Ngày 23-06-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Từ Chối
Lm Vũđình Tường
06:34 23/06/2010
Cuộc đời ai cũng có lần từ chối người khác và cũng có kinh nghiệm bị người khác từ chối. Người từ chối đưa ra các lí do chính đáng để từ chối; người bị từ chối cũng có lí do chính đáng để buồn, giận, phàn nàn.

Đây chính là trường hợp của dân làng Samaritanô đối xử với hai tông đồ Đức Giêsu - ông Giacôbê và Gioan. Khi hai ông được Thầy sai đi dò đường lên thành thánh Giêrusalem.

Dân làng Samaritanô không đón tiếp các ngài. Họ viện lí do các ngài trên đường về thành thánh Giêrusalem. Làng của họ chỉ là quán trọ nghỉ chân qua đường. Các ngài không có ý lưu lại đó. Các tông đồ cảm thấy buồn bực vì bị xua đuổi. Các ông bực đến độ đòi đốt thành. Sự việc may mắn không xảy ra vì các ông không tự quyết, mặc dù các ông đủ sức thực hiện được điều muốn làm. Các ông chờ xin ý kiến Thầy trước khi thực hiện.

Thái độ hành xử của hai tông đồ quả là quá đáng. Lạm dụng đặc ân Chúa ban cho các tông đồ. Làm gì đến độ phải thiêu huỷ cả thành, trong đó bao gồm trẻ em, người già cả, cô nhi, tật nguyền. Họ vô tội, không liên can gì đến việc xua đuổi các ông.

Khi từ chối cả người từ chối lẫn người bị từ chối đều buồn. Thái độ khôn ngoan là cẩn trọng trước khi đưa ra lời yêu cầu. Cũng như cần chuẩn bị đón nhận lời đáp trả.

Hai lần từ chối

Lần thứ nhất dân thành Samaritanô từ chối đón tiếp các tông đồ. Các ông buồn giận đến muốn đốt thành. Lần từ chối thứ hai các ông đã không dám tức giận, nhưng có lẽ thức tỉnh các ông trong lối hành xử của mình. Người từ chối không ai khác hơn, mà chính là Thầy Kitô. Không phải Đức Kitô chỉ từ chối suông, mà còn quở trách trước khi từ chối. Phúc âm thuật lại Ngài quở mắng các ông rồi thầy trò đi sang làng khác. Phúc âm không thuật lại các ông đón nhận lời từ chối này ra sao. Hoàn toàn im lặng. Điều chúng ta nhận biết là ngay sau khi rẽ sang đường khác để, đi Đức Kitô cho các ông thấy cách Ngài đối xử, trong ba trường hợp khác nhau, với kẻ từ chối lời Ngài mời gọi.

Chọn ôn hoà

Đức Kitô chọn thái độ ôn hoà, tránh đụng độ. Không phải Ngài khiếp sợ, phải đối diện với thử thách. Thực tế cuộc sống cho biết, thử thách nào có thể bỏ qua được thì nên bỏ qua, như thế cuộc đời ít sóng gió hơn. Chọn sống ôn hoà không phải là hèn nhát, mà là khôn ngoan. Đức Kitô chọn không trực diện với dân thành Samaritanô. Ngài bỏ qua. Tuy nhiên Ngài lại chọn lên đường về thành thánh nơi đó sóng to, gió lớn đang chờ Ngài. Sóng gió này khủng khiếp hơn nhiều, gian nan đến độ nó luôn ẩn hiện trong cuộc sống của Ngài. Không phải một lần, mà nhiều lần Ngài tâm sự với các môn đệ, về chén đắng Ngài sắp phải chịu. Chén đắng này gian lao hơn nhiều. Ngài không tìm cách tránh né, nhưng chuẩn bị kĩ cho cả Thầy lẫn môn sinh. Những lời tâm sự kia vừa làm giảm nỗi lo sợ, cô đơn vừa giúp chuẩn bị tinh thần các tông đồ.

Con đường mới

Con đường mới Thầy trò chọn đi cũng có những từ chối. Như thế chọn con đường nào cũng có hai mặt của nó. Đường nào cũng có lúc được đón nhận, và cũng có lúc bị khước từ. Trên đường mới về thành thánh, xảy ra ba trường hợp. Ba thanh niên từ chối khéo, lời Chúa mời gọi đi theo.

Khéo chối từ

Anh thanh niên đến tình nguyện xin theo Đức Kitô. Thái độ sẵn sàng của anh tình nguyện đi theo nên anh thưa cùng Đức Kitô:

Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo

Ngài cho biết đi theo Ngài sẽ sống cuộc sống vô định, nay đây, mai đó, luôn di chuyển lo việc tông đồ, không có cả quán trọ chính thức. Nghe thế anh thanh niên âm thầm rút lui. Anh đi tìm chốn tựa đầu. Chúa bảo Ngài không có. Anh đành bỏ đi tìm nơi khác.

Hai thanh niên sau muốn trở thành môn đệ Đức Kitô nhưng có điều kiện. Chờ cho các anh làm xong chương trình của anh trước lúc đó mới theo. Đây là cách từ chối khéo. Từ chối mà không gây bất bình. Ngôn ngữ của các nhà ngoại giao. Tạo cho người nghe một hy vọng, dù là hy vọng rất nhỏ nhoi, mong manh.

Anh bằng lòng đáp lại lời gọi với điều kiện chờ chôn cha trước rồi mới theo sau. Anh là người con có hiếu, lo đám táng cho cha là việc quan tâm hàng đầu. Mọi việc khác là thứ yếu. Không biết cha anh mới qua đời hay hiện còn mạnh khoẻ, sống chung. Chờ cha mất, anh mới theo. Chờ đến bao giờ.

Anh này đồng í theo nhưng trước khi theo anh muốn trở về từ biệt gia đình, thân hữu rồi mới theo.

Đức Kitô mời gọi đi phục vụ. Bị từ chối khéo, Ngài không cảm thấy cay đắng, buồn phiền. Ngài mời gọi họ phục vụ muôn dân. Họ muốn ưu tiên phục vụ gia đình và thân nhân, thân hữu trước, người xa lạ sau. Đức Kitô cho biết cách phục vụ đó không thích hợp với nước trời. Ngài không phân biệt xa lạ. Ai cần hơn thì phải giúp trước.

Học đón nhận lời từ chối là cách sống khôn ngoan bởi vì nó giúp con người tránh được rất nhiều phiền toái, lo lắng trong cách con người cư xử với nhau. Từ chối mà không làm người khác mất lòng. Bị người đời từ chối mà không mất lòng tin.
 
Lục Bình
Trầm Thiên Thu
08:31 23/06/2010
Dù con bất xứng, Chúa ơi!
Vì con đã phụ Tình Ngài bao phen
Giữa đời lắm nỗi truân chuyên
Xin Ngài đừng bỏ mặc con một mình
Đời con như cánh lục bình
Năm tháng bồng bềnh trôi ngược trôi xuôi
Lục bình vô định bến đời
Con xin phó thác cho Ngài dẫn đưa
Tháng ngày khi nắng, khi mưa
Lục bình thầm lặng sớm trưa nguyện cầu
Cúi xin Thiên Chúa Tình Yêu
Giơ tay tế độ niềm đau lục bình.

Sống

1. Cuộc sống cần có 6 viên-ngọc-khôn-ngoan:

+ Viên ngọc thứ nhất từ Cicero: “Muốn sống lâu thì hãy sống chậm”.
+ Viên ngọc thứ nhì từ Khổng Tử: “Cách thức của vĩ nhân là đức hạnh - vì thế họ không lo âu, khôn ngoan - vì thế họ không bối rối, và can đảm - vì thế họ không sợ hãi”.
+ Viên ngọc thứ ba từ Robert Louis Stevenson: “Hãy thư giãn trên chiến yên của cuộc sống”.
+ Viên ngọc thứ tư từ thánh Teresa: “Đừng để điều gì làm phiền bạn hoặc làm bạn sợ hãi. Mọi sự rồi sẽ qua đi”.
+ Viên ngọc thứ năm: “Tĩnh lặng và tin tưởng là sức mạnh của chính mình”.
+ Viên ngọc thứ sáu: “Hãy giữ lòng thanh thản và lương tâm trong sáng. Đừng để lòng mình lo âu hoặc ngần ngại”.

2. Trên mặt sau tấm danh thiếp của một doanh nhân ghi:

“Phương thức hạnh phúc là không ghen ghét và không lo phiền. Sống đơn giản với chút ước vọng, cho nhiều hơn nhận. Làm đầy cuộc sống bằng tình yêu.
Gieo niềm vui ở mọi nơi. Quên mình và biết quan tâm người khác. Làm cho người khác những điều mà mình muốn.
Vị tha, không vị kỷ”. Hãy thử áp dụng 1 tuần, bạn sẽ ngạc nhiên!

3. Jesse Owens, nhà vô địch Olympic, áp dụng 4 chữ:

DDDA. Đó là Determination (Xác định), Dedication (Dấn thân), Discipline (Kỷ luật), và Attitude (Điệu bộ).

4. Bảy quy tắc để thành công trong công việc:

- Chuyên tâm làm việc.
- Không nghĩ đến việc thăng chức, chỉ nghĩ về năng lực.
- Chăm chỉ.
- Đi sớm, về trễ.
- Học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ.
- Để đầu óc thanh thản.
- Giữ sức khỏe, không để bị đau tim.

5. Cố thủ tướng Anh Winston Churchill;

Có lần nói chuyện với các học sinh trường Harrow, ngôi trường xưa ông đã học. Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của niềm tin: “Không, không, không, không bao giờ đầu hàng. Đó là nền tảng của thành công”.
 
Thánh Gioan Tẩy gỉa - Ngôn sứ thời đại
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
12:19 23/06/2010
Trong năm phụng vụ chỉ có 3 lễ mừng sinh nhật. Đó là Giáng Sinh của Đức Giêsu ( 25.12). Sinh nhật của Đức Maria ( 8.9) và Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả ( 24.6).

Cuộc đời và sứ mạng của Gioan gắn liền với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu nên Giáo hội có lý do để sắp đặt việc mừng Sinh nhật của Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế trở thành một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ.

Gioan được sinh ra kỳ diệu và ơn gọi cũng kỳ diệu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

1. Sinh nhật kỳ diệu

Thánh Luca đã nói tới ngày sinh với những dấu hiệu kỳ diệu của Gioan “ Nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời” ( Lc 1,14).

a. Dacaria bị câm: Thân phụ của Gioan bị câm vì nghi ngờ lời Truyền tin của Sứ Thần đang khi ông đang dâng hương trong đền thờ theo phiên của mình ( Lc 1,5- 23)

b. Khỏi Tội Nguyên tổ: Bà Isave có thai được 6 tháng, Đức Maria đã đến viếng thăm, vừa nghe lời của Đức Maria chào thì thai nhi Gioan đã nhảy mừng trong dạ mẹ ( Lc 1,41) và được đầy tràn Thánh Thần ( Lc 1,15).Hồng An này được Giáo hội hiểu là Gioan đã khỏi tội nguyên tổ, một ân huệ cao cả mà ngoại trừ Đức Maria cả nhân loại không ai có được.

c. Son sẻ mà có con: Hai ông bà Dacaria và Isave là người công chính trước mặt Thiên Chúa, nhưng họ lại không con,vì Bà Isave là người hiếm hoi, cả hai đều đã cao niên ( Lc 1,6- 7).

Vậy mà Bà đã sinh con “ Bà sinh hạ một con trai,nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy,láng giềng và thân thích đều chia vui với bà” (Lc 1,57 – 58). Trong Cưụ ước cũng có những bà mẹ sinh con kỳ diệu như vậy. Bà Sara mẹ Isaac ( St 11,30;21,1- 7). Bà Rebecca mẹ của Esau và Giacop ( St 25,21- 26).Bà Rakhel mẹ của Giuse ( St 29,21; 30,22- 24). Bà Anna mẹ của Samuel ( 1Sm 1,2- 20).

d. Tên Gioan và hết câm: Gioan sinh được tám ngày, chịu cắt bì và đặt tên là Dacaria nhưng bà mẹ lên tiếng “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. Một tên gọi thật lạ lùng khiến mọi người kinh ngạc vì trong họ hàng của bà không có ai tên đó cả.Khi Dacaria viết tên Gioan trên tấm bảng, thì miệng lưỡi ông được mở ra,ông hết câm và nói lại được như trước kia ( Lc 1,59- 65).

Mọi biến cố đều kỳ diệu từ khi cưu mang cho đến lúc sinh ra của Gioan vì “ Quả thật,có bàn tay Chúa phù hộ em” ( Lc 1,66).

Sinh nhật Gioan kỳ diệu cũng đúng thôi vì Gioan sẽ lãnh nhận một ơn gọi kỳ diệu là làm Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

2. Ơn Gọi kỳ diệu

a Ngôn sứ Isaia loan báo: “ Có tiếng hô từ nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa,sửa lối cho thẳng để Ngài đi.Mọi thung lũng phải lấp cho đầy,mọi núi đồi phải bạt cho thấp,khúc quanh co phải uốn cho ngay,đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” ( Is 40,3- 5; Mc 1,3; Lc 3,4-6; Mt 3,3). Isaia đã giới thiệu về Gioan như một vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến.

b. Ngôn sứ Malakia tiên báo: “ Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con,người sẽ dọn đường cho con đến để làm lòng cha ông quay về với con cháu” (Ml 3,1- 24; Mt 1,10; Lc 1,17;7,27).Lời Ngôn sứ Malakia nhắc nhở cho người đương thời và hậu thế về ơn gọi của Gioan như vị sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.

c. Sứ Thần Truyền Tin xác nhận: Sứ Thần của Chúa hiện ra với Dacaria,đứng bên phải hương án,xác nhận với ông rằng người con trai của ông sắp chào đời là Gioan Tẩy Giả “ Sẽ đi trước mặt Chúa và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa”( Lc1,17).

e. Thân phụ Dacaria: Dưới tác động của Thánh Thần,Dacaria đã hát lên bài ca chúc tụng”Benedictus” về ơn gọi của người con trai mình “Hài Nhi hỡi,con sẽ đi trước mặt Chúa,mở lối cho Người,bảo cho dân Chúa biết,Người sẽ cứu độ và tha thứ cho họ hết mọi tội khiên” ( Lc 1,76- 77).

f. Gioan khẳng định: Trong một cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và một người Do thái về việc thanh tẩy,tại Enon,gần Salem thuộc miền Giuđê,chính Gioan đã xác nhận ơn gọi của mình: “ Chính anh em làm chứng cho Thầy là Thầy đã nói: Tôi đây không phải là Đấng Kitô mà là kẻ được sai đi trước mặt Ngài” ( Ga 3,28).

Qua sinh nhật và ơn gọi kỳ diệu của Gioan,Thiên Chúa đã đặt Gioan làm gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước với sứ vụ đặc biệt đó là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương, bị đế quốc Roma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn,dân chúng lầm than, Gioan cũng mang nặng những ưu tư những trăn trở yêu nước thương dân. Qua mọi thời, những Ngôn sứ chân chính luôn thao thức với vận mạng Dân tộc. Vị vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân, lấy vợ của anh mình là Hêrôđiađê. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay.Vì thế Gioan đã bị vua chém đầu từ trong ngục. Đụng chạm đến những hôn quân bạo chúa thì chỉ chuốc lấy họa vào thân. Thế nhưng, lương tâm ngay chính, Gioan đã khẳng khái nói lên những lời cần phải nói cho dù phải trả gía bằng chính mạng sống mình. Sứ mạng Ngôn sứ thời nào cũng phải trả giá khi dám nói sự thật, khi dám đấu tranh cho công lý và dân chủ.

Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ông không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù.Thế nhưng Đức Giêsu đã nói về ông: “ Trong các con cái người nữ sinh ra,chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả”(Lc 7,28). Như vậy điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống.Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.

Sứ mạng ngôn sứ thời nào cũng thế. Đức Giêsu, vị ngôn sứ làm chứng cho sự thật cũng bị bắt bớ, bị hành hạ và bị đóng đinh thập giá. Các Thánh Tử Đạo cũng đã làm chứng cho sự thật, tiếp nối con đường Thầy mình đã đi,cũng gánh lấy tù tội và cái chết. Bởi lẽ “Nếu thế gian đã ghét Thầy,thì thế gian sẽ ghét các con vì các con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” ( Ga 15,18 - 19 )

Được sinh ra và lớn lên trong bàn tay phù hộ của Thiên Chúa.Gioan đã sống vai trò ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế và đã chết vì chân lý.

Người Kitô hữu chúng ta không cần phải làm được những chuyện kỳ vĩ như Gioan hay như các Thánh Tử Đạo, nhưng với tư cách ngôn sứ chúng ta có thể làm chứng cho chân lý,cho công lý, cho tình yêu. Với tư cách là Tẩy Giả,chúng ta có thể góp một chút bột giặt tình yêu tha thứ để làm sạch tấm chăn môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi những thứ bụi bẩn rác rưới ích kỷ, vụ lợi, hưởng thụ sa đoa, ghen ghét hận thù, dối trá lọc lừa. Và như thế chính là góp phần mở đường dọn lối cho Chúa đến.

Cuộc đời Gioan Tẩy Giả luôn mãi là tấm gương cho chúng ta. Không chỉ rao giảng bằng lời nói mà bằng cả cụôc sống. Chúng ta được mời gọi sống lý tưởng của Gioan: Chúa phải lớn lên,còn tôi phải lu mờ đi.
 
Ơn gọi ngôn sứ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
12:28 23/06/2010
ƠN GỌI NGÔN SỨ
( Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy giả )

“Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa !” (Lc 7,26). Chúa Giêsu đã minh định về ơn gọi và sứ mạng của Gioan Tẩy giả. Mừng lễ sinh nhật của một ai đó, người ta không chỉ kỷ niệm cái ngày người đó chào đời mà còn nhìn nhận sứ mạng cao cả mà người đó đã thực hiện cho đời, cho con người. Không một ai đi mừng sinh nhật của một gian thương, một bạo vương hay một nhà độc tài… Hội Thánh long trọng mừng ngày sinh của Thánh Gioan Tẩy giả cũng vì lẽ ấy. Thánh nhân đã đảm nhận vuông tròn sứ mạng cao cả, đem ích lợi cho nhân loại vô vàn. Một trong những sứ mạng Ngài đã đảm nhận ấy là chu toàn chức vụ sứ ngôn.

Hình ảnh người ngôn sứ: Ngày nay người ta thích dùng từ ngôn sứ hơn là tiên tri như trước đây. Hai từ tiên tri rất dễ khiến người ta liên tưởng đến những vị nói chuyện tương lai. Còn ngôn sứ là người nói thay Giavê Thiên Chúa, nói lời nhân danh Thiên Chúa. “Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho muôn dân…Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì ngươi cứ nói…Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi…để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng.” (Gr 1,5-10).

Lời Chúa chính là ánh sáng xóa diệt tối tăm, là lưỡi gưom sắc bén phân rẻ tâm hồn. Thiên Chúa sẽ làm cho miệng lưỡi ngôn sứ nên như gươm sắc bén, làm cho ngôn sứ nên như mủi tên xuyên thủng tâm hồn (x. Is 46,2). Do đó, việc nói lời Thiên Chúa quả là không mấy dễ, và cuộc đời ngôn sứ sẽ không được yên ổn chút nào. Lịch sử ơn cứu độ minh chứng cho ta sự thật này.

Ông bà Giacaria- Isave đã vượt qua lề thói của dòng tộc là đặt tên cho con trẻ như tên bố. “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. Bà Isave đã can đảm nói lời Thiên sứ truyền cho chồng trước đây. Khi họ hàng làm hiệu hỏi Giacaria đặt tên cho con trẻ là gì, ông đã xin tấm bảng và ghi: “Tên cháu là Gioan”. Một người cha và một người mẹ đã trung thành với lời Chúa truyền đã sinh nên một người con đích thực là ngôn sứ, người nói lời của Thiên Chúa.

Gioan Tẩy giả còn hơn cả một ngôn sứ. Lời xác nhận của Chúa Giêsu không chỉ nói lên vai trò dọn đường cho Đấng Thiên sai của thánh nhân, không chỉ nói lên cái vinh dự của thánh nhân được làm người giới thiệu Con Chiên Thiên Chúa cho nhân trần, mà con khẳng định Thánh Nhân đã chu toàn việc nói lời Chân lý. Chân lý thì chói chang. Sự thật thì dễ mất lòng. Thánh Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại nói lời sự thật cho người đương thời. Không quanh co, không né tránh, không làm dịu bớt để cho dễ được chấp nhận.

Với đám đông dân chúng đang muốn trấn an lương tâm bằng một vài nghi thức thanh tẩy bên ngoài, Ngài đã thẳng thừng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các ngươi cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối” (Lc 3,7-8). Và việc sinh hoa quả tốt lành ấy được Ngài cụ thể hóa: “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có của ăn thì cũng hãy làm như vậy” (Lc 3,11).

Thánh nhân không chỉ nói nguyên tắc chung chung mà còn trực tiếp với từng hạng người và cả với từng đối tượng, cho dù đó là những kẻ quyền thế, vị vọng, đang lắm chức, đang đầy quyền. Với quân nhân, Ngài bảo họ: Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy bằng lòng với số lương của mình. Với nhóm người thu thuế, Ngài cảnh báo họ không được thu thuế quá mức ấn định. Với cả vua Hêrôđê, Ngài thẳng thừng khiển trách ông về tội ác loạn luân, vì ông này đã cướp vợ của anh mình (x.Lc 3,10-20 ).

Con người, nhất là những người đang có thế, có chức, có quyền chẳng dễ gì đón nhận lời sự thật, khi sự thật ấy lại phô bày cái hạn chế, sự thiếu sót và lỗi lầm của họ. Chính vì thế số phận các sứ ngôn hầu như không mấy có hậu theo cái nhìn của phàm nhân. Bị bắt bớ, bị lưu đày, và ngay cả bị giết chết, đó là số phận của người nói lời Thiên Chúa. Êlia, rồi Giêrêmia, rồi Gioan Tẩy giả và ngay cả vị Đại Ngôn Sứ Giêsu Kitô đều chung số phận. Chúa Giêsu đã lấy lời Thánh kinh để minh định sự thật này: “Ta sẽ sai các Ngôn sứ và Tông đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia. Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa…”(Lc 11,49-50).

Cho dù khó khăn luôn rình chờ, cho dù gian nguy luôn có thể xảy đến, nhưng đã là ngôn sứ thì phải nói lời của Thiên Chúa, phải nói điều Chúa chỉ dạy. Là Kitô hữu, chúng ta đã được thông dự vào một trong ba chức vụ của Đức Kitô đó là chức vụ ngôn sứ từ khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Là tu sĩ, là linh mục hay giám mục, thì trách vụ làm ngôn sứ càng phải được quan tâm chu toàn cách đặc biệt hơn. Có thể chúng ta vẫn đọc lời Chúa, vẫn giảng dạy lời Chúa, nhưng chưa hoặc không là ngôn sứ chính hiệu. Quả thật trong lịch sử vẫn có đó nhiều sứ ngôn giả hiệu, khi chỉ nói những lời dễ nghe, những lời a dua, phủ dụ lòng người, nhất là để lấy lòng kẻ có quyền, có chức hoặc vì sợ bị bách hại, bị mất thế, mất lợi, mất quyền.

Tuy nhiên điều tinh tế mà ma quỷ cám dỗ chúng ta xưa lẫn nay, đó là vẫn nói lời của Chúa nhưng chỉ theo cách thế chung chung, áp dụng đâu cũng được, nói ở đâu và lúc nào cũng chẳng sai, nhưng chẳng nhằm cho ai cả. Hoặc chúng ta cũng nói lời Chúa nhưng viện cớ là bác ái là tôn trọng, là để có hiệu quả mong muốn, nên ta đã vô tình hay cố ý làm dịu sự sắc bén của Lời. Chưa kể có trường hợp ta chỉ dám nói cách “thầm thì” có thể vì muốn giữ thể diện người nghe theo đòi hỏi của đức ái, nhưng cũng rất có thể vì sợ bị ngược đãi mà không dám nói công khai điều phải nói, theo đòi hỏi của công ích. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng (Mt 10,27). Chúng ta đừng quên đây là lệnh truyền của Chúa Giêsu về việc rao giảng lời Chúa.

Xin Thánh Gioan Tẩy Giả cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta can đảm làm sứ ngôn của Chúa cách tận tụy và trung thành. Để kết bài chia sẻ này xin nhắc lại lời cảnh báo của Chúa Giêsu: “Ai xấu hổ vì tôi và vì lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần” (Lc 9,26). Không làm tròn phận ngôn sứ, chắc hẳn số phận đời đời của chúng ta đang bị đe dọa. Một sự thật không ngoa chút nào.
 
Theo Chúa để đi đâu và làm gì?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
15:05 23/06/2010
Chúa Nhật Thứ 13 Mùa Thường Niên - Năm C

“Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”(Lc 9,57). Một vị tôn sư được dân chúng tôn phong vào hàng ngôn sứ, có lời quyền năng cũng như nhiều hành động phi thường chắc chắn sẽ lôi cuốn nhiều người đi theo. Chuyện “thấy người sang bắc quàng làm họ” là chuyện bình thường kiếp người. Đi theo người có quyền năng trong lời nói lẫn hành động hẳn nhiên dù ít nhiều cũng sẽ được lợi mặt này, mặt kia. Nhiều người không chỉ muốn theo Chúa Giêsu như là đám đông quần chúng mong hưởng nhận những phúc lành mà còn muốn trở thành những người thân cận, những môn đệ, những cộng sự viên thân tín. Và chắc chắn khi Thầy Giêsu lên ngai vinh hiển thì mình sẽ được dự phần quyền uy và dĩ nhiên kèm theo vinh hoa phú quý. Ngay nhóm Mười Hai cũng không thoát được ảo vọng vương bá này. Thế nhưng cả nhóm Mười hai và nhiều người muốn theo Chúa Giêsu có ngờ đâu đích đến của hành trình Thầy chí thánh chính là Giêrusalem.

“Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết lên Giêrusalem”(Lc 9,51). Chúa Giêsu lên Giêrusalem để làm gì? Xin thưa là để hoàn thành công cuộc cứu độ nhân trần bằng cái chết trên thập giá. Không phải Chúa Giêsu tự tìm cái chết nhưng Người lên Giêrusalem để sống yêu thương đến cùng, đó là hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (x.Ga 15,13).

Trên hành trình lên Giêrusalem, có một số người muốn xin đi theo Chúa Giêsu. Thoặt nghe những câu trả lời của Chúa Giêsu với những người này, chúng ta có thể nghĩ rằng chúng có vẻ “cứng cỏi”, và chúng có thể làm nhụt nhuệ khí, làm nhụt thiện chí của họ. Thế nhưng để có thể sống yêu thương đến cùng thì cần phải đối diện với đòi hỏi như tất yếu là sự triệt để. Hành vi yêu thương đến cùng đòi hỏi sự triệt để cả trong sự từ bỏ lẫn trong sự hiến dâng.

Triệt để trong sự từ bỏ: “Con chồn có hang, chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”(Lc 9,58). Vốn giàu sang, Chúa Kitô đã tự nguyện sống nghèo khó để chúng ta được nên sang giàu (x.2Cr 8,9-12). Từ bỏ của cải vật chất, từ bỏ những tiện nghi không phải để tự hài lòng trong cảnh thiếu thốn nhưng là để dễ dàng sống yêu thương. “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết” (Lc 9,60). Chúa Giêsu còn mời gọi nhưng kẻ theo Người phải tự do với cả những tình cảm huyết nhục để dệt xây Nước Trời, vương quốc của tình yêu. Mối dây liên kết trong tình huyết nhục tự nó là điều tốt đẹp. Tuy nhiên còn có mối dây liên kết tốt hơn và cao cả hơn. Không phải chỉ khi cưu mang và cho Ngôi Lời nhập thể bú mớm mới là có phúc, nhưng chính khi nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa thì mới là có phúc hơn nhiều (x.Lc 11,27-28).

Triệt để trong sự hiến dâng: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62). Đường cày không thể nào thẳng khi tay cầm cày mà mặt lại ngoảnh đằng sau. Tình yêu không thể chấp nhận sự nửa vời. Nóng thì nóng hẳn đi hoặc lạnh thì lạnh hẳn đi, nếu cứ hâm hẩm thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải (x.Kh 3,15-16). Chuyện bắt cá hai tay có thể áp dụng trong kinh doanh buôn bán nhưng tuyệt đối không thể có trong tình yêu đích thực.

Tuy nhiên, phận người chúng ta không dễ gì dứt khoát một lần cho tất cả. Vẫn có đó tình trạng vấn vương, ngập ngừng trong chuyện tình yêu, cả tình lứa đôi lẫn tình dâng hiến. Cái cảnh cầm cày mà còn ngó lại đằng sau thì có thể không nhiều, nhưng cảnh cầm cày mà còn nhìn bên này, bên nọ quả là không hiếm. Và chắc chắn khi nhìn ngang, nhìn ngửa thì đường cày sẽ chệch choạc, ngoằn ngoèo. Dẫu biết rằng Thiên Chúa, Đấng quyền năng, thừa sức vẽ nên đường thằng bằng những nét cong, nhưng khi quá ỉ lại vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa thì chúng ta vô tình hay hữu ý rơi vào chước cám dỗ lỗi đức trông cậy (x.GLCG Chung số 2092).

Để có thể thẳng bước theo chân Chúa Kitô, để sống yêu thương cách triệt để, thì chắc chắn cần phải diệt trừ nhiều điều, mà dĩ nhiên trước hết đó là những điều bất chính, xấu xa. Và để có thể sống yêu thương đến cùng thì chúng ta còn cần phải biết tự do với cả những điều tự nó là không xấu. “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em mình, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”(Lc 13,26-27). Hạn từ “từ bỏ” ở đây theo cách nói của người Do Thái không có nghĩa là loại trừ nhưng biểu thị sự so sánh. Khi nói “từ bỏ” một điều gì đó để chọn một điều khác thì muốn nói điều ấy “kém hơn”điều ta chọn. Khi đã tin nhận Chúa là tất cả, là trên hết thì việc tự do với các mối liên hệ huyết nhục, với cả mạng sống mình, là chuyện đương nhiên phải có.

Vấn đề đặt ra đó là cần thường xuyên xác định lại mục đích chúng ta theo Chúa Kitô. Mang danh là Kitô hữu, chúng ta không theo chủ thuyết này hay chủ nghĩa nọ, nhưng chúng ta chỉ theo một Đấng là Giêsu Kitô. Đức Kitô vừa là người chỉ đạo (dẫn đường), vừa chính là con đường dẫn chúng ta đến hạnh phúc đich thực (x.Mt 23,10; Ga 14,6). Đường Chúa Kitô dẫn chúng ta đi và cũng là con đường Người đã đi qua đó là đường tình yêu tự hiến vì hạnh phúc của loài người. Chính khi quên mình vì hạnh phúc của đồng loại thì chúng sẽ gặp lại bản thân và có hạnh phúc vĩnh tồn (thánh Phanxicô Axidi).

Theo Công giáo, bạn, tôi, chúng ta đang theo ai, đi đâu, làm gì? Một câu hỏi thiết tưởng mãi không thừa với những người vốn tự nhận là “có đạo”.
 
Tinh thần siêu thoát
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
15:09 23/06/2010
Chúa Nhật Thứ 13 Mùa Thường Niên, Năm C - (Lc 9, 51-62)

Một vị linh sư Ấn-độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông thì có một thanh niên giàu sang đến xin làm đệ tử. Anh ta tiến đến và cung kính đặt dưới chân vị linh sư hai viên ngọc quý như một lễ vật nhập môn. Vị linh sư mở mắt, thấy hai viên ngọc long lanh dưới chân mình, chẳng nói một lời, cầm lấy một viên ném thẳng xuống sông.

Hết sức ngỡ ngàng và tiếc nuối, chàng thanh niên vội nhảy xuống sông và lặn xuống đáy cố tìm cho bằng được viên ngọc quý nhưng suốt cả ngày hì hụp ngoi lên lặn xuống hao hơi nhọc công, viên ngọc vẫn biệt tăm.

Chiều đến, với vẻ mặt thất vọng, chàng đến gặp vị linh sư để xin chỉ đích xác nơi mà ngài đã ném ngọc xuống để may ra tìm lại dễ hơn.

Bấy giờ vị linh sư cầm lấy viên ngọc thứ hai ném thẳng xuống sông và nói: “Ta đã ném nó vào đúng chỗ nầy.” (dựa theo Cha Anthony)

Bấy giờ chàng thanh niên chợt hiểu ra rằng bài học đầu tiên mà vị linh sư dạy anh là: muốn trở thành môn đệ của ngài thì điều kiện tiên quyết là phải có tinh thần siêu thoát, phải sẵn sàng dứt bỏ mọi dính bén với của cải thế gian.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cũng dạy cho những ai muốn trở thành môn đệ của Người cũng phải có một tinh thần siêu thoát tương tự, chủ yếu là siêu thoát đối với ba sự việc sau đây:

Thứ nhất: siêu thoát đối với những tiện nghi và của cải

“Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Chúa Giê-su: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu."

Với những lời nầy, Chúa Giê-su cảnh báo rằng: ai muốn theo Người thì trước hết phải lượng sức mình: Có đủ siêu thoát để chấp nhận cuộc sống thiếu thốn như Người, ngay cả chỗ tựa đầu cũng chẳng có chăng?

Thứ hai: siêu thoát đối với những trói buộc trần thế để ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.

Rồi Chúa Giê-su lại gặp một người khác và cất tiếng mời gọi: "Anh hãy theo tôi. Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã."

Đức Giê-su muốn anh siêu thoát khỏi trói buộc nầy nên bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa."

Tất nhiên Chúa Giê-su vẫn đề cao việc thờ cha kính mẹ (Mc 7,10), nhưng qua lời dạy nầy, Người đòi hỏi ai muốn trở thành môn đệ của Người phải dành ưu tiên tuyệt đối cho việc loan báo Tin Mừng, còn việc chăm sóc phụng dưỡng ông bà, mai táng cha mẹ tất nhiên đã có anh em họ hàng ở nhà chung lo.

Thứ ba: siêu thoát khỏi những tình cảm riêng tư để dốc hết tâm lực cho việc loan báo Tin Mừng.

Đi thêm chặng nữa, Chúa Giê-su gặp một người khác tình nguyện theo Người: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã." Đức Giê-su bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."

Với người nầy, Chúa Giê-su kêu gọi phải siêu thoát khỏi những mối tình cảm gia đình để thảnh thơi lo việc xây dựng Nước Thiên Chúa. Đã xông pha lên đường phụng sự Nước Trời mà còn vấn vương những mối tình cảm riêng tư thì chẳng khác chi “đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau”.

***

Những mối ràng buộc do của cải tiền tài, do những mối tình cảm riêng tư… như những chiếc vòi của con bạch tuộc khổng lồ huyền thoại, cuốn chặt lấy những chiến sĩ của Tin Mừng, không để cho họ xông pha lên đường phụng sự lý tưởng cao đẹp.

Khi kêu gọi người môn đệ siêu thoát đối với của cải tiện nghi và những ràng buộc của những mối tình cảm hẹp hòi, Chúa Giê-su mong muốn những ai dấn thân phụng sự Nước Trời hãy can trường chặt đứt những chiếc vòi quỷ quái đó hầu có thể thảnh thơi thi hành sứ vụ.

Cần thật nhiều ơn Chúa, cần có nhiều bản lãnh và nghị lực bản thân mới có thể thực hiện được những đòi hỏi khó khăn nầy.

Lạy Chúa, xin luôn ở bên chúng con, đồng hành với chúng con và cùng chiến đấu với chúng con.
 
Hạnh phúc của từ bỏ
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
15:13 23/06/2010
Chắc chắn khi Chúa Giêsu đề nghị những người theo Chúa:” Từ bỏ mọi sự để theo Thầy” là một đề nghị để đi tìm hạnh phúc. Con người muốn sống hạnh phúc nhưng lại tự đeo vào mình quá nhiều ràng buộc làm mất đi hạnh phúc. Hạnh phúc là kết quả của con đường từ bỏ.

Trong tâm khảm của con người ước muốn sống hạnh phúc luôn bị những cản trở của cái xấu ràng buộc: “Vải liệm bao thân tôi là khăn liệm bụi bậm và chết chóc, tôi ghét vô cùng, ấy thế mà vẫn cứ yêu thương ôm vào lòng” (28, Lời dâng, R. Tagore).

Hạnh phúc ở đâu khi con người đeo đầy trang sức quý mà không gặp được những tình người đích thực, những tình thân không hề tính toán? Hạnh phúc ở đâu khi ngồi trong những nơi sang trọng mà lòng dạ đang tối đen vì những vụ lợi? Những ràng buộc của vật chất ngày càng dầy lên làm teo tóp đi tâm hồn quảng đại. Hạnh phúc của tâm hồn không có ở nơi vật chất chiếm hữu, hạnh phúc chỉ xuất hiện khi đem vật chất phục vụ cho anh chị em mình, những người lầm lũi, nghèo khó. “Suốt ngày vì sống trong chợ đời đông đúc, hai tay tôi đầy lợi tức bán buôn, xin cho tôi luôn luôn cảm thấy là chưa kiếm được gì” (79, Lời dâng, R.Tagore). Hạnh phúc không có, lợi lộc, tay đầy mà làm gì?. Hanh phúc đích thật là khi trao đi. “Vì thương yêu, Người đã trao tôi hết cả thân mình, rồi từ đó trong tôi Người cảm thấy hương ngào ngạt tuyệt vời” (65, Lời dâng, R. Tagore).

Hạnh phúc không có ở tâm hồn của những con người chất đầy sầu hận, ghen tuông, ác ý. Hạnh phúc không có ở những nơi cửa miệng ngon ngọt, lòng đầy gian dối; không có trong những lời nói nịnh thần, ton hót. Hạnh phúc xa tầm tay với những người chất đầy

điêu ngoa. Hạnh phúc sẽ đến khi “Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi mọi biển lận tầm thường… Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng tâm hồn lên khỏi những ty tiện hàng ngày” (36, Lời dâng, R.Tagore). Hạnh phúc cận kề ngay khi dẹp bỏ những nhỏ nhen. Hạnh phúc, thật đơn giản khi với tâm hồn bình an chiêm ngắm: “ngày lại ngày Người làm cho tôi xứng đáng với tặng vật lớn lao đơn giản. Người ban mà chẳng cần để tôi xin hỏi. Này bầu trời, này ánh sáng, này xác thân, này trí tuệ, này cuộc đời. Cứu tôi khỏi những hiểm nguy của vũng lầy ước muốn” (14, Lời dâng, R. Tagore). Hạnh phúc thật khi lòng không còn gian dối.

Hanh phúc không có ở nơi lý trí u mê vì dục vọng, chẳng có ở những lý trí mù quáng, lầm lạc, cũng không có ở nơi lý trí của kẻ kiêu căng. Hạnh phúc trong lý trí tự do của những con người hướng về Thiên Chúa. “Nơi ấy suối lý trí trong veo lượn khúc không lạc lối vào bãi cát ủ dột, hoang vu của tập quán khô cằn, cứng nhắc. Nơi ấy, Cha dẫn tâm trí con vào hành động, vào suy tư mở rộng” (35, Lời dâng, R.Tagore). Hạnh phúc khi lý trí vượt khỏi giới hạn của trần thế để vào trong ý muốn của Thiên Chúa.

Hạnh phúc qúa khi hôm nay tôi bắt đầu con đường từ bỏ, từ bỏ như vứt khỏi nơi mình cành cây bị sâu đục không kết trái, hạnh phúc quá khi từ bỏ những ty tiện hằng ngày để gọi những người chung quanh là anh chị em thân tình. Hạnh phúc tràn ngập ngay khi ra khỏi căn nhà tù tráng lệ của mình để đi đến với anh chị em nghèo khó. Hạnh phúc ngay bên mình khi tâm hồn không còn chai cứng, không còn tất bật giữa chợ đời, lấm lét thỏa đầy túi tham. Hạnh phúc khi biết sống đích thực giữa cuộc đời này, mỗi người được là “cây sáo rỗng để Thiên Chúa thổi vào đó giai khúc dịu êm của Người” (R. Tagore).

Tận hưởng hạnh phúc ngay khi từ bỏ.

Xin cho con biết từ bỏ mỗi ngày để theo Chúa là nguồn cội mọi bình an và hạnh phúc.

“Chỉ mong tôi chẳng còn gì để gọi Người là tất cả của tôi. Chỉ mong ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế trói buộc thân mình vào ý muốn của Người” (34, Lời dâng, R. Tagore). Mong Người lấy đi và mong chẳng còn gì là của con.
 
Dứt Khoát Từ Bỏ Nếu Theo Chúa
Tuyết Mai
15:16 23/06/2010
Thật là điều rất dễ nói nhưng không dễ làm, ngay cả việc thói quen rất nhỏ tốn tiền thường ngày được gọi là xấu mà chúng ta cũng còn không thể bỏ được, thì hà huống gì những tánh hư tật xấu khác còn độc ác, gian tà, và xảo trá, trong con người hư hỏng của chúng ta biết bao nhiêu, mà ngay cả người thân thương nhất trong nhà còn không chịu đựng nổi!??. Điển hình là ngay trong gia đình của chúng ta đây, chung đụng với nhau hằng ngày, nói chuyện với nhau hằng ngày, chia sẻ mọi việc và mọi vấn đề xẩy ra hằng ngày trong nhà và nơi chúng ta làm việc, mà có những vấn đề thật tế nhị cũng có thể va chạm nhau trong khi thảo luận, vì chúng ta ít khi nào chấp nhận ý kiến của người khác, vì luôn cho mình là phải, nhất là giữ vai vế cao của mình trong gia đình. Thường thì người cha luôn cho mình là phải, bà vợ tuyệt đối phải đứng về phe ông để bắt buộc con cái phải nghe theo. Rồi con cái chúng đứng về một phe để bênh vực cho lẽ phải của chúng. Đó là trong gia đình mà còn phải vậy! Còn ngoài xã hội thì sao??.

Có phải ngoài xã hội thì ai chức phận làm lớn, lương lớn, thì bắt tất cả những người nhỏ phải theo luật buộc theo ý riêng của mình, dù dựa trên pháp luật thì luôn là sai, bởi pháp luật chỉ bênh vực người có tiền, chứ pháp luật nào mà bênh vực kẻ nghèo bao giờ!?. Nếu dựa trên luật pháp thì chúng ta biết tỏng tòng tong rằng những ông bà lớn trong hãng xưởng của mình luôn luôn áp bức, chèn ép, đì, và đàn áp kẻ làm dưới mình. Nói cho cùng thì chúng ta cũng chẳng nên trách những con người có chức vụ này làm gì, bởi bất kỳ ai nếu có học trong ngành business (thương mại) và học được lớp management (điều hành) cũng đều được dậy rằng nếu một người manager mà dễ thương thì không đúng với vai trò của ông hay bà rồi đó! Có nghĩa là không chóng thì chầy người manager này cũng bị cấp trên sa thải mà thôi! Vì dễ thương với nhân viên hay người làm công thì còn ai mà muốn làm việc đây!? Thì làm sao mà công việc trôi chảy được đây!. Cho nên khi ai muốn nhận việc là một manager cho một hãng xưởng hay công ty nào đó thì phải biết rằng mình sẽ có rất nhiều kẻ thù, có rất nhiều những tay làm ăng ten cho mình, và có rất nhiều những tay nịnh hót. Đồng thời cũng rất coi chừng những tay nịnh hót này, bởi không biết khi nào những tay nịnh hót này sẽ trở cờ, lật mình, và phản bội khi họ có thời cơ!.

Mà thương trường trong xã hội ở bất kỳ thời buổi nào cũng tất yếu là phải vậy!. Vì cái bao tử, cái nồi cơm, và cái ruột tượng của mình, tất cả đương nhiên phải có sự tranh dành, lươn lẹo, giối trá, chà đạp lên nhau, để một sống một còn, để sự sinh tồn của mình và của cả gia đình mình nữa! Cho nên nói chung thì cũng là vì muốn nuôi cái miệng của mình và của cả gia đình mình mà thôi! Mới có những hiện tượng dành giựt và bon chen đó thôi!. Chứ nói trên phương diện công bằng thì ngày nay cũng còn có rất nhiều người làm biếng, ở nhà để sinh con cho thật nhiều, để được chính phủ nuôi cho họ từng miếng ăn, cho đến chỗ ở, và đủ thứ cho sức khoẻ của họ nữa!??. Rồi thì lại đi làm những chuyện vặt vẵn kiếm thêm tiền mặt để bỏ túi mà chẳng phải đóng một đồng tiền thuế, nói chung là làm mà trốn thuế!. Một xã hội bị lũng bại nhiều và thâm thủng nhiều là do những thành phần trên, bởi họ biết lợi dụng lỗ hở của chính phủ, và vì tài gian xảo của họ. Họ lừa dối ngay cả chính họ, với lương tâm, và với tất cả anh chị em của họ, những ai rất cần đến sự trợ giúp này!. Bởi vì sự lừa dối của họ mà làm mất đi sự công bình trên anh chị em mình, mà đáng lý ra phải dành cho những con người mà thật tình cần được giúp đỡ, như có bệnh khùng thật, như có già neo đơn và nghèo thật, và tàn tật thật để được giúp đỡ, nhưng trên đời lại không được như thế thưa anh chị em!?? Và xin được hỏi rằng tiền chính phủ trợ cấp cho những người này, thì từ đâu ra thưa anh chị em??. Thưa là từ tiền thuế của tất cả những người đã, đang, và sẽ đi làm. Tiền chính phủ chẳng phải là tiền giả hay được copy để sẵn ở trong tủ sắt lớn mà móc ra đâu!. Tiền ấy là tiền mồ hôi nước mắt của những người đi làm đấy!.

Bởi cả một xã hội mà nếu phần đông không biết sống trong sự công bằng và bác ái như Luật Chúa dậy, thì ai. ... ai mà theo Chúa được cơ chứ!???. Theo Chúa là phải từ bỏ tất cả để theo Ngài. Theo Chúa là tình nguyện bỏ tất cả mọi sự ngay cả người thân thương nhất của mình là cha mẹ và anh chị em của mình, để đi theo Chúa, khi mà biết con đường theo Chúa chỉ là Thập Giá, gian lao, khổ cực, và chông gai trước mặt. Theo Chúa là chính mình phải tập bỏ mọi thói hư tật xấu của chính lòng mình thì mới theo Chúa được. Và một điều rất hợp lý và hợp tình là không ai có thể theo Chúa ngoài sự trợ giúp thêm của Chúa Thánh Thần, nếu không có On của Ngài, thì một sớm một chiều chúng ta cũng gãy gánh nửa chừng mà thôi! Theo Chúa thì y như những con cừu non đi giữa những bầy sói dữ. Đi theo Ngài là có những bữa đói bữa no. Đi theo Ngài là có những tháng ngày bị theo dõi, bị tra khảo, bị rất nhiều bất công, mọi chống đối, mọi nghịch cảnh, sự đày đọa của con người đưa đến, và mọi sự nguy hiểm mà người đi theo Chúa phải gánh chịu. Đi theo Chúa có nghĩa là không được mang hai áo, không bao bị, không tiền bạc, và có nghĩa là chẳng có gì dính thân ngoài hai bàn tay trắng!.

Chẳng những không mang theo một thứ gì là vì Chúa không muốn cho anh em phải dính bén của thế gian, vì tiền của chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta ở nơi đấy! Thế thì làm sao chúng ta có thể đem Tin Mừng của Ngài đến cho ai được!??. Điểm đích của người theo Chúa là sống làm gương mẫu cho mọi người, giới thiệu Nước Chúa đến cùng tất cả anh chị em trên con đường lữ hành của người muốn theo Chúa, ngay cả vác Thánh Giá thật nặng nề của mình và của anh chị em của mình nữa!. Là mục tử tốt lành của Chúa, giẫn dắt, hướng dẫn, và chăm sóc cho đàn chiên của Chúa được đến bến bờ của hạnh phúc, của vĩnh cửu, và của bất diệt.

Người đi theo Chúa phải hiểu trách nhiệm quan trọng là cuộc sống vĩnh cửu và vĩnh hằng, chứ không phải bám vào những sự hay teng sét và đầy mối mọt, đem cho chúng ta những phiền phức và hủy diệt lẫn nhau trong tranh dành trong tham muốn. Người đi theo Chúa phải hiểu rằng Nước Trời mới là nơi chúng ta phải đến và phải tìm về. Của cải trần gian là gì, chúng đâu có đi theo chúng ta đến thế giới bên kia được đâu, và hẳn chúng không đem hay giúp chúng ta vào Nước Trời được!???. Thế thì ngay tại đời này sao chúng ta không biết chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi đầy thú vị và hạnh phúc thật trên Quê Trời??. Tiền của trần gian thì có phải hôm nay có ngày mai lại cạn?. Càng có nhiều thì lại càng mang cho chúng ta bao nhiêu chuyện phiền phức, biến đổi con người chúng ta trở thành vô lương tri, mất cảm xúc, và không còn tình người giữa tình người nữa!. Và đó là điều Chúa đã từng khuyến cáo chúng ta là người giầu có khó mà được vào Nước Thiên Đàng là vậy!. Và có phải khi chúng ta có thì phải mất công trông chừng chúng nữa!? Thế có phải là điều phi lý quá hay không?.

Con người theo Chúa là con người biết hưởng thụ mọi thứ và mọi điều Chúa ban cho, hằng ngày biết cảm tạ và tri ân Ngài, thí dụ như tình yêu gia đình, tình yêu bằng hữu, tình yêu nhân loại, hoặc giả nếu có thiếu chút đỉnh nhưng Chúa vẫn nuôi chúng ta đủ để sống qua ngày mà thôi! Nếu chúng ta biết cầu cho vừa đủ xài thì bảo đảm linh hồn của chúng ta không bị hư mất. Chứ cầu cho dư giả thì khó mà vào Nước Trời được lắm!. Như chuyện đáng tiếc thật của anh nhà giầu kia, Chúa bảo anh đi bán tất cả mà Theo Ngài, nhưng anh đã xụ mặt và tỏ ra buồn phiền vì anh là con người rất là giầu có. Đấy, những bài học Chúa dậy chúng ta để đi theo Chúa chỉ giản dị có thế là hãy từ bỏ tất cả để được đi theo Chúa, để có được tất cả là sự Bình An, và là cuộc sống vĩnh hằng mai sau trên Quê Trời. Sự đi theo Chúa đây cũng không có gì là khó đâu thưa anh chị em!. Ý Chúa chỉ đảm bảo cho chúng ta tất cả mọi thứ và mọi điều là chúng ta phải Tin vào Chúa. Khi đức tin của chúng ta được trưởng thành, thì Chúa sẽ mạc khải cho chúng ta mọi điều về Nước Thiên Đàng là Nơi có hạnh phúc thật, thánh thiện, cao sang, lộng lẫy, huy hoàng, tráng lệ, và mọi sự rực rỡ không ngừng, mà không một thứ gì trên trần gian này có thể sánh bằng. Chúa chỉ cần Đức Tin của chúng ta bằng hạt cải mà thôi!.

Xin Chúa Giêsu ban thêm cho chúng con Đức Tin vào Chúa thì mọi sự đều có thể khi chúng con Dấn Thân theo Ngài. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:58 23/06/2010
BÁNH TẾT

N2T


Thời Xuân Thu, đại phu nước Ngô là Ngũ Tử Tư bị Ngô vương bắt phải dùng kiếm tự sát, Ngũ Tử Tư trước khi chết thì dặn dò các tùy tùng, nói:

- “Sau khi ta chết, nếu quốc gia có nạn, thiếu lương thực thì các ngươi đến bức tường Tương Môn đào xuống ba thước thì có lương thực có thể dùng”.

Sau khi Ngũ Tử Tư chết thì nước Ngô và nước Việt đánh nhau, liên tiếp bị đánh bại, lương thực trong thành đều ăn hết, bá tính bị đói thê thảm. Lúc ấy, các tùy tùng đột nhiên nhớ lại lời dặn dò của Ngũ Tử Tư, bèn đến Tương Môn phá thành đào đất thì mới phát hiện té ra tường thành Tương Môn không phải là dùng đất sét để xây, mà là dùng gạo nếp xay thành bột đắp thành.

Từ đó về sau, vì để kỷ niệm Ngũ Tử Tư, nên vào ngày tết (tiết xuân) người ta lấy bánh tết làm thành những viên gạch như tường thành hấp để ăn, và lưu truyền cho đến nay.

(Truyện truyền thuyết)

Suy tư:

Để tỏ tình yêu của mình cho nhân loại, Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ, trong đó có con người là hình ảnh của Ngài, và trong vũ trụ này con người nhận ra được Thiên Chúa là tình yêu.

Để tình yêu này đạt đến tột đỉnh của yêu thương, Thiên Chúa đã có một sáng kiến độc đáo mà trí khôn của con người không thể suy tới được, đó chính là thiết lập bí tích Thánh Thể, để bánh miến và rượu nho trở nên Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su Ki-tô. Sáng kiến độc nhất vô nhị vượt qua trí hiểu biết và sự khôn ngoan của con người này, đã làm cho con người –những kẻ tin vào Chúa Giê-su Ki-tô- được ở trong Chúa và Chúa ở trong họ.

Mỗi ngày đi tham dự thánh lễ và rước lễ, là dấu hiệu bảo chứng cho linh hồn của mình được cứu rỗi, bởi vì bánh mà chúng ta ăn, rượu mà chúng ta uống chính là Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su Ki-tô.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:59 23/06/2010
N2T


34. Người không chấp nhận mình có hoạn nạn khốn khó, thì có họa; người yêu mạng sống bất hạnh và mục nát này thì càng có họa hơn.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 23/06/2010
N2T


470. Không nên vì chuyện mơ hồ không rõ ràng của tương lai mà ưu tư buồn sầu, chỉ nên nổ lực vì hiện tại rất rõ ràng.

 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần Thứ 13 Quanh năm
Lm Jos Tạ Duy Tuyến
20:44 23/06/2010
Thứ hai sau Chúa nhật 13 thường niên

Mt 8,18-22

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Trong giây phút linh thiêng được kết hợp với Chúa, chúng con xin được tạ ơn và ngợi khen tình thương quan phòng mà Chúa đã dành cho chúng con. Chúa đã cho chúng con luôn được lớn lên trong sự che chở của Chúa. Chúa nuôi dưỡng chúng con bằng ân sủng của Chúa. Chúng con thật an tâm sống trong sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng con hãy trao phó cuộc đời cho Chúa. Bầy cáo có hang để trú ẩn khi gặp hiểm nguy. Chim trời cần tổ để nghỉ ngơi sau những chặng đường dài mệt mỏi, rã cánh. Nhưng là môn đệ thì phải sống thanh thoát khỏi những tiện nghi vật chất. Ngưởi môn đệ còn phải thắng vượt những quyến luyến tình cảm để sống trọn vẹn cho Chúa. Chính Chúa sẽ định liệu những gì cần cho chúng con. Chính Chúa sẽ làm những điều tốt lành nhất cho chúng con, vì chưng chính Chúa đã nói: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa còn những sự khác Người sẽ ban cho sau”.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con xin tín thác toàn thân con cho Chúa. Xin Chúa hãy ở lại với chúng con để nâng đỡ và hướng dẫn chúng con đi trong hồng ân của Chúa. Amen

Thứ ba sau Chua nhật 13 TN

Mt 8,23-27

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Giữa cuôc đời đầy sóng gió nghi nan. Cuộc đời chúng con như chiếc thuyền nan mong manh nhỏ bé, nổi trôi trên giòng đời. Chúa biết chúng con yếu đuối. Chúa biết chúng con khó có thể vượt thắng những cạm bẫy giăng đầy. Xin Chúa hãy nâng đỡ chúng con. Xin giúp chúng con biết nhận ra sự đồng hành của Chúa để chúng con biết bám víu và cậy dựa vào Chúa.

Nhưng Chúa ơi, sóng gió cuộc đời luôn làm cho chúng con sợ hãi. Gian truân triền miên khiến chúng con mệt mỏi. Giòng đời có quá nhiều cám dỗ khiến chúng con sa đi ngã lại trong lầm lỗi. Xin thương tha thứ cho chúng con. Xin nâng đỡ lòng tin còn quá yếu kém của chúng con. Xin ban cho chúng con niềm trông cậy vững vàng, để chúng con dám trao cả vận mạng đời mình vào bàn tay quan phòng của Chúa. Vì có Ngài ở bên, lòng chúng con chẳng nao núng bao giờ.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa luôn bênh đỡ những ai kêu cầu Chúa. Xin hãy nhìn đến phận người chúng con và giờ tay bênh đỡ. Chúng con xin tín thác cuộc đời trong sự quan phòng đầy yêu thương cùa Chúa. Amen.

Thứ Tư sau Chúa nhật 13 thường niên

Mt 8,28-34

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con hân hoan vì Chúa đến viếng thăm linh hồn chúng con. Chúng con cũng xin dâng linh hồn và thân xác chúng con cho Chúa. Xin Chúa hãy thống trị con người chúng con. Xin đừng để những đam mê thấp hèn của ma quỷ thống trị và sai khiến chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa thật tốt lành với chúng con. Chúa luôn chăm sóc từng cuộc đời chúng con. Chúa hằng mong muốn cho chúng con hạnh phúc trong tự do của con cái Thiên Chúa. Nhưng Chúa ơi, vì những đam mê mù quáng, những niềm vui bất chính đã khiến lòng chúng con xa rời Chúa. Chúng con mải chạy theo những thú vui trần thế, đến nỗi đánh mất danh dự, phẩm giá làm người của mình. Đôi khi chúng con không còn nhìn thấy nét đẹp của phẩm giá con người là hình ảnh của Chúa, để chúng con tôn trọng và yêu thương nhau.

Lạy Chúa, xin giải cứu chúng con khỏi những đam mê thấp hèn và phục hồi con người chúng con khỏi những thói hư tật xấu, để nhờ đó chúng con luôn sống trong ân nghĩa với Chúa. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 13 thường niên

Mt 9,1-8

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã từng chúc phúc cho những ai không thấy mà tin. Xin Chúa chúc phúc cho chúng con, vì tin Chúa, chúng con cũng nhận ra Chúa trong Thánh Thể và trong người anh em của chúng con. Xin ban cho chúng con được lớn lên trong đức tin để chúng con đứng vững trước những thử thách gian truân, những cam go của giòng đời. Xin giúp chúng con biết nhìn nhận thân phận bất toàn của mình để tìm nương tựa vào tình thương của Chúa.

Lạy Chúa, giữa một thế giới đề cao vật chất đã làm cho đức tin của chúng con cũng mang tính thực dụng. Chúng con đến với Chúa để tìm kiếm nhu cầu trần thế hơn là thực tại Nước Trời mai sau. Thánh lễ và kinh nguyện hằng ngày, không còn là nhu cầu mà chỉ là bổn phận. Chúng con thường làm chiếu lệ cho qua. Đôi khi ẩu thả, xem thường. Điều chúng con cần là tiền, là cơm áo, là danh vọng. Chúng con chỉ đến với Chúa để đòi hỏi Chúa đáp ứng cho những nhu cầu chúng con, thay vì chúng con tìm kiếm ý Chúa để thực thi. Xin Chúa tha thứ vì những lầm lẫn của chúng con. Xin canh tân đổi mới cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con tìm được niềm vui được sống trong ân nghĩa với Chúa hơn là những danh lợi thú trần gian.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin củng cố đức tin còn yếu kém của chúng con và giúp chúng con biết yêu mến Chúa nồng nàn để chúng con luôn trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 13 thường niên

Mt 9,9-13

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã đến không phải để kêu gọi người công chính mà là kêu gọi kẻ tội lỗi. Giờ đây Chúa cũng đến với chúng con, một con người đầy khiếm khuyết, bất toàn. Chúa vẫn ưu ái dành cho chúng con cuộc viếng thăm đầy thân tình và yêu thương. Xin Chúa hãy biến đổi cuộc đời chúng con như xưa Chúa đã biến đổi cuộc đời Mat-thêu.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con thường hà khắc, hẹp hòi với anh em. Chúng con thường kết án anh em mình một cách vô cớ. Chúng con thường nói hành nói xấu anh em. Chúng con là những người mà cha ông bảo rằng: “Chân mình còn lấm bê bê – Lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Xin tha thứ vì những xúc phạm của chúng con đã gây nên đau khổ cho anh em. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa để chúng con hàn gắn những chia rẽ trong gia đình và khu xóm của chúng con.

Lạy chúa, xin ban cho chúng con một quả tim rộng lớn, một tấm lòng quảng đại, để chúng con luôn biết noi gương Chúa, luôn biết tha thứ và cảm thông với những người chung quanh chúng con. Xin giúp chúng con biết cùng nhau kiến tạo một xã hội yêu thương và tha thứ thay vì kết án tẩy chay nhau. Xin giúp chúng con đừng bao giờ vì thói ích kỷ, nhỏ nhen mà làm mất bầu khí huynh đệ trong môi trường chúng con sống. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 13 TN

Mt 9,14-17

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thât hạnh phúc vì được đón rước Chúa ngự đến viếng thăm. Chúa là Chúa cả trời đất. Chúa là Đấng tạo thành. Chúa là Chúa, là vua của chúng con. Thế mà Chúa đã phá bỏ mọi ngăn cách để đến với chúng con trong khiêm tốn âm thầm. Với tấm bánh đơn sơ Chúa hòa nhập vào cuộc đời chúng con. Chúa trở nên người bạn luôn ở bên chúng con. Chúa luôn hoà nhập vào cuộc đời chúng con để chia sẻ những thăng trầm của kiếp người chúng con. Chúng con thật hạnh phúc. Chúng con trần ngập niềm vui khi được sống bên Chúa và trong sự chở che đầy yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa, lời Chúa là lời chân lý. Chúa có lời ban sự sống đời đời. Xin cho chúng con biết mau mắn tuân theo Lời Chúa. Xin giúp chúng con đừng vì những đam mê mù quáng để rồi ngoảnh mặt làm ngơ trước tiếng nói của Chúa. Xin ban ơn để chúng con thắng vượt những yếu đuối bản thân, biết làm chủ tư tưởng, ước muốn, lời nói, việc làm của mình theo đường lối huấn lệnh của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa hằng mong muốn chúng con được sống đời đời. Xin ban cho chúng con một lương tâm ngay thằng để chúng con biết sống đúng với phẩm giá làm người của mình. Xin cho chúng con mau mắn tuân theo lề luật tối thượng của Chúa để tâm hồn chúng con luôn hoan lạc tràn trề trong tiệc cưới Chiên Thiên Chúa mà Chúa đã hứa ban cho những trung tín với Người. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thập Giá là biểu tượng của căn tính Âu Châu: Hàng Giám Mục Công Giáo Nước Nga khẳng định.
Dominic David Trần
07:46 23/06/2010
Thập Giá là biểu tượng của căn tính Âu Châu: Hàng Giám Mục Công Giáo Nước Nga khẳng định.

RÔMA, Ý ngày 22/06/2010 9:51PM theo bản tin Thông Tấn Xã CNA: Trong khi chờ đợi Tòa Án Tối Cao của Liên Minh Âu Châu- có trụ sở tại Strasbourg- chuẩn bị ban hành vào ngày 30 tháng Sáu năm 2010 một phán quyết mới về việc trưng bày công khai Thập Giá Chúa KiTô: Đức Cha Joseph Werth, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Liên Bang Nga đã tuyên bố rõ là Thập Giá (Crucifix) không chỉ là một biểu tượng tôn giáo nhưng cũng còn là biểu hiện cho Căn tính thực sự của Châu Âu.

"Những biểu tượng tôn giáo như Thánh Giá (Holy Cross) không chỉ là dấu chỉ của Thiên Chúa Giáo nhưng cũng còn là một trong những nguyên tố quan trọng nhất của Căn tính Âu châu." Đức Cha Joseph Werth đã tuyên bố như vậy.

Trong một bản tuyên bố được Nhật Báo Quan Sát Viên Roma ( L'Osservatore Romano) đăng tải, Đức Giám Mục Werth đã nhắc cho mọi người nhớ lại rằng; "trong nước Nga dưới chế độ Cộng Sản, đã có biết bao nhiêu tín hữu bị bắt bớ và bị bách hại và xã hội Nga đã bị tổn hại nặng vì tình trạng ô nhiễm và điên khùng về mặt đạo đức. " Bởi những sự kiện rõ ràng này, Đức Cha Werth nói tiếp; " Chủ nghĩa Đa Nguyên và Tự do về Lương Tâm không bao hàm những sự hạn chế hay trói buộc nào trên các Quyền của con người muốn sống theo các di sản văn hóa và di sản Thánh thiêng Đạo Đức của Lục địa Âu châu chúng ta."

Hàng Giám Mục Công Giáo của các nước Bảo Gia lợi (Bulgaria), Ba Lan (Poland), Hy Lạp (Greece), Slovenia, và các quốc gia Âu châu khác cũng phát hành các bản tuyên bố với cùng một nội dung tương tự như trên: "Khẳng định rằng nền móng căn bản của Âu Châu được xây dựng từ bởi Đạo Thiên Chúa với Thánh Gía Chúa KiTô là biểu tượng chính yếu."
 
Hàng Giám Mục Công Giáo Hy Lạp bảo vệ Thập Giá Chúa KiTô và nghiêm khắc cảnh cáo những ai muốn chối bỏ Di sản Văn hóa.
Dominic David Trần
07:48 23/06/2010
Hàng Giám Mục Công Giáo Hy Lạp bảo vệ Thập Giá Chúa KiTô và nghiêm khắc cảnh cáo những ai muốn chối bỏ Di sản Văn hóa.

ATHENS, Thủ đô Nhã Điển nước Hy Lạp ngày 22/06/2010: theo tin Thông Tấn Xã Công Giáo (Zenith.org) Hàng Giám Mục Công Giáo Hy Lạp đã tuyên bố là việc cấm trưng bày Thập Giá Chúa KiTô tại các nơi công cộng không phải là một hành động hỗ trợ cho sự cùng tồn tại hòa bình ở Âu châu.

Thánh Công Đồng của Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Hy Lạp (tức Thượng Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hy Lạp) đã khẳng định trong một bản Tuyên Cáo Chung liên quan đến buổi điều trần và xét xử công khai vào ngày 30 tháng Sáu sắp đến của Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu về phán quyết trong tháng 11 năm 2009 cấm không cho trưng bày Thập Gía Chúa KiTô tại nơi công cộng thí dụ như trong các lớp học.

Bản Tuyên bố mang các chữ ký của Đức Giám Mục Franghiskos Papamanolis Chủ Tịch và Đức Tổng Giám Mục Nikolaos Printesis Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hy Lạp.

Phán quyết của Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu liên quan đến vụ kiện khởi tố từ nước Ý. Đã có 10 quốc gia thành viên của Liên Minh Âu Châu cùng ký tên nạp đơn chống án đến Tòa Án Tối Cao Âu Châu về Nhân Quyền và xin phúc thẩm lại phán quyết cấm treo hoặc công khai trưng bày Thập Giá.

Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hy Lạp đã chỉ rõ rằng phán quyết cấm trưng bày Thập Giá là một trong một loạt các hành động có âm mưu: để chối bỏ việc công nhận nên sự Hình Thành Các Cội rễ Thiên Chúa Giáo trong Lục địa Âu Châu của chúng ta từ thuở xa xưa."

Các vị Giám Mục đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp nhấn mạnh là " Sự tương kính của các truyền thống tập tục Tôn giáo là cần thiết trong một xã hội hiện đang trở nên Đa Văn hoá rõ nét hơn. Sự tương kính này bảo đảm cho "Sự cùng tồn tại-cùng chung sống trong hòa bình của tất cả các tín ngưỡng, các tập tục truyền thống"; đồng thời lên án tất cả các dạng thức của chủ nghĩa bảo căn hoặc qúa khích về tôn giáo - vốn chỉ gây ra biết bao đau khổ cho nhân loại. "

Các Đức Giám Mục Công Giáo Hy Lạp công khai tuyên bố là; " Việc trưng bày hay tôn kính công khai các biểu tượng tôn giáo của Đạo Thiên Chúa không thể bị cấm cản trong những xã hội đã có hàng bao nhiêu thế kỷ mang truyền thống tập tục thuộc về Đạo Thiên Chúa." Những sự cấm đoán như vậy sẽ là một sự mâu thuẫn và là một sự chối bỏ các di sản Thánh thiêng và bảo vật văn hóa của một quốc gia vốn có những cội rễ Thiên Chúa Giáo đã tạo dựng nên tương lai của các quốc gia Âu châu."
 
Tất cả các tín hữu Thiên Chúa Giáo phải tự vác lấy Thánh Gía của chính mình.
Dominic David Trần
07:49 23/06/2010
Tất cả các tín hữu Thiên Chúa Giáo phải tự vác lấy Thánh Gía của chính mình.

ROMA, Ý - ngày 21/06/2010 theo tin Thông Tấn Xã CWN trong buổi tiếp kiến chung ngày Chúa Nhật 21/06/2010 vừa qua Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã tuyên bố là tất cả các tín hữu Thiên Chúa Giáo phải công nhận Thánh Giá Chúa KiTô như là "chóp đỉnh của mọi sự

Thiện Hảo của con người và là triều thiên mang Hy Vọng và Đức Cậy Trông của chúng ta."

Sau Đại Lễ truyền chức cho các tân Linh Mục của Giáo phận Rôma, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi ngưòi tham dự buổi tiếp kiến chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô là Các Linh Mục, Giáo Sĩ phải chứng tỏ sự hoàn toàn sẵn lòng trở thành các công cụ theo Thánh Ý của Thiên Chúa.

Đối với tất cả các tín hữu thì nên đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa " để hàng ngày tự vác lấy Thánh Giá của chính họ - kể cả Thánh Giá như là những thách đố hàng ngày gặp trong cuộc sống và Thánh Giá như là sự thử thách bởi sự thô bạo và hung dữ của con người phàm nhân đem lại cho nhau- gây nên khổ đau cho chúng ta mà đôi lúc đòi buộc lòng can đảm của sự hy sinh tối thượng nhất." ĐứcThánh Cha tiếp tục khuyến nhủ mọi người như vậy.
 
38 Tân Tổng Giám Mục nhận giây Pallium
Hoàng Nguyên
09:18 23/06/2010
VATICAN (22/06/2010) (Theo tin Zenit.org) - Nhân lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô tới đây, Đức Giáo Hoàng Beneđíctô 16 sẽ trao giây pallium cho 38 tân Tổng Giám Mục, trong đó gồm 14 từ Âu châu, 6 từ Bắc Mỹ, 6 từ Trung và Nam Mỹ, 8 từ Phi châu và 4 từ Á châu (trong đó có Đức cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn, tân TGM Hà Nội).

Theo thông báo của Toà Thánh, Thánh lễ trong đó các TGM được nhận vinh dự này sẽ diễn ra vào lúc 9:30 sáng ngày 29 tháng Sáu.

Pallium là một giải màu trắng (dệt bằng lông chiên) có thêu sáu thánh giá màu đen và được mang choàng qua vai hay cổ. Được ĐGH và các TGM mang, giây pallium là dấu chỉ quyền bính và thể hiện sự hiệp thông chặt chẽ giữa các Giám Mục và vị Giáo Hoàng Roma.

Sau đây là danh sách các Đức Tổng Giám Mục sẽ nhận giây pallium:

Nam và Trung Mỹ (6)
- Luis Cabrera Herrera (Cuenca, Ecuador)
- Fernando Saburido (Olinda e Recife, Brazil)
- Alberto Taveira Corrêa (Belem do Para, Brazil)
- Ricardo Tobón Restrepo (Medellin, Colombia)
- José Domingo Ulloa Mendieta (Panama, Panama)
- Luis Madrid Merlano (Nueva Pamplona, Colombia)

Phi Châu (8)
- Alex Kaliyanil (Bulawayo, Zimbabwe)
- Gerard Tlali Lerotholi (Maseru, Lesotho)
- Gabriel Mbilingi (Lubango, Angola)
- Samuel Kleda (Douala, Cameroon)
- Joseph Atanga (Bertoua, Cameroon)
- Stephen Brislin (Cape Town, South Africa)
- Désiré Tsarahazana (Toamasina, Madagascar)
- Matthias Kobena Nketsiah (Cape Coast, Ghana)

Bắc Mỹ (6)
- Albert Legatt (Saint-Boniface, Canada)
- Constancio Miranda Wechmann (Chihuahua, Mexico)
- Carlos Garfias Merlos (Acapulco, Mexico)
- Jerome Listecki (Milwaukee, Wisconsin)
- Dennis Schnurr (Cincinnati, Ohio)
- Thomas Wenski (Miami, Florida)

Âu châu (14)
- Gualtiero Bassetti (Perugia-Citta della Pieve, Italy)
- Andrea Bruno Mazzocato (Udine, Italy)
- Antonio Lanfranchi (Modena-Nonantola, Italy)
- Luigi Moretti (Salerno-Campagna-Acerno, Italy)
- Juan José Asenjo Pelegrina (Seville, Spain)
- Jesús Sanz Montes (Oviedo, Spain)
- Ricardo Blázquez Pérez (Valladolid, Spain)
- Bernard Longley (Birmingham, England)
- Peter David Smith (Southwark, England)
- Anton Stres (Ljubljana, Slovenia)
- Andre-Joseph (Mutien) Leonard (Mechelen-Brussels, Belgium)
- Dominik Duka (Prague, Czech Republic)
- Jozef Kowalczyk (Gniezno, Poland)
- Bernard Bober (Kosice, Slovakia)

Á châu (4)
- Socrates Villegas (Lingayen-Dagupan, Philippines)
- Francis Kallarakal (Verapoly, India)
- Hyginus Kim Hee-jong (Kwangju, Korea)
- Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (Hanoi, Vietnam.)
 
Đức Giáo hoàng Benedict bổ nhiệm giám mục phụ tá mới cho Tổng giáo phận Philadelphia
Tiền Hô
09:28 23/06/2010
Philadelphia, ngày 22 tháng 6 năm 2010 (CNA\EWTN) - Sáng nay, các tín hữu Philadelphia vừa nhận được tin vui: Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã bổ nhiệm vị tổng đại diện tổng giáo phận - Đức Ông Michael J. Fitzgerald - làm giám mục phụ tá cho tổng giáo phận.

Việc bổ nhiệm giám mục phụ tá Fitzgerald được Đức Hồng Y Justin Rigali công bố trong cuộc họp báo ở Philadelphia lúc 10 giờ sáng nay. Đức Hồng Y đã nói về vị tân giám mục: "Ngài là một linh mục mẫu mực, với một tình yêu lớn lao dành cho Giáo Hội. Tôi cảm ơn về những nỗ lực liên lỉ của ngài trong việc thúc đẩy ơn gọi linh mục trong giáo phận. Suốt 14 năm qua, ngài đã phục vụ với tư cách là tuyên úy cho Câu lạc bộ Serra của Philadelphia, nhằm khuyến khích các ơn gọi linh mục".

Tân giám mục Fitzgerald cũng nói về việc bổ nhiệm rằng, "Khi chấp thuận lời đề cử này, tôi ý thức trách nhiệm lớn lao sẽ được trao phó cho tôi, nhưng tôi còn nhận thức được nhiều hơn sự quan phòng của Thiên Chúa Toàn Năng, Ngài đã kêu gọi tôi vào chức tư tế, và mãi làm cho tôi được hạnh phúc trong thiên chức linh mục này suốt qua ba mươi năm qua. Trong Thiên Chúa, tôi nguyện tiếp tục đặt niềm tin tưởng của mình mà đáp lại lời kêu gọi mới của Giáo Hội, trở thành giám mục để phục vụ Dân Chúa".

Tân giám mục Michael Fitzgerald được thụ phong linh mục vào năm 1980, sau khi thụ phong, ngài đã phục vụ trên cương vị tổng đại diện giáo phận. Vào năm 1989, ngài nhận bằng cử nhân giáo luật từ Đại học Công giáo Hoa Kỳ và sau đó là vào năm 1991, ngài tiếp tục nhận bằng tương tự từ Đại học Gregorian Rôma.

Ngài được thăng tước Đức Ông vào năm 2003, và làm Hiệu phó Chủng viện Thánh Charles Borromeo nhiệm kỳ 2004-2007.

Tân giám mục Fitzgerald cũng đã từng làm phó Chưởng ấn Tổng Giáo Phận Philadelphia từ năm 2007. Ngài sẽ thay thế Đức Giám mục Phụ tá Joseph McFadden, vì đức giám mục Joseph McFadden vừa được bổ nhiệm về Giáo phận Harrisburg.

Việc bổ nhiệm Đức Ông Fitzgerald làm giám mục phụ tá là sự kiện tiêu điểm thứ hai của Tổng giáo phận Philadelphia trong tháng này. Trước đó, ngày 8 tháng 6 năm 2010, Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã chấp nhận sự đơn chức của Đức Giám mục phụ tá Robert Maginnis và bổ nhiệm Đức Ông John McIntyre thay thế cho ngài.

Đức Hồng y Rigali sẽ tấn phong cho cả hai tân giám mục phụ tá McIntyre và Fitzgerald trong cùng một ngày, đó là ngày 6 tháng 8 năm 2010, tức Lễ Chúa Hiển Dung. Lễ tấn phong sẽ được diễn ra tại Vương cung thánh đường Chính tòa Thánh Phêrô và Phaolô ở Philadelphia.

Tổng Giáo Phận Philadelphia do Đức Hồng Y Justin Rigali chủ chăn, cùng bốn giám mục phụ tá. Tổng giáo phận có 1.458.430 người Công giáo cư trú trong tổng dân số 3.880.000 người. Tổng giáo phận có 999 linh mục, 239 phó tế vĩnh viễn và 3.370 thành viên các hội dòng.
 
Một giáo dân Ấn Độ dành giải nhất giải thưởng Đức Thánh Cha
Paul Minh Nhật
09:29 23/06/2010
Ucanews. 22/06/2010 - Một giáo dân Công Giáo tại miền nam Ấn Độ, đã được vinh danh sau khi qua đời với giải thưởng Đức Thánh Cha cao quý nhất được trao cho một giáo dân người có những đóng góp cho Giáo Hội qua các ca khúc của ông.

Ông cố Wilfy Rebimbus đã được vinh danh với Giải thưởng vì Hội Thánh và Đức Thánh Cha(Pro Ecclesia Et Pontifice - for Church and Pope) bởi giám mục Alovsius Paul D'Souza vào ngày 13 tháng 6 tại nhà thờ Milagres ở Mangalore.

Cha Andrew D'Souza, cha xứ giáo xứ thánh Giuse nơi ông Rebimbus đã được sinh ra nói:

Giải thưởng bao gồm một vật lưu niệm và một giấy chứng nhận được kí bởi ĐGH Benedict XVI vào ngày 25 tháng 1.

Tuy nhiên, giải thưởng đã chỉ mới đến tòa giám mục Mangalore vào tháng 6, ba tháng sau khi Rebimbus qua đời ngày 9 tháng 3.

Rebimbus, được 68 tuổi khi ông ấy qua đời, đã sáng tác gần 1,000 ca khúc tiếng bằng bản địa Konkani. Những bài ca cầu nguyện của ông đã được hát trong các nhà thờ ở Mangalore.

Cha D'Souza, người đã tổ chức một thánh lễ cầu nguyện cho Rebimbus vào hôm 20 tháng 6 vừa qua cùng với các thành viên của gia đình ông và các giáo dân đã nói: Giải thưởng là một ''sự công nhận cho những đóng góp tích cực suốt đời của ông cho Giáo Hội"

Vị linh mục thương tiếc xót xa là giải thưởng đã không đến kịp được với Rebimbus trong khi ông còn sống.

(Nguồn: http://www.ucanews.com/2010/06/22/indian-layman-gets-top-papal-award)
 
Ghế giảng sư được thiết lập nhân danh Đức Thánh Cha Benedict
Bùi Hữu Thư
15:31 23/06/2010
Rôma, ngày 23, 2010 / 03:51 pm (CNA/EWTN News).- Theo báo L'Osservatore Romano, Hội "Joseph Ratzinger Papst Benedikt XVI" đã thỏa thuận với ban giám đốc Đại Học Regensburg, Đức để thiết lập một ghế giảng sư mang tên Đức Thánh Cha.

Hội này do các cựu sinh viên của Đức Thánh Cha trong thời gian ngài là một giáo sư thần học thành lập, trong số đó có Tổng Giám Mục giáo phận Vienna Christoph Schonborn.

Tờ báo bán chính thức của Vatican, trích dẫn báo Kathpress, cho hay một ghế giảng sư sẽ được tạo lập cho một nhà khảo cứu, không cần thiết là một thần học gia, để giảng dậy và hướng dẫn các cuộc nghiên cứu về triết học.

Bài báo trích dẫn lời bình luận của Bernhard Laux, Khoa trưởng phân khoa thần học Công Giáo nói với Kathpress, trong đó ông giải thích là vị giáo sư này có thể thuộc Chính Thống Giáo hay Tin Lành và sẽ đóng góp cho việc nghiên cứu thần học “theo tinh thần của Joseph Ratzinger" và để tiếp tục những tư tưởng của ngài. TS. Laux giải thích thêm: Đồng thời, vị giáo sư mới này sẽ không chỉ chuyên chú về các tư tưởng của Ratzinger hay của riêng mình.

Chức vị này được bổ nhiệm trong 5 năm và vị giáo sư này sẽ thi hành việc giảng dậy và nghiên cứu trong mùa hè.

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã từng giữ ghế Tín Lý và lịch sử tínlý tại Đại Học Regensburg trong khi cũng giữ chức vụ Phó Viện Trưởng.
 
Kỹ thuật Laser phục hồi những hình ảnh cổ xưa nhất cuả các thánh Tông Đồ
Trần Mạnh Trác
16:25 23/06/2010
Trong một hầm mộ cổ cuả một công nương Lamã nằm trong hang toại đạo Thánh Tecla (catacombs of St. Tecla ) chỉ cách nhà thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành 1/3 dặm, các nhà khảo cổ Vatican đã dùng kỹ thuật laser để phục hồi nhiều hình ảnh vẽ từ giữa thế kỷ thứ tư cuả các thánh Phêrô, Phaolô, Gioan và Anrê.

Hình các vị tông đồ nằm trong 4 vòng tròn làm trụ cho bốn góc cuả một bức hình chính trên trần, hình Chuá Chiên Lành. Trong hầm mộ người ta cũng tìm thấy nhiều hình ảnh khác như cảnh tiên tri Daniel trong hang sư tử, cảnh ba vua dâng lễ vật cho Chuá hài Đồng và cảnh Abraham tế sinh Isaac.

Hình cuả thánh Phaolô, thánh Gioan và Anrê chắc chắn là những hình ảnh xưa nhất tìm thấy được, thánh Phêrô đã có những hình ảnh xưa hơn được phát hiện tại Ai Cập.

Đây là một bằng chứng cho thấy lòng sùng kính các thánh tông đồ đã nẩy nở ngay từ thời kỳ đầu tiên, sớm hơn tất cả những ước tính cuả các nhà sử học.

Người ta biết rằng trước thế kỷ thứ tư, các Kitô hữu ở Ý đã cố gắng để được chôn gần lăng mộ các thánh tử đạo. Những người giàu có đã trang trí tường mộ với nhiều biểu tượng Kitô giáo, như những cảnh trong kinh thánh và lịch sử cuả các vị tử đạo.

Nhưng với phát hiện mới này, thì đây là thời điểm mà lòng sùng kính các thánh tông đồ đã được sinh ra và phát triển, và nghệ thuật trong các hầm mộ không còn chỉ là hình ảnh tử đạo hoặc kinh thánh.

Được biết hang toại đạo thánh Tecla là một hang toại đạo nhỏ được tìm thấy lại vào năm 1950 khi người ta đào nền móng cho một toà nhà văn phòng. Tới nay hang toại đạo này vẫn đóng và cũng không có kế hoạch để cho công chúng thăm viếng trong tương lai.

Khi các nhà phục chế cuả viện khảo cố bắt đầu nghiên cứu hang toại đạo thánh Tecla vào năm 2008, người ta thấy các tường toàn là một mầu trắng.

Không khí ẩm và buị thời gian đã tô lên một lớp vôi dầy tới 5cm, tạo thành một lớp vỏ có hợp chất calcium carbonate (Cacbonat Canxi).

Tuy nhiên những tài liệu cuả văn khố Vatican cho biết ngay từ những năm 1800 đã có những chứng cớ là có nhiều hình ảnh mầu trên tường ở đây.

Dự án phục hồi bắt đầu với kỷ thuật có sẵn là dùng cọ, dao cạo và sự kiên nhẫn, rất nhiều kiên nhẫn. Nhưng kỹ thuật này đòi hỏi phải đoán mò là phải cạo đi một bề dầy là bao nhiêu. Cạo ít thì bức hình mờ nhạt, cạo nhiều thì bức hình bị phá hủy.

Vào tháng 6 năm 2009 là lúc kết thúc năm thánh Phaolô, người ta phát hiện ra hình thánh Phaolô ở một góc.

Nhưng khi áp dụng kỹ thuật laser thì công việc phục hồi tăng tốc và người ta đã phát hiện ra các hình cuả các thánh tông đồ khác ngay sau đó.

Những tia laser được điều chỉnh để đốt cháy chất calcium và khi không còn chất ấy nữa thì mất hiệu quả.

Công ty cung cấp máy laser cho toà thánh đã bán máy với một giá rẻ mạt, cho nên chi phí để phục hồi ngôi mộ chỉ mất có 72 ngàn đô.
 
Một Chức vị Giáo Sư Đại Học được thành lập để vinh danh ĐTC Bênêđictô XVI
Dominic David Trần
16:43 23/06/2010
Rome, nước Ý, ngày 23/06/2010- 03:51 pm qua bản tin liên hợp của Thông Tấn Xã (CNA/EWTN News).- Căn cứ theo Nhật báo Quan Sát Viên Rôma ( L'Osservatore Romano), Sáng Hội Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI (the "Joseph Ratzinger Papst Benedikt XVI" Foundation) đã đạt dến một thỏa thuận với Hội Đồng Quản Trị Viện Đại Học Regensburg, nước Đức để thành lập một Danh vị -Chức Giáo Sư Đại Học được đạt theo thên của Đức Thánh Cha.

Sáng Hộị này do các cựu sinh viên của Đức Thánh Cha từ thuở ngài còn là Giáo Sư Thần Học; trong số các sinh viên của ngài có Đức Hồng Y Christoph Schonborn hiện đang là Tổng Giám Mục Vienna, thủ đô nước Áo.

Nhật báo bán chính thức của Vatican đã trích dẫn lại ấn bản của Kathpress, tường thuật rằng một vị trí được thành lập cho một học giả nghiên cứu, và học giả này không nhất thiết phải là Thần Học gia, để giảng dạy và hướng dẫn các công trình nghiên cứu về Triết học.

Bản in của báo Kathpress cũng trích dẫn lời bình luận của Bernhard Laux, Khoa Trưởng Khoa Thần Học Công Giáo; theo đó Bernhard giải thích rằng người nhận danh vị Giáo Sư chính thức này cũng nên có trình độ đào tạo và nghiên cứu vững chắc về Chính Thống Giáo hay Tin Lành Cải Cách và sẽ tiếp tục đóng góp vào các công trình nghiên cứu Thần Học " theo tinh thần của Học Giả Giáo Sư Joseph Ratzinger" và để nghiên cứu phát triển các tư tưởng của Giáo Sư Học Giả Ratzinger đến mức cao hơn nữa. Cùng trong thời gian ấy, vị Học Giả Giáo Sư mang chức vị Giáo Sư Ratzinger mới thành lập không chỉ dành hết các cống hiến nghiên cứu cho các tư tưởng của cựu Giáo Sư Ratzinger hay cho chính công trình nghiên cứu riêng của vị ấy- theo như Khoa Trưởng Bernhard giải thích.

Vị trí Giáo Sư mang tên "Ratzinger" này có nhiệm kỳ là 5 năm và vị giáo sư sẽ thực hiện các công trình nghiên cứu và nhiệm vụ giảng dạy suốt các khóa mùa hè.

Đức Thánh Cha Benedicto XVI trước đây đã giữ chức vị Chủ Nhiệm Bộ môn Tín Lý Học và Lịch Sử Tín Lý Học trong lúc ngài cũng giữ chức vụ Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Regenburg.
 
Các Số Liệu Thống Kê Công Giáo cho thấy số lượng giảm tại Nhật Bản
Paul Minh Nhật
20:42 23/06/2010
Ucanews/ Tokyo, 23/06/2010: Con số những người Công Giáo ghi danh tại Nhật Bản đã giảm chỉ còn lại dưới 450.000 người - sụt giảm 0.5% trong vòng 12 tháng.

Số liệu được dựa vào dữ liệu từ mỗi giáo xứ, đã được trình cho Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nhật Bản.

Các thống kê hết mọi khía cạnh cung cấp chi tiết phong phú về số lượng và các hoạt động của người Công Giáo. Chúng chỉ ra rằng:

60% số người Công Giáo Nhật Bản đăng kí là các phụ nữ
Có 24 giám mục bao gồm cả các giám mục nghỉ hưu.
1.481 linh mục, trong đó 887 là người Nhật Bản.
35 phó tế, nhưng tất cả chỉ có 3 người Nhật Bản.
91 đại chủng sinh và 38 tiểu chủng sinh.
5.678 nữ tu, 5.419 là người Nhật Bản.
201 nam tu sĩ, 150 là người Nhật Bản.
798 giáo xứ: 798 và 172 xứ truyền giáo.
6.914 người được rửa tội năm vừa qua, 3.594 những người được rửa tội có độ tuổi từ 8 tuổi trở lên.
Tổng số người tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật năm trước là 111.647
Tổng số tham dự thánh lễ Phục Sinh là 197.517 trong khi đó người tham dự
Lễ Giáng Sinh là lớn nhất cả năm với 254.298 người.

So sánh với năm 2004, các thống kê cho thấy một sự giảm sút trên diện rộng, với số giáo dân, linh mục, nữ tu, và người được rửa tội ít hơn. Số người tham dự lễ Chúa Nhật cũng giảm xuống 8%.
 
Top Stories
Pakistan: Mobilisation des catholiques pour l’un des leurs injustement mis en examen pour « blasphème »
Eglises d'Asie
09:15 23/06/2010
Eglises d’Asie, 23 juin 2010 – Les lois anti-blasphème du Code pénal pakistanais ont fait une nouvelle victime: le 20 juin dernier, un catholique de 73 ans a été placé en détention et mis en examen pour « blasphème » après qu’un de ses voisins, de religion musulmane, l’eut accusé d’avoir insulté le prophète Mahomet. Rapidement, les catholiques de l’archidiocèse de Faisalabad se sont mobilisés pour lui venir en aide.

L’incident à l’origine de l’affaire aurait eu lieu il y a trois mois. Situé au Pendjab, le village de Jhandewali compte une petite communauté catholique, forte de 25 familles, qui vivent parmi une majorité de musulmans. Sans que l’on en connaisse les détails, un différent foncier a opposé Rehmat Masih (1), 73 ans, à un voisin, Sajid Hameed, ce dernier accusant le premier d’avoir blasphémer contre le prophète Mahomet. Le temps que la plainte suive son cours, ce n’est que le 20 juin que Rehmat Masih a été incarcéré par la police de Faisalabad.

Au Pakistan, les lois anti-blasphèmes sont inscrites à l’article 295 du Code pénal, alinéas B et C. Introduites en 1982 et 1986, elles prévoient la peine de mort ou la prison à vie, ainsi que des peines d’amende, tout « emploi de remarques désobligeantes, eu égard au respect du Saint Prophète, écrites ou orales, qu’il s’agisse d’une représentation visible, d’une insinuation, directe ou indirecte, entachant le nom du Saint Prophète Mahomet (que la paix soit avec lui) ». Toute profanation du Coran est passible de la prison à vie. Vivement critiquées à l’extérieur du pays ainsi que par certains milieux pakistanais, elles n’ont toutefois jamais été radicalement amendées ou abrogées.

A Jhandewali, les catéchistes et les anciens de la communauté catholique se sont mobilisés pour venir en aide à leur coreligionnaire. Ils ont fait appel à leur évêque, lequel a chargé sa Commission ‘Justice et Paix’ de tout mettre en œuvre pour assurer sa défense. Selon le P. Khalid Rashi Asi, vicaire général du diocèse de Faisalabad, « l’accusation portée contre Rehmat Masih est mensongère, le cas a été monté pour camoufler un différent foncier ». Le prêtre ajoute que des élections ont eu lieu dans le village de Jhandewali il y a trois mois et que l’accusé et son accusateur étaient chacun dans des camps opposés. Depuis que l’affaire a éclaté, d’autres villageois catholiques se voient menacés d’être accusés à leur tour de blasphème, précise-t-il encore.

Cela fait des années que différents milieux au Pakistan et à l’étranger dénoncent les lois anti-blasphème et l’usage abusif qui en est fait par des groupes extrémistes et par ceux qui souhaitent régler des comptes personnels. Ils soulignent aussi que ces lois ont conduit à une montée de la violence contre les membres des minorités religieuses, même si un plus grand nombre de musulmans que de chrétiens, ahmadis, hindous ou autres farsis se retrouvent derrière les verrous au titre de l’article 295 du Code pénal.

Interrogé par l’agence Fides (2), l’évêque catholique du diocèse de Hyderabad (province du Sind), Mgr Max John Rodrigues, commente: « La loi (sur le blasphème) a été introduite par le dictateur Zia-ul-Haq [au pouvoir de 1978 à 1988] et aucun gouvernement, militaire ou démocratique, n’a jusqu’à maintenant réussi à la retirer. Pourtant une grande partie de la société s’accorde à vouloir la supprimer. Les chrétiens ainsi que les autres minorités religieuses résistent et ont organisé une campagne nationale et internationale (3), et même des musulmans soutiennent son abolition. Le fait est que quelques groupes extrémistes islamistes, qui veulent la maintenir, sont prêts à se mobiliser: quand par le passé il y a eu des annonces ou des tentatives visant à abolir la loi, des protestations publiques ont éclaté, bloquant le processus. Le paradoxe est que l’opinion publique est en général d’accord sur l’abolition, mais c’est l’opinion de petites fractions extrémistes qui l’emporte. »

L’évêque poursuit: « L’organe qui a le pouvoir d’agir est le Parlement, où les lois sont approuvées ou abolies. Mais aujourd’hui de nombreux parlementaires ont peur car ils peuvent être pris pour cible par les extrémistes. Le pays, en effet, combat aussi le terrorisme, les homicides ciblés, les attentats contre les institutions et les forces de sécurité. Les hommes publics ont peur pour leur vie et la situation ne se débloque pas. (…) Nous poursuivrons notre lutte en espérant que le pays soit capable de se libérer de l’emprise du terrorisme et de l’extrémisme idéologique et religieux. »

Les évêques catholiques du Pakistan déclarent approuver pleinement une récente résolution du Parlement européen « sur la liberté religieuse au Pakistan », résolution adoptée le 20 mai 2010. Les parlementaires européens écrivent être « profondément préoccupés par le fait que les lois sur le blasphème – qui peuvent entraîner la peine de mort au Pakistan et qui sont souvent invoquées pour justifier la censure, la criminalisation, la persécution et, dans certains cas, les assassinats de membres de minorités politiques, raciales et religieuses – préparent la voie à des abus qui touchent les gens de toutes confessions au Pakistan »; ils invitent notamment « le gouvernement pakistanais à revoir en profondeur les lois sur le blasphème et leur application actuelle (…) » (4).

(1) Masih n’est pas un nom de famille, mais un terme désignant celui qui le porte comme étant un chrétien de sexe masculin. Au sujet des lois anti-blasphème, voir aussi EDA 511, 513, 514, 522
(2) Fides, 17 juin 2010.
(3) Evêque catholique de Faisalabad, Mgr Joseph Coutts a lancé une pétition dans son pays pour protester contre les lois anti-blasphème et demander leur abrogation. La pétition, qui a déjà recueilli plusieurs dizaines de milliers de signatures, est relayée à l’étranger par le bureau français de l’Aide à l’Eglise en Détresse. Sur le site Internet de l’AED-France, plus de 6 000 personnes ont, à ce jour, apporté leur signature et l’action devrait prochainement être étendue à d’autres pays occidentaux (Cf. http://www.aed-france.org).
(4) Résolution du Parlement européen du 20 mai 2010 sur la liberté religieuse au Pakistan, consultable sur le site Internet du Parlement (http://www.europarl.europa.eu)

(Source: Eglises d'Asie, 23 juin 2010)
 
Philippines: Le ministère de l’Education suspend son programme pilote d’éducation sexuelle prévu dans les écoles suite à la plainte des évêques catholiques
Eglises d'Asie
09:51 23/06/2010
Eglises d’Asie, 23 juin 2010 – Lundi 21 juin dernier, la secrétaire d’Etat à l’Education, Mona Valisno, a déclaré que le gouvernement reportait le programme d’éducation sexuelle qui devait être testé dans 80 écoles élémentaires à partir de la classe de CM2 (fifth grade) et 79 collèges, jusqu’à ce que des consultations avec les évêques catholiques du pays débouchent sur un accord. « Nous avons décidé de suspendre l’enseignement du module d’éducation sexuelle dans l’attente d’une décision finale de la consultation », a précisé la secrétaire d’Etat (1).

Le projet, qui devait démarrer à la rentrée scolaire prochaine, rencontre une forte opposition de la part de la population catholique très majoritaire du pays, et en particulier au sein de l’épiscopat (2). Mona Valisno a déclaré que le ministère de l’Education était prêt à modifier les contenus du programme si ceux-ci entraient en contradiction avec les valeurs chrétiennes. Elle a également tenu à souligner que cette décision n’avait rien à voir avec l’action en justice présentée en nom collectif ce même lundi 21 juin par une avocate travaillant pour la Conférence des évêques catholiques des Philippines (CBCP).

En effet, le 21 juin, Maître Jo Aurea Imbong a déposé au nom de trente « parents d’élèves en colère », devant la Cour de justice de Quezon City, une demande de suspension provisoire du projet d’éducation sexuelle, arguant du fait que ce programme représentait une violation du droit des parents à inculquer leurs valeurs à leurs enfants (3). La plainte de 28 pages accuse également la secrétaire d’Etat à l’Education et son sous-secrétaire, Ramon Bacani, de faire la promotion des directives gouvernementales concernant le planning familial, la santé reproductive et le développement démographique, par le biais de l’enseignement de matières telles que les mathématiques, les sciences ou encore l’anglais.

Il s’agit « d’une attaque de l’éthique et des valeurs morales des jeunes » et cela encourage le flirt et les relations sexuelles, affirme encore Maître Imbong. « Le but est clairement de transformer les comportements et principes moraux des jeunes, à partir d’un modèle venant de l’étranger. » L’avocat demande en conséquence à la Cour de déclarer que le Mémorandum n° 26 du ministère de l’Education comprenant les programmes d’éducation sexuelle est irrecevable au plan constitutionnel en raison de fondements « contraires à la famille et à la vie ».

La CBCP a décidé de faire appel à un avocat, après l’annonce la semaine dernière par le ministère de l’Education des Philippines de la décision de lancer le programme expérimental dès la rentrée, alors qu’il venait tout juste de s’engager à consulter les évêques catholiques sur le sujet avant toute application du projet (4).

De son côté, le président de la Commission pour la famille et la vie de la CBCP, Mgr Paciano Aniceto, a appelé le président Benigno Aquino III (qui prendra ses fonctions officiellement le 30 juin), à mettre un point final fin au projet dès qu’il accèdera à la présidence. Benigno Aquino « est responsable de l’évolution spirituelle, intellectuelle et physique de son peuple », a affirmé l’archevêque de San Fernando, qui a réitéré sa conviction que seuls les parents étaient habilités à parler de sexualité à leurs enfants.

(1) Ucanews, 22 juin 2010.
(2) Voir EDA 531
(3) Ucanews, 21 juin 2010.
(4) Ucanews, 15 juin. Voir également EDA 531

(Source: Eglises d'Asie, 23 juin 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tân LM Philippê Nguyễn Bá Thông dâng Thánh lễ Tạ ơn tại giáo xứ An Bằng, Huế
Trương Trí
09:13 23/06/2010
Thánh lễ tạ ơn:

Sáng ngày 23.6, giáo xứ An Bằng cùng với bà con thân tộc hân hoan chào mừng tân linh mục Philipphê Nguyễn Bá Thông thật long trọng, tất cả mọi người hiện diện đều với nét mặt tươi cười hớn hở. Cờ xí trang hoàng rực rở màu sắc. Đại diện Hội đồng Hương tộc làng An Bằng cũng vui mừng đến dự.

Xem hình ảnh Thánh lễ Tạ Ơn

Đúng 8giờ30, đoàn rước Tân linh mục chủ tế với chừng 20 linh mục đồng tế tiến vào nhà thờ giữa hai hàng Thiếu nhi Thánh thể thật trang trọng trong tiếng kèn trống tấu bài “Trong hân hoan chúng con về đây…”.

Mở đầu thánh lễ, linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải quản xứ An Bằng giới thiệu với cộng đoàn: “Nói tới An Bằng như nhiều người lầm tưởng chỉ là Thành phố Lăng tẩm, mà phải là nói đến chữ Hiếu, cũng vì chữ Hiếu mà con cháu xây dựng cho Ông bà tổ tiên có nơi Mồ yên Mã đẹp. Nói tới An Bằng là nói Biển: An Bằng biển mặn. Hôm nay chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì Người đầy quyền năng và yêu thương tuyển chọn một giọt nước biển An Bằng kết tinh thành hạt muối mặn cho Người để trao ban cho vũ trụ càn khôn Người đã tạo dựng và cho cả nhân loại Người muốn cứu chuộc. Đó là Tân linh mục Philipphê Nguyễn Bá Thông, con ông Giuse Nguyễn Bá Dũng và bà Mattha Nguyễn Thị Lệ. Chúng ta vô cùng sung sướng cùng Tân linh mục dâng thánh lễ tạ ơn và cầu cho Tân linh mục mãi mãi là “muối cho đời” theo tâm nguyện của Ngài.”

Tân linh mục chào cộng đoàn:

Trọng kính Cha Quản xứ, quý cha đồng tế, cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

“ Cây có gốc mới trổ cành xanh lá,
Nước có nguồn mới thành biển rộng song sâu”.

Thế nên, con xin hết lòng cảm ơn cha quản xứ đã cho con được trở về quê cha đất tổ của mình để dâng Thánh lễ Tạ ơn vì muôn muôn ngàn hồng ân Ngài đã tuôn đổ xuống trên con,đặc biệt là Thiên chức linh mục mà con vừa được nhận lãnh vào ngày 19.6 vừa qua. Dù không được diễm phúc sinh ra và lớn lên trên mảnh đất An Bằng thân yêu này, nhưng lòng con lúc nào cũng quay hướng về quê nội của mình, và con biết chắc rằng mọi người trong giáo xứ này cũng luôn nhớ đến con trong lời cầu nguyện, đặc biệt trong những ngày con sắp chịu chức. Niềm vui của con càng trọn vẹn và ý nghĩa hơn, khi hôm nay được sự hiện diện của quý cha cùng quý vị, để cùng con dâng lời tạ ơn Thiên Chúa,

Trong thánh lễ này, con xin dâng để cầu bằng an và hiệp nhất cho tất cả mọi người trong giáo xứ thân yêu của chúng ta, đặc biệt là ông bà tổ tiên của dòng họ Nguyễn mà Chúa đã thương gọi về, và cho tất cả bà con, ân nhân, thân nhân đã cách này cách khác giúp con bước lên Bàn Thánh hôm nay.

Thánh lễ được diễn ra trong bầu khí thật sốt sắng và đầy tràn xúc động, hầu hết Hội đồng hương tộc làng An Bằng đều là người lương nhưng cũng tham dự thánh lễ thật nghiêm trang. Bài đáp ca được lấy từ thánh vịnh thật phù hợp cho thánh tạ ơn hôm nay: “Đời đời con ca tụng tình thương của Chúa, con ca tụng tình thương của Chúa đời đời”. Nhất là khi được nghe bài chia sẽ của cha Giuse Cái Hồng Phượng quản xứ Xuân Thiên, một bài chia sẽ đầy ý nghĩa và cũng không kém phần xúc động. ( Bài chia sẽ này chúng tôi xin được đăng nguyên văn riêng ).

Cuối thánh lễ, ông Văn Đình Trung, chủ tịch HĐGX An Bằng đã thay mặt cộng đoàn giáo xứ An Bằng trong nước cũng như hải ngoại chúc mừng tân linh mục, là con cháu của giáo xứ đã được Chúa thương chọn gọi làm Linh mục, và hôm nay về lại giáo xứ là nơi cội nguồn quê cha đất tổ để dâng thánh lễ tạ ơn, và cầu nguyện cho ông bà cũng như cầu nguyện cho giáo xứ, cảm ơn quý cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ, Hội đồng hương tộc làng An Bằng đã hòa chung niềm vui với giáo xứ.

Trong vô vàn xúc động, tân linh mục cũng đã nói lời tri ân cha quản xứ, quý cha cựu quản xứ và quý cha đồng tế cùng toàn thể cộng đoàn.

Kết thúc thánh lễ là phép lành trọng thể do tân linh mục ban cho mọi thành phần dân Chúa tham dự thánh lễ trong niềm hân hoan của mọi người.

Vài dòng về Tân linh mục:

Tân linh mục Philipphê Nguyễn Bá Thông, sinh ra và lớn lên tại giáo xứ Lăng Cô, Tổng giáo phận Huế. Nhưng ông bà cha mẹ và tổ tiên đều sinh ra và lớn lên tại giáo xứ An Bằng. Ông cố của ngài trước đây là Câu họ ( như chủ tịch HĐGX ), ông nội ngài từng là lý trưởng làng An Bằng. Vì mưu cầu cuộc sống nên gia đình chuyển về sinh sống tại Lăng Cô, cách làng An Bằng chừng 20 km.

Người dân An Bằng dù đi bất cứ nơi đâu cũng luôn nhớ về Quê Cha Đất Tổ, luôn nhớ về nguồn cội, do đó người dân An Bằng có câu: “Ly Hương bất ly Tổ”. Với quan niệm ngàn đời của cha ông truyền lại, Tân linh mục Philipphê Nguyễn Bá Thông đã về giáo xứ An Bằng để dâng thánh lễ tạ ơn và dâng lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.

Giáo dân An Bằng bây giờ hầu hết đều có cuộc sống sung túc, nhưng cho dù những tháng năm nghèo khổ họ vẫn một lòng trung kiên giữ vững Đức tin, ông nội của của tân linh mục là Ông Câu họ đã bị Việt minh bắn chết tại nhà thờ An Bằng.

Chắc hẳn nhờ những vườn cây đức tin tươi tốt đó, chỉ trong vòng 10 năm nay, giáo xứ An Bằng đã có những Hoa thơm Quả ngọt được sinh ra: - Linh mục PhaoLô Trương Minh Tiên, Linh mục AnTôn Văn Đình Quang và cháu gọi bằng cậu ruột là linh mục Maccô Maria Lê Tiến Hóa hiện đang ở Mỹ, và bây giờ là Tân linh mục Philipphê Nguyễn Bá Thông. Ngoài ra, còn rất nhiều Nam Nữ tu sĩ.
 
Lễ Khấn Trọn Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:32 23/06/2010
NHA TRANG - Sáng 23.6.2010 Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám Mục Nha Trang đã chủ sự lễ Khấn Dòng. Cùng đồng tế có 70 linh mục trong và ngoài Giáo phận, lời cầu nguyện sốt mến của các tu sĩ nam nữ và đông đảo thân nhân ân nhân các tân khấn sinh.

Hình ảnh Lễ khấn dòng

Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang có thêm 19 Nữ Tu Khấn Trọn Đời. Các Nữ Tu dâng lên Thiên Chúa của lễ trọn một cuộc đời tận hiến cho tình yêu Mến Thánh Giá. Chúa Giêsu Kitô đã chọn Thánh Giá để yêu thương cho đến cùng. Tình yêu của Chúa đang tái diễn lại trên bàn thờ nhân ngày lễ khấn dòng của các Nữ Tu. Thánh Lễ chính là hy tế cứu độ của Chúa Kitô, cộng đoàn Dân Chúa hiệp lời cầu nguyện cho các tâm hồn đang khao khát nhân đức trọn lành được no lòng thoả dạ.

Khi tuyên khấn, người Nữ Tu muốn dâng hiến trọn đời mình cho Đức Kitô cả thể xác lẫn tâm hồn. Chúa Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí các Nữ Tu Mến Thánh Giá.

Đức Cha Giuse giảng lễ, suy niệm về sự đồng hành và sự tái sinh trong ơn thánh qua câu chuyện Tin mừng Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô và lời khấn dòng giúp Nữ Tu thuộc về Chúa Giêsu mãi mãi.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!

Chúng ta vừa hân hoan bộc lộ niềm vui mừng qua tràng pháo tay, bởi vì chúng ta muốn thật sự đồng hành với 19 nữ tu MTG Nha Trang trong ngày trọng đại hôm nay. Mà không phải chỉ đồng hành trong ngày hôm nay mà thôi, có thể nói chúng ta là con cái của Hội thánh, chúng ta là những người tín hữu, chúng ta hiểu ý nghĩa của việc tuyên khấn trọn đời dựa trên những gì mà Chúa Giêsu đã rao giảng, và Hội thánh đã cảm nghiệm và truyền lại cho chúng ta. Vì thế, sự đồng hành của chúng ta đối với những người chị em trong đời sống tu trì sẽ mãi mãi, bởi vì chị em sẽ tuyên khấn trọn đời thì sự đồng hành của chúng ta cũng sẽ trọn đời với chị em. Do đó, 19 chị em sẽ tuyên khấn trọn đời rất thân mến. Chúng con hãy yên tâm vì mọi người yêu thương quí trọng và cam kết đồng hành với chúng con.

Có thể nói, được tới ngày hôm nay, chúng con đã cảm nhận được sự đồng hành của Hội thánh, của Hội dòng, của các gia đình chúng con, của biết bao nhiêu giáo xứ và mọi người tín hữu cầu nguyện cho bậc sống tu trì, cầu nguyện cho các nữ tu MTG Nha Trang, cầu nguyện cho mỗi người trong chúng con. Tự nhiên, không những nghe lời Chúa hôm nay mà nhìn vào bước quyết liệt trong cuộc đời của chúng con sắp sửa tuyên khấn trọn đời, Cha nhớ lại câu chuyện gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô. Ông Nicôđêmô đến với Chúa Giêsu ban đêm và ông ước ao một điều thôi là làm sao để có thể vào được Nước Trời, thấy Nước Trời.

Chúa nói: muốn thấy Nước Trời, muốn vào Nước Trời thì “phải được tái sinh”, có nghĩa là sinh ra một lần nữa. Cụ già Nicôđêmô nghĩ trong lòng mình: “Chà, làm sao phải tái sinh, làm sao có thể sinh ra một lần nữa, già như tôi rồi, không lẽ chui vào bụng mẹ tôi để rồi sinh ra một lần nữa hay sao?”. Và Chúa đã nói với Nicôđêmô: “Này anh ơi, sao mà như thế, không ai có thể thấy được Nước Trời và bước vào Nước Trời nếu không được tái sinh và sự tái sinh này là bởi nước và Thánh Thần”.

Nicôđêmô lúc đó chưa hiểu được, nhưng rồi sau này ông sẽ hiểu và ông muốn hoàn toàn và trọn vẹn thuộc về Chúa, không những Nicôđêmô bước vào Nước Trời là nơi có Thiên Chúa, nơi có tình yêu của Thiên Chúa mà Nicôđêmô trở nên nhân chứng của Nước Trời. Vì thế, từ câu chuyện của ông Nicôđêmô, Cha muốn chia sẻ riêng với 19 chị em sẽ tuyên khấn trọn đời hôm nay. Và kính thưa quí Cha và anh chị em, như đã giới thiệu từ đầu; chúng ta đồng hành với 19 chị em này là những người thân, là con cái, những người có liên hệ mật thiết với chúng ta. Mà những người này không phải chỉ như Nicôđêmô xin thấy Nước Trời, xin bước vào Nước Trời, nhưng 19 người này bằng lời khấn trọn đời để làm chứng về Nước Trời. Không thể nào làm chứng nếu mình không thấy, nếu mình không có, nếu mình không xác tín. Mà cho tới ngày hôm nay 19 chị em đây dám dấn thân cả cuộc đời của mình có nghĩa là đã thấy Nước Trời, đã biết Nước Trời, và muốn làm chứng bằng đời sống dâng hiến của mình về Nước Trời, về sự sống đời sau.

Do đó, chúng con rất thân mến, câu nói của Chúa Giêsu năm xưa với ông Nicôđêmô sẽ hết sức ý nghĩa với chúng con ngày hôm nay: Muốn thấy Nước Trời, muốn bước vào Nước Trời, và nếu muốn làm chứng về Nước Trời phải được tái sinh, tái sinh trong nước và Thánh Thần. Điều đó mỗi người trong chúng con đây đã được sinh ra làm con trong một gia đình, trong một dòng tộc. Cha mẹ thương con mình hết sức, dòng tộc yêu quí miêu duệ của mình. Khi lớn lên trong giáo xứ, tự nhiên Ơn Chúa tuôn đổ vào trong tâm hồn mỗi người trong chúng con, như thấy rằng, càng lớn lên tôi muốn đi tu: - “thưa má, con xin đi tu!” - “Cái gì con, con đi tu hả? Muốn đi tu, tại sao vậy con?” - “Dạ tại con ngó thấy mấy soeur mặc áo đẹp quá” - “Con không thích mặc áo hồng, áo tím hay áo hoa hả con?” - “Dạ, con thích mặc áo đen”. Vậy thì do đâu?: “tại con ngó thấy như thế”. Ngay từ lúc đó, qua nhiều suy nghĩ, Cha nói thêm với chúng con, ngày hôm đó, chúng con bắt đầu rời khỏi gia đình của chúng con để chúng con trở thành “ngó sinh”. Một con người sinh ra một cách mới hơn, không ngó bên này, không ngó bên kia, mà ngó cái áo đen - “ngó sinh”. Rồi ngó xong tự nhiên thấy trong lòng mình sung sướng quá, bước vào trong Nhà Thử, chúng con trở thành “ứng sinh”, rồi qua các giai đoạn của việc huấn luyện: tuyển sinh, thử sinh, tập sinh, khấn sinh; rõ ràng như thế, và mỗi giai đoạn đó, chúng con luôn luôn thấy mình được đổi mới thêm một bước nữa. Cha mẹ, giáo xứ, quí Cha, những người quen biết chúng con, rõ ràng đồng hành từng bước đi của chúng con, từng bước trưởng thành của chúng con, từng bước chúng con được sinh ra, được lớn lên trong việc tái sinh mà Chúa Giêsu đã nói đối với những người có lòng tin yêu trong tương quan với Nước Trời. Những giai đoạn đó dầu bản thân mỗi người dấn thân từng tước từng bước, đặc biệt người cha người mẹ, khi đứa con rời khỏi gia đình của mình để bước vào cổng tu viện, lòng của người cha mẹ cũng tập tễnh đi tu. Khi nào ông có điều gì mà phải lên giọng với bà một chút thì bà nói: “Này ông ơi, con mình đi tu đó ông”. Ông tự nhiên: “À biết rồi, thôi thôi, bớt đi một chút”; hay là bà có điều gì, ông lại nhắc: “Này bà ơi, con mình đi tu đó bà”. Thế là người con đi tu nhưng cha mẹ rõ ràng đồng hành, rồi họ hàng đồng hành, giáo xứ đồng hành, từng bước đường, từng bước đường. Và ngày hôm nay sự hiện diện và biết bao nhiêu hiệp thông của những người vắng mặt trong ngày trọng đại của 19 chị em, chúng ta càng thấm thía sự hiệp thông tình yêu thương, sự gắn bó trong niềm tin và xác tín đối với những con người đáp trả lại lời mời gọi của Chúa Giêsu và Hội thánh để được tái sinh, hầu thấy Nước Trời, làm chứng về Nước Trời. Và khi đã mạnh dạn đáp trả lại như vậy thì Chúa Giêsu chắc hẳn đã mỉm cười với từng chị em, bởi vì Ngài nói với chị em rằng (cái này Cha chỉ tưởng tượng ra thôi nhé): “Này, đối với các Cha, các linh mục mới kết thúc năm Linh Mục thì Cha nói với từng linh mục: Cha chọn, Cha không còn coi con như người tôi tớ nữa nhưng coi là người bạn hữu của Cha, là người bạn đường, nếu là bạn hữu là người đồng bàn với nhau, chia sẻ thân phận với nhau, chia vui sẻ buồn với nhau, trở nên tâm phúc của nhau”. Và nếu nói với hàng linh mục như thế, thì ngày hôm nay nói riêng với từng người trong 19 chúng con. Hồi đó đến giờ là người tín hữu, là người ước ao được tái sinh và hôm nay là thời điểm lịch sử để Cha có thể nói với từng người trong chúng con: Chúng con không còn là một tín hữu bình thường nữa nhưng chúng con trở nên người bạn, mà bạn chưa đủ vì hàng linh mục là bạn rồi, chúng con là bạn trăm năm của Chúa Giêsu. Và nếu điều đó, xin phép các bậc phụ huynh, các anh chị em sống trong bậc sống gia đình, trong ngày thành hôn hay vu qui, người ta ưa chúc cho nhau, chúc cho nhau trăn năm hạnh phúc, đầu bạc răng long; còn người bạn đời của Chúa Giêsu, mãi mãi, không phải chỉ trăm năm mà trọn đời. Sự sống đời này có tới trăm năm hay hơn trăm năm đi nữa, không thể sánh được với sự sống đời đời. Chính vì thế, Chúa Giêsu nhìn mỗi người trong 19 chị em để thấy rằng đây là bạn đời đời của Chúa, người yêu của Chúa, người dám dấn thân trao phó cả cuộc đời cho Chúa, và Chúa sẽ nói rằng: Nè, nếu vậy thì, tốt nhé. Đi theo Chúa Giêsu, gia tài Chúa Giêsu không có quyền lực, không có của cải, không có danh vọng, không trở thành siêu sao, và Con Người không có chỗ gối đầu. Con người Giêsu Nadarét mà mọi người thấy, lịch sử thấy, đó là Giêsu gắn liền với cây Thánh giá. Đi tới đâu, nhìn vào Đức Giêsu cũng thấy Ngài gắn liền với Thánh giá, đó là gia tài của Ngài, đó là sản nghiệp của Ngài, đó là cái gì thiết thân nhất trong cuộc đời của Đức Giêsu. Vậy chọn Đức Giêsu là người bạn đời vĩnh viễn của mình, có thấy gia tài của Đức Giêsu như thế nào hay không? - Dạ thấy chứ, bởi vì cuộc đời của con là nhìn vào Đức Giêsu chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, là đối tượng duy nhất của cuộc đời con, con chọn Chúa Giêsu trên Thánh giá.

Thưa chị em rất thân mến, Hội thánh đồng hành với quyết định tuyệt vời của chị em. Hội thánh đồng hành từ lúc chịu phép Rửa tội, từ trong gia đình từ trong giáo xứ, không những ngày hôm nay và mãi mãi, bởi vì sự chọn lựa của chị em mang đến đời đời, mang đến vượt thời gian, vượt không gian, vì chị em chọn Đức Giêsu Kitô, chọn Thập giá của Đức Giêsu, mà có thể nói không có gì đẹp lòng Thiên Chúa cho bằng hình ảnh của Đức Giêsu trên Thánh giá, nơi đó Ngài đem lại sự bình an, nơi đó Ngài đem lại sự hiệp nhất. Nơi đó Ngài đem lại ơn tha tội. Nơi đó Ngài mở ra cánh cửa để mọi người có thể thấy Nước Trời, sự sống đời đời. Vì thế, chia sẻ tâm tình này để chúc mừng 19 chị em chúng con. Bây giờ dám gọi chúng con là con, chút nữa khấn xong đâu dám gọi như vậy nữa, “bạn đời đời của Chúa Kitô!” mà. Vì vậy, với tất cả lòng yêu mến, kính trọng, chắc chắn mọi người, từ Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ và các bậc phụ huynh tín hữu đồng hành trong giây phút chị em khấn trọn đời và trong suốt cuộc đời của chị em. Amen.

Tháng 6, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, mùa khấn dòng và phong chức khắp các giáo phận các hội dòng. Xin chung lời cầu nguyện cho 19 bông hoa tiến dâng cho Trái Tim Nhân Từ của Chúa. Hôm nay đã tươi đẹp, trong suốt quãng đời tương lai được mãi tươi, mãi đẹp, mãi tỏa hương nhân đức khoe sắc yêu thương.

Cầu chúc các tân khấn sinh gặt hái được hạnh phúc trong đời dâng hiến nhờ chiêm ngắm và đồng hành với Thánh Giá Chúa Giêsu hàng ngày.
 
Thánh Lễ Truyền Chức 18 Tân Linh Mục tại Giáo phận Xuân Lộc
Nguyêễn Quang Ngọc
19:57 23/06/2010
LONG KHÁNH - Trong niềm vui chung của toàn thể dân Chúa Giáo Phận Xuân Lộc, sáng nay thứ tư ngày 23 tháng 06 năm 2010 tại Nhà Thờ Chính Tòa Xuân Lộc Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh Giám Mục Xuân Lộc đã truyền chức Linh mục cho 18 Thầy Phó tế sau đây:

Hình ảnh lễ truyền chức

1. Đaminh Quách Duy Hợp
2. Giuse Bùi Duy Nghiên
3. Đaminh Trần Công Huynh
4. Giuse Phạm Hoài Vũ
5. Giuse Vũ Văn Khải
6. Gioan Đào Xuân Trực
7. Giuse Đoàn Xuân Linh
8. Giuse Lê Trọng Tiến
9. Giuse Phạm Thiên Hồng Phước
10. Phaolô Đoàn Thanh Phong
11. Phêrô Nguyễn Quang Khương
12. Phêrô Phạm Quốc Thuần
13. Giuse Trần Minh
14. Giuse Phạm Hoàng Minh
15. Giuse Phạm Hoàng Vương
16. Phêrô Nguyễn Văn Thanh
17. Phaolô Đinh Châu Khâm
18. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Lắm

Trong Thánh Lễ hôm nay, có sự hiện diện của Đức Cha Phụ Tá Tôma Vũ Đình Hiệu, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng Giám Mục Phát Diệm, Đức Ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú, Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, Cha Đaminh Ngô Công Xứ Chánh xứ Nhà Thờ Chính Tòa Xuân Lộc, kiêm Hạt Trưởng Hạt Xuân Lộc, Quý Cha Quản Hạt, Quý Cha trong và ngoài Giáo Phận, Quý Tu Sĩ nam nữ, Chủng sinh, Quý khách, Quý ân nhân, thân nhân cùng toàn thể Cộng đoàn dân Chúa trong Giáo Phận Xuân Lộc đến hiệp dâng Thánh Lễ trong ngày vui mừng của toàn Giáo Phận.

Thánh Lễ diễn ra thật long trọng và sốt sắng với lời mở đầu của Đức Cha Đaminh:

Cộng đoàn phụng vụ rất thân mến, hôm nay chúng ta họp nhau nơi đây dâng Thánh Lễ cùng với Giáo Phận và các Tân chức, tạ ơn Chúa vì hồng ân Chúa đã ban cho Giáo Phận và cho các Tân chức để các Ngài được lên Linh mục của Chúa, để đem Chúa đến cho mọi người và đem mọi người về với Chúa. Trong tâm tình cảm tạ đó, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các Tân chức, lãnh nhận ơn Chúa và trung thành với ơn được lãnh nhận, chu toàn nhiệm vụ Chúa đã trao phó cho, để Chúa được vinh danh và các linh hồn được nhờ. Trong dịp này, chúng ta cũng đặc biệt cầu nguyện cho các bà cố, ông cố đã quảng đại hiến dâng con mình cho Chúa, cầu nguyện cho tất cả những người đã tham dự, giúp đỡ để các Tân chức có ngày hôm nay, và cũng cầu nguyện cho chính chúng ta, được sẵn sàng đón nhận ơn của Chúa qua bàn tay của các Linh mục.

Sau bài Phúc Âm là nghi thức Phong Chức Linh Mục. Nghi thức gồm 3 phần:

Phần 1: Các nghi thức chuẩn bị.
Phần 2: Nghi thức chính yếu.
Phần 3: Các nghi thức dẫn giải.

Kế tiếp, Đức Giám Mục huấn dụ Cộng đoàn và các Tiến chức:

Anh chị em thân mến, vì những Thầy này là con cái chúng tôi và là thân nhân bạn hữu của anh chị em sắp được cất nhắc lên chức Linh mục, xin anh chị em hãy chú ý nhận định xem các Thầy sắp lãnh nhận thừa tác vụ nào trong Hội Thánh.

Thật ra, toàn thể dân thánh Chúa đều thực hiện chức tư tế vương giả trong Đức Kitô. Tuy nhiên, chính Vị Thượng Tế chúng ta là Đức Giêsu Kitô, đã chọn một số môn đệ để nhân danh Người chính thức thi hành nhiệm vụ tư tế trong Hội thánh thay cho nhân loại. Vì được Chúa Cha sai đi, chính Người đã sai các Tông đồ đi khắp thế gian, để nhờ các Ngài và những Giám mục kế vị các ngài, mà luôn luôn hoàn tất nhiệm vụ là Thầy, là Tư tế và Mục tử. Còn các Linh mục là những người được kêu mời hợp tác với hàng Giám mục trong nhiệm vụ Tư tế để phục vụ dân Thiên Chúa, trờ thành cộng tác viên của hàng Giám mục.

Sau khi cân nhắc cẩn thận, chúng tôi thấy những anh em này đáng được phong lên chức Linh mục, để phục vụ Chúa Kitô là Thầy, là Tư tế, là Mục Tử và là Đấng làm cho Hội thánh, Nhiệm thể Người được thành hình và phát triển, để trở nên dân Thiên Chúa và Đền Thánh. Vì phải nên giống Đức Kitô Vị Thượng Tế muôn đời, phải liên kết với chức tư tế của Giám mục, các Thầy sẽ được thánh hiến thành tư tế thật sự của Tân ước, để rao giảng Phúc âm, chăn dắt dân Thiên Chúa và cử hành việc phụng tự, nhất là trong Thánh Lễ.

Các con thân mến! Các con sắp lên chức Linh mục, các con sẽ thi hành nhiệm vụ giảng huấn trong Chúa Kitô là Thầy chúng ta. Các con đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, các con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm luật Chúa, các con hãy chú tâm tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy. Vậy giáo lý các con phải nên lương thực nuôi dân Thiên Chúa, hương thơm đời sống các con phải nên niềm vui cho các tín hữu Đức Kitô, để lời nói và gương lành của các con xây dựng Nhà Thiên Chúa là Hội thánh. Các con cũng phải thi hành nhiệm vụ thánh hóa trong Đức Kitô, vì chưng thừa tác vụ các con sẽ giúp hoàn thành lễ tế thiêng liêng của tín hữu, hiệp cùng lễ tế của Đức Kitô mà tay các con dâng tiến khi cử hành lễ tế trên bàn thờ. Vậy các con phải ý thức việc các con làm, phải noi theo điều các con thực hiện, nghĩa là khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại, các con cố gắng chế ngự thân xác khỏi nết xấu và tiến bước trong đời sống mới.

Khi rửa tội quy tụ người ta vào dân Thiên Chúa, khi nhân danh Đức Kitô và Hội thánh ban phép Giải tội, khi xức Dầu thánh nâng đỡ bệnh nhân, khi cử hành các nghi lễ thánh, khi dâng lời ca ngợi tạ ơn và cầu nguyện trong các giờ kinh phụng vụ, không những thay cho dân Thiên Chúa mà còn thay cho toàn thế giới: những khi ấy, các con hãy nhớ mình được tuyển chọn giữa loài người, và được nhắc lên thay thế họ để lo những việc thuộc về Thiên Chúa. Vậy các con hãy luôn luôn vui vẻ chu toàn nhiệm của Đức Kitô Thượng tế trong đức mến chân thật, không tìm kiếm những gì thuộc về mình, nhưng tìm kiếm những gì thuộc về Đức Giêsu Kitô.

Sau hết, khi các con liên kết và vâng phục Giám mục thi hành nhiệm vụ thủ lãnh và Mục tử của Đức Kitô, các con hãy cố gắng quy tụ các tín hữu thành một gia đình, để các con có thể hướng dẫn họ đến với Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Các con hãy luôn luôn ngắm nhìn gương sáng của Mục Tử tốt lành: “Người không đến để được phục vụ, Người đến để tìm kiếm và cứu rỗi kẻ hư mất”.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha Đaminh Quản Hạt Xuân Lộc, Chánh xứ Giáo xứ Chính tòa, trưởng ban tổ chức thay mặt các Tân chức có đôi lời cảm tạ Quý Đức Cha và Cộng đoàn.

Cuối Thánh Lễ, các Tân chức Linh mục chụp hình lưu niệm với Quý Đức Cha, Quý Đức Ông, cùng với Quý Cha liên hệ và gia đình ở đầu Nhà Thờ.

Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho các Tân Linh mục được vững bước trên con đường mới.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Việt Nam thắt chặt kiểm duyệt internet
Tiền Hô
09:26 23/06/2010
Hà Nội (AsiaNews) - Internet đang bị kiểm duyệt chặt chẽ hơn tại Việt Nam. Trong những ngày gần đây, giới sinh viên và thanh niên đã phản ánh rằng, chính quyền nước này đã chặn một phần hoặc toàn bộ khi truy cập vào các trang web như Facebook, BBC tiếng Việt và các trang truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại.

Xin xem văn bản Qui định về sử dụng interent

"Nhiều trang web viết về dân chủ, tự do, công lý và hòa bình không thể truy cập được", một người Công giáo ở Hà Nội nói với AsiaNews.

Hiện nay, Việt Nam có 24 triệu người dùng internet. Khoảng 90% sinh viên tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng World Wide Web để nghiên cứu, học tập. Hơn 60% giới thanh niên và trung niên sử dụng internet tại nhà hoặc tại những tiệm internet công cộng.

Một số cửa hàng đã thêm dịch vụ truy cập internet để gia tăng kinh doanh. Tháng trước, chính quyền buộc phải cài đặt phần mềm đặc biệt để theo dõi hoạt động của người sử dụng internet trong khoảng thời gian 30 ngày gần nhất.

Trong các cuộc phỏng vấn thì các cán bộ, giáo sư, phóng viên, nhà xã hội hội học và thậm chí cả các nhà giáo dục làm việc trong chính phủ đều nói: "Ở Việt Nam, chúng tôi chưa có quyền tự do ngôn luận hay tự do thông tin. Những người cấp tiến chẳng bao giờ có thể hy vọng hoặc cố gắng truy cập vào các chủ đề nhạy cảm để được sống yên ổn".

Dorothy Chou - một nhà phân tích chính sách ở Google - gần đây đã quan sát các quy định mới về internet của chính phủ Việt Nam. Cô thấy rằng, chính quyền Việt Nam hiện nay đang có công cụ để "chặn việc truy cập vào các trang web, cũng như để theo dõi hoạt động của người dùng".

Bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam thì nói, "Ngày 26 tháng 4 năm 2010, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã thực hiện quyết định số 15/2010/QD-UBND về "Nguyên tắc về quản lý dịch vụ internet của các đại lý internet tại thành phố Hà Nội".

Nhưng bà cũng nói rằng "Việt Nam tôn trọng quyền được thông tin, truyền thông và tự do ngôn luận, nhưng cũng phải theo pháp luật của Việt Nam. Những ai nghĩ rằng chính phủ Việt Nam đe dọa tự do tư tưởng là không có cơ sở hợp lý".

Tại thành phố Hồ Chí Minh, một người đã nói với AsiaNews rằng "chính quyền địa phương ngăn chặn tất cả các trang web "không lành mạnh". Họ cho rằng, các đại lý internet phải cài đặt chương trình đối phó với các trò chơi bạo lực vì trẻ em và thanh thiếu niên dành hết thời gian và tiền bạc vào chúng. Họ đang sống trong một thế giới ảo mà không có quan hệ với gia đình và cộng đồng".

Một người quản lý tiệm internet tại thủ đô nói rằng, kể từ khi người dân không thể truy cập các trang web thảo luận về dân chủ, tự do, công lý và hòa bình, "để kiếm tiền thì tôi phải cài đặt thêm các các trò chơi bạo lực và gian dối".

(Nguồn: AsiaNews)
 
Văn Hóa
Cát Bụi Trầm Tư
Trầm Thiên Thu
20:36 23/06/2010
Khi nào tư tưởng chín muồi

Thì thân xác sắp rã rời còn đâu!

Cuộc đời nào có là bao

Loanh quanh mới sáng mà chiều xuống nhanh

Danh chưa toại, công chưa thành

Mà không lâu nữa sẽ xanh nấm mồ

Cát bụi bất chợt trầm tư

Vẫn ray rứt những ước mơ không thành

Con là lau sậy mỏng manh

Muốn nhiều mà vẫn chịu đành bó tay!

Con xin tín thác cho Ngài

Chúa là Cứu Cánh cuộc đời nhân sinh

Trầm tư cát bụi chân thành

Xin Ngài thương xót chút tình, Chúa ơi!