Ngày 12-06-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người đàn bà sám hối
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
00:46 12/06/2013
Chúa Nhật XI THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 7, 36 – 50

NGƯỜI ĐÀN BÀ SÁM HỐI

Cả đời sống của Chúa Giêsu là để yêu thương nhân loại, yêu thương con người. Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta hoàn toàn thán phục một vị Thiên Chúa làm người. Từng lời nói, từng cử chỉ, những lời dạy bảo, những phép lạ của Chúa Giêsu hoàn toàn nói lên con người đầy lòng trắc ẩn, yêu thương của Chúa. Hôm nay, chúng ta được đối diện với một con người đã được Chua Giêsu thương yêu, chữa lành, chúng ta nhận ra tình thương cao cả vô biên của Chúa…

Vâng, Chúa Giêsu và các môn đệ dùng tiệc tại nhà ông Simon. Chắc chắn, ông Simon mời Chúa dự tiệc cùng với các môn đệ, những khách quí, có máu mặt, những người đồng nghiệp với ông Simon, không phải vì ông có thiện cảm, yêu mến Chúa Giêsu, nhưng là để làm cho ông được hãnh diện, được tăng thêm uy tín, được nở mày nở mặt với những người khác, hoặc là ông Simon muốn thử tài, muốn thử quyền năng của Chúa mà ông đã nghe nhiều lần chăng ? Còn đối với người đàn bà hôm nay, Tin Mừng của thánh Luca cũng không cho chúng ta biết tên. Do đó, chúng ta hiểu được rằng bà có lẽ bà ta đã phạm một tội công khai nào đó mà cả thành đều biết. Bà này nhận mình là người tội lỗi và tin cậy vào tình thương, vào sự tha thứ của Chúa Giêsu. Chị đã mang theo một bình nước hoa quí giá, đắt tiền đến tìm Chúa Giêsu giữa đám tiệc đông người ở nhà ông Simon. Theo tập tục của người Do Thái khi ăn tiệc họ thường nằm ngả người ra phía sau, và để chân trần ra ngoài chiếc phản. Chính vì thế bà này dễ dàng xối nước mắt, nước hoa lên chân của Chúa Giêsu. Đây là cử chỉ thú tội công khai của người đàn bà trước thực khách, trước mặt Chúa Giêsu vv…Bà không sợ, không xấu hổ vì bà biết Chúa sẽ tha thứ cho bà và là bài học cho các thực khách, cho ông Simon và cả gia đình của ông. Người đàn bà đã khóc, khóc rất nhiều. Những giọt nước mắt sám hối, ăn năn chảy xuống trên chân Chúa Giêsu. Người đàn bà tỏ cử chỉ tôn trọng, kính yêu Chúa bằng cách lấy tóc của mình lau chân Chúa, xức dầu thơm lên đôi chân của Chúa và hôn chân Chúa không ngừng.

Con người của Chúa luôn nhạy cảm, đầy lòng trắc ẩn. Nên, Ngài đã cảm thông và tha thứ cho người đàn bà tội lỗi biết sám hối, biết trở lại vì yêu. Chúa Giêsu nói với bà : “ Tội con đã được tha “. Một lời tha thứ thật an an ủi, đầy cảm thông, đầy tình thương. Lời thứ hai cũng là lời cuối cùng Chúa nói với bà :” Lòng tin đã cứu bà. Bà hãy đi bình an “. Thật là lời đầy an ủi, đầy khích lệ, Chúa Giêsu xác nhận niềm tin của Chúa Giêsu. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là yêu thương. Ngài yêu thương những người tội lỗi, những kẻ khốn khổ, nghèo nàn, thấp cổ, bé họng vv…Ở đây, chúng ta ghi nhận một điều rất quí, rất đẹp là người đàn bà yêu nhiều nên được tha nhiều. Nói lên điều đó không có nghĩa chúng ta cứ phạm tội để được Chúa thứ tha. Không, nhứt định là không. Bởi vì liệu chúng ta có lòng can đảm, ơn đặc biệt, sự khiêm nhường như người đàn bà tội lỗi đó không ?

Chúng ta có chắc chắn chúng ta yêu nhiều, yêu đến quên mình như người đàn bà tội lỗi đó không ? Yêu nhiều có nghĩa là trở về trọn vẹn, sám hối thiệt tình và không còn dám để trong lòng một tội nào, dù tội đó thật nhỏ mọn. Người đàn bà đã yêu hết mình, đã thật tình thống hối, đã không dám xúc phạm đến tình yêu thương của Chúa nữa. Bà đã hoàn toàn tin tưởng vào tình thương tuyệt đối, nhưng không của Chúa. Bà đã không mắc cỡ, không xấu hổ trước nhiều tiếng thì thầm trách móc vì họ cho rằng người đàn bà này tội lỗi tầy trời, tội lỗi công khai, đáng kinh tởm, đáng khinh bỉ, bà vẫn một niềm tin, tin Chúa thứ tha cho bà, bà hoàn toàn khác Giu đa. Bà có thái độ quay trở về và nhạy cảm như Phêrô. Tin vào tình thương và tin vào sự tha thứ của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn tin vào tình thương của Chúa, để chúng con như thánh Phêrô dám nhìn vào mắt Chúa và khóc lóc ăn năn, để chúng con như người đàn bà hôm nay dám công khai khóc lóc ăn năn và tin tuyệt đối vào sự thứ tha của Chúa. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao ông Simon lại mời Chúa Giêsu tới nhà dự tiệc ?
2.Người đàn bà mà thánh Luca nhắc tới là ai ?
3.Bà là người đàn bà như thế nào ?
4.Các người Pharisêu có tán thành hành động của Chúa Giêsu không ?
5.Yêu nhiều ở đoạn Tin mừng này có nghĩa gì ?
 
Thánh Antôn Pađua, Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:47 12/06/2013
Thánh Antôn Pađua, Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1195–1231)

Trong chuyến hành hương Châu Âu, tôi đến Padova bên Ý, thăm Vương Cung Thánh Đường Thánh Antôn, chiêm ngắm thánh tích “Lưỡi Thánh Antôn”, được hiểu biết thêm vị thánh có tài hùng biện và làm nhiều phép lạ.

Antôn Pađua sinh năm 1195 tại Lisbonne, thủ đô nước Bồ Ðào Nha, trong một gia đình quyền quý và đạo đức. Vốn được giáo dục theo tinh thần Phúc Âm nên ngài sớm ý thức được việc dâng mình cho Chúa.

Ðầu tiên, ngài nhập dòng thánh Augustinô và được chịu chức linh mục tại đó. Cảm thấy lý tưởng sống khiêm tốn và khắc kỷ hợp với mình hơn và nhất là ngài ao ước được truyền giáo cho dân ngoại và được tử đạo, nên ngài xin gia nhập dòng Phanxicô năm 1220. Tại đây, ngài được Bề Trên sai đi truyền giáo cho dân Sarrasins ở Phi Châu, thể theo ý nguyện của ngài.

Nhưng ý Chúa quan phòng lại định liệu cách khác. Vừa tới Phi Châu, ngài ngã bệnh nặng và phải trở về điều trị. Trên đường về quê, tàu ngài bị bão thổi dạt vào đảo Sicile thuộc nước Ý và ngài ở lại nhà dòng tại Monte Paulo.

Nhờ gương đạo đức và tài giảng thuyết, ngài được Bề Trên cử đi giảng khắp nơi và lo việc huấn luyện các tu sĩ trong dòng. Bất cứ ở đâu, lời giảng của ngài đều có sức lôi cuốn nhiều người đến nghe. Chúa còn minh xác lời ngài bằng nhiều phép lạ. Không những tại Ý, mà tại đất Pháp, ngài làm việc không biết mệt mỏi. Và người ta đã ghép cho ngài tên “Hòm Bia giao ước” và “Cái búa của bọn lạc giáo.” đúng như lời sách thánh:” Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho muôn người nên công chính, sẽ chiếu sáng như những vì sao, đến muôn thuở muôn đời”( Đn 12, 3 ).

Ngài trở về Pađua một năm trước khi chết. Ngài nổi tiếng vì công đức và các phép lạ đã làm. Ngày 13-6-1231, ngài về an nghỉ trong Chúa, khi mới 36 tuổi. Ngài được phong thánh một năm sau, ngày 30-5-1232. Năm 1946, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh.

“ Muôn dân tường thuật sự khôn ngoan của các thánh, và Giáo Hội loan truyền lời ca tụng các Ngài: tên tuổi các Ngài sẽ muôn đời tồn tại”( Hc 44, 14-15 ).Thánh Antôn Pađua qua đời rất trẻ, năm 36 tuổi nhưng ngài đã nổi tiếng về nhân đức,phép lạ và những tư tưởng cũng như tài hùng biện. Dòng Phanxicô dựa theo cuốn truyện “Ông Thánh Antôn” của Cố Phêrô Maria Lương, bằng chữ nôm, ấn hành năm 1910 tại Hà Nội, đã viết lại “Truyện Thánh Antôn Pađua”. (x.ofmvn.org). Tôi đọc thêm sách “Truyện Thánh Antôn Pađua”, tác giả Jean Rigauid ofm (x.lamhong.org) và được hiểu biết thêm nhiều về tài hùng biện và các phép lạ trong cuộc đời của thánh nhân.

Vương Cung Thánh Đường Thánh Antôn Ở Padova

Vương cung Thánh đường Giáo Hoàng Thánh Antôn là nơi hành hương thu hút nhiều người khắp nơi trên thế giới.

Vào năm 1232, một năm sau khi Thánh Antôn qua đời,Vương Cung Thánh Đường bắt đầu xây dựng và hoàn tất vào năm 1301.

Theo ước nguyện, Thánh Antôn muốn được chôn cất trong ngôi Nhà thờ nhỏ Santa Maria Mater Domini,bên cạnh có một tu viện được ngài thành lập năm 1229. Ngôi Nhà thờ này được sáp nhập vào Vương cung Thánh đường hiện tại và có tên Dark Madonna.

Nhìn từ phía Tây Bắc, đây là một công trình kiến trúc rất đẹp.Phong cách bên ngoài là sự pha trộn giữa yếu tố Romane và Byzantine, cộng thêm đôi nét Gothic và Hồi giáo.

Bên ngoài mặt tiền Nhà thờ phần trung tâm mang phong cách Romane. Mặt tiền cho thấy sự khác biệt nhỏ là gian giữa và lối đi hai bên với những trụ tường rộng với hình thức mang nét điêu khắc phong phú khi thánh đường được nhìn từ bên hông.

Các mái vòm của Đền thờ giống như mái vòm của Vương cung Thánh đường Thánh Maccô ở Venise. Bên ngoài, với chiều cao nổi bật lên mang dáng dấp cấu trúc Byzantine, với nhiều tháp chuông nhỏ bên cạnh mái vòm, với những tháp nhọn thon cao theo kiểu Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Phía ngoài những đầu hồi kết hợp với các mái vòm, các trụ tường Đền thờ to lớn và những tháp nhỏ tạo nên một tác phẩm điêu khắc đồ sộ vừa đa dạng vừa thống nhất tạo thành một khối những đặc điểm của cấu trúc Đền thờ.

Bước vào bên trong, phía bên phải là Nhà nguyện Thánh thể, nơi có phần mộ của Gattamelata nổi tiếng và của con trai của ông là Giannantonio.

Người ta tìm thấy di tích của thánh Antôn trong Nhà nguyện Kho báu theo phong cách Baroque từ năm 1691. Thi hài của thánh Antôn ở trong Nhà nguyện Đức Mẹ Mora từ năm 1350.

Phía bên trái có tượng Đức Mẹ Mora là bức tượng Đức Mẹ với Chúa Giêsu Hài đồng do điêu khắc gia người Pháp là Rainaldino di Puy-l'Evéque thực hiện, có niên đại từ 1396. Hình Đức Mẹ với mái tóc đen và nước da màu ô liu. Có bức họa tuyệt đẹp hình Đức Mẹ del Pilastro được họa sĩ Stefano da Ferrara, vẽ vào giữa thế kỷ XIV.

Chúng tôi lần lượt đi qua phần mộ Thánh Antôn, thinh lặng cầu nguyện.Sau đó di chuyển ra vòm phía sau cung thánh. Nhiều tác phẩm điêu khắc. Chân đèn Phục Sinh của nghệ nhân Andrea Briosco vào năm 1515 là một kiệt tác. Còn có 6 bức tượng các thánh và 4 phù điêu về các giai thoại trong cuộc đời thánh Antôn của Donatello.

Năm 1263, trong ngày lễ thánh nhân, hài cốt Thánh Antôn được đưa từ tu viện đến nhà thờ mới, dưới sự điều khiển của thánh Bonaventura. Khi khai quật phần mộ, da thịt ngài đã tiêu tan hết, đặc biệt lưỡi thì còn y nguyên. Thánh Bonaventura hôn kính “lưỡi đáng kính trọng” ấy, rồi thốt lên: “Bởi lưỡi thánh này đã ngợi khen Thiên Chúa và khuyên dụ nhiều người ngợi khen Thiên Chúa, nên Ngài đã gìn giữ lưỡi này còn nguyên vẹn cho đến bây giờ”. Lưỡi ấy được đặt vào một bình bạc để trên cao cho mọi người tôn kính.Từ đó, khách hành hương từ khắp nơi đến viếng nhà thờ và mộ thánh để cầu nguyện và xin ơn. Thánh Antôn hằng ban ơn giáng phúc, chẳng những về thể xác mà nhất là về phần linh hồn. Chính thánh Bonaventura đã chứng kiến và ca ngợi rằng: “Ai muốn nhờ phép lạ thì phải chạy đến cùng Thánh Antôn. Người cứu chữa lúc gian nan, giúp đỡ khi túng cực. Hãy hỏi dân thành Padua, hãy hỏi các khách hành hương, họ sẽ nói lên sự thật ấy”. Chúng tôi cũng được chiêm ngắm và cầu nguyện trước “Lưỡi Thánh Antôn”.

Thế kỷ IV, Giáo Hội có Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám Mục, Tiến sĩ Hội Thánh. Kim Khẩu có nghĩa là miệng vàng. Tài lợi khẩu và việc rao giảng đã khiến cho thánh nhân xứng đáng mang danh hiệu này. Thế kỷ XIII, Giáo Hội có thêm vị Kim Khẩu mới, đó là Thánh Antôn.

Người ta thường vẽ Thánh Antôn bế Hài Nhi Giêsu vì Ðức Giêsu đã hiện ra với ngài. Thánh Antôn là người hiểu biết thâm sâu, nhất là về Kinh Thánh, do đó Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên xưng ngài là "Tiến Sĩ Tin Mừng" hay Tiến Sĩ Kinh Thánh.
 
Yêu mến nhiều
LM. JB Nguyễn Minh Hùng
08:50 12/06/2013
YÊU MẾN NHIỀU

Một hành vi đơn giản: để chỉ vào người khác, ta thường sử dụng ngón tay trỏ. Dẫu đơn giản, nhưng đã không ít lần hành vi ấy làm tôi giật mình, vì nhận ra, khi chỉ người khác bằng một ngón tay, thì vô tình có đến ba ngón tay (ngón giữa, ngón áp út và ngón út) khép lại, lập tức quay ngược lại chỉ thẳng vào tôi. Dẫu chỉ là cái giật mình trước một cử chỉ tầm thường, nhưng ai trong chúng ta cũng cần lắm những cái bất chợt giật mình như thế, để nhận ra chính mình, khám phá mình, kiểm điểm mình, tra xét mình...

Trước khi xét đoán ai, hãy xét đoán mình; trước khi kết án ai, hãy kết án chính mình không phải một mà là gấp ba lần. Bài học “Hãy xé lòng, đừng xé áo. Hãy xét mình đừng nhìn anh em” là bài học phải nhớ đời mà Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta.

Trong Tin Mừng, thánh Luca kể rằng, một người trong nhóm Pharisêu mời Chúa Giêsu dự tiệc. Pharisêu gồm những luật sĩ và một ít tư tế hợp lại. Họ tuân giữ lề luật cách nghiêm nhặt và trung thành với tất cả những gì thuộc truyền thống đức tin và tôn giáo. Họ giữ kỹ lưỡng việc phụng tự và không muốn đứng trong hàng ngũ chính trị. Từ chỗ nắm giữ luật lệ và đức tin, người Pharisêu sinh ra một lối suy nghĩ tệ hại: Chỉ có họ đẹp lòng Chúa. Chỉ có họ mới thực sự yêu mến Chúa, mới thanh sạch, mới đúng là những người nắm giữ kỷ cương của đời sống, của niềm tin tôn giáo. Chỉ có họ là người công chính… Với lối suy nghĩ hẹp hòi ấy, người Pharisêu tỏ ra khinh bỉ, xa lánh, thậm chí loại trừ những ai mà họ cho là tội lỗi, nhơ nhớp, là nguyên nhân gây nên sự ô uế.

Trong bữa tiệc mà người Pharisêu mời Chúa dự, lại xuất hiện một người đàn bà bị coi là tội lỗi. (Nói theo lối nghĩ của người Pharisêu) đã không biết thân, bà lại còn làm những hành động hết sức “quái gỡ”, nếu không muốn nói là làm lây nhiễm sự ô uế: Bà hết ngồi phía sau sát chân Chúa, hết khóc trên chính đôi chân ấy, hết lấy tóc lau chân, rồi lại còn hôn và xức dầu thơm lên chân Chúa… Thật không thể chịu nổi! Vốn đã khinh bỉ hạn phụ nữ dơ bẩn, bây giờ lại thấy Chúa kết thân với bà, làm sao người Pharisêu không lấy làm bực tức. Ông càu nhàu: “Nếu ông này là tiên tri, thì phải biết người phụ nữ đang đụng vào mình là hạn người nào chứ: đó là hạn tội lỗi”.

Nhưng người Pharisêu lầm. Họ chỉ biết đưa ngón tay để chỉ người khác, mà không nhìn đến ba ngón tay đang chỉ chính mình. Họ giỏi lên án người, xoi mói, tẩy trừ người nhưng không khám phá mình, không tự xét mình. Vì thế, hậu quả tức khắc xảy ra là: Dù cũng như chị phụ nữ, đã là người, người Pharisêu cũng đầy yếu đuối, dễ sa ngã, dễ phạm tội, nhưng người Pharisêu lại bị Chúa quở trách, bị so sánh với người phụ nữ mà ông coi là tội lỗi: “Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi” (Lc 7, 44-46). Và Chúa tuyên bố: “Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7, 47). Chưa dừng ở đó, Chúa còn trực tiếp ngỏ với chị bằng những lời đầy yêu thương, cảm động, dù tội của chị ngất có nhiều đến đâu: “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7, 48).

“Yêu nhiều” là lý do để được tha tội. Đó là bài học cho tất cả chúng ta. Chỉ sợ rằng, chúng ta vừa là tội nhân, nhưng lại vừa là người không để tình yêu ngự trị, vì thế, không biết yêu, dù là yêu mến Thiên Chúa hay yêu thương con người.

Không có tình yêu, chúng ta không bao giờ lãnh nhận được bất cứ ân huệ nào của Chúa. Không phải vì Chúa không ban ơn của Người cho ta, nhưng vì ta không đủ điều kiện để nhận lãnh. Tình yêu là điều kiện cần thiết để Chúa ban ơn. Như ánh nắng luôn chiếu rọi mọi nơi, nhưng nếu ta đóng cửa nhà, ánh nắng sẽ không bao giờ có thể vào nhà. Tình yêu chính là cánh cửa mở, để ơn Chúa có thể rót vào hồn ta. Ơn tha thứ của Chúa sẽ đến và xóa sạch tội ta, khi ta biết mở ngỏ lòng mình bằng chính tình yêu của ta: Yêu Chúa và yêu người.

Lạy Chúa, xin cho con biết oán trách mình, hơn oán trách anh em. Xin cho con, mỗi khi muốn nói xấu hay xét đoán anh em, thì biết nhìn lại mình, biết xét mình gấp nhiều lần hơn nữa. Lạy Chúa xin tha thức cho con, tha những lỗi lầm con xúc phạm đến Chúa và anh chị em. Amen.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
My Seven-Minute-Homily, June 16.2013
Father Great Rice
12:47 12/06/2013
My Seven-Minute-Homily, June 16.2013

Eleventh Sunday in Ordinary Time, Year C

Second Book of Samuel 12.7-10. 13; Letter of St. Paul to the Galatians 2.16, 19-21

and the Gospel of St. Luke 7.36-8.3


Today’s scriptures tell us that God is the only one who can forgive our sins. When Jesus said to the woman in the Gospel ‘your sins are forgiven’! Jesus wants to affirm that: He is God. The Gospel teaches us that: Don’t make ourselves better than others, our task is to believe. When we believe, God transforms us. It is not by our deeds or actions or good works that we are saved, but by believing in Jesus Christ as Lord.

The first reading, from the Second Book of Samuel, tells us the story of King David. King David is a full human being, with lots of desires and lusts and incredibly energy to serve the Lord. His love for God does not stop him from sinning. One day, while David was walking about on the roof of the King's house, he saw a woman bathing. Failing to control his eyes, the sin of lust struck David to the heart. He sent someone to inquire as to who was the woman. The person reported that the woman was Bathsheba, the daughter of Eliam, the wife of Uriah the Hittite. So David sent messengers to get her, and she came to him, and he lay with her. He committed the grave sin of adultery and Bathsheba became pregnant.

Having already severed his relationship with God, David did not stop there. Desiring Bathsheba for himself, he caused the death of Uriah, the husband of Bathsheba. When Uriah was killed, after having been placed in an extreme dangerous position during battle at the order of David, David brought Bathsheba to his house, married her, and she bore him a son.

Now the Lord God, He Who is all-knowing, was not blind to the lustful and murderous actions of David. God sent the prophet Nathan to pronounce judgment upon David. Because David repented of his sins, they were forgiven. King David is a wonderful example of repentance for all of us. Through today's First Reading, we learn that if an individual sincerely repents of his sins, God can and will forgive him of all his sins, even those of adultery and murder. God always seeks to call us back to faithfulness and fidelity to Him. Such is manifested by the grace of God. Without it, we could never repent and reconcile with God when we sin.

The Gospel gives us the same lesson. The Gospel began with a Pharisee inviting Jesus to eat with him at his house. In consideration of the fact that the Pharisees usually displayed animosity towards Jesus, it was courageous for this one Pharisee to show hospitality by inviting Jesus to dinner. A sinful woman appears in the scene. She anointed the feet of Jesus. She poured out a lot of tears of repentance. Then she wiped away with her long hair. Completely overcome, she repeatedly kissed his feet.

While Simon silently condemns Jesus for not divining the character of the woman, Jesus proves Himself to be a prophet by reading the secret thoughts of Simon. Jesus then presented the parable of the two debtors to Simon, asking him, which person loved the creditor the greater, the one who owed five hundred denarii or the one who only owed fifty.

Comparing this parable to the woman, Jesus said, "Therefore, I tell you, her sins, which were many, have been forgiven; hence she has shown great love. But the one to whom little is forgiven, loves little." The verse "She has shown great love" has been a classic text for showing that perfect charity has the power of forgiving sins. The woman loved Jesus because her sins were forgiven, not that "she was forgiven because she loved Jesus."

Jesus makes it clear that great love springs from a heart that is forgiven and cleansed. During the Gospel Reading, it was noticed that Jesus neither judged, nor rebuked the woman as the Pharisee expected. Instead, He welcomed her. This approach goes against the ways of the world; we are asked to model love instead of judging, to welcome instead of rejecting. Every one of us, we will make mistakes and we will sin, but we trust completely in the Lord Jesus Christ. God saves us. God loves us. God invites us to eternal life. Let us live and walk in the way of the Lord. This week, let us examine our hearts. Do we love Jesus enough so that we could avoid doing sin or do we say that “I love you very much, Jesus, but I am so weak to avoid temptation and commit sins!” It is very true with human being. The love of God in us is still here but we also commit sin every day.

Oremus: O Lord Jesus, come to us. Give us your divine strength so that we could avoid doing sin. You are very holy. You cannot accept sin, but you love us, sinners. Please make us love you more so that we would do sin less. Amen.

Father Great Rice
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
HĐGM Hoa Kỳ phát động chiến dịch '2013 Fortnight for Freedom' tranh đấu cho Tự Do Tôn Giáo.
Trần Mạnh Trác
11:08 12/06/2013
Trước nhiều biến cố quan trọng sắp xảy ra sẽ đem lại những hậu quả sâu sắc và lâu dài cho người Công Giáo, Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã phát động một chiến dịch tranh đấu cho Tự Do Tôn Giáo có tên gọi là "Hai Tuần Cho Tự Do" (Fortnight for Freedom) chủ yếu là cầu nguyện và hành động để giải quyết những thách thức hiện nay đối với tự do tôn giáo. Chiến dịch sẽ bắt đầu ngày 21 tháng 6 và kết thúc vào ngày lễ Độc Lập cuà HK, 4 tháng 7.

Đây là lần thứ hai chiến dịch Fortnight for Freedom được phát động sau khi Bộ Y Tế Hoa Kỳ ban hành sắc lệnh bắt buộc mọi chủ nhân phải cung cấp miễn phí dịch vụ ngưà và phá thai cho công nhân.

Trong khi Giáo Hội không cản trở quyền tự do cuả chủ nhân và công nhân thu đạt những dịch vụ về thai sản, Giáo Hội đã phản đối sự bắt buộc các tổ chức tôn giáo phải thi hành những điều lệ đối nghịch với giáo huấn cuả mình.

Trong trường hợp Sắc Lệnh Y Tế này, Bộ Y Tế đã không có những miễn trừ đủ rộng để cho các cơ sở Công Giáo có thể hoạt động mà không phản bội lại giáo luật và lương tâm cuả mình.

Còn có những trường hợp khác ở cấp Tiểu Bang và địa phương, nhiều cơ sở bác ái và giáo dục Công Giáo đã phải đóng cửa vì mất giấy phép hành nghề hoặc vì mất hợp đồng cuả chính phủ do những luật lệ mới.

Nếu những 'thách thức' như thế tiếp tục phát triển, thì chỉ có những hoạt động thuộc loại 'tế tự' mà thôi, tức là những hoạt động cầu nguyện trong nhà thờ, mới được gọi là 'sinh hoạt tôn giáo'.

Các hoạt động 'bác ái' và 'giáo dục' cuả Công Giáo, vốn là những hoạt động 'không thể tách rời' khỏi 'căn tính' Công Giáo, hầu hết là những hoạt động đã được Giáo Hội đề xướng và thành lập trước khi có các chính quyền và được Giáo Hội duy trì qua nhiều biến chuyển thời cuộc chính trị trong lịch sử, sẽ không được coi là hoạt động tôn giáo nữa và sẽ phải bị 'quản chế'.

Giáo Hội đã luôn luôn khuyến khích và ủng hộ một nền giáo dục và một chương trình sức khoẻ phổ thông cho tất cả mọi người, nhưng tiếc thay, chính quyền Hoa Kỳ hiện nay hầu như không muốn có sự đóng góp cuả người Công Giaó và đang 'sáng chế' thêm luật lệ để gây tổn thương cho các cơ sở sẵn có cuả người Công Giáo.

Lý do cuả chiến dịch

Chiến dịch tranh đấu cho Tự Do Tôn Giáo 'Fortnight for Freedom' sẽ diễn ra trong một tình thế cấp bách bởi vì 3 biến cố quan trọng sắp xảy ra:

1- Tòa án Tối cao sẽ đưa ra một phán quyết về sự 'tái định nghĩa' hôn nhân trong vòng tháng 6 này.

2- Một số dự luật về Di Dân và Dịch Vụ nhân đạo đang được bàn thảo ở vòng đàm phán cuối cùng.

3- Ngày 1 tháng 8 tới là thời hạn cuối cùng mà các cơ sở y tế giáo dục Công Giáo phải mua bảo hiểm ngừa-phá-thai.

Những Thách Thức cuả Tự Do Tôn Giáo

Những hậu quả thì khó mà đo lường được, hảy thử duyệt qua những 'thương tổn' và 'thách thức' mà Giáo Hội đã phải gánh chịu trong năm vừa qua như sau:

1- Tất cả những dịch vụ bác ái cuả Công Giáo về chăm sóc nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở Boston, San Francisco, District of Columbia, và tiểu bang Illinois đã phải đóng cửa vì bị thu hồi giấy phép, hoặc bị loại ra khỏi hợp đồng cuả chính phủ, bởi vì những tổ chức từ thiện ấy từ chối đặt con nuôi với các cặp vợ chồng đồng tính hoặc chưa lập gia đình.

2- Một số tiểu bang đã ban hành những luật lệ nhập cư mới, trong đó có điều khoản cấm những gì mà họ cho là "chứa chấp" những người 'nhập cư lậu'. Một số cơ sở bác ái Kitô giáo đang cung cấp dịch vụ chăm sóc mục vụ cho những người nhập cư sẽ có thể vi phạm những điều khoản này, nhất là những cơ sở thuộc loại cung cấp chỗ ở khẩn cấp cho những người 'đường cùng lỡ bước'.

3- Nạn phân biệt đối xử chống lại tôn giáo. Thành phố New York đã thông qua một chính sách cấm nhà thờ 'the Bronx Household of Faith' và các nhà thờ khác thuê các trường công lập vào cuối tuần để làm việc thờ phượng, trong khi đó thì các tổ chức phi tôn giáo vẫn có thể thuê các trường tương tự cho nhiều công dụng khác. Tranh tụng trong trường hợp này hiện đang còn tiếp tục.

4- Nạn phân biệt đối xử đối với các dịch vụ nhân đạo Công Giáo. Dịch vụ giúp người tị nạn và di cư cuả HĐGM Hoa Kỳ (MRS) là một dịch vụ được đánh giá cao nhất trong nhiều năm liên tiếp, đã bị loại ra khỏi hợp đồng với chính phủ Hoa Kỳ vì chính quyến mới đây đã đưa ra một điều lệ mới là bắt buộc MRS phải cung cấp hoặc giới thiệu dịch vụ tránh thai và phá thai.

5- Nạn phân biệt đối xử với sinh viên Kitô giáo trong khuôn viên đại học. Sau hơn 100 năm được phép hoạt động, Đại học California Hastings College of Law đã bãi bỏ tình trạng hợp pháp cuả một hội đoàn duy nhất, hội 'Luật Gia Kitô Hữu' ('Christian Legal Society',) bởi vì điều lệ cuả tổ chức đòi hỏi người lãnh đạo phải là một Kitô hữu và không có những hoạt động tình dục ngoài hôn nhân.

6- Nạn ép buộc tôn giáo phải tổ chức "hôn nhân" đồng tính. Một thẩm phán ở New Jersey đã phán quyết rằng một nhà thờ Methodist vi phạm pháp luật nhà nước khi họ từ chối cho phép hai phụ nữ tổ chức "lễ cưới dân sự" trong khuôn viên nhà thờ. Cũng thế, tại Hawaii, đã có một đơn kiện Giáo Hội Công Giáo đã không cho phép làm lễ "hôn nhân" đồng tính trong nhà thờ.

Chương trình Chiến Dịch

Chiến dịch Fortnight for Freedom sẽ diễn ra từ 21 Tháng Sáu cho đến 4 tháng 7, và ngoài việc gia tăng cầu nguyện sẽ bao gồm nhiều nỗ lực cấp quốc gia và địa phương để giáo dục những người Mỹ về những thách thức đối với tự do tôn giáo ở trong và ngoài nước.

Như năm ngoái, chiến dịch này sẽ bắt đầu và kết thúc bằng những Thánh Lễ đặc biệt.

Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của Baltimore, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo, sẽ khai mạc chiến dịch bằng một Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường 'National Shrine of the Assumption of the Blessed Virgin Mary' ('Đức Mẹ Lên Trời') ở Baltimore, ​​ngày 21 tháng 6 lúc 7 giờ chiều.

Đức Hồng Y Donald Wuerl của Washington sẽ cử hành Thánh Lễ bế mạc tại Vương Cung Thánh Đường 'National Shrine of the Immaculate Conception' ('Đức Mẹ Vô Nhiễm') tại Washington vào ngày 04 tháng 7 lúc 12 giờ trưa.

"Sự cần thiết phải cầu nguyện, giáo dục và hành động để bảo vệ tự do tôn giáo thì chưa bao giờ lớn hơn thế này", Đức Tổng Giám mục Lori giải thích.

"'Fortnight for Freedom' là để đáp ứng nhu cầu đó. 'Chiến dịch Hai tuần' năm nay xảy ra chỉ vài tuần trước thời hạn 01 tháng tám, khi sắc lệnh của chính quyền áp dụng cho các cơ sở tôn giáo phi lợi nhuận ép buộc chúng ta phải vi phạm niềm tin sâu sắc của chúng ta. Trong thời gian chiến dịch, Tòa án Tối cao cũng sẽ có thể ra phán quyết về định nghĩa của hôn nhân. Những quyết định như thế có thể có một tác động sâu sắc đến tự do tôn giáo cho nhiều thế hệ mai sau."

Tài liệu hướng dẫn

Thông tin chi tiết được tập trung vào trang web www.Fortnight4Freedom.org

Trang web trên liệt kê tất cả các mối đe dọa hiện có cho tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ và nước ngoài, các câu hỏi thường gặp về tự do tôn giáo, bao gồm các trích dẫn từ các nhà lập quốc, Công Đồng Vatican II và cuả các Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Benedict XVI; các nghiên cứu về tông huấn "Dignitatis Humanae," và các tài liệu của Công đồng Vatican II về tự do tôn giáo.

Đặc biệt trang web này liệt kê các hoạt động mẫu đã được hoạch định tại một số giáo phận, một bộ sưu tập hình ảnh kỷ niệm cuả chiến dịch năm ngoái, cũng như các nguồn lực và đề nghị cho những hoạt động địa phương, bao gồm những lời kinh để sử dụng trong các nghi thức phụng vụ đặc biệt.

Chi tiết về các hoạt động mẫu tại các giáo phận có thể tìm thấy ở đây: Danh sách các hoạt động mẫu tại giáo phận
 
Đồng tính nhưng không bỏ Giáo Hội để ủng hộ hôn nhân đồng tính
Vũ Văn An
05:38 12/06/2013
Eve Tushnet trở lại Công Giáo năm 1998, khi học năm thứ nhất đại học. Lúc đó, cô không biết bất cứ Kitô hữu đồng tính nào khác. Cô vốn được dưỡng dục trong một gia đình Do Thái Giáo Canh Tân, gần như hoàn toàn được che chở khỏi nạn kỳ thị đồng tính. Khi hiểu ra mình đồng tính, cô cảm thấy an tâm. Vì cuối cùng đã tìm ra lời giải đáp cho cảm quan khác biệt hết sức dai dẳng mà cô vẫn có từ thiếu thời. Nền dưỡng dục đầy che chở đó cũng đã giải thích được lý do tại sao cô có được sự tin tưởng ấm áp thời học ở đại học: dù không biết có ai khác đã không bao giờ mắc cỡ khi vừa là người đồng tính vừa là một người Công Giáo vâng phục, cô vẫn hoàn toàn tín thác. Đúng vậy, cô thấy không có vấn đề gì khi tín thác như thế.

Cô cho rằng sự việc ngày nay đã ra khác… Có những lúc, cô thấy mối liên hệ của mình với Giáo Hội Công Giáo giống như bài thơ ngắn nhưng rất mạnh của Margaret Atwood:

Mi xít xao trong ta
như lưỡi câu trong mắt
lưỡi câu cá
trong con mắt mở to.

Và cô gặp nhiều Kitô hữu đồng tính khác, thuộc đủ sắc thái. Và một số bạn hữu của cô đã kết hôn theo lối đồng tính, trong đó có người được kết hôn trong Giáo Hội Anh Giáo Mỹ (Episcopalian) với đủ lễ nghi long trọng. Nhưng cô cũng gặp nhiều bạn hữu khác, những người như cô, vẫn cố gắng sống theo giáo huấn có bề dầy lịch sử của Kitô Giáo về đức trong sạch, trong đó có lệnh cấm không được làm tình giữa đàn ông với nhau hay giữa đàn bà với nhau. Cô và bạn hữu đôi khi bất đồng kịch liệt về phản ứng tốt nhất đối với sự kiện càng ngày nền văn hóa hiện đại càng chấp nhận hôn nhân đồng tính và do đó loại hôn nhân này càng ngày càng thành công hơn về phương diện chính trị. Nhưng đối với cô, phản ứng đúng phải là phản ứng bản thân, trước khi xét tới chính trị hay văn hóa.

Như bài báo của Liza Mundy “The Gay Guide to Wedded Bliss” (Hướng Dẫn Người Đồng Tính Tới Hạnh Phúc Hôn Nhân) đã chứng tỏ, nhiều Giáo Hội Kitô Giáo ngày nay càng ngày càng hội nhập hôn nhân đồng tính vào nền thần học của họ. Nền thần học trước đây của họ về cả hôn nhân, tạo dựng, nhập thể lẫn giải thích Thánh Kinh, đã buộc phải thay đổi để ăn khớp với mẫu hôn nhân độc giới tính (unisex) hay trung lập về giới tính. Với rất nhiều giải pháp dành cho các Kitô hữu đồng tính như thế, tại sao lại cứ bám lấy giáo huấn cổ truyền?

Đối với Tushnet, lý do lớn nhất khiến cô không đi theo trào lưu mới là vì cô rất yêu Giáo Hội Công Giáo. Nhiều người chỉ “tin Thiên Chúa” cách trừu tượng; nhưng cô nghĩ: người ta bao giờ cũng trở lại hay tiếp tục làm Kitô hữu bên trong một Giáo Hội hay một truyền thống đặc thù. Cô không thay đổi từ một hậu Do Thái Giáo đầy vô thần bước qua “niềm tin vào Thiên Chúa” trống không mà là vào Đạo Công Giáo: vào Nhập Thể và Đóng Đinh, vào Michelangelo, Thánh Phanxicô và Dorothy Day. Cô yêu cái đẹp và sức thu hút cảm quan của Giáo Hội. Cô yêu việc Giáo Hội nhấn mạnh tới sự kiện này: các nhu cầu xem ra không tài nào đi đôi với nhau được nhưng vẫn có thể được thoả mãn đầy đủ trong tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Đó là công bình và thương xót, lý lẽ và huyền nhiệm, Đấng Cứu Thế vừa là Thiên Chúa trọn vẹn vừa là người đầy đủ…

Cô không hy vọng hiểu hết mọi yếu tố của niềm tin. Vì niềm tin ấy lớn hơn cô nhiều. Nhưng cô biết chắc có những lý do tâm lý khiến cô mong ước đi tìm một Thiên Chúa và một Giáo Hội mà cô có thể tin tưởng hoàn toàn. Thí dụ, cô không nghĩ mình có một thứ la bàn luân lý vững chắc. Cô hay si mê hơn là tìm đường, nghiêng nhiều về dục hơn lý. Đức tin không phải là chạy trốn khỏi phán đoán luân lý bản thân; Giáo Hội được hiểu có bổn phận đào tạo lương tâm, chứ không thay thế nó. Có nhiều điều mà nếu Giáo Hội không ra lệnh, cô nghĩ chúng sẽ ngăn không cho cô trở lại Công Giáo. Nhưng cô tin rằng mình có thể gia nhập Giáo Hội dù không tự mình có khả năng biện minh được mọi giáo huấn của Giáo Hội.

Lúc cô lãnh nhận bí tích rửa tội, giáo huấn của Giáo Hội về đồng tính luyến ái là một trong những giáo huấn cô hiểu ít nhất. Cô hoàn toàn bối rối khi nói chuyện với một trong các người thân. Người này cố gắng hiểu tại sao cô tham gia cái thứ tôn giáo đầy áp chế như Công Giáo. Cô ráng giải thích sự kiện Thiên Chúa có thể ban cho các cặp dị tính son sẻ một đứa con nếu Người muốn. Thân nhân kia bèn hỏi cô tại sao Người lại không thể ban cho các cặp đồng tính một đứa con. Cô thú nhận mình không hiểu giáo huấn của Giáo Hội, nhưng vẫn chấp nhận giáo huấn ấy vì đó là cái giá để cô trở thành Công Giáo. Để nhận lãnh Thánh Thể, cô phải ký nhận những dòng chấm chấm, những dòng bắt cô nói: “tôi tin mọi điều Giáo Hội Công Giáo tin và giảng dạy” khi được tiếp nhận vào đoàn chiên. Cô rất khát khao được lãnh nhận Thánh Thể, và để được thế, cô nghĩ cô phải hy sinh điều gì đó. Thiên Chúa không hứa hẹn sẽ chỉ yêu cầu bạn những hy sinh bạn đồng ý và hiểu mà thôi.

Giờ đây, cô nghĩ cô hiểu giáo huấn của Giáo Hội nhiều hơn trước. Vì một lẽ: chứng tá Thánh Kinh xem ra đã rõ ràng hơn đôi chút. Theo cô, trong Thánh Kinh, cả tình yêu dị tính lẫn tình yêu đồng tính đều đã được sử dụng làm hình ảnh tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu dị tính tìm thấy trong hôn nhân, trong hôn nhân độc chiếm tính dục, một hình ảnh được lặp đi lặp lại không những trong Diễm Ca mà còn trong các tiên tri và Tân Ước nữa. Còn tình yêu đồng tính thì chính là tình bạn. Cả hai hình thức của tình yêu này đều được coi là chân thực và tốt đẹp; không hình thức nào hơn hình thức nào. Nhưng hai hình thức này không thể hoán cải cho nhau.

Hơn nữa, Sách Sáng Thế cho biết: khác biệt tính dục là khác biệt duy nhất có mặt tại Địa Đàng. Ở đấy, không hề có khác biệt sắc tộc, khác biệt tuổi tác, không con cái nên không có cha mẹ. Bất kể bạn muốn đọc các trình thuật tạo dựng ra sao, Thánh Kinh vẫn đã đặt riêng khác biệt tính dục như là hình thức sâu sắc độc đáo nhất của khác biệt. Hôn nhân, hiểu như sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, biểu trưng cho sự hiệp thông với Người Khác, một cách khiến nó trở thành hình ảnh cực kỳ mạnh mẽ của việc ta hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng vẫn là Người Khác. Đó chỉ là một tóm lược đại khái, không thoả đáng, nhưng với Tushnet, nó giải đáp được bản văn Thánh Kinh, phù hợp với chứng tá lịch sử Kitô Giáo, và nói lên tầm quan trọng và ý nghĩa của thân xác ta nhiều hơn phần đông các lý lẽ mà cô từng đọc được trong văn chương chống hôn nhân đồng tính của Kitô Giáo.

Nhưng nhờ sống trong Đạo Công Giáo, cô đọc Thánh Kinh một cách có hơi khác và đây là điều cô hiểu như là truyền thống. Điều ấy cũng đã lên khuôn việc cô nhận thức được yếu tố nào trong lịch sử Kitô Giáo là yếu tố chính và đâu là những sai lệch ra khỏi con đường ấy. Bởi thế, lý do chính khiến cô dự tính sống độc thân trong một tương lai có thể dự đoán được chỉ là vì cô là người Công Giáo và là một người đồng tính.

Về phương diện tiêu cực, Tushet cho rằng có ba điều không phải là lý do để cô ở độc thân. Thứ nhất: không phải vì cô không thuộc loại kết hôn. Cô có thể rất lãng mạn, thích chăm sóc những người cô yêu thương, và cô cần được người lớn tuổi giám sát. Cô là loại người kết hôn trong các khía cạnh này. Cô thích có bạn gái khi có được họ. Cô thích mọi khía cạnh của cuộc sống lứa đôi, kể cả khía cạnh mà cô gọi là yếu tố thể lý.

Thứ hai, không phải vì cô nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo hoàn toàn đúng khi đề cập tới người đồng tính. Hiện nay, cô dành nhiều thì giờ cộng tác với những người đang cố gắng biến Giáo Hội thành nhà cho người đồng tính. Điều này vẫn còn lâu mới thành hình. Cô đã trình bày nhiều phương thức khả thi dùng để huấn đạo trong các trường Công Giáo, nhiều cố gắng chống bắt nạt, và nhiều vấn đề liên quan tới cách Giáo Hội dùng ngôn từ nói về đồng tính luyến ái, nhiều ý niệm có tính áp chế về phái tính, đi ngược lại tinh thần Thánh Phanxicô, và cách điều trị dựa vào xấu hổ cũng như các lý thuyết sai lầm về tâm lý.

Thứ ba, không phải vì cô nghĩ người đồng tính không được mời gọi yêu thương. Nếu cô tin Đạo Công Giáo kết án, buộc người đồng tính phải sống cuộc sống khô cằn, không tình yêu, thì chắc chắn cô không trở thành người Công Giáo. Vì ai cũng được Thiên Chúa mời gọi cho và nhận yêu thương. Đức tin Công Giáo đòi cô phải tiếp nhận tình yêu Thiên Chúa dù cô cảm thấy mình bất xứng. Trong Đạo Công Giáo, Thiên Chúa biết bạn, yêu bạn và tha thứ cho bạn bất kể bạn ra sao; ý kiến riêng của bạn về chính bạn tuy đáng lưu ý nhưng không quan hệ gì. Đối với cô, lời mời gọi yêu thương mặc lấy hình thức phục vụ những người túng thiếu, cầu nguyện và trên hết tình bạn. Tình bạn từng có thời được coi là một hình thức họ hàng trong Kitô Giáo. Tình bạn này vốn được xã hội tôn vinh, được thần học hướng dẫn và được phụng vụ làm đẹp. Nó không hề là phần thưởng an ủi hạng nhì cho những người không thể có được thứ tình yêu chân thực của hôn nhân; nó là hình thức yêu thương được chính Chúa Giêsu cảm nghiệm và ca ngợi. Đổi mới cái hiểu của Kitô Giáo này về tình bạn sẽ giúp Giáo Hội thành nơi để người đồng tính có nhiều cơ may đạt tới một tình yêu tận hiến và đáng kính hơn.

Theo Tushnet, Giáo Hội cần lớn lên và thay đổi cách đáp ứng các thay đổi ngoài xã hội. Ta có thể làm tốt hơn nữa trong việc phục vụ các nhu cầu của những người Công Giáo đồng tính, nhất là đối với thế hệ sắp tới. Tuy nhiên, cô cũng hy vọng những người Công Giáo đồng tính sẽ làm chứng tá cho xã hội rộng lớn hơn của mình. Nhờ sống một cuộc sống yêu thương phong phú và đầy sáng tạo, họ có thể minh chứng cho xã hội thấy rằng tiết dục không hề là một bản án tử hình hay là một hình thức khổ nhục kế chán ngắt. Cuộc sống độc thân có thể đem lại cho ta thứ tự do triệt để để phục vụ người khác. Dù phương thức này không dành cho mọi người, nhưng có những lúc Tushnet thấy cô có nhiều thì giờ, nhiều không gian và năng lực để phục vụ người túng thiếu hơn các bạn hữu phải đấu tranh với hôn nhân và việc làm cha mẹ cùng với nhiều cam kết khác. Thí dụ, cô có thể đón vào nhà mình nhiều phụ nữ vô gia cư trong một thời gian, một việc mà chắc chắn nếu không độc thân, cô khó có thể thực hiện một cách bột phát. Hơn nữa, các Kitô hữu đồng tính độc thân có thể minh chứng rằng tình bạn có thể là tình yêu thực sự, và đáng được cùng một vinh dự như bất cứ hình thức yêu thương, chăm sóc và tận hiến nào khác. Dù không ai muốn mọi tình bạn đều là “tình bạn thiêng liêng” sâu đậm, đầy cam kết thuộc loại được Thánh Aelred (tu viện trưởng, 1109-1166) cổ vũ, nhiều người trong chúng ta, kể cả những người có gia đình thuộc mọi khuynh hướng, vẫn mong có được một tình bạn sâu sắc và lâu dài hơn.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi chống nạn bóc lột lao động trẻ em
Lm. Trần Đức Anh OP
07:19 12/06/2013
VATICAN. Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ lên án nạn bóc lột sức lao động trẻ em đang lan tràn tại nhiều nơi, nhất là tại các nước nghèo.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 12-6-2013, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:
”Hôm nay trên toàn thế giới có cử hành 'Ngày Thế Giới chống nạn lao động trẻ em', đặc biệt nói về nạn bóc lột trẻ em trong công việc trong nhà: đây là một hiện tượng đáng lên án đang liên tục gia tăng, nhất là tại các nước nghèo. Hàng triệu trẻ vị thành niên, nhất là các trẻ nữ, nạn nhân của nạn bóc lột âm thầm này, nhiều khó có cả những vụ lạm dụng tính dục, ngược đãi và kỳ thị. Đây thực là một sự nô lệ.

”Tôi nhiệt liệt cầu mong Cộng đồng quốc tế có thể đề ra những biện pháp hữu hiệu hơn nữa để đương đầu với tai ương đích thực này. Tất cả các trẻ em phải được chơi đùa, học hành, cầu nguyện và tăng trưởng, trong gia đình của các em, trong một khung cảnh hòa hợp, yêu thương và thanh thản. Những người ấy, thay vì để các em chơi đùa, thì lại biến các em thành nô lệ. Thực là một tai ương. Đây là một quyền của các em và cũng là một nghĩa vụ của chúng ta. Một tuổi thơ thanh thản giúp các em tin tưởng nhìn về cuộc sống và tương lai. Khốn cho kẻ nào bóp nghẹt nơi các em niềm hy vọng vui tươi!” (SD 12-6-2013)

Lời kêu gọi của Đức TGM Thissen

Mặt khác, Đức Cha Werner Thissen, TGM giáo phận Hamburg ở miền bắc Đức, kêu gọi phát động một cuộc chiến quyết liệt chống lại lao động trẻ em.

Tuyên bố hôm 12-6-2013 tại Hamburg, Đức TGM Thissen đặc biệt tố giác nạn bóc lột sức lao động trẻ em tại Ấn độ, nhất là trong kỹ nghệ sản xuất thảm. Tình trạng bóc lột này gây thiệt hại cho sức khỏe của các em.
Đức TGM Thissen cũng là Chủ tịch cơ quan bác ái Misereor của HĐGM Đức chuyên trợ giúp phát triển. Ngài cho biết ”Những người cộng tác với các dự án của tổ chức Misereor ở bang Uttar Pradesh báo động rằng tệ nạn bóc lột sức lao động trẻ em tại bang này lại gia tăng”.

Đức TGM Thissen kêu gọi hoàn toàn áp dụng Hiệp ước của LHQ về quyền của các trẻ em. Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực tại Đức từ năm 1992. Hiệp ước cấm bóc lột sức khỏe trẻ em trong lãnh vực kinh tế, để bảo vệ các em về mặt sức khỏe và tâm lý. Ngoài ra, Đức Cha yêu cầu du nhập quyền của các trẻ em vào trong Hiến Pháp nước Đức và nói rằng: ”Chúng tôi hy vọng nhờ biện pháp này có sự củng cố ý thức của mọi người về quyền của các trẻ em, tại Đức cũng như trên toàn thế giới”.

Theo tổ chức Misereor, có khoảng 190 triệu trẻ em nam nữ, từ 5 đến 14 tuổi phải làm việc trong những điều kiện như bị bóc lột và có hại cho sức khỏe” (KNA 12-6-2013)
 
ĐTC Phanxicô: Đời Sống Kitô Hữu phải là Dấu Chỉ của Tình Yêu Thiên Chúa
Phaolô Phạm Xuân Khôi
08:37 12/06/2013
Trong buổi triều yết chung ngày thứ tư 12 tháng 6 năm 2013, tại quảng trường Thánh Phêrô, sau bài Giáo Lý bằng Tiếng Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói bằng Tiếng Pháp như sau:

Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa không thuộc về một dân nào cả, nhưng chính Ngài đã mời gọi tất cả mọi người không phân biệt ai để làm phần tử của dân Ngài; ngay cả những người cảm thấy mình xa xôi, sợ hãi hay thờ ơ. Nhưng người ta có thể nói gì về dân Thiên Chúa? Một người trở thành phần tử của dân này, không phải do huyết thống (sinh bởi xác thịt), nhưng do một cuộc tái sinh, cách tinh thần, đó là một hồng ân rất quý giá từ Thiên Chúa và mang lại đức tin cùng Phép Rửa. Dân này được cai trị bởi luật tình yêu: tình yêu của Thiên Chúa được nhìn nhận là một Chúa duy nhất của Sự Sống, và tình yêu tha nhân là tình yêu đón nhận người khác như một người anh em và vượt trên mọi phân chia.

Dân này đã được trao cho một sứ vụ để thi hành, như một ánh sáng, niềm hy vọng và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho toàn thế giới; đời sống người Kitô hữu phải thực sự là một dấu chỉ của tình yêu của Thiên Chúa, Đấng mởi gọi mỗi người đến tình bằng hữu với Ngài. Vì nếu chúng ta loan báo Tin Mừng, đặc biệt là bằng chứng tá của cuộc sống chúng ta, Thiên Chúa có thể thay đổi thực tại của thế giới, thường bị đánh dấu bởi sự dữ. Cuối cùng, dân này nhằm đến Nước Trời, được bắt đầu bởi Thiên Chúa dưới đất, là sự hiệp thông với Chúa để sống niềm vui của một tình yêu vô hạn."

Nguồn: http://www.vatican.va/holy_father/francesco/audiences/2013/documents/papa-francesco_20130612_udienza-generale_fr.html
 
Giải đáp phụng vụ: Tác vụ Đọc sách có thể được trao sau tác vụ Giúp lễ không?
Nguyễn Trọng Đa
08:48 12/06/2013
Giải đáp phụng vụ: Tác vụ Đọc sách có thể được trao sau tác vụ Giúp lễ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Liệu các Tác vụ Đọc sách và Giúp lễ luôn luôn được trao theo thứ tự này, ít nhất là đối với những người chuẩn bị cho chức linh mục không? Tôi nhận ra rằng đây là thứ tự bình thường và, trong một nghĩa nào đó, là thứ tự hợp lý - Phụng Vụ Lời Chúa được cử hành trước Phụng vụ Thánh Thể. Nhưng trong một trường hợp cụ thể - nếu chẳng hạn một chủng sinh chuyển qua chủng viện khác, hoặc sắp đi công tác mục vụ hoặc vì lý do thông cảm, khi các bạn của người ấy đã nhận Tác vụ Đọc sách – liệu một Giám mục có thể trao Tác vụ Giúp lễ cho người ấy trước, và sáu tháng sau trao Tác vụ Đọc sách, với lý do là tiện lợi không? - M. W., Boroko, Papua New Guinea


Đáp: Năm 1973, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã ban hành tông thư Ministeria Quaedam, thiết lập các Tác vụ Đọc sách và Giúp lễ, vốn sẽ được trao cho tất cả các ứng viên cho chức thánh. Để trao các Tác vụ này, các điều kiện sau đây phải được đáp ứng:

"8. Sau đây là các yêu cầu để cho nhận Tác vụ:

"a) trình bày đơn xin đã được tự do viết ra và ký tên bởi ứng viên và gửi cho Đấng Bản quyền (Giám mục và, trong các Dòng giáo sĩ, Bề trên thượng cấp), Đấng có quyền chấp nhận đơn xin;

"b) độ tuổi thích hợp và các phẩm chất đặc biệt được xác định bởi Hội đồng Giám mục;

"c) có ý chí vững chắc để trung thành phục vụ Chúa và dân Chúa.

"9. Các Tác vụ được trao bởi Đấng Bản quyền (Giám mục và, trong các Dòng giáo sĩ, Bề trên thượng cấp) thông qua các nghi thức phụng vụ De institutione lectoris và De institutione acolythi, đã được Tòa Thánh duyệt xét lại.

"10. Một thời gian cách quãng, được xác định bởi Tòa Thánh hoặc bởi Hội đồng Giám mục, cần được tuân giữ giữa việc trao Tác vụ Đọc sách và Giúp lễ, khi hơn một Tác vụ được trao cho cùng một người.

"11. Trừ khi họ đã làm như vậy, các ứng viên cho chức phó tế và linh mục cần phải nhận các Tác vụ Đọc sách và Giúp lễ, và thực thi các Tác vụ này trong một thời gian thích hợp, để chuẩn bị sẵn sàng cho việc phục vụ tương lai Lời Chúa và Bàn thờ. Việc miễn chước nhận các Tác vụ về phía các ứng viên này là dành cho Tòa Thánh.

"12. Việc trao các Tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương.

"13. Nghi thức trao các Tác vụ Đọc sách và Giúp lễ sẽ sớm được công bố bởi Bộ thẩm quyền của Giáo triều Rôma".

Các qui định chính yếu của văn kiện này đã được đưa sau đó vào điều 230 và điều 1035 của Bộ Giáo Luật.

" Ðiều 230: § 1. Các giáo dân thuộc nam giới có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Ðồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh Tác vụ Đọc sách hoặc Giúp lễ, qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên, việc trao Tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương” (Bản dịch Việt ngữ của Bộ Giáo Luật do các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh thực hiện).

Như vậy, một người nam có thể được trao Tác vụ Đọc sách mà không nhất thiết ước muốn nhận Tác vụ Giúp lễ, nhưng dường như không ai trở thành thầy Giúp lễ mà không đã trải qua Tác vụ Đọc sách. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng vì nhiều lý do thực tế các Tác vụ này hầu như chỉ được trao cho các ứng viên cho chức linh mục và chức phó tế.

Điều 1035, Bộ Giáo luật, nói như sau:

"§1. Trước khi lãnh chức Phó Tế dù là vĩnh viễn hay chuyển tiếp, ứng viên buộc phải lãnh nhận các Tác vụ Đọc sách và Giúp lễ, và phải thi hành các Tác vụ ấy trong một thời gian tương xứng.

§ 2. Giữa Tác vụ Giúp lễ và chức Phó Tế phải có một thời gian cách quãng ít là sáu tháng”.

Điều này chắc chắn bao hàm rằng Tác vụ Giúp lễ phải diễn ra trước chức phó tế. Không chỗ nào nói đến thời gian thi hành Tác vụ Đọc sách, và vì vậy người ta có thể suy ra một cách hợp lý là thời gian gian này phải diễn ra trước. Cũng không chỗ nào nói đến thời gian cách quãng giữa việc trao Tác vụ Đọc sách và Giúp lễ.

Điều này được nhấn mạnh trong một số tài liệu khác, chẳng hạn các qui định cơ bản được Thánh bộ Giáo dục Công Giáo ban hành năm 1998, về việc đào tạo các phó tế vĩnh viễn. Số 59 của tài liệu này nói:

"Thật là thích hợp khi có một thời gian cách quãng giữa việc các trao Tác vụ Đọc sách và Giúp lễ, để cho ứng viên lãnh Tác vụ có thời gian thi hành Tác vụ mà mình đã nhận. " Giữa Tác vụ Giúp lễ và chức Phó Tế phải có một thời gian cách quãng ít là sáu tháng”.

Do đó đừng sợ mất thời gian để cho phép trao hợp pháp Tác vụ Đọc sách sau khi trao Tác vụ Giúp lễ. Nếu điều này xảy ra do một sơ suất kỹ thuật (và tôi đã có kinh nghiệm về việc xảy ra một lần rồi), thì nó sẽ không ảnh hưởng đến tính hợp pháp của hai Tác vụ, và việc truyến chức tiếp theo.

Nếu một Đấng Bản quyền có một tình huống đặc biệt để giải quyết, chẳng hạn như trong ví dụ do độc giả nêu ra ở trên, ngài có thẩm quyền cần thiết để hành xử khi còn trong luật và tôn trọng thứ tự của các Tác vụ. Ngài có thể rút ngắn thời gian cách quãng giữa việc trao hai Tác vụ Đọc sách và Giúp lễ. Ngài có thể trao một trong hai Tác vụ này trong một buổi lễ tương đối riêng tư. Trong trường hợp cần thiết cấp bách, ngài thậm chí còn có thể trao cả hai Tác vụ cho cùng một người trong một buổi lễ duy nhất, do đó loại trừ thời gian thi hành Tác vụ Đọc sách và Giúp lễ.

Tuy nhiên ngài không bao giờ được phép trao Tác vụ Giúp lễ trong cùng buổi lễ truyền chức Phó tế. (Zenit.org 11-6-2013)

Nguyễn Trọng Đa
 
Giáo Hội là Dân Thiên Chúa có luật lệ là tình yêu thương đại đồng
Linh Tiến Khải
08:54 12/06/2013
Giáo Hội là Dân Thiên Chúa bao gồm mọi dân tộc, có luật lệ là tình yêu thương đại đồng, có sứ mệnh loan báo Chúa Kitô, là dấu chỉ, muối men và áng sáng dẫn đưa mọi người đến với Thiên Chúa và tiến về quê hương thiên quốc.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với khoảng 90.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 12-6-2013 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý ”Giáo Hội dân của Thiên Chúa”, như Công Đồng Chung Vaticăng II và Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo định nghĩa (LG 9; GLGHCG 782). Đức Thánh Cha đã khai triển bài giáo lý bằng các câu hỏi. Trả lời câu hỏi Giáo Hội là gì Đức Thánh Cha nói:

Trước hết nó có nghĩa là Thiên Chúa không thuộc riêng một dân tộc nào; bởi vì chính Người mời gọi chúng ta, triệu tập chúng ta, mời gọi chúng ta là thành phần dân của Người, và lời mời gọi này hướng tới tất cả mọi người, không phân biệt, bời vì lòng thương xót của Thiên Chúa ”muốn ơn cứu rỗi cho mọi người” (q Tm 2,4). Chúa Giêsu không nói với các Tông Đồ và chúng ta làm thành một nhóm độc hữu, một nhóm ưu tú. Chúa Giêsu nói: Hãy đi và lam cho mọi dân tộc trở thành môn đệ (x. Mt 28,19). Thánh Phaolô khẳng định rằng trong dân của Thiên Chúa, trong Giáo Hội ”không còn do thái hy lạp... bởi vì anh em tất cả là một trong Chúa Kitô Giêsu” (Gl 3,28). Tôi cũng muốn nói với người cảm thấy xa Thiên Chúa và Giáo Hội, với người sợ hãi hay thờ ơ, với người nghĩ rằng không còn có thể thay đổi được nữa: Chúa cũng mời gọi bạn là thành phần của dân Người, và Chúa làm điều này với lòng kính trọng lớn và tình yêu thương! Người mời gọi chúng ta làm thành phần của dân này, dân của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đưa ra câu hỏi thứ hai: Làm thế nào để trở thành chi thể của dân Thiên Chúa? Và ngài trả lời: Không phải qua việc sinh ra thể lý, mà qua một cuộc sống mới. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nói với ông Nicodemo rằng cần phải sinh ra từ bên trên, từ nước và từ Thần Khí để vào Nước Thiên Chúa (x. Ga 3,3-5). Chính qua bí tích Rửa Tội mà chúng ta được đưa vào dân tộc này, qua niềm tin nơi Chúa Kitô, là ơn Thiên Chúa ban, và nó phải được dưỡng nuôi và làm cho lớn lên bằng toàn cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem: tôi làm thế nào để cho đức tin mà tôi đã nhận trong bí tích Rửa Tội được lớn lên? Tôi làm thế nào để đức tin mà tôi đã nhận và dân Chúa được lớn lên? Tôi làm thế nào để cho nó lớn lên? Đó là một câu hỏi khác.

Câu hỏi thứ ba là: Đâu là luật của dân Thiên Chúa? Đức Thánh Cha trả lời:

Đó là luật yêu thương, yên mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân theo giới răn mới Chúa ban cho chúng ta (x. Ga 13,34). Tuy nhiên, một tình yêu không phải là thuyết duy tình cảm cằn cỗi hay là một cái gì mơ hồ, mà là việc nhận biết Thiên Chúa như là Chúa duy nhất của cuộc sống, đồng thời là việc tiếp nhận tha nhân như là người anh em thật, bằng cách thắng vượt các chia rẽ, các tranh đua, các hiểu lầm, các ích kỷ; cả hai đi chung với nhau. Chúng ta còn phải đi biết bao nhiêu đường để sống luật mới này một cách đúng đắn, luật của Chúa Thánh Thần, Đấng hành động trong chúng ta, luật của tình bác ái, của tình yêu thương! Khi chúng ta nhìn thấy trên báo chí hay truyền hình, chúng ta thấy biết bao nhiêu chiến tranh giữa các tín hữu kitô. Làm sao có thể hiểu được điều này? Nhưng trong các khu phố, trong các nơi làm việc có biết bao nhiêu chiến tranh vì thèm muốn, ghen tương. Cả trong chính gia đình cũng có biết bao nhiêu chiến tranh bên trong. Chúng ta phải xin Chúa làm cho chúng ta hiểu rõ ràng luật của tình yêu này. Thật là tốt lành, xinh đẹp biết bao, khi chúng ta yêu nhau như anh em đích thật. Điều đó thật đẹp biết bao! Hôm nay chúng ta hãy làm một điều: Có lẽ tất cả chúng ta đều có thiện cảm hay không thiện cảm và có lẽ có nhiều người trong chúng ta giận dữ với vài người. Ít nhất chúng ta hãy nói với Chúa: Lậy Chúa, con giận ông này, bà này qúa. Con cầu nguyện cho ông ấy, cho bà ấy. Con xin Chúa”. Cầu nguyện cho những người chúng ta giận. Đó là một bước tiến đẹp trong luật yêu thương này. Hôm nay chúng ta hãy làm điều đó nhé!

Câu hỏi thứ tư liên quan tới dân Chúa. Dân Chúa có sứ mệnh đem niềm hy vọng và ơn cứu độ của Thiên Chúa vào trong thế giới: là dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng mời gọi tất cả vào tình bạn với Người; là men làm dậy tất cả bột, là muối trao ban hương vị và giữ cho khỏi hư thối, là ánh sáng chiếu soi.

Chung quanh chúng ta, chỉ cần mở báo ra, tôi đã nói, là chúng ta thấy rằng có sự hiện diện của sự dữ, Qủy hành động. Nhưng tôi muốn nói lớn tiếng rằng: Thiên Chúa mạnh hơn! Anh chị em có tin điều này không? Tin rằng Thiên Chúa mạnh hơn không? Nhưng chúng ta hãy cùng nhau nói điều đó. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau nói điều đó. Thiên Chúa mạnh hơn! Tất cả nào! Và tín hữu tại quảng trưởng, đặc biệt là các trẻ em cùng nói to ” Thiên Chúa mạnh hơn”. Rồi Đức Giáo Hoàng nói tiếp: Và anh chị em có biết tại sao Chúa mạnh hơn không? Bởi vì Người là Chúa, là Chúa duy nhất. Thiên Chúa mạnh hơn. Tốt lắm! Và tôi cũng muốn thêm rằng thực tại đôi khi đen tối, bị ghi dấu bởi sự dữ, nhưng có thể thay đổi, nếu chúng ta là những người đầu tiên đem ánh sáng Phúc Âm vào, nhất là với cuộc sống chúng ta. Nếu trong một sân thế vận, chúng ta hãy nghĩ tới sân thế vận Roma, hay sân thế vận Thánh Lorenzo ở Buenos Aires, trong một đêm tối trời có một người thắp lên một ánh sáng, thì người ta chỉ thấy một chút, nhưng nếu cả 70.000 khán giả mỗi người đều thắp lên ánh sáng của mình, thì sân vận động sáng lên. Chúng ta hãy làm cho cuộc sống của chúng ta là một ánh sáng của Chúa Kitô; cùng nhau chúng ta sẽ mang ánh sáng Phúc Âm vào trong toàn thực tại.

Câu hỏi sau cùng đâu là mục đích của dân Chúa? Mục đích là Nước Thiên Chúa, đã được chính Thiêm Chúa bắt đầu trên trái đất và phải được trải rộng cho tới ngày thành toàn, khi Chúa Kitô, sự sống của chúng ta sẽ tái xuất hiện (LG 9). Khi đó mục đích là sự hiệp thông tràn đầy với Chúa, gia đình cùng với Chúa bước vào trong chính cuộc sống của Thiên Chúa, nơi chúng ta sẽ sống niềm vui tình yêu vô cùng của Người. Niềm vui tràn đầy.

Anh chị em thân mến, là Giáo Hội, là dân của Thiên Chúa, theo chương trình tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa Cha, có nghĩa là men của Thiên Chúa trong nhân loại này, có nghĩa là loan báo và đem ơn cứu rỗi của Thiên Chúa vào trong thế giới này của chúng ta, thường lạc đường, cần đến các câu trả lời khích lệ trao ban hy vọng, trao ban sức mạnh mới cho con đường cuộc sống. Ườc chi Giáo Hội là nơi của lòng thương xót và niềm hy vọng của Thiên Chúa, nơi mỗi người có thể cảm thấy mình được tiếp nhận, yêu thương và khích lệ sống theo cuộc sống tốt lành của Tin Mừng. Và để cảm thấy mình được tiếp đón, yêu thương, tha thứ và khích lệ, các cánh cửa của Giáo Hội phải luôn luôn rộng mở, để mọi người có thể đến và chúng ta phải ra khỏi các cửa ấy và loan báo Tin Mừng.

Đức Thánh Cha đã đặc biệt chào Ủy Ban quốc tế Hiệp hội thánh Vinh Sơn Phaolô nhân kỷ niệm 200 năm ngáy sinh của người sáng lập là ông Frederic Ozanam. Ngài cũng chào các phái đoán đến từ Nhật Bản, Nam Hàn và Việt Nam cũng như Úc, Argentina, Mehicô, Puerto Rico, Costa Ricca, Colombia và Brasil.

Ngài cũng chào nhóm các tân Linh Mục giáo phận Brescia và thân nhân cũng như đoàn hành hương các giáo phận Assisi, Nocera Umbria, Gualdo Tadino, Liên hiệp nông nghiệp và món qùa họ tặng ngài cho các công tác trợ giúp bác ái.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Cũng như các lần trước hôm qua Đức Thánh Cha cũng dành ra một giờ rưỡi để chào tín hữu và những người tàn tật. Việc tặng mũ calốt trắng cho ngài đã trở thành mốt, nên hầu như lần nào Đức Thánh Cha cũng có mũ mới và ngài tặng mũ đang đội lại cho tín hữu làm kỷ niệm. Hôm qua có một em gái tàn tật ôm hôn Đức Thánh Cha đến mấy lần. Còn các trẻ em nhớ lời ngài nói trong một buổi tiếp kiến khi Đức Thánh Cha tiến đến chào, các em không gọi tên Francesco nữa, gân cổ lên mà gọi tên Giêsu.
 
Tu sĩ Dòng Tên người Myanmar đầu tiên được phong chức linh mục
Chỉnh Trần , S.J.
09:10 12/06/2013
Tu sĩ Dòng Tên người Myanmar đầu tiên được phong chức linh mục

Thầy Wilbert Mireh, SJ, đã được phong chức linh mục tại nhà thờ Chính toà Loikaw ở Myanmar tháng 5 vừa qua. Với việc phong chức này, ngài trở thành tu sĩ Dòng Tên Myanmar đầu tiên được phong chức linh mục kể từ khi Dòng Tên được thành lập cách đây 473 năm.

Có 20 linh mục Dòng Tên hiện diện trong Thánh Lễ cùng với cha Wardi Saputra là giám tập của cha Mireh. “Cách đây khá lâu Đức Cha Matthias U. Shwe, Giám mục giáo phận Taunggyi hỏi tôi rằng, ‘Khi nào thì chúng ta sẽ có một tu sĩ Dòng Tên được phong chức linh mục ở Myanmar?’”, cha Saputra, người đã từ Indonesia đến Myanmar năm 1998 để thiết lập một nhà tập, nhớ lại.

Đối với cha Mireh, lễ phong chức là một khoảnh khắc ân sủng, qua đó ngài đã cảm nhận được phúc lành của Thiên Chúa ban trên cuộc đời của ngài. Trong khi ý thức được những trách nhiệm mà ngài sẽ gánh vác khi trở thành linh mục Dòng Tên đầu tiên của nước Myanmar, cha Mireh nói rằng ngài cảm nhận được sự nâng đỡ lớn lao đến từ nhiều người xung quanh ngài.

“Thật là một đặc ân và tôi cảm thấy mình rất sẵn sàng để bắt đầu sứ vụ của mình. Tôi đã ao ước làm điều này từ rất lâu rồi. Trong tư cách là một tu sĩ Dòng Tên, tôi thấy mình đang tràn đầy tinh thần truyền giáo,” tân linh mục nói.

Mặc dù các tu sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha đã mang đạo Công Giáo đến Vương quốc Pegu từ những năm đầu của thế kỷ 17 và Tỉnh Dòng Tên Maryland của Hoa Kỳ đã làm việc ở Myanmar (còn gọi là Burma) từ thập niên 50 và 60 của thế kỷ 20, nhưng tình hình chính trị phức tạp đã cản trở sự phát triển của Dòng Tên tại đây. Kể từ khi các tu sĩ Dòng Tên trở lại phục vụ Myanmar từ năm 1998, họ đã cộng tác với Giáo Hội Myanmar trong việc huấn luyện các tu sĩ trẻ và mang đến nhiều chương trình giáo dục cho những người bị tổn thương sau nhiều năm sống dưới chế độ nhà nước quân sự.

Lễ phong chức mang tính lịch sử này cũng là một dấu mốc quan trọng đối với những ân nhân khắp thế giới vốn là những người đang hỗ trợ cho sứ mạng truyền giáo của Dòng Tên tại Myanmar. Ngoài ra, theo cha Irsan Rimawal, SJ, đương kim giám tập Dòng Tên tại Myanmar, việc có thêm một linh mục Dòng Tên người địa phương cho Giáo Hội Myanmar sẽ mang đến nhiều ích lợi cho anh chị em tín hữu.

“Trước hết, là người địa phương họ sẽ hiểu nền văn hóa và tình trạng đất nước của họ hơn là các Giêsu hữu ngoại quốc. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng việc có một linh mục Dòng Tên người địa phương sẽ tạo cơ hội lớn cho Dòng Tên tham dự và cộng tác với đời sống của Giáo Hội Myanmar,” cha Rimawal nói.

Cha Mireh sẽ bắt đầu việc mục vụ của ngài ở Giáo phận Loikaw, nơi mà ngài đã lớn lên và được huấn luyện về đức tin trong khi các anh em Giêsu hữu của ngài đến từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Úc sẽ tiếp tục công việc xây dựng và phát triển sứ mạng truyền giáo còn non trẻ của Dòng Tên tại Myanmar.

 
Top Stories
Vietnam: Quatrième série de négociations entre le Vietnam et le Saint-Siège
Eglises d'Asie
07:11 12/06/2013
Le groupe mixte de travail Vietnam – Vatican tiendra sa quatrième série de négociations du 13 au 14 juin 2013 dans l’enceinte du Saint-Siège. L’information a été rendue publique par le Bureau de presse du Saint-Siège le 11 juin, en milieu de matinée et par le journal officiel électronique du gouvernement vietnamien (chinhphu.vn), le même jour à 16 heures (heure locale).

Selon Radio Vatican, en langue vietnamienne, cette quatrième session est organisée dans le but de renforcer et de développer les relations bilatérales entre le Vietnam et le Saint-Siège. La tenue de cette réunion avait été décidée lors de la troisième série de négociations qui s’était tenue en février 2012 à Hanoi.

Celle-ci, selon le communiqué commun publié à l’époque, s’était déroulée dans un climat de cordialité, franchise et respect mutuel. Le même communiqué ajoutait encore que les deux parties avaient constaté un développement positif des relations bilatérales, et avait fait preuve de bonne volonté et de respect mutuel dans le dialogue. Pour sa part, le Saint-Siège désirait que le rôle et la mission de son Représentant non-résident au Vietnam soient renforcés et élargis. De son côté, le gouvernement vietnamien conseillait à l’Eglise catholique de participer pleinement au développement de la nation.

L’information donnée par le journal officiel du Vietnam donne les noms des deux responsables des délégations qui vont se rencontrer au cours de ces deux journées, Mgr Antoine Camilleri et Mr Bui Thanh Son.

A la tête de la délégation romaine, Mgr Antoine Camilleri, est responsable des relations avec les Etats à la Secrétairerie d’État. Il a été nommé à ce poste en février dernier par le pape Benoît XVI, en remplacement de Mgr Ettore Ballestero, désormais nonce apostolique en Colombie. Originaire de Malte, ordonné prêtre en 1991, il est entré dans les services diplomatiques du Saint-Siège en 1999. Avant d’être nommé à la Secrétairerie d’État, il a été membre de diverses représentations pontificales en Papouasie-Nouvelle-Guinée, en Ouganda et à Cuba où il a pu se familiariser avec les problèmes de l’Eglise et de l’État en régime communiste.

La délégation venant de Hanoi sera conduite par le secrétaire d’État aux affaires étrangères, Bui Thanh Son. C’était déjà lui qui menait les négociations du côté vietnamien lors de la troisième rencontre du groupe mixte de travail en février 2012. Âgé de 50 ans, originaire de Hanoi, il fait partie de la nouvelle génération des diplomates vietnamiens. Il est diplômé de l’université de Columbia aux États-Unis. Entré au service des affaires étrangères vietnamiennes au début du siècle, il occupe le poste de secrétaire d’État depuis le mois de novembre 2009.

La première série de négociations qui eut lieu à Hanoi au mois de février 2009 fut surtout consacrée à un échange de points de vue sur l’établissement éventuel de relations diplomatiques entre le Saint-Siège et le Vietnam (voir communiqué commun Bulletin EDA n° 502). Il fut convenu de tenir une seconde réunion du groupe mixte de travail, l’année suivante. Celle-ci eut lieu au Vatican du 23 au 24 juin 2010, coprésidée par Mgr Ettore Ballestero, sous-secrétaire aux relations avec les Etats, et par M. Nguyên Quôc Cuong, vice-ministre des Affaires étrangères. C’est lors de cette rencontre que fut prise la décision de proposer au pape la nomination d’un « représentant non-résident du Saint-Siège au Vietnam », nomination qui lieu au début de l’année suivante, le 13 janvier 2011, en la personne de Mgr Leopoldo Girelli (EDA 21/04/2011). La troisième réunion du groupe mixte de travail avait été tenue au Vietnam, du 27 au 28 février 2012 (EDA VIETNAM 29/02/2012). Elle a fait un bilan du travail accompli par le nouveau représentant du Saint-Siège et avait cherché les moyens de l’améliorer.

(Source: Eglises d'Asie, 12 juin 2013)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Vòng đàm phán lần thứ tư giữa Việt Nam và Tòa Thánh được tổ chức tại Vatican
Đồng Nhân
12:00 12/06/2013
VATICAN - Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam và Vatican sẽ có cuộc đàm phán lần thứ 4 từ 13 đến 14 tháng 6 năm 2013 trong khuôn viên của Tòa Thánh. Thông tin này được Văn phòng Báo chí của Tòa Thánh loan báo vào ngày 11 tháng Sáu, và các báo điện tử chính thức của Việt Nam (chinhphu.vn) cũng đưa tin trong cùng một ngày.

Theo Đài phát thanh Vatican, phần tiếng Việt, kỳ họp thứ tư được tổ chức nhằm tăng cường và phát triển quan hệ song phương giữa Việt Nam và Tòa Thánh. Tổ chức các cuộc họp này đã được quyết định trong vòng thứ ba của các cuộc đàm phán trước đã được tổ chức trong tháng 2 năm 2012 tại Hà Nội.

Theo tuyên bố chung được công bố vào thời điểm đó, buổi họp đã diễn ra trong bầu không khí thân ái, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau. Báo cáo tương tự cũng nói thêm rằng hai bên ghi nhận một sự phát triển tích cực của quan hệ song phương, và đã thể hiện thiện chí và tôn trọng lẫn nhau trong cuộc đối thoại. Về phần mình, Tòa Thánh muốn vai trò và nhiệm vụ của người đại diện không thường trú tại Việt Nam cần được tăng cường và mở rộng. Về phía Chính phủ Việt Nam khuyến khích Giáo Hội Công Giáo tham gia đầy đủ trong sự phát triển của dân tộc.

Các thông cáo cũng cho biết tên của hai người cầm đầu đoàn đại biểu là Đức ông Anthony Camilleri và ông Bùi Thanh Sơn.

Đức ông Antoine Camilleri, người cầm đầu phái đoàn Vatican chịu trách nhiệm về quan hệ với các quốc gia tại Bộ Ngoại giao Tòa Thánh. Ngài được bổ nhiệm vị trí này vào tháng Hai dưới thời Đức Giáo Hoàng Benedict XVI để thay thế Đức ông Ettore Ballestero, nay là sứ thần Tòa Thánh tại ở Colombia. Đức ông Camilleri quê hương tại Malta, thụ phong linh mục vào năm 1991, vào ngành ngoại giao của Tòa Thánh từ năm 1999. Trước khi được bổ nhiệm làm thư ký của Bộ ngoại giao, ngài là một thành viên của cơ quan đại diện Giáo hoàng tại các quốc gia khác nhau như ở: Papua New Guinea, Uganda và Cuba, nơi mà ngài quen thuộc với các vấn đề của Giáo Hội và Nhà nước theo chủ nghĩa cộng sản.

Phái đoàn Hà Nội do ông Thứ Trưởng Bộ ngoại Giao Bùi Thanh Sơn cầm đầu. Ông đã từng là một trong những người dẫn đầu các cuộc đàm phán về phía Việt Nam tại cuộc họp thứ ba của Nhóm làm việc chung trong năm 2012. Ông năm nay 50 tuổi, đến từ Hà Nội, ông thuộc thành phần thế hệ mới của ngoại giao Việt Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Columbia ở Hoa Kỳ. Tham gia các dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam đầu thế kỷ, ông làm Thứ Trưởng Bộ trưởng Ngoại giao kể từ tháng 11 năm 2009.

Vòng đàm phán đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào tháng Hai năm 2009 trong đó phần lớn dành cho việc trao đổi quan điểm về việc thành lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Việt Nam. Từ cuộc họp này đồng ý tổ chức một cuộc họp thứ hai của Nhóm làm việc chung vào năm sau. Điều này đã diễn ra tại Vatican 23-24 tháng Sáu 2010, dưới sự chủ trì của Đức ông Ettore Ballestero, phó trưởng ngoại trưởng Vatican quan hệ với các quốc gia, và do ông Nguyễn Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Trong cuộc họp này đã quyết định đã được việc Đức Giáo Hoàng Beneđictô XVI bổ nhiệm một "đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam," và việc bổ nhiệm được thực hiện vào đầu năm sau, vào ngày 13 Tháng Một 2011 và đó là Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli. Cuộc họp thứ ba của Nhóm làm việc chung được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 27-ngày 28 tháng hai năm 2012, trong đó bàn về vai trò của đại diện Tòa Thánh và tìm cách cải thiện vị trí này.
 
Khám Bệnh Và Phát Thuốc Miễn Phí Tại Gx. Rạch Lọp, Gp. Vĩnh Long
FX. Phan Dương, a.a.
20:43 12/06/2013
Khám Bệnh Và Phát Thuốc Miễn Phí Tại Gx. Rạch Lọp, Gp. Vĩnh Long

Vào ngày 9 tháng 6 năm 2013, Ban Bác Ái Xã Hội Dòng Đức Mẹ Lên Trời, phối hợp với các bác sĩ, đến Gx. Rạch Lọp, Gp. Vĩnh Long (ấp Lê Văn Quới, Tập Ngãi, Tiểu Cần, Trà Vinh), để thực hiện chuyến khám bênh và phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo.

Chuyến xe 29 chỗ chở 11 bác sĩ, 10 y/dược sĩ, các tu sĩ và một số ân nhân đã tới khuôn viên giáo xứ lúc 2 giờ sáng. Cha xứ và hội đồng mục vụ giáo xứ tiếp đón phái đoàn một cách nhiệt tình, vui tươi, thân thiện và cởi mở.

Sau khi xuống xe, các thành viên trong đoàn được cha xứ dẫn tới những nơi có thể nghỉ tạm được để nghỉ ngơi cho hết những thời khắc còn lại trong đêm.

Khoảng 8 giờ, đông đảo anh chị em giáo dân cũng như lương dân, đã tập trung về khuôn viên giáo xứ. Sau đó 15 phút, các bác sĩ, y/dược sĩ và nhân viên đã bắt tay vào việc khám bệnh và phát thuốc.

Các bác sĩ tham gia chuyến khám bệnh này đến từ các bênh viện Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch, Trưng Vương, Bênh viện Nhi Đồng Nai, Đại Học Y Dược Tp.HCM, Bệnh Viện Mắt… Họ là những người có trình độ chuyên môn cao ; một số trong họ là trưởng khoa của bệnh viện.

Với trình độ chuyên môn cao, tinh thần phục vụ nhiệt tình, trong vòng 7 giờ đồng hồ, các bác sĩ cùng với y/dược sĩ và nhân viên, đã khám bệnh và phát thuốc cho gần 350 bệnh nhân. Các thành viên của đoàn đã làm việc cật lực cho tới khoảng 14 giờ mới ăn trưa. Khi được hỏi cảm nghiệm về chuyến đi này, bác sĩ Lý (Bệnh viện Trưng Vương) chia sẻ : “Chúa cho mình có cơ hội học hành, Chúa đã ban cho mình những ơn lành cần thiết, mình cần phải phục vụ. Những người dân nghèo khổ này cần bàn tay của mình, còn mình thì cần tới gương sống của họ. Dù cuộc sống khó khăn gian khổ, nhưng họ vẫn vui cười, vẫn hy vọng, vẫn giữ vững niềm tin. Họ đáng là tấm gương để mình noi theo… Mình rất hạnh phúc khi được đến với họ”.

Sau khi khám bệnh, một cách sơ bộ, các bác sĩ cho biết những người dân ở đây có nhiều người mắc bệnh xương khớp, thần kinh tọa, viêm loét dạ dày, sỏi thận, các bệnh về mắt, v.v. Sở dĩ họ bị các bệnh này là do nguồn nước ô nhiễm, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, làm việc quá nhiều và thiếu dinh dưỡng trong ăn uống.

Chuyến khám bệnh và phát thuốc miễn phí này nhắm tới những bệnh nhân nghèo. Trong khoảng một tháng chuẩn bị, cha xứ và hội đồng mục vụ đã nỗ lực đến với những bệnh nhân nghèo để mời gọi họ, bởi theo cha xứ, “đây là cơ hội hiếm có”…

Buổi khám bênh kết thúc vào lúc 13h45. Sau đó, cha xứ mời các thành viên trong đoàn dùng cơm trưa.

Sau bữa cơm đầy tràn tình thân với cha chánh xứ và hội đồng mục vụ giáo xứ, mọi người chia tay nhau ra về, mà lòng như đang bị níu kéo bởi những khoảnh khắc khó quên. Những khoảnh khắc đó là sự nhiệt tình và lòng hiếu khách của cha chánh xứ, ánh mắt trìu mến tràn đây yêu thương của các bênh nhân và bác sĩ, sự âm thầm phục vụ nhau trong tình yêu, niềm tin và hy vọng của tất cả mọi người…

Giáo xứ Rạch Lọp cách trung tâm tỉnh Trà Vinh khoảng 50 Km, với hơn 4 ngàn giáo dân. Bao bọc xung quanh giáo xứ là anh chị em người dân tộc Khơ-me. Công việc chủ yếu của người dân nơi đây là làm ruộng. Có một số gia đình không có ruộng thì đi làm mướn để sống qua ngày.

Tưởng cũng cần nói thêm : Ban Bác Ái Xã Hội Dòng Đức Mẹ Lên Trời được thành lập vào năm 2009. Với mục đích mang trong mình những việc đại nghĩa của Thiên Chúa và của con người, các thành viên trong ban cố gắng hiện diện nơi đâu Thiên Chúa đang bị đe dọa nơi con người, và con người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa đang bị đe dọa (x. Luật sống. A.A, số 4) ; theo đó, một số công việc mà Ban đang thực hiện là : cấp học bổng cho học sinh – sinh viên nghèo, xây nhà trọ cho công nhân có thu nhập thấp, mở mái ấm nuôi dạy các em mồ côi, giúp đỡ các gia đình gặp hoạn nạn, và mới đây, Ban dấn thân trong công việc giúp đỡ các bện nhân nghèo ở vùng sâu vùng xa bằng những cuộc khám bệnh và phát thuốc miễn phí.

Ước gì triều đại Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta và xung quanh chúng ta !

Xem hình : http://thulambao.blogspot.com/2013/06/hinh-anh-kham-benh-va-phat-thuoc-mien.html

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa Thánh vòng IV
Hà Minh Thảo
10:55 12/06/2013
Sáng ngày 11.06.2013, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh loan báo Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh sẽ nhóm họp vòng 4 vào ngày 13 và 14.06.2013 tại Vatican như đã thỏa thuận tại cuộc họp vòng 3 vào tháng 02. 2012 tại Hà Nội. Tại cuộc họp này, đoàn Việt Nam sẽ do Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn và Đức ông Antonio Camilleri, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh làm Trưởng đoàn.

Các vòng đàm phán này nhằm mục đích tăng cường và phát triển quan hệ song phương giữa Việt Nam và Tòa Thánh đã được khởi đầu từ năm 2009 :

A.- Cuộc họp đầu tiên Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican

(Vietnam-Holy See Joint Working Group, tiếng Anh và Groupe de travail entre le Vietnam et le Saint-Siège, tiếng Pháp) về quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia lần đầu tiên đã kết thúc như tiên liệu, sau hai phiên làm việc: chiều 16 và sáng 17.02-2009.

Ngày 18-02-2009, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin (tóm tắt) : Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican đã trao đổi một cách sâu rộng và tổng thể các vấn đề trong quan hệ liên quan đến Giáo Hội Công Giáo Việt Nam theo chiều hướng phát triển đáng khích lệ, từ năm 1990 tới nay, một bước tiến mới quan trọng. Hai bên nhất trí sẽ tiến hành phiên họp thứ 2 vào thời gian và địa điểm sẽ được xác định sau. Cuộc họp đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau.

Trước đó, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thế Doanh cũng cho biết quan điểm của Ban Tôn giáo về những yếu tố quan trọng nhất góp phần thúc đẩy quan hệ hai bên: « Trước hết là sự tôn trọng lẫn nhau, trong đó có việc tôn trọng độc lập, chủ quyền, lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, pháp luật Việt Nam, vừa cùng chia sẻ và tôn trọng sự khác biệt, vừa cùng thể hiện tinh thần thiện chí để tìm ra những điểm đồng thuận mới. Thứ hai, muốn có kết quả trong quan hệ thì phải bảo đảm sự hài hòa về lợi ích của mỗi bên. Thứ ba, cả hai bên đều phải quyết tâm cùng nhau hướng tới sự phát triển một cách trong sáng và lành mạnh, trong đó việc duy trì và khẳng định đường hướng đồng hành cùng dân tộc của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Không để bị tác động bởi những ý nghĩ và hành vi tiêu cực từ bất cứ phía thứ ba nào ». Bàn về cuộc thảo luận, Đức ông Pietro Parolin, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, Trưởng đoàn Vatican, cho biết hai bên đã có những cuộc thảo luận tốt đẹp và rất hài lòng về điều này. Nhưng Đức ông không cho biết rõ tiến trình thảo luận sẽ còn kéo dài bao lâu, chi nói rằng kết quả sẽ là việc thiết lập quan hệ ngoại giao, điều cả hai bên cùng mong ước ».

Trong bản tin ngày 19-02-2009, trang tin điện tử Voanews.com (Tiếng nói Mỹ quốc cho biết : « Đức ông Parolin hy vọng Đức Giáo Hoàng có thể đến thăm Việt Nam năm nay… Ừ. Tuy nhiên, Đức ông nói thêm là khó vì điều này phụ thuộc vào nhiều việc cần phải thảo luận và suy nghĩ. Phía Việt Nam, một nhân viên ngoại giao nói là Hà nội chưa nhận được một đề nghị chính thức cho một chuyến viếng thăm như thế cả. [Đến hôm nay, chuyến viếng thăm này vẫn chưa được thực hiện].

Bản tin Zenit.org, trích dẫn từ nguồn tin báo điện tử Eglise d'Asie (EDA) Hội Thừa sai Paris, đăng lại bản dịch sang tiếng Pháp bài phỏng vấn do Thông tấn xã Việt Nam với ông Nguyễn Thế Doanh nêu đánh giá phía Việt Nam về kết quả của những cuộc trao đổi Việt Nam-Vatican từ gần 20 năm qua là ‘tích cực’.

B.- Khóa họp thứ II Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Tòa Thánh

Khóa họp thứ II Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Tòa Thánh đã diễn ra tại Vatican từ ngày 23 đến 24.06.2010, dưới sự chủ tọa của Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng ngoại giao, trưởng đoàn Tòa Thánh, và ông Nguyễn Quốc Cường, Thứ trưởng ngoại giao, trưởng đoàn Việt Nam. Việt Nam nhắc lại đường hướng trước sau như một của chính sách Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo và tín ngưỡng cũng như các qui định pháp lý bảo đảm việc thực thi tự do đó. Phái đoàn Tòa Thánh đã ghi nhận giải thích đó và yêu cầu đảm bảo thêm những điều kiện để Giáo Hội tham gia hữu hiệu hơn vào sự phát triển đất nước, nhất là trong lãnh vực tinh thần, giáo dục, y tế, xã hội và từ thiện. Qua các giáo huấn, Giáo Hội mời gọi các tín hữu trở thành những công dân tốt và dấn thân cho Công ích.
Hai phái đoàn đã ghi nhận những phát triển khả quan trong các lãnh vực của đời sống Công Giáo tại Việt Nam, đặc biệt về Năm Thánh. Ngoài ra, cả hai nhắc đến bài diễn văn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong dịp các Giám Mục Việt Nam về Roma viếng mộ các Thánh Tông Đồ năm 2009 và đồng ý rằng các giáo huấn này của Đức Thánh Cha sẽ được dùng làm hướng đi cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam trong những năm tới đây.

Về quan hệ song phương, đôi bên đánh giá cao những phát triển tích cực từ sau Khóa họp thứ I và cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Biển Đức và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hồi tháng 12.2009. Để đào sâu những quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam cũng như giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo địa phương, như một bước đầu, hai bên thỏa thuận về việc Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm một vị Đại Diện không thường trú Tòa Thánh tại Việt Nam. Sau đó, Linh mục Federico Lombardi sj, Phát ngôn viên Tòa Thánh, đã giải thích rằng, chức vị mới này không hình thành nên các quan hệ ngoại giao toàn diện và đầy đủ giữa hai bên Toà Thánh Vatican và Việt Nam, vì chức vị mới này không phải là một vị Sứ Thần hay vị Khâm sứ Thường trực tại Việt Nam.

Do kết quả này, ngày 10.01.2011, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tuyên bố trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh: « Tôi hài lòng ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã chấp nhận để tôi chỉ định một Đại diện, qua các cuộc viếng thăm cộng đồng Công Giáo quý mến tại nước này, sẽ bày tỏ sự quan tâm ân cần của Người Kế Vị Thánh Phêrô ».

Ngày 13.01.2011, Đức Thánh Cha cử Đức Cha Leopoldo Girelli, sinh ngày 13.03.1953 tại Predore, Giáo phận Bergamo (Ý), thụ phong linh mục năm 1978, được tấn phong Đức Cha ngày 17.06.2006 bởi Đức Hồng Y Angelo Sodano, Tổng Giám mục hiệu tòa Capreae, Sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia, kiêm nhiệm Sứ thần tại Singapore, Khâm sứ tại Malaysia và Brunei vào sứ nhiệm Đại Diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam. Ngày 18.06.2011, Đức Cha được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Từ ngày 16.01.2013, Đức Cha Leopoldo Girelli chỉ còn nhiệm vụ Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Đại Diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam.

C.- Nhóm làm việc chung Tòa Thánh và Việt Nam họp lần thứ III.

Ngày 24.02.2012, Linh mục Federico Lombardi sj., Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, loan báo: « Chiếu quyết định trong cuối cuộc gặp gỡ thứ II Nhóm Làm Việc này tại Vatican trong hai ngày 23 và 24.06.2010, cuộc gặp gỡ thứ III sẽ diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28.02.2012. Sau một số cuộc viếng thăm do vị Đại diện không thường trực Tòa Thánh tại Việt Nam, cuộc họp tới đây sẽ giúp đào sâu và phát triển các quan hệ song phương ».

Ngày 28.02.2012, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, Cha Lombardi đã công bố Thông cáo chung về cuộc gặp gỡ này của Nhóm Làm Việc chung Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà nội. Trưởng phái đoàn Tòa Thánh là Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng ngoại giao, với sự hiện diện của Đức Cha Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, với hai Đức ông Nguyễn văn Phương (Bộ Truyền giáo) và Cao minh Dung (Bộ ngoại giao) tháp tùng. Các phiên họp được đặt dưới sự đồng chủ tọa của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi thanh Sơn và Đức ông Ettore Balestrero. Hai bên đã cứu xét những vấn đề quốc tế, trao đổi tin tức về tình trạng liên hệ, phân tích những tiến bộ đã thực hiện trong quan hệ Việt Nam và Tòa Thánh từ lần họp trước và đã thảo luận về những vấn đề liên hệ tới Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh rằng Nhà nước luôn thực hiện và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng và tôn giáo của người dân; khuyến khích Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam tham gia tích cực và thiết thực vào công cuộc phát triển đất nước, kinh tế và xã hội hiện nay. Về phần mình, Phái đoàn Tòa Thánh ghi nhận những quan điểm đó, nhưng có đồng ý như vậy hay không là chuyện khác. Nhưng Phái đoàn Tòa Thánh: « bày tỏ sự trân trọng mối quan tâm của chính quyền đối với hoạt động của Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt trong việc cử hành Năm Thánh 2010, và trong các cuộc viếng thăm mục vụ của vị Đại diện không thường trú, Tổng giám mục Leopoldo Girelli ».

Đôi bên đã đồng ý tạo điều kiện dễ dàng cho công việc của Đức Cha Girelli, để Ngài có thể thi hành sứ mạng tốt đẹp hơn và đã nhắc đến giáo huấn của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 về việc sống Tin Mừng giữa lòng Đất Nước, và những nhận xét của Ngài về việc là tín hữu Công Giáo tốt và là một công dân tốt, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục có sự cộng tác giữa Giáo Hội Công Giáo và chính quyền dân sự, để thực thi một cách cụ thể và thực tế, những giáo huấn ấy trong tất cả mọi hoạt động. Ngoài ra, hai bên đã đồng ý về thẩm định theo đó các quan hệ giữa hai nước đã tiến triển tích cực dựa trên căn bản thiện chí và đối thoại xây dựng, cũng như tôn trọng các nguyên tắc trong quan hệ và thỏa thuận sẽ gặp lại nhau tại Vatican cho vòng 4 mà thời điểm sẽ được thiết định qua đường ngoại giao.

Một điều rất quan trọng trong thông cáo là: ‘Cuộc họp đã diễn ra trong bầu khí thân mật, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau’. Khi ngôn ngữ ngoại giao dùng từ ngữ ‘thẳng thắn’ có hiểu là đã có những bất đồng lớn, và dĩ nhiên là ‘tôn trọng lẫn nhau’ cũng có nghĩa là ‘bên anh nói anh nghe, bên tôi nói tôi nghe’! Như vậy, cũng có nghĩa là những vấn đề nhậy cảm như tự do tôn giáo, đất đai và cơ sở của Giáo Hội, và một số những đề mục khác đã được dư luận nêu lên trước cuộc hội đàm -- đã được bàn tới, nhưng không tiện nêu ra trong thông báo chung -- mà thôi. Những vấn đề này chúng ta có thể tìm thấy trong ‘Thư góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992’ đến từ các Đức Giám Mục Việt Nam được trao cho Thường trực Ban biên tập - Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ngày 01.03.2013.
 
Thông Báo
Thiệp Tang: Thầy Micae Edmond Võ Thanh Hà, CssR, qua đời tại Long Beach, CA
Tang Gia
18:24 12/06/2013
CÁO PHÓ
Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh, chúng tôi trân trọng thông báo cùng Quý Cha, Quý Tu sĩ Nam nữ, Quý Ân nhân, Thân nhân và Thân hữu:

THẦY MICAE EDMOND VÕ THANH HÀ, C.Ss.R
Đã được Chúa gọi về lúc 8 giờ 10 phút tối Thứ Hai ngày 10 tháng 6 năm 2013
tại Long Beach, California – Hoa Kỳ
Hưởng thọ 97 tuổi.

Thầy Võ Thanh Hà sinh ngày 28 tháng 8 năm 1915 tại Làng Thủy Tụ, Quận Phúc Lộc, Tỉnh Thừa Thiên;
nhập Đệ tử viện Dòng Chúa Cứu thế tại Huế năm 1928;
nhập Tập viện Hà Nội năm 1935;
khấn dòng năm 1936 và đã âm thầm phục vụ Thiên Chúa và Hội thánh trong suốt 77 năm như một Tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế.

Kính xin Quý Cha, Quý Tu sĩ Nam Nữ, Quý Ân nhân, Thân nhân và Thân hữu hiệp dâng lời cầu nguyện
cho Linh hồn Thầy Micae Edmond Võ Thanh Hà được hưởng phúc Quê Trời
trong tình yêu của Chúa Giêsu Cứu Thế và nhờ lời cầu bàu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

ĐỒNG KÍNH BÁO
- Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại
- Chị: Gia đình Võ Thị Tịnh (qua đời) và các Con, Cháu, Chắt, Chút tại Việt Nam, Pháp, Mỹ
- Anh: Gia đình Võ Hải (qua đời) và các Con, Cháu, Chắt tại Việt Nam, Pháp, Mỹ
- Em Gái: Gia đình Võ Thị Khiết (qua đời) và các Con, Cháu tại Việt Nam, Mỹ
- Em Gái: Gia đình Võ Thị Bông (qua đời) và các Con, Cháu tại Việt Nam, Úc, Mỹ
- và Đại Gia đình các Cháu, Chắt, Chút Nội Ngoại tại Việt Nam, Pháp, Úc, Mỹ


CÁO PHÓ NÀY THAY THẾ THIỆP TANG
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mầu Nhiệm Thánh Thể
Diệp Hải Dung, Australia
21:51 12/06/2013
MẦU NHIỆM THÁNH THỂ
Ảnh của Diệp Hải Dung (Australia)
"Mình Thánh Chúa" Ngôi Lời truyền lại
Ai lãnh nhận sẽ được tái sinh
Linh hồn như ánh bình minh
Tháp vào "Máu Thánh" ân tình thơm hương.
(Trích thơ của Trầm Hương Thơ)