Ngày 20-06-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thay đổi cả một cuộc đời
Lm. Minh Anh
01:03 20/06/2021
THAY ĐỔI CẢ MỘT CUỘC ĐỜI
“Ngài là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Ngài?”.

Trong cuốn sách kinh điển 85 tuổi của mình, “How to Win Friends and Influence People”, tạm dịch ‘Làm sao để bạn được lòng và ảnh hưởng trên người khác’, bản dịch Việt ngữ, “Đắc Nhân Tâm”, Dale Carnegie khuyên, “Bạn hãy đặt những câu hỏi mà người khác thích trả lời!”. Với lời khuyên đó, hàng triệu người đã đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời vốn đã ảnh hưởng trên cuộc đời họ!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay không chỉ cho chúng ta một lời khuyên, nhưng đã đặt giúp chúng ta một câu hỏi, mà câu trả lời không chỉ ảnh hưởng trên cuộc đời nhưng có khả năng ‘thay đổi cả một cuộc đời’. Câu hỏi quan trọng đó là, “Ngài là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Ngài?”; và câu trả lời lại quan trọng hơn, Ngài là Thiên Chúa, là Cha, và là Đấng Cứu Độ con người.

Bối cảnh câu chuyện Tin Mừng hôm nay xảy ra khi các môn đệ đang ở trên thuyền giữa biển hồ đang dậy sóng; và ngạc nhiên thay, Thầy Giêsu của họ lại đang ngủ như chết, vắt vẻo trên ván véo đàng lái của con thuyền. Hốt hoảng vì bão tố khiến thuyền ngập nước, hòng chìm, các môn đệ đánh thức Chúa Giêsu, thưa lên với Ngài, “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?”. Tin Mừng kể tiếp, “Chỗi dậy, Ngài đe gió và phán với biển rằng, ‘Hãy im đi, hãy lặng đi!’. Tức thì gió ngừng, biển lặng như tờ”. Bấy giờ, các ông kinh hãi và nói với nhau rằng, “Ngài là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Ngài?”.

‘Ngài là ai?’. Và câu trả lời, Ngài là Thiên Chúa, là Cha của chúng ta khi Ngài mỉm cười thổi sinh khí cho những con người đầu tiên để nó và dòng giống của nó có sự sống; Ngài là Chúa Tạo Thành khi thấy mọi loài Ngài dựng nên, tất cả đều tốt đẹp qua những buổi chiều và những buổi sáng; Ngài là Chủ Tể trời đất biển khơi cùng muôn loài trong đó. Và thật bất ngờ, bài đọc sách Gióp hôm nay còn cho biết một cách rất chi tiết, đầy thú vị, rằng, Ngài là Đấng tháo mở cả sóng biển ba đào, “Ngươi chảy đến đây mà thôi, không được chảy xa nữa và vỗ sóng ba đào cũng phải dừng tại đây!”. Tắt một lời, Ngài là Cha, Chúa Vũ Trụ, toàn quyền trên thiên nhiên, định đoạt nhất cử nhất động của mọi loài, kể cả phong ba bão tố.

‘Ngài là ai?’. Câu trả lời còn cho biết, Ngài là Đấng Cứu Độ con người. Trong bài đọc thứ hai hôm nay, thánh Phaolô khẳng định, Ngài là “Đấng đã chết vì mọi người”, cũng là “Đấng đã sống lại vì họ”. Nói cách khác, Chúa Giêsu Kitô không chỉ là Thiên Chúa tạo thành vũ trụ biển khơi, sóng nước và bão tố, nhưng Ngài còn vượt qua chính bão tố lớn lao nhất của con người là sự chết. Đúng thế, Ngài đã vượt qua cơn lốc khốc liệt chiều ngày thứ Sáu Tuần Thánh; để sau đó, trổi dậy hiển vinh vào rạng ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Nhờ chính sự chết và sống lại của Ngài, chúng ta được ơn tha tội, được hưởng nhận sự sống mới, một sự sống vốn đã bị đánh mất vì tội lỗi của Ađam xưa.
Phaolô nói, “Một người đã chết vì mọi người, vậy mọi người đều đã chết. Và Chúa Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ”. Và như thế, trong Bí tích Rửa tội, những ai được chết và sống lại với Ngài sẽ sống một đời sống mới của con cái Thiên Chúa, họ nên giống Ngài và như vậy, câu trả lời ‘Ngài là ai’ giờ đây có thể ‘thay đổi cả một cuộc đời’ của những ai theo Ngài.

Anh Chị em,

Câu trả lời ‘Ngài là ai’ đã quá rõ ràng, Ngài là Thiên Chúa, là Cha cũng là người bạn đồng thuyền của mỗi người chúng ta. Vì thế, dù sống trong bậc gia đình hay bậc dâng hiến, thuyền đời mỗi người chúng ta luôn luôn có sự hiện diện của Ngài, một Giêsu Cứu Chúa mạnh mẽ, dũng lực, quyền năng. Vấn đề không phải là Ngài đang ngủ hay thức, nhưng quan trọng, Ngài đang có đó, để trấn an, để nói với chúng ta, “Đừng sợ!”; và quan trọng hơn, như các môn đệ, chúng ta phải biết chạy đến với Ngài, “Thưa Thầy, chúng con chết mất!”. Ngài sẽ chỗi dậy, lên tiếng và thuyền đời chúng ta sẽ được bình an; từ đó, chúng ta có thể cất cao lời ngợi khen như Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ; muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không ít lần, thuyền đời con, gia đình con, cộng đoàn con, Hội Thánh con… gặp phải bão dông. Xin cho con biết tìm đến Chúa, Đấng đang có trong thuyền; con tin chắc, với Chúa, mọi sự sẽ đâu vào đó. Nhưng điều quan trọng, là sau đó, con phải sống làm sao để Chúa có thể ‘thay đổi cả một cuộc đời’ của con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 21/6: Đừng vội xét đoán – Suy Niệm của Linh mục Giuse Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
02:12 20/06/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 20-June-2021 theo giờ Việt Nam

PHÚC ÂM: Mt 7, 1-5

“Hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét. Các con đoán xét thể nào thì các con cũng bị đoán xét như vậy. Các con dùng đấu nào mà đong, thì cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy. Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi? Hoặc sao ngươi bảo anh em: “Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh”, và này: cái đà đang ở trong mắt ngươi. Đồ giả hình, hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em ngươi”.
 
Chúa Ngủ Và Một Chuyến Sang Bờ
LM. Giuse Trương Đình Hiền
08:27 20/06/2021
Chúa Ngủ Và “Một Chuyến Sang Bờ”

(Chúa Nhật 12 TN B 2021)

Trong đời thường cuộc sống, có những chuyện “tưởng đâu vậy mà không phải vậy”. Chẳng hạn, chuyện người chồng bỏ vợ ở lại chết chìm để lên thuyền cứu nạn… ! Ai cũng nghĩ, sao “anh ta tàn nhẫn và ích kỷ thế” ! Nhưng, từ những trang nhật ký sau nầy, người ta mới đọc thấy”: “Khi biết chỉ có 1 cơ hội được sống, anh đã muốn chìm cùng em. Nhưng anh nhớ ngày cầm trên tay kết quả xét nghiệm, em đã dặn anh rằng, chúng ta khống sống cho riêng mình, chúng ta còn có trách nhiệm với con cái, nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Khi đẩy anh xuống thuyền em nói chết thế này em còn thanh thản hơn bệnh tật đau đớn giày vò. Vậy mà 20 năm nay nghĩ về hôm ấy anh chưa một ngày được thanh thản...” (x. Bài viết: Tại sao người chồng một mình thoát thân, bỏ mặc vợ trên chiếc thuyền bị đắm).

Trong đời sống đức tin cũng vậy ! Rất nhiều lúc chúng ta đã “hiểu lầm Thiên Chúa”: Chúa đã quay lưng, Chúa bỏ, Chúa chẳng quan tâm… Ngày xưa, trong “Đạo cũ”, dân Israel đã từng bao lần “hiểu lầm Thiên Chúa”, nhất là trong những cơn bĩ cực, gian nan, lưu đày, khốn khó…, như kinh nghiệm của ngôn sứ Giêrêmia: Xion từng nói: Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi” (Gr 49,14); hay như kinh nghiệm của ông thánh Gióp: “Con kêu lên Ngài, nhưng Ngài không đáp, con trình diện Ngài, nhưng Ngài chẳng lưu tâm. Ngài đối xử với con tàn nhẫn, giương cánh tay mạnh mẽ đánh phạt con.” (G 30,20-21).

Nhưng Chúa đã trả lời cho Giêrêmia: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Gr 49,15); hay Ngài cũng đã trả lời cho ông Gióp, cho dù qua những hình ảnh biểu tượng, nhưng chủ đích vẫn là: Chúa không vô tâm, không lãng quên, không mất hút…; Ngài vẫn có đó, vẫn đang “cầm chịch” mọi diễn biến trong lịch sử: Bấy giờ từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời Gióp rằng: “Khi nước chảy mạnh vỡ bờ như sinh ra bởi lòng mẹ, … Ta đã vạch biên giới chung quanh nó, đã đặt khung cửa và then chốt mà phán rằng: “Ngươi chảy đến đây mà thôi, không được chảy xa nữa và vỗ sóng ba đào cũng phải dừng tại đây” (Bđ 1).

Và đó cũng là kinh nghiệm của “một thời Tân Ước”, của các môn sinh của Đức Kitô trong “một chuyến sang bờ”: … Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” (TM).

Dưới con “mắt thịt” và niềm tin kém cỏi, các Tông đồ chỉ thấy một “ông thầy đang ngủ và vô tâm” chứ nào nhận ra một “Đấng Toàn Năng đang có mặt chỉ để quan tâm và cứu thoát” ! Vâng, những anh dân chài miền Galilê chưa tin và cảm nhận đủ thế nào là “Nhập Thể”, là Thiên Chúa làm người, là Đấng Emmanuel “cắm lều ở giữa nhân loại” (Ga 1,14); chưa xác tín đủ Thầy mình chính là Đấng Mêsia: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”…

Vâng. Thiên Chúa hiện diện, Thiên Chúa quyền năng, Thiên Chúa đồng hành… đó chính là trọng tâm của sứ điệp Lời Chúa muốn chuyển tải đến chúng ta trong Chúa Nhật 12 (TN B) nầy mà hình ảnh “Chúa ngủ” trên “con thuyền của các môn sinh” trong “một chuyến sang bờ” là một biểu tượng quy chiếu sống động và rõ nét ! Và đây, chắc chắn là sứ điệp cần thiết cho hành trình đức tin của chúng ta, nhất là trong thời buổi “tinh thần thế tục đang lên ngôi” và con người muốn “gạt phắt Thiên Chúa ra khỏi lòng cuộc sống”, như những câu trả lời của bà Anne, con gái của mục sư Billy Graham, sau biến cố 11.9.2001: “Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, ít nhất là Ngài cũng buồn như chúng ta. Đã bao năm qua, chúng ta yêu cầu Ngài ra khỏi trường học, khỏi Chính Phủ và khỏi đời sống của chúng ta. Là 'quân tử' nên Ngài lẳng lặng rút lui. Làm sao chúng ta có thể mong Chúa ban ơn lành và che chở chúng ta khi chúng ta khẩn thiết xin Ngài để mặc chúng ta một mình? (…). Thật kỳ lạ là con người có thể dễ dàng vứt bỏ Thiên Chúa, rồi lại tự hỏi tại sao thế giới trở thành địa ngục!!!...”.

Nhưng, Thiên Chúa không vắng mặt đâu ! Một khi Thiên Chúa đã cất bước đi vào trần gian, đã quyết định chịu cảnh sinh ra màn trời chiếu đất; đã sẵn sàng trốn chạy trước quyền lực truy bắt của loài người; đã vui vẻ đổ mồ hôi với cái cưa, cái chàng cái đục của nghề thợ mộc tăm tối; đã nhất định chen chân trong cõi trần tục lụy khi chấp nhận chen vai sát cánh với dòng người tội lỗi bước tới dòng sông sám hối Giođanô…; hay như chuyện kể của Tin Mừng hôm nay, khi Ngài ngồi đó, dựa đầu vào chân gối ngủ vùi trong cái mỏi mệt sau những cây số cuốc bộ đường dài với đói khát, thiếu ăn thiếu ngủ…. thì Thiên Chúa không còn “lẫn trốn trên các tầng mây”, không còn xa xôi ngăn cách trong cõi thánh thiện ngút ngàn mà đã trở nên một “Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Một lần nữa, Lời Chúa muốn củng cố niềm tin cho chúng ta rằng: trong chiếc thuyền nhân loại đang có đó Đấng Thiên Chúa làm người ! Và dĩ nhiên, Thiên Chúa không chỉ hiện diện suông, không chỉ có mặt để “say sưa chè chén với những người tội lỗi”, để làm bộ làm tịch là “Ta đây là nhà giải phóng, là giải pháp chính trị, là con đường rộng thênh thang dẫn tới bến bờ hạnh phúc” bằng những lời mị dân hay huyênh hoang rỗng tuếch…

Không, Ngài đã từng làm cho tiệc cưới Cana tưởng đâu giữa chừng bẽ mặt vì thiếu rượu, đã tưng bừng nối tiếp cuộc vui với mấy trăm lít rượu ngon hóa nên từ nước lã; đã trả lại niềm vui đoàn tụ cho bà góa Naim khi trao sự sống cho đứa con trai vừa mới mất; đã phục hồi nhân phẩm niềm tin và hy vọng cho người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang; đã đưa những anh chàng cùi phong tưởng đâu mãi mãi tàn đời cách ly trong hoang mạc lại được trở về cuộc sống trong rạng rỡ vui mừng; đã kéo Ladarô bốn ngày nằm trong huyệt mộ của âm u sự chết, bừng dậy đĩnh đạc bước vào bình minh cuộc sống; Ngài đã cho mấy ngàn dân nghèo khố rách áo ôm quay quắt với cái đói trong hoang mạc được no nê thoải mái trong một bữa tiệc huynh đệ mặn nồng với chỉ vài chiếc bánh và mấy con cá nhỏ; Ngài đã cho người mù sáng mắt, người què nhảy nhót như nai, người thu thuế trở nên tông đồ, những tay dân chài dốt nát, những hạng đàn bà bị xã hội bỏ đi lại trở nên người loan tin cứu rỗi…; và hôm nay, như Tin Mừng Mácccô tường thuật: Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ…

Cũng cần ghi nhận: câu chuyện “Chúa ngủ” hôm nay lại được lồng trong khung cảnh của “một cuộc sang bờ” vượt biển đầy thách đố gian nan theo lệnh Chúa truyền: Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”… Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước…

Theo Chúa, tin Chúa, ai rồi cũng phải trải nghiệm “một cuộc sang bờ”. Chính vì thế, thái độ đúng đắn của niềm tin Kitô hữu, của chúng ta hôm nay, đó là mau mắn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và biểu tỏ đức tin vào sự hiện diện đó qua chính cuộc sống đời thường của mình, qua mỗi hành động và ứng xử với mọi người chung quanh, theo cách mà thánh Phaolô đề nghị với chúng ta trong thư Côrintô được công bố trong BĐ 2 hôm nay: “… lòng mến của Đức Kitô thúc bách chúng ta … Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ”.

Vâng, tất cả những gì Thánh Phaolô đã dạy cho cộng đoàn tín hữu Côrintô đó đang thật sự tái diễn ở đây, ngay trên bàn thờ này. Lời Chúa và Thánh Thể Chúa được ban tặng cho chúng ta. Nếu chúng ta đến đây, tham dự bàn Tiệc Thánh nầy như một kẻ bàng quan và ra đi như một người thua lỗ…, thì mãi mãi trong chiếc thuyền đời chúng ta, giống như các Tông đồ hôm nao, Đức Kitô cũng chỉ là một người khách lạ tầm thường “ôm gối say sưa ngồi ngủ”…

Quả thật, khi không có niềm tin và tình yêu thúc bách, thì Thiên Chúa, Đức Kitô, cho dù có đó vẫn là người xa lạ: “Vô duyên đối diện bất tương phùng”; chẳng khác nào câu chuyện: giữa muôn người đụng chạm, cọ xát, nhưng chỉ một “cú chạm nhẹ vào gấu áo” đầy niềm tin của người phụ nữ ngoại đạo Canaan là được Chúa nhận ra và chúc phúc (Mc 5,25-34).

Ước gì, trên “mỗi chuyến sang bờ” của anh, của chị, của tôi hôm nay sẽ không có chỗ cho hoang mang hãi sợ, cho buồn sầu thất vọng…, mà đong đầy niềm tin yêu vui sống vì có Đấng Phục Sinh đang đồng hành; và thay vì hoảng loạn kêu la “Chúa ơi, chúng con chết mất… Sao Chúa chẳng quan tâm”, là những lời ca khen chúc tụng vang vọng khắp trên đường: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 106,1). Amen.

Trương Đình Hiền.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:35 20/06/2021

12. Nếu chúng ta kiên cường tháo chạy cám dỗ, thì cám dỗ sẽ trở thành đồ chơi của chúng ta, không cần phải sợ hãi.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:38 20/06/2021
79. HẠN ĐỊNH TUỔI THỌ

Có một ông lão mừng sinh nhật thứ một trăm, có anh Giáp đến chúc thọ:

- “Chúc ngài sống đến một trăm hai chục tuổi.”

Lão ông rất giận, mắng:

- “Ta sống đây không do anh nuôi, tại sao lại hạn định tuổi thọ của ta? Tức là không cho phép ta sống thêm vài trăm năm nữa sao?”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 79:

Chúc thọ sống thêm vài chục tuổi nữa là mơ ước của con người, nhưng mạng sống của con người đều nằm trong tay của Thiên Chúa, Ngài ban cho người này sống một trăm tuổi, người kia sống mấy ngày là quyền của Ngài, con người chỉ có một điều duy nhất phải cầu xin là: làm tốt công việc ngày hôm nay của mình với tất cả lòng yêu mến và cảm tạ Thiên Chúa.

Tuổi thọ của con người ta đều được Thiên Chúa ấn định, nhưng con người ta vì ích kỷ để hưởng thụ mà tước mất quyền sống của người khác đó là một tội ác ghê tởm: ghê tởm nhất và đáng lên án nhất là cha mẹ giết con mình khi chúng được Thiên Chúa cho phép làm người như mọi người. Mỗi bào thai là một kỳ công và là tình thương của Thiên Chúa ban cho cha mẹ và nhân loại, tước đoạt mạng sống của thai nhi là chống đối ý định của Thiên Chúa, là tội ác nhất trong các tội ác…

Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống chứ không phải là Thiên Chúa của kẻ chết.

Người Ki-tô hữu hiểu rất rõ câu nói này của Đức Chúa Giê-su…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
22/6: Hãy làm cho người ta những gì các con muốn người ta làm cho các con. Thầy Phêrô Trần Ngọc Đức
Giáo Hội Năm Châu
20:32 20/06/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 21-June-2021 theo giờ Việt Nam

PHÚC ÂM: Mt 7, 6. 12-14

“Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Đừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con. “Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Đấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy. “Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy”.

Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trộm dọn sạch thùng tiền nhà thờ
Đặng Tự Do
05:07 20/06/2021


Cha Matthew McClain, là cha sở giáo xứ Thánh Giuse trên đường Stoney Hollow ở khu vực thị tứ Winfield, quận Cabot, Pennsylvania đã lên tiếng than thở sau khi trộm dọn sạch một thùng tiền nhà thờ. Tất cả số tiền anh chị em giáo dân dâng cúng trong các thánh lễ Chúa Nhật thứ 11 thường niên, 13 tháng Sáu, đã bị lấy mất không còn một đồng nào.

Nội vụ xảy ra vào đêm thứ Hai 14 rạng sáng ngày 15 tháng 6. Cảnh sát cho biết kẻ gian đã đột nhập vào văn phòng của nhà thờ qua cửa bên hông và lấy trộm toàn bộ số tiền.

Cha Matthew McClain cho biết hầu hết số tiền bị đánh cắp là tiền thu được vào thánh lễ Chúa Nhật 13 tháng Sáu, được dùng để chi trả cho các hoạt động hàng ngày tại nhà thờ, tài trợ cho chương trình giáo dục và mua sách cho cộng đoàn.

Giáo xứ Thánh Giuse là một họ đạo lớn trong vùng. Ngoài Cha Matthew McClain, giáo xứ còn có 3 cha phó. Nhà thờ Thánh Giuse là nhà thờ chính, ngoài ra còn có hai họ lẻ là nhà thờ Thánh Gioan và nhà thờ Đức Maria.

Cảnh sát cho biết khi họ đến hiện trường, văn phòng dường như đã bị lục soát tung cả lên. Theo những người hàng xóm, vụ trộm có lẽ đã xảy ra trong khoảng từ 8:30 tối Thứ Hai đến 9:30 sáng Thứ Ba.

Hiện tại, cảnh sát đang thu thập bằng chứng và thu thập thông tin và cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.

Bất kỳ ai có thông tin xin gọi cho ty cảnh sát Butler theo số 724-284-8100.
Source:WPXI
 
Các linh mục dâng Thánh lễ ở những nơi thâm sơn cùng cốc để canh tân đức tin của người dân Ái Nhĩ Lan
Đặng Tự Do
05:08 20/06/2021


Ái Nhĩ Lan là quốc gia vẫn thường được xem là một nước Công Giáo sùng đạo. Tuy nhiên, từ ngày 1 tháng Giêng 2019, phá thai được hợp pháp hóa tại quốc gia này sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Năm, 2018. Trong tất cả các quốc gia trên thế giới, việc hợp pháp hóa phá thai là do một phán quyết của tòa án, hay do việc thông qua các dự luật tại Quốc Hội. Ái Nhĩ Lan là quốc gia đầu tiên và duy nhất cho đến nay, trong đó 66.4% dân số đồng thanh ủng hộ phá thai, mặc dù quốc gia này có đến 78.3% trong tổng số 5.2 triệu dân nhận mình là người Công Giáo. Báo chí gọi diễn biến bi đát này là một vụ bội giáo tập thể.

Theo một sáng kiến của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, các linh mục Công Giáo đã cử hành các Thánh lễ cho “sự đổi mới đức tin” tại các nơi thâm sơn cùng cốc, giữa đất trời bao la, lấy các tảng đá lớn làm bàn thờ dâng lễ. Những thánh lễ như thế diễn ra ở tất cả 26 giáo phận của Ái Nhĩ Lan.

Các linh mục đã dâng Thánh lễ tại những địa điểm vắng vẻ, nơi những người Công Giáo đã từng bị bách hại trong các thế kỷ trước để kêu cầu các thánh tử đạo Ái Nhĩ Lan.

Đức Ông Tommy Johnston, một trong những linh mục tham gia, đã dâng Thánh lễ trên Đồi Thánh lễ ở Núi Ox, Quận Sligo.

Ngài cho biết “Tảng đá dùng làm bàn thờ dâng Thánh lễ của các vị tử đạo thường là một tảng đá lớn. Bề mặt của nó thường không bằng phẳng, không có chỉ dấu nào cho thấy nó có thể có thể được sử dụng cho một mục đích thiêng liêng như vậy”.

“Có lẽ vì vậy mà nó được chọn. Nó không gây ra sự chú ý hay nghi ngờ”.

“Vị trí của tảng đá nép mình trên sườn đồi cung cấp một tầm nhìn rõ ràng, bao quát khu vực xung quanh, vì vậy anh chị em giáo dân chịu trách nhiệm canh gác có thể phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm ngay khi chúng còn ở xa, và như thế có thể dễ dàng cảnh báo những người đang tụ tập tham dự Thánh lễ”.

Ngài nói thêm: “Thật là một đặc ân độc đáo khi được đứng tại một nơi linh thiêng của tổ tiên chúng tôi, những người đã đứng ở đó suốt những năm trước đây để nói lên niềm tin của các ngài ngay cả trước các mối nguy hiểm luôn sẵn sàng xảy ra đối với tính mạng và sinh kế”.

ACN Ái Nhĩ Lan trước đây đã tìm cách nâng cao nhận thức về các vị tử đạo ở quốc gia này bằng cách xuất bản lại cuốn sách năm 1896 nhan đề “Các vị tử đạo của chúng ta”, của linh mục Dòng Tên Dennis Murphy. Cuốn sách trình bày chi tiết về những người Công Giáo bị giết vì đức tin của họ ở Ái Nhĩ Lan theo Luật Hình sự từ năm 1535 đến năm 1691.

Các Luật Hình sự nhắm vào những người Công Giáo theo sau cuộc Cải cách Tin lành. Giáo dân phải đối mặt với các hình phạt như phạt tiền và bỏ tù, trong khi các linh mục phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc, kể cả tử hình, nếu bị bắt quả tang đang dâng lễ cho người Công Giáo.

ACN Ái Nhĩ Lan đang mời những người Công Giáo được truyền cảm hứng từ chiến dịch này tham gia vào việc cầu nguyện cho sự đổi mới đức tin Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan thông qua lời cầu bầu của các vị tử đạo Ái Nhĩ Lan.

Lễ Các Thánh Tử Đạo Ái Nhĩ Lan là ngày 20 tháng Sáu.
Source:Catholic News Agency
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20 tháng Sáu.
J.B. Đặng Minh An dịch
07:20 20/06/2021
Chúa Nhật 20 tháng Sáu Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 12 Mùa Thường Niên. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta câu chuyện Chúa làm biển lặng gió yên.

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?” (Mc 4, 35-41)

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Phụng vụ hôm nay tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu làm yên gió bão (Mc 4, 35-41). Con thuyền mà các môn đệ băng qua hồ bị gió và sóng tấn công và họ sợ bị chìm. Chúa Giêsu đang ở với họ trên thuyền, nhưng Ngài nằm ở đằng lái và dựa gối mà ngủ. Các môn đệ, đầy sợ hãi, hét lên với Ngài: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” (Câu 38).

Nhiều lần chúng ta cũng hành xử như vậy, khi bị tấn công bởi những thử thách của cuộc sống, chúng ta đã kêu lên với Chúa: “Tại sao Chúa lại im lặng và không làm gì cho con?”. Đặc biệt là khi chúng ta dường như đang chìm dần, vì tình yêu hoặc dự án mà chúng ta đã đặt nhiều hy vọng vào đó tan thành mây khói; hoặc khi chúng ta đứng trước chập chùng những làn sóng lo lắng dai dẳng; hoặc khi chúng ta cảm thấy choáng ngợp trước những vướng mắc hoặc lạc lõng giữa biển đời, không có lộ trình và không có bến cảng. Hoặc khi chúng ta lâm vào những khoảnh khắc thiếu sức lực để tiếp tục, vì không có việc làm hoặc một chẩn đoán y khoa bất ngờ khiến chúng ta lo sợ cho sức khỏe của mình hoặc của người thân. Có nhiều khoảnh khắc mà chúng ta cảm thấy mình giữa cơn bão, chúng ta cảm thấy mọi sự gần như kết thúc.

Trong những tình huống này và trong nhiều tình huống khác, chúng ta cũng cảm thấy bị bóp nghẹt bởi nỗi sợ hãi và giống như các môn đệ, chúng ta có nguy cơ đánh mất đi điều quan trọng nhất. Thực ra, trên thuyền, ngay cả khi đang ngủ, Chúa Giêsu vẫn ở đó, và Ngài chia sẻ với chúng ta mọi điều đang xảy ra. Giấc ngủ của Ngài, một mặt khiến chúng ta ngạc nhiên, mặt khác lại đưa chúng ta vào thử thách. Chúa ở đó, hiện diện; trên thực tế, có thể nói rằng Ngài đang chờ đợi chúng ta lôi kéo Ngài, mời gọi Ngài, đặt Ngài vào trung tâm của những gì chúng ta đang sống. Giấc ngủ của Ngài khiến chúng ta thức giấc. Bởi vì, để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu tin rằng Thiên Chúa hiện hữu thôi thì chưa đủ đâu, Người hiện hữu, nhưng anh chị em phải dính dáng đến Người, chúng ta cũng phải lên tiếng kêu cầu Người. Hãy lắng nghe điều này: chúng ta phải kêu lên với Ngài. Lời cầu nguyện, nhiều lần, là một tiếng kêu: “Lạy Chúa, xin cứu con!”. Tôi đã thấy, trong chương trình “A sua immagine”, nghĩa là “Theo hình ảnh Ngài”, ngày hôm nay, Ngày Tị nạn, nhiều người đến trên những chiếc thuyền lớn và lúc chết đuối đã kêu lên: “Cứu chúng tôi với!”. Trong cuộc sống của chúng ta, điều tương tự cũng xảy ra: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con!”, Và lời cầu nguyện trở thành một tiếng kêu.

Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi mình: những cơn gió đập vào cuộc đời tôi là gì? Những con sóng nào cản trở việc điều hướng của tôi, và khiến đời sống cá nhân, cuộc sống gia đình tôi, thậm chí cả đời sống tâm linh của tôi gặp nguy hiểm? Chúng ta hãy nói tất cả những điều này với Chúa Giêsu; chúng ta hãy nói với Ngài tất cả mọi thứ. Người muốn điều này; Người muốn chúng ta nắm lấy Người để tìm nơi trú ẩn trước những sóng gió bất ngờ của cuộc đời. Tin Mừng thuật lại rằng các môn đệ đến gần Chúa Giêsu, đánh thức Người và kêu lên với Người (xem câu 38). Đây là sự khởi đầu đức tin của chúng ta: đó là nhận biết rằng một mình chúng ta không thể làm nổi; rằng chúng ta cần Chúa Giêsu như những người thủy thủ cần những vì sao để tìm đường đi của họ. Đức tin bắt đầu từ việc tin rằng bản thân chúng ta thôi thì không đi đến đâu. Đức tin bắt đầu từ việc cảm thấy chúng ta cần Chúa. Khi chúng ta vượt qua được cám dỗ cuộn tròn trong chính mình, khi chúng ta vượt qua được sai lầm tôn giáo là không muốn làm phiền Thiên Chúa, và bắt đầu kêu lên với Ngài, Ngài có thể làm nên những điều kỳ diệu trong chúng ta. Sức mạnh nhẹ nhàng và phi thường của lời cầu nguyện có tác dụng làm nên những điều kỳ diệu.

Chúa Giêsu, khi được các môn đệ cầu xin, đã làm dịu sóng gió. Và Người hỏi họ một câu hỏi, một câu hỏi cũng liên quan đến chúng ta: “Tại sao anh em lại sợ hãi? Anh em không có niềm tin sao?” (câu 40). Các môn đệ bị nỗi sợ hãi bao trùm, bởi vì họ tập trung vào những con sóng hơn là nhìn vào Chúa Giêsu. Cũng thế, sự sợ hãi khiến chúng ta nhìn vào những khó khăn, những vấn đề khủng khiếp mà không nhìn vào Chúa, Đấng nhiều lần đang ngủ. Đó cũng là điều thường xảy ra với chúng ta: chúng ta thường chú tâm vào các vấn đề hơn là đến gặp Chúa và dâng lên Ngài những quan tâm của chúng ta! Chúng ta thường để Chúa ở một góc, dưới đáy con thuyền cuộc đời, và chỉ đánh thức Ngài trong những lúc tối cần thiết! Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin ân sủng của một đức tin không bao giờ mệt mỏi khi tìm kiếm Chúa, và gõ cửa Trái Tim Người. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng trong đời không ngừng tin cậy nơi Thiên Chúa, khơi dậy trong chúng ta nhu cầu cơ bản là phó thác mình cho Người mỗi ngày.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến!

Tôi hiệp tiếng cùng với các Giám mục Miến Điện. Tuần trước các ngài đã đưa ra lời kêu gọi toàn thế giới chú ý đến trải nghiệm đau lòng của hàng ngàn người dân ở đất nước đang phải di dời và đang chết vì đói: “Chúng tôi cầu xin với tất cả sự thành khẩn rằng các hành lang nhân đạo được cho phép” và “nhà thờ, chùa, tu viện, đền thờ Hồi giáo, cũng như trường học và bệnh viện được tôn trọng như những nơi ẩn náu trung lập”. Cầu mong Trái tim Chúa Kitô chạm đến trái tim của tất cả mọi người, mang lại hòa bình cho Miến Điện!

Hôm nay, chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới về Người tị nạn, do Liên hợp quốc thúc đẩy, với chủ đề: “Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt”. Chúng ta hãy mở lòng đón nhận những người tị nạn; chúng ta hãy biến nỗi buồn và niềm vui của họ thành nỗi buồn và niềm vui của chính chúng ta; chúng ta hãy học sự chịu đựng kiên cường dũng cảm từ họ! Và như thế tất cả cùng nhau, chúng ta sẽ hình thành một cộng đồng nhân loại phát triển hơn, một gia đình lớn.

Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, những người đến từ Rôma, từ Ý và từ các quốc gia khác. Tôi thấy người Peru, người Ba Lan… và các quốc gia khác ở đó…. Đặc biệt tôi xin chào Hiệp hội Hướng đạo Công Giáo Ý; phái đoàn của các bà mẹ giáo viên ở các trường học Ý; các bạn trẻ từ Trung tâm Padre Nostro ở Palermo, được thành lập bởi Chân Phước linh mục Puglisi: những người trẻ Tremignon và Varrarino, và các tín hữu của các giáo phận Niscemi, Bari, Anzio và Villa di Briano.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng, chào tạm biệt!
Source:Holy See Press Office
 
Tổng giáo phận Boston có giáo xứ Việt Nam đầu tiên
Đặng Tự Do
16:05 20/06/2021


Sau nhiều thập kỷ thỉnh nguyện, người Công Giáo Việt Nam tại Tổng giáo phận Boston giờ đây có thể cử hành Bí tích Thánh Thể bằng tiếng mẹ đẻ của họ với việc thành lập giáo xứ Việt Nam đầu tiên của Tổng giáo phận vào hôm Chúa Nhật 13 tháng 6.

Khoảng 600 tín hữu đã lấp đầy các hàng ghế của Nhà thờ Saint Clement ở Medford - nay là một phần của Giáo xứ Chân phước Anrê Phú Yên. Đức Cha phụ tá Mark O'Connell của Boston nói với tờ Crux rằng ngài cảm thấy giống như “một ngày đại lễ” với một dàn hợp xướng lớn, trống và khiêu vũ.

“Trong Thánh Lễ ngày hôm qua tôi đã tràn đầy lòng biết ơn về thời điểm và tất cả mọi thứ”, Cha Phong Phạm, là người mà Đức Cha O'Connell đã giới thiệu với anh chị em là quản nhiệm của họ. “Tôi vô cùng biết ơn vì Chúa đã thực sự đáp lại tiếng kêu của người Công Giáo Việt Nam và tôi nghĩ đây là thời điểm hoàn hảo và chỉ có thần khí của Chúa và bàn tay của Chúa đã viết ở mọi nơi và trên khuôn mặt của mọi người”.

“Mọi người đều rất vui, rất hạnh phúc”, cha nói với tờ Crux.

Đức Cha O'Connell lần đầu tiên nhận được yêu cầu thành lập một giáo xứ Việt Nam trong tổng giáo phận vào năm 2017, chưa đầy một năm sau khi ngài trở thành Giám Mục Phụ Tá. Vào thời điểm đó, ngài nói sẽ xem xét điều đó, nhưng cảnh báo rằng ngài sẽ không thúc đẩy điều này trừ khi họ sẵn sàng ủng hộ giáo xứ về mặt tài chính. Phản hồi của giáo dân Việt Nam là yêu cầu Đức Cha O'Connell chính thức thành lập một giáo xứ và họ sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho giáo xứ đó.

Đức Cha O'Connell kể thêm: “Sau đó, tôi nhận được điện thoại gọi đến tổng giáo phận mời đến một cuộc họp khẩn cấp vì Giáo xứ St. Clement đang xuống dốc. Tôi nói, 'tốt, người Việt Nam đang tìm kiếm một giáo xứ.' Tôi gọi cho Đức Hồng Y Seán O'Malley và ngài rất vui vì có ý tưởng giải quyết.”

Với sự hỗ trợ của giáo phận, Đức Cha O'Connell đã nhận được sự chấp thuận của các cộng đồng Việt Nam. Sau đó, vào tháng 8 vừa qua, ngài đã đưa Cha Phong Phạm vào để giảm bớt lo ngại của cộng đồng nói tiếng Anh đã có từ trước.

Giáo dân Việt Nam của giáo xứ đến từ ba cộng đồng Massachusetts - Chelsea, Malden và East Boston.
Source:Crux
 
Tình trạng nghiêm trọng của Giáo Hội tại Ấn
Đặng Tự Do
16:05 20/06/2021


Trong bản tin đánh đi hôm thứ Năm 17 tháng 6, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Đức Cha Lakra của giáo phận Gumla đã là giám mục thứ tư qua đời kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Sáng 17 tháng 6, Đức Cha Paul Alois Lakra của giáo phận Gumla đã qua đời tại bệnh viện Orchid ở Ranchi. Giáo phận của ngài nằm ở Bang Jharkhand. Đức Cha qua đời ở tuổi 65 sau khi đã phải nhập viện vì nhiễm một biến thể nguy hiểm của coronavirus.

Cái chết của ngài diễn ra sau cái chết của Đức Cha Joseph Neelankavil, Giám Mục hiệu tòa của giáo phận Công Giáo Syro-Malabar Sagar, Đức Cha Antony Anandarayar Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Pondicherry-Cuddalore, và Đức Cha Basil Bhuriya của giáo phận Jhabua.

Ngoài các vị Giám Mục trên, Giáo Hội Công Giáo ở Ấn Độ đã mất 283 linh mục và 252 nữ tu vì COVID-19. Những con số thống kê này được thu thập bởi Cha Suresh Mathew của Indian Currents và Cha Shaiju Chacko của Giáo phận Jammu-Srinagar.

Đức Cha Lakra sinh ngày 11 tháng 7 năm 1955. Ngài được thụ phong linh mục tại Tổng giáo phận Ranchi năm 1988. 5 năm sau đó, ngài gia nhập hàng giáo phẩm của Gumla khi giáo phận này trở thành một giáo phận biệt lập, tách khỏi tổng giáo phận Ranchi. Vào tháng Giêng năm 2006, ngài được bổ nhiệm làm giám mục thứ hai của Gumla.

Tang lễ của Giám mục Lakra đã được tổ chức vào lúc 10 giờ sáng thứ Sáu 18 tháng Sáu tại nhà thờ chính tòa Gumla, nơi thi hài của ngài được an táng. Đức Tổng Giám Mục Felix Toppo của Ranchi chủ trì Thánh lễ.

“Cái chết của Đức Cha Lakra là một mất mát lớn đối với giáo phận Gumla, và đối với tất cả người dân tộc ở khu vực Chota Nagpur”, Đức Tổng Giám Mục John Barwa của Cuttack-Bhubaneshwar nói với AsiaNews về cái chết của Đức Cha Lakra.

Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng: “Đức Cha Lakra là một trong những người của vùng đất này. Ngài yêu mến người dân của mình và được họ yêu mến. Cái chết của ngài ấy là một mất mát lớn đối với những người cùng đinh, những người nghèo và các nhóm thiểu số”.

“Đức Cha Lakra đã làm việc không mệt mỏi cho người dân trên mọi lĩnh vực, vì sự thăng tiến và phát triển của họ, về kinh tế, giáo dục, xã hội và tinh thần”.
Source:Asia News
 
Tình yêu không biên giới: Già 95 tuổi rồi vẫn còn yêu và kết hôn
Thanh Quảng sdb
16:59 20/06/2021
Tình yêu không biên giới: Già 95 tuổi rồi vẫn còn yêu và kết hôn
Cặp uyên ương già 95 tuổi bà Joy Morrow-Nulton và ông John Shults

Người già 95 tuổi thì chắc đã có lần góa... Tuy nhiên, điều này không ngăn cản họ tìm kiếm tình yêu một lần nữa. Mặc dù việc hẹn hò trong cơn đại dịch phức tạp, thế mà cặp uyên ương già bà Joy Morrow-Nulton và ông John Shults, 95 tuổi đã nỗ lực tìm đến với nhau để đi đến thành hôn... Qua việc cùng hẹn nhau đi tiêm chủng đến việc gọi điện cho nhau hàng ngày, cả hai đã xây dựng một mối quan hệ yêu thương.

Ông Schults chia sẻ với Steve Hartman trong chương trình TV về chủ đề “Tình yêu”. Tiến trình tình yêu của họ là một bài học cho tất cả chúng ta: Như Peter, con trai của ông Schults đã chia sẻ, sự kiên trì của họ đã đưa họ đến hạnh phúc trong hoàn cảnh bất thường.

Trong tiến trình tình yêu bình thường, các cặp uyên ương phải cân nhắc và thích nghi rất nhiều những gì họ làm trong cuộc sống bình thường, thì trong mối tinh già của hai ông bà này nó nêu bật nên điều quan trọng trong các mối quan hệ: Từ việc mua xe tập đi và nắm tay nhau như những cơ bản của tình yêu lứa đôi...

Điều đặc biệt cảm động trong hôn lễ của hai cụ ông Schuts và cụ bà Morrow-Nulton, cả hai đã góa hai lần rồi mà hôm 22/5/2021 đã run run, thều thào thề yêu nhau "cho đến chết..." Chắc chắn với sự khôn ngoan và kinh nghiệm, họ sẽ trân trọng nhau chừng nào khi sống với nhau như vợ chồng, và điều này thật là bất tử!

Nguồn Aleteia: https://aleteia.org/2021/06/19/95-year-olds-get-married-after-falling-in-love-during-the-pandemic/
 
Đức Thánh Cha kêu gọi hãy rộng mở trái tim giúp đỡ người tỵ nạn Myanmar
Thanh Quảng sdb
17:25 20/06/2021
Đức Thánh Cha kêu gọi hãy rộng mở trái tim giúp đỡ người tỵ nạn Myanmar
(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô lặp lại những lời kêu cứu khẩn thiết của các giám mục Myanmar, để cứu giúp hàng ngàn người di tản và đói khổ... Ngài cũng kêu gọi chúng ta hãy mở rộng trái tim thương giúp những người tị nạn.
Trong buổi triều yết đọc kinh “Truyền Tin” trưa Chúa nhật (20/6/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô lặp lại lời kêu gọi tuyệt vọng của các giám mục Myanmar, trước cảnh hàng ngàn người phải di tản và chết đói hiện nay ở Myanmar.
Các giám mục khẩn xin sự giúp đỡ nhân đạo của các Giáo hội, Chùa chiền, viện tu, nhà thờ, đền thờ cũng như trường học và bệnh viện, hãy rộng mở làm nơi ẩn náu trú ẩn cho thường dân vô tội. Đức Thánh Cha nói "nguyện xin trái tim Chúa Kitô lay động trái tim con người, hầu mang lại hòa bình cho Myanmar".

Ngày tỵ nạn thế giới
ĐTC cũng nhắc lại ngày Chúa nhật Tỵ nạn Thế giới của Liên hợp quốc, với chủ đề "Chúng ta hãy cùng nhau chữa lành, học hỏi và thăng tiến".
Đức Thánh Cha yêu cầu chúng ta hãy “mở rộng trái tim thương giúp những người tị nạn” chia sẻ nỗi buồn vui với họ, đồng thời “học hỏi lòng can đảm kiên cường của họ” để kiến tạo “một cộng đồng, một gia đình rộng lớn yêu thương hơn”.
 
Văn Hóa
Chúa Ngủ Giữa Thuyền Ta !
Sơn Ca Linh
08:29 20/06/2021
Chúa Ngủ Giữa Thuyền Ta !
(Chút cảm nhận về câu chuyện Chúa ngủ trên thuyền - Mc 4,35-41)

Tại sao, đã là “dân Chúa chọn”,
mà mãi bị hắt hủi, đoạ đày … suốt mấy ngàn năm?
Tại sao thế giới lại có ngày “Nine – One one”?
và tại sao con người mãi hận thù, chiến tranh, dịch bệnh…?

Chẳng phải sao,
Từ khi có loài người Chúa luôn bị “mang tiếng”.
Mang tiếng “ích kỷ, tị hiềm” chuyện trái cấm địa đàng;
Mang tiếng “đem con bỏ chợ” ngày hoang mạc lang thang;
Mang tiếng bất nhân, bắt ông Gióp thân tàn ma dại…

Và tới khi,
Vị Thiên Sai từ trời cao nhập thể,
Đấng Emmanuel bị mang tiếng là “kẻ lộng ngôn”;
Bị mang tiếng “mê ăn, quỷ ám, phá luật, du côn…
Bị mang tiếng phàm phu
khi giao du cùng bọn phần thu gái điếm…!

Và hai ngàn năm trước,
Thiên Chúa bị khước từ, bị đóng đinh trên đồi hoang tím.
Để Giêrusalem, thế giới chắng ai nhắc chuyện Giêsu !
Để Tin Mừng Tám Mối…, chỉ là chuyện phù du,
Và “Đấng đã chết, phục sinh…” mãi chỉ là “huyền thoại” !

Phải quá thôi,
Israel kết án Ngài nên dân Chúa mãi chìm trong đầy đọa;
Giuđa bỏ Ngài, nên lần bước trong não nề thất vọng tối tăm;
Thế giới khước từ Ngài nên bước đi trong khổ ải lầm than;
Hội Thánh bỏ Ngài,
nên bao phen ngập chìm trong phân ly chia rẽ…

Chuyện “Chúa ngủ trên thuyền” vẫn còn nguyên mới mẻ,
Hoang mang, sợ hãi… chỉ dành cho những kẻ thiếu niềm tin.
Những kẻ chỉ thấy một con người say ngủ lặng im,
mà chẳng nhận ra một Đấng Quyền năng, “Chúa đó” !

Mỗi một cuộc đời hôm nay,
Như “một chuyến sang bờ” trên “biển đời bão tố”,
Đời sẽ vui, trời sẽ lặng, biển sẽ yên…
Bao lâu tin Thầy, Người Hoa Tiêu vĩ đại trung kiên,
Vâng, Ngài đang ở đó,
Và Ngài sẽ đưa thuyền ta an toàn về bến đỗ !

Sơn Ca Linh (20/6/2021)
 
Blaise Pascal và việc bênh vực Kitô giáo: Nguyên văn Phần II trong Pensées, Mục XI
Vũ Văn An
19:57 20/06/2021

MỤC XI. Bằng chứng về Chúa Giêsu Kitô qua các lời tiên tri

I.Bằng chứng lớn nhất về Chúa Giêsu Kitô là các lời tiên tri. Đây cũng là điều được Thiên Chúa dự phòng nhiều nhất; vì biến cố làm ứng nghiệm chúng là một phép lạ đã tồn tại cả từ khi Hội Thánh ra đời cho đến ngày tận thế. Do đó, Thiên Chúa cho xuất hiện các tiên tri trong một nghìn sáu trăm năm; và trong bốn trăm năm sau, Người đã phân tán mọi lời tiên tri này, cùng với mọi người Do Thái mang theo chúng, ra khắp nơi trên thế giới. Cách chuẩn bị cho việc ra đời của Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà Tin Mừng của Người phải được mọi người tin, là không những cần có những lời tiên tri để làm cho nó được tin, mà những lời tiên tri này cần được mọi người truyền bá, để làm cho nó được mọi người đón nhận.



Khi một người duy nhất viết một cuốn sách tiên đoán về Chúa Giêsu Kitô, về thời gian và cách thức, và Chúa Giêsu Kitô đến đúng như những lời tiên tri này, thì đó là một sức mạnh vô hạn. Nhưng ở đây không phải chỉ có thế. Đây là sự tiếp nối của nhiều người, trong suốt bốn nghìn năm, những người này, liên tục và không thay đổi, lần lượt đến tiên đoán cùng một biến cố đó. Đó là toàn thể một dân tộc công bố nó, và tồn tại trong bốn ngàn năm để liên tục làm chứng cho những đảm bảo mà họ vốn có về nó, và họ không thể quay lưng khỏi nó vì một số đe dọa và bất cứ cuộc đàn áp nào có thể xảy ra với họ: điều này quan trọng hơn nhiều.

II. Thời gian được tiên đoán đoán bởi tình trạng của dân Do Thái, bởi tình trạng của dân ngoại, bởi tình trạng của đền thờ, bởi số năm.

Các tiên tri đã đưa ra nhiều dấu hiệu khác nhau, tất cả đều xuất hiện khi Đấng Mêxia xuất hiện, điều cần là mọi dấu hiệu này phải đến cùng một lúc; và do đó, chế độ quân chủ thứ tư cần phải đến, khi bảy mươi tuần của Đanien đã ứng nghiệm; hãy cất vương trượng khỏi Giuđa, rồi Đấng Mêxia sẽ đến. Và thế là Chúa Giêsu Kitô xuất hiện và xưng mình là Đấng Mêxia.

Có lời tiên báo rằng trong chế độ quân chủ thứ tư, trước khi đền thờ thứ hai bị phá hủy, trước khi việc thống trị người Do Thái được cất đi, và vào tuần thứ bảy của Đanien, dân ngoại sẽ được giáo huấn và dẫn đến việc nhận biết Thiên Chúa vốn được người Do Thái thờ phượng; những ai yêu mến Người sẽ được giải thoát khỏi kẻ thù của họ, và tràn đầy lòng kính sợ và yêu mến Người.

Và Người đã đến vào nền quân chủ thứ tư, trước khi đền thờ thứ hai bị phá hủy, v.v., những người ngoại giáo đã thờ phượng Thiên Chúa một cách đông đảo, và sống một cuộc sống thiên thần; các cô gái dâng hiến trinh tiết và cuộc đời của mình cho Thiên Chúa; đàn ông từ bỏ mọi khoái cảm. Điều mà Platông không thể thuyết phục được nơi một số người được lựa chọn và có học thức, một lực lượng bí mật đã thuyết phục hàng trăm nghìn người ngu dốt tin nó chỉ nhờ một vài lời nói.

Tất cả những điều này là gì? Là điều đã được tiên đoán từ rất lâu trước đây: Effundam spiritum meum super omnem carnem [Ta sẽ đổ thần khí ta trên mọi xác phàm] (Ge, 3: 1). Mọi dân tộc từng bất trung và sống trong tư dục: nay tất cả trái đất đều khao khát đức ái; các hoàng tử từ bỏ các sự vĩ đại của họ; người giàu có để lại tài sản của họ; các cô gái chịu tử vì đạo; con cái bỏ nhà cha mẹ để đi sống trong sa mạc. Sức mạnh này do đâu mà có? Đó là vì Đấng Mêxia đã đến. Đó là hiệu quả và đặc điểm của việc Người xuất hiện.

Trong hai ngàn năm qua, Thiên Chúa của người Do Thái không được biết đến nơi vô vàn các dân tộc ngoại giáo: và trong thời gian đã được tiên đoán, những người ngoại giáo đã thờ phượng vị Thiên Chúa này rất đông đảo; các đền thờ đã bị phá hủy; đến các vị vua cũng phục tùng thập giá. Tất cả những điều này là sao? Là thần khí Thiên Chúa được đổ tràn xuống trái đất.

Có lời tiên đoán rằng Đấng Mêxia sẽ đến để thiết lập một giao ước mới, sẽ làm cho người ta quên đi cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập (Grm 23:7); Người sẽ đặt lề luật của Người, không phải ở bên ngoài, nhưng ở bên trong lòng người (Is 51:7); Người sẽ đặt việc kính sợ Người, trước đây vốn chỉ ở bên ngoài, nay vào giữa tấm lòng con người (Grm 31:33 và 32:40).

Người Do Thái sẽ khiển trách Chúa Giêsu Kitô, và họ sẽ bị Thiên Chúa khiển trách, vì cây nho được chọn đã chỉ cho nho dại (Is. 5: 2, 3, 4, v.v.). Dân được chọn sẽ bất trung, vô ơn và bất tín: Populum non credentem et contradicentem [dân bất tín và nói ngược ngạo](Is. 65: 2). Thiên Chúa sẽ giáng sự mù quáng trên chúng, và chúng sẽ dò dẫm giữa ban trưa như người mù lòa (Đnl 28: 28, 29).

Giáo hội sẽ nhỏ bé lúc khởi đầu, và sau đó sẽ lớn mạnh (Edk 37 và tiếp theo).

Có lời tiên đoán rằng lúc đó việc thờ ngẫu tượng sẽ bị lật đổ; Đấng Mêxia này sẽ đốn ngã mọi ngẫu thần, và đưa loài người vào việc thờ phượng Thiên Chúa thật (Edk 30:13).

Các đền thờ của ngẫu thần sẽ bị triệt hạ, và giữa mọi các quốc gia và ở mọi nơi trên thế giới, người ta sẽ dâng lên Người một bánh thánh tinh tuyền, chứ không phải động vật (Mlk 1:11).

Người sẽ dạy con người con đường hoàn hảo (Is. 2: 3. Mk. 4: 2, v.v.).

Người sẽ là vua của người Do Thái và của dân ngoại (Tv 2, và 8, 71, 8, v.v.).

Và chưa bao giờ, cả trước lẫn sau, có người nào đã dạy một điều gì gần như thế.

Sau khi biết bao người tiên đoán về sự kiện này, cuối cùng Chúa Giêsu Kitô đã đến để nói: Ta đây, và đã đến lúc. Người đến để nói với mọi người rằng họ không có kẻ thù nào khác ngoài chính họ; chính các đam mê của họ đã tách họ khỏi Thiên Chúa; Người đến để giải thoát họ khỏi chính họ, và để ban ơn thánh của Người cho họ, để, từ mọi người, thành lập một Giáo hội thánh thiện; Người đến để dẫn đưa người ngoại giáo và người Do Thái về với Giáo hội này; Người đến để tiêu diệt các ngẫu tượng của người này, và sự mê tín của người kia.

Người nói với họ, điều các tiên tri tiên đoán sẽ xẩy ra, Ta nói cho các ông hay các tông đồ của Ta sẽ thực hiện điều ấy. Người Do Thái sẽ bị cự tuyệt; Giêrusalem sẽ sớm bị phá hủy; người ngoại giáo sẽ tiến đến chỗ nhận biết Thiên Chúa; và các tông đồ của Ta sẽ mang họ đến đó sau khi các ngươi giết người thừa kế vườn nho.

Sau đó, các tông đồ đã nói với người Do Thái: Các ngươi sắp bị nguyền rủa; và với người ngoại giáo: các bạn sẽ tiến vào sự hiểu biết Thiên Chúa.

Mọi người sẽ chống đối điều này bởi sự chống đối tự nhiên của tư dục nơi họ. Vị vua của dân Do Thái và dân ngoại này bị áp bức bởi những người này người nọ, họ âm mưu giết chết Người. Tất cả những gì lớn lao trên thế giới hợp nhất chống lại tôn giáo non trẻ này, các nhà thông thái, hiền triết, các vị vua. Người thì viết, người thì kết án. Và, bất chấp tất cả những sự chống đối này, Chúa Giêsu Kitô, trong một thời gian ngắn, sẽ trị vì mọi người, và phá hủy cả việc thờ phượng của người Do Thái ở Giêrusalem, là trung tâm của nó, và là nơi Người thành lập Giáo hội đầu tiên của Người, lẫn việc thờ cúng các ngẫu thần ở Rôma, vốn là trung tâm của nó, và từ đó Người đã lập Giáo Hội chính của Người. Những người đơn sơ và không lực lượng, như các tông đồ và các Kitô hữu đầu tiên, đối kháng mọi quyền lực trên trái đất, nhưng phục tùng các vị vua, các nhà thông thái và hiền giả, và tiêu diệt việc thờ ngẫu thần đã được thiết lập vững vàng. Và tất cả những điều này được thực hiện bởi sức mạnh duy nhất của lời lẽ đã tiên đoán về Người.

Người Do Thái, khi giết Chúa Giêsu Kitô để khỏi tiếp nhận Người như Đấng Mêxia, đã dành cho Người dấu hiệu cuối cùng của Đấng Mêxia. Khi tiếp tục không nhận biết Người, họ đã tự trở thành các nhân chứng không thể chối cãi: và khi giết Người, và tiếp tục phủ nhận Người, họ đã ứng nghiệm các lời tiên tri.

Ai lại không nhận biết Chúa Giêsu Kitô trước không biết bao nhiêu điển hình đặc thù đã tiên đoán về Người? Vì có lời chép:

Sẽ có một vị tiền hô (Mlk 3:1).

Người sẽ sinh ra làm trẻ nhỏ (Is 9: 6).

Người sẽ sinh ra ở thành Bêlem (Mk. 5: 2); Người sẽ xuất thân từ nhà Giuđa (St 49: 8 và tiếp theo), và từ dòng dõi Đavít (2V 7:12 và tiếp theo; Is 7:13 và tiếp theo). Người sẽ xuất hiện chủ yếu ở Giêrusalem (Mlk 3: 1. Haggai 2: 10).

Người sẽ làm mù quáng các hiền giả và ngưới uyên bác (Is. 6: 10), và công bố Tin Mừng cho người nghèo và người nhỏ bé (Is. 61:1), mở mắt cho người mù, và phục hồi sức khỏe cho người ốm đau (Is. 35: 5 và 6), và dẫn đến ánh sáng những người đang mòn mỏi trong bóng tối (Is. 42:16).

Người sẽ dạy dỗ đường trọn lành (Is 30:21), và làm thầy dạy dân ngoại (Is. 55: 4).

Người sẽ là của lễ hy sinh chuộc tội lỗi thế gian (Is. 53:5).

Người sẽ là viên đá nền tảng và qúy giá (Is. 28:16).

Người sẽ là viên đá vấp ngã và tai tiếng (Is. 8:14).

Giêrusalem sẽ vấp phạm viên đá này (Is. 8:15).

Những thợ xây dựng sẽ bác bỏ viên đá này (Tv 117:22).

Thiên Chúa sẽ làm cho viên đá này trở thành viên đá góc (Ibid).

Và viên đá này sẽ lớn lên trở thành một ngọn núi mênh mông, và choán cả trái đất (Đn 2:35).

Vì vậy, Người sẽ bị bác bỏ (Tv 117:22), không được nhìn nhận (Is. 53:2 và 3), bị phản bội (Tv 40: 10), bị bán (Dcr 11:12), bị tát (Is. 50:6), bị chế giễu (Is. 51: 16), bị sầu não vô vàn cách (Tv 68:27), bị uống mật đắng (Tv 68: 22); sẽ bị đâm thủng bàn chân và bàn tay (Tv 21:17); người ta sẽ nhổ vào mặt Người (Is. 50:6); Người sẽ bị giết (Đn 9:26), và áo sống Người được bắt thăm (Tv 21:19).

Người sẽ sống lại vào ngày thứ ba (Tv 15:10. Hs 6:3).

Người sẽ lên trời (Tv 56:6 và 67: 19), để ngự bên hữu Thiên Chúa (Tv 109:1.)

Các vị vua đó sẽ tự trang bị chống lại Người (Tv 2:2).

Khi ngự bên hữu Đức Chúa Cha, Người sẽ chiến thắng kẻ thù của Người (Tv 109:5).

Các vua trên trái đất và mọi dân tộc sẽ thờ phượng Người (Tv 71:11).

Người Do Thái sẽ tồn tại như một quốc gia (Grm 31:36). Họ sẽ là những kẻ lang thang (Am 9:9), không vua, không hy lễ, không bàn thờ, v.v. (Hs 3:4), không tiên tri (Tv 73:9), mong chờ ơn cứu rỗi, nhưng không tìm thấy nó (Is 59:9. Grm 8:15).

III. Đấng Mêxia đã phải một mình phát sinh ra một dân tộc vĩ đại, được tuyển lựa, thánh thiện và được chọn; dẫn dắt họ, nuôi sống họ, dẫn họ tới nơi nghỉ ngơi và thánh thiện; làm họ nên thánh đối với Thiên Chúa; biến họ thành đền thờ của Thiên Chúa, giao hòa họ với Thiên Chúa, cứu họ khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, giải thoát họ khỏi làm tôi tội lỗi đang ngự trị rõ ràng trong con người; ban lề luật cho dân tộc này, khắc ghi những lề luật này trong lòng họ, dâng mình cho Thiên Chúa vì họ, hy sinh bản thân vì họ, trở thành bánh thánh không tỳ vết, trở thành chính đấng tế lễ: Người phải dâng hiến, và hiến thân cùng máu Người, và, tuy nhiên, dâng bánh cùng rượu cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô đã làm tất cả những điều này.

Có lời tiên báo rằng sẽ có một đấng giải thóat, người sẽ đạp dập đầu ma quỷ, sẽ giải thóat dân tộc của Người khỏi tội lỗi của họ, ex omnibus iniquitatibus (Tv 129:8); phải có một Tân Ước sẽ tồn tại mãi mãi; phải có một chức linh mục khác theo hàng Menkixêđê; chức linh mục này sẽ vĩnh viễn; Chúa Kitô phải vinh hiển, quyền năng, mạnh mẽ, nhưng khốn cùng đến mức không được nhìn nhận; người ta sẽ không coi Người như thực sự Người là; Người sẽ bị bác bỏ, Người sẽ bị giết; dân của Người, dân đã bác bỏ Người, sẽ không còn là dân của Người nữa; những người thờ ngẫu thần sẽ tiếp nhận Người và chạy lại với Người; Người sẽ rời Sion để trị vì ở trung tâm việc thờ ngẫu thần; Tuy nhiên, người Do Thái vẫn luôn tồn tại; Người sẽ xuất thân từ Giu-đa, khi không còn vua nữa.

IV. Người ta nên xem xét rằng, kể từ khi bắt đầu thế giới, sự mong đợi hoặc thờ phượng Đấng Mêxia đã tồn tại không gián đoạn; Người cũng đã được hứa với người đầu tiên, ngay sau khi ông sa ngã; kể từ đó đã có những người nói rằng Thiên Chúa đã mạc khải cho họ biết rằng Đấng Cứu Chuộc sẽ được sinh ra để cứu dân tộc mình; sau đó, Ápraham xuất hiện nói rằng ông đã được mạc khải rằng Người sinh ra từ ông bởi một đứa con trai mà ông sẽ có; Giacóp đã tuyên bố rằng trong số mười hai người con của ông, chính từ Giuđa Người sẽ sinh ra; sau đó, Môsê và các tiên tri đã đến công bố thời gian và cách thức Người đến; họ nói rằng lề luật mà họ có chỉ là để chờ lề luật của Đấng Mêxia; lề luật của họ sẽ tồn tại cho đến lúc đó, nhưng lề luật kia sẽ tồn tại mãi mãi; vì thế, lề luật của họ hay lề luật của Đấng Mêxia, mà nó là lời hứa, sẽ luôn ở trên trái đất; thực vậy, nó đã luôn tồn tại; và cuối cùng Chúa Giêsu Kitô đã đến trong mọi hoàn cảnh đã được báo trước. Điều này thật đáng khâm phục.

Người ta sẽ nói, nếu điều này đã được tiên đoán rõ ràng như vậy cho người Do Thái, thì làm sao họ lại không tin? hoặc làm thế nào họ không bị tận diệt vì đã chống lại một điều rõ ràng như vậy?

Tôi xin trả lời rằng cả hai đều đã được tiên đoán, và họ sẽ không tin một điều quá rõ ràng như thế, mà vẫn sẽ không bị tận diệt. Và không có gì vinh quang hơn đối với Đấng Mêxia; vì chỉ có các tiên tri mà thôi chưa đủ; những lời tiên tri của họ phải được bảo tồn mà không bị nghi ngờ. Thế mà, v.v.

V. Các tiên tri trộn lẫn các lời tiên tri đặc thù với các lời tiên tri về Đấng Mêxia, để các lời tiên tri về Đấng Mêxia không phải là không có bằng chứng, và những lời tiên tri đặc thù không phải là không có kết quả.

Người Do Thái nói: Non habemus regem nisi Cæsarem [chúng tôi không có vua nào khác ngoài Xêda] (Ga 19:15). Vì vậy, Chúa Giêsu Kitô là Đấng Mêxia, vì họ không có vua nào khác ngoài người ngoại quốc, và họ không muốn có vua nào khác.

Bảy mươi tuần của Đanien lưỡng nghĩa đối với việc khởi đầu, vì các các lời tiên tri; và đối việc kết thúc, vì sự đa dạng của các nhà biên niên sử. Nhưng tất cả sự khác biệt này chỉ diễn ra trong hai trăm năm.

Các lời tiên tri mô tả Chúa Giêsu Kitô nghèo cũng mô tả Người là chúa tể các quốc gia (Is 53:2 và tiếp theo; Dcr 9: 9, 10).

Những lời tiên tri tiên đoán thời gian chỉ tiên đoán Người là chúa tể dân ngoại và chịu đau khổ; chứ không ở trên các đám mây, cũng không phải quan án; còn những lời tiên tri mô tả Người như quan án xử các quốc gia và vinh hiển, thì không nói chi tới thời gian. Còn khi Đấng Mêxia được nói đến như Đấng vĩ đại và vinh hiển, rõ ràng là để phán xét thế gian chứ không phải để cứu chuộc nó (Is 66:15, 16).

Kỳ tới: Mục XII: Nhiều bằng chứng khác nhau về Chúa Giêsu Kitô
 
Con Thuyền Với Bão Covid
Lm. Phêrô Hồng Phúc
21:03 20/06/2021
Con Thuyền Với Bão Covid

Thuyền đi trong bão Chúa ơi
Mà sao Chúa vẫn như người ngủ say (1)
Cả bão Covid hôm nay
Chúa sao vẫn ngủ đêm ngày Chúa ơi?

Không gian yên tĩnh biển trời
Bỗng đâu Covid lòng người hoang mang.
Bão không chuyển động rõ ràng
Đi vào tâm bão, tưởng đang ngoài vùng.
Bão không xoay chuyển không trung
Nhưng xoay khoảng cách người chung một nhà.
Phát sinh thêm luật 5K (2)
Bão không giật cấp nhưng mà giật cơn!
Bão di chuyển bất bình thường
Đổ người, không đổ môi trường tự nhiên.
Bão tới đâu, đấy lặng yên
Cách ly xã hội, nhà riêng lạnh lùng!

***
“Thầy ơi cứu chúng con cùng”
Lời xin trong lúc hãi hùng thốt lên!
Mai ngày thế giới bằng yên
Nhưng lời Chúa trách còn nguyên mọi thời:
“ Tại sao sợ hãi rụng rời
Đức tin không có trong đời sống ư?” (3)
Sợ vì sóng gió đời tư,
Sợ vì thế giới thuyền như sắp chìm.
Sao không thức giấc niềm tin
Sao không xin Chúa, Chúa liền cứu cho?

***
Nghĩ rằng có thể tự lo,
Nghĩ rằng Thiên Chúa mịt mờ xa xôi.
Con còn trách nữa không thôi?
Chúa ơi xin phán một lời biển yên!
Lm Phêrô Hồng Phúc

(1) (x. Mc 4, 35-40)
(2) Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tụ tập
(3) (Mc 4, 40)
 
VietCatholic TV
Xót xa: Trộm dọn sạch thùng tiền nhà thờ. Dâng lễ ở nơi thâm sơn cùng cốc xin ơn hoán cải dân chúng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:06 20/06/2021


1. Cha sở than thở: Trộm dọn sạch thùng tiền nhà thờ

Cha Matthew McClain, là cha sở giáo xứ Thánh Giuse trên đường Stoney Hollow ở khu vực thị tứ Winfield, quận Cabot, Pennsylvania đã lên tiếng than thở sau khi trộm dọn sạch một thùng tiền nhà thờ. Tất cả số tiền anh chị em giáo dân dâng cúng trong các thánh lễ Chúa Nhật thứ 11 thường niên, 13 tháng Sáu, đã bị lấy mất không còn một đồng nào.

Nội vụ xảy ra vào đêm thứ Hai 14 rạng sáng ngày 15 tháng 6. Cảnh sát cho biết kẻ gian đã đột nhập vào văn phòng của nhà thờ qua cửa bên hông và lấy trộm toàn bộ số tiền.

Cha Matthew McClain cho biết hầu hết số tiền bị đánh cắp là tiền thu được vào thánh lễ Chúa Nhật 13 tháng Sáu, được dùng để chi trả cho các hoạt động hàng ngày tại nhà thờ, tài trợ cho chương trình giáo dục và mua sách cho cộng đoàn.

Giáo xứ Thánh Giuse là một họ đạo lớn trong vùng. Ngoài Cha Matthew McClain, giáo xứ còn có 3 cha phó. Nhà thờ Thánh Giuse là nhà thờ chính, ngoài ra còn có hai họ lẻ là nhà thờ Thánh Gioan và nhà thờ Đức Maria.

Cảnh sát cho biết khi họ đến hiện trường, văn phòng dường như đã bị lục soát tung cả lên. Theo những người hàng xóm, vụ trộm có lẽ đã xảy ra trong khoảng từ 8:30 tối Thứ Hai đến 9:30 sáng Thứ Ba.

Hiện tại, cảnh sát đang thu thập bằng chứng và thu thập thông tin và cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.

Bất kỳ ai có thông tin xin gọi cho ty cảnh sát Butler theo số 724-284-8100.
Source:WPXI

2. Các linh mục dâng Thánh lễ ở những nơi thâm sơn cùng cốc để canh tân đức tin của người dân Ái Nhĩ Lan

Ái Nhĩ Lan là quốc gia vẫn thường được xem là một nước Công Giáo sùng đạo. Tuy nhiên, từ ngày 1 tháng Giêng 2019, phá thai được hợp pháp hóa tại quốc gia này sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Năm, 2018. Trong tất cả các quốc gia trên thế giới, việc hợp pháp hóa phá thai là do một phán quyết của tòa án, hay do việc thông qua các dự luật tại Quốc Hội. Ái Nhĩ Lan là quốc gia đầu tiên và duy nhất cho đến nay, trong đó 66.4% dân số đồng thanh ủng hộ phá thai, mặc dù quốc gia này có đến 78.3% trong tổng số 5.2 triệu dân nhận mình là người Công Giáo. Báo chí gọi diễn biến bi đát này là một vụ bội giáo tập thể.

Theo một sáng kiến của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, các linh mục Công Giáo đã cử hành các Thánh lễ cho “sự đổi mới đức tin” tại các nơi thâm sơn cùng cốc, giữa đất trời bao la, lấy các tảng đá lớn làm bàn thờ dâng lễ. Những thánh lễ như thế diễn ra ở tất cả 26 giáo phận của Ái Nhĩ Lan.

Các linh mục đã dâng Thánh lễ tại những địa điểm vắng vẻ, nơi những người Công Giáo đã từng bị bách hại trong các thế kỷ trước để kêu cầu các thánh tử đạo Ái Nhĩ Lan.

Đức Ông Tommy Johnston, một trong những linh mục tham gia, đã dâng Thánh lễ trên Đồi Thánh lễ ở Núi Ox, Quận Sligo.

Ngài cho biết “Tảng đá dùng làm bàn thờ dâng Thánh lễ của các vị tử đạo thường là một tảng đá lớn. Bề mặt của nó thường không bằng phẳng, không có chỉ dấu nào cho thấy nó có thể có thể được sử dụng cho một mục đích thiêng liêng như vậy”.

“Có lẽ vì vậy mà nó được chọn. Nó không gây ra sự chú ý hay nghi ngờ”.

“Vị trí của tảng đá nép mình trên sườn đồi cung cấp một tầm nhìn rõ ràng, bao quát khu vực xung quanh, vì vậy anh chị em giáo dân chịu trách nhiệm canh gác có thể phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm ngay khi chúng còn ở xa, và như thế có thể dễ dàng cảnh báo những người đang tụ tập tham dự Thánh lễ”.

Ngài nói thêm: “Thật là một đặc ân độc đáo khi được đứng tại một nơi linh thiêng của tổ tiên chúng tôi, những người đã đứng ở đó suốt những năm trước đây để nói lên niềm tin của các ngài ngay cả trước các mối nguy hiểm luôn sẵn sàng xảy ra đối với tính mạng và sinh kế”.

ACN Ái Nhĩ Lan trước đây đã tìm cách nâng cao nhận thức về các vị tử đạo ở quốc gia này bằng cách xuất bản lại cuốn sách năm 1896 nhan đề “Các vị tử đạo của chúng ta”, của linh mục Dòng Tên Dennis Murphy. Cuốn sách trình bày chi tiết về những người Công Giáo bị giết vì đức tin của họ ở Ái Nhĩ Lan theo Luật Hình sự từ năm 1535 đến năm 1691.

Các Luật Hình sự nhắm vào những người Công Giáo theo sau cuộc Cải cách Tin lành. Giáo dân phải đối mặt với các hình phạt như phạt tiền và bỏ tù, trong khi các linh mục phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc, kể cả tử hình, nếu bị bắt quả tang đang dâng lễ cho người Công Giáo.

ACN Ái Nhĩ Lan đang mời những người Công Giáo được truyền cảm hứng từ chiến dịch này tham gia vào việc cầu nguyện cho sự đổi mới đức tin Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan thông qua lời cầu bầu của các vị tử đạo Ái Nhĩ Lan.

Lễ Các Thánh Tử Đạo Ái Nhĩ Lan là ngày 20 tháng Sáu.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Vui: Tổng giáo phận Boston có giáo xứ Việt Nam đầu tiên. Tình trạng nghiêm trọng của Giáo Hội Ấn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:04 20/06/2021


1. Tổng giáo phận Boston có giáo xứ Việt Nam đầu tiên

Sau nhiều thập kỷ thỉnh nguyện, người Công Giáo Việt Nam tại Tổng giáo phận Boston giờ đây có thể cử hành Bí tích Thánh Thể bằng tiếng mẹ đẻ của họ với việc thành lập giáo xứ Việt Nam đầu tiên của Tổng giáo phận vào hôm Chúa Nhật 13 tháng 6.

Khoảng 600 tín hữu đã lấp đầy các hàng ghế của Nhà thờ Saint Clement ở Medford - nay là một phần của Giáo xứ Chân phước Anrê Phú Yên. Đức Cha phụ tá Mark O'Connell của Boston nói với tờ Crux rằng ngài cảm thấy giống như “một ngày đại lễ” với một dàn hợp xướng lớn, trống và khiêu vũ.

“Trong Thánh Lễ ngày hôm qua tôi đã tràn đầy lòng biết ơn về thời điểm và tất cả mọi thứ”, Cha Phong Phạm, là người mà Đức Cha O'Connell đã giới thiệu với anh chị em là quản nhiệm của họ. “Tôi vô cùng biết ơn vì Chúa đã thực sự đáp lại tiếng kêu của người Công Giáo Việt Nam và tôi nghĩ đây là thời điểm hoàn hảo và chỉ có thần khí của Chúa và bàn tay của Chúa đã viết ở mọi nơi và trên khuôn mặt của mọi người”.

“Mọi người đều rất vui, rất hạnh phúc”, cha nói với tờ Crux.

Đức Cha O'Connell lần đầu tiên nhận được yêu cầu thành lập một giáo xứ Việt Nam trong tổng giáo phận vào năm 2017, chưa đầy một năm sau khi ngài trở thành Giám Mục Phụ Tá. Vào thời điểm đó, ngài nói sẽ xem xét điều đó, nhưng cảnh báo rằng ngài sẽ không thúc đẩy điều này trừ khi họ sẵn sàng ủng hộ giáo xứ về mặt tài chính. Phản hồi của giáo dân Việt Nam là yêu cầu Đức Cha O'Connell chính thức thành lập một giáo xứ và họ sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho giáo xứ đó.

Đức Cha O'Connell kể thêm: “Sau đó, tôi nhận được điện thoại gọi đến tổng giáo phận mời đến một cuộc họp khẩn cấp vì Giáo xứ St. Clement đang xuống dốc. Tôi nói, 'tốt, người Việt Nam đang tìm kiếm một giáo xứ.' Tôi gọi cho Đức Hồng Y Seán O'Malley và ngài rất vui vì có ý tưởng giải quyết.”

Với sự hỗ trợ của giáo phận, Đức Cha O'Connell đã nhận được sự chấp thuận của các cộng đồng Việt Nam. Sau đó, vào tháng 8 vừa qua, ngài đã đưa Cha Phong Phạm vào để giảm bớt lo ngại của cộng đồng nói tiếng Anh đã có từ trước.

Giáo dân Việt Nam của giáo xứ đến từ ba cộng đồng Massachusetts - Chelsea, Malden và East Boston.
Source:Crux

2. Tình trạng nghiêm trọng của Giáo Hội tại Ấn

Trong bản tin đánh đi hôm thứ Năm 17 tháng 6, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Đức Cha Lakra của giáo phận Gumla đã là giám mục thứ tư qua đời kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Sáng 17 tháng 6, Đức Cha Paul Alois Lakra của giáo phận Gumla đã qua đời tại bệnh viện Orchid ở Ranchi. Giáo phận của ngài nằm ở Bang Jharkhand. Đức Cha qua đời ở tuổi 65 sau khi đã phải nhập viện vì nhiễm một biến thể nguy hiểm của coronavirus.

Cái chết của ngài diễn ra sau cái chết của Đức Cha Joseph Neelankavil, Giám Mục hiệu tòa của giáo phận Công Giáo Syro-Malabar Sagar, Đức Cha Antony Anandarayar Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Pondicherry-Cuddalore, và Đức Cha Basil Bhuriya của giáo phận Jhabua.

Ngoài các vị Giám Mục trên, Giáo Hội Công Giáo ở Ấn Độ đã mất 283 linh mục và 252 nữ tu vì COVID-19. Những con số thống kê này được thu thập bởi Cha Suresh Mathew của Indian Currents và Cha Shaiju Chacko của Giáo phận Jammu-Srinagar.

Đức Cha Lakra sinh ngày 11 tháng 7 năm 1955. Ngài được thụ phong linh mục tại Tổng giáo phận Ranchi năm 1988. 5 năm sau đó, ngài gia nhập hàng giáo phẩm của Gumla khi giáo phận này trở thành một giáo phận biệt lập, tách khỏi tổng giáo phận Ranchi. Vào tháng Giêng năm 2006, ngài được bổ nhiệm làm giám mục thứ hai của Gumla.

Tang lễ của Giám mục Lakra đã được tổ chức vào lúc 10 giờ sáng thứ Sáu 18 tháng Sáu tại nhà thờ chính tòa Gumla, nơi thi hài của ngài được an táng. Đức Tổng Giám Mục Felix Toppo của Ranchi chủ trì Thánh lễ.

“Cái chết của Đức Cha Lakra là một mất mát lớn đối với giáo phận Gumla, và đối với tất cả người dân tộc ở khu vực Chota Nagpur”, Đức Tổng Giám Mục John Barwa của Cuttack-Bhubaneshwar nói với AsiaNews về cái chết của Đức Cha Lakra.

Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng: “Đức Cha Lakra là một trong những người của vùng đất này. Ngài yêu mến người dân của mình và được họ yêu mến. Cái chết của ngài ấy là một mất mát lớn đối với những người cùng đinh, những người nghèo và các nhóm thiểu số”.

“Đức Cha Lakra đã làm việc không mệt mỏi cho người dân trên mọi lĩnh vực, vì sự thăng tiến và phát triển của họ, về kinh tế, giáo dục, xã hội và tinh thần”.
Source:Asia News

3. George Weigel : Đức Hồng Y Pell ở tuổi tám mươi

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhân sinh nhật thứ 80 của Đức Hồng Y George Pell, ông đã có một bài nhận định đăng trên tờ First Things ngày 16 tháng 6, 2021.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

CARDINAL PELL AT EIGHTY

by George Weigel

Đức Hồng Y Pell ở tuổi tám mươi


Mười lăm tháng trước, có vẻ như Đức Hồng Y George Pell sẽ phải trải qua sinh nhật thứ tám mươi của mình trong tù. Một chiến dịch đầy ác ý của cảnh sát tiểu bang Victoria ở Úc, quê hương của ngài, đã dẫn đến bản cáo trạng liên quan đến những cáo buộc vô lý một cách trắng trợn là “lạm dụng tình dục trong quá khứ”. Phiên tòa đầu tiên của ngài đã kết thúc với một bồi thẩm đoàn treo trong đó hầu hết ủng hộ việc tha bổng; nhưng vì tòa án áp đặt lệnh cấm các phương tiện truyền thông đưa tin, nên công chúng không biết rằng người bào chữa đã đập tan hồ sơ của bên công tố bằng cách chứng minh rằng những tội ác bị cáo buộc không thể nào xảy ra trong khung thời gian, và địa điểm mà người khiếu nại cho rằng đã xảy ra. Cuộc tái thẩm của vị Hồng Y kết thúc với một bản án không thể nào hiểu nổi, sau đó là một lời bác bỏ thậm chí còn khó hiểu và vô nghĩa hơn đối với đơn kháng án của vị Hồng Y. May sao, thật hạnh phúc - vì quyền tự do của một người vô tội và danh tiếng của hệ thống tư pháp Úc - Tòa án Tối cao của đất nước đã nhất trí hủy bỏ bản án có tội của các tòa dưới vào ngày 7 tháng 4 năm 2020 và đưa ra phán quyết “vô tội” trong vụ án Pell kiện Nữ hoàng.

Đức Hồng Y Pell đã không lãng phí 404 ngày trong tù, hầu hết trong đó là bị biệt giam. Ngài đã viết nhật ký hàng ngày, và cuốn nhật ký ấy đã trở thành một thứ gì đó thuộc loại kinh điển tâm linh hiện đại; Ignatius Press đã xuất bản nó thành ba tập, tập cuối cùng sẽ xuất hiện vào tháng 10. Thông qua Nhật ký trong tù của ngài, hàng nghìn người trên khắp thế giới đã khám phá ra con người thật của Đức Hồng Y George Pell: một người có đức tin vững chắc, trí thông minh sắc sảo, lòng trắc ẩn sâu sắc đối với những bối rối đang bủa vây loài người, và quyết tâm sống trọn chức linh mục mà ngài đã cam kết khi được Đức Hồng Y Gregory Peter Agagianian tấn phong vào ngày 16 tháng 12 năm 1966. Đức Hồng Y Gregory Peter Agagianian là vị nhiều phiếu thứ hai sau Đức Gioan XXIII trong mật nghị bầu Giáo Hoàng năm 1958.

Tôi rất vui vì giờ đây có rất nhiều người khác đã khám phá ra sự thật về người đàn ông tốt lành và vĩ đại này, đặc biệt là vì ngài và tôi đã là bạn của nhau kể từ khi ngài trải qua mùa hè sau khi thụ phong ở giáo xứ Baltimore của tôi, giữa thời gian học thần học ở Rôma và làm luận án tiến sĩ tại Oxford. Hơn nửa thế kỷ đó, chúng tôi đã thảo luận về mọi thứ. Và dù Đức Hồng Y đã không chuyển đổi được tôi thành một cầu thủ cricket, chúng tôi tâm đắc về rất nhiều thứ khác mà chúng tôi đã làm việc chặt chẽ trong nhiều dịp khác nhau.

Do đó, điều đập vào mắt tôi như ơn Chúa quan phòng là sinh nhật thứ tám mươi của Đức Hồng Y Pell rơi vào một thời gian khi Giáo Hội hoàn vũ đang rối tung lên bởi “Tiến Trình Công Nghị” ở Đức: một quá trình thiếu vắng một sự can thiệp có tính quyết định của Rôma, và có lẽ đang diễn ra bất kể sự can thiệp của Rôma, và dường như đang xác nhận rằng thể chế Công Giáo ở Đức đang trong tình trạng bội giáo. Tôi nói là ơn Chúa quan phòng bởi vì, nếu không có sự lãnh đạo của Đức Cha George Pell với tư cách là Tổng Giám Mục Melbourne và sau đó là Hồng Y Tổng Giám Mục Sydney, thì nước Úc có lẽ đã trở thành một vùng thảm họa của Giáo Hội như nước Đức ngày nay — mặc dù người Úc đã đạt đến mức đó 25 năm trước.

Kẻ thù của ngài sẽ không bao giờ thừa nhận điều đó, nhưng Đức Hồng Y George Pell đã cứu Giáo hội ở Úc khỏi bị tan rã thành một Đạo Công Giáo lỏng lẻo không thể phân biệt với Đạo Tin lành Tự do. Ngài đã làm như vậy bằng cách bảo vệ Công đồng Vatican II như một sự đổi mới trong truyền thống; bằng cách cải cách chức tư tế và bằng sự chăm sóc của ngài đối với các nạn nhân lạm dụng tình dục trong các giáo phận mà ngài lãnh đạo; bằng sự ủng hộ kiên định của ngài đối với chủ nghĩa chính thống Công Giáo giữa cuồng phong văn hóa đã khiến nhiều giám mục anh em của ngài phải nao núng; bằng cách ủng hộ đời sống trí thức Công Giáo nghiêm túc trong nhiều sáng kiến khác nhau; và bằng cách tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới ở Sydney năm 2008, tiếp thêm sinh lực truyền giáo cho những người Công Giáo Úc trẻ tuổi như Ngày Giới trẻ Thế giới năm 1993 của Denver đã thực hiện cho những người trẻ Công Giáo Hoa Kỳ. Nếu không có sự lãnh đạo của George Pell và sự sẵn sàng đứng ra bảo vệ sự thật trước những lời chỉ trích ác ý, thì Công Giáo ở Miệt Dưới vào năm 2021 có thể trông giống như một Giáo hội giàu có ở phần lớn nước Đức ngày nay, nhưng vắng bóng khối tài sản khổng lồ được hỗ trợ từ thuế của người Đức.

Công việc của Đức Hồng Y Pell để dọn dẹp chuồng ngựa Augean của tài chính Vatican vẫn đang được hoàn thành và các câu hỏi về mối liên hệ có thể có giữa công việc đó và việc truy tố ngài vẫn chưa được giải đáp. Tuy nhiên, ân sủng của vị Hồng Y dưới áp lực phi thường và phẩm giá mà ngài hành xử trước, trong và sau khi bị cầm tù đã khiến ngài trở thành một trong những trưởng lão có ảnh hưởng nhất trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay. Việc ngài hết quyền bầu cử trong một mật nghị tương lai vào ngày 8 tháng 6 vừa qua không có nghĩa là ngài sẽ bị gạt sang một bên trong các cuộc thảo luận thực sự có hậu quả lớn lao đối với tương lai của Giáo hội. Ngài sẽ ở vị trí rất là trung tâm của những cuộc thảo luận đó, sử dụng thẩm quyền đạo đức mà ngài đã giành được một cách xứng đáng với tư cách là một cha giải tội đương thời.

Người đàn ông mà tôi biết và trân trọng kể từ mùa hè năm 1967 không được hình thành để im lặng. Giọng nói của ngài sẽ được lắng nghe. Và nó sẽ được nghe ở nơi cần thiết.
Source:First Things
 
Diễn biến âu lo: Ba nữ tu bị tai nạn xe hơi liên hoàn ở Illinois. Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:22 20/06/2021


1. Ba nữ tu ở Illinois tin rằng Lòng Chúa Thương Xót và Đức Mẹ đã cứu các sơ trong một tai nạn xe hơi liên hoàn nghiêm trọng

Ba nữ tu Công Giáo đang được chạy chữa tại một bệnh viện sau một tai nạn xe hơi liên quan đến hàng loạt xe hơi ở Springfield, Illinois. Tai nạn nghiêm trọng này đã khiến cộng đồng địa phương tuôn trào những lời cầu nguyện và hỗ trợ.

Các nữ tu của Dòng Thánh Phanxicô Tử đạo Thánh George là các Sơ Mary Magdalene, Sơ Mary Clementia, và Sơ Michael đang ở trong một chiếc xe hơi thì bị tông từ phía sau vào ngày 9 tháng 6 bởi một chiếc xe khác. Sơ Clementia nói: “Chiếc xe của chị em chúng tôi bị đẩy tông vào một chiếc xe khác và co dúm lại “thành một chiếc đàn accordion”.

Vào ngày 15 tháng 6, Sơ Clementia và Sơ Magdalene đều đã được xuất viện để hồi phục tại nhà mẹ. Sơ Michael đã trải qua cuộc phẫu thuật tái tạo xương hông tại Bệnh viện Đại học St. Louis và hiện vẫn đang nằm trong nhà thương.

“Nhờ Lòng Chúa thương xót và với tất cả những lời cầu nguyện của chúng ta, các nữ tu của chúng tôi bây giờ đang trên con đường phục hồi,” Nữ tu Maximilia, là Mẹ bề trên tỉnh của cộng đồng nói như trên với tờ The Catholic Post

Mẹ Maximilia cho biết: “Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho sự chữa lành hoàn toàn của các sơ và những người khác có thể bị thương trong vụ tai nạn liên hoàn này. Chúng tôi dành cho Chúa và Đức Mẹ lòng biết ơn và tình yêu của chúng tôi”.

Sơ Clementia bị gãy chân trái, xương sườn và đốt sống và sẽ phải đeo nẹp lưng trong 12 tuần tới. Sơ nói với The Catholic Post, tờ báo của Giáo phận Peoria, rằng sơ may mắn không thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Sơ nói với The Catholic Post: “Có quá nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra, nếu không chúng tôi không còn sống để có mặt hôm nay.”

Sơ Clementia nói rằng sơ đã thoát khỏi một chấn thương nghiêm trọng hơn rất nhiều khi chân của sơ bằng cách nào đó được đẩy lên bảng điều khiển của chiếc xe. Nếu không, chân tôi đã có thể bị kẹp chặt dưới gầm xe.”

Trong một sự trùng hợp bất thường, một số người phản ứng đầu tiên tại hiện trường vụ tai nạn là một giám mục, một linh mục và một chủng sinh. Các ngài đi sau các sơ một vài chiếc xe khi xảy ra va chạm, và ngay lập tức chạy đến chỗ các sơ.

Sơ Clementia không thể nhớ tên của vị giám mục, nhưng nghĩ rằng ngài đến từ Texas. “Tôi nhìn vị giám mục và lúc đầu tôi đang nghĩ, ‘Đó có phải là một vị giám mục không?’” Sơ nói với The Catholic Post. Vị giám mục xuất hiện một cách mầu nhiệm “đã xức dầu cho chúng tôi và cầu nguyện cho chúng tôi. Thật không thể tin được”.

Để đối phó với vụ tai nạn, giáo phận đã đáp lại bằng một loạt những lời cầu nguyện, bao gồm cả hai thánh lễ cầu nguyện cho các sơ sớm phục hồi.

Sơ Clementia nói rằng những lời cầu nguyện đang tiếp thêm sức mạnh cho sơ để “chiến đấu cho sự hồi phục của tôi, và nó cho tôi thấy thực sự có vẻ đẹp trong đau khổ, có niềm vui trong đau khổ”.

“ Tôi chưa bao giờ hiểu điều đó cho đến bây giờ,” sơ nói.
Source:Catholic News Agency

2. Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20 tháng Sáu.

Chúa Nhật 20 tháng Sáu Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 12 Mùa Thường Niên. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta câu chuyện Chúa làm biển lặng gió yên.

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?” (Mc 4, 35-41)

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Phụng vụ hôm nay tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu làm yên gió bão (Mc 4, 35-41). Con thuyền mà các môn đệ băng qua hồ bị gió và sóng tấn công và họ sợ bị chìm. Chúa Giêsu đang ở với họ trên thuyền, nhưng Ngài nằm ở đằng lái và dựa gối mà ngủ. Các môn đệ, đầy sợ hãi, hét lên với Ngài: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” (Câu 38).

Nhiều lần chúng ta cũng hành xử như vậy, khi bị tấn công bởi những thử thách của cuộc sống, chúng ta đã kêu lên với Chúa: “Tại sao Chúa lại im lặng và không làm gì cho con?”. Đặc biệt là khi chúng ta dường như đang chìm dần, vì tình yêu hoặc dự án mà chúng ta đã đặt nhiều hy vọng vào đó tan thành mây khói; hoặc khi chúng ta đứng trước chập chùng những làn sóng lo lắng dai dẳng; hoặc khi chúng ta cảm thấy choáng ngợp trước những vướng mắc hoặc lạc lõng giữa biển đời, không có lộ trình và không có bến cảng. Hoặc khi chúng ta lâm vào những khoảnh khắc thiếu sức lực để tiếp tục, vì không có việc làm hoặc một chẩn đoán y khoa bất ngờ khiến chúng ta lo sợ cho sức khỏe của mình hoặc của người thân. Có nhiều khoảnh khắc mà chúng ta cảm thấy mình giữa cơn bão, chúng ta cảm thấy mọi sự gần như kết thúc.

Trong những tình huống này và trong nhiều tình huống khác, chúng ta cũng cảm thấy bị bóp nghẹt bởi nỗi sợ hãi và giống như các môn đệ, chúng ta có nguy cơ đánh mất đi điều quan trọng nhất. Thực ra, trên thuyền, ngay cả khi đang ngủ, Chúa Giêsu vẫn ở đó, và Ngài chia sẻ với chúng ta mọi điều đang xảy ra. Giấc ngủ của Ngài, một mặt khiến chúng ta ngạc nhiên, mặt khác lại đưa chúng ta vào thử thách. Chúa ở đó, hiện diện; trên thực tế, có thể nói rằng Ngài đang chờ đợi chúng ta lôi kéo Ngài, mời gọi Ngài, đặt Ngài vào trung tâm của những gì chúng ta đang sống. Giấc ngủ của Ngài khiến chúng ta thức giấc. Bởi vì, để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu tin rằng Thiên Chúa hiện hữu thôi thì chưa đủ đâu, Người hiện hữu, nhưng anh chị em phải dính dáng đến Người, chúng ta cũng phải lên tiếng kêu cầu Người. Hãy lắng nghe điều này: chúng ta phải kêu lên với Ngài. Lời cầu nguyện, nhiều lần, là một tiếng kêu: “Lạy Chúa, xin cứu con!”. Tôi đã thấy, trong chương trình “A sua immagine”, nghĩa là “Theo hình ảnh Ngài”, ngày hôm nay, Ngày Tị nạn, nhiều người đến trên những chiếc thuyền lớn và lúc chết đuối đã kêu lên: “Cứu chúng tôi với!”. Trong cuộc sống của chúng ta, điều tương tự cũng xảy ra: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con!”, Và lời cầu nguyện trở thành một tiếng kêu.

Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi mình: những cơn gió đập vào cuộc đời tôi là gì? Những con sóng nào cản trở việc điều hướng của tôi, và khiến đời sống cá nhân, cuộc sống gia đình tôi, thậm chí cả đời sống tâm linh của tôi gặp nguy hiểm? Chúng ta hãy nói tất cả những điều này với Chúa Giêsu; chúng ta hãy nói với Ngài tất cả mọi thứ. Người muốn điều này; Người muốn chúng ta nắm lấy Người để tìm nơi trú ẩn trước những sóng gió bất ngờ của cuộc đời. Tin Mừng thuật lại rằng các môn đệ đến gần Chúa Giêsu, đánh thức Người và kêu lên với Người (xem câu 38). Đây là sự khởi đầu đức tin của chúng ta: đó là nhận biết rằng một mình chúng ta không thể làm nổi; rằng chúng ta cần Chúa Giêsu như những người thủy thủ cần những vì sao để tìm đường đi của họ. Đức tin bắt đầu từ việc tin rằng bản thân chúng ta thôi thì không đi đến đâu. Đức tin bắt đầu từ việc cảm thấy chúng ta cần Chúa. Khi chúng ta vượt qua được cám dỗ cuộn tròn trong chính mình, khi chúng ta vượt qua được sai lầm tôn giáo là không muốn làm phiền Thiên Chúa, và bắt đầu kêu lên với Ngài, Ngài có thể làm nên những điều kỳ diệu trong chúng ta. Sức mạnh nhẹ nhàng và phi thường của lời cầu nguyện có tác dụng làm nên những điều kỳ diệu.

Chúa Giêsu, khi được các môn đệ cầu xin, đã làm dịu sóng gió. Và Người hỏi họ một câu hỏi, một câu hỏi cũng liên quan đến chúng ta: “Tại sao anh em lại sợ hãi? Anh em không có niềm tin sao?” (câu 40). Các môn đệ bị nỗi sợ hãi bao trùm, bởi vì họ tập trung vào những con sóng hơn là nhìn vào Chúa Giêsu. Cũng thế, sự sợ hãi khiến chúng ta nhìn vào những khó khăn, những vấn đề khủng khiếp mà không nhìn vào Chúa, Đấng nhiều lần đang ngủ. Đó cũng là điều thường xảy ra với chúng ta: chúng ta thường chú tâm vào các vấn đề hơn là đến gặp Chúa và dâng lên Ngài những quan tâm của chúng ta! Chúng ta thường để Chúa ở một góc, dưới đáy con thuyền cuộc đời, và chỉ đánh thức Ngài trong những lúc tối cần thiết! Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin ân sủng của một đức tin không bao giờ mệt mỏi khi tìm kiếm Chúa, và gõ cửa Trái Tim Người. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng trong đời không ngừng tin cậy nơi Thiên Chúa, khơi dậy trong chúng ta nhu cầu cơ bản là phó thác mình cho Người mỗi ngày.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến!

Tôi hiệp tiếng cùng với các Giám mục Miến Điện. Tuần trước các ngài đã đưa ra lời kêu gọi toàn thế giới chú ý đến trải nghiệm đau lòng của hàng ngàn người dân ở đất nước đang phải di dời và đang chết vì đói: “Chúng tôi cầu xin với tất cả sự thành khẩn rằng các hành lang nhân đạo được cho phép” và “nhà thờ, chùa, tu viện, đền thờ Hồi giáo, cũng như trường học và bệnh viện được tôn trọng như những nơi ẩn náu trung lập”. Cầu mong Trái tim Chúa Kitô chạm đến trái tim của tất cả mọi người, mang lại hòa bình cho Miến Điện!

Hôm nay, chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới về Người tị nạn, do Liên hợp quốc thúc đẩy, với chủ đề: “Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt”. Chúng ta hãy mở lòng đón nhận những người tị nạn; chúng ta hãy biến nỗi buồn và niềm vui của họ thành nỗi buồn và niềm vui của chính chúng ta; chúng ta hãy học sự chịu đựng kiên cường dũng cảm từ họ! Và như thế tất cả cùng nhau, chúng ta sẽ hình thành một cộng đồng nhân loại phát triển hơn, một gia đình lớn.

Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, những người đến từ Rôma, từ Ý và từ các quốc gia khác. Tôi thấy người Peru, người Ba Lan… và các quốc gia khác ở đó…. Đặc biệt tôi xin chào Hiệp hội Hướng đạo Công Giáo Ý; phái đoàn của các bà mẹ giáo viên ở các trường học Ý; các bạn trẻ từ Trung tâm Padre Nostro ở Palermo, được thành lập bởi Chân Phước linh mục Puglisi: những người trẻ Tremignon và Varrarino, và các tín hữu của các giáo phận Niscemi, Bari, Anzio và Villa di Briano.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng, chào tạm biệt!
Source:Holy See Press Office
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News