho những người bị chết hoặc bị thương trong cuộc động đất rất mạnh tại vùng tây nam Trung quốc tuần trước.

Nguồn tin của UCA News cho biết, tính đến ngày 19 tháng 5, Hội đồng nhà nước báo cáo con số người chết lên đến 34,073 và số bị thương là hơn 245 ngàn người. Trận động đát xảy ra ngày 12 tháng 5 tại Vấn Xuyên (Wenchuan) trong tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), cường độ lúc đầu ước định là 7.8 trên địa chấn kế Richter, sau này được tính lại là 8.0.

Phút mặc niệm trên những đổ nát
Khoảng 80 giáo dân Công giáo tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Thành đô (Chengdu), sau thánh lễ, đã đứng mặc niệm 3 phút theo đúng qui định được cả nước tuân giữ.

Lm Simon Li Zhigang nói với UCA News rằng không có nhiều người đến dự vì lý do thánh lễ cử hành mà chỉ được thông báo trong thời gian quá gấp rút. Cha nói chỉ có chừng 100 người sáng hôm đó đến dự thánh lễ cầu hồn cho các nạn nhân.

Zhang Jingqi, một sinh viên đại học Công giáo 22 tuổi và là người tình nguyện tham gia công tác cứu trợ, cho USA News hay rằng cô chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra được một khung cảnh tĩnh lặng đến thế trong khuôn viên trường đại học. Cô nói phút mặc niệm chứng tỏ “tình đoàn kết có một sức mạnh lớn lao giữa mọi người. ”

Năm mươi linh mục và nữ tu, tính cả nhóm được cơ quan Bác ái toàn quốc Jinde của Giáo hội gửi tới, đã đến Thành đô để giúp các nỗ lực cứu trợ. Trong số các inh mục và nữ tu này có một số vị là bác sĩ và y tá có khả năng.

Hơn 113 ngàn binh sĩ tham gia trong các nỗ lực cứu trợ. Cha Li cho UCA News biết rằng Đơn vị Cứu trợ Động đất của chính phủ và Hội Hồng thập tự đã tuyển các cán bộ của giáo hội vào thành phần phối trí, vì mức độ lớn lao trong công tác cứu trợ này.

Chính quyền Trung quốc đã tuyên bố một thời gian tưởng niệm nạn nhân động đất lâu ba ngày trong toàn quốc, đây là một điều chưa từng xảy ra. Các hoạt động giải trí buộc phải đóng cửa và cuộc rước đuốc Thế vận tại Zheijiang và Thượng hải được hoãn lại cho tới ngày 22 tháng 5.
 
Đức giáo hoàng tái khẳng định việc cấm hôn nhân đồng tính
Phụng Nghi
11:23 20/05/2008
Vatican (Reuters) – Lên tiếng một ngày sau khi tòa án ở California ra phán quyết ủng hộ hôn nhân đồng tính, Đức giáo hoàng Bênêđictô tái khẳng định rằng lập trường của giáo hội Công giáo là chỉ có những kết hợp giữa một người nam và một người nữ mới hợp với luân lý.

ĐGH Bênêđictô không đả động gì đến phán quyết ở California trong diễn từ của ngài đọc trước đại diện các nhóm gia đình đến từ khắp Âu châu, nhưng nhấn mạnh nhiều lần đến lập trường của Giáo hội.

Ngài nói: “Kết hợp của tình yêu thương, dựa trên hôn phối của một người nam và một người nữ để tạo thành gia đình, là biểu hiện điều thiện hảo đối với mọi xã hội, và không thể được thay thế bằng, bị lầm lẫn với, hoặc so sánh cùng các loại kết hợp khác.”

Đức giáo hoàng cũng nói về các quyền không thể tước đoạt của gia đình truyền thống “tạo lập trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, là cái nôi thiên nhiên của cuộc sống con người.”

Hôm thứ Năm tuần qua, Tối cao Pháp viện California đã lật ngược điều luật cấm những cuộc hôn nhân đồng tính; đó là một chiến thắng lớn của nhóm người cổ võ quyền cho người gay, sẽ cho phép các cặp đồng tính được “kết hôn” với nhau trong một bang dân cư đông đảo nhất nước Mỹ.

Năm ngoái, giáo hội Công giáo rất có uy thế tại Ý đã thành công trong chiến dịch chống đối một đạo luật cung ứng cho người gay và các cặp chưa lấy nhau được nhiều quyền hạn hơn. Đạo luật này do chính phủ tả phái đưa ra.

Giáo hội Công giáo dạy rằng tình trạng đồng tính không phải là một tội, nhưng hành động đồng tính là tội, và chống đối việc cho phép người đồng tính được nhận con nuôi.

Tòa án tại California cho rằng các đạo luật giới hạn hôn nhân chỉ áp dụng cho người khác phái là không phù hợp với các quyền được hiến pháp tiểu bang bảo đảm.

Tổng thống Hoa kỳ cũng chống hôn nhân đồng tính; ông đã cùng với Đức giáo hoàng cầu nguyện “cho gia đình” tại tòa Bạch ốc tháng trước khi ngài đến viếng thăm.

Năm ngoái, Hồng y Angelo Bagnasco, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý đã được báo chí nói đến nhiều vì những lời bình luận được giới phê bình cho hay là đã coi ngang đồng tính như loạn luân và ấu dâm.

Sau lời bình luận của ngài – tuy Hồng y Bagnasco nói rằng đã bị hiểu lầm – trên cánh của nhà thờ chính tòa ở vùng bắc Genoa nơi ngài làm tổng giám mục, có những hàng chữ “Đáng xấu hổ!” và “Bagnasco hãy coi chừng!”

Đức giáo hoàng cũng ủng hộ Hồng y Bagnasco, dịp cuối tuần vừa qua đã đến thăm viếng Genoa.

Những người phản đối hôn nhân đồng tính tại Hoa kỳ cương quyết chống phán quyết của tòa án bằng biện pháp yêu cầu bỏ phiếu toàn tiểu bang để tu chính hiếp pháp nhằm cấm những cuộc hôn nhân đồng tính.

Nguồn: Philip Pullella/Reuters
 
Toà Thánh gọi tạo phôi ghép là quái dị
Đức Long
15:22 20/05/2008
VATICAN - Hôm nay thứ Ba, ngày 20/05/08, một vị chức sắc Tòa Thánh gọi việc Quốc Hội Anh Quốc cho phép nghiên cứu trên phôi ghép bằng cách cấy nhiễm sắc thể người vào noãn động vật là «quái dị ».

Đức Giám Mục Elio Sgreccia, chủ tịch Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng vì sự sống nhận xét trên đài phát thanh Toà Thánh rằng nghiên cứu kiểu này là « rất nghiêm trọng về lĩnh vực luân lý ».

Ngài tuyên bố rằng « Mỗi khi hàng rào giữa người và động vật bị cắt đứt, thì người ta sẽ chứng kiến những hậu quả rất nghiêm trọng của nó, ngay cả khi không cố ý ».

Đúc Giám Mục Elio nhận xét thêm rằng giả thiết nghiên cứu để tìm ra thuốc chữa bệnh di truyền thông qua việc nghiên cứu trên phôi ghép « lúc này là không có cơ sở ».

Đó là « sự nói dối truyền thông không có cơ sở khoa học ».

Các đại biểu Anh Quốc, hôm thứ hai đã tán thành việc dùng phôi ghép, bằng cách cấy nhiễm sắc thể người vào noãn động vật nhằm mục đích nghiên cứu các chứng bệnh: như là bệnh mất trí nhớ.. ..
 
Công ích là món qùa con người cống hiến cho nhau
Linh Tiến Khải
17:38 20/05/2008
Công ích là món qùa con người cống hiến cho nhau

Phỏng vấn ông Pierpaolo Donati, giáo sư môn ”Xã hội học về các tiến trình văn hóa” tại đại học Bologna trung Italia, về công ích như món qùa con người cống hiến cho nhau.

Trong các ngày từ mùng 2 đến mùng 6 tháng 5 khóa họp khoáng đại lần thứ XIV của Hàn Lâm Viện Toà Thánh về các Khoa Xã Hội đã diễn ra trong nội thành Vaticăng về chủ đề ”Theo đuổi công ích: tình liên đới và nguyên tắc phụ đới có thể hoạt động với nhau như thế nào?”

Trong buổi tiếp kiến dành cho các tham dự viên sáng mùng 3-5-2008 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi các tham dự viên cứu xét các nguyên tắc liên đới và phụ đới dưới ánh sáng Tin Mừng. Khi chọn chủ đề nói trên các thành viên Hội Đồng Tòa Thánh về các Khoa Học Xã Hội quyết định cứu xét sự hỗ tương giữa bốn nguyên tắc cơ bản trong giáo huấn xã hội công giáo: đó là phẩm giá con người, công ích, sự phụ đới và liên đới.

Các giáo huấn của Chúa Giêsu: hãy làm cho tha nhân những gì chúng ta muốn họ làm cho chúng ta (Lc 6,31) và yêu thương tha nhân như chính mình (Mt 22,35) là những luật Thiên Chúa Tạo Hóa ghi khắc trong chính bản tính con người (Deus Caritas est, 31). Như thế nguyên tắc phụ đới và liên đới có hai chiều kích dọc và ngang. Chúa Giêsu dạy rằng tình yêu thương kêu gọi chúng ta hiến thân vì thiện ích của tha nhân (Ga 15,12-13). Theo nghĩa đó, tình liên đới chân thực, tuy bắt đầu với sự nhìn nhận gía trị bình đẳng của tha nhân, nhưng nó chỉ đạt sự viên mãn, khi tôi thực sự muốn đặt mình phục vụ người khác (Ep 6,21). Chiều dọc của tình liên đới hệ tại chỗ tôi được thúc đẩy hạ mình xuống để phục vụ nhu cầu của tha nhân (Ga 13,14,-15), như Chúa Giêsu đã hạ mình xuống để cho con người được chia sẻ đời sống thần thiêng của Ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Khi chú ý tới cả hai chiều kích dọc và ngang của nguyên tắc phụ đới và liên đới, người ta có thể đề nghị những phương thế hữu hiệu giúp giải quyết nhiều vấn đề đang đè nặng trên cuộc sống của nhân loại vào đầu ngàn năm thứ ba này.

Trong số các thuyết trình viên có nhiều chuyên viên xã hội và kinh tế nổi tiếng thế giới như giáo sư Alain Callé thuộc đại học Paris, và Jacques Godbout thuộc đại học Québec Canada, là hai trong số các lý thuyết gia lớn về ”nền văn hóa tự do cống hiến”.

Ngày mùng 3-5-2008 giáo sư Pierpaolo Donati, thuộc đại học Bologna, đã thuyết trình về đề tài ”Nhà Nước và gia đình trong một xã hội phụ đới”. Giáo sư Margaret Archer, thuộc đại học Warwick Anh quốc, nói về sự phụ đới trong các hệ thống giáo dục công cộng.

Ngoài ra cũng có các buổi đối thoại về các đề tài cụ thể với giáo sư Jan Schroeder thuộc đại học Bonn, và Alberto Piatti thuộc đại học Milano, Bicocca về kinh nghiệm liên đới và phụ đới tại Brasil. Hai ngày mùng 5 và mùng 6 tháng 5 đã được dành cho các bài thuyết trình về kinh tế và công bằng xã hội với các giáo sư như Partha Dasgupta thuộc đại học Cambridge về đề tài tư bản xã hội và công ích, với phần chú giải của giáo sư Joseph Stiglitz, giải thưởng Nobel kinh tế 1988; và giáo sư Giorgio Vitalini trình bầy về ”Nhà Băng thực phẩm”. Bên cạnh đó giáo sư Josè Raga thuộc đại học Madrid, đã trình bầy về sự cống hiến hai chiều; và giáo sư Luigno Bruni thuộc đại học Milano Bicocca đã nói về ”Nền kinh tế của sự hiệp thông”.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Pierpaolo Donati, giáo sư ”xã hội học về các tiến trình văn hóa” tại đại học Bologna trung Italia, về đề tài của khóa họp nói trên.

Giáo sư Donati cũng là tác giả của nhiều sách và các bài khảo luận. Trong cuốn ”Tư bản xã hội của người dân Ý” giáo sư đã tố cáo sự thiếu sót hệ thống phụ đới trong xã hội Italia. Trong cuốn ”Quốc tịch xã hội” giáo sư tố cáo cuộc khủng hoảng quốc tịch trong xã hội tân tiến và vụ nhà nước, bắt nguồn từ Thomas Hobbes. Trong cuốn ”Bên kia ý thức hệ đa văn hóa. Lý do liên hệ cho một thế giới chung”, mới xuất bản những ngày vừa qua, giáo sư khẳng định rằng để tránh gọng kìm của các giàn xếp giữa Nhà Nước và thị trường, không có khả năng điều hợp sự đối đầu giữa các nền văn hóa khác nhau, cần phải phát triển một lý lẽ rộng rãi hơn lý lẽ dụng cụ thuần túy lợi nhuận. Và đặc biệt phải cho thấy sự hợp lý của các tương quan của thế giới sống động, trong đó các căn tính gặp gỡ các lợi ích và làm nảy sinh ra các trao đổi xã hội, dựa trên tương quan hai chiều và sự cống hiến. Chủ trương đa văn hóa như là ý thức hệ có kiểu cách giản lược việc hiểu biết các nền văn hóa khác nhau. Do đó để có thể tạo dựng một sự truyền thông liên văn hóa đích thưc, cần phải nhìn tha nhân và nhận ra nơi họ tính chất nhân loại chung cho mọi người.

Hỏi: Thưa giáo sư Donati, liên đới, phụ đới và tìm kiếm công ích là ba điều nền tảng trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội công giáo. Chúng hiện diện trong xã hội ngày nay như thế nào?

Đáp: Các nguyên tắc này phần lớn thường bị hiểu lầm và giải thích một cách rất xa các ý nghĩa và chủ ý giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Chẳng hạn công ích bị đồng hóa với của cải vật chất đơn sơ thuần túy, như nước uống hay một môi trường lành mạnh, trong khi thật ra công ích là một trong các tương quan xã hội mà các người thụ hưởng và các người sản xuất chia sẻ với nhau. Thiện ích chung của gia đình được nhận thức như là gia tài kinh tế. Trên bình diện rộng lớn hơn của Nhà Nước sự liên đới được định nghĩa trong các ý niệm kiểm soát chính trị trên các tài nguyên, việc đạt được cùng các cơ may như nhau, việc Nhà Nước trợ giúp. Còn sự phụ đới thì được coi như là giao cho người khác lo, hay tư nhân hóa. Việc theo đuổi thiện ích chung ngày càng trở thành khó khăn hơn. Tình hình hiện nay là một thách đố đối với giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Chúng ta phải tìm ra một quan điểm đúng đắn về một xã hội thực sự nhân bản, bằng cách phân tích và lượng định các thay đổi văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị của thời đại ngày nay dưới ánh sáng của viễn tượng Kitô.

Hỏi: Thế thì đâu là những điều kiện phù hợp với việc tìm kiếm thiện ích chung, thưa giáo sư?

Đáp: Giáo huấn xã hội của Hội Thánh cho thấy: để có thể đạt thiện ích chung thì cần phải có sự liên đới và phụ đới. Nhưng thường xảy ra là liên đới và phụ đới không cân bằng với nhau. Người ta có thể kiểm chứng và thấy rằng có trường hợp trong đó tình liên đới rất cao, nhưng sự phụ đới lại rất thấp. Đó là điều đã xảy ra trong giai đoạn đầu của thời tân tiến, khi trong toàn Âu Châu tình liên đới trong cộng đoàn các công nhân đã gia tăng làm nảy sinh ra các nghiệp đoàn. Nhưng rồi sự phụ đới lại bị bãi bỏ, vì các tổ chức nghiệp đoàn được bao gồm trong các tương quan thị trường và trong guồng máy của Nhà Nước tự do. Sự phụ đới không thể hoạt động mà không có tình liên đới, và ngược lại. Có một móc xích nối liền hai yếu tố này với nhau: đó là sự tương tác.

Hỏi: Thưa giáo sư trong cuốn sách tựa đề ”Vượt ngoài chế độ đa văn hóa” giáo sư đã cho thấy cả sự đối chọi giữa các nền văn hóa khác nhau cũng phải được cai trị bởi nền văn hóa cho nhau, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, sự tương tác hoạt động như là một máy xe khiến cho xã hội chuyển động. Xăng nhớt là sự cống hiến. Ciceron đã viết rằng ”không có một bổn phận nào cần thiết hơn là đáp trả lại một cử chỉ lịch sự”. Vì thế cần phải coi chừng nguy cơ cả các món quà cống hiến cho nhau cũng dẫn tới thị trường mà không thể cưỡng lại được, và dẫn tới chỗ biến con người trở thành hàng hóa. Sự tương tác có thể là móc xích nối liền tình liên đới với sự phụ đới, nếu nó duy trì được sự nối kết của nó với việc trợ giúp tự do, dựa trên việc lôi cuốn mọi người vào việc lo lắng cho cuộc sống và thiện ích của người khác.

Và xem ra giữa các dân tộc trên thế giới có khuynh hướng trao tặng cống hiến tự do, như thói quen dâng hiến các cơ phận hay hiến máu. Sự tương tác cũng làm nảy sinh ra một vòng xoáy trôn ốc củng cố tình liên đới, trong nghĩa bản vị con người, tách rời khỏi sức làm việc và các khả năng trí thức của nó, ngày càng được đầu tư nhiều hơn trong các hiệp hội phát triển xã hội, thay đổi các đóng góp của họ trở thành một cái gì không thể buôn bán hay lèo lái được, như việc trợ giúp các trẻ em, săn sóc người già hay sống tôn trọng môi sinh.

Hỏi: Thưa giáo sư Donati, trong bài phát biểu khai mạc phiên họp khoáng đại lần thứ XIV của Hàn Lâm Viện Toà Thánh về các Khoa Xã Hội hồi đầu tháng 5 này, giáo sư cũng đã nói tới các tiềm năng tích cực của hệ thống liên mạng Internet, có phải thế không?

Đáp: Vâng. Hệ thống liên mạng Internet là một dụng cụ, và như là một dụng cụ nó có thể được khai thác bằng nhiều cách thế khác nhau và cho nhiều mục đích khác nhau. Chúng tôi muốn nhấn mạnh trên các kinh nghiệm phổ biến sự hiểu biết và sự trợ giúp qua việc chia sẻ và truyền thông liên mạng bình đẳng, giúp phát triển sự cộng tác, việc chung sức giữa những người có được sự hiểu biết cũng như phát huy chủ trương tài sản cá nhân.

Hỏi: Giáo sư có đề nghị lộ trình nghiên cứu nào đối với lãnh vực này hay không?

Đáp: Khi hoạt động, cần phải đặc biệt chú ý đến các thí dụ cụ thể của tình liên đới và sự phụ đới. Điều mà chúng tôi duyệt xét là các viên gạch của một xã hội dân sự có khả năng đạt đến các biên giới mới trong việc làm cho thiện ích chung tiến tới. Chúng tôi cũng đề cập đến các hình thức mới của nền kinh tế liên đới và sự phụ đới; các sáng kiến giáo dục tại các quốc gia đang trên đường phát triển; tương quan giữa Nhà Nước và gia đình; việc đạt tới các thiện ích của thông tin, các dự án nhỏ và lãnh vực thứ ba. Thực tại cuối cùng này là chủ thể mới của xã hội dân sự, nhưng nó cần được che chở khỏi các xâm lấn can thiệp của Nhà Nước, và cần phải có các biện pháp bảo đảm cho cung cách hành xử đúng đắn của nó.

(Avvenire 1-5-2008)
 
Tại Genova, ĐTC nói: ''sứ mạng của con người và xã hội nhân loại cũng phải phản ánh tình thương và sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi''
LM Trần Đức Anh, OP
17:41 20/05/2008
VATICAN. Lúc quá 8 tối chúa nhật 18-5-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã về đến Roma bằng an, kết thúc cuộc viếng thăm khẩn trương dài 27 tiếng đồng hồ tại hai giáo phận Savona và Genova, bắc Italia.

Genova cách Roma hơn 500 cây số về hướng tây bắc, và là Tổng giáo phận hiện có 690 ngàn tín hữu Công Giáo do ĐHY Angelo Bagnasco, Chủ tịch HĐGM Italia, coi sóc. Trước đây, ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cũng từng là TGM giáo phận này. ĐTC đến đây tối thứ bẩy 17-5 và nghỉ đêm tại khu vực Đền Thánh Đức Mẹ Canh Giữ. Ban sáng chúa nhật ngài đã kính viếng Đền thánh này, dâng kính Đức Mẹ đóa hoa hồng vàng, rồi đến thăm Bệnh Viện Nhi Đồng Giannina Gaslini, trước khi đến quảng trường Matteotti để gặp gỡ các bạn trẻ và đọc kinh Truyền Tin. Ban trưa ngài gặp Kinh sĩ đoàn Nhà Thờ chính tòa thánh Lorenso của Genova và các tu sĩ nam nữ tại đây, rồi dùng bữa trưa tới các Giám mục miền Liguria tại Đại chủng viện.

Thánh lễ bế mạc

Hoạt động cuối cùng của ĐTC tại Giáo phận Genova là Thánh Lễ ngài cử hành lúc 4 giờ 45 chiều chúa nhật 18-5-2008 tại Quảng trường Chiến Thắng trước sự hiện diện của 100 ngàn tín hữu.

Khác với tình trạng ban sáng, bầu trời Genova ban chiều không còn mưa, và mặt trời bắt đầu ló dạng qua các đám mây. Quảng trường Chiến Thắng tọa lạc tại khu vực cao nhất và có nhiều cây xanh nhất tại thành phố cảng Genova. Đàng sau lễ đài màu trắng là một sườn đồi trồng cỏ thành một bức tranh có hình những con tàu của Cristoforo Colombo, người con của thành này đã khám phá Mỹ châu hồi năm 1492. Cuối quảng trường là khải hoàn môn bên dưới có tầng hầm có ghi tên tất cả các công dân thành này đã ngã gục trong thế chiến thứ I.

Đồng tế với ĐTC trong Thánh lễ có hàng trăm LM và 20 GM thuộc miền Liguria, hoặc xuất thân từ giáo phận Genova, trong đó có ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh và ĐHY Bagnasco, TGM sở tại.

Bài giảng Thánh Lễ

Trong bài giảng thánh lễ sau khi giải thích về mạc khải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong Kinh thánh Cực Ước và Tân Ước, ĐTC nêu bật mối quan hệ yêu thương và hiệp thông giữa Ba Ngôi, để áp dụng vào hình ảnh và sứ mạng của con người và xã hội nhân loại cũng phải phản ánh tình thương và sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi. Ngài nói:

“Vì vậy, trong các bài đọc này, có một nội dung chính liên quan đến Thiên Chúa, và thực vậy, Ngày Lễ hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Người là Chúa, mời gọi chúng ta cũng hãy lên ”lên núi” như Môisê xưa kia. Thoạt nghe điều này có vẻ đưa chúng ta ra xa khỏi thế giới này với các vấn đề của trần thế, nhưng trong thực tế, chúng ta khám phá rằng chính nhờ biết Thiên Chúa gần hơn, chúng ta cũng nhận được những chỉ dẫn quí giá cho cuộc sống: phần nào cũng giống như đã xảy ra cho Môisê, Ông đã lên núi Sinai và ở lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa, để nhận luật được khi khắc trên bia đá, từ đó dân rút ra được những đường hướng để tiến bước; không phải trở lại tình trạng nô lệ trước đó, nhưng tăng trưởng trong tự do. Lịch sử của chúng ta tùy thuộc danh của Thiên Chúa; hành trình của chúng ta tùy thuộc ánh sáng nhan thánh Chúa.

”Từ thực tại ấy của Thiên Chúa, như chính Chúa đã cho chúng ta được biết khi tỏ danh Ngài, nảy sinh một hình ảnh con người, nghĩa là một cái nhìn chắc chắn về con người. Như đã biết, quan niệm ấy được hình thành trong nền văn hóa tây phương của chúng ta qua cuộc tranh luận sôi nổi về chân lý Thiên Chúa và đặc biệt về Chúa Giêsu Kitô. Nếu Thiên Chúa là một thực tại liên chủ thể, thì loài người, vốn được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, cũng phản ánh thực trạng ấy, vì thế, bản chất con người được kêu gọi diễn ra trong sự đối thoại, trong sự gặp gỡ. Đặc biệt Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta biết rằng con người chủ yếu là ”một người con”, là thụ tạo sống trong tương quan với Thiên Chúa là Cha. Con người không thể thể-hiện bản thân trong sự tự lập tuyệt đối, không thể tạo cho mình cái ảo tưởng mình là Thiên Chúa; trái lại, chính khi nhìn nhận mình là con, là thụ tạo cởi mở, hướng về Thiên Chúa và anh em mình, thì qua đó chúng ta thấy lại được hình ảnh của Cha Chung. Ta thấy rõ rằng quan niệm này về Thiên Chúa và con người là căn cội của một kiểu mẫu cộng đồng con người và xã hội nhân loại tương ứng. Đó là một khuôn mẫu xã hội, một kiểu mẫu trước mọi qui luật pháp lý cơ chế, và những đặc điểm văn hóa. Một kiểu mẫu gia đình nhân loại xuyên qua mọi nền văn minh mà các tín hữu Kitô chúng ta thường biểu lộ ngay từ thời còn nhỏ khi quả quyết rằng tất cả mọi người đều là con Thiên Chúa và vì thế là anh chị em với nhau... Đó là một quan niệm dựa trên ý tưởng Thiên Chúa Ba Ngôi, ý niệm con người như một nhân vị chứ không phải là một cá nhân thuần túy, quan niệm xã hội như một cộng đoàn, như không phải như một tập thể thuần túy”.

Qua đạo lý xã hội

ĐTC nói thêm rằng: ”Giáo huấn của Giáo Hội rất phong phú, được khai triển từ chính quan niệm vừa nói về Thiên Chúa và con người. Chỉ cần duyệt qua những chương quan trọng nhất của Đạo lý xã hội Công Giáo, mà các vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi đã mang lại những đóng góp quan trọng, nhất là trong 120 năm gần đây, giải thích một cách thế giá và hướng dẫn phong trào xã hội theo chiều hướng Kitô. Hiến chế ”Vui Mừng và Hy vọng” và các Thông Điệp của Đức Gioan 23, Phaolô 6 và Gioan Phaolô 2 trình bày một tổng quan toàn bộ và hòa hợp, có khả năng động viên và hướng dẫn các tín hữu Công Giáo dấn thân thăng tiến nhân bản và phục vụ về mặt xã hội và chính trị. Cả thông điệp đầu tiên của tôi, Deus caritas est, Thiên Chúa là tình tương, cũng được viết ra theo chân trời ấy: thực vậy, Thông Điệp này tái đề nghị việc thực hành bác ái cụ thể của Giáo Hội, đi từ xác tín Thiên Chúa là Tình Thương, nhập thể trong Chúa Kitô. Tôi muốn nhắc lại đây Đại hội Công Giáo toàn quốc Italia ở Verona, mà tôi đã tham dự, Đại hội này đã đề nghị một suy tư rộng rãi, và sau đó đã được hoàn toàn được đón nhận trong Văn kiện Mục Vụ của HĐGM Italia với tựa đề: ”Tái sinh cho một niềm hy vọng sống động”: chứng nhân về sự ưng thuận của Thiên Chúa đối với con người” (29.6.2007). Tôi muốn nhấn mạnh hai quyết định chọn lựa căn bản, được các GM nêu lên trong phần đầu của văn kiện (n.4).. Trước tiên là chọn lựa ”dành chỗ đứng tối thượng cho Thiên Chúa”: toàn thể cuộc sống và hoạt động của Giáo Hội tùy thuộc việc đặt Chúa ở chỗ ưu tiên thứ nhất; nhưng không phải một Thiên Chúa chung chung, mà là Thiên Chúa với danh hiệu và tôn nhan của Ngài, Thiên Chúa của Giao Ước đã đưa dân ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, đã làm cho Chúa Kitô sống lại từ cõi chết và muốn dẫn đưa nhân loại đến tự do trong hòa bình và công lý.

Chọn lựa thứ hai là đặt con người và sự hiệp nhất của nhân loại làm trung tâm của các môi trường khác nhau như đời sống tình cảm, công ăn việc làm và lễ lạc, sự mong manh của bản thân, truyền thống và công dân. Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, và con người trong tương quan với tha nhân: đó là hai điểm tham chiếu mà Giáo Hội có nghĩa vụ trình bày cho mỗi thế hệ con người, như một công tác phục vụ việc xây dựng một xã hội tự do và liên đới. Giáo Hội thi hành công tác đó, trước tiên qua việc giảng dạy đạo lý của mình, nhưng nhất là qua việc làm chứng tá. Đây cũng là điều mà HĐGM Italia coi là chọn lựa cơ bản thứ ba, nghĩa là làm chứng tá bản thân và cộng đoàn: đời sống tinh thần, việc mục vụ và chiều kích văn hóa đều hội tụ vào điểm đó. Và ĐTC nhấn mạnh rằng:

”Trong một xã hội bị giằng co giữa sự hoàn cầu hóa và cá nhân chủ nghĩa, Giáo Hội được gọi làm chứng tá về tình hiệp thông (koinonía). Thực tại này không đến từ bên dưới, nhưng là một mầu nhiệm, có thể nói là nó có căn cội ở trời cao, ở nơi chính Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, chính nơi Chúa, là sự đối thoại yêu thương vĩnh cửu được thông ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Chúa đã đi vào các tế bào nhân loại và của lịch sử để hướng dẫn chúng đến viên mãn. Đó chính là một tổng hợp lớn lao của Công đồng chung Vatican 2: Giáo Hội, mầu nhiệm hiệp thông, ”ở trong Chúa Kitô như một bí tích, nghĩa là như dấu chỉ và là dụng cụ sự kết hiệp thân mật với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1). Tại đây, trong thành phố lớn này, cũng như trong lãnh thổ giáo phận Genova với nhiều vấn đề nhân bản và xã hội khác nhau, cộng đồng Giáo Hội ngày nay cũng như trước kia, trước tiên là một dấu hiệu, tuy nghèo nhưng chân thực, nói lên Tình Yêu của Chúa, danh Ngài được ghi khắc trong thẳm sâu con người và trong mỗi kinh nghiệm về tính cách xã hội và liên đới.

Đi vào cụ thể hơn, ĐTC nhắn nhủ giáo phận Genova hãy quan tâm huấn luyện về tinh thần và về giáo lý, một sự huấn luyện nòng cốt, vốn cần thiết hơn bao giờ hết để sống ơn gọi Kitô trong thế giới ngày nay. Ngài nói: ”Tôi nói với người lớn cũng như người trẻ: hãy vun trồng một đức tin có suy tư, có khả năng đối thoại sâu xa với mọi người, với những anh chị em ngoài Công Giáo, với những tín hữu không Kitô và không tín ngưỡng. Hãy thực thi sự chia sẻ quảng đại của anh chị em với những người yếu đuối và nghèo túng, theo thói quen nguyên thủy của Giáo Hội, luôn lấy hứng và kín múc sức mạnh từ Thánh Thể là nguồn mạch đời đời của bác ái. Tôi thân ái khích lệ các chủng sinh và người trẻ dấn thân trong con đường ơn gọi: các con đừng sợ, trái lại hãy cảm thấy bị lôi cuốn vì những chọn lựa chung kết, của một hành trình giáo dục nghiêm túc và yêu sách. Chỉ có mức độ cao trong việc làm môn đệ Chúa mới mang lại vui mừng. Tôi khuyến tất cả mọi người hãy tăng trưởng trong chiều kích thừa sai, cũng thiết yếu như sự hiệp thông. Thực vậy, Chúa Ba Ngôi vừa là hiệp nhất và là sự lan tỏa xuất phát: hễ tình yêu càng nồng nhiệt thì càng thúc đẩy lan truyền và thông ban.

Sau thánh lễ ĐTC đã hội kiến với Bộ trưởng Claudio Scajola, đại diện tân chính phủ Italia rồi ngài ra phi trường Cristoforo Colombo để đáp máy bay về đến Roma lúc quá 8 giờ và từ đây ngài đáp trực thăng về Vatican.

ĐHY Bagnasco TGM Genova gọi cuộc viếng thăm của ĐTC là một đại lễ đức tin và một sự biểu lộ lòng yêu mến của dân chúng đối với Giáo Hội và ĐTC.
 
Thông báo của HĐGM Úc về vấn đề Đức Cha Geoffrey Robinson người đang gây sóng gió cho Giáo Hội
Đặng Tự Do
18:26 20/05/2008
Trong khóa họp khoáng đại thường niên vừa diễn ra, Hội Đồng Giám Mục Úc đã cho biết là có những vấn nạn liên quan đến những giáo huấn chứa đựng trong một cuốn sách vừa được xuất bản năm ngoái của Giám Mục về hưu của Sydney là Đức Cha Geoffrey Robinson.

Cuốn Confronting Power and Sex in the Catholic Church: Reclaiming the Spririt of Jesus (tạm dịch: “Đối diện với Quyền Lực và Tính Dục trong Giáo Hội Công Giáo: Tái kêu gọi tinh thần của Chúa Giêsu”) được xuất bản năm 2007 đang gây ra nhiều nhiều sóng gió cho Giáo Hội tại Úc Châu.

Trong một thông báo được toàn thể các Đức Giám Mục Úc đồng ý thông qua, các vị cho biết bất chấp những trao đổi và đối thoại với Đức Cha Robinson, “rõ ràng là những vấn nạn về tín lý vẫn còn nguyên”. Vấn nạn lớn nhất theo các Giám Mục Úc là việc Đức Cha Geoffrey Robinson nêu thắc mắc về thẩm quyền giáo huấn chân lý chung cuộc của Giáo Hội Công Giáo.

Các Đức Giám Mục Úc nhận định rằng: “Cuốn sách thắc mắc về thẩm quyền của Giáo Hội có liên quan đến sự bất định của Đức Cha Robinson về nhận thức và thẩm quyền của chính Chúa Giêsu Kitô”. Thông cáo của Hội Đồng Giám Mục giải thích: “Người Công Giáo tin rằng Giáo Hội, được Chúa Kitô xây dựng, được Ngài ủy thác với năng quyền giáo huấn tồn tại theo dòng thời gian. Đó là lý do tại sao Huấn Quyền dạy bảo chân lý một cách có thẩm quyền nhân danh Chúa Kitô. Cuốn sách gây ra những nghi ngờ về những giáo huấn này”.

Trước đây, Đức Cha Geoffrey Robinson là một người được kính nể tại Úc Châu. Ngài đã được bổ nhiệm Giám Mục phụ tá Sydney vào năm 1984. 10 năm sau đó ngài về hưu. Sau khi về hưu, ngài đã viết rất nhiều sách báo và trả lời những cuộc phỏng vấn báo chí với nhiều tư tưởng gây ra những vấn đề trầm trọng cho Giáo Hội tại Úc.

Ngài đã từng phục vụ tại Tòa Án Hôn Phối Úc và đóng một một vai trò tích cực trong việc đề ra những tiến trình ngăn cản việc lạm dụng tính dục trong Giáo Hội. Theo trang nhà của tổng giáo phận Sydney, Đức Cha Geoffrey Robinson đã có những đóng góp trên bình diện thế giới trong việc gây chú ý nơi các nhà lãnh đạo Giáo Hội đối với trách nhiệm của họ trong vấn đề khó khăn và nhạy cảm này.

Ngài cũng đã là chủ tịch tân lập của Encompass Australasia một tổ chức được thiết lập vào năm 1987 bởi Hội Đồng Giám Mục Úc và Hội Nghị các nhà Lãnh Đạo của các Cơ Sở Tôn Giáo.

Ngài cũng đã được Australian Catholic University trao bằng tiến sĩ danh dự để nhìn nhận công lao của ngài trong việc đề ra Towards Healing procees – một tiến trình bao gồm các nguyên tắc và các thủ tục Giáo Hội tại Úc tuân theo khi đối diện với những lời cáo buộc lạm dụng tính dục.

Năm ngoái, sau khi xuất bản cuốn Confronting Power and Sex in the Catholic Church: Reclaiming the Spririt of Jesus, Đức Cha Geoffrey Robinson, đã làm ngỡ ngàng người Công Giáo tại Úc Châu khi ngài dành cho Stephen Crittenden của ABC radio một cuộc phỏng vấn trong đó ngài cho biết lý do tại sao ngài về hưu là vì không thể tiếp tục “nói nhân danh một Giáo Hội đã đưa ra những điều mà tôi không còn tin nữa”. Trong lời mở đầu cuộc phỏng vấn, Stephen Crittenden cho biết theo những trao đổi trước đó với Đức Cha Robinson, “một phần của kinh Tin Kính của Công Đồng Nicê cần phải được xét lại”.

“Trong cuốn sách tôi thách đố thẩm quyền của giáo hoàng, ơn bất khả ngộ của giáo hoàng. Tôi thắc mắc toàn bộ những huấn giáo về tính dục trong nội bộ Giáo Hội”.

Hội Đồng Giám Mục Úc nhận định rằng vì cuốn sách gây ra những mơ hồ về đức tin Công Giáo liên quan thẩm quyền giáo huấn của Giáo Hội, nhiều vấn nạn khác kéo theo. “Điều này dẫn đến việc thắc mắc về giáo huấn của Giáo Hội về, trong số những vấn nạn khác, bản chất của Truyền Thống, linh hứng của Chúa Thánh Thần, ơn bất khả ngộ của các Công Đồng và của Đức Giáo Hoàng, thẩm quyền của kinh Tin Kính, bản chất của chức linh mục và những yếu tố trung tâm của giáo huấn luân lý của Giáo Hội”.

Thông báo của Hội Đồng Giám Mục Úc kết luận rằng “Thẩm quyền được Chúa Kitô ủy thác cho Giáo Hội từng nơi từng lúc có thể không được thực hành đến nơi đến chốn, đặc biệt trong việc hình thành chính sách và thực hành trong những lãnh vực phức tạp của mục vụ và quan tâm của con người. Nhưng điều này, theo đức tin Công Giáo, không thể vô hiệu hóa quyền giáo huấn của Giáo Hội về những chân lý đặc thù của đức tin và luân lý”.
 
Đức Hồng Y Roger Mahony cấm Đức Cha Geoffrey Robinson của Úc nói chuyện tại Los Angeles
Nguyễn Việt Nam
18:26 20/05/2008
Los Angeles - Đức Hồng Y Roger Mahony của tổng giáo phận Los Angeles đã cấm một Giám Mục đang gây tranh cãi tại Úc không được nói chuyện trong tổng giáo phận của ngài tại California.

Đức Cha Geoffrey Robinson
Trong lá thư đề ngày 9/5 gởi tới Đức Cha Geoffrey Robinson, Giám Mục phụ tá về hưu của Sydney, Đức Hồng Y Mahony đã viện dẫn Bộ Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo để giải thích cho quyết định “khước từ cho phép Đức Cha nói chuyện tại tổng giáo phận Los Angeles."

Đức Hồng Y Roger Mahony đã đưa ra quyết định trên trong khi Hội Đồng Giám Mục Úc thảo luận về một cuốn sách do Đức Cha Robinson xuất bản vào năm ngoái – cuốn Confronting Power and Sex in the Catholic Church: Reclaiming the Spririt of Jesus (tạm dịch: “Đối diện với Quyền Lực và Tính Dục trong Giáo Hội Công Giáo: Tái kêu gọi tinh thần của Chúa Giêsu”) - và đang gây ra nhiều nhiều sóng gió cho Giáo Hội tại Úc Châu.

Theo các Đức Giám Mục Úc cuốn sách “dẫn đến việc thắc mắc về giáo huấn của Giáo Hội về, trong số những vấn nạn khác, bản chất của Truyền Thống, linh hứng của Chúa Thánh Thần, ơn bất khả ngộ của các Công Đồng và của Đức Giáo Hoàng, thẩm quyền của kinh Tin Kính, bản chất của chức linh mục và những yếu tố trung tâm của giáo huấn luân lý của Giáo Hội”.

Hiện nay, Đức Cha Robinson đang đi một vòng thăm Hoa Kỳ để quảng cáo cuốn sách này. Theo dự trù, ngài sẽ đến Los Angeles vào ngày 12/6. Ngài cũng dự trù sẽ đến Boston, Seattle, và San Diego. Trong thư, Đức Hồng Y Roger Mahony khuyên Đức Cha Robinson nên từ bỏ những cuộc nói chuyện này.

Tuy nhiên, bất chấp những cấm đoán của Đức Hồng Y Mahony, Đức Cha Robinson sẽ nói chuyện tại Los Angeles theo như dự trù.

Nhóm Voice of the Faithful (VOTF), một nhóm chống đối trong Giáo Hội tại Hoa Kỳ đã đưa ra một thông cáo lên án hành động của Đức Hồng Y Mahony, ca ngợi Đức Cha Robinson và thách đố rằng họ sẽ tổ chức các cuộc nói chuyện tại Hoa Kỳ theo như dự trù dù cho các đấng bản quyền phản ứng thế nào đi nữa.
 
Top Stories
Roman Catholic Diocese in Worcester to close four parishes
Associated Press
09:44 20/05/2008
WORCESTER - Four parishes will be closed and merged with neighboring parishes under a plan announced this weekend by the head of the Roman Catholic Diocese in Worcester.

Bishop Robert McManus cited declining Mass attendance as one of the reasons for what he called a difficult but necessary decision. McManus detailed the decision in a letter read in churches across the city this weekend.

Worcester has 29 churches to serve the city’s 22,000 Catholics, of whom only a third make regular offerings to the church.

McManus said it was impossible to delay the consolidations any longer and said those in the churches to be closed would be better served in more vibrant parishes.

"These pastoral decisions are never easy, but I am convinced that avoiding them or postponing them any longer is pastorally unsound," McManus wrote.

The four parishes to be closed include Holy Name of Jesus Parish, St. Casimir Parish, Ascension Parish, and St. Margaret Mary Parish. The Notre Dame des Canadiens Church building will also be closed.

A new parish called Holy Name Parish will be created and located at St. Joseph Church. Parishioners from St. Casimir will begin attending Mass at a neighboring church St. John. Masses in Lithuanian will continue at the St. Casimir church building for another year.

Ascension Parish will merge with St. John Parish. St. Margaret Mary Parish will merge with St. Anne Parish in Shrewsbury.

All the mergers will take place on July 1.

McManus said more announcements are expected later in the year regarding decisions about other parishes in the city.

(© Copyright 2008 Associated Press, Sunday, May 18, 2008)
 
In Genoa, pope fights battle for the soul of Italy, all of Europe
Catholic News Service
09:47 20/05/2008
GENOA, Italy (CNS) -- At first glance, Pope Benedict XVI's two-day visit to the northern Italian city of Genoa seemed designed to highlight the ascendancy of the region's prelates in his pontificate.

The pope chose Cardinal Tarcisio Bertone, the former archbishop of Genoa, as his secretary of state. He named the new head of the archdiocese, Cardinal Angelo Bagnasco, president of the Italian bishops' conference. And the archdiocese's liturgist, Msgr. Guido Marini, is now the master of papal liturgical ceremonies at the Vatican.

But for all the local pride it evoked, the pope's May 17-18 visit had broader implications and a deeper purpose. Despite its strong Catholic traditions, Genoa has become a new front in the church's battle to maintain its social and political influence.

It's a struggle being played out not only in Italy, but throughout the European continent, where secular culture has drifted away from Christian foundations. Indeed, church leaders sometimes describe this as a battle for Europe's soul.

In Genoa, these tensions have found an unlikely focus in the figure of Cardinal Bagnasco, a soft-spoken man who has defended church teaching on a number of controversial social issues, including gay marriage and cohabitation.

That prompted criticism and even death threats, and the cardinal now travels under armed escort provided by the state.

Pope Benedict's trip to Genoa and the nearby city of Savona was, therefore, an important opportunity to defend the church's voice in the moral and ethical affairs of society.

The pope did so not with theoretical arguments about church-state relations, but by highlighting the church's real efforts to help real people.

One of his most moving encounters was his visit May 18 to the Giannina Gaslini Institute in Genoa, the biggest children's hospital in northern Italy. He blessed children in wheelchairs, listened to a 10-year-old cancer patient's eloquent greeting and smiled in appreciation of their gift -- a large portrait of the pontiff.

The church does not own or manage the hospital, but it helps fund it and has a permanent voice in its administration. That kind of cooperative arrangement, the pope said, reflects Genoa's historic reputation as a "city of Christian charity."

The pope's next event was a meeting with thousands of enthusiastic young people, who stood under pouring rain to cheer him in central Genoa.

The pope said being young was beautiful, but he warned about a culture that tries to hold on to youth at any cost.

"Today everyone wants to be young and remain young, and they mask themselves as young even if the time of youth is past -- visibly past," he said.

One reason, he said, is that a culture moving away from faith leaves a great emptiness in the hearts of men and women, and many of them want to "stop time" because they fear a meaningless future.

The pope emphasized that a key demand of the Christian faith is to move the focus from oneself to others and make time for the poor and needy.

The pope's talk was thought-provoking, but the impact of the encounter went beyond words: For one morning, Genoa's young Catholic activists ruled the city's historic square, and the future of the church was clearly visible in their faces.

A few minutes later, the pontiff was immersed in a far older crowd of men and women religious in the city's cathedral, where he underlined their historic service in education and in helping the poor, the sick, families and children.

The pope said they should not be overly discouraged by the declining numbers of religious. He made a similar point in Savona the day before, saying, "Priestly ministry cannot be measured in numbers and statistics -- the results we will know only in heaven."

The pope's heartening words were appreciated in a region where priests were once a common presence in factories and other places of social life, but where vocations have dwindled and anti-clerical pressures have grown.

Even as the pope was arriving in the area, about 1,000 "Lay Pride" demonstrators marched in Genoa to protest what they said was unwarranted clerical and Vatican influence in Italian political life. A few "No pope" slogans were painted on walls throughout the city.

A more respectful and carefully worded challenge came from Genoa's leftist mayor, Marta Vincenzi, who said the church, like other institutions, should have a "strong and authoritative voice" in political affairs. But she cautioned against a confusion of roles and said it was important not to "transform ethics into an area of political battle."

The mayor quoted two points made by the 20th-century German theologian Dietrich Bonhoeffer: that ethics are not something that can be predetermined by principles, and that the proper mission of the lay faithful is to help shape society while respecting the competence and responsibility of others.

Much of the controversy over the church's role in Italy has focused on questions like abortion, euthanasia and gay marriage, issues that the pope did not address directly during his visit.

Instead, at a closing Mass in central Genoa, he talked about the concept of God that lies at the foundation of human society. The human being "does not realize himself in an absolute autonomy" but in relation to God, he said, and this relationship gives meaning to the various human institutions.

He said it is this vision of God that inspires the church's social doctrine and its concrete acts of charity. This is how the church serves society, he said -- through teaching, but above all through the witness of its faith.

The pope's words echoed his comments at his opening liturgy the day before in Savona, a seaport on the Ligurian coast, where he cited the Christian duty to perform works of charity.

The pope appealed on behalf of prisoners in the region, and he also spoke about one famous detainee of the past: Pope Pius VII, who was imprisoned in Savona for three years by Napoleon.

This "obscure page of European history" holds lessons for today, the pope said.

"It teaches us courage in facing the challenges of the world: materialism, relativism, secularism, without ever giving in to compromise, prepared to pay personally to remain faithful to the Lord and his church," he said.

(Source: John Thavis, Catholic News Service)
 
Paul VI saw liturgical abuse as ''smoke of Satan''
Catholic World News
09:48 20/05/2008
ROME, May. 16, 2008 (CWNews.com) - When Pope Paul VI spoke about the "smoke of Satan" entering the Catholic Church, he was referring to liturgical abuses, according to the prelate who served as his master of ceremonies.

Cardinal Virgilio Noe, the chief Vatican liturgist during the pontificate of Paul VI, spoke candidly about the late Pope's concerns in an interview with the Roman Petrus web site. The Italian prelate-- who was also the Vatican's top liturgist under Pope John Paul I and the early years of the pontificate of John Paul II-- is now retired, and at the age of 86 his health is failing. In his interview with Petrus he concentrated primarily on his years serving Pope Paul VI.

[The full interview has been translated by Father John Zulsdorf on his What Does the Prayer Really Say blog.]

Pope Paul accepted the liturgical reforms after Vatican II "with pleasure," Cardinal Noe said. He added that Paul VI was not be nature a sad man, but "he was saddened by the fact of having been left alone by the Roman Curia." Regarding the late Pope's famous remark about the "smoke of Satan," Cardinal Noe said that he knew what Paul VI intended by that statement. In that denunciation, he said, the Pope "meant to include all those priests or bishops and cardinals who didn't render worship to the Lord by celebrating badly Holy Mass because of an errant interpretation of the implementation of the Second Vatican Council. He spoke of the smoke of Satan because he maintained that those priests who turned Holy Mass into dross in the name of creativity, in reality were possessed of the vainglory and the pride of the Evil One. So, the smoke of Satan was nothing other than the mentality which wanted to distort the traditional and liturgical canons of the Eucharistic ceremony."

For Pope Paul VI, the cardinal continued, the worst outcome of the post-conciliar liturgical reform was the "craving to be in the limelight" that caused many priests to ignore liturgical guidelines. Cardinal Noe recalled that the Pope himself believed in careful adherence to the rubrics of the Mass, firmly believing that "no one is lord of the Mass."

Speaking for himself, the former top Vatican liturgist said that the liturgy must always be celebrated with reverence and careful respect for the rubrics. He said with regret that in the wake of Vatican II "it was believed that everything, or nearly, was permitted." Cardinal Noe said: "Now it is necessary to recover-- and in a hurry-- the sense of the sacred in the ars celebrandi, before the smoke of Satan completely pervades the whole Church."
 
Vinh Long: l’évêque appelle ses fidèles à ne pas accepter l’injustice commise par les autorités contre une congrégation religieuse
Eglises d'Asie
09:52 20/05/2008
Vinh Long: l’évêque appelle ses fidèles à ne pas accepter l’injustice commise par les autorités contre une congrégation religieuse

Après la décision des pouvoirs publics de la province de Vinh Long d’autoriser la construction d’un hôtel quatre-étoiles sur le domaine du couvent confisqué aux religieuses de Saint-Paul de Chartres (1), l’évêque du diocèse, dans une lettre envoyée à l’ensemble des fidèles, le 18 mai dernier, proteste avec une grande vigueur contre cet abus de pouvoir. La lettre invite le peuple de Dieu à se montrer résolu et solidaire dans la défense de la juste cause et à prier ensemble.

Le 16 mai dernier, on avait appris que, malgré les très nombreuses requêtes et démarches effectuées par les religieuses de Saint-Paul de Chartres, le Comité populaire de la province de Vinh Long venait d’accorder à l’agence de tourisme Saigon-Vinh Long un permis de construire pour un ensemble hôtelier sur le domaine des religieuses de Saint-Paul de Chartres. La lettre écrite par Mgr Thomas Nguyên Van Tân, la veille de l’entrée en vigueur du permis de construire, ne cache pas les sentiments d’indignation que cette autorisation a fait naître chez les catholiques du diocèse. L’évêque commence par évoquer les événements survenus le 7 septembre 1977, une journée de grande calamité pour le diocèse, précise-t-il. Ce jour-là, les « détenteurs du pouvoir provincial de l’époque » ont utilisé la force publique pour perquisitionner et ensuite accaparer le couvent des religieuses et le grand séminaire (2). L’évêque rappelle que lui-même faisait partie des prêtres et religieuses arrêtés ce jour-là. Depuis, la représentante provinciale de la congrégation de Saint-Paul de Chartres ainsi que l’évêché ont envoyé de nombreuses requêtes auprès des autorités locales et centrales. Elles n’ont reçu « jusqu’à présent » aucune réponse satisfaisante. « Or, nous apprenons, constate l’évêque, que le pouvoir provincial a décidé d’entamer les travaux de construction d’un hôtel sur le terrain de 10 235 m² de la congrégation de Saint-Paul, sans tenir compte de l’avis des prêtres membres du Front patriotique de Vinh Long. La population de la ville rassemblée a été informée que des mesures seraient prises contre ceux qui s’opposeraient à ces travaux. »

L’évêque affirme ensuite que la souffrance de ces religieuses, présentes à Vinh Long depuis 1871 et aujourd’hui au service de nombreuses paroisses, était celle de tout le diocèse. Il déclare: « Nous ne pouvons pas entériner la solution imposée par ceux qui détiennent le pouvoir entre leurs mains. Nous ne pouvons pas non plus nous taire car le silence en ce moment signifie complicité et acceptation de l’injustice. » S’adressant directement à ses fidèles, il se déclare convaincu que ceux-ci seront unis et résolus à faire respecter « la juste cause ». Il leur demande de prier pour que le diocèse et la congrégation des religieuses de Saint-Paul surmontent rapidement cette épreuve. Il les invite à réciter ensemble chaque jour trois Ave Maria et la prière pour la paix attribuée à Saint-François d’Assise (3).

Le 7 septembre 1977, date que l’évêque rappelle dans sa lettre, les forces de sécurité de Vinh Long avaient investi la maison des sœurs et, après perquisition, avaient confisqué la maison et tous ses biens, dispersé ses jeunes pensionnaires orphelins et handicapés, et placé toutes les religieuses en détention. Au bout d’un mois, 17 religieuses avaient été renvoyées dans leur famille. La supérieure de maison, quant à elle, avait été gardée un mois de plus et ensuite reconduite à la maison-mère de la congrégation, à My Tho.

(1) Voir l’historique de cette affaire dans EDA 484.

(2) Voir IMSA: « La Formation des prêtres au Vietnam après avril 1975 » (Echange France Asie, n° 53).

(3) La lettre de l’évêque de Vinh Long a paru sur le site Internet du diocèse (http://www.giaophanvinhlong.net/Giaophan/thumucvu%20khan.htm) et a été diffusée par l’agence Vietcatholic News.

Légende photo: Avis de construction d’un hôtel quatre-étoiles sur le terrain des religieuses de Saint-Paul de Chartres (crédit photo: Vietcatholic News)

(Source: Eglises d'Asie - 20 mai 2008)
 
Summary of Benedict XVI's Talks - US Visit
Msgr. Barry C. Knestout
10:21 20/05/2008
Address to the Bishops of the United States of America
at the Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception in Washington
April 16, 2008

Summary by Rev. Msgr. Peter Vaghi


This year is the bicentenary of the Sees of Boston, New York, Philadelphia and Louisville; bicentenary also of the elevation of Baltimore to Archdiocese

American values

o Americans have welcomed immigrants from the beginning, and are encouraged to continue that cultural tradition of welcoming newcomers
o Americans are also known for compassion, vitality, creativity and generosity (e. g. Katrina, Twin Towers destruction and 2004 tsunami)
o America is a land of great faith known for bringing moral arguments to public discourse and respect for freedom of religion ingrained

Barriers to encountering the living God

o Secularism: the notion that religion is a purely private matter
o Materialism: focusing only on this world, and the denial of the deep thirst for God in the human soul
o Individualism: losing sight of our dependence on others and our responsibilities toward them

The Holy Father highlighted the importance of a sound formation for Catholic laity – especially in moral teaching regarding health care issues – so that they can serve as a “leaven” in society

He noted that bishops should participate in the exchange of ideas in the public square to help shape cultural attitudes in light of the Gospel

Pope Benedict expressed a particular concern for the family

o As the primary place of evangelization and the basic element of society
o Concern about effects of divorce, infidelity and "open-ended" arrangements
o As a society we need to underscore the institution of marriage as a lifelong commitment between man and woman, open to the transmission of life

Regarding the sexual abuse of minors: the Church needs to bind up wounds and ensure the greatest protection of children, as well as pursue a more active moral formation of the young while continuing to support the purification of priesthood

Importance of strong relationships between bishops and clergy

Pope emphasized need for prayer, adoration, liturgy of the hours, and rosary to insure a radical configuration to Christ the Good Shepherd

Homily at Holy Mass at Washington Nationals Park
April 17, 2008

Summary by Rev. Mark Knestout


The Church in the United States can be proud of its accomplishments and its remarkable growth in past generations as it has brought together widely different immigrant groups within the unity of the Catholic faith and Gospel message.

Conscious of this rich diversity of cultures, the Catholic community in the United States can now look to the future firmly founded in faith to face the new challenges of the world with the hope born of God’s love, poured into our hearts by the Holy Spirit (cf. Rom 5:5)

Great promise exists, and the Church in America is at a crossroads in time:

o It is experiencing the promise of the interdependence of the human family in faith that is vibrant, strong, and growing.
o Yet great challenges exist also; society and the Church sees equally strong and sad signs of alienation, anger, polarization, violence, weak moral attitudes, and relativism. Attitudes and ideals are often embraced that are contrary to the truth of the Gospel message.

Pray for a renewal of the Church in America through the power of the Spirit.

o This renewal begins through the fidelity of so many servants of the Lord: bishops, priests, deacons, religious, parents, teachers, and catechists. All must strive to faithfully hand on to the next generation the knowledge and love of the Lord Jesus.
o The challenges confronting the Church in America and the world “require a comprehensive and sound instruction in the truths of the faith” and the cultivation of a mindset that is genuinely Catholic and that is deeply rooted in faith and reason.

“Americans have always been a people of hope.”

o Generations of Americans have sought freedom and opportunity despite many injustices that have been endured. Through these generations, hope for the future has sustained the American character.
o The virtue of hope will assist us in acknowledging the pain and suffering caused by the sin of abuse in the Church; the virtue of hope will assist us to deal honestly and fairly with its tragic consequences. It is the virtue of hope that will allow us to foster reconciliation and healing and it is through hope that we should affirm and love all hard working priests in the church. It is a prayer of unfailing hope through patient endurance, with a share in the mystery of Christ’s suffering, but ultimately with an awareness of the victory of Christ’s cross.

“Those who have hope must live different lives!” (cf Spe Salvi, 2)

Address to Catholic educators at the Conference Hall of The Catholic University of America in Washington
April 17, 2008

Summary by Mr. Thomas Burnford


The mission of the Church to proclaim the good news is accomplished through Catholic education by the dynamic of personal encounter, knowledge, and Christian witness; this is a great apostolate of hope for over three million children and students in the United States.

o The long-term sustainability of these institutions provides a great opportunity for the “entire Catholic community to contribute generously.”

Catholic identity

o Not about numbers, but about conviction, belief, commitment and acceptance of the truth, such that the faith is tangible and given “fervent expression” in our schools.
o The whole education institution focuses on encounter with God who reveals himself and the students’ response through faith, leading to a move from the “I” to the “we” of the Body of Christ; for educators this means not only focusing on the intellect but also the will, “to evoke among the young the desire for the act of faith, encouraging them to commit themselves to the ecclesial life that follows from this belief.”
o The Holy Father encouraged educators “that the power of God’s truth” may “permeate every dimension of the institutions they serve.”

Intellectual charity

o Truth is more than just knowledge; truth “speaks to the individual in his or her entirety, inviting us to respond with our whole being” because this truth is a person, the incarnation. It is not just informative but is performative, becoming incarnate in the lives of students through faith.
o The Church purifies reason by reminding society that praxis does not create truth, but truth is the basis of praxis.
o Catholic educators must maintain high standards of professionalism, particularly if society ignores objective reality and the transcendental dimension of the human person. They are called to “intellectual charity,” that is, leading the young to truth as an act of love.
o In this way reason and truth remain united and the young enjoy authentic freedom in relation to truth, and “once their passion for the fullness and unity of truth has been awakened, young people will surely relish the discovery that the question of what they can know opens up the vast adventure of what they ought to do.”

The Holy Father concluded with encouragement to religious educators, clergy, religious and the whole Catholic community to “account for the hope that characterizes your lives by living the truth which you propose to your students.”

Homily at Holy Mass with priests, men and women religious
in St. Patrick's Cathedral in New York
April 19, 2008

Summary by Rev. Msgr. Kevin Hart


The Stained Glass Windows of St. Patrick’s Cathedral

o Can only be seen and appreciated from the inside. The Holy Spirit illuminates the mystery of the Church “from the inside,” i.e., in the experience of faith and ecclesial life
o From the outside, they are dark, heavy, even dreary. The world tends to look at the Church “from the outside. It seems legalistic and “institutional”
o Challenge: to communicate the joy born of faith and the experience of God’s love.

The Cathedral’s Pure Gothic Style

o “A highly complex structure whose exact and harmonious proportions symbolize the unity of God’s creation.” We need to see all things through the eyes of faith and grasp them in the unity of God’s eternal plan.
o Obstacles: division between different groups, different generations, different members of the same religious family members and the fallout from the sexual abuse scandal.
o Challenge: Turn our gaze together to Christ and move forward in the light of Christ. “This unity of vision and purpose, rooted in faith and a spirit of constant conversion and self-sacrifice, was the secret of the impressive growth of the Church in this country.”

The Vertical Dimension of Gothic Architecture

o The unity of a Gothic cathedral is not static. It is born of a dynamic tension of diverse forces that impel the structure upward, to heaven.
o The Church is a unity of many different members, each with its own role and purpose which leads us to acknowledge and reverence their gifts as “manifestations of the Spirit given for the good of all” bearing in mind the distinction between hierarchical and charismatic gifts.
o “Let us lift our gaze upward…and ask the Spirit to enable us each day to grow in the holiness that will make us living stones in the temple that even now the Lord is raising up in our midst.
o If we are true sources of unity, we must also seek inner reconciliation through penance for our own faults as well as forgiving the wrongs we have suffered and putting aside all anger and contention.

Conclusion: The skyscrapers surrounding it may well dwarf the spires of this cathedral, but they remain a vivid reminder of the human spirit’s constant yearning to rise to God. Let us go forth as heralds of hope in the midst of our world so that the Church in America will know a new springtime in the Spirit and point the way to that other, greater city, the new Jerusalem.

Address to young people and seminarians at St. Joseph Seminary in New York
April 19, 2008
Summary by Rev. Msgr. Robert Panke


The example of holy men and women give us witnesses of ordinary people who grew up to lead extraordinary lives in the service of the Lord.

o Though each had a unique background, their lives were all inflamed with the love of Jesus and therefore were lives of hope and joy.
o Who will be bear witness to the voice of Christ today? Imitating the life of Christ begins by responding to His call in the ordinary places of life.

In every age there are areas of darkness in our lives and society that seek to destroy the path to Christ.

o Darkness of the heart: afflicting those affected by drug and substance abuse, homelessness and poverty, racism, violence and degradation.
o Darkness of the mind: a misused freedom that leads us away from truth and towards relativism. All youth are encouraged to join along the path of goodness and hope which is only found in the light of Christ.

Following Christ

o The way of Jesus is the path to true happiness. It is a vision of hope – Christ’s light beckoning us to be guiding stars for others, walking Christ’s way of forgiveness, reconciliation, humility, joy and peace. Embracing this truth leads us to the consoling knowledge that our faith is not about prohibitions, but the gift of friendship with God.
o The importance of a close and personal relationship with Christ through prayer: Christ is a constant companion to whom we can turn in all moments in life. Silence is an essential component to prayer and all are called to seek silent contemplation. Do not be afraid to listen for the Lord in the silence of your heart, especially in adoration before the Eucharist.
o The work of Jesus, His passion, death and resurrection, is brought into our lives when we celebrate the sacraments, especially at Mass, and during confession. Through the Holy Spirit, Jesus draws us to himself, into his sacrificial love of the Father, which becomes love for all.
o When we look at Jesus on the cross we come to know His radical love and the need for charity in our lives. Each young person is called to respond to the needs of our world today, filled with suffering and in need of compassion and love.

Vocations

o All vocations are a gift from God. Matrimony, Priesthood, and the call to Consecrated Life all have unique characters, blessings and gifts.
o The youth of today are encouraged to seek and embrace with joy their God-given vocation. Jesus Christ is the hope that never disappoints!

Homily at Holy Mass at New York’s Yankee Stadium
April 20, 2008

Summary by Dr. Jem Sullivan


The Church in the United States celebrates the two hundredth anniversary of the Sees of New York, Boston, Philadelphia and Louisville from the mother See of Baltimore, a first great chapter of growth.

o From a small flock and with successive waves of immigrants the Church in America has united diverse peoples in the profession of faith, and has contributed significantly to society through educational, charitable and social works.
o On these solid foundations rises the future of the Church in America.

We recall here a fundamental truth: the Church’s unity has no other basis than the Word of God, made flesh in Christ Jesus our Lord.

o All external signs of identity, all structures, associations and programs, valuable or even essential as they may be, ultimately exist only to support and foster the deeper unity that, in Christ, is God’s gift to his Church.
o The Church’s unity is “apostolic.” It is a visible unity, grounded in the Apostles chosen by Christ and born of “the obedience of faith.”

In a society that rightly places high value on personal freedom words like “authority” and “obedience” are “stumbling stones.” Only with faith in Jesus Christ do we see the fullest meaning, value, and indeed beauty, of these words.

True freedom is found only in a self-surrender that is part of the mystery of love. Jesus tells us that only by losing ourselves do we truly find ourselves. True freedom blossoms when we turn away from sin and find the source of our ultimate happiness in Him who is infinite love, infinite freedom, infinite life.

o Real freedom brings a new and liberating way of seeing reality. When we put on “the mind of Christ” (cf. Phil 2:5), new horizons open before us.
o In faith, within the communion of the Church, we enrich American culture with the beauty and truth of the Gospel and glimpse now a splendid vision of a world transformed by the liberating truth of the Gospel.
o In this land of religious liberty, Catholics are free not only to practice faith, but to also participate fully in civic life, bringing their deepest moral convictions to the public square. The Holy Father exhorted the youth at Dunwoodie to open their hearts to the Lord’s call.

In two hundred years the Church has changed greatly. A strong faith built the network of churches, educational, healthcare and social institutions that are the Church’s hallmark. The steady ministry of priests, the contributions of men and women religious, and parents who hand on the faith to their children. These many “spiritual sacrifices pleasing to God” have been offered up over two centuries, and prompt us to use wisely the blessings of freedom we have been given.
 
Cardinal Bernardin Gantin: Ally of John Paul II who exercised great influence at the Vatican as head of the Congregation for Bishops
The Independent
10:58 20/05/2008
'Jaws dropped," said the veteran Vatican-watcher Fr Thomas Reese of Cardinal Bernardin Gantin's appointment in April 1984 to head the Vatican's Congregation for Bishops. Gantin became – alongside the Nigerian Archbishop Francis Arinze – the most prominent African in the Vatican. Italians or members of other nationalities well represented in the Vatican might have expected this post to be theirs. But the cardinal from Benin in West Africa, who was toiling away quietly at the Vatican's Justice and Peace Commission, was a close friend of Pope John Paul II and shared many of his views.

Cardinal Bernardin Gantin
John Paul was known to take a very close interest in the appointment of bishops, aware that – like presidential appointments to the US Supreme Court – they help shape the future and often provide a legacy of influence. He had a clear preference for candidates who had headed seminaries, were orthodox and publicly supported the exclusive role in ministry of celibate male clergy.

Gantin became one of the few senior clerics with unfettered access to the pope and enjoyed some two hours of close discussion each Saturday evening when John Paul was in Rome. The two could discuss freely the merits and demerits of potential candidates for vacant dioceses and how to tackle bishops due to arrive for the regular five-yearly ad limina visits. Crucially, they also decided when to remove bishops who had fallen out of favour.

The ad limina visits by all the world's Catholic bishops able to travel to Rome gave Gantin a unique perspective on the state of the Church. Each bishop would have only a brief meeting with the pope, but an extended meeting with Gantin, who would summarise the bishop's written report for the pope.

Gantin was born in 1922 in Toffo in Dahomey in the federation of French West Africa. His name meant "tree of iron", which would later be depicted on his coat of arms. The son of a railway worker, the young Gantin entered a seminary at the age of 14. He was ordained priest in January 1951 and taught in the same seminary at Ouidah as well as carrying out pastoral work in his home diocese of Cotonou.

Bernardin Gantin, priest: born Toffo, Dahomey 8 May 1922; ordained priest 1951; Bishop of Tipasa and auxiliary bishop of Cotonou 1957-60; Archbishop of Cotonou 1960-71; named a cardinal 1977; President, Pontifical Justice and Peace Commission 1977-84; President, Pontifical Council Cor Unum 1978-84; Prefect of the Congregation for Bishops 1984-98; died Paris 13 May 2008.


Marked out as a high-flier, Gantin studied canon law in Rome from 1953 to 1956. He was consecrated bishop in 1957 and became Archbishop of Cotonou three years later, the first African to head a see for many centuries. Gantin was a pioneer for the indigenisation of the hierarchy which soon swept Africa just as the colonies gained political independence.

Gantin did not lose his connections in Rome, where he attended the Second Vatican Council (1962-65) and first met the future John Paul II (whom he would back in the second 1978 conclave).

Amid political turmoil in Benin, as Dahomey had become, following the 1970 election and the rise of a Marxist government, Pope Paul plucked Gantin to Rome, reportedly to protect him. He became the number two at what would become the Congregation for the Evangelisation of Peoples. In 1975 he became the number two at the Pontifical Council for Justice and Peace, becoming its president – and a cardinal in 1977. Gantin was the only major appointment during the brief tenure in 1978 of Pope John Paul I, when he was named president of the Vatican's charity Cor Unum.

Gantin dealt with many key appointments at the Congregation for Bishops. He and the Pope often rejected the three nominees on the papal nuncio's shortlist.

In the late 1980s, Gantin wrote to the papal nuncio to Mexico, demanding the resignation of Samuel Ruiz García from his diocese in the southern Chiapas region. Ruiz, who championed the rights of indigenous Indians and had angered the Mexican government, was accused of using Marxist interpretations of the Gospel. The Vatican backed down after widespread protests.

Gantin was the one who ousted the liberal Bishop of Evreux in France, Jacques Gaillot, at a Vatican meeting in January 1995, assigning him to the defunct diocese of Partenia (which Gaillot duly created on the internet). Gaillot compared Gantin's methods to those of the East German Stasi.

John Paul and Gantin deliberately appointed conservative bishops in what they saw as unacceptably liberal dioceses. Conflicts ensued in the Netherlands, Austria and particularly Switzerland.

Gantin played a leading role from 1990 in defending the controversial conservative Bishop Wolfgang Haas of the Swiss diocese of Chur, whose sweeping dismissals of priests and the blocking of the appointment of a new seminary rector had provoked widespread demonstrations. After repeated urging by the Swiss Episcopal Conference to have him removed, Gantin wrote to and even telephoned the Swiss bishops to tell them Haas would stay.

More painful for Gantin was his excommunication of the traditionalist Archbishop Marcel Lefebvre in 1988 for consecrating bishops against the express orders of the pope. The two had known each other in Africa in the 1960s.

Gantin retired from the Congregation for Bishops in 1998. From 1993 until he retired in 2002, Gantin was dean of the College of Cardinals, and would have presided over arrangements for a conclave had that been necessary. He then retired to his native Benin, where he was respected as someone who had made something of himself in distant Rome and to which he had brought John Paul II in 1982.

Tight-lipped, viewed as courtly by some but arrogant by others, Gantin made a brief flurry in retirement when he criticised the careerism of some of his episcopal colleagues. Ironically, Gantin had almost no experience of parish work. But he remained above all loyal to the Vatican where he had spent much of his life.

(Source: Felix Corley, The Independent)
 
Bishop of Vinh Long denounces the government unjustly builds a hotel on the land of St. Paul monastery
J.B. An Dang
11:18 20/05/2008
Church land disputes in Vietnam has come to another episode when Bishop Thomas Nguyen Van Tan of Vinh Long diocese, 135 km South West of Saigon, sends a letter to priests, religious, and lay people of his diocese denouncing that the local government has illegally seized the monastery of Daughters of Charity of Saint Vincent de Paul since 1977, and recently decided to demolish the monastery to build a hotel.

St. Paul Monastery was demolished
A hotel is to be built on the land of the monastery
On a letter read in all Masses on the last weekend, Bishop Nguyen Van Tan says that the September 7, 1977 was “a day of disaster” for the diocese of Vinh Long. On that day, “the local authorities mobilized its armed force to blockade and raid on Holy Cross College.., St. Paul monastery, and the Major Seminary”, and arrested all those who were in charge of the premises. He, himself, was among the detainees.

Since then, the government has seized these properties and used them for various purposes. Last month, local authorities announced a project to build on the land of 10,235 m2 of the Daughters of Charity of Saint Vincent de Paul a new hotel. Sisters of Vincent de Paul have staged protests at the site, and a group of priests has voiced their protest at the office of the Fatherland Front. Despite all this, the government has not changed its mind. Rather, it “has summoned residents in the town to meetings in which they vow to take strong actions against those who dare to prevent the construction”, the letter says.

The letter goes on with strong words calling the injustice imposed by the government of Vinh Long “a great suffering of Daughters of Charity of Saint Vincent de Paul who have been in Vinh Long since 1871 and have been continuously serving people in the provinces of Ben Tre, Tra Vinh and Vinh Long”. The injustice is also seen by the bishop as “a great suffering of the entire diocese”.

With strong words that probably have never seen in a pastoral letter of Vietnamese bishops, Bishop Thomas urges his priests, religious, and lay people of Vinh Long diocese not to “consent with the decision imposed unjustly by those who have power in their hand.” He even warns them not to “stay silent in the face of this outrage.” “Being silent means complicity and a compromise with injustice”, he explains.

Vinh Long is a province located in the Mekong River Delta of southern Vietnam. Its capital is Vinh Long. Its population is 1,023,400 living on the land of 1,475 km². Its unemployment rate in recent years stays persistently at more than 34%.
 
Land seized from nuns to build a 4-star hotel
Asia-News
17:03 20/05/2008
Land seized from nuns to build a 4-star hotel

by Nguyen Hung

“We cannot accept this solution imposed by those who hold power in their hands. We cannot remain silent because silence at this point in time means complicity and accepting an injustice,” says the bishop of Vinh Long.

Vinh Long (AsiaNews) – A 4-star hotel is set to replace an orphanage if the local authorities in Vinh Long (southern Vietnam) have their way and allow the Saigon Tourist Company to finish construction on land seized from the Saint Paul Congregation’s sisters. Although construction has already started the faithful and the local bishop have reacted with outrage. The bishop also released a letter criticising the government’s unjust action.

“Provincial authorities have begun the construction of a hotel on 10,235 m2 of land that belongs to the Congregation of Saint-Paul,” Bishop Thomas Nguyên Van Tân said. “We cannot accept this solution imposed by those who hold power in their hands. We cannot remain silent because silence at this point in time means complicity and accepting an injustice.”

The sisters of the French Congregation have been in Vinh Long since 1871. They ran a convent and an orphanage on Thi Huynh Street in Vinh Long Town until 1975.

Starting in April 1977 the authorities began seizing land and buildings as part of their drive to “transform society to build socialism”.

On 6 September 1977 they took over the convent/orphanage complex from the nuns, sending away its young inmates, including disabled children.

At the same time they seized other buildings belonging to the diocese, jailing many priests and sending home tens of consecrated people.

Under Resolution 1958 of the People’s Committee in Cuu Long province, the convent/orphanage compound was supposed to become a provincial hospital with a paediatric ward. This however never happened.

For the past six years the nuns have been trying to the get the land and the building back in order to use for its original purpose, namely to house and help abandoned and disabled children. But their efforts have met with no response. Instead a 4-star hotel is now supposed to rise on the same spot.

“When the People’s Committee meets they are full of slogans about the people, for the people, of the people; but nothing happens,” said an old farmer. “Their slogans are old and empty. We have been waiting for 40 years to get a bit of the good life, in vain.”

What is more the local population has been threatened with measures that might be taken against anyone opposed to the government’s decision.
 
Suore espropriate di un orfanotrofio per costruire un hotel a 4 stelle
Asia-News
17:04 20/05/2008
Suore espropriate di un orfanotrofio per costruire un hotel a 4 stelle

di Nguyen Hung

Il vescovo di Vinh Long: “non possiamo accettare la soluzione imposta da coloro che hanno il potere nelle mani. Non possiamo neppure tacere, perché il silenzio, in questo momento, significherebbe complicità e accettazione dell’ingiustizia”.

Vinh Long (AsiaNews) – Un hotel a 4 stelle al posto di un orfanotrofio. È quanto ha deciso il governo locale di Vinh Long (nel sud del Vietnam) assegnando un terreno di proprietà delle suore di St Paul de Chartres all’azienda turistica Saigon Tourist Company. I lavori sono iniziati oggi ma cresce sempre più l’indignazione dei fedeli e del vescovo della diocesi, che ha diffuso una lettera di critica alle ingiustizie del governo.

“Il potere provinciale – scrive in proposito il vescovo Thomas Nguyên Van Tân – ha deciso di avviare i lavori sui 10.235 metri quadrati del terreno” delle suore. “Noi – aggiunge – non possiamo accettare la soluzione imposta da coloro che hanno il potere nelle mani. Non possiamo neppure tacere, perché il silenzio, in questo momento, significherebbe complicità e accettazione dell’ingiustizia”.

Le suore della congregazione francese sono a Vinh Long dal 1871 e fino al 1975 hanno mantenuto nella via To Thi Huynh della città un grande complesso usato come convento e come orfanotrofio. Nell’aprile del ’77, per “trasformare la società verso il socialismo”, le autorità hanno varato una politica di requisizione di terre ed edifici. Il 6 settembre 1977 essi hanno requisito il convento e l’orfanotrofio delle suore, mandando via i giovani ospiti e perfino i bambini handicappati. Negli stessi giorni sono stati requisiti diversi edifici della diocesi, imprigionando molti sacerdoti e rimandando a casa decine di persone consacrate.

Secondo la risoluzione 1958 del Comitato del popolo di Cuu Long, la provincia in cui si trova Vinh Long, il convento e l’orfanotrofio veniva espropriato per essere usato come “ospedale pediatrico e ospedale per la provincia”. Ciò che non è mai avvenuto.

Da almeno 6 anni le suore chiedono indietro il terreno e l’edificio per farlo tornare all’uso primitivo, cioè per accogliere bambini abbandonati e portatori di handicap. Ma esse non hanno mai ricevuto risposta. Oggi sono iniziati i lavori per costruire l’albergo a 4 stelle.

Un anziano contadino commenta: “ Gli incontri del Comitato sono pieni di slogan come: ‘Del popolo, dal popolo, per il popolo’. Ma niente di tutto questo succede. I loro slogan sono vecchi e vuoti. Da più di 40 anni attendiamo giustizia e un minimo i benessere, ma invano”.

La popolazione è stata minacciata: “misure saranno prese” conto coloro che si opporranno alla decisione governativa.
 
Vietnam: Church protests at government plans to demolish monastery
Independent Catholic News
18:37 20/05/2008
Tensions between the Catholic Church and government are growing after the local government announced plans to build a hotel on land seized after the Vietnam War.

Bishop Thomas Nguyen Van Tan of Vinh Long diocese, 135 km South West of Saigon, has sent a letter to priests, religious, and lay people of his diocese denouncing the decision to pull down the monastery of the Daughters of Charity of Saint Vincent de Paul.

In the letter read in all Masses on the last weekend, Bishop Nguyen Van Tan says that September 7, 1977 was "a day of disaster" for the diocese of Vinh Long. On that day, "the local authorities mobilized its armed force to blockade and raid on Holy Cross College.., St. Paul Monastery, and the Major Seminary", and arrested all those who were in charge of the premises. Bishop Thomas was among the detainees.

Since then, the government has kept the properties, using them for various purposes. Last month, local authorities announced a project to build a hotel on the land of 10,235 m2 of the Daughters of Charity of Saint Vincent de Paul. The Sisters have staged protests at the site, and a group of priests has voiced their protest at the office of the Fatherland Front. Despite all this, the government has not changed its mind. Rather, it "has summoned residents in the town to meetings in which they vow to take strong actions against those who dare to prevent the construction", the letter says.

Vinh Long is a province located in the Mekong River Delta of southern Vietnam. Its capital is Vinh Long. Its population is 1,023,400 living on the land of 1,475 km. Its unemployment rate in recent years stays persistently at more than 34%.

The text of the letter follows.

Vinh Long, 18 of May 2008

To priests, religious, and lay people of Vinh Long diocese,

Dear Brothers and Sisters in Christ,

I am writing this letter in response to your great concerns relating to the Major Seminary on Nguyen Hue street; and to the solicitude of Sisters of Charity of Saint Vincent de Paul for their monastery on To Thi Huynh street (previously known as Nguyen Truong To).

The September 7, 1977 can be seen as a day of disaster for the diocese of Vinh Long. On that day, the local authorities mobilized its armed force to blockade and raid on Holy Cross College on Pham Thai Buong street (formerly known as Khuu Van Ba), St. Paul monastery, and the Major Seminary. Then, they seized all these properties and arrested those who were in charge of the premises. I myself was among the detainees.

Representatives of the Provincial Superior of Daughters of Charity of Saint Vincent de Paul and the Bishop office have repeatedly sent petitions to local and central governments. However, these petitions have gone unanswered. Recently, local government of Vinh Long province has issued a decree to build a hotel on the land of 10,235 m2 of the Daughters of Charity of Saint Vincent de Paul. Despite the protest of priests at the office of the Fatherland Front, the government has summoned residents in the town to meetings in which they vow to take strong actions against those who dare to prevent the construction.

It is a great suffering of Daughters of Charity of Saint Vincent de Paul who have been in Vinh Long since 1871 and have been continuously serving people in the provinces of Ben Tre, Tra Vinh and Vinh Long. It is also a great suffering of the entire diocese. We cannot consent with the decision imposed unjustly by those who have power in their hands, neither we can stay silent in the face of this outrage. Being silent means complicity and a compromise with injustice.

I am convinced that you will be united with each other, and be persistent for justice. In the spirit of solidarity, I ask you to pray earnestly for the diocese and Daughters of Charity of Saint Vincent de Paul so that we soon overcome these difficulties. Every day, please be united in prayer with us by singing three Hail Mary and the Peace Prayer of St Francis of Assisi.

In Christ,

+ Bishop Thomas Nguyen Van Tan

Bishop of Vinh Long
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Kỷ niệm 20 năm thành lập Liên Đoàn Thiếu Nhi: Nữ Vương Hòa Bình tại Sydney
Maria Phạm Vũ Đoan Trang
09:56 20/05/2008
Mừng kính trọng thể Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Bổn mạng Phong Trào TNTTVN.

SYDNEY -- Sáng Chúa Nhật ngày 18 tháng 5 năm 2008 là một trong những ngày đặc biệt nhất trong lịch sử của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể tại Sydney, Úc Châu. Ban Chấp Hành Liên Đoàn tổ chức ngày lễ mừng Bổn Mạng Phong Trào TNTTVN, và cũng là ngày kỷ niệm 20 năm thành lập Liên Đoàn Nữ Vương Hòa Bình tại Sydney. Mặc dù những dự báo thời tiết mấy ngày trước đó đã báo rằng, Chúa Nhật này trời mưa, gió lạnh thổi mạnh, cao nhất là16 độ Celcius trong ngày, nhưng các Huynh Trưởng vẫn đồng lòng cương quyết tổ chức ngày mừng Bổn Mạng như đã dự định. Có lẽ vì các Trưởng thiếu niềm tin vào Chúa vì ngày mừng lễ Bổn Mạng năm vừa rồi 2007, đã bị “cancelled” vì cả tuần trước đó đã bị mưa ầm ỹ, nhưng rồi tới ngày mừng Bổn Mạng thì trời lại …. nắng tốt đẹp, nên lần này rút kinh nghiệm của năm trước, các Trưởng đã thêm lời cầu nguyện và đặt niềm tin vào Chúa, và kỳ diệu thay, ngày mừng Bổn Mạng năm nay Chúa Thánh Thể đã ban cho một ngày rất đẹp trời, thật lý tưởng cho chương trình sinh hoạt của Liên Đoàn đã được dự định trong ngày này.

Trước 9 giờ sáng, đại đa số các Huynh Trưởng và các em đoàn sinh đã có mặt tại Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại vùng đất thơ mộng tên Bringelly. Với trên 500 đoàn sinh, trên 100 Huynh Trưởng của 7 Xứ Đoàn thuộc Liên Đoàn và rất đông quan khách và phụ huynh đến tham dự, đặc biệt năm nay lại có thêm sự hiện diện của Huynh Trưởng và các em Xứ Đoàn Phêrô-Phaolô vùng Wollongong cùng đến tham dự đã làm cho số Huynh Trưởng và đoàn sinh phá kỷ lục là con số tham dự đông đủ nhất từ trước tới nay.

Vào đúng 9:00 sáng, Huynh Trưởng và các em đã so hàng chuẩn bị xong, và cùng với Cha Tuyên Úy Đặc Trách Liên Đoàn, quý Sơ Trợ Úy, quý Quan khách và qúy Phu huynh đã nghiêm trang tham dự vào nghi thức chào cờ Úc, cờ Việt Nam Cộng Hòa, cờ Liên Đoàn và các Xứ Đoàn. Sau đó Cha Tuyên Úy Đặc Trách Liên Đoàn Nguyễn Văn Tuyết đã chia sẻ câu chuyện dưới cờ và đồng thời long trọng tuyên bố khai mạc ngày lễ mừng Bổn Mạng Phong Trào. Sơ Trợ Úy Liên Đoàn, Đoàn Thị Phục cũng đã nhắc nhở Huynh Trưởng và đoàn sinh một số luật lệ cần biết để có một ngày sinh hoạt thật vui, trật tự và kỷ luật. Một số Huynh Trưởng thuộc xứ đoàn La Vang đã mở màn đầu tiên bằng biểu diễn múa lân rất điêu luyện đã làm sôi động bầu không khí trong lúc đó.

Các em đoàn sinh được chia nhóm theo các Ngành dưới sự hướng dẫn của các Ủy Viên Liên Đoàn để ăn sáng và phát phiếu để tham dự vào trò chơi của các gian hàng. Trong khi đó rất đông các Huynh Trưởng phụ trách đã có mặt tại gian hàng của mình để sắp xếp các trò chơi, trình bầy những giải thưởng...v.v. để đúng 10:00 giờ sẽ đón nhận các em đến chơi tại gian hàng của Xứ Đoàn mình.

Các em nhỏ được ưu tiên ra chơi trước. 7 Xứ Đoàn có gian hàng trò chơi riêng của mình, mỗi cái có đặc điểm riêng của nó. Liên Đoàn cũng đã mướn một cái jumping castle cho các em nhỏ nhảy. Sau khoảng 2 tiếng, những giải thưởng đã dần dần biến vào tay các em. Nhiều em ôm hai ba giải thưởng, nhiều em đoạt được giải nhỏ, nhiều em được sơn mặt facepaint, hay xịt tóc nhiều màu. .. nhưng đặc biệt nhất là tất cả các em đều rất vui với những tiếng cười thật rộn rã.

Sau khi những trò chơi đã kết thúc, Huynh Trưởng đã mau chóng dọn dẹp những gian hàng, lượm rác trên sân cỏ, và chuẩn bị tham dự Thánh Lễ. Trong khi Sơ Trợ Úy Vũ Lành Hải và một số Huynh Trưởng ôn lại cho các em cách thức cung nghinh Phúc Âm, đọc các bài đọc và lời nguyện giáo dân, thì ở trong nhà bếp cũng khá nhộn nhịp, có một số Trưởng, phụ huynh, cựu Huynh Trưởng và ân nhân đang nhịp nhàng chuẩn bị cho bữa ăn trưa sau Thánh lễ.

Trong khi mọi người đang lo chuẩn bị cho Thánh Lễ và bữa ăn trưa, ngoài những phụ huynh, giảng viên giáo lý và cựu Huynh Trưởng đã tới từ sáng, lại có nhiều qúy vị quan khách thuộc Ban Thường Vụ, Ban Mục Vụ các giáo đoàn, các Phong Trào Đoàn Thể trong Cộng Đồng, Ban Tổ Chức WYD4VN, cựu Huynh Trưởng, qúy vị ân nhân, giảng viên giáo lý. ..v.v. đã tới để cùng dự Thánh Lễ mừng Kỷ Niệm 20 năm Thành Lập Liên Đoàn.

Vì qúa đông người nên hội trường Chúa Chiên Lành đầy chật. Các em ngồi ở dưới đất ở phía trước, qúy vị quan khách ngồi trên ghế ở phía sau và 2 cánh gà của hội trường. Thánh Lễ đã do Cha Tuyết chủ tế cùng với quý Cha, Cha Liêm, cha Hoạch và Cha Huy đồng tế. Thánh lễ diễn ra rất long trọng và trang nghiêm. Vì năm nay cũng là năm mà Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ đến Sydney, để hiệp thông và cầu nguyện cho Đại Hội được thành công tốt đẹp, 2 Huynh Trưởng đã hát lại bài chủ đề của Đại Hội “Hãy Lãnh Nhận Thần Lực”. Thánh lễ được kết thúc bằng đôi phút chầu Thánh Thể để cảm tạ Chúa cho những hồng ân Chúa đã ban cho Phong Trào qua Liên Đoàn trong 20 năm qua.

Sau Thánh Lễ là giờ ăn trưa. Huynh Trưởng xếp hai bàn dài trong nhà bếp để phân phối thịt nướng, hot dog, mì xào, rau xà lách... v.v cho các em. Sau khi phân phối xong, Huynh Trưởng ăn cho nhanh, rồi lại đứng lên dọn dẹp và chuẩn bị qua phần kế tiếp là chương trình văn nghệ.

Một lần nữa các em, các Trưởng, và quý quan khách vào hội trường Chúa Giêsu Chiên Lành để cùng xem văn nghệ. Tiết mục đầu tiên là một bài hợp ca do các Trưởng trong Ban Quản Trị các Xứ Đoàn hát, có tựa đề "Hai Mươi Năm Hành Trình" cho Cha Paul Chu Văn Chi sáng tác. Kế theo là kịch câm của Xứ Đoàn Kitô Vua đã mang đến nhiều tiếng cười. Các em thuộc Xứ Đoàn Hiển Linh ra điệu múa dịu dàng với áo dài khăn đống. Xứ Đoàn Fatima nhắc nhở mọi người lấy Chúa Giêsu làm idol của mình, còn Xứ Đoàn Simon Hòa diễn ra một cuộc chiến đấu giữa Chúa Giêsu và Satan. Xứ Đoàn La Vang diễn vở kịch hai vợ chồng và các em Nghĩa Sĩ thuộc Xứ Đoàn Giuse Tuấn hát liên khúc một số bài tiếng Anh. Xứ Đoàn Giuse Cảnh múa điệu hip hop, tượng trưng cho sự phát triển của các em Thiếu Nhi từ Tuổi Thơ lớn lên thành Huynh Trưởng và cuối cùng Xứ Đoàn Phêrô-Phaolô đã ra trò chơi làm những động tác để cho các em đoán và tằng quà cho các em đoán trúng.

Chương trình văn nghệ đã kết thúc một ngày sinh hoạt vui chơi cho các em. Các Huynh Trưởng phụ trách lo dọn dẹp, hút bụi, cleanup những khu sinh hoạt. Một số Huynh Trưởng khác phát cho các em áo sinh hoạt, đặc biệt để kỷ niệm 20 Năm thành lập Liên Đoàn. Huynh Trưởng, quý Quan khách, quý phụ huynh cũng đã nhận được cuốn Đặc san, ghi chép lại lịch sử và những điểm son đã thành đạt được của 8 Xứ Đoàn và Liên Đoàn. Sau nghi thức hạ cờ, Cha Nguyễn Văn Tuyết tuyên bố kết thúc ngày mừng Bổn Mạng Phong Trào.

Một ngày mừng Bổn Mạng đã hoàn tất một cách thành công tốt đẹp và đáng khen ngợi. Anh Liên Đoàn Trưởng Nguyễn Ngọc Khiêm trong Thánh Lễ đã đại diên cho Huynh Trưởng và các em trong Liên Đoàn nói lên lời hân hoan chào đón quý Cha, quý Sơ, quý Ân nhân, quý Quan khách, quý Phụ huynh, anh chị cựu Huynh Trưởng đã đến tham dự chung với Liên Đoàn trong ngày hôm nay. Anh đã gửi lời cám ơn đến mọi người và xin hãy tiếp tục thương yêu nâng đỡ và thêm lời cầu nguyện cho Liên Đoàn sẽ mãi được thăng tiến tốt đẹp trong những chặng đường kế tiếp.
 
Thư Mục Vụ của Đức GM giáo phận Thái Bình
+ GM FX. Nguyễn Văn Sang
10:26 20/05/2008
THƯ MỤC VỤ CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN THÁI BÌNH
NHÂN DịP THÁNG VÀ LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
QUAN THẦY GIÁO PHẬN THÁI BÌNH


Kính thưa các cha,
các nam nữ tu sĩ, các chủng sinh
và anh chị em giáo hữu thân mến.

Về ý nghĩa nội dung sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu tôi đã đề cập tới nhiều lần trong các Thư chung trước đây, hoặc trong một số bài giảng, nên trong thư này, tôi chỉ xin giới thiệu một số thực hành trong Giáo phận để mọi người tuân giữ.

Trước hết, chúng ta phải cảm tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu là suối nguồn ban ơn phúc.

Từ khi về nhận phục vụ Giáo phận, tôi đã nhất quyết tôn Thánh Tâm Chúa Giêsu là Đấng Bảo Trợ Giáo phận và đã được Thánh Tâm ban muôn ơn phúc trong suốt gần hai chục năm qua. Các ơn đó, các đấng bậc trong giáo phận đã cảm nghiệm bằng các bài phát biểu nhân dịp các lễ lớn, như: Ba Năm Thánh Tạ Ơn, các lễ mừng 70 năm Giáo phận, lễ Cung hiến Thánh đường Chính Tòa Thái Bình v.v...

Chúng ta lại được các kết quả thực tế, tai nghe mắt thấy tỏ tường, như: một số lớn các nhà thờ được xây dựng, một số lớn các giáo họ được nâng lên hàng giáo xứ, số linh mục và nam nữ tu sĩ đông thêm, các hội đoàn phát triển và anh chị em giáo hữu thêm lòng sốt sắng giữ đạo. Các ơn lành đó là chính các ơn do Chúa hứa ban cho những ai có lòng tôn sùng và kính mến Thánh Tâm Chúa, trong Giáo phận này cũng như ở mọi nơi trong mọi thời.

Vậy, để duy trì và đẩy mạnh lòng tôn sùng quý báu đó trong giáo phận, tôi đề nghị mấy việc thực hành sau đây:

1- Ngày 22 tháng 5 năm 2008 là chính ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa trong Giáo Hội (lịch Công giáo trong giáo phận Thái Bình bỏ sót).

Mình Máu Thánh Chúa Giêsu là để biểu dương Tình Yêu khôn tả của Thánh Tâm Ngài, đã “hy sinh đến tận cùng” vì loài người chúng ta.

Để xác định điều đó, Chúa Giêsu đã lấy hình Thánh Tâm Chúa hiện ra trong Mặt Nhật đựng Mình Thánh, và truyền cho bà thánh Maria Magarita xin cùng Hội Thánh lập lễ Thánh Tâm vào ngày cuối cùng trong tuần Bát nhật kính Thánh Thể, từ ngày thứ Sáu tiếp theo như lịch Công giáo ngày nay.

Vậy nên trước khi mừng lễ Thánh Tâm, Giáo phận chúng ta hãy mừng lễ kính Mình Máu Thánh Chúa thật trọng thể trong ngày 22/05/2008. Ngày đó tất cả các cha không làm lễ, mà phải cùng với giáo hữu mình đang phục vụ, tề tựu ở nhà thờ Chính Tòa, cùng với Đức Giám Mục dâng Thánh lễ Đại trào vào hồi 17 giờ, sau đó sẽ rước Mình Thánh trọng thể qua các nơi sẽ ấn định.

Ngày Chủ nhật kế tiếp là ngày kính trọng thể phép Thánh Thể, các cha xứ cũng buộc phải đi rước như vậy: có thể qua các phố phường, làng mạc, và nếu có thể được, nên thu xếp với các vị có thẩm quyền sở tại.

Lý do việc rước Thánh Thể trọng thể trong ngày này, là do chính Hội Thánh muốn như vậy khi lập lễ Mình Máu Chúa.

Trong các thế kỷ trước, một số người chủ trương Chúa chỉ hiện diện trong bánh và rượu trong Thánh lễ mà thôi. Hết lễ là hết sự hiện diện. Nhưng Hội Thánh đã dạy ngược lại rằng: khi nào còn Hình Bánh và Hình Rượu, thì Chúa vẫn hiện diện. Cho nên sau lễ, Chúa vẫn hiện diện trong Hình Bánh và Hình Rượu. Hội Thánh truyền rước Thánh Thể ra ngoài Nhà thờ, nếu có thể qua các làng mạc, phố phường để chứng minh cho thiên hạ biết sự hiện diện của Thánh Thể, mà ban phúc lành cho mọi nơi Người được rước qua.

Hiểu Thánh Thể như vậy là cuộc rước chính Chúa Giêsu Kitô, gồm cả Thiên tính và nhân tính, như Chúa Giêsu vinh quang sống lại đang ngự bên hữu Đức Chúa Cha trên thiên đàng, khác xa các cuộc rước kiệu khác: chỉ là gỗ, đá tạc lên tượng trưng, dù là Đức Mẹ hay các Thánh Quan thầy.

Các xứ trong các hạt nên làm các xe hoa (xe ôtô), chủ đề là Phép Thánh Thể. Mỗi hạt làm ít là một xe để đem lên thông công cuộc rước kiệu ở nhà thờ Chính tòa Thái Bình vào chiều ngày 22/5/2008. Riêng nhà thờ Chính tòa (có thể kết hợp với xứ Sa Cát, Cát Đàm, Nghĩa Chính thuộc thành phố) làm một xe rước đặc biệt để rước Mình Máu Thánh.

Đức Giám Mục tuổi đã cao, sức yếu, đôi chân mệt mỏi, song muốn chủ sự cuộc rước ít ra là lần cuối trong đời mục tử phục vụ giáo phận của mình. Vì vậy, nên làm xe hoa bằng xe hơi, có trang hoàng đẹp đẽ, để chỗ cho Đức Giám Mục chủ sự đứng (hoặc ngồi) suốt trên quãng đường xa.

Cuộc rước sau lễ sẽ hội tụ tại sân thánh đường, chầu trọng thể rồi cộng đoàn sẽ lĩnh phép lành.

Mong năm Hồng Đào với cỗ Đại Xa Thánh Thể, chúng ta mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa đặc biệt và sốt sắng hơn.

Chúng tôi cũng thông tin cho mọi người biết: Đền Thánh Tử Đạo xứ Đông Phú đã được Đức Giám Mục ban phép chầu Mình Thánh Chúa liên lỉ suốt ngày đêm, là Trung tâm của giáo phận chầu Thánh Thể. Xin các cha, nam nữ tu sĩ, các hội đoàn cắt lượt nhau tới chầu Chúa Giêsu Thánh Thể cho sốt sắng.

2- Thứ Sáu tiếp theo là ngày 30/5/2008, chính ngày lễ kính Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu, là Quan Thầy bảo trợ Giáo phận.

Ngày lễ này Đức Giám Mục cũng dâng lễ Đại trào vào hồi 9 giờ sáng, tại nhà thờ Chính tòa Thái Bình. Chúng ta cũng mừng thật trọng thể và đặc biệt như sau:

Chiều thứ Năm trước ngày lễ: các linh mục, nam nữ tu sĩ, nếu có thể thì cả các vị trong Ban Hành giáo các xứ (đại diện) là những thành phần phục vụ ưu tú của giáo phận, được Thánh Tâm Chúa yêu thương cách riêng, sẽ hội nhau ở Tòa Giám Mục từ 7 giờ chiều thứ Năm tới 7 giờ sáng thứ Sáu hôm sau, để thay phiên nhau chầu Thánh Thể suốt đêm.

9 giờ sáng thứ Sáu, mọi người cùng nhau ra nhà thờ Chính tòa dâng lễ. Sau lễ chầu 1 giờ để cùng với Đức Giám Mục dâng lại giáo phận cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Xin mọi đấng bậc liên hệ có mặt trong các giờ nói trên, để tỏ lòng yêu mến, đặc biệt tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Anh chị em rất thân mến,

Kể từ ngày tôi về phục vụ giáo phận Thái Bình tới nay đã được 17 năm, với tuổi đời 77, tôi đã nộp đơn xin từ chức theo Giáo luật, và đã được chấp nhận với điều kiện tìm được đấng kế vị, tấn phong và bàn giao quyền năng cho ngài. Tôi tin rằng, vào thời gian tới tháng 6 năm 2008, phái đoàn Tòa Thánh sang công tác tại Việt Nam, sẽ sớm giải quyết việc đấng kế vị tại giáo phận Thái Bình, lúc đó tôi sẽ được nghỉ các công việc mục vụ vào tháng 8 năm nay. Vì muốn cho giáo phận ổn định, tạo điều kiện cho đấng kế vị điều khiển công việc, nên sau khi đã bàn bạc với ban Cố vấn và một số thành phần trong giáo phận, tôi sẽ chuyển đổi một số các cha, đa số là lớn tuổi, hoặc đã ở lâu năm tại giáo xứ (trên 10 đến 20 năm) tới nơi mới, xứng hợp với tuổi tác và năng lực của các ngài hơn, để các ngài làm ích hơn nữa cho giáo phận. Xin mọi người cầu nguyện cho các vị đó vui vẻ và an tâm chấp nhận, như những cộng tác viên chặt chẽ, như cánh tay nối dài của Giám Mục, được phó thác trong tay Chúa và Đức Mẹ, được dự lễ Vượt qua thánh thiện tới Phục sinh an bình tốt đẹp.

Văn phòng Tòa Giám Mục sẽ công bố danh sách đó cho mọi người được biết, song song với các văn bản đề nghị kèm theo đúng với sắc lệnh của Ban Tôn Giáo chính phủ.

Đến đây, tôi xin mượn lời của Thánh Phaolô khi từ giã dân thành Epheso để chấm dứt lá thư mục vụ thân thiết này:

“Anh chị em biết từ ngày đầu tiên đặt chân đến Axia, tôi đã luôn cư xử với anh chị em thế nào: khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần rơi lệ, đã gặp bao thử thách... Anh chị em biết tôi không bỏ qua một điều gì có ích cho anh chị em; trái lại tôi đã rao giảng cho anh chị em nơi công cộng, cũng như tại chốn tư gia...

Giờ đây tôi xin phó thác anh chị em cho Thiên Chúa và cho Lời ân sủng của Người, là Lời có sức mạnh và ban cho anh chị em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến” (Cv 20, 17 - 20; 37).

Xin mọi đấng bậc, mọi người trong giáo phận hãy cầu nguyện nhiều cho tôi vẫn còn là Giám Mục giáo phận Thái Bình, trong thời gian Chúa muốn.

Thái Bình ngày 13/5/2008.

Giám Mục Giáo phận Thái Bình
 
Sinh viên Huế Gặp Gỡ Bế Giảng năm học tại Dòng Thánh Tâm
Josephus Nguyễn Đông
10:44 20/05/2008
HUẾ - Chủ Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi vừa qua (18/5/2008), gần 1.000 bạn sinh viên Công giáo đang học tại Huế đã có buổi Gặp Gỡ Bế Giảng năm học 2007-2008 tại Dòng Thánh Tâm, cách Hà Nội 660 Km về phía Nam.

Cha Đỗ Minh Liên chào mừng
Lễ Bế Giảng năm nay với chủ đề: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Người Con Một”, (Ga 3,16) thêm một lần nữa mời gọi các bạn sinh viên: Hãy sống với tình yêu của Thiên Chúa.

Đang cuối mùa thi, nên chương trình sinh hoạt được rút gọn cho phù hợp; nhưng không vì thế mà giảm đi số lượng người tham gia. Đúng 14 giờ 30 phút, hội trường Dòng Thánh Tâm đã chật kín (mọi người phải ngồi ra cả hành lang) và nóng lên bởi tiếng vỗ tay chào mừng.

Sau lời chào mừng của sinh viên đại diện. Cha quản xứ giáo xứ Bến Ngự-Dòng Thánh Tâm, G.Êmiliani Đỗ Minh Liên thay mặt hội Dòng, có đôi lời với cộng đoàn: “Hôm nay là ngày vui của Hội Dòng chúng tôi nói riêng và của các bạn sinh viên Công Giáo nói chung. Với tư cách là một Linh mục quản xứ, tôi xin chào mừng và gửi lời cảm ơn tới quý cha, quý sơ, cùng toàn thể các bạn sinh viên đang quy tụ về đây để chung chia niềm vui này. Mấy ngày nay, thấy anh em trong Dòng rộn ràng chuẩn bị cho ngày gặp mặt, phần nào thấy được không khí của ngày Bế Giảng và tôi dám chắc từ giờ đến tối sẽ là cao điểm của niềm vui”. Cha cũng nhắn nhủ thêm: “Mọi người hãy hết lòng vui mừng và đón nhận tình thương yêu trong Hồng ân của Chúa”.

Đáp lại lời cha Minh Liên, cha Đặc trách sinh viên Huế, Antôn Nguyễn Văn Tuyến, nói: “Đến với cộng đoàn Dòng Thánh Tâm, mỗi sinh viên cảm nhận được một mái ấm thực sự của mình”. Cha cũng thay lời cho quý cha, quý sơ, các sinh viên trong Ban đặc trách và toàn thể các bạn sinh viên, tri ân cộng đoàn Nhà Dòng: “Chúng ta đến đây, thấy được sự tận tâm chu đáo và bầu khí sống động của quý Cha quý Thầy và anh em Đệ tử, đó chính là tình thương mà cộng đoàn dành cho mỗi người chúng ta.” Ngài cũng nói với các bạn sinh viên: “Những ngày này là những ngày đặt tâm trí vào việc thi cử nhưng các con vẫn đến đây với trọn niềm tri ân. Đó là niềm tri ân bất tận dành cho Thiên Chúa là tình yêu”.

Giữa tiếng hò reo của các bạn sinh viên, sơ Thécla Trần Thị Giồng bồi hồi nói lên tâm trạng của mình: “Đến với sinh viên Huế lần này, sơ có dịp làm cho mình trẻ lại qua khí thế của sinh viên Huế. Đây là điểm đặc biệt hơn sinh viên các nơi khác mà sơ đã từng tham dự, sơ mong ước các thế hệ trẻ của sinh viên Huế sẽ ngày một phát huy khí thế đó”.

Buổi gặp gỡ được tiếp tục với màn văn nghệ chào mừng của Dòng Thánh Tâm, Phaolô và các bạn sinh viên. Đặc sắc hơn cả là tiết mục “Cây đèn cù” – Dân ca quan họ Bắc Ninh - Đệ tử Dòng Thánh Tâm, những khuôn mặt nam thanh được hoá trang thành nữ tú, những cánh tay cơ bắp, thô kệch bỗng trở nên mềm mại của anh em Đệ tử, đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. “Thật bất ngờ! Mần răng các chú Đệ tử hoá trang và diễn xuất khéo léo rứa - Một bạn sinh viên nói.

“Hành trang vào đời” là đề tài mà Sơ Thécla - Tiến sĩ Tâm lý gửi đến các bạn sinh viên trong lần gặp gỡ này: “Để đạt được những ước mơ, chúng ta phải có một sự chuẩn bị kĩ lưỡng về tri thức, về vốn sống…” - Sơ nói.

Sơ nhấn mạnh đến vai trò của ước mơ: “Ước mơ làm cho bánh xe đời mình chuyển bánh, người nào không có ước mơ thì như là một bầu trời đêm không tinh tú. Vì thế hãy bắt đầu một ước mơ. Ai tràn trề ước mơ người ấy mới đang sống thật sự cho tương lai”. Sơ cũng dặn dò thêm: “Có ước mơ nhưng phải mường tượng trước trong đầu mới có thể thành công. Sống phải có niềm tin, niềm tin là chìa khoá để làm nên những kì công và giúp cho mình sống có ý nghĩa hơn”.

Sinh Viên vui sinh hoạt trong sân Đệ tử viện Dòng Thánh Tâm
Điều mà Tiến sĩ gửi gắm tới sinh viên: “Năng lực là món quà mà Thiên Chúa đã trao ban cho mỗi người, vì thế hãy làm hết mình để thực hiện được ước mơ hầu đền đáp được ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy và đáp trả lại hồng ân của Thiên Chúa”.

Lời cuối, sơ Thécla cũng cầu Chúa cho các bạn sinh viên: “Dù đi đâu, làm gì cũng luôn giữ được trái tim trẻ thơ, đó là trái tim nhạy cảm và ngập tràn tình yêu.”

Khi được hỏi về tâm trạng khi tham dự buổi gặp gỡ bế giảng SVCG lần này, Cha Anphong Nguyễn Hữu Long - Đại Chủng Viện Huế, tâm sự: “Lời của sơ Thécla nói rất đúng, vì giới trẻ ngày nay sống không có định hướng”. Cha cũng gửi gắm tới các bạn sinh viên: “Hãy sống có định hướng vừa về tri thức và vừa về tinh thần sống đạo. Mỗi người phải là chứng tá cho Thiên Chúa giữa cuộc đời để giúp ích cho Giáo Hội và cho xã hội”.

Còn cha Phaolô Nguyễn Xuân Đường – Giám đốc Đệ tử Viện, Dòng Chúa Cứu Thế - Huế, cho biết: “Buổi gặp gỡ cuối năm này là một khoảnh khắc để chúng ta nhìn lại một chặng đường, để suy tư, phản tỉnh về những gì mình đã trải qua, biết loại bỏ những gì không phù hợp để sống hướng tới tương lai. Đối với mỗi bạn sinh viên, tương lai luôn ở phía trước, hãy bỏ đi tất cả sự bi quan, chán nản và vững tin vào chính mình để đạt được mục tiêu mình đã đề ra”.

Sau những giây phút lắng nghe lời chỉ bảo ân cần của quý cha, quý sơ, các bạn sinh viên lại được hoà mình vào không khí sinh hoạt vui tươi với những trò chơi hấp dẫn và lôi cuốn. “Mình rất vui và cảm thấy hạnh phúc khi được sinh hoạt với các bạn sinh viên Huế vì nơi đây đầm ấm hơn, vui nhộn hơn các nơi khác” - bạn Maria Nguyễn Thị Đoan Trinh – Thanh tuyển Dòng Mến thánh Giá Huế, mới từ TP.Hồ Chí Minh ra, tâm sự. Còn bạn Đặng Công Mạo – sinh viên lương dân – cho biết: “Mình thấy tham gia sinh hoạt với các bạn sinh viên Công Giáo rất vui. Các bạn có một sân chơi để tạo nên sự đoàn kết với nhau. Nơi đây như một “Đại gia đình sinh viên” để cùng sống trong tình thương yêu”.

Đức Cha Lê Văn Hồng
Những tiếng hò reo khép lại để nhường chỗ cho bữa cơm chiều thân mật, cùng ăn cơm, cùng tâm sự đã làm cho các bạn sinh viên có cơ hội gần nhau hơn, hiểu về nhau nhiều hơn. “ Chưa bao giờ mình được ăn bữa cơm ngon như thế này” – Thu Hiền – quê Ngệ An cho biết.

Sau bữa cơm, giờ “Tĩnh nguyện Tạ ơn cuối niên khoá” do Đức Cha Phụ Tá Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng chủ sự, được tổ chức ngay tại sân sinh hoạt của Hội Dòng. “Con người chúng ta cần có những giờ phút nghỉ ngơi, vì thế tâm hồn chúng ta cũng cần có những phút tĩnh nguyện. Mỗi người chúng ta hãy đặt mình trước mặt Chúa để nhìn lại con người bất toàn của mình. Nếu không có những giây phút tĩnh nguyện trong Chúa chúng ta sẽ cảm thấy thiếu thốn vì chính nhờ những giây phút này chúng ta làm chủ được con người của mình và cũng nhờ đó hướng chúng ta đến cùng đích của cuộc sống” - Đức Cha Phụ Tá nói.

Chủ sự giờ Tĩnh nguyện

Kết thúc buổi tĩnh nguyện, cộng đoàn cùng hướng về Đức Mẹ, dâng lên Mẹ hai tiếng “Xin vâng” để tôn vinh Mẹ trong tháng hoa và cảm tạ Mẹ vì những lời cầu thay nguyện giúp của Mẹ cho “Gia đình” sinh viên Công Giáo Huế trong suốt năm qua.

Sau giờ tĩnh nguyện bên lòng Chúa, bầu khí buổi gặp mặt càng sôi động hơn với phần vui lửa trại do anh em Đệ tử Dòng Thánh Tâm đảm trách. Qua những phút hồi hộp đợi chờ “Lửa từ Trời”, ánh lửa đã bừng sáng, mọi người cùng nắm tay nhau và ca vang trong niềm hân hoan, phấn khởi.

Giữa ánh lửa trại, Maria Bùi Thuỳ Dung – Thanh Tuyển Dòng Mến Thánh Giá Huế - Vinh, xúc động: “Dung thật bất ngờ và không dám nghĩ đến một đêm lửa trại vui và ý nghĩa như thế này. Dường như có một thứ ánh sáng lạ kì rót vào lòng mình, phải chăng đó là ngọn lửa của tình yêu thương”. Bạn Vũ Thị Minh, Lương dân, cũng bồi hồi tâm sự: “Mình cảm thấy rất vui, thấy được tình thương yêu mà các bạn sinh viên Công Giáo dành cho tất cả mọi người, không kể Lương, Giáo. Có lẽ đây là điểm khác biệt ở các bạn”.

Sinh viên vui lửa trại
Khi được hỏi về việc chuẩn bị cho cuộc gặp mặt lần này, Gioan kim Bùi Khắc Nam - Trưởng Ban điều hành sinh viên Công Giáo Huế - cho biết: “Công tác chuẩn bị cũng tương đối vất vả nhưng may mắn là có sự cộng tác giúp đỡ của Dòng Thánh Tâm nên mới có được sự thành công như bây giờ”. Anh cũng cho biết thêm, trong niên khoá tới Ban điều hành cũng muốn tổ chức một hội trại cho sinh viên, nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa các bạn sinh viên Huế.

Trong buổi lửa trại, Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến - đặc trách sinh viên Huế cũng nhắn gửi tới các bạn sinh viên: “Sau Lễ bế giảng để các con trở về với gia đình, các con cũng hãy chuyển lời của Đức Tổng Giám Mục, Đức Cha Phụ Tá và quý cha, quý sơ trong Ban Đặc trách, rằng: Huế rất thương sinh viên, chăm lo cho sinh viên và muốn cho sinh viên nên người”.Với những nụ cười rạng rỡ, có lẽ cha đang rất vui vì thấy sinh viên Huế lớn lên về Đức tin, về tri thức từ Gia đình sinh viên Công giáo để có thêm hành trang bước vào đời.

Cha cũng căn dặn các bạn sinh viên: “Trong giai đoạn công nghiệp hóa, chúng con sẽ sống xa nhà thờ nhưng Chúa thì không xa chúng ta. Đêm nay chúng ta hãy nhìn lên bầu trời, nhìn vào những ánh sao để thấy được tương lai. Mỗi người hãy cầu nguyện cùng Chúa mỗi ngày để có Chúa ngự trị trong tâm hồn. Chúng ta cần Chúa trong sự nghiệp đời mình”.

Qua đây vị Đặc trách cũng có đôi lời cám ơn tới các cộng đoàn tham dự, đặc biệt là anh em Dòng Thánh Tâm đã tận tình giúp đỡ để buổi Lễ Bế giảng niên khoá năm nay được thành công.

Đáp lại lời của vị Đặc trách sinh viên và trong không khí ngày gặp mặt, thầy Tôma Nguyễn Hữu An Quỳnh, Phó Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Tâm cũng nhắn gửi tới các bạn sinh viên: “Năm học vừa qua, anh chị em đã sống gần thầy cô, gần những người thương yêu. Giờ phút này, chúng ta gặp mặt nơi đây trong ngày Lễ Chúa Ba Ngôi, xin Chúa luôn ngự trị trong những tâm hồn trong trắng. Cầu chúc các bạn một kì nghỉ hè luôn có một người bạn thân là Chúa Giêsu và hãy cư xử với nhau bằng tình thương yêu”.

Buổi Gặp Gỡ Bế Giảng năm học đã kết thúc. Từ Tu Viện Dòng Thánh Tâm, các bạn sinh viên lại toả về muôn nơi giữa trời đêm đang se lạnh, nhưng vẫn nồng ấm và rực sáng lên ánh lửa hồng cháy bỏng trong trái tim của mỗi sinh viên, ngọn lửa tình yêu.

Cầu Chúa luôn ở cùng các bạn!
 
Ngày tôn vinh Thân Mẫu của các Linh Mục, Tu sĩ Nam Nữ tại GP Xuân Lộc
Lê Kim
10:50 20/05/2008
LONG KHÁNH - Nhà thờ Chính Tòa Xuân Lộc sáng Chúa Nhật 18.05.2008 rất đặc biệt, đặc biệt vì tất cả những người từ khắp nơi trong giáo phận đến tham dự thánh lễ do Đức Giám Mục Giáo Phận Đaminh Nguyễn Chu Trinh chủ tế cùng hơn 10 linh mục trong giáo phận hôm nay toàn là thân mẫu của các linh mục và các tu sĩ nam, nữ… Hiện diện trong thánh lễ có 1.061 bà Cố đang sinh sống trong giáo phận nhân dịp cả thế giới mừng Ngày Của Mẹ vào Chúa nhật thứ hai trong tháng năm 11.05 vừa qua (được dời lại một tuần).

Trước thánh lễ, trong phần giao lưu với các bà Cố, linh mục Đaminh Nguyễn Văn Tòng đặc trách giới Hiền Mẫu của giáo phận đã mời các ca sĩ thuộc giới Nghệ Sĩ Công Giáo của Tổng Giáo phận Sài Gòn như: Kim Lệ, Khánh Duy, Thanh Sử, Đông Nghi, Phi Nguyễn trình bày một số bài thơ, bài hát về mẹ rất chân thành và xúc động…

Chia sẻ trong thánh lễ cùng các bà Cố, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh đã nói: “ Thánh Piô X đã nói với mẹ mình: Nhờ chiếc nhẫn cưới của mẹ mà con mới có chiếc nhẫn Giám Mục hôm nay…Tôn vinh ca tụng các bà mẹ cũng là tôn vinh tình yêu của Thiên Chúa vì Thiên Chúa là đấng thành tín, bao dung và quảng đại, những người mẹ cũng vậy! Không thể nói hết bằng lời tấm lòng của người mẹ, có biết bao bài thơ, bài hát ngợi ca tình yêu của người mẹ. Các bà mẹ có thể hy sinh, tảo tần và có thể chết đi cho con mình được sống…Mẹ Maria cũng đã thể hiện tuyệt vời tình mẫu tử, Mẹ hằng lắng nghe, suy niệm lời Chúa…các bà mẹ của các linh mục, tu sĩ nam nữ hiện diện hôm nay cũng vậy! Nhờ sự cầu nguyện, hy sinh những người con ưu tú của các mẹ mà giáo hội của chúng ta có được các linh mục, tu sĩ nam nữ phục vụ cho giáo hội và cho tha nhân… ”

Trước khi kết thúc thánh lễ, một bà cố có ba người con làm linh mục đại diện cho 1.061 bà Cố đã tặng hoa và ngỏ lời cám ơn Đức Cha, quý cha trong ban tổ chức đã có sáng kiến để các bà Cố được một ngày lễ thật vinh dự và hạnh phúc như hôm nay…

Thật vậy, tôi nhận thấy những gương mặt thật rạng rỡ của các bà Cố trong buổi sáng Chúa nhật này, các bà đã đến tham dự ngày hội tôn vinh các bà bằng những bộ áo dài thật đẹp! Cũng cần phải nhắc đến sự nhiệt tình của cha sở nhà thờ Chính Tòa Xuân Lộc, cha đặc trách giới Hiền Mẫu và các cha trong ban tổ chức đã làm cho Ngày Của Mẹ được thêm nhiều ý nghĩa hơn.
 
Mừng sinh nhật 90 năm ĐHY Giuse-Maria Phạm Đình Tụng
Hà Nội
12:23 20/05/2008
HÀ NỘI - Hôm nay 20.05.2008, ngày sinh nhật thứ 90 của ĐHY Giuse Maria Phạm Đình Tụng, nguyên Giám Mục Bắc Ninh, nguyên Tổng Giám Mục Hà Nội.

Gần như suốt cả ngày có các linh mục, tu sĩ và giáo dân đến thăm ngài và chúc mừng ngài.

Chiều hôm qua quý thầy Ban Giám đốc và quý thầy chủng sinh Đại Chủng viện Hà Nội đã đến phòng Đức Hồng Y chúc mừng sinh nhật ngài.

Tối hôm qua, trong khung cảnh gia đình, thân thương và ấm cúng, các cha trong giáo hạt Hà Nội đã quây quần xung quanh Đức Hồng Y, chúc mừng ngài và chia sẻ với nhau những kỷ niệm và những câu chuyện dễ thương liên quan đến ngài.

Chiều nay, 20.05.2008, cha Lôrenxô Chu Quang Minh, cùng quý cha trong TGM và đông đảo các nữ tu Dòng MTG đã đến chúc mừng sinh nhật ĐHY và dâng lễ tạ ơn ngay tại phòng dưỡng bệnh của ngài.

Chúng tôi thấy những ngày vừa qua sức khoẻ của ngài có khá hơn những tháng mùa đông trước đây, dù vẫn phải ăn bằng dây sonde. Tuy tuổi cao, sức yếu lại bệnh tật, nhưng đôi mắt ngài vẫn còn tinh anh, vẻ mặt vẫn hóm hỉnh, đôi khi có những lời ngộ nghĩnh.

Ngài là một trong những đại thụ cuối cùng còn lại cho đến nay của Giáo Hội Miền Bắc.
 
Lễ bế giảng Trường Giáo Lý Việt Ngữ tại gx Chúa Kitô Vua, Texas
Clara Nguyễn Diễm Trang
17:31 20/05/2008
FORT WORTH - Trong niềm vui chung của Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Chúa Ba Ngôi, trường Giáo Lý Việt Ngữ Chúa Kitô Vua – Fort Worth – Texas đã hân hoan tổ chức lễ bế giảng và phát thưởng năm học 2007 – 2008 sau Thánh Lễ Thiếu Nhi lúc 12g trưa như thường lệ. Cha Phạm Hữu Độ vừa mới nhận giáo xứ tuần qua chủ tế Thánh Lễ, cùng đồng tế với Ngài là Cha tuyên úy thiếu nhi Phạm Ngọc Trác. Thánh Lễ thật sốt sắng và đấy ắp tâm tình tri ân: biết ơn Chúa, biết ơn thầy cô, và biết ơn cha mẹ như lời Cha chủ tế nhắn nhủ. Cha đã cho các em bài học “FAMILY” rất quý báu: Father And Mother I Love You”. Ước gì các em học sinh biết yêu mến, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ để mỗi gia đình trở nên thánh thiện như cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa.

Năm học vừa qua với chủ đề “Gặp Gỡ Đức Kitô Hằng Sống”, nhà trường GL – VN Chúa Kitô Vua đã cố gắng không ngừng để dẫn dắt các em từng bước hiểu biết, yêu mến Chúa, và gặp được Ngài qua tha nhân cũng như qua các việc làm hằng ngày. Nhờ ơn Chúa, với sự nhiệt tình của thầy cô giáo và sự phấn đấu liên tục của các em, năm học qua nhà trường đã đạt được những thành quả rất đáng phần khởi như sau:

1.Tổng số học sinh của trường là 377 em. Các em được sắp xếp thành 16 lớp với sự điều hành và hướng dẫn của 34 thầy cô. Trong số 377 hs thì có 89 em xuất sắc được lãnh trophy, 77 em xếp loại giỏi Giáo Lý hoặc Việt Ngữ được lãnh bằng khen.

2. Hai lớp quan trọng nhất là lớp xưng tội rước lễ lần đầu và lớp thêm sức. Năm học này trường Chúa Kitô Vua vui mừng có 33 em vinh dự được rước Chúa lần đầu vào Chúa Nhật tuần tới Lễ Mình Máu Thánh Chúa. Bên cạnh đó, còn có thêm 23 em lớp mười sẽ được lãnh nhận bí tích Thêm Sức vào ngày 8 tháng 6 sắp tới.

3. Năm qua nhà trường đã kết hợp với Đoàn Thiếu Nhi tổ chức các sinh hoạt truyền thống như: Tết Trung Thu với việc tổ chức thi lồng đèn và phát bánh kẹo cho các em. Tết Nguyên Đán mặc dù gx không tổ chức hội chợ nhưng nhà trường vẫn cho các lớp thi đua viết báo và khuyến khích các em đóng góp bài vỡ cho đặc san Xuân của giáo xứ. Qua đó các em đã thể hiện được khả năng viết tiếng Việt rất giỏi.

4. Bên cạnh những sinh hoạt mang tính truyền thống, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động tinh thần cho quý thầy cô và các em. Trong năm qua, nhà trường tổ chức được 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và Kinh Thánh cho các thầy cô. Riêng lớp thêm sức, nhờ sự hướng dẫn của cha Việt Hưng (Baton Rouge) và anh Nhật (Houston) đã tổ chức được 3 ngày tĩnh tâm Ephata cho các em rất sốt sắng và đạt được nhiều ích lợi thiêng liêng phần hồn phần xác. Trong các hoạt động tinh thần, cũng không thể không kể đến chiến dịch “Bát Gạo Tình Thương” mà các em đã cố gắng hy sinh tiền quà bánh để giúp đỡ người nghèo trong Mùa Chay vừa qua.

Trên đây là một số sinh hoạt của nhà trường Chúa Kitô Vua trong năm qua. Mặc dù có những điểm tốt đáng phát huy, nhà trường cũng còn rất nhiều thiếu sót. Nghỉ hè là thời gian tốt để mỗi thầy cô giáo có dịp nhìn lại việc làm của mình trong năm qua và cố gắng khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại để làm sao cho nhà trường xứng đáng là nơi đáng tin cậy để phụ huynh trao phó con em cho chúng ta.

Nguyện xin Chúa Ba Ngôi đổ tràn tình yêu và ân sủng của Ngài trên các thầy cô giáo để chúng con vững bước theo Chúa, luôn hăng say trong sứ vụ rao giảng lời Chúa cũng như góp phần bảo tổn tiếng Viêt và văn hóa Việt cho con em chúng ta. Xin cho các em càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và ân sủng, ngày một lớn lên trong tình yêu Chúa và tha nhân.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tâm sự Trường Mẫu Giáo Măng Non
Măng Non
10:46 20/05/2008
TÂM SỰ TRƯỜNG MẪU GIÁO MĂNG NON
32 BIS NGUYỄN THỊ DIỆU – BÀI 2


Để hiểu được tâm trạng của tôi vào những ngày đầu tháng 4/1975, bạn cứ tưởng tượng có ai đó báo với bạn rằng: trong một tháng nữa, bạn sẽ được giao cho người khác nuôi nấng, bảo ban. Cha mẹ bạn không còn quyền gì trên bạn. Từ đây bạn phải tùy thuộc hoàn toàn vào Mẹ nuôi chứ không phải Mẹ ruột. Mà người mẹ nuôi này lại có rất nhiều con nuôi như bạn, nên chắc chắn sẽ lại giao bạn cho một ai đó “chăm sóc, yêu thương”. Vâng, đó là những tháng ngày đen tối trong đời tôi. Ôi, sao người ta nỡ tâm cắt đứt tình mẫu tử ??? Các từ: chia ly, xa cách, cứ thế gặm nhấm tâm hồn tôi. Lo lắng, buồn phiền xâm chiếm tâm trí tôi. Từ ngày đó, mỗi sáng, khi thức giấc, tôi thầm cầu mong ngày cứ dài thêm đừng kết thúc. Tôi muốn níu kéo để thời gian ngừng trôi. Tôi bịt tai để đừng nghe tiếng tíc tắc của quả lắc đồng hồ đong đưa và bịt mắt để không thấy tấm lịch đang bên sườn mình.

Mẹ tôi như thầm đọc được tâm trạng của tôi nên động viên tôi bằng nhiều cách. Khi thì tâm sự nhỏ to, khi thì ghi những mẫu giấy nhỏ trên bàn làm việc, ngay cả trong quyển ký sự mẹ cố tình bỏ quên trên bàn sau giờ làm việc. Tôi vẫn còn nhớ thuộc lòng những dòng sau đây: “Jardin d’enfant thương mến, năm nay con đã 17 tuổi, mẹ an tâm vì con không còn nhỏ dại. Từ lâu con đã là chỗ dựa của biết bao trẻ thơ nghèo khổ, thơ dại. Mẹ hãnh diện về con ! Dầu cho ai đó nói rằng mẹ con ta nguy hiểm và đáng trách, mẹ cũng không nao núng. Con cũng thế, đừng sợ, hãy tin vào chính mình. Ta vẫn là ta, trước sau như một. Rồi một ngày kia, sự thật sẽ chiến thắng. Con hãy tiếp tục sứ mạng của mình. Mẹ nghĩ rằng, người ta sẽ tiếp tục những gì tốt đẹp mẹ con ta đã khởi sự. Hy vọng người ta sẽ cư xử tốt với con. Niềm vui và hạnh phúc của các trẻ thơ sẽ đong đầy trái tim con, đó cũng là niềm vui và hạnh phúc của mẹ”

Thế rồi, có tin báo, tất cả các linh mục, tu sĩ đang phụ trách các trường tư thục Công giáo phải đi tập huấn. Đây là cách họ muốn thanh tẩy cái đầu của tôi thông qua mẹ tôi. Họ sợ “tàn dư phản cách mạng” của mẹ con tôi sẽ làm hỏng các thế hệ mầm non của đất nước. Theo chương trình 2 tháng tập huấn thì từ nay, các trường học phải ưu tiên xây dựng con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa. Huấn luyện tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư…”, các khẩu hiệu này phải lên truyền thanh, truyền hình, dán vào băng rôn, đặt vào nơi mọi người có thể thấy. Còn mấy cái chuyện nhặt lá rụng trong sân bỏ vào sọt rác, cất ly nước vào đúng ô quy định, đi nhẹ nhàng khi bạn đang ngủ trưa, … đó toàn là chuyện nhỏ xếp vào hàng thứ yếu. Khi đào tạo được con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa, đương nhiên người ta sẽ ứng xử lịch sự, nhân bản…Chỉ có các ma soeur mới lẩm cẩm nhắc đi nhắc lại ba chuyện cỏn con này !

Dầu sao thì tôi cũng vui, vì như thế, tôi vẫn còn cơ hội gặp lại mẹ tôi và một số giáo viên cũ. Bởi sau khi được “bồi dưỡng và tẩy não”, mẹ và các cô được tiếp tục dạy học tại 32 bis Nguyễn Thị Diệu theo điều khoản thỏa thuận tại Thông Cáo Chung 1975 ký kết giữa Tòa Tổng Giám Mục TP Hồ Chí Minh và Sở Giáo dục. Vẫn còn le lói ánh sáng cuối tầng hầm. Tôi thầm nuôi hy vọng suốt đời mẹ vẫn bên tôi. Có mẹ, ai dám ăn hiếp tôi ??? Còn hơn thế nữa, có mẹ, trẻ nhỏ sẽ được học những bài học bằng ngôn ngữ không lời. Các phụ huynh có nơi để trút bầu tâm sự. Chiều chiều, sau giờ tan lớp, người ta sẽ thấy bóng mẹ trong căn nhà của em vắng học vì sốt xuất huyết hay nơi căn nhà của trẻ có bà cụ nằm yếu liệt. Tất cả là một bài học, không có chiến dịch, không băng rôn, không có trong giáo án !

Mùa hè đã đến, nhằm chuẩn bị cho năm học mới 1976-1977, mẹ nuôi đã đến chăm chút cho tôi (mẹ tôi bây giờ không còn quyền này nữa). Nhiều băng rôn đỏ, chữ vàng được đính lên ngực tôi. Họ treo cờ và gắn ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thay cho Thánh giá và ảnh Đức Mẹ Maria. Tôi không thể kháng cự bởi tay chân mình xem như đã bị trói. Đối với tôi, bà mẹ nuôi có thể di dời ảnh tượng ra khỏi 32bis, nhưng không thể di dời niềm tin và lòng kính mến Đức Mẹ khỏi tâm trí tôi. Tôi kính phục, biết ơn các bậc anh hùng đất nước, nhưng họ vẫn là những con người bất toàn, không thể thay chỗ của Đấng Tạo Hóa.

Bạn đọc thử đoán xem Mẹ và các cô giáo ngày xưa có còn ở lâu bên tôi trong thiên chức trồng người tại mảnh đất 32bis Nguyễn Thị Diệu không ? Câu hỏi chưa có hồi kết. Xin hẹn bạn đọc lần tới. Bây giờ tôi phải trở về âm phủ, xưa nay Mẹ vẫn dạy tôi phải đúng giờ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hôn Nhân, Đức Tin và Tình Yêu (2)
Vũ Văn An
01:49 20/05/2008
Hôn nhân, Đức tin và Tình yêu

PHẦN I: BẢN CHẤT CỦA HÔN NHÂN HIỆN ÐẠI

CHƯƠNG NHẤT: BỐI CẢNH DO THÁI GIÁO VÀ KITÔ GIÁO

Cựu Ước

SỰ TẠO THÀNH

Trong Cựu Ước, việc Thiên Chúa mặc khải cho dân Ngài về tính dục và hôn nhân đã được kể lại ngay ở phần đầu sách Sáng thế, qua trình thuật sáng thế. Có hai trình thuật: trình thuật thứ hai, còn gọi là trình thuật Giavê, là trình thuật có trước và có thể đã có từ thế kỷ thứ 10 trước Chúa giáng sinh.

"Giavê Thiên Chúa nói: Con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ thủ đương đối. Bởi thế Thiên Chúa đã dùng đất mà làm nên đủ mọi loài dã thú và chim trời. Ngài đem đến cho con người, xem nó sẽ đặt tên cho chúng ra sao; mỗi con vật sẽ mang tên do con người đặt cho. Và con người đã đặt tên cho mọi gia súc, chim trời và dã thú. Nhưng nó không kiếm được người trợ thủ đương đối. Thế là Giavê Thiên Chúa làm cho nó ngủ say. Và trong khi nó ngủ, Ngài lấy một sương sườn của nó rồi lấy thịt lấp lại. Và từ cái sương sườn đã lấy từ con người, Giavê Thiên Chúa đã làm ra người đàn bà, và Ngài dẫn đến cho con người. Nó hớn hở kêu lên; Có thế chứ ! Ðây là sương bởi sương tôi, và thịt bởi thịt tôi! Người này sẽ được gọi là đàn bà vì từ đàn ông mà ra. Ðó là lý do người đàn ông sẽ rời khỏi cha mẹ mình để kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân thể. Lúc ấy, cả người đàn ông lẫn người đàn bà đều trần truồng, nhưng họ không cảm thấy hổ thẹn trước mặt nhau "(St 2:18-25).

Vậy là ngay từ khởi thủy Thánh Kinh, ta đã thấy đầu hết có nguyên tắc tương quan. Rõ rệt, con người không hiện hữu một mình, tương quan nam nữ là bản nhiên nơi con người. Tương quan này có đặc tính đồng giá trị. Người đàn bà tuy được rút ra từ người đàn ông, nhưng nàng lại có cùng một gía trị trong tư cách nhân vị như người đàn ông. Người đàn ông nhìn nhận sự đương đối của nàng đối với mình và mừng vui hân hoan về sự tương đồng giá trị ấỵ

Mối tương quan trên hướng tới sự kết hợp nên một. Họ có thể trở thành chỉ một thân xác và quả không còn cách nào diễn tả cái cảm nghiệm có nhau và thân mật với nhau hay hơn thế được. Thực vậy, mối tương quan này đòi hai vợ chồng phải rời bỏ gia đình họ để thiết lập ra một đơn vị xã hội và tâm lý mới. Họ chỉ có thể thực sự tạo được mối dây ràng buộc mới này, khi họ dứt ra khỏi mối dây ràng buộc cho đến lúc đó được kể là thân thiết nhất đối với họ, tức mối ràng buộc với cha mẹ.

Quả là tuyệt diệu khi ở ngay phần đầu sách Sáng thế, ta đã tìm ra một chân lý và chân lý ấy không hề mất đi chút giá trị gì sau cả ba ngàn năm lịch sử. Ngày nay hơn bao giờ hết, truyền thống phương Tây luôn luôn đòi để các cặp vợ chồng mới cưới tạo lập lấy cuộc sống hôn nhân độc lập của họ mà không có sự trói buộc hạn chế của cha mẹ. Cái lý tưởng này không luôn luôn được thực hiện, nhưng xã hội luôn coi điều đó là điều đáng ước mong trong các cuộc hôn nhân hiện đại. Người ta biết rõ rằng khi cha mẹ can thiệp vào, thường họ chỉ tổ chất thêm vấn đề cho cuộc hôn nhân của con cái mà thôi.

Trình thuật thứ hai, được kể trong chương đầu sách Sáng thế, được gọi là trình thuật tư tế, đã được trước tác sau trình thuật trên có đến năm trăm năm.

"Chúa nói: Ta hãy làm nên con người giống hình ảnh Ta, theo họa ảnh Ta và hãy để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú và mọi loài bò sát trên đất. Và Chúa đã tạo nên con người giống hình ảnh mình, Ngài tạo ra nó giống hoạ ảnh mình, Ngài tạo nên chúng có nam có nữ. Chúa chúc lành cho chúng mà nói: Hãy sinh sôi nẩy nở, hãy tràn đầy mặt đất và hãy thống trị nó" (St 1:26-28).

Những lời trên cho thấy một chân lý căn bản này là cả đàn ông lẫn đàn bà đều đã được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa và do đó cả hai đều mang trong mình sự tốt lành nội tại bao lâu họ còn phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa trong họ. Ở đây ta tìm thấy chứng cớ nữa vễ sự đồng giá trị giữa hai phái tính. Sau này, Thánh Phaolo sẽ nhấn mạnh đến cùng một nguyên tắc bình đẳng ấy trong Chúa Kitô khi Ngài viết cho giáo dân thành Galát: "Ðược rửa tội trong Chúa Kitô, các bạn đã mặc lấy Chúa Kitô, và không còn phân biệt giữa Do thái và Hy lạp, giữa nô lệ và tự do, giữa nam và nữ, nhưng tất cả các bạn đều là một trong Chúa Kitô Giêsu" (Gl 3:27-28).

Những nguyên tắc đã được rút ra từ Thiên Chúa này cần nhiều thời gian sau đó mới trở thành các thực tại xã hội. Vì trong suốt bốn ngàn năm, người đàn bà luôn đóng vai trò lệ thuộc người đàn ông. Chỉ đến thời đại ta, các chân lý trường cửu trên mới từ từ được thực hiện. Phong trào hiện nay đòi bình đẳng gía trị cho phụ nữ hoàn tòan nhất quán với Mặc Khải, và các phụ nữ Kitô giáo có thể nên hiểu ra rằng Thánh Phaolô, ở một bình diện xâu hơn, chính là quán quân và người đi tiên phong của họ trong phong trào giải phóng phụ nữ. Dù có những nghiêm nhặt về phương diện xã hội đối với phụ nữ, những nghiêm nhặt mà quy phạm xã hội thời bấy giờ chấp nhận, cái nhìn xâu sắc về Kitô giáo của Ngài đã dẫn Ngài đến các chân lý tối hậu và một trong các chân lý ấy là sự tương đồng giá trị trong nhân phẩm nam và nữ mặc dù họ có những khác biệt sinh học.

Một nét khác trong trình thuật thứ hai là việc thiết lập ra một trong các mục đích của hôn nhân. Trong trình thuật đầu, Giavê đã kết hợp để họ trở nên một thân xác, nghĩa là để họ giao hợp tính dục, nhờ thế, tình trạng trần truồng đầy gợi tình háo hức đã không gây nên chút mặc cảm xấu hổ nào. Giờ đây, việc giao hợp được liên kết với việc tạo sinh, nhưng cần phải lưu ý rằng có con là một chúc phúc, hơn là một lệnh truyền hoặc một đòi hỏi. Trong việc sáng thế, Thiên Chúa ban sự sống và sự sống này là quà tặng có thể được đời đời truyền nối do hai giới tính đảm nhiệm.

Trong cả hai trình thuật, việc giao hợp thể xác và việc tạo sinh vừa được liên kết với nhau vừa được đứng rời ra với nhau. Trong trình thuật thứ hai, giao hợp được liên hợp với quà tặng và sự chúc lành có con. Hai thực tại ấy riêng biệt hẳn nhau, và giữa chúng, liên hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà có những khả thể thích đáng trong hôn nhân.

Sau khi sa ngã, "mắt của cả hai mở ra, và họ nhận ra mình trần truồng" (St 3:7). Trong câu văn ngắn ngủi này, ta thấy nổi bật lên sự kiện rối loạn đã bước vào dục tính của con người. Tuy nó vẫn là thành phần của những điều "Thiên Chúa thấy mình đã làm và quả thật đều là những điều tốt "(St 1:31), nhưng kể từ đấy, cái lý tưởng, cái hoàn hảo đã trở thành điều khó thực hiện. Những vấn đề quen thuộc trong các khó khăn tính dục cả về phương diện tác phong lẫn chức năng đã trở thành những chướng ngại phải vượt qua. Tuy vậy, cái tốt nền tảng của quà tặng tính dục vẫn còn đó và là điều có thể thực hiện được. Khúc hát Diễm Ca, một thành phần đầy ngạc nhiên thích thú của Thánh Kinh, đã cho thấy, qua một văn phong cởi mở, niềm vui và vẻ đẹp của sự gợi tình, được miêu tả sống động qua mối liên hệ đàn ông đàn bà.

SỰ PHỤ TẠO

Hai trình thuật, khi kết hợp lại, đã ủng hộ một tương quan đơn hôn hướng tới việc phụ tạo (procreation) tức sinh sản con cái. Cựu ước có khá nhiều đọan ca tụng việc có con. Chúng được miêu tả như là sao trên trời (St 15:5), triều thiên của người (Cn 17:6) và như mũi tên trong tay người anh hùng (Tv 127: 3-5).

Việc không có con được coi như một thứ thất sủng, như lời kêu xé lòng của Ra-khen ngỏ cùng Gia-cóp: "Anh phải cho em con, không em chết mất!" (St 30:2). Chính cái thôi thúc gần như tuyệt đối phải có con, nhất là con trai, đã khiến người chồng được phép ngủ với tớ gái, và do đó, Gia-cóp đã có hai người con trai.

Lập gia đình, và là gia đình ổn định, quả là việc tối quan hệ đối với Israel. Tuy vậy, đơn hôn không luôn luôn được tuân giữ, đa hôn đã được cho phép, đặc biệt trong trường hợp không con. Nhưng đây chỉ là ngoại lệ, và đơn hôn vẫn được coi là lý tưởng.

LY DỊ

Ly dị cũng vậy. Nó đã được cho phép như thế này:"Giả dụ một người đàn ông đã lấy vợ và hoàn hợp với nàng; nhưng sau đó, nàng không làm anh ta hài lòng vì anh ta thấy nàng có điều bất xứng hợp nào đó, thì anh ta có thể làm một tờ ly hôn trao cho nàng và đuổi nàng ra khỏi nhà mình; nàng sẽ ra khỏi nhà anh ta và ra đi lấy người đàn ông khác"(ĐNL 24:1-2). Lý do nêu ra để ly dị thì đã có nhiều tranh luận. Phái Hillel chấp nhận các lý do nhỏ nhặt, và thực tế là bất cứ lý do nào, còn phái Shammai, cũng cho phép ly dị, nhưng đòi phải có những lý do trầm trọng như ngoại tình hoặc lăng loàn mất nết. (Sau này, khi Ðức Kitô được thỉnh ý, Ngài đã làm cho cử tọa phải ngạc nhiên về câu trả lời đầy thách thức và tuyệt đối rằng không có căn bản nào cho phép ly dị cả). Thủ tục ly dị khá rõ rệt và đơn giản, người chồng chỉ cần tuyên bố: Cô ấy không còn là vợ tôi nữa và tôi không còn là chồng cô ấy nữa (Hs 2:4). Mặc dầu có các điều khoản như thế, cái lý tưởng bất khả phân ly vẫn còn đó và ta thấy Tiên Tri Malachi tuyên phán: "Ta ghét ly dị, Yahweh, Thiên Chúa Israel, nói như thế "(Mk. 2:16).

TRUYỀN THỐNG GIAO ƯỚC TIÊN TRI

Hôn nhân, con cái và gia đình đã có chỗ đứng cao trong dân Israel. Nhưng với tiên tri Hôsê, một chiều kích mới, một ý nghĩa mới cho hôn nhân đã xuất hiện. Cái thực tại trần tục của hôn nhân được dùng như một biểu tượng cho giao ước ân sủng giữa Giavê và Israel.

Trước nhất, Giavê truyền lệnh cho Hôsê cưới một người đàn bà hành nghề mãi dâm, tên là Gomer. Hôsê làm theo lời truyền. Ở đây ta thấy biểu tượng về khuynh hướng của Israel đi trệch ra ngoài tôn giáo đích thực và đánh điếm bản thân mình với việc thờ ngẫu tượng Baal.

"Trong việc thờ ngẫu tượng Baal, ta thấy trổi vượt huyền thoại về một cuộc phối hiệp giữa nữ thần đất và thần trời, và từ cuộc hôn nhân đó mà có con người. Từ đó, đĩ điếm có tính tôn giáo được thực hiện nơi đền thờ" (1). Hôsê ý thức được sự thoái hóa của niềm tin đó và Chúa Giavê sử dụng cuộc hôn nhân của ông để miêu tả các vấn đề trong cuộc hôn nhân cá nhân như là phản ảnh những vấn đề bao quát hơn của dân Thiên Chúa trong việc họ lạc đường đi vào những tôn giáo lân cận và đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa Giavê. Cảnh ra xa lạ giữa Thiên Chúa và dân Người đã được chỉ rõ hơn trong tên của hai người con: một được gọi là Kẻ không được Thương và Kẻ không thuộc Dân Ta. Gomer sau đó trở lại với sự bất trung tính dục của nàng và tác phong của nàng được diễn tả như là sự bất trung của Israel. Sau đây là đoạn văn vừa cùng một lúc diễn tả cơn giận của Chúa đối với Israel và cơn giận của Hôsê đối với vợ ông:

"Hãy tố cáo mẹ các ngươi, hãy tố cáo nó đi! Vì nó không còn phải là vợ Ta, và Ta không còn là chồng nó nữa. Nó hãy dứt đĩ điếm ra khỏi mặt, và ngoại tình ra khỏi vú, kẻo ta sẽ lột nó trần truồng, phô nó ra như ngày nó mới sinh ra; Ta sẽ làm nó ra hoang dại, biến nó thành đất khô cằn, và để mặc nó chết khát. Ta sẽ không thương xót con cái nó, vì chúng là con cái đĩ điếm. Ðúng thế, mẹ chúng đã chơi trò điếm nhục, người cưu mang chúng đã tự hạ nhục mình. Nó nói: ta sẽ đi ve vãn tình nhân của ta, họ sẽ cho ta bánh và nước, len, sáp, dầu và thức uống. Nó đã không nhận ra rằng chính Ta đã ban tặng nó đủ cả khoai bắp, rượu nho cùng dầu nấu; Ta đã cho nó thỏa thuê vàng bạc, để chúng làm ra các thần Baal "(Hs 2:4-10).

Quả vậy, Gomer đã lìa chồng và phạm tội ngoại tình, đã ly dị với chính ông và đã trở thành sở hữu của một người đàn ông khác. Theo luật, Hôsê bị cấm không được nhận lại nàng. Nhưng Giavê lại đã truyền cho ông phải nhận lại nàng và yêu nàng đằm thắm. Thế là Hôsê dự tính sẽ ve vãn nàng như mới giống như Chúa Giavê đã yêu thương Dân Ngài khi họ ra khỏi Aicập để vào hoang địa và bắt đầu đi vào giao ước Ân sủng đặc biệt với Ngài.

"Ðó là lý do Ta sẽ ve vãn nàng, sẽ dẫn nàng vào nơi hoang vắng và nói với trái tim nàng... Khi ngày ấy đến...Ta sẽ đính ước với em đến muôn thuở, đính ước với em trong chính trực và công lý, trong âu yếm và yêu đương" (Hs 2: 16, 18, 21).

Hôsê đã nhận lại vợ mình, tha thứ cho nàng và thiết lập với nàng như mới tình nghĩa vợ chồng đã bị chính nàng phá vỡ. Bởi thế, hôn nhân, một thực tại thế tục, đã trở thành biểu tượng của liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Người. Nó diễn tả một sự kiện là tuy dân Chúa hay bất trung, Ngài vẫn sẵn sàng tha thứ và sửa chữa lại những đổ vỡ trong mối liên hệ với họ. Theo nghĩa đó, phương thức tiên tri đối với hôn nhân dự ứng trước cái mẫu mực bền vững mà Chúa Kitô sẽ thiết lập sau này khi Ngài không cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì. Mặt khác, liên hệ đặc biệt của tình yêu giữa hai vợ chồng do các tiên tri tuyên phán sau này sẽ được thánh Phaolô kiện toàn trong thư gửi tín hữu Êphêsô, trong đó Ngài nói đến hôn nhân và liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài.

Dự kiến về hôn nhân của Hôsê được Giêrêmia (3:13), Êdêkien (16:8) và Isaia (54) lập lại. Do đó, tình yêu chung thủy phu phụ là một trong những phương thế căn bản để biểu tỏ và làm vững giao ước ân sủng giữa Thiên Chúa và Dân Người.

Những kinh nghiệm hằng ngày của hôn nhân cũng đã không bị làm ngơ, và trong sách Khôn Ngoan, người vợ được ca tụng nhưng khi lăng loàn cũng đã bị khiển trách nặng lời. Theo cảm quan của bầu khí xã hội đương thời, phần lớn những trắc nết là do người vợ, nên các lời cảnh cáo đã được đặc biệt soạn ra để bảo vệ người chồng chống lại những dữ dằn của vợ. Tuy nhiên, nổi bật vẫn là nhu cầu người đàn ông phải có vợ:

" Ðàn ông có vợ như có cả kho tàng, một ngươi trợ giúp đương đối, và một trụ cột tựa nương. Tài sản không có dậu ngăn sẽ bị đánh cướp. Ðàn ông không vợ như người không đích vật vưỡng "(Huấn Ca 36: 24-25).

Sắc đẹp trong hôn nhân là điều vững ổn, nhưng cũng nên lưu ý: "Sắc đẹp đàn bà từng dẫn nhiều người đi lạc lối" (Huấn Ca 9:9). Người đàn bà biết lo liệu và khôn ngoan được nhấn mạnh nhiều hơn là sắc đẹp, và sách Châm ngôn cho thấy một cách tổng quát quan niệm về một người vợ tốt. Nàng là người đáng tin tưởng, cần cù, quản trị giỏi, biết quán xuyến việc gia đình, có khả năng cung ứng các nhu cầu của gia đình, biết nói năng khôn ngoan. Sách kết luận như sau: "Duyên dáng phỉnh gạt, và sắc đẹp thì trống rỗng; Người đàn bà khôn ngoan mới là người đáng ca ngợi" (Cn 31:38)

Tân Ước

ÐỨC GIÊSU KITÔ

Trong Tân Ước, ta thấy có sự liên tục với Cựu Ước, nhưng cũng có những đòi hỏi mới gây ngạc nhiên. Lời giáo huấn của Chúa Kitô nhấn mạnh đến tầm quan yếu của tình yêu - yêu Chúa và yêu người lân cận. Vì hôn nhân là một cộng đồng của tình yêu, hiển nhiên nó trực tiếp nhận được lời công bố ban sự thiện tuyệt hảo. Sự thiện hảo ấy hệ ở lòng thuỷ chung và tính bền vững.

Lòng chung thủy không chỉ ở việc tránh giao hợp trước và ngoài hôn nhân; nó là một lý tưởng cần thấm nhiễm trọn mối liên hệ đàn ông đàn bà. Bất cứ cuộc gặp gỡ nào giữa hai phái tính cũng đòi hỏi một mức độ cao trong nguyên tuyền tính dục. Tác phong bên ngoài phải đi đôi với ý định bên trong.

"Các con đã học từ sách rằng chớ phạm tội ngoại tình. Nhưng Thày bảo các con: Hễ ai nhìn người đàn bà một cách thèm muốn, thì anh ta đã phạm tội ngoại tình với nàng trong tâm hồn rồi "(Mt 5:27-28). Giáo huấn này không có nghiã là không được phép thưởng ngoạn nét đẹp thể xác ở trong cả hai giới tính. Nó có nghĩa: sự nguyên tuyền của nhân vị phải được bảo tồn. Ðiều cấm có hai mặt: trước nhất không được coi nhân vị chỉ là đối tượng tính dục, hai là không được sử dụng con người về phương diện tính dục mà thiếu tương quan yêu thương.Việc giao hợp thể xác thực ra chỉ thuộc trong bối cảnh yêu thương mà tính viên mãn chỉ tìm thấy bên trong mối liên hệ bền bỉ mà ta gọi là hôn nhân.

Tính bền vững này, thực ra, đã bị chất vấn trong Cựu Ước, như đã đề cập: mặc dù ly dị không được ưa chuộng, nhưng đã được cho phép. Chúa Kitô đã được hỏi về ly dị và câu trả lời của Ngài đã làm ngạc nhiên cử tọa nghe Ngài, kể cả các môn đệ.

"Một vài Biệt Phái tiến lại gần Ngài, và để thử Ngài, họ nói: có phải là lỗi luật khi một người đàn ông ly dị vợ mình vì bất cứ lý do gì chăng? Ngài trả lời: Các ông lại không đọc rằng từ khởi thủy, Ðấng Tạo Hóa đã dựng nên họ có nam và có nữ và Ngài đã nói: vì vậy, người đàn ông phải rời bỏ cha mẹ mà đính kết với vợ mình, và cả hai nên một thân xác ư? Bởi thế, họ không còn phải là hai, mà chỉ là một thân xác. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hiệp, con người không được phân ly. Họ nói với Ngài: vậy sao Môsen lại truyền lệnh phải trao ly hôn trong trường hợp ly dị? Ngài nói: chính vì sự khó dạy của các ông mà Môsen đã cho phép các ông được ly dị vợ, nhưng không như thế từ khởi thủy đâu. Nay tôi nói để các ông hay: người đàn ông nào ly dị vợ - tôi không nói đến trường hợp dâm bôn - và cưới người đàn bà khác, là phạm tội ngoại tình. Các môn đệ thưa Ngài rằng: nếu giữa chồng và vợ mà như thế, thì chẳng thà không lấy nhau! Ngài trả lời: không phải ai cũng chấp nhận được điều Thày vừa nói, nhưng chỉ những ai được ban ơn mà thôi. Có những hoạn quan từ lúc mới sinh từ lòng mẹ, lại có những hoạn quan vì con người làm ra như thế, nhưng cũng có những hoạn quan tự làm cho mình ra như thế vì Nước Trời. Ai chấp nhận được, thì hãy làm như vậy" (Mt 19:3-12)

Có ba điểm có ý nghĩa quan trọng trong đoạn văn trên. Trước nhất, Chúa Kitô loại bỏ ly dị và trở về với ý định nguyên thủy của Tạo Hóa theo đó, một khi sự kết hợp vợ chồng đã được thiết dựng trong một hôn phối đích thực, thì bản chất của nó là bản chất của sự bền vững. Sự kết hợp thể xác bao trùm trọn bản thân hai người.

Thứ hai, Mátthêu là tác giả Phúc Âm duy nhất dường như đã đưa ra một lối thoát có thể cho phép người ta ly dị, đó là trờng hợp dâm dật (fornication). Những từ ngữ này đã được khảo sát một cách chăm chú suốt trong thời đại Kitô giáo và đã được giải thích một cách khác nhau (2). Một cách tóm tắt, ta thấy có vài truyền thống thấy đó như là căn bản cho phép miễn trừ, trong khi một vài truyền thống khác, như truyền thống Công Giáo La-mã, lại giải thích các từ ngữ ấy như là không chứa đựng bất cứ trường hợp miễn trừ nào đối với luật chung đã được Chúa Kitô long trọng công bố. Tuy tất cả đều nhất trí về ý định rõ rệt của Chúa Kitô trong việc loại trừ ly dị, nhưng một vài giáo hội khác nhau về tính cách tuyệt đối của lệnh truyền.

Thứ ba, Chúa Kitô đã giải thích riêng cho các môn đệ là những người tỏ ra hết sức bối rối về lời tuyên bố như đinh đóng cột của Ngài, và cho họ thấy rằng sự tiết dục vì nước Trời là điều có thể thực hiện được và đáng ước ao cho những ai có thể chấp nhận hy sinh. Như thế, Chúa Kitô đã đem vào đây một ý niệm mới sẽ trở thành nét độc đáo trong truyền thống Kitô giáo. Sự tiết dục này không hề tấn công đả phá quà tặng tính dục, nhưng là tình yêu được vươn dài, báo trước tình trạng bên kia hôn nhân. "Vì khi phục sinh, đàn ông đàn bà không lấy nhau nữa; không, họ sẽ như các thiên thần trên trời" (Mt 22:30).

THÁNH PHAOLÔ

Không như Chúa Kitô, Thánh Phaolô đề cập nhiều đến tính dục và hôn nhân. Riêng về hôn nhân, chủ trương của Ngài có nhiều điểm không đi đôi với nhau. Ngài hoàn toàn thực tiễn về những thúc bách của con người và nhu cầu phải kết hôn, và quả tình Ngài đã cho chúng ta thấy cái ý nghĩa chưa từng có về hôn nhân. Nhưng trên quan điểm bản thân, Ngài lại thích cuộc sống độc thân hơn. Cũng như Chúa Kitô, thánh nhân nhấn mạnh đến tính cách tối thượng của tình yêu trong tất cả các giáo huấn của mình, và chính trong cái đồng văn này, mà ta phải giải thích các lời Ngài viết. Trong thư gửi Tín Hữu Côrintô, thánh nhân viết:

"Giờ đây, tôi xin đề cập đến điều qúy vị đã viết cho tôi. Vâng, thật là điều tốt nếu một người đàn ông không vương vấn đến phụ nữ. Nhưng vì tính dục luôn là một nguy hiểm, nên mỗi người đàn ông hãy có vợ và mỗi người đàn bà hãy có chồng...Ðừng từ chối lẫn nhau, ngoại trừ khi cả hai cùng thỏa thuận, và chỉ cho một thời gian ngắn thôi, để anh chị em chuyên chăm cầu nguyện; nhưng rồi lại phải trở lại xum họp với nhau kẻo Satan, nhân sự yếu đuối của anh em mà cám dỗ... Tôi muốn anh chị em cũng giống như tôi, nhưng mỗi người có ơn gọi riêng từ nơi Chúa..."(1Cor. 7:1-2, 5-7).

Tính cách hai chiều đối với bậc độc thân và bậc vợ chồng của thánh Phaolô đã không hề cản trở Ngài đánh giá cao ý nghĩa của giao ước hôn nhân. Ngài đã tiếp nhận chủ đề tiên tri của Cựu Ước từng coi hôn nhân như biểu tượng của giao ước và cho thấy sự tương đồng căn bản với liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Ở đây, Ngài diễn tả sự kết hợp, tình yêu, lòng chung thủy và tính cách bền vững của hôn nhân như là phản chiếu cùng những đặc tính ấy trong sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo hội Người. Nói cách khác, tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô trở thành hiện thực và hiện diện trong mối liên hệ bản ngã của hôn nhân (3).

"Hãy tùng phục nhau trong Chúa Kitô. Vợ hãy tùng phục chồng như thể với Chúa, vì như Chúa Kitô là đầu của Giáo hội và cứu chúa của toàn thân mình, người chồng cũng vậy, là đầu của vợ. Và cũng như Giáo hội tùng phục Chúa Kitô thế nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng như vậy, trong mọi sự. Chồng hãy yêu vợ, như Chúa Kitô đã yêu Giáo hội và tự hy sinh mình để làm cho Giáo hội nên thánh thiện... Cũng cách ấy, chồng hãy yêu thương vợ như yêu chính thân xác mình; vì khi người chồng yêu vợ mình là yêu chính thân mình. Người ta không bao giờ ghét thân xác mình, nhưng nuôi sống và săn sóc nó. Ðó cũng là cách Chúa Kitô cư sử với Giáo hội, vì Giáo hội là thân xác của Ngài, còn chúng ta là các chi thể sống động. Chính vì lẽ đó, người đàn ông phải lìa bỏ cha mẹ và kết hợp với vợ mình và cả hai sẽ nên một thân xác. Màu nhiệm này thật là cao cả; tôi hiểu là nó chỉ về Chúa Kitô và Giáo hội. Nói tóm lại, anh em mỗi người hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy phục tùng chồng "(Eph. 5:21-25, 28-33).

Thời đại ta bây giờ ít có thiện cảm khi nghe đến việc vợ phải phục tùng chồng trong mọi vấn đề. Người ta từng tranh luận nhiều về vấn đề phải chăng việc tùng phục ấy là một nét thường hằng phải có trong tác phong mọi thời. Nhiều nhà chú giải ngày nay cho rằng trong khi nhấn mạnh đến tính cách đồng nhất giữa sự nên một toàn diện của vợ chồng và sự liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, thánh Phaolô đã chỉ dùng những ước lệ xã hội và trật tự của thời Ngài sống (4).

Nhưng nếu việc vợ phục tùng chồng là quy phạm của thời bấy giờ, thì điều làm ta ngạc nhiên là Tân Ước khá im lặng về việc con cái. Vì quan điểm Kitô giáo vốn nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa giao hợp và sinh con, nên ta càng ngạc nhiên khi không thấy đề cập đến một giáo huấn nào liên quan đến vấn đề nàỵ

Thánh Phaolô khuyên con cái vâng lời cha mẹ trong Chúa, và cha mẹ được khuyến cáo tránh làm thất vọng con cái và làm chúng giận dữ (Eph. 6:1-4), một lời khuyến cáo khá có tiếng vang trong xã hội ngày nay. Trong thư thứ nhất gửi cho Timôtê, người vợ được hứa sự cứu rỗi qua việc sinh con (2:15), nhưng tuyệt nhiên không nói gì đến việc sinh sản. Lý do tạo ra sự bỏ sót này vốn là đầu đề cho nhiều suy đoán. Truyền thống Do-thái nhấn mạnh đến việc sinh sản thấm nhiễm khá xâu trong bầu khí xã hội thời bấy giờ. Nhưng thời gian quá ngắn ngủi và việc Tái Lâm của Chúa đang được mọi người mong chờ.

"Anh em thân mến, đây là điều tôi muốn nói: thì giờ của chúng ta không còn nhiều. Ai có vợ hãy sống như không có vợ; ai đang khóc than hãy sống như thể không khóc than; ai đang sống vui hãy sống như thể không vui; ai đang mua sắm hãy sống như thể không mua sắm; ai đang tận hưởng thế gian hãy sống như không tận hưởng. Tôi nói điều này, vì thế gian sắp sửa qua đi" (1 Cor. 7:29-31)

Tuy nhiên, điều mong chờ trên đã không xẩy ra. Thế gian đã không qua đi và do đó thời kỳ giáo phụ sẽ là thời kỳ phải khai triển những ý niệm xa hơn về hôn nhân. Như thực tế cho thấy đã có nhiều ảnh hưởng gây áp lực đối với việc triển khai này. Kitô giáo sẽ đưa đức đồng trinh vào phục vụ Thiên Chúa. Ðiều ấy phần nào chịu ảnh hưởng của phái Khắc Kỷ, là phái muốn đi tìm sự yên tịnh nội tâm thoát khỏi những thôi thúc của bản năng. Kitô giáo thuở ban đầu bị vây quanh bởi các trường phái triết học Ngộ đạo thuyết và Ma-ni-kê vốn coi thân xác như là cạm bẫy của tâm hồn và do đó việc sinh sản như là phương tiện kéo dài cảnh ngồi tù của nguyên lý tâm linh nơi con người. Mặc dù một vài giáo phụ có cái nhìn tiêu cực về hôn nhân (5), Giáo Hội vẫn coi hôn nhân là điều tốt lành và tính dục phục vụ việc sinh sản. Tuy tính dục bị coi là đã ra xú uế với tội, nhưng quan điểm này không đứng vững với thời gian và sẽ được thời Trung Cổ điều chỉnh lại.

THỜI CÁC GIÁO PHỤ

Có lẽ khuôn mặt quan trọng nhất trong thời Giáo phụ là Thánh Augustinô. Học thuyết của Ngài về hôn nhân có một tầm ảnh hưởng lớn trong Kitô giáo cho đến tận ngày nay. Thánh nhân kể ra ba điều tốt lành của hôn nhân, đó là: CON CÁI, LÒNG CHUNG THỦY, và BÍ TÍCH (mà thời của Ngài, người ta hiểu là bất khả phân ly, một biểu tượng thánh về sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo hội).

"Lòng chung thủy có nghĩa là ngoài giao ước hôn nhân, sẽ không được giao hợp thể xác; Con cái, vì con cái phải được yêu thương đón nhận, âu yếm nuôi nấng và giáo dục theo lòng đạo; Bí tích, vì giây ràng buộc hôn nhân sẽ không bao giờ được bẻ gãy, và không bên nào, dù đã ly thân, được phép tái kết hôn, dù cho là vì con cái đi chăng nữa. Ðó chính là luật hôn nhân đem lại vẻ sáng cho hoa trái thiên nhiên và hạn chế cái khuynh hướng tư dục xấu xa" (6).

Những nguyên tắc này hiện vẫn còn đang điều hướng hôn nhân Kitô giáo. Và trong thời Trung cổ, thánh Tôma Aquinô sẽ diễn dịch ba điều tốt lành đó thành mục đích đệ nhất và đệ nhị đẳng cho hôn nhân. Mục đích đệ nhất đẳng là sinh sản và giáo dục con cái. Mục đích đệ nhị đẳng là sự thủy chung và ơn bí tích. Thuật ngữ mục đích đệ nhất và đệ nhị đẳng đã gây khá nhiều tranh luận (7) và do đó ngày nay, chúng đã biến mất với công bố của Công Ðồng Vatican II về hôn nhân và gia đình (8).

TRUNG CỔ CHO ÐẾN NGÀY NAY

Tiến bộ quan trọng nhất trong thần học thời Trung cổ về hôn nhân là việc đem nó vào nội dung thánh sủng bí tích. Cuộc tranh luận đã kéo dài mấy thế kỷ trước đó, cho đến lúc lời tuyên bố của Công đồng Triđentinô được thực hiện. Ðể chống lại phe Luther và Calvin vốn chống đối quan điểm coi hôn nhân như bí tích và do đó ban ơn thánh sủng, Công Ðồng Triđentinô đã long trọng tuyên bố: "Nếu ai nói rằng hôn nhân thực sự và đúng ra không phải là một trong bảy Bí tích của luật Phúc Âm do Chúa Kitô, Chúa chúng ta, thiết lập, nhưng đã được đưa vào Giáo hội do người phàm hoặc là nó không đưa lại ơn thánh sủng, thì người ấy hãy bị vạ tuyệt thông". Ơn thánh của bí tích hôn phối hoàn tất tình yêu tự nhiên của hai vợ chồng, giáo huấn này sẽ là hậu cảnh nền tảng cho cuốn sách này.

Cuộc tranh luận về bản chất bí tích của hôn phối đã kéo dài khoảng năm thế kỷ, bắt đầu từ thế kỷ 11 cho đến ngày có công bố của Công Ðồng Triđentinô. Kể từ lúc Giáo hội ngày càng đi theo chiều hướng coi hôn nhân như bí tích, một câu hỏi quan trọng đã được nêu ra về thời điểm hôn phối bắt đầu lúc nào. Ta thấy có hai khuynh hướng, một cho là lúc hai vợ chồng tỏ ý ưng thuận nhau, một cho là lúc hai vợ chồng hoàn hợp thể xác. Cuộc tranh luận ấy đã được giải quyết nghiêng về phía ưng thuận: việc ưng thuận là cần thiết cho hôn phối, nhưng giao hợp thể xác làm cho hôn nhân đầy đủ ý nghĩa và làm cho nó trở thành bất khả tiêu, hệt như
 
Khởi đầu sự khủng hoảng lý trí
Lm Nguyễn Hữu Thy
02:51 20/05/2008
Khởi đầu sự khủng hoảng lý trí

(Wilhelm von Ockham: Summa Logiae)


Các nhà chuyên môn đều nhất trí cho rằng bên cạnh những nhà đại trí thức thuộc trường phái kinh viện như Tôma Aquinô (1224-1274) và Johannes Duns Scotus (1266-1308), Wilhelm von Ockham (William of Occam) (1285/95-1349/50), nhà hậu kinh viện, là một trong những triết gia có ảnh hưởng nhất của phái kinh viện. Tuy nhiên, việc Ockham – vốn cất tiếng chào đời tại một ngôi làng ở phía tây nam Luân Đôn – được liệt vào hàng ngũ những nhà đại tư tưởng, là nhờ được chính ngôn ngữ triết học thời hậu tân tiến làm sống động lại một cách đặc biệt, và nhờ thế trong những thập niên vừa qua, người ta thực sự đã ý thức được điều đó hơn.

Thật ra, về gốc gác và thân thế của Ockham, người ta biết được rất ít, đến nỗi không một ai có thể quả quyết được một cách chắc chắn ông đã lớn lên trong vùng lãnh thổ nói tiếng Anh hay tiếng Pháp nữa; và mãi cho tới năm 1310, cũng không một ai biết rõ được về việc trau dồi triết học của ông ra sao, vì có rất ít tài liệu để lại. Nhưng một điều mà người ta có thể biết được một cách chắc chắn là trước tiên ông đã được theo học tại một ngôi trường thuộc Dòng Thánh Phan-xi-cô; và từ năm 1310 trở đi ông đã dành hết tâm lực theo học và nghiên cứu khoa thần học.

Từ năm 1321, ông dạy triết học và đồng thời bắt đầu soạn thảo tác phẩm «Bình luận đệ nhất về luận lý». Vào năm 1322, sau khi ông bị chỉ trích nặng nề là đã đưa ra những lý thuyết lệch lạc về tôn giáo và đã bị tố cáo trước tòa án Phủ Giáo Hoàng, Ockham đã quyết định rời bỏ Anh Quốc và sang trú ngụ tại dinh thự cũ của Đức Giáo Hoàng ở Avignon thuộc miền nam Pháp Quốc. Nhưng tại đây ông cũng không ở lại lâu, bởi vì sau khi mối quan hệ giữa ông với Đức Giáo Hoàng bị đổ vỡ do sự bất đồng quan điểm về vấn đề đức khó nghèo nói chung và về lý tưởng khó nghèo của Dòng Phan-xi-cô nói riêng mà ông bênh vực một cách đầy xác tín, - đến nỗi ông khẳng định rằng quan điểm cho rằng Đức Giêsu và các môn đệ Người cũng đã từng chiếm giữ của cải vật chất là một tà thuyết, - ông đã phải lợi dụng một đêm đầy sương mù để trốn đi khỏi Avignon vào năm 1328. Trước hết, ông đi sang nước Ý, về sau ông tiếp tục chuyển sang München thuộc miền nam Đức Quốc và ông đã định cư tại đây trong suốt quãng đời còn lại của ông.

Vào thời đại bấy giờ, Ockham đã tham gia vào việc khởi xướng và ủng hộ mạnh mẽ nhiều cuộc cải cách tinh thần sâu rộng. Nổi bật nhất là quan điểm của ông trong cuộc tranh cãi lừng danh về năm ý niệm nền tảng trong cách tư duy của phái Kinh Viện vào thời trung cổ, nói cách khác: Trong vấn nạn, liệu ý niệm tổng quát hay ý niệm thuần tuý trừu tượng có mang lại một thực tại cụ thể nào đó hay không. Dựa vào quan điểm duy danh của ông (nominalistische Position) - ngoài tư duy ra không có sự hiện hữu thực tiễn -, Ockham đã đưa ra lập trường chống lại chủ thuyết thực tiễn của Tôma Aquinô (1225-1274) và của Albertô Cả (1200-1280).

Một phần lớn những suy luận hợp lý cần thiết cho sự tranh luận đó, người ta có thể tìm thấy trong tác phẩm thời danh «Summa Logiae» (Tổng luận luận lý) của ông, một tác phẩm mà người ta phỏng đoán là đã soạn thảo xong vào năm 1324 khi ông còn ở Luân Đôn. Tác phẩm «Summa Logiae» được viết ra theo nhu cầu đòi hỏi của công trình trau dồi triết học như một điều kiện bất khả kháng trước khi chính thức theo học thần học, và cũng là tác phẩm tương ứng với lược đồ luận lý của Aristote. Tác phẩm gồm ba phần này – phân tích ý niệm, quy luật về việc đặt câu và dẫn chứng lô-gích – cung cấp một phương tiện hết sức bao quát và đầy đủ cho việc phân tích ngôn ngữ.

Dĩ nhiên Ockham đã không xây dựng tác phẩm thời danh của mình từ hư không, nhưng ông đã sử dụng truyền thống sâu rộng về luận lý trong các thế kỷ XIII và XIV như một phương tiện cần thiết, đó là truyền thống trước hết bắt đầu từ triết gia Boethius và qua triết gia này tiến lùi mãi cho tới Aristote. Do đó, mãi cho tới ngày nay, tác phẩm «Summa Logiae» vẫn được coi là một trong những công trình độc lập nhất trong lãnh vực luận lý nói chung. Ai đã một lần hiểu được ngôn ngữ đầy phức tạp thuộc lãnh vực khoa học, mới hy vọng thành công trong việc nghiên cứu nguyên tắc tri thức tổng quát trong tư tưởng Ockham.

Chắc chắn rằng quan điểm chủ yếu của học thuyết về sự giả thiết của Ockham là: Tự bản chất, một ý niệm xác định không biểu thị một sự vật xác định, nhưng nó chỉ có được ý nghĩa xét theo toàn diện câu nói. Đó cũng là điều được áp dụng cho các từ «thật»«giả», là những từ chứa đựng những ý niệm rất hàm súc bao quát. Ngoài ra, trong khi tất cả những sự vật hiện hữu thì thực tiễn và vì thế mang tính cách đặc thù, còn cái phổ quát lại chỉ là một cái giả tưởng mà thôi, nghĩa là «một điều chỉ hiện hữu trong tư tưởng». Cái tổng quát và cái đặc thù đều trình bày cùng một đối tượng, chỉ khác biệt ở cách thế chiêm ngưỡng của trí năng con người mà thôi. Đẳng cấp hay các phạm trù suy tư vì thế không phải là điều chi thực tiễn, nhưng chỉ là sản phẩm của tư duy con người mà thôi. Sự qui hồi của tất cả các nhận thức được dựa trên những kinh nghiệm thực nghiệm như thế, trước hết phi bác sự chiêm ngắm các linh tượng của học thuyết Platon trong từng đối tượng riêng rẽ. Ở đây chúng ta có thể nói được rằng Ockham muốn dùng «con dao cạo» (Summa Logiae) nổi danh sắc bén của mình để cắt xén «bộ râu của Platon» (bộ môn siêu hình học).

Một lý thuyết về sự nhận thức như thế sẽ mang theo những hậu quả hệ trọng thuộc lãnh vực lý thuyết của sự tri thức và những hậu quả thuộc nhân chủng học: Bởi vì, chân lý do cảm nghiệm cung cấp thì tự giới hạn trong khoảnh khắc tiếp thu nhanh chóng các sự vật bên ngoài và luôn luôn lệ thuộc vào sự chủ quan tính. Nhưng như thế, hậu quả sau cùng là các giác quan trở thành nguyên tắc cho mọi tri thức. Việc làm cho lý trí con người trở nên thông minh và tiếp thu nhanh chóng mà không cần đến phép tổng hợp, thì không những là một phê bình gay gắt chống lại lý thuyết «thần cảm» hay «giác ngộ» (illumination) của Augustinô cho rằng Thiên Chúa chiếu giãi ánh sáng thần linh của Người vào trong tâm hồn con người, nhưng còn loan báo một nguyên tắc tri thức mới mà những thế kỷ sau này sẽ hòa nhập vào trong chủ nghĩa duy lý Tây phương và sau cùng khi nó đã đạt tới hình thức tột đỉnh của mình thì đã gây ra một cuộc khủng hoảng lý trí trầm trọng.

Tiếp đến, lý thuyết về sự nhận thức này không chỉ tạo ra tính cách lý hội mới của lý trí con người, nhưng còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự tương quan của luận lý và thần học, của tri thức và tư duy. Sự khác biệt không nằm trong các đề án khác nhau, nhưng nằm trong những lý do khác nhau của sự đồng thuận. Điều đó còn đưa đến nhiều hậu quả nữa: Sự tri thức và sự mặc khải, triết lý và thần học bỗng nhiên tách biệt khỏi nhau. Vì thế, người ta không lấy làm ngạc nhiên khi phải chứng kiến một trong những chỉ trích hợp lý và đầy khả tín chống lại Ockham là ông đã xúc tiến việc phá đổ thiên nhiên và con người trong toàn bộ trật tự rộng lớn.

Nhưng xét về mặt khác, một sự nhận thức thực tại mới mẽ như thế cũng đã tạo nên nền tảng cho những khoa học tự nhiên sau này và đưa ra vấn nạn là nếu như sự tri thức chân lý mặc dù bị lệ thuộc yếu tố chủ quan, thì đối với Ockham còn là một nhận thức khách quan theo nghĩa khoa học tân tiến nữa hay không. Một vài dẫn chứng xem ra đứng biện hộ cho điều đó. Thật ra theo Ockham, khả năng của con người chỉ có tác dụng trên một sự tri thức khả thông tri về các sự vật, khi sự phát biểu chỉ dành sử dụng cho những sự vật mà thôi, nhưng lại không đồng hóa vơi những sự vật đó. Tuy nhiên, sự tri thức của con người là một tri thức về những sự vật, nghĩa là một sự tri thức được dựa vào những khả năng hay nội dung của sự ý thức (la tenue de la conscience), nhưng đàng khác, những khả năng hay nội dung của ý thức lại phải có những sự vật thực tiễn làm điều kiện. Sự tương quan về ý nghĩa được trình bày như thế sẽ nối kết ngôn ngữ với thế giới, và chính nhờ nó trí năng tham phần vào thế giới thực tại và cụ thể.

Với khuynh hướng triết lý đầy tính cách mâu thuẫn mới mẽ như thế, ngay khi còn sinh thời Ockham đã tỏ ra là nhà tư tưởng đầy tự tín và tự lập, đến nỗi khiến các giai cấp lãnh đạo khó lòng gây được ảnh hưởng trên quan điểm của ông. Bởi vậy, người ta không lấy làm ngạc nhiên là mặc dù Ockham có ảnh hưởng sâu rộng trong lãnh vực triết học và thần học, học thuyết của ông luôn luôn phải trực diện với mọi đối kháng. Trong khoa học luận, tức khảo luận về các phương pháp của khoa học (Épistémologie), chính các đồ đệ thân cận nhất của ông, như Adam de Wodeham (vào khoảng 1300-1358) cũng gặp phải nhiều khó khăn trong việc theo chân vị sư phụ đáng kính của mình.

Mãi cho đến thời tân đại, toàn ý nghĩa các lược khảo triết học của ông mới được nhìn nhận và được trích dẫn. Đúng vậy, John Locke (1632-1704), triết gia người Anh thuộc trường phái duy nghiệm, đã nối kết duy danh thuyết (nominalisme) mang tính cách bài thực tiễn của ông – trong đó nội dung và phạm vi của ý niệm tổng quát không còn tách rời nhau – với vấn đề giữa khái niệm thuyết và duy danh thuyết mà Ockham chưa giải quyết xong một cách rõ ràng. Về những âm hưởng sâu xa của khoa luận lý của ông, người ta còn tìm thấy đầy dấu vết trong tác phẩm nổi danh «Leviathan» (Hải Quái) của Thomas Hobbes (1588-1679), triết gia người Anh, được viết vào năm 1651.Và cuối cùng, Ockham đã đóng góp một phần quyết định trong việc làm cho môn luận lý tam đoạn luận và luận lý hình thái đạt được những bước tiến khá xa hay luận lý tiền trí từ có được hình thức như chúng ta thấy ngày nay.

Đứng trước tầm quan trọng của những tác phẩm của Ockham đối với lối tư duy thời tân đại như thế, người ta không khỏi ngạc nhiên là các tác phẩm đó ngoài vùng lãn thổ thuộc Anh ngữ ra, rất ít được phiên dịch ra các ngôn ngữ khác. Nếu không, các tác phẩm của Ockham đã mang lại một sự thay đổi cần thiết, không những cho triết học về ngôn ngữ, nhưng còn cho một sự nhận thức rộng rãi về lịch sử tinh thần của lục địa Âu Châu cũng như của toàn thế giới.

______________________

Sách tham khảo:

Wilhelm von Ockham: Summa Logiae, 2 Bände, St. Bonaventure, New York, 1957 und 1962; der erste Band ist übersetzt im Felix Meiner Verlag, 1999.
 
Thông Báo
Thông báo về Giải Thưởng Văn-Thơ-Nhạc-Họa Đức Mẹ Tà Pao
LM Phêrô Nuyễn Thiên Cung
10:33 20/05/2008
Tòa Giám Mục Phan Thiết
422 Trần Hưng Đạo-Tp. Phan Thiết
BÌNH THUẬN – VIỆT NAM


THAY ĐỔI THÔNG BÁO VỀ
GIẢI THƯỞNG VĂN-THƠ-NHẠC-HỌA ĐỨC MẸ TÀ PAO


Từ nhiều năm nay, địa danh Tà Pao được nhiều người trong và ngoài nước biết đến nhờ việc hành hương Đức Mẹ Tà Pao. Đức Mẹ Tà Pao đã trở nên nguồn cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tác nên những bài thơ, bản nhạc ngợi khen tình thương của Thiên Chúa qua Mẹ Maria.

Ngày 08 tháng 12 năm 2009, Giáo Phận Phan Thiết sẽ kỷ niệm 50 năm ngày khánh thành Tượng đài Đức Mẹ Tà Pao. Hướng về dịp này, Giáo Phận xét thấy cần có những việc làm cụ thể để tôn vinh, tạ ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ. Những chương trình và nội dung mừng Kim Khánh Tượng đài Đức Mẹ Tà Pao đang được hình thành. Giữa những dự phóng ấy, nhân ngày họp mặt các tác giả Đồng Xanh Thơ tại Tòa Giám Mục Phan Thiết, 20-01-2008, các tham dự viên đã thỉnh nguyện Đức Giám Mục Giáo Phận tổ chức Giải Thưởng Văn-Thơ-Nhạc-Họa Đức Mẹ Tà Pao.

Nhận thấy đây là sáng kiến có khả năng phong phú hóa Chương trình Kỷ niệm và giúp Dân Chúa thêm lòng đạo đức, sốt sắng suy niệm về tình thương Thiên Chúa qua Đức Mẹ Maria, Đức Giám Mục Giáo Phận đã chấp thuận tổ chức Giải Thưởng này.

Theo hướng ấy, ngày 30-01-2008, Đức Ông JB. Lê Xuân Hoa (nhà thơ Xuân Ly Băng), Tổng Đại Diện Giáo Phận, đã điều hành cuộc họp trù bị. Cuộc họp nhất trí đề cử cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung, Giám đốc Chủng viện Thánh Nicôla làm Trưởng Ban Tổ Chức; đồng thời ấn định các thể lệ dự thi và Giải Thưởng như sau:

I. THỂ LỆ

(1) Nội dung: sáng tác về Đức Mẹ, cách riêng là về Đức Mẹ Tà Pao.

(2) Hình thức: văn, thơ, nhạc, họa.
Văn: truyện ngắn, bút ký, lịch sử; không quá 2500 từ (3 trang A4, fonte VNI-Times, cỡ chữ 12, trừ lề bốn bên 2cm)
Thơ: mỗi bài không quá 40 câu.
Nhạc: không quá hai trang A4.
Họa: ảnh chụp, ảnh vẽ.

(3) Đối tượng: Mọi người đều có thể tham dự. Mỗi tác giả có thể gửi một hoặc nhiều tác phẩm.

(4) Điều kiện:
- Tác phẩm do chính mình sáng tác; bài viết tay hoặc đánh máy xin viết trên giấy một mặt; nếu gởi email, xin dùng fonte tiếng Việt có dấu (fonte VNI hoặc UNICODE); nhạc, xin dùng chương trình encore; vui lòng đề rõ họ tên, bút hiệu, tuổi và địa chỉ (tại góc trên bên trái trang 1 của bài dự thi).
- Cách gửi bài:
Bài dự thi có thể gởi qua điện chỉ email: ducmetapao@gmail.com
Hoặc gởi qua đường bưu điện về địa chỉ: Linh mục Pet. Nuyễn Thiên Cung, Tòa Giám Mục Phan Thiết, 422 Trần Hưng Đạo, TP Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận-VIỆT NAM
- Thời hạn nhận bài: đến hết ngày 13 tháng 5 năm 2009

II. GIẢI THƯỞNG

(1) Mỗi thể loại có 10 giải thưởng:
- 01 Giải nhất
- 01 Giải nhì
- 01 Giải ba
- 07 giải khuyến khích

(2) Công bố các tác phẩm đoạt giải: ngày 13 tháng 8 năm 2009
Các tác phẩm đoạt giải sẽ được in thành một tập sách, do Ban Tổ Chức giữ bản quyền.

(3) Lễ Phát thưởng: ngày 08 tháng 12 năm 2009.
Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả những ai tham gia Giải thưởng này.

Phan Thiết, ngày 03-5-2008
TM/Ban Tổ Chức
 
Văn Hóa
Dăm dòng xúc cảm không tên…
lykhách
10:28 20/05/2008
Dăm dòng xúc cảm không tên…

Chiều nhạt mờ vào tối
Đêm Sài Gòn mù khói
Từng khối xe chạy vội
Gầm gừ cứ thế mà trôi
A ha...
Ở đây có lắm người bịt mặt
Chỉ chừa những đôi mắt
Dõi nhìn nơi để chen lách tay ga
Chao ơi, nhìn quanh đây sao chỉ thấy là
Người, người...muôn người hối hả…

Tôi là người khách lạ
Rất nhiều thời gian nên không vội tay ga
Chỉ tà tà hửi khói honda
Tai ù lên vô tận tiếng xe qua
Như thác lũ đổ bừa đèn xanh đỏ.
Tôi chẳng biết khúc đường này mấy ngõ
Đi hướng nào cũng chẳng rõ, cứ đi
Tôi đã quên mình đã định làm gì
Cứ chạy cạn bình xăng rồi sẽ tính

Cứ thế tà tà không chủ định
Rồi kẹt giữa bùng binh
Thấy hai chị em
Đứa bé chừng lên năm
Ngủ nằm trong tấm khăn dơ gói
Hồn nhiên cong người, một tay làm gối
Đứa chị chừng 6, 7 tuổi
Ngồi giơ tay, giương đôi mắt mỏi nhìn xe
Đi ăn xin sao không bước bên lề
Đỡ đày đọa và thảm thê em nhỉ?

Anh cho em chút tiền bố thí
Mà nghẹn ngào khi ngoảnh mặt đi
Ôi cái cảnh đói nghèo phi lý
Những ánh mắt trẻ thơ không yên nghỉ
Dõi theo người van một chút từ bi

Chắc người ta che mặt hết rồi
Những tấm khăn lọc khói bụi đời
Những tấm lòng như dòng xe trôi nổi
Chỉ nhìn em rồi rú tay ga thôi

Quán cà phê anh ngồi
Châm điếu thuốc, phụ Sài Gòn thêm tí khói
Chợt nhớ mấy đứa con anh mà lòng nhức nhối
Vì biết em vẫn là một con người
Con anh nó có quyền khóc,
Có quyền cười
Có quyền ăn, có quyền nói...
Anh có quyền phạt khi chúng có lỗi...
Còn em, em chỉ có quyền xin xỏ hạt cơm rơi
Có ai phạt em, hay cả xã hội con người?
Điều bất hạnh là chẳng còn ai nhớ tới
Khốn nạn hơn là nuốt hạt cơm rơi!

Anh hỏi người ta, người ta cười nói
“Anh bị chúng nó lừa đấy anh ơi...
Chúng nó là dân Kampuchia
Qua đây khất thực, kiêm chôm chỉa
Cha mẹ chúng bắt ra ngồi giữa thiên địa
Để ăn mày thì dễ bắt địa mà thôi,
Khi anh cho và quay bước đi rồi
Cha mẹ chúng sẽ ra moi từng xu bạc...”

À thì thế đấy! những tuổi thơ nhầu nát
Giữa chợ đời lưu lạc với mẹ cha
Hay những mẹ mìn, ma cô hành hạ
Cho em ăn chỉ cần đủ xương bọc da
Để mà em có sức ra
Ngồi giữa bùng binh ăn xin tiếp

Anh muốn quay lại tìm chỗ em ngồi
Để dẫn em ăn một bữa cơm thôi
Để nhìn em ăn và nghe em nói
Để biết trong tim anh còn chắc tình người

Anh chấp nhận cho đôi lần đời lừa lọc
Mất dăm điều, thêm tí mất mà thôi
(Có kẻ được nhưng chừng ra mất hết,
Có kẻ thua vẫn sống thật như chơi)
Thua thiệt gì cũng chả cần sám hối
Anh chẳng cho anh đánh mất tình người

Đêm Sài Gòn vẫn mịt mù xe chạy
Khói văn minh chưa lên lửa rất là cay
Tôi chẳng bịt mặt, chẳng lòng che tim đậy
Có lẽ thế nên nước mắt chảy chẳng hay

Quán xá lắm giai nhân tài tử
Chỉ cách một lề đường
Bên ngoài dòng xe tuôn gầm gừ
Bên trong quán lắm đôi ngồi tình tự
Nhìn trong, nhìn ngoài đâm tư lự
Ở nơi nào tôi cũng thấy mình dư

Đời sống nơi đây tất bật quá
Chút tình người sống hối hả sẽ quên
Mà tâm tư cũng dường như rất lạ
Thấy thật buồn mà chẳng biết đặt tên
Đất nước này như đi không cần đến
Cứ rú ga xuôi rồi lại rú ga lên
Mặt che
Tai đậy
Mắt ơ thờ như nhìn mà chẳng thấy
Xe chen xe san sát cạnh bên
Rồi tìm cách vượt lên
Len, lách, lấn theo dòng xe hổn hển
Như chiếc Honda không cần dừng nơi bến
Lòng chợt dừng chợt chạy ngõ tim quên.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Trong Nhà Nguyện
Nguyễn Đạo Huân
00:36 20/05/2008

TRONG NHÀ NGUYỆN



Ảnh của Nguyễn Đạo Huân, Australia.

Khi con quì bên nhà Tạm

Nhìn sâu vào đáy lòng mình

Con tìm thấy những gì bí ẩn

Đang phơi bầy trước ánh mắt Chúa nhiệm mầu..

(Trích thơ Ánh Lửa Đèn Chầu của Sr. Thanh Thủy )

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News