Ngày 05-06-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:47 05/06/2011
DÙNG CÁI NIA CỦA NHÀ HÀNG XÓM
N2T

Có một lão bà niệm Phật, trong tay cầm chuỗi hạt vừa đếm vừa lớn tiếng niệm “a di đà phật, a di đà phật”, đột nhiên nhìn thấy con kiến trên nắp nồi cơm, lập tức nói:
- “Nhị Hán, Nhị Hán, trên nồi có kiến, mau lấy lửa đốt chết nó !”, nói xong thì tiếp tục niệm “a di đà phật, a di đà phật”.
Qua một lúc sau, lão bà niệm Phật lại nói:
- “Nhị Hán, Nhị Hán, mày thay tao móc tro dưới nồi ra, không nên lấy cái nia của nhà mình mà dùng, nó sẽ cháy mất. Không phải mình có mượn cái nia của nhà ông Trương Tam sao, lấy cái nia của ông ấy mà dùng nhé”.

Suy tư:
Tụng kinh niệm Phật, đọc kinh cầu nguyện, nhưng long không tư bỏ những đam mê dục vọng, không từ bỏ ý niệm sát sanh làm hại người khác, thì tụng kình cầu nguyện chỉ vô ích mà thôi, bởi vì không thể khẩu phật tâm xà.
Có những người Ki-tô hữu cũng sáng lễ chiều kinh, nhưng về đến nhà thì chửi chồng mắng con; có những người dâng cúng cho nhà thờ hoặc chùa chiền rất nhiều tiền bạc, nhưng trong lòng thì không hề có chút yêu Chúa mến Phật; lại có những người miệng đọc kinh, nhưng trong lòng thì luôn tìm cách hại người khác…
Chỉ đọc kinh nơi môi miệng mà trong lòng không suy gẫm từng lời kinh mình đọc, thì vẫn cứ là cái phèng la rỗng tuếch, không biết hy sinh chính mình; chỉ đi lễ đọc kinh bề ngoài mà trong lòng không kết hợp với Chúa Giê-su, thì cuộc sống vẫn cứ là như cây khô mọc trên sỏi đá, không sinh hoa kết trái nhân đức được.
Người yêu mến Chúa thì như cây nến hy sinh chính mình để soi sáng cho mọi người, chứ không lợi dụng người khác để soi sang cho mình.
Ai hiểu thì hiểu !
-----------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:48 05/06/2011
N2T

10. Thật vậy, lương tâm của tôi bị nhơ bẩn thì sẽ bị phán quyết, tất cả mọi việc đền tội của tôi đều không đủ để trả nợ những tội lỗi của tôi. Nhưng lòng nhân từ của Ngài nhất định lớn hơn những lỗi lầm của tôi.

(Thánh Anselm)
 
Bài giảng lễ Chúa Thăng Thiên của ĐGM Giuse Nguyễn Năng
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc ghi
08:56 05/06/2011
BÀI GIẢNG LỄ CHÚA THĂNG THIÊN CỦA ĐỨC CHA GIUSE NGUYỄN NĂNG

Anh chị em thân mến,

Việc Chúa Giêsu lên trời thì chắc chắn là chúng ta phải suy nghĩ “lên trời tức là đi đâu?” và trí tưởng tượng của chúng ta bắt đầu làm việc, làm việc mạnh mẽ. Chúng ta tưởng tượng Chúa Giêsu đang đứng giữa chúng ta và Ngài bay lên, đi lên, lên mãi. Chúng ta tưởng tượng một khung trời nào đó, Chúa Giêsu đang núp ở đây. Tuy nhiên, không phải như vậy. Chúng ta có đi phi thuyền bay thật xa trong vũ trụ bao la này thì chúng ta cũng không bao giờ thấy Chúa Giêsu ở trên đó.

Vậy Chúa Giêsu lên trời tức là đi đâu? Chúa Giêsu lên trời nghĩa là Chúa đi vào trong vinh quang của Chúa Cha, Chúa trở về với Chúa Cha từ nơi Chúa Cha mà đến. Chúa Giêsu vào trong trần gian này cứu chuộc chúng ta. Hôm nay công trình đã hoàn tất, Chúa Giêsu trở về với Chúa Cha, sống trong vinh quang của Chúa Cha. Thật sự, Chúa Giê su đã về với Chúa Cha ngay từ khi Chúa sống lại. Nhưng trong thời gian bốn mươi ngày qua, Chúa Giê su vẫn còn tỏ mình ra cho các tông đồ. Chúa tỏ ra cho các tông đồ thấy là Chúa đang sống. Bài đọc thứ nhất trích trong sách Tông đồ Công vụ kể cho chúng ta như vậy (Cv 1, 1-11). Chúa hiện ra, Chúa chứng tỏ cho các môn đệ thấy Chúa vẫn đang sống. Đành rằng Chúa đã đi vào cuộc sống khác nhưng Chúa vẫn tỏ ra một cách cụ thể, một cách hữu hình khi mà mắt các tông đồ vẫn còn thấy được Chúa đang sống. Nhưng hôm nay, Chúa lên trời, có nghĩa là bốn mươi ngày sau khi Chúa sống lại, Chúa chấm dứt việc không tỏ ra cho các tông đồ thấy một cách cụ thể, hữu hình như trước đây nữa.

Chúa Giêsu lên trời là Chúa đi vào trong vinh quang của Chúa Cha, có nghĩa là Chúa chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết và Chúa bước vào cuộc sống mới. Cuộc sống mới này, chúng ta không thể thấy bằng mắt phàm được, chúng ta cũng không thể chạm lấy bằng đôi tay được mà chúng ta chỉ có thể nhận ra Chúa bằng đức tin. Chúa lên trời không có nghĩa là Chúa đi xa chúng ta, mà trái lại, Chúa ở gần chúng ta hơn bao giờ hết. Chúa ở giữa chúng ta. Đức Kitô Phục Sinh đã sống lại, có nghĩa là Ngài đang sống, sống giữa Hội Thánh và sống trong thế giới này. Chúa lên trời có nghĩa là Chúa không tỏ ra một cách hữu hình. Vì thế chúng ta chỉ có thể nhận ra Chúa bằng đôi mắt đức tin. Chúa lên trời nhưng Ngài không rời xa chúng ta, mà ngược lại, Chúa ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế theo như lời kết trong Tin Mừng theo thánh Matthêu: “Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

Chúa Giê su lên trời là Chúa kết thúc công cuộc cứu chuộc của Chúa. Chúa đã làm phần việc của Chúa xong rồi, và bây giờ Chúa cho Giáo Hội tiếp tục làm công trình cứu độ ấy. Chúa đã hẹn gặp các tông đồ ở núi cao miền Galilê và Chúa đã căn dặn các tông đồ: “Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy cho họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28, 19-20). Đó là sứ mạng Chúa trao cho các tông đồ, Chúa trao cho Hội Thánh. Hôm nay Chúa về trời thì Hội Thánh tiếp nối sứ mạng ấy. Trong ba mươi ba năm sống tại trần gian này thì ba năm Chúa đã rao giảng Tin Mừng, Chúa đã làm phép lạ để chứng tỏ tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Chúa đã chữa lành bệnh tật, cho người đói ăn, cho người đau yếu được mạnh khỏe, rồi Chúa đã tha tội cho người ta. Chúa đã cử hành thánh thể để nuôi dưỡng con người. Tin Mừng cứu độ ấy, hôm nay Chúa đã hoàn tất và hôm nay Chúa trao cho chúng ta, Chúa trao cho Hội Thánh. Mỗi người trong cương vị của mình phải chu toàn trách nhiệm, sứ mạng rao giảng Tin Mừng mà Chúa đã trao cho chúng ta. “Anh em hãy giảng dạy cho muôn dân”, lời Chúa nói không phải chỉ dành cho các tông đồ, dành cho các giám mục, linh mục, tu sĩ nhưng là lời gửi đến toàn thể cộng đồng dân Chúa. Anh chị em, mọi người trong Hội Thánh đều có sứ mạng loan báo Tin Mừng để làm chứng về Chúa Giê su cho anh chị em chúng ta.

Trong những năm vừa qua, anh chị em được nghe nói đến việc tân Phúc Âm hóa hay là nói cách khác, là việc loan báo Tin Mừng mới. Loan báo Tin Mừng mới có nghĩa là gì? Không phải là rao giảng một Phúc Âm mới. Chỉ có một Phúc Âm mà thôi. Chỉ có một Đức Giê su, Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ làm người mà thôi. Phúc Âm ấy, Chúa Giê su ấy: hôm qua, hôm nay và mãi mãi cho đến mãi muôn đời vẫn là một. Không ai được quyền thay đổi Phúc Âm ấy, không ai được quyền thay đổi đức tin. Nhưng tân Phúc Âm hóa, công cuộc Phúc Âm hóa mới ở chỗ nào? Thưa, đó là mới ở chỗ đổi phương pháp loan báo Tin Mừng, đổi cách trình bày nội dung Tin Mừng. Nội dung vẫn là một, nhưng ngôn ngữ và phương cách phải được đổi mới. Phúc Âm hóa mới còn ở chỗ phải có nhiệt tình mới, một lòng hăng say mới để đi rao giảng Tin Mừng. Những điều ấy hết sức cần thiết cho thời đại của chúng ta hôm nay.

Quả vậy, thưa anh chị em. Chúng ta phải đổi mới cách loan báo Tin Mừng, đổi mới cách dạy giáo lý của chúng ta. Có lẽ trong bao nhiêu năm chúng ta đã quen với việc dạy giáo lý bằng cách “hỏi – thưa”. Một ông quản, một bà quản hay một anh chị giáo lý viên cầm cái roi ở trong tay, rồi dạy giáo lý. Chúng ta cố gắng nhồi nhét những câu hỏi thưa cho các thế hệ trẻ. Việc học thuộc lòng rất cần thiết, chúng ta không thể bỏ được. Nhưng phải thay đổi, dùng các phương pháp sư phạm mới, dùng cách trình bày mới, dùng phương tiện mới. Ngày xưa không có ti vi, ngày nay có ti vi, người ta dùng ti vi để giảng đạo; ngày xưa không có Internet, bây giờ người ta dùng Internet để rao giảng Phúc Âm; ngày xưa không có video, bây giờ có video để giảng dạy Phúc Âm; ngày xưa người ta dùng ngôn ngữ trừu tượng để giảng dạy về Chúa Giê su, ngày nay dùng phương pháp kể chuyện để nói về Chúa Giê su... Chúng ta thấy đó là những điều hết sức quan trọng để loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật. Có những điều chúng ta giảng dạy trừu tượng không ai muốn nghe, nhưng nếu chúng ta dùng phim ảnh, dùng câu chuyện để nói về Chúa Giê su thì những câu chuyện ấy, những bài giảng ấy hết sức là hấp dẫn, lôi kéo người khác. Đó chính là rao giảng Tin Mừng một cách mới mẻ: Tân Phúc Âm hóa.

Tân Phúc Âm hóa còn hiện đại ở chỗ là chúng ta phải có sự nhiệt tình mới. Phải có lòng nhiệt tình, phải có sự hăng say đi rao giảng Tin Mừng. Chúa trao sứ mạng đi rao giảng và làm chứng về Chúa cho anh chị em. Nhưng thử hỏi, suốt 2000 năm qua. Công việc rao giảng Tin Mừng được tiến triển bao nhiêu? Thưa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, là vị mới được phong Á Thánh ngày 01.05.2011 vừa qua. Ngài đã nói: “Sau 2000 năm, công cuộc rao giảng Tin Mừng vẫn còn dừng lại, dường như ở bước khởi đầu”. Nghĩa là chưa tiến được gì hết, 2000 năm không cứu vớt được là bao nhiêu. Bởi vì sao? Bởi vì thiếu nhiệt tình, thiết sự hăng say. Thiếu nhiệt tình, thiếu sự hăng say, bởi chính chúng ta đây, những người Ki tô hữu, chúng ta chưa cảm nhận được tin vào Chúa Giê su đó là một tin vui cho chúng ta. Nhiều người Ki tô hữu tin vào Chúa Giê su nhưng mà không cảm thấy vui, không cảm thấy là Tin Mừng, không cảm thấy là hạnh phúc. Và một khi chúng ta không thấy vui, không thấy hạnh phúc thì lúc đi nấc thang đi theo Chúa, làm sao chúng ta có lửa, chúng ta có nhiệt tình để rao giảng Tin Mừng cho người khác. Chính mình không cảm thấy đó là tin vui thì mình chỉ rao giảng tin buồn, không thể rao giảng Tin Mừng về Chúa được.

Cách đây chừng hai mươi năm, anh chị em vùng Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) của chúng ta đổ xô đi tìm vàng. Có những người nghe nói ở chỗ nọ, chỗ kia có vàng. Một người đi kháo tin là có vàng, và đúng là có vàng, thì người đó vui mừng báo tin cho gia đình mình, cho anh em mình, cho xứ sở, lối xóm của mình. Thế là người ta từng đoàn, từng đoàn đi đào vàng. Có những người tìm được vàng, nhưng có những người thất bại. Nhưng điều quan trọng là người đầu tiên đi phát hiện thấy vàng. Người đó vui mừng về loan báo cho mọi người. Khi người ta nhận thấy tin vui, người ta không giữ được niềm vui, người ta sung sướng và muốn lôi kéo tất cả cùng đi để có một cuộc sống mới. Chính Chúa Giê su đã ví “Nước Trời cũng giống như viên ngọc quí” (x. Mt 13, 44-46). Nước Trời giống như kho tàng, không phải chỉ là mỏ vàng có khi được khi không, mà là cả kho tàng ngọc quí. Những người Ki tô hữu chúng ta đây là những người đã biết được sự cao quí của Nước Trời. Chúng ta cảm nhận được tin vui, chúng ta cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc, bởi vì chúng ta đã gặp được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Đấng đổi mới cuộc đời chúng ta. Mình cảm nhận, mình công bố, mình mong muốn cho mọi người được biết Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu. Cho nên, tân Phúc Âm hóa là khơi dậy ngọn lửa nhiệt tình mới cho những người Ki tô hữu chúng ta.

Ngày hôm nay, ngày Chúa Giê su lên trời. Chúng ta dừng lại để suy ngẫm về sứ mạng của chúng ta. Chúng ta thử hỏi, chúng ta đã chu toàn sứ mạng đó được như thế nào? Ngọn lửa nhiệt tình của chúng ta, niềm vui của chúng ta khi chúng ta đi theo Chúa được bao nhiêu? Thưa, chắc còn thấp lắm. Hôm nay, khi Chúa trao phó sứ mạng cho Giáo Hội, cho các tông đồ thì Chúa cũng căn dặn: “Anh em hãy chờ đợi Chúa Thánh Thần đến trong anh em” (Cv 1, 8).

Trong tuần lễ này, từ hôm nay cho đến Chúa nhật tới ngày 12.6.2011, chúng ta hãy khao khát, cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần đến với Hội Thánh, đến với từng người chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần đốt lên trong lòng chúng ta ngọn lửa nhiệt tình, đốt lên trong lòng chúng ta lòng hăng say để chúng ta rao giảng Tin Mừng cho Chúa. Chúng ta cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần khơi dậy trong Hội Thánh một nguồn sống mới. Trong Chúa nhật tới, chúng ta sẽ mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống thì trong tuần này, mỗi ngày, tất cả mọi nơi, mọi lúc, chúng ta hợp ý với toàn thể Hội Thánh xin Chúa Thánh Thần đến với chúng ta. Chúa Giê su đã về trời, sự hiện diện của Chúa qua lời của Chúa, qua Thánh Thể của Chúa, chúng ta lắng nghe sứ điệp mà Chúa Giê su trước khi lên trời đã trối lại cho chúng ta. Chúng ta xin Chúa nâng đỡ để mỗi người trong chúng ta chu toàn sứ mạng mà Chúa đã trao cho chúng ta giữa lòng Hội Thánh. Amen.

Linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Phúc ghi
 
Bài Giáo Lý Thứ Năm về Cầu Nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
22:04 05/06/2011
Lời Chuyển Cầu của Ông Môsê

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ năm về Cầu Nguyện của ĐTC Bênêdictô XVI ban hành trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày mùng 1 tháng 6, năm 2011. ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về Cầu Nguyện. Lần này ngài suy niệm về cầu nguyện trong Thánh Kinh, đặc biệt là lời cầu nguyện của ông Môsê.

enter>* * *

Anh chị em thân mến,

Khi đọc Cựu Ước, chúng ta thấy có một nhân vật nổi bật giữa các nhân vật khác: đó là ông Môsê, như một người của cầu nguyện. Ông Môsê, vị ngôn sứ vĩ đại và nhà lãnh đạo của thời Xuất Hành, đã đóng vai trò của mình như người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Israel qua việc trở thành người mang những lời và mệnh lệnh của Thiên Chúa đến cho dân chúng, bằng cách dẫn đưa họ tới tự do của Đất Hứa, bằng việc giảng dạy con cái Israel sống trong sự vâng phục và tin tưởng vào Thiên Chúa suốt thời gian dài cư ngụ trong hoang địa của họ, nhưng trên hết bằng cầu nguyện như tôi sẽ đề cập đến ở đây. Ông cầu nguyện cho vua Pharaô khi Thiên Chúa, với những bệnh dịch của Ngài, cố gắng biến đổi tâm hồn của người Ai Cập (x. Xh 8-10); ông xin Chúa chữa lành cho chị ông là bà Mariam khi bà mắc bệnh phong cùi (x. Ds 12:9-13); ông cầu xin cho những người đã nổi loạn, vì sợ hãi về những báo cáo của các thám tử (x. Ds 14:1-19); ông cầu nguyện khi hỏa hoạn hầu như thiêu hủy doanh trại (x. Ds 11:1-2) và khi rắn độc giết hại dân chúng (x. Ds 21,4-9); ông tự mình thưa chuyện với Chúa và phản ứng bằng cách khiếu nại khi gánh nặng của sứ vụ ông trở nên quá nặng nề (x. Ds 11:10-15); ông đã thấy Thiên Chúa và thưa chuyện với Ngài "mặt đối mặt, như là một người nói với bạn mình "(x. Xh 24:9-17, 33:7-23; 34:1-10,28-35).

Cũng thế, ở núi Sinai, khi dân chúng xin ông Aaron làm cho họ một con bò vàng, ông Môsê cầu nguyện, và điều này thực thi một cách điển hình vai trò thật sự của một người trung gian. Cảnh này được kể lại trong chương 32 của sách Xuất Hành và có một tường thuật song song trong chương 9 của sách Đệ Nhị Luật. Trong bài giáo lý hôm nay tôi muốn tập trung vào chính cảnh này, và đặc biệt là về lời cầu nguyện của ông Môsê mà chúng ta tìm thấy trong tường thuật của sách Xuất Hành.

Dân Israel ở chân núi Sinai, trong khi ông Môsê lên núi chờ đợi hồng ân các bia đá Lề Luật bằng cách ăn chay bốn mươi ngày và bốn mươi đêm (x. Xh 24:18, Đnl 9:9). Con số bốn mươi có một giá trị tượng trưng và có nghĩa là toàn bộ kinh nghiệm, trong khi việc ăn chay cho thấy một chân lý là sự sống đến từ Thiên Chúa, là chính Ngài là Đấng bảo tồn nó. Thực ra, việc ăn uống bao gồm việc hấp thụ các chất bổ để nuôi dưỡng chúng ta; cho nên ăn chay, hay kiêng ăn, trong trường hợp này có một tầm quan trọng tôn giáo: Đó là một cách để tỏ ra rằng người ta không chỉ sống bằng cơm bánh mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra (x. Đnl 8:03). Qua việc ăn chay, ông Môsê chứng tỏ rằng mình đang chờ hồng ân Lề Luật của Thiên Chúa như nguồn mạch sự sống: Điều đó mặc khải Thánh Ý Thiên Chúa và nuôi dưỡng tâm hồn con người, làm cho họ được tham dự vào một giao ước với Đấng Toàn Năng, Đấng là nguồn mạch sự sống và là chính sự sống.

Nhưng trong khi Chúa ban Lề Luật cho ông Môsê ở trên núi, thì ở chân núi dân chúng lại vi phạm Lề Luật. Vì không thể chịu được sự chậm trễ và vắng mặt của người trung gian, dân Israel đã xin ông Aaron, "Hãy làm cho chúng tôi một vị thần để đi trước chúng tôi, vì ông Môsê này, là người đã dẫn chúng tôi ra khỏi Ai Cập, chúng tôi không biết việc gì đã xảy ra cho ông ta." (Xh 32:1). Mệt mỏi vì cuộc hành trình với một Thiên Chúa vô hình, giờ đây ông Môsê, người trung gian, cũng mất dạng, dân chúng đòi hỏi một sự hiện diện hữu hình và có thể sờ mó được của Chúa, và tìm thấy nơi con bò vàng được ông Aaron làm ra một vị thần có thể đến gần được, có thể vận động được, trong tầm tay con người. Đây là một cám dỗ liên tục trong cuộc hành trình đức tin: tránh né mầu nhiệm của Thiên Chúa bằng cách tạo cho mình một thần linh dễ hiểu, theo kế hoạch của mình, theo dự án riêng của mình. Việc xảy ra tại Sinai phơi bày tất cả sự điên rồ và ảo tưởng phù phiếm của đòi hỏi này, bởi vì, như Thánh Viịnh 106 xác nhận một cách châm biếm, “chúng đổi vinh quang của Thiên Chúa để lấy hình tượng của một con bò ăn cỏ” (Tv 106:20).

Do đó Thiên Chúa trả lời và truyền cho ông Môsê xuống núi, tiết lộ cho ông những gì mà dân chúng đang làm, và kết thúc bằng những lời này: “Bây giờ hãy để mặc Ta, để cho cơn thịnh nộ của Ta nổi lên cùng chúng và thiêu hủy chúng. Rồi Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn” (Xh 32:10). Như đã tỏ ra cho ông Abraham về Sôdôma và Gômora, giờ đây Thiên Chúa cũng tỏ ra cho ông Môsê những gì Ngài dự định làm, hầu như Ngài không muốn làm nếu không có sự đồng ý của ông (x. Am 3:07). Ngài nói, “Hãy để mặc Ta, cơn thịnh nộ của Ta đã nổi lên”. Trên thực tế, câu “Hãy để mặc Ta, cơn thịnh nộ của Ta đã nổi lên” được nói ra với mục đích chính là để ông Môsê can thiệp và xin Ngài đừng làm điều ấy, tỏ ra rằng Thiên Chúa luôn muốn cứu độ dân chúng. Cũng như đối với hai thành trong thời ông Abraham, việc trừng phạt và tiêu hủy, trong đó cơn thịnh nộ của Thiên Chúa được diễn tả như khai trừ sự dữ, cho biết mức độ nghiêm trọng của tội lỗi đã phạm, đồng thời, lời cầu xin của người trung gian có mục đích bày tỏ ý muốn tha thứ của Chúa. Đây là ơn cứu độ của Thiên Chúa, là điều liên quan đến lòng thương xót, nhưng cũng phơi bày sự thật về tội lỗi, về sự dữ đang hiện diện, để kẻ có tội ý thức về việc từ bỏ chính tội lỗi của mình để mình được tha thứ và biến đổi bởi Thiên Chúa. Như thế lời cầu bầu làm cho lòng thương xót của Thiên Chúa hoạt động trong thực tại hư hỏng của những người tội lỗi, để lòng thương xót này được nói lêni trong lời cầu xin của người cầu nguyện và qua người ấy trở nên hiện diện nơi mà người ta cần ơn cứu độ.

Lời cầu nguyện của ông Môsê đặt trọng tâm hoàn toàn vào lòng trung tín và ân sủng của Thiên Chúa. Trước hết, ông đề cập đến lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa đã khởi đầu với việc xuất hành khỏi Ai Cập của dân Israel, sau đó để nhắc lại lời hứa xưa kia với các Tổ Phụ. Chúa đã đem ơn cứu độ đến bằng cách giải thoát dân Ngài khỏi ách nô lệ Ai Cập; ông Môsê hỏi vậy tại sao Chúa “lại để người Ai Cập nói rằng, ‘Ngài đem chúng ra khỏi xứ với tà ý, để giết chúng trên núi, cùng tiêu diệt chúng khỏi mặt đất?’"(Xh 32:12). Công trình cứu độ đã khởi sự phải được đưa đến hoàn thành; nếu Thiên Chúa tiêu diệt dân Ngài, điều này có thể được hiểu như là một dấu chỉ của một Thiên Chúa không đủ khả năng hoàn thành kế hoạch cứu độ của Mình. Thiên Chúa không thể cho phép điều này xảy ra: Ngài là Chúa nhân lành, Đấng cứu độ, Đấng đảm bảo sự sống, là Thiên Chúa của lòng thương xót và tha thứ, của giải thoát con người khỏi tội lỗi, là điều giết chết con người. Và như vậy ông Môsê cầu khẩn Thiên Chúa, nại vào đời sống nội tại của Ngài, để phản đối bản án bề ngoài. Nhưng sau đó, ông Môsê lý luận cùng Thiên Chúa rằng nếu dân được tuyển chọn của Ngài bị hư mất, ngay cả khi họ có tội, thì Thiên Chúa có thể bị coi như không có khà năng chinh phục tội lỗi. Và điều ấy không thể chấp nhận được. Ông Môsê đã có một kinh nghiệm cụ thể về ơn cứu độ của Thiên Chúa; ông đã được sai đi như một trung gian của ơn giải thoát của Thiên Chúa, và giờ đây, với lời cầu nguyện của ông, ông nói lên mối quan tâm hai chiều, quan tâm về số phận của dân mình, mà cùng với nó, quan tâm về danh dự của Thiên Chúa, cho sự thật về Thánh Danh Ngài. Thực ra, người trung gian muốn cho dân Israel được cứu độ, vì họ là đàn chiên đã được trao phó cho ông, nhưng cũng bởi vì, trong ơn cứu độ ấy, sự thể thật sự của Thiên Chúa được tỏ bày. Yêu thương anh em và kinh mến Thiên Chúa thấm nhập lẫn nhau trong lời chuyển cầu; chúng không thể tách rời nhau được. Ông Môsê, người chuyển cầu, là một người giằng co giữa hai tình yêu, mà trong cầu nguyện chúng chồng lên nhau làm một ý muốn duy nhất là sự tốt lành.

Sau đó, ông Môsê nại đến đức trung tín của Thiên Chúa bằng cách nhắc lại lời hứa của Ngài, “Xin nhớ đến các tôi tớ của Ngài là Abraham, Isaac, Israel, mà Ngài đã chỉ chính mình Ngài mà thề và hứa cùng họ rằng, ‘Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi nhiều như sao trên trời, và tất cả xứ mà Ta đã nói đến, Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi, và nó sẽ là gia nghiệp đời đời cho chúng.” (Xh 32:13). Ông Môsê nhắc lại lịch sử nguyên thủy của việc thành lập [dân Israel], về các Tổ Phụ của dân, và việc tuyển chọn họ hoàn toàn nhưng không, là sáng kiến của một mình Thiên Chúa. Không phải vì công trạng của họ mà họ đã nhận được lời hứa, nhưng nhờ sự chọn lựa tự do của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài (x. Đnl 10:15). Và giờ đây, ông Môsê xin Chúa tiếp tục cách trung tín lịch sử cứu độ và tuyển chọn của Ngài bằng cách tha thứ cho dân Ngài.

Người trung gian không bào chữa cho tội lỗi của dân; ông không kể ra những công trạng được coi như của họ hay của chính ông; nhưng ông kêu gọi lòng nhân từ của Thiên Chúa: một Thiên Chúa tự do, là tình yêu hoàn toàn, Đấng không ngừng tìm kiếm những kẻ lạc đường, Đấng luôn luôn trung tín với chính Mình và ban cho kẻ có tội khả năng ăn năn trở lại với Ngài và nhờ ơn tha thứ, trở thành người công chính và có thể trung tín. Ông Môsê xin Thiên Chúa chứng tỏ rằng Ngài còn mạnh hơn tội lỗi và sự chết, và lời cầu nguyện của ông đã đem lại mặc khải này của Thiên Chúa. Một người trung gian của sự sống, người cầu bầu bày tỏ tình đoàn kết với dân chúng. Trong khi chỉ muốn ơn cứu độ mà chính Thiên Chúa mong muốn, ông khước từ triển vọng trở thành một dân mới đẹp lòng Chúa. Những lời mà Thiên Chúa đã nói với ông, "Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc vĩ đại", thậm chí không được “người bằng hữu” của Thiên Chúa chấp nhận, mà thay vào đó ông sẵn sàng không những gánh vác tội lỗi của dân, mà còn gánh vác tất cả hậu quả của chúng.

Sau khi tiêu huỷ con bò vàng, ông trở lên núi để một lần nữa để xin ơn cứu độ cho dân Israel, ông thưa cùng Chúa rằng: “Nếu đẹp lòng Ngài, xin Chúa tha tội cho chúng! Bằng không, xin xóa tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết.” (câu 32). Nhờ cầu nguyện, nhờ mong muốn điều Thiên Chúa muốn, người cầu bầu hiểu biết sâu xa hơn về Thiên Chúa và về lòng thương xót của Ngài, và trở nên có khả năng yêu bằng một tình yêu có thể đạt đến mức hoàn toàn tự hiến.

Trong ông Môsê, người đứng trên đỉnh núi mặt đối mặt với Thiên Chúa, cùng trở thành người cầu bầu cho dân của ông, và hiến dâng chính mình - "xin hãy loại trừ con" - các Giáo Phụ của Hội Thánh nhìn thấy một tiên trưng của Đức Kitô, là Đấng trên đỉnh cao của thập giá thực sự đứng trước Thiên Chúa, không những như bằng hữu mà còn như Chúa Con. Và không những Người tự hiến thân - "Xin hãy loại trừ Con" - nhưng với trái tim bị đâm thâu qua, Người đã bị khai trừ, Người trở thành tội lỗi, như Thánh Phaolô nói; Người gánh tội lỗi chính chúng ta trên Mình để cứu chúng ta. Lời cầu bầu của Người không chỉ là sự đoàn kết, nhưng đồng hóa với chúng ta. Người mang tất cả chúng ta trên thân mình Người. Và bằng cách này toàn thể cuộc đời của Người như người ta và như Chúa Con là một tiếng kêu đến trái tim của Thiên Chúa, là sự tha thứ, nhưng sự tha thứ có khả năng hoán cải và canh tân.

Tôi nghĩ rằng chúng ta nên suy niệm về thực tại này. Đức Kitô đang đứng trước mặt Thiên Chúa và cầu nguyện cho tôi. Lời cầu nguyện của Người trên thập giá là lời cầu nguyện đương thời với tất cả mọi người, đương thời với tôi: Người cầu nguyện cho tôi, Người chịu đau khổ và chịu đau khổ cho tôi, Người tự đồng hóa với tôi bằng cách mặc lấy thân xác và linh hồn người phàm chúng ta. Người mời gọi chúng ta chia sẻ căn tính của Người, làm cho chúng ta thành một thân thể, một tinh thần với Người, vì từ đỉnh cao thập giá, Người đã không mang đến một Lề Luật mới, được viết trên những bia đá, nhưng đã mang chính Người, Mình và Máu Người, như một giao ước mới. Vì vậy, Người làm cho chúng ta thành một máu huyết với Người, một thân thể với Người, được đồng hóa với Người. Người mời chúng ta bước vào căn tính này, được kết hợp với Người trong ước muốn thành một thân thể, một tinh thần với Người. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho việc đồng hóa này biến đổi chúng ta, đổi mới chúng ta, bởi vì tha thứ là canh tân, và chính là biến đổi.

Tôi xin kết luận bài giáo lý này bằng lời Thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu Rôma: “Ai sẽ truy tố những người đã được Thiên Chúa tuyển chọn? Có phải là Thiên Chúa, Ðấng đã công chính hóa [chúng ta] không? Ai sẽ kết án? Có phải là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa, là Ðấng đang cầu bầu cho chúng ta không? Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? [….] dù sự chết hay sự sống, thiên sứ hay ma quỷ, [….] cho dù bất cứ loài nào khác trong các loài thụ tạo, cũng không có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Rm 8:33-35,38,39).

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

http://giaoly.org
 
Quê Hương Chúng Ta Ở Trên Trời
LM. Phêrô Hồng Phúc
22:44 05/06/2011
Quê Hương Chúng Ta Ở Trên Trời

Vào thời điểm mà các tông đồ đang phấn chấn nhất, sau khi Thầy của mình đã Phục Sinh vinh hiển. Bao nhiêu nỗi lo âu, sợ hãi đã đi qua. Niềm hy vọng tràn ngập trở lại, thì lại là lúc các ông chứng kiến Chúa Thăng Thiên khiến cho các ông cứ đứng mãi nhìn trời cho tới khi thiên thần đến và bảo “Hỡi người Galilea, sao các ông cứ đứng mãi nhìn lên trời. Đấng vừa lên trời cũng sẽ đến cùng một thể thức như các ông cũng đã thấy Người lên trời” (Cv 1, 11).

Sự kiện Chúa Thăng Thiên đã cho chúng ta một bài học. Các tông đồ là những người luôn đi sát với Đức Ki tô mà vẫn luôn luôn ngỡ ngàng và luôn luôn phải xin Đức Giêsu giải thích ý nghĩa của những dụ ngôn cho các ông vì các ông không hiểu ý nghĩa của dụ ngôn. Ngày mà Chúa lên Giêrusalem để chịu nạn, các tông đồ nghĩ là Chúa lên để thiết lập Nước Chúa, và Giacôbê với Gioan đã xin được ngồi bên tả bên hữu trong nước của Thầy khiến cho mười tông đồ kia phẫn nộ và bực tức với Giacoôbê và Gioan. Khi Chúa Giêsu nói: “Thầy về cùng Cha và các con đã biết đường rồi”(Ga 14, 4). Ông Toma còn thảng thốt kêu lên: “Chúng con còn chưa biết Thầy đi đâu thì làm sao chúng con biết đường đi”(Ga 14, 5). Vì vậy, chúng ta không lạ gì trước sự kiện Chúa Thăng Thiên mà các ông cứ đứng mãi nhìn lên trời. Nhìn vì bỡ ngỡ và cũng nhìn vì không hiểu. Mặc dù Chúa nói rõ: “Thầy về cùng Cha Thầy cũng là Cha của các con, về cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của các con”(Ga 20, 17). Trong huấn từ, Chúa còn nói rõ nữa: “Thầy bởi Cha mà đến trong thế gian, giờ đây Thầy lại về cùng Cha”(Ga 16,28). Thế nhưng các tông đồ vẫn đứng bỡ ngỡ nhìn trời. Các ông đại diện cho tất cả nhân loại chúng ta. Đứng trước những mầu nhiệm, đứng trước những mạc khải thì trí khôn của loài người như bị choáng váng và không ai là người có thể khám phá. Đứng trước những mầu nhiệm lớn lao ấy. Con người chỉ có thể lãnh nhận. Con người chỉ có thể xử sự một cách khôn ngoan và mau lẹ nhất là thưa hai tiếng “Xin vâng” như Đức Mẹ.

Hôm nay Chúa Giêsu lên trời không phải chứng minh cho các tông đồ điều gì nữa. Tất cả mọi sự Chúa đã giảng dạy cặn kẽ tỉ mỉ cho các ông. Nhưng Chúa lên trời trước mắt các ông để khẳng định cho các ông thấy được rằng: “Thầy về cùng Cha Thầy cũng là Cha của các con. Thầy về cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của các con”. Chúa nói điều đó để các tông đồ hiểu rằng, trong lời kinh Lạy Cha, Chúa dạy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Như vậy, quê hương đích thật của chúng ta là ở trên trời. Người Cha của chúng ta ở trên trời. Xuất xứ của chúng ta không phải bởi đất, nhưng bởi trời. Chúa bởi trời mà đến thì cũng sẽ có lúc chúng ta được theo Chúa về trời. Một xuất xứ quan trọng như vậy không cho phép chúng ta ở mãi trong cuộc đời trần thế này.

Một lần kia, cha Anthony de Mello, S.J đã kể câu chuyện: “Có người nọ nhặt được quả trứng đại bàng, đem bỏ vào ổ gà đang ấp trong chuồng. Chú đại bàng con nở ra và lớn lên cùng lứa với đàn gà con. Cứ thế suốt đời đại bàng con chỉ làm những việc mà lũ gà con vẫn làm, và cứ tưởng mình là một gà con. Nó cũng bới đất tìm sâu bọ, cũng kêu cục tác như các ả gà mái và cũng quen đập cánh bay lên cao chừng hơn nửa thước. Thời gian thấm thoát trôi, đại bàng ta rồi cũng già. Bữa kia, nó trông thấy một con chim tuyệt đẹp bay phía trên nó trong bầu trời lồng lộng thênh thang. Với dáng vẻ uy nghi dũng mãnh, cánh chim ấy nhẹ nhàng băng giữa cuồng phong, chỉ lâu lâu mới khẽ vỗ nhịp đôi cánh vàng mạnh mẽ của mình. Đại bàng ta nhìn lên kinh hãi. Nó hỏi “cái gì vậy?”. Một bạn gà của nó trả lời: “Đó là đại bàng - vua của các loài chim. Đại bàng thuộc về trời cao, còn bọn mình thuộc về mặt đất. Bọn mình chỉ là loài gà”. Cứ vậy, đại bàng ta sống và chết như một chú gà vì nó vẫn đinh ninh mình chỉ là gà”.

Một câu chuyện khác tương tự: “Một con vịt trời kia đã trà trộn chung với loài vịt nhà, rồi người chủ thả đàn vịt cho bơi lội tung tăng dưới ao ăn mồi do người chủ ném xuống. Con vịt trời này rất thích thú vì nó chẳng phải bay đi kiếm ăn mà nó vẫn được ăn no. Bạn bè nó hàng năm vẫn bay ngang qua, rủ nó, nhắc nó, rằng nó phải nhập đàn, phải bay xa, phải đi kiếm ăn, phải đi về miền Nam vì mùa xuân mát mẻ đã tới. Nhưng nó cứ làm ngơ giả điếc. Nó vẫn tung tăng đi theo các bạn vịt nhà, đón những mồi ăn mà người chủ quăng cho hằng ngày. Rồi ngay cả chuồng trại cũng đã được lo đầy đủ. Vịt trời chẳng phải lo lắng gì. Năm này qua năm khác sống như thế, cho đến một lúc nó cũng cảm thấy chán. Nó cảm thấy chán vì trong một phạm vi đã định sẵn. Trong những thức ăn đã trở thành thói quen. Bấy giờ nó mới nghĩ đến một phương trời xa lạ, nó nghĩ đến các bạn của nó bay cao và nó chờ đợi. Cuối cùng thì các bạn nó cũng bay ngang qua. Vịt trời đã dốc tâm, nó sẽ bay theo để khám phá một phương trời xa lạ để cất mình lên cao hơn. Vừa khi các bạn bay tới, nó lập tức bay lên. Nhưng, hỡi ôi! Bao nhiêu năm trời đi theo vịt nuôi, chẳng chịu dùng đến cánh, chẳng ngỡ ngàng đến chuyện trên cao. Cho nên bây giờ vỗ cánh 'bạch, bạch, bạch', nó lại sa xuống 'bệt, bệt, bệt' !!!. Và đương nhiên nó vĩnh viễn thuộc về mặt đất. Nó đã bỏ mất xuất xứ của mình trên trời để trở thành vịt nuôi cho tới ngày người ta không phải lấy mồi cho nó mà ngược lại nó làm mồi cho người ta nhắm!.”

Hai câu chuyện trên cho chúng ta thấy, nếu người Ki tô hữu hôm nay không nhớ lời thánh Phaolô: “Anh em hãy hướng về những sự trên trời, đừng hướng về những sự dưới đất” (Cl 3,2). Không phải như các tông đồ bỡ ngỡ nhìn trời để suy niệm, để nhớ về xuất xứ cao cả của mình thì con người cũng sẽ có ngày muốn bay lên mà lại sà xuống. Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó với các tông đồ: “Thần trí thì nhanh nhẹn nhưng xác thịt thì nặng nề, yếu đuối” (Mt 26,41).

Ngày lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay là một lời mời gọi, một lời cảnh tỉnh, một lời nhắc nhở cho người Kitô hữu chúng ta, chúng ta có Cha ở trên trời hằng ngày chúng ta đọc Kinh Lạy Cha. Chúng ta có quê hương ở trên trời mà Chúa đi trước để dọn nơi cho chúng ta. Khi đã dọn nơi, Chúa Giêsu sẽ trở lại để đem chúng ta đi vì “Thầy ở đâu, các con cũng ở đó với Thầy” (Ga 14, 3). Niềm vui, hạnh phúc, và ý nghĩa cao đẹp biết bao. Nhưng thật là nguy hiểm và đau buồn cho những ai hằng ngày không nhớ về xuất xứ về quê hương đích thật của mình ở trên trời.

Lạy Chúa Giêsu Ki tô,
Hôm nay Chúa thăng hiển về trời.
Không phải là để Chúa lấy lại vinh quang
hay là để cho các tông đồ
nhìn thấy một điều mà Chúa đã báo trước
nhưng chính là để dọn đường cho chúng con,
để khẳng định cho chúng con rằng:
chúng con cũng sẽ được về trời với Chúa.
Nếu ngay từ hôm nay
chúng con cũng ý thức: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng
vì Nước Thiên Chúa đã gần đến.
Xin cho chúng con sống tinh thần làm chứng nhân của Tin Mừng,
để chúng con cũng được thừa hưởng gia tài của Nước Trời
và cho chúng con được theo Chúa về hưởng phúc cùng Cha,
hưởng phúc cùng Thiên Chúa, hưởng phúc đời đời. Amen.


LM. Phêrô Hồng Phúc
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc phỏng vấn Đức TGM Hàn Đại Huy về Giáo Hội tại Trung Quốc
Tiền Hô
11:17 05/06/2011
VATICAN, 3 Tháng Sáu 2011 (AsiaNews) - Tổng Thư Ký Thánh Bộ Truyền Giáo - Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy vừa có những phản ứng trước lời tiên đoán về một cuộc tấn phong giám mục bất hợp thức sắp tới tại Trung Quốc.

Dưới đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn với Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy:

Xin cho biết ý kiến về tin đồn nói rằng, vào ngày 9 Tháng Sáu sẽ có một vụ tấn phong giám mục bất hợp thức mới tại Hán Khẩu (Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc) mà không có sự ủy quyền của Đức Giáo Hoàng.

Tôi lo lắng về báo cáo này. Đức Giáo Hoàng cũng lo âu như Giáo Hội tại Trung Quốc vậy. Theo những gì tôi biết, các tín hữu tại Hán Khẩu đã phản ứng bằng cách yêu cầu chính phủ và Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CPCA) không thực hiện việc tấn phong này theo Giáo Luật quy định.

"Dường như là vị ứng viên, cha Thẩm Quốc An, cũng chống lại điều đó. Đáng buồn là hiện nay chúng tôi không biết thực sự là ngài nghĩ thế nào. Tuy nhiên, trong chỗ anh em với nhau, tôi muốn nói với cha Thẩm là 'Tôi tin anh biết chọn đường ngay. Điều duy nhất đúng là từ khước."

Một vụ tấn phong bất hợp thức sẽ nghiêm trọng như thế nào?

Giáo hội là một thân thể mà Chúa Kitô là đầu và chúng ta là các chi thể, hoàn toàn hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần. Đó là một mầu nhiệm và cũng là một bí tích thực thụ. Mọi hành vi của chi thể, như việc tấn phong giám mục bất hợp thức, là một hành vi của một chi thể Giáo Hội, là nguyên nhân gây ra sự đau đớn cho toàn bộ thân thể, giống như chia cắt chi thể ra khỏi thân thể vậy. Cuối cùng, toàn bộ thân thể bị sẹo và chảy máu.

Ngoài ra còn có hậu quả khác. Khi một vụ tấn phong trái giáo luật được thực hiện, Giáo Hội tại Trung Quốc hoặc là các bộ phận của họ sẽ xuất hiện những việc làm theo hiến chương của một Giáo hội khác, đó là một cộng đồng không muốn làm việc với Đức Thánh Cha.

Làm thế nào mà họ vẫn không biết là việc chuẩn bị để thực hiện vụ tấn phong này là hoàn toàn trái giáo luật? Theo một số báo cáo, CPCA đang lên kế hoạch cho ít nhất là mười vụ tấn phong nữa....

Tôi không thể nói đầy đủ về điều này, nhưng qua những gì chúng ta thấy, rõ ràng là các linh mục và các giám mục đang chịu áp lực. Song, tôi có ấn tượng rằng áp lực này không còn mạnh như những gì mà anh em chúng tôi đã chịu trong nhiều thập kỷ qua. Chẳng hạn như ngày nay, không còn hiểm họa lao động cải tạo, giam cầm hoặc tử vong. Ngày nay, chính phủ không làm điều đó nữa.

Tất nhiên, nếu các vị giám mục và linh mục không chịu quy phục chính phủ [Bắc Kinh], họ sẽ bị trừng phạt một cách nào đó. Ví dụ, họ có thể mất đi ngân sách dành cho giáo phận của họ, các hoạt động mục vụ hàng ngày của họ sẽ gặp trở ngại nhiều hơn, hoặc sự nghiệp của họ có thể phải chịu đựng nhiều hơn (ví dụ, họ không được bổ nhiệm vào hội đồng tư vấn của Chính phủ...). Ngoài ra, họ không được phép đi ra nước ngoài hay di chuyển trong Trung Quốc, hoặc có thể bị buộc phải trải qua các khóa giáo dục cải tạo.

Có một số ví dụ về điều này. Sau khi Đức Cha Lý Liên Quý (Li Lianghui) từ chối tham gia vào Đại hội đại biểu Công giáo hồi cuối Tháng Mười Hai, ngài bị gửi đi giáo dục cải tạo. Tuy nhiên, điều này cũng là bằng chứng cho thấy có thể nói "không" với sự quy phục. Buộc phải cô lập với các vị giám mục khác, các linh mục hoặc tín hữu có thể phải chịu một gánh nặng. Khi đối mặt với hình phạt như vậy, một số giám mục đã chống chọi tốt hơn so với những người khác đã làm. Chính phủ biết rõ về những ứng viên để đưa ra sự lựa chọn, họ lựa chọn người yếu hơn để phục tùng thỏa hiệp.

Tôi cho rằng, cũng có những kẻ cơ hội sẽ chấp nhận một sự thỏa hiệp, họ viện dẫn một số lý do, chẳng hạn như muốn Giáo Hội có các lợi ích to lớn hơn, cần có ngân sách, hoặc là do mệnh lệnh truyền giáo...Tuy nhiên, tuyên bố như vậy là sai. Một khi Giáo Hội bị phân ly khỏi viên đá tảng là Thánh Phêrô, Giáo Hội sẽ tự động trở nên suy yếu.

Trong mọi trường hợp, dù có bị bách hại đi chăng nữa thì đó cũng không phải là lý do biện minh cho sự quy phục. Quy phục chế độ là một hành động gây ra tai tiếng cho Giáo Hội và gửi đi thông điệp sai lầm cho các tín hữu. Nó làm mờ đi ký ức hào hùng của nhiều vị giám mục không chịu quy phục.

Hiện nay, các ứng viên giám mục khác nhau đã chống cự và không muốn được tấn phong mà không có sự đảm bảo phù hợp với giáo luật và đúng với sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng.

Khi nói về Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Giáo Hội Tại Trung Quốc, Đức Thánh Cha đã kêu gọi cầu nguyện cho những ai đã bị cám dỗ bởi chủ nghĩa cơ hội....

Tất cả các ứng cử viên cho chức tư tế đều là anh em của chúng ta, và chúng ta nên giúp đỡ họ và mở dạy cho họ hiểu biết vấn đề. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta khuyến khích họ đi theo con đường sai lầm. Lòng trắc ẩn cần phải đặt vào trong những thời điểm khó khăn. Bên cạnh đó, nếu thấy bạn có nghị lực, chính phủ sẽ không dám động chạm đến bạn. Nhưng nếu thấy bạn có một điểm yếu, hay một xu thế hướng tới sự thỏa hiệp, chính phủ sẽ lợi dụng bạn điều đó.

Có những ứng viên kiên vững nên từ chối không chịu thụ phong chức giám mục từ một giám mục đã bị tuyệt thông, ít nhất là cho đến khi có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng ban ra. Đối mặt với sự kiên vững như vậy, chính phủ có thể làm gì được.

Tòa Thánh đã làm điều gì cho các ứng viên này?

Về phần chúng tôi, chúng tôi phải cứng rắng hơn trong việc đào tạo giáo sĩ trở thành các nhà lãnh đạo mạnh mẽ có thể đến các chủng viện. Thật không may, chúng tôi chỉ có thể làm được rất ít từ bên ngoài. Đồng thời, chúng ta cũng có thể thấy rằng chính phủ đang theo dõi sát sao các ứng viên của mình, đào tạo ứng viên trước khi buộc ứng viên vào cái khuôn mẫu mà họ mong muốn. Tuy nhiên, chính phủ lại không thích những kẻ cơ hội vì họ có thể thay đổi lập trường của họ. Họ được sử dụng miễn là còn có ích.

"Trong tình hình của Trung Quốc, chúng ta phải bảo cho các giám mục và linh mục là nếu họ cảm thấy không cáng đáng nổi nghĩa vụ của mình hay không thể nào kháng cự lại nổi các áp lực [của nhà nước] họ nên đơn giản là xin nghỉ các công việc mục vụ và có can đảm ngưng thừa tác vụ của mình".

Phải chăng là thiết lập một Giáo Hội độc lập hữu dụng cho chính phủ?

Chính phủ muốn để cho Giáo Hội ban các bí tích cho giáo dân Trung Quốc và người ngoại quốc đến viếng thăm nước này. Điều này nhằm tạo ra một ấn tượng về sự tự do tôn giáo, ngay cả khi nó có nhiều vấn đề trong quan điểm về giáo luật và thần học.

Trung Quốc theo một nguyên tắc, chính phủ đến trước; tôn giáo đến sau. Tuy nhiên, lại không có sự rõ ràng là tôn giáo phải phụ thuộc thế nào.

Một hệ thống tự chọn và tự tấn phong (không có sự uỷ quyền của Đức Giáo Hoàng) cuối cùng sẽ tiêu diệt Giáo Hội, nghĩa là khi ấy các tín hữu sẽ hướng về các giám mục không hiệp thông với Tòa Thánh.

Song, nghi thức do một giám mục bất hợp thức thực hiện cũng là thành sự...

Lá thư của Đức Giáo Hoàng gửi người Công giáo Trung Quốc nói: vì lợi ích của tín hữu, cho nên trong trường hợp đặc biệt, có thể đón nhận một bí tích thành sự nhưng bất hợp thức từ một giám mục bất hợp thức. Điều này đã trở thành tiêu chuẩn, nhưng tôi nghĩ là cần phải được hướng dẫn sửa đổi, tín hữu Trung Quốc và ngoại quốc không nên đón nhận bất kỳ bí tích nào từ các giám mục bất hợp thức. Nếu không phân biệt cách rõ ràng như vậy, các tín hữu sẽ không hiểu được sự khác biệt giữa các giám mục trung thành với Đức Giáo Hoàng và những người không trung thành. Đức tin của người bình dân có thể bị hủy hoại.

Bí tích được thực hiện bởi các giám mục bất hợp thức được chấp nhận trong trường hợp khẩn cấp, nhưng chúng không gia tăng sự hiệp thông của Giáo Hội. Đó là cách để khỏi chết (modus non morientis) chứ không phải là cách để sống sót (modus vivendi). Đây là một hướng dẫn để giữ cho Giáo Hội sinh tồn, nhưng nó không giúp cho Giáo Hội sinh trưởng.

Những gì tôi nói tương ứng với nhiều đề nghị từ phía Giáo Hội tại Trung Quốc, trong đó, kêu gọi Vatican làm rõ một số vấn đề và đưa ra lời hướng dẫn cụ thể hơn để cho các tín hữu và linh mục ứng biến (vis-à-vis) với các giám mục bất hợp thức.

Sau cuộc tấn phong bất hợp thức ở Thừa Đức, Tòa Thánh đã đưa ra một tuyên bố rất rõ ràng, lên án hành động này...

Có, nhưng không chỉ vậy thôi. Cần phân biệt giữa quyền Giám mục và sứ vụ mục tử. Một ai đó có thể trở thành giám mục thông qua nghi thức tấn phong, nhưng sứ vụ mục tử trên Dân Chúa phải thông qua ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng. Điều này có nghĩa là: một vị giám mục được tấn phong bất hợp thức thì không có thẩm quyền trên các tín hữu, bởi vì người đó không có ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng. Trong trường hợp ở Thừa Đức, việc tấn phong là thành sự (mặc dù trái luật), nhưng vị giám mục này không có thẩm quyền để dẫn dắt đàn chiên của mình. Điều này có nghĩa rằng ở Thừa Đức, các tín hữu không có nghĩa vụ phải tuân theo vị giám mục, người này cũng không có quyền truyền chức cho các linh mục.

Qua tất cả những khó khăn và đe dọa của việc tấn phong bất hợp thức, có dấu hiệu hy vọng nào cho Giáo Hội tại Trung Quốc không?

Nhiều linh mục và tín hữu tuân theo giáo lý Công giáo và không vâng lời giám mục bất hợp thức. Tuy nhiên, tôi không biết về lâu dài thì sẽ ra sao. Vì lý do này, việc đào tạo chủng sinh là quan trọng.

Một điều đáng chú ý hơn, đó là người Công giáo Trung Quốc nhận được nguồn linh hứng từ vị Tân Chân Phước Gioan Phaolô II, ngài đã từng nói: "Đừng sợ". Đức cố Giáo Hoàng đã nói những lời này trong những ngày khởi đầu chức vụ giáo hoàng sau khi ngài rời Ba Lan, một quốc gia mà Giáo Hội đã bị bách hại và có chút ít hy vọng thành công. Tuy nhiên, "Đừng sợ" đã có được hiệu quả. Đức Hồng Y Casaroli không thể tin rằng sự sụp đổ của chế độ cộng sản lại diễn ra trong một thời gian ngắn như thế.

Tôi nghĩ rằng, cách để loại bỏ sự nhập nhằng này là yêu cầu các giám mục đã tham gia vào các hoạt động trái với sự ủy thác của Đức Giáo Hoàng (ví dụ như thực hiện tấn phong trái luật hoặc tham gia hội đồng) phải công khai cải tà quy chánh.

Giáo Hội Hoàn Vũ có thể làm điều gì?

Chúng ta phải giúp Giáo Hội tại Trung Quốc sống đức tin và không bị uốn nắn làm xói mòn nhu cầu sống đức tin Công giáo sâu sắc cùng với mối quan hệ với Đức Giáo Hoàng. Đáng buồn thay, một kiểu thần học từ Hoa Kỳ và Âu Châu đã thâm nhập Giáo Hội Trung Quốc. Thần học này hô hào quyền tự chủ trong việc bổ nhiệm giám mục và độc lập khỏi Tòa Thánh. Có những người ở Mỹ Châu và Âu Châu đang thôi thúc các giám mục Trung Quốc hành động như vậy. Họ lập luận: "Nếu chư vị thành công thì chúng tôi sẽ làm theo".

Bạn thấy đó, cho đến bây giờ, các vấn đề "độc lập" và "tự chủ" vốn được đề cập đến mối quan hệ với chính phủ; nay nó cũng đã len lỏi đến thần học.

Đôi khi có ý kiến cho rằng Tòa Thánh bị vấn đề ngoại giao chi phối nhiều hơn là quan tâm mục vụ, nghĩa là quá mong mỏi thiết lập quan hệ ngoại giao [với Trung Quốc] mặc cho việc phải trả giá. Ví dụ, đã bao nhiêu lần Tòa Thánh yêu cầu nước này trả tự do cho các giám mục bị cầm tù?

Mỗi lần chúng tôi gặp đại diện chính phủ Trung Quốc, chúng tôi đều yêu cầu thả các người anh em của chúng tôi. Tuy nhiên, chính phủ không lắng nghe. Các vị giám mục ấy đã già nua và bệnh tật, việc trả tự do cho họ sẽ là một cử chỉ nhân đạo. Đáng buồn thay, chúng tôi không bao giờ nhận được một câu trả lời. Có lẽ, chúng ta nên ra lời kêu gọi công chúng hơn là nói chuyện với từng người trong cính phủ.

Một số người Công giáo hầm trú mong đợi án phong chân phước cho Đức Hồng Y Ignatius Cung Phần Mai (Gong Pinmei) được xúc tiến. Ngài nghĩ sao?

Có những khó khăn về thủ tục. Đó là các giáo phận Trung Quốc, tức Giáo Hội địa phương, cần thu thập tài liệu để gửi cho Thánh Bộ Phong Thánh. Nếu điều này được thực hiện, Vatican chắc chắn sẽ xem xét. Về trường hợp của Đức Hồng Y Cung, kể từ khi ngài làm Giám mục của Thượng Hải, đã có các vấn đề liên quan đến việc hòa giải giữa cộng đồng công khai và hầm trú ở Thượng Hải. Nhưng không phải là không thể. Điều này cũng áp dụng cho các vị tử đạo trong thời kỳ cộng sản, họ đã qua đời bởi những khó khăn và bách hại trong trại hoặc trong nhà tù vài thập kỷ qua. Mỗi giáo phận hãy thu thập tài liệu về các vị tử đạo, và xác định xem có nên gửi nó đến Rôma để xúc tiến một quá trình chính thức của án phong thánh hay là không. Nếu các giáo phận có thể bắt đầu quá trình này, chúng tôi rất vui mừng.
 
Được thu hút bởi đời sống khổ tu vì có sự cân bằng giữa công việc, cầu nguyện và học hỏi
Bùi Hữu Thư
04:48 05/06/2011
TRAPPIST, Kentucky. (CNS) -- Đời sống khổ tu không phải là của tất cả mọi người. Nhưng có một nhóm nhỏ người nam và nữ đã bị thu hút vào đời sống này -- một đời sống có sự cân bằng đều hòa giữa công việc, cầu nguyện và học hỏi.

Các tu sĩ dòng Xitô (Trappist) tại Đan Viện Gethsemani tại Trappist và 16 cộng đồng Trappist khác tại Hoa Kỳ đã khởi xướng một nỗ lực Ơn Thiên Triệu mới đây để thu hút những tu sĩ nam và nữ gia nhập cùng với họ vào đời sống chiêm niệm.

Vào một buổi sớm mùa Xuân tại khuôn viên lý tưởng và khép kín của Đan Viện Gethsemani tại một Quận miền quê tên Nelson County, phản ánh sự tôn kính thinh lặng của những người cư ngụ tại đây.

Các tu sĩ, tụ tập trong nhà thờ của đan viện, giữ im lặng trong khi họ hát bình ca. Các tu sĩ sống tại đan viện giữ im lặng trong các bữa ăn và thường thì sống một đời sống thinh lặng và chiêm niệm.

Họ dâng Thánh Lễ mỗi ngày, và họ cầu nguyện (thường là hát bình ca: chanting) các giờ kinh phụng vụ bẩy lần trong ngày -- đôi khi chỉ trong vòng 10 phút.

Thời gian còn lại họ tiếp tục công việc làm. Mỗi ngày tại Đan Viện Gethsemani được đánh dấu bởi nhịp sống cầu nguyện có kỷ luật này. Kỷ luật không có vẻ khắc khổ, nhưng luôn luôn hiện diện.

Thầy Luke Armour, giám đốc ơn gọi của cộng đồng nói trong một khoảng thời gian giữa hai lần cầu nguyện: "Đây là một nơi chốn tuyệt vời để sống. Tuy nhiên, rõ ràng là nơi đây không thích hợp cho tất cả mọi người.

Thầy cho phóng viên tờ báo The Record của Tổng Giáo Phận Louisville, Kentucky hay:"Sự cân bằng giữa cầu nguyện, làm việc, và học hỏi thúc đẩy chúng tôi sống theo kế hoạch của Thiên Chúa và trong sự yêu thương chăm sóc của Người."
 
ĐTC họp báo trên chuyến bay đi Croatia
Nguyễn Trọng Đa
09:00 05/06/2011
ĐTC họp báo trên chuyến bay đi Croatia

ROMA - Chúng tôi đăng tải dưới đây văn bản của cuộc gặp giữa ĐTC Biển Đức XVI và các nhà báo, trong chuyến bay đưa Ngài đi từ Roma đến Zagreb (Croatia), nhân chuyến công du lần thứ 19 của Ngài ra nước ngoài.

Hỏi: Kính thưa ĐTC, Ngài đã nhiều lần đi Croatia và ĐTC tiền nhiệm của Ngài đã ba lần công du đến nước này. Người ta có thể nói về một quan hệ đặc biệt giữa Tòa thánh và Croatia không? Đâu là các lý do và khía cạnh có ý nghĩa nhất của mối quan hệ và chuyến đi này?

ĐTC: Cá nhân tôi đã hai lần đi Croatia. Lần đầu là dự đám tang của Đức Hồng Y Seper - người tiền nhiệm của tôi tại Thánh bộ Giáo lý Đức tin – Ngài là một trong các người bạn rất thân của tôi, bởi vì ngài cũng là Chủ tịch Ủy ban thần học mà tôi là một thành viên. Vì vậy, tôi biết lòng tốt của ngài, trí thông minh của ngài, sự biện phân của ngài, và niềm vui của ngài. Và điều này cũng cho tôi một ý tưởng như thế về đất nước Croatia, bởi vì ngài là một người Croatia tuyệt vời, một người châu Âu vĩ đại. Và sau đó tôi đã đi đến Croatia một lần nữa, do vị thư ký riêng Capek của ngài mời, vị này cũng là một người rất vui tính và tốt lành, để tham dự một hội nghị và lễ mừng tại một đền thánh Đức Mẹ. Tại đó, tôi thấy lòng đạo đức bình dân, mà tôi phải nói là rất giống với lòng đạo ở đất nước của tôi. Và tôi đã rất vui khi thấy sự nhập thể này của đức tin: một đức tin sống với trọn trái tim, nơi mà sự siêu nhiên trở nên tự nhiên và sự tự nhiên được soi sáng bởi sự siêu nhiên. Vì vậy, tôi đã thấy và đã sống đất nước Croatia này, với lịch sử ngàn năm Công giáo, luôn luôn rất gần gũi với Tòa Thánh và, lẽ tự nhiên, với lịch sử của Giáo Hội cổ xưa. Tôi thấy rằng có một tình anh em rất sâu đậm trong đức tin, trong ý muốn phục vụ Chúa vì con người, trong chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo. Trong nghĩa này, theo tôi, có một quan hệ tự nhiên trong Công giáo tính thật sự, vốn mở ra cho tất cả mọi người và biến đổi thế giới, và muốn biến đổi thế giới theo ý tưởng của Đấng Tạo Hóa.

Hỏi - Kính thưa ĐTC, trong tương lai gần, Croatia sẽ gia nhập nhóm 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU): nhưng gần đây, có sự hoài nghi đối với Liên minh này nơi người dân Croatia. Trong tình huống này, Ngài nghĩ sẽ đưa ra một thông điệp khuyến khích cho người Croatia không, để họ nhìn về châu Âu trong một viễn tượng không chỉ về kinh tế, mà còn về văn hóa và các giá trị Kitô giáo khác nữa?

ĐTC - Tôi nghĩ rằng đa số người dân Croatia sẽ vui mừng nhìn thời điểm, khi Croatia sẽ gia nhập Liên minh châu Âu, bởi vì đó một dân tộc có tính châu Âu sâu đậm. Các Đức Hồng y Seper, Kuharic và Bozanic luôn nói với tôi: "Chúng con không là người Balkan, chúng con là người trung Âu". Vì vậy, đó là một quốc gia ở trung tâm của châu Âu, của lịch sử và văn hóa châu Âu. Trong nghĩa này, tôi nghĩ rằng thật là hợp lý, chính đáng và cần thiết để Croatia gia nhập. Tôi cũng nghĩ rằng tình cảm ưu thế là tình cảm của vui mừng, được ở nơi Croatia đã khai sinh về lịch sử cũng như về văn hóa. Đương nhiên, người ta cũng có thể hiểu một sự hoài nghi nào đó, khi một dân tộc không đông về dân số gia nhập Liên minh châu Âu, vốn đã hình thành và đã xây dựng. Người ta có thể hiểu là có thể sợ một bộ máy quan liêu tập trung quá mạnh, một nền văn hóa duy lý vốn không lưu tâm đủ về lịch sử và sự phong phú của lịch sử, và sự phong phú của đa dạng lịch sử nữa. Đối với tôi, việc này cũng có thể là một nhiệm vụ cho đất nước Croatia khi gia nhập: đổi mới sự đa dạng trong sự thống nhất. Bản sắc châu Âu là một bản sắc riêng trong sự phong phú của các nền văn hóa khác nhau, vốn hội tụ trong đức tin Kitô giáo, trong các giá trị lớn của Kitô giáo. Để cho việc này được nhìn thấy và có hiệu quả, tôi nghĩ rằng đó chính là nhiệm vụ của người Croatia cần phải tăng cường, chống lại một chủ nghĩa duy lý trừu tượng, tính chất lịch sử của các nền văn hóa chúng ta và tính đa dạng, vốn là sự phong phú của chúng ta. Tôi khuyến khích người dân Croatia theo nghĩa này: quá trình gia nhập vào châu Âu là một quá trình trao đổi qua lại của những gì cho đi và nhận lại. Croatia cũng trao ban bằng lịch sử của mình, năng lực con người và kinh tế, và tiếp nhận một cách tự nhiên, mở rộng chân trời của mình và sống trong sự trao đổi lớn, không chỉ kinh tế, mà còn và trên hết, văn hóa và tinh thần nữa.

Hỏi - Kính thưa ĐTC, nhiều người Croatia hy vọng rằng nhân chuyến thăm của Ngài, việc phong thánh cho chân phước Đức Hồng Y Stepinac có thể xảy ra: đối với Ngài, đâu là tầm quan trọng của hình ảnh Hồng y hiện nay?

ĐTC - Đức Hồng Y là một mục tử lớn và một Kitô hữu vĩ đại, và cũng một người có tính nhân bản gương mẫu. Tôi nói đó là số phận của Đức Hồng Y Stepinac, người đã sống dưới hai chế độ độc tài chống đối, nhưng cũng là chế độ chống nhân bản: lúc đầu là chế độ Ustasha, dường như thực hiện được ước mơ tự chủ và độc lập, nhưng thực sự là một quyền tự chủ dối trá, bởi vì nó bị Hitler lèo lái theo chủ đích của ông. Đức Hồng Y Stepinac đã hiểu điều này, và bảo vệ tính nhân bản thực sự chống lại chế độ, bảo vệ người Serbia, người Do Thái, người digan; chúng ta có thể nói rằng ngài đã ban một sức mạnh của một chủ nghĩa nhân đạo thực sự, ngay cả trong đau khổ. Và sau đó là chế độ độc tài cộng sản, và ngài đã một lần nữa chiến đấu cho đức tin, cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, cho chủ nghĩa nhân văn thực sự, vốn tùy thuộc vào sự hiện diện của Chúa: chỉ có con người là hình ảnh của Chúa và chủ nghĩa nhân bản nở hoa. Chúng ta có thể nói rằng đó là số số phận của ngài: chiến đấu trong hai cuộc chiến đấu khác nhau và đối nghịch nhau, và trong quyết định vì chân lý chống tinh thần của thời đại, chủ nghĩa nhân bản này phát sinh từ đức tin Kitô giáo là một ví dụ tuyệt vời, không chỉ cho người Croatia nhưng còn cho tất cả chúng ta. (Zenit 5-6-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
400 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Zagreb
LM Trần Đức Anh OP
18:18 05/06/2011
ZAGREB. Sáng chúa nhật 5-6-2011, 400 ngàn tín hữu Công Giáo đã tham dự thánh lễ trọng thể ĐTC Biển Đức 16 cử hành tại trường đua ở thủ đô Zagreb của Croát.

Đây là thánh lễ duy nhất ĐTC cử hành trong cuộc viếng thăm dài 33 tiếng đồng hồ của ngài tại Croát. Đồng tế với ngài có 60 HY, GM và 1 ngàn linh mục.

Thánh lễ có chủ đề là Ngày Toàn Quốc đầu tiên các gia đình Công Giáo Croát, với các đoạn sách thánh khích lệ các gia đình đón nhận mầu nhiệm sự sống, giáo dục con cái theo các đức tính Kitô, theo tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân của Kitô hữu trong xã hội, quảng đại hiến thân cho tha nhân và là những thành phần sinh động trong đời sống cộng đoàn.

Trong bài giảng, ĐTC nói: ”Hỡi các cha mẹ quí mến, anh chị em hãy luôn luôn dấn thân dạy con cái cầu nguyện và hãy cầu nguyện với con cái; đưa chúng đến gần các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể - năm nay là năm kỷ niệm 600 năm phép lạ Thánh Thể ở Ludbreg; anh chị em hãy hướng dẫn con cái vào đời sống Giáo Hội; trong cuộc sống gia đình thân mật, anh chị em đừng sợ đọc Kinh Thánh, soi sáng đời sống gia đình với ánh sáng đức tin và chúc tụng Thiên Chúa như người Cha. Anh chị em hãy trở thành một nhà tiệc ly nhỏ bé, như Mẹ Maria và các môn đệ, trong đó có tình hiệp nhất, hiệp thông và cầu nguyện!..

”Trong xã hội ngày nay, hơn bao giờ hết, sự hiện diện của các gia đình Kitô gương mẫu là điều cần và cấp thiết hơn bao giờ hết. Rất tiếc là chúng ta phải nhận thấy rằng, đặc biệt ở Âu Châu, trào lưu tục hóa lan tràn, đưa tới sự gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và làm cho gia đình ngày càng bị băng hoại. Người ta tuyệt đối hóa tự do mà không có sự dấn thân cho sự thật, và vun trồng thiện ích cá nhân như một lý tưởng, qua việc tiêu thụ các của cải vật chất và những kinh nghiệm phù du, lơ là phẩm chất các quan hệ với con người và các giá trí nhân bản sâu xa nhất; người ta thu hẹp tình yêu vào những cảm xúc tình cảm và sự thỏa mãn những thúc đẩy của bản năng, mà không có sự dấn thân kiến tạo những mối liên hệ lâu bền thuộc về nhau, và không cởi mở đối với sự sống. Chúng ta được mời gọi chống lại não trạng ấy! Bên cạnh lời của Giáo Hội, điều rất quan trọng là chứng tá và sự dấn thân của các gia đình Kitô, chứng tá cụ thể của anh chị em, đặc biệt là để khẳng định tính chất bất khả xâm phạm của sự sống con người, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, giá trị duy nhất và không thể thay thế được của gia đình dựa trên hôn nhân và cần phải có những luật pháp nâng đỡ các gia đình trong nghĩa vụ sinh sản và giáo dục con cái”

ĐTC nói tiếp: ”Hỡi các gia đình quí mến, anh chị em hãy can đảm lên! Đừng chiều theo não trạng tục hóa đang đề nghị nam nữ sống chung như một cuộc chuẩn bị hoặc thậm chí như điều thay thế hôn nhân! Hãy chứng tỏ bằng chứng tá cuộc sống của anh chị em rằng có thể yêu thương không chút dè dặt, như Chúa Kitô, và không cần phải sợ dấn thân cho người khác! Hỡi các gia đình quí mến, anh chị em hãy vui mừng vì được làm cha, làm mẹ! Sự cởi mở đối với sự sống là một dấu hiệu cởi mở đối với tương lai, tin tưởng nơi tương lai, cũng như tôn trọng luân lý tự nhiên giải thoát con người, thay vì bóp nghẹt con người! Thiện ích của gia đình cũng là thiện ích của Giáo Hội. Tôi muốn tái khẳng định điều tôi đã từng nói: ”Việc xây dựng mỗi gia đình Kitô ở trong bối cảnh một gia đình lớn hơn là Giáo Hội, Giáo Hội nâng đỡ và mang các gia đình đi với mình.. Và đối lại, Giáo Hội được xây dựng nhờ các gia đình, là những Giáo Hội tại gia bé nhỏ” (Diễn văn khai mạc Hội nghị giáo phận Roma ngày 6-6-2005). Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho gia đình luôn luôn là những Giáo Hội bé nhỏ và cho các cộng đoàn Giáo Hội ngày càng trở thành như gia đình.”

Và ĐTC kết luận rằng: ”Hỡi các gia đình Croát quí mến, khi sống trong tình hiệp thông đức tin và đức mến, anh chị em hãy trở thành chứng nhân ngày càng rõ ràng về lời hứa mà Chúa nói với mỗi người chúng ta khi về trời: ”Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Hỡi các tín hữu Kitô Croát quí mến, anh chị em hãy cảm thấy được kêu gọi rao giảng Tin Mừng bằng trọn cuộc sống của mình; hãy mạnh mẽ cảm nghiệm lời Chúa: ”Anh em hãy đi và làm cho mọi dân tộc thành môn đệ của Thầy” (Mt 28,19), Xin Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương của người Croát, luôn tháp tùng anh chị em trong hành trình này. Amen.”
Lúc 5 giờ chiều, ĐTC đã chủ sự Kinh Chiều với các GM, LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Mông Triệu và thánh Stephano của tổng giáo phận Zagreb. Cũng tại đây ngài viếng mộ chân phước Alojzije Viktor Speniac, người đã bị chế độ cộng sản trước kia cầm tù và qua đời năm 1960 trong thời gian còn bị quản thúc, thọ 62 tuổi.

Sau kinh chiều, ĐTC ra phi trường và đáp máy bay lúc gần 8 giờ tối để trở về Roma, dự kiến vào lúc 9 giờ 15 phút.
 
Top Stories
Vietnamese Redemptorists to hold candlelight vigils for Vietnam
Kelly-Ann Nguyen
21:33 05/06/2011
A statement from Vietnamese Redemptorists in Saigon announces that Vietnamese Redemptorists are going to hold candlelight vigils for Vietnam in Hanoi and Saigon on the weekend.

Candlelight Vigil in Saigon Redemptorist Monastery
Published on June 3, the statement explained the meaning of the vigil highlighting the severity of the security situation of the nation: “Intruding Vietnam's continental shelf on May 26, 2011, a Chinese marine surveillance vessel severed the cables used for oil exploration from Binh Minh 2 ship, right in Vietnam waters. The spoke woman for the Chinese Ministry of Foreign Affairs, Mrs. Jiang Du herself had confirmed this information.”

“This is not the first time China shows deliberate attempts to bully and threaten the territorial integrity of Vietnam waters but rather a series of actions that no Vietnamese can find acceptable,” it continued.

“In wake of the danger of our Fatherland being on the brink of war, out of the love for our home country, Vietnam's Redemptorist province and Redemptorist monastery in Saigon invite all priests, men and women religious, all religious orders, and people of goodwill to come join us at a candlelight-vigil /mass to pray for our home country, for Vietnam's territorial integrity in both land and waters at 18:30 on Saturday, Jun 4, 2011 in front of the shrine of Our Lady of Perpetual Help, located at 38 Ky Dong, 3rd district, city of Saigon.”

Similar vigils are also held in the Redemptorist monastery in Hanoi.

The intrusion of China in Vietnam's territorial has caused waves of outrage among the Vietnamese both at home and abroad. The Vietnamese government had officially sent out letters in protest against the action. Vietnamese are calling for peaceful demonstrations in front of the China Embassy (in Hanoi) and of the China Consulate in Saigon to protest Chinese invasion.

Moreover, according to Radio Free Asia, businesses and tourist industry throughout Vietnam are boycotting those with Chinese nationality: They declare not to do business with or to provide services for Chinese, and travel tours to China are being cancelled.

In Hanoi, a young man set his China made motor bike on fire across the street from the China embassy.
 
Vietnamese take to streets against Beijing’s incursions in the South China Sea
Asia-News
06:13 05/06/2011
Born on line, the protest sees people picket diplomatic missions in Hanoi and Ho Chi Minh City. The Philippine government announces a protest to the United Nations. United States also concerned as China sets its sights on Spratly and Paracel islands.

Hanoi (AsiaNews / Agencies) - Bloggers and Internet users in Vietnam have launched an online protest against Beijing "provocations" in the South China Sea. Protests are shceduled to take place tomorrow in Hanoi and Ho Chi Minh City, in the wake of clashes between the two countries' ships off the coast of Vietnam. Meanwhile, the Philippines has announced its intention to sign a formal protest to the United Nations, accusing China of "incursions" in the Archipelago’s territorial waters.

Through social networks including Facebook (photo: Picture of the campaign), blogs and text messages, the Vietnamese are gathering tomorrow, outside the Chinese Embassy in Hanoi and the consulate in Ho Chi Minh City. The protesters will carry banners condemning Beijing’s "provocative" behavior on the disputed Spratly and Paracel islands in the South China Sea. The protesters came from all sectors of Vietnamese society, regardless of age or political beliefs. This is the second public protest in Vietnam against the Chinese giant. In 2007 hundreds of people surrounded the embassy in Hanoi to support the claims of the government to the uninhabited, resource rich Spratly and Paracel islands.

Among the nations of the Asia-Pacific region, China is increasing its demands on maritime borders, including the Spratly Islands and Paracel archipelago (cf. AsiaNews, 07/05/2010 Tokyo and Hanoi to challenge Chinese sovereignty in the East/South East China Sea). Its hegemony is of strategic importance for trade and the exploitation of raw materials, including vast reserves of oil and natural gas. Vietnam, Philippines, Malaysia, the Sultanate of Brunei and Taiwan, all dispute the expansionist ambitions of Beijing, while the US also has strategic interests in the area.

The Philippine government will make a formal protest to the United Nations regarding the disputed islands. The decision, endorsed by President Benigno Aquino, is the result of the repeated incursions of Beijing’s ships in the territorial waters of the Philippines, to build positions and strengthen their ambitions in the area. The Chinese Embassy in Manila rejected the accusations, but confirmed the presence of their boats to conduct "normal maritime research activities."

Tensions in the South China Sea will be one of the issues addressed at the regional summit held in Singapore which began last night. The three days of meetings includes teh presence of U.S. Secretary of State for Defense Robert Gates, at a time when relations between Washington and Beijing appear to be faltering. The summit will be attended by hundreds of senior military officers, intelligence officials, arms manufacturers and analysts.
 
Vietnamiti in piazza contro le mire di Pechino nel mar Cinese meridionale
Asia-News
06:16 05/06/2011
Partita in rete, la protesta porterà i cittadini a manifestare davanti alle rappresentanze diplomatiche a Hanoi e Ho Chi Minh City. Il governo filippino annuncia una protesta alle Nazioni Unite. Le mire della Cina sulle isole Spratly e Paracel preoccupano anche gli Stati Uniti.

Hanoi (AsiaNews/Agenzie) – Blogger e internauti vietnamiti hanno lanciato una protesta in rete, contro le “provocazioni” di Pechino nel mar Cinese meridionale. Domani sono in programma manifestazioni ad Hanoi e Ho Chi Minh City, a pochi giorni di distanza dagli scontri fra navi dei due Paesi al largo delle coste vietnamite. Intanto le Filippine annunciano l’intenzione di sottoscrivere una protesta formale alle Nazioni Unite, in cui si accusa la Cina di “incursioni” nelle acque territoriali dell’Arcipelago.

Attraverso i social network fra cui Facebook (nella foto: immagine della campagna), blog e messaggi di testo, i vietnamiti si sono dati appuntamento per domani, davanti all’ambasciata cinese di Hanoi e al consolato di Ho Chi Minh City. I manifestanti porteranno dei cartelli, contenenti frasi di condanna per il comportamento “provocatorio” mantenuto da Pechino in merito alla contesa sulle isole Spratly e le Paracel, nel mar Cinese meridionale. I manifestanti provengono da tutti i settori della società vietnamita, senza distinzioni di età o credo politico. Si tratta della seconda protesta pubblica in Vietnam contro il gigante cinese. Nel 2007 centinaia di cittadini hanno circondato l’ambasciata ad Hanoi, per sostenere le rivendicazioni del governo sulle disabitate, ma assai ricche di risorse e materie prime, isole Spratly e Paracel.

Fra le nazioni della regione Asia-Pacifico, la Cina è quella che avanza le maggiori rivendicazioni in materia di confini marittimi, fra cui le isole Spratly e l’arcipelago Paracel (cfr AsiaNews, 07/05/2010 Tokyo e Hanoi sfidano la sovranità cinese sul Mar Orientale). La sua egemonia riveste un carattere strategico per il commercio e lo sfruttamento delle materie prime, tra cui immense riserve di petrolio e gas naturale. A contendere le mire espansionistiche di Pechino vi sono il Vietnam, le Filippine, la Malaysia, il Sultanato del Brunei e Taiwan, cui si uniscono la difesa degli interessi strategici degli Stati Uniti nell’area.

Sulla vicenda delle isole contese, il governo filippino presenterà una protesta formale alle Nazioni Unite. La decisione, avallata dal presidente Benigno Aquino, è frutto delle ripetute incursioni delle navi di Pechino nelle acque territoriali filippine, per costruire postazioni e rafforzare le proprie ambizioni sui giacimenti della zona. L’ambasciata cinese a Manila respinge le accuse, ma conferma la presenza di proprie imbarcazioni per condurre “normali attività marittime di ricerca”.

Le tensioni nel mar Cinese meridionale saranno uno dei punti trattati al vertice regionale in programma a Singapore. Partita nella serata di ieri, la tre giorni di incontri registra la partecipazione del segretario di Stato Usa alla difesa Robert Gates, in un momento in cui le relazioni fra Washington e Pechino sembrano inasprirsi. Al vertice saranno presenti anche centinaia di alti ufficiali dell’esercito, funzionari dell’intelligence, produttori di armi e analisti.
 
Pope denounces 'disintegration' of Europe families
Nicole Winfield, AP
08:17 05/06/2011
AP – Pope Benedict XVI, aboard his popemobile, waves at faithful gathering at the Zagreb Hippodrome prior …

ZAGREB, Croatia – Pope Benedict XVI denounced the "disintegration" of family life in Europe on Sunday and called for couples to make a commitment to marry and have children, not just live together, as he reaffirmed traditional Catholic family values during his second and final day in Croatia.

Benedict also voiced the Vatican's opposition to abortion at an open-air Mass Sunday at Zagreb's hippodrome, the highlight of his trip to mark the local church's national day of families. Tens of thousands of people, waving small plastic Croatian and Vatican flags, began arriving before dawn at the field muddied by overnight thunderstorms.

The sun shone through the clouds as Benedict arrived for the Mass in his white popemobile, waving to the crowd as he looped around the field, which has a capacity of some 300,000 and appeared nearly full with faithful from across Croatia and neighboring countries.

This is Benedict's first visit as pope to Croatia, an overwhelmingly Catholic Balkan nation that is poised to soon join the European Union. The Vatican has strongly supported its bid, eager to see another country with shared values join the 27-member bloc.

Yet while Croatia is nearly 90 percent Catholic, it allows some legal rights for same-sex couples and, thanks to leftover communist-era legislation, permits abortion up to 10 weeks after conception and thereafter with the consent of a special commission of doctors.

In his homily, Benedict lamented the "increasing disintegration of the family, especially in Europe" and urged young couples to resist "that secularized mentality which proposes living together as a preparation, or even a substitute for marriage."

"Do not be afraid to make a commitment to another person!" he said.

He urged parents to affirm the inviolability of life from conception to natural death — Vatican-speak for opposition to abortion, saying "Dear families, rejoice in fatherhood and motherhood!" He also urged them to back legislation that supports families "in the task of giving birth to children and educating them."

His message — delivered mostly in Italian and translated into Croatian — has been received with a resounding welcome in Croatia, which Benedict's predecessor Pope John Paul II visited three times during and after the Balkan wars of the 1990s.

"It's great the pope's here," said Karmela Sokolic, a young girl who said she arrived at the hippodrome at 4 a.m. to snag a place near the altar. "I just love the pope and I love that I am here."

Sister Monica Zvonarek said the pope's presence in Croatia gives hope to all families. "He can encourage us, our politicians to enter in Europe," she said as she waited for the Mass to start.

Monsignor Valter Zupan, in charge of family issues in the Croatian bishops' conference, said Europe had been founded on deeply Christian values about marriage between man and woman, but that these values were being threatened by trends that favor "different types of living together which don't have any foundation in European culture."

Croatia has recognized same-sex couples since 2003 and allows gay partners in relationships of more than three years rights of inheritance and financial support, the same as enjoyed by heterosexual couples who aren't married. There is no gay marriage, however, and gay couples cannot adopt.

"We want our children to continue to call their parents 'mamma' and 'papa' because that's their natural names," he told the applauding crowd. "Children have the right to publicly state that a 'father' and a 'mother' gave them life," he said, adding that the church also had the right to demand the government reverse its abortion law.

As he arrived in Zagreb Saturday on his 19th foreign visit, Benedict urged Croatia to use its new role in the EU to remind Europe about its Christian heritage "as a matter of historical truth" — a constant refrain of this pope who has made fighting Europe's increasing secularization a priority. He also urged young Catholics to hold fast to their faith and values and not be tempted by "enticing promises of easy success."

Later Sunday after Mass, Benedict will pray before the tomb of Cardinal Alojzije Stepinac, Croatia's World War II primate whom John Paul beatified during a 1998 trip.

Stepinac was hailed as a hero by Catholics for his resistance to communism and refusal to separate the Croatian church from the Vatican. But his beatification was controversial because many Serbs and Jews accuse him of sympathizing with the Nazis.

On Saturday en route to Zagreb, Benedict praised Stepinac as a model for having defended "true humanism" against both the communists and the Ustasha Nazi puppet regime that ruled Croatia during the war. The Ustasha, said the German-born pope, "seemed to fulfill the dream of autonomy and independence, but in reality it was an autonomy that was a lie because it was used by Hitler for his aims."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể giáo phận Mỹ Tho
Huyền Linh
05:26 05/06/2011
Ngày Quốc tế Thiếu Nhi 01/06/2011, có hơn 1200 thiếu nhi đã quy tụ về Nhà Thờ Chánh Tòa tham dự Đại Hội Thiếu Nhi Giáo Phận Mỹ Tho. Đây là dịp để các em gặp gỡ, học hỏi, và hiệp thông cùng nhau với chủ đề: “Thánh Thể - Suối nguồn yêu thương”.

Từ 6 giờ 30 sáng đã có một số em thiếu nhi ở các giáo xứ, trong thành phố Mỹ Tho, nô nức kéo về khuôn viên nhà thờ Chánh toà Mỹ Tho để chào đón các bạn thiếu nhi, phần đông đến từ các giáo hạt trong tỉnh Tiền giang về tham dự Đại hội. Lúc này khuôn viên nhà thờ được trang trí đầy màu sắc của bong bóng bay, các panô nhiều màu với những câu Kinh thánh nói về bí tích Thánh Thể, được treo dọc lối vào khuôn viên lễ đài.

Sau phần giới thiệu làm quen, ổn định vị trí theo từng ngành, các em nhanh chóng hòa mình vào cử điệu bài hát “Hãy để thiếu nhi đến với Thầy” do trưởng Tuyết Minh hướng dẫn; các em cất vang giọng tập hát bài hát và băng reo chủ đề. Tiếp đến là nghi thức khai mạc gồm việc chào cờ Tổ quốc và cờ Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Các em cùng hát bài quốc ca và Thiếu nhi tân hành ca một cách trang nghiêm hơn, khi có sự hiện diện của Cha Tổng Đại Diện Phaolô Trần Kỳ Minh, cha Tuyên uý Phêrô Nguyễn Ngọc Long, quý Cha trong giáo phận cùng các huynh trưởng của Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.

Cha Tuyên uý nói với các thiếu nhi về ý nghĩa chủ đề của Đại Hội, và gởi gấm tâm tình thân thương tới các em, mong các em được vui tươi, hân hoan và phấn khởi trong ngày gặp gỡ này. Cha tuyên bố khai mạc Đại Hội Thiếu Nhi Thánh Thể - Giáo phận Mỹ Tho; và các em đáp lời bằng băng reo vang dội:

Thánh Thể - Thần lương
Thánh Thể - Sức sống
Thánh Thể - Trao ban
Thánh Thể - Suối nguồn yêu thương.

Sau phần khai mạc, mỗi ngành được chia về khu vực khác nhau do một Cha phụ trách, cùng với một huynh trưởng hướng dẫn và chia sẻ, giúp các em học hỏi về Chúa Giêsu Thánh Thể, và những điểm giáo lý căn bản phù hợp với lứa tuổi trong bầu khí hào hứng, để chuẩn bị cho phần thi giáo lý sau đó. Khép lại giờ học hỏi, các em di chuyển vào nhà thờ để bắt đầu thánh lễ. Rước đoàn đồng tế có 60 em thuộc 3 ngành, cùng với 16 cha tiến vào nhà thờ trong tâm tình của bài hát ca nhập lễ.

Thánh lễ bắt đầu lúc 9 giờ 45 phút do Cha Tổng Đại Diện làm chủ tế. Trong phần chia sẻ Tin mừng Cha dùng những câu chuyện vui, câu hỏi đơn sơ để nói với thiếu nhi về tâm tình của Chúa Giêsu dành cho các trẻ em theo đoạn Tin mừng: “Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng”. Người đặt tay trên chúng rồi rời khỏi đó” (Mt 19, 13-15).

Sau đó thánh lễ như thường lệ. Thánh lễ kết thúc vào lúc 10 giờ 50 phút. Sau thánh lễ là phần thi giáo lý cho cả 3 ngành hết sức hào hứng và sôi nổi.

Sau những hoạt động của buổi sáng, thiếu nhi của mỗi giáo xứ quây quần bên nhau để ăn trưa và giao lưu với các giáo xứ bạn. Buổi chiều chương trình có thay đổi một chút do mưa kéo dài, nhưng không làm mất đi sự hào hứng nơi các em, những tràng pháo tay giòn giã cổ vũ cho tiết mục văn nghệ trong nhà thờ. Phần thi đua hội thao đã diễn ra khi mưa vừa ngớt; các trò chơi mang tính đồng đội và sáng tạo như xây dựng mô hình nhà thờ, ăn Lời Chúa để ráp thành một câu đủ và đúng. Cuối cùng là thi đua lượm rác thể hiện nếp sống văn minh và làm sạch khuôn viên.

Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể kết thúc bằng việc Chầu Thánh Thể trang nghiêm và cũng thật tâm tình: Con nhìn Chúa, Chúa nhìn con. Hai bên không nói nhưng hiểu nhau rất nhiều..... Cờ thi đua cũng được trao cho các đội đạt thành tích xuất sắc.

16 giờ 15, trời vẫn còn mưa lất phất, các em ra về trong hân hoan và trật tự. Hẹn Đại hội lần sau sẽ đông hơn và tưng bừng hơn.
 
Giáo Xứ Phủ Lý Chầu Mình Thánh Chúa Thay Mặt Giáo Phận
CTV
09:32 05/06/2011
Giáo Xứ Phủ Lý Chầu Mình Thánh Chúa Thay Mặt Giáo Phận

Giáo xứ Phủ Lý – giáo phận Hà Nội, nơi đây đã được các nhà truyền giáo đặt chân đến từ thế kỷ XIX, hạt giống Tin Mừng đã sớm được nảy nở và trổ sinh hoa trái, ngôi nhà thờ được xây dựng từ năm 1907, nhưng do thời cuộc, chiến tranh liên miên, năm 1967, ngôi nhà thờ đã bị bom đánh sập toàn bộ chỉ còn trơ lại cây tháp chuông,.... không còn nơi quy tụ đọc kinh cầu nguyện, vắng bóng chủ chăn, không có thánh lễ, các tín hữu không được lãnh nhận các bí tích, dần dần đức tin bị mai một, một số người không còn giữ đạo, đất đai của nhà thờ bị lấn chiếm, phần còn lại là một bãi đất hoang tàn. Cho đến 2007 bề trên giáo phận đã bổ nhiệm Cha Phêrô Bùi Ngọc Tuấn làm chính xứ Phủ Lý. Khi về nhận xứ Phủ Lý, ngài cho dựng tạm một nhà bạt để ở, và một nhà lợp tôn để quy tụ bà con giáo dân đến đọc kinh cầu nguyện. Ngài khẩn trương cho xây dựng ngôi nhà thờ vật chất, xây dựng lại ngôi nhà thờ tâm hồn, khôi phục lại những gì đã mất.

Xem hình GX Phủ Lý chầu lượt

Sau 5 năm Cha Phêrô về nhận giáo xứ Phủ Lý, với biết bao khó khăn gian khổ, thiếu thốn về mọi mặt, về nhân sự, về tinh thần cũng như vật chất. Nhưng với tâm huyết xây dựng nhà Chúa không mệt mỏi, Cha Phêrô đã quy tụ được bà con giáo dân, sớm tối đọc kinh cầu nguyện và hiệp dâng thánh để, xin Chúa ban ơn để giáo xứ Phủ Lý sớm được “Phục Sinh”.

Đến nay, ngôi nhà thờ tâm hồn đang dần được vững mạnh, ngôi nhà thờ vật chất đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ngày 5 tháng 6 năm 2011, giáo xứ Phủ Lý chầu Mình Thánh Chúa thay mặt giáo phận, đây là lần thứ năm giáo xứ được tiếp tục chầu Mình Thánh Chúa, nhưng năm nay Nhà Tạm đặt Mình Thánh Chúa được đặt nơi khang trang nhất, rộng rãi và thoáng mát nhất, mặc dù nhà thờ vẫn ngổng ngang vật liệu xây dựng, dàn giáo tứ phía. Để chung vui với giáo xứ Phủ Lý, các giáo xứ, giáo họ khắp nơi xa gần. Có những giáo xứ phải đi xa tới 60-70km về để suy tôn Thánh Thể Chúa và hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho giáo xứ Phủ Lý làm cho bầu khí của giáo xứ Phủ Lý nóng lên rất nhiều, không phải chỉ nóng về thời tiết, mà nóng lên trong tinh thần hiệp thông, nóng lên trong đức tin, đức cậy và đức mến.

Thánh lễ đồng tế diễn ra vào hồi 10h30, Cha Giuse Nguyễn Khắc Quế (quản hạt Thanh Oai - Hà Nội) chủ sự thánh lễ, cùng hiệp dâng thánh lễ có quý cha trong và ngoài giáo hạt Phủ Lý - Hà Nam, có đông đảo bà con giáo dân từ khắc các miền trong giáo phận Hà Nội, nhà thờ rất rộng những vẫn không đủ chỗ cho bà con giáo dân ngồi dự lễ, nhiều người đã phải ngồi ngoài sân, dưới tầng hầm để dự lễ, trong sự nghiêm trang sốt sắng. Đầu lễ Cha chủ tế mời gọi cộng đoàn cầu nguyện, giúp đỡ giáo xứ Phủ Lý về tinh thần cũng như vật chất để ngôi thánh đường mau chóng được hoàn thiện.

Sau thánh lễ, cha xứ đặt Mình Thánh Chúa để cộng đoàn tiếp tục chầu cho đến 18giờ 30, cha xứ dâng thánh lễ tạ ơn.

CTV
 
Đức TGM Leopoldo Girelli- Đại diện Toà Thánh tại Việt Nam thăm giáo phận Bắc Ninh
Hà Như Nguyệt
11:12 05/06/2011
Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli- Đại diện Toà Thánh tại Việt Nam bắt đầu chuyến thăm giáo phận Bắc Ninh

BẮC NINH: chiều ngày 5/6/2011, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli- Đại diện Toà Thánh tại Việt Nam khởi đầu chuyến viếng thăm giáo phận Bắc Ninh cho đến chiều ngày 7/6/2011.

Mở đầu chuyến thăm giáo Bắc Ninh, Đức Tổng Giám Mục đã đến giáo xứ Nội Bài nằm ngay cạnh sân bay quốc Tế Nội Bài.

Xem hình đức TGM đại diện Tòa Thánh thăm GP Bắc Ninh

Vì năm nay là năm giáo phận Bắc Ninh đăng cai tổ chức Đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội, cho nên Đức Tổng Giám Mục gặp gỡ và dâng lễ Chúa Giêsu Lên Trời cho các bạn trẻ tại giáo xứ Nội Bài thuộc giáo phận Bắc Ninh.

Trong diễn văn chào mừng Đức Tổng, các bạn trẻ giáo phận Bắc Ninh đã nói lên niềm vui vì được qui tụ xung quanh Đức Tổng Giám Mục - Đại diện Toà Thánh tại Việt Nam tại giáo xứ Nội Bài này, một giáo xứ rất gần sân bay quốc tế Hà Nội và là một trong những cửa ngõ quan trọng nhất của đất nước Việt Nam.

Ngỏ lời với hàng ngìn các bạn trẻ trong giáo phận Bắc ninh, Đức tổng nhắc đến: “Đại hội Giới trẻ sẽ được tổ chức vào ngày 11.11.2011 mời gọi giới trẻ suy ngẫm về chủ đề được chọn từ Lời Chúa Giêsu: "Thày gọi anh em là bạn". Qua Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh, các con là những bạn trẻ sẽ thể hiện mong ước của mình là tham dự vào sứ mệnh truyền bá Tin Mừng Chúa Giêsu và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Nhân dịp này, dự tính khoảng 20.000 người sẽ tới Giáo Phận Bắc Ninh hội tụ trong niềm vui và tình bạn, để tôn thờ Chúa Giêsu là Chúa và là bạn của chúng ta. Đại hội cũng là một dịp để chúng ta tự hỏi: tôi có thể làm gì cho Chúa Giêsu, tôi có thể làm gì cho Giáo Hội Chúa, tôi có thể làm gì cho đất nước tôi nhằm thúc đẩy hòa bình, công lý và tình yêu?”

Đức Tổng mời gọi các bạn trẻ hãy trở nên chứng nhân của Chúa Kitô và mang Tin Mừng đến cho những người đương thời ở mọi nơi và mọi lúc. Hơn nữa, chúng ta phải là những thừa sai của Chúa Giêsu. Chúng ta phải công bố niềm hy vọng của Chúa Kitô trong mọi ngóc ngách của thế giới này.

Sau thánh lễ với các bạn trẻ tại giáo xứ Nội Bài, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã về tòa giám mục Bắc Ninh để gặp gỡ nam nữ tu sĩ của giáo phận Bắc Ninh vào lúc 20g00 tại hội trường Trung tâm mục vụ giáo phận Bắc Ninh.

Hà Như Nguyệt
 
Đại Lễ Lòng Thương Xót Chúa Tại Giáo Phận Thanh Hóa
Vân Sơn
13:25 05/06/2011
Đại Lễ Lòng Thương Xót Chúa Tại Giáo Phận Thanh Hóa

Với sự kiện ngày 30 tháng 04 năm 2000, Đức thánh cha Gioan Phaolo II thiết lập lễ Divina Mesericordia(Divine Mercy) – Lễ Lòng Thương Xót Chúa, vào Chúa nhật II Phục Sinh. Từ đó đến nay phong trào này phát triển rất nhanh ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam phong trào sùng kính Lòng Thương Xót Chúa phát triển một cách mạnh mẽ trong tất cả các giáo phận. Tại các giáo xứ, không kể thành phố hay thôn quê, dù trưa hay chiều các nhà thờ luôn có người đọc kinh và lần chuỗi kính LTXC.

Xem hình lễ Lòng Thương Xót Chúa tại Thanh Hóa

Cách riêng tại giáo phận Thanh Hóa, phong trào kính LTXC đã được phổ cập đến từng giáo xứ, và lôi cuốn một lượng lớn các linh mục, tu sĩ và giáo dân tham gia. Đặc biệt hơn, qua phòng trào này, nhiều tín hữu lâu năm xa nhà thờ đã trở lại, mọi người gần gữi và thân thiện với nhau hơn.

Nhận thấy đây là một phong trào cỗ võ tinh thần đạo đức và sùng kính Chúa cách sốt sắng, Đức cha giáo phận Thanh Hóa Giuse Nguyễn Chí Linh, đã quyết định lập Cộng Đoàn Hội Lòng Thương Xót Chúa cấp giáo phận và đặt cha Giuse Phạm văn Định, chính xứ Phúc Lãng làm tổng Linh hướng.

Và ngày 4 tháng 6 vừa qua, đại lễ mừng kính LTXC cấp giáo phận đã diễn ra tại nhà thờ Chính Tòa Thanh Hóa.

Mùa hè miền Trung, nắng như thiêu đốt từ sáng sớm, nhưng vẫn không ngăn được tinh thần của gần 4 ngàn giáo dân từ khắp các giáo xứ trong giáo phận đổ về để dự lễ.

7g00 sáng, dưới sự hướng dẫn của các chủng sinh và các bạn sinh viên, công tác đăng ký, nhận logo đã bắt đầu.

7g30, bắt đầu kinh kính LTXC và chứng từ LTXC. Mặc dù trời mỗi lúc một nắng to, nhưng mọi người vẫn sốt sắng đọc kinh cầu nguyện. Nhìn từ trên cao xuống, hàng ngàn cánh tay vương ra trong giờ cầu nguyện, thật là cảm động, lay động lòng người về sự thánh thiện của những giáo dân hướng về Chúa nhân từ.

8g30, mọi người vỗ lên những tràng pháo tay không rút đón vị cha chung của giáo phận và quý cha ra tham dự ngày đại lễ.

Đặt biệt trong đại lễ này, công đoàn LTXC Thanh hóa vinh hạnh đón chào các phái đoàn đến từ giáo phận Vĩnh Long, Cần Thơ, Mỹ Tho, Sài Gòn, Hải Phòng, Hà Nội, Bùi Chu, Phát Diệm và nhiều công ty từ Sài Gòn đến Hải Phòng tặng những vòng hoa tươi thắm cho Cộng đoàn LTXC Thanh hóa.

Trong bài huấn từ, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã gọi phong trào LTXC là một “phép lạ”, và phép lạ này được chính những người giáo dân thể hiện. “Phong trào lòng thương xót Chúa không phải do các Đức cha du nhập mà đầu tiên là do giáo dân… Đây là lần đầu tiên giáo phận Thanh hóa tổ chức đại lễ lòng thương xót Chúa, lần đầu tiên giáo phận Thanh hóa có cha đặc trách lòng thương xót Chúa, và nhất là sự góp mặt của các cộng đoàn lòng thương xót Chúa đến từ các giáo phận khác. Tất cả những điều này nói lên sức mạnh của lòng thương xót Chúa ở khắp mọi nơi. Để làm được điều này phải nói đến những giáo dân tâm huyết và có lòng nhiệt thành yêu mến lòng thương xót Chúa”.

9g30, dưới cái nắng như thiêu đốt, hàng ngàn người – nam phụ lão ấu đến các tu sĩ, giáo sĩ, linh mục và giám mục vẫn “vô tư phơi nắng” để tham gia cuộc rước tôn vinh LTXC từ nhà thờ Chính Tòa, vòng ra bờ hồ, đi qua quốc lộ 1A. Hình ảnh đoàn người trên tay cầm hình ảnh lòng thương xót Chúa bước đi dưới trời nắng, mồ hôi nhễ nhại. Dường như trời nóng không những cản bước được đoàn người, mà còn đốt nóng thêm lòng yêu mến LTXC Chúa của tất những người tham gia.

Sau cuộc rước kiệu, là thánh lễ tạ ơn do Đức cha Giuse chủ sự. Trong bài chia sẻ của mình, Đức cha đã nhấn mạnh ý nghĩa của việc tôn kính lòng thương xót Chúa và Đức cha tin rằng Lòng Thương Xót Chúa sẽ ngày một phổ biến rộng hơn không chỉ ở trong giáo phận Thanh hóa mà còn ở khắp nơi trên thế giới.

Đại lễ tôn vinh LTXC Chúa đã khép lại với nhiều thành công. Đó là sự hiệp thông giữa các giáo phận, sự phát triển của việc tôn kính LTXC Chúa. Mọi người ra về trong niềm vui và lòng yêu mến lòng thương xót Chúa. Hẹn gặp lại vào Đại lễ tôn vinh lòng thương xót Chúa lần tới.

Vân Sơn
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Biểu tình chống Trung quốc tại Hà Nội
Paulus Lê Sơn, VRNs
05:46 05/06/2011
Hà Nội – Hà Nội, 05/06/2011 – Cuộc biểu tình đúng như dự kiến mà một số trang mạng đã kêu gọi đã được diễn ra hôm nay tại Hà Nội, có hàng ngàn người tham gia xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.

Trước 8 giờ sáng đã có rất đông người có mặt tại trước địa điểm của đại sứ quán Trung Quốc, lượng người đổ về đây mỗi lúc đông hơn. Các thành phần, lứa tuổi. Họ là sinh viên, học sinh, cựu chiến binh, doanh nhân…

Đoàn biểu tình bắt đầu hô vang các khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược. Khi này, đoàn biểu tình bị lực lượng công an và cảnh sát cơ động giải tán.

Một người dân Hà Nội tường thuật tại chỗ cho hay “đã có sự mạnh tay từ lực lượng cảnh sát cơ động đôi với sinh viên, chính tôi là người phản ứng lại thái độ mạnh tay của lực lượng này. Sau đó có vẻ như một trưởng toán cảnh sát cơ động đã nói với tôi, bác là người lớn tuổi, mong bác hãy trở về nhà, đừng đi biểu tình nữa để cho các người khác bắt chước mà giải tán”.

Lực lượng cảnh sát đủ các loại rất đông đảo bắt đầu xua đuổi đoàn biểu tình ra khỏi khu vực trước đại sứ quán Trung Quốc. Đoàn biểu tình đi diễu phố từ vườn hoa Lê Nin xuôi theo Trần Phú dưới sự kiểm soát gắt gao của công an các loại về khu phố cổ.

Sau khi xua được đoàn biểu tình ra khỏi khu vực đại sứ quán Trung Quốc, công an và lực lượng cơ động được bố trí xung quanh vườn hoa Lê Nin nhiều hơn. Các đầu phố dẫn đến khu vực tòa đại sứ được lập hàng rào chắn “ngoại bất nhập” với tầng tầng lớp lớp các lực lượng công an.

Họ vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu như “Đả đảo Trung Quốc xâm lược”, “Việt Nam muôn năm”, Những băng rôn khẩu hiệu bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Trung như “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “đả đảo Trung Quốc xâm lược”, “China, hàng xóm to xác, xấu tính”… được in trên các tờ giấy A4 được các bạn trẻ cầm trên tay.

Tinh thần cuộc biểu tình rất xúc động, đoàn biểu tình đông đúc đi tới khu phố nào người dân hai bên đường kéo ra xem và có nhiều người nhập cuộc. Một người dân cho hay “chúng ta là người Việt Nam, quyết bảo tồn sông núi, bờ cõi Việt Nam, hi sinh chống Trung Quốc là tránh nhiệm của mỗi người dân”.

Chúng tôi hỏi một anh công an mặc áo xanh “anh có thấy cảm động trước tình cảm yêu nước của người dân không?” Anh công an này chỉ có mỉm cười.

Khi này là hơn 11h, đoàn biểu tình đang kéo xuống Hồ Gươm. Họ sẽ nghỉ trưa và chiều tiếp tục biểu tình. Chúng tôi xẽ cố gắng tường thuật trong khả năng có thể.

 
Tường thuật buổi biểu tình chống Trung Cộng tại Saigòn
Theo Blog Lê Tùng Châu
16:40 05/06/2011
SAIGÒN 5/6/2011 -- Thế là người Saigon đã có cuộc biểu tình đông nhất từ 36 năm nay, tính từ 1975 khi miền Nam VN lọt vào tay cộng sản Hà nội.

Trải qua hơn 10 ngày rủ nhau bằng cách loan truyền thông tin trên mạng Internet, sáng nay, 5/6/2011, đoàn người biểu tình đã tự động lần lượt tập trung quanh khu nhà dùng làm tòa lãnh sự Trung cộng trên đường Hồng Thập Tự, Saigon, mỗi lúc mỗi đông dần lên tính từ lúc gần 8:00 AM, 5/6/2011.

Thật ra từ mấy ngày đêm qua, số đông công an CSVN với xe cộ, đã túc trực quanh tòa nhà này, bởi biết đây sẽ là đích nhắm của đoàn biểu tình sẽ nhắm tới nhằm trưng biểu ngữ và hô những khẩu hiệu ôn hòa phản kháng Trung Cộng sau sự kiện ngày 26/5 vừa qua, tàu Hải giám Trung cộng cắt cáp tàu Bình Minh 2, sau đó tiếp tục uy hiếp, bắn, đuổi ngư dân VN trên vùng lãnh hải VN (Đại Lãnh, Ninh Hòa), một hành động gây hấn bằng quân sự không thể chối cãi, đã khiến hàng triệu người VN từ Bắc chí Nam & ở hải ngoại… phẫn nộ hơn 10 ngày qua, trong khi nhà nước CSVN tại Hà nội không hề có một động tác nào trả đũa hay gỡ gạc thể diện quốc gia, ngoài vài lời nói “nhỏ nhẹ” một cách hèn hạ và quy thuộc bắc triều thấy rõ. Tôi nghĩ, chắc hẳn trong thâm tâm, tập đoàn VC Ba đình cũng thấy nhục lắm nhưng họ đã không còn chỗ đứng nữa!

Từ sáng sớm 5/6/2011, người đi đường Saigon có thể thấy một không khí khác thường quanh khu Dinh Độc Lập, và nhất là phía trước mặt chếch sang hướng trái là Tổng Hội Sinh Viên Saigon năm xưa trên đường Duy Tân, đối diện Tổng Hội SV là tòa nhà Trung cộng. Một sự xáo trộn đường đi lối lại hằng ngày bởi số đông công an giao thông và 113 cùng lớp lớp các barrier kẽm gai chắn ngang các ngã đường có thể dẫn vào tòa nhà Trung cộng này. Các lối đi vào đường Hồng Thập Tự, nơi mặt tiền của tòa nhà Trung cộng hoàn toàn bị cấm ở hai đầu, tính từ phía công viên Tao Đàn (lẫn phía Đinh Tiên Hoàng). Các lối nhỏ phía sau, quanh khu tòa nhà này như Alexandre De Rhodes (trước mặt, bên trái Dinh Độc Lập), Hàn Thuyên (trước mặt, bên phải Dinh) cũng bị “đóng” với một lớp dày barrier và công an sắc phục.

Số an ninh mặc thường phục rất đông, đủ mọi loại hình hóa trang, từ giày dớ sang trọng cho đến những tay xoàng như dân xe ôm, nhưng vì họ quá đông và làm việc lộ liễu nên ta không khó gì để nhận ra. Bọn này đứng khắp các ngõ ngách, nghe ngóng rồi liên lạc với nhau…

Từ 8:30 AM, đoàn người biểu tình khởi động chỉ ước chừng hơn 150, tụ tập quanh khu hồ con rùa.

9:00 AM, người gia nhập đoàn tăng lên đáng kể, vừa tăng vừa đi vòng theo Trần Quý Cáp - (Võ văn Tần), kéo tới trước Dinh Độc Lập, lúc này rất đông, người biểu tình đứng chật hết đường Hàn Thuyên, tới sát tận Nhà Thờ Đức Bà, số lượng lúc này chừng hơn ngàn người. Trong lúc bắt đầu đi cũng như khi đang đi, đoàn không ngừng hô vang các khẩu hiệu: “Hoàng Sa, Trường Sa: Việt Nam”; Đả đảo Trung quốc xâm lược Việt Nam”, “No China”. Các áo pull cũng khá nhiều khẩu hiệu viết tay: “Say No to Chinese Product”…

Từ đây, đoàn bắt đầu đi về Chợ Bến Thành, người gia nhập mỗi lúc mỗi tăng lên, khi tới Chợ BT là đông nhất, ước chừng hơn 2000 người và tiếp tục kéo qua Trương Định, (con đường mới xẻ giữa ngang qua công viên Tao Đàn) rồi rẽ phải để về Hồng thập tự, băng qua hông Dinh Độc Lập.

Đoàn người vẫn không ngừng đông thêm. Khí thế lấn át thấy rõ. Mỗi người trong đoàn đều thể hiện sự tự tin và ôn hòa. Dân chúng hai bên đường nơi đoàn đi qua đều biểu lộ một sự ngạc nhiên thích thú, dừng lại mọi sinh hoạt, và hưởng ứng luôn luôn những lần hô vang các câu chống Trung cộng xâm lược với các nắm tay đưa lên dù đang chạy xe hay đi bộ bên đường. Rất đông người Việt lẫn du khách ngoại quốc quay phim, chụp ảnh cảnh tượng biểu tình quý báu này.

9:40 AM, Đoàn đến góc trái Dinh, đây là ngã tư Hồng thập tự với Công Lý (NKKN), tại đây, nhóm công an canh gác sẵn, sau khi nhận lệnh của ai đó, đã ra hiệu ngăn không cho 2 chiếc xe hơi lớn (đang ngẫu nhiên băng qua chính giữa ngã tư này) đi tiếp, đó là một chiếc taxi Inova 7 chỗ của Mai Linh, và 1 chiếc xe car du lịch sang trọng 52 chỗ màu tím nhạt, biển số 51LD-6046. Sự ngăn chận này nhằm “hướng” đoàn đi ngang qua Dinh để cản hướng mà đoàn nhắm tới: tòa nhà Trung cộng ở góc Hồng thập tự với Duy Tân.

Cuộc biểu tình vẫn tiếp tục rẽ phải theo hướng Công Lý đi ngang qua (mặt tiền) Dinh Độc Lập. Đến cổng Dinh, bất ngờ một số sinh viên học sinh tụ tập sẵn tại đây cùng hòa vào nhập đoàn, và các tiếng hô các khẩu hiệu chống Trung cộng lại không ngớt vang lên. Rồi đoàn rẽ trái hướng ra Thống Nhất (Lê Duẩn), ngang qua lưng Nhà Thờ Đức Bà, băng qua Tòa Đại Sứ Mỹ, dừng lại ở đây một lúc lâu với sự kiện: một thanh niên dừng xe gắn máy, chống đứng xe và leo lên yên, nghiêm giọng hô vang những khẩu hiệu cùng với sự hưởng ứng đều khắp của đoàn người biểu tình lẫn những người đi đường.

Chính lúc này, những người từng sống tại miền Nam VN (với mọi tự do đúng nghĩa, trong đó có tự do biểu tình) lần đầu tiên bỗng cảm thấy như sống lại bầu không khí thường nhật năm xưa ở miền Nam quốc gia với các cuộc biểu tình khi dân chúng phản kháng nhà cầm quyền về bất cứ điều gì!

Đoàn tiếp tục đi trên Thống Nhất, khi gặp Đinh Tiên Hoàng thì rẽ trái (ĐH Văn Khoa Saigon) rồi vòng lên Hồng thập tự. Tới góc Duy Tân với Hồng thập tự là họ như lọt vào "vòng vây" bởi bị chận lại ở 2 đầu đường-Duy Tân và Hai Bà Trưng- bởi 2 lớp barrier cùng với đông đảo công an chìm nổi, lẫn các “thanh tra xây dựng” cũng được “nhà nước ta” huy động đông đảo nhằm bảo vệ trung thành bọn Trung cộng xâm lược và chống tận tình “bọn nhân dân tỏ lòng yêu nước”. Lúc này là 10:50 AM. Lượng người của đoàn đã giảm còn non một nửa so với lúc đông nhất, và rồi số người bỏ về diễn ra từ từ.

Ngay tại góc Hồng thập tự với Duy Tân này, sau khi đoàn ngồi bệt xuống đất nghỉ mệt (trên đường Hồng thập tự), thì bỗng từ chỗ sát với barrier chắn đường Hồng thập tự có 1 nhân vật nam, chừng gần 60 tuổi, nói giọng bắc, cầm 1 chiếc loa tay nhưng mở volumme rất nhỏ, bắt đầu nói chuyện khuyến dụ đoàn người biểu tình, (lúc bấy giờ chỉ còn rất ít các người lớn tuổi), đại đa số là các em sinh viên, tuổi chừng hơn 20 hoặc nhỏ hơn. Mở đầu, người đàn ông này “cập nhật” những điều ai cũng đã biết 10 ngày qua về tình hình biển đông của VN, ban đầu có thu hút sự chú ý của đoàn, nhưng dần dà, y, vì trình độ quá kém cỏi, văn nói lủng củng, nội dung “nói lấy được”, y bắt đầu bộc lộ y là ai, nói chủ đích “dỗ dành” trông thấy! Quanh y có rất đông các nhân viên an ninh VC tuổi chừng trên dưới 30, ra dáng hậu thuẫn cho “màn nói” này. Chả khó khăn gì để nhận ra "màn" này, số đông người nghe từ lúc đầu còn chịu khó nghe thử y nói gì, sau đó từ từ quay sang phản đối bằng những tiếng la vang dội.

Trong khi cái “màn nói” kia vẫn còn cố gượng dằng dai thì anh em phát hiện phía sau mình (phía đường Hai Bà Trưng) có thêm một đoàn người biểu tình không đông lắm, cũng banq-roll, cờ quạt, khẩu hiệu…đang từ từ trên đường Hồng thập tự đi tới. Nhưng tất cả bỗng bị chận không cho đi tiếp bởi lớp barrier cùng công an chìm nổi đứng sẵn ở góc Hồng thập tự-Hai Bà Trưng này. Họ bị bọn này buộc phải rẽ trái, đi theo Hai Bà Trưng chứ không được đi thẳng lại để “hòa” và đoàn biểu tình đang theo dõi cái “màn nói” sắp hết hơi kia!

- Cũng trong lúc này, một thanh niên ngoại quốc cao to chừng non 30 tuổi cùng với máy chụp ảnh quàng cổ, đã bị các nhân viên "trung thành với trung quốc xâm lươc" đuổi ra khỏi khu vực "hội luận" nhỏ này mặc cho sự phân bua cố gắng của anh "mũi lõ" này. Đó là lúc 11:40 AM

Một em SV nam chừng 23 tuổi, hô hào các bạn trẻ quay lui, tẩy chay "màn nói" này, em nói: "Chúng ta đến đây là để tự do bày tỏ lòng yêu nước của mình chứ không phải để bị nghe, bị dẫn dụ bởi những luận điệu, lời lẽ mà chúng ta không muốn nghe, không thể nghe!" rồi em chỉ tay về phía người đàn ông đang "diễn" kia hô to "lập luận phi lý, bảo thủ" trong sự hưởng ứng hoàn toàn của đoàn người biểu tình ít ỏi còn lại. Lúc này ta có thể thấy tinh thần yêu nước hồn nhiên của tuổi nhỏ trước bạo quyền nhu nhược khiếp hèn…nó tương phản như thế nào.

Sau đó chẳng còn mấy ai nghe nổi nữa, (cái “sân khấu dỏm” mới dựng lên kia tàn dần), mọi người “quây quần” quanh “cuộc đối thoại nghiêm chỉnh” mà em SV này đưa ra. Lúc này đoàn còn chừng hơn 100, lại tìm một bóng mát ngồi xuống và nói chuyện sôi nổi quanh chủ để: VN bị Trung cộng xấm lấn. (Rất may sáng nay trời mát hoặc nắng nhẹ, và nhờ đó đã giúp đoàn người đi bộ khá dài đỡ mệt phần nào trong cái "nắng Saigon...")

Đây cũng là lúc ta có thể “điểm mặt” rất dễ nhưng tên công an chìm đông đảo vẫn bám chặt đoàn. Chúng lượn lờ, đeo bám, nghe lén những nhóm nhỏ nói chuyện, chụp hình mọi người…nhưng chẳng ai sợ hoặc để ý tới chúng cả. Chúng trở nên xa lạ, trơ trẽn trước tinh thần yêu nước của mọi người.

Gần 12:00 AM, buổi biểu tình gần như kết thúc, với sự giao hẹn mới: lại tụ tập biểu tình tại địa điểm này vào lúc 6:00 PM chiều nay, 5/6/2011.

Theo tôi nhận thấy: Đại đa số (70%) người tham gia biểu tình là lớp trẻ, các em SVHS, tuổi chừng 18- 25.

Còn lại (20%) là một số nhân viên các Cty, tuổi chừng hơn 25 đến 30, họ đứng đắn, phẫn nộ như các em nhỏ nhưng “đằm tính” hơn.

Chính 2 lớp người trẻ này đã nói những tiếng nói trung thực một cách dễ thương biết bao, so với nhiều “giáo sư”, “trí thức” sợ hãi cầu an, thậm chí về hùa với bạo quyền khi thấy những bất công, ngang trái đầy dẫy mà chế độ này đã gây ra.

10% còn lại là những người trung niên – già, họ có cái nhiệt tình của người từng trải, chín chắn. Phải nói là trong khi những người lớn tuổi khác đều ở nhà không tham dự buổi biểu tình này, những người lớn tuổi sáng hôm nay chịu khó đi bộ, hô khẩu hiệu, chịu nắng nóng mệt hát… cùng với lớp nhỏ…
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Phỏng vấn Lm. Chu Quang Minh về Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân
Đồng Văn Vượng
01:14 05/06/2011
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trên Dòng Sông Hương
Giuse Nguyễn Cao Hoàn (ĐCV Hànội)
21:52 05/06/2011
TRÊN DÒNG SÔNG HƯƠNG
Ảnh của Giuse Nguyễn Cao Hoàn (ĐCV Hànội)
Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.
(Trích thơ của Bùi Giáng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News