Ngày 31-05-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đừng Vô Cảm
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:33 31/05/2016
Đừng Có Vô Cảm

Suy Niệm Chúa Nhật X Thường Niên - C

( Lc 7, 11-17)

Chúng ta đã đi được nửa chặng đường của Năm Thánh Lòng Thương Xót, Năm mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta "xóa bỏ sự thờ ơ, vô cảm, đánh mất cảm xúc …" (x.Misericordiae Vultus số 15).

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 11-01-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: "Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót". Ngài cũng bày tỏ: "Tôi mong muốn biết bao rằng nơi nào Giáo Hội hiện diện, đặc biệt là các giáo xứ và các cộng đoàn của chúng ta, nơi ấy sẽ trở thành những hải đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm!"

Nhân loại đang sống trong một thế giới với các phương tiện hiện đại tân kỳ. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, người ta đang cố gắng tạo ra rô-bốt thật giống người hơn để giúp con người trong các việc nặng nhọc, bộn bề của cuộc sống. Chỉ lạ một điều, trong khi các nhà khoa học đang "vò đầu bứt tóc" không biết làm sao có thể tạo ra một con chíp "tình cảm" để khiến "những cỗ máy vô tình" biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh.

Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình. Thấy Chân, Thiện, Mỹ mà không ngưỡng mộ. Gặp cảnh bi thương lại thờ ơ, không động lòng thương xót, không rung động tâm can. Giá trị đạo đức bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật và cá nhân chủ nghĩa, dẫn đến "bệnh vô cảm". Bệnh này thể hiện ở chỗ, không động lòng trắc ẩn trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội đang xảy ra. Con người hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác. Vậy đó còn là con người không, hay chỉ là xác khô của một cỗ máy?

Lời Chúa hôm nay vang lên như tiếng chuông báo động về lòng thương xót : "Vừa thấy bà, Chúa liền động lòng thương xót: bà đừng khóc nữa" (Lc 7,13). Một Thiên Chúa động lòng thương xót khi thấy đám đông đi theo mình và đã làm phép lạ để nuôi sống nhiều ngàn người ăn. Chúa chạnh lòng thương chữa lành những người mang bệnh hoạn tật nguyền. Chúa động lòng thương khi thấy đứa con trai hoang đàng của mình trở về. Và trong đoạn Tin Mừng hôm, Chúa Giêsu đã cảm động khi thấy bà góa bên cạnh quan tài của con một đã chết. Cảm thông với nỗi đau khổ của người đàn bà góa, Chúa bảo bà: "Bà đừng khóc nữa"(Lc 7,13), làm cho bà đầy hy vọng.

Lòng thương xót vô điều kiện, bằng chứng là không ai xin Chúa và Chúa cũng không đòi hỏi lòng tin nơi người được chữa lành, hay nơi những người liên quan. Chỉ đơn thuần trên đường đi, Chúa Giêsu bà đang đi chôn cậu con trai yêu quí Chúa đã ra tay phục sinh cho con của bà.

Chúa thấy hoàn cảnh của bà thật đáng thương. Đáng thương vì chồng bà mất sớm, khiến bà trở nên mẹ góa con côi. Đáng thương hơn nữa, vì giờ đây đứa con trai duy nhất của bà cũng bỏ bà ra đi vĩnh viễn. Bà lâm vào cảnh “Tre già phải khóc măng non”, và thành người bơ vơ không nơi nương tựa. Tất cả dường như sụp đổ, cuộc sống bà xem ra không còn hy vọng gì cả, bà chỉ có một niềm an ủi, một động lực để sống là đứa con thì nay niềm hy vọng cuối cùng đó cũng không còn nữa.

Sống ở trên đời, nhiều người trong chúng ta cũng muốn lau những giọt nước mắt của tha nhân và nói với họ rằng: "Đừng khóc nữa" (Lc 7,13). Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay, các phương tiện truyền thông cho chúng ta thấy rõ những khổ đau của nhân loại, nhiều vô kể! Nếu có thể được, chúng ta sẽ nói với những người ấy rằng : "Hãy đứng dậy" (Lc 7,14). Nhưng rất tiếc chúng ta không phải là Thiên Chúa nên không thể! Tận đáy lòng, chúng muốn nói với họ: trong lúc bị đau khổ bủa vây, hãy nhìn lên Chúa Giêsu và xin Chúa giúp!

"Động lòng thương" với những người sầu khổ, là thái độ của những người nhận ra hình ảnh của mình nơi người khác thật [mong manh]. Chăm sóc vết thương của tha nhân là điều trị vết thương của chính mình. Lòng trắc ẩn trở thành một sự hiệp thông, cầu nối, thêu dệt tình bằng hữu.

Hãy "tiêu diệt" căn bệnh vô cảm một cách triệt để, hãy trao yêu thương và nhận thật nhiều yêu thương. Một xã hội vô cảm là một xã hội chết! Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri, hẳn không ai muốn. Một nhà văn Nga đã từng nói: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương". Con người sống mà không có tình thương thì chẳng khác chi con vật, giống cái xác không hồn, tồn tại giữa dòng đời một cách vô nghĩa, và sẽ chết dần mòn trong cô đơn, lạnh lẽo. Thế nên, chúng ta hãy tích cực chống lại "bệnh vô cảm", phải sống có tình thương, có trách nhiệm với cộng đồng và đặc biệt là phải mở lòng mình ra với cuộc sống.

Xin Chúa cất khỏi chúng ta trái tim chai cứng và ban tặng cho chúng ta trái tim mềm mại của Chúa, trái tim biết yêu thương, để chúng ta luôn biết thổn thức, biết chạnh lòng trước những hoàn cảnh, trước những mảnh đời đau khổ và bất hạnh để ra tay trợ giúp họ. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Năm Thánh dành cho các Phó Tế và Buổi đọc Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật, 29 tháng Năm, 2016
VietCatholic Network
06:49 31/05/2016
Đức Thánh Cha nhắn nhủ các phó tế chu toàn chức năng phục vụ, quên mình và luôn sẵn sàng, hiền dịu và không câu nệ thời khóa biểu.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng Chúa Nhật 29-5-2016 tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân Ngày Năm Thánh của các phó tế vĩnh viễn.

Tham dự thánh lễ có khoảng 30 ngàn người, trong đó có hơn 2 ngàn thầy phó tế trong phẩm phục phụng vụ, ngồi hai bên lễ đài, và có 250 phó tế đặc trách việc phân phát Mình Thánh Chúa ở khu vực vốn dành cho ca đoàn. Từ Hoa Kỳ có hơn 15 phó tế vĩnh viễn người Việt, cùng với phu nhân và nhiều thân hữu tháp tùng, tổng cộng khoảng hơn 70 người. Đồng tế với Đức Thánh Cha có 12 Hồng Y và Giám Mục cùng với khoảng 50 linh mục.

Các lời nguyện và bài đọc được lấy từ Chúa Nhật thứ 9 thường niên, vì tại Vatican, lễ kính Mình Thánh Chúa đã được cử hành hôm thứ năm, 26-5 vừa qua.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã quảng diễn chức năng phục vụ của các phó tế và các điều kiện để thi hành nhiệm vụ này. Ngài nói:

“Tôi tớ Đức Kitô” (Gl 1,10). Chúng ta đã nghe thành ngữ này, thánh Phaolô thường dùng để mô tả mình, khi viết cho các tín hữu thành Galát. Đầu lá thư, ngài tự giới thiệu là “tông đồ” do thánh ý Chúa Giêsu (Xc Gl 1,1). Hai từ ngữ, 'tông đồ và tôi tớ', đi chung với nhau, không bao giờ có thể tách biệt nhau; đó là hai mặt của cùng một mềđai: ai loan báo Chúa Giêsu thì được kêu gọi phục vụ và ai phục vụ thì loan báo Chúa Giêsu.

Chúa đã tỏ cho chúng ta điều đó trước tiên: Ngài là Lời của Chúa Cha, là người mang tin vui cho chúng ta (Is 61,1). Chính Ngài là tin vui (Xc Lc 4,18), đã trở nên tôi tớ chúng ta (Pl 2,7). “Ngài trở nên người phục vụ (diacono) mọi người”, như một Giáo Phụ đã viết (Policarpo, Ad Phil. V,2). Như Chúa đã làm, những người được kêu gọi trở thành người loan báo cũng được mời gọi làm như vậy. Các môn đệ của Chúa Giêsu không thể đi con đường khác với con đường của Thầy, nếu họ muốn loan báo thì cũng phải noi gương Chúa như thánh Phaolô đã làm, nghĩa là mong ước trở nên người tôi tớ phục vụ. Nói khác đi, nếu loan báo Tin Mừng là sứ mạng được ủy thác cho mỗi Kitô hữu khi chịu phép rửa tội, thì phục vụ chính là cách thức sống sứ vụ, là cách duy nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu. Họ là một chứng nhân làm như Chúa: là người phục vụ anh chị em mình, không mỏi mệt vì Chúa Kitô khiêm hạ, không mệt mỏi vì đời sống Kitô là một đời sống phục vụ.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: Bắt đầu từ đâu để trở thành “những người tôi tớ tốt lành và trung tín” (Xc Mt 25,21)? Như bước đầu tiên, chúng ta được mời gọi hãy sống sẵn sàng. Người tôi tớ hằng ngày học cách từ bỏ thái độ muốn thu xếp mọi sự cho mình và tự quyết định như mình muốn. Mỗi sáng họ tập luyện hiến mạng sống, nghĩ rằng mỗi ngày không phải là của mình, nhưng cần phải sống ngày ấy như một sự giao nạp chính mình. Thực vậy, người phục vụ không phải là người giữ chặt thời gian riêng cho mình, trái lại họ từ bỏ không trở thành chủ nhân ông ngày của mình. Họ biết rằng thời gian mình sống không thuộc về mình, nhưng là một hồng ân lãnh nhận từ Thiên Chúa để cống hiến cho tha nhân: chỉ như thế họ mới có thể mang lại hoa trái thực sự. Người phục vụ không phải là đầy tớ chương trình hành động mà họ thiết định, nhưng với tâm hồn ngoan ngoãn, họ sẵn sàng đối với những gì không được đề ra trong chương trình: họ sẵn sàng đối với người anh em, và cởi mở đối với những gì bất ngờ, chẳng bao giờ thiếu và thường là sự bất ngờ của Thiên Chúa. Người phục vụ biết mở cửa thời gian và không gian của mình cho người ở cạnh và cả những người gõ cửa ngoài giờ, dù phải hy sinh, gián đoạn điều họ thích hoặc sự nghỉ ngơi mà họ đáng được hưởng. Người phục vụ không giữ chặt thời khóa biểu. Tôi cảm thấy đau lòng khi thấy thời khóa biểu trong các giáo xứ, từ giờ này đến giờ này. Và rồi chẳng có cánh cửa mở rộng, không có linh mục, không có phó tế, cũng chẳng có giáo dân đón tiếp.. Thật là điều đau lòng. Hãy có can đảm coi nhẹ thời khóa biểu. Vì thế, các phó tế thân mến, khi sống thái độ sẵn sàng, việc phục vụ của anh em sẽ không có sự tính toán hơn thiệt và được phong phú theo tinh thần Phúc Âm.

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Bài Tin Mừng hôm nay cũng nói với chúng ta về việc phục vụ, trình bày cho chúng ta 2 người đầy tớ, từ đó chúng ta có thể rút ra những bài học quí giá: người đầy tớ của quan bách quân, được Chúa Giêsu chữa lành, và chính quan bách quân ấy, phục vụ hoàng đế. Những lời của ông nói với Chúa Giêsu, để Ngài khỏi mất công đến nhà ông, thật là gây ngạc nhiên và thường trái ngược với kinh nguyện của chúng ta: “Lạy Chúa, xin đừng mất công! Con không đáng Chúa ngự vào nhà con” (Lc 7,,6); “Con không thấy mình xứng đáng được đến cùng Chúa” (v.7); “cả tôi cũng ở thân phận bề dưới” (v.8). Đứng trước những lời này, Chúa Giêsu tỏ ra ngưỡng mộ. Ngài cảm kích vì lòng khiêm tốn sâu xa của quan bách quân, sự dịu dàng hiền từ của ông. Sự hiền từ là một trong những nhân đức của các phó tế. Khi phó tế hiền từ, thì thầy là người phục vụ, và không chơi trò bắt chước các linh mục.. Đứng trước vấn đề đang làm ông bận tâm, lẽ ra ông có thể hành động một cách khác và đòi được nghe lời, dùng quyền uy của mình; lẽ ra ông có thể nài nỉ, nhấn mạnh và thậm chí có thể buộc Chúa Giêsu đến nhà ông. Trái lại, ông trở nên bé nhỏ, kín đáo, không lên giọng, không muốn làm phiền. Có lẽ vô tình, ông đã hành động theo kiểu của Thiên Chúa, là “Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Thực vậy, Thiên Chúa là tình yêu, vì yêu Ngài hạ mình đến độ phục vụ chúng ta: Ngài kiên nhẫn, từ nhân, luôn mau mắn và sẵn sàng đối với chúng ta, chịu đau khổ vì những lầm lỗi của chúng ta và tìm cách giúp đỡ, làm cho chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Đây cũng là những nét hiền lành và khiêm tốt trong việc phục vụ theo tinh thần Kitô, đó là “bắt chước Thiên Chúa trong việc phục vụ tha nhân: đón nhận họ với lòng yêu thương kiên nhẫn, cảm thông họ mà không mệt mỏi, làm cho họ cảm thấy được đón nhận, thoải mái, trong cộng đoàn Giáo Hội, nơi mà người cai quản không phải là người lớn, nhưng là người phục vụ (Xc Lc 22,26). Vì thế, hỡi các phó tế, trong sự dịu dàng, ơn gọi của các thầy là người phục vụ bác ái được trưởng thành”

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng:

“Sau thánh Phaolô Tông Đồ và viên bách quân, trong các bài đọc hôm nay, có một người tôi tớ thứ ba, đó là người được Chúa Giêsu chữa lành. Trong trình thuật có kể rằng người đầy tớ ấy rất được chủ thương và lúc ấy đang bị bệnh, ta không biết đó là bệnh nặng hay không (v. 2). Một cách nào đó chúng ta cũng có thể nhận ra mình nơi người đầy tớ ấy. Mỗi người chúng ta cũng rất được Thiên Chúa thương yêu, được Chúa chọn, và được kêu gọi phục vụ, nhưng trước tiên cần được chữa lành trong nội tâm. Để có thể phục vụ, chúng ta cần sức khỏe tâm hồn, một con tim được Thiên Chúa chữa lành, cảm thấy được tha thứ, và không khép kín, cũng chẳng cứng cỏi.. Mỗi ngày chúng ta nên cầu nguyện để được ơn này, xin Chúa Giêsu chữa lành chúng ta, trở nên giống Chúa, Đấng không “gọi chúng ta là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu” (Xc Ga 15,,15). Các phó tế thân mến, anh em có thể cầu xin mỗi ngày ơn này trong kinh nguyện, trong kinh nguyện nơi mà anh em trình bày những vất vả, những bất trắc, những mệt mỏi, và hy vọng: một kinh nguyện chân thành, trình bày cuộc sống cho Chúa, và mang Chúa vào trong cuộc sống. Và khi phục vụ bàn tiệc Thánh Thể, nơi anh em sẽ tìm thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng hiến mình cho chúng ta, để anh em có thể hiến mình cho tha nhân.

Trong số 5 ý nguyện được xướng lên trong phần lời nguyện phổ quát sau kinh Tin Kính, cũng có 1 ý nguyện tiếng Việt được thày phó tế Giuse Nguyễn Sĩ Bạch thuộc tổng giáo phận Galveston Houston, Texas.

Trong phần dâng lễ vật, có 3 phó tế vĩnh viễn cùng với phu nhân và con cái đã mang bánh rượu cho Đức Thánh Cha..

Thánh lễ kéo dài 1 giờ 20 phút và kết thúc lúc gần 12 giờ. Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh truyền tin ngay lúc đó. Lúc này số người hiện diện tại Quảng trường tăng lên 50 ngàn người. Trong bài huấn dụ ngắn, Đức Thánh Cha đặc biệt chào thăm các thày Phó tế đến từ Italia và các nước khác. Ngài nói:

Cám ơn sự hiện diện của anh em hôm nay, nhất là sự hiện diện của anh em trong Giáo Hội!

Tôi chào thăm tất cả các tín hữu hành hương, cách riêng hiệp hội Âu Châu những người bảo vệ lịch sử, những người tham gia Con đường Tha thứ do phong trào thánh Celestino cổ võ..

Ngoài ra tôi cũng nhắc đến Ngày Toàn Quốc Thoa dịu, nhắm giúp đỡ con người sống trọn giai đoạn chót của cuộc sống trần thế; tôi cũng nhắc đến cuộc hành hương truyền thống ngày hôm nay ở Ba Lan tại Đền thánh Đức Mẹ Piekary: Xin Đức Mẹ từ bi nâng đỡ các gia đình và người trẻ đang tiến về Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Cracovia.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc thêm rằng ngày 1-6 tới đây, nhân Ngày Thế Giới các trẻ em, các cộng đoàn Kitô ở Syria, Công Giáo cũng như chính thống giáo, cùng đặc biệt cầu nguyện với nhau cho hòa bình, và những người nắm vai chính trong ngày cầu nguyện này là các trẻ em.. Các trẻ em Syria mời gọi các trẻ em thế giới hãy hiệp ý với các em để cầu nguyện cho hòa bình.

Chúng ta hãy khẩn cầu sự chuyển cầu của Mẹ Maria cho các ý nguyện đó, đồng thời chúng ta phó thác cho mẹ cuộc sống và sứ vụ của tất cả các phó tế trên thế giới.
 
Phi Châu / Nigeria - ''Hơn 1,3 triệu Kitô hữu buộc phải chạy trốn khỏi miền bắc Nigeria”
Thanh Quảng sdb
02:34 31/05/2016
Phi Châu / Nigeria - "Hơn 1,3 triệu Kitô hữu buộc phải chạy trốn khỏi miền bắc Nigeria”
Thanh Quảng sdb

Thông tấn xã Fides từ Thành phố Abuja loan đi ngày thứ Hai 30/5/2016 thì ở miền Bắc Nigeria, yu72 giữa năm 2006 tới 2014 ước tính có khoảng 11.500 Kitô hữu bị giết, hơn 1,3 triệu người Kitô hữu bị buộc phải di tản và 13.000 nhà thờ bị phá hủy hoặc bỏ hoang.
Đức Hồng Y Joseph Bagobiri, Giám Mục Giáo phận Kafanchan đã nêu ra các con số trên trong bài tường trình bày của Ngài tại Hội nghị Quốc tế được nhóm họp tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (UNO), New York, Hoa Kỳ với nhan đề "Ảnh hưởng của bạo lực dai dẳng trên Giáo Hội tại miền Bắc Nigeria".
Các cộng đồng Kitô hữu bị ảnh hưởng nhiều nhất ở miền bắc tiểu bang Adamawa, Borno, Kano và Yobe. Kitô hữu ở các vùng này phải di tản tới các vùng có nhiều Kitô giáo định cư như vùng lưu vực miền Trung: Plateau, Nassarawa, Benue, Taraba và một phần phía Nam của Kaduna.
Nhưng trong những tháng gần đây, các khu vực bị ảnh hưởng do bạo lực ngay cả trong những "Cộng đồng có nhiều Kitô hữu sinh sống như miền Trung lưu vực cũng bị những lượng lượng Hồi giáo xâm lược và tấn công dã man. Đây là những cuộc chiếm hữu trắng trợn đất đai tổ tiên của những người Kitô giáo đã sống lâu đời gầy dựng lên và của các cộng đồng các sắc tộc thiểu số".
Đức Hồng Y Bagobiri trong bài tường trình gửi đến Fides đã viết "Trong nhiều vùng của những người du mục Fulani đã không ngừng bị khủng bố, bị tiêu diệt như ở Agatu thuộc tiểu bang Benue và Gwantu, Manchok thuộc quốc gia Kaduna đã xảy ra nhiều cuộc tấn công diệt chủng từ 150 đến 300 người mỗi đêm ".
Đức Hồng Y Bagobiri kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy gây áp lực lên các nhà chức trách Nigeria để họ bảo đảm sự tự do tôn giáo cho các Kitô hữu và các dân tộc thiểu số khác ở miền bắc Nigeria, và giải quyết khẩn cấp việc cung cấp nhân đạo cho các nhóm người tỵ nạn. (Nguồn Fides 30/05/2016)
 
Toàn câu có gần 50 triệu nô lệ, 60% ở Á châu
Hồng Thủy OP
11:03 31/05/2016
Sydney – Hôm nay, Walk Free Foundation, một tổ chức bác ái do vợ chồng tỷ phú Andrew và Nicole Forrest thành lập, đã công bố số liệu thống kê về các nô lệ "thời hiện đại" toàn cầu. Trên thế giới hiện có ít nhất 45,8 triệu nô lệ; 2/3 trong số các nô lệ nam nữ, già trẻ này nằm ở vùng châu Á Thái bình dương. Á châu có số nô lệ đông nhất, khoảng 26,6 triệu – chiếm 58% tổng số nô lệ toàn cầu. Đó là số liệu do Global Slavery Index 2016 cung cấp.

Trong số 167 quốc gia, 5 quốc gia thuộc Á châu đứng đầu về số nô lệ tính theo phần trăm dân số, đó là: Bắc Triều tiên, Uzbekistan, Campuchia, Ấn độ và Qatar. Ở Bắc Triều tiên, nơi mạng lưới lao động cưỡng bức ngày càng trở thành một phần của hệ thống sản xuất quốc gia. Đồng thời, hàng ngàn phụ nữ Bắc Triều tiên bị bán sang Trung quốc để làm vợ hay nô lệ tình dục. Ít nhất 4,37% dân nước này phải làm nô lệ. Ở Uzbekistan thì chính quyền buộc dân chúng thu hoạch bông vải mỗi năm. Cũng có khoảng 1,36% trên tổng số 2,3 triệu dân Qatar phải làm nô lê, đa số trong ngành công nghiêp xây dựng. Phần lớn các nô lệ nhập cư này đến từ Ấn độ, Nepal, Philippines, Sri Lanka và Bangladesh.

Nhưng nếu tính về số lượng thì các nước sau đây đứng đầu: Ấn độ, Trung quốc, Pakistan, Bangladesh và Uzbekistan. Ấn độ đứng đầu với 18 triệu 350 ngàn người sống như nô lệ, rồi đến Trung quốc với 3,39 triệu, Pakistan có 2,13 triệu và Uzbekistan có 1,23 triệu. Nhiều nước đã dùng chế độ nô lệ cho hệ thống lao công rẻ tiền để sản xuất các sản phẩm cho thị trường ở Âu châu, Nhật, Bắc Mỹ và Úc.

Thống kê cho thấy tình trạng ở Hồng kông còn tồi tệ hơn Trung quốc, vì họ có ít chính sách bảo vệ những người ít tự vệ như phụ nữ, trẻ em hay nhập cư, khỏi trở thành nô lệ. Thậm chí người ta nghi ngờ là chính quyền có chính sách làm cho chế độ nô lệ dễ dàng hơn.

Theo các nhà nghiên cứu, có 3 lý do nuôi dưỡng ngành kinh doanh nô lệ: việc tìm kiếm giá thành sản phẩm thấp hơn; các tổ chức buôn nô lệ; và sự bóc lột con người bởi con người.

Theo Andrew Forrest, luật cấm nô lệ chống lại 3 yếu tố này, nhưng cũng đòi hỏi cộng đồng kinh doanh một sự trong sáng hơn về nơi chốn và cách thức tạo ra các sản phẩm mà họ bán. Có một cam kết quan trọng khác cũng là trách nhiệm của mỗi người: từ bỏ việc tiêu thụ được thúc đẩy bởi các sản phẩm với giá thành rẻ. (Asia News 31/5/2016)

(Nuồn: Vatican Radio & Asia News)
 
ĐTC Phanxicô nêu gương ''tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta.''
Trần Mạnh Trác
19:30 31/05/2016
ĐTC Phanxicô luôn luôn cổ võ sự đối thoại và việc xây cầu để liên lạc với nhau. Thứ Sáu vừa qua Ngài đã thực hiện điều giảng dạy đó qua việc tiếp đón một người từng đả kích Ngài cách thậm tệ trong nhiều năm, thậm chí đã có lần tấn công ngôi nhà thờ chính toà của Ngài và trong lúc cưỡng chiếm ấy đã dùng nơi phía sau cuả bàn thờ để làm chỗ phóng uế công cộng.

Người đó không ai khác hơn là bà Hebe de Bonafini, một người 'mẹ' Argentina, một người hoạt động nhân quyền. Bà Bonafini đã tới gặp ĐTC tại nhà Santa Marta, cuộc gặp kéo dài hơn một giờ, là một trong những cuộc gặp riêng tư dài nhất.

Bonafini là người đã sáng lập ra hội "các bà mẹ của Công Trường Tháng Năm" (“Mothers of Plaza de Mayo,”) là một nhóm đòi công lý cho những người "bị mất tích" dưới chế độ quân phiệt Argentina trong những năm 1970. Trong cuộc họp báo sau buổi gặp gỡ ấy, bà Bonafini cho biết bà đã xin lỗi ĐGH vì nhóm của bà đã "nhầm" về những sự việc chung quanh Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, vị Giáo hoàng tương lai.

"Đức Hồng Y Bergoglio đã vĩ đại hơn lên sau khi trở thành Giáo Hoàng Phanxicô," bà Bonafini nói với các phóng viên. "Người ta phải xin tha thứ sau khi mắc lầm lỗi, và 'hội các bà mẹ" đã làm việc ấy."

"Hãy để việc đó qua đi, tất cả chúng ta đều phạm sai lầm," Đức Giáo Hoàng đã nói với bà.

Được biết bà Bonafini đã có hai người con trai và một đứa con dâu bị mất tích trong những năm 1970.

Dưới sự cai trị độc tài quân phiệt của Argentina, người ta ước tính có khoảng từ 15.000 đến 30.000 người bị quân đội bắt cóc, tra tấn và giết chết. Cho tới ngày hôm nay những người đó vẫn còn được gọi là 'biệt tích' vì không ai có thể tìm thấy dấu vết.

Theo tài liệu còn ghi chép lại thì bà Bonafini đã thường xuyên gọi ĐGH là 'phát xít', tố cáo Ngài cộng tác với chế độ quân phiệt, và thường xuyên đặt câu hỏi: "Chuá đang ở đâu khi người ta ném những đứa con cuả chúng tôi xuống biển?"

Năm 2005, bà gây một tai tiếng lớn khi gọi ĐGH John Paul II là "đầy tội ác, đáng xa hoả ngục".

Năm 2008, bà cầm đầu một phong trào chiếm đóng nhà thờ chính toà Buenos Aires và "ứng biến" đặt chỗ phóng uế ở phía sau bàn thờ.

Tuy nhiên, kể từ khi ĐTC Phanxicô đắc cử giáo hoàng, thì bà bắt đầu thay đổi giọng điệu đôi chút, cho tới bây giờ thì thừa nhận rằng trong suốt 12 năm qua, khi Ngài còn là tổng giám mục Buenos Aires, bà đã "phán xét" Ngài một cách "quá vội vàng".

Cuộc gặp gỡ này là kết quả cuả nhiều lời mời của Đức Giáo Hoàng, mà lần nào cũng bị bà Bonafini thẳng thừng từ chối. Năm ngoái, bà đưa ra một số "điều kiện", trong đó có việc "Giáo Hội phải công khai thú nhận đã cộng tác quá nhiều vào việc đàn áp ở Argentina" và chính ĐGH phải cử hành một thánh lễ cho các linh mục và nữ tu 'của thế giới thứ ba' (tercermundistas,) là tên gọi cuả những tu sĩ 'thân mác xít' đã biến mất ở Châu Mỹ Latinh.

Hội các bà mẹ Plaza de Mayo là hội vẫn còn gây nhiều tranh cãi ở Argentina, thường đứng về phe chính trị cánh tả và thân thiện với những nhân vật theo chủ nghĩa Mác Xít như Fidel Castro của Cuba và Hugo Chavez cuả Venezuela.

Do đó ĐHG Phanxicô đã phải giải thích nhiều cho những người bạn cuả Ngài ở bên quê nhà về việc Ngài mời bà Bonafini đến thăm.

"Việc tôi đón tiếp bà Bonafini có vẻ như sẽ gây ra một tai tiếng lớn. Tôi biết bà ấy là ai, nhưng nhiệm vụ của tôi là một mục tử thì phải hiểu theo một cách đơn giản hơn", ĐTC Phanxicô viết email cho một người bạn như thế, theo lời tường thuật cuả hãng thông tấn Argentina là Telam.

"Người phụ nữ này, từ quảng trường (Mayo), đã sỉ nhục tôi nhiều lần với những cỗ pháo hạng nặng," Đức Giáo Hoàng nói (Nhà thờ chính toà cuả Buenos Aires nằm ngay bên quảng trường Mayo.)

"Nhưng với một phụ nữ có những đứa con bị bắt cóc, và không ai biết chúng bị tra tấn như thế nào, bao lâu, và chết ra sao, khi nào và bị chôn vùi ở đâu...thì tôi không thể đóng cửa với bà ta được, " Ngài viết.

"Những gì tôi nhìn thấy là nỗi đau của một người mẹ," Ngài viết tiếp. "Nếu bà ấy có lợi dụng tôi hay không, thì đó không phải là vấn đề của tôi. Sẽ là một vấn đề cho tôi nếu tôi không đối sử với bà bằng sự dịu dàng của một người mục tử. "

Một linh mục Argentina là cha Fabián Báez cũng cho hay ĐTC đã điện đàm với Ngài vài tuần trước và cũng có một quan điểm tương tự.

"Trước mặt một bà mẹ có con bị tàn sát, thì tôi sẽ quỳ xuống và không đòi hỏi bất cứ điều gì với bà ta cả," Linh mục Báez cho biết Đức Giáo Hoàng đã nói như vậy.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu, bà Bonafini nói rằng bà đã xin Đức Thánh Cha hãy về thăm đất nước, và Ngài trả lời, "đáng lẽ tôi phải đi năm nay, nhưng lại bị kẹt rồi."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thiếu Nhi Thánh Thể Xứ Đoàn Vinh Sơn Liêm và Ca đoàn Belem mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
10:07 31/05/2016
Melbourne, Thánh lễ 8.45 sáng Chúa Nhật Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Tại Nguyện đường Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Xứ đoàn Vinh Sơn Liêm và Ca đoàn belem đã hân hoan mừng kính Lễ Mình Máu Thánh Chúa là bổn mạng của đoàn.

Hình của Lê Hải

Thánh lễ do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân quản nhiệm cộng đoàn chủ sự, cùng đông đảo giáo dân trong cộng đoàn về dâng thánh lễ, và phần thánh ca do Ca đoàn Belem dùng lời ca tiếng hát ca ngợi Thiên Chúa trong Thánh lễ mừng bổn mạng thật sốt sắng.

Trong dịp lễ trọng đại này, Xứ đoàn đã có nghi thức tấn phong huynh trưởng cho các dự trưởng trong xứ đoàn. Các dự trưởng được mời lên trước bàn Thánh, được ban đại diện xứ đoàn đọc quyết định thăng cấp và xin Cha Tuyên úy tấn phong cho các em. Cha Giuse Trần Ngọc Tân tuyên úy chủ sự nghi thức tuyên hứa. Các dự trưởng đã quỳ trước bàn thờ tay giơ ngang tay theo đúng nghi thức, đọc lời tuyên hứa. Cha tuyên úy chấp nhận lời tuyên hứa và thay khăn quàng cho các dự trưởng từ khăn quàng vàng bằng khăn quàng đỏ.

Đây là Thánh lễ mừng bổn mạng của Xứ đoàn Vinh Sơn Liêm lần thứ 35, sau Thánh lễ toàn thể các em trong xứ đoàn đã có một buổi tiệc mừng và văn nghệ, do các huynh trưởng và phụ huynh các em tổ chức thật long trọng tại hội trường trung tâm với nhiều màn văn nghệ được Cha Tuyên úy, Seour Phạm Thị Luật Trợ úy và các huynh trưởng trong xứ đoàn hiện diện. Với phần văn nghệ do chính các em trong xứ đoàn trình diễn, ca, múa, nhạc thật sinh động.
 
Phỏng vấn Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Tân Giám Mục Parramatta, Australia
VietCatholic Network
06:47 31/05/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland Oregon Rước Kiệu Và Dâng Hoa Kính Đức Mẹ .
Phan Hoàng Phú Qúy
09:57 31/05/2016
Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland Oregon Rước Kiệu Và Dâng Hoa Kính Đức Mẹ.

(Portland-Oregon) Thứ Bảy ngày 28 tháng 5 năm 2016 vào lúc 5 giờ chiều, Ban Chấp Hành Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang tại Portland tiểu bang Oregon đã long trọng tổ chức Rước Kiệu và Dâng Hoa kính Đức Mẹ một cách trang nghiêm và sốt sáng.

Xem Hình

Bắt đầu chương trình cung nghinh là nghi thức xông hương và dâng hoa do linh mục chánh xứ Phạm Hữu Đạt chủ sự và các em học sinh thuộc trường GL&VN La Vang hiệp dâng.

Tiếp theo là phần rước kiệu Đức Mẹ chung quanh khuôn viên giáo xứ, với Thánh Giá và nến cao dẫn đầu và các đoàn thể, ban ngành trong giáo xứ chỉnh tề tiến bước, vừa đi vừa lần hạt Mân Côi và cất cao những bài hát nguyện cầu cũng như tôn vinh Đức Mẹ thật tâm tình và trìu mến:

Hôm nay con về nguyện dâng lên mẹ

Hồn xác của con từ đây và mãi mãi

Trọn đời hiến dâng mang ánh sáng tình yêu cho người

Sống vì tha nhân cho đến hết đời con

Mẹ Maria….Mẹ Maria…Mẹ Maria…Mẹ Tình yêu

Tình mẹ bao la, Me hằng cứu giúp, Me Maria..

Có Mẹ …không còn lo chi.

Kết thúc cuộc rước kiệu là phần cung nghinh Đức Mẹ, các em đã dâng lên Đức mẹ những đóa hoa xinh tươi đủ sắc màu để tỏ tình con thảo đối với mẹ hiền, đồng thời xin Mẹ tiếp tục nâng đở, ủi an và ban muôn ơn lành xuống trên mỗi cá nhân, gia đình, công đoàn và giáo xứ, đặc biệt là trên quê hương yêu dấu chúng con.

Mẹ ơi ! Quê hương con vẫn còn đói khổ

Bao năm qua vẫn hằng mong chờ

Mặt trời lên tung gieo ánh sáng khắp trời Nam

Mẹ ơi ! Quê hương con vẫn còn bạo quyền

Bao con dân sống cảnh đọa đày

Cúi xin Mẹ dù tình đở nâng, ũi an

Nguyện Mẹ thương đây quê hương con

Còn điêu linh vất vả trăm bề

Từng ngày qua thất vọng ê chề

Lời kêu khẩn Mẹ ơi lắng nghe

Hòa lời kinh yêu thương dâng lên

Mẹ ơi ! Xin dủ tình giữ gìn

Để đoàn con sống trọn một niềm

Hằng yêu mến tôn vinh Mẹ hiền.

Phan Hoàng Phú Quý
 
Mừng Lễ kỷ niệm 25 năm Linh Mục của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
BBT Hà Nội
10:06 31/05/2016
WTGPHN - Đan Viện Châu Sơn Nho Quan ngày 31-5-2016, Đức Hồng Y Phê-rô, Đức Cha Phụ tá Lô-ren-xô, đại diện các Linh mục, Tu sỹ nam nữ, và Giáo dân trong Tổng Giáo phận Hà Nội đã tới Đan viện Xi-tô Châu Sơn Nho Quan chúc mừng Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, nhân ngày kỷ niệm 25 năm linh mục của ngài.

Hình ảnh

Chúc mừng Đức TGM Giuse tại nhà khách, Đức Cha phụ tá Lô-ren-xô đã giới thiệu về sự hiện diện của mọi thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận Hà Nội; ngài thân thưa với Đức TGM Giuse về lòng yêu mến của mọi người trong Địa phận luôn dành cho Đức Tổng, đặc biệt trong dịp kỷ niệm hồng phúc này. Đức Cha Phụ tá đã giới thiệu Đức Hồng Y Phê-rô đại diện cho toàn Tổng Giáo Phận trao tặng Đức TGM Giuse bó hoa tươi thắm và món quà nhỏ bé để tỏ lòng yêu mến.

Đáp lại lòng yêu mến của toàn Tổng Giáo phận, Đức TGM Giuse đã bày tỏ niềm vui và lòng cảm mến trước tình cảm của mọi thành phần dân Chúa dành cho ngài.

Vào lúc 9h30 sáng, Đức TGM Giuse chủ tế Thánh lễ tạ ơn tại nguyện đường của Đan viện. Đồng tế với ngài có Đức Hồng Y Phê-rô, hầu hết các Đức Cha trong Giáo tỉnh Hà Nội và đông đảo linh mục, nam nữ Tu sỹ và Giáo dân.

Trước khi bước vào Thánh lễ, Cha Đaminh Savio Nguyễn Tuấn Hào, bề trên đan viện, đã ngỏ lời chào mừng Đức Hồng Y Phê-rô, quý Đức Cha, quý cha cùng toàn thể quý khách đã tới với Đan viện hôm nay trong ngày vui mà Đan viện cùng với Đức TGM Giuse mừng kỷ niệm ngày hồng phúc. Cha bề trên Đaminh Savio đã giới thiệu Đức Hồng Y Phê-rô đại diện cho cộng đoàn ngỏ lời với Đức TGM Giuse.

Đức Hồng Y Phê-rô đã thay mặt cho các Đức Giám Mục trong Giáo tỉnh Hà Nội, thay mặt cho toàn thể cộng đoàn hiện diện chúc mừng Đức TGM Giuse. Với khẩu hiệu "Chạnh lòng thương" mà Đức Tổng đã chọn làm tâm niệm cho cuộc đời mục tử của mình, điều đó rất là đẹp khi năm nay Đức Tổng kỷ niệm 25 năm đúng vào dịp Năm thánh Lòng Thương Xót. Đức Hồng Y Phê-rô đã bày tỏ như trên và cầu chúc Đức TGM Giuse luôn tràn đầy niềm vui của cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và Bà Isave, giữa hài nhi Giê-su và hài nhi Gioan Tẩy giả trong ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng hôm nay.

Mở đầu Thánh lễ, Đức TGM Giuse đã nói: "Hôm nay chúng ta mừng lễ Đức Mẹ đi thăm viếng bà thánh I-sa-ve. Đây là lễ của lỏng thương xót. Thiên Chúa thương xót thăm viếng dân Người. Hôm nay con cũng cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa. Chúa Ki-tô là Thượng Tế đến muôn đời. Nhưng Chúa đã cho con, một con người tầm thường tội lỗi, được tham dự chức linh mục cao trọng. Chúa đã chứa đựng kho tàng quí giá trong một chiếc bình sành xấu xí. Qua 25 năm chiếc bình đó đã bị sứt mẻ, xây xát. Thậm chí bị thủng, bị vỡ. Khiến cho ơn Chúa bị phí phạm đi mất. Hôm nay con khẩn nài Lòng Thương Xót của Chúa tha thứ mọi lỗi lầm của con. Sửa chữa những hư hỏng. Hàn gắn những đổ vỡ. Để chiếc bình xứng đáng chứa đựng ơn cao trọng của Chúa. Để xứng đáng dâng lời tạ ơn, chúng ta hãy xin Chúa thứ tha tội lỗi".

Chia sẻ trong Thánh lễ, Đức Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, đã suy ngắm cuộc đời của Đức Mẹ, và với những câu chuyện ẩn dụ về các vị ẩn sỹ, ngài mời gọi cộng đoàn: Đón nhận Chúa Giê-su; Sống tình huynh đệ; Theo Chúa đến cùng như Mẹ đã đi. Kết thúc bài chia sẻ, ngài nói: "Cuộc đời của Đức Mẹ đã khởi sự bằng tiếng Amen trong ngày truyền tin và kết thúc bằng tiếng Halelluia. Chúng ta cầu chúc cho nhau, đặc biệt cho Đức TGM Giuse, để cuộc đời của ngài đã bắt đầu bằng tiếng Amen cũng được kết thúc bằng tiếng Halelluia như Đức Mẹ".

Kết thúc Thánh lễ, Đức TGM Giuse đã nói lên lời cảm ơn: "Trong đời linh mục. Và đặc biệt trong thánh lễ hôm nay, con cảm nghiệm được Lòng Thương Xót của Chúa. Chúa đã thương xót tuyển chọn một người tầm thường yếu đuối. Chúa lại thương xót tha thứ, sửa chữa các lỗi lẫm. Xin tạ ơn Chúa muôn đời.

Lòng Thương Xót của Chúa thật cụ thể hôm nay, qua sự hiện diện của Đức Hồng Y và Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Thày, Quý Sơ. Hôm nay con có tâm tình của bà thánh I-sa-ve: Bởi đâu con được vinh hạnh này. Đức Hồng Y và Quý Đức Cha đang bày tỏ lòng thương xót đối với người em bé nhỏ nghèo hèn trên miền núi Giu-đê-a Châu sơn. Xin tri ân ĐHY và quý ĐC, quý Cha, Quý Thày, quý Sơ.

Lòng Thương Xót của Chúa cũng bày tỏ qua anh chị em trong gia đình linh tông, huyết tộc cùng thân hữu. Anh chị em luôn ở bên cạnh tôi. Âm thầm nhưng thân thương. Giúp tôi trong đời sống linh mục. Xin cám ơn gia đình và thân hữu.

Con xin cám ơn cha Bề trên, Quý Cha, Quý Thầy và mọi thành viên đan viện Châu sơn Nho quan, đã mở rộng vòng tay đón tiếp con. Mở rộng tấm lòng coi con như một thành viên, một người anh em trong cộng đoàn. Tạo cho con mọi điều kiện tốt lành để con được an vui thanh thản trong đời sống vật chất, và đặc biệt trong đời sống cầu nguyện. Và hôm nay đã làm tất cả để buổi lễ được tốt đẹp.

Qua thánh lễ này con cảm nhận Lòng Thương Xót bao la của Chúa. Qua chức linh mục Chúa ban. Qua sự hiện diện đầy tràn lòng thương xót của Đức Hồng Y, Quý Đức Cha, Quý Cha Tổng Đại Diện, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Sơ, Anh Chị Em trong gia đình linh tông, huyết tộc và thân hữu, đặc biệt Đan Viện Châu sơn. Chúng ta thực sự đang cử hành Lòng Thương Xót.

Con đã nhận được Lòng Thương Xót. Con sẽ chia sẻ những gì con nhận được với những anh chị em ngư dân đang đau khổ tại Vũng Áng và bờ biển miền Trung. Để Lòng Thương Xót của Chúa lan tràn khắp nơi. Đặc biệt đến những nơi đang đau khổ cần đến Lòng Thương Xót của Chúa, Xin cám ơn!".

Được biết trong những ngày qua các giáo hạt trong TGP Hà Nội đã tới chúc mừng Đức TGM Giuse.

Ban đầu Đức TGM Giuse dự định chỉ âm thầm tạ ơn Chúa trong Thánh lễ theo lịch của Đan viện lúc 5h sáng hôm nay. Với sự gợi ý của Đức Hồng Y Phê-rô, Đức TGM Giuse đã đồng ý để Đan viện đón tiếp các Đấng và anh chị em tín hữu đến hiệp dâng với ngài trong Thánh lễ tạ ơn hôm nay lúc 9h30 sáng.

Bởi thế, trong Thánh lễ hôm nay không chỉ có sự hiện diện của phái đoàn đại diện đến từ TGP Hà Nội, mà còn có các phái đoàn đến từ Giáo phận Bắc Ninh, Lạng Sơn Cao Bằng, Phát Diệm, Thái Bình, Hải Phòng.

(Nguồn: http://www.tonggiaophanhanoi.org/)
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng bổn mạng Ban Thừa tác viên Thánh Thể
Văn Minh
10:04 31/05/2016
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng bổn mạng Ban Thừa tác viên Thánh Thể

“Mỗi khi chúng ta đi tham dự Thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa là chúng ta loan truyền việc Chúa chịu nạn, chịu chết và sự Phục sinh của Người”.

Xem Hình

Trên đây là lời chia sẻ của cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, trong Thánh lễ Mình Máu Chúa Kitô - bổn mạng của Ban Thừa tác viên Thánh Thể (TTV) giáo xứ Vĩnh Hòa.

Thánh lễ được cha xứ Gioakim Lê Hậu Hán cử hành vào lúc 05g00 sáng Chúa Nhật 29.5.2016. Ngoài quý ông trong Ban TTV còn có đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ đến hiệp dâng.

Trước Thánh lễ, đại diện các em Ban Lễ sinh, quý vị tân và cựu trong Ban TTV rước cha chủ tế từ trước tiền sảnh vào tiến lên cung thánh trong niềm hân hoan thể hiện trên nét mặt mỗi người.

Trong bài giảng, cha Gioakim nhắc nhở: “Mỗi khi chúng ta đi tham dự Thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa là chúng ta loan truyền việc Chúa chịu nạn, chịu chết và sự Phục sinh của Người. Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa hôm nay, cách riêng đối với quý ông trong Ban TTV là những người được tuyển chọn và gần Bàn Thánh, cộng tác cùng linh mục trao Mình Thánh Chúa cho mọi người, và những người bệnh đau yếu không thể đến nhà thờ được”. Ngài nhắn nhủ thêm: “Mong quý ông luôn ý thức được việc làm cao quý của mình, và luôn sùng kính Mầu Nhiệm Mình Máu Thánh Chúa Kitô”.

Sau bài chia sẻ, cha chủ tế đã chủ sự nghi thức tuyên hứa cho quý ông TTV vừa được Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc cho phép trao Mình Thánh Chúa ngoại thường cho giáo dân.

Thánh lễ được tiếp nối với phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Giuse Phạm Văn An - Trưởng ban phụng vụ - cảm ơn cha chánh xứ, đại diện các hội đoàn cùng mọi thành phần dân Chúa đã đến hiệp dâng Thánh lễ và cầu nguyện cho Ban TTV được sốt sắng.

Đáp từ, thay mặt cộng đoàn, cha xứ chúc mừng quý ông được dồi dào sức khỏe, chu toàn mọi sứ vụ của mình và cùng nhau làm sáng Danh Chúa trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn.

Tiếp đó, cha Gioakim cùng quý ông Ban TTV chầu Mình Thánh Chúa.

Thánh lễ khép lại lúc 06g30. Sau Thánh lễ, cha xứ cùng quý ông trong Ban TTV chụp hình lưu niệm.

Được biết, để hướng tâm hồn cho quý ông Ban TTV mừng lễ bổn mạng được sốt sắng, vào lúc 05g00 sáng thứ Bảy ngày 28.5.2016, cha xứ đã tổ chức buổi Tĩnh Tâm và tập nghi thức cho quý ông Ban TTV.
 
Lễ khởi đầu sứ vụ Giám Mục Xuân Lộc
Người Giồng Trôm
10:15 31/05/2016
LỄ KHỞI ĐẦU SỨ VỤ GIÁM MỤC XUÂN LỘC

Lễ kính Đức Mẹ đi viếng hôm nay mang lấy một sắc thái đặc biệt của tình thương Thiên Chúa. Và hôm nay, Lễ Đức Mẹ đi viếng mặc lấy một ý nghĩa lớn với Giáo Phận Xuân Lộc, ngày Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài vì Thiên Chúa chọn Đức Giám Mục Giuse Đinh Đức Đạo làm giám mục Giáo Phận Xuân Lộc. Hôm nay, ngày khởi đầu sứ vụ Giám Mục của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo.

Xem Hình

Như mọi người đã biết, ngày 7 tháng 5 2016 Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Đaminh Nguyễn Châu Trinh. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm liền ngay đó Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo kế nhiệm Đức Cha Đaminh.

Từ nhiều ngày chuẩn bị và sáng hôm nay, mọi sự đã sẵn sàng cho Thánh Lễ khởi đầu sứ vụ Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo.

8 g 30, đoàn đồng tế có hơn 300 linh mục cất bước từ ngôi nhà xứ Chánh Tòa tiến vào Thánh Đường Chánh Tòa Xuân Lộc. Vị đi sau cùng cũng là chủ tế Thánh Lễ hôm nay là Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo và quý Đức Cha, quý Đức Ông.

Khi đoàn đồng tế đã an vị trong ngôi Thánh Đường Mẹ của Giáo Phận, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli ngỏ đôi lời với Đức Cha Giuse.

Đức Tổng Leopoldo Girelli gợi lại hình ảnh thân thương của Đức Cha trong những ngày tháng ở Rôma. Đức Tổng nói rằng với những năm tháng kinh nghiệm như vậy sẽ giúp Đức Cha chu toàn sứ vụ Đức Thánh Cha trao phó. Đức Tổng gợi lên Thánh Giuse là bổn mạng của Đức Cha và Thánh Giuse cũng là bổn mạng của Giáo Hội Việt Nam. Thánh Giuse sẽ tuôn đổ muôn ơn lành trên Đức Cha. Ngày hôm nay cũng là ngày Đức Mẹ đi thăm viếng bà Elisabeth, Đức Cha sẽ đi thăm giáo dân của mình và mang Chúa đến cho mọi người Đức Cha gặp gỡ. .. Xin Đức Mẹ đồng hành với Đức Cha.

Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli dứt lời thì Cha Sở nhà thờ Chánh Tòa cũng là cha quản hạt Đaminh Ngô Công Sứ đại diện cho gia đình giáo phận ngỏ đôi lời chúc mừng cũng như bày tỏ tấm lòng vâng phục của đoàn con cái với vị chủ chăn của giáo phận.

Cha Đaminh gợi lại niên giám của Giáo Phận Xuân Lộc. Giáo Phận Xuân Lộc hiện tại có 592 linh mục Triều cũng như Dòng, hơn 1000 tu sĩ nam nữ và 961 ngàn giáo dân.

Cha Đaminh cũng gợi lại khẩu hiệu mà Đức Cha đã chọn: “Này là mình Thầy” của Đức Cha và hứa sẽ cùng với Đức Cha và bên cạnh Đức Cha để như Chúa Giêsu vào Hội Đường Nadaret để chinh mục mọi người bằng con đường gần gũi và thân thiết.

Cha Đaminh hứa rằng: “Chúng con hứa đoàn kết yêu thương. .. nghe theo giám mục, cầm tay nhau sống hiệp nhất và yêu thương”.

Trong bài chia sẻ của mình, Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên – Giám Mục Giáo Phận Cần Thơ – gợi lên hình ảnh của Đức Maria đi thăm viếng qua trang Tin Mừng rất quen thuộc của Thánh Luca. Đức Cha rất dí dỏm gợi lên hình ảnh vắng mặt của Zacaria khi Đức Mẹ đến viếng thăm. .. có thể ông Zacaria. .. đi nhậu.

Đức Cha Stêphanô gợi đến hình ảnh Maria đón nhận hồng ân Chúa và cất cao lời ca ngợi Chúa. Qua lời kinh lừng danh Magnificat, Thánh Luca muốn giới thiệu và gợi lên cho các độc giả một điều là tất cả đều là hồng ân vì chính Chúa là tác giả bao nhiêu kỳ công trên thế giới. Chúa là tác giả những kỳ công nơi Đức Maria. Chúa chọn Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế, Chúa chọn Elizabet là mẹ của vị tiền hô.

. .. Chúng ta suy luận ra Chúa chọn Đức Cha Giuse, Chúa chọn giám mục, linh mục, tu sĩ, linh mục, gia trưởng. .. Chúa trao cho chúng ta sứ vụ và ước mong chúng ta hiểu tất cả là hồng ân. Và nếu chúng ta hiểu tất cả là hồng ân thì Thánh Lễ hôm nay là Lễ kính Đức Maria đi thăm viếng, Thánh Lễ khởi đầu sứ vụ của Đức Cha Giuse... chúng ta cùng quý Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị chúng ta đang hiện diện trong Thánh Lễ hôm nay chúng ta cảm tạ Chúa vì biết bao nhiêu ơn lành Chúa đã ban cho từng người trên chúng ta chúng ta. Tất cả là hồng ân. Chúng ta ý thức hồng ân đó không phải chúng ta xứng đáng nhưng Chúa ban cho phận hèn chúng ta.

Chúng ta cầu xin Mẹ Maria cho chúng ta biết nhìn lên Mẹ, biết noi gương Mẹ, biết sống vững niềm tin, biết vâng phục Thánh Ý Chúa. Như Đức Mẹ, chúng ta sẵn sàng cất bước lên đường với anh chị em để thăm viếng, giúp đỡ họ và tận tình phục vụ cho họ.

Dĩ nhiên chúng ta cầu nguyện cho Đức Cha Giuse và cho sứ vụ mới của Đức Cha, xin cho Ngài đầy Thánh Thần để chu toàn sứ vụ của mình, xin cho Ngài trở thành vị mục tử nhân lành, luôn xả thân phục vụ để trở nên mọi sự cho mọi người.

Chúng ta cầu xin Chúa ban muôn ơn lành cho những ai đang hiện diện trong Thánh Lễ hôm nay.

Lời nguyện hiệp Lễ kết thúc, Đức Cha Giuse nói lên tâm tình đầu tiên trong sứ vụ Giám Mục Giáo Phận của Ngài:

Trọng kính quý Đức Tổng, quý Đức Ông, quý Viện Phụ, quý Cha bề trên, quý cha giám đốc, quý tu sĩ nam nữ và ông bà anh chị em họ hàng thân hữu. .. con xin bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đến quý Đức Tổng, quý Đức Cha, quý Đức Ông, quý cha, quý tu sĩ và quý khách. .. đang sống hiệp thông với chúng con và những người ở xa qua hệ thống truyền hình Xuân Lộc. .. sự hiện diện của quý ngài đem lại niềm vui cho chúng con. ..

Đức Cha Giuse không quên ngỏ lời cảm ơn Đức Cha Đaminh, Đức Ông Vinhsơn và xin cộng đoàn cầu nguyện cho Đức Cha.

Đức Cha cảm tạ Chúa vì được thừa hưởng gia tài quý báu là Giáo Phận Xuân Lộc. .. Gia tài này kết tinh 50 năm với những nền tảng vững chắc và tiếp tục hành trình với những thánh đố mới hiện tại. .. Đức Cha ngỏ lời với cộng đoàn về thách đố lớn nhất là thách đố đức tin. Xin hãy cũng nhau cộng tác để Giáo Phận chúng ta là Giáo Phận có lòng thương xót. ..

Để kết thúc tâm tình, Đức Cha xin Đức Mẹ và Thánh Giuse hỗ trợ nỗ lực hành trình đức tin của chúng ta.

Sau những tâm tình rất chân thành, Đức Cha Giuse và cộng đoàn cùng hướng về Đức Mẹ, dâng lên Đức Mẹ những tâm tình tha thiết của đoàn con thảo Giáo Phận Xuân Lộc.

10 g 30, cộng đoàn cùng nhận Phép Lành cuối Lễ từ tay Đức Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc.

Sau Lễ, mọi người cùng hiệp thông trong bữa ăn nhẹ thể hiện tinh thần hiệp thông.

Nguyện xin ơn Thánh Chúa, sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Cả Giuse luôn đồng hành với Đức Cha Giuse và toàn Giáo Phận Xuân Lộc thân yêu trên mọi nẻo đường đời. Xin Chúa nâng đỡ và ban nhiều ơn để Giáo Phận Xuân Lộc trở nên dấu chỉ lòng thương xót Chúa như nguyện ước của Đức Cha Giuse – tân giám mục Giáo Phận Xuân Lộc.
 
Thiếu nhi La Mã và Giồng Trôm Bến Tre vui tết thiếu nhi
Người Giồng Trôm
10:30 31/05/2016
THIẾU NHI LA MÃ VÀ GIỒNG TRÔM VUI TẾT THIẾU NHI

Thiếu nhi là tương lai của Xã Hội và của cả Giáo Hội nữa, ý thức được điều đó, những người có trách nhiệm dù bận bịu với biết bao nhiêu công việc vẫn không quên dành tình thương, dành sự giáo dục cho thế hệ tương lai đó. Hòa cùng niềm vui ngày Quốc Tế Thiếu Nhi, Cha Sở Đaminh Nguyễn Hữu Trung cùng với quý dì phục vụ hai họ đạo La Mã và Giồng Trôm đã tổ chức cho thiếu nhi 2 họ được mừng Tết của các em.

Xem Hình

Từ sáng sớm hôm nay – ngày vui của thiếu nhi, họ đạo nhỏ bé Giồng Trôm của Giáo Phận Vĩnh Long vui hơn mọi ngày. Những chuẩn bị cần thiết được chuẩn bị từ hôm qua cũng như từ sáng sớm hôm nay.

Âm thanh được nổi lên như hòa cùng niềm vui của bọn trẻ ở cái họ đạo nghèo.

Hơn 7 giờ, chiếc xe 16 chỗ cũ kỹ “cõng” hơn 20 đứa nhỏ nghèo từ La Mã đến Giồng Trôm.

Điều đầu tiên phải làm đó là tập họp lại với nhau, chia tổ và làm quen với nhau trước khi đi vào ngày hội vui hôm nay.

Và rồi nhiều trò chơi được Dì Út, anh Công Hội bày ra cho các em. Đặc biệt có phần thi giáo lý nữa.

Gần trưa, các em nghỉ trưa cũng như chuẩn bị cho các tiết mục thi hát và múa chiều nay.

Trước khi dùng bữa trưa, các em cùng nhau “diện kiến dung nhan” cha Sở Đaminh Nguyễn Hữu Trung. Rất đơn giản và bình dị, Cha Đaminh nhắn nhủ các em hãy chơi với nhau hết mình và hết tình. Cha dặn các em chơi với nhau nhằm mục đích hiệp nhất và yêu thương.

Nghỉ trưa và dùng bữa với mì xào thập cẩm thật ngon. Th cũng như T ngon miệng quá ăn đến. .. 3 hộp. Niềm vui của tuổi thơ thể hiện rõ trên nét mặt của những trẻ ở vùng nghèo xa xôi với thành thị.

Nghỉ trưa một lát, các trẻ quây quần với nhau bên chiếc màn hình nhỏ và những bài hát của tuổi thơ.

Cơn mưa chiều chợt đến như hồng ân của Chúa đến với các em trong buổi hội ngộ đặc biệt này.

Mưa dứt, những trò chơi lấy sáng kiến từ các Dì cũng như anh Hội được bày ra cho các em. Các em vui đến độ quên rằng nhiều trò chơi làm ướt cả áo quần. Tuổi thơ trong sáng và hồn nhiên được tỏ hiện trên từng khuôn mặt của các trẻ nghèo kém may mắn hơn những mảnh đời khá giả.

Cuộc vui nào cũng kết thúc, các em, tùy theo đội cũng như cá nhân đã nhận được những phần quà lưu niệm dễ thương của Ban Tổ Chức.

Một ngày vui chơi thoải mái được khép lại trong niềm vui của tuổi thơ.

Đại diện các em nhỏ đã ngỏ lời cảm ơn Cha Sở Đaminh Nguyễn Hữu Trung, quý Dì dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn phục vụ họ đạo, anh Công Hội. .. và không quên cảm ơn Dì Tư, chị Út là những người âm thầm lo ẩm thực cho các em.

Ước mong ngày vui này sẽ kéo dài trong thời gian tuổi thơ của các em và cũng ước mong những thời khắc thư giãn này như động lực cho các em học tập không chỉ kiến thức đời mà còn kiến thức đạo nữa.

Được biết ngày 27 tháng 6 tới đây một số trong các em sẽ lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức từ sự đặt tay của Đức Giám Mục Giáo Phận Phêrô Huỳnh Văn Hai tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Mã Bến Tre. Nguyện chúc các em được tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần.
 
''Kẻ chài lưới người'' Dr. Rupert Neudeck, vị đại ân nhân của Thuyền Nhân Việt Nam đã qua đời
LM Phạm Văn Tuấn
12:15 31/05/2016
"Kẻ chài lưới người" Dr. Rupert Neudeck, vị đại ân nhân của Thuyền Nhân Việt Nam đã qua đời


Đài truyền hình WDR của Đức đã dùng một danh tù của Chúa Giêsu đã dùng trong Phúc Âm "Menschenfischer" - "Kẻ chài lưới người" để nhắc đến ông Dr. Rupert Neudeck sau một ca mổ tim đã qua đời hôm nay, sáng thứ ba, 31.5.2016, hưởng thọ 77 tuổi, sau ít ngày mừng sinh nhật thứ 77 của ông.

Có tờ báo khác lại nhắc đến ông Neudeck với một danh gọi khác trong Phúc Âm là người Samaritanô nhân hậu thương người. Đúng như thế, nếu không có ông Dr. Rupert Neudeck, người khởi xướng con tầu "Cap Anamur" thì không có 11.448 Thuyền Nhân Việt Nam đã được cửu vớt trên Biển Đông.

Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas vinh danh cuộc đời của ông Dr. Neudeck trong tweet hôm nay: "Rupert Neudeck có lẽ đã làm được một điều vĩ đại mà một người có thể làm được là: "cứu sống con người". Đài truyền hình WDR đã quyết định thay đổi chương trình để làm một phóng sự đặc biệt về cuộc đời của ông vào đêm 02.6.2016 với đề tài "Mission: Menschen retten! Rupert Neudeck und die Cap Anamur" – "Sứ mạng: Cứu vớt con người! Rupert Neudeck và Cap Anamur".

Tổng thống Đức Joachim Gauck khen ngợi Neudeck như một người chiến đấu không khoan nhượng cho con người gặp khó khăn. Số phận của những người nghèo ở các khu vực xung đột đã luôn ở trong trái tim của ông. Tổng thống Gauck nhấn mạnh trong một lá thư chia buồn: "Ông Neudeck đã thấy và đã hành động - và kéo dài suốt đời." Công việc của ông Neudeck là một "tấm gương thực hiện bao nhiêu điều tốt lành từ một cá nhân thúc đẩy và có thể làm được. Dr. Rupert Neudeck sẽ luôn luôn là một tấm gương cho chúng ta."

Thủ tướng Angela Merkel đã khen ngợi ông bằng cách nói: "Một gương mẫu thực sự của nhân loại đang sống. Đất nước mất đi một nhà hoạt động thế giới về nhân quyền và tình người. Rupert Neudeck đã không bao giờ dùng bản thân để lạm dụng; ông luôn luôn nhìn thấy nó như là nhiệm vụ của mình để đóng góp thiết thực nhằm giảm bớt đau khổ của con người." Thủ tướng Merkel nhớ đến nhiều cuộc gặp gỡ và thảo luận với ông Neudeck với "lòng biết ơn to lớn". Thủ tướng giải thích thêm trong lời chia buồn với bà quả phụ Neudeck Christel rằng "tham dự vào công trình cuộc đời của chồng mình, thì bà đã góp công vào một phần lớn".

Ba điều quan trọng của con người Neudeck là quả quyết, không do dự và đức tin vững vàng đã làm cho ông trở thành một nhà quản lý về khủng hoảng tỵ nạn rất đặc biệt. Bề ngoài của ông thật đơn giản trong bộ đồ sơ mi và quần dài với đôi mắt xanh sáng ngời và bộ râu trắng ngần được giữ lại trong ký ức tập thể của người Đức. Không chỉ đặt dấu chấm hết cho việc cứu thuyền nhân Việt Nam mà tổ chức "Cap Anamur" mà ông vẫn tiếp tục giúp đỡ cho nhiều người tỵ nạn chiến tranh tại Congo và Kosovo, Sudan và Syria, Afghanistan, Nordafrika, Haiti, v.v…

Vào ngày 09.8.1979 lúc 15g23 con tầu mang tên CAP ANAMUR, do người khởi xướng là đôi vợ chồng Dr. Rupert và Christel Neudeck - đã xuất phát từ một cảng của Nhật để tiến ra Biển Đông với chỉ một nhiệm vụ nhân đạo duy nhất nhằm cứu vớt các thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam. Dịp kỷ niệm CAP ANAMUR tròn 35 tuổi vào ngày 09.8.2014, ông Dr. Rupert Neudeck đã hồi tưởng diễn tả lại: "Cuộc vượt biên của hàng trăm ngàn người dân Việt Nam trên vùng Biển Đông giống như một đại họa của cơn sóng thần." Trước đó ông Dr. Neudeck mừng sinh nhật thứ 75 của ông vào tháng 5.2014 đã cho biết không hề hối tiếc về việc khởi xướng CAP ANAMUR mà còn tự hào khen ngợi các thuyền nhân Việt Nam đến định cư tại Đức đã trở thành "đứa con cưng" của dân tộc Đức. Dịp này ông Dr. Neudeck ước muốn những người Việt Nam và thế hệ nối tiếp hãy tỏ lòng "cám ơn đến những công dân Đức cho một trong những hành động cứu người đẹp nhất trong lịch sử hậu chiến (Thế Chiến II) của Đức".

Còn sống sót từ một trùng hợp ngẫu nhiên. Tại sao thật "khủng khiếp" khi ông nghe nói về thảm kịch thuyền nhân ở Biển Đông? Tại sao số phận của những người tị nạn luôn đánh động ông? Ông Neudeck tự hỏi điều ấy cho đến khi ông nhớ lại câu chuyện tỵ nạn của chính mình. Đứa trẻ Rupert Neudeck, sinh ngày 14 tháng 5 năm 1939 tại Danzig (phần đất của Balan), chạy trốn chiến tranh vào mùa đông năm 1945 với mẹ và anh chị em của mình từ Danzig. Hồng quân Xô Viết tràn vào Balan và con tàu quân y "Wilhelm Gustloff" tham gia vào việc sơ tán để đưa người tỵ nạn ra khỏi cảng Danzig. Khoảng 10.300 người dân trên tàu Wilhelm Gustloff và đã bị thủy lôi tầu ngầm Xô Viết đánh chìm. Hàng ngàn người trên tàu thiệt mạng. Các gia đình chậm chân lỡ tàu - và đã sống sót, trong đó có gia đình của ông Neudeck.

Khi gia đình đến định cư tại Hagen, Rupert Neudeck theo bậc trung học tại đây và sau đó theo học phân khoa thần học, triết học, xã hội học và Đức ngữ tại đại học Bonn, Münster và Salzburg. Từ đầu thập niên 70 ông làm việc như như một nhà báo. Trong ít năm theo học tại trường của các cha Dòng Tên làm ảnh hưởng đến cuộc đời của ông Neudeck: sống đơn giản và khổ hạnh nhưng tinh thần vững vàng luôn đứng về phía người tỵ nạn. Tiếp theo Dr. Rupert Neudeck là người sáng lập của CAP ANAMUR và GRÜNHELM và từ đó ông trở thành nhân vật nổi tiếng tại Đức.

Nghỉ hưu? Không thể tưởng tượng. Mặc dù ông Neudeck đi ít hơn trước: Có quá nhiều dự án chưa được thực hiện. Vì vậy, ông mong muốn vào dịp mừng sinh nhật thứ 75 của mình thực hiện cuộc chạy bộ Marathon qua dải Gaza và chạy theo dọc một tuyến đường sắt qua Sudan. Tiếng Ả Rập ông cũng muốn học thêm. Ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ bằng việc viết sách báo, trả lời phỏng vấn. Được hỏi về ĐGH Phanxicô? Ông trả lời: "tuyệt vời". Cuối đời của ông vấn đề tỵ nạn vẫn là mối quan tâm lớn nhất trong trái tim của ông.

Dr. Rupert Neudeck đã nhận nhiều giải thưởng, kể cả giải thưởng nổi tiếng Bundesverdienstkreuz của Đức mà ông đã hai lần từ chối. Giải thưởng quý hơn hết cho ông khi báo chí đã một lần hỏi rằng: "Chúng tôi được phép gọi ông là một người Samaritanô tốt lành?" Ông trả lời: "Ồ, đây là một danh gọi đẹp nhất, mà tôi có thể tưởng tượng ra."

Cuộc hành trình dương thế của người Samaritanô Neudeck đã kết thúc sau một ca phẫu thuật tim vào sáng thứ ba, 31.5.2016, hưởng thọ 77 tuổi trong sự tiếc thương của rất nhiều người trong đó có rất nhiều người Thuyền Nhân Việt Nam đang sống tại nước Đức.

Lạy Chúa! Chúng con cám tạ Chúa đã gửi vị đại ân nhân Dr. Rupert Neudeck đến giúp đỡ Thuyền Nhân Việt Nam chúng con.

- Lạy Chúa xin cho linh hồn Rupert được nghỉ yên muôn đời.
- Và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên linh hồn Rupert.
- Requiescat in pace!

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn

 
Cuối tháng Đức Mẹ: Chuyện lạ của gia đình tôi với Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu
Thanh Anh Nhàn
12:37 31/05/2016
Chuyện gia đình tôi về Đức Mẹ Phú Hộ Các Giáo Hữu

Tôi vốn là một người ngoại giáo, đã trở về với Chúa được hơn 8 năm nay là nhờ hồng ân của Đức Mẹ Phù Hộ. Ngày ấy, thằng con trai duy nhất của tôi bị ung thư máu và xuất huyết não nặng, phải nằm bệnh viện hơn một tháng mà bệnh không thuyên giảm, tình hình ngày một xấu đi. Và cuối cùng các bác sĩ đành bó tay cho về. Lòng tôi quặn đau, ruột gan tơi bời, tôi chết lặng mang con ra xe mà không cầm được nước mắt. Chồng tôi phờ phạc cả người, thẫn thờ như người mất trí.

Ngồi trên xe, tôi bỗng để ý đến một tấm ảnh Đức Mẹ của người Công Giáo dán trên cửa kính xe với dòng chữ bên dưới tấm ảnh đập vào mắt tôi:”Hãy tin tưởng vào Mẹ Maria, bạn sẽ thấy phép lạ là gì”. Sau này tôi được biết đó là tấm ảnh Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, Đức Mẹ bế trên tay trẻ Giê-su, đầu Chúa và Mẹ đều đội triều thiên rất đẹp; và lời nói trên là của thánh Don Bosco, một vị thánh rất đẹp lòng Đức Mẹ.

Như người chết đuối vớ được phao, tôi mừng rỡ nhìn thật sâu, thật lâu, vào tấm ảnh với một lòng cậy trông, đặt hết tin tưởng vào Mẹ. Tôi thưa với Đức Mẹ: “Thưa Bà ! con là người ngoại đạo, con xin Bà cứu chữa đứa con trai duy nhất của con. Con chỉ có một đứa con trai duy nhất, nó bị bệnh nặng, các bác sĩ đã chê và cho về, con biết chỉ có Bà mới cứu được nó khỏi tay tử thần. Bà ơi, con đặt hết lòng tin tưởng vào Bà, con van xin Bà cứu chữa con trai của con”.

Lòng tôi thì hết sức van vái trong khi miệng tôi lẩm nhẩm kêu nài. Vừa cầu xin, tôi vừa nhìn lên bức ảnh mà những dòng nước mắt cứ chảy dài. Con tôi nằm trên tay, thằng bé chưa đầy mười tuổi đầu, mặt xanh nhợt, người mềm như sợi bún, nằm im như một xác chết vô hồn. Nhìn con rồi nhìn người đàn bà bế đứa trẻ trong bức ảnh, tôi nhủ thầm:” Bà ơi, Bà đã từng làm mẹ, Bà cũng có con. Bà thấu rõ nỗi đau khổ của người mẹ đang cay đắng khổ sở thế nào khi mất đứa con ! Xin Bà lấy lòng từ bi lân mẫn cứu sống con tôi. Tôi xin hứa với Bà nếu con tôi sống, gia đình tôi sẽ xin theo đạo. Và dù chỉ có một đứa con trai duy nhất, tôi cũng xin dâng nó cho các Ngài, để suốt đời nó được phụng sự các Ngài…”

Xe chạy đường dài, mệt mỏi với những đêm thức nuôi con bệnh, tôi mệt mỏi thiếp đi khi lòng trí vẫn mơ màng cầu xin ơn cứu tử. Đang thiu thiu ngủ mê mệt, tôi nghe tiếng động trở mình của con tôi, mở mắt ra, tôi thấy chân tay cháu quờ quạng như muốn nói điều gì, mắt nó mở to nhìn tôi thật lâu, rồi tự dưng nó nhoẻn miệng cười.

Trời ơi ! Thế này là thế nào ?

Tôi muốn hét lên ! Con tôi tỉnh rồi ! Ôi tôi mừng quá ! Tôi sung sướng quá !

Tôi lặng người líu lưỡi gọi ba nó ngồi trên băng trước. Vội vàng anh lao người xuống quì cạnh con, gục đầu trên thằng bé cảm động đến tràn trề nước mắt.

Thì ra anh cũng nhìn thấy tấm ảnh và đã cũng có những lời cầu xin với Đức mẹ tha thiết như tôi. Nhìn con nằm im, gương mặt thoải mái dễ chịu, không tỏ vẻ đau đớn như những ngày trước, tuy cháu còn mệt và chúng tôi hỏi gì cháu cũng chỉ mỉm cười mà không nói. Bác tài xế nghe sự tình cũng xúc động rơi nước mắt đến nỗi bác phải ngừng xe lại, và thì thầm cầu nguyện để cám ơn Bà đã cứu sống con tôi.

Rồi xe chạy một lát về tới nhà , cháu tỏ ý muốn được ngồi dậy, xuống xe một cách yếu ớt đi vào nhà. Tôi và ba cháu chẳng hiểu sự việc làm sao nhưng lòng đầy tin tưởng rằng chính Bà trong ảnh đã cứu con mình.

Dìu cháu từng bước đi vào mà cứ như người trong mơ. Về đến nhà, qua một tuần lễ ăn uống nghỉ ngơi lấy sức, cháu đã trở lại bình thường như không có bệnh gì. Tôi không cho cháu uống thêm thuốc bệnh nhưng có cắt thêm thuốc bổ để cháu mau lại sức.

Sau đó một thời gian, tôi đưa cháu đi kiểm tra lại sức khỏe, qua siêu âm thử máu và làm các xét nghiệm, thì các bác sĩ vô cùng ngạc nhiên, vì không còn phát hiện ra mầm mống một chút gì của căn bệnh nan y này nữa.

Họ bảo gia đình tôi:” Đây là một trường hợp hiếm có mà khoa học không thể giải thích được”.

Có một bác sĩ Công Giáo sau khi nghe tôi kể đã bảo tôi nên đi xin lễ tạ ơn ở một nhà thờ nào đó. Và tôi đã đến xin các cha ở dòng Chúa Cứu Thế dâng lễ tạ ơn vì con tôi được khỏi bệnh.

Qua sự việc này, gia đình tôi biết chắc chắn có bàn tay của Đức Mẹ đã thực hiện quyền phép của Người, để cứu giúp những ai đặt hết lòng cậy trông tin tưởng nơi Ngài khi gặp nguy khốn. Bằng chứng là Ngài đã chữa lành con tôi.

Để tỏ lòng cảm tạ ân nhân, tôi xin chủ xe tấm ảnh để hằng ngày được nhìn thấy và cầu nguyện với Mẹ. Ông lái xe thật là người tốt, sẵn sàng tặng ngay. Ông là người được chứng kiến phép lạ đầu tiên, rồi cũng chính ông sau này đã lo liệu mọi sự giúp đỡ chúng tôi trở thành người Công Giáo. Suốt từ ngày tôi trở lại đạo Công Giáo đến giờ, tôi thấy mình luôn vui, sống có hy vọng, sống có ích, biết quan tâm giúp đỡ những người chung quanh, thay vì sống thờ ơ chỉ biết có mình.

Tôi cũng tham gia sinh hoạt với các bà, các chị trong hội đoàn của giáo xứ. Ở lối xóm, tôi lại biết chia sẻ cho nhau niềm vui nỗi buồn, mỗi tuần cùng đến nhà nhau đọc kinh liên gia. Tôi thấy cuộc sống gia đình chúng tôi rất có ý nghĩa, không còn nhàm chán như trước.

Trong gia đình, vợ chồng con cái biết yêu thương kính trọng nhau, nhờ được học hỏi để biết cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa.

Con trai tôi cũng biết vâng lời cha mẹ, chăm chỉ ngoan ngoãn học hành, lại thường xuyên sinh hoạt giáo lý trong nhà dòng của các cha Don Bosco. Và được sự đồng ý như lới hứa của tôi với Đức Mẹ, cháu rất ước ao mong mỏi được dâng mình vào Nhà Chúa để lo việc phụng thờ Ngài.

Lạy Chúa, cuộc đời còn lại của con xin được là một bài ca cảm tạ hồng ân vì những ơn lành của Chúa và Mẹ Maria đã ban cho gia đình con. Xin Ngài tiếp tục là suối nguồn hạnh phúc ban cho chúng con mãi mãi. Tạ ơn Chúa. Amen

Thanh Anh Nhàn
Giáo xứ Đức Huy

Lễ Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu

24/5/2016

 
Tâm tình tri ân và đôi tâm tư gửi gia đình giáo phận Xuân Lộc
+GM. Giuse Đinh Đức Đạo
16:00 31/05/2016
THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO SỨ VỤ MỤC TỬ

Nhà thờ Chánh Tòa Xuân Lộc

Ngày 31/5/2016

TÂM TÌNH TRI ÂN VÀ ĐÔI TÂM TƯ GỬI GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN

Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

Trọng kính quý Đức Tổng, quý Đức Cha,

Kính thưa quí Đức Ông và quí Cha Tổng Đại Diện, quí Viện Phụ, quí Cha Bề Trên và Nữ tu Bề Trên các Hội Dòng, Tỉnh Dòng, quí Cha Giám đốc Đại Chủng viện, quí Cha Quản Hạt, quí Cha, quí Bề Trên, quí Tu sĩ nam nữ, quí thầy chủng sinh,

Kính thưa quí Ông Bà, anh chị em và họ hàng, thân hữu.

1.

Trong tâm tình suy tôn và vâng phục Đức Tin đối với Thiên Chúa và lòng kính mến, hiếu thảo đối với Đức Thánh Cha và các Bề Trên trong Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc, con xin bày tỏ lòng biết ơn rất chân thành và sâu xa đến:

- Đức Tổng Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam,

- Đức Tổng Charmnien, Tổng Giáo phận Thare e Nonseng và quý Cha từ Thái Lan, là bạn học ngày xưa bên Roma,

- Đức Cha Stephanô Tri Bửu Thiên, Giám mục Giáo phận Cần Thơ đã thương chia sẻ Lời Chúa cho cộng đoàn phụng vụ hôm nay.

- Đức Cha Peter Comensoli, Giám mục Giáo phận Broken Bay (Australia) là Giáo phận kết nghĩa với Giáo phận Xuân Lộc vì bận công việc mục vụ, hiện diện qua cha đại diện.

- Quý Đức Ông, quý Cha Tổng Đại Diện, quý Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện, quý Cha, quý Nữ Tu Bề Trên các Hội Dòng, Tỉnh Dòng và tất cả quý khách.

Giáo phận Xuân Lộc và cá nhân con hết lòng biết ơn quý Đức Tổng, quý Đức Cha và tất cả quý khách. Sự hiện diện của quý ngài đem lại niềm vui cho chúng con, lời cầu nguyện của quý ngài kéo ơn lành của Chúa xuống cho mọi con cái Giáo phận Xuân Lộc chúng con.

Bây giờ con xin phép quý khách để có đôi lời với con cái Giáo phận Xuân Lộc.

2.

Kính thưa quý Cha, quý Tu Sĩ nam nữ, quý Chủng Sinh và quý Ông Bà, Anh Chị Em, con cái Giáo phận Xuân Lộc,

Ngày 18/5 vừa qua, Giáo phận chúng ta đã dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa và tri ân Đức Cha Đaminh vì cả cuộc đời linh mục và nhất là 12 năm Giám mục hướng dẫn Giáo phận với biết bao hy sinh. Cùng với Đức Cha Đaminh, Giáo phận cũng dâng lời tri ân Đức Ông Vinh Sơn đã cùng sát cánh với Đức Cha Đaminh trong trách vụ Tổng Đại Diện Giáo phận suốt 12 năm trời. Hôm nay, Linh mục đoàn và Đại diện mọi thành phần Dân Chúa của Giáo phận tụ họp nhau về ngôi Nhà thờ Chánh Tòa của Giáo phận tham dự Thánh lễ, để xin Chúa chúc lành cho Giáo phận chúng ta và cầu nguyện cho tôi trong sứ vụ mục tử Chúa trao phó.

Nhân dịp này tôi muốn bày tỏ đôi tâm tình với gia đình Giáo phận. Tôi cảm tạ Chúa vì được thừa hưởng một gia tài quý báu là Giáo phận Xuân Lộc. Tôi đón nhận gia tài này với tất cả lòng trân trọng vì đây là một viên bích ngọc và là món quà quý báu của Chúa Thánh Thần trao ban cho tôi.

Gia tài này là kết tinh của một hành trình 50 năm của đoàn Dân Chúa, dưới sự dẫn dắt của bốn Đức Giám Mục tiền nhiệm của tôi: Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn, Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng, Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật và Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh. Quý Đức Cha là những mục tử tài ba và thánh thiện, đã dẫn đưa con thuyền Giáo phận Xuân Lộc trong những thời điểm rất khó khăn và các ngài đã để lại cho chúng ta những dấu ấn không thể phai nhòa.

Dấu ấn thứ nhất là Đức Tin kiên trung và luôn tươi trẻ, cả trong những hoàn cảnh khó khăn; dấu ấn thứ hai là sự hợp nhất yêu thương: đoàn Dân Chúa tại Xuân Lộc đến từ khắp ba miền đất nước, với những tập tục, văn hóa và truyền thống sống đạo khác nhau. Nhưng hôm nay, tất cả đều nhận ra nhau như con cái của cùng một gia đình, sống trong yêu thương và hợp nhất. Sự khác biệt về nguồn gốc không những không gây phân hóa, mà còn là những đóng góp để sinh hoạt của Giáo phận được thêm phong phú; dấu ấn thứ ba là cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt của Giáo phận và của các cộng đoàn giáo xứ.

Dựa trên nền tảng vững chắc đó, hôm nay chúng ta phải tiếp tục hành trình và mở ra những hướng đi đáp ứng với những nhu cầu và thách đố mới của hoàn cảnh hiện tại. Trong viễn tượng này, tôi cảm thấy thấm thía câu nói của Thánh Augustinô: “Với anh chị em, tôi là tín hữu; cho anh chị em, tôi là giám mục”.

Thách đố lớn lao mà Giáo Hội phải trực diện hôm nay là thách đố Đức tin: tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại và Người thực là niềm vui, nguồn hạnh phúc cho con người. Chúng ta cần sống niềm tin này không như là một lý thuyết trừu tượng, nhưng là kinh nghiệm sống đến độ chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác rưởi, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,7-9).

Giáo phận Xuân Lộc đã được biết đến vì nhiều lý do khác nhau, nhưng từ nay Giáo phận Xuân Lộc muốn được biết đến như một cộng đoàn hạnh phúc vì có Chúa Giêsu và vì Chúa Giêsu, mở lòng mình đón nhận nhau và đón nhận mọi người, không phân biệt lương giáo, giầu nghèo. Ước chi ai đến đất Xuân Lộc cũng nhận thấy ở đây có bầu khí an bình, vui tươi, hạnh phúc toát ra trên khuôn mặt của các vị mục tử, của các tu sĩ nam nữ, của các bậc cha mẹ, của các anh chị thanh niên thiếu nữ, trong các gia đình và các giáo xứ. Đây là niềm vui của ơn cứu độ, của tình yêu.

Trong ánh sáng của năm thánh “Lòng Thương Xót”, niềm vui cứu độ là niềm vui phát xuất từ lòng Chúa xót thương. Đây là lý do vì sao tôi đã chọn ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng để dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho Sứ Vụ Mục Tử của tôi và cho Giáo phận. Đồng thời, đây cũng là lý do vì sao trong dịp này tôi muốn gửi tặng mỗi người cuốn sách “Danh Ngài là Thương Xót” của Đức Thánh Cha Phanxicô. Lòng thương xót cũng là tình yêu, nhưng là tình yêu đối với con người tội lỗi, với những kẻ nghèo hèn và bất hạnh, những kẻ đau khổ, những kẻ bị giam cầm, những kẻ đui mù... (x. ĐTC Gioan Phaolô II, Thiên Chúa Giầu Lòng Thương Xót, số 8). Trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn gửi con cái Giáo Hội: “Tôi muốn mời gọi mọi người thiện chí khám phá lại sức mạnh của lòng thương xót có sức chữa lành các mối tương quan đã đổ vỡ và khôi phục hoà bình, đem lại sự hoà hợp giữa các gia đình và các cộng đoàn... Trong mọi trường hợp, lòng thương xót có thể tạo ra một phương cách nói chuyện và đối thoại mới, như Shakespeare đã diễn tả rất tài tình: ‘Lòng thương xót như hơi mát của mưa rơi xuống mặt đất. Lòng thương xót là một phúc lành kép: nó chúc lành cho cả người ban lẫn người nhận (Người lái buôn thành Venise, Hồi IV, Cảnh I).”

Ước chi Giáo phận Xuân Lộc chúng ta sẽ là nơi mọi người, kể cả anh chị em lương dân và di dân, đều cảm nghiệm được sự ngọt ngào của lòng thương xót và không ai không là chứng nhân của lòng Chúa thương xót. Nhờ đó, người nghèo, người đau khổ, bệnh tật, các cụ già neo đơn, các gia đình tăm tối, những cha mẹ khổ đau vì con cái, sẽ tìm được sự cảm thông và an ủi, những người lỡ lầm vẫn được đón nhận và khích lệ để hối cải và biến đổi.

Con cái Xuân Lộc, chúng ta cùng nhau hăm hở cộng tác để biến các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ của chúng ta thành những cộng đoàn có chất “lòng thương xót”. Lời mời gọi này tôi xin đặc biệt gửi đến quý Cha là những người anh em cùng chia sẻ sứ vụ mục tử với tôi. Xin Đức Mẹ và Thánh Giuse, Quan Thầy của Giáo phận, hướng dẫn và trợ lực hành trình Đức Tin sống lòng thương xót của Giáo phận chúng ta. Xin mọi đau khổ phần hồn, phần xác, quý Cụ tuổi già, sức yếu, các anh chị em đau yếu bệnh tật, hãy dâng những đau khổ đang gánh chịu, cùng với kinh nguyện để xin Chúa tràn đổ ơn lành cho tôi trong sứ mệnh mục tử và trên toàn thể Giáo phận.

Riêng với các con, giới trẻ Giáo phận: với sức sống dồi dào và nhiệt tâm của tuổi trẻ, xin các con hãy là bàn tay nối dài của tất cả cộng đoàn giáo xứ, của quý Cha, của quý chức Ban Hành Giáo và của cha mẹ các con, đem lòng thương xót vào các gia đình, đến các cụ già, đến những người nghèo khổ, đến các bạn trẻ của các con, đang bơ vơ lạc lõng, lãng phí sức lực và thời giờ vào những thú vui vô bổ. Chính vì thế, cha muốn gặp riêng các con vào ngày Chúa Nhật 05 tháng 6 sắp tới.

Sau cùng, tôi xin cám ơn Quí Vị trong Chính Quyền các cấp, Trung ương cũng như địa phương, đã đích thân đến hoặc gọi điện chúc mừng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để buổi lễ hôm nay được diễn ra tốt đẹp. Kính chúc quý Vị muôn ơn lành, nhiều sức khỏe và thành công trong sứ mạng phục vụ Đất Nước.

Kính xin quý Đức Tổng, quý Đức Cha, quý Đức Ông, quý Viện Phụ, quý Cha, quý Tu Sĩ nam nữ và tất cả quí khách thương cầu nguyện cho Giáo phận Xuân Lộc chúng con và cho chính con. Con xin hết lòng cám ơn.
 
Kiệu Mình Thánh Chúa tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo VN Seattle
Nguyễn An Qúy
16:10 31/05/2016
Kiệu Mình Thánh Chúa 2016 tại giáo xứ CTTĐVN Seattle.

TUKWILA. Giáo xứ CTTĐVN Seattle mừng lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa một cách trọng thể qua cuộc rước kiệu Thánh Thể được tổ chức vào chiều thứ Bảy ngày 27 tháng 5 năm 2016 lúc 5 giờ. Trời Seatte hôm nay tương đối dịu mát, mới hơn 4 giờ, các đoàn thể đã tập trung để chuẩn bị cuộc rước kiệu vào lúc 5giờ. Các em Thiếu Nhi Thánh Thể Đoàn Chúa Hài Đồng tập trung khá sớm, Đội Thiên Thần phụ trách dâng hoa trước Mình Thánh Chúa với đôi tay xinh xắn vải hoa trên đoạn đường dài cung nghinh kiệu Thánh Thể đi qua chung quanh nhà thờ.

Xem Hình

Đúng 5 giờ, MC điều khiển đoàn kiệu nói: Kính thưa cộng đoàn dân Chúa, hôm nay giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Tổng Giáo Phận Seattle mừng kính lễ Mình Máu Thánh Chúa qua cuộc cung nghinh rước kiệu Thánh Thể. Giờ rước kiệu bắt đầu: kính mời quý Ông Bà Anh Chị Em trong các Hội Đoàn, Giáo Đoàn hướng về bàn thánh để cùng với linh mục chủ sự chào kính và tôn vinh Thánh Thể để bắt đầu cuộc rước kiệu. Linh mục chánh xứ chủ sự buổi rước kiệu cùng các linh mục trong giáo xứ và linh mục Vịnh thuộc Dòng Chúa Cứu Thế đế từ Texas tiến lên bàn thánh để khai mạc cuộc rước kiệu..Phần chào kính Thánh Thể vừa dứt. vị MC nói: Xin ba hồi chiêng trống. Tiếng chiêng trống tạo thêm sự trang nghiêm mang tính hồn Việt, biểu hiện lòng sùng kính của người Công Giáo Việt nam trong nghi lễ mang tính trang trọng theo truyền thống văn hóa Việt nam. Tiếng chiêng trống vừa dứt, MC thông báo thứ tự đoàn kiệu: dẫn đầu là Thánh Giá nến cao, chiêng trống. Đội hầu Mình Thánh Chúa với phong du và bốn lọng che rất trang trọng do anh em Đoàn Liên Minh Thanh Tâm phụ trách hầu Mình Thánh Chúa. Đội Thiên Thần, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Đội Quốc Phục Nam Nữ, Đội Legio Mariae, Huynh Đoàn Đa Minh, Liên Đoàn Tông Đồ Fatima, Hội Thánh Linh, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, các Giáo Đoàn gồm Giáo Đoàn Fatima, Mân Côi, Mông Triệu, Mẫu Tâm, La Vang và cuối cùng là giáo dân trong và ngoài giáo xứ không có trong các đoàn thể, hơn 1,000 giáo dân tham dự cuộc rước kiệu. Đoàn kiệu vừa đi được nửa chặng đưòng thì trời đổ cơn mưa, từ nhẹ cho đến lúc hơi nặng hạt, nhưng vì lòng sùng kính Thánh Thể nên giáo dân vẫn giữ đoàn thể mình để cùng tiến bước cung nghinh Thánh Thể và đi hết đoạn đường cho đến lúc đoàn kiệu trở về nhà thờ.

Đoàn kiệu trở về nhà thờ lúc 5 giờ 40 phút. Các đoàn thể tiến vào nhà thờ và buổi phép lành trọng thể bế mạc cuộc rước kiệu.

*Thánh lễ mừng kính Mình Máu Thánh Chúa được bắt đầu sau giờ chầu phép lành bế mạc cuộc rước kiệu Thánh Thể do Linh mục chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế cùng đồng tế có linh mục Nguyễn Sơn Miên, linh mục Vịnh thuộc Dòng Chúa Cứu Thế đến từ Texas. Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế nói: Cùng với Giáo Hội mừng lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, giáo xứ vừa cung nghinh Thánh Thể chung quanh nhà thờ một cách trang nghiêm dù trời đã đỗ cơn mưa, mưa hồng ân. Giáo xứ hân hoan chào mừng quý cha, quý xơ cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa từ các Giáo Đoàn, Hội Đoàn. Dâng thanh lễ hôm nay có cha Nguyễn Sơn Miên, cha Vịnh đến từ Dòng Chúa Cứu Thế Texas, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau ( tiến gvỗ tay kéo dài khá lâu)

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa. Tin Mừng hôm nay Thánh Luca giới thiệu câu chuyện Chúa làm phép lạ qua 5 chiếc bánh và 2 con cá: "Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: "Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa". Nhưng Người nói với các ông: "Các con hãy cho họ ăn đi". Các ông trả lời: "Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này". Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: "Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người". Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại."

Phần chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ do linh mục Vịnh phụ trách giảng lễ. Trong bài giảng ngài nhấn mạnh về bí tích tình yêu mà Chúa đã để lại nhiệm tích Thánh Thể làm của ăn thiêng liêng cho chúng ta, Chúa nói với các môn đệ của ngài: đây là Mình Ta, anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là Máu Ta, anh em hãy cầm lấy mà uống. Trong một đoạn tin mừng khác Chúa nói: Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì Ta ở trong kẻ ấy, ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời. Tại sao lại có thể như thế được? Rồi chúng ta lại suy nghĩ: làm sao mà bánh đó lại trở thành Mình Thánh, làm sao mà rượu đây lại trở thành Máu Thánh, làm sao mà Mình Máu Thánh Chúa đấy hằng bao nhiêu người đón nhận mà Chúa vẫn không bị phân chia, làm sao mỗi người đón nhận một chút bánh, một chút rượu đấy mà lại toàn thể Chúa Giêsu ở trong đấy ? Chúng ta thấy thật là khó hiểu phải không? và như thế nên mới gọi Bí Tích Mình Máu Thánh Chúa, Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu. Thật vậy, Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm Tình Yêu. Trong bài tin mừng hôm nay, thánh Luca giới thiệu câu chuyện chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá mà Chúa đã cho hơn 5 ngàn người đàn ông ăn no nê mà còn dư những mảnh vụn thu được 12 thúng. Do vậy chúng ta có thể liên tưởng và hiểu được chỉ một miếng bánh nhỏ cũng được gói trọn Mình và Máu Thánh Chúa qua bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm tình yêu, là sự hiện diện của Chúa hằng ngày nơi trần thế, trên các bàn thờ qua các thánh lễ.

Với lối trình bày khá dí dỏm, ngài kể câu chuyện vui: Có một cụ ông đã ngoài 70 tuổi, ông ta cứ cầu nguyện với Chúa, Lạy Chúa, con cô đơn quá, con đi nhà thờ một mình, tối đến con đọc kinh kính mừng Maria một mình không ai thưa Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời với con cả. Xin Chúa cho con có một bà về sống chung với con để thưa kinh. Chẳng bao lâu Chúa nhậm lời ông cụ và ông cụ gặp được một bà cũng đang tìm ngươì để thưa kinh. Hai người tâm đầy ý hợp dẫn nhau đến cha xứ và làm xin làm phép hôn phối. Hôm đó có một cậu bé đến thưa với ông cụ: Thưa ông, hai ông bà đâu còn răng nữa mà cưới nhau. Ông cụ nhìn cậu bé nói: này cậu ranh con, đồ mắc dịch, ta cưới nhau để về thưa kinh chứ đâu phải để cắn nhau mà mầy bảo có răng và không răng ((tiếng cườii vang ) và ngài kết luận: Hôm nay Giáo Hội mừng lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa để nói lên lòng sùng kính mầu nhiệm tình yêu qua bí tích Thánh Thể, nói lên tình yêu là Chúa ở cùng chúng ta. Ngài nói tiếp: " xin cho chúng ta luôn biết chạy đến với Thánh Thể, siêng năng đón nhận Thánh Thể để được sống trong tình yêu của Chúa, để được ở gần Chúa"

Trước khi kết thúc thánh lễ, cha chnáh xứ một lần nữa cám ơn cha Vịnh đã đến với giáo xứ trong bài chia sẻ tin mừng khá hay với truyền thống thuyết giảng của các cha Dòng Chúa Cứu Thế.

Một lần nữa cah chánh xứ cám ơn tất cả các Giáo Đoàn, Hội Đoàn, các Ban ngành và toàn thể cộng đoàn dâng Chúa đã hợp tác với nhau trong việc tổ chức và tham dự rước kiệu cũng như dâng thánh lễ hôm nay thật sốt sắng. Thánh lễ kết thúc lúc 7 giờ 40 phút, mọi người ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Giáo xứ chính toà Phú Cam Huế bế mạc tháng hoa
Trương Trí
19:03 31/05/2016
GIÁO XỨ CHÍNH TÒA PHỦ CAM HÀNH HƯƠNG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT BẾ MẠC THÁNG HOA

Tối ngày 31 tháng 5, kết thúc tháng Hoa, Cộng đoàn Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam sốt sắng quay quần trước Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức của Giáo xứ vừa mới hoàn thành.

Xem Hình

Như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông sắc “Dung mạo Lòng Thương xót”: Cuộc đời là một chuyến hành hương, con người là khách lữ hành, là người hành hương tiến bước về đích điểm mong ước. Cuộc hành hương sẽ thúc đẩy sự hoán cải: Khi bước qua Cửa Năm Thánh, Lòng Thương xót Chúa phủ kính chúng ta, và nỗ lực thực thi Lòng Thương xót đối với tha nhân như Chúa Cha đã thương xót chúng ta.

Cha Quản xứ Antôn Nguyễn Văn Tuyến chủ sự nghi thức sám hối trước trước khi hành hương qua Cửa Thánh để lãnh nhận ơn Toàn Xá.

Thánh lễ đồng tế long trọng mừng kính sự kiện Mẹ Maria đi viếng bà Elisabet. Mẹ đã mang niềm vui mang thai con Thiên Chúa đến cho mọi người.

Qua bài giảng lễ, Cha Đaminh Nguyễn Hữu Khôi, Phó xứ Chính tòa chia sẻ: Một hôm, khi Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta đến thăm một bệnh viện tối tân tại Anh. Phòng ốc khang trang, tiện nghi hiện đại, bác sĩ và nhân viên phục vụ tận tình. Nhưng Mẹ nhận thấy một điều kỳ lạ là khi thấy có ai vào, họ cùng đồng loạt hướng về phía cửa. Vị bác sĩ cho biết họ trông ngóng một ai đó thân thích sẽ đến thăm họ, nhưng điều đó không bao giờ có.

Đức Mẹ là tấm gương cho mỗi người chúng ta noi theo khi Mẹ đã đi thăm bà Elisabet, ở lại đó để giúp đỡ trong thời kỳ thai nghén, thể hiện yêu thương và phục vụ. Đồng thời Mẹ cũng đã mang Chúa đến, thật vậy, hài nhi mà bà Elisabet đang cưu mang trong lòng cũng phải nhảy mừng khi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm. Mẹ là người nêu gương cho chúng ta mang Chúa đến cho người khác. Mẹ là sứ giả đầu tiên mang Tin Mừng đến cho nhân loại. Đồng thời Mẹ cũng là người phục vụ vì Mẹ đã cưu mang Đấng phục vụ.

Sau Thánh lễ là chương trình Dâng hoa kính Mẹ, mở đầu chương trình là vũ khúc Hoa Đăng dâng Mẹ do Cộng đoàn Mến Thánh giá Phủ Cam phụ trách. Hòa với vũ khúc do các cháu nhi mầm non trong sáng của giáo xứ.

Tiếp đến là các em thiếu niên và đại diện HĐGX dâng lên Mẹ những áng hương trầm thơm ngát như lời kinh tiếng ca bay lên tận trời cao.

Đại diện các Giới và thiếu nữ dâng lên Mẹ những lẵng hoa tươi thắm với muôn màu sắc:

Hoa Hồng tượng trưng cho những người Mẹ, người vợ. Xin Mẹ cho tìm lại được niềm vui và hy vọng giữa những đỗ vỡ thất bại của cuộc đời, những mệt mõi rã rời vì gánh nặng chồng con. Dâng lên Mẹ cả những cánh hoa đang tàn phai vì những cuộc tình bất chính, những chị em dại dột lầm lỡ, chạy theo đồng tiền bất chính đang mong chờ lòng thương xót của Chúa.

Hoa Vàng tượng trưng cho người Cha người Chồng đang vắt kiệt sức để gồng gánh công việc nuôi sống gia đình. Dâng lên Mẹ cả những ánh hoa tàn úa là những gia trưởng thiếu trách nhiệm gia đình, bê tha cờ bạc rượu chè, đam mê sắc dục. Nhờ Mẹ cầu xin cho họ được Chúa xót thương để đủ sức vượt qua mọi cám dỗ.

Hoa Trắng tượng trưng cho những tâm hồn ngây thơ trong trắng được lãnh nhận chiếc áo trắng tinh khiết trong ngày rửa tội. Tấm áo đó đó theo thời gian đã nhuốm bụi trần. Dâng lên Mẹ những đứa con ngỗ nghịch hoang đàng. Xin Mẹ cho chúng biết dùng Lời Chúa như là một vũ khí thiêng liêng để vượt qua những điều xấu.

Hoa Tím tượng trưng cho những ai đang ốm đau bệnh tật, xin Mẹ cho họ biết tín thác vào lòng thương xót của Chúa để được Chúa Giêsu đặt tay chữa lành.

Hoa Đỏ tượng trưng cho những tội nhân và những người đang đau khổ đang dìm mình trong đại dương của lòng thương xót. Máu Thánh Chúa đã đổ ra cho đến giọt cuối cùng để chữa lành những tâm hoonfbawng hoại, những người lầm đường lạc bước.

Một Mùa Hoa dâng Mẹ kết thúc, những tràng hoa Mân Côi của đoàn con dâng lên Mẹ của lòng thương xót, với bao tâm tình mến yêu xin Mẹ đồng hành trong suốt quảng đường đời đầy chông gai.

Cuối cùng, Cha Quản xứ ban phép lành cho Cộng đoàn, Ngài cùng quí Cha Phó chụp hình lưu niệm với đoàn dâng hoa trước ngai tòa Mẹ.

Trương Trí
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (12)
Vũ Văn An
01:43 31/05/2016
IV. Sứ Điệp của Chúa Giêsu về lòng thương xót của Thiên Chúa (tiếp theo)

5. Lòng thương xót của Thiên Chúa - Đức Công Bằng của Người- Đời Sống Ta

Những gì Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa Cha và những gì Người mô tả một cách sinh động và cụ thể trong các dụ ngôn của Người, những gì Người tuyên bố rõ ràng trong các lời tiên tri về sự đau khổ của Người và trong lời “truyền phép” ở Bữa Tiệc Ly, đều đã được Thánh Phaolô suy niệm trong toàn bộ các nét sâu sắc khôn thấu của chúng. Khi làm thế, Thập giá đã được đặt vào ngay tâm điểm việc công bố của ngài. Thánh Phaolô không muốn biết bất cứ điều gì khác hơn là Chúa Kitô và Đấng chịu đóng đinh (1Cr 2:2). Thần học của Thánh Phaolô là nền thần học về thập giá. Nhưng trong việc công bố của ngài, thập giá không tách biệt khỏi sứ điệp phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh nhân tiếp nhận cả hai yếu tố này từ truyền thống tiền Phaolô (1Cr 15:3-5). Trong chính truyền thống này, ngài khám phá ra lời tuyên xưng rằng Chúa Giêsu, phù hợp với Thánh Kinh, nghĩa là phù hợp với ý muốn cứu rỗi đã do Thiên Chúa xếp đặt từ trước, đã chết vì tội lỗi ta (ὑπὲσ τῶν ἁμαρτιῶν ἡμῶν) (1Cr 15:3; xem 11, 24).

Không có việc phục sinh, thập giá Chúa Kitô chỉ là dấu ấn việc Người thất bại. Nhưng vì có việc phục sinh, nó trở thành dấu ấn chiến thắng (1Cr 15:54tt) và là nền tảng đức tin, mà nếu không có nền tảng này, mọi điều khác sẽ bắt đầu lung lay và trở thành vô nghĩa (1Cr 15:14-17). Do đó, Giáo Hội của mấy thế kỷ đầu tiên đã trình bầy thập giá không như giá treo mà Chúa Kitô đau khổ bị cột vào, nhưng như một dấu hiện nạm ngọc của chiến thắng (37). Đó là một dấu hiệu chiến thắng để nói với ta rằng tình yêu đã chiến thắng hận thù, sự sống đã chiến thắng sự chết, và, cuối cùng, lòng thương xót đã chiến thắng việc phán xét (Gc 2:13) (38).

Dưới ánh sáng sứ điệp Phục Sinh, Thánh Phaolô suy niệm sâu xa hơn về biến cố thập giá và ý niệm đền tội thay, một ý niệm mà ngài khám phá ra từ hình thức tuyên xưng trong truyền thống các cộng đoàn của ngài. Trong các thư của ngài, công thức sau đây được lặp đi lặp lại nhiều lần: Chúa Giêsu chết vì chúng ta (Rm 8:3; 2Cr 5:21; Gl 3:13). Qua cách này, Thánh Phaolô muốn nói rằng Chúa Giêsu đã tự mang lấy sự đòi hỏi và lời nguyền rủa của tội lỗi và lề luật, theo đó, kẻ có tội đáng phải chết. Thực vậy, Thánh Phaolô đã nói ra ý tưởng này một cách hết sức triệt để khi nói rằng Chúa Giêsu đã bị biến thành tội lỗi vì chúng ta (2Cr 5:21). Đấng vô tội đã tự ý thanh toán món nợ công lý thay cho ta và vì lợi ích của ta (Rm 8:3; Gl 3:13).

Cách hiểu này về sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô là điều nền tảng đối với cách Thánh Phaolô hiểu sự chính trực (δικαιοσύνη θεοῦ) của Thiên Chúa (39). Theo luận lý học của con người, sự chính trực phải có nghĩa là án tử hình cho ta vì ta là những kẻ tội lỗi. Nhưng giờ đây, sự chính trực có nghĩa là đã trả xong món nợ để được sống. Do đó, đòi hỏi của lề luật không bị hủy bỏ; đúng hơn, Chúa Giêsu đã thanh toán món nợ công lý cho ta và thay cho ta. Người đã cất khỏi ta nghĩa vụ phải tự công chính hóa chính mình; chính Người đã trở nên sự chính trực của ta (1Cr 1:30). Do đó, công lý Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Kitô không phải là thứ công lý kết án và trừng phạt, nhưng là thứ công lý làm ta thành chính trực. Nó công chính hóa ta trước mặt Thiên Chúa chỉ vì ơn thánh nhưng không, ta không hề có công phúc chi; đúng ra, bất chấp sự thiếu công phúc của ta. Nó được ban cho ta, không phải vì các việc làm của ta, mà vì đức tin của ta (Rm 1:17; 3:21tt, 28; 9:32; Gl 2:16; 3:11). Nó là thứ công lý công chính hóa người ta và làm họ trở thành chính trực.

Qua cách này, lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót đã được mạc khải dứt khoát trên thập giá, cho phép ta, những kẻ đáng bị kết án và chết, được sống lại và sống như mới, tuy ta không tự kiếm được điều này. Nó ban cho ta một niềm hy vọng khi không còn một niềm hy vọng nào (Rm 4:18). Nó tạo một không gian cho sự sống và cho tự do của con người. Nó không loại bỏ tự do của con người cũng như không triệt hạ nó. Trái lại, sự chính trực mới này phục hồi tự do của ta như mới để nó có thể sinh hoa trái trong các việc làm công chính và trong cam kết của ta nhân danh công lý trên thế giới (2Cr 9:10; Cl 1:10). Như thế, sứ điệp của sự chính trực mới, được ban cho ta qua đức tin, thiết lập ra tự do Kitô Giáo (Gl 5:1, 13) (40).

Cái nhìn thông sáng cho rằng công lý của Thiên Chúa không phải là thứ công lý trừng phạt, mà đúng hơn là thứ công lý công chính hóa kẻ tội lỗi, được kể như một khám phá lớn lao của Martin Luther, thời Cải Cách, một khám phá cũng đã giải thoát cá nhân ông khỏi lo âu xao xuyến về tội lỗi và khỏi một lương tâm bối rối. Khám phá của Luther từ nền tảng, vốn là một tái khám phá. Nó có gốc rễ xưa hơn trong truyền thống của Giáo Hội sơ khai. Ta thấy các gốc rễ này nơi Thánh Augustinô (41), người mà Luther hết sức qúy mến, và nơi Thánh Bernard thành Clairvaux, người từng được hưởng sự phục hưng ngay trước thời Luther và là người Luther biết rất rõ (42). Đáng tiếc, các cuộc tranh luận về công chính hóa ở thế kỷ 16 đã trở thành tiêu điểm của cuộc luận chiến và, trong các thế kỷ sau đó, đã dẫn tới một lịch sử hiểu lầm và bút chiến lâu dài chia rẽ Kitô Giáo Tây Phương và tạo ra thật nhiều đau buồn nơi người dân Âu Châu. Chỉ qua thế kỷ 20, một thỏa hiệp giữa người Luthêrô và người Công Giáo mới đạt được (43). Ngày nay, cám ơn Thiên Chúa, người Luthêrô và người Công Giáo có thể cùng nhau chứng thực với một thế giới lo âu xao xuyến chỉ biết quan tâm tới mình một cách tuyệt vọng rằng: Đừng sợ! Sự chính trực của Thiên Chúa là lòng thương xót của Người và lòng thương xót của Người chính là sự chính trực của Người. Nó giải phóng bạn khỏi mọi xao xuyến hiện sinh và giải phóng bạn cho đời sống mới, cho hy vọng mới và một đời sống sống nhờ tình yêu và cho tình yêu.

Thánh Phaolô giải thích một cách chi tiết cả việc tự do mới của Kitô hữu có nghĩa gì lẫn nó không có nghĩa gì. Không nên lẫn lộn tự do với tự tiện (arbitrariness) là thứ cho rằng: mọi điều đều hợp luật đối với tôi (1Cr 6:12; 10:23). Tự do giải thoát ta khỏi gánh nặng của lề luật, qua việc chu toàn điều ta nghĩ ta có thể tự công chính hóa mình, nhưng là điều ta không bao giờ có thể thỏa mãn và không ngừng đòi hỏi ta cách quá đáng. Nó cũng giải thoát ta khỏi gánh nặng của tội lỗi, mà ta kéo lê khắp nơi với ta và ta không thể tự mình thoát ra được. Nó giải thoát ta khỏi các cố gắng đầy xao xuyến và không bao giờ thành công muốn tự công chính hóa nhờ thành công, tiền bạc, quyền lực, danh tiếng, khoái lạc, hay quyến rũ tính dục. Nó giải thoát ta khỏi ách nô dịch của những thiện ích thế gian luôn áp chế ta. Nó giải thoát ta khỏi sợ hãi trước sự vô nghĩa của hiện sinh và khỏi sợ hãi trước cái chết. Tuy nhiên, “tự do thoát khỏi” cũng là “tự do cho”, nghĩa là tự do cho Thiên Chúa và cho người khác. Nó hữu hiệu trong tình yêu (Gl 5:6). Tình yêu tự do đến độ nó tự do khỏi chính cái tôi của nó và có thể thay đổi từ nền tảng. Tình yêu là chu toàn trọn bộ lề luật (Rm 13:10).

Thánh Phaolô đã lên quan niệm cho cái hiểu của ngài về sự chính trực với hình ảnh một sự trao đổi. “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5:21). “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8:9). Không phải chúng ta làm hòa chúng ta với Thiên Chúa; Thiên Chúa làm hòa Người với chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô. Nhưng Người làm thế để chúng ta, do đó, trở nên tạo dựng mới trong Chúa Kitô (2Cr 5:17-19).

Ý niệm trao đổi thánh thiêng trên (Sacrum commercium) thường được các giáo phụ tiếp nối và tìm được tiếng vang nơi các ngài. Các ngài nói đi nói lại rằng: Đấng công chính chết cho kẻ bất chính để làm cho kẻ bất chính nên công chính. Người chết để chúng ta được sống. Các giáo phụ đi xa hơn và nói rằng: Thiên Chúa trở nên người phàm để chúng ta được thần hóa (44). Trong Kinh Tiền Tụng thứ ba của Lễ Giáng Sinh, ta đọc thấy: “Nhờ Người, mà hôm nay đã bừng sáng lên cuộc trao đổi làm cho chúng con được đổi mới. Vì khi Ngôi Lời của Chúa mặc lấy thân phận mỏng giòn của chúng con, thì loài người phải chết không những được hưởng vinh dự vĩnh cửu mà nhờ việc tham dự kỳ diệu ấy, Chúa còn cho chúng con được sống muôn đời” (*).Ý niệm trao đổi được Luther nhấn mạnh một cách đặc biệt; tại nhiều chỗ, ông nói tới sự thay đổi và sự trao đổi đầy hạnh phúc (45).

Thần học thập giá trong hình thức trọn vẹn của nó được tìm thấy nơi bài hát xưa về Chúa Kitô trong thư gửi tín hữu Philiphê (2:6-11) (46). Ở đấy, ta thấy ý niệm Thiên Chúa đổ mình ra (kenosis). Thánh Phaolô nói đến việc việc tự đổ mình ra (κένωσις) của Đấng vốn trong hình thức Thiên Chúa (μορϕῇ θεοῦ) nay mang lấy hình thức nô lệ (μορϕῇ δούλον). Theo nhiều nhà chú giải, Thánh Phaolô đã tự ý thêm điều sau, một điều ngài tiếp nhận từ cộng đồng của ngài, vào bài hát này: “đổ mình ra cho tới chết trên thập giá”. Chúa Giêsu tự ý biến mình thành nô lệ trong tay những kẻ quyền thế của thế gian và vâng lời cho tới lúc chết trên thập giá. Nhưng Thiên Chúa đã không để Người trong cõi chết, mà đã nâng Người lên và cử nhiệm Người làm Chúa Tể mới của thế giới (kyrios). Việc Người phục dịch như nô lệ, do đó, đã trở nên lề luật mới cho thế giới. Sự thay đổi quyền tối cao đã hoàn tất; một trật tự thế giới mới đã xuất hiện. Ca khúc trong thư gửi tín hữu Côlôssê đã tiếp nối ý niệm này: “Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại… Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời (Cl 1:18-20).

Trong việc đổ mình ra của Đấng vốn trong hình thức Thiên Chúa, một ý tưởng, mà chúng ta đã gặp trong Cựu Ước, đã được đem tới kết luận của nó: Thiên Chúa lùi bước, có thể nói thế, để dành chỗ cho lòng thương xót của Người và do đó, cho sự sống nữa. Tân Ước làm cho ý tưởng này triệt để hơn: Thiên Chúa thực sự bước vào thế đối lập với chính Người, Người mặc lấy sự chết vào chính Người và tự bắt mình lệ thuộc quyền lực sự chết. Chính Thiên Chúa đã chết (47). Nhưng sự chết không nắm giữ được Người, Đấng vốn là bất tử. Có thể nói, chính sự chết đã cháy túi trên thập giá. Do đó, cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá chính là cái chết của sự chết và là cái chiến thắng của sự sống. Bởi thế, Thánh Phaolô đã có thể giễu cợt: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1Cr 15:54tt).

Như thế, trên thập giá, lòng thương xót của Thiên Chúa, và với nó, sự sống, sau cùng, đã chiến thắng. Chính Thiên Chúa, qua Chúa Kitô, đã giao hòa thế giới với chính Người (2Cr 5:18). Thiên Chúa là Thiên Chúa của lòng thương xót (2Cr 1:3), Đấng giầu lòng cảm thương (Ep 2:4). Nhờ lòng thương xót của Người, chúng ta đã được cứu thoát khỏi sự chết (Ep 4:24) và tái sinh vào niềm hy vọng mới (1Pr 1:3; Tt 3:5). Vì thế, Thánh Phaolô đã có thể nói: không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người, gian truân không, khốn khổ không, đói rách không, hiểm nguy không, bắt bớ không, và gươm giáo cũng không (Rm 8:35tt). Trong mọi hoàn cảnh, bất kể vô vọng bao nhiêu, khi sống cũng như lúc chết, chúng ta đều được Thiên Chúa chấp nhận, ôm ấp và yêu thương.

Thư thứ nhất của Thánh Gioan nói lên sứ điệp trên một lần nữa: Thiên Chúa lớn hơn trái tim ta (1Ga 3:20). Người lớn hơn các tính toán nhỏ mọn của ta, lớn hơn ngay cả niềm xao xuyến của ta. Thiên Chúa đã kêu gọi ta và đặt để ta vào tình hiệp thông của Người và vào tình hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô (1:3). Do đó, thư thứ nhất của Thánh Gioan đã có thể tóm tắt: “Thiên Chúa là tình yêu” (4:8, 16). Lòng thương xót, vốn tuôn ra từ tình yêu Thiên Chúa, do đó, là toàn bộ Tin Mừng.

Ngày nay, nhiều người không chịu đựng được việc ngắm nhìn thập giá và Đấng bị đóng đinh. Họ coi việc trưng bầy thập giá nơi công cộng là điều không còn thích đáng nữa và họ muốn tháo bỏ nó. Nhưng các thái độ như thế của chủ nghĩa duy tục cao độ trong một xã hội đa nguyên phải bị chất vấn: đau khổ không còn chỗ đứng nào trong thế giới phong lưu hay sao? Chúng ta có đang đẩy nó đi và giập tắt nó không? Thế giới của chúng ta sẽ thiếu điều chi, nhất là nhiều người đang đau khổ sẽ thiếu chi nếu dấu hiệu yêu thương và thương xót mọi người này không còn được phép hiển hiện nơi công cộng nữa? Chúng ta có nên không được nhắc nhở nữa rằng “Chúng ta được chữa lành nhờ các thương tích của Người” (Is 53:5; 1Pr 2:24) không? Tin vào Người Con bị đóng đinh là tin rằng tình yêu hiện diện trong thế giới và nó mạnh hơn thù ghét và bạo lực, mạnh hơn mọi sự xấu mà hiện con người đang vướng phải. “Tin vào tình yêu này là tin vào lòng thương xót” (48).

Tin vào tình yêu và biến nó thành hiện thân và toàn bộ cái hiểu của ta về hiện sinh có những hậu quả xa rộng và thực sự cách mạng đối với hình ảnh Thiên Chúa của ta, đối với cái hiểu của ta về chính ta và cho triết lý hành động của ta, cho triết lý hành động của Giáo Hội và cho tác phong của ta trong thế giới. Tình yêu, vốn được chứng minh trong lòng thương xót, có thể và phải trở nên nền tảng của một nền văn hóa mới cho đời ta, cho Giáo Hội, và cho xã hội. Đây sẽ là chủ đề tiếp theo của ta, sau phần trình bầy này về các nền tảng Thánh Kinh.

Kỳ sau: V. Các Suy Nghĩ Có Hệ Thống
___________________________________________________________________________
(*)Đây là bản dịch lấy từ Trang Mạng của Các Nhà Truyền Giáo Việt Nam ở Đài Loan. Bản dịch tiếng Đức của Đức Hồng Y Kasper viết đại ý thế này: Vì Chúa đã thực hiện một cuộc trao đổi kỳ diệu: Lời thần thánh của Chúa đã trở thành một con người tử sinh, còn chúng con những kẻ tử sinh nhận được sự sống thần thánh của Chúa trong Chúa Kitô”.

(37) Về thần học phục sinh, xem Kasper, Jesus the Christ, 124-59.
(38) Xem Franz Mussner, Der Jakobusbrief: Auslegung (Freiburg i. Br.: Herder, 1964) 136f.
(39) Liên quan tới cái hiểu của Thánh Phaolô về công lý của Thiên Chúa, xem G. Schrenk, “δικαιοσύη”, Theologisches Wonterbuch zum neuen Testament, 2:204-14; Peter Stuhlmacher, Gerechtigkeit Gottes bei Paulus (Gottingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 1965); Karl Kertelge, Rechtfertigung bei Paulus (Munster: Aschendorff, 1971); Kertelge, “Gerechtigkeit Gottes I”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 4:504-6; Ulrich Wilckens, Der Brief an die Romer, Bd. 1 (Neukirchen: Neukirchener Verlag, 1978), 202-33; Walter Klaiber, Gerecht vor Gott (Gottingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 2000).
(40) Kasper, Jesus the Christ, 156-58.
(41) Thánh Augustinô, On the Spirit and the Letter, 9:15.
(42) Franz Posset, The Real Luther: A Friar at Erfurt and Wittenberg (Saint Louis: Concordia Publishing House, 2011).
(43) Xem Tuyên Bố Chung về Tín Lý Công Chính Hóa do Giáo Hội Công Giáo và Liên Minh Luthêrô Thế Giới công bố.
(44) xem Thánh Irênê thành Lyons, Against Heresies, III, 19, 1;V,1,1. Có tính cách quyết định đối với Kitô học là cuốn Against the Arians, III, 34 của Thánh Atanasiô. Cũng nên xem cuốn On the Incarnation, 54, của thánh nhân. Xem Balthasar, Theo-Drama: Theological Dramatic Theory, cuốn 3: The Dramatic Personae: The Person in Christ, 237-45; cuốn 4: The Action, 244-49; M. Herz, “Commercium” Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 2, do Josef Hofer và Karl Rahner (Freiburg: Herder, 1957-68), 3:20-22; E. M. Faber, “Commercium”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 2:1274f.
(45) Thí dụ, Martin Luther, “The Freedom of a Christian” trong Luther’s Works, do Jaroslav Pelikan và Helmut T. Lehmann hiệu đính, 55 cuốn (Philadelphia: muhlenberg Press, 1955-86), 31:351-52. Về lối giải thích của Luther đối với điểm này, cuốn sách của Walter von Loewenich đã trờ nên quan trọng: Luthers Theologia crucis (Munich: Kaiser, 1954). Chủ trương của Luther đã bị Theobald Beer giải thích sai. Lời giải thích sai này thường được chấp nhận một cách không phê phán bởi nhiều tác giả Công Giáo, kể cả Hans Urs von Balthasar, và đã trở thành một chủ trương đi ngược lại từ căn bản với lối hiểu Công Giáo. Xem cuốn Der frohliche Wechsel und Streit: Grundzuge der Theologie Martin Luthers (Einsiedeln: Johannes Verlag, 1980) của Beer. Muốn có lời phê bình lập trường của Beer, xem E, Iserloh, Catholica (M) 36 (1982): 101-14; Jared Wicks, Thepologische Revue 78 (1982): 1-12.
(46) Liên quan tới việc giải thích lá thư này, xem Ernst Kasemann, “Kritische Analyse von Phil 2, 5-11” trong cuốn sách của ông Exegetische Versuche und Besinnungen, Bd. 1 (Gottingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 1960), 51-95; Joachim Gnilka, Der Philiierbrief (Freiburg i.Br.:Herder, 1968), 111-47; Ulrich Wilckens, Theologie des Neuen Testaments, Bd. I/3, 247-49; II/1, 250-53.
(47) Về lời tuyên bố này của Hegel, xem Eberhard Jungel, God as the Mystery of the World: On the Foundation of the Theology of the Crucified One in the Dispute between Theism and Atheism, bản dịch của Darrell L. Guder (Grand Rapids: William B. Eerdmans, 1983), 63-100.
(48) Đức Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia (1980), 7.
 
Tháng Thánh Tâm Chúa : Đại dương Lòng Thương Xót
Đinh Văn Tiến Hùng
12:12 31/05/2016
THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Đại Dương LÒNG THƯƠNG XÓT

( Tháng 6 Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa )

“Đây là Trái Tim đã thương yêu loài người vô cùng, không tiếc gì với họ.
Một Trái Tim yêu thương con người, chỉ nhận đáp trả vô ơn bội bạc.”
( Lời Chúa phán với Thánh Nữ Margarita Maria Alacoque- Sứ giả Thánh Tâm Chúa )

Trong niên lịch Phụng Vụ có nhiều tháng giành tôn kính đặc biệt như :
-Tháng 3 : Kính Thánh Cả Giuse, Dưỡng Phụ Chúa Giêsu, Phu Quân Đức Trinh Nữ Maria.
-Tháng 5 : Tháng Hoa tôn kính Đức Mẹ.
-Tháng 6 : Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.
-Tháng 10: Tháng Mân Côi kính Đức Mẹ.
-Tháng 11: Cầu nguyên cho các Linh Hồn nơi Luyện Ngục.
-Tháng 12: Mùa Vọng đón mừng Chúa Giáng Sinh.
Ngoài ra, các tháng còn lại thường theo ý chỉ cầu nguyện và truyền giáo.

Trong Thánh Kinh có nhiều đoạn dẫn chứng về ‘Thánh Tâm Chúa’ đối với nhân loại :
-“Ta đã dùng giây nhân tình, dùng xích yêu thương kéo chúng nó đến. Ta đã như những kẻ cởi hàm khỏi ách chúng nó và để của ăn trước mắt chúng nó.” ( Hô-sê.11 : 2- 4 )
-“Để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ, mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó như thế nào và biết được sự yêu thương của Đấng Cứu Thế, là sự trổi hơn mọi sự thông biết, hầu cho anh em được đầy mọi sự dư dật của Thiên Chúa.” (Ê-phê-sô 3:8-12)
-“Hai con chim sẻ há không bán một đồng tiền sao ? Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha các ngươi ! Cả những sợi tóc trên đầu các ngươi cũng đã cộng sổ rồi. Vậy đừng sợ ! các ngươi quí giá hơn con chim sẻ nhiều. ( Mt.19 : 29 & 30 )
-“Đến bên Đức Chúa Giêsu họ thấy Ngài đã chết, thì không đập bể ống chân Ngài, nhưng một người lính lấy đòng đâm cạnh sườn Ngài, và lập tức có máu cùng nước chảy ra.” ( Yn.19 : 32- 34 )
-“Bấy giờ Đức Giêsu nói : Lạy Cha xin tha thứ cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” (Lc.23 : 34)
-“Không có tình yêu nào lớn hơn, là thí mạng sống mình vì bạn hữu.” ( Yn.15 : 13 )
-“Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến như thế, đến nỗi đã ban Con Một của Người, ngõ hầu ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi, nhưng được sự sống đời đời.” ( Yn.2 : 16 )
-“Còn Thiên Chúa thì lại thi thố lòng yêu mến của Người đối với chúng ta : là Đức Kitô đã chết vì ta, ngay lúc ta còn là tội nhân. Vậy phương chi bây giờ đã được giải án tuyên công trong máu Ngài, ta sẽ được nhờ Ngài cứu khỏi án thịnh nộ.” ( Thư Thánh Phaolô gưi tín hữu Roma : ( Roma.5 : 8- 10 )
…………………………………………..
Phong trào tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được các tu sĩ Dòng Biển Đức và Xitô phát động từ thế kỷ 11. Đến cuối thế kỷ 13, nữ tu Gertrude Dòng Xitô được thi kiến dựa vào vết thương Chúa, nghe được nhịp đập Trái Tim Chúa, gây cảm xúc ngây ngất không thể diễn tả.
Thế kỷ 17, đức tin Công Giáo bị rung động dữ dội vì tà thuyết Jansen và Tin Lành. Nữ tu Margarita Maria Alacoque được thị kiến cách đặc biệt thấy Trái Tim bốc lửa với vòng gai bao quanh và Chúa phán : ”Đây là Trái Tim đã thương yêu loài người vô cùng, không tiếc gì với họ. Một Trái Tim yêu thương con người, chỉ nhận đáp trả vô ơn bội bạc.” Chúa còn truyền Làm Giờ Thánh đền tạ Trái Tim Chúa, chịu Mình Thánh mỗi thứ sáu đầu tháng và ủy thác cho 2 Lm Dòng Tên Gioan Eudes & Claude quảng bá lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa.
Trước đây việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa chỉ trong phạm vi nước Pháp, nhưng từ năm 1856, Lễ Kính Thánh Tâm lan rộng khắp Giáo Hội.

ĐGH Clêmentê 13 chuẩn y cho Hội đồng Giám Mục Ba-Lan và Hội Huynh Đệ Thánh Tâm Roma thiết lập Lễ Kính Thánh Tâm Chúa.
ĐGH Piô 9 nới rộng việc cử hành Lễ Thánh Tâm ngày thứ sáu, sau tuần bát nhật kính Mình Thánh Chúa.
ĐGH Lêô 13 qua Thông điệp Annum Sacrum công nhận việc tôn thờ Thánh Tâm là ‘việc đạo đức hảo hạng’ và hiến dâng Thế giới cho Thánh Tâm Chúa.
Đức Piô 11 ban Thông điệp Miserentissimus Redemptor ( Đấng Cứu Thế Nhân Từ )
Đức Piô 12 công bố Thông điệp Haurietis Aquas (Hân Hoan Múc Nước)
Đức Phaolô 6 được bầu lên ngôi Giáo Hoàng vào đúng ngày Lễ Kính Thánh Tâm Chúa 21/6/1963.
Hai vị Giáo Hoàng gần đây nhất là ĐTC Gioan Phaolô 2 đắc cử Giáo Hoàng 16/10/1978 ngày lễ kính Nữ Thánh Margarita Sứ giả Thánh Tâm Chúa - Giáo Hoàng cũng là tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót và Thánh Tâm Chúa.
ĐTC Bênêdictô 16 trước khi nghỉ hưu công bố Thông điệp Deus Caritas Est ( Thiên Chúa là Tình Yêu )
Thánh Lm Năm Dấu Chúa nói : “Chúng ta hãy nhớ rằng Thánh Tâm Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta không chỉ để thánh hóa chúng ta, mà còn vì linh hồn chúng ta. Ngài muốn cứu độ các linh hồn.”
Đức Phaolô 6 :”Tôn sùng Thánh Tâm Chúa là phương thế hữu hiệu nhất để đóng góp vào việc canh tân tâm linh và luân lý thế giới.”

Ngoài Nữ thánh Margarita Maria Alacoque Sứ giả Thánh Tâm Chúa, ta còn phải nhắc đề 3 Tông đồ nhiệt thành của Thánh Tâm Chúa :
-Thánh Maria Faustina Kowalska, người Ba-Lan, Dòng Nữ tu Đức Mẹ Thương Xót với nhật ký ‘Divine Mercy in My Soul’- Ngài là Sứ giả Lòng Chúa Thương Xót.
-Chị Beninha Consolata, người Ý, Dòng Thăm Viếng qua tác phẩm ‘Tình dịu dàng của Chúa’
-Chị Josefa Menender, người Pháp, Dòng Thánh Tâm với quyển ‘Tiếng gọi Tình yêu’

Vì lòng tôn sùng nhiều tổ chức, đoàn thể, dòng tu, trường học, bệnh viên…đã mang tên Thánh Tâm Chúa. Tại Việt Nam Dòng Thánh Tâm được Đức Cha Joseph Marie Eugene Allys thành lập tại Huế năm 1925 và Bề trên tiên khởi là Linh mục Hồ Ngọc Cẩn, sau là Giám Mục địa phận Bùi Chu. Hiện nay dòng Thánh Tâm đã mở rộng thêm nhiều Chi dòng tại các Giáo phận.

Chúa hứa cùng Thánh Nữ Margarita ban 12 ơn lành cho những ai có lòng yêu mến Thánh Tâm Chúa :
1-Ban bình an cho đời sống cá nhân.
2-Ban bình an cho gia đình.
3-An bình trong mọi gian nan.
4-Ẩn náu an toàn nơi Trái Tim Chúa trong giờ sau hết.
5-Đổ ơn lành trên việc làm.
6-Tội nhân sẽ nhận thấy Thánh Tâm Chúa chính là đại dương Lòng thương xót.
7-Kẻ nguội lạnh sẽ được hoán cải trở nên sốt sáng.
8-Linh hồn sốt sáng sẽ mau trở nên trọn lành thánh thiện.
9-Chúc lành cho các gia đình trưng ảnh tượng và tôn kính Thánh Tâm Chúa.
10-Ban sức manh cho các Linh Mục lay chuyển các linh hồn chai đá.
11-Kẻ nào truyền bá Thánh Tâm sẽ ghi trong Trái Tim Ta không bao giờ phai mờ.
12-Ai rước lễ 9 lần liên tiếp thứ sáu đầu tháng, sẽ được ơn ăn năn thống hối và lãnh nhận các phép bí tích trong giờ lâm chung.


Nhiều phép lạ đã xảy ra chứng minh Lòng thương xót bao la của Thánh Tâm Chúa với nhân loại :
-Phép lạ tại Lanciano, nước Y, vào năm 700 : Bánh Thánh hóa Thịt và Máu đước lưu giữ nguyên vẹn cho tới nay.
-Phép là tại Blanot, Pháp, năm 1331 : Máu Thánh chảy trên khăn Thánh vẫn còn được lưu giữ.
-Phép lạ tại Offida, nước Ý, năm 1273 : Bánh Thánh hóa Thịt và Máu tuôn trào khi bị nung nóng.
-Phép lạ tại Walldum, nước Đức, năm 1330 : Rượu đổ trên khăn Thánh biến thành hình Thánh Giá với 11 Đầu Chúa đội mạo gai bao quanh.
………………………………
Những phép lạ trên chỉ là tiêu đã được các Vị Giáo Hoàng phê chuẩn hay các vị thẩm quyền Giáo Hội địa phương công nhận.
Nhưng phép lạ gần đây nhất được thuật lại trên Vietcatholic : Hiện tượng xảy ra vào Lễ Giáng Sinh 2013,
Một Bánh Thánh rơi xuống sàn, được đặt vào hộp chứa nước và những tia máu đỏ đã xuất hiện sau đó.
Đã được Pháp Y Ba Lan công nhận sau khi y khoa xét nghiệm là các mô có nguồn gốc từ con người.
Sau khi tham khảo với Bộ Giáo Lý & Đức Tin, tháng giêng 2016 vừa qua Đức Giám Mục Zbigniew Kiernikowski, Giáo phận Legnica long trọng công bố : ‘Bánh Thánh này có tất cả dấu ấn của một phép lạ’.

Hãy luôn sốt sáng đọc các kinh nguyện thờ lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu :
-Kinh Đền Tạ Trái Tim Chúa ( Được lãnh ơn Đại xá nếu đọc trong ngày Lễ kính Thánh Tâm Chúa )
-Kinh cầu Trái Tim Chúa Giêsu.
-Kinh dâng mình cho Trái Tim Chúa ( Do Thánh Margarita soạn )
-Kinh dâng mình cho Trái Tim Chúa ( của ĐTC Piô 11 )

Giáo Hội dùng cả Tháng 6 để nhắc ta nhớ đến Tình yêu cao cả của Chúa, tình yêu hy sinh tận hiến vô vị lợi. Chúa đã hiến mình trên Thập Giá để cứu chuộc loài người, vì chỉ nơi Thập Giá chúng ta mới gặp được
Thiên Chúa và đón nhận ân sủng để nên thánh như người trộm lành biết thống hối, nhận được hồng ân Nước Trời. Cũng như lời Chúa hứa :”Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta.”
Tháng 6, xin cho chúng con luôn hướng về Thánh Tâm Chúa, vì Trái tim Chúa đã mở rộng để Máu và Nước đổ nguồn ơn cứu độ trên chúng con.
“Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu ! Đấng giàu lòng thương xót, xin gíúp chúng con nhận được tình yêu bao la vô điều kiện của Ngài, để chúng con có thể cảm nghiệm nhịp đập Trái Tim thương xót của Ngài. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Đức Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời-Amen.


Đinh văn Tiến Hùng









 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thập Tự Hoàng Hôn
Nguyễn Trung Tây, Lm (SVD)
18:08 31/05/2016
THẬP TỰ HOÀNG HÔN
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
Trời cao yêu trần thế!
Nếm chén đắng ê chề!
Đồi Canvê chiều ấy!
Thập giá đời dựng cao!
(NTT)
 
VietCatholic TV
Kỹ thuật truyền hình: Chọn Frame Rate
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:17 31/05/2016
Các bạn đang theo dõi chương trình huấn luyện kỹ thuật viên truyền hình của VietCatholic.

Trong video này Kim Thúy sẽ trình bày với các bạn về cách chọn Frame Rates của VietCatholic.

Trước hết, Kim Thúy nói điều này chắc nhiều bạn sẽ kinh ngạc nhé. Khi ta xem một cuốn phim hay một video, ta thấy người ta di chuyển, nói nôm na là “ông đi qua bà đi lại” phải không?

Nhưng thật sự, một cuốn phim analog trong điện ảnh cổ điển hay là một video digital thời nay chỉ là một chuỗi những hình đứng im không có ông nào đi qua bà nào đi lại hết cả, các bạn ạ.

Lý do mà mình thấy người ta di chuyển, nói năng, cười cợt là mắt người và não bộ, tức là hệ thống thị giác của con người, có thể lưu lại một hình ảnh trong vòng 1 phần 10 giây. Cho nên, một loạt liên tục những hình ảnh tuy khác nhau, nhưng có những điểm tương đồng nhất định nào đó, đập vào mắt trong một khoảng thời gian ngắn, có thể tạo ra một ảo giác về sự liên tục, khiến cho chúng được cảm nhận như những hình ảnh di động.

Đấy là bí quyết của điện ảnh.

Mỗi hình ảnh đứng im, hay từ chuyên môn gọi là “static picture”, trong một chuỗi các hình ảnh của một video được gọi là 1 Frame.

Số lượng Frames xuất hiện trong một giây ta gọi là Frame Rates.

Với những videos trong đó các diễn viên di chuyển chậm như là trong các phim cinema, người ta thường chọn frame rates là 24, viết tắt là 24 PFS.

Các videos của VietCatholic không chỉ được phát trên YouTube và Vimeo nhưng còn được phát trên các đài truyền hình vì thế chúng ta tuân theo các tiêu chuẩn truyền hình và chọn frame rates là 30 PFS trong hầu hết các videos. Trong những sinh hoạt trong đó người ta di chuyển nhanh như trong các sinh hoạt thể thao thì nên chọn 60 PFS, tức là 60 frames hay 60 hình ảnh trong một giây.

Nhân đây, Kim Thúy cũng nói qua về Resolution

Một tấm hình digital là tập hợp các điểm sáng gọi là các pixels.

Các tiêu chuẩn phát hình thường dùng thuật ngữ resolution để chỉ số pixels trên chiều dọc của bức hình. Thí dụ, với một tấm hình có chiều ngang là 1920 pixels và chiều dọc là 1080 pixels thì người nói resolution 1080.

Tỷ số pixels chiều ngang và số pixels chiều dọc gọi là widescreen aspect ratio, tiêu biểu là 4:3 và 16:9. Các videos mới hiện nay đa số đều dùng widescreen aspect ratio là 16:9 với resolution là 1080.

Như thế, một frame được quay với resolution 1080 sẽ gồm có 1080 dòng và trên mỗi dòng có 1920 pixels.

Khi nói 1080p ta hiểu là tấm hình gồm 1080 dòng, các dòng sẽ được hiển thị theo thứ tự từ dòng 1 đến dòng 1080, gọi là progressive scan.

Khi nói 1080i ta hiểu là tấm hình gồm 1080 dòng, các dòng sẽ được hiển thị theo thứ tự 1, 3, 5, 7 … hết các dòng lẻ thì chuyển qua hiển thị các dòng chẵn 2, 4, 6, …

Mặc định là dùng 1080p vì hình ảnh xem ra thực hơn và smooth hơn. Ta không được dùng 1080i vì khi hiển thị thời gian cần thiết để tính toán pixel cần truy xuất khiến video bị khựng lại.

Hiện nay, người ta đang có xu hướng dùng 2160p. Từ chuyên môn gọi là 4K. Hình ảnh nét và mịn hơn 1080p. YouTube có khả năng phát được 4K.

Đài truyền hình NHK của Nhật Bản có khả năng phát được 4320p (8K).

Kết luận thực hành mà Kim Thúy muốn nói vớc các bạn là khi có máy Camcorder mới hay khi máy đang xài vô tình hay cần thiết phải reset lại thì trước khi chỉng các settings khác, xin chọn

Main Menu / System/ Record Set / Record Format

System HD

Format Quick Time

Resolution 1920x1080

Frame Rate 30p
 
Thánh Ca
Mình Máu Thánh - Trình bày: Ca Sĩ Kim Thúy
VietCatholic Network
20:08 31/05/2016