Ngày 02-07-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lịch phụng vụ tháng 7
Lm Anphong Trần Đức Phương
07:38 02/07/2013
LỊCH PHỤNG VỤ THÁNG 7/2013

Trong Tháng Bẩy này, chúng ta sẽ mừng Lễ Chúa Nhật 14,15,16,17 Thường Niên (Năm C), và Lễ Thánh Gicôbê Tông Đồ, Lễ kính Thánh GioanKim và Thánh Anna, là cha mẹ của Đức Maria.

Chúa Nhật 14 THƯỜNG NIÊN (Ngày 7/7):

Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Luca 10:1-12,17-20), ghi lại việc Chúa Giêsu chọn thêm 72 người (sau khi đã chọn 12 người mà sau này sẽ là Tông Đồ nòng cốt của Giáo Hội lúc ban đầu, trừ Giuđa Iscariốt), và sai các ông đi từng 2 người đến các thành mà Chúa Giêsu sẽ đến sau; đồng thời Chúa Giêsu cũng bảo các ông "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít" và Chúa Giêsu bảo các ông hãy cầu nguyện xin "Chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người." Rồi Chúa Giêsu căn dặn các ông hãy ý tứ trong khi đi rao giảng để dọn đường cho Chúa. Chúa Giêsu nói: "Thầy sai các con đi như chiên giữa sói rừng!" và Chúa Giêsu ra chỉ thị cho các ông những điều phải giữ và những điều phải làm trên đường truyền giáo." Bài Đọc 1 (Isaia 66: 10-14) nói lên niềm vui của Dân Chúa được sống trong thành Giêsusalem, thành đô của Dân Chúa, và Chúa chúc lành và ban bình an cho họ và bảo họ hãy vui mừng lên trong Thiên Chúa. Trong Bài Đọc 2 (Galata 6:14-18), Thánh Phaolô tâm tình với chúng ta về đời sống thiêng liêng của Ngài: "Ngài hoàn toàn sống theo con đường Thánh Giá của Chúa Giêsu Kitô.... Ngài luôn mang trong mình Thánh Giá của Chúa Giêsu!" Rồi Ngài Chúc lành cho tất cả các tín hữu : "Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng anh chị em, Amen!"

Chúa Nhật 15 THƯỜNG NIÊN (Ngày 14/7):

Trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Luca 10: 25-37), Chúa Giêsu kể Dụ Ngôn rất hay, thường được gọi là Dụ Ngôn "Người Samaritanô Tốt Lành."

Chúa Giêsu kể Dụ Ngôn này để cho chúng ta hiểu được thực tế "ai là người anh em thật sự của chúng ta." Câu chuyện như sau: Khi một thầy Thông Luật hỏi Chúa Giêsu "Tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu bảo ông hãy sống theo lề luật dạy là " yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương yêu anh em như chính mình." Rồi để trả lời câu ông hỏi "Ai là anh em của tôi?" Chúa Giêsu đã kể Dụ ngôn "Người Samaritanô Tốt Lành," như sau: " Một người đi từ Gierusalem xuống Giêricô và bị bọn cướp bóc lột hết của cải, lại còn đánh cho gần chết. Một thầy Tư Tế và rồi một thầy Trợ Tế đi qua trông thấy nhưng bỏ đi ngay. Trái lại người Samaritanô, dù chỉ là một người dân bình thường và là người ngoại bang (không phải là người Do Thái), khi thấy cảnh tượng đáng thương đó, đã dừng lại băng bó vết thương cho nạn nhân, đưa vào quán trọ, lại còn đưa tiền cho chủ quán để tiếp tục săn sóc cho nạn nhân cho đến khi ông trở lại.

Sau khi kể dụ ngôn xong, Chúa Giêsu hỏi thầy Thông Luật "Trong ba người đó, ai là người anh em của nạn nhân?" Thầy Thông luật trả lời "Kẻ đã có lòng xót thương nạn nhân," và Chúa Giêsu nói với thầy Thông Luật (cũng như mọi người chúng ta) : "Ông hãy đi và làm như vậy!"

Danh từ "Người Samaritanô Tốt Lành" đã đi vào văn chương nhân loại, để chỉ những ai biết thương yêu săn sóc những người đau khổ, những nạn nhân trên thế giới, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo...

Bài đọc 1 (Đệ Nhị Luật 30:10-14) ghi lại những lời được ghi trong Sách Luật là "hãy vâng giữ các lề luật của Chúa và yêu mến Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng, hết linh hồn ngươi."

Trong Bài Đọc 2 (Thơ Côlôssê 1:15-20), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hãy tin tưởng vững chắc "Chính Chúa Giêsu là người thật nhưng cũng là Thiên Chúa thật, đã có từ trước muôn đời, đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta, và đã sống lại và lên trời vinh hiển, và là đầu thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh."

Chúa Nhật 16 THƯỜNG NIÊN (Ngày 21/7):

Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Luca 10: 38-42) nói về việc Chúa Giêsu và các Tông Đồ đến thăm gia đình bà Martha và bà Maria. Bà Martha đã bận rộn làm đồ ăn để thiết đãi khách, còn "bà Maria thì cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người." Vì thế bà Martha đã phàn nàn với Chúa " Sao Thày không bảo em con giúp con với!" Chúa Giêsu đã nói với bà Martha "Con lo lắng về nhiều chuyện quá, chỉ cần một chuyện mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và không bị ai lấy mất!"

Có nhiều nhà chú giải đã hiểu là Chúa Giêsu có ý muốn nhấn mạnh rằng việc lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành là rất quan trọng trong đời sống thiêng liêng. Cũng có những nhà chú giải hiểu là Chúa Giêsu có ý muốn nhấn mạnh về đời sống hoạt động tông đồ là quan trọng; nhưng đời sống âm thầm cầu nguyện là quan trọng hơn.

Vậy chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết hăng say làm việc tông đồ cho Chúa; nhưng những việc tông đồ cần có sự cầu nguyện đi kèm theo mới thành công; vì mọi công việc tông đồ của chúng ta phải có ơn Chúa giúp mới đạt được kết quả .

Trong Bài Đọc 2 (Côlôssê 1:24-28), Thánh Phaolô nói cho chúng ta về biết về đời sống tông đồ của Ngài (để rao giảng lời Chúa và thánh hóa chúng ta và làm vinh danh Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu), luôn đi kèm với những đau khổ mà Ngài "vui sướng phải chịu vì chúng ta."

Bài Đọc 1 (Sách Sáng Thế 18:1-15) nói về việc Thiên Chúa báo tin cho ông Abraham và bà Sara biết là " Bà Sara, vợ ông, sẽ thụ thai và sinh một người con trai, dù hai ông bà đã đến tuổi già và Sara đã hết thời kỳ sinh đẻ ; vì đối với Thiên Chúa không có gì là Thiên Chúa không làm được!"

LỄ THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ (Ngày 25/7):

Hôm nay chúng ta mừng lễ kính Thánh Giacôbê Tông Đồ. Thánh Gicôbê là anh em với Thánh Gioan Tông Đồ, và cả hai là con của ông Giêbêđê và bà Salômê (Matcô 15:40; Matthêu 27:59). Thánh Giacôbê mà chúng ta mừng lễ hôm nay là vị Tông Đồ chịu tử đạo đầu tiên tại Giêrusalem dưới thời Herôđê Agrippa Đệ Nhất, vào khoảng năm 42 hoặc 44 (Theo sách Công Vụ Tông Đồ 12:2-3).

Các Bài Đọc: Bài Đọc 1 (2Côrinthô 4:7-15); Bài Phúc Âm (Matthêu 20:20-28).

LỄ THÁNH GIOANKIM VÀ ANNA (Ngày 26/7)

Thánh Gioankim và Anna là cha mẹ của Đức Maria. Bài Đọc 1 (Sách Huấn Ca 44:1,10-15) Bài Phúc Âm (Matthêu 13: 16-17).

Chúa Nhật 17 THƯỜNG NIÊN (Ngày 28/7):

Trong Bài Phúc Âm Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay (Luca 11:1-13), Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha và nhấn mạnh Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ngài sẵn sàng nghe chúng ta cầu nguyện với Ngài như người cha nhân từ của chúng ta và Ngài ban cho chúng ta mọi ơn cần thiết phần hồn phần xác. Chúa Giêsu nói " Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho."

Theo kinh Lạy Cha thì "cầu nguyện không phải chỉ để xin ơn, nhưng trước hết cầu nguyện là để thờ lạy Chúa là cha chúng ta, cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành Chúa đã ban cho chúng ta phần hồn phần xác, nhất đã cho chúng ta "sinh ra làm người, cho chúng ta vào Hội Thánh Chúa qua Bí Tích Rửa Tội." (Chúng ta nhớ lại kinh Cám Ơn mà chúng ta thường đọc vào giờ cầu nguyện ban sáng và ban tối.) Rồi ăn năn xin Chúa tha thứ những tội lỗi cho chúng ta ; sau đó xin Chúa ban cho chúng ta những điều cần thiết để sinh ơn ích cho phần hồn, phần xác chúng ta.

Có một điều quan trọng đó là cầu nguyện không phải là để " xin Chúa theo ý chúng ta; nhưng để chúng ta biết nhận ra thánh ý Chúa và thực thi thánh ý Chúa."

Trong Bài Đọc 2 (Côlôssê 2:12-14), Thánh Phaolô dạy chúng ta là: "Chúng ta đã chịu phép Rửa Tội tức là "đã được mai táng làm một với Đức Kitô, chúng ta cũng được sống lại với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng đã cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại..." Bài đọc 1 (Sáng Thế 18: 20-32) ghi lại việc Thiên Chúa định thiêu hủy hai thành Sôđôma và Gômôra vì tội lỗi khủng khiếp của họ và Tổ Phụ Abraham đã xin Chúa tha thứ cho họ.

Tóm lại, các Bài đọc trong Chúa Nhật hôm nay dạy chúng ta biết về việc cầu nguyện, về sự quan trọng và sức mạnh của sự cầu nguyện để thánh hóa bản thân và làm việc Tông Đồ.Xin Chúa là Cha nhân từ, nhờ lời Đức Mẹ , Thánh Giuse, các Thánh Tử Đạo Việt Nam và các Thánh chuyển cầu, ban hòa bình cho thế giới, cho tòan thể Giáo Hội, cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam, cho gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta, cho mỗi ngừơi chúng ta, Amen. Alleluia!
 
Chân dung Thánh Tômasô Tông Đồ
Trầm Thiên Thu
16:56 02/07/2013
Ngày 3 tháng Bảy hằng năm là ngày mừng kính Thánh Thomas, vị Tông đồ “nổi tiếng” là có lòng cứng như sáp nguội. Thánh Thomas có biệt danh là “Thomas Đa Nghi”, còn được gọi là Điđymô (nghĩa là “sinh đôi), phiên âm theo Việt ngữ là Thọ-mai.

Có lần Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi” (Ga 14:1-4). Thánh Thomas hồn nhiên hỏi: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14:5-6). Và rồi Chúa Giêsu nói câu nổi tiếng: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6).

Khi nghe các Tông đồ khác kể lại việc họ đã tận mắt gặp Chúa Giêsu phục sinh, Thánh Thomas đã không tin. Khi Chúa Giêsu hiện ra lần nữa, cũng có mặt Thánh Thomas ở đó, Chúa Giêsu bảo ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20:27). Chắc chắn Thánh Thomas không dám sờ vào, mà chỉ còn biết cúi đầu, sụp lạy và tuyên xưng: “Lạy Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28). Câu này trở thành câu tuyên tín minh nhiên trong Tân ước.

Tội nghiệp Thánh Thomas! Ngài bị “chết” với cái mác “Thomas đa nghi”. Nhưng nếu ngài không nghi ngờ thì ngài cũng tin. Câu tuyên xưng đức tin của Thánh Thomas đã cho các Kitô hữu một lời cầu nguyện mãi mãi đến tận thế. Thánh Thomas cũng gợi ra một lời khen của Chúa Giêsu dành cho các tín hữu: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Đó là mối phúc thứ 9.

Truyền thống nói rằng Thánh Thomas đã ra khỏi biên giới Đế quốc Rôma để rao giảng Tin Mừng, đi xa tới tận Ấn Độ. Ngài tới Muziris (Ấn Độ) năm 52 và rửa tội một số người mà ngày nay vẫn gọi là “Kitô hữu của Thomas” (Saint Thomas Christians, tiếng Ấn Độ là “Mar Thoma Nasrani” hoặc gọi tắt là “Nasrani”). Sau đó, Thánh Thomas bị đâm chết bằng cây thương dài ở Ấn Độ, thi hài ngài được đưa tới Mesopotamia hồi thế kỷ III, và rồi lại được chuyển tới nhiều nơi khác. Năm 1258, người ta đưa hài cốt ngài tới Abruzzo, thuộc Ortona (Ý), trong một nhà thờ, và người ta gọi là Nhà thờ Thánh Thomas Tông đồ. Thánh Thomas được tôn vinh là Thánh bổn mạng của Ấn Độ, và tân ngài vẫn “nổi tiếng” trong số các “Kitô hữu của Thomas” ở Ấn Độ.

Thánh Thomas có tiếng là người can đảm, vì dám rủ các bạn cùng chết với Sư Phụ. Có thể điều ngài nói là mạnh mẽ, quyết liệt, nhưng có thể ngài chỉ do bộc phát, do thẳng tính, nghĩ sao nói vậy, chứ chưa hẳn ngài đã dám liều mạng thật khi bày tỏ sự sẵn sàng chết với Chúa Giêsu – vì khi Thầy Giêsu bị bắt thì cũng chẳng thấy tăm hơi Thánh Thomas đâu. Nhưng dù sao cũng thật đáng khen, và đáng làm gương cho chúng ta.

Cơ hội là khi Chúa Giêsu đề nghị đi tới Bêtania sau khi Ladarô đã chết. các Tông đồ không trở lại Giuđê, vì người Do-thái tìm cách ném đá Chúa Giêsu. Bêtania gần Giêrusalem, nghĩa là phải đi bộ ngay giữa lòng quân thù và hầu như là chết chắc! Nhận ra điều này, Thánh Thomas đã nói với các bạn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga 11:16). Thánh Thomas can đảm lắm! Tuy bản tính đa nghi, nhưng một khi đã tỏ tường thì Thánh Thomas tin thật, không gì lay chuyển.

Thánh Thomas là bổn mạng của những người đa nghi, những người mù, các kiến trúc sư, các thợ xây, các nhà thầu xây dựng.
 
Powerpoint Chúa Nhật 14 Quanh Năm năm C - 14th Ordinary Sunday Year C
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
18:41 02/07/2013
 
Sứ mạng của người môn đệ
Jos.Vinc. Ngọc Biển
21:27 02/07/2013
Sứ mạng của người môn đệ

(Chúa Nhật 14 Thường Niên C)

Đức Giêsu được Chúa Cha sai xuống trần gian để thực thi sứ vụ loan báo về Nước Trời và mời gọi mọi người tin để được cứu độ. Vì thế, đây chính là mối bận tâm hàng đầu của Ngài. Mối ưu tư đó được thể hiện rất rõ qua bài Tin Mừng hôm nay, khi thầy trò đang đi qua cánh đồng; “tức cảnh sinh tình”, Ngài nhìn các môn đệ và chỉ ra đồng lúa đã chín vàng rồi cất tiếng nói: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúa về.” (Lc 10,2). Ngay sau đó, Đức Giêsu đã sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng.

1. Sứ mạng tông đồ

Trong thời Cựu Ước, sứ mạng này thuộc về các ngôn sứ, thủ lãnh và các vua chúa. Các ngài là những trung gian để nói lời của Thiên Chúa cho dân; đồng thời cũng là những người chuyển cầu lên Chúa những nhu cầu của dân…

Thật vậy, Bài đọc I hôm nay cho chúng ta thấy: Tiên tri Isaia loan báo cho dân về một giai đoạn tự do. Dân không còn bị lệ thuộc trong thân phận nô lệ bên Babylon nữa, bởi vì vua Ba Tư đã ký và cho phép dân Israel hồi hương, kết thúc giai đoạn lưu đày. Tuy nhiên, lòng dân vẫn chưa thấy bình an, nỗi lo vẫn còn đó...! Biết được sự trăn trở của họ, Tiên tri Isaia đã trấn an họ bằng việc loan báo Chúa sẽ ban bình an và vinh quang cho Giêrusalem. Bổn phận của họ là kiên trì và tin tưởng vào Người. Cuối cùng là lời hứa cho những ai đặt trọn niềm cậy trông nơi Chúa, họ sẽ được no nê, sung sướng, bình an, được vỗ về, an ủi và nâng niu. Giống như người mẹ yêu thương con mình thế nào, Thiên Chúa cũng yêu thương dân của Người như vậy.

Sang Bài đọc II, Thánh Phaolô nêu lên cốt lõi của niềm tin và lời rao giảng nơi người môn đệ chính là Mầu nhiệm Thập Giá của Đức Kitô.

Nếu thành Giêrusalem trong thời Cựu Ước là niềm hy vọng, là sự bình an của dân Israel, thì sang thời Tân Ước, chính thập giá của Đức Kitô mới đem lại ơn cứu độ thực sự cho dân Ngài.

Thật vậy, Thánh Phaolô đã mạnh dạn tuyên bố niềm xác tín đó của mình khi nói: “Trong khi người Dothái đòi dấu lạ, và người Hylạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô đã bị đóng đinh vào thập giá, cớ vấp phạm cho người Dothái, sự điên rồ đối với người dân ngoại (Hylạp).” (1 Cr 1,22-23).

Không chỉ nói, mà cả cuộc đời của ngài diễn tả niềm vui vì được kết hợp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh: “Đối với tôi, không một vinh quang nào khác ngoài vinh quang thập giá Đức Kitô.”

Như vậy, nội dung của lời rao giảng nơi Thánh Phaolô chính là Thập giá Đức Kitô. Lời loan báo này đi ngược lại với lối hiểu và niềm hy vọng của con người, cho nên khi thi hành sứ mạng ấy, người môn đệ không thể nào tránh khỏi những cám dỗ về quyền hành, tiền bạc và danh vọng; đồng thời những khó khăn về địa lý, về tâm thức, cũng như bị chống đối vì hiểu lầm, bị bắt bớ và đe doạ cả đến tính mạng là điều luôn luôn xảy ra đối với đời sống tông đồ. Người môn đệ Đức Kitô muốn thoát ra khỏi những thứ đó để vẫn rao giảng cách trung thành và toàn diện về một Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất thì phải có một tinh thần tông đồ sâu sắc.

2. Tinh thần tông đồ

Sang bài Tin Mừng, khi đã gợi hứng cho các môn đệ về sứ vụ loan báo Tin Mừng qua hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng, trước hết, Đức Giêsu bắt đầu sai họ ra đi để thu hoạch cho Ngài. Ngài sai “cứ từng hai người” một. Khi sai các môn đệ đi từng hai người một, Đức Giêsu muốn cho các ông hiểu rằng: khi loan báo về Nước Trời, thì trước tiên phải có sự hiệp thông; mặt khác, khi sai các ông đi từng cặp như vậy, Đức Giêsu trang bị cho các ông một điểm tựa, điểm tựa ấy là sự thật, bởi vì lời chứng của hai người là sự thật.

Khi đồng tâm nhất trí với nhau trong cùng một lời nói, cùng chia sẻ với nhau trong cùng một nội dung của lời giảng, người môn đệ đem lại cho con người niềm hy vọng. Niềm hy vọng này bắt nguồn từ truyền thống của dân Israel thời Cựu Ước.

Thứ đến, Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ thấy trước những khó khăn thử thách, những rào cản trên cuộc hành trình ấy: “Thầy sai các con đi như chiên con đi giữa bầy sói.” (Lc 10,3). Ngài nói trước những khó khăn như vậy để cho các ông thấy rằng, trong khi loan báo về Nước Trời, không thiếu những kẻ không muốn vào mà lại còn tìm cách ngăn cản không cho những người khác được vào và khi ấy họ sẽ tìm cách triệt hạ những người được mời gọi. Chiên thì hiền lành mà sói thì hung dữ. Cuộc sống và hành trình này không phải lúc nào cũng xuôi trèo mát mái, mà luôn gặp phải những bão táp cuồng phong. Khi đưa ra hình ảnh của “chiên” và “sói”, Đức Giêsu muốn dạy cho người môn đệ bài học về sự kiên trì, chịu đựng, và trong mọi hoàn cảnh họ phải sống đúng bản chất của mình là “chiên” chứ không phải là “sói”, để yêu thương ngay cả kẻ thù của mình nữa.

Tiếp theo, tinh thần siêu thoát nhẹ nhàng là hành trang của người môn đệ. Trên hành trình ấy, Đức Giêsu không chấp nhận người môn đệ mang những thứ cồng kềnh. Bởi vì những thứ đó sẽ làm cho người môn đệ sinh ra nặng nề và đôi khi bỏ cuộc chỉ vì những chuyện phụ thuộc như “củ hành củ tỏi”. Vì thế, Ngài nói:“Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép...”. Các môn đệ phải sống nghèo thực sự. Có sống nghèo, các ngài mới có sự cảm thông, liên đới, mới dám chấp nhận tất cả vì sứ mạng.

Hơn nữa, loan báo về Nước Trời phải là một sự cần kíp, cấp bách đến độ phải ưu tiên hàng đầu. Vì thế, Đức Giêsu căn dặn các ông rằng “đừng chào hỏi ai dọc đường”. Ngài sai các ông lên đường với một mệnh lệnh khẩn trương, đòi hỏi người môn đệ phải nhanh nhẹn. Khi truyền cho các ông như thế, Đức Giêsu muốn dạy các ông rằng: khi loan báo Tin Mừng, không được quan tâm đến những chuyện bên lề quá nhiều để rồi quên đi việc chính yếu.

Cuối cùng, là tinh thần kiên nhẫn. Phải chăng chính Đức Giêsu đã cảm nghiệm sâu sắc khi người dân quê của Ngài nói: ông ấy chẳng phải là con bà Maria hay sao, cha ông ta lại không phải là bác thợ mộc…? Rồi biết bao những chống đối, ngờ vực, không tin, bị bắt bớ, đánh đòn nữa… Vì vậy, Ngài nói: “Vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón…”. Chúa muốn dạy cho các ông phải có tinh thần kiên trì, chịu đựng, không được nóng vội.

Như vậy, Đức Giêsu căn dặn, cảnh báo cho các ông tất cả những đức tính cần phải có nơi người môn đệ, đồng thời những khó khăn các ông sẽ gặp trên hành trình loan báo ấy, rồi đến lượt chúng ta, chúng ta loan báo bằng cách nào?

3. Sứ mạng tông đồ của mỗi chúng ta

Khi sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu muốn cho mỗi người chúng ta được tham dự vào sứ mạng ngôn sứ phổ quát của Ngài. Sứ mạng ấy được khởi đi từ lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15). Từ đó, chúng ta xác định căn tính truyền giáo thuộc về chúng ta. Bao lâu chúng ta không truyền giáo, thì bấy lâu ta đánh mất bản chất của mình. Nói như Thánh Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng.” (1 Cr 9,16). Nỗi lòng thao thức của Đức Giêsu - “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít…” - phải là lời chất vấn lương tâm mỗi chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta cùng đồng lòng và cảm nghiệm với Đức Giêsu trước những cánh đồng bao la đang độ chín vàng… Tham gia vào sứ mạng truyền giáo là chúng ta đang đóng góp cho Giáo Hội những viên gạch, hạt cát để xây nên tòa nhà Giáo Hội, nơi đó là niềm vui, hạnh phúc và bình an.

4. Cách thức loan báo Tin Mừng

Thiết nghĩ, trong cuộc sống của con người thời nay, niềm tin của họ đang bị đánh cắp hay bị đặt sai chỗ bởi những chủ thuyết tương đối, dẫn đến tình trạng bình thường hoá mọi mặt, kể cả những giá trị đạo đức, những chân lý đức tin. Đứng trước thực trạng trên, chúng ta có bổn phận phải trở nên ánh sáng cho trần gian và muối ướp cho đời.

Nếu muối có tác dụng làm tăng vị cho thức ăn, ướp cho khỏi hư thối, thì người Kitô hữu cũng phải có bổn phận trở nên chứng nhân của sự thật, một sự thật sẵn sàng sống chết để bảo vệ cho chân lý.

Nếu ánh sáng để soi sáng cho người ta đi đường và giúp tìm ra những thứ ở trong bóng tối thế nào, thì người Kitô hữu truyền giáo cũng phải trở nên ánh sáng, gương mẫu cho mọi người như vậy.

Sứ mạng truyền giáo ấy khởi đi từ trong gia đình: chồng làm chứng cho vợ, vợ làm chứng cho chồng. Cha mẹ nêu gương sáng cho con cái. Bạn bè sống tốt với nhau trong môi trường, công ty xí nghiệp. Hàng xóm láng giềng ăn ở hài hoà, sẵn sàng giúp đỡ nhau những lúc cần kíp…

Khi sống đời chứng tá bằng những giá trị Tin Mừng như thế, chúng ta sẽ gặp không ít những khó khăn, thử thách trong đời sống. Không thiếu gì những cám dỗ làm cho muối ra nhạt, ánh sáng bị lu mờ. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn luôn nhớ mình thuộc về Đức Kitô, có tránh nhiệm mang Ánh Sáng ấy soi sáng thiên hạ.

Có thế, chúng ta mới được coi là xứng đáng đón nhận phần thưởng của Chúa trao ban cho những ai đã cùng Ngài để quy tụ muôn dân về một mối là Nước Trời: “Hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi Trên Trời.”

Lạy Chúa, còn biết bao nhiêu người chưa nhận biết Chúa, biết bao nhiêu con chiên lạc chưa được đưa về ràn. Xin Chúa ban cho những người con của Chúa luôn sẵn sàng, hăng say loan báo Tin Mừng cho những người chưa nhận biết Chúa. Ước gì mọi người con của Chúa trên trần gian này đều được quy tu thành một ràn chiên duy nhất, dưới sự lãnh đạo của Vị Mục Tử Tối Cao là chính Chúa. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tân phúc âm hóa và bài học từ đường phố
Vũ Văn An
04:23 02/07/2013
Chúa Kitô nơi Đô Thị (Christ in the City) là một chương trình phục vụ có tính toàn bộ, phối hợp công việc bác ái với linh đạo học Công Giáo và thăng tiến giáo dục. Nó nhằm huấn luyện các người Công Giáo ở tuổi đại học trở thành những nhà truyền giáo phù hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô và Huấn Quyền của Giáo Hội Công Giáo. Phương châm của chương trình là “Yêu đến bị thương tổn để phục vụ những người thiếu thốn nhất” (“Loving until it hurts in order serve those most in need”).

Các yếu tố thiêng liêng và trí thức trong chương trình nhằm khuyến khích người trẻ thăng tiến trong diễn trình trưởng thành làm người Công Giáo của họ. Phát triển bản thân là khía cạnh căn bản tạo nên sự thành công toàn diện của Chương Trình như một tổ chức bác ái. Vì Chương Trình tin rằng: không ai có thể cho điều mà họ không có.

Bác ái Kitô Giáo chân chính, như đã được điển hình hóa trong cuộc Viếng Thăm người chị họ Elizabeth của Đức Maria, tự nhiên sẽ tỏa sáng từ cuộc gặp gỡ bản thân với Thiên Chúa Nhập Thể, là Chúa Giêsu Kitô. Qua việc làm dễ cuộc gặp gỡ này, Chương Trình tin rằng họ cũng đang củng cố người trẻ trong các cố gắng giải quyết các nhu cầu vật chất và tâm linh của người khác. Chính vì thế, Chương Trình tin rằng bác ái, tức việc tham dự vào tình yêu thần thánh của Thiên Chúa, là một nối dài tự nhiên của bất cứ cuộc sống Kitô Giáo chân chính nào.

Chương trình vì thế dành cho người trẻ Công Giáo nào sẵn sàng dấn thân từ một lục cá nguyệt tới một năm trong đời họ để phục vụ người nghèo và người yếu thế bằng cách sống trong một cộng đoàn, tham dự cuộc huấn luyện tâm linh và nhận được tín chỉ cho khóa học huấn luyện giáo dục. Nói tóm lại, vừa phục vụ người nghèo, các người tham dự được huấn luyện cả về tri thức, linh đạo lẫn lãnh vực bác ái.

Dĩ nhiên huấn luyện tri thức đây tập chú vào việc học hỏi các vấn đề công bình xã hội dưới ánh sáng Huấn Quyền của Giáo Hội Công Giáo và giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô. Đối với các sinh viên đại học, tín chỉ của khóa có thể ban cấp nhờ sự hợp tác với các đại học. Việc huấn luyện này nhằm đem lại cho người trẻ một thế giới quan Công Giáo, nhấn mạnh tới khả năng biết suy nghĩ một cách có phê phán và khả năng áp dụng đức tin và lý lẽ vào con người nhân bản và môi trường xã hội. Chương trình huấn luyện này do các linh mục và giáo dân nam nữ của Phong Trào Đời Sống Kitô Giáo (Christian Life Movement) đảm nhiệm.

Huấn luyện về bác ái nhằm khuyến khích người trẻ chia sẻ yêu thương với những người mình phục vụ, hòng trở nên chân và tay nối dài của Chúa Kitô trong thế giới hiện đại. Các nhà truyền giáo của Chúa Kitô nơi Đô Thị phục vụ bằng tình yêu và cảm thương, luôn nâng cao phẩm giá của những con người nhân bản.

Trường hợp điển hình

Hình như Chương Trình khởi sự đầu tiên tại Denver, Colorado, nhưng hiện nay có mặt tại hầu hết các thành phố lớn của Hoa Kỳ. Sau đây là một điển hình truyền giáo mới diễn ra tại Atchison, Kansas qua lời tự thuật của Makena Clawson, một sinh viên của Benedictine College.

Một tháng qua, Chúa đã tin tưởng tôi đủ nên đã để tôi phục vụ như một nhà truyền giáo của Người cùng với 9 người khác. Chúng tôi quyết định dùng một phần mùa hè cho công việc này, nên đã tham gia với 14 nhà truyền giáo khác là những người dành trọn cả năm. Phần lớn chúng tôi thuộc lớp tuổi từ 20 tới 25.

Chúa Kitô Nơi Đô Thị chỉ mới khởi sự cách nay 3 năm, tức vào năm 2010, khi Bác Sĩ Jonathan Reyes, nguyên chủ tịch Các Cơ Quan Bác Ái Công Giáo, hợp tác với Yvonne Noggle, giám đốc hiện nay của Chương Trình. Hiện nay, Chương Trình liên kết với Phong Trào Đời Sống Kitô Giáo và các giáo dân nam nữ tận hiến của Phong Trào phụ trách việc huấn luyện tâm linh cho các nhà truyền giáo. Các nhà hảo tâm đã cung cấp phần lớn nguồn tài trợ. Các nhà truyền giáo hoàn toàn tin tưởng vào ơn quan phòng của Chúa, Người sẽ cung cấp cho họ mọi điều họ cần. Người luôn xuất hiện đúng lúc, dù đôi khi dưới hình thức những hộp càrem 5 lít từ ngân hàng thực phẩm.

Sứ mệnh của Chúa Kitô Nơi Đô Thị là yêu thương những người được Chúa Kitô nói đến trong Tin Mừng Mátthêu 25:40, là chỗ Người dạy rằng “mỗi lần các con làm việc đó cho một trong những người nhỏ bé nhất trong các anh em của Thầy, là các con làm cho Thầy”. Chương trình nối vòng tay lớn của chúng tôi nhằm chào đón từ những người chưa sinh tới những người gần lìa sự sống, nhưng đặc biệt tập chú vào những người vô gia cư.

Và đó là điều làm tan nát vùng dễ chịu của tôi nhất. Chẳng thường tình và thông thường chút nào khi phải tự giới thiệu với một ai đó sống ngoài phố và hỏi họ xem mình có thể chia sẻ tấm ghế dài của họ hay không. Tuy nhiên, sau khi gặp một số bạn mới trên hè phố, tôi thấy mình đâm mê và khi phải rời họ, quả tình không hài lòng chút nào.

Dĩ nhiên, có những lúc câu chuyện chẳng êm xuôi bao nhiêu khi người ta không muốn chuyện trò. Lúc ấy ngượng ngịu làm sao. Có lúc còn thấy đả nhau cách đó không xa nữa. Nhưng đâu có hệ gì. Nếu người này thực sự là Chúa Kitô đang đói đang khát, thì tôi làm sao không dừng lại dăm ba phút cho được?

Có một dịp, tôi can đảm hỏi một người đàn ông mới gặp “anh có hạnh phúc không?”. Thay vì nổi sùng như tôi nghĩ, anh ta gần như bị nghẹn, cười bảo tôi “Không”. Tôi hỏi thêm: “Lần cuối cùng anh hạnh phúc là khi nào?”. anh cho hay anh không muốn nói về chuyện đó, nhưng anh không hạnh phúc từ ngày bỏ gia đình vì chích choác. Anh giải thích: chỉ thử có một lần vì tò mò, thế mà chuyện này đã làm anh từ đang sống với gia đình sang phải sống ngoài đường phố và gần chết nhiều lần vì chích quá liều lượng.

Tôi cảm thấy bất lực khi rời người bạn mới này và những muốn được ở bênh anh ít phút nữa, dù tôi hiểu rõ mình chẳng làm được bất cứ điều gì để thay đổi tình huống của anh, vừa không nhà, vừa nghiện ngập lại vừa bất hạnh. Nhưng đúng lúc tạm biệt nhau, có một điều gì trong ánh mắt của anh làm tôi thấy mọi cố gắng đều đáng giá.

Tôi có thể nói anh đang có tình yêu trong trái tim, anh ta nói như thế. Tình yêu mà anh ta chưa hề thấy từ lúc nào không ai rõ.

Sau đó ít lâu trong cùng một tuần lễ, Chúa cho tôi diễm phúc được trông thấy anh khi chúng tôi gặp nhau ngoài phố. Chúng tôi không có giờ chuyện trò nhiều với nhau, nhưng nụ cười và tiếng chào nhau giữa chúng tôi cho thấy chúng phát xuất từ những bạn bè quen nhau đã lâu chứ không phải chỉ là từ những người vừa chợt quen nhau như chúng tôi.

Những người đàn ông và những người đàn bà tôi từng gặp không phải chỉ đói và khát, thèm một bữa ăn trưa mà chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho họ, nhưng họ còn cần cả của ăn tâm linh nữa.

Tôi hầu như lúc nào cũng bỡ ngỡ trước những người tôi gặp ngoài phố, do đức tin, do lòng biết ơn, do lòng tốt của họ. Trong tuần, một trong những người bạn lâu năm của chúng tôi đạp xe đạp 20 phút tới gặp chúng tôi để tham dự Thánh Lễ hàng ngày vào lúc 7 giờ sáng. Tôi không biết có khi nào anh lỡ bữa ăn trưa hàng tuần hay không.

Lý do tại sao? Vì các nhà truyền giáo là bằng hữu của anh. Vì anh có thể cười đùa với chúng tôi. Vì anh nhìn thấy tình yêu.

Dĩ nhiên, anh sẽ cho bạn hay anh còn nhiều điều phải làm như phải uống bao nhiêu chẳng hạn, nhưng anh đã đi được một chặng dài. Anh đã trở về gia đình, từ bỏ đường phố. Đôi khi tôi quên khuấy cả việc anh ta từng là người không nhà và chỉ nghĩ tới anh như một nhà truyền giáo danh dự. Anh rất nhanh nhẩu giúp bất cứ việc gì chúng tôi cần nhờ, như chuyển lều trại và bàn ghế ra xe, và lòng tốt của anh thấy rõ khi anh hỏi thăm về mẹ tôi.

Phần lớn những câu truyện với các bạn bè này kết thúc bằng một cái ôm, một ngạc nhiên nữa cho thấy vùng êm ái của tôi đã lớn mạnh ra sao. Sau khi chuyện trò với một người đàn ông trông rất ngổ ngáo và rất ít nói, anh ta ngả người tới để ôm tôi, khiến tôi hiểu ra rằng tôi tạo được nhiều tác động hơn mình nghĩ, và chúng tôi dự tính sẽ tái ngộ nhau sau đó ít ngày.

Tôi nói gì mà lại gây tác động đối với những người như thế này? Tôi có nói gì đâu. Tôi chỉ để họ nói và chia sẻ các truyện họ kể bằng cách lắng nghe họ.

Khi mọi người khác (kể cả tôi trong quá khứ) khinh bỉ khi gặp ai đó sống ngoài phố, thì các nhà truyền giáo có mặt ở đó để trả lại họ chút ít phẩm giá của chính họ. Chúng tôi chỉ có những cuộc chuyện trò, đôi khi có thể là một ly nước chanh lạnh hay một mẩu bánh sandwich. Chúng tôi cởi mở với đức tin của mình nếu được nêu ra, và chúng tôi có lúc có được những người bạn cùng tham dự Thánh Lễ...

Dù nhiều người đàn ông và đàn bà này từng mắc lầm lỗi hoặc phải đương đầu với việc nghiện ngập một thứ gì đó, thì những điều này không phải là các yếu tố xác định ra họ. Họ từng là những người mẹ, những người cha, những người anh em, những người chị em trong các gia đình bình thường như gia đình tôi hay gia đình bạn, cho tới khi bất hạnh giáng xuống hay một chọn lựa sai lầm nào đó đến thay đổi cả cuộc đời họ. Nhưng khi nhìn kỹ hơn một chút, tôi có thể nhận ra con người thực của họ, một người cha đầy hãnh diện, một cô gái nhỏ bé nhớ gia đình, một người vợ yêu chồng. Chúng tôi có mặt ở đó để làm cho thực tại này trồi lên.

Như vậy thì tại sao lại khó chia tay đến thế? Vì chia tay có nghĩa là để những người bạn của tôi ở lại đường phố. Tôi chưa thực sự phục vụ họ. Họ là những người đã thay đổi đời tôi, đã dạy tôi những bài học phải yêu thương ra sao. Và lẽ dĩ nhiên vì các nhà truyền giáo. (Họ dạy tôi) phải sống, phải phục vụ ra sao và phải có những cảm nghiệm như thế nào để cùng đánh động tâm hồn nhau mà không trở nên ngột ngạt?

Mãi một tháng sau, tôi mới thoáng thấy câu trả lời cho câu người ta hỏi khi tôi mới tới “Tại sao Chúa Kitô đem bạn tới đây?” Đơn giản thôi: để học biết cách yêu thương.

Cuối thời gian phục vụ, một linh mục cho tôi hay “Truyền giáo là Chúa Kitô”. Đối với những bạn chưa hiện diện ngoài phố như những nhà truyền giáo và ít tiếp xúc với người nghèo và người túng thiếu, chúng ta vẫn được kêu gọi làm nhà truyền giáo. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi đem Chúa Kitô tới mọi ngóc ngách đời ta. Có thể bạn là một người quản trị cao cấp làm việc tại một văn phòng công ty, truyền giáo vẫn là Chúa Kitô. Có thể bạn là một bà mẹ lo việc nhà, truyền giáo vẫn là Chúa Kitô. Có thể bạn là một sinh viên đại học công, truyền giáo cũng vẫn là Chúa Kitô.

Và trừ khi Người bảo bạn cách khác, truyền giáo chính là nơi chúng ta đang hiện diện. Đối với tôi, yêu những người sống ngoài phố dễ dàng hơn yêu những người mình sống với hàng ngày. Nhưng mọi sự đều khởi đầu từ cái hàng ngày này.
 
Đại hội đời sống thánh hiến tại Vatican
Đặng Tự Do
06:38 02/07/2013
Theo chương trình của Năm Đức Tin, 6.000 chủng sinh, dự tập, và những thanh niên và thiếu nữ đang trên con đường tới chức linh mục và đời sống thánh hiến sẽ tập hợp tại Rôma từ ngày 4 đến 7 tháng Bẩy. Sự kiện này sẽ được bắt đầu với một cuộc hành hương viếng mộ Thánh Phêrô, sau đó là 3 bài thuyết trình của ba vị Hồng Y, và đỉnh cao là Thánh Lễ Chúa Nhật do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành.

Các tham dự viên sẽ đến từ 66 quốc gia.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Hai 01 Tháng 7, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về cổ vũ Tân Phúc Âm Hóa, đã trình bày chi tiết về cuộc gặp gỡ.

Ngày 5 tháng Bảy, các tham dự viên sẽ tham gia lớp giáo lý và hành hương đến các nhà thờ tại Rôma để kính viếng thánh tích của các thánh, những vị "đại diện cho một cột mốc quan trọng trên con đường ơn gọi": Đó là Thánh Monica và Thánh Augustinô, Thánh Phanxicô thành Assisi, và các thánh Catherine, Philip Neri, Ignatiô Loyola, Aloysius Gonzaga, John Berchmans, Gaspar del Bufalo, và Thánh Têrêsa thành Lisieux. Cuối ngày, các chủng sinh sẽ có buổi trình bày các chứng từ về ơn gọi.

Vào ngày 06 tháng 7, các tham dự viên sẽ có buổi chầu Thánh Thể và có cơ hội để đi xưng tội, trước khi gặp gỡ các vị giám đốc các chủng viện và các thuyết trình viên trong cuộc nói chuyện về ơn gọi tại Đại học Lateranô. Các tham dự viên sẽ nghe chia sẻ của Cha Robert Barron, Giám Đốc Đại Chủng viện Mundelein; Chị Maria Piccione, một nữ tu người Ý dòng Augustinô là người đã viết những bài chia sẻ cho chặng Đàng Thánh Giá tại Hý Trường Côlôsêô Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2011, và Juan Manuel Cotelo, một nhà báo Tây Ban Nha, đạo diễn bộ phim “Ở Nơi Thiên Chúa Bị Cấm”. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ các tham dự viên và kể lại hành trình ơn gọi của ngài. Chương trình sẽ được tiếp nối với những bài Thánh Ca của nhóm The Priests của Ái Nhĩ Lan và của Hermana Glenda, một nữ tu Chile. Cuối cùng là cuộc rước kiệu Đức Mẹ qua Vườn Vatican.

Các biến cố liên quan đến Năm Đức Tin đã diễn ra trước đây gồm có Hội Thảo về Bí Tích Thêm Sức, Thánh Lễ dành cho các cộng đoàn và phong trào cổ vũ lòng đạo đức bình dân, và ngày Tin Mừng Sự Sống.
 
Các vị đứng đầu Ngân hàng Vatican từ chức để tạo điều kiện cải cách
Đặng Tự Do
06:47 02/07/2013
Chỉ vài ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một ủy ban đặc biệt phụ trách việc cải cách cơ cấu của Ngân hàng Vatican, còn gọi là Viện Giáo Vụ hay IOR, hai vị lãnh đạo của Ngân hàng Vatican đã từ chức.

Theo tuyên bố chính thức của Tòa Thánh, giám đốc của IOR Paolo Cipriani và Phó Giám đốc Massimo Tulli, cả hai đều là giáo dân, đã xin từ chức “vì lợi ích tốt nhất của Viện Giáo Vụ và Tòa Thánh."

Doanh nhân người Đức Ernst von Freyberg, chủ tịch IOR sẽ là giám đốc tạm thời của ngân hàng. Ông cũng sẽ được hỗ trợ bởi hai cộng tác viên.
 
Ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng trong năm 2014
Lm. Giuse Phạm Quốc Điểm
07:45 02/07/2013
Ý CẦU NGUYỆN CỦA Đức Giáo Hoàng TRONG NĂM 2014

THÁNG GIÊNG

– Ý chung: Cầu cho việc thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế chính đáng là tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người và của mọi dân tộc.
– Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu thuộc các truyền thống khác nhau có thể tiến tới sự hiệp nhất theo ý muốn của Chúa Kitô.

THÁNG HAI

– Ý chung: Cầu cho Giáo Hội và xã hội biết tôn trọng sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những người cao tuổi.
– Ý truyền giáo: Cầu cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân biết cộng tác với nhau cách quảng đại trong việc loan báo Tin Mừng.

THÁNG BA

– Ý chung: Cầu cho tất cả mọi nền văn hoá biết tôn trọng các quyền và phẩm giá của người phụ nữ.
– Ý truyền giáo: Cầu cho có nhiều người trẻ biết đón nhận lời mời gọi của Chúa dâng hiến đời sống mình để rao giảng Phúc Âm.

THÁNG TƯ

– Ý chung: Cầu cho các nhà cầm quyền thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo vệ và phân phối đồng đều các của cải và những tài nguyên thiên nhiên.
– Ý truyền giáo: Cầu xin Chúa Kitô Phục Sinh ban dồi dào niềm hy vọng trong tâm hồn cho tất cả mọi người đang gặp thử thách vì đau khổ và bệnh tật.

THÁNG NĂM

– Ý chung: Cầu cho các phương tiện truyền thông trở nên những công cụ phục vụ cho sự thật và hoà bình.
– Ý truyền giáo: Cầu xin Đức Maria là Ngôi sao loan báo Tin Mừng, hướng dẫn Giáo Hội trong việc rao giảng Chúa Kitô cho mọi dân tộc.

THÁNG SÁU

– Ý chung: Cầu cho những người thất nghiệp nhận được sự trợ giúp và tìm được công ăn việc làm để sống xứng với phẩm giá của mình.
– Ý truyền giáo: Cầu cho Âu Châu tái khám phá ra căn cội Kitô giáo của mình qua chứng tá đức tin của các tín hữu.

THÁNG BẢY

– Ý chung: Cầu cho các bộ môn thể thao luôn là những cơ hội để xây đắp tình huynh đệ và phát triển con người.
– Ý truyền giáo: Cầu xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ các anh chị em giáo dân trong việc rao giảng Tin Mừng tại các quốc gia nghèo khổ nhất.

THÁNG TÁM

– Ý chung: Cầu cho những người tị nạn, buộc phải rời bỏ quê hương mình vì bạo lực, nhận được sự tiếp đón quảng đại và bảo đảm được các quyền lợi của mình.
– Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu tại Châu Đại Dương biết hân hoan truyền bá đức tin cho các dân sống trong đại lục mình.

THÁNG CHÍN

– Ý chung: Cầu cho những người thiểu năng trí khôn nhận được tình thương yêu và sự trợ giúp cần thiết để sống cho xứng đáng.
– Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu, được Lời Chúa thôi thúc, biết phục vụ những người nghèo khổ.

THÁNG MƯỜI

– Ý chung: Cầu xin Chúa ban hoà bình cho những nơi trên thế giới đang bị tàn phá bởi chiến tranh và bạo lực.
– Ý truyền giáo: Cầu cho Ngày Thế giới Truyền giáo đánh động mọi tín hữu niềm khát khao và nhiệt tâm mang Tin Mừng đến cho toàn thể thế giới.

THÁNG MƯỜI MỘT

– Ý chung: Cầu cho những người cô đơn được cảm thấy Chúa gần gũi và nhận được sự trợ giúp của tha nhân.
– Ý truyền giáo: Cầu cho các chủng sinh và tu sĩ trẻ có được những nhà đào tạo tài giỏi và khôn ngoan.

THÁNG MƯỜI HAI

– Ý chung: Cầu xin sự ra đời của Đấng Cứu Thế mang lại ơn an bình và niềm hy vọng cho mọi người thành tâm thiện chí.
– Ý truyền giáo: Cầu cho các bậc làm cha mẹ trở nên những nhà truyền giáo đích thực, truyền thông đức tin là món quà quý giá nhất cho con cái mình.

(Osservatore Romano, 27-02-2013)

Lm. Giuse Phạm Quốc Điêm chuyển dịch
 
Không có Tin Mừng của Chúa trong các tổ chức tội phạm Mafia
Linh Tiến Khải
07:45 02/07/2013
Một số nhận định của Đức Cha Vincenzo Bertolone, Tổng Giám Mục Cantanzaro-Squilacce, thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho cha Pino Puglisi

Ngày 20-4-2013 cuộc thảo luận với những người không kitô gọi là ”Sân của dân ngoại” đã được Hội Đồng Tòa Thánh Văn Hóa tổ chức tại Catanzaro vùng Calabria nam Italia, là vùng có nhiều tổ chức tội phạm Mafia hoạt động và khống chế xã hội. Đề tài cuộc thảo luận là ”Luân lý đạo đức, tôn giáo, và tinh thần đồng trách nhiệm”. Tham dự cuộc thảo luận đã có nhiều thẩm phán, triết gia và thần học gia, trong đó có ông Santi Consolo, Biện lý thành phố, ông Michele Prestipino, Phó vùng Reggio Calabria, giáo sư Salvatore Natoli thuộc đại học Bicocca và linh mục Cataldo Zuccaro, thần học gia.

Nam Italia là vùng có nhiều vấn đề và ít phát triển nhất, vì là vùng có rất nhiều tổ chức tội phạm Mafia hoạt động. Ngoài việc buôn bán ma túy và phụ nữ mại dâm, các tổ chức tội phạm này chia vùng hoạt động chi phối các hoạt động chính trị và khống chế cuộc sống kinh tế xã hội. Để rửa tiền bẩn thỉu các tổ chức tội phạm này đầu tư vào lãnh vực bất động sản, tham gia cổ phần trong nhiều dự án doanh thương. Giới thương gia và xí nghiệp cũng như các hàng quán đều phải nộp thuế hàng tháng để được họ bảo vệ che chở. Những ai không tuân hành đều gặp mọi thứ khó khăn, đe đọa; rất thường khi hàng quán của họ bị đốt phá, đặt bom và chủ nhân bị sát hại. Tuy các lực lượng cảnh sát an ninh cố gằng hết sức, nhưng tình hình cũng không được cải tiến bao nhiêu, vì nhiều giới chức chính trị và nhân viên chính quyền hoặc là người của các tổ chức Mafia, hay đã ăn hối lộ vì bị mua chuộc và cộng tác với các tổ chức này.

Các tổ chức Mafia gieo kinh hoàng giữa dân chúng khiến cho họ phải tuân hành một luật duy nhất ”không biết, không nghe, không thấy”. Tất cả những ai tìm cách thức tỉnh và giáo dục người trẻ sống liêm chính để khỏi trở thành nạn nhân của các tổ chức tội phạm đều bị trả thù và sát hại. Điển hình là trường hợp của cha Giuseppe Puglisi, bị các tổ chức Mafia tỉnh Palermo, thủ phủ đảo Sicilia, thù ghét và bị ám sát ngày 15-9-1993. Ngày 25-5-2013 Đức Hồng Y Paolo Romeo, Tổng Giám Mục Palermo đã cùng Đức Hồng Y Salvatore De Giorgi, nguyên Tổng Giám Mục Palermo đã chủ sự thánh lễ phong Chân phước cho cha.

Ông Giuseppe Pignatone, Biện lý tỉnh Roma và là người đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chống lại các tổ chức tội phạm Mafia, ban đầu tại Palermo rồi sau đó như là biện lý trưởng vùng Reggio Calabria. Ông cho biết lãnh tụ của các tổ chức Mafia không ngừng sử dụng tôn giáo cho các mục đích của họ, vì tầm quan trọng của tôn giáo đối với dân chúng Italia nói chung, và đặc biệt là đối với người dân miền Nam Italia nói riêng. Tôn giáo trở thành một dụng cụ thống trị của các tổ chức tội phạm. Trên đảo Sicilia cũng như trong vùng Calabria, các lễ nghi tôn giáo là dịp để đàn em tỏ lòng kính trọng đối với lãnh tụ của họ như một kiểu thừa nhận quyền bính của hắn ta.
Giáo Hội cũng đã bầy tỏ lập trường rõ ràng của mình. Từ Đức Gioan Phaolô II tới Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, rồi các tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Italia đều mạnh mẽ lên án các tổ chức Mafia như là một bệnh ung thư của xã hội. Nhưng cũng có một thái độ phổ biến cả bên trong Giáo Hội cũng như trong nhiều tầng lớp xã hội Italia cho rằng Mafia là một vấn đề của Nhà Nước, đặc biệt là của các cơ quan an ninh. Và đây là điều rất nguy hiểm.

Tuy có các linh mục như cha Pino Puglisi mạnh mẽ lên tiếng và hoạt động giúp người trẻ không trở thành nạn nhân của các tổ chức tội phạm, nhưng trong lòng Giáo Hội tại miền nam Italia cũng có các khó khăn. Cần phải ý thức nhiều hơn nữa và mỗi người phải đóng góp phần mình. Nếu mỗi người làm một chút, thì thế giới sẽ thay đổi. Và Giáo Hội có vai trò giáo dục rất quan trọng. Nền văn hóa tội phạm thấm nhiễm ngay từ đầu, khi một người sinh ra thì đã thuôc về một băng đảng chống đối lẫn nhau rồi, và trong một vài thực tại người ta đã bắt đầu ngay khi còn bú sữa mẹ. Để giúp thắng vượt thực tại này, Giáo Hội có một vai trò nền tảng. Giáo Hội không phải làm hay điều tra hoặc xử án. Đó là việc của các giới chức pháp luật. Nhưng sau đó khi có được khoảng trống cho sự tự do, thì phải có người chiếm hữu và làm đầy nó. Ở đây gương của một số linh mục và các hiệp hội rất quan trọng. Trong thời gian qua các thực tại này đã lớn lên. Các linh mục và các hiệp hội này đã đảm trách việc điều hành các tài sản chính quyền tịch thu của các tổ chức tội phạm cho công ích và cho người trẻ. Chiến đấu chống lại tâm thức tội phạm, cống hiến cho người trẻ các lựa chọn khác. Nhiều linh mục đang làm việc này và chúng ta cầu mong ngày càng có nhiều linh mục dấn thân trong chiều hướng tốt đẹp ấy.

Thỉnh thoảng cũng có một vài tay tội phạm sám hối thực tình. Nhưng các tay tội phạm Mafia không nghĩ tới sự tha thứ trong tương lai, mà chỉ nghĩ tới quyền lực thống trị trong hiện tại mà thôi. Và họ không chú ý gì tới các lời kêu gọi hoàn lương hay nghĩ tới ý muốn của Thiên Chúa đâu. Trái lại họ còn chế nhạo các lời lên án của giới lãnh đạo Giáo Hội, như họ đã làm đối với Đức Goan Phaolô II.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Vincenzo Bertolone, Tổng Giám Mục Cantanzaro-Squilacce, thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho cha Pino Puglisi về hiện tượng các tổ chức tội phạm Mafia tại Italia.

Hỏi: Thưa Đức Cha Bertolone, các tổ chức tội phạm Mafia vẫn thường dùng tôn giáo trong các ”lễ nghi” nhập đảng kín của họ, cũng như phô trương lòng đạo đức tôn giáo của họ, Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Chúng đều là các điều giả dối. Với nghi thức gia nhập của họ các tay tội phạm Mafia lựa chọn thuộc về một tôn giáo khác, có thủ lãnh là kẻ cầm đầu mà ho gọi là “cha đỡ đầu”. Nó là một lựa chọn triệt để khác với sự lựa chọn của tất cả các tín hữu kitô được rửa tội, và rõ ràng là nó trái nghịch với các giá trị Tin Mừng. Và hình ảnh mà tổ chức Mafia xây dựng về chính nó, bằng cách sơn phết cho nó như là tổ chức chú ý tới các nguyên tắc của Kitô giáo, qua việc liên tục trưng bày các biểu hiệu tôn giáo và ảnh tượng thánh, đều vô ích. Vì sự tách rời khỏi các đòi buộc của bí tích rửa Tội đã quá đủ để xác nhận sự khác biệt không thể chữa lành được của nó với Kitô giáo.

Là các người của Giáo Hội chúng tôi phải kiên trì và bén nhọn hơn trong việc nêu bật rằng giữa Tin Mừng và tổ chức tội phạm Mafia tuyệt đối không có sự hòa hợp được.

Hỏi: Có người tố cáo là Giáo Hội đã thinh lặng qúa nhiều, không dám lên tiếng phản đối, có đúng thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Giáo Hội đã luôn luôn biết rõ hiện tượng các tổ chức tội phạm Mafia từ sau thời Đệ Nhị Thế Chiến. Tuy nhiên, sự hiểu biết, lượng định và hành động mục vụ đã chín mùi từng bước. Năm 1991 Hội Đồng Giám Muc Italia đã công bố tài liệu rất hay và ý nghĩa tựa đề ”Giáo dục pháp chế”. Tài liệu này vẫn còn rất thời sự và cần được học hiểu trở lại. Thế rồi năm 1993 trong lần viếng thăm mục vụ đảo Sicilia, trước khi cha Pino Puglisi bị sát hại, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có những lời lẽ lên án rất mạnh mẽ các tổ chức tội phạm Mafia. Nó đánh dấu một khúc rẽ định đoạt. Kể từ đó việc tố cáo dân sự đối với hiện tượng Mafia trở thành luật lệ, kèm theo một hoạt động mục vụ bén nhọn hơn hướng tới chỗ tái khẳng định các nguyên tắc Tin Mừng trong chiều kích nhân bản và xã hội.

Hỏi: Giáo Hội có thể và phải có vai trò nào trong việc chống lai các tổ chức tội phạm Mafia thưa Đức Cha?

Đáp: Giáo Hội đã không điếc, không mù, cũng không câm. Đã có nhiều điều được làm, nhưng còn có rất nhiều chuyện phải làm trong việc gây ý thức cho dân chúng liên quan tới hiện tượng các tổ chức Mafia. Nhưng mà đã có một câu trả lời, và câu trả lời đó là cha Pino Puglisi và cung cách sống trung thực với Tin Mừng của cha lôi cuốn như nam châm. Sự hoán cải của kẻ đã giết cha và mùa hy vọng nảy sinh từ của lễ hy sinh của cha, làm chứng cho thấy điều Giáo Hội là: Giáo Hội là dân của Thiên Chúa, thế giới không cần các người chống lại, nhưng cần các linh mục sống cho con người, các linh mục cảm thấy nhu cầu không thể nín lặng, phải đề nghị bằng mọi cách và mọi phương thế, với sự trung thực, sự thật về Chúa Kitô; và điều đó các vị phải làm một cách khiêm tốn và với tinh thần tin mừng, nếu cần thì đi cho tới hy sinh tột đỉnh chính mạng sống của mình.

Hỏi: Làm thế nào để loại trừ các len lỏi của tổ chức Mafia vào trong các lễ nghi tôn giáo thưa Đức Cha?

Đáp: Qua một công tác mục vụ được linh hứng bởi các nguyên tắc tin mừng, việc chú ý kiểm soát các hoạt động gắn liền với các lễ nghi phụng vụ, việc đào tạo các thành phần của các huynh đoàn, các quy chế thích hợp của các ủy ban tổ chức lễ, óc phân định trong việc chọn các thành viên, luôn luôn kết hiệp với việc tôn trọng các truyền thống bình dân với các đòi hỏi và các lý lẽ của đức tin. Đó là các nguyên tắc mà Hội Đồng Giám Mục vùng Calabria đã đề cập cập tới trong tài liệu công bố năm 2007 tựa đề ”Nếu anh em không hoán cải, anh em cũng sẽ chết hết”. Trong tài liệu này các Giám Mục đã đương đầu với vấn đề của các tổ chức tội phạm Mafia, như trong qúa khứ, và minh giải rằng các tổ chức Mafia, các kẻ ”là cha đỡ đầu” và bạo lực nằm ngoài Tin Mừng, và như thế cũng nằm ngoài các buổi rước kiệu.

Hỏi: Thưa Đức Cha, người ta còn tố cáo Giáo Hội liên quan tới sự tha thứ. Các tiêu chuẩn khẳng định rằng như thế người ta biện minh cho cả các tay tội phạm nữa.. vì dù nào đi nữa rồi cũng sẽ có sự tha thứ... Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Không được quên sức mạnh của sự tha thứ, là điều vượt ngoài mọi gỉa hình và nó chỉ thực sự nếu được đi kèm theo bởi sự hối hận, hoán cải và đền bù tội lỗi. Sự tha thứ được cống hiến không loại trừ công lý cũng không đánh gía thấp bổn phận phải đền tội, nhưng nó không thể loại trừ sự phục hồi và phải tránh mọi bản năng thù hận và hình thức nô lệ của con tim, là điều luôn luôn vô nhân. Tôi còn nói hơn thế nữa: sự tha thứ khiến cho công lý được dễ dàng hơn, nó khích lệ sự thật và theo đuổi hòa bình. Cần phải tin vào khả thể của một sự cứu rỗi của kẻ tội phạm, bằng cách trao ban cho mục đích đó sự đóng góp có thể của chúng ta nữa. (Avvenire 19-4-2013)
 
Bất chấp bạo động tại Brazil, các cận vệ của Đức Thánh Cha lạc quan về ngày Quốc Tế Giới Trẻ
Đặng Tự Do
07:47 02/07/2013
Người chỉ huy của lực lượng an ninh của Tòa thánh Vatican đã tán đồng những ý kiến lạc quan đến từ Hội Đồng Giám Mục Brazil bất chấp làn sóng bạo động vẫn đang tiếp diễn tại đây.

Ngày Giới Trẻ thế giới sẽ diễn ra tại Rio de Janeiro, thành phố lớn thứ hai của Brazil, từ ngày 23 đến 28 tháng Bẩy. Hàng trăm cuộc biểu tình đã diễn ra trên toàn quốc trong những tuần gần đây.

Ông Domenico Giani, chỉ huy của đội hiến binh Vatican nói: "Tôi nghĩ rằng sẽ không có bất kỳ vấn đề an ninh nào đối với Đức Giáo Hoàng và những người tham dự, vì chúng tôi đã nghiên cứu tất cả mọi khả năng kể cả các chi tiết nhỏ nhất."

"Chính những người biểu tình đã nhấn mạnh rằng họ không có ý bạo động," Giám Mục phụ tá Leonardo Steiner của giáo phận Brasilia, tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Brazil đã cho biết như trên sau một cuộc họp với Tổng thống Dilma Rousseff.
 
Quốc Hội Nga thông qua đạo luật chống báng bổ tôn giáo
Đặng Tự Do
08:12 02/07/2013
Một đạo luật chống báng bổ đã được Quốc Hội Nga thông qua và có hiệu lực ngay vào ngày 1 tháng Bẩy theo đó những ai báng bổ tôn giáo có thể bị phạt lên đến 300.000 rúp (tức khoảng 9,000 Mỹ Kim) và phạt tù lên đến 2 năm đối với hành vi công khai "xúc phạm niềm tin tôn giáo của các tín hữu. Hình phạt cho hành vi phạm tội được tăng lên nếu các hành vi này diễn ra trong nhà thờ.

Linh mục Vsevolod Chaplin, phát ngôn viên của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, hoan nghênh luật này và cho rằng các hình phạt có thể là "quá nhẹ."

Luật này đã được thông qua tiếp theo những vụ xúc xiểm như bẻ thánh giá, vẽ bậy và viết các khẩu hiệu chống tôn giáo trên tường các nhà thờ. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ các phụ nữ theo trào lưu feminist Nihilism gây náo loạn tại Vương Cung Thánh Đường Chúa Cứu Thế tại Mạc Tư Khoa hồi năm ngoái. Một trong những nhà đưa ra dự luật này là Dân Biểu Mikhail Markelov nói rằng theo thăm dò của việm Vtsiom của nhà nước Nga, 82% dân Nga ủng hộ luật này.

Chủ nghĩa hư vô Nga (Russian Nihilism) khởi đầu từ những năm 1860 đặc biệt bài xích Sa Hoàng và Giáo Hội Chính Thống Giáo.
 
Thông tấn xã Bộ Truyền Giáo cảnh giác: Hàng ngàn thanh thiếu niên Kitô thờ lạy Satan ở Nagaland, Đông Bắc Ấn Độ
Đặng Tự Do
08:38 02/07/2013
Các thanh thiếu niên tại bang Nagaland ở Đông Bắc Ấn Độ đang bị quyến rũ bởi một nhóm tôn thờ Satan. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc cho biết trong vài tháng qua, hơn 3.000 người trẻ "tôn thờ Satan" đã được xác định tại Kohima, thủ phủ của Nagaland, và làn sóng sùng bái Satan đang “lan như cháy rừng”.

Điều đau lòng là Nagaland được xem là trọng điểm của Kitô giáo. 95% dân số trong vùng là các Kitô hữu.

Mục sư Zotuo Kiewhuo của Giáo Hội Báp-tít ở Kohima, nói việc thờ phượng Satan đang được thực hành rộng rãi trong các trường trung học và đại học, và trong vòng năm năm trở lại đây, hiện tượng này đang gia tăng đáng kể. Trẻ em tiếp thu và truyền bá văn hóa của Satan chủ yếu thông qua các trang web và mạng xã hội như "Facebook" và "Twitter".

Mục sư Shan Kikon, của cộng đồng Tin Lành tại Nagaland, nói với thông tấn xã Fides rằng ông đã đích thân gặp các thiếu niên thường xuyên đi thờ phượng Satan. Có những em mới 12 tuổi.

Thông tấn xã Fides cảnh cáo rằng "Sa-tan đã xâm nhập vào các hiệp hội và cộng đồng Kitô hữu bằng cách tạo ra những ngộ nhận, mất lòng tin, và chia rẽ".

Cha Charles Irudayam, tổng thư ký Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ nói với Fides rằng "Chúng tôi thực sự bị sốc khi biết về tin tức này vì trước đây việc thờ lạy Satan không phải là một hiện tượng phổ biến ở Ấn Độ. Những hoạt động của các nhóm Satan ở vùng Đông Bắc Ấn là tiếng chuông báo động.”

Hàng ngàn phụ nữ trong hội các bà mẹ Công Giáo đã xuống đường tuần hành tại Nagaland như một tiếng chuông cảnh tỉnh về hiện trạng nguy hiểm này. Nhiều phụ nữ khóc lóc thảm thiết khi biết con cái mình tham gia vào các nghi thức tôn thờ Satan.
 
Giáo Hội tại Cộng Hòa Trung Phi bị khủng bố trầm trọng
Đặng Tự Do
10:33 02/07/2013
“Bây giờ đông đảo các Giám Mục và linh mục của chúng tôi phải đi bộ, điều này làm giảm đáng kể các hoạt động mục vụ,” Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga của Cộng Hòa Trung Phi than thở với tờ La Croix của Pháp như trên.

“Trước đây ở nước chúng tôi không có vấn đề giữa người Kitô giáo và người Hồi Giáo đâu. Nhưng gần đây khi có đông đảo người nước ngoài và lính đánh thuê, tình hình đã đổi khác”.

"Chúng tôi đã phải chứng kiến những vụ hiếp dâm, những hành vi tra tấn, cướp bóc, hôi của, và tàn phá. Nhiều cơ quan, bệnh viện, trường học, và các tổ chức khác đã bị phá hủy theo nghĩa đen."

Hành vi trộm cắp phổ biến nhất nhắm vào xe ô tô và xe máy của các tổ chức Công Giáo.

Cộng Hòa Trung Phi có 5,1 triệu dân. Trong đó 50% theo Thiên Chúa giáo. Hồi giáo chỉ chiếm 15%. Khoảng một nửa số Kitô hữu là người Công Giáo. 35% người dân giữ lại tín ngưỡng bản địa của họ.
 
Tất cả mọi người đều bình đẳng trong Giáo Hội, cũng như là giáo hòang.
Pt Huỳnh Mai Trác
11:23 02/07/2013

Đó là lời của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 26 tháng 6 trước khỏang 50,000 tín hữu tập họp trong Quảng Trừơng Thánh Phêrô. Ngài quả quyết là không một ai là vô dụng trong lòng Giáo Hội và ngài kêu gọi hãy là những “viên đá sống động” của đền thờ Thiên Chúa .

“Giáo Hội không phai là chổ tích lủy lợi lộc”, ngài nhấn mạnh khi tiếp tục bài giáo lý về Giáo Hội, “Giáo Hội là đền thờ do Thiên Chúa điều hành”. Cũng như thường lệ, ngài đối thọai với thính khán giả và tin chắc là không một ai là vô dụng trong Giáo Hôi. Và ngài đi đến kết luận: “Không một ai là công dân hạng nhì, không một ai”, và mọi người đều vổ tay tán thưởng .

“ Nếu có ai đó nói với tôi, kính thưa ngài, ngài là giáo hòang, làm sao tôi bằng ngài được: không, không đúng!” ngài lại tiếp tục . “ Trước tôn nhan Chúa, chúng ta đều bình đẳng, chúng ta đều là anh chị em” . Và ngài nói thêm:” chúng ta là một phần của Giáo Hội, chúng ta cùng nhau xây dựng Giáo Hội và điều đó làm cho chúng ta suy nghỉ, nếu thiếu đi một viên gạch, thì ngôi nhà này đã thiếu mất một cái gì đó”.

“Rồi ngài mời gọi mọi người giáo hữu phải trở nên một “viên đá sống động” của đền thờ Thiên Chúa, trong nhiều màu sắc khác nhau, tạo nên sự phong phú của Giáo Hôi. Không nên khép kín tâm hồn lại, hãy nghỉ đến nhiều điều cần phải làm, “một người Kitô hữu thờ ơ thì không mấy tốt lành”

Trong nhiều tuần lễ vừa qua, là chu kỳ các bài giáo lý về Giáo Hội, bắt đầu từ những bài về Công Đồng Vatican II, phác họa những nét chính về Giáo Hội mà Đức Thánh Cha hằng mong ứơc: Một Giáo Hội nghèo của người nghèo, mở rộng ra bên ngòai thế giới hòng loan báo Tin Mừng về Chúa Kitô và vượt ra khỏi chính mình, nhưng vẫn là một Giáo Hội, Giáo Hội của Chúa Kitô mà trong lòng của Giáo Hội đó mọi tín hữu và các đẳng cấp đều bình đẳng . (Nguồn tin: News.va)
 
Có thể ĐGH Gioan Phaolô II và Gioan XIII được phong thánh cùng ngày.
Nguyễn Long Thao
12:35 02/07/2013
Có thể ĐGH Gioan Phaolô II và Gioan XIII được phong thánh cùng ngày.

Theo nguồn tin của thông tấn xã Ý ANSA, tiến trình phong thánh cho đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vượt qua tất cả các ngăn trở. Uỷ ban cứu xét việc phong thánh cho đức Cố Giáo Hoàng gồm một số đức Hồng Y và Giám Mục đã thừa nhận phép lạ thứ hai của Ngài .Đó là một điều kiện cần thiết để được Giáo Hội tuyên phong một vị nào đó là hiển thánh.

Vào ngày thứ Ba 2 tháng 7 năm 2013, các vị trong ủy ban phong thánh đã đồng ký tên vào văn bản để đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô xin phong thánh cho đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Theo nguồn tin tại Roma thì rất có thể Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô sẽ tuyên phong hiển thánh cho ĐGH Gioan Phaolô II vào ngày 8 tháng 12 là ngày đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đồng thời năm nay lễ trùng vào ngày Chúa Nhật, thích hợp cho việc tổ chức lễ phong thánh.

Một nguồn tin khác cũng đang được nói tới tại Roma là theo một giới chức của Vatican, xin được dấu tên, cho biết rất có thể Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII cũng được phong thánh trong cùng ngày với ĐGH Gioan Phaolô II. Nguồn tin trên được hãng thông tấn ANSA xác nhận.

Theo giới quan sát tại Vatican, việc phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng cùng một lúc là vì Tòa Thánh muốn làm giảm nhẹ những dị nghị cho rằng việc phong thánh cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tiến hành quá nhanh, giữa lúc dưới triều đại của Ngài, Giáo Hội trải qua những vụ tai tiếng như giáo sĩ lạm dụng tình dục, ngân hàng. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII là người đã đứng ra triệu tập Công Đồng Vatican II nhưng đã qua đời vào năm 1963, trước khi Công Đồng kết thúc.

Truớc tin ĐGH Gioan Phaolô II sắp được phong thánh, dân chúng Ba Lan rất phấn khởi. Linh Mục Robert Necek, phát ngôn viên của Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz tuyên bố với đài truyền thình TVN24 của Ba Lan rằng “ Hồ sơ đã đến chặng đường cuối cùng. Còn lại chỉ là quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô".
 
Top Stories
Kontum: mort subite d’un prêtre sedang récemment ordonné
Eglises d'Asie
07:33 02/07/2013
La mort subite du P. Calixte Ba Nang Ly, prêtre d’origine sedang (xê dang), survenue le 30 juin dernier, a bouleversé la totalité de la communauté catholique du diocèse de Kontum. L’émotion est d’autant plus grande qu’il était l’un des rares prêtres issus des ethnies minoritaires des Hauts plateaux du Centre Vietnam, qui constituaient, jusqu’à ces temps derniers, la majorité des fidèles catholiques du diocèse. Il était âgé de 51 ans et avait été ordonné prêtre il y a un peu moins de 12 ans, après un long et méritoire périple humain, intellectuel et chrétien. L’ensemble des catholiques du diocèse avait alors accueilli le nouveau prêtre avec enthousiasme.

Le 30 juin, en milieu de matinée, il avait déjà confié à ses proches qu’il ne se sentait pas bien. Au repas de midi, il ne put absorber aucune nourriture et, peu après ses proches le transportèrent à l’hôpital de Dak Tô, sans toutefois s’inquiéter outre mesure. À peine arrivé aux urgences, le prêtre a rendu son dernier soupir. Cette mort subite et inattendue a jeté dans la consternation les fideles de la paroisse de Kon H’ring dont il était le curé. Dès l’annonce de la nouvelle de son transport en urgence à l’hôpital, l’évêque du diocèse, Mgr Michel Hoang Duc Oanh, s’était immédiatement mis en route pour se rendre à son chevet. Il n’a malheureusement pas pu arriver avant son décès. Dès que sa dépouille a été exposée dans l’église de Kon H’ring, prêtres et fidèles sont venus en masse prier et se recueillir devant elle. Les gongs traditionnels ont résonné toute la nuit, en signe de deuil.

Une immense foule a assisté aux obsèques qui ont eu lieu dans la matinée de ce mardi 2 juillet 2013. Elles étaient présidées par l’évêque du diocèse, Mgr Michel, et l’évêque émérite, Mgr Pierre Trân Thanh Chung.

Le P. Calixte Ba Nang Ly est né en 1962, dans le village de Kondâu Yôp près de Dak-tô, diocèse de Kontum. En 1972, alors que la guerre fait rage, il vient résider à Kontum avec ses parents qui se mettent au service d’une communauté religieuse locale. Les derniers combats de la guerre au mois de mars 1975 chassent une partie de la population sur les routes. La veille de ses obsèques, devant sa dépouille, l’évêque du diocèse a rappelé cet épisode de sa vie. Durant cet exode, le jeune Calixte perdit de vue ses parents et fut recueilli par une religieuse amante de la croix de Nha Trang. Elle le plaça dans un orphelinat tenu par sa congrégation où il put poursuivre ses études.

A Nha Trang, formé à la vie spirituelle par la communauté religieuse où il vivait et orienté par un prêtre, il envisagea rapidement de s’engager dans la vie sacerdotale. Après ses études secondaires, pendant un temps il gagna sa vie en exerçant diverses professions. En 1990, il fut officiellement admis au grand séminaire Stella Maris de Nha Trang et à la fin de sa formation sacerdotale, il demanda à regagner son diocèse d’origine, Kontum. Il y fut ordonné prêtre en octobre 2001 par Mgr Michel Hoang Duc Oanh.

Ce fut un grand événement pour le diocèse. Il était le premier prêtre de son ethnie sedang à être ordonne depuis 1932 dans un diocèse qui comptait déjà six prêtres d’ethnie bahnar. Il y a quelques mois, un jeune prêtre jörai est venu s’ajouter à ce petit groupe.

Le P. Calixte fut chargé de la paroisse de Kon H’ring, considérée comme le poste avancé de l’évangélisation de la région. C’est lui qui avait organisé l’accueil du représentant du Vatican, Monseigneur Leopoldo Girelli, en septembre 2011, avec un cérémonial tout inspiré de la culture sedang.

La perte de ce prêtre d’élite touche cruellement un diocèse où les ordinations sacerdotales sont encore trop peu nombreuses au regard des besoins de la population catholique qui ne cesse de grandir et des exigences à long terme de la mission en cette région.

(Source: Eglises d'Asie, 2 juillet 2013)
 
Land tenure: breaking the cycle of poverty
Vatican Radio
17:12 02/07/2013
2013-07-01 - People in developing countries across the globe are breaking the cycle of poverty by gaining legal control of their land.

It’s all to do with land tenure, a political, economic, social, and legal structure that determines how individuals and groups access and use land and related resources - including trees, minerals, pasture, and water. Land tenure rules define how rights to use, control, and transfer land and resources are allocated within societies.

It follows that land tenure makes an enormous difference to individuals, families, communities and ultimately to the economy of the entire nation.

Land tenure specialists point out that it helps to address climate change issues, improve natural resource management, expand economic growth, improve food security and agricultural productivity, empower women and limit conflict.

Vatican Radio’s Linda Bordoni spoke to Attorney and Land Tenure Specialist – Amanda Richardson who was in Rome to participate in a speaker programme organised by the US Mission to the UN Agencies in Rome

Amanda, who specializes in land law, policy, and women’s rights, works for Landesa, a Seattle-based Rural Development Institute that partners with governments to create laws, policies, and programmes that provide secure land rights for the poorest

Founded over 40 years ago, Amanda explains that Landesa champions the power of land ownership and rights as the key to a better, safer future for the world’s poorest people.

Amanda explains that Landesa works to give hope of a better life to the poorest people in the world, those living on less than 2 US dollars per day. Personally she helps to do research on different legal frameworks and she does field work, talking to people, finding out what their situations are like and then designing pilot projects and following up on their implementation.

At Landesa, Amanda says, “we focus on Sub-Saharan Africa, India and China, on developing countries and chiefly on rural populations”.

Land rights – she explains – “are important because landless people tend to be the most vulnerable people. They are people who don’t have power over where they live, where they can work, power over where their next paycheck is coming from. And if they do live and work on land upon which they don’t have secure land rights, they tend to lack the power to make decisions about that land or to make investments in the land, both short term – like using fertilisers – and long term – like digging a well. So they can’t use the land productively”. Also – Amanda says – “they don’t have the security that they will stay on the land so when there’s pressure from a variety of issues like rising prices or conflict they tend to be people who lose their rights to access the land. So they are vulnerable to all sorts of pressures”.

Amanda explains that Landesa tends to be invited in by governments. “Our goal is always to do things that are scalable at the national level, so to work to reform the laws and different policies that affect peoples’ land rights” She speaks of a programme in India for instance that involves different State governments which aims to distribute land to landless people. “So Landesa worked with them to decide the optimal size for the land they were distributing, and then helped with a pilot project to see how they could give out the land, how they could title the land in the name of the women, and how to do that in a way that made the rights real for people. And then the government takes the research that we have done and scales it up to a broader level”.

Although historically Amanda says that Landesa works upon the invitation of governemtns, it also does some work with USAID, and other projects “so we might be invited in by another NGO or institution”.

She highlights the fact that Landesa focuses on a community level, but also on a household level, an individual level.

Asked for an exemplary success story, Amanda speaks of the “Micro-plot Programme” which deals with small plots of land, less than a quarter of an acre. “It’s what the governments in the Indian states where we have been working have been giving out to landless people. In many Indian states there is a cap on the amount of land an individual can own so there is a lot of land the government has so they are looking to give the land to people. They can do so through the programme so the people can start becoming more independent”. One of the effects – Amanda points out – is dietary improvement as people start growing vegetables on their land and diversifying their diets. So 11 states across India have allocated 210,000 micro-plots to families through the programme”. Amanda says this programme bears witness to the fact that having this kind of security means that people are able to make investments in their land that bear long term fruits.

In Africa Landesa has been involved in a number of programmes. She highlights the “Justice Project” in Kenya that was designed to increase women’s access to their rights under the new Kenyan 2010 Constitution which increases women’s rights and specifically their rights to land. Amanda says that in this situation Landesa first trained the elders, “because they are the traditional justice actors, then trained them on what it said about land in the Constitution, what it said about rights, how they could go about improving both of those things. Then Landesa trained teachers and youth in the schools to have them disseminate information about the Constitution to the community as a whole, and then finally we gave training to women, both to improve their understanding of what the Constitution said, and their public speaking”. Doing it this way – she says – has empowered the whole community: “the elders have become champions of land rights and particularly of women’s land rights, and the community as a whole has bought into the whole idea, and women are seeing an increased access to land, an increased decision making over what crops are to be grown and what to do with the income. And what we have found is that when women have that increased decision-making power they tend to use the food and the money on the family and invest in the family, because they are the ones who tend to have primary responsibility for the children and for household needs”.

Amanda speaks of how she and her colleagues tread gently when first approaching a community, trying to understand what the context is. They try to engage in a sensitive way to the community and tells of some instances in which strong cultural traditions have meant having to change their approach and even adjust their project.

Amanda, who started working at Landesa in 2010, says she is gratified and rewarded by her work as her prime interest is trying to get people out of poverty. Land rights, she says, “are a particularly interesting way to do this because they provide a kind of a base for other work you can do in rural areas, like microcredit”.

“Land is this basic thing that allows us to build up and help people get out of poverty”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ ra mắt đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể xứ Bà Trà, GP. Phú Cường
Joseph Nguyễn Chương, MF
07:43 02/07/2013
MỪNG LỄ RA MẮT ĐOÀN THIẾU NHI THÁNH THỂ GIÁO XỨ BÀ TRÀ – GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG

Sau gần một năm học hỏi về phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam, sáng Chúa Nhật, 30 tháng 6 năm 2013, Giáo xứ Bà Trà tưng bừng tổ chức Thánh lễ Ra mắt và Thành lập Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể với tên gọi Đoàn Thánh Tâm Giáo Xứ Bà Trà. Trong bầu không khí háo hức của một ngày đặc biệt, các em trong trang phục Thiếu Nhi Thánh Thể tề tựu về ngôi thánh đường trong tiếng trống, kiếng kèn, cờ xí tung bay phất phới.

Xem Hình

Đối với các em thiếu nhi trong Giáo xứ mà phần lớn là con em của các gia đình nhập cư từ mọi miền đất nước, cuộc sống gặp nhiều khó khăn thì ngày hôm nay như là ngày hội của tình liên đới, của sự sẻ chia, của lòng hăng say và nhiệt thành của các em muốn lấy Chúa Giêsu Thánh Thể làm điểm tựa cho cuộc đời mình.

Đoàn Thánh Tâm Giáo Xứ Bà Trà có 266 đoàn sinh, được chia làm 4 ngành: Chiên Con: 85 em, Ấu Nhi: 83 em, Thiếu Nhi: 46 em, Nghĩa Sĩ: 52 em. Tất cả các em đoàn sinh được hướng dẫn và huấn luyện bởi 27 Huynh trưởng. Bên cạnh đó, Đoàn còn nhận được sự hỗ trợ của Cha Tuyên Uý Phêrô Phan Anh Tuấn và 6 tu sĩ Trợ Úy và 4 Trợ tá.

Hiện diện trong ngày mừng lễ hôm nay có Cha Chánh xứ, quý cha Tuyên uý Liên Đoàn Phêrô Đoàn Công Quý – Giáo phận Phú Cường, quý cha đồng tế và gần 1.000 giáo dân tham dự. Trước thánh lễ là nghi thức Trao khăn và Ra mắt Xứ Đoàn. Mở đầu là nghi thức làm phép Cờ đoàn và Khăn do cha Tuyên uý Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Quyền chủ sự. Đồng thời, Cha cũng thay mặt cha Simon Nguyễn Văn Thu công bố Văn thư bổ nhiệm Cha phó Phêrô Phan Anh Tuấn làm Tuyên uý cho Xứ Đoàn. Sau khi Cha phó Phêrô Phan Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Tân Tuyên uý, chính ngài đã chủ sự nghi thức trao khăn cho Trợ uý, Trợ tá, Huynh trưởng và các ngành khác trong Xứ Đoàn. Việc trao khăn như là một dấu chỉ để từ đây, quý thầy, qúy sơ, các trợ tá và các em thiếu nhi dứt khoát bước theo tiếng mời gọi của Chúa, sống trong tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể và luôn kín múc muôn ơn lành từ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tiếp đến, Cha Phaolô Nguyễn Thanh Tuấn công bố Văn thư Công nhận Xứ đoàn Thánh Tâm Giáo xứ Bà Trà như một đoàn thể Công Giáo giúp thăng tiến và thực hành sống đạo cho các em Thiếu nhi của Cha Tuyên uý Liên Đoàn Simon Nguyễn Văn Thu. Nghi thức Chào cờ cũng đã khép lại phần nghi thức Trao khăn và ra mắt Xứ Đoàn Thánh Tâm.

Thánh lễ đồng tế mang tâm tình tạ ơn, cầu nguyện cho các em thiếu nhi do Cha Tân Tuyên Uý Phêrô Phan Anh Tuấn chủ sự diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng. Các em thiếu nhi trong trang phục Thiếu Nhi Thánh Thể, cổ đeo khăn quàng như Đạo Binh Thánh Giá trời Trung cổ nhưng thay vì chiến đấu bảo vệ Thánh địa vật chất, các em lại chiến đấu để tô điểm đền thờ thiêng liêng là tâm hồn các em với vũ khí là THÀNH THẬT – GIÚP ÍCH – CẦU NGUYỆN và THAM DỰ THÁNH LỄ. Sau thánh lễ là văn nghệ giao lưu giữa các ngành với nhau gồm 12 tiết mục văn nghệ đặc sắc mang ý nghĩa của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể do các anh chị Huynh trưởng hướng dẫn và tập luyện trong suốt một tháng qua.

Ngày ra mắt Xứ Đoàn đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với các em thiếu nhi trong Giáo xứ. Bắt đầu từ ngày hôm nay, các em sẽ được giáo dục theo đường hướng của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể xét về 2 phương diện Tự Nhiên và Siêu Nhiên để các em trở thành những con người kiện toàn và những Kitô hữu hoàn hảo. Về phương diện tự nhiên: các em được giáo dục để trở thành những con người kiện toàn về thể chất, tinh thần và nhân cách. Về phương diện siêu nhiên: các em được giáo dục để trở thành những Kitô hữu hoàn hảo với nền tảng đạo đức chắc chắn, hiểu biết giáo lý, lương tâm ngay thẳng, sống đạo trưởng thành, hăng hái dấn thân trong việc tông đồ.

Với tất cả tấm lòng tri ân sâu xa, xin tạ ơn Chúa và xin cám ơn Cha Chánh xứ Micae Hoàng Đô Đốc, Cha Tuyên Uý Phêrô Phan Anh Tuấn, quý thầy – quý sơ Trợ uý, quý Trợ tá và toàn thể ân nhân và thân nhân đã cầu nguyện, nâng đỡ các em thiếu nhi bằng cách này hay cách khác, giúp cho các em thiếu nhi trong Giáo xứ ngày một thăng tiến hơn.

Joseph Nguyễn Chương, MF
 
Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế VN : Thánh lễ trao sứ vụ Phó Tế và Linh Mục
Anmai, CSsR
08:06 02/07/2013
Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam: Thánh Lễ Trao Sứ Vụ Phó Tế Và Linh Mục

Niềm vui nối tiếp niềm vui, hồng ân nối tiếp hồng ân. Từ sớm, quý thầy chuẩn bị sẵn sàng để đón quý linh mục, tu sĩ, thân nhân, ân nhân của các tiến chức lãnh sứ vụ phó tế và linh mục hôm nay.

Xem Hình

8 giờ 00, Thánh Lễ trao sứ vụ phó tế và linh mục bắt đầu. Chủ tế Thánh Lễ hôm nay là Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên - Giám mục Giáo phận Hải Hòng.

Đoàn đồng tế bắt đầu từ sân tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tiến vào Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Cộng đoàn cùng hân hoan tiến về Đền Đức Mẹ trong nhạc khúc hết sức quen thuộc của linh mục nhạc sĩ Kim Long: "Từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người. Giờ đây con hân hoan bước lên bàn Thánh dâng tiến Cha xác hồn trắng tinh như ánh quang rạng ngời, đưa bước tung gieo lời chân lý hầu cứu thoát muôn dân muôn đời. .."

Sau khi cầu các Thánh, Cha Giám Tỉnh giới thiệu các ứng sinh lãnh sứ vụ phó tế với Đức Cha:

Micaen Nguyễn Công Đức

Giuse Trần Đức Hùng

Phêrô Nguyễn Bá Quốc Linh

Phanxicô Xaviê Trần Văn Quảng

Giuse Nguyễn Tuấn Minh

Gioan Phùng Bá Trung

Giuse Nguyễn Tuấn Khải

Giuse Nguyễn Quốc Toản

Giuse Nguyễn Nhất Thắng

Các ứng sinh lãnh sứ vụ linh mục hôm nay được Cha Giám Tỉnh giới thiệu với Đức Cha:

Đaminh Trần Thiện Thanh Trà

G.B. Lê Thanh Hải

Giuse Trần Hữu Hoan

Phanxicô Assisi Nguyễn Đức Hoàn

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, Cha Giám Tỉnh có đôi lời cảm ơn Đức Cha. Cha Giám Tỉnh nhắc lại hình ảnh của Cha cách đây 20 năm khi Cha đi giúp một giáo xứ đang chuẩn bị đặt tượng Đức Mẹ trên một ngọn đồi. Người nghệ sĩ nói với cộng đoàn rằng anh chị em muốn đặt tượng ở vị trí nào thì vỗ tay. Tiếng vỗ tay được cất lên cần cẩu đặt đúng hướng đó, người nghệ sĩ vẽ lên những nét cuối cùng để tô điểm và thổi hồn vào bức tượng Đức Mẹ. Quý cha, quý ông bà cố và thân nhân có người góp công vào công trình tạo nên những bức tượng này là những tân chức hôm nay. Đức Cha là người thổi hồn vào những bức tượng thành những linh mục và phó tế hôm nay. Cha Giám Tỉnh cám ơn Đức Cha, ông bà cố và thân nhân bảo trì những bức tượng này.

Đức Cha đáp từ với vài lời cảm ơn Cha Giám Tỉnh ngày hôm nay đã cho Ngài hiện diện gặp gỡ các cha, cộng đoàn. Ngài gửi vài lời nhắn nhủ cộng đoàn, cách riêng với các tân phó tế và tân linh mục.

Sau đó, các tân chức cùng chụp những tấm hình lưu niệm với Đức Cha, Cha Giám tỉnh và quý cha đồng tế.

Hiệp cùng niềm vui hồng ân sứ vụ phó tế và linh mục, cộng đoàn cùng chia sẻ bánh ngọt và nước tinh khiết được chuẩn bị sẵn xung quanh sân Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
 
Giáo xứ Lào Cai kết thúc tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
10:06 02/07/2013
Tháng 6 là tháng Trái Tim Chúa Giêsu. Thánh Tâm Chúa luôn mở rộng vòng tay để đón tất cả những ai đến cùng Người, đặc biệt những người tội lỗi.

Xem hình ảnh

Nhận thức được tình yêu vô biên của Trái Tim Chúa, giáo xứ Lào Cai cỗ võ lòng tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu bằng nhiều cách: dâng lễ những ngày thứ 6 hàng tuần – nhất là thứ 6 đầu tháng, làm việc kính Thánh Tâm, dâng những việc lành cho Thánh Tâm Chúa, dâng hoa kính Thánh Tâm, cung nghinh Thánh Tâm xung quanh nhà thờ…

Ngày 30 tháng 6 kết thúc tháng Thánh Tâm, giáo xứ, dưới sự hướng dẫn của cha quản xứ Giuse Nguyễn Văn Thành, đã tổ chức cung nghinh Thánh Tâm Chúa xung quanh nhà thờ và dâng hoa cộng đồng kính Thánh Tâm. Có 9 đội hoa trong 2 giáo xứ Lào Cai và Phố Lu. Các đội hoa đã dâng lên Trái Tim Chúa những tâm tình kính mến và tôn sùng Thánh Tâm.

Mọi người đều sốt sáng và tạ ơn Thánh Tâm Chúa vì bao ơn lành Người đã ban.
 
Hội SVCG TGP Hà Nội tiếp sức Mùa Thi 2013
SVCG Hà Nội
20:44 02/07/2013
Hoàn tất công tác đón tiếp tại một số nhà thờ trên địa bàn trung tâm Hà Nội

Tính đến chiều ngày 2/7 mọi công tác đón tiếp thí sinh của các nhóm đã đi vào giai đoạn hoàn tất.Công tác đưa đón thí sinh đến các địa điểm nghỉ ngơi cũng đã ổn định.Hơn 2000 thí sinh đến từ các nơi trong giáo tỉnh miền Bắc được 11 nhóm sinh viên trong TGP Hà Nội đón tiếp và đưa đến 15 địa điểm gần với vị trí các trường mà các thí sinh dự thi.

Xem hình ảnh

Điểm qua một số nhà thờ trên địa bàn trung tâm Hà Nội: nhà thờ Thái Hà, nhà thờ An Thái, nhà thờ Hàng Bột và nhà thờ Lớn, nhìn chung số lượng thí sinh có phần giảm so với mọi năm nên các TNV của các nhóm cũng đỡ vất vả trong việc đón tiếp thí sinh. Tuy nhiên, đó cũng chính là điểm hạn chế của công việc tiếp sức do số lượng thí sinh giảm so với mọi năm nhưng số lượng TNV nhiều nhóm lại có sự chênh lệch dẫn đến việc bất hợp lý trong tiếp sức tính đến 12h cùng ngày số lương thí sinh và TNV các nhóm được tổng hợp cụ thể như: Nhóm Thạch Bích với 13 thí sinh trong khi số lượng TNV lên đến 42 người, nhóm Phú Mỹ đón tiếp 12 thí sinh với số lượng TNV là 35 người…trong khi đó một số nhóm như Nông Nghiệp có số lượng thí sinh lên đến 105 nhưng số lượng TNV chỉ có 74 người…

Theo chị Maria Trương Thi Hương – thư kí nhóm Hà Thành cho biết: “Đến chiều ngày 2/7 với 40 TNV nhóm đã đón tiếp 43 em thí sinh từ bến xe Giáp Bát di chuyển về địa điểm nhà thờ lớn và giúp các em có chỗ nghỉ ngơi ổn định”. Chị cũng cho biết thêm trong quá trình tiếp sức nhóm cũng gặp một số khó khăn như số lượng thí sinh đông, địa điểm tiếp sức xa bến xe, phương tiện di chuyển chủ yếu là xe máy nhưng cũng rất hạn chế.Tuy nhiên, các TNV tham gia tiếp sức năm nay chủ yếu là tân sinh viên nhưng các bạn cũng dốc hết sức mình để làm việc hơn nữa nhờ sự giúp đỡ của quý cha, quý thầy, quý sơ, quý ân nhân nên công việc tiếp sức cũng thuận lợi.

Ngay khi các thí sinh di chuyển về các địa điểm nghỉ ngơi các nhóm cũng bắt tay vào các công việc hậu cần, chăm sóc cho thí sinh, tạo tâm lý thoải mái cho các thí sinh trước khi bước và kì thi cũng được các nhóm hết sức quan tâm.

Theo anh Tôma Đặng Văn Quản – Trưởng nhóm Thái Hà, Bùi Chu thì địa điểm tiếp sức tại Thái Hà bao gồm 3 nhóm là: Nhóm SVCG Hà Nam, SVCG Phát Diệm, SVCG Thái Hà – Bùi Chu với trên 200 thí sinh. Ban đầu, địa điểm nghỉ ngơi có sự thay đổi, vấn đề an ninh còn gặp một số khó khăn nhưng nhờ sự giúp đỡ của quý cha, quý ân nhân, các anh chị trong liên đoàn, sự phối hợp đoàn kết của ba nhóm mà công tác di chuyển một số thí sinh nữ đến địa điểm mới được tiến hành hết sức thuận lợi. Ngay khi đến địa điểm mới và ổn định được các thí sinh các ba nhóm bắt tay vào các công việc chăm lo cho thí sinh hết sức chu đáo.

Sửa soạn đón tiếp

Tháng 7 rộn ràng tới báo hiệu một kì thi đại học nữa lại đến. Bao ước mơ, hoài bão nay đến lúc thực hiện, 12 năm miệt mài đèn sách nay đến kì hái quả. Là một trong những hoạt động chính của Hội SVCG TGP Hà Nội Tiếp sức mùa thi như một truyền thống tốt đẹp mà cứ mỗi mùa thi về là các tình nguyện viên hăm hở lên đường góp một phần nhỏ bé của mình để đưa các em thí sinh bước vào giảng đường đại học.

Để chuẩn bị cho chương trình tiếp sức mùa thi từ nhiều tháng trước các nhóm đã lên kế hoạch chuẩn bị, ngày 22/6 vừa qua là thánh lễ ra quân với mục đích dâng lên Chúa và xin Ngài thánh hóa việc làm ý nghĩa này.

Hôm nay, ngày 2/7 các nhóm sinh viên thuộc Hội SVCG TGP Hà Nội chính thức khởi động chương trình Tiếp sức mùa thi 2013 sau nhiều tháng chuẩn bị. Ngay từ sáng sớm các nhóm đã có mặt tại các bến xe trên khắp địa bàn Hà Nội để thực hiện công tác tiếp đón.

Bến xe Giáp Bát.

Bến xe Giáp Bát những ngày này đông đúc, nhộn nhịp hơn hẳn. Thí sinh đến bến xe Giáp Bát chủ yếu thuộc một số tỉnh phía Nam Hà Nội như Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định… Năm nay, tuy số lượng hồ sơ đăng kí dự thi ít hơn so với năm ngoái nhưng số lượng thí sinh mà các nhóm trong hội SVCG TGP Hà Nội đón tiếp không biến động so với năm ngoái nhiều. Điều đó một phần nói lên rằng chương trình “Tiếp sức mùa thi” của hội đã thu hút được sự quan tâm và tín nhiệm của thí sinh cũng như của phụ huynh ngày càng nhiều.

Đến 12h, tại bến xe Giáp Bát đã trực tiếp đón tiếp được khoảng hơn 1000 sĩ tử, trong đó nhiều nhất là nhóm Phát Diệm với khoảng gần 500 thí sinh, Hà Nam hơn 400 thí sinh, Nông Nghiệp 180 thí sinh…

Bến xe Mỹ Đình

Bến xe Mỹ Đình có vẻ đỡ ồn ã hơn bến xe Giáp Bát. Với các nhóm sinh viên đến từ TGP Hà Nội là các nhóm: SVCG Cổ Nhuế, SVCG Phú Mỹ, SVCG Thanh Hóa, SVCG Xuân Hòa…

Theo anh Giuse Quách Đình Minh trưởng nhóm SVCG Hưng Hóa: “Lượng thí sinh năm nay về dự thi có số lượng ít hơn nên các tình nguyện viên trong nhóm cũng làm việc đỡ vất vả hơn so với mọi năm nhưng các TNVs trong nhóm cũng phải có mặt từ rất sớm và túc trực ở bến xe để đón tiếp các em thí sinh và người nhà đến địa điểm tiếp sức nhanh nhất”. Cũng theo anh các thí sinh năm nay cũng cởi mở và biết về TSMT hơn các năm trước nên công việc tiếp sức cũng nhẹ nhàng và đỡ vất vả hơn các năm trước rất nhiều.

Được biết năm nay các nhóm gặp một số khó khăn chung như: Số lượng TNV ít, địa địa điểm ăn ở phải tự túc, về công tác chuẩn bị, phương tiện di chuyển,…còn hạn chế. Tuy nhiên, năm nay quý cha, quý thầy, quý sơ, quý ân nhân… cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho công tác đón tiếp thí sinh nên việc hướng dẫn và tiếp sức cũng thuận tiện hơn

Anh Mai Hồng Phúc phó nhóm SVCG Cổ Nhuế cho biết thêm để làm tốt các công tác đưa đón thí sinh các TNV cũng đang cố gắng hoàn thành tốt công việc. Với số lượng 5 TNV trong đó số lượng xe đưa đón cũng hạn chế nên các TNV trong nhóm cũng phân bổ sao cho công tác tiếp đón thí sinh một cách hợp lí.

Tính đến 10h cùng ngày tại ba bến xe chính là bến xe Giáp Bát, bến xe Mỹ Đình, bễn xe Yên Nghĩa và bến xe Gia Lâm đã đón được hơn 2000 thí sinh. Dự kiến trong ngày hôm nay số lượng thí sinh đổ về Hà Nội trong đợt 1 sẽ tiếp tục tăng hơn nhiều…Có đôi chút mệt mỏi vương trên gương mặt các sĩ tử sau chuyến xe “lên kinh ứng thi”, đôi chút bỡ ngỡ, ngại ngùng nhưng với sự nhiệt tình của các tình nguyện viên các em đã nhanh chóng lấy lại tinh thần và trò chuyện cởi mở hơn với các anh chị.
 
Phỏng vấn Tân GM An-phong Nguyễn Hữu Long, GM phụ tá Giáo phận Hưng Hóa
Gioan Lê Quang Vinh
09:51 02/07/2013
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm cha An-phong Nguyễn Hữu Long, thuộc Hội Linh mục Xuân Bích, Giám đốc Đại chủng viện Huế, làm giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa (Việt Nam), hiệu tòa Gummi di Bizacena. Ngày 06/9 tới đây, Đức Cha An-phong sẽ được thụ phong Giám mục tại Hưng Hoá. Thông tấn xã Công Giáo VietCatholic xin được phỏng vấn Đức Cha trước ngày ngài chính thức nhận nhiệm sở.

PV: Kính thưa Đức Cha, trước hết, trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chúng con xin được chúc mừng Đức Cha trong sứ vụ mới. Và xin Đức Cha cho chúng con biết đôi nét về giáo phận mà Đức Cha sắp đến phục vụ.

Đức Cha An-phong: Tôi xin thú thật chưa biết nhiều về giáo phận Hưng Hoá, dù đã đến một vài nơi. Nhưng qua tìm hiểu thì đây thật là một giáo phận rộng lớn, bao gồm 9 tỉnh phía Tây Bắc và 1/6 thủ đô Hà Nội. Giáo phận hiện có 71 linh mục, trong đó 5 cha hưu, 5 cha du học, chỉ còn 61 cha làm mục vụ cho hơn 200.000 giáo dân. Giáo xứ Mường Tè xa nhất, cách tòa giám mục 750 cây số. Cha Nguyễn Trung Thoại, chánh văn phòng tòa giám mục, mỗi tuần phải đi và về 900 cây số để làm mục vụ tại Sơn La. Một cha cho biết giáo phận cần thêm 100 linh mục mới đáp ứng đủ nhu cầu. Địa bàn giáo phận rộng lớn, đồi núi chập chùng, giao thông hiểm trở, nên các linh mục thật vất vả trong việc mục vụ. Lo cho người có đạo chưa xong, thì công cuộc truyền giáo càng là một thách đố, nhất là tại đây có nhiều sắc tộc mà ít người biết đến tên gọi như Dao, Sán Chay, Khờ Mú, Hà Nhì, La Chí, Phù Lá, Sán Chỉ, Bố Y... Về mặt xã hội, vì tiếp giáp biên giới Trung quốc, Lào, nên tệ nạn xã hội dễ thao túng và hoành hành. Dầu thấy trước những vấn đề nan giải như vậy, nhưng tôi vẫn trông cậy và phó thác trong tay Chúa mà chấp nhận dấn thân phục vụ.

PV: Trong một giáo phận rộng lớn với địa thế hiểm trở và rất đông giáo dân, Đức Cha đang chuẩn bị thế nào cho công việc mục vụ ạ ?

Đức Cha An-phong: Tôi chưa chuẩn bị gì cả ! Trước hết, vì là phụ tá, nên tôi sẽ để mình dưới sự hướng dẫn của Đức Giám Mục giáo phận, ngài sẽ chỉ vẽ cho tôi đường hướng mục vụ. Tôi cũng sẽ học hỏi với các linh mục. Ngoài ra, cần có thời gian tiếp cận trực tiếp giáo phận mới biết được phải làm gì và làm như thế nào. Tóm lại, tôi sẽ theo phương pháp Công Giáo tiến hành : xem - xét - làm.

PV: Xin Đức Cha cho chúng con biết đôi chút về hành trình ơn gọi của mình ?

Đức Cha An-phong: Hành trình ơn gọi của tôi, như mọi anh em chủng sinh cùng thời, không hoàn toàn suôn sẻ. Tôi bắt đầu đi tu vào năm 12 tuổi, trải qua bảy năm tu học rất thần tiên tại Tiểu chủng viện Thánh Gioan ở Đà Nẵng. Tiếp đó là ba năm triết học êm đềm tại Đại chủng viện Hòa Bình, cũng ở Đà Nẵng. Sau biến cố 1975, dù chủng viện đóng cửa, tôi vẫn may mắn được học thêm ba năm thần học tại Tòa giám mục Đà nẵng, vừa học vừa làm một nghề gì đó để mưu sinh. Tôi đã từng làm nghề thợ nhuộm, hớt tóc, vấn thuốc lá... mà đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm cười ra nước mắt khi cầm tông đơ hớt tóc. Cuối năm 1978, tôi làm nghĩa vụ thanh niên tại công trường thủy lợi Phú Ninh trong ba năm rưỡi. Trở về, tôi lặng lẽ tu học và lao động thêm tám năm nữa. Ngày 27.12.1990, tôi được chịu chức linh mục và làm phó xứ Tam Kỳ trong bốn năm. Từ 1994-1998, tôi được gửi đi học giáo luật tại đại học Công Giáo Paris. Về nước, tôi phụ trách giáo xứ Hà Lam trong hai năm, rồi giáo xứ Trà Kiệu nơi có Trung Tâm Thánh Mẫu giáo phận trong ba năm, đồng thời dạy học tại Đại chủng viện Huế. Năm 2003, tôi gia nhập hội Linh Mục Xuân Bích và làm công việc đào tạo tại chủng viện này. Những trắc trở khách quan nằm trong giai đoạn từ 1975-1990, mà nhờ ơn Chúa, tôi vẫn giữ được ơn gọi.

PV. Đức Cha đã từng làm quản xứ, rồi giáo sư và giám đốc chủng viện, Đức Cha nhận thấy đâu là ưu tiên trong công việc của một mục tử trong giáo phận ?

Đức Cha An-phong: Việc mục vụ còn được gọi là việc chăm sóc các linh hồn (cura animarum), nên ưu tiên thứ nhất của một mục tử là săn sóc phần hồn của giáo dân. Thánh vịnh 22 vẽ nên bức tranh của việc mục vụ : dẫn chiên đến đồng cỏ xanh, bờ suối mát để được bổ dưỡng ; chăm sóc chiên cho mạnh khoẻ, không bệnh tật ; canh chừng không để chiên bị lạc hay bị sói tấn công... Tại giáo phận Hưng Hóa có nhiều họ đạo vắng bóng linh mục ba bốn mươi năm nay, giáo dân vẫn giữ đức tin, có những tín hữu chỉ tham dự thánh lễ được một hai lần trong năm... Chúng ta phải chạnh lòng thương họ như Chúa Giêsu xưa, vì họ “tất tưởi bơ vơ như chiên không có người chăn” (Mt 9,32).

Ưu tư thứ hai là hệ luận của ưu tư trên, là lo cho có những mục tử tốt. Hưng Hoá cho đến nay vẫn có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ, vẫn có nhiều người muốn làm thợ trong cánh đồng của Chúa. Phải làm sao giúp họ theo đuổi ơn gọi cao quý này.

Ưu tư thứ ba : đứng trước những thực trạng đáng buồn như nghèo đói, thất học, tệ nạn xã hội..., tôi băn khoăn mình sẽ làm gì để đẩy lùi những thực trạng trên.

Tóm lại, xây dựng con người là ưu tiên mục vụ, trước khi xây dựng những gì khác.

PV. Đức Cha là một trong những vị Giám mục đầu tiên được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm. Đức Cha có thể chia sẻ cho chúng con một vài tâm tình cũng như mong ước của Đức Cha trong những ngày chuẩn bị về nhận sứ vụ mới ?

Đức Cha An-phong: Đức Phanxicô đã lay động con tim mọi người từ khi được chọn làm giáo hoàng, ngài mở ra cho Giáo Hội một hướng đi mới khi chọn sống đơn sơ giản dị, thanh thoát vật chất và gần gũi với mọi người, là anh em với mọi người. Làm giáo hoàng mà ngài vẫn nhớ đến một người làm vườn, một ông thợ đóng giầy, một tu sĩ quen biết. Ngài cúi xuống rửa chân cho các tù nhân trẻ trong trại giam, dâng thánh lễ hàng ngày trong một nhà nguyện cho giáo dân tham dự... Tôi vui mừng được là một trong những giám mục đầu tiên của triều đại ngài. Cảm kích về một câu nói ấn tượng trong bài giảng lễ Dầu thứ Năm Tuần Thánh năm nay, tôi đã chọn câu nói đó làm châm ngôn : “Mang vào mình mùi chiên”. Tôi nguyện sống gần gũi với đoàn chiên, chia sẻ đau khổ và khó khăn, nhận lấy bệnh tật của họ như là của mình. Chúa Giêsu đã nêu gương như thế, khi “mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Ys 53,4). Ngài không ngần ngại ăn uống với người thu thuế, tiếp xúc với người cùng đinh, cúi xuống với những người đau khổ bệnh hoạn... Cũng vì muốn dấn thân theo đường hướng của Đức Phanxicô, nên tôi đã xin được thụ phong tại Hưng Hóa, để nhập cuộc ngay từ giây phút khởi đầu sứ vụ giữa lòng dân Chúa.

PV. Chúng con xin hỏi một câu hỏi có tính riêng tư. Đức Cha có thể chia sẻ cho chúng con một chút về gia đình Đức Cha, một gia đình có đến ba anh em được Chúa gọi làm linh mục trong Hội Thánh Công Giáo?

Đức Cha An-phong: Gia đình chúng tôi được hồng phúc dâng cho Chúa ba người con : anh làm quản xứ Tam Kỳ, giáo phận Đà Nẵng ; em út làm linh mục tại giáo phận Regina (Canada), và tôi. Cha mẹ và anh chị em chúng tôi là những giáo hữu bình thường, ít học, nhưng có lòng tin kính Chúa và giữ đạo tốt. Gia đình có thói quen tốt lành là không bỏ giờ kinh tối. Cha mẹ tôi thường bảo : “Mỗi ngày ta nhận được bao nhiêu ơn Chúa, mà tối đến không có lời kinh cám tạ Chúa, coi sao được” ! Trong những năm khó khăn, thấy gia đình bị khốn đốn ở vùng kinh tế mới, hai anh em chúng tôi nảy ý định xin về giúp gia đình một thời gian rồi sau tu tiếp, nhưng cha mẹ tôi cương quyết : “Các con cứ việc đi theo Chúa, không phải bận tâm tới gia đình, cứ coi như cha mẹ và các em chết hết rồi” ! Trong những lá thư gửi cho chúng tôi, ba tôi thường kết thúc như sau : “Ba mẹ và các em hằng cầu xin Chúa cho các con được ơn bền đỗ trong nhà Chúa”. Tôi nghĩ rằng nhờ lòng đạo đức của gia đình mà chúng tôi đã được Chúa chọn.

PV. Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Cha. Người đọc và người viết chúng con sẽ cầu nguyện nhiều cho Đức Cha trong sứ vụ mới. Xin Đức Cha chúc lành cho chúng con.
 
Khóa Huấn Luyện Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận Hưng Hóa
LM Nguyễn Văn Thành
10:11 02/07/2013
Khóa Huấn Luyện Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận Hưng Hóa (từ ngày 24-29/ 6/ 2013)

Theo kế hoạch, Ủy ban Mục vụ Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT), do cha Mat-thêu Phan Thanh Hoàng M.F làm Chủ tịch, đồng thời là Tuyên Úy Liên đoàn Phêrô Vũ Văn Truật - giáo phận Hưng Hóa, đã mở khóa huấn luyện Huynh Trưởng TNTT cấp I, từ ngày 24 đến hết ngày 29 tháng 6 năm 1013, tại giáo xứ Nỗ Lực.

Xem hình ảnh

Đây là khóa huấn luyện đợt II, tham dự viên gồm:

* Các Huynh Trưởng đã tham dự khóa huấn luyện đợt I năm 2012 tại TTMV Hà Thạch, để được nâng cấp và cấp chứng chỉ Huynh Trưởng cấp I;
* Các Huynh Trưởng đang phục vụ Phong trào TNTT tại các Xứ đoàn sẽ tham dự khóa huấn luyện đợt này để được công nhận là Huynh Trưởng Giáo phận.

Tham dự khóa Huấn luyện có trên 200 học viên từ các giáo xứ thuộc giáo phận Hưng Hóa.

Đồng hành khóa huấn luyện có 2 cha Tuyên úy: Cha Giuse Nguyễn Viết Hiệp, đặc trách Thiếu nhi giáo hạt Đông Nam Phú Thọ; cha Giuse Vũ Quang Tấn, đặc trách Thiếu nhi giáo hạt Yên Bái; Các Dì Hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa làm trợ Úy và 3 Quý Trưởng từ miền Nam ra giúp đỡ khóa huấn luyện.

Điều kiện thời tiết giữa những ngày hè rất khắc nghiệt như dân gian thường nói “mưa dầu nắng lửa”. Thật vậy, hai ngày khởi đầu, đúng lúc cơn bão số 2 Bebinca đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, trời mưa tầm tã; rồi tiếp đó là những ngày nắng nóng gay gắt kéo dài suốt cả tuần. Nhưng với lòng yêu Chúa Giêsu Thánh Thể, tinh thần nhiệt huyết còn cao nhiệt hơn thời tiết, mưa mặc mưa, nắng kệ nắng, các nội dung sinh hoạt, các bài khóa đa phần tập luyện ở ngoài trời, vẫn thực hiện theo đúng chương trình.

Nội dung các bài khóa gồm tổ chức và sinh hoạt hàng đội, nhân bản, kỹ năng trong TNTT như kể chuyện, bài hát, vũ điệu, trại, trò chơi… theo 3 phương pháp:

*Theo tâm lý lứa tuổi: Ấu (5-7 tuổi), Thiếu (10-12 tuổi), Nghĩa (13-15 tuổi);
*Phương pháp vui mà học;
*Phương pháp hàng đội.

Chiều ngày 25/6/2013 Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất đến thăm khóa huấn luyện. Đức Cha nêu lên ý nghĩa mục đích và tầm quan trọng của khóa huấn luyện, Ngài động viên các Huynh Trưởng được các giáo xứ tín nhiệm cử đi tham gia khóa huấn luyện, các Huynh Trưởng cần đem hết nhiệt tình học tập, rèn luyện, và sau đó, trách nhiệm nặng nề để phát Phong Trào TNTT tại các giáo xứ.
 
Thánh lễ an táng Linh mục Calistô Bá Năng Lý thuộc giáo phận Kontum
Antôn Phêrô Truyền Thông Nguyễn
18:52 02/07/2013
KONTUM - Như chúng tôi đã đưa tin, vào 10 giờ đêm 01/07/2013, sau khi thánh lễ cầu nguyện bên linh cửu cha Calistô lúc 8 giờ xong, Ban Tổ Chức Lễ Tang đã quyết định di quan ra lễ đài để kịp chuẩn bị Thánh Lễ vào sáng mai và phòng khi rời mưa to sẽ khó khăn di chuyển. Cha Tổng Đại Diện Phêrô Nguyễn Vân Đông đã gợi ý việc này từ buổi chiều và được quý cha đón nhận. Các đoàn cồng chiêng và từng nhóm người từ khắp các giáo xứ đã tuôn về rất đông ngay trong đêm. Nơi nhà nguyện chật hẹp ấy không đủ chỗ cho anh em dân tộc về cầu nguyện cho cha Calistô, vì vậy phải di quan ra lễ đài để anh chị em có thể canh thức suốt đêm bên linh cửu.

Xem hình ảnh

Đến 12 giờ đêm thì trời đổ mưa to như trút nước, nước ngập cả đường đi, khiến ai nấy đều lo lắng sợ sáng mai Thánh lễ an táng bị ngập chìm trong mưa lớn. Trời mưa liên tục cho đến 3 giờ sáng thì tạnh hẳn, anh em dân tộc co cụm dưới mái dù lớn của lễ đài và miệt mài cầu nguyện cho cha Clistô. Lời kinh đêm rầm rì như tiếng bồ câu kéo dài liên lỷ cho đến gần sáng. Thỉnh thoảng lại rên lên những tiếc khóc thé nghẹn ngào. Cha xứ Kon H’ring, người dân tộc Sê Đăng anh em của họ đang nằm đây, nhưng ngài đã ra thi mãi mãi. Chỉ còn lại đêm nay nữa thôi, ngày mai ngài sẽ trở về với bụi đất, họ sẽ không còn nhìn thấy cha xứ thân yêu của mình, cùng màu da, cùng tiếng nói và cùng bản sắc văn hóa với họ nữa.

Đúng 6 giờ, mọi người tuôn về mảnh đất hoang, dự định sẽ là nền nhà thờ của giáo xứ Kon H’ring trong tương lai, nơi đang quàn thi hài của cha Calistô. Chính ngài đã dày công không biết mệt mỏi, làm việc với chính quyền để xin lại miếng đất này, nơi mà nhà thờ cũ đã bị bom đạn phá đổ trong chiến tranh. Ngài chưa kịp xây nhà thờ thì Chúa đã cất ngài về bên Chúa. Cha Tổng Đại Diện Phêrô đến từ rất sớm để sắp xếp và hướng dẫn cho mọi người tham dự Thánh Lễ. Trong chốc lát, hơn 100 linh mục khắp nơi trong và ngoài Giáo phận cũng đến để hiệp dâng thánh lễ này. Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh chủ tể Thánh Lễ bên cạnh Đức Cha già Phêrô Trần Thanh Chung. Đến 7 giờ, Thánh Lễ an táng diễn ra rất sốt sáng và cảm động, lễ bằng hai thứ tiếng Kinh và Bah Nar.

Trong bài giảng của mình, Đức Cha Micae tỏ lòng quý mến và thương tiếc linh mục Calistô Bá Năng Lý đã được Chúa gọi về trong khi tuổi đời còn rất trẻ. “Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng dưng bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ”(Isaia 38, 12). Nhưng ngài cũng khẳng định: giá trị đời người không nằm ở tuổi thọ sống lâu, nhưng nằm ở nhân đức và phúc lộc. Nhân đức vì cha Calistô đã chọn cuộc sống cho đi vì anh em dân tộc mình và sẵn sàng chết thay cho anh em, lại còn xây dựng cho mình một cuôc sống âm thầm lặng lẽ và hiền dịu. Và phúc lộc vì ngài đã nhận ra ân huệ Chúa ban và đáp trả lời mời gọi của Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Đức Giám Mục Micae cũng mong mỏi cho các thanh thiếu niên Sê Đăng khắp nơi trong Giáo phận tiếp tục noi gương cha Calistô chăm học và sống quảng đại, để dâng hiến đời mình phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em.

Trong bài tiễn biệt, cha Tổng Dâị Diện Phêrô rất xúc động nói lên lời tâm tình với cha Calistô. Ngài nhắc lại những kỷ niệm vui buồn trong đời tông đồ của cha Calistô, những đức tính hiền lành, nhẫn nhịn, chịu đựng và giàu lòng vị tha đã in đậm trong tâm trí của mọi người. Sự ra đi của cha Calistô đã để lại sự trống vắng không thể bù đắp nơi Giáo xứ Kon H’ring nói riêng và cả giáo phận Kontu nói chung. Sau đó, cha hạt Antôn Nguyễn Văn Binh nói lời cảm ơn hai Đức Cha Micae và Phêrô cùng cha Tổng Đại Diện, quý cha trong và ngoài Giáo phận, toàn thể quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân khắp nơi đã đến hiệp thông cầu nguyện cho cha Calistô. Xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho Cha Calistô và cầu nguyện nhiều cho giáo xứ Kon H’ring trong những tháng ngày sắp tới.

Sau Thánh Lễ, Đức Cha Micae cùng linh mục đoàn và hơn 4 ngàn anh chị em giáo dân đã tiễn đưa cha Calistô đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang giáo xứ Kon H’ring cách đó khoảng 5 km. Những tiếng khóc nghẹn ngào đan xen với lời kinh nguyện kéo dài suốt chặng đường đi, lên tận nghĩa trang nằm ở lưng đồi cao ngút, suốt cả 2 giờ mai táng làm ai ai cũng phải nghẹn lòng. Hình ảnh mẹ già hao gầy, côi cút bên mộ con trai duy nhất, bà chỉ biết nấc lên những lời uất nghẹn và bất lực nhìn con đi về lòng đất mà làm cho người người chứng kiến phải đau xót tiếc thương. Cơn đau như xé ruột gan của bà, bà không thể nói lên được lời nào khi nhìn thấy con mình ra đi trong lúc tuổi đời phục vụ đang ở giai đoạn sung mãn. Hơn bao giờ hết, lời kinh nguyện thiết tha của muôn người lúc này đang hướng về linh hồn cha Calistô, hướng về giáo xứ Kon H’ring, nhưng kính xin đừng quên cầu nguyện cho bà cố của cha trong cơn đau khổ của thế trần được gặp ân huệ vô ngần của Đấng Chí Thánh tỏ lòng khoan nhân yêu mến tất cả những ai sầu khổ khóc lóc. Nguyện xin Chúa ban cho linh hồn Cha Calistô ân huệ được sống bên Chúa mãi mãi và nguyện xin cho bà cố của ngài cùng tất cả anh chị em dân tộc địa sở Kon H’ring được ơn bình tâm trong những ngày sắp tới.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bao giờ người Việt hưởng dân quyền trở lại?
Hà Minh Thảo
07:28 02/07/2013
BAO GIỜ NGƯỜI VIỆT HƯỞNG DÂN QUYỀN ?

Trung tuần tháng Tư 1954, không khí Sài gòn đã mang màu sắc buồn bã trước những tin xấu từ chiến trận Bắc Việt. Sau đó, ngày 07.05.1954, Điện Biên phủ thất trận từ tay Quân đội viễn chinh Pháp vào tay Việt Minh được sự quân viện của Trung cộng. Tại Paris, Pierre Mendès France được Tổng thống René Coty mời giữ chức Thủ tướng ngày 18.06.1954 với chủ trương rời bỏ thuộc địa Đông dương và, đau đớn hơn, Tổ Quốc Việt Nam, với sự đồng ý của Hồ Chí Minh và người cộng sản Việt, có khả năng bị chia đôi tại Hội nghị Genève khai mạc từ ngày 26.04.1954.

I. THÀNH LẬP VIỆT NAM CỘNG HÒA.

Trước thảm cảnh Quê Hương sắp phải phân đôi, Quốc trưởng Bảo Đại phải chọn một nhân vật có đủ các đức tính và khả năng cho tình trạng đặc biệt của Đất Nước, không để chống ngoại xăm nhưng để ngăn người Việt cộng sản thực thi Cộng sản hóa Việt Nam do Liên xô và Trung cộng lãnh đạo.

A. Quốc Trưởng bổ nhiệm Thủ Tướng.

Trong hồi ký ‘Le Dragon d’Annam’ (Con Rồng Việt Nam’, Quốc trưởng Bảo Đại cho thấy sự quý trọng mà ông dành cho ông Ngô Đình Diệm khi mời ông này lập chính phủ tới 4 lần và ông Diệm chỉ nhận 2 lần :

1.- Lần đầu năm 1933, khi muốn thực hiện chương trình cải cách hầu khôi phục dần chủ quyền Việt Nam, vua Bảo Đại đã bổ nhiệm ông Ngô Đình Diệm vào chức vụ thượng thư bộ Lại đứng đầu nội các kiêm Tổng thư ký Hội đồng hỗn hợp Việt Pháp về ‘Canh Tân’ với lý do : « Tôi cho vời một viên quan tỉnh trẻ tuổi nhất là Ngô Đình Diệm, lúc ấy làm Tuần Vũ tỉnh Phan Thiết, để đảm trách bộ Lại. Diệm năm ấy mới 31 tuổi, nổi tiếng là thông minh liêm khiết. Đây là một người quốc gia bảo thủ… ». Vì người Pháp không đáp ứng những yêu cầu của ông về canh tân nên ông Diệm đã từ chức để phản đối, trước sự thuyết phục của nhà vua ‘Mong rằng sự ra đi của quan Thượng sẽ mở mắt cho người Pháp’… và viết ‘Ngô Đình Diệm đi rồi, tôi hoàn toàn thất vọng’.

2.- Lần thứ hai và là lần chót ngày 18.06.1954 khi hội nghị Genève đang tiếp diễn, với viễn ảnh đen tối, nếu không nói là tuyệt vọng, cho giải pháp Bảo Đại và phe quốc gia, Quốc Trưởng lại một lần nữa tìm đến ‘người mà tôi tin cẩn’. Ông đã thuật lại đầu đuôi câu chuyện như sau:

« …Tôi cho vời Ngô Đình Diệm và bảo ông ta:
– Cứ mỗi khi tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ.
– Thưa Hoàng Thượng, không thể được ạ. Ông ta đáp. Tôi xin trình Ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu…
– Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.
Sau một hồi yên lặng cuối cùng ông ta đáp:
–Thưa Hoàng Thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà Ngài trao phó.
Cầm lấy tay ông ta, tôi kéo sang một phòng bên cạnh, trong đó có cây thánh giá. Trước thánh giá tôi bảo ông ta:
–Đây Chúa của ông đây, ông hãy thề trước chân dung Chúa là giữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó để chống lại bọn Cộng sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa.
Ông ta đứng yên lặng một lúc lâu, rồi nhìn tôi, sau nhìn lên Thánh giá, ông nói với giọng nghẹn ngào:
–Tôi xin thề. »

[Lưu ý. Không chỉ vua Bảo Đại chọn ông Diệm tham chính mà Hồ Chí Minh cũng đã mời. Khi Bảo Đại thoái vị và Việt Minh nắm chính quyền, ông Diệm trở lại Huế để thăm mẹ và đã bị Việt Minh bắt tại Tuy Hòa-Phú Yên. Chúng giải ông ra Hà Nội và bị giam giữ tại tỉnh miền núi Tuyên Quang nhưng được trả tự do theo lệnh ân xá của Hồ Chí Minh vào năm 1946 để mời ông giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Vì ông Diệm muốn được rõ các bí mật việc điều hành quốc sự, nên sự tham chính bất thành. Ông Diệm quá biết ông Hồ và đã khẳng khái hỏi: « Tại sao ông giết anh tôi? » (ông Ngô Đình Khôi). Đó là câu hỏi của một người thật can đảm khi trong tay không một tấc sắt trước ông Hồ đang đầy uy quyền và dưới tay hắn có cả một băng nhóm du côn tàn bạo giết người.]

Hôm 20.06.1954, Quốc trưởng thông báo sự bổ nhiệm và giới thiệu ông Ngô Đình Diệm cho Tướng Paul Ély, Cao ủy Pháp tại Việt Nam. Tiếp đó, ông Diệm có buổi ra mắt và họp báo tại Hotel Palais d’Orsay (Paris) và, trong thời gian lưu lại Pháp, ông Diệm thuê một phòng ngủ rẻ tiền, không nhà tắm ở Hôtel de la Gare, gần khu phố nghèo nàn cạnh ga xe lửa Austerlitz. Đây cũng là bằng chứng về con người và nhân cách của ông Ngô Đình Diệm.

Ngày 26.06.1954, ông Diệm mới bay về Sài gòn, cùng với hoàng thân Bửu Lộc, Thủ tướng xuất nhiệm, để trao lại quyền hành cho ông Diệm.

B. Thủ Tướng tái lập Chủ Quyền Quốc Gia.

Khi chuyển quyền, ông Bửu Lộc chỉ bàn giao lại dinh Gia long, sở Nội dịch với bảy chiếc xe cũ kỹ và một tiểu đội cảnh sát canh gác. Ngày 07.07.1954, Thủ tướng trình diện Nội các trước quốc dân đồng bào. Trong đó, ông Ngô Đình Diệm kiêm nhiệm Tổng trưởng bộ Quốâc phòng và Nội vụ. Nhưng, ông không có trong tay Quân đội (Tướng Nguyễn văn Hinh, Tham mưu trưởng, nắm giữ) và Công an Cảnh sát do Bình Xuyên chỉ huy.

Thêm vào đó, quá khuya ngày 20.07.1954, Hiệp định đình chiến tại Việt Nam và Lào được ký bởi đại diện hai lực lượng quân sự chính có liên quan, là Thiếu tướng Delteil (Pháp) và Tạ Quang Bửu (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) qui định ‘Ngừng bắn trên toàn chiến trường Đông Dương’ và ‘Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng : miền Bắc và miền Nam. Phản đối sự chia cắt Đất Nước, Trưởng đoàn Quốc gia Việt Nam, Trần Văn Đỗ, đã không ký bản hiệp định. Hoa Kỳ cũng vậy.

Trong hoàn cảnh cực kỳ bấp bênh và rối loạn bên bờ vực thẳm về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội này, giới quan sát cho đây là dấu hiệu không mấy tốt cho vị Thủ tướng và nội các khó thọ quá 6 tháng, nhưng chỉ cần ổn định được tình thế thì đã là một vị cứu tinh rồi.

Để cho đồng bào hành xử quyền Dân Chủ thì, trước hết, Tổ Quốc phải được Độc lập tức Chủ quyền Quốc gia phải được ngoại bang tôn trọng và người dân thật sự có Tự Do. Khi đó, mỗi Công dân mới có thể tham gia bầu người đại diện cho mình lãnh đạo Đất Nước. Bởi thế, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phải tiến hành :

a./ Tiếp thu Dinh Norodom, nơi cư ngụ và làm việc của Cao ủy Đông dương (Haut-commissaire de France en Indochine) đại diện chính phủ Pháp để ‘cai trị’ vùng đất thuộc địa, được đổi tên thành Dinh Độc Lập, nơi cư ngụ và làm việc của Thủ tướng. Một biểu tượng khác, cờ Tam sắc được hạ xuống để quốc kỳ Vàng ba sọc đỏ thay thế và, từ đó, Tổng thống Pháp chỉ cử một Đại sứ, được Việt Nam chấp nhận trước (Chủ quyền quốc gia về ngoại giao), bên cạnh Chính phủ Việt Nam như các quốc gia khác. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu Pháp rút hết các lực lượng quân sự về nước. Quân nhân Pháp cuối cùng rời lãnh thổ Việt Nam vào ngày 28.04.1956.

b./ Dành quyền chỉ huy Quân đội. Ngày 09.09.1954, Tướng Hinh, Pháp tịch và là đàn em Tướng Ely, dùng đài phát thanh Pháp Á để chỉ trích Thủ tướng và đòi cải tổ Chánh phủ. Ngày 11.09.1954, Thủ tướng ra lệnh ông phải đi Pháp trong vòng 24 tiếng, với nhiệm vụ khảo sát tổ chức quân đội Pháp trong vòng 6 tuần. Tướng Hinh từ chối và phản đối bằng cho một tiểu đội thiết giáp chạy quanh dinh Độc lập cùng gởi thư yêu cầu sự can thiệp của Bảo Đại. Không thành, ông rời nước về Pháp. Thủ tướng cử tướng Lê văn Tỵ đảm nhiệm chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân đội.

c./ Độc lập về tài chính. Ngày 30.12.1954, chánh phủ Pháp và đại diện 3 nước Việt-Miên-Lào ký Hiệp định nhìn nhận toàn vẹn chủ quyền tài chánh và tiền tệ các nước Việt-Miên-Lào, hiệu lực từ ngày 02.01.1955. Kết quả là từ nay, ngân khoản ngoại viện được chuyển thẳng vào trương mục của Việt Nam, chứ không phải qua Ngân hàng Pháp quốc (Banque de France) như trước đó. Từ đây, chánh phủ Việt Nam cũng toàn quyền quản lý ngân sách quốc gia.
d./ Dành quyền chỉ huy Cảnh sát. Công tác này vô cùng khó khăn vì lực lượng an ninh này đang nằm trong tay ông Lê văn Viễn, tức Bảy Viễn, thủ lãnh Bình Xuyên, là một nhóm lợi ích mang về cho ông Bảo Đại và là đàn em của Tướng Ely, Cao ủy Pháp. Bảy Viễn đã ra lệnh nỗ súng chống lại Chính phủ và Quân đội phải đánh trả bắt đầu từ đêm 29.03.1955 cho đến khi bị tiêu diệt vào tháng 09.1955 và Bảy Viễn lưu vong sang Pháp. Phản ứng võ trang mạnh mẽ này là do, ngày 01.01.1955, ông Diệm ký nghị định chấm dứt quyền khai thác sòng bạc Đại Thế Giới (Grande Monde) và đóng cửa khu mãi dâm Bình khang do Bình xuyên khai thác vì chủ trương của chánh phủ là bài trừ tứ đổ tường (cờ bạc, rượu chè, trai gái và hút á phiện), khiến họ không còn nguồn thu tài chính. Trong đó, mỗi ngày, họ phải nộp cho ông Bảo Đại một triệu đồng (khoảng 28,500 Mỹ kim). Do đó, Quốc trưởng phải bênh vực Bảy Viễn và, do yêu cầu của các chính đảng và giáo phái và sự công tác của họ, ông Bảo Đại bị truất phế. Với sự tín nhiệm của cử tri trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 23.10.1955 qua lá phiếu ghi ‘Tôi truất phế Bảo Đại và chọn ông Ngô Đình Diệm như tổng thống để thành lập chế độ cộng hòa’, ngày 26.10.1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập chế độ cộng hòa cho Việt Nam và chấp nhận trách nhiệm Tổng thống.

Nhờ sự quyết tâm của chí sĩ Ngô Đình Diệm, với sự trợ giúp của hai em Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Luyện là những người có tài và yêu nước (tại sao không thể trao trách nhiệm công quyền cho họ mà phải buộc là ‘gia đình trị’ ?), do hậu quả của sự phân chia Đất Nước, hơn một triệu đồng bào di cư tránh nạn cộng sản từ Bắc vào Nam được Chính quyền, với sự trợ giúp của Thế giới Tự do, tiếp đón và an cư lập nghiệp. Ngày 09.08.1954, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam thành lập Phủ Tổng ủy Di cư Tỵ nạn hoạt động khẩn cấp ngay tại ba Miền Quê hương để xúc tiến định cư. Một tổ chức cứu trợ tư nhân, Uũy ban Hỗ trợ Định cư, được thành lập, để cộng tác với Chính quyền. Giới sinh viên đại học được đặc biệt lưu ý, Bộ Tư lệnh Quân đội Pháp, với 12 chuyến bay trong hai ngày 12 và 13.08.1954 đưa khoảng 1.200 sinh viên (khoảng 2/3 tổng số) chọn di cư từ Bắc vào Nam để kịp năm học mới.

Bất chấp những sự ngăn cản và khó khăn do người cộng sản gây ra, cuộc vận chuyển, tiếp đón và định cư những đồng bào tìm tự do đã thành công. Kết quả này cũng như những thành quả khác về kinh tế và xã hội khiến uy tín của Tổng thống Ngô Đình Diệm được gia tăng trong chính giới các quốc gia tự do. Đây là kết quả sự nghiên cứu các lý thuyết và quan sát tại chỗ trong nước lẫn ở các nước Âu Mỹ tiên tiến để xây dựng các nguyên tắc của kinh tế và xã hội Nhân Vị mà chúng ta có thể tóm tắc :

Tiến trình nhằm hai mục tiêu : 1. Kiện toàn nền độc lập nước nhà trong lãnh vực kinh tế ; 2. Canh tân nền kinh tế quốc gia để nâng cao mức sống người dân. Đặt trên căn bản Thái Hòa, Nhân Vị chủ trương cuộc cách mạng kinh tế xã hội phải gồm ba điều kiện tiên quyết :
- Người dân phải được trực tiếp tham gia vào việc điều hành các hoạt động kinh tế.
- Mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chính sách kinh tế xã hội là phải bảo đảm mỗi người dân có đươc một mái nhà và sở hữu chủ các phương tiện sản xuất để làm ra của cải nuôi sống bản thân và gia đình mình.
- Cá nhân và cộng đồng đồng tiến.
Những nguyên tắc này được chọn làm căn bản giải quyết xung đột cố hữu về quyền lợi giữa cá nhân và cộng đồng, vấn đề tái phân phối lợi tức quốc gia.

Chủ trương ‘chính sách kinh tế xã hội là phải bảo đảm mỗi người dân có đươc một mái nhà và sở hữu chủ các phương tiện sản xuất để làm ra của cải nuôi sống bản thân và gia đình mình.’, sau khi được tiếp đón tại Miền Nam, đồng bào tỵ nạn được khai thác các vùng đất rừng để xây nhà ở, cơ sở sản xuất… và cấp quyền sở hữu cho họ.

Chúng ta có thể nhắc đến hai điểm này :

1. Ngày 01.01.1954, Tổng Thống đã khấn hứa sống đời tu sĩ dòng ba tại Tu viện Thánh Anrê (Bruges, Bỉ) thuộc dòng Biển Đức, với tên dòng là Odilo. Tổng Thống chọn Odilo có thể vì Thánh Odilo có Lễ Mừng vào ngày 01.01 hằng năm. Thánh Odilo là Bổn Mạng các người tị nạn. Ông Ngô đình Diệm cũng đã hoàn thành trong 9 năm (1954-1962) việc định cư cho gần một triệu đồng bào tị nạn Miền Bắc (xem ‘The Miracle of Hope’ viết bởi Andre N. Van Chau, trang 100).

2. Học thuyết xã hội Công Giáo dạy : Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và trao Con Người làm chủ. Do đó, khi đất đai còn bỏ hoang thì ai có nhu cầu để sinh sống có thể khai thác theo qui định của Chính quyền để hưởng quyền sở hữu. Cũng theo tiến trình đó, ruộng đất được Chính quyền mua lại từ các điền chủ không trực tiếp khai thác để bán trả góp cho nông dân.

(Còn tiếp)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Khi nào kinh Vinh Danh được bỏ hoặc hát?
Nguyễn Trọng Đa
17:07 02/07/2013
Giải đáp phụng vụ: Khi nào kinh Vinh Danh được bỏ hoặc hát?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Khi một lễ Truyền chức linh mục diễn ra vào một ngày không phải là một lễ trọng hoặc lễ kính, kinh Vinh Danh (Gloria) được hát không? Nghi thức lễ Truyền chức chỉ nói rằng sau cuộc rước, "phụng vụ lời Chúa diễn ra đúng theo chữ đỏ” (6). Theo đó, sẽ không hát kinh Vinh Danh, nếu Thánh Lễ diễn ra vào một ngày lễ nhớ. Tuy nhiên, trong tất cả các lễ Truyền chức mà tôi đã tham dự, kinh Vinh Danh luôn được hát, như thế liệu người ta có làm theo đúng chữ đỏ hay không. Xin cha làm sáng tỏ điều này. - H. H., Berkeley, California, Mỹ.

Hỏi 2: Trong thánh lễ Chúa Nhật có nghi thức rửa tội, ngoài việc bỏ qua nghi thức chào cộng đoàn và nghi thức sám hối, liệu kinh Vinh Danh có bị bỏ qua luôn không? – A. C, Townsville, Australia.


Đáp: Vì cả hai câu hỏi có liên quan với nhau, tôi sẽ giải quyết chung với nhau.

Số 53 của “Qui chế tổng quát sách lễ Rôma” nói:

"Kinh Vinh Danh là một thánh thi rất cổ kính, mà Hội Thánh, được đoàn tụ trong Chúa Thánh Thần, dùng để tôn vinh Chúa Cha và cầu khẩn Chiên Con. Không được thay đổi bản văn của kinh này bằng một bản văn khác. Vị tư tế hay, tùy nghi, một ca viên hay ca đoàn xướng lên, rồi mọi người cùng hát chung, hay luân phiên giữa giáo dân và ca đoàn, hay chỉ ca đoàn. Nếu không hát thì phải đọc, hoặc mọi người đọc chung, hoặc chia hai bè đối đáp.

“Kinh này được hát hay đọc trong các Chúa Nhật ngoài Mùa Vọng và Mùa Chay, trong các lễ trọng và lễ kính, và trong các dịp lễ khá long trọng” (bản dịch tiếng Việt của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Như vậy, bởi vì lễ Truyền chức là chắc chắn "một dịp lễ khá long trọng”, Kinh Vinh Danh có thể được hát hoặc đọc cho mọi dịp truyền chức, mà trong đó Thánh lễ Truyền chức được cử hành.

Một lễ nhớ buộc không cản trở việc cử hành Thánh lễ Truyền chức, do đó Kinh Vinh Danh có thể được hát. Điều này là đúng cả khi vì một lý do chính đáng, vị Giám mục quyết định cử hành lễ kính vị thánh của ngày ấy hơn là thánh lễ Truyền chức. Các ngày, mà Kinh Vinh Danh không được hát hay đọc trong lễ Truyền chức, chẳng hạn các Chúa Nhật Mùa Vọng và Mùa Chay, và ngày 2-11, thường không được chọn cho việc cử hành lễ Truyền chức.

Về phép Rửa tội, khi nghi thức Rửa tội được cử hành trong Thánh lễ, nghi thức chào cộng đoàn và nghi thức sám hối được bỏ qua, bởi vì nghi thức đón nhận đứa trẻ đã diễn ra ở đầu buổi cử hành rồi. Chữ đỏ cũng nói rằng kinh Tin Kính được bỏ qua, bởi vì "sự tuyên xưng đức tin của toàn thể cộng đoàn trước khi rửa tội đã thay thế cho kinh Tin Kính rồi”.

Do nghi thức Rửa tội không nhắc gì đến kinh Vinh Danh, người ta giả định rằng nó không bị ảnh hưởng bởi việc cử hành bí tích, và do đó tuân theo các luật thông thường về việc hát kinh Vinh Danh hay không.

Tương tự như vậy, việc chữ đỏ của các nghi thức bí tích khác, chẳng hạn nghi thức Truyền chức, đề cập đến việc hát kinh Vinh Danh được tiên liệu, thì việc này cũng gợi ý rằng nghi thức Rửa tội không phải là một ngoại lệ cho luật chung ấy. (Zenit.org 2-7-2013)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Hạnh phúc bình thường
Tuyết Mai
16:58 02/07/2013
Sinh nhật của con gái lớn,
Có bạn mua tặng cho giấy thông hành,
Để có thể đi ra ngoại quốc,
Làm công tác tông đồ trong dịp nghỉ Lễ hay nghỉ hè.

Hôm qua con gái đi làm về,
Mẹ con có dịp trải lòng thoải mái,
Bao khúc mắc được tỏ bày,
Sau hết thì cả hai đều thấy lòng nhẹ nhõm.

Cháu gái định bụng sẽ khoe cha mẹ,
Khi giấy thông hành được gởi về,
Cháu muốn chứng minh rằng cháu đã lớn,
Không cần giấu giếm để buồn lòng mẹ cha.

Hai mẹ con cùng đồng ý trên phương diện,
Làm việc gì cũng minh bạch cũng an toàn,
Đừng để cha mẹ lo lắng hay thắc mắc,
Vì như thế thì không được công bằng.
****

Cha mẹ nuôi con khôn lớn chỉ mong đợi,
Công thành danh toại đứa có chồng, đứa có vợ,
Thì cha mẹ nào cũng vui sướng,
Có cháu ẵm bồng đầy đủ Chúa ban.

Nuôi con chẳng mong chúng thành “Sĩ”,
Chẳng mong chúng có thật nhiều tiền,
Nhưng trông mong nhất ở trái tim của chúng,
Luôn nhân hậu, luôn giúp người.

Vì cuộc đời thì ai cũng hiểu,
Hạnh phúc không phải là đuổi theo “ảo ảnh”,
Là tậu, mua, sắm, tích góp những của chóng qua,
Vì ngày Ra Đi thì bất ngờ lắm …. ai ơi!.

Cần nhất có phải là hạnh phúc gia đình,
Vợ chồng, con cái, trên thuận dưới hòa,
Quan tâm, yêu thương, lo lắng cho nhau,
Trên có Chúa, dưới có nhau?.
****

Có phải đó là cách sống của một Kitô hữu,
Tìm nguồn sống của Chúa ban cho …. từng giờ,
Tìm hạnh phúc trong anh chị em,
Luôn chấp nhận, bằng lòng với cuộc sống?.

Có phải hạnh phúc thật là những gì Chúa ban cho có,
Không lấy của người, không làm hại ai,
Không điêu ngoa, không gian dối,
Không kiêu ngạo, không sống chối bỏ Chúa Trời?.
****

Ôi lạy Thiên Chúa Đấng tạo thành Trời Đất!
Xin thương ban cho nhân loại chúng con,
Dù nghèo khổ nhưng trái tim không nghèo,
Sống trải lòng, chia sẻ, luôn yêu thương.

Được thế thì chúng con còn tìm đâu cho xa,
Hạnh phúc nó nằm ngay trong quả tim này,
Hạnh phúc thật đơn giản trong tất cả mọi giống, mọi loài hiện diện,
Và Thiên Đàng ở đâu Chúa cũng đã cho biết.

Hỏi có quý lắm thay ở sự sống này,
Chúa ban cho tất cả có cơ hội để sửa đổi,
Để dọn đường, để được tới phương trời mới, đất mới,
Đến Nhà mới Nơi hết thảy có cùng Cha chung trên Trời?.

Thử hỏi tất cả, Thiên Đàng là có thật?
Có còn nơi nào hạnh phúc hơn không?
Có ai hứa ban cho ta hơn cả Nơi hạnh phúc ấy?
Ngoài Chúa ra, ai hứa ban cho ta có được sự sống muôn đời???.
****

Thưa rằng chỉ có Thiên Chúa ta mới có được tất cả!
Cầu Chúa cho con cái Người sống khôn ngoan,
Đừng vội bán linh hồn cho quỷ dữ,
Đừng vội hưởng thụ, chìu thân xác hay chóng chết này!. Amen.
 
Tệ nạn của bệnh cờ bạc
Linh Tiến Khải
17:03 02/07/2013
Một số nhận định của bà Henrietta Bowden-Jones, người thành lập nhà thương chữa trị bệnh cờ bạc đầu tiên tại Anh quốc

Trong mọi thành phố lớn khắp thế giới hiện nay đều có các nhà đánh bạc Casino, nơi con người bị cám dỗ tới ”nướng tiền” cho các chủ sòng bài và guồng máy ăn chơi khổng lồ của nó. Nổi tiếng nhất phải kể đến Las Vegas bên Hoa Kỳ, là thành phố đỏ đen nằm giữa sa mạc, nhưng là nơi ăn chơi vô cùng sầm uất, với các sòng bài và đủ mọi màn giải trí cho du khách. Bên Á châu thì có các sòng bài Dubai và Macao. Nhưng các loại máy kéo tiền đủ loại hiện diện ở khắp mọi thành phố lớn nhỏ trên thế giới. Điều đáng ghi nhận là máu mê đánh bạc máy và ham kéo máy không phải chỉ là của người trẻ, mà của cả người già nữa.

Bên Hoa Kỳ, trong thành phố nào bắt đầu mở khu phố đánh bạc, thì chỉ một thời gian sau là cộng đoàn thấy vắng vài cụ ông cụ bà trong các giờ phụng vụ và sinh hoạt. Các cụ bắt đầu mê cờ bạc và giải trí bằng cách đi kéo máy. Có cụ sau lễ Chúa Nhật là đi giải trí cho tới khi hết tiền mới về nhà. Biết đi kéo mày là chỉ có rỗng túi, nhưng không đi không được, vì qủy cờ bạc xúi bẩy xỏ mũi kéo đi. Thế là tiền hưu và tiền của con cháu biếu tặng tới đâu cúng hết cho sòng bài tới đó.

Nghiện cờ bạc là một trong các tệ nạn trên thế giới hiên nay, khiến cho hàng triệu người lâm cảnh tán gia bại sản, gia đình tan nát. Nó đã trở thành một bệnh nguy hiểm. Thống kê của tổ chức sức khỏe thế giới OMS của Liên Hiệp Quốc cho biết trên thế giới hiện có 3% tổng số dân toàn cầu bị bệnh cờ bạc. Chỉ riêng Italia đã có tới 800 ngàn người bị bệnh cờ bạc và 1,7 triệu người có ”máu đỏ đen”. Mỗi năm số người này làm mất đi 69,7 triệu giờ làm việc, vì nạn cờ bạc. Theo kết qủa nghiên cứu của tổ chức ESPAD-Italia, do phân bộ bệnh dịch và nghiên cứu trên các cơ cấu y tế của Học viện vật lý bệnh xá, kiểu chơi ”Cạo và thắng”, Sổ số tự phát, và Siêu xổ số được 58% thiếu nữ ưa thích. Trong khi 30% thanh niên thì thích đánh cá về các trận đấu thể thao. Trong số đó có 52,5% người chơi trong các quán giải khát, 39,1% chơi tại nhà bạn bè và 22,5% chơi tại các phòng chơi. Giới trẻ thanh niên chơi bạo tay hơn, trong khi các thiếu nữ thường không chơi quá 10 Euros.

Theo các thống kê mới nhất nạn cờ bạc tại Italia là dịch vụ hàng năm thu vào 80 tỷ Euros, tức tương đương với 5% tổng sản lượng quốc gia, nghĩa là Italia chỉ đứng sau Anh quốc. Bà Katia Lanosa, chủ tịch Hiệp hội các trạng sư về hôn nhân vùng Emilia Romagna trung Italia, cho biết nạn cờ bạc ngày càng là vấn đề gây đổ vỡ trong gia đình. Nó khiến cho một phần mười các cuộc hôn nhân bị đổ bể, và gia tăng số các trẻ em ăn cắp ăn trộm để có tiền kéo máy hay đánh bạc. Nạn cờ bạc cũng ngày càng gia tăng các cuộc khủng hoảng trong gia đình dẫn đến chỗ ly dị ly thân. Ngoài ra, hậu qủa của cuộc khủng hoảng trong tương quan hôn nhân là cảnh mất công ăn việc làm. Đồng lõa với nạn cờ bạc là thời giờ rảnh rỗi và tình trang không thỏa mãn trong cuộc sống. Bà Katia Lanosa cũng cho biết bệnh cờ bạc cũng thường là lý do của các cảnh bạo lực nghiêm trọng trong gia đình và ngoài xã hội. Nhu cầu cần tiền để đánh bạc khiến cho người bệnh có thể đi đến chỗ hành hạ vợ con và giết người thân, hay cướp bóc vũ trang. Ông Ugo Pastore, Biện lý trưởng vùng Emiglia Romagna, đặc trách về người trẻ vị thành niên cho biết càng ngày càng có nhiều thanh thiếu niên bị lôi cuốn vào tệ nạn cờ bạc. Lý do vì chúng là con cái các gia đình có cha mẹ nghiện cờ bạc, bị bỏ rơi không được săn sóc các nhu cầu tối thiểu, hay chúng bị lây bệnh cờ bạc của cha mẹ. Và số người trẻ trộm cắp tiền của bạn bè người thân gia tăng.

Tại Bergamo, miền bắc Italia, dân chúng của một khu chung cư đã phẫn nộ phát động phong trào tẩy chay các quán đặt máy đánh bạc. Hiện đã có hàng chục quán, nhưng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều quán khác. Ông Anselmo Parolini, cha gia đình nói: ”Thật là xấu hổ. Chúng tôi lo âu cho con cái của chúng tôi. Chính vì thế chúng tôi đã phát động phong trào phản đối, tẩy chay các quán có đặt máy đánh bạc. Đã có 500 người ký tên, và chúng tôi sẽ đưa vấn đề lên văn phòng tài vụ của tình Bergamo. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức môt cuộc biểu tình phản đối việc mở thêm các sòng bài điện tử và gây ý thức đối với tệ nạn xã hội ngày càng lan tràn và trầm trọng này. Nhưng thật ra, tuy có luật ban hành hồi tháng 12 năm 2012 thiết định các sòng bài điện tử phải ở xa các vùng nhậy cảm 400 mét, nhưng đã không có luật nào cấm mở các sòng bài điện tử như thế. Giới trẻ và cả người già ngày càng bị cám dỗ ghé vào kéo máy nơi các sòng bài điện tử này”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vi và các bạn một số nhận định của bà Henrietta Bowden-Jones, người thành lập bệnh viện quốc gia chữa trị bệnh cờ bạc đầu tiên tại Anh quốc, về căn bệnh cờ bạc. Bà Henrietta hiện cũng điều khiển nhóm 12 chuyên viên nghiên cứu thuộc 4 đại học Anh quốc trong nhiều chương trình khác nhau nhắm thám hiểm não bộ của những người mắc ”bệnh cờ bạc”. Bà cũng là cố vấn của chính quyền Anh quốc về vấn đề này.

Hỏi: Thưa bà Henrietta, có thể thiết định số người mắc bệnh cờ bạc trên thế giới và tại Âu châu hiện nay là bao nhiêu không?

Đáp: Không phải mọi quốc gia trên thế giới đều đã làm các cuộc nghiên cứu chuyên biệt. Vấn đề đó là khi dùng các dụng cụ khác nhau, chẳng hạn như SOGS và CPGI để chẩn đoán bệnh cờ bạc, thì khó mà có thể làm thống kê. Vì thế tại sao lại quan trọng việc chỉ nên dùng một phương pháp, ít nhất là tại Âu châu. Bên anh quốc, có 0,9% dân nghiện cờ bạc, tức khoảng nửa triệu người tất cả.

Hỏi: Những người bị bệnh cờ bạc có nguy cơ phạm pháp không thưa bà?

Đáp: Có khoảng một phần ba những người bị bệnh cờ bạc phạm pháp. Tuy nhiên, đây cũng là tỷ lệ của tất cả những người bị bệnh cờ bạc trên toàn thế giới. Các tội phạm thông thường nhất là lừa đảo và trộm cắp. Thường họ cũng ăn cắp trong nơi làm việc, sau khi đã trộm cắp nơi bạn bè và người thân.

Hỏi: Thưa bà vậy chi phí chữa trị cho một người bị bệnh cờ bạc tại Anh quốc hiện nay là bao nhiêu?

Đáp: Việc chữa trị hoàn toàn miễn phí, và được tài trợ bởi tổ chức bác ái chuyên trợ giúp việc hồi phục các người mắc bệnh cờ bạc. Bệnh viện quốc gia chữa các bệnh nhân có vấn đề cờ bạc vẫn còn là nhà thương công duy nhất chữa bệnh cờ bạc tại Anh. Chúng tôi gặp gỡ các bệnh nhân lần đầu tiên để tư vấn, rồi sau đó có 8 lần gặp riêng hay gặp theo nhóm. Chúng tôi cũng cống hiến việc trị liệu trong gia đình nữa và trợ giúp để họ biết sử dụng tài chánh, ngoài các lần gặp gỡ chuyên biệt cho các phụ nữ hay những người vô gia cư.

Hỏi: Thưa bà, chính quyền Anh quốc có đang hoạt động đủ để chống lại bệnh cờ bạc hay không?

Đáp: Tôi tin rằng chính quyền thực sự đang làm nhiều cho vấn đề này. Ủy ban chiến thuật đặc trách cờ bạc lo lắng bảo vệ người lớn và trẻ em dễ bị thương tổn vì nạn cờ bạc. Ngoài ra Ủy ban cũng tung ra các cuộc nghiên cứu và tài trợ việc chữa trị. Tổ chức bác ái trợ giúp các bệnh nhân cờ bạc mỗi năm đầu tư hơn 5 triệu Euros cho công tác này; tôi cầu mong tổ chức gia tăng các việc đầu tư, và tôi nhận thấy rằng Anh quốc đã đi trước rất nhiều trong việc chống lại bệnh cờ bạc.

Hỏi: Hủy bỏ việc quảng cáo thăng tiến chơi cờ bạc có thể giúp gì cho cuộc chiến đấu này hay không thưa bà?

Đáp: 0,9% tổng số dân Anh quốc mắc bệnh cờ bạc, nhưng trong năm 2012 đã có tới 70% chơi cờ bạc ít nhất là một lần. Theo tôi nghĩ hủy bỏ việc quảng cáo xem ra không là điều thực tế. Tôi thấy điều phải làm là phối hợp việc quảng cáo làm sao để các nội dung ít lôi cuốn mời mọc hơn nhất là đối với người trẻ. Ngoài ra, chúng ta cũng bảo đảm làm sao để các quảng cáo đó không được thường xuyên qúa, và nhất là khi có trẻ em theo dõi các chương trình truyền hình.

Hỏi: Thế có các chiến thuật nào khác nữa hay không thưa bà?

Đáp: Có chứ. Một đường lối chính trị tự loại trừ cho phép các cá nhận tự loại mình ra khỏi các cuộc đánh cá là điều sống còn giúp che chở các người có máu mê cờ bạc. Vấn đề là làm thế nào để đạt được mục tiêu này. Tôi hiện đang hướng dẫn một nhóm cộng tác với chính quyền để tìm hiểu xem làm thế nào để đạt mục đích này mà không gây thiệt hại cho sự tự do lựa chọn của một cá nhân.

Hỏi: Thưa bà Henrietta, bệnh cờ bạc đang ngày càng trở thành tệ hại hơn hay sao?

Đáp: Năm 2000 và năm 2007 các phỏng đoán cho biết có khoảng 0,7% dân số toàn cầu bị bệnh cờ bạc. Năm 2010 con số này đã gia tăng lên 0,9%. Thống kê cuối cùng cho biết tại Anh quốc mỗi năm có 4.500 người bị bệnh cờ bạc, và số trẻ em vị thành niên dưới 16 tuổi đông gấp đôi. Nhưng cần phải chờ đợi kết qủa của cuộc nghiên cứu tới để hiểu xem bệnh mê cờ bạc có gia tăng hay không. Nếu là như vậy, thì vấn đề có thể tùy thuộc nơi các dụng cụ mới, trong đó có hệ thống liên mạng Internet. Vì những người mê cờ bạc có thể chơi ngay trên Internet tại nhà, trong phòng của mình, mà không cần phải đi tới các sòng bài.

Hỏi: Theo bà mỗi năm có thêm bao nhiêu người bị bệnh cờ bạc?

Đáp: Trong bệnh viện của chúng tôi mỗi năm có ít nhất 700 người bị bệnh cờ bạc điều trị. Phổ biến nhất là các vụ cá độ thể thao, kéo các máy điện tử, và đánh bạc trên Internet. Tôi mong ước rằng các phụ nữ mắc bệnh bài bạc cũng đến bệnh viện của chúng tôi để được chữa trị. Hiện nay số phụ nữ chỉ chiếm 10% các bệnh nhân đang được trợ giúp để chữa bệnh cờ bạc. (Avvenire 15-5-2013)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Môt Ngày Đẹp
Vũ Đình Huyến, Lm
17:49 02/07/2013
MỘT NGÀY ĐẸP
Ảnh của Vũ đình Huyến, Lm. (CMC)
Cảm tạ ơn lành sáng hôm nay
Khi mắt mở ra thấy đêm ngày
Muôn hoa tươi nở đùa hương sớm
Vạn màu muôn sắc bướm nồng say.
(Trích thơ của Trầm Hương Thơ)
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bích Động Ninh Bình
Dominic Đức Nguyễn
21:28 02/07/2013
BÍCH ĐỘNG NINH BÌNH
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Mình về đường ấy thì xa
Qua đò sông Cái, về qua Ninh Bình,
Đất Ninh bình có chùa Non Nước,
Núi Phi Diên, Hồ Hạc chung quanh
Em về, đừng có quên anh,
Có duyên ta sẽ trở thành uyên ương!
(Ca dao)