Ngày 09-06-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:08 09/06/2019

33. Vì để đạt được phương pháp tu sửa hoàn thiện, thì phương pháp tóm tắt nhất, dễ dàng nhất, đó là luôn nghĩ đến sự giáng lâm của Chúa. (Thánh Basilius Magnus)



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:16 09/06/2019
38. QUẬY ĐẾN LÚC NÀO

Một hôm, tư mã Quang mời một hòa thượng làm bùa phép, vì hòa thượng kỵ chữ “quang” nên đem tất cả chữ “quang” trong kinh văn đổi thành chữ “sáng”.

Tư mã Quang đi ra niệm hương, hòa thượng nói rõ nguyên nhân, tư mã Quang cười nói:

- “Nếu ta không đi ra niệm hương thì không biết các ông “quậy” đến bao giờ ?”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 38:

Chữ sáng và chữ quậy thì khác nhau một trời một vực, sáng thì đẹp đẽ, quang minh, đức độ; quậy thì phá phách, ý nghĩa xấu và không quang minh, không đạo đức...

Có người thấy người khác tài đức “kỵ” với tính ba phải của mình nên “viết” lý lịch của họ thành xấu xa để người ta nghĩ không tốt về người ấy; có người thấy mình tài ba lỗi lạc mà lại có người anh em chị em lỗi lạc tài ba hơn mình thì “kỵ rơ”, cho nên mới bôi đen người anh em chị em để có lợi cho mình...

Thiên Chúa là cha nhân từ và tất cả mọi người đều là anh em chị em với nhau, thấy người khác hay ho tài giỏi thì cám ơn Chúa và chúc mừng họ đó là yêu thương chân thành, thấy người khác kém hơn mình thì động viên và khuyến khích đó là yêu thương thật tình, bởi vì Thiên Chúa không muốn và cũng không thích anh em chị em một nhà mà phải “kỵ” nhau.

Quang là sáng, quậy là tối.

Mà con cái của Chúa là sáng và con cái ma quỷ là tối, đừng đem bóng tối che lấp ánh sáng của anh em chị em mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
18:25 09/06/2019
Lễ Chúa Ba Ngôi, năm C

Mt 28,16-20

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vượt quá trí khôn của con người. Nên, nếu dùng suy nghĩ tư nhiên, chúng ta sẽ không thể nào hiểu được mầu nhiệm cao cả này. Chính nhờ cầu nguyện, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mới hoạt động tích cực trong đời sống thường ngày của chúng ta. Sách Giáo Lý Công Giáo, số 66 viết: ” Chúng ta không phải chờ đợi một mặc khải công khai mới nào khác nữa trước ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tỏ mình ra trong vinh quang, và theo Công Đồng Vaticanô II thì “ Người là Đấng Trung Gian và đồng thời là sự viên mãn của toàn thể mặc khải “.

Chúng ta thử trở về Thánh Kinh, xem Kinh Thánh nói gì về Chúa Ba Ngôi ? Đọc Phúc Âm, đặc biệt Tin Mừng của Thánh Gioan, chung ta thường bắt gặp những bản văn qui chiếu về Chúa Ba Ngôi nhiều nhất, phong phú nhất.Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, Chúa Giêsu thường nhắc đến Cha của Người, đồng thời cũng nhắc đến Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ đến sau Ngài. Nhưng bản văn nổi tiếng nói về Chúa Ba Ngôi, lại là bản văn của Thánh Matthêu mà chúng ta đọc hôm nay. Chúa Giêsu nói các môn đệ: ” Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần “ ( Mt 28, 19 ).Còn bản văn xem ra sống động nhất, chúng ta lại tìm gặp trong Thánh Máccô. Trong bản văn Mc 1, 11, chúng ta nhận ra, ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Thần Chúa lấy hình chim bồ câu, đậu xuống trên Người và từ trời có tiếng Chúa Cha vọng xuống: ” Con là Con yêu dấu của Ta “. Tiếng nói vọng xuống từ trời cao, chim bồ câu và Đức Giêsu tạo nên một bức tranh thật sinh động. Tuy nhiên, là một sử gia, một nhà văn, Thánh Luca cho chúng ta nhận ra Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi một cách thật lôi cuốn. Thánh Luca cho chúng ta thấy viễn cảnh của lịch sử cứu độ. Thời Cựu Ước theo Thánh Luca là kỷ nguyên chúa Chúa Cha, thời kỳ loan báo Tin Mừng là kỷ nguyên thuộc về Chúa Con, và thời kỳ sau cùng được khởi đầu với lễ Ngũ Tuần, là thời kỳ của Chúa Thánh Thần.

Thánh Phaolô cũng nhiều lần đề cập tới Chúa Ba Ngôi trong các thư của Ngài. Đoạn kết của thư thứ 2 gửi tín hữu Côrintô là đoạn văn rất nổi tiếng, đã được Giáo Hội phổ biến một cách rộng rãi:” Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Con và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh em “ ( 2 Co 13,13 ). Hội Thánh, đặc biệt các Thần Học gia, các Thánh đã dùng nhiều hinh ảnh để diễn tả Chúa Ba Ngôi để cho giáo dân dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn.

Vâng, Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là Mầu nhiệm do Chúa Mặc khải, chỉ có đức tin chúng ta mới hiểu và tin nhận Mầu nhiệm Chúa Ba

Ngôi.

Sống Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông, quảng đại, chia sẻ, là ở lại trong Tình Yêu bởi vì Tình Yêu là Thiên Chúa và Thiên Chúa là Tình Yêu như Thánh Gioan định nghĩa.

Mỗi lần đọc Kinh Tin Kính, Sáng Danh là mỗi lần chúng ta tin nhận Một Chúa Ba Ngôi. Mỗi ngày chúng ta vì dấu Thánh Giá trên thân xác chúng ta nhiều lần. Đây là dấu chỉ chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi. Chúng ta đã nhận lãnh phép rửa nhân danh Chúa ba Ngôi. Lời của Chúa sai các môn đệ trước khi Ngài về trời: ” Các con hãy đi khắp cùng thế giới.Ai tin, các con hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần “, cũng là lời Chúa đang truyền cho mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mặc khải Chúa Ba Ngôi cho các Tông đồ, cho nhân loại và cho chúng con.Xin Chúa giúp con luôn biết phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân để Chúa Ba Ngôi được nhiều người nhận biết.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1.Ai đã Mặc khải Chúa Ba Ngôi ?

2.Hình ảnh tiếng nói,chim bồ câu, và Chúa Giêsu chúng ta đọc thấy nơi bản văn của Thánh nào ?

3.Đoạn nổi tiếng nói về Chúa Ba Ngôi của Thánh Phaolô được rút ra nơi thư nào ?

4.Đức tin của chúng ta được ai hướng dẫn hằng ngày ?

5.Vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vương cung Thánh đường Sagrada Familia được phép hoàn tất công trình sau 137 năm.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
17:33 09/06/2019
Vào năm 2016, chính quyền phát hiện rằng Vương cung Thánh đường Thánh Gia chưa bao giờ được cấp giấy phép kể từ khi bắt đầu xây dựng cộng trình vào năm 1882. Cách đây 137 năm, kiến trúc sư Antoni Gaudi đã xin phép thành phố nhưng không nhận được câu trả lời. Bây giờ, Hội đồng thành phố đã khắc phục sự bất thường và đã trao giấy phép cho Ủy ban phụ trách hoàn thành việc xây dựng nhà thờ Công Giáo, dự kiến vào năm 2026.

Vương cung Thánh đường Thánh Gia được hàng triệu du khách đến tham quan mỗi năm vì đã trở thành biểu tượng của thành phố Barcelona. Công trình được thiết kế bởi Gaudi, kiến trúc sư nổi tiếng người Catalan còn được biết đến với Park Guell. Vương cung Thánh đường Thánh Gia được cộng nhận là di sản thế giới của UNESCO năm 2005.

Theo ủy ban phụ trách kết thúc công trình, Antoni Gaudi đã hỏi thành phố Sant Marti, một ngôi làng hiện do Barcelona thành lập, để xin giấy phép xây dựng vào năm 1885, nhưng ông chưa bao giờ có câu trả lời. Cuối cùng, việc xây dựng trở thành hợp pháp sau 137 năm. Giấy phép xây dựng mới xác nhận rằng Vương cung Thánh đường sẽ được hoàn thành vào năm 2026, với chiều cao tối đa là 172 mét và tổng ngân sách là 374 triệu euro.

Việc xây dựng công trình, được tài trợ độc quyền bởi sự đóng góp và vé vào cửa, sẽ kết thúc vào năm 2026, trùng với một trăm năm Gaudi qua đời vì bị xe điện đâm. Vương cung Thánh đường là di tích được ghé thăm nhiều nhất ở Barcelona, với 4,5 triệu người vào năm 2017 và là một trong những điểm chính thu hút khách du lịch của Tây Ban Nha.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Avvenire
 
Những điều bạn cần biết về Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Giuse Thẩm Nguyễn
17:43 09/06/2019


Chúa Nhật tuần này Giáo Hội mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, còn gọi là lễ Ngũ Tuần, là một trong các ngày lễ quan trọng nhất trong năm bao gồm mùa Phục Sinh và những lễ tưởng nhớ thuở ban đầu của Giáo Hội.

Đây là những điều bạn cần biết về ngày lễ này:

Thời điểm và nguồn gốc của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống luôn rơi vào 50 ngày sau khi Chúa chịu chết và sống lại, và 10 ngày sau lễ Thăng Thiên. Bởi vì lễ Phục Sinh không rơi vào một ngày nhất định trong niên lịch và vì lễ Chúa Thánh Thần lại tính theo thời điểm của lễ Phục Sinh, cho nên Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống sẽ rơi vào khoảng từ 10 tháng Năm đến 12 tháng Sáu.

Thời điểm của những lễ này cũng là lúc người Công Giáo có ý niệm về Tuần Cửu Nhật – tức là chín ngày cầu nguyện, bởi vì trong Sách Tông Đồ Công Vụ 1, Mẹ Maria và các môn đệ cùng nhau cầu nguyện “liên tục” trong chín ngày sau khi Chúa về trời cho tới ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Theo truyền thống, Giáo Hội cầu nguyện Tuần Cửa Nhật để xin ơn Chúa Thánh Thần vào những ngày trước Lễ Thánh Thần Hiện Xuống.

Chữ “Pentecoste” là một chữ gốc Hy Lạp, có nghĩa là thứ 50.

Có một lễ của Do Thái cũng được cử hành là Shavu`ot, rơi vào ngày thứ 50 sau lễ Vượt Qua. Shavu`ot đôi khi còn được gọi là những tuần lễ hội, ý nói về thời gian bẩy tuần lễ sau lễ Vượt Qua.

Lúc đầu lễ này là một lễ hội mùa gặt, Shavu`ot bây giờ là lễ tưởng niệm ấn Giao Ước Cũ trên núi Sinai khi Thiên Chúa trao kinh Torah cho ông Moses trên núi này. Mỗi năm vào ngày lễ này, người Do Thái làm sống lại việc chấp nhận quà tặngTorah.

Những gì xảy ra vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Theo truyền thống Kitô giáo, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là ngày lễ kính nhớ việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các thánh Tông Đồ, Mẹ Maria và những người theo Chúa lúc khởi đầu cùng họp nhau trong phòng cửa đóng kín.

Một luồng gió mạnh ùa vào phòng nơi mọi người đang tụ họp, và những hình lưỡi lửa đậu xuống trên từng người một và họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau và có thể hiểu nhau. Đây quả là môt hiện tượng lạ lùng đến nỗi một số người nghĩ rằng những Kitô hữu này đã đầy rượu rồi, nhưng thánh Phê-rô đã quả quyết rằng lúc bấy giờ mới là buổi sáng và rằng sự kiện lạ này là do tác động của Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần cũng ban cho các tông đồ những ơn sủng khác và hoa trái cần thiết để hoàn thành sứ mạng cao cả là – ra đi và loan báo tin Mừng cho mọi dân tộc. Thi hành lời hứa của Đức Kitô trong Tân Ước (Luca 24:46-49) là các Tông Đồ sẽ được “mặc lấy sức mạnh” trước khi các ngài được sai đi để loan báo Tin Mừng.

Điều đó ở đâu trong Thánh Kinh.

Sự kiện chính của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (gió mạnh và các lưỡi lửa) là việc xảy ra trong sách Tông Đồ Công Vụ 2:13, tuy nhiên có những việc xảy ra liền sau đó như bài giảng của Thánh Phê-rô, việc rửa tội cho hàng ngàn người… tiếp tục cho tới câu 41.

Sinh nhật hạnh phúc của Giáo Hội.

Ngay sau ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, thánh Phê-rô được linh ứng bởi Chúa Thánh Thần đã giảng bài giảng đầu tiên cho người Do Thái và những người không tin, trong đó ngài trích sách Cựu Ước, cho thấy rằng ngôn sứ Giô-en đã tiên báo về những biến cố xảy ra này và sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Thánh Phê-rô cũng nói với mọi người rằng Đức Giê-su mà họ đã đóng đinh là Thiên Chúa và ngài đã sống lại từ cõi chết, nghe thế “ họ đau đớn trong lòng”. Rồi họ hỏi là họ nên làm gì, Thánh Phê-rô khuyên họ hãy ăn năn xám hối và chịu phép rửa. Theo sách Tông Đồ Công Vụ, có khoảng 3,000 người đã chịu phép rửa sau bài giảng của Thánh Phê-rô.

Vì lý do này mà Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống được coi như ngày sinh của Giáo Hội, Thánh Phê-rô, vị Giáo Hoàng Tiên Khởi, có bài giảng đầu tiên và cải hóa hàng ngàn người mới tin. Đây là lần đầu tiên, các thánh Tông đồ và các tín hữu hiệp nhất trong cùng một ngôn ngữ chung và một lòng nhiệt thành và mục đích chung ra đi và loan báo Tin Mừng.

Lễ phục Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và những tập tục trên toàn thế giới.

Thông thường, các linh mục sẽ mặc lễ phục đỏ vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, biểu tượng lửa cháy tình yêu của Thiên Chúa và những lưỡi lửa đáp xuống trên các tông đồ.

Tuy nhiên ở nhiều vùng trên thế giới, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống lại được coi là Chúa Nhật Trắng, cho nên lễ phục màu trắng lại thường được mặc ở Anh và Ái Nhĩ Lan. Màu trắng biểu tượng cho chim bồ câu là Chúa Thánh Thần và áo màu trắng mà người tân tòng muốn mặc trong ngày lãnh nhận phép Rửa Tội.

Truyền thống lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ở Ý là rải hoa hồng xuống từ trần nhà thờ để nhớ lại phép lạ những lưỡi lửa, và cũng tại một số nơi trong nước Ý, lễ Chúa Thánh Thần còn được gọi là Pascha Rosatum (Hoa hồng Phục Sinh).

Ở Pháp, người ta thổi kèn trong Thánh Lễ để nhớ lại tiếng gió thổi mạnh của Chúa Thánh Thần.

Ở Á Châu thường có thêm một nghi thức bổ xung là quỳ gối trước bàn thờ vào đọc những bài thánh vịnh dài và những lời kinh. Ở Nga, người ta mang hoa và những cành lá xanh đến trong các buổi phụng vụ lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.


Source: CatholicNewsAgency.com Everything you need to know about Pentecost
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày khai mạc đại hội Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
07:27 09/06/2019
Hằng năm từ hơn bốn thập niên qua, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam nước Đức vào dịp lễ mừng kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống tổ chức ba ngày đại hội ở thành phố Aschaffenburg .

Mỗi năm Đại hội thường có một chủ đề. Năm nay Đại hội được tổ chức từ ngày 08. đến 10. Tháng Sáu 2019 với chủ đề „Hãy lắng nghe !“

Chủ đề này Đại Hội dựa trên nền tảng trong Kinh Thánh. Rõ hơn đó là cầu xin của Vua Salomon bày tỏ cùng Thiên Chúa:

„ Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế? „ ( 1. Sách Các Vua, 3,9).

Như thế lắng nghe có tầm mức quan trọng mối tương quan đời sống làm người chiều hướng thượng lên tới Thiên Chúa trên cao và chiều ngang đường chân trời với mọi người chung quanh cùng chung sống trong xã hội.

Lắng nghe người khác và được người khác lắng nghe là nhu cầu trong đời sống con người. Ông Chủ tịch Liên đoàn trong bài khai mạc Đại hội đã diễn tả khía cạnh đó như sau:

„Lắng nghe là một cung cách nghệ thuật sống không chỉ theo chiều ngang đường chân trời giữa con người với nhau trong cuộc sống xã hội, nhưng còn là lối sống đạo đức chiều thẳng đứng hướng lên Thiên Chúa trên trời cao, Đấng tạo dựng nên con người chúng ta có thân xác và trái tim tâm hồn để lắng nghe Lời của Ngài nói qua những dấu chỉ trong thiên nhiên, tiếng nói âm thầm nhỏ nhẹ trong sâu thẳm nơi tâm hồn mỗi người. „

Sau phần nghi thức khai mạc Đại hội, đến phần phụng vụ thánh lễ Misa khai mạc Đại hội. Thánh lễ do giới trẻ phụ trách. Vì thế giới trẻ đảm nhận phần hát thánh ca, đọc lời Chúa là các lời nguyện trong thánh lễ.

Đây là dịp vui mừng cùng rất thuận tiện để thế hệ lớp trẻ sinh ra và lớn lên trong xã hội nước Đức, họ không chỉ sinh hoạt đạo đức Công Giáo nơi các xứ đạo Đức nơi cư ngụ, mà còn dấn thân vào sinh hoạt mục vụ nơi các Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam nơi sinh sống.

Tuy việc mục vụ cho người Công Giáo Việt Nam ở nơi đây, có thể nói được, là phần thêm vào nhìn theo khía cạnh sống tâm tình đạo đức văn hóa xuất xứ gốc người Việt Nam, nhưng cũng cần thiết và góp phần không nhỏ vào khu vườn trăm hoa đua nở của đức tin Công Giáo cho trở nên sống động.

Chính vì thế, các Tòa Giám mục nước Đức từ bốn thập niên nay công nhận và hằng khuyến khích nâng đỡ công việc mục vụ này: bổ nhiệm linh mục người Việt nam chăm sóc mục vụ cho người Công Giáo Việt Nam, trợ giúp tài chánh những sinh hoạt mục vụ nơi địa phương và tổ chức Đại hội Công Giáo hằng năm.

Sau thánh lễ Misa khai mạc Đại hội, các bạn trẻ thanh thiếu niên có phần sinh hoạt riêng do một linh mục phụ trách hướng dẫn trong không khí vừa tìm hiểu vừa suy nghĩ và cầu nguyện. Tạo cho các bạn trẻ quen nhau và quen với cung cách nếp sống sinh hoạt đức tin Công gíao.

Những người lớn thế hệ ông bà cha mẹ, anh chị tập họp chung ở nhà nguyện di động trong khuôn viên đại hội cùng nhau làm giờ thánh chầu Mình Thánh Chúa và cùng dâng hoa kính Đức Mẹ Maria, tôn kính các Thánh Tử đạo Việt Nam.

Việc đạo đức này vừa là một sinh hoạt của ngày Đại hội và cũng vừa là cung cách nếp sống đức tin người Công Giáo, nhất là buổi chiều ngày chuẩn bị mừng kính lễ trọng Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Cung cách sinh hoạt đạo đức bình dân này phần nào làm sống nhớ lại tập tục đạo đức, kỷ niệm xứ đạo nơi nhiều người, mà ngày xưa bên quê nhà Việt Nam họ đã sống sinh hoạt hội đoàn: đọc kinh làm giờ thánh Chầu Thánh Thể, hát dâng hoa kính Đức Mẹ, hôn kính xương Thánh.

Cung cách cầu nguyện quen thuộc truyền thống này vừa tỏ hiện sự sinh động tinh thần sống đức tin, vừa thể hiện nét đẹp văn hóa cùng tâm tình của con người Việt Nam.

Ngày xưa Đức Mẹ Maria đã cùng với các Tông đồ Chúa Giêsu tụ họp trong nhà tiệc ly cầu nguyện lắng nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn để đón Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, như trong kinh thánh nơi sách Tông đồ Công vụ thuật lại (CV 1, 12-14).

Người Công Giáo Việt Nam ở nước Đức cũng muốn sống tâm tình đức tin như thế hằng năm vào dịp đại hội Công Giáo Việt Nam ngày mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Buổi chiều ngày thứ bảy vọng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, có khoảng hơn dưới 700 tham dự viên hiện diện khai mạc Đại hội. Họ cùng nhau xin ơn đức Chúa Thánh Thần xuống trong tâm hồn với tâm tình:

„- Khi nhận lãnh trách nhiệm và chu toàn tới nơi tới chốn. Và cả khi làm việc mà không nhìn thấy kết qủa.

- Khi cảm thấy sự thong dong tự do của mình không bị giới hạn.

- Khi phải chấp nhận trong giờ phút đen tối sợ hãi như bước khởi đầu cho một giai đoạn được chúc phúc, mặc dù không hiểu nổi sự việc đã, đang và sẽ đến.

- Khi bình thản chấp nhận thất vọng trong đời sống hằng ngày xảy đến, dù phải chịu đựng tới cùng sức.

- Khi kiên nhẫn cầu nguyện trong thinh lặng, trong u tối. Vì tin rằng thế nào cũng được nhận lời, mặc dù không có dấu hiệu thấy hiệu quả của lời cầu xin kêu khấn.

- khi chấp nhận từ bỏ không có điều kiện gì. Vì tin rằng chính sự từ bỏ mang lại chiến thắng thật sự cho đời sống.

- Khi trong cuộc sống hằng ngày binh thản và sẵn sàng chấp nhận sự chết xảy đến.

- Và còn rất nhiều cảnh huống trong đời sống mỗi người...

Tất cả những điều đó là ân đức của Thiên Chúa. Ân đức này người Kitô hữu chúng ta gọi là Đức Chúa Thánh Thần.“

( Lm. Karl Rahner S J., trong Pfíngten entgegengehen, Freiburg, Basel, Wien 1986, tr. 86.)

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Đối Thoại Cát Minh, nền văn hóa Công Giáo không bao giờ chết ở Pháp
Vũ Văn An
00:11 09/06/2019


Khi cuộc Cách Mạng Pháp đạt tới cao điểm của nó với Chế Độ Kinh Hoàng của Robespierre, một trong nỗi kinh hoàng lớn nhất nó gây ra là việc xúc phạm đến Đan viện Cát Minh ở Compiègne, miền đông bắc Pháp. Mười sáu thành viên của cộng đoàn Cát Minh bị hành quyết vì bị coi là “phản cách mạng”. Họ gồm 11 nữ đan sĩ, 3 nữ tu bậc giáo dân (lay sisters) và 2 thành viên dòng ba. Người ta cho rằng khi các nữ tu lần lượt bước lên máy chém, đám đông vây quanh bỗng nhiên im lặng một cách lạ thường, và cái biến cố khiếp đảm này có thể đã kết liễu chế độ gây kinh hoàng ấy.

Câu truyện trở nên nổi tiếng khi nhà văn Đức Gertrude von le Fort, một học trò sáng chói của Ernst Troeltsch và là một tân tòng mới trở lại Đạo Công Giáo, đã dựa vào nhật ký của một người sống thoát cuộc hành quyết để viết ra cuốn tiểu thuyết Bài Hát Trên Dàn Máy Chém (The Song at the Scaffold). Bà tạo ra nhân vật Blanche de la Force, một nhà quí tộc bị ám ảnh bởi nỗi sợ, đi tìm bình an nơi đan viện. Thiện cảm của tác giả với các nhân vật mình tạo ra hết sức hiển hiện trong sự tương tự ở danh xưng của họ. Nơi Blanche, bà thấy “hiện thân cho cơn hấp hối tử sinh của một thời đại đang sắp sửa tự huỷ diệt hoàn toàn”.

Trong các năm sau chiến tranh, linh mục huyền thoại Pháp Dòng Đa Minh, Raymond-Leopold Bruckberger, và nhà làm phim Phillippe Agostini khai triển một cuốn phim dựa trên cuốn tiểu thuyết (thêm nhân vật Chevalier de la Force, em của Blanche). Năm 1947, họ thuyết phục Georges Bernanos viết phần đối thoại. Dù cuốn phim không bao giờ được thể hiện, bản văn của Bernanos được dựng thành một vở kịch trình diễn lần đầu tại Zurich năm 1951 và tiếp tuc được trình diễn suốt 300 buổi ở Paris vào năm sau đó.

Được đề nghị một hoa hồng (commission) để viết 1 màn vũ ballet cho La Scala và nhà xuất bản Ricordi ở Milan, nhà soạn nhạc Pháp Francis Poulenc (1889-1963), thay vào đó, đã chọn “Các Cuộc Đối Thoại Của Các Đan Sĩ Cát Minh (“Dialogues of the Carmelites”) của Bernanos mà ông từng được xem vở kịch trình diễn ở Paris và nay đọc nó nghiến ngấu trong một buổi chiều, hoàn toàn ngất trí, ngay tại Piazza Navona ở Rome. Ông đã tìm được chủ đề vĩ đại cho cuộc đời mình: hợp nhất biến cố lịch sử và cái thâm thúy sâu sắc của huyền nhiệm. Ông bắt tay “làm việc như một thằng điên” cho dự án này. Ông viết hồi tháng 8 năm 1953 rằng “Tôi như khùng như dại với chủ đề của mình, đến cái đỗi tin rằng tôi thực sự biết các người đàn bà này”. Ông dùng bản văn sâu sắc trong vở kịch của Bernanos làm lời nhạc kịch của mình, nhưng dự án gặp rắc rối khi đụng đến vấn đề bản quyền. Sau đó, Poulenc bị suy nhược thần kinh khi viết các trang cuối cùng của vở nhạc kịch.

Thuở đầu sự nghiệp, Poulenc vốn là thành viên của nhóm cấp tiến Les Six và phần nào là một enfant terrible (thích sống lập dị). Nhưng sau cái chết bất đắc kỳ tử của một người bạn năm 1936 và sau lần đến viếng đền thánh ở Rocamadour cùng năm, ông đã trở về với đức tin đạo hạnh. Phần nhạc cho vở “Các Nữ Tu Cát Minh” hoàn toàn có tính độc hay đa âm và dựa vào một loạt nguồn âm nhạc rộng lớn, nhà soạn nhạc này đặc biệt nhắc đến món nợ của ông đối với Mussorgsky, Monteverdi, Débussy và Verdi. Trong nhiều cảnh gần như hát nói của nhạc kịch, Poulenc cho thấy khả năng được nhiều người ca tụng trong việc đặt dòng nhạc vào tiếng nói người, gây tác dụng “có tính Pháp một cách hết sức tinh túy” như nhận định của tân nhạc trưởng của Metropolitan Opera, Yannick Nézet-Séguin. Hầu như không có bài đơn ca (arias), mà chỉ có những gợi nhớ sắc thái nhẹ nhàng (những phần đệm rung động khi Blanche xuất hiện lần đầu), những cảnh ngâm nga hùng tráng (dành cho vị Viện Mẫu Thứ Hai) và những dàn dựng cao siêu một số bài thánh ca và lời kinh được biết đến nhiều nhất của Đạo Công Giáo, như Kinh Kính Mừng và Kinh Ave Verum.

Năm 2013, trở lại Nhà Hát Met lần đầu tiên, cũng với sự dàn dựng mạnh mẽ của John Dexter từ năm 1977, với cây thánh giá ở giữa và nghiêng về phía sau, ẩn hiện do việc chiếu sáng, vở nhạc kịch có 3 màn, mỗi màn 4 cảnh. Vở nhạc kịch được Met trình diễn chỉ có một lần tạm nghỉ, làm mờ tác dụng của “cảnh cuối” trong mỗi màn. Nó khởi đầu trong im lặng với các nữ tu quỳ, nằm trên thánh giá được chiếu sáng, rồi nhạc kịch chuyển qua thư viện của Quận Công de la Force ở Paris, nơi ta thấy quyết tâm của cô con gái quận công nhất định gia nhập Dòng Cát Minh ở Compiègne. (Vai trò này được hát bởi giọng nữ trung (mezzo-soprano) tuyệt vời của Isabel Leonard, người trong bộ áo nữ tu Cát Minh trông y hệt tranh vẽ của Antonello).

Trong cảnh đầu tiên tại Cát Minh, Blanche, khi xin được lấy tên Nữ Tu Blanche Chúa Kitô Hấp Hối, bị đan viện mẫu già nua và ốm yếu chỉ trích nặng nề rằng Cát Minh không phải nơi trình diễn anh hùng tính mà là một nơi cầu nguyện. Tại nơi làm việc của đan viện, Blanche gặp Nữ Tu Constance, một người trẻ, chân thật ngây thơ nhưng hết sức mẫn cảm (hát như một thiên thần bởi Erin Morley), người làm cô ngạc nhiên khi nói rằng họ sẽ chết trẻ và cùng trong một ngày.

Cảnh cuối cùng, trong phòng y tế, quả đau lòng. Bà de Croissy đang hấp hối cả thể lý lẫn tâm linh. Mẹ Marie, do Karen Cargill giọng ngọt như đường và bệ vệ đóng, thúc giục bà hướng tâm tư về Thiên Chúa. Bà de Croissy trả lời “Thiên Chúa đã trở nên một bóng mờ”. Được nguời con gái hiền từ khuyên nên quan tâm đến Thiên Chúa, viện mẫu đáp như sủa “tại sao tôi phải quan tâm đến Thiên Chúa? Người phải quan tâm tới tôi chớ”. Sự ô nhục cuối cùng của bà phải được Blanche nhìn trong một trạng thái đau buồn tối hậu như thế. Và rồi, chính giờ chết đã đến như vũ bão. Người ta từng đã nghe Régine Crespin và Dame Felicity Palmer hát phần này— nhưng không bao giờ đạt tới một tác dụng phát sợ đến thế.

Trong cơn hấp hối, Bà de Croissy thị kiến thấy Cát Minh bị hủy diệt, và hai màn kế tiếp tất nhiên được dành cho cảnh kinh hoàng này. Khi các nữ tu than khóc bà, Constance gợi ý với Blanche rằng “chúng ta không chết cho riêng mình, nhưng chúng ta chết cho nhau, và có lẽ thậm chí vì nhau nữa. Ai mà biết được?”. Bà Lidoine (được giọng nữ cao Adrianne Pieczonka đóng một cách hết sức khéo léo) được cử làm tân viện mẫu. Anh của Blanche tới khuyên em cùng ông trốn khỏi cảnh điên loạn ngày một lên cao trong nước, nhưng không thành.

Trong màn III, khi Bà Lidoine vắng mặt, Mẹ Marie đề nghị các chị em của mình tuyên hứa tử vì đạo vì nước Pháp, và, dù việc bỏ phiếu chấp thuận lời tuyên hứa không thành, Blanche vẫn bỏ đan viện. Bà Lidoine trở lại, và với các nữ tu bị bắt và dẫn tới nhà tù Conciergerie, bà đã tham gia với họ trong lời tuyên hứa tử vì đạo. Trong thành phố, Mẹ Marie cũng ước ao được tham gia với họ nhưng được vị tuyên úy, đang ẩn trốn, khuyên Thiên Chúa mới là Đấng quyết định ai được từ vì đạo.

Cảnh cuối cùng, trong Dinh Cách Mạng, nâng cao gần như chịu không được nét vĩ đại đơn giản của toàn bộ nhạc kịch. Với dòng nhạc rước kiệu khôn nguôi, các nữ tu họp nhau trước phía trái dàn máy chém và từ từ bắt đầu tiến bước, từng người một, băng qua đám đông lặng như tờ, bước lên tấm dọc của Thánh Giá, giữa hai người lính và bước vào vùng tối hậu trường nơi những tiếng thình thịch khủng khiếp làm nhịp cho máy chém rớt xuống và cái chết của từng người họ. Poulenc dành cho họ một khung cảnh tuyệt vời để hát bài Salve Regina (Lạy Nữ Vương). Khi Nữ Tu Constance bắt đầu bước bước đi của bà như người trẻ nhất và cuối cùng, bà bỗng nghe giọng nói của Blanche, trở lại tham gia cùng các bạn tử vì đạo. Hai người đàn bà trẻ ôm chầm lấy nhau. Constance biến vào vùng tối, và sau đó là Blanche, miệng hát vinh ca Veni, Creator Spiritus (Lạy Thánh Thần Sáng Tạo, Xin Hãy đến).

Sân khấu lập tức tối đen và nhạc kịch kết thúc, và bạn không biết phải làm gì. Qùy xuống? Vỗ tay? Bỏ đi im lặng như cuối phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh? Điều chắc chắn là: khuyến khích Met cho trình chiếu công trình hết sức giá trị này càng sớm càng tốt trở lại.

Thoáng dịch bài The harrowing story of French nuns killed by the guillotine returns to the Metropolitan Opera của linh mục Leo J. O'Donovan, S.J. đăng trên tạp chí America, 7/6/2019
 
Làm đan sĩ một tháng
Vũ Văn An
22:42 09/06/2019


“Hãy làm một đan sĩ. Một tháng. Một năm”. Đó là quảng cáo của Đan Viện Mepkin, một đan viện Dòng Trappist ở Nam Carolina.

Quảng cáo đó là điều tôi hằng mong đợi, dù không phải là lời mời gọi bước vào ơn gọi. Tôi là một người trung niên, hạnh phúc trong hôn nhân và là cha của 6 đứa con. Rất cám ơn khi chương trình làm khách đan viện tại Mepkin dành cho mọi người: những người đang biện phân ơn gọi hay không, Công Giáo hay không, đàn ông hay không.

Tôi vốn đang thực hiện các cuộc tĩnh tâm 5 ngày tại các đan viện dòng Trappist và Dòng Biển Đức trong 25 năm nay và tôi nhận thấy trải nghiệm sống trong in lặng và xa rời cuộc sống làm việc và gia đình có tính phục hồi và tái lên sinh lực. Ấy thế nhưng, như nhà chiêm niệm nổi tiếng Paul Hewson (tức Bono) vốn nói, tôi vẫn chưa tìm được điều mình đang đi tìm.

Sự thật là tôi đang trở nên bồn chồn náo nức trong các cuộc thử nghiệm đan viện của mình. Tôi cảm thấy tôi chỉ mới gãi gãi ngoài mặt trải nghiệm đan viện và chỉ là một khách vãng lai của một đan viện tiếp khách, tôi vẫn là người đứng ngoài nhìn vào bên trong. Nên, tôi quyết định trở thành một đan sĩ trong 1 tháng.

Tôi tới đan viện Mepkin vào một buổi sau trưa trong mùa mưa phùn của Nam Carolina. Đan viện tọa lạc trên một dốc đứng cạnh Sông Cooper.

Khu đất rộng 3,200 mẫu Anh của nó gồm rừng thông và bãi cỏ mênh mông được chấm phá bởi những cây sồi đầy rêu phong Tây Ban Nha. Động sản này ban đầu vốn là một vùng trồng lúa, sau được Clare Boothe Luce mua rồi tặng cho Dòng Trappist trong thập niên 1940.

Tôi trình diện tại nhà tĩnh tâm, một hành lang nửa vây kính và thép bóng loáng, mới được thêm vào gần đây cho các tòa nhà hiện đại của đan viện. Gerard Jonas Palmares, O.C.S.O., giám đốc chương trình làm khách đan viện , đón tiếp tôi như thể tôi là người thân lâu ngày gặp lại.

Trong cuộc ngụp lặn dài một tháng của tôi ở đan viện, tôi sống trong một phòng nhỏ, dễ chịu của nhà ngủ dành cho các đan sĩ. Tôi mặc chiếc áo dài không hoa hoè hoa sói, giống con quạ xám. Tôi dùng các bữa ăn một cách nhanh chóng và trong im lặng. Tôi tham dự với các đan sĩ trong việc hát các thánh vịnh trong 7 lần các phụng vụ giờ kinh, mà lần đầu tiên, gọi là Kinh Sáng Sớm (Matins hay Vigils), bắt đầu lúc 3 giờ 20. Tôi làm việc 4 hay 5 giờ một ngày trong ngành trồng nấm tại Đan Viện. Tôi qua mỗi ngày trong im lặng, chỉ nói khi cần và không nói gì cả lúc phải Rất Im Lặng, tức từ 8 giời tối tới 8 giờ sáng. Tôi rất mến điều này.

Trong vài tuần đầu tiên của tôi tại đan viện, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn gần như mỗi ngày và gần như mỗi giờ của mỗi ngày. Tôi cảm thấy vinh dự khi được cư ngụ ở một nơi tuyệt đẹp như vậy, được sống trong im lặng và gần như chạm vào thiên hứơng dịu dàng, thông minh và khôn ngoan của các đan sĩ. Mỗi bình minh và hoàng hôn đều là một dấu hiệu Thiên Chúa hiện diện. Tiếng còi của một chuyến xe lửa chở hàng vang lên khắp bờ sông Cooper, tạm thời nhắc nhớ tiếng ồn ào và gây xao lãng của thế giới bên ngoài. Mỗi cái gật đầu của một người cùng cư ngụ đi qua đều là một cái ôm hơn nữa đưa tôi vào cộng đồng. Tôi tự hỏi liệu tôi có bỏ lỡ ơn gọi của tôi không.

Tuy nhiên, trong tuần thứ ba của tôi tại Mepkin, tôi đã va vào bức tường đan viện. Tôi bắt đầu đếm ngày cho đến ngày tạm biệt. Cha Gerard Jonas không ngạc nhiên và tâm sự với tôi rằng chương trình làm khách đan viện kéo dài một tháng vì một lý do chính đáng: người có thể làm đan sĩ nên hiểu rằng cuộc sống có thể đơn điệu. Tôi đã có thể loay hoay thoát qua được khoản khô khan này, vì tôi cho rằng tất cả các đan sĩ phải như thế trong một khoảng thời gian khác nhau nào đó, và phần sau của tôi ở đan viện đã được no đầy phước lành.

Các phước lành đó bao gồm Thánh lễ hàng ngày, thường bắt đầu lúc 6:30 sáng tại Đan viện Mepkin. Các buổi phụng vụ tại Mepkin ngắn gọn và đơn giản, các bài giảng cô đọng và thấm thía. Tuy nhiên, Thánh lễ tại đan viện gây một cảm xúc gần như đánh gục. Tôi không thiên về tình cảm mạnh mẽ, nhưng tôi gần như đã bật khóc trong vài Thánh lễ trong tháng tôi ngụ tại Mepkin. Tôi hy vọng rằng không ai trong số các đan sĩ chú ý đến hiện tượng đó, nhưng nếu họ chú ý, thì đó cũng được thôi. Và trong khi chúng tôi ở trong tòa giải tội, tôi nên xưng thú, như tôi đã làm với Cha Guerric, rằng tôi đã ngủ gật đôi lần trong buổi cầu nguyện tập trung (centering prayer) mà ngài hướng dẫn vào lúc 5 giờ sáng mỗi ngày. Tôi đã học được rằng sự thiếu sót này dễ tha thứ bởi vì, như cha Guerric đã nói với tôi, tôi đã không ngáy và “nó vẫn thường xẩy ra”.

Cha Guerric đã ban ân xá ấy trong một trong các cuộc thảo luận của chúng tôi, trong đó tôi được nhắc nhở rằng nếu bạn gặp một đan sĩ Mepkin để thảo luận về những gì đang xảy ra trong đời sống của bạn, về mặt thiêng liêng hay không, bạn sẽ rời khỏi cuộc họp với một cuốn sách. Sau một vài cuộc thảo luận như vậy, các cuốn sách bắt đầu chất đống trên chiếc bàn của tôi. Vấn đề là tôi không bao giờ có thì giờ để đọc chúng. Trong suốt thời gian ở đan viện, tôi luôn cảm thấy như thể có một nơi nào đó mà tôi giả thiết phải có mặt, và một điều gì đó mà tôi nên làm ở đó. Vì vậy, tôi đã phạm sai lầm của lính mới tò te trong việc từ chối các lời khuyên nhận sách mới. Cuối cùng, tôi nhìn nhận lỗi lầm của mình và tiến tới chỗ biết đánh giá cao rằng một lời khuyên nhận sách của một đan sĩ Trappist là một món quà quý giá, một điều mà đan sĩ tin hoặc có lẽ biết sẽ giúp bạn trong cuộc hành trình. Bây giờ những cuốn sách được các đan sĩ đề nghị đang giúp thay đổi cuộc sống của tôi.

Và, tất nhiên, mọi thứ trong cuộc sống của tôi cần phải thay đổi. Ví dụ, có một người ở nơi làm việc của tôi, một thập niên trước đây, đã vận động để tôi phải đau đớn nhiều hơn mức cần thiết từ việc tái tổ chức Wall Street đầy cạnh tranh kiểu Hobbes. Tôi cần phải tìm cách tha thứ cho người này sau ngần ấy năm, và tháng tôi ở Mepkin dường như là một cơ hội tốt để gột bỏ vấn đề này khỏi danh sách việc cần làm về thiêng liêng của tôi. Vì vậy, tôi đã hỏi Cha Columbiaa, trước đây là một linh mục chánh xứ ở Dublin, liệu tôi có thể thảo luận một “vấn đề mục vụ không chuyên biệt” với ngài không. Cha Columba sẵn sàng đồng ý, nhưng trước khi chúng tôi gặp nhau, ngài đã giảng một bài giảng tuyệt vời về đoạn Tin mừng Mt 18: 21-22, trong đó chủ đề của ngài là “sự tha thứ là một phép lạ”. Cha Columba và tôi đã có cuộc chuyện trò của chúng tôi, nhưng sự tha thứ không phải là một trong những chủ đề mà chúng tôi đã thảo luận. Tôi đã nghe được điều tôi cần nghe.

Phép lạ của sự tha thứ cũng xuất hiện bất ngờ tại đan viện. Trong tháng tôi ở Mepkin, có hai biến cố gây phát khùng giữa các cư dân ở đan viện. Đương nhiên, tôi can dự vào một trong số này. Một trong các đan sĩ gợi ý rằng tôi đã không rửa tảng nấm đúng cách, và vì tôi hoàn hảo về mọi mặt - không nói là cứng cổ - tôi đã bác bỏ lời vị này. Tôi cảm thấy vô cùng ngượng ngùng khi đan sĩ ở phía bên kia cuộc bất trắc này tìm tôi để xin lỗi trong vòng nửa giờ. Nếu bạn muốn biết các đan sĩ tìm cách sống hòa bình trong cộng đồng như thế nào, ngày này qua ngày khác, thì đó là câu trả lời cho bạn.

Tôi đã đến Đan viện Mepkin với ba mục tiêu: cải thiện việc thực hành cầu nguyện của tôi; trải nghiệm một cuộc dìm mình trọn vẹn vào cuộc sống hàng ngày của một đan sĩ; và bắt đầu biện phân về giai đoạn tiếp theo của cuộc đời tôi. Cuối cùng tôi đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong cả ba mục tiêu đó trong tháng của tôi ở Mepkin đến nỗi tôi tự hỏi liệu tôi có nên làm thêm ba tháng hay 10 tháng nữa không.

May mắn thay, sẽ có thì giờ cho điều đó, vì các đan sĩ mời bất cứ ai đã hoàn tất chương trình kéo dài một tháng này trở lại đan viện bất cứ lúc nào để ở lại một thời gian ngắn hơn. Đó chính là điều tôi muốn: nhiều cơ hội hơn để làm một đan sĩ.

Phóng dịch bài “Why a happily married father of six became a monk (for a month)” của Stephen B. Grant, đăng trên tạp chí America, số 7/6/2019
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, ngày 9/6/2019: ĐC Giuse Đinh Đức Đạo được bổ nhiệm là thành viên Bộ Giáo Dục Công Giáo
VietCatholic Network
15:50 09/06/2019


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 9/6/2019.

2- Đức Thánh Cha quyết định sửa lại Kinh Lạy Cha.

3- Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo được bổ nhiệm là thành viên Bộ Giáo Dục Công Giáo.

4- Một giai đoạn mới trong Phong trào Canh tân trong Thánh Linh.

5- Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: Ơn gọi là đối thoại và đáp lại tiếng Chúa mời gọi.

6- Đức Thánh Cha cử đại diện chăm sóc mục vụ hành hương tới Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức.

7- Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp tổng thống Putin lần thứ ba.

8- Indonesia có thêm một đại học Công Giáo.

9- Giáo phận ở Papua Indonesia có các tân linh mục thuộc các nhóm bộ lạc.

10- Các Giám mục El Salvador lên án bạo lực và việc sát hại hai linh mục.

11- Costa Rica muốn buộc các linh mục tiết lộ bí mật tòa giải tội.

12- Giáo Hội Công Giáo Úc công bố các tiêu chuẩn bảo vệ trẻ em.

13- Giới thiệu Thánh Ca: Con Đi Tìm Bình An.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết.
 
Giáo Hội Năm Châu 10/06/2019: Giám Mục Mỹ bị tấn công tàn bạo trên các phương tiện truyền thông
Giáo Hội Năm Châu
16:32 09/06/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Giáo Hội Năm Châu 10/06/2019: Giám Mục Mỹ bị tấn công tàn bạo trên các phương tiện truyền thông

1. Đức Cha Thomas Tobin: Người Công Giáo không được ủng hộ các cuộc diễn hành đồng tính

Cha Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Convivium của Canada nhận định cay đắng về bản án của Đức Hồng Y George Pell rằng:

“Thời này là thời đồng tính. Khi nói động đến người đồng tính, bạn phải cẩn thận uốn lưỡi không phải 77 lần 7 là 77 lần lũy thừa 7. Những thế lực tinh ra quỷ quái đã buộc Đức Hồng Y vào chính cái tội mà ngài chống đối gay gắt nhất.”

Trước thảm họa nhãn tiền của Đức Hồng Y Pell, vẫn có các Giám Mục trên thế giới không sợ. Đức Giám Mục Thomas Tobin của Providence, Rhode Island, Hoa Kỳ là một trong các vị ấy.

Bất chấp những trò ném đá hội đồng của hầu hết các phương tiện truyền thông tại Mỹ trong mấy ngày qua, Đức Giám Mục Thomas Tobin đã bảo vệ một tweet của ngài trong đó kêu gọi người Công Giáo không được ủng hộ các cuộc diễn hành đồng tính, và nói rằng những cuộc diễn hành như thế quảng bá một nền văn hóa trái với đức tin và đạo đức Công Giáo.

Đức Cha Thomas Tobin, là Giám mục Providence, Rhode Island, cho biết nghĩa vụ của ngài trước mặt Chúa là phải dạy bảo đức tin một cách rõ ràng về các vấn đề như vậy, và ngài sẽ tiếp tục làm như vậy bất kể những chống đối.

Ngài đã viết trên Twitter vào thứ Bảy rằng người Công Giáo không nên ủng hộ hay tham dự các cuộc diễn hành đồng tính vào tháng Sáu.

“Chúng đề cao một nền văn hóa và khuyến khích các hoạt động trái với đức tin và đạo đức Công Giáo,” ông nói thêm. “Chúng đặc biệt gây hại cho trẻ em.”

Tweet của ngài đã nhận được sự tấn công dữ dội trên các phương tiện truyền thông, lôi kéo các chỉ trích từ những người phò đồng tính khét tiếng như Mia Farrow và Patricia Arquette.

Hôm Chúa Nhật, Đức Cha đã đưa ra một tuyên bố tiếp theo nói rằng ngài lấy làm tiếc vì những bình luận của ngài đã biến thành một cuộc tranh cãi trong cộng đồng và gây khó chịu cho một số người, đặc biệt là những người đồng tính.

“Tôi cũng thừa nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ rộng rãi mà tôi đã nhận được về vấn đề này,” ngài nói thêm.

Đức cha Tobin nói thêm rằng ngài và Giáo Hội Công Giáo có sự tôn trọng và tình yêu dành cho những người đồng tính.

“Tuy nhiên, với tư cách là một Giám mục Công Giáo, nghĩa vụ của tôi trước mặt Chúa là dẫn dắt tín hữu được tôi chăm sóc và dạy bảo về đức tin, một cách rõ ràng và đầy lòng thương cảm, ngay cả trước những vấn đề rất khó khăn và nhạy cảm. Đó là điều tôi luôn cố gắng thực hiện - về nhiều vấn đề khác nhau - và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy khi các vấn đề đương đại nảy sinh.”

Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Đức Cha Thomas Tobin

“Tôi rất tiếc rằng những bình luận của tôi ngày hôm qua về Tháng Tự hào đã trở nên gây tranh cãi trong cộng đồng của chúng ta và gây khó chịu cho một số người, đặc biệt là những người đồng tính. Đó chắc chắn không phải là ý định của tôi, nhưng tôi hiểu tại sao một số lớn các cá nhân đã cảm thấy bất bình. Tôi cũng thừa nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ rộng rãi mà tôi đã nhận được về vấn đề này.

Giáo Hội Công Giáo, cũng như tôi, có sự tôn trọng và tình yêu đối với những người đồng tính. Những cá nhân cảm thấy bị thu hút bởi đồng giới vẫn là những đứa con yêu dấu của Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta.

Tuy nhiên, với tư cách là một Giám mục Công Giáo, nghĩa vụ của tôi trước mặt Chúa là dẫn dắt các tín hữu được giao phó chăm sóc và dạy bảo đức tin cho họ một cách rõ ràng và đầy lòng thương cảm, ngay cả trước những vấn đề rất khó khăn và nhạy cảm. Đó là điều tôi luôn cố gắng thực hiện – về nhiều vấn đề khác nhau - và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy khi các vấn đề đương đại phát sinh.

Khi những người đồng tính tập hợp cho một cuộc biểu tình tối nay, tôi hy vọng rằng sự kiện này sẽ là một biến cố an toàn, tích cực cho tất cả mọi người. Khi họ tập hợp lại, tôi sẽ cầu nguyện cho sự tái sinh sự hiểu biết và lòng tôn trọng lẫn nhau trong cộng đồng rất đa dạng của chúng ta.”

Đức Cha Thomas Tobin

Giám mục Providence, Rhode Island.

2. Những chuyện bên lề trong chuyến tông du Lỗ Ma Ni của Đức Thánh Cha Phanxicô: Căn nhà lâu ngày cho chuyện Dracula hút máu

Claire Giangravè của tạp chí Crux cho rằng nghĩ tới vùng đông bắc Transylvania của Lỗ Ma ni, hình ảnh đầu tiên xuất hiện là những lâu đài phủ sương mờ, những căn nhà ma quái của Quận Công Dracula hút máu người.

Khung cảnh đầy điềm ấy không khác mấy so với bầu khí mục vụ ấm cúng chào đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm 2 tháng Sáu. Các xe do lừa kéo và các người địa phương vận y phục ngày lễ và truyền thống đã nghinh đón Đức Giáo Hoàng tại Cánh Đồng Tự Do ở Blaj, Transylvania.

Trong khi chuyện hút máu dân gian chỉ là hư cấu, thì mảnh đất nhớp nhúa bùn của vùng Transylvania quả đã mục kích phần lớn các vụ đổ máu trong thật nhiều thế kỷ. Gần đây nhất, cộng đồng Kitô giáo bản địa của nó đã kinh qua bách hại cả dưới thời Quốc Xã lẫn dưới thời Cộng Sản.

Tại xứ sở bị chiến tranh và đổ máu làm cho tan hoang, Đức Phanxicô, trong Nghi Lễ Phong Chân Phúc cho 7 vị Giám Mục tử đạo, đã đọc một diễn từ cổ vũ nền văn hóa tự do và lòng thương xót, một nền văn hóa có khả năng đề kháng chủ nghĩa thực dân ý thức hệ vẫn còn đang đe dọa hủy diệt gia tài văn hóa của họ.

Ngài nói rằng “Các lãnh thổ này biết rõ con người phải chịu đau khổ như thế nào khi một ý thức hệ hay một chế độ nắm quyền, tự đặt mình thành quy tắc sống và đức tin của mọi người, làm giảm và thậm chí loại bỏ khả năng quyết định, tự do và không gian sáng tạo của họ”.

Ngài đơn cử “Các hình thức thực dân ý thức hệ làm mất giá trị con người, sự sống, hôn nhân và gia đình và trên hết, với các đề xuất có tính tha hoá cũng duy vô thần như các đề xuất trong dĩ vãng, gây hại các người trẻ tuổi và trẻ em của anh chị em, khiến họ không còn gốc rễ để từ đó có thể lớn lên”.

Ngài nói thêm: “bằng cách gieo rắc sợ hãi và chia rẽ, các tiếng nói đó đang chôn vùi những điều tốt đẹp nhất của các lãnh thổ này”.

Ngài nói như thế tại chính nơi, vào năm 1948, đảng Cộng Sản buộc cộng đồng Công Giáo Hy Lạp phải gia nhập Chính Thống Giáo đa số. Tại đây, ngài đã phong chân phúc cho 7 vị giám mục của giáo hội theo nghi lễ Đông Phương này, những vị đã từ khước việc từ bỏ đức tin dưới chế độ độc tài, một chế độ chỉ bị lật nhào vào năm 1989.

Ngài ca ngợi các vị: “Trước sự chống đối quyết liệt của chế độ, các ngài chứng tỏ một đức tin và tình yêu gương mẫu cho giáo dân của các ngài. Với lòng can đảm vĩ đại và sự dũng cảm nội tâm, các ngài đã thiết lập được niềm tín thác và tin tưởng vào Giáo hội yêu dấu của các ngài”.

Các mục tử, tử đạo vì đức tin này, đã tái chiếm hữu và truyền lại cho người Lỗmani, những điều mà chúng ta có thể tóm gọn trong hai từ ngữ: tự do và lòng thương xót”.

Tự do đã đành, nhưng thương xót ở chỗ nào? Đức Thánh Cha trích dẫn câu nói của một trong các vị này, Đức Cha Iuliu Hossu của Gherla, người được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phong Hồng Y bí mật (in pectore) và việc này chỉ được công bố năm 1973, 3 năm sau khi ngài chết năm 1970 trong tư cách bị giam tại nhà từ khi được thả khỏi nhà tù năm 1955: “Thiên Chúa từng cảm thấy bóng tối của sự đau khổ này nên đã sẵn sàng tha thứ và cầu nguyện cho mọi người hoán cải”. Không oán hận những người hành hạ mình chỉ một lòng tha thứ và cầu nguyện cho phần rỗi của họ.

Ngài cho rằng “Thái độ thương xót này đối với các người hành hạ các ngài là một sứ điệp tiên tri, vì ngày nay nó là một lời mời gọi mọi người chiến thắng hận thù bằng đức ái và tha thứ, bằng cách sống đức tin Kitô giáo một cách kiên định và can đảm”.

3. Câu chuyện Đức Giáo Hoàng xin lỗi người “Gypsies” vì nhiều người đã kỳ thị và cô lập họ

Cộng đồng thứ hai tại Lỗ Ma Ni cũng mang thân phận thiểu số bị trù dập, theo Giangravè của tạp chí Crux, là cộng đồng người Roma mà thông thường người ta vốn gọi là “Gypsies”.

Khi đến thăm họ, sau nghi lễ Phong thánh, tại khu Barbu Lăutaru ở phía bắc thành phố Blaj, nơi sắc dân này sinh sống đông đảo hơn cả, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng lòng ngài nặng chĩu “bởi nhiều kinh nghiệm kỳ thị, cô lập và đối xử tàn tệ” mà cộng đồng Gypsies từng phải chịu.

Điều đáng nói, theo ngài, là “lịch sử cho chúng ta hay cả các Kitô hữu, trong đó có người Công Giáo, không xa lạ gì với các tàn bạo này”. Nên, ngài nói với họ “tôi muốn xin lỗi anh chị em về điều này. Tôi xin sự tha thứ, nhân danh Giáo Hội và nhân danh Chúa – và tôi xin sự tha thứ của anh chị em”.

Việc ngài đến thăm cộng đồng Gypsies ở Lỗ Ma Ni là một vòng tròn khép kín vì ngài từng gặp một phái đoàn Gypsies tại Nhà Trọ Thánh Marta, nơi ngài cư ngụ tại Vatican, trước khi lên đường qua Lỗ Ma Ni. Vòng tròn này cho thấy sự quan tâm của Đức Phanxicô đối với họ.

Con số của sắc dân này đông nhất tại Âu Châu, vào khoảng 2 triệu người. Và nền văn hóa du mục của họ, theo Giangravè, rất thích hợp để hội nhập các nét tôn giáo và ngôn ngữ của nước tiếp đón họ. Ở Lỗ Ma Ni, hơn 70% người Roma tự nhận mình theo Chính Thống Giáo, khoảng 7% theo Công Giáo và Thệ Phản. Thời Quốc xã, họ bị đầy đi lao động khổ sai. Hiện nay, họ bị buộc sống ở các khu ngoại vi thành phố với 95% tụ tập ở các khu thiếu thốn, nhiều khi không có điện và nước máy.

Xin lỗi rồi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục cộng đồng này chọn lựa giữa hòa giải và trả đũa. Ở đây, ngài nêu gương Chúa Kitô: “đường Chúa Giêsu... là đường đòi cố gắng, nhưng là đường dẫn tới hòa bình. Và nó băng qua tha thứ”.

Một phần gây trở ngại cho việc hội nhập là nỗi khó khăn của người Roma trong việc thích ứng với xã hội Tây Phương nhưng cũng vì sự kỳ thị chủng tộc và thiên kiến của người Tây Phương đối với họ. Như tục họ cưới vợ cưới chồng rất trẻ, lúc mới 11, 12 tuổi, đến nỗi họ được gọi là “dân con nít” (children people). Tại một số nước trong Liên Hiêp Âu Châu, trong đó có Lỗ Ma Ni, 42% người Roma chỉ học hết bậc tiểu học, 10% hoàn tất bậc trung học.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn tìm thấy nhiều ưu điểm của họ đến nỗi ngài bảo “họ có vai trò lớn lao để thủ diễn” và họ đừng sợ chia sẻ vẻ đẹp và sự phong phú trong nền văn hóa của họ với thế giới, tức việc họ nhấn mạnh tới sự sống, gia đình, quan tâm đến người dễ bị thương tổn, kính trọng người cao niên và lòng hiếu khách.

4. Truyền thống các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm

Giám đốc biên tập hay người viết xã luận của Tòa Thánh, Andrea Tornielli, thì cho rằng khi xin lỗi cộng đồng Gypsies, Đức Phanxicô chỉ tiếp nối truyền thống của các vị tiền nhiệm.

Quả thế, ngay từ tháng 9 năm 1965, Đức Phaolô VI đã tỏ quan tâm đối với cộng đồng này khi cử hành thánh lễ tại Trại Roma Quốc Tế ở Pozezia. Dịp này, ngài nói với họ “anh chị em ở bên trong Giáo Hội; không ở bên lề, mà theo một nghĩa nào đó, ngay ở trung tâm, anh chị em ở ngay trung tâm Giáo Hội. Anh chị em ở trong trái tim của Giáo Hội vì anh chị em đơn độc”.

Dịp đó, Đức Phaolô VI cũng nhắc đến các lạm dụng, kỳ thị và bách hại chống lại người Gypsies, dù không tỏ lời xin lỗi; tuy nhiên, ngài vẫn là vị giáo hoàng đã khai mở thời đại tìm sự tha thứ từ các giáo hội Kitô giáo khác vì những trang sử đen tối của quá khứ.

Tornielli cho rằng chính Đức Gioan Phaolô II đã chuyên biệt đề cập đến việc xin lỗi, thực hiện trong lễ nghi thống hối nhân dịp Năm Thánh 2000 “Chúng ta hãy cầu xin để khi chiêm ngắm Chúa Giêsu, Chúa và là Hoàn Bình của chúng ta, các Kitô hữu có khả năng ăn năn vì những ngôn từ và thái độ gây ra do kiêu căng, thù hận hay ý muốn thống trị người khác, ghét bỏ thành viên các tôn giáo khác và các nhóm yếu đuối nhất trong xã hội, như di dân và người du mục”.

Đức Bênêđíctô XVI cũng biểu lộ sự quan tâm và hiểu biết đối với các cộng đồng này khi ngài tiếp đón đại diện khác nhau của người Roma và các sắc dân du mục khác: “bất hạnh thay, qua nhiều thế kỷ, anh chị em đã từng nếm mùi đắng đót của việc thiếu lòng hiếu khách và đôi khi, bị bách hại... Lương tâm Âu Châu không thể quên những đau khổ như thế! Ước mong sao dân tộc anh chị em không bao giờ là đối tượng của xách nhiễu, khước từ và khinh miệt nữa!”

5. Ðêm các đền thánh lần thứ nhất tại Ý.

Vào đêm ngày 01 cho đến rạng sáng ngày 02 tháng 06 năm 2019, hàng trăm đền thờ tại Ý đã tham gia sáng kiến “Ðêm các đền thánh” lần thứ nhất.

Cửa các đền thánh được mở và các ngọn đèn được thắp sáng, đón các tín hữu và du khách từ hoàng hôn cho đến nửa đêm, hoặc cho đến rạng sáng ngày hôm sau tại một số nơi.

Ðền thánh, trong đêm này, được xem là một nơi người ta được Lời Chúa chạm đến, là lời mời gọi phân định và mời gọi làm chứng và truyền giáo.

Văn phòng quốc gia về việc Mục vụ trong thời gian rảnh và mục vụ du lịch và thể thao của Hội đồng Giám mục Ý giải thích về sáng kiến này: “Mỗi đền thánh được yêu cầu thắp đèn ở cửa đền vào lúc 10 giờ đêm để có thể cùng hiệp thông với tất cả đền thánh ở Ý. Bắt đầu từ thời điểm này, đền thánh thực hiện các sáng kiến khác nhau, đã được nghĩ đến và lên chương trình. Mỗi đền thánh có thể lên kế hoạch kết thúc chương trình 'Ðêm các đền thánh' tùy theo điều kiện của mình. Các đền thánh nên tổ chức cuộc rước trước khi thắp sáng ngọn đền ở cửa đền”.

Ðây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức. Ðức cha Stefano Russo, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Ý nói: “Nó là cơ hội để làm sáng tỏ giá trị biểu tượng mạnh mẽ của các đền thánh đối với các cộng đoàn Kitô giáo và toàn thể nhân loại”. Ngài cũng nhắc lại lời Ðức Thánh Cha Phanxicô: “Các đền thành tại mỗi nơi trên toàn thế giới là dấu chỉ đặc biệt của đức tin đơn giản và khiêm nhường của các tín hữu, là nơi chúng ta cảm nghiệm các sâu sấc sự gần gũi của Thiên Chúa, sự dịu hiền của Mẹ Maria và sự đồng hành của các thánh: một kinh nghiệm thiêng liêng thật sự”.

Ðức cha khẳng định: “Dù cho khủng hoảng đức tin đang lan tràn trên thế giới hiện tại, những nơi này vẫn được coi là không gian thiêng liêng mà khách hành hương đến đó, để tìm một khoảnh khắc nghỉ ngơi, thinh lặng và chiêm niệm trong cuộc sống vội vã thường ngày, với nỗi nhớ về Thiên Chúa. Cầu xin rằng “Ðêm các đền thánh” là một cuộc gặp gỡ với những vấn đề của con người, để mang đến cho tất cả Tin mừng niềm vui, và cho Giáo hội một cơ hội để khám phá lại đền thánh được Thiên Chúa cư ngụ, nơi mà Người vẫn thực hiện những điều kỳ diệu”.

Ban tổ chức đã có những hướng dẫn cho sáng kiến này, từ chầu Thánh Thể đến xưng tội, từ những cuộc viếng thăm thần học nghệ thuật đến cầu nguyện cho ơn gọi, cho đến canh thức do giới trẻ, các nhạc sĩ, ca đoàn, thực hiện.

6. Vị linh mục hoán cải những tù nhân khét tiếng nhất ở nhà tù Challapalca.

Nhà tù Challapalca ở Peru bị xem như “hỏa ngục trần gian”, nơi giam giữ những tù nhân khét tiếng. Người ta sợ đến đó, lính canh phải hết sức để ý. Nhưng cha Gigi Ginami, một linh mục làm việc tại Roma, đã đến thăm và giúp cho nhiều tù nhân hoán cải, thay đổi cuộc sống. Cuốn sách “Angel” kể lại những cuộc hồi sinh thầm lặng nhưng cũng hêt sức kỳ diệu, nhờ sứ vụ của cha Ginami.

Từ hàng thập niên qua, Tòa Ân xá quốc tế đã tố cáo sự tàn bạo và sự xuống cấp của trại tù Challapalca. Nhà tù bị cô lập để ngăn cấm - cách chắc chắn - bất kỳ liên hệ nào với bên ngoài. Nhà tù được xây dựng từ năm 1996 đến 1997 để giam giữ 240 tù nhân nguy hiểm nhất của Peru: những kẻ giết người, buôn bán ma túy, những kẻ giết người hàng loạt. Bạo lực diễn ra ở đây không thể đếm nỗi.

Nhà tù Challapalca là một trung tâm cải huấn nằm ở tỉnh Tarata, vùng Tacna, miền nam Peru. Nằm ở độ cao 4,800 mét so với mực nước biển, nhà tù Challapalca trở thành trại giam có độ cao cao nhất ở Nam Mỹ. Nét đặc trưng của nhà tù này là nằm trong một khu vực khắc nghiệt, nằm trên các dãy núi không thể tiếp cận được, cách xa khỏi các khu dân cư, hầu như không có bất kỳ thông tin liên lạc nào và điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Các điều kiện sinh sống tại nhà tù không xứng đáng với con người. Nước uống được chia theo phần; không có máy sưởi dù là về đêm nhiệt độ xuống âm 20 độ và ban ngày chỉ có 5 độ. Nơi đây thực là một hỏa ngục.

Nhưng chính ở trại tù trên cao đó, một linh mục trẻ người Ý, cha Gigi Ginami, làm việc trong giáo triều Roma, theo định kỳ, đến thăm các tù nhân (trong sự hoang mang lo lắng cách chung của chính quyền, vì hầu như không ai dám đi lên đó, mạo hiểm mạng sống của mình giữa những con người bị cô lập và tội phạm đó). Khi đức cha Ciro Quispe Lopez, Giám mục địa phương, nghe biết rằng có một linh mục từ Roma đã đến trại tù này và muốn tiếp tục trở lại đó để gặp gỡ các tù nhân, ngài đã không tin vào tai của mình. Ðức cha tự hỏi: Nhưng mà một nhân viên giáo triều Roma làm gì ở đây, ở độ cao 4,600 mét như thế? Hoạt động nguy hiểm này đã được đức cha Quispe Lopez và chính cha Gigi Ginami thuật lại trong cuốn sách được đặt theo tên của một trong những tù nhân nguy hiểm nhất bị giam tại đó: Angel, và cũng là nhân vật chính của cuộc hoán cải gây sốc.

Ðức cha Quispe Lopez chia sẻ: “Sự căng thẳng ở Challapalca ở mức độ rất nguy hiểm. Mỗi ngày đều có cảnh báo liên tục. Nhiều người trong số các tù nhân bị giam giữ ở đó là những kẻ giết người hàng loạt hoặc trùm của các băng đảng hùng mạnh hoạt động trong các thành phố như Lima, Callao, Chlayo, Truillo, Piura”.

Cuốn sách Angelo đã được các giáo xứ ở Ý đón nhận và cha Gigi đã dùng số tiền thu được để tài trợ cho các dự án nhân đạo nhỏ ở những nơi khủng khiếp nhất trên hành tinh, những nơi Cha Gigi đến để mang lại một tia hy vọng. Ví dụ như tại một số vùng nghèo khổ cùng cực của Mêhicô, hay tại Châu Phi, nơi mà nhóm Nhà nước Hồi giáo đang phát triển, hay tại Iraq, những giếng nước được xây dựng cho các cộng đoàn nhỏ.

Theo năm tháng, rất nhiều câu chuyện về những cuộc hồi sinh thầm lặng, có thể chỉ là những giọt nước trong đại dương, nhưng luôn luôn là điều gì đó rất quý giá đối với những ai từ lâu đã không còn hy vọng nữa.

Tại Vatican, nơi cha Gigi làm việc, ban đầu, cha bị xem như một người hơi khác thường nhưng rồi cha hoạt động năng nổ và cụ thể, nên họ để cha tiếp tục công việc của cha. Bù lại, danh sách những người được “tái sinh” mà cha Gigi đã thu thập được tại những nơi không thể tưởng tượng được trong 10 năm qua, đã được ghi nhận.

Cuộc hoán cải cuối cùng đã xảy ra tại Challapaca, nơi mà một Thánh lễ đã được cử hành trong nhà tù, tại hành lang của trại cải huấn, nơi các lính canh và tù nhân đã sống hòa bình với nhau trong 60 phút. Ðó là một kỷ lục. Ðức cha Quispe Lopez cho biết giây phút chúc bình an cũng thật an bình, như đang diễn ra tại một giáo xứ. Ðức cha nói: “Nó khiến tôi can đảm và cả tôi cũng đi đến ôm chào mỗi tù nhân và chúc bình an cho họ. Cha Gigi đã đến ngồi giữa các tù nhân mà không chút lo lắng bất an hay sợ hãi. Tôi tự hỏi: Ðiều gì đã khiến vị linh mục từ Vatican đến nơi này, với những tù nhân nguy hiểm nhất, những con người bị bỏ rơi? Tôi không thể tin vào mắt mình”.

Cha Gigi nói với các tù nhân bằng tiếng Tây Ban Nha: “Anh em đừng ngoái nhìn lại đàng sau; hãy nhìn về phía trước”.

Angel cũng ở trong số tù nhân này. Anh ta là một trong những tù nhân đáng sợ nhất ở nhà tù. Anh ta đã thực hiện hàng chục và hàng chục vụ giết người và một mạng lưới tham nhũng cho đến tận Bolivia. Angel bị giam ở nhà tù Challapalca từ năm 2012. Anh đã xin cha Gigi giải tội cho anh. Người lính gác không rời mắt khỏi Angel, theo lệnh chống bạo động, không bao giờ hết lo sợ rằng anh ta có thể làm hại vị linh mục.

Khi nhìn thấy Angel xưng tội, cả người lính gác cũng quỳ gối xuống ở một góc phòng giam và cởi bỏ mặt nạ xuống. Cha Gigi nhìn thấy những giọt nước mắt của kẻ sát nhân. Cha nói với anh ta: “Angel, nếu anh thật sự muốn trở thành một con người mới và và đền bù tội ác mà anh đã gây ra, nếu anh có tiền, hãy sử dụng nó cho những người là nạn nhân của anh, xin lỗi họ, sống những năm ở trong nhà tù này và dâng những khó khăn vất vả cho những người anh đã giết và hành hạ. Sau đó, chúng ta hãy ôm chào nhau và cùng đọc kinh Kính Mừng Maria”.
 
Tin vui trọng đại cho truyền thông Giáo Hội vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:01 09/06/2019
Bắt đầu từ thứ Bảy, 8 tháng Sáu, một bản tin hàng tuần dài 5 phút bằng tiếng Latin sẽ được phát ra thế giới trên các tần số của Đài phát thanh Vatican thông qua các kênh tiếng Ý. Tất nhiên, quý vị và anh chị em cũng có thể theo dõi chương trình này trên trang web của Vatican News và nghe trên podcast. Chương trình này, có tên là ‘Hebdomada Papae’, sẽ sớm có mặt trên cả các kênh tiếng Anh.

Bản tin được phát sóng nhờ sự cộng tác của Văn phòng Tiếng Latin của Vatican, một bộ phận trong phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nơi các tài liệu của Giáo hội được viết hoặc dịch sang tiếng Latin. Bản tin sẽ được biên tập bởi nhà báo kỳ cựu của Đài phát thanh Vatican là ông Alessandro De Carolis.

Một thử thách cho tương lai

Dù chỉ mới phát 5 phút một tuần, Andrea Tornielli, Giám đốc biên tập của Đài phát thanh Vatican, mô tả ‘Hebdomada Papae’ không phải như một chương trình thử nghiệm, nhưng là một chương trình tin tức thực sự và giàu thông tin.

Ông nói: “Chúng tôi không quan niệm chương trình này như một cái nhìn hoài cổ hướng về quá khứ, nhưng như một thách thức cho tương lai.”

Lưu ý rằng tiếng Latin là ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội Công Giáo, ông nói rằng tiếng Latin đã có tiếng vang hàng ngày trên các tần số của Đài phát thanh Vatican, trong các Thánh lễ bằng tiếng Latin.

Ông giải thích rằng sáng kiến hàng tuần này nhằm mục đích mang lại một sức sống mới cho ngôn ngữ này.

“Anima Latina”

Ngay sau bản tin hàng ngày trên Đài phát thanh Vatican bằng tiếng Ý, sau tin tức và các chương trình khác dành riêng cho các tín hữu nói tiếng Ý, Đài phát thanh Vatican phát tiếp một chương trình chuyên sâu mang tên “Anima Latina, radio colloquia de lingua ecclesiae”

“Anima Latina”, là chương trình dành riêng cho việc tái khám phá giá trị và vẻ đẹp của ngôn ngữ Latinh, do Cha Waldemar Turek, Giám đốc Văn phòng Tiếng Latin phụ trách.


Source:Vatican News
 
Tu viện Đức Mẹ núi Montserrat: Câu chuyện cảm động cô gái nghèo cứu cha khỏi luyện ngục.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:17 09/06/2019
Philip Kosloski của tờ Aleteia có một bài viết nhan đề “This grieving girl witnessed her father travel from purgatory to heaven” nghĩa là “Cô gái than khóc cha được chứng kiến cha mình từ luyện ngục lên thiên đàng”. Câu chuyện thật là đánh động vì lòng hiếu thảo của một cô gái trẻ, và đặc biệt hơn nó nhắc nhở chúng ta những lời cầu nguyện và thánh lễ thật hữu ích dường nào để cứu các linh hồn trong luyện ngục. Xin mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Kim Thúy.

Vào thế kỷ 17, một cô gái trẻ đau buồn vì cha mới qua đời đã đến gặp cha Millán de Mirando là bề trên tu viện Đức Mẹ núi Montserrat của dòng Biển Đức. Cô năn nỉ cha xin ngài dâng ba thánh lễ cho người cha quá cố của mình.

Cô gái trẻ hoàn toàn tin rằng những thánh lễ sẽ giúp cha cô sớm đến được thiên đàng, giải phóng ông khỏi những đau khổ của luyện ngục. Xúc động bởi niềm tin của cô gái, cha bề trên dâng Thánh Lễ đầu tiên vào ngày hôm sau.

Trong Thánh Lễ khi đang quỳ gối và ngước nhìn bàn thờ, cô gái trẻ đột nhiên thấy cha cô đang đứng gần bàn thờ nơi vị linh mục đang dâng lễ. Cô hét lên khi thấy cha cô đang “quỳ, và bị bao bọc bởi ngọn lửa đáng sợ”. Nhà thờ có những bậc để bước lên cung thánh, và cha cô đang phủ phục ở bậc thấp nhất của những bậc ấy.

Trước phản ứng của cô, cha bề trên đã yêu cầu cô đặt một mảnh giấy nơi cha cô đang quỳ. Mảnh giấy ngay lập tức bắt đầu bốc cháy cho mọi người thấy, mặc dù vị linh mục và cộng đoàn không được nhìn thấy cha của đứa trẻ. Trước sự kiện này, cha bề trên và cộng đoàn rất tin tưởng nên ngày sau đó, nhà thờ đầy chật người đến dâng Thánh lễ thứ hai cho người cha quá cố của cô.

Trong thánh lễ này, cô gái trẻ lại được thấy linh hồn của cha cô một lần nữa. Lần này ông bước lên đứng cạnh thầy phó tế và đã được “mặc một bộ quần áo rực rỡ.” Lúc này cha cô vẫn còn trong luyện ngục, nhưng cô không còn thấy những ngọn lửa nữa.

Trong Thánh Lễ thứ ba, cô gái thấy cha mình lần cuối cùng. Khi Thánh lễ vẫn đang diễn ra trên bàn thờ cô thấy ông đã được biến đổi và được “mặc một bộ đồ trắng như tuyết”. Sau khi kết thúc thánh lễ một điều ngoại thường đã xảy ra. Cô bé kêu lên, “Cha tôi đang xa dần và bay vào bầu trời!” Cô không còn phải lo lắng về linh hồn của cha cô nữa vì cô biết một cách xác tín rằng ông đã được đưa đến cửa thiên đàng.


Source:Aleteia