Ngày 12-06-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:12 12/06/2017
59.THUYỀN CỦA QUAN
Hồ Lý Tử từ kinh thành trở về cố hương, thừa tướng kêu quan tổng quản đại diện đưa tiễn, và dặn dò:
- “Nếu ngồi thuyền, thì có thể chọn thuyền của quan”.
Hồ Lý Tử đi đến bờ sông nhưng không có quan tổng quản, chỉ thấy thuyền lớn thuyền nhỏ gần bờ sông chật ních sát bên nhau, chiếc nào là thuyền của quan và chiếc nào là thuyền của tư nhân không làm sao mà biết được, nên khó mà quyết định chọn chiếc nào.
Sau đó thì quan tổng quản cũng tới, Hồ Lý Tử bèn hỏi:
- “Chiếc nào là thuyền quan ?”
Tổng quản nói:
- “Ngài coi chiếc thuyền nào cái buồm bị rách, mái chèo bị gãy, trên vải buồm có nhiều lỗ thủng thì đó là thuyền của quan đấy ạ !”
(Úc Ly tử)

Suy tư 59:
Thuyền của quan nhưng lại xấu tệ hơn thuyền của thường dân, không phải vì quan tiếc tiền mua sắm, nhưng vì là của công của chung nên không ai muốn chăm lo bảo quản, bởi vì nó là “của chùa”, mà “của chùa” tức là không phải...của riêng mình.
Có giáo dân đến nhà thờ dự lễ, thấy vườn hoa nhà thờ có nhiều hoa đẹp bèn ngắt đem về nhà chưng, có người nhắc nhở thì vênh mặt nói hoa “của chùa” chứ đâu phải của mấy người !?
Người xài tiền mà không đau xót chính là những tên ăn trộm bời vì tiền tiêu xài thì không do họ kiếm được, cũng không phải do công lao đổ mồ hôi của họ, nhưng là tiền ăn cắp của người khác, cũng vậy, người không xót xa khi phung phí của công thì cũng cá mè một lứa với ăn trộm, vì hoa họ không trồng, của họ không sắm mà phá phách phung phí thì không phải là ăn trộm sao ?
Nếu ai cũng nói “của chùa” thì vườn hoa nhà thờ chỉ còn lại...cỏ dại.
Ân sủng của Thiên Chúa không phải là “của chùa” khi ban phát cho chúng ta, do đó chúng ta đừng phung phí tài năng trí tuệ của mình và không lãng phí của chung, nhưng phải luôn có ý thức làm chủ được mình mà gìn giữ của chung...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:14 12/06/2017

31. Thiên Chúa muốn người thế gian phải cùng nhau cầu nguyện để chuyển thông ân điển từ trời cao.

(Thánh Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Muối Mặn & Đèn Sáng
Nguyễn Trung Tây
19:23 12/06/2017
□ Nguyễn Trung Tây
Muối Mặn & Đèn Sáng (Matthew 5:13-16)


Bàn ăn trong tiệm và tại tư gia ngoài khăn trải, thông thường ngay chính giữa còn xuất hiện hai lọ, một tiêu một muối. Khách ngồi vào bàn, tùy khẩu vị, có người nếm thức ăn xong, đưa tay với lấy lọ muối, rắc muối trắng vào chén của mình. Người ăn mặn, rắc nhiều muối hơn. Thử tưởng tượng, không có muối, tô Phở gà thơm mùi hồi trong tiệm ăn hoặc tô canh “đầu tôm nấu với ruột bầu” tại tư gia sẽ nhạt nhẽo biết bao. Khách sẽ ngó ngang ngó ngửa tìm kiếm lọ muối (nếu không thấy trên bàn). Nếu ông chủ hoặc chủ nhà vô tình không để ý, cuối cùng, khách lịch sự hỏi xin người chạy bàn hoặc chủ gia lọ muối, bởi thức ăn…hơi nhạt! Nếu kiếm không ra muối (trường hợp thật xấu), khách coi như buồn tựa bún thiu, bởi thật thà nhận xét, thức ăn không đủ muối thích hợp với khẩu vị của khách, thì ôi thôi, “đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi” (Nguyễn Du).

Thử tưởng tượng, không muối ướp, thịt heo, thịt bò, hoặc thịt cừu nướng BBQ sẽ vô duyên biết bao. Nếu không muối, mùi mỡ thơm của thịt nướng vẫn không lấn át, không “lừa gạt”, và không chiến thắng được vị nhạt phèo phèo của miếng thịt khi nhai. Nếu được mời tới tư gia, ăn miếng thịt nhạt muối, khách sẽ đoán già đoán non, chắc…chủ gia dạo này có tí tuổi, hơi đãng trí, quên không ướp muối miếng thịt BBQ. Mà nếu quán ăn bày món thịt chiên, nhưng quên không ướp muối; ui chu choa! đời vất vả! khách sẽ không ghé vào quán ăn nữa; chưa hết người này ra về, có thể ông hoặc bà ta sẽ đồn thổi khắp cùng thiên hạ cái tiệm đó, ở đường đó, chủ nhân và đầu bếp bắt đầu lẩm cẩm, nấu ăn món nào món nấy, nhạt thếch như nước ốc. Thế là xong, tưng bừng khai trương, âm thầm dẹp tiệm. Ô hô! Khi Chúa thương gọi con về!

Ban ngày, mặt trời chiếu sáng, ánh sáng chan hòa khắp nơi. Ban đêm, có người thắp đèn cầy, hoặc đèn dầu, hoặc đèn điện. Không ánh sáng mặt trời, không ánh sáng đèn cầy, đèn dầu, đèn điện, thế giới tối tăm. Ban tối, gia đình ngồi quây quần bên ánh đèn dầu hoặc đèn điện ăn cơm, chia sẻ, lắng nghe từng câu chuyện của từng nhân vật trong gia đình. Không ánh sáng hoặc của đèn dầu hoặc của đèn điện, thiên hạ có người dám gắp nhầm, thay vì gắp thịt, lại cầm đũa gắp mắm tôm. Không ánh sáng của đèn giao thông thiên hạ lái xe…cứ thế tà tà…húc nhau, gãy tay, bể đầu… Ơi cực! Khi đó là què! Đèn hải đăng đứng cao trên ngọn núi chiếu sáng, trở thành điểm nhắm cho những con thuyền lênh đênh trên sóng nhắm hướng chèo tới. Nếu đèn hải đăng không cháy sáng nữa, nhiều mạng người sẽ vất vả, lao đao. Ơi khổ! Khi đó là lạc! Vào những ngày đèn điện cúp, cả một khu phố bỗng dưng tối om! Không ánh sáng đèn điện, giờ biết làm gì? Thiên hạ đi ra đi vào, than thở, chờ đợi giây phút đèn điện sáng trở lại.

Hạt muối căn bản và tổng thể là mặn. Là muối là mặn! Muối đồng nghiã với mặn. Thế mà muối tự dưng không mặn nữa. Tại sao vậy? Tại sao muối lại mất đi tính mặn?

Đèn cầy, đèn dầu, đèn điện xuất hiện trên đời để sáng soi. Tại sao đèn lại không cháy sáng nữa? Tại cạn bấc nến? Tại đèn hết dầu? Tại bóng đèn đứt dây? Tại cúp điện? Đèn hải đăng đứng cao trên ngọn đồi sao tự nhiên lại không cháy sáng? Tại sao vậy nhỉ?

Kitô hữu là muối mặn ướp đời, ướp người! Mỗi người Kitô là một hạt muối! Thế mà tự dưng tôi lại không mặn nữa! Tự dưng tôi trở thành hạt muối nhạt thếch. Vị mặn biến mất trên khuôn mặt và trong tâm hồn! Tại sao vậy cà?

Kitô hữu là đèn cháy sáng, soi sáng trần gian. Mỗi người Kitô là một ngọn đèn cầy, là một ngọn đèn dầu, là bóng đèn điện, là đèn hải đăng đứng cao trên đỉnh núi. Thế mà tự dưng đèn cầy của tôi tắt lửa! Bỗng dưng đèn dầu của tôi mất ánh sáng! Đèn điện của tôi tắt cái phụp! Đèn hải đăng bỗng dưng tối om! Tại sao vậy nhỉ!

Lời Nguyện

Lạy Chúa, nếu con đã hết mặn, xin ướp muối tâm hồn con.

Nếu đèn cầy con tắt lửa, xin gửi lửa Thánh Linh đốt cháy hồn nguội lạnh.

Nếu đèn con cạn dầu, xin đổ vào tim con dầu thánh.

Nếu đèn hải đăng hồn con tắt sáng, xin đổ lửa trời, đốt lại ngọn lửa đèn lương tâm con.


□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp ngày Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2017
Phaolô Phạm Xuân Khôi
11:11 12/06/2017

Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo



Dưới đây là bản dịch sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền Giáo 2017, được cử hành vào Chúa Nhật, ngày 22 tháng 10. Sứ điệp của Đức Thánh Cha được Tòa Thánh phát hành vào Chúa Nhật, mùng 4 tháng 6 2017.


Anh chị em thân mến,

Một lần nữa trong năm nay, Ngày Thế giới Truyền Giáo tụ tập chúng ta lại chung quanh con người của Chúa Giêsu, "Đấng loan báo Tin Mừng tiên khởi và vĩ đại nhất" (Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 7), Đấng tiếp tục sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng về tình yêu của Chúa Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ngày hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ lại về việc truyền giáo trong lòng đức tin Kitô giáo. Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo; nếu không, thì Hội Thánh không còn là Hội Thánh của Đức Kitô nữa, mà là một trong nhiều nhóm người cuối cùng chỉ phục vụ mục đích riêng của họ và qua đi. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta tự đặt ra cho mình những câu hỏi về căn tính Kitô giáo của mình và trách nhiệm của mình như các tín hữu trong một thế giới bị đánh dấu bởi sự nhầm lẫn, thất vọng và thất bại, cùng bị xâu xé bởi các cuộc chiến tương tàn, là các cuộc chiến bất công nhắm đến những người vô tội. Căn bản của sứ vụ truyền giáo của chúng ta là gì? Trọng tâm của sứ vụ truyền giáo của chúng ta là gì? Những tiếp cận thiết yếu mà chúng ta cần phải thực hiện trong việc thi hành sứ vụ truyền giáo của chúng ta là gì?

Sứ vụ truyền giáo và quyền năng biến đổi của Tin Mừng của Đức Kitô, là Đường, Sự Thật và Sự Sống

1. Sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh, nhắm đến tất cả mọi người nam nữ có thiện tâm, được dựa trên quyền năng biến đổi của Phúc Âm. Phúc Âm là Tin Mừng tràn đầy niềm vui hay lây, vì nó chứa đựng và ban tặng sự sống mới: sự sống của Đức Kitô Phục Sinh là Đấng, qua việc ban Thần Khí ban sự sống, trở nên cho chúng ta Con Đường, Sự Thật và Sự Sống (x. Ga 14:6). Người là Con Đường mời gọi chúng ta đi theo Người một cách tự tin và can đảm. Khi đi theo Chúa Giêsu như Con Đường của mình, chúng ta cảm nghiệm được Sự Thật và nhận được Sự Sống của Người, đó là sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Sư sống ấy giải thoát chúng ta khỏi mọi loại ích kỷ, và là nguồn mạch của sự sáng tạo trong tình yêu.

2. Thiên Chúa Cha mong muốn cuộc đời của các con cái Ngài được biến đổi, một sự biến đổi được thể hiện trong việc thờ phượng trong Thần Khí và Chân Lý (x. Ga 4: 23-24), bằng một đời sống được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong việc noi gương Chúa Giêsu, là Chúa Con, đến vinh quang của Chúa Cha. "Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động" (Irenaeus, Adversus Haereses IV, 20, 7). Việc rao giảng Tin Mừng như thế trở thành một lời sống động và hiệu quả để hoàn thành điều nó công bố (x. Is 55: 10-11): Chúa Giêsu Kitô, Đấng luôn nhập thể trong mọi hoàn cảnh của nhân loại (x. Ga 1:14).

Sứ vụ truyền giáo và thời gian (kairos) của Đức Kitô

3. Như vậy, sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh không phải là truyền bá một chủ nghĩa tôn giáo, lại càng không phải là đề nghị một giáo huấn đạo đức cao quý. Đã có nhiều phong trào trên khắp thế giới đang gây hứng khởi cho những lý tưởng cao quý hay những cách sống một cuộc đời đầy ý nghĩa rồi. Qua sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh, chính Chúa Giêsu Kitô tiếp tục Phúc Âm hóa và hành động; như thế, sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh hiện tại hóa trong lịch sử kairos, thời gian thuận lợi của ơn cứu rỗi. Qua việc công bố Tin Mừng, Chúa Giêsu Phục Sinh trở thành con người đương thời của chúng ta, ngõ hầu những ai đón nhận Người bằng đức tin và tình yêu có thể cảm nghiệm được quyền năng biến đổi của Thần Khí của Người, là Đấng làm cho nhân loại và thụ tạo sinh hoa trái, thậm chí như mưa làm cho đất ra hoa trái. "Sự Phục Sinh của Người không phải là một biến cố trong quá khứ; nó chứa đựng một sức mạnh sống còn đã thâm nhuần thế giới này. Nơi mà mọi sự dường như đã chết, các dấu chỉ phục sinh bỗng dưng mọc lên. Đó là một sức mạnh không thể chống cự được "(Evangelii Gaudium, 276).

4. Chúng ta không bao giờ được quên rằng "làm Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao quý, mà là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, một Con Người, Đấng đem lại cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định" (Bênêđictô XVI, Deus Caritas Est, 1). Tin Mừng là một Con Người, Đấng tiếp tục tự hiến và liên tục mời gọi những ai tiếp nhận Người bằng đức tin khiêm tốn và sùng kính để chia sẻ sự sống của Người bằng cách thông phần cách hiệu quả vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Cái Chết và Phục Sinh của Người.

Qua Bí Tích Rửa Tội, Tin Mừng trở nên nguồn mạch của đời sống mới, được giải thoát khỏi ách thống trị tội lỗi, được Chúa Thánh Thần soi sáng và biến đổi. Qua Bí Tích Thêm Sức, Tin Mừng trở thành một sự xức dầu củng cố, nhờ cùng một Thần Khí, Tin Mừng vạch ra các phương pháp và chiến thuật mới để làm nhân chứng và đồng hành. Qua Bí Tích Thánh Thể, Tin Mừng trở thành lương thực cho đời sống mới, "một thuốc trường sinh" (Ignatius of Antioch, Ad Ephesios, 20, 2).

5. Thế giới rất cần Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Qua Hội Thánh, Đức Kitô tiếp tục sứ vụ của Người như người Samaritanô tốt lành, chăm sóc các vết thương rỉ máu của nhân loại, và như Người Mục Tử Nhân Từ, không ngừng tìm kiếm những kẻ lang thang dọc theo các nẻo đường quanh co chẳng dẫn đến đâu. Cảm tạ Thiên Chúa, nhiều kinh nghiệm quan trọng tiếp tục làm chứng về quyền năng biến đổi của Tin Mừng. Tôi nghĩ đến cử chỉ của một học sinh ở Dinka, người đã hy sinh mạng sống để bảo vệ một học sinh sắp bị bộ lạc thù nghịch Nuer tàn sát. Tôi nghĩ đến buổi cử hành Thánh Lễ ở Kitgum, bắc Uganda, nơi mà, sau những vụ tàn sát hung bạo bởi một nhóm loạn quân, một vị thừa sai đã làm cho dân chúng lặp lại lời của Chúa Giêsu trên thập giá: "Ôi Thiên Chúa của con, ôi Thiên Chúa của con, sao Ngài nỡ bỏ con?" Như một cách diễn tả tiếng khóc than tuyệt vọng của các anh chị em của Chúa Chịu Đóng Đinh. Với dân chúng, buổi cử hành Thánh Lễ ấy là một nguồn an ủi và can đảm khôn lường. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến vô số chứng từ về việc Tin Mừng giúp người ta vượt qua sự hẹp hòi, xung đột, kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa bộ lạc, cùng cổ võ ở khắp mọi nơi, và giữa tất cả mọi người, sự hòa giải, tình huynh đệ và chia sẻ cho nhau như thế nào.

Sứ vụ truyền giáo linh hứng cho một linh đạo liên tục xuất hành, hành hương và lưu đày

6. Sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh được sinh động hóa bởi một linh đạo liên tục xuất hành. Chúng ta được thách thức "đi ra khỏi vùng an toàn của mình để đến tất cả các vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng" (EG, 20). Sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh thúc đẩy chúng ta thực hiện một cuộc hành hương thường xuyên qua khắp những hoang địa khác nhau của cuộc sống nhờ các kinh nghiệm khác nhau về sự đói khát chân lý và công lý. Sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh gợi hứng cho một cảm giác về cuộc lưu đầy không ngừng, để làm cho chúng ta ý thức, trong cơn khao khát sự vô hạn của mình rằng chúng ta đang đi trong một cuộc hành trình lưu vong hướng về ngôi nhà cuối cùng của mình, lửng lơ giữa tình trạng "đã" và "chưa" của Nước Trời.

7. Sứ vụ truyền giáo nhắc nhở cho Hội Thánh rằng Hội Thánh không phải là cùng đích cho chính mình, mà là công cụ khiêm tốn và trung gian của Nước Trời. Một Hội Thánh quy chiếu về chính mình, một Hội Thánh hài lòng với những thành công trần thế, thì không phải là Hội Thánh của Đức Kitô, thân thể bị đóng đinh và vinh hiển của Người. Đó là lý do tại sao chúng ta nên thích "một Hội Thánh bị bầm dập, đau đớn và dơ bẩn bởi vì nó đang ở ngoài đường, chứ không phải một Hội Thánh bệnh hoạn vì bị giam hãm và ràng buộc bởi sự an toàn của mình" (ibid., 49).

Người trẻ, niềm hy vọng của sứ vụ truyền giáo

8. Người trẻ là niềm hy vọng của sứ vụ truyền giáo. Con Người của Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng mà Người công bố tiếp tục thu hút nhiều người trẻ. Họ tìm cách hiến thân phục vụ nhân loại với lòng can đảm và nhiệt tâm. "Có nhiều người trẻ đang cung cấp sự đoàn kết của họ chống lại các sự dữ của thế gian và tham gia các hình thức khác nhau của đấu tranh và hoạt động tình nguyện…. Đẹp thay khi thấy rằng các người trẻ đang là ‘những người rao giảng ngoài đường’, vui sướng đem Chúa Giêsu ra mọi nẻo đường, mọi quảng trường của thành phố, đến mọi ngóc ngách của trái đất!" (ibid., 106). Đại hội Thường kỳ của Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp đến sẽ được tổ chức vào năm 2018 với chủ đề Người Trẻ, Đức Tin và việc Phân Định Ơn Gọi, đại diện cho một cơ hội được quan phòng để giúp người trẻ tham gia vào trách nhiệm truyền giáo chung, là điều cần đến trí tưởng tượng và óc sáng tạo phong phú của các em.

Việc Phục vụ của Các Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo

9. Các Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo là một phương tiện quý giá đánh thức trong mọi cộng đồng Kitô hữu một ước ao vượt qua các giới hạn và sự an ninh của mình để rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người. Trong số đó, nhờ một linh đạo truyền giáo sâu xa, được nuôi dưỡng hằng ngày, và liên tục cam kết nâng cao ý thức và nhiệt tâm truyền giáo, các người trẻ, người lớn, gia đình, linh mục, giám mục và tu sĩ nam nữ làm việc để phát triển một lòng (tâm hồn) truyền giáo trong mọi người. Ngày Thế Giới Truyền Giáo, được Hiệp hội Truyền Bá Đức tin cổ võ, là một cơ hội tốt để giúp cho lòng truyền giáo của cộng đồng Kitô hữu tham gia vào việc cầu nguyện, làm chứng bằng đời sống và sự hiệp thông của cải, ngõ hầu đáp ứng nhu cầu rộng lớn và cấp bách của việc Phúc Âm hóa.

Thực hiện sứ vụ truyền giáo của chúng ta cùng với Mẹ Maria, Mẹ của việc Phúc Âm hóa

10. Anh chị em thân mến, trong việc thực thi sứ vụ truyền giáo của chúng ta, chúng ta hãy rút cảm hứng từ Mẹ Maria, Mẹ của việc Phúc Âm hóa. Được Thần Khí thúc đẩy, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa ở tận đáy đức tin khiêm tốn của Mẹ. Nguyện xin Mẹ Đồng Trinh giúp chúng con nói lên lời "xin vâng" của chính mình, ý thức về nhu cầu cấp bách để làm Tin Mừng của Chúa Giêsu vang lên trong thời đại của chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con có lòng nhiệt thành mới trong việc mang đến cho tất cả mọi người Tin Mừng về sự sống, là sự sống đã chiến thắng sự chết. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con để chúng con có thể có được sự táo bạo thánh thiện cần thiết để khám phá ra những cách thức mới ngõ hầu mang lại ơn cứu độ cho mọi người nam nữ.

Từ Vatican, ngày 4 tháng 6 năm 2017

Nghi lễ của Lễ Hiện Xuống


Phanxicô
 
TV Thời Sự Giáo Hội Và Thế Giới Hôm Nay Chúa Nhật 11 6 2017
VietCatholic Network
13:37 12/06/2017


VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:
1. Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, ngày Chúa Nhật 11 tháng Sáu
2. Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2017
3. Đức Thánh Cha viếng thăm chính thức Tổng Thống Italia
4. Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn
5. Các Giám Mục, tổng thống và thủ tướng dâng hiến Ba Lan cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.
6. Báo Anh và Tây Ban Nha ca ngợi những người Công Giáo anh hùng đã chết trong vụ tấn công khủng bố tại Luân Đôn
7. Giáo Hội Công Giáo tại Iran lo âu trước nguy cơ chiến tranh.
8. Đức thượng phụ Sako và các giám mục thăm các vùng ở Mosul bên Iraq.
9. Phi Luật Tân bắt được tên lãnh đạo tinh thần bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
10. Đại hội CGVN Đức quốc lần thứ 41.
11. Họp mặt chủng sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ lần thứ nhất.
12. Giới thiệu bài Thánh Ca: “Chúa giầu lòng xót thương”.

Sau đây là phần tin chi tiết.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh khai mạc Ngày Thánh Thể VIII tại Karens, Texas
Trần Mạnh Trác & Lê Phước
20:21 12/06/2017
Xem hình ảnh thứ Năm

Xem hình ảnh thứ Sáu

Xem hình ảnh thứ Bảy

Ngày Thánh Thê tại Karens TX, một đại hội 3 ngày hằng năm vào mỗi đầu hè, đã khai mạc hôm qua, thứ Năm ngày 8/6/17, với sự hiện diện của Đức Cha Tri Bửu Thiên, Giám Mục Cần Thơ, và nhiều linh mục cuả đan viện Biển Đức Thiên Tâm, cũng như nhiều linh mục giảng phòng và khách từ khắp nơi đến.

Khác với năm ngoái mưa rầm lầy lội, năm nay trời nắng ráo đất khô, thời tiết tiên đoán vào khoảng 90F (32C) cho cả 3 ngày.

Tuy là mới thứ Năm, nhưng là vì đã bắt đầu mùa hè nên học sinh đã nghỉ học, cho nên nhiều gia đình đã dùng dịp này để đi cắm trại gia đình. Họ mang theo lều chõng nồi niêu xong chảo và...cả những máy lạnh 'cầm tay'.

Có người đến từ California!

Chủ đề cuả đại hội là "Kẻ đói nghèo, Chuá ban cuả đầy dư". Thật là một chủ đề "tài tình" bởi vì năm nay cũng là Năm Thánh Đức Mẹ Fatima, cho nên lấy lời cuả Đức Mẹ trong kinh Magnificat mà làm chủ đề cho các suy niệm về hồng ân Thánh Thể thì không có gì mà thích hợp hơn được nữa.

Với nhiều 'nhiếp ảnh gia' cuả Vietcatholic sẽ có mặt trong suốt 3 ngày đại hội, chúng tôi sẽ đăng hình các diễn biến cuả đại hội trong những bản phóng sự kế tiếp. Xin quí độc giả nhớ đón xem.
 
Hình ảnh sinh hoạt thứ Sáu Ngày Thánh Thể VIII tại Karens, Texas
Đoàn hành hương Kiệm Tân Xuân Lộc hành hương Đức Mẹ La Vang
Trương Trí
12:40 12/06/2017
ĐOÀN HÀNH HƯƠNG KIỆM TÂN XUÂN LỘC HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG THƯƠNG NIÊN

Hằng năm, cứ đến đầu tháng 6 là “ĐẾN HẸN LẠI ĐI”, Đoàn Hành hương Kiệm Tân Xuân Lộc gồm các vùng Gia Kiệm, Gia Tân, Dốc Mơ thuộc Giáo phận Xuân Lộc lại tổ chức chương trình hành hương Đức Mẹ La vang. Qui mô của chuyến hành hương được chuẩn bị từ trước mấy tháng, mỗi lần hành hương là mỗi lần đội Dâng Hoa và đội Tiến Hương phải tập dợt rất kỹ càng. Ban Điều hành phải chuẩn bị từ chương trình đến xe cộ vận chuyển và cả y tế, vì mỗi chuyến đi luôn có đến gần cả ngàn người, ít nhất cũng phải từ 15 chiếc xe khách loại lớn, nên an toàn của chuyến đi cũng phải đặt lên hàng đầu. Vậy mà từ bao năm nay luôn nhờ Mẹ chở che, mọi chuyến đi luôn bình an.

Xem Hình

Năm nay cũng vậy, đoàn hành hương chừng 800 người với sự đồng hành của cha F.X. Phạm Trọng Châu thuộc dòng Vinh Sơn và cha Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh thuộc dòng Don Bosco Đà Lạt, quản xứ Kà Rèn.

Buổi chiều trời mưa lớn kéo dài đến cả đêm nên cuộc đi Đàng Thánh giá và Rước Nến không được thực hiện, ai cũng tiếc vì đã chuẩn bị chu đáo.

Sáng ngày 8 tháng 6, sau Thánh lễ sáng và nghĩ ngơi, đoàn tập trung vào Nhà Nguyện nghe chia sẻ về đời sống Đức Tin. Trong năm Mục vụ Gia đình mà Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đặc biệt quan tâm là Gia đình trẻ, Cha F.X. Phạm Trọng Châu chia sẻ về đề tài “Bảo vệ sự sống”. Ngài đặc biệt nhấn mạnh nạn phá thai đang diễn ra trong xã hội ngày nay, nghiêm trọng nhất là trong giới thanh thiếu niên, sinh viên học sinh. Nạn sống thử trước hôn nhân đã dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn, xảy ra tình trạng phá thai. Không những thế, những đôi hôn nhân được xuất phát từ những mối tình sống thử cũng khó tồn tại vững bền. Ngài nhắc nhỡ rằng, tình dục là Chúa ban để xây dựng một tình yêu tốt đẹp, ngay từ ban đầu khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã phán: “Con người ở một mình không tốt”, và Người đã dựng nên một người nữ từ xương sườn của đàn ông để làm bạn. Người đàn ông được gọi là A Dam và người nữ đười được gọi là E Va.

Cha Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh lại dí dõm với đề tài: “Gia đình: sống nên Thánh”. Ngài chia sẻ: mỗi người chúng ta đều có ơn gọi Nên Thánh, muốn vậy chúng ta cần phải ước ao nên Thánh và sống Thánh để phù hợp với chính ơn gọi của mình để xứng đáng với công ơn Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta. Tuổi trẻ là tuổi ước mơ và khát vọng, ai cũng ước mơ một tương lai tốt đẹp. Tuổi trẻ là tuổi nhiệt thành và năng nổ, dám dấn than và chấp nhận gian khổ. Ai cũng muốn cho mình một tương lai huy hoàng sáng lạn, chính những ước mơ đó hướng dẫn cuộc đời của tuổi trẻ, dồn mọi nỗ lực để tiến tới mục đích tốt đẹp đó.

Người ta có thể không thực hiện được ước mơ, nhưng bất cứ điều gì người ta thực hiện được đều xuất phát từ những ước mơ. ớc mơ mach bảo mình đi tới, có ước mơ là có hy vọng, nơi nào có hy vọng thì có khơi mầm của sáng tạo, sống không ước mơ là sống kiểu bào dạt mây trôi.

Cũng vậy, mỗi người chúng ta nếu ước mơ nên Thánh mà không biết sống Thánh thì thật đáng buồn. Muốn nên Thánh chúng ta cần phải: Vượt thắng chính mình - Kết hiệp với Thiên Chúa – Chu toàn bổn phận hằng ngày trong vui vẻ.

Buổi chiều dẫu trời mưa nhưng với quyết tâm phải Rước Kiệu và Dâng Hoa lên Mẹ nên ban Điều hành vẫn cố gắng để tổ chức chương trình theo dự định. May mắn thay, cũng là nhờ ơn Mẹ nên cuối cùng trời cũng tạnh ráo và chương trình rước Kiệu-Dâng hoa và Tiến Hương vẫn được diễn ra tốt đẹp. Thật sinh động và thánh thiêng là những gì mà mọi người chứng kiến, kết thúc với màn pháo hoa rực sáng. Tất cả những kiệu hoa và kiệu Mẹ cùng với 200 bộ đèn leed đều được đoàn Hành hương tặng lại cho Trung tâm Hành hương.

Với một tâm tình kính yêu Mẹ cùng với những ơn lành mà Mẹ luôn ban cho, đoàn Hành hương Kiệm Tân – Xuân Lộc năm nào cũng tổ chức hành hương để tạ ơn Mẹ. Kết thúc tại La Vang, đoàn lại quay vào Đức Mẹ Trà Kiệu để hành hương trên đường trở về.

Trương Trí
 
Trường Giáo Lý Việt Ngữ La Vang Tổ Chức Lễ Bế Giảng Niên Khóa 2016-2017.
Phan Hoàng Phú Qúy
08:44 12/06/2017
Trường Giáo Lý Việt Ngữ La Vang Tổ Chức Lễ Bế Giảng Niên Khóa 2016-2017.

(Portland-Oregon) Chúa Nhật ngày 11 tháng 6 năm 2017 vào lúc 9 giờ sáng trường Giáo Lý & Việt Ngữ La Vang đã tổ chức Lễ Bế Giảng niên khóa 2016-2017 tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang.

Xem Hình

Trong tâm tình đơn sơ con tiến vào đền thánh Chúa Trời

Xin dâng lời chúc tụng Ngài là đấng tác sinh muôn loài

Con tâm thành tri ân tình thương Chúa biết bao cao vời

Ngài đã hướng dẫn con vào đời cho con được gọi Ngài là Cha

Vinh Danh Chúa Cha uy quyền

Vinh danh Chúa Con cứu độ nhân trần

Vinh danh Thánh Linh chính nguồn ủi an

Vinh anh Ba Ngôi đến tận ngàn thu.

Trên đây là những tâm tình ca ngợi vinh danh Chúa Ba Ngôi được ca đoàn Thánh Linh và cộng đoàn dân Chúa hát lên trong phần nhập lễ để nghinh đón các em học sinh tốt nghiệp cùng quý linh mục tiến về lễ đài.

Trong phần chia sẽ lời Chúa linh mục chánh xứ Đa minh Phạm Tĩnh đã nêu lên 3 yếu tố căn bản: khuyến khích, nâng đỡ đùm bọc lẫn nhau và đoàn kết yêu thương nhau. Nếu chúng ta thực thi đúng với 3 yếu tố căn bản đó thì chúng ta đã sống với tinh thần Ba Ngôi Thiên Chúa rồi.

Sau thánh lễ là phần phát chứng chỉ tốt nghiệp và nghi thức chúc lành và sai đi.

Có 25 em tốt nghiệp trong niên khóa này, sau 13 năm trau dồi văn hoá tiếng Việt cũng như giáo lý tại trường GL&VN La Vang giờ đây các em đã hấp thụ cho mình một số kiến thức căn bản để làm hành trang cho những bước đường tiếp nối vào các phân khoa đại học hoặc các ngành nghề chuyên môn.

Quý linh mục cũng đã chúc lành cho các em, đặc biệt linh mục chánh xứ mong ước các em trở về sinh hoạt với giáo xứ, với cộng đoàn, đem những kiến thức hiểu biết giúp cho giáo xứ mỗi ngày một thăng tiến, nhất là trong lãnh vực tông đồ và giáo dục.

Trong dịp này 2 em đại diện học sinh tốt nghiệp cũng ngõ lời cám ơn đến qúy cha, quý soeur, quý thầy cô đã hy sinh nhiều thời gian để hướng dẫn, dạy bảo, khuyến khích và nâng đỡ cho các em để có được ngày hôm nay.

Các em cũng không quên cám ơn cha mẹ là những phụ huynh, không những đã sinh thành dưỡng dục mà còn ước mong con cái trở thành người hữu dụng cho gia đình và xã hội nữa, những lo âu vất vả, những hy sinh và cố gắng nuôi dạy con nên người, các em sẽ luôn khắc ghi và nguyện mãi làm người con ngoan hiền của gia đình, và một công dân gương mẫu, tốt đời đẹp đạo để không phụ long cha mẹ, thầy cô.

Được biết trường Giáo Lý và Việt Ngữ La Vang được thành lập trên 3 thập niên qua với chương trình từ mẫu giáo đến lớp 12, ngoài sự hướng dẫn của quý cha, quý soeur còn có trên 40 thầy cô tình nguyện viên để chăm lo và giảng dạy cho trên 1000 học sinh mỗi năm.

Có nhiều linh mục, nhiều tu sĩ nam nữ, nhiều bác sĩ kỷ sư, nhiều nhân viên chuyên nhành thành công lỗi lạc cũng đã xuất thân tại trường GL&VN La Vang này.

Chúng ta hãy cùng nhau cảm tạ ơn Chúa vì những hồng ân Ngài đã trao ban.

Này bạn hỡi hãy thắp sáng lên

Thắp sáng lên con tim nồng nàn

Này bạn hỡi hãy thắp sáng lên

Ngọn lửa yêu thương

Cuộc đời bao tăm tối quanh tôi

Ta cần đến ánh sáng chiếu soi

Này bạn hỡi xin chớ lãng quên

Ánh nến trái tim cho đời đẹp thêm

Hãy thắp lên đời ta

Hãy thắp cho trần gian

Thắp sáng lên tình yêu,sáng lên niềm tin, niềm tin GIÊSU

Hãy thắp lên đời ta

Hãy thắp cho trần gian

Đốt cháy tan niềm đau, xoá bóng đêm từ lâu vây kín quanh đời

Tường thuật từ Portland Oregon

Phan Hoàng Phú Quý
 
Thông Báo
Mời tham dự Hành hương Thánh Mẫu La Vang tại Núi Cát Minh tại Middletown, New York
Antôn Nguyễn Văn Trung O.Carm.
10:26 12/06/2017
Nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (1917-2017) đồng thời cũng là dịp khánh thành Đài Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên Đền Quốc Gia Đức Bà Núi Cát Minh tại Middletown, New York. Anh em Dòng Cát Minh Việt Nam tổ chức buổi Hành hương Thánh Mẫu La Vang vào Thứ Bảy ngày 01 tháng 07 năm 2017. Với sự tham dự đặc biệt của Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương, Giám mục Giáo phận Kamloops, Canada (chủ tế và giảng lễ); LM Gioan Phanxicô Vũ Thế Toàn, S.J. (hội thảo);Cùng quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ New York và vùng phụ cận.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tình Mẹ
Lê Trị
19:12 12/06/2017
TÌNH MẸ
Ảnh của Lê Trị
Gian nan khổ cực nào than
Cho con no đủ hiên ngang với đời.
(Trích thơ của Ngao Thiên)
 
VietCatholic TV
TV Thời sự Giáo hội và Thế giới hôm nay ngày 7/6/2017
VietCatholic Network
13:37 12/06/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1. Buổi tiếp kiến chung với Đức Thánh Cha ngày thứ Tư tuần này.

2. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Tháng Sáu 2017 là: Chấm dứt buôn bán vũ khí.

3. Xin ơn để không bị rơi vào thói đạo đức giả.

4. Đức Thánh Cha tiếp Tổng tu nghị dòng Thừa Sai Đức Mẹ An Ủi.

5. Đức Thánh Cha sẽ gặp ban lãnh đạo HĐGM Venezuela.

6. Phản ứng của Đức Thánh Cha trước vụ tấn công khủng bố tại Luân Đôn.

7. Đức Hồng Y Schonborn của Áo nói về Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương của Đức Thánh Cha Phanxicô.

8. Một vụ tấn công cảnh sát Pháp gần nhà thờ Đức Bà Paris.

9. Tháng Chay Ramadan của Hồi giáo năm nay đẫm máu người vô tội.

10. Người Hồi giáo và Kitô hữu cùng nhau tái thiết tu viện Mosul.

11. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhận định về bộ Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo 2016.

12. Giới thiệu bài hát: Chiếc cầu qua dòng bảo tố - Bridge over the trouble water.

Sau đây là phần tin chi tiết:
 
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 6 - 12/06/2017: Câu Chuyện Thánh Hiến Nước Ba Lan cho Đức Mẹ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:49 12/06/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Làm việc lành phúc đức để chia sẻ và cảm thông

Làm việc lành phúc đức không phải là vì thương hại, cũng không phải chỉ là để trút gánh nặng tâm hồn, nhưng là để chia sẻ và cảm thông với đau khổ của anh chị em đồng loại. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 5 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.

Đau khổ với người đau khổ. Làm việc lành phúc đức không phải là làm một cái gì đó để trút bớt những đè nặng trong lòng, cũng không phải là làm để cảm thấy yên tâm hơn… Không chỉ thế! Làm việc lành phúc đức là để cảm thông với nỗi đau của người khác, là chia sẻ với đầy lòng trắc ẩn trong sự đồng hành. Làm việc lành phúc đức còn có nghĩa là thông cảm với những vấn đề của tha nhân. Ở đây có câu hỏi là: Tôi có biết chia sẻ như thế không? Tôi có sống quảng đại không? Khi tôi nhìn thấy một người đau khổ, một người đang gặp khó khăn, tôi có cảm thấy nỗi đau ấy? Tôi có biết đặt mình trong hoàn cảnh của người khác? Trong những hoàn cảnh đau thương của người ấy?

Giống như ông Tobia trong bài đọc thứ nhất, với lòng trắc ẩn và sẻ chia, khi làm việc lành phúc đức, chúng ta sẵn lòng đón nhận những rủi ro bất trắc. Có nhiều rủi ro. Ở đây ở Roma trong thời chiến tranh, Đức Giáo Hoàng Pio XII đã liều lĩnh che giấu những người Do thái. Vì nếu không, những người ấy sẽ bị bắt. Nhưng khi làm việc lành để cứu người, chúng ta phải đối diện với nhiều rủi ro.

Khi làm việc lành, ông Tobia bị người ta chê cười chế nhạo. Họ cho rằng ông không chịu ở yên mà lại đi làm những chuyện gây phiền hà rắc rối. Như thế, khi làm việc lành, chúng ta có thể gây cho người khác cảm giác khó chịu, ngay cả có khi chúng ta cũng cảm thấy khó chịu. Ví dụ như trường hợp này: “Tôi có một người bạn, người bạn ấy bị bệnh, tôi cần đến thăm anh ấy, nhưng tôi lại cảm thấy thích nghỉ ngơi hoặc xem tivi hơn… tóm lại tôi thích cái gì đó an toàn bình yên”. Thế đó, khi làm việc lành phúc đức, luôn có những đau khổ và rắc rối nào đó. Nhưng Chúa đã tự nguyện đón nhận tất cả, chịu đựng tất cả những rắc rối của chúng ta, để rồi Người lên thập giá để ban cho chúng ta lòng thương xót của Người.

Ai có thể thực thi lòng thương xót, đó là người cảm nhận được rằng Chúa xót thương mình trước. Chúng ta có thể sống thương xót là vì chúng ta đã được Thiên Chúa xót thương trước. Chúng ta cứ thử nghĩ về những sai lầm, tội lỗi của chúng ta, nghĩ về con đường tha thứ mà Chúa dành cho chúng ta, từ đó chúng ta biết cách làm như thế với anh chị em mình. Để rồi, chúng ta có thể ra khỏi sự ích kỷ của bản thân và bước theo sát chân Chúa Giêsu hơn

2. Câu Chuyện Thánh Hiến Nước Ba Lan cho Đức Mẹ

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Người dân Ba Lan có lòng sùng kính Đức Mẹ rất đặc biệt. Đất nước này có một ngôi đền nổi tiếng bậc nhất vùng Đông Âu được dành riêng để kính Đức Trinh Nữ Maria, gọi là đền thánh Đức Mẹ Częstochowa. Các tín hữu tấp nập hành hương quanh năm vì nhiều người nhận được những ơn lạ hồn xác sau khi kính viếng tượng ảnh Đức Mẹ tại đây.

Vì có lòng sùng kính Đức Mẹ như thế nên trong tuần qua có một diễn biến rất ngoại thường, có lẽ không có tại một quốc gia thứ hai trên thế giới.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Như Ý muốn nhắc đến việc thánh hiến Ba Lan cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

Trong một diễn biến ngoại thường, hôm thứ Ba 6 tháng Sáu, 3 vị Hồng Y, 30 Tổng Giám Mục và 120 Giám Mục Ba Lan từ khắp các giáo phận trên cả nước đã tề tựu tại Đền thờ Đức Mẹ Fatima ở Zakopane, để cùng với tổng thống Andrzej Duda và thủ tướng Beata Szydło dâng Ba Lan cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là một nghi lễ long trọng, trong đó, trước tượng Đức Mẹ Fatima, Đức Tổng Giám mục Stanisław Gądecki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan đã long trọng đọc một bản cam kết của hàng giáo sĩ và các tín hữu Công Giáo nước này tuyên hứa với Đức Mẹ sẽ bảo vệ hôn nhân, bảo vệ quyền sự sống con người từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên, và chống lại sự “suy thoái đạo lý” trong xã hội.

Bên cạnh tổng thống Andrzej Duda và thủ tướng Beata Szydło, còn có các thành viên chính phủ, các nghị sĩ và đại diện của chính quyền địa phương.

Mỗi giáo phận và giáo xứ trong nước cũng sẽ thực hiện việc dâng hiến cho Đức Mẹ vào ngày 8 tháng 9 tới đây, là lễ Sinh Nhật của Đức Mẹ.

Tháng 11 vừa qua, tổng thống Duda cũng đã có mặt khi các giám mục của Ba Lan tuyên bố Chúa Kitô là Vua Ba Lan.

Bắt chước gương sáng của dân nước Ba Lan, chúng ta cũng hãy thánh hiến bản thân và gia đình cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria để khi cơn bệnh hành trong xác, hay là buồn bã linh hồn, khi phải khinh bỉ, khi mất của cải, khi chịu tang chế, khi buồn bực trong gia đình, khi buồn bã áy náy trong lòng, và những khi hết còn trông cậy, khi lương tâm xao xuyến mịt mù; trong những lúc như thế xin cho chúng ta biết chạy đến cùng Đức Mẹ để giữ được bình an linh hồn và lòng trông cậy Chúa.

3. Cầu xin cho chúng ta đừng sống đạo đức giả

Thói đạo đức giả không phải là loại ngôn ngữ của người Kitô, và thói đạo đức giả có thể giết chết cộng đoàn. Tiếng nói của Kitô hữu phải đúng sự thật theo gương Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 6 tháng 6 tại nhà nguyện Santa Marta.

Các luật sĩ nói năng và phán đoán một đàng nhưng thực ra họ đang âm mưu một nẻo. Họ nói không thật lòng. Họ sống theo thói đạo đức giả.

Thói đạo đức giả không phải là ngôn ngữ của Kitô hữu. Một Kitô hữu không thể là một kẻ đạo đức giả và một kẻ đạo đức giả không thể là một Kitô hữu. Điều ấy thật rõ ràng. Chúa Giêsu đã nói điều ấy cho nhiều người. Nhiều lần Chúa nói: Đồ giả hình, chúng ta hãy nhìn xem những gì họ làm. Những kẻ đạo đức giả chỉ ưa nịnh hót, dù ít hay nhiều, nhưng nói chung đều là nịnh hót và tâng bốc nhau. Họ không nói sự thật nhưng tìm cách thổi phồng và gia tăng sự hư ảo.

Những kẻ đạo đức giả đi tâng bốc người khác vì họ nhắm đến mục đích xấu xa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, các luật sĩ bắt đầu bằng cách tâng bốc Chúa Giêsu để rồi họ tìm cách gài bẫy Chúa bằng câu hỏi: Có nên nộp thuế cho Xêda không? Có hay không?

Thế đó, thói đạo đức giả là cách sống hai mặt. Chúa Giêsu biết thói giả hình của những kẻ đang thử mình, nên Chúa nói với họ: Tại sao các người lại thử tôi? Đem một quan tiền cho tôi coi! Chúa Giêsu luôn luôn đáp lại sự giả hình bằng điều chân thật. Sự thật là sự thật, chứ không phải là thứ đạo đức giả, cũng không phải là ý thức hệ. Khi họ đưa cho Chúa đồng tiền, Chúa hỏi: Hình và danh hiệu này là của ai đây? Họ đáp: Của Xêda. Chúa nói: Của Xêda, trả cho Xêda; của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa.

Ngôn ngữ của thói đạo đức giả là tiếng nói dối lừa. Đó là tiếng nói của con rắn đi lừa dối bà Eva. Khi bắt đầu, con rắn cũng lên tiếng tâng bốc con người, và rồi nó nhắm đến hủy diệt con người, thậm chí con rắn cắn xé và phá hủy nhân cách và tâm hồn con người. Điều ấy còn phá hoại cả cộng đồng. Khi thói giả hình len lỏi vào trong cộng đoàn, thì đó là mối nguy hiểm lớn, là điều tồi tệ. Chúa Giêsu đã nói rằng: Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

Thói đạo đức giả có thể giết chết cộng đoàn. Bởi vì họ nói thì rất ngọt nhưng lại xét đoán xấu xa về tha nhân. Thói đạo đức giả tựa như một thứ giết hại. Hãy nhớ điều này: khi nó bắt đầu nịnh bợ, thì hãy đáp lại bằng điều chân thực. Bởi vì cùng với một cái lưỡi mà thần dữ gieo rắc sự phá hoại vào trong cộng đoàn. Chúng ta hãy cầu xin Chúa canh giữ chúng ta, để chúng ta không bị rơi vào thói đạo đức giả: Xin Chúa ban cho con ơn ấy. Xin cho con đừng bao giờ trở thành kẻ đạo đức giả. Xin cho con chỉ biết nói sự thật, và khi con không thể nói sự thật, xin cho con biết lặng thinh, chứ không bao giờ, không bao giờ trở thành kẻ đạo đức giả.

4. Khi buồn bã áy náy trong lòng, và những khi hết còn trông cậy

Ngay cả trong những thời khắc đen tối, buồn thảm và đau thương nhất, ngay cả khi bị lăng mạ sỉ nhục cáo gian, chúng ta vẫn phải chọn con đường của cầu nguyện của kiên nhẫn và đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa; chứ không chạy theo trò lừa dối của những thứ phù vân. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 9 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta

Đừng để cho mình bị đánh lừa bởi cái hào nhoáng bề ngoài của những thứ phù vân, nhưng hãy để cho lòng mình biết mở ra đón nhận niềm vui đến từ Thiên Chúa, biết tạ ơn Ngài vì những ơn lành, vì ơn chữa lành mà Ngài ban cho chúng ta.

Bài đọc trích sách Tobia kể lại câu chuyện rất đời thường. Ông Tobit chuyên làm việc lành phúc đức là đi chôn xác kẻ chết. Nhưng rồi ông bị mù, và có lần do vợ chồng chưa hiểu ý nhau, mà bà vợ đã la mắng ông Tobit rằng: ông coi, ông làm việc lành mà giờ lại bị mù như thế. Ông Tobit có con trai là Tobia. Vợ của Tobia là Sara. Cô Sara cũng chịu nhiều đau khổ, vì bị mang tiếng là sát chồng. Vì thực sự trước khi lấy Tobia, cô Sara đã có nhiều đời chồng, các người chồng ấy đều chết, nhưng lý do không phải do Sara. Như thế, cả ông Tobit và con dâu là Sara đều phải chịu nhiều thử thách và bị sỉ nhục, nhưng cả hai đều đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.

Mỗi người trong chúng ta đều có kinh nghiệm từng trải những thời khắc khó khăn cùng cực. Có thể kinh nghiệm ấy chưa phải là tột độ, nhưng cũng đủ để chúng ta biết được kinh nghiệm ấy có cảm giác thế nào, thế nào là bóng tối, là đau buồn, là khó khăn, chúng ta biết những điều ấy.

Khi đối diện với sự khủng hoảng, cô Sara từng nghĩ: nếu tôi treo cổ tự tử thì tôi sẽ làm cho cha mẹ đau khổ. Cô đã dừng lại và cầu nguyện. Khi gặp cay đắng, ông Tobit nói: đây là cuộc sống của tôi, nào chúng ta hãy tiến bước, tiến bước trong cầu nguyện và cầu nguyện. Đó là thái độ có thể cứu chúng ta trong những đêm đen: thái độ cầu nguyện. Cả cô Sara và ông Tobit đều đau khổ nhưng biết kiên nhẫn trong cầu nguyện, vì hy vọng Thiên Chúa sẽ lắng nghe, vì hy vọng rồi đây mình sẽ có thể vượt qua những khổ đau ấy. Những khi buồn bã chán nản và đen tối nhất, đừng quên: cầu nguyện, kiên nhẫn và hy vọng.

Câu chuyện trong sách Tobia kết thúc rất có hậu, nhưng không phải như những cái kết của tiểu thuyết. Sau thời gian chịu thử thách và đau khổ, Thiên Chúa đã lắng nghe họ, đã chữa lành họ, và các vị ấy cảm tạ Thiên Chúa, mở rộng tâm hồn với lời nguyện tạ ơn.

Trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, chúng ta có biết nhận diện những chuyển động khác nhau trong tâm hồn hay không. Làm như thế để nhận biết những thời điểm khó khăn thách đố, để biết cầu nguyện, biết kiên nhẫn và một chút hy vọng. Làm như thế, để tránh bị rơi vào sự trống rỗng hư vô, để trong cầu nguyện chúng ta biết rằng có Chúa luôn đồng hành và Ngài sẽ sớm ban niềm vui cho chúng ta. Cô Sara đã sống điều ấy. Cô không tự vẫn, nhưng biết cầu nguyện. Tobit cũng thế, ông chờ đợi trong cầu nguyện và hy vọng Chúa sẽ cứu. Và rồi Thiên Chúa đã cứu cô Sara, Thiên Chúa cũng cứu ông Tobit.

Dịp cuối tuần này, chúng ta hãy đọc sách Tobia, hãy nài xin ân sủng của Thiên Chúa, để biết cách sống trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống, để biết cách sống trong những thời điểm tươi sáng, để không bị lừa gạt bởi những thứ phù vân hư không.
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News