Ngày 21-06-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Peter Turkson chỉ trích những nhận định của ứng cử viên tổng thống Jeb Bush
Đặng Tự Do
06:25 21/06/2015
Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, đã chỉ trích ý kiến của cử viên tổng thống Jeb Bush khi ông bình luận về thông điệp Laudato Sí của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Ông Bush, một người Công Giáo nói: “Tôi không đưa ra những chính sách kinh tế dựa theo ý kiến của các giám mục hay Hồng Y của tôi, hoặc từ Đức Giáo Hoàng của tôi. Tôi nghĩ rằng tôn giáo chỉ nên về làm cho chúng ta thành những con người tốt hơn về mặt, chứ đừng hướng nhiều về những điều mà cuối cùng đi vào lĩnh vực chính trị.”

Đức Hồng Y Turkson bày tỏ sự bất bình trước những nhận xét này. Ngài nói:

“Đạo đức có liên hệ đến các quyết định và lựa chọn chúng ta đưa ra trong các tình huống cụ thể, bao gồm cả phương diện kinh tế. Tôi ao ước rằng chúng ta đừng tạo ra thêm những phân cách giả tạo giữa các vấn đề đạo đức, thần học, và các vấn đề kinh tế.”

Tại buổi họp báo trình bày thông điệp Laudeto Sí, Đức Hồng Y Turkson nói rằng “chúng tôi đề cập về nhiều vấn đề không phải vì chúng tôi là những chuyên gia về những vấn đề ấy, nhưng chúng tôi đả động đến chúng bởi vì chúng liên quan đến các tác động đến cuộc sống của chúng ta.”

“Đảng Cộng hòa và nhân vật tranh cử tổng thống nói họ sẽ không lắng nghe Đức Giáo Hoàng, đó là tự do của họ. Quyết định của họ không muốn lắng nghe Đức Giáo Hoàng dựa trên điều họ nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng đang nói về một cái gì đó mà ngài không phải là một chuyên gia về lãnh vực ấy.”
 
Nhận định của một thần học gia Á Căn Đình về thông điệp Laudato Sí
Đặng Tự Do
06:48 21/06/2015
Cha Augusto Zampini, một linh mục dòng Tên và là thần học gia luân lý người Á Căn Đình, là người làm việc nhiều năm với Đức Hồng Y Jorge Bergoglio ở Buenos Aires. Ngài nói thông điệp “Laudato Si” phản ánh tính cách của Đức Giáo Hoàng và kinh nghiệm của ngài về phục vụ người nghèo trong các khu ổ chuột của thủ đô Á Căn Đình.

Cha Zampini cho biết khi đọc thông điệp này ngài có thể nghe thấy giọng nói của Đức Giáo Hoàng và cách thế ngài nói “thay mặt cho những người bị gạt ra ngoài lề” và cũng cảm nhận được “hy vọng của ngài cho một thế giới tốt đẹp hơn.” Ngài cho biết kinh nghiệm làm việc với người nghèo của Đức Giáo Hoàng ở Buenos Aires rất quan trọng và giúp định hình suy nghĩ của ngài trong thông điệp về những vấn đề như sự bất bình đẳng toàn cầu, nghèo đói và loại trừ.

Khi được hỏi về mong muốn Đức Giáo Hoàng đưa ra thông điệp của ngài nhiều tháng trước khi hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris, cha Zampini nói rằng Đức Giáo Hoàng cố ý muốn “có tiếng nói” tại hội nghị này, không chỉ tiếng nói của ngài mà còn bao gồm “những tiếng nói của những người không có tiếng nói” trong các cuộc đàm phán quan trọng quyết định tương lai của hành tinh chúng ta. Tuy nhiên, cha Zampini thừa nhận rằng một số người ở các vị trí quyền lực sẽ không chấp nhận những lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng về vấn đề biến đổi khí hậu và thay vào đó họ sẽ đấu tranh tới cùng cho quyền lợi của chính họ.

Khi nói đến tác động lâu dài của thông điệp, Cha Zampini tin này “tài liệu đầy cảm hứng” này sẽ có tác động hai mặt: cả về các cuộc đàm phán sắp tới tại Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu cũng như trong lòng Giáo Hội nơi ngài hy vọng thông điệp này sẽ kích hoạt một “sự hoán cải .. . và khởi đầu một sự chuyển đổi nhận thức và hành động liên quan đến sinh thái trong các cộng đồng Công Giáo trên toàn thế giới.”
 
Thông điệp Laudato Si, cách đọc Công Giáo
Vũ Van An
20:26 21/06/2015
Thông điệp Laudato Si có lẽ là thông điệp được đọc nhiều nhất xưa nay. Đúng như nhận định của nữ ký giả Inés San Martín: không ai thờ ơ với nó được, vì ai cũng muốn một là hoan nghinh nó hai là đả kích nó, dù là phiến diện.

Kỹ nghệ dầu hỏa chẳng hạn chỉ đọc những gì viết xa gần về nó. Chính vì thế, Đức Cha Marcelo Sánchez Sorondo, chủ tịch Hàn Lâm Viện Khoa Học của Tòa Thánh nhún vai trước lời chỉ trích của họ. Ngài nói rằng ngay những người Công Giáo xưa nay vốn hoài nghi về chuyện thay đổi khí hậu cũng nại quyền của họ để không tin thông điệp. Nhưng nghĩ gì và nói gì thì nói, Laudato Si đã trở thành một phần trong giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Ngài bảo: “Ta không thể chỉ chọn chấp nhận các văn kiện mình thích”.

Người Công Giáo có phải theo Laudato Si không?

Nữ ký giả Rachel Zoll của Associated Press đặt câu hỏi như trên. Câu trả lời, theo cô, có lẽ còn tùy họ theo khuynh hướng nào. Người bảo thủ trong Giáo Hội vốn bác bỏ giả thuyết khí hậu thay đổi; người cấp tiến trong Giáo Hội vốn bác bỏ quan điểm của Đức Phanxicô về kinh tế.

Nhưng theo Richard Gaillardetz, một thần học gia tại Cao Đẳng Boston, thì người Công Giáo buộc phải theo các tín điều và giáo huấn xã hội căn bản của Giáo Hội trong thông điệp trên, kể cả các giáo huấn liên quan tới sáng thế và chăm sóc người nghèo. Lời kêu gọi hành động của Đức Giáo Hoàng dựa trên các giáo huấn này cũng mang theo nó “thẩm quyền tín lý có chất lượng”. Người Công Giáo có thể bất đồng với một đề xuất chuyên biệt nào đó về chính sách nếu họ tin rằng một đề xuất khác sẽ thể hiện giáo huấn của Giáo Hội cách hữu hiệu hơn, nhưng “họ không thể bác bỏ mệnh lệnh luân lý” phải hành động về việc thay đổi khí hậu.

Thiết tưởng Gaillardetz không nói gì khác hơn Đức Cha Sorondo.

Đọc như người Công Giáo

Tiến sĩ Jeff Mirus cho rằng phần lớn các độc giả Tây Phương ngày nay, nhất là ở Hoa Kỳ, có khuynh hướng đọc các thông điệp giáo hoàng qua lăng kính biện chứng tả hữu, cấp tiến bảo thủ, điều họ vốn thừa hưởng từ nền văn hóa đương thịnh. Nền văn hóa này không coi Kitô Giáo là mảnh đất mầu mỡ của các ý niệm vượt quá các phạm trù tả hữu, các quan niệm bắt nguồn trước hết và trên hết từ Chúa Kitô.

Một vấn đề nữa trong việc tiếp nhận là ta không thoải mái bao nhiêu đối với bản chất của giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Đây là một thao tác trong việc áp dụng các nguyên tắc của Thiên Chúa, như đã được mạc khải nơi Chúa Kitô và nơi luật tự nhiên, vào những hoàn cảnh không ngừng thay đổi mà ta gặp “trên thế gian này”.

Vậy thì thực ra, Laudato Si nói về điều gì? Theo tiến sĩ Mirus, hầu hết các nhận định của các chính trị gia và nhà tranh đấu tập chú vào vấn đề hâm nóng hoàn cầu do con người gây ra, một thực tại được Đức Giáo Hoàng thừa nhận. Thành thử ai cũng tiên đoán được rằng phe cấp tiến sẽ ủng hộ ngài và phe bảo thủ sẽ phản đối ngài.

Điều chắc chắn là các chính trị gia và nhà tranh đấu nói trên không đọc trọn thông điệp Laudato Si. Nhân viên của họ chỉ lướt qua bản văn và ghi nhận những điểm thực tiễn nào được đầu óc phe phái của họ “ưa chuộng”. Căn cứ vào đó mà có lời nhận định với các phương tiện truyền thông. Ông Obama, vì thế, đã lên tiếng ca ngợi lòng can đảm của Đức Phanxicô khi thừa nhận việc khí hậu thay đổi.

Không hẳn nói về thay đổi khí hậu

Theo Tiến Sĩ Mirus, xét trong căn bản, Laudato Si không chủ yếu nói về việc thay đổi khí hậu. Thực vậy, Đức Phanxicô chỉ dành cho nó khoảng mấy đoạn là cùng trong toàn bộ 246 đoạn của thông điệp. Trong các đoạn này ngài tóm tắt và coi là đương nhiên ý kiến khoa học đương thịnh cho rằng phần lớn việc hâm nóng địa cầu trong mấy thập niên qua là do sinh hoạt của con người gây ra, nhất là nhiên liệu hóa thạch (fossil fuels); ngài chấp nhận lý thuyết cho rằng việc hâm nóng này tạo ra một loạt nan đề phần lớn không tiên đoán được và có hại cho khí hậu; ngài dùng việc này để thúc đẩy người ta khẩn thiết hơn trong việc lưu ý tới sứ điệp ngài nhắn gửi qua thông điệp này.

Tất cả các điều trên không có gì đáng ngạc nhiên hay đặc biệt có ý nghĩa cả. Dù một số trong chúng ta coi việc con người gây ra cảnh hâm nóng địa cầu chỉ là một giả thuyết đang được tranh cãi đi chăng nữa, thì việc chấp nhận ý nghĩa của nó cũng chỉ là một cách đáp ứng thông thường đối với một điều đang được các chuyên viên thượng thặng trong lãnh vực vủa họ quả quyết cả nhiều năm nay. Đức Giáo Hoàng có thể tìm hiểu một số giả thuyết khác, nhưng ngài đâu phải là một khoa học gia, nên ngài đâu cần phải làm thế? Mà nói cho cùng, giáo huấn tâm linh và luân lý của thông điệp không đổ vỡ hay đứng vững chỉ vì phán kết khoa học đương thịnh này sai hay đúng. Phán kết này chỉ đem thêm sắc thái khẩn thiết cho sứ điệp hợp thời của Đức Giáo Hoàng mà thôi.

Thực vậy, ngài khai triển rộng dài hơn nhiều về các loại chứng cớ khác cho thấy mối tương quan giữa con người với thiên nhiên hay môi trường đang lên cơn đau đớn. Ngài xem sét việc các nguồn tài nguyên không thể đổi mới đang cạn kiệt dần; việc triệt hạ rừng; việc gây ô nhiễm cho nhiều vùng đất và nước mênh mông; khuynh hướng “đánh và chạy” (hit and run) của các công ty quốc tế, đẩy dân chúng sở tại vào một môi trường không thể nào duy trì được; làm ngưng trệ các thành tố chủ yếu trong thế cân bằng của môi sinh; diệt trừ hoàn toàn hàng loạt nhiều chủng loại lớn; phá hoại tập thể nhiều yếu tố trong thiên nhiên mà không lường các hậu quả lâu dài; thiếu nước sạch một cách hết sức trầm trọng tại một số cộng đồng; cảnh bất công khủng khiếp trên khắp địa cầu; càng kỹ nghệ hóa, càng giảm thiểu vẻ đẹp, sự hài hòa và hòa bình; lầm lạc tin rằng “tiến bộ” lúc nào cũng gây phúc; vững tin rằng tất cả các vấn đề này đều có thể giải quyết bằng hết giải pháp kỹ trị (technocrat) này tới giải pháp kỹ trị khác, mà không chịu hiểu các hậu quả, và nhất là không kèm theo việc thay đổi thái độ.

Một cách căn để, Đức Phanxicô cho rằng con người nam nữ ngày nay càng ngày càng tha hóa đối với môi trường, đối với chính thân xác họ, một thân xác bị họ khai thác cùng một cách như họ khai thác thiên nhiên, với những hậu quả khủng khiếp. Bất kể sự thực của lý thuyết con người gây hâm nóng địa cầu có ra sao, các vấn đề sinh thái vĩ mô do tham vọng bá chủ kỹ trị của con người hiện đại tạo ra cũng đều vừa rõ rệt vừa hết sức đe dọa. Không ai chối cãi được, dù chúng thường bị người ta nhân danh tư lợi che dấu đi một cách đầy lựa lọc.

Nhưng Đức Phanxicô thì nhìn các vấn đề ấy như việc con người càng ngày càng ra xa lạ đối với môi sinh. Ngài cho rằng các vấn đề ấy không những quan trọng mà còn đang vang lên trong tâm tư con người thời nay. Bởi thế mà ngài lên tiếng.

Biến thiên nhiên thành dụng cụ

Laudato Si cho hay: ta đã và đang biến thiên nhiên thành dụng cụ, coi yếu tính của nó như một tùy thể (accident) đòi được kỹ trị khuất phục và tư lợi của ta thao túng. Việc dụng cụ hóa này có tính nền tảng ở điểm nó lên khuôn mọi điều ta làm, trong đó, có khuynh hướng gần như phổ quát càng ngày càng thô lỗ thao túng thiên nhiên ngõ hầu trốn chạy chính nỗi chán chường thất vọng của ta. Việc dụng cụ hóa này chuốc độc mọi sự, không những chỉ là môi sinh mà cả việc ta hiểu về mình nữa. Nó tác động lên chính việc ta sử dụng thân xác, nắm bắt ý nghĩa và mục đích của tính dục ta, các tương quan giới tính, và thái độ của ta với con cái, hôn nhân và đời sống gia đình.

Việc dụng cụ hóa thiên nhiên này khiến ta không những lạm dụng và vứt bỏ người nghèo và người bị bỏ rơi vì lòng ích kỷ của mình. Tệ hơn nữa, nó còn khiến ta lạm dụng và vứt bỏ chính chúng ta nữa.

Tin Mừng Tạo Thế

Sau khi phác thảo vấn đề sinh thái ở Chương Một, Đức Phanxicô trình bầy mục đích căn bản của ngài ở Chương Hai: “Tin Mừng Tạo Thế”. Ngài cho rằng dù vấn đề được mọi người quan tâm, nhưng Kitô Giáo có một điều đặc biệt để đề xuất trong cái hiểu của mình khi cho rằng thiên nhiên là một quà tặng tuyệt vời của Đấng Hóa Công hữu vị, và Đấng Hóa Công đã đặt con người trên quà tặng này để gìn giữ và phát triển nó cho các mục đích do chính Người truyền đạt. Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng chỉ khi nào nhìn mình trong tương quan với Thiên Chúa, ta mới bắt đầu hiểu được quà phúc thiên nhiên này, ý nghĩa của nó, lòng biết ơn nó gợi ra, các các giới hạn và cùng đích nó đặt ra đối với việc quản lý của ta.

Trong chương 3 và 4, Đức Phanxicô đề cập tới “Gốc Rễ Nhân Bản Của Cuộc Khủng Hoảng Sinh Thái” và giải thích về “Sinh Thái Toàn Bộ”. Như thế, các chương 2, 3 và 4 là trọng tâm của thông điệp. Ngài đưa ra các nguyên tắc căn bản trong cái hiểu của Công Giáo về Thiên Chúa, về thiên nhiên và về chúng ta; ngài mô tả mọi sự nối kết với nhau ra sao và giải thích điều này có nghĩa gì đối với các thái độ, mục tiêu và hành động của ta. Các chương này, vì thế, là một suy niệm Kitô Giáo sâu sắc và đầy gợi hứng về ý nghĩa của việc làm người trong một vũ trụ được quản trị bằng điều các vị tiền nhiệm của ngài gọi là “luật tặng phẩm” (law of gift).

Đức Phanxicô kết thúc với chương nói về “Đường hướng tiếp cận và hành động” (chương 5) và chương nữa nói về “Giáo dục và linh đạo sinh thái” (chương 6). Chương sau cùng này kết thúc với đoạn tuyệtt vời nói về sự hiện diện có tính bí tích của Thiên Chúa nơi tạo dựng của Người, nhất là trong Thánh Thể.

Trong suốt thông điệp của ngài, Đức Phanxicô chỉ có hai yêu cầu. Một là đối thoại nhân bản hữu hiệu, lý tưởng là tích nhập các nguyên tắc ngài đã đưa ra, nhằm dần dần biến đổi cách ta tương tác với thiên nhiên, với nhau và với chính mình. Liên quan tới việc xuống cấp của môi sinh, dĩ nhiên ngài hy vọng cuộc đối thoại này sẽ đem lại một hành động có phối hợp và hữu hiệu. Đối với Đức Phanxicô, đối thoại hữu hiệu, trước nhất và trên hết, phải kết hợp mọi phía liên hệ. Các giải pháp có thực chất không thể phát sinh từ những áp đặt một phía nhằm mang lợi lại cho kẻ giầu có và người quyền thế.

Thứ hai, để kích thích việc phục hồi các thói quen thích đáng trong việc hành động qua lại với thiên nhiên, ngài yêu cầu mỗi gia đình có thói quen đọc kinh tạ ơn trước và sau mỗi bữa ăn.

Tóm lại, Đức Phanxicô muốn dùng thông điệp này để kích thích người ta suy nghĩ sâu xa và đổi mới trái tim họ, trái tim Kitô hữu, một trái tim “biết tiếp cận sự sống với một chú tâm thanh thản, một trái tim có khả năng hiện diện trọn vẹn với một ai đó mà không hề nghĩ điều gì sẽ xẩy ra sau đó, một trái tim biết chấp nhận mỗi phút giây như một ơn phúc Chúa ban để sống cho trọn vẹn…

“Một biểu thức nói lên thái độ này là khi ta dừng lại và tạ ơn Thiên Chúa trước và sau các bữa ăn. Tôi yêu cầu mọi tín hữu trờ về với thói quen tốt đẹp và đầy ý nghĩa này. Giây phút tạ ơn, dù vắn vỏi bao nhiêu, nhắc ta nhớ tới việc ta tùy thuộc Thiên Chúa mới có sự sống; nó tăng cường cảm thức biết ơn của ta đối với quà phúc tạo thế; nó nhìn nhận tất cả những ai, qua lao công của họ, đã cung cấp cho ta những thiện ích này; và nó tái khẳng định tình liên đới của ta với tất cả những ai đang hết sức thiếu thốn” (các số 226-227).

Laudato Si, xét trong căn bản, không phải là một chủ đề để tranh luận. Điểm chính của nó là một lời tạ ơn đơn sơ mà sâu sắc.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng vấn Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long và cha Phêrô Trần Thế Tuyên về tiến trình phong thánh cho cha Trương Bửu Diệp
VietCatholic Network
17:37 21/06/2015

 
Tường trình tiến trình xin tuyên thánh của Linh Mục Phanxicô Xavier Trương Bửu Diệp.
Trần Văn Minh
05:08 21/06/2015
Melbourne, Vào lúc 11.30 sáng Chúa nhật 21/06/2015. Tại Trung tâm Công Gíao Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Cộng đoàn đã vinh dự được đón tiếp Linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên, đến từ Canada là Cáo thỉnh viên xin tuyên Thánh cho Cha Phanxicô Xavier Trương Bửu Diệp đến hiệp dâng Thánh lễ đồng tế cùng Linh mục Quản nhiệm và Linh mục khách, chia sẻ lời Chúa và đặc biệt có buổi nói chuyện sau Thánh lễ về tiến trình xin phong thánh.

Mời coi hình

Đây là Thánh lễ chính của cộng đoàn và cũng để có dịp được nghe vị cáo thỉnh viên xin phong thánh cho vị linh mục Việt Nam được rất nhiều người mến mộ, nên mọi người tham dự rất đông.

Sau Thánh lễ Chúa nhật XII thường niên. Mọi người được mời ở lại ngay trong ngôi nhà nguyện. Một bức tượng Cha Trương Bửu Diệp được rước lên trước cộng đoàn, sau đó có hai vị trong đoàn phóng viên của Vietcatholic TV. là các Đặc phái viên Đàn và Đan Huyền lên giới thiệu về Linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên.

Với giọng nói nhỏ nhẹ, hiền hòa và đậm nét miền Nam. Linh mục Phêrô đã nói qua về công việc Ngài đã làm, như điều tra, tìm nhân chứng, tìm những người sống cùng thời với Cha Diệp. Những thuận lợi và những khó khăn trong việc lập hồ sơ. Cha cũng cho biết: đối với việc phong thánh cho vị nào, Giáo hội rất cẩn thận, không những phải nghe từ phía đồng ý và cả những ý kiến trái triều, phản bác, có những trường hợp một hồ sơ kéo dài hằng trăm năm.

Trong phần giải đáp thắc mắc, Linh mục cáo thỉnh viên cho biết, những trường hợp điều tra, hội đồng phải gặp được chính người nhận được ơn lành qua lời cầu bầu của Cha Trương Bửu Diệp, chứ không qua những người trung gian, không qua những lời kể mà không thể kiểm chứng được. Hội đồng cũng không thể lập các hội đồng tại nước ngoài. Nên đôi khi gặp các nhân chứng, hội đồng phải mua vé máy bay để mời họ về Việt Nam ra trước hội đồng của giáo hội địa phương. Do đó, thời gian thành lập hồ sơ cũng có nhiều khó khăn. Trong việc xin phong thánh, có hai cấp, chúng ta gần xong cấp thứ Nhất, đó là cấp giáo hội địa phương, và cấp tiếp theo là tại Bộ Phong Thánh tại Tòa Thánh Roma.

Trong dịp này, do thời gian hạn hẹp, nhưng cộng đoàn cũng được hai nhân chứng sống kể lại các ơn lành mà do đã đến cầu xin Cha Phanxicô Xavier để Ngài cầu xin Chúa ban ơn lành cho các nhân chứng này.

Được biết, trong lần viếng thăm các cộng đồng người Việt Công giáo tại Úc. Linh mục Trần Thế Tuyên có nhiều buổi nói chuyện tại các cộng đoàn, Ngày 20 và 21 Linh mục đã gặp gỡ bốn cộng đoàn tại Melbourne, kế tiếp Cha sẽ đến Nam Úc và các tiểu bang còn lại. Tháp tùng với Cha Tuyên, có đoàn truyền thông của Vietcatholic Nam Úc với các Đặc phái viên Đan Huyền, anh Jos Vĩnh, anh Nguyễn Văn Đàn và các nhân viên phụ trách quay phim và kỹ thuật khác để tường trình đến toàn thể độc gỉa Công giáo khắp nơi về các buổi thuyết trình của Cha Trần Thế Tuyên.
 
Trại hè 2015 của các nữ tu Mến Thánh Giá Xuân Lộc
Truyền thông MTG Xuân Lộc
08:28 21/06/2015
TRẠI HÈ CỦA CÁC NỮ TU MẾN THÁNH GIÁ XUÂN LỘC NĂM 2015

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,

Chị em được sống vui vầy bên nhau.

(Thánh vịnh 133,1)

Nhằm tiếp tục đào sâu đời sống tu trì, hàng năm Hội Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc tổ chức thường huấn cho tất cả chị em trong toàn Dòng. Năm nay, kết thúc những ngày thường huấn, quý chị em cùng nhau tham dự hai ngày trại hè trong hai ngày 19 – 20/06/2015 với chủ đề: “Tiếp bước theo Đức Cha Lambert De Lamotte”.

Xem Hình

Trong khí trời dịu dàng của buổi sáng, tiếng nhạc vang lên như phá tan bầu khí yên tĩnh chìm lắng trong Chúa như mọi ngày của Tu Viện, báo hiệu ngày trại đang lan tỏa trong không gian, trên từng khuôn mặt của các chị em nữ tu.Có lẽ những ngày tháng sống bên nhau, quý chị em cùng nhau chia sẻ công việc mục vụ nhưng chưa có dịp để cùng chơi với nhau. Những ngày trại là cơ hội để chị em cọ xát nhau, hòa quyện với nhau.

Hiện diện trong hai ngày trại năm nay, ban tổ chức có cha Giuse Đỗ Đức Trí – Chánh xứ Thái Hòa – Trưởng Ban Giáo dục đức tin Giáo phận Xuân Lộc, cha Giuse Phạm Quốc Thuần – phó xứ giáo xứ Thái Hòa – Đặc trách Huấn giáo giáo hạt Hòa Thanh, 9 thầy thuộc Đại chủng viện Thánh Giuse Giáo phận Xuân Lộc trong nhóm Đuốc Hồng, 5 chủng sinh. Dì Anna Nguyễn Thị Phượng – Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc, dì Anna Trần Thị Nguyệt - Phó Tổng phụ trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc, quý chị Tổng Cố Vấn và 230 trại sinh gồm các chị Khấn Trọn, các em Học Viện, Tập Viện và Thanh Tuyển của Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc.

7g30’ các trại sinh nhanh chóng tập trung dưới sảnh nhà mới của Hội dòng để chuẩn bị bước vào nghi thức khai mạc trại. Tất cả cùng nhau khởi động bằng những bài hát với vũ điệu sôi động, cùng nhau làm bài, trắc nghiệm lại những hiểu biết về Giáo Hội, Giáo phận Xuân Lộc, Đấng Sáng Lập Dòng.

8g00’ nghi thức khai mạc trại bắt đầu với lời tuyên bố thật hùng hồn của cha Giuse Đỗ Đức Trí - Đặc trách Ban Giáo dục đức tin Giáo phậnXuân Lộc. Lời tuyên bố của cha mở ra một sức mạnh của niềm vui được các trại sinh hưởng ứng bằng một tràng pháo tay nồng nhiệt nói lên tinh thần sẵn sàng bước vào ngày trại trong đoàn kết, yêu thương.

Sau nghi thức khai mạc các trại sinh bước vào những trò chơi thật thú vị, dù là những nữ tu mong manh yếu đuối nhưng lại tàng ẩn một sự mạnh mẽ đầy cuốn hút như lăn qua chướng ngại vật, làm người siêu mẫu, đâm lủng các trái bóng chứa đầy bột mì và cả nước nữa, ăn những cây mía dài còn nguyên vỏ, làm các tờ bích báo với ý tưởng chứa đầy nhiệt huyết tông đồ…Có những chị tuổi đã lớn những vẫn cố gắng cùng với chị em đi trên những nẻo đường bước theo Đức Cha Lambert. Có ai ngờ rằng đây là những nữ tu đã từng đứng trên bục giảng, từng đi huấn luyện cho các em thiếu nhi và giới trẻ, hôm nay đây quý chị đang tự huấn luyện mình để có thể hòa nhịp với nhịp sống của Giáo Hội và giáo phận trong một xã hội khó khăn và phức tạp.

11g15’ các trại sinh tiến về Nguyện Đường Hội dòng để viếng Chúa Giêsu Thánh Thể.Sau khi được Chúa Giêsu Thánh Thể tiếp sức, các trại sinh dùng bữa Agape với nhau tạo nên một gia đình Hội dòng có chị và có em.

Đầu giờ chiều các trại sinh tập trung lại trước sân và cùng múa với nhau những điệu múa đầy sáng tạo.

14g00’ thuyết trình bài bích báo với những ý tưởng sâu sắc nhưng chân chất nữ tu.

14g30’ các trại sinh bước vào trò chơi game show qua những vòng thi rất tuyệt vời.Không chỉ có các em thiếu nhi hay giới trẻ mong ước được đội vương miện chiến thắng và được rung chuông vàng nhưng các nữ tu cũng có những ước mong hồn nhiên và tươi vui được rung chuông vàng bên chị em của mình.

17g00’ các trại sinh cùng nhau dùng bữa tối trên những bãi cỏ đầy tình mến thương.

19g30’ đêm lửa trại bắt đầu với chủ đề “Trái tim nữ tu Mến Thánh Giá Xuân Lộc theo bước Đức Cha Lambert”. Bên nhau trong ánh lửa bập bùng, tình yêu của chị em có những ngày hờn dỗi, những hiểu lầm và những giá lạnh khi chị không hiểu em và em không hiểu chị lại được hâm nóng lại, bên ánh lửa chị em thấy nóng lại hồn tông đồ mà Đấng Sáng Lập đã để lại cho Dòng Mến Thánh Giá. Ngọn lửa là ánh sáng xua tan đi những lo sợ cho chuỗi ngày phục vụ đầy khó khăn và thắp sáng lên niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa.

Ơn thánh đang dâng tràn thì trận mưa ân sủng từ trời đổ xuống. Lúc này đây chị em lại nắm tay nhau để di chuyển vào hội trường. Không gian nơi đây tuy nhỏ nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười trên những gương mặt rạng rỡ quacác tiết mục văn nghệ và điệu múa say mê. Sau những giờ bên lửa trại, không gian như trầm lắng xuống, chị em quây quần bên thánh giá Chúa. Ánh nến lung linh được thắp lên trên cây thánh giá như lan tỏa đến từng trái tim và tâm hồn chị em.Bên thánh giá Chúa chị em cảm nhận tình yêu mà Thiên Chúa đã chọn gọi chị em cách riêng trong Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc.Bên thánh giá Chúa chị em cảm nghiệm sâu lắng tình yêu hy hiến và phục vụ, một sức mạnh lớn lao của thánh giá Chúa đang trào tràn và thúc dục chị em “ Hãy can đảm lên, đừng sợ” (Ga 16,3).Sức mạnh và lòng phó thác tin yêu đó theo chị em đi vào giấc ngủ.

Nhìn lại một ngày sống và phục vụ, lúc gian khó và đầy nguy hiểm của những trò chơi nhưng vẫn đầy ắp niềm vui vì các trại sinh được đong đầy sức mạnh bên thánh giá Chúa Giêsu.

4g30’ sáng ngày 20/06/2015, các trại sinh cùng nhau suy niệm và chia sẻ lời Chúa với nhau theo đội. Thánh lễ là đỉnh cao của trại hè 2015. Các trại sinh kín múc ân sủng nơi Chúa Giêsu Thánh Thể để tiếp bước cho một ngày mới.

6g30’ các trại sinh điểm tâm trong tinh thần huấn luyện của trại hè vừa di chuyển vừa dùng bữa sáng.

7g00’ ban tổ chức cho các trại sinh chơi trò chơi lớn, tiếp bước theo Đức Cha Lambert. Có ai biết rằng các chị nữ tu đã phải chịu bầm dập khi bị quỳ lết qua những vũng bùn nè, trườn trên hai sợi dây thừng để có thể lấy lại thánh giá của Đức Cha đã bị cướp… còn nhiều gian khó lắm đấy không thể kể hết.

11g30’ kết thúc trại hè trong tinh thần sẵn sàng lãnh nhận sứ vụ mới cho ngày mai.

Lời nhắc nhở của cha Trưởng Ban Giáo dục đức tin vẫn còn vang vọng nơi mỗi chị em: “Nếu Đức Cha Lambert của chị em đã chọn những hạt giống không tốt thì ngày hôm nay những nữ tu là các chị em đây không còn ở trong ruộng lúa Mến Thánh Giá Xuân Lộc mà có khi chúng ta đang ở ruộng lúa cỏ đầy cỏ lùng. Ước mong quý chị em sẽ là những người đi gieo giống, những người tiếp bước theo Đấng Sáng Lập, chúng ta phải gieo những hạt giống tốt của Đức Kitô”.

Truyền Thông MTG.Xuân Lộc
 
Thiếu nhi giáo xứ Nam Hà , Xuân Lộc mừng ngày hiền phụ
Lộc Xuân
08:35 21/06/2015
THIẾU NHI GIÁO XỨ NAM HÀ MỪNG NGÀY HIỀN PHỤ

Hôm nay Chúa Nhật 3 trong tháng Sáu (21.6) là Ngày của Cha, quý anh chị Giáo lý viên và giới Thiếu nhi giáo xứ Nam Hà (giáo phận Xuân Lộc) đã tổ mừng chúc quý cha yêu kính, trước hết Tạ ơn Thiên Chúa- Người Cha trên trời, tiếp đến cha xứ- vị cha chung trong gia đình giáo xứ, quý cha trong gia đình huyết tộc.

Thay mặt các em Thiếu nhi, những người con trong gia đình, một Thiếu nhi nam đã có bài cám ơn cha xứ và những người cha nơi mỗi gia đình có công sinh thành dưỡng dục bao vất vả….Sau những lời trân trọng ghi ân công ơn như núi Thái Sơn của quý cha kính yêu, các em cũng thành tâm tạ lỗi vì những ngỗ nghịch, chưa ngoan… khiến cho Cha Mẹ buồn khổ, lo lắng.

Tất cả lòng thảo kính biết ơn công ơn người cha, các em gói trọn trong bó hoa dâng kính cha xứ, quý ông Cố- đại diện những người Cha trong gia đình.

Trong lời đáp từ, cha xứ đại diện những người Cha cảm ơn quý anh chị giáo lý viên, nhất là các con thiếu nhi… Đông thời cha xứ nói tầm quan trọng người Cha gương mẫu trong gia đình và mời gọi các em hãy thể hiện lòng biết ơn, thảo kính Cha Mẹ qua việc siêng năng cầu nguyện cho cà đấng sinh thành, chăm ngoan học tập, biết vâng lời… nhất là trong những tháng hè biết sống có ý nghĩa, quan tâm phụ giúp những công viện gia đình giúp Cha Mẹ…

Được biết, đây là lần đầu tiên trong giáo xứ tổ chức Mừng Ngày Cha yêu, điêu này không chỉ giúp các em thiếu nhi ý thức sống thảo kính mà còn giúp các đấng sinh thành được khích lệ, thêm hy vọng khi thấy con cháu biết trân trọng những hy sinh của mình.

Tin, ảnh: Lộc Xuân
 
Giới trẻ Bắc Hải GP. Xuân Lộc mừng ngày của Cha
Truyền Thông Bắc Hải
21:21 21/06/2015
GIỚI TRẺ BẮC HẢI MỪNG NGÀY CỦA CHA

Chiều Chúa Nhật 21/6/2015, Giới trẻ Giáo xứ Bắc Hải, hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc hân hoan tổ chức Mừng Ngày Của Cha (Father’s Day).

“Cha tôi lắm nỗi gian nan. Vì con cơ cực tháng ngày phiêu linh. Cha là tất cả Cha ơi !. Ngàn năm con vẫn trọn đời yêu thương.”

Xem Hình

Mấy vần thơ trên là chủ đề, là tâm tình của những người trẻ, những người con trong đại gia đình giáo xứ Bắc Hải muốn nói lên lòng biết ơn của mình với những người cha, nhất là người cha ruột thịt thân yêu trong gia đình của mình.

Trước giờ lễ tôn vinh và cầu nguyện cho những người cha. Trời làm mưa, cơn mưa kèm theo giông bão, những đám mây đen vần vũ bao phủ bầu trời Hố Nai – Biên Hòa; nhưng trước giờ lễ, các bạn trẻ đã hiện diện đông đủ nơi Giáo Đường, các bạn nam, bạn nữ với y phục mầu xanh của lá xinh đẹp, niềm nở tươi vui rộn ràng chào đón những người cha trong giáo xứ đến tham dự thánh lễ.

Trong thánh lễ hôm nay, hai Cha cùng dâng lễ là Cha phó Đaminh Đoàn Giang Sơn và Cha Phaolo Trần Minh Khánh, bên cạnh đó có sự hiện diện của Cha xứ Đaminh Bùi Văn Án. Các ngài sốt sắng cùng với giới trẻ, với cộng đoàn giáo xứ dâng lên Chúa lời tạ ơn và cầu nguyện cho những người cha nhân ngày lễ hôm nay.

Bài giảng trong lễ, Cha Phaolo chia sẻ với cộng đoàn bài Tin Mừng Mc 4,35-41. “Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?.”

Bằng chất giọng mạch lạc, rõ ràng từng câu chữ, Ngài ân cần tha thiết mời gọi mọi người hãy lưu ý đến đời sống đức tin của mình: “Nếu có bị thử thách trong cuộc sống ta mới biết sức mình, biết có những việc ở ngoài tầm tay của mình, chẳng ai có thể giúp mình ngoài Chúa. Vì thế gặp nhiều thử thách giúp ta biết cậy trông phó thác vào Chúa. Gặp thử thách ta mới biết chẳng ai yêu thương ta bằng Chúa. Chúa sẽ không để ta bị thử thách quá sức chịu đựng, nên ta sẽ biết yêu mến Chúa hơn”.

Cũng trong ý tưởng này, Ngài nhắc đến những người cha trong gia đình, và ngài mời gọi cộng đoàn hãy cầu nguyện thật nhiều cho những người cha biết noi gương Chúa là người Cha nhân lành, sống yêu thương, là mẫu gương, là điểm tựa vững chắc trong đời sống gia đình; vì gia đình là nền tảng, là cái nôi đầu tiên hình thành nhân cách con người, là nơi gieo mầm sự sống, là cơ sở vững chắc để bảo tồn và phát triển xã hội và Giáo Hội.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, một bạn trẻ là trưởng đại diện cho giới trẻ lên dâng lời cảm ơn và chúc mừng Quý Cha trong đại gia đình giáo xứ, quý Vị Gia Trưởng là những người Cha trong gia đình huyết tộc, cùng với những bó hoa tươi thắm và những món quà kỷ niệm đến Quý Cha và quý Vị Gia Trưởng.

Kế đến, cộng đoàn giới trẻ cùng với ca đoàn hát vang bài ca NHỚ ƠN CHA MẸ, giọng ca trẻ trung, mạnh mẽ, hồn nhiên làm rung động trái tim các đấng bậc cha mẹ trong ngày Lễ của Cha hôm nay.

“Biết lấy gì mà tạ ơn cha. Biết lấy chi mà đền nghĩa mẹ. Công cha như thể thái sơn. Nghĩa mẹ như mạch suối nguồn….Nguyện xin chúa thương cha mẹ con. Trên dương gian phúc ân đầy tràn…Cho con nguyện làm một bông hoa. Để tiến dâng lên cha tuổi già. Cho con như thể khúc ca. Hát tặng ơn mẹ hải hà. Lòng tạc lòng đời luôn tin yêu. Nguyện trở thành người con chí hiếu. Mai sau chúa cả trên trời ban cho hạnh phúc tuyệt vời. Chung bước cùng mẹ cùng cha.”

Sau lễ, ngoài trời ngớt mưa; tuy có chậm lại một chút. Các bạn trẻ đã tổ chức ẩm thực và đêm văn nghệ cây nhà lá vườn phục vụ cộng đoàn MỪNG NGÀY CỦA CHA.

Trong lúc chờ ngớt mưa nơi cuối nhà thờ, chúng con có dịp được tiếp xúc với một vài bạn trẻ, các bạn nói:

“Cha mẹ cho chúng ta một cuộc đời, cho chúng ta những bệ phóng để vươn đến trời cao. Cha mẹ cũng luôn là bờ vai yên bình nhất để chúng ta dựa vào những khi thất bại, những khi mệt mỏi trong dòng đời đua chen”.

“Mỗi ngày trôi qua đều có thể là món quà dâng tặng cha mẹ nếu chúng ta biết cách báo đáp chữ hiếu, thể hiện tình cảm của mình”.

XIN HÂN HOAN CHÚC MỪNG NGÀY CỦA CHA – HAPPY FATHER’S DAY

Truyền Thông Bắc Hải
 
Văn Hóa
Tình Cha Cho Con
Thu Oanh
07:22 21/06/2015
Thu Oanh
Tình Cha Cho Con


Khi đặt bút viết về cha tôi, tôi thấy sao mà khó quá, bởi không biết nên bắt đầu từ đâu!

Tôi thấy văn, thơ, và nhạc ca ngợi về mẹ nhiều quá, nhưng văn, thơ và nhạc để ca ngợi tình phụ tử thì thật là hiếm hoi. Giải thích cho hiện tượng thiếu quân bằng này, có người nói bởi mẹ thì ngọt ngào và hiền dịu, nhưng cha thì lại khô khan, cứng ngắc… Cho nên thông thường văn thi sĩ không được giàu có với dòng tư tưởng và luồng cảm xúc, khi chuẩn bị đặt ngòi bút bắt đầu nắn nót trên giấy trắng những dòng chữ viết về cha.

Tôi thì không nghĩ như vậy, tôi không biết bắt đầu từ đâu khi viết về cha, là vì tôi có quá nhiều điều, nhiều kỷ niệm mà cha đã cho chị em tôi. Cha đã cho chị em tôi tình thương yêu, lời dạy bảo, và chính đời sống của cha đã trở thành một mẫu gương tốt cho chị em chúng tôi nhìn vào và sống theo như một ngọn hải đăng vươn cao dẫn lối cho những con thuyền nan bập bềnh trên sóng nước đại dương vào một ngày biển động.

Rất tiếc những ngày sống động và vui tươi đó giờ này đã qua mau!!!

Trước mặt tôi hiện bây giờ là một người ngồi ngơ ngẩn, đôi mắt đã mất hết sự tinh anh, tâm trí như đang ở một cõi vô định. Cha tôi đó! Cha tôi bây giờ như một cái bóng trong nhà với không ý niệm về thời gian và không gian. Ngày được bác sĩ báo cho biết cha tôi bị bệnh Mất Trí Nhớ, cả gia đình tôi bàng hoàng đau đớn. Tôi nhớ, ngày hôm đó, trong khi đang khám bệnh cho cha tôi, ông bác sĩ hỏi cha tôi một câu hỏi:

— Ông có bao giờ bị té nặng, đầu bị đập vào đâu, hoặc đau buồn chuyện chi hay không?

Cha tôi nhìn ông bác sĩ, yên lặng không nói chi. Nhưng tôi nhớ, vào lúc đó, tôi đã nhè nhẹ gật đầu hộ cho cha tôi, và tôi muốn hét to, hét lớn cho cả thiên hạ cùng nghe,

— Có, cha tôi đã từng té, cha tôi đã từng đau đứt ruột đứt gan bởi gia đình của cha tôi bị bỏ rơi lại sau một trận bão cuốn trôi cả một nửa nước Việt Nam …

Ngày đó…

Ngày mà cuộc chiến Nam Bắc tương tàn cuối cùng dẫn đến hỗn loạn với cảnh người sống, kẻ chết, chia lìa, tang tóc.

Ngày đó, ngày 30 tháng 4.

Ngày cha tôi bị bứt lìa khỏi gia đình, quê hương, bước chân lên tàu để lánh nạn cộng sản, bỏ lại sau lưng ông bà nội, mẹ và bảy chị em chúng tôi. Là trụ cột chính trong gia đình, giờ này lại bỏ đi, cha tôi đã lo âu cho cha mẹ già, vợ dại và con thơ! Rồi những ngày đầu tiên xa lạ trên đất khách quê người, cha tôi phải lao vào cuộc sống lạ với nhiều phương cách mưu sinh mới. Tiếng Anh thì cha tôi không biết nhiều, văn hóa xứ người thì xa lạ, lòng người của vùng trời xứ tuyết cũng lạnh băng như bão tuyết vào những ngày giữa đông... Nhiều lần cha tôi đã muốn quỵ ngã nơi xứ người, muốn buông xuôi bỏ cuộc. Nhưng rồi cha vẫn đứng dậy, bởi người biết bên kia cả một đại dương vẫn là một gia đình bị bỏ rớt lại với bảy đứa con, đứa lớn nhất mới mười bốn tuổi, thêm tôi thân gái èo uột yếu đuối.

Trước biến cố 75, bởi tôi bệnh tật, cha mẹ đã gởi tôi học tại trường của các Nữ Tử Bác Ái, Sài Gòn. Năm một lần, tôi được phép quay lại về nhà nghỉ hè. Tôi làm sao quên được lần đó, sau hai tháng nghỉ hè với gia đình tại Vũng Tàu, cha đưa tôi quay lại về trường. Hôm đó xe đò hành khách thả hai cha con xuống tại ngã tư Bẩy Hiền. Cha tôi vẫy tay đón xe xích lô về số 215 đường Hiền Vương của trường Nữ Tử Bác Ái. Đối với một người bình thường, đi bộ thì không bao xa, nhưng cha và tôi còn vác thêm cái valy quần áo của tôi nữa. Thấy vậy, ông xích lô đòi thật nhiều tiền cho một quãng xe ngắn. Thấy vậy, cha tôi nhỏ nhẹ cám ơn bác phu xe, rồi một tay cha bế tôi lên, một tay cha xách cái valy, vừa đi cha vừa thở nặng nhọc. Tới cửa trường, trước khi giao tôi cho các sơ, cha hôn lên trán tôi một cái hôn thiết tha, cười và nói,

— Thôi, con ở lại với các sơ, vâng lời sơ và học giỏi nghen, đầu tháng tới ba lên Sài Gòn thăm con.
Giọng cha lúc đó tự dưng chùng xuống, âm thanh nghẹn ngào làm cặp mắt tôi long lanh giọt vắn, giọt dài. Tôi không còn biết nói chi nữa, nhưng tự dưng nỗi cảm xúc dâng cao cuồn cuộn trong lòng. Tôi thương cha tôi quá!

Tôi nhớ, khi chị em tôi còn bé, nếu có thời gian rảnh rỗi, cha hay chơi đùa với chị em chúng tôi. Có khi cha bế đứa này trên tay, có khi cha cõng đứa kia trên lưng, còn không thì cha kiệu đứa khác trên cổ. Cha tôi còn có tài may quần áo, mà may quần áo đẹp lắm. Nào là áo đầm cổ tròn hình lá sen điểm nơ màu hồng, vải ren xếp tay phồng cho mấy đứa con gái. Nào là quần đùi ca rô cho thằng em trai tôi. Nào là áo bà ba vải lụa và quần tuyết nhung dành riêng cho mẹ tôi mặc. Mấy đứa bạn thấy tôi mặc áo đầm đẹp, cứ hay chạy theo hỏi,

— Ai may cho mày vậy?

Tôi ngẩng cao mặt, hãnh diện khoe,

— Ba tao may cho tao đó, chỉ cho một mình tao mà thôi.

Mỗi lần cha ngồi may, cha tôi ưa cất giọng hát, “Anh còn, còn có mỗi, mỗi cây đàn, anh đem là đem bán hết, anh theo là theo cô nàng, tình tính tang, là tang tính tình...” Vào những giây phút bất chợt đó, nếu có mẹ tôi xuất hiện đâu đó, thế nào bà cũng sẽ nguýt, lườm, và nói mát,

— Theo cô nàng là cô nàng nào?

Hình ảnh, lời ca, và hoạt cảnh giữa cha và mẹ tôi đã đi sâu vào tâm trí tôi thật sâu.

Cuối cùng, nhờ ơn trời cao, gia đình tôi cũng được đoàn tụ nơi đất khách quê người. Sau 15 năm xa cách, được gặp lại người cha của ngày xưa, mẹ và chị em chúng tôi rất vui mừng. Riêng tôi, có đôi lúc tôi thoáng lo sợ, bởi nghe nói trên vùng đất lạ, có rất nhiều người, sau khi bảo lãnh vợ con qua Mỹ, lại không chịu ở chung, nhưng bỏ đi để vui vầy duyên mới với vợ bé. Tôi chép miệng, mà cũng khó trách được họ, bởi nếu đặt mình vào trong hoàn cảnh của những ngày đầu tiên nơi đất khách quê người, ngày thì đến hãng, đến sở, đêm về lủi thủi một mình với ngày đông tháng giá. Đàn ông mà, làm sao họ có thể sống nổi với nỗi cô đơn trống trải. Vì thế, tôi biết có một vài người đàn ông nơi đất khách quê người đã âm thầm tự lên đường đi tìm cho riêng mình một sự ấm áp, một mái nhà khác mà quên đi tất cả trước đấy. Tôi lo lắng và hy vọng cha tôi sẽ là một ngoại lệ. Tôi cứ chờ, chờ mãi, và tạ ơn trời, tôi vẫn không thấy điều chi xảy đến cho mái ấm của gia đình tôi. Ngày lại ngày bóng của cha tôi vẫn đổ dài trên bốn bức tường của căn nhà thân quen. Sáng sớm tinh sương cũng như khi đêm tối buông màn, cha tôi vẫn như ngọn đèn hải đăng chiếu rọi sáng cả căn nhà thân thương ngọt ngào.

Ngày gặp cha, tôi vui mừng đến rơi nước mắt, bởi nhìn thấy cha to trông như ông Mỹ, cha đã cao sẵn nay cha mập ra nữa, nhìn hồng hào đẹp đẽ. Cha ôm từng đứa con, hôn lên má. Rất tiếc, bởi chúng tôi đã lớn hết rồi, nếu không, cha đã bế lên vai hay kiệu từ cổng của phi trường ra đến chỗ lấy xe.

Về đến nhà cha đã làm sẵn tiệc tùng mời mọi người đến chung vui ngày cha đón mẹ và chị em chúng tôi. Đời sống hạnh phúc tưởng là đã mất đi, nay lại tiếp nối nơi vùng trời Portland với bao nhiêu là sự dạy dỗ của cha. Cha luôn luôn nhắc nhở chúng tôi câu nói: “Các con hãy cẩn thận, đời nhiều cạm bẫy lắm!”. Có lần cha thấy em trai tôi hút thuốc, người nói: “Mới đầu một hai điếu không là gì, nhưng sau thành thói quen, rồi đi vào cần sa ma túy lúc nào không hay!”.

Rượu, trà và cà phê cha tôi không nghiền một thứ nào. Cha tôi ghét nhất lời nói tục tĩu cho nên trong nhà mọi người phải “chấp hành lệnh nghiêm chỉnh”. Tôi chỉ thấy một lần trong đời cha tôi lỡ miệng nói một câu nặng nề. Hôm đó gần ngày 30 tháng 4, khi nghe đài phát thanh tuyên bố ông Dương Văn Minh lên làm tổng thống, cha tôi bật miệng nói một câu với những lời khá cay chua!!!
Cha tôi ít nói. Có tiệc tùng hay nhậu nhẹt chi với các bác, các chú, về tới nhà, cha nói láo xáo vài câu tếu tếu rồi đi nghỉ, không rượu vào lời ra chửi mắng mẹ và chị em chúng tôi bao giờ.

Tôi cũng như chị em tôi đã học được nhiều nơi lòng đạo đức, tính nết hiền lành, và tinh thần tự lập của cha. Cha dậy chúng tôi phải biết thương người hoạn nạn và làm ăn liêm chính không gian dối. Người đã dậy cho chúng tôi tính tự lập, bởi người hay nói, “Sống thì phải sống như cây tùng, cây bách, không nên sống gởi gấm như loài cây tầm gửi”.

Trong ngày Lễ Từ Phụ năm nay, chị em chúng tôi lại về quây quần bên cha, tuy cha không còn biết chi nữa. Tôi luôn cầu mong cho cha được thêm tuổi thọ để chúng tôi phụng dưỡng cha, để người tiếp tục ngồi đó sáng sớm đêm khuya như một ngọn đèn hải đăng, mặc dù giờ này lửa đã bắt đầu nhạt nhòa, nhưng ngọn hải đăng vẫn sừng sững vươn cao trên nền bầu trời như là một điểm mốc cho chị em chúng tôi nhắm đến, nhìn vào, và tiếp tục đi tới.

Mỗi đêm thắp ngọn đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.


Thu Oanh
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sứa Biển
Richard Drysdale
23:22 21/06/2015
SỨA BIỂN
Ảnh của Richard Drysdale
Sự sống thật tuyệt đẹp và lộng lẫy,
ngay cả đối với con Sứa biển.*

Life is a beautiful magnificent,
even to a jellyfish
(Charles Chapin)

*Sứa biển không có xương sống,
không có óc và thân thể gồm 97%
là nước.
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: 16/06 – 22/06/2015: Bolivia chuẩn bị đón Đức Thánh Cha Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:31 21/06/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Hồng Y Robert Sarah phàn nàn về những diễn dịch sai lạc Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh

Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, trong một bài viết đăng trên tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 12 tháng 6, đã gọi Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh do Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục ban hành ngày 4 tháng 12 năm 1963 là một “Magna Carta” – (Đại Hiến Chương) về Phụng Vụ; và kêu gọi việc áp dụng trung thành hơn với các văn bản của Hiến Chế này. Ngài than thở rằng đã có những hiểu nhầm liên quan đến giáo huấn “tham gia tích cực” và đề nghị có thêm một phụ lục trong Sách Lễ Rôma nhằm thể hiện tốt hơn sự liên tục giữa các hình thức ngoại thường và bình thường của Thánh Lễ.

Đức Hồng Y lý luận rằng: “Phụng vụ về cơ bản là hành động của Chúa Kitô. Nếu nguyên tắc quan trọng này không được tiếp nhận trong đức tin, có khả năng là phụng vụ trở thành một công việc của loài người, một cử hành về chính mình của cộng đồng.”

Khi nói về một “cử hành cộng đồng” cần phải cẩn trọng để tránh những mơ hồ. Chẳng hạn như sự tham gia tích cực (participatio actuosa), không nên được hiểu như là sự cần thiết phải làm một điều gì đó. Về điểm này giáo huấn của Công Đồng thường bị bóp méo. Sự tham gia tích cực trong Phụng Vụ phải được hiểu là để cho Chúa Kitô dẫn dắt chúng ta và liên kết chúng ta với hy tế của Ngài.

Đức Hồng Y Sarah chỉ trích “não trạng phương Tây hiện đại” trong đó sự tham gia tích cực được hiểu là phải làm sao cho các tín hữu “luôn bận rộn” và Thánh Lễ phải được cử hành thật “vui nhộn”.

Trái lại, sự “cung kính thiêng liêng” và “niềm hân hoan kính sợ đòi hỏi sự im lặng của chúng ta trước sự hiện diện sự uy nghi của Thiên Chúa. Người ta thường quên rằng sự im lặng thiêng liêng là một trong những phương tiện được Công Đồng đề ra để khuyến khích các tín hữu tham gia vào Phụng Vụ.”

Viện dẫn các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Sarah chỉ trích thái độ của các linh mục cố làm cho bản thân họ trở nên tâm điểm của phụng vụ.

Đức Hồng Y Sarah cũng nhắc lại giáo huấn của Công Đồng theo đó các tín hữu phải “có thể nói hoặc hát chung với nhau bằng tiếng Latin những phần đối đáp thông thường của Thánh Lễ (Ordinary of the Mass - tức là những phần không thay đổi trong mọi thánh lễ như Kinh Xin Chúa Thương Xót (Kyrie), Kinh Vinh Danh (Gloria), Kinh Tin Kính (Credo), Kinh Thánh, Thánh, Thánh (Sanctus), Kinh Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei)) liên quan đến họ”

Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh rằng Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh không nên được đọc với một “diễn dịch tùy hứng”.

2. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh khánh thành nhà thờ mới tại United Arab Emirates

Một nhà thờ Công Giáo mới dành để kính thánh Phaolô vừa được khánh thành hôm thứ Sáu 12 Tháng Sáu tại thành phố Mussaffah, với sự hiện diện của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nahyan bin Mubarak của United Arab Emirates phát biểu rằng việc khánh thành một nhà thờ mới nhấn mạnh đến “sự khoan dung tôn giáo” của các nhà lãnh đạo quốc gia, trong khi Đức Hồng Y Parolin nhận thấy việc thánh hiến nhà thờ mới này cũng tiêu biểu cho “sức sống” của cộng đồng Giáo Hội địa phương, và Đức Giám Mục Paul Hinder, OFM, Giám quản tông tòa toàn vùng Nam Bán Đảo Ả rập, đã bày tỏ lòng biết ơn “cho sự ổn định và hòa bình mà chúng ta được hưởng trong quốc gia này”.

United Arab Emirates hiện có khoảng 900,000 người Công Giáo. Cộng đoàn này được hình thành từ các công nhân nhập cư chủ yếu đến từ các nước châu Á khác: như Phi Luật Tân và Ấn Độ.

Đây là nhà thờ Công Giáo thứ hai được xây dựng tại quốc gia này. Đức Hồng Y Parolin đã cử hành thánh lễ đầu tiên, với các nghi thức thánh hiến và cung hiến nhà thờ, trước hàng ngàn tín hữu. Nhà thờ này sẽ là nơi tụ tập cầu nguyện chủ yếu của hơn 60,000 người Công Giáo đang sinh sống tại các khu vực bao gồm các thị trấn Mussaffah, Mohammed bin Zayed City và Khalifa City. Các Thánh Lễ sẽ được cử hành bằng tiếng Anh, tiếng Ả Rập, Malayalam và Tagalog.

Trong Thánh lễ đồng tế với Đức Giám Mục Hinder và Đức Giám Mục Camillo Ballin là Giám quản Tông Tòa Miền Bắc Bán Đảo Ả rập, Đức Hồng Y Parolin đã ca ngợi “thiện chí của các nhà lãnh đạo quốc gia trong quá khứ và hiện tại, vì sự hào phóng của họ trong việc trao tặng đất để xây dựng nhà thờ mới”. Việc chính quyền địa phương cho phép xây dựng nơi thờ tự mới là “một dấu hiệu cụ thể của lòng hiếu khách mà Emirates đã và đang thể hiện với các Kitô hữu”, và minh chứng cho cam kết của họ là ủng hộ “một xã hội dựa trên sự cùng tồn tại và tôn trọng lẫn nhau”. Được biết, nơi thờ tự được xây dựng trên đất đô thị của Thủ đô Abu Dhabi, theo lệnh của chính quyền địa phương.

“Các Kitô hữu đang sống ở đất nước này có cơ hội cần thiết để tăng trưởng trong đức tin của họ và làm chứng cho niềm tin của mình. Thông điệp của tôi là cầu mong cho cộng đồng Kitô giáo ở đây có thể được hỗ trợ trong mong muốn của mình là lớn lên trong đức tin và trong lòng nhân ái với tha nhân”

3. Cộng Hòa Trung Phi mong chờ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Tổng Giám mục Franco Coppola, sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Trung Phi, cho biết quốc gia này đang gấp rút chuẩn bị cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng Mười Một năm nay.

Theo Đức Tổng Giám Mục Franco Coppola, Đức Thánh Cha được người dân địa phương chờ đón như một sứ giả hòa bình sau hơn nhiều năm đất nước này trải qua chiến tranh với quân Hồi giáo Séléka.

Đất nước tan hoang chiến tranh với quân Hồi giáo Séléka.

Tháng Ba năm 2013, phiến quân Hồi giáo Séléka cướp chính quyền và bắt tay ngay vào một cuộc diệt chủng chống lại người Kitô Giáo. Chúng bị lực lượng Anti-Balaka và quân Liên Hiệp Quốc đánh bại.

Vào tháng Giêng năm 2014, một chính phủ lâm thời mới lên nắm quyền, và vào tháng Bảy năm 2014, một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết. Tuy nhiên, phiến quân Hồi giáo Séléka vẫn tiếp tục các hoạt động khủng bố.

Trong cuộc gặp gỡ diễn ra vào chiều thứ Sáu 12 tháng Sáu giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và gần 1000 các linh mục thế giới tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô ở Roma trong khuôn khổ tuần tĩnh tâm từ ngày mùng 10 đến 14 tháng 6 năm 2015 của các linh mục năm châu, Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận ngài sẽ đến thăm Cộng hòa Trung Phi và Uganda trong chuyến đi tháng Mười Một, nhưng cho biết thêm Kenya có thể được thêm vào trong cuộc hành trình nhưng ngài “không chắc chắn” vì có những vấn đề liên quan đến tổ chức chưa được giải quyết.

4. Tuyên bố của Thượng Hội Đồng Các Giáo Hội Đông Phương tại Trung Đông

Các vị thượng phụ các Giáo Hội Đông Phương đã có cuộc họp từ ngày 6 tháng Sáu vừa qua tại tòa thượng phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Damascus, thủ đô của Syria. Tham dự cuộc họp có Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp thành Antiôkia là John Yazigi, Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite Bechara Rai và Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Syria Ignatius Antioch Aphrem II.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 8 tháng Sáu, cha Afram Sloukieh, tổng thư ký Thượng Hội Đồng cho biết:

“Chúng tôi mong anh chị em gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với anh chị em Hồi giáo của chúng ta, là các đối tác của chúng ta và là những người chia sẻ cùng một vận mệnh với chúng ta trong quốc gia. Chúng ta chia sẻ với họ cùng một mảnh đất, cùng những đau khổ vì bạo lực và khủng bố đến từ não trạng takfiri.”

Takfiri là tiếng Ả rập ám chỉ sự quá khích của những người Hồi Giáo luôn cho mình là ngoan đạo và chỉ trích những người khác là bội giáo.

Cha Afram Sloukieh cho biết tiếp:

“Chúng tôi nói lên tiếng nói của chúng tôi để thông báo rằng đã đến lúc phải đối mặt với tâm lý takfiri và chặn đứng nguồn gốc của nó thông qua giáo dục tôn giáo, truyền bá hòa bình và tự do tín ngưỡng.”

5. Tổng Thống Bashar al-Assad tiếp các thành viên Thượng Hội Đồng Giáo Hội Chính Thống Syria

Theo thông tấn xã Công Giáo Fides, tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tiếp các thành viên của Thượng Hội Đồng Giáo Hội Chính Thống Syria hôm thứ Năm, 11 Tháng Sáu, tại Damascus, do Đức Thượng Phụ Ignatius Aphrem II dẫn đầu. Các vị đang tham gia trong hội nghị thường niên tại đền thờ Đức Mẹ Saidnaya, cách Damascus 30 km.

Trong cuộc gặp gỡ, Tổng thống Syria đã nói về tình trạng lan tràn một thứ chủ nghĩa “khủng bố, cực đoan, không biên giới, và phi dân tộc”. Chủ nghĩa này đang phá hoại Syria và tiêu diệt sự sống chung giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau.

Các thành viên của Thượng Hội đồng Chính Thống Syria đã bày tỏ hy vọng rằng Syria vẫn tiếp tục là “ngôi nhà cho mọi người Syria và các truyền thống tôn giáo khác nhau”, và là “một nơi tôn nghiêm cho tất cả những ai tin vào những giá trị thực sự của nhân loại. Đức Thượng Phụ Ignatius Aphrem II nhấn mạnh rằng quyết định tổ chức Thượng Hội Đồng tại Syria là một dấu chỉ của sự gần gũi và đoàn kết với nhân dân Syria, đang bị xâu xé sau hơn bốn năm xung đột.

Thượng Hội Đồng Giám Mục Chính Thống Syria tập hợp và đại diện cho các Giáo Hội Chính Thống Syria của Syria, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Đức, Hà Lan, Guatemala, Ba Tây và Ấn Độ

6. 1.7% những người chết tại Bỉ là bị giết thông qua “trợ tử” ép buộc

Gần 2% trong số những người chết mỗi năm ở Bỉ đã bị giết thông qua chiêu bài trợ tử mà không có sự yêu cầu hay sự đồng ý của họ. Một nghiên cứu mới vừa công bố như trên tờ Journal of Medical Ethics ( Tạp chí về Y Đức)

Bỉ đã đi tiên phong trong việc cho phép bác sĩ trợ giúp tự tử, và mở rộng việc thực hành này đến mức cho phép các bác sĩ tự quyết định gây tử vong cho những bệnh nhân mà họ đánh giá là không thể đưa ra quyết định cho chính mình.

Quốc hội Bỉ hợp pháp hóa an tử ngày 28 tháng năm 2002. Đã có khoảng 1,400 trường hợp an tử mỗi năm kể từ khi luật này được đưa ra, và một kỷ lục lên tới 1,807 trường hợp được ghi nhận vào năm 2013.

Tháng 12 năm 2013, Thượng viện Bỉ bỏ phiếu ủng hộ việc mở rộng luật an tử của mình cho cả trẻ em bị bệnh nan y.

Dân biểu Christian Brotcorne chống luật an tử

Năm 2007, một nghiên cứu cho thấy, 1.8% các ca tử vong liên quan đến an tử tại Bỉ không hề có yêu cầu hoặc sự đồng ý của bệnh nhân. Năm 2013 con số này là 1.7%.

7. Bolivia chuẩn bị cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Tên thật của vị linh mục này là Sebastian Obermaier, nhưng nhà truyền giáo 80 tuổi này được biết đến nhiều hơn ở thành phố El Alto của Bolivia với danh xưng là Padre Torres – nghĩa là Cha “Toà nhà” - một biệt danh ngài nhận được sau khi xây dựng hàng chục nhà thờ trong khu vực nghèo nàn này, tọa lạc ở độ cao 4000 mét trên mực nước biển.

Nguyên quán ở Đức, cha Obermaier đã dành một nửa cuộc đời mình sống tại El Alto. Đây sẽ là điểm dừng chân đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du tới Bolivia vào tháng Bảy tới đây.

Cha Sebastian Obermaier nói:

“Chúng ta hãy giới thiệu với Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuôn mặt Giáo Hội chúng ta tại đây. Chúng tôi muốn trở thành một Giáo Hội dũng cảm, nhanh nhẹn. Chúng tôi muốn trở thành một Giáo Hội giữ lời hứa của mình, một Giáo Hội được hướng dẫn bởi đức tin và giúp đỡ người nghèo.”

Chỉ còn một vài tháng để chuẩn bị cho chuyến thăm của Đức Thánh Cha, cha Obermaier đã mở một chiến dịch đẩy mạnh đám cưới của các cặp vợ chồng sống chung không kết hôn để chứng tỏ rằng cộng đồng của ngài là một cộng đồng ý thức về nghĩa vụ Công Giáo của mình.

Cuối tháng Năm vừa qua, ngài đã chủ sự một lễ rửa tội tập thể tại giáo xứ của mình.

Ngài nói:

“Tôi phải rửa tội cho 1000 người, chứ không chỉ là 97 người này thôi. Đó là những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô quan tâm. Những gì ngài muốn thấy là trẻ con được rửa tội, người dân đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật. Mục đích chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là để hỗ trợ và thổi một sinh khí mới vào đời sống tâm linh, đời sống của Giáo Hội địa phương”.

Dân chúng tại El Alto phần lớn là người Công Giáo đang háo hức chờ đợi Đức Giáo Hoàng. Ông Voxpop nói:

“Ở đây, chúng tôi tất cả đều hạnh phúc được Đức Giáo Hoàng đến thăm, để có thể nhìn tận mắt ngài”

8. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thông qua những ưu tiên trong dự thảo kế hoạch chiến lược cho 2017-20.

Trong một diễn biến được các lãnh đạo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ mô tả như là một “cuộc thăm dò sơ khởi”, hôm 11 tháng Sáu, các Giám Mục đã phê duyệt bản dự thảo kế hoạch chiến lược cho giai đoạn từ 2017 đến 2020.

Kế hoạch này bao gồm năm ưu tiên: gia đình và hôn nhân, loan báo Tin Mừng, tự do tôn giáo, cuộc sống của người dân và phẩm giá, cuối cùng là ơn gọi và việc thường huấn. Sau khi một số Giám Mục kêu gọi sự chú ý mạnh mẽ hơn tới người nghèo trong kế hoạch chiến lược, các nhà lãnh đạo của hội nghị đã quyết định tổ chức một cuộc bỏ phiếu về kế hoạch như là một “dự thảo làm việc” chứ không phải là một tài liệu chính thức, và tài liệu đã được thông qua với một đa số áp đảo là 165 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 3 phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu ngày 11 tháng 6.

Cũng với một tỷ số áp đảo, các Giám Mục cũng đã thông qua việc tu chính một bản dịch các ca vịnh của Phụng Vụ Các Giờ Kinh và một chương trình đào tạo các linh mục kéo dài trong 5 năm. Cả hai điều này còn cần sự phê chuẩn chính thức của Tòa Thánh.

Các Giám Mục cũng đã nghe các chứng từ của ba cặp vợ chồng người về tầm quan trọng của cuộc sống gia đình Công Giáo và một chứng từ của ông Curtis Martin, là người sáng lập ra Fellowship of Catholic University Students, về cách thức tổ chức của ông giúp sinh viên gặp gỡ Chúa Kitô.

9. Tổ Chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ tài trợ hơn 100 triệu Euros cho các Kitô hữu bị bách hại trong năm 2014

Phát ngôn viên tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, cho biết trong năm 2014, tổ chức bác ái Công Giáo này đã tài trợ hơn 100 triệu € (tức là khoảng 147 triệu Mỹ Kim) để hỗ trợ cho các Kitô hữu đang bị bách hại tại Trung Đông và trên thế giới.

ACN đã tài trợ cho hơn 5,000 dự án tại 20 quốc gia khác nhau, đạt một kỷ lục mới trong chi tiêu trong năm 2014. Phần lớn các dự án này là giúp cho các Kitô hữu tị nạn tại Trung Đông.

ACN cũng cung cấp hỗ trợ cho 9,669 chủng sinh (tức là một phần mười hai số chủng sinh trên toàn thế giới) và 9,790 nữ tu. Tổ chức này cũng cung cấp 1.4 triệu cuốn sách, trong đó có Kinh Thánh và các sách văn học cho các chương trình giáo dục Kitô giáo khác.

Khoảng một phần ba chi tiêu của ACN trong năm 2014 là dành cho châu Phi, để cung cấp hỗ trợ vật chất cho các giáo phận nghèo đang phát triển nhanh chóng