Ngày 27-05-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 28/5 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:26 27/05/2023

BÀI ĐỌC 1  Cv 2:1-11

Bài trích sách Công vụ Tông đồ.

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  1Cr 12:3b-7,12-13

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, không ai có thể nói rằng: “Đức Giê-su là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí.

Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.

Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  

Alleluia. Alleluia.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, cho tâm hồn tín hữu được nhuần thấm muôn ơn, và cháy lửa yêu mến Ngài.

Alleluia.


TIN MỪNG  Ga 20:19-23

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Đó là Lời Chúa.
 
Ra khỏi nhà tù riêng của mình
Lm. Minh Anh
15:22 27/05/2023

RA KHỎI NHÀ TÙ TỰ TẠO
“Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín!”.

Một nhà thần học nói, “Satan, thủ lãnh thế giới, giam hãm chúng ta vào nhà tù riêng của mình bằng các chấn song tính hư nết xấu và tội lỗi. Nhưng Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ Thế Giới, đã giải thoát chúng ta. Ngài bẻ gãy các chấn song, đưa chúng ta ‘ra khỏi nhà tù tự tạo’ của mình!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ Thế Giới, đã đưa chúng ta ‘ra khỏi nhà tù tự tạo’ của mình!”. Đúng thế! Tin Mừng Chúa Nhật Hiện Xuống chứng tỏ điều đó với một chi tiết khá thú vị, Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ khi “các cửa đều đóng kín!”. Với Ngài, cửa khoá không là vấn đề! Ngài không ngại cửa khoá! Không chỉ đi vào, Ngài còn đi ra; mở toang các cửa, cửa tâm hồn, cửa trái tim. Ngài giục chúng ta mau ‘ra khỏi nhà tù tự tạo!’.

“Các cửa đều đóng kín!”, nghĩa là cửa ‘khoá phía trong!’. Vậy điều gì khiến trái tim bạn ‘khoá phía trong’, và lạnh lùng chững lại trên con đường hoán cải và dấn thân? Không lẽ chỉ vì sự ươn lười nội tâm mà bạn và tôi mù quáng đến mức không nhận ra quyền năng sống động của Chúa Phục Sinh? Chúng ta hoàn toàn có thể ‘ra khỏi nhà tù tự tạo’, chỉ bằng cách tin vào Chúa Kitô. Hôm nay Ngài lại đến qua những cánh cửa ‘khoá phía trong’; Ngài yêu cầu bạn và tôi mở khoá bằng những ‘trải nghiệm phục sinh’ của riêng mình trong quyền lực Thánh Thần. Bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho biết, “Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Thánh Thần”.

Một trong những ‘trải nghiệm phục sinh’ của các tông đồ là bình an của Chúa Phục Sinh, “Bình an cho các con!”. Nào xem, bình an của bạn có phải là “bình an” của phòng Tiệc Ly? Hãy xem, trong tuần qua, những nơi nào mà bạn đã cố tìm sự ủi an; bạn “thoả mãn”, “hài lòng” hay “bình an?”. Bình an của Chúa Kitô hoàn toàn khác! Bạn có thể biết ơn một số thoả mãn vốn là một phần cuộc sống; nhưng khi tìm chúng vì ích kỷ, bạn có thể dễ dàng nhấn chìm sự sống của Chúa Thánh Thần, Đấng mang cho bạn bình an đích thực! Lễ Hiện Xuống phải thuyết phục bạn và tôi trên hết và trước hết ‘về sự cầu nguyện và về trật tự cuộc sống’, vốn cho phép mỗi người ‘ra khỏi nhà tù tự tạo’. Nhờ đó, có thể tiếp cận các nguồn ân sủng và soi dẫn của Thánh Thần, Đấng “canh tân bộ mặt trái đất”, “đổi mới tâm hồn” như Thánh Vịnh đáp ca công bố!

Trong Bí Tích Cáo Giải, bạn được thứ tha nhờ tác động của Thánh Thần. Bạn tin ơn tha thứ, tin sự biến đổi nhờ lòng thương xót Chúa; vậy tại sao bạn không tin ân sủng từ Thánh Thần có thể giúp bạn ‘ra khỏi tù’ để trở nên những vị thánh anh hùng, chiến thắng trong thử thách, nhẫn nại trong gian truân và hiệu quả trong tư cách tông đồ? Chúa Kitô luôn ở với chúng ta; vì vậy, không lý do gì để bạn và tôi “trung lập” hay “thoả hiệp” sau một vài sự cố tồi tệ trong cuộc sống!

Anh Chị em,

“Các cửa đều đóng kín!”. Thế giới càng mở ra bao nhiêu, tâm hồn mỗi người càng khép kín bấy nhiêu! Tại sao? Thế giới mở ra với bao chèo kéo, chào mời, nhằm cuốn hút con người vào vòng xoáy cơn lốc của chủ nghĩa hưởng thụ; nó mồi chài con người bằng sự dễ dãi của thuyết tương đối. Từ đó tâm hồn con người ngày càng đóng kín, ích kỷ, nếu không nói là ‘khoá chặt phía trong’. Không, chúng ta sẽ không để mình vong thân, bạn và tôi không phải là những tù nhân của thế giới. Chúa Phục Sinh, “Đấng bẻ gãy các chấn song tính hư nết xấu và tội lỗi” sẽ giải thoát chúng ta vốn là con cái tự do của “Đấng làm mọi sự trong mọi người” như bài đọc hai hôm nay nói đến. Ngài đang làm hết sức để chúng ta sớm mở khoá, mà ‘ra khỏi nhà tù tự tạo!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Thánh Thần, giúp con mở những ‘cánh cửa khoá phía trong’; bẻ gãy ‘các chấn song’ bằng ân huệ Chúa. Đưa con ra khỏi ‘chốn tù đày’ mà không bao giờ có chút vấn vương!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ta hãy cầu nguyện cho ngài.
Đặng Tự Do
05:28 27/05/2023


Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường trình nhan đề “Pope has a fever, is at home in Casa Santa Marta”, nghĩa là “Đức Thánh Cha bị sốt đang ở nhà tại nhà trọ Thánh Matta”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Do bị sốt nên sáng nay Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải hủy bỏ các buổi tiếp kiến, ông Matteo Bruni, giám đốc phòng báo chí Vatican, xác nhận với I MEDIA ngày 26 tháng 5 vừa qua. Đức Giáo Hoàng 86 tuổi hiện không ở trong bệnh viện, nhưng ở nhà tại Casa Santa Marta, theo thông tin của chúng tôi.

Sáng nay, tức là thứ Sáu 26 Tháng Năm Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một ngày hiếm hoi không có bất kỳ cuộc tiếp kiến chính thức nào theo lịch trình. Hôm qua, thứ Năm 25 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô có tám cuộc hẹn vào buổi sáng. Vào buổi chiều, ngài đến Học viện Giáo hoàng Augustinô, cách Vatican không xa, để tham gia một sự kiện do mạng lưới giáo dục Scholas Occurrentes tổ chức, trong đó ngài nói chuyện với các bạn trẻ bằng tiếng Tây Ban Nha.

“Đức Giáo hoàng mệt mỏi,” nhân vật số 2 của Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh giải thích bên lề buổi giới thiệu một cuốn sách vào buổi chiều tại Đại sứ quán Ý cạnh Tòa thánh, trong các bình luận được AFP đưa tin. “Hôm qua, Đức Giáo Hoàng đã có một ngày rất, rất căng thẳng. Đêm qua tôi được biết rằng ngài đã gặp rất nhiều người và trong cuộc gặp với Scholas Occurrentes, ngài muốn chào tất cả họ và có lẽ đến một lúc nào đó sức đề kháng thể chất đã giảm đi.”

Mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô không có cuộc họp chính thức nào trong chương trình nghị sự sáng nay, nhưng ngài có thể có các cuộc hẹn riêng, theo thông lệ. Tuy nhiên, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh giải thích rằng tình trạng sốt của ngài đã ngăn cản Đức Thánh Cha gặp gỡ bất cứ ai.

Trong vài ngày tới, Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ tham dự một số cuộc họp chính thức. Vào ngày Chúa nhật, ngài sẽ cử hành Thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng. Vào ngày thứ Hai, Đức Thánh Cha sẽ trao Giải thưởng Phaolô Đệ Lục cho Tổng thống Ý Sergio Mattarella.

Chỉ chưa đầy hai tháng trước, vào ngày 29 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đưa đến Phòng khám đa khoa Gemelli ở Rome, nơi ngài phải nhập viện ba đêm vì bệnh viêm phổi. Đây là lần nhập viện thứ hai của ngài kể từ khi lên được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013. Vào tháng 7 năm 2021, ngài phải ở lại Gemelli để phẫu thuật ruột kết, trong đó 33 cm ruột đã phải cắt bỏ.
Source:Aleteia
 
Đức Hồng Y Eijk tin rằng Giáo hội phải dấn thân trong lãnh vực trí tuệ nhân tạo
Đặng Tự Do
05:30 27/05/2023


Đức Hồng Y Wilhelm Jacobus Eijk, Tổng Giám mục Utrecht, Hà Lan, cho rằng sự phổ biến của Trí Tuệ Nhân Tạo và các dịch vụ liên quan đến nó đòi hỏi Giáo hội Công giáo phải đáp ứng và cân nhắc.

Đức Hồng Y Eijk không chỉ là một Hồng Y và tổng giám mục, mà còn là một bác sĩ được đào tạo và một chuyên gia về đạo đức sinh học. Đối với ngài, có một điều chắc chắn: một mặt, Giáo Hội cần phải có mặt trong các chatbot như ChatGPT hay Google's Bard, hơn nữa, phải “truyền giáo” cho chúng để các phản hồi cũng bao hàm quan điểm tôn giáo. Mặt khác, cần phản ánh rộng hơn về tác động của trí tuệ nhân tạo và đặc biệt là về cách sử dụng Trí Tuệ Nhân Tạo, bao gồm cả trong lĩnh vực chăm sóc mục vụ và chăm sóc y tế, ảnh hưởng đến cách mà xã hội nhìn nhận con người.

Đức Hồng Y, nổi tiếng vì đã yêu cầu Giáo hội làm sáng tỏ vấn đề về hệ ý thức hệ giới tính, đã xác tín rằng: Giáo hội cũng phải nêu rõ lập trường của chính mình bằng một tài liệu chính thức về tác động của trí tuệ nhân tạo đối với con người. Đồng thời, ngài khẳng định rằng vẫn chưa phải là lúc, bởi vì cần phải có một sự phản ánh rộng lớn hơn nhiều.

“Thật khó để có một cái nhìn tổng quan về tất cả những gì trí tuệ nhân tạo có thể làm cho chúng ta vì đây vẫn là một lĩnh vực ít được biết đến. Nhưng các công nghệ Trí Tuệ Nhân Tạo như chatbot cũng có thể nói lên điều gì đó về các vấn đề tôn giáo.”

Tổng Giám mục Utrecht kể lại rằng trong một bài giảng, ngài đã đưa ra một ví dụ mà ngài đã đọc trong một cuốn sách, đề cập đến Thomas Aquinas:

“Tuy nhiên, một phó tế từ tổng giáo phận của tôi, đồng thời là giáo sư tín lý tại phân khoa thần học của chúng tôi ở Utrecht, không nhớ đã nghe câu chuyện này về Thánh Thomas Aquinas. Vì vậy, một linh mục trẻ đã hỏi một chatbot, và chatbot trả lời rằng ví dụ này đến từ Thánh Albert Đại đế, không phải Thánh Thomas Aquinas. Vì vậy, sự thật là gì? Phản hồi của chatbot là kết quả tính toán của trí tuệ nhân tạo. Nhưng điều này cũng có nghĩa là việc thêm nhiều thông tin tôn giáo vào chatbot có thể ảnh hưởng đến phản hồi. Để làm được điều này, chúng ta phải cố gắng có mặt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Mặc dù Trí Tuệ Nhân Tạo có thể làm được nhiều việc hơn là chỉ nhắn tin: Chatbot, với tư cách là hệ thống đối thoại dựa trên văn bản, đang rất thịnh hành ngày nay.

Một ví dụ nổi bật là “Bing” của Microsoft, đã phát triển với công nghệ Trí Tuệ Nhân Tạo từ một công cụ tìm kiếm thành một chatbot hỗ trợ Internet.

Chatbots như Bing hoặc Bard có thể dễ dàng mô phỏng các cuộc trò chuyện với các vị thánh dựa trên thông tin được phổ biến về cuộc đời và lời nói của các vị thánh.

Đức Hồng Y Eijk thừa nhận rằng một số thận trọng là cần thiết, nhưng đồng thời: “Nếu chúng ta chờ đợi quá lâu, những người khác sẽ đưa ra nhiều thông tin hơn để xác định câu trả lời. Vì vậy, chúng ta không nên đợi lâu mới hành động trong lĩnh vực này. Chúng tôi không biết hậu quả của việc sử dụng rộng rãi nhu liệu chatbot, nhưng chúng tôi đã có thể thấy trước một kịch bản nhất định. Người ta nói rằng nhu liệu này có lỗi, nhưng chúng sẽ như thế nào sau 10, 20, hay 5 năm nữa? Sẽ có những loại trí tuệ nhân tạo khác, những máy tính mạnh hơn nhiều có thể đưa ra câu trả lời chính xác hơn nhiều. Ngay bây giờ chúng ta cần phải tác động đến các câu trả lời.”

Đức Tổng Giám mục Utrecht nhấn mạnh rằng “việc sợ phát triển là điều dễ hiểu, bởi vì trí tuệ nhân tạo cũng có thể gây ra những hậu quả rất tiêu cực cho xã hội của chúng ta”.

Đức Hồng Y cho biết vấn đề về trí tuệ nhân tạo không chỉ ảnh hưởng đến việc sử dụng nhu liệu để tương tác, mà còn là vấn đề rộng lớn hơn về “việc người máy hóa xã hội của chúng ta, có thể dẫn đến mất nhiều việc làm, đặc biệt là những người chưa học một chuyên ngành nào.

Đức Hồng Y Eijk tiếp tục:

«Nói tóm lại, người máy là một loại nhân viên không đòi tăng lương, làm việc hai mươi bốn giờ một ngày mà không biết mệt mỏi. Điều này có thể thay đổi hoàn toàn xã hội của chúng ta, và tôi có ấn tượng rằng cho đến nay chưa có nhận thức nào, cả trong Giáo hội cũng như trong xã hội, về những thay đổi sâu sắc sẽ đến với chúng ta trong những năm tới.

Ngài nói, một mối nguy hiểm thực sự là nguy cơ của một “thuyết siêu nhân” mới, trong đó con người có thể bị đối xử và coi như máy móc. Ví dụ, Đức Hồng Y Eijk nhớ lại rằng “chúng ta đã có những viện dưỡng lão nơi người máy phân phát thực phẩm. Phân phát thức ăn cho người bệnh. Đây là những khoảnh khắc con người tiếp xúc với bệnh nhân, và điều đó đã bị đánh mất.


Source:infocatolica.com
 
Kenya – Châu Phi - Kinh hoàng một Vụ thảm sát ở Shakahola, có tổ chức, được lên kế hoạch kỹ càng và được thực hiện hoàn hảo
Thanh Quảng sdb
06:01 27/05/2023
Kenya – Châu Phi - "Kinh hoàng một Vụ thảm sát ở Shakahola, có tổ chức, được lên kế hoạch kỹ càng và được thực hiện hoàn hảo"
"Giáo chủ" Paul Mackenzie Nthenge của Giáo hội Tin lành Quốc tế

Nairobi, Theo Thông tấn Fides – Ông bộ trưởng của Kenya cho hay: Cho đến nay đã có 241 thi thể của các tín đồ của một giáo phái Kenya, được tìm thấy, chôn trong những ngôi mộ tập thể ở rừng Shakahola, miền đông Kenya, tại một trang trại ở quận Kilifi, gần thành phố Malindi (xem Fides, 3 /5/2023).

Khám nghiệm tử thi của 129 người cho thấy hầu hết các nạn nhân chết vì đói, sau khi tuân theo chỉ dẫn nhịn ăn cho đến chết "để tìm gặp Chúa Giêsu" theo lời giảng của "Giáo chủ" Paul Mackenzie Nthenge của Giáo hội Tin lành Quốc tế.

Theo nhân viên điều tra, một số nạn nhân, bao gồm cả trẻ em, đã bị bóp cổ, đánh đập hoặc ngạt thở. Cho đến nay, cảnh sát đã bắt giữ 39 người, trong đó có "Giáo chủ" Paul Mackenzie Nthenge, đồng thời giải cứu 91 thành viên của giáo phái được tìm thấy vẫn còn sống trong rừng.

Theo ông Kithure Kindiki, Bộ trưởng Nội vụ lo về “Ủy ban Đặc biệt tôn giáo” nói: “Hầu hết những người theo giáo phái này là người Kenya, đến từ các vùng phía tây, phía bắc và phía đông của đất nước và từ một số vùng ven biển, nhưng cũng có những công dân của các quốc gia châu Phi khác!”
Những xác chết được khai quật

Một định giá cuối cùng còn lâu mới có câu trả lời về số người chết được tìm thấy trong những ngôi mộ tập thể mới. Vì cuộc khai quật bị đình chỉ do các vấn đề hậu cần, thời gian khám nghiệm tử thi của 129 nạn nhân đã được khai quật.

Ông Bộ trưởng cho hay những chi tiết đáng lo ngại khác rằng "vụ thảm sát Shakahola là một tội ác được tổ chức tốt, lên kế hoạch tốt và được thực hiện rất hoàn hảo." Trong số 91 tín đồ đã được giải cứu và nhập viện, một số - Ông bộ trưởng nói - "không chịu ăn", trong khi bệnh nhân dù được nhập viện mà vẫn chết. Ngoài ra, thủ lĩnh giáo phái Mackenzie đã chiêu mộ một đội ngũ gồm những kẻ đánh đập để giết những người sống sót quá lâu hoặc thay đổi ý định.

Ông Bộ trưởng nói thêm rằng Giáo chủ Mackenzie và nhóm sát thủ của ông ta đã theo dõi sự chết đói của những người hâm mộ từ một cơ sở đặc biệt, nơi mà họ được phục dịch ăn uống no nê. Báo chí Kenya đưa tin rằng người ta đã tìm thấy một thực đơn chi tiết dành riêng cho Giáo chủ Mackenzie, cho thấy ông ta thưởng thức những bữa ăn thịnh soạn trong các bữa sáng, trưa và tối.

Ông Bộ trưởng cũng báo cáo rằng có bằng chứng lạm dụng tình dục một số trẻ em được tìm thấy nơi các em đã chết.
 
Thi sĩ và nghệ sĩ: thường diễn tả những gì người khác không thể
Thanh Quảng sdb
17:33 27/05/2023
Thi sĩ và nghệ sĩ: thường diễn tả những gì người khác không thể

Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ lời với những tham dự viên của một Hội nghị mang tên “Tính thẩm mỹ toàn cầu của trí tưởng tượng Công Giáo”, có sự tham dự của các nghệ sĩ và nhà văn từ khắp nơi trên thế giới, những người mà ngài khuyến khích hãy tiếp tục thể hiện, thông qua tác phẩm của họ, điều mà những người khác thường không thể làm được.

(Tin Vatican - Francesca Merlo)

Thứ Bảy, ngày 27 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trước những tham dự viên Hội nghị “Tính thẩm mỹ toàn cầu của trí tưởng tượng Công Giáo” được tài trợ bởi “La Civiltà Cattolica” cùng với Đại học Georgetown. Trong bài phát biểu trước các nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch bản và đạo diễn từ nhiều nơi trên thế giới - trong số đó có đạo diễn phim từng đoạt giải Martin Scorsese và gia đình ông - Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng ngài “yêu say nhiều thi sĩ trong đời mình”, và tiết lộ rằng chính ngài dạy văn chương khi còn trẻ.

Những bài học mà văn học mang lại

“Lời lẽ của các tác giả đã giúp tôi hiểu bản thân, thế giới và con người của tôi, nhưng hiểu sâu sắc hơn trái tim con người, đời sống đức tin và công việc mục vụ của tôi, ngay cả bây giờ trong chức vụ hiện tại của tôi”. ĐTC nói tiếp, văn học “như cái gai xuyên thấu con tim; nó đưa chúng ta đến bến bờ chiêm niệm và dẫn chúng ta vào một cuộc hành trình”.

Đôi mắt thấy và mơ

Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó đã chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân với những tham dự viên. “Đầu tiên, tôi xin chia sẻ: Bạn có đôi mắt nhìn xa và mộng mơ”, nhắc lại một nhà văn Mỹ Latinh đã từng nói rằng chúng ta có hai con mắt: một bằng thịt và một bằng thủy tinh. “Bằng con mắt xác thịt, chúng ta nhìn thấy những gì trước mặt chúng ta; với con mắt thủy tinh, chúng ta nhìn thấy những giấc mơ của mình”.

Nghệ sĩ là những người có con mắt vừa nhìn vừa mộng. Họ nhìn sâu hơn, họ nói tiên tri, họ chỉ cho chúng ta một cách nhìn khác và hiểu những gì trước mắt chúng ta. Thật vậy, thơ không nói về thực tại bắt đầu bằng những nguyên tắc trừu tượng, mà bằng lắng nghe thực tại trước tiên: công việc, tình yêu, cái chết và tất cả những điều lớn nhỏ lấp đầy cuộc sống của chúng ta. Theo nghĩa này, nó giúp chúng ta “khám phá ra tiếng nói của Thiên Chúa ngay trong không thời gian”. Ngày nay, Giáo hội cần đến những món quà của các bạn, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Sự 'bất an' của tinh thần con người

Sau đó, Đức Thánh Cha tiếp tục lưu ý rằng “Bạn cũng là tiếng nói của 'sự bồn chồn' của tinh thần con người”. ĐTC giải thích rằng họ nhận thức rõ rằng “cảm hứng nghệ thuật không chỉ an ủi mà còn hòa nhập vì nó thể hiện cả những hiện thực tươi đẹp và bi thảm của cuộc sống”. ĐTC giải thích rằng ngài đang đề cập đến những chỉ trích phề bình của xã hội, nhưng cũng “những cuộc đấu tranh sâu sắc của tâm hồn”, sự phức tạp của việc ra quyết định và những mâu thuẫn trong sự tồn tại của con người chúng ta.

ĐTC nói tiếp, với tư cách là nhà thơ, người kể chuyện, nhà làm phim và nghệ sĩ, nhiệm vụ của các bạn là mang lại sức sống cho những điều mà chúng ta thường không thể diễn tả được. ĐTC nói thêm: “Đừng bao giờ ngừng trở nên độc đáo và sáng tạo, đừng bao giờ đánh mất điều kỳ diệu khi được sống”.

Định hình trí tưởng tượng của chúng ta

Đức Thánh Cha Phanxicô chuyển sang điểm thứ ba và cũng là điểm cuối cùng, ngài lưu ý rằng “Bạn là một trong số những người định hình trí tưởng tượng của chúng tôi”, vì “công việc của bạn có tác động đến trí tưởng tượng tâm linh của con người thời đại chúng ta, đặc biệt về hình ảnh Chúa Kitô”. Trên thực tế, như đã nói trước đây, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “chúng ta cần thiên tài về ngôn ngữ mới, những câu chuyện và hình ảnh mạnh mẽ, những nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ có khả năng loan báo cho thế giới sứ điệp Tin Mừng, cho phép chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn những người hiện diện vì sự phục vụ của họ. “Hãy tiếp tục ước mơ”, ngài thúc giục họ, “hãy không ngừng nghỉ, gợi lên những lời nói và tầm nhìn có thể giúp chúng ta giải thích bí ẩn của cuộc sống con người và hướng dẫn xã hội chúng ta hướng tới vẻ đẹp và tình huynh đệ phổ quát”.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lý lẽ bênh vực Chúa Kitô. Chương Chín: Bằng chứng Nhận dạng Khuôn mặt, tiếp theo
Vũ Văn An
19:45 27/05/2023

Đấng Tạo dựng hay Tạo vật

Một phần của bản phác thảo mà Chúa Giêsu phải phù hợp là Thiên Chúa là Đấng bất tạo, đã hiện hữu từ một quá khứ đời đời. Isaia 57:15 mô tả Thiên Chúa là "Đấng sống đời đời." Nhưng, tôi nói với Carson, có một số câu dường như gợi ý mạnh mẽ rằng Chúa Giêsu là một hữu thể được tạo dựng.



Tôi nói, “Chẳng hạn như Gioan 3:16 gọi Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa 'được sinh ra', và Côlôsê 1:15 nói rằng Người là 'con đầu lòng của mọi tạo vật.' Há những câu này không ngụ ý rõ ràng rằng Chúa Giêsu được tạo dựng, chứ không phải là Đấng Tạo dựng đó sao?”

Một trong những lĩnh vực chuyên môn của Carson là văn phạm tiếng Hy Lạp, đã được ông sử dụng để trả lời cả hai câu đó.

Ông nói, "Hãy lấy câu Gioan 3:16. Bản King James dịch tiếng Hy Lạp với dòng chữ 'Con độc sinh của Người.' Những người coi bản dịch này là chính xác thường liên kết nó với chính việc Nhập thể - nghĩa là, sự ra đời của Người trong Đức trinh nữ Maria. Nhưng thực ra, đó không phải là ý nghĩa của từ này trong tiếng Hy Lạp.

"Nó thực sự có nghĩa là 'độc nhất vô nhị'. Cách nó thường được sử dụng trong thế kỷ thứ nhất là 'độc nhất và được yêu qúy'. Vì vậy, Gioan 3:16 chỉ đơn giản nói rằng Chúa Giêsu là Con duy nhất và được yêu quý - hay như New International Version [Phiên bản Quốc tế Mới] dịch nó, 'Con một và duy nhất' - thay vì nói rằng Người được sinh ra trong thời gian về mặt hữu thể học."

Tôi nhấn mạnh "Điều đó chỉ giải thích một đoạn văn thôi".

"Được, chúng ta hãy xem câu Côlôsê, tức câu sử dụng hạn từ 'con đầu lòng'. Đại đa số các nhà chú giải, dù bảo thủ hay cấp tiến, đều thừa nhận rằng trong Cựu Ước, do luật kế vị, con đầu lòng thường được nhận phần lớn nhất bất động sản, hoặc con đầu lòng sẽ trở thành vua trong trường hợp một hoàng gia. Con đầu lòng do đó là một người tối hậu hưởng mọi quyền lợi của người cha.

"Tới thế kỷ thứ hai trước Chúa Kitô, có những nơi hạn từ này không còn có bất cứ khái niệm nào về việc đã sinh ra hay đang sinh ra đầu tiên nhưng mang ý niệm về thẩm quyền đi kèm với vị trí là người thừa kế hợp pháp. Đó là cách nó được áp dụng với Chúa Giêsu, như hầu như tất cả các học giả đều thừa nhận. Vì vậy, chính kiểu nói 'con đầu lòng' đã hơi gây hiểu lầm."

Tôi hỏi, "Điều gì sẽ là một bản dịch tốt hơn?"

Ông trả lời, "Tôi nghĩ 'người thừa kế tối cao' sẽ phù hợp hơn".

Dù điều đó có thể giải thích đoạn Côlôsê, Carson còn đi xa hơn nữa, với điểm cuối cùng.

“Nếu ông định trích dẫn Côlôsê 1:15, thì ông phải giữ nó trong ngữ cảnh bằng cách đi tiếp tới Côlôsê 2:9, nơi cùng chính tác giả đó nhấn mạnh, 'Vì trong Chúa Kitô, tính viên mãn của Thiên tính đều hiện diện nơi hình thức xác thân.' Tác giả sẽ không mâu thuẫn với chính mình. Vì vậy, thuật ngữ 'con đầu lòng' không thể loại bỏ tính vĩnh cửu của Chúa Giêsu, vì đó là một phần ý nghĩa của việc sở hữu sự viên mãn của thiên tính"

Đối với tôi, điều đó đã giải quyết trọn vẹn vấn đề. Nhưng cũng có những đoạn rắc rối khác. Thí dụ, trong Máccô 10, ai đó đã ngỏ lời với Chúa Giêsu là "thưa thầy tốt lành", đã khiến Người đáp lại: "Tại sao bạn gọi tôi là tốt lành? Không có ai tốt lành - ngoại trừ một mình Thiên Chúa."

Tôi hỏi, "Không phải Người phủ nhận thiên tính của Người bằng cách nói điều này đó sao?"

Carson giải thích: “Không, tôi nghĩ Người cố gắng làm người đó dừng lại và suy nghĩ về những gì Người đang nói. “Đoạn văn song hành trong Mátthêu mở rộng hơn một chút và không thấy Chúa Giêsu hạ thấp thiên tính của Người chút nào.

"Tôi nghĩ tất cả những gì Người nói là, ‘Khoan đã; tại sao bạn lại gọi tôi là nhân lành? Có phải đây là một điều lịch sự, giống như ông nói, "Chúc một ngày tốt lành"? Bạn muốn nói gì bởi chữ tốt lành? Bạn gọi tôi là thầy tốt lành - đây có phải là vì bạn đang cố lấy lòng tôi không?'

“Theo nghĩa căn bản, chỉ có một người tốt, và đó là Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu không ngầm nói: 'Vậy đừng gọi tôi như thế'. Người muốn nói Bạn có thực sự hiểu những gì bạn đang nói khi bạn nói điều đó không? Có phải bạn thực sự gán cho tôi những gì chỉ nên gán cho Thiên Chúa không?'

“Điều đó có thể là cách đùa bỡn, ý muốn nói là, 'Tôi thực sự là điều bạn nói; bạn nói hay hơn bạn biết' hoặc 'Bạn đừng gọi tôi như vậy; lần sau hãy gọi tôi là "Giêsu tội lỗi" như những người khác vẫn làm.' Xét về tất cả những gì Chúa Giêsu nói và làm ở những nơi khác, hiểu cách nào thì hợp lý?”

Với rất nhiều câu gọi Chúa Giêsu là người “vô tội,” “thánh thiện,” “công chính,” “trong trắng... không ô uế,” và “tách biệt khỏi tội nhân,” câu trả lời khá hiển nhiên.

Chúa Giêsu có phải là một Thiên Chúa thấp hơn không?

Nếu Chúa Giêsu là Thiên Chúa, thì Người là loại Thiên Chúa nào? Phải chăng Người ngang hàng với Chúa Cha, hay một loại Thiên Chúa thấp hơn, sở hữu các thuộc tính của thiên tính nhưng một cách nào đó không xứng hợp với bản phác thảo tổng thể mà Cựu Ước cung cấp về Thiên Chúa?

Câu hỏi đó xuất phát từ một đoạn văn khác mà tôi đã chỉ cho Carson. Tôi hỏi, "Chúa Giêsu phán trong Gioan 14:28, 'Chúa Cha lớn hơn tôi’. Một số người dựa vào điều này và kết luận rằng Chúa Giêsu phải là một Thiên Chúa thấp hơn. Họ có đúng không?"

Carson thở dài, trả lời, "Cha tôi là một nhà thuyết giáo, và một câu châm ngôn trong nhà chúng tôi khi tôi lớn lên là, 'Một bản văn không có ngữ cảnh trở thành cái cớ cho một bản văn làm bằng chứng.' Điều rất quan trọng là phải xem đoạn văn này trong ngữ cảnh của nó.

“Các môn đệ đang than van vì Chúa Giêsu nói rằng Người sẽ ra đi. Chúa Giêsu nói, 'Nếu các con yêu thầy, các con sẽ vui mừng vì thầy khi thầy nói thầy sẽ ra đi, vì Chúa Cha lớn hơn thầy’. Nghĩa là Chúa Giêsu trở về với vinh quang vốn thuộc về Người, nên nếu họ thực sự biết Người là ai và thực sự yêu Người đúng cách, họ sẽ vui mừng khi Người quay trở lại cõi nơi Người thực sự vĩ đại hơn. Chúa Giêsu nói trong Gioan 17:5, ' Xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” - nghĩa là 'Chúa Cha lớn hơn Thầy'.

"Khi bạn sử dụng một phạm trù như 'lớn hơn', nó không nhất thiết có nghĩa là vĩ đại hơn về mặt hữu thể học. Thí dụ, nếu tôi nói rằng tổng thống của Hoa Kỳ vĩ đại hơn tôi, tôi không nói rằng ông ấy là một hữu thể cao hơn về mặt hữu thể học. Ông ấy lớn hơn về khả năng quân sự, bản lĩnh chính trị và sự hoan nghênh của công chúng, nhưng ông ấy không đàn ông hơn tôi. Ông ấy là một con người và tôi cũng là một con người.

Vì vậy, khi Chúa Giêsu nói, 'Chúa Cha lớn hơn thầy', người ta phải nhìn vào ngữ cảnh và hỏi xem Chúa Giêsu có nói, 'Chúa Cha lớn hơn thầy vì Người là Thiên Chúa còn thầy thì không' hay không. Thành thật mà nói, đó là một điều khá nực cười để nói. Giả sử tôi đứng trên bục giảng nào đó để giảng và nói: 'Tôi long trọng tuyên bố với các bạn rằng Thiên Chúa vĩ đại hơn tôi.' Đó sẽ là một nhận xét khá vô ích.

"Việc so sánh chỉ có ý nghĩa nếu các vị ở trên cùng một bình diện và có một sự phân ranh nào đó đang diễn ra. Chúa Giêsu đang ở trong các hạn chế của Nhập Thể - Người sắp sửa bị treo trên thập giá; Người sắp chết - nhưng Người sắp trở về với Chúa Cha và với vinh quang mà Người vốn có với Chúa Cha trước khi thế giới bắt đầu.

Người nói, 'Các con đang rên rỉ vì Thầy; nhưng các con nên vui mừng vì Thầy sẽ về nhà.' Chính theo nghĩa đó, 'Chúa Cha vĩ đại hơn Thầy'.

Tôi nói, "Vì vậy, đây không phải là một sự phủ nhận ngầm về thiên tính của Người."

Ông kết luận, "Không, thực sự là không. Bối cảnh cho thấy rõ điều đó."

Mặc dù tôi đã sẵn sàng chấp nhận sự thật rằng Chúa Giêsu không phải là một Thiên Chúa kém hơn, nhưng tôi có một vấn đề khác và nhạy cảm hơn cần nêu ra: làm thế nào Chúa Giêsu có thể là một Thiên Chúa đầy lòng cảm thương nhưng lại tán thành ý tưởng về sự đau khổ vĩnh cửu cho những kẻ bác bỏ Người?

Câu hỏi Gây Bối rối về Hỏa ngục

Kinh thánh nói rằng Chúa Cha đầy lòng yêu thương. Tân Ước khẳng định y như vậy về Chúa Giêsu. Nhưng liệu các vị có thực sự yêu thương trong khi đồng thời đưa người ta xuống hỏa ngục? Dù sao, Chúa Giêsu dạy về hỏa ngục hơn bất cứ ai khác trong toàn bộ Kinh thánh. Há đó không mâu thuẫn với tính cách được cho là hiền lành và từ bi của Người hay sao?

Khi đặt câu hỏi này cho Carson, tôi đã trích dẫn những lời khó nghe của người theo thuyết bất khả tri Charles Templeton: "Làm thế nào một Cha Thiên đàng yêu thương lại tạo ra một hỏa ngục bất tận và trong nhiều thế kỷ, đã đầy hàng triệu người xuống đó vì họ không hoặc không thể hoặc sẽ không chấp nhận một tín ngưỡng tôn giáo nào đó?" (3).

Câu hỏi đó, mặc dù đã được điều chỉnh để đạt được tác động tối đa, nhưng đã không làm Carson tức giận. Ông bắt đầu với một thanh minh. Ông nói,"Trước hết, tôi không chắc Thiên Chúa chỉ đầy người ta vào hỏa ngục bởi vì họ không chấp nhận những niềm tin nào đó."

Ông suy nghĩ một lúc, rồi lùi lại để chạy thêm một bước nữa qua câu trả lời thấu đáo bằng cách thảo luận về một chủ đề mà nhiều người hiện đại coi là một chủ đề lỗi thời kỳ cục: tội lỗi.

Carson nói, "Ông hãy hình dung Thiên Chúa trong buổi đầu sáng thế với một người nam và một người nữ được tạo nên giống hình ảnh Người. Họ thức dậy vào buổi sáng và nghĩ về Thiên Chúa. Họ yêu Người thật lòng. Họ thích làm những gì Người muốn; đó là toàn bộ niềm vui của họ. Họ liên hệ một cách đúng đắn với Người và với nhau.

“Rồi, với việc tội lỗi và nổi loạn bước vào thế giới, những người mang hình ảnh này bắt đầu nghĩ rằng họ là trung tâm của vũ trụ. Không phải theo nghĩa đen, nhưng đó là cách họ nghĩ. Và đó là cách chúng ta nghĩ. Tất cả những thứ chúng ta gọi là ‘bệnh lý xã hội' -chiến tranh, hãm hiếp, cay đắng, ghen tị bí mật, kiêu căng, các mặc cảm tự ti; - đã được cột chặt ngay từ đầu với sự kiện chúng ta không còn liên hệ đúng đắn với Thiên Chúa nữa. Hậu quả là người ta bị thương tích. Từ quan điểm của Thiên Chúa, điều đó thật kinh tởm. Như thế, Thiên Chúa nên làm gì về điều đó? Nếu Người nói, 'Ôi, Ta cóc cần,' Người muốn nói điều ác chẳng quan trọng gì đối với Người. Gần như muốn nói, "Ồ đúng rồi, Nạn Diệt chủng-Tôi không quan tâm." Há chúng ta không ngỡ ngàng hay sao nếu chúng ta nghĩ Thiên Chúa không có phán đoán luân lý nào về các vấn đề như thế?

Nhưng trên nguyên tắc, nếu Người là loại Thiên Chúa có những phán đoán luân lý về các vấn đề này, hẳn Người phải có những phán xét luân lý về vấn đề to lớn này của tất cả những người mang hình ảnh Thiên Chúa đang khua những nắm đấm nhỏ bé của họ vào mặt Người và hát với Frank Sinatra, 'Tôi làm điều đó theo lối của tôi.' Đó là bản chất thực sự của tội lỗi.

Nói như thế rồi, hỏa ngục không phải là nơi con người bị đầy bởi vì họ là những người khá tốt nhưng chỉ không tin điều đúng. Họ bị đầy ở đó, trước hết, vì họ thách thức Đấng đã tạo dựng nên họ và họ muốn trở thành trung tâm của vũ trụ. Hỏa ngục không chứa đầy những người đã đã ăn năn, nhưng Thiên Chúa không đủ dịu dàng và tốt lành để cho họ được ở bên ngoài. Nó chứa đầy những người, mãi mãi, vẫn muốn là trung tâm của vũ trụ và là người kiên trì trong cuộc nổi loạn thách thức Thiên Chúa của họ.

“Thiên Chúa phải làm gì? Nếu Người nói điều đó không quan trọng đối với Người, thì Thiên Chúa đâu còn là một vị Thiên Chúa đáng được ngưỡng mộ. Người hoặc phi luân hoặc tích cực làm người ta sởn gáy. Để Người hành động bất cứ cách nào khác khi đối mặt với sự thách thức trắng trợn như vậy sẽ là giản lược chính Thiên Chúa.”

Tôi xen vào, "Vâng, nhưng điều làm mọi người bận tâm nhất là ý tưởng cho rằng Thiên Chúa sẽ hành hạ con người vĩnh viễn. Điều đó dường như độc ác phải không?”

Carson trả lời, "Đầu tiên, Kinh thánh nói rằng có các mức độ trừng phạt khác nhau, vì vậy tôi không chắc có cùng một mức cường độ cho tất cả mọi người.

“Điều thứ hai, nếu Thiên Chúa không nhúng tay vào thế giới sa ngã này, do đó, không còn sự kiềm chế nào đối với sự xấu xa của con người, thì chúng ta sẽ tạo ra địa ngục. Vì vậy, nếu bạn cho phép rất nhiều kẻ tội lỗi sống tại một nơi hạn chế nào đó trong đó họ không gây thiệt hại cho bất cứ ai trừ chính họ, thì bạn nhận được gì nếu không là địa ngục? Có một ý nghĩa trong đó họ đang làm điều đó với chính họ và đó là điều họ muốn vì họ không chịu ăn năn.”

Tôi tưởng Carson đã kết thúc với câu trả lời của ông, vì ông do dự một lúc. Tuy nhiên, ông có một điểm chủ yếu hơn. “Một trong những điều mà Kinh thánh nhấn mạnh là cuối cùng không những công lý được thực hiện, mà công lý còn được coi là đã được thực hiện, đến nỗi mọi cái miệng sẽ phải câm họng.”

Tôi chộp lấy câu nói cuối cùng đó và nói, "Nói cách khác, vào lúc phán xét, không ai trên thế giới tránh khỏi trải nghiệm đó bằng cách nói rằng họ đã bị đối xử bất công bởi Thiên Chúa. Mọi người sẽ nhìn nhận công lý nền tảng trong cách Thiên Chúa phán xét họ và thế giới."

Carson nói chắc nịch, “Đúng vậy. Công lý không phải lúc nào cũng được thực thi trong thế giới này; chúng ta thấy điều đó hàng ngày. Nhưng vào Ngày Cuối cùng, nó sẽ được thực hiện để mọi người cùng thấy. Và sẽ không ai có thể phàn nàn mà nói, 'Điều này không công bằng."'

Chúa Giêsu và nạn Nô lệ

Có một vấn đề khác mà tôi muốn nêu ra với Carson. Tôi liếc nhìn đồng hồ của tôi và hỏi "Ông có thêm vài phút nữa không?". Khi ông cho thấy là có, tôi bắt đầu ngỏ thêm một chủ đề gây tranh cãi.

Để là Thiên Chúa, Chúa Giêsu phải hoàn hảo về mặt đạo đức. Nhưng một số nhà phê bình Kitô giáo cáo buộc rằng Người đã thiếu sót bởi vì, họ nói, Người mặc nhiên chấp nhận thực hành ghê tởm về mặt đạo đức là chế độ nô lệ. Như Morton Smith đã viết, “Có vô số nô lệ của hoàng đế và của nhà nước La Mã; Đền thờ Giêrusalem sở hữu nô lệ; Thượng Tế sở hữu nhiều nô lệ (một trong số họ bị mất một tai lúc Chúa Giêsu bị bắt); tất cả những người giàu có và gần như tất cả những người thuộc tầng lớp trung lưu đều sở hữu nô lệ. Theo như chúng ta được biết, Chúa Giêsu không bao giờ tấn công thực hành này... Dường như đã có những cuộc nổi dậy của nô lệ ở Palestine và Jordan trong thời tuổi trẻ của Chúa Giêsu; một nhà lãnh đạo làm phép lạ của một cuộc nổi dậy như vậy sẽ thu hút một lượng lớn người theo. Nếu Chúa Giêsu lên án chế độ nô lệ hoặc hứa hẹn giải phóng họ, chúng ta gần như chắc chắn được nghe nói về việc Người làm điều đó. Nhưng chúng ta không nghe thấy gì, vì vậy rất có thể giả thiết là Người không nói gì” (4).

Làm thế nào việc Chúa Giêsu thất bại trong việc thúc đẩy bãi bỏ chế độ nô lệ có thể cân bằng với tình yêu của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người? Tôi hỏi, “Tại sao Chúa Giêsu không đứng lên và hét lên, 'Chế độ nô lệ là sai trái'? Người có thiếu sót về phương diện đạo đức không vì đã không làm việc để phá bỏ một định chế vốn hạ nhân phẩm của những người được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa?"

Carson ngồi thẳng dậy trên chiếc ghế của ông mà nói, "Tôi thực sự nghĩ rằng người nêu lên phản luận đó quả bất cập. Nếu ông cho phép, tôi sẽ khởi sự nói tới chế độ nô lệ, cổ xưa và hiện đại, bởi vì trong nền văn hóa của chúng ta, vấn đề này dễ hiểu ở chỗ nó rất nặng các âm sắc vốn không có trong thế giới cổ thời."

Tôi ra hiệu cho ông tiếp tục. Tôi nói, "xin ông cứ tự nhiên".

Lật đổ áp bức

Carson giải thích, “Trong cuốn sách của mình Race and Culture [Chủng tộc và Văn hóa] (5), học giả người Mỹ gốc Phi Thomas Sowell cho thấy: mọi nền văn hóa lớn trên thế giới cho đến thời hiện đại, hết thẩy đều có nạn nô lệ. Mặc dù nó có thể gắn liền với cuộc chinh phục quân sự, nhưng thường là chế độ nô lệ phục vụ chức năng kinh tế. Họ không có luật phá sản, vì vậy nếu ông rơi vào tình trạng mang công mắc nợ khủng khiếp, ông chỉ còn biết tự bán mình và/hoặc gia đình ông làm nô lệ. Chế độ nô lệ vừa trả được nợ, vừa cung cấp việc làm. Nó không hẳn hoàn toàn xấu; ít nhất đó là một lựa chọn để sống còn.

“Xin hiểu cho tôi: Tôi không hề cố gắng lãng mạn hóa chế độ nô lệ bất cứ cách nào. Tuy nhiên, vào thời La Mã có những người lao động chân tay là nô lệ, và cũng có những người khác tương đương với các Tiến sĩ ưu tú, dạy dỗ các gia đình. Và không hề có sự liên kết một chủng tộc đặc thù nào với chế độ nô lệ.

“Tuy nhiên, trong chế độ nô lệ ở Mỹ, tất cả người da đen và chỉ người da đen là nô lệ. Đó là một trong những nỗi kinh hoàng đặc biệt của nó, và nó tạo ra một cảm thức bất công về sự thấp kém của người da đen, điều mà nhiều người trong chúng ta tiếp tục tranh đấu cho đến ngày nay.

“Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào Kinh thánh. Trong xã hội Do Thái, theo Luật mọi người đều được giải thoát vào mỗi Năm Thánh. Nói cách khác, đã có lệnh cấm nô lệ vào mỗi năm thứ bảy. Những sự việc này có thực sự diễn ra cách này hay không, tuy nhiên đây là những gì Thiên Chúa đã nói, và đây là khuôn khổ trong đó Chúa Giêsu được nuôi dưỡng.

"Nhưng ông phải để mắt đến sứ mệnh của Chúa Giêsu. Một cách chủ yếu, Người không đến để lật đổ hệ thống kinh tế La Mã, vốn bao gồm chế độ nô lệ. Người đến để giải thoát con người khỏi tội lỗi.

"Và đây là trọng điểm của tôi: điều mà thông điệp của Người đưa ra là biến đổi người ta để họ bắt đầu yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và sức lực và yêu người lân cận như chính mình. Lẽ tự nhiên, điều này có tác động đến ý tưởng nô lệ.

“Hãy xem tông đồ Phaolô nói gì trong thư gửi cho Philêmôn liên quan đến một nô lệ bỏ trốn tên là Ônêsimô. Thánh Phaolô không nói tới việc lật đổ chế độ nô lệ, bởi vì như thế là buộc ông ta phải thi hành. Thay vào đó, ngài nói với Philêmôn nên đối xử với Ônêsimô như một người anh em trong Chúa Kitô, giống như ông đối xử với chính Thánh Phaolô. Và sau đó, để làm cho vấn đề hoàn toàn rõ ràng, Thánh Phaolô nhấn mạnh, 'hãy nhớ, anh nợ tôi cả cuộc đời anh vì Tin Mừng.'

“Như thế, việc lật đổ chế độ nô lệ là thông qua sự biến đổi các người đàn ông và đàn bà bởi Tin Mừng chứ không phải chỉ thông qua thay đổi một hệ thống kinh tế. Chúng ta đều đã thấy điều gì có thể xảy ra khi ông chỉ lật đổ một hệ thống kinh tế và áp đặt một trật tự mới. Toàn bộ giấc mơ cộng sản là có được một 'con người cách mạng' theo sau là 'con người mới'. Rắc rối là, họ không bao giờ tìm thấy 'con người mới'. Họ loại trừ những kẻ áp bức nông dân, nhưng điều đó không có nghĩa là nông dân đột nhiên được tự do - họ chỉ ở dưới một chế độ tối tăm mới. Phân tích đến cùng, nếu ông muốn thay đổi lâu dài, ông phải biến đổi trái tim của những hữu thể nhân bản. Và đó là sứ mạng của Chúa Giêsu.

“Cũng đáng hỏi câu hỏi mà Sowell đặt ra: chế độ nô lệ đã chấm dứt ra sao? Ông ta cho thấy động lực thúc đẩy việc bãi bỏ chế độ nô lệ là việc thức tỉnh theo Tin Mừng ở Anh. Các Kitô hữu vận động việc bãi bỏ chế độ nô lệ thông qua Nghị viện vào đầu thế kỷ XIX và cuối cùng sử dụng pháo hạm Anh để ngăn chặn nạn buôn bán nô lệ băng qua Đại Tây Dương.

“Trong khi có khoảng mười một triệu người châu Phi đã được vận chuyển đến Mỹ - và nhiều người đã không đến được - có khoảng mười ba triệu người châu Phi bị vận chuyển để trở thành nô lệ ở thế giới Ả Rập. Cũng lại là người Anh, được thúc đẩy bởi những người có trái tim đã được Chúa Kitô thay đổi, đã gửi pháo hạm của họ đến Vịnh Ba Tư để chống đối việc này."

Câu trả lời của Carson có ý nghĩa không những về mặt lịch sử mà còn trong kinh nghiệm của riêng tôi. Thí dụ, nhiều năm trước, tôi biết một doanh nhân, ông ta vốn là một kẻ phân biệt chủng tộc điên cuồng với thái độ kẻ cả và trịch thượng đối với bất cứ ai có màu da khác. Ông ta hầu như không chịu che giấu sự khinh miệt của mình đối với người Mỹ gốc Phi, cứ để cho cái tính chọc giận đầy cuồng tín của mình tuôn ra qua những trò đùa thô thiển và những nhận xét cay nghiệt. Không số lượng lý lẽ nào có thể thuyết phục ông ta khỏi phát biểu các ý kiến ghê tởm của ông ta.

Nhưng rồi, ông ta trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Trong sự kinh ngạc, tôi thấy thái độ, quan điểm và giá trị của ông ta thay đổi theo thời gian, và lòng ông đã được Thiên Chúa đổi mới. Ông tiến tới chỗ nhận ra rằng ông ta không còn có thể nuôi dưỡng ác ý đối với bất cứ người nào nữa, vì Kinh thánh dạy rằng tất cả mọi người được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Hôm nay, tôi có thể thành thật nói rằng ông ta thực sự quan tâm và chấp nhận những người khác, bao gồm cả những người khác với ông ta.

Pháp luật đã không thay đổi ông ta. Lý luận đã không thay đổi ông ta. Những lời kêu gọi có tính xúc cảm đã không thay đổi ông ta. Ông ta sẽ nói với bạn rằng Thiên Chúa đã thay đổi ông từ trong ra ngoài một cách dứt khoát, hoàn toàn, vĩnh viễn. Đó là một trong nhiều thí dụ tôi đã thấy về sức mạnh của Tin Mừng, sức mạnh mà Carson đang nói đến, sức mạnh biến đổi những kẻ căm ghét thù hận thành những người nhân đạo, biến những kẻ tích trữ có trái tim sắt đá trở thành những người hiến tặng nhân từ trắc ẩn, biến những kẻ ham muốn quyền lực trở thành những người phục vụ vị tha, và biến những người bóc lột người khác - thông qua chế độ nô lệ hoặc một số hình thức áp bức khác - thành những người đón nhận mọi người.

Điều đó cân xứng với những gì Thánh Tông đồ Phaolô nói trong thư Galát 3:28: "Không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì tất cả anh em là một trong Chúa Giêsu Kitô”.

Xứng hợp với bản phác thảo về Thiên Chúa

Carson và tôi nói chuyện, đôi khi bằng giọng sôi nổi, trong hai giờ, lấp đầy nhiều cuộn băng ghi vượt quá sức chứa của chương này. Tôi thấy các câu trả lời của ông hợp lý và rất vững về mặt thần học. Tuy nhiên, cuối cùng, Nhập thể hoạt động ra sao-cách thức Thần khí nhập thể vẫn còn là một khái niệm làm tâm trí do dự.

Dù vậy, theo Kinh thánh, sự kiện nó xảy ra là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Tân Ước nói, mọi thuộc tính của Thiên Chúa đều được tìm thấy trong Chúa Giêsu Kitô:

+ Toàn tri? Trong Ga 16:30, Thánh Tông đồ Gioan khẳng định về Chúa Giêsu, " Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự."

+ Hiện diện mọi nơi? Chúa Giêsu nói trong Mt 28:20, " Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" và trong Mt 18:20, " Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ."

+ Toàn năng? “Mọi uy quyền trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy," Chúa Giêsu nói trong Mt 28:18.

+ Vĩnh cửu? Ga 1:1 tuyên bố về Chúa Giêsu, "Ban đầu có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa."

+ Tính bất biến? Thư Dt 13:8 nói, "Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời."

Ngoài ra, Cựu Ước vẽ nên chân dung của Thiên Chúa bằng cách sử dụng danh hiệu và mô tả như Anpha và Ômêga, Chúa, Đấng cứu thế, Vua, Thẩm phán, Ánh sáng, Tảng đá, Đấng cứu chuộc, Người chăn chiên, Đấng tạo hóa, Đấng ban sự sống, Đấng tha thứ tội lỗi, và Đấng nói bằng thẩm quyền Thiên Chúa. Điều đáng lưu ý là trong Tân Ước mỗi và mọi danh hiệu này đều đã được áp dụng vào Chúa Giêsu (6).

Chúa Giêsu đã nói tất cả những điều đó trong Ga 14:7: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy." Nếu dịch một cách lỏng lẻo, thì có nghĩa: "Khi anh em nhìn vào bản phác thảo về Thiên Chúa của Cựu Ước, anh em sẽ thấy chân dung của Thầy."

Tài liệu đọc thêm

Harris, Murray J. Jesus As God [Chúa Giêsu như là Thiên Chúa], Grand Rapids: Baker, 1993.

Martin, W. J. The Deity of Christ [Thiên tính của Chúa Kitô], Chicago: Moody Press, 1964.

McDowell, Josh và Bart Larson. Jesus: A Biblical Defense of His Deiety [Chúa Giêsu: Lời biện hộ theo Kinh thánh về Thiên tính của Người],

San Bernardino, California: Here’s life, 1983.

Stott, John. Basic Christianity [Kitô giáo căn bản], Grand Rapids: Eerdmans, 1986.

Zodhiates, Spiros. Was Christ God? [Đấng Kitô có phải là Thiên Chúa không?] Grand Rapids: Eerdmans, 1966.

Ghi chú

1. Marla Donato, "That Guilty Look," [Cái nhìn tội phạm ấy]Chicago Tribune (1 April, 1994).

2. Denny Johnson, "Police Add Electronic 'Sketch Artist' to Their Bag of Tricks," [Cảnh sát thêm 'Phác thảo Nghệ sĩ' điện tử

vào Túi thủ thuật của họ], Chicago Tribune (22 June 1997).

3. Templeton, Farewell to God [Giã Từ Thiên Chúa], 230.

4. Morton Smith, "Biblical Arguments for Slavery" [Những lập luận trong Kinh thánh về chế độ nô lệ]" Free Inquiry (Spring 1987), 30.

5. Thomas Sowell, Race and Culture [Chủng tộc và Văn hóa] (New York: Basic, 1995).

6. Josh McDowell và Bart Larson, Jesus: A Biblical Defense of His Deity [Chúa Giê-su: Lời biện hộ trong Kinh thánh về Thiên tính của Người] (San Bernardino, Calif: Here's Life, 1983), 62-64.
 
Văn Hóa
Tôi, NGÔI BA
Nguyễn Trung Tây
03:48 27/05/2023
Lm Nguyễn Trung Tây
Tôi, NGÔI BA


Tôi, Ngôi Ba Thiên Chúa, trần gian gọi Tôi: Chúa Thánh Linh.
Từ những ngày đầu tiên, khi trời đất vô minh, không dạng không hình,
Tôi bay trên khối nước mênh mông không rõ đường biên giới,
Để rồi từ Lời rực rỡ, ánh sáng lan tỏa một cõi trần gian!

Tôi hình bồ câu trên đầu tóc ướt sũng của Con Thiên Chúa, ngay bên bờ sông Giođan.
Tôi hình lửa xuất hiện trên đầu những người môn đệ nhát sợ trong căn phòng cửa đóng kín.
Tôi dẫn thầy Sáu Philipphê, tông đồ Phaolô dân ngoại, và Giêsu hữu thời tiên khởi rời bỏ khu vực an toàn.
Họ đi rộn ràng trên các nẻo đường thế giới, đường Rôma, đường Tơ Lụa. Họ đi, Tin Vui rộn ràng.

Tôi triệu tập tại phố Giêrusalem Công đồng đầu tiên của Giáo hội,
Tông đồ Giacôbê, Phêrô, Phaolô hội họp tranh cãi lề luật mới.
Tôi mời gọi Công đồng Vatican II, cánh cửa mở ra.
Tôi đặt Hồng Y Argentina vào tông tòa Rôma.
Ngài trở thành Giáo hoàng đầu tiên mang tước hiệu Franciscô.
Ngài mời gọi Giáo hội Giêsu hãy đậm mùi chiên nơi đồng cỏ.

Tôi thuyền trưởng bẻ bánh lái, mang Tin Mừng vào đất Hùng Vương.
Tôi đốt lửa hồn Giêsu hữu Việt, khi họ chân mang còng bước ra pháp trường.
Tôi nhắc nhở Giáo hội Việt, 400 năm rồi, chiên Việt không tăng trưởng.
Giáo đường vẫn thế, vẫn chỉ ngồi đó những con chiên của đàn chiên cũ.

Tôi Chúa Thánh Linh, Ngôi Ba Thiên Chúa.
Tôi đổi thay, Tôi mang thế giới quay về lại hương lúa
Hương vị thơm tho những ngày đầu tiên trước khi người trần,
họ gục ngã bởi vị cám dỗ ngạt ngào trong khu Vườn hồng ân.

Tôi là lửa đỏ đốt cháy hồn người,
Người hồn nguội lạnh, tâm thần rối bời!
Tôi là gió, dịu mát hồn mệt mỏi.
Tôi cuồng phong, quét sạch rác tanh hôi,
Từ bãi rác cũ, vươn cao cỏ mới.

Tôi, Chúa Ba Ngôi, vẫn cầm lái thuyền
dẫn thuyền Giáo Hội, ngày cánh chung dừng bến.
Nơi đó, ngày đó, vào giây phút không ai ngờ!
Giáo hội diện đối diện Chú Rể Giêsu, tiệc cưới thiên đàng!
 
VietCatholic TV
Tổng phản công: Volnovakha thất thủ, lính Nga chạy về Mariupol. Hoảng loạn ở Berdiansk, và Mariupol
VietCatholic Media
02:53 27/05/2023


1. Quân Nga đại bại tại Volnovakha, bỏ chạy về phía thành phố Mariupol

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 27 tháng Năm, Vadym Boychenko, thị trưởng thành phố Mariupol, cho biết quân Nga đã thất thủ tại Volnovakha, và một đại đội quân Nga đã chạy trốn khỏi mặt trận bằng xe quân sự. Họ đang tiến về Mariupol.

“Trưa ngày thứ Sáu khoảng một đại đội quân xâm lược có vũ trang trên các phương tiện quân sự đã bỏ chạy khỏi mặt trận gần Volnovakha. Bây giờ họ đang tiến về Mariupol. Người dân của chúng tôi đã nhìn thấy họ xuất hiện ở phía bắc quận Mariupol. Vẫn chưa rõ liệu họ muốn ra biển hay tới Nga vì tình hình đang ngày càng vô vọng tại Telmanovo và Novoazovsk.”

Anh ta mỉa mai nói thêm rằng đây là “những hành động đúng đắn đầu tiên của quân xâm lược Nga” và nói rằng dân chúng đang tiếp tục theo dõi và báo cáo “tình huống rượt đuổi” này.

Trước đó, ông báo cáo vào ngày thứ Sáu 26 tháng 5 rằng dân chúng ở Mariupol đã báo cáo về sự di chuyển của xe tăng, xe chở xăng, hệ thống hỏa tiễn đất đối không Pantsir-S1 và nhân lực của đối phương về phía Berdiansk.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine trước đó đã đưa ra nhận định rằng những kẻ xâm lược đang biến Mariupol và những ngôi làng xung quanh thành một trung tâm quân sự và hậu cần cho quân đội Nga.

2. Các vụ nổ mạnh được báo cáo ở khu vực nhà máy thép Azovstal của thành phố Mariupol.

Hai tiếng nổ vang lên tại khu vực Nhà máy gang thép Azovstal ở thành phố tạm chiếm Mariupol, vùng Donetsk. Vadym Boychenko, thị trưởng thành phố Mariupol, cho biết như

“Hai vụ nổ mạnh ở khu vực Azovstal. Khói đang bốc lên. Đây là cú tấn công rất mạnh. Trước đó, một hoạt động phòng không không thành công đã được ghi lại ở Nikolske,” Boychenko nói.

Ông báo cáo rằng quân xâm lược đã đặt kho hàng tại nhà máy thép và đang sửa chữa các thiết bị quân sự.

Bắt đầu từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, cuộc vây hãm Mariupol kéo dài ba tháng của lực lượng Nga đã phá hủy phần lớn thành phố, khiến nó được chính phủ Ukraine phong tặng danh hiệu “Thành phố anh hùng của Ukraine”. Vào ngày 16 tháng 5 năm 2022, thành phố được ghi nhận là thất thủ. Quân đội Nga giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố trước ngày 20 tháng 5 năm 2022.

Trước chiến tranh, thành phố có 425.700 dân. Ngày nay, chỉ còn lại không tới 100.000 dân. Theo Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đây là địa điểm xảy ra các vụ bắt cóc trẻ em lớn nhất của Nga. Ngày 18 tháng Ba, ICC đã ra lệnh bắt giữ Putin và Maria Alekseyevna Lvova-Belova là phụ tá của ông ta về trẻ em.

3. Nga gửi thêm quân tiếp viện tới hai thành phố Berdiansk, và Mariupol, đề phòng hai thành phố này thất thủ

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 27 tháng Năm, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết Bộ Quốc Phòng Nga đã tung một lực lượng lớn để ngăn chặn sự sụp đổ tại hai thành phố miền cực Đông Ukraine là Berdiansk và Mariupol.

Các không ảnh co thấy quân Nga đang di chuyển các thiết bị bộ binh cơ giới, hệ thống phòng không và binh lính về phía Berdiansk và quận Mariupol.

Theo các blogger quân sự Nga, lực lượng tiếp viện đang đến Berdiansk và quận Mariupol. Thiết bị bộ binh cơ giới, nhân lực và hệ thống phòng không Pantsir. Nga nhận định rằng quân Ukraine sẽ tìm cách cắt đứt điều thường được gọi là cây cầu trên đất liền nối lục địa Nga với bán đảo Crimea.

Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, các tin tình báo cho biết nhóm lính mới này là những người bị gọi nhập ngũ gần đây. Họ đã được chuyển đến bờ biển dọc theo tuyến Urzuf-Yalta. Ngoài ra, quân nhân và khí tài, bao gồm cả xe tăng, tập trung ở phía bắc quận Mariupol, gần Volnovakha và Vuhledar.

Hôm thứ Năm 25 Tháng Năm, các quan chức Nga ở Berdiansk bị tạm chiếm cho biết các lực lượng Ukraine đã tấn công thành phố bằng hỏa tiễn Storm Shadow.

Quân đội Ukraine “đã phát động một cuộc tấn công lớn” vào thành phố, Vladimir Rogov, một thành viên của chính quyền địa phương của Nga tại Zaporizhzhia, đã cho biết như trên vào hôm thứ Năm giữa những tiếng nổ rung chuyển thành phố Berdiansk.

Rogov cho biết ông vẫn chưa có thông tin về thương vong, đồng thời cho biết thêm rằng các đội phản ứng đã có mặt tại hiện trường.

“Vẫn chưa biết liệu hỏa tiễn Storm Shadow của Anh hay thứ gì khác đã được sử dụng hay không,” Rogov nói thêm.

Nếu Ukraine đứng sau vụ tấn công bị cáo buộc, việc sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow là một lựa chọn khả dĩ, do Berdiansk nằm sâu trong lãnh thổ do Nga kiểm soát, cách tiền tuyến khoảng 100 km.

Storm Shadow là hỏa tiễn hành trình tầm xa có khả năng tàng hình do Anh và Pháp hợp tác phát triển, thường được phóng từ trên không. Với tầm bắn vượt quá 250 km, nó chỉ kém tầm bắn 300 km của Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân đất đối đất, gọi tắt là ATACMS, do Mỹ sản xuất mà Ukraine đã yêu cầu từ lâu. Vương quốc Anh cho biết họ đã chuyển giao nhiều hỏa tiễn Storm Shadow cho Ukraine vào đầu tháng 5.

4. Nga chuẩn bị tung ra một tai nạn quy mô lớn tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trong vài giờ tới để chặn đứng cuộc tổng phản công của quân Ukraine

Nga đang chuẩn bị cho một hành động khiêu khích quy mô lớn bằng cách tạo ra một vụ tai nạn tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Phát ngôn nhân Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 27 tháng Năm.

“Trong những giờ tới, quân xâm lược sẽ chuẩn bị một hành động khiêu khích quy mô lớn bằng cách mô phỏng một vụ tai nạn tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Vì mục đích này, một cuộc tấn công sẽ được thực hiện trực tiếp trên lãnh thổ của ZNPP. Sau đó, tình trạng rò rỉ chất phóng xạ khẩn cấp sẽ được thông báo. Theo truyền thống, Ukraine sẽ bị đổ lỗi cho vụ việc”, phát ngôn viên tình báo Ukraine Andrii Yusov nói.

Theo báo cáo, để che giấu hành động của mình, những kẻ xâm lược đã làm gián đoạn quá trình luân chuyển nhân viên của phái bộ giám sát thường trực của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, được lên kế hoạch vào ngày hôm nay.

“Mục đích của hành động này là kích động cộng đồng quốc tế tiến hành một cuộc điều tra chi tiết, trong đó mọi hoạt động tấn công sẽ phải ngưng lại. Bằng cách này, những kẻ liều lĩnh hy vọng sẽ có được khoảng thời gian tạm dừng đã chờ đợi từ lâu, vốn sẽ được sử dụng để tập hợp lại lực lượng xâm lược và ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine,” ông nói.

Đồng thời, Andrii Yusov cảnh báo rằng “quân xâm lược đã đặt các phương tiện hủy diệt thích hợp” tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Theo ông, ngay sau đó, quân xâm lược Nga muốn lôi kéo những người được gọi là chuyên gia của Rosatom vào việc “ghi âm” các cuộc tấn công và mời đại diện của các cơ quan và tổ chức quốc tế, bao gồm cả IAEA.

Yusov cũng lưu ý rằng quân xâm lược Nga Nga có thể sớm thực hiện các hành động khiêu khích như vậy bằng cách sử dụng các yếu tố nguyên liệu hạt nhân và vũ khí hóa học dọc theo toàn bộ chiến tuyến ở miền đông và miền nam Ukraine.

5. Thị trưởng do Nga bổ nhiệm tuyên bố Quân đội Ukraine tấn công Mariupol bị tạm chiếm bằng hỏa tiễn tầm xa

Các lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công Mariupol hôm thứ Sáu bằng hai hỏa tiễn tầm xa, theo thị trưởng thành phố bị Nga xâm lược, Oleg Morgun.

Morgun, tên phản bội do Nga bổ nhiệm, cho biết các dịch vụ khẩn cấp đã có mặt tại hiện trường nhưng không có trường hợp tử vong, thương tích hay thiệt hại nào đối với cơ sở hạ tầng của thành phố.

Các quan chức của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự tuyên bố trước đó cho biết các vụ nổ ở thành phố hôm thứ Sáu là do một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine, và các video trên mạng xã hội cho thấy những hình ảnh mà CNN định vị cho thấy địa điểm này là nhà máy thép Azovstal, địa điểm nổi tiếng trong nhiều tuần vì cuộc bao vây kéo dài trong những tháng đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Vadym Boychenko, thị trưởng thành phố Mariupol, cho biết các lực lượng Nga đã thiết lập các trạm kiểm soát chặn một cây cầu gần nhà máy Azovstal và mô tả cảnh hỗn loạn với các nhân viên khẩn cấp Nga tại hiện trường vụ tấn công.

Boychenko cho biết lực lượng Nga đã thiết lập một kho đạn dược bên trong nhà máy.

“Vụ tấn công xảy ra trên lãnh thổ của Azovstal,” Boychenko nói. “Còn nhớ chúng tôi đã nói rằng họ đang thiết lập một căn cứ ở đó để tránh các cuộc tấn công không? Vâng, họ đã thiết lập một căn cứ cùng với kho đạn.”

Boychenko cho biết thêm: “Xe buýt chở công nhân đang được gửi đến Azovstal để dọn dẹp đống đổ nát. Phiên bản chính thức là họ đang tìm kiếm các 'công nhân' trong đống đổ nát. Tại sao lại cần công nhân vào lúc nửa đêm thì ai cũng rõ… chúng ta có thể kết luận rằng mọi thứ ở Azovstal đều đang rất tồi tệ.” Cho đến nay, Ukraine đã không nhận trách nhiệm về cuộc tấn công.

6. Quan chức Nga thừa nhận có các vụ nổ ở nhà máy thép Azovstal của Mariupol bị tạm chiếm

Denis Pushilin, lãnh đạo do Nga bổ nhiệm của khu vực Donetsk bị tạm chiếm, cho biết thành phố Mariupol đã bị các lực lượng Ukraine tấn công.

Ông cáo buộc quân đội Ukraine đã phóng hai hỏa tiễn tầm xa vào Mariupol từ phía tây bắc vào khoảng 8:10 tối giờ địa phương.

Các video trên mạng xã hội do các tài khoản không chính thức đăng tải cho thấy một cột khói được nhìn thấy phía trên Mariupol. Một kênh Telegram Mariupol địa phương đã đăng hình ảnh về một cuộc tấn công ở Mariupol, mà CNN đã định vị địa lý là địa điểm của nhà máy thép Azovstal.

Mariupol đã trở thành một điểm tập trung quan trọng của các lực lượng Nga ở miền nam Ukraine và các đoàn xe quân sự của Nga thường xuyên đi qua.

Denis Pushilin đã cảnh cáo dân chúng không được đăng tải các hình ảnh liên quan đến các hoạt động quân sự trong vùng.

Trong một cuộc họp báo trước đó, ông ta đã đề cập đến một vụ tấn công vào chính thành phố Donetsk, nơi đặt trụ sở của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk.

Ông ta nói: “Đối phương đang tăng cường pháo kích vào Donetsk. Lúc 9 giờ sáng, quận Kalininskyi của thành phố bị tấn công từ các hệ thống Himars của Mỹ. Hậu quả, một phụ nữ trẻ tử vong và một người khác bị thương.”

“Nửa giờ sau, tại cùng một quảng trường, một vụ tấn công thứ hai bằng vũ khí tương tự đã xảy ra vào thời điểm các nhà báo, lực lượng cấp cứu và các dịch vụ phản ứng khác đang làm việc tại hiện trường vụ pháo kích thứ nhất”.

“Tại quận Kalininskyi của Donetsk, hai bệnh viện, một trạm xăng và một tòa nhà viện nghiên cứu đã bị hư hại sau 2 vụ pháo kích này”.

“Tôi yêu cầu cư dân Donetsk không di chuyển trên đường trừ khi thực sự cần thiết.”

Donetsk là một trong bốn khu vực của Ukraine mà Liên bang Nga tuyên bố sáp nhập vào năm ngoái, mặc dù chỉ chiếm một phần lãnh thổ. Pushilin trước đây là người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và đồng thời là quyền thống đốc được bổ nhiệm của Liên bang Nga trong khu vực.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết cả hai bệnh viện được nêu trong báo cáo của Denis Pushilin trước đây là các bệnh viện nhưng đã bị Nga biến thành các trại lính và làm các kho chứa vũ khí, đạn dược.

7. Thành công của hỏa tiễn Patriot ở Ukraine đã gây sốc ngay cả đối với Ngũ Giác Đài

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Patriot Missile Success in Ukraine Has Shocked Even the Pentagon–Kyiv”, nghĩa là “Thành công của hỏa tiễn Patriot ở Ukraine đã gây sốc ngay cả đối với Ngũ Giác Đài.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo một nhà phân tích quân sự, thành công của Ukraine với hệ thống hỏa tiễn phòng không Patriot do Mỹ sản xuất trong cuộc chiến với Nga đã khiến Ngũ Giác Đài phải sửng sốt.

Ivan Kirichevskiy, một chuyên gia tại công ty tư vấn và truyền thông quân sự Defense Express, đã trình bày các suy tư của mình về việc Kyiv sử dụng hệ thống hỏa tiễn tiên tiến trong một cuộc phỏng vấn với Đài NV của Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã yêu cầu hệ thống phòng thủ quan trọng trong nhiều tháng trước khi cuối cùng nó đến.

Vào tháng 10 năm 2022, Washington đã đồng ý gửi cho Kyiv các hệ thống hỏa tiễn Patriot, có thể tấn công máy bay, hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn. Zelenskiy cho biết chúng có thể giúp chống lại các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng và khu dân cư. Đức và Hà Lan cũng cam kết gửi hệ thống Patriot tới Ukraine.

Ukraine hiện có hai trong số các hệ thống phòng không được thiết lập trong nước.

“Hôm nay, bầu trời Ukraine xinh đẹp của chúng ta trở nên an toàn hơn vì các hệ thống phòng không Patriot đã đến Ukraine”, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov cho biết trong một tuyên bố trên các kênh truyền thông xã hội của mình vào ngày 19/4.

Kirichevskiy nói: “Mỹ đã suy nghĩ rất lâu, thảo luận về việc có nên cung cấp cho chúng tôi những hệ thống Patriot hay không. Hóa ra là lực lượng phòng không của chúng ta với khóa huấn luyện cấp tốc thực sự đã phô diễn được các khả năng của Patriot mà Ngũ Giác Đài không nghĩ là có thể”.

Hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot trên mặt đất là hỏa tiễn đất đối không tiên tiến nhất mà Washington cung cấp cho Kyiv kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Với tầm bắn hơn 65 dặm hay 105km, nó có thể phát hiện, theo dõi và tiêu diệt máy bay không người lái, hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn hoặc chiến thuật, theo Liên minh Vận động Phòng thủ Hỏa tiễn.

Ukraine đã sử dụng các hệ thống tinh vi để chống lại làn sóng tấn công hỏa tiễn từ Nga. Một chỉ huy lực lượng không quân Ukraine cho biết trên Telegram vào ngày 6 tháng 5 rằng quân đội Ukraine đã sử dụng hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot để bắn hạ một hỏa tiễn siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal của Nga ở Kyiv.

Nga trước đây đã cảnh báo rằng việc chuyển giao các hệ thống này cho Ukraine có thể làm leo thang xung đột.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết vào tháng 12 rằng tất cả vũ khí do các quốc gia phương Tây cung cấp cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu của Nga.

Bà nói với các phóng viên: “Chúng tôi muốn nhắc các bạn rằng tất cả vũ khí do phương Tây cung cấp cho Ukraine đều là mục tiêu quân sự hợp pháp của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga và sẽ bị phá hủy hoặc bị bắt giữ, như đất nước chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố”.

8. Nga bắt đầu chuyển vũ khí hạt nhân sang nước láng giềng Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Starts Moving Nuclear Weapons to Ukrainian Neighbor”, nghĩa là “Nga bắt đầu chuyển vũ khí hạt nhân sang nước láng giềng Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Nga đã bắt đầu chuyển vũ khí hạt nhân tới Belarus, quốc gia có chung đường biên giới dài 674 dặm hay 1041km với Ukraine, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết hôm thứ Năm.

Thông báo của Lukashenko được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu gặp Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin ở Minsk để ký các văn bản về việc bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus. Theo thỏa thuận, Điện Cẩm Linh sẽ vẫn kiểm soát những thứ mà Nga cho là vũ khí phi chiến lược.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên thảo luận công khai vào tháng 3 về việc đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus, quốc gia cũng có chung đường biên giới với ba quốc gia NATO—Latvia, Lithuania và Ba Lan. Lukashenko từ lâu đã là một đồng minh trung thành của Putin và nhà lãnh đạo Nga đã sử dụng Belarus làm bệ phóng để bắt đầu cuộc chiến chống lại Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Tuy nhiên, nỗ lực của Putin nhằm chiếm Kyiv trong những ngày đầu của cuộc xung đột bằng quân đội từ Belarus đã không thành công.

Mặc dù Điện Cẩm Linh chưa bình luận về việc liệu vũ khí hạt nhân đã đến Belarus hay chưa, ông Lukashenko nói với các phóng viên rằng “việc chuyển giao vũ khí hạt nhân đã bắt đầu”, theo hãng tin BelTA của nhà nước Belarus.

BelTA báo cáo rằng Lukashenko cho biết đất nước của ông phải “chuẩn bị các địa điểm cất giữ” vũ khí và xác nhận rằng công việc đó đã được hoàn thành. Theo hãng truyền thông nhà nước Nga Tass, Lukashenko cũng bảo đảm rằng vũ khí sẽ an toàn ở nước ông.

“Đừng lo lắng. Bạn biết chúng tôi là những người đúng giờ, tiết kiệm, vì vậy đừng căng thẳng. Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này,” ông ta nói với kênh Telegram Shot.

Newsweek đã liên hệ với văn phòng của Lukashenko qua email để nhận xét.

Sau cuộc gặp giữa Shoigu và Khrenin, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller đã lên án thỏa thuận giữa Nga và Belarus.

“Đây là ví dụ mới nhất về hành vi vô trách nhiệm mà chúng ta thấy từ Nga kể từ cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine hơn một năm trước,” Miller nói trong một cuộc họp báo.

Miller nhắc lại lập trường của Washington rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng”.

“Tôi chỉ nói thêm rằng chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược của mình hoặc bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân,” ông nói.

Lãnh đạo phe đối lập người Belarus đang lưu vong Svetlana Tikhanovskaya cũng lên tiếng phản đối việc đặt vũ khí hạt nhân ở đất nước của mình, nói rằng hành động này sẽ “không chỉ gây nguy hiểm cho cuộc sống của người dân Belarus mà còn tạo ra mối đe dọa mới đối với Ukraine và toàn bộ Âu Châu.

Theo tờ Moscow Times, một hãng tin độc lập có trụ sở tại Amsterdam, Svetlana Tikhanovskaya nói thêm: “Nó sẽ khiến người Belarus trở thành con tin cho tham vọng đế quốc của Nga.

9. Nhà chức trách cho biết vụ tấn công vào trung tâm y tế Dnipro làm 31 người bị thương, trong đó có 8 bác sĩ

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 27 tháng Năm, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết số người bị thương trong cuộc tấn công hôm thứ Sáu vào thành phố Dnipro đã tăng lên 31 người, trong đó có 8 bác sĩ và 2 trẻ em, theo người đứng đầu hội đồng khu vực của Dnipro, Mykola Lukashuk.

Trong số những người bị thương, 16 người đã được đưa đến bệnh viện và những người khác đang được điều trị ngoại trú

“Hai trong số những người bị thương đang trong tình trạng nghiêm trọng, 12 người ở tình trạng trung bình và những người còn lại bị thương nhẹ”, cô nói thêm.

Một hỏa tiễn đạn đạo đã bắn trúng Bệnh viện số 14 của thành phố Dnipropetrovsk khiến bệnh viện bị phá hủy một phần. Vụ nổ đã đốt cháy tầng hai.

Một cơ sở kinh doanh một tầng gần đó cũng bốc cháy, nhưng lính cứu hỏa đã dập tắt ngọn lửa. Một khu liên hợp thể thao, trường học, những ngôi nhà xung quanh và xe hơi cũng bị hư hại.

10. Vụ tấn công bệnh viện Dnipro chứng tỏ Nga cố ý nhắm vào thường dân, cố vấn tổng thống Ukraine nói

Cuộc tấn công của Nga vào một bệnh viện ở thành phố Dnipro là một “cuộc tấn công có chủ ý nhằm vào một mục tiêu dân sự”, cố vấn tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak, cho biết như trên, đồng thời cho biết thêm rằng điều đó chứng tỏ Nga đang tấn công vào dân thường.

“Đây là bằng chứng hoàn toàn rõ ràng rằng Nga về nguyên tắc đã thay đổi chiến thuật tấn công hỏa tiễn của mình. Bây giờ nó chủ yếu tấn công dân thường – có chủ ý vào các cơ sở như bệnh viện ở Dnipro, với ý định giáng một đòn tâm lý và rõ ràng là giết càng nhiều người càng tốt,” Podolyak nói trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên quốc tế cấp cao của CNN, Fred Pleitgen.

Các quan chức địa phương cho biết vụ tấn công vào bệnh viện vào sáng thứ Sáu đã giết chết hai người và làm bị thương ít nhất 30 người, bao gồm cả trẻ nhỏ.

Podolyak cho biết các cuộc tấn công tương tự đã tấn công các khu dân cư và những nơi như bệnh viện và trường học trong vài tháng qua. Cụ thể ở khu vực phía nam Kherson và phía đông Kharkiv, ông Podolyak cho biết Nga phá hủy “các khu dân cư hàng ngày bằng pháo binh theo cùng một cách như thế”.

“Đối với tôi, dường như đã đến lúc ngừng mong đợi Nga hành xử theo cách thông thường, với tư cách là một quốc gia tuân theo một số quy tắc do luật pháp quốc tế hoặc một số công ước áp đặt. Không, nó tiến hành chiến tranh chống lại thường dân một cách rõ ràng nhất có thể,” Podolyak nói.

Cố vấn tổng thống cho biết các cuộc tấn công vào dân thường Ukraine cấu thành tội ác chiến tranh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói về cuộc tấn công Dnipro trong bài phát biểu hàng ngày hôm thứ Sáu: “Đó là một hành động tàn ác thuần túy: một hỏa tiễn đạn đạo của Nga – nhằm vào một bệnh viện và một phòng khám thú y. Quân xâm lược Nga là những sinh vật hoàn toàn bệnh hoạn.”

11. Pháp coi vụ Nga tấn công bệnh viện Dnipro là “tội ác chiến tranh”

Pháp lên án các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, bao gồm cả cuộc tấn công vào bệnh viện Dnipro vào sáng thứ Sáu, gọi chúng là “tội ác chiến tranh” “không thể không bị trừng phạt”, theo một tuyên bố từ Bộ Trưởng Ngoại Giao Pháp Catherine Colonna.

Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái vào Kyiv và các khu vực Kharkiv và Dnipropetrovsk của Ukraine “một lần nữa cố tình tấn công vào các địa điểm dân sự,” bộ này cho biết, “vi phạm trắng trợn luật nhân đạo quốc tế.”

Ít nhất 2 người thiệt mạng và ít nhất 30 người, trong đó có 2 trẻ em nằm trong số những người bị thương, theo người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Dnipropetrovsk. Lực lượng cấp cứu đang tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát của một phòng khám. Các quan chức cho biết họ vẫn chưa thể liên lạc được với 3 người có thể đã có mặt tại cơ sở vào thời điểm xảy ra vụ tấn công.
 
Tình trạng sức khỏe của ĐTC có vấn đề. Ta hãy cầu nguyện cho ngài. GH và lãnh vực trí tuệ nhân tạo
VietCatholic Media
05:26 27/05/2023


1. Tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ta hãy cầu nguyện cho ngài.

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường trình nhan đề “Pope has a fever, is at home in Casa Santa Marta”, nghĩa là “Đức Thánh Cha bị sốt đang ở nhà tại nhà trọ Thánh Matta”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Do bị sốt nên sáng nay Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải hủy bỏ các buổi tiếp kiến, ông Matteo Bruni, giám đốc phòng báo chí Vatican, xác nhận với I MEDIA ngày 26 tháng 5 vừa qua. Đức Giáo Hoàng 86 tuổi hiện không ở trong bệnh viện, nhưng ở nhà tại Casa Santa Marta, theo thông tin của chúng tôi.

Sáng nay, tức là thứ Sáu 26 Tháng Năm Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một ngày hiếm hoi không có bất kỳ cuộc tiếp kiến chính thức nào theo lịch trình. Hôm qua, thứ Năm 25 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô có tám cuộc hẹn vào buổi sáng. Vào buổi chiều, ngài đến Học viện Giáo hoàng Augustinô, cách Vatican không xa, để tham gia một sự kiện do mạng lưới giáo dục Scholas Occurrentes tổ chức, trong đó ngài nói chuyện với các bạn trẻ bằng tiếng Tây Ban Nha.

“Đức Giáo Hoàng mệt mỏi,” nhân vật số 2 của Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh giải thích bên lề buổi giới thiệu một cuốn sách vào buổi chiều tại Đại sứ quán Ý cạnh Tòa thánh, trong các bình luận được AFP đưa tin. “Hôm qua, Đức Giáo Hoàng đã có một ngày rất, rất căng thẳng. Đêm qua tôi được biết rằng ngài đã gặp rất nhiều người và trong cuộc gặp với Scholas Occurrentes, ngài muốn chào tất cả họ và có lẽ đến một lúc nào đó sức đề kháng thể chất đã giảm đi.”

Mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô không có cuộc họp chính thức nào trong chương trình nghị sự sáng nay, nhưng ngài có thể có các cuộc hẹn riêng, theo thông lệ. Tuy nhiên, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh giải thích rằng tình trạng sốt của ngài đã ngăn cản Đức Thánh Cha gặp gỡ bất cứ ai.

Trong vài ngày tới, Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ tham dự một số cuộc họp chính thức. Vào ngày Chúa nhật, ngài sẽ cử hành Thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng. Vào ngày thứ Hai, Đức Thánh Cha sẽ trao Giải thưởng Phaolô Đệ Lục cho Tổng thống Ý Sergio Mattarella.

Chỉ chưa đầy hai tháng trước, vào ngày 29 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đưa đến Phòng khám đa khoa Gemelli ở Rome, nơi ngài phải nhập viện ba đêm vì bệnh viêm phổi. Đây là lần nhập viện thứ hai của ngài kể từ khi lên được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013. Vào tháng 7 năm 2021, ngài phải ở lại Gemelli để phẫu thuật ruột kết, trong đó 33 cm ruột đã phải cắt bỏ.
Source:Aleteia

2. Ủy ban Công Giáo và Anh giáo nhóm tại đảo Síp

Ủy ban Quốc tế Đối thoại giữa Anh giáo và Công Giáo đã nhóm họp toàn thể, từ ngày 07 đến ngày 15 tháng Năm vừa qua, tại Larnaca trên đảo Síp.

Khóa họp này diễn ra trong khuôn khổ giai đoạn thứ ba đối thoại đại kết giữa hai khối Giáo hội. Tham dự khóa họp, có tất cả các thành viên của Ủy ban cùng với các chuyên gia và nhân viên của Văn phòng Liên hiệp Anh giáo ở Luân Đôn và Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô của Tòa Thánh.

Khóa họp tập trung vào phần hai của sứ mạng được ủy thác, tức là sự thẩm định trong tư cách là Giáo hội địa phương, miền và hoàn vũ về giáo huấn đúng trong lãnh vực luân lý của hai khối Giáo hội. Ủy ban cũng suy tư về vấn đề làm sao có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau.

Trong khóa họp, Đức Tổng Giám Mục Vasilios thuộc Giáo phận Constantia-Ammochostos, Đồng Chủ tịch Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô, đã trình bày quan điểm của Chính thống về sự phân định luân lý.

Trong tuần lễ nhóm họp, các vị đại diện Anh giáo và Công Giáo đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với các lãnh tụ của các Giáo hội địa phương.

Ngày 14 tháng Năm, các thành viên Ủy ban đã hiệp với vị Quản đốc và các tín hữu của Nhà thờ chính tòa Anh giáo Thánh Phaolô ở thủ đô Nicosia, để cử hành phụng vụ Chúa nhật và sau đó đã được Đức Tổng Giám Mục Giáo hội Chính thống Síp tiếp kiến tại trụ sở của ngài, rồi sau đó được vị đại diện Đức Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem, phụ trách mục vụ tại đảo Síp, tiếp đón.

Khóa họp năm tới của ủy ban sẽ tiến hành vào tháng Năm, năm 2024.

3. Bahrain cam kết thúc đẩy đối thoại liên tôn

Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Các vấn đề Hồi giáo và Tài trợ Nawaf bin Mohammed Al Maawda hôm nay đã gặp các thành viên của Ủy ban Thường trực Đối thoại Hồi giáo-Kitô giáo.

Al Maawada chuyển lời chào từ Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa và Hoàng thân Thái tử Salman bin Hamad Al Khalifa, Thái tử kiêm Thủ tướng.

Ông ca ngợi những nỗ lực của Chủ tịch Hội đồng Tối cao về các vấn đề Hồi giáo Shaikh Abdul Rahman bin Mohammed bin Rashid Al Khalifa, nhằm thúc đẩy đối thoại liên tôn.

Ông nhấn mạnh cam kết của Bahrain hỗ trợ các nỗ lực và sáng kiến nhằm thúc đẩy đối thoại liên tôn và xây dựng cầu nối giao tiếp giữa các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau, từ đó góp phần củng cố các nguyên tắc và giá trị chung sống của con người, nêu cao tinh thần khoan dung và lan tỏa hòa bình.

Ủy ban Thường trực Đối thoại Hồi giáo-Kitô giáo được thành lập theo một biên bản ghi nhớ giữa Hội đồng Tối cao Hồi giáo có trụ sở tại Abu Dhabi và Hội Đồng Đối thoại Liên tôn Vatican.

Ủy ban là một trong những kết quả của Diễn đàn Đối thoại Bahrain: Đông và Tây vì sự cùng tồn tại của loài người, được tổ chức bởi Vương quốc Bahrain vào tháng 11 cùng với chuyến thăm chính thức lịch sử tới Vương quốc Bahrain của Đức Thánh Cha Phanxicô và Tiến sĩ Ahmed El-Tayeb. Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa.


Source:www.bna.bh

4. Đức Hồng Y Eijk tin rằng Giáo hội phải dấn thân trong lãnh vực trí tuệ nhân tạo

Đức Hồng Y Wilhelm Jacobus Eijk, Tổng Giám mục Utrecht, Hà Lan, cho rằng sự phổ biến của Trí Tuệ Nhân Tạo và các dịch vụ liên quan đến nó đòi hỏi Giáo Hội Công Giáo phải đáp ứng và cân nhắc.

Đức Hồng Y Eijk không chỉ là một Hồng Y và tổng giám mục, mà còn là một bác sĩ được đào tạo và một chuyên gia về đạo đức sinh học. Đối với ngài, có một điều chắc chắn: một mặt, Giáo Hội cần phải có mặt trong các chatbot như ChatGPT hay Google's Bard, hơn nữa, phải “truyền giáo” cho chúng để các phản hồi cũng bao hàm quan điểm tôn giáo. Mặt khác, cần phản ánh rộng hơn về tác động của trí tuệ nhân tạo và đặc biệt là về cách sử dụng Trí Tuệ Nhân Tạo, bao gồm cả trong lĩnh vực chăm sóc mục vụ và chăm sóc y tế, ảnh hưởng đến cách mà xã hội nhìn nhận con người.

Đức Hồng Y, nổi tiếng vì đã yêu cầu Giáo hội làm sáng tỏ vấn đề về hệ ý thức hệ giới tính, đã xác tín rằng: Giáo hội cũng phải nêu rõ lập trường của chính mình bằng một tài liệu chính thức về tác động của trí tuệ nhân tạo đối với con người. Đồng thời, ngài khẳng định rằng vẫn chưa phải là lúc, bởi vì cần phải có một sự phản ánh rộng lớn hơn nhiều.

“Thật khó để có một cái nhìn tổng quan về tất cả những gì trí tuệ nhân tạo có thể làm cho chúng ta vì đây vẫn là một lĩnh vực ít được biết đến. Nhưng các công nghệ Trí Tuệ Nhân Tạo như chatbot cũng có thể nói lên điều gì đó về các vấn đề tôn giáo.”

Tổng Giám mục Utrecht kể lại rằng trong một bài giảng, ngài đã đưa ra một ví dụ mà ngài đã đọc trong một cuốn sách, đề cập đến Thomas Aquinas:

“Tuy nhiên, một phó tế từ tổng giáo phận của tôi, đồng thời là giáo sư tín lý tại phân khoa thần học của chúng tôi ở Utrecht, không nhớ đã nghe câu chuyện này về Thánh Thomas Aquinas. Vì vậy, một linh mục trẻ đã hỏi một chatbot, và chatbot trả lời rằng ví dụ này đến từ Thánh Albert Đại đế, không phải Thánh Thomas Aquinas. Vì vậy, sự thật là gì? Phản hồi của chatbot là kết quả tính toán của trí tuệ nhân tạo. Nhưng điều này cũng có nghĩa là việc thêm nhiều thông tin tôn giáo vào chatbot có thể ảnh hưởng đến phản hồi. Để làm được điều này, chúng ta phải cố gắng có mặt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Mặc dù Trí Tuệ Nhân Tạo có thể làm được nhiều việc hơn là chỉ nhắn tin: Chatbot, với tư cách là hệ thống đối thoại dựa trên văn bản, đang rất thịnh hành ngày nay.

Một ví dụ nổi bật là “Bing” của Microsoft, đã phát triển với công nghệ Trí Tuệ Nhân Tạo từ một công cụ tìm kiếm thành một chatbot hỗ trợ Internet.

Chatbots như Bing hoặc Bard có thể dễ dàng mô phỏng các cuộc trò chuyện với các vị thánh dựa trên thông tin được phổ biến về cuộc đời và lời nói của các vị thánh.

Đức Hồng Y Eijk thừa nhận rằng một số thận trọng là cần thiết, nhưng đồng thời: “Nếu chúng ta chờ đợi quá lâu, những người khác sẽ đưa ra nhiều thông tin hơn để xác định câu trả lời. Vì vậy, chúng ta không nên đợi lâu mới hành động trong lĩnh vực này. Chúng tôi không biết hậu quả của việc sử dụng rộng rãi nhu liệu chatbot, nhưng chúng tôi đã có thể thấy trước một kịch bản nhất định. Người ta nói rằng nhu liệu này có lỗi, nhưng chúng sẽ như thế nào sau 10, 20, hay 5 năm nữa? Sẽ có những loại trí tuệ nhân tạo khác, những máy tính mạnh hơn nhiều có thể đưa ra câu trả lời chính xác hơn nhiều. Ngay bây giờ chúng ta cần phải tác động đến các câu trả lời.”

Đức Tổng Giám Mục Utrecht nhấn mạnh rằng “việc sợ phát triển là điều dễ hiểu, bởi vì trí tuệ nhân tạo cũng có thể gây ra những hậu quả rất tiêu cực cho xã hội của chúng ta”.

Đức Hồng Y cho biết vấn đề về trí tuệ nhân tạo không chỉ ảnh hưởng đến việc sử dụng nhu liệu để tương tác, mà còn là vấn đề rộng lớn hơn về “việc người máy hóa xã hội của chúng ta, có thể dẫn đến mất nhiều việc làm, đặc biệt là những người chưa học một chuyên ngành nào.

Đức Hồng Y Eijk tiếp tục:

«Nói tóm lại, người máy là một loại nhân viên không đòi tăng lương, làm việc hai mươi bốn giờ một ngày mà không biết mệt mỏi. Điều này có thể thay đổi hoàn toàn xã hội của chúng ta, và tôi có ấn tượng rằng cho đến nay chưa có nhận thức nào, cả trong Giáo hội cũng như trong xã hội, về những thay đổi sâu sắc sẽ đến với chúng ta trong những năm tới.

Ngài nói, một mối nguy hiểm thực sự là nguy cơ của một “thuyết siêu nhân” mới, trong đó con người có thể bị đối xử và coi như máy móc. Ví dụ, Đức Hồng Y Eijk nhớ lại rằng “chúng ta đã có những viện dưỡng lão nơi người máy phân phát thực phẩm. Phân phát thức ăn cho người bệnh. Đây là những khoảnh khắc con người tiếp xúc với bệnh nhân, và điều đó đã bị đánh mất.


Source:infocatolica.com
 
Răng rồng Nga sụp đổ trước xe tăng Anh. Quân Putin tháo chạy, bỏ lại 22 hệ thống pháo, 10 chiến xa
VietCatholic Media
17:32 27/05/2023


1. Quân Nga bỏ chạy ở ngoại ô thành phố Bakhmut mất 22 hệ thống pháo, 10 chiến xa trong một ngày. Quân Ukraine chiếm hết các đỉnh cao.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Bẩy 27 tháng Năm, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết các lực lượng Nga đã tạm thời giảm bớt các cuộc tấn công vào thành phố Bakhmut để tập hợp lại và tăng cường khả năng của họ.

Quân đội tư nhân Wagner của Nga bắt đầu bàn giao các vị trí của mình cho quân chính quy Nga trong tuần này sau khi tuyên bố kiểm soát được thành phố Bakhmut sau trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất, cho đến nay, trong cuộc xâm lược. Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, việc bàn giao chỉ diễn ra ở khu vực ngoại ô thành phố Bakhmut. Quân Wagner tiếp tục ở trong thành phố Bakhmut nhưng trong 24 giờ qua đã không tấn công quân phòng thủ Ukraine vẫn còn chiến đấu ở phía Tây Nam thành phố.

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết, các lực lượng Nga vẫn tiếp tục tấn công chủ yếu bằng pháo binh vào các sườn phía Nam và phía Bắc do quân Ukraine chiếm giữ, nhưng “hoạt động tấn công tổng thể đã giảm,” cô nói.

“Hôm qua và hôm nay không có bất kỳ trận chiến nào đang diễn ra – cả trong thành phố lẫn hai bên sườn,” đồng thời cho biết thêm rằng thay vào đó, quân xâm lược pháo kích vào vùng ngoại ô và các hướng tiếp cận Bakhmut.

“Hoạt động tấn công của đối phương giảm sút là do đang thay quân và tập hợp lại,” Maliar nói. “Đối phương đang cố gắng tăng cường khả năng của chính mình.”

Cô nói thêm rằng quân đội Ukraine đã chiếm được hết các cao điểm nhìn ra Bakhmut từ phía bắc và phía nam, cũng như một phần ngoại ô, nhưng đã không tiến công trong hai ngày qua để tập trung vào “các nhiệm vụ khác”.

Trong khi đó, lực lượng không quân và pháo binh Ukraine tiếp tục tấn công ráo riết vào các đơn vị Nga đang bỏ chạy về hướng Soledar.

Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, đường xá vẫn chưa hoàn toàn khô ráo nên quân Nga trên đường rút lui đã phải bỏ lại các hệ thống pháo, hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và hệ thống phòng không.

Trong 24 giờ qua, 480 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 3 xe tăng, 7 xe thiết giáp, 22 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một hệ thống phòng không, và 11 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 27 Tháng Năm, khoảng 206.200 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược còn bao gồm 3.799 xe tăng, 7.442 xe thiết giáp, 3.406 hệ thống pháo, 572 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 329 hệ thống tác chiến phòng không, 310 máy bay, 296 trực thăng, 2.941 máy bay không người lái, 1.025 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.172 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 449 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Các lực lượng của Tập đoàn Wagner có thể đã bắt đầu rút khỏi một số vị trí của họ xung quanh thành phố Bakhmut của Donetsk.

Vào ngày 25 tháng 5, trùm Wagner Yevgeny Prigozhin, cho biết việc rút lực lượng của ông ta khỏi Bakhmut đã bắt đầu và việc chuyển giao các vị trí cho Bộ Quốc phòng Nga sẽ tiếp tục đến ngày 01 tháng 6.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine cũng chứng thực việc luân chuyển quân Wagner ở ngoại ô thị trấn.

Kể từ ngày 24 tháng 5, lực lượng của cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk có thể đã vào thành phố để bắt đầu các hoạt động rà phá bom mìn.

Trong những tuần gần đây, các thành phần của Lữ đoàn 31 Dù Nga có khả năng đã di chuyển từ khu vực Svatove-Kreminna để củng cố hai bên sườn của Bakhmut.

Các lực lượng Ukraine đã chiếm 20 kilômét vuông bên sườn Bakhmut kể từ ngày 16 tháng 5. Việc luân chuyển lực lượng Wagner ra khỏi khu vực có thể sẽ tiếp tục theo từng giai đoạn có kiểm soát để ngăn chặn sự sụp đổ của các ổ kháng cự xung quanh Bakhmut.

Bất chấp mối thù đang diễn ra của Prigozhin với Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng Wagner có thể sẽ được sử dụng cho các hoạt động tấn công tiếp theo ở Donbas sau khi được bổ sung lực lượng.

3. Máy bay không người lái tấn công xuyên biên giới Nga khi Ukraine gây áp lực lên Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Drone Strikes Across Russian Border as Ukraine Turns Up Heat on Putin—Video”, nghĩa là “Video cho thấy máy bay không người lái tấn công xuyên biên giới Nga khi Ukraine gây áp lực lên Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã được báo cáo tại thành phố Krasnodar ở miền nam nước Nga trong đêm, với một vụ nổ làm hư hại các tòa nhà, các quan chức địa phương cho biết, khi các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các vụ nổ xảy ra như thế nào.

Thống đốc khu vực Krasnodar, Veniamin Kondratiev, cho biết trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình rằng không có thương vong và vụ việc đang được điều tra. Ông cho biết Thị trưởng Krasnodar Yevgeny Naumov “đang có mặt” tại hiện trường.

Đã có sự gia tăng đáng chú ý trong các báo cáo về các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga trong những tuần gần đây, bao gồm cả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Cẩm Linh vào ngày 3 tháng 5 mà Ukraine đã phủ nhận trách nhiệm.

Người dân thành phố đã nghe thấy hai tiếng nổ lớn như sấm sét ở Krasnodar vào khoảng 4 giờ sáng giờ địa phương, kênh Telegram của Nga Baza đưa tin, khi đăng một đoạn video trong đó có thể nghe thấy tiếng nổ.

Kênh Telegram của Nga SHOT báo cáo rằng thành phố đã bị “tấn công” bởi máy bay không người lái, nói rằng người dân đã nghe thấy ít nhất hai vụ nổ. Nó đã công bố một đoạn video cho thấy một tòa nhà đang cháy và âm thanh của một vụ nổ, và một bức ảnh cho thấy đống đổ nát của một chiếc máy bay không người lái trên đường phố Morskaya của Krasnodar.

“Người dân địa phương cho biết đầu tiên họ nghe thấy một tiếng vo vo lớn trên bầu trời và sau đó là hai tiếng nổ. Tất cả xảy ra vào khoảng 4 giờ sáng”, SHOT đưa tin, đồng thời cho biết thêm rằng một tòa nhà văn phòng và một tòa nhà dân cư đã bị hư hại.

Kondratiev cho biết các dịch vụ khẩn cấp và cơ quan thực thi pháp luật đã được điều động tới phố Morskaya.

Hãng tin địa phương 93.RU dẫn lời thị trưởng Krasnodar Naumov nói rằng các tòa nhà dân cư đã bị hư hại. Nó đã công bố những hình ảnh cho thấy một tòa nhà chung cư với các cửa sổ bị vỡ.

Tại khu vực Rostov lân cận, Thống đốc Vasily Golubev cho biết lực lượng phòng không của Nga đã bắn hạ “một hỏa tiễn Ukraine” xung quanh Morozovsk.

“Một hệ thống phòng không đã hoạt động ở khu vực Morozovsk, bắn hạ một hỏa tiễn Ukraine. Quân đội đang làm công việc của họ. Hãy bình tĩnh,” Golubev nói trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình.

Ukraine chưa nhận trách nhiệm về các vụ tấn công và thường phủ nhận có liên quan đến các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái diễn ra khi Nga đang chuẩn bị cho một cuộc phản công của Ukraine nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm.

Mikhail Podolyak, cố vấn của người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết trong tuần này rằng cuộc phản công của Ukraine “đã diễn ra được vài ngày”.

Người đứng đầu Tổng cục Tình báo chính của Ukraine, Thiếu tướng Kyrylo Budanov, nói với đài truyền hình NHK của Nhật Bản hôm thứ Ba rằng các lực lượng Ukraine hiện có đủ phương tiện để bắt đầu phản công.

Ukraine hôm thứ Sáu cho biết lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 10 hỏa tiễn và 25 máy bay không người lái của Nga chỉ trong một đêm.

Newsweek đã liên hệ với bộ ngoại giao Nga và Ukraine để xin bình luận qua email.

4. Video cho thấy xe tăng Challenger 2 xem nhẹ 'Răng rồng' của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Challenger 2 Tanks Making Light Work of Russia's 'Dragon Teeth'“, nghĩa là “Video cho thấy xe tăng Challenger 2 xem nhẹ 'Răng rồng' của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Bộ Quốc phòng Ukraine đã chế giễu các rào chắn phòng thủ “răng rồng” do lực lượng Nga dựng lên ở các khu vực xâm lược của Ukraine, ám chỉ rằng những thứ như thế có thể không chống lại được xe tăng Challenger 2 của nước này.

Xe tăng Challenger 2 thuộc quyền sở hữu của Ukraine là xe tăng chiến đấu chủ lực của Vương quốc Anh—một cỗ máy đã được thử nghiệm kỹ lưỡng do Anh giới thiệu vào năm 1994 và được thiết kế để thay thế Challenger 1. Mục đích chính của nó là tiêu diệt các loại xe tăng khác.

Chia sẻ đoạn phim về một chiếc xe tăng Challenger 2 cày xới mặt đất tại một địa điểm không xác định ở Ukraine và kéo “răng rồng” dọc theo đường đi của nó, Bộ Quốc phòng Ukraine đã tweet vào thứ Năm: “Challenger 2: Nếu có thứ gọi là răng 'rồng', thì ắt phải có 'nha sĩ rồng.'“

Trong clip, có thể thấy chiếc xe tăng đã loại bỏ một số răng rồng và kéo chúng đi vài mét theo nhịp bài hát “Highway to Hell” của AC DC.

“Răng rồng” là chướng ngại vật chống tăng hình chóp làm bằng bê tông cốt thép được sử dụng để cản trở sự di chuyển của xe tăng và bộ binh cơ giới kể từ Thế chiến II. Chúng trông giống như những chiếc răng khổng lồ nhô lên khỏi mặt đất, đúng như tên gọi của chúng.

Theo hình ảnh vệ tinh gần đây liên quan đến các vùng chiến sự ở Ukraine, các lực lượng Nga đã rải “răng rồng” trên một số khu vực của đất nước mà họ đã xâm lược trong năm qua với dự đoán về những gì được đồn đại là một cuộc phản công sắp xảy ra của Ukraine..

Một hình ảnh chụp từ trên không do Capella Space, một công ty vũ trụ của Mỹ, và được Reuters chia sẻ vào cuối tháng 4, cho thấy các lực lượng Nga đã lắp đặt “răng rồng” dọc theo các công sự khác – như hào chống tăng và chiến hào do quân lính điều khiển – được xây dựng từ miền tây nước Nga qua miền đông Ukraine và tới Crimea.

Nhưng Ukraine tỏ ra thách thức trước sự phòng thủ của Nga, thể hiện qua đoạn video chế nhạo được chia sẻ trên Twitter trong tuần này.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã hứa sẽ gửi một đại đội gồm 14 xe tăng Challenger 2 tới Kyiv vào Tháng Giêng, một thông báo nhanh chóng được theo sau bởi việc huấn luyện quân đội Ukraine ở Anh

Các xe tăng được cho là đã được giao cho Ukraine vào cuối tháng 3 và dự kiến sẽ được sử dụng như một phần trong cuộc phản công của Ukraine chống lại Nga. Cuộc tổng phản công của quân Ukraine được cho là đang trong quá trình thực hiện.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NHK của Nhật Bản vào đầu tuần này, người đứng đầu Tổng cục Tình báo Ukraine, Thiếu tướng Kyrylo Budanov, nói rằng cuộc phản công của nước này “sẽ sớm bắt đầu”.

“Chúng tôi đã có sẵn kho vũ khí tối thiểu và các thiết bị khác. Tôi chỉ có thể nói rằng nó sẽ sớm bắt đầu,” ông nói hôm 19 Tháng Năm.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để xin bình luận.

5. Trung tướng Nayev thảo luận với quân đội về nhu cầu huấn luyện tốt hơn để tham gia các trận chiến

Trung tướng Serhiy Nayev, Tư lệnh Lực lượng Liên hợp của Lực lượng Vũ trang Ukraine, đã gặp gỡ những người lính trở về từ các nhiệm vụ chiến đấu ở miền đông đất nước, và thảo luận về sự cần thiết phải huấn luyện tâm lý và chiến đấu tốt hơn cho các quân nhân Ukraine.

Tướng Nayev lưu ý rằng ông “đã đến thăm những người lính vừa trở về sau các nhiệm vụ chiến đấu ở phía đông đất nước chúng ta. Tôi được thông báo về điều kiện sinh hoạt của họ và tiến độ thực hiện nhiệm vụ ở khu hành quân phía Bắc.”

Nayev lưu ý: “Chúng tôi đã nói về việc tích lũy kinh nghiệm chiến đấu, trao đổi ý kiến về sự cần thiết phải bảo đảm huấn luyện tâm lý và chiến đấu tốt hơn cho quân đội của chúng ta để tham gia, cả trong các trận chiến ở nông thôn và các trận chiến ở khu vực đô thị.”

Tư lệnh Serhiy Nayev trước đó cho biết quân đội Ukraine cần hai tuần đến hai tháng để làm chủ các mẫu vũ khí phương Tây mới được chuyển giao cho Lực lượng Phòng vệ từ các quốc gia đối tác.

6. Liên Hiệp Âu Châu cảnh báo động thái triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus “cực kỳ nguy hiểm” của Nga

Liên minh Âu Châu lên án thỏa thuận giữa Mạc Tư Khoa và Minsk triển khai vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus, gọi đó là “bước đi sẽ dẫn đến sự leo thang cực kỳ nguy hiểm hơn nữa”, khối này cho biết hôm thứ Sáu.

“Chế độ Belarus là một kẻ đồng lõa trong cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp và vô cớ của Nga chống lại Ukraine,” Cơ quan Hành động Đối ngoại Âu Châu cho biết trong một tuyên bố, đồng thời kêu gọi Belarus “đảo ngược các quyết định chỉ có thể góp phần làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và làm suy yếu chủ quyền của Belarus.

Liên minh Âu Châu cảnh báo trong tuyên bố: “Bất kỳ nỗ lực nào làm tình hình leo thang hơn nữa sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ và có phối hợp”.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm thứ Năm cho biết việc chuyển giao một số vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga sang Belarus đã bắt đầu, theo hãng thông tấn nhà nước Belta.

7. Cựu tổng thống Nga đặt điều kiện thương thuyết với Ukraine là lật đổ Tổng thống Zelenskiy

Bất kỳ cuộc xung đột nào cũng sẽ kết thúc bằng đàm phán, nhưng chừng nào chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy còn nắm quyền, thì không thể có đàm phán, ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết như trên hôm thứ Sáu, theo hãng thông tấn nhà nước TASS. Dmitry Medvedev được tường trình đang trong chuyến thăm Việt Nam.

“Chừng nào chế độ hiện tại và gã hề Zelenskiy còn nắm quyền ở Kyiv, các cuộc đàm phán sẽ là không thể,” ông Medvedev nói, đồng thời cho biết thêm rằng đến một lúc nào đó, một thỏa thuận sẽ phải được đàm phán.

“Mọi thứ luôn kết thúc trong đàm phán. Điều này là không thể tránh khỏi, nhưng chừng nào những người này còn nắm quyền, tình hình đối với Nga sẽ không thay đổi về mặt đàm phán”, ông Medvedev nói.

Medvedev nói tiếp rằng cần cân nhắc tất cả các đề xuất về hòa bình ở Ukraine do các quốc gia khác nhau đưa ra.

“Đối với các kế hoạch hòa bình được đề xuất, tất cả chúng nên được xem xét,” Medvedev nói khi bình luận về các kế hoạch hòa bình do Trung Quốc và các nước khác đề xuất.

Một số bối cảnh: Kế hoạch hòa bình và yêu sách trung lập của Trung Quốc đã bị thế giới coi thường do Bắc Kinh từ chối thừa nhận bản chất của cuộc xung đột, cũng như hỗ trợ ngoại giao và kinh tế mà nước này dành cho Mạc Tư Khoa. Các quan chức của Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng các mối quan tâm an ninh “chính đáng” của tất cả các quốc gia phải được tính đến và cáo buộc NATO và Mỹ đã thúc đẩy cuộc xung đột.

Dmitry Anatolyevich Medvedev sinh ngày 14 tháng 9, năm 1965. Ông ta được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2008. Ông phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất và được kế nhiệm bởi Putin sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Medvedev sau đó được Putin bổ nhiệm làm thủ tướng. Ông từ chức cùng với phần còn lại của chính phủ vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020 để cho phép Putin thực hiện những thay đổi sâu rộng về hiến pháp; ông được kế nhiệm bởi Mikhail Mishustin vào ngày 16 tháng Giêng năm 2020. Cùng ngày, Putin bổ nhiệm Medvedev vào chức vụ mới là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia.

Medvedev thường được đánh giá là một người có chừng mực, cân bằng và tự do hơn so với người tiền nhiệm Vladimir Putin, là người cũng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev. Chương trình nghị sự hàng đầu của Medvedev trên cương vị tổng thống là một chương trình hiện đại hóa trên diện rộng, nhằm hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội Nga, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ và khí đốt. Trong nhiệm kỳ của mình, Medvedev cũng phát động chiến dịch chống tham nhũng, mặc dù sau đó chính ông ta bị buộc tội tham nhũng hạng gộc.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến tại Ukraine, người ta càng ngày càng thấy ông ta có những phát biểu điên cuồng, đặc biệt là luận điệu thường xuyên đe dọa thế giới bằng vũ khí hạt nhân.

8. Bộ Ngoại giao Nga triệu tập các nhà ngoại giao Hoa Kỳ về bình luận của Sullivan về các cuộc tấn công ở Crimea

Hôm thứ Sáu 26 Tháng Năm, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova, cho biết Đại Sứ Hoa Kỳ tại Nga đã bị triệu tập đến Bộ Ngoại Giao Nga. Phía Nga đã kêu gọi các nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ” đối với nhận xét của Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan về các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea, sau khi ông nói rằng Hoa Kỳ đã không đặt ra các giới hạn đối với Kyiv trong việc tấn công trong phạm vi lãnh thổ của mình.

Zakharova đã gọi nhận xét của Sullivan trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào hôm Chúa Nhật là “không thể chấp nhận được.”

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Sullivan cũng nói rằng Washington sẽ không cho phép Ukraine với các hệ thống phương Tây tấn công lãnh thổ Nga, trong đó có Crimea.

Zakharova cho biết: “chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, trước các bằng chứng cụ thể, trực tiếp về việc sử dụng vũ khí và thiết bị được Ngũ Giác Đài cung cấp cho nhu cầu của Lực lượng Vũ trang Ukraine, để chuẩn bị và thực hiện các hành động khủng bố của các chiến binh Ukraine; sự bảo đảm của các quan chức Mỹ rằng Hoa Kỳ không khuyến khích các cuộc tấn công như vậy nhằm vào Nga là đạo đức giả và đánh lừa.”

“Các hành động thù địch của Hoa Kỳ, là nước vốn từ lâu đã là một bên trong cuộc xung đột, đã đẩy quan hệ Nga-Mỹ vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc và nguy hiểm, gây ra những hậu quả khó lường”, Bộ Ngoại Giao Nga cho biết thêm.

“Đã đến lúc Washington phải biết rằng bất kỳ hình thức gây hấn nào chống lại Nga sẽ tiếp tục vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ nhất”.

Một số bối cảnh: Quan hệ ngoại giao giữa các đồng minh phương Tây của Kyiv và Điện Cẩm Linh ngày càng xấu đi sau khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

9. Điện Cẩm Linh yêu cầu giải phóng tài sản nước ngoài của Nga “không kèm theo bất kỳ điều kiện nào”

Điện Cẩm Linh yêu cầu Vương quốc Anh và các quốc gia khác giải phóng tài sản nước ngoài của Nga mà không có bất kỳ điều kiện nào, khi các đồng minh phương Tây của Ukraine gây áp lực kinh tế lên Mạc Tư Khoa về cuộc xung đột.

“Anh và các quốc gia khác xâm phạm tài sản của Nga có nghĩa vụ phải giải phóng chúng ngay lập tức mà không cần bất kỳ điều kiện nào”, phát ngôn viên Mạc Tư Khoa Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Sáu.

“Nếu không, họ vi phạm tất cả các quy tắc của cả luật pháp trong nước và luật pháp quốc tế,” ông nói thêm.

Một số thông tin cơ bản: Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đã phong tỏa hoặc tịch thu tài sản trị giá 58 tỷ đô la do những người Nga bị trừng phạt sở hữu hoặc kiểm soát trong năm qua, trong một nỗ lực nhằm phá hoại nền kinh tế Nga trong bối cảnh chiến tranh.

Lực lượng Đặc nhiệm đối phó với Giới tinh hoa, Ủy quyền và Đầu sỏ Nga, gọi tắt là REPO, cho biết vào tháng 3 rằng họ sẽ “tăng gấp đôi” nỗ lực trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin và các cộng sự của ông.

REPO là nỗ lực chung giữa Mỹ, Úc, Canada, Đức, Ý, Pháp, Nhật Bản, Anh và Ủy ban Âu Châu. Nó được thành lập vào năm ngoái để giám sát việc trốn tránh các lệnh trừng phạt.

Phản ứng của Dmitry Peskov được tường trình là để đáp lại quyết định mới nhất của Nhật Bản. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết Nhật Bản sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga sau khi hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy nước (G7) mà nước này đăng cai vào tuần trước đã nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt việc Mạc Tư Khoa xâm lược Ukraine.

Reuters đưa tin rằng ông Matsuno, phát ngôn viên chính phủ hàng đầu của Tokyo, cũng lên án động thái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga hôm thứ Năm ở Belarus, nói rằng điều đó sẽ làm căng thẳng thêm các tình huống xung quanh cuộc xâm lược Ukraine.

“Là quốc gia duy nhất hứng chịu các vụ ném bom nguyên tử trong thời chiến, Nhật Bản không bao giờ chấp nhận mối đe dọa hạt nhân của Nga, chứ chưa nói đến việc sử dụng nó,” ông Matsuno nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Trong một hành động phối hợp với G7, Nhật Bản sẽ đóng băng tài sản của 78 nhóm và 17 cá nhân, bao gồm cả các sĩ quan quân đội ở Nga và cấm xuất khẩu sang 80 thực thể của Nga chẳng hạn như sang các phòng thí nghiệm nghiên cứu trực thuộc quân đội

Nhật Bản cũng sẽ cấm cung cấp các dịch vụ xây dựng và kỹ thuật cho Nga, mặc dù các chi tiết của biện pháp này sẽ được công bố vào một ngày sau đó, một tuyên bố của Bộ Thương mại cho biết.

10. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển cho biết sẽ xem xét đào tạo phi công Ukraine trên máy bay chiến đấu Gripen nếu được Ukraine yêu cầu

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển nói với CNN rằng Thụy Điển sẽ “cố gắng đáp ứng” việc hướng dẫn các phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu Gripen nếu Ukraine đưa ra yêu cầu, khi Kyiv tăng cường cầu xin các đồng minh phương Tây về việc mua máy bay chiến đấu.

“Chúng tôi mong muốn hỗ trợ Ukraine bằng mọi cách có thể và nếu họ muốn các phi công của họ đánh giá Gripen, chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng điều đó, mặc dù một số quyết định vẫn thuộc về cả hai bên,” Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho biết.

Ông đưa ra lập trường trên để trả lời câu hỏi về một báo cáo hôm thứ Năm từ đài truyền hình công cộng Thụy Điển SVT cho biết các phi công Ukraine sẽ được huấn luyện trên các máy bay phản lực.

Ông nói thêm rằng Bộ Quốc phòng Ukraine đã yêu cầu “đánh giá hoạt động” của hệ thống máy bay chiến đấu Gripen của Thụy Điển. Chúng tôi hiện đang làm việc để đáp ứng các tiêu chí của yêu cầu này.”

Trong khi Jonson cho biết Thụy Điển sẵn sàng đào tạo phi công Ukraine, ông cũng nói với CNN rằng Stockholm sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu Gripen cho Ukraine “ở giai đoạn này”.

“Chúng tôi không loại trừ điều gì khi nói đến việc hỗ trợ Ukraine,” Jonson phản ánh. “Tuy nhiên, ở giai đoạn này, chúng tôi chưa hỗ trợ Lực lượng Vũ trang Ukraine bằng Máy bay chiến đấu Gripen của Thụy Điển.”

Jonson đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Kyiv hôm thứ Năm.

Tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với các nhà lãnh đạo G7 rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ nỗ lực chung để đào tạo phi công Ukraine trên máy bay F-16 do Hoa Kỳ sản xuất. Vương quốc Anh và Hà Lan đều tuyên bố rằng họ có ý định cung cấp cho Ukraine những chiếc máy bay phản lực F-16 này.

11. Chiến lược không gian mạng mới của Hoa Kỳ sử dụng bài học từ cuộc chiến ở Ukraine để ngăn chặn đối phương

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ có một chiến lược không gian mạng mới rút ra bài học từ cuộc chiến của Nga với Ukraine và nhằm mục đích sử dụng các hoạt động mạng để ngăn chặn và “làm nản lòng” các đối thủ của Mỹ, theo một bản tóm tắt được Ngũ Giác Đài công bố hôm thứ Sáu.

Chiến lược mới, có thể xác định cách quân đội Hoa Kỳ tiếp cận một lĩnh vực quan trọng trong không gian mạng, chỉ ra Trung Quốc là “thách thức đang tăng tốc trong lĩnh vực mạng”.

Ông cho biết: Chính phủ Trung Quốc “đã đầu tư đáng kể vào năng lực mạng quân sự và trao quyền cho một số tổ chức ủy quyền để theo đuổi các hoạt động mạng độc hại chống lại Hoa Kỳ”. Bộ đã gửi chiến lược được phân loại tới Quốc hội trong tuần này, theo bản tóm tắt.

Trong khi đó, Nga “đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng trong không gian mạng, được chứng minh bằng những nỗ lực gây ảnh hưởng xấu của nước này chống lại Hoa Kỳ và các cuộc tấn công mạng lặp đi lặp lại nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Ukraine.”

Một ví dụ về cách các tin tặc quân đội Hoa Kỳ tìm cách “làm nản lòng” đối thủ của họ xuất hiện vào năm 2018, khi Bộ chỉ huy Mạng tạm thời đánh sập một trang trại điện tặc Nga phát tán thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử năm 2018.

Trong 5 năm kể từ chiến lược không gian mạng gần đây nhất của Ngũ Giác Đài, quân đội Hoa Kỳ đã công khai hơn về việc họ sẵn sàng sử dụng các hoạt động tấn công và phòng thủ không gian mạng để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ. Và Cyber Command, đơn vị quân đội chịu trách nhiệm về các hoạt động hack, đã đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ, bao gồm cả các cuộc bầu cử, khỏi các mối đe dọa trên mạng.

Bộ chỉ huy cũng đã tiến hành ngày càng nhiều các nhiệm vụ được gọi là “săn lùng” trong đó các quan chức đi đến các quốc gia đồng minh và, với sự cho phép, điều tra các mối đe dọa tấn công mạng từ Nga hoặc các quốc gia khác.