Ngày 18-06-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 19 Tháng Sáu: Ăn chay hãm mình, làm phúc bố thí và cầu nguyện, Lm. Giuse Vũ Ngọc Tuyển, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
00:25 18/06/2024


“Cha ngươi Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 6, 1-6. 16-18)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con. “Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con. “Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.

Đó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:30 18/06/2024

38. Trong suy niệm dấy lên tạp niệm, nhược bằng linh hồn chuyên tâm khắc phục nó thì công lao rất lớn. Nhưng loại ích lợi thần thiêng này so với khi suy niệm mà không có tạp niệm, thì ích lợi rất là lớn.

(Thánh Franics de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:41 18/06/2024
85. NHÀ VỆ SINH CÔNG CỘNG

Ngô Khôn Trai ở Tứ Xuyên thích nói đùa.

Một hôm, người hàng xóm làm nhà mới, ông ta chúc mừng và nói:

- “Cái nhà này làm rất kỳ diệu ﹝妙﹞. (1)

Chủ nhân nói:

- “Đây là cái miếu﹝廟 ﹞ (2) , à không phải, chỉ có thể là làm nhà vệ sinh công cộng.”

Ngô Khôn Trai hỏi:

- “Sao lại như thế?”

Chủ nhân cười nói:

- “Không phải nhà vệ sinh, vậy thì tại sao khi ông mới vào nhà lại “đánh rắm?” (3)

(Nhã Ngược)

Suy tư 85:

Nói đùa khi người ta đang mừng tân gia thì không nên, bởi vì khi người ta mừng nhà mới thì người ta cũng muốn mình nói những lời hay tốt đẹp cho người ta, chứ không ai muốn mình nói lời đùa giỡn, dù lời nói đùa ấy là lời nói vui, bởi vì đó là đùa không đúng chỗ, nhất là lời nói đùa ấy bao hàm nhiều ý không tốt.

Chỉ một câu nói đùa không đúng chỗ mà lời nói của Ngô Khôn Trai bị coi là “đánh rắm”, mắc cở và mất mặt lắm chứ không phải chuyện đùa.

Càng có chức tước, thân phận càng cao thì không nên bạ đâu cũng nói đùa, nhưng phải luôn nói lời chừng mực với khuôn mặt vui vẻ, nói lời đứng đắn mà phảng phất nét duyên dáng, nói chuyện tiếu lâm nhưng không hàm tục... đó chính là người biết xử thế vậy.

“Đánh rắm” thì hôi thúi làm cho người chung quanh khó chịu, nhưng lời nói giống như “đánh rắm” thì người chung quanh muốn thà độn thổ chết mất tiêu hơn là phải nghe những lời ấy.

Khiếp thật chứ không phải chuyện đùa.

(1) 妙phát âm là “meo” nghĩa là kỳ diệu.

(2) 廟 cũng phát âm là “meo” nghĩa là cái miếu. Đồng âm khác nghĩa.

(3) Ý chủ nhân nói là Ngô Khôn phê bình không đúng chỗ, lời phê bình hôi thối giống như nhà vệ sinh.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Cặp mắt đức tin
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
14:32 18/06/2024
CHÚA NHẬT XII MÙA THƯỜNG NIÊN
G 38,1.8-11; 2 Cr 5,14-17; Mc 4,35-40

CẶP MẮT ĐỨC TIN

Với Chúa Nhật này, phụng vụ Lời Chúa giới thiệu với chúng ta chủ đề: “Đức tin cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khác về thế giới và đời sống con người.” Thật vậy, chúng ta có thể nhìn thế giới và con người theo cái nhìn của khoa học, xã hội, văn hóa, chính trị hay kinh tế v.v… nghĩa là nhìn từ viễn tượng tự nhiên của con người, đó là những góc nhìn rất tốt giúp hiểu biết ý nghĩa cuộc sống, nhưng chưa đủ, cần phải được bổ túc bằng cái nhìn đức tin, vì nó mở ra cho chúng ta những chân trời cao hơn, mới mẻ hơn và sâu sắc hơn.

Trong bài đọc I, Gióp là người phải chịu đựng những đau khổ và sóng gió trong cuộc đời ông. Khi đối diện với một hoàn cảnh cơ cực như thế, Thiên Chúa mở mắt cho ông thấy rằng: ông không thể hiểu hết mọi sự, không thể điều khiển mọi sự. Nhưng Chúa ở với ông và thế giới này là ở trong tay Chúa. Cũng như Gióp, nhiều lúc chúng ta không hiểu hết mọi sự trong cuộc sống, nhất là những lúc phải chịu những đau khổ, nhưng Thiên Chúa tuyên bố rằng: Ta ở đây với con. Ta là sức mạnh đằng sau những bí nhiệm tự nhiên và sáng tạo. Những lúc đó, đức tin giúp chúng ta nhận ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa ở bên trong, đằng sau những biến cố, những hoàn cảnh của vũ trụ này.

Trong bài đọc II, thánh Phaolô nói với các tín hữu ở Côrintô rằng: cuộc sáng tạo mới không phải là sản phẩm của một quá trình biến đổi tự nhiên nơi chúng ta, nhưng chính là nhờ đức tin vào Đức Giêsu Kitô. Bởi vì, nhờ sự chết và sự sống lại của Người, chúng ta được biến đổi thành một thụ tạo mới. Nhờ đức tin vào Chúa Kitô, chúng ta không còn nhìn thế giới này, những biến cố trong đời sống và con người theo cách thức tự nhiên mà chúng ta quen nhìn, nhưng chúng ta nhìn mọi sự với cặp mắt đức tin, đó là một viễn tượng mới mẻ và khác biệt.

Vậy đâu là cái viễn tượng mới mà chúng ta nhìn thế giới và đời sống? Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô trình thuật cho chúng ta về một câu chuyện của các Tông Đồ và Chúa Giêsu gặp cảnh bão tố trên biển. Tổng số người ở trên thuyền có lẽ là mười ba người. Họ lên thuyền để sang bên kia bờ. Trong khi vượt biển, một cơn gió lớn ập tới làm cho thuyền sắp chìm. Trước hoàn cảnh như thế, ai có thể giữ bình tĩnh được? Ai có thể giữ thinh lặng được? Ai cũng muốn tự cứu mình. Đó là bản năng tự nhiên. Nên họ chạy đến kêu cứu Chúa Giêsu, nhưng lúc đó Chúa Giêsu đang ngủ!

Chúng ta cũng nên nhớ rằng vào thời điểm đó các Tông Đồ chưa hiểu biết một cách đầy đủ Chúa Giêsu là ai. Căn tính đích thực của Chúa Giêsu được mạc khải cách tiệm tiến cho họ. Và chỉ sau khi Chúa phục sinh, các ông được đầy ơn Chúa Thánh Thần, họ mới nhận ra Người là Thiên Chúa. Còn lúc này, họ chỉ biết Người là một vị thầy, một ngôn sứ, hay một người đặc biệt. Dầu rất ngưỡng mộ Chúa Giêsu, nhưng họ không thể hiểu tại sao xem ra Chúa cứ “an nhiên tự tại” trước nguy hiểm như thế, trong khi tất cả các ông thì kinh hồn bạt vía. Nên họ đánh thức Chúa dậy: Tại sao Chúa cứ ngủ mãi vậy? Tại sao Chúa không lo lắng gì cả trong khi chúng con sắp chìm cả rồi? Tại sao Chúa không ra tay làm gì để cứu chúng con? Chúa hãy làm gì đó mau đi!

Lúc đó, Chúa Giêsu thức dậy và hỏi họ: “Tại sao các con sợ hãi?” Sao đức tin của các con yếu thế? Rồi Người truyền cho sóng biển phải yên lặng và gió phải biến đi. Từ đó, các Tông Đồ hết sức ngạc nghiên và tự hỏi mình rằng: “Người này là ai mà cả gió biển cũng phải vâng lệnh Người?”

Chúa Giêsu thách thức họ về niềm tin. Theo Người phải có một đức tin mãnh liệt. Trước hết, đức tin nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta. Cả khi bạn ở giữa sóng gió cuộc đời, đức tin đó sẽ ban cho bạn sự an ủi, nâng đỡ và sức mạnh để bạn vượt qua những khó khăn thử thách. Bạn không cảm thấy cô đơn. Bởi Chúa Giêsu ở với bạn.

Ở mức độ khác, đức tin là sự bảo đảm giúp chúng ta nhận biết rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, Người là Thiên Chúa, nên Người nắm giữ quyền năng Thiên Chúa trên sức mạnh thiên nhiên và cả vận mệnh con người. Quả thế, quyền năng của Chúa Giêsu trên sóng biển mạc khải Người là Chúa của vũ trụ. Điều này làm chúng ta nhớ lại quyền năng Thiên Chúa trên sự hỗn mang của nước khi “khởi đầu sáng tạo” (x. St 1,2), khi Thiên Chúa phân chia nước biển cho dân Người vượt qua cảnh nô lệ tới sự tự do (x. Xh 14-15). Hình ảnh Chúa Giêsu ngủ và trỗi dậy báo trước hình ảnh Chúa Giêsu trỗi dậy từ giấc ngủ của cái chết, là biến cố minh chứng quyền năng chiến thắng của Người trên sự dữ, đó là niềm hy vọng cho các môn đệ mọi thời.

Như thế, tin vào Chúa Giêsu không miễn trừ cho chúng ta khỏi những khó khăn và thử thách của cuộc đời, cũng không dẫn chúng ta đi vào một hành trình cuộc sống bình yên phẳng lặng không hề gặp sóng gió. Nhưng đức tin mang lại cho chúng ta sức mạnh để vượt qua những sóng gió, thử thách của cuộc đời và dù phải gặp thử thách, tôi vẫn nhìn thấy Chúa Giêsu cùng đồng hành với tôi trên hành trình đó. Đây là điều làm nên sự khác biệt của đời sống. Đức tin đó cho bạn một cái nhìn mới, giúp bạn tiếp tục thực hiện hành trình của mình mà không sợ hãi trước sóng gió cuộc đời, bởi vì chính Chúa là chốn nương thân. Chính Chúa là nơi ẩn náu an toàn. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Với Chúa giữa cơn bão trần đời
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
03:10 18/06/2024
CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN NĂM B : MC 4,35-41

35Khi ấy, lúc chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Chúng ta sang bên bờ bên kia đi !” 36Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.

37Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đằng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói : “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” 39Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển : “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40Rồi Người bảo các ông : “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” 41Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau : “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”



VỚI CHÚA GIỮA CƠN BÃO TRẦN ĐỜI

Câu chuyện hôm nay nằm ở phần đầu Tin Mừng Mác-cô (1,14-8,30). Phần này nhắm mạc khải cho biết Đức Giê-su là ai và sứ mệnh của Người là gì. Nó đạt đến cao điểm trong việc Phê-rô tuyên xưng Đấng Ki-tô (x. 8,27-30), nhưng lời tuyên xưng này đã được bản văn chúng ta chuẩn bị. Quả thế, lời cảm thán của các môn đệ : “Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” phải được giải thích không như một câu hỏi đơn giản, nhưng như một ngạc nhiên đầy thán phục trước mầu nhiệm của Đấng hành động với quyền lực trời cao. Ngoài ra, đoản văn lại được đặt ngay sau giáo huấn bằng dụ ngôn (x. 4,1-34) vốn đã thiết lập một ranh giới rõ rệt giữa những kẻ ở ngoài chẳng hiểu gì với các Tông đồ được nghe giải thích mầu nhiệm. Trình thuật hôm nay, một dụ ngôn bằng hành động (xin lưu ý tước hiệu “Thầy” gán cho Đức Giê-su ở 4,38), cho thấy ngoài việc giống như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống, môn đệ phải tin tưởng theo Thầy qua mọi hiểm nguy.

1- Cơn cuồng nộ của biển cả

Đang lúc cảnh này thực sự xảy ra trên một cái hồ đơn sơ, tương đối nhỏ và hẹp, thì chi tiết “biển” xuất hiện nơi đoản văn có ý nghĩa gì? Trong ngôn ngữ Hip-ri, mọi diện tích nước, dù là ao hồ hay đại dương, đều có chung một tên gọi : biển. Ngoài ra, theo tâm thức của người Xê-mít (Ít-ra-en và các dân lân cận), biển được quan niệm như một vực thẳm trong đó tung hoành những thủy quái, mang tên giao long, thuồng luồng (x. Is 27,1; Tv 74,13-14; Đn 7,22-3; Kh 12,13), Ra-háp (x. Is 30,7; 51,9-10; Tv 87,4; 89,10-11; G 9,13; 26,12-13) chuyên đe dọa con người và chống lại Thiên Chúa bằng những cơn cuồng phong hung hãn. Như thế, từ đầu đến cuối Thánh Kinh, biển cả được trình bày như một thực thể từ đó phát sinh nhiều quyền lực tác hại. Nên trước tiên cần chế ngự yếu tố ấy đã. Thế mà chiến thắng này vượt quá tất cả sức mạnh nhân loại; duy quyền năng Thiên Chúa mới có thể bắt ba đào hung hãn phải tuân nghe và cứu con người khỏi cơn bão tố (x. Tv 107,26-30).

Như thế, trình thuật dẹp yên bão tố, thay vì xuất hiện như một câu chuyện giữa bao câu chuyện tường thuật một trong nhiều phép lạ của Đức Giê-su, lại mặc một ý nghĩa hết sức đặc biệt. “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”, bấy nhiêu chi tiết thị giác ấy góp phần tạo nên một bầu khí thử thách và hiểm nguy. Nhưng đó chẳng phải một tai nạn tầm thường : toàn thể quang cảnh đều xảy ra trên biển, trên vực thẳm nguyên sơ vốn là nơi ẩn núp của các tà lực. Chúng lay động hầu chôn vùi mọi người, và cùng với họ chôn vùi luôn Con Thiên Chúa đang đến cứu thế gian ! Nên ta hiểu được tại sao vào đoạn cuối, Đức Giê-su nói với biển bằng chính những lời mà Người thường dùng để chống lại quỷ dữ (x. Mc 1,25) và ta cũng hiểu được sự ngạc nhiên của các môn đệ trước cử chỉ có vẻ như một cuộc thần hiển thực sự này.

Nếu lưu ý rằng mỗi một đoản văn Tin Mừng, trong giáo lý của Giáo hội sơ khai, đã được nuôi dưỡng và chịu ảnh hưởng bởi những trình thuật Khổ nạn-Phục sinh đến độ nào, thì khó mà không thấy in chìm nơi đây cơn bão tố thật của ngày thứ Sáu thánh vốn đã ụp xuống trên Đức Giê-su lẫn môn đệ mình.

2- Giấc ngủ của Đức Giê-su

Thế nhưng đang khi chiếc thuyền và những kẻ trên thuyền bị nguy ngập, Đức Giê-su vẫn nằm ngủ. Tuy Mác-cô không bao giờ muốn tách ra khỏi lời rao giảng mang tính thần học của ông những kỷ niệm về cuộc đời Đức Giê-su, vẫn không chắc chắn nếu kết luận rằng nhờ bình tâm hoặc nhờ có sức khỏe mà Người ngủ yên được trong cơn bão lớn như vậy ! Đúng hơn phải xem giấc ngủ ấy là một hình ảnh về cái chết của Người hay một biểu tượng về sự vắng mặt thể lý của Người. Thật vậy, khi bàn về sự chết, Thánh Kinh thường dùng hạn từ “giấc ngủ”. Tv 13,4 đã nài van Thiên Chúa : “Xin tỏa ánh sáng cho đôi mắt rạng ngời, để con khỏi ngủ giấc ngàn thu”. Đa-ni-en thì có lời tiên báo : “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy…” (Đn 12,2). Tân Ước cũng năng lấy lại hình ảnh bóng bảy ấy (x. 1Tx 4,14-15; 5,10; Ep 5,14; Ga 11,11-14; Mc 5,39-41).

Tuy nhiên, chủ đề “giấc ngủ” nói đây cũng được dùng trong Thánh Kinh để diễn tả sự dửng dưng của Thiên Chúa và sự vắng mặt bên ngoài của Người. Thánh vịnh gia bị bỏ rơi đã thử đánh thức Thiên Chúa như sau : “Lạy Chúa, xin tỉnh giấc ! Ngài cứ ngủ được sao? Xin trỗi dậy đi nào” (Tv 44,24; x. Tv 35,23; 59,6; 78,65). Ngôn sứ I-sai-a từng liên kết cách chí lý quyền năng sáng tạo của TC (chiến thắng của Người trên đại dương, hỗn mang nguyên thủy và trên những thủy quái của nó), hành động cứu chuộc của Người trong cuộc Xuất hành, với việc Người “thức dậy” (Is 51,9-10).

Thành thử ta thấy được rằng quan niệm thần học “giấc ngủ của Thiên Chúa” đã có từ thời Cựu Ước ! Kể ra, đó là một tâm tình và một thái độ hoàn toàn phù hợp với thân phận chung của con người : vì bất lực, ngu dốt, bị tứ bề đe dọa, con người tôn giáo tự nhiên kêu cầu ngay TC; thất vọng vì thấy TC không tỏ mình ra trong các nguyên nhân tự nhiên, họ bèn nghĩ rằng Người đã ngủ ! Nhiều người do đó dồn nén những cảm tình tôn giáo để giới hạn hành động của mình vào việc xây dựng một đô thành trần gian. Nhưng thay vì những ảo tưởng, những mối hy vọng hão huyền và những lối giải quyết hạn hẹp như vừa thấy, Kinh Thánh nói chung và đặc biệt bản văn hôm nay dạy rằng cần phải thanh luyện không ngừng thái độ tôn giáo của ta để đưa nó đến đức tin chân thực. Chớ nên nghĩ Thiên Chúa vắng mặt, thiếp ngủ hay đã chết, như triết gia vô thần Friedrich Nietzsche từng phát biểu ! Dù hiện diện và hành động hiệu nghiệm hơn mọi thực tại của thế giới chúng ta, Người vẫn ở một mức độ thâm sâu, đến nỗi đà hướng của chúng ta về Người phải biến thành niềm tin bằng cách tự thanh tẩy trong mỗi giây phút, thì mới đạt tới Người được. Nhưng không phải bất cứ niềm tin nào, mà là niềm tin bám rễ sâu vào Đức Ki-tô, nghĩa là niềm tin biết chấp nhận cái chết như Người trước khi đạt đến sự Phục sinh. Ngôi Lời Nhập thể đã chết, nhưng đã sống lại; Người đã biến mất khỏi thế gian hữu hình của chúng ta, nhưng giờ đây càng hoạt động cách hiệu nghiệm hơn với tất cả quyền lực của Thánh Thần.

3- Đức tin của các Tông đồ.

Tiếng kêu đánh thức Đức Giê-su của các môn đệ : “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” (c.38) có thể hiểu như một lời trách móc táo bạo và âu yếm, nhưng phải giải thích nó như một sự thiếu đức tin : không những các môn đệ sợ Đức Giê-su ngủ say chẳng cứu được họ, mà còn chưa hiểu rằng ơn cứu độ do Đức Ki-tô mang đến, thay vì loại bỏ những hiểm nguy và những trận bão, thì lại phải trải qua khổ nạn và cái chết.

“Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Lời quở trách này đặc biệt nặng nề nơi Mác-cô nếu đem so với 2 Tin Mừng Nhất lãm còn lại (x Mt 8,26; Lc 8,25). Trong cuộc sống của các Tông đồ, có một thời điểm họ đã đáng bị quở trách như thế : đó là lúc họ thất vọng bỏ đi, chạy trốn khi Đức Ki-tô bị bắt, bị kết án và bị xử tử. Và mối hoài nghi của họ sâu xa đến nỗi họ đã từ chối tin những kẻ đầu tiên chứng kiến Đức Ki-tô phục sinh hiện ra. Nơi đoạn cuối của Mác-cô (16,9-20), mối nghi ngờ và nỗi xao xuyến của các Tông đồ đã được đặc biệt nhấn mạnh : hai lần, và việc lặp lại này rất có ý nghĩa, các chứng nhân đầu tiên về Đấng sống lại đến báo tin vui cho họ, nhưng họ chẳng muốn tin một ai. Lúc đó, Đức Ki-tô đích thân hiện ra và Người “khiển trách các ông không tin và cứng lòng” (Mc 16,14). Có lẽ vì đã nghĩ đến sự thiếu lòng tin này của các Tông đồ khi thuật lại câu chuyện dẹp yên bão tố, Mc đã đặt trên miệng Đức Giê-su một lời quở trách nặng nề sự thiếu đức tin của họ như vậy.

Ở đây đã tự mạc khải Con TC, Chủ tể muôn loài (x. Mc 16,15) khi Đức Giê-su, trong một cử chỉ chắc hẳn giới hạn, nhưng hữu hiệu và mang tính tiên tri, uy nghi ra lệnh cho gió và biển. Qua hành vi cứu độ này, Người loan báo, sửa soạn, khai mạc cuộc chiến quyết liệt Người sắp tung ra để đương đầu với Quyền lực của Sự Ác cùng Tử Thần. Trong viễn tượng đó, ta thấy được vì sao Đức Giê-su nói với biển bằng chính những lời Người thường dùng để ra lệnh cho quỷ dữ tà thần (x.1,25), khiến các Tông đồ ngạc nhiên nhận ra đó thực là một cuộc thần hiển.

Kết luận

Đức Giê-su không hứa với Giáo Hội là sẽ che chở cho khỏi cơn bão tố, trái lại Người hứa Giáo Hội sẽ thắng bão tố, sẽ không bị chìm ngập và con thuyền Giáo Hội, cho dầu xảy ra gì chăng nữa, sẽ đến bờ như đã hứa. Chúa Ki-tô đã chẳng trải qua cơn bão tố Khổ nạn để rồi đạt đến bờ Phục sinh ư? Cuộc sống Giáo Hội và cuộc sống mỗi Ki-tô hữu chúng ta không thoát khỏi định luật này, là định luật của tất cả những ai, những gì muốn về với Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đây chẳng phải là định luật Thiên Chúa ra một cách độc đoán, như thể Người muốn ta phải trả giá Nước Trời, hành hạ đã rồi mới cho được nghỉ ngơi an hưởng thiên đàng. Bão tố, gian nan, thử thách chính là những gì xảy ra khi ta quyết tâm trung thành với Thiên Chúa, khi ta từ bỏ chính mình, từ bỏ mọi sự để chiếm đoạt cho được Thiên Chúa là hạnh phúc đích thực của ta.

Vào khoảng 2g20 sáng ngày 15-04-1912, Titanic -con tàu sang trọng hàng đầu thế giới thời điểm đó- đã va phải một tảng băng trôi; tai nạn bất ngờ khiến nó bị thủng lớn, chìm dần với khoảng 1.500 hành khách thiệt mạng vì thiếu thuyền cứu hộ. Con tàu đang trong chuyến hải trình đầu tiên từ Southampton (Anh) tới New York (Mỹ) thì gặp nạn gần đảo Newfoundland (Canada). Chuyện lạ lùng là lúc ấy, muốn giúp hành khách bình tĩnh hơn giữa cảnh hỗn loạn, dàn nhạc con tàu đã chơi đàn suốt hơn hai tiếng, cho tới tận khi tàu chìm và họ chìm theo. Không tìm một chỗ trên xuồng cứu hộ cho bằng được, trái lại vẫn đồng lòng như một, bình tĩnh biểu diễn, chẳng ai rời bỏ vị trí, hẳn họ đã hình dung ra kết cục của mình. Bản nhạc cuối cùng được chơi là giai điệu bài thánh ca “Nearer My God To Thee” (Chúa ơi, cho con gần Ngài hơn nữa”). Chỉ huy ban nhạc lúc ấy là nghệ sĩ vĩ cầm người Anh Wallace Hartley, một tín hữu sùng đạo. Anh ra đi năm 34 tuổi. Về sau, gia đình của anh đã cho khắc trên bia kỷ niệm những câu đầu trong bài thánh ca này. Ngoải ra còn phải nhắc tới cha Thomas Byles, cũng người Anh, 42 tuổi, định sang New York để làm lễ cưới cho em trai mình. Tuy có hai cơ hội để lên thuyền cứu sinh, cha đã quyết định từ chối đặc ân đó, để ở lại với những hành khách kém may mắn, giải tội cho họ cũng như an ủi và cầu nguyện với họ trước khi con tàu chìm xuống đáy đại dương. Vì sự hy sinh cao cả ấy nên cha Byles đang được điều tra để tiến hành phong Chân phúc. Tất cả những Kitô hữu ấy đã chẳng sống niềm tin của mình trong cảnh chìm tàu và dìm mạng thực sự của họ sao?
 
Những gì còn lại
Lm. Minh Anh
14:28 18/06/2024
NHỮNG GÌ CÒN LẠI
“Và Cha của con, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho con!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiết lộ cho chúng ta một sự thật khá an ủi! Rằng, Thiên Chúa thấu suốt hết mọi việc chúng ta làm; và mọi sự sẽ đi vào quên lãng ngoài ‘những gì còn lại’, những gì bạn và tôi đã làm cho Chúa và cho tha nhân!

Đó là những gì sẽ được ‘tính sổ!’. Mọi thứ khác, những gì phù phiếm, huyễn danh, những mong muốn được quý trọng, được yêu thương của chúng ta - ngày cuối cùng - sẽ biến tan như sương sớm dưới ánh mặt trời. Thử thách dành cho chúng ta thật rõ, bạn và tôi phải làm mọi việc trước mặt Chúa với ý ngay lành trong sạch tuyệt đối! Và Cha Trên Trời, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” - có thể không bao giờ được thế giới biết đến hoặc đánh giá cao - sẽ “trả lại” cho chúng ta tất cả trên thiên đàng!

Bài đọc Các Vua hôm nay nói đến ‘những gì còn lại’ của ngôn sứ Êlia. Thiên Chúa thấu suốt công nghiệp của ông. ‘Những gì còn lại’ Chúa cho Êlia thấy tận mắt là ‘sự kế thừa’ nơi người môn đệ trung thành Êlisa - một người trẻ có thần khí ‘gấp hai lần thầy’ - sẽ chứng tỏ ‘sự liên tục’ sứ mạng của thầy. Thánh Vịnh đáp ca là một lời khích lệ thật ý nghĩa không chỉ dành cho Êlisa nhưng cho cả bạn và tôi, “Hỡi mọi người cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!”.

Trong bài thơ “Điều Đó Ở Giữa Chúa và Con!”, Mẹ Têrêxa viết: “Con người thường vô lý, phi logic; dù sao, con cứ tha thứ! Nếu con tử tế, mọi người có thể buộc tội con; dù sao, con cứ tử tế! Nếu con trung thực, mọi người có thể lừa dối con; dù sao, con cứ trung thực! Những gì con dành nhiều năm để xây dựng, ai đó có thể phá huỷ một sớm một chiều; dù sao, con cứ xây dựng! Nếu con thanh thản và hạnh phúc, người khác có thể ghen tị; dù sao, con cứ hạnh phúc! Điều tốt con làm hôm nay, ngày mai người ta sẽ quên; dù sao, con cứ làm! Hãy cho thế giới những gì tốt nhất con có, và điều đó có thể không bao giờ là đủ! Có rất nhiều cách để con cho thế giới điều tốt nhất. Tại sao? Bởi vì phân tích rốt ráo, cuối cùng, tất cả những điều này là ‘những gì còn lại’ giữa con và Chúa. Và dù sao, không bao giờ là giữa con và thế gian!”.

Anh Chị em,

“Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho con!”. Đến ba lần, Chúa Giêsu tuyên bố, những kẻ giả hình ‘biểu diễn’ trước người khác đã nhận được phần thưởng của họ! Ngày kia, mỗi người chúng ta sẽ trơ trọi một mình trước Chúa; số phận vĩnh viễn của chúng ta sẽ phụ thuộc vào kết quả của thời điểm đó. Chớ gì bạn và tôi không bẽ bàng cảm nhận sự ê chề của mình là tay trắng vì đã ngấm ngầm hành động để dành sự tán thưởng và vui lòng của người đời; thay vào đó, chúng ta đã thực hiện những việc tốt lành của mình để làm vui lòng Chúa, phục vụ tha nhân, khi tay trái không biết việc tay phải đang làm. Và kìa, Cha trên trời, sẽ trả lại cho bạn và tôi phần thưởng phúc kiến lớn lao sau khi Ngài đã kỹ càng tính sổ ‘những gì còn lại’ của mỗi người!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con lo lắng về những gì thế gian nghĩ về con. Dạy con biết cho thế giới điều tốt nhất và con không trắng tay, vì đó là ‘những gì còn lại’ giữa Chúa và con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Suy tư của ba người nữ đóng góp rất tích cực cho các cuộc họp của Hội đồng Hồng Y
Thanh Quảng sdb
18:42 18/06/2024
Suy tư của ba người nữ đóng góp rất tích cực cho các cuộc họp của Hội đồng Hồng Y (C9)

Phiên họp làm việc kéo dài hai ngày của Hội đồng Hồng Y kết thúc vào thứ Ba (18/6/2024) tập trung vào vai trò phụ nữ trong Giáo hội và vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên. Đức Hồng Y Ambongo và Gracias dành ưu tư nhiều cơ hội để phát triển vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong Giáo hội.

(Tin Vatican - Alessandro De Carolis)

Một suy tư không phải 'về phụ nữ' mà 'với' phụ nữ trong vai trò trong Giáo hội đã đánh dấu chủ đề suy tư và thảo luận của Hội đồng Hồng Y, đặc biệt là vào thứ Hai trong phiên họp làm việc đầu tiên kéo dài hai ngày và kết thúc vào thứ Ba, trong đó một nữ tu và hai nữ giáo sư đại học đã trình bày một loạt bài thuyết trình trước Đức Thánh Cha và các Hồng Y C9.

Một nữ tu và hai nữ giáo sư

Văn phòng Báo chí Tòa thánh đã thông cáo vào cuối ngày thứ Ba, ngày 18 tháng 6, rằng những người phát biểu là: Sơ Linda Pocher giới thiệu các bài phát biểu; Valentina Rotondi, giáo sư tại Đại học Khoa học Ứng dụng và Nghệ thuật Lugano phía Nam Thụy Sĩ (SUPSI) và là nhà nghiên cứu tại Viện Cao đẳng Nuffield chuyên về khoa học xã hội tại Đại học Oxford và Trung tâm Khoa học Thần kinh NeuroMI Milan; và Donata Horak, giáo sư Giáo Luật tại Viện Nghiên cứu Thần học Alberoni ở Piacenza, Ý, trực thuộc Đại học Giáo hoàng Angelicum.

Diễn giả khách mời

Trong bài phát biểu của mình, ghi chú của Vatican viết, Giáo sư Rotondi "đã nêu bật tầm nhìn về nền kinh tế như sự chăm sóc và quản lý tốt trong bối cảnh mối quan hệ liên thế hệ sâu sắc", trong khi về phần mình, Donata Horak chỉ ra "nhiều mâu thuẫn khác nhau, chẳng hạn như công lý và lòng thương xót, quyền tham vấn và quyền thảo luận, nguyên tắc phân cấp và giáo hội học về sự hiệp thông, dân chủ hóa và mô hình quân chủ, trong bối cảnh phản ánh rộng rãi hơn về Luật Giáo hội".

Đức Hồng Y Ambongo: coi trọng vai trò làm mẹ trong Giáo hội

Các bài phát biểu cũng nêu cao ý kiến đóng góp từ các Hồng Y hiện diện và hai trong số họ, khi kết thúc cuộc họp C9, đã chia sẻ với đài Vatican những ý tưởng nảy sinh về chủ đề này trong cuộc họp.

Đức Hồng Y Tổng giám mục Kinshasa, Fridolin Ambongo Besungu, đã kể lại ngày hôm qua đánh dấu lần thứ tư diễn ra cuộc thảo luận về vai trò phụ nữ trong Giáo hội. ĐHY lưu ý: "Tại các giáo phận, hơn một nửa số người tham dự thánh lễ là phụ nữ", nhưng khi xem xét các trách nhiệm, thì họ nắm giữ "rất là ít".

Sau các cuộc họp này, ngài cho biết chúng ta nhìn thấy rõ việc cần được chia sẻ những trách nhiệm này, nhưng ngài cho hay không phải theo nghĩa "giành giật" mà chỉ đơn giản như Đức Thánh Cha đã nói, "Giáo hội là một người nữ" và có một "vai trò làm mẹ" phải được coi trọng trong cộng đồng Giáo hội.

Đức Hồng Y Gracias nói về: vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong Giáo hội

Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng giám mục Bombay, đồng ý về tầm quan trọng của phụ nữ được tăng cường. "Tôi sinh sống ở Ấn Độ, nơi mà phụ nữ không được coi trọng, họ là 'công dân hạng hai', và vì lý do này, Giáo hội đang nỗ lực" để trao cho họ "vị trí phù hợp trong gia đình, trong xã hội, trong chính trị". Trong Giáo hội, trong Luật Giáo hội, "có nhiều địa vị" cho phụ nữ làm việc trong Giáo hội, và kinh nghiệm của tôi đã cho tôi thấy "nhiều lần" phụ nữ có thể giải quyết các vấn đề với "một quan điểm mà nam giới chưa từng đắn đo cân nhắc. Và tôi hy vọng rằng điều này sẽ được phát triển".

Bảo vệ trẻ em và các cuộc khủng hoảng thế giới

Ngày làm việc thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của C9 vào thứ Ba tiếp tục với các báo cáo của Hồng Y O'Malley dành riêng "cho các triển vọng mà công việc của Ủy ban Bảo vệ Trẻ vị thành niên nêu lên trong lĩnh vực bảo vệ", tuyên bố của Văn phòng Báo chí Tòa thánh đã lưu ý. Hồng Y Gracias tập trung vào "hoạt động và cách thức các hội đồng giám mục hoạt động" trong lĩnh vực này. Cuối cùng, các cuộc thảo luận tập trung vào "các tình huống ở nhiều nơi trên thế giới mà các Hồng Y của Hội đồng đặc biệt nêu ra các cuộc xung đột đang diễn ra hiện nay". Cuộc họp C9 tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 năm 2024.
 
Các nữ tu Tây Ban Nha ly giáo có cơ hội cuối cùng để tránh bị vạ tuyệt thông chính thức
Đặng Tự Do
20:45 18/06/2024
Tổng Giáo phận Burgos ở Tây Ban Nha đã gia hạn cho các Dòng Thánh Clara Khó Nghèo ở Belorado, cho họ thời hạn mới là Thứ Sáu, ngày 21 tháng 6, để trình diện trước tòa án giáo hội và rút lại tuyên bố chính thức rằng họ sẽ rời bỏ Giáo Hội Công Giáo, là một tội theo giáo luật liên quan đến sự ly giáo, đòi hỏi phải bị vạ tuyệt thông.

Theo tờ báo ABC của Tây Ban Nha, ba trong số các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo, bao gồm nữ tu Isabel de la Trinidad, bề trên của tu viện, cũng như Nữ tu Sión và Nữ tu Paz – đã phải ra hầu tòa án giáo hội của Tổng giáo phận Burgos muộn nhất là vào ngày Chúa Nhật, 16 tháng 6. Tuy nhiên, qua email, các vị đã yêu cầu gia hạn.

Bảy vị Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo khác không còn công nhận thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo và coi “Đức Giáo Hoàng Piô XII là Giáo hoàng tối cao hợp lệ cuối cùng”, cũng phải đối mặt với một thủ tục giáo luật với thời hạn ban đầu khác nhau nhưng bây giờ là cùng ngày 21 tháng Sáu.

Theo nguồn tin của ABC, tổng giáo phận Tây Ban Nha cho biết “tùy thuộc vào những gì mỗi người nói riêng và khi thời hạn trôi qua, việc đánh giá sẽ được thực hiện và chúng tôi sẽ tiến hành theo đó”.

Các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo của các tu viện ở Belorado và Orduña – dưới quyền của các tổng giáo phận Burgos và Vitoria của Tây Ban Nha – đã tuyên bố vào ngày 13 tháng 5 rằng họ không còn công nhận thẩm quyền của các giám mục Công Giáo và của Đức Thánh Cha Phanxicô nữa và rằng họ đang tự đặt mình vào dưới quyền của một giám mục bị vạ tuyệt thông giả tên là Pablo de Rojas.

Tòa án giáo hội của Tổng Giáo phận Burgos gần đây đã tuyên bố rằng các hành động của các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo Tây Ban Nha cấu thành “tội ly giáo, được định nghĩa trong Bộ Giáo luật phù hợp với Điều 751, hình phạt cho tội này được quy định trong Điều 1364 triệt 1, và nó kèm theo việc trục xuất khỏi đời sống thánh hiến.”

Điều 751 của Bộ Giáo luật của Giáo Hội Công Giáo định nghĩa tội ly giáo là “việc từ chối phục tùng Đức Giáo Hoàng hoặc không chịu hiệp thông với các thành viên của Giáo hội”.

Điều 1364 triệt 1 cảnh báo rằng những người ly giáo - cũng như những kẻ bội giáo hoặc lạc giáo - phải chịu vạ tuyệt thông “latae senentiae” nghĩa là tiền kết, đến mức tiến trình giáo hội được mở ra chống lại những Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo này có thể chỉ đơn giản là chính thức hóa tình trạng vạ tuyệt thông của họ hoặc ban cho họ một cơ hội để rút lại các tuyên bố của mình.

Theo Bộ Giáo luật, ngoài việc bị rút phép thông công, các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo sẽ bị cấm “cư trú tại một địa điểm hoặc lãnh thổ cụ thể” và không được “mặc áo dòng”, có nghĩa là họ sẽ bị buộc phải rời khỏi tu viện nơi họ đang sống.


Source:Catholic News Agency
 
VietCatholic TV
Sỉ nhục mới cho Putin: Lính Nga đầu hàng, giao xe tăng cho Ukraine. Việt Nam đón Putin, Mỹ bất bình
VietCatholic Media
03:07 18/06/2024


1. Video ghi lại khoảnh khắc lính Ukraine bắt được xe tăng 'Rùa' Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Video Shows Moment Ukrainian Soldiers Capture Russian 'Turtle' Tank”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đoạn video vừa được quân đội Ukraine công bố cho thấy quân đội Kyiv đã bắt giữ một phương tiện quân sự của Nga được mệnh danh là “xe tăng rùa” cùng với tổ lái của nó và lái nó đi.

Biệt danh “xe tăng rùa” xuất phát từ việc các kỹ sư Nga lắp các cấu trúc kim loại thô sơ lên xe tăng để bảo vệ chúng khỏi hỏa lực chống tăng, một động thái được Ukraine sao chép.

Đoạn video dài 76 giây được quay bằng máy bay điều khiển từ xa cho thấy một chiếc xe tăng được bao quanh bởi cây cối với binh lính đứng bên trong. Cận cảnh cho thấy một người lính Nga đang bị còng tay khi anh ta nhìn xung quanh. Sau đó, các binh sĩ Ukraine lái chiếc xe của anh ta lùi ra đường chính và lái đi.

Nhìn từ một góc độ khác cho thấy lá cờ Ukraine màu vàng và xanh được treo trên đầu xe.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 18 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết vụ bắt giữ xe tăng diễn ra hôm Thứ Hai, 17 Tháng Sáu. Một nhóm các máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất đã bám theo chiếc xe tăng và nhận ra đó là một chiếc T-90 tiên tiến của Nga nên họ chần chừ chưa muốn phá hủy nó mà muốn bắt sống. Các lính lái xe tăng Nga nhận ra hoàn cảnh của họ và lao vào ven đường, tắt máy tỏ ý muốn đầu hàng. Lữ đoàn cơ giới số 22 đã nhanh chóng tiếp nhận sự đầu hàng của các quân nhân Nga.

Bộ Quốc phòng Ukraine đã đăng một bức ảnh tĩnh cho thấy quân đội của họ đang mỉm cười hân hoan khi họ đứng trước tháp pháo của chiếc xe với lá cờ của đất nước họ tung bay.

“Một chiếc xe tăng 'rùa' chiến lợi phẩm đang phục vụ cho quân Ukraine,” bài đăng cho biết. “Các chiến binh của Lữ đoàn cơ giới số 22 đã bắt được một chiếc xe tăng Nga có mái kim loại trên thân và tháp pháo.”

Người dùng X thân Ukraine, Jürgen Nauditt, người thường xuyên cập nhật thông tin về cuộc chiến, đăng bên cạnh ảnh chụp màn hình của hiện trường, “lần đầu tiên, Lực lượng vũ trang đã bắt được một chiếc xe tăng rùa của Nga và bắt giữ xa đoàn của nó ở hướng đông.”

Trong khi đó, khi chia sẻ video, cố vấn nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko đã viết đoạn video cho thấy “các chiến binh Ukraine bắt được một chiếc 'xe tăng rùa' của Nga trong một bài đăng kết thúc bằng từ “Vinh quang!”

Những tháng gần đây, người dùng mạng xã hội Ukraine đã đăng tải các video quay cảnh xe tăng chạy rầm rập trên bãi đất trống, thường chế giễu những thiết bị quân sự tạm bợ.

Vào tháng 4, một đoạn video đã lan truyền rộng rãi về một chiếc xe tăng T-72 được bọc trong lớp giáp bổ sung di chuyển qua cánh đồng xung quanh thị trấn Krasnohorivka của Donetsk, với một người dùng mạng xã hội gọi chiếc xe này là “xe tăng rùa Ninja”.

Hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết lực lượng Nga đã mất hai xe tăng vào ngày hôm trước, nâng tổng số xe tăng của cuộc chiến bắt đầu từ cuộc xâm lược của Putin vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 lên 7.958 chiếc.

2. Putin thăm Bắc Hàn và Việt Nam trong tuần này

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin to visit North Korea, Vietnam this week”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Putin sẽ thăm Bắc Hàn vào ngày hôm nay 18 Tháng Sáu và Việt Nam vào ngày mai 19 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đưa tin hôm Thứ Hai, 17 Tháng Sáu.

Với nguồn dự trữ quân sự của Nga đang ở mức thấp và năng lực sản xuất trong nước bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, Bắc Hàn đã trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Nga, được cho là đã cung cấp cho Mạc Tư Khoa các gói quân sự phong phú, bao gồm hỏa tiễn đạn đạo và khoảng 5 triệu quả đạn pháo.

Bất chấp liên minh ngày càng mạnh mẽ, Putin đã không đến thăm Bắc Hàn kể từ năm 2000, khi ông gặp nhà lãnh đạo Bắc Hàn tiền nhiệm Kim Chính Nhật.

Nhà lãnh đạo hiện tại của Bắc Hàn Kim Chính Ân đã gặp Putin ở Nga vào tháng 9 năm 2023.

Alexander Matsegora, đại sứ Nga tại Bắc Hàn, nói với hãng truyền thông nhà nước Kommersant hồi đầu tháng 6 rằng Putin đang có kế hoạch thăm Bắc Hàn trong tương lai gần nhưng không cung cấp ngày cụ thể.

Putin đã đến thăm Việt Nam bốn lần trước đây, nhưng chưa đến thăm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine.

Việt Nam và Nga từ lâu đã có quan hệ chặt chẽ, kể từ khi Liên Xô hỗ trợ Bắc Việt và các lực lượng ủy nhiệm của nước này trong Chiến tranh Việt Nam. Putin sẽ gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Việt Nam, trong đó có Chủ tịch Tô Lâm mới đắc cử.

Mục đích của chuyến đi là thảo luận về “sự phát triển hơn nữa của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, khoa học, công nghệ và nhân đạo, cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề hiện tại trong chương trình nghị sự quốc tế và khu vực” Dmitry Peskov nói.

Thông báo về chuyến thăm đã gây ra sự chỉ trích từ các quan chức Mỹ.

Phát ngôn nhân của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nói với Reuters: “Không quốc gia nào nên tạo cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và mặt khác cho phép ông ta bình thường hóa hành vi tàn bạo của mình”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận từ Reuters.

3. Lữ đoàn Azov của Ukraine gửi thông điệp trực tiếp tới Mỹ sau khi lệnh cấm vũ khí được dỡ bỏ

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine's Azov Brigade Sends Direct Message to US After Arms Ban Lifted”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Lữ đoàn Azov của Ukraine sẽ “chứng minh tính hiệu quả” của quyết định của Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp vũ khí lâu dài cho đơn vị này, chỉ huy lữ đoàn cho biết.

Đại tá Denys Prokopenko cho biết trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội hôm thứ Bảy: “Chúng tôi sẽ biện minh cho trách nhiệm được giao phó và với kỷ luật, sự kiên cường và lòng dũng cảm trong trận chiến, chúng tôi sẽ chứng minh tính hiệu quả của quyết định này”.

Đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đảo ngược quyết định được đưa ra vào năm 2014 nhằm ngăn chặn lữ đoàn Ukraine nhận vũ khí của Mỹ.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ukraine, mặc dù đã đạt được một số thành công ở Hắc Hải trước hạm đội hải quân của Mạc Tư Khoa, đang cố gắng ngăn chặn những bước tiến gia tăng nhưng ổn định của Nga ở miền đông Ukraine.

Khi viện trợ quân sự từ Washington cạn kiệt vào đầu năm nay, những lo lắng sâu sắc đã xuất hiện về việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho tiền tuyến Ukraine. Sau đó, Mỹ đã thông qua gói viện trợ quân sự được chờ đợi từ lâu vào cuối tháng 4.

Lữ đoàn Azov nổi lên từ Tiểu đoàn Azov tình nguyện, có nguồn gốc từ ý thức hệ cực hữu và chủ nghĩa dân tộc. Các chiến binh đã ở tuyến đầu chống lại phe ly khai thân Mạc Tư Khoa ở Ukraine từ năm 2014; Những người sáng lập tiểu đoàn bị Nga buộc tội có tình cảm tân Quốc xã.

Các thành viên hiện tại của lữ đoàn đã từ chối những mối quan hệ này, tránh xa danh tiếng của tiểu đoàn kể từ khi bùng nổ chiến tranh toàn diện ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Lữ đoàn hiện là một phần của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine và được ca ngợi là một trong những lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất, đặc biệt được chú ý vì vai trò của Lữ Đoàn trong việc chiến đấu với lực lượng Nga tại thành phố Mariupol phía nam Ukraine do Mạc Tư Khoa kiểm soát.

Điện Cẩm Linh đã nhiều lần cố gắng biện minh cho cuộc xâm lược của mình bằng cách tuyên bố một “chế độ phát xít mới” đang nắm quyền ở Kyiv. Điều này đã bị Ukraine và cộng đồng quốc tế kịch liệt bác bỏ.

Phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, cho biết trong bài phát biểu đề cập đến quyết định của Bộ Ngoại giao: “Sự thay đổi đột ngột như vậy trong lập trường của Washington cho thấy họ không dừng lại trong nỗ lực đàn áp Nga, sử dụng Ukraine và người dân Ukraine như một công cụ trong tay”. Ông ta nói thêm rằng Mỹ “thậm chí sẵn sàng tán tỉnh những người theo chủ nghĩa phát xít mới”.

“Tôi xin chúc mừng tất cả các binh sĩ của Lữ đoàn Lực lượng đặc biệt số 12 Azov và toàn thể thế giới văn minh đã giành chiến thắng trước sự tuyên truyền của Nga,” Prokopenko nói hôm thứ Bảy.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao giấu tên nói với BBC rằng “thông tin sai lệch của Nga” đã cố gắng “kết hợp” Lữ đoàn Azov hiện tại với “một lực lượng dân quân được thành lập để bảo vệ Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga vào năm 2014”.

Theo “Luật Leahy” của Hoa Kỳ, chính phủ Washington không thể sử dụng quỹ để giúp đỡ lực lượng an ninh nước ngoài khi có “thông tin đáng tin cậy” cho thấy đơn vị này đã vi phạm nhân quyền.

Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, lữ đoàn cho biết: “Việc đủ điều kiện nhận hỗ trợ của Hoa Kỳ sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả chiến đấu của Azov mà quan trọng nhất là sẽ giúp cứu tính mạng và sức khỏe của các binh sĩ lữ đoàn”.

Đơn vị này nói thêm: “Đây là một trang mới trong lịch sử của đơn vị chúng tôi”. “Azov ngày càng trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả hơn trong việc bảo vệ Ukraine trước quân xâm lược”.

Phó chỉ huy của Azov, Trung tá Sviatoslav Palamar, nói với tờ Washington Post hôm thứ Ba rằng cho đến nay Lữ đoàn Azov vẫn chưa nhận được vũ khí của Mỹ.

4. Telegraph tường thuật rằng Stoltenberg nói NATO đang đàm phán để đưa thêm vũ khí hạt nhân vào chế độ chờ

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Telegraph: NATO in talks to put more nuclear weapons on standby, Stoltenberg says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Các nước NATO đang thảo luận để triển khai thêm vũ khí hạt nhân trong tình trạng sẵn sàng, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với Telegraph hôm 16 Tháng Sáu khi Nga tiếp tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels, ông Stoltenberg kêu gọi các nước NATO củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình, đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc tham vấn giữa các thành viên NATO về việc đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi kho và đưa vào chế độ chờ đang được tiến hành.

Putin đã nhiều lần đưa ra các mối đe dọa hạt nhân chống lại Ukraine và phương Tây kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022. Các mối đe dọa đã không thành hiện thực và Nga tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh tổng lực mà không có kho vũ khí hạt nhân.

Stoltenberg cũng kêu gọi các thành viên NATO thể hiện sự minh bạch về hạt nhân như một biện pháp ngăn chặn hành vi xâm lược hạt nhân.

Stoltenberg nói với Telegraph: “Sự minh bạch giúp truyền tải thông điệp trực tiếp rằng tất nhiên chúng ta là một liên minh hạt nhân”. “Mục tiêu của NATO tất nhiên là một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhưng chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại, chúng ta sẽ vẫn là một liên minh hạt nhân, bởi vì một thế giới mà Nga, Trung Quốc và Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân, còn NATO thì không, là một thế giới nguy hiểm hơn bao giờ hết.”

Bình luận của Stoltenberg lặp lại những bình luận được Tòa Bạch Ốc đưa ra vào tuần trước. Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết Hoa Kỳ có thể phải tăng cường triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, Nga và các đối thủ khác.

Ông cho biết: “Nếu không có sự thay đổi về kho vũ khí của đối thủ, chúng ta có thể đạt đến một thời điểm trong những năm tới cần phải tăng số lượng được triển khai hiện tại. Chúng ta cần chuẩn bị đầy đủ để thực thi nếu tổng thống đưa ra quyết định đó. Nếu ngày đó đến, nó sẽ dẫn đến quyết tâm rằng cần có nhiều vũ khí hạt nhân hơn để ngăn chặn đối phương của chúng ta và bảo vệ người dân Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của chúng ta”

Khi những luận điệu hạt nhân của Nga tiếp tục diễn ra, Tổng Thư Ký Stoltenberg cũng cảnh báo về mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra khi nước này tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình.

“Nato có thể phải đối mặt với điều mà họ chưa từng phải đối mặt trước đây, đó là hai đối thủ tiềm tàng về năng lượng hạt nhân – Trung Quốc và Nga. Tất nhiên, điều này sẽ gây ra hậu quả”, ông Stoltenberg nói, đề cập đến những ước tính cho rằng Trung Quốc có thể có tới 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030.

Đầu tuần này, Nga và Belarus đã bắt đầu giai đoạn thứ hai của cuộc tập trận hạt nhân vũ khí chiến thuật, mô phỏng việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận nhằm đáp trả “các tuyên bố khiêu khích và đe dọa của cá nhân quan chức phương Tây chống lại Liên bang Nga” - mặc dù Bộ này không nêu rõ quan chức phương Tây nào đưa ra lời đe dọa hoặc tuyên bố khiêu khích.

Nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, cảnh báo trong tuyên bố chung ngày 14 Tháng Sáu rằng tình huống Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến chống Ukraine là “không thể chấp nhận được”.

G7 cũng nhấn mạnh Trung Quốc và các nước thứ ba khác “hỗ trợ vật chất cho cỗ máy chiến tranh của Nga” và cho biết họ sẽ tiếp tục trừng phạt các thực thể có trụ sở tại các quốc gia này “tạo điều kiện cho Nga mua các mặt hàng cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình”.

5. Tổng thống Phần Lan kêu gọi Trung Quốc thuyết phục Nga chấm dứt chiến tranh ở Ukraine

Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Putin để giúp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, hãng truyền thông Phần Lan Yle đưa tin hôm 15 Tháng Sáu.

Mặc dù Trung Quốc chính thức duy trì lập trường trung lập đối với cuộc chiến toàn diện của Nga ở Ukraine và phủ nhận việc cung cấp viện trợ sát thương, nhưng Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa vẫn tiếp tục tăng cường mối quan hệ. Điều này được nhấn mạnh trong chuyến thăm của Putin tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 5.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ, Tổng thống Stubb nói rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập hòa bình ở Ukraine.

Ông nói: “Tôi mạnh mẽ kêu gọi Trung Quốc, với khả năng gây ảnh hưởng đến Putin, hãy chấm dứt cuộc chiến này”.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Nam bán cầu trong việc đạt được hòa bình ở Ukraine: “Có rất nhiều đại diện (tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình) đến từ Mỹ Châu Latinh, Phi Châu, Á Châu và đặc biệt là Trung Đông. Điều này mang lại cho tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể đi trên con đường hòa bình và tôi tin rằng điều quan trọng là điều này phải diễn ra theo các điều kiện của Ukraine.”

Các quan chức từ hơn 100 chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế đã tập trung tại Lucerne, Thụy Sĩ, để tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày, tập trung vào công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, một kế hoạch 10 điểm nêu rõ các điều kiện của Kyiv nhằm chấm dứt cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine.

Ukraine đã gửi lời mời Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Giêng, nhưng Bắc Kinh đã từ chối với lý do chưa đáp ứng được các điều kiện cần thiết để tham gia.

Zelenskiy đã cáo buộc Trung Quốc tích cực ngăn cản các quốc gia khác tham dự hội nghị thượng đỉnh.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan sau đó cho biết Bắc Kinh có thể đã chọn không tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình với Ukraine theo yêu cầu của Putin.

6. Latvia gửi lô máy bay điều khiển từ xa đầu tiên tới Ukraine, chuẩn bị lô thứ hai

Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Spruds cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ArmyInform công bố hôm Thứ Hai, 17 Tháng Sáu, rằng Latvia đã gởi lô máy bay điều khiển từ xa đầu tiên tới Ukraine và đang chuẩn bị lô thứ hai.

Bộ trưởng Spruds cho biết nhóm máy bay điều khiển từ xa đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ chương trình quốc gia của Latvia, nhưng Riga cũng đã bắt đầu thực hiện các hoạt động mua bán quốc tế chung.

Latvia và Anh là những nước dẫn đầu liên minh quốc tế cung cấp máy bay điều khiển từ xa cho Ukraine, loại máy bay đã trở thành một năng lực quan trọng trên chiến trường Ukraine.

Bộ trưởng Spruds hồi tháng 5 tuyên bố rằng chính phủ Latvia sẽ đầu tư khoảng 20 triệu euro hay 22 triệu Mỹ Kim vào liên minh máy bay điều khiển từ xa trong năm nay và một khoản tiền tương tự để phát triển năng lực máy bay điều khiển từ xa của Latvia.

Bộ trưởng Quốc phòng Latvia cũng cho biết liên minh đã nhận được các cam kết quốc tế với tổng trị giá 549 triệu euro hay khoảng 590 triệu Mỹ Kim.

“Vì vậy, bước tiếp theo là sử dụng nguồn tài trợ đó một cách hiệu quả và chúng tôi đang thực hiện điều đó ở nhiều cấp độ,” Bộ trưởng Spruds nói.

“Một trong những cấp độ đầu tiên là mua sắm quốc gia. Latvia đã tổ chức một loạt máy bay điều khiển từ xa và chúng đã được gửi đi.

“Bây giờ chúng tôi đã thu thập lô máy bay điều khiển từ xa thứ hai và sẽ sớm được gửi đến Ukraine.”

Theo Bộ trưởng, các giao dịch mua hàng quốc tế cho đến nay đã lên tới “số tiền khiêm tốn” là 350.000 euro hay hơn 370.000 Mỹ Kim, nhưng “đây là bước đầu tiên”.

7. Thủ tướng Scholz nói các đề xuất của Nga không hề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình Thụy Sĩ

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian proposals not discussed at Swiss peace summit, Scholz says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết trong hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine hôm 16 Tháng Sáu rằng các nhà lãnh đạo nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, không hài lòng với đề xuất hòa bình của Putin về cuộc chiến ở Ukraine.

Putin ngày 14 Tháng Sáu quy định để tiến hành đàm phán hòa bình, quân đội Ukraine phải rút khỏi các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine. Ông ta cũng yêu cầu Ukraine công nhận việc Nga sáp nhập bất hợp pháp các khu vực này và từ bỏ mọi tham vọng gia nhập NATO.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã bác bỏ các điều kiện của Putin cùng ngày, ví chúng giống như cuộc xâm lược Tiệp Khắc của Adolf Hitler vào năm 1938-1939.

Cố vấn của Tổng thống Mykhailo Podolyak tố cáo đề xuất của Putin là “rất xúc phạm luật pháp quốc tế” và cho thấy giới lãnh đạo Nga không có khả năng đánh giá thực tế một cách chính xác.

Thủ tướng Scholz giải thích rằng các đề xuất của Nga quá vô lý đến mức không hề được bất cứ ai đề cập đến tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình trong hai ngày 15 và 16 Tháng Sáu. Các đề xuất này bị nhiều người coi là không nghiêm chỉnh và nhằm mục đích đánh lạc hướng hội nghị thượng đỉnh.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã triệu tập tại một khu nghỉ dưỡng trên núi ở Thụy Sĩ nhìn ra Hồ Lucerne để tập hợp sự ủng hộ cho các đề xuất hòa bình của Ukraine trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh quốc tế kéo dài hai ngày. Hơn 90 quốc gia đang tham gia sự kiện này, nơi Zelenskiy tuyên bố rằng “lịch sử đã được tạo nên”.

8. Bản đồ cho thấy Nga đang vi phạm không phận để thăm dò các khu vực biên giới của NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Map Shows Russia's Probing NATO Borders With Airspace Violations”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Thụy Điển và Phần Lan, những thành viên mới nhất của NATO, đã báo cáo các vụ vi phạm không phận khác nhau của máy bay quân sự Nga trong tuần qua trong bối cảnh liên minh đang tiến hành một cuộc tập trận lớn trong khu vực.

Lực lượng không quân Thụy Điển đã điều động một chiến binh JAS 39 Gripen vào chiều ngày 14 Tháng Sáu sau khi một máy bay ném bom chiến thuật Su-24 của Nga đi vào không phận hạn chế ngoài khơi mũi phía nam của đảo Gotland chiến lược trên Biển Baltic, lực lượng vũ trang nước này cho biết trong một tuyên bố.

Thư ký báo chí lực lượng vũ trang Thụy Điển Henrik Nystrom nói với Newsweek hôm thứ Hai rằng Gripen “đã chặn máy bay sau khi nó không phản ứng và tiếp tục hành trình hướng tới không phận Thụy Điển”.

Một ngày sau vụ việc, Thiếu tướng Jonas Wikman, tư lệnh lực lượng không quân Thụy Điển, nói với đài phát thanh Sveriges Radio ở Stockholm rằng máy bay phản lực quân sự của Nga đã bay khoảng 3 dặm vào không phận Thụy Điển - được xác định theo luật pháp quốc tế là khoảng cách lên tới 12 hải lý từ bờ biển—trước khi bị máy bay đánh chặn “loại khỏi không phận”.

Wikman cho biết hành động của Nga là “không thể chấp nhận được và thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi”.

Quan chức Thụy Điển không nêu rõ biến thể chính xác của máy bay Nga nhưng cho biết đây là máy bay “trinh sát”, cho thấy nó có thể là Su-24MR, được NATO đặt tên là Fencer-E.

“Chúng tôi không thể bình luận về mục đích của máy bay, nhưng đây không phải là lần đầu tiên máy bay Nga xâm phạm không phận Thụy Điển”, Nystrom cho biết trong một tuyên bố.

Đây là lần đầu tiên Nga vi phạm không phận Thụy Điển kể từ khi Stockholm gia nhập NATO vào tháng 3, cũng như kể từ khi hai chiến đấu cơ Su-27 và hai máy bay đánh chặn Su-24 bị cáo buộc bay vào bầu trời nước này vào tháng 3 năm 2022.

Riêng hôm thứ Sáu, Lực lượng Biên phòng Phần Lan, thuộc Bộ Nội vụ, cho biết một cuộc điều tra đang diễn ra về một vụ vi phạm không phận gần đây ngoài khơi thành phố Loviisa, trên Vịnh Phần Lan, đã phát hiện ra rằng vụ xâm phạm có liên quan đến 4 máy bay Nga thay vì một máy bay như được báo cáo trước đây

Thứ Hai tuần trước, hai máy bay ném bom và hai chiến binh của Nga đã bay vào không phận Phần Lan khoảng 2,5 dặm hay 4 km trong khoảng hai phút, tuyên bố cho biết. Antti Hakkanen, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan, cho biết vấn đề này đang được xem xét nghiêm chỉnh.

Đây là vụ máy bay Nga xâm phạm không phận Phần Lan đầu tiên được xác nhận kể từ khi hai chiến đấu cơ MiG-31 vi phạm ranh giới vào tháng 8 năm 2022. Helsinki gia nhập NATO vào tháng 4 năm 2023.

Trong khi Thụy Điển có chung đường biên giới trên biển với thành phố Kaliningrad của Nga thì Phần Lan có đường biên giới trên đất liền dài 830 dặm hay 1336 km với phía tây bắc của Nga. Không rõ liệu chính phủ có đánh giá các sự việc là cố ý hay vô tình.

Các lực lượng vũ trang của Thụy Điển, cơ quan quản lý biên giới của Phần Lan và NATO đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận riêng biệt. Nga chưa bình luận công khai về các cáo buộc.

Vào ngày 10 tháng 6, ngày xảy ra cáo buộc vi phạm không phận ở miền nam Phần Lan, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố đoạn phim về một cuộc tuần tra của 4 máy bay “trong không phận trên vùng biển trung lập của biển Baltic, Barents và Na Uy”.

Trong các hình ảnh, Bộ Quốc Phòng Nga cho thấy các máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và Tu-22M3 cất cánh từ một phi trường và cho biết chúng được hộ tống bởi các máy bay Su-30SM, Su-27 và Su-33 của lực lượng không quân và hải quân Nga.

Trong khoảng 5 giây của video, có thể thấy ít nhất một chiếc F/A-18C Hornet của Không quân Phần Lan đang theo dõi các đơn vị không quân Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Ở một số giai đoạn nhất định của tuyến đường, máy bay ném bom tầm xa được hộ tống bởi các chiến đấu cơ nước ngoài”. Nó cho biết các chuyến xuất kích kéo dài tới sáu giờ và được “tiến hành theo đúng quy tắc sử dụng không phận quốc tế”.

Mối quan hệ của NATO với Mạc Tư Khoa vẫn rất căng thẳng sau hơn hai năm kể từ cuộc chiến Nga-Ukraine. Các quốc gia thành viên của tổ chức này đã tìm cách cô lập chung Điện Cẩm Linh bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga và hiện đang chuyển sự chú ý của họ sang các quốc gia thân hữu của nước này – bao gồm cả Trung Quốc.

Trong tháng này, hàng chục tàu chiến và chiến đấu cơ của liên minh cùng khoảng 9.000 quân nhân đã bắt đầu cuộc tập trận thường niên Hoạt động Baltic lần thứ 53, còn được gọi là BALTOPS.

Các cuộc tập trận sức mạnh trên biển ở khu vực Baltic chiến lược – dự kiến từ ngày 7 đến ngày 20 tháng 6 – được dẫn dắt bởi Lực lượng Hải quân Âu Châu-Phi Châu của Hoa Kỳ cùng với Lực lượng Tấn công và Hỗ trợ Hải quân NATO, và bộ chỉ huy hàng hải của liên minh.

9. Sullivan nói Trung Quốc có thể bỏ qua hội nghị thượng đỉnh hòa bình với Ukraine theo yêu cầu của Putin

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “China likely skipped Ukraine's peace summit at Putin's request, Sullivan says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Chúa Nhật, 16 Tháng Sáu, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Bắc Kinh có thể đã chọn không tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine theo yêu cầu của Putin.

Ukraine đã gửi lời mời Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh hồi Tháng Giêng nhưng Bắc Kinh đã từ chối với lý do chưa đáp ứng được các điều kiện cần thiết để tham gia. Đáng chú ý là Nga đã không được mời tham dự hội nghị.

“Điều rõ ràng là Trung Quốc không có ở đây và tôi cho rằng họ không ở đây vì Putin đã yêu cầu họ đừng đến”, Sullivan nói.

“Và tôi nghĩ điều này nói lên điều gì đó về lập trường của Trung Quốc đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Tôi nghĩ các nước nên chú ý đến điều đó.”

Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Trung Quốc tích cực can ngăn các quốc gia khác tham dự hội nghị thượng đỉnh.

Trong khi đó, Trung Quốc đang thúc đẩy kế hoạch hòa bình của riêng mình trước sự kiện ở Thụy Sĩ, theo báo cáo của Reuters. Kế hoạch này đóng vai trò thay thế cho đề xuất của Zelenskiy, vốn được các đồng minh phương Tây của Kyiv ủng hộ và được thảo luận rộng rãi tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sĩ.

Những nỗ lực vận động hành lang của Trung Quốc cho kế hoạch hòa bình thay thế của nước này trùng hợp với sự sụt giảm số lượng người tham gia hội nghị thượng đỉnh Ukraine. Đài Âu Châu Tự do đưa tin vào ngày 11 tháng 6 rằng số người tham dự đã giảm từ 93 xuống 78 sau các can thiệp của Trung Quốc.

Trong khi nhiều nước đã khốn khổ vì cuộc xâm lược của Putin, cả Trung Quốc và Ấn Độ đã giàu lên rất nhanh. Trong suốt cuộc xâm lược toàn diện, việc bán tháo dầu và các loại hydrocarbon khác cho Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành nguồn tài trợ chính cho ngân sách nhà nước và nỗ lực chiến tranh của Nga.

10. Thanh tra Ukraine nói Nga không quan tâm đến việc trao đổi tù binh chiến tranh toàn diện

Hôm Thứ Hai, 17 Tháng Sáu, Thanh tra nhân quyền Ukraine Dmytro Lubinets nói với hãng tin Ukrinform rằng nếu Liên bang Nga quan tâm đến việc trao đổi tù nhân toàn diện với Ukraine thì hoạt động trao đổi này đã diễn ra rồi.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyên bố vào đầu tháng 5 rằng Kyiv quan tâm đến việc trao đổi tất cả tù binh chiến tranh với Mạc Tư Khoa và ý tưởng này đã được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu ở Thụy Sĩ.

Lubinets nói rằng Nga dường như không quan tâm đến cuộc trao đổi này.

Lubinets nói: “Là người thường xuyên tham gia vào các quá trình này, tôi có thể khẳng định rằng Ukraine chưa bao giờ từ chối trao đổi tù binh chiến tranh”.

“Ngược lại, chúng tôi liên tục đưa ra những sáng kiến mới. Nếu người Nga quan tâm đến việc trao trả tù binh chiến tranh của họ thì chúng tôi đã làm điều đó từ lâu rồi. Có vẻ như họ đơn giản là không cần chúng.”

Vụ trao đổi tù nhân được báo cáo gần đây nhất xảy ra vào ngày 31 tháng 5, với 75 quân nhân trở về Ukraine sau khi bị Nga giam giữ. Vụ trao đổi được báo cáo trước đó xảy ra vào ngày 8 tháng 2, với 100 tù binh Ukraine được trả tự do.

Trước đó, vào ngày 3 Tháng Giêng, 230 tù nhân đã được trao đổi trong cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Lubinets cho biết trong dịp lễ Phục sinh Chính Thống hôm 5 tháng 5, Ukraine đã đề nghị trao đổi 4 tù binh Nga lấy một tù binh Ukraine nhưng Nga không đồng ý. Nga thường tỏ ra miễn cưỡng không muốn nhận lại tù binh vì không muốn trả tiền cho họ.

Trụ sở điều phối đối xử với tù nhân chiến tranh báo cáo rằng 3.210 tù binh Ukraine đã được trả tự do khỏi nhà tù Nga tính đến ngày 31 tháng 5.

Việc thả tất cả tù nhân là chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu của Ukraine, bắt đầu ở Lucerne, Thụy Sĩ vào ngày 15 tháng 6. Một dự thảo thông cáo chung từ hội nghị mà Reuters thu được kêu gọi trao đổi toàn bộ tất cả những người bị giam giữ và trao trả tất cả những đứa trẻ người Ukraine bị bắt cóc.

“Tất cả tù nhân chiến tranh phải được thả bằng cách trao đổi hoàn toàn,” tài liệu viết.

“Tất cả trẻ em Ukraine bị bắt cóc và di dời bất hợp pháp, cũng như tất cả thường dân Ukraine khác bị giam giữ bất hợp pháp, phải được trả về Ukraine.”

11. Tổng thống Ghana nói Phi Châu là nạn nhân lớn nhất bên ngoài Âu Châu phải gánh chịu hậu quả cuộc xâm lược của Nga

Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo đã nói về việc cuộc xâm lược của Nga đã làm suy giảm an ninh lương thực ở các nước nghèo hơn như thế nào trong tuyên bố bế mạc của ông tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ.

“Hậu quả của cuộc xâm lược vượt xa giới hạn của Âu Châu. Quả thực về nhiều mặt, Phi Châu là nạn nhân lớn nhất”, ông nói trong bài phát biểu của mình.

Ông kêu gọi Nga và Trung Quốc tham gia vào quá trình đàm phán, “nếu chúng ta đạt được một giải pháp dứt khoát”.

Akufo-Addo nói rằng Ghana phản đối “quyền bá chủ của các cường quốc và việc các cường quốc lớn bắt nạt các quốc gia nhỏ. Chính trong bối cảnh này, chúng tôi theo dõi và tiếp tục theo dõi cuộc xâm lược và các hành động xâm lược của Nga.”

Theo một phóng viên của Kyiv Independent tại hiện trường, 80 quốc gia, bao gồm Ukraine và 4 tổ chức Âu Châu đã ký thông cáo chung cuối cùng về hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ vào ngày 16 Tháng Sáu. Hơn 100 quốc gia và tổ chức đã có mặt tại hội nghị thượng đỉnh.

Các quốc gia vắng mặt đáng chú ý trong danh sách ký kết bao gồm Ấn Độ, Armenia, Ả Rập Saudi, Libya, Indonesia, Bahrain, Colombia, Nam Phi, Thái Lan, Mexico và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Bắc Kinh không cử đại diện. Zelenskiy kêu gọi Trung Quốc tham gia phát triển các đề xuất hòa bình.

“Trung Quốc có thể giúp chúng tôi,” Zelenskiy nói với các phóng viên và nói thêm rằng mặc dù có quan hệ chặt chẽ với Điện Cẩm Linh, “Ukraine chưa bao giờ nói rằng Trung Quốc là đối phương của chúng tôi. Tôi luôn nói rằng Ukraine chỉ có một đối phương duy nhất: Putin”.

Trong khi nhiều nước đã khốn khổ vì cuộc xâm lược của Putin, cả Trung Quốc và Ấn Độ đã giàu lên rất nhanh. Trong suốt cuộc xâm lược toàn diện, việc bán tháo dầu và các loại hydrocarbon khác cho Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành nguồn tài trợ chính cho ngân sách nhà nước và nỗ lực chiến tranh của Nga.
 
2 tháng, Kyiv hạ 15 hệ thống phòng không ở Crimea. Kho dầu Rostov cháy lớn. NATO: TQ sẽ phải trả giá
VietCatholic Media
17:24 18/06/2024


1. Bản đồ Crimea cho thấy tất cả phòng không Nga bị hư hại trong các cuộc tấn công kể từ tháng 4

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Map Shows All Russian Air Defense Damaged in Strikes Since April”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine đã tấn công 15 hệ thống phòng không của Nga ở Crimea kể từ tháng 4, theo Bộ Quốc phòng ở Kyiv, nơi đã công bố bản đồ cho thấy sự lan rộng của các cuộc tấn công trên lãnh thổ bị tạm chiếm.

Việc chiếm lại bán đảo bị Vladimir Putin sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014 vẫn là mục tiêu chiến tranh của Kyiv, và trong hai năm qua, lực lượng Ukraine đã thành công trong việc tấn công các mục tiêu quân sự của Nga, bao gồm cả căn cứ Sevastopol của Hạm đội Hắc Hải.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 18 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, đã phác thảo các cuộc tấn công mới nhất của họ trong khu vực, nói rằng “15 hệ thống phòng không của Nga đã bị tấn công trong hai tháng”.

Chúng bao gồm các hệ thống hỏa tiễn đất đối không S-300, và S-400. “Hàng chục bệ phóng của các hệ thống này, hơn 15 trạm radar, hơn 10 sở chỉ huy cũng bị phá hủy”.

Các cuộc tấn công đã trải dài từ Sevastopol ở phía nam đến Dzankoi ở phía bắc. Phía tây xa nhất là ở Tarkhankut trong khi cuộc tấn công ở phía đông nhất diễn ra ở Mysove.

Các cuộc tấn công cũng nhắm vào các khu định cư khác của Crimea như Chornomorske, Yevpatoria, Saky, Donske, Belbek, Alushta và gần đỉnh Ai-Petri.

Tuần trước, kênh Astra Telegram của Nga đưa tin lực lượng Kyiv đã phóng 12 hỏa tiễn hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, qua Crimea và “phá hủy hoàn toàn” hai hệ thống phòng không S-400 và một trạm radar tại căn cứ không quân Balbek gần Sevastopol.

Cũng trong tuần trước, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết Kyiv có thể tấn công vào hệ thống phòng không của Nga trước khi các chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo đến để có thể sử dụng “hiệu quả hơn” các máy bay phản lực do Lockheed Martin sản xuất.

Giám đốc Tình báo Quân đội Ukraine Kyrylo Budanov tuần trước cho biết tổn thất phòng không của Nga đã khiến Mạc Tư Khoa chuyển tới bán đảo này các hệ thống S-500 mới nhất được thiết kế để đánh chặn các mối đe dọa tầm ngắn đến tầm trung và phòng thủ trước hỏa tiễn đạn đạo, hành trình và hỏa tiễn siêu thanh..

Nó xuất hiện khi Ukraine công bố máy bay điều khiển từ xa hải quân mới nhất của mình mang tên Stalker 5.0 tại Diễn đàn An ninh Hắc Hải 2024 ở thành phố Odesa, Kyiv Independent đưa tin, dẫn nguồn truyền thông địa phương.

Dài khoảng 5m và rộng 1m, Stalker 5.0 có hệ thống điều khiển và video dựa trên Starlink và có thể đạt tốc độ gần 80 km một giờ.

Các thuyền điều khiển từ xa được sản xuất trong nước như Magura V5 và Sea Baby nằm trong số những vũ khí Ukraine sử dụng để tấn công các tàu Nga, cũng như cầu Kerch ở Crimea.

Tình báo quân sự Ukraine cho biết thuyền điều khiển từ xa hải quân Magura V5 hiện có thể được trang bị nền tảng phòng không cũng như hỏa tiễn dẫn đường không đối không R-73 vốn chủ yếu được sử dụng bởi các máy bay như MiG-29 hay Su-34.

Một trong những thuyền điều khiển từ xa Magura đã được trang bị những hỏa tiễn này, một chỉ huy giấu tên của đơn vị tình báo quân sự Nhóm 13 nói với nhà báo Maksym Krapivnoy, theo Kyiv Independent.

2. Bồn chứa xăng dầu bốc cháy ở tỉnh Rostov của Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Petroleum storage tanks on fire in Russia's Rostov “. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Sáng Thứ Ba, 18 Tháng Sáu, Thống đốc khu vực Vasily Golubev cho biết, một số bể chứa dầu ở thị trấn Azov thuộc khu vực Rostov phía tây nam nước Nga đã bốc cháy vào rạng sáng Thứ Ba, 18 Tháng Sáu, sau một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa.

Theo Golubev, những người phản hồi đầu tiên đã được cử đến địa điểm này. Ông nói thêm rằng không ai bị thương trong vụ tấn công.

Thị trấn Azov, nằm cách Biển Azov 16 km, là nơi sinh sống của 82.000 người. Tỉnh Rostov giáp Ukraine ở phía đông nam.

Báo cáo về các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của khu vực đã gia tăng vào mùa xuân năm 2024. Vào ngày 14 tháng 6, một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa ở thành phố Morozovsk ở tỉnh Rostov của Nga đã gây ra hỏa hoạn và gián đoạn nguồn điện địa phương.

Các quan chức Kyiv cho biết những cuộc tấn công này được thực hiện nhằm làm suy yếu các hoạt động quân sự của Nga và trả đũa các cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

3. Chuyên gia quân sự Nga đề xuất Điện Cẩm Linh lên kế hoạch tấn công hạt nhân vào tàu Mỹ

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Military Expert Suggests Kremlin Plans Nuclear Strikes on US Ships”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hôm Chúa Nhật, 16 Tháng Sáu, chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko đề xuất trên truyền hình nhà nước rằng Điện Cẩm Linh nên có kế hoạch tấn công tàu Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.

Cuối tháng trước, các quan chức Mỹ tiết lộ với hãng tin AP rằng Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để chống lại các cuộc tấn công hoặc kế hoạch tấn công của Nga ở khu vực Kharkiv. Loại vũ khí này chỉ được phép sử dụng để bảo vệ Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine và Kyiv không được sử dụng hỏa tiễn tầm xa do Mỹ cung cấp.

“Theo tôi, chỉ có một phản ứng thích hợp, nhanh chóng và hiệu quả trước các cuộc tấn công gia tăng nhằm vào lãnh thổ Liên bang Nga bằng vũ khí tầm xa của Mỹ, vì Tổng thống Biden và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã bật đèn xanh và Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ thực hiện điều đó. Tôi muốn chúng ta phá hủy hoàn toàn toàn bộ nguồn điện ở Ukraine,” Korotchenko đã phát biểu trên đài truyền hình nhà nước, theo một đoạn clip dịch sang tiếng Anh.

Russian Media Monitor được thành lập bởi nhà báo Julia Davis “trong nỗ lực chống lại tuyên truyền của Nga”.

Korotchenko sau đó đề cập đến các tàu chiến Nga đã tiến hành cuộc tập trận ở Đại Tây Dương trên đường tới Cuba, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga. Bộ này cho biết, một tàu hải quân Nga và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan của Mạc Tư Khoa đã tiến hành cuộc tập trận mô phỏng cuộc tấn công hỏa tiễn vào hạm đội của đối phương.

Theo Bộ Ngoại giao Cuba, các tàu chiến Nga dự kiến sẽ có mặt tại Havana từ thứ Tư cho đến thứ Hai. Bộ Ngoại Giao Cuba cho biết không có tàu chiến nào mang vũ khí hạt nhân và nói rằng các tàu chiến này “không gây ra mối đe dọa cho khu vực”. Trong khi đó, các quan chức Cuba đã gọi mối quan hệ của họ với Nga là “thân thiện về mặt lịch sử”, theo AP.

“Bây giờ, về việc các tàu và tàu ngầm của chúng tôi đến Cuba, người ta đã chính thức tuyên bố rằng Kazan là tàu ngầm duy nhất đến đó, như một phần của nhóm tàu chiến hải quân thuộc Hạm đội phương Bắc,” Korotchenko nói. “Trên thực tế, chúng ta có thể đoán rằng Kazan không phải là chiếc duy nhất mà có một số tàu ngầm hạt nhân đa năng của Nga ở các khu vực khác nhau của Đại Tây Dương đang thực hiện nhiệm vụ của mình”.

Ông nói tiếp: “Những nhiệm vụ này rất rõ ràng: đó là chống lại các nhóm tấn công từ các Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ. Tất nhiên, nếu một cuộc tấn công được thực hiện ở khoảng cách vài trăm km nhằm vào một nhóm tấn công từ chiến hạm Mỹ, thì cuộc tấn công này sẽ được thực hiện bằng vũ khí đặc biệt để đạt hiệu quả, tốc độ và độ tin cậy tối đa.”

Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Evgeny Popov bình luận: “Vũ khí đặc biệt có nghĩa là vũ khí hạt nhân”. Korotchenko xác nhận: “Đúng, chính xác là đầu đạn hạt nhân trên hỏa tiễn Tsirkon.”

Người dẫn chương trình, Olga Skabeyeva, nói thêm: “Đây có phải là thuật ngữ mới để chúng tôi không khiến mọi người sợ hãi không?...Các bạn ơi, đây không phải là một cuộc chiến tranh hạt nhân, mà là một cuộc chiến đặc biệt!”

Hôm thứ Tư, thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh nói về các tàu chiến Nga ở Cuba: “Chúng tôi đã theo dõi kế hoạch của người Nga về việc này. Đây không phải là một điều ngạc nhiên. Chúng tôi luôn luôn, liên tục giám sát bất kỳ tàu nước ngoài nào hoạt động gần lãnh hải Hoa Kỳ. Tất nhiên chúng tôi xem xét vấn đề này một cách nghiêm chỉnh nhưng những cuộc tập trận này không gây ra mối đe dọa nào cho Hoa Kỳ.”

Trước đó trên chương trình truyền hình Nga, Popov cáo buộc Mỹ xâm lược trái phép Vịnh Guantanamo. Cuba đã cho Mỹ thuê căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanamo từ năm 1903.

“Chúng tôi một lần nữa nhắc nhở các bạn: có một phần của Cuba bị tạm chiếm. Lãnh thổ này được gọi là Guantanamo”, Popov nói. “Họ bào chữa bằng cách nói rằng có thời điểm họ đã thuê nó với giá 1 Mỹ Kim từ chính phủ Cuba. Chúng tôi biết, đây chỉ là những câu chuyện cổ tích của Rừng Vienna. Đây là sự xâm lược thực sự của một quốc gia có chủ quyền! Lãnh thổ này khá tốt, có cơ sở hạ tầng quân sự tốt, có thể hữu ích cho Liên bang Nga làm căn cứ hoặc ít nhất là cơ sở hậu cần.”

Theo The Washington Post, vào năm 1934, chi phí thuê căn cứ được đặt ở mức khoảng 4.000 Mỹ Kim một năm.

4. Kyiv cho biết một phần ba Hạm đội Hắc Hải của Nga bị vô hiệu hóa

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Third of Russian Black Sea Fleet Disabled: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Hải quân Ukraine, một phần ba Hạm đội Hắc Hải của Nga đã ngừng hoạt động do các cuộc tấn công của Kyiv.

Trong cuộc chiến do Vladimir Putin bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, Ukraine đã giáng những đòn đáng chú ý vào hạm đội, chẳng hạn như vụ đánh chìm tàu Moskva và các cuộc tấn công liên tục vào tàu thuyền và cơ sở hạ tầng, bao gồm cả căn cứ chính ở Crimea ở Sevastopol, thường sử dụng “ máy bay điều khiển từ xa trên biển” và các khả năng điều khiển từ xa khác.

Kể từ đó, Nga đã di dời các tàu từ Crimea bị tạm chiếm về phía đông bắc đến Novorossiysk, thuộc vùng Krasnodar của Nga cũng như những nơi xa hơn.

Hôm Thứ Ba, 18 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk nói với hãng tin RBC về một số chi tiết về những thành công này và các cuộc tấn công vào tàu Nga. Theo một bản dịch, ông nói: “Một phần ba trong số đó chắc chắn không còn hoạt động – bị phá hủy và hư hại”.

Con số này phù hợp với các ước tính khác như của Jamestown Foundation, một tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ, cho biết vào tháng 3 năm nay rằng các máy bay điều khiển từ xa trên biển và các biện pháp tấn công của Kyiv ở Hắc Hải đã cho phép họ vận chuyển ngũ cốc ở mức gần như trước chiến tranh và kết luận rằng những nỗ lực của Mạc Tư Khoa “nhằm thay đổi cán cân trên biển gần như đã thất bại”.

Thuyền trưởng Trung Tá Dmytro Pletenchuk cho biết, bằng cách xâm lược phía nam vùng Zaporizhzhia và Donetsk, Nga đã cố gắng cắt đứt Ukraine khỏi biển, nhưng kế hoạch tiếp cận thành phố Odesa để kiểm soát bờ biển phía bắc Hắc Hải đã thất bại.

Nga đã bị đẩy lùi về phía nam bên kia sông Dnipro và cùng với đó là “kế hoạch thống trị ở Hắc Hải cũng bắt đầu mờ nhạt”. Khả năng thực hiện một cuộc tấn công đổ bộ của Mạc Tư Khoa vào bờ biển của Ukraine trở nên mờ mịt hơn bao giờ.

Trung Tá Pletenchuk cho biết, “bất chấp những trở ngại của Mạc Tư Khoa, Ukraine vẫn cố gắng bảo đảm sự tiếp tục của hành lang ngũ cốc từ các cảng của khu vực Odesa”.

Khi được hỏi có bao nhiêu tàu và tàu phi trường hỏa tiễn của Nga bị tấn công ở Hắc Hải, ông trả lời: “Chính thức là 28 chiếc. Hơn 10 chiếc đang được sửa chữa, nhưng nhiều tàu hiện đang hoạt động cũng bị hư hỏng”.

Ông cho biết Ukraine đã giải phóng hơn 9.600 dặm vuông Hắc Hải, ở phía bắc, phía tây, tây nam và bây giờ là phần trung tâm của vùng biển. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Nga vẫn sử dụng tàu ngầm trong khu vực, 4 tàu ở khu vực Azov-Hắc Hải, 3 trong số đó là tàu mang hỏa tiễn hành trình.

Phó Đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu Mike LeFever nói với Newsweek vào tháng trước: “Chúng tôi coi Hải quân Nga là một lực lượng to lớn, hùng mạnh và việc Ukraine đang tiêu diệt lực lượng này khi không có lực lượng hải quân thực sự là điều khá quan trọng, đặc biệt là họ khống chế Hạm Đội Hắc Hải của Nga bằng các vũ khí sản xuất nội địa như thuyền điều khiển từ xa”.

Ông nói: “Chúng tôi đang học hỏi rất nhiều điều từ những gì đang diễn ra ở mặt trận này để áp dụng quy trình và thủ tục của mình để thực hiện điều đó trong môi trường đào tạo của mình”. Tuy nhiên, LeFever, Giám đốc điều hành của công ty quản lý rủi ro và an ninh Concentric, cho biết khi Hải quân Nga tiếp tục bị đẩy lùi, họ có thể quay sang sử dụng thủy lôi.

“Tôi lo rằng người Nga không có ý thức trách nhiệm. Chúng tôi đã từng thấy điều đó trước đây khi họ có thể sử dụng thủy lôi ở khu vực đó vì họ đã mất lợi thế và áp dụng đường lối bất đối xứng nhằm gây tổn hại và hỗn loạn ở Hắc Hải.”

5. Máy bay điều khiển từ xa hải quân mới nhất của Ukraine Stalker được giới thiệu tại Odesa

Stalker 5.0, máy bay điều khiển từ xa hải quân mới nhất của Ukraine, đã được giới thiệu tại Diễn đàn An ninh Hắc Hải 2024 ở thành phố Odesa phía nam, hãng truyền thông địa phương Dumska đưa tin hôm 16 Tháng Sáu.

Ukraine đã sử dụng thành công các máy bay điều khiển từ xa hải quân sản xuất trong nước như Magura V5 và Sea Baby để tấn công các tàu Nga cũng như cầu Kerch ở Crimea bị tạm chiếm.

Theo Dumska, Stalker 5.0 dài khoảng 5 mét và rộng 1,2 mét. Được trang bị hệ thống điều khiển và liên lạc video dựa trên Starlink, nó có thể tăng tốc lên tới 75 km/h.

Chiếc máy bay điều khiển từ xa này có giá ước tính khoảng 60.000 euro hay 64.000 Mỹ Kim.

Ukraine có thể sử dụng Stalker 5.0 để cung cấp nước, thiết bị quân sự và các thiết bị khác tới các hòn đảo hoặc khu vực ven biển nơi quân đội nước này đóng quân.

“Nó cũng có thể được sử dụng để trinh sát và tuần tra ven biển ở các khu vực biên giới trên biển và sông”.

Quân đội và các quan chức Ukraine không tiết lộ thông tin chi tiết về máy bay điều khiển từ xa và liệu nó có được sử dụng hay không.

Ukraine đã tìm cách tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa một phần ba Hạm đội Hắc Hải của Nga, phát ngôn nhân Hải quân Dmytro Pletenchuk nói với RBC-Ukraine hôm 17 Tháng Sáu.

6. Điện Cẩm Linh lan tràn thông tin sai lệch trên Internet bằng cách dùng Trí Tuệ Nhân Tạo gán ghép những tuyên bố chống lại Ukraine cho những người nổi tiếng

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Kremlin bots spam internet with fake celebrity quotes against Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hãng truyền thông độc lập của Nga Agentsvo đưa tin vào ngày 15 tháng 6 rằng chỉ trong một ngày, các ứng dụng Trí Tuệ Nhân Tạo của Nga liên kết với mạng lưới thông tin sai lệch của Điện Cẩm Linh đã tung ra 120.000 trích dẫn giả chống Ukraine gán ghép cho những người nổi tiếng, bao gồm Jennifer Aniston và Scarlett Johansson.

Những câu trích dẫn xuất hiện trên các bức ảnh của người nổi tiếng, hiển thị thông điệp kêu gọi chấm dứt viện trợ cho Ukraine và mô tả sự sụp đổ của Âu Châu.

Những hình ảnh này được mạng lưới thông tin sai lệch của Điện Cẩm Linh Dvoynyk công bố từ ngày 14 đến ngày 15 tháng 6, đại diện của dự án Bot Blocker nói với Agentsvo. Các trích dẫn giả mạo kể từ đó đã thu hút được hơn 500.000 lượt xem.

Chiến dịch được cho là bắt đầu bằng việc Dvoynyk xuất bản 50 câu nói và hình ảnh giả về người nổi tiếng trên nền tảng mạng xã hội X, sau đó đăng lại chúng hơn 120.000 lần. Bot Blocker cho biết đây là tiêu chuẩn cho các chiến dịch đưa thông tin sai lệch kiểu này và dự án đã ghi nhận sáu hoạt động tương tự trong sáu tháng qua.

Các ứng dụng Trí Tuệ Nhân Tạo đã xuất bản các bài đăng bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Ba Lan. Các tuyên bố có liên quan đến nhiều người nổi tiếng, bao gồm Ashton Kutcher, Jennifer Aniston, Scarlett Johansson, Angelina Jolie, Alain Delon, Luc Besson, Elton John và Lionel Messi.

“Chúng ta đang nghèo đi, đã đến lúc quên Ukraine đi,” một câu nói bị gán cho nam diễn viên Jennifer Aniston một cách sai lầm.

Một trích dẫn giả mạo của Scarlett Johansson cảnh báo rằng “Liên Hiệp Âu Châu đang tan rã”.

Tình cảm này được lặp lại trong một tuyên bố giả mạo của Elton John: “Chúng tôi đã rơi vào bẫy của Ukraine. Bây giờ Liên Hiệp Âu Châu đang sụp đổ.”

Chiến dịch tuyên truyền bắt đầu ngay sau cuộc bầu cử quốc hội Liên Hiệp Âu Châu, trong đó các nhóm cực hữu đã đạt được những thành tựu đáng kể. Các chiến dịch thông tin sai lệch của Nga được tăng cường trước cuộc bỏ phiếu nhằm cố gắng làm thay đổi kết quả.

7. Tổng Thư Ký Stoltenberg: Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hậu quả vì ủng hộ Nga

Hôm Thứ Hai, 17 Tháng Sáu, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu tiếp tục ủng hộ Nga trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra với Ukraine.

Mặc dù Trung Quốc chính thức duy trì lập trường trung lập đối với cuộc chiến toàn diện của Nga ở Ukraine và phủ nhận việc cung cấp viện trợ sát thương, nhưng Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa vẫn tiếp tục tăng cường mối quan hệ. Điều này được nhấn mạnh trong chuyến thăm của Putin tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 5.

“Bắc Kinh không thể có cả hai,” Stoltenberg nói. “Tại một thời điểm nào đó – trừ khi Trung Quốc thay đổi hướng đi – các đồng minh phải khiến họ phải trả giá. Chắc chắn phải có hậu quả.”

Trong hai năm qua, Stoltenberg cho biết, 90% thiết bị vi điện tử của Nga đều đến từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng được cho là đang nỗ lực cải thiện khả năng của các vệ tinh Nga.

“Các mối đe dọa không mang tính khu vực. Trung Quốc đang thúc đẩy cuộc xung đột vũ trang lớn nhất ở Âu Châu kể từ Thế chiến thứ hai, đồng thời muốn duy trì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với phương Tây”.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ NATO với các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi Nga mở rộng quan hệ đối tác với Trung Quốc và Bắc Hàn. Các nước ngoài NATO như Nhật Bản, Australia, Nam Hàn, New Zealand sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới, dự kiến diễn ra từ ngày 9 đến 11 Tháng Bẩy.

Trung Quốc phủ nhận việc hỗ trợ quân sự toàn diện cho Nga chống lại Ukraine. Đồng thời, Mỹ trước đây đã cáo buộc Trung Quốc dành cho Nga “mọi sự hỗ trợ đằng sau hậu trường” đối với cuộc chiến ở Ukraine, mô tả hành động của nước này là “gây bất ổn ở trung tâm Âu Châu”.

8. Thủ tướng Scholz của Đức nói gói trừng phạt tiếp theo của Nga 'sẽ sớm xảy ra'

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Next Russia sanctions package ‘will happen soon,’ Germany’s Scholz says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bác bỏ cáo buộc rằng Đức là “Hung Gia Lợi mới” sau khi nước này ngăn chặn vòng trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Âu Châu đối với Nga.

Các nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu nói với POLITICO rằng Liên Hiệp Âu Châu đang đàm phán một gói trừng phạt nhằm cấm các nước Liên Hiệp Âu Châu tái xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga thông qua các nhà ga ở Âu Châu, nhưng Berlin phản đối gói này.

Trong một cuộc phỏng vấn với các hãng truyền thông Axel Springer bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ý, Scholz cho biết gói trừng phạt này “không bị chặn” và các nước đang “thảo luận chi tiết”.

“Đó là cách chúng ta có thể bảo đảm rằng nền kinh tế Đức có thể thực hiện các hoạt động của mình, đồng thời bảo đảm rằng hàng hóa được giao đến một nơi nào đó ở Nam Mỹ, một quốc gia Á Châu hoặc Phi Châu sẽ không theo một con đường vòng để đến Nga, nơi lẽ ra chúng không nên đến,” Thủ tướng Scholz nói. Ông nói thêm: “Và điều này phải được thực hiện theo cách mà các công ty có thể giải quyết được”.

“Và tôi nghĩ điều đó sẽ sớm xảy ra. Đó là một câu hỏi thực tế, không phải là một câu hỏi cơ bản,” Scholz nói.

Nhà lãnh đạo Đức cũng phản bác lại sự so sánh giữa sự phản đối của Hung Gia Lợi và sự phản đối của Đức, đề cập đến thói quen ngăn chặn các gói trừng phạt trước đó của Budapest.

“Đúng, đó là một câu nói hay, nhưng nó hoàn toàn vô nghĩa,” Scholz nói khi đề cập đến thuật ngữ “Hung Gia Lợi mới”. “Chúng tôi muốn tìm một giải pháp,” ông nói.

Ông nói thêm rằng Đức đang “thực hiện công việc của mình”, đó là “bảo đảm rằng có một giải pháp phù hợp với nền kinh tế mà bạn có thể quản lý nếu bạn là một công ty, nếu bạn muốn bán mọi thứ, hàng hóa và dịch vụ cho thế giới, đồng thời đáp ứng chính xác mục đích mà chúng tôi quan tâm.”

9. Azov báo cáo những tiến bộ trong rừng Serebryansky, công bố video về 'vũ khí khủng khiếp nhất'

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Azov reports advances in Serebryansky forest, releases video of 'nastiest weapon'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lữ đoàn Azov của Ukraine đã đẩy lùi quân Nga khỏi các vị trí trong rừng Serebryansky ở tỉnh Luhansk, tiến thêm 1 km, chỉ trong một ngày, hôm 16 Tháng Sáu.

Các lực lượng Nga đã dành phần lớn thời gian của cuộc chiến tranh toàn diện để cố gắng giành quyền kiểm soát khu rừng Serebryansky, được coi là cửa ngõ vào thành phố Lyman, một trung tâm xe lửa quan trọng nhưng đã bị phá hủy.

Ukraine đã giải phóng Lyman một ngày sau khi Nga cho biết sẽ sáp nhập Lyman vào 4 khu vực của Ukraine vào ngày 30 tháng 9 năm 2022.

Hôm Thứ Ba, 18 Tháng Sáu, Lữ Đoàn Azov thông báo rằng cùng với Lữ đoàn tác chiến số 1 “Bureviy” của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, đội quân này đã tiến được 1 km, chỉ trong ngày Chúa Nhật, 16 Tháng Sáu, đồng thời cho biết thêm lợi ích đạt được trải rộng trên mặt trận dài 2 km.

Trong một bình luận với tờ Kyiv Independent vào ngày 18 tháng 6, lữ đoàn cho biết các kết quả tiếp theo của hoạt động, bắt đầu vào ngày 21 tháng 4, không thể được báo cáo vào thời điểm này để bảo vệ “sự an toàn và thành công của hoạt động”.

Thông tin này được đưa ra vài ngày sau khi phó chỉ huy Azov, Sviatoslav Palamar, phàn nàn rằng các phương tiện truyền thông trước đó đưa tin về việc quân đội Nga rời khỏi vị trí của họ trong rừng Serebryansky đã không ghi nhận việc Azov buộc quân Nga phải bỏ chạy.

Kêu gọi các nhà báo “viết trung thực”, Palamar cho rằng các ký giả đã cố tình không nêu tên lữ đoàn mặc dù họ “hạ gục quân Nga hàng ngày, hàng giờ trong nhiều tháng qua”.

Ở một diễn biến khác, Azov cũng tung ra một video trên YouTube cho thấy công việc của những người lính phụ trách thứ mà họ mô tả là “vũ khí bẩn thỉu nhất” – SPG-9.

SPG-9 là loại súng không giật cỡ nòng 73 ly gắn trên giá ba chân, được vận hành bởi một tổ gồm hai người.

Nó bắn ra những viên đạn được hỗ trợ bằng hỏa tiễn có hiệu quả chống lại các phương tiện bọc thép và có sức tàn phá hoàn toàn đối với các mục tiêu là con người.

Một trong những người lính Azov nói: “Cho dù bạn hỏi ai thì đây vẫn là vũ khí khủng khiếp nhất”. Khủng khiếp ở đây hiểu là thứ vũ khí này đã lâu đời và khó sử dụng.

Sau khi Nga hỗ trợ cho đám con cháu người Nga nổi loạn chiếm vùng Donbas vào năm 2014, tiểu đoàn Azov bao gồm các tình nguyện đã ra đời, có nguồn gốc từ ý thức hệ cực hữu và chủ nghĩa dân tộc. Các chiến binh đã ở tuyến đầu chống lại phe ly khai thân Mạc Tư Khoa ở Ukraine từ năm 2014. Nga đã ráo riết cáo buộc những người sáng lập tiểu đoàn là có tình cảm tân Quốc xã.

Đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đảo ngược quyết định được đưa ra vào năm 2014 nhằm ngăn chặn lữ đoàn Ukraine nhận vũ khí của Mỹ, một động thái mà chỉ huy của Azov ca ngợi là chìa khóa cho “tính hiệu quả” của đơn vị.

Cho đến nay, trang bị cho Lữ Đoàn Azov chủ yếu là các vũ khí có từ thời Liên Xô, và một số vũ khí mà họ tịch thu được của Nga.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 18 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết Lữ Đoàn Azov sẽ sớm nhận được các vũ khí tiên tiến của phương Tây sau quyết định của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

10. Tổng Thư Ký Stoltenberg: Hơn 20 thành viên NATO đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% vào năm 2024

Hơn 20 quốc gia thành viên NATO sẽ đạt hoặc vượt mục tiêu phân bổ ít nhất 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng trong năm nay của khối, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết hôm 17 Tháng Sáu.

“Bây giờ tôi chỉ có thể tiết lộ rằng năm nay hơn 20 đồng minh sẽ chi tối thiểu là 2% GDP cho quốc phòng”, ông Stoltenberg nói tại Viện nghiên cứu Wilson Center ở Washington, được Reuters đưa tin.

Ông nói thêm: “Điều này tốt cho Âu Châu và tốt cho nước Mỹ, đặc biệt là vì phần lớn số tiền tăng thêm này được chi tiêu ở Hoa Kỳ”.

Stoltenberg cho biết cách đây 5 năm, con số này chưa đến mười. Hiện nay có 32 quốc gia thành viên NATO.

Stoltenberg đang ở Washington để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng tới.

Tuần trước, Stoltenberg đã mô tả “sự thích ứng liên tục” đối với kho vũ khí hạt nhân của liên minh quân sự, trong một đề cập hiếm hoi về các loại vũ khí mà ông mô tả là “sự bảo đảm an ninh tối thượng”.

Phát biểu với các phóng viên, ông Stoltenberg nhấn mạnh căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang và luận điệu đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng từ Điện Cẩm Linh.

Ông nói: “Những gì chúng ta đã thấy trong những năm tháng qua là những lời lẽ khoa trương hạt nhân nguy hiểm từ phía Nga… Chúng ta cũng chứng kiến thêm một số cuộc tập trận, đặc biệt là các cuộc tập trận hạt nhân từ phía Nga”.

Các quan chức NATO hiếm khi bình luận về kho vũ khí hạt nhân của liên minh, nhưng ông Stoltenberg cho biết Mỹ đang hiện đại hóa vũ khí hạt nhân đóng ở Âu Châu.

11. Canada công bố viện trợ thêm 38 triệu Mỹ Kim cho Ukraine

Canada sẽ cung cấp cho Ukraine 52,4 triệu đô la Canada hay 38,1 triệu Mỹ Kim dưới nhiều hình thức viện trợ khác nhau, chính phủ Canada tuyên bố vào ngày 16 Tháng Sáu trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu ở Thụy Sĩ.

Đại diện của khoảng 100 quốc gia và tổ chức, trong đó có Thủ tướng Canada Justin Trudeau, đã tập trung tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock ở Thụy Sĩ trong hai ngày 15 và 16 Tháng Sáu để thảo luận về phương án khả thi hướng tới hòa bình và những mối quan ngại chính khác liên quan đến cuộc chiến đang diễn ra của Nga với Ukraine.

Canada là một trong 80 quốc gia đã ký thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh, trong đó kêu gọi ngăn chặn việc Nga xâm lược Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, thả tất cả tù nhân chiến tranh và trả lại tất cả trẻ em Ukraine bị bắt cóc, cùng những điều khác.

Tại hội nghị thượng đỉnh, Trudeau đã tiết lộ gói mới, phần lớn trong số đó (14,5 triệu Mỹ Kim) sẽ dùng để hỗ trợ những nỗ lực khẩn cấp của Ukraine nhằm sửa chữa thiết bị năng lượng và cơ sở hạ tầng bị hư hại trong các cuộc tấn công của Nga.

Khoảng 11 triệu Mỹ Kim sẽ được chi để hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương, cải thiện khả năng tiếp cận công lý cho những người sống sót sau tội ác chiến tranh, nâng cao nhận thức của xã hội về quá trình tìm kiếm người mất tích và hỗ trợ nam giới sống sót sau bạo lực tình dục liên quan đến xung đột.

Là một phần của gói này, chính phủ Canada cũng sẽ đầu tư 11,2 triệu Mỹ Kim để hỗ trợ các nỗ lực cải cách kinh tế và rà phá bom mìn của Ukraine, cũng như cung cấp kiến thức chuyên môn cho Kyiv trong lĩnh vực tư pháp và năng lượng.

Theo thông báo, 1,4 triệu Mỹ Kim Canada còn lại sẽ góp phần duy trì hoạt động an toàn và bảo đảm của các cơ sở hạt nhân ở Ukraine.

Vài ngày trước đó, Canada đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với 11 cá nhân và 16 thực thể Nga được cho là đã tham gia vào các hoạt động hỗ trợ Nga xâm chiếm Ukraine.
 
Tin vui: Washington có số tân LM cao nhất 64 năm qua. ĐHY Sarah cảnh báo chủ nghĩa vô thần thực tiễn
VietCatholic Media
17:27 18/06/2024


1. Tổng giáo phận Washington có số tân linh mục cao nhất từ sáu mươi bốn năm nay

Năm nay, Tổng giáo phận thủ đô Washington, Hoa Kỳ, có số tân linh mục cao nhất từ sáu mươi bốn năm nay, tức là từ năm 1960, với mười sáu linh mục mới được thụ phong, hôm thứ Bảy, ngày 15 tháng Sáu vừa qua, tại Vương cung Thánh đường Quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm.

Trong số các tiến chức, cũng có một người gốc Việt, là cha Nguyễn Thông.

Đức ông Robert Panke, cha sở giáo xứ thánh John Newman ở Gaithersburg, bang Maryland, cựu Giám đốc Đại chủng viện thánh Gioan Phaolô II ở Washington, nói rằng “Bích chương quảng cáo lớn nhất cho ơn gọi là một linh mục hạnh phúc, vì bạn tự hỏi các linh mục có điều gì khiến họ hạnh phúc như vậy. Một linh mục vui tươi dễ làm lây sang người khác”.

Còn cha Anthony Lickeig, Đại diện Giám mục Washington về giáo sĩ, nói với tờ National Catholic Register rằng: “Con số đông đảo các tân linh mục như vậy là một phúc lành tuyệt vời của Chúa. Chúa là Đấng kêu gọi và đặt ơn này nơi tâm hồn của các tiến chức linh mục này”.

Con số tân linh mục cao của Giáo phận Washington nổi bật giữa những lo âu vì sự tiếp tục suy giảm ơn gọi mới trên toàn nước Mỹ. Một phúc trình được công bố đầu năm nay cho thấy từ năm 2014 đến 2021, số linh mục giáo phận ở tuổi hoạt động ở Mỹ giảm 9%, trong khi số linh mục dòng hoạt động giảm 14%, số chủng sinh giảm 22% mà mỗi năm số tân linh mục giảm 24%.

Cha Carter Griffin, Giám đốc Đại chủng viện thánh Gioan Phaolô II, nói: “Cần biết rằng cổ võ ơn gọi linh mục không trở nên dễ dàng hơn, và nhiều yếu tố văn hóa ngăn cản ơn gọi linh mục và các sứ vụ khác trong Giáo hội. Sự kiện năm nay có nhiều tân linh mục như vậy ở đây, thực là một phép lạ”.

2. Đức Hồng Y Sarah cảnh báo về mối nguy hiểm của “chủ nghĩa vô thần thực tiễn” ngay cả trong Giáo hội

Hơn 30 năm trước, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giúp gây ra sự sụp đổ của Liên Xô, vốn đã tìm cách áp đặt chủ nghĩa vô thần Cộng sản lên quê hương Ba Lan và phần còn lại của thế giới.

“Ở một mức độ nào đó, chúng ta đã thắng trong cuộc chiến đó,” Đức Hồng Y Robert Sarah đưa ra lập trường trên trong bài phát biểu tối Thứ Bẩy, 15 Tháng Sáu, tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là CUA, ở Washington, DC

Tuy nhiên, ở một cấp độ khác, cuộc chiến đó “tiếp tục ở cấp độ toàn cầu và quốc gia”. Nhưng thay vì một chủ nghĩa vô thần ý thức hệ cứng rắn, đối phương ngày nay là một “chủ nghĩa vô thần thực tiễn”. Mặc dù có thể không đi quá xa đến mức phủ nhận sự tồn tại của Chúa, nhưng người ta cho rằng Ngài không liên quan đến cuộc sống hiện đại.

Ngài nói, trong nhiều thập niên kể từ khi Bức màn sắt sụp đổ, “căn bệnh nguy hiểm” này đã hoành hành khắp Âu Châu, nơi mà đức tin Công Giáo trong nhiều thế kỷ đã định hình và xác định không chỉ lục địa này mà cả nền văn minh phương Tây, đã chết hoặc đang hấp hối. Điều đáng lo ngại hơn đối với Đức Hồng Y Sarah là nó đã có được chỗ đứng trong Giáo hội.

Là một tác giả nổi tiếng với việc bảo vệ mạnh mẽ tính chính thống của Công Giáo, Đức Hồng Y Sarah, người bước sang tuổi 79 vào ngày 15 tháng 6, đã phát biểu gần một giờ đồng hồ trong một giảng đường đông đúc tại Trường Kinh doanh Busch của CUA. Bài phát biểu của ngài, được đồng tài trợ bởi Viện Napa và Trung tâm Thông tin Công Giáo ở Washington, DC, đã đưa ra một đánh giá thẳng thắn về những gì ngài coi là sự suy giảm và gạt ra ngoài lề dần dần nhưng đều đặn đối với đức tin tôn giáo ở phương Tây.

“Đó không phải là sự chối bỏ Thiên Chúa một cách trắng trợn, nhưng nó đẩy Thiên Chúa sang một bên”, bằng một tư duy vô thần thực tiễn. Tuy nhiên, ngài nói thêm: “Cuộc khủng hoảng sâu sắc không phải nơi thế giới trần tục và những tệ nạn của nó, mà là sự thiếu đức tin trong Giáo hội”.

“Có bao nhiêu người Công Giáo tham dự Thánh lễ hàng tuần? Có bao nhiêu người tham gia vào Giáo hội địa phương? Có bao nhiêu người sống như thể Chúa Kitô hiện hữu, hoặc như thể Chúa Kitô được tìm thấy nơi người lân cận của mình, hoặc với niềm tin vững chắc rằng Giáo hội là Nhiệm thể của Chúa Kitô? Có bao nhiêu linh mục cử hành Bí tích Thánh Thể như thể họ thực sự là Chúa Kitô thay thế, và hơn thế nữa, như thể họ là ipse Christus - chính Chúa Kitô? Có bao nhiêu người tin vào sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể?

“Câu trả lời là quá ít. Chúng ta sống như thể chúng ta không cần sự cứu chuộc qua máu của Chúa Kitô. Đó là thực tế thực tế đối với quá nhiều người trong Giáo hội.”

Đức Hồng Y cũng phê phán các khía cạnh của Thượng Hội Đồng đang diễn ra, một quá trình lắng nghe và phân định kéo dài nhiều năm do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng, lên đến đỉnh điểm với cuộc họp lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng của các giám mục và các đại biểu khác từ khắp nơi trên thế giới vào tháng 10 tại Vatican. Cụ thể, ngài đã chỉ trích điều mà ngài coi là sự thúc đẩy của Thượng hội đồng nhằm coi các quan điểm không chính thống có tầm quan trọng quá lớn trong quá trình này.

“Trở thành người Công Giáo không chỉ là một bản sắc văn hóa; đó là một lời tuyên xưng đức tin. Nó có một nội dung đặc biệt về đức tin. Đi ra ngoài nội dung đó, cả về niềm tin lẫn thực hành, là đi ra ngoài đức tin”, Đức Hồng Y nói.

Ngài nói thêm: “Thật là một mối nguy hiểm nghiêm trọng khi coi mọi tiếng nói đều hợp pháp”. “Điều này sẽ dẫn đến sự hỗn tạp của các giọng nói gây ra tiếng ồn, ngày nay dường như ngày càng lớn hơn. Như Đức Hồng Y Ratzinger đã nói: ‘Một đức tin mà chúng ta có thể tự quyết định thì không phải là đức tin chút nào.’”

Đức Hồng Y nói: Không ai trong số những người ủng hộ sự thay đổi mô hình này trong Giáo hội “từ chối Thiên Chúa một cách thẳng thắn, nhưng họ coi Mặc Khải là thứ yếu, hoặc ít nhất là ngang hàng với kinh nghiệm và khoa học hiện đại”.

“Đây là cách chủ nghĩa vô thần thực tiễn hoạt động. Nó không phủ nhận Thiên Chúa nhưng hoạt động như thể Thiên Chúa không phải là trung tâm. Chúng ta thấy đường lối này không chỉ trong thần học luân lý mà còn trong phụng vụ. Những truyền thống thiêng liêng đã phục vụ tốt cho Giáo hội hàng trăm năm nay lại bị miêu tả là nguy hiểm. Quá tập trung vào chiều ngang đẩy lùi chiều dọc, như thể Thiên Chúa là một trải nghiệm hơn là một thực tại bản thể.

Người Công Giáo trung thành nên phản ứng thế nào trước những thách thức này? Đức Hồng Y Sarah lần đầu tiên kêu gọi các giám mục ở Hoa Kỳ lên tiếng một cách rõ ràng và can đảm để bảo vệ đức tin và tính trung tâm của Chúa Giêsu Kitô.

“Mỹ không giống Âu Châu. Đức tin vẫn còn trẻ và đang trưởng thành. Sức sống trẻ trung này là một món quà cho Giáo hội”, ngài nói.

“Các chủng viện của anh chị em phần lớn đã được cải tổ, các hoạt động tông đồ giáo dân đang thổi sức sống mới vào đức tin, trong các giáo xứ có những nhóm phò sinh, và tôi cảm nhận rằng sự lãnh đạo của các giám mục của anh chị em nói chung cam kết với Tin Mừng, đức tin vào Chúa Giêsu Kitô và bảo tồn đức tin. Truyền thống thiêng liêng của chúng ta,” Đức Hồng Y nhận xét.

“Chắc chắn là có sự chia rẽ và xung đột nội bộ, nhưng không có sự chối bỏ hoàn toàn đức tin Công Giáo như chúng ta thấy ở nhiều nơi ở Âu Châu và Nam Mỹ. Quan sát của tôi là có những mô hình đức tin ở Hoa Kỳ có lẽ có thể là một bài học cho các nước phương Tây khác.”

Đức Hồng Y Sarah lưu ý rằng Giáo hội ở Phi Châu, “cũng còn non trẻ,” đã cung cấp “chứng tá anh hùng cho đức tin” khi lên tiếng phản đối Fiducia Supplicans, tuyên bố của Vatican đưa ra vào tháng 12 rằng đã cho phép ban phép lành ngoài phụng vụ cho các cặp đồng giới. Đức Hồng Y Sarah gọi tài liệu này là “sai lầm”.

Giáo hội tại Hoa Kỳ cũng có thể là chứng nhân cho đức tin, Đức Hồng Y Sarah nói

“Mỹ lớn mạnh và hùng mạnh về chính trị, kinh tế và văn hóa. Điều này đi kèm với trách nhiệm lớn lao,” ngài nhấn mạnh.

“Hãy tưởng tượng điều gì có thể xảy ra nếu nước Mỹ trở thành quê hương của những cộng đồng Công Giáo sôi động hơn nữa. Niềm tin của Âu Châu đang hấp hối hoặc đã chết. Giáo hội cần thu hút ánh sáng từ những nơi như Phi Châu và Mỹ Châu, nơi mà đức tin vẫn chưa chết”, ngài nói.

Đức Hồng Y kết luận: “Nếu người Công Giáo ở đất nước này có thể là một dấu hiệu mâu thuẫn với nền văn hóa của anh chị em, thì Chúa Thánh Thần sẽ làm những điều vĩ đại qua anh chị em”.


Source:National Catholic Register

3. Đức Hồng Y Koch thảo luận về việc ‘cải cách’ tín điều của Vatican I về tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng

Trong một cuộc phỏng vấn về tài liệu nghiên cứu mới của Vatican về tính tối thượng của Đức Giáo Hoàng và tính đồng nghị, Đức Hồng Y Kurt Koch đã nói về việc “tiếp nhận lại”, hoặc thậm chí là “cải cách” các giáo huấn của Công đồng Vatican I (1869- 70) về tính ưu việt và tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng.

Vị đứng đầu Bộ Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo, nơi đã xuất bản tài liệu này, nói rằng “vì các định nghĩa tín lý của nó bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các hoàn cảnh lịch sử”, một số đối tác đại kết “đề nghị rằng Giáo Hội Công Giáo nên tìm kiếm những cách diễn đạt và từ vựng mới trung thành với ý định ban đầu” tích hợp chúng vào nền giáo hội học hiệp thông và điều chỉnh chúng cho phù hợp với bối cảnh văn hóa và đại kết hiện nay. Do đó, người ta đang nói đến việc ‘tiếp nhận lại’ hoặc thậm chí ‘cải cách’ những giáo huấn của Vatican I. “

Đức Hồng Y Koch nói rằng sự tồn tại của ngôi vị giáo hoàng ít gây trở ngại cho đại kết hơn so với năm 1967, khi Thánh Giáo hoàng Phaolô Đệ Lục nói rằng Đức Giáo Hoàng “chắc chắn là trở ngại lớn nhất trên con đường tiến tới đại kết”.

Đức Hồng Y Koch nói: “Trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta, chắc chắn có một ý thức ngày càng tăng về nhu cầu có một mục vụ hiệp nhất ở cấp độ hoàn vũ”. “Vấn đề đặt ra là phải thống nhất về cách thức thực thi thừa tác vụ này, được Đức Gioan Phaolô II định nghĩa là ‘sự phục vụ tình yêu’”.