Ngày 23-05-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 24/05: Cả hai sẽ gắn kết với nhau – Lm. Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
01:22 23/05/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Khi ấy, Đức Giê-su, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: “Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?” Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

Đó là lời Chúa
 
Con Cá Lóc
Lm Vũđình Tường
02:16 23/05/2024
Sông, rạch, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tôm cá. Trong số các loại cá phải kể đến con lóc. Nếu hổ là chúa tể sơn lâm, thì lóc là bá sông rạch bởi nó bơi rất nhanh. Lóc nhảy cao, phóng xa, miệng rộng, phàm ăn, mau lớn, có trí nhớ khá và thích mạo hiểm. Mùa nước lớn, con lóc đi khắp đó đây và dường như nó nhớ đường đi, nước bước. Có người giải thích mũi nó thần kì lắm nên có thể đánh hơi vùng nước quanh nó và tìm cách vượt rào đến vùng nước mới. Vào mùa nước rút, lóc tìm cách vượt bờ mương ao đi tìm chỗ có nguồn nước tốt hơn. Nông dân chỉ cần làm cái hố chặn đường nơi mà thời nước lớn lóc thường đi lại (có nơi gọi là hố bẫy cá, nơi khác là nhậy, nơi khác là ụ bắt cá) Đêm đến con lóc vượt bờ phóng vào hố bị bùn lỏng dính thân, càng nhảy bùn dính càng nhiều; toàn thân nó như mặc giáp bùn dầy cộm, nặng hơn sức nặng của cá vì thế nó không thể nhảy cao được. Con lóc nhảy tới, nhảy lui, mệt lả. Sáng ra chủ nhà nhẹ nhàng nhặt cá cho vào giỏ. Con lóc trở thành nạn nhân của tài nhảy cao, phóng xa. Vào mùa nước rút, sáng sớm ra ruộng dọc theo nốt chân trâu thường nhặt được cá lóc. Đêm đến lóc nhớ con đường nó thường đi khi nước lớn, lóc nhoài mình theo đường nước cạn đó. Đường nước cạn cỏ mọc tốt, do lượng đất phù sa, phì nhiêu theo nước mưa tuôn xuống. Mức độ ẩm thấp cao ở vùng đường nước cạn là nơi thuận tiện cho các loại cỏ có cọng lớn, mạnh, phát triển nhanh. Trâu bò thích loại cỏ non xanh, giòn, nõn nà, mềm mại. Con lóc nhoài theo đám cỏ non, không may rớt vào lỗ chân trâu. Đầu chúi xuống đất, đuôi dựng thẳng lên trời. Sáng ra, lóc trở thành quà tặng cho người thức sớm, hoặc mồi hảo hạng cho đám chim, quạ. Thịt lóc tuyệt vời, thơm ngon, dai, ít xương. Lóc nổi tiếng nướng trui nhưng hấp với lá mướp còn tuyệt hảo hơn nhiều. Mắm lóc nấu chung với ba chỉ, nấu cơm chiều phải thêm vài nắm gạo nếu không ăn xong, có người tiếp tục liếm mép. Lóc khô được dân ba xị ca tụng là thầy của các món đưa cay bởi cái mùi lóc khô nướng thơm bắt mũi lại ngọt dịu của thịt cá. Lóc khô nấu với cà ghém, thêm chút thịt, cà chua, và kinh giới, bắt mùi đến độ bà già cũng bỏm bẻm cố nhai vài ba miếng. Lóc khô lại giữ được lâu không bị khét bởi mỡ lóc ảnh hưởng rất ít đến thịt của nó.

Lóc con được biết đến như là bầy 'rồng'. Bầy rồng nhiều đến mấy trăm. Chúng đi chung với nhau và được cha, mẹ bảo vệ. Bất cứ con vật gì đến gần đều bị lóc cha mẹ tấn công. Con chuồn chuồn xấu số đậu ngọn cỏ trên đường đám rồng đi qua; bất thình lình lóc cha từ sâu dưới nước phóng khỏi mặt nước, chuồn chuồn có cánh cũng không kịp tung bay. Lóc rất thương con, sẵn sàng hy sinh mạng sống bảo vệ con, vì thế dân câu nhắp thấy đàn rồng là coi như chắc chắn thế nào cũng bắt được cha mẹ nó. Chỉ cần bắt con nhái mắc lưỡi câu, nấp sau bụi cỏ, rê lưỡi câu qua bầy rồng dăm ba lần, lóc cha sẽ không bỏ lỡ cơ hội và người câu cũng không mất thời cơ. Mất cha mẹ, bầy rồng từ từ biến mất bởi các loại cá khác 'trả thù' trước đây chúng bơi hụt hơi vì cha mẹ rồng săn đuổi chúng làm mồi béo bở.

Dẫu lóc là anh hùng vô địch sông rạch, tung hoành ngang dọc nhưng lúc sa cơ, lỡ thế, lại trở thành nạn nhân cho kẻ bần. Trong số các sinh vật bơi trong nước, có lẽ con đỉa bị nhiều người khinh bỉ nhất. Thân hình đỉa tựa lá răm non, nhỏ dài màu xám đen. Bị đỉa cắn không sợ bằng nhìn đỉa bơi, bởi cách nó bơi làm cho toàn thân ớn lạnh, nổi gai ốc cùng mình. Dơ bẩn, khô hạn, đỉa cũng sống sót. Đỉa di chuyển bằng cách đo mình trong nước. Nó căng dài thân mình ra, đo tới trước rồi cong thân lại búng đuôi tới chỗ vừa đo, cứ mỗi lần như thế đỉa đi được một bước, dài vừa đúng thân hình nó. Một khi đỉa tìm được chỗ hút máu, dầu có chết đỉa cũng không nhả, vì thế câu ví 'dai như đỉa' chỉ người thích nhai đi, nhai lại cùng câu chuyện. Kẻ nói dai như đỉa thiếu rộng lượng, nghèo thứ tha. Khi nước trong ao hồ cạn thấp chính là cơ hội cho đỉa tung hoành. Đỉa thích hợp khi nước lớn cũng như lúc nước cạn. Đỉa bơi trong nước và trên cạn nó cũng co giãn để di chuyển như loại trùng hổ. Vì thiếu nước, lóc đói ăn, nước cạn, lắng gần bùn. Nắng hè làm cho nước ao hồ nóng hơn tạo điều kiện tốt cho rong dại phát triển. Đây chính là cơ hội cho đỉa tấn công con lóc. Lẩn trốn trong đám rong dại, con lóc đến trú nóng, đỉa âm thầm, nhẹ nhàng, búng thân bám chặt vào go cá (mang cá hút máu). Lóc cố vùng vẫy nhưng dai như đỉa; do đó lóc thành nạn nhân do hoàn cảnh. Đỉa hút máu, con lóc yếu dần đến khi không còn máu, chết do miệng đỉa. Anh hùng chết vì môi miệng kẻ bần cùng, ăn bám.

Lóc chết vì hết máu. Cơ thể sống nhờ máu và máu cần cơ thể để sinh tồn. Cả hai đều cần nhau. Khi bị thương, cơ thể mất máu, vì thế thương nhân cảm thấy khát nước, thèm nước. Mất hết máu, cơ thể chết lạnh. Máu ở ngoài cơ thể; máu chết, vón cục. Vì thế cơ thể và máu dù khác nhau nhưng sống nhờ nhau, hỗ trợ nhau và cần nhau. Cơ thể tạo ra máu, trong khi máu lại tăng sức cho cơ thể. Đức Kitô biết rõ điều đó nên Ngài ban cho con cái Ngài Mình và Máu cực thánh của chính thân Ngài. Khi ban như thế, Ngài tự nguyện hy sinh chết để cho Kitô hữu được sống. Chết bằng cách trên thể hiện trọn vẹn câu: chết cho người mình yêu. Điều này được chính Đức Kitô nói trong bữa Tiệc Li:

'Đây là Mình Ta, đây là Máu Ta, anh em hãy nhận lấy mà ăn, mà uống'.

Khi tiếp máu người ta cần loại máu thích hợp. Mình và Máu cực thánh Đức Kitô ban thích hợp cho mọi Kitô hữu ở tuổi trưởng thành. Tuổi trưởng thành là tuổi biết phân biệt lành dữ. Chọn lành, tránh dữ là điều kiện cần cho việc đón nhận Mình, Máu thánh Đức Kitô. Máu trong cơ thể con người mang không khí trong lành đến nuôi cơ thể; khi trở lại tim, máu mang theo khí dơ nhờ phổi thanh tẩy cơ thể. Mình Máu thánh Đức Kitô ban sinh lực, tăng sức mạnh tâm linh giúp Kitô hữu chống lại í nghĩ dơ bẩn, hành động tồi bại, chống lại cám dỗ, sa đọa, làm cho đời sống đức tin giầu ân sủng Chúa. Mình Máu thánh Đức Kitô trở thành lương thực trường sinh, ban sự sống đời đời cho Kitô hữu thành tâm tin vào sự sống lại của Đức Kitô. Bởi do lòng tin mà được chia sẻ sự sống lại với Đức Kitô. Bởi do lòng tin mà được hưởng thiên ân, đón nhận Mình Máu thánh Đức Kitô. Đây là thần lương cao trọng hơn manna Chúa ban cho Môisen nuôi đoàn dân lữ hành trên đường về Đất Hứa. Kitô hữu là người lữ hành về Đất Hứa. Mình Máu thánh là lương thực cần thiết trên đường lữ hành về nhà Cha trên trời, chung sống với Đức Kitô Phục Sinh. Thời xa xưa người ta dùng máu chiên bò làm lễ tế. Cùng tư tưởng đó người ta gọi Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa. Là Chiên Thiên Chúa bởi Ngài là Đấng vô tội, nhận tội nhân loại vào chính thân mình và đổ chính máu mình ra, chết thay cho người mình yêu.

Phục Sinh đổi mới cuộc sống Kitô hữu. Trước Phục Sinh Tiệc Li năm xưa là tiệc chia li, chia lìa, chia tay trước khi xảy ra tản mát, tán loạn, tháo chạy, lẩn trốn trong lo âu, sợ sệt, đen tối, không tương lai, không hi vọng. Sau Phục Sinh, Tiệc Li mang í nghĩa mới. Kitô hữu vui mừng, hân hoan, đón chào nhau bởi đây là tiệc mừng, tiệc đoàn tụ, họp mặt, giao hoà, tin tưởng, phó thác, tràn trề hi vọng và tưởng nhớ. Chính Đức Kitô phán:

'Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Ta.'

Khi ban Mình và Máu cực thánh cho Kitô hữu. Đức Kitô trao ban cho Kitô hữu toàn vẹn sự sống Ngài. Điều này thể hiện trên thập giá khi người lính cầm đòng đâm cạnh sườn Người. Kinh Thánh thuật lại không còn gì sót lại trong tim, chỉ còn một vài giọt nhũ tương màu hồng nhạt rịn ra. Không còn máu, không còn hơi thở, không còn sự sống; bởi Đức Kitô trao ban trọn vẹn cho người Ngài yêu mến. Nước mắt vắn dài Đức trinh nữ Maria nhỏ trên xác con lạnh giá một lần nữa xác nhận Đức Kitô thực sự trao ban trọn vẹn sự sống Ngài cho Kitô hữu. Ông Giuse được Philatô cho phép an táng Đức Kitô. Điều này cho biết chính quyền sở tại chính thức xác nhận Đức Kitô thực sự đã chết. Không thể sai lầm, chối cãi hay đặt vấn đề Đức Kitô thực sự chết hay chỉ ngất xỉu. Ngài thực sự chết; hết máu, xác lạnh, được an táng. Không ai chối cãi điều này; điều họ tranh biện là sự Phục Sinh vinh hiển của Đức Kitô. Đặt vấn đề về sự Phục Sinh của Đức kitô vì không tin vào lời nhân chứng. Không phải một chứng nhân thuật điều mắt thấy tai nghe, mà con số lên đến hàng ngàn. Môn đệ Đức Kitô gặp Ngài, chứng kiến Ngài về trời. Các bà phụ nữ gặp Ngài, vui mừng loan tin khắp nơi. Như thế nhân chứng sống động làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh đến từ nhiều tầng lớp, giai cấp trong xã hội. Nếu chê lời chứng của dân nghèo, sao không tin vào lời chứng của người có chức quyền. Nếu chê lời chứng của người thất học sao không tin vào lời chứng của các bậc làm thầy. Nếu không tin vào lời chứng của tông đồ sao không tin vào lời chứng của các bà phụ nữ yêu mến Đức Kitô. Nếu không tin vào lời chứng của một cá nhân sao không tin vào lời chứng của đám đông dân chúng.

Kitô hữu tin vào sự sống lại của Đức Kitô bởi họ tin vào lời chứng của các tông đồ, của các bà phụ nữ. Kitô hữu hướng về tâm linh, nước trời, sự sống trường sinh. Lễ Mình Máu Thánh Đức Kitô cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa môn đệ Đức Kitô và môn đệ trần thế. Trần thế tin dựa vào khối óc; tin Đức Kitô chết trên thập tự nhưng không tin Ngài sống lại từ cõi chết. Môn đệ Đức Kitô tin dựa vào lời rao giảng của Đức Kitô và dựa vào lời chứng của các tông đồ. Họ không phải chỉ nói về Đức Kitô Phục Sinh mà còn dùng chính sự sống mình làm chứng cho điều họ rao giảng. Tin vào tông đồ Đức Kitô vì các ngài là nhân chứng, tai nghe Đức Kitô rao giảng; gặp Đức Kitô Phục Sinh, mắt chứng kiến Đức Kitô lên trời. Họ đi rao giảng và làm chứng và chết cho điều họ rao giảng.

Tin theo trần thế, họ thuộc về trần thế. Con người trần thế cũ vẫn tồn tại trong họ; không thay đổi mặc dầu họ nói về đổi mới, canh tân. Theo họ, đổi mới, canh tân là chạy theo thay đổi của khoa học kĩ thuật. Tin theo Đức Kitô thuộc về Đức Kitô, trở thành con người mới, lối sống mới, cách suy nghĩ mới, niềm tin mới. Đổi mới, canh tân mới là đổi mới, canh tân do ơn thần thiêng Đức Kitô Phục Sinh ban. Từ bỏ lối sống cũ để nhận lấy sự sống mới nơi Đức Kitô. Không phải tự họ có khả năng đổi mới mà chính là Thánh Thần Chúa thay đổi họ. Thánh Thần mà Đức Kitô ban sau khi Ngài về trời. Kitô hữu nhận khi chịu phép Thanh Tẩy và phép Thêm Sức. Nhờ Thánh Thần mà họ trở thành tạo vật mới trong Thánh Thần. Họ sống trong xã hội nhưng không thuộc về xã hội, mà trở thành muối men ướp xã hội, giúp con người xã hội nhận ra họ là môn đệ, chứng nhân Đức Kitô Phục Sinh qua dấu chỉ yêu thương nhau. Như thế con người mới là con người biết yêu thương, tha thứ, coi trọng và bảo vệ sự sống con người.

Có ba nguồn tài liệu loan báo về sự chết và Phục Sinh của Đức Kitô. Nguồn tài liệu đầu tiên đến từ các tiên tri. Nguồn tài liệu thứ hai đến từ chính Đức Kitô. Ba lần Ngài nói với môn đệ cái chết và sự sống lại của Ngài. Nguồn tài liệu thứ ba đến từ các tông đồ và các bà phụ nữ. Họ là nhân chứng và làm chứng điều mắt thấy, tai nghe. Khi Đức Kitô tiên báo trước là Ngài sẽ chết và sống lại. Môn đệ Đức Kitô không hiểu. Sau khi Ngài sống lại từ cõi chết, họ nhớ lại điều Đức Kitô tiên đoán và những điều đó xảy ra đúng như những gì đã tiên đoán. Môn đệ ra đi rao giảng những điều đó và làm chứng về những điều đó. Đó là niềm tin của Kitô hữu.
TiengChuong.org
 
Ba Ngôi và Sứ Vụ Truyền Giáo
Nguyễn Trung Tây
06:09 23/05/2024
Lm Nguyễn Trung Tây
Ba Ngôi và Sứ Vụ Truyền Giáo


Mầu nhiệm Ba Ngôi, một Thiên Chúa, nhưng có Ba Ngôi, Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thánh Linh, cũng như tất cả các mầu nhiệm khác của Kitô giáo đều mang một đặc tính chung của mầu nhiệm. Đó là con người không có khả năng để hiểu thấu.

Không thể hiểu nhưng tín điều này được Đức Giêsu mặc khải. Bởi thế, Tin Mừng Mátthêu trình bày tới độc giả Kinh Thánh một thực thể của Mầu Nhiệm Ba Ngôi. Đó là, trước khi về trời, Đức Giêsu Phục sinh đã truyền cho các người môn đệ đi tới khắp cùng trái đất để rao giảng những điều Ngài đã truyền dạy, và rửa tội trong niềm tin Ba Ngôi Thiên Chúa, “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Matt 28:19).

Tương tự như thế, dưới lăng kiếng thần học truyền giáo, dựa vào Tin Mừng Gioan 3:16, 17, mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, đã được Công Đồng Vatican 2 giải thích như sau trong sắc lệnh Ad Gentes 2-4:

Thiên Chúa Cha, nguồn mạch của Tình Yêu vô điều kiện đã missio/sai Chúa Con xuống thế gian với một sứ vụ: Cứu chuộc thế gian.

Qua Ad Gentes, các vị thượng phụ của Công đồng đã minh họa ba khuôn mặt của Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là bởi Thiên Chúa Cha yêu trần thế, Ngài sai Ngôi Hai xuống trần thế để rao giảng một bản Tin Vui. Những ai tin vào Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ nhận được ơn cứu rỗi.

Bởi đây là một sứ vụ tới thế gian và cho thế gian, sứ vụ rao giảng Tin Vui không chỉ dừng lại ở lãnh thổ Do Thái. Nhưng bản tin Cứu Chuộc thế gian phải được rao giảng, bắt đầu từ thành phố Giêrusalem tới khắp cùng trần thế. Cho nên Thiên Chúa đã missio/sai Ngôi Ba, Chúa Thánh Linh xuống trần thế. Vào ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, Chúa Thánh Linh xuất hiện trong hình lưỡi lửa đậu trên đầu các người môn đệ. Ngày Lễ Ngũ Tuần của dòng lịch sử ơn cứu độ đã giới thiệu tới tín hữu Kitô khuôn mặt thứ ba của Ngôi Ba Thiên Chúa, đó là Chúa Thánh Linh.

Tương tự như Ngôi Con đã từng thi hành sứ vụ truyền giáo, Ngôi Ba Thánh Linh đã và đang đồng hành và hướng dẫn Giáo hội trên hành trình sứ vụ rao giảng Tin Vui tới khắp nhân loại.

Nói ngắn gọn, các vị Thượng phụ của Công đồng Vatican II đã xác nhận chính Thiên Chúa mới là nguồn của Sứ Vụ Truyền Giáo. Hay nói một cách khác, Thiên Chúa là một Thiên Chúa của Truyền Giáo. Bởi thế, Ngôi Con đã thiết lập Giáo hội (Matt 16:18) và sai đi (Gioan 20:21), dưới sự hướng dẫn Ngôi Ba. Bởi thế, Giáo hội chính là một phương tiện trần thế, để ơn cứu rỗi đến từ và thuộc về Thiên Chúa chạm đến tâm hồn của tất cả mọi người.

Qua những phân tích và trình bày về sứ vụ truyền giáo của Công đồng Vatican II, người tín hữu phần nào đó, nhận ra một thực thể của mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, một điều mà trí óc con người không thể hiểu.

Bởi thế, mỗi khi người tín hữu rời bỏ khu vực an toàn, bước ra ngõ nhỏ trong khu phố để thực hành sứ vụ rao giảng, xuất phát từ Chúa Cha, theo như lời của Đức Giêsu Phục Sinh truyền dạy, chúng ta đang được Chúa Thánh Linh nhắc nhở về mầu nhiệm Ba Ngôi trong ý nghĩa đơn giản nhất mà một cá nhân có thể cảm nghiệm.

Bởi thế, kính mời Kitô hữu bước ra đường, trăn trở và chia sẻ bản Tin Vui tới tất cả mọi người mà chúng ta sẽ gặp gỡ trên con đường hành hương.
 
Hãy yêu đi rồi sẽ biết sự thật
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
06:26 23/05/2024
HÃY YÊU ĐI RỒI SẼ BIẾT SỰ THẬT
( LỄ CHÚA BA NGÔI )

Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x.Ga 16,13). Nhờ lời mạc khải của Chúa Kitô, chúng ta biết rằng Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi riêng biệt là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chỉ một Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi. Tuy Ba Ngôi riêng biệt nhưng chỉ là một Thiên Chúa. Một mầu nhiệm vượt quá trí suy của nhân loại.

Vì sao Ba Ngôi mà chỉ là một Thiên Chúa hay vì sao chỉ một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi? Xin được trả lời cách thành thật rằng bản thân không biết. Vì tin vào Đức Kitô, Đấng có lời quyền năng và yêu thương tôi cho đến cùng, cho đến chết trên thập giá, nên tôi tin vào lời của Người. Chính Chúa Kitô đã phải trả giá rất đắt, là cái chết thập giá, cho sự mạc khải này trong bối cảnh Do Thái giáo chỉ tin có một Thiên Chúa duy nhất và độc nhất. Chúng ta đừng quên một trong những lý do khiến những người lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đã từng lấy đã ném Chúa Giêsu và lên án tử hình cho Người, vì Người tự cho mình là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa (x.Ga 10,31-33; Mt 26,62-66).

Thánh Kinh, đặc biệt Chúa Kitô không cho biết vì sao một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi, nhưng đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào. Đó là mầu nhiệm tình yêu liên đới, hiệp thông trọn hảo, đầy năng động và sáng tạo. Và chúng ta, loài thụ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình, ngay trong kiếp lữ thứ này, có thể cảm nghiệm phần nào đó mầu nhiệm ấy, khi sống trong Thánh Thần, Đấng là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa Chúa con và Chúa Cha.

“Sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô mà Cha sai đến” (Ga 17,3). Làm sao để nhận biết sự thật này nếu không được Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa tác động. Chúng ta đã được nhận làm con trong Đức Giêsu. “Vì là con, nên Thiên Chúa sai Thánh Thần của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta và kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6). “ Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa nếu không được Thánh Thần thúc đẩy (x.1Cor 12,3). Thánh Thần chính là nguồn tình yêu. Vì thế chỉ những ai ở trong tình yêu mới có thể hiểu biết sự thật. Và khi hiểu biết sự thật thì chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta và đưa chúng ta vào sự sống đời đời.

Làm sao ta có thể biết nghĩa phu thê là gì khi ta chưa sống hết tình với người phối ngẫu? Làm sao ta có thể biết được thế nào là quê hương khi ta chưa hết lòng hết tâm với vận mệnh quốc gia dân tộc? Làm sao ta có thể biết được giá trị của con người trong cõi nhân sinh này khi ta chưa trải rộng con tim với người đồng loại, với người anh chị em cận kề, nhất là với những người cô thế cô thân? …

Hãy yêu đi rồi bạn sẽ biết nhiều lẽ huyền nhiệm của sự trao ban và đón nhận. Hãy hiệp thông cách thực sự thì bạn sẽ biết thế nào là tình liên đới. Đây là một cái lẽ biết theo nghĩa Thánh Kinh, tức là không chỉ nhìn thấy thực tại, thấy vấn đề bằng trí khôn, mà còn gắn bó thiết thân, chung lưng đấu cật, khi buồn lẫn khi hoan lạc, lúc thuận lợi cũng như lúc gặp phải nghịch cảnh, gian truân.

Ngay trong cuộc sống này, có nhiều điều mà lý trí phải chào thua. Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại ở trí óc, nhưng là ở trái tim. Có thể có trường hợp người ta đâm ra mù quáng vì yêu. Nhưng đó chỉ là thứ tình yêu vị kỷ, nghiêng chiều đam mê vụ lợi hoặc bất chính. Khi đã biết yêu với tình yêu trong sáng, quảng đại quên mình, với một tình yêu bắt nguồn từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thì không một ai là không ở trong ánh sáng. Và chính ánh sáng sẽ soi dẫn chúng ta đến cùng chân lý.

Là kitô hữu, không gì hơn là biết quy chiếu về Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi để rồi biết yêu thương nhau bằng:

1. Một tình yêu thúc đẩy ta không chỉ muốn mà còn biết chủ động, tích cực làm cho người mình yêu phát triển và nên hoàn thiện.

2. Một tình yêu thúc đẩy ta tìm mọi cách để cho người mình yêu nên đáng yêu và được nhiều người yêu mến.

3. Một tình yêu thúc đẩy ta nỗ lực hết mình làm cho người mình yêu có đủ khả năng và sự nhiệt tình để yêu mến kẻ khác.

4. Một tình yêu thúc đẩy chúng ta hăng say kiến tạo những điều tốt đẹp cho nhau trong tinh thần liên đới và đầy trách nhiệm.

Khi ta sống được chút tâm tình yêu mến này, thiết tưởng rằng chúng ta sẽ chẳng còn băn khoăn với câu hỏi tại sao Ba Ngôi mà chỉ một Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc vì biết cội nguồn của mình chính là Thiên Chúa Ba Ngôi. Và hầu chắc chúng ta sẽ biết sống sao cho xứng với phẩm vị của mình vốn là hình ảnh của Đấng Toàn Năng là Cộng Đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ban Mê Thuột.
 
Thiên Chúa Ba Ngôi
Lm. Thái Nguyên
06:31 23/05/2024

THIÊN CHÚA BA NGÔI

Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi năm B: Mt 28, 16-20
Suy niệm

Từ ngữ “Chúa Ba Ngôi” (Trinitas) không có trong Kinh Thánh, nhưng là chân lý mà Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Hình ảnh đặc trưng nhất về Chúa Ba Ngôi là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, có Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu và tiếng phán từ trời, là ba hình ảnh tạo nên một chân dung sống động về Chúa Ba Ngôi (Mt 3,16-17).

Thánh Phaolô gửi lời chào các tín hữu trong Chúa Ba Ngôi: Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em (2Cr 13,13). Còn thánh Luca trong sách Công vụ và trong Phúc Âm, đã nhìn nhận lịch sử cứu độ mang chiều kích Chúa Ba Ngôi: Cựu Ước là thời của Chúa Cha, Tân Ước là thời của Chúa Con, và hiện nay là thời của Chúa Thánh Thần. Trong Kinh Tín Kính, chúng ta cũng tuyên xưng: Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu độ và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá. Nhưng Chúa Cha ở đâu, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng ở đó. Ba Ngôi luôn là mầu nhiệm thâm sâu, vừa đơn nhất vừa đa dạng.

Hằng ngày ta rất gần gũi với dấu thánh giá trên mình: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, nhưng xem ra lại xa lạ khi cảm nhận. Những suy tư thần học về Ba Ngôi thật phong phú, cũng như những từ ngữ "ngôi vị" và "bản tính" rất cần thiết để minh định tín điều, nhưng lại rất trừu tượng và khó khăn cho sự gặp gỡ với một Thiên Chúa sống động. Thiên Chúa đúng là Đấng siêu việt, Đấng “ở trên” nhưng đồng thời cũng là Đấng “ở với” và “ở trong” con người cũng như lịch sử.

Thiên Chúa là Đấng “ở trên”, vì là “Đấng trường sinh bất tử, ngự trị trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” (1Tm 6,16). Thiên Chúa “ở trên” vũ trụ và nhân loại vì “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi” (Mt 16,23). Nếu ai nói rằng mình hiểu được Thiên Chúa thì chắc chắn vị Thiên Chúa ấy không còn là Thiên Chúa đích thực nữa. Những khám phá khoa học ngày nay càng làm cho ta thấy tính bất khả đáo đạt về Thiên Chúa. Trái đất của chúng ta đây mới chỉ là một thành phần của dải ngân hà, đã là điều quá vĩ đại, thế mà nó còn nằm trong hằng tỷ dải ngân hà. Quả thật, vũ trụ như vô cùng vô tận. Nếu thế, Thiên Chúa còn vô biên vô ngần đến mức nào, vì Ngài là nền tảng cho mọi hiện hữu.

Thiên Chúa còn là Đấng “ở với” con người. Đây là mạc khải trung tâm và độc đáo của Kitô giáo. Ngay từ Cựu ước, khi sai ai đi thi hành sứ mạng, Thiên Chúa cũng chỉ hứa điều quan trọng nhất là:“Ta ở với ngươi”. Từ Môsê đến Đức Maria đều như thế (Xh 3,12; Lc 1,28). Lời hứa “ở với” đã vươn đến cao điểm trong Đức Giêsu Kitô, Đấng được gọi là Emmanuel: Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta (Mt 1,23). Ngài không chỉ hiện diện với con người, mà còn chia sẻ phận người trong mọi tình trạng, kể cả đau thương và chết trong khổ nhục. Cho đến thời của Hội Thánh, lời hứa của Chúa Kitô Phục sinh dành cho các môn đệ vẫn là: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Ngoài ra, Thiên Chúa còn “ở trong” con người. Tin Mừng Gioan tràn ngập cụm từ “ở trong”:“Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy… ” (15,9-10); Chúa Giêsu đã xin Cha cho một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với các môn đệ. Đó là Thần Khí Sự Thật… “Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (14,16-17). Ngoài ra, Giáo Hội còn cho chúng ta biết: lương tâm là “tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa, và tiếng nói của Ngài vang dội trong lòng họ" (GS, số 16).

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không gì khác hơn là mầu nhiệm tình yêu: là một trong nhau và trong đời sống mỗi người chúng ta. Khi sai chúng ta đi rửa tội cho mọi người nhân danh Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu muốn ta đem tình yêu rửa sạch những oán ghét hận thù đang tàn phá thế giới. Ngài muốn ta đem ngọn lửa tình yêu thắp sáng những nơi tối tăm và ngục tù. Ngài muốn ta đem mưa tình yêu tưới gội những vùng đất khô cằn vì thiếu vắng lòng nhân từ và tha thứ. Ta hãy cảm nhận và sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong chính gia đình mình, trong cộng đoàn mình, trong Giáo xứ mình. Với niềm cảm mến thâm sâu, ta cũng hãy tuyên xưng và loan truyền tình Chúa Ba Ngôi cho hết mọi tâm hồn.

Cầu nguyện

Lạy Cha là Thiên Chúa chúng con!
Nhìn vào vũ trụ muôn loài,
chúng con nhận biết chính Ngài làm nên,
nhưng Ngài là Đấng siêu nhiên,
vô tiền vô hậu vô biên vô cùng,
xem ra cũng rất mông lung,
chúng con cảm thấy mịt mùng xa xôi.
Cũng nhờ Con Chúa xuống đời,
cho con được biết Chúa Trời Ba Ngôi,
Chúa Cha sáng tạo đất trời,
Chúa Con xuống thế cứu đời lầm than,
Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần,
chính Ngài thánh hóa bản thân mỗi người.
Tuy là mầu nhiệm cao vời,
nhưng là Thiên Chúa sáng ngời tình yêu,
vì Ngài cư ngụ trong con,
để con biết sống vẹn tròn yêu thương.
Giêsu nhân ái khôn lường,
chính là hình ảnh tỏ tường của Cha,
để con không cảm thấy xa,
mà là gần gũi thiết tha trong lòng.
Cho con luôn sống cậy trông,
để lòng con mãi hiệp thông với Ngài,
cho con đừng sống bề ngoài,
nhưng là trong Chúa hôm mai từng ngày.
Xin cho con quyết từ nay,
lòng tin cậy mến hằng ngày bên Cha,
Dưới tác động của Ngôi Ba,
để con luôn dám đi ra khỏi mình,
một đời gieo rắc an bình,
sáng lên trần thế bóng hình Giêsu. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:38 23/05/2024

16. Suy niệm sẽ chi phối tinh thần và hành vi, sẽ làm cho người ta sửa đổi những sai lầm.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:43 23/05/2024
63. CẮT BỎ GAN NGỰA

Tương truyền rằng gan ngựa có độc, thời Hán triều có người tên là Văn Thành Đích vì ăn gan ngựa mà chết.

Vu công nghe được thì phản đối, nói:

- “Gan ngựa nằm dài trong ruột ngựa, tại sao khi ngựa ngã thì không chết?”

Người khác nói:

- “Từ trước đến nay ngựa không sống qua trăm năm, còn không phải là vì gan nó có độc hay sao?”

Vu công bây giờ mới thâm tín và không hoài nghi, hơn nữa lại còn cắt mất lá gan con ngựa nhà mình, ngựa bị cắt chết ngay lập tức, Vu công nói:

- “Quả nhiên là có độc, cắt bỏ đi mà nó vẫn cứ chết, còn như nếu để lại trong bụng thì lại càng không được”.

(Nhã Ngược)

Suy tư 63:

Thiếu hiểu biết thì không những hại người mà còn hại mình và có khi ôm hận cả đời, người thiếu hiểu biết khi phủ nhận thì rất kiên quyết, khi đã nghe theo thì rất cố chấp, cho nên trên thế giới, những người bần cùng thì dễ dàng làm loạn và dễ dàng bị kích động hơn là những người hiểu biết.

Người Ki-tô hữu là người hiểu biết hơn những người khác, bởi vì họ tin tưởng Thiên Chúa chính là Đấng quyền năng tạo dựng mọi sự và cũng là Cha của mọi loài, nên họ luôn nhìn thấy và hiểu biết mọi sự dưới ánh sáng của đức tin. Họ hiểu rằng con người chính là tạo vật tốt lành của Thiên Chúa được tạo dựng giống hình ảnh của Ngài, nên không thể gọi là “có độc” hay là một loại xấu xa, nhưng chính ma quỷ đã cám dỗ và làm cho con người trở nên “độc” với tha nhân và độc với anh em chị em vì lòng tham và tính kiêu ngạo của mình, cho nên chúng ta cần phải biết thông cảm và khoan dung với họ.

Vu công vì thiếu hiểu biết đến cố chấp nên đã cắt gan của ngựa nhà mình để vứt bỏ “độc”, nhưng ngựa đã chết; người Ki-tô hữu trưởng thành nhìn thấy “độc” nơi tha nhân nhưng không nặng nề chỉ trích khai trừ, mà luôn cầu nguyện, động viên và tìm cách giúp anh chị em “giải độc”...

Đó chính là hiểu biết trong yêu thương của người Ki-tô hữu sống Lời Chúa cách trưởng thành vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Kế hoạch yêu thương
Lm. Minh Anh
17:43 23/05/2024
KẾ HOẠCH YÊU THƯƠNG
“Cả hai sẽ thành một xương một thịt!”.

“Thập giá cũ giết chết con người, thập giá mới cứu sống nó; thập giá cũ kết án con người, thập giá mới chuộc lại nó; thập giá cũ huỷ diệt niềm tin vào thân xác, thập giá mới khích lệ nó. Tất cả tiết lộ một kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa!” - A. Tozer.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Kế hoạch yêu thương’ của Thiên Chúa, một lần nữa, được bộc lộ qua Lời Chúa hôm nay. Cùng Tozer và Giacôbê, Thánh Vịnh đáp ca tóm tắt, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!” với kế hoạch của Ngài. Ngài tạo dựng con người có nam có nữ; Ngài có một ‘kế hoạch yêu thương’ cho thân xác của nó, “Cả hai sẽ thành một xương một thịt!”.

Các biệt phái đặt vấn đề với Chúa Giêsu, ‘Rẫy vợ hay không rẫy vợ?’. Câu hỏi này không đúng! Câu hỏi đúng là, “Chúa muốn hai người nam nữ yêu nhau thế nào?”. Sự khác biệt nằm ở trạng thái của trái tim! Người cởi mở, yêu mến Chúa, sẽ tìm cách yêu người phối ngẫu như ý muốn của Thiên Chúa; người khép kín - thường là nô lệ của tội lỗi - chỉ tìm ích kỷ và ý riêng mình. Mục tiêu của họ là biện minh cho những gì họ muốn: ‘Rẫy vợ!’. Tại sao? Bởi trái tim họ không sẵn sàng để sống trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa nhắm đến; điều Ngài nhắm đến trong hôn nhân là hai người “sẽ thành một xương một thịt”. Chúa Giêsu nói lên sự thật này và ban ân điển để chúng ta sống. Ngài thách thức chúng ta vượt quá những điều tối thiểu, vượt quá những điều “ngươi không được” để tiến xa hơn đến chỗ “Thiên Chúa muốn gì?”.

“Xác thịt” Thiên Chúa tạo ra là thánh, là đền thờ vốn được hoạch định cho sự sống vĩnh cửu. Chính Chúa Giêsu cũng đã trở nên “xác thịt” và sau đó, hiến tặng chúng ta. Chỉ trong Thánh Thể, chúng ta mới có thể tìm được ý nghĩa của xác thịt cũng như ý nghĩa ơn gọi yêu thương của chính mình, đó là ‘tự hiến vì sự sống người khác’. Bắt chước Thánh Thể, sự nên một bất khả phân ly của hôn nhân công bố chìa khoá của tình yêu, “Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”, một cuộc sống, một sở thích, một ơn gọi ‘tự hiến vì sự sống người khác’. Như thế, một đôi vợ chồng không thể nói về “bản thân tôi”, mà chỉ có thể nói về quà tặng “những gì Thiên Chúa đã kết hợp hai chúng tôi”. Đó là ‘kế hoạch yêu thương’ của Thiên Chúa!

Anh Chị em,

“Cả hai sẽ thành một xương một thịt!”. Thiên Chúa chúc phúc cho sự kết hợp này, nhờ đó, hai người được nên thánh. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, bạn và tôi hãy tự hỏi, “Thiên Chúa muốn chúng ta yêu thế nào?”. Nhìn vào thập giá, chúng ta sẽ nghe câu trả lời “Yêu như Thầy yêu” và “Yêu đến cùng”. Đúng thế, Thánh Giá, Thánh Thể khích lệ và tiết lộ ‘kế hoạch yêu thương’ cho thân xác từ Thiên Chúa! Trung thành với ơn gọi của mình - hôn nhân hay thánh hiến - ai ai cũng phải chiến đấu triền miên. Tự sức con người, không thể được; nhưng đừng quên, “Chúa là đấng từ bi nhân hậu”, Ngài chuẩn bị thần dược cho chúng ta qua các Bí tích. Hãy thường xuyên đến với Ngài, kín múc nguồn sức thiêng hầu có thể yêu đến cùng như Ngài đã yêu; nhờ đó, hoàn tất ‘kế hoạch yêu thương’ cho thân xác mình như Ngài hằng mong mỏi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin thanh tẩy lòng kính trọng của con trước sự thánh thiêng của “Thân Xác” Chúa, thân xác con và thân xác anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Mẹ Như Được Phản Chiếu trong Kinh Magnificat
Vũ Văn An
22:37 23/05/2024

Michael Pakaluk (*) trên Catholic Thing ngày 23 tháng 5, 2024, hô hào cùng ông suy gẫm, trong tháng kính Đức Maria, về những gì chúng ta học được về Đức Maria – nhân cách và các nhân đức của ngài – từ Kinh Ngợi Khen. Ý ông không phải là nó nói gì, mà là (i) sự kiện chúng ta có nó; (ii) việc ngài sáng tác nó; và (iii) những gì nó không nói.

Đầu tiên, sự kiện chúng ta có nó. (Lu-ca 1:46-55) Chúng ta coi đó là điều hiển nhiên nhưng hãy suy nghĩ kỹ. Có lẽ Thánh Lu-ca đã viết Phúc âm của mình vào cuối những năm 50, điều đó có nghĩa là Đức Maria đã sáng tác bài thánh ca của ngài khoảng 60 năm trước đó. Bây giờ hãy tưởng tượng bạn là một ông già ở độ tuổi 80 và ai đó yêu cầu bạn lặp lại điều gì đó bạn đã nói ở độ tuổi 20. Ngoài ra, chúng ta chỉ có nó từ Thánh Lu-ca. Bài thánh ca của Đức Maria không được nhắc đến trong bất cứ nguồn Tin Mừng hay cổ xưa nào khác. Rõ ràng, nếu Thánh Lu-ca không sưu tầm thì nó đã bị thất lạc.

Chúng ta học được gì về Đức Maria từ những sự kiện đơn thuần này? Tác giả nghĩ chúng ta phải cho rằng Đức Maria đã đọc kinh Magnificat thường xuyên, nếu không nói là mỗi ngày, trong sáu mươi năm. Vì bài Magnificat là một bài thánh ca tạ ơn mà ngài thường xuyên đọc, cho thấy rằng lòng biết ơn là nhân đức hàng đầu đối với ngài.

Ngoài ra, nó còn cho thấy ngài đã đón nhận trọn vẹn sự nhấn mạnh của Chúa về tầm quan trọng của việc kiên trì cầu nguyện như thế nào. Rõ ràng, vì ngài đã sáng tác bài thánh ca và đọc nó một cách chân thành ngay từ đầu, nên “công đức” của việc thường xuyên cầu nguyện bài thánh ca đó đối với ngài sẽ tích lũy phần lớn từ sự nhất quán của việc lặp đi lặp lại.

Sau đó, nó cũng cho thấy Đức Maria yêu thích việc cầu nguyện bằng lời nói. Thật vậy, cuộc đời của ngài đã trở thành một “loại hình” của Giáo Hội, trong Kinh Thần Vụ, vẫn hằng ngày đọc Kinh Ngợi Khen.

Sự kiện Thánh Lu-ca cố tình tìm kiếm bài thánh ca cho thấy Đức Maria yêu đời sống riêng tư và sự thân mật của gia đình đến mức nào. Với sự thận trọng và khiêm tốn tuyệt vời, ngài dường như có ý định “giữ” bài thánh ca vinh quang này trong trái tim mình, như một hành động yêu thương bày tỏ với Chúa, trong mối quan hệ của ngài với Người. Thôi thúc của ngài gần như trái ngược với thôi thúc của chúng ta muốn “chia sẻ”, hiển thị và tìm kiếm “lượt thích” trên mạng xã hội. (Hãy xem hình ảnh Guadalupe, như mọi người vẫn nói, thể hiện sự hết mực khiêm tốn.)

Thứ hai, ngài đã sáng tác nó. Bài Magnificat giống với những bài thánh ca hay trong Cựu Ước, chẳng hạn như Bài ca của Miriam (Xh 15:20-27), và Bài ca của Ha-na (1 Sm 2:1-10), tuy nhiên nó không chỉ là sự phỏng theo những bài này. Nó hoàn toàn là công việc của chính nó, phản ảnh hoàn cảnh của chính Đức Maria. Hơn nữa, nó không phải là một tác phẩm vụng về mà như mọi người đều thừa nhận, là một kiệt tác. Phải thừa nhận rằng chúng ta không thể giảm bớt sự đóng góp của Chúa Thánh Thần, nhưng có vẻ như Đức Maria đã sáng tác bài thánh ca của mình trước khi đến thăm bà Ê-li-da-bét. Tại buổi Thăm Viếng, ngài đã hát một bài thánh ca mà ngài đã sáng tác.

Trinh nữ và Hài nhi, và các thiên thần (Madonna of the Magnificat) của Sandro Botticelli, c. 1483 [Phòng trưng bày Uffizi, Florence]


Chúng ta học được gì về Đức Maria từ những sự kiện này? Chúng ta biết rằng ngài yêu thích Kinh thánh, thường xuyên đọc thuộc lòng và có lẽ đã ghi nhớ những phần yêu thích của mình: phát minh cần có cơ sở. Chúng ta biết rằng ngài không chỉ mong muốn làm theo những gì Kinh thánh dạy mà còn bắt chước chính giọng điệu của Kinh thánh - cách mà một người yêu thích (chẳng hạn) tác phẩm của John Henry Newman có thể sao chép các câu và thực hành viết các câu của chính mình theo cùng một khuôn mẫu, với hy vọng tiếp thu phong cách của Newman. Sự xuất thần của ngài sẽ phù hợp biết bao đối với người hiểu được Lời đằng sau tất cả Kinh thánh!

Hơn nữa, không ai chỉ viết một bài thơ, một bài hát, một tiểu luận. Chắc chắn, không ai chỉ viết một thứ thuộc một thể loại nhất định, rồi sau đó nó trở thành một kiệt tác. Vì thế chắc hẳn ngài đã sáng tác và hát rất nhiều thánh ca. Có vẻ hợp lý khi ngài thường xuyên đến thăm “người bà con của mình” hoặc những người khác, ngài sẽ chia sẻ một bài hát mà ngài vừa sáng tác. Nhưng điều này sau đó cho thấy ngài thích cách điệu hóa và diễn tập. Giống như chúng ta, ngài không thích sự tự phát; ngài thấy không có sự mâu thuẫn giữa điều được cách điệu hóa và điều chân thành.

Việc ngài sáng tác các bài hát bắt chước Miriam và Han-na cho thấy, đối với ngài, mối quan hệ của Thiên Chúa với dân của Người là một sinh vật sống chứ không phải một truyền thống đã chết; ngài thấy mình như đang nhận một một phần hiện tại và bình đẳng trong lịch sử giao ước lâu dài đó. Ngài mong đợi Thiên Chúa hành động và sẵn sàng cho việc đó.

Thứ ba: Những gì nó không nói. Bài Magnificat rất đơn giản, chỉ khoảng mười dòng, nhưng lại chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Nó không kéo dài lê thê; nó không lặp lại. Như vậy chúng ta thấy ở đó sự đơn sơ và thẳng thắn của Đức Maria.

Đáng chú ý là nó hầu như không nói về ngài. Chỉ có những lời “từ nay về sau mọi thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả” mới liên quan trực tiếp đến ngài. Sau đó, hãy xem xét sự khác biệt lớn giữa những gì chúng ta biết về ngài và những gì ngài nói trong những lời đó: Ngài không đề cập đến bất cứ điều gì về những gì thiên thần đã nói với ngài – dòng dõi thiêng liêng, sự cứu rỗi và triều đại của Người.

Có thể (và tôi đã nghĩ vậy) ngay điều mà chúng ta gọi là bài Magnificat là sự chuyển thể từ một bài thánh ca mà ngài đã sáng tác trước đó, nhân dịp ngài đính hôn với Giu-se, như một sự hân hoan về tình yêu của họ, kỷ niệm việc Giu-se đã tán tỉnh ngài; và sau đó, sau biến cố Truyền Tin, bài thánh ca đó đã được trau chuốt và tìm thấy mục đích và ý nghĩa thực sự của nó.

Rồi hãy lưu ý đến sự bao la của “luật vô tư” mà ngài cử hành, vang vọng rất nhiều thánh vịnh và đoạn văn của các tiên tri: Đấng quyền năng, kẻ hài lòng và kiêu ngạo bị hạ xuống, trong khi kẻ nghèo, kẻ đói khát và kẻ thấp hèn được tôn cao. Có lẽ Đức Maria đã hát bài hát của ngài cho Chúa Giêsu Hài Đồng, Đấng sau này sẽ dạy những sự thật tương tự trong Các Mối Phúc Thật của Người?

Tác giả cảm thấy hơi sợ hãi khi đến gần một con người phi thường như vậy nếu Chúa không bảo đảm với ông rằng ngài cũng là mẹ ông. Và sau đó có niềm an ủi này: lòng sùng kính đối với Đức Mẹ trong Kinh Mân Côi, áo choàng, và trong các bài thánh ca như Salve Regina tức khắc đặt chúng ta vào tư thế khiêm tốn và tức khắc giao phó chúng ta cho ngài.
_____________________________________________________________________________________
(*) Michael Pakaluk, một học giả về Aristốt và là giáo sư thực thụ của Giáo hoàng Học viện Thánh Thomas Aquinas, là giáo sư tại Trường Kinh doanh Busch tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ. Ông sống ở Hyattsville, MD cùng với vợ là Catherine, cũng là giáo sư tại Trường Busch và tám người con của họ. Cuốn sách nổi tiếng của ông về Tin Mừng Máccô là Hồi ký của Thánh Phêrô. Cuốn sách gần đây nhất của ông, Tiếng nói của Đức Maria trong Tin Mừng Gioan: Một bản dịch mới với lời bình luận, hiện đã có sẵn. Cuốn sách mới của ông, Hãy là những chủ ngân hàng tốt: Nền kinh tế thiêng liêng trong Tin mừng Mat-thêu, sẽ xuất bản tại Regnery Gateway vào mùa xuân. Giáo sư Pakaluk được Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm vào Giáo hoàng Học viện Thánh Thomas Aquinas.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh biểu tượng về Thiên Chúa Ba Ngôi
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
02:39 23/05/2024
Hình ảnh biểu tượng về Thiên Chúa Ba Ngôi

Trong đời sống xưa nay có nhiều phương tiện thông tin giúp hiểu nhau. Nhiều khi chúng ta truyền thông tin đi, cùng nắm bắt được thông tin của nhau, nhưng rất tíếc lại không hiểu nhau! Trong đời sống niềm tin tinh thần tôn giáo cũng xảy ra như vậy.

Hằng ngày người tín hữu Chúa Giêsu Kitô làm dấu thập gía, rồi đọc kinh Sáng danh với những lời tuyên xưng tin vào Thiên Chúa ba ngôi vị: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.

Tin trong tâm hồn và đọc tuyên xưng ra ngoài môi miệng không chỉ với công thức lời tuyên xưng, mà còn có cung cách biểu hiệu bằng bàn tay vẽ dấu hình thập tự trên trán, trên môi miệng trên ngực và hai bờ vai, cùng cung kính cúi mình mỗi khi đọc kinh Sáng danh Đức Chúa, và Đức Chúa Con ( Chúa Giesu) và Đức Chúa Thánh Thánh.

Nhưng đâu có ai đã nhìn thấy Ba Ngôi Thiên Chúa, hay có thể diễn tả trình bày Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào được. Nói tóm lại thấu hiểu về một Thiên Chúa có Ba ngôi vị vượt qúa khả năng rất khó hiểu cho tâm trí con người chúng ta. Vì thế xưa nay trong dòng thời gian luôn hằng có những cắt nghĩa suy tư về Ba ngôi Thiên Chúa bằng hình ảnh phần nào cho dễ hiểu với tâm trí giới hạn của con người.

Đâu là những hình ảnh cắt nghĩa suy tư như thế?

Theo công thức toán học, vật lý 1 +1+ 1= 3 nhưng dẫu vậy vẫn có 1. Từ đó suy diễn ra Chúa Cha, Chúa Con ( Giesu) và Chúa Thánh Thần là ba người và dẫu vậy là một.

Các nhà thần học, các Thánh giáo phụ không hài lòng với cung cách cắt nghĩa theo công thức toán học, vật lý học. Vì nó không chất chứa tình cảm nội dung. Nên các ngài dùng hình ảnh phần nào có nội dung sâu xa cùng tình cảm hơn để cắt nghĩa, cho dù cũng vẫn còn phiếm diện thiếu xót không diễn tả được hết nội dung đích thực về một Chúa có ba ngôi vị, hay có thể gây thất vọng cùng có thể sai nữa.

Nhà văn sử học Công Giáo Tertulliano, thuộc hàng những vị giáo phụ đầu tiên của Giáo Hội vào khoảng thế kỷ thứ hai sau Chúa giáng sinh, ở Karthago, đã thử cắt nghĩa về ba ngôi Thiên Chúa bằng hình ảnh một cây có ba thành phần nhất thiết nối liền với nhau: rễ cây, thân cây và các cành lá cây.

Thánh giáo phụ giám mục Basilius, ở Caesare, vào thế kỷ thứ tư, đã dùng hình ảnh so sánh ba ngôi Thiên Chúa với hình cầu vồng xuất hiện trên nền trời với ba yếu tố nối liền chung hợp với nhau: Mặt trời, Tia ánh sáng mặt trời và những Mầu sắc xuất hiện nổi trên nền trời.

Và Ngài cũng đưa hình ảnh ba cây nến cùng được thắp cháy sáng, nhưng chiếu tỏa ra một ánh sáng thôi, để diễn tả hình ảnh Chúa Ba Ngôi.

Cũng vậy như một chiếc lá có ba cánh tỏa ra, ba ngôi vị Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần chung hợp thành một Thiên Chúa.

Cùng vào thời điểm đó Thánh Patrick, Thánh bổn mạng nước Ái nhĩ Lan ( Irland) dùng hình ảnh một chiếc lá ( Kleeblat - Shamrock
) có ba cánh tỏa ra nối liền nhau, để thử cắt nghĩa về Thiên Chúa ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần chung hợp lại là một người.

Thánh gíao phụ Augustino vào cuối thế kỷ 4. sang thế kỷ thứ 5. đã có suy tư căn để sâu xa hơn cùng theo chiều hướng tâm linh hơn về Thiên Chúa Ba ngôi bằng hình ảnh ánh sáng: Ánh sáng của Chúa Cha, ánh sáng của Chúa Con và ánh sáng của Chúa Thánh Thần, chung hợp lại không phải là ba ánh sáng. Nhưng là một ánh sáng.

Vì thế sự khôn ngoan của Đức Chúa Cha, của Đức Chúa Con ( Chúa Giesu) và của Đức Chúa Thánh Thần chung hợp lại không phải là ba sự khôn ngoan, nhưng là một sự khôn ngoan. Đức Chúa Cha, đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần là một Thiên Chúa.

Nhà văn cùng thi sĩ Wolgang Goethe nước Đức, năm 1871 đã trước tác bài thơ về Ba ngôi Thiên Chúa:

“ Đức Chúa Cha vĩnh viễn ở trong âm thầm yên lặng, Ngài đã tạo thành vũ trụ.
Đức Chúa Con làm việc to lớn: đã đến mang ơn cứu độ cho thế giới. Ngài đã giảng dậy rất tốt và đã chịu đựng nhiều. Những phép lạ của Ngài làm vẫn còn cho ngày hôm nay.
Bây giờ Đức Chúa Thánh Thần đến. Ngài thực hiện tất cả ngày lễ Ngũ Tuần. Gió từ đâu xảy đến, bay thổi đi đâu, không ai tìm nhận ra. Những sự thể xảy ra chỉ một thời gian ngắn. Vì ngài là đầu tiên và sau cùng.
Kinh tin kính xưa nay nhắc lập lại cùng sẵn sàng cầu nguyện: Thiên Chúa Ba ngôi vĩnh cửu.”

Nhà họa sĩ cùng điêu khắc Yves Klein nổi danh nước Pháp sống vào thế kỷ 20., đã có so sánh bằng hình ảnh những mầu sắc nói về Thiên Chúa Ba ngôi mà ta không thể nhìn bằng mắt được:
-Mầu vàng mầu chỉ về Đấng Tạo Hóa tạo dựng nên vũ trụ, Đức Chúa Cha
-Mầu đỏ, mầu chỉ về Đấng cứu độ vũ trụ, Đức Chúa Con ( Chúa Giesu Kito)
-và mầu xanh (da trời) biểu hiệu chỉ về bầu trời và đất vũ trụ được tràn đầy trong thần khí, Đức Chúa Thánh Thần.

Những hình ảnh cắt nghĩa của các Giáo phụ, của các nhân vật nổi danh lỗi lạc trên đây giúp tâm trí giới hạn con người phần nào hiểu về mầu nhiệm một Chúa ba ngôi.

Tâm trí giới hạn con người khônng thể hiểu thấu đáo mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi. Những hình ảnh biểu tượng dùng cắt nghĩa của các Giáo phụ, của các nhân vật nổi danh lỗi lạc trên đây chỉ giúp tâm trí giới hạn con người phần nào hiểu về mầu nhiệm một Thiên Chúa ba ngôi thôi. Chỉ qua đức tin cùng tình yêu như chiếc chìa khóa mới có thể mở tâm trí ra giúp hiểu được mầu nhiệm nầy.

Ngôn ngữ tình yêu không cần phải thông dịch. Con người tất cả đều học được ngôn ngữ này. Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con ( Chúa Giêsu) và Đức Chúa Thánh Thần đều nói, chiếu tỏa một ngôn ngữ tình yêu, mà ai cũng có thể hiểu được từ tận trong tâm hồn trái tim đời sống “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” ( Ga 3,16).

Đây là điều chúng ta tin nhận, và sống làm chứng loan truyền trong suốt dọc đời sống.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Chương Sáu: Ba Thời đại Nghiên cứu Kinh Thánh, Marie-Joseph Lagrange và Vatican II
Vũ Văn An
14:34 23/05/2024

Marie-Joseph Lagrange, O.P.



Nỗ lực đáng kể và lâu dài đầu tiên giữa những người Công Giáo trong việc nắm bắt được nền học thuật Kinh thánh hiện đại đã được thực hiện bởi Marie Joseph Lagrange, O.P. (26) (1855-1938), một học giả và nhà lãnh đạo năng nổ, người đã lấy bằng tiến sĩ luật trước khi quyết định trở thành một linh mục dòng Đa Minh. Năm 1890, tại Tu viện Saint Stephen của Dòng Đa Minh ở Giêrusalem, ngài đã thành lập một trường học, École pratique d'études bibliques [Trường Thực hành Nghiên cứu Kinh thánh], để nghiên cứu Kinh thánh, trường này vào năm 1920 đã trở thành École biblique et archéologique française de Jérusalem [Trường Kinh thánh và Khảo cổ Pháp của Giêrusalem] và vẫn là trụ cột của việc nghiên cứu kinh thánh Công Giáo cho tới nay. (Thí dụ, khi các Sách Cuộn Biển Chết được phát hiện tại Qumran vào năm 1947, Roland de Vaux, một linh mục Công Giáo và là học giả tại Trường này được chỉ định lãnh đạo nhóm các nhà tìm tòi nghiên cứu chúng.) Năm 1892, cùng với Pierre Battifol, Lagrange khởi đầu tạp chí sẽ trở thành Revue biblique (Tạp chí Kinh thánh], ấn phẩm Công Giáo quan trọng nhất trong lĩnh vực này vào thời điểm đó. Bản thân Lagrange đôi khi cũng bị nghi ngờ, đặc biệt khi vào năm 1902, ngài bắt đầu thuyết trình về “phương pháp lịch sử”. Ngài vẫn ở dưới một đám mây nghi ngờ nào đó cho đến những năm 1930 và thậm chí có lúc bị cấm xuất bản bài bình luận của ngài về sách Sáng thế. Tuy nhiên, ngài là một nhân vật chuyển tiếp mà công việc của ngài đã giúp mang lại những điều kiện làm cho một bước đột phá khả hữu vào năm 1943 với thông điệp Divino Afflante Spiritu [dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần].

Lagrange đã du nhập một số thay đổi về quan điểm nhằm giảm bớt căng thẳng giữa điều dường như là khoảng cách không thể lấp đầy giữa các cách tiếp cận lịch sử hiện đại đối với Kinh thánh và ý tưởng về tính không sai lầm ít nhất đã có từ thời Công đồng Trent bằng cách sử dụng các tài liệu gần đây hơn của Giáo hội. (27) Lagrange đã xoa dịu các nỗi sợ hãi của thẩm quyền cả bằng cách tính đến vai trò của Giáo hội trong việc giải thích lẫn bằng cách cho rằng có rất ít điều trong học thuật hiện đại mâu thuẫn với tín điều của Giáo hội. Thông điệp Providentissimus Deus [Thiên Chúa hết sức quan phòng] (1893) của Đức Lêô XIII đã khẳng định rằng tính không sai lầm mở rộng đến các điểm đặc thù lịch sử, nhưng ít nhất những điều đó có lẽ đã xuất hiện đối với các tác giả hoặc người dân vào thời điểm đó. Lagrange tập chú vào điểm thứ hai này và rút ra từ đó một nguyên tắc vững chắc và hữu ích: ý định của tác giả, tức điều mà các tác giả Kinh thánh được linh hứng để dạy dỗ chúng ta, là không thể sai lầm. Nhưng phải chăng các tác giả này có ý định dạy chúng ta về nhiều vấn đề lịch sử mà khoa phê bình lịch sử và các khám phá khảo cổ nghi ngờ? Về những điều này, có thể rút ra sự phân biệt: “Rất đơn giản. Một đề xuất là đúng hoặc sai, nhưng ở đây không có đề xuất.” (28)

Lagrange đã khai triển ba khái niệm lớn từ cái nhìn sâu sắc căn bản này:

1. Các vấn đề khoa học và lịch sử thường có thể nằm ngoài ý định của tác giả theo nghĩa được định rõ ở đây.

2. Kinh Thánh dạy những điều “cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta” mà không có sai lầm, nhưng những vấn đề ngẫu nhiên khác có thể không nằm trong mục tiêu đó.

3. Thể loại hoặc hình thức của các phần chuyên biệt trong Kinh thánh là điều chủ yếu để hiểu ý định của tác giả và do đó hiểu được ý nghĩa của chúng.

Đức Piô XII đặc biệt khuyến nghị loại “phê bình hình thức” sau này và cũng sẽ nhấn mạnh ý định của tác giả trong thông điệp Divino Afflante Spiritu (1943), dường như phần lớn là vì điều này đã tạo không gian cho các nhà chú giải xoay sở trong việc xử lý những đoạn rắc rối xem ra không chính xác về mặt lịch sử hoặc những chỗ trong Kinh thánh xem ra không nhất quán với nhau.

Đó là sự mở đầu cho phép sử dụng các cách tiếp cận khác, mặc dù những nhân vật bị coi là quá mạo hiểm vẫn có thể bị Rôma kiểm duyệt. Đồng thời, những cải tiến mà Lagrange giúp đưa ra không phải là thuốc chữa bách bệnh. Những câu hỏi nghiêm trọng vẫn còn đó không dễ giải quyết. Nếu một tác giả nhân bản có thể nhầm lẫn về các vấn đề hoặc chi tiết lịch sử không cần thiết, thì làm thế nào để hiểu nguyên tắc Kinh thánh cũ của Công Giáo cho rằng có “Thiên Chúa là tác giả của nó” song song với những hạn chế của con người? Tương tự như vậy, nếu các bản văn riêng lẻ được dành cho một hình thức nào đó hoặc được biên tập (“được soạn thảo lại” theo thuật ngữ chuyên môn) để truyền đạt một quan điểm thần học nào đó hoặc dành cho một cộng đồng nào đó, thì điều đó đã ảnh hưởng bao nhiêu đến tính đáng tin cậy nghiêm ngặt và tính lịch sử của các phiên bản chúng ta hiện có? Thí dụ, trong thông diễn học thế tục, việc xác định “ý định của tác giả” là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Phong trào văn học thế tục có ảnh hưởng được biết đến dưới điều gọi là Khoa Phê bình Mới [New Criticism] về cơ bản đã bác bỏ nó và gọi đó là “ngụy biện có chủ ý”. Cũng rõ ràng là việc cố gắng tái tạo lại các cộng đồng cổ thời—thậm chí từ những phân tích bản văn và bằng chứng khảo cổ học tốt nhất—là một quá trình rất khó khăn và chứa đựng nhiều điều không chắc chắn, như chúng ta đã thấy trước đó từ những thử thách gai góc của C. S. Lewis. Các nhà chú giải Công Giáo sẽ sớm khám phá những vấn đề này một cách mạnh mẽ nhưng, giống như những người tiền nhiệm Thệ phản của họ, sẽ không đạt được các giải pháp hoàn toàn thỏa đáng hoặc được chấp nhận phổ quát cho cả các câu hỏi khoa học lẫn cho các câu hỏi về việc những kết quả này có thể phục vụ các cộng đồng đức tin ra sao. (29)

Một vài trong số những câu hỏi này đã được đặt ra trong giới Công Giáo kể từ thế kỷ XIX. Công đồng Vatican I (1869–1870) được nhớ đến nhiều nhất vì tuyên bố rằng giáo hoàng không thể sai lầm trong các vấn đề về đức tin và luân lý. Về các vấn đề kinh thánh, Vatican I vẫn khá bảo thủ, tất nhiên, gần với quan điểm của Công đồng Trent, ba thế kỷ trước đó. Một đoạn quan trọng trong Hiến chế Dei Filius của Công đồng từ chương 2, “Về Mặc khải”, đã đặt vấn đề khá rõ ràng:

“Các sách Cựu Ước và Tân Ước này phải được tiếp nhận như thánh thiêng và hợp quy điển trong tính toàn vẹn của chúng, với tất cả các phần của chúng, như được liệt kê trong sắc lệnh của công đồng nói trên [Trent] và được chứa trong ấn bản tiếng Latinh cổ của Vulgata. Những điều này được Giáo hội coi là thánh thiêng và thuộc quy điển, không phải bởi vì, đã được biên soạn cẩn thận bởi công việc đơn thuần của con người, sau đó chúng đã được thẩm quyền của Giáo hội phê chuẩn... nhưng bởi vì, được viết ra bởi sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, chúng có Thiên Chúa là tác giả của chúng và đã được giao phó như vậy cho chính Giáo hội. [Nhấn mạnh thêm.] (30)

Tất nhiên, ngay cả việc cố gắng giới hạn cách đọc bản văn vào tiếng Latinh cổ khi nhiều khám phá bắt đầu được thực hiện trong khảo cổ học và những tiến bộ đang diễn ra trong việc giải mã các ngôn ngữ không thể giải mã trước đây của Trung Đông và Địa Trung Hải cổ thời có lẽ là một động thái thận trọng trong thời đại nổi loạn học thuật. Nhưng rõ ràng là sớm muộn gì Giáo hội cũng sẽ phải đối diện với thách thức của nhận thức mới này.

Thí dụ, thông điệp Providentissimus Deus năm 1893 của Đức Lêô XIII, cùng với những nỗ lực khác của ngài nhằm đổi mới trí thức Công Giáo, đã khuyến khích các học giả và giáo sư tại các định chế Công Giáo tham gia mạnh mẽ hơn vào các bản văn thánh, bao gồm cả việc nghiên cứu các ngôn ngữ Cận Đông, vốn đang cách mạng hóa sự hiểu biết về vị trí của Kinh thánh Do Thái trong thời đại của chúng. Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh, ra đời vào năm 1902, là một trong những công cụ mà Đức Lêô đã tạo ra như một cách để thúc đẩy sự hiểu biết Công Giáo đích thực về Kinh thánh và bảo vệ nó khỏi những lời chỉ trích. Tuy nhiên, ngài vẫn thấy các phương pháp luận văn học mới có thể hữu ích như thế nào và thậm chí cả việc các nghiên cứu riêng tư về các câu hỏi gây tranh cãi có thể dẫn đến những khám phá hữu ích như thế nào, miễn là luôn ghi nhớ rằng kết quả của học thuật không thể mâu thuẫn với các giáo huấn tín điều của Giáo hội.

Đức Lêô thậm chí còn thừa nhận vai trò của “tác giả nhân bản” trong việc phát sinh ra các bản văn, một yếu tố sẽ được tăng thêm tầm quan trọng khi thế kỷ XX phát triển, nhưng ngài lập luận rằng sự linh ứng thần thiêng bảo vệ chống lại bất cứ lầm lẫn nào trong Kinh thánh:

“Do đó, vì Chúa Thánh Thần sử dụng con người làm công cụ của Người, nên chúng ta không thể nói rằng chính những công cụ được linh hứng này có thể tình cờ đã mắc sai lầm, chứ không phải tác giả chính. Vì, bằng quyền năng siêu nhiên, Người đánh động và thôi thúc họ viết— Người hiện diện với họ—đến nỗi những điều Người đã ra lệnh, và chỉ những điều này thôi, trước hết họ hiểu đúng, sau đó mong muốn trung thành viết ra, và cuối cùng phát biểu bằng những lời thích hợp và với sự thật không thể sai lầm. Nếu không, không thể nói rằng Người là Tác giả của toàn bộ Kinh thánh. Đó luôn là xác tín của các Giáo Phụ.” (PD 20)

Tuy nhiên, cách đặt vấn đề này chủ yếu giản lược tác giả nhân bản xuống vai trò của một người ghi chép đơn thuần, không phải là một tác giả thực sự. Và tuyên bố lịch sử về “các giáo phụ” tự nó không hoàn toàn chính xác, vì họ ghi nhận những điểm khác biệt và có quan điểm tinh tế hơn về sự thật trong Kinh thánh, cho phép có một số khác biệt về chi tiết hoặc thậm chí mâu thuẫn, như sẽ xuất hiện dưới đây.

Tuy nhiên, nơi Đức Lêô và cả nơi những người kế vị đúng nghĩa của ngài, các Đức Piô X và Bênêđíctô XV, cũng có sự khuyến khích thực sự đối với các phương pháp phê bình hiện đại - miễn là kết luận của chúng phù hợp với giáo huấn của Giáo hội. Trong thông điệp Spiritus Paraclitus [Chúa Thánh Thần Đấng An Ủi] năm 1920, Đức Bênêđíctô “nhiệt liệt khen ngợi” (SP 18) những phương pháp đó, nhưng bác bỏ ý niệm cho rằng người ta có thể thực hiện bất cứ sự phân biệt nào giữa các yếu tố chính và phụ trong Kinh thánh hoặc giữa các chân lý tuyệt đối và tương đối (các chân lý sau, chủ yếu là câu hỏi về chi tiết lịch sử). Thật vậy, thậm chí ngài còn cảnh cáo về sự phân biệt, vốn đã có sức mạnh sau Công đồng Vatican II, giữa quan niệm của người Hy Lạp hoặc duy thực chứng về lịch sử và quan niệm của người Do Thái hoặc Kinh thánh và cảnh cáo rằng các tác giả Kinh thánh không có ý định khẳng định những sự thật lịch sử hoặc trần tục. Tất cả những điều này trình bày lại và cô đọng những điểm tương tự đã được đưa ra trong thông điệp Pascendi Dominici Gregis [Chăn dắt Đàn chiên của Chúa] (1907) trước đó của Đức Piô X, nhằm bác bỏ những người duy hiện đại Công Giáo, như chúng ta đã thấy trong chương 3.

Nhưng Đức Piô X đã làm tình thế thêm phức tạp trong thông điệp Lamentabili Sane Exitu [với những kết quả đáng phàn nàn] của ngài, trong đó ngài liệt kê sáu mươi lăm mệnh đề tiêu cực, hơi khó hiểu, mà người Công Giáo không được chấp nhận. Vấn đề với bảng liệt kê này, như chúng ta đã thấy trước đó, không những chỉ tiêu cực kép. Bất cứ ai đọc nó sẽ thấy rằng, tùy thuộc vào ý nghĩa của nó, họ có thể đồng ý hoặc không đồng ý. Chẳng hạn, Đức Piô X lên án quan điểm cho rằng: “2. Việc giải thích các Sách Thánh của Giáo hội hoàn toàn không phải là điều cần bị loại bỏ; tuy thế, nó tùy thuộc vào sự phán đoán và sửa chữa chính xác hơn của các nhà chú giải.” Ở đây, mọi điều phụ thuộc vào những gì chúng ta cho là được “diễn giải” bao trùm. Nếu đó là vấn đề về những sự thật thuộc tín điều không thể chối cãi như Sáng thế, Chúa Ba Ngôi, Nhập thể, Phục sinh, v.v., thì chắc chắn đó là sự thật. Nhưng liệu có thể áp dụng cùng một tiêu chuẩn này theo cùng một cách y hệt như vậy đối với các đoạn văn (Mc 10:25, Mt 19:24) trong đó Chúa Kitô nói về “con lạc đà” chui qua lỗ kim (hoặc, phải chăng bản văn bị làm cho sai lạc hoặc hiểu lầm vào thời điểm này), một nhà chú giải hiện đại dám nói “một sợi dây thừng” không?

Và điều này cũng đúng với những khác biệt quan trọng hơn. Đức Piô X cũng nói người Công Giáo nên bác bỏ quan điểm sau: “5. Vì kho tàng Đức tin chỉ chứa những sự thật được mặc khải, nên Giáo hội không có quyền đưa ra phán quyết về những khẳng định của khoa học nhân văn.” Đúng, nếu những “khoa học” đó cố gắng nói, ngoài năng lực của chính họ, rằng Sự sáng tạo không bao giờ xảy ra, rằng không có gì tồn tại ngoài vật chất và năng lực, hoặc phép lạ là điều bất khả. Nhưng sẽ hoàn toàn sai lầm—đối với truyền thống Công Giáo cũng như đối với bất cứ điều gì khác—nếu nói rằng lý trí con người không có cách sử dụng hợp lý của riêng mình trong việc xác định các chân lý không hề mâu thuẫn với đức tin. Một phần đó là điều gây tranh cãi khi Giáo hội lên án Galileo về thuyết nhật tâm. Một Augustinô hoặc một Tôma Aquinô hẳn mạnh mẽ bảo vệ quan điểm ngược lại—và một vai trò được quan niệm đúng đắn cho lý trí.

Còn nhiều những tuyên bố như vậy nữa, nhưng trong căn bản, tất cả chúng đều được hướng dẫn bởi mục tiêu duy trì quyền của các thẩm quyền Giáo hội trong việc phán đoán sự thật và bảo vệ các tín hữu, theo nghĩa mạnh mẽ, khỏi mọi hàm ý của mệnh đề cho rằng, “11. Sự linh hứng thần thiêng không áp dụng vào mọi Sách Thánh để làm cho các phần của nó, mỗi một và mọi phần, thoát khỏi mọi sai lầm.” Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV, cũng vậy, ngài đã tìm cách loại bỏ mọi dấu hiệu sai lầm khỏi các bản văn thánh thiêng; ngài có quan điểm rất mạnh mẽ về ơn linh hứng trong Spiritus Paraclitus mười ba năm sau, cả khi ngài xem xét vai trò của các tác giả nhân bản. Ngài cảm thấy cần phải bảo vệ chủ trương của Đức Lêô khỏi những người mà ngài cho là đang bóp méo nó:

“Cho đến nay chưa có trường hợp nào cho thấy sai lầm có thể tương thích với linh hứng, ngược lại, từ bản chất, nó không những loại trừ sự hiện diện của sai lầm, mà còn nhất thiết phải loại trừ và cấm nó vì Thiên Chúa, Chân lý tối cao, nhất thiết không thể là Tác giả của sai lầm.

“17. Sau đó, sau khi đưa ra các định nghĩa của Công đồng Florence và Trent, được xác nhận bởi Công đồng Vatican, Đức Giáo Hoàng Lêô viết tiếp: ‘Do đó, không phải là việc gợi ý cho rằng Chúa Thánh Thần sử dụng con người như công cụ của Người để viết, và do đó, mặc dù không có lỗi nào liên quan đến Tác giả chính, nhưng cũng có thể có sai lầm do chính các tác giả được linh hứng. Vì nhờ quyền năng siêu nhiên, Chúa Thánh Thần đã kích thích họ và thúc đẩy họ viết, đã hỗ trợ họ khi họ viết, đến nỗi tâm trí họ chỉ có thể quan niệm đúng những điều và tất cả những điều mà chính Người đã truyền cho họ quan niệm; họ chỉ có thể trung thành cam kết viết những điều như vậy và diễn đạt một cách khéo léo bằng sự thật không sai lầm; nếu không, Thiên Chúa sẽ không phải là Tác giả của toàn bộ Kinh thánh.” (SP 16-17)

Trong hầu hết các tường thuật về lịch sử quan điểm của Giáo hội về Kinh thánh, một bước ngoặt quan trọng đã xảy ra với thông điệp Divino Afflante Spiritu (DAS) năm 1943 của Đức Piô XII. Thông điệp này liên quan nhiều hơn đến vấn đề tính không sai lầm đúng nghĩa, nhưng vấn đề này là khúc dạo đầu cho những vấn đề khác. Vào thời điểm Divino Afflante Spiritu xuất hiện, rõ ràng đã có sự gia tăng trong việc thừa nhận yếu tố con người trong Kinh thánh, và Đức Piô XII, cùng với các cố vấn của mình, đã chấp nhận một kiểu phê bình hình thức hoặc phê bình soạn thảo theo nghĩa là họ nhận ra tầm quan trọng của ý định của tác giả nhân bản, người đã xây dựng rõ ràng các đoạn riêng lẻ (pericopes) để truyền đạt điều gì đó đến một đối tượng độc giả đặc thù, cả bằng hình thức văn chương được tiếp nhận và bằng cách các kỹ thuật văn chương được triển khai để tạo ra một hiệu quả nào đó. Nghĩa đen như nghĩa mà tác giả dự định đã trở thành một điểm nhấn chính của thông diễn học. Và việc mở ra các hình thức văn học cũng mở ra câu hỏi về những bản văn nào trong Kinh thánh được coi là lịch sử và bản văn nào mang một dấu ấn khác.

Divino Afflante Spiritu cũng chắt lọc và phát triển những ý tưởng được đưa ra 50 năm trước đó trong Providentissimus Deus. (Nó được công bố để tưởng nhớ ngày kỷ niệm.) Kể từ Công đồng Trent, bản Phổ Thông bằng tiếng Latinh đã được tuyên bố là bản văn tiêu chuẩn được sử dụng. Giờ đây, Đức Piô XII cho phép nghiên cứu và phân tích các bản văn gốc tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp, trong khi vẫn tôn trọng bản Phổ Thông như một dấu ấn của truyền thống có thẩm quyền. Hơn nữa, giờ đây khi các ngôn ngữ gốc đã được biết đến nhiều hơn và được nghiên cứu rộng rãi hơn, Giáo hội cũng có thể sử dụng khảo cổ học, lịch sử và các ngành khác. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là lời nhắc nhở của Đức Piô, trái ngược với sự chắc chắn của Đức Bênêđictô XV, rằng nhiều điểm trong Kinh thánh rất tối nghĩa và đã vượt quá khả năng của các nhà giải thích trong nhiều thế kỷ.

Hơn nữa, Giáo hội đã thực sự không tuyên bố về ý nghĩa của nhiều đoạn Kinh thánh, và sự đồng thuận của các Giáo phụ có mức độ liên quan hạn chế hơn so với một số tuyên bố trước đây đã đề xuất. Vì vậy, các học giả hiện đại nên được cung cấp một số hiểu biết:

“Hãy để tất cả những người con khác của Giáo hội ghi nhớ rằng những nỗ lực của những người lao động kiên quyết này trong vườn nho của Chúa không những được đánh giá một cách hợp tình hợp lý và công bằng, mà còn với lòng bác ái lớn nhất; hơn nữa, tất cả nên ghê tởm lòng nhiệt thành thái quá tưởng tượng rằng bất cứ điều gì mới đều nên bị phản đối hoặc nghi ngờ vì lý do đó. Trên hết, hãy để họ ghi nhớ rằng trong các quy tắc và quy luật do Giáo hội ban hành, có vấn đề về tín lý liên quan đến đức tin và luân lý; và trong vô số vấn đề chứa đựng trong Sách Thánh—lập pháp, lịch sử, khôn ngoan và tiên tri—chỉ có một số ít bản văn mà ý nghĩa của nó đã được xác định bởi thẩm quyền của Giáo hội, và cũng có nhiều hơn các bản văn mà giáo huấn của các Giáo phụ không nhất trí. Do đó, vẫn còn nhiều điều, và có tầm quan trọng lớn nhất, mà trong cuộc thảo luận và giải thích chúng, kỹ năng và thiên tài của các nhà bình luận Công Giáo có thể và nên được sử dụng một cách tự do, để mỗi người có thể đóng góp phần của mình vào lợi ích của tất cả, vào sự tiến bộ liên tục của tín lý thánh thiêng và vào việc bảo vệ và tôn vinh Giáo hội”. (DAS 47)

Thật khó mà bỏ qua tinh thần đại lượng và giọng điệu ở đây vốn được giải thích một cách đúng đắn như lời mời gọi một sự dấn thân ít đối đầu hơn với những yếu tố tốt nhất trong học thuật hiện đại.

Nhưng trong cùng năm Divino Afflante Spiritu được công bố, hai giáo sư Kinh thánh đã bị chỉ trích và sa thải khỏi các trường đại học Rôma. Và chắc hẳn đã có một số lo lắng sau khi công bố vì khi thông điệp Humani Generis [HG, của nhân loại] xuất hiện vào năm 1950, Đức Piô lại cảnh cáo về những loại học giả tuyên bố những cách giải thích “sai” thông thường đối với các Sách Thánh, đặc biệt chỉ giới hạn sự thật đúng nghĩa của chúng vào các vấn đề thuộc đức tin và luân lý mà thôi. (31) Thay vì việc nhấn mạnh trước đó vào những gì có thể là tốt trong điều mới và đánh giá cao công sức của các học giả hiện đại, Đức Giáo Hoàng dường như một lần nữa nhắm mục tiêu của mình vào toàn bộ các nhà chú giải và trình bày quan điểm của ngài như không thể phân biệt được với các quan điểm của nửa thế kỷ trước:

“23. Hơn nữa, theo những ý kiến tưởng tượng của họ, nghĩa đen của Kinh Thánh và lời giải thích về nó, đã được rất nhiều nhà chú giải lỗi lạc cẩn thận soạn thảo dưới sự giám sát của Giáo hội, giờ đây phải nhường chỗ cho một lối chú giải mới, mà họ thích gọi là lối chú giải tượng trưng hay tâm linh. Bằng cách chú giải mới mẻ này đối với Cựu Ước, mà ngày nay trong Giáo Hội vốn là một cuốn sách được niêm phong, cuối cùng sẽ được mở ra cho tất cả các tín hữu. Họ nói, bằng phương pháp này, mọi khó khăn đều biến mất, những khó khăn chỉ cản trở những ai tuân theo nghĩa đen của Kinh thánh.

“24. Mọi người đều thấy tất cả những điều này xa lạ biết bao đối với các nguyên tắc và chuẩn mực giải thích đã được các vị tiền nhiệm của Ta vốn được tưởng nhớ một cách hạnh phúc, Đức Lêô XIII, trong Thông điệp Providentissimus Deus, và Đức Bênêđictô XV trong Thông điệp Spiritus Paraclitus, cũng như của chính Ta trong Thông điệp Divino Afflante Spiritu, ấn định một cách đúng đắn.” (HG)

Như thế, quan điểm chính thức về việc nghiên cứu Kinh thánh của Công Giáo trong những thập niên trước Công đồng Vatican II dường như dao động giữa một bên là sự khẳng định mang tính tranh đấu và phòng thủ về toàn bộ sự thật của Kinh thánh, và bên kia là quan điểm trung thành nhưng mang nhiều sắc thái tinh tế hơn về sự thật trọng yếu của Sách Thánh, có lẽ không bao gồm mọi đặc điểm lịch sử. Các cách đọc “duy hiện đại” — phải nói vốn là những sự đi trệch đáng kể ra ngoài những sự thật đã được giải quyết của Giáo Hội — không phổ biến hoặc gây ảnh hưởng nhiều, ngay trong số những nhân vật bị “nghi ngờ”. Tuy nhiên, sau Công đồng, mọi sự đã hoàn toàn ra khác. Mọi quan điểm do những người cấp tiến nhất trong số những người duy hiện đại đưa ra đều xuất hiện trong—và đôi khi gây ảnh hưởng lớn đối với—các trường đại học Công Giáo và thậm chí cả các chủng viện, mặc dù không rõ có nên quy những phát triển như vậy cho Công đồng hay cho các diễn giải của các học giả đặc thù hơn.

Công đồng Vatican II



Công đồng Vatican II đã làm hai điều mà thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn với nhau. Một mặt, nó khuyến khích những người Công Giáo bình thường đích thân đọc Kinh thánh, phù hợp với sự thúc đẩy chung của Công đồng hướng tới một tôn giáo mang tính tương quan hơn của trái tim và ít như một Giáo hội luật lệ hơn. Mặt khác, nó cho phép—hoặc ít nhất nhiều người nghĩ rằng nó cho phép—việc áp dụng các phương pháp học thuật tinh vi và đòi hỏi cao, phần lớn được phát triển bởi những người Đức Thệ phản trong hai thế kỷ trước, vào việc giải thích Kinh thánh. Dễ thấy rằng những gì được trao vào tay này của giáo dân dường như bị lấy đi bằng tay kia—và chỉ dành cho các “chuyên gia”. Nhưng Dei Verbum, Hiến chế Tín lý của Công đồng về mặc khải Thiên Chúa, đã mạo hiểm nỗ lực kết hợp cả hai. Và nó bổ sung thêm vai trò của truyền thống trong việc hướng dẫn, tích hợp, và—ít nhất là ở mức tốt nhất—làm ổn định các diễn giải Kinh Thánh để việc đọc Kinh Thánh của người Công Giáo không biến thành một mớ tạp âm của các nền linh đạo bản thân xung đột nhau hoặc các trường phái học thuật đối địch nhau.

Ba yếu tố ở đây - cá nhân tín hữu, học giả, Giáo hội - đều cần thiết và có giá trị trong cách tiếp cận tổng thể của Công Giáo đối với Kinh thánh. Tất nhiên, cuối cùng, toàn bộ mục đích của Kinh thánh, cũng như của tất cả sự mặc khải Kitô giáo, là sự cứu rỗi các linh hồn theo nghĩa rộng nhất, nghĩa là cá nhân và cộng đồng. Tất cả những gì phục vụ mục đích đó đều có thể tìm thấy một vị trí trong việc đọc Kinh thánh Công Giáo, bao gồm cả những phát triển trí thức khác nhau giúp làm phong phú thêm sự hiểu biết về các chiều kích khác nhau và chiều sâu vô tận của các trước tác thánh thiêng. Vấn đề trước đó, trong cả lĩnh vực giáo hội và học thuật, là những ý tưởng về những gì có thể được nói một cách hợp pháp về Kinh thánh đã bị giới hạn một cách không cần thiết bởi một số giả định nào đó.

Về mặt học thuật, không thể phủ nhận rằng một cách tiếp cận chặt chẽ với việc văn bản là gì và nói gì có thể khá có giá trị. Để bắt đầu, cho đến thời gian khá gần đây, chúng ta thậm chí không có các bản văn Kinh thánh tiêu chuẩn hoặc thực sự đáng tin cậy. Ngạc nhiên hơn nữa: đôi khi cả các tác giả Cựu Ước và Tân Ước đều trích dẫn từ các phiên bản của các sách Kinh Thánh mà dường như không phải là bản được chứng thực tốt nhất. Khám phá đáng kinh ngạc vào những năm 1940 và 1950 về 972 bản văn được gọi là Sách Cuộn Biển Chết cho thấy rằng, mặc dù có sự nhất trí lớn trong các bản văn Kinh thánh trong nhiều thế kỷ, thậm chí có thể không có điều mà độc giả hiện đại có thể coi là bản văn Cựu ước tiêu chuẩn cho đến khi các nhà chức trách Do Thái, bị trục xuất khỏi Israel, bắt đầu xác định quy điển của họ vào khoảng năm 100 sau Công nguyên. Nhưng tại sao chúng ta lại mong đợi bất cứ điều gì khác trong các thế kỷ trước khi phát minh ra máy in, điều đã làm cho sách trở nên phổ biến rộng rãi hơn và bằng cách truyền bá việc biết đọc biết viết, đã tạo ra mong muốn về các bản văn có thẩm quyền, không chỉ là bảo tồn của một số chuyên gia, mà là một bản văn phổ biến? Tất nhiên, kết quả không hoàn hảo ngay cả từ quan điểm khoa học thực chứng, bởi vì chúng ta có thể loại bỏ nhiều lầm lỗi, thiếu sót, bổ sung và những sai sót khác của người sao chép bằng cách so sánh các bản thảo. Nhưng những bản viết tay nào có thẩm quyền hơn và những cách đọc nào được ưu tiên hơn—chứ không chỉ những bản phổ biến nhất hoặc cổ nhất trong các ghi chép mà chúng ta hiện có—là những câu hỏi phần nào nằm ngoài khoa phê bình bản văn thuần túy.

Người ta cũng có thể nói một điều tương tự về toàn bộ các phương pháp luận phê bình lịch sử, vốn tự gọi một cách khá tự phụ là Khoa phê bình Cao hơn trong thế kỷ 19. Thí dụ, việc suy gẫm cẩn thận về bản văn Tân Ước đã khiến các học giả hiểu rằng một diễn trình toàn diện, và phần lớn là vô hình, đã diễn ra để tạo ra các bản văn mà ngày nay chúng ta coi là một phần của Kinh thánh. Tất nhiên, Chúa Giêsu đã sống và giảng dạy—bất chấp mọi lập luận ngược lại, cuộc đời của Người được chứng thực trong các tài liệu còn tồn tại tốt hơn là cuộc đời của hầu hết các hoàng đế La Mã hoặc các nhân vật cổ thời lỗi lạc khác. Điều này có nghĩa là một diễn trình - một quá trình văn học - đã diễn ra theo đó việc củng cố những hồi tưởng về Người diễn ra trong hai giai đoạn sau. Đầu tiên, những câu chuyện bằng miệng và bằng bản văn và danh sách các câu nói (một tài liệu Q giả định [Q viết tắt của Quelle tiếng Đức = nguồn]) được lưu hành trong cộng đồng Kitô giáo sơ khai. Sau đó, vào những thời điểm khác nhau, những điều này được tổng hợp và định hình thành các bản văn Tân ước mà chúng ta có ngày nay, được Giáo hội chấp nhận là qui điển. Thực thế, đã có một số diễn trình như vậy mang lại cho chúng ta các bức thư của Thánh Phaolô và các bức thư Tân ước khác, bốn tác giả Tin Mừng (từng cho thấy cả các điểm tương đồng lẫn các điểm khác biệt), và các bản văn khác như Công vụ Tông đồ và Khải huyền. Sự phát triển lịch sử phức tạp này là không thể nghi ngờ, cả đối với bất cứ ai có quan điểm rất khắt khe về “linh hứng” của các bản văn thánh thiêng.

Nhưng các bản văn được soạn thảo theo nhiều cách khác nhau cho các mục đích sử dụng khác nhau của các cộng đồng khác nhau vốn đã trở thành một cộng đồng trong đức tin, chứ không hoàn toàn để truyền tải thông tin như sách giáo khoa vật lý. Chúng nhằm mục đích nhắc nhở và hoán cải liên tục, điều mà không một việc thu thập thông tin đơn thuần nào có thể làm được. Trong thời Cải cách, Công đồng Trent khẳng định cả Kinh thánh lẫn truyền thống chống lại sự tranh luận của Thệ phản về Sola Scriptura [chỉ Kinh thánh mà thôi]. Sự khẳng định đó đôi khi được hiểu theo những cách quá hạn hẹp trong những năm gần đây, điều này thật đáng tiếc gấp đôi, bởi vì Giáo hội đã mất đi một số cách tiếp cận “đa âm” được thừa hưởng từ cổ thời và thời trung cổ. Và do đó, Giáo Hội cũng bỏ lỡ cơ hội giải thích ngay từ đầu rằng các phương pháp phê bình lịch sử hiện đại cũng có thể được sử dụng để chứng tỏ rằng chính Kinh thánh cũng là một phần của truyền thống, chắc chắn là một truyền thống có thẩm quyền và trung tâm, nhưng là một truyền thống đáp lại Đức Kitô dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.

Một sự kiện gây ấn tượng rõ ràng là sau khi Công đồng Vatican II cho phép các học giả Công Giáo sử dụng những phương pháp này, họ đã làm như vậy với những kết quả rất khác nhau. Các nhà chú giải cấp tiến mặc sức múa gậy vườn hoang. Các nhà chú giải ôn hòa hơn thường có thể tìm ra cách dung hòa các nghiên cứu lịch sử với các giáo huấn của Giáo hội, nhưng kết quả là họ ít được chú ý hơn. Ngay bản thân học thuật thế tục cũng bắt đầu chú ý đến phạm vi hạn chế của các câu hỏi được giải quyết bằng phương pháp phê bình lịch sử, và những cách tiếp cận mới như phê bình phản ứng của người đọc và phê bình tường thuật (32) bắt đầu chỉ ra tầm quan trọng không thể tránh khỏi của việc người đọc tham gia vào toàn bộ phức hợp nhà văn-người đọc. Phong trào này bắt đầu trở nên mạnh mẽ đến nỗi một học giả Công Giáo nổi tiếng, Raymond Brown, trong bài phát biểu năm 1981 với tư cách là chủ tịch Hiệp hội Kinh thánh Công Giáo Hoa Kỳ, đã kêu gọi các thành viên gắn bó với các phương pháp phê bình lịch sử cũ. Nhưng trào lưu này không thể bị dừng lại. (33) Tuy nhiên, cũng không phải điều gì cũng được giải quyết. Như Đức Hồng Y Ratzinger đã nhận xét, nếu thông diễn học không đơn giản chỉ là sáng tạo của cá nhân tôi, thì nó phải bắt nguồn từ thực tại của bản văn và các sự kiện mà các bản văn làm chứng cho.

Quan điểm Công Giáo về Kinh thánh khác với cách đọc chính thống cực đoan của Thệ phản ở một số khía cạnh quan trọng. (34) Cách đọc của Thệ phản đó có những mối quan hệ nào đó với quan điểm của người Hồi giáo vốn cho rằng Chúa đã viết Kinh Qur'an bằng cách đơn giản là vận động Môhamét viết những lời đó lên giấy (hay đúng hơn là đọc để người khác viết ra chúng, vì Mohammed không biết chữ - Qur'an có nghĩa là "sự đọc thuộc lòng" trong tiếng Ả Rập). Đối với người Công Giáo, tác giả nhân bản có một vai trò quan trọng hơn thế—thật vậy, các tác giả này là “các tác giả đích thực”, nhưng được thần linh linh hứng. Đồng thời, chính bản văn Kinh thánh dường như cũng chứa đựng những bất nhất và những lỗi lầm lịch sử hoàn toàn. Thí dụ, trong sách Tôbia, vua Xan-khê-ríp (Sennacherib) được mô tả là con trai của San-ma-ne-xe (Shalmaneser) (1:15) mặc dù cha của ông là Sác-gon (Sargon) II, người không có quan hệ họ hàng với San-ma-ne-xe. Tác giả nhân bản dường như chỉ đơn giản là đã được thông tri sai về dòng dõi hoàng gia. Và các học giả Kinh thánh cổ cũng như hiện đại đã ghi nhận nhiều khó khăn tương tự trong bản văn Kinh thánh, nhất là trong việc xác định ngày tháng của những sự kiện đã được chứng thực rõ ràng như Bữa tiệc ly. (35) Như thế, có phải đôi khi Chúa Thánh Thần sai lầm trong việc linh hứng của Người hay có phải sự kiện những sai lầm như vậy làm mất hiệu lực toàn bộ ý tưởng về việc linh ứng, hay có cách nào đó để kết hợp sự linh ứng thần thiêng và giới hạn của con người mà vẫn bảo toàn sự thật của Kinh thánh?

Tại Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý về mặc khải của Thiên Chúa, Dei Verbum, đã nổi tiếng trong việc đặt vấn đề trong một công thức tinh tế một cách thận trọng: “Vì mọi điều được các tác giả linh hứng hoặc các tác giả thánh khẳng định đều phải được tin là được khẳng định bởi Chúa Thánh Thần, nên các sách Kinh Thánh phải được công nhận như là dạy một cách chắc chắn, trung thực và không sai lầm chân lý mà Thiên Chúa đã muốn đặt vào các trước tác thánh thiêng vì mục đích cứu độ” (DV 11, phần nhấn mạnh được thêm vào). Lập trường truyền thống về “tính không sai lầm” của Kinh thánh cả trong các vấn đề lịch sử (in qualibet re religiosa vel profana, trong bất cứ vấn đề tôn giáo hay trần tục nào), một quan điểm được một số Nghị phụ Công đồng bảo vệ, dường như không bền vững do có nhiều khó khăn về lịch sử và sự kiện, vốn đã được thừa nhận ngay trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Nhưng có phải các tác giả thánh—chứ chưa nói đến Chúa Thánh Thần—luôn “khẳng định” những chi tiết như vậy?

Chẳng hạn, liệu tác giả của Tôbia có ngạc nhiên khi biết rằng ông đã nhầm lẫn dòng dõi hoàng gia ở Ba Tư (có lẽ ông viết vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên về các sự kiện năm trăm năm trước đó)? Hay những độc giả sau này nên coi ông là người mất uy tín? Sách Tôbia dường như đang “khẳng định” một thông điệp về sự công chính, lòng thương xót và lòng thành tín thông qua một câu chuyện được kể bởi một con người có thật được linh hứng để viết, nhưng—cũng như tất cả mọi người—bị giới hạn trong kiến thức lịch sử của ông. Ngoài ra, dù có những điều có vẻ thuộc thể loại hư cấu của cuốn sách, người ta vẫn không rõ một bản văn như vậy có khẳng định rằng các nhân vật chính thực sự hiện hữu như những nhân vật lịch sử hay không. Bản văn này là một trong nhiều loại sách kinh thánh quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề luân lý và thần học hơn là lịch sử đúng nghĩa.

Tất nhiên, các bản văn khác - nổi bật trong số đó là các sách Tin Mừng - đưa ra những lời khẳng định “lịch sử” lớn hơn và đúng đắn hơn. Nhìn nhận điều này là đơn giản coi các loại sách khác nhau mà cùng nhau đã tạo nên toàn bộ câu chuyện Kinh Thánh. Giáo hội trong thế kỷ hai mươi bắt đầu chuyển từ quan điểm hẹp hòi và phòng thủ về “tính không sai lầm” sang quan điểm không những mang lại một giải thích thần học tốt hơn cho Kinh thánh và việc cấu tạo ra nó, mà, có lẽ gây ngạc nhiên đối với một số người, còn thực sự được chứng thực rõ ràng trong truyền thống Công Giáo. Tất nhiên, đối với các nhà sử học thế tục theo khuynh hướng thực chứng, “sự thật” của bất cứ tác phẩm viết nào là sự tương ứng được cho là của nó với một thực tại trong quá khứ. Nhưng Kinh Thánh không phải là một cuốn sách—ít nhất không chỉ là một cuốn sách—ghi lại quá khứ. Nó kể một câu chuyện, dựa trên các sự kiện trong quá khứ, sống ở hiện tại và nhìn về tương lai—thực ra là vào cõi vĩnh hằng—một câu chuyện bao gồm tất cả mọi người và mọi tạo vật. Do bản chất của nó, một chủ đề như vậy chỉ có thể được tiếp cận một phần bằng các công cụ lịch sử thực chứng. Những công cụ đó có thể hữu ích cho nhiều mục đích khác nhau, nhưng cách tiếp cận duy thực chứng loại trừ các vấn đề “không thể kiểm chứng” tiên nghiệm như khả năng của Đấng Tạo Hóa lên tiếng trong và với tạo thế và tạo vật của Người ít liên quan đến ý định và mục đích tổng thể của Kinh Thánh.

Do đó, tín hữu đến với Kinh thánh bằng một quan điểm khác với quan điểm của một nhà sử học thuần túy hoặc nhà phê bình bản văn—một quan điểm thần học và đức tin có thể sử dụng các nguyên tắc khoa học nhưng không thể bị chúng quy giản hoặc định nghĩa. Tuy nhiên, thần học cũng không thể ra lệnh cho những bộ môn đó, vốn phải tiến hành theo những tiêu chuẩn và nguyên tắc riêng của chúng. Bằng phương tiện đáng tin cậy của con người, chúng ta có thể biết rằng Sennacherib không phải là con trai của Shalmaneser, bất kể bản văn Kinh thánh nói gì. Nhưng chúng ta cũng có thể nói rằng mỗi trang của Kinh thánh đều hướng đến một tầm nhìn bao quát về Thiên Chúa và tạo vật một điều phải được nghiên cứu và giải thích theo các tiêu chuẩn và nguyên tắc riêng của nó, trong đó phải bao gồm vai trò thích hợp của các ngành khoa học nhưng không giới hạn vào chúng. Thí dụ, rất lâu trước khi có khoa học hiện đại, những độc giả giỏi cổ thời đã nhận thức được rằng thế giới không được tạo ra trong bảy “ngày” theo nghĩa đen, hai mươi bốn giờ, như sách Sáng thế gọi chúng, nếu không vì lý do nào khác thì chỉ là vì mặt trời chỉ được tạo ra vào ngày thứ tư. Và trong mọi thời đại, việc đọc tốt các bản văn thánh thiêng đều bao gồm sự kết hợp tinh vi giữa nghĩa đen và nghĩa bóng.

Tuy nhiên, trong sự phát triển tín lý hiện đại trong Giáo hội, luôn có mối quan tâm lớn để bảo đảm rằng mối quan hệ đúng đắn giữa lời nói và việc làm không dẫn đến sự chia rẽ giữa một bên là các vấn đề đức tin và luân lý và bên kia là các ý nghĩa lịch sử hoặc nghĩa đen. Tuy nhiên, mối quan hệ này rất phức tạp bởi vì “lịch sử” và “theo nghĩa đen” hoàn toàn không giống nhau. Truyền thống Giáo hội và Do Thái, mà nó dựa trên đó, khẳng định một số điều như có tính chất lịch sử, quả thực, câu chuyện trong Cựu Ước phản ảnh một Thiên Chúa không những chỉ là một hữu thể hay nguyên tắc trừu tượng—như trong một số tôn giáo hay triết học khác—mà là một Thiên Chúa hành động trong lịch sử. Tất nhiên, trong Tân Ước, nhân vật Chúa Giêsu và nhiều việc làm và lời nói của Người, bất kể được đọc ra sao với nhiều sắc thái và so sánh cẩn thận các phiên bản khác nhau của cùng một sự kiện, đều có một nghĩa đen (điều được lời trong trang sách nói) và cũng chỉ một điều được nhắc đến có tính lịch sử (a historical referent) (các sự kiện ban đầu không còn có thể nắm bắt được hoàn toàn bằng nghiên cứu lịch sử và có thể bao gồm một số biến thể theo những gì các tác giả của Tin Mừng muốn truyền đạt cho độc giả của họ). Ý định của các tác giả, chắc chắn có mục đích thần học, do đó bắt đầu trở nên quan trọng như một cách dung hòa các chiều kích lịch sử và nghĩa đen.

Sự kiện các yếu tố “lịch sử” không hoàn toàn y như nhau trong nghĩa đen dự định của mỗi tác giả không có gì đáng ngạc nhiên nếu người ta chịu thừa nhận, như lẽ ra họ nên thừa nhận, rằng các tác giả này đã viết về một chủ đề vượt quá khả năng ngôn ngữ của con người trong ý nghĩa bình thường của thuật ngữ. Chính trong chiều kích thần học mà mọi sự đều được khẳng định là cần thiết nostrae salutis causa (“vì phần rỗi của chúng ta”). Công thức này để lại một chút mơ hồ về việc liệu mọi chi tiết lịch sử có nằm trong nhãn quan của những điều cần thiết cho sự cứu rỗi hay không. Như một tiểu luận kinh điển về chủ đề này đã nói: “Thiên Chúa đã tỏ mình ra qua một lịch sử đích thực, lịch sử cứu độ. Nhưng những sự kiện được kể lại trong Kinh thánh không có ở đó để hướng dẫn chúng ta về lịch sử phàm tục của phương Đông cổ thời.” (36) Mặc dù vậy, như Đức Piô XII đã nói trong Divino Afflante Spiritu, Kinh thánh là một hướng dẫn lịch sử đáng tin cậy hơn nhiều so với bất cứ điều gì trong các nền văn hóa xung quanh vào thời của nó. Các sự kiện trong Kinh thánh đôi khi chỉ là như vậy và đôi khi nhằm chỉ ra một số sự thật cần thiết cho sự cứu rỗi theo ý định của tác giả. Và điều này đã được công nhận từ lâu trong truyền thống Công Giáo.

Thánh Phaolô (2Tm 3:15) đã nhấn mạnh rằng Kinh thánh “hữu ích” ở chỗ chúng “có thể dạy dỗ bạn về sự cứu rỗi” (sự nhấn mạnh được thêm vào). Thánh Augustinô đã cẩn thận nói trong cuốn De Genesi ad Litteram [binh luận nghĩa đen về sách Sáng thế] của ngài rằng Kinh Thánh không có ý dạy dỗ chúng ta những điều khác với những điều dẫn đến sự cứu rỗi. Trong một tác phẩm khác, ngài nhận xét, phần nào cay đắng, rằng Chúa Giêsu đã không nói: “'Ta sai Đấng Phù Trợ đến dạy các con cách mặt trời và mặt trăng quay.' Ngài muốn đào tạo các Kitô hữu, không phải các nhà toán học.” (XII, 2). Và, tất nhiên, Galileo lặp lại những quan điểm tương tự để bảo vệ những ý tưởng khoa học mới của mình: “Tôi muốn nói ở đây một điều đã được nghe từ một giáo sĩ [Hồng Y Baronius] ở mức độ lỗi lạc nhất: 'Ý định của Chúa Thánh Thần là dạy chúng ta cách lên thiên đường, chứ không phải cách thiên đường chuyển vần.” (38)

Nói về “tính không sai lầm” của Kinh thánh, được mở rộng một cách đầy tham vọng cho tất cả các vấn đề lịch sử và khoa học, là một phát minh hiện đại rõ ràng tìm cách đáp ứng những thách thức phát xuất từ mô hình chân lý của Phong trào Ánh sáng vốn chỉ giới hạn trong khoa học duy nghiệm. Theo nghĩa đó, đây là một điều đi trệch ra ngoài truyền thống Công Giáo, một truyền thống bắt đầu quay trở lại trong tính viên mãn của nó khi thế kỷ XX đến gần. Cả Vatican I cũng đã nói về Kinh thánh như có tính kinh điển bởi vì chúng “chứa đựng sự mặc khải không sai lầm”, chứ không chỉ đơn giản là không sai lầm về mọi mặt. Và quan điểm Augustinô căn bản này sẽ xuất hiện ngày càng tinh vi hơn khi thế kỷ 20 mở ra. (39)

Trong cuộc tranh luận tại công đồng về Kinh thánh, tổng giám mục Công Giáo nghi lễ Melkite của Edessa, Néophytos Edelby, đã quở trách những người anh em phương Tây của mình vì sự nhút nhát của họ khi chấp nhận các kết quả lịch sử—nói rằng cần phải “chấm dứt nỗi ám ảnh này để một lần nữa chúng ta có thể tham gia vào tính toàn bộ của mầu nhiệm Giáo Hội”. Vào ngày 2 tháng 10 năm 1964, Hồng Y König của Vienna đã thực hiện một đóng góp mang tính bước ngoặt trong đó ngài trích dẫn một số đoạn mà các nghiên cứu hiện đại dường như muốn cho thấy khác biệt với sự kiện lịch sử. Chẳng hạn, Máccô 2:26 nói rằng Đavít đã ăn bánh Tiến dưới thời thượng phẩm Abiatha. Tuy nhiên, 1 Samuên 21tt. nói rằng đó là Abimêléc, cha của Abiatha. Tương tự như vậy, Mátthêu 27:9 đề cập đến cái chết của Giuđa là ứng nghiệm một lời tiên tri trong sách Giêrêmia, trong khi thực tế đoạn văn mà Mátthêu trích dẫn là của Dacaria. Và một số đoạn văn khác đã cho thấy ngày lịch sử sai lầm. Tuy nhiên, không có điều gì trong những trường hợp này hoặc trong những trường hợp khác có vẻ như mâu thuẫn trong Tân Ước, xem như làm giảm giá trị, dù là chút ít, của sự mặc khải mà Thiên Chúa giả thiết đã thực hiện. Và Hồng Y Meyer của Chicago đã lập luận ủng hộ một cách hiểu khác về tính vô ngộ có tính đến “những yếu điểm và hạn chế của con người trong công cụ của con người”, tức những tác giả thánh thiêng mà Giáo hội không coi chỉ là những máng chuyển mà là “những tác giả thực sự”.

Thật vậy, một số Nghị Phụ Công Đồng nghĩ rằng thật nguy hiểm nếu không thừa nhận một cách công khai những đoạn có vấn đề. Thậm chí có thể làm nảy sinh tai tiếng khi hiểu tính không sai lầm như, cách nào đó, đọc chính tả để viết ra những kết quả tiên nghiệm đối với công việc đang diễn ra và có giá trị của các nhà khảo cổ học và học giả trong những vấn đề có đủ lý do và bằng chứng. Đặt đại tin mừng gần như ngang hàng với những vấn đề nhỏ nhặt của sự thật có thể làm mất uy tín của tin mừng với rất ít lý do. Chỉ có một số rất ít Nghị Phụ Công Đồng giữ quan điểm cũ hơn, hy vọng một ngày nào đó những sai sót và mâu thuẫn hiển nhiên có thể được giải quyết. Dù sao, toàn bộ vấn đề đã nhận được những sắc thái bản văn quan trọng khi mỗi bản thảo mới của lược đồ về mặc khải được trình bày để các giám mục tại Vatican II xem xét.
 
VietCatholic TV
Kyiv có vũ khí lợi hại. SU-25 bị hạ. QH Mỹ: Biden phải cho đánh vào Nga. Thị trấn Nga bị bỏ bom nhầm
VietCatholic Media
03:48 23/05/2024


1. Lực lượng Ukraine bắn hạ thêm một máy bay Su-25 của Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukrainian forces shoot down another Russian Su-25 aircraft”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Thứ Năm, 23 Tháng Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết quân đội Ukraine đã phá hủy một máy bay tấn công Su-25 của Nga gần Pokrovsk ở tỉnh Donetsk vào ngày thứ Tư 22 Tháng Năm.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov lưu ý rằng đây là máy bay phản lực Su-25 thứ năm của Nga bị Ukraine bắn rơi trong tháng này.

Su-25 do Liên Xô thiết kế, được NATO đặt biệt danh là “Frogfoot”, là máy bay tấn công các thiết bị trên mặt đất được bọc thép hạng nặng, cung cấp hỗ trợ trên không cho lực lượng bộ binh của Nga. Máy bay này giúp Nga thực hiện các cuộc tấn công dữ dội ở nhiều khu vực ở mặt trận phía Đông, bao trùm phần lớn tỉnh Donetsk.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov nói “Theo thông tin từ tiền tuyến, đã được xác nhận, quân đội chúng ta đã phá hủy một máy bay tấn công Su-25 của Nga”.

Thông báo cho biết giao tranh vẫn diễn ra căng thẳng ở khu vực Pokrovsk của tỉnh Donetsk, nơi chiếc máy bay mới nhất của Nga bị phá hủy.

Ông nhấn mạnh rằng: “Số vụ tấn công ở khu vực Pokrovsk đã tăng lên 25 vụ”.

“Đặc biệt, đối phương đang cố gắng đột nhập vào đội hình chiến đấu của chúng ta bằng các nhóm xung kích và các trang thiết bị hạng nặng. Tình hình vẫn căng thẳng với 9 cuộc giao chiến vẫn đang diễn ra”.

Ukraine trước đó tuyên bố đã phá hủy các máy bay Su-25 vào các ngày 4, 11 Tháng Năm, 13 Tháng Năm và 18 Tháng Năm. Bộ Tổng tham mưu hôm 18 Tháng Năm cho biết Nga đã mất hơn 350 máy bay kể từ khi phát động cuộc tấn công toàn diện.

2. SBU có vũ khí mới - thuyền điều khiển từ xa Sea Baby được trang bị Grad

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Source: SBU has a new weapon – Grad-equipped Sea Baby drones”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, đã tiết lộ bản cập nhật mới nhất cho thuyền điều khiển từ xa Sea Baby, hiện có khả năng phóng các loạt hỏa tiễn Grad. Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết như trên hôm Thứ Tư, 22 Tháng Năm.

Thuyền điều khiển từ xa do SBU sử dụng đã tấn công một số tàu chiến của Nga nhưng cho đến nay vẫn được sử dụng làm thuyền điều khiển từ xa cảm tử, phát nổ khi va chạm hoặc ở gần mục tiêu. Loại mới có thể được sử dụng như một bệ phóng di động trên mặt biển, và có thể thu hồi để sử dụng nhiều lần.

Theo nguồn tin của SBU, hệ thống vũ khí mới này đã hoạt động “chống lại các vị trí của Nga trên mũi đất Kinburn”, một dải đất ven biển gần Mykolaiv.

“Giải pháp công nghệ này đã cho thấy những kết quả mạnh mẽ”.

Yusov nói thêm: “Vì vậy, những bất ngờ mới đang chờ đợi đối phương”.

Những hình ảnh do SBU công bố cho thấy thuyền điều khiển từ xa đang thử nghiệm phóng hỏa tiễn Grad trên đất liền.

Nguồn tin cho biết thêm: “Sea Baby của chúng tôi không chỉ là thuyền điều khiển từ xa mà còn là một nền tảng đa chức năng không ngừng được cải tiến”.

Thông tin cập nhật cuối cùng được đưa ra chỉ vài tuần trước khi phát ngôn nhân của SBU Artem Dekhtiarenko cho biết Sea Baby đã được hiện đại hóa và giờ đây có thể mang theo gần một tấn thuốc nổ để tấn công mục tiêu ở cách xa hơn 1.000 km.

Ông nói: “Điều này có nghĩa là SBU có thể tiếp cận mục tiêu ở hầu hết mọi nơi trên Hắc Hải”.

Trong những tháng gần đây, Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công vào Crimea bị tạm chiếm, nhắm vào các tài sản quân sự của Nga trong và xung quanh Hắc Hải bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn tầm xa được sản xuất trong nước. Nga đã xâm lược trái phép bán đảo này từ năm 2014.

Trung tâm Truyền thông Chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine mới đây đưa tin, tính đến đầu tháng 2 năm 2024, 33% tàu chiến của Hạm đội Hắc Hải của Nga đã bị Ukraine vô hiệu hóa.

Dekhtiarenko cho biết vào năm 2022, khi SBU lần đầu tiên bắt đầu sử dụng thuyền điều khiển từ xa tự sản xuất, trên toàn thế giới không có lựa chọn thay thế nào cho những thuyền điều khiển từ xa này.

Phát ngôn nhân cho biết thêm, các thuyền điều khiển từ xa hiện tại của phương Tây có kích thước lớn nhưng không cơ động, chúng có thể dễ dàng bị “trạm radar của đối phương” phát hiện và chúng cũng không có đầu đạn.

“Ngày nay, một thuyền điều khiển từ xa trị giá khoảng 216.000 Mỹ Kim đã tiêu diệt tàu chiến của đối phương trị giá hàng chục triệu Mỹ Kim”.

3. Các nhà lãnh đạo và người nổi tiếng thế giới yêu thích máy bay trực thăng của họ, bất chấp tỷ lệ tai nạn

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “World Leaders and Celebs Love Their Helicopters, Despite Accident Rate”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Trong khi Iran thương tiếc sự ra đi của Tổng thống Ebrahim Raisi và ba quan chức hàng đầu đã thiệt mạng hôm Chúa Nhật khi trực thăng của họ bị rơi ở khu vực miền núi biên giới với Azerbaijan, thì mối lo ngại về an toàn trực thăng một lần nữa lại được chú ý.

Raisi gia nhập danh sách dài các nhà lãnh đạo thế giới và những người nổi tiếng đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn trực thăng. Đó là một cuộc kiểm tra nghiệt ngã bao gồm huyền thoại NBA Kobe Bryant, tỷ phú Thái Lan Vichai Srivaddhanaprabha và gần đây hơn là Sebastian Piñera, cựu tổng thống Chí Lợi.

Các quan chức Iran đã đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Mỹ đã góp phần dẫn đến cái chết của Raisi, đồng thời cho rằng các lệnh trừng phạt này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tiêu chuẩn an toàn và bảo trì hàng không của Iran. Nhưng dữ liệu cho thấy dù có được bảo trì tốt cách mấy đi nữa, bay bằng trực thăng là một trong những cách di chuyển bằng đường hàng không nguy hiểm nhất.

Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, gọi tắt là NTSB, máy bay trực thăng gặp tai nạn với tỷ lệ cao hơn bất kỳ loại máy bay nào. Tỷ lệ tai nạn của máy bay trực thăng là 9,84 trên 100.000 giờ, cho thấy nguy cơ xảy ra tai nạn cao hơn 35% so với các loại máy bay khác. Đối với máy bay thông thường - chẳng hạn như máy bay chở hàng và máy bay phản lực tư nhân - con số đó là 7,28 vụ tai nạn trên 100.000 giờ bay. Máy bay thương mại có tỷ lệ tai nạn thấp hơn nhiều so với cả hai.

Theo ghi nhận của Viện Phi công, là nhà cung cấp đào tạo hàng không, yếu tố phổ biến nhất trong các vụ tai nạn máy bay trực thăng là lỗi của phi công, thường do mệt mỏi, áp lực quá lớn hoặc giải quyết các thiết bị phức tạp.

“Có nhiều lý do tại sao lỗi của phi công dễ xảy ra ở trực thăng hơn là trên máy bay. Thứ nhất, hầu hết các máy bay trực thăng đều yêu cầu thực hành bay nhiều hơn so với máy bay có cánh cố định”.

Máy bay trực thăng vốn khó điều khiển và bay ở độ cao và tốc độ thấp hơn máy bay, khiến chúng phải đối mặt với những thách thức như thời tiết và chướng ngại vật.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hàng không cho rằng trực thăng vẫn là phương tiện di chuyển tương đối an toàn, đặc biệt là so với xe hơi. Theo Đội An toàn Trực thăng Hoa Kỳ, từ năm 2019 đến 2023, tỷ lệ tai nạn chết người là 0,73 trên 100.000 giờ bay. Mặc dù số ca tử vong do lái xe được tính toán khác nhau nhưng số liệu thống kê mới nhất của chính phủ ước tính có 1,35 trường hợp tử vong trên 100 triệu dặm xe đã lái.

Số liệu thống kê về an toàn trực thăng cũng không tính đến việc nhiều trực thăng được sử dụng cho các nhiệm vụ đòi hỏi thao tác chính xác trong môi trường đầy thách thức, chẳng hạn như di tản y tế và chữa cháy.

Những trường hợp tử vong trực thăng đáng chú ý

Đầu năm nay, cựu Tổng thống Chí Lợi Sebastián Piñera thiệt mạng khi trực thăng của ông rơi xuống một hồ nước ở miền nam Chí Lợi. Piñera đang đích thân lái chiếc trực thăng về nhà ở Vịnh Coique để ăn trưa với gia đình thì cách bờ khoảng 1 phần tư dặm, ông mất kiểm soát máy bay và lao xuống nước. Nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn đang được điều tra.

Năm 2020, giới thể thao thế giới bàng hoàng trước cái chết của cầu thủ bóng rổ Kobe Bryant. Ông, con gái Gianna và bảy người khác thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng ở Calabasas, California giữa sương mù nguy hiểm.

Và vào năm 2018, một vụ tai nạn cao cấp khác đã xảy ra khi Vichai Srivaddhanaprabha, chủ sở hữu Câu lạc bộ bóng đá Anh Leicester City, qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng bên ngoài sân vận động King Power ở Leicester, Anh. Bốn trong số năm người trên máy bay sống sót sau vụ tai nạn ban đầu, nhưng chết khi chiếc trực thăng phát nổ, có thể do rò rỉ nhiên liệu.

4. Các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi Ngũ Giác Đài cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga

Một nhóm lưỡng đảng gồm các thành viên Quốc hội Mỹ ngày 20 Tháng Năm đã viết thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, kêu gọi Ngũ Giác Đài cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp.

Giới chức Mỹ nhiều lần tuyên bố không ủng hộ hay khuyến khích các cuộc tấn công của Kyiv bằng vũ khí Mỹ vào sâu trong lãnh thổ Nga, trong khi giới chức Ukraine được cho là đang cố gắng thuyết phục Washington dỡ bỏ lệnh cấm này.

Ukraine gần đây cho biết lệnh cấm của Washington có nghĩa là Ukraine không thể tấn công lực lượng Nga khi họ đang củng cố lực lượng trước khi vượt biên giới vào tỉnh Kharkiv trong cuộc tấn công mới của Nga bắt đầu vào đầu tháng 5.

Bức thư được ký bởi Nghị sĩ Mike Turner, nhà lãnh đạo Ủy ban Tình báo Hạ viện và 12 đại diện khác của cả hai đảng, yêu cầu Ngũ Giác Đài cho phép Ukraine “sử dụng một số vũ khí do Mỹ cung cấp để tiến hành các hoạt động nhằm vào các mục tiêu chiến lược bên trong lãnh thổ Nga và các lãnh thổ do Nga kiểm soát.”

“Người Ukraine đã không thể tự bảo vệ mình do chính sách hiện tại của Chính quyền Tổng thống Biden. Điều cần thiết là Chính quyền Tổng thống Biden phải cho phép các nhà lãnh đạo quân sự Ukraine có khả năng tiến hành đầy đủ các hoạt động cần thiết để đáp trả cuộc tấn công vô cớ của Nga vào vùng đất chủ quyền của họ”, bức thư cho biết.

Quan điểm này gần đây đã được lặp lại bởi Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis, người nói rằng việc Mỹ hạn chế sử dụng hỏa tiễn ATACMS tầm xa bên trong lãnh thổ Nga là một “sai lầm”.

Các Thượng nghị sĩ và Dân biểu cũng yêu cầu Mỹ giúp đào tạo thêm phi công Ukraine trên chiến đấu cơ F-16 và cung cấp thêm lực lượng phòng không, cụ thể là “bổ sung thêm 7 khẩu đội Patriot”.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hồi đầu tháng 5 cho biết Ukraine có thể ngăn chặn việc xâm lược Kharkiv chỉ với hai khẩu đội Patriot nữa.

5. Nga cho biết vẫn chờ lời mời D-Day của Pháp, trong bối cảnh đồng minh không hài lòng

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia says it’s still waiting for France’s D-Day invitation, amid displeasure from allies”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nga hôm thứ Tư cho biết họ vẫn chưa nhận được lời mời tham dự lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ D-Day, mặc dù Pháp cho biết họ sẽ mời Nga đến dự lễ kỷ niệm.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với truyền thông Nga Izvestia: “Thông tin này liên tục xuất hiện định kỳ, trích dẫn các quan chức ở Paris hoặc các phương tiện truyền thông địa phương của Pháp”. “Theo nghĩa đen, mỗi ngày tôi đều kiểm tra kỹ thông tin này với đại sứ ở Pháp của chúng ta. Hiện tại không có thay đổi gì cả,” bà nói tiếp.

Zakharova cho biết đây không phải là lần đầu tiên Thế chiến thứ hai được sử dụng làm “sự thao túng” và “chủ đề của trò chơi chính trị” đối với các nước phương Tây.

Lời mời đến Nga nhanh chóng trở thành một câu hỏi hóc búa về ngoại giao đối với Pháp khi các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị tập trung trên bãi biển Normandy vào ngày 6 tháng 6. POLITICO đưa tin vào tuần trước rằng một số quốc gia đồng minh trong Thế chiến thứ hai không mấy vui mừng trước quyết định mời Nga của Pháp.

Tháng trước, Mission Libération, đơn vị tổ chức lễ tưởng niệm, xác nhận rằng mặc dù Putin là người không được chào đón vì cuộc chiến ở Ukraine nhưng các đại diện của Nga sẽ được mời tới buổi lễ.

Liên Xô đã mất 27 triệu sinh mạng trong Thế chiến thứ hai và Nga trước đây từng được mời đến dự lễ tưởng niệm chiến tranh ở Pháp.

Nhưng với việc lực lượng Nga tiếp tục tấn công ở miền bắc Ukraine, các quan chức Mỹ và Anh đã chia sẻ sự khó chịu của họ khi có sự tham gia của các đại diện Nga. Tuần trước, hai quan chức Tòa Bạch Ốc nói với POLITICO rằng họ không hài lòng với cử chỉ này.

Một quan chức cho biết: “Chúng tôi sẽ phục tùng chính phủ Pháp, nơi tổ chức lễ tưởng niệm ở Normandy”. “Nhưng có lẽ điều này sẽ nhắc nhở người Nga rằng họ đã từng chiến đấu với Đức Quốc xã thực sự chứ không phải những kẻ tưởng tượng ở Ukraine”.

Cung điện Elysée từ chối bình luận về câu chuyện này và Mission Libération cũng chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.

6. Canada áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty Nga bị cáo buộc vận chuyển vũ khí Bắc Hàn tới Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Canada imposes sanctions on Russian firms accused of shipping North Korean weapons to Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Canada một lần nữa trừng phạt các cá nhân và công ty Nga hỗ trợ cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt nhắm vào hai cá nhân và sáu công ty vận tải mà Ottawa tuyên bố đã “tạo điều kiện cho việc vận chuyển vũ khí bất hợp pháp, bao gồm cả hỏa tiễn đạn đạo, từ Bắc Hàn đến Nga”.

Theo Bộ Ngoại giao Canada, các thực thể này đã mua vũ khí để sử dụng ở Ukraine trong hai năm qua, trái với các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Hàn.

Ottawa tuyên bố rằng các công ty này có liên hệ chặt chẽ với quân đội Nga và tham gia vận chuyển vũ khí. Họ bị cấm tham gia vào các giao dịch tài chính với người Canada.

Kể từ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine năm 2014, Canada đã trừng phạt hơn 3.000 cá nhân và tổ chức ở Đông Âu. Các lệnh trừng phạt đối với công dân Nga kể từ cuối tháng 2 năm 2022 đã khiến 103 triệu Mỹ Kim bị đóng băng ở Canada, tăng so với mức 100 triệu Mỹ Kim vào mùa thu năm ngoái.

“Các lệnh trừng phạt của chúng tôi gửi đi một thông điệp rõ ràng: Canada lên án sự hợp tác quân sự của Nga với Bắc Hàn, điều này gây ra hậu quả cho an ninh ở Âu Châu, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Canada vẫn kiên định trong cam kết của mình đối với chủ quyền và người dân Ukraine trước những hành động tàn bạo của Điện Cẩm Linh”, Bộ trưởng Ngoại giao Melanie Joly cho biết trong một tuyên bố.

7. Một thị trấn của Nga bị ném bom nhầm đến lần thứ tư

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Bombs Own Town Four Times by Mistake: Report”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một báo cáo địa phương, lực lượng Nga đã thả nhầm 4 quả bom xuống thị trấn của họ gần biên giới Ukraine, đánh dấu vụ việc dường như là trường hợp mới nhất như vậy trong cuộc chiến đang diễn ra.

Bốn quả bom lượn của Nga nhằm mục đích tấn công khu vực Kharkiv của Ukraine đã được thả xuống thị trấn Shebekino, nằm ở vùng Belgorod giáp Ukraine, hãng tin độc lập Astra của Nga đưa tin trên kênh Telegram hôm thứ Tư.

Theo Vyacheslav Gladkov, Thống đốc khu vực Belgorod của Nga, không có báo cáo về thương vong nhưng mặt tiền của một tòa nhà dân cư bị hư hại nghiêm trọng.

Khu vực Belgorod thường xuyên được lực lượng Mạc Tư Khoa sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine và là nơi đặt một số căn cứ quân sự và cơ sở huấn luyện của Nga mà Kyiv đã tấn công. Khu vực này gần đây đã bị rung chuyển bởi các vụ nổ gần như hàng ngày khi cuộc chiến của Putin tràn qua biên giới.

Astra cho biết, ngày 17 Tháng Năm, 3 quả bom lượn FAB sát thương của Nga đã được tìm thấy ở Shebekino. Cùng ngày, một người khác được tìm thấy gần một tòa nhà dân cư. Mặt tiền của một ngôi nhà, hàng rào và cửa sổ bị hư hại, cửa hàng này cho biết thêm.

Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt vụ việc được báo cáo trong năm nay liên quan đến việc quân đội Nga vô tình thả đạn dược và hỏa tiễn xuống lãnh thổ nước này. Astra hôm 17 Tháng Năm cho biết, trong 3 tháng qua, lực lượng Mạc Tư Khoa đã thả ít nhất 46 quả bom từ máy bay của họ xuống đất Nga hoặc các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine.

Chỉ riêng ngày 16 Tháng Năm, máy bay quân sự Nga đã thả 8 quả bom FAB xuống vùng Belgorod, Astra đưa tin. “May mắn thay, trong mọi trường hợp, đạn không phát nổ và không có thương vong”.

Đầu tháng này, tờ báo trực tuyến độc lập The Moscow Times đưa tin rằng ít nhất 25 quả bom đã được máy bay Nga thả xuống lãnh thổ của nước này hoặc lãnh thổ mà Putin tuyên bố đã sáp nhập từ Ukraine, kể từ đầu mùa xuân. Cơ quan truyền thông cho biết đã có 33 sự việc như vậy kể từ tháng Giêng.

Chính quyền Nga thường thừa nhận việc thả bom, đạn trên lãnh thổ của mình nhưng có xu hướng che đậy các vụ việc. Astra lưu ý rằng chính quyền Nga thường xuyên tuyên bố đã có “sự xả đạn bất thường”, một cụm từ rất khó hiểu. Gần đây, Mạc Tư Khoa dùng thêm một thuật ngữ nữa cũng khó hiểu không kém là “đã có đợt thả khẩn cấp đạn dược hàng không”.

Vyacheslav Gladkov cho biết trên các kênh mạng xã hội của mình vào ngày 18 Tháng Năm rằng ông đã gặp gỡ cư dân của các gia cư bị thiệt hại do “vật thể nổ rơi” một ngày trước đó. Ông không nói rõ thiệt hại là do lực lượng Nga hay Ukraine gây ra.

Vyacheslav Gladkov nói: “Nhờ sự phối hợp của các dịch vụ khẩn cấp, vật thể nổ đã được loại bỏ mà không gây ra hậu quả gì”.

8. Động lực đang tăng lên 'rõ ràng' cho sự hiện diện của quân NATO ở Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Momentum 'Clearly' Building for NATO Troops in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Phát ngôn nhân của đảng chính trị của Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, nỗ lực thúc đẩy NATO can dự sâu hơn vào biên giới Ukraine đang có tiến triển trong các đồng minh Âu Châu.

Benjamin Haddad - một thành viên quốc hội thuộc đảng Phục hưng của Macron và được coi là người có tiếng nói hàng đầu trong các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại của Pháp - nói với Newsweek bên lề Hội nghị Lennart Meri ở Estonia vào tuần trước rằng NATO và Liên minh Âu Châu cần phải “lật ngược tình thế” Putin sau hơn hai năm chiến tranh toàn diện.

Macron đang tìm cách thiết lập lại sự mơ hồ về chiến lược của phương Tây và khiến Mạc Tư Khoa mất cân bằng. Trong số các đề xuất gần đây của ông, có việc triển khai lực lượng NATO bên trong Ukraine trong vai trò phi chiến đấu. Mặc dù bị Mỹ bác bỏ ngay lập tức nhưng ý tưởng này đã giành được sự ủng hộ ở Âu Châu, đặc biệt là ở các quốc gia nằm dọc biên giới Nga.

Haddad cho biết, động lực cho các cam kết sâu sắc hơn của NATO - bao gồm cả việc triển khai quân đội - ở Ukraine đang được hình thành “rõ ràng”. “Thật thú vị khi thấy rằng trong vài ngày đầu tiên, mọi người đều nói, 'Đó là một quan điểm bị cô lập bởi Pháp.'“

Nhưng kể từ đó, các nhân vật hàng đầu Âu Châu bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với đề xuất này - hoặc ít nhất là ủng hộ một cuộc tranh luận cởi mở về nó - Haddad lưu ý. Trong số đó có Tổng thống Tiệp Petr Pavel, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski và Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis.

“Điều này rất quan trọng vì những quốc gia này nằm ở tuyến đầu,” Haddad tiếp tục. “Và đây là những quốc gia đã mất niềm tin vào Paris và Berlin từ lâu.”

“Chúng tôi dành quá nhiều thời gian để lo lắng về sự leo thang khi Nga là quốc gia đang leo thang,” Haddad nói thêm, đồng thời gợi ý rằng các thủ đô phương Tây phải “suy nghĩ sáng tạo” về cách hỗ trợ Kyiv tốt hơn theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc có khả năng đặt giày trên đất Ukraine.

Ông nói: “Hiện tại, rất nhiều binh sĩ Ukraine đang đóng quân ở biên giới với Belarus để ngăn chặn một cuộc xâm lược tiềm tàng từ phía bắc”. “Các lực lượng phương Tây có thể được triển khai dọc biên giới 'như một 'cây ba chân' - vì bạn có quân ở các nước vùng Baltic hoặc ở Ba Lan - để có thể giải phóng một số binh sĩ Ukraine này ra mặt trận.

Nga liên tục cảnh báo các đối thủ phương Tây không được cung cấp bất kỳ hình thức viện trợ nào cho Ukraine, đồng thời coi cuộc chiến ở Kyiv là cuộc đối đầu trực tiếp với “tập thể phương Tây” do Mỹ lãnh đạo.

Trong tháng này, để đáp lại kiến nghị của Ukraine thúc giục NATO triển khai lực lượng, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng sự can thiệp trực tiếp trên thực địa vào cuộc xung đột này của quân đội các nước NATO có thể gây ra mối nguy hiểm to lớn, vì vậy chúng tôi coi điều này là một sự khiêu khích cực kỳ thách thức, không hơn không kém, và tất nhiên, chúng tôi đang theo dõi điều này rất cẩn thận.”

Lực lượng Nga hiện đang đẩy mạnh dọc mặt trận, buộc quân đội Ukraine phải lùi về các địa điểm trọng yếu và mở các mặt trận mới ở khu vực phía đông bắc Kharkiv và Sumy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy một lần nữa thúc đẩy các đồng minh phương Tây làm nhiều hơn để củng cố Kyiv.

“Đó là vấn đề về ý chí,” ông nói với Reuters trong tuần này. “Nhưng mọi người đều nói một từ có âm thanh giống nhau trong mọi ngôn ngữ: mọi người đều sợ leo thang. Mọi người đều đã quen với thực tế là người Ukraine đang chết dần – đó không phải là sự leo thang đối với mọi người”.

Haddad cho biết những diễn biến mới nhất đang đáng lo ngại.

“ Nó đã gây lo ngại trong một thời gian,” ông nói. “Chúng ta thấy một nước Nga đang tăng cường gây hấn, điều đó đã biến ngành công nghiệp của họ thành những thước phim hoàn chỉnh về kinh tế chiến tranh và tôi nghĩ chúng ta đã chậm trễ trong phản ứng của mình, cả ở Âu Châu và Hoa Kỳ.”

9. Thống đốc cho biết khoảng 100 dân thường vẫn còn ở Vovchansk, người Nga dọa bắn bỏ họ

Thống đốc tỉnh Kharkiv Oleh Syniehubov cho biết trên truyền hình nhà nước hôm 22 Tháng Năm rằng khoảng 100 thường dân Ukraine vẫn còn ở thị trấn Vovchansk đang bị bao vây, nhưng lực lượng Nga từ chối cho phép họ rời đi và đe dọa bắn bỏ họ.

Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 15 Tháng Năm xác nhận quân đội Nga đã tiến vào khu vực phía bắc Vovchansk. Quân đội Ukraine vào thời điểm đó cho biết họ đã ngăn cản Nga thiết lập chỗ đứng sâu hơn trong thị trấn.

Hôm 20 Tháng Năm, Syniehubov cho biết hơn 10.500 dân thường đã được di tản khỏi Kharkiv trong bối cảnh cuộc tấn công dữ dội mới của Nga.

Thống đốc cho biết vào ngày 22 tháng 5 rằng những người ở lại Vovchansk sẽ được di tản trong thời gian sớm nhất có thể nhưng 100 thường dân đã bị quân đội Nga “bắt làm con tin” và không thể rời đi.

Serhii Bolvinov, nhà lãnh đạo cơ quan điều tra của cảnh sát tỉnh Kharkiv, ngày 17 Tháng Năm cho biết lực lượng Nga đã bắt giữ ít nhất 40 thường dân, hầu hết là người già và dùng họ làm lá chắn sống.

Các cáo buộc tương tự cũng được các quan chức Ukraine khác đưa ra kể từ cuộc tấn công mới của Nga ở tỉnh Kharkiv.

Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko hôm 16 Tháng Năm cho biết lực lượng Nga đang bắt giữ thường dân Ukraine và ngăn cản việc di tản của họ.

Klymenko nói trên Telegram: “Chúng tôi biết về những trường hợp quân đội Nga hành quyết thường dân.”

Klymenko nói rằng một cư dân Vovchansk đã bị lính Nga giết chết sau khi anh ta từ chối tuân theo mệnh lệnh của họ và cố gắng đi bộ trốn thoát. Cảnh sát điều tra đã mở một vụ án hình sự với lý do vi phạm các quy tắc chiến tranh.

10. Ngoại trưởng Đức, Ủy ban Âu Châu lên tiếng ủng hộ tính hợp pháp của Zelenskiy

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và phát ngôn nhân Ủy ban Âu Châu Peter Stano ngày 21 Tháng Năm đã lên tiếng ủng hộ tính hợp pháp của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Zelenskiy hết hạn vào ngày 20 tháng 5, nhưng các cuộc bầu cử đã bị đình chỉ do thiết quân luật, vì vậy ông sẽ tiếp tục làm tổng thống. Các nhà phê bình và các nhà tuyên truyền Nga đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của ông, nhưng các cuộc bầu cử khó có thể diễn ra trong tương lai gần.

Stano nói trong một cuộc họp báo, được Ukrainska Pravda trích dẫn: “Không thể tổ chức bầu cử trong tình huống như vậy. Theo luật Ukraine, bầu cử trong thời gian thiết quân luật đều bị cấm.

Stano nói: “Chúng tôi ở Liên Hiệp Âu Châu cũng không nghi ngờ gì về việc tổng thống hợp pháp Ukraine là Tổng thống Volodymyr Zelenskiy”.

Quan điểm này đã được Baerbock nhắc lại, người đã nói trong cuộc họp báo ở Kyiv với Ngoại trưởng Dmytro Kuleba, “Rõ ràng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy là tổng thống hợp pháp và hợp hiến của Ukraine.”

Baerbock cũng chỉ trích các quan chức Nga cho rằng Zelenskiy là một tổng thống bất hợp pháp.

Cô nói: “Chính những người đã bắt đầu cuộc chiến này và khiến cuộc bầu cử không thể thực hiện được giờ đây đang đưa ra với thế giới câu chuyện về sự bất hợp pháp của tổng thống vì ông ấy không được bầu lại”.

Các luật sư hiến pháp nói rằng việc gia hạn nhiệm kỳ của Zelenskiy, trong điều kiện thiết quân luật, là hợp pháp.

Ngoại trưởng Baerbock nói thêm rằng hiến pháp của nhiều quốc gia, trong đó có Đức, cấm tổ chức bầu cử trong thời gian thiết quân luật.

11. Hạm đội Hắc Hải của Nga 'có khả năng' mất tàu mang hỏa tiễn cuối cùng ở Crimea

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Black Sea Fleet 'Likely' Lost Its Last Missile Carrier in Crimea”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thuyền trưởng Trung Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân Hải Quân, cho biết Hạm đội Hắc Hải của Nga có thể đã mất tàu mang hỏa tiễn cuối cùng ở Crimea.

Pletenchuk nói với Radio Svoboda, cơ quan của Đài Âu Châu Tự do/Radio Liberty của Nga hôm thứ Ba rằng, một cuộc tấn công của Ukraine hôm Chúa Nhật nhằm vào vịnh Sevastopol ở Crimea “có khả năng” đã làm hư hại nghiêm trọng hoặc đánh chìm cả tàu quét mìn Kovrovets lẫn tàu hộ tống Cyclone hay Tsiklon của Nga.

Tàu hộ tống lớp Karakurt Tsiklon gia nhập Hạm đội Hắc Hải vào tháng 7 năm 2023. Vào thời điểm đó, Pletenchuk cho biết nó đã hai lần thất bại trong các cuộc thử nghiệm định kỳ—vào năm 2021 và 2022—và Mạc Tư Khoa đưa nó vào hoạt động “vì họ cần hình ảnh rằng họ đã phóng thứ gì đó”, hồi sinh thứ gì đó, và bổ sung thứ gì đó cho hạm đội của họ.”

Ông nói: “Có khả năng khá cao là hiện tại không còn một tàu mang hỏa tiễn hành trình nào ở Crimea, nếu thông tin về Cyclone được xác nhận. Và vâng, có khả năng như vậy. Và vâng, khả năng ấy rất cao.”

Ông cho biết như trên để trả lời câu hỏi liên quan đến các tường trình của Astra, là phương tiện truyền thông độc lập của Nga, cho rằng cả hai chiến hạm Kovrovets và Tsiklon của Nga đã bị Ukraine đánh chìm.

Ông khẳng định chiến hạm Kovrovets đã chìm. Còn về chiếc Tsiklon, khả năng rất cao là nó cũng đã chìm nhưng Hải Quân Ukraine vẫn đang chờ kết quả từ cơ quan tình báo quân đội Ukraine,, gọi tắt là HUR.

Ông nói thêm, “Sơ bộ, chúng ta đang nói về thực tế là rất có thể có tổng cộng hai chiến hạm đã bị trúng đạn. Nhưng chúng tôi vẫn đang chờ kết quả.”

Kyiv cho biết 1 Tháng Ba tàu chiến của Nga ở Hắc Hải đã bị đánh chìm hoặc bị vô hiệu hóa kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu. Ukraine đã tìm cách làm cạn kiệt hạm đội quý giá của Tổng thống Vladimir Putin như một phần trong nỗ lực đảo ngược việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014, nơi đóng vai trò là trung tâm hậu cần trung tâm của Mạc Tư Khoa cho các lực lượng của nước này ở miền nam Ukraine.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã di dời một số tàu của Hạm đội Hắc Hải khỏi cảng ở Crimea để tránh thiệt hại thêm sau các cuộc tấn công thành công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn hành trình của Ukraine.

Những bức ảnh từ tháng 10 năm ngoái cho thấy hạm đội đang chạy trốn từ Sevastopol đến Novorossiysk ở miền nam nước Nga khi Ukraine nhắm vào các tàu của Mạc Tư Khoa. Các tàu cũng đang hướng tới cảng hải quân Nga ở thành phố Feodosia, nằm xa hơn về phía đông trên Bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập.

Hình ảnh vệ tinh từ tháng trước, được chia sẻ bởi nhà nghiên cứu tình báo nguồn mở MT Anderson, dường như cho thấy Hạm đội Hắc Hải phần lớn đã từ bỏ các căn cứ hải quân lớn ở Crimea.

Tháng trước, Nga cho biết đến cuối năm nay Hạm đội Hắc Hải sẽ nhận được 3 tàu lớp Karakurt “để tăng cường tiềm năng chiến đấu của Hải quân”.

12. Tổng thống Zelenskiy nói về tranh chấp tính hợp pháp: Nhiệm kỳ của tôi vẫn chưa kết thúc

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 21 Tháng Năm với Reuters rằng ông tiếp tục giữ chức tổng thống do tình trạng thiết quân luật.

“Nhiệm kỳ 5 năm của tôi vẫn chưa kết thúc,” Zelenskiy nói với Reuters. “Nó vẫn tiếp tục do thiết quân luật.”

Nếu thiết quân luật không được áp dụng, cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo đã được tổ chức vào ngày 31 tháng 3 năm 2024 và nhiệm kỳ của Zelenskiy sẽ kết thúc vào ngày 20 tháng 5. Nhưng Ukraine đã ban hành thiết quân luật sau khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào ngày 24 tháng 2, 2022. Đạo luật Thiết quân luật cấm rõ ràng các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và địa phương.

Một số người chỉ trích Zelenskiy cho rằng Hiến pháp không cho phép kéo dài nhiệm kỳ tổng thống của ông dưới tình trạng thiết quân luật. Họ lập luận rằng ông không còn là tổng thống hợp pháp vào ngày 20 tháng 5.

Tuy nhiên, các luật sư hiến pháp hàng đầu phản đối tuyên bố này, cho rằng Hiến pháp cho phép gia hạn như vậy.

Nhiệm kỳ của Zelenskiy lẽ ra đã hết trong tháng này nhưng ông ấy vẫn ở lại. Nga muốn sử dụng điều đó để tuyên truyền.

Zelenskiy cũng nói rằng “rất khó để đánh giá các hoạt động của tôi trong 5 năm này” và “bây giờ điều đó sẽ không còn hợp đạo đức nữa”.

Zelenskiy cho biết ông rất vui khi được làm tổng thống của một quốc gia không né tránh những hiểm nguy và rủi ro.

“Người Ukraine đã chiến đấu vì những gì thân thiết với trái tim họ. Nhưng nó chưa kết thúc, và đây chưa phải là kết thúc của câu chuyện. Tôi tin rằng chúng ta cần phải cùng nhau tiến về phía trước, đến đích cuối cùng thắng lợi”, ông nói.

Vào tháng 3, ông Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Ý Rai 1 rằng cuộc bầu cử tổng thống phải hoãn lại vì việc tổ chức bầu cử trong tình trạng thiết quân luật đòi hỏi phải có những thay đổi trong luật pháp Ukraine.

Tổng thống cũng cho biết chính phủ Ukraine phải bảo đảm các điều kiện cho 7 triệu người Ukraine đi bỏ phiếu ở nước ngoài cũng như cho các binh sĩ đang phục vụ ở tiền tuyến.

Vào tháng 5, Zelenskiy đã ký thành luật gia hạn thiết quân luật và tổng động viên từ ngày 14 tháng 5 đến ngày 11 tháng 8.