Ngày 14-06-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐHY Robert Sarah phàn nàn về những diễn dịch sai lạc Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh
Đặng Tự Do
08:01 14/06/2015
Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, trong một bài viết đăng trên tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 12 tháng 6, đã gọi Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh do Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục ban hành ngày 4 tháng 12 năm 1963 là một “Magna Carta” – (Đại Hiến Chương) về Phụng Vụ; và kêu gọi việc áp dụng trung thành hơn với các văn bản của Hiến Chế này. Ngài than thở rằng đã có những hiểu nhầm liên quan đến giáo huấn “tham gia tích cực” và đề nghị có thêm một phụ lục trong Sách Lễ Rôma nhằm thể hiện tốt hơn sự liên tục giữa các hình thức ngoại thường và bình thường của Thánh Lễ.

Đức Hồng Y lý luận rằng: “Phụng vụ về cơ bản là hành động của Chúa Kitô. Nếu nguyên tắc quan trọng này không được tiếp nhận trong đức tin, có khả năng là phụng vụ trở thành một công việc của loài người, một cử hành về chính mình của cộng đồng.”

Khi nói về một “cử hành cộng đồng” cần phải cẩn trọng để tránh những mơ hồ. Chẳng hạn như sự tham gia tích cực (participatio actuosa), không nên được hiểu như là sự cần thiết phải làm một điều gì đó. Về điểm này giáo huấn của Công Đồng thường bị bóp méo. Sự tham gia tích cực trong Phụng Vụ phải được hiểu là để cho Chúa Kitô dẫn dắt chúng ta và liên kết chúng ta với hy tế của Ngài.

Đức Hồng Y Sarah chỉ trích “não trạng phương Tây hiện đại” trong đó sự tham gia tích cực được hiểu là phải làm sao cho các tín hữu “luôn bận rộn” và Thánh Lễ phải được cử hành thật “vui nhộn”.

Trái lại, sự “cung kính thiêng liêng” và “niềm hân hoan kính sợ đòi hỏi sự im lặng của chúng ta trước sự hiện diện sự uy nghi của Thiên Chúa. Người ta thường quên rằng sự im lặng thiêng liêng là một trong những phương tiện được Công Đồng đề ra để khuyến khích các tín hữu tham gia vào Phụng Vụ.”

Viện dẫn các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Sarah chỉ trích thái độ của các linh mục cố làm cho bản thân họ trở nên tâm điểm của phụng vụ.

Đức Hồng Y Sarah cũng nhắc lại giáo huấn của Công Đồng theo đó các tín hữu phải “có thể nói hoặc hát chung với nhau bằng tiếng Latin những phần đối đáp thông thường của Thánh Lễ (Ordinary of the Mass - tức là những phần không thay đổi trong mọi thánh lễ như Kinh Xin Chúa Thương Xót (Kyrie), Kinh Vinh Danh (Gloria), Kinh Tin Kính (Credo), Kinh Thánh, Thánh, Thánh (Sanctus), Kinh Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei)) liên quan đến họ”

Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh rằng Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh không nên được đọc với một “diễn dịch tùy hứng”
 
Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 14-06-2015
Lm. Trần Đức Anh OP
15:14 14/06/2015
VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu tin tưởng nơi sức mạnh của Lời Chúa và cộng tác vào công cuộc mở rộng Nước Thiên Chúa.

Trên đây là nội dung bài huấn dụ của ĐTC trong buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu, trưa Chúa Nhật 14-6-2015 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

”Bài Tin Mừng hôm nay bao gồm hai dụ ngôn rất ngắn: dụ ngôn hạt giống nảy mầm và tự tăng trưởng, và dụ ngôn hạt cải (Xc Mc 4,26-34). Qua những hình ảnh này, rút từ môi trường nông thôn, Chúa Giêsu trình bày hiệu năng của Lời Chúa và những đòi hỏi của Nước Chúa, nêu rõ những lý do để chúng ta hy vọng và dấn thân trong lịch sử.

”Trong dụ ngôn thứ nhất, sự chú ý được qui về sự kiện hạt giống, một khi được gieo trong lòng đất, tự nó nảy mầm và lớn lên, dù nông dân ngủ hay thức. Ông tin tưởng nơi tiềm năng ở trong chính hạt giống và sự màu mỡ của đất đai. Trong ngôn ngữ của Tin Mừng, hạt giống là biểu tượng Lời Chúa, và dụ ngôn này nhắc nhớ sự phong phú của Lời Chúa. Như hạt giống khiêm hạ phát triển trong lòng đất, Lời Chúa cũng hoạt động nhờ sức mạnh của Thiên Chúa trong tâm hồn người lắng nghe. Thiên Chúa đã ủy thác Lời của Ngài cho thửa đất của chúng ta, nghĩa là cho mỗi người trong chúng ta, với nhân tính cụ thể của chúng ta. Chúng ta có thể tín thác tin tưởng, vì Lời Chúa là lời sáng tạo, nhắm trở thành ”bông lúa nặng trĩu hạt” (v. 28). Lời Chúa, nếu được đón nhận, thì chắc chắn sẽ mang lại hoa trái, vì chính Thiên Chúa làm cho Lời Ngài nảy mầm và tăng trưởng qua những con đường mà chúng ta không luôn luôn có thể kiểm chứng và theo thể thức mà chúng ta không biết (Xc v.27). Tất cả những điều ấy làm cho chúng ta hiểu rằng chính Thiên Chúa luôn luôn là Đấng làm cho Nước của Ngài được tăng trưởng, con người là cộng tác viên khiêm hạ của Ngài, con người chiêm ngắm và vui mừng vì hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa và kiên nhẫn chờ đợi thành quả của Lời Chúa.

ĐTC nói tiếp: “Dụ ngôn thứ hai dùng hình ảnh hạt cải. Tuy là hạt bé nhỏ nhất trong các thứ hạt, nhưng lại đầy sức sống và tăng trưởng đến độ trở thành cây cao lớn nhất trong các thứ cây trong vườn” (Mc 4,32). Nước Thiên Chúa là như thế: một thực tại rất nhỏ bé nói theo kiểu phàm nhân và bề ngoài không có gì là đáng kể. Để trở nên thành phần của Nước Chúa, cần phải có lòng thanh bần, không tín thác nơi khả năng riêng của mình, nhưng nơi sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa; không hành động để được coi là quan trọng trước mặt người đời, nhưng quí giá trước mắt Thiên Chúa là Đấng yêu chuộng những ngừơi đơn sơ và khiêm hạ. Khi chúng ta sống như thế, thì sức mạnh của Chúa Kitô, qua chúng ta, sẽ tràn vào và biến đổi những gì là bé nhỏ và khiêm hạ thành một thực tại làm dậy men toàn thể khối bột của thế giới và lịch sử.

ĐTC nhận xét rằng: ”Có một bài học quan trọng đến từ hai dụ ngôn này: Nước Thiên Chúa đòi sự cộng tác của chúng ta, nhưng trước tiên đó là sáng kiến và là hồng ân của Chúa. Hoạt động yếu ớt của chúng ta tác động, bề ngoài là bé nhỏ trước những vấn đề phức tạp của thế giới, nhưng khi được tháp nhập vào hoạt động của Thiên Chúa, thì không còn sợ những khó khăn. Chiến thắng của Chúa là điều chắc chắn: tình thương của Ngài làm nảy mầm và tăng trưởng mọi hạt giống hiện diện trong đất. Điều này mở ra cho chúng ta lòng tín thác và lạc quan, dù có những thảm trạng, bất công, đau khổ mà chúng ta gặp phải. Hạt giống sự thiện và hòa bình nảy mầm và phát triển, vì chính tình yêu thương từ bi của Thiên Chúa làm cho hạt giống ấy trưởng thành.”

”Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Đấng đã đón nhận hạt giống Lời Chúa như một ”thửa đất phì nhiêu”, nâng đỡ chúng ta trong niềm hy vọng này.

Chào thăm và loan báo

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã nhắc nhở các tín hữu Chúa Nhật hôm qua là Ngày Thế giới những người hiến máu: hằng triệu người âm thầm đóng góp để giúp đỡ các anh chị em ở trong tình cảnh khó khăn. Ngài nói: ”Tôi bày tỏ lòng quí chuộng đối với tất cả những người hiến máu và đặc biệt mời gọi những người trẻ hãy theo gương họ”.

ĐTC cũng gửi lời chào thăm các tín hữu Roma và những người hành hương, các nhóm giáo xứ, gia đình và hội đoàn. Ngài đặc biệt nhắc đến các nhóm đến từ Debrecen Hungari, Malta, Houston Hoa Kỳ, Panama.. và nói thêm rằng:

”Như đã loan báo, thứ năm tới đây (18-6-2015) Thông điệp về sự chăm sóc thiên nhiên sẽ được công bố. Tôi mời gọi anh chị em tháp tùng biến cố này với sự tái quan tâm đến những tình trạng môi trường bị suy thoái, và cũng để phục hồi trong các lãnh thổ của mình. Thông điệp này được gửi đến tất cả mọi người: chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả mọi người có thể đón nhận sứ điệp của Thông điệp và gia tăng trách nhiệm đối với căn nhà chung mà Thiên Chúa ủy thác cho chúng ta”.

Hội nghị mục vụ Giáo Phận Roma

Lúc 6 giờ chiều cùng ngày Chúa Nhật 14-6-2015, ĐTC đã gặp gỡ các tham dự viên hội nghị mục vụ của giáo phận Roma, cùng với cha mẹ các em rước lễ lần đầu và chịu phép thêm sức, các linh mục và giáo lý viên.

Sau lời chào mừng của ĐHY giám quản, Agostino Vallini, và kinh nguyện mở đầu, ĐTC đã chào thăm và ban huấn dụ cho mọi người, trước khi đọc kinh nguyện kết thúc.

Hội nghị mục vụ chính thức tiến hành trong 3 ngày kế tiếp tại Đền thờ thánh Gioan Laterano cũng là Nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma:

Lúc 7 giờ chiều thứ hai hôm nay, 15-6: sau kinh nguyện mở đầu, Bà Elisa Manna, đặc trách phân bộ văn hóa của Trung tâm nghiên cứu đầu tư xã hội ở Italia, gọi tắt là Censis, trình bày về đề tài: ”Cha mẹ và việc thông truyền đức tin cho con cái - giới thiệu phúc trình của Trung tâm Censis”. Tiếp đến Đức Ông Andrea Leonardo, Giám đốc Văn phòng huấn giáo của giáo phận Roma, sẽ trình bày về chủ đề: ”Chúng tôi thông truyền điều chúng tôi đã nhận lãnh”. Trách nhiệm của cha mẹ chứng nhân về vẻ đẹp của cuộc sống.

Sau hai bài thuyết trình gợi ý trên đây, chiều ngày mai, thứ ba 16-6, các tham dự viên sẽ tập họp tại Đại học Giáo Hoàng Laterano từ lúc 7 giờ để làm việc trong các nhóm nhỏ, do các chuyên gia hướng dần, để đề ra những đường hướng và đề nghị cho Năm mục vụ 2015-2016.

Sau cùng, vào ngày thứ hai 14-9 tới đây, ban sáng các cha sở và LM Roma sẽ nhóm họp tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano từ 9 giờ rưỡi sáng. Sau đó vào lúc 7 giờ chiều cùng ngày, sẽ có khóa họp của cac giáo lý viên trong đó ĐHY Vallini sẽ trình bày những hướng đi mục vụ được đề ra cho niên khóa mục vụ 2015-2016. Khóa họp sẽ kết thúc vời nghi thức trao bài sai cho các giáo lý viên.
 
Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh khánh thành nhà thờ mới tại United Arab Emirates
Đặng Tự Do
17:41 14/06/2015
Một nhà thờ Công Giáo mới dành để kính thánh Phaolô vừa được khánh thành hôm thứ Sáu 12 Tháng Sáu tại thành phố Mussaffah, với sự hiện diện của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nahyan bin Mubarak của United Arab Emirates phát biểu rằng việc khánh thành một nhà thờ mới nhấn mạnh đến “sự khoan dung tôn giáo” của các nhà lãnh đạo quốc gia, trong khi Đức Hồng Y Parolin nhận thấy việc thánh hiến nhà thờ mới này cũng tiêu biểu cho “sức sống” của cộng đồng Giáo Hội địa phương, và Đức Giám Mục Paul Hinder, OFM, Giám quản tông tòa toàn vùng Nam Bán Đảo Ả rập, đã bày tỏ lòng biết ơn “cho sự ổn định và hòa bình mà chúng ta được hưởng trong quốc gia này”.

United Arab Emirates hiện có khoảng 900,000 người Công Giáo. Cộng đoàn này được hình thành từ các công nhân nhập cư chủ yếu đến từ các nước châu Á khác: như Phi Luật Tân và Ấn Độ.

Đây là nhà thờ Công Giáo thứ hai được xây dựng tại quốc gia này. Đức Hồng Y Parolin đã cử hành thánh lễ đầu tiên, với các nghi thức thánh hiến và cung hiến nhà thờ, trước hàng ngàn tín hữu. Nhà thờ này sẽ là nơi tụ tập cầu nguyện chủ yếu của hơn 60,000 người Công Giáo đang sinh sống tại các khu vực bao gồm các thị trấn Mussaffah, Mohammed bin Zayed City và Khalifa City. Các Thánh Lễ sẽ được cử hành bằng tiếng Anh, tiếng Ả Rập, Malayalam và Tagalog.

Trong Thánh lễ đồng tế với Đức Giám Mục Hinder và Đức Giám Mục Camillo Ballin là Giám quản Tông Tòa Miền Bắc Bán Đảo Ả rập, Đức Hồng Y Parolin đã ca ngợi “thiện chí của các nhà lãnh đạo quốc gia trong quá khứ và hiện tại, vì sự hào phóng của họ trong việc trao tặng đất để xây dựng nhà thờ mới”. Việc chính quyền địa phương cho phép xây dựng nơi thờ tự mới là “một dấu hiệu cụ thể của lòng hiếu khách mà Emirates đã và đang thể hiện với các Kitô hữu”, và minh chứng cho cam kết của họ là ủng hộ “một xã hội dựa trên sự cùng tồn tại và tôn trọng lẫn nhau”. Được biết, nơi thờ tự được xây dựng trên đất đô thị của Thủ đô Abu Dhabi, theo lệnh của chính quyền địa phương.

“Các Kitô hữu đang sống ở đất nước này có cơ hội cần thiết để tăng trưởng trong đức tin của họ và làm chứng cho niềm tin của mình. Thông điệp của tôi là cầu mong cho cộng đồng Kitô giáo ở đây có thể được hỗ trợ trong mong muốn của mình là lớn lên trong đức tin và trong lòng nhân ái với tha nhân”
 
Thượng Hội Đồng Các Giáo Hội Đông Phương tại Trung Đông
Nguyễn Việt Nam
18:16 14/06/2015
Các vị thượng phụ các Giáo Hội Đông Phương đã có cuộc họp từ ngày 6 tháng Sáu vừa qua tại tòa thượng phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Damascus, thủ đô của Syria. Tham dự cuộc họp có Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp thành Antiôkia là John Yazigi, Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite Bechara Rai và Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Syria Ignatius Antioch Aphrem II.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 8 tháng Sáu, cha Afram Sloukieh, tổng thư ký Thượng Hội Đồng cho biết:

“Chúng tôi mong anh chị em gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với anh chị em Hồi giáo của chúng ta, là các đối tác của chúng ta và là những người chia sẻ cùng một vận mệnh với chúng ta trong quốc gia. Chúng ta chia sẻ với họ cùng một mảnh đất, cùng những đau khổ vì bạo lực và khủng bố đến từ não trạng takfiri.”

Takfiri là tiếng Ả rập ám chỉ sự quá khích của những người Hồi Giáo luôn cho mình là ngoan đạo và chỉ trích những người khác là bội giáo.

Cha Afram Sloukieh cho biết tiếp:

“Chúng tôi nói lên tiếng nói của chúng tôi để thông báo rằng đã đến lúc phải đối mặt với tâm lý takfiri và chặn đứng nguồn gốc của nó thông qua giáo dục tôn giáo, truyền bá hòa bình và tự do tín ngưỡng.”
 
1.7% những người chết tại Bỉ là bị giết thông qua “trợ tử” ép buộc
Nguyễn Việt Nam
18:29 14/06/2015
Gần 2% trong số những người chết mỗi năm ở Bỉ đã bị giết thông qua chiêu bài trợ tử mà không có sự yêu cầu hay sự đồng ý của họ. Một nghiên cứu mới vừa công bố như trên tờ Journal of Medical Ethics ( Tạp chí về Y Đức)

Bỉ đã đi tiên phong trong việc cho phép bác sĩ trợ giúp tự tử, và mở rộng việc thực hành này đến mức cho phép các bác sĩ tự quyết định gây tử vong cho những bệnh nhân mà họ đánh giá là không thể đưa ra quyết định cho chính mình.

Quốc hội Bỉ hợp pháp hóa an tử ngày 28 tháng năm 2002. Đã có khoảng 1,400 trường hợp an tử mỗi năm kể từ khi luật này được đưa ra, và một kỷ lục lên tới 1,807 trường hợp được ghi nhận vào năm 2013.

Tháng 12 năm 2013, Thượng viện Bỉ bỏ phiếu ủng hộ việc mở rộng luật an tử của mình cho cả trẻ em bị bệnh nan y.

Năm 2007, một nghiên cứu cho thấy, 1.8% các ca tử vong liên quan đến an tử tại Bỉ không hề có yêu cầu hoặc sự đồng ý của bệnh nhân. Năm 2013 con số này là 1.7%.
 
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thông qua những ưu tiên trong dự thảo kế hoạch chiến lược cho 2017-20.
Đặng Tự Do
19:38 14/06/2015
Trong một diễn biến được các lãnh đạo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ mô tả như là một “cuộc thăm dò sơ khởi”, hôm 11 tháng Sáu, các Giám Mục đã phê duyệt bản dự thảo kế hoạch chiến lược cho giai đoạn từ 2017 đến 2020.

Kế hoạch này bao gồm năm ưu tiên: gia đình và hôn nhân, loan báo Tin Mừng, tự do tôn giáo, cuộc sống của người dân và phẩm giá, cuối cùng là ơn gọi và việc thường huấn. Sau khi một số Giám Mục kêu gọi sự chú ý mạnh mẽ hơn tới người nghèo trong kế hoạch chiến lược, các nhà lãnh đạo của hội nghị đã quyết định tổ chức một cuộc bỏ phiếu về kế hoạch như là một “dự thảo làm việc” chứ không phải là một tài liệu chính thức, và tài liệu đã được thông qua với một đa số áp đảo là 165 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 3 phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu ngày 11 tháng 6.

Cũng với một tỷ số áp đảo, các Giám Mục cũng đã thông qua việc tu chính một bản dịch các ca vịnh của Phụng Vụ Các Giờ Kinh và một chương trình đào tạo các linh mục kéo dài trong 5 năm. Cả hai điều này còn cần sự phê chuẩn chính thức của Tòa Thánh.

Các Giám Mục cũng đã nghe các chứng từ của ba cặp vợ chồng người về tầm quan trọng của cuộc sống gia đình Công Giáo và một chứng từ của ông Curtis Martin, là người sáng lập ra Fellowship of Catholic University Students, về cách thức tổ chức của ông giúp sinh viên gặp gỡ Chúa Kitô.
 
Tổ Chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ tài trợ hơn 100 triệu Euros cho các Kitô hữu bị bách hại trong năm 2014
Đặng Tự Do
20:02 14/06/2015
Phát ngôn viên tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, cho biết trong năm 2014, tổ chức bác ái Công Giáo này đã tài trợ hơn 100 triệu € (tức là khoảng 147 triệu Mỹ Kim) để hỗ trợ cho các Kitô hữu đang bị bách hại tại Trung Đông và trên thế giới.

ACN đã tài trợ cho hơn 5,000 dự án tại 20 quốc gia khác nhau, đạt một kỷ lục mới trong chi tiêu trong năm 2014. Phần lớn các dự án này là giúp cho các Kitô hữu tị nạn tại Trung Đông.

ACN cũng cung cấp hỗ trợ cho 9,669 chủng sinh (tức là một phần mười hai số chủng sinh trên toàn thế giới) và 9,790 nữ tu. Tổ chức này cũng cung cấp 1.4 triệu cuốn sách, trong đó có Kinh Thánh và các sách văn học cho các chương trình giáo dục Kitô giáo khác.

Khoảng một phần ba chi tiêu của ACN trong năm 2014 là dành cho châu Phi, để cung cấp hỗ trợ vật chất cho các giáo phận nghèo đang phát triển nhanh chóng.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
4.000 Thiếu Nhi Thánh Thể dự Đại Hội lần thứ XV tại Tapao
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
12:07 14/06/2015
Những cơn mưa đầu mùa tắm gội núi ngàn Tàpao. Rừng cây xanh tươi, ruộng đồng ngát xanh mùa lúa mới.

Hình ảnh

Từ chiều 12, trời mưa lớn.Mưa núi bao giờ cũng có gió lạnh và rả rích. Từng đoàn xe chở khách hành hương đã đến Tàpao. Mọi người lên linh đài, đến bên Mẹ tham dự thánh lễ, xưng tội và kinh hạt thành kính cầu nguyện.

Tối 12.6, trời quang mây tạnh, cộng đoàn với ngọn nến sáng trên tay cung nghinh thánh tượng Mẹ Tàpao lền lễ đài. Đức Cha Giuse chủ sự giờ chầu Thánh Thể. Sau phép lành, cộng đoàn tiếp tục chầu phép lành suốt đêm.

Sáng 13.6.2015, khách hành hương và khoảng 500 huynh trưởng cùng hơn 4000 Thiếu nhi trong trang phục áo trắng quần xanh, mũ TàPao, hớn hở nhộn nhịp tiến về hướng lễ đài. Xe cộ đậu kín hết mọi ngã đường. Từng đoàn Thiếu nhi các giáo xứ, Giáo hạt tưng bừng ca hát reo vui, rộn rã nhịp yêu đời quy tụ về Tàpao tham dự Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận Phan Thiết lần thứ 15.

6g00: Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đến tham dự nghi thức chào cờ khai mạc Đại Hội TNTT. Đức Cha nhắc lại 4 khẩu hiệu của TNTT là “Hy sinh-Rước lễ-Cầu nguyện và Làm việc tông đồ” là cách các con thiếu nhi sống đạo và tuyên xưng đức tin của mình giữa môi trường sống.

6g30: Nghi thức khấn Đức Mẹ. Cùng với những ý nguyện của khách hành hương, mỗi thiếu nhi cũng dâng lời tạ ơn và cầu xin theo ý riêng của mình.

7g30: Thánh lễ trọng thể kính Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ do Đức Cha Giuse chủ tế. Đức Cha chào mừng cộng đoàn hành hương và đặc biệt là các thiếu nhi và huynh trưởng hiện diện.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Giuse suy niệm Tin Mừng Lc 2, 41-52

Theo niên lịch phụng vụ hiện hành, Lễ Trái Tim Đức Mẹ được ấn định vào ngày thứ bảy tiếp theo lễ Trái Tim Chúa Giêsu. Việc sắp xếp như thế vừa mang tính tín lý là lòng sùng kính Trái Tim Mẹ phải được quy hướng về lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, vừa mang tính sư phạm là mời gọi tín hữu hãy đến với Trái Tim Chúa qua nẻo đường là Trái Tim Mẹ Maria. Ngày 13.6 hôm nay là ngày kỷ niệm 98 năm lần hiện ra thứ hai tại Fatima.Qua đó chính Mẹ cho biết ý muốn thiết lập lòng sùng kính Trái Tim Mẹ trên thế giới. Vì thế mừng lễ Trái Tim Đức Mẹ. Chia sẻ về nền tảng lòng sùng kính này để thêm tin yêu và thực hành theo như ý muốn của Hội Thánh. Nền tảng đó là Trái Tim Đức Mẹ đập chung một nhịp với Trái Tim Chúa Giêsu;Trái Tim Mẹ cũng bị đâm thâu như Trái Tim Chúa Giêsu. Từ đó Đức Cha mời gọi cộng đoàn sống sứ điệp Fatima và yêu mến Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria.

Nhắn nhủ Thiếu Nhi Thánh Thể, Đức Cha nói: Chúng con tìm đến với suối nguồn của mình là Chúa Thánh Thể. Các con thiếu nhi hãy theo gương trẻ Giêsu, cầu nguyện hy sinh rước lễ làm việc tông đồ, biết vâng lời cha mẹ người trên, đồng thời biết chăm chỉ học hành về văn hóa và giáo lý, biết thăng tiến cả về mặt nhân bản lẫn tư cách đạo đức… Chúng con hãy biết giới thiệu Chúa cho bạn bè cùng trang lứa, cụ thể là hãy gắn bó với các bạn thiếu nhi trong giáo xứ trong giáo hạt mật thiết hơn, từ đó, chúng con làm sáng lên ý nghĩa phong trào, và sống tinh thần truyền giáo: giới trẻ Việt Nam đem Chúa cho giới trẻ Việt nam.Chúa Giêsu ngày càng lớn lên trong ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. Thế nên chúng con hãy quyết tâm mỗi ngày lớn lên về mặt giáo lý, lòng đạo đức, nhân cách, tình bác ái giữa lòng xứ đạo của mình.

****

Sau giờ sinh hoạt vui nhộn, đại hội tiếp nối với giờ Chầu Thánh Thể và cung nghinh Thánh Thể chung quanh quảng trường. Đức Cha Giuse cầm hào quang Mình Thánh Chúa đi sau đoàn rước nghiêm trang trật tự của đoàn thiếu nhi. Đức Cha dâng lời tạ ơn Chúa và dâng các dự tính, các nguyện ước và những lời hứa của từng bạn TNTT trong Giáo phận lên Chúa và xin Chúa chúc lành. Với phép lành Thánh Thể, Đại hội Bế mạc với nghi thức hạ cờ và chia tay. Những đoàn thiếu nhi các giáo xứ hăng hái theo sự sắp xếp của các huynh trưởng lên viếng Đức Mẹ trên linh đài trước khi ra về.

Cha FX Nguyễn quang Minh, Tổng tuyên uý Phong trào TNTT Giáo Phận Phan Thiết cho biết, hiện nay Giáo phận có 34.000 thiếu nhi Thánh thể và hơn 1.500 huynh trưởng.

Mùa hè, các em xếp bút nghiên vui chơi tuổi thơ. Gia đình và giáo xứ là môi trường tốt nhất gieo hạt giống tốt vào mãnh đất tâm hồn thiếu nhi.

Các Nhà thờ có đông hơn Thiếu Nhi dự lễ mỗi ngày. Các em siêng năng đến Nhà thờ viếng Chúa, học giáo lý. Thiếu nhi thể hiện lòng yêu mến Chúa trong cuộc sống nơi gia đình, làng xóm, với mọi người. Sống đẹp lòng Chúa, các em xứng đáng là Thiếu Nhi Thánh Thể theo gương Mẹ Maria là Người Nữ Thánh Thể.
 
Văn Hóa
Mùa lễ...
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
18:47 14/06/2015
Ông bà thường nói: ‘Có hoa mừng hoa và có nụ mừng nụ’. Trong cuộc đời, chúng ta có biết bao nhiêu sự để vui mừng mỗi giây phút. Trước hết, khi nhận ra hồng ân của sự sống, chúng ta phải có tâm tình tri ân, biết ơn và cảm tạ. Chúng ta tạ ơn Tạo Hóa đã an bài cho mỗi người được hiện hữu ở trên thế gian này. Được sinh ra làm người là một hồng ân tuyệt vời. Mỗi người được mời gọi để lớn lên và phát triển về cả trí, đức và dục. Chúng ta không thể thành người, nếu không có sự trợ giúp của con người xã hội.

Hằng năm, khi mùa phượng nở, báo hiệu mùa hè tới, các sinh viên và học sinh tươi vui hớn hở đón mừng những thành tích đã dày công luyện tập. Ngày ra trường của các em từ lớp Khai Tâm vỡ lòng cho tới Đại học, nơi đâu cũng có những lời chúc mừng tốt đẹp, bằng khen và tiệc tùng liên hoan. Niềm vui của những bước tiến hy vọng hướng nhìn về tương lai. Mỗi một biến cố qua đi trong đời, dù to dù nhỏ, đều góp phần làm tươi vui, phấn khích và mang lại ý nghĩa cho cuộc đời.

Niềm vui lớn của các sinh viên và học sinh được ra trường là kết thúc một giai đoạn. Mỗi năm có rất nhiều các tân khoa đạt thành qủa trong việc học hành. Trong các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng, Trung học, Tiểu học… các sinh viên và học sinh ra trường với các văn bằng cấp bậc khác nhau. Trải qua mỗi bước đường, dù ngắn dù dài, mỗi người đã phải hy sinh miệt mài và vận công gắng sức. Niềm vui rạng rỡ ngày ra trường là một phần thưởng đáng khích lệ.

Trường học nào cũng có sự thi đua học tập. Một trong số các học sinh sẽ đoạt giải quán quân. Vào ngày ra trường, những em đậu thủ khoa sẽ đại diện cho các bạn cùng lớp để phát biểu trước ban giáo sư, các phụ huynh, gia đình và toàn trường. Đây là một vinh dự lớn lao cho các em sinh viên và học sinh đạt thành tích. Những bài phát biểu sẽ là điểm son, nói lên ý nghĩa đích thực của nền giáo dục. Ông cha đã nói: ‘Không thầy đố mày làm nên’ hay là ‘nhất tự vi sư, bán tự vi sư’. Tâm tình tri ân không thể thiếu trong nội dung của bài phát biểu. Tôi rút ra được bốn điểm chính quan trọng sau đây: Trước tiên, tri ân hồng ân của Thiên Chúa đã ban; tiếp đến là cám ơn các ân sư cũ mới, gia đình cha mẹ và các ân nhân; rồi trình bày giá trị về luân lý học đường về trí, đức và dục và sau cùng là ước mơ thăng tiến và đi vào đời để phục vụ tha nhân. Sự thật là tất cả những kiến thức đã trau dồi học hỏi là món quà, không nên cất giữ, nhưng là trao ban và chia sẻ cho người khác để dựng xây một xã hội tốt đẹp hơn.

Hãy vui lên! Chúng ta nên vui mừng với mọi thành quả dù lớn hay nhỏ trên đường đời. Kết nối những niềm vui nho nhỏ đó thành những chuỗi ngày hạnh phúc. Chúng ta có thể nhận ra nét tươi vui trong tất cả mọi sinh hoạt của đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Cha mẹ không quản ngại, có thể hy sinh làm lụng vất vả để lo cho con cái. Một nụ cười và một cái ôm xiết đứa con yêu, cũng đủ để xóa tan mọi muộn phiền cực nhọc cả ngày lao công. Niềm vui bắt nguồn từ tình yêu biết hy sinh và dâng hiến.

Chúng ta nhận biết cuộc sống là một qùa tặng vô giá. Sống tích cực sẽ mang lại niềm vui hạnh phúc. Niềm vui kết nối niềm vui. Nếu nhìn toàn thể bức tranh của cuộc sống, chúng ta phải công nhận là đời thật đáng sống, vì có quá nhiều niềm vui và thành đạt. Dĩ nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng xen kẽ cuộc sống còn có những khổ đau, bất hạnh, bệnh hoạn, khó nghèo, già nua, chết chóc, biệt ly... Nhưng chính những sự tiêu cực hay mặt trái trong đời sống này, sẽ giúp chúng ta trân quí những gì chúng ta đang vui hưởng về sự hiện hữu trên đời, về sức khỏe, về tài chánh, về tình yêu và liên hệ gia đình… Đôi khi sự đau khổ hay thất bại cũng cần có để thanh luyện và tự phấn đấu. ‘Thất bại là mẹ thành công’ mà. Người ta thường nói rằng ‘Sau cơn mưa trời lại sáng’ hay ‘Bĩ cực, thái lai’. Mấy ai thành công trên đường đời mà không trải qua những gian truân, thử thách và tôi luyện miệt mài. Cha ông nhắc nhở chúng ta: ‘Có công mài sắt, có ngày nên kim’.

Chúng ta chúc mừng cho tất cả các tân khoa trong tất cả mọi ngành nghề mới ra trường. Ngoài đời có các tân sĩ quan, tân bác sĩ, tân tiến sĩ, cao học, cử nhân… trong đạo có các tân khấn sinh, khấn tạm hay khấn trọn và các tân linh mục… ra trường mang theo hoài bão to lớn bước vào đời sống phục vụ. Những kiến thức chuyên môn đã được trau dồi là hành trang bước vào đời sống thực hành. Niềm vui tiếp tục tỏa sáng trong môi trường phục vụ. Tiền bạc lương bổng là phần thưởng của lao công. Vào đời là bước vào môi trường khác rộng lớn hơn, đó là trường đời. Trường đời có muôn mặt. Điều quan trọng là tư cách và nhân tâm đạo đức chính là cửa ngõ giúp thành nhân. Chúng ta cứ phải tiếp tục học hỏi và phấn đấu để tìm ra chìa khóa của cuộc sống là hạnh phúc và niềm vui an lạc.

Cuộc sống của con người xã hội cũng cần phân chia từng giai đoạn để ghi dấu kỷ niệm mừng vui. Hằng năm, xã hội kỷ niệm những ngày lễ quốc gia đặc biệt; các cộng đoàn, nhóm hội mừng ngày sáng lập, ngày khai sinh, ngày quan thầy; các cá nhân mừng ngày sinh nhật, mừng kỷ niệm hôn phối, mừng kỷ niệm thụ phong, tuyên khấn... Hầu như dân tộc nào cũng có truyền thống tốt lành ăn mừng lễ. Lễ đạo, lễ đời và lễ riêng tư hay kỷ niệm chung. Hễ có lễ là có lạc, có nghĩa là xum vầy ăn uống và vui chơi. Lễ lạc tạo niềm vui chung san sẻ tình người. Ăn uống là nhu cầu tự nhiên, tụ họp ăn uống tiệc mừng làm cho niềm vui được nhân lên. Cuộc đời là một hồng ân. Nhận lãnh và cho đi mang lại niềm vui cho cuộc sống. Đời không còn là bể khổ mà là biển khơi của tình yêu chia xẻ.

Chia sẻ cuộc sống chung sẽ mang lại niềm vui và phấn khởi cho lòng người. Sống tích cực là luôn học hỏi và khám phá không ngừng. Vũ trụ và sự sống con người là mầu nhiệm. Càng khám phá những bí nhiệm trong thiên nhiên, chúng ta càng nhận ra bàn tay quan phòng của Tạo Hóa. Mỗi khám phá và phát minh mới đều mang lại niềm vui chung cho nhân loại. Niềm vui trọn vẹn chỉ được thỏa mãn khi chúng ta ngụp lặn trong tình yêu và hạnh phúc vô biên của Chúa.

Lạy Chúa, xin cảm tạ Thiên Chúa vì muôn ân lộc Chúa đã ban cho chúng con. Tất cả hồng ân đều do Chúa ban. Chúng con chỉ là những đầy tớ vô dụng trong công trình sáng tạo. Chúng con dâng lời chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa đến muôn muôn ngàn đời.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tháp Chàm
Nguyễn Hùng
21:40 14/06/2015
THÁP CHÀM
Ảnh của Nguyễn Hùng
Chùa cổ, mộ xưa, hay tháp cũ,
Trú quán thần linh
hay khao khát nhân sinh?
(Pleiksor nth)