Ngày 26-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:21 26/05/2020

35. Chỉ có người tôi tớ vác Thánh Giá mới có thể tìm ra được con đường ánh sáng thật và hạnh phúc thật.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:29 26/05/2020
31. MAY MẮN TUỔI CHÓ

Rất nhiều người ăn cơm trên bàn, trong đó có tên ăn như quỷ đói, tướng ăn thì rất khó coi, ăn ngấu ăn nghiến, lấy đồ ăn của người khác mà ăn hết.

Có người hỏi hắn ta:

- “Ông tuổi con gì? ”

Tên tham ăn trả lời:

- “Tuổi con chó.”

Người ấy liền nói tiếp:

- “Tốt, rất tốt, may mà ông tuổi chó, nếu như tuổi con hổ chẳng lẽ ông không nuốt sống tất cả chúng tôi đây sao? ”

(Tiếu lâm)

Suy tư 31:

Người Việt Nam chúng ta rất coi trọng cách ăn uống, bởi vì người Việt Nam chúng ta có một tâm hồn quãng đại biết nghĩ đến người khác, và coi cách ăn uống như là một nét văn hóa rất phong phú, do đó thức ăn không quan trọng bằng cách ăn.

Càng có địa vị, học thức, thì cách ăn uống phải lịch sự tao nhã hơn những người khác.

Đức tính nhân bản được tỏ lộ rõ nhất trong cách ăn uống, bởi vì khi con người ta thưởng thức khoái lạc hưởng thụ đúng theo ý mình thích thì bản năng “động vật” trong con người sẽ rất bày ra rất tự nhiên:

Có một vài người dâng mình làm tôi tớ Thiên Chúa khi ăn uống thì không giữ gìn để ý cách ăn, nên ăm ngồm ngoàm, thức ăn dính trên mép rất khó coi, lại còn vừa ăn vừa nói chuyện lớn tiếng và cười ha hả làm thức ăn bay ra người đối diện; lại có một vài người đi tu ăn uống có bia rượu thì quên mất mình là ai, uống rượu như bợm nhậu, nói năng không lịch sự và ồn ào...

Ông quan ở đời ăn uống như thế thì bị người ta chửi cho vào mặt, hoặc ít nữa là chửi thầm rủa sả sau lưng, thật đáng tội nghiệp, huống chi là chúng ta –những linh mục tu sĩ- càng tội nghiệp hơn khi người ta nói: ông cha, ông thầy đó là dân bợm thứ thiệt...

Linh mục nghĩa phụ của tôi khi còn làm giám đốc tiểu chủng viện tại Vũng Tàu, đã chia sẻ với tôi rằng: muốn biết tính tình “chú” (các chủng sinh) nào như thế nào thì chỉ cần cho các “chú” ra biển Vũng Tàu tắm và quan sát, thì biết ngay; hoặc khi các “chú” ăn cơm thì cũng biết ngay cá tính của các “chú” ấy, bởi vì khi vui đùa hay khi ăn uống thì cá tính của con người sẽ dễ dàng lộ ra nhất.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Suy niệm Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống và Tuần 9A thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:33 26/05/2020
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG. A
(Ga 20:19-23)
THẦN CHÂN LÝ.


Chiều ngày thứ nhất trong tuần,
Cửa nhà đóng kín, tìm nguồn ủi an.
Giê-su xuất hiện sẻ san,
Bình an chúc phúc, Chúa ban ơn lành.
Bàn tay thương tích vết hằn,
Cạnh sườn đâm thủng, dưới vành ngực yêu.
Vui mừng thị kiến mọi điều,
Chết đi sống lại, cao siêu diệu vời.
Thổi hơi nhận lấy lộc trời,
Thánh Thần chân lý, rạng khơi dạt dào.
Bảy ơn nguồn suối ngọt ngào,
Các con tha tội, cao rao tình Người.
Hy sinh chịu chết cứu đời,
Yêu thương tha thứ, cho người trần gian.
Công đầu phúc đức Chúa ban,
Khổ thân chuộc tội, xóa tan hận thù.
Các con cầm tội đền bù,
Tội kia cầm lại, tỉnh tu sửa mình.
Cầu xin ân sủng Thánh Linh,
Soi lòng mở trí, thanh minh tâm hồn.

Henry Maning, một mục sư Anh Giáo, rất nổi tiếng về việc giảng thuyết và viết sách. Một ngày nọ có người bạn thân đến thăm và bình luận về các tác phẩm của mục sư. Ông bạn khen rằng các tác phẩm rất hay, nhưng không có dòng nào nói về Chúa Thánh Thần. Người bạn nghĩ đây là một thiếu xót lớn. Henry để tâm suy nghĩ lời của bạn trong hai năm tiếp theo. Rồi Henry miệt mài học hỏi về Chúa Thánh Thần. Ông đã khám phá ra ánh sáng chân lý. Henry đã trở về với Giáo Hội Công Giáo, chịu chức linh mục và rồi sau trở thành Tổng Giám Mục Westminster, Anh Quốc. Tiếp sau ngài trở thành Hồng Y và tham dự Công Đồng Vatican II.

Chúa Thánh Thần được sai đến trên các Tông đồ dưới hình lưỡi lửa. Được đầy tràn Thánh Thần, các Tông đồ bắt đầu ra rao giảng làm chứng nhân cho Chúa. Đây là sự khai mở của Giáo Hội đến với muôn dân. Vai trò của Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong sự hình thành và phát triển Giáo Hội. Thánh Thần ban cho các tông đồ và môn đệ nhiều thứ ân sủng khác nhau. Mỗi ân sủng đều sinh lợi cho đời sống chung của Giáo Hội, người thì nhận ơn nói tiếng lạ, kẻ thì được ơn chữa bệnh, người được ơn làm phép lạ hoặc nói tiên tri. Cùng một Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội với nhiều ân huệ để giúp mang đến lợi ích chung qua mọi thời.

Chúa Thánh Thần tiếp tục thánh hóa và canh tân Giáo Hội. Ngài luôn soi trí mở lòng Giáo Hội để cùng đồng hành với sự phát triển văn minh của nhân loại. Thánh Thần giúp Giáo Hội đi trong sự thật. Chính Ngài là nguồn chân lý. Chúng ta biết rằng chân lý không đến từ quyết định của đám đông, đa số hay dư luận chung, nhưng là do chính Chúa Thánh Thần tác động.

Có nhiều khi chúng ta than van nói rằng sao mà Giáo Hội quá cổ hủ. Không thích ứng với những trào lưu và đòi hỏi của con người thời đại. Giáo Hội qúa ngặt nghèo và khó khăn giải quyết những nhu cầu trong cuộc sống của các tín hữu. Nhiều người đã từ bỏ và chọn con đường dễ dãi hơn.

Hãy tin tưởng rằng Chúa không bỏ chúng ta mồ côi. Thần Chân Lý sẽ hoạt động nơi chúng ta và hướng dẫn chúng con trong sự thật. Chúng ta không sợ lầm lạc trong bóng tối của thế gian. Cầu Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta sẽ tìm được sự bình an và chân lý đích thực.

TUẦN 9 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mc. 12: 1-12


Vườn nho của Chúa là vườn của công cuộc cứu độ. Vườn nho rộng khắp, Thiên Chúa đã chuẩn bị một vườn nho như là nước trời dưới trần thế. Trải qua năm tháng, đã có biết bao nhiêu người vào làm vườn nho cho Chúa. Người có công geo trồng, kẻ được thu phần hoa lợi.

Chúa đã chuẩn bị nước trời từ thuở xa xưa khi Chúa chọn một dân tộc để phát triển và đón nhận ơn hồng ân của Chúa. Chúa đã sai nhiều tiên tri đến để giúp dân chúng gieo hạt niềm tin vào Thiên Chúa độc nhất yêu thương. Nhưng thực tại cuộc sống phũ phàng, các nhà lãnh đạo dân của Chúa đã tiêu diệt hết tiên tri này đến tiên tri khác. Họ muốn dành quyền tự trị và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của họ để họ đi thờ các thần không hồn của ngoại bang.

Thiên Chúa cứ tiếp tục yêu thương dân mà Ngài đã chọn dù họ phản bội và quay lưng lại với Chúa. Chúa yêu thương đến nỗi đã sai chính Con Một của mình đến để cứu độ nhưng rồi họ cũng hùa hợp với nhau để tiêu diệt Ngài. Chúa Giêsu báo trước về số phận của chính Ngài.

Nước trời trải dài kết nối giao ước cũ và giao ước mới. Giao Ước sẽ được ký kết bằng chính máu của Con Yêu dấu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là đứa con thừa tự trong dụ ngôn. Người ta sẽ giết và quăng xác ra ngoài vườn nho.

THỨ BA
Mc. 12: 13-17


Có mấy người thuộc nhóm biệt phái và nhóm Hêrôđê lập mưu để bắt lỗi Chúa Giêsu. Họ nói với Chúa: Có nên nộp thuế cho Xêdarê hay không? Chúa biết lòng độc ác của họ nên Chúa nói với họ: Hãy đưa tôi xem một đồng tiền và Chúa hỏi: Hình và huy hiệu này là của ai? Họ thưa: Của Xêdarê. Chúa Giêsu nói với họ: Của Xêdarê hãy trả cho Xêdarê, của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa.

Chúa Giêsu rất khôn khéo trong vấn đề tế nhị này. Chúa không làm mất lòng bên nào cả, nhà nước cũng như dân chúng. Chúa còn dậy chúng ta một bài học rất ý nghĩa. Cái gì của thế gian trả cho thế gian, cái gì của Thiên Chúa trả lại cho Thiên Chúa. Nhưng thực tế chúng ta không muốn thế, chúng ta lại nói rằng: Trong tay quan là của quan. Và thế là chúng ta cứ việc hưởng dùng tất cả những gì chúng ta có được.

Suy nghĩ lại con người chúng ta. Một trăm năm trước, chúng ta chưa có hiện hữu và một trăm năm sau chúng ta cũng chỉ là hư vô. Chúng ta đã mang gì vào thế gian này. Chỉ là tấm thân trần yếu ớt với tiếng khóc chào đời. Tất cả những cái chúng ta có do Thiên Chúa ban tặng từ linh hồn, trí khôn, khả năng, thân xác và sự sống. Của cải là vật ngoài thân, nay còn mai mất. Thế mà chúng ta cứ khư khư giữ lấy làm chi.

Hãy trả cho Thiên Chúa những gì chúng ta lãnh nhận. Hãy tôn thờ Thiên Chúa và tạ ơn Ngài trong mọi nơi mọi lúc.

THỨ TƯ
Mc. 12: 18-27


Những người thuộc nhóm Sađucêô không tin có sự sống lại. Họ đến với Chúa bằng một câu truyện tình của một phụ nữ lần lượt cưới bảy anh em làm chồng. Họ thích thú đặt câu hỏi với Chúa: Vào ngày sống lại, khi họ sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ của ai trong số những người đó? Những người Sađucêô nghĩ rằng Chúa sẽ không thể giải thích được về những sự của ngày sau.

Đúng là con người vật chất chỉ loay hoay suy tư trong những điều thuộc về vật chất. Nhiều người nghĩ rằng con người chỉ là bụi đất, chết là hết. Nhưng Thiên Chúa ban cho thân xác loài người có một mầm sống, đó là linh hồn. Linh hồn của con người luôn có ước vọng một cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa hằng hữu. Tất cả vạn vật trước hay sau, chỉ là hiện tại đối với Chúa. Chúa nói rằng: Khi người ta sống lại từ cõi chết thì không cưới vợ lấy chồng, nhưng họ sẽ giống như các thiên thần ở trên trời. Câu trả lời của Chúa cho chúng ta biết thêm hai điều: Sự sống lại và các thiên thần. Sự sống lại và có các thiên thần thuộc thế giới thiêng liêng, chúng ta không thể hiểu biết hoàn toàn với đầu óc vật chất hay chết này.

Chúng ta đặt niềm tin tưởng nơi Chúa. Chúa là Chúa của Abraham, Isaac và Giacob. Chúa là Chúa của sự sống và của sự sống lại.

THỨ NĂM
Mc. 12: 28b-34


Một người trong nhóm luật sĩ đến hỏi Chúa: Trong các giới răn, điều nào trọng nhất. Chúa Giêsu đáp: Thiên Chúa chúng ta là Chúa duy nhất, ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức và hết trí khôn ngươi và người phải yêu mến người thân cận như chính mình. Tình yêu là nền tảng cho đời sống đạo. Đạo của Chúa là đạo yêu thương. Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

Làm sao chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa vô hình với hết tấm lòng của chúng ta. Chúa Giêsu đã liên kết hai giới răn làm một. Yêu mến Thiên Chúa đồng thời yêu thương anh chị em. Chúng ta không thể nói mình yêu Chúa mà lại ghét anh chị em. Thước đo của tình yêu là yêu thương như Chúa đã yêu. Thiên Chúa Cha đã yêu chúng ta đến nỗi đã ban Con Một của Ngài. Chúa Con đã yêu thương chúng ta dám hiến mình chịu chết trên thánh giá để chuộc tội cho chúng ta.

Tình yêu là cho đi. Chúa đã cho chúng ta tất cả. Bổn phận của chúng ta hãy yêu và cho đi tới những người chung quanh. Tình yêu không giới hạn, tình yêu không có bờ cõi. Chúa dạy chúng ta yêu cả kẻ thù và những người ghét bỏ chúng ta. Chúa đã dạy và đã sống mầu nhiệm tình yêu này.

Lạy Chúa, tình yêu của Chúa trổi vượt trên tất cả. Chúng con được hân hạnh chia xẻ tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con cũng biết cho đi và chia xẻ tình yêu với người khác.

THỨ SÁU
Mc. 12: 35-37


Chúa Giêsu giải thích tại sao các luật sĩ gọi Chúa Giêsu là con vua Đavít khi mà Chúa Thánh Thần soi sáng cho Đavít nói rằng: Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho đến khi Ta đặt các kẻ thù của con dưới chân con. Đavít gọi Ngài là Chúa, vậy do đâu Ngài lại là con vua Đavít được? Chúa Giêsu không từ chối mình là con cháu dòng dõi của vua Đavít nhưng Chúa muốn chứng tỏ rằng Chúa còn cao trọng hơn thế nữa. Chúa đến từ trời cao.

Các luật sĩ có gọi Chúa Giêsu là con vua Đavít, họ cũng không hiểu rõ ý nghĩa gì vì họ đâu có tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn mọi người được lắng nghe lời của Chúa. Chúa rao giảng bằng lời và bằng cuộc sống. Người ta vui mừng khi được nghe Chúa giảng dạy. Vì Ngài là Đấng có quyền. Lời Ngài giảng chính từ nơi Ngài, không vay mượn và cũng không cần ai làm chứng.

Người dân chỉ tin vào những ai dám sống điều mà họ rao giảng. Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi điều các tổ phụ cha ông và các tiên tri đã loan báo về Ngài. Ngài đến để kiện toàn tất cả các lề luật. Chúa nói cho dù một chấm, một phẩy cũng phải nên trọn.

Chúa Giêsu đã đến trong thế gian mặc xác phàm và sinh ra trong gia đình thuộc dòng dõi của vua. Xin Chúa cho chúng con nhận ra dòng dõi của chính mình là con cái của Chúa.

THỨ BẢY
Mc. 12: 38-44


Chúa Giêsu nói với dân chúng: Hãy coi chừng các luật sĩ, họ thích đi lại trong bộ áo thụng và thích được bái chào nơi công cộng. Chúa Giêsu phê phán lối sống giả hình và chuộng hình thức của các luật sĩ. Họ thích đóng kịch trước mặt người đời vì họ sợ bị chê là thiếu đạo đức và sợ bị chê là tầm thường. Họ muốn người khác luôn yêu mến và kính trọng họ.

Họ giống giả hình là muốn lấy mình làm mẫu gương và lấy mình làm trung tâm cho người khác chú ý. Bên ngoài thì sạch sẽ gọn gàng nhưng trong lòng thì ganh tị, tham lam và tội lỗi. Chúa Giêsu nhìn biết tấm lòng của họ. Họ làm bộ đọc kinh dài dòng để nuốt hết tài sản của các bà goá.

Trong đền thờ, Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, Ngài quan sát những người bỏ tiền, có bà góa nghèo bỏ hai xu nhỏ là một phần tư đồng. Chúa khen bà ta đã rộng lòng vì cho đi những gì bà có. Nghe đến đây, chúng ta giật mình vì chúng ta chỉ bỏ vào thùng bác ái những cái chúng ta có dư. Không hẳn là dư thừa nhưng chúng ta chỉ cho ít đồng lẻ, còn tiền chẵn thì giữ để xài riêng. Nếu chúng ta còn nhận hồng ân của Chúa, chúng ta cứ việc tiếp tục cho đi. Chúa sẽ bù đắp lại cho.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con quá điều chúng con xin và mong ước. Chúng con được dư dật của cải và đầy đủ tiện nghi trong cuộc sống. Xin cho chúng con biết chia xẻ những cái chúng con có cho những người đang cần thiếu.
 
Đấng Phù Trợ
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
13:43 26/05/2020

Lể Hiện Xuống

Theo cha Carôlô Hồ Bạc Xái, “Đấng Phù Trợ” là dịch từ chữ hy lạp Parakletos, chỉ một nhân vật thế giá đến đứng bên cạnh người bị các trong một phiên tòa. Khi nhân vật thế giá đến đứng bên cạnh người bị cáo thì tình hình đổi khác rất nhiều: đối với người bị cáo thì người này bớt sợ và an tâm hơn vì đã có người hỗ trợ tinh thần mình, đồng minh với mình, giúp mình biết trả lời sao cho khéo léo, và khi cần thì đích thân lên tiếng bênh vực mình. Đối với quan tòa thì sự hiện diện của Parakletos bên cạnh bị cáo cũng khiến họ phải nể nang hơn, xét xử khoan hồng hơn.

Thánh Kinh cũng dùng chữ này theo nghĩa rộng, vượt qua khỏi khung cảnh toà án, áp dụng cho nhiều hoàn cảnh khác trong cuộc đời. Thí dụ ngôn sứ Đanien là Parakletos bà Susanna khi bà bị hai ông già dê âm mưu kết án oan; Chúa Giêsu là Parakletos của người phụ nữ ngoại tình khi chị bị lôi ra xử án ném đá vì phạm tội ngoại tình.

Trong Ga 15, 26-27, Chúa Giêsu dùng chữ Parakletos để chỉ Chúa Thánh Thần. Các môn đệ của Ngài sẽ bơ vơ giữa thế gian, như những con chiên giữa bầy sói dữ. Thế gian cũng sẽ thù ghét họ, gài bẫy hại họ, làm khó dễ họ, thậm chí còn bắt bớ họ. Nhưng thực ra các môn đệ không bơ vơ vì đã có Chúa Thánh Thần đứng bên cạnh để:

- Hỗ trợ tinh thần khi họ cảm thấy cô đơn.
- An ủi họ trong những lúc thua buồn.
- Che chở họ trong những khi nguy hiểm.
- Vạch cho họ thấy những cạm bẫy xảo quyệt mà thế gian giăng ra hại họ.
- Dạy họ cách làm cách nói để khỏi bị thế gian bắt bẻ.
- Đích thân bênh vực họ.

Và chúng ta đã thấy, Chúa Thánh Thần đã đóng vai trò Parakletos một cách hữu hiệu thế nào đối với các tông đồ khi các ngài sống và hoạt động giữa thế gian.(x. suy niệm Tin mừng thứ tư, tuần 6 Phục sinh).

Trong Tin mừng (Ga 14, 13-14), Chúa Giêsu bảo các môn đệ lấy danh của Người mà cầu xin và Người sẽ thực hiện cho. Chính Chúa Giêsu có sáng kiến thỉnh cầu với Chúa Cha ban Đấng Phù Trợ cho họ. Đấng Phù Trợ là ân huệ Chúa Cha ban cho và được gởi đến qua lời thỉnh cầu của Chúa Con. Đấng Phù Trợ, chỉ vai trò trợ giúp hơn là biện hộ (Ga 14, 16-17.26; 15, 26). Trong tên gọi “Đấng Phù Trợ khác”, tính từ “khác” chỉ Đấng không phải là Chúa Giêsu. Đấng Phù Trợ được gọi bằng tên khác là Thần Chân lý (Ga 14, 17). Ngoài ra, nhờ Ngài và với Ngài, các môn đệ sẽ làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt thế gian (Ga 15, 26-27). Họ sẽ không hổ thẹn hay sợ bắt bớ và khốn khổ vì Người. Vậy việc Đấng Phù Trợ ở giữa các môn đệ là để thay thế sự vắng mặt của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu không để những ai thuộc về Ngài phải mồ côi, nhưng sẽ gửi cho họ “Đấng Phù Trợ”, Thánh Thần an ủi, Đấng sẽ dự phần với họ trong các cuộc bách hại (Ga 14, 16.26).Chính Thánh Thần hướng dẫn họ, soi sáng cho họ, củng cố họ, để mỗi người có thể bước đi trong cuộc sống, vượt qua cả những nghịch cảnh khó khăn và bách hại, dù trong vui mừng hay sầu buồn, vẫn đi theo con đường của Chúa Giêsu.

Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam; sau sắc dụ cấm đạo của vua Cảnh Thịnh, các cuộc bắt đạo gay gắt khiến cho những người tín hữu ở các vùng Quảng Trị, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa chạy vào rừng núi La Vang để trốn tránh. Đức Mẹ đã hiện ra an ủi, trợ giúp. La Vang đã trở thành trung tâm hành hương của Giáo Hội Việt Nam. Các chỉ dụ cấm đạo dưới thời vua Minh Mạng, Tự Đức đã phân tán các cộng đoàn Kitô hữu. Họ xuôi vào Nam trốn tránh, đến vùng đất mới, rừng thiêng nước độc. Họ khai khẩn điền địa và lập nên những cộng đoàn mới. Nhờ đó, khi các vị Thừa Sai đến Truyền Giáo, hạt giống Đức Tin được nảy mầm và phát triển nhanh chóng.

Như hạt giống gieo xuống đất và chờ đợi, những cơn mưa đầu mùa tuôn đổ, hạt giống âm thầm đón nhận sức sống, nảy mầm, bén rễ, lớn nhanh. Những cộng đoàn tín hữu đang sống đức tin thầm lặng đã gặp được các chủ chăn nên lớn mạnh và nhiều giáo xứ đã được thành lập. Chỉ trong nhãn giới đức tin, chúng ta mới nhận ra sức tác động mãnh liệt Chúa Thánh Thần. Trong mọi thử thách, Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần phù trợ. Trong mọi biến cố đau thương, Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần an ủi dẫn dắt. Mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời đều là lời mời gọi, lời nhắn nhũ, lời cảnh báo. Đi tìm Thánh Ý Chúa, con người cần biết giải mã các biến cố ấy trong ánh sáng đức tin.

Chúa Giêsu còn căn dặn: "Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con" (Ga 14, 26). Khi được Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thiêng trong đời, người tín hữu sẽ yêu mến Chúa, được Chúa Cha và Chúa Giêsu ngự đến trong tâm hồn (Ga 14, 21), được Chúa ban sự bình an tuyệt vời, bình an không như thế gian ban tặng (Ga 14, 27). Chúa Thánh Thần chính là chìa khoá mở ra cuộc sống mới trong Đức Kitô. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, người tín hữu làm được mọi sự trong ân sủng Đức Kitô. Chúa Thánh Thần giúp người tín hữu sống Tin Mừng, vượt qua các thách đố thời đại như cộng đoàn tín hữu sơ khai đã vượt qua mọi trở ngại để loan báo và mở rộng Nước Chúa.

Khởi đi từ Chúa Thánh Thần, Đấng Phù Trợ, cả một sức sống mới được khai mở và bừng lên trong Giáo hội. Trước ngày lễ Hiện Xuống, các môn đệ co cụm lại trong căn phòng then cài khóa ổ, nhưng một khi đã đón nhận Thánh Thần, các ông không thể sống như cũ được nữa: căn phòng được mở toang và môn đệ can đảm bước tới vùng ngoại biên là những vùng địa lý xa xôi, đem Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người. Đó chính là mùa Hiện Xuống đầu tiên làm nên sức sống mới lạ trong Giáo hội. Lễ Hiện Xuống thường được gọi là “ngày khai sinh của Giáo hội” tựa như lễ quốc khánh của một quốc gia. Chúa Thánh Thần đã làm cho sứ mệnh của Đức Kitô được hoàn thành và thời kỳ Tân Ước được thực hiện. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, là Đấng ban sự sống, thánh hóa, hướng dẫn, soi sáng, phù trợ, hiệp nhất. Chúa Thánh Thần là ngọn gió thổi các cánh buồm của Giáo hội hướng đến đại dương của “những kênh truyền thông mới” trong thời đại hôm nay.

Chúa Thánh Thần luôn bảo đảm cho sự nguyên vẹn của mạc khải. Ngài dẫn dắt Giáo Hội ngay giữa những kênh truyền thông mới mẻ của thế giới kỹ thuật số hôm nay. Kitô hữu phải là con người biết lắng nghe, lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe con người để qua sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, sứ điệp Tin mừng được lan xa. Các phương tiện truyền thông xã hội như sách báo, phim ảnh, thi ca, nghệ thuật, sân khấu, tuồng kịch, thánh nhạc, kiến trúc, hội họa, truyền thanh, truyền hình, internet…đều có tầm ảnh hưởng lớn đối với công cuộc truyền thông Tin Mừng trong thời đại hôm nay.

Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống, bài đọc 1 kể: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho… mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 1-4).

Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy, tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8).

Với sức mạnh của Thánh Thần, Thánh Phêrô và các Tông Đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Trong mọi thời đại, bằng mọi ngôn ngữ, Giáo Hội khắp thế giới tiếp tục tuyên xưng những kỳ công Thiên Chúa và kêu gọi các dân tộc, các quốc gia tiến đến với đức tin, hy vọng và cuộc sống mới trong Đức Kitô.

Sứ mạng làm chứng của Giáo hội luôn luôn thể hiện cùng với và trong Chúa Thánh Thần.Giáo hội đã được Chúa Phục Sinh thổi hơi vào và trao ban Thánh Thần. Chúa Thánh Thần từ đó luôn ở với Giáo hội và trong Giáo hội. Giáo hội đã luôn nổ lực làm chứng cho Chúa Giêsu, trải dài hơn hai nghìn năm lịch sử, trải qua những thăng trầm những phong ba bão táp của trần thế.

Mỗi người Kitô hữu được sinh ra nhờ phép rửa ở trong lòng Giáo hội và được xức dầu thánh một cách đặc biệt trong Bí tích Thêm sức, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần để thông phần sứ mạng làm chứng của Giáo hội.Trong Bí tích Thêm Sức nhận lãnh, không những các ơn Chúa Thánh Thần, mà là chính Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta như một sức mạnh từ trên cao, như là “Thần lực của Thiên Chúa”. Đó là sức mạnh của Tình yêu mạnh hơn sự chết biểu lộ nơi Sự Sống lại của Chúa Giêsu, sức mạnh của Chân Lý và Sự Thật. Đó là sức mạnh cuốn hút của cái Đẹp không phai tàn của Thiên Chúa, của cái Đẹp thần linh tiềm ẩn trong mọi cái đẹp đích thực.

Ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống, Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gioan Tẩy Giả "nhảy mừng trong lòng mẹ". Đức Maria hát lên bài ca Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bêlem. Các Tông Đồ trở nên những con người mới. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Và chúng ta cũng được trở nên con cái Thiên Chúa, sống chứng nhân tình yêu trong nền văn hóa của thời đại kỹ thuật số, can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục vụ.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
25/05/2020 : ĐTC Phanxicô kỷ niệm 25 năm ban hành thông điệp đại kết ‘‘Xin Tất Cả Nên Một’’
Lê Đình Thông
07:37 26/05/2020
Nhân kỷ niệm 25 năm Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II ban hành thông điệp Ut unum sint (Xin tất cả nên một) (25/05/1995 - 25/05/2020), ĐTC Phanxicô vừa gửi thư cho ĐHY Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Hiệp nhất các Kitô hữu.

Trong thư, ĐTC Phanxicô viết : ‘‘Thông điệp Ut unum sint xác nhận sự cam kết đại kết của Hội thánh là không thể đảo ngược, trong đó Thánh Gioan-Phaolô II đã hướng về Năm Thánh 2000 và thiên niên kỷ III, lập lại lời nguyện tâm huyết của Chúa Giêsu : ‘‘Xin cho tất cả nên một’’ (Ga 17, 21). Nhân kỷ niêm biến cố này, ta cùng tạ ơn Thiên Chúa về con đường cho phép các Kitô hữu vượt qua để đi tới sự hiệp thông hoàn toàn. Ta có thể và phải tiến xa hơn nữa trong ý nguyện chân thành này. Nhiều bước tiến đã thực hiện trong nhiều thập niên qua để chữa lành các vết thương lâu hàng thế kỷ.’’

ĐTC Phanxicô ghi nhận có nhiều hiểu biết và cảm nhận giúp vượt qua các định kiến hằn sâu trong quá khứ, thông qua đối thoại thần học và tình bác ái, cũng như các hình thức hợp tác khác nữa : đối thoại về sự sống, các bình diện mục vụ và văn hóa. Chúng ta mong đợi có ngày cùng chia sẻ bàn tiệc Thánh thể.

Ngài bày tỏ lòng biết ơn các anh chị em có cùng truyền thống Kitô giáo, đồng hành với ta trên bước đường như những môn độ Emmau, cùng cảm nhận sự đồng hành của Chúa Kitô Phục sinh.

ĐTC Phanxicô cho biết Tòa thánh sẽ công bố vào mùa thu này tập Cẩm nang đại kết dành cho các vị Giám mục trên thế giới, vốn là sứ mệnh thiết yếu của giám mục, phát xuất từ nguyên tắc vĩnh cửu và là nền tảng của sự hiệp nhất.

Theo thống kê trong Niên giám Tòa thánh năm 2020 (Annuaire pontifical 2020), số tín hữu Công Giáo tăng 6% trong thời gian từ 2013 đến 2018, với 1, 254 tỷ người tăng 1, 329 tỷ (tăng 75 triệu người chịu phép rửa tội).

Theo các số kliệu thống kê, số tín hữu Kitô giáo là 1, 27 %, tăng nhanh hơn dân số 1, 20%.

Kitô giáo, do chữ Hy lạp Χριστός (מָשִׁיחַ) có nghĩa là Đấng chịu xức dầu. Thiên Chúa giáo vượt số người theo đạo Hồi là 1, 703 tỷ người.

Các Hội thánh Kitô giáo bao gồm :

- Công Giáo : 1, 272 tỷ.

-Tin lành : 863, 9 triệu (luthéranisme, calvinisme, méthodisme, congrégationnalistes, presbytérianism cùng hàng trăm giáo hội khác và Anh giáo).

- Chính thống : 283, 1 triệu.

Lê Đình Thông
 
Hàng ngàn Kitô hữu nguyện cầu Chúa Thánh Thần tuôn tràn hồng ân
Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu
12:22 26/05/2020
Đại lễ Hiện Xuống toàn cầu 2020: Hàng ngàn Kitô hữu nguyện cầu Chúa Thánh Thần tuôn tràn hồng ân, để cùng nhau chung vai sát cánnh xây dựng nền văn minh tình thương

Nhân dịp Lễ Vọng Hiện Xuống, Thứ Bảy tuần sau, ngày 30 tháng 5 năm 2020, CHARIS (Phong trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo) dự định tổ chức một buổi cầu nguyện đại kết sẽ tập hợp các Kitô hữu từ khắp nơi trên thế giới qua các phương tiện truyền thông xã hội để cùng nhau cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Ông Jean-Luc Moens, người điều hành CHARIS trình bày sự kiện này cho độc giả Zenit. Ông cho biết: „chúng tôi sẽ phát trên TV2000 bằng tiếng Ý, bằng tiếng Ả Rập trên Noursat TV, bằng tiếng Bồ Đào Nha trên kênh Cançao Nova, v.v. ".

Ông Jean-Luc Moens là người Bỉ, đã kết hôn và là cha một gia đình. Là nhà toán học chuyên nghiệp, ông đã làm việc 30 năm để phục vụ truyền giáo trong Cộng đồng Emmanuel. Ông được bổ nhiệm làm người điều hành CHARIS vào lễ Hiện Xuống 2019.

Đêm canh thức đã được chuẩn bị trước qua 5 buổi tối cầu nguyện và giảng dạy trên YouTube, riêng chương trình ngày 25 tháng 5 sẽ được phát tại kênh này. Đêm canh thức này quy tụ khoảng 5.000 hội viên nói tiếng Pháp từ 4 châu lục cùng với linh mục Etienne Vetö, thành viên của Cộng đồng Chemin Neuf và phong trào CHARIS quốc tế, và bà Corinne Lafitte, một giáo dân truyền giáo đang nắm giữ một chức vụ quốc tế quan trọng.

Zenit - Tại sao lại một biến cố vào dịp Lễ Hiện Xuống?

Jean-Luc Moens – Phong trào Canh tân Đặc sủng Công Giáo đã từng họp nhau ở tất cả các quốc gia trên thế giới vào ngày lễ Hiện Xuống để cầu nguyện và lắng nghe Chúa Thánh Thần. Lễ Hiện Xuống là đại lễ thật tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần. Đó là đại lễ mà chúng ta chứng kiến tận mắt Chúa Thánh Thần biến đổi các tông đồ đang trốn chui trốn nhủi trong Phòng Tiệc Ly thành những nhà truyền giáo gan dạ, sẵn sàng hiến mạng sống mình cho Chúa Kitô. Lễ Hiện Xuống cũng là ngày lễ khai sinh của Giáo hội. Chính nhờ hành động của Chúa Thánh Thần mà Tin mừng bắt đầu được loan báo, các tín hữu mới tụ tập lại với nhau và Giáo hội sơ khai được thành lập.

Một số người đã so sánh kinh nghiệm "Phép Rửa trong Thánh Linh" * với Lễ Hiện Xuống cá nhân. Đó chính là ơn Chúa Thánh Thần tràn ngập đời sống của một người để biến đổi họ thật sâu sắc, và làm cho họ thành một môn đệ đích thực. Đây là lý do tại sao Lễ Hiện Xuống luôn là một thời gian đặc biệt cho các thành viên của Canh Tân Đặc Sủng.

Zenit - Tại sao biến cố này được phát sóng trên mạng xã hội?

Jean-Luc Moens – Bởi vì chúng tôi không thể tụ họp „tay bẳt mặt mừng“ với nhau được! Vì hiện nay chúng ta đang sống trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có vì một loại vi-rút đã giam giữ một phần lớn dân số thế giới tại nhà của họ, điều này đã gây tổn hại cho nền kinh tế của nhiều quốc gia, đã đóng cửa các thánh đường, đã gây ra những hậu quả khủng khiếp cho người nghèo đói và túng quẫn nhất và điều đó cũng ngăn trở chúng tôi tụ họp đông đảo theo thông lệ để cầu nguyện trong giáo phận hoặc trong các quốc gia của chúng tôi. Chính vì lý do đó, chúng tôi sẽ không thể tập hợp đông đảo như bình thường trong các nhà thờ của chúng tôi. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng tôi cùng nhau cầu nguyện. Hơn thế nữa, chúng tôi thậm chí có thể còn đông đảo hơn nhiều thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, bằng chứng cụ thể chúng ta đã thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch, thông qua nhiều sáng kiến cầu nguyện, bao gồm cả những lời cầu nguyện đại kết, trên khắp thế giới.

Zenit - Bạn sẽ cầu nguyện cho sự kết thúc của đại dịch Covid-19?

Jean-Luc Moens – Đúng thế, chúng tôi đã cầu nguyện cho điều này trong một thời gian dài. Mục đích của Đêm Vọng Lễ Hiện Xuống của chúng tôi là ca ngợi Chúa và nguyện xin Ngài một Lễ Hiện Xuống mới, nguyện xin hồng ân của Thánh Linh lại tuôn đổ trên Giáo hội và trên toàn thế giới mà Đức Giáo Hoàng của chúng ta rất thường xuyên nhắc đến và cầu nguyện cho. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần một Lễ Hiện Xuống mới cho thế giới của chúng ta. Vào chính thời điểm này, khi chúng ta nhận thấy rằng nhiều điều sẽ thay đổi sau cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua, chúng ta bắt buộc phải kêu xin Chúa Thánh Thần, xin Ngài hướng dẫn chúng ta, hướng dẫn các nhà lãnh đạo của chúng ta để cùng nhau xây dựng một nền văn minh tình thương, tôn trọng thiên nhiên, trong hòa bình và tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người, đặc biệt là những người cùng khốn nhất.

Zenit - Buổi canh thức sẽ được tổ chức bằng ngôn ngữ nào?

Jean-Luc Moens – Trong một số lượng lớn các ngôn ngữ! Sẽ có các ngôn ngữ chính thức của CHARIS, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha, nhưng cũng có các thổ ngữ Tagalog (bên Phi Luật Tân), Soussou (miền Tây Phi Châu), Swahili (miền Đông Phi Châu), tiếng Ả Rập, tiếng Nga và các ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, sự kiện này sẽ được phát trên các kênh YouTube khác nhau với các bản dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ả Rập, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hungary… Tất cả các chi tiết có trên trang mạng của chúng tôi www.charis.international..

Zenit - CHARIS có ý nghĩa là gì?

Jean-Luc Moens – CHARIS (Catholic Charismatic Renewal International Service) có nghĩa là Phong trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo là phong trào mới mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn thiết lập cho Canh Tân Đặc sủng Công Giáo trong Giáo hội. Đức Giáo Hoàng coi việc canh tân, được đặc trưng bởi kinh nghiệm tuôn đổ của Chúa Thánh Thần, như một "dòng ân sủng của Chúa Thánh Thần" cho toàn thể Giáo hội. Ngài liên tục mời gọi chia sẻ ân sủng "Phép Rửa trong Thánh Linh" này, để xây dựng cho sự hiệp nhất Kitô giáo và thúc đẩy phục vụ người nghèo. CHARIS được chính thức ra đời vào ngày lễ Hiện Xuống 2019 trong một cuộc tụ họp tại Rome với sự hiện diện của Giáo hoàng.

(Nguồn: https://fr.zenit.org/articles/pentecote-mondiale-2020-des-milliers-de-chretiens-demandent-une-nouvelle-effusion-de-lesprit-saint/)
 
California công bố bản hướng dẫn cho phép mở cửa các nhà thờ để cử hành phụng vụ
Nguyễn Long Thao
12:41 26/05/2020
Hôm thứ Hai 25 tháng 5 năm 2020, tiểu bang California đã đưa ra bản hướng dẫn cho phép mở cửa lại các nơi thờ phượng sau hơn hai tháng cách ly.. Bản hướng dẫn gồm 13 trang. Chúng tôi xin tóm tắt các điểm chính như sau

Theo hướng dẫn, các nơi thờ phượng có thể mở cửa lại ngay ngày hôm nay thứ Hai 25 tháng 5 2020 nếu chính quyền điạ phương nơi nhà thờ đó tọa lạc xét thấy tình trạng lây lan dịch bệnh không đến nỗi nghiêm trọng, nhà thờ có thể mở cửa được. Tuy nhiên, nhà thờ phải giới hạn số người tham dự tối đa là 100 hoạc 25% số tín hữu thường tham dự tại thánh đường đó. Số người của 25% cũng không được vượt quá con số 100. Với quy định mới này, chúng tôi không biết giáo phận San Jose, nơi chúng tôi cư ngụ, giải quyết ra sao ví thông thuờng mỗi thánh lễ nơi giáo xứ chúng tôi tham dự có chừng trên dưới 1000 giáo dân. Riêng giáo dân VN ở San Jose mỗi cuối tuần có đền 15 thánh lễ.

Ngoài ra hướng dẫn mới bao gồm các điều khoản:

1. Tất cả mọi người, linh mục, tu sĩ, viên chức trong ban phụng vụ và các người đến tham dự đều được khuyến khích đeo khẩu trang khi ở gần người khác

2. Các người đến nhà thờ nên được kiểm tra nhiệt độ và các triệu chứng khác của dịch cúm. Cửa ra vào nhà thờ nên có xa bông khử trùng để rửa tay.

3. Khi có một nghi thức phụng vụ mới thì tất cả các người trong ban phụng vụ phải kiểm tra thân nhiệt.

4. Các giỏ hay điã xin tiền trong thánh lễ, không được luân chuyển từ người này sang ngưòi khác.

5. Không nên dùng các sách hát, sách lễ, gối, thảm quỳ khi cầu nguyện (cho người Hồi Giáo) vì có nhiều người dùng dễ lây lan dịch bệnh

6. Các ghế ngồi, các nơi giao tiếp tại thánh đường phải được sát trùng sau mỗi lần có nghi thức phụng vụ. Hoạc dùng giấy lót chỗ ngồi và sau đó lột bỏ vất đi

7. Micro và các vật dụng khác trên bục giảng nên được khử trùng giữa các lần sử dụng.

8. Vị trí các người ngồi trong nhà thờ phải cách 6 feet.

9. Các cửa sổ và cửa lớn nên được mở rộng để thay đối không khí trong nhà thờ.

10. Thời gia cử hành nghi thức phụng vụ nên được rút ngắn để giảm thiểu thời gian nhiều người tụ tập

11. Các nhà thờ không nên tiếp tục để các ca đoàn hát chung vì gia tăng khả năng lây nhiễm dịch bệnh. Các buổi trình diễn nhạc và các cuộc tụ tập đông người tại thánh đường nên được huỷ bỏ trong lúc này.

12 Bản hướng dẫn cũng khuyến khích các thánh đường tiếp tục nghi thức phụng vụ trực tuyến để giảm bớt cơ hội lây lan covid-19

13. Các nơi thớ tự được khuyến khích tổ chức các nghi thức phụng vụ bên ngoài nhà thờ để giảm nguy cơ lây lan COVID-19.

Tưởng cũng nên nói thêm, tại California, 1200 giáo sĩ, đa số là mục sư Tin Lành đã đệ đơn yêu cầu chính quyền tiểu bang California cho mở cửa các nơi thờ tư sau hơn 2 tháng cách ly. Trong khi đó Tổng Thống Donald Trump cũng kêu gọi cho mở cửa nhà thờ vì cho rằng nhà thờ cũng là nơi tối cần thiết cho dân chúng.

Trong khi đó tại Oakland, bắc California một số mục sư lại phản đối việc cho mở cửa nhà thờ vào lúc này vì cho rắng, tình trạng dịch bệnh vẫn còn nghiêm trọng, mở cửa lúc này chỉ làm gia tăng thêm bệnh nhân

Mục sư Marty Peters ờ Nhà thờ Baptist Baptist Đông Oakland cho biết họ sẽ tiếp tục tổ chức các buổi phụng vụ trực tuyến với hy vọng sẽ giảm số lượng cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu bị nhiễm bệnh. Mục sư Peters nói: "3.000 trường hợp được xác nhận trong khu của chúng tôi. Đông Oakland đã bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch này. Vì vậy, tôi ủng hộ việc không mở cửa nhà thờ tại thời điểm này. Nó không an toàn".

Nguyễn Long Thao
 
Sự tàn bạo của cảnh sát có thể gây biến động lớn, Hội Đồng Giám Mục Minnesota cảnh báo
Đặng Tự Do
16:55 26/05/2020
Trong một diễn biến rất nghiêm trọng có thể dẫn đến bạo động chủng tộc tại Mỹ, hôm thứ Ba 26 tháng Năm, Hội Đồng Giám Mục tiểu bang Minnesota đã ra một tuyên bố lên án sự tàn bạo của cảnh sát và gọi cái chết của một người đàn ông da đen trong khi anh ta bị cảnh sát bắt giữ là một thảm kịch, và hoan nghênh việc mở một cuộc điều tra.

Vụ bắt giữ đã xảy ra hôm thứ Hai 25 tháng Năm tại Minneapolis. Một video về biến cố này được lưu hành trực tuyến một ngày sau đó kêu gọi người da đen biểu tình trên toàn quốc Hoa Kỳ. Trong video, một viên chức cảnh sát thuộc Sở cảnh sát thành phố Minneapolis có thể được nhìn thấy đang quỳ trên cổ một người đàn ông đang nằm trên đường khi anh ta bị bắt giữ. Người đàn ông sau đó được xác định là George Floyd.

“Tôi không thể thở được, ” George Floyd nói nhiều lần, rên rỉ khi đầu gối của một viên chức cảnh sát tiếp tục kẹp chặt và đè nặng lên cổ anh ta. Một viên chức cảnh sát thứ hai đứng nhìn.

Đoạn video dường như bỏ qua vài phút trước khi mắt Floyd dường như nhắm lại và người qua đường la làng lên rằng anh ta không cục cựa được nữa và hét vào mặt các viên chức cảnh sát để giải thoát anh ta khỏi bị kẹp cổ.

Theo báo cáo của Sở Cảnh sát thành phố Minneapolis về vụ bắt giữ, các viên chức cảnh sát sau đó đã còng tay Floyd và nhận thấy anh ta có vẻ đang gặp vấn đề về sức khoẻ. Họ gọi xe cứu thương, và Floyd được đưa đến Trung tâm y tế quận Hennepin, nơi anh ta qua đời một thời gian ngắn sau đó.

Hội Đồng Giám Mục của sáu giáo phận trong tiểu bang Minnesota, gọi cái chết của Floyd là một thảm kịch, và hoan nghênh chính quyền mở một cuộc điều tra tức khắc.

“Đây là một bi kịch. Thật là tốt khi các nhà điều tra của tiểu bang và liên bang đã xem xét vụ việc để xác định điều gì đã xảy ra, ” phát ngôn viên Jason Adkins của Hội Đồng Giám Mục Minnesota nói.

“Người dân cần phải cảm thấy an toàn trong cộng đồng của mình và tin tưởng vào cơ quan thực thi pháp luật, là những người nên thực thi quyền lực của mình trên tinh thần phục vụ. Chúng tôi hy vọng công lý sẽ được thực hiện nếu có những hành vi sai trái trong vụ này.”

Trong một tuyên bố trước đó vào hôm thứ Ba, Sở cảnh sát thành phố Minneapolis đã tìm cách chối tội và cho biết các cảnh sát viên có mặt tại hiện trường để đáp lại một “báo cáo về một sự giả mạo đang diễn ra”.

“Sau khi nghi phạm ra khỏi xe của mình, anh ta chống lại các cảnh sát, ” bản tuyên bố nói. “Các cảnh sát viên đã có thể còng tay nghi phạm và lưu ý rằng anh ta dường như đang có vấn đề về sức khoẻ.”

Các quan sát viên chỉ ra rằng tuyên bố này của Sở cảnh sát thành phố Minneapolis không ổn. Bản tuyên bố nhắm cho rằng các vấn đề về sức khoẻ của Floyd đã xảy ra trước khi bị cảnh sát bắt giữ. Nhưng vấn nạn lớn nhất của bản tuyên bố này là nếu cảnh sát đã nhận thấy anh ta có vấn đề về sức khoẻ thì tại sao lại quật anh ta xuống đất và dùng đầu gối kẹp chặt cổ anh ta như thế. Một tuyên bố hớ hênh như thế có khả năng dẫn đến bạo loạn, đặc biệt trong bối cảnh dân chúng đã rất căng thẳng vì đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay.

Thị trưởng của St. Paul đã gọi video này là “một trong những hình ảnh tệ hại và đau lòng nhất mà tôi đã từng thấy, ” và ông cho rằng cả hai cảnh sát viên “phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Điều này phải dừng ngay bây giờ.”

Trong một diễn biến mới nhất cảnh sát trưởng thành phố Minneapolis Medaria Arradondo cho biết trong một cuộc họp báo chiều thứ Ba rằng bốn cảnh sát viên liên quan đến vụ việc đã bị sa thải.

Thị trưởng thành phố Minneapolis, Jacob Frey, xác nhận rằng các cảnh sát viên đã bị đuổi khỏi ngành cảnh sát, và nói rằng “đây là quyết định đúng đắn cho thành phố của chúng ta”.


Source:Catholic News Agency
 
Chúa nhật Hiện Xuống: Đức Thánh Cha sẽ đọc kinh Lạy Nữ Vương tại Quảng trường Thánh Phêrô
Thanh Quảng sdb
17:46 26/05/2020
Chúa nhật Hiện Xuống: Đức Thánh Cha sẽ đọc kinh Lạy Nữ Vương tại Quảng trường Thánh Phêrô

Vào Chủ nhật ngày 31 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ trong Vương cung thánh đường thánh Phêrô mà không có giáo hữu tham dự. Sau đó, ngài sẽ đọc “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” ở quảng trường Thánh Phêrô.

Hôm thứ Ba, Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho biết Đức Thánh Cha sẽ cử hành trọng thể lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống lúc 10 giờ sáng Chúa nhật theo giờ địa phương.

Sau đó, lúc 12:00 trưa, Đức Thánh Cha sẽ nguyện kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” từ cửa sổ văn phòng làm việc của Ngài nhìn xuống quảng trường Thánh Phêrô.

Cảnh sát sẽ túc trực để đảm bảo trật tự và giữ khoảng cách an toàn cho khách hành hương theo những qui định khoảng cách xã hội mà y tế đòi hỏi.

Kể từ ngày 8 tháng 3, vì cơn đại dịch Covid-19 mà Đức Thánh Cha ban huấn từ các buổi triều yết bằng video được phát tán từ Thư viện Cung điện Tông đồ.

Kể từ ngày đó, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn hay nhìn xuống Quảng trường Thánh Phêrô từ cửa sổ văn phòng làm việc của ngài hoặc trong vài buổi lễ, trước cảnh tượng Quảng trường im ắng không một bóng người!
 
Phải chăng lời cầu nguyện của Đức Phanxicô đã ngưng điều tệ hại nhất của Covid-19 tại Ý?
Vũ Văn An
18:38 26/05/2020


Bạn nghĩ sao về điều trên?

Các dữ kiện gần đây về Covid-19 tại Ý cho thấy việc giảm hẳn các vụ lây bệnh và chết chóc hàng ngày sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện cho thế giới trong buổi ban Phép Lành Thánh Thể Urbi et Orbi ngày 27 tháng 3.

Nước Ý đã đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt suốt trong mấy tháng qua để ngăn ngừa việc lây lan của Covid-19. Nước này chấp hành cuộc cấm cửa 2 tháng, nhằm tạm ngưng các Thánh Lễ công cộng, đóng cửa các trường học, các tiệm ăn, các cửa hàng... Chính phủ gần đây đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế từ ngày 18 tháng 5.

Song song với các biện pháp trên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cầu nguyện cho thế giới trong một buổi Chúc Lành Thánh Thể tại công trường Nhà thờ Thánh Phêrô. Buổi cầu nguyện và ban phép lành được trực tiếp truyền hình và phát hình vào ngày 27 tháng 3.

Sau ngày đó, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong mới đã giảm xuống tại Ý.

Từ đó, có người nêu câu hỏi: Phải chăng lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ngưng điều tồi tệ nhất của Covid-19 tại Ý? Phải chăng lời cầu nguyện của ngài đã cứu được nhiều mạng sống?

Sau đây là con số tử vong hàng ngày ở Ý theo Google:



Biểu đồ trên cho thấy sau ngày 27 tháng 3, tức ngày Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện và ban phép lành Urbi et Orbi, con số người mới chết hàng ngày tiếp tục giảm đi. Cũng có những ngày lên cao, nhưng không bao giờ cao hơn ngày 27 tháng 3.

Con số những người mới lây bệnh Covid-19 của Ý cũng bắt đầu giảm sau ngày 28 tháng 3.

Xin xem biểu đồ dưới đây:



Một ngày sau buổi cầu nguyện và ban phép lành Urbi et Orbi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các trường hợp lây bệnh Covid-19 mới của Ý đã giảm đi đáng kể. Vẫn có những ngày lên cao, nhưng không bao giờ lên cao hơn con số được báo cáo vào ngày 28 tháng 3.

Thiên Chúa quả có lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Hay đây chỉ là một tình cờ trùng hợp?

Có điều, trang mạng ChurchPOP (churchpop.com) tường trình rằng một người hoài nghi đã trở lại đạo ngay tại chỗ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban phép lành Urbi et Orbi (https://churchpop.com/2020/03/27/agnostic-converts-on-the-spot-while-pope-francis-blesses-world-amid-coronavirus-pandemic/).

Người ấy bình luận trên trực tuyến Facebook đang khi tham dự buổi lễ cho thấy một cuộc trở lại đạo đáng lưu ý. Cô vốn là người hoài nghi, nhưng nay đã tin.

Đây là lời của cô:



Xin dịch sang tiếng Việt lời của Lara Eugeni: “Tôi chưa bao giờ tin, tôi luôn là người hoài nghi. Nhưng nay tôi đang ở đây, dàn dụa nước mắt, cầu xon cho mọi chuyện này được chấm dứt. Lạy Chúa, xin che chở những người con yêu thương. Con chỉ muốn được ôm gia đình con trở lại”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Việc dùng tiếng Latinh trong Thánh lễ.
Nguyễn Trọng Đa
07:51 26/05/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Liệu việc cử hành Thánh lễ Tridentinô có giả định rằng vị chủ tế và / hoặc cộng đoàn phải hiểu tiếng Latinh không? Làm thế nào họ chuyển dịch bản văn một cách hợp lý và có thể chấp nhận được (rationabilem acceptabilemque)? Liệu có là quan trọng để biết những gì văn bản gốc dự định nói hay không? - J. K., Crown Point, Indiana, Hoa Kỳ.


Đáp: Câu hỏi này khiến tôi hơi khó hiểu, không phải vì nó không phải là câu hỏi hay, mà vì nó có thể được trả lời từ rất nhiều quan điểm, mà tôi khó biết nên bắt đầu từ đâu.

Từ quan điểm lịch sử, chúng ta có thể nói rằng Thánh Lễ Latinh, ngay từ đầu, là một văn bản được nâng cao và không phải là ngôn ngữ phổ thông của người dân. Lễ Quy Rôma đặc biệt là một thí dụ về thuật hùng biện Rôma, với các âm tiết và bộ tính từ được tính toán. Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả (540-604) nói rằng đó là công trình của một học giả “kinh viện”, hay một người uyên bác.

Trong các thế kỷ tiếp sau sự suy tàn của Đế chế Rôma, người Công Giáo tham dự Thánh lễ, không chỉ không biết gì về tiếng Latinh, mà hầu hết là mù chữ trong tất cả các ngôn ngữ khác. Thậm chí nhiều linh mục chỉ biết tiếng Latinh chút đỉnh để cử hành các bí tích.

Trên hết, Công đồng chung Trentô đã bảo vệ việc sử dụng tiếng Latinh, bởi vì nó đã mang lại sự thống nhất của phượng tự và giáo lý trong thời kỳ chia rẽ xã hội lớn, và trong đó tiếng Latinh vẫn là ngôn ngữ của văn hóa và khoa học.

Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng một kiến ​​thức về tiếng Latinh là không cần thiết để tín hữu có thể thờ phượng, trừ khi chúng ta muốn khẳng định rằng phần lớn người Công Giáo đã không tham gia vào việc phụng tự trong 1.500 năm.

Ngay cả khi Hội Thánh, theo Công đồng chung Vatican II, đã quyết định rằng bây giờ tốt nhất là phụng vụ được cử hành bằng các ngôn ngữ hiện đại, văn bản Latinh vẫn là điểm tham chiếu, và nên hướng dẫn các dịch giả tìm kiếm một văn bản dễ hiểu nhưng thanh lịch cho việc thờ phượng.

Mặc dù một số lý do ủng hộ các thay đổi này về bản chất là có tính ý thức hệ vào thời điểm đó, và một số kết quả là không hoàn hảo, nói chung sự thay đổi này đã được chứng minh là tích cực.

Tuy nhiên, việc ủng hộ ngôn ngữ địa phương không đòi hỏi phải xóa bỏ tiếng Latinh và các hình thức phụng vụ, vốn đã được sử dụng trong Hội Thánh trong nhiều thế kỷ. Vì lý do này, các hình thức này có thể được cử hành tự do, và có một số lượng đáng kể người Công Giáo muốn làm việc phượng tự theo cách này.

Tôi đã nói rằng một kiến ​​thức về tiếng Latinh không phải là một yêu cầu tuyệt đối, nhưng có một thực tế rằng hầu hết những người tham dự hình thức ngoại thường ngày nay đều là những người được giáo dục tốt. Ngay cả những người không biết ngôn ngữ cũng sẽ theo dõi buổi lễ bằng sách lễ song ngữ, và có thể theo dõi các nghi lễ một cách dễ dàng.

Mục đích của Hội Thánh trong việc cải cách phụng vụ là để tạo điều kiện cho sự tham gia tích cực của các tín hữu trong Thánh lễ.

Cụm từ “sự tham gia tích cực” được Thánh Giáo hoàng Piô X đưa ra vào năm 1903, và trên tất cả là một hoạt động tâm linh về phía tín hữu, trong việc họ hợp nhất với sự hy tế thánh của bàn thờ một cách có ý thức và có ý nghĩa. Đó là sự thực hành của chức linh mục phổ quát của các tín hữu, thông qua sự hiệp thông với chức tư tế thừa tác của linh mục.

Sự tham gia tích cực có thể được các tín hữu ủng hộ bằng nhiều cách khác nhau, như hát đáp thưa trong Thánh lễ, hoặc các bài hát khác, trả lời các lời mời gọi, và trong phụng vụ hiện đại, thực hiện một số thừa tác và phận vụ khác nữa. Mặc dù tất cả các hoạt động này có thể thể hiện sự tham gia tích cực, nhưng chúng không bao giờ là thiết yếu cho sự tham gia tích cực, vồn sẽ luôn luôn chủ yếu là một hoạt động tâm linh.

Sự tham gia tích cực đích thực có thể đạt được trong tất cả các hình thức thờ phượng hợp pháp của Hội Thánh bằng tiếng Latinh, và bằng bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Điều này có nghĩa là bao gồm hình thức thông thường và hình thức ngoại thường, trong các nghi lễ Ambrôxiô, Mozarabic và Braga, và trong bất kỳ nghi lễ nào của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương. (Xem bài liên quan của chúng tôi ngày 5-5 vừa qua.)

Tất cả chúng chỉ đơn giản là phương tiện để thờ phượng Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đi vào sâu thẳm của các mầu nhiệm thiêng liêng, và, để sử dụng một biểu hiện phổ biến nơi các Giáo phụ, được thần hóa qua các mầu nhiệm này và trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Các vấn đề bên ngoài là quan trọng, và chúng ta không nên coi thường hoặc tương đối hóa chúng, nhưng chúng ta không bao giờ được quên rằng bản chất của phụng vụ là biến đổi sự thờ phượng. (Zenit.org 26-5-2020)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/use-of-latin-in-mass/
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Áng Mây Chiều
Tấn Đạt
22:22 26/05/2020
ÁNG MÂY CHIỀU
Ảnh của Tấn Đạt

Mây chiều đã thắm nhuộm mầu
Có đôi chim biển rủ nhau về bờ
Tổ êm và ấm đang chờ
(bt)
 
VietCatholic TV
Học giả Trung Quốc: Tập Cận Bình vừa hiểm ác, vừa ngạo mạn coi mình là Đấng Cứu Thế
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:28 26/05/2020

1. Các lễ tạ ơn được tổ chức tại Ý

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là các thánh lễ tạ ơn và các cuộc tụ họp tại Ý mừng đất nước vượt qua đại dịch coronavirus kinh hoàng.

Tính đến thứ Ba 26 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến 347, 563 người, trong số 5, 582,367 trường hợp nhiễm coronavirus.

Trong 24 giờ của ngày thứ Hai, tử vong do dịch COVID-19 tại Ý là 92 người, so với 50 người trong ngày Chúa Nhật. Cơ quan Bảo vệ Dân sự cho biết như trên và nhấn mạnh rằng các trường hợp nhiễm bệnh mới chỉ còn 300 so với 531 vào ngày Chúa Nhật.

Số người chết hàng ngày vào hôm Chúa Nhật không bao gồm các trường hợp tử vong từ khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là vùng Bologna, do các vấn đề kỹ thuật.

Có lẽ những cái chết trong vùng Bologna vào hôm Chúa Nhật đã được thêm vào hôm thứ Hai, khi khu vực này báo cáo 34 trường hợp tử vong mới.

Tổng số người chết của Ý kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào ngày 21 tháng Hai, hiện ở mức 32, 877 người, cao thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Anh quốc.

Số lượng các trường hợp được xác nhận lên tới 230, 158 trường hợp, đứng thứ sáu sau Hoa Kỳ, Nga, Tây Ban Nha, Anh và Brazil.

Tính đến ngày thứ Hai, chỉ còn 541 người được chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, Ý đang ráo riết xét nghiệm coronavirus cho toàn bộ 60 triệu dân. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết 2, 219,000 người đã được xét nghiệm virus bằng các que thử và các bộ xét nghiệm của Đức. Ba nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nhân mạng cao tại Ý là tỷ lệ dân số cao niên cao nhất Âu Châu, sử dụng các que thử của Trung Quốc với độ chính xác chỉ có từ 20 đến 30 phần trăm, và sai lầm khi chọn phương án điều trị tại gia.


Source:News Asia

2. Quá đáng: Tập Cận Bình cố ý gieo rắc virus toàn thế giới, còn bắt dân coi mình là Đấng Cứu Thế

Hôm thứ Hai 25 tháng Năm, tờ Express của Anh có bài “China EXPOSED: Xi 'maliciously' spread virus with 'unthinkable' secret plot claims expert”, nghĩa là “Vạch trần Trung Quốc: Chuyên gia khẳng định Tập Cận Bình gieo rắc virus một cách hiểm ác trong một âm mưu không thể tưởng tượng được”

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch sang Việt Ngữ của Đinh Nhung.

Trương Cao Đăng (Gordon Chang, 张高登), một chuyên gia chính trị châu Á và là một tác giả nhiều sách về Trung Quốc khẳng định rằng hành động của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy ông ta có ý định truyền bá coronavirus trên toàn thế giới. Trong một cuộc phỏng vấn với Express.co.uk, ông Trương cho biết Trung Quốc đã hành xử một cách đầy ác ý và có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã thực hiện các bước cần thiết để tấn công tất cả các quốc gia trên thế giới.

Theo ông Trương, việc xác định nguồn gốc của virus không quan trọng cho bằng việc xem xét kỹ lưỡng cách Trung Quốc hành xử khi bắt đầu đại dịch.

Ông Trương cho biết: “Trung Quốc cố lây lan căn bệnh này vượt ra ngoài biên giới của mình.”

“Virus có thể đã tình cờ bộc phát từ một phòng thí nghiệm hoặc có thể đến từ thị trường ẩm ướt, ai mà biết được? ”

“Nhưng điều quan trọng không phải là cách căn bệnh này bắt đầu như thế nào mà là những gì Bắc Kinh đã phản ứng với căn bệnh chết người kinh hoàng này.”

Ông nhấn mạnh rằng: “Tất nhiên, chúng ta không biết những gì đang lẩn quẩn trong tâm trí của Tập Cận Bình.”

“Nhưng sau khi nhìn thấy những gì coronavirus đã gây ra làm tê liệt Trung Quốc, ông ta đã muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng, bằng cách quảng bá căn bệnh quái ác này ra bên ngoài biên giới của mình. Đó là chính xác những gì ông ta đã làm.”

Trong khi cô lập Vũ Hán và cấm tất cả các chuyến bay nội địa, không một chuyến bay nào ra hải ngoại như đến Milan, Paris, Madrid, New York… bị cấm.

“Đây là một trò độc hại và lần đầu tiên trong lịch sử một đất nước đã tấn công tất cả những nước khác.”

“Khi chúng ta đi đến đồng thuận với nhau về điều này, Trung Quốc sẽ có nhiều thứ để mất.”

Để loại trừ khả năng xảy ra những mất mát về kinh tế và địa chính trị trên trường thế giới, Khoa giáo Trung ương và Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, được sự phối hợp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, đã không ngớt ca ngợi Trung Quốc như một nước anh hùng cứu nhân độ thế, khống chế được đại dịch và ra tay nghĩa hiệp giúp các nước khác. Trong khi, trên thực tế họ đã cố ý gieo rắc virus toàn thế giới một cách đầy hiểm ác.

Để vở kịch cứu nhân độ thế này được trọn vẹn, Khoa giáo Trung ương Trung Quốc còn phối hợp với Tôn giáo vụ Trung Quốc buộc các nhà thờ giật ảnh Chúa và Đức Mẹ xuống thay bằng ảnh Tập Cận Bình, hay ít nhất phải treo ảnh hắn ở vị trí trang trọng nhất, vì hắn mới là Đấng Cứu Thế thật sự.

Tuy nhiên, thế giới này không ngố như Trung Quốc tưởng tượng. Chỉ cần nhìn vào những phản ứng ban đầu của Trung Quốc đối với đại dịch coronavirus là thấy rõ.

Trước hết, ông Trương đặt câu hỏi về thông tin Trung Quốc đưa ra và nhấn mạnh nỗi sợ hãi của mình khi đất nước bí mật này sẵn sàng và hy vọng có thể lừa dối được thế giới.

Ông nói: “Bắc Kinh chỉ công bố khả năng lây truyền từ người sang người vào ngày 20 tháng Giêng nhưng các bác sĩ ở Vũ Hán biết rõ khả năng lây truyền từ người sang người ngay từ tuần thứ hai của tháng Mười Hai.

“Nếu trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã không nói gì, thì hiển nhiên đã là một thái độ vô trách nhiệm.”

“Nhưng họ đi xa hơn thế nhiều. Những gì Bắc Kinh đã cố gắng làm là đánh lừa thế giới rằng virus không thể truyền từ người sang người.”

Hơn thế nữa, Trung Quốc đã gây áp lực với các quốc gia khác buộc các nước này phải cho phép những người từ Trung Quốc được nhập cảnh, bất chấp Bắc Kinh biết rõ sự nguy hiểm của virus.

Ông nói: “Thừa biết virus có thể truyền từ người sang người, Bắc Kinh lại áp lực các nước khác phải cho người Trung Quốc nhập cảnh, trong khi thực hiện cách ly và cô lập trên chính đất nước mình.”

“Bạn đặt hai sự kiện này với nhau và bạn đi đến kết luận về một âm mưu độc địa không thể tưởng tượng được.”

Chủ tịch Tập Cận Bình đã gây phẫn nộ vào đầu tuần này khi ông tuyên bố Trung Quốc đã cư xử có trách nhiệm và minh bạch với phần còn lại của thế giới trong đại dịch coronavirus.

Ông Tập cũng tuyên bố Trung Quốc đã thay đổi thủy triều của đại dịch coronavirus và bảo vệ cuộc sống và hạnh phúc của người dân thế giới.


Source:Express

3. Số lượng coronavirus đang gia tăng của Brazil cho thấy một tuần đen tối phía trước

Vào hôm Chúa Nhật, Bộ Y tế Brazil đã công bố 15, 813 trường hợp nhiễm coronavirus mới đã được xác nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận lên hơn 363, 000. Hơn 22, 000 người Brazil đã chết cho đến nay.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, hôm thứ Bảy, Brazil đã vượt qua Nga để trở thành quốc gia có nhiều trường hợp được xác nhận nhất về Covid-19 sau Hoa Kỳ.

Trong đêm thứ Bẩy Bolsonaro và đội an ninh của ông rời khỏi dinh tổng thống Brazil và dừng chân ngẫu hứng tại một quầy bán xúc xích. Trong khi báo chí địa phương quay quanh tổng thống để chụp hình ông đang ăn bữa ăn nhẹ của mình, mọi người có thể nghe thấy những tiếng la hét “kẻ giết người” và “đồ rác rưởi” cùng với những tiếng đập nồi và chảo từ cửa sổ các căn nhà của họ. Tổng thống có lúc quay lại, bình tĩnh vẫy tay chào đám đông để đáp lại những lời chửi bới.

Trong khi số trường hợp nhiễm bệnh và các trường hợp tử vong tăng cao, Bolsonaro đã gọi virus này là thứ “cúm nhỏ nhặt” và thường xuyên đánh giá thấp rủi ro của nó. Hai bộ trưởng y tế đã rời bỏ nội các của ông trong vài tuần qua - một người bị sa thải và người còn lại từ chức - sau những bất đồng về cách xử lý đại dịch.

Bolsonaro đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về tác động tài chính của virus, cảnh báo nguy hiểm về kinh tế sẽ tồi tệ hơn chính virus. Ông đã thẳng thắn chống lại các biện pháp phòng ngừa, như cô lập và kiểm dịch, do các thống đốc và thị trưởng của một số nơi bị ảnh hưởng nhất ở Brazil áp đặt.

Những người ủng hộ ông dường như đồng ý. Vào hôm Chúa Nhật, đám đông đã tập trung bên ngoài Dinh Tổng thống Planalto vẫy biểu ngữ và cờ ủng hộ Bolsonaro và phản đối các biện pháp cô lập. Các cuộc biểu tình đã diễn ra gần như mỗi cuối tuần và thường được phát trực tiếp trên tài khoản Facebook cá nhân của Bolsonaro.

Những người chống đối Bolsonaro cho rằng ông đang phạm vào tội ác diệt chủng.


Source:CNN

4. Tây Ban Nha kêu gọi khách du lịch nước ngoài quay lại từ tháng Bảy

Bộ Y tế Tây Ban Nha đã sửa đổi số người chết do coronavirus của đất nước giảm gần 2, 000 xuống chỉ còn 26, 834 vào hôm thứ Hai 25 tháng Năm sau khi kiểm tra dữ liệu do các khu vực cung cấp.

Tổng số các trường hợp được ghi nhận kể từ khi dịch bệnh bắt đầu cũng đã được sửa đổi, và bây giờ chỉ còn 235.400, ít hơn 372 so với con số hôm Chúa Nhật.

Chỉ có khoảng 50 người chết một ngày vì virus trong suốt một tuần qua, đó là một sự sụt giảm rõ rệt so với các tuần trước.

Tổng số người chết, hiện đã tăng ít hơn 50 người mỗi ngày trong hơn một tuần, so với mức cao nhất là 950 người vào đầu tháng Tư. Các con số hàng ngày thường bao gồm những người đã chết vài ngày trước hoặc thậm chí vài tuần trước đó.

Điều phối viên khẩn cấp về sức khỏe Fernando Simon cho biết các kiểm tra dữ liệu đã chỉ ra rằng một số trường hợp tử vong trước đó đã được tính hai lần và một số người ban đầu được cho là bị nhiễm bệnh hóa ra không dương tính với coronavirus.

“Chúng tôi đang sửa chữa các con số thống kê, xác nhận dữ liệu, loại bỏ các trường hợp trùng lặp, loại bỏ các trường hợp đã được thông báo là nhiễm coronavirus trong khi vẫn đang trong tình trạng nghi ngờ chưa được xác nhận, ” ông phát biểu tại một cuộc họp báo.

Tây Ban Nha, quốc gia được nhiều khách du lịch đến thăm thứ hai trên thế giới, hiện đang thúc giục các khách du lịch nước ngoài bắt đầu quay trở lại vào tháng Bẩy.

Tuy nhiên, cho đến nay chính phủ Mácxít Pedro Sánchez, vẫn cấm các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự đến ít nhất là cuối tháng 7.


Source:News Asia
 
Người Công Giáo có thờ Đức Mẹ không?
Giáo Hội Năm Châu
15:54 26/05/2020


Một trong những vấn đề có thể coi là căng thẳng giữa người Công Giáo và người Tin Lành là lòng sùng kính đối với Đức Mẹ.

Ngày 24 tháng 5 hàng năm là ngày lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, được các tín hữu Công Giáo Trung Quốc mừng rất trọng thể. Họ thường tổ chức các cuộc hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn cách Thượng Hải 38km về phía Tây. Năm nay, cuộc hành hương của anh chị em vấp phải chống đối gay gắt và bách hại của bọn cầm quyền Bắc Kinh.

Điều đáng tiếc là lòng sùng kính Đức Mẹ của người Công Giáo còn bị chất vấn bởi các anh chị em tín hữu Tin Lành đồng cảnh ngộ.

Trong chương trình này, chúng tôi xin được giới thiệu với quý vị và anh chị em bài viết sau đây của Cha Phaolô Nguyễn Văn Tùng dưới nhan đề:

“Người Công Giáo có thờ Đức Mẹ không? ”

Dĩ nhiên, người Công Giáo chúng ta chỉ THỜ phượng một Chúa duy nhất mà thôi. Nhưng chúng ta cũng rất kính mến Ðức Mẹ và các Thánh. Ðiều này đã được giải thích, trình bày rất nhiều lần và qua các thế hệ. Một số giáo hội Tin Lành như Anh giáo, Lutheran cũng đồng quan điểm với chúng ta về sự kính mến Ðức Mẹ. Giáo hội Chính Thống cũng rất tôn kính Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Tuy nhiên ở thời nào cũng có một số người qúa khích, luôn luôn tìm cách đả kích và lên án Giáo Hội Công Giáo. Một trong những đề tài mà họ thường xử dụng là việc người Công Giáo “thờ” Ðức Mẹ. Những người thuộc loại này, ngày nay chúng ta hay thấy ở các nhóm Tin Lành qúa khích (fundamentalism). Ðối với những kẻ cố tình gán ép, công kích bất kể sự giải thích của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta chỉ biết cầu nguyện cho họ mà thôi. Nhưng đối với những người thật tình muốn tìm hiểu, hoặc ngay cả việc muốn tranh luận về vấn đề này, người Công Giáo cần phải thỏa mãn họ cách nghiêm chỉnh, trong sự tương kính, và tình nhân ái.

Giáo huấn của giáo hội luôn luôn rõ ràng: Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa Cha và con người. Không một ai dù ở trên trời hay dưới thế có thể thay thế Ngài. Vai trò của Ðức Mẹ và các Thánh là dẫn đưa các tín hữu đến với Ðức Kitô. Sự trung gian phụ này do chính Chúa ban cho các ngài, chứ không phải các ngài tự có.

ÐỨC MẸ TRONG KINH THÁNH

Trong bất cứ giai đoạn quan trọng nào của cuộc đời Chúa Cứu Thế, chúng ta luôn nhìn thấy hình ảnh của Ðức Mẹ. Khi Chúa khởi đầu chương trình cứu chuộc của Ngài, Ðức Mẹ đã được Thiên Thần Gabriel ca tụng là đầy ơn phúc và nhiều phúc lạ hơn mọi người nữ (Lu-ca 1:28). Lúc Hài Nhi Thánh được sinh ra ở Bê-lem, Ngài đã không đến trực tiếp từ trời, nhưng qua cung lòng trinh nữ Maria (Mát-thêu 1:25; Lu-ca 2:7) Khi thánh Giuse và Ðức Mẹ dâng con trẻ trong đền thờ, tiên tri Simeon đã tiên báo là Ðức Mẹ sẽ phải gặp rất nhiều đau khổ (Lu-ca 2:35). Mười hai năm sau, cũng sau một lần thăm viếng đền thờ, con trẻ Giêsu đã trở về Nazareth với mẹ và cha nuôi đồng thời tuân phục các ngài (Lu-ca 2:51).

Ðức Mẹ đã hiện diện trong bữa tiệc cưới ở Cana để chứng kiến phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu, đồng thời khởi sự cuộc rao giảng công khai của Ngài (Gioan 2:3). Thỉnh thoảng, Đức Mẹ đã đến thăm Chúa Giêsu khi Ngài đang rao giảng (Mát-thêu 12:46-50). Lúc Chúa chịu thọ hình, chính Ðức Mẹ đã đứng ở chân thánh giá để chứng kiến cái chết của con mình, đồng thời, theo lời truyền của Chúa, nhận thánh Gioan (đại diện Giáo Hội) làm con. Trong hiệu qủa, Ðức Mẹ đã nhận lãnh vai trò làm Mẹ của Giáo Hội (Gioan 19:26). Cuối cùng, khi các môn đệ nhận lãnh Chúa Thánh Linh trong ngày hiện xuống, Ðức Mẹ cũng có mặt ở đó (Tông Đồ Công Vụ 1:14).

ÐỨC MẸ TRONG GIÁO HỘI

Từ khởi sự cho đến hoàn thành, hình ảnh của Ðức Mẹ, lúc ẩn, khi hiện, nhưng luôn bàng bạc trong cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Khi Chúa Giêsu hoàn tất cuộc giáng trần, vai trò của Ðức Mẹ đã mở rộng từ việc làm mẹ thể lý của Chúa đến là mẹ tinh thần của tất cả anh chị em Ngài, cả Giáo Hội. Ðức Mẹ đã không xin hoặc đòi hỏi tước vị này, hay Giáo Hội đã phong cho Ðức Mẹ, nhưng là chính Chúa Kitô, từ trên thập gía, đã truyền lệnh ấy cho Mẹ và cho toàn thể Giáo Hội.

Người Công Giáo nhìn vào Ðức Mẹ như một gương mẫu và vị “chỉ bảo đàng lành.” Qua lời xin vâng trong ngày Truyền Tin, Ðức Mẹ đã trở nên người Kitô đầu tiên và hoàn hảo nhất. Cả cuộc đời của Ðức Mẹ là một minh chứng cho thấy những nhiệm mầu sẽ đến, nếu người ta biết hợp tác với Thánh Ý của Chúa. Niềm tin vững mạnh vào Chúa và tiếng đáp lại lời Ngài của Ðức Mẹ đã khiến Ðức Mẹ trở thành con người đầu tiên nhận lãnh Ðức Kitô, cả hồn và xác. Từ đấy, giáo hội vẫn luôn lập lại lời thánh Elizabeth: “Phúc thay cho người nữ đã tin rằng lời của Chúa về bà sẽ được hoàn thành.” (Lu-ca 1:45).

Người Công Giáo xin lời bầu cử của Ðức Mẹ cũng như họ xin lời cầu nguyện của tất cả những tín hữu tốt lành, còn sống cũng như đã chết, vì tất cả sinh tồn trong Ðức Kitô (1 Cô-rin-tô 15:22). Việc các thánh cùng thông công này đã được giáo hội thực thi ngay từ khởi đầu. Nếu chúng ta, là những người có tội mà vẫn có thể cầu nguyện cho nhau, tại sao chúng ta không thể xin Ðức Mẹ và các thánh chuyển cầu?

Lời cầu nguyện thường xuyên nhất đối với thân mẫu Ðức Kitô là kinh Ave Maria: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà... Tại sao những người Tin lành qúa khích lại có thể chống lại lời cầu nguyện rất Kinh Thánh này? Vì phần đầu của kinh Kính Mừng đã lấy trực tiếp từ lời của Thiên Sứ Gabriel khi truyền tin cho Ðức Mẹ (Lu-ca 1:28-42). Trong khi phần thứ hai của kinh này xác định Thiên Tính của Ðức Kitô, tình trạng tội lỗi của con người, nhân loại sẽ phải đối diện với cái chết, và sức mạnh của lời chuyển cầu.

Kinh Kính Mừng đã thở thành một phần quan trọng của chuỗi Mân Côi, một hình thức tổng hợp của việc cầu nguyện và suy gẫm về những mầu nhiệm của công trình Cứu Chuộc. Thế mà những người Tin Lành qúa khích đã cho đó là những lời lập đi lập lại vô ích. Người Công Giáo không đặt nặng trên những lời cầu, nhưng là thái độ và bầu khí cầu nguyện khiến người cầu kinh có thể chìm vào sự cảm nghiệm thánh, nghe được tiếng Chúa thay vì tiếng của chính mình.

Việc cầu nguyện với Ðức Mẹ tự nó không phải là cứu cánh, nhưng chỉ là một phương tiện đưa con người đến sự kết hợp sâu xa hơn với Con của Mẹ. Ðến với Ðức Giêsu qua Ðức Mẹ (Ad Jesum per Mariam) đã là châm ngôn cổ truyền nhất của mọi tín hữu Công Giáo. Sùng kính Ðức Mẹ cách thực sự, không bao giờ làm mờ đi sự duy nhất của Ðức Kitô, vì người Công Giáo biết rằng mệnh lệnh duy nhất của Ðức Mẹ đã được ghi lại trong Kinh Thánh, là phải vâng lời Chúa trọn vẹn Hãy làm bất cứ điều gì Ngài bảo. (Gioan 2:5).

CÁC TÍN ÐIỀU VỀ ÐỨC MẸ

Người Tin Lành qúa khích vẫn hiểu lầm (hay cố tình không hiểu) hai tín điều chính về Ðức Mẹ: Vô Nhiễm Nguyên Tội (Immaculate Conception) và Hồn Xác Lên Trời (Assumption). Các tín điều về Ðức Mẹ luôn được đặt qua lăng kính Kitô học và Giáo Hội học. Nói một cách khác, Giáo Hội suy niệm về Ðức Maria để nói về Ðức Giêsu và về Giáo Hội nhiều hơn là nói về chính Ðức Mẹ, Ðấng nối liền Chúa và Giáo Hội vì vai trò đặc biệt của Mẹ trong công cuộc cứu rỗi.

Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Mẹ minh chứng rằng Ðức Trinh Nữ đã không vướng tội nguyên tổ của ông bà Adam và Eve. Tín điều này còn nói lên hai điểm quan trọng khác. Thứ nhất, Ðức Mẹ được ơn Vô nhiễm vì Ngài đã hoàn toàn ưng thuận làm Mẹ Ðấng Cứu Thế và để lòng Mẹ được xứng đáng là nơi Chúa ngự. Thứ hai, qua sự chết và phục sinh của Chúa Kitô, tất cả những tì vết gây nên bởi nguyên tổ trong các tín hữu, đã được thanh tẩy nhờ phép rửa tội.

Nhiều giáo phái Tin lành đã tỏ ra lo ngại về tín điều này, vì họ cho rằng tín điều sẽ làm mất đi nhân tính của Ðức Mẹ và nâng Ngài lên hàng thần thánh. Họ trưng đẫn kinh Ngợi Khen (Magnificat), theo đó Ðức Mẹ đã tuyên xưng Thiên Chúa Ðấng cứu độ tôi (Lu-ca 1:47). Như vậy, chính Ðức Mẹ đã tự nhận rằng mình cần được cứu chuộc. Về điều này, thần học Công Giáo đã giải thích rằng, đúng vậy, Ðức Mẹ cũng cần được cứu chuộc, nhưng Mẹ đã được cứu rỗi bởi ơn ban trước (prevenient grace). Có nghĩa, Ðức Mẹ đã được Chúa cho tránh khỏi tội nguyên tổ trước khi Chúa giáng trần để chịu chết và phục sinh, cứu độ nhân loại. Ðức Mẹ được ơn vô nhiễm nguyên tội ngay từ khi thành thai trong lòng mẹ Ngài là thánh Anna, để sau này trở nên người Mẹ Vô Nhiễm, đón nhận người Con Vô Nhiễm là Ðấng Thiên Sai vào lòng mình. Quan niệm về thời gian chỉ là của nhân loại, đối với Thiên Chúa là Ðấng hằng có đời đời thì thời gian không có nghĩa gì cả. Người nữ được vinh dự đón Ngôi Hai Thiên Chúa vào lòng cần phải được thanh tẩy và chuẩn bị trước, đó cũng là điều có thể hiểu được với sự suy luận thông thường.

Tín điều Hồn Xác Lên Trời dạy rằng Mẹ Thiên Chúa đã được cất về trời cả hồn lẫn xác. Thân xác của Ðức Mẹ đã không bị hư đi, vì Ngài đã cưu mang Ðấng Cứu Chuộc. Mọi Kitô hữu (cả Công Giáo lẫn Tin Lành) đều tin kẻ chết sẽ sống lại, tín điều hồn xác lên trời chỉ đơn thuần tái xác định sự thừa nhận của Chúa về sự xứng đáng của Ðức Mẹ để được hưởng ơn cứu độ toàn diện (sống lại trước mọi người) vì Ngài là Mẹ Ðức Kitô và là Mẹ Giáo Hội. Ở đây, chúng ta lại thấy chiều kích Kitô học và Giáo Hội học. Phần thưởng hồn xác lên trời đã trao ban cho Ðức Mẹ vì Ngài đã cưu mang Ðấng Cứu Thế. Ðồng thời phần thưởng này còn nhắc đến việc kẻ chết sống lại, điều mà cả Giáo Hội đang trông mong.

Không phải chỉ có Ðức Mẹ mới được hưởng ơn vô nhiễm nguyên tội (khỏi tội tổ tông), chúng ta đã được hưởng ơn này qua bí tích Thanh Tẩy. Ơn hồn xác lên trời, Ðức Mẹ đã được hưởng trước, nhưng mọi tín hữu đều có thể được hưởng trong ngày Chúa giáng lâm lần thứ hai.

ÐỨC MARIA TRỌN ÐỜI ÐỒNG TRINH

Người Tin lành qúa khích đã công kích Giáo Hội Công Giáo về vấn đề Ðức Maria trọn đời đồng trinh. Tất cả các Kitô hữu đều tin rằng Ðức Maria đã đồng trinh cho tới khi hạ sinh Chúa Giêsu, điều này đã được ghi rõ trong Phúc Âm (Mát-thêu 1:18; Lu-ca 1:34). Nhưng sau đó là vấn đề đã gây bất đồng ý kiến. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng Ðức Mẹ đồng trinh không những cho tới khi mang thai Chúa Cứu Thế, nhưng còn suốt đời của Mẹ nữa.

Trước nhất, đây là việc bảo vệ một sự thật. Từ lâu, trước khi các giáo phái Tin Lành tự tách lìa khỏi giáo hội Roma (thế kỷ thứ 16), sự đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ đã luôn luôn được dạy và tin tưởng. Các kinh phụng vụ cổ thời nhất đã nhắc đến Ðức Mẹ là Trinh Nữ. Nếu Ðức Mẹ đã không đồng trinh trọn đời, tại sao người ta vẫn gọi Ðức Mẹ là Trinh Nữ sau khi Chúa Kitô giáng trần? Một người chưa lập gia đình thì được gọi là độc thân, nhưng đến khi anh ta thành gia thất rồi thì không ai còn gọi anh ta là chàng độc thân nữa. Giáo hội thuở ban đầu luôn luôn gọi Ðức Mẹ là Thánh Nữ Ðồng Trinh và Ngài đã sống và chết như một trinh nữ.

Thứ hai, tất cả các kinh tin kính cổ thời nhất đều nhấn mạnh đến điều Ðức Maria trọn đời đồng trinh. Kinh tin kính ở Epiphanius năm 374; Công đồng Constantinople đệ nhị năm 553; và Công đồng Lateran năm 649. Các Thánh phụ trong giáo hội như Augustine, Jerome, và Cyril thành Alexandria đều viết về Ðức Mẹ đồng trinh trọn đời. Ngay cả các nhà cải cách Tin Lành như Luther, Calvin, và Zwingli cũng đã đồng ý về sự đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ.

Sự trọn đời đồng trinh của Ðức Mẹ đã nói lên tính cách đặc biệt trong ơn gọi của Mẹ. Ðức Mẹ đã được gọi và được chọn là Mẹ của Ðấng Cứu Thế, không một công tác nào trên thế gian còn còn có thể quí trọng hơn công tác này, vì vậy thật là hữu lý khi nói rằng không còn con người trần thế nào được sinh ra từ cung lòng của Mẹ, đã cưu mang Ðấng Thiên Sai.

Ngoài ra, đã không có bằng chứng nào cho thấy Ðức Maria đã có thêm con cái sau Ðức Giêsu. Thánh sử Mác-cô, 3:31-33, đã nói đến mẹ và anh em Ngài, nhưng đây là hậu qủa của sự thiếu chính xác trong hai ngôn ngữ Do thái và Aram. Cùng một chữ này nhưng ở những nơi khác lại được dịch là đồng bào (brethren), hay còn được hiểu là anh em ruột thịt, bà con gần hoặc họ hàng xa. Truyền thống của giáo hội từ hai ngàn năm nay vẫn lưu truyền rằng Ðức Maria đã trọn đời đồng trinh. Không nên vì một vài người muốn nói khác đi mà giáo hội phải thay đổi truyền thống ngàn xưa đó.

CÁC PHÉP LẠ ÐỨC MẸ HIỆN RA

Cũng có một số các Kitô hữu ngoài Công Giáo đã tỏ ra quan tâm về việc các phép lạ Ðức Mẹ hiện ra. Chính Giáo Hội Công Giáo đã không dễ dàng chấp nhận sự xác thật của các phép lạ nói trên; tuy nhiên, Giáo Hội cũng tin rằng đối với Chúa sự gì cũng có thể xảy ra. (Lu-ca 1:37). Nếu Chúa đã tự tỏ mình ra hay gửi vị trung gian để truyền mệnh lệnh của Ngài trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, kể cả thời gian sau khi Chúa đã lên trời, như sự kiện Chúa gọi thánh Phaolô, thì tại sao ngày nay chúng ta phải thắc mắc về điều này?

Tất cả những phép lạ hiện ra, dù là do chính Chúa thực hiện như với thánh nữ Maria Magarita, hoặc qua sự chuyển mệnh của Ðức Mẹ như ở Lộ Ðức hay Fatima v.v… đều mang một chủ đề tương tự. Ðã không có những mạc khải mới, nhưng chỉ là sự tái xác định những huấn lệnh của Phúc Âm. Các con hãy cải thiện đời sống và tin tưởng vào Tin Mừng (Mác-cô 1:15). Thật lạ lùng, đây cũng chính là những thông điệp mà các giáo sĩ Tin Lành qúa khích đã và đang rao giảng.

TÔN THỜ ÐỨC MẸ?

Trở lại câu hỏi người Công Giáo có tôn thờ Ðức Mẹ không? Câu trả lời luôn luôn là KHÔNG, nhưng các giáo dân Công Giáo có bổn phận phải kính mến Ðức Mẹ cũng như các Thánh, vì các Ngài đã nêu gương sáng đức tin cho thế gian qua cuộc đời của các Ngài. Người Công Giáo xin lời bầu cử của các Ngài trước toà Chúa khi tất cả các tín hữu ở trên trời cũng như còn dưới thế cùng nhau cầu nguyện lời kinh hoàn hảo của Ðức Kitô.

Ðức Maria là dấu chỉ của niềm hi vọng cho tất cả các Kitô hữu; trong Mẹ, Chúa đã đem vườn địa đàng trở lại tình trạng tinh sạch của thuở ban đầu. Vì vậy, Mẹ là dấu chỉ và hứa hẹn của những gì Chúa sẽ làm cho những người biết noi theo gương trung tín của Mẹ. Trong Kinh Thánh, Ðức Mẹ đã tiên tri: Mọi thế hệ sẽ khen tôi có phúc. (Lu-ca 1:48). Thể hiện lời tiên tri này, người Công Giáo coi đó là điều vinh hạnh vô cùng, vì người ta không thể không nhắc đến người Phụ Nữ này và vai trò độc đáo của Bà trong đức tin Kitô giáo. Nếu không, người ta sẽ bóp méo sự thật của Kinh Thánh.
 
Diễn biến nghiêm trọng: Sự tàn bạo của cảnh sát có thể gây biến động lớn, HĐGM Minnesota cảnh báo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:13 26/05/2020

1. Diễn biến đáng lo ngại: Sự tàn bạo của cảnh sát có thể gây biến động lớn, Hội Đồng Giám Mục Minnesota cảnh báo

Tính đến thứ Tư 27 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến 350, 403 người, trong số 5, 652,527 trường hợp nhiễm coronavirus.

Riêng tại Hoa Kỳ, các trường hợp tử vong đã vượt quá con số 100, 000. Cụ thể là có 100, 468 người thiệt mạng trong số 1, 722,849 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Riêng tại tiểu bang Minnesota, tử vong đã lên đến 908 người, trong số 21, 960 trường hợp nhiễm coronavirus.

Trong một diễn biến rất nghiêm trọng có thể dẫn đến bạo động chủng tộc tại Mỹ, hôm thứ Ba 26 tháng Năm, Hội Đồng Giám Mục tiểu bang Minnesota đã ra một tuyên bố lên án sự tàn bạo của cảnh sát và gọi cái chết của một người đàn ông da đen trong khi anh ta bị cảnh sát bắt giữ là một thảm kịch, và hoan nghênh việc mở một cuộc điều tra.

Vụ bắt giữ đã xảy ra hôm thứ Hai 25 tháng Năm tại Minneapolis. Một video về biến cố này được lưu hành trực tuyến một ngày sau đó kêu gọi người da đen biểu tình trên toàn quốc Hoa Kỳ. Trong video, một viên chức cảnh sát thuộc Sở cảnh sát thành phố Minneapolis có thể được nhìn thấy đang quỳ trên cổ một người đàn ông đang nằm trên đường khi anh ta bị bắt giữ. Người đàn ông sau đó được xác định là George Floyd.

“Tôi không thể thở được, ” George Floyd nói nhiều lần, rên rỉ khi đầu gối của một viên chức cảnh sát tiếp tục kẹp chặt và đè nặng lên cổ anh ta. Một viên chức cảnh sát thứ hai đứng nhìn.

Đoạn video dường như bỏ qua vài phút trước khi mắt Floyd dường như nhắm lại và người qua đường la làng lên rằng anh ta không cục cựa được nữa và hét vào mặt các viên chức cảnh sát để giải thoát anh ta khỏi bị kẹp cổ.

Theo báo cáo của Sở Cảnh sát thành phố Minneapolis về vụ bắt giữ, các viên chức cảnh sát sau đó đã còng tay Floyd và nhận thấy anh ta có vẻ đang gặp vấn đề về sức khoẻ. Họ gọi xe cứu thương, và Floyd được đưa đến Trung tâm y tế quận Hennepin, nơi anh ta qua đời một thời gian ngắn sau đó.

Hội Đồng Giám Mục của sáu giáo phận trong tiểu bang Minnesota, gọi cái chết của Floyd là một thảm kịch, và hoan nghênh chính quyền mở một cuộc điều tra tức khắc.

“Đây là một bi kịch. Thật là tốt khi các nhà điều tra của tiểu bang và liên bang đã xem xét vụ việc để xác định điều gì đã xảy ra, ” phát ngôn viên Jason Adkins của Hội Đồng Giám Mục Minnesota nói.

“Người dân cần phải cảm thấy an toàn trong cộng đồng của mình và tin tưởng vào cơ quan thực thi pháp luật, là những người nên thực thi quyền lực của mình trên tinh thần phục vụ. Chúng tôi hy vọng công lý sẽ được thực hiện nếu có những hành vi sai trái trong vụ này.”

Trong một tuyên bố trước đó vào hôm thứ Ba, Sở cảnh sát thành phố Minneapolis đã tìm cách chối tội và cho biết các cảnh sát viên có mặt tại hiện trường để đáp lại một “báo cáo về một sự giả mạo đang diễn ra”.

“Sau khi nghi phạm ra khỏi xe của mình, anh ta chống lại các cảnh sát, ” bản tuyên bố nói. “Các cảnh sát viên đã có thể còng tay nghi phạm và lưu ý rằng anh ta dường như đang có vấn đề về sức khoẻ.”

Các quan sát viên chỉ ra rằng tuyên bố này của Sở cảnh sát thành phố Minneapolis không ổn. Bản tuyên bố nhắm cho rằng các vấn đề về sức khoẻ của Floyd đã xảy ra trước khi bị cảnh sát bắt giữ. Nhưng vấn nạn lớn nhất của bản tuyên bố này là nếu cảnh sát đã nhận thấy anh ta có vấn đề về sức khoẻ thì tại sao lại quật anh ta xuống đất và dùng đầu gối kẹp chặt cổ anh ta như thế. Một tuyên bố hớ hênh như thế có khả năng dẫn đến bạo loạn, đặc biệt trong bối cảnh dân chúng đã rất căng thẳng vì đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay.

Thị trưởng của St. Paul đã gọi video này là “một trong những hình ảnh tệ hại và đau lòng nhất mà tôi đã từng thấy, ” và ông cho rằng cả hai cảnh sát viên “phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Điều này phải dừng ngay bây giờ.”

Trong một diễn biến mới nhất cảnh sát trưởng thành phố Minneapolis Medaria Arradondo cho biết trong một cuộc họp báo chiều thứ Ba rằng bốn cảnh sát viên liên quan đến vụ việc đã bị sa thải.

Thị trưởng thành phố Minneapolis, Jacob Frey, xác nhận rằng các cảnh sát viên đã bị đuổi khỏi ngành cảnh sát, và nói rằng “đây là quyết định đúng đắn cho thành phố của chúng ta”.


Source:Catholic News Agency

2. Tấm ảnh rửa tội gây kinh hoàng cho người Công Giáo

Chúng tôi vừa đề cập đến một video gây kinh hoàng cho quảng đại người Mỹ. Bây giờ, Kim Thúy xin được đề cập đến một tấm hình gây ngỡ ngàng cho người Công Giáo. Đó là tấm hình quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Nhiều người giải thích tấm ảnh này là một phương pháp rửa tội hiện đại được áp dụng trong thời đại dịch coronavirus kinh hoàng này. Để tránh lây lan coronavirus, vị linh mục đứng từ xa dùng súng bắn nước vào đứa bé được rửa tội.

Vị linh mục Tennessee trong bức ảnh hiện đang gây sóng gió tại Mỹ đã giải thích với giáo dân rằng bức ảnh được dàn dựng cho vui thôi. Các nghi thức rửa tội đã diễn ra bình thường.

“Đây là những gì cha Steve đã nói về điều này: 1) Gia đình đã yêu cầu ngài thực hiện tư thế này theo những ý tưởng được sao chép từ một số bài các linh mục đưa lên internet. Ngài đồng ý vì nghĩ rằng thật buồn cười. 2) Nước trong cây súng nước không phải là nước thánh và được phun về phía người cha chứ không phải đứa bé để gây ra sự hài hước, ” Giáo xứ Công Giáo Thánh Máccô ở Manchester, Tennessee giải thích như trên trong một bài đăng trên Facebook hôm thứ Ba.

“Điểm mấu chốt là chuyện này để cho vui thôi”, bài viết của giáo xứ nói thêm.

Linh mục trong bức ảnh là Cha Stephen Klasek, phụ trách hai giáo xứ: Thánh Máccô và Thánh Phaolô Tông đồ ở Tullahoma gần đó. Cha Klasek là một linh mục của Giáo phận Nashville, đã được chịu chức linh mục 37 năm.

Giáo xứ cho biết họ đã đăng bài để “làm rõ bức ảnh đã lan truyền rất nhanh vì chúng tôi đã nhận được các câu hỏi liên quan đến chuyện này. Nó đã thu hút được gần một triệu lượt xem trên Twitter, đã được đăng trên một số trang web và trên các memes, tức là các trang hình ảnh khôi hài với dụng ý hô hào người ta bắt chước. Nó đã tạo ra nhiều lời bình luận tốt cũng như những bình luận gây tranh cãi.”

Trong khi bức ảnh của Cha Klasek, có vẻ là được dàn dựng cho vui thôi, những bức ảnh của một linh mục có ý định ban phép lành cho giáo dân bằng súng nước ở Detroit đã lan truyền vào đầu tháng này. Cha Tim Pelc nhìn nhận với Buzzfeed News rằng ngài đã bắn giáo dân bằng nước thánh với một cây súng nước như một điều gì đó “dành cho những đứa trẻ trong giáo xứ”.

Bức ảnh của Cha Klasek lan truyền như cháy rừng trên các phương tiện truyền thông xã hội vào cuối tuần này. Trong khi một số người ca ngợi, những người khác chỉ trích bức ảnh, cho rằng bức ảnh dường như làm mất đi sự trang trọng của bí tích rửa tội hoặc tầm thường hóa chức vụ tư tế.

Giáo phận Nashville chưa trả lời các câu hỏi của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, liên quan đến bức ảnh được dàn dựng của Cha Klasek.


Source:Catholic News Agency

 
Thánh Ca
Thánh Ca: Đối Tượng Duy Nhất – Trình Bày: Ca Sĩ Kim Thúy
Ca Sĩ Kim Thúy
21:17 26/05/2020
 
Thánh Ca: Một Ngày Để Yêu Thương – Trình Bày: Ca Sĩ Kim Thúy
Ca Sĩ Kim Thúy
21:19 26/05/2020