Ngày 10-06-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bài Giáo Lí III của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô
Phaolô Phạm Xuân Khôi
06:11 10/06/2008

Thánh Phaolô và Chúa Thánh Thần



Nhằm mục đích cung cấp cho các tín hữu Việt Nam những tài liệu để học hỏi về Năm Thánh Phaolô, chúng tôi xin giới thiệu bài huấn từ của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 15 tháng 11, 2006

Anh chị em thân mến:

Hôm nay cũng như hai bài Giáo Lý trước, chúng ta trở lại với Thánh Phaolô và những tư tưởng của ngài. Chúng ta có ở trước mặt mình một người phi thường, không chỉ vì những việc tông đồ ngài thực sự đã làm mà còn vì những giáo huấn thần học sâu sắc và cảm khích phi thường của ngài.

Sau khi chúng ta đã suy niệm lần trước về những điều Thánh Phaolô đã viết về vị trí trọng tâm mà Đức Chúa Giêsu Kitô trong đời sống Đức Tin của chúng ta, hôm nay chúng ta hãy nhìn đến những gì thánh nhân đã nói về Chúa Thánh Thần và về sự hiện diện của Ngài trong chúng ta, bởi vì ở đây, Thánh Tông Đồ cũng có những điều rất quan trọng để dạy chúng ta.

Chúng ta biết về những gì Thánh Luca nói cho chúng ta về Chúa Thánh Thần trong bài diễn tả về biến cố Ngũ Tuần trong Sách Tông Đồ Công Vụ. Chúa Thánh Thần của Lễ Ngũ Tuần mang theo với Ngài một sự thúc đẩy mạnh mẽ về quyết tâm truyền giáo để làm chứng cho Tin Mừng trên khắp các nẻo đường thế gian.

Thật vậy, Sách Tông Đồ Công Vụ kể lại hàng loạt những cuộc truyền giáo mà các Tông Đồ đã thực hiện, đầu tiên ở Samaria, rồi ở vùng ven biển Palestine, sau đó đến Syria. Trên hết là việc kể lại ba cuộc hành trình truyền giáo vĩ đại của Thánh Phaolô mà tôi đã nhắc đến trong những lần gặp gỡ vào các thứ tư trước.

Tuy nhiên, trong các Thư của ngài, Thánh Phaolô cũng nói cho chúng ta về Chúa Thánh Thần từ một khía cạnh khác. Thánh nhân không kết thúc bằng cách chỉ diễn tả động lực và bình diện tích cực của Ngôi Ba của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng cũng phân tích sự hiện diện của Ngài trong đời sống của các Kitô hữu, là điều đánh dấu căn tính của họ.

Nói cách khác, trong suy tư của Thánh Phaolô về Chúa Thánh Thần thánh nhân không những giải thích ảnh hưởng của Ngài trên hành động của các Kitô hữu, mà còn trên con người của họ. Thật vậy, chính thánh nhân là người đã nói rằng Thần Khí Thiên Chúa ngự trong chúng ta (x. Rom 8:9; I Cor 3:16) và rằng “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài vào lòng chúng ta (Gal 4:6).

Cho nên theo ý kiến của Thánh Phaolô thì Chúa Thánh Thần tác động tận đáy lòng chúng ta. Đây là môt số lời của ngài về đề tài này là đề tài có một ý nghĩa quan trọng: “Vì luật của Thần Khí ban sự sống trong Ðức Giêsu Kitô đã giải phóng tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết… anh em đã không nhận được thần khí nô lệ làm cho anh em lại phải sợ hãi, nhưng anh em đã nhận Thần Khí làm nghĩa tử, bởi đó cho chúng ta kêu lên, ‘Abba! Lạy Cha!’, chính Chúa Thánh Thần” (Rom 8:2,15) là Đấng nói trong chúng ta bởi vì, như là con cái, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa “Lạy Cha”.

Như thế chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng ngay trước khi làm việc gì, người Kitô hữu đã có một nội tâm phong phú và hữu hiệu được Thiên Chúa ban cho qua Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, một nội tâm đưa người ấy vào một liên hệ nghĩa tử khách quan và độc đáo với Thiên Chúa. Đó là giá trị cao quý nhất của chúng ta: không những chỉ là hình ảnh mà còn là con cái của Thiên Chúa. Và đó cũng là một lời mời gọi chúng ta sống xứng đáng là con cái, càng ngày càng ý thức rằng mình là nghĩa tử trong gia đình vĩ đại của Thiên Chúa. Đó là một lời mời gọi chúng ta biến đổi ân huệ khách quan này thành một thực thể chủ quan và quyết định cho cách chúng ta suy nghĩ, hành động và sống.

Thiên Chúa coi chúng ta là con cái Ngài, đã nâng chúng ta lên giống Chính Chúa Giêsu, là Con thật của Thiên Chúa, nếu không phải là đồng phẩm giá với Người. Địa vị làm con và sự tự do đáng tin cậy của chúng ta trong tương quan với Chúa Cha được ban tặng hay phục hồi nơi Người.

Như thế chúng ta khám phá ra rằng đối với các Kitô hữu, Chúa Thánh Thần không còn chỉ là “Thần Khí của Thiên Chúa”, như được diễn tả trong Cựu Ước và như người ta vẫn còn nhắc lại trong ngôn ngữ Kitô giáo (x. Stk 41:38; Xh 31:3; I Cor 2:11, 12; Phil 3:3;…). Ngài cũng không còn là “Thánh Khí” mà người ta thường hiểu trong Cựu Ước (x. Is 63:10,11; Tv 50[51]:13), và trong các bản văn của chính Đạo Do Thái (Qumran, rabbinism).

Thực thế, việc tuyên xưng một sự chia sẻ Thánh Thần nguyên thủy này bởi Chúa Phục Sinh, chính là Đấng trở nên một “Thần Khí ban sự sống” (I Cor 15:45), là một phần của nét đặc trưng của Đức Tin Kitô giáo.

Chính vì lý do đó mà Thánh Phaolô đã nói thẳng về “Thần Khí của Đức Kitô” (Rom 8:9), về “Thần Khí của Con Ngài” (x. Gal 4:6) hay là “Thần Khí của Đức Chúa Giêsu Kitô” (Phil 1:19). Có vẻ thánh nhân muốn nói rằng không phải chỉ Thiên Chúa Cha được thấy nơi Chúa Con (x. Ga 14:9), nhưng Thần Khí của Thiên Chúa cũng tự tỏ Mình ra trong cuộc đời và hành động của Chúa Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh!

Thánh Phaolô dạy chúng ta một điều quan trọng khác: ngài nói rằng không có cầu nguyện thật nếu Chúa Thánh Thần không hiện diện trong chúng ta. Thánh nhân viết: “Thần Khí cũng giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta; vì chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào như chúng ta phải cầu nguyện, nhưng chính Thần Khí cầu bầu cho chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Ðấng thấu suốt tâm can biết Thần Khí muốn gì, vì Ngài cầu bầu cho các thánh theo ý của Thiên Chúa” (Rom 8:26-27).

Nói như thế cũng giống như nói rằng Chúa Thánh Thần, là Thần Khí của Chúa Cha, và Chúa Con, từ nay trở đi thành linh hồn của linh hồn chúng ta, là nơi kín đáo nhất của con người chúng ta, mà từ đó phát sinh một sức thúc đẩy chúng ta cầu nguyện không ngừng với Thiên Chúa, mà ngay cả Lời Ngài chúng ta không thể bắt đầu giải thích được.

Thực ra, Chúa Thánh Thần luôn tỉnh thức trong chúng ta, hoàn bị hoá những gì còn thiếu xót nơi chúng ta và dâng lên Đức Chúa Cha việc tôn thờ và những khát vọng sâu xa nhất của chúng ta.

Đương nhiên là điều này đòi hỏi một mức độ hiệp thông cao cả và sống còn với Chúa Thánh Thần. Đó là một lời mời gọi trở nên nhạy cảm hơn với, và chú ý hơn đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, để biến đổi sự hiện diện này thành cầu nguyện, để cảm thấy sự hiện diện này, và nhờ đó học cầu nguyện, thưa chuyện với Chúa Cha như con cái trong Chúa Thánh Thần.

Còn một diện đặc thù khác về Chúa Thánh Thần mà Thánh Phaolô dạy cho chúng ta: Sự liên hệ của Ngài với tình yêu. Như Thánh Tông Đồ đã viết: “hy vọng không làm chúng ta thất vọng, vì tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào tâm hồn chúng ta, qua Chúa Thánh Thần mà Ngài đã ban cho chúng ta” (Rom 5:5).

Trong Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu của tôi, tôi đã dẫn chứng một đoạn văn hùng hồn nhất của Thánh Augustinô: “Nếu bạn thấy bác ái, bạn thấy Chúa Ba Ngôi (Số 19), và tôi đã giải thích tiếp: “Thực ra, Chúa Thánh Thần là sức mạnh nội tâm làm cho trái tim các tín hữu hòa hợp với Thánh Tâm Đức Kitô và đưa họ đến yêu thương anh em họ như Đức Kitô đã yêu thương họ” (ibid). Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta chìm ngập trong nhịp điệu của Đời Sống Thiên Chúa, đó là một đời sống yêu thương, cho chúng ta được chia sẻ cách riêng mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Việc Thánh Phaolô đặt bác ái lên hàng đầu của những yếu tố làm thành hoa quả của Thần Khí không phải là không có ý nghĩa: “hoa quả của Thần Khí là bác ái, vui mừng, bình an,… (Gal 5:22).

Và theo định nghĩa thì tình yêu liên kết, trước hết Chúa Thánh Thần là Đấng Sáng tạo nện sự hiệp thông trong cộng đoàn Kitô hữu, như chúng ta mượn lời của Thánh Phaolô mà nói khi mở đầu Thánh Lễ: “Nguyện xin ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, và tình yêu của Thiên Chúa Cha, cùng sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.” (II Cor 13:14).

Tuy nhiên, hơn nữa, cũng đúng là Chúa Thánh Thánh khuyến khích chúng ta đan những liên hệ bác ái với tất cả mọi người. Cho nên, khi yêu thương, chúng ta dành chỗ cho Chúa Thánh Thần và cho Ngài thời giờ để bày tỏ Mình ra cách đầy đủ trong chúng ta.

Như vậy chúng ta hiểu tại sao Thánh Phaolô đặt cạnh nhau hai lời khuyên trong cùng một đoạn ở Thư gửi tín hữu Rôma: “Hãy nhiệt thành với Thần Khí” và “Đừng lấy ác bào ác” (Rom 12:11,17).

Sau cùng, theo Thánh Phaolô thì Chúa Thánh Thần là một số tiền đặt cọc quảng đại mà Chính Thiên Chúa ban cho chúng ta như là bảo chứng và đồng thời một bảo đảm cho việc chúng ta được thừa tự trong tương lai (x. II Cor 1:22; 5:5; Eph 1:13-14).

Cho nên chúng ta học từ Thánh Phaolô rằng các hành động của Chúa Thánh Thần hướng đời sống chúng ta về các giá trị cao quý của bác ái, vui mừng, hiệp thông và hy vọng. Công tác của chúng ta là cảm nghiệm điều này mỗi ngày, bằng cách tuân theo những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần trong lòng mình, và giúp đỡ nhận thức của mình qua sự hướng dẫn rõ ràng của Thánh Tông Đồ.
 
Tôi yêu sứ vụ Tông Đồ các dân ngoại của Thánh Phaolô!
Ernest Marc Lương Huỳng Ngân
07:25 10/06/2008
Tôi yêu sứ vụ Tông Đồ các dân ngoại của Thánh Phaolô!

Rất nhiều lý do làm tôi yêu thánh Phaolô. Tiếp theo các số báo trước tôi xin chia sẻ với quý anh chị tâm tình của tôi đối với thánh bổn mạng của Phong trào Cursillo của chúng ta: Hai bài trước được đề cập đến lòng nhiệt thành, ơn trở lại và Tình Huynh Đệ của thánh nhân

Hôm nay tôi xin chia sẻ với quý anh chị vì sao tôi yêu sứ vụ Tông Đồ các Dân Ngoại của ngài.

Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, thật vậy trong đầu thế kỷ thứ nhất rao giảng Tin Mừng cho dân Do Thái ở hai bên bờ sông Jourdain, mặc dù đâu đây còn vẳng nghe những điều lạ truyền lại về Chúa Giêsu, đã không phải dể, mà rao giảng Tin Mừng ở những phương trời xa lạ lại là một điều vô cùng khó khăn và phức tạp. Hãy liên tưởng tới những phương tiện giao thông và truyền thông thời ấy, những khác biệt về ngôn ngữ, tập quán, văn minh và tín ngưởng của những dân tộc chưa hề được mặc khải qua Cựu Ước hằng nghìn năm trước như dân Do Thái.

Vì không đủ kiến thức, tôi lại càng không dám tìm hiểu tới những chặng đường gian khó nào đã qua từ những bài giảng đầu tiên của thánh Phao-lô trong các thánh đường miền Trung Đông cho tới đất nước tôi để sanh ra hoa trái phì nhiêu ngày nay như những ngôi sao sáng ngời trong việc tuyên xưng đức tin can trường của các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Nếu ta liên tưởng tới các lực sĩ chạy truyền đuốc lửa tượng trưng tinh thần thể thao đem tới khắp nơi trên hoàn cầu, thì đây thánh Phao lô là lực sỉ đầu tiên cầm đuốc ấy. Vừa là lực sĩ vừa là nhà tổ chức độc đáo nhất của cuộc thế vận hội truyền lửa thiêng này. Ngọn lửa ấy đã bùng lên rực rỡ khắp nơi cho muôn dân và đã gieo vào đất nước tôi, linh hồn tôi, vì lẽ tất nhiên: «Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú . » (Tv 33 (32): 6).

Cuộc đời rao giảng của ngài có lắm lúc phải gian truân, nằm gai nếm mật, để rồi được như Thày mình hiến cả mạng sống để làm chứng cho niềm tin. Ngài còn ghi lại trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô khi thánh nhân bắt buộc phải khen mình để phân biệc với những tông đồ giả: ". .. tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi!26 Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!" ( (2Co 11: 23-27)

Tuy vậy cuộc đời của thánh nhân luôn luôn gắn liền với loại dân « báng bổ, nghịch đạo » là những tĩnh từ khinh miệt gán cho các dân ngoại của dân Do Thái thời ấy. Ngài luôn bền đổ trong sứ vụ được mặc khải sau khi nhận ơn trở lại trên đường Damas "4 Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng. Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ. Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô." ( Rm 1: 4-6)

Thánh Quan Thày chúng ta có một đặc sủng huyền diệu loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu bị đóng đinh và sống lại cho dân Do Thái cũng như dân ngoại, đìều nghịch lý này mặc dù làm đảo lộn mọi ý thức hệ của quần chúng hoặc của mọi tầng lớp trí thức và tôn giáo thời ấy: " thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ." ( 1Co 1,23)

Tuy ngài chưa bao giờ được sống với Chúa Giêsu như các Tông Đồ khác, ngài vẫn được công nhận và yêu thương với một tình huynh đệ chân thành, đặc biệt là các thánh Phêrô, Gia Cô Bê và Gioan. Tình huynh đệ này đã sinh nhiều hoa trái trong sứ vụ rao giảng của ngài. Đại hội ở Giê-ru-sa-lem: "Rồi sau mười bốn năm, tôi lại lên Giê-ru-sa-lem một lần nữa cùng với ông Ba-na-ba; tôi cũng đem theo anh Ti-tô đi với tôi. Tôi lên đó vì được Thiên Chúa mặc khải, và đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại, -cách riêng cho các vị có thế giá-, vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích" ( Gl 2: 1-2)

Tuy nhiên, ngài xác tín rằng đây là sứ vụ do Thiên Chúa trao ban chứ không do sự phân chia công tác của các anh em: "Thật vậy, Đấng đã hoạt động nơi ông Phê-rô, biến ông thành Tông Đồ của những người được cắt bì, cũng đã hoạt động biến tôi thành Tông Đồ các dân ngoại. Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Ba-na-ba để tỏ dấu hiệp thông: chúng tôi thì lo cho các dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì." ( Gl 2: 8-9)

Vì thế có những lúc ngài không ngần ngại « sửa sai huynh đệ » khi nhận thấy anh em đi sai với chân lý của Tin Mừng. Khi thánh Phêrô, vì sợ dị nghị của bọn người Do Thái quá khích đích thân tới An-Ti-ô-Khi-a có ý định tố cáo vị lãnh tụ hội thánh đã ngồi chung bàn ăn với dân ngoại thì thánh Phêrô khước từ không ngồi ăn chung như lúc mới đầu khi đến kinh lý vùng này: "Nhưng khi ông Kê-pha đến An-ti-ô-khi-a, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Gia-cô-bê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì. Những người Do-thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ. Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kê-pha trước mặt mọi người: "Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do-thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái? " (Gl 2: 12-14)

Hẳn anh em mình còn nhớ khi xưa Chúa cũng đã trả lời khi Ngài bị trách dùng bửa với những người tội lỗi: "Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.( Mt 9: 12)

Tuy vậy thánh Phao lô luôn luôn tuyên xưng sự bình đẳng tuyệt đối giữa dân Do Thái và dân ngoại: bình đẳng trong Ơn Cứu Độ, bình đẳng trong những trói buộc khi phạm tội: "Hay là Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của người Do-thái thôi? Thiên Chúa không là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa sao? Có chứ! Người cũng là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa, vì chỉ có một Thiên Chúa, Đấng làm cho người được cắt bì nên công chính vì họ tin, và làm cho người không được cắt bì nên công chính cũng bởi họ tin" ( Rm 3: 29-30)

-Tôi thiết nghĩ ngài đích thật là một chiến sĩ bảo vệ « Chân Lý của Tin Mừng », người đi trước kẻ đến sau, tôi đạo dòng anh đạo mới, tất cả đều được Chúa trả công như vị chủ vườn nho kia trong Tin Mừng theo thánh Mathêu: "Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền.10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền.( Mt 20: 9-10).
 
Học và sống tinh thần Thánh Phaolô
+ GM Michael Saltarelli
12:09 10/06/2008
HỌC VÀ SỐNG TINH THẦN THÁNH PHAOLÔ
Trong Năm Thánh Phaolô: 28/6/2008-29/6/2009


Để hưởng ứng việc Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI công bố Năm Thánh Phaolô, Đức Cha Michael Saltarelli, Giám Mục Wilmington đã viết một thư mục vụ vào ngày 25 tháng 1 năm 2008, trong đó ngài đưa ra sáu đề tài giúp các tín hữu Công Giáo sửa soạn học tập và sống tinh thần của Thánh Phaolô trong năm Thánh Phaolô này. Chúng tôi xin mạn phép chuyển ngữ sang tiếng Việt Nam để đóng góp vào những tài liệu học tập của tín hữu Việt Nam trong năm này.

Mở Đầu

Vào chiều lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ được cử hành ngày 28 tháng 6 năm 2007 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, Đức Thánh Cha Bêneđictô XVI đã công bố trong bài giảng vào buổi Kinh Chiều rằng: “Anh chị em thân mến, giống như thời Hội Thánh sơ khai, ngày nay chúng ta cũng cần những tông đồ sẵn sàng hy sinh. Chúng ta cần những nhân chứng và tử vì đạo như Thánh Phaolô. Thánh Phaolô, một người trước kia đã bắt đạo cách tàn nhẫn, nhưng sau khi bị ngã xuống đất và bị ánh sáng của Thiên Chúa làm chóa mắt trên đường đi Đamascô, đã không ngần ngại đổi sang bên Đấng Chịu Đóng Đinh, đã đi theo Người mà không bao giờ hối tiếc. Ngài sống và làm việc cho Đức Kitô, chịu đau khổ và chết vì Người. Gương sáng của Ngài thích hợp với thời đại của chúng ta biết bao! Chính vì lý do này mà tôi hân hạnh chính thức công bố rằng chúng ta sẽ dành một Năm Thánh cho Thánh Tông Đồ Phaolô từ ngày 28 tháng 6 năm 2008 đến ngày 29 tháng 6 năm 2009, trong dịp kỷ niệm đệ nhị thiên niên ngày sinh nhật của Ngài, mà các sử gia cho là khoảng năm thứ 7 đến thứ 10 sau công nguyên. Chúng ta có thể mừng ‘Năm Thánh Phaolô’ cách đặc biệt ở nơi quan tài của Ngài là chỗ mà theo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn và truyền thống không thể chối cãi được, đã giữ hài cốt Thánh Tông Đồ Phaolô dưới Bàn Thờ của Vương Cung Thánh Đường này trong 20 thế kỷ qua.”

Năm Thánh Phaolô này cung cấp cho chúng ta nhiều cơ hội để truyền bá đức tin Công Giáo của mình trong và ngoài Giáo Phận Wilmington này. Tôi viết cho anh chị em trước Năm Thánh Phaolô ngõ hầu dân chúng trong Giáo Phận có thể tìm cách tốt nhất để học hỏi, cầu nguyện và mừng cuộc đời, các bút tích được linh hứng, linh đạo và tinh thần truyền giáo của Thánh Phaolô.

Tôi xin đưa ra sáu đề tài để anh chị em học hỏi:

I. Kinh Nghiệm Hoán Cải của Thánh Phaolô trên Đường Đamascô và việc Hoán Cải của Mỗi Người trong Chúng Ta trong Năm Thánh Phaolô

“Ta là Giêsu, người mà ngươi đang bách hại. Hãy đứng dậy và vào thành, ở đó ta sẽ cho ngươi biết ngươi phải làm gì.” (TĐCV 9:5-6)

Thánh Phaolô là người đồng lõa trong việc giết Thánh Têphanô, vị tử vì đạo đầu tiên, mà chúng ta mừng lễ vào ngày 26 tháng 12. Sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết rằng những kẻ ném đá Thánh Têphanô đã “để áo choàng của họ dưới chân một thanh niên tên là Saulô.” (TĐCV 7:58).

Khuôn mặt sáng sủa và bình thản của Thánh Têphanô và việc ngài tha thứ cho những kẻ bách hại ngài khi ngài chết phải để lại một ấn tượng không thể phai nhòa được trong Saulô, và sửa soạn chàng để cảm nghiệm được Chúa Phục Sinh trên đường Đamascô, khi mà tất cả cá tính hăng say được dồn hết vào việc bách hại các Kitô hữu trước đây đột nhiên được dồn vào việc truyền bá Kitô giáo. Trong một tia sáng làm mù mắt, Chúa Phục Sinh đã đi thấu vào nội tâm con người của Saulô – mà từ nay được gọi là Phaolô – và đánh tan những kháng cự của Ngài, làm cho tâm trí và tâm hồn của Ngài hoàn toàn thay đổi, một metanoia, biến Ngài trở thành “đầy tớ” và “tông đồ” của Đức Chúa Giêsu Kitô (Rom 1:1).

Chúng ta không bao giờ được đánh giá thấp quyền năng của đời sống Kitô hữu khi sống cách trọn vẹn và sống động. Chúng ta có thể ảnh hưởng được bao nhiêu “Thánh Phaolô” tương lai bằng quyền năng của Đức Kitô từ đời sống nội tâm sâu sa của chúng ta như Thánh Têphanô đã làm? Việc đổi bên của Thánh Phaolô thật là quyết liệt và hoàn toàn đến nỗi những người đương thời với Ngài không thể tưởng tượng nổi. Khi Chúa nói với ông Ananias trong một thị kiến, ông đã thưa: “Lạy Chúa, con đã được nghe nhiều người nói về người này, anh ta đã làm những việc dữ tợn thế nào cho các đấng thánh của Chúa ở Giêrusalem” (TĐCV 9:13). Dường như Ananias hỏi Chúa cách lịch sự rằng Người có biết người ấy là ai không!

Thần học gia và tác giả thời danh của Hội Thánh ở Nước Anh, Đức Hồng Y Gioan Newman, đã suy niệm về việc Thánh Phaolô trở lại để sửa soạn cho ngài trong vai trò truyền giáo của ngài: “… Sự tàn bạo và mù quáng, tính tự tin, cứng đầu, và giận dữ hung tàn của Ngài chống lại những người tôn thờ Đấng Mêsia chính hiệu, sau đó đến cuộc trở lại lạ lùng của Ngài, rồi thời gian kéo dài trước khi Ngài được truyền chức cách trọng thể, trong thời gian ấy Ngài một mình suy niệm về tất cả những gì đã xảy ra, và dự trù cho tương lai - tất cả những điều ấy làm thành cuộc sửa soạn ddặc biệt cho vai trò rao giảng cho một thế giới bị hư mất và chết trong tội lỗi. Một mặt, nó cho Ngài một cái nhìn thật xa đến những cách thế và các chương trình của Đấng Quan Phòng, và, một cách khác, vào hoạt động của tội lỗi trong lòng con người, và những cách thức suy nghĩ mà trong đó người ta có thể thực sự đào luyện tâm trí.”

Có quá nhiều truyện về Hội Thánh thời Sơ Khai có thể được bắt nguồn từ tâm hồn chiêm niệm và hăng say của Thánh Phaolô, được phát sinh từ sự kết hợp mật thiết với Đức Kitô Phục Sinh của Ngài. Thánh Phaolô hiểu tội lỗi hoạt động thế nào trong bản tính con người và Chúa Thánh Thần có thể biến đổi hoàn toàn thói quen hư đốn thế nào. Thánh Phaolô cũng hiểu đức ái ảnh hưởng đến não trạng của những người ngoài Kitô giáo và những người chống Kitô giáo ra sao để có thể dùng đức ái làm công cụ soi sáng tâm trí người khác.

Cách tốt nhất để mừng năm Thánh Phaolô là chạy đến cùng Chúa Phục Sinh và xin Người chỉ cho chúng ta biết Người muốn chúng ta hoán cải sâu xa và mật thiết thế nào.

Chúng ta được biết từ đời sống Thánh Phaolô rằng ở trung điểm của việc hoán cải là phó thác hoàn toàn cho tình yêu của Chúa Phục Sinh. Bất cứ một di chuyển nào trong lòng dẫn từ kiêu căng đến khiêm nhường, từ nóng giận đến ôn hòa, từ tham lam đến từ bỏ, từ tà dâm đến tinh thần trong sạch, từ ghen tương đến việc vui mừng vì người khác có tài năng, từ lười biếng đến hăng say, từ mê (ăn uống, kể cả internet, TV, điện toại cầm tay…) đến điều độ đều là phó thác cho quyền năng của Tình Yêu Đức Kitô ở trong chúng ta. Tình yêu này cho phép chúng ta trút bỏ việc sợ phó thác hoàn toàn cho Đức Kitô để chúng ta có thể nhìn tha nhân với cặp mắt của Đức Kitô.

II. Sống và Cầu Nguyện cùng Đức Kitô trong Năm Thánh Phaolô

“Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20).

Nhiều vị Thánh vĩ đại đã xây dựng đời mình trên câu Galatê 2:20 này: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà Đức Kitô sống trong tôi.” Nghe đi nghe lại những lời này trong suốt đời sống của chúng ta thì thật dễ nhưng thực ra chúng ta không bao giờ hiểu nổi tính chất cách mạng của câu này.

Đức Kitô sống trong chúng ta. Người muốn dùng diện mạo, giọng nói, và ngay cả cử chỉ của chúng ta để bày tỏ chính Người. Thánh Phaolô ý thức được sự yếu đuối của mình, sự giới hạn của trí khôn và cá tính của mình, cuộc vật lộn không tên với “cái gai đâm vào thịt Ngài” (2 Cor 12:7). Nhưng ý thức khiêm nhường này về những yếu đối của Ngài làm cho Ngài thêm tín thác vào Đức Kitô: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng làm cho tôi được mạnh mẽ” (Phil 4:13). Sự hiểu biết của Ngài về những yếu đuối của mình làm cho Ngài mở lòng ra để đón nhận sự hiện diện và quyền năng của Đức Kitô trong Ngài.

Khi chúng ta ý thức được sự hiện diện của Đức Kitô cách này, chúng ta có thể nhóm ngọn lửa này lên bằng nhiều cách: qua việc cầu nguyện, suy niệm, Thánh Lễ và các bí tích, cùng thánh hóa các việc làm thường nhật của chúng ta, qua đời sống gia đình đầy niềm vui và hy sinh. Rồi ánh sáng của Đức Kitô sẽ tỏa ra cách tự nhiên từ chúng ta có thể trở thành ánh sáng chiếu soi nhiều loại người khác nhau, dù họ là các tín hữu khác, hay những người thiện tâm sẽ đi trên đường đức tin hoặc họ là những người vô thần hay theo thuyết vô tri. Tất cả những người mà chúng ta gặp sẽ cảm thấy có một điều gì khác lạ nơí chúng ta và đưa họ đến vỉệc tự mình đặt những câu hỏi có thể thay đổi đời sống và định mệnh của họ.

Chúng ta đã thấy điều này không những trong đời sống của các Thánh như Thánh Têphanô và Thánh Phaolô, nhưng còn trong đời sống của nhiều người khác. Hãy nghĩ đến Thánh Thomas More, là Quan Thầy các Công Chức, các Chính Trị Gia, và các Luật Sư, cùng gương nhân đức của Ngài trong việc cai trị và đời sống gia đình. Hãy nghĩ đến Thánh Vincent đệ Phaolô và Thánh Louise đệ Marillac phục vụ người nghèo trên đường phố Paris. Hãy nghĩ đến Chân Phước Đamien phục vụ những người phong hủi ở Molokai. Hãy nghĩ đến Chân Phước Têrêxa thành Calcutta phục vụ những người khốn cùng và xấu xí trên các đường phố trên thế giới ngay cả khi Ngài can trường lèo lái đời mình vượt qua những giai đoạn khô khan của đời sống nội tâm của Ngài. Hãy nghĩ đến gương mặt rạng ngời và vui tươi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong những chuyến tông du của Ngài. Hãy nghĩ đến hàng triệu tín hữu Công Giáo qua nhiều thế kỷ đã sống bí tích Hôn Phối cách anh hùng cùng đã rạng chiếu Đức Kitô cho các thế hệ đi trước và sau họ. Tất cả các cuộc sống này đều là những minh chứng hùng hồn và cụ thể cho lời chứng của Thánh Phaolô rằng, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi.”

Năm Thánh Phaolô là thời điểm cho chúng ta đứng sánh vai với các Thánh Công Giáo qua các kỷ nguyên và sống những lời đổi đời của Thánh Phaolô nói lên sự cần thiết của việc nên thánh trên thế giới trong thế kỷ thứ 21 này.

III. Cầu Nguyện, Học Hỏi và Sống Lời Chúa trong năm Thánh Phaolô.

“Lời của Thiên Chúa không thể bị xiềng xích” (2 Tim 2:9).

Đức Thánh Cha Bênnêđictô XVI viết trong diễn từ đọc trước Hội Nghị Thế Giới để kỷ niệm 40 năm Dei Verbum, Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa của Công Đồng Vaticanô II:

Tôi muốn đặc biệt nhắc đến và đề nghị truyền thống cổ Lectio divina: chăm chú đọc Thánh Kinh đi kèm với cầu nguyện đem lại một cuộc đối thoại nội tâm mà trong đó người đọc nghe Thiên Chúa nói, và đáp lại lời Ngài với tâm hồn phó thác rộng mở trong khi cầu nguyện (x. Dei Verbum 25). Nếu được cổ võ cách hiệu quả, tôi xác tín rằng, cách thực hành này sẽ đem lại cho Hội Thánh một mùa xuân mới về tâm linh. Như là một ưu điểm của mục vụ Thánh Kinh, Lectio divina có thể được khuyến khích thêm nữa, cũng như việc dùng các phương pháp mới đã được suy nghĩ chín chắn và hợp với thời đại. Không bao giờ được quên rằng Lời Chúa là ngọn đèn dõi bước và là ánh sáng soi đường chúng ta” (x. TV 119[118]:105).

Tôi xin nhắc lại lời ĐTC Bênêđictô khuyên người Công Giáo thực hành cách suy niệm Thánh Kinh theo Lectio divina mỗi ngày như là phương thế để đào sâu sự hiệp thông giữa chúng ta với Thiên Chúa và đạt được những hiểu biết tinh thần. “Nguyện cho Lời Đức Kitô ngự trị cách dồi dào trong anh em” (Col 3:16). Việc cầu nguyện bằng suy niệm Thánh Kinh này vận dụng tư tưởng, óc tưởng tượng, cảm tình và lòng muốn. Việc vận động những khả năng này của chúng ta làm cho việc hoán cải của cho lòng chúng ta thêm sâu đậm và củng cố quyết tâm đi theo Đức Kitô của chúng ta.

Chú tâm cách đặc biệt vào Lời Chúa tỏ cho chúng ta chân lý căn bản của Công Giáo trong câu chuyện trên đường Emmau của Thánh Luca. Để thực sự thuộc về Thánh Kinh thì cũng phải đồng thời thực sự là bí tích và Thánh Thể. Bất cứ đầu tư nào để hiểu biết và cầu nguyện cách nào với Thánh Kinh cũng đồng thời là đầu tư vào một tham dự đầy đủ hơn, linh hoạt hơn và ý thức hơn vào Thánh Lễ của Công Gíao và các phụng vụ bí tích.

Thánh Giêrônimô diễn tả sự kết hợp giữa Lời Chúa và Thánh Thể: “Thịt Chúa là của ăn thật và Máu Chúa là của uống thật; đây là điều tốt lành thật sự của chúng ta ở đời này: là nuôi mình bằng thịt và uống máu Người không những chỉ trong Thánh Thể mà còn trong việc đọc Thánh Kinh. Quả thật, Lời Thiên Chúa, được rút ra từ sự hiểu biết Thánh Kinh là của ăn và thức uống thật sự của chúngt ta.”

Thêm vào việc đọc Thánh Kinh cầu nguyện theo Lectio divina, Năm Thánh Phaolô còn cho chúng ta một dịp để khám phá ra nghành nghiên cứu Thánh Kinh hiện đại của Hội Thánh Công Giáo. Tiếp cận khoa học của Hội Thánh trong việc nghiên cứu Thánh Kinh biểu thị bằng việc sử dụng cách giải thích Thánh Kinh theo lịch sử, theo quy điển và nhiều học cụ tinh vi khác để giải thích các bản văn thánh, được ghi chép cẩn thận trong tài liệu “Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh” mà Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh công bố năm 1993, được đăng trên website của Toà Thánh Vatican.

Đương nhiên là Dei Verbum tiếp tục là nguồn tài liệu tốt nhất để hiểu cách Hội Thánh tiếp cận Thánh Kinh:

“Thánh Kinh và Thánh Truyền làm thành một Kho Tàng Thánh của Lời Chúa, được trao phó cho Hội Thánh. Bằng cách nắm vững kho tàng này, toàn thể dân thánh kết hợp với các mục tử của mình luôn trung thành với giáo huấn của các Tông Đồ, trong đời sống cộng đồng, trong việc bẻ bánh và trong cầu nguyện (x. TĐCV 2:42), để rồi nhờ việc giữ lấy, thực hành và tuyên xưng gia tài Đức Tin, nó trở thành một phần của cố gắng duy nhất chung của các giám mục và các tín hữu. Nhưng nhiệm vụ giải thích cách xác thực Lời Thiên Chúa được trao phó riêng cho Huấn Quyền của Hội Thánh, mà quyền hành của Huấn Quyền này được thực thi nhân danh Đức Chúa Giêsu Kitô. Chức năng giáo huấn này không ở trên Lời Thiên Chúa, nhưng phục vụ Lời Chúa, bằng cách chỉ dạy những gì đã được trao lại, lắng nghe những điều này cách đạo đức, gìn giữ cách cẩn thận và giải thích cách trung thành theo như Chúa đã truyền lại và nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, rút ra từ một kho tàng Đức Tin duy nhất tất cả những điều mình trình bày để tin như là được Thiên Chúa mặc khải” (Dei Verbum 10).

Sự phổ thông của các sách và phim ảnh gần đây, nhằm mục đích trình bày lịch sử Hội Thánh hoặc thách đố đức tin của chúng ta, được coi là lời cảnh tỉnh trong việc dạy Giáo Lý để quảng bá sự hiểu biết về Thánh Kinh và học hỏi Thánh Kinh mỗi ngày, cũng như hiểu biết về giáo huấn của Công Giáo về Mặc Khải theo những nguyên tắc Công Giáo về sự kết hợp và hoà hợp giữa Đức Tin và Lý Trý.

IV. Nâng Cao Thánh Giá của Đức Kitô trong Năm Thánh Phaolô

“Tôi nhất quyết rằng khi nào tôi còn ở cùng anh chị em, thì tôi sẽ không nói về một điều nào khác ngoài Chúa Giêsu và Đấng Chịu Đóng Đanh” (1 Cor 2:2).

Thập giá của Đức Kitô nằm ngay ở trung tâm của mọi việc Thánh Phaolô làm. Ngài dạy chúng ta đương đầu với những khó khăn và đau khổ trong cuộc đời. Thánh Phaolô đã trải qua tất cả: bị từ bỏ, tai ương, coi thường, đắm tầu, tù đày và cuối cùng là tử vì đạo được biểu tượng trong nghệ thuật bằng việc Ngài cầm một thanh gươm.

Thánh Giá ảnh hưởng đến tất cả mọi liên quan đến Thánh Phaolô. Ngài nói: “Tôi giảng dạy về Đức Kitô và Đấng Chịu Đóng Đinh.” Thánh Giá đã biến đổi giáo huấn của Ngài và cho phép Ngài truyền giáo cho người khác bằng cách giúp họ giải thích ý nghĩa của sự đau khổ của chính họ. Ngài cũng dùng một câu lạ lùng: “Tôi tự hào trong Thánh Giá của Đức Kitô” (Gal 6:14). Ngài đặt Thánh Giá của Đức Kitô trên cám dỗ trở nên tự hào và kiêu căng. Thánh Giá là nguồn mạch thật sự của các hiệu quả của việc tông đồ.

Các thư của Thánh Phaolô cho chúng ta thấy một cá tính chủ động mãnh liệt. Văn liệu trong các thư của Ngài cũng cho thấy việc Ngài phấn đấu với tính nóng nảy của Ngài. Dễ bị tổn thương, Ngài có khuynh hướng đe dọa nhất là khi các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi không sống xứng hợp với Tin Mừng. Cuộc chiến đấu nội tâm của ngài cho chúng ta can đảm và sức mạnh để tiếp tục phấn đấu đối với tính tình và sự nóng nảy của chúng ta.

Cùng với Thánh Phaolô, chúng ta chiến đấu một cuộc chiến anh hùng, cố gắng làm cho Tám Mối Phúc Thật, các nhân đức đối thần và tự nhiên, các việc làm thương linh hồn và thương xác, và nhất là để Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cai trị chúng ta. Chết cho chính mình và sống lại trong Đức Kitô, chúng ta ôm lấy Thánh Giá và nhớ rằng: “Đức ái chấp nhận tất cả, tin tất cả, hy vọng vào tất cả, chịu đựng tất cả. Đức ái không bào giờ cùng” (1 Cor 13:7-8).

Thánh Giáo Hoàng Clêmentê I trong thư của ngài gửi tín hữu Côrinthô, đoạn 5, diễn tả Thánh Phaolô tiến bộ trong những phấn đấu này thế nào: “Nhờ lòng nhiệt thành và những va chạm mà Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta thấy con đường đến phần thưởng của sự kiên trì. Ngài bị xiềng xích bảy lần, bị lưu đầy, bị ném đá; là một người tiền phong cả ở đông phương lẫn tây phương, Ngài đã được tiếng tốt nhờ Đức Tin của Ngài. Ngài dạy sự công chính cho cả thế gian, và Ngài đã đến tận cùng của thế giới tây phương, Ngài làm chứng trước mặt những người quyền thế; rồi Ngài từ bỏ cõi đời này và được đưa về nơi thánh, một gương sáng ngoại hạng về sự chịu đựng.”

Thông Điệp gần đây của Đức Thánh Cha Bêneđictô XVI về nhân đức cậy tựa đề Spe Salvi có nhiều trích dẫn về cách sống Đức Cậy của Thánh Phaolô khi Ngài ở trong lao tù và cho chúng ta thấy sự linh hứng mà thủ bút của ngài cung cấp cho các Thánh sau này như Thánh Augustinô, Thánh Từ vì Đạo Lê Bảo Tịnh, người Việt Nam (+1857) và Thánh Giôsêphine Bakhita, một nữ tu người Phi Châu.

Trong năm Thánh Phaolô, mỗi người chúng ta được mời gọi để nâng cao cây Thánh Giá của Đức Kitô và vác Thánh Giá này bằng lòng can đảm, quyết tâm và tín thác và kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa của Thánh Phaolô.

V. Phục Hồi Tình Yêu đối với Thánh Thể và Hội Thánh trong Năm Thánh Phaolô

“Chén hồng phúc mà chúng ta chúc tụng, không phải là sự dự phần vào Máu Đức Kitô sao? Tấm Bánh mà chúng ta bẻ ra không phải là sự dự phần vào Thân Thể Ðức Kitô sao?” (1 Cor 10:16).

Một trong những hình ảnh cổ điển thuộc về học thuyết Thánh Phaolô là hình ảnh Nhiệm Thể Đức Kitô là một sự hiệp thông của nhiều cá nhân với những đặc sủng và tài năng riêng để xây dựng Nhiệm Thể. Thánh Phaolô cho chúng ta thấy rằng Bí Tích Thành Thể là nguồn mạch của sự hợp nhất, hòa đồng và hiệp thông của Nhiệm Thể. Việc chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể cách kính cẩn là mồi lửa lớn của hoạt động truyền giáo dẫn đưa chúng ta đến tận cùng trái đất như Thánh Phaolô.

Trong Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia năm 2003, ĐTC Gioan Phaolô II đã lồng những giáo huấn của Thánh Phaolô vào trong bài suy niệm của ngài về Thánh Thể:

“Lời của Thánh Tông Đồ Phaolô đưa chúng ta trở lại khung cảnh cảm động mà trong đó Bí Tích Thánh thể được sinh ra… Về phần ngài, Thánh Tông Đồ Phaolô nói rằng một cộng đồng Kitô hữu mà chia rẽ và coi thường người nghèo thì ‘không đáng tham dự vào Bữa Tiệc của Chúa’” (x. 1 Cor 11:17-22; 27-34).

Công bố cái chết của Chúa ‘đến khi Người trở lại’ (1 Cor 11:26) đòi buộc tất cả những ai dự phần vào tiệc Thánh Thể phải quyết tâm thay đổi đời sống mình và làm cho đời sống một cách nào đó hoàn toàn là ‘đời sống Thánh Thể’” [số 20].

Học hỏi và cầu nguyện theo các thư của Thánh Phaolô về Bí Tích Thánh Thể giúp chúng ta “nhóm lại sự kinh ngạc của chúng ta về Bí Tích Thánh Thể” và ý thức rằng mỗi Thánh Lễ “có ý nghĩa phổ quát” Mỗi Thánh Lễ được “cử hành trên Bàn Thờ của Thế Giới.” Khi chúng ta nhóm lại ngọn lửa Đức Tin vào Bí Tích Thánh Thể của mình, chúng ta sẽ kính sợ và ngạc nhiên về chân lý của sự Hiện Diện Thật, đời sống hôn nhân và gia đình của chúng ta cũng lại được bùng cháy trong Đức Kitô. Ơn gọi linh mục và tu trì sẽ được nhúm lại. Một tinh thần truyền giáo và dạy Giáo Lý cách hiệu quả trên mọi mức độ sẽ được khơi dậy. Như đã đề cập đến ở trên, một sự sùng kính Lời Linh Hứng của Thiên Chúa cũng được nhúm lại, và kết quả sẽ là “một mùa xuân mới về tâm linh.” Chúng ta nhúm lại một cách sống cụ thể về việc tôn trọng sự sống và công bằng xã hội đối với người nghèo, tù nhân, ngoại kiều và các trẻ em đang trong bụng mẹ của Công Giáo.

Trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis, năm 2007, ĐTC Bênêđictô XVI tóm tắt quyền năng của Bí Tích Thánh Thể như sau: “Chúng ta không chỉ lãnh nhận Ngôi Lời nhập thể cách thụ động, nhưng chúng ta còn được tích cực lôi cuốn vào sự tự hiến của Người”. Người “cuốn hút chúng ta vào trong Người”. Sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Thánh Chúa đưa vào các thụ tạo một nguyên nhân biến đổi tận gốc, giống như một thứ “bùng nổ hạt nhân”, theo kiểu nói quen thuộc của thời đại chúng ta, sự biến đổi thấm nhập vào trong tâm của thực tại nhằm khởi động một tiến trình biến đổi thực tại, hướng tới mục đích cuối cùng là biến đổi toàn thể vũ trụ cho đến khi Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (x. 1Cr 15,28).

Nhờ lời cầu bầu của Thánh Phaolô, chúng ta cũng có thể trở thành những tông đồ của Sự Hiện Diện Thật của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể trên thế gian.

VI. Lời Mời Gọi Phổ Quát về Nên Thánh và Truyền Giáo của Năm Thánh Phaolô

“Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cor 9:16).

Đức Hồng Y Oscar Andres Rodriguez Maradiaga, SDB, Tổng Giám Mục Tegucigalpa ở Hunduras, viết cho tôi một thiệp Giáng Sinh mà trên đó có đề những dòng chữ này:

Que el ano de San Pablo, evangelizador infatigable sea la occasion para renovar nuestro Corazon misionero. 'Ay de mi si no evangelizo' (1 Cor 9,16)" ["Chớ gì Năm Thánh Phaolô, nhà truyền giáo không biết mệt, thành thời điểm để chúng ta canh tân tâm hồn truyền giáo của chúng ta. ‘Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng’” (1 Cor 9,16)"]

Tôi chắc chắn rằng một trong những mục đích của ĐTC Bênêđictô XVI khi công bố Năm Thánh Phaolô là để cho mỗi người Công Giáo đưa gương lên soi và đời sống mình và tự hỏi: Tôi có quyết tâm và hăng say truyền bá Đức Tin Công Giáo như Thánh Phaolô không? Có phải việc truyền bá Đức tin bằng gương sáng và bằng việc đối thoại với bằng hữu của chúng ta là điều chúng ta quan tâm đến không?

Điều gì chúng ta có thể làm cách đặc biệt để truyền đạt một lòng yêu mến Chúa Giêsu và một sự hiểu biết về Đức Tin của chúng ta trong trái tim và tâm trí của những người trẻ là tương lai của Hội Thánh chúng ta? Qua những ẩn dụ chứa đầy nghị lực và có tính cách thể thao của Ngài, gương của Thánh Phaolô phải lôi cuốn giới trẻ cách đặc biệt, khuyến khích các em dùng nghị lực và lòng hăng say vào việc truyền bá Tin Mừng của Đức Kitô.

ĐTC Gioan Phaolô II luôn luôn nhắc nhở chúng ta rằng Đức Tin Công Giáo của chúng ta chỉ có thể lớn lên khi chúng ta ý thức và tận tâm chia sẻ đức tin này với tha nhân. Đức Kitô sẽ nhìn đến mỗi người chúng ta với đôi mắt từ bi của Người khi phán xét riêng và hỏi rằng chúng ta đã cố gắng làm những gì trong cuộc đời mình để mời gọi người khác đến hiệp thông với Đức Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh Người. Chúng ta có nhạc nhiên chút nào không khi ĐTC Gioan Phaolô bắt đầu Thông Điệp của ngài về hoạt động truyền giáo Redemptoris Missio, năm 1990, bằng một lời nhắc đến Thánh Phaolô không? Ngài viết:

Sứ vụ này của Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, được trao phó cho Hội Thánh vẫn còn lâu lắm mời được hoàn thành. Khi mà thiên niên thứ hai sau khi Đức Kitô đến sắp hết, một cái nhìn tổng quát về nhân loại cho thấy rằng sứ vụ này mới chỉ bắt đầu và chúng ta phải quyết tâm hết lòng phục vụ nó. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thúc đẩy chúng ta rao truyền công trình vĩ đại của Thiên Chúa: ‘Vì nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không có lý do gì để tôi tự hào, mà đó là một nhiệm vụ tôi phải làm. Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!’ (1 Cor 9:16). Nhân danh toàn thể Hội Thánh, tôi cảm thấy có một nhiệm vụ khẩn thiết để nhắc lại lời kêu gào này của Thánh Phaolô.”

Chớ gì mỗi người chúng ta đang sống trong thế kỷ thứ 21 này cảm thấy có cùng một nhiệm vụ nhắc lại lời kêu gào của Thánh Phaolô. ĐTC Gioan Pholô II đã chỉ cho chúng ta rằng tinh thần siêu nhiên và truyền giáo phải song hành với nhau và lời mời gọi nên thánh phổ quát được liên kết chặt chẽ với lời mời gọi truyền giáo phổ quát.

ĐTC Phaolô VI tóm tắt tâm hồn của Thánh Phaolô trong một đoạn của Tông Huấn Evangelii Nuntiandi:

“Mẫu gương truyền giáo là Tông Đồ Phaolô đã viết những lời này trong thư gửi tín hữu Thessalônica, và cũng là chương trình cho tất cả chúng ta: ‘Chúng tôi đã yêu mến anh em tha thiết, đến nỗi sẵn sàng chia sẻ với anh em, không những chỉ Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả chính mình chúng tôi, vì anh em đã trở nên rất thân yêu đối với chúng tôi’ (1 Thes 2:8). Tình yêu này là gì? Tình yêu ấy phải hơn tình yêu của một vị thầy; đó là tình yêu của một người cha; và cũng là tình yêu của một người mẹ. Đó chính là tình yêu mà Chúa mong mỏi nơi mỗi người rao giảng Tin Mừng, nơi mỗi người xây dựng Hội Thánh. Một dấu hiệu của tình yêu là quan tâm ban phát chân lý và đưa người ta đến hợp nhất. Một dấu hiệu khác của tình yêu là một lòng tận tụy rao giảng Đức Chúa Giêsu Kitô, mà không hạn chế hay quay đầu trở lại.”

Còn gương sáng nào hơn gương của Đức Cha Fulton J. Sheen, một Thánh Phaolô của Nước Mỹ chúng ta, mà cuộc điều tra phong thánh đang được tiến hành. Sống trong buổi bình minh của thời đại truyền hình, ngài nhận ra được tiềm năng của những phương tiện kỹ thuật tân tiến để truyền bá Tin Mừng. Hãy tưởng tượng xem Thánh Phaolô sẽ dùng vệ tinh truyền thông, Internet và YouTube như thế nào. Ở khuôn viên của Trường Truyền Giáo Rôma, một chủng viện đào luyện các linh mục cho Thế Giới Thứ Ba, có một trung tâm tĩnh tâm mà ở phòng chính có một tượng bán thân của Đức Cha Fulton Sheen được đặt ở giữa phòng. Tôi không thể nghĩ ra một hình ảnh nào diễn tả ngọn lửa truyền giáo của Thánh Phaolô hơn là [vị giám mục] Người Mỹ Cao Quý trong thế kỷ 20 này, một ngọn lửa được lan tràn đến tận cùng trái dất ảnh hưởng đến việc đào luyện không biết bao nhiêu linh mục và tu sĩ ở Phi Châu, Á Châu và Ấn Độ.

Nguyện xin lửa mà Chúa Thánh Thần đã đổ xuống lòng Thánh Phaolô, làm cho lòng ấy soi sáng thế gian, đốt cháy lòng chúng ta để chúng ta trở thành những nhà truyền giáo sống động và hữu hiệu trong Năm Thánh Phaolô và suốt đời chúng ta.

Mười Cách để Mừng Năm Thánh Phaolô

1. Cầu nguyện với Chúa Thánh Thần về kinh nghiệm hoán cải “Con đường Đamascô” riêng biệt và mật thiết của bạn mà Chúa Thánh Thần mời gọi bạn trong năm Thánh Phaolô.

2. Sống câu Galatê 2:20 “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà Đức Kitô sống trong tôi” cùng học hỏi về đời sống của các Thánh từ Thánh Phaolô, Á Thánh Mẹ Têrêxa thành Calcutta, là những vị đã sống lời linh hứng này.

3. Đọc và cầu nguyện theo Sách Tông Đồ Công Vụ và các Thư của Thánh Phaolô trong Tân Ước. Cũng tham khảo nhiều sách giải thích Thánh Kinh và các nghiên cứu chung về Thánh Phaolô đang sẵn có và sẽ có trong Năm Thánh Phaolô.

4. Hãy chấp nhận thách đố của ĐTC Bênêđictô XVI và thực hành việc suy niệm Thánh Kinh theo Lectio divina để Hội Thánh có một “mùa xuân mới” trong việc phát triển đời sống tâm linh và truyền giáo. Hãy khám phá theo cách riêng của cá nhân bạn rằng “Lời Thiên Chúa không thể bị xiềng xích!” Để biết nhập môn về Lectio divina, làm ơn đọc: www.valyermo.com/ld-art.html.

5. Học hỏi các giáo huấn của Hội Thánh về Mặc Khải và giải thích Thánh Kinh trong những tài liệu của Hội Thánh và tài liệu tham khảo như:
• Hiến Chề về Mặc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum) của Công Đồng Vaticanô II.
• Tài liệu của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh: Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh (1993).
• Các chương trong Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo về Thánh Kinh (Phần thứ Nhất: Phần 26-184, trang 13-50) và Sách Tổng Lược Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Các câu hỏi 1-32).
• Sách Chúa Giêsu Nadareth của ĐTC Bênêđictô XVI.

6. Học hỏi và cầu nguyện qua giáo huấn của Thánh Phaolô về quyền năng của Thánh Giá của Đức Kitô. “Hãy rao giảng Đức Kitô chịu đóng đanh” theo cách bạn vác Thập Giá và theo cách bạn giúp người khác vác Thập Giá của họ.

7. Đào sâu thêm một lòng kính mến Bí Tích Thánh Thể và Nhiệm Thể Đức Kitô theo kiểu của Thánh Phaolô. Hãy đọc và cầu nguyện:
• Tông Thư Dies Domini của ĐTC Gioan Phaolô II, năm 1998.
• Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia của ĐTC Gioan Phaolô II, năm 2003
• Tông Huấn hậu thượng hội đồng Giám Mục Sacramentum Caritatis.

8. Tham dự các Thánh Lễ của Giáo Xứ và Giáo Phận trong Năm Thánh Phaolô cho ngày Đại Lễ kính Thánh Phaolô và Phêrô (Chúa Nhật, 29 Tháng 6, năm 2008 và Thứ Hai 29 tháng 6, 2009), Lễ Thánh Phaolô Trở Lại (Chúa Nhật ngày 25, tháng 1 năm 2009), và Lễ Thánh Têphanô, Thánh Tử Vì Đạo tiên khởi (Thứ Sáu, ngày 26 tháng 12, năm 2008). Làm một cuộc hành hương đến một nhà thờ Thánh Phaolô (như giáo xứ Thánh Phaolô ở Wilmington, giáo xứ Thánh Phaolô ở Delaware City và giáo xứ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô ở Easton, MD. Nều bạn có dịp đến Rôma năm nay, cố gắng đến thăm Một Thánh Phaolô tại Vương Cung Thánh Đường Tháh Phaolô Ngoại Thành. Nhân viên Tòa Thánh Vatican công bố trong tháng 12, 2006 rằng dưới bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Đường chừng vài mét và bên cạnh một bàn thờ nhỏ hơn, người ta đã tìm thấy một cái quan tài bằng cẩm thạch thô dưới một bảng có viết: “Tông Đồ Phaolô Tử Vì Đạo.” Người ta đã rời bàn thờ nhỏ đi và thay vào đó bằng một cửa sổ nhỏ để khách hành hương có thể thấy cái quan tài. Đồng thời cũng thăm viếng nhà nguyện đại kết mới nằm ở góc Tây Nam của Vương Cung Thánh Đường (nơi mà trước đây là nguyên đường rửa tội từ thập niên 1930). Trong khi cầu nguyện ở đó, hãy xin Thánh Phaolô cầu bầu cho tiến bộ về đại kết và sự hợp nhất Kitô giáo hoàn toàn.

9. Xin Thánh Phaolô cầu bầu cho bạn trở thành một nhà truyền giáo có nhiều nghị lực hơn trên thế giới. Hãy đáp lại lời mời gọi Nên Thánh và Truyền Giáo phổ quát. Hãy nghiên cứu những văn kiện cổ điển của Hội Thánh về tinh thần truyền giáo và Phúc Âm hóa bàn về đời sống và sứ vụ của Thánh Phaolô như Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Hội Thánh, Ad Gentes Divinitus, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của ĐTC Phaolô VI, năm 1975, Thông Điệp Redemptoris Missio của ĐTC Gioan Phaolô II, năm 1990, và Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Ecclesia in America của ĐTC Gioan Phaolo II, năm 1999.

10. Học hỏi và cầu nguyện trước các hình ảnh cổ điển về Thánh Phaolô như Hình Thánh Phaolô ngồi trước Bàn viết của Rembrandt (1629-1630), Thánh Phaolô Trở Lại của Caravaggio (1600), Thánh Phaolô của El Greco (1606), Saolô Trở Lại của Michelangelo (1542-1545), Thánh Phaolô giảng tại Athens của Raphael. Để xem những hình ảnh và tác phẩm nghệ thuật đặt trọng tâm vào Thánh Phaolô, hãy vào website: www.jesuswalk.com/philippians/artwork-st-paul.htm. Và cũng xem phim Chariots of Fire, năm 1981 (và những phim khác có đề tài về Thánh Phaolô) là phim nghiên cứu xem Eric Liddell, một nhà điền kinh Thế vận hội Scot 1924, sống và nói về cuộc “chạy đua” đức tin và “cảm thấy niềm vui của Thiên Chúa” theo kiểu Thánh Phaolô khi anh chạy. Phim này là một chú giải sống động về Galatê 2:20.

Chúng ta có thể khám phá ra nhiều đề tài khác về Thánh Phaolô trong Năm Thánh Phaolô và nhiều tư tưởng mới lạ khác ngoài mười tư tưởng ở trên sẽ giúp chúng ta sống Năm Thánh Phaolô cách tốt đẹp. Tôi tin tưởng rằng các bạn sẽ học hỏi những đề tài này và khám phá ra trong khi cầu nguyện nhiều ý tưởng. Tôi tin tưởng rằng các bạn sẽ khai triển, truyền bá và sống những ý tưởng ấy.

Sử gia Công Giáo Pháp thời danh Henri Daniel-Rops đã tóm tắt đặc sủng của Thánh Phaolô cách này:

“Thánh nhân gần gũi với chúng ta làm sao, con người mà ánh sáng của Thiên Chúa quật ngã trên đường Đamascô này đã chịu thua, nhưng chính nhờ chịu thua, bị đè bẹp bởi một sự thúc đẩy mạnh mẽ của ân sủng - bởi vì, rốt cuộc, chính chúng ta cũng đang bước đi trên đường Đamascô hôm nay! Sau Chúa Giêsu, Thánh Phaolô là một nhân vật sống động và đầy đủ nhất trong tất cả các gương mặt của Tân Ước, một con người mà người ta có thể hình dung ra diện mạo cách rõ ràng nhất. . . Và mỗi khi chúng ta lắng nghe những lời ít quan trọng nhất của Ngài, chúng ta nhận ra một giọng tin tưởng không thể quên được chỉ có thể đạt được bởi những người đã liều tất cả những gì mình có.”

Chớ gì bạn và tôi liều tất cả những gì mình có cho Tin Mừng trong Năm Thánh Phaolô. Cho tôi bày tỏ tình yêu của tôi đối với các bạn như Mục Tử theo lời của chính Thánh Phaolô: “Chúng tôi có cần thư giới thiệu với anh em như vài người khác, hoặc thư giới thiệu của anh em không? Chính anh em là thư giới thiệu của chúng tôi, được viết trong tâm hồn chúng tôi, mà mọi người đều nhận ra và đọc được, chứng tỏ anh em là bức thư của Ðức Kitô được trao cho chúng tôi quản thủ, không phải viết bằng mực, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải được khắc trên những bia đá, nhưng trên những bia thịt của con tim.” (2 Cor 3:1-3).

Lạy Thánh Phaolô Tông Đồ, Tử Đạo, Bí Nhiệm và Truyền Giáo, xin cầu cho chúng con.

+ Đức Cha Michael Saltarelli, Giám Mục Wilmington
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
 
Tập sách học hỏi về ''Thánh Phaolô Tông Đồ''
Đức ông Linh Tiến Khải
12:32 10/06/2008
LTS: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố Năm Thánh Phaolô, khởi sự từ ngày lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ được cử hành ngày 28 tháng 6 năm 2008 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Một năm trước đây ĐTC Bêneđictô XVI đã công bố như sau: “Anh chị em thân mến,. .. Thánh Phaolô sống và làm việc cho Đức Kitô, chịu đau khổ và chết vì Người. Gương sáng của Ngài thích hợp với thời đại của chúng ta biết bao! Chính vì lý do này mà tôi hân hạnh chính thức công bố rằng chúng ta sẽ dành một Năm Thánh cho Thánh Tông Đồ Phaolô từ ngày 28 tháng 6 năm 2008 đến ngày 29 tháng 6 năm 2009, trong dịp kỷ niệm đệ nhị thiên niên ngày sinh nhật của Ngài, mà các sử gia cho là khoảng năm thứ 7 đến thứ 10 sau công nguyên.” Để giúp người Công Giáo Việt Nam bắt chước gương tông đồ nhiệt thành của thánh Phaolô, chúng tôi đã được Đức ông Linh Tiến Khải đã cho phép đăng trên hệ thống VietCatholic Network 2 tập sách về Thánh Phaolô mà ngài mới biên soạn xong, hầu chúng ta có cơ hội học tập và sống tinh thần của Thánh Phaolô trong năm Thánh Phaolô này. VietCatholic cũng xin hết lòng tri ân Đức ông Linh Tiến Khải vì lòng quảng đại và sự cộng tác của Ngài với VietCatholic trong nhiều năm qua. LM Trần Công Nghị.

THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
Tập I - Roma 2008

MỤC LỤC

Lời tựa CHƯƠNG I TIỂU SỬ CUỘC ĐỜI THÁNH PHAOLÔ
1. Phaolô thành Tarso, một gương mặt nổi bật của Giáo Hội Kitô tiên khởi.
2. Cuộc gặp gỡ đổi đời của thánh Phaolô với Chúa Kitô phục sinh.
3. Thánh Phaolô, nhà truyền giáo thời danh của Giáo Hội Kitô tiên khởi.
4. Chiến thuật truyền giáo của thánh Phaolô.
5. Thánh Phaolô, con người của Tin Mừng.

CHƯƠNG II DUNG MẠO CÁC CỘNG ĐOÀN KITÔ TIÊN KHỞI
TRONG TƯƠNG QUAN VỚI THÁNH PHAOLÔ
6. Gương mặt xã hội của các cộng đoàn kitô tiên khởi.
7. Tương quan giữa thánh Phaolô và tín hữu thuộc các cộng đoàn kitô tiên khởi.
8. Thương con cho roi cho vọt: phương pháp sư phạm của thánh Phaolô.
9. Phaolô, vị tông đồ gặp nhiều chống đối.
10. Con đường thập giá của thánh Phaolô.

CHƯƠNG III THƯ TÍN: MỘT HÌNH THỨC TÔNG ĐỒ MỤC VỤ
11. Nhà văn Phaolô.
12. Các hình thái văn chương đặc biệt trong thư của thánh Phaolô.
13. Một số hình thái văn chương đặc thú trong các thư của thánh Phaolô.
14. Thể văn cánh chung khải huyền và khuyến dụ trong các thư của thánh Phaolô.
15. Các kiểu hành văn chính trong các thư của thánh Phaolô.
16. Tính chất xác thực và thống nhất trong các thư của thánh Phaolô.
17. Việc thu thập các thư của thánh Phaolô.

CHƯƠNG IV MỘT VÀI ĐẶC THÁI TRONG TƯ TƯỞNG THẦN HỌC CỦA THÁNH PHAOLÔ
18. Thần học gia Phaolô.
19. Thánh Phaolô có phải là một nhà thần học hệ thống không?
20. Các chặng trong tiến trình giáo huấn thần học của thánh Phaolô.
21. Kitô học như đường nét thống nhất căn bản trong nền thần học của thánh Phaolô.
22. Nét độc đáo trong tư tưởng của thánh Phaolô bắt nguồn từ đâu?
23. Thánh Phaolô là môn đệ của Chúa Giêsu hay là vị sáng lập thứ hai của Kitô giáo?
24. Tính chất xa lạ và thời sự trong các thư của thánh Phaolô.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:23 10/06/2008
CÁI ĐUÔI VĨ ĐẠI

N2T


Con nòng nọc vứt bỏ cái đuôi, cuối cùng nó cũng trở thành một con nhái nhỏ biết kêu “oạp oạp”, nó rất phấn khởi, lúc thì nhảy lên đất đi tới đi lui, lúc thì chui vào trong nước bơi lội. Con nhái nhỏ bây giờ thật phi thường, đã biết bắt sâu bọ, lại biết xướng ca. Trong lòng nó nghĩ: “Không có cái đuôi thật là tiện lợi, mình phải đem cách suy nghĩ này nói cho các bạn khác biết.”

Nó nói với con én vừa bay đến: “Này bạn én, bạn mang cái đuôi như vậy làm cản trở việc bay lượn đấy, mau đem nó giục mất tiêu cho rồi.”

Chim én nói: “Làm như thế sao được chứ, cái đuôi của tớ có thể nắm bắt phương hướng, tớ có thể bay được là nhờ nó đấy !”

Con nhái nhỏ lại nói với con bọ cạp: “Này, bọ cạp, cậu không cảm thấy có cái đuôi thật là bất tiện sao ? Nhìn tớ đây thì cậu liền không muốn nó nữa đấy !”

Bọ cạp nói: “Nhưng cái đuôi là bảo bối của tớ, bởi vì trên cái đuôi của tớ có cái kim, trong kim có tuyến độc. Có nó thì tớ không sợ người khác tập kích !” Con nhái nhỏ không ngờ cái đuôi của bọ cạp và chim én thật lợi hại như thế. Lúc ấy, nó nhìn thấy con chuột túi thì trong lòng nghĩ: “Con chuột túi đã không bay, cũng không dùng cái đuôi để chích người, như thế cái đuôi sẽ không có ích gì cho nó cả,” thế là, nó đi lên phía trước nói rõ cách suy nghĩ của nó cho chuột túi nghe, không ngờ chuột túi lại nói: “Tớ cũng không thể không có cái đuôi, bởi vì nó không những có thể chống đỡ thân hình của tớ khi chạy nhảy, lại còn có thể giữ tớ cho khỏi té.”

Con nhái nhỏ lại gặp con cá và con rắn rung chuông, chúng nó rất tán tụng cái đuôi của chúng nó. Con cá nói cái đuôi của nó là chi thể quan trọng khi chuyển thân bơi lội; rắn rung chuông thì kiêu hãnh vì cái đuôi của mình biết phát ra âm thanh, cho nên hấp dẫn các con vật nhỏ đến gần để nó bắt làm lương thực.

Nghe lời của các bạn nói, con nhái nhỏ cuối cùng rồi thì cũng hiểu rõ, hóa ra là cái đuôi của mỗi động vật đều có chỗ dùng khác nhau. Nghĩ tới đây, nó nín không được nên hát lên: “Cái đuôi tốt, cái đuôi kỳ diệu ! Tác dụng của cái đuôi thật lớn vô cùng.”

Gợi ý:

Các em thân mến,

Trãi qua nhiều lần tiến hóa, mỗi loài động vật trong giới tự nhiên đều hình thành một bản lĩnh để thích ứng với sự sống còn, khí quản của chúng nó cũng tiến hóa để thích hợp nhất với các loại hình của hoàn cảnh. Đối với chúng nó thì tự bản thân mình có đủ tất cả là điều tốt nhất và thực dụng nhất. Cho nên, chúng ta cũng nên yêu quý, bảo vệ thân thể của mình, và phải phát huy công dụng của chúng nó.

Chúng ta không những yêu qúy những bộ vị trên thân thể mình. Mà còn phải yêu mến và tôn trọng những người tàn tật nữa, bởi vì dù là người đầy đủ tứ chi hay là người tàn tật, thì cũng đều có những cái ưu điểm của họ. Người khỏe mạnh phải tôn trọng người yếu đuối, kẻ có đầy đủ thân thể tứ chi thì phải bảo vệ những người thân thể bị khiếm khuyết, đó chính là đạo lý bổ sung cho nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Tất cả các động vật đều có cái đuôi, đuôi dài hay đuôi ngắn thì không quan trọng, nhưng rất có ích và thiết thực cho mỗi loại động vật.

Các em thực hành:

- Yêu quý thân thể mình, bằng cách tập thể dục thường xuyên để thân thể khỏe mạnh.

- Không coi thường những người tàn tật, nhưng chia sẻ với họ những khổ đau mà họ phải chịu vì sự mất mát của thân thể.

- Luôn cám ơn Chúa đã ban cho mình một hinh hài đầy đủ.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:24 10/06/2008
N2T


15. Nếu chúng ta muốn được tiến bộ trên con đường thánh thiện, thì mỗi ngày phải suy niệm đến cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su Ki-tô.

(Thánh Bonaventura)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nhấn mạnh vai trò quan trọng của Triết Học
Phaolô Phạm Xuân Khôi
05:06 10/06/2008

Đức Thánh Cha nhấn mạnh vai trò quan trọng của Triết Học



VATICAN, ngày 7 tháng 6, năm 2008 (VIS) – Sáng nay, ĐTC đã tiếp kiến các tham dự viên của Hội Nghị các Giáo Sư Đại Học lần thứ sáu, được tổ chức tại Rôma từ ngày mùng 4 đến mùng 7 tháng 7 về đề tài: “Mở Rộng Chân Trời Lý Trí. Các Triển Vọng của môn Triết Học.”

Hội nghị này đã được các giáo sư ở Rôma cổ động và được Văn Phòng Chăm Sóc Mục Vụ tại Đại Học tông tòa Rôma tổ chức, với sự hợp tác của các học viện miền và tỉnh cùng các chính quyền thành phố địa phương.

Trong huấn từ khai mạc, ĐTC đã nhắc đến dữ kiện là năm nay đánh dấu thập chu niên của Thông Điệp “Fides et ratio” của ĐTC Gioan Phaolô II, và ngài nhắc lại rằng khi tài liệu này được ban hành “năm mươi giáo sư triết học của các đại học ở Rôma … đã diễn tả lòng biết ơn của họ đối với ĐTC về một tuyên ngôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tái khai trương nghiên cứu triết học ở các đại học và trường học như thế nào.”

ĐTC nói, “các biến cố của những năm đã qua kể từ ngày ban hành Thông Điệp đã phác họa rõ ràng hơn sân khấu lịch sử và văn hóa mà trên đó việc nghiên cứu triết học được mời gọi để nhập cuộc. Thực ra, cuộc khủng hoảng của tính hiện đại không phải là triệu chứng của việc suy tàn của triết học; ngược lại, triết học phải lăn mình vào những phạm vi nghiên cứu mới để hiểu rõ bản chất thật sự của cuộc khủng hoảng ấy.”

“Hiện đại tính không phải đơn thuần chỉ là một hiện tượng văn hóa có thể định theo ngày tháng trong lịch sử; trên thực tế nó đòi hỏi một tiêu điểm mới, một sự hiểu biết chính xác hơn về bản chất con người.”

ĐTC Bênêđictô ám chỉ rằng từ những ngày đầu triều đại Giáo Hoàng của ngài, ngài đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau “từ những người nam và nữ của thời đại chúng ta,” và “theo ánh sáng của những ý kiến này, tôi đã quyết định đưa ra một kế họach nghiên cứu mà tôi cảm thấy có thể gây hứng thú trong việc tái khai trương môn triết học và vai trò độc đáo của nó trong vòng học thuật và thế giới văn hóa hiện đại.”

Trong khi dẫn chứng bằng sách “Dẫn Nhập vào Kitô Giáo” của mình, ngài nói: “Đức Tin Kitô đã chọn lựa rõ ràng: loại bỏ các thần của tôn giáo và chọn Thiên Chúa của các triết học gia, nói cách khác, là chống lại các thần thoại của phong tục và đứng về phiá chân lý của sự hiện hữu.” Và ngài nói tiếp: “Xác định này … vẫn còn thích hợp trong phạm vi văn hóa lịch sử mà trong đó chúng ta đang sống. Thật vậy, chỉ dựa vào tiền đề này – là tiền đề cùng một lúc vừa là lịch sử vừa là thần học – mà người ta có thể đáp ứng những kỳ vọng mới của triết học. Điều nguy hiểm là tôn giáo, ngay cả Kitô giáo, có thể bị ngấm ngầm thao túng, là điều rất có thật ngay cả hôm nay.

Ngài nói tiếp: “Đề nghị ‘Mở Rộng Chân Trời Lý Trí’ cần phải hiểu như là một yêu cầu có một sự cởi mở mới đối với thực tại mà con người trong sự toàn diện duy nhất được mời gọi để đạt tới, thắng vượt mọi thành kiến hay các quan điểm hẹp hòi để mở đường cho một sự hiểu biết mới về tính hiện đại.”

ĐTC nói, “Cuộc đối thoại mới giữa đức tin và lý trí là điều cần thiết hôm nay, không thể xảy ra trong những điều kiện và đường hướng đã xảy ra trong quá khứ. Nếu nó không muốn thấy mình tự thu hẹp đến trạng thái vận dụng đầu óc một cách vô ích, nó phải bắt đầu từ thực trạng hiện nay của nhân loại, và xây dựng trên đó một suy tư bao gồm cả chân lý về bản thể lẫn siêu hình của con người.”

Để kết luận, ĐTC Bênêđictô XVI nhắc đến việc cần phải “ủng hộ những trung tâm đại học danh tiếng mà trong đó triết học có thể đối thoại với những môn học khác, đặc biệt là với môn thần học, để giúp cho những tổng hợp văn hóa có khả năng hướng dẫn xã hội.” Trong phạm vi này ngài bày tỏ hy vọng rằng “các học viện Công Giáo có thể sẵn sàng thiết lập những phòng thí nghiệm văn hóa thật sự” và ngài mời gọi các giáo sư khuyến khích những người trẻ để họ “quyết tâm dấn thân vào việc nghiên cứu triết lý bằng cách tạo điều kiện cho những sáng kiến thích hợp” để hướng dẫn họ theo đường hướng này.
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Trường Ngoại Giao Tòa Thánh
LM Trần Đức Anh, OP
07:17 10/06/2008
VATICAN- ĐTC Biển Đức 16 nhắn nhủ các nhà ngoại giao tương lai của Tòa Thánh vun trồng đời sống nội tâm, gắn bó với Chúa, và siêng năng nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa và Thánh Thể.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9-6-2008, dành cho 30 LM sinh viên trường ngoại giao Tòa Thánh dưới sự hướng dẫn của Đức TGM Chủ tịch Beniamino Stella.

Trong bài huấn dụ, đi từ tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, là lò lửa vô tận từ đó cần kín múc tình yêu và lòng từ bi để làm chứng và phổ biến nơi mọi thành phần dân Chúa, ĐTC nói: ”Tất cả các LM chúng ta phải uống từ nguồn mạch ấy để có thể thông truyền cho tha nhân sự dịu dàng của Chúa, trong khi chu toàn các thừa tác vụ khác nhau mà Chúa Quan Phòng ủy thác cho chúng ta”.

”Hỡi các LM quí mến, mỗi người trong các con cần phải luôn tăng trưởng trong sự hiểu biết về tình yêu Chúa: chỉ như thế các con mới có thể trung thành chu toàn sứ mạng các con đang chuẩn bị trong những năm học này, mà không chiều theo thỏa hiệp nào.”

ĐTC cũng nói với các nhà ngoại giao tương lai của Tòa Thánh rằng: ”Các con sẽ tiến vào thế giới ngoại giao song phương và đa phương, và sẵn sàng đóng góp không những kinh nghiệm ngoại giao, nhưng nhất là chứng tá linh mục của các con. Vì thế, ngoài sự chuẩn bị cần thiết về luật pháp, thần học và ngoại giao, điều quan trọng hơn cả, đó là các con làm cho cho cuộc sống và hoạt động của mình được ghi đậm nét tình yêu trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội, tình yêu này khơi lên nơi các con một sự tiếp đón ân cần trong tinh thần mục tử đối với mọi người”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Các con hãy cố gắng trở thành những mục tử theo con tim của Chúa Kitô, hằng ngày sống thân mật với Chúa. Chính sự kết hiệp với Chúa Giêsu là bí quyết sự thành công chân chính trong sứ vụ của mỗi linh mục. Dù làm công việc nào trong Giáo Hội, các con hãy quan tâm luôn trở thành những người bạn chân thật của Chúa, người bạn trung tín gặp gỡ và học cách yêu mến Chúa trên hết mọi sự”.

ĐTC nêu nhận xét: nhân loại ngày nay đang chìm ngập và bị những hoạt động miệt mài cuốn đi, họ thường gặp nguy cơ đánh mất ý nghĩa cuộc sống, trong khi đó một thứ văn hóa hiện đại nghi ngờ mọi giá trị của tuyệt đối, thậm chí họ cho rằng con người không thể nhận biết sự thật và sự thiện. Vì thế cần làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa hiểu và biết nói với tâm hồn con người. Nghĩa vụ của các con là rao giảng trước tiên bằng cuộc sống, trước khi bằng lời nói, Tin Mừng tình thương trong những môi trường nhiều khi xa lạ với kinh nghiệm Kitô”

Trường ngoại giao Tòa Thánh được Đức Giáo Hoàng Clemente XI thành lập cách đây 307 năm (1701) và được cải tổ năm 1850 dưới thời Đức Chân phước Giáo Hoàng Piô 9. Trong số 5 LM Việt Nam xuất thân từ trường này, hiện còn 2 vị đang phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh là Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ Thần Tòa Thánh tại Costa Rica và Đức Ông Phanxicô Xavie Cao Minh Dung, Tham Tán Sứ Thần Tòa Thánh tại Tân Tây Lan (SD 9-6-2008)
 
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đáp trả lòng hiếu khách của tổng thống Bush
Bùi Hữu Thư
08:38 10/06/2008

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đáp trả lòng hiếu khách của tổng thống Bush



Chào đón Tổng Thống cách đặc biệt chưa từng thấy

VATICAN ngày 9 tháng 6, 2008
– Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ đón tiếp tổng thống Hoa Kỳ George Bush ngày thứ sáu theo cung cách chưa từng thấy, y như thể thức thân mật tổng thống Bush đã đón tiếp Đức Giáo Hoàng tới Hoa Kỳ tháng Tư vừa qua.

Phủ doãn Tông Tòa tuyên bố hôm nay trên báo L'Osservatore Romano là Đức Giáo Hoàng đã bỏ qua thủ tục thông thường được ấn định cho việc đón tiếp các vị quốc trưởng tại tư thất của ngài, và sẽ tiếp tổng thống Bush tại Tháp Thánh Gioan bên trong Công Viên Vatican.

Tổng thống Bush cũng đã không áp dụng thủ tục ngoại giao khi ông tiếp Đức Giáo Hoàng ngày 15 tháng Tư vừa qua. Ông Bush cùng phu nhân và con gái là Jenna đã đích thân tới phi trường Andrews trong Căn Cứ Không Quân để đón tiếp Đức Giáo Hoàng – một danh dự đặc biệt chưa bao giờ được dành một cho một quốc trưởng nào khác. Ngày hôm sau là ngày sinh nhật thứ 81 của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, tổng thống Bush đã mở tiệc tại Tòa Bạch Ốc để khoản đãi Đức Giáo Hoàng.

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc văn phòng truyền thông Tòa Thánh cho hay, sự tiếp đón đặc biệt của Đức Giáo Hoàng nhằm đáp trả sự thân thiện của tổng thống Bush.

Tháp tùng Tổng thống Bush có phu nhân và bà Mary Ann Glendon, đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh.

Sau cuộc gặp gỡ, Đức Giáo Hoàng và tổng thống sẽ đi dạo trong Công Viên Vatican trong khi Ca Đoàn Sistine Chapel sẽ trình diễn cho họ.

Đây là lần thứ hai tổng thống Bush thăm viếng Vatican trong chuyến công du các nước Slovenia, Đức, Ý, Pháp và Anh. Lần trước tổng thống Bush tới thăm Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tại Vatican vào tháng 6, năm 2007.

Tháp Thánh Gioan trong Công Viên Vatican


Công Viên Vatican
 
Đức Tân Thượng Phụ của Giêrusalem thúc giục các vị lãnh đạo chính trị hãy can đảm.
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:35 10/06/2008
Giêrusalem (ZENIT) - Chỉ vài ngày trước khi được bổ nhiệm làm Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Latin của Giêrusalem, Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal mời gọi các nhà lãnh đạo chính trị trong vùng hãy “can đảm hơn và bớt lo sợ”

Đức Tổng Giám Mục Twal, 67 tuổi, sẽ được bổ nhiệm làm thượng phụ vào ngày 22/06 tới. Ngài kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục Michel Sabbah, 75 tuổi, người xin về hưu vì lý do tuổi tác sau hơn 20 năm phục vụ trên cương vị này.

Đức tổng giám mục Twal đã phát biểu với tờ Quan sát viên Rôma (L'Osservatore Romano) về những hy vọng và kế hoạch của ngài trong thừa tác vụ mới này: “Chúng tôi tin vào sức mạnh của cầu nguyện, chúng tôi phó thác những thời khắc này trong tay Chúa và chúng tôi lại đặt hy vọng vào các vị lãnh đạo chính trị của vùng đất này, cũng như đối với các vị lãnh đạo quốc tế, chúng tôi yêu cầu họ hãy can đảm hơn nữa và bớt lo sợ, trên hết, họ hãy đặt tin tưởng vào nhau”. Ngài khẳng định: “Sự tin tưởng lẫn nhau là hết sức cần thiết để xây dựng mối quan hệ vững chắc”.

Đức Tổng Giám Mục người Jordan thừa nhận rằng: “Có những nhóm hoặc những người không khao khát hòa bình”, nhưng ngài cũng nói thêm: “Chúng tôi hy vọng rằng thiện chí sẽ vượt thắng để mang lại tốt lành, an ninh và hòa bình cho tất cả mọi người”.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng không có khu vực nào tự nó có thể được hưởng hòa bình vì “đó là quà tặng cho mọi người”. Bên cạnh đó, ngài thúc giục “việc gầy dựng và nâng đỡ những người ôn hòa vì họ được nhiều giúp đỡ hơn thì những phần tử quá khích sẽ yếu đi”.

Về phần Đức Tổng Giám Mục Sabbah, ngài đã cử hành Thánh lễ cuối cùng trên cương vị Thượng phụ của cộng đồng người Công Giáo nói tiếng Do Thái Giêrusalem hôm 01/06. Trong lời chào từ biệt Đức Thượng Phụ, Cha đại diện cho cộng đồng người Công Giáo nói tiếng Do Thái, Cha Pierbattista Pizzaballa, tu sĩ Dòng Phanxicô nhắc lại rằng Đức Tổng Giám Mục Sabbah là Đức Thượng phụ của Giêrusalem đầu tiên cử hành Thánh lể bằng tiếng Do Thái (Hebrew).

Đức Tổng Giám Mục nói với họ rằng: “Đâu là chỗ của chúng ta trong Giáo hội của Giêrusalem, giữa 13 giáo hội mà giáo hội của chúng ta được thiết lập? Đó là chỗ trước hết của sự cầu nguyện. Lời cầu nguyện của chúng ta là lời cầu của Chúa Giêsu vì sự hiệp nhất. Chúng ta phải cầu nguyện cho sự hiệp nhất bao lâu sự hiệp nhất đạt tới, bằng phương tiện là tình yêu của chúng ta đối với người khác, chúng ta phải làm những gì mà chúng ta được kêu gọi một cách xứng hợp. Quả thật, đây là ơn gọi của chúng ta: trở thành chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu Kitô”.
 
Vị Tân Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách về Gia Đình là một Người Mạnh Mẽ Bảo Vệ Sự Sống
Anthony Lê
09:47 10/06/2008
Vị Tân Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách về Gia Đình là một Người Mạnh Mẽ Bảo Vệ Sự Sống

Đức Hồng Y Ennio Antonelli
ROME (LifeSiteNews.com) - Vào ngày thứ Bảy (7 tháng 6) vừa qua, Tòa Thánh chính thức công bố về việc Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Ennio Antonelli, 71 tuổi - Tổng Giám Mục của TGP Florence, Ý Quốc là vị Tân Chủ Tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách về Gia Đình.

Vị tiền nhiệm của Đức Hồng Y Antonelli là Đức Cố Hồng Y người gốc Colombia, Alfonso Trujillo, người được xem là "một trong những người cổ võ mạnh mẽ nhất cho sự sống và gia đình" đã qua đời vào ngày 21 tháng 4 vừa qua.

Vị Tân Chủ Tịch được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị nâng lên chức vị Hồng Y vào năm 2003, và vào buổi sáng nhận được tin bổ nhiệm đã đưa ra một lá thư qua đó cho biết ngài hân hạnh được Đức Thánh Cha bổ nhiệm vào vị trí kể trên và ý thức rất rõ "nhiệm vụ to lớn vì tầm quan trọng có tính quyết định của gia đình trong Giáo Hội và cả xã hội."

Đức Hồng Y Antonelli đã gọi gia đình "chính là tế bào nền tảng của Giáo Hội và xã hội. .. và ý tưởng này đã được rất nhiều người Ý coi trọng hơn bao giờ hết, và ngày nay gia đình đang gặp phải rất nhiều sự khó khăn, thậm chí bị đe dọa lẫn rơi vào cơn khủng hoảng của xã hội tục trần."

Ngài cũng lên tiếng ca ngợi Đức Cố Hồng Y Trujillo vì sự "can đảm của Đức Cố Hồng Y khi quyết hành động theo những lẽ khác thường của dòng đời trần trục hòng tìm mọi cách để gìn giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống của gia đình."

Trong buổi nói chuyện của ngài trên Đài Phát Thanh Vaticăn, Đức Hồng Y Antonelli khẳng định rằng: các vấn đề chính yếu mà gia đình ngày nay đang phải diện đối gồm có: "sự hiệp nhất, sự bền vững của hôn nhân, và việc đơm hoa kết trái của các cặp vợ-chồng" và chính vì sự hiếm muộn con cái cho nên "dân số trên toàn cõi Châu Âu hiện đang trên đà tụt giảm nhanh, từ đó tạo ra các mối nguy hiểm khác trong tương lai."

Đức Hồng Y cũng kêu gọi Giáo Hội hãy "trình bày ra cách truyền giảng năng động hòng mang lại một viễn ảnh tích cực mới về gia đình, qua các giá trị truyền thống lâu đời, để từ đó biết chấp nhận sự sống, biết chấp nhận phẩm giá của con người, và biết giao tiếp cùng với những ai hình thành nên một gia đình."

Trong Lá Thư Mục Vụ nhân mùa Phục Sinh 2005, Đức Hồng Y Antonelli cảnh cáo việc các gia đình đã dành quá nhiều thời gian trước các màn ảnh Tivi và ngài kêu gọi các bậc làm cha-mẹ hãy "cẩn thận, cân nhắc, kiểm soát, và điều phối thời lượng xem truyền hình cho các con cái trong gia đình" để tập cho các em không bị lây nhiễm với những thói xấu và sự nguy hại mà truyền hình mang lại.

Đại Hội lần thứ sáu về Gia Đình sẽ được diễn ra vào Tháng 1/2009 sắp tới là sự kiện mà tất cả mọi người Công Giáo trên khắp thế giới sẽ nhìn thấy được Đức Hồng Y Antonelli trong vai trò mới của ngài.
 
Nhịp cầu thông cảm xuyên suốt các biên giới tôn giáo
Phụng Nghi
09:49 10/06/2008
Vatican (VIS) – Ngày 7 tháng 6 vừa qua, Đức thánh cha tiếp kiến 60 tham dự viên khóa họp khoáng đại lần thứ 10 của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn giáo. Chủ tịch Hội đồng này là Hồng y Jean-Louis Tauran. Chủ đề của khóa họp là “Đối thoại ‘trong chân lý và bác ái’. Các hướng dẫn mục vụ”.

Phát biểu bằng Anh ngữ, Đức giáo hoàng nói: “Tôi sung sướng được biết rằng trong những ngày qua, quý vị đã tìm kiếm học hỏi sâu xa về bước tiến của Giáo hội Công giáo đến với người của những truyền thống tôn giáo khác. Quý vị đã xem xét đến mục tiêu rộng lớn của đối thoại – là khám phá ra chân lý – và động lực thúc đẩy, là đức bác ái, trung thành với sứ mạng thần thánh đã được Chúa Giêsu Kitô trao phó cho Giáo hội.

“Giáo hội tiếp tục hướng tới tín đồ các tôn giáo khác. Theo đường lối đó, Giáo hội bảy tỏ ước muốn được gặp gỡ và cộng tác trong chân lý và tự do. Nói theo lời của vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Giáo hoàng Phaolô VI, trách nhiệm chính yếu của Giáo hội là phục vụ Chân lý – ‘chân lý về Thiên Chúa, chân lý về con người và định mệnh được ẩn dấu của con người, chân lý về thế giới, chân lý mà chúng ta tìm được trong Lời của Chúa’”.

“Chính tình yêu Chúa Kitô đã thúc đẩy Giáo hội hướng tới mọi người, không phân biệt ai, ra bên ngoài các biên giới của Giáo hội hữu hình. Sứ vụ của Giáo hội có nguồn mạch là Tình Yêu Thiên Chúa… Do đó, chính tình yêu thương thúc giục mọi tín hữu lắng nghe người khác và tìm ra các địa hạt để cùng cộng tác”.

Tình yêu thương “khuyến khích các thành phần Kitô giáo trong cuộc đối thoại với tín đồ các tôn giáo khác, để đề nghị, chứ không áp đặt, niềm tin vào Chúa Cứu thế, Đấng là ‘đường, sự thật và sự sống’… Đức tin Kitô giáo đã chứng tỏ cho chúng ta biết rằng ‘chân lý, công bằng và tình yêu thương không chỉ là những lý tưởng, nhưng là những thực tế rất quan trọng’. Đối với Giáo hội ‘đức bác ái không phải là thứ hành động cứu trợ có thể chia sẻ đồng đều với những người khác, nhưng là một phần trong bản tính của Giáo hội, một biểu hiện không thể thiếu để Giáo hội hiện hữu’”.

Đức thánh cha chỉ rõ rằng sự phát triển rộng lớn các phiên họp liên tôn giáo khắp thế giới ngày nay, kêu gọi phải có sự sáng suốt… Kể từ Công đồng Vatican II, đã có chú ý đặt trọng tâm vào những yếu tố tâm linh có chung giữa các truyền thống tôn giáo khác biệt. Bằng nhiều cách, điều này giúp xây dựng những nhịp cầu hiều biết xuyên suốt các biên giới tôn giáo.

Sau đó ngài tiếp tục xem xét “một số vấn đề cần quan tâm thực tế trong mối liên lạc giữa các tôn giáo” đã được đại hội nghiên cứu, như: “căn tính của các thành phần trong cuộc đối thoại, giáo dục về tôn giáo trong trường học, cải đạo, truyền giảng, hỗ tương, tự do tôn giáo, và vai trò của các nhà lãnh đạo tôn giáo trong xã hội.” Ngài nói: Đây là những vấn đề quan trọng mà các nhà lãnh đạo tôn giáo sống và làm việc trong những xã hội đa nguyên phải rất mực quan tâm”.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô cũng chú ý đến nhu cầu đối với những người khởi xướng cuộc đối thoại liên tôn giáo, phải “được học hỏi đầy đủ về chính niềm tin của mình và thông suốt về niềm tin của những người khác”. Ngài nhấn mạnh rắng “sự cộng tác giữa các tôn giáo cung cấp nhiều cơ hội để biểu hiện những lý tưởng cao cả nhất của mỗi truyền thống tôn giáo”.

Ngài kết luận: “Giúp đỡ người bệnh tật, cứu trợ nạn nhân thiên tai và bạo lực, săn sóc người già cả và người nghèo: đó là một số lãnh vực người các tôn giáo khác nhau có thể cùng cộng tác. Tôi khuyến khích tất cả những ai được thấm nhuần giáo huấn của tôn giáo mình hãy giúp đỡ những thành phần đau khổ của xã hội.”
 
Tòa thánh sẽ gửi một vị giám mục tới tham dự lễ khai mạc Thế vận
Phụng Nghi
17:43 10/06/2008
Vatican (Reuters) – Một viên chức Vatican hôm nay cho biết Tòa thánh sẽ gửi một giám mục Hong Kong, đại diện cho Giáo hội Công giáo, dự lễ khai mạc Thế vận hội, nhưng rõ rệt vẫn chưa có dấu hiệu khai thông về liên hệ ngoai giao giữa hai bên.

Viên chức nói trên, không nêu danh tính, nói với thông tấn xã Reuters: “Đã có những dấu hiệu bình thường cho biết có sự cải tiến trong các mối quan hệ của chúng tôi với Trung quốc nhưng còn lâu dài và khó khăn. Tôi chưa thấy có được sự khai thông trong một tương lai gần.”

Viên chức Tòa thánh nói rằng giám mục John Tong Hon, phụ tá giáo phận Hong Kong, sẽ đại diện Giáo hội và gián tiếp đại diện cho Vatican là một quốc gia có chủ quyền.

Sự hiện diện tại Thế vận hội của Đức giám mục Tong, người được chỉ định sẽ kế nhiệm Hồng y Joseph Trần Nhật Quân (Zen Ze-kiun) là dấu hiệu mới nhất trong một loạt những dấu hiệu làm tan băng giá trong mối quan hệ giữa Vatican và chính quyền cộng sản Băc kinh.

Con số từ 8 đến 12 triệu người Công giáo tại Trung quốc bị phân chia thành hai Giáo hội, một được đảng cộng sản cầm quyền chấp thuận, và một Giáo hội “chui” trung thành với Đức giáo hoàng.

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, người đã đặt việc cải tiến mối quan hệ với Trung quốc thành một trong những mục tiêu chính của triều đại giáo hoàng, đã nói rằng Thế vận hội Bắc kinh sẽ “có giá trị to lớn đối với nhân loại”.

Tháng trước, Vatican tổ chức một cuộc trình diễn âm nhạc từ trước chưa từng có, do ban nhạc đại hòa tấu của Trung quốc biểu diễn, và vị đại sứ của Bắc kinh tại Rome lạc quan tuyên bố về việc khai thông bế tắc có thể sớm xảy ra.

Nhưng viên chức của Vatican nói tình hình “chưa được lạc quan” như lời ông đại sứ Trung quốc phát biểu, và cho biết thêm rằng hiện nay Trung quốc cần Vatican hơn Vatican cần Trung quốc.

Trung quốc nói rằng trước khi phục hồi quan hệ đã bị cắt đứr 2 năm sau khi cộng sản chiếm lãnh thổ năm 1949, Vatican phải trước hết cắt đứt quan hệ với Đài loan, bị Bắc kinh coi là một tỉnh ly khai.

Nguồn tin từ Vatican nói rằng không có kế hoạch giảm thiểu sự hiện diện của Vatican tại tòa đại sứ ở Đài loan. Vị đại diện lâm thời mới được thuyên chuyển khỏi Đài bắc sẽ được một nhà ngoại giao khác thay thế.

Vatican đã giữ duy trì cấp bậc ngoại giao tại Đài loan ở mức thấp từ nhiều thập niên qua, và nguồn tin đã bác bỏ các phúc trình cho rằng Tòa thánh có kế hoạch hạ thấp hơn nữa.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung quốc Yang Jiechi đang thăm viến Roma hôm thứ Ba, đã bênh vực thành tích về tự do tôn giáo của Trung quốc. Ông cho các ký giả biết rằng không được chính trị hóa các nghi lễ tại Thế vận hội.

Ông nói: “Chúng tôi thiết nghĩ biến cố thể thao này không được chính trị hóa. Đây không chỉ là lập trường của Trung quốc mà cũng là của nhiều chính phủ trên thế giới.”
 
Lễ Tạ Ơn, kỷ niệm 350 năm thành lập Thừa Sai Hải Ngoại Paris 1658-2008
Trần Văn Cảnh
18:57 10/06/2008
Lễ Tạ Ơn, kỷ niệm 350 năm thành lập Thừa Sai Hải Ngoại Paris 1658-2008
tại nhà thờ Đức Bà Paris, ngày Chủ nhật 08 tháng 06 năm 2008

Ngày 08.06.1658, Ðức Thánh Cha Alexandre VII chấp nhận đề nghị của Thánh Bộ Truyền Giáo bổ nhiệm cha François Pallu và cha Pierre de la Motte làm đại diện tông tòa trong các sở truyền giáo ở Trung hoa, Việt Nam và các nước lân cận; và cha François de Montmorency-Laval làm giám mục Canada. Ngày 29.07.1658, ÐTC Alexandre VII bổ nhiệm cha François Pallu làm giám mục hiệu tòa Héliopolis, cha Pierre Lambert de la Motte làm giám mục hiệu tòa Béryte, và cả hai làm Giám Quản Tông Tòa cho các sở truyền giáo Trung Hoa và Việt Nam. Từ đó, ngày 29.07.1658 đã được coi là ngày thành lập Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Ngày 17-11-1658, cha Pallu được tấn phong giám mục tại Roma. Ngày 11.06.1660, cha Lambert được tấn phong giám mục tại Paris. Ngày 09.09.1659 ÐTC Alexandre VII ban sắc lệnh thiết lập 2 giáo phận truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam: ÐC François Pallu được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Đàng Ngoài, với quyền cai quản 5 tỉnh Vân Nam, Quí Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc và Tứ Xuyên của Trung Quốc và nước Lào; và ÐC Pierre Lambert de la Motte được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Đàng Trong, với quyền cai quản các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và Đảo Hải Nam của Trung Quốc và gồm luôn cả Chiêm Thành.

350 năm sau, ngày chủ nhật 08.06.2008, tại nhà thở Đức Bà Paris, Giáo Hội Công Giáo dâng LỄ TẠ ƠN.

ĐTGM Hà Nội đồng tế
Lễ tạ ơn này là của toàn thể Giáo Hội Công Giáo, vì có đại diện của Tòa Thánh thay mặt Đức Thánh Cha, là Đức Hồng Y Ivan Dias, Tổng trưởng Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc,, có đại diện của trên 30 hồng y, tổng giám mục và giám mục của các nước Á châu, có đại diện của các hồng y, tổng giám mục và giám mục Pháp, có đại diện của trên 500 linh mục Á Châu và thế giới, có đại diện của đông đảo các giáo dân của các địa phận Pháp cũng như của các cộng đoàn công giáo Á châu sinh sống tại Pháp, trong đó có Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam.
Nhiều phần trong thánh lễ đã được cử hành bằng ngôn ngữ Á châu, bài đọc một và những lời nguyện trước và sau truyền phép. Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã đọc lời nguyện nhớ đến những kẻ đã qua đời bằng tiếng việt nam. Những bài đọc và những lời nguyện đã do các cha sinh viên Á Châu thi hành. Phần dâng lễ đã được đại diện các cộng đoàn công giáo Á châu tại Pháp tiến dâng: Việt Nam, Trung Hoa, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Lào, Cao Miên, Mã Lai, Nam Dương,…

Lời cám ơn Cộng đoàn và Tạ Ơn Chúa của Cha Bề Trên Tổng Quyền. Các giáo dân và quan khách đã vào nhà thờ. Các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và linh mục đã an tọa. Trước khi cử hành thánh lễ, cha Gioan Baotixita ETCHARREN, Bề trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris đã ngỏ lời cám ơn.

Cám ơn Ðức Hồng Y André Ving-Trois đã nhân lời đến chủ tế Thánh Lễ tạ ơn hôm nay cũng như đã chủ tế thánh lễ Khai Mạc Năm Hồng Ân, lê Ba Vua, ngày 06 tháng 01 đầu năm 2008. Và qua ĐHY, chúng con xin cám ơn Giáo Hội Pháp, và đặc biệt là Tổng Giáo Phận Paris, về sự giúp đỡ tận tâm và rộng lượng đã dành cho Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris trong những bước đầu. Từ Roanne, cha Đắc Lộ đã được Đức Cha de Maupas dẫn lên giới thiệu với Hội Thánh Thể (Compagnie du Saint-Sacrement), Vua Louis XIII, hoàng hậu Anne d’Autriche, công tước Vantadour. Thánh Vincent de Paul, nhà giảng thuyết lừng danh Bossuet, Nữ Công Tước d’Aiguillon, cha de Lingendes, cha Charles Lalemant, cha Jean Bagot,…Nhờ những giúp đỡ này, một số linh mục trẻ ưu tú của Giáo Hội Pháp đã dấn thân đáp lại tiếng gọi truyền giáo, lập nên Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Cám ơn các Ðức Giám Mục các địa phận Pháp đã gửi các linh mục đến Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris để tiếp tục công việc truyền giáo. Cám ơn tất cả những ai, đã cách này cách nọ giúp làm cho đời sống và sinh hoạt của Hội Thừa Sai được tiếp tục và phát triển phong phú. Ðặc biệt cám ơn những vị đã góp công vào việc đào tạo linh mục tại Chủng Viện Thừa Sai và tại Ðại Học Công Giáo Paris.

Cám ơn Đức Hồng Y Yvan Dias, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Phúc Âm cho các Dân Tộc. Được thành lập vào ngày lễ Ba Vua 06.01.1622 do ÐGH Grégoire XV, Thánh Bộ Truyền Giáo, tiền thân của Thánh Bộ Truyền Giảng Phúc Âm cho các Dân Tộc hiện nay, có sứ mệnh truyền bá đức tin, đã đưa ra một đường hướng mới về truyền giáo và đặc biệt quan tâm đến việc thiết lập hàng giáo sĩ địa phương. Thánh Bô đã đóng góp rất nhiều vào việc thành lập, tổ chức và cải tiến Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Nhờ Thánh Bộ đề nghị mà Đức Thánh Cha Alexandre VII đã bổ nhiệm cha François Pallu và cha Pierre de la Motte làm đại diện tông tòa trong các sở truyền giáo Á Châu, và qua đó Hội TSHN Paris đã được thành lập vào năm 1658. Nhờ Thánh Bộ chỉ dẫn mà các thừa sai tiên khởi của Hội TSHN Paris đã thực hiện được việc rao giảng tin mừng một cách thích ứng, hữu hiệu và liên tục cải tiến. Xin Cám ơn Thánh Bộ và xin Đức Hồng Y Tổng Trưởng chuyển lên Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI lòng trung thành va hiếu thảo của chúng con.

Cám ơn Đức Ðức Cha Fortunato Baldelli, Khâm Sứ Toà Thánh tại Paris. Đức cha Bagny, Khâm Sứ Tòa Thánh tại Paris vào đầu những năm 1650 là một trong những người đã góp phần giúp đỡ thành lập Hội TSHN Paris. Vài năm sau, khi phái đoàn cha François Pallu và Vincent de Meur đến Lamã vào năm 1657, Đức cha Bagny, đã trở thành Hồng Y và làm việc tại Giáo Triều, đã tiếp đón và giúp đỡ tận tình. Xin cám on Toà Khâm Sứ Paris đã luôn tiếp tục giúp đỡ Hội TSHN Paris.

Cám ơn các Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục Á Châu. Trên 30 vị từ khắp các Giáo Hội Á châu: Nhật bản, Đại Hàn, Đài Loan, Việt Nam, Ai Lao, Cao Mên, Thái Lan, Miến Điện, Nam Dương, Ấn Độ, Madagascar,… đã đến cùng dâng LỄ TẠ ƠN với chúng con. Nguyên sự hiện diện của các Ngài cũng đã là một biến cố hạnh phúc cho chúng con rồi. Từ 350 năm trước đây, phát xuất từ Paris, hơn 4500 thừa sai đã đến quê hương của các Ngài để rao truyền Phúc Âm. Hạt giống tốt, người gieo giống khoẻ đã gặp được đất tốt. Hạt giống đã nẩy nở và sinh hoa trái tất đẹp hôn nay. Nhưng bao công khó, bao khốn cực, bao bắt bớ, bao bách hại. Bao nhiêu giáo dân Á Châu đã hiên ngang dổ máu mình để làm chứng cho đức tin. Chúng con xin cám ơn các Ngài, và qua các Ngài, cám ơn đồng bào và đồng hương của các Ngài đã từ 350 năm nay, tiếp đón chúng con, những thừa sai hải ngoại Paris. Xin cám ơn các Ngài vẫn còn tiếp đón các thừa sai trẻ cũng như những thanh niên chí nguyện thừa sai.

Cám ơn tất cả các linh mục, tu sĩ, hội dòng và cộng đoàn công giáo đã đến tham dự thánh lễ tạ ơn hôm nay. Đặc biệt cám ơn các cộng đoàn công giáo Á Châu tại Pháp đã đông đảo đến dự lễ.

Tạ Ơn Chúa đã gởi đến Hội Thừa Sai trên 4500 thanh niên, để dâng minh làm thừa sai hải ngọai. Tạ Ơn Chúa đã cho Giáo Hội Pháp trung thành với sứ mệnh truyền giáo. Tạ Ơn Chúa đã cho Các Giáo Hội Á Châu dịp dâng cho Hội Thánh nhiều vị tử đạo. Tạ Ơn Chúa đã cho các thanh niên pháp cùng hiệp thông với những thanh niên kitô Á châu.

Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, do Đức HY Yvan Dias chuyển đọc. Tiếp theo lời của cha Bề trên Tông Quyền Hội Thừa Sai, Đức Hồng Y Andrê Vingt-Trois đã giới thiệu Đức Hồng Y Yvan Dias, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Phúc Âm cho các Dân Tộc, thay mặt Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đến chủ sự buổi lễ. Ngài cũng mang theo một sứ điệp do Đức Thánh Cha gởi Các Thừa Sai Hải Ngoại Paris.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha ngỏ lời cám ơn các cha Thừa Sai Hải Ngoại Paris đã đi Á Châu rao giảng Tin Mừng. Nhờ các ngài mà các linh mục địa phương đã được đào tạo và truyền chức, nhờ đó, Giáo Hội địa phương đã được thành lập với hàng giáo sĩ địa phương, và ngày nay, với hàng giáo phẩm địa phương.

Trên đường đi và truyền giáo ở Á Châu, Các Thừa Sai Hải Ngoại Paris đã gặp rất nhiều khó khăn, đã bị ngăn cấm, đã phải hy sinh rất nhiều, có khi hy sinh đến cả mạng sống. Nhưng không nản chí, các ngài đã dậy giáo lý, đã chia sẻ đời sống với dân chúng, đã loan báo về Đức Kitô, đã tôn trọng và hội nhập vào văn hóa địa phương, …Đức Thánh Cha nhiệt liệt cổ võ và khuyến khích tiếp tục công cuộc truyền giáo, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.
Đức Thánh Cha cũng chào mừng ý chí làm chứng đức tin của những giáo dân. Và Ngài phó thác Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris Cho Mẹ Maria. Xin Đức Mẹ che chở và bảo trợ Hội và các Thừa Sai.


Lời chia sẻ Tin Mừng của Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Paris. Nhắc lại Tin Mừng thánh Mátthêu, 9,9-13, kể chuyện Chúa dùng bữa tại nhà Mát Thêu với những người thu thuế và tội lỗi, ĐHY Andrê Vingt-Trois đặc biết nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc thừa sai: « Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi ».

Tất cả những thừa sai của Hội TSHN Paris đều chỉ có một ý muốn nung nấu là đem Chúa Kitô đến cho mọi người trên khắp thế giới. Bất chấp hiểm trở, khó khăn, các thừa sai không đi tìm mạo hiểm, nhưng đi rao giảng Tin Mừng. Các ngài đi đến khắp mọi dân nước, học hỏi ngôn ngữ và văn minh của họ, rồi giới thiệu với họ về Chúa Kitô.

Làm việc truyền giáo, các thừa sai không khinh khi hay ruồng bỏ những kinh nghiệm, văn hóa, thói tục của những người địa phương. Nhưng các ngài cũng không quên nói lên cái nét đặc biệt của đức tin công giáo: tin vào Chúa Kitô, tin vào sự sống lại của Ngài, cậy vào sức mạnh thiêng liêng của Chúa, sức mạnh mà Chúa Thánh Linh ban cho các ngài được hưởng, đồng thời giúp các ngài làm chứng.


18 giờ 30, đoàn mục tử hành lễ tiến vào nhà thờ. Hai tiếng cùng cầu nguyện, cùng chia sẻ và cùng nhau tạ ơn Chúa. 20 giờ 30 đoàn hành lễ đi ra. Trên đường về nhà mặc áo, nhiều giáo dân xếp hàng hai bên đường cung tiễn. Nhiều người lợi dụng dịp may, đến chào kính hay thưa chuyện cùng chủ chăn của mình.

Năm Hồng Phúc kỷ niệm 350 năm thành lập hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, 1658-2008, đã đi được gần một nửa. Từ nay theo chương trình tiên liệu, chỉ còn lại những việc chính yếu sau đây:
• Triển lãm về « Các Sở Thừa Sai Hải Ngoại ở Á Châu: 350 năm lịch sử và mạo hiểm», tại 128 rue du Bac, 75007 Paris. Mở cửa từ thứ ba đến chủ nhật, từ 14 đến 18 giờ. Cho đến ngày 29 tháng 06 năm 2008.
• Thứ bảy 21.06.2008, 20 giờ 00: Vũ Ấn độ, do nhóm Nrityavani ở Bangalore thực hiện; ở ME. Vào cửa tự do.
• Từ thứ tư 01.10.2008 đến thứ hai 06.10.2008: Triển lãm di sự của Thánh Nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu ở nhà nguyện ME. Mở cửa từ 7 đến 18 giờ mỗi ngày. Vào cửa tự do.
• Chủ nhật 12.10.2008, 11 giờ: Lễ truyền hình ngày thế giới cầu nguyện cho các Thừa Sai ở nhà nguyện ME. Ban hợp xướng « Alessandra Lupidi » hát lễ.
• Chủ nhật 04.01.2009, 10 giờ, lễ kết thúc Năm Hồng Ân. Lễ truyền thanh trên Ðài France-Culture.

Paris, ngày 10 tháng 06 năm 2008
 
Hiện tình Giáo Hội Công Giáo Ucraine và cuộc đối thoại đại kết
Linh Tiến Khải
20:08 10/06/2008
VATICAN - Trong các ngày 23 đến 26-5-2008 Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã viếng thăm Ucraine và chủ sự lễ phong chân phước cho nữ tu Marta Wiecka, một người con anh hùng của đất nước này. Trong 4 ngày lưu lại Ucraine Đức Hồng Y đã viếng thăm hai giáo phận Lvov và Kiev cũng như hội kiến với tổng thống Yushenko và Phó thủ tướng Nemyria.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng hôm 29-5-2008, liên quan tới vị thế của Ucraine trong cuộc đối thoại đại kết.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y vừa mới viếng thăm Ucraine trong vòng 4 ngày về. Tại sao trong chuyến viếng thăm Đức Hồng Y lại gọi Ucraine là cầu nối giữa Tây Âu và Đông Âu?

Đáp: Bởi vì thực ra Ucraine có thể có một vai trò quan trọng vì nó là điểm gặp gỡ, là ngã tư giữa các nền văn hóa Đông Phương và Tây Phương. Để lấy lại kiểu nói của Đức Gioan Phaolo II, Giáo Hội - không phải chỉ có Giáo Hội, mà cả Âu châu nữa - phải thở bằng hai lá phổi Đông và Tây. Chính năm nay kỷ niệm 1020 năm rao giảng Tin Mừng lần đầu tiên cho người Rus ở Kiev, và từ đó sang Đông Phương và đã đặt các nền tảng cho gốc rễ Kitô như là chất mầu mỡ làm thành sự hiệp nhất giữa các dân tộc Đông Phương và Tây Phương. Các gốc rễ Kitô đã được lấy lại và nhấn mạnh, không phải chỉ từ phía các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô, mà cũng còn từ phía chính quyền trong ý thức về căn cước Kitô nữa.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, giữa các tín hữu công giáo Ucraine và các tín hữu công giáo Tây Âu có sự hiểu biết lẫn nhau đầy đủ không?

Đáp: Đây là vấn đề thực tế. Những người có tuổi vẫn nhớ tới cuộc sống anh hùng của Đức Hồng Y Slipyj, là một chứng nhân lòng tin lớn của Ucraine. Ít nhất một vài giai thoại trong lịch sử tôn giáo, của lòng trung thành của người dân Ucraine đối với lòng tin Kitô, đặc biệt đối với Giáo Hội Công Giáo, đều hiện diện trong ký ức của biết bao nhiêu người. Hiện nay tôi không rõ là có sự hiểu biết đích thật hay không. Có lẽ cũng có ký ức về nạn đói trong các năm 1932-1933, mà trên bình diện lịch sử có người giải thích như là một hình phạt đối với người dân Ucraine và đối với các dân tộc khác.

Cả ký ức này cũng đã đi vào các sách lịch sử. Tôi cầu mong rằng các Giáo Hội và các xã hội Tây Âu hiểu biết lịch sử này hơn. Ngày xưa người ta nói rằng Ucraine là vựa lúa của Âu châu; người ta hay nói tới các cánh đồng lúa mênh mông và các mùa gặt của Ucraine. Thế rồi xảy ra vụ nổ lò nguyên tử tại Chernobyl. Tuy nhiên, không được biết Ucraine chỉ vì biến cố này mà thôi, mà cần phải biết tới phẩm giá của Ucraine là một dân tộc có một nền văn hóa rất lớn, và đã trung thành với các giá trị Kitô có lẽ hơn các dân tộc khác, và hiện nay đang đối diện với Âu châu với cùng phẩm giá và các tài nguyên, mà chúng ta tất cả phải đánh giá cao.

Hỏi: Trong các diễn văn, Đức Hồng Y hay nhắc tới chứng tá của các vị tử đạo và lấy đó làm gương cho các Kitô hữu ngày nay. Có các lý do lo lắng mục vụ nào đối với việc nhấn mạnh như thế không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trước hết có một lý do lịch sử. Cả tại Ucraine cũng như tại nhiều quốc gia khác thuộc khối cựu Liên Xô, đã có các vị tử đạo vì lòng tin, các vị tử đạo nổi tiếng của thế kỷ XX, công giáo cũng như chính thống. Tại Ucraine đã có mưu toan triệt hạ tất cả mọi Giáo Hội, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp, trong khi Giáo Hội Công Giáo Latinh mặc dù cũng phải gánh chịu các đau khổ lớn lao dưới chế độ cộng sản, nhưng cũng đã có được các ánh sáng của tự do và vì thế có thể hoạt động và diễn tả niềm tin của mình. Thế rồi một cách đặc biệt cần phải làm sống dậy ký ức cho ngày nay nữa, vì hồi đó đã có việc bách hại công khai. Ngày nay cũng có sự tấn kích nhưng tinh tế hơn: đó là sự tấn kích của khuynh hướng thờ ơ và của chủ thuyết tiêu thụ.

Bức tường Berlin đã sụp đổ, chế độ cộng sản đã sụp đổ, nhưng vẫn còn có các vấn đề thách đố lòng tin. Và chúng đòi hỏi phải có nhiều can đảm và dấn thân lớn hơn nữa trong việc làm chứng tá cho lòng tin Kitô và sống kinh nghiệm cuộc sống Kitô đích thực.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y trong chuyên viếng thăm Uracine vừa qua, Đức Hồng Y cũng đã nhấn mạnh nhiều trên dấn thân đại kết. Đức Hồng Y đã nói với tín hữu công giáo hay với cả các tín hữu chính thống nữa?

Đáp: Trước hết tôi đã đề cập tới dân thân đại kết với tín hữu công giáo, mặc dù tôi cũng đã gặp gỡ các vị lãnh đạo và các đại diện chính thống, trong các lễ nghi công giáo. Đây là điều có giá trị đối với tất cả mọi người, vì nỗ lực tạo dựng hiệp nhất, tạo ra nền tảng cho sự hiệp nhất, đồng quy hướng về các mục tiêu chung dựa trên chính niềm tin chung, là một giả thiết không thể thiếu cho công tác tái rao giảng Tin Mừng và cho sự hữu hiệu của chứng tá của tất cả mọi Giáo Hội và cộng đoàn Kitô, trong sự khác biệt nhưng trong cùng lòng tin vào Chúa Kitô.

Hỏi: Trên bình diện tôn giáo và dân sự Đức Hồng Y có nhận ra các lý do tin tưởng và các dấu chỉ đối với một sự hiện diện hiệp nhất và ít xung khắc hơn giữa các tín hữu công giáo và các tín hữu chính thống hay không?

Đáp: Tôi phải nói rằng tôi đã gặp gỡ một Giáo Hội sinh động, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo với các thành phần khác nhau, một Giáo Hội hăng say và tham gia tích cực. Các vị lãnh đạo cũng đã nói cho tôi biết là bên Ucraine các nhà thờ đều chật ních tín hữu tham dự các lễ nghi phụng vụ. Và qủa thế, tôi đã sống kinh nghiệm đó trong các cuộc găp gỡ của tôi, như dịp lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô với cuộc rước kiệu dọc theo các đường phố Kiev, cũng như trong thánh lễ phong chân phước cho nữ tu Marta Wiecka, được tín hữu công giáo cũng như chính thống sùng mộ. Chị là chứng nhân của tình bác ái anh hùng và là một điểm gặp gỡ giữa các tín hữu công giáo và chính thống và kể cả những người không tin. Đây đã là một dấu chỉ của sự hiệp nhất rồi, một dấu chỉ của căn cước chung. Vì thế tôi đã tìm thấy rất nhiều dấu chỉ tích cực: dấu chỉ của sự đối thoại, của sự gắn bó với con tim của Giáo Hội Công Giáo, là Đức Giáo Hoàng, đặc biệt với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI; và trong các cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo đặc biệt là giới lãnh đạo chính thống Nga, vì tôi đã gặp Đức Tổng Giám Mục Volodimir và tôi cảm nhận được ước mong hiệp nhất. Tất cả đều nói tới sự cần thiết phải có các bước cụ thể chung. Tuy vẫn còn có các khó khăn, nhưng đã có các bước tích cực trong việc đối thoại để đồng quy về một vài đề tài. Chẳng hạn như liên quan tới vấn đề giáo dục, đào tạo. Chúng tôi cũng nói với Đức Tổng Giám Mục chính thống về đề tài nên thánh. Và các anh em chính thống đã hỏi tôi về các tiến trình xin phong chân phước và phong thánh của Giáo Hội Công Giáo, bằng cách đối chiếu với các tiến trình của Giáo Hội Chính Thống. Đó là một số đề tài cho thấy sự đồng quy và ước muốn chia sẻ một số các phương pháp và mục đích cuối cùng với nhau.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y một sự hòa hợp tốt giữa các Kitô hữu Ucraine, bằng cách thắng vượt các xung khắc lịch sử, có khiến cho cuộc đối thoại giữa Roma và Matscơva được dễ dàng hơn không?

Đáp: Chúng tôi đang trong tiến trình đối thoại với Giáo Hội Chính Thống Nga, với Đức Thượng Phụ Matscơva. Tôi đã có các cuộc gặp gỡ với Giáo Hội Chính Thống Nga tại Azerbaizan, và giờ đây tôi đã có các cuộc gặp gỡ tại Kiev. Đây là các dấu chỉ tích cực. Xem ra chúng tôi đang ở trong giai đoạn đối thạoi cởi mở, với các cuộc gặp gỡ thường xuyên. Trong các ngày vừa qua Đức Hồng Y Kasper cũng đã đến Matscơva trong tư cách là Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh thăng tiến hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Dĩ nhiên là chúng ta tất cả đều chờ đợi cuộc găp gỡ nổi tiếng giữa Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Matscơva, khi nào Chúa muốn và khi sẽ có tất cả các điều kiện thuận lợi. Một vài giới chức chính thống của nhiều nước Âu châu đang công khai thúc đẩy để có cuộc gặp gỡ này. Đã có các sự kiện tích cực ngoài việc dịch các tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II ra tiếng Nga. Và việc phân phát các tài liệu này, cho phép hiểu biết tư tưởng của Giáo Hội Công Giáo nhiều hơn, trong lãnh vực tín lý cũng như luân lý, không phải chỉ trên bình diện luân lý cá nhân, mà cả luân lý xã hội và luân lý quốc tế nữa. Thế rồi cũng có việc dịch cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ra tiếng Nga, với một loại thỏa thuận nào đó với Giáo Hội Chính Thống, và sau cùng là việc dịch cuốn Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo ra tiếng Ucraine và tiếng Nga. Đây là một sự kiện tích cực cho phép hai Giáo Hội xích lại gần nhau một cách hòa bình trên bình diện văn hóa, một cách tinh túy, nghĩa là trực tiếp, và như thế hiểu biết nhau và chia sẻ với nhau. Chúng tôi cũng biết là Giáo Hội Chính Thống đang soạn thảo cuốn giáo lý xã hội của mình.

Hỏi: Cuộc hội kiến của Đức Hồng Y với tổng thống Viktor Yushenko và với phó thủ tướng Gregory Nemyria có đem lại các kết qủa cụ thể nào không?

Đáp: Chuyến viếng thăm Ucraine đã được tổ chức một cách đặc biệt cho lễ phong chân phước cho nữ tu Marta Wiecka, rất được mọi người yêu mến và tôn sùng và được chính quyền nhắc tới. Hiện diện trong lễ phong chân phước có chính quyền Lvov và các đại biểu của các cơ cấu quốc gia. Gương mặt của nữ tu Marta lôi cuốn và hiệp nhất tất cả mọi người. Tôi đã có các cuộc gặp gỡ lâu giờ với tổng thống Cộng Hòa Ucraine và với Phó thủ tướng. Trong các bài diễn văn, nhân danh Tòa Thánh, tôi cũng đã nhấn mạnh trên trên các nỗ lực tích cực của chính quyền, của các giới chức lãnh đạo Ucraine để thăng tiến nền dân chủ trong nhiều môi trường khác nhau, cũng như ý chí thừa nhận các quyền con người, sự tự do tôn giáo, sự bình đẳng giữa các Giáo Hội Kitô, và việc phát huy một đường lối chính trị trợ giúp gia đình.

Dĩ nhiên tôi cũng tái khẳng định rằng Tòa Thánh không phải là một quyền lực chính trị, không hành động như một quyền lực chính trị. Tòa Thánh thi hành sứ mệnh tinh thần của mình với quyền bính luân lý. Vì thế cả trong vấn đề đặc thù của việc hội nhập vào Liên Hiệp Âu châu cũng phải duyệt xét việc chu toàn các điều kiện do Liên Hiệp đề ra. Tuy nhiên tôi thấy xem ra Ucraine có thế đứng tốt, bằng chứng mới nhất là Ucraine đã được chọn vào Ban cố vấn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Và điều này dĩ nhiên không chỉ là việc thừa nhận Ucraine, mà cũng có nghĩa là trao phó cho Ucraine trách nhiệm thăng tiến và tôn trọng các quyền con người. Và uy tín phải đến từ phía chính quyền Ucraine trước cộng đồng quốc tế.

Hỏi: Trong bối cảnh này, Ucraine có cảm tưởng gì trước thái độ của nhiều nước Âu châu đối với người di cư, kể cả người di cư từ các nước Đông âu thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trong các cuộc tiếp xúc tôi cũng đã đề cập tới vấn đề di cư. Người ta cũng đã đưa ra câu hỏi tại sao tại Italia có nhiều người Ucraine, và tại sao nhiều hãng xưởng Italia lại hoạt động bên Ucraine. Trước khi rời Ucraine tôi đã có dịp dùng bữa tối với nhiều vị đại sứ và với một phần của ngoại giao đoàn. Đại sứ Italia tại Kiev đã nói về các công nhân Ucraine và kinh nghiệm hãng xưởng Italia hoạt động bên Ucraine một cách rất tích cực. Tại Genova tôi cũng có kinh nghiệm tốt đối với cộng đoàn Ucraine đông đảo tại đây. Chúng tôi đã dành một giáo xứ cho họ và họ có cha sở riêng.

Cộng đoàn Ucraine đã hội nhập xã hội một cách khá tốt đẹp, mà không gây ra vấn đề như các nhóm người di cư khác. Cần phải lượng định từng nhóm một, để xem ai đến để làm việc thực sự, với căn cước văn hóa và tôn giáo, và giúp đỡ các anh chị em di cư đang sống trong một quốc gia và một nền văn hóa khác.

Dĩ nhiên chúng tôi cũng đã đề cập đến sự trợ giúp văn hóa trong việc giáo dục đào tạo cần cung cấp cho các cộng đoàn và các thế hệ tương lai. Chúng tôi cũng đế cập đến đại học công giáo Lvov và nền giáo dục công giáo với chính quyền thành phố này. Chính quyền thừa nhận vai trò đào tạo của Giáo Hội Công Giáo và các cơ cấu giáo dục của Giáo Hội, mà họ rất ngưỡng mộ. Tại Kiev có một Học viện cao học tôn giáo, là học viện Thánh Toma có các sinh viên công giáo, chính thống và cả người không tin nữa. Sự kiện chính quyền không chỉ thừa nhận vai trờ của các cơ cấu cao học đào tạo, văn hóa của Giáo Hội mà còn muốn yểm trợ các cơ cấu này nữa, là điều rất tích cực.

Hỏi: Trong các cuộc hội kiến Đức Hồng Y có nhận thấy các dấu vết của thảm cảnh chết đói tại Ucraine trong các năm 1932-1933 hay không?

Đáp: Nạn đói Holodomor đã là một thảm họa kinh khủng, mà người dân và chính quyền Ucraine không thể nào quên được, vì nó đã khiến cho hàng triệu người phải chết. Theo các sử gia và xác tín của chính quyền người ta đã cố ý tạo ra nạn đói này để tiêu diệt nhân dân Ucraine. Vì thế giờ đây chính quyền, chính tổng thống và nhân dân Ucraine đòi phải điều tra về nạn đói đó với các ủy ban nghiên cứu, với sự trợ giúp của Giáo Hội Công Giáo và Tòa Thánh. Các nghiên cứu và chia sẻ tìm tòi lịch sử sẽ liên quan tới toàn lịch sử Ucraine, cũng như việc dựng lại ký ức của mọi nước có tương quan với Tòa Thánh và đặc biệt với các Giáo Hoàng. (RG 29-5-2008)
 
Đức Giáo Hoàng khuyến khích đừng bỏ Thiên Chúa qua một bên
Bùi Hữu Thư
20:09 10/06/2008

Đức Giáo Hoàng khuyến khích đừng bỏ Thiên Chúa qua một bên



Diễn từ cho Giáo Phận Rôma về việc tìm ý nghĩa cho đời sống

VATICAN 10 tháng 6, 2008
– Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nói, nếu nhân loại muốn có hy vọng và tìm được ý nghĩa cho cuộc sống, họ cần phải lấy Chúa ra khỏi "hai móc kép".

Đức Giáo Hoàng khẳng định như vậy hôm nay tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Gioan Latêranô khi ngài khai mạc nghị hội của Giáo Phận Rôma. Biến cố này sẽ tiếp diễn cho hết ngày Thứ Năm và tập trung vào chủ đề: "Chúa Giêsu đã sống lại: Giáo Dục về Hy Vọng trong Cầu Nguyện, Hành Động, và Chịu Đựng Đau Khổ. "

Đức Giáo Hoàng đề cập đến vấn đề niềm hy vọng Kitô giáo, và giải thích rằng, "một cách nào đó, niềm hy vọng này có liên quan đến từng cá nhân chúng ta, […] nhưng cũng là một niềm hy vọng chung cho cả cộng đồng, một niềm hy vọng cho Giáo Hội và cho toàn thể gia đình nhân loại."

Ngài nói, "Trong xã hội và văn hóa hiện hành, và ngay trong thành đô yêu quý Rôma của chúng ta, khó có thể sống trong một bầu khí của hy vọng Kitô giáo. Có một cảm tưởng đang lan tràn khắp nước Ý và Âu Châu, là những năm tuyệt hảo đã qua đi và một tương lai không vững vàng và không chắc chắn đang chờ đợi các thế hệ mới"

Đức Giáo Hoàng tiếp, "Ngoài ra, những hy vọng về những gì mới mẻ lại chỉ tập trung vào khoa học và kỹ thuật. Tuy nhiên, khoa học và kỹ thuật không thể đem lại ý nghĩa cho đời sống chúng ta và dạy chúng ta biết phân biệt sự dữ và sự lành. Thực vậy, như tôi đã viết trong Tông Huấn 'Spe Salvi,' khoa học không giải cứu con người: con người được cứu chuộc bởi tình yêu, và điều này vẫn còn áp dụng trong thế giới hiện đại."

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI than rằng "nền văn minh và văn hóa của chúng ta [...] cũng thường đem Thiên Chúa bỏ vào trong hai móc kép, để tổ chức đời sống cá nhân và xã hội không có Chúa, để nói rằng không có gì được biết đến về Chúa, và từ chối sự hiện hữu của Người. Nhưng khi Thiên Chúa bị bỏ qua một bên, [...] tất cả mọi niềm hy vọng của chúng ta dù lớn hay nhỏ đều không được dựa trên một căn bản nào.

"Do đó, muốn cho có thể ‘giáo dục về hy vọng’ – như chúng ta đã đề nghị trong Nghị Hội này và trong niên khoá tới – trước hết, chúng ta cần mở con tim, trí óc và tất cả đời sống của chúng ta cho Thiên Chúa, hầu chúng ta có thể trở nên những chứng nhân đáng tin cậy của Người giữa nhân loại."
 
Giám mục Thượng phụ Giêrusalem nhận định về hiện tình Thánh Địa
Linh Tiến Khải
20:10 10/06/2008
Một số nhận định của ĐC Fouad Twal, GM Phó Đức Thượng Phụ Latinh Giêrusalem, về tình hình Thánh Địa

Ngày 12 tháng 5 vừa qua Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã kêu gọi hòa bình và an ninh cho người do thái cũng như cho người palestine và tín hữu kitô tại Thánh Địa. Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến ông Mordechai Lewi, tân đại sứ Israel cạnh Tòa Thánh tới trình ủy nhiệm thư. Trong bài diễn văn chào mừng ông tân đại sứ Đức Thánh Cha đã cầu mong Thánh Địa có hai quốc gia Israel và Palestine, độc lập và hòa bình, làm sao để chấm dứt tình trạng kitô hữu di cư ra nước ngoài sinh sống. Đức Thánh Cha kêu gọi các giới hữu trách làm vơi nhẹ các khổ đau mà cộng đoàn Palestine đang phải gánh chịu, bằng cách cho họ sự tự do cần thiết cho công ăn việc làm hợp pháp, tự do lui tới các nơi thánh để cầu nguyện, được hưởng nhiều hòa bình và an ninh hơn. Dĩ nhiên các vấn đề này cần được đương đầu trong bối cảnh rộng rãi hơn của tiến trình hòa bình cho toàn vùng Trung Đông.

Riêng đối với Giáo Hội Công Giáo và các kitô hữu Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cầu mong cho các vấn đề kinh tế và tình trạng thuế khóa mau chóng có giải pháp tích cực. Ngài yêu cầu chính quyền Israel thừa nhận tình trạng pháp lý của các cơ cấu Giáo Hội, dễ dãi trong việc cấp chiếu khán cho các nhân viên của Giáo Hội đặc biệt là hàng giáo sĩ tu sĩ Palestine. Đức Thánh Cha hy vọng ông tân đại sứ sẽ làm tất cả những gì có thể để tìm ra giải pháp cho các vấn đề còn tồn đọng. Chỉ khi nào các khó khăn này được thắng vượt, Giáo Hội mới có thể tự do chu toàn sứ mệnh tôn giáo, giáo dục luân lý và bác ái trong quê sinh của mình.

Đề cập tới tình trạng kitô hữu giảm sút tại vùng Trung Đông Đức Thánh Cha nói họ không phải là những người duy nhất phải đau khổ vì các tình trạng thiếu an ninh và bao lực do các xung khắc trong vùng gây ra, nhưng họ dễ bị tổn thương hơn. Vì các tương quan tốt đẹp của kitô hữu đối với người do thái và người hồi, ngài cầu mong sự hiện diện của họ tại Israel có thể góp phần chữa lành các chia rẽ giữa hai cộng đoàn.

Đức Thánh Cha cũng không quên chúc mừng 60 năm thành lập quốc gia Israel, ngài cảm tạ Chúa đã cho dân Do thái thực hiện được các khát vọng có một mài ấm trên quê cha đất tổ của họ xưa kia. Tất cả mọi dân tộc đều có quyền sống trong an ninh hòa bình và thịnh vượng, mà không bị kỳ thị và bài xích dưới bất cứ hình thái nào.

Tuy nhiên tình hình tại Thánh Đại lại căng thẳng, vì ngày mùng 1 tháng 6 vừa qua chính quyền Israel lại quyết định xây thêm 884 căn nhà mới trên vùng đất của người Palestine ở mạn Đông Gierusalem. Tổng thống Mahmoud Abbas đã mạnh mẽ phản đối quyết định này. Bà Dana Perino, phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc, tuyên bố rằng: việc xây cất các làng mạc mới khiến cho các căng thẳng gia tăng, và không tạo tin tưởng cho người Palestine khi họ ngồi vào bản hòa đàm.

Ông Ban Ki Moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, bầy tỏ lo âu vì việc xây thêm các làng trên đất của người Palestine là trái với luật quốc tế, cũng như trái với thỏa hiệp Bản đồ con đường ký kết tại Annapolis.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Fouad Twal, Giám Mục Phó Đức Thượng Phụ Latinh Giêrusalem, về tình hình Thánh Địa. Đức Cha Twal sinh trưởng tại Giordania năm 1940, nguyên Tổng Giám Mục Tunisi và Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Bắc Phi châu. Là Giám Mục Phó với quyền kế vị Đức Thượng Phụ Michel Sabah, Đức Cha Twal đã từng theo học tại đại chủng viện Beit Jala, gần Giêrusalem và đã là cha xứ Ramallah, nên là người rất am hiểu tình hình và thảm cảnh của Thánh Địa. Đức Cha cũng đã làm việc trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh và có một người em gái họ là nữ tu bị bắt buộc phải rời tu viện trong dải Gaza, khi các lực lượng Khamas tấn công tu viện này.

H: Thưa Đức Cha, từ bao thập niên qua người ta đã cố gắng tìm thực hiện giải pháp hai quốc gia láng giềng, độc lập và hòa bình là nước Israel và nước Palestine. Nhưng hiện giờ chúng ta đang đứng trước một tình trạng mâu thuẫn là hai chính quyền Palestine đối đầu với nhau. Đức Cha nghĩ sao?

Đ: Vâng, chúng tôi tất cả đều rất lo âu: những gì đang xảy ra không ở trong hướng đi đúng đắn. Nhưng cũng nên lồng khung những gì mới xảy ra sau này vào trong viễn tượng chung. Hiện nay mọi người đều ca ngợi tổng thống Mahmoud Abbas và muốn trợ giúp ông. Ông là vị lãnh đạo giỏi và là người hòa hoãn hơn người ta tưởng nghĩ rất nhiều. Nhưng không biết tại sao người ta lại đã không trợ giúp ông, khi quyền bính của ông vững chắc hơn. Tại sao Hoa Kỳ, Israel và các nước Âu châu lại thúc đẩy ông tới các cuộc bầu cử hồi tháng giêng năm 2006, mà biết là ông chỉ thua chứ không thắng được?

H: Liên quan tới các cuộc bầu cử hồi đó, trong vùng Bếtlêhem, Beit Jala, Beit Shahur là nơi quy tụ tới 50% kitô hữu sống trong các vùng đất của chính quyền Palestine. Tại sao lực lượng Khamas lại chiếm được nhiều phiếu như vậy? Đức Cha giải thích sự kiện này ra sao?

Đ: Tôi giải thích bằng điều tôi vừa nói. Chúng ta muốn tin rằng các kitô hữu sống trong các vùng này cũng cuồng tín như các chiến binh của lực lượng Khamas hay sao, trong khi một năm trước đó họ đã bỏ phiếu cho đảng Al Fatakh. Dĩ nhiên là không rồi. Thực ra trong vòng một năm trời họ đã không có chính phủ, và họ thất vọng vì không biết phải hướng tới ai. Chính vì thế họ thấy rằng những người hòa hoãn đã không làm được gì cụ thể cả. Do đó họ nói: với những người này chúng ta không được cái gì cả. Vậy thì hãy thử với các thành phần Khamas điên loan xem sao. Vì thế theo tôi, thay vì chỉ trích khuynh hướng hồi giáo cuồng tín, và sợ hãi các thành phần qúa khích, thì hãy trợ giúp các người có khuynh hướng hòa hoãn, hãy cho họ cơ may cai trị và thực hiện một cái gì cụ thể, vì người dân luôn theo những ai có thể cống hiến cho họ công ăn việc làm, để cho họ có thể sống một cách xứng đáng. Sợ hãi khuynh hướng hồi giáo qúa khích, mà không làm điều duy nhất thực sự giúp đánh bại được nó, thì đâu có lợi ích gì. Trái lại còn có nguy cơ trở thành một sự bất thường. Chính sự vắng bóng một Nhà Nước Palestine vững mạnh mở rộng đường cho cho những kẻ mạnh hơn và vô lương tâm, không ngần ngại trước điều gì cả.

H: Đức Cha rất tin tưởng nơi ý tưởng một nước Palestine, có đúng thế không?

Đ: Nếu quốc gia Palestine không nảy sinh, thì chúng tôi sẽ không bao giờ có hòa bình. Đàng khác, họ là 4 triệu người, tại sao họ lại không có quyền có một quốc gia?

H: Nếu quốc gia Palestine mạnh mẽ này có đa số dân theo Hồi giáo, thì quyền lợi của các tín hữu kitô có bị thiệt thòi không thưa Đức Cha?

Đ: Tôi không tin là quyền lợi của các tín hữu kitô bị thiệt thòi. Các anh em hồi giáo palestine ý thức được tầm quan trọng của cộng đoàn kitô tại Thánh Địa. Họ biết rằng Tòa Thánh Vaticăng yểm trợ chúng tôi và Tây Phương hướng nhìn chúng tôi. Khi Đức Thánh Cha đọc bài diễn văn tại Regensburg, bài diễn văn của người đã bị hiểu lầm và có người thích nó bị hiểu lầm như thế và gây ra tình trạng căng thẳng bài tín hữu kitô, thì cả lực lượng Khamas cũng đã gửi binh sĩ tới bảo vệ các nhà thờ kitô ngày đêm, không ngưng nghỉ. Tôi không tin là phải sợ hãi một quốc gia palestine. Nếu chúng tôi có một chính quyền mạnh, thì tất cả chúng tôi đều sống trong hòa bình. Nhưng nếu chúng tôi không có một chính quyền mạnh, thì sẽ xảy ra cảnh hỗn loạn đối với tất cả mọi người.

H: Trên đây chúng ta đã dùng kiểu nói ”phong trào hồi giáo qúa khích”. Đức Cha không sợ hãi nó hay sao? Các tín hữu kitô palestine không sợ nó hay sao? Các tin tức cho biết đã xảy ra nhiều hành động bất khoan nhượng đối với kitô hữu.

Đ: Dĩ nhiên là có chứ. Chúng tôi biết rất rõ là chúng tôi có thể trở thành các nạn nhân đầu tiên, cũng như chúng tôi đang là các nạn nhân của sự bất ổn chính trị của nước Israel.

H: Trong nghĩa nào thưa Đức Cha?

Đ: Một số người hồi, nhất là những người cuồng tín, đặt chúng tôi chung với người tây âu vì chúng tôi là kitô hữu, và theo họ thế giới tây âu là thế giới chống lại các lợi lộc và các quyền của họ. Vì chúng tôi là người A Rập nên người Israel thì đặt chúng tôi chung với người hồi, mà không phân biệt và không hiểu rằng là kitô hữu chúng tôi là yếu tố của sự ổn định và khoan nhượng hữu ích, vì Giáo Hội Công Giáo cảm nghiệm một cách sâu xa sứ mệnh của mình là cầu nối giữa các dân tộc. Tôi xin đơn cử một thí dụ: chỉ trong các trường của Tòa Thượng Phụ Latinh có hơn 20.000 trẻ em và người trẻ theo học, trong đó có một phần ba theo Hồi giáo. Qúy vị có thể hiểu kho tàng của các giao tiếp và khả thể đổi thoại giúp hiểu biết nhau giữa người trẻ. Cần phải thăng tiến sự hiểu biết và đối thoại đó nhiều hơn. Để có thể làm trung gian giữa hai bên, cần phải yêu thương cả hai. Chúng tôi được gắn bó với anh chị em do thái bởi Kinh Thánh và với anh chị em hồi giáo bởi sự kiện chúng tôi hiện diện tại đây 6 thế kỷ trước khi người hồi giáo đến Thánh Địa.

(Avvenire 28-5-2008)
 
Sứ giả của Hòa Bình và Tình Thương
LM. Anphong Trần Đức Phương
23:10 10/06/2008
SỨ GIẢ CỦA HÒA BÌNH VÀ TÌNH THƯƠNG.

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả…” (Lc 1, 49). Trước những lời ca tụng của Bà Elisabet về việc Đức Maria được diểm phúc làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế, Mẹ Maria đã khiêm tốn tạ ơn Chúa và thưa:“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả...”.

Ơn Gọi của Chúa thật là điều kỳ diệu đối với những người Chúa chọn để làm các công việc đặc biệt của Chúa trong Giáo Hội. Đúng là “Không phải vì con Chúa chọn con; nhưng là bí nhiệm tình yêu Chúa!”.

Khi Đức Gioan Phaolô II được bầu lên ngôi Giáo Hoàng (ngày 16-10-1978), cả thế giới ngỡ ngàng. Một con người phải trải qua bao khó khăn thời niên thiếu để tự sinh sống và việc học thật khó khăn, phải “tu chui”, lên được chức Linh Mục là khá lắm rồi, thế mà Thiên Chúa đã dùng Ngài làm bao việc “trọng đại” qua bao chức vụ khác nhau trong Giáo Hội cho đến ngôi vị Giáo Hoàng, và triều đại Giáo Hoàng của Ngài thật dài lâu và thật tuyệt vời.

Áp dụng vào cuộc đời của Đức Đương Kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, từ thời niên thiếu cho đến Ngôi vị Giáo Hoàng, chúng ta cũng thấy Thiên Chúa đã dẩn dắt Ngài một cách thật kỳ diệu. Bản tiểu sử thời niên thiếu của Ngài ghi lại: Vào một buổi sáng ngày Thứ Bảy Tuần Thánh 16 tháng 4 năm 1927, tại làng quê Marktl am Inn( thuộc Giáo phận Passau, miền Bavaria, nước Đức), bà Ratzinger, nhũ danh là Maria Peintner, đã sinh hạ một người con trai mà hai ông bà đặt tên là Giuse Alois Ratzinger và được chịu phép Thánh Tẩy vào chính ngày thứ bảy tuần thánh hôm đó. Cậu là người con thứ ba và là cậu bé út trong gia đình. Anh đầu của cậu là George Ratzinger, và chị gái tiếp theo là Maria Ratzinger. Hai anh em trai đều được Chúa chọn lên chức Linh Mục. Còn người chị gái sống độc thân và đã đi theo để giúp em cho đến khi qua đời vào năm 1991. Cha của cậu là Giuse Ratzinger, Sr. Ông là một sĩ quan cảnh sát thuộc gốc một gia đình nông dân nghèo miền quê vùng Bavaria. Mẹ cậu, trước khi kết hôn, đã làm người nấu ăn cho một số khách sạn trong vùng. Cả hai ông bà đều thuộc gia đình công giáo tốt.

Gia đình Ratzinger đã phải sống rất khó khăn vào thời Đức Quốc Xã. Ông Ratzinger, Sr. chống lại chế độ này, vì thấy nó rất tàn bạo, đi ngược hẳn với đức Bác ái Công giáo. Tuy nhiên, hai người con trai của ông bà, khi lên 14 tuổi, lần lượt vẫn phải bắt buộc ghi danh vào Đoàn Thiếu Niên của Hitler. Nhưng theo tinh thần của bố, hai cậu bé này nhất định không hoạt động tích cực, và không năng đi dự các cuộc họp của đoàn. Các cậu vẫn giữ vững đức tin công giáo và nuôi ơn gọi làm Linh mục; kể cả khi phải bắt đi lính cho chế độ Hitler. Giuse Ratzinger cũng đã bị bắt làm tù binh chiến tranh của quân đội Hoa Kỳ khi Đồng Minh đến giải phóng nước Đức khỏi chế độ tàn bạo Đức Quốc Xã vào năm 1945.

Sau những ngày bình an trở lại trên quê hương, hai cậu con trai đều trở vào Chủng Viện để học và tiếp tục cuộc đời tận hiến cho Chúa. Tạ ơn Chúa, cả hai anh em đã cùng được chịu chức Linh mục vào cùng ngày 29 tháng 6 năm 1951 tại Freising. Lúc đó, Linh mục Joseph Ratzinger mới vừa 24 tuổi. Sau khi chịu chức Linh mục, Cha Giuse Ratzinger được cử làm giáo sư dạy trung học và tiếp tục học hỏi thêm, và đã đậu bằng tiến sĩ Thần học vào năm 1953, rồi tiếp tục là Giáo sư nhiều trường Đại Học nổi tiếng ở Đức để giảng dạy về triết học và thần học. Có một thời gian Cha đã làm Khoa trưởng phân khoa Thần học và tiếp theo là Phó Viện trưởng Đại học Rosensburg.

Ngài có đầu óc thật thông minh và ham học hỏi, đọc sách thật nhiều; nên đã viết nhiều bài báo và tác phẩm rất giá trị, đặc biệt về Thần học và Giáo lý Công giáo... Cũng như Đức Giáo Hoàng Phaolô II, Ngài có khiếu sinh ngữ. Ngài nói thành thạo tiếng Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Latinh; khá rành tiếng Bồ Đào Nha và cũng giỏi về Cổ Ngử Hy Lạp và tiếng Do Thái cổ dùng trong Kinh Thánh. Là một nhà trí thức nổi tiếng ở Âu Châu, Ngài đã được mời vào làm thành viên của nhiều Hàn Lâm Viện Âu Châu. Ngài cũng được kể vào số những nhà trí thức Công giáo nổi tiếng thời đó như Karl Rahner, Hans Kung, Hans Urs von Balthasar, Henri de Lubac... Nhiều trường Đại học đã tặng Ngài Bằng Tiến Sĩ Danh Dự: Đại học Thánh Tôma ở Saint Paul (Minesota, 1984); Đại học Công Giáo Lima (1986); Đại học Công giáo Eichstatt (1987); Đại học Công giáo Lublin (1988); Đại học Công giáo Navarre (1998); Đại học Wroclaw, Balan (2000). Ngài cũng có khiếu về âm nhạc, chơi đàn Piano, và rất thích nhạc của Mozart và Bach.

Ngài cũng là “tư vấn” về Thần học trong Cộng đồng Vaticanô II từ 1962-1965 và giữ các vai trò quan trọng trong Hội đồng Giám Mục Đức Quốc và Ủy Ban Thần Học Quốc Tế.

Vào ngày 25/3/1977, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đặt Ngài làm Tổng Giám Mục Munich và Freising và ngày 27 tháng 6 cùng năm, lại ban cho Ngài phẩm chức Hồng Y. Sau đó Ngài đã dự hai Mật nghị để bầu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1978.

Năm 1981 Đức Giáo Hoàng Phaolo II đặt Ngài làm Tổng trưởng Thánh bộ Đức Tin (1981-2005). Từ đó Ngài từ chức Tổng Giám Mục Munich và trở về Giáo triều Rôma để phục vụ cho đến khi lên Ngôi Giáo Hoàng. Trong thời gian này Ngài đã đóng góp rất nhiều vào các công việc quan trọng của Giáo hội: Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo Giáo lý Công giáo và sau 6 năm làm việc (1986-1992), Ủy ban đã hoàn thành và trình lên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cuốn Giáo Lý Công Giáo mới. Ngài cũng được mời làm thành viên của các Bộ tại Giáo triều Rôma: như Bộ Giáo Hội Đông Phương, Bộ Phượng tự và Kỷ Luật Bí Tích, Bộ Giám Mục, Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, Bộ Giáo dục Công giáo, Bộ Giáo sĩ, Bộ Phong Thánh, Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, Tòa Hòa Giải Tối Cao, Hội Đồng Giáo Hoàng về Các Văn Bản Luật... Ngày 30/11/2002, Ngài được bầu làm chủ tịch Hồng Y Đoàn.

Từ năm 1990, sức khỏe của Ngài bị suy giảm nặng vì làm việc quá nhiều; có những lần bị trụy tim và mắt bị mờ. Vì thế, Ngài xin về hưu với ý định trở về ngôi làng ở Bavaria để tĩnh dưỡng và viết sách. Đã ba lần Ngài đệ đơn xin từ chức; nhưng cả ba lần Đức Giáo Hoàng đều xin Ngài ở lại. Vì vâng lời, Ngài tiếp tục ở lại làm việc. Lạ lùng thay, ơn Chúa lại giúp Ngài hồi phục lại sức khỏe và tiếp tục hăng hái đảm nhiệm các công việc được trao phó. Lạ lùng hơn nữa, khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II băng hà, nhiều tin đồn và báo chí đã đề cập đến tên Ngài vào những vị sẽ được chọn. Phần Ngài chẳng tin rằng mình sẽ được chọn, vì tuổi đã già và sức khỏe không khả quan. Anh của Ngài là Đức Ông George Ratzinger, theo như ngừơi ta kể lại, cũng đêm ngày cầu nguyện xin Chúa đừng chọn người em của mình. Thế nhưng “Chúa đã chọn Người mà Chúa muốn!” và Ngài đã được chọn lên Ngôi Giáo Hoàng vào ngày 19/4/2005, lúc đã 78 tuổi ( Nhớ lại Đức Giáo Hoàng Clêmentê XII, sinh năm 1652, đựơc Chúa chọn lên ngôi Giáo Hoàng cũng vào lúc đã 78 tuổi, và ở ngôi Giáo hoàng đựơc 10 năm, 1730-1740; Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, sinh năm 1881, được Chúa chọn lên Ngôi Giáo Hoàng lúc 77 tuổi, và ở ngôi Giáo Hoàng được 5 năm, 1958-1963). Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo Hoàng thứ 265 trong Giáo hội, và là vị Giáo Hoàng IX gốc người Đức.

Khi được bầu chọn xong, Ngài đã xin vâng theo ý Chúa và đã tâm sự với các vị Hồng y hiện diện: “Tôi đã cầu xin Chúa đừng chọn tôi... nhưng Chúa đã không nhận lời tôi cầu xin!”. Điều trùng hợp tốt lành, là ngày 19/4 lại trùng vào lễ Thánh Leô IX, là vị Giáo Hoàng người Đức (1049-1054), được chọn lên ngôi Giáo Hoàng lúc mới có 47 tuổi, và là vị Giáo Hoàng rất nổi tiếng thời Trung cổ, nổi tiếng về sự thánh thiện và lòng nhiệt thành canh tân Giáo hội; dù Ngài chỉ ở ngôi vị Giáo Hoàng có 5 năm và qua đời vào năm 1054.

Trong lời ngỏ đầu tiên khi vừa được bầu chọn, trước cộng đồng đông đảo đang chờ đợi tại công trường Thánh Phêrô, vị Tân Giáo Hoàng 78 tuổi đã cảm động nói (trước khi ban phép lành đầu tiên cho Thành Rôma và toàn thế giới): “Anh chị em thân mến, sau vị Giáo Hoàng vĩ đại Gioan Phaolô II, các Đức Hồng Y đã chọn tôi, một người thợ đơn sơ, khiêm hạ trong vườn nho của Chúa. Tuy nhiên tôi tự an ủi rằng Chúa biết và Chúa hành động nơi những dụng cụ bất toàn; hơn nữa tôi hoàn toàn phó thác vào lời cầu nguyện của anh chị em. Trong niềm vui Chúa Phục Sinh và với niềm tin mạnh mẽ vào sự trợ giúp của Chúa, chúng ta hãy cùng nhau tiến bước. Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta. Mẹ Maria Chí Thánh của Chúa sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta. Xin cám ơn anh chị em!”.

Trong lời tâm tình đầu tiên với Dân Chúa vào ngày thứ Tư 27/4/2005, Đức Giáo Hoàng nói lên lý do Ngài đã chọn danh hiệu Bênêđíctô (Trong tiếng Latinh chử “Benedictus” có nghĩa là “người được chúc phúc” như trong câu “Benedictus qui venit in nomine Domini! Chúc tụng đấng nhân danh Chúa mà đến!”). Đức Tân Giáo Hoàng nói: “ Trong tâm thức vừa lo âu vừa tạ ơn Chúa, tôi xin bày tỏ cùng quý vị tại sao tôi chọn danh hiệu Bênêđíctô: Trước là để nhớ đến Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV (1914-1922), là vị sứ giả đã rất can đảm trong sứ vụ rao giảng Hòa Bình; Ngài đã khôn ngoan hướng dẩn Giáo Hội Chúa qua thời hỗn loạn của chiến tranh (Thế chiến thứ nhất). Theo chân Ngài, tôi đặt trọng tâm sứ vụ của tôi vào việc phục vụ sự hòa giải và hòa hợp giửa các dân tộc. Hơn nữa tôi chọn danh hiệu Bênêđíctô cũng là để nhớ đến Thánh Bênêđíctô thành Nursia, đồng bổn mạng của Âu Châu, cuộc đời Ngài nói lên cội nguồn Kytô giáo của Âu Châu. Tôi cầu xin Ngài giúp chúng ta nắm vững được Chúa Kytô trong trung tâm điểm đời sống Kytô hữu của chúng ta. Chớ gì Chúa Kytô luôn là điểm quan trọng nhất trong mọi tư tưởng và hành động của chúng ta!”.

Qua Bài “Những lời tâm tình đầu tiên...” (Chúng tôi đã dịch ra và gửi đến quý vị trước đây), chúng ta nhận thấy Ngài rất tôn trọng đường lối của Đức Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II, tiếp tục thi hành những chỉ thị của Cộng Đồng Vaticanô II cho Giáo Hội trong thế giới hôm nay; đặc biệt tinh thần dấn thân phục vụ của các tầng lớp giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân; tinh thần tìm hiểu và liên kết với các anh em “cùng tôn thờ một Chúa Kytô” (Ecumenical efforts); tinh thần hòa hợp và hòa giải giữa các Tôn giáo (Đối thoại liên tôn). Chính vì thế, trong ba năm trên ngôi vị Giáo Hoàng, Ngài đã tiếp tục đi đến gặp gở và cùng cầu nguyện với các Tôn giáo bạn: Chính Thống Giáo, các ngành Tin Lành, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Phật Giáo.v.v...

Tâm tình ‘Chủ Chăn’ của Ngài đặc biệt được biểu lộ trong hai ‘Tông Thư’ (Encyclicals) đã ra đời: Tông Thư ‘Thiên Chúa là Tình Yêu,’ ‘ God is Love’(Lấy trong thơ I Gioan 4,8) ký vào dịp lễ Giáng Sinh 2005 (đặc biệt nhấn mạnh vào tình yêu thương của Chúa với mọi người trong nhân loại ); Tông Thư “Niềm Hy Vọng Cứu Rỗi” (Saved by Hope; lấy trong tư tưởng của Thánh Phaolô ‘Nhờ Đức Cậy, chúng ta được cứu độ!”), đặc biệt nhấn mạnh vào niềm hy vọng cho thế giới “đầy thất vọng” hôm nay, được gửi đi vào ngày 30 tháng 11 năm 2007. Người ta cũng đang chờ đợi Tông Thư Thứ Ba trong triều đại Giáo Hoàng của Ngài: “Thành Thực Yêu Thương” (Charity in Truth); đó là Tông Thư nhấn mạnh về các vấn đề toàn cầu hóa và công bằng xã hội, và tinh thần yêu thương phục vụ.

Tiếp nối tinh thần của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm sau Công Đồng Vaticanô II, đặc biệt Đức Gioan Phaolô II, Ngài đã dành khá nhiều thời giờ để “đến với các Dân tộc”. Ngoài các cuộc viếng thăm mục vụ tại nhiều nơi trong nước Ý (như Bari,2005; Manoppello ‘Pescara,’ 2006; Venora, 2006; Vigevano và Pavia, 2007; Assisi, 2007; Loreto, 2007; Velletri, 2007; Naples, 2007; Savona và Genoa,2008), Ngài đã thực hiện hai cuộc tông du đến Đức Quốc, một lần để chủ tọa Đại Hội Giới TrẻThế Giới ở Cologne (18-21 tháng 8, 2005), một lần để viếng thăm những thành phố nơi Ngài đã sống (9-14 tháng 9, 2006). Ngài đã kính viếng Ba Lan, Quê Hương Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm Gioan Phaolô II (25-28 tháng 5, 2006); Valantia (Tây Ban Nha) dịp Đại Hội Thế Giới về Gia Đình Lần Thứ Năm (ngày 8-9 tháng 7, 2006); Thổ Nhỉ Kỳ (ngày 28/11 đến ngày 01/12/2006); Brazil (ngày 9-14 tháng 5, 2007, dịp Đại hội các Giám Mục vùng Châu Mỹ La Tinh và quần đảo Caribbê); nước Áo (ngày 7-9 tháng 9, 2007, dịp Đại lễ kỷ niệm 850 năm Shrine of Mariazell); Hoa Kỳ và đọc diễn văn tại Trụ sở Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (ngày 15-21 tháng 4, 2008).

Mọi cuộc Tông Du của Ngài đều có những chủ đích đặc biệt và đều rất quan trọng, nhưng đặc biệt quan trọng và được cả thế giới chú ý là cuộc viếng thăm Thổ Nhỉ Kỳ và cuộc viếng thăm Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc.

Cuộc viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ đã gây nên mối lo lắng cho cả Giáo Hội, vì những dọa nạt, chống đối của những nhóm Hồi Giáo quá khích. Cả Giáo Hội đã dâng lời cầu nguyện cho Ngài và mặc dầu nhiều trở ngại, nhưng Ngài cứ lên đường “nhân danh Chúa” và với niềm tin phó thác hoàn toàn nơi Chúa. Tạ ơn Chúa, sau đó cả Giáo Hội đã vui mừng khôn tả khi cuộc viếng thăm được hoàn tất một cách thật tốt đẹp và Ngài trở về Rôma bình an sau khi đã nối lại được những tiến triển tốt đẹp với anh em Hồi Giáo tại đây (chúng tôi đã tường thuật lại cuộc viếng thăm rất quan trọng và đầy khó khăn này trong một bài viết trước đây: “Chiếc Thảm Thổ Nhĩ Kỳ”).

Riêng cuộc viếng thăm Hoa Kỳ và Trụ Sở Liên Hiệp Quốc cũng mang ý nghĩa riêng và thành công thật tốt đẹp, như báo chí và giới truyền thanh, truyền hình tại Hoa kỳ và các nơi trên thế giới đã loan tin thật đầy đủ vào dịp đó.

Trước hết, cuộc viếng thăm và đọc diễn văn tại Trụ Sở Liên Hiệp Quốc của Đức Giáo Hoàng đã được biết đến khi ông Tổng Thơ Ký Ban Ki Moon loan báo với ký giả vào ngày 26 -4-2007 là trong dịp viếng thăm Đức Giáo Hoàng tại Vatican, ông đã ngỏ lời mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Liên Hiệp Quốc vào một thời điểm nào thích hợp, và Đức Giáo Hoàng đã hân hoan nhận lời. Và thời điểm đó đã đến, Đức Giáo Hoàng đã viếng thăm và đọc diễn văn tại trụ sờ Liên Hiệp Quốc vào ngày 18/4/2008. Trong bài diễn văn bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, Đức Giáo Hoàng đã ngỏ lời cám ơn ông Tổng thơ ký Liên Hiệp quốc đã mời Ngài và chào mừng toàn thể quan khách đã đến dự. Ngài nói đến Liên Hiệp Quốc như “một Gia đình của các dân tộc”(Family of Nations) mà vai trò là bảo vệ nhân quyền và nền công lý cho nhân loại, cũng như dấn thân để giải quyết các vấn đề khó khăn đang xẩy ra trên thế giới. Ngài cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những đóng góp vô giá của các nhân viên làm việc cho Liên Hiệp quốc, và tưởng nhớ đến bao nhân viên đã hy sinh mạng sống (nguyên trong năm 2007, đã có 42 nhân viên hy sinh) trong khi đến các nơi để làm công tác nhân đạo và bảo vệ hòa bình. Chúng ta nhớ lại vị Giáo Hoàng đầu tiên đến viếng thăm Liên Hiệp Quốc là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vào ngày 04-10- 1965, Ngài đã hô hào mọi người cùng với Liên Hiệp Quốc làm sao để “không còn chiến tranh! Không còn Thế Chiến!.. Hòa Bình, Hòa bình phải đến với nhân loại!” Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm Liên Hiệp Quốc vào ngày 5-10-1995 và đã nói đến “Liên Hiệp Quốc như một trung tâm tinh thần mà các nước trên thế giới coi như ngôi nhà của mình và cùng chia sẽ trách nhiệm về sự hiện hữu của Liên Hiệp Quốc như “một Gia đình của các Dân Tộc!”

Cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của Đức Đương Kim Giáo Hoàng cũng đã được trù định rất lâu và đã được loan báo trước nhiều tháng trời. Toàn thể Giáo hội Hoa kỳ đã tha thiết cầu nguyện cho Ngài trong cuộc viếng thăm này. Hiệp Hội Côlômbô (Knights of Columbus) đã in một bản kinh phía sau một tấm ảnh Đức Giáo Hoàng mặc phẩm phục màu xanh (tượng trưng “niềm hy vọng” mà Đức Giáo Hoàng sẽ đem lại cho quê hương và Giáo hội Hoa kỳ). Khẩu hiệu nói lên điều này là “Chúa Kitô, niềm Hy vọng của chúng ta!” (Christ, our Hope). Các nhà thờ và các nơi hội họp cũng như tại tư gia đã đọc kinh này nhiều tháng trời và chờ đợi ngày Ngài đến viếng thăm. Bản kinh tuy ngắn, nhưng đã nói lên đầy đủ khát vọng của Giáo hội Hoa kỳ trong cuộc viếng thăm này của Đức Gíao Hoàng: “Lạy Cha Toàn Năng, Đấng hằng rộng ban muôn ơn lành cho chúng con, chúng con khiêm tốn cầu xin Cha soi sáng, hướng dẩn và che chở Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trong cuộc viếng thăm mục vụ của Ngài trên Đất nước Hoa Kỳ. Xin chúc lành cho Đức Thánh Cha, Ngài đến như vị “Sứ Giả của Hòa Bình và Tình Thương” cho mọi người có niềm tin và thiện tâm. Xin cho sự hiện diện của Ngài tại Hoa kỳ giúp xây dựng sự liên đới giữa chúng con, những con người đã được dựng nên giống Chúa và theo hình ảnh của Chúa; xin cho lời giảng dạy của Ngài tăng thêm sức mạnh đức tin cho Dân Chúa. Lạy Cha, chúng con xin âu yếm phó thác cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô cho sự chăm sóc của Đức Mẹ Guadalupe, Nữ Vương Lục địa Mỹ Châu. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, xin cho Đức Giáo Hoàng được gìn giữ khỏi mọi hiểm nguy, và xin cho Ngài chiếu tỏa được Chân Lý Phúc Âm mà Ngài rao giảng, và xin cho sự hiện diện của Ngài giữa chúng con đem lại sự canh tân cho Giáo Hội trên quê hương chúng con. Chúng con nguyện xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen”.

Chúa đã thường chúc lành cho cuộc viếng thăm này của Đức Giáo Hoàng và đem lại những thành quả tuyệt vời. Dù chương trình 6 ngày viếng thăm thật bận rộn và phải di chuyển nhiều; nhưng ơn Chúa thương Đức Giáo hoàng vẫn đầy đủ sức khỏe (dù ở tuổi 81) để hoàn thành mỹ mãn.

Cuộc đón tiếp thật long trọng tại Tòa Bạch Ốc ( và nhân dịp cũng mừng sinh nhật 81 của Đức Giáo Hoàng), lúc đầu báo chí nói đến số người là 9 ngàn, nhưng thực tế số quan khách tham dự đã lên đến 13, 500. Ngoài cuộc họp mặt riêng với Tổng Thống Bush, rồi các cuộc tiếp xúc với các chính giới Hoa kỳ, Đức Giáo Hoàng đã lần lượt tiếp xúc và nói chuyện với hàng Giám Mục Hoa kỳ tại Vương CungThánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Washington, DC), với các nhà gíao dục Công Giáo tại trường Đại Học Công Giáo Hoa kỳ (Catholic University of America), cùng cầu nguyện với các đại diện các Tôn Giáo tại John Paul II Cultural Center (Washington, DC), gặp gỡ Cộng đồng Do Thái Giáo tại Hội Đường Park East (New York), cầu nguyện Đại kết (Ecumenical prayer service) chung với các đại diện của các cộng đồng Kitô Giáo toàn quốc Hoa Kỳ tại Gíao Xứ Thánh Giuse (New york), rồi những cuộc tiếp xúc với giới trẻ tật nguyền, với các Chủng sinh, với các giới trẻ tại Đại Chủng viện Thánh Giuse (New York), cầu nguyện cho các nạn nhân tại địa điểm bị tàn phá bình địa (Ground Zero). Chưa kể đến những Bài giảng và những Thánh Lễ trọng thể Ngài dâng tại Công viên quốc gia (National Park, New York, 17-4-2008), tại Nhà Thờ Chánh Tòa Thánh Patrick (New York, 19-4-2008), đặc biệt tại Yankee Stadium (New York, 20-4-2008) trước khi chào từ biệt trở về Tòa Thánh. Trong mọi dịp Đức Gíao Hoàng đã cố gắng đem Phúc âm Tình thương và niềm Hy Vọng đến cho mọi người thuộc mọi từng lớp xã hội, và mới gọi mọi người thuộc các Chủng tộc và Tôn giáo khác nhau biết đối thoại để sống hòa hợp và yêu thương nâng đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

“Nói chung, cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đến với đất nước Hoa kỳ và Liên Hiệp quốc đã đem lại nhiều thành quả tốt đẹp. Những thành quả đó chắc chắn sẽ bền vững trên Quê hương và Giáo Hội Hoa Kỳ, và đem lại ‘một Mùa Xuân mới’ chẳng những cho Giáo Hội Hoa Kỳ, mà cho cả dân tộc Hoa Kỳ. Sau cuộc viếng thăm đã có những tiếng vọng rất tốt đẹp từ các tầng lớp khác nhau tại đất nứớc đa chủng tộc, đa tôn giáo này: Trước khi Ngài đến, nhiều người Hoa Kỳ nói họ không biết gì nhiều về Đức Giáo Hoàng này. Khi Ngài ra về, nhiều người đã nhìn thấy được Ngài như lời Ngài đã tự diễn tả về mình khi mới đến ‘như một người bạn, một người rao giảng Tin Mừng và như một người đầy lòng ngưỡng mộ một xã hội rộng lớn và đa chủng này!”(Catholic news Service).

Hiện nay mọi người lại đang chờ đợi và cầu nguyện cho cuộc tông du của Đức Giáo Hoàng sang Úc Châu vào dịp Đại Hội Giới trẻ từ ngày 16-20 tháng 7 năm nay (2008). Cuộc viếng thăm này cũng mang một tầm quan trọng thật đặc biệt chẳng những cho giới trẻ thế giới mà cho bao người, đặc biệt tại Úc Châu, Á Châu. Tiếp theo là cuộc tông du của Ngài sang Pháp ( từ ngày 12-15/9/2008) và sang Mexicô, được dự trù vào năm tới (2009).

Đức Giáo Hoàng luôn sẳn sàng dấn thân ra đi các nơi mà Chúa muốn và làm những gì mà Chúa muốn để đem Tin Mừng của Tình thương và niềm Hy vọng đến cho các Dân tộc, đến cho mọi người. Ngài muốn chung tay với các nhà lãnh đạo thế giới để xây dựng tình thương giữa các Dân tộc, giữa các Tôn Giáo, và đem lại nền Hòa bình bền vững cho thế giới, để “trái đất này trở nên một nơi ở tốt đẹp hơn cho mọi người!”(Thông Điệp ‘Hòa Bình Trên Trái Đất’).

Nhưng tất cả là nhờ ơn Chúa giúp. Nên ngay từ lời ngỏ đầu tiên trong ngày nhậm chức vụ Giáo Hoàng Ngài đã nói và chúng ta nên ghi nhớ để luôn dâng các hy sinh hàng ngày cầu nguyện cho Ngài: “... Tôi xin phó thác chính con người của tôi vào lời cầu nguyện của anh chị em!”.
 
Top Stories
Thai Binh : le diocèse récupère son ancien séminaire où des religieux d’un certain âge seront formés au sacerdoce
Eglises d'Asie
06:31 10/06/2008
Thai Binh: le diocèse récupère son ancien séminaire où des religieux d’un certain âge seront formés au sacerdoce

Mgr Nguyen Van Sang, évêque du diocèse de Thai Binh, dans le nord du Vietnam, vient d’avertir son clergé et ses fidèles du retour au patrimoine du diocèse de l’ancien séminaire My Duc, depuis très longtemps entre les mains des autorités locales. Vendredi 30 mai, le jour de la fête du Sacré-Cœur, le Comité populaire provincial de Thai Binh a informé l’évêque que les bâtiments de l’ancienne maison de formation sacerdotale qui s’élèvent à proximité de l’église de la paroisse Cat Dam étaient restitués au diocèse (1). Les autorités ont aussi fait part à l’évêque de leur intention de remettre à la disposition du diocèse un terrain de la paroisse, qui, lui aussi, avait été confisqué pour y construire une école secondaire professionnelle destinée aux handicapés.

Depuis longtemps, l’évêque du diocèse avait conçu le projet d’utiliser cet important bâtiment pour en faire un institut d’études théologiques complémentaires destinées aux religieux d’un certain âge. Dans le communiqué qu’il a fait parvenir à ses fidèles, l’évêque écrit: « La situation pastorale exige des initiatives généreuses de la part de l’évêque ainsi que des prêtres. Le nombre de paroisses s’est élevé (elles sont au nombre de 100), tandis que le nombre de prêtres en charge de paroisse est encore beaucoup trop modeste (ils ne sont pas plus de 45). » Pour remédier à ce déséquilibre, l’évêque a décidé d’appeler un certain nombre de religieux âgés à participer à une classe de recyclage en vue de l’ordination sacerdotale. Plusieurs sessions sont prévues. La première devrait débuter à la mi-septembre 2008.

Ce recyclage aura donc lieu dans les bâtiments de l’ancien séminaire, appelé autrefois My Duc et qui, désormais, prendra le nom de séminaire du Sacré-Cœur de Jésus. C’est l’évêque lui-même qui en sera le directeur. Il sera également chargé de l’enseignement, tâche à laquelle collaboreront également six prêtres du diocèse. L’ordinaire du diocèse de Thai Binh ajoute ensuite que ce projet ne manquera pas de rencontrer de sérieuses difficultés. Certaines tiennent à l’âge des candidats. Les autres à l’état actuel des bâtiments. Des réparations s’imposent d’urgence, qui vont exiger de gros efforts financiers de la part diocèse. Celui-ci, par ailleurs, devra assurer la vie matérielle des étudiants comme des enseignants. L’évêque demande aux paroissiens des prières spéciales en ce mois de juin. Il invite les prêtres à aider au financement du séminaire en cédant au diocèse les honoraires de dix intentions de messe par mois. Les diverses congrégations religieuses du diocèse, les paroisses, les catholiques originaires de Thai Binh à l’extérieur du pays, sont également invités à collaborer financièrement à cette formation des prêtres.

Le séminaire de My Duc est de création fort ancienne. Il a été reconstruit, dans ses dimensions actuelles, par Mgr Ubierna et inauguré au mois d’août 1937, sous l’appellation séminaire St Thomas My Duc. Haut de trois étages, long de 90 m, il s’élève le long du fleuve Trà Ly, dans la commune de Cat Dàm. Voilà de nombreuses années que ce séminaire était réclamé par l’Eglise. Déjà en octobre 1997, dans une lettre envoyée au chef du gouvernement de l’époque, la Conférence épiscopale du Vietnam avait demandé l’autorisation de rétablir ce séminaire afin de doter la région nord du Vietnam d’un second centre de formation sacerdotale (2).

(1) VietCatholic News, 8 juin 2008.

(2) Voir EDA 207.

(Source: Eglises d'Asie - 10 juin 2008)
 
Vatican delegation met with Hanoi priests
J.B. An Dang
09:32 10/06/2008
In the 15th visit seeking to increase the scope within which the Church can function freely in Vietnam, a Vatican delegation led by Mgr Pietro Parolin discusses with Vietnam government on issues of bishop appointments, Church property and freedom of religion. The visit comes at a time of heightened interest in bilateral relations and heightened tension between the Hanoi government and the Catholic Church.

Hanoi -
A Vatican delegation led by Mgr Pietro Parolin, undersecretary for relations with states, began on Monday with a meeting with bishops of Thanh Hoa, Nha Trang and Lang Son in Hanoi archbishop’s office, next to the nunciature where thousands of Catholics in Hanoi organized daily prayer vigils in December and January pleading for return of the building that had been confiscated by the Communist leadership in 1959.

On the first day of visit, the delegation also met with 123 priests of Hanoi and neighboring dioceses who are attending an annual training at Hanoi’s Major Seminary. Bishop Joseph Vu Van Thien of Hai Phong introduced the teaching board. The teaching staff who participates in the annual training program is composed by well-recognized researchers and well-experienced trainers from Seminaries in Viet Nam. It includes bishops of Hai Phong and Lang Son, Fr. Paul Nguyen Thai Hop, Fr. Vincent Nguyen The Thu and Fr. Vincent Dinh Van Nghia, S.J. from Saigon.

Addressing to the priests, Mgr Pietro emphasized the importance of annual training programs for priests especially in the situation where the Church in Vietnam now faces with widespread secularism.

He then went straight to issues that greatly concern the priests. Mgr Pietro explained that the delegation will discuss with Vietnam government on issues of bishop appointments, Church property and freedom of religion.

After a series of visits, the appointment of bishops still remains one of the thorniest issues under discussion, with the officially atheist Communist government refusing to yield control over appointments and the Vatican loath to concede its traditional right to name Church leaders. This conflict has resulted in long delays in the appointment of bishops and diocesan administrators.

The issue of Church property is expected to be high on the agenda of talks planned. Catholics in Hanoi are voicing concerns about the Vietnamese government's commitment to honor its promise that the old offices of the apostolic nuncio will be returned to the Church. In a public statement on February 1, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi confirmed reports that the government had agreed to restore the nuncio's offices, after more than a month of public protests by Catholics. However, so far, the nunciature is still administered by the government and a quick transfer is somehow out of the question.
 
La délégation du Saint-Siège est arrivée à Hanoi et, dans ses négociations avec les autorités civiles, elle ne pourra éviter le problème des propriétés d’Eglise confisquées
Eglises d'Asie
13:07 10/06/2008
La délégation du Saint-Siège est arrivée à Hanoi et, dans ses négociations avec les autorités civiles, elle ne pourra éviter le problème des propriétés d’Eglise confisquées

Comme prévu, la délégation du Saint-Siège chargée de mener des négociations avec les autorités civiles vietnamiennes est arrivée à l’aéroport de Nôi Bay, le 9 juin au matin (1). Deux membres de la délégation, qui accomplit sa 16ème visite au Vietnam depuis 1990, sont les mêmes que les deux fois précédentes, Mgr Pierre Parolin, chef de la délégation, et Mgr Luis Mariano Montemayor, de la Secrétairerie d’Etat. Quant à Mgr Barnabé Nguyên Van Phuong, de la Congrégation pour l’évangélisation des peuples, c’est la 15ème fois qu’il fait partie de cette délégation. Les représentants de Rome ont été accueillis par Mgr Joseph Nguyên Chi Linh, vice-président de la Conférence des évêques du Vietnam. Le président, Mgr Nguyên Van Nhon, étant en déplacement en France avec les trois archevêques du pays pour participer au 350e anniversaire des Missions Etrangères de Paris, il ne rencontrera la délégation que plus tard, à Da Lat.

Dans l’après-midi, à l’archevêché où la délégation était attendue par les évêques de la province ecclésiastique de Hanoi, Mgr Linh, dans son allocution de bienvenue, a souligné les circonstances particulières dans lesquelles s’effectuait cette visite, des circonstances difficiles, a-t-il souligné, à cause des questions religieuses qui se posent et de la peine éprouvée pour trouver un point commun permettant aux deux parties d’avancer vers l’établissement de relations diplomatiques entre le Vietnam et le Saint-Siège. Après sa rencontre avec les évêques, dans la soirée, la délégation a participé à l’inauguration d’une session de recyclage organisée pour les prêtres de la province ecclésiastique de Hanoi.

Selon le programme établi de concert par le gouvernement et le Saint-Siège, c’est dans la journée de mardi que les représentants du Saint-Siège devaient entamer leurs négociations avec la délégation vietnamienne, habituellement menée par un responsable du Bureau des Affaires religieuses. Une rencontre est également prévue avec le Vice-Premier ministre chargé des relations extérieures, Pham Gia Khiêm. Les trois jours suivants seront consacrés à la visite des deux diocèses, Dalat et Huê, avec un petit détour par Saigon, où la délégation prendra l’avion du retour, après avoir célébré l’eucharistie au grand séminaire Saint-Joseph.

Rien n’a encore filtré du contenu des entretiens entre les deux parties, mais, comme plusieurs sources l’ont laissé entendre (2), la question des propriétés d’Eglise sera certainement soulevée par les représentants du Saint-Siège. Il est probable que ceux-ci voudront entendre confirmer le retour à l’Eglise du terrain attenant au sanctuaire marial de La Vang. Comme l’Eglise catholique du Vietnam, le Saint-Siège s’inquiète aussi de savoir si les engagements pris au sujet de l’ancienne délégation apostolique de Hanoi seront tenus. Le gouvernement a procédé à un certain nombre de restitutions, mais, par ailleurs, les demandes, les requêtes et les plaintes se sont multipliées, aussi bien dans les diocèses que dans les congrégations religieuses. Les milieux catholiques dans leur ensemble souhaitent qu’une solution générale soit apportée à un problème qui, s’il n’est pas réglé, risque de se poser avec de plus en plus d’acuité.

Deux autres sujets préoccupent également le Saint-Siège. Celui-ci voudrait voir progresser l’engagement de l’Eglise catholique au sein de société vietnamienne, dans le domaine de l’éducation de la jeunesse, comme dans celui de la santé et de l’action sociale. Les autorités romaines voudraient aussi entamer le processus conduisant à l’établissement de relations diplomatiques. Sur ces deux sujets, les autorités civiles vietnamiennes ont jusqu’à présent évité de prendre des mesures efficaces.

(1) VietCatholic News, le 9 juin 2008

(2) Voir l’interview de Mgr Barnabé Nguyen Van Phuong rapportée dans EDA 486, ou encore les déclarations de l’archevêque de Hanoi, Mgr Ngô Quang Kiêt, lors d’un voyage à l’étranger.

(Source: Eglises d'Asie - 10 juin 2008)
 
Vatican delegation opens talks in Hanoi
Catholic World News
16:56 10/06/2008
Hanoi, Jun. 10, 2008 (CWNews.com) - A Vatican diplomatic delegation opened a series of meetings in Vietnam on June 10, concentrating first on questions about the appointment of bishops.

Msgr. Pietro Parolin, a ranking official of the Secretariat of State, heads the Vatican delegation that is visiting Vietnam, seeking to expand the freedom for the Church there. On the first day of their visit, the Vatican representatives met with bishops and clergy of Hanoi and the surrounding dioceses. At a meeting with priests at Hanoi's major seminary, Msgr. Parolin said that the appointment of bishops, and the general issue of religious freedom, were the foremost concern for the Church envoys in their talks with government officials.

Vatican officials have now made 15 trips to Vietnam to speak with leaders of the government, with which the Holy See does not have formal diplomatic relations. The question of episcopal appointments remains one of the thorniest issues under discussion, with the officially atheist Communist government refusing to yield control over appointments and the Vatican loath to cede its traditional right to name Church leaders. This conflict has resulted in long delays in the appointment of bishops and diocesan administrators.

Disputes over the ownership of properties onced held by the Church are expected to be high on the agenda in talks between the Vatican and government officials. Catholics in Hanoi are voicing concerns about the Vietnamese government's commitment to honor a promise that the old offices of the apostolic nuncio would be returned to the Church. In a public statement on February 1, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi confirmed reports that the government had agreed to restore the nuncio's offices, after more than a month of public protests by Catholics. However, so far, the nunciature is still being administered by the government and a quick transfer of control appears highly unlikely.
 
Vatican delegation visits Vietnam
Independent Catholic News
17:17 10/06/2008
A Vatican delegation led by Mgr Pietro Parolin, undersecretary for relations with states, yesterday met with bishops of Thanh Hoa, Nha Trang and Lang Son in the Hanoi archbishop's office, next to the former papal nunciature, confiscated by the government - which was the scene of daily prayer vigils and demonstrations in December and January.

The delegation also met with 123 priests from Hanoi and neighboring dioceses who are attending an annual training at Hanoi's Major Seminary. Bishop Joseph Vu Van Thien of Hai Phong introduced the teaching staff, which includes bishops of Hai Phong and Lang Son, Fr Paul Nguyen Thai Hop, Fr.Vincent Nguyen The Thu and Fr Vincent Dinh Van Nghia, SJ from Saigon.

Addressing the priests, Mgr Pietro emphasized the importance of annual training programs for priests especially in the situation where the Church in Vietnam now faces with widespread secularism.

He then went straight to issues that greatly concern the priests. Mgr Pietro explained that the delegation will hold discussions with the Vietnamese government on issues of bishop appointments, Church property and freedom of religion.

The appointment of bishops still remains one of the thorniest issues under discussion, with the officially atheist Communist government refusing to yield control over appointments and the Vatican loath to concede its traditional right to name Church leaders. This conflict has resulted in long delays in the appointment of bishops and diocesan administrators.

The issue of Church property is expected to be high on the agenda of talks planned. Catholics in Hanoi are voicing concerns about the Vietnamese government's commitment to honour its promise that the old offices of the apostolic nuncio will be returned to the Church. In a public statement on February 1, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi confirmed reports that the government had agreed to restore the nuncio's offices, after more than a month of public protests by Catholics. However, so far, the nunciature is still administered by the governmentand the promised return of the building has not happened.

© Independent Catholic News 2008
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo hội Công giáo VN mong đợi gì vào chuyến viếng thăm của phái đoàn Vatican?
Gia Minh/RFA
11:34 10/06/2008
Giáo hội Công giáo VN mong đợi gì vào chuyến viếng thăm của phái đoàn Vatican?

Một phái đoàn đại diện của Tòa Thánh Vatican đang có chuyến viếng thăm và làm việc tại Việt Nam. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mong chờ gì qua chuyến đi này?

Gia Minh hỏi chuyện giám mục Nguyễn Chí Linh, một trong những thành viên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, về vấn đề đó. Trước hết giám mục Nguyễn Chí Linh trả lời:

Bổ nhiệm các Giám mục

Giám mục Nguyễn Chí Linh: Theo thông lệ, mỗi lần Phái Đoàn Toà Thánh sang thì ở Việt Nam người ta vẫn chờ đợi sự bổ nhiệm của Toà Thánh đối với các giám mục tại Việt Nam đó, thì hiện nay còn rất nhiều giáo phận vẫn chưa có giám mục. Đó là điều đầu tiên người ta chờ đợi.

Rồi trong bối cảnh hiện nay, trong vấn đề tranh chấp đất đai, người ta cũng muốn Toà Thánh có một ý kiến nào đó đối với nhà nước Việt Nam. Đó là hai vấn đề nổi cộm hiện nay.

Gia Minh: Thưa Đức Giám Mục, hồi đầu năm trong việc giáo dân ở Hà Nội cầu nguyện để xin lại Toà Khâm Sứ thì Toà Thánh cũng có ý kiến rồi.

Giám mục Nguyễn Chí Linh: Cái chuyện đó cũng chưa có ngã ngũ. Hai bên cũng chưa tìm được một giải pháp đồng quy.

Gia Minh: Hình như Đức Giám Mục vừa mới nói thì đó là một vấn đề lớn, không những ở Hà Nội mà hầu hết các giáo phận đều có vấn đề đất đai, có phải không ạ?

Giám mục Nguyễn Chí Linh: Vâng ạ.

Hồ sơ tranh chấp đất đai

Gia Minh: Lâu nay Giám Mục được tiếp xúc với phía chính quyền thì Giám Mục thấy cái hướng của hai phía về vấn đề này ra sao?

Giám mục Nguyễn Chí Linh: Thật sự nó là một hồ sơ rất là phức tạp. Chính quyền hiện nay thì những người đương còn nắm chính quyền thì cũng là những người thừa kế một hồ sơ đã có từ lâu và hiện ở trong một bối cảnh hoàn toàn khác bấy giờ.

Có lẽ nó không phải riêng gì ở Việt Nam mà khắp trên thế giới thì vấn đề đất đai là một vấn đề rất là tế nhị và rất là khó xử, thành ra có lẽ cả hai phía cũng phải có một sự kiên nhẫn nào đó.

Và cái hồ sơ này thì không có thể giải quyết trong một sớm một chiều được, mà phải có thời gian.

Gia Minh: Nhưng với tư cách một vị giám mục thì khi mà đựơc gặp phía Phái Đoàn Vatican, được Phái Đoàn hỏi ý kiến thì Giám Mục sẽ có những góp ý gì với Phái Đoàn để Phái Đoàn truyền đạt lại với phía chính quyền, thưa Đức Giám Mục?

Giám mục Nguyễn Chí Linh: Thì cũng không có thể lấy một cái lập trường mà nó có tính các toàn diện được. Mỗi một trường hợp như vậy nó có những cá biệt riêng của nó.

Thành ra, nếu mà có thể đưa ra một quy luật tổng quát cho tất cả mọi trường hợp thì cái chuyện đó sẽ được giải quyết dễ rồi, nhưng trong thực tế thì nó không có đơn giản như thế, cho nên bảo rằng tôi phải có lập trường chung cho vấn đề đất đai thì tôi nghĩ rằng rất là khó, mặc dù người ta cũng cố gắng để mà đưa ra những nguyên tắc dùng làm tiêu chí để mà giải quyết vấn đề đất đai, nhưng mà tôi thấy nó không có đơn giản tí nào.

Đối với tôi bây giờ thì vấn đề là tháo gỡ lần lần, đó là điều quan trọng nhất mà hai bên cần phải có sự kiên nhẫn ở cả hai phía.

Bang giao Hà Nội-Vatican?

Gia Minh: Mỗi khi có những phái đoàn như thế này thì người ta cũng có đặt vấn đề bang giao ra, thưa Đức Giám Mục. Vậy thì Đức Giám Mục thấy rằng chiều hướng bang giao giữa Toà Thánh Vatican với Chính Phủ Việt Nam thì ra sao ạ?

Giám mục Nguyễn Chí Linh: Từ trứơc thì chúng tôi vẫn nghe cái chuyện ấy và chúng tôi được biết là cả phía Nhà Nước lẫn phía Toà Thánh Vatican thì cũng đang có hai đoàn công tác làm việc với nhau và đang còn ở giai đoạn gọi là lập lộ trình để tiến tới bang giao toàn phần giữa hai bên.

Quan hệ Hà Nội-Vatican đã có những cải thiện đáng kế trong thời gian gần đây. Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng đã trở thành lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam đến thăm Tòa thánh và gặp gỡ Đức giáo Hoàng Benedict XVI. AFP PHOTO.

Nhưng mà cho tới bây giờ thì đang ở chặng nào thì chúng tôi cũng không có được thông tin, chỉ biết là hai bên đang còn hợp tác chặt chẽ để có thể tiến tới một ngày nào đó tái lập bang giao, còn lúc nào xong thì cũng chưa ai biết ạ.

Gia Minh: Xin hỏi Đức Giám Mục một câu cuối cùng. Vậy thì những cái mong muốn đóng góp của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cho đất nước, cho xã hội qua những kỳ vừa rồi thì đã được phía chính quyền hỗ trợ để thực hiện đến đâu rồi, thưa Đức Giám Mục?

Giám mục Nguyễn Chí Linh: Cái đóng góp của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vào công tác xã hội thì cho tới nay cũng đang còn ở cái mức rất là hạn chế. Bên giáo dục thì chúng tôi được biết là Giáo Hội Công Giáo chỉ có quyền mở trường mẫu giáo thôi.

Còn bên ngành y tế thì chỉ được mở những phòng phát thuốc, chứ còn bệnh viện thì vẫn chưa được, hay là ít ra với tư cách là tổ chức tôn giáo thì vẫn chưa được.

Trong một tương lai xa thì đây còn là một trong những vấn đề cần phải thương thảo và có thể nói là cũng rất là khó khăn.

Chúng tôi cũng hy vọng một ngày nào đó thì nhà nước họ cũng sẽ có những cái nhìn mới hơn và thông thoáng hơn trong việc tạo điều kiện để Giáo Hội Công Giáo có thể làm việc xã hội một cách bình thương như ở các nước khác.

Gia Minh: Xin chân thành cảm ơn Đức Giám Mục Nguyễn Chí Linh về thời gian Đức Giám Mục đã dành cho cuộc nói chuyện này.

(Nguồn: Gia Minh, phóng viên đài RFA)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nhớ lại lúc được tin Cố TGM Nguyễn Kim Điền chết
Nguyễn An Quý
10:46 10/06/2008
Nhớ lại lúc được tin Cố TGM Nguyễn Kim Điền chết

Cố Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền
Ngày 9-6-1988, tức một ngày sau khi Đức Tổng giám Mục Nguyễn Kim Điền qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn, Giáo phận Huế mới nhận được tin Ngài chết. Khoảng 4g chiều ngày 9-6, tôi đạp xe đạp trở về nhà sau khi đi thăm mộ mẹ tôi, nhân giỗ giáp năm ngày mẹ tôi mất. Khi tôi đạp xe đạp đến dốc trước nhà thờ Phủ Cam thì nghe tiếng chuông tử đổ hồi, tiếng chuông từ nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam. Lên khỏi dốc thì gặp vài người quen. Thấy tôi, một bà già trong giáo xứ đã thốt lên lời buồn thảm: “Đức Cha Điền chết rồi”. Bà nói tiếp: “Chúa ôi, Ngài chết hôm qua.” Tôi lạnh người và tự hỏi sao lại thế nhỉ? Mới nghe cha Nguyễn Kim Bính nói Ngài được Nhà nước cho đi ngoại quốc để chữa bệnh kia mà. Đầu óc tôi quay cuồng trong nhiều ý nghĩ xem ra thật phức tạp về cái chết quá nhanh đến với vị Giám mục khả kính của Tổng Giáo phận Huế.

Tôi nhớ lại nhiều chuyện về Ngài, về cuộc đấu tranh quyết liệt với bạo quyền để đòi quyền của Giáo Hội chưa thành. Hình dung lại chuỗi ngày gian lao trong đó Ngài đã can đảm và bình tĩnh suốt 120 ngày, khi đối đầu với công an thành phố Huế, qua những cuộc hỏi cung, thẩm vấn mà chúng gọi là “làm việc” với Ngài. Hình dung lại mẫu người hiền hậu khi đứng trên tòa giảng tại nhà thờ Chánh toà Phủ Cam trong dịp lễ Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 1986. Hôm đó, Ngài đã nhắc lại một đoạn trong thư luân lưu gởi Dân Chúa Giáo phận Huế năm 1985: “Mai này khi tôi bị bắt, tôi xin anh chị em đừng tin một lời tuyên bố nào, dù lời tuyên bố đó có mang chữ ký của tôi đi nữa”. Khi nghe lời này, nhiều giáo dân đã khóc. Hình dung lại những lễ Giáng Sinh hằng năm, Ngài đến dâng Thánh lễ nửa đêm tại nhà thờ Phủ Cam. Tuy ngôi Thánh đường khá rộng lớn, nhưng giới trẻ không Công giáo đến tham dự Thánh Lễ đêm Giáng Sinh quá sức đông đảo, đến nỗi chen nhau mà đứng. Bởi vậy, hằng năm trong Thánh Lễ Giáng Sinh lúc nửa đêm, giáo xứ phải dành riêng gần một nửa phần nhà thờ, từ cửa chính vào, để cho các người ngoài công giáo đến tham dự. Toàn bộ gia trưởng và thanh niên trong giáo xứ phải đảm trách công việc trật tự khá vất vả.

Giới trẻ cũng như nhiều người tại Huế rất mộ mến và thán phục cố Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền, vì Ngài đã can đảm lên tiếng đòi Tự do tôn giáo với chế độ cộng sản trong thời điểm mà chẳng ai dám hé môi, mở miệng nói lời nào động chạm đến “bác đảng”. Ngài có biệt tài diễn thuyết khá linh động, giọng nói dễ lôi cuốn người nghe. Bởi vậy, mỗi khi Ngài trình bày một bài giảng, dù chỉ thuộc phạm vi tôn giáo, người tham dự vẫn nghe một cách chăm chú, nghe không biết chán. Ngài thường trình bày câu chuyện với lời lẽ bình dân, giản dị, với giọng nói khi trầm khi bổng ăn khớp với từng câu văn, diễn tả sự việc thật linh động. Những bài giảng của Ngài không cầu kỳ, trình bày Lời Chúa theo Phúc Âm, đi vào thực tế của cuộc sống, phù hợp với hoàn cảnh xã hội, nên người nghe, kể cả những người ngoài công giáo, vẫn say sưa, chăm chú nghe Ngài nói. Ngài diễn thuyết theo lối xuất khẩu thành văn vì chẳng bao giờ người ta thấy Ngài đọc những bài được viết sẵn, cho nên lại càng dễ thu hút người nghe hơn.

Hồi chuông tử của Giáo đường Phủ Cam kéo dài khá lâu, tiếp đến là tiếng chuông từ nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ngân vang. Cả hai tiếng chuông đã tạo nên khung cảnh đau buồn cho mọi tín hữu quanh khu vực Toà Tổng Giám mục Huế trước sự ra đi của vị chủ chăn can trường. Tiếng chuông nghe não nuột làm sao, nhiều bà già đến nhà thờ để đọc kinh cầu nguyện cho Ngài, mọi người, mọi gia đình trong giáo xứ Phủ Cam đều ngưng mọi hoạt động trong giây lát để cầu nguyện và tưởng nhớ đến vị Tổng Giám mục.

Nhân ngày tưởng niệm của Ngài, tôi xin được ghi lại vài nét chấm phá về những ngày Tang Lễ của Ngài để cho thấy niềm kính trọng và lòng tiếc thương đối với Ngài, không những của giáo dân mà của cả những người thuộc các tôn giáo khác, tại thành phố Huế.

Ngày 12-6-1988, có tin xe chở Quan tài của Ngài sẽ về đến Huế trong ngày. Khoảng 3g chiều, thanh niên trong Giáo xứ Phủ Cam, những người có xe gắn máy đều đi vào tận Đà Nẵng để đón xe Quan tài của Ngài ra. Hơn 4g chiều, toàn thể giáo dân Phủ Cam, tập họp thành từng đoàn thể, để chuẩn bị đón Quan tài của Ngài về. Đoàn đón rước được xếp thành hàng, đứng dọc theo hai bên đường từ Toà Giám mục đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Đường dài gần 2 cây số, gồm những giáo dân trong thành phố từ các giáo xứ Phủ Cam, Gia Hội, Dòng Chúa Cứu Thế, Tây Linh, Bãi Dâu và các vùng phụ cận. Giáo xứ Phủ Cam phụ trách việc chôn cất Ngài, tôi được hân hạnh nằm trong Ban phụ trách đưa Quan tài của Ngài đến nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng tôi đẩy xe tang của Giáo xứ đến đợi tại khu vực trước mặt nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, để đón linh cửu của Ngài. Xe được thiết kế khá đẹp. Gọi là xe cho có vẻ chút thôi, chứ nó không có máy nổ, di động được là nhờ sức mạnh của anh em phụ trách đưa quan tài đẩy đi. Xe do một chuyên viên là giáo dân trong giáo xứ, trước đây phục vụ trong ngành Quân cụ của QLVNCH, có sáng kiến đóng, để lo việc phục vụ tống táng cho giáo dân trong xứ đạo.

Gần 6g chiều, chiếc xe chở Quan tài của Đức Tổng Giám mục từ từ dừng lại trước nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Nhiều giáo dân đã khóc thật to: “Đức Tổng bỏ chúng con rồi! Sao Ngài đi nhanh thế? Hết rồi Đức Tổng ơi!”

Suốt chặng đường gian lao của Ngài trong những năm cuối đời, Ngài luôn muốn gần gũi với đàn chiên của mình lắm. Nhất là trong những dịp hành hương La Vang, Ngài muốn đến nơi đất Mẹ để tôn vinh Mẹ cũng như tìm gặp con chiên, nhưng Nhà nước cộng sản Việt Nam đã nhất quyết ngăn cản không cho Ngài đến La Vang trong những dịp này. Tôi còn nhớ có lần Ngài đã cải trang để đến La Vang vào dịp Lễ Đức Mẹ Lên Trời. Khi Ngài đến gần ngã ba La Vang Thượng, tức cách Thánh địa La Vang khoảng 3 cây số thì công an phát hiện, họ nhất quyết không cho Ngài tới đích.

Vì lòng yêu mến chủ chăn, Ban tổ chức Lễ Tang của Giáo phận đã muốn Ngài cùng rảo bước đoạn đường thân thương mà đàn chiên của Ngài đang đứng hai bên để chào đón Ngài, từ Dòng Chúa Cứu Thế đến toà Giám mục. Bởi vậy Ban tổ chức Lễ Tang đã cho di chuyển Quan tài từ xe hơi sang xe tang của Giáo xứ Chánh Toà, là nơi mà những ngày lễ trọng của Giáo hội hay của Giáo phận, Ngài đều đến dâng Thánh lễ suốt 24 năm qua, kể từ năm 1964. Di chuyển Quan tài của Ngài qua xe tang của Giáo xứ xong, trước hết chúng tôi đưa về Toà Tổng Giám mục Huế. Trên đoạn đường dài gần 2 cây số qua các đường Nguyễn Huệ, Nguyễn Trường Tộ, chúng tôi đẩy xe tang đi chậm rãi. Khi xe ngang qua đoạn nào thì mọi người đứng hai bên đường ở đó quỳ gối, bái, lạy Ngài y như giáo dân thường quỳ gối để hôn nhẫn Giám mục khi Ngài còn sống. Ai cũng chảy nước mắt cả, thật vô cùng cảm động trước cảnh mất đi một vị Chủ chăn khả kính, kiên cường. Quan tài của Ngài được quàn tại Toà Giám mục gần 20 tiếng đồng hồ để các tôn giáo bạn kính viếng, đến chiều ngày 14 thì di về nhà thờ Chánh Toà Phủ Cam để toàn thể Dân Chúa trong Giáo phận đến kính viếng cùng cử hành Thánh Lễ tạ ơn và cầu nguyện.

Không nghe động tĩnh gì từ phía Nhà nước cộng sản tại Huế trước số lượng người quá sức đông đảo, tham dự buổi đón rước Quan tài của vị chủ chăn trở về lại nơi Ngài coi sóc đàn chiên suốt 24 năm qua. Họ im lặng vì không đủ can đảm để cấm cản sự hiện diện của khối đông quần chúng, chỉ cho nhiều công an chìm bám sát để theo dõi tình hình.

Chiều ngày 13-6, vào khoảng 4g, giáo dân nhiều giáo xứ tập trung để đón cuộc di quan của Ngài từ toà Tổng Giám mục Huế đến Nhà thờ Chánh toà Phủ Cam. Linh cữu của Ngài được quàn tại nhà thờ Phủ Cam đến sáng ngày 15-06 mới cử hành Thánh lễ An táng. Trong suốt thời gian 2 đêm và 1 ngày nơi Thánh đường Phủ Cam, tất cả các giáo dân và linh mục của từng giáo xứ, các Dòng tu Nam Nữ thuộc Tổng Giáo phận Huế đều có mặt để dâng Thánh Lễ theo phiên của từng đơn vị. Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho vị chủ chăn liên tục suốt ngày đêm không khi nào ngừng cho đến giờ lễ An Táng.Tuy đã chia phiên cho từng giáo xứ, từng tu viện, nhưng Thánh Lễ nào giáo dân cũng tham dự quá sức đông đảo, đầy cả nhà thờ, có người phải đứng ở hành lang để cùng thông hiệp. Giáo dân những giáo xứ ở xa dựng lều trại trong khuôn viên Thánh đường, chờ phiên dâng lễ và đợi đến khi chôn cất Ngài. Cảm động nhất là nhóm Phật giáo Hướng Thiện, nhiều vị trong nhóm đã quỳ cả giờ trước Quan tài để nhìn khuôn mặt của Ngài với nỗi cảm xúc đầy nước mắt xót xa.

Tôi có người quen trong nhóm Phật giáo Hướng Thiện này nên mới biết tên gọi của nhóm. Sau này khi gặp lại, anh ta nói: “Nhóm của anh rất mộ mến và kính trọng Đức Cha Điền, nên khi nghe Ngài chết, mọi người trong nhóm đã khóc”. Được biết, Nhóm Hướng Thiện thường lui tới thăm viếng và chia sẻ những ưu tư về tự do tôn giáo với Ngài trong nhiều năm, nhất là trong thời gian Cố Tổng Giám Mục bị bạo quyền cộng sản Việt Nam không chế.

Xin được nói qua về Quan tài của Đức Tổng Giám Mục. Chiếc quan tài khá đặc biệt: ngang phần mặt của Ngài là một tấm kính trong suốt; trên mặt kính là nắp bằng gỗ di động để có thể đóng lại hay mở ra tùy ý. Trong nhiều giờ tại Thánh đường Phủ Cam, nắp hòm gỗ được mở ra để giáo dân kính viếng thấy được mặt của vị Chủ chăn suốt thời gian thân xác Ngài còn bên cạnh giáo dân trước khi vào lòng đất lạnh.

Thánh Lễ An Táng được cử hành vào sáng ngày 15-06 do Cố Hồng y Trịnh Văn Căn chủ sự cùng với nhiều Giám mục trong nước và toàn thể Linh mục đoàn thuộc Tổng giáo phận Huế đồng tế. Thi hài của Ngài được chôn tại cánh trái Cung Thánh trong nhà thờ Chánh Toà Phủ Cam.

Khó mà quên được những ngày Tang Lễ của Cố Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền, vừa long trọng khó tả do lòng mến mộ của mọi thành phần Dân Chúa toàn Giáo phận Huế cũng như của những ai quen biết Ngài, vừa đau buồn khôn nguôi vì thật sự không những Giáo phận Huế mà cả Giáo Hội Công giáo Việt Nam đã mất đi một vị Giám mục uy dũng, đúng như lời Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phao lô II đã nói về Ngài. Nhiều người thuộc các tôn giáo khác cũng kính trọng và mến mộ Ngài vì Ngài là chứng nhân của thời đại mà mọi tôn giáo đều bị bách hại. Ngài đã can đảm sống một cách hiên ngang trong sự hành hạ, sách nhiễu đủ mọi hình thức của Nhà nước cộng sản Việt Nam kể từ khi Ngài phát biểu trước Hội nghị do Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tại Huế năm 1977 về quyền bình đẳng và tự do của con người, về việc người công giáo bị Nhà nước coi là công dân hạng 2. Nhà nước muốn bỏ tù Ngài lắm, nhưng lại không bắt giam được, vì thế cái chết của Ngài đã tạo nên nhiều nghi vấn trong lòng mọi giáo dân cũng như những ai thao thức muốn có tự do tôn giáo.

Nhớ ngày giỗ thứ mười tám của Cố Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, tôi liên tưởng đến cuộc đấu tranh đòi Tự Do Dân Chủ cho toàn Dân Việt Nam của những nhà tranh đấu trong nước, đặc biệt của Nhóm linh mục Nguyễn Kim Điền nơi đất Thần kinh Huế, vốn đang chịu nhiều gian lao thử thách. Khi còn sống, Ngài đã ước mơ, thao thức về một Việt Nam tự do, thì nay nơi Thiên Quốc, Ngài hãy cầu xin Chúa đoái thương cho đất nước Việt Nam chúng con, sớm thoát khỏi ách thống trị độc tài của đảng cộng sản. Xin cho mọi người Dân trong nước không còn sợ hãi nữa, trái lại cùng nhau đứng lên đòi quyền sống, quyền tự do. Xin cho đồng bào hải ngoại sát cánh, hăng say yểm trợ cuộc đấu tranh tại Quốc nội để giải thể chế độ cộng sản tùy theo điều kiện khả năng của từng người.

Hoa Dân Chủ trong nước đang nở rộ, đồng bào hải ngoại đừng thờ ơ nữa, hãy tiếp sức với người trong nước để sớm giải thể chế độ cộng sản, có như thế mới mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho toàn Dân Việt Nam.

Nguyễn An Quý, 08-06-2006

GHI CHÚ: LỂ GIỖ LẦN THỨ 20 ĐỨC CÓ TỔNG GIÁM MỤC PHILIPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀN

Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại sẽ hiệp dâng Thánh Lễ cầu nguyện và tưởng niệm Đức Cố Tổng Giám Mục Philiphê Nguyễn Kim Điền, nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Ngài (8/6/1988-8/6/2008). Thánh Lễ sẽ được tổ chức lúc 5g30 chiểu Thứ Sáu, ngày 13 tháng 6 năm 2008 tại nhà thờ St. Barbara (góc đường McFadden và Euclid, thành phố Santa Ana).

Kính mời cộng đồng dân Chúa và đồng hương đến hiệp thông lời nguyện và tưởng niệm Vị Mục Tử đã nêu gương kiên cường bất khuất trước bạo quyền cộng sản; và cũng để cầu cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam.

(Trích từ Việt Báo)
 
Thông Báo
10 Days Until The 2008 Eucharistic Congress in Atlanta, GA!
Paul Anh
12:11 10/06/2008
10 Days Until The 2008 Eucharistic Congress in Atlanta, GA!



 
Văn Hóa
Lúc chết là lúc bình phục nhất
Vũ Văn An
06:49 10/06/2008
Lúc chết là lúc bình phục nhất

Khi còn là một y sĩ chuyên khoa tại một thành phố miền quê, Bác sĩ Michael Barbato có lần điều trị cho một bệnh nhân ung thư máu. Và cuộc gặp gỡ này đã thay đổi cuộc đời ông. Bác sĩ kể lại: "Người thanh niên này nhận ra thuốc men điều trị chẳng ăn thua gì nữa, và anh ta yêu cầu tôi săn sóc anh ta. Anh ta tiếp tục cuộc sống bình thường thêm khoảng một tháng, rồi bệnh trở nặng và thân nhân phải đưa anh vào bệnh viện. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau đó, anh ta bị hôn mê. Gia đình anh hỏi tôi anh ta còn có thể sống được bao lâu. Lúc ấy, tôi cũng chẳng biết gì hơn họ, nên tôi đoán mò. Và vì trước đây, anh từng yêu cầu đừng chữa chạy gì cho anh nếu anh lâm vào tình trạng này, nên tôi cho gia đình anh hay vì anh mắc chứng bệnh mà cơ thể anh không còn sức đề kháng nữa, nên nếu không ăn uống chi cả, thì anh chỉ có thể sống thêm 24 tiếng đồng hồ nữa là cùng. Gia đình anh buồn lắm vì người chị mà anh rất thương lại ở xa chỉ có thể về nhà trong vòng bốn ngày. Tôi cho họ hay anh ta không thể sống đến lúc đó được."

Nhưng sự việc đã không xẩy ra như thế. "Anh ta chỉ hôn mê thôi nhưng tiếp tục sống đến sáng Chúa Nhật, là ngày người chị sẽ về kịp nhà. Và quả thực một việc lạ lùng đã xẩy ra trong ngày đó. Lúc ấy cả gia đình đang ở trong phòng với anh, bỗng họ nghe tiếng bước chân nện mau trên nền đá hoa cương ở ngoài cửa. Người thanh niên mở bừng mắt ngay lúc người chị bước qua ngưỡng cửa, một nụ cười rạng rỡ nở trên môi anh, sẵn sàng chào đón người chị thân yêu. Anh ta chết vào buổi chiều cùng ngày."

Sự kiện trên thúc đẩy bác sĩ Barbato bước vào lãnh vực săn sóc giảm đau. Ông cho hay không phải những người sắp chết mới cần giảm đau, mà người bệnh cũng cần loại săn sóc này, nhưng ông thích làm việc bên cạnh những người hấp hối. "Chuyện nghe ra có vẻ kỳ, nhưng ở bên cạnh người hấp hối quả có nhiều điều vui. Vì họ rất chân thực, không bao giờ giả bộ. Họ đang phải đương đầu với những vấn đề khó khăn. Họ đang lớn lên về phương diện tâm linh và xúc cảm." Hiện nay, bác sĩ Barbato phục vụ tại Đơn Vị Săn Sóc Giảm Đau thuộc bệnh viện Greenwich với tư cách một chuyên gia. Ông từng săn sóc rất nhiều bệnh nhân hấp hối. Ông cho rằng chết quả là lúc bình phục nhất đối với người ta. "Tôi không dễ xúc cảm như bất cứ ai, nhưng quả lúc đó là lúc dễ xúc cảm vô cùng. Tôi đã chứng kiến nhiều vấn đề bản thân đã được giải quyết lúc người ta chết."

Bác sĩ Barbato cũng đã săn sóc một thanh niên khác. Chàng thanh niên này tỏ ra cay đắng và chán nản lúc bệnh sắp chết. "Anh ta không muốn ai giúp anh ta cả, cho đến một ngày kia, vào khoảng ba tuần sau, anh ta bỗng cởi mở với tôi. Anh ta kể cho tôi nghe một biến cố đau thương có liên lụy đến anh lúc còn nhỏ từng gây ảnh hưởng tai hại cho anh suốt quãng đời sau đó. Sau khi nói với tôi như thế, nỗi cay đắng của anh tự nhiên biến mất. Và anh đã ra đi một cách bình yên vì vết thương lòng của anh đã được chữa lành."

Bác sĩ Barbato tin rằng đó là một trong những vấn nạn lớn đối với việc giết người cách êm ái (euthanasia). Theo ông, giết người êm ái là từ khước cơ hội giúp ngươi chết tự chữa lành mình như trên. Ông cũng tin rằng hợp pháp hoá việc giết người cách êm ái sẽ dẫn tới lạm dụng, vì thật khó nói tại sao người bệnh không muốn sống nữa. Ông cho hay rất có thể vì còn có những vấn đề chưa được giải quyết, nên chết là cách để né tránh chúng. "Đã có nhiều người yêu cầu tôi giúp họ chết cách êm ái. Nhưng khi ngồi xuống nói chuyện với họ, (tôi mới thấy) điều họ thực sự sợ chính là tiến trình của sự chết. Khi họ biết rằng nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho họ dễ chịu chứ không phải là để kéo dài tiến trình ấy, họ cảm thấy an tâm."

Theo Bác sĩ Barbato, đa số các bệnh nhân ở giai đoạn chót, nhất là những người xin được chết êm ái, đều mắc chứng ưu sầu buồn chán. Và khi được điều trị để hết chứng ưu sầu, thì nhiều người thay đổi hẳn quan điểm về cái chết êm ái. Ông thêm, cũng như trong bất cứ lãnh vực nào, y khoa cũng có những người hành nghề tốt và những người hành nghề xấu, và có những người chuyên lạm dụng kẽ hở. Phần lớn các bác sĩ là người tốt, nhưng chỉ cần một người chết oan vì việc hợp pháp hóa giết người êm ái thôi cũng đủ cho thấy không nên hợp pháp hóa như vậy. Nó tạo nên một tiền lệ thật nguy hiểm."

Một nguy hiểm nữa trong việc giết người êm ái, theo bác sĩ Barbato, là việc các thành viên của gia đình muốn thân nhân mình được chết êm ái để mình khỏi phải đau đớn thấy thân nhân mình đau đớn. "Người ta đã chứng minh rằng sự đau đớn của một bệnh nhân ở giai đoạn chót thường được các thành viên của gia đình cho là lớn hơn cái đau thực sự. Thành ra các thành viên của gia đình nhiều khi cần được điều trị hơn là chính bệnh nhân."

Bác sĩ Barbato cho rằng các bệnh nhân ở giai đoạn chót, dù hôn mê, cũng không được coi họ như không còn hiện diện; trái lại, phải tiếp tục nói với họ, chứ đừng chỉ nói về họ. Nói là hôn mê, chứ thực sự họ đang ở tình trạng siêu-thức (super-conscious). Trình độ nhận thức của họ đang ở mức cao hơn. Như người thanh niên ung thư máu. Anh ta biết người chị anh ta hiện diện ở đó trước khi nàng xuất hiện ở ngưỡng cửa. " Theo Bác sĩ Barbato, ý muốn tránh xa và chế ngự cái chết rất thân thuộc đối với nền văn hóa Tây Phương. "Các nền văn hoá khác lại coi việc chuẩn bị chết như là một ơn phúc. Trong nền văn hoá của ta, ở bên cạnh người chết là điều ta không quen thuộc. Một cách căn để, người chết phải được rời chuyển khỏi xã hội." Ông cho hay, một trăm năm trước đây, trong một gia đình có bốn đứa con, thường có đến hai đứa chết, và phần lớn là chết tại nhà. Nên thấy người chết là chuyện không lạ. Nhưng nay, chết là chết ở bệnh viện, và người ta được bảo vệ chống chết chóc.

Chết không phải là vấn đề có thể giải quyết được. (Ấy thế mà) giết người êm ái và việc y khoa hóa cái chết lại đang cố gắng giải quyết vấn đề sự chết. Đối với bác sĩ Barbato, việc săn sóc giảm đau có mục đích làm cho sự chết trở thành một sự việc tự nhiên, xẩy ra trong vòng an ủi của gia đình và bằng hữu, và nếu có thể được thì ngay tại nhà. "Tôi tin rằng thật là ủi an phấn khích khi có người thân quanh một người đang hấp hối. Một phần không thể thiếu của khoa săn sóc giảm đau là trợ giúp gia đình và bằng hữu trong và sau tiến trình qua đời bởi cái đau đớn của họ tiếp tục sau đó nữa. Theo ông, nhiều quan điểm lệch lạc về khoa săn sóc giảm đau đã được nhận dạng. Thí dụ, nhiều người cho rằng việc săn sóc giảm đau khiến tiến trình chết xẩy ra nhanh hơn. Vì họ liên kết việc xử dụng chất morphine với tử vong. "Đó quả là một huyền thoại. Người ta nghĩ rằng phải dùng đến morphine có nghĩa là bệnh hiểm nghèo lắm rồi. Điều đó không đúng, vì y khoa dùng morphine cho cả những người bệnh còn lâu lắm mới chết. " Một quan niệm lệch lạc nữa là ta không thể làm giảm đau. "Đối với cái đau thể lý, ta có thể làm giảm đau đến 90 hoặc 95 phần trăm với morphine hoặc không có morphine. Nhưng thực ra, săn sóc giảm đau là một phương thức toàn bộ (holistic). Chúng tôi không chỉ điều trị thể xác mà thôi, mà cả con người bệnh nhân nữa." Thực vậy, bên cạnh cái đau thể lý, cái đau về xúc cảm và tâm linh cũng được săn sóc bởi một đội ngũ gồm bác sĩ, y tá, huấn đạo viên, nhân viên xã hội, các linh mục mục sư, gia đình, bằng hữu, bác sĩ gia đình và những người thiện nguyện. "Tuy nhiên, chúng ta phải làm cho cơ thể trở thành nơi thoải mái để sống. Sự đau đớn sẽ làm gia trọng các vấn đề xúc cảm của người hấp hối. Khi một người đau đớn, thì xúc cảm là những vấn đề họ khó đương đầu nhất. Làm cho họ thoải mái dễ chịu sẽ giúp họ đương đầu được mọi vấn đề quan trọng chung quanh cái chết."

Bác sĩ Barbato cho rằng chết là hàn gắn. Điều này đặc biệt đúng đối với những người có đức tin, vì với họ, chết là thời gian chuyển tiếp. "Đó là lúc nói về bất cứ điều gì đang làm một con người lo âu, hoặc nói với họ rằng bạn yêu thương họ. Đối với chúng ta, can thiệp vào cái chết là điều không đúng, mà hình thức can thiệp tệ hại nhất chính là giết người êm ái."

The Catholic Weekly, 5-10-1997
 
Mù mờ
Lm Vũđình Tường
17:48 10/06/2008
Buổi sáng nọ tôi thấy mắt mờ hẳn đi, mắt trái mỏi nhừ, nhìn gì cũng mù mờ, giống như trời sương mù giầy đặc. Tự trấn an có lẽ sáng nay sương nhiều nên trời âm u, không rõ. Đợi mãi đến trưa trời vẫn thế. Hẳn phải có điều chi khác lạ. Đúng thế tôi không ngờ một gân máu nhỏ xíu trong mắt bị bể. Không cần mất nhiều giờ bác sĩ mắt quả quyết như thế. Từ sáng đến giờ tôi bình tĩnh lạ thường nhưng khi nghe bác sĩ quả quyết tôi đâm hoảng, cho là bác sĩ chuẩn đoán sai. Để xác định hư thực bác sĩ đã chụp hình con ngươi và quả quyết là mắt có vấn đề lớn. Hỏi đi, hỏi lại hai ba lần để định tâm giúp nghe chính xác hơn. Không còn phải nghi ngờ nữa. Bác sĩ giải thích cặn kẽ, mạch lạc cho biết. Một gân máu trong mắt bị bể, máu đọng lại trong đó làm con ngươi tê liệt không nhìn được. Hình chụp xác định rõ.

Vấn đề kế tiếp hỏi việc chữa trị.

Được hay không chưa dám quyết. Chắc chắn là con mắt sẽ không thể nào được như cũ.

Lúc đi thì mắt sáng, mắt mờ, lúc về thì mắt sáng, mắt mù vì mắt kia bị miếng bông trắng che hẳn không điều tiết được nữa. Những ngày tháng kế đó tôi trở thành người một mắt. Tư tưởng mù ám ảnh trong đầu. Nó xuất hiện như bóng ma dại, khi ẩn khi hiện, khi rõ ràng, khi lờ mờ nhưng nó nằm trong đầu không sao quên được.

Coi đời bằng một con mắt

Từ ngày đó tôi coi đời bằng một con mắt. Lúc đầu thấy khổ sở vô cùng, phiền hà quá, khi còn đủ hai mắt chẳng khi nào tôi nghĩ đến một ngày kia tôi nửa mù, nửa mở. Sự thật ấy đang rành rành, tối ngày cái mù lẩn vẩn trong đầu, nghĩ đi nghĩ lại, ghiền gẫm cái mù. Càng nghĩ đến tinh thần càng xuống thấp, lắm lúc muốn xuôi tay, tinh thần làm việc biến mất nhường chỗ cho chán nản, buồn phiền gặm nhấm tâm hồn. Tôi thường dùng hình ảnh của những anh mù để tự an ủi mình. Bây giờ mới rõ có thì không quí đến khi mất mới thấy tiếc. Dù chưa mất hẳn nhưng có tìm lại được hay không chưa dám quyết.

Than thở lắm cũng vậy, tự trách mình cũng thế, hoàn cảnh không thay đổi được. Chính tôi tự an ủi vẫn còn cơ hội. Bác sĩ nói vẫn còn hy vọng, có thể chữa trị được. Họ chưa bó tay sao mình không tự chủ mà đầu hàng, chán đời, yếm thế sớm vậy. Lí luận thì như thế; thực tế đâu có vậy cho. Mỗi khi có việc lại thấy cái phiền não không đâu xa, ngay trước mắt. Ít khi nào tôi để ý người ta cần con mắt đến như thế. Bây giờ mù mờ thấy con mắt là đèn soi cho chúng ta. Suốt ngày hầu như hễ mở mắt là cần đến mắt và ngay cả khi ngủ cũng cần đến mắt. Bởi vì dùng thường quá nên quên tầm quan trọng của mắt đến khi mắt yếu mới thấy mắt quan trọng, cần thiết.

Đành chấp nhận hoàn cảnh làm việc trong tình trạng mù sương, lúc nào cũng lù mù. Trời hơi tối một chút càng mù hơn và tối đến khỏi phải đọc sách, có muốn cũng không nhìn thấy. Coi Tivi còn chán hơn. Cái ánh sáng phản chiếu của màn ảnh làm cho mắt mỏi đến độ đâm nhức vì các bắp thịt trong mắt phải điều tiết quá độ. Coi không rõ. Từ đó tôi ghiền nhạc, thích nghe nhạc vì không ảnh hưởng đến mắt, hơn nữa tâm hồn bớt căng thẳng.

Ngày gởi các dụng cụ phụng tự đi đánh bóng tôi vẫn nhìn rõ những chén bạc bị mòn, lớp vàng tráng phía trong bạc phếch để lộ lớp bạc bị rượu mạnh ăn mòn biến thành màu xám. Hai ba tháng sau cáng dụng cụ phụng tự mới về vì gởi vào cao điểm mùa Phục Sinh công việc bề bộn, thợ làm không hết việc, trong khi đó vài thợ nghỉ phép sớm về quê thăm gia đình. Cùng lúc ông chủ bận việc đi xa mất mấy ngày nên chủ ra khỏi nhà gà mọc đuôi tôm. Công việc đình trệ. Nếu mắt mũi tốt lành chắc tôi cũng bồn chồn chờ ngày nhìn lại các dụng cụ phụng tự mới vì tôi có phần trong việc quyên góp làm bóng chúng. Lúc này con mắt gom hết mọi quan tâm. Khi dụng cụ phụng tự đem về người không ngớt lời khen đẹp. Kẻ khen bóng láng, mỹ thuật. Kẻ trầm trồ kĩ thuật tráng đồng, nạm bạc. Kẻ chắt lưỡi ca ngợi tài khéo, sắc sảo của các nét điêu khắc. Kẻ chỉ trỏ hình mặt nhật rõ thế mà trước đây không nhìn thấy thấy. Hình thánh giá nổi bật ngay nhà tạm ngồi xa cũng nhìn rõ. Các nét khắc, trạm trổ rõ nét, sắc bén tinh xảo khôn lường. Hình con bồ câu đậu trên chén thánh đẹp tuyệt vời, sáng rực rỡ. Tôi cũng có mặt lúc các dụng cụ phụng tự mang về, quan sát cẩn thận, lặng câm không đưa ý kiến vì nhìn không rõ, chén thánh cũng lờ mờ, mặt nhật vẫn như xưa, nhà tạm chẳng có gì thay đổi. Lúc còn sáng mắt hình ảnh lờ mờ do dùng lâu, do mòn và dơ. Sau ngày đánh bóng, tráng thêm bạc, mạ thêm vàng, chỗ trũng lấp cho đầy, hố sâu bạt cho phẳng, góc cạnh lau cho sáng thì mắt lại bị thương không nhìn rõ, nhìn gì cũng lờ mờ.

Con vẹt

Trước đây cái tăm tối đến từ bên ngoài, bây giờ cái tăm tối đến từ bên trong. Cố gắng đến đâu cũng không thể rõ hơn. Nhìn đến mỏi con mắt cũng thế. Nhìn không rõ nên ráng nhớ lời khen, ca ngợi của mọi người để tiếp tục câu chuyện khi có người đề cập đến. Những lời khen tôi có được về dụng cụ thờ phượng đều là những nhận xét của người khác. Tôi lập lại những giọng điệu đó, lời khen đó mà không ai thắc mắc tôi nhìn thấy hay chỉ nghe thấy rồi làm con vẹt lập lại điều tai nghe.

Chẳng bao giờ tôi đặt vấn đề những người nhìn các vật dụng kia chính xác đến mức nào. Họ quan sát đúng sai ra sao, tỉ mỉ hay cẩu thả khen thành tâm hay khen lấy lòng người khác. Tất cả những chi tiết đó tôi hoàn toàn không đặt vấn đề. Tai nghe họ khen, óc ráng nhớ lấy rồi lập lại các lời đó như của chính mình. Ngạc nhiên hơn nữa là các lời khen đều chú trọng đến một khía cạnh nào đó của vấn đền. Lời nhận xét thường chú trọng đến một phần mà không chú trọng đến toàn phần. Con người quan sát sự việc rất phiếm diện, thường là để ý đến một khía cạnh đơn độc, một phần, mà không quan sát toàn phần, toàn cảnh. Có lẽ đây là nguyên nhân chính gây nên ý kiến, nhận định khác nhau khi cần phải bàn thảo, xem xét, nhận định vấn đề chung của cộng đoàn. Mỗi người nhìn sự việc một khía cạnh, đưa ra ý kiến cũng chỉ một khía cạnh nhưng họ không nhaận ra điều đó. Nếu có bất đồng ý kiến cũng tại nhìn sự việc phiếm diện, thiếu toàn diện.

Đèn soi

Mắt là đèn soi mà đèn tối soi sao cho sáng tỏ. Lúc vắng người tôi âm thầm dùng đèn pin rọi vào những vật dụng phụng tự nhưng vẫn không nhìn rõ hơn là bao. Tay sờ cảm được đường cong, nét vẽ nhưng dùng mắt đành chịu.

Tôi liên tưởng đến câu nói mắt đức tin là đèn soi cho tâm hồn. Đã từ lâu tôi không đọc sách đạo, không suy gẫm lời Chúa, xa dời thánh kinh. Cuốn kinh thánh có lẽ vẫn còn trong tủ phía đầu giường. Chỉ cần với tay là cầm được. Cuốn sách nặng kí hơn vì bụi, lâu rồi chưa ai đụng đến. Có lẽ sách mất rồi cũng nên. Tâm hồn tôi u tối như chân đèn cầy bạc đóng bụi, bạc phếch như chén đồng mạ vàng. Tâm hồn tôi từ lâu không được đánh bóng, không lau chùi, phủi sạch bụi. Tôi vẫn đến nhà thờ, vẫn đi lễ như mọi người, cũng đi đủ các lễ Chúa Nhật và xong lễ cũng ra về, tâm hồn thảnh thơi vì đã làm tròn nghĩa vụ. Con mắt thể xác đang mù giúp tôi phản tỉnh, nhận ra con mắt đức tin của tôi cũng chung cùng hoàn cảnh, cũng mù. Từ lâu tôi vẫn nhìn Chúa bằng con mắt nửa mù, nửa sáng. Tôi giữ đạo mù mờ. Hiểu đạo mù mờ và yêu Chúa cũng mù mờ. Cái kinh nghiệm mù mờ thể lí đưa đến nhận định cách giữ đạo mù mờ tâm linh. Nhận xét này có vẻ đúng vì tôi rất mù mờ về Chúa, mù mờ về các bí tích, mù mờ vể các nghi thức trong đạo. Nói rõ ra mù mờ về đức tin, về nghi thức phụng vụ, nghi thức an táng. Không tin chỉ cần làm một trắc nghiệm đỏ đủ biết. Chỉ cần bạn ngồi xuống lấy giấy bút viết ra thứ tự từ đầu thánh lễ đến cuối thánh lễ bạn sẽ biết rõ về mình. Nếu bạn làm được điều đó là bạn khá thành thạo về thứ tự trong thánh lễ.

Vẹt tâm lí

Tôi là con vẹt đời. Rất nhiều lần bạn tôi nói người đó tốt nên gặp cơ hội tôi khen người đó tốt. Trường hợp bạn tôi nói anh ta là dân ghiền rượu tôi tin người đó ghiện rượu. Người đó có ghiền hay không đâu cần kiểm chứng, dò hỏi. Người đó ghiện rượu vì bạn tôi xác quyết thế. Nhận xét tốt xấu về một người ít nhiều ảnh hưởng bởi nhận xét của thân hữu. Từ tin bạn tôi tin luôn nhận xét và quan sát của bạn. Tin sao nói vậy. Thực tế đúng sai không kiểm chứng. Bạn tôi nói người đó tốt nên người đó phải tốt. Thực tế người đó tốt xấu ra sao tôi không rõ nhưng ít nhất có người nhận xét là người đó tốt nên tôi tin là người đó tốt. Một cách nào đó nhận xét, phê bình của tôi về sự vật, về người khác không phải do chính tôi nhận xét mà chính là cóp nhặt của người nào đó. Nhận xét như thế là nhận xét mù mờ về một người. Vì mù mờ nên mới có tình trạng nhẹ thì cãi vã, từ bạn, nặng thì tranh trụng trước toà cho rõ. Tất nhiên không phải tất cả nhận xét của bạn về ai đó đều sai cả. Có nhiều phần đúng và cũng lắm phần sai vì thế hình ảnh của ai đó trong bạn là hình ảnh nửa thật nửa giả, nửa đúng nửa sai về một con người. Khi quan sát ai cũng có khả năng quan sát đúng và ai cũng không ít thì nhiều cũng có những chủ quan trong nhận xét nên tính chủ quan làm ta nhận xét sai lầm. Nhận xét sai lầm do chủ quan mà chủ quan thì không sửa được vì nó gần như con ngươi trong mắt ta nên ít khi biết mình chủ quan. Chỉ khi nào sai rành rành ra đó lúc đó mới biết là đã chủ quan trong nhận xét và chỉ chấp nhận chủ quan trong trường hợp đó mà thôi.

Con Vẹt Thánh

Con mắt đức tin không được lau chùi, thanh tẩy nhìn Chúa mù mờ. Bởi nhìn Chúa không rõ tôi vay mượn niềm tin. Tôi đặt tin tưởng vào một vài thân hữu. Họ nhìn Chúa theo cách của họ tôi nghe được và rêu rao về Chúa theo cái nhìn của thân hữu, cái nhìn của người tôi tin tưởng. Chúa có thực sự như thế không tôi nào rõ vì mắt tâm hồn tôi mờ rồi, bụi đóng, màn che và đôi khi một tiểu mạch nào đó vỡ tan tành mà không bác sĩ mắt tâm linh nào chỉ cho. Thực ra tôi cũng không quan tâm lắm, dù có bác sĩ tâm linh chuyên trị về mắt tôi cũng chả cần.

Nếu ai đó nói về Chúa không hợp với điều tôi nhận xét thì tôi tranh cãi, cho họ sai tôi đúng. Tôi đúng vì tôi nhìn thấy thế. Không cần kiểm chứng bởi vì chính mắt tôi nhìn thấy thế.

Chúa tôi tin thờ không do lời Chúa mang lại mà hình ảnh vể Chúa của người bạn tôi sáng tạo ra, cứ thế tôi vững dạ tin theo, tôn thờ. Tôi sẵn sàng rao giảng về Chúa cho người khác tin theo hình ảnh đó, sẵn sàng bảo vệ Danh Chúa và nếu phải cãi nhau, bất bình, ăn thua đủ với nhau vì Danh Chúa tôi sẽ không bỏ qua. Đụng đến đức tin thì tôi không nhịn, không tha. Đức tin đó có đúng với giáo lí Chúa dậy hay chỉ là những điều người khác truyền đạt tôi không rõ. Vì thế khi gặp Chúa tôi không nhận ra Ngài. Khi Ngài cắt nghĩa tôi không tin, Ngài rao giảng tôi chống đối vì những lời này chói tai quá.

Con vẹt thánh sẽ chết trong cái mù mờ của chính tâm hồn nó. Bao lâu nó còn hình ảnh Chúa trong đầu do lời người khác truyền đạt thì nó còn sống đời con vẹt. Nó thực sự lột xác khi chính bản thân nó nghiên cứu lời Chúa sống thực thi tinh thần bác ái, vị tha. Nó lột xác khi nó bỏ được cái chủ quan trong nhận xét, học hỏi về Chúa. Nó lột xác khi nó biết chấp nhận hướng dẫn của Giáo Hội. Nó chỉ là người khôn xây nhà trên đá khi biết nghe lời Chúa và đem ra thực hành.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Một Mình
Hồng Nhung
00:15 10/06/2008

MỘT MÌNH



Ảnh của Hồng Nhung

Một mình, độc thủ, độc thuyền

Mong cho biển lặng, đầy thuyền cá, tôm!

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền