Ngày 26-05-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Chúa Ba Ngôi 27/05/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
04:03 26/05/2018
Bài Ðọc I: Ðnl 4, 32-34. 39-40

"Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng? Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 6 và 9. 18-19. 20 và 22

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng:

1) Vì lời Chúa là lời chân chính,

bao việc Ngài làm đều đáng cậy tin.

Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực,

địa cầu đầy ân sủng Chúa.

2) Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành,

và mọi cơ binh chúng đều do hơi thở miệng Ngài.

Vì chính Ngài phán dạy mà chúng được tạo thành,

chính Ngài ra lệnh mà chúng trở nên thực hữu.

3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài,

nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài,

để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết,

và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

4) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa,

chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con.

Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con,

theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Bài Ðọc II: Rm 8, 14-17

"Anh em đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha!".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa. Vì không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: "Abba - lạy Cha!" Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Ðức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Kh 1, 8

Alleluia, alleluia! - Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 28, 16-20

"Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".

Ðó là lời Chúa.
 
Lễ Ba Ngôi: Tại sao không là một mà phải là ba ?
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:40 26/05/2018
Ta sẽ trả lời làm sao, nếu có ai đó đặt cho ta một câu hỏi và cũng là câu thách đố như thế này : “Giả như Thiên Chúa chỉ có một Ngôi vị duy nhất chứ không phải ba ngôi, thì điều đó có làm cho đời sống chúng ta thay đổi gì không ?” Nói rộng ra nếu khi Giáo hội truy cứu Phúc âm, tầm tra Kinh thánh mà xác định lại Thiên Chúa chỉ là một chứ không phải ba; Giêsu chỉ là con người và Thánh Thần chỉ là thiên thần bậc nhất, cả hai chỉ là thụ tạo chứ không phải ngang hàng Chúa Cha, thì điều đó có làm cho cuộc sống của ta giảm bớt cái gì không ? Có buồn hơn không ? Hay là vui hơn vì đỡ phải thờ lạy cả hai vị kia. Làm dấu thánh giá có khi khoẻ hơn, vì chỉ cần rờ trán, nhân danh Cha là đủ.…

Tôi có thể đoán được câu trả lời, đại loại như sau : Thiên Chúa Ba Ngôi hay Thiên Chúa một ngôi vị cũng vậy thôi, có lẽ chẳng thay đổi gì là mấy. Tôi vẫn ăn vẫn ngủ vẫn sống… để đi nhà thờ, thờ một Chúa một Ngôi hay Ba Ngôi cũng được !

Nhưng cũng một mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi này mà đặt thành một câu hỏi khác, thì có lẽ câu hỏi sau này ảnh hưởng hơn tới đời sống chúng ta. Câu hỏi như sau : “Nếu Thiên Chúa không phải là Tình yêu thương, thì cuộc sống của chúng ta ở trần gian này có mất bớt hương vị không ?” Câu trả lời có thể thấy ngay: Nếu vậy cuộc sống hơi căng đó. Thiếu bóng dáng Thiên Chúa Tình yêu thì còn lại bóng dáng của Thiên Chúa biết hết mọi sự, dò xét từng hành vi góc cạnh của con người, ghi nhận vào bộ nhớ để đến ngày phán xét mở ra hạch tội: đó là một Thiên Chúa quan toà kiêm mật thám. Nếu Thiên Chúa không phải tình yêu mà là như vậy thì cuộc sống căng thẳng quá bởi vì con người có ai mà không có lỗi. Gioan nói: “Ai nói mình không có tội là nói dối.”

Đến đây, ta đã hé thấy đề tài ta sẽ suy nghĩ : Tại sao Thiên Chúa phải là Ba Ngôi Vị ?

Thiên Chúa một ngôi, hai ngôi hay ba ngôi chẳng liên hệ gì tới tôi, nhưng Thiên Chúa không phải là Tình yêu thì cuộc sống của tôi đen quá. Điều này liên hệ đến tôi. Vậy ai tinh ý sẽ thấy được câu trả lời cho câu hỏi: tại sao Thiên Chúa phải là ba ngôi vị.

1. Thưa vì Thiên Chúa là Tình yêu.

Nếu Thiên Chúa chỉ là một vị, đơn độc, thì không sao yêu được. “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành…” Là tình yêu thì ít ra phải có hai vị ngang nhau, đồng loại, hai “người” mới yêu nhau được. Còn con người đối với con chó con mèo thì quí mến, chứ không phải là yêu –hiểu đúng nghĩa. Vì thế Thiên Chúa là Tình yêu thì Thiên Chúa phải có ít là hai vị ngang hàng nhau, cùng là Thiên Chúa thật.

Nhưng nếu Tình yêu chỉ có giữa hai vị với nhau, thì tình yêu đó chưa phong phú. Tình yêu phong phú, đầy tràn phải là tình yêu sản sinh, “tình yêu phát sinh tình yêu.” Vì thế Thiên Chúa là tình yêu đầy tràn không thể co cụm giữa hai vị mà là phát sinh vị thứ ba như là hậu quả tất nhiên của một tình yêu sung mãn. Thiên Chúa là Tình Yêu thì Thiên Chúa phải là ba vị. Điều này các đôi bạn trẻ hiểu được hơn ai hết. (Không phải ba vị là mối tình tam giác đâu). Nên hai người yêu nhau, yêu nhau thật sự (chứ không chỉ lấy nhau để thoả mãn nhau) thì thường mong ước có người thứ ba, tức người con như là hiệu quả cụ thể của mối tình giữa hai người: một mối tình phong nhiêu sản sinh. Hai người lấy nhau mà không muốn có con thì chưa phải là tình yêu. Muốn mà không thể có, thì khác.

Có điều khác biệt giữa Thiên Chúa Ba Ngôi và tình yêu vợ chồng là : Thiên Chúa thiêng liêng, không có hình hài, thể xác, nên không lệ thuộc nơi chốn lẫn thời gian, vì thế nơi Ngài, Ba Ngôi vị khởi từ một lúc, có từ đời đời, chứ không phải đợi chín tháng mười ngày mới có Chúa Thánh Thần. Cha, Con yêu nhau và Thánh Thần là chính Tình yêu (hậu quả của Tình yêu) giữa Cha và Con (người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra). Vậy tại sao Thiên Chúa phải là ba ngôi vị. Thưa vì Thiên Chúa là Tình yêu phong nhiêu.

2. Vì Thiên Chúa là một gia đình, nên Thiên Chúa phải là 3

Một gia đình mà tờ hộ khẩu chỉ ghi tên một người, hoặc hai người vợ và chồng thì như còn thiếu. Một gia đình là phải có cha – mẹ – con, mới là gia đình đầy đủ. (Vì thế những vợ chồng son sẻ thường được giáo hội khuyến khích nhận con nuôi).Trong gia đình Thiên Chúa ba ngôi vị, người ta đã so sánh như thế nào với gia đình nhân loại ?

- Truyền thống Đông phương thường ví Cha là cha – Con là con – Thánh Thần là mẹ. Vì Thánh thần là tình yêu bao la. Lòng mẹ bao la như biển thái bình, dạt dào. Trong ca tiếp liên lễ Chúa Thánh Thần, Giáo hội gọi Chúa Thánh Thần là niềm an ủi trong lúc lệ rơi, là nghỉ ngơi trong cảnh cơ hàn. Người mẹ trong gia đình đúng là người an ủi. Lòng mẹ chính là chỗ nghỉ ngơi khi mệt nhọc. Mẹ là CTT.

- Nhưng truyền thống Tây phương lại xem Chúa Thánh Thần Ngôi Ba là con, tức là hậu quả của mối tình giữa ngôi I và ngôi II. Hai ngôi yêu nhau, nhiệm xuất ra ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần.

Bởi thế, ta không cần xét xem Thiên Chúa là một gia đình thì ai là cha, ai là mẹ, ai là con. Cho bằng Thiên Chúa khôn ngoan nhiệm mầu đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, tức là một con người biết yêu thương và sống trong gia đình.

Đức Piô 12 đã nhận xét: Ttrong một gia đình mà người cha quên mình đi để chỉ nghĩ đến vợ con, người mẹ quên mình đi để chỉ nghĩ đến chồng con; các con quên mình đi để nghĩ tới cha mẹ, thì gia đình ấy đúng là Thiên đàng. Gia đình là Thiên đàng. Thiên đàng có Thiên Chúa, Thiên Chúa là Tình yêu.

Người vợ đi chợ về, đưa trái cam cho chồng. “Anh ăn trái cam cho có sức đề kháng” (Vitamin C). Người chồng và cũng là người cha không ăn, nhưng lén đưa cho đứa con út, nghĩ rằng nó nhỏ nhất nhà, nó phải được chăm sóc hơn. Con út không ăn, để dành chờ anh hai đi làm về, trao cho anh : “Anh đi làm về mệt cần bổ dưỡng.” Anh cả cầm quả cam – đi xuống bếp, thấy mẹ vât vả anh đề nghị mẹ dùng quả cam này để mẹ thêm sức sống. Quả cam từ người mẹ đi một vòng trở về người mẹ.

Trong gia đình đích thực, câu chuyện quả cam trên vẫn thường diễn ra. Lúc đó hình ảnh quả cam được thay bằng món quà, cục kẹo, xấp vải, chiếc áo… Hay khái quát hơn, tình thương yêu. Tình yêu luân chuyển giữa cha mẹ con cái vợ chồng anh em càng nhiều thì càng xứng đáng là đại diện là điển hình cho Thiên Chúa Ba Ngôi là một gia đình.

Một linh mục giáo sư thần học, dạy môn Thiên Chúa Ba Ngôi cho các nữ tu. Cuối khoá, thầy hỏi: “Các sơ bây giờ đã hiểu mầu nhiệm Ba Ngôi chưa?” Gần như cả lớp đồng thanh: “Dạ hiểu rồi.” Cha bật cười: “Vậy thì các chị giỏi hơn tôi rồi!”

Những ai sống trong gia đình có cha mẹ con cái, hiểu mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi hay hơn các linh mục hì hục lý giải mầu nhiệm này. Bởi lẽ Thiên Chúa là Ba vì Ngài là một gia đình. Hãy chỉ cho chúng tôi, các linh mục, hiểu rõ hơn mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi ngay trong gia đình của anh chị. Đó là lời xin lời mời và là một thách thức các anh chị đó. Giờ thì chúng ta hãy tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi qua Kinh Tin Kính.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mầu Nhiệm Tình Yêu
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
14:13 26/05/2018
Lễ Mình Máu Thánh Chúa, năm B
Mc 14, 12 – 26

Thánh Thể là Bí tích tình yêu, bí tích nuôi sống, bí tích nhiệm mầu Thiên Chúa trao ban cho nhân loại, cho con người. Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể tại Nhà Tiệc Ly : “ Này là Mình Ta, các con hãy cầm lấy mà ăn…Này là Máu Ta, các con hãy cầm lấy mà uống “ ( Mc 14, 22-25 ).

Tiệc Thánh Thể, bữa tiệc Tình Yêu đã được chính Chúa Giêsu tiên báo tại tiệc cưới Cana, khi Ngài, Mẹ của Ngài là bà Maria và các môn đệ của Ngài tham dự tiệc cưới. Mẹ Maria đã nhạy cảm gợi ý để xin Chúa Giêsu làm phép lạ cho nước hóa thành rượu ngon khi gia đình nhà đám hết rượu. Tiệc Thánh Thể đã được Chúa hứa ban cho dân ở Capharnaum, đã được Ngài thiết lập ở Giêrusalem trước khi Ngài đi vào cuộc khổ nạn trong Bữa Tiệc Ly với các môn đệ, và được chính Chúa Phục Sinh cử hành long trọng trong một quán trọ ở làng quê xa xôi, hẻo lánh trước mặt hai môn đệ ở Emmaus. Thực vậy, bốn khung cảnh này đan quyện với nhau thành một bức tranh tuyệt đẹp khi chúng ta mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Hình ảnh chiếc nhẫn mà đám thợ lặn tìm được trên chiếc tầu của nước Tây Ban Nha được chế tạo cách đây hơn 400 năm, chiếc tầu này bị chìm sâu dưới biển khơi nước Bắc Ái Nhĩ Lan .Trong số những vật quý giá tìm được trên tầu, người thấy một chiếc nhẫn đàn ông bằng vàng, trên mặt nhẫn có chạm hình một cánh tay đang nắm một trái tim với những dòng chữ thật dễ thương sau :” Anh không thể cho em điều gì hơn thế nữa “. Thật tuyệt vời hình ảnh đầy sống động và ấn tượng này. Hình ảnh chiếc nhẫn và lời nói ghi chạm trên chiếc nhẫn có thể dùng để làm nổi bật ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa mà chúng ta cử hành hôm nay. Đây cũng chính là lời nói của Chúa Giêsu khi trao ban Mình Máu Thánh của Người làm lương thực nuôi sống con người, nuôi sống nhân loại, nuôi sống chúng ta, Người nói :” Ta đã trao ban hết con người của Ta cho các con đến nỗi Ta chẳng cho các con điều nào hay điều gì hơn thế nữa ! “.

Thánh Thể là bí tích tình yêu, bí tích nuôi sống nhân loại, nuôi sống chúng ta.

Thánh Thể nối kết Thiên Chúa với con người và con người với nhau. Do đó, Thánh Thể là trung tâm của cuộc sống con người. Thánh Thể là toàn thể con người, toàn vẹn con người của Chúa trao ban cho con người.

Thánh Thể là lương thực thiêng liêng không thể nào thiếu được đối với cuộc sống của người Công Giáo.

Thánh Thể diễn tả tình yêu cao siêu, vô tiền khoáng hậu của Thiên Chúa. Yêu là cho đi. Yêu là tự hiến, là cho hết, cho cả cuộc đời của Chúa tình yêu cho nhân loại :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).

Đức cố Hồng Y Carlo Martini đã viết :” Bí Tích Thánh Thể làm nên Giáo Hội qua việc truyền giáo.Điều này có nghĩa là Giáo Hội được sống động nhờ Bí Tích Thánh Thể, biết rằng Chúa Giêsu khao khát lôi kéo mọi người đến với Ngài, và Giáo Hội đồng hóa mình với Chúa Kitô để lôi kéo mọi người và mọi sự đến với Chúa. Giáo Hội cảm thấy mình được Chúa Kitô sai đi, để đến với mọi người, và không thể nghỉ ngơi cho đến khi Tin Mừng Phục Sinh được rao giảng ở khắp mọi nơi “.

Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần linh mục đọc “ Đây là Mính Máu Chúa Kitô “ và chúng con lãnh nhận Mình Máu Chúa là mỗi lần chúng con lãnh nhận toàn vẹn Chúa Giêsu đã sinh ra ở Bêlem, đã lớn lên ở Nazarét, đã đi rao giảng, đã chịu chết trên thập giá và Phục sinh khải hoàn. Chúng con tuyên xưng đức tin và lãnh nhận con người toàn vẹn của Chúa đã chết và Phục sinh để nuôi sống và ban cho chúng con sự sống. Xin Chúa củng cố đức tin cho chúng con để chúng con luôn tín thác vào Chúa, vào Lòng Thương Xót vô biên của Chúa. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Chúa Giêsu Phục Sinh đã cử hành long trọng bí tích Thánh Thể ở đâu ?
2.Chúa đã lập bí tích Thánh Thế khi nào ? ở đâu ?
3.Bí tích Thánh Thể là bí tích gì ?
4.Khi lãnh nhận Mình Máu Chúa là chúng ta đón nhận ai ?
5.Tại sao lại gọi Thánh Thể là Bánh Trường Sinh ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y tân cử Giovanni Angelo Becciu được bổ nhiệm tân Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh
Đặng Tự Do
07:58 26/05/2018
Trong thông cáo báo chí ngày 26 tháng 5, 2018, Tòa Thánh cho biết:

“Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Cha Giovanni Angelo Becciu vào chức vụ Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh. Ngài sẽ nhậm chức vào cuối tháng Tám. Trong khi chờ đợi, ngài vẫn giữ chức vụ hiện nay là Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho đến ngày 29 tháng 6, và tiếp tục là Đặc Sứ của Đức Thánh Cha tại dòng Malta”.

Vị Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh hiện nay là Đức Hồng Y Angelo Amato, sẽ qua tuổi 80 vào ngày 8 tháng Sáu tới đây. Ngài đã giữ chức vụ này từ ngày 9 tháng 7 năm 2008 đến nay.

Đức Hồng Y tân cử Giovanni Angelo Becciu sinh năm 1948 tại Pattada, Sardinia, Italia. Sau khi hoàn thành các chương trình thần học và triết học, ngài được thụ phong linh mục vào ngày 27 tháng 8 năm 1972. Sau đó, ngài theo học tại Học viện Giáo Hoàng về Giáo Hội, nơi ngài đạt được bằng tiến sĩ về giáo luật.

Ngày 1 tháng 5 năm 1984, ngài gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh. Ngài đã làm việc tại các tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Trung Phi, Sudan, New Zealand, Liberia, Anh, Pháp và Hoa Kỳ.

Ngoài tiếng Ý là tiếng mẹ đẻ, Đức Hồng Y tân cử Giovanni Angelo Becciu thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha.

Ngày 15 tháng 10 năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài là Sứ Thần Tòa Thánh tại Angola, đồng thời nâng ngài lên hàng Tổng Giám Mục hiệu tòa Rusellae.

Ngày 15 tháng 11 cùng năm, ngài được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại São Tomé và Principe.

Gần 8 năm sau đó, ngày 23 tháng 7 năm 2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Cuba.

Hai năm sau đó, ngày 10 tháng 5 năm 2011, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm ngài làm Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, thay thế cho Đức Tổng Giám Mục Fernando Filoni được cử vào chức vụ mới là Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc và được vinh thăng Hồng Y vào ngày 18 tháng Hai 2012.

Ngày 2 tháng 2 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử ngài làm Đặc Sứ tại dòng Malta

Hôm 20 tháng 5 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô thông báo ngài sẽ thăng Đức Tổng Giám Mục lên hàng Hồng Y vào ngày 29 tháng 6.
Source: Holy See Press Office Resignations and Appointments, 26.05.2018 - Appointment of prefect of the Congregation for the Causes of Saints
 
Ái Nhĩ Lan bỏ phiếu hủy bỏ luật cấm phá thai
Vũ Văn An
20:23 26/05/2018
Theo tin CNA/EWNT News, trước sự thất vọng của nhiều người, kết quả sớm nhất cho thấy hơn 69 phần trăm công dân Ái Nhĩ Lan đã bỏ phiếu “yes” trong cuộc trưng cầu dân ý nhằm hợp pháp hóa việc phá thai trong nước.



Thực vậy, những kết quả sớm hôm thứ Bẩy vừa qua đủ để dự phóng việc hủy bỏ luật cấm phá thai tại Ái Nhĩ Lan, một quyết định được các nhóm phò sự sống coi là bi thảm và gây thất vọng.

Thực ra, các cuộc thăm dò của RTÉ cũng đã dự đoán 69.4 phần trăm các công dân sẽ bỏ phiếu vào ngày 25 tháng 5 chống lại việc duy trì Tu Chính Án Thứ Tám, là tu chính án thừa nhận quyền sống bình đẳng của người mẹ và đứa con chưa sinh trong Hiến Pháp Ái Nhĩ Lan, trong khi 30.6 phần trăm muốn duy trì Tu Chính Án này.

Theo New York Times, 80 phần trăm số phiếu đã được đếm, nhưng kết quả chính thức chỉ có vào chiều thứ Bẩy. Marjorie Dannenfelser, chủ tịch Susan B. Anthony List, nói trong cuộc họp báo ngày 26 tháng 5 rằng “Trong khi các quốc gia Tây Phương khác, trong đó có Hoa Kỳ, chiều theo các nhóm vận động hành lang phá thai cực đoan, Aí Nhĩ Lan vốn là ngọn hải đăng chói sáng hy vọng vì chính sách bảo vệ mạnh mẽ các trẻ chưa sinh và các bà mẹ của chúng” nhưng, Dannenfelser nói thêm, “với kết quả này, chúng ta rất buồn rầu”.

Một tuyên bố của chiến dịch “Save the 8th” (Hãy Cứu Tu Chính Án Thứ Tám), tức nhóm tranh đấu chống việc hợp pháp hóa phá thai tại Ái Nhĩ Lan, gọi cuộc bỏ phiếu này là “một thảm kịch có tầm vóc lịch sử” nhưng ca ngợi những người dám đứng lên tranh đấu cho quyền sống “Chúng tôi hết sức hãnh diện về tất cả những ai cùng đứng với chúng tôi trong chiến dịch này”.

Chiến dịch nhận định thêm rằng họ sẽ tiếp tục tranh đấu cho quyền sống ở Ái Nhĩ Lan: “mỗi lần một em bé chưa sinh bị kết liễu sự sống ở Ái Nhĩ Lan, chúng tôi sẽ chống lại việc đó, và làm cho tiếng nói của chúng tôi được nghe thấy”.

Bản tuyên bố nói tiếp: “Phá thai sai lầm hôm qua. Nó vẫn sai lầm hôm nay. Hiếp pháp đã thay đổi, nhưng các sự kiện thì không thay đổi”.

Dưới luật lệ hiện hành, thực hành phá thai ở Ái Nhĩ Lan là bất hợp pháp, ngoại trừ sự sống của người mẹ bị coi là lâm nguy. Tu Chính Án Thứ Tám đã được thông qua ở Ái Nhĩ Lan năm 1983 với 67 phần trăm phiếu thuận. Một phần tu chính án này như sau: “Nhà Nước thừa nhận quyền sống của trẻ chưa sinh và, về quyền sống bình đẳng của người mẹ, cũng bảo đảm trong luật lệ của mình sẽ tôn trọng, và, dùng luật lệ của mình để bảo vệ và bào chữa quyền này, bao nhiêu có thể”.

Lá phiếu “Yes” trong cuộc trưng cầu dân ý sẽ loại bỏ Tu Chính Án phò sự sống năm 1983 ra khỏi hiến pháp và thay thế nó bằng một điều khoản cho phép “qui định việc chấm dứt có thai”.

Trước đây, một số nhà làm luật Aí Nhĩ Lan từng nói rằng nếu cuộc trưng cầu dân ý thành công trong việc hủy bỏ Tu Chính Án Thứ Tám, họ sẽ đề xuất một đạo luật cho phép phá thai không hạn chế cho tới khi thai kỳ đã được 3 tháng, và được 6 tháng trong trường hợp có nguy cơ đối với sức khỏe thể lý và tâm thần của người mẹ.

Bất chấp phần trăm lớn trong dân số, 78 phần trăm, tự nhận là người Công Giáo, nhưng các cuộc thăm dò dư luận đã tỏ ra nghiêng về phía phá thai trong nhiều tuần lễ trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý.

Ngày 9 tháng Ba, các giám mục Ái Nhĩ Lan công bố một thư mục vụ về quyền sống, tựa là “Two Lives, One Love” (Hai Sự Sống, Một Tình Yêu). Các ngài cảnh cáo rằng thay đổi Hiến Pháp Ái Nhĩ Lan sẽ không phục vụ bất cứ mục tiêu nào ngoài mục tiêu rút quyền sống khỏi một số loại trẻ chưa sinh. Các ngài viết: “Đối với mọi trẻ chưa sinh và quả thực đối với mọi người chúng ta, làm thế sẽ thay đổi nguyên tắc này là quyền sống là nhân quyền căn bản”.

Giã biệt Ái Nhĩ Lan Công Giáo

Linh Mục Matthew P. Schneider, LC, nhân dịp này buồn bã cho chạy hàng tít Goodbye Catholic Ireland: Lessons from the Abortion Referendum (Giã Biệt Aí Nhĩ Lan Công Giáo: Các Bài Học từ Cuộc Trưng Cầu Dân Ý Về Phá Thai). Vì theo ngài, cuộc trưng cầu này đã kết liễu ý niệm Ái Nhĩ Lan Công Giáo, Đảo Các Thánh!

Aí Nhĩ Lan Công Giáo vốn cứu văn minh khỏi bị diệt thời đen tối, sản sinh ra rất nhiều các nhà truyền giáo và các thánh. Nhưng nay không còn nữa. Nó không chết ngoài mặt trận mà chết trong thút thít. Bao năm bách hại của người Anh không bẻ gẫy được Ái Nhĩ Lan Công Giáo, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thờ ơ đã ít nhiều dập tắt đức tin. Quốc gia này trước đây có 87 phần trăm tham dự Thánh Lễ hàng tuần nhưng nay, họ bỏ phiếu 2 chống 1 để hợp pháp hóa phá thai. Thay đổi chi quá lớn vậy!

Theo Cha Schneider, có khá nhiều nhân tố chồng chéo nhau ở đây và có nhiều bài học có thể học được, như:

1. Sự thờ ơ và tinh thần thế gian gây hại cho Giáo Hội hơn sự bách hại rất nhiều.
2. Giáo Hội phải duy trì một chủ trương luân lý, nhưng không phe phái trong lãnh vực công cộng.
3. Giáo Hội cần chiếm được trái tim các nhà lãnh đạo văn hóa. Trong lần bỏ phiếu này, hầu hết các nhà lãnh đạo văn hóa, trừ các linh mục và giám mục, đứng ở phía bên kia.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mạn đàm giữa phóng viên VietCatholic và Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel
Đặng Tự Do
09:50 26/05/2018
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm tuyên phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục sẽ đến Israel để khánh thành tượng đài Đức Mẹ La Vang vào ngày 18 tháng 10 năm 2018; và một ngày sau đó sẽ khánh thành Bia Tám Mối Phúc Thật bằng tiếng Việt trên đồi Bát Phúc ở Capernaum.

Hai phóng viên của VietCatholic là Cha Giuse Đinh Trọng Chính và Mc Thúy Nga đã bay từ Perth, Australia sang Giêrusalem để thực hiện các phóng sự tại chỗ.

Lúc 4h chiều thứ Bẩy 26 tháng Năm, 2018, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel đã dành cho hai phóng viên của VietCatholic một cuộc mạn đàm tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Giêrusalem.

Đức Sứ Thần Tòa Thánh đã từng là Đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam từ ngày 13 tháng Giêng năm 2011 cho đến ngày 13 tháng 9 năm ngoái, 2017.

Hiện nay, ngài được cử làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, Khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và Palestine; và Sứ Thần Tòa Thánh tại đảo Cyprus.

Một tháng trước khi ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm chức vụ mới tại Israel, ngài đã đến Linh Địa Đức Mẹ tại Quảng Trị trong thánh lễ khai mạc Lễ Hội Ðức Mẹ La Vang vào ngày 13 tháng 8 năm 2017.

Dịp này, Ðức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã đưa ra lời kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy tôn trọng tự do tôn giáo.

Ngài nói: “Chúng ta có thể nói như thánh Phêrô Tông Đồ rằng, ‘Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm’ (Cv 5, 29) hoặc chúng ta có thể lặp lại câu nói thời danh của Chúa Giêsu, ‘Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa’ (Lc 20, 25).

Vì lý do đó, tôi muốn ngỏ lời với các Caesar Việt Nam, ‘Hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa’.

Thực vậy, tự do tôn giáo không phải là một cái gì tuỳ tiện trong tay các nhà chức trách, nhưng tự do tôn giáo là một quyền trong tay của người dân.

Nhiều người trên thế giới những ước mong quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam phải được tôn trọng hơn, phải được thực thi đầy đủ hơn, và Hội Thánh Công Giáo phải được nhìn nhận như một nguồn thiện ích hơn là một vấn nạn cho nước nhà.”

Với những lời mạnh mẽ bênh vực cho quyền tự do tôn giáo, ngài đã giã từ Giáo Hội Việt Nam trong niềm lưu luyến của đồng bào trong nước cũng như hải ngoại.

Bây giờ sứ vụ mới của ngài như thế nào?

Cuộc sống mới tại Thánh Địa của Đức Tổng Giám Mục ra sao?

Đâu là những trăn trở của ngài sau hơn 6 năm cùng chia sẻ những vui buồn với Giáo Hội Việt Nam?

Tình hình an ninh tại Thánh Địa như thế nào?

Ấn tượng của ngài đối với lòng sùng kính Đức Mẹ của người tín hữu Việt Nam.

Đó là những nội dung chính trong cuộc trao đổi giữa Đức Sứ Thần Tòa Thánh cùng với Cha Giuse Đinh Trọng Chính và Mc Thúy Nga tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Mount of Olives, Giêrusalem vào lúc 16h ngày thứ Bẩy 26 tháng 5. Chúng tôi sẽ sớm dịch ra tiếng Việt toàn bộ cuộc phỏng vấn này. Xin quý vị và anh chị em nhớ đón xem nhé.
 
Cơ Sở Chăm Sóc Giáo Dục Trẻ Khuyết Tật Sao Mai Nha Trang Tổng Kết Năm Học 2017-2018
Hồng Hương
22:18 26/05/2018
“Cơ sở Sao Mai là ngôi nhà mà Quý Sơ dòng Khiết Tâm Đức Mẹ chính là người mẹ thứ hai đã hết lòng yêu thương, dạy dỗ con em của chúng tôi, những đứa trẻ bị khuyết tật, để chúng có kỹ năng và sự tự tin bước vào cuộc sống” là lời phát biểu của đại diện Hội Phụ Huynh trong lễ Tổng kết năm học 2017-2018 của Cơ Sở Chăm Sóc Giáo Dục Trẻ Khuyết Tật Sao Mai, thành phố Nha Trang ngày 24.05.2018.

Khá khiêm tốn ẩn mình giữa khu phố tại địa chỉ 17/12/25 Hoàng Diệu, Thành phố Nha Trang, trường Sao Mai luôn đầy ắp niềm vui và tiếng cười của cả cô trò gần 20 năm qua. Các nữ tu Khiết Tâm Đức Mẹ âm thầm phục vụ 72 cô cậu học trò không được lành lặn như người khác. Có các lớp học dành riêng cho các em khiếm thính, down, chậm phát triển. Phải kiên nhẫn và yêu thương lắm để các sơ có thể dạy cho các em những việc đơn giản tự chăm sóc bản thân như mặc quần áo, tự xúc cơm ăn, đi vệ sinh. v.v.

Xem Hình

Sơ Anna Nhã Trang, hiệu trưởng Cơ sở Sao Mai cho biết trường đã và đang áp dụng chương trình giảng dạy ngành Mầm non và Tiểu học của Bộ Giáo dục – Đào tạo, tham khảo chương trình của Trung Tâm Giáo Dục Trẻ Khuyết Tật Thuận An-Bình Dương và có điều chỉnh cho phù hợp với khả năng của trẻ khuyết tật tại cơ sở. Mục tiêu chung của giáo dục đặc biệt các sơ hướng đến, là dạy những kiến thức văn hóa và kỹ năng tương ứng, nhằm giúp học sinh có được cơ hội tối đa để có thể sống độc lập và phát triển đến mức cao nhất, dựa trên khả năng riêng của từng em theo 3 phương châm: Giúp em tự làm lấy; Giúp em biết lựa chọn; Tôn trọng em và bằng mọi cách tạo mối tương giao an toàn, tin cậy nơi em. Chương trình giảng dạy được tiến hành từng bước nhỏ theo hướng Phát triển, đề ra mục tiêu cụ thể phù hợp với khả năng của từng học sinh.

Năm học 2017-2018, giúp các em hòa nhập cộng đồng, các sơ tổ chức các ngày lễ hội như Trung Thu, Tết Nguyên Đán, tổ chức Hội Chợ Giáng Sinh cho các em. Cho các em trải nghiệm thực tế bằng việc thực hành mua sắm tại siêu thị Big C, tham quan, dã ngoại tại khu du lịch suối Khoáng Nóng Tháp Bà, làm thiệp tặng bà và mẹ ngày 8.3, học võ, học đàn. v.v. Và ngày Quốc Tế thiếu nhi sắp tới, nhà trường cũng tạo điều kiện để các em học sinh lớn của Sao Mai được tham gia giao lưu hội trại hè với 29 trung tâm Khuyết Tật của các tỉnh thành trong nước, tại Khu Du Lịch đảo Hòn Tằm Nha Trang.

Nhiều phụ huynh đã rơi lệ khi thấy con em mình có thể biểu diễn văn nghệ, đánh đàn, đọc bài cảm ơn cha mẹ và các sơ dù rất không trôi chảy. Tôi nghiệm rằng không phải tính thời gian là ngày giờ mà phải tính bằng tháng bằng năm các sơ mới có thể giúp các em tự tin bước ra sân khấu và bước vào hòa nhập cộng đồng.

Sơ Nhã Trang chia sẻ nỗi trăn trở của mình bởi tình hình hiện nay trường rất chật hẹp, không thể đầu tư sân chơi, phòng tập vận động, phòng học đàn-vi tính riêng biệt cho các em, cũng như không trang bị phòng cách âm cho các em Can Thiệp Sớm của khối Khiếm Thính. Chị nói mỗi năm số học sinh khuyết tật tăng thêm, nhưng Cơ sở Sao Mai thì quá nhỏ không thể đáp ứng hết nhu cầu đến trường của các em. Năm học vừa qua nhà trường dù rất đau lòng nhưng đã phải từ chối rất nhiều phụ huynh đến xin cho con học. Mong ước của các chị là có thể mở rộng cơ sở để làm sao để tất cả các em Khuyết Tật đều có cơ hội được đến trường.

Sơ Minh Loan, trưởng cộng đoàn cho biết phương châm của Cơ sở Sao Mai là “Hãy giúp em để em tự giúp mình” qua việc tạo cho em tự tin, sống độc lập và hòa nhập vào cộng đồng xã hội. Tôi hỏi sơ thực hiện điều này quả là khó, sơ mỉm cười trả lời rằng “tình yêu luôn có thể làm nên điều kỳ diệu” bởi vì các sơ tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa và sự yêu thương của cộng đồng dành cho các em khuyết tật. Các sơ đang cần lắm những bàn tay và tấm lòng quảng đại chung sức để có thể làm nên điều kỳ diệu cho các em.

Hồng Hương
 
Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney Mừng Bổn Mạng
Diệp Hải Dung.
22:29 26/05/2018
Sáng thứ Bảy 26/05/2018 quý Quan Khách và Liên Nhóm Phong Trào Tôn Nữ Vương Gia Đình các Giáo Đoàn đã đến nhà thờ St. Luke Revesby tham dự Lễ mừng kính Đức Mẹ Thăm Viếng là Bổn Mạng Phong Trào Tôn Nữ Vương Tổng Giáo Phận Sydney và cũng là kỷ niệm 31 Năm Thành Lập Phong Trào 1987 – 2018.

Mọi người cùng tập trung trước đài Đức Mẹ trong khuôn viên trường học nhà thờ Cha Paul Văn Chi Linh Hướng Phong Trào dâng lời nguyện trước kiệu Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima và cùng với mọi người dâng giờ đền tạ cầu nguyện cho Gia Đình, Cộng Đồng, Quê Hương, và Giáo Hội. Đồng thời Cha xông hương Thánh Tượng Đức Mẹ với 3 hồi chiêng trống bắt đầu cung nghinh kiệu ThánhTtượng Đức Mẹ rước vào nhà thờ và an vị trên Cung Thánh.

Xem Hình

Anh Trần Văn Hòa thay mặt Ban Chấp Hành Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney đọc sơ luợc về tiểu sử Phong Trào đã được thành lập qua sự dìu dắt của qúy Cha Cựu Linh hướng, Cha Nguyễn Văn Đồi, Cha Vủ Đức Thông, Cha Hồ Hiệp, Cha Nguyễn Khoa Toàn, Cha Đặng Đình Nên, Cha Dương Thanh Liềm và Cha Paul Văn Chi. Ngoài ra Phong Trào cũng đã soạn và phát hành sách Phút Nguyện Cầu qua nhiều lần ấn bản để giúp cho mọi gia đình có sách để cầu nguyện. Đặc biệt tôn chỉ và mục đích của Phong Trào Tôn Nữ Vương Gia Đình là một tổ chức “Cộng Đồng Cầu Nguyện” không phân biệt giai cầp tuổi tác. Phong trào đặt trọng tâm vào sự yêu thương, nâng đỡ và đoàn kết các gia đình sống đạo đức để làm gương sáng cho các thế hệ con em.

Cha Paul Văn Chi ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Phong Trào Tôn Nữ Vương và Cha cùng với Cha Phêrô Đỗ Trọng Khải hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn.

Trong bài giảng Cha Paul Văn Chi nói về nước Tây Ban Nha đã vinh dự đặt danh hiệu cho Đức Mẹ “ Danh Thánh Đức Mẹ Chiến Thắng” vì Mẹ đã giúp cho đoàn chiên nhỏ bé của Tây Ban Nha chiến thắng đại quân Hồi Giáo và cũng nhờ vào Mẹ chúng ta mới đến được với Chúa.

Sau khi chấm dứt bài giảng, các anh chị em Liên Nhóm Trưởng thuộc các Giáo Đoàn lên trước bàn thờ với nghi thức tuyên hứa dâng mình Tận Hiến cho Đức Mẹ cùng với cả các nhóm và dâng Lời Nguyện lên Thiên Chúa.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Đaminh Nguyễn Ngọc Thảnh Trưởng Phong Trào Tôn Nữ Vương Gia Đình TGP Sydney ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Quan Khách, Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Revesby và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Phong Trào . Sau đó Thánh Lễ kết thúc và mọi người ở lại qua khuôn viên trường học nhà thờ tham dự buổi tiệc liên hoan mừng kính Quan Thầy Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney.

Diệp Hải Dung
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Một Thiên Chúa ba ngôi
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:43 26/05/2018
Một Thiên Chúa ba ngôi

Hằng ngày nhiều lần chúng ta làm dấu thánh gía: nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, vừa tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa ba ngôi vị, và cũng vừa là lời cầu nguyện.

Dấu thánh gía cùng với công thức lời tuyên xưng là logo căn bản của đức tin Kitô gíao.

Công thức lời tuyên xưng Cha, Con và Thánh Thần là ngôn ngữ hình ảnh biểu tượng của con người diễn tả về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa không có hậu duệ con cháu nối dõi tông đường như trí tưởng tượng của loài người chúng ta. Và cũng không có thần trí khôn như loài người chúng ta.

Chân nhận Thiên Chúa là Cha muốn nói lên đời sống chúng ta không tự do chính mình chế tạo làm ra. Nhưng đời sống chúng ta được ban cho, được tạo thành. Vì thế chúng ta cám ơn Đấng là „Cha“ đã ban cho ta đời sống, theo suy nghĩ của chúng ta.

Diễn tả Thiên Chúa bằng danh xưng là Con muốn nói lên chúng ta không thể bảo đảm rằng từ đời sống của chúng ta có gì phát sinh ra được. Nhưng hướng tầm nhìn vào đời sống, sự chết và nhất là sức sinh động của Chúa Giêsu thành Nazareth chúng ta cảm nhận được sức lực sự tin tưởng niềm hy vọng.

Tuyên xưng Thiên Chúa là Thánh Thần muốn nói lên trí khôn tinh thần và sinh lực của con người chúng ta không đủ. Nhưng chúng ta tùy thuộc vào một sức lực khác đem lại cho tâm trí ta sự sáng tạo, sáng kiến hứng khởi vươn lên.

Công thức tuyên xưng Thiên Chúa ba ngôi nói ra bên ngoài môi miệng, nhưng là phản ảnh lý luận từ nội tâm.

Đời sống con người cần có một nền tảng căn bản. Đó là hình hài thân xác, sức lực đời sống, khả năng ngôn ngữ, khả năng suy nghĩ, sức năng động, năng khiếu. Những căn bản nền tảng này được ban cho mỗi người, giúp con người hoàn thành đời sống của mình. Những căn bản nền tảng này nói lên hình ảnh biểu tượng sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa.

Ngoài ra đời sống con người cần phương hướng chỉ đường soi dẫn. Chỗ nào là điểm tựa cho đời sống? Con người cần làm gì với sức lực đời sống mình cùng đi về đâu? Và nếu trong trường hợp đời sống gặp trở ngại không thành công như mong muốn, rồi khi sức lực tiêu hao sai lạc, kiệt cùng…ta bơ vơ không biết đi về đâu, xử sự làm sao?

Khuôn mặt hình dạng Chúa Giêsu, mà ta nhận ra gặp được qua Lời của ngài trong phúc âm Kinh Thánh giúp ta tìm ra điểm định hướng cách ngạc nhiên mà trước đó ta không ngờ. Cuộc đời Chúa Giêsu và Lời người giảng dậy phát tỏa con đường định hướng riêng biệt: tình yêu thương bác ái.

Và người tín hữu Chúa Kitô nói đến hiệu qủa làm cho đời sống được hoàn thành tròn đầy là do Đức Chúa Thánh Thần, Đấng cùng đồng dạng với Đấng Tạo Hoá, và Đấng cứu độ ̣ Đấng là tinh thần hướng dẫn làm cho lịch sử đời sống có ý nghĩa.

Hình ảnh con người diễn tả về một Thiên Chúa có ba ngôi vị vượt qúa tầm suy nghĩ, tầm hiểu hiết của trí khôn con người.

„ Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất.5 Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em).( Đệ nhị Luật 6,4-5).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cầu Vồng Và Mưa
Lê Trị
08:42 26/05/2018
CẦU VỒNG VÀ MƯA
Ảnh của Lê Trị
Phía sau cơn mưa còn chiếc cầu vồng
Tôi vẫn mải mê tìm đôi bờ cho một dòng sông
Có những cây cầu bắc qua rồi lỡ nhịp
Ảo ảnh năm xưa
lung linh mãi trong lòng.
(Trích thơ của Nguyen Freddie)
 
Thánh Ca
Chứng Nhân Tình Yêu, Sáng tác: Lm. Nguyễn Duy, Trình bày: Đinh Thành
VietCatholic Network
03:52 26/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Thánh Ca: Chứng Nhân Tình Yêu

Sáng tác: Lm. Nguyễn Duy

Trình bày: Đinh Thành (saxophone)