Ngày 02-07-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tin mới thấy được
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:33 02/07/2018
Chúa Nhật XIV Thường Niên, năm B
Mc 6,1-6

Cuộc sống âm thầm, ẩn dật của Chúa Giêsu với cha mẹ Ngài là Thánh Giuse và Mẹ Maria tại làng Nagiarét trong 30 năm, chắc chắn không phải là những năm tháng uổng phí. Đây là giai đoạn chuẩn bị cho sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu dù là Thiên Chúa, Ngài đã sống rất giản dị,bình thường, không làm những gì nổi bật, đến nỗi những người đồng hương với Chúa Giêsu đã phải thốt lên cách kinh ngạc hầu như coi thường Ngài :” Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Maria sao ?”.

Chúa Giêsu sống ở Nagiarét với cha mẹ của Ngài làm nổi bật vai trò của đời sống gia đình. Thực vậy, Chúa không sống như một siêu nhân, Ngài không làm những việc phi thường, nổi bật, xuất chúng, nhưng Ngài đã sống cuộc sống bình dị, giản đơn, nghèo hèn như mọi người. Chính vì Chúa Giêsu đã sống và làm những công việc bình thường như mọi người mà những người đồng hương Nagiarét quê hương của Ngài, sau khi Ngài đã đi rao giảng, đã được nhiều người biết đến vì những lời nói, việc làm và những phép lạ Ngài thực hiện, mà khi về thăm quê hương, vào Hội Đường đọc Sách Thánh, Chúa Giêsu đã giải thích Kinh Thánh cách rõ ràng tường tận, uyên bác, có người khen, nhưng có những người vì thành kiến xấu nên đã tỏ vẻ khinh chê Ngài…Người đồng hương của Chúa vì óc hẹp hòi, tính ghen tỵ, thiển cận nên đã không nhận ra khuôn mặt của Ngài. Họ không coi Ngài là một tiên tri, lại càng không tin Ngài là Đấng Cứu Thế. Họ càng không tin người đồng hương với họ lại là Con Thiên Chúa. Những người đồng hương với Chúa Giêsu không tin vì họ chỉ thấy quá khứ bình thường của Ngài mà thôi. Họ cũng không tin vì hiện tại của Chúa Giêsu vẫn không có gì hào nhoáng, vinh quang, họ chỉ nhìn thấy nơi Ngài là con bác thợ mộc Giuse, và con bà Maria nội trợ. Thực thế, vì không tin, họ đã không thấy Chúa, không nhận ra Chúa. Có tin mới nhận ra khuôn mặt đích thực của Chúa. Bởi vì Chúa đã nhận lấy xác phàm để sinh ra như thư Philip 2, 6-11 của thánh Phaolô đã viết…Thấy ở đây là thấy bằng con mắt đức tin.Thánh Phaolô viết :” Đức tin là bảo chứng những gì ta hy vọng, là bằng chứng cho những gì ta không thấy “ ( Dt 11, 1 ).

Theo Tin Mừng và theo suy nghĩ của chúng ta thì Chúa Giêsu, dù Ngài là Thiên Chúa toàn năng, Ngài có quyền trên con người, trên sự sống và sự chết, nhưng trước sự cứng lòng, trước lòng chai dạ đá của những người đồng hương, Ngài đành bó tay. Kinh Thánh viết :” Người đã không thể làm được phép lạ nào tại quê hương Nagiarét”. Con người được Chúa cho toàn quyền tự do quyết định nhận hay từ chối Thiên Chúa. Con người có khả năng ngăn cản Thiên Chúa đến với mình và từ khước ân huệ Ngài tặng ban.Chúa cho con người khả năng, quyền tự do để phân định phải trái và đón nhận Chúa hay từ khước Chúa. Tuy nhiên, tất cả phải có đức tin và đòi hỏi sự cộng tác của con người với ơn huệ của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm niềm tin cho chúng con để chúng con luôn nhận ra Chúa và biết chia sẻ niềm tin cho những người khác. Xin đừng để chúng con cứng lòng như những người đồng hương của Chúa Giêsu xưa vì họ thiển cận, hẹp hòi và có thành kiến xấu đối với Chúa, nên họ đã không tin và nhận ra Chúa là Con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa. Xin ban cho chúng con một trái tim mới, cái nhìn mới để chúng con luôn tin nhận Chúa và những kỳ công tuyệt vời của Chúa đã làm cho nhân loại, cho mỗi người.Amen.

Gợi ý để chia sẻ

1.Tại sao người đồng hương của Chúa Giêsu lại không tin Chúa là Thiên Chúa ?
2.Những người đồng hương của Chúa Giêsu có thái độ nào đối với Chúa ?
3.Chúa ban cho chúng ta điều gì để nhận, tin và biết Ngài ?
4.Chúa đòi hỏi chúng ta điều gì ?

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Giám Mục Phi Luật Tân bác bỏ cáo buộc mưu toan lật đổ chính quyền
Đặng Tự Do
18:23 02/07/2018
Hội đồng Giám mục Công Giáo Philippines đã bảo đảm các nhà chức trách rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội không mưu toan gây bất ổn cho chính phủ.

Đức Giám Mục Reynaldo Evangelista của Imus, chủ tịch Ủy Ban Ngoại Vụ của Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân, nói rằng Giáo Hội sẽ không bao giờ là một phần của những nỗ lực gieo rắc bất hòa.

Đức Cha Reynaldo đã đưa ra tuyên bố trên sau khi gặp các quan chức cảnh sát cao cấp của Phi Luật Tân tại trụ sở Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân tại Manila vào ngày 28 tháng Sáu.

Đức Cha đã phản bác các báo cáo cho rằng Giáo Hội đang tìm cách gây bất ổn cho chính phủ sau các bài diễn văn của Tổng thống Rodrigo Duterte chống lại các nhà lãnh đạo Giáo Hội.

Ngài nói với các phóng viên sau cuộc họp, “Bất cứ nơi những nỗ lực gây bất ổn nào cũng không thể đến từ Giáo Hội”.

“Tôi có thể đảm bảo với bạn về điều đó”, ngài nói thêm rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm về “tình hình hỗn loạn hiện nay.”

Tổng thống Rodrigo Duterte là người chống báng quyết liệt Giáo Hội Công Giáo, ông ta thường công khai chỉ trích các Giám Mục và phạm thượng đến Thiên Chúa. Sau đó, vu vạ là Giáo Hội đang mưu toan lật đổ ông ta. Tất cả các động thái này nhằm đánh lạc hướng và biện minh cho những thất bại về kinh tế và xã hội.


Source: UCANews - Philippine church leaders deny destabilization plot
 
ĐGH Phanxicô: Niềm tin vào Đức Kitô không thể bị giản lược thành một công thức
Giuse Thẩm Nguyễn
18:50 02/07/2018


(EWTN News/CNA) Vào hôm thứ Sáu vừa qua, ĐGH Phanxicô đã nói rằng khả năng để biết và có một quan hệ với Đức Kitô hằng sống vừa là một mầu nhiệm và vừa là một ân sủng, một điều gì đó mà người Kitô hữu hiểu được nơi nội tâm chứ không phải qua những bằng chứng toán học.

“Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa: vì thế, Ngài sống vĩnh cửu như Thiên Chúa Cha là Đấng hằng có đời đời.”

“Đây là ân sủng kỳ diệu đốt cháy lên trong tâm hồn những người biết mở lòng đón nhận mầu nhiệm nơi Chúa Giê-su: một sự chắc chắn không dựa trên toán học, nhưng còn mạnh mẽ hơn, nội tâm hơn vì đã gặp được Nguồn Mạch ban Sự Sống, một sự sống bởi xác phàm, nhìn thấy và hữu hình ở giữa chúng ta.”

ĐGH Phanxicô đã nói đến những trải nghiệm của một người Công Giáo về sự mầu nhiệm nơi Chúa Giê-su trước khi ngài hướng dẫn buổi đọc kinh Truyền Tin tại Quảng Trường Thánh Phê-rô nhân ngày lễ Thánh Phê-rô và Phao-lô, quan thày của Roma.

Ngài giải thích rằng sự nhận thức về Đức Kitô là Đấng hằng có đời đời và ngay trong hiện tại, thì không phải là điều gì đó mà một người trải nghiệm về ơn được là Kitô hữu, nhưng là môt món quà ân sủng từ Thiên Chúa Ba Ngôi: “Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”

ĐGH phản ánh bài Tin Mừng của Thánh Mátthêu, Khi Chúa Giê-su hỏi các môn đệ, “Các con bảo Thày là ai?, ngài giải thích rằng “ tất cả những điều bí nhiệm này đều được chứa đựng trong một hạt giống là câu trả lời của Thánh Phê-rô: “ Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.”

Như trong Tin Mừng, khi các môn đệ kể với Chúa Giê-su về những cách khác nhau mà người ta nghĩ về Ngài vào thời đó “qua nhiều thế kỷ, thế gian đã hiểu Chúa Giê-su trong nhiều cách khác nhau.”

Người ta nói ngài là “vị tiên tri vĩ đại của công lý và tình yêu, bậc thày khôn ngoan của đời, một nhà cách mạng, một người mơ màng với những giấc mơ về Thiên chúa… và v.v…

Giữa những lẫn lộn này và những giả thuyết về con người thật của Chúa Giê-su, Lời tuyên xưng của Thánh Phê-rô “khiêm nhường và tràn đầy lòng tin, đại diện ngay cả cho hôm nay, rất đơn giản và rõ ràng”, thánh nhân nói “ Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng Sống.”

ĐGH giải thích rằng ngay sau câu trả lời của Thánh Phê-rô, Chúa Giê-su đã đặt ông làm đầu Hội Thánh của Ngài, công bố danh từ “ Hội Thánh” lần đầu tiên trong các sách Tin Mừng, “diễn tả tất cả yêu thương dành cho giáo hội, một “ Giáo Hội của Thày”.

Chúa Giê-su lập ra cộng đồng Giao Ước Mới dựa trên niềm tin vào Ngài. “Một niềm tin mà Chân Phước Giáo Hoàng Phao-lô VI khi còn là Tổng Giám Mục của Milan đã diễn tả qua lời nguyện tuyệt vời sau đây”. ĐGH đã kết thúc bài chia sẻ với lời nguyện trích từ Thư Mục Vụ năm 1955 rằng: “Lạy Đức Kitô, là Đấng hòa giải duy nhất của chúng con. Chúa rất cần thiết cho chúng con: để sống kết hợp với Thiên Chúa Cha; để trở nên một với Chúa, là Con Một duy nhất và Thiên Chúa của chúng con, là những đứa con được thừa nhận của Chúa; để được tái sinh trong Chúa Thánh Thần.”


Source: EWTN News Belief in Christ cannot be reduced to a formula, Pope Francis says
 
Tuyên bố của Ủy Ban Giáo Dân Phi Luật Tân về những lời lẽ phạm thượng của tổng thống Rodrigo Duterte
Đặng Tự Do
19:02 02/07/2018
Trong bài diễn văn trên đài truyền hình quốc gia hôm 28 tháng Sáu, tổng thống Rodrigo Duterte đã nói nhiều câu phạm thượng đến Thiên Chúa. Đây không phải lần đầu tiên ông ta làm như thế.

Dưới đây là bản dịch toàn văn tuyên bố chung của Laiko, Hội Đồng Giáo Dân Phi Luật Tân, và Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân.


CHÚA CHÚNG TA KHÔNG NGU XUẨN

Ông ta lại nói một lần nữa. Và lần này với sự nhấn mạnh rằng “CHÚA CỦA CÁC BẠN NGU XUẨN!”

Thiên Chúa của cha ông chúng ta, và của toàn thể thế giới Kitô Giáo đang bị chỉ trích là ngu xuẩn trong quốc gia Kitô Giáo này, trên đài Truyền Hình Quốc Gia, bởi tổng thống của chúng ta. Ông ta bôi nhọ những giáo lý của chúng ta, ông ta xúc phạm thánh thư của chúng ta và những kẻ a dua với ông ta thậm chí còn có gan lên tiếng bênh vực tất cả những lời lẽ này và nói rằng Giáo Hội Công Giáo nên ăn năn vì những tội lỗi và những vụ tai tiếng của chính chúng ta.

Sangguniang Laiko ng Pilipinas (Hội đồng Giáo dân Phi Luật Tân), cùng với các nhà lãnh đạo Giáo Hội và các mục tử, tố cáo với những lời lẽ mạnh nhất có thể được, đối với cách cư xử lạ thường, không trung thực và thô tục, và những lời nói cũng như những tấn kích vào đức tin đang được ném tới tấp vào CHÚA CHÚNG TA.

Là Kitô hữu và là công dân ở đất nước CHÚNG TA, chúng ta có quyền và nghĩa vụ chỉ ra những hành động phạm thượng nghiêm trọng này. Ông ta nên ăn năn và hối hận. Tổng thống phải là một con người dám chấp nhận đây là những hành vi sai trái và nên trưởng thành để biết kiềm chế các cơn giận dữ.

Với tuyên bố này, LAIKO kêu gọi tất cả các tín hữu thể hiện sự phẫn nộ của mình một cách thực sự Kitô giáo và đúng luật, thông qua tất cả các phương tiện và kênh có thể được.

Ban Giám đốc LAIKO,
MA. JULIETA F. WASAN
Chủ tịch Sangguniang Laiko ng Pilipinas

Đức Giám Mục BRODERICK S. PABILLO, D.D.
Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Manila
Chủ tịch Ủy ban Giáo dân Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân


29 tháng 6 năm 2018

 
Tổng Giám Mục Đức đầu tiên công bố cho người phối ngẫu Tin Lành được rước lễ trong các trường hợp cụ thể
Đặng Tự Do
19:22 02/07/2018
Tờ Westfalenblatt cho biết Đức Tổng Giám Mục Hans-Josef Becker của Paderborn đã quyết định cho phép người phối ngẫu Tin Lành của người Công Giáo sống trong giáo phận của mình được Rước Lễ “trong từng trường hợp.”

Theo tờ Westfalenblatt, Đức Tổng Giám Mục nói với Hội Đồng Linh Mục tổng giáo phận vào ngày 27 tháng Sáu rằng tài liệu trước đây được gọi là “tài liệu mục vụ”, mà Hội Đồng Giám Mục Đức vừa tái công bố như một “hướng dẫn mục vụ” sau các cuộc thảo luận với Rôma, cho phép “sự giúp đỡ tinh thần để hình thành một quyết định lương tâm trong từng trường hợp kèm theo các chăm sóc mục vụ.”

Đức Tổng Giám Mục nói với tờ báo:

“Tại cuộc họp của Hội Đồng Linh Mục của Tổng Giáo Phận Paderborn vào ngày 27 tháng 6 năm 2018, tôi đã trình bày cách giải thích của tôi [về tài liệu này] và nói lên kỳ vọng rằng tất cả các linh mục trong Tổng Giáo Phận Paderborn sẽ tự làm quen với tài liệu hướng dẫn này và sẽ hành động theo tinh thần trách nhiệm mục vụ.”

Đề cập đến các cuộc hôn nhân hỗn hợp, Đức Tổng Giám Mục Becker nói thêm rằng qua phép rửa tội, đức tin Kitô giáo, và bí tích hôn nhân, hai Kitô hữu trong các kết hiệp hôn nhân này “hiệp nhất” với nhau. Người phối ngẫu Tin Lành trong các trường hợp như thế có thể có lòng khao khát mạnh mẽ được đón nhận Thánh Thể, và do đó nó là “vấn đề đi đến một quyết định có trách nhiệm về lương tâm”.

Đồng thời, vị Tổng Giám Mục 70 tuổi này nhấn mạnh rằng quyết định của ngài không tạo thành một “sự cho phép chung” bất cứ người Tin Lành nào cũng được Rước Lễ.

Được thành lập vào năm 799 sau Chúa Giáng Sinh, Tổng Giáo Phận Paderborn nằm ở bang North Rhine-Westphalia của Đức và có khoảng 1.5 triệu người Công Giáo.

Source: Crux German bishop announces communion for Protestant spouses in ‘individual cases’
 
Chiến lược truyền thông của Tòa Thánh: Để Đức Giáo Hoàng tự nhiên như nhiên
Vũ Văn An
21:15 02/07/2018
Nữ ký giả Cindy Wooden của Catholic News Service, ngày 14 tháng Sáu, 2018 tường trình rằng tại Hội Nghị Truyền Thông Công Giáo ở Green Bay, Wisconsin, Hoa Kỳ, Natasa Govekar, giám đốc phân bộ thần học mục vụ của Vụ Truyền Thông Tòa Thánh đã đọc một diễn văn quan trọng trong đó, bà xác nhận rằng chiến lược truyền thông của Tòa Thánh là để Đức Giáo Hoàng Phanxicô là chính ngài.


Govekar cho rằng để “thành công” trên các phương tiện truyền thông xã hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ cần là chính ngài; mánh lới tô bóng là điều không cần thiết. “Người ta muốn Đức Giáo Hoàng là Đức Giáo Hoàng”. Thí dụ, theo bà, các hình chụp Đức Giáo Hoàng “với các diễn viên đoàn xiếc hay đội chiếc nón kỳ dị cũng không khác chi các hình chụp ngài đang cầu nguyện”. Người ta tụ tập quanh các trang mạng truyền thông xã hội, nên Giáo Hội Công Giáo cũng phải có mặt ở những chỗ ấy với các sứ điệp Tin Mừng về cứu rỗi, yêu thương và âu yếm.

Được hỏi về diễn trình xác định “lời hót” (tweet) nào sẽ được gửi đến 47 triệu người theo dõi chương mục @Pontifex bằng 9 thứ tiếng, Govekar nói rằng một nhóm có nhiệm vụ đưa ra các gợi ý, nhưng chính Đức Phanxicô có quyết định sau cùng.

Tuy nhiên, theo bà, xét cho cùng “không phải là chuyện về chúng tôi. Cũng không phải là chuyện về Đức Giáo Hoàng, mà là chuyện về Chúa Giêsu”.

Ngỏ lời với phiên họp toàn thể đầu tiên của hội nghị từ ngày 12 tới ngày 15 tháng Sáu, Govekar nói về việc tái tổ chức đại thể các cố gắng truyền thông của Tòa Thánh và về tầm quan trọng của việc chuyển dịch các phương tiện truyền thông của Tòa Thánh vào lãnh vực kỹ thuật số, một diễn trình mà nhiều cơ sở nhật báo và truyền thông giáo phận cũng đang trải nghiệm.

Bà cho hay: Nhiệm vụ chính của Vụ Truyền Thông với một nhà truyền thông như Đức Phanxicô, “là cố gắng không gây trở ngại cho điều nhà truyền thông vĩ đại này vốn đã đang làm”.

Nhìn vào các dữ kiện từ tháng Ba qua suốt tháng Năm năm 2018, bà cho rằng chương mục tiếng Anh của Đức Giáo Hoàng cho thấy một sự ưa thích hơn đối với những “lời hót” tương phản tình yêu với bạo lực, trong khi chương mục tiếng Tây Ban Nha cho thấy sự ưa thích hơn đối với những “lời hót” liên quan tới Mùa Chay, Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh.

Xét chung cả 9 chương mục, Govekar cho hay, “các lời hót” của Đức Giáo Hoàng thu hút được nhiều tương tác (engagement) cao nhất, tức khiến người theo viết nhận xét hay nói “thích” (like), là các lời hót có thể mô tả là gợi hứng hay mời gọi người ta suy niệm.

Mặt khác, theo bà, các lời hót liên quan đến tình hình chính trị tại một quốc gia chuyên biệt hiếm khi nào lôi cuốn được nhiều chú ý và có lượng chia sẻ thấp.

Govekar nhận định rằng: Với kiểu Tweeter tối đa 280 mẫu tự, chương mục @Pontifex cung cấp “nhiều thuốc viên khôn ngoan” và “thuốc nhộng (capsules) yêu thương” trong phong thái được chính Đức Phanxicô khuyến cáo cho việc truyền giảng Tin Mừng hữu hiệu trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng của ngài.

Như Đức Phanxicô từng viết “Nếu ta chấp nhận một mục tiêu mục vụ và một phong thái truyền giáo nhằm thực sự vươn tới mọi người không trừ ai hay loại bỏ ai, thì sứ điệp phải tập trung vào những điểm cốt yếu, những điểm đẹp đẽ nhất, vĩ đại nhất, lôi cuốn nhất và đồng thời cần thiết nhất. Sứ điệp phải được đơn giản hóa, trong khi không để mất chút sâu sắc và sự thật nào, và nhờ thế, trở nên càng mạnh mẽ và có sức thuyết phục hơn”.

Govekar cũng nhắc đến chương mục mới hơn là @Franciscus Instagram, hiện có hơn 5.6 triệu người theo. Nhóm người theo lớn nhất là Ba Tây, sau đó, là Hoa Kỳ. Và nhóm tuổi người theo lớn nhất là nhóm 24 tới 34 tuổi.

Nhân viên của Vụ Truyền Thông theo dõi các nhận định trên các chương mục truyền thông xã hội “vì đó là cách để biết các vấn đề người ta đang đặt ra”. Bà cho rằng đáp ứng các câu hỏi hay quan tâm người ta không hề đặt ra quả là điều vô nghĩa.

Nhiều người nhận định một cách thuận lợi về việc Đức Giáo Hoàng tỏ ra và hành động rất “bình thường” cũng như ngài tỏ ra âu yếm và rất nhân bản. Họ cho rằng “tính bình thường phải được một người ở địa vị Đức Giáo Hoàng mong muốn một cách mạnh mẽ”.

Bà nhận định rằng: Các cử chỉ, nhất là những cái ôm hôn, từng khiến Đức Phanxicô được người ta lưu ý một cách tích cực hơn cả, “không phải là kết quả của một chiến lược truyền thông; mà đơn giản chỉ là ngôn ngữ của yêu thương”. Bà cũng cho rằng bà rất ngạc nhiên khi rất nhiều người bình luận cho rằng Đức Giáo Hoàng “rất đẹp” nhưng khi tình yêu rạng chiếu qua một con người hay một sự vật, thì kết quả quả là đẹp đẽ”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tại Oregon Tổ Chức Đại Hội Hành Hương
Phan Hoàng Phú Quý
19:14 02/07/2018
(Portland-Oregon) Nhân ngày lễ Độc Lập Hoa Kỳ Cộng Đồng Công Giáo ViệtNam tại tiểu bang Oregon đã tổ chức Đại Hội Hành Hương kính Đức Mẹ một cách long trọng và sốt sang trong 3 ngày thứ Saú, thứ Bảy và Chúa Nhật tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang cũng như tại Trung Tâm Hành Hương Núi Đức Mẹ Sầu Bi.

Xem Hình

Khách hành hương đến từ khắp nơi, như Vancouver B.C. Canada, Spoken, Seattle, Olympic tiểu bang Washington , San Jose, Los Angles, Stocton, tiểu bang California, Houston, Dallas tiểu bang Texas, cũng như giáo dân thuộc các vùng phụ cận Portland như: Salem, Tigard, Hillsboro, Aloha và Beaverton.

Chương trình trong các ngày hành hương gồm có giải tội, chầu Mình Thánh Chúa, thuyết giảng các đề tài theo chủ đề :

Thưa Bà Đây Là Con Bà

Tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang :

Ngày Thứ Sáu :

Chào đón quan khách từ thập phương đến.

2:00PM Giải Tội

3-30 Chầu Kính Trọng Thể Lòng Thương Xót Chúa do linh mục Phanxicô-Savie Nguyễn Văn Vinh Phụ trách

4-5:00 Hoạt cảnh kính các thánh Tử Đạo VN do các huynh trưởng đoàn TNTT Thánh Tâm thuộc GX/ĐMLV trình diễn.

5:15 Kiệu Hài Cốt Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Thánh Lể Khai Mạc Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam do Đức Cha Peter Smith chủ tế và thuyết giảng.

6:30-7:30 Rước kiệu Thánh Thể chung quanh khu vực dân cư sống gần trung tâm giáo xứ Đức Mẹ La Vang.

8:00 Nghi Thức Chầu Thánh Thể Trọng Thể tại Nhà Thờ Lớn.

8:30-10 Hội Thảo #I - Mẹ Mong Con Hãy Ăn Năn Thống Hối

Do linh mục Phêrô Nguyễn Bá Quốc Linh DCCT hướng dẫn.

Topic#I – “ Smart uses of your time on the internet”

Do linh mục Peter Hoàng Đỗ, OP phụ trách

Ngày Thứ Bảy :

7:30 sáng Thánh lễ cầu nguyện cho Bệnh nhân & Xức dầu Bệnh nhân do linh mục chánh xứ Ansgar Phạm Tĩnh SDD chủ sự.

9:30-11:30 Hội Thảo # II Cách Mẹ Dạy Con

“Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi” do LM Phêrô NGuyễn Bá Quốc Linh DCCT hướng dẫn

Topic #2 “4 ways social Media Affects your Spiritual Life” Rev. Peter Hoàng Đỗ, OP (chapel)

1:00-3:30 Hội Thảo # III Tình Mẹ Bảo Con

“Hãy Tôn Sùng Trái Tim Mẹ” do Linh mục Phêrô Nguyễn bá Quốc Linh hướng dẫn.

TOPIC #3 “5 Secrets to Better communication with Tecnology” Rev. Peter Hoàng Đỗ,OP (Chapel)

3:30-4:30 Giải Tội

4:30 Dâng Hoa Kính Đức Mẹ La Vang do Cộng Đoàn thánh Anrê Dũng Lạc, Beaverton phụ trách.

5:00 Thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ La vang do Đức cựu Tổng Giám Mục John G.Vlazny chủ tế và thuyết giảng.

6:30-10:00 Chương Trình văn nghệ với 2 giọng ca được rất nhiều người ái mộ, casi Đình Bảo và ca si Lam Anh.

Ngày Chúa Nhật : Tại Núi Đức Mẹ Sầu Bi

Lúc 9 giờ sáng, giáo dân khắp nơi trong tiểu bang, cũng như các tiểu bang phụ cận Vùng Tây Bắc Hoa Kỳ tập trung về Núi Đức Mẹ Sầu Bi để cung nghinh Đức Mẹ La Vang và hiệp dâng thánh lễ Cầu nguyện cho Tự Do Dân Chủ do Đức Cha Peter Smith, Giám Mục Phụ Tá chủ tế, cùng với, quý Đức Ông, quý linh mục và quý thầy Phó tế cùng đồng tế.

Chương trình được bắt đầu với nghi thức truy điệu các anh hùng chiến sĩ VNCH và Đồng Minh đã hy sinh cho ly tưởng tự do và hoà bình thế giới. Quốc kỳ VNCH và Hoa Kỳ được rước đến trước lễ đài, và quốc ca Việt Mỹ được tất cả mọi người hát lên, tất cả mọi con tim cùng hòa nhịp hướng về tổ quốc thân yêu.

Phút mặc niệm cũng được mọi người kính cẩn nghiêng mình trước bàn thờ tổ quốc, ba hồi chiêng trống và quốc thiều trổi lên chiêu hồn tử sĩ.

Linh mục chánh xứ Phạm Tĩnh, ông chủ tịch HĐGX/LV Đỗ Văn Hải, ông Vũ Thảo chủ tịch BCH/CĐ người Việt Oregon, tiến lên niệm hương trước lễ đài.

Tiếp đến là phần cung nghinh Đức Mẹ đi chung quanh trung tâm hành hương Grotto, với Thánh Giá nến cao dẫn đầu, quý hội đoàn, quý giáo dân, quý tu sĩ nam nữ, quý linh mục, đoàn dâng hoa, và các sắc dân thiểu số, mọi người vừa đi vừa lần hạt Mân Côi, cũng như hát những bài thánh ca về Mẹ rất trang nghiêm và thành kính.

Sau phần cung nghinh là phần dâng hoa trước tòa Đức Mẹ, các em trong lễ phục cổ truyền của dân tộc đã dâng lên cho Đức Mẹ những nến hương trầm, cũng như những bông hoa xinh tươi đủ màu sắc trông thật đẹp mắt và nhiều ý nghĩa.

Thánh lễ Đại Trào do Đức Cha phụ tá chủ tế cùng với quý Đức Ông và quý linh mục Việt Mỹ đồng tế.

Kết lễ là là lời cám ơn chân thành của linh muc chánh xứ Phạm Tĩnh gởi đến Đức Giám Mục Phụ Tá, quý Đức ông, quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ, quý ban ngành và toàn thể cộng đoàn dân Chúa, đã dành thời gian quý báu cuối tuần để về đây cùng hiệp thông cầu nguyện và tạ ơn.

Nguyện xin bình an của Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn tuôn đổ xuống cho , Đức GM, quý Đức Ông, quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ và cùng với tất cả anh chi em, xin cùng đồng hành với chúng ta trên mọi nẽo đường chúng ta ra về và xin hẹn gặp lại trong kỳ ĐHHH lần thứ 43 tại Portland Oregon July 5, 6 va 7 năm 2019.

Phan Hoàng Phú Quý
 
Liên Tu Sĩ Giáo Phận Đà Nẵng Hành Hương Năm Thánh tại Đền Thánh An-rê Phước Kiều
Toma Trương Văn Ân
19:20 02/07/2018
“Để các Tu Sĩ, những Người sống đời Thánh hiến chiêm ngắm và học hỏi gương nhân đức của các Thánh Tử Đạo, Ngõ hầu sống chứng nhân cho Chúa Ki-tô và những giá trị Tin Mừng cách mạnh mẽ, can trường hơn “trong một thế giới đang bị tổn thương” ( trích chương trình hành hương Năm Thánh của Liên Tu Sĩ).

Sáng ngày 2 / 7 / 2018, 80 Tu sĩ và Đại diện của 17 Dòng Tu đang hoạt động mục vụ tại Giáo phận Đà Nẵng , Hành hương Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam về Đền Thánh An-rê Phú-yên Phước Kiều, đây là Đoàn hành hương đầu tiên cấp Giáo phận đến Đền Thánh.

Xem Hình

Đoàn hành hương đã cùng nhau học hỏi , chia sẻ về đời sống Ơn gọi Thánh hiến, về các hoạt động mục vụ , và cùng cầu nguyện xin Chúa hoán cải nâng đỡ , để mỗi Tu Sĩ trở nên nhân chứng sống động của Chúa Ki-tô trong môi trường hiên diện.

Lúc 10 giờ , Đức Cha Giuse- Giám mục Giáo phận Đà Nẵng đã đến huấn giáo các Tham dự viên: “ Mặc dầu đền Thánh An-rê còn đơn sơ, nhưng tại đây mang dấu ấn của Ân phúc và niềm hy vọng” . Và tiếp đó Đức Cha mời gọi mỗi Tu Sĩ sống tinh thần Tông Thư “Năm Đời Sống Thánh Hiến”( từ 30 / 11 / 2015 – Chúa Nhật I Mùa vọng đến 2 / 2 / 2016- Lễ Dâng Chúa Giê-su và đền thờ} của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô”:

“ Ở đâu có Tu Sĩ , ở đó có niềm vui”. Niềm vui đời tận hiến là sự cỗ vũ và thu hút Ơn gọi. Thiên Chúa làm đầy con tim tình huynh đệ , được sống trong cộng đoàn, phục vụ Giáo Hội , phục vụ gia đình , phục vụ người khổ đau bệnh tật…. chắc chắn mỗi người có những khó khăn , nhưng niềm vui của đời sống hiện diện giữa cộng đoàn “ Thấm mùi Chúa và thấm mùi Chiên” , cảm nhận “ Mùi Chúa” của yêu thương tha thứ, sống đời sống hy sinh, vâng phục, khó nghèo… và “Thấm mùi chiên” của đồng cảm sẻ chia, niềm vui trở thành đồng hành với anh chị em .

Và Đức Cha tiếp: Tu Sĩ là chuyên viên sự hiệp thông : “ Không ai xây dựng tương lai bằng sự ích kỷ riêng , nhưng đối thoại và quy hướng vào Anh chị em. Những gì là chân thật , là cao quý , tinh túy , đức hạnh , kiên toàn sự hiệp thông và đón nhận nhau. Không ghen tức , không chống lại nhau , sống cho Tình yêu Thiên Chúa , cho những giá trị của Tin Mừng…… đó là Tử Đạo ngày nay” . Cuộc sống chung có những thử thách , nhưng đó luôn là dấu ấn của tình yêu. Khi tuyên khấn Đức vâng phục là xin vâng kế hoạch của Thiên Chúa gắn liền với sứ vụ nơi cộng đoàn Hội Dòng và cộng đoàn nơi hiên diện phục vụ. Tuyên khấn Đức khó nghèo là nền tảng sự hiệp thông huynh đệ. Tuyên khấn đức khiết tịnh , làm trong sạch tâm hồn biểu lộ yêu mến Thiên Chúa và mọi người, làm cho Tình yêu Đức Ki-tô hiện diện , không vụ lợi , độc đoán , đừng nép mình để trở thành tù nhân của chính mình .

Đức Cha còn mời gọi Tu sĩ sống đời sống cầu nguyện là hơi thở của tâm hồn , là Giao thoa với Thiên Chúa, để kín múc Ân sủng Chúa dồi dào cho hành trình Đời sống Tân hiến , Đời sống Đức tin và sáng tạo mới trong việc loan báo Tin Mừng.

Sau huấn từ , Đức Cha đã Chủ sự Thánh lễ Đồng tế kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam lúc 11 giờ.

Buổi chiều , Đoàn hành hương còn đi viếng các Vị Tử Đạo tại Trường An – Hà Lam và các Vị Tử Đại tại Vân Tiên – Vân Đõa. Điểm đến cuối cùng , thăm Cộng đoàn Gioan Thiên Chúa ( Phòng khám An Bình) đã kết thúc Ngày hành hương Năm Thánh của Liên Tu Sĩ đang hoạt động mục vụ tại Giáo phận Đà Nẵng.

Đền Thánh An-rê Phú-yên Phước Kiều là địa điểm hành hương duy nhất tại Giáo phận Đà Nẵng , nơi đây đã thắm máu đào Vị Tử Đao tiên khởi ( đầu tiên) của Giáo Hội Việt Nam. Hành hương Đến Thánh, để cộng đoàn và cá nhân nhận lãnh Ân xá Năm Thánh khi kính viếng và thưc hiện điều kiện quy định của việc lãnh ơn Toàn xá.

Hiện nay , khuôn viên Đền Thánh An-rê Phú-yên Phước Kiều đang được tu sửa tôn tạo lại , khi hoàn thành sẽ có một khoản không gian rộng đẹp hơn, Lễ đài được bố trí một nơi mới thích hợp cho cộng đoàn tham dự phụng vụ hành hương đông người cấp Giáo phận và các Đoàn hành hương đến từ các Giáo phận trong và ngoài Nước.

Một điểm thú vị ít người biết : ngay phía sau Đền Thánh có 03 ngôi mộ cổ , nấm mộ hình ovan ( quả xoài) cạnh 1,5m x 1m xây bằng vôi vữa , có niên đại trên 300 năm , nấm mộ đã hóa thạch ( hóa đá) . Theo các nghiên cứu của Cha An-tôn Nguyễn Trường Thăng ( Nhà Sử học) , và nhiều nhà nghiên cứu : Những Vị an táng ở đây ( đền Thánh) chắc chắc là những Vị có đời sống đạo đức , mẫu mực , có uy tín trong những cộng đoàn tiên khởi , có thể là các Vị Tử Đạo hoặc là Linh mục… Những ngôi mộ nay nằm sâu 80 cm so với mặt đất.

Việc tôn tạo lại khuôn viên Đền Thánh có rất nhiều hạng mục công trình , và dự án bảo vệ các ngôi mộ cổ trở nên cấp thiết , nhất là đáp ứng việc hành hương của các Đoàn thể và cá nhận trong Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Giáo phận và Ban Kiến thiết mọng được sự cộng tác chia sẻ của tất cả các thành phần dân Chúa.

“Xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam dâng lời cầu nguyện và mọi việc lành của chúng ta lên Thiên Chúa , giúp chúng ta sống Năm Thánh cách tốt đẹp nhất. Ước mong Anh chị em được hưởng trọn vẹn những ơn ích Thiêng liêng mà Năm Thánh đem lại, biết dùng Ơn Chúa ban để hăng hái phục vụ Chúa , phục vụ đồng loại , và tích cực góp phần vào việc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng ta” ( trích Thư công bố Năm Thánh của HĐGMVN)

Toma Trương Văn Ân
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tổ quốc lâm nguy !
Hà Minh Thảo
19:05 02/07/2018
TỔ QUỐC LÂM NGUY

Sáng nay, lang thang trên xa lộ thông tin, chúng tôi có cơ hội được xem một video nói lên thực trạng chính trị và xã hội Việt Nam hiện nay tại địa chỉ:

https://www.youtube.com/watch?v=7VWmJaF2LDg

Qua đó, chúng ta thấy rõ thái độ khinh dân của quan tham không do dân bầu, sự cơ cực do bị cướp nhà và bị hứa ‘lèo’ của những dân oan đau khổ. Ðối mặt với đoàn người can đảm này là các côn(g) an gát cổng đê hèn. Buồn cho gia đình có những phần tử như vậy.

Ngoài ra, các bạn trẻ can đảm biểu tình chống cộng sản bán nước lên tiếng họ phải hành động vì ‘không muốn để con cháu sau này trách mình đã để mất nước’. Các bạn trẻ này, thấm nhuần sự độc tài và tàn bạo Việt cộng, nói thật chí lý, những đồng bào thế hệ Việt Nam Cộng hòa bỏ nước theo Mỹ nghĩ sao, đặc biệt quý vị tự xưng ‘chống cộng’ theo kiểu Mỹ, nhưng chưa hề có giây phút nào đối đầu hay cộng tác với cộng.

Xuất thân từ Trường Lasan Taberd, một trường duy nhất ở Việt Nam không những dạy về văn hóa, luân lý, đào tạo vận động viên thể thao… mà còn về tình yêu nước. Hàng ngày, toàn thể các Sư huynh, Giáo sư và học sinh hiện diện tại sân trường để dự lễ thượng kỳ, hướng mắt nhìn cờ Việt Nam Cộng hòa, nền vàng với ba sọc đỏ, oai hùng tung bay trên bầu trời Sài Gòn, lúc đó, là Hòn Ngọc Viễn Ðông. Hình ảnh thượng Quốc kỳ đó, ngày nay, vẫn hiện trong đầu óc chúng tôi mỗi khi nhớ đến Quê Hương, nơi đồng bào đang oằn oại trong đau thương bởi sự đàn áp của bạo quyền bán nước và bọn công an, côn đồ được thuê mướn bởi tiền thuế của chính người dân đóng và tiền ngoại viện do người dân các nước này đóng thuế. Hàng ngày, chúng tôi có 45 phút môn Giáo lý. Tuy mang danh xưng đó, nhưng thời gian này có thể được các Sư huynh giúp hiểu thêm về thời cuộc hay cách sống thường nhật. Thí dụ về cách thức ‘bắt tay chào’, ai đưa tay ra trước và phải bắt như thế nào ?

Trong thời kỳ mang danh ‘Ðàn áp Phật giáo’, trong tình trạng thiết quân luật, trường Taberd cũng phải tiếp nhận các đơn vị Thủy quân lục chiến như các trường khác. Nhưng tại đây, sự giáo dục nghiêm túc của các Sư huynh (thầy và anh) không cho phép một sự xách động nào như ước muốn của tập thể học sinh đến trường là để học tập. Tổng thống Ðệ Nhất Cộng hòa biết Giáo Hội Công Giáo có thể tự lập về tài chính, nên ông đã giúp các Tôn giáo khác có phương tiện để phát triển. Thời đó, không có đạo nhà nước hay quốc doanh.

Xin lưu ý, chúng tôi viết những dòng chữ này theo sự chứng kiến những biến cố tại Sài Gòn, Thủ đô Việt Nam Cộng hòa, nhờ những tin tức tiếp thu qua Internet và sách báo, với lòng yêu nước và thương mến đồng nào. Nếu có Vị nào không đồng ý, xin lượng thứ và chỉ bảo. Cám ơn.

I./ NGUỒN GỐC LỊCH SỬ SỰ LÂM NGUY.

Sự lâm nguy của Tổ Quốc Việt Nam đã khởi sự từ lâu. Nếu Miền Bắc nước Việt đã bị nhuộm đỏ bởi Hiệp định Genève 20.07.1954 thì, tại Miền Nam, sau khi nhậm chức ngày 07.07.1954, Thủ tướng Ngô Ðình Diệm đã dành sự Ðộc Lập cho Tổ Quốc, được biểu tượng bởi sự hạ Pháp kỳ xuống và thượng quốc kỳ Việt Nam tại dinh Nodorom, Phủ Toàn quyền Pháp, và, lập tức, được cải danh thành Dinh Ðộc Lập, ngày 07.09.1954.

Sự Ðộc Lập này càng thấy rõ hơn khi Tổng thống Ngô Ðình Diệm công du Mỹ quốc tháng 05/1957. Tại Hoa Thạnh Ðốn, Nữu Ước và các nơi khác, ông và phái đoàn 7 người nói rành tiếng Anh, được tiếp đón với nghi thức trang trọng nhất. Trong hoàn cảnh nước Việt hiện nay, ông Diệm sẽ luôn là người Việt duy nhất đọc Diễn văn trước Lưỡng viện Lập pháp, định chế bao gồm các Vị Dân cử liên bang.

Ngày 01.11.1963, vâng lịnh Henry C. Lodge, các tướng tá làm đảo chính và, hôm sau, đã ám sát Tổng thống dân cử Ngô Ðình Diệm để, từ đó, Việt Nam Cộng hòa không còn là một quốc gia độc lập và chủ quyền quốc gia bị cướp đoạt và hành xử vô nhân đạo bởi Lyndon B. Johnson và cặp Richard Nixon - Henry Kissinger. Johnson, không vâng lời ông Ngô Ðình Diệm, một người giàu kinh nghiệm về cộng sản, đã tung quân tác chiến Mỹ vào Việt Nam, không có sự đồng ý trước của Chính phủ Phan Huy Quát, tạo cơ hội cho Lê Duẫn hồ hởi ‘chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên xô, Trung quốc’, đưa đến cái chết cho hơn 58.000 người Mỹ. Tiếp theo hắn, Nixon-Kissinger, với Hiệp định Paris 27.01.1973 và bọn Lập pháp đảng Dân chủ phản chiến ngăn chận Hành pháp đảng Cộng hòa thi hành Hiệp định này. Do đó, Sài Gòn bị thất thủ và mất tên ngày 30.04.1975.

Gần đây, ngày 23.05.2016, để lấy điểm với Việt cộng, Tổng thống Barack Obama đã công bố Hoa kỳ bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương cho chúng. Dĩ nhiên, hành động này được sự ủng hộ của hai ứng cử viên Tổng thống thất cử John Kerry và John Mc Cain. Hăng hái ủng hộ nhất việc bán súng này là Ðại sứ ‘hai nước’, ‘ông hay bà’ Ted Osius (trong một đám cưới đồng tính) đã đầu hàng cộng sản, làm mất uy lực chức Ðại sứ Mỹ tại đây. Hắn cũng từng làm rùm beng trò hề ‘từ chức vào cuối nhiệm kỳ, để chống Tổng thống Trump và vì nhân quyền cho người Việt (?)’. Hứa ở lại Việt Nam làm việc tại trường Fulbright, nhưng, ngày 16.06.2018, trường này thông báo rằng Ted Osius đã từ chức và sẽ rời trường vào cuối năm 2018. Hắn nói sẽ viết một sách ‘Không có gì không thể: hòa giải Mỹ - Việt quan cái nhì của một đại sứ’. Phải chăng vì hắn đã làm mất uy tín chức Ðại sứ Mỹ’. Sự đẩu hàng Việt Cộng của hắn làm cho đương kim Đại sứ Daniel Kritenbrink thất bại trong việc can thiệp cho William Nguyễn, công dân Mỹ gốc Việt, đang bị bắt tại Sài Gòn.

II./ NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN TẠI MỸ QUỐC.

Trước khi ‘từ tro bụi trở về tro bụi’, ông Diệm đã thương trối về nhóm phản loạn ‘Rồi đây, người Mỹ sẽ đưa quân vào Việt Nam. Khi Mỹ thua chạy, họ sẽ chạy theo Mỹ’. Sự thật đã xảy ra như vậy. Cái gọi là ‘rút quân trong danh dự’ cũng chỉ là một sự thua trận lần đầu tiên của Quân lực Hoa Kỳ. Ông Ngô Ðình Nhu đã từng cảnh cáo nhiều lần ‘Thảm họa Trung cộng’. Không nghe lời tiên tri, chúng đã giết ông và đã hoàn toàn bất lực khi Nixon-Kissinger ‘dâng’ Việt Nam Cộng hòa cho Tàu cộng. Trong thời điểm đó, Tổng thống dân cử Nguyễn Văn Thiệu đã từng lo ngại ‘đồng minh vĩ đại’ có thể ‘phơ’ ông.

Trong những ngày cuối tháng 04/1975, lời tiên tri ông Diệm trở thành hiện thực khi các tướng lãnh nhờ phi cơ Mỹ di tản. Ðến Hoa kỳ, lúc đầu, mức cách biệt giàu nghèo không lớn, người Việt đoàn kết với nhau trong việc chống Cộng. Khi việc làm ăn có được lợi tức, người Mỹ gốc Việt, cũng như Mỹ chính gốc, đều phải nộp thuế. Năm 1995, sau khi thiết lập bang giao Việt-Mỹ, các chính phủ Mỹ, dưới chiêu bài viện trợ, qua nhà nước Việt cộng, để giúp người dân Việt sống có Nhân Quyền. Có thể nói người ta đều biết phần lớn số tiền viện trợ hay tín dụng nhà nước vay đã lọt vào tay Ðảng để chúng chia nhau. Thí dụ, vụ Vinalines đã là một trường hợp tham nhũng 366 tỷ đồng (tương đương trên 17 triệu mỹ kim), bòn rút từ ngân sách nhà nước. Cùng với những số mỹ kim bòn rút khác lên đến 500 triệu, chi cho Nghị quyết 36 Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, di cư và tự nhận ‘chống cộng, nhưng rồi không thấy cộng ở đâu để chống, lại quay lại chống lẫn nhau. Mất tình đồng bào và huynh đệ.

Một trường hợp cần suy nghĩ khác khi thời điểm 2020 đã đến gần. Hạn kỳ mà chóp bu cộng sản phải giao Quê hương Việt Nam cho Tàu cộng. Ðồng bào yêu nước toàn quốc đang anh dũng biểu tình để chống bọn bành tướng Bắc kinh và hóa giải việc bán nước đó đang bị bầy chó đỏ hung hăn đánh đập. Trong khi đó, các sĩ quan cấp tướng tá đã từng chiến đấu anh dũng trên các chiến trường Iraq, Afganistan và khắp thế giới cùng các công chức cao cấp Mỹ gốc Việt trong chính quyền Hoa kỳ nghĩ sao khi nhà nước Mỹ đã không lên tiếng trước sự đàn áp dã man người dân, trong tay không một tất sắt. Ước gì quý vị cùng chung có hành động để cứu giúp Quê hương, nơi tổ tiên, ông bà đã vĩnh viễn gởi thân xác.

III./ TIẾN TRÌNH BÁN NƯỚC.

Cuộc đánh chiếm Miền Nam tháng 04/1975, do thừa lịnh Liên xô, nên không làm vừa lòng lãnh đạo Tàu cộng Ðặng Tiểu Bình, nên hắn đã dạy cho Việt Cộng một bài học bằng cuộc chiến tàn khốc đánh vào cực Bắc Việt Nam. Quân Tàu đã tàn sát dã man đồng bào ta. Phụ nữ Việt, sau khi bị hãm hiếp, còn bị cắt nhủ hoa, trước khi bị chúng giết chết.

Trong suốt thời gian chiến cuộc tiếp diễn, hệ thống truyền thanh Tàu không ngừng kể tội Việt cộng : « Từ năm 1926, Hồ Chí Minh đã cam kết với Trần Canh và Vị Quốc Thanh, thay mặt cho Mao Trạch Đông, sẽ ‘giao nước Việt Nam cho Trung Quốc’. Khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Hồ Chí Minh trình lên Thủ tướng Chu Ân Lai ‘Việt Nam và Trung Quốc tuy hai mà một. Một dân tộc. Một nền văn hóa. Một phong tục. Một tổ quốc. Nếu giúp chúng tôi thắng Pháp, thắng Nhật, nắm được chính quyền, thì nợ viện trợ sẽ hoàn trả dưới mọi hình thức, kể cả cắt đất, cắt đảo, lùi biên giới, chúng tôi cũng làm’ ».

Ngày 14.03.1988, trước sự tiến quân chiếm Gạc Ma (Quần đảo Trường Sa) của Tàu cộng, do tuân lịnh Bộ trưởng Quốc phòng Lê Ðức Anh ‘bất kỳ giá nào cũng không được nổ súng’, 64 bộ đội Việt cộng đã bị bắn chết oan uổng và xác vẫn nằm dưới đáy biển. 27 năm sau, đám tướng tá Cộng sản hèn nhát mới dám lên tiếng.

Cuối thập niên 90, Liên xô tan rã, lo sợ không còn nguồn thu bố thí, Việt cộng đã đê hèn tìm đến và tạ lỗi Tàu cộng qua cái gọi là ‘Mật ước Thành Ðô’, một văn kiện bán nước.

Ngày 03 và 04.09.1990 Hội nghị Thành Đô được nhóm họp tại Tứ Xuyên gồm lãnh đạo cao cấp của hai cộng đảng Việt (Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư dảng, Phạm Văn Ðồng (kẻ công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền qua của Tàu qua công hàm ngày 14.09.1958), Ðỗ Mười (gốc thợ thiến heo) và Tàu (Giang Trạch Dân, tổng bí thư cộng đảng và Lý Bằng, thủ tướng).

Kỷ Yếu Hội Nghị’ đã ghi truyền những dòng chữ ‘kết luận như sau:
« Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị vốn lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….

Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc ».

Từ nay, súng đạn, tiền bạc của Trung Cộng, máu xương của người Việt đã đưa Cộng đảng Việt lên đài danh vọng khiến cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói khi nối lại bang giao với Trung Cộng ‘Tôi cũng biết rằng, dựa vào Trung Quốc sẽ mất nước, nhưng, mất nước còn hơn mất Đảng’.

Với những từ ngữ phản quốc và ngu dốt như thế làm chính đám cộng sản cũng không thể tin rằng lãnh đạo của chúng đã mù quáng đến nỗi đi tới quyết định như thế mặc dù sự xụp đổ của Liên Xô đã khiến Cộng đảng Việt phải tìm cách dựa vào Tàu để sống còn. Dù sao thì Chủ nghĩa Xã hội cũng không thể biến nước Việt thành một tỉnh tự trị của Trung Quốc vì Linh-Mười và Đồng không đủ chính danh để ký một văn tự vô giá trị như thế. Chúng tiếp tục im lặng dấu diếm quốc dân cho đến khi Hoàn Cầu Thời Báo tiết lộ.

Phản ứng của nhân sĩ trí thức và tướng tá Việt cộng là phẫn nộ và đòi hỏi nhà nước phải bạch hóa sự kiện Thành Đô. Khởi đầu là tướng Lê Duy Mật sau đó là Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang và nhiều người khác đã công khai kiến nghị lãnh đạo Ðảng phải giải thích minh bạch văn kiện bán nước ô nhục này. Bộ ba bán nước này lẫn nhà nước đương quyền lờ đi, nhưng vì ‘chén cơm và lương hưu’, đám tướng tá và nhân sĩ này đã cho ‘chìm xuồng’ luôn.

IV./ GIẢI QUYẾT CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH CẦN THIẾT.

Năm 2000, Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa Tàu và Việt Cộng chỉ giúp nước sau này chỉ mới thanh toán được 1/10 số nợ 880 tỉ mỹ kim đã vay của Trung Cộng từ năm 1927 đến năm 1975. Những tin tức về văn kiện Thành Ðô được loan truyền từ cuối năm 2010… Nhưng, khi đó đến gần đây, vẫn có người nói đó là chiêu bài tâm lý chiến do các ông ‘phản động’ loan truyền. Nay thì mọi việc đã sáng tỏ: Việt cộng đã và đang tiếp tục ‘giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung quốc’.

Những tin tức về văn kiện Thành Ðô được loan truyền từ cuối năm 2010… Nhưng, khi đó đến gần đây, vẫn có người nói đó là chiêu bài tâm lý chiến do các ông ‘phản động’ loan truyền. Nay thì mọi việc đã sáng tỏ: Việt cộng đã và đang tiếp tục ‘giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung quốc’.

A. Hiệp định phân định biên giới Trung – Việt. Năm 1999, tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Việt Cộng và Trung Cộng đã tiến hành cắm mốc 1117 trùng với vị trí mốc 19 cũ, đường biên giới đi qua Km số 0, mốc 19 cũ đến điểm cách điểm nối ray hiện tại 148m. Một nhượng bộ lớn của Việt Nam là khoảng cách 300 m cuối tuyến đường sắt từ Đồng Đăng đến đường biên giới cũ đã phải cắt cho Tàu Cộng.

B. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ được Việt Cộng và Trung Cộng ký kết ngày 25.12.2000. Việt được 53,23% và Tàu được 46,77% diện tích Vịnh. Hiệp định này đã gây ra nhiều tranh cãi giữa người Việt.

C. Nhượng quyền khai thác Mỏ bauxite Tây nguyên. Từ năm 2001, trong Ðại hội IX, dự án này đã được Bộ Chính trị Cộng đảng thông qua: ‘Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bauxite là chủ trương nhất quán tại Ðại hội IX và Ðại hội X của Ðảng đến nay’. Ngày 01.11.2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít từ giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025. Dự án này đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau trong dư luận, báo chí, Quốc hội. Các ý kiến chủ yếu xoay quanh vấn đề an ninh, quốc phòng, hiệu quả kinh tế, hậu quả xã hội, tác động đối với môi trường sinh thái, công nghệ Trung Quốc lạc hậu, việc sử dụng lao động phổ thông Tàu cộng tại khu vực Tây Nguyên trái với Luật lao động Việt Cộng. Ngày 08.10.2014 hồ thải quặng đuôi số 5 của dự án Tân Rai đã bị vỡ đê, 5.000 mét khối nước và bùn đỏ đã tràn ra ngoài. Ngày 13.02.2016, đường ống dẫn nước có chứa chất xút độc hại từ hồ bùn đỏ của Nhà máy alumin Tân Rai bị vỡ khiến nước chảy tràn ra ngoài. Sau khi tiến hành kiểm tra, Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Lâm Ðồng kết luận: nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đường ống được xác định là do khớp nối bị ‘lão hóa’ dẫn tới bục đường ống. Ðánh giá việc đường ống bị lão hóa chỉ sau 4 năm sử dụng, ông Nguyễn Văn Ban, Trưởng ban Nhôm – Titan, cho rằng đó là: ‘hệ quả công nghệ Trung Quốc’.

D. Nhượng Quyền Khai thác Rừng đầu nguồn. Việt Cộng đã nhượng biển, nay nhượng nốt rừng!!! ‘Theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã cử đoàn cán bộ liên ngành trực tiếp kiểm tra hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, đồng thời tổng hợp báo cáo 8 tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương… Kết quả cho thấy 10 tỉnh đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305,3534 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Tàu Cộng chiếm trên 264.000 ha; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới’.

Ð. Ðặc khu Kinh tế Vũng Áng. Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn nếu phê chuẩn dự thảo đặc khu kinh tế ở Vũng Áng của tập đoàn Formosa. Ngày 25.06.2014, lãnh đạo chi nhánh tại Việt Nam của Formosa, 100% vốn Đài Loan, đã gửi văn bản đến nhà nước Việt Cộng đề nghị thành lập một đặc khu kinh tế ở Vũng Áng để phục vụ cho việc xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương và các ngành công nghieäp liên quan như gang thép, điện, theo truyền thông trong nước.

Vũng Áng ‘là một địa điểm hết sức nhạy cảm’. Khi đó, mạng Tàu cộng đã lưu hành kịch bản tấn công Việt Nam trong 32 ngày, trong đó, chúng nói sẽ đánh vào miền Trung, chia cắt Việt Nam ra. Vũng Áng hay Quảng Trị là những vùng hẹp nhất trên đất liền của Việt Nam. Do đó, hy vọng những nhà chiến lược quốc phòng Việt Nam ‘chưa bị Tàu mua’ sẽ quan tâm và thận trọng trước những yêu cầu này. Những nguy cơ nảy sinh từ việc Việt Nam cho Trung Quốc thuê hàng chục cây số dọc bờ biển Hà Tĩnh và vùng cửa khẩu Vũng Áng.

Từ ngày 06.04.2016, tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển một số xã thuộc thị xã Kỳ anh (Hà tĩnh). Ðến ngày 10.04.2016, hiện tượng cá chết lan tiếp đến vùng biển xã Quảng đông, huyện Quảng trạch (Quảng bình). Sau đó, tình trạng cá chết được thấy tại vùng biển Quảng trị rồi lan rộng vào Thừa thiên-Huế. Hiện tượng cá chết vẫn tiếp tục xuất hiện suốt 20 ngày dọc theo bờ biển miền Trung dài hơn 200 cây số. Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, trả lời thông tín viên AFP: « Chưa từng thấy hiện tượng này xảy ra trước kia ». Thảm họa này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của ngư dân, đến những hộ nuôi thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến du lịch biển và cuộc sống của cư dân miền Trung.

Từ Vũng Áng đến Hải Nam không bao xa, nên khi chúng muốn, Tàu cộng chỉ cần phái một hạm đội từ Hải Nam đến Vũng Áng thì trọn Vịnh Bắc Việt sẽ không giao thông được từ nước ngoài và với miền Nam nước Việt, bị biến thành một cái hồ riêng của chúng.

Ngoài ra, còn trường hợp Bùi Hiền, tháng 11/2017 tung cuốn sách ‘Cải tiến Tiếng Việt Mới’, một loại Tiếng Việt Hán hoá, phiên âm theo tiếng Tàu Bắc kinh. Ðây là một kiểu chữ Tàu áp dụng riêng cho người Việt trong tương lai, phiên âm từ tiếng Chệt, mưu toan phá hoại ngôn ngữ, chữ viết Dân tộc Việt.

Ðể chuẩn bị hoàn thành trò giao nước năm 2020, Bộ Chánh trị Cộng đảng đã hình thành Dự luật ‘Ðặc khu hành chính và kinh tế’, nguyên thủy, dự trù Quốc hội (chính danh phải gọi là đảng hội như Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch hội này, đã yêu cầu ‘bấm nút’ theo lịnh Bộ Chính trị) thông qua ngày 15.06.2018. Gặp chống đối của người dân đòi trưng cầu dân ý, Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng ‘ma de’ cộng sản phải tạm ngưng hành động ô nhục này cho đến tháng 10/2018 để nghe thêm ý kiến người dân và thay đổi thời hạn cho thuê từ 99 năm còn 70 năm.

Ngày 12.06.2018, Ðảng hội đã thông qua dự luật ‘An ninh mạng’ để bịt miệng người dân phản đối tiến trình bán nước qua dự luật ‘Ðặc khu hành chính và kinh tế’. Do đó, khi ông Nguyễn Phú Trọng nói Dự luật chưa thông qua, đã ‘dừng lại để có thêm thời gian để lắng nghe’, nay đã quyết định ‘tạm hoãn’ mà ‘vẫn cứ đi biểu tình để phản đối luật này, chứng tỏ là có ý đồ khác rồi’ là ông chỉ biết nói lấy được để khỏi bẽ mặt xấu hổ.

V. ÐỪNG NÓI VÌ NHÂN QUYỀN CHO NGƯỜI VIỆT NAM.

A. Nuôi ong tay áo.

Từ khi thiết lập bang giao với Việt Cộng, ngày 23.09.1975, Cộng hòa Liên bang Ðức đã viện trợ nhiều cho Việt cộng xây dựng Nhà nước pháp quyền, biết tôn trọng Nhân quyền cho người dân nước Việt, Ðức quốc cũng tiến hành buôn bán với nước cộng sản này để lợi nhuận vào túi các ‘nhóm lợi ích kinh tế’. Tiền viện trợ được dùng phần lớn để tài trợ ‘nghị quyết 36’ và bành trướng công an để đàn áp đồng bào yêu nước và bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, tốn kém nhiều triệu mỹ kim.

Việt Cộng và Ðức đã thiết lập ‘quan hệ đối tác chiến lược’ và Ðức cho phép các viên chức nước đối tác vào Ðức được miễn chiếu kháng nhập cảnh. Nhờ thế, các viên chức cao cấp công an Việt đã tự do khủng bố bắt người tại Berlin, thủ đô Ðức. Trả lời cáo buộc của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ðức, người đồng vị Việt Cộng Lê Thị Thu Hằng nói ‘tôi lấy làm tiếc vể phát biểu của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ðức.

Ðức tiếp tục mở cuộc điều tra và bắt Nguyễn Hải Long, ở Tiệp, người đã thuê xe cho nhóm mật vụ đi bắt Trịnh Xuân Thành. Ông này đang bị xét xử tại Tòa Thượng thẩm Berlin. Trong thời gian gần đây, người ta được biết tham dự việc bắt cóc này còn có nước Slovakia (Tổng trưởng Nội vụ nước này cho Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an mượn một phi cơ bay đến Mạc tư Khoa (Nga), bị nghi ngờ có chở Ông Thành, bay qua Ba Lan. Ngoài ra, cuộc điều tra còn cho thấy có những mật vụ đến từ Tòa Ðại sứ Việt Cộng tại Paris (nước Pháp) và đã có người đã bị chánh phủ Pháp trục xuất về nước.

Ngày 27.03.2018, lúc 13 giờ 30, tại Ðiện Elysée, Tổng thống Emmanuel Macron đã tiếp và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy Ông kêu gọi Việt Nam thực hiện những cải cách để tăng cường nhà nước pháp quyền’ và cho biết một chương trình hợp tác cho giai đoạn 2018-2019 đã được ký kết giữa Bộ trưởng Tư pháp Việt và Pháp và, dĩ nhiên, phải kèm theo một ngân phiếu.

2. Hoa kỳ rời khỏi Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc.

Ngày 19.06.2018, Mỹ chính thức tuyên bố rút khỏi Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc với cáo buộc Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia thành viên đặt trụ sở tại Geneva (Thụy sĩ) chống Do Thái.

Hội đồng này đã hai lần tổ chức các buổi Kiểm điểm Ðịnh kỳ Phổ quát (UPR, Universal Periodic Review, tiếng Anh và Examen Périodique Universel, tiếng Pháp) để duyệt xét Tình hình Nhân quyền tại Việt Nam. Mỗi lần họp, các quốc gia thành viên, kể cả Hoa kỳ, đưa ra rất nhiều khuyến cáo, nhưng những điều này một phần bị Việt Cộng bác bỏ và những điều còn lại chúng hứa, nhưng có thực thi hay không, chỉ chúng biết.

Việc Mỹ rút khỏi tổ chức này không ảnh hưởng đến nhân quyền cho người dân Việt. Nhưng việc này có ảnh hưởng bớt đi ngân sách thu của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc. Chúng ta phải biết là những nhân viên tổ chức này chỉ biết nhận lương cao, nhưng không bảo đảm kết quả.

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nụ Sen Mới
Tấn Đạt
07:24 02/07/2018
NỤ SEN MỚI
Ảnh của Tấn Đạt
Mùa đông sen ngủ say
Mùa hè, sen thức dậy
Lá non hiện lên trước
Búp sen hồng nhô sau
Mở cánh áo lụa màu
Sen thả hương vào gió
(Trích thơ của Nguyễn Hoàng Sơn)