Ngày 27-06-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Noi gương hai thánh Phêrô và Phalô tông đồ
Lm. Đan Vinh
06:50 27/06/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

Cv 12,1-11 ; 2 Tm 4,6-8.17-18 ; Mt 16,13-19

NOI GƯƠNG HAI THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG:

(c 13) Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói con Người là ai?” (c 14) Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. (c 15) Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c 16) Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (c 17) Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (c 18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (c 19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.

2. Ý CHÍNH: HỘI THÁNH ĐƯỢC XÂY TRÊN ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN CỦA PHÊRÔ.

Sau khi Simon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng định Người là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (c 15-16), ông đã được khen là có phúc (c 17), được đổi tên thành Phêrô và được hứa xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng, tiên báo Hội Thánh ấy sẽ trường tồn, bất chấp ma quỷ chống phá (c 18). Sau cùng Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cởi (c 19).

3. HỎI ĐÁP VÀ CHÚ THÍCH:

HỎI 1: Khi thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống”, phải chăng Tông đồ Simon có ý nói về bản tính Thiên Chúa của Người?

ĐÁP:

Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phêrô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ông nói. Ông chỉ muốn giải thích ý nghĩa của tước hiệu Đấng Kitô, theo lời ngôn sứ Nathan tuyên sấm về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít như sau: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7,12-14). Lời ấy đã không ứng nghiệm nơi vua Salômon. Từ đó, dân Do thái hằng trông mong Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua Đavít sẽ đến. Về sau, trong cuộc khải hoàn vào Giêrusalem, Đức Giêsu cũng được dân chúng ca tụng bằng tước hiệu “Con Vua Đavít” này (x. Mt 21,9). Khi tuyên xưng tước hiệu “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phêrô chưa hiểu ý nghĩa lời ông nói. Sau đó, Đức Giêsu đã cho biết ý nghĩa tước hiệu này nói về bản tính Thiên Chúa, khi khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha thương mặc khải sự thật ấy (x Mt 16,17).

HỎI 2: Tại sao Đức Giêsu đổi tên Simon thành Phêrô? Việc đổi tên chính xác xảy ra vào lúc nào: Khi vừa gặp mặt (x Ga 1,42), khi thành lập Nhóm Mười Hai (x Mc 3,16; Lc 6,14) hay sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin (x Mt 16,18)?

ĐÁP:

Có thể Đức Giêsu đã đặt tên Phêrô cho Simon khi vừa gặp mặt (x. Ga 1,42), hay khi thành lập Nhóm Mười Hai (x. Mc 3,16; Lc 6,14). Tuy nhiên có lẽ việc đổi tên xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin của Simon là hợp lý nhất (x. Mt 16,18), vì sau khi đổi tên, Đức Giêsu đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông trong Hội Thánh: Đức tin của Phêrô vào Đức Giêsu chính là tảng đá vững chắc mà trên đó Chúa xây dựng Hội Thánh. Ngoài ra Đức Giêsu còn trao tối thượng quyền để cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Ngưới cũng cho Phêrô đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2), và hứa sẽ cầu nguyện để ông kiên vững đức tin, hầu củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng, Chúa còn trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh cho ông (x.Ga 21,15-17).

HỎI 3: Một số người cho rằng: Simon Phêrô là một người đầy khuyết điểm và đã từng phạm tội chối Thầy ba lần, thì làm sao xứng đáng lãnh đạo Hội Thánh và thi hành quyền cầm buộc và tháo cởi được?

ĐÁP:

Từ ngày được Đức Giêsu gọi đi theo làm môn đệ, Simon đã phạm nhiều sai lầm. Chẳng hạn: Ông bị Thầy quở trách vì đã suy nghĩ theo kiểu khôn ngoan của loài người (x. Mt 16,23); Bị trách là kẻ hèn tin khi đang đi trên mặt nước (x. Mt 14,31); Bị Thầy đe không cho dự phần với Thầy, vì đã từ chối được rửa chân (x. Ga 13,8-10); Nhất la quá tự tin nên đã hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước (x. Mc 14,30.66-72).

Nhưng Simon Phêrô cũng có những ưu điểm xứng đáng được Đức Giêsu tín nhiệm trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Chẳng hạn: tại thành Xêdarê Philípphê, ông đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nên đã được đổi tên thành Phêrô, và được trao quyền tối thượng cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Có lần ông được Đức Giêsu hứa sẽ cầu nguyện cho để luôn kiên vững đức tin, và trao sứ mệnh củng cố đức tin cho anh em (x. Lc 22,32). Phêrô cũng rất nhiệt tình, thường đại diện anh em trả lời những vấn nạn của Thầy (x. Lc 5,3-10), đại diện Nhóm 12 tuyên xưng đức tin vào lời Chúa dạy về Bánh Thánh Thể, đang khi nhiều môn đệ khác chán nản rút lui (x. Ga 6,68). Nhờ kiên vững đức tin, nên ông đã được Đức Giêsu đặt đứng đầu Nhóm Mười Hai (x. Mt 10,2), được đi trên mặt nước (x Mt 14,28-32), trở thành một trong ba môn đệ thân tín nhất được chứng kiến cuộc hiển dung của Người (x. Mt 17,1), phép lạ bé gái đã chết được sống lại (x. Mt 5,37), và nhất là chứng kiến Thầy hấp hối trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26,37).

Tuy có lần sa ngã phạm tội, nhưng Phêrô đã lập tức sám hối (x. Mt 26,69-75). Nhờ yêu Chúa nhiều hơn anh em, nên ông đã được Người tha thứ và còn trao nhiệm vụ lãnh đạo đoàn chiên (x. Ga 21,15-17). Chính lòng yêu mến Đức Giêsu đã thúc bách Phêrô chạy thi với Gioan ra mồ và đã sớm tin Thầy sống lại (x. Ga 20,1-9). Phêrô cũng được Chúa Phục Sinh hiện ra (x. Lc 24,34), được cùng anh em lãnh nhận ơn Thánh Thần và đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (x. Cv 2,14-36), chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 9,33-35.40-41), chủ tọa công nghị Giêrusalem năm 49 (x. Cv 15,5-29). Cuối cùng ông đã can đảm trở lại thành Rôma để bị bắt và chịu khổ hình thập giá thời hoàng đế Nêrô (năm 64-67). Cái chết của Phêrô chứng tỏ lòng mến Chúa, và nêu gương đức tin vững chắc như đá tảng, để các tín hữu chúng ta noi theo.

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).

2. CÂU CHUYỆN: PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊSU?

Ngày xưa, một vị vua nước Hy Lạp tổ chức một cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật: các nghệ nhân sẽ tạc tượng hoặc làm tranh tượng chân dung của nhà vua. Vua hứa sẽ ban thưởng lớn cho những tác phẩm nào giống ngài nhất. Nghe thông báo, các nghệ nhân từ khắp các nước đã ùn ùn đến Hy Lạp để xin ứng thí. Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ kim hoàn vàng bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập thì mang theo đồ nghề đục đẽo đá quý và một khối cẩm thập rất đẹp. Ai cũng quyết tâm dành giải thưởng. Riêng nghệ nhân nước chủ nhà Hy Lạp chỉ đến ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh bóng đơn giản.

Mỗi đoàn dự thi được ban tổ chức bố trí ở và làm việc tại một phòng trong khu vực hoàng cung. Tới ngày thi, nhà vua ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác phẩm trong thời gian một tuần lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt tay vào việc. Họ đục đẽo, chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung của nhà vua Hy Lạp cho giống như người thật. Khi một tuần trôi qua, nhà vua truyền đem các tác phẩm đến trưng bày tại một đại sảnh lớn trong hoàng cung để nhà vua và bá quan trong triều đến chấm điểm. Khi thấy những tác phẩm dự thi họa lại chân dung của mình do các nghệ nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước khác sáng tác. Nhà vua hết sức hài lòng. Theo ngài thì mỗi bức tượng, tranh tượng phù điêu đều có những đường nét tinh vi sắc sảo, nhìn thấy giống hệt khuôn mặt của ngài. Các tác phẩm ấy được tạc vẽ từ đất nung, từ đá cẩm thạch, hay các loại vàng bạc quý kim khác. Cuối cùng khi đến chỗ trưng bày tác phẩm của các nghệ nhân Hy Lạp thì ngài lấy làm ngạc nhiên vì không thấy bất cứ bức tượng hay tranh tượng nào, mà chỉ thấy một phiến đá cẩm thạch trắng, được các nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua liền hỏi xem tác phẩm đâu, thì một người đưa ngài đến đứng trước phiến đá và chỉ vào chân dung của ngài hiện ra trong đó. Nhìn thấy hình ảnh trung thực của mình, nhà vua đã hiểu ra và hết sức cảm động. Ngài nhận xét các bức tranh hay tượng khác, dù có giống ngài nhưng chúng không sống động và trung thực như hình ảnh được phản chiếu từ chính con người thật của ngài. Nhà vua đã chấm cho tác phẩm của đoàn nghệ thuật Hy Lạp hạng nhất. Còn các tác phẩm khác cũng được xếp hạng và đều có phần thưởng tương xứng với giá trị của chúng. Sau đó, tất cả các tác phẩm đều được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho dân chúng được tự do chiêm ngưỡng.

3. THẢO LUẬN: Đối với bạn, Đức Giêsu là ai? Người là một vị ngôn sứ, nên ta có thể xin Người cầu bầu cùng Chúa cho ta; hay là một thần tượng để ta thán phục; hay chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, để ta tin và sẵn sàng bỏ mọi sự mà đi theo làm môn đệ Người, sẵn sàng vác thập giá là những đau khổ phải chịu để kết hiệp với Người cứu rỗi tha nhân?

4. SUY NIỆM:

1. SO SÁNH GIỮA HAI TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ:

a) Về sự giống nhau:

- Về đức khiêm nhường và thành tâm sám hối: Cả hai vị đều là những người yếu đuối và tội lỗi nhưng đã biết khiêm nhường và hoán cải. Tông đồ Phêrô đã chối Thầy ba lần, nhưng đã hết lòng ăn năn và trung thành với Thầy đến chết. Tông đồ Phaolô đã quyết tâm tiêu diệt Hội Thánh ngay từ khi còn phôi thai, nhưng khi đã trở lại, đã hiến dâng cả đời để loan báo Tin Mừng, làm cho Hội Thánh được lan rộng đi khắp thế giới, bất chấp đói khát, hiểm nguy, tù đầy, kể cả cái chết.

- Về đức tin vào Chúa Giêsu là Đức Kitô và là Con Thiên Chúa: Trong khi những người Do Thái đồng thời đang mong chờ một Đấng Messia thế tục, đến để giải phóng họ khỏi ách nô lệ cho ngoại bang, còn hai vị Tông đồ đã nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng Kitô của Thiên Chúa sai đến. Tông đồ Phêrô là người đầu tiên đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16 ). Còn Tông đồ Phaolô luôn gọi Thầy Giêsu là “Chúa” hay là “Đức Kitô”, hay là “Con Thiên Chúa” (x. 1 Ts 1,10; Rm 5,10; 8,3; 2 Cr 1,19).

- Về lòng yêu mến Chúa và Hội Thánh: Sau khi đã trở lại, hai vị đã hoàn toàn quên mình và hiến trọn đời cho Chúa. Cả cuộc đời còn lại của Tông đồ Phaolô được tóm tắt như sau: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, nhưng là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Ngài khuyên chúng ta: “dù anh em ăn, uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Còn Tông đồ Phêrô thì nhắc nhở chúng ta: “Hãy tôn thờ Ðức Kitô là Chúa trong lòng anh em, và luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ người nào hỏi anh em về lý do của niềm hy vọng nơi anh em” (1 Pr 3,15), và “vì chính Ðức Kitô đã chịu đau khổ trong thân xác, nên anh em cũng hãy tự trang bị bằng cùng một tâm tưởng ấy, vì ai chịu đau khổ về thể xác thì ngừng phạm tội, để thời gian còn lại trong thân xác, người ấy không còn sống theo những tình dục con người, nhưng theo thánh ý của Thiên Chúa” (1 Pr 4,1-2). Cả hai vị đã nêu gương hy sinh mạng sống cho Chúa và cho Hội Thánh.

b) Khác nhau về ơn gọi và sứ vụ:

- Tông đồ Phêrô: được gọi ngay từ khi Đức Giêsu mới ra giảng đạo, đang khi tông đồ Phaolô được gọi sau khi Chúa đã về trời. Tông đồ Phêrô là một trong những người được gọi trước hết và được Đức Giêsu trao nhiệm vụ lãnh đạo Hội Thánh (x. Mt 6,19) và nâng đỡ các anh em khác (x. Lc 22,32 ).

- Tông đồ Phaolô: được Chúa gọi sau cùng sau khi Người đã tử nạn và phục sinh và Phaolô được trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.

Việc Chúa chọn hai vị tông đồ Phêrô và Phaolô cho thấy Thiên Chúa thật mầu nhiệm và quyền năng vô biên trong việc biến đổi những người tầm thường hoặc cứng đầu nhất trở thành những tông đồ nhiệt thành của Người nếu họ thành tâm đón nhận ân sủng của Người.

2. BÀI HỌC TỪ HAI THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ:

a) Học tập gương nhân đức của các ngài: Thánh Phaolô đã dạy các tín hữu noi gương bắt chước ngài như ngài đã bắt chước Đức Kitô (x.1 Cr 4,16; 11,1). Còn thánh Phêrô thì khuyên các mục tử: “Ðừng thi thố quyền hành, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,3).

- Gương khiêm nhường: Khi chịu kết án tử hình, thánh Phêrô đã xin được đóng đinh ngược vì thấy mình không xứng đáng chịu đóng đinh giống như Thầy là Đức Giêsu. Còn thánh Phaolô thì công khai nhận mình là “một tên phạm thượng, khủng bố và ngạo mạn.” Ngài cũng khiêm tốn coi mình chỉ là “một đứa bé sinh non, là người bé nhỏ nhất trong số các Tông đồ, không đáng được gọi là Tông đồ” (x. 1 Cr 15,8-9). Thánh Phêrô khuyên các tín hữu chúng ta: “Tất cả anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường trong cách đối xử với nhau, vì ‘Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.’” (1 Pr 5,5). Thánh Phaolô thì nói: “Nếu tôi phải khoe khoang, thì tôi sẽ khoe về những gì liên quan đến sự yếu đuối của tôi” (2 Cr 11,30).

- Gương nhẫn nhịn chịu đựng nhau và xây dựng tình hiệp thông huynh đệ: Tuy có nhiều kiến thức hơn Phêrô, nhưng thánh Phaolô đã đến ở với Phêrô 15 ngày để học cùng Phêrô những gì Phêrô đã học từ Đức Kitô (x. Gal 1,18). Ngài khuyên chúng ta: “Ðừng làm gì vì ganh tị hay hư danh, nhưng trong tinh thần khiêm nhường, mỗi người hãy coi người khác là hơn mình” (Phil 2,3). Còn thánh Phêrô khi bị Phaolô chỉ trích công khai, đã giữ thái độ bình thản không tranh cãi (x. Gal 2,11-14). Dù có những bất đồng ý kiến, nhưng các ngài luôn thể hiện sự hiệp thông: Thánh Phêrô đã cùng với Giacôbê và Gioan bắt tay Phaolô (x. Galat 2,9-10). Còn thánh Phaolô thì tổ chức quyên góp tiền gửi về giúp giáo đoàn Giêrusalem.

- Gương can đảm làm chứng cho Đức Kitô: Thánh Phêrô đã đứng trước Công Nghị Do thái tuyên bố: “Chúng tôi không thể không nói ra những gì chúng tôi đã nghe, và đã thấy.” (Cv 4,19-20). Còn thánh Phaolô thì nêu gương “chịu đựng trong gian khổ, cùng quẫn, lo âu, đòn đánh, tù ngục, lao nhọc, đói khát” (x. 2 Cr 6,4-5), để giữ vững đức tin (x. 2 Tm 4,7).

b) Sống và loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay?:

- Tội lỗi của thế giới hôm nay: Cũng như thời các Tông đồ, con người ngày nay đang tôn thờ ngẫu tượng là tiền tài, danh vọng và những thú vui xác thịt. Họ đang “theo những dục vọng của lòng họ, theo những điều ô uế, để họ cùng nhau làm nhục thân thể của họ. Họ đã đổi chân lý của Thiên Chúa để lấy sự giả trá. Họ đã tôn kính và thờ phượng những loài thụ tạo, thay vì Ðấng Tạo Hoá” (Rm 1,24-25). Họ cũng “theo dục tình đồi bại. Phụ nữ của họ đã đổi những liên hệ tự nhiên lấy những liên hệ trái tự nhiên. Ðàn ông cũng thế, bỏ liên hệ tự nhiên với phụ nữ để nôn nao thèm muốn lẫn nhau. Ðàn ông làm việc tồi bại với đàn ông” (Rom 1,26-27). Họ đang tìm cách đạp đổ gia đình là nền tảng của xã hội bằng cách gán cho nó một định nghĩa mới. Họ đang nhân danh “quyền chọn lựa của phụ nữ” để phá thai, giết hại hàng triêu thai nhi mỗi năm. Không những thế họ còn muốn dạy những điều này cho trẻ em, và thay đổi luật pháp để biến những điều này thành những quyền căn bản, hầu bịt miệng những ai muốn vạch rõ chân lý.

- Loan báo Tin Mừng là can đảm chống lại nền văn hóa sự chết: Là Kitô hữu chúng ta có nhiệm vụ đoàn kết với nhau và đoàn kết với các tổ chức tốt khác chống lại “nền văn hoá sự chết này” dù phải chịu mọi thiệt thòi hay phải chết như các Tông đồ khi xưa.

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊSU. Chúng con cũng muốn được góp phần xây dựng Hội Thánh. Nhưng muốn làm được như vậy, chúng con phải có đức tin mạnh mẽ như hai thánh Phêrô và Phaolô. Xin Chúa cho chúng con trở thành những viên đá đức tin sống động vững chắc, làm thành nền móng xây nên tòa nhà Hội Thánh như thánh Phêrô. Xin Chúa hãy giúp chúng con tránh những lời nói khó ưa, những hành động vụ lợi ích kỷ, để sống bác ái hiệp thông với nhau như thánh Phaolô. Xin giúp chúng con loại bỏ những đam mê bất chính và các thói hư tật xấu, loại bỏ tính háo danh, thói ưa châm chọc chỉ trích kẻ khác, những tư tưởng tự mãn và hẹp hòi... Nhờ đó, chúng con có thể trở thành chứng nhân hữu hiệu của Chúa giữa xã hội Việt Nam hôm nay.

- LẠY CHÚA. Tòa nhà Hội Thánh sau hai ngàn năm đến nay vẫn còn đang được xây dựng dang dở. Xin Chúa giúp mỗi người tín hữu chúng con tích cực góp phần xây dựng để ngôi nhà Hội Thánh sớm được hoàn thành. Xin cho chùng con luôn sống yêu thương hòa thuận để gia đình và Giáo Xứ chúng con trở thành một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất và bình an. Nhờ đó nhiều người sẽ nhận biết tin thờ Chúa và sau này cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Hai tên gọi cùng được đổi mới : Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
08:26 27/06/2016
HAI TÊN GỌI CÙNG ĐƯỢC ĐỔI MỚI

Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô

Giáo Hội mừng kính hai Thánh Tông đồ, hai cột trụ Giáo Hội cùng chung một ngày. Hai con người khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng có rất nhiều cái chung.Cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô. Cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô. Cùng chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó. Và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẻ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đã đưa hai Ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn. Cùng trở thành nền móng xây toà nhà Giáo Hội. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo. Hai Thánh Tông Đồ được Giáo Hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6.

Phêrô và Phaolô, hai con người khác biệt lại có những điểm tương đồng lạ lùng.Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng để tất cả được nên một ở trong Người. Thánh Phêrô, trước đây hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa, về sau yêu Chúa nồng nàn thiết tha. Thánh Phaolô, trước kia ghét Chúa thậm tệ, sau này yêu Chúa trên hết mọi sự. Trước kia hai vị rất khác biệt, bây giờ cả hai nên một trong tình yêu Chúa.

1. Hai tên gọi cùng được đổi mới.

Theo cách dùngThánh Kinh, tên không những chỉ là danh xưng dùng để gọi một người mà còn là hiện thân của một người (x.Từ điển Công Giáo phổ thông).Tên gọi nói lên một sứ mạng. Tên mới biểu tượng một thân phận mới một bản chất mới. Ađam đặt tên cho mọi giống vật và đặt tên cho vợ: “Ngươi sẽ gọi tên vợ là Eva, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3,20). Abram được đổi tên để nhận lấy một sứ mạng cao cả: “Tên ngươi không còn là Abram nữa, mà là Abraham…Sarai, vợ ngươi, sẽ không còn là Sarai nữa. Song tên nó là Sara. Bởi Sara, ngươi có một người con trai, ngươi sẽ đặt tên cho nó là Isaac” (St 17,5-20). Tổ phụ Giacop được đổi tên là Israel: “Người đó hỏi ông: "Tên ngươi là gì? " Ông đáp: "Tên tôi là Giacop." Người đó nói: "Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacop nữa, nhưng là Israel, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng." (St 32,28-29).Theo lời Sứ thần Gabriel, Đức Maria đặt tên cho con là Giêsu. Ông Giacaria đặt tên cho con trai là Gioan.

Khi Anrê dẫn em trai là Simon đến gặp Chúa Giêsu, Người nhìn Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô) (Ga 1,42). Chúa xây dựng Giáo Hội trên Đá Tảng Phêrô: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá. Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Chúa còn trao chìa khoá Nước trời cho Phêrô.

Saolô là một biệt phái nhiệt thành. Trên đường đến Đamát, thình linh một luồng sáng từ trời bao tỏa lấy Saolô. Ông ngã xuống đất và nghe một giọng nói với ông: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Saolô hỏi: “Ngài là ai?” Và có tiếng trả lời “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,1-5). Saolô đã bị mù lòa. Ông làm những gì được chỉ bảo. Ba ngày sau, ông Annanias đến, đặt tay trên Saolô và ngay lập tức có cái vảy bong ra khỏi mắt và ông được sáng. Ông đứng dậy và chịu phép rửa (Cv 9,6-18). Từ đó, Chúa Giêsu biến đổi Saolô thành một Tông đồ dân ngoại. Kể từ chương 13 sách CVTĐ, Saolô có tên mới là Phaolô.

Đặt tên cho một người là định hướng cuộc đời người ấy theo tên gọi. Từ đó có một chương trình trong sự quan tâm trìu mến của người đặt tên. Tên Giêsu là sứ mạng của Người (Mt 1,21) nghĩa là cứu độ (Cv 14,3), cứu thoát (Cv 4,12), đem lại sự sống siêu nhiên cách viên mãn (Col 3,17). Ai cầu nguyện nhân danh Đức Giêsu, theo ý hướng của Người sẽ luôn luôn được nhận lời (Ga 15,16); Ai kêu cầu tên Người sẽ được cứu thoát (Rm 10,13); Những ai tin vào tên Người sẽ làm nên Hội Thánh (1 Cor 1,2) và từ đó được gọi là Kitô hữu (Cv 11,26). Simon và Saolô đón nhận tên gọi mới là Phêrô và Phaolô với sứ vụ cao cả là đá tảng và là cột trụ của Giáo Hội.

2. Hai khuôn mặt cùng một niềm tin

Có nhiều dư luận nói về Chúa Giêsu. Người hỏi các môn đệ: “Các con bảo Thầy là ai?”. Simon Phêrô nhanh nhẹn đáp:"Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). Chúa Giêsu rất hài lòng về câu trả lời của Phêrô. Người nói với Phêrô:"Này anh Simon, con ông Gioan, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời"( Mt 16,17 ). Phêrô tuyên xưng niềm tin. Chúa Giêsu đặt thánh Phêrô làm đầu Giáo Hội ( Mt 16,18 ).

Từ khi nhận phép rửa, Phaolô đã mạnh dạn rao giảng về Chúa Kitô khiến nhiều người Do Thái ngạc nhiên tự hỏi:" Ông này chẳng phải là người ở Giêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giêsu sao ? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?"( Cv 9, 21 ). Phaolô đã làm bẽ mặt những người Do Thái ở Đamát, khi minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia ( Cv 9, 22). Phaolô đã được các tông đồ tin tưởng nhờ đó ngài và các tông đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem. Phaolô mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa Giêsu Kitô ( Cv 9, 28 ).

Phêrô tuyên xưng đức tin. Trên đá tảng Phêrô, đức tin được xây dựng. Phaolô làm sáng tỏ đức tin. Vị tông đồ dân ngoại hăng hái đem đức tin gieo trồng khắp mọi nơi. Hai khía cạnh của đức tin luôn sống động trong Giáo Hội, sứ mạng củng cố đức tin, xây dựng nội bộ và sứ mạng truyền giáo, đem đức tin đến với muôn dân.

3. Hai tính cách cùng một lòng mến

Thánh Phêrô, tính tình nóng nảy, bộc trực và đôi lúc hơi liều lĩnh. Nói về ông người ta không thể không nhắc đến cái vết thật đen trong cuộc đời của ông. Đó là lần ông đã chối Chúa. Alain một nhà tư tưởng lớn của Pháp đã viết những lời như thế thật chua cay về cái biến cố này: "Tôi hình dung ra ông ta đang ở trên Thiên đàng, đầu đội triều thiên hào quang sáng chói nhưng mỗi khi nhớ đến 'dzụ' ấy, chắc ông còn phải đỏ mặt". Lý do, ông viết tiếp: "Tông đồ Phêrô trong hoàn cảnh lúc đó đã lẩn trốn như thỏ hay như chuột". Lời nhận định hơi chua chát một chút nhưng nó cho chúng ta thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề. Vì Phêrô là Thủ lãnh các tông đồ, thủ lãnh nhóm 12 và nhất là trước đó Chúa đã cảnh cáo ông.

Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dỡ, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Tuy nhiên, thánh Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục. Chính những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ngài. Nhờ đó, ngài đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa. Thánh Phêrô có lòng quảng đại. Khi được Chúa gọi, ông nhanh nhẹn bỏ tất cả mọi sự rồi theo Chúa. Thánh Phêrô có một đức tin chân thành và lòng gắn bó keo sơn với Chúa: "Lạy thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”. Đức tính đáng cảm phục nhất chính là lòng khiêm nhường. Đó là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Khiêm nhường là mẹ các nhân đức. Rõ ràng, trong trái tim Phêrô lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là Satan thì Phêrô cũng không giận Chúa. Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa. Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng Đá.

Saolô là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và trên đường Đamát truy lùng các Kitô hữu. Được ơn trở lại, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô,Tông Đồ dân ngoại. Khi đã biết Chúa Kitô thì “ những gì xưa kia tôi cho là có lợi,thì nay,vì Đức Kitô,tôi cho là thiệt thòi.Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi,so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô,Chúa của tôi.Vì Ngài, tôi đành mất hết,và tôi coi tất cả như đồ bỏ,để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.Được như vậy,không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại,nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu”( Pl 3,7-9). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Ngài trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất, thành lập nhiều Giáo đoàn, mở mang phát triển Hội Thánh cách quang minh chính đại, khiến bản thân phải ra toà, tù tội, vất vả trăm đường. Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời thánh nhân. Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “ Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12,9).Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy “Chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp;hoang mang nhưng không tuyêt vọng;bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt”( 2cor 4,8-9).Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gal 2,20).Vì Đức Kitô và vì Tin mừng, thánh nhân đã sống và chết cho sứ vụ. Cuộc sống buôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ,đói khát,trần truồng,nguy hiểm,gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta “ ( Rm 8,35-39).

Hai vị Thánh Tông Đồ có chung một lòng mến, một niềm tin và một khát khao nên thánh.Cả hai vị đều có những lầm lỗi và yếu đuối. Và cả hai đều hối hận, đều yêu mến Chúa thật tình. Chúa đã gọi và chọn hai vị làm Tông Đồ. Nhân danh và nhờ quyền năng Chúa Giêsu Kitô, hai vị đã làm được nhiều phép lạ.

Phêrô cùng với Gioan chữa lành một người què từ lúc lọt lòng mẹ vẫn ngồi ăn xin ở Cửa Đẹp Đền Thờ ( x. Cv 3, 7 – 9 ); Phêrô làm cho người chết sống lại ( x. Cv 9, 40 – 42 ); Phêrô chữa nhiều người đau ốm bệnh hoạn mà dân chúng khiêng họ ra tận đường phố để khi Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông phủ lên một bệnh nhân nào đó, và tất cả đã được chữa lành ( x. Cv 5, 15 – 16 )...

Phaolô đã chữa lành một người bẩm sinh bị bại chân tại Lítra ( x. Cv 14, 8 – 10 ). Phaolô cũng làm cho một người đã chết sống lại ( x. Cv 20, 9 – 12 ). Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết Phêrô bị bắt giam trong ngục, đã được Chúa sai thiên sứ đến cứu thoát khỏi tay vua Hêrôđê ( x. Cv 12, 1–11). Cả hai vị được đầy quyền năng và vinh quang trước mặt người đời.

Cuối cùng hai vị cũng bị bắt và chịu chết vì Danh Đức Giêsu Kitô. Cả hai vị đã bằng lòng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh. Hai vị đã trở nên trụ cột của Giáo Hội. Phêrô là Anh Cả, đứng đầu Tông Đồ Đoàn. Phaolô là Tông Đồ Dân Ngoại. Hai vị có tính tình khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau, khả năng làm việc khác nhau, nhưng lại cùng hoạt động, cùng xây dựng Nước Chúa. Những khác biệt của hai vị là để bổ túc cho nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau thăng tiến trong sứ vụ Tông đồ. Trên “tảng đá Phêrô” và “cột trụ Phaolô”, Giáo Hội Chúa Kitô bền vững và phát triển đến thiên thu vạn đại.

Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng. Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nỗ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo Hội.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố chung của Đức Phanxicô và Đức Karekin II của Armenia
Vũ Văn An
01:18 27/06/2016
Chúa Nhật, 26 tháng 6, trước khi từ giã Armenia, sau 3 ngày viếng thăm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cùng Thượng Phụ Tối Cao Karekin II ký một bản tuyên bố chung kêu gọi một giải pháp hoà bình cho vùng Nagorno-Karabakh. Bản tuyên bố cũng nhắc tới “việc tận diệt một triệu rưỡi Kitô Hữu Armenia, trong điều thường được nhắc đến như cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20”.

Trong bản tuyên bố trên, hai nhà lãnh đạo cầu nguyện cho việc thay đổi cõi lòng nơi tất cả những người sử dụng bạo lực, cũng như nài nỉ các nhà lãnh đạo các quốc gia lắng nghe tiếng kêu của những người “đang rất cần cơm bánh, chứ không phải súng đạn”.

Sau đây là nguyên văn Bản Tuyên Bố Chung
:

Hôm nay tại Etchmiadzin Thánh Thiện, trung tâm tinh thần của mọi người Armenia, chúng tôi, Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Phụ Tối Cao của Mọi Người Armenia Karekin II nâng tâm trí chúng tôi lên cảm tạ Đấng Toàn Năng vì sự gần gũi liên tục và mỗi ngày mỗi lớn mạnh hơn giữa Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo trong việc hai Giáo Hội cùng làm chứng cho sứ điệp cứu rỗi của Tin Mừng trong một thế giới bị xâu xé bởi xung đột và khao khát được an ủi và hy vọng.Chúng tôi ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Cha, Con và Thánh Thần, vì đã làm cho chúng tôi có thể đến với nhau trong lãnh thổ thánh kinh Ararat này, một lãnh thổ tọa lạc tại đây như một nhắc nhớ rằng Thiên Chúa sẽ mãi mãi là sự che chở và cứu rỗi của chúng ta. Tinh thần chúng tôi rất hài lòng khi nhớ lại: năm 2001, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 1,700 việc tuyên bố Kitô Giáo là tôn giáo của Armenia, Thánh Gioan Phaolô II đã viếng thăm Armenia và là chứng nhân của một trang sử mới trong các mối liên hệ ấm áp và huynh đệ giữa Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo. Chúng tôi rất biết ơn khi được ơn phúc hiện diện với nhau ở buổi phụng vụ long trọng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Rôma ngày 12 tháng Tư năm 2015, nơi chúng tôi đoan hứa hết sức chống lại bất cứ hình thức kỳ thị và bạo lực nào, và tưởng niệm các nạn nhân của điều được Bản Tuyên Bố Chung của Đức Gioan Phaolô II và của Đức Karekin II nói đến như là “cuộc tận diệt một triệu rưỡi Kitô hữu Armenia, trong điều thường được nhắc đến như là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20” (27 tháng Chín, 2001).

Chúng tôi ngợi khen Thiên Chúa vì hôm nay, đức tin Kitô Giao lại một lần nữa trở thành một thực tại sinh động ở Armenia, và Giáo Hội Armenia đang thi hành sứ mệnh của mình với một tinh thần hợp tác huynh đệ giữa các Giáo Hội, nâng đỡ các tín hữu trong việc xây dựng một thế giới liên đới, công lý và hoà bình.

Tuy vậy, đáng buồn thay, chúng tôi chứng kiến một thảm kịch lớn lao đang diễn ra trước mắt chúng tôi, với không biết bao nhiêu người vô tội đang bị sát hại, bị phân tán hay buộc phải biệt xứ một cách đau lòng và không chắc chắn, bởi các cuộc tranh chấp liên lỉ vì lý do sắc tộc, kinh tế, chính trị và tôn giáo ở Trung Đông và ở các vùng khác trên thế giới. Thành thử, các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc đã trở thành mục tiêu cho cuộc bách hại và đối xử tàn bạo, đến nỗi việc chịu đau khổ vì niềm tin tôn giáo của người ta đã trở thành một thực tại hàng ngày. Các vị tử đạo thuộc mọi Giáo Hội và sự đau khổ của các ngài là một “đại kết bằng máu” vượt qua các chia rẽ lịch sử giữa các Kitô hữu, kêu gọi tất cả chúng ta phải cổ vũ việc hợp nhất hữu hình các môn đệ của Chúa Kitô. Nhờ sự cầu bầu của các Thánh Tông Đồ, Phêrô và Phaolô, Tađêô và Bartôlômêô, chúng tôi cùng cầu xin cho một sự thay đổi cõi lòng nơi tất cả những ai đang phạm tội ác và những ai đang ở vị thế ngăn chặn bạo lực. Chúng tôi nài nỉ các nhà lãnh đạo các quốc gia lắng nghe tiếng kêu của hàng triệu con người đang khao khát hòa bình và công lý trên thế giới; họ đòi phải tôn trọng các quyền lợi do Thiên Chúa ban cho họ, họ đang rất cần cơm bánh, chứ không phải súng đạn. Đáng buồn thay, chúng tôi đang chứng kiến việc người ta trình bầy tôn giáo và các giá trị tôn giáo một cách cực đoan, một lối trình bầy được sử dụng để biện minh cho việc phổ biến hận thù, kỳ thị và bạo lực. Việc biện minh các tội ác dựa trên các ý niệm tôn giáo là điều không thể chấp nhận được, vì “Thiên Chúa không phải là tác giả của hỗn loạn, mà là của hòa bình” (1Cr 14:33). Hơn nữa, việc tôn trọng đối với sự dị biệt tôn giáo là điều kiện cần thiết cho việc chung sống hòa bình của các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo khác nhau. Chính vì là các Kitô Hữu, nên chúng ta được kêu gọi tìm kiếm và thực thi các con đường tiến tới hòa giải và hòa bình. Về phương diện này, chúng tôi cũng xin bầy tỏ lòng hy vọng của chúng tôi về một giải pháp hòa bình cho các vấn đề liên quan tới Nagorno-Karabakh.

Ý thức điều Chúa Giêsu từng dạy các môn đệ khi Người nói: “Ta đói, các con đã cho Ta ăn; Ta khát, các con đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các con đã chào đón Ta; Ta trần truồng, các con đã mặc áo cho Ta; Ta đau ốm, các con đã thăm viếng Ta; Ta ở trong tù, các con đã tới thăm Ta” (Mt 25:35-36), chúng tôi xin các tín hữu trong các Giáo Hội của chúng tôi mở lòng và mở tay ra đón nhận các nạn nhân của chiến tranh và khủng bố, các tị nạn và gia đình họ. Người ta đang tranh cãi về cảm thức nhân loại, liên đới, cảm thương và đại lượng, những điều chỉ có thể phát biểu một cách thích đáng trong một cuộc giao kết các tài nguyên thực tiễn ngay tức khắc. Chúng tôi nhìn nhận mọi điều đã được thực hiện, nhưng chúng tôi nhấn mạnh rằng về phần các nhà lãnh đạo chính trị và cộng đồng quốc tế, nhiều điều hơn vẫn còn cần được làm để bảo đảm quyền lợi của mọi người được sống trong hòa bình và an toàn, để duy trì việc thượng tôn pháp luật, để che chở các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc, để chống việc buôn người va buôn lậu.

Việc tục hóa các thành phần lớn lao trong xã hội, việc nó tách ra khỏi thể linh thiêng và thể thần linh, đang nhất thiết dẫn tới một viễn kiến phạm thánh và duy vật về con người và gia đình nhân bản. Về phương diện này, chúng tôi quan tâm tới cuộc khủng hoảng gia đình tại nhiều quốc gia. Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo chia sẻ cùng một viễn kiến về gia đình, dựa trên hôn nhân, một hành vi tự ý cho đi và yêu thương trung thành giữa người đàn ông và người đàn bà.

Chúng tôi vui mừng xác nhận rằng bất chấp các chia rẽ liên tục giữa các Kitô hữu, chúng tôi đã tiến tới chỗ hiểu rõ ràng hơn rằng điều kết hợp chúng tôi nhiều hơn điều chia rẽ chúng tôi. Đây là căn bản vững chắc để sự hợp nhất của Giáo Hội Chúa Kitô trở thành tỏ hiện, phù hợp với lời lẽ của Chúa: “để chúng nên một” (Ga 17:21). Trong các thập niên vừa qua, mối liên hệ giữa Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo đã mỹ mãn bước vào một giai đoạn mới, được củng cố bằng những lời cầu nguyện hỗ tương và các cố gắng chung trong việc vượt qua các thách đố hiện thời. Hôm nay, chúng tôi xác tín tầm quan trọng chủ yếu của việc đẩy xa mối liên hệ này thêm nữa, dấn thân vào một sự hợp tác sâu xa và dứt khoát hơn không những trong lãnh vực thần học, mà còn cả trong lãnh vực cầu nguyện và hợp tác tích cực trên bình diện các cộng đồng địa phương, nhằm mục tiêu tham dự sự hiệp thông trọn vẹn và cụ thể nói lên sự hợp nhất. Chúng tôi thúc giục các tín hữu của chúng tôi làm việc cách hoà hợp để cổ vũ các giá trị Kitô Giáo trong xã hội, các giá trị vốn đang đóng góp hữu hiệu vào việc xây dựng nền văn minh công lý, hoà bình và liên đới nhân bản. Con đường hòa giải và tình huynh đệ đang mở ra trước mặt chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần, Đấng hằng hướng dẫn chúng ta bước vào mọi chân lý (xem Ga 16:13), nâng đỡ mọi cố gắng chân chính nhằm xây dựng các cây cầu yêu thương và hiệp thông giữa chúng ta.

Từ Etchmiadzin Thánh Thiện, chúng tôi kêu gọi mọi tín hữu của chúng tôi tham gia với chúng tôi trong lời cầu nguyện, theo lời lẽ của Thánh Nerses Đầy Ơn Thánh: “Lạy Chúa vinh hiển, xin Chúa chấp nhận lời khẩn cầu của các tôi tớ Chúa, và nhân từ làm cho các lời khẩn nguyện của chúng con nên trọn, nhờ lời cầu bầu của Mẹ Thánh Thiên Chúa, Thánh Gioan Baotixita, Thánh Tử Đạo Tiên Khởi Stêphanô, Thánh Grêgôriô Soi Sáng, Các Thánh Tông Đồ, Các Tiên Tri, Các Nhà Thần Học, các Vị Tử Đạo, các Thượng Phụ, Các Vị Ẩn Tu, Các Vị Đồng Trinh và mọi vị Thánh của Chúa ở trên trời và ở dưới đất. Và, lạy Thiên Chúa Ba Ngôi không thể phân rẽ, chúng con vinh danh và thờ lạy Chúa muôn muôn đời. Amen”

Etchmiadzin Thánh Thiện, 26 tháng Sáu, 2016

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Đức Thượng Phụ Karekin II
 
Buổi cầu nguyện đại kết cho hoà bình của Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Tông Truyền Amernia
VietCatholic Network
01:54 27/06/2016
Thứ Bẩy 25 tháng 6 là ngày thứ hai Đức Thánh Cha viếng thăm mục vụ tại Armenia. Ban sáng Đức Thánh Cha có ba sinh hoạt chính là viếng thăm Đài tưởng niệm cuộc diệt chủng người Armenia tại Etchmiadzin, chủ sự thánh lễ tại Gyumri, và thăm tu viện Đức Bà Armenia. Vào ban chiều sau khi viếng thăm nhà thờ chính toà Armenia Tông truyền và nhà thờ chính toà Công Giáo Armenia tại Gyumri, Đức Thánh Cha đáp máy bay trở về Yerevan để tham dự buổi gặp gỡ đại kết cầu nguyện cho hoà bình tại quảng trường Cộng Hoà.

Quảng trường Cộng Hòa tọa lạc trước Dinh chính quyền, các Bộ và Viện bảo tàng quốc gia. Buổi phụng vụ lời Chúa cầu nguyện cho hoà bình được cử hành bằng tiếng Ý và Armenia.

Dàn nhạc đại hòa tấu quốc gia Amernia đang trình tấu những bài thánh ca khẩn xin hòa bình trước một con số đông đảo hơn 50,000 người trong đó đa số là những người trẻ.

Armenia là một quốc gia bé nhỏ chỉ rộng gần 30 ngàn cây số vuông, với hơn 2 triệu 900 ngàn dân cư, trong đó 90% là tín hữu thuộc Giáo Hội Armenia tông truyền, và khoảng 10% tức là 280 ngàn tín hữu Công Giáo Armeni, với 3 giáo phận do 3 Giám Mục coi sóc và 40 giáo xứ được 30 linh mục triều và dòng phụ trách. Ngoài ra có 50 ngàn tín hữu Công Giáo la tinh sinh sống tại nước này.

Giáo Hội Tông Truyền Armenia chính thức thừa nhận sự thành hiệu của các bí tích và chức thánh của Giáo Hội Công Giáo, và năm 1996, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị và Thượng Phụ Karekin Đệ Nhất, cũng gọi là “Catholicos”, tức là vị đứng đầu Giáo Hội Armenia, đã ký một tuyên bố chung nhằm nói lên sự nhất trí về nhiều vấn đề khác nhau. Năm 2001, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị còn ký với Thượng Phụ Karekin Đệ Nhị, kế nhiệm Thượng Phụ Karekin Đệ Nhất, một tuyên bố chung khác. Vị Thượng Phụ này hiện diện trong Thánh Lễ đăng quang của Đức Giáo Hoàng Phanxicô năm 2013.

Theo chân các vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô hoàn toàn dấn thân trong việc đẩy mạnh sự hợp nhất Kitô Giáo, một chính nghĩa có khuynh hướng khởi đầu với Chính Thống Giáo vì sự phân ly Đông Tây hơn một nghìn năm trước là ly giáo nguyên khởi của Kitô Giáo.

Chuyến viếng thăm Armenia đem lại cho Đức Phanxicô dịp may nữa để thúc đẩy các cố gắng đại kết, lần này với một trong các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương không được mời làm thành viên có quyền bỏ phiếu tại Công Đồng Crete, và là một Giáo Hội đã tích cực nghiêng về phía có những liên hệ mạnh mẽ với Tòa Rôma.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Từ trong một chiếc lều được dựng giữa quảng trường, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Karekin Đệ Nhị đã tiến ra trong tiếng vỗ tay hoan hô của cộng đoàn và trong tiếng nhạc của bài ca Nhập Lễ do dàn nhạc đại hòa tấu quốc gia Amernia thực hiện.

Buổi cầu nguyện đại kết cho hòa bình được thực hiện dưới hình thức một buổi Phụng Vụ Lời Chúa xen lẫn với các lời nguyện và các bài thánh ca.

Bên cạnh dàn nhạc đại hòa tấu quốc gia Amernia, còn có một ca đoàn hùng hậu của Giáo Hội Tông Truyền Armenia và một ca đoàn nhỏ hơn của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ La tinh.

Trên khán đài, Đức Thánh Cha và phái đoàn Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo nghi lễ La Tinh tại Armenia đứng phía bên trái khán đài, trong khi Đức Thượng Phụ Karekin Đệ Nhị và các vị thuộc Giáo Hội Tông Truyền đứng bên phía tay phải khán đài.

Về phía Giáo Hội Công Giáo chúng tôi ghi nhận bên cạnh Đức Thánh Cha Phanxicô có Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ Các Giáo Hội Đông Phương, Đức Tổng Giám Mục Giovanni Angelo Becciu, Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tòa Thánh và Đức Thượng Phụ Công Giáo Grégoire Pierre cùng một số Giám Mục Công Giáo Armenia.

Một Đức Ông của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ La tinh tại Armenia đã đọc bài trích thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Philíphê chương 2 từ câu 1 đến câu 11.

Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giêsu.

Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.

Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.

Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:

“Đức Giêsu Ki-tô là Chúa”.

Sau những bài thánh ca, một vị Giám Mục Giáo Hội Armenia Tông Truyền đã đọc bài Phúc Âm theo Thánh Gioan chương 14 từ câu 15 đến câu 30.

Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian? “Đức Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”

Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây!”

Trong bài chia sẻ của mình, Đức Thượng Phụ Karaken Đệ Nhị nói:

Kính thưa Đức Thánh Cha, người anh em thân mến trong Chúa Kitô,

Kính Thưa Tổng Thống Cộng Hòa Armenia,

Kính thưa anh em thiêng liêng đầy ơn thánh và các tín hữu thân mến

Với lời ca ngợi thánh danh Thiên Chúa Tối Cao trên môi miệng, hôm nay, tại trung tâm thủ đô Yerevan này, dưới cái nhìn diễm phúc của Núi Ararat có ý nghĩa thánh kinh, chúng ta đã tụ họp nhau để cầu nguyện chung. Từ lãnh thổ của Nôê mà từ đó Thiên Chúa đã cho mọc lên cầu vồng hòa bình, chúng ta cất cao lời khẩn nguyện của chúng ta lên trời cùng với người anh em thân yêu của chúng ta trong Chúa Kitô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cầu cho việc thiết lập hòa bình trên thế giới và cho cuộc sống an ninh và thịnh vượng. Chúng ta xúc động khi thấy cầu nguyện với chúng ta tại công viên này còn có các nạn nhân chiến tranh, nạn nhân khủng bố, và nạn nhân bạo lực vốn là người tị nạn từ Azerbaijan cũng như từ Syria, và Iraq. Với niềm hy vọng vào Thiên Chúa, họ đang chờ những ngày hòa bình để có thể trở về quê cha đất tổ của họ.

Thực vậy, một thập niên rưỡi trước đây, chúng ta đã chào mừng thiên niên kỷ thứ ba với niềm hy vọng rằng nó sẽ khởi đầu cho việc sống chung trong tình liên đới giữa các dân tộc và sự hợp tác tốt đẹp giữa các quốc gia để tạo ra một thế giới hòa bình và công lý. Ây thế mà, ngày nào, ta cũng nghe thấy các tin tức gây bối rối về các cuộc chiến tranh gia tăng, các hành vi khủng bố, các đau đớn khôn tả, các mất mát không thể nào thay thế được. Trẻ em, thiếu niên, phụ nữ, và người già tại nhiều nơi trên thế giới, thuộc các quốc tịch, các tôn giáo và tuyên tín khác nhau, đang trở thành nạn nhân của vũ khí giết người và bạo lực dã man, hoặc buộc phải chọn con đường tị nạn, vượt qua các khó khăn không thể nào giải thích được, mong tìm được nơi trú ẩn an toàn.

Đúng một thế kỷ trước đây, quốc gia chúng ta cũng đã phải bước cùng một con đường đó, cũng rơi vào một tình thế nguy kịch, trong đó, do cuộc Diệt Chủng Người Armenia, quốc gia chúng ta đã mất đa số lãnh thổ quê hương và sau khi chịu con số 1 triệu rưỡi tử đạo, đã chiến đấu đòi quyền hiện hữu. Cả hôm nay nữa, quốc gia chúng ta lại phải sống trong tình thế khó khăn của một cuộc chiến tranh không tuyên chiến, phải bảo vệ hoà bình ngay trong biên giới quê hương mình với một giá cao và quyền của người dân Nagorno-Karabakh được sống tự do trong nôi mẹ của mình. Các làng mạc Armenia từng bị đánh bom và tàn phá, binh sĩ bảo vệ hòa bình cũng như trẻ em đang độ đến trường bị giết và bị thương, các dân thường yêu hòa bình và không vũ trang từng bị tra tấn.

Khi đương đầu với các khó khăn này, nhân dân chúng ta vẫn có lòng tương cảm, đối với các đổ nát và mất mát đang liên tiếp diễn ra tại Cận Đông, đối với các hành vi khủng bố đã và đang diễn ra tại các thành phố lớn của Âu Châu, tại Nga, tại Hiệp Chúng Quốc, tại Á Châu và Phi Châu, và đối với các di sản tôn giáo và văn hóa đang bị phá hoại cách tàn nhẫn trong các vùng có tranh chấp. Biết bao địa điểm thánh thiêng đã bị xúc phạm và biết bao nghệ phẩm giá trị bị tiêu hủy tại Syria, Iraq, và tại các quốc gia Đông Phương và Phi Châu? Biết bao cây thập giá bằng đá đã bị tiêu hủy ở Azerbaijan? Vùi sâu dưới những hoang tàn, đau đớn vì mất mát và thiếu thốn ấy, là những giá trị và xúc cảm của linh hồn con người.

Trong những tình huống như thế, sứ mệnh của các Giáo Hội Kitô và của các nhà lãnh đạo tôn giáo không thể chỉ tự giới hạn vào việc giúp đỡ các nạn nhân, an ủi họ, và chăm sóc mục vụ cho họ. Các biện pháp thực tế hơn cần được sử dụng trên đường tìm kiếm hòa bình bằng cách củng cố các cố gắng của chúng ta nhằm ngăn chặn sự ác, bằng cách phát huy tinh thần yêu thương, liên đới và hợp tác trong các xã hội qua cuộc đối thoại đại kết và liên tôn, phù hợp với mệnh lệnh của Thiên Chúa, “phúc cho những người kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5:9).

Kính thưa Đức Thánh Cha, hiển nhiên, việc phục vụ của ngài quả đang phản ảnh sự tận tụy hết lòng của ngài đối với mệnh lệnh của Thiên Chúa về hòa bình trên thế giới và hòa giải giữa các dân tộc. Một trong các chứng từ về điều này là Thánh Lễ long trọng của ngài, cử hành năm ngoái tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, nhân dịp một trăm năm Cuộc Diệt Chủng Armenia để tưởng niệm các nạn nhân vô tội của chúng tôi, khi, trong sứ điệp của ngài, ngài đã nói lên sự cấp thiết phải lập lại công lý và ngài đã quả quyết “Che đậy và bác bỏ tội ác là như để một vết thương cứ tiếp tục chẩy máu mà không chịu băng bó nó!”.

Năm ngoái, được hướng dẫn bởi cùng nguyên tắc trên, nhiều quốc gia và tổ chức mới, một lần dứt khoát, đã kết án cuộc Diệt Chủng Armenia, trong đó có Đức Quốc vốn là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ thời Thế Chiến I; nước này trong những ngày gần đây đã nhìn nhận cuộc Diệt Chủng chống lại người Armenia.

Nhân dân chúng tôi biết ơn Đức Thánh Cha và mọi người bênh vực và bảo vệ công lý, và kỳ vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ, nghe theo sứ điệp của ngài và lời kêu gọi của nhiều nước cũng như nhiều định chế quốc tế, sẽ chứng tỏ đủ can đảm để giáp mặt với lịch sử, chấm dứt việc phong tỏa Armenia một cách phi pháp và ngưng hẳn việc hỗ trợ các vụ khiêu khích quân phiệt của Azerbaijan nhắm chống lại quyền của người Nagorno-Karabakh được sống trong tự do và hòa bình.

Quả thực, hoà bình sẽ không thể nào thực hiện được nếu không có công lý, mạng sống con người không thể trở thành đề tài cho các suy đoán và không thể bị làm ngơ. Như Thánh Tông Đồ nói, “Thiên Chúa không tỏ đầu óc phe phái, nhưng ở mọi quốc gia, bất cứ ai kính sợ Người và làm điều đúng đều được Người chấp nhận” (Cv 10:34-35). Chỉ có thứ công lý biết bám rễ trong việc bảo vệ các quyền lợi của các cá nhân và của các dân tộc, mới có thể trở thành nền tảng vững chắc để ngăn ngừa tội ác chống nhân loại mà thôi, và mới là con đường thành công nhất dẫn đến một giải pháp toàn diện cho cuộc tranh chấp.

Với một trái tim tha thiết, chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa để mục tiêu trên được thực hiện, ngõ hầu Người nghe thấy lời cầu nguyện của chúng ta và khi hậu hĩnh đổ tràn các ơn của Chúa Thánh Thần xuống, Người sẽ đội triều thiên cho tình thương huynh đệ và sự hợp tác của các Giáo Hội bằng nhiều thành quả phong phú. Xin Chúa hay thương xót của chúng ta tẩy rửa thế giới khỏi các thảm kịch sự ác và ban hoà bình và che chở, và như lời tiên tri từng quả quyết, người ta sẽ rèn gươm của họ thành lưỡi cày, giáo của họ thành lưỡi liềm, nước này sẽ không tuốt gươm chống lại nước kia, cả hai không còn học chiến tranh nữa (Is 2:4).

Với những trái tim tràn đầy niềm vui thiêng liêng của cuộc gặp gỡ giữa chúng ta, vốn do Chúa nhân lành ban cho chúng ta, chúng tôi van nài Chúa Cứu Thế của chúng ta ban ơn thánh và bằng an của Người cho mọi người chúng ta, và xin kính mời ngài, người anh em thân yêu của chúng tôi trong Chúa Kitô, ban sứ điệp của ngài và ban phúc lành dư tràn của ngài cho hàng ngàn tín hữu đang tụ họp tại đây.

Trong bài chia sẻ của mình tiếp sau bài chia sẻ của Đức Thượng Phụ Karaken Đệ Nhị, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Để thực hiện sự hiệp nhất cần có lời cầu nguyện của tất cả mọi người, và cần gia tăng tình yêu thương nhau, vì chỉ có lòng bác ái mới có thể chữa lành ký ức và các vết thương của quá khứ: chỉ có tình yêu thương mới xóa bỏ được các thành kiến và cho phép thừa nhận rằng việc cởi mở với người anh em thanh tẩy và cải tiến các xác tín của mình. Chúng ta được mời gọi can đảm từ bỏ các xác tín cứng nhắc và các lợi lộc riêng, nhân danh tình yêu tự hạ và trao ban, nhân danh tình yêu khiêm nhường.

Ngài đã nói lên ước muốn của ngài được viếng thăm Armenia, là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã lãnh nhận đức tin kitô. Các thánh giá bằng đá “khatchkar” kể lại một lịch sử duy nhất bao gồm đức tin sắt đá và khổ đau vô biên, một lịch sử giầu các chứng nhân tuyệt vời của Tin Mừng, mà anh chị em là những người thừa kế. Tôi đến như người hành hương từ Roma để gặp gỡ anh chị em và bầy tỏ tâm tình yêu thương quý mến và vòng tay ôm huynh đệ của toàn thể Giáo Hội Công Giáo, yêu mến anh chị em và gần gũi với anh chị em.

Trong các năm qua các cuộc gặp gỡ giữa hai Giáo Hội đã được củng cố, luôn thân tình và đáng ghi nhớ. Và tôi cám ơn anh chị em vì lòng trung thành với Tin Mừng thường rất anh hùng, và là một món quà vô giá cho mọi kitô hữu. Chúng ta vui mừng chia sẻ biết bao bước tiến trên con đường chung, và tin tưởng hướng nhìn về một ngày, trong đó với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta sẽ hiệp nhất gần bàn thờ hiến tế của Chúa Kitô trong sự hiệp thông thánh thể tràn đầy.

Đức Thánh Cha đã đặc biệt nhắc đến biết bao vị tử đạo đã đóng ấn niềm tin chung nơi Chúa Kitô với máu của các vị. Các vị là những vì sao chiếu sáng và chỉ đường cho chúng ta trên con đường còn lại phải đi. Trong số các vị thánh đó nổi bật là thánh Catholicos Nerses Shnorhali, rất yêu thương dân tộc và các truyền thống, và hướng tới các Giáo Hội khác. Sự hiệp nhất thực ra không phải là một lợi thế chiến thuật cần tìm kiếm cho lợi ích của nhau, nhưng là lợi thế mà Chúa Giêsu xin chúng ta, và là điều chúng ta phải chu toàn với thiện chí và tất cả sức lực của mình, để thực hiện sứ mệnh của chúng ta là trao ban Tin Mừng cho thế giới với sự trung thực. Theo thánh Nerses để thực hiện sự hiệp nhất cần thiết thiện chí của một ai đó trong Giáo Hội thì không đủ: cần phải có lời cầu nguyện của tất cả mọi người. Chính vì thế chiều nay tôi đến đây để xin anh chị em món quà của lời cầu nguyện. Thánh Nerses cũng ghi nhận là cần gia tăng tình yêu thương nhau, vì chỉ có lòng bác ái mới có thể chữa lành ký ức và các vết thương của quá khứ: chỉ có tình yêu thương mới xóa bỏ được các thành kiến và cho phép thừa nhận rằng việc cởi mở với người anh em thanh tẩy và cải tiến các xác tín của mình. Noi gương thánh nhân chúng ta được mời gọi can đảm từ bỏ các xác tín cứng nhắc và các lợi lộc riêng, nhân danh tình yêu tự hạ và trao ban, nhân danh tình yêu khiêm nhường: nó là dầu được chúc lành của cuộc sống kitô, là dầu thơm thiêng liêng quý báu chữa lành, củng cố và thánh hóa. Thánh nhân nói “Chúng ta hãy bổ túc các thiếu sót với lòng bác ái đồng nhất”… Không phải các tính toán, và các lợi thế, nhưng là tình yêu thương khiêm nhường và quảng đại lôi kéo lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, phước lành của Chúa Kitô và sự phong phú của Chúa Thánh Thần.

Sự bình an mà Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta thế giới này vất vả tìm kiếm. Ngày nay các chướng ngại trên con đường hoà bình lớn biết bao, và các hậu quả của chiến tranh thê thảm biết bao! Tôi nghĩ tới các dân tộc bị bó buộc phải bỏ tất cả, đặc biệt là bên vùng Trung Đông, nơi biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta đau khổ vì bạo lực và bách hại, vì thù hận và các xung khắc luôn luôn được dưỡng nuôi bởi tệ nạn phổ biến và buôn bán khí giới, bởi cám dỗ dùng võ lực và thiếu tôn trọng đối với con người, đặc biệt là đối với những người yếu đuối, nghèo nàn và đối với tất cả những ai chỉ xin có một cuộc sống xứng đáng.

Tiếp tục bài giảng trong buổi cầu nguyện đại kết cho hoà bình, Đức Thánh Cha nói: Tôi không thể không nghĩ tới các thử thách kinh khủng mà dân tộc anh chị em đã phải sống: một thế kỷ đã qua, kể từ khi “Sự dữ lớn lao” đổ ập trên anh chị em. Cuộc tàn sát to lớn và điên loạn, mầu nhiệm thê thảm này của sự gian ác mà dân tộc anh chị em đã sống trong thịt xác, ghi đậm dấu trong ký ức và nung nấu con tim. Tôi muốn nhấn mạnh rằng các khổ đau của anh chị em cũng là các khổ đau của chúng tôi: chúng là các khổ đau của Thân Mình mầu nhiệm Chúa Kitô. Nhớ lại chúng không chỉ là điều thích đáng mà là một bổn phận: Ước chi chúng là lời cảnh cáo cho mọi thời đại, để thế giới đừng bao giờ rơi vào lốc xoáy của những kinh hoàng như thế!

Đức Thánh Cha đã ca ngợi đức tin kitô của Giáo Hội Armenia cả trong những lúc thê thảm nhất của lịch sử đã là sức đẩy khai mào cuộc tái sinh của dân tộc bị thử thách. Nó chính là sức mạnh đích thực cho phép anh chị em rộng mở cho con đường nhiệm mầu và cứu rỗi của Phục Sinh: các vết thương còn mở và bị gây ra bởi thù hận tàn bạo và vô nghĩa có thể trong một cách thế nào đó đồng hình dạng với các vết thương của Chúa Kitô phục sinh, với các vết thương đã bị mở ra và Ngài còn mang trên thịt xác ngày hôm nay... Các vết thương kinh khủng ấy được tình yêu biến đổi đã trở thành suối nguồn của tha thứ và hoà bình… Thật thế, ký ức được tình yêu đi ngang qua có khả năng bước đi trên các con đường mới gây kinh ngạc, nơi các đan dệt của thù hận biến thành các dự án hoà giải, trong đó có thể hy vọng nơi một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người.

Hướng tới các bạn trẻ Đức Thánh Cha nói: Các người trẻ thân mến, tương lai này tuỳ thuộc các con: khi làm cho sự khôn ngoan của cha ông các con thành kho tàng, các con hãy ước muốn trở thành những người xây dựng hòa bình, không phải các chưởng khế của tình trạng ngưng đọng, nhưng là những người tích cực thăng tiến một nền văn hóa gặp gỡ và hoà giải.

Đức Thánh Cha đã khích lệ mọi người noi gương thánh Gregorio thành Narek mà ngài đã tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh và có thể gọi thánh nhân là “Tiến sĩ hòa bình”. Cuốn sách ngài viết có thể là hiến pháp tinh thần của nhân dân Armenia, trong đó có lời cầu này: “Lậy Chúa, xin nhớ tới những người trong dòng giống nhân loại là các kẻ thù của chúng con, nhưng vì thiện ích của họ, xin thực thi nơi họ sư tha thứ và lòng thương xót” Nhu thánh nhân chúng ta cũng phải là người dâng lời cầu nguyên cho toàn thế giới. Đức Thánh Cha gửi lời chào mọi người dân Armenia sống rải rác đó đây trên thế giới, và cầu chúc họ trở thành các sứ giả của sự hiệp thông và hòa bình.

Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Karekin Đệ Nhị đã ôm hôn trao ban bình an cho nhau, rồi ban phép lành cho tín hữu.

Từ giã mọi người Đức Thánh Cha đã đi xe về dinh Tông toà Etchmiadzin cách đó 12 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm, kết thúc ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm Armenia ba ngày.
 
Cuộc họp báo trên chuyến bay từ Armenia về Rôma
Đặng Tự Do
20:07 27/06/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tội ác diệt chủng người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ, mối quan hệ của Giáo Hội với những người đồng tính, và việc người Anh biểu quyết rời khỏi Liên minh châu Âu vào cuối tuần qua, cũng như một loạt các chủ đề quan trọng khác trong một cuộc họp báo trên chuyến bay của ngài trở lại Rôma sau chuyến tông du đến Armenia.

Cuộc họp báo trong chuyến bay hôm Chúa Nhật 26 tháng 6 đã được bắt đầu với các vấn đề liên quan đến chuyến tông du của ngài đến Armenia. Khi được hỏi về thông điệp của ngài cho tương lai của Armenia, Đức Thánh Cha nói về những hy vọng và lời cầu nguyện cho công lý và hòa bình của ngài, và khuyến khích các nhà lãnh đạo làm việc với nhau nhằm hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan. Đức Giáo Hoàng sẽ đến Azerbaijan vào tháng 9 năm nay.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến việc sử dụng từ ngữ “tội ác diệt chủng”. Đức Thánh Cha nói ngài “nhận thức được tầm mức nghiêm trọng về pháp lý” của thuật ngữ này, ngài không có ý khiêu khích Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng từ khi ở Buenos Aires, ngài đã dùng thuật ngữ này để đề cập đến việc giết hại người Armenia trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ngài xác tín điều này và “sẽ rất là lạ lùng nếu tôi không dùng thuật ngữ ấy tại Armenia.”

Trong cuộc họp báo, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến một số vấn đề tôn giáo và đại kết. Phát biểu về những tranh cãi nảy sinh từ nhận xét của vị chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, trong một bài phát biểu đầu tháng này về một sự chia sẻ “Sứ Vụ Thánh Phêrô” với một vị Giáo Hoàng “hoạt động” và một vị Giáo Hoàng “chiêm niệm”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng chỉ có một vị Giáo Hoàng, trong khi ca ngợi Đức Giáo Hoàng danh dự như là một “con người vĩ đại của Thiên Chúa.”

Về Công Đồng Liên Chính Thống Giáo, vừa kết thúc tại Crete, Đức Thánh Cha nói, “Một bước tiến đã được thực hiện.. Tôi nghĩ rằng kết quả của Công Đồng là tích cực”.

Đáp lại một câu hỏi về việc kỷ niệm 500 năm Tin Lành Cải cách sắp tới, Đức Thánh Cha Phanxicô nói “Tôi nghĩ rằng lẽ đây là thời điểm cho chúng ta không chỉ nhớ những vết thương trên cả hai bên, nhưng cũng là lúc để nhận biết những ân sủng của cuộc cải cách.” Theo Đức Thánh Cha, cầu nguyện và làm việc chung với nhau là điều quan trọng để dưỡng nuôi ước muốn hiệp nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng trả lời một câu hỏi về vấn đề phụ nữ làm phó tế và quyết định của ngài hình thành một ủy ban để nghiên cứu vấn đề này. Đức Thánh Cha nói ngài ngạc nhiên và khó chịu khi nghe rằng nhận xét của ngài được diễn dịch theo nghĩa là Giáo Hội đã mở cửa cho việc phong chức linh mục cho nữ giới. “Điều này là không đúng sự thật khách quan”. Theo Đức Thánh Cha, “Suy nghĩ của phụ nữ cần phải được trân trọng vì họ tiếp cận vấn đề khác với những người đàn ông. Người ta không thể đưa ra quyết định tốt mà không lắng nghe những người phụ nữ.”

Khi được hỏi về sự kiện gần đây là nước Anh bỏ phiếu để rút lui khỏi Liên Hiệp Âu Châu, Đức Thánh Cha nói ngài không có thời gian để nghiên cứu các lý do người dân Anh đã bỏ phiếu như thế. Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha “Tình anh em là tốt hơn, và những cây cầu là tốt hơn so với các bức tường,”. Thừa nhận rằng có “những cách khác nhau của sự hiệp nhất”, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “sáng tạo và kết quả cụ thể là hai yếu tố thiết yếu cho Liên minh châu Âu khi phải đối mặt với những thách thức mới.”

Báo chí thế tục, bám vào những nhận xét của Đức Hồng Y Reinhard Marx nói rằng Giáo Hội phải xin lỗi những người đồng tính. Đáp lại, Đức Thánh Cha nhấn mạnh một lần nữa rằng người đồng tính không nên bị phân biệt đối xử, nhưng ngài nói thêm, Giáo Hội cần phải cầu xin sự tha thứ của bất kỳ nhóm người nào bị tổn thương bởi các Kitô hữu không sống theo những đòi buộc của Tin Mừng. Sẽ luôn có những Kitô hữu tốt và những Kitô hữu xấu trong Giáo Hội. Trích dẫn dụ ngôn lúa và cỏ lùng của Chúa Kitô, Đức Thánh Cha nói: “Tất cả chúng ta đều là thánh nhân, vì tất cả chúng ta có Chúa Thánh Thần. Nhưng chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi, và tôi là người đầu tiên.”

Cuối cùng, trả lời một câu hỏi từ Cha Federico Lombardi, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô nói lên những suy tư của ngài về chuyến viếng thăm Đài tưởng niệm Tzitzernakaberd, và cuộc hành trình sắp tới của mình đến Ba Lan, trong đó sẽ bao gồm một chuyến viếng thăm trại tập trung Auschwitz. Đức Thánh Cha nói ở những nơi như vậy, ngài thích được suy tư âm thầm, “một mình”, cầu nguyện xin Chúa ban cho ngài “ân sủng để rơi lệ”.

Kết luận cho cuộc họp báo kéo dài gần một giờ, Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn các phóng viên vì công việc khó khăn của họ và cầu chúc họ mọi sự tốt lành.
 
Hai ca đoàn Anh giáo và Tin lành Lutherô cùng hát lễ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô
Thanh Quảng sdb
23:16 27/06/2016
Hai ca đoàn Anh giáo và Tin lành Lutherô cùng hát lễ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô
Thanh Quảng sdb

Đài phát thanh Vatican 28/6/2016 cho hay thứ Tư tức ngày mai 29/6, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để đánh dấu ngày lễ các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, quan thày của thành phố Rome. Trong Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng cũng trao giây pallium cho các Đức Tổng Giám Mục mới, những người được bổ nhiệm trong năm qua.

Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô cũng là một cơ hội nói lên tình đại kết… Sẽ có một đoàn đại biểu Chính thống đại diện cho Tòa Thượng phụ ở Istanbul về Rome để tham dự đại lễ này.

Trong những năm gần đây, Thánh lễ này cũng được phong phú hóa nhờ sự tham dự của dàn hợp xướng từ các Giáo Hội Kitô giáo khác phối hợp chung với ca đoàn của điện Sistina Vatican. Năm nay, một ca đoàn của giáo phái Tin lành Lutherô từ Đức và một ca đoàn Anh giáo từ Đại học Oxford sẽ cùng hát lễ và trình diễn buổi hòa nhạc trong điện Sistina vào tối thứ ba.

Để tìm hiểu thêm về những nỗ lực đại kết qua âm nhạc, Philippa Hitchen đề cập tới Mark Spyropoulos, một người Anh quốc đầu tiên phụ trách thánh nhạc toàn thời cho điện Sistina. Ông Mark nói đây là lần đầu tiên mà hai ca đoàn từ các Giáo Hội khác sẽ hát chung với ca đoàn chính trong Đại Lễ Kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Họ là những ca đoàn Anh giáo của New College, thuộc Đại học Oxford, và Ca đoàn Tin lành Lutherô Windsbacher Knabenchor từ Dresden tới Vatican lần đầu tiên.

Ông Mark cho hay nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng là "một công cụ cực kỳ hữu ích cho phong trào đại kết "vì nó phát xuất từ con người chúng ta và là cái gì tốt nhất trong chúng ta". Vì khi chúng ta hát, chúng ta gợi lên lòng sốt mến nơi người khác; vì vậy nói một cách nào đó hát đã vượt lên khỏi các ngôn từ...

Ca đoàn Sistina là một ca đoàn độc quyền ở Vatican để hát cho các nghi lễ do Đưc Thánh Cha cử hành, nhưng ngày nay Đức Thánh Cha nói qua âm nhạc "chúng ta cần vượt ra khỏi truyền thống"....

Ông Mark cũng cho hay một buổi hòa nhạc gần đây được trình diễn tại Wittenburg Đức, trong ngôi nhà thờ mà 500 năm trước đây, Martin Luther đã giảng thuyết khởi đầu cho phong trào Cải cách. Ông Mark cho hay buổi hòa nhạc này là một cuộc hội ngộ với sự hiện diện của các khán giả của nhiều Giáo Hội khác nhau nhưng lúc kết thúc buổi hòa nhạc một hành vi vô cùng xúc động làm rơi lệ nhiều người đó là tất cả đã cùng đứng lên đọc kinh “Lạy Cha”...
(Nguồn Vatican Radio)
 
Sứ điệp của Đức Karekin II, trong buổi Phụng Vụ Thánh tại Nhà Thờ Chánh Tòa của Giáo Hội Tông Truyền Armenia
Vũ Văn An
23:25 27/06/2016
Ngày cuối cùng của chuyến tông du 3 ngày tại Armenia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới Nhà Thờ Chánh Tòa của Giáo Hội Tông Truyền Armenia tại Etchmiadzin để tham dự buổi Phụng Vụ Thánh do Đức Karekin II, Thượng Phụ Tối Cao của Mọi Người Armenia, chủ sự. Trong buổi Phụng Vụ này, Đức Karekin II đã đọc sứ điệp sau đây do Tòa Thánh dịch sang tiếng Anh và cung cấp cho báo giới.

Khi lên bờ, Người thấy một đám rất đông; và Người cảm thương họ và chữa các bệnh nhân của họ (Ga 13:34)

Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần,

Kính thưa Đức Thánh Cha, người anh em thân yêu trong Chúa Kitô,
Kính thưa Tổng Thống Cộng Hòa Armenia
Anh em thiêng liêng và các tín hữu thân mến,

Trong vòng mấy ngày qua, chúng ta đã được cảm nghiệm dư tràn niềm vui thiêng liêng và lời cầu nguyện chung trong khi vinh danh Thiên Chúa tại Etchmiadzin Thánh Thiện này. Hôm nay, chúng ta tụ họp nhau để cử hành Phụng Vụ Thánh, được sự tham dự cầu nguyện của Đức Giám Mục Rôma, người anh em thân yêu của chúng ta, là Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Quả có tính biểu tượng khi bài đọc Sách Thánh hôm nay, trong lúc cử hành Phụng Vụ Thánh, là câu truyện hóa bánh ra nhiều. Thánh Sử nói với chúng ta rằng khi Chúa Giêsu lui vào nơi thanh vắng vì biết rằng một đám đông lớn đang theo sau Người, nhưng khi thấy đám đông tụ họp lại, Người cảm thương họ và chữa lành cho các bệnh nhân của họ. Đến chiều tối, các tông đồ xin Chúa cho giải tán đám đông để họ có thể đi tìm thực phẩm. Nhưng Chúa Kitô ra lệnh cho các ông phải cho họ ăn. Tuy nhiên, chỉ có một ít thực phẩm, và Chúa đã chúc lành số thực phẩm này và bánh cứ thế hóa nhiều thêm mãi, đủ để các tông đồ nuôi ăn trọn đám đông này.

Cốt lõi của phép lạ này, một phép lạ đã trở thành một trong các sứ mệnh quan trọng của Giáo Hội Chúa Kitô, là việc thỏa mãn các tinh thần trống rỗng bằng các giáo huấn Chúa ban và nâng đỡ người túng thiếu vì lòng cảm thương. Chúa thúc giục các người theo chân Người phải lấy việc làm mà làm mới lại đức tin của mình, phải tham dự việc cầu nguyện và thờ phượng với lòng cảm thương, và làm việc bố thí; qua các việc này, qua việc làm dịu nghèo khó và khổ não, chúng ta trở nên những người cùng làm việc với Thiên Chúa, như lời Thánh Tông Đồ từng nói (1Cr 3:9). Nhờ viễn kiến này, nhiều vị giáo phụ có tài tiên tri, các thượng phụ đầy ơn thánh, các vị chăn chiên can đảm và tốt lành, vô số chứng nhân đức tin và tín hữu nhiệt thành, trong nhiều thế kỷ qua, đã viết lên nhiều trang sách cho lịch sử Giáo Hội Chúa Kitô bằng những lời giảng giải sốt sắng về Lời Thiên Chúa và các công trình bố thí và nuôi dưỡng lớn lao; ngõ hầu dân Chúa được củng cố bằng đức tin, và qua các việc làm của đức tin, họ duy trì sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của nhân loại.

Hôm nay, đức tin vào Thiên Chúa đang bị thử thách và linh hồn con người đang thành chai đá trong những lúc khó khăn gian khổ và cả trong những lúc giầu có dư thừa, khi họ tách mình ra khỏi các quan tâm đối với những người mong có bánh ăn hàng ngày và đang chịu đau đớn và đau khổ. Đức tin đang ở thế bị thử thách bởi chủ nghĩa cực đoan và đủ loại ý thức hệ khác; bài ngoại, nghiện ngập, đam mê và tư lợi. Các diễn trình của chủ nghĩa duy tục đang tăng độ, các giá trị và quan điểm tinh thần và đạo đức bị bóp méo, và cơ cấu gia đình, do Thiên Chúa thiết lập, đang bị lung lay. Gốc rễ của sự ác trong cuộc sống hiện nay là mưu toan xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa, là giải thích lề luật và giới răn của Thiên Chúa như là tạo ra các nan đề kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường và nhiều nan đề khác, vốn mỗi ngày mỗi sâu xa hơn và đe dọa lối sống tự nhiên.

Tuy nhiên, thế giới vẫn không ngừng là tâm điểm của tình yêu và sự chăm sóc của Thiên Chúa. Chúa vẫn tiếp tục nói rằng: “Ta là bánh ban sự sống: ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói; và ai tin vào Ta sẽ không bao giờ khát” (Ga 6:35). Ai đã nếm được giáo huấn hân hoan của Chúa đều sẽ cúi xuống để nâng người ngã lên, để gia tăng đức cậy và đức tin trong tâm hồn người ta, và để lặp lại phép lạ hóa bánh ra nhiều nhờ việc nâng đỡ và an ủi người túng thiếu, người bệnh, và người sầu khổ. Lòng tốt sẽ chiến thắng trên thế giới và các thách đố hiện nay sẽ được vượt qua nhờ các giới răn của Thiên Chúa và nhờ việc sử dụng các giá trị tinh thần và đạo đức. Mọi việc làm tốt đều nói lên sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với nhân loại và thế giới, theo như lời Chúa phán, “này đây Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa các con” (Lc 17:21), và như một lời khẳng định câu này, các Giáo Hội thế giới đang hết lòng phục vụ.

Anh chị em thân mến, trong những ngày này, cùng với người anh em tinh thần, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, qua các cuộc thăm viếng và cầu nguyện chung, chúng ta đã tái xác nhận rằng Giáo Hội Thánh Thiện của Chúa Kitô là một Giáo Hội để loan truyền Tin Mừng của Chúa Kitô trong thế giới, bằng cách chăm sóc sáng thế, đương đầu với các nan đề chung, và trong sứ mệnh quan yếu cứu rỗi con người vốn là triều thiên và vinh quang của công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Sứ mệnh không thể tách rời của Giáo Hội Chúa Kitô là củng cố tình liên đới giữa các quốc gia và dân tộc, tăng cường tình huynh đệ và sự hợp tác, và chứng cớ của việc này là sự tham dự Phụng Vụ Thánh hôm nay của các nhóm thiểu số sắc tộc ở Armenia: Người Assyria, người Belarus, người Hy Lạp, người Georgia, người Do Thái, người Yazidi, người Kurd, người Đức, người Ba Lan, người Nga và người Ukraine; những người này, trong việc sống chung huynh đệ với nhân dân chúng ta, đã đóng góp vào việc phát triển xứ sở chúng ta và sự tiến bộ của đời sống xã hội.

Trong ngày hồng phúc này, chúng ta đánh giá cao việc được một dịp nữa để cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân cuộc viếng thăm huynh đệ của ngài. Chúng tôi và nhân dân chúng tôi sẽ luôn luôn cầu nguyện cho ngài, thưa người anh em thân yêu, và cho các cố gắng của ngài nhằm kiến tạo hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại và việc thăng tiến của Giáo Hội Chúa Kitô. Xin Thiên Chúa ban cho ngài sức mạnh, chúc lành và giữ vững các Giáo Hội của chúng ta trong tình yêu và sự hợp tác và xin Người ban cho chúng ta nhiều cơ hội mới để làm chứng cho tình huynh đệ. Trong lời cầu nguyện hàng ngày của ngài, xin ngài nhớ đến nhân dân Armenia, quốc gia Armenia và Giáo Hội Armenia và Tòa Mẹ Etchmiadzin Thánh Thiện.

Với tinh thần cầu nguyện, chúng ta hãy cầu xin sự che chở và nâng đỡ của Tay Hữu Chí Thánh của Thiên Chúa Toàn Năng bảo vệ các người đau khổ vì chiến tranh và bạo lực cũng như những ai đang đói lả, nghèo khổ và các loại hoạn nạn khác. Chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa đổ hồng ân dư tràn từ trời xuống trên cuộc sống ta và trên thế giới. Amen.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phong trào Cursillo Tổng Giáo Phận Melbourne Ngành Việt Nam mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
08:25 27/06/2016
Melbourne, vào lúc 2 giờ 30 phút chiều Thứ Bảy 25 Tháng Sáu, 2016. Tại Nhà thờ Saint Margaret Mary Vùng Brunwick. Phong trào Cursillo Tổng Giáo phận Melbourne, Ngành Việt Nam đã cùng Cha Linh giám Anthony Nguyễn Hữu Quảng, chủ tế Thánh lễ đồng tế mừng bổn mạng của phong trào là Thánh Phaolo Tông đồ. Tượng Thánh Phaolo đã được ngành long trọng rước vào trong nhà thờ, và yên vị trước tòa giảng lời Chúa trước khi cử hành Thánh lễ.

Mời xem hình


Cùng đồng tế với Cha linh giám là quý cha khách Phero Nguyễn Văn Hương và Phero Lê Đức Bắc. Đông đảo các hội viên thuộc các liên nhóm sinh hoạt trong Tổng Giáo phận Melbourne sốt sắng về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn mừng bổn mạng. Ca đoàn chung của ngành đã dùng lời ca tiếng hát của mình dâng lên Thiên Chúa lời tán dương và cảm tạ những hồng ân của Thiên Chúa đã ban cho ngành trong năm.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, chị Tống Thị Quế đã thay mặt cho ngành lên cám ơn Cha linh giám, quý cha đồng tế và tất cả mọi anh chị em thuộc các khối, các liên nhóm đã về dâng lễ mừng bổn mạng. Và nhân lễ mừng kính bổn mạng năm nay, Phong trào Cursillo có buổi sinh hoạt chung tại hội trường Giáo xứ, để mọi người có những giờ vui bên nhau, hun đúc tinh thần của người hội viên Cursillo, như muối men, hoạt động âm thầm bên ngoài, nhưng sinh hoạt chung thì lại rất năng động, qua các tiết mục do chính các anh chị em trong các liên nhóm trình diễn.

Dưới sự chủ tọa của cha linh giám, Soeur Nga trong vai quản trò đã hướng dẫn mọi người “làm nóng” qua các bài ca sinh hoạt cộng đồng thật tươi vui, kèm theo tiếng trống Mambo và tiếng đàn Guitar của Quang Minh, tiếng hát phụ họa của anh Tú lôi cuốn mọi người hòa nhập ngay vào buổi sinh hoạt thật vui nhộn.

Các liên nhóm đã lên trình bày những bản hợp ca về đạo, những vở kịch ngắn hay hoạt cảnh. Mở đầu là Liên nhóm Andre Dũng Lạc, kế tiếp và sôi nổi hơn với Liên nhóm Toma Thiện có Soeur Nga và Quang Minh với những động tác theo bài hát cũng thật sinh động và xuất sắc. Tiếp theo là Liên Nhóm Andre Phú Yên với bản hợp ca, cùng một bài múa cũng thật xuất sắc được kết thúc đội vũ bằng hình Thánh giá do các chị nữ trong liên nhóm thực hiện. Liên nhóm trẻ Teresa với một màn kịch mang nhiều ý nghĩa. Cuối cùng, Liên nhóm Vinh Sơn Liêm đã có một hoạt cảnh nói về “Người đàn bà ngoại tình” trong kinh Thánh. Tuy họ, những kinh sư tức tối vì Chúa Giê Su đã tỏ tình thương với mọi người, kể cả người tội lỗi, làm họ bẽ bàng: Ai cảm thấy mình sạch tội thì hãy ném đá trước. Mọi người đã tức tối bỏ đi, nhưng với kết cuộc thật đẹp khi họ trở lại với cành hoa của yêu thương như lời Chúa dậy.

Sau phần văn nghệ, một buổi tiệc nhẹ mừng lễ bổn mạng của ngành, được mọi người vui vẻ chia sẻ, bên nhau những lời tâm tình, những câu chuyện được chia sẻ thật nồng ấp, quên đi cái lạnh mùa Đông, với khí hậu đang xuống thấp. Trước khi chia tay ra về để mọi người tiếp tục hoạt động như muối men.

Được biết, Ngành Việt Nam của Phong trào Cursillo Tổng Giáo phận Melbourne đã sinh hoạt được 16 năm, nhưng có những anh chị em dự khóa trên 20 năm đang sinh hoạt, và luôn phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng.
 
Tỉnh Dòng Nữ Vương Hòa Bình tại Hoa Kỳ: Mừng 70 năm thành lập và mừng khấn dòng
Joseph Nguyễn Văn Thống
06:57 27/06/2016
Tỉnh Dòng Nữ Vương Hòa Bình tại Hoa Kỳ: Mừng 70 năm thành lập và mừng khấn dòng

Tỉnh Dòng Nữ Vương Hòa Bình tại Hòa Kỳ hân hoan mừng lễ tạ ơn nhân dịp 70 năm thành lập Hội Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi- Chí Hòa( FMSR), mừng thánh hiến trọn đời, mừng ngân khánh khấn dòng và kim khánh khấn dòng cho một số nữ tu đã được diễn ra vào lúc 10 giờ sáng, ngày 25 tháng 6 năm 2016 tại nhà thờ Maria Nữ Vương Việt Nam, New Orleans, Louisiana, Hoa Kỳ.

Thánh lễ trọng đại của Tỉnh Dòng với sự chủ tế của Đức Tổng Giám mục Gregory Michael Aymond, Tổng Giáo phận New Orleans, đồng tế với ngài gồm có Đức Cha Đôminicô Mai Thanh Lương, nguyên Giám mục phụ tá thuộc Giáo phận Orange và đông đảo các linh mục. Hiệp dâng thánh lễ có sự hiện diện của nữ tu M. Rose Vũ Thị Loan, Bề trên Tổng quyền đến từ Việt Nam, quý Sơ trong Dòng, đông đảo giáo dân và bạn hữu xa gần.

Bước vào thánh lễ là nghi thức tưởng nhớ và ôn lại lịch sử của Hội Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi. Bức ảnh Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn, Đấng sáng lập được cung kính rước lên bàn thờ. Lần lượt các thế hệ nữ tu của Hội Dòng lòng hân hoan với khuôn mặt vui tươi tiến vào nhà thờ, thấp thoáng trong đó có những nữ tu cao niên với những chiếc xe lăn. Trong nghi thức thiêng liêng này, các Sơ đã tri ân đến các bậc tiền nhân , các vị Bề trên Giáo quyền và bề trên của Hội Dòng những người còn sống hay đã khuất, các thành viên trong Dòng, các vị ân nhân thân nhân của Hội Dòng. Trong bức thư tâm tình tri ân 70 năm hồng ân, các sơ cũng bày tỏ: “70 năm hiện hữu của Hội Dòng Mân Côi, hồng ân Thiên Chúa luôn luôn tuôn tràn trên từng mốc thời gian…Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con Đức Cha Tổ Phụ Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn, Đấng sáng lập. Ngài đã vẻ ra cho chúng con những nét đăc thù tinh thần và tu đức Mân Côi.”

Thánh lễ bắt đầu với đoàn đồng tế trong khi ca đoàn hát bài ca nhập lễ với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Sau phần chia sẻ Lời Chúa của Đức Tổng Giám mục Gregory Michael Aymond là nghi thức tuyên khấn của các nữ tu.

Mừng Thánh hiến trọn đời gồm có:

Sr. M. Catherine Bùi Kim Dung

Sr.M. Catherine Nguyễn Thị Tuyết Mai

Mừng Ngân Khánh Khấn Dòng:

Sr. M. Jacyntha Nguyễn Minh Tuyết

Sr. M. Bernadette Nguyễn T. Thu Hường, Bề Trên Tỉnh Dòng

Sr. M. Rose Vũ Thị Tin

Mừng Kim Khánh Khấn Dòng:

Sr. M. Gemma Trần Thị Ly

Cuối thánh lễ, Sr. M. Rose Vũ Thị Tin đã thay lời cho các nữ tu cảm ơn tới quý Đức Cha, các Cha và cộng đoàn.

Liên quan đến dịp mừng 70 năm thành lập Hội Dòng, các tín hữu sẽ được lãnh nhận ơn Toàn Xá. “Nhân dịp sinh nhật 70 năm của Hội Dòng Mân Côi, Tòa Thánh đã ban phép cho Hội Dòng có được Năm Thánh Toàn Xá từ ngày 8/9/2015 đến ngày 8/9/2016. Điều kiện để được lãnh ơn Toàn Xá là viếng các nhà nguyện của Hội Dòng trong các thứ Bảy đầu tháng hoặc các ngày lễ của Đức Mẹ, đọc một kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng và cầu nguyện theo ý của Đức Thánh Cha. Vì thế, cánh cửa của các tu viện của Hội Dòng đã và đang rộng mở để đón chào quý khách.” Theo một thông báo của Hội Dòng cho biết.

Hội Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi thành lập vào năm 1946 tại Việt Nam, hiện nay có Tỉnh Dòng Truyền Tin Việt Nam và Tỉnh Dòng Nữ Vương Hòa Bình Hoa Kỳ. Tỉnh Dòng Nữ Vương Hòa Bình có mặt tại Hoa Kỳ vào năm 1967 và hiện có khoảng 60 nữ tu đang phục vụ các Giáo phận New Orleans, Houma Thibodaux, Shreveport, Biloxi, Oklahoma City, Charleston- Hoa Kỳ và tại Bangkok- Thái Lan.

New Orleans, ngày 26/6/2016

Joseph Nguyễn Văn Thống
 
Họ Đạo La Mã Bến Tre : Hồng Ân 3 Trong 1
Người Giồng Trôm
07:52 27/06/2016
Họ Đạo La Mã Bến Tre: Hồng Ân 3 Trong 1

Hôm nay, phải nói rằng là một ngày hồng ân của Chúa tuôn đổ trên họ đạo La Mã nhỏ bé Bến Tre. Ngày hôm nay, 3 trong 1 được cử hành trong một Thánh Lễ trang nghiêm sốt sắng.

Xem Hình

Từ sáng sớm, nhiều đoàn hành hương đã về bên Mẹ La Mã Bến Tre. Đặc biệt, có đoàn của Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng do Cha Bề Trên Tôma Trần Quốc Hùng dẫn đầu.

Sau những ngày Thánh Du ở Kỳ Đồng, sáng nay Đoàn Kỳ Đồng đã đưa Linh Ảnh Đức Mẹ La Mã Bến Tre trở lại La Mã.

9 giờ, một số tòa hòa giải được các cha ngồi sẵn để ban bí tích Giao Hòa cho những ai cần đến.

9 g 15 phút, Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai đã đặt chân đến La Mã thân yêu. Cùng đi với Đức Cha Phêrô có Cha Micae Nguyễn Hồng Sung – Thư ký Giám Mục Vĩnh Long, Cha Vinhsơn Lý Tấn Phúc – Quản Lý TGM.

Cha Đaminh Nguyễn Hữu Trung – Quản Nhiệm Trung Tâm Hành Hương La Mã Bến Tre – đã đón tiếp Đức Cha cùng quý Cha trong tình thân thương. Cha Đaminh cũng dẫn Đức Cha Phêrô đi thăm xung quanh Trung Tâm để giới thiệu với Đức Cha những dự án đang làm và sẽ làm. Trước mắt Đức Cha là dãy Nhà Thanh Thản bên nam chuẩn bị thi công và hệ thống trữ nước đang làm dang dở. Hy vọng với lời chuyển cầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre xin Chúa chúc lành cũng như cho những công trình phục vụ cho khách hành hương tại Trung Tâm này sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.

9 giờ 30, anh Giuse Đặng Thế Bảo mời gọi cộng đoàn bước vào giờ hành hương Kính Mẹ.

Hôm nay, 27 tháng 6, ngày mà toàn Dòng Kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nên anh Bảo mời gọi cộng đoàn đặc biệt chiêm ngắm hình ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp: “Kính thưa cộng đoàn, hôm nay là cộng đoàn chúng ta mừng kính lễ Đức Maria Mẹ Hằng Cứu Giúp. Sẽ không gì thích hợp hơn để chúng ta tỏ bày lòng sùng kính của chúng ta đối với Mẹ hiền bằng việc suy gẫm việc Đức Maria chuyển cầu, cứu giúp chúng ta trong cuộc sống.

Chúng ta cùng với Mẹ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì biết bao ơn lành mà chúng ta đã nhận được từ bàn tay yêu thương của Thiên Chúa nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ. Chúng ta cũng cầu xin cho mỗi người ngày thêm vững tin vào Thiên Chúa quyền năng và yêu thương, đồng thời cũng biết dân thân sống niềm tin đó giữa lòng cuộc sống hôm nay”

Và rồi, anh Giuse Bảo dâng lời nguyện lên Chúa: “Lạy Cha là Thiên Chúa của chúng con, chúng con xin hết lòng cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha. Vì Cha đã ban cho chúng con Đức Giêsu Kitô là Đức Chúa cứu độ chúng con. Cha lại ban cho chúng con Đức Maria làm Mẹ Hằng Cứu Giúp để giúp đỡ, hướng dẫn, cầu bầu cho chúng con.

Lạy Cha, trong ngày lễ kính Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hằng Cứu Giúp hôm nay, xin Cha ban cho chúng con lòng tin tưởng vào tình yêu và sự quan phòng quyền năng của Cha. Xin Cha cũng ban cho chúng con một lòng mến yêu Mẹ của Con Cha để chúng con luôn sống trong sự tin yêu phó thác đang khi sống cuộc đời thế trần này”.

10 giờ 5 phút, đoàn đồng tế cất bước vào Đền Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre trong tiếng kèn vang. Khởi đầu là Thánh Giá Đèn Hầu, các em nhận bí tích thêm sức, quý cha đồng tế và sau cùng cũng là chủ tế Thánh Lễ tạ ơn hôm nay là Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai – Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long.

Mở đầu Thánh Lễ, Đức Cha mời gọi cộng đoàn cùng hướng về ý nghĩa của Thánh Lễ hôm nay:

Kỷ niệm 150 Đức Chân phước Giáo hoàng Piô IX đã trao bức linh ảnh này cho Dòng Chúa Cứu Thế với sứ mạng là hãy làm cho thế giới bởi Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp. ..

Thánh Lễ hôm nay chúng ta tham dự ban phép Bí Tích Thêm Sức, xin Chúa ban ơn Thánh Thần của Người xuống cho tất cả chúng ta và đặc biệt cho các em lãnh Bí Tích Thêm Sức. Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta sống đạo cho đàng hoàng và tuyên xưng đức tin của Chúa.

Tham dự nghi Lễ làm phép Thánh hiến Bàn Thờ. Xin Chúa chúc lành và thánh hóa Bàn Thờ này để đặt những của Lễ xứng đáng dâng lên Chúa. .. chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh.

Sau bài giảng là đến phần ban bí tích Thêm Sức cho 33 em thuộc 2 họ đạo La Mã và Giồng Trôm. Bí tích Thêm Sức khép lại và rồi nghi thức Thánh hiến Bàn thờ được Đức Cha cử hành.

Trước khi kết Lễ, ông đại diện họ đạo Giồng Trôm thay mặt cho hai họ đạo cảm ơn Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa. ..

Vị đại diện cũng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng của Đức Cha vào ngày mốt. Trước khi dứt lời, vị đại diện nói: “Kính xin Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn cầu nguyện cho 2 họ đạo nhỏ bé này của Giáo Phận Vĩnh Long”.
 
Tưởng nhớ vị ân nhân : Tiến sỹ Rupert Neudeck
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
08:01 27/06/2016
Tưởng nhớ vị ân nhân : Tiến sỹ Rupert Neudeck

Trước thảm họa làn sóng người tỵ nạn trên những con thuyền ghe nhỏ bé, mỏng manh ngoài đại dương biển cả, năm 1979 Tiến sỹ Rupert Neudeck đã kêu gọi dân chúng nước Đức lập „ Hội một con tầu cho Việt Nam“ nhằm cứu giúp những người tỵ nạn Việt Nam gặp nạn nguy hiểm đến tính mạng ngoài vùng trời biển Đông

Hội đã thuê con tầu Cap Anamur chạy ngang dọc vùng biển Đông tìm kiếm cứu vớt những người Việt Nam tỵ nạn. Con tầu Cap Anamur từ 1979 đến 1986 đã cứu vớt được hơn 11 ngàn người. Phần lớn đại đa số họ đã được định cư sinh sống ở nước Đức, và một phần được các quốc gia đất nước khác trên thế giới nhận cho vào định cư sinh sống.

Dù định cư sinh sống ở nước nào trên thế giới, những người Việt Nam tỵ nạn được tầu Cap Anamur cứu vớt luôn nhớ ơn Ông Neudeck đã can đảm dấn thân cứu mạng sống họ trên bước đường vượt biên đầy nguy hiểm giữa sóng gío đại dương và nạn cướp bóc hãm hiếp vô nhân đạo của cướp biển Thái Lan.

Ông Rupert Neudeck sống nếp sống của một người như Chúa Giêsu đã ví trong dụ ngôn người gieo giống ( Mt 13, 1-9). Lời Chúa đã gieo vào thửa đất đời sống tâm hồn Ông từ khi Ông được tạo dựng thành hình trong cung lòng mẹ. Hạt giống đó phát triển lớn lên sinh hoa trái trong cuộc đời Ông .Và lớn lên đi vào trường đời, Ông không chỉ là cây có hoa trái nhân đạo tình người tươi tốt, nhưng chính Ông đã trở thành người đi gieo hạt giống giới luật thương bác ái qua việc làm nhân đạo thiết thực của người Samaritano nhân lành cứu giúp những người trong cơn khốn khó nguy hiểm.

Sau cuộc hành trình 77 năm trên trần gian với những thăng trầm, thử thách, hy vọng có, thất bại có, và cả những thành công an ủi được công nhận tưởng thưởng, Thiên Chúa, Đấng sinh thành nuôi dưỡng đời Ông, đã gọi Ông trở về với Ngài.

Khi hay tin Ông đã ra đi thành người thiên cổ, những người Việt Nam tỵ nạn thế hệ được cứu vớt tầu Cap Anamur đều ngậm ngùi xôn xao nhắc nhớ đến những niệm ngày xưa đã được hạnh phúc sống trải qua với Ông, với những Cộng sự Viên của Ông trên con tầu Cap Anamur năm xưa. Họ lặng lẽ thương tiếc nhớ tới Ông…

Vì thế ngày 14.06.2016 gần hai ngàn người Việt Nam khắp nơi trên nước Đức đã kéo về vương cung thánh đường St. Apostel ở Koeln cùng với Đức Hồng Y Woelki, Tổng Giám mục Koel, và cùng với 14 Linh mục Việt Nam, đã cử hàng thánh lễ tưởng niệm cầu nguyện cho Rupert Neudeck, „ người Cha, người Ông tinh thần „ của họ.

Để tỏ lòng biết ơn ngưỡng mộ người qúa cố theo cung cách phong tục văn hóa người Việt Nam, ngày thứ bảy 25.06.2016 Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam nước Đức cũng tổ chức thánh lễ tưởng nhớ cầu nguyện cho Ông Rupert Neudeck ở St. Hippolytus, Troisdorf.

Dù thời tiết hôm đó mưa gío cả ngày từ sáng sớm cho tới chiều tối, cũng đã có khoảng năm trăm người Việt Nam từ khắp các nơi kéo về Troisdorf, nơi là quê hương sinh sống của gia đình Neudeck xưa nay, tham dự buổi lễ tưởng nhớ tới vị ân nhân năm xưa đã vượt mọi gian nan đi gieo hạt giống bác ái tình thương cứu giúp mạng sống con người ngoài khơi biển cả.

Cùng với 500 người Việt Nam, Ông chủ tịch hội Cap Anamur Dr. W. Strahl, Ông M. Dentler đại diện cho Moas, Ông đại diện Gruenhelm , và 09 linh mục Việt Nam đã cùng dâng thánh lễ tưởng niệm cầu nguyện cho Ông qúa cố Rupert Neudeck. Ngoài ra trong thánh lễ đã quyên góp được 3700,00 Euro cho qũi Cap Anamur.

Xin chắp đôi tay nguyện cầu ngậm ngùi cúi đầu nhớ về Ông Rupert Neudeck.

„1. Lieber Herr Rupert Neudeck,

Unsere Eltern haben immer wieder darüber erzählt, dass Sie 1979 das Komitee „ Ein Schiff für Vietnam“ gründeten, mit dem Ziel die vietnamesischen Flüchtlinge aus der großen Not auf dem südchinesischen Meer zu retten.

Wir danken Ihnen von ganzem Herzen für Ihren caritativen Einsatz. Jetzt sind Sie von uns gegangen. Sie sind jedoch immer präsent in unserem Herzen und in unserer Erinnerung an Sie.

Wir erheben unsere Herzen und Hände zum Himmel, um für Sie zu beten. Bitte beten Sie im Himmel auch für uns.

Ông Neudeck yêu qúi,

Ông bà cha mẹ chúng con luôn kể về việc làm nhân đạo của Ông cho người Việt nam tỵ nạn chúng con. Năm 1979 Ông đã kêu gọi và cùng với những vị uy tín trong xã hội thành lập Hội : Một con tầu cho Việt nam“ với mục đích đi tìm kiếm cứu vớt những người tỵ nạn Việt Nam bằng tầu thuyền gặp hoạn nạn đe dọa bị đắm chìm thuyền , bị cướp bóc hãm hại ngoài khơi vùng biển cả Biển Đông.

Chúng con nhớ tới Ông với cả tấm lòng biết ơn, vì sự hy sinh dấn thân nghĩa cử chan chứa bác ái tình người của Ông.

Bây giờ Ông đã ra đi thành người thiên cổ, nhưng hình ảnh Ông, nghĩa cử việc làm bác ái tình người của Ông luôn hằng hiện diện sống động trong trái tim tình yêu mến và lòng nhớ nhung những kỷ niệm của những người đã được cứu vớt năm xưa.

Chúng con chắp đôi tay hướng tâm hồn lên trời cao cầu nguyện cho Ông, và xin Ông cũng cầu nguyện cho chúng con .

Instrument: Cello und Geige: O Haupt voll Blut und Wunden!

2. Lieber Herr Rupert Neudeck

Durch Ihre Cap Anamur wurden mehr als 11.000 Flüchtlinge aus Vietnam aus dem gefährlichen Meer gerettet, die dann Zuflucht in Deutschland und auch in anderen Ländern gefunden haben. Wir betrachten Ihr Lebenswerk Cap Anamur als ein Werk des Himmels.

Wir danken Ihnen für Ihren mutigen und aufopfernden Einsatz für die Menschen in der Not. Jetzt sind Sie von Gott abberufen in die Ewigkeit. Wir trauern um Sie. Wir sagen Ihrer Frau und Ihren Kindern unsere aufrichtige und herzliche Anteilnahme zu Ihrem Tod. Im Gebet sind wir mit Ihnen verbunden

Ông Neudeck yêu qúi

Hội „Một con tầu cho Việt nam“ đã điều động con tầu Cap Anamur chạy ngang dọc ngoài khơi bển Đông ròng rã 7 năm trời và đã cứu vớt được hơn 11 ngàn người tỵ nạn trên những chiếc ghe thuyền nhỏ bé mong mang ra đi từ Việt Nam. Và nhờ thế họ đã được chính phủ nước Đức cũng như chính phủ những nước khác trên thế giới nhận cho vào định cư sinh sống xây dựng lại cuộc đời.

Công việc thành lập tầu Cap Anamur của Ông đi cứu vớt người ngoài biển khơi là công trình của Trời cao.

Chúng con cám ơn Ông đã can đảm hy sinh dấn thân cho con người trong hoàn cảnh gặp khó khăn khốn khó.

Bây giờ Ông đã được Thiên Chúa gọi về với Ngài. Chúng con đau buồn để tang nhớ Ông. Chúng con xin chân thành chia buồn cùng Vợ Ông , cùng các con cháu gia đình Ông, chúng ta liên kết với nhau trong tâm tưởng và lời cầu nguyện.

Instrument: Cello und Geige: O Haupt voll Blut und Wunden!

3. Lieber Herr Rupert Neudeck,

Sie sind nicht mehr auf der Lebensbühne der Welt, aber Ihre Stimme schwingt immer noch bei uns, wie Sie damals mit voller Überzeugung sprachen: „Ich möchte nie mehr feige sein. Cap Anamur ist das schönste Ergebnis des deutschen Verlangens, niemals wieder feige, sondern immer mutig zu sein.“

Ihre Furchtlosigkeit war die Motivation für Ihr unerschrockenes Handeln. Sie sind ein Vorbild für uns und dafür sind wir Ihnen sehr dankbar. Wir fühlen uns Ihnen schuldig. Deshalb wollen wir nicht nur für Sie beten, sondern auch nach Ihrem Beispiel möglichst uns mutig für die Not der anderen einsetzen.

Ông Neudeck yêu qúi,

Ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng không còn có mặt trên sân khấu đời sống trần gian nữa, nhưng không vì thế Ông biến mất khỏi sân khấu cuộc đời. Trái lại, Ông hằng sống động hiện diện trong trái tim tình yêu mến của gia đình Ông, của chúng con, những người đã được Ông cứu vớt giúp đỡ.

Hình ảnh cùng lời nói của Ông khi xưa vẫn còn văng vẳng nơi tâm hồn chúng con. Ngày xưa với lòng đầy nhiệt huyết và xác tín Ông đã tâm tình rằng: “Tôi không bao giờ trở thành người nhút nhát nữa. Cap Anamur là là thành qủa tốt đẹp nhất cho ước vọng của người Đức, không bao giờ được nhút nhát nữa, nhưng luôn luôn sống can đảm lên!“

Lòng không nao núng sợ hãi của Ông là động lực thúc đẩy cho hành động việc làm không biết mệt nhọc của Ông. Ông là mẫu gương sống động cho con người chúng con, chúng con cám ơn Ông.

Chúng con thấy mình còn mắc nợ Ông. Vì thế chúng con không chỉ nhớ tới Ông trong nguyện cầu, nhưng còn muốn hết sức có thể sống noi gương lòng bác ái nhân đạo giúp người như Ông đã sống đã làm.“

Cello und Geige: O Haupt voll Blut und Wunden!

„Ông Rupert ơi! cứ yên nghỉ, chúng tôi sẽ tiếp tục“. ( Hồng Y Woelki)

Vâng, tiếp tục những công việc từ thiện cao thượng như ông. ( Thầy cả Phaolô Phan Đình Dũng).

Troisdorf, ngày 26.06.2016

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Mừng Đại Lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Và Bế Mạc Năm Thánh
Người Giồng Trôm
16:26 27/06/2016
Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Mừng Đại Lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Và Bế Mạc Năm Thánh

Chiều hôm nay, 27 tháng 6 năm 2016, tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn đông hơn, vui hơn bởi lẽ con cái của Mẹ Hằng Cứu Giúp đã từ nhiều nơi dắt díu nhau về với Mẹ để mừng lễ của Mẹ. Dẫu rằng chiều hôm nay trời mưa lớn nhưng không cản được lòng của những người con của Mẹ.

Xem Hình

17 giờ 30, cộng cùng cất bước lên đường rước kiệu kính Mẹ. Cha Phaolô Trần Hữu Dũng đã mời cộng đoàn cùng hướng lên Mẹ và cất bước lên đường hành hương với Mẹ. Kèm theo đó là nhiều và rất nhiều ý nguyện được dâng lên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Khi đoàn kiệu kết thúc, Cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Giuse Nguyễn Ngọc Bích ngỏ lời hân hoan chào đón Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên – Giám Mục Giáo Phận Cần Thơ: “Trọng kính Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên – Giám Mục Giáo Phận Cần Thơ. Anh chị em Dòng Chúa Cứu Thế chúng con và nhiều xứ khác hân hoan chào đón Đức Cha. .. Đức Cha đã có lòng yêu mến Đức Mẹ đặc biệt, Đức Cha từ giáo xứ này Đức Cha cũng đã đi tu và làm Giám Mục Giáo Phận Cần Thơ. Ngày hôm nay chúng con vui mừng vì Đức Cha có mặt ở đây với chúng con. Niềm vui của chúng con có Đức Cha ở đây với chúng con trong ngày Lễ kỷ niệm 150 năm Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được giao cho Dòng Chúa Cứu Thế chúng con. Giờ đây kính xin Đức Cha dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho chúng con được hưởng trọn ân huệ của Chúa”.

18 giờ 00, Thánh Lễ đồng tế mừng Đại Lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được bắt đầu. Chủ tế Thánh Lễ hôm nay là Đức Cha Stêphanô – Giám Mục Giáo Phận Cần Thơ. Cùng đồng tế với Đức Cha Stêphanô có quý cha trong và ngoài cộng đoàn Kỳ Đồng.

Mở đầu Thánh Lễ, Đức Cha Stêphanô mời gọi cộng đoàn cảm ơn Mẹ, cảm ơn Chúa vì muôn ơn lành của Chúa ban cho từng người, cộng đoàn giáo xứ. .. Cảm ơn Chúa vì một năm qua, cộng đoàn có dịp để học hỏi về cuộc đời Đức Maria. .. chúng ta cảm ơn Chúa cùng với Đức Mẹ Maria về những điều đó. Ngoài việc cảm ơn Chúa, chúng ta tiếp tục xin Chúa ban ơn qua lời cầu bầu của Mẹ Maria để chúng ta sống xứng đáng là những người con ngoan của Chúa và Mẹ, chúng ta là những chứng nhân của Mẹ làm chứng cho nước Chúa, cho mọi người biết Chúa, biết Mẹ hơn. ..

Trong bài chia sẻ, Đức Cha Stêphanô mời gọi cộng đoàn cùng nhìn lại đoạn sách trong bài đọc thứ nhất trích sách Isia 7, 10 – 17 trong đó tiên tri Isaia nói với Vua Akhap. Đức Cha gợi lại biến cố truyền tin cho Đức Maria mà cộng đoàn biết được tiên báo trước đó 700 năm. Maria là người đầy ơn phước, được Thiên Chúa ở cùng. .. qua lời truyền của sứ thần Gabriel, người nữ đó đã trở thành Mẹ Thiên Chúa làm người, làm Mẹ con Đấng Chí Tôn. Sau lời truyền tin, Đức Maria thưa xin vâng, thụ thai và trở thành Mẹ Thiên Chúa và Con Thiên Chúa làm người nhờ Đức Trinh Nữ Maria. Thiên Chúa vô hình giờ thành hữu hình ở giữa chúng ta. .. Đức Cha gợi lại hình ảnh của Giao Ước cũ và Giao Ước mới. ..

Và rồi Đức Cha gợi đến cái chết của Chúa Giêsu và những người theo Chúa cảm thấy thất vọng mà còn cả tuyệt vọng nữa. .. Từ trên Thánh Giá, Đức Giêsu chỉ nhìn thấy Mẹ thôi. Đức Giêsu xin Mẹ làm Mẹ của các môn đệ, tin vào con và những lời chứng nhân của họ. Đức Giêsu mời gọi Đức Maria và Đức Maria xin vâng theo thánh ý Chúa. Với tình mẫu tử, Mẹ Maria quy tụ các môn đệ và nói cho họ biết về chân lý mầu nhiệm cứu chuộc, về cái chết của Chúa.

Qua những đoạn Thánh Kinh, chúng ta biết Đức Mẹ có một vai trò quan trọng với các môn đệ của Đức Giêsu. .. với mỗi người chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy bắt chước Đức Mẹ về nhà mình. Rước Đức Mẹ về nhà chúng ta để chúng ta bày tỏ như Thánh Gioan. .. Đức Mẹ nâng đỡ và củng cố niềm tin của chúng ta. ..

Để kết thúc, Đức Cha mời gọi mọi người biết rước Mẹ về nhà mình.

Sau khi ban phép Lành với ơn Xoàn Xá cuối Lễ, Cha Giám Tỉnh Giuse Nguyễn Ngọc Bích thay mặt Nhà Dòng ngỏ đôi lời cảm ơn Đức Cha Stêphanô: “Kính thưa Đức Cha Stêphanô ! Hôm nay Đức Cha đã đến với chúng con. Từ rất xa, Giáo Phận Cần Thơ, Đức Cha đã đến với chúng con, Đức Cha yêu thương chúng con. Tình yêu thương ấy chúng con cảm thấy Đức Cha dành cho Nhà Dòng chúng con nhiều lần. Kính thưa Đức Cha ! Tâm tình ấy lộ ra việc Đức Cha đến với chúng con, Đức Cha suy niệm và cầu nguyện rất nhiều. Đức Cha cho chúng con giáo huấn của Đức Cha. .. Hôm nay Đức Cha cũng nhắc nhở chúng con rước Đức Mẹ về nhà và đến với những ai chưa biết Chúa và chưa gặp gỡ Đức Mẹ, đó là điều mà Đức Giáo Hoàng Pio IX nói với Nhà Dòng chúng con là làm cho thế giới biết Mẹ, ngày hôm nay Đức Cha cũng nhắc lại cho chúng con. Và chúng con cũng nhìn thấy cung cách Đức Cha rất đơn giản, Đức Cha đi không cần người hộ tống. .. cung cách đơn giản của Đức Cha làm cho anh em tu sĩ chúng con phải học hỏi nơi Đức Cha. Xin Đức Cha thương nâng đỡ và cầu nguyện nhiều cho chúng con”.

Cha Giám Tỉnh cũng cảm ơn cộng đoàn đã đến với Đức Mẹ trong những ngày qua. .. “Chúng tôi cầu mong việc anh chị em làm trong những ngày qua mang ơn ích thiêng liêng cho chúng tôi và cho gia đình anh chị em. Xin Mẹ Maria nâng đỡ, cứu giúp anh chị em. ...

Một hình ảnh hết sức dễ thương đó là khi Đức Cha nhận lẵng hoa từ tay Cha Giám Tỉnh và Đức Cha kính dâng Đức Mẹ.

Cha Giám Tỉnh trước khi dứt lời thông báo với cộng đoàn trước khi ra về nhận quà là Ảnh Đức Mẹ với dây đeo có sẵn và mặt sau là ảnh Thánh Giêrađô.

Và, thông báo từ Cha G.B. Nguyễn Minh Phương rằng sau Thánh Lễ này, tại Hội Trường Thánh Anphongsô trên lầu 3 Nhà Mục Vụ có diễn nguyện kính Đức Mẹ.

Thánh Lễ tạ ơn mừng kính Mẹ Hằng Cứu Giúp qua đi, Năm Thánh mừng kỷ niệm 150 năm Bức Linh Ảnh được giao cho Dòng Chúa Cứu Thế khép lại, nhưng như tâm tình của Cha Giám Tỉnh: . Kết thúc một Năm Thánh không phải là chúng ta hết tất cả những gì tốt lành mà chúng ta đã thực hiện trong năm vừa qua nhưng đây lại là khởi đầu để chúng ta chuẩn bị bước vào một thời gian mới và ở đó những gì mà chúng ta có sau một năm lại được phát triển hơn nữa. Nhất là chúng ta được cảm nhận thấy tình thương của Mẹ Maria càng ngày càng tràn đầy và chan chứa trên cuộc đời của chúng ta.

Kết thúc Năm Thánh lại là cơ hội để chúng ta đón nhận ân sủng và khởi đầu chuẩn bị bước đi mới trong đó chúng ta có Mẹ Maria đồng hành với chúng ta, trong đời sống thánh hiến của chúng ta, trong việc chúng ta loan báo Tin Mừng, xin Mẹ Maria nâng đỡ chúng ta, đồng hành với chúng ta để chúng ta mạnh mẽ, hân hoan thực hiện chương trình Chúa trao phó.

Nguyện xin Mẹ Hằng Cứu Giúp thương tuôn đổ muôn phúc lành và hằng cứu giúp chúng con, xin giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ và gìn giữ chúng con trên mọi nẻo đường.
 
Thông Báo
Thông Báo : Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ cử hành Đại Hội Về Đất Hứa từ 30/6 đến 3/7/2016
Giuse Đặng Văn Kiếm
16:43 27/06/2016
ĐẠI HỘI VỀ ĐẤT HỨA VI 30/6-3/7/2016 PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM TẠI HOA KỲ

CHICAGO (27.6.2016) - Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ cử hành Đại Hội VỀ ĐẤT HỨA lần thứ VI với vài thông tin như sau:

1. Chủ Đề: “Chúa sống trong tôi” (Gal 2, 20)

2. Ðịa Ðiểm: Lake Williamson Christian Center, Carlinville, IL, USA

3. Thời Gian: Thứ Năm, ngày 30 tháng 6 đến Chúa Nhật, ngày 3 tháng 7 năm 2016

4. Điều kiện tham dự: Chính thức là Huynh Trưởng, Trợ Tá, Trợ Úy, Tuyên Úy và những quan khách được mời (Người thân gia đình cũng được mời ghi tên tham dự).

Đại Hội lần này hướng tới các mục tiêu:

• Tạo cho các Huynh Trưởng, Huấn Luyện Viên, Trợ Tá, Trợ Úy và Tuyên Úy có cơ hội gặp gỡ, sinh hoạt và kết thân với nhau;

• Tạo cơ hội cho các thành viên chia sẻ những niềm vui, những thành quả đã gặt hái được trong những năm qua; cùng nhau nhìn lại những khó khăn và nhận định những thách đố trong xã hội ngày nay;

• Chia sẻ và thảo luận để tìm ra những đường hướng sinh hoạt tốt lành giúp các thành viên luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể và luôn có Chúa trong cuộc đời.

Cha Tổng Tuyên Úy Phanxicô Xaxiê Nguyễn Thanh Bình, SVD, cho biết lần này có sự tham dự đặc biệt của Cha Federic Fornos, SJ, và Nữ tu Lourdes Vargaz, Giám đốc và Phụ tá Gđ Hội Tông Đồ Cầu Nguyện Quốc Tế của Đức Giáo Hoàng; Nữ tu Myrna Tordillo, MSCS, Thư ký Ủy Ban Đa Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ; Ông Doug Leonard, Chủ tịch Ban Chấp Hành Hội Tông Đồ Cầu Nguyện tại Hoa Kỳ.

Các vị trên đây đã có dịp quan sát sinh hoạt của TNTTVN tại Rôma tháng 7/2015 trong lần Đại Hội kỷ niệm 100 năm hiện diện của Phong Trào TNTT Thế Giới. Dự kiến dịp Đại Hội Về Đất Hứa VI cuối tuần này, Phong Trào TNTTVN sẽ chính thức là thành viên liên đới trong Hội Tông Đồ Cầu Nguyện Quốc Tế của Đức Giáo Hoàng.

Theo thống kê mới nhất của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ, hiện nay có 22.837 thành viên sinh hoạt tại 132 Đoàn trong các Cộng đoàn Giáo xứ; phân chia như sau:

7005 Ngành Ấu Nhi

5768 Nganh Ấu Nhi

4451 Ngành Nghĩa Sĩ

2300 Ngành Hiệp Sĩ

1640 Huynh Trưởng Cấp I

654 Huynh Trưởng Cấp II

188 Huynh Trưởng Cấp III

99 Huấn Luyện Viên Sơ Cấp

24 Huấn Luyện Viên Trung Cấp

7 Huấn Luyện Viên Cao Cấp

506 Phụ Huynh Trợ Tá

70 Tu Sĩ Trợ Úy

125 Linh Mục Tuyên Úy

Hôm nay, đúng 3 ngày trước khi khai mạc Đại Hội, Trưởng Ban Tổ Chức Giuse Đào Văn Đức cho biết qua email: “Đại Hội VDH6 kỳ này quy tụ 1 ngàn thành viên của Phong Trào để cùng nhau chia sẻ, học hỏi, tâm tình và cùng vui với nhau qua những bước tiến của Phong Trào. Trong Chúa Kitô, chúng ta cùng hân hoan trao cho nhau những niềm vui, những nụ cười, những giây phút vui chơi và thi đua cũng như những giây phút quy tụ bên chúa Giêsu Thánh Thể để nâng đỡ nhau trong đời sống phục vụ”.

Xin xem thêm các thông tin liên hệ trong trang nhà www.tntt.org

Giuse Đặng Văn Kiếm, ghi nhận
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ánh Sáng
Tấn Đạt
18:10 27/06/2016
ÁNH SÁNG
Ảnh của Tấn Đạt
“Ta là Ánh Sáng thế gian,
để bất cứ ai tin vào Ta,
thì không ở lại trong bóng tối “
(Gioan.12: 46)
 
VietCatholic TV
Kỹ thuật truyền hình: Film Strip.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:35 27/06/2016
Các bạn đang theo dõi chương trình huấn luyện kỹ thuật viên của VietCatholic.

Trong chương trình này Phương Thảo sẽ giới thiệu với các bạn cách thức làm một film strip để giới thiệu các bản tin sẽ được phát trong chương trình.

Film Strip chính là cái mà bạn đang thấy ngay bên cạnh Phương Thảo.

Muốn làm một Film Strip như thế, đầu tiên bạn cần download xuống máy của bạn file FilmStrip.zip từ Mega của VietCatholic.

Sau khi download xong, xin unzip ra vào một folder.

Bạn chỉ cần thực hiện bước này một lần duy nhất.

Mỗi khi bạn muốn làm một Film Strip, bạn cần chuẩn bị 17 cái video clips, mỗi cái dài không dưới 1 phút.

Bây giờ, trong Windows Explorer, bạn vào cái folder mà bạn đã unzip cái file FilmStrip.zip download từ Mega của VietCatholic.

Sau đó, nhấn vào file Film Strip Template.prproj.

Windows Explorer sẽ khởi động Adobe Premiere cho bạn.

Sau khi Adobe Premiere khởi động xong, chương trình này sẽ yêu cầu bạn save cái project này. Bạn cần chọn để save nó vào một folder khác chứ đừng save vào cùng chỗ với cái folder hiện nay.

Khi được hỏi về cách save những files phối thuộc khác, cứ nhấn OK là được.

Bây giờ, trong Adobe Premiere, bạn lần lượt right-click trên từng video trong các từ Video 1 đến Video thứ 17 trong Video bin. Bạn chọn menu Replace Footage và chỉ định chỗ các bạn để các videos sẽ lồng vào trong Film Strip.

Sau khi làm hết từ Video 1 đến Video thứ 17, bạn nhấn Home để kéo cursor ra đầu track. Nhấn phím I trên keyboard để đánh dấu bắt đầu.

Rồi bạn nhấn End để kéo cursor ra cuối track.

Nhấn phím O trên keyboard để đánh dấu kết thúc.

Nhấn Control M để render.

Trong Export Settings, bạn phải chọn là VietCatholic Standard.

Nhấn Queue hay Export để render.

Chờ một chút là bạn có cái video Film Strip.

Phương Thảo chúc các bạn thành công.
 
Kỹ thuật truyền hình: Cách làm một Video Wall
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:40 27/06/2016
Các bạn đang theo dõi chương trình huấn luyện kỹ thuật viên của VietCatholic.

Trong chương trình này Đình Trinh sẽ giới thiệu với các bạn cách thức làm một Video Wall để giới thiệu các bản tin sẽ được phát trong chương trình.

Video Wall chính là cái mà bạn đang thấy sau lưng Đình Trinh.

Muốn làm một Video Wall như thế, bạn phải dùng Adobe Premiere version 2015, update 2. Nếu version của bạn cũ hơn, xin update Adobe Premiere trước.

Đầu tiên bạn cần download xuống máy của bạn file VideoWall.zip từ Mega của VietCatholic.

Sau khi download xong, xin unzip ra vào một folder.

Bạn chỉ cần thực hiện bước này một lần duy nhất.

Mỗi khi bạn muốn làm một Video Wall, bạn cần chuẩn bị 9 cái video clips, mỗi cái dài không dưới 1 phút.

Bây giờ, trong Windows Explorer, bạn vào cái folder mà bạn đã unzip cái file VideoWall.zip download từ Mega của VietCatholic.

Sau đó, nhấn vào file VideoWallTemplate.prproj.

Windows Explorer sẽ khởi động Adobe Premiere cho bạn.

Sau khi Adobe Premiere khởi động xong, bạn nên save cái project này vào chỗ khác chứ đừng save vào cùng chỗ với cái folder hiện nay.

Bây giờ, trong Adobe Premiere, bạn kéo hết 9 cái video clips vào trong panel Project.

Lần lượt click trên từng cái Tab A, B, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 trên TimeLine.

Kéo các video clip vào từng tab. Bạn phải canh cho các video của bạn có cùng chiều dài với cái sample. Nếu cái video của bạn không phải là 1080 thì right-click trên cái clip và chọn menu Scale To Frame Size.

Sau khi làm hết từ Tab A đến Tab 7, bạn nhấn vào Tab Template Final.

Nhấn Home để ra đầu Sequence.

Nhấn phím I trên keyboard để đánh dấu bắt đầu.

Rồi bạn nhấn End để kéo cursor ra cuối track.

Nhấn phím O trên keyboard để đánh dấu kết thúc.

Nhấn Control M để render.

Trong Export Settings, bạn phải chọn là VietCatholic Standard.

Nhấn Queue hay Export để render.

Chờ một chút là bạn có cái video Film Strip.

Đình Trinh chúc các bạn thành công.