Ngày 30-05-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Hai 31/5: Đức Maria vội vã lên đường. Suy niệm: Linh mục Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
04:39 30/05/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 30-May-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Lc 1, 39-56

“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”. Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. “Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa đã săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”. Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.

Đó là lời Chúa.
 
Hành trình đi vào tình yêu
Lm. Minh Anh
05:21 30/05/2021
HÀNH TRÌNH ĐI VÀO TÌNH YÊU
“Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”.

‘I love you’, ba trong số những từ ngữ đơn giản nhất, diễn tả sự bí ẩn vô tận trong các quan hệ yêu thương giữa những con người. Tương tự như thế, “Thiên Chúa là Tình Yêu”, ba cụm từ đơn giản này lại mở ra những chân trời mầu nhiệm vô cùng của Thiên Chúa, diễn tả tình yêu thẳm sâu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa và tình yêu ngàn đời của Ngài đối với con người. Vì thế, khi chiêm ngắm, yêu mến và sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta bắt đầu một ‘hành trình đi vào tình yêu’.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói, “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Điều này có ý nghĩa trước tiên là, trong Chúa Kitô, cùng các môn đệ, chúng ta được sai đi để ‘giảng dạy’ một “Thiên Chúa là Tình Yêu” trong Ba Ngôi, và tình yêu đó là bản tính cốt lõi của Ngài, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Người Con ấy, thì được sống đời đời”. Vì nếu Thiên Chúa chỉ có một mình từ muôn thuở, thì Ngài không thể là tình yêu; nhưng ở đây, Ngài thực sự là tình yêu, một tình yêu trao ban hỗ tương giữa các Ngôi Vị và tình yêu đó được chia sẻ cho con người, ban cho nó sự sống thần linh, để nó bị cuốn vào bí ẩn của tình yêu Ngài. Chúng ta được sai đi để mời gọi mọi người hiểu biết và sống mầu nhiệm “Thiên Chúa là Tình Yêu” này, mời gọi họ bắt đầu một ‘hành trình đi vào tình yêu’, để muôn người được hưởng phúc như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay biểu lộ, “Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình!”.

Nói rằng, Thiên Chúa có Ba Ngôi, thì đây không phải là một khái niệm toán học, như thể một ngày kia ở chốn thiên đàng, chúng ta sẽ đếm ‘số người’ của Thiên Chúa. Nhưng mầu nhiệm này có ý nói đến một tình yêu hoàn toàn dành cho nhau một cách tràn ngập; tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con tràn ngập trong Chúa Thánh Thần, và tình yêu đó lại trào tràn cho con người, “Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước” là thế! Khi cha mẹ có con cái, họ trải nghiệm được rằng, tình yêu vượt quá hai người, vượt quá lứa đôi. Tình yêu ‘trở thành Ba Ngôi’ khi sự hỗ tương của nó được mở ra đối với những người khác; vì nếu không như thế, tình yêu sẽ trở nên hướng nội, ích kỷ, quy ngã và tự yêu mình. Vì vậy, học thuyết về Chúa Ba Ngôi không phải là toán học của một điều gì trừu tượng trên trời, nhưng là một bài học thực tế nhất trần gian, bài học tình yêu, một tình yêu quảng đại trổ sinh hoa trái.

G. K. Chesterton chia sẻ, “Ngày kia, một phụ nữ mà tôi biết đã chọn một cuốn sách dễ hiểu nhất của một tác giả chuyên viết về các chủ đề thánh Tôma Aquinô thường viết; cuốn sách có một tiêu đề khá đơn sơ, “Sự Đơn Giản của Thiên Chúa”. Cô hy vọng sẽ gặp nhiều điều thú vị. Thế nhưng, gặp lại cô, cô để cuốn sách xuống, thở dài và nói, ‘Chà, nếu đó là sự đơn giản của Thiên Chúa, tôi tự hỏi, vậy thì sự phức tạp của Ngài sẽ như thế nào!’”. Phải, Thiên Chúa Ba Ngôi, là giáo lý căn bản về sự đơn giản của Thiên Chúa cũng như sự đơn giản của tình yêu; thế nhưng, chỉ những ai bắt đầu một ‘hành trình đi vào tình yêu’, người ấy mới có khả năng hiểu được Ngài. Đó cũng là lý do mầu nhiệm cao cả nhất này không được mừng kính ngay từ đầu của năm phụng vụ; Mẹ Hội Thánh khôn ngoan, chuẩn bị cho con cái hiểu và sống các mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa trước; từ Nhập Thể, Cứu Chuộc, Phục Sinh, Thăng Thiên, Hiện Xuống rồi mới đến mầu nhiệm Ba Ngôi. Đó là lối sư phạm của một ‘hành trình đi vào tình yêu’. Chúng ta không chỉ được mời gọi nhưng còn được lôi kéo đến với mầu nhiệm này. Chúa Giêsu lôi kéo chúng ta đến với Chúa Cha; Chúa Thánh Thần lôi kéo, dẫn chúng ta đến với Chúa Con, nhắc chúng ta về tất cả những gì Chúa Giêsu dạy. Thánh Phaolô, trong bài đọc thứ hai hôm nay cho biết, Thánh Thần dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, nhờ đó, chúng ta có cùng một mối quan hệ với Chúa Cha qua Chúa Giêsu, khiến chúng ta có thể kêu lên, ‘Abba, Cha ơi!’.

Anh Chị em,

Nếu Thiên Chúa là một cộng đồng hiệp thông của tình yêu, và chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, thì nhiệm vụ và ơn gọi của chúng ta, là tạo ra những cộng đồng tình yêu phản ánh cộng đồng tình yêu của Thiên Chúa. Trước hết là gia đình, cộng đoàn; dẫu còn nhiều thiếu sót, nhưng gia đình, cộng đoàn của chúng ta vẫn có tiềm năng trở thành một hiệp thông của tình yêu, phản ánh và biểu lộ một tình yêu ở trong Thiên Chúa; cũng thế, Hội Thánh được kêu gọi trở thành một cộng đồng yêu thương. Với sự trợ giúp của Thánh Thần, chúng ta tiếp tục cố gắng thực hiện ơn gọi đó.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Ba Ngôi Chí Thánh, mẫu mực về tình yêu, tri thức và đời sống của một cộng đồng đích thực. Xin cho con dám sống cho lý tưởng cao đẹp, hoàn hảo mà Chúa đã đặt ra trước thế giới, bất kể sự chán nản do tội lỗi và sự không hoàn hảo của con. Chớ gì mỗi ngày sống của con cũng là một ‘hành trình đi vào tình yêu!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:37 30/05/2021

10. Được thị kiến kinh nghiệm của địa ngục khiến cho tôi khó chấp nhận được, bởi vì thấy rất nhiều linh hồn người ta bị rơi trong lửa đời đời.

(Thánh nữ Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:40 30/05/2021
61. CHỖ NÀO CÓ GIÓ MÁT

Giữa mùa hè trời rất nóng, có mấy vị quan ngồi bàn luận việc công, lúc nói chuyện phiếm thì bàn đến chuyện trời quá nóng không biết có chỗ nào ngồi cho mát.

Một người nói:

- “Có một chỗ trên thủy các rất mát.”

Một người khác nói:

- “Trên đại điện của chùa rất mát.”

Có một thường dân đứng bên nói:

- “Ở nha môn công đường là có gió mát nhất.”

Các quan hỏi:

- “Tại sao?”

Người thường dân ấy cười nói:

- “Nơi đó thì có trời nhưng không có chỗ cho mặt trời, sao lại không có gió mát được chứ?”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 61:

Ở gần mặt trời thì nóng, ở xa mặt trời thì mát lạnh.

Ở gần mặt trời (cấp trên) thì mệt nhọc lo lắng sợ sệt mất tự do, ở xa mặt trời thì tự do, muốn làm gì thì làm chẳng sợ ai, thói thường là như thế…

Nha môn là nơi hình sự, nơi nha môn thì có mặt trời (quan án) nhưng không có chỗ cho mặt trời, tức là không có chỗ cho công lý, cho nên người bị giam cầm lạnh ghê người vì bị đối xử tàn tệ bởi những quan tham gian ác và cai ngục vô nhân. Cho nên có người nói rằng, sống ở đời có hai nơi không nên đến, đó là nhà tù (nha môn) và bệnh viện, vì nhà tù thì không có công lý và bệnh viện thì có tử thần.v.v…

Ở nha môn thì có trời nhưng không có chỗ cho mặt trời nên nó mát mặt lạnh xương sống.

Nhưng người Ki-tô hữu dù ở trong hoàn cảnh nào cũng có mặt trời chiếu rọi, mặt trời của họ chính là Đức Chúa Giê-su, càng ở gần Ngài thì cuộc sống càng thêm vui tươi và tâm hồn thật bình an, càng ở gần bên Đức Chúa Giê-su thì ánh sáng chân lý càng chiếu rọi tâm hồn hơn, để họ biết cách sống yêu người như chính mình và chắc chắn là tâm hồn họ rất ấm áp.

Nhưng thử hỏi, có mấy người thích ở gần bên Đức Chúa Giê-su trong một xã hội hưởng thụ vật chất hôm nay?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi 30 tháng 5, 2021
J.B. Đặng Minh An dịch
15:40 30/05/2021


Chúa Nhật 30 tháng 5, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành lễ Chúa Ba Ngôi. Bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta lệnh truyền của Chúa Kitô hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. ( Mt 28, 16-20)

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Trong bài huấn đức ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong ngày lễ này, trong đó chúng ta ca tụng Thiên Chúa, kính nhớ mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất, là Cha và Con và Thánh Thần. Ba Ngôi, nhưng chỉ có một Chúa! Chúa Cha là Thiên Chúa; Chúa Con là Thiên Chúa; Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Nhưng đó không phải là ba vị thần: đó là Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi vị. Đó là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà Chúa Giêsu Kitô đã mặc khải cho chúng ta. Hôm nay chúng ta dừng lại để cử hành mầu nhiệm này, bởi vì Ngôi vị không phải là tính từ của Thiên Chúa, không. Ba Ngôi là những Ngôi vị thật sự, đa dạng, khác biệt; nhưng, như một nhà triết học đã nói, Ba Ngôi không phải là ‘những tách rời của Thiên Chúa’, không, không phải như thế! Nhưng là những Ngôi vị. Có Chúa Cha, là Đấng mà tôi cầu nguyện với Kinh Lạy Cha; có Chúa Con, là Đấng đã ban cho tôi ơn cứu chuộc, và ơn được công chính hoá; có Chúa Thánh Thần đang ngự giữa chúng ta và trong Giáo hội. Và điều này làm xúc động con tim của chúng ta bởi vì chúng ta thấy điều đó được bao hàm trong cách diễn đạt của Thánh Gioan, tóm tắt tất cả Mạc Khải: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4: 8,16). Chúa Cha là tình yêu; Chúa Con là tình yêu; Chúa Thánh Thần là tình yêu. Thiên Chúa là duy nhất, nhưng vì Thiên Chúa là tình yêu, Ngài không đơn độc mà là sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tình yêu về bản chất là một món quà tự hiến, và trong thực tại nguyên thủy và vô hạn, chính Chúa Cha là Đấng tự hiến bằng cách sinh ra Con của Ngài, đến lượt mình, Chúa Con tự hiến cho Chúa Cha, và tình yêu thương lẫn nhau giữa Chúa Cha và Chúa Con là Chúa Thánh Thần, là mối dây liên kết của sự hiệp nhất này. Điều này không dễ hiểu, nhưng chúng ta có thể sống mầu nhiệm này, tất cả chúng ta, chúng ta có thể sống rất phong phú với mầu nhiệm này.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được chính Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta. Ngài đã cho chúng ta thấy thiên nhan của Thiên Chúa là Cha nhân từ; Ngài đã trình bày chính Ngài, là người thật, là Con Thiên Chúa, là Lời của Chúa Cha, và là Đấng Cứu Độ đã hiến mạng sống mình cho chúng ta; và Ngài đã nói về Chúa Thánh Thần, Đấng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, là Thần Chân lý, là Đấng Bào Chữa, mà chúng ta đã đề cập đến vào Chúa Nhật tuần trước về từ này, ' Đấng Bào Chữa ' - có nghĩa là Đấng Bảo Vệ và Bênh Vực. Và khi Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã mời gọi các ông ra đi truyền giáo cho “muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19).

Do đó, ngày lễ hôm nay giúp chúng ta suy ngẫm về mầu nhiệm kỳ diệu này của tình yêu và ánh sáng là cội nguồn của chúng ta, và là đích điểm cuộc hành trình trần thế của chúng ta.

Trong sứ điệp Tin Mừng và trong mọi hình thức của sứ vụ Kitô giáo, ta không thể bỏ qua sự hiệp nhất này giữa chúng ta mà Chúa Giêsu kêu gọi, phỏng theo sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: ta không thể coi thường sự hiệp nhất này. Vẻ đẹp của Tin Mừng đòi hỏi phải được sống - hiệp nhất - và được chứng minh trong sự hòa hợp giữa chúng ta, những người rất đa dạng! Và sự hiệp nhất này tôi dám khẳng định là điều cần thiết đối với các Kitô hữu: nó không phải là một thái độ, một cách nói, không; nó là điều cần thiết, bởi vì nó là sự hiệp nhất được sinh ra từ tình yêu, từ lòng thương xót của Thiên Chúa, từ sự công chính của Chúa Giêsu Kitô và từ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta.

Trong sự đơn sơ và khiêm nhường, Mẹ Maria đã phản ánh vẻ đẹp của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Mẹ đã chào đón Chúa Giêsu một cách trọn vẹn trong cuộc đời mình. Xin Đức Mẹ nâng đỡ đức tin của chúng ta; Xin Mẹ cho chúng ta trở thành những người thờ phượng Thiên Chúa và là tôi tớ của anh chị em chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:

Anh chị em thân mến! Hôm qua tại Astorga, Tây Ban Nha, María Pilar Gullón Yturriaga, Octavia Iglesias Blanco và Olga Pérez-Monteserín Núñez đã được phong chân phước. Noi gương Người Samaritanô nhân hậu, ba người phụ nữ can đảm này đã tận tâm chăm sóc những người bị thương trong chiến tranh, không bỏ rơi họ lúc nguy cấp. Các vị đã chấp nhận rủi ro, và đã bị giết vì hận thù đức tin. Chúng ta hãy ngợi khen Chúa về chứng tá Tin Mừng của các vị. Xin anh chị em một tràng pháo tay dành cho các tân Chân phước.

Ngày 1 tháng 7 tới đây, tại Vatican, tôi sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính của các cộng đồng Kitô hiện diện ở Li Băng, trong một ngày suy ngẫm về tình hình khó khăn của đất nước và cùng nhau cầu nguyện cho ân sủng hòa bình và ổn định.

Tôi phó thác ý định này cho sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, được tôn kính sâu sắc tại Đền thờ Harissa, và kể từ giờ phút này, tôi xin anh chị em đồng hành với việc chuẩn bị cho sự kiện này với lời cầu nguyện, cầu xin cho đất nước thân yêu đó có một tương lai hòa bình hơn.

Hôm nay Ngày Thế giới về Bệnh Đa Xơ Cứng đang được tổ chức và ở Ý là Ngày Cứu trợ Quốc gia. Tôi bày tỏ lòng biết ơn về những sáng kiến này; chúng ta hãy nhớ rằng sự gần gũi “là một loại dầu quý giá cung cấp sự hỗ trợ và an ủi cho những người bệnh đang trong cơn đau khổ của họ” (Thông điệp cho Ngày Thế giới Các Bệnh Nhân năm 2021).

Sáng nay, tôi đã tiếp một nhóm nhỏ các tín hữu mang đến cho tôi bản dịch toàn bộ Kinh Thánh ra thổ ngữ của họ. Một người đàn ông đã làm điều đó: tám năm làm việc! Tám tập đã được viết, hoàn toàn bằng thổ ngữ. Và anh ấy, có mặt trong nhóm, nói với tôi rằng anh ấy đã đọc, cầu nguyện và dịch thuật. Tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn về nghĩa cử này và cũng một lần nữa nhắc nhở anh chị em hãy đọc Lời Chúa, để tìm thấy trong đó sức mạnh của cuộc đời chúng ta. Và tôi cũng xin nhắc lại điều này - luôn mang theo Tân Ước, một cuốn Phúc Âm bỏ túi: trong ví, trong túi của anh chị em, để có thể đọc bất cứ lúc nào trong ngày. Bằng cách này, chúng ta sẽ gặp gỡ Chúa Giêsu trong Sách Thánh. Chúng ta hãy học từ tấm gương của người đàn ông đã làm việc trong tám năm để hiểu điều này. Và anh ấy nói với tôi: “Con đã cầu nguyện rất nhiều”.

Tôi gửi lời chào chân thành đến tất cả các bạn, những người đến từ Rôma, từ Ý và các quốc gia khác. Tôi thấy có Canada, Colombia…. Chúng ta phải cầu nguyện cho Colombia!

Và còn có Ba Lan, và ở đây các quốc gia khác…. Tôi xin chào tất cả anh chị em! Đặc biệt là các trẻ em vừa được thêm sức của giáo xứ Các Vị Tử Đạo Tiên Khởi của Rôma. Tôi chào những người hành hương Ba Lan và những người tham gia cuộc hành hương vĩ đại đến Đền thờ Đức Mẹ Piekary Śląskie. Và như thường lệ, tôi chào các bạn trẻ của phong trào Immacolata.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Cử chỉ của Đức Thánh Cha đối với một nạn nhân tại trại tập trung Auschwitz gây xúc động mạnh
Đặng Tự Do
15:49 30/05/2021


Đức Thánh Cha Phanxicô đã hôn con số tù được xăm trên cánh tay của một người sống sót, sau khi bị đem ra làm thí nghiệm y tế tại trại tập trung của Đức Quốc xã ở Auschwitz, khi bà được giới thiệu với ngài hôm thứ Tư 26 tháng Năm trong buổi tiếp kiến chung.

Đức Giáo Hoàng đã chăm chú lắng nghe khi một linh mục người Ba Lan đi cùng Lidia Maksymowicz, 80 tuổi, kể cho ngài nghe câu chuyện của bà trong buổi tiếp kiến chung ở Sân San Damaso của Vatican.

Sau đó bà xắn tay áo trái của mình lên để cho ngài xem con số tù của mình: 70072. Đức Thánh Cha đã cúi xuống hôn con số tù được khắc không thể phai nhòa trên cánh tay bà. Bà Maksymowicz đã xúc động ôm lấy Đức Thánh Cha trong một cử chỉ biết ơn.

Tháng 12 năm 1943, ngay trước sinh nhật lần thứ ba của mình, Maksymowicz và gia đình bà bị bắt tại nhà của họ ở Belarus và bị đưa đến trại tử thần Auschwitz do Đức Quốc Xã chiếm đóng.

Theo một bộ phim tài liệu về cuộc đời Maksymowicz, bà được đưa vào trại trẻ em, nơi bà và những người khác là đối tượng thí nghiệm y tế của Bác sĩ Josef Mengele.

Nói với Vatican News sau buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 26 tháng 5, Maksymowicz cho biết: “Mengele là một người tàn bạo, không có giới hạn và không từ bất cứ thủ đoạn nào,” và nói thêm rằng bà vẫn nhớ nỗi đau mà hắn đã gây ra. “Sau chiến tranh, người ta tìm thấy những cuốn sách có đề cập đến những con số có hình xăm, trong số đó có con số của tôi”.

Sau khi giải phóng trại năm 1945, những người lính Liên Xô cho rằng mẹ của bà là Anna - có hình xăm số 70071 - đã chết. Cô được một gia đình Công Giáo Ba Lan nhận nuôi.

Lidia Maksymowicz tên khai sinh Ludmila Boczarowa. Bà đinh ninh mẹ ruột của mình đã chết, nhưng thật ra mẹ bà vẫn còn sống và hai mẹ con đã đoàn tụ với nhau được một thời gian trước khi mẹ cô qua đời vào đầu những năm 1960.

Maksymowicz, sống ở Krakow, Ba Lan, là chủ đề của bộ phim tài liệu có tên “ 0072: Cô gái không thể ghét. Câu chuyện có thật về Lidia Maksymowicz”.

Bà thường gặp gỡ những người trẻ ở các trường học để thảo luận về sự nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan và dân túy.

Đức Quốc xã và các đồng minh của họ đã sát hại khoảng 6 triệu người Do Thái, cũng như những người khác, ở Âu Châu trong những vùng do Đức chiếm đóng.

Hơn một triệu người, hầu hết là người Do Thái, đã bị giết tại trại Auschwitz. Đại đa số đều bị đưa vào phòng hơi ngạt cho đến chết.

Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Auschwitz vào năm 2016.
Source:Reuters
 
Hàng trăm người Ấn Giáo cực đoan giập xập một nhà thờ đang xây dựng
Đặng Tự Do
15:50 30/05/2021

Tử vong tại Ấn Độ, tính đến chiều thứ Sáu 28 tháng 5, đã lên đến 318,895 người chết, trong số 27,555,457 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ của ngày 27 tháng 5, số trường hợp nhiễm bệnh mới là 179,770 người và 3,558 người chết. Như thế, con số nhiễm bệnh trong 24 giờ đang có chiều hướng giảm xuống. Trung tuần tháng 5, người ta đã chứng kiến mỗi ngày hàng 400,000 người nhiễm bệnh.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Ấn tỏ ra ngỡ ngàng vì trong bối cảnh đại dịch coronavirus kinh hoàng như thế, một cuộc tấn công nhắm vào một nhà thờ Công Giáo đang xây dựng đã nổ ra.

Tại Orissa, một đám đông những người theo Ấn Giáo cực đoan đã tấn công một nhà thờ đang được xây dựng trong một khu vực từ lâu đã bị đánh dấu bởi bạo lực nghiêm trọng nhắm vào các tín hữu Kitô.

Cha Purushottam Nayak, một linh mục của giáo phận Cuttack-Bhubaneswar, nói với AsiaNews: “Vào ngày 16 tháng 5, khoảng 150 người có vũ trang đã phá xập một nhà thờ đang được xây dựng ở làng Bodoguda, thuộc quận Koraput. Trong làng, 12 gia đình theo Công Giáo, sống cùng với 60 gia đình theo Ấn Giáo, đã là nạn nhân của sự tức giận, ghen tuông và trả thù chỉ vì đức tin của họ”.

Debo Bhoi, một thành viên của cộng đồng Kitô địa phương đã nộp đơn khiếu nại lên đồn cảnh sát Koraput đòi bồi thường. Các cuộc tấn công vào ngôi nhà thờ đã diễn ra trong bốn năm nay, nhưng các cuộc điều tra về những lời phàn nàn này chỉ được thực hiện qua loa, vì các nhà chức trách là người theo Ấn Giáo. Việc thiếu các hành động chống lại thủ phạm của các cuộc tấn công chỉ khuyến khích những kẻ khác.

Sajan K George, chủ tịch Hội đồng Kitô Hữu Ấn Độ toàn cầu nói với AsiaNews: “Cuộc tấn công mới này nhằm vào các tín hữu Kitô của làng Bodogua không phải là tự phát. Đám đông đã được trang bị vũ khí. Năm ngoái, 8 Kitô Hữu, trong đó có một người lớn tuổi đã bị tấn công dã man bởi một nhóm Ấn Giáo cực đoan: vào ngày 21 tháng 7 năm 2020, họ vào nhà của Chachiri Muduli, 75 tuổi, nơi đang nuôi dưỡng 7 Kitô Hữu bị chính những kẻ cuồng tín này phá hủy nhà cửa. Họ không chỉ đánh đập những Kitô Hữu này không thương tiếc, mà còn lục soát cả ngôi nhà và cướp bóc”.
Source:Asia News
 
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Tân Giám Mục Phụ Tá Las Vegas
Đặng Tự Do
15:51 30/05/2021


Hôm thứ Sáu 28 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Ông Gregory Gordon làm Giám Mục Phụ Tá của Las Vegas.

Cha Gordon, 60 tuổi, đã từng là tổng đại diện, chưởng ấn và điều hợp viên của giáo phận Las Vegas kể từ năm 2020.

Ngài làm việc tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ từ năm 2007 đến năm 2014 với tư cách là thư ký cho cố Tổng Giám mục Pietro Sambi và sau đó là thư ký cho Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò.

Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, sứ thần đương nhiệm tại Hoa Kỳ, đã công bố việc bổ nhiệm Đức Ông Gordon vào ngày 28 tháng 5.

Sinh trưởng tại Philadelphia, ngài cùng gia đình chuyển đến Nevada khi mới 11 tuổi vào năm 1979. Sau khi lắng nghe Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, ngài nhận ra ơn thiên triệu của mình nên đã quay trở lại Philadelphia để theo học Đại Học Thánh Giuse.

“Tôi đã có cơ hội nghe ngài và thăm một số địa điểm mà ngài đã nói chuyện. Tôi nghĩ điều đó thực sự đã giúp củng cố ít nhất mong muốn mở lòng mình ra với chủng viện và ơn gọi linh mục,” Đức Ông Gordon nói với tờ Las Vegas Review-Journal.

Ngài nói với tờ báo rằng sự phân định của ngài để đi tu cũng dựa trên “các linh mục giáo xứ mà tôi đã làm việc và phục vụ, và những người tôi rất ngưỡng mộ.”

Trong vòng một năm sau chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, Gordon đã ghi danh vào Chủng viện Thánh Charles Borromeo ở Philadelphia. Ngài được gửi đến Rôma học tại Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ, lấy bằng cử nhân thần học từ Đại học Giáo hoàng Grêgôriô và sau đó là một sinh viên của Đại học Giáo hoàng Latêranô.

Khi trở về từ Rôma, thầy Gordon được phong chức linh mục cho Giáo phận Las Vegas vào ngày 16 tháng Giêng năm 1988.

Sau các nhiệm vụ là cha phó và cha phụ tá tại giáo phận Las Vegas, Cha Gordon được bổ nhiệm làm cha sở của giáo xứ St. Christopher ở Bắc Las Vegas từ 1995 đến 2003 và sau đó là cha sở sáng lập của giáo xứ St. Francis Assisi ở Hemderson từ năm 2004 đến 2007.

Ngài cũng dành một năm làm tuyên úy trong khuôn viên trường Đại học Nevada, Las Vegas.

Đức Bênêđíctô 16 đã phong Đức Ông cho ngài vào năm 2009.

Đức Tân Giám Mục Gordon nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, và đã trải qua sáu năm làm cha sở của giáo xứ St. Anne trước khi được bổ nhiệm làm tổng đại diện của Giáo phận Las Vegas, do Đức Cha George Leo Thomas lãnh đạo.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhà lãnh đạo Kitô giáo Libanon
Thanh Quảng sdb
17:38 30/05/2021
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhà lãnh đạo Kitô giáo Libanon

Trong lời phát biểu trong buổi triều yết Chúa nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài sẽ tiếp các vị lãnh đạo Kitô giáo giáo Libanon tại Vatican vào ngày 1 tháng 7 để thảo luận về cuộc khủng hoảng trầm trọng mà đất nước Libanon đang phải trải qua trong vài tháng nay. ĐTC cũng nhắc nhớ tới ba nữ giáo dân mới được tôn phong chân phước vào thứ Bảy vừa qua ở Tây Ban Nha.

Trong lời chào mừng sau khi đọc Kinh “Truyền Tin” Chủ nhật 30/5/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc tới Lebanon và dân chúng Lebanon. Đức Thánh Cha nói với các khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô rằng vào ngày 1 tháng 7, ngài sẽ gặp gỡ một số các nhà lãnh đạo của các Cộng đồng Kitô giáo ở Lebanon, "trong một ngày để suy ngẫm về tình hình đáng lo ngại ở đất nước Lebanon và cùng nhau cầu nguyện cho món quà hòa bình và ổn định."

ĐTC nói: “Tôi phó thác ý định này cho sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, rất được tôn kính tại Đền thờ Harissa, và từ giờ phút này, tôi xin anh chị em đồng hành trong việc chuẩn bị sự kiện này bằng lời cầu nguyện trong tình hiệp thông, cầu khẩn cho đất nước thân yêu này có được một tương lai thanh bình.

Đầu tuần này, Ủy ban của Hội đồng Giám mục Liên Hiệp Châu Âu (COMECE) đã kêu gọi Liên minh Châu Âu hỗ trợ người dân Libanon đang đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị.

Lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Liên Hiệp Châu Âu COMECE đối với Liên minh Châu Âu EU được đưa ra sau khi Giáo hội Lebanon bày tỏ sự lo ngại của mình trong một lá thư gửi tới các Giám mục Liên minh Châu Âu EU.

Ba nữ giáo dân can đảm

Trong lời chào khác, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại Lễ phong Chân phước hôm thứ Bảy (29/5/2021) tại Astorga, Tây Ban Nha, tôn vinh ba chân phước: María Pilar Gullón Yturriaga, Octavia Iglesias Blanco và Olga Pérez-Monteserín Núñez.

ĐTC nói: “Ba người phụ nữ can đảm này, đã tận tụy chăm sóc cho những người bị thương trong cuộc chiến mà không bỏ rơi họ trong lúc lâm nguy, các bà đã chấp nhận rủi ro và bị giết trong lòng căm thù đức tin. Chúng ta ngợi khen Chúa về những chứng tá Phúc âm hào hùng của họ. Chúng ta hãy chạy tới kêu cầu cùng các Chân phước mới này”.
 
Đức Tổng Giám Mục Aquila báo động về Con đường Đồng nghị của Đức với các Giám Mục thế giới
Vũ Văn An
18:53 30/05/2021

Con đường đồng nghị của Đức bị chính các giáo phẩm Đức cực lực phê phán. Theo Catholic News Service, trong bản tin ngày 25 tháng 5, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Cologne phê phán tiêu chuẩn thần học của một số tài liệu làm việc của Con Đường này, gọi nó là thiếu khả năng. Ngài nói: “cả thế giới hiện đang chăm chú nhìn vào Giáo Hội tại Đức và Con Đường Đồng Nghị này, nên một cách đơn giản, chúng ta không thể để mình bị xấu hổ về phương diện thần học vì sự thiếu khả năng này”.



Ngài thúc giục các nhà thần học bên trong và bên ngoài Con Đường Đồng Nghị nên can dự vào cuộc tranh luận. Ngài cũng hy vọng rằng diễn trình này sẽ thành công trong việc “khởi diễn cuộc cải tổ đích thực, một điều nhất định đang rất cần trong Giáo Hội”.

Nhưng cuộc cải tổ này phải “sửa lại mọi biểu hiện và thực tại từng dẫn người ta ra ngoài bản chất của Giáo Hội”. Phải hiểu Giáo Hội không như “một thực thể hoàn toàn có tính xã hội” mà phải như “công trình của Thiên Chúa. Mục tiêu của bất cứ cải tổ Giáo Hội nào cũng phải dẫn người ta tới Chúa Kitô và sứ điệp của Người”.

Ngài nhấn mạnh rằng nhiều người Công Giáo hiện nay không còn biết “Chúa Kitô là ai, Giáo Hội của Người là gì... bí tích là chi, cơ cấu bí tích của Giáo Hội là gì”.

Ngài nói thẳng điều tệ hại sẽ diễn ra nếu “một điều gì đó giống như một Giáo Hội quốc gia được tạo dựng ở đây”.

Đó chính là âu lo của Đức Tổng Giám Mục Aquila của tổng giáo phận Denver, Hoa Kỳ. Theo John Lavender của CruxNow, trong bản tin ngày 27 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Denver đã công bố một lá thư dài 15 trang tựa là “A Response to ‘Forum I” of the German Catholic Synodal Path: An Open Letter to the Catholic Bishops of the World” [Trả lời ‘Diễn Đàn I’ của Con Đường Đồng Nghị Đức: Thư ngỏ kính gửi Các Giám Mục Công Giáo Thế Giới] đề cập đến những điều được ngài coi như các đề nghị “cấp tiến” của con đường này, nhằm bàn tới việc dân chủ hóa việc bầu các Giám Mục, phong chức cho nữ giới, bãi bỏ luật độc thân linh mục...

Về việc phong chức cho phụ nữ, Đức Tổng Giám Mục Aquila cho hay Con Đường Đồng Nghị vừa hiểu phiến diện và đầy thiên kiến về nguồn gốc và bản chất thừa tác vụ thụ phong, vừa khai thác một lối giải thích đầy tính lọc lựa và sai lạc các văn kiện của Vatican II về bản chất Giáo Hội và tương quan của Giáo Hội với thế giới và việc Giáo Hội xây nền trên mạc khải Thiên Chúa.

Sai lầm khác của Con Đường Đồng Nghị là đề nghị thay đổi cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội. Theo Đức Tổng Giám Mục Aquila, Con Đường Đồng Nghị đòi cải tổ việc thi hành quyền lực “bằng cách phân tán nó qua hệ thống kiểm soát và cân bằng”... Ngài cho rằng cải tổ kiểu này chỉ nhằm phục vụ tư lợi, chứ không hề đặt cơ sở trên các hồng ơn và ý muốn minh nhiên của Chúa Giêsu. Vì, theo Vatican II, cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội là “ý hướng tỏ tường của Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần... Nên Giáo Hội, ở Đức hay ở bất cứ đâu, không có năng quyền thay đổi nó”.

Lời Đức Tổng Giám Mục Aquila: “Đọc Bản Văn Nền Tảng một cách chăm chú trong toàn bộ của nó cho thấy khó có thể không kết luận rằng Con Đường Đồng Nghị hy vọng tạo ra một Giáo Hội, thay vì sẵn sàng chịu bị thế gian khinh khi vì đã trung thành với Chúa Kitô, sẽ trổi vượt trong việc bị thế gian đặt điều kiện và được nó chấp nhận một cách thoải mái như một định chế đáng kính giữa các định chế khác”

Đức Tổng Giám Mục Aquila cho rằng dù tác dụng tài chánh đối với Giáo Hội quả có nặng nề, nhưng nó không thể là động lực đệ nhất đẳng đòi phải cải tổ.

Ngài đặt một số câu hỏi cho các Giám Mục thế giới: “Chúng ta có sẵn lòng nói về Thập Giá không? Chúng ta có can đảm bước theo đường Thập Giá, chịu sự khinh khi của thế gian vì sứ điệp Tin Mừng không? Chúng ta có chịu lắng nghe lời kêu gọi thống hối của Chúa Giêsu Kitô, và có can đảm làm nó vang vọng tới thế gian bất tín không?”

Trong khi đó, viết trên First Things ngày 26 tháng 5, Francis X. Maier, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Trung Tâm Đạo Đức Học và Chính Sách Công, cho hay trước khi cho công bố lá thư, Đức Tổng Giám Mục Aquila đã đệ trình nó lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Theo Maier đây không phải là lá thư đọc cho vui mà “có một mục đích nghiêm túc hơn: một tháo dỡ có phương pháp và thấu đáo các sai lạc của diễn trình đồng nghị Đức. Bản văn là một bài phê phán thần học có mạch lạc và đích nhắm. Nó đặt cơ sở sâu rộng trong Kinh Thánh, Vatican II và giáo huấn thường hằng của Giáo Hội. Và trong khi có giọng tôn kính một cách nghiêm ngặt, nội dung của nó quả kết án nặng nề”.

Theo Maier, Đức Tổng Giám Mục Aquila liệt kê khá nhiều đề nghị đòi thay đổi triệt để cơ cấu Giáo Hội của Con Đường Đồng Nghị:

"... Dù cho rằng mình dựa vào Công đồng Vatican II, Con đường Đồng nghị khai thác lối giải thích có tính lọc lựa và sai lạc các văn kiện của công đồng để đưa ra những quan điểm không vững vàng về bản chất của Giáo hội (Lumen Gentium), mối liên hệ của Giáo hội với thế giới (Gaudium et Spes), và việc Giáo Hội đặt nền tảng trên mạc khải Thiên Chúa (Dei Verbum), những quan điểm không thể nào đứng vững khi đọc công đồng cách trọn vẹn. Kết quả là một viễn kiến về Giáo hội có nguy cơ bác bỏ Đấng duy nhất có ‘những lời ban sự sống đời đời’ (Ga 6:68)”.

Và ở chỗ khác, “... Cách tiếp cận được [Bản Văn bản Nền tảng của Con Đường Đồng Nghị] chấp nhận dường như được tính toán để làm suy yếu đặc tính dứt khoát và vĩnh viễn của Bí tích Truyền chức thánh... [và] cho thấy một lượng tham chiếu quá ít ỏi đến ngỡ ngàng các sách Tin Mừng, những sách, theo Dei Verbum số 18, ‘làm chứng chính cho đời sống và việc giảng dạy của Ngôi Lời nhập thể, Đấng cứu rỗi của chúng ta’".

Và ở chỗ khác nữa, ngài viết: “... Bản Văn Nền Tảng giả định rằng cách tốt nhất hoặc duy nhất để cải tổ việc thực thi quyền lực [trong Giáo hội] là phân tán nó qua một hệ thống kiểm soát và cân bằng. Những giả định đằng sau một hệ thống như vậy rất đáng được đưa ra ánh sáng. Các giáo sĩ và giáo dân là các thành viên của Thân thể duy nhất của Chúa Kitô, tìm kiếm cùng một ích chung là sự cứu rỗi đời đời, hay họ là những nhóm lợi ích riêng biệt, cần theo đuổi các nghị trình riêng của họ để cạnh tranh với nhau? Quyền lực có luôn luôn là vấn đề tìm kiếm bản thân, hay nó có thể được thanh tẩy bởi ơn thánh Thiên Chúa trong Chúa Kitô? Thay vì đưa ra lời hiệu triệu nên thánh, như được đề xuất bởi Công đồng Vatican II (Lumen Gentium, số 5) và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô củng cố trong Tông huấn Gaudete et Exsultate, bản văn này nại tới những mô hình thế gian không được định hình bởi Chúa Kitô hoặc được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần".

Và cuối cùng, về cái giá không thể tránh của đời sống Kitô hữu Công Giáo chân chính:

“... Bản văn Nền tảng hầu như không cho thấy một sự đánh giá cao nào về việc các đòi hỏi chuyên biệt của Tin Mừng, như đã được Giáo hội công bố trong đức tin và đức ái, có thể và quả đã cổ vũ ra sao sự đối nghịch gay gắt mà Tân ước luôn đặt ra giữa tinh thần thế gian và lòng trung thành với Chúa Giêsu Kitô. Hơn nữa, bản văn bỏ qua cái giá phải trả của việc làm môn đệ như Chúa Kitô đã trình bày rõ trong Tin mừng”.

Cuối cùng, lá thư của Đức Tổng Giám Mục Aquila nhận định, Con Đường Đồng Nghị Đức “hình dung lại vai trò của Huấn quyền Giáo hội,” giản lược nó thành một cơ quan “phối hợp đối thoại”.

Như thế, Bản văn Nền tảng từ đầu đến cuối có đặc điểm của “một thuyết duy tương đối minh nhiên và triệt để về tín lý”. Kết quả là, “Hội nghị Con Đường Đồng Nghị khiến chúng ta tự hỏi: Thiên Chúa nói với hay không nói với dân Người?”.

Theo Maier, một lá thư như của Đức Tổng Giám Mục Aquila, nghĩa là của một giám mục hoặc các giám mục ở một quốc gia gửi cho một giám mục hoặc các giám mục ở một quốc gia khác, hầu như không phải là điều mới lạ trong lịch sử Giáo hội. Hợp đoàn giám mục dù sao cũng mang tính hoàn cầu, và các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông nhanh chóng ngày nay có nghĩa là “những gì xảy ra ở Đức” chắc chắn, và nhanh chóng, sẽ như diều gặp gió bay tới Denver, Nairobi, Calcutta và mọi nơi khác trên hành tinh với kết nối internet. Luther có máy in. Ngày nay, ta có mạng lưới hoàn cầu.
 
VietCatholic TV
Cử chỉ của ĐTC với tù nhân 70072 trại Auschwitz gây xúc động mạnh. Tin buồn cho Giáo Hội tại Ấn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:48 30/05/2021


1. Cử chỉ của Đức Thánh Cha đối với một nạn nhân tại trại tập trung Auschwitz gây xúc động mạnh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã hôn con số tù được xăm trên cánh tay của một người sống sót, sau khi bị đem ra làm thí nghiệm y tế tại trại tập trung của Đức Quốc xã ở Auschwitz, khi bà được giới thiệu với ngài hôm thứ Tư 26 tháng Năm trong buổi tiếp kiến chung.

Đức Giáo Hoàng đã chăm chú lắng nghe khi một linh mục người Ba Lan đi cùng Lidia Maksymowicz, 80 tuổi, kể cho ngài nghe câu chuyện của bà trong buổi tiếp kiến chung ở Sân San Damaso của Vatican.

Sau đó bà xắn tay áo trái của mình lên để cho ngài xem con số tù của mình: 70072. Đức Thánh Cha đã cúi xuống hôn con số tù được khắc không thể phai nhòa trên cánh tay bà. Bà Maksymowicz đã xúc động ôm lấy Đức Thánh Cha trong một cử chỉ biết ơn.

Tháng 12 năm 1943, ngay trước sinh nhật lần thứ ba của mình, Maksymowicz và gia đình bà bị bắt tại nhà của họ ở Belarus và bị đưa đến trại tử thần Auschwitz do Đức Quốc Xã chiếm đóng.

Theo một bộ phim tài liệu về cuộc đời Maksymowicz, bà được đưa vào trại trẻ em, nơi bà và những người khác là đối tượng thí nghiệm y tế của Bác sĩ Josef Mengele.

Nói với Vatican News sau buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 26 tháng 5, Maksymowicz cho biết: “Mengele là một người tàn bạo, không có giới hạn và không từ bất cứ thủ đoạn nào,” và nói thêm rằng bà vẫn nhớ nỗi đau mà hắn đã gây ra. “Sau chiến tranh, người ta tìm thấy những cuốn sách có đề cập đến những con số có hình xăm, trong số đó có con số của tôi”.

Sau khi giải phóng trại năm 1945, những người lính Liên Xô cho rằng mẹ của bà là Anna - có hình xăm số 70071 - đã chết. Cô được một gia đình Công Giáo Ba Lan nhận nuôi.

Lidia Maksymowicz tên khai sinh Ludmila Boczarowa. Bà đinh ninh mẹ ruột của mình đã chết, nhưng thật ra mẹ bà vẫn còn sống và hai mẹ con đã đoàn tụ với nhau được một thời gian trước khi mẹ cô qua đời vào đầu những năm 1960.

Maksymowicz, sống ở Krakow, Ba Lan, là chủ đề của bộ phim tài liệu có tên “ 0072: Cô gái không thể ghét. Câu chuyện có thật về Lidia Maksymowicz”.

Bà thường gặp gỡ những người trẻ ở các trường học để thảo luận về sự nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan và dân túy.

Đức Quốc xã và các đồng minh của họ đã sát hại khoảng 6 triệu người Do Thái, cũng như những người khác, ở Âu Châu trong những vùng do Đức chiếm đóng.

Hơn một triệu người, hầu hết là người Do Thái, đã bị giết tại trại Auschwitz. Đại đa số đều bị đưa vào phòng hơi ngạt cho đến chết.

Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Auschwitz vào năm 2016.
Source:Reuters

2. Hàng trăm người Ấn Giáo cực đoan giập xập một nhà thờ đang xây dựng

Tử vong tại Ấn Độ, tính đến chiều thứ Sáu 28 tháng 5, đã lên đến 318,895 người chết, trong số 27,555,457 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ của ngày 27 tháng 5, số trường hợp nhiễm bệnh mới là 179,770 người và 3,558 người chết. Như thế, con số nhiễm bệnh trong 24 giờ đang có chiều hướng giảm xuống. Trung tuần tháng 5, người ta đã chứng kiến mỗi ngày hàng 400,000 người nhiễm bệnh.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Ấn tỏ ra ngỡ ngàng vì trong bối cảnh đại dịch coronavirus kinh hoàng như thế, một cuộc tấn công nhắm vào một nhà thờ Công Giáo đang xây dựng đã nổ ra.

Tại Orissa, một đám đông những người theo Ấn Giáo cực đoan đã tấn công một nhà thờ đang được xây dựng trong một khu vực từ lâu đã bị đánh dấu bởi bạo lực nghiêm trọng nhắm vào các tín hữu Kitô.

Cha Purushottam Nayak, một linh mục của giáo phận Cuttack-Bhubaneswar, nói với AsiaNews: “Vào ngày 16 tháng 5, khoảng 150 người có vũ trang đã phá xập một nhà thờ đang được xây dựng ở làng Bodoguda, thuộc quận Koraput. Trong làng, 12 gia đình theo Công Giáo, sống cùng với 60 gia đình theo Ấn Giáo, đã là nạn nhân của sự tức giận, ghen tuông và trả thù chỉ vì đức tin của họ”.

Debo Bhoi, một thành viên của cộng đồng Kitô địa phương đã nộp đơn khiếu nại lên đồn cảnh sát Koraput đòi bồi thường. Các cuộc tấn công vào ngôi nhà thờ đã diễn ra trong bốn năm nay, nhưng các cuộc điều tra về những lời phàn nàn này chỉ được thực hiện qua loa, vì các nhà chức trách là người theo Ấn Giáo. Việc thiếu các hành động chống lại thủ phạm của các cuộc tấn công chỉ khuyến khích những kẻ khác.

Sajan K George, chủ tịch Hội đồng Kitô Hữu Ấn Độ toàn cầu nói với AsiaNews: “Cuộc tấn công mới này nhằm vào các tín hữu Kitô của làng Bodogua không phải là tự phát. Đám đông đã được trang bị vũ khí. Năm ngoái, 8 Kitô Hữu, trong đó có một người lớn tuổi đã bị tấn công dã man bởi một nhóm Ấn Giáo cực đoan: vào ngày 21 tháng 7 năm 2020, họ vào nhà của Chachiri Muduli, 75 tuổi, nơi đang nuôi dưỡng 7 Kitô Hữu bị chính những kẻ cuồng tín này phá hủy nhà cửa. Họ không chỉ đánh đập những Kitô Hữu này không thương tiếc, mà còn lục soát cả ngôi nhà và cướp bóc”.
Source:Asia News

3. Đức Thánh Cha bổ nhiệm Tân Giám Mục Phụ Tá Las Vegas

Hôm thứ Sáu 28 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Ông Gregory Gordon làm Giám Mục Phụ Tá của Las Vegas.

Cha Gordon, 60 tuổi, đã từng là tổng đại diện, chưởng ấn và điều hợp viên của giáo phận Las Vegas kể từ năm 2020.

Ngài làm việc tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ từ năm 2007 đến năm 2014 với tư cách là thư ký cho cố Tổng Giám mục Pietro Sambi và sau đó là thư ký cho Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò.

Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, sứ thần đương nhiệm tại Hoa Kỳ, đã công bố việc bổ nhiệm Đức Ông Gordon vào ngày 28 tháng 5.

Sinh trưởng tại Philadelphia, ngài cùng gia đình chuyển đến Nevada khi mới 11 tuổi vào năm 1979. Sau khi lắng nghe Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, ngài nhận ra ơn thiên triệu của mình nên đã quay trở lại Philadelphia để theo học Đại Học Thánh Giuse.

“Tôi đã có cơ hội nghe ngài và thăm một số địa điểm mà ngài đã nói chuyện. Tôi nghĩ điều đó thực sự đã giúp củng cố ít nhất mong muốn mở lòng mình ra với chủng viện và ơn gọi linh mục,” Đức Ông Gordon nói với tờ Las Vegas Review-Journal.

Ngài nói với tờ báo rằng sự phân định của ngài để đi tu cũng dựa trên “các linh mục giáo xứ mà tôi đã làm việc và phục vụ, và những người tôi rất ngưỡng mộ.”

Trong vòng một năm sau chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, Gordon đã ghi danh vào Chủng viện Thánh Charles Borromeo ở Philadelphia. Ngài được gửi đến Rôma học tại Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ, lấy bằng cử nhân thần học từ Đại học Giáo hoàng Grêgôriô và sau đó là một sinh viên của Đại học Giáo hoàng Latêranô.

Khi trở về từ Rôma, thầy Gordon được phong chức linh mục cho Giáo phận Las Vegas vào ngày 16 tháng Giêng năm 1988.

Sau các nhiệm vụ là cha phó và cha phụ tá tại giáo phận Las Vegas, Cha Gordon được bổ nhiệm làm cha sở của giáo xứ St. Christopher ở Bắc Las Vegas từ 1995 đến 2003 và sau đó là cha sở sáng lập của giáo xứ St. Francis Assisi ở Hemderson từ năm 2004 đến 2007.

Ngài cũng dành một năm làm tuyên úy trong khuôn viên trường Đại học Nevada, Las Vegas.

Đức Bênêđíctô 16 đã phong Đức Ông cho ngài vào năm 2009.

Đức Tân Giám Mục Gordon nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, và đã trải qua sáu năm làm cha sở của giáo xứ St. Anne trước khi được bổ nhiệm làm tổng đại diện của Giáo phận Las Vegas, do Đức Cha George Leo Thomas lãnh đạo.
Source:Catholic News Agency
 
Huấn đức của ĐTC trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Loan báo quan trọng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:18 30/05/2021

Chúa Nhật 30 tháng 5, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành lễ Chúa Ba Ngôi. Bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta lệnh truyền của Chúa Kitô hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. ( Mt 28, 16-20)

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Trong bài huấn đức ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong ngày lễ này, trong đó chúng ta ca tụng Thiên Chúa, kính nhớ mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất, là Cha và Con và Thánh Thần. Ba Ngôi, nhưng chỉ có một Chúa! Chúa Cha là Thiên Chúa; Chúa Con là Thiên Chúa; Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Nhưng đó không phải là ba vị thần: đó là Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi vị. Đó là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà Chúa Giêsu Kitô đã mặc khải cho chúng ta. Hôm nay chúng ta dừng lại để cử hành mầu nhiệm này, bởi vì Ngôi vị không phải là tính từ của Thiên Chúa, không. Ba Ngôi là những Ngôi vị thật sự, đa dạng, khác biệt; nhưng, như một nhà triết học đã nói, Ba Ngôi không phải là ‘những tách rời của Thiên Chúa’, không, không phải như thế! Nhưng là những Ngôi vị. Có Chúa Cha, là Đấng mà tôi cầu nguyện với Kinh Lạy Cha; có Chúa Con, là Đấng đã ban cho tôi ơn cứu chuộc, và ơn được công chính hoá; có Chúa Thánh Thần đang ngự giữa chúng ta và trong Giáo hội. Và điều này làm xúc động con tim của chúng ta bởi vì chúng ta thấy điều đó được bao hàm trong cách diễn đạt của Thánh Gioan, tóm tắt tất cả Mạc Khải: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4: 8,16). Chúa Cha là tình yêu; Chúa Con là tình yêu; Chúa Thánh Thần là tình yêu. Thiên Chúa là duy nhất, nhưng vì Thiên Chúa là tình yêu, Ngài không đơn độc mà là sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tình yêu về bản chất là một món quà tự hiến, và trong thực tại nguyên thủy và vô hạn, chính Chúa Cha là Đấng tự hiến bằng cách sinh ra Con của Ngài, đến lượt mình, Chúa Con tự hiến cho Chúa Cha, và tình yêu thương lẫn nhau giữa Chúa Cha và Chúa Con là Chúa Thánh Thần, là mối dây liên kết của sự hiệp nhất này. Điều này không dễ hiểu, nhưng chúng ta có thể sống mầu nhiệm này, tất cả chúng ta, chúng ta có thể sống rất phong phú với mầu nhiệm này.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được chính Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta. Ngài đã cho chúng ta thấy thiên nhan của Thiên Chúa là Cha nhân từ; Ngài đã trình bày chính Ngài, là người thật, là Con Thiên Chúa, là Lời của Chúa Cha, và là Đấng Cứu Độ đã hiến mạng sống mình cho chúng ta; và Ngài đã nói về Chúa Thánh Thần, Đấng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, là Thần Chân lý, là Đấng Bào Chữa, mà chúng ta đã đề cập đến vào Chúa Nhật tuần trước về từ này, ' Đấng Bào Chữa ' - có nghĩa là Đấng Bảo Vệ và Bênh Vực. Và khi Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã mời gọi các ông ra đi truyền giáo cho “muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19).

Do đó, ngày lễ hôm nay giúp chúng ta suy ngẫm về mầu nhiệm kỳ diệu này của tình yêu và ánh sáng là cội nguồn của chúng ta, và là đích điểm cuộc hành trình trần thế của chúng ta.

Trong sứ điệp Tin Mừng và trong mọi hình thức của sứ vụ Kitô giáo, ta không thể bỏ qua sự hiệp nhất này giữa chúng ta mà Chúa Giêsu kêu gọi, phỏng theo sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: ta không thể coi thường sự hiệp nhất này. Vẻ đẹp của Tin Mừng đòi hỏi phải được sống - hiệp nhất - và được chứng minh trong sự hòa hợp giữa chúng ta, những người rất đa dạng! Và sự hiệp nhất này tôi dám khẳng định là điều cần thiết đối với các Kitô hữu: nó không phải là một thái độ, một cách nói, không; nó là điều cần thiết, bởi vì nó là sự hiệp nhất được sinh ra từ tình yêu, từ lòng thương xót của Thiên Chúa, từ sự công chính của Chúa Giêsu Kitô và từ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta.

Trong sự đơn sơ và khiêm nhường, Mẹ Maria đã phản ánh vẻ đẹp của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Mẹ đã chào đón Chúa Giêsu một cách trọn vẹn trong cuộc đời mình. Xin Đức Mẹ nâng đỡ đức tin của chúng ta; Xin Mẹ cho chúng ta trở thành những người thờ phượng Thiên Chúa và là tôi tớ của anh chị em chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:

Anh chị em thân mến! Hôm qua tại Astorga, Tây Ban Nha, María Pilar Gullón Yturriaga, Octavia Iglesias Blanco và Olga Pérez-Monteserín Núñez đã được phong chân phước. Noi gương Người Samaritanô nhân hậu, ba người phụ nữ can đảm này đã tận tâm chăm sóc những người bị thương trong chiến tranh, không bỏ rơi họ lúc nguy cấp. Các vị đã chấp nhận rủi ro, và đã bị giết vì hận thù đức tin. Chúng ta hãy ngợi khen Chúa về chứng tá Tin Mừng của các vị. Xin anh chị em một tràng pháo tay dành cho các tân Chân phước.

Ngày 1 tháng 7 tới đây, tại Vatican, tôi sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính của các cộng đồng Kitô hiện diện ở Li Băng, trong một ngày suy ngẫm về tình hình khó khăn của đất nước và cùng nhau cầu nguyện cho ân sủng hòa bình và ổn định.

Tôi phó thác ý định này cho sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, được tôn kính sâu sắc tại Đền thờ Harissa, và kể từ giờ phút này, tôi xin anh chị em đồng hành với việc chuẩn bị cho sự kiện này với lời cầu nguyện, cầu xin cho đất nước thân yêu đó có một tương lai hòa bình hơn.

Hôm nay Ngày Thế giới về Bệnh Đa Xơ Cứng đang được tổ chức và ở Ý là Ngày Cứu trợ Quốc gia. Tôi bày tỏ lòng biết ơn về những sáng kiến này; chúng ta hãy nhớ rằng sự gần gũi “là một loại dầu quý giá cung cấp sự hỗ trợ và an ủi cho những người bệnh đang trong cơn đau khổ của họ” (Thông điệp cho Ngày Thế giới Các Bệnh Nhân năm 2021).

Sáng nay, tôi đã tiếp một nhóm nhỏ các tín hữu mang đến cho tôi bản dịch toàn bộ Kinh Thánh ra thổ ngữ của họ. Một người đàn ông đã làm điều đó: tám năm làm việc! Tám tập đã được viết, hoàn toàn bằng thổ ngữ. Và anh ấy, có mặt trong nhóm, nói với tôi rằng anh ấy đã đọc, cầu nguyện và dịch thuật. Tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn về nghĩa cử này và cũng một lần nữa nhắc nhở anh chị em hãy đọc Lời Chúa, để tìm thấy trong đó sức mạnh của cuộc đời chúng ta. Và tôi cũng xin nhắc lại điều này - luôn mang theo Tân Ước, một cuốn Phúc Âm bỏ túi: trong ví, trong túi của anh chị em, để có thể đọc bất cứ lúc nào trong ngày. Bằng cách này, chúng ta sẽ gặp gỡ Chúa Giêsu trong Sách Thánh. Chúng ta hãy học từ tấm gương của người đàn ông đã làm việc trong tám năm để hiểu điều này. Và anh ấy nói với tôi: “Con đã cầu nguyện rất nhiều”.

Tôi gửi lời chào chân thành đến tất cả các bạn, những người đến từ Rôma, từ Ý và các quốc gia khác. Tôi thấy có Canada, Colombia…. Chúng ta phải cầu nguyện cho Colombia!

Và còn có Ba Lan, và ở đây các quốc gia khác…. Tôi xin chào tất cả anh chị em! Đặc biệt là các trẻ em vừa được thêm sức của giáo xứ Các Vị Tử Đạo Tiên Khởi của Rôma. Tôi chào những người hành hương Ba Lan và những người tham gia cuộc hành hương vĩ đại đến Đền thờ Đức Mẹ Piekary Śląskie. Và như thường lệ, tôi chào các bạn trẻ của phong trào Immacolata.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Libreria Editrice Vaticana