Ngày 01-06-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Tư 2/6: Thiên Chúa của kẻ sống - Lm. Phêrô Trần Văn Thanh. Kính Thánh Giuse
Giáo Hội Năm Châu
01:59 01/06/2021


PHÚC ÂM: Mc 12, 18-27

“Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có ít người phái Sađốc đến cùng Chúa Giêsu; phái này không tin có sự sống lại và họ hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, luật Môsê đã truyền cho chúng tôi thế này: Nếu ai có anh em chết đi, để lại một người vợ không con, thì hãy cưới lấy người vợ goá đó để gây dòng dõi cho anh em mình. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết không con. Người thứ hai lấy người vợ goá và cũng chết không con, và người thứ ba cũng vậy, và cả bảy người không ai có con. Sau cùng người đàn bà ấy cũng chết. Vậy ngày sống lại, khi họ cùng sống lại, thì người đàn bà đó sẽ là vợ của người nào? Vì cả bảy anh em đã cưới người đó làm vợ”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Các ông không hiểu biết Kinh Thánh, cũng chẳng hiểu biết quyền phép của Thiên Chúa, như vậy các ông chẳng lầm lắm sao? Bởi khi người chết sống lại, thì không lấy vợ lấy chồng, nhưng sống như các thiên thần ở trên trời. Còn về sự kẻ chết sống lại, nào các ông đã chẳng đọc trong sách Môsê chỗ nói về bụi gai, lời Thiên Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ta là Chúa Abraham, Chúa Isaac và Chúa Giacóp”. Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống. Vậy các ông thật lầm lạc”.

Đó là lời Chúa.
 
Giảng lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
08:36 01/06/2021
Được Trao Ban – Được Biến Đổi Và Phải Trao Ban

(Gợi ý giảng lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô)

Con người chúng ta sống được là nhờ có máu lưu thông từ trái tim đến các chi thể trong thân thể. Máu có tác dụng rất lớn cho sự sống của chúng ta. Thiếu máu là sự sống bị đe doạ. Mất máu có thể mất luôn cả sự sống. Chính Đức Giê-su đã dùng Máu của Ngài để nuôi không chỉ về thân xác, nhưng đặc biệt là linh hồn chúng ta. Ngài yêu thương con người không chỉ dừng lại ở việc trao ban Mình Máu, mà còn ở lại với con người mỗi ngày cho đến tận thế. Để hiểu được tại sao Mình Thánh Chúa tuy có một mà cả nhân loại ăn mãi không hết? Câu chuyện sau đây phần nào giúp chúng ta hiểu được điều đó.

Palestine là một vùng đất hiện vẫn còn rất đông người theo đạo Hồi. Ngày nọ có một vị thầy, lãnh đạo một cộng đoàn Hồi giáo, mời một linh mục Công Giáo đến để công khai tranh luận về bí tích Thánh Thể trước sự hiện diện của các tín hữu đôi bên. Vị thầy hỏi:

– Làm sao một miếng bánh nhỏ lại có thể trở thành Đức Kitô được?

Vị linh mục trả lời:

– Được chứ sao lại không? Tôi xin minh chứng cho thầy biết bằng một thí dụ đơn sơ. Nếu thầy ăn cơm, thầy có thể biến cơm thành máu thịt của thầy, có thật thế không nào? Chớ thì tại sao Chúa lại không biến tấm bánh nhỏ trở thành máu thịt Chúa được.

Bậc thầy đó lại hỏi tiếp:

– Làm sao Đức Kitô to lớn như thế lại có thể ở trong miếng bánh nhỏ xíu?

Vị linh mục trả lời:

– Thầy hay nhìn trời, nhìn núi và các thôn làng. Bầu trời thì mênh mông. Ngọn núi thì cao lớn hùng vĩ, còn thôn làng thì rộng rãi bao la, thế mà con mắt nhỏ xíu của thầy có thể chứa được tất cả. Nếu con mắt của Thầy làm được chuyện đó thì tại sao Thiên Chúa lại không thể làm cho miếng bánh nhỏ xíu chứa đựng được Đức Kitô.

Bậc thầy không chịu thua lại hỏi thêm:

– Làm sao có thể cử hành nhiều thánh lễ cùng một lúc tại nhiều nơi trên thế giới, mà mỗi thánh lễ lại có Mình và Máu của Đức Kitô được?

Vị linh mục đáp:

– Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được.

Rồi để chứng minh cho câu trả lời này, vị linh mục lấy một tấm gương ném xuống đất khiến nó bể tan thành rất nhiều mảnh nhỏ. Tiếp đến, vị linh mục giơ tay chỉ cho bậc thầy đang ngạc nhiên và nói:

– Trước đây trong tấm gương này, thầy trông thấy gương mặt mình có phải không nào. Và bây giờ thầy cũng trông thấy gương mặt mình trong từng mảnh nhỏ. Thế thì tại sao Thiên Chúa lại không thể hiện diện tại nhiều nơi trong cùng một lúc được.

Quả thật, Chúa Giêsu đến trong trần gian này cũng chỉ có một ý nghĩ, cũng chỉ có một mục đích, đó là phải làm thế nào cho chúng ta được sống, không phải chỉ sự sống phần xác, mà còn là sự sống phần hồn. Chính vì sự sống phần hồn của chúng ta, mà Ngài đã chấp nhận cái chết tủi nhục trên thập giá, để cứu chuộc chúng ta. Và hơn thế nữa, Ngài còn thiết lập bí tích Thánh Thể, để làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta và để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Nơi bài đọc I, với Giao ước Si-nai, dân Israel được bảo vệ và cứu vớt nhờ máu con chiên, hình ảnh của Thiên Chúa hiện diện. “Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này.” (Xh 24, 8). Máu con chiên tượng trưng cho tình thương của Thiên Chúa trên dân Người.

Nơi bài đọc II, tác giả thư Do-thái nói rằng chính Đức Giê-su là Chiên của Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Nhờ Người, hay nói đúng hơn, nhờ Máu của Chiên Giê-su đổ ra mà muôn người được cứu sống. “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.” (Dt 9, 12). Như vậy, Máu của Đức Giê-su có hiệu lực hơn bao loại máu khác cho sự tồn tại của con người. Hơn nữa, Máu của Đức Giê-su thanh tẩy lương tâm chúng ta tẩy khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống. (x. Dt 9, 14).

Nơi bài Tin mừng, tác giả Mác-cô trình thuật những hành động hết sức đẹp của Thầy Giê-su đối với các môn đệ là trao ‘Mình và Máu của Thầy’. Điều này được minh chứng rằng: “Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra vì muôn người”. (Mc 14, 22-24). Đây quả là một lời nói, một hành động, một cử chỉ đầy tình yêu của một vị Thiên Chúa ngang qua Chúa Giê-su Ki-tô đối với con người, là chấp nhận trở nên của ăn của uống để nuôi sống con người chúng ta.

Thật vậy, vì yêu thương nhân loại tội lỗi, Thiên Chúa đã ban Con Một là Đức Giê-su Ki-tô xuống thế làm người giống con người mọi sự ngoại trừ tội lỗi để cứu độ con người. Không chỉ là hiện diện với vai trò làm người, nhưng Đức Giê-su đã trở nên dấu chỉ tình thương tuyệt đỉnh cho con người khi dám chấp nhận chết trên cây thập giá. Tuy nhiên, trước khi về ngự bên hữu với Chúa Cha, Đức Giê-su đã hứa sẽ ở cùng với con người mọi ngày cho đến tận thế khi trao ban Thịt và Máu của Ngài cho con người. Ngài đã chấp nhận tự huỷ mình đi vì con người để con người được sống. Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho con người để con người được hiện hữu. Do đó, sự sống của con người có được là nhờ lãnh nhận Mình Máu của Đức Giê-su. Chính Đức Giê-su đã phán: Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Như vậy, với đức tin của mình, chúng ta sẽ đón nhận được sự sống đích thực không những qua bàn tiệc Lời Chúa, mà nhất là qua bàn tiệc Thánh Thể, là Mình Máu của Đức Giê-su Ki-tô, nguồn sống của chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta không chỉ đón nhận tấm bánh Giê-su cho riêng mình, nhưng chúng ta cũng được mời gọi trở nên tấm bánh để bẻ ra cho tha nhân. Đây mới là điều Chúa Giê-su mong muốn nơi mỗi chúng ta khi Ngài nhắn gửi: ‘Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.’ Làm việc này là làm việc nào? Phải chăng chấp nhận hy sinh thân mình vì yêu thương như Đức Giê-su? Phải chăng là chấp nhận tự huỷ cái tôi, cái ích kỷ, cái nhỏ nhen, cái tội lỗi để sống cho mọi người được tôn trọng? Phải chăng là biết yêu thương, biết tha thứ, biết dấn thân, biết phục vụ là chúng ta đang nhớ đến Chúa và làm như Như?

Mặt khác, đón nhận Mình Máu Đức Giê-su Ki-tô sẽ giúp chúng ta biến đổi từ đôi tay, từ miệng lưỡi, từ cõi lòng nhờ đó chúng ta trở nên dấu chỉ yêu thương như chính Chúa. Quả thật, chúng ta chỉ thật sự hành động tốt, nói lời hay và suy nghĩ tích cực khi chúng ta đón nhận được Mình Máu Thánh của Đức Giê-su Ki-tô. Vì thế, để sống đời sống yêu thương, quan tâm và quảng đại với tha nhân nơi chúng ta được tiến triển, chúng ta cần năng dọn mình sạch tội trọng để đón rước Mình Máu Chúa mỗi ngày trong suốt cuộc đời. Cũng vậy, để có sự sống đời đời và hạnh phúc viên mãn bên Chúa, Mình Máu Chúa như ‘của ăn đàng’ phải là của ăn liên lỉ mỗi ngày trong đời sống hiện tại của chúng ta. Quả thật, sức mạnh của chúng ta tuỳ thuộc nơi Chúa. Sự sống của chúng ta cũng tuỳ thuộc nơi Chúa. Chỉ có Chúa, chỉ nơi Mình Máu Thánh Chúa mới là của ăn nuôi sống và bổ sức cho chúng ta trong hành trình lữ hành trần gian này cũng là hành trang đưa dẫn chúng ta về thiên đàng.

Tóm lại, mừng lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô hôm nay, ngoài việc tạ ơn tình yêu bao la của Thiên Chúa vì đã có phương cách tuyệt vời để hiện diện hữu hình với con người ngang qua việc lập Bí tích Thánh Thể để trao ban Mình Máu Người cho con người, chúng ta còn được mời gọi phải tôn thờ, mến yêu, năng lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa hầu đủ sức mạnh và lòng nhiệt huyết để giới thiệu Chúa cho anh chị em đồng loại ngang qua đời sống bác ái yêu thương.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:29 01/06/2021

12. Trên thế gian này nếu không có người tự do phóng túng, thì cũng không có người sa xuống địa ngục.

(Thánh Bernad)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:34 01/06/2021
63. TUYỂN CHỨC “QUAN SẠCH”

Một người vừa mới được thăng chức quan huyện, và để cho mọi người biết mình là vị quan thanh liêm, nên viết hai câu đối trước cổng:

- “Nếu ban đêm nhận tiền hối lộ thì trời tru đất diệt; nếu nghe lời của sai dịch, thì sinh con trai làm cướp con gái làm đĩ.”

Bá tánh thấy vậy thì cho rằng ông ta là vị quan thanh liêm, nên rất phấn khởi.

Không bao lâu, ông quan huyện này có tham ô, và để không mâu thuẩn với hai câu đối, phàm là nhận hối lộ thì được tiến hành công khai ban ngày; tiền tài hả, phải để đương sự tự mình đem tới, chứ không cho phép nha dịch mó tay vào.

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 63:

Có những người mở miệng là thề rất độc, nhưng rồi quên mất lời thề độc ấy, bởi vì họ thề độc là để che mắt người đời và họ biết lời thề ấy chẳng là gì cả với họ, vậy mà có rất nhiều người mủi lòng nhẹ dạ nghe lời thề độc ấy để bênh vực họ…

Có những người lấy vải thưa che mắt thánh chỉ trời mà thề chỉ đất mà hứa, trời vẫn còn đó và đất vẫn còn đây, nhưng họ thì lên trời không xong mà xuống đất cũng không được, vì họ đã nuốt lời thề lời hứa…

Có nhiều người thắc mắc hỏi rằng: tại sao có những người Ki-tô hữu đặt tay trên Phúc Âm long trọng mà thề, ôm Thánh Giá mà hứa, nhưng rồi cũng đem lời thề lời hứa trả lại cho Chúa cho Mẹ và các thánh…

Câu trả lời là có rất nhiều nguyên do, nhưng nguyên do quan trọng nhất là họ ít cầu nguyện, và để lòng tham không đáy nhốt linh hồn của họ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thanh niên cộng sản Pháp tấn công vào một cuộc rước của tổng giáo phận Paris.
Đặng Tự Do
05:26 01/06/2021


Một cuộc tuần hành cầu nguyện do tổng giáo phận Paris tổ chức vào thứ Bảy 29 tháng 5 để tưởng nhớ các vị tử đạo Công Giáo bị Công xã Paris giết chết đã bị gián đoạn sau khi một nhóm thanh niên cộng sản ném chai lọ vào những người người rước kiệu và nhào vào đánh đập những người rước kiệu, gồm đa số là phụ nữ và trẻ em.

Tờ La Croix nhận xét chua chát rằng lịch sử của ngày 26 tháng 5 năm 1871 đã được lặp lại một cách sống động và tỏ tường trước mắt mọi người.

Công xã Paris, tiếng Pháp là Commune de Paris, là một chính phủ cộng sản đã kiểm soát Paris từ ngày 18 tháng 3 đến ngày 28 tháng 5 năm 1871.

Trong chiến tranh Pháp-Phổ, Paris đã được bảo vệ bởi Lực lượng Vệ binh Quốc gia, gồm đa số là công nhân, trong đó không ít người đang mơ tưởng về một thiên đường cộng sản. Chủ nghĩa xã hội và não trạng chống chiến tranh phát triển mạnh trong các binh sĩ.

Vào tháng 3 năm 1871, khi Pháp thua trong chiến tranh Pháp-Phổ, ông Adolphe Thiers được chọn là Toàn Quyền nhằm thành lập nền Cộng hòa thứ ba và tìm cách thương lượng để chấm dứt chiến tranh. Binh lính Vệ binh Quốc gia đã nổi loạn chống lại chính phủ đang được thành lập của ông Adolphe Thiers. Họ đã giành quyền kiểm soát thành phố và sau đó từ chối chấp nhận quyền lực của tân chính phủ Pháp, và ráo riết thành lập một chính phủ cộng sản.

Công xã Paris chiếm được thủ đô trong hai tháng, thiết lập các chính sách cộng sản theo mô hình của Karl Marx và Friedrich Engels. Các tài liệu của cộng sản luôn đề cao thời kỳ này như là ví dụ đầu tiên về chế độ độc tài của giai cấp vô sản.

Ngay từ đầu, Công xã Paris đã tỏ ra thù địch với Giáo Hội Công Giáo. Ngày 2 tháng Tư 1871, cộng sản đã biểu quyết một sắc lệnh cáo buộc Giáo Hội Công Giáo “đồng lõa với các tội ác của chế độ quân chủ”. Sắc lệnh tuyên bố tịch thu tài sản của các dòng tu, và ra lệnh cho các trường Công Giáo ngừng giáo dục môn tôn giáo. Trong bảy tuần tiếp theo, khoảng hai trăm linh mục, nam nữ tu sĩ đã bị bắt, và hai mươi sáu nhà thờ bị đóng cửa. Các phần tử cực đoan của Lực lượng Vệ binh Quốc gia còn thực hiện các đám rước tôn giáo giả để chế giễu các nghi lễ tôn giáo và đức tin Kitô.

Ngày 21 tháng 5 năm 1871, quân đội Pháp quốc gia mở cuộc tấn công giải phóng thủ đô. Giao tranh đẫm máu diễn ra trên từng con đường trong suốt một tuần lễ, người Pháp gọi đó là La semaine sanglante, nghĩa là Tuần lễ đẫm máu. Cộng sản lập tức bắt Đức Cha Georges Darboy, là Tổng Giám Mục Paris, khoảng 200 linh mục, tu sĩ nam nữ, và nhiều anh chị em giáo dân khác ra bắn bỏ.

Đức Cha Denis Jachiet, Giám Mục Phụ Tá Paris nói với tờ La Croix rằng:

“Chúng tôi đang cầu nguyện và tưởng niệm, không có bất kỳ hình thức thể hiện hoặc yêu cầu chính trị nào. Chúng tôi cũng không ăn mừng chiến thắng của bên này trước bên kia.”

Với khoảng 300 người tham gia, đoàn rước bắt đầu vào khoảng 5:15 chiều từ Quảng trường de la Roquette, quận 11 của Paris, để đi theo con đường Đức Cha Georges Darboy, và các tù nhân khác bị điệu ra pháp trường vào ngày 24 tháng 5 năm 1871, cho đến nhà thờ Notre-Dame des Otages hiện nay.

Hubert, thành viên của hội đồng giáo xứ Notre-Dame des Otages, nói:

“Đám rước của chúng tôi chủ yếu là các gia đình, có cả trẻ em và người già, và lúc đầu, mọi sự diễn ra một cách yên bình, và chúng tôi thực sự cảm thấy như mình đã quay trở lại thế kỷ 19!”.

Khi đến gần ga tàu điện ngầm Ménilmontant, một nhóm thanh niên cộng sản lên đến 40 tên trong nhóm “Les Amies et Amis de la Commune de Paris 1871”, tức là nhóm “Những người bạn của Công Xã Paris 1871” bắt đầu ném chai lọ về phía những người rước kiệu và sau đó xông vào giật cờ của họ. Những đòn bạo lực được giáng xuống, ít nhất một người hành hương bị đánh chảy máu đầu, cờ và biểu ngữ của giáo xứ bị xé bỏ.

Cuộc rước phải bị hủy bỏ lúc 18g30.

Diễn biến này cho chúng ta thấy rõ bản chất bạo lực và độc tài, không chấp nhận lý lẽ và sự khác biệt trong xã hội của cộng sản không bao giờ thay đổi.
Source:La Croix
 
10 nét đáng ngạc nhiên về ngôi nhà thờ chính tòa đầu tiên của Mỹ ở Baltimore
Đặng Tự Do
05:27 01/06/2021


Ngày 31 tháng 5 là kỷ niệm 200 năm cung hiến ngôi nhà thờ chính tòa đầu tiên của Hoa Kỳ tại Baltimore. Nhân dịp này Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, đưa ra 10 điểm nổi bật về ngôi nhà thờ chính tòa đầu tiên của Hoa Kỳ mà có thể nhiều người không biết.

Điểm thứ nhất: Kiến trúc sư của ngôi thánh đường lộng lẫy là Benjamin H. Latrobe. Ông là kiến trúc sư nổi bật nhất tại thời điểm nhà thờ chính tòa này được xây dựng. Chính ông là người thiết kế Điện Capitol của Hoa Kỳ. Theo yêu cầu của Đức Cha John Carroll, ông Latrobe đã trình bày hai mô hình khác nhau cho nhà thờ chính tòa.

Đức Cha Carroll đã chọn phương án kiến trúc tân cổ điển của Latrobe thay vì phương án Gothic, vì ngài muốn truyền tải thông điệp rằng Giáo Hội Công Giáo là một tổ chức có tư duy hướng đến tương lai và đang tích cực tham gia vào việc xây dựng nước Mỹ.

Điểm thứ hai: Chính tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson đã đứng ra làm trung gian cho sự khác biệt về quan điểm giữa Đức Cha Carroll và Latrobe – dù Đức Cha và ông Kiến trúc sư có nhiều tương đồng về mặt tổng thể.

Điểm thứ ba: Tổng thống Jefferson, lấy cảm hứng từ chuyến thăm Paris của ông, đã đề nghị đưa vào nhà thờ: một mái vòm hai lớp bằng gỗ để lấy ánh sáng từ bầu trời. Nhờ thế, nhà thờ chính tòa Baltimore lúc nào cũng chan hòa ánh sáng.

Điểm thứ tư: Ngôi nhà thờ này đã tổ chức các sự kiện quan trọng trong việc mở rộng Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ. Tất cả các phiên khoáng đại của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ trong những năm 1800 luôn diễn ra. Ủy ban Giáo lý Baltimore, và hệ thống trường Công Giáo Hoa Kỳ cũng được lên kế hoạch ở đó.

Điểm thứ năm: Chân phước Michael McGivney, người sáng lập hội Hiệp sĩ Kha Luân Bố, được tấn phong tại vương cung thánh đường này vào ngày 22 tháng 12 năm 1877.

Điểm thứ sáu: Lễ phong chức cho linh mục người Mỹ gốc Phi đầu tiên trên đất Mỹ, Charles Randolph Uncles, đã diễn ra tại đây vào năm 1891.

Điểm thứ bẩy: Hơn 30 giám mục được bổ nhiệm cho các giáo phận trên khắp Hoa Kỳ đã được tấn phong tại vương cung thánh đường này.

Điểm thứ tám: Chín trong số mười bốn vị tổng giám mục đã qua đời của Baltimore đã được an nghỉ trong hầm mộ lịch sử của vương cung thánh đường. Hầm mộ nằm bên dưới bàn thờ chính, bên cạnh nhà nguyện Đức Bà là Tòa Đấng Khôn Ngoan.

Điểm thứ chín: Từ tháng 11 năm 2004 đến tháng 11 năm 2006, nhà thờ đã trải qua một đợt trùng tu lớn kéo dài 32 tháng với sự tài trợ của quỹ tư nhân. Nhà thờ được mở cửa trở lại đúng lúc cuộc họp USCCB năm 2006, được tổ chức tại Baltimore để đánh dấu sự kiện này.

Điểm thứ mười: Một trận động đất gây chấn động Bờ Biển Phía Đông Hoa Kỳ vào ngày 23 tháng 8 năm 2011, đã tạo ra khoảng 300m đường nứt trong cấu trúc của vương cung thánh đường. Một cuộc trùng tu kéo dài bảy tháng, trị giá 3 triệu đô la đã được hoàn thành vào Chúa Nhật Phục sinh năm 2012.
Source:Catholic News Agency
 
Nỗi lo sợ gia tăng về việc Trung Quốc đang ``cải tạo các Kitô hữu
Vũ Văn An
15:20 01/06/2021

Bắc Kinh đang đè bẹp các nhóm tôn giáo mà họ coi là bất hợp pháp và là mối đe dọa đối với sự cai trị bằng bàn tay sắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc.



Thực vậy, theo Rock Ronald Rozario của UCAN, vụ bắt giữ một giám mục, linh mục và chủng sinh được Vatican phê chuẩn gần đây ở miền trung Trung Quốc là một diễn biến gây sốc, nếu không muốn nói là đáng ngạc nhiên, vì cuộc đàn áp tôn giáo ở nước cộng sản này tiếp tục gia tăng dưới sự giám sát của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đức Cha Joseph Zhang Weizhu, Giám mục của Tân Hương, tỉnh Hà Nam, đã bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 21 tháng 5, một ngày sau khi cảnh sát bắt giữ bảy linh mục của ngài và một số lượng không xác định chủng sinh. Họ bị cáo buộc vi phạm các quy định mới về các vấn đề tôn giáo.

Vị giám mục và các linh mục đã khiến chính quyền phẫn nộ vì đã sử dụng một nhà máy bỏ hoang làm một chủng viện để đào tạo về tôn giáo cho các linh mục tương lai.

Họ bị buộc tội vi phạm một bộ quy tắc mới dành cho các giáo sĩ được thi hành trong tháng này. Bộ quy tắc này yêu cầu tất cả các giáo sĩ phải đăng ký với nhà nước để phục vụ người Công Giáo trong khi yêu cầu người Công Giáo bầu chọn giám mục của họ một cách dân chủ.

Các quy tắc cũng làm cho việc thực hiện các hoạt động tôn giáo bao gồm việc thờ phượng ở những nơi không được đăng ký hoặc kiểm soát bởi nhà nước trở thành bất hợp pháp.

Các vụ bắt giữ đã làm dấy lên sự lên án của các nhóm Kitô giáo và nhân quyền.

Mervyn Thomas, chủ tịch sáng lập Tổ chức Đoàn kết Kitô giáo hoàn cầu (CSW) có trụ sở tại London, cho biết các quy định mới về các vấn đề tôn giáo là công cụ để đàn áp các cộng đồng tôn giáo, nhất là các Kitô hữu.

Thomas nói, “Những vụ bắt giữ này, theo sau sự ra đời của các quy định mới về nhân viên tôn giáo, dường như xác nhận các lo ngại tin rằng các hạn chế đối với các cộng đồng tôn giáo sẽ tiếp tục được thắt chặt. Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những Kitô hữu này và tất cả những người bị giam giữ khắp Trung Quốc vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ. Chúng tôi cũng khuyến khích cộng đồng quốc tế nêu vấn đề này và các trường hợp khác về việc giam giữ tùy tiện và sách nhiễu các nhà lãnh đạo tôn giáo”.

Tổ chức Đoàn kết Kitô giáo hoàn cầu cũng lưu ý rằng các nhà lãnh đạo Kitô giáo nổi tiếng như Zhang Chunlei của Giáo Hội Cải cách Tình yêu và Mục sư Yang Hua thuộc Giáo Hội Đá Sống ở Quý Dương, tỉnh Quý Châu đã bị sách nhiễu và hành hung trước khi bị chính quyền bắt giữ.

Chính quyền địa phương đã đóng cửa Nhà thờ Đá Sống vào năm 2016 và Giáo Hội Cải cách Tình yêu vào năm 2018. Các nhà lãnh đạo đã bị bắt giữ sau khi họ bị cáo buộc gian lận và điều hành trái phép các tổ chức bất hợp pháp.

Mục sư Yang đã bị một lãnh đạo địa phương của Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh đập dã man tại đồn cảnh sát ở Quý Dương đến nỗi ông phải nhập viện cấp cứu tại một bệnh viện trong thành phố.

Theo nhóm vận động quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ là China Aid, Mục sư Yang cũng bị bắt vào năm 2016 khi nhà thờ của ông bị đóng cửa và phải ngồi tù 2 năm rưỡi vì những cáo buộc bịa đặt “cố ý tiết lộ bí mật nhà nước”. Khi được thả vào năm 2018, Mục sư Yang đã nói với các thành viên của nhà thờ rằng hãy “giữ vững đức tin”.

Đức Cha Zhang đã phải đối đầu với sự giận dữ của chính quyền trong nhiều thập niên. Đó là vì Trung Quốc chưa bao giờ công nhận Tân Hương là một giáo phận kể từ khi nó được Vatican thiết lập vào năm 1936. Đức Cha Zhang, được tấn phong bí mật vào năm 1991, không được sự chấp thuận của Hội đồng Giám mục liên kết với Nhà nước và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

Đức Cha Zhang đã phải chịu áp lực từ nhà nước trong nhiều năm phần lớn do trung thành với Đức Giáo Hoàng và từ chối gia nhập Giáo Hội công khai liên kết với nhà nước. Ngài không bao giờ được phép điều hành giáo phận một cách hữu hiệu và giáo phận đã được quản lý bởi một giám quản do chính phủ bổ nhiệm kể từ năm 2010. Vị giáo phẩm này cũng bị bắt vài lần nhưng được thả sau đó.

Kể từ các vụ bắt giữ mới nhất, nơi ở của Đức Cha Zhang, các linh mục và chủng sinh vẫn chưa được biết đến, trong khi một số phương tiện truyền thông phỏng đoán rằng họ đã bị biệt giam và phải chịu “học tập chính trị”.

Những người theo dõi và quan sát Trung Quốc hiện gia tăng lo ngại rằng chế độ cộng sản đang tiến dần đến việc tiêu diệt các nhóm tôn giáo, bao gồm cả các Giáo Hội Công Giáo và Tin lành mà họ cho là bất hợp pháp và là mối đe dọa đối với sự cai trị sắt đá của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở đại lục Trung Quốc.

Trong một bài báo gần đây trên tạp chí Forbes, Tiến sĩ Ewelina U. Ochab, một chuyên gia về luật quốc tế và nhà nghiên cứu tội ác diệt chủng ở London, gợi ý rằng những người theo Kitô giáo ở Trung Quốc có thể là đối tượng tiếp theo để “cải tạo” như người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Ông cho biết các Kitô hữu phải chịu sự bách hại ở mức độ cao, trong khi tình hình của tất cả các nhóm tôn giáo ở Trung Quốc đang trở nên tồi tệ và ngày càng xấu đi trong những năm gần đây.

Tờ Christian Post đưa tin trong tháng này rằng các nhà chức trách Trung Quốc đã gỡ bỏ các ứng dụng Kinh thánh và các tài khoản công khai WeChat của Kitô giáo. Tổ chức Kitô giáo quốc tế Lo ngại báo cáo rằng các bản Kinh thánh cũng không còn được bán trực tuyến nữa, đồng thời cho biết thêm rằng các ứng dụng Kinh thánh chỉ có thể được tải xuống ở Trung Quốc với việc sử dụng mạng ảo riêng (VPN).

Vào tháng 4, Đài Á Châu Tự do (RFA) đăng một báo cáo cho rằng chính quyền Trung Quốc đang giam giữ các Kitô hữu trong các cơ sở “cải tạo” bí mật, di động để buộc họ từ bỏ đức tin.

Báo cáo của Đài Á Châu Tự do đã sử dụng lời khai của Li Yusee, một bút danh của một thành viên “nhà thờ tư gia” của Kitô giáo ở tỉnh Tứ Xuyên. Li cho biết anh đã bị giam trong một cơ sở bí mật do Phòng Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc phối hợp với cảnh sát mật điều hành trong 10 tháng sau một cuộc đột kích vào nhà thờ của anh vào năm 2018.

"Đó là một cơ sở di động có thể chỉ được thiết lập trong một số tầng hầm ở đâu đó. Nó được cung cấp nhân viên bởi một số cơ quan chính phủ khác nhau", Li nói và thêm rằng nó có nhóm làm việc của ủy ban chính trị và pháp luật riêng và chủ yếu nhắm mục tiêu vào các Kitô hữu là thành viên của các nhà thờ tư gia.

Li cho biết anh đã bị giam trong một căn phòng không có cửa sổ trong gần 10 tháng, trong thời gian đó anh bị nhân viên đánh đập, bạo hành bằng lời nói và "tra tấn tinh thần".

Anh cho biết hầu hết các bạn tù của anh cũng là những người đã được tại ngoại trong thời gian bị giam giữ hình sự vì tham gia các hoạt động liên quan đến Giáo Hội. Mặc dù họ không phạm bất cứ tội hình sự nào, nhưng cảnh sát đã đưa họ đến “cơ sở cải tạo”.

Trình thuật ớn lạnh tương tự như việc giam giữ và đàn áp người Hồi giáo sắc tộc Duy Ngô Nhĩ và các nhóm tôn giáo và giáo phái bị cấm khác như Pháp Luân Công và Giáo Hội Thiên Chúa toàn năng.

Các chính sách và hành động đàn áp của Trung Quốc đối với các nhóm tôn giáo đã được các cơ quan giám sát hoàn cầu lên tài liệu.

Vào ngày 13 tháng 1 năm 2021, nhóm Kitô hữu Open Doors có trụ sở tại Hoa Kỳ đã xuất bản Danh sách Theo dõi Thế giới đánh giá 50 quốc gia nơi các Kitô hữu phải đối đầu với những hình thức bách hại nghiêm trọng nhất. Nó liệt kê Trung Quốc ở hạng 17 trong số 20 quốc gia hàng đầu vì đàn áp rộng rãi các Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số khác.

Open Doors đưa tin, “Chính sách ‘Trung quốc hóa’ Giáo Hội đã được thực hiện trên toàn quốc vì [Đảng Cộng sản Trung Quốc] hạn chế bất cứ điều gì bị nó coi là mối đe dọa đối với sự cai trị và ý thức hệ của nó. Hàng ngàn nhà thờ đã bị hư hại hoặc đóng cửa. Ở một số vùng của Trung Quốc, trẻ em dưới 18 tuổi không được phép đến nhà thờ - một phần trong nỗ lực của đất nước nhằm hạn chế sự phát triển trong tương lai”.

Chính sách Trung Quốc hóa nhằm mục đích áp đặt các quy tắc nghiêm ngặt đối với các xã hội và định chế dựa trên các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, quyền tự chủ và hỗ trợ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong báo cáo năm 2021, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCRIF) nhận xét rằng Trung Quốc tiếp tục đàn áp các Kitô hữu và sách nhiễu các giám mục Công Giáo bất chấp thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc năm 2018 về việc bổ nhiệm giám mục.

Theo thỏa thuận được gia hạn vào năm ngoái, Vatican đã công nhận tám giám mục được nhà nước tấn phong mà không cần sự ủy quyền của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, Trung Quốc không công nhận một số giám mục được Vatican chấp thuận, bao gồm cả Giám mục Zhang của Tân Hương.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đưa tin, “Bất chấp thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục sách nhiễu, giam giữ và tra tấn các giám mục Công Giáo hầm trú - như Đức Cha Cui Tai và Đức Cha Huang Jintong - những vị từ chối tham gia hiệp hội Công Giáo do nhà nước hậu thuẫn. Họ cũng sách nhiễu, giam giữ, bắt giữ và bỏ tù các thành viên của các nhà thờ tư gia theo đạo Tin lành, những người từ chối tham gia Phong trào Yêu nước Tam tự do được nhà nước công nhận”.

Nó cũng nhấn mạnh rằng chính phủ tiếp tục phá hủy cả các tòa nhà lẫn thánh giá của nhà thờ Công Giáo và Tin lành trong chiến dịch Trung Quốc hóa của họ.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô ra lệnh thanh tra tông tòa Tổng Giáo Phận Köln của Đức Hồng Y Woelki
Đặng Tự Do
16:22 01/06/2021


Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh khởi động một cuộc thanh tra tông tòa tại Tổng Giáo Phận Köln của Đức trong bối cảnh có những chỉ trích về việc giải quyết các trường hợp lạm dụng.

Diễn biến này khiến nhiều người lo ngại. Từ lâu, Đức Hồng Y Woelki đã là cái gai trong mắt nhiều người vì ngài cản trở Tiến Trình Công Nghị tại Đức. Chiêu bài “giải quyết các trường hợp lạm dụng tính dục” đã được dùng để đánh gục Đức Hồng Y.

Tổng giáo phận cho biết trong một tuyên bố ngày 28 tháng 5 rằng các vị thanh tra tông tòa của Đức Giáo Hoàng sẽ đánh giá “những sai lầm có thể xảy ra” của Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki.

Các vị khách thanh tra sẽ là Đức Hồng Y Anders Arborelius của Stockholm và Đức Giám Mục Johannes van den Hende của Rotterdam, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hà Lan.

“Trong nửa đầu tháng 6, các đặc phái viên của Tòa thánh sẽ đến thăm tổng giáo phận để có được bức tranh toàn cảnh về tình hình mục vụ phức tạp trong tổng giáo phận,” tuyên bố cho biết.

Tuyên bố nói thêm rằng các vị thanh tra cũng sẽ kiểm tra những sai sót có thể xảy ra của Đức Tổng Giám Mục Stefan Heße của Hamburg, người đã là Tổng đại diện của Tổng giáo phận Köln từ năm 2012 đến năm 2015, và các phụ tá của Köln là Đức Cha Dominikus Schwaderlapp và Đức Cha Ansgar Puff.

Đức Tổng Giám Mục Heße cho biết vào tháng 3 rằng ngài đã đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô và yêu cầu được “ngưng ngay lập tức” mọi nhiệm vụ.

Hoan nghênh chuyến thăm của các vị thanh tra, Đức Hồng Y Woelki nói: “Vào tháng Hai, tôi đã thông báo một cách toàn diện cho Đức Thánh Cha ở Rôma về tình hình trong tổng giáo phận của chúng ta.”

“Tôi hoan nghênh thực tế là với chuyến viếng thăm tông tòa, Đức Giáo Hoàng muốn có được bức tranh của riêng mình về cuộc điều tra độc lập và hậu quả của nó.”

“Tôi sẽ hỗ trợ Đức Hồng Y Arborelius và Đức Cha van den Hende trong công việc của các ngài với niềm tin tưởng hoàn toàn. Tôi hoan nghênh mọi biện pháp sẽ giúp bảo đảm trách nhiệm giải trình”.

Vị Hồng Y 64 tuổi tuyên bố vào tháng 12 năm 2020 rằng chính ngài đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô xem xét lại các quyết định mà ngài đã đưa ra liên quan đến một linh mục bị buộc tội vào trong năm 2015.
Source:Catholic News Agency
 
Bảy nhà thờ Công Giáo Hương Cảng cầu nguyện cho các nạn nhân Thiên An Môn
Đặng Tự Do
16:23 01/06/2021


Hôm 24 tháng 5, Ủy ban Công lý và Hòa bình của giáo phận Hương Cảng thông báo rằng 7 nhà thờ Công Giáo tại Hương Cảng cầu nguyện cho các nạn nhân Thiên An Môn vào này 4 tháng 6, đồng thời nói thêm rằng: “Vì nhiều lý do, có lẽ chúng ta không thể nói công khai, nhưng chúng ta không được quên lịch sử. Chúng ta hãy dâng thánh lễ xin Chúa, là Chủ của lịch sử, đoái nhìn những người đã chết trong mùa xuân và mùa hè năm 1989, trong khi theo đuổi sự thật”.

Theo một điện văn của đại sứ Anh quốc ở Trung Quốc hồi đó, có ít nhất 10,000 người bị giết trong biến cố Thiên An Môn, trong khi nhà nước Bắc Kinh nói là chỉ có 241 người chết và 7,000 người bị thương.

Năm nay là lần thứ hai chính quyền Hương Cảng cấm cử hành buổi canh thức cầu nguyện tưởng niệm biến cố thảm sát tại Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 4 tháng 6 năm 1989.

Năm ngoái, dù có lệnh cấm, hàng chục ngàn người Hương Cảng đã tham dự buổi canh thức ở Công viên Victoria. Từ tháng Bảy năm ngoái, bắt đầu có đạo luật đặc biệt do nhà nước Bắc Kinh đề ra để đàn áp phong trào dân chủ. Từ đó, dưới chiêu bài an ninh quốc gia, hàng trăm người đối lập ở Hương Cảng đã bị bắt, bị cáo buộc và kết án tù. Tự do ngôn luận tại Hương Cảng ngày càng bị giới hạn. Giáo Hội Công Giáo tại Hương Cảng vốn giữ vai trò tích cực trong các buổi lễ tưởng niệm tại Hương Cảng.

Đức Giám Mục tân cử của Hương Cảng, Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), trong quá khứ vẫn thường dự các buổi canh thức tưởng niệm Thiên An Môn, hôm 18 tháng 5 vừa qua, đã nói rằng có nhiều cách thức tưởng niệm và ngài sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân và cho Trung Quốc.
Source:Catholic News Agency
 
Diễn biến đáng kinh ngạc: Giám mục Công Giáo Thụy Sĩ bổ nhiệm giáo dân làm đại diện cho giám mục
Đặng Tự Do
16:24 01/06/2021


Một giám mục Công Giáo Thụy Sĩ đã thông báo rằng ngài sẽ bổ nhiệm anh chị em giáo dân làm đại diện cho ngài trong giáo phận của mình.

Đức Cha Charles Morerod, thuộc dòng Đa Minh, đã lãnh đạo Giáo phận Lausanne, Geneva, và Fribourg kể từ năm 2011, đã tiết lộ quyết định này trong một cuộc phỏng vấn ngày 25 tháng 5 với trang web của Giáo Hội Công Giáo Thụy Sĩ kath.ch.

Ngài nói rằng ngài đã chọn hai giáo dân và một phó tế trong vai trò “giáo dân đại diện”, thay thế ba “linh mục đại diện” cho ngài.

“Nhờ phép rửa, giáo dân có một vai trò tích cực trong đời sống của Giáo Hội và không nên chỉ được giao phó cho việc chăm sóc các vấn đề hành chính, mà còn phải được trao các nhiệm vụ tích cực trong vấn đề chăm sóc mục vụ”, ngài nói.

“Sự hợp tác này là một điều tích cực. Nó đã tồn tại, nhưng chúng ta có thể phát triển nó một cách tích cực hơn nữa”.

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, báo cáo rằng ba vị đại diện này giờ đây sẽ được gọi là “các đại diện giáo phận”.

Theo vị giám mục, các đại diện của ngài sẽ giải quyết “các vấn đề chuyên biệt” và thảo luận với ngài ở cấp giáo phận.

Bộ Giáo luật Giáo hội Latinh cho biết “Trong mỗi giáo phận, giám mục bản quyền phải bổ nhiệm một tổng đại diện để giúp ngài quản trị toàn giáo phận”.

Thay vì bổ nhiệm một tổng đại diện, vị Giám mục cũng có thể bổ nhiệm nhiều đại diện giám mục, mỗi người có thẩm quyền “được giới hạn trong một phần xác định của giáo phận, hoặc một loại hoạt động cụ thể, hoặc dành cho các tín hữu của một nghi lễ cụ thể, hoặc cho một số nhóm người nhất định”.

Đức Cha Morerod từng là hiệu trưởng của Đại Học Angelicum ở Rôma và tổng thư ký của Ủy ban Thần học Quốc tế. Ngài nói với kath.ch rằng ngài đã tham khảo ý kiến với Bộ Giáo sĩ của Vatican về những thay đổi này.

Ngài nói: “ Tôi đã nói chuyện với Bộ Giáo Sĩ chủ yếu về các vấn đề thuật ngữ. Chúng ta hãy cẩn thận để tránh ấn tượng rằng chúng ta chỉ đơn giản là thay thế một linh mục đại diện cho giám mục bằng một giáo dân đại diện”.

“Điều quan trọng là không gây ra bất kỳ sự nhầm lẫn nào có thể ảnh hưởng đến những vấn đề khác. Do đó, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến của Hội Thánh”.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 26 tháng 5 với kath.ch, vị giám mục 59 tuổi đã bác bỏ những gợi ý rằng những thay đổi nhằm tập trung quyền lực vào tay ngài, làm suy yếu nguyên tắc tản quyền được ưa chuộng trong Giáo Hội Công Giáo Thụy Sĩ.

“Bất cứ ai nói theo cách này có những giả định sai về giáo dân ở các vị trí lãnh đạo,” ngài nói.
Source:Catholic News Agency
 
Ý cầu nguyện tháng 6 của Đức Thánh Cha: 'Nét đẹp Hôn nhân'
Thanh Quảng sdb
18:09 01/06/2021
Ý cầu nguyện tháng 6 của Đức Thánh Cha: 'Nét đẹp Hôn nhân'



Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố ý cầu nguyện tháng Sáu, mời gọi mọi người hãy cầu nguyện cho những ai chuẩn bị kết hôn, đó là “ơn gọi được phát sinh từ trái tim”.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Đức Thánh Cha Phanxicô tự hỏi: “Có phải những người trẻ không muốn kết hôn, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn này?”

Đức Thánh Cha Phanxicô mở đầu cuốn video ý cầu nguyện của ngài trong tháng Sáu với câu hỏi đó.

ĐTC thừa nhận hôn nhân là một “cuộc hành trình phức tạp” và nhiều thách đố. Nhưng ngài nói thêm "kết hôn và chia sẻ cuộc sống của một người là một cái gì tuyệt đẹp."

Đức Thánh Cha nói: “Và trong cuộc hành trình dài cả cuộc đời này, vợ và chồng không hề đơn độc! Có "Chúa Giêsu đồng hành."

Ơn gọi của tình yêu

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về tầm quan trọng của Bí tích Hôn phối, và vai trò trọng tâm của nó trong đời sống Giáo hội và những ai bước vào con đường này.

“Hôn nhân không chỉ là một hành vi ‘xã hội’” ĐTC lưu ý. "Nó là một thiên chức được phát sinh từ trái tim, một quyết định có ý thức cho phần đời còn lại của một đời người, đòi hỏi phải có những chuẩn bị cụ thể."

Và Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người hãy nhớ rằng Thiên Chúa có một giấc mơ cho chúng ta, đó là giấc mơ tình yêu.

Sự đóng góp cho cộng đồng

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi người Công Giáo hãy cầu nguyện cho những người trẻ chuẩn bị kết hôn với sự hỗ trợ của cộng đồng Kitô hữu.

ĐTC cầu xin: “cho giới trẻ được lớn lên trong tình yêu, với lòng quảng đại, trung thành và kiên tâm." Bởi vì để yêu thương cần phải có lòng kiên tâm..."

ĐTC kết thúc video của mình bằng một lời nhắn nhủ ngắn gọn: "Nhưng nó thật đáng giá!"

'Năm gia đình'

Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Thánh Cha, chuẩn bị “Video” mỗi tháng, phát hành với một tuyên cáo báo chí kèm theo ý cầu nguyện.

Thông cáo nhắc lại cho ta hay Giáo hội hiện đang trong “Năm nay là Năm đặc biệt của Gia đình”, đã bắt đầu từ ngày 19 tháng 3 năm 2021.

Theo công báo thì tỷ lệ kết hôn đã giảm sút trên khắp thế giới kể từ năm 1972, trong khi tỷ lệ ly hôn tăng vọt và độ tuổi kết hôn thì lớn hơn nhiều.

Những xu hướng này càng trở nên tồi tệ hơn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Tìm kiếm Chúa Kitô trong cuộc sống hàng ngày

Trong bối cảnh này, Giáo Hội được mời gọi đồng hành với những người trẻ khi họ khám phá ra ơn gọi hôn nhân của mình.

Tiến sĩ Gabriella Gambino, Thứ trưởng Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, cho biết: “Chuẩn bị cho những người trẻ và các cặp đính hôn dấn thân cho một ơn gọi thực sự là một ưu tiên chứ không chỉ việc cử hành hôn lễ mà thôi.

Tiến sĩ Gabriella còn nói thêm Giáo hội giúp những người trẻ Công Giáo hiểu được sự hiện diện của Chúa Kitô trong cuộc sống hàng ngày bằng cách phát huy ý nghĩa Bí tích Rửa tội.

Tiến sĩ Gambino nói: “Trong một xã hội tục hóa không còn tin vào hôn nhân, chúng ta phải nhấn mạnh đến sức mạnh và quyền năng của bí tích như một ơn gọi và chứng minh rằng các mối quan hệ gia đình có thể có giá trị cứu độ cho con người và là con đường dẫn đến sự thánh thiện… Đó là một vấn đề cụ thể mang Chúa Kitô vào đời sống của các gia đình”.

Bản văn ý cầu nguyện

Dưới đây là toàn văn ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha:

Có phải, như những gì một số người cho - những người trẻ không muốn kết hôn, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này?

Kết hôn và chia sẻ cuộc sống của con người là một cái gì đẹp đẽ.

Đó là một hành trình đòi hỏi nhiều thách đố, đôi khi khó khăn và phức tạp, nhưng rất đáng để bạn cố gắng... Và trong cuộc hành trình dài của cuộc sống này, vợ chồng không đơn độc, vì Chúa Giêsu đang đồng hành với các bạn.

Hôn nhân không chỉ là một hành vi “xã hội”; nó là một ơn gọi được phát sinh từ trái tim; đó là một quyết định có ý thức cho phần đời còn lại của một người, nó cần được chuẩn bị cụ thể.

Xin đừng bao giờ quên điều này: Thiên Chúa có một giấc mơ cho chúng ta – Giấc mơ yêu thương - và Ngài yêu xin chúng ta biến nó thành của riêng mình.

Hãy để chúng ta tan biến tình yêu của riêng mình trong biển tình bao la của Thiên Chúa! Đó là một mơ ước Chúa ban cho chúng ta.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người trẻ đang chuẩn bị kết hôn với sự nâng đỡ của cộng đoàn: xin cho họ được lớn lên trong tình yêu, với lòng quảng đại, trung tín và kiên tâm. Bởi vì yêu thì đòi hỏi phải kiên tâm. Nhưng nó thật đáng giá, phải không?
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cập nhật COVID-19: VN muốn sản xuất vắc xin, thị xã Quảng Châu bên TQ giới nghiêm.
Trần Mạnh Trác
14:32 01/06/2021
VN muốn sản xuất vắc xin:

Theo tin Reuters thì Bộ Y tế Việt Nam đang tìm cách mua công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 và muốn xây dựng một nhà máy để cung cấp cho chương trình quốc tế COVAX.

"Việt Nam sẽ xây dựng nhà máy và muốn mua bằng sáng chế để có thể cung cấp vắc xin cho VN và cho nhiều quốc gia khác nữa", theo tuyên bố cuả Bộ Y tế Việt Nam, trong cuộc họp với đại diện COVAX vào đêm thứ Hai vừa qua.

Hôm thứ Hai, Việt Nam đã thúc đẩy mua vắc xin tư nhân, để đảm bảo nguồn cung cấp và giải quyết đợt bùng phát đã tăng số bệnh nhân lên hơn gấp đôi trong 1 tháng qua.

Với khoảng 98 triệu dân, Việt Nam cho đến nay đã được cung cấp 2,9 triệu liều vắc xin, trong đó có 2,6 triệu liều qua COVAX, nhưng đang bị tụt hậu so với nhiều nước láng giềng trong việc tiêm chủng.

"Việt Nam hy vọng COVAX sẽ tăng tốc cung cấp vắc xin cho Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong thông cáo.

“Việt Nam cũng hy vọng các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác giúp chúng tôi tiếp cận với vắc xin COVID-19”, ông Long nói.

Bộ Y tế đã báo cáo 111 trường hợp nhiễm COVID-19 mới vào sáng thứ Ba, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 7.432, với 47 tử vong.

Vấn đề quyền sở hữu trí tuệ vắc xin COVID-19:

Được biết hiện nay Ấn Độ và Nam Phi là 2 quốc gia đang đệ trình một dự thảo thúc đẩy sự đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19 để các quốc gia có thể sản xuất vắc xin tại nội địa. Tháng trước Hoa Kỳ đã bất ngờ tuyên bố hỗ trợ các cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới về vấn đề nàỷ.

Sự ủng hộ bất ngờ của Hoa Kỳ về việc đình chỉ bằng sáng chế đã tạo ra áp lực lớn lên các quốc gia Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ, là những nơi có nhiều nhà máy sản xuất vác xin. Nhưng các cuộc thảo luận hôm thứ Hai - phiên thứ 11 kể từ khi đề xuất về việc đình chỉ bằng sáng chế ban đầu vào tháng 10 - đã không đạt được đột phá.

Theo các nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán thì có 2 khía cạnh của các dự thảo gây ra khó khăn là phạm vi và thời hạn của nó.

Trong khi đại diện Thương mại Hoa Kỳ là bà Katherine Tai trước đây cho biết họ chỉ muốn tập trung vào việc tăng cường tiếp cận vắc xin, dự thảo cuả Ấn Độ đã thêm vào những vấn đề như chẩn đoán, điều trị và thiết bị y tế, và nhiều thứ khác nữa.

Dự thảo cuả Ấn và Nam Phi cũng đặt ra một khoảng thời gian 'đình chỉ tạm thời' là "ít nhất ba năm" và cho phép 164 thành viên của WTO xác định thời điểm kết thúc.

Vì việc đàm phán cuả WTO luôn dựa vào sự đồng thuận, cho nên một quốc gia nào đó vẫn có thể kéo dài khoảng thời gian 'tạm thời' nói trên trở thành vô thời hạn cho riêng mình.

Theo ông Peter Ungphakorn, một cựu nhân viên WTO, cho biết: “Nếu những người đề xuất nhấn mạnh vào thời hạn, thì gần như chắc chắn sẽ không có thỏa thuận đồng thuận nào cả”.

Biến thể COVID-19 Ấn Độ lan sang Trung Hoa

Theo những nguồn tin từ Trung Quốc thì thị xã Quảng Châu, dân số 15 triệu, thuộc tỉnh Quảng Đông bên Trung Quốc vừa áp dụng lệnh giới nghiêm cấm dân cư không được ra ngoài, vì họ mới phát hiện một sự bùng phát mới cuả biến thể COVID giống như bên Án Độ.

Theo nha Y Tế cuả Quảng Đông thì vào Chuá Nhật vừa qua, họ phát hiện 20 trường hợp mới, trong đó 18 trường hợp xảy ra ở Quảng Châu và 2 trường hợp ở Phật Sơn, nâng tổng số lây nhiễn lên 47 trường hợp kể từ ngày 21 tháng 5.

Lệnh giới nghiêm áp dụng từ 10 giờ tối thứ Hai trên 5 khu phố gọi là khu Lệ Loan, bất kỳ ai muốn rời khỏi thị xã phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Gần 500 chuyến bay đã bị hủy bỏ tại các sân bay ở Quảng Châu và Thâm Quyến. Các chợ và trường học hoàn toàn bị đóng cửa.

Việc giới nghiêm mới ở Quảng Châu gợi lại thời kỳ đầu của đại dịch, khi Vũ Hán trở thành tâm chấn đầu tiên của đại dịch COVID-19, nhanh chóng lan sang Ý và sau đó là thế giới. Trung Quốc đã báo cáo chỉ có 91.122 trường hợp nhiễm COVID-19 và 4.636 trường hợp tử vong từ khi đại dịch bắt đầu, một con số được coi là khiêm tốn và không thể tin cậy.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đi Tìm Xuất Xứ Câu Nói : Dù Cho Sông Cạn Núi Mòn
Nguyễn Văn Nghệ
08:19 01/06/2021
Đi Tìm Xuất Xứ Câu Nói : “Dù Cho Sông Cạn Núi Mòn”

Trong bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có câu: “Dù cho sông cạn đá mòn/ Còn non còn nước, hãy còn thề xưa”. Trên các phương tiện thông tin đại chúng của Nhà nước cộng sản Việt Nam thường trích dẫn câu nói của ông Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Khi nói “Dù cho sông cạn đá mòn” hoặc nói “Dù cho sông cạn núi mòn” tất cả mọi người đều hiểu đó chính là lời thề. Vậy tại sao không chỉ trời, chỉ đất mà thề, mà lại chỉ sông, chỉ núi mà thề? Chắc hẳn phải có nguyên nhân xuất xứ của nó.

Ngày xưa, Lưu Bang sau khi dẹp xong nhà Tần, lên ngôi vua, ông đã phong tước cho các công thần: “Phong thệ chi viết: sử Hoàng Hà như đái, Thái Sơn như lệ, quốc dĩ vĩnh ninh, viên cập miêu duệ” (Khi được phong tước thề rằng: khiến sông Hoàng Hà cạn còn như dây đai áo, núi Thái Sơn mòn còn như viên đá mài, đất nước an định mãi mãi đến con cháu đời sau – sách Sử ký, thiên Hán Cao tổ công thần hầu giả niên biểu).

Về sau người ta đã rút gọn câu nói “Hoàng Hà như đái, Thái Sơn như lệ” thành “hà như đái, sơn như lệ” ngắn gọn hơn: “sơn hà đái lệ” hoặc “đái lệ hà sơn”, “đái lệ sơn hà” hoặc ngắn gọn hơn nữa: “đái lệ”. Cụm từ “đái lệ sơn hà “ được Đào Duy Anh giải thích: Đái là đai áo, lệ là đá mài= Ngb Ví dầu sông nhỏ như đai, núi nhỏ như đá mài, mà ơn nước cũng không bao giờ mất [1].

Người Trung Quốc nói “đái lệ hà sơn”, còn người Việt Nam thì nói “dù cho sông cạn, núi mòn” thì ý nghĩa cũng như nhau, đều là lời thề.

Bài thơ Thân chinh Thái Nguyên châu của vua Lê Thái Tổ có câu: “Đái lệ bất di thần tử tiết” (Lời thề năm xưa không quên khí tiết của kẻ bề tôi). Dịch giả Bùi Vĩ đã dịch thơ: “Núi mòn, sông cạn không thấy tiết”

Trong sắc phong năm Gia Long nguyên niên, ngũ nguyệt, sơ nhất nhật (mồng 1 tháng 5 năm Nhâm Tuất [1802])nơi dòng thứ 9 tính từ phải sang và từ chữ thứ 5 tính từ trên xuống ban cho Khâm sai chưởng Hữu quân Bình Tây tướng quân Nguyễn Huỳnh Đức có câu: “Hà như đái, Sơn như lệ, dữ quốc đồng hưu, vạn thế hữu từ” (Sông Hoàng Hà còn như đai áo, núi Thái Sơn còn như viên đá mài, giúp nước an lành, muôn đời khen ngợi).

Bài thơ Cảm phú của Cao Bá Quát có câu: “Văn thuyết đương niên tam Tấn địa/Phong cương biểu lý cứ sơn hà/ Như hà đái lệ tư hùng hiểm” (Tam Tấn đất nay nghe chuyện cũ/ Cõi bờ phân định vững sơn hà/Đã thề phân đất chia như vậy”(Trương Việt Linh dịch thơ).

Tác phẩm Hà Trì thi tập của cử nhân Trần Đình Tân (1893-1979) quê huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định có bài thơ Cảm hoài bài 3 nơi câu 5 và 6: “Đái lệ vĩnh tồn dân chủ quốc/ Chu xa cộng tiến tự do đoàn” (Đái lệ mãi còn Dân chủ quốc/Thuyền xe cùng tới tự do đoàn).

Khi nói “Đái lệ sơn hà” thì phải gắn với “Đan thư thiết khoán”. Nhà vua khi phong tước dùng tay chỉ núi sông mà thề, nhưng “lời nói gió bay” cho nên phải có vật làm tin. Khởi thủy thời Hán Cao tổ khi phong tước cho các công thần có kèm theo một “đan thư” (tờ giấy viết bằng mực son) trong đó có ghi chức tước của người được phong. Về sau không ban “đan thư” mà lại khắc vào tấm kim loại mỏng gọi là “thiết khoán” (Phàm văn tự để làm tin đều gọi là “khoán”). Đan thư thiết khoán có giá trị như kim bài miễn tử.

Bài văn bia lăng Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào ở Đà Lạt, nơi dòng thứ 6 tính từ phải sang có câu: “Thiên tử suy ân tấn tích công tước, đái lệ hà sơn, khoán thư thân ước” (Thiên tử [vua Bảo Đại- T/g] nhớ ơn, ban cho tước công, vững bền sông núi, sổ sách còn ghi)[2]

Trụ biểu thứ nhất (tính từ phải sang) ở lăng Long Mỹ Quận công có vế đối: “Dữ quốc đồng hưu, thiên cổ hà sơn thư khoán vĩnh” (Giúp nước an định, ngàn năm sông núi còn ghi trong thư son khoán sắt.

Tại nhà thờ Khoái Châu Quận công Nguyễn Đức Xuyên ở Kim Long, Huế có cặp câu đối: “Thư khoán truyền gia vinh tích thụ/ Can thành vương quốc mậu kim hoa” (Thư khoán lưu truyền đời đời, làm vẻ vang bậc tổ tiên/Công lao che chở đất nước, khiến rạng danh bậc công thần).

Bài thơ Vịnh Hàn Tín của Cao bá Quát có câu: “Những ngờ rằng khoán sắt thư son/ Thái Sơn như lệ, Hoàng Hà như đái”. Tác giả muốn nói Hàn Tín tuy được vua Hán Cao tổ thề khi phong tước và ban cho “đan thư, thiết khoán” nhưng vẫn không thoát cảnh “điểu tận, cung tàng”[3].

Trước đó Đặng Trần Thường có sáng tác bài Hàn vương tôn phú, trong đó có câu: “Nhà thạch thất dẫu nhạt son, mòn sắt, danh tướng quân đành muôn kiếp còn thơm”. Ý tác giả là dẫu cho “đan thư thiết khoán”(thư son khoán sắt) cất trong thạch thất (nhà đá) có “nhạt son mòn sắt” nhưng danh của Hàn Tín “muôn kiếp còn thơm”.

Đan thư thiết khoán được dịch nghĩa là “thư son, khoán sắt” và được rút gọn thành “son sắt” hoặc “sắt son”. Khi nói đến từ “son sắt” hoặc “sắt son” thì người Việt Nam hiểu là bền chặt, thủy chung, trung thành, không sai lời thề.

Khi nói: “Dù cho sông cạn núi mòn - một lòng son sắt” là lấy từ điển tích “Đái lệ sơn hà- đan thư thiết khoán”

Nguyễn Văn Nghệ

Lô STH08C06- Đường số 12- KĐT Lê Hồng Phong II- Nha Trang

ĐT: 0377803505

Chú thích:

[1] - Đào Duy Anh, Giản yếu Hán Việt từ điển (thượng), Nxb Minh Tân, tr 233

[2] – Bài “Giới thiệu bài văn bia trên lăng mộ Nguyễn Hữu Hào” của tác giả Thích Hoằng Trí

hannom.org.vn/detail.asp?param=1644&Catid=750

[3] – Điểu tận cung tàng: được rút từ câu:“ Giảo thố tử cẩu tẩu phanh; Cao điểu tận lương cung tàng; Địch quốc phá mưu thần vong” (Thỏ bị giết hết thì chó săn sẽ bị mổ thịt; Chim trên cao bị giết hết thì cung tốt đem cất; Nước địch bị tiêu diệt thì mưu thần sẽ bị hãm hại). Câu nói này có sách cho là lời của Ngô Phù Sai, có người bảo là của Hàn Tín.
 
Tin Đáng Chú Ý
Với SB 7072, Florida thoát ách độc tài Big Tech’
Trần Phong Vũ
20:36 01/06/2021
Cư dân các tiểu bang tấp nập đổ về Florida

Trong một bài viết trên Đại Kỷ Nguyên Thời Báo hôm 27-5, nhà báo Jack Phillips cho hay: ông Ron DeSantis, Thống đốc tiểu bang Florida vừa tuyên bố rằng con số cư dân từ các tiểu bang di chuyển đến Florida càng ngày càng thêm đông đúc đến mức áp đảo. Số người đăng ký không chỉ có đảng viên đảng Cộng Hòa mà còn bao gồm cả các đảng viên Dân Chủ.

Theo ông DeSantis, căn nguyên chính khiến cư dân thuộc các bang xanh bỏ trốn khỏi tiểu bang của họ chỉ vì những biện pháp trói buộc quá đáng do nhà cầm quyền đảng Dân Chủ đề ra nhân danh đại dịch COVID-19.

Lên tiếng trên FOX News hôm 26-5, Thống đốc Florida nói:

Ngay từ đầu, các phương tiện truyền thông nói rằng Florida là tồi tệ, và tôi nghĩ rằng đó là bởi vì họ muốn gây thiệt hại cho (cựu Tổng thống Donald) Trump ở Florida, họ muốn gây thiệt hại cho tôi. Vì vậy, họ tiếp tục nói rằng điều đó thật tồi tệ. Và mặc dù sự thật không nói lên điều đó, như theo nghĩa đen là vào tháng 4 năm ngoái, họ đang nói rằng Florida đang hành sử tệ hơn New York”. “The media, at the beginning of this, said Florida’s bad, and I think it’s because they want to damage [former President Donald] Trump in Florida, they want to damage me. So, they just kept saying it was bad. And even though the facts didn’t say it, like literally last April, they’re saying Florida is doing worse than New York,”

Phản ứng trước thái độ xuyên tạc của truyền thông dòng chính, ông Ron DeSantis cho rằng, thực tế phải nói là New York tuồng như còn tệ hơn gấp 10 lần Florida!

Thống đốc DeSanti


Được biết. ông Ron DeSantis, một Thống đốc thuộc đảng Cộng Hòa, dù gặp nhiều chỉ trích và chế diễu từ phía đảng Dân Chủ và các hệ thống truyền thông doanh nghiệp, ông luôn quyết liệt chống lại biện pháp cô lập như đóng cửa các cơ xưởng, nhà thờ, trường học.

“Trong những tháng gần đây, thống đốc đã ban hành các lệnh hành pháp hoặc ký các dự luật chấm dứt các nhiệm vụ đeo mặt nạ trên toàn tiểu bang, lệnh khẩn cấp địa phương yêu cầu đóng cửa và ngăn chặn thực hiện cái gọi là hệ thống “hộ chiếu vắc-xin” - những hành động đã được những người bảo thủ gần như hoàn toàn tán thưởng”. “In recent months, the governor has issued executive orders or signed bills ending statewide mask mandates, local emergency orders to necessitate lockdowns, and preventing so-called “vaccine passport” systems from being implemented—actions that have been near-universally praised by conservatives”.

Hôm 25-5, Thống Đốc Florida ký luật SB 7072

Bản tin của Patriot Powerline cho hay, hôm Thứ Hai 25-5-2021, Thống đốc Ron DeSantis đã ký luật “bảo vệ cư dân Florida khỏi sự kiểm duyệt công nghệ lớn, tuyên truyền và can thiệp bầu cử” “protecting Floridians from big tech censorship, propaganda, and election interference.”

Dự luật 7072 của Thượng viện (Sanate Bill 7072) đã được ông DeSantis ký trước đám đông những người ủng hộ tại Đại học Quốc tế Florida ở Miami.

Lên tiếng trước cử tọa dịp này, Thống đốc Florida cho biết: “Về các vấn đề chính đáng được tranh luận gay gắt, Thung lũng Silicon đã hoạt động như một hội đồng kiểm duyệt…và thành thật mà nói, họ là một số lý do chính tại sao đất nước này bị chia rẽ vì làm những gì họ đang làm.” “On major issues that deserve robust debate, Silicon Valley has been acting as a council of censors, …and honestly, they are some of the major reasons why this country is divided for doing what they are doing.”

Ông nói thêm:

“Và phần tồi tệ nhất về điều này, Thung lũng Silicon cho rằng họ biết rõ hơn quý bạn. Vì vậy, quyền lực của họ cho đến thời điểm này vẫn chưa được kiểm soát một cách hiệu quả và họ đã sử dụng quyền lực này để áp đặt tính cách chính thống và hệ tư tưởng của họ lên quảng trường công cộng của chúng ta. Đây không phải là cách một xã hội tự do nên vận hành.” “And the worst part about this, Silicon Valley thinks they know better than you. So their power up to this point has effectively been unchecked and they have used this power to impose their orthodoxies and their ideology on our public square. This is not how a free society should operate,”

Ron DeSantis lập luận rằng, các nền tảng Big Tech đã đi từ chỗ giải phóng các lực lượng tự do ngôn luận, trở thành những người thực thi chủ nghĩa chính thống với nhiệm vụ chính là “ngăn chặn những ý tưởng không thuận tiện cho câu chuyện hoặc những ý tưởng mà cá nhân họ không đồng ý”. “the suppressing of ideas that are either inconvenient to the narrative, or which they personally disagree with.”

“Thống đốc đã trích dẫn ví dụ về cách các nhà tài phiệt Big Tech kiểm duyệt tin tức mâu thuẫn với các câu chuyện phổ biến của phương tiện truyền thông “Blue Anon” trong đại dịch COVID-19.” “The governor cited as examples how Big Tech oligarchs censored news that contradicted the “Blue Anon” media’s prevailing narratives during the COVID-19 pandemic”.

Ông giải thích, hai trong số những vấn đề chính khi mọi người nhìn lại thời kỳ này là hiệu quả của việc ngăn chặn coronavirus và nguồn gốc của coronavirus ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Và ông quả quyết:

“Bây giờ chúng tôi có thông tin rằng điều này rất có thể được phát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán,” “Now we have information that this very well may have emanated from the Wuhan lab.”

Thống đốc cho biết tiếp:

“Nếu bạn còn nhớ, khi mọi người đưa ra điều đó vào năm ngoái như một thứ cần được điều tra, nhưng đã bị hủy thông tin vì đã nói về vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Họ đã bị kiểm duyệt vì đã nói ra điều đó, và bây giờ ngay cả Fauci cũng thừa nhận rằng đây có thể là một điều rất có thể đúng như vậy.” “If you remember, when people were last year raising that as something that needed to be investigated, they were deplatformed for talking about the lab leak. They were censored for having said that, and now even Fauci admits that this may be something that may very well be the case.”

DeSantis chỉ ra rằng:

“Big Tech sẽ ngăn chặn bất kỳ cuộc tranh luận nào thách thức câu chuyện tâm đắc của giới truyền thông doanh nghiệp”. “Big Tech shuts down any debate that challenges the corporate media’s preferred narrative.”

Thống đốc Ron DeSanti trong buổi ký Dự Luật SB 7072

Vẫn theo Thống đốc Florida, ngay từ đầu, các phương tiện truyền thông doanh nghiệp đã hoài nghi đây là một thuyết âm mưu, nên hệ thống Big Tech này đã phản ứng lại điều đó… thay vì có một cuộc tranh luận trung thực về một điều gì đó hết sức quan trọng.

Và ông nhấn mạnh:

“Đó là một điều quan trọng, một điều thiết yếu mà người dân Mỹ phải biết và là điều Big Tech muốn khép lại việc tranh luận về nó”. “It’s a crucial, crucial thing for the American people to know, and Big Tech wanted to shut down debate over that.”

Đề cập căn nguyên thúc đẩy gần đây nhiều cư dân thuộc các tiểu bang khác, bao gồm cả đảng viên Dân Chủ, đổ về Florida sinh sống, Thống đốc Ron DeSantis cho rằng chỉ vì ai cũng khao khát một cuộc sống tự do, không bị kiểm duyệt, bị bưng tai, bịt mắt.

DeSantis lập luận rằng những nơi bị giam giữ với các chính sách do Thung lũng Silicon ủng hộ đã phải chịu những tác động kinh tế nghiêm trọng, cũng như tỷ lệ tử vong do Covid bình quân đầu người cao hơn”. “DeSantis argued that the places that locked down with policies advocated by Silicon Valley suffered grievous economic impacts, as well as higher per capita Covid mortality.”

Ông lớn tiếng tuyên bố:

“Tôi có thể nói rằng những vụ đóng cửa đó đã hủy hoại cuộc sống của hàng triệu triệu người trên khắp đất nước này. Sẽ không tốt nếu có một cuộc tranh luận đầy đủ về vấn đề đó tại quảng trường công cộng của chúng ta phải không? Đây là một vấn đề lớn, chúng tôi thậm chí không cần phải can thiệp vào cuộc bầu cử mà chúng tôi thấy từ Thung lũng Silicon”. “I would say those lockdowns have ruined millions and millions of peoples’ lives all over this country. Wouldn’t it have been good to have had a full debate on that in our public square? This is a big problem, we don’t even need to get into the election interference that we see from Silicon Valley.”

Đích điểm việc ban hành Luật Thượng viện 7072

Thống đốc Ron DeSanti trong buổi ký Dự Luật SB 7072
Theo nhận định của Jack Phillip trên Đại Kỷ Nguyên Thời báo hôm 27-5 thì qua lời tuyên bố nhân dịp ký ban hành luật SB 7072, Thống Đốc Florida cho hay:

“Dự luật được thiết kế để quy trách nhiệm cho Big Tech bằng cách buộc phải minh bạch và bảo vệ khả năng truy cập và tham gia của mọi người vào các nền tảng trực tuyến”. “The bill was designed to hold Big Tech accountable by forcing transparency and safeguarding the peoples’ ability to access and participate in online platforms”.

DeSantis cho biết:

“Trong dịp này, chúng tôi đã hành động để đảm bảo rằng: ‘We the People’- những cư dân đích thực trên khắp Bang Sunshine- được bảo đảm chống lại giới tinh hoa ở Thung lũng Silicon. Nhiều người ở bang của chúng tôi đã trực tiếp trải qua kiểm duyệt và các hành vi chuyên chế khác ở Cuba và Venezuela. Nếu các nhà kiểm duyệt của Big Tech thực thi các quy tắc không nhất quán, nhằm phân biệt đối xử có lợi cho hệ tư tưởng thống trị của Thung lũng Silicon, thì giờ đây họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Theo SB 7072 Floridians, những người tin rằng họ đã bị các nền tảng Big Tech đối xử không công bằng sẽ có quyền kiện các công ty vi phạm pháp luật - và giành thắng lợi các thiệt hại về tiền bạc”. “This session, we took action to ensure that ‘We the People’ -real Floridians across the Sunshine State- are guaranteed protection against the Silicon Valley elites. Many in our state have experienced censorship and other tyrannical behavior firsthand in Cuba and Venezuela. If Big Tech censors enforce rules inconsistently, to discriminate in favor of the dominant Silicon Valley ideology, they will now be held accountable. Under SB 7072 Floridians who believe they have been treated unfairly by Big Tech platforms will have the right to sue companies that violate the law — and win monetary damages.”

Trước quyết định của tiểu bang Florida ban hành luật SB Florida 7072, công luận quần chúng Hoa Kỳ tin rằng: cuộc cải cách rất ráo này bảo vệ quyền của mọi cư dân Florida bằng cách yêu cầu các công ty truyền thông xã hội phải minh bạch về các hoạt động kiểm duyệt nội dung của họ và cung cấp cho người dùng thông báo thích hợp về những thay đổi đối với các chính sách đó, điều này ngăn các quan chức Big Tech ‘chuyển mục tiêu’ để bịt miệng những quan điểm mà họ không nhìn nhận.

Thống đốc Ron DeSantis nhấn mạnh: Theo Đạo luật Thực hành Thương mại Không lành mạnh và Lừa đảo của Florida, Tổng chưởng lý của Florida có thể khởi kiện các công ty công nghệ vi phạm luật này. Nếu các nền tảng truyền thông xã hội bị phát hiện vi phạm luật chống độc quyền, chúng sẽ bị hạn chế ký hợp đồng với bất kỳ tổ chức công cộng nào. Danh sách đen ‘kẻ vi phạm chống độc quyền’ đó đặt ra những hậu quả thực sự cho lợi nhuận cuối cùng của các tổ chức độc quyền Big Tech.

Ông cho biết thêm:

“Chúng tôi đang bảo vệ khả năng nói và bày tỏ ý kiến của cư dân Florida. Điều này sẽ dẫn đến nhiều tiếng nói hơn, chứ không phải ít lời nói hơn bởi vì lời nói không thuận tiện cho câu chuyện sẽ được bảo vệ, trong khi hiện tại thì không có những biện pháp bảo vệ đó”. “We are protecting Floridians ability to speak, and express their opinions. This will lead to more speech, not less speech because speech that is inconvenient to the narrative will be protected, whereas it doesn’t have those protections going on now.”

Nam California ngày 30-5-2021


Source:American Greatness
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Có Tin Chấn Động - Trà Lũ
Trà Lũ
08:23 01/06/2021
Làng An Lạc chúng tôi đã sinh hoạt được 40 năm, dân làng gồm hai phe rõ rệt : Phe nữ được vinh danh là phe các bà bề trên, còn phe nam chúng tôi thì mang tên là phe các nhà quân tử. Mỗi lần họp là mỗi lần vỡ chợ, la hét om xòm, cười ngặt nghẽo, tối về nhà ai cũng ngủ ngon quên chết. Riêng phe các nhà quân tử chúng tôi thì đôi khi lại còn họp riêng nữa mỗi lần có các trận đá banh. Từ khi có mùa dịch Cô Vít, các trận banh không còn nữa, phe chúng tôi buồn quá sức. Các cụ có biết tại sao không? Thưa, liền ông VN ai cũng mê đá banh, mà xem đá banh phải có bạn mới sướng, càng đông, càng ồn ào càng sướng. Xem đá banh mà không bình luận, không hò hét thì không phải là xem. Do vậy làng mới có chuyện mất mèo ngày xưa như sau. Lần đó chúng tôi xem đá banh ở nhà anh John, lúc cầu thủ siêu sao Ronaldo của đội Bồ Dào Nha dẫn banh, lừa banh rồi đá một cú tuyệt đẹp vào thành, cả làng thích quá đã vừa hét lên vừa đập bàn đập ghế làm con mèo cưng mà anh John đang ôm trong lòng sợ quá vì chưa bao giờ nó nghe một tiếng thét lớn như vậy, nó vụt ra khỏi lòng anh John, rồi chạy biến mất 2 ngày, mãi về sau nhờ có bảng tên đeo ở cổ nên cảnh sát mới tìm ra nó. Các cụ thấy chưa, xem đá banh mà không tu laze, ăn chips, nói tục, chửi thề và la hét là không phải xem đá banh. Phe các bà không xem đá banh với chúng tôi cũng là vì thế. Khi nào có trận banh quốc tế lớn, để có cảm giác mạnh và vui hơn nữa, phe các nhà quân tử chúng tôi thường kéo ra quan bia da trắng ở ngã tư vì quán này có màn hình TV lớn và có nhiều thứ người xem, sẽ nghe được nhiều bình luận rất vui và hấp dẫn. Thế mà mùa hè năm nay phe các nhà quân tử chúng tôi phải chay tịnh, có tức không chứ. Ai cũng đang cầu mong Thế vận hội Tokyo vào tháng tới sẽ không bị hủy bỏ, vì trong thế vận hội bao giờ cũng có những trận đá banh, và trận banh trước lễ bế mạc thì sẽ gay cấn và hấp dẫn vô cùng.

May mà còn mạng điện tử, làng tôi còn có dịp gặp nhau, tiếng bây giờ gọi là họp ‘ảo’ ấy mà, nhưng thôi cũng tốt. Cụ Chánh tiên chỉ làng là người đạo đức hết sức, trước khi họp thì cụ xin cả làng xem lễ trên mạng, lễ rồi mới bàn luận và thông tin. Ngày họp đầu tháng Sáu này, làng tôi đã nói về bao nhiêu chuyện. Thứ nhất là chuyện ông bà tỷ phú Bill Gates ly dị sau 27 năm chung sống và đã có 3 mặt con. Ai cũng thắc mắc về lý do họ bỏ nhau. Vì tiền ư? Vì có bồ bịch ư? Vì khác nhau về cách điều hành tiền bạc ư? Vì chính kiến ư? Cả làng không ai đóan ra lý do chia tay nhưng đều đồng ý về câu kết luận : Tiền bạc tuy cần thiết nhưng không phải luôn luôn đem lại hạnh phúc thật.

Chuyện thời sự thứ hai là chuyện dịch bên Ấn Độ. Eo ơi, kinh quá. Nhìn những cảnh thiêu xác với những con số người tử vong khổng lồ mà rùng mình, nhìn cảnh những xác trôi sông mà phát sợ, nhìn phe đàn ông thành kính tắm với nước phân bò mà kinh hoàng, nhìn cả một khúc sông Hằng đầy nghẹt đủ mọi hạng người chen nhau trầm mình dưới nước, mà tôi nổi da gà. Ngoài ra báo chí còn cho biết nhiều trẻ em Ấn Độ bị bỏ đói vì cả cha cả mẹ chúng đều nhiễm bệnh phải nhập viện, và nhiều cặp cha mẹ đều tử vong nên các em bé này thành mồ côi, bơ vơ và chết đói. Các cơ sở từ thiện đã cật lực lo cho những em bé đáng thương này. Theo tin các đài truyền thông cho biết thì trong số các thiện nhân tử vong tính đến hạ tuần tháng Năm này, riêng phía Công Giáo có 3 giám mục, 168 linh mục, 143 nữ tu, đây mới chỉ là những người dấn thân trong đạo Công Giáo, chưa nói tới các tôn giáo khác.

RồI chuyện Miến Điện vẫn còn biểu tình, vẫn còn đàn áp. Có một tấm ảnh thời sự mà tôi cho là đáng ghi nhớ nhất là tấm hình chụp một nữ tu quỳ xuống trước mắt các ông lính đang cầm súng, hai tay nữ tu giang ra như xin các ông hãy thương dân. Trông bi thảm quá.

Và chuyện dài Do Thái và Palestine đánh nhau, sơ sơ một bên hơn 3 ngàn hỏa tiễn pháo kích, một bên máy bay ném bom và vòng cung chống hỏa tiễn, cả một giải Gaza mù mịt khói lửa, hãi hùng quá. May mà sau 10 ngày kinh hoàng có Ai Cập đứng ra can, chưa biết sẽ đi về đâu. Ngày 19 tháng Năm, Thủ tướng Israel là Binyamin Netanyahu đã đọc một bài diễn văn rất dài trước Nghị viện. Phần chính là ông đọc một bài thư dài gửi thủ lãnh Ismael và Hamas của phe địch. Tôi thích bài này vì rất hùng biện và đầy sử liệu. Nó tóm tắt tất cả lịch sử của Do Thái từ khi lập quốc đến nay, và theo ông thì Do Thái luôn luôn đúng, luôn làm theo ý của Tổ phụ Abraham, tức là đúng ý Thiên Chúa. Ông chê cụ tổ Hồi giáo. Muhammad tự nhận mình là nhà tiên tri, là sứ giả của Thượng Đế, là phát ngôn viên của Thượng Đế. Muhammad nói rằng Kinh Koran của Hồi giao là quyển kinh nguyên sơ nhất, trọn vẹn nhất, còn Kinh Cựu Ước của người Do Thái và Kinh Tân Ước của người Thiên Chúa Giáo đã bị bóp méo. Người Do Thái đương nhiên không tin như vậy, người theo Thiên Chúa giáo cũng chẳng tin, nhưng người Hồi Giáo thì tin. Vậy là mâu thuẫn xảy ra khi người Hồi Giáo với niềm tin sắt đá đã xem những kẻ kia là dị giáo. Còn những người kia thì gọi những người Hồi giáo là cực đoan quá khích…

…Sự ra đời của 3 tôn giáo đều ở vùng đất Ả rập và cả 3 đều xem Jerusalem là vùng đất thánh của mình. Vua David của Israel đã chọn Jesusalem là kinh đô, Chúa Jesus xuất hiện ở Jesusalem và nhà tiên tri Muhammad đã bay lên thiên đường cũng từ Jerusalem…

Và thủ tướng Do Thái đã kết bài diễn văn : Trong cuộc chiến này không có đúng có sai, tất cả những người trong cuộc đều giữ một niềm tin bất diệt về dân tộc của mình. Đúng hay sai phụ thuộc vào lăng kính bên này hay bên kia.

Ông thủ tướng Do Thái quả là hùng biện. Ông nhắc tới lịch sử nhưng ông lờ đi không nói về tổ phụ nguyên thủy Abraham của cả 2 phía. Ban đầu tổ phụ có vợ là Sara, nhưng bà vì hiếm muộn, tới năm ông chồng Abraham đã 86 tuổi mà bà vẫn chưa sinh đẻ, bà vì thương chồng nên đã đưa cô Hagar là nữ tỳ của mình cho chồng. Cô nữ tỳ không phải người Do Thái mà là người Ả rập. Ông Abraham bèn nhận liền và tức thì vợ bé có bầu ngay, Hagar đẻ ra cho ông đứa con trai, ông đạt tên nó là Ismael. Mãi 14 năm sau, khi đã 90 tuổi, bà Sara mới đẻ ra cũng được cậu con trai, ông bà đặt tên là Isaac. Isaac là con chính thức, con dòng chính của Abraham. Rồi vì có con dòng chính, bà Sara đã đuổi cô vợ bé gốc Ả rập với câu con dòng phụ Ismael ra khỏi nhà. Và tư đó dòng chính và dòng phụ đánh nhau cho đến ngày nay.

Anh John liền góp ý : Rằng theo tài liệu của tác giả David Van Biema trên tuần báo Time số 30 tháng 9, 2002 thì ngoài cô vợ bé Hagar, cụ Abaham còn lấy một bà bé nữa, bà này cũng gốc Ả Rập và bà này đẻ cho cụ những 6 người con. Chính vì vậy mà liền ông Ả Rập đạo Hồi theo gương tổ phụ Abraham được lấy nhiều vợ là thế.

Rồi anh John cười hà hà, anh bảo cụ Abraham thọ tới 175 tuổi, chắc do hơi của nhiều vợ bé.

Nghe đến đây thì Chị Ba Biên Hòa giơ tay không cho anh John nói nữa. Chị bảo anh lại sắp sửa lái sang chuyện đàn ông nên lấy nhiều vợ. Các cụ thấy chưa, không ai hiểu bụng dạ đàn ông bằng các bà,

Cụ già B.95 nghe đến đây thì xin làng ngưng nói về các phe con cháu cụ tổ Abraham. Toàn chuyện nhức đầu ! Cụ xin nghe thời sự VN vui hơn. Ông ODP lên tiếng ngay. Rằng chả có gì vui vì ở VN thì đảng CSVN vẫn đang diễn các tuồng cũ. Quốc hội mới chưa bầu ra mà đã có chủ tịch, đã có thủ tướng mới, dân không được tự do ứng cử mà do Đảng chọn sẵn, đảng cử và dân chỉ việc đóng kịch đi bầu, tốn bao nhiêu thời giờ và tiền bạc. VN tiếng là dân chủ nhưng không đúng, không phải vậy, dân đâu có làm chủ mà là ‘đảng chủ’.

Ông ODP kể đến đây rồi xin hết và ông xin bác Từ Hòe tiếp sức. Bác Từ Hòe liền gật đầu rồi nói ngay, chắc bác đã có chuyện gì hay sẵn trong bụng. Quả đúng vậy. Bác bảo xin dẹp cái chuyện về CSVN vì đây là lớp người cuồng tín, dối trá, vô lương tâm, ai cũng đầy quyền lực, đầy tiền bạc. Bữa nay tôi xin nói một chuyện mới, xưa nay chắc chưa ai nghe. Xin cả làng giữ bình tĩnh nha, đừng té khi nghe xong chuyện này nha. Thưa đó là chuyện tôi mới nghe trên mạng từ cha Nguyễn Văn Khải thuộc Dòng Chúa Cứu Thế gốc Hà Nội. Ngài rất năng nổ. Đối chọi với CSVN không mêt nghỉ, từ Hà Nội tới Huế rồi tới Saigon. Khi biết CSVN tìm cách thủ tiêu, ngài tìm đường trốn. Ngài qua Lào rồi tới Thái Lan, rồi DCCT lo cho ngài du học Roma. Tuy cư trú và học ở Roma, nhưng khi có dịp thì ngài đi khắp nơi vừa giảng đạo vừa chia sẻ kinh nghiệm sống với CS. Ngài là đồ đệ thân yêu và rất thân tín của Cha Cố Michael Nguyễn Hữu Phú (1929-2021) vì không những cùng dòng mà cùng sinh quán. Cha Cố Phú là người thông thái và đạo đức có tiếng. Nhân việc Cha Cố Phú vừa qua đời ngày 25-5-2021 thì ngay hôm sau, ngày 26/5/21 Cha Nguyễn Văn Khải đã phổ biến một tin chấn động : Cha kể chuyện mà chính Cha Cố Phú đã tâm sự riêng cho ngài nghe từ lâu và dặn ngài kín miệng cho đến khi cha qua đời. Rằng Hòa Thượng Thích Trí Dũng trụ trì Chùa Nam Thiên Đệ Nhất Trụ ( tức Chùa Một Cột ở Thủ Đức Saigon) đã mời ngài đến Chùa để nói một chuyện quan trọng. Hòa Thương nói quê ngài ở Ứng Luật, huyện Kim Sơn, thuộc giáo phận Phát Diệm. Ngài sinh ra trong một gia đình Công Giáo, ngài đã được rửa tội, đã được xưng tội và rước lễ lần đầu trong xứ Ưng Luật. Nhưng vì thời cuộc và hoàn cảnh éo le, ngài đã phải lưu lạc vào chùa, đã sống trong chùa, đã lớn lên và thành chú tiểu, nhà sư, và dần dần trở thành chức sắc cao cấp nhất của Giáo Hội Phật Giáo Miền Nam trước 1975 và Phật Giáo Việt Nam sau 1975. Dù trong chùa nhưng Hòa Thượng không quên Chúa, vẫn thường xuyên âm thầm lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Bây giờ về già, Hòa Thượng muốn được trở lại Đạo, nhung nếu bỏ chùa mà về làm dân thường, đi lễ nhà thờ, sống như một người Công Giáo thì có lẽ sẽ thiếu bác ái với Giáo Hội Phật Giáo và khiến nhiều người hoảng loạn. Vì thế Hòa Thượng đã xin xưng tội với ngài, xin ngài cho Hòa Thượng sống đạo Công Giáo trở lại cách âm thầm, và xin ngài thỉnh thoảng cho Hòa Thượng được rước lễ. Từ đó thỉnh thoảng ngài đã âm thầm và kín đáo nhờ người cho Hòa Thượng được rước lễ. Vào năm 2001 trước khi viên tịch, Hòa Thượng đã nhắn Cha Phú đến gặp lần cuối. Hòa Thượng nói khi Hòa thượng nằm xuống thì xin Cha Phú làm lễ cầu nguyện âm thầm trong nhà thờ, còn linh cữu thì cứ để cho bên nhà chùa làm theo nghi thức Phật Giáo.Và mọi sự đã diễn ra tốt đẹp như vậy.

Cha Khải được Cha Cố Phú cho biết chuyện quan trọng này vì ngài biết Cha Khải và Hòa Thượng cùng sinh quán Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình. Nay Cha Cố Phú và Hòa Thượng đã qua đời cả, nên Cha Khải xin được tiết lộ ngay.

Đọc bản tin này trên mạng, tôi thấy choáng váng. Đây là tin có thực ư? Xưa nay Cha Khải xuất hiện trên mạng rất nhiều, chưa bao giờ tôi thấy ngài, hay có ai dùng tên ngài để đưa tin bịp, tin đánh lừa cả. Tôi xin trình làng mẩu tin VN gây chấn động này. Chắc Cha Khải mong được loan tin động trời này từ lâu lắm rồi, nay vừa đúng lúc là ngài làm ngay.

Xin Cha Cố Michael Nguyễn Hữu Phú và Hòa thương Thích Trí Dũng phù hộ chúng sinh.

Cả làng chúng tôi nghe tin này xong thì ai cũng sững sờ và ngỡ ngàng. Cụ Chánh muốn đánh tan bầu không khí im lặng này nên đã xin anh John góp sức chuyển hướng. Anh chàng rể Canada này vui vẻ nhận lời ngay. Anh vẫn dùng đề tài dễ làm bà con vui nhất là sự tuyệt vời trong tiếng VN. Anh bảo anh vừa đọc một bài báo ngày xưa bàn về câu tục ngữ tiếng Pháp ‘Nous nous connaissons depuis l’âge des chausettes’, nghĩa đen là ‘chúng tôi quen nhau ngay từ hồi bé tí lúc còn đi vớ’. Học giả Vi Huyền Đắc bảo rằng dịch như thế thì ‘tây’ quá, phải dịch là ‘chúng tôi quen nhau ngay từ hồi hỷ mũi chưa sạch, hay từ hồi tóc còn để chỏm’. Bạn tôi bảo dịch vậy cũng tạm được nhưng chưa hay đủ vì hỷ mũi hay để chỏm là việc ở trên cao, còn đây là việc dưới thấp, vớ ở dưới chân mà. Và bạn tôi bảo phải dịch thế này ‘ chúng tôi quen nhau từ hồi còn mặc quần thủng đít’. Các cụ còn nhớ ở VN ngày xưa, con nít đều mặc quần thủng đít không? Anh John trích dẫn xong câu chuyện này thì gât gù : tiếng Việt thật tuyệt vời. Ai cũng gật gù tán thưởng lời dịch quần thủng đít với anh.

Chưa hết! Anh John đúng là dân Canada song ngữ. Anh kể chuyện văn hào Lamartine khóc mối tình dang dở với người yêu, nàng Elvire, trong bài thơ dài 40 câu trong đó có câu hay nhất : Un seul être vous manque et tout est dépeuplé, Có 2 người dịch. Một người dịch ‘ Vắng người vũ trụ cũng dường là không’. Một nhà văn khác đã dịch ‘ Vắng em trần thế bỗng hoang vu’. Anh John nức nở khen lời dịch thứ hai này., hay tuyệt bút, các cụ có đồng ý không cơ?

Cũng chưa hết. Anh John còn kể câu nói bình dân về tên các nhà hàng bán thức ăn kiểu ‘all you can it’. Bạn dịch câu tiếng Anh này sang tiếng Việt làm sao dể nói lên cái đặc biệt của nó? Có rất nhiều lời dịch, và anh John bảo câu dịch này hay nhất ‘ Bạn ăn thoải mái’!

Ai cũng gật gù khen anh John giỏi. Cụ Chánh xin hỏi : Các chuyện anh vừa kể là chuyện phần đời, còn chuyện nhà đạo, đa số các kinh trong thánh lễ đều là lời kinh dịch. Anh cho câu dịch kinh nào hay nhất? Cái này lại trúng tủ của Anh. Anh nói ngay. Anh bảo các lời kinh thánh lễ, trong kinh Cáo Mình ở đầu lễ có lời ai cũng đấm ngực nhận tội lỗi mình, bản gốc tiếng Latin là Mea culpa, mea maxima culpa, tiếng Anh là ‘my fault, my great fault’, tiếng Pháp là ‘ c’est ma faute, ma grande faute’, tiếng VN : Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng’. Từ ‘mọi đàng’ này hay quá sức, rất rất Việt Nam. Hay câu kinh ‘ Xin Chúa đừng chấp tội chúng con, chữ Chấp này ý nghĩa tuyệt vời.

Anh John còn kể ra nhiêu lời dịch kinh khác nữa, nhưng hết giấy mất rồi. Xin hẹn các cụ thư sau. Kính chúc các cụ hạnh phúc từng ngày. Và nếu đọc kinh thì chúc các cụ hiểu lời mình đọc nha.

TRÀ LŨ
 
VietCatholic TV
10 nét lý thú về ngôi nhà thờ chính tòa lộng lẫy nhất Hoa Kỳ. Cuộc rước của TGP Paris bị tấn công
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:25 01/06/2021


1. Thanh niên cộng sản Pháp tấn công vào một cuộc rước của tổng giáo phận Paris.

Một cuộc tuần hành cầu nguyện do tổng giáo phận Paris tổ chức vào thứ Bảy 29 tháng 5 để tưởng nhớ các vị tử đạo Công Giáo bị Công xã Paris giết chết đã bị gián đoạn sau khi một nhóm thanh niên cộng sản ném chai lọ vào những người người rước kiệu và nhào vào đánh đập những người rước kiệu, gồm đa số là phụ nữ và trẻ em.

Tờ La Croix nhận xét chua chát rằng lịch sử của ngày 26 tháng 5 năm 1871 đã được lặp lại một cách sống động và tỏ tường trước mắt mọi người.

Công xã Paris, tiếng Pháp là Commune de Paris, là một chính phủ cộng sản đã kiểm soát Paris từ ngày 18 tháng 3 đến ngày 28 tháng 5 năm 1871.

Trong chiến tranh Pháp-Phổ, Paris đã được bảo vệ bởi Lực lượng Vệ binh Quốc gia, gồm đa số là công nhân, trong đó không ít người đang mơ tưởng về một thiên đường cộng sản. Chủ nghĩa xã hội và não trạng chống chiến tranh phát triển mạnh trong các binh sĩ.

Vào tháng 3 năm 1871, khi Pháp thua trong chiến tranh Pháp-Phổ, ông Adolphe Thiers được chọn là Toàn Quyền nhằm thành lập nền Cộng hòa thứ ba và tìm cách thương lượng để chấm dứt chiến tranh. Binh lính Vệ binh Quốc gia đã nổi loạn chống lại chính phủ đang được thành lập của ông Adolphe Thiers. Họ đã giành quyền kiểm soát thành phố và sau đó từ chối chấp nhận quyền lực của tân chính phủ Pháp, và ráo riết thành lập một chính phủ cộng sản.

Công xã Paris chiếm được thủ đô trong hai tháng, thiết lập các chính sách cộng sản theo mô hình của Karl Marx và Friedrich Engels. Các tài liệu của cộng sản luôn đề cao thời kỳ này như là ví dụ đầu tiên về chế độ độc tài của giai cấp vô sản.

Ngay từ đầu, Công xã Paris đã tỏ ra thù địch với Giáo Hội Công Giáo. Ngày 2 tháng Tư 1871, cộng sản đã biểu quyết một sắc lệnh cáo buộc Giáo Hội Công Giáo “đồng lõa với các tội ác của chế độ quân chủ”. Sắc lệnh tuyên bố tịch thu tài sản của các dòng tu, và ra lệnh cho các trường Công Giáo ngừng giáo dục môn tôn giáo. Trong bảy tuần tiếp theo, khoảng hai trăm linh mục, nam nữ tu sĩ đã bị bắt, và hai mươi sáu nhà thờ bị đóng cửa. Các phần tử cực đoan của Lực lượng Vệ binh Quốc gia còn thực hiện các đám rước tôn giáo giả để chế giễu các nghi lễ tôn giáo và đức tin Kitô.

Ngày 21 tháng 5 năm 1871, quân đội Pháp quốc gia mở cuộc tấn công giải phóng thủ đô. Giao tranh đẫm máu diễn ra trên từng con đường trong suốt một tuần lễ, người Pháp gọi đó là La semaine sanglante, nghĩa là Tuần lễ đẫm máu. Cộng sản lập tức bắt Đức Cha Georges Darboy, là Tổng Giám Mục Paris, khoảng 200 linh mục, tu sĩ nam nữ, và nhiều anh chị em giáo dân khác ra bắn bỏ.

Đức Cha Denis Jachiet, Giám Mục Phụ Tá Paris nói với tờ La Croix rằng:

“Chúng tôi đang cầu nguyện và tưởng niệm, không có bất kỳ hình thức thể hiện hoặc yêu cầu chính trị nào. Chúng tôi cũng không ăn mừng chiến thắng của bên này trước bên kia.”

Với khoảng 300 người tham gia, đoàn rước bắt đầu vào khoảng 5:15 chiều từ Quảng trường de la Roquette, quận 11 của Paris, để đi theo con đường Đức Cha Georges Darboy, và các tù nhân khác bị điệu ra pháp trường vào ngày 24 tháng 5 năm 1871, cho đến nhà thờ Notre-Dame des Otages hiện nay.

Hubert, thành viên của hội đồng giáo xứ Notre-Dame des Otages, nói:

“Đám rước của chúng tôi chủ yếu là các gia đình, có cả trẻ em và người già, và lúc đầu, mọi sự diễn ra một cách yên bình, và chúng tôi thực sự cảm thấy như mình đã quay trở lại thế kỷ 19!”.

Khi đến gần ga tàu điện ngầm Ménilmontant, một nhóm thanh niên cộng sản lên đến 40 tên trong nhóm “Les Amies et Amis de la Commune de Paris 1871”, tức là nhóm “Những người bạn của Công Xã Paris 1871” bắt đầu ném chai lọ về phía những người rước kiệu và sau đó xông vào giật cờ của họ. Những đòn bạo lực được giáng xuống, ít nhất một người hành hương bị đánh chảy máu đầu, cờ và biểu ngữ của giáo xứ bị xé bỏ.

Cuộc rước phải bị hủy bỏ lúc 18g30.

Diễn biến này cho chúng ta thấy rõ bản chất bạo lực và độc tài, không chấp nhận lý lẽ và sự khác biệt trong xã hội của cộng sản không bao giờ thay đổi.


Source:La Croix

2. 10 nét đáng ngạc nhiên về ngôi nhà thờ chính tòa đầu tiên của Mỹ ở Baltimore

Ngày 31 tháng 5 là kỷ niệm 200 năm cung hiến ngôi nhà thờ chính tòa đầu tiên của Hoa Kỳ tại Baltimore. Nhân dịp này Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, đưa ra 10 điểm nổi bật về ngôi nhà thờ chính tòa đầu tiên của Hoa Kỳ mà có thể nhiều người không biết.

Điểm thứ nhất: Kiến trúc sư của ngôi thánh đường lộng lẫy là Benjamin H. Latrobe. Ông là kiến trúc sư nổi bật nhất tại thời điểm nhà thờ chính tòa này được xây dựng. Chính ông là người thiết kế Điện Capitol của Hoa Kỳ. Theo yêu cầu của Đức Cha John Carroll, ông Latrobe đã trình bày hai mô hình khác nhau cho nhà thờ chính tòa.

Đức Cha Carroll đã chọn phương án kiến trúc tân cổ điển của Latrobe thay vì phương án Gothic, vì ngài muốn truyền tải thông điệp rằng Giáo Hội Công Giáo là một tổ chức có tư duy hướng đến tương lai và đang tích cực tham gia vào việc xây dựng nước Mỹ.

Điểm thứ hai: Chính tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson đã đứng ra làm trung gian cho sự khác biệt về quan điểm giữa Đức Cha Carroll và Latrobe – dù Đức Cha và ông Kiến trúc sư có nhiều tương đồng về mặt tổng thể.

Điểm thứ ba: Tổng thống Jefferson, lấy cảm hứng từ chuyến thăm Paris của ông, đã đề nghị đưa vào nhà thờ: một mái vòm hai lớp bằng gỗ để lấy ánh sáng từ bầu trời. Nhờ thế, nhà thờ chính tòa Baltimore lúc nào cũng chan hòa ánh sáng.

Điểm thứ tư: Ngôi nhà thờ này đã tổ chức các sự kiện quan trọng trong việc mở rộng Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ. Tất cả các phiên khoáng đại của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ trong những năm 1800 luôn diễn ra. Ủy ban Giáo lý Baltimore, và hệ thống trường Công Giáo Hoa Kỳ cũng được lên kế hoạch ở đó.

Điểm thứ năm: Chân phước Michael McGivney, người sáng lập hội Hiệp sĩ Kha Luân Bố, được tấn phong tại vương cung thánh đường này vào ngày 22 tháng 12 năm 1877.

Điểm thứ sáu: Lễ phong chức cho linh mục người Mỹ gốc Phi đầu tiên trên đất Mỹ, Charles Randolph Uncles, đã diễn ra tại đây vào năm 1891.

Điểm thứ bẩy: Hơn 30 giám mục được bổ nhiệm cho các giáo phận trên khắp Hoa Kỳ đã được tấn phong tại vương cung thánh đường này.

Điểm thứ tám: Chín trong số mười bốn vị tổng giám mục đã qua đời của Baltimore đã được an nghỉ trong hầm mộ lịch sử của vương cung thánh đường. Hầm mộ nằm bên dưới bàn thờ chính, bên cạnh nhà nguyện Đức Bà là Tòa Đấng Khôn Ngoan.

Điểm thứ chín: Từ tháng 11 năm 2004 đến tháng 11 năm 2006, nhà thờ đã trải qua một đợt trùng tu lớn kéo dài 32 tháng với sự tài trợ của quỹ tư nhân. Nhà thờ được mở cửa trở lại đúng lúc cuộc họp USCCB năm 2006, được tổ chức tại Baltimore để đánh dấu sự kiện này.

Điểm thứ mười: Một trận động đất gây chấn động Bờ Biển Phía Đông Hoa Kỳ vào ngày 23 tháng 8 năm 2011, đã tạo ra khoảng 300m đường nứt trong cấu trúc của vương cung thánh đường. Một cuộc trùng tu kéo dài bảy tháng, trị giá 3 triệu đô la đã được hoàn thành vào Chúa Nhật Phục sinh năm 2012.
Source:Catholic News Agency
 
Ngoạn mục và cảm động: Toà Thánh lần chuỗi bế mạc tháng Mân Côi, kêu cầu Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:29 01/06/2021


Đức Giáo Hoàng đã chủ sự việc đọc kinh Mân Côi trong Vườn Vatican giữa tiết trời mát mẻ vào ngày 31 tháng 5 trước một bức ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh đang tháo các nút thắt được mang từ Augsburg, Đức sang.

Mở đầu, Đức Thánh Cha nói:

“Trong tháng 5 này, cùng với nhiều tín hữu, chúng con đã tham gia cầu nguyện với nhiều đền thờ khác nhau rải rác trên khắp thế giới được dành để kính Đức Mẹ, Mẹ Maria, Mẹ Thánh của chúng con.”

“Chúng con đã cầu xin Mẹ chuyển cầu cho chúng con cùng Con Mẹ là Chúa Giêsu. Mỗi ngày, khi cầm trên tay chuỗi Mân Côi, chúng con hướng mắt về Mẹ, Mẹ của Lòng Thương Xót, cầu xin đại dịch có thể chấm dứt và nhân loại có thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày với sự an toàn hơn”.

“Chiều nay, chúng con tụ họp trước mặt Mẹ, Mẹ Đồng trinh của chúng con, được tôn kính trong hình ảnh này như một người cởi trói. Trên thực tế, có rất nhiều nút thắt ràng buộc cuộc sống và hoạt động của chúng con. Đó là những nút thắt của sự ích kỷ và thờ ơ, những nút thắt về kinh tế và xã hội, những nút thắt của bạo lực và chiến tranh”.

“Nhờ sự vâng lời, Mẹ đã cởi được nút thắt về sự không vâng lời của Ê-va; nhờ đức tin của Mẹ, Mẹ đã cởi bỏ những gì mà Ê-va đã ràng buộc bằng sự bất tín của mình”.

“Lạy Thánh Mẫu, chúng con cầu xin Mẹ tháo gỡ những nút thắt đang áp bức chúng con về vật chất và tinh thần, để chúng con vui mừng làm chứng cho Con Mẹ và Chúa chúng con, Chúa Giêsu Kitô”.

Chuỗi Mân Côi đánh dấu sự kết thúc của cuộc marathon cầu nguyện trên toàn thế giới mà Đức Giáo Hoàng đã khởi động vào ngày 1 tháng 5 tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Vào mỗi ngày diễn ra sự kiện, một đền thờ Công Giáo khác nhau trên khắp thế giới đã lần hạt Mân Côi.

Ngôi đền đầu tiên trong số 30 ngôi đền này là đền thánh Đức Mẹ Walsingham ở Anh, tiếp theo là đền thờ Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế và Đức Mẹ ở Elele, Nigeria, đền thờ Jasna Góra ở Ba Lan, và Vương cung thánh đường Truyền tin ở Nazareth. Đền thờ Đức Mẹ Hòa bình của Medjugorje là đền thờ thứ 15 tham gia cuộc marathon lần hạt.

Tháng lần chuỗi Mân Côi cuối cùng được bắt đầu bằng một cuộc rước long trọng hình Đức Mẹ Maria Tháo gỡ Nút thắt trong Vườn Vatican. Đức Cha Bertram Johannes Meier của Augsburg dẫn đầu đoàn rước, cùng với các trẻ em Ý mới được Rước lễ lần đầu hoặc được Thêm sức, cũng như các thành viên của một nhóm hướng đạo từ Rôma.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cổ vũ lòng sùng kính đối với Đức Maria, với danh hiệu Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt, kể từ khi ngài bắt gặp bức ảnh gốc khi học ở Đức, và đã truyền bá bức ảnh này ở quê hương Á Căn Đình và sau đó trên toàn thế giới khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.

Bức tranh của Johann Georg Melchior Schmidtner, được đặt tại Nhà thờ Thánh Phêrô ở Augsburg, miền nam nước Đức.

Bức ảnh được hoàn thành vào khoảng năm 1700 cho thấy Đức Maria đang gỡ các nút thắt trong một dải ruy băng dài màu trắng trong khi chân Đức Mẹ đạp lên đầu một con rắn đang cuộn tròn trong các nút thắt.

Một số đền thờ trên khắp thế giới được kết nối trực tiếp với chuỗi mân côi trong Vườn Vatican, bao gồm Vương cung thánh đường Notre-Dame de Boulogne ở Nanterre, Pháp, Đức Mẹ Sầu Bi ở Kibeho, Rwanda và Đền thờ Quốc gia Đức Mẹ Lộ Đức ở Carfin, Tô Cách Lan.

Vào cuối năm chục kinh, Đức Giáo Hoàng đã đội một chiếc vương miện cho hình ảnh của Đức Maria Tháo Gỡ Nút Thắt.

Sau khi đọc Kinh cầu Đức Bà, Đức Thánh Cha cầu nguyện rằng:

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng. Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.

Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.

Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần và chúng con chắc chắn rằng Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.

Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.

Ngài là Đấng đã gánh lấy trên mình Ngài các nỗi đau của chúng con và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.

Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu dưới sự che chở của Mẹ. Xin chớ chê chớ bỏ lời cầu xin của chúng con đang trong cơn thử thách, và thân lạy Đức Trinh nữ vinh hiển đầy ơn phúc, xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen.

Sau khi ban phép lành cuối cùng, Đức Thánh Cha cảm ơn Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ Tân Phúc âm hóa đã tổ chức cuộc marathon lần hạt, và bày tỏ sự hài lòng về sự tham gia đông đảo của sự kiện này.

Ngài khuyến khích người Công Giáo tiếp tục cầu nguyện để bảo vệ toàn thế giới khỏi đại dịch.
 
Hồng Y bưng bê phục vụ người nghèo như hầu bàn lại bị điều tra. Diễn biến đáng kinh ngạc ở Thụy Sĩ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:20 01/06/2021


1. Đức Thánh Cha Phanxicô ra lệnh thanh tra tông tòa Tổng Giáo Phận Köln của Đức Hồng Y Woelki

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh khởi động một cuộc thanh tra tông tòa tại Tổng Giáo Phận Köln của Đức trong bối cảnh có những chỉ trích về việc giải quyết các trường hợp lạm dụng.

Diễn biến này khiến nhiều người lo ngại. Từ lâu, Đức Hồng Y Woelki đã là cái gai trong mắt nhiều người vì ngài cản trở Tiến Trình Công Nghị tại Đức. Chiêu bài “giải quyết các trường hợp lạm dụng tính dục” đã được dùng để đánh gục Đức Hồng Y.

Tổng giáo phận cho biết trong một tuyên bố ngày 28 tháng 5 rằng các vị thanh tra tông tòa của Đức Giáo Hoàng sẽ đánh giá “những sai lầm có thể xảy ra” của Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki.

Các vị khách thanh tra sẽ là Đức Hồng Y Anders Arborelius của Stockholm và Đức Giám Mục Johannes van den Hende của Rotterdam, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hà Lan.

“Trong nửa đầu tháng 6, các đặc phái viên của Tòa thánh sẽ đến thăm tổng giáo phận để có được bức tranh toàn cảnh về tình hình mục vụ phức tạp trong tổng giáo phận,” tuyên bố cho biết.

Tuyên bố nói thêm rằng các vị thanh tra cũng sẽ kiểm tra những sai sót có thể xảy ra của Đức Tổng Giám Mục Stefan Heße của Hamburg, người đã là Tổng đại diện của Tổng giáo phận Köln từ năm 2012 đến năm 2015, và các phụ tá của Köln là Đức Cha Dominikus Schwaderlapp và Đức Cha Ansgar Puff.

Đức Tổng Giám Mục Heße cho biết vào tháng 3 rằng ngài đã đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô và yêu cầu được “ngưng ngay lập tức” mọi nhiệm vụ.

Hoan nghênh chuyến thăm của các vị thanh tra, Đức Hồng Y Woelki nói: “Vào tháng Hai, tôi đã thông báo một cách toàn diện cho Đức Thánh Cha ở Rôma về tình hình trong tổng giáo phận của chúng ta.”

“Tôi hoan nghênh thực tế là với chuyến viếng thăm tông tòa, Đức Giáo Hoàng muốn có được bức tranh của riêng mình về cuộc điều tra độc lập và hậu quả của nó.”

“Tôi sẽ hỗ trợ Đức Hồng Y Arborelius và Đức Cha van den Hende trong công việc của các ngài với niềm tin tưởng hoàn toàn. Tôi hoan nghênh mọi biện pháp sẽ giúp bảo đảm trách nhiệm giải trình”.

Vị Hồng Y 64 tuổi tuyên bố vào tháng 12 năm 2020 rằng chính ngài đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô xem xét lại các quyết định mà ngài đã đưa ra liên quan đến một linh mục bị buộc tội vào trong năm 2015.
Source:Catholic News Agency

2. Bảy nhà thờ Công Giáo Hương Cảng cầu nguyện cho các nạn nhân Thiên An Môn

Hôm 24 tháng 5, Ủy ban Công lý và Hòa bình của giáo phận Hương Cảng thông báo rằng 7 nhà thờ Công Giáo tại Hương Cảng cầu nguyện cho các nạn nhân Thiên An Môn vào này 4 tháng 6, đồng thời nói thêm rằng: “Vì nhiều lý do, có lẽ chúng ta không thể nói công khai, nhưng chúng ta không được quên lịch sử. Chúng ta hãy dâng thánh lễ xin Chúa, là Chủ của lịch sử, đoái nhìn những người đã chết trong mùa xuân và mùa hè năm 1989, trong khi theo đuổi sự thật”.

Theo một điện văn của đại sứ Anh quốc ở Trung Quốc hồi đó, có ít nhất 10,000 người bị giết trong biến cố Thiên An Môn, trong khi nhà nước Bắc Kinh nói là chỉ có 241 người chết và 7,000 người bị thương.

Năm nay là lần thứ hai chính quyền Hương Cảng cấm cử hành buổi canh thức cầu nguyện tưởng niệm biến cố thảm sát tại Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 4 tháng 6 năm 1989.

Năm ngoái, dù có lệnh cấm, hàng chục ngàn người Hương Cảng đã tham dự buổi canh thức ở Công viên Victoria. Từ tháng Bảy năm ngoái, bắt đầu có đạo luật đặc biệt do nhà nước Bắc Kinh đề ra để đàn áp phong trào dân chủ. Từ đó, dưới chiêu bài an ninh quốc gia, hàng trăm người đối lập ở Hương Cảng đã bị bắt, bị cáo buộc và kết án tù. Tự do ngôn luận tại Hương Cảng ngày càng bị giới hạn. Giáo Hội Công Giáo tại Hương Cảng vốn giữ vai trò tích cực trong các buổi lễ tưởng niệm tại Hương Cảng.

Đức Giám Mục tân cử của Hương Cảng, Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), trong quá khứ vẫn thường dự các buổi canh thức tưởng niệm Thiên An Môn, hôm 18 tháng 5 vừa qua, đã nói rằng có nhiều cách thức tưởng niệm và ngài sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân và cho Trung Quốc.
Source:Catholic News Agency

3. Diễn biến đáng kinh ngạc: Giám mục Công Giáo Thụy Sĩ bổ nhiệm giáo dân làm đại diện cho giám mục

Một giám mục Công Giáo Thụy Sĩ đã thông báo rằng ngài sẽ bổ nhiệm anh chị em giáo dân làm đại diện cho ngài trong giáo phận của mình.

Đức Cha Charles Morerod, thuộc dòng Đa Minh, đã lãnh đạo Giáo phận Lausanne, Geneva, và Fribourg kể từ năm 2011, đã tiết lộ quyết định này trong một cuộc phỏng vấn ngày 25 tháng 5 với trang web của Giáo Hội Công Giáo Thụy Sĩ kath.ch.

Ngài nói rằng ngài đã chọn hai giáo dân và một phó tế trong vai trò “giáo dân đại diện”, thay thế ba “linh mục đại diện” cho ngài.

“Nhờ phép rửa, giáo dân có một vai trò tích cực trong đời sống của Giáo Hội và không nên chỉ được giao phó cho việc chăm sóc các vấn đề hành chính, mà còn phải được trao các nhiệm vụ tích cực trong vấn đề chăm sóc mục vụ”, ngài nói.

“Sự hợp tác này là một điều tích cực. Nó đã tồn tại, nhưng chúng ta có thể phát triển nó một cách tích cực hơn nữa”.

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, báo cáo rằng ba vị đại diện này giờ đây sẽ được gọi là “các đại diện giáo phận”.

Theo vị giám mục, các đại diện của ngài sẽ giải quyết “các vấn đề chuyên biệt” và thảo luận với ngài ở cấp giáo phận.

Bộ Giáo luật Giáo hội Latinh cho biết “Trong mỗi giáo phận, giám mục bản quyền phải bổ nhiệm một tổng đại diện để giúp ngài quản trị toàn giáo phận”.

Thay vì bổ nhiệm một tổng đại diện, vị Giám mục cũng có thể bổ nhiệm nhiều đại diện giám mục, mỗi người có thẩm quyền “được giới hạn trong một phần xác định của giáo phận, hoặc một loại hoạt động cụ thể, hoặc dành cho các tín hữu của một nghi lễ cụ thể, hoặc cho một số nhóm người nhất định”.

Đức Cha Morerod từng là hiệu trưởng của Đại Học Angelicum ở Rôma và tổng thư ký của Ủy ban Thần học Quốc tế. Ngài nói với kath.ch rằng ngài đã tham khảo ý kiến với Bộ Giáo sĩ của Vatican về những thay đổi này.

Ngài nói: “ Tôi đã nói chuyện với Bộ Giáo Sĩ chủ yếu về các vấn đề thuật ngữ. Chúng ta hãy cẩn thận để tránh ấn tượng rằng chúng ta chỉ đơn giản là thay thế một linh mục đại diện cho giám mục bằng một giáo dân đại diện”.

“Điều quan trọng là không gây ra bất kỳ sự nhầm lẫn nào có thể ảnh hưởng đến những vấn đề khác. Do đó, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến của Hội Thánh”.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 26 tháng 5 với kath.ch, vị giám mục 59 tuổi đã bác bỏ những gợi ý rằng những thay đổi nhằm tập trung quyền lực vào tay ngài, làm suy yếu nguyên tắc tản quyền được ưa chuộng trong Giáo Hội Công Giáo Thụy Sĩ.

“Bất cứ ai nói theo cách này có những giả định sai về giáo dân ở các vị trí lãnh đạo,” ngài nói.
Source:Catholic News Agency