Kính thưa Anh Chị em,
Như tính cách của Mẹ Têrêxa và công nương Diana, Lời Chúa ngày lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô hôm nay là ngày lễ nhớ đến hai vị thánh của những ‘khác biệt và tương đồng’. Chính qua hai tính cách này, Chúa Kitô sẽ đặt nền móng cho toà nhà Giáo Hội.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trực tiếp trao ‘chìa khoá Nước Trời’ cho Phêrô, một biểu tượng của thẩm quyền, thì Phaolô chưa một lần gặp Chúa Giêsu trước khi Ngài qua đời; Phêrô chỉ là một ngư phủ đánh cá ở vùng quê Galilê, Phaolô là một biệt phái uyên bác từ thành phố đại học Tarsus; ngôn ngữ đầu tiên của Phêrô là tiếng Aram, ngôn ngữ đầu tiên của Phaolô là tiếng Hy Lạp; Phêrô biết Chúa Giêsu sau khi Ngài chịu phép rửa của Gioan, Phaolô chỉ gặp Chúa Phục Sinh ở một vùng lân cận thành Đamas; và trong khi Phêrô được gọi là đá, tâm điểm của sự hợp nhất Hội Thánh, thì Phaolô được gọi làm tông đồ dân ngoại. Mỗi vị đều có những kinh nghiệm rất khác nhau về Đấng đã kêu gọi mình và mỗi người nhận một sứ mệnh cũng rất khác biệt từ Ngài; thế nhưng, chung quy, họ đã cùng nhau xây dựng Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô.
Bên cạnh đó, Phêrô và Phaolô cũng có những điểm rất tương đồng. Nếu Phêrô đã chối Thầy, thì Phaolô cũng đã bách hại Thầy khi bắt bớ Hội Thánh; và một trong những nét tương đồng nhất của hai ngài, là cùng bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá và cả hai đều được đỡ nâng.
Bài đọc thứ nhất hôm nay tiết lộ cho chúng ta điều đã xảy ra với Phêrô. Sách Công Vụ Tông Đồ ghi nhận, “Thấy việc giết Giacôbê đẹp lòng người Do Thái, Hêrôđê cho tống ngục Phêrô, giao cho bốn đội binh, mỗi đội bốn người canh giữ”; cũng thế, bài đọc thứ hai, từ trong ngục thất, Phaolô viết cho Timôtê với ý thức rằng, cuộc đời ngài sắp kết thúc, “Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi”. Vậy mà khi hai ngài đi theo con đường thập giá của Thầy, các ngài đều khám phá ra rằng, Chúa đang nâng đỡ các ngài, nâng đỡ một cách đặc biệt. Công Vụ Tông Đồ tiếp tục cho biết, “Phêrô bị giam trong ngục, nhưng Hội Thánh vẫn luôn luôn cầu nguyện cùng Chúa cho ngài”; chính thiên thần Chúa đã vào tận ngục giải thoát Phêrô, khiến ngài tưởng như mơ, “Thiên thần lại bảo Phêrô, “Hãy khoác áo vào mà theo ta””; để cuối cùng, Phêrô kết luận, “Bây giờ, tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do Thái!”. Cũng thế, qua thư Timôtê, Phaolô lại tuyên bố, “Có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn”. Như thế, Chúa đã ở cùng hai ngài, giải thoát hai ngài, đúng như Thánh Vịnh đáp ca tuyên tín, “Chúa đã giải thoát tôi khỏi mọi nỗi kinh hoàng!”.
Một trong những tương đồng nổi bật nhất chính là triều thiên tử đạo dành cho hai ngài; có khác chăng là Phêrô chịu đóng đinh ngược, Phaolô bị chặt đầu; Phêrô trong thành, Phaolô ngoại thành. Vậy mà thật lạ lùng, hai con người ‘khác biệt và tương đồng’ này đã hợp tác với nhau để sau hơn 2000 năm, Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng khắp cùng thế giới.
Anh Chị em,
Dù ở bậc sống nào, ơn kêu gọi của mỗi người chúng ta vẫn là duy nhất. Chúa làm việc qua chúng ta với tất cả sự độc đáo và khác biệt của mỗi người; Chúa không tìm kiếm sự đồng nhất nhưng tìm kiếm sự hợp nhất trong đa dạng. Chúng ta ‘khác biệt và tương đồng’ với nhau vì chúng ta cùng đi trên một con đường Chúa đã đi, “Đường Thập Giá”. Như hai thánh tông đồ, khi cố gắng trung thành với ơn gọi của mình, chúng ta cũng sẽ khám phá ra sự hiện diện bền vững và sự đỡ nâng đặc biệt của Ngài trong cuộc sống. Ngày lễ hôm nay cũng trấn an chúng ta rằng, bất xứng của chúng ta không là trở ngại cho công trình Chúa đang thực hiện; những thất bại của chúng ta không xác định chúng ta là ai. Phaolô sẽ tiếp tục nói, “Ân sủng của Thiên Chúa đối với tôi không hề vô ích”. Cũng thế, ân sủng của Chúa đối với chúng ta trong tình trạng yếu đuối cũng không bao giờ là vô ích nếu chúng ta tiếp tục mở lòng đón nhận công việc của ân sủng như hai thánh tông đồ.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa đã làm những việc cả thể, lạ lùng trên hai con người yếu hèn và mỏng dòn này; xin hãy cứ làm điều tương tự trên con”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Lấy làm lạ vì họ không tin”
Sau khi cho chúng ta chứng kiến quyền năng của Đức Giêsu mạnh hơn cả cái chết, thánh Maccô đưa chúng ta đi theo Người về nơi quê quán là Nadarét. Tiếng đồn về Đức Giêsu đã vang khắp nơi, lôi kéo người bốn phương tìm đến với Người (Mc 3, 7-8), nay về thăm quê, chúng ta tưởng rằng Đức Giêsu sẽ được dân làng đón tiếp linh đình, kèn trống râm ran, như cảnh “trạng về làng vinh quy bái tổ”. Chuyện diễn ra không như chúng ta nghĩ.Tuy về quê quán của mình, nhưng Người cũng chờ đến ngày sabát mới vào hội đường rao giảng. Phản ứng đầu tiên của dân làng là “rất đỗi ngạc nhiên”. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?”. Thế ra họ cũng đã nghe biết về những phép lạ Người làm ở khắp nơi. Họ rất đỗi ngạc nhiên. Nhưng họ bỗng như bị xối nước lạnh lên đầu, khi họ nhìn thấy thân nhân của Người ngồi chung quanh họ trong cùng một hội đường. Thân nhân đã từng bị kích động vì dư luận, cho rằng Người đã mất trí và họ đã kéo nhau đi bắt Người về (Mc 3, 20-21.31-32), nhưng đã về tay không. Nhìn mặt Người thì vẫn là mặt bác thợ con bà Maria, từng làm thuê cho họ. Nhìn quanh, họ thấy anh em, chị em, bà con của Người, những người vẫn chen vai sát cánh với họ hàng ngày, trong cái làng quê nhỏ bé mà ai cũng biết mọi người, mọi nhà. “Và họ vấp ngã vì Người”. Đức Giêsu phải ngao ngán nói với họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”. Quả như câu tục ngữ xưa của Việt Nam: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Kết cục: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay lên trên một và bệnh nhân và chữa lành họ”. Lại như một câu tục ngữ Việt Nam: “Bụt nhà không thiêng”; “người phụ nữ” đã được Người tuyên dương: “Lòng tin của con đã cứu chữa con”; ông trưởng hội đường đã được Người khích lệ: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi!” còn dân làng Nadaret thì Người cũng phải “lấy làm lạ vì họ không tin”. Thế là chuyến thăm quê cũ chẳng có gì phấn khởi.(x. Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).
Cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 13,53-58; Mc 6,1-6; Lc 4,14-39) đều thuật lại câu chuyện Đức Giêsu không được tiếp đón tại quê nhà và Ngài đều nói đến ý tưởng: “Ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình” (Ga 4,44). Nhưng mỗi Tin Mừng thuật lại câu chuyện với các chi tiết khác nhau và đặt trong những bối cảnh văn chương khác nhau. Tin Mừng Máccô đặt trình thuật “Đức Giêsu bị rẻ rúng tại quê hương mình” (Mc 6,1-6) sau trình thuật “Đức Giêsu chữa lành người đàn bà bị băng huyết và cho con gái ông Giaia sống lại” (Mc 5,21-43).
Quê hương Nadaret của Chúa Giêsu chẳng là trái ngọt nhưng là trái đắng với vị chát chối từ, và chua cay thành kiến. Dẫu vậy Ngài không than van, không giận dữ hay oán trách quê nhà. Ngài vẫn hiện diện thật hiền lành và khiêm hạ để đón nhận thực tế. Quê hương là "chùm khế ngọt" của mỗi con người. Nhìn về quê hương Nadaret của Chúa Giêsu, thật khác lạ. Ngài trở về quê mà không được dân làng ủng hộ, trái lại họ đã xem thường Ngài và xúc phạm đến Ngài. Tại sao?
Bởi lẽ, họ tìm về nguồn gốc thì chỉ thấy: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giosê, Giuđa và Simon”. Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nadaret này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, mấy ai quan tâm đâu! Ông lại là anh thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, đi từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cày bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ thấy ông ấy nói năng, làm được gì hay lạ đâu? Ông ấy bỏ quê nhà đi một thời gian, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế nhỉ? Một quá khứ và hiện tại như vậy đã khiến họ vấp phạm. Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.
Dân làng Nadaret quá biết về gốc gác, gia cảnh, biết rõ ràng lý lịch của Đức Giêsu. Với đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên họ không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Ngài, họ lấy lý lịch để thẩm định về Ngài. Đức Giêsu trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch”. Chính Nathanael cũng còn mang nặng quan niệm thành kiến đó: “Nadaret có cái gì tốt đâu?” (Ga 1,46). Những người Do thái cố chấp nhìn Đức Giêsu bằng lăng kính của thành kiến quê hương và họ đã đưa Ngài lên ngọn đồi và định xô xuống vực.
Đức Giêsu “ngạc nhiên vì sự không tin của họ”. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật. Dân làng Nadaret “vấp ngã vì Người”, họ không chấp nhận, họ không thể tin vào Đức Giêsu. Ngài mạc khải cho họ về nguồn gốc thiên sai của mình qua những lời giảng dạy khôn ngoan và các phép lạ, nhưng họ lại chỉ bám lấy thành kiến cố hữu. Chính thái độ bám ghì lấy, không dám buông bỏ những hiểu biết giới hạn nên họ không thể nhận biết Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ. Đức Giêsu không thể làm được phép lạ nào tại đó vì họ không tin.
Dân làng Nadaret không tin vì thành kiến. Họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong những định kiến hẹp hòi. Vì thế, họ không thể thấy được những chân trời rộng lớn và mới mẻ mà Đức Giêsu mở ra cho họ. Có ai ngờ Đấng Cứu Thế lại là người đơn sơ, khiêm hạ như thế. Đức Giêsu không sống như một siêu nhân, Ngài sống bình dị như mọi người trong mọi thực tại hằng ngày của cuộc sống gia đình.
Những người đồng hương của Đức Giêsu thật “dại”, thay vì “một người làm quan cả họ được nhờ” nhưng họ lại đánh mất cơ hội khi quan niệm “bụt nhà không thiêng”. Thành kiến kiểu “nhìn mặt là biết số nhà” khiến người ta không ít lần rơi vào sai lầm khi nhìn đến tha nhân.
Thành kiến là ý kiến có sẵn từ lâu trong đầu óc, không thay đổi được.Thành kiến có thể là của cá nhân hay của tập thể. Nếu là của tập thể thì nó tích tụ từ lâu đời qua nhiều thế hệ và hầu như không thể thay đổi được. Thành kiến là những nếp suy nghĩ, quan điểm, niềm tin chủ quan sẵn có, thường là tiêu cực đối với một người, một nhóm người dựa trên lối sống, nghề nghiệp, quan điểm chính trị, màu da, sắc tộc, quốc tịch, tôn giáo, giới tính…Thành kiến thường được định hình trong con người theo thời gian, từ trải nghiệm của bản thân, do được tuyên truyền, do thế hệ trước truyền lại, do môi trường sống.Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của con người, không ai thoát khỏi.
Thành kiến là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, là một sự yên trí, phán đoán mọi người mọi vật theo những quan niệm làm sẵn, có sẵn trong đầu óc, nhất là khi những tư tưởng có sẵn đó lại sai lạc, thì có thể đưa đến những hậu quả sai lầm hoặc nguy hại. Ai đeo kính đen nhìn cái gì cũng tối tăm; lưỡi đắng ăn gì cũng đắng; lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Yêu nên tốt, ghét nên xấu. Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng. Thật dễ để nhận ra hay để nói về sai lầm của người khác.
Thành kiến làm cho người ta mù quáng, không nhận định khách quan nên khó có thể đối thoại, cởi mở với người khác, không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi tha nhân.
Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng sự kiện dân làng Nagiarét ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu rao giảng trong hội đường, và kết thúc bằng sự ngạc nhiên của Chúa khi Ngài thấy họ không tin. Làm sao họ không ngạc nhiên được khi lời rao giảng và những dấu lạ Ngài làm tỏ rõ Ngài là Đấng đầy quyền năng và khôn ngoan? Thế nhưng, sự ngạc nhiên ấy không đủ để thay đổi thành kiến của họ về Ngài. Họ không thể chấp nhận một bác thợ bình thường, là người đồng hương họ quen biết, lại là vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến. Và càng không thể chấp nhận được một con người như Ngài lại cả dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa, là Đấng Kitô. Hạnh phúc được tin vào Đức Kitô, đáng lẽ họ nhận được lại bị mất vì một thành kiến.
ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi thành phần trong Hội Thánh “không bao giờ đóng kín nơi chính mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ. Nó hiểu rằng nó phải gia tăng sự hiểu biết Tin Mừng và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy nó luôn luôn làm bất cứ điều tốt lành nào có thể, dù trên đường đi, chân nó có thể bị lấm bùn” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 45).
Đức Maria được ca tụng là có phúc vì đã tin (Lc 1,45). Chúng ta cũng thật có phúc vì đã tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể làm người và là Đấng Cứu Thế của nhân loại. Đức tin là ân huệ quý giá nhất trong cuộc đời, nhờ đó, mọi việc, dù nhỏ bé, âm thầm đến đâu, vẫn có ý nghĩa và có thể đem lại niềm vui, bình an cho cuộc đời.
Mỗi ngày mới, chúng ta hãy bày tỏ lòng tri ân Chúa đã thương ban cho mình ơn đức tin qua đời sống chuyên cần cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ.
Lạy Chúa Giêsu, con cảm thấy hạnh phúc khi đi theo Chúa, khi làm môn đệ Ngài. Xin Chúa giúp con sống tốt tư thế môn đệ ấy. Xin giúp con luôn quảng đại và khiêm tốn trong lời nói, trong những nhận định về nhau và nhất là xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi anh chị em con.Amen.
Ed 2,2-5; 2 Cr 12,7-10; Mc 6,1-6
CẦN VƯỢT QUA THÀNH KIẾN ĐỂ ĐÓN NHẬN ƠN CỨU ĐỘ
I. HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG : Mc 6,1-6
(1) Đức Giê-su ra khỏi đó, và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. (2) Đến ngày Sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì? (3) Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xê, Giu-đa và Si-mon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. (4) Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”. (5) Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó. Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. (6) Người lấy làm lạ vì họ không tin.
2. Ý CHÍNH :
Sau một thời gian đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Giê-su đã về thăm quê hương là làng Na-da-rét. Dân làng ngạc nhiên trước lời giảng khôn ngoan và thán phục trước các phép lạ Người làm ở khắp nơi. Nhưng họ lại đặt nghi vấn về gia thế của Người nên không tin Người là Đấng Thiên Sai. Chính óc thành kiến khiến dân làng Na-da-rét đã tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ của Chúa.
3. CHÚ THÍCH :
-C 1-2 : + Đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo : Đức Giê-su trở về quê hương Na-da-rét của Người (x. Mt 2,23). Làng này không mấy nổi danh, như ông Na-tha-na-en đã nhận xét : “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” (x. Ga 1,46). Đức Giê-su về Na-da-rét để thăm thân nhân, và cũng để thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng Nước Trời ở đó nữa. + Đến ngày Sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường : Tại các hội đường Do Thái, dân làng có thói quen tập trung vào ngày Sa-bát để nghe các kinh sư đọc và giải thích Kinh Thánh. Trong các buổi cầu nguyện này, người ta cũng thường hay mời các kinh sư hay các bậc vị vọng đến giảng dạy. Đức Giê-su đã nổi tiếng khắp nơi nên cũng được mời lên bục giảng. Dân làng ngạc nhiên về giáo lý của Người, nhất là khi nghe biết các phép lạ Người đã từng làm tại thành Ca-phác-na-um gần đó.
-C 3 : + Là bác thợ : Nhưng rồi dân làng Na-da-rét lại tỏ vẻ khinh thường nghề thợ mộc mà Đức Giê-su đã học nơi cha nuôi là Giô-xép. + Con bà Ma-ri-a : Họ không nhắc đến Giô-xép (hay Giu-se), có lẽ vì ông đã qua đời từ lâu, mà chỉ nhắc đến bà Ma-ri-a là một phụ nữ bình thường. + Anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xép, Giu-đa và Si-mon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? : Anh chị em được nêu tên ở đây chứng minh gia thế Đức Giê-su không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, có người lại dựa vào câu này để phủ nhận đức đồng trinh trọn đời của Đức Ma-ri-a, vì theo họ: ngoài Đức Giê-su ra, bà còn sinh thêm nhiều con trai con gái khác. Thực ra, anh chị em nói đây chỉ là anh chị em bà con mà thôi (x. St 13,8; 14,16). Chẳng hạn: Gia-cô-bê và Giô-xép là con của bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát (x. Mt 27,56; Ga 19,25), Giu-đa là con của ông Gia-cô-bê (x. Lc 6,16). Ngay từ ban đầu, Giáo Hội Công Giáo luôn khẳng định: Đức Giê-su là “con trai đầu lòng” (x. Lc 2,7) và “Người con duy nhất” của Đức Ma-ri-a. Cũng vì thế mà khi sắp tắt thở trên thập giá Đức Giê-su đã trối Mẹ Người cho môn đệ Gio-an, và từ giờ đó Gio-an đã đón bà về nhà mà phụng dưỡng (x. Ga 19,27). Cuối cùng, nếu những người này thực là con của Đức Ma-ri-a, thì dân làng đã phải nói là “các em trai của ông ta”, “các em gái của ông ta”, thay vì nói từ chung chung “anh em ông” và “chị em ông”. + Và họ vấp ngã vì Người : Theo Thánh Phao-lô và thánh Phê-rô thì: Đối với những kẻ kiêu căng cứng lòng tin, thì Đức Giê-su đã trở nên viên đá chướng ngại (x Rm 9,33; 1 Pr 2,7-8). Tin Mừng Lu-ca cũng viết “viên đá bị loại ra” là Đức Giê-su, đã trở nên “viên đá góc”. Phàm ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xương; Đá này rơi trúng ai, sẽ làm người ấy nát thịt” (Lc 20,18).
-C 4-6 : + “Ngôn sứ có bị rẻ rúng…” : Câu này tương tự như câu : “Bụt nhà không thiêng !”. Dân làng Na-da-rét đã vấp ngã trước những yếu tố nhân loại của Đức Giê-su như : Làm nghề thợ mộc là nghề tay chân hèn kém. Các thân nhân của Người cũng chỉ là người bình dân… Đó là các chướng ngại khiến dân làng Na-da-rét không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. + Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó : Trước khi làm một phép lạ nào, Đức Giê-su luôn đòi người ta phải có đức tin. Chẳng hạn: Người bảo bệnh nhân: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5,34); Người nói với ông Gia-ia: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5,36), hay nói với người mù ở Giê-ri-cô: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh !” (Mc 10,52). Tại làng Na-da-rét, vì không tin, nên dân làng đã không được Đức Giê-su ban ơn là đã không làm các phép lạ như ở những nơi khác.
4.CÂU HỎI :
1) Đức Giê-su về thăm quê hương Na-da-rét nhằm mục đích gì?
2) Dân làng tập trung tại hội đường vào các ngày Sa-bát để làm gì?
3) Dân làng Na-da-rét đánh giá thế nào về Đức Giê-su sau khi nghe Người giảng dạy?
4) Dân làng có thành kiến thế nào về nghề thợ mộc và về các thân nhân tầm thường của Đức Giê-su?
5) Phải chăng Đức Ma-ri-a đã không trọn đời đồng trinh, vì ngòai Đức Giê-su, Tin Mừng hôm nay còn kể ra tên nhiều anh em và chị em khác của Người?
6) Dân làng Na-da-rét đã dựa vào đâu để không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai?
7) Tại sao Đức Giê-su không làm nhiều phép lạ tại Na-da-rét quê hương Người?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Họ nói: “Nào ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a sao?” (Mc 6,3).
2. CÂU CHUYỆN :
1) CẦN LOẠI BỎ ÓC THÀNH KIẾN VỀ NGƯỜI KHÁC:
Vào năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, giới truyền thông báo chí đã mô tả cái chết của ngài như một ngôi sao sáng chói đã lịm tắt, vì ngài xuất thân từ một gia đình quý tộc, hấp thụ được một nền văn học uyên thâm và đã để lại nhiều công trình lớn lao cho Hội Thánh.
Cơ Mật Viện đã bầu Tân Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII lên kế vị. Vị Giáo Hoàng này xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, với hình dáng bên ngoài mập mạp, quê mùa, chất phát. Người ta bảo nhau: Đây chỉ là vị Giáo Hoàng chuyển tiếp cho một vị Giáo Hoàng khác có tầm cỡ như vị tiền nhiệm. Nhưng có ngờ đâu con người khiêm tốn, bình dân, giản dị và vui tươi ấy lại có sức thu hút mọi người. Nhất là ngài đã có công triệu tập Cộng đồng Vatican II và ngài đã trở thành một “siêu sao” thời đại, trổi vượt hơn các vị giáo hoàng tiền nhiệm.
Câu chuyên trên cho thấy: Chúng ta đừng đánh giá tha nhân theo thành kiến, như Na-tha-na-en đã nói với Phi-líp-phê khi được bạn giới thiệu về Đức Giê-su Na-da-rét: “Từ Na-da-rét làm sao có cái gì hay được?”(Ga 1,46). Thế mà Đức Giê-su làng Na-da-rét ấy lại chính là Đấng Thiên Sai muôn dân trông đợi.
2) BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG:
TA-GO-RE (1861-1941), một đại thi hào của Ấn Độ, đã đoạt giải No-bel về văn chương năm 1913 Ông có tài làm thơ ngay từ thuở niên thiếu. Khi ấy thỉnh thoảng Ta-go-re đã làm được một bài thơ và gửi về tòa soạn một tờ báo do thân phụ ông phụ trách biên tập. Khi thấy bài thơ gửi đến có ký tên tác giả là con của mình, ông bố chẳng thèm đọc một dòng mà quẳng ngay vào sọt rác, vì ông cho rằng con ông chỉ là một đứa trẻ thì biết gì về thi ca !
Khi hiểu rõ lý do tại sao bài mình gửi lại không được đăng lên báo, Ta-go-re liền chép lại những bài thơ mà cậu đã gửi về tòa soạn trước đó, nhưng lần này cậu đã lấy một bút hiệu khác rồi gửi trở lại toà soạn. Lần nầy, thân phụ của Ta-go-re đọc và nhận thấy đây là những bài thơ rất có giá trị, nên ông đã cho đăng ngay lên báo mà không biết đó là những bài thơ của cậu con trai mà trước đó ông đã nhiều lần quẳng vào sọt rác.
Đúng như người ta thường nói : "Bụt nhà không thiêng", hay như lời Chúa Giê-su : "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi" (Mc 6, 4).
3) TAI HẠI CỦA ÓC THÀNH KIẾN:
Có một gánh xiếc đi lưu diễn tới vùng quê và đóng trại tại một khu rừng gần một ngôi làng. Vào một buổi tối trước giờ gánh xiếc trình diễn, bỗng một ngọn lửa bùng lên tại một chiếc lều chứa trang cụ của gánh xiếc. Ông giám đốc vừa chỉ huy việc dập lửa vừa sai một anh hề, lúc đó mới hóa trang chuẩn bị cho buổi trình diễn, đi vào làng gần bên để yêu cầu được giúp đỡ dập lửa. Vì nếu ngọn lửa cháy lan qua khu rừng thì ngôi làng cũng có nguy cơ bị hỏa hoạn.
Anh hề vội vã chạy nhanh vào làng. Anh đánh kẻng báo động yêu cầu dân làng mau đến rạp xiếc giúp dập lửa. Nhưng dân làng lại nghĩ đó là một cách quảng cáo lôi kéo người đến xem xiếc. Anh càng cố nói cho dân làng biết thực sự có hỏa hoạn, thì họ lại càng cười và cho là anh khéo diễn trò. Sau cùng lửa đã cháy lan nhanh đến ngôi làng và thiêu rụi tất cả.
Lý do chính mà dân làng không tin lời cảnh báo là do họ nghĩ người đưa tin chỉ là một anh hề có nhiêm vụ chọc cười của gánh xiếc, khiến họ không cần biết điều anh hề muốn nói với họ. Cũng có một sự tương đồng giữa câu chuyện nói trên với câu chuyện Đức Giê-su về thăm làng quê Na-da-rét trong Tin Mừng hôm nay. Dân làng tuy thán phục lời giảng của Đức Giê-su, nhưng lại không tin Người là Đấng Thiên Sai, vì tưởng họ đã biết rõ về gia thế tầm thường của Người.
4) BỎ LỠ LỢI ÍCH LỚN LAO DO LỐI ỨNG XỬ THÀNH KIẾN:
Có một đôi vợ chồng cao niên dáng vẻ quê mùa: bà vợ mặc một chiếc áo bông đã ngả màu, còn chồng thì mặc một bộ vét rẻ tiền. Họ không hẹn trước nhưng bất ngờ đến trường Đại học Harvard, là một trong những trường đại học có thế giá và nổi tiếng nhất nước Mỹ để xin được gặp ngài hiệu trưởng.
Cô thư ký của hiệu trưởng nhận thấy 2 người này có dáng nghèo nàn chắc chẳng có gì quan trọng để nói với ngài hiệu trưởng, nên đã tiếp họ với thái độ coi thường.
Người chồng khẽ nói:
- Tôi muốn gặp ngài hiệu trưởng.
Cô thư ký lễ phép đáp lại:
- Xin thứ lỗi, ngài hiệu trưởng bận rộn suốt cả ngày.
Người vợ nói:
- Không sao, chúng tôi có thể chờ đợi.
Trong suốt mấy tiếng đồng hồ ngồi chờ ở phòng khách, cô thư ký không thèm để ý đến họ. Cô muốn để họ chờ lâu rồi sẽ chán nản bỏ ra về. Nhưng họ vẫn cứ ngồi lỳ chờ đợi.
Cuối cùng, cô thư ký đành gọi máy báo cho ngài hiệu trưởng:
- Có lẽ họ chỉ muốn nói một vài câu với ngài rồi đi ngay.
Ngài hiệu trưởng bất đắc dĩ đồng ý ra tiếp.
Người vợ nói:
- Chúng tôi có một đứa con trai từng học ở Harvard được một năm. Nó rất thích Harvard. Nó sống ở Harvard rất vui vẻ. Nhưng năm ngoái, nó đột ngột qua đời. Chồng tôi và tôi muốn xây một vật tưởng niệm con trai tôi trong khuôn viên của nhà trường.
Ngài hiệu trưởng chẳng hề xúc động. Ông chỉ cảm thấy buồn cười, ông nói nhát gừng:
- Thưa bà, chúng tôi không thể nào dựng một tấm bia cho những người trước kia học ở Harvard mà giờ đây đã qua đời. Nếu chúng tôi làm như thế, thì ngôi trường của chúng tôi chắc sẽ sớm trở thành một nghĩa trang mất.
Người vợ nói:
- Không phải thế, chúng tôi không lập một tấm bia đâu, mà chúng tôi muốn xây cho Harvard một tòa nhà.
Ngài hiệu trưởng nhìn kỹ vào chiếc áo bông đã ngả màu của người phụ nữ và bộ áo vét rẻ tiền của chồng bà ta, rồi ông xẵng giọng:
- Ông bà có biết rằng xây một tòa nhà tốn bao nhiêu tiền không? Mỗi tòa nhà trong trường đại học của chúng tôi đều trị giá trên 7.5 triệu đôla.
Lúc này, người phụ nữ im lặng không nói gì. Ngài hiệu trưởng rất vui mừng, ông nghĩ chắc họ sẽ chán nản và tự động rút lui. Một lát sau, người phụ nữ quay sang nói với chồng:
- Chỉ cần 7.5 triệu đôla mà có thể xây được một giảng đường lớn sao? Thế thì tại sao chúng ta lại không xây một trường đại học để làm vật kỷ niệm cho con trai chúng ta nhỉ?
Và như thế, hai vợ chồng ông bà Stanford đã rời Harvard, đến California, thành lập trường đại học Stanford.
Thế là Harvard đã mất đi một cơ hội có được 7.5 triệu USD. Thật là một mất mát không đáng xảy ra chỉ vì thành kiến và đánh giá sai lầm của một người có chức có quyền.
5) KIÊN TRÌ VƯỢT QUA THÀNH KIẾN NHỜ LỐI SỐNG YÊU THƯƠNG:
Vào năm 1960, một cuộc bách hại đạo Công Giáo bùng lên tại nước Su-đăng bên Phi Châu. Một sinh viên Công Giáo da đen tên là TA-BAN đã bỏ nhà chạy sang nước láng giềng U-gan-đa lánh nạn. Trong thời gian ở đây, Ta-ban đã được nhận vào chủng viện và 7 năm sau, anh được thụ phong linh mục. Khi tình hình ở Su Đăng lắng dịu, tân linh mục Ta-ban quyết định trở lại quê nhà để thi hành sứ vụ linh mục của mình. Cha được Bề trên bổ nhiệm coi sóc một giáo xứ vùng Pa-lo-ta-ka. Tuy nhiên, giáo dân ở đây lại hoài nghi về chức linh mục của cha như lời cha thuật lại: “Dân chúng ngờ vực nhìn tôi và nói: “Này anh bạn da đen kia! Anh nói cái gì vậy? Anh mà là Linh mục ư? Thật là khó tin!”.
Thực ra trước đây, tại Su Đăng chưa bao giờ xuất hiện một linh mục nào người da đen cả. Giáo xứ luôn được các linh mục thừa sai người da trắng đến chăm sóc và đã chia sẻ cho họ nhiều thực phẩm, quần áo và thuốc men. Còn bây giờ cha Ta-ban lại là một người da đen nghèo khó giống như họ, nên ngài không có gì phân phát như các linh mục da trắng kia. Tình hình lại càng phức tạp thêm, khi cha Ta-ban bắt đầu canh tân phụng vụ thánh lễ theo đường hướng công đồng Va-ti-can II. Giáo dân xầm xì với nhau: “Ông linh mục da đen này còn bày đặt làm lễ bằng tiếng bản xứ thay vì bằng tiếng la tinh. Chắc ông ta không rành tiếng la tinh nên mới làm như vậy! Không biết ông ta là linh mục thật hay giả?”. Phải mất 10 năm, sau bao nhiêu vất vả phục vụ giáo xứ, chịu đựng bao nhiêu sự miệt thị và những lời dè bỉu khinh dể, cuối cùng cha Ta-ban mới được giáo dân thừa nhận là Cha Sở của họ.
3. THẢO LUẬN :
Trong cuộc sống, các tín hữu chúng ta cần ứng xử thế nào trước thái độ khinh thường hay những lời khích bác của những kẻ ác cảm với đạo Công Giáo?
4. SUY NIỆM :
1)"Ông ta không phải là bác thợ sao?":
Đức Giê-su chỉ là bác thợ mộc trong làng, sống bằng đôi tay lao động vất vả giống như bao người khác. Rồi bà Ma-ri-a mẹ Người và các anh chị em của Người cũng là những láng giềng thân quen của dân làng. Những điều này đã khiến dân làng vấp phạm, không tin Đức Giê-su là một Ngôn Sứ, lại càng không tin Người là Đấng Thiên Sai. Thời Giáo hội sơ khai, cũng có một nhân vật tên là Xen-xút (Celsus) rất thù ghét đạo, đã có lần chế diễu các Ki-tô hữu như sau: “Giê-su Đấng sáng lập đạo của các người chỉ là một gã thợ mộc dốt nát bần hàn, xuất thân từ làng Na-da-rét tầm thường! Thật khó mà chấp nhận được một Đấng Cứu Thế lại xuất thân từ một xưởng gỗ nhỏ bé, phải vất vả kiếm sống bằng đôi bàn tay lao động hằng ngày như thế !”
Chúng ta thường nghĩ rằng: Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự. Nhưng Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su là Con Thiên Chúa lại phải chịu bó tay trước sự cứng lòng của con người. Con người có thể dùng sự tự do Chúa ban để từ chối ơn cứu độ của Chúa, như dân làng Na-da-rét xưa do thành kiến đã không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và không thèm đón nhận ơn cứu độ do Người mang lại.
2) Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó (Mc 6,5):
Phép lạ là món quà đặc biệt Chúa ban cho loài người, nhưng người ta chỉ có thể đón nhận được phép lạ khi có đức tin. Biết bao điều lạ lùng Thiên Chúa muốn thực hiện cho loài người nhưng họ đã từ chối, giống như các chủ quán ở Be-lem năm xưa đã xua đuổi Đấng Cứu Thế giáng sinh ra khỏi nhà trọ của họ như Tin Mừng đã ghi nhận: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Thực vậy: Đức Giê-su đến mặc khải Thiên Chúa là Cha yêu thương và Người là Con Thiên Chúa thì dân Do thái đã kết án Người là kẻ phạm thượng, là kẻ bị quỷ ám và điên khùng. Người đến đem bình an, chân lý và thiết lập Nước Trời thì lại bị họ tố là xách động quần chúng và cầm đầu bọn phản loạn. Cuối cùng, các đầu mục dân Do thái đã ra tay bắt bớ và lên án tử hình cho Người, rồi họ còn làm áp lực đòi Tổng Trấn Phi-la-tô phải kết án tử hình thập giá cho Người.
Ngoài thành kiến thì sự cứng lòng là nguyên nhân khiến người ta cố chấp không muốn nhìn, không muốn nghe, không muốn tin… như Tin Mừng nói về sự cứng lòng tin của dân Do thái: “Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13,13-15).
3) Và họ vấp ngã vì Người:
Vì các người đồng hương biết rõ về gia cảnh của Đức Giê-su: Người chỉ là con bác thợ mộc Giu-se và mẹ và anh em bà con của Người cũng đang chung sống giữa họ. Do đầu óc thủ cựu đầy thành kiến nên họ đã không nhận ra Thiên tính của Đức Giê-su, dù họ có thán phục về tài ăn nói lưu loát và về sự hiểu biết Kinh Thánh của Người. Một số người trong bọn họ cũng đã được chứng kiến nhiều phép lạ Đức Giê-su đã làm ở thành Ca-phác-na-um và các nơi khác để cứu chữa nhiều bệnh nhân, xua trừ quỷ ám, phục sinh kẻ chết... Nhưng do kiêu ngạo và cố chấp, dân làng Na-da-rét đã không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. Chính thành kiến đã là một trở ngại cho đức tin của người đồng hương. Theo họ thì Đấng Thiên Sai phải là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một vị tướng lãnh cầm quân đánh giặc bách chiến bách thắng, hầu đưa dân tộc Do Thái lên làm bá chủ hoàn cầu. Nhưng khi thấy Đức Giê-su xuất thân từ một gia đình lao động nghèo hèn, có lối sống bình thường giản dị, thì họ đã không tin nhận Người.
4) “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình”:
Tiên tri hay ngôn sứ là người được Thiên Chúa soi sáng và sai đến nói cho người ta nhân danh Thiên Chúa, để truyền đạt các mệnh lệnh của Ngài cho họ. Kết quả là: “hoặc họ nghe, hoặc họ không nghe” (Ez 2,5). Thậm chí, lắm khi họ còn đe dọa mạng sống của các ngôn sứ, nhất là khi các ông tuyên sấm cáo trách tội lỗi của tầng lớp vua quan. Thánh Kinh đã ghi lại lời ngôn sứ Na-than tố cáo tội ngoại tình, giết chồng, cướp vợ của vua Đavít; hay ngôn sứ Elia, dám nói thẳng với vua A-kháp việc ông vua này đã giết và chiếm đoạt tài sản của Na-bót cách bất công... Kết quả là các ngôn sứ đã bị người đương thời thù ghét giết hại. Hôm nay chính Đức Giê-su cũng bị các người đồng hương Na-da-rét chối bỏ vai trò Thiên Sai của Người, nên Người đã phải thốt lên: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4). Dù bị khinh thường chối bỏ, nhưng Đức Giê-su vẫn nản lòng, mà luôn chu toàn sứ vụ Thiên Sai như Tin Mừng hôm nay thuật lại: “Người đã đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ”, rồi Người đi sang các làng khác mà rao giảng Tin Mừng.
Để có đức tin, chúng ta phải biết mở rộng tâm hồn, phải tránh lối hành xử thành kiến và thói xấu ganh tị là nguyên nhân cản lối Chúa đi vào ngôi nhà linh hồn của ta. Nếu để thành kiến và thói ganh tị lấn lướt, chúng ta sẽ khó lòng nhìn thấy các ưu điểm và khả năng của tha nhân. Nếu ta chỉ dựa trên bằng cấp, sự nghiệp, chức quyền và gia cảnh mà xét đoán hoặc đánh giá một người, là chúng ta đã để cho thành kiến điều khiển ta. Thực ra, giá trị của lời nói hay việc làm của một người không tuỳ thuộc vào bằng cấp cao, sự nghiệp lớn, gia cảnh giàu có… Nếu ta mới chỉ nghe một vài lời nói không hay, hoặc nhìn thấy một vài khuyết điểm của một người để vội đánh giá không hay về họ, phủ nhận mọi việc tốt họ đã làm, là chúng ta cũng đang xét đoán hồ đồ và có lối ứng xử đầy thành kiến hẹp hòi như dân làng Na-da-rét xưa.
5.LỜI CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúa vốn là nhà giảng thuyết tài năng, thế mà Tin Mừng hôm nay cho thấy: Chúa cũng đã có lần bị thất bại trước sự cứng tin của người đồng hương Na-da-rét. Nhiều lần trên đường rao giảng Tin Mừng, chúng con cũng bị người đời từ chối không tin … Xin giúp chúng con kiên nhẫn chịu đựng những khó khăn gặp phải. Trong cuộc sống, dù gặp thành công hay thất bại, cho chúng con biết không ngừng tạ ơn Chúa; Cho chúng con đừng bao giờ nản lòng thối lui, nhưng noi gương Chúa kiên trì đi con đường “qua đau khổ vào vinh quang” theo thánh ý Chúa Cha. Nhờ đó chúng con hy vọng sẽ nhận được ơn cứu độ của Chúa và chu toàn sứ mạng làm chứng cho Chúa.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
PHÚC ÂM: Mt 8,28-34
“Ông đến lúc này để hành hạ các quỷ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên thuyền sang bờ bên kia, đến miền Giêrasa, thì gặp hai người bị quỷ ám từ các mồ mả đi ra, chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua đường ấy. Và chúng kêu lên rằng: “Lạy Ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây để hành hạ chúng tôi trước hạn định sao?” Cách đó không xa có một đàn heo lớn đang ăn. Các quỷ nài xin Người rằng: “Nếu ông đuổi chúng tôi ra khỏi đây, thì xin cho chúng tôi nhập vào đàn heo”. Người bảo chúng rằng: “Cứ đi”. Chúng liền ra khỏi đi nhập vào đàn heo. Tức thì cả đàn heo, từ bờ dốc thẳng, nhào xuống biển và chết chìm dưới nước. Các người chăn heo chạy trốn về thành, báo tin ấy và nói về các người bị quỷ ám. Thế là cả thành kéo ra đón Chúa Giêsu. Khi gặp Người, Họ xin Người rời khỏi vùng của họ.
Đó là Lời Chúa.
19. Người không trãi qua cám dỗ hay thử thách, thì không xứng đáng được ân sủng cao nhất khi cầu nguyện.
(sách Gương Chúa Giê-su)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
--------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Trong thôn có một nông dân không hiểu lễ nghĩa là gì, vậy là đi đại tiện trước miếu Khổng tử, thầy giáo dạy học của điện thờ nắm anh ta dẫn đến huyện úy hỏi tội, huyện úy xét hỏi:
- “Tại sao mày dùng đồ dơ đi nhục mạ Khổng thánh nhân?”
Anh nông dân nói:
- “Hôm nay qua đường, nhất thời quá cấp, hết chịu đựng nỗi, chứ không phải hoàn toàn cố ý nhục mạ thánh nhân.”
Huyện quan hỏi:
- “Mày muốn đánh hay muốn phạt?”
Anh nông dân sợ đánh nên nói:
- “Tiểu nhân muốn phạt.”
Huyện quan nói:
- “Muốn phạt thì nộp một lượng năm quan tiền, khi đăng đường thì đưa ra.”
Anh nông dân lấy ra một nén bạc, khoảng ba lượng, bèn bẩm báo:
- “Xin mời đại nhân hồi lại một nửa ạ!”
Huyện quan nói:
- “Cầm nén bạc đưa lên đây ta coi.”
Anh nông dân đưa lên, huyện quan nhìn thấy nén bạc chất lượng thượng hảo, rõ ràng là ba lượng, bèn bỏ vào trong tay áo, tươi cười nét mặt nói:
- “Không cần cắt đôi, lão gia ta cho phép mày đến trước miếu Khổng tử đại tiện thêm một lần nữa!”
(Tiếu Đắc Hảo)
Suy tư 86:
Tiền là tiên vì nó biết “hóa phép” cho những người cầm cán cân công lý bị “mờ” mắt, không thấy tội của người có tiền.
Tiền là phật vì nó “cảm hóa” được những ông quan hét ra lửa, thành những người hiền lành trước người có tiền.
Tiền là sức bật vạn năng, ví nó “đánh tan” cả một đoàn người đang vây kẻ có tiền.
Tiền là sức khỏe hơn cả người khổng lồ, vì nó làm cho ông già gần xuống lổ (chết) thành kẻ hiếp dâm, làm cho người trẻ thành kẻ giết người, thân tàn ma dại…
Tiền là vị hoàng đế ngu ngốc muốn “ban” chức tước cho ai thì ban, dù người đó một chữ bẻ đôi cũng không biết, dù người đó gian ác hơn cả cọp beo…
Đức Chúa Giê-su nói với các môn đệ của Ngài: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nứơc Trời…” (Mt 19, 23-26)
Đức Chúa Giê-su nói thật chứ không nói đùa, lời nói thật làm cho những người yêu thích tiền của phải hồi tâm lại…
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
“Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông?”.
Kính thưa Anh Chị em,
Ngụ ngôn trên muốn nói rằng, thoả hiệp với tội lỗi, chúng ta luôn thua thiệt; vì cuối cùng, nó sẽ tiêu hao chúng ta.Tin Mừng hôm nay cũng nói đến tội lỗi. Tội lỗi khiến chúng ta ‘xa lánh và xa cách’ Thiên Chúa và tha nhân! Hai người bị quỷ ám nhất định giữ khoảng cách với Chúa Giêsu, họ chỉ muốn Ngài để họ yên, “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông?”.
Tội lỗi của chúng ta, dù là trọng hay nhẹ, đều đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.Tội trọng lấy đi ân sủng thánh hoá khỏi linh hồn, cắt đứt chúng ta khỏi Thiên Chúa, khiến Ngài trở nên xa lạ. Nó như thể chúng ta muốn nói với Thiên Chúa rằng, ‘Con không cần Ngài, không muốn Ngài có mặt và can thiệp trong cuộc sống của con!’; đây cũng là điều đã xảy ra với dân thành Giêrasalúc họ đối diện với Chúa Giêsu, “Khi gặp Ngài, họ xin Ngài rời khỏi vùng của họ!”.
Tội lỗi còn làm phương hại đến mối quan hệ của chúng ta với tha nhân. Rõ ràng, sự hung tợn của những người quỷ ám đã huỷ hoại mối quan hệ của họ với đồng loại, “Chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua lại đường ấy”; họ không còn có thể là một phần của cộng đồng nhưng phải sống tách biệt với cộng đồng, họ chọn cách sống ‘xa lánh và xa cách’. Theo một nghĩa nào đó, mọi tội lỗi đều ‘mang tính xã hội’ vì nó gây ra những ‘hậu quả xã hội’. Ngay cả tội cá nhân thầm kín nhất, thậm chí trong suy nghĩ, vẫn làm tổn thương Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, và do đó ảnh hưởng đến người khác; người còn sống và cả các linh hồn đã qua đời. Đó là chưa nói đến những tội công khai, vốn sẽ tác hại nghiêm trọng hơn,vì chúng gây tai tiếng và có thể dẫn người khác vào tội lỗi hoặc ngay cả mất đức tin. Địa vị của người phạm tội càng cao, sự tàn phá nó tác động càng lớn!
Tội lỗi cũng gây hại cho chính chúng ta. Điều dữ chúng ta làm,trước hết, tác hại cho linh hồn mình. Marcô cho biết, “Người bị quỷ ám tru tréo và lấy đá đập vào mình”; qua đó, cho thấy một nỗi đau tinh thần sâu sắc hơn. Linh hồn vốn dĩ được tạo ra cho Thiên Chúa, nay lại ‘xa lánh và xa cách’ Ngài,một điều hết sức đau lòng. Tội lỗi tránh thể hiện bộ mặt xấu xí của nó, nhưng một khi nó ‘được chọn lựa’, lương tâm của chúng ta bắt đầu bất an, lương tâm không để chúng tayên. Sau đó, chúng ta muộn màng nhận ra rằng, lựa chọn sai lầm khi phạm tội đã tách chúng ta khỏi Đấng mà lẽ thường, chúng ta phải được lôi kéo đến gần Ngài. Bấy giờ, chúng ta phải trải nghiệm nỗi đau của sự chia cắt và rạn nứt vốn đang phân hoá và xâu xé chính linh hồn mình từ bên trong.
Tội lỗi khiến con người ‘xa lánh và xa cách’ Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa thì không, Ngài làm mọi cách để đến gần nó, cứu sống nó! Làm sao Ngài có thể dễ dàng để con người lìa xa Ngài, Đấng mà bài đọc Sáng Thế hôm nay cho biết, đã phải mủi lòng vì lời than vãn của một người mẹ nô tỳ, đến nỗi, Ngài không thể cầm mình khi nghe tiếng khóc thét của đứa bé con nàng giữa rừng vắng. Vì thế, đối diện với người bị quỷ ám, Luca cho biết, Chúa Giêsu hỏi đích danh nó, “Tên ngươi là gì?”; và sau đó, cả ba Tin Mừng nhất lãm cho biết, Ngài trừ quỷ để trả lại nhân phẩm cho họ. Câu chuyện Cựu Ước và Tân Ước hôm nay, một lần nữa, cho thấy Thiên Chúa là Đấng cứu kẻ khốn cùng, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe!”.
Anh Chị em,
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn biết đích danh, tên của ‘quỷ dữ’ đang trói buộc chúng ta, “Tên ngươi là gì?”. Tội lỗi nào đang làm chúng ta xa lánh Thiên Chúa và xa cách anh em; xiềng xích nào đang khiến chúng ta sợ hãi sự hiện diện và can thiệp xót thương của Ngài? Chúng ta có ngước mặt lên trời để nguyện cầu như cô nô tỳ của bà Sara trong rừng vắng? Chúng ta có khóc thét lên như Ismael, đứa con tội nghiệp của nàng? Hẳn không ai trong chúng ta không ước muốn được giải thoátkhỏi tội lỗi; với Thiên Chúa, đó không phải là ước muốn nhưng là khao khát; đúng, Ngài đang khao khát chúng ta, khao khát linh hồn chúng ta. Ngài đang ở trong Bí tích Thánh Thể để bổ sức; đang ở trong Bí tích Hoà Giải để tháo cởi. Chúng ta hãy đến, đừng chạy trốn Ngài nữa!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, “xin rửa con sạch điều gian ác, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy”; xin Thánh Thần Chúa ban ân sủng và sức mạnh, để con biết chế ngự các đam mê, vốn luôn làm con ‘xa lánh Chúa và xa cách anh em con’”, Amen.
(Tgp. Huế)
Lúc 9:30 sáng thứ Ba 29 tháng 6, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ và trao dây Pallium cho 34 vị Tổng Giám Mục mới được bổ nhiệm trong năm qua.
Trong ngày lễ hôm nay, Đức Thánh Cha, và các vị Hồng Y mặc phẩm phục màu đỏ, màu của sự tử đạo. Thánh lễ này là một tưởng niệm của Giáo Hội trong tâm tình biết ơn đối với các chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô, đã trở thành anh chị em với nhau trong cuộc tử đạo, và là một tuyên xưng long trọng Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền.
Thật thế, nếu chúng ta nghĩ tới hai ngàn năm lịch sử của Giáo Hội, chúng ta có thể ghi nhận như Chúa Giêsu đã báo trước rằng các kitô hữu sẽ không bao giờ thiếu các thử thách, thậm chí đến mức tử đạo.
Bên cạnh đó, Giáo Hội còn phải chịu nhiều đau khổ vì sự ô nhiễm đức tin, và những tấn kích vào sự toàn vẹn của nhiệm thể Giáo Hội, làm suy yếu khả năng ngôn sứ và chứng tá, làm vấy bẩn vẻ đẹp gương mặt của Giáo Hội. Đây là thực tại được thánh Phaolô nói tới trong thư thứ I gửi tín hữu Corintô khi trả lời một số vấn đề chia rẽ, không trung thực và bất trung với Tin Mừng đe dọa Giáo Hội. Thư thứ II gửi Timoteo cũng nói tới các “nguy hiểm của thời cuối cùng” là các thái độ sống tiêu cực thuộc thế gian có thể tiêm nhiễm cộng đoàn kitô như ích kỷ, khoe khoang, kiêu căng, ham hố tiền bạc.
Trước đây việc trao dây Pallium diễn ra như sau: sau khi Đức Thánh Cha làm phép các dây Pallium, các vị Tổng Giám Mục tiến đến quỳ trước mặt ngài và Đức Thánh Cha sẽ choàng dây lên vai vị Tổng Giám Mục.
Tháng Giêng năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định rằng buổi lễ trao dây Pallium chính thức cho các Tổng Giám Mục Chính Tòa từ nay trở đi sẽ diễn ra tại các giáo phận của vị Tổng Giám Mục chứ không phải ở Vatican như trước.
Sứ thần Tòa Thánh hay Khâm Sứ Tòa Thánh sẽ bàn thảo với vị Tổng Giám Mục ngày giờ và, hoàn cảnh hợp lý nhất để “công khai và chính thức” trao dây Pallium cho ngài nhân danh Đức Thánh Cha với sự tham dự của các giám mục trong các giáo phận thuộc về giáo tỉnh; và cộng đoàn tín hữu địa phương.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:
Thánh Phêrô và Thánh Phaolô đã được tự do vì các ngài đã được giải thoát. Chúng ta hãy suy nghĩ về điểm trung tâm này.
Thánh Phêrô, người đánh cá đến từ Galilê, được giải thoát khỏi cảm giác thiếu thốn và kinh nghiệm thất bại cay đắng, nhờ tình yêu thương vô điều kiện của Chúa Giêsu. Dù là một người đánh cá lành nghề, nhiều khi trong đêm khuya, thánh nhân đã nếm trải sự cay đắng thất vọng vì không đánh bắt được gì (x. Lc 5: 5; Ga 21: 5) và, khi thấy lưới trống của mình, ngài đã bị cám dỗ để gác mái chèo của mình lên. Dù mạnh mẽ và nóng nảy, nhưng Phêrô thường chịu khuất phục trước sự sợ hãi (x. Mt 14,30). Mặc dù là một môn đệ nhiệt thành của Chúa, thánh nhân vẫn tiếp tục suy nghĩ theo tiêu chuẩn thế gian, nên không hiểu và không chấp nhận ý nghĩa của thập giá Chúa Kitô (x. Mt 16,22). Ngay cả khi nói rằng mình đã sẵn sàng hiến mạng sống cho Chúa Giêsu, thì việc ai đó nghi ngờ ngài là một trong các môn đệ của Chúa Kitô cũng đã đủ để khiến ngài sợ hãi chối bỏ Thầy (x. Mc 14: 66-72).
Dù sao thì Chúa Giêsu cũng yêu Thánh Phêrô và sẵn sàng mạo hiểm với thánh nhân. Ngài khuyến khích Phêrô đừng bỏ cuộc, hãy thả lưới một lần nữa, bước đi trên mặt nước, tìm thấy sức mạnh để chấp nhận sự yếu đuối của mình, theo Ngài trên con đường thập tự giá, hiến mạng sống cho anh chị em mình, để chăn đàn chiên của Ngài. Bằng cách này, Chúa Giêsu giải thoát Phêrô khỏi sự sợ hãi, khỏi những tính toán chỉ dựa trên mối quan tâm của thế gian. Ngài đã mang lại cho thánh nhân dũng khí để mạo hiểm tất cả mọi thứ và niềm vui trở thành ngư phủ chài lưới người. Chính thánh Phêrô là người được Chúa Giêsu kêu gọi để củng cố đức tin cho anh em (x. Lc 22,32). Ngài đã ban cho thánh nhân - như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng - chìa khóa để mở những cánh cửa dẫn đến cuộc gặp gỡ với Chúa và sức mạnh để ràng buộc và tháo gỡ: để ràng buộc anh chị em của ngài với Chúa Kitô và nới lỏng những nút thắt và xiềng xích trong cuộc sống của họ. (x. Mt 16:19).
Tất cả những điều đó chỉ có thể xảy ra bởi vì - như chúng ta đã nghe trong bài đọc đầu tiên - chính Phêrô đã được tự do. Những xiềng xích giam giữ thánh nhân trong tình trạng một tù nhân đã bị vỡ tan và, như vào đêm khi dân Israel được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, ngài được bảo phải vội vàng trỗi dậy, thắt đai lưng và đi dép để đi ra ngoài. Sau đó, Chúa đã mở những cánh cửa trước mặt ngài (xem Cv 12: 7-10). Ở đây chúng ta thấy một lịch sử mới của việc mở cửa, giải phóng, xiềng xích bị phá vỡ, cuộc di cư ra khỏi ngôi nhà của sự trói buộc. Thánh Phêrô đã có một kinh nghiệm Lễ Vượt Qua khi Chúa giải thoát ngài.
Tông đồ Phaolô cũng cảm nghiệm được sự tự do mà Chúa Kitô mang lại cho ngài. Thánh nhân được giải phóng khỏi hình thức nô lệ áp bức nhất, đó là chế độ nô lệ đối với bản thân mình. Từ Saulô, tên của vị vua đầu tiên của Israen, thánh nhân trở thành Phaolô, có nghĩa là “nhỏ bé”. Ngài cũng được giải thoát khỏi lòng nhiệt thành tôn giáo đã khiến ngài trở thành một người nhiệt thành bảo vệ các truyền thống của tổ tiên mình (xem Gl 1:14) và là một kẻ bắt bớ độc ác các Kitô hữu. Thánh nhân đã được giải thoát. Việc tuân thủ các nghi thức tôn giáo và sự kiên quyết bảo vệ truyền thống, thay vì khiến thánh nhân mở lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và của anh chị em mình, đã khiến ngài cứng lòng: thánh nhân là một người theo trào lưu chính thống. Thiên Chúa đã giải thoát ngài khỏi điều này, nhưng Người không miễn trừ cho ngài những yếu đuối và gian khổ là những điều đã làm cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của thánh nhân thêm nhiều thành quả: sự căng thẳng của việc tông đồ, sự ốm yếu về thể xác (x. Gl 4, 13-14); bạo lực và bách hại, đắm tàu, đói khát, và như chính Người nói với chúng ta, là một cái gai đau đớn trong da thịt (x. 2Cr 12, 7-10).
Do đó, Phaolô nhận ra rằng “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1:27), để chúng ta có thể làm được mọi sự nhờ Đấng củng cố chúng ta (x. Pl 4:13), và điều đó không gì có thể ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu của Người (x. Rm 8:35-39). Vì lý do này, vào cuối đời - như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ hai – Thánh Phaolô đã có thể nói: “Chúa đã đứng về phía tôi” và “Ngài sẽ giải cứu tôi khỏi mọi sự tấn công của ma quỷ” (2Tm 4:17). Thánh Phaolô đã có một kinh nghiệm Lễ Vượt Qua: đó là Chúa giải thoát ngài.
Anh chị em thân mến, Giáo hội nhìn lên hai nhân vật vĩ đại này của đức tin này và thấy hai vị Tông đồ đã giải phóng sức mạnh của Tin Mừng trong thế giới của chúng ta, chỉ vì trước hết chính các ngài đã được giải thoát nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Chúa Giêsu không xét đoán họ hay làm nhục họ. Thay vào đó, ngài chia sẻ cuộc sống của họ với sự trìu mến và gần gũi. Ngài ủng hộ họ bằng lời cầu nguyện của mình, và thậm chí đôi khi trách móc họ để khiến họ thay đổi. Với ông Phêrô, Chúa Giêsu nhẹ nhàng nói: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin”. (Lc 22:32). Và với Phaolô, Chúa nói: “Saulô, Saulô, sao ngươi bắt bớ ta?” (Công vụ 9: 4). Ngài cũng làm như vậy với chúng ta: Ngài bảo đảm với chúng ta về sự gần gũi của Ngài bằng cách cầu nguyện và chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha, và nhẹ nhàng khiển trách chúng ta mỗi khi chúng ta đi chệch hướng, để chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh trỗi dậy và tiếp tục cuộc hành trình.
Chúng ta cũng đã được Chúa cảm động; chúng ta cũng đã được giải thoát. Tuy nhiên, chúng ta cần được giải thoát hết lần này đến lần khác, vì chỉ một Giáo hội tự do mới là một Giáo hội đáng tin cậy. Giống như Phêrô, chúng ta được kêu gọi để thoát khỏi cảm giác thất bại trước những cuộc đánh cá đôi khi thảm khốc của chúng ta. Để thoát khỏi nỗi sợ hãi làm tê liệt chúng ta, khiến chúng ta tìm kiếm nơi ẩn náu trong an ninh của chính mình và cướp đi lòng can đảm dám nói lời tiên tri. Giống như Phaolô, chúng ta được mời gọi để thoát khỏi sự phô trương bề ngoài giả hình, thoát khỏi sự cám dỗ để thể hiện mình với quyền lực thế gian hơn là với sự yếu đuối trong đó có không gian cho Thiên Chúa, thoát khỏi một lòng đạo vụ luật khiến chúng ta cứng nhắc và không linh hoạt; thoát khỏi những liên hệ nguy hiểm với quyền lực và khỏi nỗi sợ hãi bị hiểu lầm và tấn công.
Hai thánh Phêrô và Phaolô để lại cho chúng ta hình ảnh một Giáo hội được giao phó trong tay chúng ta, nhưng được Chúa hướng dẫn với lòng trung tín và tình yêu dịu dàng, vì chính Ngài là Đấng hướng dẫn Giáo hội. Một Hội Thánh yếu ớt, nhưng lại tìm thấy sức mạnh trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Hình ảnh của một Giáo hội được tự do và có khả năng mang đến cho thế giới sự tự do mà thế giới không thể tự nó ban cho: đó là tự do khỏi tội lỗi và cái chết, khỏi cam chịu, khỏi cảm giác bất công và mất hy vọng làm mất nhân tính cuộc sống của những người nam nữ trong thời đại chúng ta.
Chúng ta hãy hỏi, hôm nay trong lễ kỷ niệm này nhưng cả sau đó nữa: các thành phố, xã hội của chúng ta và thế giới của chúng ta cần tự do đến mức nào? Bao nhiêu xiềng xích phải được phá vỡ và bao nhiêu cánh cửa đóng lại bấy lâu nay phải được mở toang! Chúng ta có thể giúp mang lại sự tự do này, nhưng chỉ khi trước tiên chúng ta để cho mình được tự do bởi sự mới mẻ của Chúa Giêsu, và bước đi trong sự tự do của Chúa Thánh Thần.
Hôm nay, các Tổng Giám mục anh em của chúng ta nhận lễ trao giải pallium. Dấu hiệu hiệp nhất này với Phêrô nhắc lại sứ mệnh của người chăn chiên, người hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Chính khi hiến mạng sống của mình, người chăn chiên, được tự do, trở thành phương tiện mang lại tự do cho anh chị em của mình. Hôm nay, chúng ta cũng được tham gia bởi một Phái đoàn từ Tòa Thượng phụ Đại kết, do người anh em thân yêu của chúng ta, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, gửi đến nhân dịp này. Sự hiện diện chào đón của anh em là một dấu chỉ quý giá cho sự hợp nhất trên hành trình tự do của chúng ta khỏi những khoảng cách khiến các tín hữu Kitô bị chia cắt một cách tai tiếng. Cảm ơn sự hiện diện của anh em.
Chúng tôi cầu nguyện cho anh em, cho tất cả các mục tử, cho Giáo hội và cho tất cả chúng ta: để khi được giải thoát bởi Chúa Kitô, chúng ta có thể trở thành những Tông đồ của tự do trên khắp thế giới.
Source:Libreria Editrice Vaticana
Theo một cuộc khảo sát trực tuyến gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố vào ngày 25 tháng 6, sự nổi tiếng của Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn “khá ổn định” đối với cả người Công Giáo Mỹ và người Mỹ nói chung.
Hơn sáu trong mười người trưởng thành ở Hoa Kỳ, cụ thể là 63%, có quan điểm “rất” hoặc “chủ yếu” ngưỡng mộ đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, theo cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng Ba bởi American Trends Panel.
Nhìn chung, trong số những người Công Giáo Hoa Kỳ, 82% nói rằng họ có quan điểm ủng hộ Đức Giáo Hoàng.
Claire Gecewicz, người tập trung vào nghiên cứu tôn giáo tại Trung tâm Nghiên cứu Pew và là tác giả của báo cáo, giải thích rằng “quan điểm về Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng khá ổn định trong các nhóm Công Giáo chuyên biệt”.
“Ví dụ, những người Công Giáo xác định là đảng viên Dân chủ hoặc nghiêng về đảng đó tiếp tục có quan điểm tích cực về Đức Phanxicô hơn so với những người của đảng Cộng hòa”.
“Trong cuộc điều tra mới nhất, 90% người Công Giáo Dân chủ đã bày tỏ một quan điểm thuận lợi về Đức Giáo Hoàng, so với 73% người Công Giáo Cộng hòa.”
Cuộc khảo sát cũng cho thấy sự khác biệt nhỏ trong ý kiến về Đức Thánh Cha Phanxicô giữa những người Công Giáo tham dự Thánh lễ thường xuyên và những người tham dự ít thường xuyên hơn. Trong số những người đi tham dự Thánh lễ hàng tuần, 84% cho biết họ có ý kiến rất hoặc phần lớn là ủng hộ Đức Thánh Cha Phanxicô, so với 82% người Công Giáo trả lời tương tự là những người tham dự Thánh lễ ít thường xuyên hơn, hoặc hoàn toàn không tham dự thánh lễ.
Pew cho biết sự nổi tiếng nói chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Hoa Kỳ đã tăng trở lại kể từ năm 2018, khi những tiết lộ mới xuất hiện liên quan đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo hội Hoa Kỳ và các vấn đề được đặt ra liên quan đến việc xử lý các cáo buộc chống lại cựu Hồng Y Theodore McCarrick của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Cuộc khảo sát cho thấy trong khoảng thời gian 13 tháng từ tháng 2 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021, tỷ lệ phần trăm tổng số người được hỏi đưa ra đánh giá có lợi cho Đức Thánh Cha Phanxicô cao hơn so với tháng Giêng năm 2020.
Source:Catholic News Agency
Các giám mục của tỉnh Saskatchewan của Canada thừa nhận sự cần thiết phải “ăn năn” và phải có công lý, sau khi có những phát hiện mới về hàng trăm ngôi mộ vô danh tại địa điểm của một trường nội trú cũ do Công Giáo điều hành ở Marieval.
“Chúng tôi xin gửi lời chia buồn nhưng chúng tôi biết rằng điều này là chưa đủ và lời nói của chúng tôi phải chuyển sang hành động cụ thể”, các giám mục cho biết trong một tuyên bố chung hôm thứ Năm.
Đức Tổng Giám Mục Donald Bolen của Regina, Đức Tổng Giám Mục Murray Chatlain của Keewatin-Le Pas, Đức Cha Mark Hagemoen của Saskatoon, Đức Cha Stephen Hero của Prince Albert, và Đức Cha Bryan Bayda, Giám mục Địa phận Ukraine của Saskatoon, đều ký vào tuyên bố chung.
Hôm thứ Năm, các nhà lãnh đạo thổ dân da đỏ Cowesses thông báo rằng 751 ngôi mộ vô danh đã được phát hiện tại địa điểm của Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Marieval trước đây. Các cộng đồng da đỏ là những người bản địa ở Canada cư trú ở phía nam của Bắc Cực, cùng với các cộng đồng Métis, là những người có chung di sản bản địa và Âu Châu. Cowesses là một nhóm người da đỏ ở miền nam Saskatchewan.
Trường Marieval do người Công Giáo điều hành từ năm 1899 đến năm 1969. Nó được xây dựng vào năm 1899. Dòng Các Cha Truyền Giáo của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và sau đó là Ủy ban Truyền Giáo cho người da đỏ và Eskimo, đã điều hành trường, trước khi chính phủ nắm quyền kiểm soát trường vào năm 1969. Chính phủ đã chuyển giao hoạt động của trường cho người da đỏ Cowesses vào năm 1987. Trường đóng cửa vào năm 1997.
Source:Catholic News Agency
Sở Cảnh sát New York (NYPD) nói với Cơ quan thông tấn CNA của Hoa Kỳ rằng vụ trộm xảy ra vào khoảng 7 giờ sáng tại Nhà thờ Công Giáo St. Barnabas. Mặt nhật bị đánh cắp trị giá 10.000 đô la. Giáo xứ cho biết Thánh Thể không có ở trong mặt nhật lúc xảy ra vụ trộm.
Giáo xứ cho biết buổi chầu Thánh Thể đã được dự trù cử hành vào lúc 9:30 sáng hôm đó.
Cảnh sát vẫn chưa xác định được nghi phạm, nhưng đang nhờ công chúng hỗ trợ
Theo cảnh sát kẻ cắp đã vào nhà thờ ngày 25 tháng 6, ở đó một giờ. Sau đó,nghi phạm xuống tầng thấp hơn của nhà thờ và đánh cắp mặt nhật
Cảnh sát New York yêu cầu bất kỳ ai có thông tin về vụ này xin gọi cho đường dây nóng Ngăn chặn Tội phạm
Tưởng cũng nên nói thêm Cuộc đánh cắp tại giáo xứ Bronx chỉ là một trong hàng loạt vụ phá hoại nhà thờ trong năm nay, bao gồm một số vụ ở khu vực Thành phố New York.
Vào ngày 28 tháng 5, một bức tượng Đức Mẹ trong sân giáo xứ của Giáo xứ St. Adalbert ở Queens, New York đã bị đập vở làm đôi rơi trên mặt đất.
Vào cuối tuần ngày 15 tháng 5, 2021 một bức tượng mô tả Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu bị chặt đầu ỏ bên ngoài văn phòng hành chính của giáo phận.
Vào thứ Sáu ngày 14 tháng 5, một cây thánh giá bên ngoài giáo xứ St. Athanasius ở Brooklyn được tìm thấy bị lật đổ, với một lá cờ Mỹ bên ngoài nhà xứ bị đốt cháy.
Vào tháng 5, một bức tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu bị chặt đầu và một bàn tay tại Nhà thờ Công Giáo St. Charles Borromeo ở Waltham, Massachusetts.
Vào cuối tuần ngày 8 tháng 5, các ngón tay trên bức tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã đập đứt lìa, tại nhà thờ St. Thomas More ở Narragansett Rhode Island.
Vào tháng 4, khuôn mặt của một bức tượng của Chúa Kitô tại Nhà thờ Saint Mary ở giáo phận Fargo bị sơn màu đen.
Vào ngày 21 tháng 4, một người đàn ông đã dùng búa tạ đập vỡ bức tranh tường Đức Mẹ Guadalupe tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Elisabeth ở Van Nuys, California.
Vào đầu tháng Hai, ba bức tượng thiên thần tại Nhà thờ Thánh Piô X ở El Paso, Texas, đã bị lật đổ và vỡ nát.
Vào đầu tháng Giêng, một bức tượng của Thánh Têrêxa thành Lisieux tại giáo xứ Thánh Theresa của Chúa Hài đồng ở Abbeville, Louisianađã bị phá hủy với một cây thánh giá lộn ngược.
Nguyễn Long Thao
Lần đầu tiên sau 15 tháng, các linh mục trong Tổng giáo phận Milwaukee sẽ được phép vào các nhà tù của Wisconsin để dâng Thánh lễ và thực hiện các bí tích cho các tù nhân theo lệnh được ký hôm thứ Hai bởi một thẩm phán tòa án.
Các giáo sĩ và những du khách khác đã bị cấm vào các cơ sở cải huấn của Wisconsin kể từ tháng 3 năm 2020 theo chính sách của nhà nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Tổng giáo phận Milwaukee đã kiện Bộ Cải Huấn Wisconsin và Bộ Trưởng Kevin A. Carr, vào ngày 7 tháng 5 năm 2021 tại Toà án lưu động ở Quận Jefferson. Các luật sư của Tổng giáo phận cho rằng chính sách dành cho việc thăm viếng các tù nhân vi phạm quyền tự do tôn giáo được bảo vệ bởi hiến pháp và vi phạm các quy định của tiểu bang nhằm bảo đảm việc thăm viếng các nhà tù của hàng giáo sĩ.
Thẩm phán William F. Hue của Tòa án Quận Jefferson đã ra phán quyết rằng Tổng giáo phận Milwaukee phải được phép tiếp cận các nhà tù của tiểu bang mỗi tuần một lần, có hiệu lực ngay lập tức. Ông đã ký một văn bản ủy quyền tạm thời buộc Bộ Cải Huấn phải cấp quyền thăm viếng cho các giáo sĩ. Lệnh này không áp dụng cho bốn giáo phận Công Giáo khác ở tiểu bang Wisconsin. Việc cấm đoán vẫn còn hiệu lực vì vụ việc vẫn đang được tiến hành tại tòa án lưu động.
Anthony F. LoCoco, phó cố vấn của Viện Luật & Tự do Wisconsin, cho biết: “Bộ Cải Huấn không thể phớt lờ lệnh của Cơ quan lập pháp rằng các giáo sĩ có quyền đặc quyền thăm viếng các cơ sở của họ nhằm phục vụ nhu cầu của các tù nhân Wisconsin. Đại diện cho tổng giáo phận, ông nói: “Chúng tôi rất biết ơn về hành động của tòa án ngày hôm nay, điều này sẽ bảo đảm rằng các dịch vụ tôn giáo có ý nghĩa có thể được cung cấp kịp thời.”
Phát ngôn viên của Đức Tổng Giám Mục Jerome E. Listecki hài lòng với phán quyết, nhưng cảnh báo đây chỉ là bước đầu tiên. Sandra Peterson, giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận Milwaukee cho biết: “Trong khi chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm rằng các giáo sĩ và tuyên úy của chúng tôi sẽ một lần nữa có thể phục vụ các tù nhân một lần mỗi tuần, chúng tôi cũng nhận ra rằng đây chỉ là phán quyết tạm thời. Tổng giáo phận hy vọng tòa án sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế của Bộ Cải Huấn trong phán quyết cuối cùng và khôi phục các quyền hợp pháp và tự do tôn giáo của các giáo sĩ của chúng tôi nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của các tù nhân ở Wisconsin.”
Bộ trưởng Bộ Cải Huấn Kevin Carr cho biết việc tổng giáo phận thưa kiện ra tòa án là không cần thiết vì theo ông các kế hoạch đang được thực hiện để các giáo sĩ có thể thăm viếng trước khi tổng giáo phận đệ đơn xin lệnh của tòa án.
Thực ra, Bộ Cải Huấn đã đình chỉ việc thăm gặp trực tiếp do đại dịch vào ngày 13 tháng 3 năm 2020. Tổng giáo phận đã kiên nhẫn đợi gần 15 tháng cho đến ngày 7 tháng 5 mới phản đối việc đình chỉ đó.
“Bộ Cải Huấn đã nhận được lệnh từ Thẩm phán Hue hôm nay và sẽ tuân theo lệnh này,” Carr nói trong một tuyên bố.
Source:JS Online
Một thoáng nhìn về văn kiện “Monita Ad Missionarios” Nhắn Nhủ Các Thừa Sai của Công Đồng Yuthia 1664
PHẦN MỘT: MỆNH LỆNH VÀ DI CHÚC ĐI CÙNG NĂM THÁNG
DẪN NHẬP: VẪN TRÊN DÒNG SÔNG ĐÓ
Khi bàn đến sự biến chuyển đổi thay của vũ trụ vạn vật, của lịch sử và xã hội con người…, người ta hay nại đến lời phát biểu và cũng là một “định đề triết học” thời danh của một triết gia thời cổ đại phương Tây, Heraclitus[1]: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”[2]. Bởi vì “dòng sông hôm nay, bây giờ” không còn là “dòng sông cũ của hôm qua”; và “người tắm hôm nay”, một cách nào đó, cũng không còn nguyên vẹn y chang như “kẻ tắm hôm qua ngày trước”.
Định đề đó có thể “có lý” nếu áp dụng vào lãnh vực thuần tuý vật chất, sinh vật hữu hạn… như tác giả Thánh Vịnh đã từng cảm nhận:
“Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.” (Tv 89,5-6).
Tuy nhiên, nguyên tắc này, định đề “biến dịch” nầy của Heraclitus không thể áp dụng vào lãnh vực niềm tin, vào chân lý cứu độ; nhất là không thể áp dụng cho Thiên Chúa[3], Đấng mà cũng chính tác giả Thánh vịnh trên đã ca tụng rằng:
“Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.
Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên,
địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành,
Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời.” (Tv 89,1-2);
hay nơi một Thánh vịnh khác:
“Xưa Chúa đã đặt nền trái đất,
chính tay Ngài tạo tác vòm trời.
Chúng tiêu tan, Chúa còn hoài,
chúng như áo cũ thảy rồi mòn hao.
Ngài thay chúng khác nào thay áo,
nhưng chính Ngài tiền hậu y nguyên;
tháng năm Ngài vẫn triền miên.” (Tv 101,26-28).
Vâng, Thiên Chúa của Israel là “Thiên Chúa vĩnh hằng”, là “Đấng Hằng hữu”, không cũ không mới, như chính Ngài đã mạc khải cho vị “Đại Tiên Tri Môsê” trong “Khải tượng” “Bụi gai bốc cháy”: Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: ‘Đấng Hiện Hữu’ sai tôi đến với anh em.” (Xh 3,14). Khi tiến trình mạc khải đến “hồi viên mãn” (Dt 1,1-2), thì Đấng “Thiên Chúa nhập thể làm người” (Ga 1,14), Đấng tự xưng rằng “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30), cũng đã xác nhận “bản chất hằng hữu”, của mình ngay trong bi kịch Thương Khó: “Người bảo họ: Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28); một sự “hằng hữu”, bất biến…, mà trí óc con người chỉ có thể diễn tả được qua phạm trù “An-pha và Ô-mê-ga” trong sách Khải Huyền của thánh sử Gioan: Người lại phán với tôi: “Xong cả rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng…” (Kh 21,6).
Và điều này có liên quan gì tới Hội Thánh?
Có đấy ! Trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, một “Giáo Hội phổ quát được thành lập”; đó là cộng đoàn bao gồm “những ai tin vào Đức Kitô”[4], “vừa là cộng đồng được tổ chức theo cơ chế phẩm trật, vừa là Nhiệm Thể Đức Kitô, là đoàn thể hữu hình và cũng là cộng đoàn thiêng liêng, là Giáo Hội tại thế đồng thời cũng là Giáo Hội dư tràn của cải trên trời…”[5].
Về mặt “cơ chế, hữu hình”, Giáo Hội phải chịu những tác động của không gian và thời gian; phải lớn lên, cập nhật, phát triển, đối thay…; nhưng về mặt “Nhiệm Thể, thiêng liêng”, Giáo Hội luôn trung thành với căn tính, trước sao sau vậy, “chỉ có một Giáo Hội của Đức Kitô mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính là duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền”[6].
Nếu ví Giáo Hội như một “Dòng sông”, thì “Dòng sông” đó có cội nguồn chính là “Thiên Chúa Ba Ngôi”[7], “được chuẩn bị cách diệu kỳ nơi lịch sử dân Israel và Cựu ước, được thiết lập vào thời kỳ sau hết, được tỏ lộ trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống và sẽ được hoàn tất trong vinh quang vào lúc kết tận thời gian”[8].
Giáo Hội tại Việt Nam cách đây hơn bốn thế kỷ (nếu lấy cột mốc năm 1533), hay chính ngay lúc này, chắc chắn đang ở trong giai đoạn cuối cùng “sẽ được hoàn tất trong vinh quang…” như Công Đồng Vaticanô II vừa nói ở trên; và dĩ nhiên, cho dù là một “Giáo Hội địa phương” non trẻ và số tín hữu vẫn thuộc thành phần thiểu số, Giáo Hội Việt nam vẫn có đầy đủ phẩm chất cơ bản của Giáo Hội Mẹ: vừa hữu hình vừa thiêng liêng; vừa trần tục vừa nhiệm mầu.
Chính trên cái “phông nền” của lộ trình lịch sử vừa “hữu hình” vừa “thiêng liêng”, vừa “thế tục” vừa “nhiệm mầu” đó, chúng ta thử tìm về những cách vận dụng “mệnh lệnh truyền giáo của Đức Kitô” vào bối cảnh Á Châu trong thế kỷ 17 của Toà Thánh và của các Thừa Sai. Nói cách khác, đây là cuộc “trở về nguồn” để cùng đọc, suy tư và rút ra những định hướng thiết thực mà văn kiện MONITA AD MISSIONARIOS” (NHẮN NHỦ CÁC THỪA SAI) của Công Đồng Yuthia 1664 đã để lại cho dân Chúa Việt Nam hôm nay (và cả Á Châu) như một gia tài quý báu. Chắc chắn, tư liệu lịch sử liên quan đến buổi đầu loan báo Tin Mừng tại Á Châu nầy sẽ chỉ cho chúng ta những con đường, những định hướng mục vụ truyền giáo mang giá trị “vượt thời gian”; nhưng đồng thời cũng sẽ giúp chúng ta khám phá những cách thế, phương tiện mà thế hệ cha ông đã sử dụng như những công cụ hữu hiệu để loan báo Tin Mừng, cho dù hôm nay đã không còn thích dụng.
Dĩ nhiên, đây không là thái độ “quyến luyến không suy xét, không đắn đo và phi lý vào quá khứ”; hay là việc “đặt bước chân của chúng ta vào những dấu chân của người đi trước”[9]; đơn giản: đây chính là để “hiểu rõ hơn về lịch sử”; hay nếu phải dùng một hình ảnh, thì đó là chấp nhận làm “những người lùn đứng trên vai những người khổng lồ” để may ra có thể khám phá được chân lý, phát hiện được những viên ngọc quý dưới lớp bụi thời gian[10].
PHẦN MỘT: MỆNH LỆNH VÀ DI CHÚC ĐI CÙNG NĂM THÁNG
Trong “Thư đệ trình Đức Thánh Cha Clément IX” của hai Giám Mục Tông toà François Pallu và Pierre Lambert de la Motte, chúng ta đọc thấy một đoạn trong phần “giới thiệu nội dung” tài liệu MONITA, như sau: “Chúng con quan tâm đến việc cải thiện cách truyền bá Tin Mừng, dựa theo cách thức tuyệt diệu của Chúa Kitô và các Tông đồ (ch. II, III và IV)…”[11].
Chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu kỷ hơn nội dung trên trong PHẦN HAI, khi đào sâu chính nội dung và bố cục của MONITA. Ở đây, chỉ muốn dừng lại như một “chút thoáng qua” về những cách thức truyền bá Tin Mừng “tuyệt diệu của Chúa Kitô và các Tông Đồ” như cách nhìn nhận của hai vị “Chủ chăn Tiền bối” trên.
I. TỪ MỘT XUẤT PHÁT ĐIỂM
1. Đã có một “từ ngữ” mang nhiều ý nghĩa phong phú:
Trong khoa “Thần học về Truyền Giáo” của Giáo Hội, nguyên vấn đề “từ ngữ” thôi cũng là một “câu chuyện dài” phức tạp[12]. Thật vậy, các từ ngữ như Sứ vụ truyền giáo (Missio), Rao giảng Tin Mừng (Praedicare Evangelium), Dạy dỗ muôn dân (Docere omnes gentes), Truyền bá đức tin (Propaganda Fide), Phúc âm hoá các dân tộc (Evangelizatio Populorum), Loan Tin Mừng, Phúc âm hoá (Evangelizatio), Tân Phúc Âm hoá (Nova Evangelizatio)… lần lượt xuất hiện qua dòng thời gian, và đã được hiểu, được sử dụng, kiện toàn… trải dài theo năm tháng, cùng với những thuyên giải, định nghĩa, quảng diễn thích dụng.
Để thấy rõ hơn, xin đan cử một thí dụ: chỉ trong một cuốn sách - “TỰ ĐIỂN Công Giáo” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – đã có hai mục từ, có thể nói được, có “nội hàm” không khác nhau bao nhiêu, hay chỉ là “hai mặt của một vấn đề”, nhưng được diễn đạt bằng nhiều cách: mục từ “TRUYỀN GIÁO”[13], và mục từ “PHÚC ÂM HOÁ”[14]. Riêng chỉ trong mục từ “TRUYỀN GIÁO” thôi, thì chúng ta có thể “lọc” ra được “một lô” định nghĩa[15]. (Xin trích):
- “Truyền giáo là sứ mệnh cơ bản của Hội Thánh, tức là loan báo Phúc Âm cho tất cả mọi dân tộc, theo mệnh lệnh Chúa Kitô…”
- “Truyền giáo là giới thiệu niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng của Hội Thánh vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Đấng tạo dựng, yêu thương và cứu độ muôn người.”
- “Truyền giáo là làm cho loài người được tham dự, hiệp thông trong Tình Yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa;…”
- (Truyền giáo) “làm cho Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô thấm nhập mọi chiều kích cuộc sống…
- “Truyền giáo chỉ công việc truyền bá đức tin Kitô giáo và việc thành lập các giáo đoàn mới nơi các dân tộc hay nhóm người chưa tin vào Chúa Kitô;…”
- (Truyền giáo là) “làm cho Phúc Âm thấm nhập vào trong nền văn hoá các dân tộc;…”
- (Truyền giáo là việc) “một số người có ơn gọi đặc biệt và được Hội Thánh sai đi loan báo Phúc Âm cho các dân tộc chưa nhận biết Chúa Kitô”… (Hết trích).
2. Từ “mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập”:
Sau hai ngàn năm, cho dầu khái niệm, ý nghĩa, luận đề, chuyên đề “truyền giáo” được thuyên giải, định nghĩa, quảng diễn thế nào mặc lòng, thì điểm xuất phát uyên nguyên cố định vẫn là từ “mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập”[16], của chính Chúa Kitô, nhất là “mệnh lệnh” sau biến cố Phục Sinh, trước khi “Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha”.
2.1. Dấu chứng của Tin Mừng:
- Mệnh lệnh trong Tin Mừng Máccô 16,15: Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.
- Mệnh lệnh trong Tin Mừng Matthêô 28,19-20: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
- “Lệnh lên đường” trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 10, 1.5-14; Mc 6,7-13; Lc 9,1-6): Bản văn nầy đặc biệt liên quan đến “tư cách, thái độ, hành trang…” của “nhà truyền giáo” mà không ít tác giả gọi là “lệnh lên đường”: Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi. (Lc 9,1-6).
Có thể nói được, khi Hội Thánh (hay bất cứ ai) muốn trình bày, cắt nghĩa… về “Truyền giáo” đều phải trở về với các “mệnh lệnh của Đấng Sáng lập” được Tin Mừng lưu giữ.
2.2. Cội nguồn của “mệnh lệnh”:
Dĩ nhiên, để có được hay “đi tới” mệnh lệnh nầy, là cả một công trình kỳ diệu phát xuất từ “ý định của Thiên Chúa”, như cách cắt nghĩa của Sắc lệnh Truyền giáo (Ad Gentes): “Ý định nầy tuôn trào từ “mạch suối yêu thương” nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa Cha, Đấng chính là nguyên lý tối thượng, bởi Ngài, Chúa Con được sinh ra, đồng thời cũng bởi Ngài và qua Chúa Con, nhiệm xuất Chúa Thánh Thần, cũng là Đấng vì lòng nhân từ thương xót vô biên nên khi tạo dựng và hơn nữa khi ưu ái mời gọi chúng ta tham dự vào sự sống và vinh quang của Ngài… để Ngài được vinh hiển và chúng ta được hạnh phúc…” (AG số).
Riêng hai chữ “chúng ta” mà Sắc lệnh Truyền Giáo vừa nói tới có nghĩa là: “Thiên Chúa muốn mời gọi mọi người tham dự vào sự sống của Ngài, không chỉ từng cá nhân không liên quan gì đến nhau, nhưng còn liên kết họ thành một đoàn dân duy nhất, trong đó con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi được quy tụ về một mối” (AG số 2).
Vâng, nói cho cùng, truyền giáo chính là làm cho “ý định của Thiên Chúa muốn cứu rỗi toàn thể nhân loại” được hiện thực (AG số 3); để “Lời Chúa được lan rộng và toả sáng” (2 Ts 3,1) và để “Nước Chúa được công bố và thiết lập khắp trần gian” (AG số 1); để “giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tối tăm và sa tan” và để “phục hồi vạn vật trong Đức Kitô” (AG số 3); để “rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó, chữa lành những tâm hồn đau khổ, loan báo sự giải thoát cho những người bị giam cầm, và cho những kẻ đui mù được nhìn thấy” (Lc 4,18); và để “Con Người đến tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất” (Lc 19,10) (AG số 3)…
3. Đến các Tông Đồ và Giáo Hội thuở ban đầu:
Và như đã nói ở trên, “xuất phát điểm của Truyền Giáo” chính là “Mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập”. Tuy nhiên, mệnh lệnh đó lại nhắm trực tiếp đến các Tông Đồ và các môn sinh được chính Đức Kitô chọn gọi, sống với Ngài, được Ngài dạy dỗ, sai đi rao giảng, chứng kiến cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài…(x. Mc 3,13; AG số 5).
Sau biến cố “Chúa Thánh Thần Hiện Xuống” dịp lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ bắt đầu thi hành “sứ vụ truyền giáo” đúng như mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh: “Hãy đi rao giảng…, làm phép rửa…”.
3.1. Phêrô và “Nhóm Mười Hai” khởi động truyền giáo:
Ngay từ buổi đầu, sách Công vụ Tông đồ đã cho thấy cách các Tông đồ thực thi mệnh lệnh của Chúa Kitô với hai hoạt động chính: “các con hãy… giảng dạy…; làm phép rửa…”. Đó chính là nội dung cốt lỏi của “Sứ điệp sơ truyền” (Kerygma); cũng là “nội dung và nền tảng cốt yếu” của công cuộc truyền giáo, Phúc âm hoá hay “Tân Phúc Âm hoá” của Giáo Hội muôn nơi muôn thuở
- Giảng dạy muôn dân (Docete omnes gentes)[17]: Bấy giờ ông Phêrô đứng chung với nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng:…;
- Làm phép Rửa (Baptizantes eos): “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần”… Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo (Cv 2,14-41).
Phần đầu của sách Công vụ Tông đồ, có thể nói được, là “Công vụ Phúc Âm hoá của Thánh Phêrô”. Chính nơi những trang đầu tiên đó, chúng ta gặp một “nhà truyền giáo Phêrô” hùng biện, can đảm, xông xáo… rao giảng và làm chứng về Đức Kitô tử nạn – phục sinh, khiến tầng lớp lãnh đạo Do Thái giáo phải e dè, kinh ngạc, tìm cách loại trừ (x. Cv 4,1-21; 5,21-33…).
3.2. Công cuộc truyền giáo của Phaolô, Tông Đồ dân ngoại:
Phaolô và công cuộc truyền giáo của Ngài đóng một vai trò tối quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển Kitô giáo trên toàn thế giới; đến đổi có người dám ví von cách “thậm xưng”: “Không phải Chúa Giêsu mà chính Phaolô mới là vị sáng lập thật sự của Kitô giáo”[18]. Vì là một “chuyên đề sâu rộng” nên đây chỉ là một cuộc “cởi ngựa xem hoa”.
Sau đây, xin đan cử một đôi trích đoạn Lời Chúa liên quan đến một “Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại”:
- Truyền giáo chính là lẽ sống, là sứ mệnh tối hậu: “Vì nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không có lý do gì để tôi tự hào, mà đó là một nhiệm vụ tôi phải làm. Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).
- Truyền giáo là chia sẻ Tin Mừng của Thiên Chúa và cả cuộc sống mình: “Chúng tôi đã yêu mến anh em tha thiết, đến nỗi sẵn sàng chia sẻ với anh em, không những chỉ Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả chính mình chúng tôi, vì anh em đã trở nên rất thân yêu đối với chúng tôi’ (1 Ts 2,8).
- Truyền giáo là chia sẻ chính “bằng chứng xác thực của Thần Khí” chứ không quảng bá cái “tôi”: “Thưa anh chị em, khi tôi đến với anh chị em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa… Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh chị em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.” (1 Cor 2,1-5).
- Truyền giáo là cậy vào sức mạnh của Chúa để muôn dân nghe biết Tin Mừng: “Lần thứ nhất khi cha phải ra biện hộ trước tòa án, chẳng có ai bênh vực cha. Tất cả đều đã bỏ rơi cha. Con đừng chấp nhất với họ. Nhưng có Chúa ở bên cạnh cha, Người đã ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng.” (2 Tm 4,16-17)…
Nếu có thời gian, xin mở sách Công vụ và cùng đọc và suy niệm “ba cuộc truyền giáo của ngài” (x. Cv 13-14; Cv 15-18; Cv 18-21).
3.3. Cả Hội Thánh đã lên đường:
Qua sách Công vụ Tông Đồ và các Thư mục Tân Ước khác, chúng ta có thể nói được “cả Hội Thánh đã lên đường” trong buổi bình minh của Thiên Niên kỷ thứ nhất. Ngoài các gương mặt nổi trội như Phêrô, Gioan, Giacôbe, Phaolô, Barnaba…, chúng ta còn thấy những Phó tế như Stêphanô - Vị Tử đạo tiên khởi của Kitô giáo, Philipphê…; và tiếp sau đó là những Luca, Máccô, Timôthê, Titô…; các cộng đoàn như Giêrusalem, Antiokia, Côrintô, Têsalônica…
Vâng, công cuộc truyền giáo không phải của riêng ai mà của cả một đoàn dân “loan truyền kỳ công của Thiên Chúa”, như lời quả quyết của Thánh Phêrô: “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2,9).
Và sở dĩ cộng đoàn Giáo Hội sơ khai “thành công trong việc truyền giáo”, đã thuyết phục được nhiều người tin Chúa Giêsu và gia nhập Hội Thánh, phải chăng nhờ các yếu tố then chốt nầy: hiệp nhất, yêu thương, chuyên chăm Lời Chúa, nguyện cầu, trung thành với Thánh Thể: Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ. (Cv 2,42-47).
4. Phương thế truyền giáo cốt yếu của Đấng Sáng Lập: LÀM CHỨNG
Đấng trao sứ mệnh truyền giáo cũng là Đấng ra những chỉ thị, định hướng cần thiết như chúng ta đọc thấy trong “bản Lệnh Lên đường” của các Tin Mừng Nhất lãm: Mt 10, 1.5-14; Mc 6,7-13; Lc 9,1-6; và dĩ nhiên, đó cũng là “Kim Chỉ Nam truyền giáo” tiên khởi mẫu mực cho Giáo Hội muôn nơi, muôn thuở.
Tuy nhiên, trước hết và trên hết, chân dung của “người truyền giáo”, của kẻ “Loan báo Tin Mừng” theo đúng nguyện vọng và ước muốn của “Đấng Sáng Lập” lại là “CHỨNG NHÂN”: “Chính anh em là chứng nhân về những điều nầy” (Lc 24,48); “Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
Và rồi, trước những “biến động dồn dập” ở Giêrusalem trong “cái thuở ban đầu” ấy, tưởng rằng các môn sinh của Chúa Kitô đã quên bẵng ước muốn của Thầy; nhưng không, họ vẫn nhớ như in:
- Thánh Phêrô ngay từ buổi đầu Giáo Hội đã trung thành với “kim chỉ nam” đó: “Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh” (Cv 1,22); “Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần…” (Cv 5,30-31)…
- Thánh Phaolô cũng đã xác nhận việc “làm chứng” của các Tông Đồ: “Trong nhiều ngày, Đức Giêsu đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Galilê lên Giêrusalem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân” (Cv 13,31) và của chính mình: “Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20,24); sách Công Vụ Tông Đồ còn minh xác cả về “địa chỉ làm chứng” của Phaolô: Đêm ấy Chúa đến bên ông Phaolô và nói: “Hãy vững lòng ! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Giêrusalem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa” (Cv 23,11)…
Cốt lõi là như thế; còn thể hiện, vận dụng việc “làm chứng” như thế nào thì, có thể nói được, toàn bộ Lời Chúa là “ánh sáng dẫn lối đưa đường” (Tv 119,105) cùng với sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần trải qua các thời đại, các thế hệ con người, các nền văn hoá, các trực giác khôn ngoan, các phát kiến sáng tạo, các biến cố thăng trầm của lịch sử…
Vâng, câu chuyện “đưa thuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4) là một “thiên anh hùng ca” bi tráng trải dài qua hai thiên niên kỷ; và nơi đó không chỉ được dệt đan hoà điệu bởi các Thánh nhân, các vị Giáo hoàng, Giáo phụ… lừng danh; mà còn được góp phần của cả những giáo dân âm thầm, những thừa sai thành tâm thiện chí, ngay cả trong các Giáo Hội anh em ngoài Công Giáo (Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo…); có khi là các tội nhân hay cả những kẻ chống lại Tin Mừng… Đó cũng là một bức tranh hùng vĩ đan xen muôn gam màu, chất liệu…, không chỉ rực rỡ oai hùng của thành công, thắng lợi; nhưng cũng chất chứa rất nhiều những đau thương, bách hại, máu xương, nước mắt…
Trong bài khảo luận nhỏ dẫn vào văn kiện MONITA nầy, chỉ xin được ghi lại vài điểm nhấn truyền giáo từ Công Đồng Vatican II đến hôm nay.
II. NHỮNG CẬP NHẬT ĐỊNH HƯỚNG TRUYỀN GIÁO THỜI HIỆN ĐẠI
Trong cuộc “lữ hành đức tin” của dân Chúa suốt hai ngàn năm, Truyền Giáo là một “câu chuyện dài đầy lâm ly bi đát”; có những thành công vang dội, cũng như đầy dẫy những tháng ngày “xương rơi máu đổ”; có những “thăng trầm bể dâu” nhưng cũng đầy những biến thiên chẳng ngờ…, mà cuộc “lật ngược thế cờ cách ngoạn mục liên quan đến đế quốc Rôma” là một bức minh hoạ rõ nét và sống động cho câu chuyện này: chính quan chức Rôma đã lên án đóng đinh Chúa Cứu Thế vào đầu thế kỷ thứ nhất tại Giêrusalem; và cũng chính các hoàng đế Rôma, nhất là thời bạo chúa Nêrô, đã bách hại tàn khốc các Kitô hữu tại thủ phủ Rôma và trên toàn đế quốc…; thì cũng chính một hoàng đế Rôma – Constantino – vào đầu thế kỷ thứ tư (312), đã quyết chọn Kitô giáo làm quốc giáo[19] !
Cho đến thế kỷ 21 nầy, không tính các anh chị em Kitô hữu thuộc Chính Thống giáo, Tin Lành và Anh Giáo, thì Giáo Hội Công Giáo Rôma đã có số tín hữu vượt xa con số “nghìn triệu”; tức trên dưới 1/6 dân số thế giới. Để có được thành quả “những hạt lúa vàng ắp đầy trong kho lẫm nầy”, nhất là, như nhận định của tác giả Richard Holloway, để “trở thành một thiết chế quyền lực bậc nhất trên địa cầu, ngay cả các vị vua cũng phải nép mình trước uy quyền đó”[20], Giáo Hội đã phải nỗ lực truyền giáo bằng một cái giá thực sự đắt đỏ; đắt đỏ bởi trí tuệ, công sức, máu xương của con người và nhất là “ân sủng của Thiên Chúa”. Vâng cái giá của việc “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Vì trọng tâm của bài khảo luận nầy chính là văn kiện MONITA của Công đồng Yutthia 1664, nên ở đây chỉ xin nêu ra vài “điểm nhấn quan trọng” trên lộ trình hướng dẫn mục vụ truyền giáo của thời hiện đại, như là một “bức phông nền cơ bản” để làm sáng lên những giá trị vượt thời gian của MONITA.
1. Toàn thể dân Chúa “đến với muôn dân” (Công Đồng Vaticano II với Ad Gentes).
Khởi đi từ “khẩu lệnh lên đường” được Đức Kitô ban ra, có thể nói được, cuộc hành trình xuyên suốt hai ngàn năm của Hội Thánh chính là cuộc lên đường không ngừng nghỉ để “đến với muôn dân”. Mỗi thời đại với mỗi hoàn cảnh, tuỳ điều kiện không gian cũng như thời gian, địa lý hay văn hoá, chính trị hay kinh tế…, công cuộc “đến với muôn dân” luôn mang những nét đặc trưng và để lại những dấu ấn…, làm nên cả một kho tàng kinh nghiệm phong phú cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.
Vào thời đại của chúng ta, đặc biệt, vào hậu bán thế kỷ 20, một biến cố đức tin và cũng là một dấu ấn lịch sử sâu đậm nhất của Hội Thánh Công Giáo đó chính là Công Đồng Vaticano II[21], mà tinh thần và định hướng vẫn còn tác động lâu dài trên toàn thể sinh hoạt của Giáo Hội, trong đó, sinh hoạt “loan báo Tin Mừng” là dễ nhận thấy nhất. (x. CÁC MÔ HÌNH TRUYỀN GIÁO TRONG Giáo Hội Công Giáo trong tác phẩm “Thần học truyền giáo cho hôm nay”)[22].
Thật vậy, Vatican II, theo ý nguyện ban đầu của Đức Gioan XXIII, Vị Giáo Hoàng được ơn soi sáng khai mở Công Đồng, đó là một Công Đồng mang tính “mục vụ”[23], như một giai thoại được lưu lại: “Khi được hỏi tại sao Đức Giáo Hoàng muốn triệu tập Công Đồng, ngài hóm hỉnh trả lời, trong khi lấy tay mở cửa sổ: “Tôi muốn toang các cửa sổ Giáo Hội để cho chúng ta nhìn ra được và công chúng nhìn vào được”. Trong ý hướng đó, Đức Gioan XXIII mong muốn là Giáo Hội cần phải nhìn vào “những dấu chỉ của thời đại”, để có thể đáp ứng nhu cầu cần thiết của nhân loại. Ngài sử dụng một từ ngữ của người Ý là “aggiornamento”, có nghĩa là “cập nhật hóa”, để nói đến tính cấp bách của Giáo hội lúc này là mở ra với toàn thế giới”[24]. (x. Những điều đã xảy ra tại Công Đồng Vatican II)[25].
Điểm nhấn đầu tiên về truyền giáo của Công Đồng Vatican II chính là văn kiện: Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội – Ad Gentes (AG)[26], một văn kiện mang tính “thực hành” và “áp dụng” các “định hướng mục vụ của Công Đồng Vaticano II” như Lời Giới thiệu văn kiện đã trình bày: “Sắc Lệnh này khảo luận các vấn đề lý thuyết cũng như thực hành về hoạt động truyền giáo trong thời đại ngày nay. Ðồng thời, Sắc Lệnh cũng có tính cách rất thần học, nghĩa là các chủ đề chính cũng như các vấn đề truyền giáo luôn luôn được đặt trong tương quan với nguồn mạc khải. Những giải quyết và những tiêu chuẩn thực tế đều có nền tảng thần học vững chắc, thường trực tiếp dựa trên những bản văn Thánh Kinh. Mọi hoạt động truyền giáo của Giáo Hội bắt nguồn từ tình yêu giữa Ba Ngôi và là một hiệu quả, hay có thể nói là sự nối tiếp sứ mạng của các Ngài, là sự hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong thế giới, Ðấng muốn mọi người được cứu rỗi”[27].
Và đây, có thể nói được, là áng văn đẹp nhất của văn kiện diễn tả sứ vụ truyền giáo được Giáo Hội thực thi “theo mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập”: “Vì thế, vâng lệnh Chúa Kitô đồng thời được ân sủng và tình yêu Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Giáo Hội thực thi sứ mệnh, khi thực sự hiện diện giữa mọi người và mọi dân tộc, bằng cách hoạt động để nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy, các bí tích và những phương thế trao ban an sủng khác, dẫn đưa tất cả đến với đức tin, đón nhận ơn giải thoát và bình an của Chúa Kitô, nhờ đó mở ra con đường thông suốt và vững chắc giúp họ thông dự trọn vẹn vào mầu nhiệm Chúa Kitô” (AG 5).
Dĩ nhiên, bên cạnh văn kiện mang tính “chuyên đề truyền giáo” nầy, Vaticano II gần như đã “phả hương thơm loan báo Tin Mừng” lên các văn kiện quan trọng khác như Lumen Gentium (Hiến Chế Giáo Hội), Gaudium et Spes (Hiến chế mục vụ Giáo Hội trong thế giới ngày nay), Apostolicam Actuositatem (Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ Giáo dân), Sắc lệnh về Đại Kết (Unitatis Redintegratio), Tuyên Ngôn về mối quan hệ của Hội Thánh với các Tôn Giáo ngoài Kitô (Nostra Aetate), Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis Humanae)[28]…
2. “Hồi sinh” sau Vaticano II: Từ Evangelii Nuntiandi (1975) đến Redemptoris Missio (1990):
2.1. “Cánh cửa Công Đồng” và những luồng gió khủng hoảng:
Đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày bế mạc (1965), Công Đồng Vatican II vẫn còn âm hưởng mạnh mẽ bên trong (ad intra) lẫn bên ngoài (ad extra) Hội Thánh; đặc biệt trong chiều kích “đọc những dấu chỉ thời đại” và “nhìn nhận hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa bên ngoài Giáo Hội Công Giáo”[29]. Quả thật, Công Đồng đã mang lại cho Giáo Hội một luồn sinh khí mới, một động lực trong việc canh tân, đối thoại, hoà giải, đại kết…: “… Nhưng, có điều chắc chắn là không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng lớn lao của tinh thần ‘canh tân và hòa giải’ do Công Ðồng Vatican II thổi vào Giáo hội, đem lại cho Giáo Hội một sức sống mới. Từ đây, Giáo Hội được nhìn nhận như một mầu nhiệm hiệp thông, là cộng đoàn dân Chúa, không còn nặng về tính cơ cấu và phẩm trật nữa…”[30].
Tuy nhiên, những thập niên sau Công Đồng, tức khoảng thời gian từ 1965-1975, toàn thế giới gần như phải trải qua những xáo trộn, đổi thay sâu sắc về nhiều phương diện, khiến công cuộc truyền giáo của Giáo Hội cũng rơi vào khủng hoảng, như cách nhìn của tác giả Robert Schreiter[31] mà Roger P. Schroeder, SVD đã tóm tắt trong bài viết “Giáo huấn Hội thánh về truyền giáo sau Vaticanô II: 1975-2007”: “Schreiter gọi thập niên sau Công đồng (1965-1975) là chặng khủng hoảng về truyền giáo. Thế giới đang chuyển biến: phong trào nhân quyền tại Hoa kỳ, cuộc cách mạng văn hóa bên Trung quốc, Chiến tranh sáu ngày ở Trung Đông, Mùa Xuân Praha ở Tiệp khắc, cuộc nổi dậy của sinh viên ở Mêxicô[32]. Trong Giáo hội cũng có nhiều nhân tố góp phần cho cuộc khủng hoàng. Việc hồi tục của nhiều linh mục và tu sĩ đã làm suy giảm nhân số các thừa sai. Cuộc chấm dứt chế độ thuộc địa, mà công cuộc truyền giáo thường được gắn kết, cũng khiến cho nhiều người kêu gọi kết liễu việc truyền giáo, hoặc ít là một đường lối truyền giáo. Ngoài ra, những biến chuyển thần học của Công đồng – việc nhìn nhận bản chất truyền giáo của toàn Giáo hội (AG 2), sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới như là các dấu chỉ thời đại (GS 4), sự cần thiết của việc đối thoại và hợp tác với các tín đồ các tôn giáo khác (NA 2), và khả năng có thể được cứu độ ngoài Hội thánh (LG 16) – đã cắt đứt những động lực trước Công đồng về việc cứu độ các linh hồn và về việc thiết lập Giáo hội hữu hình”[33]. (x. STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER)[34].
2.2. Evangelii Nuntiandi: Đến với muôn dân hay là việc Phúc Âm hoá mang tính toàn diện:
Năm 1974, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới (thứ III) để bàn sâu và rộng về việc “Loan báo Tin mừng trong thế giới hiện đại”. Đúc kết những ý kiến của các nghị phụ, Đức Thánh Cha đã soạn và ban hành tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan báo Tin mừng - EN) năm 1975, như một “điểm đến của Năm Thánh vừa kết thúc (1975) và món quà kỷ niệm “10 năm bế mạc Công Đồng Vaticano II”[35].
Đây được coi là văn kiện “định chuẩn” về sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh; vừa bổ túc cho AD GENTES (chỉ mới xoay quanh MISSIO)[36] vừa mở ra những định hướng mới sâu rộng hơn, bao quát hơn (với EVANGELIZATIO)[37]. Có thể nói được, với 3 số 18,19,20, tông huấn Evangelii Nuntiandi đã phần nào diễn đạt khái quát “nội hàm” của EVANGELIZATIO: Phúc Âm hoá chính là “Đổi mới nhân loại”[38], là “Đổi mới cảnh vực sống của nhân loại”[39] và “Phúc Âm hoá những nền văn hoá”[40].
Và một trong những “điểm nhấn” quan trọng của Tông huấn nầy đó “loan báo Tin Mừng qua đời sống chứng tá” mà lời phát biểu của Đức Phaolô VI đã trở thành một câu châm ngôn: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”[41].
2.3. Redemptoris Missio: Truyền giáo: câu trả lời của niềm tin và tình yêu
Nhân dịp kỷ niệm “Ngân Khánh AD GENTES” (1965-1990) và “Mười lăm năm EVANGELII NUNTIANDI” (1975-1990), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Thông điệp SỨ VỤ ĐẤNG CỨU THẾ (REDEMPTORIS MISSIO - RM) ngày 7.12.1990; và người ta cho rằng, đây là văn kiện quan trọng nhất của triều đại Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II[42].
Về cơ bản “thần học truyền giáo” nơi “RM”, như nhận xét của ROGER P. SCHROEDER, là một tổng hợp và bổ túc “dựa trên AG (Sắc lệnh Truyền Giáo Ad Gentes) và EN (Tông huấn Loan báo Tin Mừng – Evangelii Nuntiandi), nêu bật vai trò của Chúa Kitô và sự cần thiết phải loan báo Đức Kitô là chủ tể”[43].
Thật vậy, “vẫn trên dòng sông cũ” của Giáo Hội, Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” muốn mang Hội Thánh “Ad Gentes” triệt để hơn, rộng khắp hơn, chính xác hơn…, như đến với những “Chân Trời Bao La”[44], bao gồm những “vùng đất còn xa lạ với Tin Mừng”, những cộng đoàn dân Chúa vững mạnh và những Giáo Hội cần được “Tân Phúc Âm hoá”[45]. Và cũng từ viễn tượng “Chân trời bao la” đó, RM muốn một lần nữa cống hiến câu trả lời dứt khoát cho những ai, những trào lưu muốn đặt lại căn tính cũng như lý do của “sứ mệnh truyền giáo” của Hội Thánh: “Đối với câu hỏi: Tại sao phải truyền giáo? Thì nhờ niềm tin và kinh nghiệm của Giáo Hội, chúng tôi xin trả lời rằng sự giải phóng đích thực là đón nhận tình yêu của Đức Kitô... Truyền giáo là một vấn đề của niềm tin, đó thực là thước đo niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô và vào Tình yêu Người dành cho chúng ta” (RM số 11).
Vã lại, cũng từ cái nhìn lạc quan, phấn khởi, Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế đã trang bị cho Hội Thánh và con cái của Giáo Hội cả một “Linh đạo Truyền Giáo”, một phương thế, một con đường để “nên thánh”: “Hoạt động truyền giáo đòi phải có một linh đạo đặc biệt, một linh đạo áp dụng riêng cho tất cả những ai được Thiên Chúa kêu gọi để trở thành những nhà truyền giáo.” (RM số 87). Vâng, “Linh đạo truyền giáo của Giáo Hội là một cuộc hành trình tiến đến sự thánh thiện” (RM 90); và đó là điều mà Vị Thánh Giáo Hoàng của chúng ta đã trực giác ngay từ thuở ban đầu của Giáo Hội, và công cuộc Phúc Âm Hoá hôm nay cũng phải như thế: “chúng ta hãy nhớ đến lòng nhiệt thành truyền giáo của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi. Bất chấp phương tiện di chuyển và truyền thông hạn hẹp vào những thời ấy, việc loan truyền Phúc Âm vẫn nhanh chóng tiến đến tận cùng trái đất. Đó là tôn giáo của một Con Người chết trên thập giá, của “một viên đá vấp phạm cho người Do Thái và ngu xuẩn cho Dân Ngoại” (1Cor 1:23)! Bên dưới cái năng động truyền giáo này chính là đời sống thánh thiện của các Kitô hữu và các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi vậy” (RM 90)..
3. Tân Phúc Âm hoá hôm nay: “Đi ra trong Niềm vui” và “Trẻ trung trong Hiệp Hành” (Từ Evangelii Gaudium tới Christus Vivit).
3.1. Evangelii Gaudium: Giáo Hội “Đi ra trong Niềm vui”[46]:
Từ buổi sáng thứ Ba ngày 26/11/2013, cả thế giới Công Giáo hân hoan khôn xiết khi được đón nhận một quà tặng tuyệt vời từ Vị Mục Tử Tối Cao. Quà tặng tinh thần cao quý đó chính là Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), Tông huấn đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô sau hơn 8 tháng trên ngai tòa Thánh Phêrô.
Trong viễn tượng “thời sự mục vụ”, có thể nói Tông Huấn nầy là một đúc kết (như vẫn thường xảy ra) của Đức Thánh Cha sau cuộc họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới; ở đây, chính là văn kiện hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ 13, diễn ra từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 10 năm 2012 tại Rôma với chủ đề Tân phúc âm hóa để thông truyền đức tin Ki-tô giáo.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cho dù “nhiều lần, Đức Thánh Cha Phanxicô tham chiếu các Đề nghị của Thượng Hội Đồng tháng Mười 2012, như thế ngài cho thấy sự đóng góp của Thượng Hội Đồng quan trọng là dường nào trong việc soạn thảo Tông huấn này. Thế nhưng văn kiện này đi xa hơn kinh nghiệm của Thượng Hội Đồng. Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha đã in dấu không chỉ kinh nghiệm mục vụ riêng của ngài, nhưng còn lời mời gọi đón nhận thời điểm ân sủng mà Giáo Hội đang sống, để xúc tiến cách tin tưởng, xác tín và nhiệt thành giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa.”[47].
Kể từ khi được công bố cho thế giới, quả thật Tông Huấn EG[48] - cùng với con người và “phong cách mục vụ” của ĐTC Phanxicô, đã thổi vào “cơ thể” Giáo Hội và cả thế giới một luồng sinh khí mới mẻ đầy tươi mát, hân hoan và hy vọng, như nhận xét tinh tế của Linh mục James Martin, SJ: “Chưa bao giờ lại có một văn kiện giáo hoàng khiến người ta phải suy nghĩ, ngạc nhiên và lên tinh thần bằng tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”[49]. Vâng, có thể nói, đây chính là “tiếng kèn” đánh thức để dân Chúa lên đường Tân Phúc Âm hoá bằng cam kết “Đi ra trong Niềm vui”.
3.2. Những điểm nhấn của “Evangelii Gaudium”:
3.2.1. Cốt lỏi của “Tân Phúc Âm hoá” là tìm lại “niềm vui của Tin Mừng”: “NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh. Trong Tông Huấn này, tôi muốn khích lệ các tín hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này, đồng thời vạch ra những lối đi mới cho hành trình của Hội Thánh trong những năm sắp tới.”[50].
3.2.2. Hành động và thái độ đầu tiên của tiến trình “Tân Phúc Âm hoá”: hoán cải mục vụ để trở về với chọn lựa căn bản: truyền giáo chứ không phải “bảo tồn”:
- “Trong những ngày này, nơi các GM chúng tôi, nhiều lần có những tiếng nói được gióng lên nhắc nhở rằng để có thể rao giảng Tin Mừng cho thế giới, thì trước tiên Giáo Hội cần đặt mình trong tư thế lắng nghe Lời Chúa. Lời mời gọi rao giảng Tin Mừng được diễn tả qua lời kêu gọi hoán cải. Chúng ta hãy tin chắc rằng chúng ta phải là những người trước hết cần phải hoán cải, cần phải trở về với quyền năng của Chúa Kitô, là Đấng duy nhất có thể đổi mới mọi sự, nhất là đổi mới cuộc sống nghèo nàn của chúng ta.”[51].
- “Tôi ước mơ một “chọn lựa truyền giáo”, nghĩa là một nỗ lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh.”[52].
3.2.3. Một Hội Thánh Tân Phúc Âm hoá phải là Một Hội Thánh “đi ra” để gặp gỡ và cống hiến: “Vì vậy chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều tôi từng nói cho các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục.”[53].
3.3. Christus Vivit: Để Giáo Hội “Trẻ trung trong Hiệp Hành”:
Một trong các “môi trường mục vụ” để Hội Thánh triển khai chương trình Tân phúc âm hóa để thông truyền đức tin Ki-tô giáo, đó chính là “Giới Trẻ”; đây cũng chính là chủ đề nghị sự của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới thứ XV: Giới trẻ, Đức tin và Phân định ơn gọi[54].
Trong tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng về giới trẻ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành tông huấn “Christus Vivit” (Đức Kitô đang sống - CV), như một động lực, một cơ hội để “Chính những người trẻ có thể giúp Hội thánh giữ được tinh thần trẻ trung, không rơi vào băng hoại; không dừng lại, không kiêu hãnh, không biến thành giáo phái, nhưng trở nên nghèo khó và có khả năng làm chứng hơn nữa, gần gũi với những người hèn kém và những người bị bỏ rơi, biết đấu tranh cho công lý và khiêm tốn đón nhận những chất vấn. Người trẻ có thể đem đến cho Hội thánh vẻ đẹp của sự trẻ trung khi họ khơi gợi khả năng ‘vui mừng về những khởi đầu, luôn cho đi chính mình, canh tân và lại lên đường để đạt những thành quả mới’”[55].
Ngoài nhiều định hướng được đề nghị cho chương trình mục vụ giới trẻ, có thể nói được, định hướng “Hiệp Hành” chính là điểm quy chiếu quan trọng cho việc thực hiện tiến trình Tân Phúc Âm hoá, đặc biệt cho người trẻ: “Sự tham gia của giới trẻ đã giúp “đánh thức” mô thức hiệp hành, là một “chiều kích cấu thành của Hội Thánh.” Như thánh Gioan Kim Khẩu nói, “Hội Thánh đồng nghĩa với Hiệp Hành”, bởi vì Hội Thánh không là gì khác mà chính là việc “cùng nhau bước đi” của đàn chiên trên con đường lịch sử để gặp Đức Kitô” (Phanxicô, Diễn từ kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục, ngày 17 tháng 10 năm 2015). Tính hiệp hành đặc trưng cho cả đời sống lẫn sứ vụ của Hội Thánh, là dân Chúa được tạo thành bởi những người già, trẻ, nam, nữ thuộc mọi nền văn hóa và mọi giai cấp từ mọi chân trời, và là Thân Thể Đức Kitô trong đó chúng ta là những chi thể của nhau, đặc biệt là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị chà đạp. Trong tiến trình trao đổi và qua các chứng từ, Thượng Hội Đồng đã đưa ra một số đặc tính cơ bản của kiểu hiệp hành mà chúng ta được mời gọi hoán cải.”[56].
Hy vọng, qua mô hình “Hiệp Hành” trong mục vụ giới trẻ, Hội Thánh sẽ tìm được giải pháp tối ưu cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá: “Mục vụ giới trẻ phải “mang tính hiệp hành” (synodale), nghĩa là có khả năng liên kết trong một “hành trình chung”, điều đó bao hàm “sự quý trọng các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo Hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm. […] Với tinh thần nầy, chúng ta sẽ có thể tiến tới một Giáo Hội có nhiều tác nhân tham gia và cùng chia sẻ trách nhiệm, một Giáo Hội có khả năng cho thấy được nét phong phú nhờ tính đa dạng, đồng thời chúng ta cũng đón nhận với lòng biết ơn sự đóng góp của các tín hữu giáo dân, nhất là của giới trẻ và nữ giới, cùng sự chung tay góp sức của các người sống đời thánh hiến nam và nữ, của các nhóm, hội đoàn và phong trào. Chúng ta không được gạt bỏ một ai hoặc làm cho một ai có thể muốn xa lánh chúng ta”. (CV số 206).
Kết luận Phần I:
Kể từ “mệnh lệnh đầu tiên” của Thầy Chí Thánh, công cuộc loan báo Tin Mừng vẫn như một dòng chảy bất tận mà toàn thể “Nhiệm Thể Chúa Kitô” là nước, là phù sa, bãi bờ… mang đến cho nhân loại Tin Mừng và Hồng ân cứu rỗi.
Về phương diện phàm trần, dĩ nhiên, con người hay định hướng, phương pháp, cách thế truyền giáo được Giáo Hội chọn lựa mỗi thời mỗi khác, sao cho thích dụng với các thế hệ con người, các môi trường xã hội, văn hoá… của mỗi thời đại.
Trong khi đó, viễn tượng siêu nhiên sẽ cho thấy: những điều cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng, của chân lý cứu độ, càng ngày càng được đào sâu, củng cố, trình bày và chuyển tải sao cho, vừa trung thành với đức tin Tông Truyền, với nguồn cội; vừa trở nên “quà tặng”, giải pháp, con đường được thuyết phục và đón nhận đối với tâm thức nhân loại hôm nay.
Hy vọng chúng ta sẽ tìm gặp hai chiều kích đó ngay trong văn kiện MONITA, Kim Chỉ nam cho các thừa sai đi gieo hạt giống Tin Mừng trên vùng đất Á Châu vào thế kỷ 17.
(Còn tiếp: PHẦN 2: BÌNH VẪN CHƯA HỀ CŨ)
Giuse Trương Đình Hiền
[1] Heraclitus (Khoảng 544-484 TCN), xuất thân từ Ephesus (Hy Lạp), thuộc nhóm triết gia của “trường phái Elea” (Eleatic school) như Xenophanes (570-475 TCN), Parmenides (540-470 TCN)…, một trong những trường phái nổi tiếng nhất của “triết học tiền Socrate”.
[2] JOHANNES HIRSCHBERGER; Lịch sử Triết học Tập I, Triết học Cổ đại và Trung đại; tập thể dịch giả: Dương Anh Xuân và Thánh Pháp; Công ty sách Thời đại – Nhà xuất bản Tri Thức 2020; tr. 45-46: Và Plato nhận xét: “Tương truyền Heraclitus cho rằng mọi vật đều vận động và không có gì đứng yên; ông so sánh chúng với dòng sông, và nói rằng không ai tắm hai lần trên một dòng sông” (Cratylus, 402 a; ed. Jowett, Vol. I, P. 191).
[3] GHI CHÚ RIÊNG: Để khai triển sâu hơn chiều kích “biến dịch” nầy, Heraclitus còn vận dụng khái niệm “Logos”, như là “Nguyên uỷ”, “Thần linh” hay “Nguyên lý phổ quát” chi phối sự đổi thay và biến dịch. Khái niệm về “Logos” nầy hoàn toàn đối lập với khái niệm “Logos” của Thánh Gioan Tông Đồ, là Ngôi Lời và là chính Thiên Chúa, Đấng Hằng hữu, vô thuỷ vô chung: “Lúc khỏi đầu đã có Ngôi Lời (Logos). Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). (x. SĐD: JOHANNES HIRSCHBERGER, Lịch sử Triết học…; tr. 47).
[4] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN; Công Đồng Vaticanô II; nxb. Tôn giáo 2012; Hiến chế tín lý về Giáo Hội – Lumen Gentium (LG), số 2; tr. 70.
[5] SĐD (LG), số 8; tr. 80.
[6] SĐD (LG), số 8; tr. 81.
[7] SĐD (LG), số 4; tr. 72: “Như thế, Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
[8] SĐD (LG), số 2; tr. 70.
[9] TÀI LIỆU LƯU HÀNH NỘI BỘ GIÁO PHẬN QUI NHƠN; Kim Chỉ Nam Truyền Giáo thế kỷ 17; Những lời nhận định trong phần “DẪN NHẬP” của tác giả G. Espie cho lần Tái bản sách MONITA; tr. 32.
[10] SĐD (Kim Chỉ Nam…); tr. 32: “Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy chân lý nếu chúng ta hài lòng với việc đặt những bước chân của chúng ta vào những dấu chân của người đi trước. Chúng ta nhìn xa hơn họ, bởi lẽ chúng ta là nhũng người lùn đứng trên vai những người khổng lồ”.
[11] SĐD (Kim Chỉ Nam…); tr. 39.
[12] LM. GIUSE PHAN TẤN THÀNH, OP; Thần học về truyền giáo; website Giáo phận Đà Lạt: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/THANHOC/30ThanHocTruyenGiao.htm.
[13] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, BAN TỪ VỰNG Công Giáo; Tự Điển Công Giáo; Nhà Xuất Bản Tôn giáo 2016; mục từ TRUYỀN GIÁO; tr. 934-935
[14] SĐD (Tự Điển Công Giáo…); mục từ PHÚC ÂM HOÁ, VIỆC; tr. 692-693.
[15] SĐD (Tự Điển Công Giáo…); mục từ TRUYỀN GIÁO; tr. 934-935: “… Truyền giáo có gốc tiếng Latinh là missio – nghĩa là sai đi.
- Theo nghĩa rộng: Truyền giáo là sứ mệnh cơ bản của Hội Thánh, tức là loan báo Phúc Âm cho tất cả mọi dân tộc, theo mệnh lệnh Chúa Kitô (x. Mc 16,15; Mt 28,19-20; GLHTCG 849). Như vậy, truyền giáo là giới thiệu niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng của Hội Thánh vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Đấng tạo dựng, yêu thương và cứu độ muôn người. Mục đích tối hậu của truyền giáo là làm cho loài người được tham dự, hiệp thông trong Tình Yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa (x. GLHTCG 850), làm cho Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô thấm nhập mọi chiều kích cuộc sống (x. AG 21).
- Theo nghĩa hẹp: truyền giáo chỉ công việc truyền bá đức tin Kitô giáo và việc thành lập các giáo đoàn mới nơi các dân tộc hay nhóm người chưa tin vào Chúa Kitô (x. GLHTCG 854), làm cho Phúc Âm thấm nhập vào trong nền văn hoá các dân tộc (x. TĐ Redemptoris Missio 48). Mọi Kitô hữu đều có bổn phận truyền giáo (x. AG 15; GLHTCG 856). Tuy nhiên, một số người có ơn gọi đặc biệt và được Hội Thánh sai đi loan báo Phúc Âm cho các dân tộc chưa nhận biết Chúa Kitô”.
[16] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II; bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ ban Giáo lý Đức tin; Nhà xuất bản Tôn Giáo 2012; Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội – Ad Gentes (AG); số 1; tr. 641: “Được Thiên Chúa sai đến với muon dân để nên bí tích cứu độ phổ quát”, đồng thời vì những đòi hỏi căn bản của đặc tính Công Giáo, và vì mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập, Giáo Hội dành mọi nỗ lực để loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người.”
[17] Mt 28,19-20: Theo Bản Vulgata
[18] RICHARD HOLLOWAY; Lược sử tôn giáo; Loan Vũ dịch; Nhà xuất Bản Thế Giới 2019; tr. 149: “Đó là lý do vì sao có ý kiến cho rằng không phải Giêxu mà Paul mới là vị sáng lập thật sự của Kitô giáo. Không có Paul thì phong trào của Giêxu đã phai nhạt như một nhánh tin vào đấng cứu thế khác đã từng thất bại trong Do Thái giáo. Chính nhờ Paul đã hiện thực hoá nó trong lịch sử. Điều đó đúng, nhưng nên nhớ rằng Paul cũng đã mang theo Giêxu. Đối tượng được ông thuyết giảng là Giêxu: một Giêxu mà Paul gặp trên đường đi Damascus; một Giêxu đã tiết lộ tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế giới; một Giêxu sẽ sớm rở lại nên không thể trì hoãn việc loan tin thêm nữa”.
[19] SĐD (RICHARD HOLLOWAY…); tr. 155-157: “… Như vậy, chỉ trong vòng hai mươi năm, một cuộc đảo ngược thế cờ ngoạn mục đã diễn ra: từ chỗ là nhóm bên lề bị áp bức cho đến tôn giáo được ân sủng của hoàng đế (…). Chính thế lực đã đóng đinh Ngài giờ đã quyết định sẽ dùng hình tượng của Ngài cho các mục đích của họ…”.
[20] SĐD (RICHARD HOLLOWAY…); tr. 157.
[21] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, BAN TỪ VỰNG Công Giáo; Tự Điển Công Giáo; Nhà Xuất Bản Tôn giáo 2016; mục từ CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II; tr. 175-176: “Công Đồng Vatican II là công đồng chung thứ XXI của Hội Thánh, diễn ra tại Vaticano từ năm 1962 đến năm 1965, do Đức Thánh Giáo Hoàng Goan XXIII (1881-1963) triệu tập, sau đó được tiếp tục và phê chuẩn bởi ĐGH Phaolô VI (1897-1978)…”.
[22] STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 400-419: “Mô tả của Robert Schreiter về phong trào truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo trong thế kỷ XX theo 4 giai đoạn cung cấp cho chúng ta một khung tổng quát tuyệt vời cho phần này. Sau một thời kỳ ban đầu xác tín, sang thập kỷ 1960 là thời kỳ sôi động và chuyển tiếp, chủ yếu nhờ Công Đồng Vaicanô II. Sau một quãng thời gian khủng hoảng, Giáo Hội Công Giáo đã có một cuộc tái sinh về thần học và thực hành truyền giáo của mình, được phát triển thành các trào lưu và các cách diễn tả đa dạng của cùng một sứ mạng Kitô duy nhất…”.
[23] THÁNH CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Tập 1; bản dịch: Giáo Hoàng Học viện Pio X; tái bản tại nhà in Nguyễn Bá Tòng 20.2.1975; Nhập Đề Tổng quát; tr. 30:”Đức Gioan XXIII mong mỏi Công Đồng này sẽ là Công Đồng “mục vụ”. Ngài không muốn Công Đồng đề cập tới vấn đề lên án tuyệt thông, cũng như không bận tâm đến các tín điều…”.
[24] LM. GIOAN B. NGUYỄN VĂN HẢO; bài viết Sống Năm Đức Tin nhân dịp 50 năm Khai mạc Công Đồng Vatican II; website Kênh Thông tin Xuân Bích Việt Nam: https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2012/10/18/song-nam-duc-tin-nhn-ky-niem-50-nam-khai-mac-cng-dong-vatican-ii/; đăng ngày 18/10/2012.
[25] Để hiểu rõ hơn về khái niệm “aggiornamento” của Vaticano II, xin đọc: JOHN W. Ơ MALLEY; Những điều đã xảy ra tại Công Đồng Vatican II; Lm. Nguyễn Đức Thông, C.S.s.R, dịch; nxb Phương Đông 2015; tr. 75-78.
[26] THÁNH CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Tập 4; bản dịch: Giáo Hoàng Học viện Pio X; tái bản tại nhà in Nguyễn Bá Tòng 20.2.1975; Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội- Ad Gentes (AG); phần Nhập Đề; tr. 523-524: “… Sau một vài tu chỉnh, bản văn cuối cùng đã được nhận ngày 7-12-1965 với 2,394 phiếu thuận, 5 phiếu chống. Ðây là một trong những tỷ số chấp thuận cao nhất cho một văn kiện Công Ðồng. Trước tiên Sắc Lệnh được gọi là “Sắc Lệnh về vấn đề truyền giáo”. Tựa đề hiện nay “Về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội” lần đầu tiên được xuất hiện trong lược đồ của 13 vấn đề. Lý do chính yếu của việc thay đổi tựa đề hình như là để nhấn mạnh mối tương quan mật thiết giữa hoạt động và Giáo Hội. Hoạt động truyền giáo là việc thiết yếu của Giáo Hội, nó thuộc về sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới. Vì thế tựa đề không muốn nói rằng: hoạt động truyền giáo là một hoạt động riêng biệt trong Giáo Hội, bên cạnh những hoạt động khác như hoạt động mục vụ, xã hội v.v... Sự tương quan của Sắc Lệnh này với Hiến Chế tín lý về Giáo Hội được đánh dấu bằng những chữ đầu tiên của hai văn kiện “Ánh Sáng muôn dân” và “đến muôn dân”. Hai câu này ám chỉ đến lời tiên tri Isaia (42,6 và 49,6)…”
[27] SĐD (Sắc lệnh về… AG); tr. 524-525.
[28] Có thể xem đầy đủ “nội dung truyền giáo” qua các văn kiện của Công Đồng Vaticano II nơi tác giả: STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 409-411.
[29] STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 399.
[30] LM. GIOAN B. NGUYỄN VĂN HẢO; bài viết Sống Năm Đức Tin nhân dịp 50 năm Khai mạc Công Đồng Vatican II; 5. Thành quả sau Công Đồng; website Kênh Thông tin Xuân Bích Việt Nam:
https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2012/10/18/song-nam-duc-tin-nhn-ky-niem-50-nam-khai-mac-cng-dong-vatican-ii/; đăng ngày 18/10/2012.
[31] Robert Schreiter, ‘Changes in Roman Catholic Attitudes toward Proselytism and Mission.’ In New Directions in Mission and Evangelization 2. Ed. James A. Scherer and Stephen B. Bevans, Orbis Books, Maryknoll, NY 1994, p. 113-25.
[32] x. THẾ GIỚI CỦA THẾ KỶ XX của hai tác giả: STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 394-400.
[33] ROGER P. SCHROEDER, SVD; bài viết “Giáo huấn Hội thánh về truyền giáo sau Vaticanô II: 1975-2007”; website Trung Tâm Học vấn Đa Minh: https://catechesis.net/nhung-van-kien-cua-giao-hoi-ve-truyen-giao-trong-100-nam-qua-phan-iii/; đăng ngày 14.10.2020.
[34] STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 412.
[35] ĐGH PHAOLO VI; Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi); Bản dịch của Lê Công Đức; website Xuân Bích Việt Nam https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011/01/30/tong-huan-loan-bao-tin-mung-evangelii-nuntiandi/; số 2; đăng ngày 30.01.2011: “Đó là nhiệm vụ của Ta muốn chu toàn ở đây, vào cuối năm thánh này, năm mà Giáo Hội dồn mọi nỗ lực vào việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người (Ad Gentes số 1). Giáo Hội không mong gì khác hơn là chu toàn nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, được công bố từ hai lần nhắc nhở căn bản “Hãy mặc lấy con người mới” (Ep 4,24) và “ Hãy giao hoà cùng Thiên Chúa” (2 Cr 5,20). Nhiệm vụ đó Ta cũng muốn thi hành dịp kỷ niệm 10 năm ngày bế mạc Công đồng Vaticanô II. Mục tiêu của công đồng này được cô đọng trong câu: Làm cho Giáo Hội của thế kỷ 20 trở nên thích hợp hơn trong việc loan báo Tin Mừng cho nhân loại của thế kỷ hai mươi. Ta cũng muốn chu toàn nhiệm vụ đó nhân dịp một năm sau kỳ đại hội lần thứ ba của Thượng Hội Đồng Giám Mục, một đại hội mà ai cũng biết được dành riêng cho việc Phúc Âm hoá...”.
[36] Để hiểu rõ hơn về “Thần học truyền giáo của Ad Gentes” qua khái niệm “Missio”, xin đọc thêm: Chương 9. Truyền giáo là tham dự vào sứ vụ của Thiên Chúa Ba Ngôi trong tác phẩm “Trung Thành và thích nghi” (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay của STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 469-499.
[37] ROGER P. SCHROEDER, SVD; bài viết “Giáo huấn Hội thánh về truyền giáo sau Vaticanô II: 1975-2007”; website Trung Tâm Học vấn Đa Minh: https://catechesis.net/nhung-van-kien-cua-giao-hoi-ve-truyen-giao-trong-100-nam-qua-phan-iii/; đăng ngày 14.10.2020: “Có lẽ vì muốn tránh đồng hóa “truyền giáo” với “thuộc địa” cho nên thuật ngữ “loan báo Tin mừng” (evangelization) được dùng thay cho “truyền giáo” (mission). Tuy rằng việc loan báo Tin mừng có thể hiểu theo nghĩa hẹp là công bố sứ điệp Phúc âm bằng lời nói và chứng tá, nhưng ở đây Đức Phaolô VI muốn hiểu theo một nghĩa rất rộng, bao gồm hết mọi hình thức của việc truyền đạo; hiểu như vậy, hai từ ngữ loan báo Tin mừng (evangelization) và “truyền giáo” (mission) coi như đồng nghĩa”.
[38] ĐGH PHAOLO VI; Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi); Bản dịch của Lê Công Đức; website Xuân Bích Việt Nam https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011/01/30/tong-huan-loan-bao-tin-mung-evangelii-nuntiandi/; số 18; đăng ngày 30.01.2011: “Đối với Giáo Hội, Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng vào trong mọi cảnh vực nhân loại và nhờ sự tiếp xúc này làm thay đổi tự bên trong, đổi mới chính nhân loại : “Này đây Ta tạo dựng một vũ trụ mới” (Ap 21,5). Nhưng không có nhân loại mới, nếu trước tiên không có con người mới, không có sự sống mới nhờ phép Rửa tội (Rm 6,4) và do đời sống theo Tin Mừng (Ep 4, 23-24). Vậy mục đích của việc Phúc Âm hóa chính là sự thay đổi nội tâm đó, và nếu phải diễn tả một cách vắn tắt, thì ta có thể nói một cách đúng đắn rằng Giáo Hội Phúc Âm hóa, khi chỉ nhờ sức mạnh thần linh của sứ điệp mà Giáo Hội công bố (Rm 1,16), Giáo Hội tìm cách hoán cải cùng lúc lương tâm cá nhân và tập thể của con người, hoán cải sinh hoạt mà con người đang dấn thân, hoán cải đời sống và hoàn cảnh cụ thể của họ”.
[39] SĐD (Tông huấn Loan…); số 19: “Những cảnh vực sống của nhân loại đang biến đổi, cho nên, đối với Giáo Hội, vấn đề không phải chỉ là rao giảng Tin Mừng nơi những vùng địa dư càng ngày càng mở rộng hoặc cho những nhóm dân ngày càng đông, nhưng phải ảnh hưởng tới, và nếu cần dùng sức mạnh của Tin Mừng mà đảo lộn những tiêu chuẩn phán đoán, những giá trị nhân đạo, những bận tâm chính yếu, những trào lưu tư tưởng, những nguồn cảm hứng, những mẫu mực sống của nhân loại, khi những điều ấy ngược lại với Lời Chúa và chương trình cứu độ”.
[40] SĐD (Tông huấn Loan…); số 20: “Cần phải Phúc Âm hóa văn hóa và những nền văn hóa của con người hiểu theo nghĩa phong phú và rộng rãi như trong Gaudium et Spes (53) nghĩa là đi từ con người và lại quy về những tương quan giữa con người với người và người với Thiên Chúa. Như thế Phúc Âm hóa các nền văn hóa phải được thực hiện một cách sống động sâu xa cho tới tận gốc rễ, chứ không theo một cách trang trí như lớp sơn bóng ngoài mặt. (…).Sự ly khai giữa Tin Mừng và văn hóa qủa là một thảm trạng của thời đại chúng ta cũng như của những thời đại trước. Như vậy phải dồn mọi nỗ lực để tiến tới sự Phúc Âm hóa một cách rộng rãi, đúng hơn phải Phúc Âm hóa mọi nền văn hóa. Chúng phải được cải hóa nhờ tiếp xúc với Tin Mừng, nhưng sẽ không có tiếp xúc nếu Tin Mừng không được công bố”.
[41] SĐD (Tông huấn Loan…); số 41: “Mới đây Ta đã nói với một nhóm giáo dân rằng: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thây dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”. Thánh Phêrô đã diễn tả rõ rệt điều này khi Ngài đưa ra một cách sống trong sạch và đáng kính “Không dùng lời nói nhưng lại chinh phục được cả những kẻ từ chối tin vào Lời” (1P 3,1). Vì vậy chính bằng cách xử thế, bằng đời sống mà Giáo Hội sẽ rao giảng Tin Mừng cho thế giới, nghĩa là bằng chứng tá đời sống trung thành với Đức Kitô, sống nghèo khó và từ bỏ, sống không lệ thuộc vào các quyền lực thế gian, tắt một lời, chính bằng đời sống thánh thiện mà Giáo Hội rao giảng Tin Mừng”.
[42] x. ROGER P. SCHROEDER, SVD; bài viết “Giáo huấn Hội thánh về truyền giáo sau Vaticanô II: 1975-2007”; website Trung Tâm Học vấn Đa Minh: https://catechesis.net/nhung-van-kien-cua-giao-hoi-ve-truyen-giao-trong-100-nam-qua-phan-iii/; đăng ngày 14.10.2020.
[43] SĐD (ROGER P. SCHROEDER; bài viết “Giáo huấn Hội thánh … )
[44] Đây là chủ đề của Chương IV trong Tông huấn RM: NHỮNG CHÂN TRỜI BAO LA CỦA CỦA SỨ VỤ “ĐẾN VỚI MUÔN DÂN”.
[45] x. Sứ Vụ Đấng Cứu Thế (RM) số 33, 34, 37…
[46] x. BAN THƯỜNG HUẤN GPQN; Bài thuyết trình: Hoán cải mục vụ (Convertion pastorale) – Chương trình hành động của tiến trình Tân Phúc Âm hoá; tác giả: Lm. Giuse Trương Đình Hiền; tr.
[47] Họp báo giới thiệu Tông Huấn “Evangelii gaudium” của Đức Thánh Cha Phanxico về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay (26/11/2013). Nguồn: trang mạng Xuân Bích Việt Nam. Tý Linh chuyển dịch.
[48] Kể từ đây, xin được sử dụng hai từ viết tắt EG để chỉ Tông Huấn Evangelii Gaudium.
[49] VŨ VĂN AN; Một số nhận định về tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Phanxicô; website http://danchuausa.net
[50] EG 1
[51] Sứ điệp Thượng HĐGM thế giới thứ 13 gửi Cộng đoàn dân Chúa, số 5.
[52] EG 27
[53] EG 49
[54] Hồng Y Lorenzo Baldisseri Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng giới thiệu “Tài Liệu Làm Việc” ngày 8.5.2018 tại Điện Vatican: “Ngày 6 tháng Mười năm 2016, Đức Thánh Cha công bố chủ đề của Phiên Họp Toàn Thể Thường Lệ Lần Thứ XV của Thượng Hội Đồng Giám Mục: “Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi”; website http://www.giaoly.org/vn/tai-lie%cc%a3u-lam-vie%cc%a3c-thuo%cc%a3ng-ho%cc%a3i-dong-ve-gioi-tre%cc%89/
[55] ĐGH PHANXICÔ; Tông huấn Chúa Kitô đang sống (Christus Vivit); Bản dịch: Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn trực thuộc HĐGMVN; nxb Tôn Giáo 2019; số 37; tr. 26.
[56] Tài Liệu Kết Thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ; Giới trẻ, Đức tin và Phân định ơn gọi; Phạm Xuân Khôi chuyển dịch; website http://www.giaoly.org/vn/tlktthdgt/; số 121.
Vào ngày 12 tháng 10 năm 2008, tại nhà thờ dành riêng cho Thánh Antôn ở Sokółka, Ba Lan, Thánh lễ lúc 8:30 sáng được cử hành bởi một cha phụ tá trẻ tuổi là Cha Filip Zdrodowski. Trong khi cho rước lễ, ngài vô tình làm rớt một bánh thánh mà không biết. Một người phụ nữ lên rước lễ đã quỳ gối xuống để đón nhận Thánh Thể, khi cúi xuống trao Mình Thánh Chúa, ngài mới chú ý thấy điều đó. Vị linh mục vẫn còn tê liệt vì sợ hãi và tin rằng bánh thánh đã bị bẩn, nên lượm lên và đặt vào một chiếc bình nhỏ bằng bạc chứa nước được các linh mục sử dụng để rửa ngón tay sau khi rước lễ. Vào cuối Thánh lễ, nữ tu Julia Dubowska, lấy chiếc bình đựng bánh thánh, đổ nó vào một chiếc bình khác, sau đó sơ ấy khóa trong két sắt nơi cất giữ các chén thánh.
Một tuần sau, vào khoảng 8 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 19 tháng 10, sơ mở két và thấy bánh thánh gần như tan chảy nhưng có một số cục màu đỏ rất lạ ở giữa. Sơ ngay lập tức gọi các linh mục để chỉ cho các ngài những gì đã được sơ phát hiện. Bánh thánh gần như đã bị tan ra. Chỉ còn lại một phần rất nhỏ của tấm bánh thánh hiến dính chặt với “cục máu đỏ kỳ lạ” đó. Cha sở nhà thờ Sokółka liên lạc ngay với tổng giáo phận Białystok. Đức Tổng Giám Mục Edward Ozorowski cùng với vị chưởng ấn, các linh mục và giáo sư đã kiểm tra Bánh thánh và rất kinh ngạc. Các ngài quyết định chờ đợi sự phát triển của các sự kiện và xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Vào ngày 29 tháng 10, bình đựng Mình Thánh được đưa vào nhà nguyện của giáo xứ và để trong nhà tạm; ngày hôm sau, theo lệnh của Đức Tổng Giám Mục, Cha Gniedziejko dùng một thìa nhỏ lấy ra một cách cẩn thận bánh thánh đã được hòa tan một phần với chất màu máu ở bên trong và đặt nó trên một khăn thánh màu trắng tinh khiết, với một cây thánh giá màu đỏ được thêu ở giữa. Khăn thánh này được đặt trong một hộp dùng để cất giữ và mang Mình Thánh, sau đó được khóa lại trong nhà tạm. Qua thời gian bánh thánh dính chặt vào khăn thánh, và cục máu khô đi. Lúc đó hai nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu và là các chuyên gia về giải phẫu bệnh học tại Đại học Y Khoa Białystok mới được mời đến xem xét.
Đây là bản tuyên bố của tổng giáo phận Białystok vào ngày 29 tháng Sáu, 2009, cách đây 12 năm:
1. Vào ngày 12 tháng 10 năm 2008, Mình Thánh đã được thánh hiến rơi khỏi tay của một linh mục khi ngài đang cho rước lễ. Ngài nhặt nó lên và đặt nó vào một cái bình chứa đầy nước. Sau Thánh lễ, bình đựng thánh thể được đặt trong một két an toàn trong phòng thánh.
2. Vào ngày 19 tháng 10 năm 2008, sau khi mở két, bằng mắt thường, người ta có thể thấy rõ một vết đỏ trên Mình Thánh, ngay lập tức ta có thể nhìn thấy vết tích đó là một vết máu.
3. Vào ngày 29 tháng 10 năm 2008, bình đựng Mình Thánh Chúa được chuyển đến nhà tạm của nhà nguyện giáo xứ. Ngày hôm sau, Mình Thánh được lấy ra khỏi nước chứa trong bình và được đặt trên một khăn thánh bên trong nhà tạm.
4. Vào ngày 7 tháng Giêng năm 2009, bánh thánh đã được kiểm tra độc lập bởi hai chuyên gia về mô bệnh học tại Đại học Y khoa Białystok. Họ đã đưa ra một tuyên bố chung có nội dung: ‘Mẫu được gửi để đánh giá trông giống như tế bào cơ tim. Theo quan điểm của chúng tôi, trong số tất cả các mô của sinh vật sống, tế bào cơ tim giống với nó nhất’”.
5. Ủy ban đã lưu ý rằng Mình Thánh đã được phân tích chính là Mình Thánh đã được chuyển từ phòng thánh đến nhà tạm trong nhà nguyện của nhà xứ. Sự can thiệp của bên thứ ba vẫn chưa được tìm thấy.
6. Trường hợp của Sokółka không mâu thuẫn với đức tin của Giáo hội, mà là xác nhận điều đó.
Source:The Real Presence
Trong bản tin liên hệ đến phiên điều trần kể trên, RenewedRight viết, các Dân Cử thuộc đảng Cộng Hòa đã dồn tướng Mark Mulley phải nói ra việc sử dụng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc gốc gác từ chủ nghĩa Mác-xít để truyền dạy cho quân đội, với mục tiêu biến họ thành một đội quân “tỉnh thức” (WOKE).
Mulley cho rằng lý thuyết chủng tộc quan trọng là chìa khóa để hiểu quá khứ phân biệt chủng tộc của nước Mỹ và “cơn thịnh nộ của người da trắng” dẫn đến sự kiện ngày 6 tháng 1.
Theo nhận định của trang mạng RenewedRight, các thành viên đảng Cộng hòa tỏ ra kinh hoàng khi nghe Mulley phát biểu và có cảm giác ông ta giống như một nhà hoạt động trong khuôn viên nhà trường hơn là một vị tướng có nhiệm vụ bảo vệ nước Mỹ.
Trong chương trình của Laura Ingraham, Dân Biểu Đảng Cộng hòa Florida Byron Donalds đại diện cộng đồng gốc dân da đen, đã kịch liệt lên tiếng công kích lý thuyết chủng tộc quan trọng trong quân đội như một thứ “trò đùa”. Donalds nói với Ingraham :”Thật là nực cười, đó là một trò đùa,”.
Vị Dân Biểu người da đen thuộc đảng Con Voi còn nói thêm rằng:
“Lý thuyết chủng tộc quan trọng không phải là một cái nhìn khách quan về lịch sử Hoa Kỳ. Lý thuyết về chủng tộc quan trọng nhằm truyền bá một hệ tư tưởng dạy rằng nước Mỹ được thành lập dựa trên các thể chế của chủ nghĩa tối cao của người da trắng và rằng người Mỹ nên nhìn mọi tương tác mà họ có trong xã hội qua lăng kính chủng tộc”.
Donalds dẫn giải:
“Lý thuyết chủng tộc quan trọng nguy hiểm đối với một thể chế như quân đội - điều đó phụ thuộc vào sự gắn kết và mọi người cùng hướng tới một mục tiêu giống nhau - bởi vì nó dạy rằng một số người Mỹ sẽ cảm thấy hổ thẹn về chủng tộc của mình khiến cho người Mỹ chống lại nhau”.
Vẫn theo cách lý giải của Donalds thì, lý thuyết chủng tộc sẽ tạo nên sự chia rẽ giữa các quân binh chủng, các cấp bậc, các phái tính, tôn giáo trong tập thể quân đội Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ vốn là một tập thể được tiếng là kỷ luật và thuần nhất xưa nay. Nó giống như chủ trương chia rẽ con em của chúng ta trong các trường học hiện nay khi thuyết này trở thành một môn học cho các em trong hệ cấp giáo dục K-12. Và như thế nó có khả năng dẫn tới những hệ lụy khôn lường của một cuộc tranh chấp hỗn loạn triền miên, nếu không muốn nói tới một cuộc nội chiến như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Kết luận, ông tha thiết kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ không nên tài trợ cho việc truyền bá lý thuyết chủng tộc quan trọng trong cả hai cơ cấu được coi là trọng yếu hàng đầu của quốc gia. Đó là học đường và quân đội.
Trong một mục liên hệ khác cùng ngày giờ cũng xuất hiện trên mạng NewedRight, trước khi đưa tin thêm về biến động kinh hoàng trong quân đội Hoa Kỳ, đã viết:
“Tất cả địa ngục đang tan rã trong quân đội Mỹ”.
“Có một vụ bê bối lớn đang diễn ra dưới thời Joe Biden”.
Bản tin cho hay, một Thượng nghị sĩ chủ chốt đã lên Fox News để cảnh báo về lý thuyết chủng tộc quan trọng nếu chính thức được đưa vào quảng bá trong quân đội
Người đó là Thượng nghị sĩ Tom Cotton của tiểu bang Arkansas. Ông Cotton từng phục vụ trong Quân đội thời gian nổ ra các cuộc chiến tranh giữa Mỹ với Iraq và Afghanistan.
Được biết, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lại Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng 11 năm ngoái, Cotton bắt đầu vạch trần những thủ đoạn đen tối của chính quyền Biden trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc thử nghiệm quỳ gối để “Đánh Thức –WOKE” quân đội Hoa Kỳ bằng cách tẩy não quân đội với lý thuyết chủng tộc quan trọng.
Một cách rốt ráo, Cotton đã đối mặt với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin do ông Joe Biden bổ nhiệm gần đây để nêu vấn đề về việc chính quyền đẩy các văn bản lý thuyết chủng tộc quan trọng vào tập thể quân đội.
“Trong một cuộc phỏng vấn với Laura Ingraham (trên Fox News), Cotton ghi nhận Bộ trưởng Quốc phòng Austin thừa nhận rằng quân đội Hoa Kỳ không nên thúc đẩy hệ tư tưởng dạy binh sĩ kỳ thị trong khi đối xử với các thành viên đồng nghiệp của họ dựa trên chủng tộc của họ. Bộ trưởng Quốc phòng tuần trước đã thừa nhận trong hồ sơ rằng các binh sĩ của chúng ta không nên truyền bá loại lý thuyết chủng tộc quan trọng vô nghĩa này”.
Dịp này, TNS Cotton cho Ingraham hay là hàng năm, các Thượng Nghị Sĩ như ông có nhiệm vụ xác nhận bằng cách bỏ phiếu bằng giọng nói tại Thượng viện để chuẩn nhận hàng chục nghìn trường hợp thăng cấp của các sĩ quan quân đội, từ trung úy lên tới cấp tướng. Ông cảnh cáo sẽ dùng quyền này để áp lực cho đến khi chính quyền Biden chịu cam kết loại bỏ lý thuyết chủng tộc quan trọng rập khuôn theo lối phân biệt đối xử của chủ nghĩa Mác ra khỏi quân đội.
Ông nói:
“Con số đó bao gồm vài trăm tướng mỗi năm. Chúng tôi không cần phải đóng dấu cao su. Chúng ta có thể kiểm tra họ kỹ hơn. Chúng ta có thể thấy liệu những vị tướng này có đang nhảy theo nhịp điệu của những người được bổ nhiệm theo quan điểm chính trị trong chính quyền Biden hay không. Bây giờ, trái ngược lại với đường lối chính xác của Bộ trưởng Quốc phòng vào tuần trước. Có lẽ chúng ta cần bắt đầu xem xét cẩn thận hơn một chút về những gì mà những vị tướng này đã dung túng hoặc thậm chí thúc đẩy trong các mệnh lệnh của họ “.
Dịp này, trang mạng NewedRight cũng nhắc tới sự kiện các bậc phụ huynh trên khắp đất nước đã kéo đến các cuộc họp hội đồng trường học để yêu cầu không cho phép con em họ học thuyết chủng tộc quan trọng mà họ đoan quyết là sẽ đầu độc tinh thần và tâm linh con em họ.
Bây giờ cuộc chiến đó cũng đang chuyển sang quân đội, nơi nó xuất hiện các văn phòng Biden như Bộ Quóc phòng của Austin và cố vấn cấp cao Bishop Garrison đang thúc đẩy lý thuyết chủng tộc quan trọng nhẹ đi một phần để giúp biện minh cho các hành động được thực hiện theo mục tiêu mới của chính quyền Biden nói là loại bỏ “chủ nghĩa cực đoan”.
Thượng nghị sĩ Cotton tin rằng việc cấm giảng dạy lý thuyết chủng tộc quan trọng cho quân đội Mỹ sẽ khiến quân đội tập trung vào mục tiêu chính là bảo vệ nước Mỹ.
Trong khi ấy, trên mạng Patriot Pulse người ta cũng đọc được bản tường trình ngắn quanh lời khẩn báo của Tucker Carlson liên quan tới sự kiện đáng quan tâm này.
Với tiêu đề giật gân “Tucker Carlson thổi còi về bí mật chết người của Lý Thuyết Chủng Tộc Quan Trọng trong quân đội”. Sự kiện này đã gieo vào lòng khán thính giả trong và ngoài nước tâm trạng phẫn nộ pha lẫn khắc khoải, âu lo.
Patriot Pulse cho hay, buổi tối Thứ Năm, 24-6 vừa qua, Turker Carlson đã cắt sâu vào những gì sau khi Mark Mulley, Chủ Tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân đã chống chế cho toan tính của ai đó nuôi dã tâm truyền bá cái gọi là “Lý Thuyết Chủng Tộc Quan Trọng” vào quân đội Hoa Kỳ. Sự phẫn nộ của Turker bùng lên khi tướng Muller đề cập cuộc bạo loạn xảy ra tại tòa nhà Quốc Hội hôm 06 tháng Giêng 2021 mà ông ta hàm ý là bắt nguồn từ chủ nghĩa thượng đẳng của người da trắng!
Turker nêu câu hỏi: với não trạng bất bình thường như thế, tại sao Muller có thể nắm giữ vai trò hiện nay trong quân đội Mỹ?
Turker nói:
“Mark Milley là Chủ Tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân! Ông ta đã không vì thông minh, can đảm hay vì được dân chúng biết và kính trọng, mà nắm được địa vị này. Ông ta là số không và cũng chẳng ai kính trọng. Mulley kiếm được công việc bới vì ông ta là kẻ khúm lúm. Ông ta biết đối tượng để nịnh bợ”.
Turker nặng lời:
“Ông ta không chỉ là một con heo mà là tên ngu đần. Mark Mulley đọc Mao để hiều chủ nghĩa Mao. Ông ta đọc về cộng sản để hiểu chủ nghĩa cộng sản, nhưng điều thú vị là đương sự không đọc về chủ nghĩa thương đẳng da trắng để hiểu về ưu quyền của người da trắng. Tai sao không?Hãy trở về từ nguồn. Bởi vì Mark Mulley sẽ bị sa thải nếu y đọc những sách đó. Và bị sa thải là điều ông ta không muốn”.
Đôi lời kết thúc.
Không cứ Hoa Kỳ mà bất cứ quốc gia nào, qua mọi thời đại, đều có một lực lượng quân đội chuyên nghiệp, dù lớn hay nhỏ, để bảo vệ cõi bờ, chống lại kẻ xâm lược, bảo vệ phúc lợi cho người dân. Với mục tiêu cao cả ấy, quân đội phải giữ được vai trò độc lập, thuần nhất không bị các nhóm lợi ích, các khuynh hướng chính trị bất lương lôi cuốn.
Từ nhận định nền tảng trên đây, chúng ta hiểu được tâm trạng băn khoăn, bực bội của Dân Biểu da đen Byron Donalds, nối ưu tư ngút ngàn của Thượng Nghị sĩ tiểu bang Arkansas Tom Scotton cũng như cơn phẫn nộ bùng lên khiến nhà truyền thông Turker Carlson phải thốt ra những lời nặng nề nhắm vào vị tướng 4 sao của Lầu Năm Góc.
Có người thiển cận hoặc chậm hiểu nêu lên câu hỏi: tại sao?
Xin thưa:
Chỉ vì họ là những đại diện nhân dân tại Quốc Hội tiểu bang, liên bang luôn trung thành với sứ mạng dân cử của mình, là nhà báo chân chính, lương thiện, thành tâm yêu nước, thương dân, không muốn phải chứng kiến tập thể quân đội hùng mạnh, thuần nhất của cường quốc Hoa Kỳ bị chia năm xẻ bảy trong hoàn cảnh còn mất hiện nay.
Một câu hỏi bất chợt vẩn lên trong tâm tư người viết:
-Sau bài này, có cần phải viết thêm môt bài nữa về sự kiện những thế lực xấu đã đưa lý thuyết tệ hại này vào học đường đầu độc thế hệ con em chúng ta?
Miền Nam California, Thứ Ba 29-6-2021
Source:RenewedRight
MỤC XIV: Các Kitô hữu đích thực và các người Do Thái đích thực có cùng một tôn giáo.
1. Tôn giáo của người Do Thái, trong yếu tính, hình như hệ ở dòng giống Ápraham, ở việc cắt bì, hy tế, nghi lễ, hòm bia, đền thờ Giêrusalem, và cuối cùng là trong lề luật và giao ước Môsê.
Tôi xin nói nó không hệ ở bất cứ điều gì trong số những điều ấy nhưng chỉ hệ ở tình yêu Thiên Chúa, và Thiên Chúa bác bỏ mọi điều khác. Thiên Chúa không quan tâm đến những con người xác thịt xuất phát từ Ápraham. Người Do Thái sẽ bị Chúa trừng phạt như những người ngoại quốc, nếu họ xúc phạm đến Người. Nếu anh em quên Thiên Chúa, và theo các thần xa lạ, tôi tiên đoán anh em sẽ bị diệt vong cùng một cách như các quốc gia mà Thiên Chúa đã tận diệt trước mặt anh em (Đnl 8: 19, 20).
Người ngoại quốc sẽ được Thiên Chúa đón nhận như người Do Thái, nếu họ yêu mến Người. Những người Do Thái đích thực chỉ trông mong công phúc của họ từ Thiên Chúa, chứ không phải từ Ápraham. Quả chính Ngài là Cha chúng con! Chúng con không được ông Ápraham biết đến, không được ông Ítraen nhìn nhận, còn Ngài, lạy ĐỨC CHÚA, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con (Is. 63:16).
Ngay cả Môsê cũng nói với họ rằng Thiên Chúa sẽ không thiên vị ai. Ông nói, Thiên Chúa không thiên vị ai, cũng không chấp nhận hy lễ (Đnl 10:17.)
Tôi cho rằng phép cắt bì trái tim được truyền lệnh: Hãy cắt bì trái tim; hãy cắt bỏ những đồ dư thừa khỏi trái tim các ngươi, và đừng cứng lòng nữa, vì Thiên Chúa của các ngươi là Thiên Chúa vĩ đại, quyền năng và khả úy, Người không thiên vị ai (Đnl 10: 16, 17; Grm 4: 4).
Thiên Chúa nói một ngày nào đó Người sẽ làm điều đó. Chúa sẽ cắt bì trái tim ngươi và con cái ngươi, để ngươi yêu mến Người hết lòng (Đnl 30:6).
Những kẻ không cắt bì trái tim sẽ bị phán xét. Vì Thiên Chúa sẽ phán xét các dân tộc không cắt bì và tất cả dân tộc It-ra-en, vì bởi vì họ không cắt bì trái tim. (Grm 9: 25, 26).
II. Tôi nói rằng cắt bì là một hình bóng đã được thiết lập để phân biệt dân tộc Do Thái với mọi dân tộc khác (St 17:11). Và do đó, khi ở trong sa mạc, họ đã không cắt bì: bởi vì họ không thể nhầm lẫn với các dân tộc khác, và từ khi Chúa Giêsu Kitô đến, điều này không còn cần thiết nữa.
Tình yêu Thiên Chúa được khuyến khích trong mọi sự. Tôi lấy trời đất làm chứng tôi đã đặt trước anh (em) sự sống và sự chết để anh (em) chọn sự sống, để anh (em) yêu mến Thiên Chúa, vâng lời Người, vì Thiên Chúa chính là sự sống của anh (em) (Đnl 30:19, 20)
Có lời chép rằng người Do Thái, vì thiếu tình yêu này, sẽ bị rẫy bỏ vì tội ác của họ, và những người ngoại giáo sẽ được chọn thay thế họ. Ta sẽ ẩn mặt đi khỏi chúng khi thấy các tội ác cuối cùng của chúng vì chúng là một dân tộc dữ dằn và bất trung (Đnl 32: 20, 21.) Chúng chọc giận Ta bằng những điều không thuộc các thần minh; và Ta sẽ khiêu khích chúng tới ghen tuông bằng một dân tộc không phải là dân tộc của Ta, và bằng một quốc gia không có khoa học và trí thông minh (Is 65).
Các phước lành tạm bợ là giả dối và phước lành đích thực là được kết hợp với Thiên Chúa (Tv 72).
Các lễ lạy của họ không làm vui lòng Thiên Chúa (Am 5: 21).
Các hy lễ của người Do Thái không làm vui lòng Thiên Chúa, và không những chỉ của người Do Thái gian ác, nhưng Người thậm chí không hài lòng với các hy lễ của người Do Thái tốt lành trong những điều tốt lành, như thấy trong Thánh vịnh 49, trong đó, trước khi phát biểu với những kẻ ác, Peccatori autem dixit Deus, Người nói Người không muốn cá hy lễ bằng thú vật, cả máu của chúng cũng không (Is 66; Grm 6:20).
Các hy lễ của dân ngoại sẽ được Thiên Chúa tiếp nhận, và Thiên Chúa sẽ rút ý muốn của Người khỏi các hy lễ của người Do Thái (Mlk. 1: 11).
Thiên Chúa sẽ lập giao ước mới qua Đấng Mêxia, và giao ước cũ sẽ bị bác bỏ (Grm 31: 31).
Các điều cũ sẽ bị lãng quên (Is 43:18, 19).
Hòm bia sẽ không còn được tưởng nhớ nữa (Grm 3:16).
Đền thờ sẽ bị bãi bỏ (Grm 7: 12, 13, 14).
Các hy lễ sẽ bị bác bỏ, và những hy lễ tinh tuyền khác sẽ được thiết lập (Mlk 1: 10, 11).
Dòng tư tế Aarôn sẽ bị bác bỏ, và dòng tư tế Menkixêđê sẽ được thiết lập bởi Đấng Mêxia (Tv 109).
Dòng tư tế này sẽ vĩnh cửu (vừa dẫn).
Giêrusalem sẽ bị bãi bỏ, và một tên mới được ban cho (Is 65).
Tên sau cùng này sẽ tốt hơn tên của người Do Thái, và sẽ vĩnh cửu (G. 56:5).
Người Do Thái sẽ không có tiên tri, không có vua,
không có hoàng tử, không có hy lễ, không có bàn thờ nữa (Hs 3: 4).
Tuy nhiên, người Do Thái sẽ vẫn luôn tồn tại như một dân tộc (Grm 31: 36).
1. Thăm dò ý kiến: Người Công Giáo Hoa Kỳ có cái nhìn thuận lợi về Đức Thánh Cha Phanxicô
Theo một cuộc khảo sát trực tuyến gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố vào ngày 25 tháng 6, sự nổi tiếng của Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn “khá ổn định” đối với cả người Công Giáo Mỹ và người Mỹ nói chung.
Hơn sáu trong mười người trưởng thành ở Hoa Kỳ, cụ thể là 63%, có quan điểm “rất” hoặc “chủ yếu” ngưỡng mộ đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, theo cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng Ba bởi American Trends Panel.
Nhìn chung, trong số những người Công Giáo Hoa Kỳ, 82% nói rằng họ có quan điểm ủng hộ Đức Giáo Hoàng.
Claire Gecewicz, người tập trung vào nghiên cứu tôn giáo tại Trung tâm Nghiên cứu Pew và là tác giả của báo cáo, giải thích rằng “quan điểm về Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng khá ổn định trong các nhóm Công Giáo chuyên biệt”.
“Ví dụ, những người Công Giáo xác định là đảng viên Dân chủ hoặc nghiêng về đảng đó tiếp tục có quan điểm tích cực về Đức Phanxicô hơn so với những người của đảng Cộng hòa”.
“Trong cuộc điều tra mới nhất, 90% người Công Giáo Dân chủ đã bày tỏ một quan điểm thuận lợi về Đức Giáo Hoàng, so với 73% người Công Giáo Cộng hòa.”
Cuộc khảo sát cũng cho thấy sự khác biệt nhỏ trong ý kiến về Đức Thánh Cha Phanxicô giữa những người Công Giáo tham dự Thánh lễ thường xuyên và những người tham dự ít thường xuyên hơn. Trong số những người đi tham dự Thánh lễ hàng tuần, 84% cho biết họ có ý kiến rất hoặc phần lớn là ủng hộ Đức Thánh Cha Phanxicô, so với 82% người Công Giáo trả lời tương tự là những người tham dự Thánh lễ ít thường xuyên hơn, hoặc hoàn toàn không tham dự thánh lễ.
Pew cho biết sự nổi tiếng nói chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Hoa Kỳ đã tăng trở lại kể từ năm 2018, khi những tiết lộ mới xuất hiện liên quan đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo hội Hoa Kỳ và các vấn đề được đặt ra liên quan đến việc xử lý các cáo buộc chống lại cựu Hồng Y Theodore McCarrick của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Cuộc khảo sát cho thấy trong khoảng thời gian 13 tháng từ tháng 2 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021, tỷ lệ phần trăm tổng số người được hỏi đưa ra đánh giá có lợi cho Đức Thánh Cha Phanxicô cao hơn so với tháng Giêng năm 2020.
Source:Catholic News Agency
2. Rước kiệu mừng biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Lezajsk, Ba Lan
Leżajsk là một thị trấn ở đông nam Ba Lan với khoảng 13,900 cư dân. Đây là vùng toàn tòng Công Giáo.
Leżajsk nổi tiếng với Vương Cung Thánh Đường và tu viện Bernadine do kiến trúc sư Antonio Pellacini xây dựng. Vương Cung Thánh Đường có một cây đàn ống được đánh giá cao từ hậu bán thế kỷ 17 và các buổi độc tấu đàn organ diễn ra ở đó. Nó là một trong những Di tích Lịch sử Quốc gia chính thức của Ba Lan, được chỉ định vào ngày 20 tháng 4 năm 2005, và được theo dõi bởi Ủy ban Di sản Quốc gia Ba Lan.
Hàng năm, đúng vào ngày 24 tháng Sáu có cuộc rước kiệu mừng biến cố Đức Mẹ hiện ra tại đây. Đây là một trong số các biến cố Đức Mẹ hiện ra được Tòa Thánh chính thức công nhận.
Năm 1578, một tiều phu ngoan đạo tên là Thomas Michalek, đi qua một khu rừng, đã thấy một ánh sáng rực rỡ, trong đó Đức Trinh Nữ hiện ra với anh. Đức Trinh Nữ nói: “Thomas, Mẹ đã chọn nơi này. Tại đây, Con Ta sẽ được yêu thương và kính trọng, và bất cứ ai kêu cầu sự chuyển cầu của ta, thì sẽ nhận được phước lành”. Đức Mẹ yêu cầu anh ta báo cho các nhà chức trách để xây dựng một nhà thờ. Nhưng Thomas vì sợ hãi, đã không làm gì cả.
Đức Mẹ lại hiện ra một lần nữa, yêu cầu anh ta hành động và chấm dứt sự im lặng của anh ta. Thomas đã đến gặp nhà chức trách để kể lại câu chuyện, nhưng người ta không tin anh. Không những thế, anh còn bị quan trấn thủ lôi ra tòa.
Không lâu sau, quan trấn thủ này chết đi. Thấy sự lạ cha xứ tin lời anh và đã cho xây dựng một nhà nguyện nhỏ.
Năm 1606, tiếng đồn nhiều người được ơn lạ khiến Đức Cha Maciej Pstrokonski, giám mục của Przemysl từ 1601 đến 1608 cho xây một nhà thờ lớn hơn trên địa điểm xảy ra sự kiện.
Ngày 2 tháng 7 năm 1724, Đức Cha Henryk Firlej, Giám mục của Przemysl từ 1631 đến 1635 xác nhận nguồn gốc siêu nhiên của các phép lạ diễn ra ở đây.
Ngày 8 tháng 9 năm 1752, chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14 đã trao vương miện cho Đức Cha Waclaw Hieronim Sierakowski, Giám mục của Przemysl mang về đội trên tượng Đức Mẹ, sau khi đích thân ngài làm phép cho chiếc vương miện này.
Source:Miracle Hunter
3. Phản ứng của các giám mục tỉnh Saskatchewan trước các phát hiện mới về những ngôi mộ vô danh tại trường Nội Trú dành cho người bản địa
Các giám mục của tỉnh Saskatchewan của Canada thừa nhận sự cần thiết phải “ăn năn” và phải có công lý, sau khi có những phát hiện mới về hàng trăm ngôi mộ vô danh tại địa điểm của một trường nội trú cũ do Công Giáo điều hành ở Marieval.
“Chúng tôi xin gửi lời chia buồn nhưng chúng tôi biết rằng điều này là chưa đủ và lời nói của chúng tôi phải chuyển sang hành động cụ thể”, các giám mục cho biết trong một tuyên bố chung hôm thứ Năm.
Đức Tổng Giám Mục Donald Bolen của Regina, Đức Tổng Giám Mục Murray Chatlain của Keewatin-Le Pas, Đức Cha Mark Hagemoen của Saskatoon, Đức Cha Stephen Hero của Prince Albert, và Đức Cha Bryan Bayda, Giám mục Địa phận Ukraine của Saskatoon, đều ký vào tuyên bố chung.
Hôm thứ Năm, các nhà lãnh đạo thổ dân da đỏ Cowesses thông báo rằng 751 ngôi mộ vô danh đã được phát hiện tại địa điểm của Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Marieval trước đây. Các cộng đồng da đỏ là những người bản địa ở Canada cư trú ở phía nam của Bắc Cực, cùng với các cộng đồng Métis, là những người có chung di sản bản địa và Âu Châu. Cowesses là một nhóm người da đỏ ở miền nam Saskatchewan.
Trường Marieval do người Công Giáo điều hành từ năm 1899 đến năm 1969. Nó được xây dựng vào năm 1899. Dòng Các Cha Truyền Giáo của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và sau đó là Ủy ban Truyền Giáo cho người da đỏ và Eskimo, đã điều hành trường, trước khi chính phủ nắm quyền kiểm soát trường vào năm 1969. Chính phủ đã chuyển giao hoạt động của trường cho người da đỏ Cowesses vào năm 1987. Trường đóng cửa vào năm 1997.
Source:Catholic News Agency
4. Đức Tổng Giám Mục Cordileone quở trách các nhà lập pháp về cuộc tranh luận Rước lễ
Hôm 23 tháng 6 năm 2021, First Things đã công bố phản hồi từng điểm một của Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đối với cái gọi là “Tuyên bố về các Nguyên tắc” của 60 nhà lập pháp Đảng Dân chủ, trong đó, họ phản đối cuộc bỏ phiếu của các giám mục Hoa Kỳ muốn hình thành một tài liệu về Thánh Thể.
Tất cả 60 nhà lập pháp Đảng Dân chủ ký vào tuyên bố này đều là những người ủng hộ việc phá thai. Họ yêu cầu các Giám Mục không được từ chối Thánh Thể vì sự ủng hộ phá thai của họ.
Bản phản hồi của Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã đề cập đến những mâu thuẫn về luận lý và thực tế, cũng như những sai sót thần học trong bản “Tuyên bố về các Nguyên tắc”.
Các thành viên đảng Dân chủ cho rằng họ “đang dấn thân thực hiện các nguyên tắc cơ bản cốt lõi của giáo huấn xã hội Công Giáo: đó là giúp đỡ người nghèo, người thiệt thòi và người bị áp bức, bảo vệ những người rốt cùng trong chúng ta và bảo đảm rằng tất cả người Mỹ thuộc mọi tín ngưỡng đều được có những cơ hội quan trọng để chia sẻ những phước lành của đất nước vĩ đại này”. Đáp lại Đức Tổng Giám Mục Cordileone chỉ ra rằng “Một trong những 'nguyên tắc cơ bản' của niềm tin Công Giáo là không cố ý giết người, hoặc cấu kết để tạo điều kiện cho người khác giết hại mạng sống của người vô tội”.
Đức Cha Cordileone nhấn mạnh rằng: “Các nguyên tắc Công Giáo xây dựng dựa trên nhau một cách có hệ thống”. Việc bảo vệ tính mạng người vô tội, không có phương thế tự vệ là điều đầu tiên và cơ bản”. Ngài chỉ ra bản chất phi lý của việc theo đuổi điều thiện mà không bảo đảm lợi ích lớn hơn và cơ bản hơn làm nền tảng cho những điều thiện này.
Đức Tổng Giám Mục San Francisco cũng chỉ ra những mâu thuẫn thực tế trong tuyên bố. Ngài lưu ý rằng mặc dù các nhà lập pháp tuyên bố “những lời hoa mỹ đáng ngưỡng mộ” về các vấn đề như giảm bớt tình trạng trẻ em sống trong nghèo khó và công nhận phẩm giá con người, nhưng “các thành viên Công Giáo của Quốc hội ủng hộ các luật có tác dụng hủy hoại gia đình tự nhiên thông qua việc xác định lại hôn nhân, ly hôn tùy hứng, và các chính sách tương tự khác” làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo khó của nhiều trẻ em.
Ngài lập luận thêm rằng “gia đình tan vỡ là nguyên nhân hàng đầu của nghèo đói nhưng nó cũng dẫn đến một loạt các tệ nạn xã hội khác, chẳng hạn như bạo lực thanh thiếu niên, giam giữ và lạm dụng chất kích thích”.
Đức Tổng Giám Mục cũng chỉ ra mâu thuẫn thực tế trong các tuyên bố rằng các nhà lập pháp Dân chủ thúc đẩy các lựa chọn thay thế cho việc phá thai, chẳng hạn như nhận con nuôi.
Liên quan đến việc các thành viên bày tỏ mong muốn rằng mọi trẻ em được sống trong một ‘gia đình yêu thương’, Đức Tổng Giám Mục nhận xét chua chát rằng “gia đình yêu thương có nghĩa là gì khi các nhà lập pháp định nghĩa lại 'gia đình' là bất cứ điều gì người lớn muốn nó là, trong khi loại bỏ sự tồn tại của gia đình tự nhiên?”
Ngài cũng phản đối các chính sách có tác dụng “trừng phạt các cơ quan nhận con nuôi chỉ vì các cơ quan này muốn đặt trẻ em làm con nuôi trong những gia đình truyền thống”.
Ngoài ra, ngài cũng đề cập đến những sai sót thần học trong tài liệu, bao gồm sự cần thiết phải xem xét sự khác biệt về chủng loại và mức độ của các tội lỗi khác nhau, đồng thời sửa chữa sự trình bày sai lệch về vai trò của lương tâm.
Về tuyên bố cho rằng quyền ưu tiên của lương tâm có thể mang lại giá trị đạo đức trong việc coi phá thai là một điều tốt. Đức Tổng Giám Mục Cordileone nhận xét: “Đoạn văn này là một điều gì đó không hơn gì sự trốn tránh. Lương tâm không quyết định điều gì đúng hay sai cho bản thân. Chúng ta không tạo ra sự thật; chúng ta tìm kiếm sự thật với 'sự hướng dẫn của Giáo hội,' và sau đó phục tùng sự thật ấy”.
“Lương tâm là năng lực nhận biết và làm những gì đúng trong những tình huống cụ thể, bất kể chúng ta thấy điều đó thuận tiện về mặt chính trị hay không”.
Cuối cùng, ngài bác bỏ cáo buộc cho rằng các giám mục đang bắt đầu “vũ khí hóa Bí tích Thánh Thể” - là một cáo buộc mà Đức Tổng Giám Mục Cordileone kịch liệt phủ nhận.
“Động lực của các giám mục là mục vụ, là cứu rỗi các linh hồn và sửa chữa tai tiếng. Không có gì là trừng phạt trong việc nêu rõ và khẳng định lại sự thật của niềm tin Công Giáo, và những tác động của nó đối với một đời sống Công Giáo đích thực”, ngài nói.
Source:Catholic News Agency
Lúc 9:30 sáng thứ Ba 29 tháng 6, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ và trao dây Pallium cho 34 vị Tổng Giám Mục mới được bổ nhiệm trong năm qua.
Trong ngày lễ hôm nay, Đức Thánh Cha, và các vị Hồng Y mặc phẩm phục màu đỏ, màu của sự tử đạo. Thánh lễ này là một tưởng niệm của Giáo Hội trong tâm tình biết ơn đối với các chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô, đã trở thành anh chị em với nhau trong cuộc tử đạo, và là một tuyên xưng long trọng Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền.
Thật thế, nếu chúng ta nghĩ tới hai ngàn năm lịch sử của Giáo Hội, chúng ta có thể ghi nhận như Chúa Giêsu đã báo trước rằng các kitô hữu sẽ không bao giờ thiếu các thử thách, thậm chí đến mức tử đạo.
Bên cạnh đó, Giáo Hội còn phải chịu nhiều đau khổ vì sự ô nhiễm đức tin, và những tấn kích vào sự toàn vẹn của nhiệm thể Giáo Hội, làm suy yếu khả năng ngôn sứ và chứng tá, làm vấy bẩn vẻ đẹp gương mặt của Giáo Hội. Đây là thực tại được thánh Phaolô nói tới trong thư thứ I gửi tín hữu Corintô khi trả lời một số vấn đề chia rẽ, không trung thực và bất trung với Tin Mừng đe dọa Giáo Hội. Thư thứ II gửi Timoteo cũng nói tới các “nguy hiểm của thời cuối cùng” là các thái độ sống tiêu cực thuộc thế gian có thể tiêm nhiễm cộng đoàn kitô như ích kỷ, khoe khoang, kiêu căng, ham hố tiền bạc.
Trước đây việc trao dây Pallium diễn ra như sau: sau khi Đức Thánh Cha làm phép các dây Pallium, các vị Tổng Giám Mục tiến đến quỳ trước mặt ngài và Đức Thánh Cha sẽ choàng dây lên vai vị Tổng Giám Mục.
Tháng Giêng năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định rằng buổi lễ trao dây Pallium chính thức cho các Tổng Giám Mục Chính Tòa từ nay trở đi sẽ diễn ra tại các giáo phận của vị Tổng Giám Mục chứ không phải ở Vatican như trước.
Sứ thần Tòa Thánh hay Khâm Sứ Tòa Thánh sẽ bàn thảo với vị Tổng Giám Mục ngày giờ và, hoàn cảnh hợp lý nhất để “công khai và chính thức” trao dây Pallium cho ngài nhân danh Đức Thánh Cha với sự tham dự của các giám mục trong các giáo phận thuộc về giáo tỉnh; và cộng đoàn tín hữu địa phương.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:
Thánh Phêrô và Thánh Phaolô đã được tự do vì các ngài đã được giải thoát. Chúng ta hãy suy nghĩ về điểm trung tâm này.
Thánh Phêrô, người đánh cá đến từ Galilê, được giải thoát khỏi cảm giác thiếu thốn và kinh nghiệm thất bại cay đắng, nhờ tình yêu thương vô điều kiện của Chúa Giêsu. Dù là một người đánh cá lành nghề, nhiều khi trong đêm khuya, thánh nhân đã nếm trải sự cay đắng thất vọng vì không đánh bắt được gì (x. Lc 5: 5; Ga 21: 5) và, khi thấy lưới trống của mình, ngài đã bị cám dỗ để gác mái chèo của mình lên. Dù mạnh mẽ và nóng nảy, nhưng Phêrô thường chịu khuất phục trước sự sợ hãi (x. Mt 14,30). Mặc dù là một môn đệ nhiệt thành của Chúa, thánh nhân vẫn tiếp tục suy nghĩ theo tiêu chuẩn thế gian, nên không hiểu và không chấp nhận ý nghĩa của thập giá Chúa Kitô (x. Mt 16,22). Ngay cả khi nói rằng mình đã sẵn sàng hiến mạng sống cho Chúa Giêsu, thì việc ai đó nghi ngờ ngài là một trong các môn đệ của Chúa Kitô cũng đã đủ để khiến ngài sợ hãi chối bỏ Thầy (x. Mc 14: 66-72).
Dù sao thì Chúa Giêsu cũng yêu Thánh Phêrô và sẵn sàng mạo hiểm với thánh nhân. Ngài khuyến khích Phêrô đừng bỏ cuộc, hãy thả lưới một lần nữa, bước đi trên mặt nước, tìm thấy sức mạnh để chấp nhận sự yếu đuối của mình, theo Ngài trên con đường thập tự giá, hiến mạng sống cho anh chị em mình, để chăn đàn chiên của Ngài. Bằng cách này, Chúa Giêsu giải thoát Phêrô khỏi sự sợ hãi, khỏi những tính toán chỉ dựa trên mối quan tâm của thế gian. Ngài đã mang lại cho thánh nhân dũng khí để mạo hiểm tất cả mọi thứ và niềm vui trở thành ngư phủ chài lưới người. Chính thánh Phêrô là người được Chúa Giêsu kêu gọi để củng cố đức tin cho anh em (x. Lc 22,32). Ngài đã ban cho thánh nhân - như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng - chìa khóa để mở những cánh cửa dẫn đến cuộc gặp gỡ với Chúa và sức mạnh để ràng buộc và tháo gỡ: để ràng buộc anh chị em của ngài với Chúa Kitô và nới lỏng những nút thắt và xiềng xích trong cuộc sống của họ. (x. Mt 16:19).
Tất cả những điều đó chỉ có thể xảy ra bởi vì - như chúng ta đã nghe trong bài đọc đầu tiên - chính Phêrô đã được tự do. Những xiềng xích giam giữ thánh nhân trong tình trạng một tù nhân đã bị vỡ tan và, như vào đêm khi dân Israel được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, ngài được bảo phải vội vàng trỗi dậy, thắt đai lưng và đi dép để đi ra ngoài. Sau đó, Chúa đã mở những cánh cửa trước mặt ngài (xem Cv 12: 7-10). Ở đây chúng ta thấy một lịch sử mới của việc mở cửa, giải phóng, xiềng xích bị phá vỡ, cuộc di cư ra khỏi ngôi nhà của sự trói buộc. Thánh Phêrô đã có một kinh nghiệm Lễ Vượt Qua khi Chúa giải thoát ngài.
Tông đồ Phaolô cũng cảm nghiệm được sự tự do mà Chúa Kitô mang lại cho ngài. Thánh nhân được giải phóng khỏi hình thức nô lệ áp bức nhất, đó là chế độ nô lệ đối với bản thân mình. Từ Saulô, tên của vị vua đầu tiên của Israen, thánh nhân trở thành Phaolô, có nghĩa là “nhỏ bé”. Ngài cũng được giải thoát khỏi lòng nhiệt thành tôn giáo đã khiến ngài trở thành một người nhiệt thành bảo vệ các truyền thống của tổ tiên mình (xem Gl 1:14) và là một kẻ bắt bớ độc ác các Kitô hữu. Thánh nhân đã được giải thoát. Việc tuân thủ các nghi thức tôn giáo và sự kiên quyết bảo vệ truyền thống, thay vì khiến thánh nhân mở lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và của anh chị em mình, đã khiến ngài cứng lòng: thánh nhân là một người theo trào lưu chính thống. Thiên Chúa đã giải thoát ngài khỏi điều này, nhưng Người không miễn trừ cho ngài những yếu đuối và gian khổ là những điều đã làm cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của thánh nhân thêm nhiều thành quả: sự căng thẳng của việc tông đồ, sự ốm yếu về thể xác (x. Gl 4, 13-14); bạo lực và bách hại, đắm tàu, đói khát, và như chính Người nói với chúng ta, là một cái gai đau đớn trong da thịt (x. 2Cr 12, 7-10).
Do đó, Phaolô nhận ra rằng “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1:27), để chúng ta có thể làm được mọi sự nhờ Đấng củng cố chúng ta (x. Pl 4:13), và điều đó không gì có thể ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu của Người (x. Rm 8:35-39). Vì lý do này, vào cuối đời - như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ hai – Thánh Phaolô đã có thể nói: “Chúa đã đứng về phía tôi” và “Ngài sẽ giải cứu tôi khỏi mọi sự tấn công của ma quỷ” (2Tm 4:17). Thánh Phaolô đã có một kinh nghiệm Lễ Vượt Qua: đó là Chúa giải thoát ngài.
Anh chị em thân mến, Giáo hội nhìn lên hai nhân vật vĩ đại này của đức tin này và thấy hai vị Tông đồ đã giải phóng sức mạnh của Tin Mừng trong thế giới của chúng ta, chỉ vì trước hết chính các ngài đã được giải thoát nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Chúa Giêsu không xét đoán họ hay làm nhục họ. Thay vào đó, ngài chia sẻ cuộc sống của họ với sự trìu mến và gần gũi. Ngài ủng hộ họ bằng lời cầu nguyện của mình, và thậm chí đôi khi trách móc họ để khiến họ thay đổi. Với ông Phêrô, Chúa Giêsu nhẹ nhàng nói: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin”. (Lc 22:32). Và với Phaolô, Chúa nói: “Saulô, Saulô, sao ngươi bắt bớ ta?” (Công vụ 9: 4). Ngài cũng làm như vậy với chúng ta: Ngài bảo đảm với chúng ta về sự gần gũi của Ngài bằng cách cầu nguyện và chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha, và nhẹ nhàng khiển trách chúng ta mỗi khi chúng ta đi chệch hướng, để chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh trỗi dậy và tiếp tục cuộc hành trình.
Chúng ta cũng đã được Chúa cảm động; chúng ta cũng đã được giải thoát. Tuy nhiên, chúng ta cần được giải thoát hết lần này đến lần khác, vì chỉ một Giáo hội tự do mới là một Giáo hội đáng tin cậy. Giống như Phêrô, chúng ta được kêu gọi để thoát khỏi cảm giác thất bại trước những cuộc đánh cá đôi khi thảm khốc của chúng ta. Để thoát khỏi nỗi sợ hãi làm tê liệt chúng ta, khiến chúng ta tìm kiếm nơi ẩn náu trong an ninh của chính mình và cướp đi lòng can đảm dám nói lời tiên tri. Giống như Phaolô, chúng ta được mời gọi để thoát khỏi sự phô trương bề ngoài giả hình, thoát khỏi sự cám dỗ để thể hiện mình với quyền lực thế gian hơn là với sự yếu đuối trong đó có không gian cho Thiên Chúa, thoát khỏi một lòng đạo vụ luật khiến chúng ta cứng nhắc và không linh hoạt; thoát khỏi những liên hệ nguy hiểm với quyền lực và khỏi nỗi sợ hãi bị hiểu lầm và tấn công.
Hai thánh Phêrô và Phaolô để lại cho chúng ta hình ảnh một Giáo hội được giao phó trong tay chúng ta, nhưng được Chúa hướng dẫn với lòng trung tín và tình yêu dịu dàng, vì chính Ngài là Đấng hướng dẫn Giáo hội. Một Hội Thánh yếu ớt, nhưng lại tìm thấy sức mạnh trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Hình ảnh của một Giáo hội được tự do và có khả năng mang đến cho thế giới sự tự do mà thế giới không thể tự nó ban cho: đó là tự do khỏi tội lỗi và cái chết, khỏi cam chịu, khỏi cảm giác bất công và mất hy vọng làm mất nhân tính cuộc sống của những người nam nữ trong thời đại chúng ta.
Chúng ta hãy hỏi, hôm nay trong lễ kỷ niệm này nhưng cả sau đó nữa: các thành phố, xã hội của chúng ta và thế giới của chúng ta cần tự do đến mức nào? Bao nhiêu xiềng xích phải được phá vỡ và bao nhiêu cánh cửa đóng lại bấy lâu nay phải được mở toang! Chúng ta có thể giúp mang lại sự tự do này, nhưng chỉ khi trước tiên chúng ta để cho mình được tự do bởi sự mới mẻ của Chúa Giêsu, và bước đi trong sự tự do của Chúa Thánh Thần.
Hôm nay, các Tổng Giám mục anh em của chúng ta nhận lễ trao giải pallium. Dấu hiệu hiệp nhất này với Phêrô nhắc lại sứ mệnh của người chăn chiên, người hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Chính khi hiến mạng sống của mình, người chăn chiên, được tự do, trở thành phương tiện mang lại tự do cho anh chị em của mình. Hôm nay, chúng ta cũng được tham gia bởi một Phái đoàn từ Tòa Thượng phụ Đại kết, do người anh em thân yêu của chúng ta, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, gửi đến nhân dịp này. Sự hiện diện chào đón của anh em là một dấu chỉ quý giá cho sự hợp nhất trên hành trình tự do của chúng ta khỏi những khoảng cách khiến các tín hữu Kitô bị chia cắt một cách tai tiếng. Cảm ơn sự hiện diện của anh em.
Chúng tôi cầu nguyện cho anh em, cho tất cả các mục tử, cho Giáo hội và cho tất cả chúng ta: để khi được giải thoát bởi Chúa Kitô, chúng ta có thể trở thành những Tông đồ của tự do trên khắp thế giới.
Source:Libreria Editrice Vaticana
1. Thánh đường của Công Giáo Nga bị thiêu rụi được tái thánh hiến
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết một thánh đường Công Giáo tại miền Siberia, bên Nga bị hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn đã được tái thánh hiến, trước sự vui mừng của các tín hữu Công Giáo trong vùng.
Đó là nhà thờ dâng kính thánh Antôn Padova ở Belostok, một làng nhỏ ở miền Siberia, bên Nga. Thánh đường nhỏ bé này được một nhóm tín hữu Công Giáo Ba Lan bị lưu đày tới đây kiến thiết cách đây hơn 120 năm, chính xác là vào năm 1898. Trong những năm dưới sự đàn áp của chế độ Stalin, 90% nam giới tại đây bị tiêu diệt và ngày nay chỉ còn khoảng 200 dân cư. Đức tin Công Giáo chỉ được bảo tồn trong tâm hồn của những người già. Năm 2018, thánh đường này bị hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn vì bị chạm điện và dường như làm cho các tín hữu địa phương bị mất căn tính chung. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, với sự phụ giúp của cha sở Krzystof và nhiều giáo dân, qua các mạng xã hội, họ đã quyên góp được ở các nơi, như Ba Lan, Nga, Anh quốc, Đức và các nước khác số tiên 100,000 Euro để xây dựng lại thánh đường. Nhiều tín hữu làm việc thiện nguyện trong việc tái thiết, trong đó cỏ cả các tín hữu Chính thống Nga, và công trình này mang lại hy vọng cho cộng đoàn địa phương.
Việc tái thiết nhà thờ thánh Antôn Padova ở Belostok được hoàn tất ngày 12/6 vừa qua, cũng là lễ quốc khánh của Nga, và lễ thánh hiến được cử hành ngày thứ Bảy, 19/6, do Đức Cha Joseph Werth, Giám mục giáo phận Novosibirsk sở tại chủ sự, với sự tham dự của ông tổng lãnh sự Ba Lan tại Nga Krzystof Sviderek. Ông mang theo một bản sao ảnh Đức Mẹ Đen ở Czestochowa Nữ Vương Ba Lan để tặng cho thánh đường.
Source:Asia News
2. Toà xử cho tổng giáo phận Milwaukee thắng cuộc trong vụ kiện Bộ Cải Huấn Wiscosin
Lần đầu tiên sau 15 tháng, các linh mục trong Tổng giáo phận Milwaukee sẽ được phép vào các nhà tù của Wisconsin để dâng Thánh lễ và thực hiện các bí tích cho các tù nhân theo lệnh được ký hôm thứ Hai bởi một thẩm phán tòa án.
Các giáo sĩ và những du khách khác đã bị cấm vào các cơ sở cải huấn của Wisconsin kể từ tháng 3 năm 2020 theo chính sách của nhà nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Tổng giáo phận Milwaukee đã kiện Bộ Cải Huấn Wisconsin và Bộ Trưởng Kevin A. Carr, vào ngày 7 tháng 5 năm 2021 tại Toà án lưu động ở Quận Jefferson. Các luật sư của Tổng giáo phận cho rằng chính sách dành cho việc thăm viếng các tù nhân vi phạm quyền tự do tôn giáo được bảo vệ bởi hiến pháp và vi phạm các quy định của tiểu bang nhằm bảo đảm việc thăm viếng các nhà tù của hàng giáo sĩ.
Thẩm phán William F. Hue của Tòa án Quận Jefferson đã ra phán quyết rằng Tổng giáo phận Milwaukee phải được phép tiếp cận các nhà tù của tiểu bang mỗi tuần một lần, có hiệu lực ngay lập tức. Ông đã ký một văn bản ủy quyền tạm thời buộc Bộ Cải Huấn phải cấp quyền thăm viếng cho các giáo sĩ. Lệnh này không áp dụng cho bốn giáo phận Công Giáo khác ở tiểu bang Wisconsin. Việc cấm đoán vẫn còn hiệu lực vì vụ việc vẫn đang được tiến hành tại tòa án lưu động.
Anthony F. LoCoco, phó cố vấn của Viện Luật & Tự do Wisconsin, cho biết: “Bộ Cải Huấn không thể phớt lờ lệnh của Cơ quan lập pháp rằng các giáo sĩ có quyền đặc quyền thăm viếng các cơ sở của họ nhằm phục vụ nhu cầu của các tù nhân Wisconsin. Đại diện cho tổng giáo phận, ông nói: “Chúng tôi rất biết ơn về hành động của tòa án ngày hôm nay, điều này sẽ bảo đảm rằng các dịch vụ tôn giáo có ý nghĩa có thể được cung cấp kịp thời.”
Phát ngôn viên của Đức Tổng Giám Mục Jerome E. Listecki hài lòng với phán quyết, nhưng cảnh báo đây chỉ là bước đầu tiên. Sandra Peterson, giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận Milwaukee cho biết: “Trong khi chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm rằng các giáo sĩ và tuyên úy của chúng tôi sẽ một lần nữa có thể phục vụ các tù nhân một lần mỗi tuần, chúng tôi cũng nhận ra rằng đây chỉ là phán quyết tạm thời. Tổng giáo phận hy vọng tòa án sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế của Bộ Cải Huấn trong phán quyết cuối cùng và khôi phục các quyền hợp pháp và tự do tôn giáo của các giáo sĩ của chúng tôi nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của các tù nhân ở Wisconsin.”
Bộ trưởng Bộ Cải Huấn Kevin Carr cho biết việc tổng giáo phận thưa kiện ra tòa án là không cần thiết vì theo ông các kế hoạch đang được thực hiện để các giáo sĩ có thể thăm viếng trước khi tổng giáo phận đệ đơn xin lệnh của tòa án.
Thực ra, Bộ Cải Huấn đã đình chỉ việc thăm gặp trực tiếp do đại dịch vào ngày 13 tháng 3 năm 2020. Tổng giáo phận đã kiên nhẫn đợi gần 15 tháng cho đến ngày 7 tháng 5 mới phản đối việc đình chỉ đó.
“Bộ Cải Huấn đã nhận được lệnh từ Thẩm phán Hue hôm nay và sẽ tuân theo lệnh này,” Carr nói trong một tuyên bố.
Source:JS Online
3. 12 năm sau tuyên bố về phép lạ Thánh Thể tại SOKÓŁKA
Vào ngày 12 tháng 10 năm 2008, tại nhà thờ dành riêng cho Thánh Antôn ở Sokółka, Ba Lan, Thánh lễ lúc 8:30 sáng được cử hành bởi một cha phụ tá trẻ tuổi là Cha Filip Zdrodowski. Trong khi cho rước lễ, ngài vô tình làm rớt một bánh thánh mà không biết. Một người phụ nữ lên rước lễ đã quỳ gối xuống để đón nhận Thánh Thể, khi cúi xuống trao Mình Thánh Chúa, ngài mới chú ý thấy điều đó. Vị linh mục vẫn còn tê liệt vì sợ hãi và tin rằng bánh thánh đã bị bẩn, nên lượm lên và đặt vào một chiếc bình nhỏ bằng bạc chứa nước được các linh mục sử dụng để rửa ngón tay sau khi rước lễ. Vào cuối Thánh lễ, nữ tu Julia Dubowska, lấy chiếc bình đựng bánh thánh, đổ nó vào một chiếc bình khác, sau đó sơ ấy khóa trong két sắt nơi cất giữ các chén thánh.
Một tuần sau, vào khoảng 8 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 19 tháng 10, sơ mở két và thấy bánh thánh gần như tan chảy nhưng có một số cục màu đỏ rất lạ ở giữa. Sơ ngay lập tức gọi các linh mục để chỉ cho các ngài những gì đã được sơ phát hiện. Bánh thánh gần như đã bị tan ra. Chỉ còn lại một phần rất nhỏ của tấm bánh thánh hiến dính chặt với “cục máu đỏ kỳ lạ” đó. Cha sở nhà thờ Sokółka liên lạc ngay với tổng giáo phận Białystok. Đức Tổng Giám Mục Edward Ozorowski cùng với vị chưởng ấn, các linh mục và giáo sư đã kiểm tra Bánh thánh và rất kinh ngạc. Các ngài quyết định chờ đợi sự phát triển của các sự kiện và xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Vào ngày 29 tháng 10, bình đựng Mình Thánh được đưa vào nhà nguyện của giáo xứ và để trong nhà tạm; ngày hôm sau, theo lệnh của Đức Tổng Giám Mục, Cha Gniedziejko dùng một thìa nhỏ lấy ra một cách cẩn thận bánh thánh đã được hòa tan một phần với chất màu máu ở bên trong và đặt nó trên một khăn thánh màu trắng tinh khiết, với một cây thánh giá màu đỏ được thêu ở giữa. Khăn thánh này được đặt trong một hộp dùng để cất giữ và mang Mình Thánh, sau đó được khóa lại trong nhà tạm. Qua thời gian bánh thánh dính chặt vào khăn thánh, và cục máu khô đi. Lúc đó hai nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu và là các chuyên gia về giải phẫu bệnh học tại Đại học Y Khoa Białystok mới được mời đến xem xét.
Đây là bản tuyên bố của tổng giáo phận Białystok vào ngày 29 tháng Sáu, 2009, cách đây 12 năm:
1. Vào ngày 12 tháng 10 năm 2008, Mình Thánh đã được thánh hiến rơi khỏi tay của một linh mục khi ngài đang cho rước lễ. Ngài nhặt nó lên và đặt nó vào một cái bình chứa đầy nước. Sau Thánh lễ, bình đựng thánh thể được đặt trong một két an toàn trong phòng thánh.
2. Vào ngày 19 tháng 10 năm 2008, sau khi mở két, bằng mắt thường, người ta có thể thấy rõ một vết đỏ trên Mình Thánh, ngay lập tức ta có thể nhìn thấy vết tích đó là một vết máu.
3. Vào ngày 29 tháng 10 năm 2008, bình đựng Mình Thánh Chúa được chuyển đến nhà tạm của nhà nguyện giáo xứ. Ngày hôm sau, Mình Thánh được lấy ra khỏi nước chứa trong bình và được đặt trên một khăn thánh bên trong nhà tạm.
4. Vào ngày 7 tháng Giêng năm 2009, bánh thánh đã được kiểm tra độc lập bởi hai chuyên gia về mô bệnh học tại Đại học Y khoa Białystok. Họ đã đưa ra một tuyên bố chung có nội dung: ‘Mẫu được gửi để đánh giá trông giống như tế bào cơ tim. Theo quan điểm của chúng tôi, trong số tất cả các mô của sinh vật sống, tế bào cơ tim giống với nó nhất’”.
5. Ủy ban đã lưu ý rằng Mình Thánh đã được phân tích chính là Mình Thánh đã được chuyển từ phòng thánh đến nhà tạm trong nhà nguyện của nhà xứ. Sự can thiệp của bên thứ ba vẫn chưa được tìm thấy.
6. Trường hợp của Sokółka không mâu thuẫn với đức tin của Giáo hội, mà là xác nhận điều đó.
Source:The Real Presence