Ngày 29-05-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi 30 tháng 5 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
00:14 29/05/2021


BÀI ĐỌC I: Đnl 4, 32-34. 39-40

“Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác”.

Bài trích sách Đệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng? Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 32, 4-5. 6 và 9. 18-19. 20 và 22

Đáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Ngài làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.

2) Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành, và mọi cơ binh chúng đều do hơi thở miệng Ngài. Vì chính Ngài phán dạy mà chúng được tạo thành, chính Ngài ra lệnh mà chúng trở nên thực hữu.

3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

4) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Đấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

BÀI ĐỌC II: Rm 8, 14-17

“Anh em đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha!”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa. Vì không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: “Abba – lạy Cha!” Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Kh 1, 8

All. All. – Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có và sẽ đến. – All.

PHÚC ÂM: Mt 28, 16-20

“Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Đó là lời Chúa.
 
Gặp Ngài Nên Con Không Sợ Chết Nữa
LM. Giuse Trương Đình Hiền
13:23 29/05/2021
Gặp Ngài Nên Con Không Sợ Chết Nữa

(Lễ Chúa Ba Ngôi - Năm B – 2021)

Rất nhiều người chúng ta tự nhận mình là “người có đức tin”, là kẻ “tin Chúa”. Nhưng thật ra, không mấy ai thật sự có một “kinh nghiệm”, một “cảm nghiệm” thật sâu xa, chân thực, sống động… về Thiên Chúa; và thường nếu có, lại là trong những hoàn cảnh thật éo le, khắc nghiệt, như lời thú nhận trong bức thư được tìm thấy trên thi thể của một anh linh chiến tử trận thời Đệ I Thế chiến: “Chúa ơi, trước đây con chưa bao giờ thưa chuyện với Ngài, nhưng bây giờ con xin chào Ngài. Họ đã nói với con rằng Ngài không hiện hữu, và như một thằng điên, con đã tin họ. Nhưng đêm hôm qua, con đã nhìn lên trời từ một lỗ nhỏ trong hầm trú. Con đã thấy vẻ đẹp của những vì sao và con nghĩ rằng vũ trụ bao la biết chừng nào. Khi đó con biết rằng họ đã nói dối. Con không biết Ngài sẽ bắt tay con không khi Ngài và con gặp nhau. Dù sao, con cảm nghĩ rằng Ngài sẽ hiểu cho tất cả những sa ngã của con. Thật lạ lùng sao con phải đến nơi khủng khiếp này mới có thể biết được Ngài. Trước đây còn đã làm gì? Con chẳng biết nói gì hơn, nhưng con đoan chắc rằng con rất hạnh phúc khi hôm nay được biết Ngài. Con cảm thấy giờ zero sắp đến. Sắp có một trận đánh khủng khiếp. Biết đâu ngay đêm nay con có thể đến nhà Ngài. Con đang khóc ! Lạ quá con đang khóc, vì trước đây chưa bao giờ con khóc như thế. Bây giờ con phải đi. Nhưng vì con đi để gặp Ngài nên con không sợ chết nữa.”.

Mà cũng đúng thôi ! Nếu không có “ơn đức tin” làm sao chúng ta có thể biết Chúa; nói gì đến chuyện “cảm nhận, kinh nghiệm về Chúa ! Tác giả Thánh Vịnh đã xác quyết: “Chúa siêu việt trên hết mọi dân, vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm.” (Tv 113,4). Và một trong những thái độ kiêu căng và lầm lạc to lớn nhất của con người đó chính là phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, đến nổi, tác giả Thánh Vịnh đã lặp lại hai lần trong những câu mở đầu của hai Thánh vịnh 14 và 53: Kẻ ngu si tự nhủ: "Làm chi có Chúa Trời!" Chúng đã ra hư đốn, làm những điều ghê tởm, chẳng có một ai làm điều thiện. Từ trời cao, Chúa nhìn xuống loài người, xem ai là kẻ có lương tri, biết kiếm tìm Thiên Chúa (Tv 14,1-2; 53, 1-3).

Tạ ơn Chúa. Chúng ta, những Kitô hữu, nhờ ơn Đức Tin qua Nhiệm Tích Thánh Tẩy nhân Danh Ba Ngôi (“Ta rửa con, nhân Danh Cha…”); và nhờ sự mạc khải của chính Đức Kitô mà chúng ta tin nhận Thiên Chúa và chương trình huyền nhiệm của Ngài như lời xác quyết của Thánh Phaolô: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tầt cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1,19); “Người cho ta được biết mầu nhiệm ý muốn của Người, theo như điều Người ưa thích mà Người đã định từ trước trong Đức Kitô, để thực hiện kế họach khi thời gian viên mãn: đó là quy tụ muôn loài trên trời dưới đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô.” (Ep 1,9-11).

Thật vậy, nếu không có “Người Con Một được Chúa Cha yêu thương ban tặng”, thì mãi mãi loài người chúng ta, có may mắn nhất thì cũng chỉ được như dân Do Thái: “tiếp cận xa xa” trước một Thiên Chúa “uy hùng cao cả khi thần hiển ở Sinai”; chiêm ngắm một Thiên Chúa “kín ẩn mịt mờ như cột lửa, áng mây dẫn đường về Đất hứa”; hay cụ thể lắm như cách thuyết minh của Môsê trong Đệ Nhị Luật nơi Bài đọc 1 vừa nghe: “Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng?...”.

Vâng, không có Đức Kitô, chúng ta không thể có một Thiên Chúa gần gũi thân thương để thân thưa như một em bé: “Abba”; một Thiên Chúa nghĩa tình thân mật để tâm sự như một học trò: “ThưaThầy”; một Thiên Chúa là chỗ tựa nương yên ủi để gọi mời như một bạn đường, một khách quý: “Hỡi Khách trọ hiền lương… xin hãy đến”…

Vâng, đó chính là “dung mạo Thiên Chúa Ba Ngôi” mà ngày lễ hôm nay nhắm đến, cử hành. Quả vậy, nếu trong suốt Năm Phụng vụ, mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng…, những người tín hữu Công Giáo chúng ta đều cử hành các “Mầu nhiệm Thánh” để tôn vinh, thờ phượng Thiên Chúa qua Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, sau đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Phụng vụ đã dành riêng Chúa Nhật liền kề để kính nhớ Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, “mầu nhiệm trọng tâm và nền tảng” của kho tàng giáo lý đức tin, mà ngôn ngữ của chính Chúa Giêsu là “Cha, Con, Thánh Thần”.

Thật vậy, danh xưng “Cha, Con, Thánh Thần”, trước tiên, được chính Chúa Giêsu nói đến trong “mệnh lệnh sai đi” truyền cho các môn đệ trước khi Ngài lên trời: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Danh xưng nầy, có khi đủ cả “ba Người” (Chúa Cha, Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần), có khi chỉ có “hai Người” (Cha, Con), cũng thường được Chúa Giêsu nhắc đến trong các lời tâm sự, nhắn nhủ các môn sinh trong thời gian trước khi chịu khổ nạn: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”…; “Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con”…; “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”…; “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”…. (Ga 14, 9.13.16.26).

Riêng Giáo Hội ngay từ thuở ban đầu, vừa đón nhận giáo lý đức tin về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa cô đọng chân lý nền tảng đó thành những lời vinh tụng ca trong Phụng vụ như lời chào chúc mở đầu Phụng vụ Thánh lễ: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần…” (2 Cr 13,13); hay trong bài ca vinh tụng kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể: “Chính nhờ Người với Người và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha Toàn năng trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.

Tuy nhiên, qua Lời Chúa cũng như Thánh Truyền của Giáo Hội mà chúng ta vừa điểm qua cách đan thanh, chân lý Thiên Chúa Ba Ngôi, cho dù cao cả và thâm sâu cách mấy, cũng không phải chỉ để tuyên xưng, vinh tụng như một công thức; mà chính là để thấm nhập vào từng ngỏ ngách cuộc sống; như dấu chỉ Thánh Giá nhân danh Ba Ngôi đã theo suốt cuộc đời người Kitô hữu từ khi mở mắt chào đời cho đến khi nằm sâu dưới huyệt mộ.

Hơn nữa, như định nghĩa của Thánh Gioan: Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4,8). Vì thế, Thiên Chúa Ba Ngôi cũng chính là Thiên Chúa Tình yêu, một tình yêu trọn hảo, thâm sâu, hiệp nhất nên một giữa Ba Ngôi Vị: Cha, Con, Thánh Thần; một tình yêu khuôn mẫu cho các gia đình Kitô hữu, cho các cộng đoàn thánh hiến, cho các tổ chức tông đồ…

Trong một thế giới đang thiếu vắng những giá trị “tin, yêu, hy vọng” và chứng nhân của tình yêu và sự hiệp nhất đích thực, huyền nhiệm Ba Ngôi hôm nay là một thúc bách mạnh mẽ để mọi gia đình Kitô hữu, mọi thành phần Hội Thánh làm mới lại những cam kết tin cậy mến mang “dấu ấn Ba Ngôi của nhiệm tích Thánh Tẩy”, những cam kết hiệp nhất yêu thương theo “dáng đứng Ba Ngôi” của bí tích Hôn Phối”, những cam kết dấn thân phục vụ và hy sinh quên mình theo “phong cách Ba Ngôi” của bí tích Truyền Chức, Thêm Sức…

Sau hết, chúng ta đừng quên: chân lý Ba Ngôi luôn gắn liền với “mệnh lệnh lên đường”: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Vì thế, không phải chỉ hôm nay, mà mọi phút giây trong cuộc đời Kitô hữu đều là những chắt chiu, nỗ lực để mang Chúa đến cho mọi người. Dĩ nhiên, không phải một Thiên Chúa “cau có khó chịu”, một Thiên Chúa “ở tận trên các tầng mây”, một Thiên Chúa “khắc nghiệt để sợ hãi”…; nhưng phải là một “Thiên Chúa tình yêu”, Thiên Chúa của hạnh phúc và niềm vui”. Vì chưng, như lời dạy của Thánh Phaolô Tông đồ: “không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: “Abba – lạy Cha!”. Hay như lời tâm sự cuối cùng của người lính trẻ tử trận hồi Đệ 1 Thế chiến: “Bây giờ con phải đi. Nhưng vì con đi để gặp Ngài nên con không sợ chết nữa”. Amen.

Trương Đình Hiền

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:01 29/05/2021

9. Đau khổ của luyện ngục vượt qua tất cả những đau khổ ở đời này.

(Thánh Thomas Aquinas)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:05 29/05/2021
60. VIỆC NGOẠI KHOA ĐÃ XONG

Có một binh sĩ cánh tay trúng tên, đau nhức nhối quá chừng, bèn mời một thầy thuốc ngoại khoa nổi tiếng đến trị liệu.

Thầy thuốc lấy dao cắt thân mũi tên nằm bên ngoài cánh tay, sau đó đòi tiền và cáo từ.

Anh binh sĩ nói:

- “Thân mũi tên thì ai mà không biết cắt đi, nhưng cái đầu mũi tên thì vẫn còn ở trong thịt, sao ông lại bỏ đi chứ.”

Thầy thuốc lắc đầu nói:

- “Việc ngoại khoa tôi đã hoàn thành, cái đầu mũi tên ở trong thịt là việc của nội khoa”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 60:

Bệnh bên trong lục phủ ngũ tạng của con người thì có bác sĩ nội khoa, có bệnh bên ngoài như gãy xương, bị cung tên kiếm dao đâm chém thì có bác sĩ ngoại khoa, dù là nội khoa hay ngoại khoa thì cũng đều vì con người mà trị bệnh, đó là tiến bộ của y học.

Có những bác sĩ giỏi tay nghề nhưng không giàu tình thương với người bệnh, có những bác sĩ không giỏi tay nghề nhưng giỏi móc tiền bệnh nhân, có những y tá viên khoác áo màu trắng thiên thần nhưng hách dịch và phân biệt đối xử với người bệnh, họ làm bác sĩ và y sĩ là vì tiền và danh vọng chứ không vì lời thề: lương y như mẹ hiền.

Nhưng vẫn còn đó những bác sĩ và y sĩ rất có lương tâm, họ chữa bệnh cho bệnh nhân như chữa bệnh cho Đức Chúa Giê-su, họ ân cần săn sóc bệnh nhân như săn sóc Đức Chúa Giê-su, họ nhìn thấy Chúa trong tất cả những người bệnh đến với họ, họ là những sứ giả Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su.

Bác sĩ là danh hiệu cao quý, nhưng càng cao quý hơn khi trong tâm hồn bác sĩ đầy ắp tinh thần phục vụ như Đức Chúa Giê-su: vị bác sĩ tuyệt vời của nhân loại.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Hiệp thông nên một
Lm. Inaxiô Trần Ngà
18:50 29/05/2021


Gia đình Thiên Chúa, ba Ngôi nên một

Nhân ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta cùng chiêm ngắm ba Ngôi Thiên Chúa như một “Gia đình” huyền nhiệm. “Gia đình” nầy có ba vị hay ba ngôi riêng biệt: Ngôi thứ nhất là Chúa Cha, ngôi thứ hai là Chúa Con, ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần.

Giáo lý Hội thánh Công Giáo dạy rằng: “Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần thực sự phân biệt với nhau… Chúa Con không phải là Chúa Cha và Chúa Cha không phải là Chúa Con, Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha hoặc Chúa Con” (GLHTCG số 254).

Mặc dù Chúa Cha không phải là Chúa Con, nhưng cả hai hiệp nhất nên một trong tình yêu thương như lời Chúa Giê-su nói: “Thầy với Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Vì thế, “Ai thấy Thầy là đã xem thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).

Còn Chúa Thánh Thần tuy không phải là Chúa Cha hoặc Chúa Con, nhưng được xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con, là một với Chúa Cha và Chúa Con.

Từ “một” ở đây không nhằm chỉ số lượng ít nhiều, nhưng có ý nói đến sự hiệp nhất. Chẳng hạn như khi Chúa Giê-su nói: “Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” (Mc 10,8). Hai vợ chồng tuy trở nên “một” do tình yêu thương nối kết, nhưng xét theo số lượng, họ vẫn là hai.

Cũng thế, trong “Gia đình Thiên Chúa”, tình yêu thương sâu đậm giữa ba Ngôi đã liên kết Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần nên một, thế nên Hội thánh dạy rằng dù có ba Ngôi, nhưng chỉ có một Chúa.

Chúa Giê-su mong muốn gia đình chúng ta yêu thương hiệp nhất như gia đình của ba Ngôi Thiên Chúa

Gia đình ba Ngôi Thiên Chúa là trung tâm của tình yêu thương, hoan lạc và hiệp nhất, là mẫu mực tuyệt vời nhất cho các gia đình khác noi theo.

Vì thế, hôm xưa, trước khi rời xa các môn đệ để bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su mong ước các môn đệ Ngài yêu thương gắn bó nên một với nhau như ba Ngôi Thiên Chúa hằng hiệp nhất trong yêu thương, nên Ngài tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin cho tất cả chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha…. để họ được nên một như Chúng Ta là một…” (Ga 17, 20-23).

Và hôm nay, Chúa Giê-su cũng mong ước gia đình của mỗi chúng ta luôn sống trong yêu thương và hiệp nhất như gia đình của Ngài nên Ngài hướng nhìn về mỗi thành viên trong gia đình chúng ta và cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho người cha, người mẹ và đứa con nầy nên một, “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha… để họ được nên một như Chúng Ta là một.”

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con quyết tâm chọn “Gia đình” của Chúa làm mẫu mực lý tưởng để xây dựng gia đình chúng con, xây dựng giáo xứ chúng con thành gia đình yêu thương và hiệp nhất bền chặt như “Gia đình” ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ đó mỗi gia đình sẽ trở nên hình ảnh sống động về Thiên Chúa ba Ngôi như lời nhắn nhủ của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Ki-tô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa ba Ngôi Thiên Chúa. ”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Kim Chính Ân cấm sử dụng dược phẩm Trung Quốc trong bệnh viện Bình Nhưỡng
Đặng Tự Do
16:26 29/05/2021


Kim Chính Ân hay còn gọi là Kim Jong-un đã ra lệnh cấm sử dụng các loại thuốc Trung Quốc trong các bệnh viện chính ở Bình Nhưỡng. Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, trích dẫn Daily NK, cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên đã ra lệnh cấm các dược phẩm Trung Quốc sau khi một quan chức cấp cao của chế độ này qua đời hồi đầu tháng sau khi uống một loại thuốc được sản xuất tại Hoa Lục.

Lệnh cấm cũng bao gồm cả các vắc-xin của Trung Quốc chống lại Covid-19. Thuốc chống coronavirus của Trung Quốc thậm chí bị cấm không được sử dụng trong các nghiên cứu phát triển vắc-xin của Bắc Hàn. Cho đến nay quốc gia cộng sản này vẫn khẳng định rằng không có trường hợp lây nhiễm Covid ở nước này, một tuyên bố mà cộng đồng khoa học quốc tế tin là sai.

Tin tức về lệnh cấm thuốc Trung Quốc trái ngược với những tiết lộ của 19FortyFive. Vào tháng 12, trang web của Mỹ nói rằng Kim đã được tiêm vắc xin chống lại coronavirus bằng một loại thuốc thử nghiệm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nguồn tin Triều Tiên được Daily NK trích dẫn lại đặt câu hỏi về nguồn tin theo đó quan chức cấp cao của Bình Nhưỡng đã chết vì uống thuốc của Trung Quốc. Một cuộc điều tra nội bộ cho thấy các bệnh viện ở thủ đô không có đủ phương tiện làm lạnh để bảo quản thuốc, đặc biệt là vắc xin Covid.
Source:Asia News
 
Đức Thánh Cha chuẩn y bảy sắc lệnh cho các án tuyên thánh
Đặng Tự Do
16:27 29/05/2021


Đức Thánh Cha Phanxicô đã ủy quyền cho Bộ Phong thánh Vatican ban hành 7 sắc lệnh, trong đó có một sắc lệnh liên quan đến tử đạo.

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh. Vị Hồng Y tổng trưởng đã trình bày với ngài, xin phê chuẩn 7 sắc lệnh liên quan đến án tuyên thánh của 7 ứng viên. Đức Thánh Cha đã ủy quyền cho Thánh Bộ ban hành một sắc lệnh về tử đạo và 6 sắc lệnh về các nhân đức anh hùng.

Các ứng viên đến từ Peru, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha và Hung Gia Lợi gồm 3 nữ và 4 nam. Các sắc lệnh mới gồm:

- Sắc lệnh nhìn nhận phúc tử đạo của Tôi tớ Chúa Maria Agostina Rivas López, còn được gọi là Aguchita, nhũ danh Antonia Luzmila, một nữ tu của hội dòng Đức Mẹ Bác ái Mục tử Nhân lành. Sơ sinh ra ở Coracora, Peru ngày 13 tháng 6 năm 1920. Sơ đã làm việc và nâng đỡ cho các trẻ em gái và người dân bản địa trong cộng đồng rừng nghèo của sơ ở Peru. Sơ bị giết vào ngày 27 tháng 9 năm 1990 tại Coracora bởi một nhóm khủng bố vì thù hận Đức tin. Với việc công nhận phúc tử đạo này, Sơ Aguchita sẽ được phong chân phước.

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Felice Canelli, một linh mục triều, sinh tại San Severo, bên Ý vào ngày 14 tháng 10 năm 1880 và qua đời tại đó ngày 23 tháng 11 năm 1977.

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Bernard của Mẹ Tình yêu Cao Cả, nhũ danh Zygmunt Kryszkiewicz, một linh mục đã khấn trọn cho Dòng Thương khó của Chúa Giêsu Kitô. Ngài sinh ra ở Mława, Ba Lan vào ngày 2 tháng 5 năm 1915 và mất tại Przasnysz vào ngày 7 tháng 7 năm 1945.

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Mariano Gazpio Ezcurra, một linh mục khấn trọn trong Dòng Augustinô thuyết giảng. Ngài sinh ở Puente la Reina, Tây Ban Nha vào ngày 18 tháng 12 năm 1899 và mất tại Pamplona vào ngày 22 tháng 9 năm 1989.

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Colomba di Gesù Ostia, nhũ danh Anna Antonietta Mezzacapo, Tu viện trưởng Santa Teresa delle Carmelitane Scalze di “Marcianise”. Sơ sinh ở Marcianise, bên Ý vào ngày 15 tháng 6 năm 1914 và mất tại đó vào ngày 13 tháng 8 năm 1969

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Antonia Lesino, thuộc Dòng Ba Đa Minh. Bà sinh ra tại Milan, bên Ý vào ngày 11 tháng 10 năm 1897 và mất tại Brescia vào ngày 24 tháng 2 năm 1962;

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Alessandro Bálint, một giáo dân và là cha của một gia đình. Ông sinh ra ở Szeged-Alsóváros, ngày nay là Hung Gia Lợi, vào ngày 1 tháng 8 năm 1904 và mất tại Budapest vào ngày 10 tháng 5 năm 1980.

Với 6 sắc lệnh về các nhân đức anh hùng, các ứng viên nhận được danh hiệu Bậc Đáng kính.
Source:Vatican News
 
Ấn Độ: Thảm họa kinh hoàng - hơn 400 linh mục và tu sĩ đã chết vì Covid-19
Thanh Quảng sdb
18:42 29/05/2021
Ấn Độ: Thảm họa kinh hoàng - hơn 400 linh mục và tu sĩ đã chết vì Covid-19

Có ít nhất 205 linh mục và 210 tu sĩ, đa số là nữ tu đã chết vì Covid-19 ở Ấn Độ, trong tháng Tư và tháng Năm.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Hơn 400 linh mục và tu sĩ đã bị tử vong ở Ấn Độ do nhiễm Covid-19, phần lớn chết trong giai đoạn cao điểm của đợt nhiễm thứ hai tàn phá nước này vào tháng 4 và tháng 5. Con số nghiệt ngã này đã được Cha Suresh Mathew, một linh mục Dòng Phan Sinh, là biên tập viên của tạp chí Indian Currents do Giáo hội điều hành, tổng kết. Tính đến thứ Bảy ngày 29 tháng 5, 205 linh mục và 210 nữ tu đã chết vì Covid-19, nâng tổng số lên 415. Con số có thể cao hơn vì một số thương vong không được báo cáo.

Danh sách có 3 giám mục: Đức Tổng Giám Mục Antony Anandarayar của Pondicherry-Cuddalore hưu trí và Giám mục Basil Bhuriya của Jhabua qua đời vào ngày 3 và 5 tháng Năm. Giám mục hưu trí Joseph Neelankavil của Sagar theo nghi thức Syro-Malabar, qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm nay.

Chết trong một chuỗi dài

Cha Mathew nêu ra “Tỷ lệ thương vong của các linh mục và tu sĩ, đặc biệt nữ tu cao vì họ làm việc ở những vùng sâu vùng xa, nơi không có các cơ sở y tế”. “Phần lớn họ đã liều mình phục vụ Giáo hội và xã hội. Quốc gia Ấn thiếu các cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực y tế, mà họ phải sống và làm việc ở giữa dân chúng trong các vùng nông thôn và chết giữa họ!” Cha Matthêu chia sẻ với Đài Vatican như thế.

Số người chết liên quan đến 98 giáo phận và 106 dòng tu. Bất chấp nguy cơ lây nhiễm, các giáo phận và dòng tu đã và đang nỗ lực xoa dịu những thương đau cho các nạn nhân của cơn đại dịch. Nhiều giáo phận và Dòng tu đã phải tự sửa soạn các phương tiện điều trị cho các nạn nhân Covid-19.

Cha Mathew báo cáo về những trường hợp tử vong từ các cộng đồng và giáo đoàn của Ấn Độ và 174 giáo phận của đất nước để tổng hợp một danh sách. Cha nói rằng con số thương vong có thể còn cao hơn, vì "điều kiện tiếp cận và đưa đến được bệnh viện quá trễ". Cha cho biết một số người bị nhiễm vì đã làm nhiệm vụ bình thường của họ, như “Tụ tập, tĩnh tâm, hội họp, v.v.” và đã bị nhiễm khuẩn!.." Cha Mathew cho hay: “Chúng ta cấm tụ tập để tránh lây lan, nhưng số người chết sẽ thấp hơn nhiều nếu có đủ vắc-xin và được tiêm chủng.

Tuy nhiên, Cha Mathew nhìn những con số đáng buồn này dưới ánh sáng của đức tin, ngài nói: "Chúng tôi nhìn vào những nạn nhân của Covid và chấp nhận như thánh ý Chúa." Cha nói, những người chết vì thực hiện sứ mệnh của họ thì “đáng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu”.

Các con số quá tải của Ấn Độ

Ấn Độ, một quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, hiện đang gánh chịu một sự tàn phá tệ hại nhất của cơn đại dịch, dẫn đầu về số ca nhiễm và số người chết hàng ngày. Quốc gia này hôm thứ Bảy vừa qua đã cho biết có 173.790 ca nhiễm coronavirus mới, mức thấp nhất trong 45 ngày qua, trong khi số ca tử vong tăng 3.617. Theo Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm hiện nay là 27,7 triệu (đứng thứ hai sau Mỹ), với số người chết là 322.512 (sau Mỹ và Brazil).

Trong tháng này, Ấn Độ đã ghi nhận số người chết vì Covid-19 cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu tung hoành từ năm ngoái. Chỉ khoảng 3% trong số 1,3 tỷ người của đất nước đã được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ thấp nhất trong 10 quốc gia có nhiều ca bệnh nhất.

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích, cả trong và ngoài nước, vì sự cẩu thả và không hành động kịp thời để đảm bảo vắc-xin Covid-19 cho người dân, mặc dù quốc gia này là một trong những quốc gia sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới.
 
Cuộc phỏng vấn sâu rộng của CNA về các thành viên LGBT, tiếp theo
Vũ Văn An
20:25 29/05/2021

Trị liệu

John không đơn độc trong việc tìm kiếm trị liệu để hiểu rõ hơn về các nguồn gốc của sự hấp dẫn đồng tính và giải quyết những tổn thương trong quá khứ.

Sutton, người sáng lập và giám đốc đầu tiên của chương trình tư vấn sau đại học tại Đại học Phanxicô cho biết: “Một nguyên tắc hướng dẫn cho tất cả các ngành sức khỏe tâm thần là tôn trọng quyền ‘tự quyết’ của mọi khách hàng. Theo kinh nghiệm của tôi, những người dấn thân vào nghề trị liệu nhằm giúp người ta xử lý và giải quyết sự hấp dẫn đồng tính phải tôn trọng mong muốn của khách hàng về điều này. Nếu khách hàng không muốn làm điều này, các nhà trị liệu mà tôi biết và quen biết — và tất cả các nhà trị liệu có đạo đức — không bao giờ ép buộc hoặc bắt buộc khách hàng phải làm như vậy”.

Sutton nói: Sách Giáo lý trình bày rõ ràng giáo huấn của Giáo hội rằng “những người có xu hướng đồng tính luyến ái ‘phải được chấp nhận một cách kính trọng, cảm thương và nhạy cảm’”.

Sutton cho biết, “Điều này có thể bao gồm việc giới thiệu họ đến các nhà chăm sóc chuyên nghiệp”.

David đã gặp một nhà trị liệu trong khoảng sáu tháng để thảo luận về các mối liên hệ trong quá khứ và các kinh nghiệm sống của mình. Anh cũng cảm nghiệm sự hấp dẫn đồng tính. Anh cho biết, anh thấy đã được chữa lành rất nhiều khi có thể nói về những cảm nghiệm bản thân với một cố vấn Công Giáo, người có thể lồng đức tin của mình vào cuộc đàm đạo.

Anh nói, “Được tư vấn qua lăng kính Công Giáo và có thể thấy ai đó biết tôn trọng sự lựa chọn của mình về cách mình đã quyết định sống phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội đối với việc bị thu hút đồng tính, tôi thấy rất hữu ích”.

David theo đuổi việc tư vấn trên để làm sâu sắc hơn mối liên hệ của anh với Chúa Kitô cũng như để hiểu rõ việc sống với sự hấp dẫn đồng tính như một người Công Giáo ngoan đạo có nghĩa ra sao. Anh cho rằng, nhờ làm thế, anh hiểu rõ hơn lòng mong muốn tìm được mục đích và tình yêu trong cuộc sống của mình, cũng như tự hiến trong yêu thương phù hợp với giáo huấn của Giáo hội.

Cha Bochanski nói, “Khi một người phấn đấu để có nhân đức, kể cả đức khiết tịnh, họ cần ý thức được các kinh nghiệm trong cuộc sống của họ vốn khuôn định cảm thức của họ về bản thân, các kỳ vọng, ước muốn và suy nghĩ của họ. Khi một người đã trải qua chấn thương, bị tổn thương trong gia đình hoặc các mối liên hệ khác, hoặc đang đương đầu với các cảm xúc hoặc tác phong mà họ không hiểu và không thể kiểm soát, thì việc tìm kiếm sự hỗ trợ và hướng dẫn của một người được đào tạo chuyên nghiệp về tâm lý và tư vấn là điều rất hữu ích”.

Michael Gasparro, chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình có đăng ký, cung cấp lời khuyên theo quan điểm Kitô giáo giúp người ta vượt qua các tác phong tình dục không mong muốn, trong đó có chứng nghiện tình dục, cuồng dâm, rạn nứt tình dục và rối loạn chức năng tình dục trong các liên hệ hôn nhân. Ông cố vấn cho các bệnh nhân đã kết hôn, độc thân, dị tính và đồng tính luyến ái.

Ông nói: “Đôi khi chúng ta bị cuốn hút vào vấn đề tình dục đồng tính và quên rằng rất nhiều người có nhiều thương tích về tình dục và nhiều thương tích về cách sống khiến họ khó sống ơn gọi của họ hơn. Trị liệu cho nhiều người là nơi để nói về điều này mà không phê phán và tìm cách chữa lành những điều góp phần vào sự tan vỡ tình dục của họ”.

Gasparro cho hay: Đối với một số bệnh nhân, diễn trình làm việc để vượt qua các chấn thương quá khứ và hỗn loạn tình dục có thể dẫn đến một sản phẩm phụ là giảm sức hút đồng tính, mặc dù đó không phải là mục tiêu của trị liệu. Kết quả tùy thuộc nơi bệnh nhân, với việc chữa lành các kinh nghiệm trước đó được đặt lên hàng đầu trong cuộc thảo luận.

Austin thoạt đầu đến gặp một số cố vấn để tìm lời khuyên về việc cảm nghiệm sự hấp dẫn đồng tính nhưng không tìm thấy những gì anh tìm kiếm. Sau đó, anh được giới thiệu đến một nhà trị liệu tập chú vào liệu pháp tái hòa nhập (reintegrative therapy).

Anh cho biết, “Ông giải thích với tôi rằng tôi đang ngồi ở ghế tài xế, tôi chịu trách nhiệm về việc đặt mục tiêu cho những gì tôi muốn đạt được từ việc trị liệu. Ông giải thích rõ ràng rằng đây không phải là một ‘phương pháp trị liệu hoán cải’, không phải để ‘sửa chữa tôi’ hoặc dẹp bỏ các hấp dẫn của tôi”.

Thay vào đó, Austin tham dự một diễn trình sử dụng các chiêu thức điều trị dựa trên các dữ kiện thực nghiệm để tìm dấu vết một điều màn tưởng tượng (fantasy) hoặc một tác phong không mong muốn nào đó, và nối nó trở lại với bất cứ loại nhu cầu cảm xúc nào chưa được đáp ứng trong quá khứ.

Anh nói, “Tôi khao khát được những người đàn ông khác nhìn và biết một cách hoàn toàn, và lòng mong muốn này có tính gợi dục và dục hóa. Mục tiêu của việc trị liệu và sự thành công là hoàn toàn về việc tìm trở lại nhu cầu chưa được đáp ứng - đó là vấn đề đối với tôi – chứ không phải chính các hấp dẫn… điều cần sửa chữa là gốc rễ nằm bên dưới chúng”.

Trước khi Austin bắt đầu trị liệu, anh nhận ra rằng anh phải khao khát chữa lành cho chính mình. Điều đó không thể đến từ cha mẹ anh hoặc bất cứ ai khác muốn anh thay đổi các hấp dẫn của mình.

Austin nói, “bị hấp dẫn đồng tính không phải là điều vô luân và nó không làm bạn trở thành một người xấu. Hành động theo những mong muốn đó theo bất cứ cách nào mới vô luân. Nếu ai đó hành động theo những ham muốn này, đó mới là cách duy nhất để họ rơi và đường tội, và tất cả chúng ta đều rơi vào đường tội hàng ngày theo những cách khác nhau".

Một tác dụng phụ của việc trị liệu đối với Austin là các hấp dẫn đồng tính nơi anh đã giảm đi, mặc dù không hoàn toàn. Khi xuất hiện, chúng không làm anh buồn khổ nhiều như trước đây. Anh cho biết, anh có thể thấy mình không tệ khi có những hấp dẫn như thế.

Anh nói, “Tôi đã có thể thấy rằng tôi đáng thèm muốn, và tôi có những người đàn ông trong đời nhìn và biết tôi. Sự hấp dẫn bắt đầu biến đi vì tôi không cần hướng tới các màn tưởng tượng hay tác phong tình dục để thỏa mãn nhu cầu tôi đang có”.

Scott (tên giả), 29 tuổi và đang làm việc trong thừa tác vụ, hiện đang gặp một nhà trị liệu để nói về các kinh nghiệm sống trong hiện tại và kinh nghiệm sống trong quá khứ, gồm cả việc học cách đau buồn vì các chấn thương quá khứ một cách thích đáng. Hiếm khi chủ đề đồng tính luyến ái xuất hiện trong các buổi trị liệu của anh.

Anh nói, “Trị liệu pháp mà tôi đang trải qua giống như bất cứ trị liệu pháp nào khác mà bất cứ ai khác có thể trải qua. Nó không liên quan gì đến việc ‘cầu nguyện cho hết đồng tính’ hoặc những điều khác mà bạn có thể nghe thấy. Nó không phải là trị liệu pháp hoán cải”.

Gasparro nói rằng thật không may, nhiều loại trị liệu pháp giải quyết tác phong tình dục không mong muốn theo quan điểm Kitô giáo hoặc Công Giáo chuyên gộp lại với nhau dưới thuật ngữ “liệu pháp hoán cải”, một thuật ngữ quá rộng và bị định nghĩa sai. Thuật ngữ này, theo cách hiểu thông thường, thế tục, có ý nói đến việc thay đổi tác phong của người ta từ đồng tính sang dị tính và là chủ đề của luật lệ và là một bộ phim tài liệu sắp ra mắt trên Netflix.

Scott nói rằng: “Nhiều người quan tâm và họ tức giận quanh chủ đề trị liệu pháp hoán cải vì có thể họ đã nghe đúng những câu chuyện về lúc nó gây hại cho một ai đó, nhưng họ nhận thức sai rằng tất cả các trị liệu pháp đều là trị liệu pháp hoán cải”.

Anh gợi ý rằng có những trị liệu pháp có hại từ nhiều nhóm khác nhau, nhất là trong các cộng đồng Kitô giáo Phúc âm, nơi người ta tập chú vào việc sửa đổi hành vi và tự nguyện không có các hấp dẫn mà bạn đang có. Scott cũng chia sẻ rằng điều quan trọng cần nhớ là không phải tất cả các trị liệu pháp - hoặc các nhà trị liệu - đều giống y như nhau.

Cha Bochanski thì nói: “Trị liệu pháp tốt phải có cùng sự tích hợp trong tâm trí, và chữa trị toàn bộ con người như một thể thống nhất gồm thể xác và linh hồn. Một nhà trị liệu tốt sẽ tôn trọng toàn bộ câu chuyện của khách hàng, thay vì chỉ cô lập một phần cảm nghiệm của khách hàng, bất kể là hấp dẫn tình dục hay bất cứ điều gì khác”.

Áp lực thay đổi tín lý Công Giáo

Khi được hỏi liệu các giáo huấn của Giáo hội có cần được thay đổi hoặc điều chỉnh để phù hợp hơn với những người có sức hấp dẫn đồng tính hay không, câu trả lời giữa những người được phỏng vấn là ‘không’ một cách nhất quán.

Santo nói: “Không có gì trong giáo huấn của Giáo hội cần phải thay đổi quanh chủ đề này, hoàn toàn không có gì. Tôi xin nói, điều tôi thành thật nghĩ cần thay đổi là cách hiểu các giáo huấn này. Khi tôi nhìn các giáo huấn của Giáo hội bằng sự hiểu biết rằng Giáo hội này, Cô dâu của Chúa Kitô, yêu tôi tha thiết và vô bờ bến, tất cả đều có ý nghĩa”.

Scott đồng ý về sự hiểu biết và gặp gỡ sâu sắc hơn giáo huấn của Giáo hội về tình dục con người. Anh nói anh “100% đồng hành với giáo huấn của Giáo hội về mọi điều,” và điều quan trọng là Giáo hội không nên “khuất phục trước sự phản đối kịch liệt của một nhóm đặc thù nào đó”.

Anh nói, “Tôi không muốn trở thành thành phần của một Giáo Hội luôn lắng nghe ý thích quay cuồng (whim) của xã hội. Uốn theo bất cứ triết lý nào đang phổ biến hiện nay hoặc một loại ‘chủ đề nóng hổi’ nào cũng là góp phần vào sự sụp đổ của chính mình”.

Trong xã hội ngày nay, các mưu toan nhằm thay đổi giáo huấn của Giáo hội được đưa ra thường xuyên, như trường hợp bài báo của Tushnet, một bài báo đã không hề phỏng vấn một nhà thần học hoặc nhà trị liệu Công Giáo hiện sống. Việc vận động cho sự thay đổi này thường bị ảnh hưởng bởi một nhóm đặc thù muốn thay đổi giáo huấn cho phù hợp với một ý thức hệ, thay vì làm cho trái tim họ đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.

Cha Bochanski cho hay: “Khi hàng giáo sĩ hoặc những người khác trong thừa tác vụ gợi ý rằng giáo huấn có thể thay đổi hoặc nên thay đổi, thì nhẹ nhất, họ đang gợi niềm hy vọng sai lầm trong lòng các tín hữu, và làm họ sao lãng việc tìm kiếm sự hỗ trợ họ cần để hiểu và nắm lấy giáo huấn và sống theo nó”.

Ngài nói thêm: “Đây là một tai tiếng nghiêm trọng và, như Bộ Giáo lý Đức tin đã giải thích vào năm 1986, nó ‘ngăn cản các người đồng tính nam nữ nhận được sự giúp đỡ mà họ cần và đáng được'”.

Cha Bochanski có ý nói đến tai tiếng này như là trò lừa bịp lâu đời nhất trong Kinh thánh.

Cha Bochanski giải thích với CNA, “Hãy xem xét tội nguyên tổ — con rắn cám dỗ người phụ nữ mất tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa bằng cách đánh lạc hướng sự chú ý của bà khỏi tất cả những phước lành bao quanh bà trong vườn địa đàng, và khiến bà tập chú vào một điều mà bà không có. Kế hoạch của ma quỷ vẫn là làm lung lay lòng tín thác của chúng ta vào kế hoạch của Thiên Chúa và vào Giáo hội vốn dạy nó, bằng cách tập chú vào những gì có vẻ như các hạn chế và làm sai lệch viễn kiến của chúng ta về những gì Thiên Chúa thực sự cung cấp cho chúng ta".

Tuy nhiên, Austin cho hay vẫn có chỗ cho sự phát triển, trong cách truyền đạt và tiếp nhận các giáo huấn.

Anh nói, “Thực tế, tôi mong muốn các linh mục không chỉ biết các giáo huấn mà thôi, mà còn biết ‘lý do tại sao’ phía sau các ham muốn, còn hiểu được lý do tại sao người ta cảm nghiệm cùng một sự hấp dẫn đồng tính”.

David đồng ý rằng cảm thấy thoải mái với các cuộc đàm đạo trong Giáo hội, bất kể phát xuất từ giới lãnh đạo Giáo hội hay từ cộng đồng giáo dân, có thể tốt hơn. Ông nhấn mạnh rằng Giáo hội vẫn đang học hỏi những cách tốt nhất để chia sẻ giáo huấn và đem giáo huấn đến nhiều người khác.

Anh nói: “Một điều mà tôi nhận ra là đôi khi những người có thiện chí, nhưng được dạy giáo lý kém, có thể không biết sự khác nhau giữa việc sống thực các hấp dẫn đồng tính và việc chỉ cảm nghiệm chúng. Điều này không luôn được phân biệt hoặc dạy tốt".

Anh nói thêm, “Mọi người cần biết rằng họ có một chỗ đứng trong Giáo hội, họ được chào đón, sự hiện diện của họ được mong muốn, và họ được yêu thương và chăm sóc”.
 
Ai tín: Mới được phong Hồng Y 7 tháng, Đức Hồng Y Sim đã qua đời.
Đặng Tự Do
20:58 29/05/2021


Đức Hồng Y Cornelius Sim của Brunei đã qua đời hôm thứ Bẩy 29 tháng 5, sau khi chiến đấu với căn bệnh ung thư. Đức Hồng Y Cornelius Sim, giám mục của Brunei Darussalam, 70 tuổi, đã qua đời sau một cơn đột quỵ chỉ bảy tháng sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô phong ngài làm Hồng Y.

Ngày 20 tháng 11 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Cornelius Sim của Brunei, một quốc gia chỉ có 16,803 người Công Giáo sinh hoạt trong 3 giáo xứ và chỉ có 3 linh mục. Tuy nhiên, việc tấn phong này đã tạo ra một phản ứng ngược từ chính quyền Hồi Giáo Brunei. Họ tỏ ra kinh ngạc và khó hiểu đối với diễn biến này và coi đây là một “âm mưu của Vatican”. Vì chuyện này, và lấy lý do đại dịch coronavirus, Giáng Sinh 2020 tại Brunei đã trở nên khó khăn hơn bao giờ.

Đức Hồng Y Sim đã qua đời vào ngày 29 tháng 5 tại một bệnh viện ở Đài Loan, nơi ngài đang điều trị bệnh ung thư.

Đức Hồng Y nhập viện tại Đài Loan vào ngày 8 tháng 5. Ngài “trở nên yếu hơn và mất gần hết sức sống. Đáng buồn thay, ngài đã qua đời sáng nay,” cha Robert Leong cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy.

“Ngày tang lễ cho Đức Hồng Y Sim sẽ được thông báo sau, trong lúc này xin thêm những lời cầu nguyện cho linh hồn Đức Hồng Y”.

Trong một tuyên bố, Hội đồng Giám mục Công Giáo Malaysia-Singapore-Brunei cho biết các giám mục “vô cùng đau buồn khi nhận được thông báo” về cái chết của Đức Hồng Y Sim.

Đức Cha Sebastian Francis, Giám Mục Penang, Malaysia, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục viết:

“Chúng tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho ngài trong thánh lễ và trong kinh nguyện của anh chị em,”.

“Chúng ta hãy hiệp thông với các thành viên trong gia đình, các linh mục, nam nữ tu sĩ và tất cả các tín hữu của Brunei trong thời khắc mất mát và đau thương này”.

Cái chết của Hồng Y Sim chấm dứt một sự nghiệp lừng lẫy của một giáo sĩ, vừa được phong làm Hồng Y trong công nghị tấn phong ngày 28 tháng 11 năm 2020.

Do hạn chế đi lại của Covid-19, ngài đã không sang Rôma để nhận mũ đỏ.

Việc tấn phong Hồng Y cho ngài được coi là một phần trong động lực thúc đẩy việc “tiến ra các vùng ngoại vi” của Đức Thánh Cha Phanxicô để công nhận rằng tất cả các cộng đồng đều quan trọng trong đời sống Giáo hội, dù nhỏ bé.

“Tôi tin rằng Giáo hội sống ở ngoại vi; đức tin vẫn tồn tại ở các quốc gia nhỏ hơn. Tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô thừa nhận sự thật đó,” Đức Hồng Y Sim nói với UCA News trong một cuộc phỏng vấn độc quyền sau khi ngài được nâng lên làm Hồng Y.

Brunei Darussalam là một miền Giám quản Tông Tòa chỉ có ba linh mục để đáp ứng nhu cầu mục vụ của 16,803 người Công Giáo, đa số là người di cư từ Phi Luật Tân, Nam Dương và Malaysia. Chỉ khoảng 10 phần trăm là người Brunei bản địa.

Đức Hồng Y Cornelius Sim chào đời trong một gia đình Công Giáo ở Seria, Brunei, vào ngày 16 tháng 9 năm 1951, và là anh cả trong gia đình có sáu anh chị em.

Ngài có bằng Kỹ sư tại Đại Học Maktab Teknik ở Kuala Lumpur, Malaysia năm 1971 và bằng Cử nhân Kỹ thuật điện của Đại học Dundee, Scotland năm 1978.

Ngài làm việc tại Brunei và Hà Lan cho hãng Shell, một trong những công ty năng lượng và hóa dầu hàng đầu thế giới cho đến năm 1985.

Trong một cuộc phỏng vấn với UCA News, Đức Hồng Y Sim cho biết ngài đã từng ngừng thực hành đức tin Công Giáo khi còn là sinh viên đại học, nhưng cái chết của cha ngài vào năm 1979 đã khiến ngài nhận ra thực chất của cuộc sống trần thế và đưa ngài trở lại với Giáo Hội.

Ngài gia nhập chủng viện và lấy bằng thạc sĩ Thần học tại Đại học Phanxicô Steubenville, Ohio, vào năm 1988.

Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 26 tháng 11 năm 1989, và trở thành linh mục bản xứ đầu tiên và là linh mục thứ hai được thụ phong tại Brunei. Ngài trở thành Tổng đại diện vào năm 1995.

Vào ngày 21 tháng 11 năm 1997, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Đại diện Miền Phủ Doãn Tông Tòa Brunei và được bổ nhiệm vào ngày 22 tháng 2 năm 1998.

Vào ngày 16 tháng 12 năm 2020, ngài được bổ nhiệm là thành viên của Bộ Giáo sĩ.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sau đó đã nâng Brunei lên Miền Giám Quản Tông Tòa vào ngày 20 tháng 10 năm 2004, và bổ nhiệm Đức Cha Sim làm Giám Quản Tông Tòa đầu tiên của Brunei. Ngài được tấn phong giám mục vào ngày 21 tháng 1 năm 2005.


Source:UCANews
 
Đức Thánh Cha ca ngợi tinh thần phục vụ của cố Hồng Y Sim của Brunei vừa tạ thế
Thanh Quảng sdb
21:28 29/05/2021
Đức Thánh Cha ca ngợi 'tinh thần phục vụ' của cố Hồng Y Sim của Brunei vừa tạ thế

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn trước cái chết của Đức Hồng Y Cornelius Sim, là linh mục, giám mục và Hồng Y đầu tiên của nước Brunei. Đức Thánh Cha mới tôn phong ngài lên hàng Hồng Y 6 tháng trước đây vào ngày 28 tháng 11 năm 2020.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Đức Hồng Y Cornelius Sim, vị Hồng Y đầu tiên của Brunei, một quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé, nằm gọn trong đảo Borneo, đã qua đời tại Đài Loan vào thứ Bảy, ngày 29 tháng Năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn đến tất cả các tín hữu của Giáo hội tại Brunei trong cùng ngày.

Đức Thánh Cha nói: "Với lòng biết ơn về chứng nhân trung thành của Đức Hồng Y Sim đối với Tin Mừng, sự phục vụ nhiệt thành của ngài đối với Giáo hội ở Brunei và Tòa thánh, tôi cùng các tín hữu khắp nơi cầu nguyện cho sự ra đi về cõi vĩnh hằng của ngài".

Sức khỏe yếu kém

Cha Robert Leong, Tổng Đại diện của Giáo phận Tông Tòa Brunei Darussalam, đã thông báo về cái chết của Đức Hồng Y Sim trong một tuyên bố hôm thứ Bảy.

ĐHY 69 tuổi, người Brunei đã qua đời vào khoảng 8:28 sáng tại Bệnh viện Chang Gung (CGMH), thành phố Đào Viên, Đài Loan. Sau khi nhập viện vào ngày 8 tháng 5, vị Hồng Y phải trải qua một cuộc cách ly theo quy định trước khi điều trị bằng liệu pháp...

Cha Leong cho hay: “Mọi người đã quan tâm đến tình trạng sức khỏe của ĐHY, nhưng tiếc là mọi sự như không hiệu quả. ĐHY cứ dần yếu đi và mất hết sinh lực. Thật đáng buồn, ngài đã qua đời vào sáng nay 29/5/2021” Cha Leong cho hay tang lễ sẽ được công bố, ngài kêu gọi tất cả hãy cầu nguyện cho linh hồn Đức cố Hồng Y và cho Giáo phận của Ngài.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Malaysia, Singapore và Brunei, có trụ sở tại Kuala Lumpur, Malaysia, cũng thông báo về cái chết của cố Hồng Y và cho hay Ngài qua đời vì "tim".

Tuần báo Công Giáo, Herald Malaysia, cho biết ĐHY qua đời khi ngài đang điều trị ung thư.

Kỹ sư trở thành mục tử

ĐHY Sim sinh ngày 16 tháng 9 năm 1951, là con cả trong một gia đình có 6 người con. Ngài là Kỹ sư điện ra trường tại Đại học Kuala Lumpur, Malaysia, vào năm 1971, sau đó ngài lấy bằng B.Sc. bằng kỹ sư điện tại Đại học Dundee, Vương quốc Anh, năm 1978.

Sau 10 năm thành công trong sự nghiệp trong công ty dầu khí Shell đa quốc gia Anh - Hà Lan ở Brunei và Châu Âu, chàng đã quyết định giã từ tất cả để theo đuổi thiên chức linh mục, trái với mong muốn của mẹ ngài. Ngài đã hoàn tất bằng thạc sĩ thần học tại Đại học thánh Phanxicô Steubenville, Ohio, vào năm 1988.

Sau khi trở lại Brunei vào năm 1988, ngài làm quản trị viên cai sóc Nhà thờ Thánh Gioan ở Kuala Belait cho đến khi được phong chức phó tế vào ngày 28 tháng 5 năm 1989.

Giáo sĩ bản xứ đầu tiên của Brunei

Khi được thụ phong linh mục vào ngày 26 tháng 11 năm 1989, Cha Cornelius Sim là linh mục bản xứ đầu tiên của Brunei.

Năm 1995, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Đại diện của Giáo phận Miri-Brunei, và khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tách Brunei khỏi Giáo phận Miri-Brunei và thành lập Tông Tòa Brunei vào năm 1998, ĐTC đã bổ nhiệm Cha Sim làm Đại diện Tông Tòa của Giáo phận này vào ngày 20 tháng 10 năm 2004.

Vào ngày 21 tháng 1 năm 2005, ngài được phong làm Giám mục, trở thành vị giám mục bản xứ đầu tiên của Brunei. Vào ngày 28 tháng 11 năm 2020, ngài được tôn vinh trong số 13 ứng viên được Đức Thánh Cha Phanxicô vinh thăng lên hàng Hồng Y.

Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe và đại dịch Covid-19, Ngài không thể về Rome, nên Đức Thánh Cha đã gửi mũ đỏ và nhẫn Hồng Y về Brunei cho ngài.

Vào ngày 16 tháng 12 năm 2020, ngài được bổ nhiệm là thành viên của Bộ Giáo sĩ. ĐHY Sim làm Hồng Y được đúng 6 tháng.

Mục tử của cộng đồng Công Giáo một xứ xa lạ


Giáo phận của ngài chỉ có 3 linh mục, Hồng Y Sim đứng đầu một cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của Brunei, chủ yếu là 20.000 công nhân nước ngoài đến làm việc tại Brunei.

Quốc gia giàu có về dầu hỏa và khí đốt này có dân số khoảng 500.000 người, hơn 70% dân số là người Hồi giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Vatican, cố Hồng Y cho hay nhiệm vụ chính của Giáo hội Brunei là “cung cấp một mái ấm cho những người xa nhà”, là một cộng đồng Công Giáo mà phần lớn là những người di dân lao động.

Vì vậy, Giáo Hội cố gắng hết sức để hỗ trợ họ, đặc biệt trong những lúc khó khăn như bệnh tật hoặc qua đời. Giáo phận cũng giúp họ về mặt tài chính và các chương trình hỗ trợ lương thực.

Sau cái chết của Hồng Y Sim, số lượng Hồng Y trên toàn thế giới hiện là 222 vị, đến từ 87 quốc gia. Trong số này, 125 vị dưới 80 tuổi và đủ điều kiện để được bầu Đức Thánh Cha trong trường hợp mật nghị được triệu tập. 97 vị còn lại là những người đã quá tuổi được phép bỏ phiếu bầu.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tin rất buồn cho VN: COVID-19 mới có thể nguy hiểm hơn cả Ấn Độ.
Trần Mạnh Trác
20:20 29/05/2021
Theo tin Reuters, AP và NPR thì chính quyền ở VN vừa công bố virus mới xuất hiện ở VN là một sự kết hợp giữa COVID-19 của Ấn Độ và của Vương quốc Anh. Virus này lây lan qua không khí rất nhanh và rất nguy hiểm.

"Việt Nam đã phát hiện một biến thể COVID-19 mới kết hợp các đặc điểm của hai biến thể hiện có được tìm thấy ở Ấn Độ và Anh", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết (theo Reuters). Ông nói thêm "Rằng loại mới là một biến thể của Ấn Độ với các đột biến vốn thuộc về biến thể của Vương quốc Anh là rất nguy hiểm."

Ông Long cũng cho biết Việt Nam sẽ sớm công bố dữ liệu bộ gen của loại biến thể mới mà theo ông là có khả năng lây truyền cao hơn so với các loại đã biết trước đây.

Theo Trung tâm Tài nguyên Johns Hopkins Coronavirus, thì chỉ từ cuối tháng 4 vừa qua, tức là trong vòng 1 tháng mà thôi, Việt Nam đã thấy số ca nhiễm gia tăng gấp đôi, tức là chiếm hơn một nửa trong tổng số 6.713 (6.856?) trường hợp kể từ khi đại dịch bắt đầu hơn một năm qua. Cho đến nay, đã có 47 trường hợp tử vong, riêng tháng vừa qua thì số tử vong là 12 người.

Phần lớn các trường hợp mắc bệnh mới nhất được báo cáo đến từ các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, cả hai đều có những công nghiệp có quy mô lớn. Có nhiều trăm nghìn người làm việc ở đó để sản xuất hàng hóa cho các công ty công nghệ lớn là Samsung, Canon và Apple.

Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm Kỹ thuật của WHO về COVID-19 cho biết: “Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa đưa ra đánh giá về biến thể virus được báo cáo tại Việt Nam. "Văn phòng của chúng tôi đang làm việc với Bộ Y tế cuả Việt Nam và chúng tôi mong đợi sẽ sớm có thêm thông tin."

Theo hiểu biết hiện tại của WHO, biến thể được phát hiện ở Việt Nam là biến thể B.1.617.2, thường được gọi là biến thể Ấn Độ, và có thể có thêm một số đột biến, bà nói.

"Tuy nhiên chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin ngay khi nhận được", bà Van Kerkhove nói thêm.

Ông Long cho biết việc nuôi cấy biến thể mới trong phòng thí nghiệm cho thấy vi rút tự nhân lên rất nhanh, điều này giải thích tại sao rất nhiều trường hợp mới đã xuất hiện ở các vùng khác nhau trong một thời gian ngắn.

Bộ Y tế cho biết trong cuộc họp rằng chính phủ đang làm việc để đảm bảo 10 triệu liều vắc-xin theo chương trình chia sẻ chi phí COVAX, và 20 triệu liều vắc-xin Pfizer (PFE.N) và 40 triệu liều vắc-xin Sputnik V của Nga.

Trên toàn thể dân số 98 triệu thì cho đến nay VN đã nhận được 2.9 triệu liều, và đã tiêm ra trên 1 triệu liều, nhưng chỉ có gần 29.000 người, tương đương 0.03% cả nước, là được tiêm chủng đầy đủ (2 liều).

Kể từ khi có sự gia tăng trở lại, các hạn chế đã được đưa ra. Tất cả các sự kiện tôn giáo bị cấm trên toàn quốc, và chính quyền ở các thành phố lớn đã đóng cửa các công viên công cộng và các cơ sở kinh doanh không cần thiết để giúp ngăn chặn các cuộc tụ tập đông người, theo AP.
 
Tin Đáng Chú Ý
Nguy cơ kiểm duyệt để bịt miệng ở Mỹ
Trần Phong Vũ
21:28 29/05/2021
Trong bản tường trình xuất hiện trên Đại Kỷ Nguyên Thời Báo hôm Thứ Tư 26-5-2021, hai tác giả Isabel Van Brugen và Joshua Philip đã nêu lên những nhận định rốt ráo của chuyên gia Hiến pháp Alan Dershowitz về tính nguy hiểm của chủ trương kiểm duyệt, bưng tai, bịt miệng kiểu cộng sản.

Trường hợp Trung tá Matthew Lohmeier bị kỷ luật

Alan Dershowitz cho rằng Việc loại bỏ Trung tá Matthew Lohmeier khỏi Lực lượng Không gian Hoa Kỳ mới đây, sau khi đương sự công khai tuyên bố phản đối chủ nghĩa Mác và lý thuyết chủng tộc phê phán là một phần của làn sóng kiểm duyệt mới rộng lớn hơn, nguy hiểm hơn đã đạt đến tột đinh ở Hoa Kỳ. Nguyên GS đại học luật Harvard Alan Dershowitz cũng nối kết sự kiện nguyên Tổng Thống Donald Trump từng bị Twitter, Facebook, và các diễn đàn Big Tech khác bịt miệng hồi tháng giêng 2021, ngay sau vụ bạo loạn tại Quốc Hội HK.

Được biết Lực lượng Không gian vào ngày 19 tháng 5 đã loại Lohmeier khỏi Phi đội Cảnh báo Không gian số 11 với cáo buộc đương sự “làm chính trị" khi lên tiếng, trong một cuộc phỏng vấn, tố cáo việc truyền bá chủ nghĩa Mác trong quân đội. Về phần Lohmeier trong một podcast không ngần ngại cho hay là ông đã cảnh báo về sự lan rộng của hệ tư tưởng Mác xít trong quân đội và những hậu quả bất lợi trong chương trình nghị sự của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nhằm thúc đẩy lý thuyết chủng tộc phê phán.

Đâu là lý thuyết chủng tộc phê phán?

Theo chuyên gia Hiến pháp Alan Dershowitz, Lý thuyết chủng tộc phê phán, bắt nguồn từ chủ nghĩa Marx, đã được ban hành rộng rãi khắp các học viện, các phương tiện giải trí, trong chính quyền, trường học và nơi làm việc trong những năm gần đây. Nó khiến người ta quan tâm sau sự nổi lên của các nhóm cực tả như Antifa và Black Lives Matter. Một số người sử dụng lao động đã đưa các khái niệm từ học thuyết -mà một số tuyên bố cho rằng: Hoa Kỳ là một quốc gia về cơ bản là phân biệt chủng tộc (?) và rằng: một chủng tộc này vốn có ưu thế hơn chủng tộc khác (?)- trong khóa đào tạo về “sự nhạy cảm về chủng tộc và văn hóa” của họ.

Giống như chủ nghĩa Marx, nó ủng hộ việc phá hủy các thể chế, chẳng hạn như hệ thống tư pháp phương Tây, nền kinh tế thị trường tự do và các tôn giáo chính thống, đồng thời yêu cầu chúng được thay thế bằng các thể chế phù hợp với hệ tư tưởng của lý thuyết.

Học giả pháp lý Alan Dershowitz và là tác giả của cuốn sách mới, "Trường hợp chống lại sự kiểm duyệt mới: Bảo vệ ngôn luận tự do khỏi các công nghệ lớn, những người tiến bộ và các trường đại học", đã lên tiếng cáo buộc đảng Dân chủ và các công ty Big Tech tham gia vào việc kiểm duyệt.

Chuyên gia Hiến pháp Dershowitz nghĩ gì?

Đi sâu vào nguy cơ quyền tự do bị xâm phạm, Alan Dershowitz nói.

Chúng ta đang ở trong một tình huống vô cùng nguy hiểm khi phe tả, vốn có ảnh hưởng to lớn đến các trường đại học Mỹ, trên các mạng xã hội, và một số sinh hoạt chính trị trên phương tiện truyền thông, đang cố gắng đàn áp tự do ngôn luậnVà họ đang thành công, và chúng ta buộc phải chiến đấu chống lại, ” “We’re in a very, very dangerous situation now where the left, which has enormous influence on American universities, has enormous influence on social media, has enormous influence on certain kinds of politics in the media, are trying to suppress free speech, and they’re succeeding, and we have to fight back,”

Dershowitz cho hay: Các công ty Công nghệ lớn như Facebook, Twitter và Google ngày nay đang tham gia vào "trào lưu kiểm duyệt lớn" gây nguy hiểm cho quyền tự do ngôn luận.

Ông nhấn mạnh:

“Điều đó không tốt cho đất nước, không tốt cho Hiến pháp, không tốt cho quyền tự do ngôn luận. Nó không tốt theo bất kỳ tiêu chuẩn nào và nó phải được chặn đứng. Và chúng tôi, những người tiêu dùng phải yêu cầu Facebook, YouTube và Twitter ngừng việc kiểm duyệt này.” “That’s not good for the country, it’s not good for the Constitution, it’s not good for freedom of speech. It’s not good by any standards, and it has to stop. And we the consumers have to demand that Facebook and YouT ube and Twitter stop this censorship”.

Trở ngược lại kinh nghiệm quá khứ gần đây, tác giả và chuyên gia Hiến pháp Dershowitz nhắc lại sự kiện, các giám đốc điều hành của Twitter đã chỉ ra rằng ông Trump -người có khoảng 90 triệu người theo dõi trên nền tảng- sẽ vẫn bị đình chỉ vô thời hạn, trong khi "Ban giám sát" của Facebook đã ra phán quyết vào đầu tháng này để duy trì lệnh cấm của mình nhưng đặt ra giới hạn thời gian.

Các công ty cũng đã thu hút sự giám sát chặt chẽ đối với sự thiên vị chính trị được nhận thức và bị cáo buộc là kiểm duyệt không cân bằng nội dung của người dùng. Các nhà phê bình cho rằng phần lớn sự điều tiết của các công ty trong năm qua đã nhắm mục tiêu không công bằng vào các bài phát biểu bảo thủ từ những cá nhân được cho là ủng hộ ông Trump.

Trong khi đó, các nhóm ở phía đối nghịch đang đặt vấn đề với cách các công ty truyền thông xã hội đang hoạt động, cho rằng các công ty ở Thung lũng Silicon đã không giải quyết được đầy đủ thông tin sai lệch đang phổ biến trên mạng.

Alan Dershowitz nhận định.

“Những gì Donald Trump tweet -tôi có thể không đồng ý với từng lời ông ấy nói- nhưng ông ấy có quyền nói điều đó. Và quan trọng hơn, mọi người quên rằng Tu chính án thứ nhất có hai khía cạnh, một, quyền của người phát biểu -Donald Trump- đó là một phần. Nhưng phần thứ hai, phần lớn bị bỏ qua, là quyền của bạn và tôi, công chúng được nghe, đọc và xem ông ta nói gì để chấp nhận hay từ chối trên thị trường tư tưởng,” Ông nhận định tiếp:. “Khi bạn cấm một diễn giả, bạn cũng cấm người xem và người nghe tiếp cận bài phát biểu đó và đó là một khía cạnh nguy hiểm không kém của việc vi phạm quyền tự do ngôn luận”. “What Donald Trump tweets -I may disagree with every single word he says- but he has the right to say it. And more importantly, people forget the First Amendment has two aspects, one, the right of the speaker -Donald Trump to speak- that’s one part of it. But the second part, which is largely ignored, is the right of you and me the public to hear and read and see what he has to say to accept it or reject it in the marketplace of ideas,” he added. “When you ban a speaker, you also ban his viewers and listeners from having access to that speech, and that’s an equally dangerous aspect of violating free speech rights.”*

Nghĩ gì và phải làm gì lúc này?

Là công dân Mỹ gốc Việt, cá nhân tôi cũng như các bạn, nhớ lại ngót nửa thế kỷ qua, kẻ trước người sau, chúng ta đã phải ngậm ngùi bỏ nước trốn chạy chủ nghĩa bạo tàn, phi nhân tính cộng sản, liều chết tìm đường vượt biên, vượt biển, đến xứ sở này chỉ vì hai chữ tự do. Có ai trong chúng ta ngờ rằng ngày hôm nay lại ra nông nỗi này, khi chính những cá nhân, những chính đảng một thời chúng ta tưởng là biểu tượng của thành trì bảo vệ dân chủ, tự do lại đang ngấp nghé lèo lái Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ đi theo vết chân của chủ nghĩa cộng sản?

Tr ên con đường thực hiện ý đồ ấy, họ đã không ngần ngại đạp đổ cả những giá trị tinh thần cao quí mà những bậc quốc phụ đã dày công xây đắp từ mấy trăm năm qua để đưa xứ sở này thành một cường quốc hàng đầu thế giới. Tượng đài Tổng thống Georges Washington, Abraham Lincoln bị bôi bẩn, giật sập; nơi thờ tự, tượng các Thánh nhân, biểu tượng cho nền Văn Minh Thiên Chúa giáo bị đập phá, bị xúc phạm, thai nhi bị sát hại ngay từ khi còn nằm trong dạ m ẹ, học sinh, sinh viên bị nhồi sọ, công dân bị xúc phạm tự do, nhâ n phẩm, bị bưng tai, bịt mắt… và cả đến lời n ói, suy tư của một vị đường đường là Tổng thống một thời cũng bị kiểm duyệt, ngăn cấm công khai!

Trong điều kiện tồi tệ ấy, tiếp tục cầm bút để nói thẳng ra những điều cấm kỵ này, tự biết, cá nhân tôi hay các đồng nghiệp cùng chí hướng của tôi không chỉ gặp nguy hiểm bởi những người những thế lực có quyền trong các thế lực chính trị địa phương, mà còn có thể trở thành đối tượng cho không ít những đồng hương không cùng quan điểm, lập trường của chúng ta.

Nhưng, liệu có phải vì thế mà chúng ta cúi đầu, im lặng?

Chắc chắn là không.

Nếu không tự mình viết thẳng ra được những suy nghĩ của chính mình thì ít nữa v ẫn còn có những người như chuyên gia Hiến pháp Alan Dershowitz giúp chúng ta vỗ tay theo để tạo thành tiếng nói chung của một tập thể không dễ dàng bị bưng tai bịt miệng.

Nam California, ngày Thứ Năm 27-5-2021
Source:The Epoch Times
 
Văn Hóa
Đời con còn có Mẹ
Đình Quân
09:17 29/05/2021
Đời con còn có Mẹ

( Kỷ niệm ngày kính viếng Đức Mẹ Long Beach )

*Lời nguyện cầu.

Xin cho con biết đón nhận :

-Một Tình yêu cao đẹp nhất,

-Một Tình yêu trùm phủ cả đất trời,

-Một Tình yêu muôn loài đợi trông,

-Một Tình yêu dâng hiến cả thân xác tâm hồn,

-Một Tình yêu dâng Mẹ gia đình và những người thân yêu,

-Một Tình yêu dâng Mẹ những đau thương vì chiến tranh, hận thù, dịch bệnh của nhân loại,

-Một Tình yêu tuyệt diệu mãi muôn đời…

Đó là Tình yêu của Mẹ Maria Từ Ái,

Hải Đăng của đời con !

*Nhìn hoa tươi đẹp biết bao,

Trông lên Tượng Mẹ dạt dào yêu thương,

Lòng con sao mãi vấn vương,

Cúi xin Mẹ nhận dâng hương hoa lòng !

Biển trời trải rộng mênh mông,

Cô đơn Mẹ đứng chờ trông con về,

Bao năm con sống đam mê,

Lợi danh đeo đuổi ê chề đau thương.

Đời con dong duổi dăm trường,

Xác thân khắc khoải trên đường mù khơi,

Mây đen phủ kín chân trời,

Bão giông nổi dậy thuyền đời lênh đênh,

Sóng xô vùi dập bồng bềnh,

Tìm về bến mộng buồn tênh lạc loài.

Cuộc đời dù lắm chông gai,

Tình người dù có phôi phai sớm chiều,

Đời con đau khổ đã nhiêu,

Tâm hồn lãng tử bạt phiêu dật dờ,

Giang tay Mẹ vẫn đón chờ,

Hải đăng soi lối bến bờ yêu thương.

Muôn hoa hương sắc còn vương,

Ở gần bên Mẹ tình thương dạt dào,

Đời con luôn chỉ ước ao,

Tình yêu nơi Mẹ không sao phai mờ.

Mặc dù đã hết Tháng Hoa,

Cả đời con vẫn ngợi ca Mẹ hiền,

Dưới cây Thánh Giá Chúa truyền,

Con là con Mẹ vững bền niềm tin,

Gio-an lời Chúa khắc ghi,

Cảm tạ lòng Chúa chết vì thế nhân.

Đinh Quân

*Ghi chú : Tượng Đức Mẹ dựng bên bờ biển giữa 2 đường Redondo Ave & Ocean Blvd, City of Long Beach- Quí Vị có dịp du lịch Nam Cali, đến chiêm ngắm ngôi Nhà thờ Kiếng-Chúa Kitô vĩ đại uy nghi của GP Quận Cam và Trung tâm Mẹ La Vang đang kiến thiết cũng nên ghé viếng Đức Mẹ Long Beach, vì nơi đây nhiều người cầu xin ơn lành đã được toại nguyện, cả những người ngoài Công Giáo.

Muốn biết thêm chi tiết về nguồn gốc đặc biệt tượng Đức Mẹ, xin xem tài liệu sau :

Đức Mẹ Long Beach: Mẹ Đứng Đó

(Tượng Đức Mẹ ở City of LongBeach-California)

Mẹ đứng đó… “Stabat Mater…” như hai ngàn năm trước Mẹ đã đứng dưới chân thánh gía Chúa… và Mẹ cũng đang đứng đó… ở nhiều nơi trên trần gian này để ủi an, để che chở cho các thiện nam tín nữ chạy đến để được Mẹ cầu bầu cho trước toà Đấng Tối Cao…

Vào khoảng năm 2005, có người đã nói với tôi là tại bờ biển ở LongBeach (góc hai con đường Redondo Ave & Ocean Blvd, City of Long Beach) có một tượng Đức Mẹ rất thiêng. Nhiều người đã đến đó kính viếng và đã xin được nhiều ơn lành…

Tôi còn nhớ rõ lắm cái ngày đầu tiên đến viếng tượng Đức Mẹ ở LongBeach, đó là một buổi sáng thứ Ba đẹp trời, một ngày tôi nghỉ phép (my vacation day), sau khi đưa con đến trường học, tôi thong thả lái xe ra bãi biển LongBeach, tôi đã đậu xe gần ngay góc hai con đường Redondo/Ocean… và kìa một tượng Đức Mẹ màu trắng phía bên tay phải trông thật nghiêm trang sáng láng dưới ánh nắng ban mai của miền Nam California, gió hây hây thổi từ đại dương vào làm cho lòng người thấy dễ chịu lạ thường…

Tượng Mẹ Maria được dựng trên một bệ cao bằng gạch nâu rộng quay mặt ra Thái Bình Dương khiến lòng tôi liên tưởng ngay rằng Mẹ đang hướng nhìn về bên kia đại dương là quê hương VN yêu dấu, nơi hàng triệu dân lành đang chịu trăm ngàn đau thương khốn khó! đằng sau tượng là hình vỏ một con sò biển bằng xi-măng to rộng cũng sơn màu trắng làm thành một nền phông như một toà cao phía sau tượng Mẹ Maria, cách sau vỏ sò đó chừng hai thước là một bức tường cao, bên trong bức tường là một cái vườn rộng, bên phải của cái vườn đó là một toà nhà cao hai tầng lợp ngói đỏ vươn lên nền trời xanh cao vào buổi sáng nắng chan hoà trông thật đẹp và thanh thoát.

Trước tượng Mẹ bên trên bệ gạch đó là những bình hoa, nào là hoa hồng đỏ, hoa hồng trắng và vàng, hoa cúc đại đoá, hoa hướng dương, hoa lai-ơn… xen kẽ là những cây nến mà ai đó đã thắp lên đang cháy lung linh trong những bình tròn dài bằng thủy tinh, hương hoa tươi và hương nến sáp hoà lẫn trong nắng gió ban mai quanh tượng Mẹ Maria làm lòng người thấy ấm áp lạ thường, hôm đó tôi còn thấy có những trái táo, cam, quít tươi trên một khay nhựa lớn, nhưng càng về sau này thì tôi không thấy trái cây nữa, có lẽ dân vô gia cư (some homeless person) đã thưởng thức hết rồi khi người dâng cúng vừa đi khỏi chăng… hai bên phía ngoài bệ cao đó, mỗi bên có một cái ghế quì cũng bằng xi-măng màu trắng giống như ghế quì của các cha trên cung thánh của các nhà thờ mình. Mỗi ghế có thể quì được hai người.

Nhìn quanh không có ai, tôi đã quì xuống một ghế đó và lấy tràng hạt ra lần chuỗi Mân Côi… sau năm chục hạt tôi đã lại gần tượng Mẹ Maria quan sát và thấy một bảng nhỏ bằng đồng gắn ở phía dưới phía trước với dòng chữ bằng tiếng Anh: “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin phù hộ mọi người nơi đây, xin chở che chúng con, xin soi sáng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ…” phía bên dưới nữa lại thấy một bảng nhỏ hơn với dòng chữ: Entrance to Carmelite Chapel (đường lên nhà nguyện dòng Camêlô) vì là lần đầu tiên đến đây, chẳng biết ất giáp gì, vả lại cũng vì tò mò nên tôi đã đi theo lối mòn đó hy vọng đến được nhà nguyện để viếng Mình Thánh Chúa, tôi đã tới một cửa gỗ lớn, phía trên khung cửa có hàng chữ “Long Beach Sagely Monastery-Trường Đê Thánh Tự” (một tu viện Phật Giáo), ngạc nhiên và tò mò tôi không ngần ngại bấm chuông…

Một lát sau cánh cửa lớn từ từ mở ra và kìa một nữ tu Phật Giáo trong màu áo xám nhạt người Á-châu dáng vẻ khiêm nhu nhìn tôi và nói “good morning, sir… can I help you?” Tôi liền thản nhiên nói với bà là ngoài kia có một cái bảng nhỏ chỉ tôi lên nhà nguyện, tôi là người Công Giáo nên tôi muốn vào để cầu nguyện, câu trả lời của tôi chắc đã làm cho vị nữ tu này hiểu ngay rằng tôi lần đầu tiên tới đây! Bà mời tôi bước vào phòng khách, vì sợ mất thì giờ của bà nên tôi chỉ đứng mà nghe bà giải thích, giống như dân Chúa ngày xưa đã “đứng” để ăn “bánh không men” và sẵn sàng ra đi để “Vượt Qua”, chắc tôi cũng sắp vượt qua một sự gì đây! hiển nhiên là tôi đã vừa vượt qua được ngưỡng cửa cua Tu Viện lạ lùng này và đang đứng trong đây để nghe người nữ tu nhân từ bình dị này giải thích cho tôi về lai lịch của Tu Viện…

Với một giọng bình an tự tại, bà đã trả lời câu tôi hỏi tại sao ngoài kia là tượng Đức Mẹ Công Giáo mà trong đây lại là một nhà Chùa hay nói đúng hơn là một tu viện Phật Giáo? bà kể cho tôi nghe rằng hồi trước nơi đây chính là một Nữ Tu Viện dòng Camêlô Công Giáo thuộc giáo phận Los Angeles (LA Diocese), nhưng vì đã trải qua một giai đoạn khó khăn và bị phá sản (bankruptcy) nên nhà Dòng đã bán nhà đất này cho chùa Đài Loan… nhưng trong hợp đồng mua bán đó có một điều khoản là “không được bỏ hai bức tượng này đi!”

Tôi ngạc nhiên hỏi lại: - hai bức tượng? bà nói “phải” và thêm rằng còn một bức tượng nữa bên trong vườn của Tu Viện, bức tượng bên trong còn linh thiêng hơn bức tượng bên ngoài… vừa kể bà vừa hướng dẫn tôi đi vào dọc theo hành lang của Tu Viện lát toàn bằng gỗ mầu nâu đơn sơ mộc mạc nhưng thật ấm áp và tĩnh mịch, liếc mắt vào phía trong tôi thấy các “tu nhân” đang lặng lẽ làm việc, chắc là công việc thường nhật, ai nấy đều trong tấm áo xám nhạt hoặc nâu sồng đơn sơ mộc mạc, khiêm nhu lặng lẽ, tất cả đều thinh lặng không ai nói với ai lời nào, chỉ thỉnh thoảng nghe vang lên những tiếng động nhẹ của động tác lau chùi, phía trong xa bên bồn rửa chén của phòng ăn (dining hall, I guess) có một tu nhân người da trắng mũi cao (mũi lõ) đang rửa chén dĩa… tôi lặng lẽ bước theo bà, mắt nhìn quan sát, tai lắng nghe những lời nói nhẹ nhàng đều đều và thanh thản của vị nữ tu Phật Giáo này mà lòng cảm thấy nhẹ nhõm lạ thường, những cử chỉ cùng lời nói của bà toát ra một sự gì thật bình an tự tại, thành thật và thanh thoát

Đột nhiên bà dừng lại nhìn tôi và nói: - Ồ, sao hôm nay tôi lại cho ông vào đây nhỉ? Rồi với ánh mắt cảm thông hiểu biết của bậc chân tu bà lại tự trấn an: - À, chằc Bà (ý chỉ về Đức Mẹ Maria) đã đưa ông tới đây hôm nay và chắc Bà đã khiến tôi cho ông vào đây đấy! vì theo thường lệ, bà lại tiếp tục, chỉ ngày Chủ Nhật chúng tôi mới mở cửa cho thiện nam tín nữ vào kính viếng Tượng Bà bên trong vườn Tu Viện này mà thôi, nhưng hôm nay là thứ Ba mà sao tự nhiên tôi lại cho ông vào, chắc là ý Bà muốn như vậy, còn ngày thường thì mọi người chỉ có thể đến kính viếng Tượng Bà bên ngoài Tu Viện… suốt cuộc nói chuyện vị nữ tu này đều dùng chữ “Bà” một cách tôn kính để chỉ về Đức Mẹ Maria, bởi vì đối với bà ta thì Đức Mẹ như là một Vị Thánh, như một Phật Bà đầy lòng nhân lành đã cứu chữa những người đau khổ đến đây cầu xin… bà nói với tôi là rất nhiều người đã đến khấn xin Tượng Bà bên trong vườn và đã được ơn, không phải chỉ có các người theo Đạo của ông đâu, bà nhấn mạnh như vậy, nói đến đây thì chúng tôi đã đến bên một cửa lưới phía trong để có thể bước ra vườn cỏ và hoa xanh tươi… và kìa một Tượng Đức Mẹ nữa cũng màu trắng giống như tượng bên ngoài bờ tường, pho tượng này thì quay mặt vào trong vườn, cả hai pho tượng đều đâu lưng vào bờ tường: tượng bên ngoài nhìn ra Thái Bình Dương, còn tượng trong này thì hướng vào vườn Tu Viện, phía trên có một mái che nhỏ thật xinh xắn.

Người Nữ Tu dừng lại nơi cửa lưới và kể cho tôi nghe rằng đã có lần một đàn ong chích chết người (a lot of killer-bees) đã đến và đậu thành một chùm lớn nơi cành cây gần tượng Bà (vừa nói tay bà vừa chỉ về một cây ngoài vườn) cả Chùa đều lo sợ vì Chủ Nhật tới thiện nam tín nữ sẽ vô đây cầu xin và chắc sẽ gặp nguy hiểm vì đây là loại ong chích nọc rất độc gây tử thương! Chúng tôi, bà nói tiếp, đã định gọi Sở Cứu Hỏa của City of Long Beach để họ đến bắt ong đi hoặt xịt lửa… tự nhiên có một ý kiến của một Tu Nhân đề nghị là hãy cầu xin Bà xem sao, mọi người đều thành khẩn cầu xin Bà cứu giúp… và… lạ thay, chưa đầy một tiêng đồng hồ, theo lời bà nói, thì cả đàn ong nguy hiểm đó đã bay đi hết… bà nói với tôi là đã có nhiều người, từ các tầng lớp khác nhau, đến đây cầu xin mà đã được ơn nên họ mang nhang đèn và hoa nến đến đây để tạ ơn Bà nhìều lắm… tôi xin bà cho ra tượng ngoài vườn để cầu nguyện, bà đồng ý...

Tôi đã đến bên tượng Mẹ Maria ngoài vườn quì xuống lần hạt Mân Côi… sau đó tôi đi vòng ra góc vườn bên kia hái một cái hoa ngọc lan bỏ vào túi áo sơ-mi cùng với tràng hạt… tôi chậm rãi bước từng bước một men theo con đường nhỏ đi quanh xuống cuối vườn để trở lại cái cửa lưới phía bên kia như còn muốn kéo dài thời gian được lưu lại nơi tôn nghiêm tĩnh mịch này… nơi mà tượng Mẹ Maria vẫn chắp tay đứng đó để phù hộ cho chúng sinh, nơi mà các tu nhân ngày đêm vẫn âm thầm khiêm nhu tu luyện và được Mẹ Maria vẫn đứng đó chắp tay chở che phù hộ… vị nữ tu nhu mì đã đứng sẵn bên trong cửa lưới chờ để tiễn tôi ra cổng chính, tôi vừa sung sướng vừa cảm động vì được đặc biệt vào đây cầu nguyện hôm nay nên đã sơ ý quên không hỏi tên vị nữ tu tốt lành đó là gì và đã không hỏi về một vài ơn lành các thiện nam tín nữ đã cầu được ước thấy mà vị nữ tu ấy hay biết! bà còn nói với tôi nhiều đìều nữa nhưng giờ ngồi viết lại tôi không nhớ hết…

Sau đó thỉnh thoảng nghỉ phép (on my vacation) tôi thường ra bãi biển LongBeach, đến với tượng Mẹ bên ngoài tu viện Phật Giáo đặc biệt này để lần hạt Mân Côi, rồi sau đó băng ngang đường Ocean Blvd để ra đi bộ nơi bờ biển, vừa ích lợi cho tâm linh vừa khỏe mạnh cho thân xác... Từ đó tôi không giám bấm chuông hoặc gõ cửa làm phiền nơi thiền viện này nữa, ngoài ra chưa bao giờ tôi đến đó vào Chủ Nhật nên không biết nhà chùa còn mở cửa cho thiện nam tín nữ vô kính viếng tượng Mẹ Maria bên trong chùa vào những ngày Chủ Nhật hay không?!

Một lần nọ khi vừa lần hạt Mân Côi xong bước ra thì gặp môt ông Mỹ trắng lớn tuổi bước tới, ông ta lịch sự chào tôi, tôi chào lại và hỏi ông cách tự nhiên “ông đến cầu xin Đức Mẹ, chắc ông là người Công Giáo?” ông trả lời “không!” ông ta là một cựu chiến binh Hoa Kỳ đã tham chiến ở VN trước, vợ ông là người Việt, vừa nói ông vừa chỉ về phía xe đậu bên lề đường, tôi thấy một bà VN đang bưng hai bình hoa cúc vàng lại, bà là người Phật Giáo, bà ta có một người con trai đời chồng trước đã đi tham chiến ở Iraq, bà đã đến đây xin ơn bình an cho con của bà và anh con trai sau một thời gian dài phục vụ bên Trung Đông nay đã được bình an trở về nên thỉnh thoảng bà kêu ông chở bà đến đây để tạ ơn Mẹ Maria…

Một lần khác nữa tôi cũng vừa lần hạt xong thì thấy một thanh niên Á-Châu chừng hơn 30 tuổi trắng trẻo đẹp trai, dáng dấp vừa phải dễ nhìn, cũng đến đó cúi lạy và khấn nguyện một lát rồi với nét mặt tươi tỉnh vô tình cùng bước ra với tôi… vì thấy em không làm dấu Thánh Giá mà chỉ cúi lạy vài lần rồi lâm râm khấn nguyện nên tôi biết em không phải là người Công Giáo, tôi đã hỏi xem “em đến đây để xin gì?” thì được biết em ở trên Los Angeles, cách đó không lâu bác sĩ của em báo cho em biết là em đã bị ung thư cổ họng (yết hầu), em sẽ phải mổ cuống họng để trị liệu, em rất sợ sệt và lo lắng! thế rồi một ai đó đã mách cho em biết là nơi đây có một tượng Đức Bà rất thiêng, em đã đến đây khấn nguyện, rồi em đi giải phẫu… rồi em đi tái khám… bác sĩ vẫn ái ngại nói với em chỉ hy vọng 50/50, em vẫn phải tiếp tục uống thuốc trị liệu, em lại đến khấn xin Bà nơi đây… nói tới đó em liền nghiêng cổ chỉ cho tôi xem một vết thẹo dài nơi cổ em và vui vẻ khoe rằng bây giờ thì em đã hoàn toàn bình phục và khoẻ mạnh đi làm để nuôi vợ và con nên cứ có dịp đi xuống miệt dưới này là em ghé lại đây tạ ơn Bà…

Mẹ đứng đó… “Stabat Mater…” như hai ngàn năm trước Mẹ đã đứng dưới chân thánh gía Chúa… và Đấng Cứu Thế đã trối trăn loài người chúng con cho Mẹ “này là con Bà...” thì giờ đây “Mẹ vẫn đứng đó…” Mẹ đứng đó nơi Lộ Đức (Lourdes), Mẹ đứng đó nơi FATIMA, Mẹ đứng đó nơi La Vang, nơi giáo xứ La Mã tỉnh Bến Tre VN, Mẹ đứng đó nơi Tà Pao, nơi Guadalupe, Mẹ đứng đó nơi bờ biển Long Beach Nam California, và Mẹ cũng đang đứng đó… ở nhiều nơi trên trần gian này để ủi an, để che chở cho các thiện nam tín nữ chạy đến để được Mẹ cầu bầu cho trước toà Đấng Tối Cao…

Biết bao lời ca tiếng nhạc và vần thơ đã vang lên để ca ngợi Mẹ Maria khắp trần gian:

Mẹ là bông huệ đẹp giữa bụi gai, là bồ câu xinh đẹp giữa trần ai xa vời…

gốc Jessê nẩy một chồi từ rễ nở tươi… một nhánh hoa thơm…

Mẹ nguồn cậy trông, ôi Nữ Trinh là nguồn cậy trông…

hết lòng kêu khấn… con tin chắc Mẹ thương nhận lời…

Gioakim Vũ Hưng Đạo

Tái bút:

- Đính kèm (attachment) là hình tôi chụp bằng cellphone. Đó là tượng Mẹ Maria bên ngoài bờ tường tu viện nhìn ra Thái Bình Dương hướng về quê hương VN yêu dấu nơi bên kia bờ đại dương.

- Trước Christmas 2010 tôi có ra viếng tượng Đức Mẹ và lên cổng chùa xem có gì mới không thì thấy có tờ thông báo từ tháng 9/2009 như sau: “vì thiếu nhân sự nên chúng tôi không mở cổng chùa cho quí vị vào viếng tượng Bà trong vườn được. Xin hãy viếng tượng Bà bên ngoài. Xin cám ơn.”
 
Những Tiếng Abba Lặng Thầm
Sơn Ca Linh
22:08 29/05/2021
Những Tiếng “Abba” Lặng Thầm

(Một chút cảm nhận về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi)

“Abba, Abba” ! m thanh nào nghe quen thuộc !
Ở đâu đó, tận ngoài miền tuyết lạnh Siberi,
nơi mênh mông thảo nguyên bát ngát châu Phi,
hay thăm thẳm rừng Amazon Nam Mỹ…

“Abba, Abba” !
Ở đâu đó, nơi chỉ có mặt trời và sa mạc nắng cháy,
Nơi con sông Hằng vừa lặng lẽ đi qua,
hay những dải cát lung linh trải rộng bao la
im lặng soi minh dưới chân Kim tự tháp…

“Abba, Abba”
Tiếng kinh cầu ban mai,
hay tiếng chuông nguyện hoàng hôn vừa chợt tắt…
Người Do Thái Abba, Abba,
Người Phật tử Adiđà, Adiđà…
Người Kitô giáo, Chúa Ba Ngôi tình yêu vĩnh cửu… !

Abba, Abba,
Đền Giêrusalem, Thánh địa Mecca ngập đường cát bụi
Người Hồi Giáo Allah, Allah,
Người Ấn giáo Brahman, Brahman,
Phố thị, nhà tù, ngay những hào sâu chiến trận…

Vẫn những tiêng Abba, Abba,
Mặc sấm sét vang rền, bão giông, đất động…
Mặc đạn bom chát chúa, hoả tiễn xé trời…,
Ở đâu đó, một mái tranh nghèo đồng vắng xa khơi,
Một chiếc đèn dầu, những tiếng ê a “Abba” thánh thiện.

Thế giới vẫn còn,
Khi đâu đó tiếng “Abba” vẫn lặng thầm lên tiếng.
Rừng xanh vẫn còn,
Khi vẫn đâm chồi nẫy lộc những mầm xanh.
Vẫn còn tiếng “Abba” của những con cu xanh,
hay tiếng “Abba”
của những bé thơ vừa ra khỏi lòng mẹ.

Abba, Abba,
tiếng lặng thầm như những cơn gió nhẹ,
Cha ơi, Thầy ơi, Khách Trọ Hiền lương ơi,
Đạo hữu chúng sinh nơi khắp bốn phương trời,
Xin Ngài hãy lắng nghe,
Vì là Đấng Toàn Năng và là Tình Yêu vĩnh cửu !
Abba, Abba, Abba, Abba…

Sơn Ca Linh (30.5.2021)


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: DÂNG MẸ CÀNH HOA TRẮNG
Nguyễn Bá Khanh
16:42 29/05/2021
DÂNG MẸ CÀNH HOA TRẮNG
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh

Kính dâng lên Mẹ một cành hoa trắng
Dịu dàng thanh nhã tuyết trinh ngọc ngà…
(nbk)
 
VietCatholic TV
Tin Vui: Giáo Hội có thêm 7 Bậc Đáng Kính. Sợ bị đầu độc Kim Chính Ân cấm sử dụng thuốc Trung Quốc
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:25 29/05/2021


1. Kim Chính Ân cấm sử dụng dược phẩm Trung Quốc trong bệnh viện Bình Nhưỡng

Kim Chính Ân hay còn gọi là Kim Jong-un đã ra lệnh cấm sử dụng các loại thuốc Trung Quốc trong các bệnh viện chính ở Bình Nhưỡng. Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, trích dẫn Daily NK, cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên đã ra lệnh cấm các dược phẩm Trung Quốc sau khi một quan chức cấp cao của chế độ này qua đời hồi đầu tháng sau khi uống một loại thuốc được sản xuất tại Hoa Lục.

Lệnh cấm cũng bao gồm cả các vắc-xin của Trung Quốc chống lại Covid-19. Thuốc chống coronavirus của Trung Quốc thậm chí bị cấm không được sử dụng trong các nghiên cứu phát triển vắc-xin của Bắc Hàn. Cho đến nay quốc gia cộng sản này vẫn khẳng định rằng không có trường hợp lây nhiễm Covid ở nước này, một tuyên bố mà cộng đồng khoa học quốc tế tin là sai.

Tin tức về lệnh cấm thuốc Trung Quốc trái ngược với những tiết lộ của 19FortyFive. Vào tháng 12, trang web của Mỹ nói rằng Kim đã được tiêm vắc xin chống lại coronavirus bằng một loại thuốc thử nghiệm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nguồn tin Triều Tiên được Daily NK trích dẫn lại đặt câu hỏi về nguồn tin theo đó quan chức cấp cao của Bình Nhưỡng đã chết vì uống thuốc của Trung Quốc. Một cuộc điều tra nội bộ cho thấy các bệnh viện ở thủ đô không có đủ phương tiện làm lạnh để bảo quản thuốc, đặc biệt là vắc xin Covid.
Source:Asia News

2. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các nhà báo Vatican luôn lên đường tìm kiếm sự thật

Sáng thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Palazzo Pio - tòa nhà đặt Đài phát thanh Vatican, là đài phát thanh của Tòa Thánh; và tờ Quan Sát Viên Rôma, là nhật báo của quốc gia Thành Vatican.

Chuyến thăm của Đức Thánh Cha diễn ra trong bối cảnh Đài phát thanh Vatican và tờ Quan Sát Viên Rôma đánh dấu lễ kỷ niệm lần thứ 90 và 160 của họ trong năm nay. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Đài Phát Thanh.

Cả Đài phát thanh Vatican và tờ Quan Sát Viên Rôma đều là một phần của Bộ truyền thông Tòa thánh. Bộ này còn bao gồm nhiều cơ quan khác như Trung tâm Truyền hình Vatican, Nhà xuất bản Vatican, Phòng Báo chí Tòa thánh, Dịch vụ Nhiếp ảnh, Dịch vụ Internet Vatican và nhà in Vatican.

Trong chuyến thăm kéo dài một giờ đồng hồ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các nhà báo của Đài phát thanh Vatican, những người đã xếp hàng dọc các hành lang để chào đón ngài, và các viên chức khác thuộc Bộ Truyền thông.

Đức Giáo Hoàng đã đến thăm văn phòng của tờ Quan Sát Viên Rôma, nơi ngài gặp một số nhà báo và được giới thiệu một số ấn bản của nhật báo bằng các ngôn ngữ khác nhau. Ngài cũng ghé qua văn phòng đa phương tiện của Đài phát thanh Vatican, nơi ngài được nghe tóm tắt ngắn gọn về hoạt động bên trong của bộ phận kỹ thuật.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô tiến đến Nhà nguyện, nơi ngài dành một vài phút để cầu nguyện.

Ngài cầu nguyện như sau:

“Lạy Chúa, xin dạy chúng con ra khỏi chính mình và lên đường tìm kiếm chân lý. Xin dạy chúng con đi và thấy, dạy chúng con biết lắng nghe, không nuôi dưỡng những thành kiến, không đưa ra những kết luận vội vàng”.

Ngài cũng dành ra một chút thời gian để đến phòng “phát sóng trực tiếp” của “Radio Vaticana Italia”, tại đó ngài trò chuyện với một số nhà báo về việc tiếp cận với càng nhiều thính giả và độc giả càng tốt.

Trong suốt chuyến thăm của mình, Đức Giáo Hoàng đã bắt tay và trao đổi những lời chào thân thiện, cũng như đưa ra những lời khuyên và động viên, thậm chí còn dừng lại trên tầng 4 của Palazzo để uống trà Mate, một thức uống truyền thống của Nam Mỹ.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới “Sala Marconi” của Palazzo Pio, nơi ngài nói chuyện ngắn gọn với một nhóm các nhà báo của Vatican, thúc giục họ làm việc cùng nhau hiệu quả hơn và tránh hành động như các công chức.
Source:Vatican News

3. Đức Thánh Cha chuẩn y bảy sắc lệnh cho các án tuyên thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ủy quyền cho Bộ Phong thánh Vatican ban hành 7 sắc lệnh, trong đó có một sắc lệnh liên quan đến tử đạo.

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh. Vị Hồng Y tổng trưởng đã trình bày với ngài, xin phê chuẩn 7 sắc lệnh liên quan đến án tuyên thánh của 7 ứng viên. Đức Thánh Cha đã ủy quyền cho Thánh Bộ ban hành một sắc lệnh về tử đạo và 6 sắc lệnh về các nhân đức anh hùng.

Các ứng viên đến từ Peru, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha và Hung Gia Lợi gồm 3 nữ và 4 nam. Các sắc lệnh mới gồm:

- Sắc lệnh nhìn nhận phúc tử đạo của Tôi tớ Chúa Maria Agostina Rivas López, còn được gọi là Aguchita, nhũ danh Antonia Luzmila, một nữ tu của hội dòng Đức Mẹ Bác ái Mục tử Nhân lành. Sơ sinh ra ở Coracora, Peru ngày 13 tháng 6 năm 1920. Sơ đã làm việc và nâng đỡ cho các trẻ em gái và người dân bản địa trong cộng đồng rừng nghèo của sơ ở Peru. Sơ bị giết vào ngày 27 tháng 9 năm 1990 tại Coracora bởi một nhóm khủng bố vì thù hận Đức tin. Với việc công nhận phúc tử đạo này, Sơ Aguchita sẽ được phong chân phước.

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Felice Canelli, một linh mục triều, sinh tại San Severo, bên Ý vào ngày 14 tháng 10 năm 1880 và qua đời tại đó ngày 23 tháng 11 năm 1977.

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Bernard của Mẹ Tình yêu Cao Cả, nhũ danh Zygmunt Kryszkiewicz, một linh mục đã khấn trọn cho Dòng Thương khó của Chúa Giêsu Kitô. Ngài sinh ra ở Mława, Ba Lan vào ngày 2 tháng 5 năm 1915 và mất tại Przasnysz vào ngày 7 tháng 7 năm 1945.

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Mariano Gazpio Ezcurra, một linh mục khấn trọn trong Dòng Augustinô thuyết giảng. Ngài sinh ở Puente la Reina, Tây Ban Nha vào ngày 18 tháng 12 năm 1899 và mất tại Pamplona vào ngày 22 tháng 9 năm 1989.

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Colomba di Gesù Ostia, nhũ danh Anna Antonietta Mezzacapo, Tu viện trưởng Santa Teresa delle Carmelitane Scalze di “Marcianise”. Sơ sinh ở Marcianise, bên Ý vào ngày 15 tháng 6 năm 1914 và mất tại đó vào ngày 13 tháng 8 năm 1969

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Antonia Lesino, thuộc Dòng Ba Đa Minh. Bà sinh ra tại Milan, bên Ý vào ngày 11 tháng 10 năm 1897 và mất tại Brescia vào ngày 24 tháng 2 năm 1962;

- Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa Alessandro Bálint, một giáo dân và là cha của một gia đình. Ông sinh ra ở Szeged-Alsóváros, ngày nay là Hung Gia Lợi, vào ngày 1 tháng 8 năm 1904 và mất tại Budapest vào ngày 10 tháng 5 năm 1980.

Với 6 sắc lệnh về các nhân đức anh hùng, các ứng viên nhận được danh hiệu Bậc Đáng kính.
Source:Vatican News

4. Nhận định của Cha Raymond J. de Souza về việc bổ nhiệm tân Giám Mục Hương Cảng

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Ngài đã có một bài phân tích đăng trên tờ First Things ngày 24 tháng Năm, 2021, là ngày thế giới Công Giáo cầu nguyện cho Giáo Hội tại Hoa Lục.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

A New Bishop For Hong Kong

by Raymond J. de Souza

Một tân Giám Mục cho Hương Cảng


Năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã thiết lập “ngày cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc” vào ngày 24 tháng 5 hàng năm. Ngày đó được đánh dấu ở Trung Quốc là ngày lễ Đức Mẹ Xà Sơn, một đền thờ ở Thượng Hải dành để kính Đức Mẹ là quan thầy của quốc gia này. Ở nhiều nơi khác nhau trong Giáo hội hoàn vũ, ngày này là ngày lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu. Năm nay, ngày cầu nguyện này trùng hợp thật vui mừng với ngày lễ Đức Maria, Mẹ Giáo hội, rơi vào Thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống.

Có nhiều điều để cầu nguyện. Người Công Giáo Trung Quốc là một đàn chiên bị coi thường, và vị mục tử mới của họ sẽ sớm phải đối mặt với bầy sói hung hãn. Tuần trước, Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan, 周守仁 ) được bổ nhiệm làm giám mục mới của Hương Cảng. Ngài miễn cưỡng nhận công việc này đến nỗi ngài sẽ không nhậm chức cho đến tháng 12 tới đây, mặc dù các quy tắc giáo luật thông thường yêu cầu ngài phải bắt đầu sau bốn tháng.

Giáo hội có thể ấn định ngày được tấn phong cho ngài. Chế độ cộng sản Bắc Kinh sẽ ấn định ngày bắt giam ngài. Vatican sẽ khôn ngoan hơn khi sử dụng thời gian từ bây giờ cho đến lúc đó để quyết định xem mình sẽ giải quyết tình huống đó như thế nào. Tương lai của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc có thể phụ thuộc vào điều đó.

Chế độ của đại đế Tập Cận Bình đã thể hiện rõ ràng rằng họ có ý định nghiền nát bất cứ tàn dư nào của tự do tôn giáo còn sót lại ở Trung Quốc. Các cuộc đàn áp Pháp Luân Công được nhiều người biết đến. Các trại tập trung dành cho người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ được quốc tế ghi lại. Các biện pháp chống Kitô Giáo đã bao gồm những hành vi phạm thánh (như buộc các nơi thờ phượng phải treo hình ảnh của Tập Cận Bình), cho đến các thủ thuật tẩy não tinh vi (như nhấn mạnh rằng các tài liệu giáo lý phải tuân theo các nguyên tắc “Trung Hoa hóa” ), và cả các biện pháp chuyên chế (như triệt để cấm trẻ em đi nhà thờ).

Vị Giám mục Công Giáo Hương Cảng đã đột ngột qua đời vào tháng Giêng năm 2019. Vào tháng 9 năm 2018, Tòa Thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ký kết một thỏa thuận “tạm thời” và bí mật về việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc. Ngay sau đó, quyền đối với các vấn đề tôn giáo ở Trung Quốc đã được chuyển giao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc Thỏa thuận tạm thời, vẫn còn trong vòng bí mật, đã được gia hạn vào tháng 10 năm 2020. Như thế, trên thực tế, Tòa Thánh đã có một thỏa thuận với Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục.

Thỏa thuận tạm thời không áp dụng cho Hương Cảng, Ma Cao hoặc Đài Loan. Tuy nhiên, nó vẫn có thể ảnh hưởng đến họ. Lựa chọn đầu tiên của Tòa Thánh cho Hương Cảng là Giám Mục Phụ Tá Giuse Hạ Chí Thành (Ha Chi-shing, 夏志誠). Đức Thánh Cha Phanxicô được tường trình là đã chấp thuận việc bổ nhiệm ngài, nhưng sau đó đã thay đổi quyết định khi chính quyền Trung Quốc phản đối việc Đức Cha Hạ Chí Thành tham dự công khai các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2019. Vì vậy, cuộc tìm kiếm đã xảy ra để tìm một giám mục đủ Công Giáo đối với Tòa Thánh, nhưng không quá Công Giáo đối với Bắc Kinh. Vào ngày 17 tháng 5 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắm đến một vị cùng Dòng Tên, Cha Châu Thủ Nhân, giám tỉnh hiện tại của Dòng Tên ở Trung Quốc.

Về cuộc bổ nhiệm giám mục này, Cha Nhân, thành thật đến mức rất lạ, tiết lộ rằng khi được hỏi vào tháng 12 năm ngoái, ngài đã từ chối việc bổ nhiệm. Rõ ràng những chiếc đinh vít sau đó đã được thắt chặt bởi vị Giáo Hoàng Dòng Tên và vị bề trên tổng quyền Dòng Tên, và cuối cùng Cha Nhân cũng phải chịu.

Người ta có thể đồng cảm với Cha Nhân. Bắc Kinh đã bãi bỏ một cách hiệu quả bảo đảm “một nước hai hệ thống” đối với quyền tự do hạn chế ở Hương Cảng. Các cuộc đàn áp ở cựu thuộc địa của Anh đã gia tăng, đặc biệt theo chiều hướng nhắm vào giới Công Giáo như trong trường hợp của Martin Lee và Jimmy Lai, hai người Công Giáo sùng đạo, nổi bật trong hàng lãnh đạo phong trào dân chủ Hương Cảng. Họ đã bị bỏ tù vào Thứ Sáu Tuần Thánh, trở thành nạn nhân của một phiên tòa trình diễn kiểu cũ của cộng sản. Đáp lại, Tòa Thánh giữ im lặng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc biết hai sự thật về Tòa Thánh: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không bổ nhiệm một giám mục ủng hộ phong trào dân chủ, và ngài sẽ không công khai phản đối việc bỏ tù những người Công Giáo nổi tiếng. Bước tiếp theo là hiển nhiên. Liệu Tòa Thánh có phản đối không nếu giám mục Hương Cảng bị bỏ tù và Giáo hội địa phương bị chặt đầu một cách hiệu quả?

Bắc Kinh rất muốn kiểm tra xem họ có thể đi bao xa trong việc loại bỏ đời sống Công Giáo ở Trung Quốc. Vào tháng 7 năm 2012, Đức Cha Tađêô Mã Đại Thanh (Ma Daqin, 马达钦) được tấn phong làm Giám Mục Phụ Tá của Thượng Hải. Khi được tấn phong, ngài công khai từ chức khỏi “Hiệp hội Yêu nước”, là hiệp hội “Công Giáo” được Bắc Kinh dựng lên. Ngài bị bắt và bỏ tù ngay lập tức, và vẫn bị quản thúc cho đến ngày nay.

Thượng Hải là một giáo phận cực kỳ quan trọng ở Trung Quốc, nhưng Hương Cảng được kết nối quốc tế nhiều hơn với Giáo hội hoàn vũ. Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể làm ở Hương Cảng những gì đã làm ở Thượng Hải, thì đời sống Công Giáo ở Trung Quốc sẽ bị tổn hại trong nhiều thế hệ và bị Giáo hội hoàn vũ bỏ rơi.

Một ngày cầu nguyện cho người Công Giáo ở Trung Quốc là cần thiết. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sớm kiểm tra xem những lời cầu nguyện đó có được ủng hộ bằng lời nói và quyết tâm kiên định ở Rôma hay không.
Source:First Things
 
Đại tang GH Brunei: Mới được tấn phong 7 tháng, HY Sim đã qua đời. Triển vọng Việt Nam có tân Hồng Y
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:24 29/05/2021


1. Ai tín: Mới được phong Hồng Y 7 tháng, Đức Hồng Y Sim đã qua đời.

Đức Hồng Y Cornelius Sim của Brunei đã qua đời hôm thứ Bẩy 29 tháng 5, sau khi chiến đấu với căn bệnh ung thư. Đức Hồng Y Cornelius Sim, giám mục của Brunei Darussalam, 70 tuổi, đã qua đời sau một cơn đột quỵ chỉ bảy tháng sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô phong ngài làm Hồng Y.

Ngày 20 tháng 11 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Cornelius Sim của Brunei, một quốc gia chỉ có 16,803 người Công Giáo sinh hoạt trong 3 giáo xứ và chỉ có 3 linh mục. Tuy nhiên, việc tấn phong này đã tạo ra một phản ứng ngược từ chính quyền Hồi Giáo Brunei. Họ tỏ ra kinh ngạc và khó hiểu đối với diễn biến này và coi đây là một “âm mưu của Vatican”. Vì chuyện này, và lấy lý do đại dịch coronavirus, Giáng Sinh 2020 tại Brunei đã trở nên khó khăn hơn bao giờ.

Đức Hồng Y Sim đã qua đời vào ngày 29 tháng 5 tại một bệnh viện ở Đài Loan, nơi ngài đang điều trị bệnh ung thư.

Đức Hồng Y nhập viện tại Đài Loan vào ngày 8 tháng 5. Ngài “trở nên yếu hơn và mất gần hết sức sống. Đáng buồn thay, ngài đã qua đời sáng nay,” cha Robert Leong cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy.

“Ngày tang lễ cho Đức Hồng Y Sim sẽ được thông báo sau, trong lúc này xin thêm những lời cầu nguyện cho linh hồn Đức Hồng Y”.

Trong một tuyên bố, Hội đồng Giám mục Công Giáo Malaysia-Singapore-Brunei cho biết các giám mục “vô cùng đau buồn khi nhận được thông báo” về cái chết của Đức Hồng Y Sim.

Đức Cha Sebastian Francis, Giám Mục Penang, Malaysia, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục viết:

“Chúng tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho ngài trong thánh lễ và trong kinh nguyện của anh chị em,”.

“Chúng ta hãy hiệp thông với các thành viên trong gia đình, các linh mục, nam nữ tu sĩ và tất cả các tín hữu của Brunei trong thời khắc mất mát và đau thương này”.

Cái chết của Hồng Y Sim chấm dứt một sự nghiệp lừng lẫy của một giáo sĩ, vừa được phong làm Hồng Y trong công nghị tấn phong ngày 28 tháng 11 năm 2020.

Do hạn chế đi lại của Covid-19, ngài đã không sang Rôma để nhận mũ đỏ.

Việc tấn phong Hồng Y cho ngài được coi là một phần trong động lực thúc đẩy việc “tiến ra các vùng ngoại vi” của Đức Thánh Cha Phanxicô để công nhận rằng tất cả các cộng đồng đều quan trọng trong đời sống Giáo hội, dù nhỏ bé.

“Tôi tin rằng Giáo hội sống ở ngoại vi; đức tin vẫn tồn tại ở các quốc gia nhỏ hơn. Tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô thừa nhận sự thật đó,” Đức Hồng Y Sim nói với UCA News trong một cuộc phỏng vấn độc quyền sau khi ngài được nâng lên làm Hồng Y.

Brunei Darussalam là một miền Giám quản Tông Tòa chỉ có ba linh mục để đáp ứng nhu cầu mục vụ của 16,803 người Công Giáo, đa số là người di cư từ Phi Luật Tân, Nam Dương và Malaysia. Chỉ khoảng 10 phần trăm là người Brunei bản địa.

Đức Hồng Y Cornelius Sim chào đời trong một gia đình Công Giáo ở Seria, Brunei, vào ngày 16 tháng 9 năm 1951, và là anh cả trong gia đình có sáu anh chị em.

Ngài có bằng Kỹ sư tại Đại Học Maktab Teknik ở Kuala Lumpur, Malaysia năm 1971 và bằng Cử nhân Kỹ thuật điện của Đại học Dundee, Scotland năm 1978.

Ngài làm việc tại Brunei và Hà Lan cho hãng Shell, một trong những công ty năng lượng và hóa dầu hàng đầu thế giới cho đến năm 1985.

Trong một cuộc phỏng vấn với UCA News, Đức Hồng Y Sim cho biết ngài đã từng ngừng thực hành đức tin Công Giáo khi còn là sinh viên đại học, nhưng cái chết của cha ngài vào năm 1979 đã khiến ngài nhận ra thực chất của cuộc sống trần thế và đưa ngài trở lại với Giáo Hội.

Ngài gia nhập chủng viện và lấy bằng thạc sĩ Thần học tại Đại học Phanxicô Steubenville, Ohio, vào năm 1988.

Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 26 tháng 11 năm 1989, và trở thành linh mục bản xứ đầu tiên và là linh mục thứ hai được thụ phong tại Brunei. Ngài trở thành Tổng đại diện vào năm 1995.

Vào ngày 21 tháng 11 năm 1997, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Đại diện Miền Phủ Doãn Tông Tòa Brunei và được bổ nhiệm vào ngày 22 tháng 2 năm 1998.

Vào ngày 16 tháng 12 năm 2020, ngài được bổ nhiệm là thành viên của Bộ Giáo sĩ.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sau đó đã nâng Brunei lên Miền Giám Quản Tông Tòa vào ngày 20 tháng 10 năm 2004, và bổ nhiệm Đức Cha Sim làm Giám Quản Tông Tòa đầu tiên của Brunei. Ngài được tấn phong giám mục vào ngày 21 tháng 1 năm 2005.


Source:UCANews

2. Triển vọng Việt Nam có tân Hồng Y trong năm 2021

Với sự qua đi của Đức Hồng Y Sim, Giáo Hội giờ đây còn 222 Hồng Y, trong đó có 125 Hồng Y cử tri. Riêng toàn Á Châu, Giáo Hội có 15 Hồng Y cử tri tại 12 quốc gia.

Số các Hồng Y đủ điều kiện bỏ phiếu trong mật nghị đã giảm xuống còn 125, như thế vẫn còn nhiều hơn 5 vị so với giới hạn 120 vị do Đức Phaolô Đệ Lục đặt ra và đã được Đức Gioan Phaolô II xác nhận.

Tuy nhiên, trong vài tháng tới, 4 vị Hồng Y sau sẽ bước sang tuổi 80, và do đó hết tuổi bỏ phiếu trong mật nghị: Đó là các Đức Hồng Y George Pell, Maurice Piat, Beniamino Stella, Angelo Scola.

Thêm vào đó, Đức Hồng Y Angelo Becciu tuy mới 72 vẫn không thể tham gia trong mật nghị bầu Giáo Hoàng.

Điều này có nghĩa là vào cuối năm nay, các Hồng Y đủ điều kiện để bỏ phiếu trong mật nghị sẽ giảm xuống chỉ còn 120 vị. Đặc biệt là trong năm sau 2022, có đến 11 vị Hồng Y sẽ lần lượt quá tuổi làm Hồng Y cử tri.

Đến ngày 7 tháng Giêng, 2022, Đức Hồng Y Ricardo Ezzati Andrello của Chí Lợi sẽ đến tuổi 80. Tiếp đó, là 10 vị Hồng Y nữa là các Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Ricardo Blázquez Pérez, Norberto Rivera Carrera, Jorge Urosa Savino, Gregorio Rosa Chávez, Rubén Salazar Gómez, Giuseppe Bertello, Gianfranco Ravasi, André Vingt-Trois, Óscar Rodríguez Maradiaga

Thành ra, hầu chắc là Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ bổ nhiệm thêm một số Hồng Y mới trong năm nay, đặc biệt khi chúng ta nhớ lại rằng trong bảy năm qua, năm nào ngài cũng triệu tập công nghị tấn phong Hồng Y, ngay cả trong bối cảnh đại dịch coronavirus.

Trong bảy năm qua, ngài đã tấn phong Hồng Y cho 101 vị, 79 vị vẫn đủ điều kiện để bỏ phiếu trong mật nghị và 22 vị đã trên 80 tuổi. Để so sánh, Thánh Gioan Phaolô II đã triệu tập 9 công nghị tấn phong Hồng Y trong 27 năm triều giáo hoàng của ngài, trung bình cứ ba năm một lần.

Nếu mật nghị bầu Giáo Hoàng diễn ra vào thời điểm hiện nay, sẽ có 71 Hồng Y do Đức Giáo Hoàng Phanxicô tấn phong, 39 Hồng Y do Đức Bênêđíctô XVI tấn phong và 16 Hồng Y do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong.

Nhiều nhà quan sát tại Giáo triều Rôma tin rằng, khi cân nhắc đến các phương thức hoạt động của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và sự thay đổi các thế hệ đang diễn ra trong Giáo triều, có khả năng là Đức Giáo Hoàng sẽ quyết định mở rộng Hồng Y Đoàn lên 130 trong năm nay, và tấn phong Hồng Y cho các nhà lãnh đạo mới của các cơ quan trung ương Tòa Thánh Vatican.

Vào ngày 21 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Robert Sarah. Người thay thế ngài là Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, cần được đội mũ đỏ.

Đức Hồng Y Beniamino Stella, 79 tuổi, có lẽ sẽ sớm rời Bộ Giáo sĩ. Ngài tròn 80 tuổi vào tháng 8 tới.

Đức Hồng Y Giuseppe Versaldi, Tổng trưởng Bộ Giáo dục Công Giáo, đã 77 tuổi và sẽ sớm nghỉ hưu. Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục, 76 tuổi. Đức Hồng Y Luis Ladaria, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, cũng 76 tuổi, trong khi Đức Hồng Y Leonardo Sandri, tổng trưởng Bộ Giáo hội Đông phương, 77 tuổi.

Thống đốc quốc gia thành Vatican, Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, đã bước sang tuổi 78 vào tháng 10 năm ngoái.

Điều này có nghĩa là Đức Giáo Hoàng có thể có đến sáu tân tổng trưởng phải bổ nhiệm trong Giáo triều Rôma. Tất cả các vị trí này theo truyền thống đều do các Hồng Y phụ trách.

Điều này, cộng với việc cải cách và tái cấu trúc Giáo triều đang diễn ra, sẽ mang lại cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô cơ hội mở rộng Hồng Y đoàn, do đó có ảnh hưởng lớn hơn đến việc người kế vị ngài sẽ là ai.

Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã qua tuổi 80 vào ngày 1 tháng Tư, 2018. Từ đó đến nay Việt Nam không có Hồng Y cử tri. Cho nên, chúng ta có lý do để hy vọng rằng trong năm nay có thể có một tân Hồng Y Việt Nam.
Source:Catholic News Agency