Ngày 01-07-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:32 01/07/2018
83. LAO TÂM LAO LỰC
Hậu Ngụy Cao Tổ đặt tên cho các con là Tuần恂, Du愉, Duyệt悅 và Dịch懌.
Đại thần là Thôi Quang đặt tên cho con là Lệ勵, Húc勗 và Miễn勉.
Cao Tổ nói với Thôi Quang:
- “Tên của con trai ta sát bên đều có bộ tâm 心 , còn con của khanh sát bên đều có bộ lực力.”
Thôi Quang cười nói:
- “Đó chính là “Quân tử lao tâm, tiểu nhân lao lực” ạ !”
(Thiệt Hoa lục)

Suy tư 84:
Lao động có hai loại: lao động trí óc và lao động bằng chân tay, tức là lao tâm và lao lực.
Quan niệm của người đời thì cho rằng lao tâm tức là những người làm việc bằng cây bút, bằng đầu óc suy nghĩ, làm văn phòng; còn những dân nghèo lao động bằng cái cuốc tức là lao động chân tay, bán lưng cho trời bán mặt cho đất, thế là phân biệt giai cấp rất rõ ràng: giàu và nghèo, có học và không có học, sung sướng và vất vả...
Thực ra, con người ta ai cũng lao tâm và lao lực, lao tâm và lao lực ngay trong cuộc sống của mình dù nhà nghèo hay nhà giàu, dù làm tướng hay làm lính, dù làm quan hay làm dân, bởi vì lao tâm cũng như lao lực đều là cái hạnh phúc và cái khổ của con người.
Đức Chúa Giê-su lao lực ba mươi năm trong làng Na-gia-rét với nghề thợ mộc, và ba năm rảo khắp các nẻo đường Ga-li-lê và thập thành để lao tâm dạy dỗ dân chúng về Tin Mừng của Nước Trời, cho nên Ngài đã cảm thông được nỗi khổ cực vất vả của tha nhân, và đã để lại cho nhân loại một bài học quý báu là dù lao tâm hay lao lực, thì cũng vì tha nhân mà phục vụ.
Người Ki-tô hữu hiểu rất rõ giá trị của lao tâm và lao lực, vì đó chính là cơ hội để chúng ta làm việc đền tội và giúp ích cho mọi người qua thành quả lao động của chúng ta.
Đã làm người thì khi làm việc gì cũng có lao tâm và lao lực, chỉ có người máy (rô bô) mới không biết lao tâm hay lao lực mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

-----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Lễ thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:34 01/07/2018
Chúa Nhật
LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ


Tin mừng : Mt 16, 13-19
“Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời”.


Bạn thân mến,
Hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng lễ kính hai thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ, hai vị thánh hai khuôn mặt, hai đời sống và là hai cột trụ của Giáo Hội Công Giáo, trong tâm tình ấy tôi xin chia sẻ với anh chị em hai nét sau đây của hai vị thánh lớn của Giáo Hội.
1. Nhiệt tình với sứ mệnh.
Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đều có tâm hồn nhiệt tình với sứ mạng mà Đức Chúa Giê-su đã giao phó, sự nhiệt tình này Đức Chúa Giê-su đã nhìn thấy khi chọn các ngài làm tông đồ, và giao phó trọng trách gánh vác Giáo Hội của Ngài cho các ông.
Nhiệt tình chất phác bộc trực cương nghị của thánh Phê-rô, đã được Đức Chúa Giê-su khám phá ra khi ông đang đánh cá với anh mình là An-rê, Ngài nói: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” và hai ông đã lập tức bỏ chài lưới mà theo Ngài.
Nhiệt tình hăng hái của thánh Phao-lô đã bộc lộ rất rõ khi ngài giữ áo cho người ta ném đá tử hình thánh Stê-pha-nô , cũng như đang hăng hái bách hại Giáo Hội tiên khởi của Đức Chúa Giê-su , sự nhiệt tình này không phải vì danh dự cá nhân, nhưng nhiệt tình vì lòng yêu mến Đức Chúa Ya-Vê của người Do Thái.
Tâm hồn nhiệt tình là điều cần thiết trước tiên để được chọn, không ai chọn một tinh binh không có dũng khí chiến đấu để làm tiên phong, cũng không ai chọn một người dù tài cao học rộng nhưng không nhiệt tình với bổn phận để giao trọng trách, nhưng người ta đã chọn người có tâm hồn nhiệt tình hăng say với công việc để giao phó sứ mệnh quan trọng…
Nhiệt tình của chúng ta có thừa, nhưng sự nhiệt tình này chúng ta đã dùng không đúng chỗ: chúng ta nhiệt tình với bạn bè mà không nhiệt tình với Thiên Chúa; chúng ta nhiệt tình với các hợp đồng béo bở nhưng lại lạnh băng với công tác từ thiện; chúng ta nhiệt tình với những công trình tiếng tăm để đời, nhưng lại nguội lạnh với công việc mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã trao cho chúng ta trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, là loan báo và làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc sống hằng ngày của mình.
2. Yêu mến Đức Chúa Giê-su hết lòng.
Đức Chúa Giê-su đã ba lần hỏi thánh Phê-rô có yêu mến Ngài không, cả ba lần thánh Phê-rô đều cương quyết trả lời: “Thưa Thầy, có, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Một thánh Phao-lô đã tuyên bố: “Thật vậy, chúng tôi có điên, thì cũng là vì Thiên Chúa” và chính cá nhân ngài cũng đã không ngại ngùng nói: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi.”
Yêu mến Đức Chúa Giê-su làm gia tăng sự nhiệt thành trong tâm hồn của các ngài, cho nên dù chịu biết bao khổ cực, nhọc nhằn, dù chịu bao nhiêu hy sinh gian nan thì các ngài vẫn cứ yêu mến Đức Chúa Giê-su, và vì yêu mến Đấng đã chọn mình làm khí cụ loan báo tin mừng Nước Trời, nên các ngài vui lòng chia sẻ nỗi khổ đau với Đức Chúa Giê-su. Tình yêu đã làm nên những điều kỳ diệu nơi những người đang yêu, và điều kỳ diệu trước tiên xảy ra chính là hai thánh Phê-rô và Phao-lô đã cảm nghiệm Đấng mình yêu đang rất gần gũi bên mình, và do đó mà hai ngài đã không quản ngại hy sinh gian khổ để làm chứng cho tình yêu…
Yêu mến Đức Chúa Giê-su là năng lượng thúc đẩy chúng ta đi vào không gian vô tận của tình yêu Thiên Chúa, để sự nhiệt tình của chúng ta trở nên năng lực thúc đầy người khác biết yêu mến và sống tinh thần yêu mến của Chúa Giê-su…
Bạn than mến,
Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ chính là hai ngọn đèn tỏa sáng của Giáo Hội, chính trên nền tảng Phê-rô này, mà Phao-lô nổi bật với những giáo huấn về Đức Chúa Giê-su và đã làm cho ngài trở thành trụ cột của Giáo Hội như thánh Phê-rô.
Mừng lễ kính trọng thể hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô hôm nay, chúng ta cầu xin hai ngài ban cho chúng ta có tâm hồn nhiệt tình với tâm tình yêu mến Đức Chúa Giê-su, bởi vì chỉ có sự nhiệt tình mới làm cho sứ mệnh tông đồ của chúng ta được tiến triển, và Lời Chúa được mau chạy tiến bước đến với mọi tâm hồn.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 13 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:35 01/07/2018
Chúa Nhật 13 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 5, 21-43
"Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi."


Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su đến trần gian, không phải để được người khác phục vụ, nhưng là để phục vụ và thi ân giáng phúc cho nhân loại. Phục vụ và thi ân là bày tỏ cho nhân loại biết Đức Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa thật và là người thật: khi thi ân thì Ngài là Thiên Chúa, khi phục vụ thì Ngài là con người.
Lãnh nhận ân phúc phải có đức tin
Đức tin của ông đội trưởng đã cứu sống con gái của ông, đức tin của người đàn bà bị bệnh băng huyết đã chữa lành bà, cho nên để đón nhận ân phúc bởi Thiên Chúa thì dứt khoát con người phải có đức tin.
Đức tin làm cho con người nhận ra được quyền năng của Thiên Chúa trong sự yếu đuối và bất lực của mình; đức tin cũng làm cho con người nhìn thấy được Thiên Chúa trong những nỗi bất hạnh nhất của tha nhân, bởi vì khi đối diện với đau khổ và thất vọng, con người thường có khuynh hướng nhìn lên trời cao.

Ân sủng của Thiên Chúa vẫn tuôn đổ trên con người, Ngài vẫn luôn thi ân cho nhân loại, nhưng để đón nhận những ân huệ Thiên Chúa ban cho, thì cần phải có đức tin như đức tin của tổ phụ Abraham, như đức tin của tổ phụ I-sa-ác, như đức tin của Gia-cóp, và như đức tin của viên đội trưởng và của người đàn bà bệnh loạn huyết. Ân sủng của Thiên Chúa ban cho cách nhưng không, nhưng muốn đón nhận nó thì cần phải có đức tin.
Phục vụ tha nhân phải có đức tin
Thời nay có nhiều hội từ thiện để giúp đỡ người bất hạnh, thời nay có nhiều bệnh viện và cơ quan từ thiện để chăm sóc bệnh nhân nghèo, và thời nay cũng có nhiều cá nhân làm việc thiện, nhưng số người không biết đến Thiên Chúa thì càng nhiều hơn. Bởi vì có nhiều đoàn thể và có nhiều cá nhân phục vụ nhưng không có đức tin, hoặc đức tin đã bị ngâm sâu dưới lớp tro bụi cuộc sống bon chen.
Khi phục vụ tha nhân mà không tin, không nhìn thấy Chúa Giê-su ở trong họ, thì họ cũng sẽ không nhìn thấy được Chúa Giê-su ở trong chúng ta -những người làm việc từ thiện.
Đức tin dạy cho chúng ta tin rằng Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, đặc biệt là nơi những người nghèo khó bất hạnh; đức tin cũng dạy cho chúng ta biết rằng, phục vụ tha nhân chỉ vì danh vọng hảo huyền mà thôi, thì họ sẽ không thể thay mặt Đức Chúa Giê-su đem an ủi đến cho người khác được...

Bạn thân mến,
Là những người được gọi là “những kẻ tin”, chúng ta cũng có trong mình “gen” phục vụ tha nhân như Đức Chúa Giê-su đã phục vụ, bởi vì đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận trong ngày Rửa Tội, đã làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su hơn khi chúng ta phục vụ tha nhân.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:38 01/07/2018

31. Con người ta nếu nhìn thấu triệt sự việc, phán đoán hợp lý, dù cho có gặp nghịch cảnh, thì không những không nên thất vọng ưu sầu, mà phản ứng cách vui vẻ cảm tạ.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

--------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người Công Giáo sợ tội chứ không sợ chết.
Giuse Thẩm Nguyễn
11:45 01/07/2018
(EWTN News/CNA) Người Công Giáo không có lý do gì để sợ chết, bởi vì Đức Kitô, Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết. Nhưng đúng ơn họ sợ tội vì tội làm chai cứng và giết linh hồn.

Vào Chúa Nhật, ngày 1 tháng Bẩy, ĐGH Phanxicô đã nói rằng “Đức Giê-su là Thiên Chúa, và trước Ngài cái chết thân xác chỉ như là một giấc ngủ: Không có lý do gì để thất vọng. Có một cái chết khác cần phải sợ đó là con tim bị chai cứng bởi sự dữ. Ừ, cái đó thì chúng ta phải sợ. Đó là cái chết của tâm hồn.”

“Nhưng ngay cả tội, ngay cả trái tim chết cứng như cái xác ướp, thì cũng không bao giờ là lời cuối cùng đối với Chúa Giê-su, bởi vì Ngài đã mang chúng ta tới lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa Cha.”

ĐGH giải thích rằng “ngay cả khi chúng ta vấp ngã, tiếng nói dịu dàng và mạnh mẽ của Chúa vẫn đến với chúng ta: ‘Ta truyền cho con: hãy đứng dậy’ Thật là tuyệt vời khi nghe những lời này của Chúa Giê-su nói với mỗi người chúng ta: “ Ta truyền cho con: hãy đứng dậy. Hãy bước đi. Đứng dậy, hãy can đảm lên, hãy đứng dậy!”

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin, ĐGH đã phản ánh lời của Chúa Giê-su nói trong bài Tin Mừng của Thánh Maccô cũng nói với chúng ta hôm nay. Chúa Giê-su đã làm hai phép lạ: cho người đàn bà bị băng huyết và con gái của ông trưởng hội đường.

ĐGH nói rằng trong cả hai trường hợp, có một vấn đề chính là đức tin.“ và những phép lạ ấy chứng tỏ Chúa Giê-su là nguồn trao ban sự sống, Ngài ban sự sống trở lại cho những ai hoàn toàn phó thác nơi Ngài.”

Khi Chúa Giê-su và các môn đệ đang đi tới nhà ông trưởng hội đường, thì nhận được tin là bé gái đã chết. “Chúng ta có thể tưởng tượng là người cha phản ứng như thế nào”. Nhưng Chúa bảo ông “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”

Mọi người cần cố gắng để có đức tin này và đừng có ai cảm thấy mình không có quyền đến với Chúa Giê-su, giống như người đàn bà bị băng huyết kia.

Để đến với “trái tim của Chúa Giê-su, chỉ có một đòi hỏi: cảm thấy cần được chữa lành và tín thác vào Chúa.”

ĐGH đặt câu hỏi “Các con có cần được chữa lành không? Chữa lành điều gì đó, tội lỗi, khó khăn?

“Và nếu các con nghe như vậy, các con có tin vào Chúa Giê-su không? Có hai điều kiện để được chữa lành, phải đến với trái tim Chúa: để cảm thấy cần được chữa lành và cậy dựa vào Ngài.”

Sau khi đọc kinh Truyền tin, ĐGH Phanxicô nói về những bạo động và xung đột đang xảy ra ở một số nước. Ngài tiếp tục cầu nguyện cho những người ở Nicaragua, ca ngợi các giám mục Nicaragua và những người đang làm việc để mang lại hòa giải và đối thoại quốc gia.

Ngài cũng nhắc đến tình trạng ở Syria vẫn còn nghiêm trọng, đặc biệt trong tỉnh Daraa, nơi có hành động quân sự mới đây mà hậu qủa là nhiều trường học và nhà thương bị hủy hoại và hàng ngàn người phải tỵ nạn.

“Cùng với lời cầu nguyện và cha tiếp tục kêu gọi để người dân, vốn đã chịu thử thách cam go nhiều năm, được bớt đau khổ thêm.” ĐGH cũng bảo đảm cầu nguyện cho các thanh thiếu niên bị thất lạc trong một hang động dưới lòng đất ở Thái Lan cách nay một tuần.

ĐGH Phanxicô cũng nói rằng “ giữa những quá nhiều xung đột” phải ghi nhận một tin vui là “ sau 20 năm, chính phủ Ethioia và Eritrea đã cùng nhau trở lại đàm phán về hòa bình.”

“Xin cho cuộc họp này thắp lên tia sáng hy vọng cho hai quốc gia này vùng Sừng Phi Châu và cho toàn thể lục địa Châu Phi.”

Ngài kết thúc bằng việc nhắc đến chuyến viếng thăm sắp tới của ngài tới thành phố Ý là Bari, để gặp các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô và các cộng đoàn Trung Đông. Ngài sẽ có một ngày cầu nguyện và suy tư về tình hình của vùng này, nơi có “rất nhiều anh chị em trong đức tin của chúng ta tiếp tục chịu đau khổ và cùng nhau đồng thanh kêu xin “Ước chi hòa bình đến trên ngươi” (Tv 122.8). ĐGH nói “Cha xin mọi người cùng đồng hành trong chuyến đi hòa bình và hiệp nhất này trong kinh nguyện.”


Source: EWTN News Pope Francis: Fear sin, not death
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngôi nhà nguyện đầu tiên của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật
Phanxicô Nguyễn Hồng Đức
09:00 01/07/2018
Ngày 10-6-2018, Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật hân hoan mừng lễ ra mắt ngôi nhà nguyện Thánh Tâm Chúa Kitô, tại thành phố Akaiwa thuộc Giáo phận Hiroshima. Đây là ngôi nhà nguyện đầu tiên cho riêng người Việt chúng ta, sau nhiều năm người Việt tha hương sinh sống trên đất nước Mặt Trời Mọc.

Xem Hình

Hiện nay số người Việt tại Nhật ngày càng tăng, trong đó có số đông người Công Giáo, nên công việc mục vụ càng trở nên cấp thiết. Đáp ứng nguyện vọng này, Đức Giám Mục Alexis Mitsuru Shirahama, Giáo mục Giáo phận Hiroshima, đã yêu thương dành cho người Việt chúng ta một trung tâm mục vụ người Việt. Và sáng kiến nay đã trở thành hiện thực, khi nhà nguyện Thánh Tâm sẽ được xây dựng trên mảnh đất, do tấm lòng thơm thảo của vị đại ân nhân người Nhật, bà Nagato, hiến tặng.

Để chuẩn bị cho thánh lễ ra mắt nhà nguyện Thánh Tâm, cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại giáo phận Hiroshima đã vất vả chuẩn bị hơn hơn một năm qua, với sự linh hướng dìu dắt của cha Phêrô Hoàng Đức Lợi. Đặc biệt trong thánh lễ ra mắt, có nghi thức làm phép cưới cho hai cặp hôn phối Việt-Nhật.

Bước đầu cộng đoàn gặp khó khăn, nhưng với sự ủng hộ tinh thần của Đức Tân Hồng Y Tôma Aquino Manyo Maeda, Tổng Giám Mục Giáo phận Osaka (nhận mũ đỏ Hồng Y ngày 29-6-2018), Đức Giám Mục Alexis Mitsuru Shirahama, Giáo phận Hiroshima, cha P. M. Nguyễn Hữu Hiến, linh mục trưởng Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật, đặc biệt là cha linh hướng Phêrô Hoàng Đức Lợi, toàn thể người Việt Công Giáo ở Nhật ước mong Trung Tâm Mục Vụ Công Giáo người Việt được sớm hình thành, với lời cầu nguyện của người Việt khắp Năm Châu.

Phanxicô Nguyễn Hồng Đức






























 
Hình ảnh và phóng sự mừng lễ ĐMHCG tại Garland, TX
Trần Mạnh Trác
15:08 01/07/2018
Xem hình ảnh

Như đã loan báo trong bài tường thuật về 3 ngày tĩnh tâm chuẩn bị cho đại lễ ĐMHCG vào đầu tuần trước, sáng Chuá Nhật hôm nay, Gx ĐMHCG tại Garland, TX đã tổ chức long trọng lễ mừng danh hiệu cuả giáo xứ, đồng thời cũng là lễ kính thánh quan thầy cuả Gx, với nhiều tiết mục như rước kiệu, dâng hoa, ăn mùng, văn nghệ và thể thao.

Trong phần giảng lễ cha xứ Phaolô Nguyễn Tất Hải, CSsR, đã lược duyệt ý nghiã và lịch sử cuả bức linh ảnh ĐMHCG, và lịch sử cuả lòng sùng kính ĐMHCG tại VN do công lao truyền bá cuả các linh mục DCCT từ Canada.

Cũng trong tâm tình ấy, trong phần cuối lễ cha chánh xứ cũng không quên tri ân vị chánh xứ tiên khởi là LM Augustino Nguyễn Huy Tưởng, đã từng là một đệ tử cuả DCCT ở Thái Hà Hanoi, đã thỉnh nguyện danh hiệu ĐMHCG cho Gx khi thành lập.

Tuy trời nắng và nóng, nhưng hình như khí thế cuả Gx cũng hăng nồng không kém, cho nên mọi tiết mục, từ văn nghệ ở trong hội trường cho đến các tiệt mục ngoài trời như bóng chuyền và trợt nước đều được đông đảo các em thanh thiếu niên chiếu cố tận tình.
 
Giáo Xứ Nhượng Nghĩa , Giáo Phận Đà Nẵng Mừng Lễ Bổn Mạng
Toma Trương Văn Ân
19:37 01/07/2018
Trong niềm hân hoan mừng Lễ kính hai Thánh Tông Đồ Phê-rô - Phao lô , bổn mạng Giáo xứ Nhượng Nghĩa, Giáo phận Đà Nẵng. Chiều Chúa Nhật 1/7/2018 , Đức Cha Giuse - Giám Mục Giáo phận đã viếng thăm mục vụ và ban phép thêm sức cho 39 em thiếu nhi của Giáo xứ.

Cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ đã mong chờ và chuẩn bị cho sự kiện này từ nhiều tuần nay : 1. toàn bộ cửa của nhà mục vụ và bờ rào khuôn viên nhà xứ được sơn mới , chỉnh sửa một vài nơi về cơ sở hạ tầng xây dựng để thích hợp hơn; 2. Quý Giáo lý viên , Quý Nữ Tu và Cha Phê-rô Lê Hưng – Quản xứ đã chuẩn bị những kiến thức Giáo lý cơ bản , nhân bản , tâm tình đạo đức yêu mến Chúa và anh chị em cho các em Lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, để các em lãnh nhận Ơn Sung mãn của Chúa Thánh Thần.

Xem Hình

Trong dịp này , Giáo xứ mừng 64 năm thành lập ( 1954-2018) ; Mừng Bổn mạng Giáo xứ ; Mừng Bổn mạng Cha Quản xứ và quý ông nhận Thánh Phê-rô và Phao-lô làm bổn mạng.

Trong các huấn từ , Đức Cha mừng Lễ Bổn mạng Giáo xứ với giá trị hiệp nhất yêu thương, xin Chúa cho mỗi người tín hữu can đảm sống chứng nhân Đức tin và loan truyền Đức tin trong mọi hoàn cảnh cuộc sống mình đang sống. Nhất là các em được lãnh nhận Bí tích Thêm sức, đón nhận ơn Chúa sung mãn để Đức tin trưởng thành. Đây là dấu ấn đời sống Đức tin để sống Đạo và làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu … nhờ ơn Chúa ban tràn đầy cho các em và cho mỗi người.

Đức Cha nêu mẫu gương Thánh Phê-rô , được Chúa chọn và gọi cách đặc biệt, Chúa đổi tên ông từ Simon thành Phê-rô ; nghĩa là tảng đá. Ông tin tưởng tín thác vào Chúa “ Chúng con đã vất vả suốt đêm mà không được con cá nào , nhưng vâng lời Thầy , con thả lưới”(Lc 5,5) . Khi nghe Chúa giảng về Phép Thánh Thể , về Mình máu Thánh Chúa , có nhiều người kể cả một số Môn đệ rời bỏ vì “ nghe chói tai quá” , nhưng Phê-rô vẫn quả quyết với Chúa “ Bỏ Thầy con biết theo Ai, vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”( Ga 6,68) . với thân phận con người mỏng manh bất toàn , có lúc Phê-rô đã chối Chúa 3 lần . Nhưng nhìn vào ánh mắt yêu thương của Chúa, ông đã sám hối, và như Chúa đã nói với Phê-rô :” khi con trở lại , con sẽ làm cho anh em vững tin hơn”( Lc 22,32 ) . Một hình ảnh thật đẹp khi Chúa hỏi Phê-rô đến 3 lần: “ con có yêu mến Thầy không ? và Ông đã xác quyết : “ Thầy biết mọi sự , Thầy biết con yêu mến Thầy”( Ga 21,17 )

Qua hình ảnh Thánh Phê-rô bổn mạng của Giáo xứ, Đức Cha đã chạm vào hành trình Đức tin của Giáo xứ , vào sự mỏng manh của kiếp người trước sức mạnh của quyền thế. Giáo xứ có lúc khó khăn trong đời sống Đức tin và biểu lộ đức tin, có những mất mát về cơ sở hạ tầng xây dựng…. nhưng tin vào quyền năng của Thiên Chúa , sống Ơn gọi là Ki-tô hữu, sống tín thác vào Thiên Chúa thì không quyền lực nào có thể làm hại được Giáo Hội. Cánh cửa tâm hồn mở ra , những giá trị tuyệt hảo của Thiên Chúa : hiệp nhất , tình yêu , dấn thân, lòng thương xót , nâng đỡ , sẻ chia…. được thực hiện nơi Người Ki-tô hữu trong đời sống thường ngày , trong trách vụ xã hội của mình.

Hiệp dâng lời nguyện trong Thánh lễ ; Công đoàn tri ân và cầu nguyện cho Đức Cha Phê-rô Maria Phạm Ngọc Chi – Giám mục tiên khởi của Giáo phận Đà Nẵng , Đức Cha Phan-xi-cô Xavie Nguyễn Quang Sách , Quý Cha nguyên Quản xứ , Quý Ông bà đã từng cộng tác trong các Hội đồng mục vụ của Giáo xứ , Ông bà anh chị em trong Giáo xứ và nguyên gốc của Giáo xứ , và Quý Ân nhân của Giáo xứ đã qua đời.

Cuối Thánh lễ , Ông Trưởng Ban Thường vụ Hội đồng mục vụ Giáo xứ , đã Đại diện Giáo xứ cám ơn : Thiên Chúa đã yêu thương Giáo xứ và từng thành viên trong suốt 64 năm qua , cám ơn Đức Cha , Cha Quản xứ , Quý Nữ Tu , Anh chị Giáo lý viên và mọi người. Một bó hoa tươi thắm tỏ lòng hiếu thảo vâng phục của đoàn con Nhượng Nghĩa dâng tặng Đức Cha, trong những tràng pháo tay hân hoan vui mừng của cộng đoàn . và Đoàn con lắng nghe từng lời tâm tình của Đức Cha như rót vào tâm hồn : “ vẻ đẹp rạng ngời trên nụ cười nét mặt từng người, nói lên vẻ đẹp tâm hồn , lãnh nhận Hồng Ân Chúa qua Bí tích làm cho con người trưởng thành hơn trong Đức tin , dám sống Đức tin…. Sống sự hiệp nhất với Giáo Hội và với nhau, dám dấn thân cho những giá trị của Tin Mừng… biến đổi tâm hồn làm biến đổi môi trường mình đang sống” .

Trước lúc Ban Phép lành kết thúc Thánh lễ , Đức Cha đã xin Chúa ban tràn đầy phúc lành, ân sủng và bình an cho Giáo xứ. và Ngài dùng lời Thánh Phao lô để cầu chúc cộng đoàn Giáo xứ: “ Tôi sống , nhưng không phải tôi sống , nhưng là Chúa sống trong tôi”( Galata 2 , 20 ) .

Sau Thánh lễ , cộng đoàn dân Chúa vui mừng được ghi hình chung với Đức Giám Mục trong sự kiện 3 trong 1 của Giáo xứ.

Toma Trương Văn Ân
 
Văn Hóa
Thánh Kinh thời kỹ thuật số
Vũ Văn An
22:48 01/07/2018
Thánh Kinh là cuốn sách đầu tiên được in ấn, nhưng nay mực và giấy không còn cần thiết để chia sẻ thông điệp của nó với một lượng lớn khán giả. Theo số đếm gần đây nhất, ứng dụng Thánh Kinh phổ biến nhất thế giới, tên là Thánh Kinh YouVersion, đã được tải xuống hơn 228 triệu lần. Biểu tượng đặc biệt của nó, được thiết kế trông giống như một quyển Thánh Kinh dầy, vuông vức, được tìm thấy trên điện thoại thông minh ở mọi quốc gia trên thế giới, cho phép người dùng truy cập 1,305 phiên bản của Thánh Kinh bằng 954 ngôn ngữ — và còn đang gia tăng.



Các cuộc trò chuyện về Thánh Kinh trong thời đại kỹ thuật số thường quay sang các câu hỏi về truy cập: kỹ thuật đã thay đổi ra sao số người có thể sử dụng được một bản Thánh Kinh và một cách dễ dàng như thế nào. Nhưng trong câu chuyện kỹ thuật thay đổi không ngừng và lời nói vượt thời gian của Thiên Chúa, sự gia tăng quyền truy cập không phải là sự phát triển duy nhất. Thánh Kinh là một bản văn siêu việt với sự hiện diện vật chất rất dai dẳng, nhưng khi nền kỹ thuật mới nhắc chúng ta thay đổi bối cảnh vật chất của Thánh Kinh – bất luận từ giấy cuộn bằng giấy cói cho tới các thủ bản khổng lồ được minh họa sáng láng hoặc từ sách bìa mềm được sản xuất hàng loạt tới một chuỗi mã máy vi tính— việc chúng ta tương tác với nó ra sao đã thay đổi như một kết quả.

Thí dụ, khi tải ứng dụng YouVersion xuống điện thoại của tôi vài tháng trước, tôi đã tạm dừng để đọc một tin nhắn xuất hiện thình lình trên màn hình: “ ‘Thánh Kinh’ muốn gửi thông báo cho bạn”. Chắc chắn, các Kitô hữu luôn tin rằng Lời của Thiên Chúa phán, nhưng một bản tin nhắn trực tiếp từ Sách Thánh đem sự việc lên một bình diện hoàn toàn mới.

Brian Russell coi đây là một điều rất tốt. Theo quan điểm của ông trong tư cách giám đốc của YouVersion, có ứng dụng trên điện thoại thông minh của chúng ta không chỉ giúp chúng ta dễ dàng mang Thánh Kinh đến mọi nơi chúng ta đến, mà nó còn giúp ta biết bạn bè ta đang đọc những câu nào và sẽ đọc cùng chia sẻ các câu ấy trực tiếp vào tài khoản truyền thông xã hội của chúng ta. Ông cho rằng: "Một cách nào đó, nó đem ý niệm đọc Thánh Kinh trong cộng đồng trở lại với chúng ta".

Nhóm nghiên cứu tại YouVersion đã bắt đầu thăm dò xem các kỹ thuật khác có thể giúp gì để mọi người tiếp xúc với Thánh Kinh theo những cách mới mẻ. Ông Russell đặc biệt phấn khích đối với việc có thể sử dụng kỹ thuật tiếng nói và trí thông minh nhân tạo. Ông tự hỏi "Câu chuyện sẽ ra sao nếu tôi có thể nói chuyện với Thánh Kinh và Thánh Kinh có thể nói chuyện với tôi?"

Đọc một cách trung thành

Các kệ ở văn phòng của Mary Elizabeth Sperry tại Hội Đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ là hiệu quả lớn của “Hiến chế tín lý về mạc khải Thiên Chúa” (1965), là hiến chế thúc giục “mọi tín hữu Kitô Giáo” đọc Thánh Kinh thường xuyên. Mặc dù mới chuyển về văn phòng này chỉ vài tuần trước đó, cô Sperry đã có những điều dường như là tất cả các phiên bản của Thánh Kinh Tân Hoa Kỳ (New American Bible), bao gồm một cuốn tiểu thuyết đồ họa theo phong cách hoạt họa (anime) còn đang trong diễn trình sản xuất và một cuốn Thánh Kinh “thính âm” di động chỉ bằng nửa kích thước một danh thiếp.

Là giám đốc cho phép và khuyến khích sử dụng Thánh Kinh tại hội đồng giám mục, cô Sperry đã lấy việc xóa bỏ ý tưởng cho rằng người Công Giáo không đọc Thánh Kinh làm sứ mệnh của mình. Dù thiên kiến này làm cô khó chịu (Cô vừa nói “Chúng ta là người của Thánh Kinh hơn chúng ta vẫn nghĩ về mình”, vừa đánh dấu những đoạn trong phụng vụ trích từ Thánh Kinh), cô thừa nhận rằng sự tiếp cúc của người Công Giáo với Thánh Kinh vẫn còn chỗ để cải thiện.

“Chín mươi sáu phần trăm các gia đình Công Giáo có ít nhất một quyển Thánh Kinh”, cô Sperry nói thế, khi trích dẫn một cuộc thăm dò năm 2015 do Hội Thánh Kinh Hoa Kỳ ủy nhiệm. “Nhưng tôi luôn muốn những người thăm dò đặt câu hỏi, 'Bạn có biết nó ở đâu không, và bạn có mở nó từ lần Rước Lễ lần đầu hay khi bạn được thêm sứ hay không?'” (Cô nghi ngờ rằng số người trả lời "có" ít hơn 96 phần trăm.)

Cô Sperry qui sự nhiệt tình của mình đối với Thánh Kinh là do công của một bộ truyện Thánh Kinh được viết thành kịch bản trên các dĩa nhựa mà cha mẹ đã tặng cô lúc còn nhỏ. Cô cho hay “Vào năm 1969, đó là kỹ thuật hợp thời đấy”. Tuy nhiên, khi nói đến việc gia tăng sự tiếp xúc với Thánh Kinh, cô thận trọng không cho rằng việc tạo ra các nguồn tài nguyên mới — kỹ thuật số hay cách khác — sẽ tự động tăng mức độ tiếp xúc. Cô nói “Hiện có rất nhiều tài nguyên sẵn có, nhưng điều đó chưa bao giờ là một vấn đề trong giáo hội Hoa Kỳ. Tôi muốn nói, hãy nhìn vào văn phòng của tôi”. Cô chỉ vào các kệ đầy Thánh Kinh ở xung quanh cô. "Điều chúng ta cần làm là tăng sinh lực cho ước muốn".

Theo quan điểm của cô Sperry, cách tốt nhất để tăng gia việc tiếp xúc với Thánh Kinh là giúp người ta nhìn ra chính họ - các cảm xúc của họ, các hoàn cảnh của họ, các cuộc đấu tranh của họ - trong bộ trước tác đã có từ vài ngàn năm trước đây. Và việc này đòi hỏi phải tinh tế.

Cô đặt câu hỏi "Các tài nguyên sẽ đến rồi đi, nhưng làm thế nào chúng ta mời gọi được người ta chịu tiếp nhận các tài nguyên này, biến đổi cuộc sống của họ và trở thành chính câu truyện? Thách thức là ở chỗ đó".

Đức tin, đưọc hình tượng hóa



Ở phía bên kia của đất nước, nhà làm phim Pearry Teo đã hỏi một câu hỏi tương tự. Có thể nói thế. Ông là nhà sản xuất và giám đốc của VR Thánh Kinh, một trong những công ty đầu tiên biến những câu chuyện của Thánh Kinh thành thực tại ảo. Nhờ thế giới kỹ thuật số mà Ông Teo và đội ngũ của ông đã tạo ra, việc tự đặt mình các bạn vào những câu chuyện của Thánh Kinh rất dễ dàng: chỉ cần đơn giản gắn bộ ống nghe Google Cardboard giá 15 dollars vào điện thoại thông minh là đột nhiên bạn trở thành một người làm công tại 1 chuồng bò thế kỷ thứ nhất ở Belem, lặng lẽ quét dọn góc chuồng trong khi Thánh Giuse và Đức Maria gần ngày sinh thương lượng để có nơi ngủ đêm.

Đây có lẽ không phải là điều Thánh Inhaxiô nghĩ tới khi ngài dạy những nhà chiêm niệm tương lai cách sử dụng năm giác quan của họ để “thấy bằng cái nhìn của trí tưởng tượng” khi suy niệm về Thánh Kinh. Tuy nhiên, một hứng thú tương tự đối với sức mạnh đổi đời của việc hình dung mình trong thực tại phức tạp của những câu chuyện Thánh Kinh đã thúc đẩy công việc của ông Teo.

Ông giải thích: "Tôi muốn những câu chuyện Thánh Kinh này được viết thành kịch bản theo cách các diễn viên thực sự nói với máy ảnh – nghĩa là nói với các bạn. Các bạn không chỉ cảm thấy như đang quan sát nó, mà còn cảm thấy như bạn đang là một phần của câu chuyện Thánh Kinh."

Thánh Kinh VR cũng bao gồm các không gian cầu nguyện ảo và các chuyến du lịch thăm các di tích lịch sử liên quan đến Thánh Kinh dành cho người lớn muốn thăm Đất Thánh. Tuy nhiên, việc trình diễn lại các câu chuyện Thánh Kinh được đặc biệt nhắm đến các trẻ em. Là một người cha và một người suốt đời theo Công Giáo, Ông Teo có viễn kiến: các giáo viên và phụ huynh của trường Chúa Nhật phải sử dụng nó để dẫn nhập con cái họ vào Thánh Kinh.

Nghĩ đến việc các giáo viên có thể sử dụng VR Thánh Kinh, Ông Teo nói: "Vâng, các bạn vừa thấy một đoạn trình diễn lại sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô. “Vậy thì sao? Nó có gì quan trọng ? Bạn thấy gì trong đó và bạn cảm thấy gì?”

Như ông Teo thừa nhận đầu tiên, ông và nhóm của ông vẫn đang tìm cách nghĩ xem phải đương đầu cách nào với những thách thức trong việc kể chuyện Thánh Kinh bằng các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là phương tiện truyền thông khiến người dùng cảm thấy như họ là một phần của câu truyện. Cho đến nay, mới chỉ là chuyện mò mẫm. Lần đầu tiên họ thử cảnh đóng đinh, nó mãnh liệt đến nỗi khiến người ta bật khóc và làm mờ cả màn hình điện thoại của họ. Ông giải thích trong VR, “mọi thứ tốt hơn 10 lần. Nhưng trong cảnh đóng đinh, nó tàn bạo gấp 10 lần." (đoàn thực hiện phim dự định quay lại toàn bộ khung cảnh, định vị người xem xa cây thánh giá hơn một chút và loại bỏ đám đông nhạo báng).

Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, chúng tôi nói chuyện gần như hoàn toàn về Thánh Kinh, nhưng ông Teo không bao giờ đề cập đến những chữ sách hay đọc. Thay vào đó, ông nói đến cảm nghiệm.

Ông đặt câu hỏi "Chúng ta sử dụng kỹ thuật này cách nào để thay đổi cách người ta cảm nghiệm Thánh Kinh từ bây giờ trở đi? Đó là điều quan trọng nhất".

Ông Teo không đơn độc trong việc hỏi câu hỏi này. Theo Kevin Kelly của tạp chí Wired, sự thay đổi từ việc sản xuất và tiêu thụ thông tin tới việc sản xuất và tiêu thụ cảm nghiệm sẽ là thay đổi quan trọng nhất do thực tại ảo đem đến. Ông viết: "Mọi người nhớ cảm nghiệm VR không phải như nhớ một điều họ thấy, nhưng như một điều đã xảy ra với họ".



Đối với những người mang tin vui, những điều này có thể là tin mừng. Dù sao, nếu lời Thiên Chúa “sống động và năng động” (Dt 4:12), thì nó không chỉ là một bó thông tin để truyền tải, mà là một thông điệp năng động có năng lực thay đổi cuộc sống. Nếu kỹ thuật mới giúp người ta tiếp cận phẩm chất biến đổi này của Thánh Kinh —quả tốt, cây tốt — ai là người ngăn được nó? Nói cách khác, liệu Thiên Chúa, Đấng mà Tin Mừng Gioan mô tả như là “Lời”, trong thời đại ta, có dễ dàng trở thành hiện diện trong hình ảnh, tập tin MP3, GIF hay — tha lỗi cho tôi – một hình kỹ thuật số (emoji) (1) hay không?

Lời Thiên Chúa trong mọi sự

Theo Geof Morin của Hội Thánh Kinh Hoa Kỳ (một nhà tài trợ số báo này của America), câu trả lời là chữ "có" đầy hứng khởi. Ông nói: "Chúng tôi muốn Thánh Kinh đi đến những nơi người ta đang chịu ảnh hưởng". Và Ông không sợ đưa triết lý này đến những kết luận ngông cuồng nhất.

Đối với ông Morin, điều này có nghĩa là giúp người ta tương tác với Thánh Kinh qua các phương tiện truyền thông xã hội (“Chúng tôi có 11 triệu người trên Facebook tương tác với các trang tiép xúc với Thánh Kinh khác nhau bằng các ngôn ngữ khác nhau”), qua việc quảng cáo toàn quốc (“chiến dịch quảng cáo kiểu 'Got Milk?' (2) cho Thánh Kinh”), và tên miền. (dot) Thánh Kinh. Nghĩ theo kiểu vọng tương lai (futuristically), ông suy đoán về những cuốn Thánh Kinh đeo được như Fitbit có thể phát hiện các cảm xúc nhờ tốc độ nhịp tim và gửi những đoạn Thánh Kinh thích hợp cho người đeo chúng. Ông thậm chí còn hình dung rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ thoải mái với việc đặt các thiết bị sinh trắc học (biometric) tinh vi vào bên trong cơ thể chúng ta. Nếu điều này xảy ra, ông hy vọng sẽ có một cách để gắn Thánh Kinh vào đó.



Gia tăng diễn đàn kỹ thuật số cho Thánh Kinh cũng có nghĩa là thu thập thêm dữ kiện về độc giả Thánh Kinh. Nhờ các hợp tác với YouVersion và những người sáng tạo các sản phẩm Thánh Kinh kỹ thuật số khác, giờ đây có thể thu thập thông tin về đoạn Thánh Kinh nào phổ biến nhất, khi nào người ta đọc Thánh Kinh và liệu thông tin này có thay đổi theo các yếu tố nhân khẩu học nào đó hay không. Dữ kiện này có thể được sử dụng để hình dung ra những đoạn Thánh Kinh nào thực sự nói với một ai đó tại một thời điểm cụ thể nào đó. Thí dụ, những thánh vịnh nào được người ta cho là an ủi nhất trong những lúc bi thảm?

Ông Morin biết tất cả những điều trên nghe có vẻ hơi sởn gáy. "Đây là chỗ bạn hết chịu nổi tôi và la hét chạy khỏi phòng", ông nói thế sau khi đưa ra lời lẽ thuyết phục về các dữ kiện và sinh trắc học Thánh Kinh lớn lao. Nhưng theo quan điểm của ông, trong một thế giới trong đó cuộc sống thể lý và kỹ thuật số của chúng ta ngày càng trở nên liên kết chằng chịt qua lại chặt chẽ với nhau hơn, thì việc bỏ cuộc sống tâm linh của chúng ta lại phía sau quả là vô nghĩa. Ông nói: "Chúng tôi đang cố gắng tranh giành một không gian cho linh hồn ở giữa cuộc cách mạng kỹ thuật này".

Nghe Lời Chúa

Bỏ sang một bên việc suy luận kiểu vọng tương lai, ông Morin không nghĩ rằng Thánh Kinh in sẽ biến mất trong nay mai. Thực thế, ông tin rằng Thánh Kinh in sẽ vẫn tồn tại sau khi các phương tiện khác đã đi vào kỹ thuật số từ lâu. Ông dự đoán: "Sản phẩm giấy cuối cùng sẽ được in có lẽ sẽ là Thánh Kinh".

Điều trên đem chúng ta đến một ý kiến dè dặt quan trọng sau đây: nếu bạn đang đọc những mẫu tự màu đen được gom lại trên nền trắng bằng nhãn cầu của bạn, thì bạn khó có thể là người mà sự tương tác với Thánh Kinh sẽ thay đổi một cách hết sức sâu sắc trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Theo Jonathan Huguenin của phong trào Faith Comes by Hearing (Đức Tin phát xuất từ việc nghe), là phong trào sản xuất các cuốn Thánh Kinh thính âm (audio), những người mà các tương tác với Thánh Kinh sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nhất bởi kỹ thuật mới này sẽ là những người bạn chưa từng nghe nói đến. Ông Huguenin giải thích: trong số những người vẫn chưa có bản dịch Thánh Kinh đầy đủ bằng tiếng mẹ đẻ của họ, hầu hết đều là những người truyền thông bằng miệng và không có ngôn ngữ viết. Ngay khi bạn phát minh được một dạng viết cho ngôn ngữ (một diễn trình từ ba đến năm năm) và sau đó dịch Thánh Kinh (tám đến 15 năm nữa) và đưa Thánh Kinh in bằng ngôn ngữ của họ cho họ, họ vẫn không thể hiểu được nó.



Faith Comes by Hearing đã sản xuất Thánh Kinh thính âm trong 44 năm qua. Mặc dù họ bắt đầu với Thánh Kinh bằng tiếng Anh cho người mù và khiếm thị, nhưng bây giờ họ tập trung vào việc sản xuất những cuốn Thánh Kinh thính âm giúp các nhóm nhỏ nghe sách bằng ngôn ngữ của riêng họ.

Tuy nhiên, cho đến gần đây, tổ chức phi lợi nhuận không thể sản xuất được một cuốn Thánh Kinh thính âm nào trừ khi họ có bản dịch Thánh Kinh viết bằng ngôn ngữ đó. Nhưng khi hợp tác với các chương trình Phiên Dịch Seed Company và Pioneer Bible, Faith Comes by Hearing gần đây đã triển khai ra Render, một chương trình phần mềm cho phép Thánh Kinh được dịch bởi một diễn trình hoàn toàn bằng lời nói. Theo quản trị viên của dự án Robin Green, người có luận văn thạc sĩ về phương thức nói miệng (orality) dẫn đến việc tạo ra phần mềm, thì “Render tìm cách làm theo các bước được công nhận là nguyên tắc dịch thuật tốt, bao gồm cả việc giải thích và kiểm tra bởi các đồng nghiệp, các thành viên cộng đồng và một nhà tư vấn đủ tư cách”. Không giống các phương pháp phiên dịch khác, không có việc viết lách gì cả. Cô giải thích qua email rằng: “Các người phiên dịch lắng nghe một bản ghi âm Thánh Kinh trong một ngôn ngữ họ hiểu, dịch bằng lời nói và ghi âm lại bản dịch của họ. Điều này có nghĩa: các nhà truyền thông bằng miệng có thể là những người tham gia tích cực vào việc dịch Thánh Kinh sang tiếng mẹ đẻ của họ."

Tôi có nói chuyện với ông Huguenin vào ngày thứ ba của dự án phiên dịch nhằm làm cho Thánh Kinh có thể đến với một nhóm người du mục ở Ba Tây — đây là dự án phiên dịch toàn diện đầu tiên sử dụng Render. Mặc dù ông rất phấn khởi trước tiềm năng tiết kiệm thì giờ của Render, điều khiến ông phấn khởi hơn hết là nó không đòi người ta phải thay đổi nền văn hóa của họ hay phải biết chữ mới truy cập được Thánh Kinh. Ông nói: "Chúng tôi sẽ để bạn làm việc trong lĩnh vực mạnh của bạn, tức là chỉ cần nói — phương thức nói miệng - và khai thác năng lực mà bạn đã tinh luyện trong nhiều thế kỷ và để bạn phiên dịch Thánh Kinh trong con người trần của bạn".



Giống như những người đam mê truyền thông kỹ thuật số khác, ông Huguenin nói về Thánh Kinh thính âm như một cảm nghiệm. Ông nói: "Điều chúng ta nhìn thấy hoài hoài, trên toàn cầu, là khi bạn chơi âm thanh lớn, nó thu hút một đám đông". Ông mô tả Proclaimer, một máy phát Thánh Kinh thính âm bằng cỡ 1 hộp đựng giầy chạy bằng năng lượng mặt trời, được sản xuất bởi Faith Comes by Hearing và rất phổ biến ở những nơi không có điện. Ông giải thích: "Chúng không thể bị nhét trong một cái túi và chúng kêu rất lớn. Nên điều không tránh khỏi là hàng xóm của bạn sẽ qua nghe, hoặc gia đình của bạn sẽ tụ tập để nghe". Theo ông Huguenin, đọc Thánh Kinh lớn tiếng trong một nhóm sẽ tạo ra một cảm thức trách nhiệm, vì bạn bè và gia đình thường nhắc nhở lẫn nhau về những gì họ đã nghe được.

Nhưng không giống như thực tại ảo hoặc sinh trắc học, việc giúp các nền văn hóa thính âm sản xuất ra những cuốn Thánh Kinh thính âm của riêng họ không phải là giúp người ta có một cảm nghiệm mới; đúng hơn, đó là việc giúp người người ta cảm nghiệm Thánh Kinh một cách họ đã quen thuộc một cách sâu sắc.

"Vấn đề này hiếm khi xẩy ra ở bên ngoài Hoa Kỳ", ông Huguenin nói thế khi người ta hỏi: ông có nghĩ rằng những cuốn Thánh Kinh thính âm phần nào ít thế giá hay ít thánh thiêng hơn những cuốn Thánh Kinh in không. Ông giải thích "Thật dễ dàng cho những người ở các nước khác thích thính âm”. Và mặc dù chúng ta ở Hoa Kỳ hết sức quen tiếp xúc với Thánh Kinh như một cuốn sách, "điều quan trọng là phải nhìn nhận rằng cả hai đều là lời của Thiên Chúa".

Nguồn: Betsy Shirley, Which Bible is more holy: the book or the app? America, October 17, 2016
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 2/7/2018: Một Linh mục được tôn kính trong một ngôi Chùa Phật Giáo ở Nam Úc
VietCatholic Network
20:42 01/07/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Lạy Nữ Vương với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 1 tháng 7 năm 2018

2- Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong 14 Hồng Y mới.

3- Đức Thánh Cha dâng lễ với các tân Hồng Y và tân Tổng Giám Mục chính tòa.

4- Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople.

5- Đức Thánh Cha tiếp đại gia đình Dòng Bửu Huyết.

6- Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa Thánh tổ chức cuộc Hội nghị chuyên đề về tự do tôn giáo.

7- Các Giám mục Trung Phi lên án các vụ hành quyết những người bị cáo buộc là phù thủy.

8- Một Linh mục được tôn kính trong một ngôi Chùa Phật Giáo ở Nam Úc.
9- Giới thiệu bài hát: Đất Nước Tôi.
https://youtu.be/LAl1heqn45I

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Giáo Hội Năm Châu 02/07/2018: Cải thiện quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Tòa Thánh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:51 01/07/2018
1. Phi Luật Tân: Các Linh Mục được võ trang súng

Theo Thông tấn xã Fides từ Manila cho hay đã có hơn 200 linh mục Công Giáo và mục sư của các giáo phái Tin Lành đã nộp đơn xin giấy phép võ trang súng cầm tay ở Phi. Theo lời Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Phi là ông Oscar Albayalde thì số liệu mới được công bố, (bắt đầu từ tháng 6 năm 2017), đã có 188 các linh mục Công Giáo và 58 các mục sư của các Giáo hội Kitô khác đã nộp đơn với Cảnh sát Quốc gia Phi để xin giấy phép được võ trang súng.

Ông Oscar Albayalde nói: “Chúng tôi có thể đáp ứng các yêu cầu này vì các thành viên của giáo sĩ và lãnh đạo các hội thánh được mang vũ khí khi đi mục vụ là những người có đủ điều kiện”.

Yêu cầu cấp giấy phép được võ trang súng trong giới các linh mục đã tăng nhanh sau những vụ sát hại các linh mục đã xảy ra trong mấy tháng qua. Ông Oscar Albayalde cho hay cảnh sát sẵn sàng hỗ trợ các linh mục muốn võ trang vũ khí, “chúng tôi sẵn sang hỗ trợ các bước bổ sung trong việc huấn luyện về võ trang và huấn luyện thiện xạ cho các vị lãnh đạo tôn giáo muốn sở hữu vũ khí”. Theo luật sở hữu súng, các linh mục nằm trong số những người được võ trang giống như: các phóng viên báo chí, luật sư và bác sĩ y sĩ vậy.

Trong những ngày gần đây, các giám mục và các nhà lãnh đạo tôn giáo góp ý rằng các linh mục và các vị làm mục vụ không nên mang vũ khí để tự vệ. Đức Giám Mục Jose Oliveros, của giáo phận Bulacan, nói rằng các linh mục nên là “người của hòa bình chứ không phải là kẻ gây chiến”. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi là Tổng Giám mục Romulo Valles cũng phát biểu rằng dù các linh mục “luôn phải đối diện với nguy cơ tử vong trong việc thi hành chức vụ mục vụ”, nhưng các ngài không nên mang vũ khí, mà hãy “sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng sống vì Chúa Kitô”.

2. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Pháp

Lúc 10 giờ 30 sáng 26/06, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thư viện biệt điện tông tòa dưới bức tượng thánh cả Giuse và Chúa Giêsu trong vòng 57 phút. Theo ghi nhận của giới truyền thông, thời lượng này lâu hơn cuộc hội kiến trước đây với ông Obama.

Sau đó, tổng thống Macron đã giới thiệu với vị lãnh đạo tinh thần: phu nhân Brigitte, bộ trưởng ngoại giao Jean-Yves Le Drian, bộ trưởng nội vụ Gérard Collomb, luật sư Jean-Pierre Mignard, hai nhà văn Rémi Brague và Xavier Emmanuelli, nữ ký giả Caroline Pigozzi, bà Véronique Fayet, chủ tịch Tổ chức Cứu trợ Công Giáo.

Cũng vào dịp này, tổng thống Macron đã biếu Đức Thánh Cha ấn bản tiếng Ý ‘‘Cha sở miền quê’’ của nhà văn Công Giáo Georges Bernanos. Đức Thánh Cha trao tặng huy chương Thánh Martin cho tổng thống Pháp và mỗi vị trong đoàn tùy tùng.

Trước buổi triều yết, tổng thống Macron đã dùng điểm tâm với cộng đoàn Sant’Egidio là tổ chức Công Giáo thiết lập các hành lang nhân đạo đón tiếp người tỵ nạn Syrie vào châu Âu.

Trong tuần lễ vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến nhiệm vụ tiếp cư, đồng hành, tạo nơi ăn chỗ ở, giúp người tỵ nạn hội nhập theo khả năng của mỗi quốc gia. Ngài khuyến cáo các nước châu Âu nên gia tăng việc giúp các nước châu Phi thăng tiến giáo dục, tạo nhiều công ăn việc để giảm thiểu làn sóng nhập cư.

3. Các Giám Mục Canada nói sử dụng cần sa là một tội lỗi bất kể điều này được luật pháp cho phép hay không

Sử dụng cần sa sẽ vẫn là một tội lỗi trong mắt Giáo Hội Công Giáo, các giám mục Canada đã nói như trên, sau khi Thủ tướng Justin Trudeau của Canada tuyên bố rằng việc sử dụng cần sa để “giải trí” sẽ không còn bị luật pháp cấm nữa.

Ngoại trừ việc sử dụng cần sa cho mục đích y học, sử dụng cần sa phương hại đức tiết độ và nên tránh. Đức Ông Frank Leo, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada nói.

Đức Ông Leo cho biết sách giáo lý Công Giáo khoản 1809 dạy rằng “Tiết độ là nhân đức luân lý giúp chúng ta điều tiết sức lôi cuốn của những thú vui và giữ sự chừng mực trong việc sử dụng các của cải trần thế. Nó giúp gia tăng ý chí làm chủ các bản năng và kiềm chế các ham muốn trong những giới hạn của sự lương thiện. Người tiết độ quy hướng các thèm muốn giác quan của mình về điều thiện, giữ được sự cẩn trọng lành mạnh, và không chiều theo sức mạnh của mình mà bước theo các dục vọng của con tim. Đức tiết độ thường được ca tụng trong Cựu Ước: ‘Con đừng buông theo các tham vọng của con, nhưng hãy kiềm chế các dục vọng” (Huấn Ca 18:30).Trong Tân Ước, nhân đức này được gọi là ‘sự chừng mực’ hay ‘sự điều độ’. Chúng ta phải sống ‘chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này’ (Tt 2:12).”

Ngài nói thêm: “Nhân đức tiết độ, như được giải thích trong sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo,” đề nghị chúng ta tránh mọi loại dư thừa: sự lạm dụng thức ăn, rượu, thuốc lá hay thuốc men. “Một cách cụ thể, Giáo lý Công Giáo nhấn mạnh rằng việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, ngoại trừ trong các điều trị, đều là một “hành vi phạm tội nghiêm trọng” vì việc sử dụng các loại thuốc như thế gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của con người.

Sau khi Tu Chính Án về cần sa của chính phủ Canada nhận được sự phê chuẩn tại Thượng viện vào ngày 21 tháng 6, Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố việc sử dụng cần sa sẽ không còn bị cấm tại Canada nữa từ ngày 17 tháng 10.

Theo luật mới, người lớn có thể sở hữu tới 30 gram cần sa, được trồng tối đa bốn cây cần sa cho mỗi gia đình và có thể sử dụng cần sa để chế biến các thực phẩm. Trẻ em từ 12 đến 18 tuổi bị cấm sở hữu nhiều hơn năm gram (tức khoảng từ 7 đến 10 điếu thuốc lá cần sa). Cần sa cũng sẽ được bán trong các cửa hàng quy định.

Đức Cha Terrence Prendergast, Tổng giám mục Ottawa, cho biết: “Việc sử dụng các chất để tiêu khiển - dù là cần sa, hay các loại thuốc khác và thuốc phiện - là một phần trong sự tiêu thụ liên tục các chất làm cho con người né tránh những gì họ coi là gánh nặng và thách đố của cuộc sống.”

“Các giám mục, linh mục, giáo lý viên, và nhân viên chăm sóc mục vụ cho người trẻ sẽ cần phải giảng dạy về sự tiết độ và cách thức chúng ta đương đầu một cách khôn ngoan với cuộc sống và đưa ra các quyết định mà chúng ta phải thực hiện, chứ không phải là né tránh”, ngài nói.

“Chúng ta cũng cần có những hướng dẫn cho các cha giải tội để giúp các ngài đưa ra các hướng dẫn khôn ngoan trong vấn đề này, cũng như khi đề cập đến các vấn đề đương đại khác như bệnh dịch hình ảnh khiêu dâm”.

Đức Tổng Giám Mục cũng nhấn mạnh rằng cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn trẻ em tránh xa các loại rượu chè, cần sa và ma túy.

Trong năm 2017, Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada đã ban hành một tuyên bố về cuộc khủng hoảng các chất ma tuý và các chất gây nghiện; và phê phán ý định hợp pháp hóa cần sa là “không khôn ngoan” và “có khả năng gây hại” cho xã hội.

4. Các giám mục ngăn chặn một cuộc tắm máu.

Nhận được tin khoảng 500 tay súng cuả quân đội và cảnh sát đã được điều động từ thủ đô Managua đến Masaya vào lúc 5g sáng và chuần bị cho một cuộc tấn công tàn sát mới tại thành phố ‘nổi loạn’ này, thì thay vì tiếp tục kế hoạch cầu nguyện cho hòa bình đã dự tính vào ngày 21 tháng Sáu tại thủ đô Managua, toàn thể các giám mục cuả tổng giáo phận Managua và 30 linh mục, cùng với đức sứ thần toà thánh là tổng giám mục Waldemar Sommertag, đã cấp tốc đi Masaya để tìm cách ngăn chận cuộc tắm máu sắp xảy ra.

Trước năm 1979, Masaya, 150 ngàn dân, cách thủ đô 30 dặm về phiá Nam, từng là thành trì của cuộc cách mạng Sandinista do ông Ortega cầm đầu.

Là một du kích cánh tả, ông Ortega đã lãnh đạo đất nước từ năm 1979 cho đến năm 1990 và sau đó đã trở lại làm tổng thống từ năm 2007, ông hiện đang phục vụ nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của mình, với vợ là bà Rosario Murillo làm phó tổng thống.

Nhưng vào ngày 18 tháng 4, Nicaragua bắt đầu rơi vào một cuộc khủng hoảng tàn nhẫn nhất kể từ thập niên 80, bắt đầu bằng các cuộc biểu tình chống lại việc cải cách an sinh xã hội rồi trở thành tiếng kêu của dân chúng đòi hỏi sự thay đổi dân chủ. Các cuộc biểu tình đã bị cảnh sát đàn áp mạnh tay, nhưng vẫn lan truyền nhanh chóng và sự ủng hộ của Ortega và Murillo càng ngày càng suy yếu hơn. Cho đến nay, hơn 200 người đã bị sát hại trong các vụ đụng độ và ám sát, trong đó có một gia đình bị thiêu sống ở Managua.

Thành phố Masaya, một lần nữa đi tiên phong trong cuộc đối lập, vào đầu tuần này tuyên bố là một thành phố nổi dậy chống chế độ Ortega, và lập tức bị tấn công “không cân xứng” bởi các lực lượng cảnh sát và bán quân sự.

Các lực lượng ủng hộ chính phủ sử dụng súng AK47 và Dragunov để bắn tỉa cư dân dân sự của thị trấn, người đứng đầu Hiệp hội Nhân quyền Nicaragua, là Alvaro Leiva cho biết.

“Thật là đau đớn khi phải nhìn thấy anh em chúng tôi chết tất tưởi như thế, “ một cư dân địa phương ở khu phố Monimbo nói với thông tấn xã AFP, Monimbo là một khu dân cư bị chọn làm mục tiêu chính của chiến dịch tấn công.

“Nếu chúng tôi có vũ khí thì cuộc diện đã khác, nhưng cuộc tranh đấu này là rất bất bình đẳng. Xin hãy giúp chúng tôi chống lại những kẻ giết người đang lùng giết chúng tôi,” ông nói.

Một phóng viên AFP ở Monimbo báo cáo rằng người dân địa phương đã chống lại bằng bom săng tự chế và lực lượng chính phủ đã đốt cháy một số nhà.

Nhiều người đã chạy ra đường, khóc, quỳ xuống đất và vẫy cờ trắng.

Hơn 20 người đã thiệt mạng tại Masaya.

Các giám mục cuả Nicaragua, là cơ chế duy nhất còn được người dân Nicaragua tin tưởng, đã được giao nhiệm vụ vào tháng trước để làm trung gian cho cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa phe đối lập và chính phủ. Hội đồng giám mục Nicaragua đã triệu tập một cuộc đối thoại quốc gia. Vòng đàm phán mới nhất do các giám mục bảo trợ đã sụp đổ hôm thứ Hai. Các giám mục và phe đối lập cáo buộc chính phủ đã không thi hành thoả thuận là cho phép các tổ chức quốc tế đến điều tra bạo lực.

Vào thứ Năm vừa qua, các giám mục Nicaragua cho biết họ đi tới thành trì đối lập Masaya “để ngăn chặn một vụ thảm sát khác” sau khi nơi đó đã bị tấn công bởi các lực lượng trung thành với Tổng thống Daniel Ortega.

“Tôi muốn kêu gọi tới những người đến thành phố này để giết người, tôi muốn kêu gọi những tay súng bắn sẻ… Tôi muốn gọi điện cho Tổng thống Daniel Ortega và (Phó tổng thống và đệ nhất phu nhân) Rosario Murillo, là không nên có thêm một cái chết nào nữa ở Masaya, “ Đức Giám Mục phụ ta Silvio Baez Ortega nói với người dân địa phương bên ngoài nhà thờ St. Sebastian.

“Sự đau đớn ở Nicaragua là rất lớn”, Giám Mục Baez nói. “Những người không vũ trang đang bị tàn sát. Thành phố đang nằm trong tay những tên cướp. “

Khi các giám mục tiến vào Masaya, chuông nhà thờ của thành phố đã vang lên mà không dừng lại, không như các lần trước là để cảnh báo về sự xuất hiện của các đội ám sát cuả cảnh sát và quân đội, nhưng lần này là để loan báo một hy vọng. Việc xuất hiện cuả đức sứ thần và các giám mục trên bãi chiến trường là một việc làm cực kỳ nguy hiểm, nhưng khi nhìn thấy các giám mục diễn hành trên đường, toàn bộ dân chúng đã uà ra khỏi nhà và gia nhập. Tất cả cùng nhau, tiến bước trong im lặng, khiến cảnh sát và quân đội đã phải rút lui ra khỏi thành phố một cách vội vã.

Các giám mục đã rước Thánh Thể qua các đường phố, đi qua các chướng ngại vật và những cảnh hoang tàn cuả những cuộc tấn công trong quá khứ.

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes Solorzano của Managua bước vào đồn cảnh sát và nói chuyện với Ủy viên Ramón Avellán, từng bị cáo buộc đã chỉ đạo các cuộc tấn công vào dân thường. Ngài đưa ra một danh sách các tù nhân mà ngài muốn được thả.

Sau hơn một giờ, Đức Hồng Y đã thông báo cho dân chúng: “Ủy viên Avellán đã cam kết ngăn chặn tất cả bạo lực, tôi nói với ông ta rằng nếu điều này không xảy ra, tôi sẽ gọi cho ông sau”.

Còn đức cha Baez, Giám Mục Phụ Tá của Managua, thì nhắc nhở dân chúng rằng “có một điều răn của Thiên Chúa áp dụng cho tất cả mọi người: Bay chớ giết người”.

Trong dịp này đức sứ thần đã nói với mọi người: “Đức Thánh Cha đã được thông báo về những gì đang xảy ra ở Nicaragua”. Sau đó, ngài kêu gọi dân chúng ở Masaya không sử dụng bạo lực, thúc giục mọi người tin vào Chúa như một phương tiện để vượt qua bạo lực.

Người dân địa phương đã tuá ra đường, nhiều người quì gối khi đám rước Thánh Thể đi qua.

Theo lời của tờ báo đối lập La Prensa, thì các giám mục “vừa ngăn chặn một vụ thảm sát khác”.

5. Đức Hồng Y Nichols nói: “Giáo Hội không được dấu nhẹm những thất bại lớn”

Trong thư mục vụ của Tổng Giáo Phận Westminter được đọc trong các nhà thờ khắp giáo phận vào ngày Chúa Nhật, 24 tháng Sáu, Đức Hồng Y Vincent Nichols đã nhìn nhận có những thất bại trong Giáo Hội Công Giáo và rằng “Không có lỗi lầm hay sai phạm nào nên được che dấu”

“Thực ra, chúng ta đã học những bài học đau đớn, rằng cố tình dấu nhẹm những thất bại lớn, nhất là việc liên quan đến những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt sự bao che những thất bại và phản bội để nó tàn phá sứ vụ chia sẻ của chúng ta.

“Hôm nay, tôi bày tỏ sự đau buồn của tôi với những thất bại của chúng ta và tôi xin anh chị kiên nhẫn, chịu đựng và thật sự tha thứ.”

Trước đây Đức Hồng Y đã lưu ý rằng “qua nhiều thế kỷ một truyền thống tuyệt vời là duy trì lòng yêu mến thật sự đối với các linh mục và luôn sẵn sàng để nâng đỡ các ngài, qua thăng trầm của đời tận hiến, và tôi kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho các linh mục, và đặc biệt cho sáu tân linh mục sẽ được truyền chức thánh vào thứ Bẩy tới này.

Đức Hồng Y Nichols bắt đầu bức thư của ngài bằng việc ca ngợi Thánh Gioan Southworth, vị thánh tử đạo Công Giáo mà lễ kính của ngài được cử hành vào ngày 27 tháng Sáu. Thánh Southworth được truyền chức linh mục tại Chủng Viện Anh ở Douai, miền Bắc nước Pháp, mà năm nay sẽ mừng kỷ niệm thứ 450.

“Chủng viện này là một phần rất quan trọng cho sự sống còn và di sản của Giáo Hội, trước tiên là chủng viện Thánh Edmund ở Ware, Hertfordshire và đến Allen Hall, chủng viện của giáo phận của chúng ta.”

“Trong những tháng tới, kỷ niệm chủng viện Douai và tưởng nhớ rất nhiều các linh mục tử đạo, chúng ta sẽ cố gắng canh tân nhiệm vụ và mục đích linh mục của chúng ta.”

6. Thêm một vụ án được Tòa Tối Cao Hoa Kỳ lật ngược

Tòa Tối Cao Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã hủy bỏ án lệnh của tòa tiểu bang Washington chống lại người làm hoa là bà Barronelle Stutzman vì đã từ chối làm hoa cho đám cưới của một cặp đồng tính vào năm 2013.

Tóa Tối Cao Hoa Kỳ đã trả vụ án lại cho Tòa Tối Cao bang Washington cùng với sự hướng dẫn phải xét vụ án dưới ánh sáng của quyết định vụ án Masterpiece Cakeshop vào đầu tháng trước.

Được biết vụ án Masterpiece Cakeshop, Tòa Tối Cao Hoa Kỳ đã đứng về phía người làm bánh Jack Phillips, là một Kitô hữu, đã từ chối làm bánh cưới cho cặp đồng tính. Tòa Tối Cao Hoa Kỳ phán quyết rằng Ủy Ban Nhân Quyền Calorado đã chứng tỏ sự thù nghịch không thể chấp nhận được đối với tôn giáo trong việc giải quyết vụ án đó.

Các luật sư của bà Stutzman đã lập luận rằng một sự thù hận tương tự chống lại tôn giáo cũng phơi bày ra trong việc xử kiện Stutzman bởi công tố viên ở Washington.

Kristen Waggoner, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo Vệ Tự do, nhóm bảo vệ cho cả hai vụ án Phillips và Stutzman nói rằng “Trong lúc công tố viên đã thất bại trong việc khởi tố một doanh nghiệp đã bị khiển trách và phân biệt đối xử chống lại khách hàng Kitô hữu, thì ông ta đã cứ nhất định tự mình theo đuổi các biện pháp chưa bao giờ có tiền lệ để phạt Barronelle, không chỉ trong phạm vi là một chủ cơ sở doanh nghiệp mà còn trong phạm vi cá nhân của bà.”

“Trong vụ án Masterpiece Cakeshop, Tòa Tối Cao đã lên án việc áp dụng loại luật tùy tiện, một chiều, phân biệt đối xử chống lại những người có đức tin. Cũng thế, trong lời tóm tắt mà công tố viên nôp trong vụ kiện Barronelle, ông ta đã nhiều lần nhắc lại và coi thường niềm tin của bà. Ông này đã so sánh niềm tin tôn giáo của bà về hôn nhân, mà Tòa Tối Cao nói rằng niềm tin tôn giáo ấy là “hợp lệ và đáng tôn trọng”, với sự phân biệt chủng tộc. Điều này mâu thuẫn với sự công nhận của Tòa Tối Cao trong vụ Masterpiece Cakeshop rằng không thích hợp cho chính quyền để đi song song giữa niềm tin tôn giáo và “bảo vệ nô lệ”

Vụ án ở Washington tập trung vào bà Barronell Stutzman, 73 tuổi là chủ nhân của tiệm hoa Arlene’s Flowers ở Richard, Washington.

Vào năm 2013, Rob Ingersoll, là bạn và là khách hàng của bà đã nhờ bà làm hoa cho đám cưới đồng tính của hắn.

Bà Stutzman biết rõ Ingersoll là một người đồng tính, luôn vui mừng khi bà làm hoa cho hắn vào những dịp sinh nhật hay những dịp đặc biệt khác.

Tuy nhiên, bởi vì bà tin rằng hôn nhân là một dấu ấn về sự liên hệ giữa Đức Kitô và Giáo Hội, vì thế bà bảo Ingersoll rằng bà không thể làm hoa cưới cho một đám cưới đồng tính.

Ingersoll lúc đầu nói rằng hắn hiểu bà và nhờ bà chỉ cho một người làm hoa khác. Nhưng sau đó ít lâu, người tình của hắn viết trên mạng xã hội rằng bà Stutzman từ chối tham gia đám cưới và thế là tin được mau chóng lan ra. Chẳng bao lâu sau đó, bà được báo là bà bị kiện bởi công tố viên của bang Washington và ACLU ( tạm dịch là Hiệp hội Tự Do dân quyền Mỹ).

Bà Stutzman là một tín hữu Tin Lành (Southern Baptist) đã nói rằng bà quan niệm làm hoa cho lễ cưới không chỉ là một việc làm. Bà bỏ nhiều tháng, có khi cả năm trời để tìm hiểu xem cô dâu chú rể muốn gì chuyển tải trong những lãng hoa ấy.

Bởi vì làm hoa cho đám cưới là một lao động mang tính yêu thương vì thế bà cảm thấy lương tâm bà không cho phép để làm hoa cho một đám cưới đồng tính.

Vào tháng Hai năm 2017, Tòa tối Cao bang Washington đã duy trì phán quyết của tòa dưới chống lại bà, thế là bà Stutzman lại kháng án lên Tòa Tối Cao Hoa Kỳ.

Trong khi sự thiệt hại thực sự mà cặp đôi đồng tính đòi bồi thường chỉ là $7, chi phí lái xe tới tiệm làm hoa khác, thì bà Stutzman rất có thể phải trả đến hơn $1 triệu để trả án phí cho gần một tá cái đám luật sư của ACLU chống lại bà trong vụ án. Như thế tài sản gồm nhà cửa, tiệm hoa, tiền để dành và những tài sản cá nhân khác của bà bị đe đọa phải bán vì vụ án này.

Qua bốn năm rưỡi, bà Stutzman nói rằng bà đã nhận được rất nhiều khuyến khích và ủng hộ của nhiều người, hội đoàn từ 58 quốc gia trên thế giới, nhưng cũng có những đe dọa chết người nên bà đã phải gắn hệ thống an toàn và thay đổi lộ trình hàng ngày của bà.

Trong một công bố vào đầu tháng này, bà Stutzman nói rằng bà phục vụ tất cả khách hàng, nhưng không thể tạo ra một sản phẩm mà nó đi ngược với niềm tin tôn giáo sâu xa của bà.

Bà nói rằng công tố viên ở Washington đã “ luôn phớt lờ cái phần này trong vụ án của tôi, cố tình phỉ báng tôi và niềm tin của tôi mà lẽ ra phải tôn trọng niềm tin tôn giáo của tôi về hôn nhân. Khi tòa án tiểu bang ra phán quyết chống lại tôi do công tố viên yêu cầu, tôi đã viết cho ông lá thư yêu cầu ông “ hãy bỏ” những thỉnh nguyện cá nhân mà nó có nguy cơ sẽ tước đi “ nhà cửa, doanh nghiệp và những tài sản khác của tôi”, nhưng ông ta đã không làm giúp tôi. Đối với ông, vụ án này là một ví dụ điển hình của tôi – nghiền nát tôi, tất cả chỉ vì ông ta không đồng ý với những gì tôi tin về hôn nhân.”

7. Tôn giáo ngày càng bị cấm cách trên thế giới.

Theo một tường trình vừa được phổ biến của viện nghiên cứu Pew thì những hạn chế của chính quyền về tôn giáo tiếp tục gia tăng trên toàn cầu vào năm 2016 dẫn đến căng thẳng tôn giáo với các đảng phái và các tổ chức chủ nghĩa dân tộc.

Bản tường trình viết “Điều này đánh dấu năm thứ hai trong một loạt gia tăng việc hạn chế tôn giáo trong mức độ tổng quát bị áp đặt bởi chính quyền hay các tổ chức khác trong 198 quốc gia được nghiên cứu của viện.”

Cuộc nghiên cứu khám phá ra rằng 42 phần trăm các quốc gia đã có việc hạn chế về tôn giáo ở mức độ cao, bao gồm những hành động thù nghịch bởi chính quyền hay các tổ chức khác. Con số đã gia tăng từ 40 phần trăm vào năm 2015 và 29 phần trăm và năm 2007.

“Điều này đánh dấu con số lớn nhất những quốc gia trong danh sách đứng đầu kể từ khi trung tâm nghiên cứu Pew bắt đầu phân tích những cấm cách đối với tôn giáo vào năm 2007.”

“Những nước có mức độ cấm cách “cao” và “rất cao” từ phía chính quyền…tăng từ 25 phần trăm vào năm 2015 tới 28 phần trăm vào năm 2016. Trong khi những nước có mức đô quấy phá “cao” và “rất cao” từ phía những tổ chức thù địch với tôn giáo… thì vẫn giữ nguyên mức độ vào năm 2016 là 27 phần trăm.

Những nước ở Trung Đông và Bắc Mỹ thì có mức độ cấm cách tôn giáo trung bình cao nhất từ phía chính quyền, trong khi các nước ở Âu Châu và Mỹ Châu thì chỉ ở từng khu vực có mức độ trung bình gia tăng từ phía những tổ chức thù địch tôn giáo.

8. Quan sát viên Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc phàn nàn rằng công nghệ kỹ thuật số mới đang được xử dụng để gây bạo lực đối với phụ nữ

Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovic, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã đưa vấn đề bạo lực đối với phụ nữ trong một cuộc họp của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 20 tháng Sáu.

Tòa Thánh đã đưa ra cảnh báo rằng những phương tiện truyền thông và công nghệ kỹ thuật số mới đang bị lợi dụng để gây bạo lực và ngược đãi đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovic, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã phát biểu rằng “Bạo lực chống lại phụ nữ tiếp tục là một mối quan tâm lớn về nhân quyền trong thời đại của chúng ta.”

“Dù đã có những tiến bộ nhất định, bạo lực đối với phụ nữ và các trẻ gái, trong nhiều hình thức khác nhau và hoàn cảnh khác nhau, vẫn tiếp tục là một tai họa nghiêm trọng trong mọi tầng lớp của xã hội.”

Ngài nhấn mạnh rằng bạo lực thường gây ra những vết thương sâu xa và những hậu quả kéo dài gây xáo trộn sâu rộng trong cuộc đời của những cô gái trẻ, bà vợ, bà mẹ và công nhân.

Đức Tổng Giám Mục Jurkovic bày tỏ cảnh báo rằng sự ngược đãi phụ nữ càng tăng thêm do việc lợi dụng các phương tiện hiện đại về truyền thông và những công nghệ kỹ thuật mới này vẫn bất lực trong việc bảo vệ chính đáng nhân phẩm phụ nữ cũng như sự riêng tư và quyền tự do bày tỏ của họ.

Ngài nói rằng đây là thời gian cao điểm thuận lợi để ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt, qua việc xử dụng hàng ngày các mạng xã hội không được bảo vệ có hiệu quả và các ứng dụng trên mạng khác nhau.

Ngài phàn nàn rằng thay vì đưa ra những dụng cụ quan trọng nhằm xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử cũng như sự bất bình đẳng căn bản và bạo lực đối với phụ nữ, thì kỹ thuật số lại thực sự trở thành một công cụ để gây ra những hình thức mới của bạo lực và lạm dụng đối với phụ nữ.

Quan sát viên của Tòa Thánh lưu ý rằng để đạt được sự tôn trọng đầy đủ phẩm giá của phụ nữ thì không chỉ đơn thuần là lên án bạo lực. Nhưng đòi hỏi nhiều nỗ lực mạnh mẽ và giáo dục để biết tôn trọng người khác, để nâng cao nhận thức, đặc biệt trong những thế hệ mới, về giá trị của một cuộc đối thoại đúng đắn, trong đó hiểu được đúng đắn về con người và về phẩm giá của họ là điều kiện tiên quyết dẫn đến cuộc trao đổi thực sư có hiệu quả giữa con người với nhau.