Ngày 11-06-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ân sủng Chúa Thánh Thần
Tuyết Mai
04:50 11/06/2011
Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thàn hiện xuống

Nói về Đức Chúa Thánh Thần thì tôi biết Ngài rất rõ!. Thật vậy vì từ khi tôi sống trong vũng lầy của tội lỗi, biết quay trở về vì Ngài đã cho tôi cơ hội để gặp Ngài. Ngày ấy tôi nhớ rất rõ, là tôi đã khóc sướt mướt. Tôi khóc cho tội của tôi. Tôi khóc vì tôi đã bỏ đi rất nhiều thời gian xa lánh Ngài. Tôi như người đàn bà tội lỗi, lỡ có tội, cứ tưởng rằng Thiên Chúa đã chê ghét tội lỗi của tôi, và tôi đã không biết cách để trở về, sống trong đường ngay nẻo thẳng. Trước đây tôi tưởng Thiên Chúa của tôi rất công thẳng và rất dữ giằn và Người rất chê ghét những ai phạm tội trọng. Xưa kia vì Người đã xử phạt cả một thành tội lỗi nên tôi cứ nghĩ rằng Người sẽ không tha thứ tội cho tôi. Những ngày tôi còn sống trong tội lỗi ấy, tôi chưa biết một Thiên Chúa của Lòng Thương Xót. Tôi chưa hiểu rõ thế nào là để được Người Cứu Độ. Tôi chưa hiểu vì tôi chẳng được ai dậy dỗ cho hiểu. Và tôi đã trốn tránh một Thiên Chúa rất nhân lành của tôi.

Nhưng từ khi tôi có dịp và có cơ hội để tự nguyện đến tìm Người trong Nhóm Canh Tân Đặc Sủng thì không bao lâu cuộc đời tôi đã có ngã rẽ thật rõ rệt và không còn có thể biện hộ được. Chúa Thánh Linh Ngài đã đến với tôi. Ngài đến một cách bất chợt, nhưng tôi không chống đỡ. Ngài đến trong tâm hồn tôi và Ngài đã không xa rời tôi nữa!. Từ đó Ngài đã từ từ biến đổi tâm hồn tôi và con người tôi. Người thật đã rửa tôi trong Thánh Thần và cho tôi sanh ra một lần nữa!. Người từ đó hướng dẫn tôi lần tìm tới Thánh Kinh. Người từ đó ban cho tôi những năng khiếu mà từ trước tôi chưa từng có. Người cho tôi có cảm hứng làm nhạc để ca ngợi Thiên Chúa. Hết bài này đến bài kia, nhưng trước đây tôi chưa có tiền để làm những việc như ra CD để biếu không cho mọi người, và khi ấy con gái tôi tay đàn cũng còn non nớt lắm chẳng giúp gì được cho mẹ trong vấn đề này!. Nhưng đó vẫn là giấc mơ trong tôi như lửa cháy âm ỉ vậy thôi!. Rồi Chúa Thánh Linh cũng đã thổi trong tôi một nguồn mạch sống mới, là ban tặng cho tôi những bài viết được đăng trên các Webs của Công Giáo.

Chẳng những thế Ngài lại giúp tôi có thêm nghị lực để chịu đựng tất cả những vất vả trong cuộc sống. Tình yêu của Ngài đã dâng tràn khắp châu thân của tôi, cho nên tôi không giữ một mình, mà chia sẻ cho tất cả những ai tôi gặp trên con đường làm việc của tôi, nhất là trong trung tâm của người già. Công việc nặng nề vất vả cực khổ đến đâu, Ngài cũng biến đổi chúng thành nguồn vui và là của Lễ hiến dâng lên cho Thiên Chúa. Vì Ngài dậy tôi hiểu được rằng dù là công việc tôi làm thật nhỏ mọn, qua lòng yêu mến, thì sẽ được phần thưởng to lớn. Ngài Thánh Linh đã giúp tôi biết đền tội của mình qua những công việc bác ái tôi làm, chứ xưa kia tôi nổi tiếng là người keo kiệt. Có bao nhiêu tôi ôm hết bấy nhiêu! Chẳng biết chia sẻ cùng ai đâu! Vì đó cũng là cái tánh tằn tiện của tôi mà thôi! Tôi có cướp giật của ai đâu và đó cũng là mồ hôi nước mắt tôi đã làm ra.

Những chuyện thật lạ lùng Chúa Thánh Linh, Ngài làm trên tôi thật tôi không thể nào kể ra cho xiết và cho hết. Chúa Thánh Linh đã ban cho tôi một món quà thật giá trị nhất trong cuộc đời của tôi, là ban cho tôi Bình An của Ngài. Xưa kia tôi là con người luôn lo lắng và hay tính toán trước. Hay sợ mọi điều xấu xui xẻo sẽ đến với tôi và gia đình tôi. Tánh tình không được đằm như bây giờ. Tham lam và bắt chồng tôi đi làm thật nhiều giờ phụ trội (OT), càng nhiều càng tốt để có thêm tiền mà chi xài trong gia đình; vì cả nhà sống trên một đầu lương thì không thiếu đầu này thì cũng hụt đầu kia. Hay bắt bẻ và chẳng lưu tâm đến ai, miễn sao nói được những gì mình nghĩ và cho là phải. Cho nên sự xích mích giữa chị em với nhau cũng không tránh được, hà huống gì là những chuyện xích mích và đụng chạm đến chồng, tuy tôi có khôn ngoan là chỉ nói một nửa ý của mình chứ chưa nói ra cho hết.

Quả thật quà Chúa Thánh Linh đã ban cho chính tôi và gia đình là một món quà quý giá còn hơn bạc hơn vàng!. Quà Chúa ban đã giúp cho cả gia đình chúng tôi cảm nhận được sự hạnh phúc quá lớn. Tôi biết hy sinh, nhịn nhục, và tha thứ; cho chồng con, người thân thương, và người ngoài. Ngài giúp cho tôi biết những sự chịu đựng nơi chính tôi, là hoa quả là những chia sẻ rất có lợi ích cho chính tôi, linh hồn tôi, và cho tất cả!. Gia đình tôi ít nhiều đã cảm phục tôi, nhất là đối với chồng tôi, sau là các con. Chúng đã học theo gương của mẹ chúng là nhẫn nhục, vui vẻ với bất kỳ ai mình hằng ngày gặp gỡ. Không ích kỷ và luôn cảm thông. Nhất là không bao giờ thù ghét ai và luôn tìm một nửa phần tốt của họ mà chơi. Bởi ai cũng có nửa phần xấu và nửa phần tốt. Luôn có cuộc sống lạc quan để làm cuộc đời thêm tươi thắm và như cầu vồng muôn mầu, tô điểm khắp mọi nơi.

Gia đình chúng tôi luôn có Chúa ở cùng, tuy rằng không bằng ai về vật chất hay tiền bạc, nhưng chúng tôi không cần vì biết rằng Thiên Chúa luôn lo liệu và sắp đặt mọi thứ theo Thánh Ý Của Người. Chúng tôi rất hạnh phúc và Xin Vâng trong mọi hoàn cảnh Người định đoạt cho chúng tôi. Ôi, hạnh phúc thay khi có Chúa ở cùng!!!!. Xin Chúa Thánh Thần hãy ngự đến và ban ơn lành trên tất cả chúng con là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Hướng dẫn chúng con làm những điều lành và tránh điều dữ, nhất là tránh sa hỏa ngục đời đời. Nhờ Ngài mà chúng con biết phục thiện. Nhờ Ngài mà chúng con còn có cơ hội được trở về Quê Cha trên Trời. Nơi mà hạnh phúc sẽ là vĩnh cửu và là muôn đời. Amen.
 
Lễ Chúa Thánh Thàn hiện xuống
PM. Cao Huy Hoàng
04:52 11/06/2011
Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thàn hiện xuống

Chúa Giêsu đã về Trời. Công cuộc cứu rỗi nhân loại được chuyển giao cho Hội Thánh của Chúa Giêsu nhờ nguồn trợ lực của Chúa Thánh Thần.

Giờ đây, chính Chúa Thánh Thần khơi dậy trong mỗi chúng ta, trong cộng đoàn, trong Giáo Hội mọi Lời Đức Kitô đã dạy, và làm cho Lời ấy sống động trong mỗi chúng ta và trên toàn thế giới.

Điều ấy đã hiển thị trước mắt chúng ta, trong lịch sử Giáo Hội và cả trong lịch sử nhân loại. Hội Thánh tiếp chỉ những huấn lệnh của Đức Giêsu với lòng nhiệt thành. Và các Tông Đồ đã hăng say loan báo Tin Mừng cho toàn thể nhân loại.

Niềm hăng say phát xuất một phần từ niềm tin của chính các ngài, nhưng phần chính yếu, là vì: họ được Chúa Thánh Thần biến đổi tận căn thành những con người mới:

-Những con người dũng cảm lên tiếng bênh vực cho người bị áp bức thay cho bản chất nhát hèn im lặng đồng lõa trước kia;
-Những con người dám công khai đem đuốc thiêng của ánh sáng tình yêu chân lý xông vào nơi cửa đóng then cài;
-Những con người biết cảm thương cho thân phận đồng loại thay cho óc hưởng thụ ích kỷ xưa kia người bức trị người;
-Những con người quyết một lòng vì hạnh phúc thật của nhân loại, hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau.

Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục đồng hành và hướng dẫn Giáo Hội của Chúa Giêsu chu toàn sứ mệnh cứu rỗi nhân loại. Quả thật, trải qua bao thế kỷ, tinh thần của Đức Kitô, của Tin Mừng vẫn hiên ngang xâm nhập mọi bối cảnh lịch sử, chính trị, xã hội, không chỉ vì lòng nhiệt thành của Giáo Hội mà còn vì một sức đẩy vĩ đại hơn: sức đẩy của Chúa Thánh Thần, sức đẩy của lòng Thiên Chúa yêu thương con người, không muốn cho con người phải hư mất.

Với mỗi cá nhân, Chúa Thánh Thần đã cấy vào lòng con người những ưu tư khắc khoải về thân phận con người, hạnh phúc thật:

Vì thế, dẫu có sức mạnh nào của thế gian chống lại Thiên Chúa mặc cho con người nào đó một số quyền năng nhất thời, thì con người ấy cũng dễ sớm nhận ra rằng không có gì tồn tại ngoài Thiên Chúa, khi chính mình nhận ra bóng chiều của cuộc tàn tận rất riêng tư đang chờ ở phía trước !

Không có lịch sử nào tồn tại nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa. Không có chân lý nào đáng tôn thờ, nếu không phải là chân lý tôn thờ Thiên Chúa. Có những con người cao ngạo lầm tưởng rằng mình có thể làm nên một lịch sử mà không cần đến Thiên Chúa, nhưng họ đã thất bại, vì chính lịch sử của cuộc đời họ đã chấm dứt trước khi họ hoàn thành những ảo vọng điên rồ. Cũng thế, sự xuất hiện của bao thần thánh mà con người tự tạo cho mình trong các giai đoạn lịch sử nhân loại đều đã bị đại bại trước ngọn cuồng phong Chân Lý của Chúa Thánh Thần, để chỉ còn duy nhất một Đấng Thánh đáng tôn thờ là Thiên Chúa.

Với mỗi cá nhân các tín hữu, Chúa Thánh Thần đang tác động nơi mọi ý nghĩ, lời nói việc làm, để tín hữu ấy hiển thị chính đời sống Đức Kitô trước mắt mọi người:

-Bằng cách nầy hay cách khác, công khai hay không công khai, mỗi tín hữu đang làm chứng cho sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa cách riêng trong cuộc đời họ và cách chung trong toàn thể nhân loại.

-Đời sống các tín hữu càng liên kết với nguồn trợ lực của Chúa Thánh Thần, càng múc lấy được muôn vàn ơn thánh sung mãn để không chỉ hoàn thành cuộc hành trình về Nhà Thiên Chúa, mà còn chu toàn sứ mạng ngôn sứ của mình là làm cho nhiều người cùng được cứu sống.

-Trong cùng một Thánh Thần, các tín hữu có một tiếng nói chung: tiếng nói của tình hiệp nhất, bác ái, tiếng nói của công bằng, sự thật, tiếng nói của hòa bình tự do đích thực của con cái Thiên Chúa.

Ngược lại, người không yêu chuộng sự hiệp nhất, bác ái, thì không hiểu được tiếng nài van khẩn khoản của Chúa Thánh Thần đang kêu gọi một thế giới đại đồng; người đang sống trong sự giả dối lố bịch và bất công ngu muội, thì không nhận ra tiếng mời gọi sống trong tinh thần tôn trọng sự thật và công bằng, lẽ phải và công ích. Chỉ khi nào bàn tay Chúa Thánh Thần chạm vào tư tưởng, vào cõi lòng họ thì họ mới được đổi mới. Các tín hữu vẫn tha thiết nài xin Chúa Thần đến trong tâm hồn mình và mọi người để Chúa Thánh Thần thức tỉnh lương tâm nhân loại và canh tân bộ mặt trái đất.

Đáp lại lời nguyện xin ân ban nguồn trợ lực, Chúa Thánh Thần đang lên tiếng khắp nơi, và khi nhận ra tiếng Ngài thì chúng ta cũng nhận ra được dấu lạ của Ngài: Từ tấm lòng mỗi tín hữu đến gia đình, làng xóm, xứ đạo, đến địa phương, đất nước, đâu đâu cũng đổi mới theo chiều hướng thăng hoa vươn tới những giá trị tuyệt đối, giá trị siêu nhiên.

Chúa Thánh Thần đổi mới mặt địa cầu. Nhưng Ngài không là nhà cách mạng theo kiểu của thế gian, nhưng là nhà cách mạng theo cách của Thiên Chúa, của chính Ngài.

Còn có quá nhiều chuyện trên thế gian nầy chưa thực sự hoàn thiện, đồng nghĩa với việc còn cần đến sức mạnh và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nơi đây, nơi kia, đang sống ngược lại với tinh thần của Tin Mừng. Một số chính phủ đang thao túng quyền lực của mình trên chính trường quốc tế. Một số khác đang dùng quyền lực của mình để dày vò lương tâm của những con người yêu nước chân chính.

Thiết tưởng, nếu theo cách của thế gian, chắc chắn mặt ngoài phải là xuống đường, đã đảo, mặt trong phải là xách động âm mưu cấu kết rồi công khai lật đổ chính quyền tham nhũng thối nát… để dựng lên một chính phủ mới.

Nhưng theo cách của Thánh Thần thì không phải như vậy. Cách của Chúa Thánh Thần là càng phải khẩn khoản nài xin Thiên Chúa tha thiết hơn, liên lỉ hơn.., càng phải sống tinh thần Thương Khó của Chúa Giêsu tích cực hơn, là càng phải công khai nói với Chúa những nguyện vọng chính đáng của bần dân cơ cực, bị áp bức, để người gian ác nhận biết Thiên Chúa và cánh tay uy lực của Ngài.

Quả thật, Chúa Thánh Thần đang lên tiếng nơi những con người bênh vực cho công lý, nơi những người dám nhân danh sự thật, nhân danh nền hòa bình cộng đồng và nhiều quyền lợi chính đáng khác của nhiều người, mà thuyết phục kẻ gian ác bỏ ngay những toan tính thủ đoạn trục lợi, bỏ ngay con đường gian ác.

Những ngày này của năm 2011, không chỉ tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn mà là khắp nơi trong nước, trên thế giới, đang khẩn khoản nài xin Chúa Thánh Thần ban bình an cho đất nước Việt Nam, trong đó, chắc chắn có ý nguyện cho người Việt Nam biết cách và cương quyết bảo toàn lãnh thổ trước những mưu ma kế quỷ đang toa rập nhau thực hiện điều bất chính tội lỗi tày trời: xâm chiếm hay mua đứt bán đoạn một phần lãnh thổ đất nước.

Mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trong những ngày mà mọi người Việt Nam đang mong tìm cho ra nguyên lý bảo tồn toàn vẹn lãnh thổ đất nước, thì mỗi người con của Chúa, con của tổ quốc Việt Nam thân yêu chắc chắn không ai dám giơ tay xin tránh trút trách nhiệm, hoặc đứng ngoài cuộc lắng lo chung khi vận nước lâm nguy.

Nhưng, mỗi người ít là một lời nguyện hiệp thông, để Chúa Thánh Thần khẩn trương tác động nơi những con người mang trọng trách Đất Nước giao phó và xin cho họ biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần mà dừng lại cuộc chơi phiêu lưu tán gia bại sản.

Lạy Chúa, xin đừng phạt thế gian cách nhãn tiền, nhưng xin lấy lòng từ ái của Thánh Thần Thiên Chúa, mà đẩy chúng vào ánh sáng chân lý, để chúng cũng được cứu rối nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô. Amen.
 
Ngọn lửa Đức Chúa Thánh Thần
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
08:37 11/06/2011
Ngọn lửa Đức Chúa Thánh Thần

Hằng năm Giáo hội mừng đại lễ kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống kết thúc mùa phục sinh.

Đức Chúa Thánh Thần là ngôi thứ ba Thiên Chúa. Nhưng Ngài lại không có một hình tượng cụ thể nhất định nào.

Chim bồ câu là hình tượng chỉ về Chúa Thánh Thần. Hình ảnh này nói lên sứ điệp hòa bình, sự nhẹ nhàng thanh thoát của Đức Chúa Thánh Thần trong không gian.

Làn gió, dòng nước, ngọn lửa cũng là hình ảnh diễn tả về Đức Chúa Thánh Thần. Những hình ảnh này vẽ lên sức sống cùng sự nồng nhiệt vươn lên tràn đầy niềm hy vọng của Đức Chúa Thánh Thần.

Đức Chúa Thánh Thần là một nhân vật, nhưng lại được diễn tả trình bày bằng những hình ảnh biểu tượng, và hơn nữa bằng con số bảy.

1.Đâu là ý nghĩa của con số 7?

Con số 7 là con số toán học diễn tả nhiều biểu tượng về sự hiểu biết cùng khôn ngoan, là con số căn bản về cấu trúc, về sự trọn vẹn tràn đầy.

Sớ liên kết do hai số 4 và 3 cộng lại với nhau diễn tả sự hòa hợp về trật tự, và có gía trị như một con số „thánh“.

Một tuần lễ có 7 ngày. Thành phố thủ đô Roma được xây dựng trên 7 qủa đồi. Thế giới có 7 kỳ quan theo quan niệm thời Thượng cổ.

Trong âm nhạc có bảy nốt cung nhạc: do, re, mi, fa, sol, la, si.

Trong Do Thái giáo cây nến có bảy ngọn tỏa ra như một hình quạt là biểu tượng về ánh sáng thần linh thánh đức. Đây là một biểu tượng nguyên thủy lâu đời trong đạo Do Thái.

Trong Phật Giáo nói đến 7 tầng trời khác nhau. Thời thượng cổ xa xưa người ta biết đến 7 hành tinh trong đó bao gồm cả mặt trời và mặt trăng.

Người Hy Lạp nói dến con số 7 trong những truyện Thần thoại: 7 cổng thành của Theben, 7 người con trai của Helios, 7 sự lạ lùng trong thế giới…

Trong Kinh Thánh nơi sách Khải huyền của Thánh Gioan nói đến 7 Giáo đoàn, 7 dấu ấn, 7 tầng trời nơi có Thiên Thần ngự.

Trong Giáo Hội Công giáo có 7 Bí tích: Rửa tội, Thêm sức, Giáỉ tội, Mình Thánh Chúa, Hôn phối, Chức Linh mục và Xức Dầu.

Ngày trứơc thời Công đồng Vatican I I. ( 1965) các Giáo sỹ trong Giáo Hội được truyền 7 chức thánh. Nhưng từ sau Công đồng chỉ còn: chức Phó tế và chức Linh mục.

Giáo Hội theo truyền thuật lại nơi sách Tiên Tri Isaia 11, 2 nói về bảy ân đức của Đức Chúa Thánh Thần: „ Khôn ngoan, thông minh, lo liệu, sức mạnh, hiểu biết, đạo đức và kính mến Chúa „

2. Đâu là ý nghĩa của 7 ân đức Chúa Thánh Thần cho đời sống đức tin?

2.1.Ngọn lửa ơn khôn ngoan

Khôn ngoan đây không phải là sự biết nhiều, biết giỏi cùng khá hơn người khác, nhưng là cách sống và là một nhân đức của một tâm hồn biết nhìn nhận sự chân thành, biết giới hạn của mình, cùng nhận ra hoàn cảnh đời sống và người khác.

Vì thế, trong những hoàn cảnh khó khăn phức tạp chúng ta cầu xin ngọn lửa Chúa Thánh Thần soi sáng cho tâm trí nhìn rõ việc phải làm phải quyết định cho đúng.

„ Qủa vậy, nơi Đức Khôn ngoan có một Thần Khí tinh tường và thánh thiện.“ ( Titô 3,6)

2.2. Ngọn lửa ơn thông minh

Thông minh đây không phải là học qua hay đọc qua là hiểu hết, nhưng là biết suy nghĩ tìm hiểu cho sâu rộng thêm. Nơi nào thiếu điều này, nơi đó thiếu phát triển mở rộng, đổi mới, cùng học hỏi thăng tiến thêm lên.

Chúng ta người tín hữu Chúa Kitô cầu xin ngọn lửa ơn thông minh của Chúa Thánh Thần như ánh sáng thần thánh như sức mạnh cùng sự sâu rộng giúp cho tâm trí mạnh mẽ phấn khởi vươn lên.

„ Ta sẽ ban tặng các ngươi một qủa tim mới, sẽ đặt Thần khí mới vào lòng các ngươi.“ ( Edekien 36,26)

2.3. Ngọn lửa ơn biết lo liệu

Xưa nay ai cũng cần lời an ủi trợ giúp trong hoàn cảnh đời sống. Lời trợ giúp không phải là mệnh lệnh truyền, nhưng là lời khuyên nhủ ẩn chứa tôn trọng sự tự do cùng quyết định của người khác.

Vì thế chúng ta cầu xin ngọn lửa ChúaThánh Thần ơn biết lo liệu trong những khi trên đường hoài nghi còn đang đi tìm kiếm cho quyết định trong đời sống.

„ Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, dedể tôi loan báo Tin mừng“ ( Lc 4,18)

2.4. Ngọn lửa ơn sức mạnh

Sức khoẻ, sức mạnh mọi người đều cần có, nhất là sứ mạnh tinh thần. Có sức mạnh tinh thần đời sống mới vươn lên niềm hy vọng, mới có niềm vui phấn khởi xây dựng đời sống đi lên.

Những khi tinh thần uể oải, hoài nghi chùng xuống là những lúc cần thiết phải cầu xin ngọn lửa ơn sức mạnh của Thánh Thần giúp củng cố vực dậy đứng lên tiếp tục con đường sống.

„ Anh em sẽ nhận được suúc mạnh của Thánh Thần khi người ngự xuống trên anh em. „ ( Cv 1,8)

2.5. Ngọn lửa ơn hiểu biết

Sự hiểu biết dù chỉ là những sự thông thường nhò bé trong đời sống luôn cần thiết trong đời sống. Sự đào tạo giáo dục là căn bản cho sự hiểu biết. Trong đời sống đức tin sự hiểu biết không hẳn là biết nhiều, nhưng là hiểu biết nguồn gốc đời sống, nguồn gốc vũ trụ là do Thiên Chúa tạo dựng nên.

Sự hiểu biết sâu rộng giúp đời sống dễ dàng chấp nhận khoan dung với người khác hơn. Xin ngọn lửa ơn hiểu biết của Đức Chúa Thánh Thần giúp ta thaót ra khỏi vùng bóng tối lộn xộn làm tâm trí ta hoang mang chao đảo.

„ Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ thần khí mà tiến bước.“ ( Galata 5,25)

2.6. Ngọn lửa ơn đạo đức

Đạo đức không phải chỉ là giữ những thói quen tốt lành, nhưng là sự ngay thẳng chân thật trong đời sống.

Ngọn lửa ơn đạo đức của Chúa Thánh Thần giúp tâm hồn con người tìm nhận Thiên Chúa chân thật nguồn yêu thương tha thứ.

„ Anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em. „ ( 1 Cr 3,16)

2.7. Ngọn lửa ơn kính mến Chúa

Kính mến Chúa là lòng kính trọng mầu nhiệm bí ẩn về Thiên Chúa mà tâm trí con người không làm sao cắt nghĩa hiểu được. Đây không phải là sự sợ hãi trước mầu nhiệm thần thánh, nhưng là lòng tôn kính gìn giữ điều không thể cắt nghĩa bằng lời cũng như hiểu thấu bằng suy nghĩ lý luận được. Kính mến Chúa cũng đồng thời giúp tâm trí sống lòng khiêm nhượng trước Đấng Toàn Năng.

Xin ngọn lửa ơn kính mến Chúa của Chúa Thánh Thần giúp tâm trí không chạy theo những thân tượng gỉa tạo. Nhưng tin theo một Thiên Chúa chân thật, Đấng là mầu nhiệm ẩn dấu cho tâm trí con người, cùng gần gũi với con người hơn cả.

„ Thánh Thần ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa“ ( Cv 10,44)

Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, 12.06.2011

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Xây dựng những công trình Ba-ben mới cho thế giới
LM. Giuse Trương Đình Hiền
12:48 11/06/2011
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG 2011

“xây dựng những công trình Ba-ben mới cho thế giới”

Dẫn nhập đầu lễ : Kính thưa ông bà anh chị em,

Hôm nay, chúng ta hân hoan mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mừng kính biến cố “thần hiển” chính thức của Vị Ngôi Ba Thiên Chúa trên các Tông Đồ để chính thức hình thành Giáo Hội. Thiên Chúa Ngôi Ba còn được mang tên là Đấng Bảo Trợ, là Thần Khí sự thật, là Chim Câu dịu hiền, là Nước hằng sống tuôn chảy dạt dào như dòng sông, là Hơi thở tác sinh và là Ngọn lửa nồng nàn thanh tẩy và sưởi ấm.

Chúng ta dâng Thánh lễ hôm nay với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân Thánh Thần chúng ta đã nhận được ; đồng thời cầu xin Chúa Thánh Thần “lại đến để sửa lại mọi sự trong ngoài” của chúng ta hầu chúng ta sống xứng đáng đời sống con cái Chúa, đời sống tái sinh qua Nhiệm Tích Thánh Tẩy mà giờ đây chúng ta đang nhắc lại qua cử hành Rảy Nước Thánh nầy để chuẩn bị tâm hồn cách xứng đáng hầu cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Chia sẻ Lời Chúa

Thời sự của Việt Nam trong mấy tuần lễ qua đã nóng lên với những sự kiện xảy ra ở Biển Đông : 2 vụ liên tiếp (ngày 26.5 và 9.6) tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc thâm nhập trái phép và quấy nhiểu phá phách các tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam ngay trong vùng biển thuộc hải phận Việt Nam. Và hai bên đã có tiếng qua tiếng lại mà cả lập luận và thông tin trình bày đều khác biệt nhau hoàn toàn.

Quả thật, ngôn ngữ của chính trị, ngoại giao không bao giờ là ngôn ngữ của yêu thương, hòa bình, khoan dung, tha thứ. Nếu có chăng, thì chỉ là những hư từ rỗng tuếch, mỵ dân, giả dối để che đậy những âm mưu đen tối bên trong.

Cũng vì lẽ đó mà ngang qua biên giới của các dân các nước trên thế giới hôm nay, vẫn còn ngổn ngang những tháp “Ba-ben dang dở của tình liên đới, hòa bình, hiệp nhất.”

Ai cũng biết, nhân loại đã có một thời thất bại khi cùng nhau xây tháp Ba-ben. Lý do đơn giản vì “ngôn ngữ bất đồng” và không ai hiểu được tiếng nói của nhau. (St 11, 1-8).

Trước khi xảy ra sự kiện đó, Kinh Thánh đã nói với chúng ta rằng : có một nguyên do đã làm cho con người thay đổi cái ngôn ngữ thuở ban đầu Thiên Chúa đã dạy cho : nguyên do đó chính là tội lỗi. Chính tội lỗi đã khiến Ađam không còn nhìn nhận Eva như “xương bởi xương mình, thịt bởi thịt mình” để bao bọc, chở che, mà sẵn sàng đỗ thừa để khỏi dây dưa hệ lụy : “chính người đàn bà…”. Cũng chính tội lỗi đã khiến người anh ruột Cain đã không còn nói với em là Aben bằng ngôn ngữ của huynh đệ tình thâm, máu mủ ruột thịt, nhưng bằng ngôn ngữ của ghen tương, đố kỵ đến nổi ra tay sát hại em ruột giữa cánh đồng.

Quả thật khi con người không còn nói Lời của Thiên Chúa, không còn sử dụng ngôn ngử của Thiên Chúa, ngôn ngữ của những người con cùng một Cha, ngôn ngữ của anh chị em trong một mái nhà của gia đình Thiên Chúa… thì tội lỗi và sự chết đã nhập vào thế gian.

Và Thiên Chúa đã hoạch định cả một chương trình kỳ diệu để “Lời của Thiên Chúa”, để ngôn ngữ của Thiên Chúa được sử dụng trên trần gian hầu mang sự sống lại cho nhân loại.

Phải chăng, để khởi đầu cho lộ trình dài thăm thẳm đó, Thiên Chúa đã dùng dòng nước vĩ đại của cơn Đại Hồng Thủy để thanh tẩy địa cầu ; tiếp theo là ngọn lửa hỏa hào với cuồng phong sấm nỗ trên đỉnh núi Si-Nai để hình thành một dân tộc của Giao ước tiến về hứa địa. Nước đại hồng thủy hay lửa trên đỉnh Si Nai đều là những chuẩn bị và báo trước dòng nước sống và lửa thanh tẩy của Thánh Thần trong thời Giao ước mới.

Thật vậy, kể từ phép rửa khai mạc sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu nơi dòng sông Giođan ; hay chính xác hơn, kể từ khi có những dòng “máu và nước tuôn ra từ trái tim của Đấng Bị Đóng Đinh”, Lời của Thiên Chúa đã tái lập sự sống, ngôn ngữ của Thiên Chúa đã chiến thắng tội lỗi, sự chết, hận thù, chia rẽ…Kể từ dạo ấy, kẻ nào “đến với Ngài và tin vào Ngài thì từ nơi họ sẽ tuôn chảy một nguồn nước sống”. Nguồn nước sống ấy chính là sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sức mạnh tác sinh sự sống từ cõi chết, sức mạnh tẩy sạch tội khiên, sức mạnh dựng xây hiệp nhất.

Trước cửa nhà các Thánh Tông Đồ hôm nay, sách CVTĐ đã mô tả thật chính xác, thật sinh động về cuộc khai trương một “công trình Ba-ben mới” mà tất cả các công nhân trên công trường nầy cho dù muôn phương cách biệt, muôn sắc tộc, màu da…đều có thể nghe và hiểu chung một sứ điệp, một Tin Mừng do các Tông Đồ loan báo, những người được chính Đức Kitô ban tặng Thánh Thần trước tiên ngay khi Ngài vừa mới sống lại : “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần…” ; những người mà hôm nay, Chúa Thánh Thần đã long trọng tuôn xuống bằng những hình lưỡi lửa để biến đổi toàn diện con người các ông và trao cho các ông sứ vụ loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh : “…vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11).

Một nhân loại bị phân tách và chia rẽ của tháp Ba-ben ngày xưa giờ đây được Chúa Thánh Thần qui tụ về một mối nhờ hồng ân của nhiệm tích Thánh Tẩy. Từ đây, đoàn Dân Mới nầy sẽ nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của Tin Mừng, ngôn ngữ tình yêu của con cái Thiên Chúa.

Thế nhưng xem ra, sau 2000 năm Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, miệt mài với công trình xây dựng Vương quốc Thiên Chúa, dạy dỗ và quảng bá ngôn ngữ của Tin Mừng của Đức Kitô, xem ra nhân loại chưa đón nhận và thực hiện được bao nhiêu. Người ta còn dành lại cho mình quá nhiều thứ ngôn ngữ ích kỷ, kiêu căng, hẹp hòi và giận ghét.

Vì thế, “Ngày lễ Ngũ Tuần” lại cần thiết biết bao phải được thể hiện trên mọi miền Giáo Hội, trên mọi cộng đoàn Dân Chúa. Tất cả mọi thành phần Hội Thánh cần phải được Ngọn Lửa của Thánh Linh thanh tẩy thường xuyên để tẩy sạch những cáu bẩn của kiêu căng và tự ái, của giã hình và thỏa hiệp, của mị dân và trần tục, của khiếp nhược và bất khoan dung…

Nói cách khác, phải để Chúa Thánh Thần làm nguyên lý sự hợp nhất trong Giáo Hội chứ không phải nhân danh một thế lực hay một trào lưu, một ý thức hệ nào, bởi vì mọi đặc sủng và ơn thánh đều bắt đầu từ một Thần Khí, một Chúa là Thiên Chúa duy nhất.

Khẳng định trên đây của thánh Phaolô không phải chỉ mang tính thời sự trong bối cảnh của cộng đoàn Kitô Côrintô đang gặp sự chia rẽ mà phải chăng, đang rất thời sự trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam và Hội Thánh hoàn vũ. Qua ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, mọi tín hữu phải ý thức trở lại sự hiệp nhất này, sự hiệp nhất trong Chúa Giêsu Kitô, Con Người mới, Ađam mới, ông tổ của một nhân loại mới.

Như thế, chúng ta có thể nói được rằng : mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay đó là chúng ta cử hành mối liên hệ sâu thẳm thân tình giữa Thiên Chúa và con người trong một cuộc sống mới, cuộc sống được tái sinh nhờ mầu nhiệm bí tích Thanh tẩy và bí tích Hoà Giải. Mừng lễ Chúa Thánh Thần còn là dịp để chúng tiếp tục sinh những hoa quả phúc đức của bác ái đối với anh chị em xung quanh, hoa quả của cuộc sống công bình chính trực, của lương tâm ngay thẳng thật thà, của trái tim từ bi nhân hậu, của ngôn ngữ thứ tha hòa giải…Đó chính là cuộc tái sinh của Thần Khí, là “Dấu ấn” của Ngôi Ba Thiên Chúa in vào tâm hồn ta qua Nhiệm tích thêm Sức, là là cuộc gặp gỡ và đón nhận chính Thiên Chúa Ngôi Ba Đấng ban Sự Sống, là cuộc sống “hướng theo Thánh Thần để tiến bước” để kết trái đơm hoa công chính thánh thiện, và để được hợp nhất trong chính một thân thể như cách định nghĩa về hoạt động của Chúa Thánh Thần của thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Cô-rin-tô : “Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể”

Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay là mừng những nỗ lực Đại Kết không mệt mõi của Giáo Hội ; là cơ hội để chúng ta ra sức đẩy lùi mọi biểu hiện của hận thù và ghen ghét, của chia rẽ và cách ngăn, của đố kỵ và bất khoan dung nơi chính cuộc sống nầy, môi trường nầy, giáo xứ nầy, gia đình nầy…

Như vậy, lễ Chúa Thánh Thần được cử hành hôm nay là sự nối tiếp tự nhiên và huyền nhiệm Lễ Chúa Thánh Thần cách đây gần 2000 năm nơi Nhà Tiệc Ly của các Tông Đồ. Và chính vì thế, chúng ta lại tiếp tục “mở tung các cánh cửa” của gia đình, của Giáo xứ, của Giáo hội địa phương, của mỗi cộng đoàn cơ bản, của chính trái tim mình… để đón nhận “7 nguồn mạch Thánh Linh” hầu ra đi “xây dựng những công trình Ba-ben mới cho thế giới” đó chính là làm chứng cho tình thương cứu độ của Thiên Chúa, làm chứng sự hiện diện đầy quyền năng và yêu thương của Đức Kitô Phục Sinh, làm chứng cho những giá trị ưu việt của Tin Mừng : Nghèo khó, hiền lành, trong sạch, yêu thương, xây dựng hòa bình hiệp nhất và can đảm chấp nhận hy sinh vì chính đạo…

Chính trong ý hướng nầy, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau : “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài lại đến sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con”. Amen.

GiuseTrương Đình Hiền

 
Sức sống vũ trụ
Lm. Phêrô Hồng Phúc
21:53 11/06/2011
SỨC SỐNG VŨ TRỤ

Có hai biểu hiệu quan trọng nhất của sự sống là lửa và nước đều được qui về Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu nói về Chúa Thánh Thần: “Những kẻ tin nơi Người thì từ lòng họ nước sẽ chảy ra như dòng sông” (Ga 7,38). Và ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống thì chính Ngài lấy hình lưỡi lửa đỗ trên đầu các tông đồ (x. Cv 2, 3). Những biểu hiện tuyệt đẹp về sự sống này không phải là sự sống tự nhiên. Bởi lẽ, sự sống tự nhiên chưa cần đến sức mạnh của thiêng liêng nhưng Thánh Thần từ trong lòng họ sẽ chảy ra như dòng sông và lưỡi bằng lửa đỗ trên đầu các tông đồ, là những biểu hiện về sự sống thiêng liêng.

Sự sống thiêng liêng này bắt nguồn từ trong lòng con người, từ trái tim của con người. Đó là những tấm lòng rộng mở để đón nhận ơn Chúa. Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Còn nhiều điều Thầy muốn nói với các con, nhưng bây giờ các con chưa thể lĩnh hội được. Khi thần Chân Lý, Đấng từ Cha mà đến. Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật” (Ga 16, 12-13). Như vậy, lửa đỗ trên đầu các tông đồ là một biểu hiện của sự sống, nhưng là sự sống đến từ Thiên Chúa Cha để dạy cho các tông đồ biết tất cả sự thật. Chúng ta có Thánh Thần là tình yêu. Chúng ta có Thánh Thần là sức mạnh và chúng ta có Thánh Thần là sự sống. Sự sống quan trọng và sự sống này đặc biệt ở chỗ: Chúa Cha yêu Chúa Con nhiệm xuất Chúa Thánh Thần. Vì thế, Thánh Thần không chỉ là sự sống cho chúng ta mà còn là sự sống của chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi được trao cho những người tin. Cho nên Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh và hoạt động nơi mỗi tâm hồn, nơi cõi lòng, nơi trí khôn và liên kết mọi thành phần trong Hội Thánh nên một thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô. Chính sức sống của Thánh Thần quan trọng như vậy, cho nên trong những âsự kiện quan trọng, bao giờ Hội Thánh cũng xin chúng ta là cầu ơn Chúa Thánh Thần trước. Đức giáo Hoàng Gioan XXIII đã gọi Công đồng Vatican II là một Lễ HIỆN XUỐNG MỚI.

Chúa Thánh Thần mở đầu cho tất cả mọi lời kinh, mở đầu cho tất cả những lễ nghi phụng vụ nhưng điều đặc biết nhất đó là Chúa Thánh Thần mở đầu cho sự sống của vũ trụ. Sách Sáng Thế nói: “Thủơ đầu còn hỗn mang thì Thánh Thần Chúa đã bay là là trên mặt nước” (St 1, 2b). Nước cũng là sự sống. Thánh Thần bay là là trên nước, không những chỉ sự sống, mà Ngài còn là nguyên ủy của mọi sự sống. Bởi thế, Ngài là trước hết và cũng là Đấng sau hết. Như Đức Kitô: “Ta là Alpha và Omega, là nguyên thủy và cùng đích”(Kh 21, 6). Từ nguyên thủy, Thánh Thần Chúa đã bay là là trên mặt nước, và ngày cánh chung của vũ trụ thì chính Thánh Thần Tình Yêu sẽ là Đấng thâu tập tất cả mọi thành phần, mọi thế hệ, vì chỉ có Ngài mới ban cho họ được sự sống. Cho nên, nếu không có Thánh Thần của Chúa thổi hơi trên Adam và Eva thì mãi mãi họ chỉ là bùn đất. Cũng thế, Chúa Giêsu thổi hơi trên các tông đồ để trao ban cho các ông Thần Khí thánh hóa, sức sống của Thiên Chúa. Thánh Thần Chúa là sự sống, là hơi thở cho tất cả mọi kẻ sẽ được từ trong cõi chết sống lại. Vì vậy, Thánh Thần Chúa liên kết mọi thành phần và Ngài còn là sự sống cho muôn thế hệ. Ngài sẽ là những gì để Thiên Chúa dùng cho những ai có Thánh Thần làm dấu chỉ của ơn cứu độ.

Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nói: “Mọi nền văn hóa của nhân loại đều có Thánh Thần Chúa”. Như vậy, Thánh Thần Chúa hoạt động không chỉ giới hạn trong những lĩnh vực của tâm linh, mà Ngài còn hoạt động trong mọi nền văn hóa, văn minh của nhân loại. Ngài là sự sống từ chiều sâu chảy tràn ra: “Từ lòng họ, nước chảy tràn ra như dòng sông”. Vì vậy, chúng ta có thể gặp Thánh Thần của Chúa trên mọi nẻo đường và thấm đầy vũ trụ.

Trong lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, điều mà chúng ta nói hôm nay, không biết có phải là lối nhìn quá tiêu cực hay là sự thật đau xót, rằng: chúng ta ít quan tâm tới Thánh Thần. Chính Thánh Thần là sự sống, là Đấng thánh hóa, là tình yêu, là mầu nhiệm hiệp thông nhưng con người thì lại thấy Thánh Thần xa vời và ít khi chúng ta ý thức một cách sâu xa, mạnh mẽ về Thánh Thần Thiên Chúa. Vì vậy ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống không phải chỉ để nhắc cho chúng ta về vai trò của tình yêu Thiên Chúa, của sức sống Thần Linh Thiên Chúa trong ta, mà còn nhắc cho chúng ta rằng: nếu chúng ta không sống bằng sức sống của Thánh Thần thì ngay cuộc sống trần gian này, chúng ta cũng đánh mất mình. Thời đại chúng ta có quá nhiều nền “văn minh của sự chết” vì không có Thánh Thần. Một sự thật đau xót ấy, khi mà người ta không có Thánh Thần của Thiên Chúa thì nền văn minh của sự chết bao hàm những việc tội ác, trong đó có việc hủy diệt sự sống như phá thai; có việc chia rẽ sự sống mà theo chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì đó là bóc tách tình dục ra khỏi tình yêu và bóc tách tình yêu ra khỏi gia đình. Như vậy, Thánh Thần Chúa không chỉ bảo đảm cho chúng ta sự sống đời đời, sự sống thần linh mà còn bảo đảm cho chúng ta một nền văn minh, nền văn hóa của sự sống. Thiếu Chúa Thánh Thần, con người rơi vào văn minh của sự chết.

Ngày hôm nay, toàn thế giới thao thức đón nhận Thánh Thần của Chúa. Nghĩa là vươn lên trong những chiều cao, giang rộng trong những gì có thể ôm ấp và đi vào chiều sâu với những gì là sự sống được trao ban. Nếu chúng ta không ý thức được điều này thì sự sống còm cõi và yếu ớt của vật chất này cũng sẽ kéo theo một sự sống thoi thóp của linh hồn. Ngạn ngữ phương Tây nói: “Linh hồn tốt lành thì ở trong thân xác khỏe mạnh”. Một cuộc sống yểu điệu, non bấy của một nền văn minh vật chất thiên vê sự chết thì làm sao có thể có được sức sống của Thánh Thần để thánh hóa, để nâng cao. Cho nên, hơn bao giờ hết, ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, Giáo Hội mời gọi toàn thể Hội Thánh hoàn vũ, các Kitô hữu:
- Hãy hiệp nhất với nhau, đó là sống trong Thánh Thần;
- Hãy làm chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh, đó là sức sống Thánh Thần;
- Hãy “tỏa ánh sáng của các con ra để mọi người thấy sự sáng của các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5, 16). Đó là sức sống của Thánh Thần.

Chúng ta hãy cùng hiệp ý cầu nguyện, xin cho thế giới này cũng được sự sống Thần Linh của Chúa tiếp sức để nhân loại không phải rơi vào một nền văn minh của sự chết.

Lạy Thánh Thần tình yêu của Chúa,
Xin Ngài ngự đến.
Lạy Thánh Thần là sức sống của toàn thể vũ trụ,
Xin Ngài ngự đến.
Lạy Thánh Thần là sức thánh hóa, canh tân và phát triển.
Xin Ngài thánh hóa,
canh tân và phát triển thế giới này.
Và xin Thánh Thần tình yêu
cho chúng con sống trong mầu nhiệm hiệp thông
để ngày sau chúng con được sống hiệp nhất
trong Thiên Chúa Ba Ngôi
là Cha và Con, và Thánh Thần. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican: Tiến trình chọn ứng viên chức Tổng Giám Mục Milan
Tiền Hô
05:19 11/06/2011
VATICAN, 9 Tháng Sáu 2011 (CNA / EWTN News) - Sáng ngày 9 Tháng Sáu 2011, một cuộc họp đã diễn ra tại Vatican để đi đến đề cử chức Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Milan, theo nhà báo người Ý Andrea Tornielli.

Ông Tornielli viết trên tờ báo La Stampa rằng: "Lúc 9 giờ sáng nay, trong một căn phòng thuộc Điện Tông Tòa, các vị giám mục đã nhóm họp để thảo luận về danh sách ba ứng viên được đề cử cho chức lãnh đạo của ba giáo phận".

Trong nhiều ngày qua, giới truyền thông Hoa Kỳ đã có những đồn đoán rằng một trong ba giáo phận được đem ra xem xét là Tổng Giáo Phận Philadelphia. ĐHY Justin Rigali của tổng giáo phận này đã đệ đơn từ chức hồi năm ngoái khi ngài bước sang tuổi 75. Một vị được chú ý nhiều cho chức vụ lãnh đạo tiếp theo của Philadelphia là Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Denver.

Đối với Tổng Giáo Phận Milan của Ý, ông Tornielli nói rằng 3 giáo sĩ người Ý đang được chú ý là ĐHY Angelo Scola của Venice, Đức Giám Mục Francesco Lambasi của Rimini, và Đức ông Aldo Giordano - đại diện của Vatican tại Hội Đồng Âu Châu.

Sau cuộc họp sáng Thứ Năm, ông Tornielli nói rằng ĐHY Marc Ouellet (người Canada) - Tổng trưởng Thánh Bộ Giám Mục sẽ đệ trình ứng viên chính thức lên Đức Giáo Hoàng Bênêđictô vào cuối tuần này. Sau khi đã đệ trình lên thì Đức Giáo Hoàng sẽ ra quyết định cuối cùng. Thông báo chính thức dự kiến sẽ không ban ra sớm cho đến tận cuối tháng này.

Tổng Giáo Phận Milan là giáo phận đông dân ở Ý và một trong những nơi có ảnh hưởng lớn nhất trong Giáo Hội Công Giáo. Trong thế kỷ 20, hai vị chủ chăn tổng giáo phận này đã trở thành giáo hoàng là Đứ Giáo Hoàng Piô XI và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Là một tòa giáo tỉnh, Milan cũng có thẩm quyền đối với 9 giáo phận khác ở miền bắc nước Ý.

Tổng Giám Mục Milan đương nhiệm là Đức Tổng Dionigi Tettamanzi, nghỉ hưu ở tuổi 77 tuổi.
 
Cộng Đồng Anh Giáo Episcopal tại Maryland nói về hành trình đức tin đưa dẫn tới Công Giáo
Bùi Hữu Thư
06:44 11/06/2011

BLADENSBURG, Md. (CNS) -- Vào mùa thu năm 2009, Đức Thánh Cha Benedict XVI ban hành tông hiến mang tên "Anglicanorum coetibus" để cung ứng một phương cách cho toàn thể các giáo xứ hay nhóm Anh giáo trở nên người Công Giáo trong khi duy trì được một vài di sản Anh giáo và nghi thức phụng vụ.

Linh mục Mark Lewis, giám quản Giáo Xứ St. Luke Episcopal tại Bladensburg nói: "Tài liệu này mở ra cho chúng tôi một cánh cửa từ trước đến nay vẫn đóng kín." Linh mục Lewis đã nghiên cứu một cuốn sách về Công Giáo và Anh giáo.

Sau một thời gian nhận định lâu dài, cộng đoàn Maryland tuyên bố ngày 6 tháng 6 là họ sẽ gia nhập giáo hội Công Giáo.

Linh mục Lewis nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Catholic Standard, tuần báo của tổng giáo phận Hoa Thịnh Đốn: "Tôi rất hân hoan và hết sức khiêm tốn khi cùng đồng hành với giáo dân của tôi tại St. Luke, và tôi cũng cảm thấy hèn mọn vì sẽ được trở thành một linh mục của Giáo Hội Công Giáo."

Được phong chức linh mục Episcopal năm 2001, ngài đã làm quản nhiệm St. Luke từ năm 2006 và hy vọng sẽ khởi sự thể thức để được truyền chức linh mục Công Giáo. Các giáo dân St. Luke cũng bắt đầu chính thức chuẩn bị để được thu nhận vào giáo hội Công Giáo vào khoảng năm tới.

Patrick Delaney, một thành viên của cộng đoàn cũng tham gia cuộc phỏng vấn cùng với linh mục, ông nói việc cộng đoàn thực hiện bước tiến này phản ảnh "sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần."

Khi được hỏi có phải lý do của sự chuyển đổi là vì chính sách của đạo Episcopal về các vấn đề linh mục và tính dục không, Linh mục Lewis nói: Cầu nguyện và học hỏi, thay vì chỉ tìm kiếm những mâu thuẫn đã dẫn đưa cộng đoàn tới việc hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo.

Trong nhiều năm qua, Giáo Hội Episcopal, là thành phần Hoa Kỳ của Cộng Đồng Anh Giáo đã chấp thuận việc cho phụ nữ thụ phong linh mục và giám mục, truyền chức cho những người đồng phái tính và ban phép hôn phối cho các các cặp đồng phái tính.

Linh mục Lewis nói: "Các vấn đề về linh mục và tính dục đã được bàn cãi từ lâu. Vấn đề chính khiến chúng tôi được thúc đẩy là điều chúng tôi nghiên cứu về đức tin Công Giáo. Càng đào sâu và càng so sánh với Anh giáo, chúng tôi càng được thu hút về Giáo Hội Rôma. Đây là một tiến trình tự nhiên.”

Ngài nói: Nghiên cứu về đức tin Công Giáo cho chúng tôi “một cơ hội để tìm kiếm nền tảng của đức tin chúng tôi. Khi đã khám phá được chúng tôi là ai, thì sự lựa chọn dễ dàng. Linh mục Lewis đã có vợ là bà Vickey, và có hai người con đã trưởng thành.

Trong các tháng gần đây, các thành viên của cộng đoàn đã sử dụng Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo trong các lớp học hỏi Thánh Kinh, và tài liệu dùng cho việc huấn luyện bổ túc là Sách Giáo Lý Hoa Kỳ cho Người Trưởng Thành.

Trong thể thức nhận định, cộng đoàn St. Luke đã được sự hỗ trợ của cả Hồng Y Donald W. Wuerl Tổng Giáo Phận Hoa Thịnh Đốn và Giám Mục Episcopal John Bryson Chane tại Hoa Thịnh Đốn. Linh mục Lewis nói: khi đến trình với Giám Mục Chane về ý nguyện hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo, “ngài hoàn toàn hỗ trợ, ngài tin rằng đây là tiếp diễn của hành trình chúng ta, một sự hoàn thành đức tin của chúng ta."

Mùa thu năm qua, Đức Hồng Y Wuerl được bổ nhiệm làm bộ trưởng Thánh Bộ Học Thuyết Đức Tin để hướng dẫn các nhóm Anh giáo gia nhập Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ. Trong tông hiến "Anglicanorum coetibus," Đức Thánh Cha Benedict cho thành lập các lãnh hạt bản quyền tòng nhân cho các nhóm Anh giáo đang tìm kiếm sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo.

Một lãnh hạt bản quyền tòng nhân là một vùng điạ dư giống như một giáo phận, mặc dầu có tính cách quốc gia về tầm vóc. Trước khi một lãnh hạt như vậy được thành lập tại Hoa Kỳ, cộng đoàn St. Luke có khoảng 100 người sẽ được tổng giáo phận Hoa Thịnh Đốn chăm sóc.

Trong một thông cáo ngày 6 tháng 6, Đức Hồng Y Wuerl ghi nhận: “Chúng tôi nồng nhiệt chào mừng cộng đồng St. Luke vào trong gia đình đức tin của chúng tôi."

Khi các giám mục Hoa Kỳ nhóm họp từ ngày 15 đến 17 tháng 6 trong kỳ họp khoàng đại mùa xuân, Đức Hồng Y Wuerl sẽ phúc trình về tiến trình sát nhập các nhóm Anh giáo vào Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ dưới quy chế của "Anglicanorum coetibus."

Linh mục Lewis nói trong buổi phỏng vấn là một gương mẫu đặc biệt cho hành trình đức tin của cộng đồng của ngài là chân phước John Henry Newman, thần học gia người Anh thế kỷ thứ 19 và là một tác giả chuyên viết về tâm linh, đã bỏ Anh Giáo để trở nên người Công Giáo. Trong một cuộc tông du Anh quốc mùa thu năm qua, Đức Thánh Cha Benedict đã phong chân phước cho Hồng Y Newman. Ngài là người đã chọn châm ngôn là “Trái tim nói với trái tim."

Linh muc Lewis là người đã nghiên cứu các tài liệu về đạo Công Giáo nói: "Tôi nghĩ rằng Hồng Y Newman chính đã là người tiên phong khai phá cho chúng tôi. Chúng tôi noi gương theo hành trình của ngài."

Vào tháng 5, sau nhiều tháng nhận định tại St. Luke, ban chấp hành giáo xứ đã chính thức bầu phiếu đồng ý gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và trong hai thánh lễ cử hành ngày 5 tháng 6, Linh mục Lewis tuyên bố là giáo xứ đã chính thức xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Hai thành viên của ban chấp hành đã từng là người Anh giáo lâu đời cũng lên tiếng ủng hộ việc chuyển đổi này, họ là các nhân chứng hùng hồn, không chỉ riêng về Chúa Kitô mà còn cả cho việc hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo nữa.”

Linh mục Lewis nói: “Chỉ có một gia đình là bầy tỏ sự bất định về việc thay đổi, nhưng tất cả các thành viên khác đều giơ tay ủng hộ Sau đó trong giờ giải lao của cộng đồng bầu không khí rất tưng bừng và hân hoan.”

Khi được yêu cầu mô tả về cộng đồng, ngài ghi nhận: “Đây là một cộng đồng tín hữu Kitô giáo truyền thống. Cộng đồng diễn tả truyền thống này theo hình thức phụng vụ của người Công giáo gốc Anh giáo.”

Ngài nói: "Niềm hy vọng của chúng tôi là có thể phát triển và xây dựng một nhà thờ và trường học mới, để chúng tôi có thể thực hiện nhiều loại mục vụ hơn trong khu vực Bladensburg, và chú tâm đến các con trẻ trong giáo xứ… Đây là điều Thiên Chúa trao phó cho chúng tôi. Đây sẽ luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, là trẻ em trong khu vực Bladensburg."

Linh mục Lewis, 51 tuổi, sẽ tiếp tuc là vị lãnh đạo mục vụ cho cộng đồng. Linh mục Scott Hurd, trước đây là một linh mục Episcopal đã được thụ phong linh mục Công Giáo trong Tổng GIáo Phận Hoa Thịnh Đốn, sẽ phục vụ như một tuyên uý cho cộng đồng St. Luke trong thời kỳ chuyển tiếp.
 
Ý: ĐHY Angelo Scola được đề cử làm Tổng Giám Mục của Milan
Tiền Hô
08:21 11/06/2011
CatholicCultre, 10 Tháng Sáu 2011 - Theo hai ký giả người Ý chuyên phân tích về các vấn đề của Vatican, Thánh Bộ Giám Mục đã quyết định đề cử ĐHY Angelo Scola từ Venice về làm Tổng Giám Mục kế vị của Tổng Giáo Phận Milan.

Ký giả Andrea Tornielli và Paolo Rodari viết trên tờ La Stampa rằng: tại một cuộc họp hôm 9 Tháng Sáu, Thánh Bộ Giám Mục đã chọn ĐHY Scola từ một danh sách gồm ba ứng viên hàng đầu. Đề cử này sẽ được trình lên Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

Mặc dù Đức Giáo Hoàng hoàn toàn được tự do lựa chọn mà không cần theo đề cử của Thánh Bộ Giám Mục, nhưng hai ký giả này tin rằng rất có thể Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ đồng ý với đề cử trên. ĐHY Angelo Scola người mà ngài đã có một tình hữu nghị lâu dài.

Việc bổ nhiệm này đã nhận được rất nhiều lời đồn đoán ở Ý, bởi vì Milan là tổng giáo phận lớn nhất và có uy tín rất lớn tại quốc gia này. Thánh Ambrose và Thánh Charles Borromeo từng là những vị chủ chăn của Tổng Giáo Phận Milan. Vào thế kỷ 20, hai vị tổng giám mục Milan sau này đã trở thành Giáo Hoàng (Đức Piô XI và Đức Phaolô VI), và hai người đã được phong chân phước (Andrea Ferrari và Alfredo Schuster). Tổng giám mục hiện nay là ĐHY Dionigi Tettamanzi, ngài đã được nghỉ hưu ở tuổi 77; việc bổ nhiệm người kế vị ngài dự kiến sẽ được công bố trong tháng này.
 
Phi Luật Tân: các giám mục kêu gọi đối thoại hòa bình về Biển Đông
Tiền Hô
08:22 11/06/2011
Manila (Phi Luật Tân), 10 Tháng Sáu 2011 (UCANEWS) - Các vị giám mục Phi Luật Tân đã kêu gọi các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa ở Biển Đông hãy chấm dứt "cuộc đấu khẩu" để bắt đầu cuộc đối thoại chính thức về vấn đề này.

Đức Giám Mục Pedro Arigo của giáo phận Puerto Princesa nói rằng, chính phủ các bên nên bắt đầu những cuộc đàm phán chính thức về vấn đề tranh chấp quần đảo này, bao gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Brunei và Việt Nam. Mỗi quốc gia đều đang chiếm giữ một hoặc nhiều đảo nhỏ và các rạn san hô.

Ngài nói: "Chúng ta hãy hành xử như người văn minh, ngồi xuống nói chuyện chính thức và hòa hảo giữa tất cả các bên. Tham gia vào các cuộc đả kích nhau thì chẳng có gì tốt cả".

Đức Giám Mục Deogracias Iñiguez của giáo phận Kalookan cũng kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế. Ngài nói cần phải tránh sự đe dọa vũ lực: "Chúng ta luôn luôn phải tìm phương cách hòa bình để giải quyết các vấn đề. Chúng ta nợ nhân dân của chúng ta và cả thế giới về việc cổ võ và thực thi nền hòa bình". Ngài nói thêm, "Hãy luôn bước đi trong đối thoại chứ đừng xung đột".

Đức Giám Mục Leonardo Medroso của giáo phận Tagbilaran thì tán thành tổng thống Benigno Aquino khi đệ trình vấn đề này lên Liên Hiệp Quốc. Ngài nói rằng mặc dù Phi Luật Tân không thể đối đầu với Trung Quốc, nhưng chính phủ của ông Aquino phải thể hiện sự can đảm lên tiếng cho lý luận của mình. "Chúng ta không làm ngoại giao về vấn đề đó, chúng ta chỉ đệ trình lên tòa án cao hơn, trước mắt là Liên Hợp Quốc, đó quyền của chúng ta".

Gần đây, căng thẳng đã gia tăng ở Biển Đông sau khi các quốc gia liên quan cáo buộc Trung Quốc đã hành xử như một "kẻ bắt nạt".

Tuy nhiên, Trung Quốc lại xoa dịu các quốc gia rằng họ chỉ sử dụng sức mạnh phát triển kinh tế và quân sự của mình mà không đe dọa các nước láng giềng. Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (Liang Guanglie) còn nói rằng "dân chủ trong quan hệ quốc tế" và tôn trọng "lợi ích cốt lõi của nhau" là điều cần thiết để đảm bảo hòa bình.

Hôm Thứ Ba, Trung Quốc cáo buộc Phi Luật Tân vi phạm chủ quyền của họ khi tuyên bố "vô trách nhiệm" về quần đảo Trường Sa (Spratlys). Tuy nhiên, Manila chỉ đứng vỗ nhẹ vào luận điệu này mà nói rằng Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ không thể tranh cãi ít nhất là 6 lần trong năm nay.

Đức Giám Mục Arigo còn cho biết ngư dân từ các giáo phận của ngài bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các cuộc xung đột lãnh thổ đang diễn ra. Ngài nói: "Ngư dân của chúng tôi thường bị người Trung Quốc bắn súng vào họ khi họ đến đó để đánh bắt cá, vì vậy chúng tôi đang hy vọng rằng vấn đề này sẽ sớm được giải quyết".
 
Senegal: Hơn 60.000 khách hành hương dự kiến đến Poponguine ngày 13-6
Phạm Kim An
08:50 11/06/2011
Senegal: Hơn 60.000 khách hành hương dự kiến đến Poponguine ngày 13-6

Chuyến hành hương lần thứ 123 về Đền thánh Đức Mẹ với chủ đề hòa giải và hòa bình

ROMA - Hàng chục ngàn khách hành hương từ khắp nơi của châu Phi sẽ đến cầu nguyện, ngày 13-6, dưới chân Đức Mẹ Đen ở Poponguine, cách Dakar khoảng 70km về phía Nam, nhân dịp chuyến hành hương đến đền thánh lần thứ 123.

"Giáo hội ở châu Phi phục vụ cho hoà giải, công lý và hòa bình" là chủ đề của chuyến hành hương năm nay.

Thánh lễ trọng thể sẽ được chủ sự bởi Tổng giám mục tổng giáo phận Dakar, Đức Hồng Y Theodore Adrien Sarr, và Ngài đã gửi một thông điệp cho tất cả khách hành hương trước chuyến hành hương.

Trong thông điệp, Ngài nói: “Người Công giáo, hiện diện ở đây cuối tuần này, sẽ cầu nguyện cho đất nước Senegal hưởng công lý và hòa bình. Họ sẽ dâng lên Chúa các đau khổ của người dân châu Phi, nhất là người Senegal".

Ngài nói: “Về những gì chúng ta đang sống ở ở Senegal, điều quan trọng là tái khẳng định rằng không có phát triển mà không có hòa bình, khi nói về vùng Casamance. Không thể có sự phát triển trong bạo lực, bất công, và không có đối thoại".

Đức Hồng Y Sarr yêu cầu các tín hữu hãy đi theo các bước của cuộc hành hương: xưng tội, dự Thánh Lễ, Chầu phép lành, lần hạt Mân Côi và gặp gỡ huynh đệ. Ngài cũng yêu cầu mọi người đừng quên “cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những gì Chúa đã ban cho con người”. (Zenit 10-6-2011)

Phạm Kim An
 
Ba Lan: Thánh tích của Chân phước Gioan Phaolô II đến Warsaw
Nguyễn Trọng Đa
08:51 11/06/2011
Ba Lan: Thánh tích của Chân phước Gioan Phaolô II đến Warsaw

ROMA - Sau hai thành phố Krakow và Wadowice, thủ đô Warsaw (Ba Lan) cũng sở hữu một thánh tích của ĐTC Gioan Phaolô II được phong Chân phước ngày 1-5 qua, theo nhật báo L'Osservatore Romano. Một mảnh của chiếc áo vấy máu, mà ĐTC đã mặc trong ngày Ngài bị ám sát năm 1981, đã được trưng bày trong nhà thờ Chúa Quan Phòng.

Tối chủ nhật, hàng ngàn người tham gia một cuộc rước kiệu long trọng với thánh tích này. Khởi hành từ trung tâm của thủ đô, đoàn rước đến một nhà thờ ở khu ngoại ô Wilanow.

Ngoài ra, cũng theo nhật báo của Tòa Thánh, việc phong Chân phước của Gioan Phaolô II cũng được làm sống lại như một thời điểm trung tâm của "ngày tạ ơn", mà Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan tổ chức hàng năm vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng Sáu.

Sứ thần tòa thánh tại Ba Lan, Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, đã chủ sự Thánh lễ đồng tế tại Warsaw, cùng với Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, Đức Giám Mục Jozef Michalik, và Đức Hồng y Tổng giám mục Tổng giáo phận Warsaw Kazimiert Nycz.

Hai thánh tích khác của Chân phước Gioan Phaolô II được trưng bày ở Krakow, thành phố mà chính Ngài đã là Giám mục, và ở Wadowice, quê hương của Ngài.

Ngày 11-6, tại Krakow, một trung tâm mới mang tên Gioan Phaolô II được khánh thành, và một nhà thờ Gioan Phaolô II sẽ được cung hiến. Một thánh tích khác của Chân phước sẽ được chuyển đến nhà thờ này. (Zenit 10-6-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Canada: ĐTC Biển Đức XVI thành lập một Giáo phận Chaldean ở Canada
Nguyễn Trọng Đa
08:52 11/06/2011
CANADA: ĐTC Biển Đức XVI thành lập một Giáo phận Chaldean ở Canada

ROMA - Ngày 10-6, ĐTC Biển Đức XVI thành lập một Giáo phận người Chaldean ở Canada, mang tên Mar Addai người Chaldean ở Toronto. Ngài bổ nhiệm Giám mục Hanna Zora làm Giám mục tiên khởi của Giáo phận mới này, theo Phòng Báo chí Tòa thánh.

Sinh tại Iraq năm 1937, Đức Giám mục Hanna Zora đã được truyền chức Linh mục năm 1962, trước khi trở thành Tổng giám mục tổng giáo phận Ahwaz người Chaldean, Iran, năm 1974, trong khi vẫn là một công dân Iraq.

Năm 1987, ngài rời Iran đến Roma, nơi ngài ở lại cho đến năm 1993, và sau đó ngài được bổ nhiệm chăm sóc mục vụ cho Cộng đồng Chaldean ở Canada.

Ước tính có khoảng 38.000 tín hữu Chaldean ở Canada. Theo Phòng Báo chí Tòa Thánh, hầu hết số người này sống ở các khu vực sau đây của Canada: Toronto, Montreal, London-Windsor, Hamilton với London-Ontario, và Oakville, Saskatoon, Vancouver và Ottawa.

Trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh Vatican về việc thành lập giáo phận này, Giám mục Louis Sako, Đức Tổng Giám Mục Chaldean của Kirkuk, cho biết đây là một "việc rất tích cực, cho thấy tính phổ quát của Giáo Hội".

Nhưng Ngài khẳng định rằng cũng "buồn khi thấy bao Kitô hữu ra đi sau 2000 năm, và bị cô lập trong giáo hội địa phương. Theo dòng thời gian, các Kitô hữu Chaldean phải hội nhập trong xã hội phương Tây, dù ở Canada, Mỹ hoặc ở nơi khác".

Giám mục Sako cũng nhắc lại tầm quan trọng của "việc không khuyến khích các Kitô hữu ra đi", bởi vì Iraq cần đón nhận được "một chứng tá Tin Mừng". Ngài than phiền: “Cuộc di cư vẫn tiếp tục. Chúng tôi thiếu một tầm nhìn ổn định cho tương lai. Mọi người đều lo toan: họ sợ tương lai của chủ nghĩa chính thống Hồi giáo”. (Zenit 10-6-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
ĐTC khẳng định vai trò của Giáo Hội trong tiến bộ xã hội
Nguyễn Trầm Tư
10:45 11/06/2011
ĐTC KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CỦA GIÁO HỘI TRONG TIẾN BỘ XÃ HỘI

Khuyến khích quốc gia Ghinê xích đạo diệt trừ nghèo đói

VATICAN CITY, ngày 10 tháng 6, 2011 (Zenit.org).- ĐTC Benedict XVI cỗ võ sự gần gũi của Giáo Hội đối với công dân nước Ghinê xích đạo khi quốc gia này tiếp tục làm việc hướng về sự thăng tiến xã hội và luân lý.

ĐGH nói điều này vào ngày thứ 5 khi nhận quốc thư từ tay Narciso Ntugu Abeso Oyana, viên đại sứ mới của quốc gia đến Tòa Thánh.

Trong lá thư trao cho vị đặc phái viên, ĐGH chỉ ra rằng “sự hiện diện đầy khích lệ của Giáo Hội sẽ không hề vắng bóng đối với con dân nước Ghinê xích đạo” khi họ tìm cách thi hành “những cơ cấu mới” để xóa đói giảm nghèo.

ĐGH nói thêm rằng Giáo Hội thấm nhuần “ánh sáng đức tin trong Đức Kitô, đấng tỏ lộ cho con người biết ơn gọi đích thực của mình và giúp họ làm việc mà không làm suy yếu đi những điều giúp nâng cao phẩm giá và khích lệ tinh thần.”

ĐGH phát biểu: “Được củng cố bởi chính niềm tin này mà đất nước Ghinê sẽ không chao đảo khi nỗ lực tham gia cách tích cực và khôn ngoan trong việc gầy dựng một đời sống chung ổn định và hài hòa.”

Ngài còn nói: “Trong bầu khí đó, con người sẽ có khả năng triển nở sung mãn chính mình, kèm theo là phẩm giá cao quý và các quyền căn bản và những giá trị cốt thiết của việc bảo vệ sự sống, chăm sóc sức khỏe, sự phát triển giáo dục và sự đoàn kết, cũng như là sự bảo vệ môi sinh và sự phân phối đồng đều của cải sẽ nảy nở cách phong phú.”

“Tất cả những điều này là điều kiện không thể thiếu để tăng cường sự tiến bộ xã hội chân thật. Sự tiến bộ này đụng chạm đến tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là những người nghèo nhất và túng quẫn nhất, và tất cả mọi người có thể đóng góp phần mình cách thích đáng, tự do và có trách nhiệm vào sự tiến bộ đó.”

ĐGH Benedict XVI cũng lưu ý đến “những nỗ lực được thực thi để phục hồi và tái thiết nhiều nơi thờ phượng, cũng như những sáng kiến kinh doanh để cải thiện điều kiện sống của công dân, đặc biệt là những người kinh qua cảnh lao đao được tôn trọng phẩm giá.”

Ngài khuyến khích tất cả mọi người “tiếp tục đi theo đường hướng này với lòng nhiệt huyết, giải quyết những nhu cầu xã hội, kinh tế và văn hóa đang tồn tại,” nhưng theo một đường lối đặc biệt được thúc đẩy bởi cộng đồng Kitô giáo để tiếp tục làm việc với “sự dấn thân được canh tân và đầy lòng quảng đại.”

Cách riêng, ĐGH thúc giục các Kitô hữu làm việc nhằm làm “thăng tiến hôn nhân và gia đình, sự chăm sóc sức khỏe, việc huấn luyện các thế hệ mới và việc thực thi đức ái và việc từ thiện.”

Ngài nói tiếp: “Mọi sự không thể nào khác đi được, bởi lẽ Giáo Hội không hề quên rằng tất cả những điều cổ võ sự hòa hợp và tình huynh đệ, sự triệt từ nghèo đói, sự gia tăng công bằng và đối thoại, cũng như việc đẩy mạnh sự hiểu biết lẫn nhau, sẽ mở ra những chân trời xán lạn hướng đến tương lai và đề cao con người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa.”

Nguyễn Trầm Tư
 
Caritas Nhật Bản đưa ra chương trình mới giúp các nạn nhân sóng thần
Lã Thụ Nhân
10:47 11/06/2011
Caritas Nhật Bản đưa ra chương trình mới giúp các nạn nhân sóng thần

Hơn 3 triệu euro dành đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho 19 ngàn người và các chương trình phát triển kinh tế của các công ty trong tỉnh Sendai. Chương trình sẽ khởi động vào tháng Chín và kéo dài năm năm.

Tokyo (AsiaNews/Agencies) - Caritas đang đưa ra chương trình khẩn cấp mới dành cho người dân Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi sóng thần. Tổ chức này đã phân bổ hơn 3 triệu euro để đáp ứng các nhu cầu cơ bản và chương trình phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp. Chương trình sẽ khởi động từ tháng Chín và sẽ tiếp tục trong năm năm tới. Những người được hưởng lợi là hơn 19 ngàn người mất nhà cửa, những người tìm nơi trú ẩn ở những chỗ tạm cư thuộc tỉnh Sendai.

Cha Daisuke Naru, Tổng Thư Ký Caritas Nhật Bản cho hay: "Ba tháng sau cơn sóng thần, người dân mất nhà cửa vẫn sống trong tình trạng nguy kịch. Chúng tôi đang cố gắng ổn định hoạt động của mình để cung cấp viện trợ trong dài hạn".

Trong những tháng gần đây, Tổ chức Caritas đã dàng riêng hỗ trợ những người mất nhà cửa, tuyển dụng và đào tạo tình nguyện viên để triển khai tại các khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất. Kể từ cuối tháng Ba trên 1.100 người khắp Nhật Bản đã tham gia chương trình giúp đỡ của họ. Cha Naru cho biết: "Chúng tôi nhận được hàng trăm ngàn lá thư từ khắp nơi trên thế giới muốn gia nhập, cầu nguyện và quyên góp cho người dân bị ảnh hưởng. Hầu hết những bức thư này chúng tôi đã tặng cho những người mất nhà cửa để hỗ trợ tinh thần cho họ".

Đến nay, thiệt hại của cơn sóng thần ngày 11 tháng Ba là 15.000 nạn nhân, 8.000 người mất tích và 370 ngàn ngôi nhà và tòa nhà bị phá hủy.
 
Vượt thắng đói nghèo bằng cách noi gương Chúa Giêsu
Lã Thụ Nhân
10:48 11/06/2011
Vượt thắng đói nghèo bằng cách noi gương Chúa Giêsu

Rôma (CNA / EWTN News) - Cha Pedro Opeka đến Rôme trong tuần này để chia sẻ chứng tá của ngài như là một nhà truyền giáo và nâng cao nhận thức thế giới về cơ hội diệt trừ đói nghèo.

"Người nghèo đã truyền giáo cho tôi!" Vị linh mục truyền giáo người Argentina làm việc tại Madagascar đã thốt lên như thế. Cha Pedro có ba bài thuyết trình ở Rôma trong tuần với chủ đề: "Vượt thắng đói nghèo: những chứng tá của Cha Pedro".

Cha Pedro giải thích với CNA rằng ngài muốn gửi thông điệp của Tin Mừng cho thế giới, để "tất cả mọi người trên trái đất này, tất cả mọi người trên hành tinh này, sẽ là huynh đệ với nhau và (sẽ) giúp đỡ lẫn nhau". Cha cho biết: "Trong thế giới này, nơi có rất nhiều của cải, không nên có hàng ngàn người sống trong sự đói. Đây là một sự bất công kêu thấu trời xanh".

Cha Pedro, người đã làm việc tại Madagascar trong 40 năm, cho hay Phi Châu và Madagascar là một lục địa rất khổ sở: "Sứ điệp của tôi là con người liên đới với nhau, chia sẻ những gì chúng ta có, bởi vì của cải chúng ta được ban cho là để chúng ta chia sẻ, vì những gì tôi không cần thì lãng phí. Có một câu tục ngữ Ấn Độ nói rằng, 'Tại sao lại giữ thứ gì đó mà người hàng xóm cần nó?'".

Cha Pedro cho biết đói nghèo có thể khắc phục được bằng cách bắt chước Chúa Giêsu Kitô: "Tôi có thể nói rằng thời đại ngày nay, người ta có thể vượt qua đói nghèo. Có thể quay lại với người nghèo với phẩm giá của họ như là con cái Thiên Chúa. Tôi sống giữa một người nghèo, một người sống trong nghèo đói cùng cực, và với phẩm giá, đức tin, và tình thương chúng ta nhấc mình ra khỏi đói nghèo cùng cực này".

Câu chuyện của Cha Pedro

Cha Pedro Pablo Opeka sinh năm 1948 tại Buenos Aires, Argentina. Cha mẹ ngài, ông cố Luis Opeka và bà cố Maria Marolt, là người di dân Slovenia, đã đến đất nước Argentina vào tháng Giêng năm 1948 để thoát khỏi cộng sản ở Slovenia.

Lúc 18 tuổi, ngài gia nhập chủng viện của Dòng Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô tại San Miguel, Argentina. Hai năm sau, ngài đến Âu Châu để học triết học tại Slovenia và thần học tại Pháp. Sau đó, ngài đã trải qua hai năm truyền giáo ở Madagascar.

Năm 1975, ngài được phong chức linh mục tại Nhà thờ Chánh tòa Luján, và năm 1976 ngài trở về Madagascar, nơi ngài lưu lại đến nay.

Khi chứng kiến đói nghèo tuyệt vọng ở thủ đô Antananarivo, nhất là ở các bãi rác nơi mà người dân sống trong những cái hộp và trẻ em giành ăn với heo, ngài quyết định làm điều gì đó cho người nghèo.

Năm 1990, ngài thành lập Hiệp hội Nhân đạo Akamasoa, với ý nghĩa "Những người bạn tốt", để phục vụ cho những người gặp khó khăn.

Với sự giúp đỡ từ nước ngoài và công việc của người dân Madagascar, ngài đã thành lập những ngôi làng nhỏ, những trường học, những ngân hàng thực phẩm, các doanh nghiệp nhỏ và ngay cả một bệnh viện.

Ngày nay, năm ngôi làng mà ngài đã thành lập là nhà của hơn 17.000 người, 60 phần trăm trong số đó là trẻ em dưới 15 tuổi. Khoảng 9.500 trẻ em học ở các trường của ngài và Hiệp hội mang đến việc làm cho hơn 3.500 người. Khoảng 300.000 người đã nhận được được sự hỗ trợ bằng cách này hay cách khác từ Hiệp hội.

Cha Pedro đã được đề cử cho giải Nobel Hòa bình nhiều lần và đã nhận được nhiều giải thưởng ở Âu Châu, trong đó có Giải Thưởng Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận về Phát triển và Liên Đới, được trao cho ngài vào năm 2008 ở Tòa Thánh Vatican.
 
Vatican hy vọng việc đình chỉ sẽ chấm dứt mọi việc tấn phong bất hợp lệ tại Trung Hoa
Bùi Hữu Thư
15:40 11/06/2011
VATICAN (CNS) -- Vatican nói việc đình chỉ phong chức cho một giám mục trong giáo phận Hankou sẽ đánh dấu sự chấm dứt mọi việc phong chức tại Trung Hoa, không có sự chấp thuận của Đức Thánh Cha.

Vatican xác nhận việc phong chức bất hợp lệ của linh mục Joseph Shen Guoan bị đình chỉ vĩnh viễn; ngài đã được dự trù truyền chức giám mục tại Hankou hay Wuhan ngày 9 tháng 6.

Linh mục Ciro Benedettini Dòng Khổ Nạn, phó giám đốc văn phòng truyền thông của Vatican cho hãng thông tấn Catholic News Service hay vào ngày 10 tháng 6 là Tòa Thánh hy vọng "những loại truyền chức không có phép của Đức Thánh Cha sẽ không bao giờ xẩy ra nữa."

Không có ngày nào khác được dự trù cho việc phong chức và cũng không có những giải thích về việc đình chỉ cả.



Việc đình chỉ xẩy ra sau khi Bộ Trưởng thánh bộ Truyền Giáo các Sắc Dân, gốc người Hồng Kông yêu cầu các linh mục và giám mục tại Trung Hoa hãy bầy tỏ "sự cứng rắn một chút" và chống lại áp lực của chính quyền là phải bất tuân Đức Thánh Cha.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 3 tháng 6 với hãng thống tấn AsiaNews có văn phòng tại Rôma, Tổng Giám Mục Savio Hon Tai-Fai nói ngài đã biết về những chuẩn bị cho việc tấn phong tại Hankou và cũng được biết là các tín hữu ở đó đã yêu cầu Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa (Chinese Patriotic Association) ngưng không thực hiện việc tấn phong.

Ngài cho hay đã muốn nói với cha Shen là: "Tôi tin rằng cha sẽ hành động đúng cách. Cha chỉ cần từ chối thôi. "

TGM Hon nói mặc dầu chính quyền vẫn dùng áp lực đối với các linh mục và giám mục là phải nghe theo lệnh của chính phủ về các việc tấn phong bất hợp lệ, nhưng các hậu quả của việc bất tuân chính quyền không nặng nề như trong quá khứ.

Ngài nói: "Chẳng hạn, bây giờ không còn sợ bị cưỡng bách lao động, bị cầm tù hay xử tử."

Tuy nhiên, ngài nói, các giáo sĩ vẫn có thể bị trừng phạt. Chẳng hạn, có thể mất ngân khoản chính phủ tài trợ cho giáo phận của mình, gặp khó khăn khi thi hành các mục vụ, bị cô lập hóa với các giáo sĩ hay giáo dân khác, bị cấm không cho du hành ra khỏi Trung Hoa hay ngay trong nước, hay có thể bị bắt "học tập cải tạo."

Ngài nói: "Dù cho có thể bị trừng phạt cũng không phải là lý do để không chống cự. Khuất phục là một hành động công nhiên gây nên tiếng xấu, và chuyển đi những tín hiệu sai nhầm cho các tín hữu."

Ngài thêm là những ai đã bị khuất phục bởi áp lực của chính quyền và hành động trái lệnh Đức Thánh Cha cần phải "xin lỗi trước công chúng" để tỏ ra rằng hành động của họ sai trái.

TGM Hon nói: Dám đứng lên chống lại chính quyền và không chịu tham gia vào một vụ tấn phong bất hợp lệ cũng gửi đến chính quyền một tín hiệu hùng mạnh.

TGM Hon nói: "Nếu quý vị tỏ ra yếu đuối hay có khuynh hướng dung hòa, chính quyền sẽ lợi dụng quý vị. Ngược lại, "chính quyền không có thể làm gì được" khi dân chúng đứng vững và từ chối không chịu được truyền chức bởi một giám mục bị rút phép thông công."

Ngài nói: Chân Phước Gioan Phaolô II và lời ngài "Xin đừng sợ hãi" là lời thúc dục người Công Giáo Trung Hoa -- cả giáo sĩ lẫn giáo dân.

Các giám mục và linh mục sợ hãi sự trả thù hay áp lực của chính quyền vì không tuân lệnh cần có sự trợ giúp của người khác, bằng không "họ chỉ cần xin từ nhiệm các trọng trách mục vụ và tự ý nghỉ việc."

TGM Hon nói chiến lược của chính quyền là muốn thành lập một giáo hội độc lập đối với Vatican và Đức Thánh Cha để có thể kiểm xoát tôn giáo và tỏ ra rằng vẫn có các linh mục và giám mục ban các phép bí tích có nghĩa là có tự do tôn giáo tại quốc gia này.
 
Top Stories
Laos: Dans le nord du pays, les Hmongs subissent une forte répression religieuse
Eglises d'Asie
08:35 11/06/2011
LAOS: Dans le nord du pays, les Hmongs subissent une forte répression religieuse

Eglises d'Asie, 10 juin 2011-Selon des sources locales, la répression anti-chrétienne s’est intensifiée dans le nord-est du pays, suite aux manifestations le mois dernier, de milliers de membres de l’ethnie hmong.

« Nous sommes très inquiets pour l’avenir du vicariat apostolique de Luang Prabang où toute activité religieuse est entravée et les catholiques sous étroite surveillance », a confié le 9 juin dernier à l’agence Ucanews, le P. Tran Xuan Nhan, un prêtre vietnamien du diocèse de Vinh, exercant son ministère au Laos depuis de nombreuses années.

Depuis l’arrivé au pouvoir des communistes en 1975, la liberté religieuse est très restreinte dans tout le pays, le nord du Laos étant l’objet d’une surveillance plus sévère encore, en raison de la présence de minorités ethniques dont les Hmongs (1), particulièrement persécutés par le régime. Aujourd’hui le vicariat apostolique de Luang Prabang qui couvre cette vaste région montagneuse, ne compte que deux prêtres catholiques, dont l’un a été ordonné en janvier dernier, après de multiples tentatives du gouvernement pour annuler la célébration (2). Le P. Tran Xuan Nhan, 57 ans, rapporte que la situation s’est aggravée depuis que les chrétiens hmongs ont manifesté en mai dernier contre l’oppression du régime, dans la région frontalière avec le Vietnam, réclamant la liberté religieuse et la fin des spoliations de terrain.

Si les médias s’étaient fait l’écho des troubles qui avaient éclaté dans le nord-ouest du Vietnam, au sein du district de Muong Nhe, dans la province de Diên Biên, les événements du Nord-Laos n'ont été connus que tout récemment. Dans la province vietnamienne de Diên Biên, une région difficile d’accès et considérée comme étant la plus pauvre du pays, des milliers de Hmongs, avec femmes et enfants, s'étaient rassemblés dès le 30 avril pour d'importantes manifestations. Les autorités laotiennes quant à elles, avaient imposé un silence médiatique total concernant la participation des Hmongs du Laos au mouvement de protestation qui s'étendait pourtant à sa zone frontalière. Selon des sources non-officielles et des rapports émanant d’organisations non-gouvernementales tant vietnamiennes que laotiennes (telles que Hmong Advance ou encore le Center for Public Policy Analysis (CPPA), situé aux Etats-Unis), les forces armées du Vietnam et du Laos avaient été dépêchées rapidement sur les lieux afin de réprimer le soulèvement hmong de part et d’autre de la frontière. Malgré le peu d’informations qui avaient filtré, la zone étant interdite aux journalistes, la violence des affrontements n’avait pu être niée par les autorités. Le 10 mai, la presse officielle avait affirmé que les affrontements entre les populations hmongs et les forces armées étaient terminés. Minimisant l’importance de cette protestation, pourtant la plus forte depuis les soulèvements des Montagnards des Hauts Plateaux du Centre en 2001 et 2004, le Vice-Premier ministre vietnamien avait déclaré que « tout avait été réglé pacifiquement » et que les manifestants « qui avaient été entraînés par manipulation étaient retournés dans leurs villages ».

Une version des faits vivement contestée par les sources locales et la diaspora hmong qui dénoncent une répression sanglante des manifestations par les forces armées, avec le soutien d’hélicoptères de l’Armée Populaire Vietnamienne, venus de bases situées au Vietnam et au Laos. Différents rapports dont les chiffres ne peuvent être confirmés avec certitude font état d’une soixantaine de morts, de centaines de disparus et de l’arrestation de plus d’un millier de Hmongs au Vietnam. Il n’y a à l’heure actuelle aucune information concernant les victimes de la répression du côté laotien.

Selon le gouvernement vietnamien, les manifestations avaient pour origine une rumeur circulant parmi les Montagnards, selon laquelle une force surnaturelle devait apparaître dans le district de Muong Nhe aux premiers jours du mois de mai. Cette apparition devait marquer le début d’une ère de bonheur, de richesse et de prospérité avec la création d’un royaume hmong. Ce n’est pas la première fois que le gouvernement réprime des manifestations hmongs en affirmant que ces derniers veulent créer un royaume indépendant, mais l'information avait été également relayée par certains médias occidentaux qui avaient notamment rapporté que les manifestants s'étaient choisi un roi (3).

Pour le P.Tran Xuan Nhan, comme pour la plupart des observateurs et des ONG, il ne fait aucun doute que les demandes des manifestants portaient bien pour l’essentiel sur la liberté religieuse et le respect des droits de l’homme. Comme au Vietnam où la répression religieuse à l’encontre des Hmongs n’a jamais cessé (dans le district de Muong Nhe, où la majorité des chrétiens sont protestants, un millier de catholiques pratiquent leur religion dans une quasi-clandestinité (4)), le nord-est du Laos est toujours soumis à une sévère persécution. Le prêtre vietnamien rapporte que pour empêcher les Hmongs de se rendre à la messe, les autorités les obligent à participer à des séances d’endoctrinement ou à des « travaux d’intérêt public », et qu'à chacun de leurs déplacements, les catholiques doivent demander une autorisation aux responsables de village. Il raconte encore que Mgr Tito Banchong Thopayong, administrateur apostolique du vicariat de Luang Prabang célèbre la messe dominicale devant une assistance composée de 3 religieuses âgées et d’une vingtaine de catholiques, sous la surveillance de quatre miliciens armés.

Selon les statistiques disponibles, le vicariat apostolique de Luang Prabang compte entre 3 000 et 4 000 catholiques pour une population de 1, 2 millions d’habitants. Au Laos, très majoritairement bouddhiste, il est dénombré officiellement 43 000 catholiques, une quinzaine de prêtres et une centaine de religieuses.

(1) Les Hmongs sont une importante minorité ethnique de l’Asie du Sud-est, répartie dans les régions montagneuses de Birmanie, de Thaïlande, du Laos, du Nord-Vietnam et du sud de la Chine. Bon nombre d’entre eux, animistes à l’origine, se sont convertis au christianisme. Objet de persécutions très violentes dans ces pays, des milliers de Hmongs tentent chaque année de rejoindre le Cambodge ou la Thaïlande où ils peinent à obtenir le statut de réfugiés et sont la plupart du temps expulsés.

(2) Avant l’ordination le 29 janvier 2011 du P. Pierre Buntha, le vicariat apostolique de Luang Prabang, qui couvre la vaste région montagneuse du nord du Laos ne comptait qu’un seul prêtre, Mgr Tito Banchong Thopayong. Administrateur apostolique du vicariat, ce dernier a été régulièrement emprisonné et garde aujourd’hui encore une liberté de mouvement limitée, tout comme le prêtre nouvellement ordonné. Voir EDA 545

(4) Voir EDA 551

(3) Cette information a notamment été diffusée par la Conférence Monarchiste Internationale
 
Vatican representative travels to Vietnam to support local Catholics
J.B. Vu
08:35 11/06/2011
Hanoi (AsiaNews) – The purpose of Archbishop Leopoldo Girelli’s second visit to Vietnam is to demonstrate the Holy Father’s closeness to Vietnamese Catholics and spread the love for Evangelical values among the young. Mgr Girelli is the first representative of the Holy See to the Communist nation.
The archbishop arrived in the Vietnamese capital on 5 June and will stay in the country until 18 June. His visit includes stays in the Diocese of Hanoi as well as the dioceses of Bac Ninh, Lang Son, Hai Phong, Bui Chu and Thai Binh.

His visit on Thursday to the Diocese of Lang Son-Cao Bang, on the border with China, was especially important. On that occasion, he met with priests, religious, seminarians and members of the laity in parishes located in tribal areas.

In this region, Christians are often victims of abuse by the authorities, who are interested in the region’s mineral wealth.

“The Holy Father did not forget you,” he said. “Even if you are a small community, remote from Rome, you hold a big place in the pope’s heart. I have come to bear witness to his closeness.”

Speaking a few days ago to more than thousand students in Bac Ninh Diocese, the prelate stressed the great value of the Youth Assembly scheduled to take place in Hanoi Diocese on 11 November.

“Through such an event, you can express your desire to spread the Gospel and make your generation better,” Mgr Girelli said.

He told young people to ask themselves “What can I do for God? How can I help my country promote peace, justice and love?” He also urged them to reflect upon the issues that will be discussed at the upcoming assembly, whose main theme is “You are my friends”.

On 13 January 2011, Benedict XVI appointed Mgr Girelli to the posts of apostolic nuncio to Singapore, apostolic delegate to Malaysia and Brunei, and non-resident pontifical representative to Vietnam.

The posting to Vietnam is the first concrete result of long-term negotiations between the Holy See and Vietnamese authorities.

In 2009, the parties set up a joint Holy See-Vietnam group to give formal recognition to the negotiations.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ tạ ơn kỷ niệm ngân khánh khấn dòng cuả LM Nguyễn Văn Cao SJ và LM Peter Trần Văn Trợ SJ.
FX. Trần Văn Minh
04:48 11/06/2011
Melbourne, vào lúc 10 giờ 30 thứ Bảy Ngày 11/6/2011. Tại Thánh đường Saint Ignatius, số 326 Church St. vùng Richmond North, Melbourne. Thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 25 năm khấn dòng và kỷ niệm 12 năm lãnh nhận thiên chức linh mục cuả Linh mục Nguyễn Văn Cao SJ và Linh mục Peter Trần Văn Trợ SJ đã được đông đảo tu sĩ, giáo dân trong Tổng giáo phận Melbourne và giáo dân đến từ các tiểu bang khác trong nước Úc về tham dự.

Xem hình ảnh

Một ngày với thời tiết thật đẹp, trời Melbourne trong tiết lạnh đầu muà Đông xứ Úc mà ấm áp. Với gần 20 linh mục thân hữu Úc Việt đã đến cùng đồng tế cảm tạ hồng ân Thiên Chuá chung với hai linh mục. Tại ngôi thánh đường cổ kính với hơn 84 tuổi tuyệt đẹp, đã vang vang lời kinh tiếng hát. Ca đoàn Cung Chiều, đã chọn những bản nhạc thánh ca thật ý nghiã, để cùng hát tán dương chúc tụng hồng ân Thiên Chuá trong thánh lễ tạ ơn hôm nay.

Trong phần chia sẻ lời Chuá. LM Nguyễn Văn Cao đã thay mặt LM Trợ để ngỏ lời trước là cảm tạ hồng ân Thiên Chuá đã đoái thương chọn hai linh mục bước theo đời sống tu trì. LM đã mượn lời trong Thánh vịnh 116: “Biết lấy gì đáp đền hồng ân Chuá đã ban cho con” để cảm tạ và luôn nhắc nhở về những ân sủng Thiên Chuá trao ban trong suốt 50 tuổi đời và nhất là 25 năm trên con đường theo Chuá trong Dòng Tên.

Kể lại hành trình đức tin và đời sống, cha đã nhắc lại ý tưởng theo con đường tu trì từ ngày còn ở Việt nam. Nhưng vì vận nước, sau năm 1975 ước nguyện đã không thành, cha cũng như bao nhiều người khác phải vượt biển để tìm một tương lai tươi sáng hơn, và năm 1982 cha đã vượt biên. Sau bao nhiêu vất vả lúc đầu cuả cuộc đời tỵ nạn, cuộc sống mưu sinh, học hành ổn định. Tiếng Chuá gọi đã làm cho cha bỏ công việc đang làm tại hãng Kelvinator để cùng với cha Trợ gia nhập Dòng Tên Năm 1986.

Trong Thánh lễ tạ ơn Thiên Chuá. Hai linh mục cũng không quên cám ơn đến quý cha, quý thầy trong dòng, các đấng bậc sinh thành, thân tộc, bạn hữu và những người con dân Chuá. Đã khuyến khích, giúp đỡ trong suốt cuộc hành trình ơn gọi trong suốt 25 năm qua. Đến hôm nay, hai cha đã nhận mọi người đã trở nên một phần tử trong cuộc sống cuả hai cha.

Trong 25 năm phục vụ Chuá trong Dòng Tên các cha đã đi phục vụ nhiều nơi, tại những trại tỵ nạn từ Phi châu đến các nước vùng Đông Nam Á nơi có người tỵ nạn cần bàn tay giúp đỡ ủi an cuả các linh mục.

Kết luận phần chia sẻ, Linh mục Cao đã chia sẻ như sau:

“Cuối cùng, để trả lời các câu hỏi mà tác giả Thánh Vịnh đặt ra: ‘Biết lấy gì đền đáp hồng ân Chuá đã ban cho con’ (Tv 116:12) Con không biết phải làm thế nào, chỉ biết ghi tâm khắc cốt, và giống như tiên tri Isaiah, con ‘sẽ ca ngợi lòng nhân từ cuả Chuá và những việc kỳ diệu Chuá đã thực hiện cho con’ Ca ngợi Chuá không phải chỉ bằng vào lời nói, nhưng phải qua hành động. Con có thể nói rằng con đã cố gắng và sẽ cố gắng hơn để luôn sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Thiên Chuá muốn trong ơn gọi là một linh mục Dòng Tên.”

Kết thúc Thánh lễ, cha Trợ một lần nưã cám ơn đến mọi người từ quý linh mục, tu sĩ nam nữ và công đoàn dân Chuá đã đến từ nhiều nơi để cùng hai cha dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chuá.

Sau cùng, một tiệc trà thân mật trong hội trường giáo xứ đã tạo cơ hội cho mọi người hàn huyên thăm hỏi và chúc mừng đến hai cha.
 
Chú Bé Đánh Kẻng Nhà Thờ (Dụ) Dũ Thành, Hà Tĩnh, Giáo Phận Vinh
Lm. Lý Phan Sinh
04:59 11/06/2011

Chú Bé Đánh Kẻng

Sáng sớm tinh sương gà vừa gáy, tôi nghe tiếng chó sủa ngoài sân nhà xứ, nhưng chỉ mấy tiếng thôi rồi im hẳn. Tôi thầm nghĩ có lẽ chú chó nhà xứ đã đánh hơi hoặc nhìn thấy ai đó là người quen cho nên không sủa tiếp. Nhìn đồng hồ mới có 3.45 sáng, ai mà đến nhà thờ sớm thế?
Tôi ra khỏi giường và ra ngoài mái hiên nhà xứ, hít thở không khí trong lành của một buổi bình minh nơi thôn dã và dưới ánh đèn mờ nhạt của một làng quê hẻo lánh xa thành phố, tôi nhìn thấy một chú bé khoảng 12 hay 13 tuổi đang ngồi trên chiếc ghế nhựa thấp dựa vào bức tường nhà thờ, ánh mắt hướng về phía cái kẻng của giáo xứ được treo gần đó.
Rời nhà xứ tôi bước sang khu nhà thờ và tiến gần đến em bé đang ngồi và hỏi em: “Con làm gì mà đến nhà thờ sớm thế?”
Chú bé trả lời: “Con đến đánh kẻng báo thức”. Tôi hỏi tiếp em bé: “Nhiệm vụ nầy đâu phải là của con, con còn nhỏ cần phải ngủ chứ!” “Thưa cha, em trả lời: Ông của con ốm nên con ra nhà thờ đánh kẻng thế cho ông của con”. Tôi hỏi tiếp: “Ông của con tên là gì?” Đứa bé trả lời: “Ông của con tên là Tịnh”. “Còn ba của con tên gì và làm gì?” Tôi hỏi tiếp. Đứa bé trả lời: “Thưa cha, ba của con tên là Quyền, làm nghề tài xế”.
Vừa nói xong mấy câu đối thoại trong buổi sáng tinh sương, đứa bé đánh kẻng đã biến mất trong màn đêm còn đang bao trùm vạn vật như sắp nhường cho ánh dương thức trễ để chạy về nhà ngủ tiếp sau khi đã hoàn tất trách nhiệm đánh xong hồi kẻng 2.
Loa phóng thanh của Giáo Xứ đã bắt đầu phát ra những bài thánh ca để kêu mời con cái trong giáo xứ chỗi dậy chuẩn bị lên đường tiến về ngôi Nhà Mẹ Dũ Thành dâng thánh lễ sáng Chủ Nhật. Từ phía nhà xứ tôi có thể nhìn thấy những em bé trong Ban Giúp Lễ, Quý Ông trong Ban Phụng Vụ, Mục Vụ lăng xăng trong công việc chuẩn thánh lễ ban sáng. Những bước chân âm thầm đi trong bóng đêm, những chiếc xe đạp cộc kệt đã đậu gần chật sân nhà thờ, một số ít may mắn hơn đi bằng Honđa cũng đã đến và nhà thờ đã bắt đầu đông người. Giáo dân đã bắt đầu đọc kinh Ngày Chủ Nhật…


Lịch Sử Giáo Xứ (Dụ) Dũ Thành
(Do một cựu Ban Hành Giáo của Giáo Xứ sưu tầm)

Ngày xưa, các nhà truyền đạo thường đi bằng đường thủy, và dạt vào các cửa biển rồi theo các tuyến sông để truyền đạo. Đầu tiên, hạt Giống Tin Mừng được gieo vào vùng đất Quý Hòa (ở đó có cửa biển), rồi từ đó, lần theo các con sông, các nhà truyền giáo đi khắp các vùng lân cận, và theo các cố ngày xưa kể lại thì Tin Mừng đến vùng đất Dũ Thành vào khoảng năm 1845, năm Thiệu Trị thứ 5. Năm 1863 giáo xứ Quý Hòa được thành lập.
Năm 1872, năm Tự Đức thứ 22, phong trào Văn Thân đã bách hại đạo dã man ở nơi đây, và giết hại rất nhiều người ở vùng Dũ Thành, đa số giáo dân phải đi trú ẩn, có chừng 30 gia đình đã chạy vào đến tận xứ Đan Sa (Quảng Bình) để lánh. Năm 1876, những người ở lại tìm cách học võ và bố trí binh trận như cách mà giáo xứ Đan Sa đã làm để chống lại Văn Thân. Sau khi xây được đồn lũy, có người tuần tiểu canh phòng nên bà con được an toàn và nhiều người đi lánh nạn đã trở lại đoàn tụ, lại thêm nhiều người lương trở lại đạo và có thêm những người từ nơi khác nhập cư đến đó nữa nên số giáo dân ngày một đông lên. Năm 1883 Tự Đức băng hà. Năm 1888, năm Đồng Khánh thứ 3, phong trào Văn Thân bị dập tắt, giáo dân được bình an.
Từ giáo xứ mẹ Quý Hòa sinh ra các giáo xứ khác trong giáo hạt Kỳ Anh ngày nay, trong đó có Dũ Thành được tách năm 1921 bao gồm 4 họ: Dũ Thành, Hoàng Dụ, Vĩnh Sơn và Kim Sơn. Khi đó trừ họ Hoàng Dũ chưa có nhà thờ, còn lại các họ khác đã có tuy bằng tre nứa đơn sơ. Khi mới thành lập xứ, bề trên đã cử cha Phaolô Trần Chế (quê ở An Nhiên, chịu chức năm 1897, quản xứ từ 1921-1934, mất 1935 ở Quý Hòa, Dũ Thành và Quý Hòa dành nhau để được an táng cha và cuối cùng cha được đưa về an táng trong nền nhà thờ cũ của Dũ Thành).
Trước khi cha Chế đến đây, mặc dù đã có 4 họ nhưng mới chỉ có 2 nhà thờ. Nhà thờ xứ (trên phần đất thuộc vườn cố Thọ ngày nay, trên đường đi sang Kim Sơn ngày nay) và nhà nguyện họ Kim Sơn (trên phần đất nhà anh Tâm ngày nay) cũng đã có nhà xứ cạnh nhà thờ, tất cả đều được làm bằng tranh tre. Khi cha Chế đến, ngài chuyển nhà thờ xứ và nhà xứ từ vườn cố Thọ về phần đất gần đường Quốc Lộ. Nhà thờ xứ 6 gian với kích thước khoảng 18×7m, bằng gỗ xây tường chung quanh, lợp ngói nam (kiểu vảy cá), nhà thờ làm theo kiểu chùa 4 mái nhưng chưa có mặt tiền, nó tọa lạc trên phần đất cũ, kề bên đường quốc lộ 1A. Nhà xứ được làm bằng tranh tre.
Năm 1934, bề trên chuyển cha Chế về Quý Hòa và cử cha Giuse Lâm (quê Xuân Mỹ, chịu chức 1929, quản xứ 1934-1937, mất và được an táng 1968 ở Nhượng Bạn), Cha Lâm đến đây, ngài có tu sửa nhà xứ một vài lần. Năm 1937 Cha Lâm chuyển, cha Phaolô Phước (Quê ở Nghi Lộc, quản xứ từ 1937-1941, mất 1955 tại Trung Nghĩa)) về quản xứ, ngài về đây nối thêm một gian nhà thờ, làm mặt tiền, thay ngói cũ bằng ngói Hưng Ký (như ngói đỏ ngày nay) và khánh thành nhà thờ xứ. Trong những năm 1939-1940, với sự ủng hộ vật liệu của một giáo dân là cố Cữu, cha cho tiến hành làm nhà thờ họ Hoàng Dũ với kích thước 5 gian 15×7m, tường xây bao quanh, lợp ngói Hưng Ký. Năm 1941, cha Phước chuyển đi, cha Giuse Ân (quê Lộc Mỹ. chịu chức 1913, mất 1970 tại La Nham được cử đến coi sóc xứ cho đến năm 1944. Sau đó cha JB Diệm (quen gọi là cha Diệm II, vì thời đó có 2 cha Diệm) sinh 1902, chịu chức 1937, quê họ Vạn Gia, xứ Ninh Cường, quản xứ cho đến 1949 (mất 1966 tại Tiếp Võ).
Năm 1947, cha Diễm cho khởi công xây nhà xứ đến năm 1949 thì hoàn thành. Cha Diệm nổi tiếng là nóng và thẳng tính. Tiếp đó là cha Augustinô Bài sinh năm 1912, chịu chức năm 1944, quê ở họ Phương Trạch - xứ Thổ Hoàng, quản xứ cho đến 1951 (Mất 1977 tại xứ Mỹ Hòa (Hà Tĩnh) bị bệnh ung thư), ngài về đây tu sửa lại nhà xứ 1 lần vì mối mọt hư hỏng. Nhà thờ Vĩnh Sơn trước đó được làm ở phía bắc Rộc Chùa (một cái rộc (bụi rậm) trong đó có cái chùa), sau đó thấp trủng quá nên cố Châu (cố Tây, ở xứ Quý Hòa từ 1890-1897) cho chuyển về phía nam Rộc Chùa (trên phần đất cũ ngày nay) được làm bằng tranh tre, bị mục nát giáo dân lại sơ tán, số còn lại không có đủ điều kiện để tu sửa nên cha xứ cho dỡ bỏ, chỉ nhớ là sau năm 1945 chứ không ai biết chính xác là thời gian nào. Sau đó, chẳng ai để ý nên cho đến nay, đất đai cũng đã không còn nguyên vẹn, đang có ý định đổi phần đất mới để làm nhà nguyện).
Sau khi cha Bài chuyển đi, cha hạt Phêrô Nguyễn Năng (sau này là Giám Mục) ở Giáo xứ Dinh Cầu (sau này đổi cho trùng với tên hạt là Kỳ Anh) kiêm xứ Dũ Thành cho đến năm 1952. Năm 1952 cha Năng chuyển đi khỏi Kỳ Anh, cha Đổng quản xứ Quý Hòa làm quản hạt Kỳ Anh. Cha Giuse Mai Ngọc Phác (sinh 1919, chịu chức 1952, quê ở xứ Trung Nghĩa, mất ở Xã Đoài) là cha phó của cha hạt Đổng (Quý Hòa), được cử kiêm Dũ Thành, nếu thấy được thì cho quản xứ luôn. ngài đến đây được hơn 1 năm, thấy không hợp với khí hậu nhất là không hợp với nước ở đây (nước sinh hoạt nhiễm độc do rừng rú), ngài có ý muốn chuyển nhà xứ về họ Kim Sơn nhưng Ban Hành Giáo của xứ không chịu, năm 1954 ngài xin chuyển về coi xứ Dũ Lộc rồi kiêm xứ Dũ Thành cho đến năm 1959. Trong thời gian ở đây, ngài cho sửa lại cung thánh nhà thờ xứ, cho bỏ móng xây 2 tường nhà thờ bằng đá. Trận bão năm 1956, nhà thờ Hoàng Dũ bị tốc mái, gần như sụp đổ, bà con không có điều kiện, vả lại hoàn cảnh chiến tranh nên cứ để vậy mà không sửa sang được gì (sau này cha Lộc quyết định cho dỡ xuống).
Năm 1959, cha JB Trương Văn Lộc (quê Thuận Nghĩa, sinh 1922, chịu chức 1957, mất 1965 tại Quý Hòa) phó xứ Quý Hòa (cha hạt Đổng) được cử về

Lao Động Trẻ Thơ
quản xứ Dinh Cầu (Kỳ Anh ngày nay) và kiêm xứ Dũ Thành. Năm 1962, cha hạt Đổng ở Quý Hòa bị đấu tố (bởi một số giáo dân là đảng viên), phải chuyển lên xứ Dinh Cầu (Kỳ Anh) và cha Lộc về coi xứ Quý Hòa (ngài bị trúng bom và chết năm 1965 tại đó). Cha Đổng kiêm xứ Dũ Thành. Năm 1966, vùng cầu Khe Cà bị ném bom liên tục, trong đó có 2 đợt khốc liệt trong một ngày. Lượt thứ nhất khoảng 7-8h sáng, vùng nhà thờ nhà xứ gần như "hưởng" trọn, mọi thứ bị lật tung, nhà thờ xứ còn vài cây cột chơ vơ xiên xẹo. May thay lúc đó bà con giáo dân đã kịp đi tránh ở vùng sông cách đó chừng 500m (gần với nhà thờ xứ hiện nay). Bà con chưa kịp hoàn hồn thì gần 4 giờ sau, trận bom thứ 2 trút xuống ngay vùng bà con giáo dân đang ẩn trốn, có đến 17 người chết, rất nhiều khác bị thương. Một quả bom nổ chậm bị vùi trong lòng nhà thờ đã phát nổ chừng 10 giờ đêm đã phá tan tành những gì còn sót lại. Người chết, nhà cửa vườn tược tan hoang, một cảnh tang tóc thê thảm bao trùm, ai nấy đều kinh hoàng sợ hãi. Từ đó bà con hầu hết đều tìm cách tránh xa cầu Cà. Sau khi bà con ổn định trở lại, nhà nguyện không còn nên cố chánh Phưng lúc đó đã lên xin cha hạt Đổng 120 đồng, đi mua một căn nhà bị bom của một người lương dân gần đó về dựng trên phần đất nhà cố Lành (phía sau nhà thờ xứ hiện nay) cho bà con 3 họ bên này (lúc này Dũ Thành, Hoàng Dụ, Vĩnh Sơn đều không có nhà thờ nữa, nhà nguyện Kim Sơn tu sửa nhiều lần nhưng vẫn còn dở dang) sớm tối kinh nguyện, bà con đóng góp mỗi gia đình 6 tranh tro để lợp.
Tháng 7/1969, bề trên cử cha Giuse Hồ Ngọc Bá (sinh 1932, chịu chức 1965, quê xứ Thổ Hoàng, hiện nay đang hưu tại xứ Làng Anh) về quản xứ Dũ Thành, thấy không an toàn vì chiến sự vẫn còn tiếp diễn nên, cha Bá quyết định về ở bên họ Kim Sơn mặc dù Dũ Thành vẫn là họ trị sở. Nhà nguyện Kim Sơn nhỏ và đã xuống cấp, nên cha hạt Đổng cho phép lấy gỗ nhà thờ Voi (ở thị trấn Voi ngày nay, hồi đó có một xứ đạo hẳn hoi gọi là xứ Voi, nhưng chiến tranh nên giáo dân đi hết không còn một ai) mang về để làm nhà thờ, (ngói thì cho xứ Xuân Sơn). Nhà thờ Voi nhỏ quá nên gỗ lấy về còn tập kết đó mà chưa làm nhà thờ, cha và họ Kim Sơn có ý xin gỗ của nhà thờ Hoàng Dụ (vì nhà thờ Hoàng Dụ trước đó khá to), nhưng Hoàng Dụ không chịu, sau đó vẫn dùng nhà nguyện bằng tranh tre cũ, vì chưa có nhà xứ nên cha ở ngoài nhà dân. Xứ đi đến quyết định, dỡ nhà thờ xứ (mua về dựng trước đó) về làm nhà xứ để cha ở. Bên này không còn nhà thờ, mỗi lần cha sang làm lễ phải nhờ nhà cố Trọng. Sau đó, xứ đặt vấn đề xin nhà thờ Hoàng Dụ về để dựng làm nhà thờ xứ, Hoàng Dụ đồng ý. Xin được rồi, thấy không đủ điều kiện để làm vì nhà thờ Hoàng Dụ lớn quá. Hơn nữa bên Kim Sơn có cha, đang cần làm nhà thờ to hơn, nên đi đến quyết định đổi: lấy gỗ của nhà thờ Hoàng Dũ sang làm nhà thờ Kim Sơn, rồi lấy gỗ nhà thờ Voi về làm nhà thờ xứ (trên phần đất nhà bếp thuộc nhà xứ hiện nay). (Hoàng Dũ không chịu nhưng về sau đành chấp nhận vì đã quyết định cho xứ rồi, xứ có quyền...).
Mỗi lần cha sang làm lễ mà nghỉ lại thì ở trong nhà mặc áo. Với vật liệu của nhà thờ Hoàng Dũ trước đó, cha Bá cho xây nhà thờ Kim Sơn với kích thước 25×10 (có hình ảnh kèm theo, lấy từ Album giáo phận) trên phần đất nhà thờ họ Kim Sơn hiện nay (diện tích đất 4000m2) sau đó ngài xây tiếp nhà phong (nhà phòng họ Kim Sơn hiện nay, còn nhà phòng cũ dùng làm nhà bếp). Tháng 8 năm 1988, cha Bá chuyển đi và cha Giuse Phạm Huy Tường (quê Quan Lãng, sinh 1932, chịu chức 1966, hiện nay đang hưu ở TGM) về quản xứ Dũ Thành.
Tháng 2/1989, ngài cho xây nhà thờ xứ hiện nay cho đến 1992 thì hoàn thành, đặt tước hiệu nhà thờ là "Thánh Đường Giuse" (vì ngài cho rằng, nhà thờ có được là nhờ ơn ông thánh Giuse). Lúc đầu xin mà chính quyền không cho, sau một thời gian mới cho thì khống chế về kích thước nên nhà thờ khá nhỏ (33×11m). 1/5/1996, ngài lại cho khởi công xây nhà thờ họ Kim Sơn, chính quyền đã thoáng hơn nên nhà thờ Kim Sơn xây được khá rộng lớn (40×14,5m), sau ít tháng, ngài lại cho xây nhà xứ hiện nay (trên phần đất nhà thờ xứ cũ), và cho tiến hành xây cùng lúc với nhà thờ Kim Sơn, đầu năm 1997 thì nhà xứ hoàn thành. Ngày 25/8/1997, cha chuyển về ở nhà xứ (nhà xứ hiện nay), cho đến 4/2/1998 (tức 8 tháng Giêng) ngài chuyển đi. Sau đó cha Phêrô Phan Văn Thái (sinh 1930, chịu chức 1962, quê Kẻ Đọng, mất ở Kỳ Anh năm 2009) quản hạt Kỳ Anh, kiêm xứ Dũ Thành cho đến năm 2005.
Tháng 5 năm 1999, nhà thờ Kim Sơn được khánh thành (sau khi làm xong trần, do ông Kính – một Việt Kiều Mỹ có gốc ở Kim Sơn tài trợ). Năm 2003, cha Giuse Phạm Minh Đức (quê Trung Nghĩa, sinh 1944, chịu chức 1999, mất 2009 tại xứ Phương Mỹ) được cử về làm quản xứ. Năm 2006 hưởng ứng việc cung nghinh thánh giá trong toàn quốc, giới trẻ xứ, tổ chức một cuộc cung nghinh thánh giá từ họ Kim Sơn về nhà thờ xứ rất hoành tráng. Sau đó, khởi công xây dựng nhà nguyện giáo họ Hoàng Dũ trên phần đất cũ (hiện đang còn 2 gia đình có nhà trên đất nhà thờ mà chưa có điều kiện để di dời), ngài về quản xứ Dũ Thành nhưng do điều kiện sức khỏe, bệnh tật nên phải thường xuyên đi chữa bênh, cho đến tháng 8/2008 ngài được nghỉ để dưỡng bệnh. Sau đó bề trên lại cử cha, cha JB Nguyễn Ngọc Nga (quê Trung Nghĩa, sinh 1966, chịu chức 1999) về quản xứ cho đến nay 18/8/2008 (chính thức đến nhận xứ) cho tiếp tục xây nhà thờ Hoàng Dụ, đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Năm 2009, họ Sơn Thành được thành lập, tách từ họ Kim Sơn, nay đã có đất nhà thờ, đang đợi được cấp bìa đỏ, chưa có nhà nguyện. Họ Vĩnh Sơn đang tiếp tục làm thủ tục để đổi lấy phần đất để tính đến việc làm nhà nguyện (đất cũ đã có dân ở, lại có đường điện cao thế đi qua). Hiện nay đang dần hoàn tất việc chia xứ Kim Sơn (gồm Kim Sơn và Sơn Thành) mà chưa xong…

Thiếu Nhi - Nhà Văn Hóa Đang Dở Dang
Dũ Thành, một giáo xứ thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Giáo Phận Vinh đã hơn 100 năm trải qua bao biến cố thăng trầm của Quê Hương và Giáo Hội nay đang trong thời phục hưng về tinh thần cũng như xây dựng lại những cơ sở như ‘Nhà Tình Thương - Trường Văn Hóa’ đang được xây cất dở dang mới 1/3 công trình vì chưa có đủ phương tịện tài chánh - Ước tính cho việc xây cất là $30.000 AUD. Nhân lực do sự hy sinh “Dâng Công” của từng gia đình hay cá nhân của giáo dân. Ho luân phiên làm thiện nguyện theo từng phiên hay giáo họ. Xong việc về nhà ăn cơm rồi chiều lại nhà thờ làm tiếp, kể cả những ngày Chủ Nhật. Tôi có dịp chứng kiến tận mắt những chị em phụ nữ đẩy những xe ‘cúc-kít’ chở hồ nặng trĩu nhưng trên gương mặt luôn với nụ cười vui tươi. Họ dùng những phương tiện đơn sơ của những năm 1964-1965 để nện nền trước tiền đường Nhà Thờ, Nhà Tình Thương - Nhà Văn Hóa đang xây dở dang. Họ thay nhau thi công cho dù dưới những cơn nóng hực nắng của các cơn gió ‘Hạ Lào’ vào những buổi trưa hoặc buổi chiều. Những em bé theo cha mẹ vui chơi dưới những tàn cây trong lúc cha hay mẹ làm công tác cho những công trình của xứ đạo.

Thăm viếng Giáo Xứ Dũ Thành vào đúng thời điểm của ‘Mùng 5 Tháng 5 Âm Lịch’ tôi dường như sống lại những tập quán tốt của người Việt Nam. Sau Thánh Lễ sáng Chủ Nhật, các đoàn thể, giáo họ vào biếu cha xứ và tôi được Ăn Tết ‘Ké’ Mùng 5 Tháng 5 những ‘Cây Nhà - Lá Vườn - Ao Vườn’ như chuối, khoai lang, gà đi bộ còn sống ôm vào Tết cha xứ, những con cá vừa câu hay lưới dưới sông… Tôi cũng học được những hy sinh cao quý của các em thiếu nhi đi làm mướn kiếm thêm tiền cho đủ đóng tiền trường trong niên học mới sau kỳ nghỉ hè như đi nhổ cỏ mướn cả ngày nhận được khoảng 20.000 VN Đồng / ngày. Có những người cha hoặc người mẹ đi làm mướn cả ngày chi được khoảng 50.000 Đồng. Nhưng đức tin của họ quá kiên cường trong cách thế ‘Sống và Giữ Đạo’. Tôi đã đến dâng thánh lễ, dù là lễ ngày thường, nhưng giáo dân đã đông chật hết nhà thờ cho dù Nhà thờ của Giáo Họ Kim Sơn hay Giáo Họ Trung Cự.

Chân thành cám ơn Quý Cha Xứ: JBt Nguyễn Ngọc Nga, chính xứ Dũ Thành và Paul Nguyễn Đức Vĩnh, chính xứ Trung Nghĩa, Ban Mục Vụ và Cộng Đoàn Dân Chúa của 2 Giáo Xứ - Giáo Họ đã tạo cho tôi những cơ hội để chia sẻ đời sống Mục Vụ của Quý Cha và cuộc sống của giáo dân trong hoàn cảnh thực tế nghèo và thiếu thốn nhưng giàu tình thương với tấm lòng Quảng Đại cũng như Hiếu Khách.

Viết tại Giáo Xứ Dũ Thành, GP Vinh
Ngày 5 tháng 6 năm 2011
 
Tuần Sa Mạc TNTT Giáo xứ Lộc Mỹ và Giáo xứ Làng Nam
Maria Hải Yến
11:50 11/06/2011
Vinh (08/06/2011) Duyên kỳ ngộ, giáo xứ Lộc Mỹ và giáo xứ Làng Nam không hẹn mà gặp, khi nhận được thông báo của Ban Huấn Luyện Thiếu Nhi Thánh Thể của giáo xứ Chính Tòa Đà Nẵng nhận đào tạo khóa Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể đầu tiên cho 2 xứ Lộc Mỹ và giáo xứ Làng Nam.

Xem hình ảnh

Ban Huấn Luyện gồm có:
1/ Anh Dominico Bùi Văn Diệp, Huynh trưởng TNTT Đà Nẵng
2/ Soeur Maria Nguyễn Thị Đặng, dòng St. Paul Đà Nẵng
3/ Soeur Maria Vũ Thị Hương Lan, dòng St. Paul Đà Nẵng
4/ Soeur Maria Nguyễn Thị Hồng, dòng St. Paul Đà Nẵng
5/ Soeur Maria Nguyễn Thị Kim Trang, dòng St. Paul Đà Nẵng

Đoàn khởi hành từ Đà Nẵng vượt đoạn đường dài hơn 600km đến Giáo xứ Lộc Mỹ - Giáo hạt Cửa Lò, Giáo phận Vinh lúc 0h30 ngày 07/06/2011. Không quản ngại đường xa ngái, mệt mỏi nhưng lòng hăng say của các nhà đào tạo chuyên môn là một tấm gương nghi lực vượt khó cho khóa sinh “Hành Trình Sa Mạc” mùa hè năm nay.

Đúng 7giờ sáng cha Tuyên úy Antôn Hoàng Trung Hoa, cùng anh chị em huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể giáo xứ Làng Nam vượt 15 km bằng xe đạp, vai ba lô và thực phẩrn đủ cho 3 ngày sa mạc đã có mặt tại bãi tập, linh mục truyên úy Raphael Trần Xuân Nhàn cùng đội nhà đã chờ sẵn nơi đây khu vực bãi bằng của núi Con Lợn. Hai đội đã gặp nhau trong tình thân ái, với những bài ca họp đoàn vang dội cả một góc rừng, tay bắt mặt mừng nói sao hết được phút đầu gặp nhau trong tình thân ái…

Thế là hết những ưu tư lo lắng của tuổi học trò bỏ lại sau lưng tất cả, môi trường và cảnh thiên nhiên rừng núi làm cho tâm hồn mọi người hoàn toàn tách khỏi những bận rộn lo toan của cuộc sống hằng ngày, để bước vào hành trình sa mạc. Với một niềm vui lớn dậy như dân Israel được Chúa đưa ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập vượt qua Biển Đỏ để về miền đất hứa. Giờ đây các bạn Huynh Trưởng chuần bị cho mình một hành trình thực sự đi vào sa mạc cũng được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa như Mana xưa Chúa đã cho từ trời rơi xuống để nuôi dân riêng của Chúa và các bài học về kỹ năng chuyên môn của Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể như chiếc gậy thần của Maisen dẫn đưa dân riêng với một sức mạnh và quyền bính.

Đúng 7h30 ngày 08/06/2011: Khởi đầu bằng nghi lễ chào cờ, 2 Cha Tuyên Úy, Ban Huấn Luyện và các bạn Huynh Trưởng trong trang phục ngành của mình để chính thức bước vào cuộc hành trình sa mạc. Sau chào cờ cha tuyên úy long trọng công bố khai mạc, tiếp đến đọc nội quy, phân đội, nhận trách nhiệm, giờ học là những bài giáo huấn của Ban Đào Tạo, sau đó học hỏi về nguồn gốc và phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, các bài hát, múa, cử điệu sinh hoạt, thi đua…. Kết thúc ngày thứ nhất bằng giờ Chầu Thánh Thể.

Ngày 09/06/2011: Ngày thứ hai các trại viên được đào tạo thêm kỹ năng lãnh đạo, kỹ thuật gút giây, thắt nút, dựng lều trại, nấu cơm treo, nướng cơm lam, các trò chơi, ảo thuật, tìm mật thư… Đến 10h00, tĩnh lặng 15 để chuẩn bị thánh lễ Misa cao điểm dành riêng cho Huynh Trưởng.

Buổi chiều, ngoài trời 34oC buổi sinh hạt càng lúc càng tăng nhịp độ, sau khi kiểm điểm quân số, các đội được về các bóng cây để học hỏi thế nào là kiên nhẫn, đạo đức, nhân bản và ơn gọi của người Huynh Trưởng, cuối giờ học các đội hăng hái lên rừng tìm củi để chuẩn bị cho đêm lửa trại.

Sau giờ cơm chiều mọi người đều thư giãn và bóp chân để chuẩn bị cuộc nhảy lửa trại đêm nay. Giờ đã đến còi hiệu lệnh đã vang lên, mọi người xỏ giày, nhanh chân về vùng lửa trại, như xưa Dân Do Thái đi trong sa mạc được dẫn đường bằng cột lửa hướng tới miền đât hứa, thì hôm nay các bạn Huynh Trưởng cũng được ánh sáng của lửa thiêng soi dẫn để thực hiện ơn gọi Chúa dành cho mình. Khi vòng tròn đã rộng lớn, anh chị em huynh trưởng đứng trang nghiêm để nghe lời hiệu triệu của Ban Đào Tạo. Chào mừng cha Tuyên úy một băng reo nhịp nhàng, lặng đi một chút để lời chúc lành và công bố khai mạc đêm lửa trại của cha linh hường được vang lên. “Tôi công bố khai mạc đêm lửa trại cho các huynh trưởng”. mọi người vỗ tay, trong khi đó ngọn đuốc được thắp lên từ tay cha tuyên úy. Nổi lửa lên, nối vòng tay lớn… đêm lửa trại thật linh thiêng, tiếp đó những trò chơi lớn, đêm nay, tinh thần các bạn hăng say hơn nhiều. Đội nào cũng sẵn sàng bước vào trò chơi sinh hoạt quên hết những mệt mỏi của nắng hạ ban chiều, sự mệt mỏi của đôi chân, cùng với cơn đói, cơn khát dữ dội, mọi người ý thức mình đang trong thời gian sa mạc, cần vượt qua khó khăn để và thực hiện sứ mạng của mình.

Ngày 10/06/2011: Những mệt mỏi ngày đầu nay đã tan biến, cuộc diễn tập lại trở nên nhịp nhàng, nhanh nhẹn hơn, không còn ngại ngùng như những bàn tay ngày đầu mới nắm, mà cảm thấy hơi ấm chuyền sang tim nhau tự thuở nào ta đã quen nhau trong tiền kiếp. Ba ngày quá ngắn, hầu như ai cũng muốn thời gian chậm lại chút nữa, để nói một điều gì chưa nói được, để học một điều gì chưa học được. Tuổi trẻ thật giàu cảm xúc và dễ bùi ngùi trước chia ly. khoan đã, ai đó khoan đã đừng vội cất lên bài chia tay, để kiểm tra lại hành trang nhật ký sa mạc còn thiếu gì chưa ghi nữa không? Thôi thì bạn hãy ký vào đây cho mình một vài chữ làm kỷ niệm rồi mai trên đường đời mong có ngày hội ngộ…

Ba ngày hành trình sa mạc được kết thúc bằng Thánh lễ Chúa Thánh Thần và Nghi Thức Sai Đi, các bạn Huynh Trưởng nhận lấy ánh sáng Chúa Thánh Thần với hành trang là Lời Chúa để ra đi, lời huấn từ của 2 Cha Tuyên Úy, Ban Huấn Luyện, các Sr. như gói hành trang nhỏ mà các bạn sẵn sàng lên đường với tất cả lòng biết ơn và ý chí vươn lên.

Nhìn lại chặng đường đã qua, điều quan trọng là ai cũng nhìn thấy sự nỗ lực, hăng say và nhất cảm thấy mình tự tin và trường thành hơn nhiều. Đây chính là niềm vui của quý Cha, của Ban Huấn Luyện. Đó cũng là lời cảm ơn sống động nhất của các bạn dành cho quý Cha và Ban Huấn Luyện.

Chúng con thật lòng cảm ơn Giáo Hội Mẹ chúng con, cảm ơn mọi người, mặc dầu giới trẻ hiện nay đang có khuynh hướng bị tục hóa, cô đơn, lạc hướng và đang bị mặc cảm vô dụng, nhưng chúng con những người con của Giáo Hội luôn được ấp iu với tất cả trái tim và lòng thương mến của Mẹ, chúng con tin chắc không bao giờ bị lạc hướng…

Ta đi về, ta đi về...về đất hứa rộn vang tiếng cười…
Mau lên nào, mau lên nào… nhanh chân, nhanh chân bước tới…nào ta cùng đi…
 
Giám Mục Việt đầu tiên trên đất Úc: VietCatholic phỏng vấn Đức TGM Tổng Thư Ký HĐGM Australia
Thúy Dung
11:32 11/06/2011
Chiều thứ Bẩy 11/06/2011, Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey, Tổng Giám Mục tổng giáo phận Perth, Tây Úc, và cũng là Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Australia, vừa dành cho thông tấn xã Công Giáo VietCatholic một buổi phỏng vấn nhân biến cố lịch sử Giáo Hội Úc Châu có Giám Mục Việt Nam và cũng là Giám Mục Á Châu đầu tiên. Dưới đây là phần phỏng vấn bằng tiếng Anh và bản dịch Việt Ngữ.

Hong Nhung: My name is Hong Nhung and I’m from Vietcatholic.net and I’m here with Archbishop Barry Hickey.

Your Excellency,

Vietnamese Catholics in Australia are celebrating the news that Pope Benedict XVI has appointed Father Vincent Long Van Nguyen as Auxiliary Bishop in the Archdiocese of Melbourne. For us, this event is an historic one, as he will be the first Vietnamese born and the first Asian bishop in Australia. Vietnamese Catholics around the world would appreciate if you could share with us some of your thoughts in this appointment.

Archbishop Barry James Hickey: Certainly, I share your joy at the nomination of Bishop Vincent as the first Vietnamese bishop here in Australia. I know all the bishops feel the same way. When I look back, the bishops who’ve come from different countries, those that have come from Australia, like myself, have parents or grandparents who are born in some other country. So we’ve had bishops who’ve come from Ireland, from Spain. We’ve had bishops that have come from Italy, from Germany, from Croatia. Most of them, at the present time were born in Australia but they had different European backgrounds. This is the first time we’ve had somebody from a non-European background. The Vietnamese have been here in big numbers since the end of the hostilities in Vietnam, many years ago, in the 70’s, and they have established themselves as strong community, not only Catholic, but Buddhist and other religions too. But the Catholic community is particularly strong and it exists in every state and in every capital city. Here in the Archdiocese of Perth, we have 15 or 16 priests who are Vietnamese. They were born in Vietnam, they came here as refugees, later they came as immigrants, and they have gone to study for the priesthood here, and become priests. They are working hard and very well in our parishes. And I‘ve often thought some of these are very good leaders. One day we might have a bishop from among them. While I was thinking of that I received a letter saying that the first Vietnamese bishop has been chosen and he’s in Melbourne. So I rejoiced, I don’t think it will be long before we have one here in Perth. The one in Melbourne will not look after just the Vietnamese but will look after everybody and that’s the nature of Australia, although we come from different countries, we are one nation and speak one language and we absorb the traditions of many countries but we form one language.



A few weeks ago, I was at the ordination of the first Maltese bishop, he was born in Malta, and sadly he died just recently. But when I went the cathedral in Melbourne, the cathedral was full of people from his country, from Malta. He would go to the Maltese frequently, but then he would be with everybody. So I’m sure bishop Vincent will have many Vietnamese that will go to his ordination and they will rejoice and be happy and they will sing, then he’d be put to work. He will visit the Vietnamese community and they will welcome him, but he will also visit the Australian parishes and he will visit the different ethnic parishes. I think that this is a great day for Australia, a great day for the Catholic Church, because it shows that the word “catholic” means, universal. So that in Australia, which is made up of many nations we have the universal Catholic Church. You are Catholic whether you are Vietnamese or Maltese, or Italian or Irish, we are all one big family under God. So we accept Bishop Vincent as our brother bishop. We accept bishop Vincent as a bishop of Australia, and we thank God that the Vietnamese people came out over here in great numbers, because they have produced many fine priests, many fine sisters, and now I’m sure a very fine bishop. I pray for him, I pray for his success and I ask the Holy Spirit to work through him.

Hong Nhung: Your Grace, we thank you again for your time and we look forward to seeing you again.

Archbishop Barry James Hickey: It’s been a pleasure.

Hồng Nhung: Chúng tôi là Hồng Nhung từ VietCatholic.net và đang hiện diện cùng với Archbishop Barry James Hickey. Người Công Giáo Việt Nam tại Úc đang cử mừng tin vui là Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã bổ nhiệm cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long làm Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Melbourne. Đối với chúng con, đây là một biến cố lịch sử vì ngài sẽ là vị Giám Mục gốc Việt đầu tiên và cũng là vị Giám Mục Á Châu đầu tiên tại Úc Đại Lợi. Thưa Đức Tổng Giám Mục, người Việt Công Giáo trên toàn thế giới sẽ rất hân hoan nếu Đức Tổng có thể chia sẻ với chúng con một vài cảm tưởng của ngài trước việc bổ nhiệm này.

Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey: Được chứ, tôi chia sẻ với anh chị em niềm vui trước việc bổ nhiệm Đức Cha Long như vị Giám Mục người Việt đầu tiên tại Úc. Tôi biết tất cả Giám Mục ở đất nước này cũng nghĩ như thế. Khi nhìn lại quá khứ, thì nhận thấy nhiều vị Giám Mục đến từ các quốc gia khác, ngay cả những vị là người Úc như tôi thì cũng có cha mẹ hay ông bà có quê quán từ các nước khác. Thành ra, chúng ta có các Giám Mục là những người đến từ Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha, từ Ý, Đức và Crotia. Hầu hết các vị Giám Mục đương thời sinh ở Úc nhưng họ có nguồn gốc Âu Châu. Đây là lần đầu tiên mà chúng ta có một vị có bối cảnh không phải từ Âu Châu. Người Việt đã đến đây rất đông sau cuộc chiến tại Việt Nam đã nhiều năm qua từ hồi thập niên 70 và đã hình thành một cộng đồng vững mạnh, không chỉ người Công Giáo thôi mà cả các tín hữu Phật Giáo và các tôn giáo khác. Nhưng đặc biệt là cộng đoàn Công Giáo rất mạnh và có mặt tại mọi tiểu bang và mọi thủ phủ của các tiểu bang. Ở tổng giáo phận Perth, chúng ta có 15 hay 16 linh mục Việt Nam.

Các cha sinh ở Việt Nam, sau đó tỵ nạn và đến Úc như những người di dân. Các ngài theo học các khóa đào tạo linh mục tại Úc và được thụ phong tại đây. Các ngài hoạt động hăng say và rất tốt. Tôi vẫn thường nghĩ là nhiều vị trong số họ là những nhà lãnh đạo rất tốt. Ngày nào đó thế nào cũng phải có một Giám Mục gốc Việt. Trong khi tôi đang nghĩ như thế thì tôi nhận được thư cho biết một Giám Mục người Việt đầu tiên đã được chọn và ngài ở Melbourne. Vì thế tôi rất vui mừng, tôi không nghĩ là còn phải chờ lâu ở Perth mới có Giám Mục Việt Nam. Vị tân Giám Mục ở Melbourne không chỉ chăm lo cho người Việt mà thôi nhưng chăm lo cho mọi người. Truyền thống của Úc là dù chúng ta đến từ quốc gia nào đi nữa, chúng ta là một quốc gia với cùng một ngôn ngữ. Chúng ta hấp thụ truyền thống của các nước nhưng chúng ta nói cùng một ngôn ngữ. Một vài tuần lễ trước, tôi đã tham dự lễ tấn phong Giám Mục đầu tiên cho một linh mục người Malta, ngài sinh ở Malta. Điều đáng buồn là ngài vừa mới qua đời.

Khi tôi đến Vương Cung Thánh Đường Melboure trong buổi lễ tấn phong hôm ấy thì nhà thờ đầy ắp những người Malta. Thông thường thì ngài đến với anh chị em Malta, nhưng sau đó ngài đến với mọi người. Vì thế tôi tin là sẽ có rất đông người Việt tham dự lễ tấn phong Đức Cha Long. Họ sẽ vui mừng, hạnh phúc và ca hát rồi sau đó ngài sẽ bắt đầu công việc của mình. Ngài sẽ đến với các cộng đoàn Việt Nam và họ sẽ nồng nhiệt chào đón ngài, nhưng ngài cũng sẽ viếng thăm các giáo xứ Úc cũng như các sắc dân khác. Tôi nghĩ đó sẽ là một ngày trọng đại cho đất nước Úc, một ngày trọng đại cho Giáo Hội Công Giáo, vì ngày đó chỉ ra cho thế giới thấy chữ “công giáo” nghĩa là hoàn vũ. Vì thế quốc gia Úc Đại Lợi này, nơi hình thành từ nhiều quốc gia chúng ta có một Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu. Chúng ta là người Công Giáo dù chúng ta là Việt Nam hay Malta, Ý hay Ái Nhĩ Lanb, chúng ta là một đại gia đình trong Chúa Kitô. Cho nên chúng tôi đón nhận Đức Cha Long như người anh em Giám Mục của mình. Chúng tôi đón nhận Đức Cha Long như một Giám Mục Úc Đại Lợi, và chúng tôi tạ ơn Chúa là người Việt Nam đã đến đây đông đảo, tạ ơn Chúa vì họ đã sản sinh ra nhiều linh mục nhiệt thành, nhiều nữ tu thánh thiện, và giờ đây tôi tin chắc chúng ta có một Giám Mục là chủ chăn đầy nhiệt huyết. Tôi cầu nguyện cho ngài, tôi cầu nguyện cho sự thành công của ngài và xin Chúa Thánh Thần hoạt động thông qua ngài.
 
Chương trình tiếp sức mùa thi năm 2011 của sinh viên Công Giáo Hải Hà
SVCG Hai Hà
19:45 11/06/2011
Chương trình tiếp lửa tình yêu với mùa hè xanh tiếp sức mùa thi 2011.

Mang thông tin đến các giáo xứ, các vùng quê, và phát động gây quỹ cho chương trình MHX, TSMT 2011.

Một truyền thống đã được hình thành cách đây hai năm bởi các bạn sinh viên công giáo Hải Hà. Bắt đầu là chương trình gây quỹ được thực hiện bởi ban Bác Ái, sau đó là chương trình Tour đến với các Giáo xứ.

Năm trước 2010 chương trình đã đến với các giáo xứ thuộc GP Hải Phòng; Kẻ Sặt, Mặc Cầu, Đồng Trì và trung tâm là TGM Giáo Phận, tại Hà Nội với điểm bán hàng tại Giáo Xứ Hàm Long, Gáo xứ Hàng Bột nhằm mục đích loan truyền tinh thần tình nguyện hy sinh cho những công tác mùa thi sắp tới, đã để lại với mỗi vùng quê những hình ảnh tốt đẹp về công tác tình nguyện, mang đến cho các em thí sinh những thông tin bổ ích.

Xem hình SVCG Hải Hà tiếp sức mùa thi

Tình nguyện viên về các giáo xứ, và TNV gây quỹ tại Hà Nội.

Năm nay, 2011. tiếp tục chương trình đó, Ban Bác ái bắt đầu từ hai giáo xứ; Giáo xứ Hàm Long, Giáo xứ Cửa Bắc để giới thiệu và bán những mặt hàng thủ công mỹ nghệ để gây quỹ cho chương trình Tiếp sức mùa thi (TMST)...Cũng là để giới thiệu một chương trình rất ý nghĩa mà sinh viên công giáo Hải Hà đã thực hiện nhằm giúp các thí sinh trong mùa thi sắp tới, kêu gọi lòng hảo tâm từ tất cả mọi người, giúp cho giới trẻ, thí sinh các vùng quê xa xôi về Hà Nội dịp mùa thi tháng 7 này. Cùng với đó là chương trình Tour về các giáo xứ thuộc hai vùng miền Hà Tây (cũ) và Giáo phận Hải Phòng. Chương trình thứ nhất các bạn đã về một số Giáo xứ thuộc miền Hà Tây từ ngày 11, 12 tháng 05/2011 gồm; Giáo xứ Mỗ xá, Giáo xứ Bái Xuyên, Gx Bái Đô, Giáo xứ Đoan Nữ.. với mục đích giới thiệu chương trình tình nguyện và đặc biệt là mang những thông tin về mùa thi sắp tới cho các em thí sinh Công Giáo, nhằm giúp quý phụ huynh, các em có được những thông tin cần thiết, thông tin về kỳ thi Đại Học, cao đẳng, chương trình tình nguyện TSMT được phát động bởi SVCG TGP Hà Nội, SVCG Hải Hà.

Chương trình giới thiệu sắp tới sẽ là GP Hải Phòng; Giáo xứ Kẻ Sặt, Gx Mặc Cầu (Hạt Hải Dương), Giáo xứ An Quý, Gx Nam Am, Gx Đông Xuyên (hạt Vĩnh Bảo - Hải Phòng), TGM Hải Phòng, Giáo xứ Nam Pháp (hạt TP Hải Phòng), Giáo xứ Yên Trì (hạt Quảng Ninh) từ ngày 16-19/05/2011. Trong thời điểm đó Ban Bác Ái vẫn giới thiệu và gây quỹ tại hai giáo xứ tại Hà Nội để giới thiệu đến tất cả mọi người, mong muốn tất cả quý ông bà cùng chung tay góp sức để giúp đỡ những em thí sinh công giáo của chúng ta, bằng lời cầu nguyện, bằng vật chất để lo cho chương trình Tiếp sức mùa thi - Mùa hè xanh tình nguyện Sinh viên Công giáo.

Hướng tới chương trình Mùa hè xanh SVCG Hà Nội (SVCG Hải Hà).

Theo những thông tin trên Hà Nội; tất cả các nhóm SVCG thuộc tổng giáo phận Hà Nội, dưới sự linh hướng bởi Đức TGM Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, Cha đặc trách Gioan Lê Trọng Cung; các nhóm đã lên kế hoạch tình nguyện viên, điểm tình nguyện; Bao gồm 17 điểm tình nguyện chính, 08 điểm đón tiếp thí sinh được giao cho các nhóm SVCG, 04 nhóm đón tiếp từ các Giáo Phận chuyển lên HN và khu vực các tỉnh. Ngoài ra mỗi nhóm SVCG đã chuẩn bị các điểm tình nguyện riêng, nhỏ của mình là những gia đình quý ông bà công giáo tại Hà Nội, những khu nhà trọ sinh viên, Nhóm SVCG Hải Hà chia ra bốn điểm là các quận mà các bạn đang sinh hoạt, được phụ trách bởi trưởng các quận... Như vậy; tất cả các công tác tổ chức, phân công cá nhân chịu trách nhiệm, các nhóm SVCG phân bổ các khu vực, các điểm tình nguyện tiếp sức, đón tiếp đã tương đối yên tâm và quy mô rộng khắp khu vực Hà Nội và một số tỉnh phụ cận.

Sắp tới, nhằm ngày 24/06/2011, Đức TGM sẽ chủ tế Thánh Lễ ra quân Tình Nguyện Viên, chính thức qua Nghi thức Sai đi và khai mạc chương trình mùa hè xanh, Tiếp sức Mùa thi 2011. Cầu nguyện cho chương trình của SVCG, cho các tình nguyện viên SVCG được tràn đầy niềm tin yêu trong đợt tình nguyện lớn nhất và có ích nhất này. Tại các nhóm SVCG đã phát động chương trình cụ thể của mình từ đầu tháng 5, với công tác ghi danh tình nguyện viên, phân công các ban phục vụ; hậu cần, y tế, vận chuyển, đón tiếp, tập kết... Đặc biệt hơn là gây quỹ cho công tác tình nguyện của mình.

Kính thưa quý Đấng bậc, quý vị ân nhân, quý vị hảo tâm khắp nơi

Với những vùng quê xa Hà Nội như các tỉnh, việc các em về Hà Nội dự thi Đại Học - Cao Đẳng là một niềm hy vọng sau này các em giới trẻ Công Giáo sẽ có thêm được những vốn kiến thức nhất định cho hành trang của mình. Nhưng hiện tại với rất nhiều khó khăn từ kinh tế từ việc đi lại cũng như thông tin mà tự nhiên thành trở ngại lớn với biết bao các gia đình Công giáo các vùng quê nông thôn nghèo; việc thông tin không có, việc đi lại không thông thạo, kinh tế khó khăn thậm chí các em thí sinh cũng rất khó định hướng nghề nghiệp cho mình, cũng như kỳ thi sắp tới.. Tất cả là đánh liều và cố gắng hết sức.. từ những điều này các bạn SVCG đã đứng lên lo, giúp các em để các em giảm chi phí đi lại, chi phí thay đổi địa lý, địa bàn và cung cấp thông tin cần thiết để các em có được một kỳ thi tương đối đầy đủ và yên tâm bởi các anh chị tình nguyện viên. Vậy! để tiếp sức cho lòng nhiệt huyết, sự hy sinh trong kỳ hè này quý Đấng Bậc, quý vị cầu nguyện thêm cho TNV Sinh viên chúng con cũng như các em thí sinh công giáo con em của mình, để các em có được niềm tin, và nhiệt tâm vượt qua kỳ thi mới biết bao lòng yêu thương hy vọng bởi biết bao người. Nếu có thể được, xin Quý đấng bậc, quý vị chia với sinh viên chúng con về kinh phí vật chất để chúng con có cơ hội thay quý vị tiếp tục nối dài tình yêu thương bác ái từ chính quý vị, từ chính những hội đoàn mà tiếp cho chương trình năm nay được trọn vẹn và ý nghĩa. Mọi đóng góp xin chuyển về Hội SVCG Tồng Giáo Phận Hà Nội, hoặc đặc biệt cho nhóm SVCG Hải Hà tại Hà Nội; chúng con sẽ mang sự hảo tâm này vào chương trình tình nguyện sắp tới thật hiệu quả bởi chính sự hy sinh từ quý vị và lòng nhiệt thành bởi mỗi anh chị em SVCG chúng con.

Các thông tin về công tác Hành trình Mùa hè xanh về các giáo xứ, hành trình gây quỹ Mùa hè xanh và công tác tiếp sức mùa thi chúng con sẽ cập nhật từ giờ cho tới hết Mùa thi 2011, từ chương trình tiếp lửa, Thán Lễ ra quân, Thánh Lễ đón Thí Sinh, Công Tác tình nguyện và tiếp sức mùa thi 2011 để Quý Đấng Bậc, Quý vị ân nhân, quý phụ huynh, thí sinh theo dõi.

Trân trọng thông tin và kính gởi.

Truyền thông SVCG Hải Hà

http://svhaiha.org

Chúa nhật, 12/05/2011
 
Bông Hồng Xanh kỉ niệm 19 năm hoạt động
Maria Vũ Loan
20:13 11/06/2011
Một buổi tối đẹp trời, các Tông Đồ hội họp tại một nơi có cửa đóng kín. Trong buổi họp mặt đơn sơ đó bỗng có thần khí Thiên Chúa ngự đến, thế là trong niềm hân hoan ngập tràn Giáo Hội được khai sinh. Đó là một hình ảnh đẹp tuyệt vời khiến nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi lập lại 19 lần mỗi khi mừng lễ bổn mạng.

Tối thứ bảy hôm nay, ngày 11/6/2011, các thành viên chúng tôi họp mặt không phải trong phòng cửa đóng then cài mà cùng dự chung một thánh lễ trong nhà thờ, dù có bạn không phải là Kitô hữu, rồi sau đó cùng ăn một bữa tối thân mật. Một năm, chúng tôi gặp gỡ nhiều lần: trước một chuyến công tác, đám cưới, đám tang, thôi nôi, sinh nhật…nhưng vào lễ Chúa Thánh Thần, chúng tôi vui hơn vì được ngoái lại nhìn chặng đường mình đã đi qua ngày càng dài thêm.

Nhóm nhỏ chúng tôi không theo một cơ chế nào, một nguyên tắc nào, chỉ tự nguyện - yêu thương - trân trọng trong công việc, qua mô hình Chúa Giêsu và các tông đồ; còn các cộng tác viên thì hăng say, nhiệt thành như vai trò của các môn đệ ngày xưa vậy. Ngày trước, nhóm của Chúa không có trụ sở để họp; không có nguồn thu và nguồn phải chi nhất định; các tông đồ vâng nghe trưởng Phêrô một cách hợp lý; khi họp mặt cũng có vắng người này người nọ; cũng xôn xao lý sự; lại có một người chưa tốt (Giuda); khi đã nhận lệnh “Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian” thì nhóm này không có “bầu bán” hay nhiệm kỳ gì cả, chỉ nhắm vào nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho đến khi thân tàn lực kiệt…Chúng tôi vui vì dựa theo mô hình của Chúa để sống Tin Mừng, dẫu sự so sánh này có khập khiễng quá cũng chẳng sao, miễn là tình thương Chúa Kitô được trải rộng.

Những ngày vừa qua, nhóm chúng tôi không có chuyến công tác lớn nhưng vẫn chú ý việc bác ái nho nhỏ như vào bệnh viện thăm một cô gái tuyệt vọng tìm đến cái chết vừa được cứu sống; giúp một gia đình quá khốn khổ vì có con đứa bị tâm thần đứa vướng vào ma túy; giúp một nửa căn nhà tình thương ở tỉnh Đồng Nai, cho người già neo đơn đường sữa quanh khu phố…như dòng nước của con suối cứ chảy liên tục, dẫu có lúc chỉ róc rách thôi!

Cách đây mười ba, mười bốn năm về trước, chúng tôi “yêu trẻ hè phố”, “yêu trẻ bụi đời”. Nay, lớp trẻ ngày đó đã lớn, đã trở thành những thanh niên, có lẽ đang lao động phổ thông, làm một nghề tự do nào đó, hay là những nhân công trong các nhà hàng, cơ sở sản xuất tư nhân, nhân viên dịch vụ … mà công việc bấp bênh, lương rẻ như bèo trong thành phố này. Ngày đó, đa số các em từ vùng quê chảy về đây mưu sinh, nay vẫn tiếp tục rời vùng quê mà gánh các công việc nặng nhọc cho người dân Sài Gòn giàu có vì ít được học hành, lại không có chuyên môn. Hai nick name đó bây giờ là kỷ niệm, có lẽ nên đổi là “yêu trẻ vùng xa” mới đúng.

Nhắc lại sự việc quá khứ một chút để thấy những năm gần đây, chúng tôi đã có hướng đi đúng vì vùng sâu vùng xa thôn quê Việt Nam bây giờ vẫn còn nghèo quá.

Khi kỷ niệm 10 năm thành lập, tất cả chúng tôi không dám nghĩ 9 năm nối tiếp theo đó nhóm lại có nhiều điều kiện để yêu thương nhiều hơn, đi xa hơn, gặp gỡ và chia sẻ thân tình hơn với người cùng khổ. Chắc chắn là đã có Chúa Thánh Thần soi giúp, ơn Chúa thương ban và Mẹ Maria đồng hành.

Hiện nay, kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhất là cơn bão giá mới ập đến, chúng tôi có phần lúng túng khi chi phí cho chuyến đi xa tăng cao. Trước đây, đi công tác từ 8 đến 12 người, sau giảm dần từ 5 đến 7 người, rồi từ hai đến 4 người. Sau này, nếu có chuyến công tác lớn, chúng tôi đi vừa đủ hoặc tận dụng người địa phương, còn những việc nhỏ chắc là bắt chước môn đệ Chúa Giêsu cứ đi từng hai người một là phù hợp.

Một vị ân nhân rất nhân hậu, có nhã ý giúp chúng tôi làm một công trình be bé gì đó vào năm 2012, gần thời điểm nhóm sẽ mừng 20 năm thành lập. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng: Khi về trời, gia tài Chúa Giêsu để lại là một cây thánh giá, rồi nhấn mạnh là “Hãy yêu thương nhau”, Ngài ban thần khí để các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng; nên chúng tôi cũng chỉ muốn thực hiện công trình “phi vật thể”, phù hợp với thực tế xã hội, không quá lệ thuộc vào tiền bạc, miễn là Tin Mừng được rao giảng và tình thương được chan hòa nhiều nơi. Kế hoạch đã hình thành trong những cái đầu, chỉ còn chờ vị ân nhân ấy chạm vào là khởi động.

Những câu chuyện chúng tôi nói với nhau hôm nay đơn sơ, vui vẻ với thời sự. Vui nhất là khi vào quán ăn, tôi khai mào bằng câu nói: “Hôm nay chúng ta họa lại Hội Nghị Diên Hồng! Chị sẽ là vua!”. Rồi tôi hứa sẽ biến nhóm này thành một tiểu đội sẵn sàng đi chiến đấu khi có giặc ngoại xâm để giữ vững quê hương đất nước thì có một bạn trẻ nói vui: “Tiểu đội trưởng của chúng ta đức tin thì mạnh mẽ, có mến Chúa yêu người, nhiệt thành hăng say nhưng súng chưa bắn đã xỉu mất tiêu rồi!”. Bạn khác châm thêm: “Nhớ mang theo lọ dầu xanh và cái thìa để…cạo gió cho tiểu đội trưởng nhé!”. Thế là lại cười híc híc, hà hà! Khi tạm biệt, chúng tôi cầm những bông hồng xanh, chụm tay lại hô to một câu “Yé!”. Vậy là xong buổi họp mặt sinh nhật lần thứ 19 của Bông Hồng Xanh chúng tôi.

Khép lại phút suy tư sau khi họp mặt mừng lễ Chúa Thánh Thần, chúng tôi dâng trào một tâm tình: Xin một lời tri ân đến quí linh mục, quí ân nhân, Vietcatholic News. Chúa đã nhờ bàn tay của các Ngài chạm đến bông hoa nhỏ của chúng con, làm cho hoa xanh xanh, thơm thơm một chút giữa đời.
 
CGVN TGP Sydney tặng trên 96,000 mỹ kim thực hiện di ảnh ĐHY Nguyễn văn Thuận ở Roma
Hoàng Việt Nam
20:24 11/06/2011
Sydney - Sáng Thứ Bảy ngày 11 tháng 6 năm 2011, Ban Tuyên Úy gồm Quý Cha Nguyễn Khoa Toàn, Tuyên Úy Trưởng, Cha Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Dương Thanh Liêm, Cha Đặng Đình Nên, cùng với Ông Giang Văn Hoan, Chủ Tịch Cộng Đồng và Ban Thường Vụ cùng Đại Diện các Ban Mục Vụ, các Phong Trào Đoàn Thể trong Cộng Đồng đã đến gặp Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sydney, để dâng tặng chi phiếu 96,156.00 dollars, thực hiện Di Ảnh Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận được tôn kính trong Nhà Nguyện của Trung Tâm Hành Hương Domus Australia của Giáo Hội Úc Đại Lợi, tọa lạc tại đường Via Cernaia, Roma.

Xem hình ảnh

Được biết, Giáo Hội Úc Đại Lợi nói chung và ĐHY George Pell nói riêng, đã rất mực yêu thương Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận, đã được mở Hồ Sơ Phong Thánh, nên TGP Sydney quyết định đặt Di Ảnh của Ngài tại Nhà Nguyện Trung Tâm Hành Hương Domus Australia tại Roma. ĐHY George Pell đã thương mến nhờ CĐCG Việt Nam TGP Sydney tham gia vào công việc tốt đẹp này. Sau khoảng một thời gian ngắn, CĐCG Việt Nam TGP Sydney đã quyên góp và dâng cúng đủ số tiền cho công trình Di Ảnh ĐHY Nguyễn Văn Thuận được đặt tại Nhà Nguyện Domus Australia Roma.

Qua những tin tức về Trung Tâm Hành Hương Domus Australia tại Roma, Giáo Hội Úc Đại Lợi nói chung và TGP Sydney nói riêng đã mua và đang trùng tu Domus Australia này. Theo thông tin của Tòa TGM Sydney, Domus Australia được mua do Giáo Hội Úc Đại Lợi vào tháng 9 năm 2008. Trung Tâm này trước kia là 1 Trung Tâm dành cho sinh viên do Quý Cha Marists điều hành. Trung Tâm Hành Hương Domus Australia đã cử hành Thánh Lễ đầu tiên vào ngày 7 tháng 4 năm 2009, do ĐHY George Pell chủ tế với sự tham dự của Ông Tim Fisher, Đại Sứ của Australia tại Ý Đại Lợi và Tòa Thánh Vatican, cùng với Quý Giám Mục Anthony Fisher, Julian Porteous, Tim Costelo, và khoảng 100 giới trẻ hành hương. Trung Tâm Hành Hương Domus Australia được gọi là Nhà Úc Đại Lợi tại Roma.

Domus Australia cách Ga Xe Lửa trung ương Roma khoảng 10 phút đi bộ. Theo ĐHY George Pell, Trung Tâm Hành Hương là nơi đón nhận khỏang 90 khách hành hương. Trung Tâm thiết kế 1 nhà bếp có thể cung cấp thực phẩm cho 300 người, với một phòng họp hội thảo trong đó 150 người tham dự thoải mái. Nghệ Sĩ Paul Newton đã được chỉ định để vẽ 35 Bức Tranh đặc biệt cho Nhà Nguyện, trong đó có các Di Ảnh của những nhân vật tiên khởi của Giáo Hội Úc Đại Lợi như Caroline Chisholm, Father Therry, Dame Mary Kate Barlow, Thánh Mary McKillop, Đức Tổng Giám Mục Polding...

Ngoài ra, còn có thêm Di Ảnh của Á Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta, và ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận...cùng với Bức Ảnh Đặc Biệt, Our Lady of Southern Cross-Đức Bà Ngôi Sao Phương Nam, biểu tượng của Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney năm 2008. Phía phần dưới của trung Tâm Hành hương Domus Australia, người ta còn khai quật được nhiều di tích rất cổ kính từ thế kỷ thứ 1 và thứ 2, cũng như những di tích lịch sử của Roma cổ đại...

Trong lần gặp gỡ thân tình này, ĐHY George Pell ca ngợi lòng quảng đại của CĐCG Việt Nam đã đóng góp cho Giáo Hội Úc Đại Lợi rất nhiều. Nhân dịp này, CĐCG Việt Nam cũng chúc mừng sinh nhật thứ 70 của Ngài, và Ngài hứa sẽ đến dâng Thánh Lễ Hành Hương của Cộng Đồng vào tháng 10 năm 2011.

Cuộc gặp gỡ thân tình đã kết thúc với những chén cà phê và trà buổi sáng đượm tình thương mến lúc 10 giờ 30 sáng cùng ngày.
 
Văn Hóa
Lời tạ ơn và cầu xin bé nhỏ
Lm Trăng Thập Tư Võ Tá Khánh
12:55 11/06/2011
LỜI TẠ ƠN VÀ CẦU XIN BÉ NHỎ

Mến tặng Mục sư Trần Thế Thiên Phước
và những anh chị em Tin Lành thân yêu
tôi đã may mắn được gặp gỡ,
cùng chia sẻ Lời Chúa, cuộc sống, đức tin và lời nguyện,
kính mừng đại lễ kỷ niệm 100 năm Tin Lành Việt Nam
hiệp chung ý nguyện với các anh em: Hiền, Tường, Bản và Đệ.



Xin chúc mừng người anh em của Lời Chúa
Xin chúc mừng người anh em của Đức Tin
Người anh em của Chúa Jêsus Christ
Xin chúc mừng trăm năm
Trăm năm của những bước chân tuyệt vời trên quê hương Việt
Hallêluia!
Xin chúc mừng chúng ta
Tình bạn 35 năm trên dặm dài 100 năm lịch sử
Tình anh em ngọt ngào trong Chúa.
Xin chúc mừng chúng ta
Anh chỉ một mình còn chúng tôi năm đứa
Lóc cóc đạp xe chiều Chí Thạnh
Những đứa bé của Chúa
Những chàng trai chưa biết mệt
Những đứa con của hiệp nhất và bình an
Khích lệ nhau cày sâu cuốc bẩm
Trên cánh đồng Tuy An
Nơi chúng ta cùng cầu nguyện chung
Khi tôi kết “nhân danh Jêsus Christ”
Anh chung lời hiệp một “Giêsu Kitô”.

“Kìa Ta sai các ngươi đi
khác nào như chiên giữa bầy muông sói
Vậy hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu
Hãy coi chừng người ta,
vì họ sẽ nộp các ngươi trước tòa án,
đánh đòn các ngươi trong nhà hội,
lại vì cớ Ta mà các ngươi sẽ bị
giải đến trước mặt các quan tổng đốc và các vua
để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại…
Và Thánh Linh của Cha các ngươi
sẽ từ trong lòng các ngươi nói ra”.


Hallêluia!
Tạ ơn Đức Chúa Trời Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Linh
Khi tôi lui tới ủi an người thân anh tại Đà Lạt
Khi anh vì chúng tôi mà chăm sóc
những con chiên Công giáo lạc lõng ở Phước Long.
Tạ ơn Ba Ngôi Đức Chúa Trời
Đã cho anh trái tim không biên giới
Vì Tin Lành của Chúa và vì ơn cứu rỗi của muôn người
Miệt mài làm thuê cuốc mướn
Cứ bốn giờ sáng lại hiệp nhau thờ phượng
Rồi bẻ chung nhau miếng bánh tráng, khúc sắn mì
và chuyền nhau chén trà bốc khói, nhâm nhi
trước khi lên đường lao động
và giảng rao Lời bằng chính cuộc sống.
Tạ ơn Chúa vì những ngày ta lạc xa nhau
cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm từng câu:

“Vậy những kẻ tản lạc,
đi từ nơi này đến nơi khác,
truyền giảng đạo Tin Lành”.


Tạ ơn Chúa vì 35 năm sau
Còn gọi ơi ới hỏi tìm cho ra số điện thoại
Điện đàm thật lâu
Để cầu nguyện chung nhau
Chung một lời, một lòng, một ý
Chung làn sóng điện
Quy Nhơn – Sài Gòn có ngăn cách gì đâu.
Xin tạ ơn Ba Ngôi Đức Chúa Trời

“Gió muốn thổi đâu thì thổi,
Người ta nghe tiếng động
Nhưng chẳng biết gió đến từ đâu
Và cũng không biết gió đi đâu.”


Xin tạ ơn Ba Ngôi Đức Chúa Trời
Đã cho anh đầy gió và lửa của Thánh Linh
Để chia sớt cho đầy tớ này của Chúa
Và cũng tạ ơn Ngài
Đã dạy tôi chia cho anh nước mát của Thánh Thần
Chảy qua Rôma
Chảy qua nguồn ơn Bí tích
Và qua Mẹ Maria
Mẹ của Thầy và Mẹ của chúng ta
Bởi lẽ chính Thầy đã trối cho người môn đồ Ngài yêu như thế.
Lạy Đức Chúa Trời là Cha nhân lành
Xin hãy nghe lời nguyện của Ngôi Con Độc Sanh
Tức là Con Một mà Cha hằng yêu dấu
Đang cùng lúc cầu nguyện cho các Cơ đốc nhân và Kitô hữu
Trong bữa Tiệc chia ly
Cũng là bữa ăn hiệp một
Giữa đêm sâu:

“Ấy chẳng vì họ mà Con cầu xin thôi đâu
Nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa
để cho ai nấy hiệp làm một
cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha
lại để cho họ cũng ở trong Chúng Ta
đặng thế gian tin rằng Cha đã sai Con đến”


Lạy Cha yêu mến
Xin hãy gởi Thánh Linh tức là Thánh Thần của Cha
Đến trong lòng các Cơ đốc nhân tức là Kitô hữu
Hòa chung họ trong cùng một đức tin, sự trông cậy và tình yêu thương
Cùng một sự thông công nghĩa là sự hiệp thông chí thánh
Để Cứu Chúa Jêsus Christ và Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô hòa chung thành một
Hầu mọi người trên hành tinh nhận biết
Dưới gầm trời này chẳng có Danh nào khác được ban cho loài người
Để họ phải nhờ đó mà được cứu
Ngoại trừ Danh của Đấng vẫn là một
Hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời.
Amen. Halêluia.

Quy Nhơn, 11-6-2011
Lm Trăng Thập Tư Võ Tá Khánh