Ngày 22-05-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 23/05: Mời gọi làm chứng cho Chúa – Lm. Vinh-Sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:41 22/05/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.

“Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.

Đó là lời Chúa
 
Cảnh vực thần linh
Lm. Minh Anh
02:49 22/05/2022

CẢNH VỰC THẦN LINH
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”; “Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều!”.

George Mueller nói, “Tôi sẽ tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa qua Lời Chúa và Thánh Thần. Thánh Thần và Lời Chúa phải kết hợp với nhau! Nếu chỉ chiêm ngắm Thánh Thần mà bỏ qua Lời Chúa, tôi sẽ ảo tưởng! Nếu Thánh Thần dẫn dắt, Ngài sẽ dẫn tôi sống theo Lời Chúa; và Lời sẽ dẫn tôi đến nơi mà Thánh Thần muốn dẫn tôi đến, một nơi được gọi là, ‘Cảnh Vực Thần Linh!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Cảnh Vực Thần Linh!’, nơi mà Thánh Thần muốn dẫn chúng ta đến, đó chính là cung lòng Chúa Cha, nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị! Nhưng thật bất ngờ, đó còn là những tâm hồn mà Lời Chúa được sống, được giữ. Trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu nói, “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy; Cha Thầy và Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến ở lại với người ấy!”. Một tâm hồn được Chúa Cha và Chúa Con ở lại chính là ‘Cảnh Vực Thần Linh!’.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ phản ánh một thực trạng của Giáo Hội sơ khai; ở đó, có những bất đồng, xung đột và mất bình an. Lý do? Một nan đề gai gốc, “Cắt bì hay không cắt bì?”. Các lập trường lý luận nhân loại không thể giải quyết vấn đề, mãi cho đến khi Lời Chúa được chọn làm kim chỉ nam; “Giới Răn Yêu Thương”, quy tắc vàng, được nắm giữ; và nhất là khi các tông đồ triệt để đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thì lập tức, xung đột được giải quyết, bình an được thiết lập. Vậy mà, ngay từ đầu, câu trả lời không bao giờ là rõ ràng, thậm chí xung khắc, cho đến khi mọi người tìm được hiệp nhất và yêu thương. Đó chính là ‘Cảnh Vực Thần Linh’ ngoạn mục đầu tiên mà Thánh Thần đã dẫn các môn đệ đến! Kết quả là, dân ngoại phớn phở khi ‘nghị quyết’ “không cần cắt bì” được công bố. Thánh Vịnh đáp ca vỡ oà một niềm vui, “Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài!”.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu tuyên bố, “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”. Giữ Lời Chúa là yêu mến Chúa! Khi quy tắc vàng được thể hiện, lòng yêu mến Thiên Chúa được chứng tỏ. Nhưng yêu như thế nào? Chúa Giêsu mời gọi chúng ta yêu như Chúa yêu; một khi yêu mà ‘không cần đo lường, không cần phân biệt, không sợ mất mát’ như Chúa Giêsu, thì lúc đó, trái tim chúng ta đập cùng nhịp trong quỹ đạo yêu thương của Thiên Chúa, ‘Đấng sẽ lo phần còn lại’. Chính lúc đó, Thánh Thần sẽ tự do dẫn chúng ta đến nơi Ngài muốn, ‘Cảnh Vực Thần Linh!’. Thật thú vị, ‘Cảnh Vực Thần Linh’ còn là một thế giới yếu đuối, luôn đổi thay mà Giáo Hội được kêu gọi để biến đổi nó; tuy thế, vẫn là một thế giới mà theo cách nói của một nhà thần học, “viết chương trình nghị sự cho Giáo Hội”. Giáo Hội sẽ biến thế giới này, theo sách Khải Huyền hôm nay, nên “Thành của Thiên Chúa Toàn Năng và Chiên Con là đền thờ!”. Đó là viễn cảnh Vương Quốc, là ‘Cảnh Vực Thần Linh’ mà mỗi thành viên của Hội Thánh phải mơ ước và hướng về!

Anh Chị em,

“Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy”; “Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều!”. Yêu mến Chúa Giêsu, tuân giữ Lời Ngài, là tiêu chí đầu tiên mà mỗi người thể hiện tình yêu đối với Ngài. Thế nhưng, tự sức chúng ta không làm được điều này. Vì thế, từ lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được ban cho Giáo Hội; cũng như từ ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, Thánh Thần được ban cho mỗi người. Và Ngôi Ba Thiên Chúa luôn hiện diện và hoạt động với Giáo Hội cũng như hành động trong linh hồn mỗi người. Chúa Giêsu gọi Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ; chính Đấng Bảo Trợ sẽ dạy cho Giáo Hội qua Đức Thánh Cha, qua các Mục tử; và Ngài cũng dạy mỗi người cách thức đào sâu, thấu hiểu và thực thi Lời, để ngày càng yêu mến và nên giống Chúa Giêsu hơn. Và như thế, Chúa Ba Ngôi sẽ đến cắm lều giữa lòng Giáo Hội, và dựng trại trong tâm hồn mỗi người. Nhờ đó, chúng ta được thông chuyển tình yêu và nhựa sống thần linh của Ngài; nói cách khác, chúng ta được sống trong ‘Cảnh Vực Thần Linh’, hay ‘Cảnh Vực Thần Linh’ rợp bóng trên chúng ta. Tuyệt vời thay, đó cũng là nơi mà Thánh Thần muốn dẫn mỗi người chúng ta đến!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giữa thế giới tục luỵ, xin cho mỗi người chúng con luôn trở nên một ‘Cảnh Vực Thần Linh’; ở đó, anh chị em con sẽ gặp được Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng yêu thương họ!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Một phần không thể thiếu
Lm. Minh Anh
20:38 22/05/2022

MỘT PHẦN KHÔNG THỂ THIẾU
“Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường!”.

Ngày kia, Paul Rader thăm đấu trường Colosseum, nơi các Kitô hữu đầu tiên bị thú dữ ăn thịt. Ông viết, “Tôi ngước nhìn lên trời, nơi Chúa Cha ngồi chứng kiến con cái Ngài vui mừng chết; các tín hữu quỳ ngay trước ngưỡng thiên đàng, bùi ngùi hớn hở khi sắp về nhà Cha! Không tài sản nào có thể giữ họ lại. Tử đạo, ‘một phần không thể thiếu’ trong đời sống một chứng nhân!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tử đạo, ‘một phần không thể thiếu’ trong đời sống một chứng nhân!”. Đó cũng có thể là nội dung của Tin Mừng hôm nay. Biết mình sắp về cùng Cha, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ những gì sẽ xảy đến, “Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường!”; và còn hơn thế nữa!

Rất có thể, khi nghe Chúa Giêsu nói về việc họ sẽ bị trục xuất khỏi hội đường, và thậm chí bị giết, thì với các môn đệ, điều đó có thể vào tai này, ra tai kia. Hoặc lời này có thể khiến họ khó chịu đôi chút; cũng rất có thể, họ chỉ nghe qua mà không quá lắng lo! Thế nhưng, đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói, “Thầy đã nói với các con, để khi đến giờ họ hành động, các con nhớ lại, là Thầy đã nói với các con rồi!”. Và chúng ta có thể tin chắc, đến giờ bị bách hại, các tông đồ đã bình tĩnh và can đảm hơn trước thập giá đang chờ đợi họ, ‘một phần không thể thiếu’ mà Thầy của họ đã báo trước. Và điều này giúp họ thoát khỏi cám dỗ tuyệt vọng và mất niềm tin.

Thế nhưng, điều thú vị ở đây lại là những gì Chúa Giêsu không nói! Ngài không nói với họ, hãy chống trả, hãy bạo động, hay chuẩn bị vũ trang… Thay vào đó, thật tuyệt vời, Ngài nói với họ về Chúa Thánh Thần! Rằng, Thánh Thần sẽ đảm đang mọi sự; Ngài sẽ dẫn dắt họ, và cho phép họ làm chứng cho Ngài. Làm chứng cho Chúa Giêsu rõ nét nhất, có thể là tù đày, và cũng có thể là đổ máu vì Danh Ngài! Vì vậy, Chúa Giêsu đã chuẩn bị trước điều này, bằng cách nói cho họ biết, họ sẽ được Chúa Thánh Thần ở cùng; để củng cố, đỡ nâng, hầu làm chứng cho Ngài. Và một khi điều này bắt đầu xảy ra, các môn đệ biết cậy trông tuyệt đối vào Chúa Thánh Thần.

Anh Chị em,

“Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường”; và còn hơn thế nữa! Chính Chúa Giêsu đã trải qua các điều ấy. Ngài đã bị khai trừ, bị giết chết, nhưng đó là cơ hội để Ngài chứng tỏ tình yêu và lòng vâng phục Chúa Cha; cũng vậy, bách hại, bắt bớ là cơ hội để chúng ta chứng tỏ tình yêu và lòng trung tín đối với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài; đó cũng là lúc chúng ta nên giống Thầy mình. Chúa Giêsu đã vượt qua tất cả, tình yêu đã chiến thắng; Chúa Cha đã cho Ngài phục sinh. Từ đó, Ngài trở nên Đấng Cứu Độ! Với chúng ta, cuộc chiến giành ưu tiên cho Thiên Chúa và các giá trị Tin Mừng không chỉ là bách hại, bắt bớ bên ngoài; nhưng còn là những gì diễn ra trong chính nội tâm của mỗi người, đó cũng là ‘một phần không thể thiếu’ của người môn đệ.

Chính Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ đang ở trong chúng ta; Ngài sẽ ban sức mạnh để chúng ta mạnh mẽ vượt qua mọi sự với trái tim tràn đầy yêu thương, và mỗi người tiếp tục trở nên những chứng nhân của Tin Mừng. Hãy để những hy sinh bên ngoài và bên trong này trở thành cơ hội nuôi dưỡng niềm hy vọng và lòng tín thác của chúng ta đối với Chúa Thánh Thần. Được như thế, mỗi ngày, chúng ta khác nào các Kitô hữu sơ khai, mắt đăm đăm nhìn trời, nhìn ngưỡng cửa thiên đàng, nhà của Cha mình; ở đó, Ba Ngôi Thiên Chúa đang mở rộng vòng tay chờ đón mỗi người! Vậy, hãy tin cậy Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, khi mỗi con đứt hơi vì thập giá bên ngoài và bên trong, xin cho con sức mạnh của Thánh Thần; vì biết rằng, thập giá là ‘một phần không thể thiếu’ để con nên thánh!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các nhóm Caritas của Ukraine giúp đỡ gần 1,5 triệu người khi chiến tranh bùng phát nhận định Đây sẽ là một chặng đường dài
Đặng Tự Do
07:34 22/05/2022


Hai chi nhánh của Caritas ở Ukraine đã giúp đỡ gần 1,5 triệu người kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Nhưng viện trợ mà họ cung cấp cho đến nay “mới chỉ là bước khởi đầu”, theo Tetiana Stawnychy, chủ tịch Caritas Ukraine.

Phát biểu tại một cuộc họp báo được phát trực tiếp ở Rome vào ngày 16 tháng 5, Stawnychy cho biết: “Chúng tôi vẫn đang đáp lại nhu cầu của những dòng người ban đầu từ các khu vực có giao tranh nặng và cần có phản ứng ban đầu.”

“Ở một số trung tâm, chúng tôi đã ổn định, mọi người đang ổn định và chúng tôi phải đi sâu hơn một chút. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu “.

“Và tôi muốn chỉ ra điều đó, bởi vì đây sẽ là một chặng đường dài, một con đường dài và chúng tôi hy vọng sự đồng hành sẽ tiếp tục.”

Caritas Ukraine, tổ chức cung cấp hỗ trợ nhân đạo thông qua Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã hứng chịu nhiều thiệt hại, chẳng hạn như một văn phòng ở thành phố Mariupol do Nga chiếm đóng đã bị xe tăng Nga bắn thẳng vào tòa nhà khiến 7 người thiệt mạng.

Một tổ chức Caritas khác của nước này là Caritas-Spes, một tổ chức từ thiện của các giám mục theo nghi thức Latinh của Ukraine.

Cả hai nhóm đều thuộc mạng lưới quốc tế do Caritas Internationalis, một cơ quan bảo trợ có trụ sở tại Vatican, giám sát.

Caritas Internationalis vào ngày 16 tháng 5 cho biết hai tổ chức ở Ukraine đã kết hợp để giúp đỡ “gần 1,5 triệu người đã phải di dời sau sự leo thang của bạo lực và bất ổn trong nước.”

Các nhóm Caritas cũng đang hoạt động ở các nước láng giềng, nơi hơn sáu triệu người Ukraine đã bỏ trốn kể từ ngày 24 tháng Hai.

Tại Ba Lan, quốc gia đã chào đón hơn ba triệu người tị nạn Ukraine, mạng lưới Caritas giáo phận đã cung cấp hơn 1,5 triệu bữa ăn cho hơn 500.000 người.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Cha Vyacheslav Grynevych, tổng thư ký Caritas-Spes, nhấn mạnh rằng tác động của chiến tranh sẽ còn được cảm nhận trong nhiều năm tới.

Ngài nói: “Thật khó để đoán được khi nào chiến tranh kết thúc… Bức tranh chiến tranh sẽ ở lại với chúng tôi suốt cuộc đời. Nhưng tôi biết rằng có thuốc - liều thuốc của Giáo hội - thuốc của tình yêu, của hy vọng, và ơn gọi của chúng tôi với tư cách là một gia đình Caritas là chia sẻ điều này với những người gần gũi với chúng tôi”.

Linh mục Pallottine, người đã sử dụng mạng xã hội để nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của thường dân bị bắn phá, nói rằng ngài đã nói chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô khoảng 30 phút vào ngày 15 tháng 5.

“Điều quan trọng là mọi người muốn nghe bạn, muốn biết kinh nghiệm của bạn,” ngài nói.

Ngài nói thêm: “Chúng tôi cũng chia sẻ thông tin với Đức Giáo Hoàng rằng tại thời điểm này, các giám mục của chúng tôi, các linh mục của chúng tôi, đều là những tình nguyện viên của Caritas. Tất cả chúng ta đều là Caritas. Trong các Giáo Hội của chúng tôi, chúng tôi có các tạp chí viện trợ nhân đạo, và chúng tôi nói rằng chúng tôi có sự hợp tác tốt, chúng tôi có sự đoàn kết, và Đức Giáo Hoàng nói: 'Đó là điều tôi muốn.'

“Vâng, nó rất đẹp. Đó là bộ mặt của Giáo hội chúng ta. Và tôi nghĩ rằng nhiều lần Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng những từ này về 'Chiesa in uscita', Giáo hội tiến lên phía trước. Và tôi nghĩ đó là kinh nghiệm của chúng tôi, là thực tế của chúng tôi bây giờ”.


Source:Catholic News Agency
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 22 tháng 5
J.B. Đặng Minh An dịch
17:14 22/05/2022
Chúa Nhật 22 tháng 5, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 6 Mùa Phục sinh.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng:

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.

Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, khi chào tạm biệt các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói gần như một giao ước: “Thầy để lại bình an cho anh em”. Và Ngài nói thêm ngay lập tức: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14:27). Chúng ta hãy suy ngẫm về những cụm từ ngắn này.

Trước hết, bình an Thầy để lại cho anh em. Chúa Giêsu chào tạm biệt bằng những lời thể hiện tình cảm và sự bình yên. Nhưng Ngài làm như vậy trong một khoảnh khắc không có gì khác ngoài sự thanh thản. Giuđa đã bỏ đi để phản bội Ngài, Phêrô sắp chối Ngài, và hầu chắc là những người khác sẽ bỏ rơi Ngài. Chúa biết điều này, nhưng Ngài không quở trách, không nặng lời, không đưa ra những diễn từ cay đắng. Thay vì thể hiện sự kích động, Ngài vẫn từ tốn cho đến cùng. Có một câu tục ngữ nói rằng bạn chết theo cách bạn đã sống. Nói cách khác, những giờ phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu giống như bản chất của toàn bộ cuộc đời Ngài. Ngài cảm thấy sợ hãi và đau đớn, nhưng không chiều theo sự phẫn uất hay phản kháng. Ngài không để cho mình trở nên cay đắng, Ngài không trút ra những oán giận, Ngài không nóng nảy. Ngài bình yên, một sự bình yên đến từ trái tim hiền lành quen với sự phó thác. Đây là nguồn bình an mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Vì không ai có thể để lại cho người khác sự bình an nếu họ không có sự an bình trong chính họ. Không ai có thể trao ban bình yên, trừ khi người đó được yên bình.

Thầy để lại bình an cho anh em: Chúa Giêsu chứng tỏ rằng sự hiền lành là khả thi. Ngài đã thể hiện điều đó một cách đặc biệt trong thời khắc khó khăn nhất, và Ngài muốn chúng ta cũng hành xử theo cách đó, vì chúng ta cũng là những người thừa kế hòa bình của Người. Ngài muốn chúng ta hiền lành, cởi mở, sẵn sàng lắng nghe, có khả năng xoa dịu căng thẳng và tạo nên sự hòa hợp. Đây là việc làm chứng cho Chúa Giêsu và có giá trị hơn một ngàn lời nói và nhiều bài giảng. Hãy là chứng nhân của hòa bình. Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta hãy tự hỏi mình xem liệu chúng ta có cư xử như thế ở nơi chúng ta sống - chúng ta có xoa dịu căng thẳng và xoa dịu xung đột không? Liệu chúng ta có quá gay gắt với ai không, luôn sẵn sàng phản ứng, bùng nổ, hay chúng ta biết cách đáp trả một cách bất bạo động, chúng ta có biết cách đáp trả bằng những hành động ôn hòa không? Làm thế nào để tôi phản ứng? Mọi người có thể tự hỏi mình điều này.

Chắc chắn, sự hiền lành này không hề dễ dàng. Trên mọi bình diện, thật khó làm sao để có thể xoa dịu xung đột! Cụm từ thứ hai của Chúa Giêsu có ích cho chúng ta ở đây: sự bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em. Chúa Giêsu biết rằng bản thân chúng ta không thể vun đắp hòa bình, rằng chúng ta cần giúp đỡ, rằng chúng ta cần đến ân sủng. Hòa bình, là nghĩa vụ của chúng ta, trước hết là một ân sủng của Thiên Chúa. Trên thực tế, Chúa Giêsu nói: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” (c. 27). Bình an này là gì mà thế giới không biết và Chúa ban cho chúng ta? Sự bình an này là Chúa Thánh Thần, cùng một Thần Khí của Chúa Giêsu. Đó là sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta, đó là “quyền năng bình an” của Thiên Chúa. Chính Ngài, Chúa Thánh Thần, Đấng giải trừ bạo lực trong tâm hồn chúng ta và lấp đầy con tim chúng ta bằng sự thanh thản. Chính Ngài, Chúa Thánh Thần, Đấng nới lỏng sự cứng rắn và dập tắt những cám dỗ tấn công người khác. Chính Ngài, Chúa Thánh Thần, người nhắc nhở chúng ta rằng có anh chị em bên cạnh chúng ta, không phải là chướng ngại vật hay đối thủ. Chính Ngài, Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta sức mạnh để tha thứ, để bắt đầu lại, để bắt đầu lại cuộc đời bởi vì chúng ta không thể làm điều này bằng sức riêng của mình. Và chính với Ngài, với Chúa Thánh Thần, chúng ta trở thành những người nam nữ của hòa bình.

Anh chị em thân mến, không có tội lỗi, không có thất bại, không có thù hận nào có thể làm nản lòng chúng ta khiến chúng ta không nài xin ân sủng này từ Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự bình an cho chúng ta. Chúng ta càng cảm thấy lòng mình xao động, càng cảm thấy mình đang bồn chồn, nóng nảy, tức giận trong lòng, thì chúng ta càng cần cầu xin Chúa ban cho Thần Khí bình an cho chúng ta. Chúng ta hãy học cách nói mỗi ngày: “Lạy Chúa, xin ban bình an cho con, xin ban Thánh Thần cho con”. Đây là một lời cầu nguyện đẹp. Chúng ta sẽ nói điều đó cùng nhau chứ? “Lạy Chúa, xin ban bình an cho con, xin ban Thánh Thần cho con”. Tôi không nghe rõ. Hãy nói to một lần nữa: “Lạy Chúa, xin ban bình an cho con, xin ban Thánh Thần cho con”. Và chúng ta cũng hãy cầu xin điều này cho những người sống bên cạnh chúng ta, cho những người chúng ta gặp hàng ngày, và cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia.

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần để chúng ta có thể là những người kiến tạo hòa bình.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Chiều nay tại Lyon, Pauline Marie Jericot, vị sáng lập Hiệp hội Truyền bá Đức tin để hỗ trợ các đoàn truyền giáo, sẽ được phong chân phước. Người phụ nữ trung thành này sống trong nửa đầu những năm 1800. Bà là một phụ nữ can đảm, chú ý đến những thay đổi đang diễn ra vào thời điểm đó, và có tầm nhìn phổ quát về sứ mệnh của Giáo hội. Xin cho tấm gương của chị khơi dậy trong mọi người niềm khao khát tham gia qua lời cầu nguyện và lòng bác ái vào việc truyền bá Phúc Âm trên khắp thế giới. Một tràng pháo tay cho vị Chân phước mới!

Hôm nay, Tuần lễ Laudato Si 'bắt đầu, để chăm chú lắng nghe hơn nữa tiếng kêu của Trái đất đang thôi thúc chúng ta cùng hành động để chăm lo cho ngôi nhà chung của mình. Tôi cảm ơn Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, và nhiều tổ chức tham gia vào tuần lễ này và tôi mời tất cả mọi người tham gia.

Thứ Ba tới đây là Lễ Kính Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ Phù hộ của các Kitô hữu, đặc biệt yêu quý đối với những người Công Giáo ở Trung Quốc, những người tôn kính Đức Mẹ Maria, với tước hiệu Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu là Đấng bảo trợ của họ tại đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn ở Thượng Hải, trong nhiều nhà thờ trên khắp đất nước và tại các nhà thờ tại gia của họ. Dịp vui này mang đến cho tôi cơ hội để một lần nữa bảo đảm với họ về sự gần gũi thiêng liêng của tôi. Tôi chăm chú và tích cực theo dõi cuộc sống và tình huống thường phức tạp của các tín hữu và mục tử, và tôi cầu nguyện mỗi ngày cho họ. Tôi mời tất cả anh chị em hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện này để Giáo hội ở Trung Quốc, trong tự do và yên hàn, có thể sống trong sự hiệp thông hữu hiệu với Giáo hội hoàn vũ, và có thể thực hiện sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho mọi người, và do đó mang lại những đóng góp tích cực cho sự tiến bộ tinh thần và vật chất của xã hội.

Và tôi xin chào tất cả anh chị em, những người hành hương đến từ Rôma, Ý, và nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu đến từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Bỉ, Ba Lan và Puerto Rico; các linh mục từ Ecuador; cộng đồng Emmaus từ Foggia; các tình nguyện viên trong phong trào Soccorso di Saint-Pierre (Aosta); các sinh viên đến từ Verona và các nam sinh và nữ sinh từ Sombreno, thuộc Giáo phận Bergamo.

Tôi chào tất cả anh chị em, họ đang ở đây, những người đã tham gia sự kiện quốc gia Scegliamo la vita, nghĩa là Hãy chọn cuộc sống. Tôi cảm ơn vì cống hiến của anh chị em trong việc thúc đẩy cuộc sống và bảo vệ sự phản đối lương tâm, là điều mà người ta thường cố gắng hạn chế. Đáng buồn thay, trong những năm cuối cùng, đã có một sự thay đổi trong tâm lý chung, và ngày nay chúng ta ngày càng có xu hướng nghĩ rằng cuộc sống là một điều tốt đẹp theo ý của chúng ta, rằng chúng ta có thể thao túng, sinh ra hoặc lấy đi cuộc sống, theo ý chúng ta, như thể đó là hệ quả riêng tư của sự lựa chọn cá nhân. Chúng ta hãy nhớ rằng cuộc sống là một ân sủng của Chúa! Nó luôn thánh thiêng và bất khả xâm phạm, và chúng ta không thể làm câm lặng tiếng nói của lương tâm.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành! Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Trước những nhiễu nhương của thế giới Đức Thánh Cha chạy tới Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu và bày tỏ sự gần gũi với các mục tử và tín hữu ở Trung Quốc
Thanh Quảng sdb
18:18 22/05/2022
Trước những nhiễu nhương của thế giới Đức Thánh Cha chạy tới Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu và bày tỏ sự gần gũi với các mục tử và tín hữu ở Trung Quốc

Cuối buổi triều yết đọc kinh “Truyền Tin”, Đức Thánh Cha Phanxicô hướng về lễ Mẹ Phù hộ các Kitô hữu sẽ được mừng kính vào 24/5 sắp tới, ngài mời gọi toàn thể Giáo hội hãy hiệp nhất cầu nguyện cho những người Công Giáo Trung Hoa.

(Tin Vatican - Francesca Merlo)

Cuối buổi triều yết đọc kinh “Truyền Tin”, Đức Thánh Cha đã qui hướng về Chân phước Pauline Marie Jaricot, người sáng lập Phong trào Truyền bá Đức tin, mới được nâng lên hàng Chân phước vào chiều Chủ nhật này tại Lyon. Đức Thánh Cha lưu ý rằng "Người nữ giáo dân trung thành này, sống vào đầu thế kỷ 19, là một phụ nữ can đảm, nhậy cảm trước những biến đổi của thời đại với cái nhìn tổng quan về sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội". Đức Thánh Cha trình bày mẫu gương của vị chân phước cho mọi người noi theo qua tấm gương cầu nguyện và lòng bác ái, tham dự vào việc truyền bá Phúc Âm cho mọi nơi trên thế giới.

Tuần lễ kỷ niệm Tông huấn “Laudato si”

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc cho mọi người rằng Chúa Nhật này cũng đánh dấu Tuần lễ kỷ niệm Tông huấn “Laudato si”, hầu "chăm chú lắng nghe hơn nữa tiếng kêu của Mẹ Trái đất, hầu thúc giục chúng ta cùng nhau hành động để chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta". Đối với sáng kiến này, Đức Thánh Cha cảm ơn Thánh bộ Thúc đẩy Phát triển Con người Toàn diện và nhiều tổ chức đã và đang tham gia vào công tác này, trước khi mời mọi người cùng tham gia.

Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô tập chung vào điểm thứ Ba, đó là lễ Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, một tước hiệu được "đặc biệt tôn kính đối với những người Công Giáo ở Trung Quốc, được coi như Đấng bảo trợ và tôn kính tại Đền thờ Sheshan ở Thượng Hải, và tại nhiều nhà thờ trong cả nước, và như tại các tư gia của dân chúng". Đức Thánh Cha lưu ý rằng "nhân dịp vui mừng" này ngài "một lần nữa đoan quyết tâm tình cầu nguyện của ĐTC dành cho Giáo hội Trung Hoa". Đức Thánh Cha cũng chia sẻ với những người đang qui tụ biết ngài hằng "lưu tâm và theo dõi cuộc sống cũng như những sự kiện phức tạp đang xảy ra cho các tín hữu và các mục tử" ở Trung quốc và ngài cầu nguyện cho họ hàng ngày...

Cám ơn phong trào “Phò Sinh” của người Ý

Cuối cùng, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn với những người tham dự vào sự kiện “Phò Sinh” Scegliamo la vita (Let’s Choose Life) cấp quốc gia của Ý mới khởi sự vào ngày hôm qua. "Tôi cảm ơn sự dấn thân của các bạn trong việc bảo vệ sự sống và tôn trọng nhân phẩm con người", ĐTC nhấn mạnh "Đây là một món quà từ Thiên Chúa! Nó là một cái gì thiêng liêng và bất khả xâm phạm, và chúng ta không thể dập tắt tiếng nói lương tâm của chúng ta…"
 
Ngay từ đầu, Roe v. Wade chưa bao giờ là ‘luật’
Vũ Văn An
18:56 22/05/2022

Theo John Clark, viết trên CNA ngày 19 tháng 5, 2022, Tối cao Pháp viện không phải là cơ quan lập pháp - trong khi nó có thể đưa ra các phán quyết tư pháp, nó không thể làm luật.



"Roe v. Wade là luật của đất." Cụm từ này đã được thốt ra hàng triệu lần kể từ ngày 22 tháng 1 năm 1973. Cho dù họ muốn Roe giữ nguyên hay bãi bỏ, người Mỹ phần lớn đồng ý với nhận định đó. Vấn đề là, câu nói đó sai 100%. Roe không phải là luật vào năm 1973. Nó không phải là luật lúc này.

Quyết định đa số của thẩm phán Harry Blackmun trong Roe v. Wade là quan điểm của tòa án, không phải là luật.

Blackmun muốn nó trở thành luật. Ông ấy tuyên bố nó phải là luật. Ông ấy viết phán quyết này như thể đó là luật. Như Chánh án Samuel Alito viết trong dự thảo phán quyết bị rò rỉ gần đây của mình, "Kế hoạch mà Roe đưa ra trông giống như luật pháp và Tòa án đã cung cấp loại giải thích có thể được mong đợi từ một cơ quan lập pháp."

Alito viết tiếp: “Các điểm yếu trong lý luận của Roe đã được biết rõ. Không có bất cứ căn cứ nào trong bản văn hiến pháp, lịch sử hoặc tiền lệ, nó áp đặt lên toàn bộ đất nước một bộ quy tắc chi tiết giống như những quy tắc mà người ta có thể mong đợi tìm thấy trong một quy chế hoặc quy định”.

Vấn đề là, và vẫn còn là, Tối cao Pháp viện không có thẩm quyền hiến định để làm luật.

Tối cao Pháp viện là cơ quan tư pháp, không phải cơ quan lập pháp. Tòa án có thể đưa ra các phán quyết tư pháp; nó không thể làm luật. Sự khác biệt đó là điều căn bản cho nền cộng hòa lập hiến của chúng ta. Như Alexander Hamilton đã viết trên Federalist, "Tôi đồng ý, rằng ‘không có tự do, nếu quyền xét xử không tách biệt với quyền lập pháp và hành pháp'."

Ở Mỹ, các dự luật trở thành luật sau khi được Quốc hội (nhánh lập pháp) thông qua, và sau đó được Tổng thống (nhánh hành pháp) ký thành luật. Tổng thống có thể phủ quyết một dự luật, nhưng (với đủ số phiếu bầu) quyền phủ quyết đó có thể bị vượt qua và do nhánh lập pháp thông qua. Không có ngoại lệ, Tòa án tối cao là cơ quan duy nhất của chính phủ không có quyền liên quan đến hoạt động tạo luật. Điều đó đúng cho dù đó là luật phá thai, luật tra tấn, luật tài sản hay bất cứ loại luật nào khác.

Chắc chắn, các thẩm phán nên áp dụng luật, nhưng điều này khác xa với việc làm luật. Như Chánh án John Roberts đã nói, “Các thẩm phán và chánh án là những người phục vụ luật pháp, không phải ngược lại. Các thẩm phán giống như trọng tài. Các trọng tài không tạo ra các quy tắc; họ áp dụng chúng.” Cũng như các trọng tài, Tòa án có quyền lật ngược những phán quyết tồi tệ của chính họ. Sự lật ngược Roe của Alito không phải là duy nhất; nó là một trong số nhiều vụ lật ngược.

Quyền làm luật - cùng với các quyền như tuyên chiến, đàm phán hiệp ước và phát hành tiền tệ - được dành cho các nhánh khác. Tòa án tối cao không có thẩm quyền hiến định để đưa ra luật phá thai giống như họ không có quyền tuyên chiến với Canada, đàm phán các hiệp ước với đảo Curaçao hoặc thay thế đồng đô la Mỹ bằng tiền điện tử. Đây là những quyền hạn được dành cho các nhánh khác.

Blackmun không có quyền làm luật cũng như bất cứ công dân không dân cử nào khác ở Mỹ không có quyền đó. Lord Acton nhận xét rằng “quyền lực có xu hướng thối nát; quyền lực tuyệt đối thối nát cách tuyệt đối”. Nếu một người tuyên bố sở hữu quyền lực tuyệt đối trong một nền cộng hòa lập hiến, thì điều đó được coi là bằng chứng của thối nát. Ít nhất, nó không thừa nhận sự tách biệt các quyền lực được coi là thiết yếu để vận hành một hình thức chính phủ hợp hiến.

Tất nhiên, một số nhà cấp tiến về chính trị, trong căn bản, bác bỏ quan niệm đó - toàn bộ việc “tách biệt các quyền lực”. Họ hình như tin rằng Tối cao Pháp viện không chỉ có quyền tư pháp mà còn có quyền hành pháp và lập pháp liên bang tuyệt đối.

Hơn nữa - khi bác bỏ lập luận của Alito cho rằng các đại diện dân cử nên có quyền đưa ra luật liên quan đến phá thai – trong yếu tính, họ lập luận rằng Tối cao Pháp viện nên duy trì quyền lực tuyệt đối đối với tất cả 50 thống đốc tiểu bang, tất cả các cơ quan lập pháp của tiểu bang và tất cả cử tri ở tất cả các tiểu bang đó. Trong khi họ kêu gọi dân chủ trên CNN và MSNBC, những người cấp tiến, cùng một lúc, thúc đẩy ý kiến cho rằng chỉ cần năm cá nhân không được dân bầu (số lượng cần thiết cho đa số Tòa án) nên đưa ra quyết định sinh tử thay mặt cho 330 triệu người.

Có thể tồn tại một diễn trình phi dân chủ hơn thế hay không?

Phán quyết của Alito cho rằng quyền lực nên được trả lại cho các tiểu bang, có nghĩa là: quyền lực nên được trả lại cho cử tri ở các tiểu bang. Phán quyết của Alito sẽ cho phép một diễn trình dân chủ hơn – chứ không ít hơn. Đó không phải là một ý kiến; đó là một tuyên bố về sự kiện có tính toán học khách quan.

Quyết định của chánh án Alito không coi việc phá thai là bất hợp pháp và bất cứ ai nói khác thế là cố ý gian dối hoặc đơn giản thiếu hiểu biết. Dù người ta nghĩ gì về việc phá thai, điều chắc chắn là việc lật ngược Roe của Alito là một trong những quyết định hoàn toàn dân chủ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thường Huấn Thành Viên Ủy Ban Giáo Dân Giáo Tỉnh Huế - Năm 2022
Tôma Trương Văn Ân
08:45 22/05/2022
Thường Huấn Thành Viên Ủy Ban Giáo Dân Giáo Tỉnh Huế - Năm 2022

Cùng với Giáo hội toàn cầu, theo tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô, hướng tới Hội Thánh hiệp hành: Hiệp Thông – Tham gia và Sứ vụ, trong Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI vào tháng 10 năm 2023.

Ủy ban Giáo Dân (UBGD) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), đã có Chương trình thường huấn Thành viên Ủy Ban Giáo dân của các Giáo phận trong Giáo tỉnh Huế ( gồm Tổng Giáo phận Huế và các Giáo phận: Đà Nẵng, Kon Tum, Ban Mê Thuột, Qui Nhơn, Nha Trang ) tại Tòa Giám mục Ban Mê Thuột, trong 2 ngày 19 và 20 / 5 / 2022. Với Chủ đề: CÙNG MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH.

Xem Hình

Chương trình thường huấn bắt đầu, với Diễn văn chào mừng của Cha Gioan Baotixita Nguyễn Minh Tâm – Trưởng Ủy ban mục vụ Giáo Dân – Giáo phận BMT lúc 14 giờ, ngày 19 / 5 / 2022. Cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu- Tổng Đại diện Giáo phận Ban Mê Thuột ( BMT ), Cha Giuse Trần Văn Phúc – Quản lý Giáo phận BMT, Cha Giuse Nguyễn Quang Diệu – Chánh văn phòng TGM BMT, đã đến chúc mừng và xin Chúa ban Ân sủng cho mỗi người được lãnh hội những kết quả tốt đẹp, và có những đóng góp thiết thực trong việc hướng tới một Hội Thánh hiệp hành.

Trong chương trình, Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục Giáo phận Long Xuyên – Chủ tịch UBGD; Cha Giuse Nguyễn Ý Định - Phó Chủ tịch; Cha Antôn Hà Văn Minh - thư ký UBGD đã thuyết trình các đề tài chuyên sâu “ Cùng Hội Thánh Hiệp Hành “, và cùng Hội thảo với hơn 60 tham dự viên, gồm các Linh mục, Tu Sĩ và thành viên phụ trách Ban Giáo Dân của 6 Giáo phận, thuộc Giáo tỉnh Huế và Quí Cha Đặc trách Giáo dân các Giáo hạt của Giáo phận Ban mê Thuột.

Đức cha Chủ tịch chia sẻ với tham dự viên về “Vai trò của Giáo dân trong một Hội Thánh hiệp hành.” Đức cha Chủ tịch dẫn chứng: Công đồng đầu tiên của Giáo hội thời các Thánh Tông Đồ, Công đồng Giêrusalem (x. Cv 15) đã là một công đồng hiệp hành. Đức Cha Ước mong những cuộc hội họp là biểu hiện sự hiệp hành theo gương mẫu của các thánh tông đồ, mổi người cần cảm nghiệm Chúa Thánh Thần thúc đẩy để lắng nghe từ trong nội tâm và lắng nghe nhau, nói, phân định ý Chúa, gặp gỡ nhau để gặp gỡ Chúa, và cộng đoàn được bình an…. Ngài nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người giáo dân trong công việc xây dựng Hội thánh Chúa, trong lịch sử cũng như hiện tại. Nhờ Bí tích Rửa tội, mỗi tín hữu là anh em bình đẳng phẩm giá và hoạt động với nhau, các Phẩm trật trong Hội Thánh là trách nhiệm phục vụ Cộng đoàn. Tính cách trần thế của Giáo dân, có thể tiếp cận và làm chứng cho Tin Mừng bằng chính đời sống là những giá trị Ki-tô Giáo, mà Giáo sĩ và tu sĩ chưa có điều kiện hiện diện được. Trong triều đại của Đức Thánh Cha Phanxicô, vai trò của người nữ được quan tâm cách đặc biệt, nhiều Vị Nữ đứng đầu các Cơ quan Trung ương và những vị trí trọng trách của Tòa Thánh.

Cha Giuse Nguyễn Ý Định- Phó chủ tịch UBGD chia sẻ chủ đề: “Tính hiệp hành trong Hội đồng mục vụ Giáo xứ và sinh hoạt các tổ chức Công Giáo tiến hành”. Cha Giuse giúp tham dự viên có cái nhìn tổng quát về các Hội đoàn và phong trào Công Giáo tiến hành trong Giáo hội, các phong trào và Hội đoàn hiện có tại Việt Nam và tính hiệp hành được thể hiện qua các sinh hoạt của các Hội đoàn đó. Mỗi Thành viên Hội đoàn, trong hành trình Ơn gọi đặc thù, trong Ơn gọi phổ quát, cùng cất bước hành trình về với Chúa Cha. Trong những buổi gặp gỡ, đối thoại, hội họp, cầu nguyện, lắng nghe Chúa Thánh Thần, cùng cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, thi hành trách vụ theo tôn chỉ - mục đích từng Hội đoàn và niềm vui gặp gỡ tạo cơ hội Hiệp Hành.

cha Antôn Hà Văn Minh- thư ký Uỷ ban chia sẻ chủ đề: “Thái độ phải có khi hiệp hành.” Tinh thần hiệp hành là phải gặp gỡ, lắng nghe nhau, mới có thể tham vấn và tỏ bày, đặt trên nền tảng đức tin, cầu nguyện, khiêm nhường, loại bỏ định kiến về mội người hay một đoàn thể. Cần thay đổi não trạng, cần chia sẻ kinh nghiệm sống Đức tin và làm việc với Chúa Thánh Thần. Cha Antôn giúp mọi người, hiểu ý muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thượng hội đồng lần này, là phát biểu chia sẻ những “kinh nghiệm sống Đức tin, chứ không phải nhận những ý kiến tham vấn”. Một tiến trình từ địa phương đến châu lục và cuối cùng đến Giáo hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha mời gọi tất cả mọi người đã được rửa tội đều tham gia vào.

Các Cha Trưởng Ủy ban Giáo dân ( UBGD) của 6 Giáo phận đã chia sẻ các hoạt động của UBGD, cho người Giáo dân trong Giáo phận, các hoạt động thường niên và tiến trình Hiệp Hành của Giáo Hội tại các Giáo xứ, Giáo Hạt và Giáo phận. Quí Cha cũng đề cập đến nhiều vấn đề thuận lợi và khó khăn, những chương trình nhằm nâng đỡ Giáo dân trong đời sống Đức tin, sự hiệp thông và Sứ vụ Loan Báo Tin Mừng, những chương trình bác ái xã hội, nhất là giai đoạn dịch bệnh kéo dài trong thời gian qua, tại Giáo xứ và Giáo phận của mình.

Một sự ưu ái đặc biệt, vào ngày thường huấn thứ 2, Đức Cha Vinhsơn – Giám quản Giáo phận Banmêthuột đã đến chào thăm và chúc lành cho Thành viêc tham dự Thường huấn. Đức Cha quan tâm, dành tình cảm đặc biệt và tạo mọi điều kiện để Chương trình thường huấn được mọi sự tốt đẹp.

Thánh Lễ tạ ơn do Đức Cha Chủ tịch – Chủ sự lúc 10 giờ 30, ngày 20 / 5 / 2022 đã kết thúc chương trình Thường huấn. Cuối Thánh lễ, Cha An-tôn – Thư Ký UBGD đã Đại diện Tham dự viên, cám ơn Thiên Chúa đã qui tụ các thành viên, cám ơn Đức Cha Giám Quản, Đức Cha Chủ tịch, Quý Cha và ủy viên Ủy Ban Giáo dân - trưc thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam, đã huấn giáo và nâng đỡ hướng dẫn mỗi Thành viên đi đúng hướng của Hội Thánh, hầu có thể giúp Giáo dân trong phạm vi đang phụ trách, sống tình thần “Hiệp Hành” trong Giáo Hội. Đồng thời Cha cũng cám ơn Cha Gioan Baotixita – Trưởng UBGD, cám ơn Tòa Giám mục và Ban tổ chức của Giáo phận Ban Mê Thuột, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những ngày thường huấn đạt được kết quả tốt đẹp. Cha cũng không quên cám ơn Nhà Dòng Nữ Vương Hòa Bình. Quý Nữ tu và Nhà dòng đã ghi vào tâm trí Tham dự viên nhiều ký ức tốt đẹp về sự hiếu khách, giới thiệu các hoạt động của Nhà Dòng qua các thời kỳ, và còn cho Tham dự viên trãi nghiệm về ẩm thực và văn hóa Cồng Chiêng Tây nguyên.

Tôma Trương Văn Ân
 
Hội Thi Kinh Bổn Tại Giáo Xứ Tụy Hiền Tgp. Hà Nội
BTTGx. Tụy Hiền
08:56 22/05/2022
Hội Thi Kinh Bổn Tại Giáo Xứ Tụy Hiền Tgp. Hà Nội

Ngày hội thi Kinh Bổn giới trưởng thành hai giáo xứ Vạn Thắng và Tụy Hiền diễn ra vào sáng Chúa Nhật ngày 22/5/2022 do Cha xứ Antôn Nguyễn Văn Độ tổ chức.

Xem Hình

Đúng 7h30, các thí sinh đã có mặt đông đủ, gặp nhau tay bắt mặt mừng, dắt nhau vào phòng thi. Các thi sinh đã bắt thăm chọn phòng, nghe chủ khảo công bố thể lệ thi. Trước khi trao đề thi cho các trưởng ban giám khảo, Cha xứ đã động viên, khích lệ tinh thần của các thí sinh, ngài đặc biệt biểu dương các thí sinh lớn tuổi.

Ngày hội thi Kinh Bổn 2 giáo xứ diền ra tại Tụy Hiền, chia ra làm 4 phòng thi. Hội thi diễn ra trong bầu khí vui tươi, phấn khởi, không thiếu phần gay cấn càng làm cho kỳ thi thêm sôi động và ý nghĩa. Đặc biệt có thí sinh Anna Nguyễn Thị Định 84 tuổi thuộc giáo xứ Vạn Thắng, đã đạt giải nhất cá nhân, một mình trả lời trước ba giám khảo.

Sau cuộc thi Kinh Bổn là Thánh lễ Chúa nhật VI Phục Sinh. Đây là năm thứ hai giáo miền tổ chức hội thi này. Sau hội thi giới trưởng thành là ngày hôi thi rung chuông vàng của các em thiếu nhi và giới trẻ. Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha xứ Antôn đã trao phần thưởng cho các đội.

BTTGx. Tụy Hiền
 
Tin tổng hợp TGP Hà Nội tháng 4/2022
BBT TGP Hà Nội
17:53 22/05/2022
Tin tổng hợp TGP Hà Nội tháng 4/2022

Trong tháng 4/2022 tại TGP đã diễn ra một số hoạt động đáng chú ý sau: Phái đoàn Ngoại giao Tòa thánh tới thăm và dâng Thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội; Tuần Thánh năm 2022 tại Tổng Giáo Phận (TGP) Hà Nội; 3 cuộc hội thảo tiền Công Nghị về Gia đình, Bác ái xã hội và Đời sống sinh viên; Đại hội Giới trẻ giáo hạt Thanh Oai Năm Truyền Giáo 2022; Thánh lễ tạ ơn công bố thiết lập hai giáo xứ Bói Hạ và Yên Lộ; Giáo xứ Tràng Duệ mừng 60 năm thành lập; Làm phép nhà thờ giáo họ Đôn; Khánh thành nhà thờ giáo họ An Xá; và Quý Cha tại các giáo hạt họp mặt định kỳ.

Ngày 23/4, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Phái đoàn Ngoại giao Toà Thánh do Đức ông Miroslaw Stanislaw Wachowski – Thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh làm trưởng đoàn, tháp tùng ngài có Đức ông Phanxicô Cao Minh Dung, Viên chức Cơ quan Ngoại giao; Cha Han Hyuntaek, Viên chức Cơ quan Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, các ngài đã đến thăm và cử hành Thánh lễ tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội. Trước đó, vào lúc 15g10 phút ngày 20/4 Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên, TGM Tổng Giáo phận Hà Nội đã có mặt tại sân bay Nội Bài để chào đón phái đoàn Ngoại giao Toà Thánh.

Tuần Thánh năm 2022 tại TGP Hà Nội được diễn ra từ ngày 10 – 17/4/2022 với các Thánh lễ và nghi thức sốt sắng. Thánh lễ Lá (ngày 10/4) khai mạc Tuần Thánh, do Đức TGM Giuse cử hành tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội. Thánh lễ Truyền Dầu năm nay được cử hành tại giáo xứ Xuân Bảng vào ngày thứ Năm Tuần Thánh (ngày 14/5). Sau Thánh lễ Truyền Dầu long trọng vào sáng thứ Năm ngày 14/4/2022. Buổi chiều cùng ngày, vào lúc 18h00, Đức TGM Giuse đã chủ sự Thánh lễ Tiệc ly và Nghi thức rửa chân tại Nhà thờ Chính Toà Hà Nội. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh linh thiêng (15/4), vào lúc 18h00, tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, Đức TGM Giuse đã chủ sự các nghi thức phụng vụ và đi Đàng Thánh Giá trọng thể. Đêm Canh thức Vượt Qua (16/4) mừng Chúa sống lại và thánh lễ Vọng Phục Sinh đã được Đức TGM Giuse long trọng cử hành tại Nhà thờ Chính tòa. Thánh lễ Đại triều mừng Chúa Phục sinh đã được diễn ra trong niềm hân hoan vào lúc 9h00 ngày 17/4 tại ngôi nhà thờ Mẹ của TGP

Cũng trong Chúa Nhật Lễ Lá, Đại hội Giới trẻ giáo hạt Thanh Oai được tổ chức tại giáo xứ Đại Ơn với chủ đề “Hãy kết nối với Đức Kitô”. Đại hội quy tụ hơn 4.000 bạn trẻ đến từ các giáo hạt trong Tổng Giáo Phận (TGP) Hà Nội và các bạn trẻ giáo hạt Tây Nam tỉnh Phú Thọ thuộc giáo phận Hưng Hóa.

3 cuộc hội thảo tiền Công Nghị về Gia đình, Bác ái xã hội và Đời sống sinh viên đã được tổ chức lần lượt tại các giáo xứ trong TGP. Buổi hội thảo về gia đình (ngày 02/4) do Ủy ban Mục Vụ Gia đình TGP tổ chức được diễn ra tại giáo xứ Bút Đông với chủ đề “Đồng hành với gia đình trước những thách đố của thời đại”. Buổi hội thảo với chủ đề “Bác ái xã hội – Nghề hay sứ mạng” đã được diễn ra tại giáo xứ Khoan Vỹ vào ngày 23/4 dưới sự điều hành của Ủy ban Bác ái xã tổ chức. Gần 200 đại diện sinh viên đang theo học tại địa bàn TGP Hà Nội đã trở về giáo xứ Nam Định, để tham dự buổi hội thảo về ”Đời sống sinh viên” vào ngày 30/4.

Đức TGM Giuse đã dâng Thánh lễ tạ ơn long trọng công bố thiết lập giáo xứ Bói Hạ vào ngày 19/4 và thiết lập giáo xứ Yên Lộ vào ngày 22/4. Ngày lễ đã ghi một dấu ấn trưởng thành trong hành trình đức tin của hai Giáo xứ.

Kỷ niệm 60 năm thiết lập giáo xứ, ngày 21/4 giáo xứ Tràng Duệ vui mừng chào đón Đức TGM Giuse, quý Cha, quý khách về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn trong ngày hồng phúc.

Ngày 07/4/2022, giáo họ Đôn, thuộc giáo xứ Hạ Trang, tọa lạc trên địa bàn thôn Đôn Trung, Trịnh Xá, Bình Lục, Hà Nam, vui mừng chào đón Đức TGM Giuse, quý Cha, quý khách về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ mới.

Chỉ sau 18 tháng khởi công xây dựng, ngôi nhà thờ giáo họ An Xá thuộc giáo xứ Động Linh đã được hoàn thiện tốt đẹp. Ngày 24/4/2022, Giáo họ vui mừng tổ chức ngày lễ tạ ơn khánh thành và làm phép ngôi nhà thờ mới.

Liên quan đến hoạt động của các linh mục. Ngày 09/4/2022, Đức TGM Giuse đã dâng Thánh lễ tạ ơn bổ nhiệm cha Antôn Nguyễn Xuân Thắng, OFM làm linh mục chính xứ đầu tiên của giáo xứ Trung Hiếu.

Theo thông lệ, cứ vào đầu tháng chẵn, quý Cha đang mục vụ tại các giáo hạt trong Tổng Giáo Phận Hà Nội sẽ quy tụ về một điểm thuộc giáo hạt của mình để tham dự ngày họp mặt tĩnh tâm. Theo đó, từ ngày 04 – 06/4/2022, quý Cha tại giáo hạt Thanh Oai, Mỹ Đức – Hòa Bình, Phú Xuyên, Phủ Lý và Chính tòa đã có ngày gặp gỡ nhiều ơn Chúa.

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Học hỏi Tin mừng Luca 16
Vũ Văn An
01:21 22/05/2022

Bài Tin Mừng Luca 8:19-21: Những ai thật sự thuộc gia đình của Chúa Giêsu

19Mẹ và anh em Chúa Giêsu đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. 20Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” 21Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

Trích trực tuyến Tin Mừng Luca của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ



Chú thích

Mẹ...Chúa Giêsu đến gặp Người. Trong Tin mừng Luca, Đức Maria chỉ được nêu tên ở trình thuật tuổi thơ. Còn ở phần này, truyền thống không nêu tên ngài, cả Tin Mừng Gioan cũng không. Lý do đến thăm của Mẹ và anh em Người không được nhắc đến.

Và anh em Chúa Giêsu. Luca lấy cụm từ này từ Máccô 3:31, chỉ bỏ chữ “chị em” trong câu 3:32. Việc nhắc đến anh em Chúa Giêsu, thoạt đọc, tưởng là chỉ anh chị em ruột: vì chữ adelphos chỉ anh em ruột thật. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như thế vì chữ “adelphos” cũng dùng để chỉ các mối liên hệ khác như “hàng xóm” (Mt 5:22-24 [*]), "đồng đạo" (Rm 9:3 [*]), “anh em kế” (Mc 6:17-18 [*], “thân nhân” hay “họ hàng” (như có khi với Bản Bẩy Mươi: St 13:8; 14:14; 24:27; 29:12). Kiểu dùng của Bản Bẩy Mươi có thể phản ảnh nghĩa rộng hơn của chữ Hípri ʼāḥ hay chữ Aram ʼăḥā “anh em, họ hàng”. Trong mảnh Qumran 1QapGen 2:9, Bit-enosh thưa với Lamesh chồng mình rằng “ôi anh trai tôi và là chúa tôi”. Trong Máccô, chữ adelphos khá phức tạp không phải vì những đoạn này mà vì các câu 15:40,47; 16:1. Ở đấy Máccô, ngoài những người khác đứng gần thập giá, liệt kê “bà Maria mẹ các ông Giacôbê Thứ và Giôxết”. Nhưng ít có xác suất là Máccô muốn chỉ bà này là mẹ của Đấng chịu đóng đinh. Thành thử không thể kết luận “Giacôbê Thứ” là anh em ruột của Chúa Giêsu được.

Theo cha Fitzmyer, nghĩa của chữ adelphoi trong Luca vì thế thực sự không thể xác định được. Có thể là anh em ruột hoặc anh em họ. Vả lại, Luca từng sử dụng lỏng lẻo danh xưng “con Ông Giuse” để chỉ Chúa Giêsu (4:22), thì đâu có lạ gì khi ngài cũng dùng lỏng lẻo danh xưng “anh em” ở đây. Cũng có thể ngài chỉ nhắc lại một danh xưng người ta quen dùng gọi thánh Giacôbê thứ như trong thư Galát 1:19.

Đang đứng ngoài kia. Luca nói rõ lý do vì dân chúng quá đông, nên mẹ và anh em Người phải đứng ở bên ngoài, chứ các ngài không phải là kẻ ngoại cuộc, như một số tác giả giải thích: họ bị loại khỏi bất cứ vai trò có ý nghĩa nào trong cuộc đời Chúa Giêsu và do đó trong Giáo Hội. Với Tin Mừng nào thì không biết, chứ với Tin Mừng Luca và Tông đồ Công vụ thì không hề có chuyện đó.

Những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành. Câu này, Luca sửa đổi câu trong Máccô 3:35: Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, bằng cách thêm cụm từ “nghe lời” để phù hợp hơn với phần này của Tin Mừng ngài, nhất là câu 8:11b, 15 (nghe lời Thiên Chúa và sinh hoa trái). Nhiều người cho rằng có sự bất hòa giữa Chúa Giêsu và thân nhân của Người, nhưng Cha Fitzmyer thì cho rằng ở đây, Chúa Giêsu muốn biến những người cùng huyết thống thành mẫu mực cho những người lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành.

Nhận định

Theo cha Fitzmyer, để kết luận phần nói tới Lời Chúa trong Tin Mừng của ngài, Luca đã đưa cảnh này (8:19-21) vào đây, cảnh mà ngài từng bỏ trước đó khỏi nguồn Máccô khi ngài lấy phần sau của nó ở câu 8:4. Lý do, ngài đưa nó vào chỗ này, là ngài nhìn nó dưới một ánh sáng khác với Máccô. Ngài quả có lấy Mc 3:31-35, nhưng đã thay đổi triệt để ý nghĩa của nó.

Việc soạn tác tình tiết này của Luca thấy rõ không những ở câu tuyên bố 21, mà đặc biệt ở chỗ ngài bỏ các câu Mc 3:20-21 là các câu nói rằng “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí”. Trong tình tiết Mc 3:20-21 này, thân nhân Chúa Giêsu không được mô tả như các môn đệ của Chúa Giêsu vì không những họ coi Người như mất trí, mà còn “đứng ở ngoài, cho gọi Người ra”. Vả lại khi được thông báo là mẹ và anh em Người muốn gặp người “ở ngoài” kia, Máccô nhấn mạnh: “Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói : ‘Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi’”. Thành thử có thể nói, trong Máccô, Chúa Giêsu thay thế gia đình tự nhiên của Người bằng các môn đệ của Người.

Luca đã bỏ các chi tiết trên. Ngài trình bầy mẹ Chúa Giêsu và anh em Người như các môn đệ điển hình. Họ là những tấm gương đệ nhất đẳng cho những ai nghe lời Thiên Chúa “với tấm lòng cao thượng và quảng đại” (8:15) (xem thêm Lc 11: 27-28; Cv 1:14).Trong cách trình bày này, câu trả lời của Chúa Giêsu không hề hàm nghĩa Người bác bỏ các liên hệ gia đình hay phê phán họ hàng của Người, trái lại còn coi họ như mẫu mực của việc làm môn đệ.

Thánh Cyril thành Alexandria trong bài giảng thứ 42 về tình tiết Lc 8:19-21 này cũng cho rằng đừng có ai tưởng tượng rằng Chúa Kitô làm mất danh dự của mẹ Người hay khinh bỉ thân nhân Người vì chính Người đã nói qua giới điều của Môsê: “hãy thảo kính cha mẹ ngươi”. Làm sao Người có thể làm ngược lại giới điều ấy. Vả lại, Người còn truyền ta phải yêu thương cả kẻ thù nữa! Vậy, Người muốn dạy ta điều gì ở đây?

Thánh Cyril trả lời rằng đối tượng của Chúa là đề cao những người sẵn sàng nghe theo các giới răn của Người. Người đề cao cách nào? Là dành cho họ vinh dự cao nhất, tình âu yếm trọn vẹn nhất mà chúng ta vẫn dành cho cha mẹ, anh em của mình bằng cách gọi họ là mẹ và là anh em của Người. Có vinh dự nào lớn hơn vinh dự Người dành cho những người vâng theo giới điều của Người? Và ngược lại, Người bác bỏ kẻ bất tuân. Thánh nhân nhắc nhở việc nguyên tổ, vì bất tuân, bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Và vì thế tất cả chúng ta phải án tử và dù khởi thủy con người vốn được dựng nên không hư nát, nhưng vì bất tuân, đã bị nguyều rủa và mang ách tội khiên. Và để cứu ta khỏi tình trạng tồi tệ này, Con Một Thiên Chúa đã phải nhập thể, vâng lời Chúa Cha cho đến chết, như thánh Phaolô từng nhắc nhở: “vì sự bất tuân của một người, nhiều người đã thành tội nhân thế nào, thì nhờ sự vâng lời của Một Người, nhiều người trở nên công chính như vậy”.

Và nay, để dạy chúng ta biết vâng nghe lời Người, Người dành cho ta vinh dự Người vốn dành cho mẹ và thân nhân Người. Dĩ nhiên, không chỉ có nghe mà còn đem ra thực hành nữa. Thánh nhân trích dẫn “một trong các Thánh Tông Đồ” nói rằng “Nhưng hãy trở nên những người thực hành giới luật, chứ không phải chỉ nghe mà thôi. Nếu ai đó chỉ nghe, chứ không làm, thì cũng giống như người nhìn mặt tự nhiên của mình trong gương, nhìn rồi bỏ đi, quên ngay tư cách con người của mình. Còn ai nhìn vào luật tự do hoàn hảo và thực hiện, sẽ không quên mà là người tích cực thực hành, họ sẽ được chúc phúc trong việc làm của họ”.
________________________________________________
[*] Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch chung là “anh em”
 
VietCatholic TV
Ngày Thứ Bẩy kinh hoàng: Nga mất hơn một tiểu đoàn ở Serebryanka. Cháu thứ trưởng Nga chung số phận
VietCatholic Media
03:19 22/05/2022


1. Cháu trai của Thứ trưởng Quốc phòng Nga thiệt mạng trong chiến tranh Ukraine

Chỉ huy đại đội xung kích của quân đội Nga, Đại úy Adam Khamkhoev, cháu trai của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Yunus-Bek Yevkurov, đã thiệt mạng trong một trận chiến ở Ukraine vào đêm 21/5.

Đại úy Adam Khamkhoev tử trận đêm 21/5

Trong bản báo cáo thường lệ sáng Chúa Nhật 22 tháng 5, Bộ Nội Vụ Ukraine cho biết “thi thể đã được chuyển về Karabulak, quê hương của anh ấy qua ngã Belarus.”

Adam Khamkhoev đã tốt nghiệp trường Chỉ huy Nhảy dù cấp cao Ryazan. Anh ta phục vụ trong đơn vị quân đội có trụ sở tại Ulyanovsk.

Yunus-Bek Yevkurov là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga kể từ tháng 7 năm 2019. Trước đó, ông đã lãnh đạo Cộng hòa Ingushetia trong 12 năm. Tháng 12 năm 2021, Yevkurov được thăng quân hàm đại tá.

Theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, tính đến hôm nay, khoảng 28.850 quân nhân Nga đã tử trận tại Ukraine, trong đó có nhiều sĩ quan, bao gồm cả những cấp chỉ huy cao cấp.

2. Quân Nga vẫn cố bắc cầu phao vượt qua sông Siverskyi Donets, thiệt hại nặng

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Quân đội Ukraine đã phá hủy các phương tiện của đối phương và một cầu phao vượt sông Siverskyi Donets gần làng Serebryanka, vùng Donetsk.

Theo Lữ đoàn Cơ giới biệt lập số 30 của Ukraine: “Người Nga đã lên kế hoạch bố trí lại nhân sự và các phương tiện bọc thép hạng nặng trên một cầu phao bắc qua sông Siversky Donets gần Serebryanka. Nhưng việc Nga cố gắng vượt sông là 'nhiệm vụ bất khả thi' do có 30 binh sĩ trong lữ đoàn có mặt tại đó cùng các lực lượng an ninh khác.”

Lực lượng vũ trang Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào quân đội Nga. Kết quả là quân Nga mất ít nhất một Tiểu đoàn Chiến thuật. Thiết bị vượt phao của họ đã bị phá hủy cùng với hàng chục kỹ sư công binh.

Đây là lần thứ hai, cố gắng bắc cầu phao vượt qua sông Siverskyi Donets của Nga thất bại. Liên quan đến các tổn thất trong lần vượt sông đầu tiên, hôm 17 tháng 5, Thống Đốc Miền Luhansk, Serhiy Haidai, cho biết các cuộc kiểm đếm đã diễn ra tại làng Bilohorivka, để xác định thiệt hại của quân đội Nga trong cố gắng vượt qua sông Siverskyi Donets. Kết quả sơ khởi cho thấy Nga đã mất ít nhất 1.000 binh sĩ và khoảng 100 xe quân sự, phần lớn là xe tăng và thiết giáp. Nhiều binh sĩ Nga chết chìm và bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi nên con số tử trận của quân Nga có thể còn cao hơn.

Ông Serhiy Haidai cho biết điều này trong một video được đăng trên Telegram. Ông nói:

“Chiến dịch đáng hổ thẹn mà những kẻ xâm lược tiến hành ở Bilohorivka sẽ đi vào lịch sử của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine này như là thất bại nặng nề của họ ở vùng Luhansk. Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiêu hủy cả 100 xe tăng và thiết giáp ở đó. Hai tiểu đoàn đã bị giết, tức là cả một nghìn binh sĩ. Ngoài ra, một số cầu phao đã bị phá hủy. Tất cả những nỗ lực của họ để vượt sông và tạo một đầu cầu ở Bilohorivka đều thất bại”.

Bộ Quốc Phòng Anh nhận định về sai lầm chiến thuật trong cuộc vượt sông Siverskyi Donets của Nga như sau:

Thực hiện các cuộc vượt sông trong môi trường đang có chiến sự là một hoạt động có tính rủi ro cao, và nói lên áp lực mà các chỉ huy Nga đang phải chịu để đạt được tiến bộ trong các hoạt động của họ ở miền đông Ukraine.

3. Ngũ Giác Đài tiết lộ lô trọng pháo M777 mới sẽ được chuyển đến Ukraine

Một lô trọng pháo cỡ 155 ly M777 mới đã được chuẩn bị để chuyển tới Ukraine.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã cho biết như trên vào hôm thứ Bẩy 21 tháng 5. Báo cáo cho biết: “Các máy bay dùng để vận chuyển trọng pháo M777 155 ly đã được bảo đảm để vận chuyển tới Ukraine bởi các lực lượng Không quân Hoa Kỳ”.

Các đơn vị pháo binh được gửi đến như một phần của hỗ trợ an ninh của Mỹ cho Lực lượng vũ trang Ukraine.

Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo phân bổ một gói hỗ trợ an ninh và quốc phòng khác trị giá 100 triệu USD cho Ukraine. Theo Ngũ Giác Đài, lực lượng này bao gồm 18 pháo cỡ 155 ly, cũng như 18 xe tải chiến thuật để di chuyển các loại pháo này. Ngoài ra, Lực lượng vũ trang Ukraine dự kiến sẽ được cung cấp ba radar phản lực, cũng như các thiết bị và vũ khí khác.

4. Thủ tướng Bồ Đào Nha thăm Irpin

Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa đã đến Ukraine hôm thứ Bẩy. Ông đã đến thăm Irpin, vùng Kyiv.

“Các mức độ tàn phá và bạo lực là hoàn toàn tàn khốc. Tôi đã chứng kiến các bằng chứng của các cuộc tấn công ác độc, bừa bãi và phi lý. Chiến tranh luôn ảnh hưởng đến những người vô tội. Những gia đình từng có cuộc sống ở đây, công việc của họ, khu phố của họ, đã phải từ bỏ mọi thứ để cố gắng cứu lấy mạng sống của mình. Điều khiến tôi đau lòng nhất là bạo lực đối với dân thường”, Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa cho biết như trên trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Thủ tướng Bồ Đào Nha nói thêm rằng ông sẽ không bao giờ quên chuyến thăm Irpin. Ông đã đến Kyiv theo lời mời của Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal.

“Tôi đến đây với niềm xúc động và sự kính trọng, như một dấu hiệu của tình đoàn kết với đất nước và con người này. Chúng tôi lên án cuộc xâm lược dã man của Nga.”

Irpin, Bucha, Hostomel và toàn bộ khu vực Kyiv đã được giải phóng khỏi quân xâm lược Nga vào đầu tháng Tư.

5. Zelenskiy hy vọng quyết định về hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt cho Ukraine sẽ được đưa ra tại cuộc họp Ramstein lần thứ 2

Zelenskiy mong đợi một quyết định về hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt cho Ukraine sẽ được đưa ra tại cuộc họp Ramstein lần thứ 2

“Những cuộc họp như vậy đã đem lại những kết quả tích cực… Chúng tôi mong đợi một quyết định tích cực về việc cung cấp hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Tôi không có bí mật. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia cung cấp hệ thống hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, nhờ đó Ukraine sẽ có thể chủ động và giải phóng lãnh thổ của mình “, Zelenskiy cho biết tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa ở Kyiv.

Đối với các quốc gia đang lo ngại cung cấp vũ khí thích hợp cho Ukraine, vì e chúng có thể được sử dụng để tấn công Liên bang Nga. Zelenskiy lưu ý rằng người Ukraine đang tiến hành chiến tranh trên lãnh thổ của họ. “Nếu một số nước Âu Châu đã quen với việc Donbas là lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, tôi muốn nói rằng đó không phải là một thói quen tốt. Donbas là lãnh thổ của chúng tôi”, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.

Zelenskiy cũng nói rằng Liên bang Nga đang hăm doạ các quốc gia trên thế giới ở nhiều cấp độ khác nhau khiến họ e ngại trong việc cung cấp hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt cho Ukraine.

“Các bạn không cần phải sợ - các bạn phải đoàn kết. Thống nhất chính là điều mà Liên bang Nga lo ngại. Nó sợ một liên minh mạnh, nó sợ rằng Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ sẽ hoạt động như một thể thống nhất. Điều này rất quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi thực sự cần sự hỗ trợ thực chất”, Tổng thống nhấn mạnh.

Một nhóm hơn 40 quốc gia sẽ tập hợp tại một cuộc họp trực tuyến vào hôm thứ Hai, ngày 23 tháng 5, để thảo luận về hỗ trợ quốc phòng hơn nữa cho Ukraine.

Trước đó, Mỹ đã thành lập một trung tâm kiểm soát ở Stuttgart, Đức, quản lý mạng lưới hơn 40 đối tác và đồng minh, và đã tổ chức cuộc họp tại căn cứ Ramstein ở Đức nhằm hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

6. Lực lượng Ukraine chống đỡ cuộc tấn công của Nga ở vùng Luhansk khi quân Nga nhắm vào Sievierodonetsk

Nhiệm vụ quan trọng mà lực lượng phòng vệ Ukraine phải đối mặt tại khu vực Luhansk lúc này là kìm hãm một lực lượng xâm lược lớn chưa từng có. Có nhiều hy vọng rằng cuộc phản công của Ukraine có thể được thực hiện trong khu vực.

Người đứng đầu Cục quản lý quân sự khu vực Luhansk, Serhii Haidai đã đề cập đến vấn đề này như sau:

“Tôi thực sự hy vọng rằng khu vực Luhansk có thể hoàn thành một sứ mệnh to lớn là ngăn chặn một lượng lớn quân Nga, để lực lượng của chúng ta có thời gian nhận được những vũ khí mà tất cả chúng ta đã chờ đợi từ lâu, cụ thể là pháo tầm xa có thể phá hủy thiết bị hạng nặng và dự trữ của đối phương.”

Ông hy vọng rằng các loại pháo mới của quân đội Ukraine sẽ nằm bên ngoài tầm bắn của các đơn vị pháo binh Nga do các đặc tính kỹ thuật của các loại trọng pháo do Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu cung cấp.

“Đúng vậy, hiện tại rất khó khăn cho chúng tôi. Nhưng tôi muốn tất cả những điều này không vô ích. Để quân đội của chúng tôi vừa được tái vũ trang, vừa được tập hợp lại, chúng tôi muốn chứng kiến một cuộc phản công ở vùng Luhansk,” Ông Haidai nhấn mạnh.

Ông nói rằng hiện tại, các cuộc tấn công của quân Nga vẫn tiếp tục, với tất cả các thành phố của vùng Luhansk liên tục bị pháo kích bởi những kẻ xâm lược.

“Họ đã gửi tất cả lực lượng của mình đến tấn công Sievierodonetsk và để đạt được một bước đột phá – là cắt đường cao tốc Lysychansk - Bakhmut. Họ không muốn chúng tôi có thể di tản người dân và chuyển hàng nhân đạo, khiến quân đội của chúng tôi không thể được tiếp tế bất kỳ vật tư, đạn dược nào.”

Khu vực Luhansk liên tục chịu hỏa lực của quân đội Nga, với nhiều gia đình, cơ sở hạ tầng, cơ sở giáo dục và bệnh viện bị phá hủy khắp khu vực. Theo người đứng đầu Cục quản lý quân sự khu vực Luhansk, vấn đề lớn nhất là cho đến gần đây đã có hơn 40.000 thường dân trong khu vực từ chối di tản.

7. Cuộc chiến của Nga với Ukraine đang thay đổi quan điểm an ninh của Nhật Bản ở Á Châu

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Mạc Tư Khoa, đồng ý theo đuổi một thế giới không có hạt nhân với Đức Giáo Hoàng và thực hiện chuyến công du ngoại giao đến Đông Nam Á và Âu Châu để tập hợp các nhà lãnh đạo thế giới trong hoài bão là bảo vệ nền dân chủ.

Nhưng không chỉ nền dân chủ ở Ukraine mà ông ấy đang cố gắng bảo vệ - Kishida nhận thấy sự tương đồng giữa hành động của Nga ở Âu Châu và sự bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một khu vực trải dài từ bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ đến Ấn Độ Dương.

“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, bất kể ở đâu,” ông Kishida nói trong một tuyên bố chung với các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu vào tháng Năm. Tuyên bố tương tự bao gồm một điều khoản bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng về các báo cáo về quân sự hóa, cưỡng ép và đe dọa ở Biển Đông,” mặc dù không nêu tên Trung Quốc là kẻ xâm lược.

Vị trí của Nhật Bản đặt nước này vào một môi trường an ninh ngày càng biến động - hai bên là Trung Quốc ở phía nam, Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân ở phía tây và Nga ở phía bắc. Kết quả là, cuộc chiến ở Ukraine đã thúc đẩy các cuộc tranh luận về an ninh quốc gia của Nhật Bản hơn bao giờ hết.

8. Tình hình ở Donbas vô cùng khó khăn

Trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Bảy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết “tình hình ở Donbas là vô cùng khó khăn” khi quân đội Nga đang gia tăng các cuộc tấn công vào Slovyansk và Severodonetsk trong vài ngày qua.

“Các Lực lượng Vũ trang Ukraine đang ngăn chặn cuộc tấn công này. Mỗi ngày mà quân trú phòng của chúng ta loại bỏ các kế hoạch tấn công này của Nga, phá vỡ chúng, là một đóng góp cụ thể cho một ngày mà tất cả chúng ta đều mong đợi và chiến đấu vì ngày ấy: Đó là Ngày Chiến thắng,” Ông Zelenskiy nói.

“Không có cuộc tấn công nào của Nga; dù bằng hỏa tiễn ở vùng Rivne, hay bằng pháo ở vùng Kharkiv hay Sumy, cũng như bằng tất cả các loại vũ khí có thể có ở Donbas, có thể mang lại cho Nga bất kỳ kết quả nào”.

9. Bộ trưởng Giao thông Nga cho biết các lệnh trừng phạt đã “phá vỡ tất cả” hành lang hậu cần cho thương mại

Hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nga Vitaly Savelyev hôm thứ Bảy cho biết các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã “phá vỡ tất cả” hành lang hậu cần mà nước này sử dụng cho thương mại.

Phát biểu trong chuyến thăm tới vùng Astrakhan của Nga, ông Savelyev cho biết: “Các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với Liên bang Nga ngày nay trên thực tế đã phá vỡ tất cả các hành lang hậu cần ở đất nước chúng tôi. Và chúng tôi buộc phải cùng nhau tìm kiếm những hành lang hậu cần mới “.

Ông cho biết Mạc Tư Khoa đang tìm cách tận dụng các tuyến thương mại thay thế như hành lang Vận tải Bắc Nam Quốc tế - tuyến đường trung chuyển nối Ấn Độ với các nước Trung Á, Nga và Âu Châu thông qua Iran.
 
Những thất bại của chính sách Ostpolitik từ tài liệu của mật vụ CS. Hoạt động của Caritas Ukraine
VietCatholic Media
07:33 22/05/2022


1. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội đồng các Viện trưởng Đại học vùng Roma

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các giới đại học đáp ứng những thách đố của xã hội thời hậu đại dịch và giúp đỡ thế hệ trẻ tránh rơi vào tình trạng lạc hướng, và mất tin tưởng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng ngày 16 tháng Năm vừa qua, dành cho Hội đồng phối hợp các đại học công và tư lập thuộc Roma và miền Lazio, trong đó có các vị viện trưởng, và đại diện chính quyền miền này.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Các đại học, đặc biệt trong thời điểm lịch sử hiện nay, được ủy thác một công tác trách nhiệm rất lớn. Những năm đại dịch, sự lan tràn tại Âu châu “thế chiến thứ ba từng mảnh”, vấn đề môi trường, sự gia tăng chênh lệch, thách thức chúng ta một cách chưa từng có và mau lẹ. Đó là một thách đố có những ảnh hưởng mạnh mẽ về văn hóa, trí thức và luân lý. Bối cảnh này diễn ra trước mắt các thế hệ trẻ, có nguy cơ tạo nên nơi họ một bầu không khí nản chí và lạc hướng, mất tín nhiệm, và tệ hơn nữa, đó là thái độ cam chịu. Nhưng cũng có những người trẻ không chấp nhận tình trạng đó và kêu gọi chúng ta hãy lãnh trách nhiệm. Vì thế đây là lúc cần có sự đầu tư nhiều vào giáo dục”.

Đức Thánh Cha cho biết chính trong bối cảnh đó, ngài cổ võ “Một hiệp ước hoàn cầu về giáo dục (Global Compact on Education), tức là một dự án làm việc chung trên bình hiện hoàn cầu, với sự can dự của bao nhiêu tác nhân đối thoại, từ các tôn giáo lớn tới các tổ chức quốc tế, các cơ sở giáo dục. Và cũng chính với tinh thần đó, ngài đã ký Văn kiện ngày 04 tháng Hai năm 2019, tại Abu Dhabi [về tình huynh đệ nhân loại]”. Đức Thánh Cha cho biết “chúng tôi đồng ý rằng chúng tôi quan tâm đến một sự huấn luyện toàn diện, được tóm gọn trong sự hiểu biết bản thân, biết người anh em của mình, và Siêu Việt”.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định thêm rằng: “Những thay đổi lớn đang đòi chúng ta phải xét lại các kiểu mẫu của chúng ta về kinh tế, văn hóa và xã hội, để phục hồi giá trị trung tâm của con người... Các đại học cũng cần xét lai và thích ứng các kiểu mẫu kinh tế của chúng ta, dồn những nghị lực tốt nhất về trí thức và luân lý cho vấn đề này. Các sinh viên không hài lòng với sự tầm thường, chỉ lập lại những dữ kiện, và họ cũng không chấp nhận một nền huấn luyện nghề nghiệp không có chân trời”.

2. Các nhóm Caritas của Ukraine giúp đỡ gần 1,5 triệu người khi chiến tranh bùng phát nhận định 'Đây sẽ là một chặng đường dài'

Hai chi nhánh của Caritas ở Ukraine đã giúp đỡ gần 1,5 triệu người kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Nhưng viện trợ mà họ cung cấp cho đến nay “mới chỉ là bước khởi đầu”, theo Tetiana Stawnychy, chủ tịch Caritas Ukraine.

Phát biểu tại một cuộc họp báo được phát trực tiếp ở Rome vào ngày 16 tháng 5, Stawnychy cho biết: “Chúng tôi vẫn đang đáp lại nhu cầu của những dòng người ban đầu từ các khu vực có giao tranh nặng và cần có phản ứng ban đầu.”

“Ở một số trung tâm, chúng tôi đã ổn định, mọi người đang ổn định và chúng tôi phải đi sâu hơn một chút. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu “.

“Và tôi muốn chỉ ra điều đó, bởi vì đây sẽ là một chặng đường dài, một con đường dài và chúng tôi hy vọng sự đồng hành sẽ tiếp tục.”

Caritas Ukraine, tổ chức cung cấp hỗ trợ nhân đạo thông qua Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã hứng chịu nhiều thiệt hại, chẳng hạn như một văn phòng ở thành phố Mariupol do Nga chiếm đóng đã bị xe tăng Nga bắn thẳng vào tòa nhà khiến 7 người thiệt mạng.

Một tổ chức Caritas khác của nước này là Caritas-Spes, một tổ chức từ thiện của các giám mục theo nghi thức Latinh của Ukraine.

Cả hai nhóm đều thuộc mạng lưới quốc tế do Caritas Internationalis, một cơ quan bảo trợ có trụ sở tại Vatican, giám sát.

Caritas Internationalis vào ngày 16 tháng 5 cho biết hai tổ chức ở Ukraine đã kết hợp để giúp đỡ “gần 1,5 triệu người đã phải di dời sau sự leo thang của bạo lực và bất ổn trong nước.”

Các nhóm Caritas cũng đang hoạt động ở các nước láng giềng, nơi hơn sáu triệu người Ukraine đã bỏ trốn kể từ ngày 24 tháng Hai.

Tại Ba Lan, quốc gia đã chào đón hơn ba triệu người tị nạn Ukraine, mạng lưới Caritas giáo phận đã cung cấp hơn 1,5 triệu bữa ăn cho hơn 500.000 người.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Cha Vyacheslav Grynevych, tổng thư ký Caritas-Spes, nhấn mạnh rằng tác động của chiến tranh sẽ còn được cảm nhận trong nhiều năm tới.

Ngài nói: “Thật khó để đoán được khi nào chiến tranh kết thúc… Bức tranh chiến tranh sẽ ở lại với chúng tôi suốt cuộc đời. Nhưng tôi biết rằng có thuốc - liều thuốc của Giáo hội - thuốc của tình yêu, của hy vọng, và ơn gọi của chúng tôi với tư cách là một gia đình Caritas là chia sẻ điều này với những người gần gũi với chúng tôi”.

Linh mục Pallottine, người đã sử dụng mạng xã hội để nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của thường dân bị bắn phá, nói rằng ngài đã nói chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô khoảng 30 phút vào ngày 15 tháng 5.

“Điều quan trọng là mọi người muốn nghe bạn, muốn biết kinh nghiệm của bạn,” ngài nói.

Ngài nói thêm: “Chúng tôi cũng chia sẻ thông tin với Đức Giáo Hoàng rằng tại thời điểm này, các giám mục của chúng tôi, các linh mục của chúng tôi, đều là những tình nguyện viên của Caritas. Tất cả chúng ta đều là Caritas. Trong các Giáo Hội của chúng tôi, chúng tôi có các tạp chí viện trợ nhân đạo, và chúng tôi nói rằng chúng tôi có sự hợp tác tốt, chúng tôi có sự đoàn kết, và Đức Giáo Hoàng nói: 'Đó là điều tôi muốn.'

“Vâng, nó rất đẹp. Đó là bộ mặt của Giáo hội chúng ta. Và tôi nghĩ rằng nhiều lần Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng những từ này về 'Chiesa in uscita', Giáo hội tiến lên phía trước. Và tôi nghĩ đó là kinh nghiệm của chúng tôi, là thực tế của chúng tôi bây giờ”.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị Dòng thánh Camillo

Sáng ngày 16 tháng Năm năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Tổng tu nghị thứ 59 của Dòng Tá viên Mục vụ bệnh nhân, cũng gọi là dòng thánh Camillo, và mời gọi các tu sĩ của dòng noi gương thánh sáng lập để “nhìn thực tại đau khổ, bệnh tật và chết chóc với đôi mắt của Chúa Giêsu, cụ thể hóa sứ mạng ngôn sứ của thánh nhân, thúc đẩy, vác đỡ gánh nặng của tha nhân, các vết thương và lo âu của những anh chị em dễ bị tổn thương nhất”.

Dòng thánh Camillo hiện có hơn 1.100 tu sĩ, trong đó có khoảng 800 linh mục, hoạt động tại hơn 160 cơ sở của dòng ở các nơi, trong đó có Việt Nam. Tổng tu nghị hiện nay của dòng khai diễn ngày 02 tháng Năm vừa qua tại Nemi, gần Roma, nơi trung tâm của dòng Ngôi Lời, với chủ đề: “Đâu là lời ngôn sứ Camillo ngày nay? Kiểm điểm quá khứ, sống trong hiện tại tìm cách phục vụ như những người Samaritano nhân lành, tiến bước trong hy vọng tiến về tương lai”. Tham dự Tổng tu nghị này, có hơn 50 đại biểu và hôm 11 tháng Năm vừa qua, đã bầu cha Pedro Tramontin, 55 tuổi người Brazil, làm Bề trên Tổng quyền thứ 61 của dòng với nhiệm kỳ sáu năm.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nói rằng: “Tôi mời gọi anh em kín múc nhựa sống từ các Mối phúc, để, với tinh thần dịu dàng và đơn sơ, mang Tin mừng cho các bệnh nhân và những người rốt cùng ngày nay. Tôi cũng cầu mong anh em khích lệ, nâng đỡ nhau trong niềm tín thác rằng điều tốt lành làm cho một anh chị em đau khổ là một món quà dành cho chính Chúa Giêsu, và điều mà chúng ta sống và trao tặng mỗi ngày, với niềm vui tươi, dù người đời không thấy, thì vẫn không bao giờ bị mất, nhưng như hạt giống rơi xuống đất, nảy mầm và sinh hoa trái. Anh em đừng quên bảo tồn ký ức về mối tình đầu với Chúa Giêsu, qua đó Chúa chinh phục con tim của anh em, để luôn canh tân những căn cội sự chọn lựa đời sống thánh hiến của anh em”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Theo gương ân cần chăm sóc với tinh thần sáng tạo của thánh Camillo, tôi khuyến khích anh em cộng tác với Chúa Thánh Linh để tìm phương thế sống đoàn sủng lòng thương xót của thánh nhân, và cũng cần đề cao những cách thức thích hợp để cộng tác với giáo dân, đặc biệt với các nhân viên y tế. Hãy vun trồng linh đạo hiệp thông giữa anh em và với mọi người, việc làm này sẽ giúp anh em phân định rõ hơn điều Chúa muốn nơi anh em”.
 
Đổi bạn thân Putin lấy binh sĩ Mariupol. Nga tấn công biển người bốn mặt vào Severodonetsk. Kết cục?
VietCatholic Media
16:13 22/05/2022


1. Mạc Tư Khoa có thể hoán đổi các binh sĩ bị bắt tại Mariupol lấy Medvedchuk, đồng minh của Putin

Một nhà đàm phán Nga cho biết Mạc Tư Khoa sẽ xem xét trao đổi các binh sĩ Ukraine bảo vệ nhà máy thép Azovstal với Viktor Medvedchuk, một doanh nhân Ukraine giàu có thân cận với Tổng thống Vladimir Putin.

Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu khả năng này”, Leonid Slutsky, một thành viên cấp cao trong đoàn đàm phán của Nga về Ukraine cho biết.

Slutsky không cho biết số lượng các chiến binh mà Mạc Tư Khoa đang cân nhắc để trao đổi. Một thủ lĩnh phe ly khai ở miền đông Ukraine cho biết gần 2.500 chiến binh Ukraine đã bị giam giữ và chắc chắn sẽ phải đối mặt với tòa án.

Medvedchuk, 67 tuổi, là một chính trị gia và là một trong những người giàu nhất Ukraine và có mối quan hệ thân thiết với Putin. Ông ta đã trốn thoát khỏi sự quản thúc tại gia sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng Hai nhưng bị lực lượng Ukraine bắt giữ lại vào giữa tháng Tư.

2. Thống đốc khu vực cho biết Severodonetsk đã bị tấn công từ 'bốn hướng riêng biệt' nhưng đã bị đẩy lùi.

Serhiy Haidai, thống đốc Luhansk, cho biết các lực lượng Nga đã không thành công trong việc đột nhập thành phố Severodonetsk, mặc dù đã mở cuộc tấn công từ bốn hướng khác nhau.

Ông cho biết như sau vào chiều Chúa Nhật 22 tháng 5: “Quân Nga cố gắng tiến vào Sievierodonetsk từ 4 hướng cùng một lúc, nhưng chúng đã bị đẩy lùi và rút lui về vị trí trước đó, để lại xác của đồng đội. Tuy nhiên, chúng vẫn tiếp tục nã đạn cối và pháo vào các khu dân cư. Hầu hết mọi thị trấn và làng mạc do Ukraine kiểm soát đều chịu thiệt hại.”

Hôm thứ Sáu, Haidai nói rằng một trường học đang che chở cho hơn 200 người, trong đó có nhiều trẻ em, đã bị tấn công, và hơn 60 ngôi nhà bị phá hủy trên toàn khu vực.

Trong bản tin tình báo mới nhất, Bộ Quốc phòng Anh cho biết thành phố Severodonetsk được coi là một trong những “ưu tiên chiến thuật trước mắt” của Nga.

Dưới đây là bản dịch toàn văn báo cáo của Bộ Quốc Phòng Anh:

Đại đội xe chiến đấu hỗ trợ tăng, viết tắt là BMP-T Terminator, duy nhất của Nga còn hoạt động được, có thể đã được triển khai tới trục Severodonetsk trong cuộc tấn công Donbas.

Sự hiện diện của họ cho thấy rằng Tập đoàn quân Trung tâm, gọi tắt là CGF, đang tham gia vào cuộc tấn công, vì đây là đơn vị duy nhất được trang bị phương tiện này. CGF trước đó đã bị tổn thất nặng nề, không thể đột phá đến đông Kyiv trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược.

Nga đã phát triển xe chiến đấu hỗ trợ tăng Terminator sau khi xác định được nhu cầu cung cấp khả năng bảo vệ chuyên dụng cho các xe tăng chiến đấu chủ lực, mà nước này tung vào các cuộc chiến tranh Afghanistan và Chechnya.

Khu vực Severodonetsk vẫn là một trong những ưu tiên chiến thuật trước mắt của Nga. Tuy nhiên, với tối đa 10 xe tăng hỗ trợ chiến đấu được triển khai, chúng không có khả năng tác động đáng kể đến chiến dịch.

Xe chiến đấu hỗ trợ xe tăng BMP-T “Terminator” là một loại xe chiến đấu bọc thép, được thiết kế và sản xuất bởi công ty Nga Uralvagonzavod. Chúng được thiết kế để hỗ trợ xe tăng và các thiết giáp trong khu vực đô thị. BMP-T được các nhà sản xuất đặt tên không chính thức là “Terminator” hay “Kẻ hủy diệt”. Nó được trang bị vũ khí hùng hậu và có lớp bọc thép dầy cui để có thể sống sót trong chiến đấu đô thị.

3. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi cùng với Đệ Nhất Phu Nhân, tổng thống Zelenskiy nói chỉ có ngoại giao mới có thể chấm dứt chiến tranh

Ukraine đã đề nghị sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với Nga, đồng thời loại trừ một lệnh ngừng bắn giữ nguyên hiện trạnh, hoặc nhượng bộ lãnh thổ đối với Mạc Tư Khoa.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình United News hôm thứ Bảy rằng “các cuộc thảo luận giữa Ukraine và Nga chắc chắn sẽ diễn ra”.

“Tôi thực sự nghĩ rằng chiến tranh có thể kết thúc bằng đối thoại. Nhưng rất tiếc, tôi cho rằng đây là cuộc đối thoại phải được xảy ra vào một thời điểm thích hợp, vào lúc có thể tìm ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi và nhiều quyết định với phía Nga. Tôi thực sự đã nghĩ như vậy. Và bây giờ vấn đề phải được giải quyết cả bằng thương thuyết lẫn quân sự. Đó là lý do tại sao chiến tranh là điều rất cam go.”

“Và chiến thắng sẽ rất cam go. Nó sẽ đẫm máu, nó sẽ xảy ra trên mặt trận, nhưng cuối cùng chắc chắn sẽ cần đến ngoại giao.”

“Chúng ta muốn mọi thứ phải được trả lại. Và Liên bang Nga không muốn trả lại bất cứ thứ gì. Đó là lý do tại sao phần kết sẽ nằm trên bàn đàm phán sau các nỗ lực trên chiến trường.”

“Chúng tôi muốn các lãnh thổ trở lại và cuộc chiến này kết thúc. Nhưng nó sẽ diễn ra như thế nào và khi nào thì còn tùy thuộc vào thời điểm cuộc trò chuyện với Putin sẽ diễn ra.”

“Tôi nghĩ rằng cuộc đối thoại giữa Ukraine và Nga chắc chắn sẽ diễn ra. Nhưng chúng tôi không biết ở hình thức nào: có hay không có người trung gian, trong một vòng tròn rộng hay trong hình thức đối thoại song phương”.

Cố vấn cấp cao của Zelenskiy Mykhailo Podolyak cho biết Kyiv sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào với Nga liên quan đến việc nhượng bộ lãnh thổ. Ông nói nhượng bộ sẽ phản tác dụng đối với Ukraine vì Nga sẽ đánh trả mạnh hơn sau thời gian tạm nghỉ..

Bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với Nga không phải là con đường dẫn đến hòa bình, mà là một cuộc chiến bị hoãn lại trong vài năm. Ukraine không đánh đổi chủ quyền của mình, cũng như các vùng lãnh thổ và người dân Ukraine sống trên đó “.

Cuộc chiến sẽ không dừng lại sau khi nhượng bộ. Nó sẽ chỉ bị tạm dừng một thời gian… Họ sẽ bắt đầu một cuộc tấn công mới, thậm chí còn đẫm máu hơn với quy mô lớn hơn. “

4. Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Nga chặn xuất khẩu 22 triệu tấn lương thực

Tổng thống Ukraine nói rằng một cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ nhanh chóng kéo theo cuộc khủng hoảng lương thực nếu Ukraine không được giúp đỡ để mở khóa các cảng của mình.

Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa, ông nói với giới truyền thông: “Cộng đồng thế giới phải giúp Ukraine giải tỏa các cảng biển, nếu không, khủng hoảng năng lượng sẽ kéo theo khủng hoảng lương thực và nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với nạn đói.”

“Nga đã chặn hầu hết tất cả các cảng và có thể nói là tất cả các cơ hội xuất khẩu qua đường hàng hải thực phẩm - ngũ cốc, lúa mạch, hướng dương và nhiều hơn nữa của chúng ta. Rất nhiều thứ.

Sẽ có một cuộc khủng hoảng trên thế giới. Cuộc khủng hoảng thứ hai sau cuộc khủng hoảng năng lượng do Nga gây ra. Bây giờ nó sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng lương thực nếu chúng ta không mở được các tuyến đường cho Ukraine xuất khẩu lương thực sang các nước Phi Châu, Âu Châu, Á Châu, là những nước đang cần các sản phẩm lương thực này.”

Ông nói thêm rằng một cách để mở khóa các cảng là thông qua một giải pháp quân sự liên quan đến việc mua sắm thêm vũ khí từ các đồng minh.

Theo Liên Hiệp Quốc, trước chiến tranh, Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mì và sản xuất ngô lớn nhất thế giới. Nhiều quốc gia dựa vào nguồn cung lúa mì của Ukraine.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk nhận xét cay đắng rằng: “Cái đói không nên trở thành vũ khí”. Bà kêu gọi nối lại nguồn xuất khẩu lương thực của Ukraine cho các quốc gia khác để giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Các chính phủ phương Tây đã nhiều lần cảnh báo về khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực và nạn đói ở một số quốc gia do cuộc chiến chống Ukraine của Nga. Vào tháng 3, Liên Hiệp Quốc đã chứng kiến giá lương thực tăng hơn 12%, là mức cao kỷ lục kể từ năm 1990.

Giá cả tăng cao và gián đoạn nguồn cung đã gây nguy hiểm cho an toàn thực phẩm ở Trung Đông, Phi Châu và các khu vực Á Châu, nơi dân số thường xuyên bị suy dinh dưỡng và nơi hàng triệu người sống bằng bánh mì mà họ nhận được từ trợ cấp hoặc có thể mua với giá rẻ.

Cần nhắc lại rằng hồi cuối tháng 3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết Hải quân Nga đang chặn đường vào các cảng của Ukraine, tước đi cơ hội xuất khẩu ngũ cốc của Kyiv và ngăn không cho 94 tàu chở lương thực tiến vào Địa Trung Hải.

5. Thị trưởng Mariupol nói thành phố đang đối mặt với 'thảm họa' về sức khỏe và vệ sinh

Thị trưởng Ukraine Mariupol Vadim Boychenko cho biết việc chôn cất hàng loạt thi thể trong các hố nông trên khắp thành phố, và hệ thống thoát nước bị hư hại do bom và hỏa tiễn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng sức khỏe.

Ông nói thêm rằng mưa mùa hè có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước khi ông thúc ép lực lượng Nga cho phép người dân rời khỏi thành phố một cách an toàn.

Ngoài thảm họa nhân đạo do những người chiếm đóng và những kẻ cộng tác với người Nga tạo ra, thành phố đang trên đà bùng phát các bệnh truyền nhiễm.

6. Lithuania cắt giảm nhập khẩu nguồn cung cấp năng lượng của Nga

Lithuania sẽ cắt hoàn toàn việc nhập khẩu các nguồn cung cấp năng lượng của Nga bao gồm dầu, điện và khí đốt tự nhiên kể từ Chúa Nhật.

Bộ Năng lượng của nước này cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu rằng sàn giao dịch điện trên toàn Âu Châu Nord Pool đã quyết định ngừng giao dịch điện của Nga với nhà nhập khẩu duy nhất của Nga ở các nước Baltic, là công ty Inter RAO của Nga - có nghĩa là nước này sẽ không nhập khẩu năng lượng của Nga nữa.

“Đây không chỉ là một cột mốc cực kỳ quan trọng đối với Lithuania trong hành trình hướng tới độc lập về năng lượng mà còn là sự thể hiện tình đoàn kết của chúng tôi với Ukraine”, Bộ trưởng Năng lượng Litva Dainius Kreivys cho biết. “Chúng ta phải ngừng tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nga.”

Phát ngôn nhân Quốc Hội Ukraine ca ngợi quyết định này: “Lithuania chính thức ngừng nhập khẩu khí đốt, dầu và điện của Nga. Một ví dụ tuyệt vời cho các đồng minh khác về cách giành độc lập khỏi các nguồn năng lượng của Nga”
 
Chấn động Hoa Kỳ: Vị TGM can đảm cấm Chủ tịch Hạ Viện rước lễ, website của TGP bị đánh sập tức khắc
VietCatholic Media
17:19 22/05/2022


1. Toàn văn tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Cordileone gửi Nancy Pelosi cấm không được rước lễ

Sau một thời gian đối thoại mà không có kết quả, Đức Tổng Giám Mục Cordileone của tổng giáo phận San Francisco đã ra thông báo sau gởi đến bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

THÔNG BÁO

Gửi Chủ tịch Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ Nancy Pelosi

Công đồng Vatican II, trong Sắc lệnh về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại, Gaudium et spes, đã nhắc lại giáo huấn từ ngàn xưa và nhất quán của Giáo hội rằng “ngay từ giây phút đầu tiên thụ thai, sự sống phải được bảo vệ cẩn thận nhất; và phá thai cũng như giết trẻ sơ sinh là những tội ác không thể kể xiết. “(Số 51). Quả thật, các Kitô hữu luôn đề cao phẩm giá của cuộc sống con người trong mọi giai đoạn, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, bắt đầu từ cuộc sống trong bụng mẹ. Tương tự như vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tỏ ra rất rõ ràng và nhấn mạnh trong giáo huấn về phẩm giá của cuộc sống con người khi còn trong bụng mẹ.

Chân lý luân lý căn bản này có hậu quả đối với người Công Giáo trong cách họ sống đời sống của họ, đặc biệt là những người được giao phó để thúc đẩy và bảo vệ công ích của xã hội. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng rất nhất quán trong việc duy trì giáo huấn liên tục này của Giáo hội, và thường xuyên nhắc nhở chúng ta rằng “những người trực tiếp tham gia vào các cơ quan lập pháp có 'nghĩa vụ nghiêm trọng và rõ ràng là chống lại' bất kỳ luật nào tấn công cuộc sống con người. Đối với họ, cũng như đối với mọi người Công Giáo, không thể cổ vũ những luật đó hoặc bỏ phiếu cho chúng “(xem Ghi chú Tín lý về một số câu hỏi liên quan đến sự tham gia của người Công Giáo vào đời sống chính trị [24 tháng 11 năm 2002], n. 4, §1). Một nhà lập pháp Công Giáo ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai, sau khi biết giáo lý của Giáo hội, đã phạm một tội lỗi nghiêm trọng, là nguyên nhân gây ra tai tiếng trầm trọng nhất cho người khác. Do đó, luật chung của Giáo hội quy định rằng những người như vậy “không được rước lễ” (Bộ Giáo luật, khoản 915).

Về việc áp dụng những nguyên tắc này đối với người Công Giáo trong đời sống chính trị, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger lúc bấy giờ, với tư cách là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã viết cho các giám mục Hoa Kỳ vào năm 2004 giải thích cách tiếp cận sẽ được thực hiện như sau:

“khi sự hợp tác chính thức của một người trở nên rõ ràng, được hiểu là, trong trường hợp của một chính trị gia Công Giáo, liên tục vận động và bỏ phiếu cho luật phá thai và trợ tử, vị linh mục của người ấy nên gặp ông ta, hướng dẫn ông ta về giáo huấn của Giáo Hội, thông báo cho ông ta rằng ông ta không được lên rước lễ cho đến khi ông ta chấm dứt tình hình tội lỗi khách quan của mình, và cảnh báo ông ta rằng ông ta sẽ bị từ chối không cho rước lễ. Khi 'những biện pháp phòng ngừa này không có tác dụng...,' và người được đề cập, với sự ngang bướng cố chấp, vẫn tiến lên rước Mình Thánh Chúa, thì 'thừa tác viên Rước Lễ phải từ chối phân phát.'“

Cố gắng noi theo chỉ dẫn này, tôi biết ơn bà vì bà đã dành thời gian cho tôi trong quá khứ để nói về những vấn đề này. Thật không may, tôi đã không nhận được cơ hội như vậy sau nhiều yêu cầu của tôi muốn được nói chuyện với bà một lần nữa kể từ khi bà thề sẽ luật hóa quyết định Roe chống Wade của Tòa án Tối cao trong luật liên bang sau khi thông qua Dự luật Thượng viện Texas 8 tháng 9 năm ngoái. Đó là lý do tại sao tôi thông báo mối quan tâm của tôi với bà qua lá thư vào ngày 7 tháng 4 năm 2022, và thông báo cho bà qua thư đó rằng, nếu bà không công khai bác bỏ việc ủng hộ cái gọi là “quyền” phá thai, và tiếp tục công khai nại đến đức tin Công Giáo để ủng hộ cho điều đó và tiếp tục rước lễ, thì tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuyên bố, phù hợp với điều luật 915, rằng bà không được rước lễ.

Vì bà đã không công khai bác bỏ lập trường của mình về việc phá thai, và tiếp tục nại đến đức tin Công Giáo của mình trong việc biện minh cho lập trường của bà, cũng như cứ tiếp tục rước lễ, cho nên thời điểm đó đã đến. Trách nhiệm của tôi trong tư cách là Tổng Giám mục San Francisco là “quan tâm đến tất cả các tín hữu Kitô được giao cho tôi chăm sóc” (Bộ Giáo luật, khoản 383, §1), qua tuyên bố này, tôi thông báo cho bà dưới đây rằng bà không được lên Rước lễ và nếu bà làm như vậy, bà sẽ bị từ chối không cho Rước lễ, cho đến khi bà công khai từ chối việc ủng hộ việc hợp pháp hoá phá thai, đi xưng tội, và được ơn xá giải cho tội trọng này trong Bí tích Hòa giải.

Hãy biết rằng tôi sẵn sàng tiếp tục cuộc trò chuyện của chúng ta bất cứ lúc nào, và sẽ tiếp tục dâng lời cầu nguyện và ăn chay cho bà.

Tôi cũng yêu cầu tất cả các tín hữu của Tổng giáo phận San Francisco cầu nguyện cho tất cả các nhà lập pháp của chúng ta, đặc biệt là các nhà lập pháp Công Giáo đang cổ vũ hợp pháp hóa phá thai, để với sự giúp đỡ và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, họ có thể được hoán cải trái tim liên quan đến vấn đề nghiêm trọng nhất này và sự sống của con người có thể được bảo vệ và nâng đỡ trong mọi giai đoạn và điều kiện của cuộc sống.

Ban hành tại San Francisco, vào ngày thứ mười chín của tháng Năm, trong Năm của Chúa chúng ta 2022.

[Đã ký]

+ Salvatore J. Cordileone

Tổng giám mục San Francisco



Source:Catholic News Agency

2. Vài nét về bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi

Bà Nancy Pelosi sinh ngày 26 tháng Ba, 1940, năm nay 82 tuổi. Tuyệt đại đa số những người Công Giáo sẽ nghĩ rằng ở tuổi gần đất xa trời ấy bà phải tỏ ra lo lắng về phần rỗi linh hồn của mình và ngừng ủng hộ phá thai. Hy vọng của đại đa số những người Công Giáo chúng ta đối với bà Pelosi rất mong manh. Bà ấy có một tập hợp các lý thuyết để chống lại lập trường phò sinh của Giáo Hội.

Nhóm “Catholics for Choice” nghĩa là nhóm “Công Giáo phò phá thai” là một tổ chức nhỏ, nhưng được tài trợ rất mạnh với mục đích chính là nhằm đưa ra các “lý lẽ thần học” cho các chính trị gia tự xưng là Công Giáo nhưng ủng hộ việc phá thai. Ngày 24 tháng 8, 2008, nhóm này đã đưa Pelosi ra gặp gỡ giới truyền thông trong sự kiện “Meet the Press” của năm đó để trình các “lý luận thần học” biện minh cho chủ trương phò phá thai. Bà ta bác bỏ các giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến phá thai và kêu gọi Giáo Hội “hoán cải, thay vì cứ tiếp tục bị ám ảnh bởi vấn đề phá thai.” Một ngày sau đó, Đức Tổng Giám Mục Donald Wuerl của Washington, D.C chính thức quở trách Pelosi về những tuyên bố do bà ta đưa ra.

Tháng Hai năm sau đó, 2009, bà ta xin gặp Tổng Giám Mục của mình là Đức Cha George Hugh Niederauer, Tổng Giám Mục San Francisco, là người cũng đã mạnh mẽ quở trách bà hồi tháng 8, 2008. Sau một cuộc tranh cãi nẩy lửa bà ta tuyên bố với ngài rằng lập trường chống phá thai của Đức Tổng Giám Mục là giáo điều, vụ luật. Trong khi lập trường phò phá thai của bà ấy là nhân văn, tiến bộ. Bà sẽ dành cuộc đời mình để chiến đấu cho quyền phá thai của phụ nữ và sẽ hiên ngang đứng trước mặt Chúa ở tòa phán xét!

Bực mình với Đức Tổng Giám Mục Niederauer, bà Pelosi sang tận Vatican để tranh luận với thần học gia nổi tiếng nhất trong thế giới Công Giáo là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tiếp bà trong 15 phút sau buổi tiếp kiến chung thứ Tư 18/2/2009.

Thấy trước khả năng có thể bị lợi dụng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cấm không được chụp hình, không được mang theo các ký giả và nhiếp ảnh gia.

Theo Sandro Magister, ký giả người Ý chuyên về Vatican, sau 15 phút gặp gỡ bà Pelosi, chủ yếu dành để quở trách bà ta, Đức Bênêđíctô thứ 16 bước ra mặt rất buồn. Ngài truyền cho Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố tức khắc một bản tuyên bố có nội dung như sau:

“Sau buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ ngắn gọn với Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, cùng với đoàn tùy tùng của bà.

Đức Thánh Cha đã nhân cơ hội để nói về các yêu cầu của luật luân lý tự nhiên và giáo huấn nhất quán của Giáo hội về phẩm giá của cuộc sống con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, là điều khích lệ mọi người Công Giáo, và đặc biệt là các nhà lập pháp, các luật gia và những người có trách nhiệm vì lợi ích chung của xã hội, phải hợp tác với tất cả những người nam nữ thiện chí trong việc tạo ra một hệ thống pháp luật công bằng có khả năng bảo vệ cuộc sống con người ở tất cả các giai đoạn phát triển của nó”.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Bênêđíctô thứ 16, bà Pelosi vẫn giữ một thái độ bác bỏ công lý cho các thai nhi, ủng hộ các chính sách phá thai cực đoan bao gồm phá thai muộn từ tiền nộp thuế của người dân, cả ở Hoa Kỳ cũng như ở hải ngoại, cũng như buộc các dòng tu Công Giáo như dòng Tiểu Muội Của Người Nghèo phải cung cấp thuốc phá thai trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe của các nữ tu.

Bà Nancy Pelosi tỏ ra cực đoan hơn sau khi được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp

Nguyên nhân trực tiếp của quyết định do Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone là bà ta ngày càng tỏ ra cực đoan hơn trong việc ủng hộ phá thai.

Lần thứ hai bà ta được một vị Giáo Hoàng tiếp là vào ngày 9 tháng 10 năm ngoái, 2021.

Theo thông lệ đối với các cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng với những người không phải là nguyên thủ quốc gia, vào thời điểm công bố, Vatican đã không cho biết chi tiết về những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Pelosi đã thảo luận.

Các bức ảnh do Vatican công bố cho thấy Pelosi cũng đã gặp gỡ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng ngoại giao.

Chủ tịch Hạ viện là người Mỹ gốc Ý có mặt tại Rôma để có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các diễn giả G20. Bà ta cũng đã gặp Thủ tướng Ý Mario Draghi.

Một ngày trước khi tiếp kiến Đức Giáo Hoàng, bà Pelosi, năm nay 81 tuổi, đã thảo luận về môi trường, di cư và nhân quyền trong chuyến thăm Vatican.

Hồng Y Peter Turkson cũng tiếp bà Nancy Pelosi tại Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện

Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện đã ra một thông báo về chuyến thăm của bà Nancy Pelosi vào ngày 8 tháng 10 trong một bài đăng trên tài khoản Twitter của mình.

Nancy Pelosi cực đoan đến mức coi quan điểm phò sự sống của Giáo Hội là một tai tiếng

Pelosi sống ở vùng Pacific Heights của San Francisco. Báo cáo công bố tài chính năm 2016 của bà liệt kê trong số tài sản của bà có một ngôi nhà và vườn nho ở St. Helena, California, hai tòa nhà thương mại ở San Francisco và một dãy phố ở Loomis, California.

Trung tâm Responsive Politics ước tính vào năm 2014, giá trị tài sản của Pelosi là 101,273,023 Mỹ Kim, đứng thứ 8 trong số 25 thành viên giàu có nhất của Quốc hội.

Bà ta rất giàu, ở tuổi này, bà ấy không cần làm gì cả, ngồi hưởng phước ăn không hết của, Nhưng bà vẫn muốn làm việc vì muốn cổ võ cho phá thai không phải ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới.

Chúng ta nên cầu nguyện cho bà ấy nhưng với thái độ cố chấp và kiêu căng của bà, hy vọng bà ấy hoán cải là rất mong manh. Quan điểm phò phá thai của bà ta đi xa đến mức coi rằng thật là một tai tiếng trầm trọng khi người Công Giáo chống phá thai.

Sau khi hạ gục được tổng thống Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cáo buộc những người phò sinh là đã đặt thái độ chống phá thai của họ lên trên các nguyên tắc của nền dân chủ. Bà Pelosi nói như trên trong lần xuất hiện trên podcast của cựu Thượng nghị sĩ Hillary Clinton.

“Tôi nghĩ rằng Donald Trump đã có thể trở thành tổng thống là vì vấn đề quyền lựa chọn của phụ nữ”, Pelosi nói trong chương trình “Bạn và tôi đều ủng hộ Hillary Clinton” ngày 18 tháng Giêng, 2021. Bà ta mạt sát 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump là một “tai họa cho nước Mỹ” và quyết liệt đổ lỗi cho những cử tri phò sinh đã gây ra cái tai họa ấy. Pelosi nói rằng sự ủng hộ của các cử tri có niềm tin tôn giáo đối với Tổng thống Trump là một vấn đề “khiến tôi rất đau buồn trong tư cách là một người Công Giáo”.

Pelosi, một bà mẹ Công Giáo có 5 con, đã nhiều lần xung đột với Đức Tổng Giám Mục của giáo phận quê hương về việc bà ủng hộ việc phá thai.

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đã phát động một chiến dịch cầu nguyện vào tháng 9 năm 2021 nhằm mục đích truyền cảm hứng cho sự “hoán cải tâm hồn” của các chính trị gia ủng hộ việc phá thai.

Đức Tổng Giám Mục San Francisco nói: “Cần có sự hoán cải trái tim của đa số đại diện Quốc hội của chúng ta về vấn đề này, bắt đầu từ lãnh đạo Hạ viện, Nancy Pelosi”.

“Do đó, tôi mời tất cả những người Công Giáo tham gia vào một chiến dịch cầu nguyện và ăn chay quy mô lớn và tỏ tường cho Chủ tịch Hạ Viện Pelosi. Xin anh chị em cầu nguyện một chuỗi mân côi mỗi tuần và ăn chay vào các ngày thứ Sáu để hoán cải trái tim bà ấy.”

Đức Tổng Giám Mục Cordileone cũng kêu gọi những người Công Giáo và những người thiện chí ghi danh tham gia chiến dịch “Bông hồng và chuỗi hạt cho Nancy Pelosi”


Source:Catholic News Agency

3. Đức Tổng Giám Mục Denver: Đức Cha Cordileone đã 'làm mọi cách' để tránh việc cấm Pelosi rước lễ

Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver đã đưa ra một tuyên bố hôm thứ Sáu ủng hộ quyết định của Đức Tổng Giám Mục San Francisco Salvatore Cordileone không cho Nancy Pelosi rước lễ vì bà ta kiên trì ủng hộ việc phá thai.

“Tôi ủng hộ và khen ngợi vị giám mục anh của tôi vì đã đưa ra quyết định can đảm, từ bi và cần thiết này,” Đức Cha Aquila nói. “Tôi biết Đức Tổng Giám Mục Cordileone là một mục tử với trái tim và khối óc của Chúa Kitô, người thực sự mong muốn dẫn dắt những người khác đến với tình yêu, lòng thương xót và lời hứa của Chúa Kitô về sự cứu rỗi đời đời.”

Thông báo của Đức Tổng Giám Mục Cordileone được đưa ra vào lúc 3 giờ chiều thứ Sáu theo giờ Đông Bộ Hoa Kỳ và giải thích rằng lý do cho quyết định của ngài “hoàn toàn là về phương diện mục vụ, chứ không phải chính trị.”

Ngay sau khi Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đưa ra tuyên bố này web site của tổng giáo phận San Francisco bị tấn công và nhiều ngày sau vẫn không thể hoạt động bình thường.

Đức Tổng Giám Mục Aquila nói rằng thông báo của Đức Cha Cordileone cho Pelosi và bức thư riêng của ngài gửi các linh mục của tổng giáo phận “trình bày rõ ràng giáo huấn của Giáo hội về phá thai, nêu chi tiết những nỗ lực sâu rộng mà ngài đã thực hiện để đối thoại với chủ tịch Hạ Viện Pelosi, đồng thời giải thích lý do giáo luật và mục vụ cho quyết định này.”

Đức Tổng Giám Mục Aquila khuyến khích các tín hữu trong tổng giáo phận của mình đọc tất cả những bức thư mà Đức Cha Cordileone đã đưa ra.

Trích lời Đức Tổng Giám Mục Cordileone, Đức Cha Aquila nói, “cải đạo luôn tốt hơn là loại trừ, và trước khi bất kỳ hành động nào như vậy có thể được thực hiện, nó phải được thực hiện trước bằng những nỗ lực chân thành và kiên trì đối thoại và thuyết phục.”

Đức Cha Cordileone “đã cố gắng hết sức để cố gắng tránh bước này,” Đức Tổng Giám Mục Denver nói thêm.

“Như tôi đã viết trước đây và Đức Tổng Giám Mục Cordileone cũng nói rõ, vấn đề này không phải là về chính trị hay đơn giản là thực thi các quy tắc của Giáo hội, mà là về tình yêu - tình yêu đối với cá nhân và tình yêu đối với toàn thể cộng đồng”.

Aquila nói tiếp: “Giáo huấn của Giáo hội rõ ràng rằng con người sẽ gây nguy hiểm cho linh hồn của họ nếu họ bị xa cách Thiên Chúa vì tội trọng và sau đó rước Mình Thánh Chúa một cách bất xứng. Nếu Giáo Hội thực sự yêu thương họ, như một Giáo Hội từ ái, thì sẽ Giáo Hội phải kêu gọi họ trở lại mối quan hệ mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa qua việc ăn năn sám hối trước khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa Giêsu để họ được cứu rỗi đời đời. Khi bắt đầu sứ vụ, Chúa Giêsu kêu gọi mọi người 'hãy ăn năn và tin'“ (Mc 1, 15). “

“Và khi người đó là người của công chúng, tình yêu đối với cộng đồng có nghĩa là chống lại tai tiếng và sự nhầm lẫn, bảo vệ những người khác không bị dẫn dắt đến tội lỗi khi họ không nhìn thấy vấn đề được giải quyết một cách thích hợp và nhân ái.”

Đức Cha Aquila nói thêm rằng ngài “sẽ khuyến khích các tín hữu của Tổng giáo phận Denver, bao gồm cả các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta, đọc các bức thư do Đức Tổng Giám Mục Cordileone viết, và cầu xin Chúa Thánh Thần với tấm lòng rộng mở xóa bỏ mọi nghi ngờ hoặc bối rối mà anh chị em có về vấn đề này, và dẫn anh chị em đến một mối quan hệ mật thiết và trọn vẹn hơn với Chúa Giêsu”.

Ngài nói: “Những gì Thánh Phêrô và các Thánh Tông Đồ nói với các nhà cầm quyền dân sự và tôn giáo vào thời của các ngài ‘Chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời loài người’ (Công vụ 5: 29), vẫn còn giá trị cho đến ngày nay”.

Đức Cha Aquila kết luận bằng cách kêu gọi cầu nguyện cho “tất cả các nhà lãnh đạo chính trị, để họ có thể cai trị theo cách thúc đẩy và bảo vệ phẩm giá do Chúa ban cho mỗi người, từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Và chúng ta hãy cầu nguyện cho tiểu bang và đất nước của chúng ta, để một lần nữa chúng ta có thể coi mọi cuộc sống quý giá như một món quà thực sự từ Cha trên trời của chúng ta.”
Source:Catholic News Agency