Ngày 05-07-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Ecuador
Vũ Van An
17:48 05/07/2015
Theo Đài Phát Thanh Vatican, Đức Phanxicô đã tới Quito, Ecuador, vào Chúa Nhật, khởi đầu chuyến thăm ba nước Mỹ Châu La Tinh. Dưới đây là bài diễn văn ngài đọc tại buổi lễ tiếp đón.

Kính thưa Tổng Thống,

Kính thưa các nhà cầm quyền trong chính phủ,

Kính thưa các hiền huynh giám mục,

Kính thưa quí ông quí bà,

Các bạn thân mến,

Tôi cám ơn Thiên Chúa đã cho phép tôi trở lại Mỹ Châu và có mặt tại đây với quí vị hôm nay trên lãnh thổ tươi đẹp Ecuador này. Tôi cảm thấy hân hoan và biết ơn khi được thấy sự tiếp đón nồng hậu quí vị dành cho tôi. Đây là dấu chỉ hiếu khách vốn xác định ra người dân của quốc gia cao quí này.

Tôi xin cám ơn ngài, thưa Tổng Thống, vì những lời tốt đẹp của ngài, và tôi xin bày tỏ những lời cầu chúc từ trái tim tôi cho việc ngài thừa hành chức vụ. Tôi chào kính các nhà cầm quyền cao quí trong chính phủ, các hiền huynh giám mục, các tín hữu của Giáo Hội tại xứ sở này, và tất cả những ai, ngày hôm nay, đã mở rộng cõi lòng của họ, mái ấm của họ, quốc gia của họ cho tôi. Với tất cả quí vị, tôi xin bày tỏ lòng âu yếm và thành thực đánh giá cao của tôi.

Tôi đã từng viếng thăm Ecuador nhiều dịp vì các lý do mục vụ. Ngày hôm nay, tôi cũng đã tới như một chứng nhân của lòng từ bi Thiên Chúa và của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Cả nhiều thế kỷ qua, đức tin này đã lên khuôn cho căn tính của dân tộc này và nó đã mang lại nhiều hoa trái tốt đẹp, trong đó có những nhân vật xuất chúng như Thánh Mariana de Jesus, Thánh Miguel Febres, Thánh Narcisa de Jesús và Chân Phúc Mercedes de Jesús Molina, được phong tại Guayaquil ba mươi năm trước đây nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Những nhân vật này, và nhiều người khác giống như các ngài, đã sống đức tin của họ một cách cao độ và nhiệt thành, và qua công trình thương xót, họ đã đóng góp nhiều cách vào việc cải thiện xã hội Ecuador thời họ.



Trong thời ta cũng thế, chúng ta có thể tìm thấy trong Tin Mừng chìa khóa để giải quyết các thách đố hiện thời, qua việc tôn trọng các dị biệt, cổ vũ đối thoại và tham gia trọn vẹn, để việc tăng trưởng trong tiến bộ và phát triển vốn đã có sẽ bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người, với sự quan tâm đặc biệt đối với những người yếu thế nhất trong anh chị em chúng ta. Trong các cố gắng này, thưa Tổng Thống, ngài luôn có thể tin tưởng vào sự cam kết và hợp tác của Giáo Hội.

Các bạn thân mến, tôi bắt đầu cuộc viếng thăm của tôi với lòng hào hứng và hy vọng cho những ngày ở đàng trước. Ecuador là địa điểm gần nhất đối với ngoại không gian; đây là đỉnh Chimborazo, mà chính vì thế được gọi là nơi “gần mặt trời”, mặt trăng và các vì sao nhất. Kitô hữu chúng ta vốn đồng hóa Chúa Kitô với mặt trời, còn Giáo Hội và cộng đồng tín hữu với mặt trăng. Không một ai, trừ Chúa Giêsu Kitô, có được ánh sáng riêng. Ước mong những ngày sắp tới sẽ làm tất cả chúng ta ý thức rõ rệt hơn mặt trời, thực thể “đang ló dạng trên ta từ trên cao” gần gũi với ta như thế nào. Ước mong mỗi người chúng ta là một phản chiếu đích thực ánh sáng và tình yêu của Người.

Từ nơi này, tôi muốn ôm hôn toàn bộ Ecuador. Từ đỉnh Chimborazo qua bờ Thái Bình Dương; từ rừng nhiệt đới Amazon tới các Hải Đảo Galapagos, ước mong các bạn đừng bao giờ đánh mất khả năng bảo vệ những gì là nhỏ bé và đơn sơ, chăm sóc cho con cái các bạn và cho người cao niên của các bạn, tin tưởng vào người trẻ, và không ngừng ngưỡng phục vẻ cao quí của dân tộc các bạn và vẻ đẹp có một không hai của xứ sở các bạn.

Xin Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria, mà Ecuador vốn được thánh hiến, ban cho các bạn mọi ơn phúc và chúc lành. Cám ơn quí vị.

 
Lễ đón tiếp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Phi Trường Quito, Ecuador
Vũ Van An
19:20 05/07/2015
Hãng thông tấn AP đã ghi nhanh các chi tiết sau đây trong lễ đón tiếp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại phi trường Quito, Ecuador:

3:10 giờ chiều: Đức GH đã bước khỏi máy bay của ngài tại Quito, Ecuador và đã được Tổng Thống Rafael Correa tiếp đón. Chiếc nón đội chỏm đầu của ngài đã bị gió cuốn đi sau khi ngài bước xuống các bậc thang.

3:35 giờ chiều: Đức GH Phanxicô đứng đầu trần để nghe Tổng Thống Rafael Correa của Ecuador đọc diễn văn tại phi trường vì chiếc nón đội đỉnh đầu của ngài bị gió cuốn đi khi ngài rời khỏi máy bay.

4.00 giờ chiều: Lễ nghinh đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kết thúc tại phi trường bên ngoài thủ đô Ecuador và Đức Giáo Hoàng bắt đầu được hộ tống vào Quito; ngài ngồi ghế sau chiếc xe.

Hàng ngàn người xếp hàng dọc theo lộ trình đoàn hộ tống để hoan hô Đức Giáo Hoàng; ngài khởi đầu chuyến đi 9 ngày thăm ba nước Mỹ Châu La Tinh.

4:25 giờ chiều: Hàng ngàn người Ecuador vẫy cờ và hoan hô Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi đoàn hộ tống của ngài đưa ngài vào Quito, thủ đô của xứ sở.

Các đám đông tụ tập tại nhiều địa điểm dọc theo lộ trình của đoàn hộ tống, nhưng nhiều giải đường trên xa lộ không có người nào.

Đức Phanxicô bắt đầu chuyến thăm 9 ngày trên lục địa quê nhà của ngài và sẽ viếng thăm ba nước nghèo nhất của lục địa này: Ecuador, Bolivia và Paraguay.

4:35 giờ chiều: Trong chuyến bay dài 13 tiếng đồng hồ tới Nam Mỹ của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới phía sau máy bay để chào hỏi từng người trong số 75 nhà báo cùng du hành với đoàn tùy tùng của ngài trong chuyến viếng thăm Ecuador, Bolivia và Paraguay.

Đức Phanxicô chuyện vãn với từng người và nhận một số lưu niệm họ dâng tặng. Một nhà báo Bolivia trao cho ngài một lô kẹo bánh, trong đó có cả các tranh vẽ của trẻ em Bolivia và một ít kẹo xôcôla có hình ngài được sản xuất tại Sucre, Bolivia.

Ngài tươi cười nói với nữ ký giả này “tôi rất thích các tranh vẽ của trẻ em”.

4:50 giờ chiều: Đức Giáo Hoàng không bao gồm Venezuela và Colombia trong chuyến viếng thăm Nam Mỹ kỳ này, nhưng họ nhận được một điện tín ngài gửi khi chiếc máy bay Airbus A330 thuê của Alitalia bay qua không phận của họ.

Điện tín gửi Tổng Thống Venezuela Nicolas Maduro Moros nói rằng ngài âu yếm nhân dân Venezuela và ngài cầu xin Thiên Chúa giúp họ “mỗi ngày mỗi tăng thêm tình liên đới và sống chung hòa bình”.

Điện tín gửi cho Tổng Thống Colombia, Juan Manuel Santos, cũng có nội dung tương tự. Ngài hy vọng nhân dân Colombia “tăng trưởng trong các giá trị nhân bản và tâm linh vốn là các giá trị lên đặc điểm cho họ, và cầu mong thịnh vượng và chung sống hòa bình cũng sẽ tăng trưởng”.

5.00 giờ chiều: Một số người Ecuador đang sử dụng chuyến viếng thăm của Đức GH Phanxicô để bày tỏ việc họ không chấp nhận các chính sách có tính xã hội chủ nghĩa của Tổng Thống Rafael Correa.

Đoàn hộ tống Đức Giáo Hoàng nghe các tiếng hô “Hạ bệ Correa” của một số người trong các đám đông rải rác dọc theo xa lộ dẫn từ phi trường vào thủ đô.

Các nhân viên an ninh mặc áo neon được đặt dọc lộ trình dẫn vào Quito.

5:10 giờ chiều: Đoàn hộ tống Đức Giáo Hoàng đã tới Quito và Đức Giáo Hoàng đã đổi qua chiếc giáo hoàng xa trong đoạn trót của lộ trình vào thủ đô, nơi ngài được các đám đông lớn hoan hô.

Phần lớn trong lộ trình từ phi trường vào thủ đô Quito, Đức Phanxicô ngồi phía sau chiếc Fiat nhỏ. Dọc đường ngài được hoan hô bởi hàng ngàn người Ecuador rải rác đây đó trên xa lộ.

5:55 giờ chiều: Đức GH Phanxicô đã tới tòa khâm sứ Tòa Thánh tại Ecuador, nơi ngài sẽ qua đêm đầu tiên trong chuyến viếng thăm Nam Mỹ 9 ngày của ngài.

Đoạn đường ngài đi từ Phi Trường Quốc Tế Mariscal Sucre vào Quito kéo dài hơn một giờ. Đầu tiên, ngài ngồi ghế dưới của chiếc Fiat nhỏ, sau chuyển qua chiếc giáo hoàng xa hai bên mở cửa để chạy qua các con phố có người ái mộ đứng chờ hoan hô.

Ngài không dự trù biến cố công cộng nào khác vào tối Chúa Nhật. Sáng Thứ Hai, ngài sẽ bay tới thành phố dyên hải Guayaquil để kính viếng Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Ngài dự định chủ sự thánh lễ tại Đền Thánh mà có người ước lượng sẽ có hơn 1 triệu người tham dự.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khóa đào tạo Huynh Trưởng giáo xứ Lào Cai
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
08:30 05/07/2015
Từ thứ Hai 29.6 đến thứ Sáu 03.7.2015, giáo xứ Lào Cai mở lớp học Huynh Trưởng tại nhà thờ Cốc Lếu, giáo xứ Lào Cai, giáo phận Hưng Hóa thuộc phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Tham dự khóa học có 80 em độ tuổi từ 14 – 25 và một số các thầy cô giáo lý viên đến từ các giáo họ trong giáo xứ Lào Cai.

Hình ảnh

Ý thức được tầm quan trọng của “sự nghiệp trồng người”, giáo xứ Lào Cai rất quan tâm đến việc đào tạo thế hệ trẻ, trong đó có việc phát triển về Thiếu Nhi Thánh Thể. Được biết, nhân dịp hè, giáo xứ đã mở rất nhiều khóa học khác nhau để tạo cho các em một sân chơi lành mạnh và bổ ích như các khóa Giáo Lý cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 4 và cấp 5; lớp Đàn – Nhạc; lớp tiếng Anh nhiều trình độ, Lớp MC và Huynh Trưởng.

Ban giảng huấn khóa này gồm có: Thầy Giuse Vũ Minh, dòng con Đức Bà; 4 Thầy thuộc Đại Chủng Viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu; cũng như quí Thầy và quí Dì dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, đang giúp xứ Lào Cai. Đội ngũ giảng viên khá phong phú và chuyên nghiệp!

Tham dự trong buổi khai mạc Khóa học, ngoài quí Thầy, quí Dì trong Ban giảng huấn, còn có cha Giuse Nguyễn Văn Thành, quản xứ Lào Cai, ông chủ tịch Hội đồng giáo xứ Lào Cai và ông Trùm giáo họ Cốc Lếu. Phát biểu trong buổi khai mạc, cha Giuse đã chia sẻ về “sự nghiệp trồng người”, trong đó thiếu nhi và giới trẻ được ưu tiên. Để giáo xứ phát triển mạnh và ổn định thì việc đào tạo Huynh Trưởng vào thời điểm hiện tại có tầm mức quan trọng. Chính vì thế, những người phụ trách không chỉ lo cho các em có đức tin và giữ kỉ luật tốt mà còn phải giúp cho các em làm sao truyền đạt đức tin và kỉ luật cho các em Thiếu Nhi Thánh Thể nữa.

Một điểm thuận lợi là các bạn trẻ trong thành phố vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt hàng tuần vào các tối thứ Bảy và có Thánh lễ riêng vào sáng Chúa Nhật nên các em khá thành thạo về sinh hoạt chung. Tuy nhiên, các em tại những cộng đoàn mới truyền giáo và xa vì điều kiện khó khăn và cũng chưa có thói quen sinh hoạt cộng đồng nên các em khá vất vả để thích nghi, nhất là buổi đầu.

Hơn nữa, trong những ngày này, sau cơn bão số 1, thời tiết tại vùng Tây Bắc quá nóng. Các em mất sức nhiều trong các sinh hoạt chung. Vì thế, ban ẩm thực không những lo cho các em những bữa ăn ngon và hợp khẩu vị mà còn cho các em đồ uống mau chóng lấy lại sức như nước chanh, chè đỗ đen. Các anh chị Hội Legio giáo xứ Lào Cai: giáo họ Cốc Lếu, Cam Đường, Bắc Cường và Sơn Mãn, là những người rất nhiệt tình gúp đỡ các em.

Nhận diện được tình hình chung như vậy, Ban giảng huấn đã thay đổi phương pháp sư phạm giảng dạy và sinh hoạt chung sao cho phù hợp. Lớp được chia ra làm 8 đội để các em có cơ hội làm việc chung với nhau và chọn những thời gian thích hợp để tránh nắng. Các em rất hăng hái và việc giữ kỉ luật cách tự nguyện. Trong các buổi học, các em say sưa ghi chép cũng như tập các bài sinh hoạt cộng đồng.

Những bài khóa hấp dẫn và những bài thực hành vui nhộn tạo nên một bầu khí đáng yêu và lành mạnh. Sự dí dỏm của Thầy Vũ Minh hiến các em quên đi cả mỏi mệt của cái nắng trưa hè. Nhiều người lương dân thấy các em sinh hoạt vui vẻ cũng đến xem và cảm thấy thích thú. Họ nói: “Chỉ có nhà thờ mới có thể làm được như vậy”.

Đặc biệt, đêm thứ tư trong của khóa học, quí Thầy tổ chức sinh hoạt lửa trại cho các sa mạc sinh với chủ đề ơn gọi. Từ câu chuyện ơn gọi ông Abraham, Samuel đến ơn gọi của Đức Maria, Ban giảng huấn muốn cho các em hiểu ơn gọi phát xuất Thiên Chúa. Việc trở thành huynh trưởng không phải là ngẫu nhiên mà cũng là một ơn gọi. Nếu Thiên Chúa kêu gọi thì các em phải ý thức và phục vụ Chúa và Giáo Hội cách chân thành và hăng say.

Vào lúc 15g00, thứ Sáu 03.7, Thánh lễ Tạ ơn do cha quản xứ Giuse Nguyễn Văn Thành chủ tế và, nhân ngày lễ kính Thánh Tooma Tông Đồ, có 3 cha phó đồng tế. Cha Antôn Thi đã chia sẻ về đức tin và những cản trở trong khi sống đức tin. Có rất nhiều cám dỗ trong khi các em sống đức tin nhưng các em phải vượt qua vì đơn giảng mình được Chúa gọi làm Huynh Trưởng.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, một em đại diện cám ơn quí cha, quí Thầy, quí Ban giảng huấn và các ban ngành đoàn thể trong giáo xứ đã giúp đỡ các em trong khóa học. Tiếp theo, quí cha phát phần thưởng cho các đội có thành tích xuất sắc. Những tràng vỗ tay liên hồi. Những nụ cười tươi thắm. Những đội hình ngay ngắn.

Sau Thánh lễ, quí cha chụp hình chung với các em làm kỉ niệm. Thật là ấn tượng khi thấy bầu khí vui nhộn. Một sức trẻ lan tỏa. Một tương lai hứa hẹn.
 
Thánh lễ bế giảng năm học giáo lý 2014 -2015 tại Trại Phong Bến Sắn
giáo xứ Bến Sắn
08:57 05/07/2015
Thánh lễ bế giảng năm học giáo lý 2014 -2015 tại nguyện đường Trại Phong Bến Sắn

Hôm nay, vào lúc 6 giờ 30, ngày 5/6/2015 tại nguyện đường Trại Phong Bến Sắn đã diễn ra thánh lễ bế giảng năm học giáo lý 2014 -2015.

Xem Hình

Chủ tế thánh lễ hôm nay là Cha chánh xứ Đaminh Nguyễn Đức Trung. Đến hiệp dâng thánh lễ có rất đông bà con giáo dân trong khu vực trại phong.

Thánh lễ hôm nay được dành riêng cầu nguyện cho các em thiếu nhi. Trãi qua một năm học miệt mài chăm chỉ, các em đã có thành tích rất đáng khen.

Cuối thánh lễ, Cha chánh xứ tuyên dương và trao phần thưởng cho các em đạt hạng nhất, hạng nhì, hạng ba và khuyến khích của các lớp giáo lý.

Cha Chánh xứ cũng đã thay mặt các bậc phụ huynh cám ơn quý Dì, quý Thầy, các anh chị giáo lý viên đã cùng với Cha dạy dỗ nâng cao đời sống đức tin của các em.
 
Thánh Lễ Tạ Ơn ra mắt Tân Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney nhiệm kỳ 2015 - 2018
Diệp Hải Dung
10:06 05/07/2015
Sáng thứ Bảy 04/07/2015 các anh chị em Tân và Cựu trong Hội Đồng Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sydney đã đến nhà thờ St. Luke Revesby tham dự Thánh lễ ra mắt Tân Hội Đồng Mục Vụ gồm Ban Thường Vụ, Trưởng Ban các Giáo Đoàn và Trưởng Ban Ngành, Đoàn Thể, Phong Trào trong Cộng Đồng.

Hình ảnh

Trước khi Thánh lễ ông Nguyễn Văn Thanh Trưởng Ban Bầu Cử ngỏ lởi chào mừng quý Cha, Sơ và anh chị em Tân Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney nhiệm kỳ 2015 – 2018 đồng thời ông cũng nêu rõ danh sách Tân Hội Đồng Mục Vụ của TGP Sydney sẽ ra mắt trong Thánh lễ tạ ơn hôm nay, và Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm cũng ngỏ lời chào mừng quý anh chị em Tân Hội Đồng Mục Vụ. Sau đó cùng với quý Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Đặng Đình Nên, Cha Nguyễn Thái Hoạch và Cha Nguyễn Hoàng Dương cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Tuyên Úy Trưởng Dương Thanh Liêm nói về giá trị sứ vụ của chúng ta là được chọn và sai đi, là phục vụ và cho đi nhưng không..Chúng ta có thể hãnh diện, vì chúng ta là những môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi để phục vụ và công bố Tin Mừng một cách tự do..Quý Tân Hội Đồng Mục Vụ 2015 – 2018 thân mến. Ban Tuyên úy sẽ đồng hành với tất cả trên hành trình của người môn đệ Chúa Giêsu là đi đem tin vui đến với mọi người…

Sau khi chấm dứt bài giảng ông Nguyễn Văn Thanh Trưởng Ban Bầu Cử đọc danh sách Tân Ban Thường Vụ, Tân Trưởng Ban Mục Vụ các Giáo Đoàn và các Trưởng Ban Ngành, Phong Trào, Đoàn Thể đã được đắc cử trong nhiệm kỳ 2015 – 2018 qua những kỳ bầu cử tại các Giáo Đoàn. Mọi người lên trước bàn thờ tuyên xưng Đức Tin và quỳ tuyên thệ đảm nhận chức vụ mới của nhiệm kỳ 2015 – 2018.
Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh Trần Anh Vũ Tân Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý anh chị em trong Hội Đồng Mục Vụ đã tín nhiệm giao phó trọng trách lãnh đạo Cộng Đồng trong nhiệm kỳ mới 2015 – 2018. Ngoài những sinh hoạt thường xuyên của các Giáo Đoàn, Phong Trào, Ban Ngành và Đoàn Thể cố gắng nuôi dưỡng Đức Tin gìn giữ truyền thống của Việt Nam mà cha ông đễ lại cho thế hệ sau này, mặc dù xa quê hương, chúng ta không quên bổn phận mình là người Công Giáo tỵ nạn VN…

Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm cũng ngỏ lời chúc mừng các anh chị em Tân Hội Đồng Mục Vụ và Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự tiệc liên hoan bên khuôn viên Văn Phòng Mục Vụ CĐCGVN TGP Sydney. Ngoài ra trong Thánh lễ chiều Thứ Bảy cùng ngày, vào lúc 5 giờ Tân Ban Thường Vụ đã đến Giáo đoàn Fairfiled ra mắt với Tân Ban Mục Vụ của Giáo Đoàn Fairfield và 5 giờ 30 chiều đến ra mắt với Tân Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Marrickville.
Ngày Chúa Nhật 05/07/2015 ra mắt tại các Giáo Đoàn Revesby,Georges Hall, và Thứ Bảy 11/07/2015 ra mắt tại Giáo Đoàn Lakemba, Chúa Nhật 12/07/2015 sẽ mắt tại các Giáo đoàn Miller, Cabramatta và Mt. Pritchard.

Tân Ban Thường Vụ CĐCGVN TGP Sydney 2015 – 2018
Chủ tịch: Anh Andrew Trần An Vũ
Phó Nội Vụ: Ông Gioankim Phạm Văn Khang
Phó Ngọai Vụ: Anh Đaminh Nguyễn Ngọc Khiêm
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài Liệu Làm Việc Của Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015 (phần I, chương I và II)
Vũ Van An
00:55 05/07/2015
PHẦN I

Xem xét các thách đố của gia đình

Chương I

Gia đình và bối cảnh văn hóa nhân học

Bối cảnh văn hóa xã hội

6. (5) Trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô, chúng tôi nhìn vào thực tại gia đình ngày nay trong mọi nét phức tạp của nó, với cả ánh sáng và bóng tối của nó. Chúng tôi hướng các suy nghĩ của chúng tôi vào các cha mẹ, các ông bà, các anh chị em, các thân nhân xa gần và các dây liên kết giữa hai gia đình được hôn nhân tạo ra. Các thay đổi nhân học và văn hóa thời ta đã ảnh hưởng lên mọi khía cạnh đời sống và đòi hỏi một phương thức phân tích và đa dạng. Các khía cạnh tích cực sẽ được nêu bật trước nhất, tức là, một tự do phát biểu lớn hơn và một nhìn nhận tốt hơn các quyền của phụ nữ và trẻ em, ít nhất tại một số nơi trên thế giới. Mặt khác, cần phải dành một xem sét tương tự cho mối nguy hiểm đang lớn mạnh do chủ nghĩa duy cá nhân đầy rắc rối tạo ra, một chủ nghĩa đang làm méo mó các dây liên kết gia đình và kết cục coi mỗi thành tố của gia đình như một đơn vị cô lập, mà trong một số trường hợp đã dẫn tới ý niệm cho rằng mỗi người được đào tạo tùy theo dục vọng riêng, những dục vọng được coi như tuyệt đối. Thêm vào đó, còn có cuộc khủng hoảng đức tin, mà người ta thấy tận mắt nơi rất nhiều người Công Giáo, một cuộc khủng hoảng đôi lúc nằm bên dưới cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình.

Các thay đổi nhân học

7. Đặc điểm của xã hội ngày nay là tính đa dạng trong các khuynh hướng. Chỉ một thiểu số người sống theo, ủng hộ và khuyến khích giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về hôn nhân và gia đình, thấy trong nó sự tốt lành của chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. Các cuộc hôn nhân, bất luận là hôn nhân tôn giáo hay không, đều đang giảm đi về con số, trong khi ly thân và ly dị thì đang gia tăng. Người ta càng ngày càng ý thức hơn về phẩm giá của mọi người, cả đàn ông lẫn đàn bà và trẻ em, và sự quan trọng của các nhóm sắc tộc và thiểu số khác nhau, là các nhóm hiện đang trở nên thịnh hành tại nhiều quốc gia, không phải chỉ ở Tây Phương mà thôi.

Trong nhiều nền văn hóa, người trẻ đang biểu lộ sự sợ sệt trong việc thực hiện các cam kết dứt khoát, trong đó, có cam kết đối với (việc lập) gia đình. Nói chung, chủ nghĩa duy cá nhân cực đoan, mỗi ngày mỗi trở nên phổ thông, tập chú hàng đầu vào việc thỏa mãn các dục vọng không dẫn tới việc hoàn thành bản thân cách trọn vẹn.

Sự phát triển của xã hội tiêu thụ đã tách biệt tính dục ra khỏi sinh sản. Sự kiện này cũng là một trong các nguyên nhân nằm sâu bên dưới làm giảm dần sinh suất, mà ở một số nơi có liên hệ với cảnh nghèo hay thiếu khả năng săn sóc con cái; và ở một số nơi khác, có liên hệ với việc không sẵn sàng nhận trách nhiệm và với ý niệm cho rằng con cái có thể xâm phạm tới việc thong dong theo đuổi các mục tiêu bản thân.

Các mâu thuẫn văn hóa

8. Nhiều mâu thuẫn văn hóa đang gây hiệu quả đối với gia đình. Gia đình tiếp tục được coi là nơi trú ẩn an toàn cho các liên hệ thân mật và đáp trả yêu đương hơn hết, nhưng các căng thẳng phát sinh từ nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa cực đoan, đặt trọng tâm vào việc tích lũy của cải và hưởng thụ, đã phát sinh trong gia đình sự bất khoan dung và gây hấn, đôi khi không kiểm soát nổi nữa. Một thứ chủ nghĩa duy nữ nào đó cũng có thể được nhắc đến, một thứ duy nữ coi việc làm mẹ chỉ như cái cớ để bóc lột người đàn bà và ngăn cản nàng không thể hiện được trọn vẹn. Đồng thời, hiện có khuynh hướng càng ngày càng coi việc có con như là cách thỏa mãn các ước vọng bản thân, một điều có thể thực hiện được bằng bất cứ phương tiện nào hiện có. Cuối cùng, có những lý thuyết theo đó, căn tính bản thân và sự thân mật xúc cảm phải được tách biệt khỏi sự dị biệt sinh học giữa nam và nữ.

Tuy nhiên, cùng một lúc, một số người lại muốn thừa nhận đặc tính bền vững của mối liên hệ cặp đôi tách biệt khỏi sự dị biệt tính dục, và đặt nó cùng một bình diện như mối liên hệ hôn nhân, là mối liên hệ được nối kết từ bên trong với các vai trò làm cha và làm mẹ và được xác định trên căn bản sinh học của việc sinh đẻ. Sự lẫn lộn do đó mà ra không giúp được gì cho việc xác định tính chất đặc biệt của các cuộc kết hợp như thế trong xã hội. Đúng hơn, nó hạ tầng sợi dây nối kết đặc biệt giữa dị biệt sinh học, việc sinh sản và căn tính nhân bản xuống hàng một chọn lựa có tính cách cá nhân chủ nghĩa. Điều chắc chắn cần thiết là một cuộc xem xét thấu đáo hơn về bản chất và văn hóa con người vốn đặt căn bản không chỉ trên sinh học và dị biệt giới tính, vì ý thức trọn vẹn rằng “loại bỏ dị biệt […] chỉ tạo vấn đề, chứ không phải giải pháp” (Đức Phanxicô, Yết Kiến Chung, 15 tháng 4, 2015)

Các mâu thuẫn xã hội

9. Các biến cố gây chấn thương, như chiến tranh, việc làm cạn kiệt các tài nguyên và việc di dân, đang càng ngày càng tác động lên năng lực xúc cảm và tâm linh của cuộc sống gia đình và đang đe dọa các mối liên hệ trong gia đình. Rất nhiều khi, các tài nguyên vật chất và tâm linh của gia đình rơi vào thế bị cạn kiệt.

Xét chung, các mâu thuẫn trầm trọng là kết quả nặng nề của các chính sách kinh tế khinh suất và các chính sách xã hội thiếu nhậy cảm, ngay trong các xã hội gọi là sung túc. Cách riêng, phí tổn gia tăng trong việc nuôi nấng con cái và việc xuống cấp lớn lao trong các trách vụ phụ trội của việc chăm sóc của xã hội đối với người bệnh và người cao niên, chính vì thế mà được trao cho các gia đình, quả là một gánh nặng thực sự ảnh hưởng lớn lao tới đời sống gia đình.

Thêm vào đó, các hậu quả của việc phát triển kinh tế gây hại, không rõ ràng về bản chất, hiện tượng ngày càng gia tăng việc tích lũy của cải vào tay một thiểu số và việc phân tán (diversion) các tài nguyên đáng lẽ nên dành cho các chương trình phục vụ các gia đình càng làm cho các gia đình nghèo thêm và dẫn tới nhiều nan đề. Việc ghiền rượu chè, ma túy, hay cờ bạc đôi lúc cũng cho thấy các mâu thuẫn xã hội này và các bất lợi tạo nên một phần của cuộc sống gia đình.

Điểm yếu và điểm mạnh của gia đình

10. Qua cuộc khủng hoảng văn hóa và xã hội của nó, gia đình, cộng đồng căn bản của con người, hơn bao giờ hết, đang cho thấy một nỗi thống khổ lớn lao gây ra bởi việc suy yếu và đặc tính mỏng dòn của nó, và, đồng thời, điểm mạnh lớn lao của nó, vì ngay trong mình, nó có khả năng đền bù cho sự thiếu thỏa đáng và thiếu hành động của các định chế bằng việc đào luyện con người, phẩm chất nối kết xã hội và việc chăm sóc những người dễ bị thương tổn nhất. Bởi thế, điều đặc biệt cần có là phải đánh giá thỏa đáng điểm mạnh của gia đình, khi nói tới các điểm yếu của nó.

Chương II

Gia đình và bối cảnh kinh tế xã hội

Gia đình: tài nguyên không thể thay thế của xã hội

11. Gia đình vẫn còn, và luôn luôn sẽ còn, là cột trụ nền tảng và không thể thiếu của đời sống xã hội. Thực vậy, nhiều con người khác nhau cùng chia sẻ cuộc đời với nhau, nhờ đó, các liên hệ được củng cố và gia đình lớn lên trong đối thoại và chấp nhận hỗ tương giữa nhiều thế hệ. Bằng cách này, gia đình tượng trưng cho một giá trị nền tảng và một tài nguyên không thể thay thế cho việc phát triển hài hòa của mọi xã hội con người, như Công Đồng từng viết: “Gia đình là một trường dạy sự phong phú hóa nhân bản […] và là nền tảng của xã hội” (GS, 52). Trong các mối liên hệ của một gia đình, liên hệ vợ chồng, liên hệ con cái, liên hệ anh chị em, mọi thành viên của gia đình đều sẵn sàng thiết lập các sợi dây mạnh mẽ giúp họ vượt thắng các nguy cơ cô lập và cô đơn, một cách hài hòa và tôn trọng nhau.

Các chính sách công nhân danh gia đình

12. Vì gia đình là tác nhân dẫn đầu trong việc xây dựng xã hội chứ không phải là một việc riêng tư, nên các chính sách công cộng thỏa đáng nhân danh gia đình là điều cần thiết để nâng đỡ và cổ vũ gia đình. Hơn nữa, có khuyến cáo phải xem xét mối liên hệ giữa phúc lợi và hành động đền bù của gia đình. Về phương diện chính sách công nhân danh gia đình và các hệ thống phúc lợi thiếu thỏa đáng, hành động đền bù như thế tái phân phối các tài nguyên và các trách vụ vì ích chung, giúp tái cân bằng các hiệu quả tiêu cực của bất bình đẳng trong xã hội.

13 (6). Một triệu chứng của sự nghèo nàn lớn lao trong nền văn hóa đương thời là sự cô đơn, phát sinh từ việc thiếu vắng Thiên Chúa trong đời sống người ta và sự mỏng dòn trong các mối liên hệ. Người ta cũng đang cảm nhận một cách tổng quát sự bất lực khi phải đối diện với các thực tại xã hội văn hóa mà đôi khi kết thúc bằng việc đè bẹp các gia đình. Đó là trường hợp gia tăng cảnh nghèo và nạn thất nghiệp tại nơi làm việc, mà đôi lúc đã trở thành cơn ác mộng thực sự hay trường hợp khó khăn tràn ngập về tài chánh khiến người trẻ nản lòng không dám kết hôn. Các gia đình thường cảm thấy mình bị các định chế bỏ rơi vì bất lợi hay thiếu chú ý. Tác động tiêu cực đối với việc tổ chức xã hội khá rõ ràng, như ta thấy trong cuộc khủng hoảng dân số, trong sự khó khăn dưỡng dục con cái, trong việc do dự không muốn chào đón sự sống mới và trong việc coi sự hiện diện của người cao niên là gánh nặng. Tất cả những yếu tố này có thể tác động lên thế quân bình xúc cảm của người ta, một điều đôi khi dẫn tới bạo lực. Nhà nước có trách nhiệm thông qua các đạo luật và tạo công ăn việc làm để bảo đảm tương lai người trẻ và giúp họ thể hiện được kế hoạch tạo lập gia đình của họ.

Thách đố kinh tế

14. Các khía cạnh cụ thể của đời sống gia đình có liên hệ mật thiết với các vấn đề kinh tế. Nhiều người chỉ ra rằng cho đến tận nay, gia đình vẫn có thể dễ dàng chịu khổ bởi rất nhiều điều khiến nó trở thành dễ bị thương tổn. Trong số những nan đề trầm trọng nhất, ta thấy các nan đề có liên quan tới tiền lương thấp, thất nghiệp, bất ổn kinh tế, thiếu việc làm xứng đáng và chức vụ không bảo đảm trong việc làm, nạn buôn bán người và nạn nô lệ.

Các hiệu quả sau đây của sự thiếu công bằng kinh tế được phản ảnh một cách hết sức sâu sắc trong gia đình: việc tăng trưởng bị ngăn trở; thiếu nhà ở; vợ chồng không muốn có con; con cái thấy khó học hành và trở nên độc lập; và việc bình thản đặt kế hoạch cho tương lai bị đẩy lui. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng một thay đổi về cảm nhận nơi mọi người trong xã hội là điều cần thiết để vượt qua tình huống này: “Tăng tiến về công lý không chỉ đòi hỏi tăng tiến về kinh tế, dù có giả thiết sự tăng tiến này: nó đòi các quyết định, các chương trình, các cơ chế và diễn trình phải được điều hướng một cách chuyên biệt cho việc phân phối lợi tức tốt hơn, tạo ra các nguồn cung cấp nhân dụng và việc thăng tiến toàn bộ người nghèo vượt quá não trạng phúc lợi đơn giản” (EG, 204). Sự liên đới đổi mới giữa các thế hệ bắt đầu với việc chăm lo cho người nghèo của thế hệ này, trước khi chăm lo cho người nghèo của các thế hệ tương lai, bằng cách chú tâm cách riêng tới các nhu cầu của gia đình.

Thách đố của cảnh nghèo và cảnh bị xã hội loại trừ

15. Một thách đố đặc biệt quan trọng đã được nhiều nhóm xã hội đặt ra. Các nhóm này thường thường rất đông và có đặc điểm là cảnh nghèo của họ không thuộc kinh tế mà thôi, mà thường còn thuộc văn hóa nữa, do đó, ngăn cản họ không thể thể hiện được kế hoạch sống của gia đình tương hợp với phẩm giá con người. Hơn nữa, bất chấp các khó khăn lớn lao, nhiều gia đình nghèo vẫn cố gắng sống cách xứng đáng trong cuộc sống hàng ngày của họ, vì tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng không làm thất vọng cũng như bỏ rơi bất cứ ai.

Có nhiều dấu chỉ cho thấy hệ thống kinh tế hiện nay đang tạo ra nhiều kiểu xã hội loại trừ người ta. Những người cảm thấy mình bị loại trừ được xếp vào nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, nét chung là “những người ở bên ngoài” này thường “vô hình” dưới con mắt xã hội. Nền văn hóa đang thống trị, các phương tiện truyền thông và các định chế chính thường góp phần làm cho “tính vô hình” có hệ thống này tiếp diễn, và có khi còn làm cho nó ra tệ hơn. Về phương diện này, Đức GH Phanxicô đặt câu hỏi: “Tại sao ta làm quen với việc thấy việc làm xứng đáng bị tiêu hủy, vô vàn gia đình bị đuổi nhà, các công nhân nông trại bị trục xuất khỏi đất đai, chiến tranh được tuyên chiến và thiên nhiên bị lạm dụng?” Và ngài trả lời: “Vì trong hệ thống này, con người, con người nhân bản, đã bị đẩy khỏi trung tâm và bị một thứ gì khác thay thế. Vì việc thờ ngẫu thần đã được dành cho tiền bạc. Vì sự dửng dưng đã được hoàn cầu hóa” (Diễn Văn với Các Người Tham Dự Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Các Phong Trào Bình Dân, 28 tháng 10, 2014).

Việc loại trừ của xã hội làm suy yếu gia đình và trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với phẩm giá các thành viên của nó. Quan tâm đặc biệt là hoàn cảnh trẻ em, những người tiên thiên bị trừng phạt, vì bị xã hội loại trừ và đôi khi bị trấn thương suốt đời vì nghèo khó và khổ cực. Người ta rất đúng và rất thích đáng khi gọi chúng là “các trẻ mồ côi xã hội”.

Thách đố sinh thái

16. Theo quan điểm sinh thái, người ta thấy các nan đề phát sinh từ việc không đến được nguồn nước một cách thỏa đáng, việc xuống cấp của môi sinh, nạn đói và thiếu dinh dưỡng, đất đai không cày cấy và bị tàn phá, và nền văn hóa “vứt bỏ”. Các tình thế vừa kể có nhiều tác động, đôi khi rất mạnh mẽ, đối với cảnh sống gia đình và đặc tính thanh thản của cuộc sống này.

Vì các lý do đó, và cũng do kết quả các cố gắng của Đức GH Phanxicô, Giáo Hội hy vọng và cùng làm việc với nhiều định chế khác nhằm hướng tới việc suy nghĩ lại hướng đi của hệ thống hoàn cầu một cách sâu xa, qua một nền văn hóa sinh thái có khả năng lên công thức cho một viễn tượng, một chính sách công, một chương trình giáo dục, một lối sống và một nền linh đạo. Vì mọi sự đều có liên hệ với nhau một cách mật thiết, nên ta cần phải khảo sát các khía cạnh của một “nền sinh thái tổng thể” (holistic), là nền sinh thái bao gồm không những môi sinh, mà cả việc phát triển con người, xã hội và bền vững về kinh tế cũng như việc bảo vệ tạo thế nữa.
 
Văn Hóa
Gương mẫu
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:10 05/07/2015
Tôi rất ngưỡng mộ các vị hiền tài, hiền triết, các bậc vĩ nhân, các thiên tài, nhân tài, kỳ tài và các ngôi sao tài tử…Họ là những người đã cống hiến khả năng được phú ban để góp phần cho công ích đời sống xã hội. Những kho tàng vô giá của nhân loại được lưu truyền, bảo tồn và tiếp tục phát triển. Thế hệ này nối kết thế hệ kia để hoàn thành sứ mệnh được Tạo Hóa trao ban. Đây là kho tàng văn hóa vĩ đại của cả nhân loại. Tạo Hóa trao ban cho mỗi người một khả năng tài trí để cùng chung góp dựng xây nền văn minh của nhân loại. Có rất nhiều các thiên tài sống âm thầm, nhưng đã cống hiến rất nhiều cho đời sống con người.

Sự hỗ tương giữa các tài năng giúp xã hội tiến bước không ngừng. Trên thế giới có muôn điều mới lạ mà có lẽ chúng ta chưa hề nghe, chưa hề thấy và chưa bao giờ tưởng tượng. Người ta đã khám phá và sáng chế tạo ra biết bao thiết bị kỹ thuật ứng dụng trong mọi ngành nghề chuyên môn. Chúng ta không thể nào tưởng tượng những món qùa thông minh tài trí của con người. Chúng ta ái mộ và trân quý tất cả những khả năng mà mỗi cá nhân được bẩm sinh thiên phú. Chúng ta hôm nay được thừa hưởng cả một nền văn minh đạo đức và khoa học vĩ đại. Con người phải nương tựa nhau để sống và sống tốt.

Hai chữ ‘tài đức’ kết hợp sẽ là gương mẫu cho mọi người soi chung. Có tài mà không có đức, con người sẽ bị vong thân. Chân Thiện Mỹ là căn cốt của đạo làm người. Ai cũng ưa thích cái tài, cái thiện, cái giỏi và cái đẹp. Nhưng cái đẹp bên trong tâm hồn quan trọng hơn. Người ta nói: ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’. Thông minh, tài giỏi và đẹp đẽ mà không có đạo đức luân lý thì cuộc sống không thể trở thành gương mẫu. Chúng ta có thể khâm phục và ngưỡng mộ tài năng của các tài tử, các ngôi sao điện ảnh, các hoa hậu, người mẫu và các ca sĩ …qua những diễn xuất công cộng. Nhưng không phải tất cả họ là những gương mẫu và thần tượng để chúng ta noi theo.

Chúng ta biết rằng các nhà chính trị và các ngôi sao điện ảnh có ảnh hưởng rất lớn trên truyền thông, truyền hình và báo chí… Vì vậy, đời sống riêng tư không tốt của họ thường được báo giới khai thác một cách triệt để. Trong khi đó, những gương lành và gương sáng của các hiền nhân, chẳng mấy khi được đưa lên báo chí. Bởi thế, tiếng Việt mới gọi đó là ‘tin tức’. Tin xấu thì nhiều, mà tin vui thì ít. Các tệ nạn xã hội được truyền thông dưới mọi khía cạnh, còn những điều hay, lẽ đẹp thì bị giấu nhẹm. Điều này tạo nên một cái nhìn tiêu cực trong đời sống xã hội. Chúng ta cần vượt qua những điều bi quan này để mở ngõ cho những điều tích cực lạc quan.

Chúng ta cần nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu và những hướng dẫn đạo đức luân lý chính thật của các Tôn Giáo. Xã hội của chúng ta cần loan báo những tấm gương sáng và những công việc hành thiện. Trong đời sống, không thiếu những bậc hiền tài và chân tu chiêm niệm ẩn núp sau những bức tường kín hoặc nơi rừng thiêng thanh vắng. Những nét đẹp của sự khôn ngoan hiền triết được bày tỏ nơi những tâm hồn đơn sơ thanh khiết và khiêm nhu hiền hậu. Họ mới là mẫu gương trong sáng soi dọi đường đời cho chúng ta bước theo.

Tôi thích câu truyện này: Thuở xưa có một nhà sư sống ẩn dật tại một triền núi được mọi người xem là đạo cao đức trọng. Một hôm, nhà sư phải tiếp một bà lão cùng cậu con trai của bà. Bà lão thưa: Bạch sư, con tôi mắc phải cái tật là ưa sưu tầm hoa kiểng. Nó đã làm cho tôi hao tốn không biết bao nhiêu là tiền của trong cái thời củi quế gạo châu nầy. Xin Sư làm ơn chữa trị hoặc răn dạy giùm, kẻo tội nghiệp cho tôi cùng vợ con nó. Nhà sư ngẫm nghĩ giây lâu rồi nói: Bà hãy đưa con về, độ nửa tháng sau trở lại, tôi sẽ giúp cho.

Đúng ngày hẹn, bà lão trở lại, nhà sư chỉ dạy có một câu đơn giản. Sư nói với cậu: Con à, đó là một thú vui hao tiền tốn của, con hãy bỏ đi, để tiền mà thờ mẹ và nuôi con. Bà lão bất bình, nói: Tưởng thầy có phương cách gì, té ra chỉ bao nhiêu lời đó. Thế sao thầy không làm ơn nói dùm ngay bữa trước, mà phải hẹn đến hôm nay. Ðường sá xa xôi biết là bao! Nhà sư mỉm cười: Chẳng dấu gì bà, tôi cũng mắc phải cái tật như cậu nhà đây. Nửa tháng gia hạn là thời gian tối thiểu để tôi bỏ cái cố tật đó. Nay mọi việc đã xong xuôi, tôi mới dám mở miệng khuyên can cậu em nầy. Chàng trai từ đó ăn ở rất vừa lòng mẹ.

Lời nói phải đi đôi với việc làm mới có giá trị. Nếu nói một đàng làm một nẻo, thì ai cũng nói được. Khuyên răn dạy bảo người khác làm điều lành, điều thiện thì ai cũng khuyên được. Lên mặt dạy đời thì khéo lắm, nhưng chính mình không muốn sửa đổi. Muốn người khác thay đổi, nhưng chúng ta lại cứ chứng nào tật đó. Người đời thường áp dụng kiểu ‘xấu che, tốt khoe’. Đôi khi chúng ta không sống thật với lòng mình. Nói chung, ai trong chúng ta cũng có điểm tốt, điểm xấu. Chúng ta có thể tốt hơn ở khía cạnh này, nhưng lại yếu kém ở lãnh vực khác trong đời sống. Mỗi người cố gắng nên hoàn thiện mỗi ngày. Dù biết rằng ‘nhân vô thập toàn’.

Đứng vào vị trí và vai trò của các thày dậy, chúng ta phải xưng thú rằng sống gương mẫu là một trong những khó khăn và nhức nhối nhất. Các giảng viên, các thày, các Dì, các cha…là những người thuờng xuyên giảng dạy về đạo giáo. Dạy về những thực hành tốt lành trong đời sống cá nhân, gia đình, cộng đoàn và xứ đạo. Trải nghiệm thực tế cuộc sống, chúng ta chẳng thực hành được bao nhiêu. Vẫn còn khoảng cách từ miệng đến trái tim và từ trái tim tới sự thể hiện bên ngoài. Đôi khi các thày dạy, chú trọng hình thức, giảng như con vẹt, nói trên sách vở và lề luật, khuyên răn người khác cải đổi đời sống, trong khi chính mình cứ ù lì và giậm chân tại chỗ. Tính nào tật đó. Thật là hổ thẹn!

Chúng ta biết rằng các thầy dậy, người có địa vị và các chức sắc có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống xã hội, cần phải cẩn trọng trong lời nói và cách ăn nết ở. Mỗi lời nói, việc làm của chúng ta đều ảnh hưởng rất lớn đối với những người khác. Chúng ta không thể biện minh hay trốn tránh trách nhiệm làm gương sáng. Mọi người có quyền đòi hỏi các thầy dậy phải là gương mẫu. Mỗi người cố gắng tu tâm luyện tính mỗi ngày, áp dụng lời nói đi đôi với hành động. Giáo dân bây giờ cần xem bài giảng, hơn là nghe bài giảng.

Chúng ta có thể nghĩ sâu, nói hay, diễn tài và hát giỏi, nhưng quan trọng là đem cái tâm vào đời sống. Yêu rồi làm. Pha trộn Chân Thiện Mỹ vào tất cả các sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Dần dần tâm tư của chúng ta sẽ vơi bớt đi những tà tâm quấy nhiễu. Đừng bao giờ làm gương mù gương xấu cho kẻ khác. Đèn của chúng ta phải được thắp lên, đặt trên giá và chiếu giãi ánh sáng soi lối cho mọi người chung quanh.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Góc Phố Xưa
Nguyễn Ngọc Liên
21:46 05/07/2015
GÓC PHỐ XƯA
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Hà thành xưa tuy nghèo nhưng thân mến
Giờ đây tấp nập, xô bồ, đảo chao.
(bt)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: 29/06 – 06/07/2015: Medjugorje
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:54 05/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Triển lãm Khăn Liệm đã kết thúc ở Turin với 1.5 triệu khách hành hương tham dự

Khoảng 1.5 triệu người đã tham dự cuộc triển lãm tấm khăn liệm Turin dành cho công chúng.

Đức Tổng Giám mục Nosiglia nói rằng cuộc triển lãm năm nay, được khai mạc ngày 19 tháng 4 và kết thúc vào ngày 24 tháng 6 đã là “một kinh nghiệm choáng ngợp” cho hàng trăm ngàn khách hành hương. Ngài nói rằng điểm nổi bật trong cuộc triển lãm lần này là chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha đã cầu nguyện trước Khăn Liệm trong chuyến thăm của ngài đến Turin trong hai ngày 21 và 22 tháng 6.

2. Một nhà báo người Ý lo ngại rằng một phán quyết tiêu cực về Medjugorje có thể gây chia rẽ trong Giáo Hội

Trong khi có những tin đồn lan rộng tại Rôma theo đó Tòa Thánh sẽ sớm đưa ra một tuyên bố chính thức về những lời đồn đại cho rằng Đức Mẹ đã hiện ra tại Medjugorje, một nhà báo người Ý cảnh báo rằng một phán quyết tiêu cực có thể gây ra “một cái gì đó giống như là ly giáo.”

Theo nhà báo Vittorio Messori, sau Công Đồng Chung Vatican II, đạo Công Giáo đã phải gánh chịu những tấn kích tơi tả. Trong bối cảnh ấy hiện tượng Medjugorje đã hình thành nên một phong trào đạo đức bình dân lớn nhất từ sau Công Đồng. Ông trích dẫn nhiều người mà niềm tin đã được nhen nhóm trở lại sau khi đến thăm thị trấn bé nhỏ ở Bosnia-Herzegovina nơi những lần Đức Mẹ hiện ra đầu tiên được báo cáo.

Messori đề nghị Đức Thánh Cha Phanxicô nên thận trọng đừng đưa ra một lập trường chính thức về tính xác thực của các cuộc hiện ra, nhưng chỉ đơn giản là ghi nhận những hoa trái thiêng liêng.

Năm 1991, các giám mục Nam Tư lúc đó đã ban hành một tuyên bố chính thức theo đó các cuộc hiện ra được báo cáo lại “không thể nào khẳng định được là siêu nhiên”. Lời tuyên bố ấy vẫn là phán quyết có thẩm quyền nhất của Giáo Hội cho đến nay. Vatican đã cảnh báo các mục tử không được ủng hộ những sự kiện mặc nhiên nhìn nhận tính xác thực của các báo cáo cho rằng Đức Mẹ đã hiện ra.

Một ủy ban quốc tế, được thành lập bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 để nghiên cứu về hiện tượng này, đã hoàn thành công việc của mình và chuyển giao kết quả điều tra cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các nhà báo hồi đầu tháng này rằng Vatican đã “gần đi đến một quyết định” về vấn đề này.

Trong một diễn biến có liên quan chặt chẽ, một cuốn sách mới của một linh mục Brazil, dựa trên một cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô, tường thuật rằng ngài rõ ràng đã bày tỏ thái độ hoài nghi về tính xác thực của các cuộc hiện ra được báo cáo và động cơ của những người được cho là đã nhìn thấy Đức Mẹ tại Medjugorje.

Trong cuốn sách “She’s My Mother: Encounters of Pope Francis with Mary”, cha Alexander Awi Mello - người đã thực hiện một cuộc phỏng vấn dài với Đức Thánh Cha trong chuyến tông du của ngài tại Brazil nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, cho biết Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự nghi ngờ của ngài rằng những người tuyên bố đã nhìn thấy Đức Mẹ thực ra có vấn đề về tâm lý, và những người khác đang cố tình lừa dối công chúng. Đức Giáo Hoàng được cho rằng đã chế giễu ý tưởng mà các thị nhân Medjugorje đưa ra là Đức Trinh Nữ Maria sẽ hiện ra theo đúng một thời biểu được ấn định trước.

Tuy nhiên, theo linh mục Brazil này, Đức Thánh Cha ghi nhận những hoa trái thiêng liêng của các hiện tượng tại Medjugorje, và nói: “Tôi biết ở giữa những hành động điên rồ của con người, Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm phép lạ; không phải sao?”

3. Một Giám Mục lo sợ có sự gia tăng trong bạo lực chống Kitô giáo của các thành phần cực đoan Do Thái

Một Giám Mục Công Giáo cảnh báo rằng những vụ tấn công vào các nhà thờ Kitô Giáo ở Israel do những thành phần cực đoan Do Thái gây ra phản ánh một xu hướng nguy hiểm thiên về bạo lực nhiều hơn

Đức Giám Mục William Shomali, một trong những Giám Mục Phụ Tá của Đức Thượng Phụ nghi lễ La Tinh tại Jerusalem, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng việc đốt phá gần đây tại nhà thờ Hoá Bánh Ra Nhiều ở Tabgha là một dấu hiệu cảnh báo. “Có một sự leo thang thực sự trong những vụ bạo lực chống Kitô giáo, từ một ngọn lửa nhỏ gây ra ít thiệt hại cho đến một ngọn lửa lớn hơn và cuối cùng là một dự định đốt phá nhằm gây ra những thiệt hại rất lớn và thậm chí là giết người. Chúng tôi muốn được hỏi: điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đây?”

Ghi nhận những phản ứng nhanh chóng từ chính phủ Israel, Đức Giám Mục Shomali nói rằng ngài tin tưởng rằng các hành động này chỉ là “do một nhóm rất nhỏ và hung hăng gây ra.” Nhưng ngài bày tỏ quan ngại rằng “những nhóm quá khích này đang gia tăng về số lượng và mức độ bất bao dung.”

4. Chính phủ Ấn Độ có hành động chống lại Caritas

Chính phủ Ấn Độ đã đặt Caritas Ấn Độ vào danh sách cần theo dõi vì cho rằng tổ chức bác ái Công Giáo này có thể "tham gia vào các hoạt động chống Ấn Độ."

Tờ The Indian Express đưa tin rằng từ nay "bất kỳ giao dịch nào của tổ chức này thông qua các ngân hàng Ấn Độ sẽ cần phải được phê chuẩn bởi Bộ Nội vụ”. Tờ The Indian Express trích dẫn một quan chức cao cấp của chính phủ nói rằng Caritas Ấn Độ bị đặt vào danh sách cần theo dõi vì Caritas đã trợ giúp cho một số tổ chức phi chính phủ bị cáo buộc là tham gia vào các hoạt động chống Ấn Độ.

Caritas Ấn Độ là cơ quan chống đói nghèo và phát triển của Giáo Hội tại Ấn Độ.

Diễn biến này không gây ngạc nhiên cho người Công Giáo Ấn. Từ khi Narendra Modi, là một thành viên của đảng Ấn Giáo cực đoan - Bharatiya Janata Party – lên làm thủ tướng vào ngày 26 tháng Năm năm 2014 đến nay, tình trạng bách hại Kitô Giáo đã gia tăng với hàng chục nhà thờ Công Giáo bị đốt phá và hôi của, nhiều vụ tấn công vào các linh mục, nữ tu và anh chị em đã ồ ạt diễn ra.

5. Nhà ngoại giao Tòa Thánh đánh giá dự thảo chương trình nghị sự phát triển mới của Liên Hợp Quốc

Đức Tổng Giám mục Bernard Auza, sứ thần Tòa Thánh và là quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc, đã đưa ra một tuyên bố liên quan đến "dự thảo sơ khởi" một tài liệu mà một khi hoàn thành, sẽ hướng dẫn các chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc từ 2015 đến 2030.

Đức Tổng Giám mục Auza nói rằng phái đoàn Tòa Thánh “tin tưởng rằng chúng ta sẽ đi đến một chương trình nghị sự phát triển mới với tham vọng là tìm cách đạt được sự phát triển bền vững và một cuộc sống xứng đáng cho tất cả mọi người. Thông qua chương trình mới này, cộng đồng quốc tế sẽ mạnh dạn giải quyết những thách đố lớn nhất trước đó, như tình trạng nghèo đói cùng cực, sự loại trừ ngày càng tăng những người yếu thế và dễ bị tổn thương, và sự xuống cấp dần ‘ngôi nhà chung của chúng ta’ là môi trường”.

Ngài nói thêm: “Phái đoàn của tôi cho rằng chương trình mới này nên đặt con người tại trung tâm của nó, không chỉ là người thụ hưởng chính của sự phát triển bền vững, mà còn là tác nhân và là người quản lý của nó, trong khi hoạt động trong tình liên đới với những người có nhu cầu lớn nhất đối với thiện ích chung của xã hội và môi trường”.

Đức Tổng Giám mục Auza ca ngợi dự thảo đầu tiên này "cũng được sắp xếp và đã bao gồm các quan điểm từ tất cả các thành phần và các bên liên quan." Đồng thời, ngài chỉ trích là tài liệu còn rườm rà và nói thêm, "Chúng tôi sẽ phản đối việc áp đặt trên các nước và các dân tộc các mục tiêu và những tiêu chí trái với pháp luật và các giá trị của họ”

6. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ: Cần làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người tị nạn chạy trốn khủng bố Hồi Giáo

Chủ tịch của Ủy ban Di cư thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Obama làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người tị nạn Syria và Iraq, đặc biệt là những người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ trước sức tiến công của bọn khủng bố trong cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”.

Nhà nước Hồi giáo hiện đang kiểm soát một nửa Syria và một phần tư của Iraq. Theo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, 11.6 triệu người Syria và 3 triệu người Iraq đã phải rời bỏ nhà cửa của mình, nhưng chưa đến 1,000 người tị nạn Syria đã được cho phép định cư ở Hoa Kỳ.

"Đây là một cuộc khủng hoảng đang tiếp tục phát triển và chưa thấy hồi kết thúc", Đức Cha Eusebio Elizondo, là Giám mục phụ tá của tổng giáo phận Seattle, nói. "Chúng ta không còn có thể ngoảnh mặt trước những đau khổ của anh chị em chúng ta ở Trung Đông."

Đức Cha nói thêm: "Rõ ràng là các nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm cả các Kitô hữu và người Yazidis, đang là mục tiêu và cần sự hỗ trợ tinh thần và vật chất của chúng ta". Ngài kêu gọi Hoa Kỳ đưa ra thêm những hỗ trợ, với nhiều hơn những cơ hội được tái định cư tái Hoa Kỳ.

7. Chị Nirmala, người kế vị Mẹ Teresa qua đời ở tuổi 81

Chị Nirmali Joshi, người đã kế vị Mẹ Teresa Calcutta trong tư cách người lãnh đạo Dòng Thừa Sai Bác Ái, đã qua đời vào ngày 22 tháng Sáu , thọ 81 tuổi.

Chị Nirmala được sinh ra ở Ranchi, Ấn Độ. Cha mẹ chị là người theo Ấn Giáo. Được giáo dục bởi các giáo sĩ Công Giáo, chị đã gặp Mẹ Teresa và xúc động trước công việc của Mẹ, chị đã tham gia vào dòng. Chị đã thành lập chi nhánh chiêm niệm của dòng, và năm 1997 được bầu vào chức vụ lãnh đạo Dòng Thừa Sai Bác Ái.

Ngày 19 tháng Sáu vừa qua, do ảnh hưởng của bệnh tim, chị Nirmala bị suy thận. Không đồng ý với phương pháp điều trị tốn kém là lọc máu, chị trở về nhà để dành ra những giờ sau cùng của mình với cộng đoàn của mình ở Calcutta.

8. Công báo Vatican thảo luận về ảnh hưởng của Á Căn Đình trên thông điệp của Đức Giáo Hoàng

Viết trên tờ Quan Sát Viên Rôma, nhà báo Silvina Perez đã thảo luận về ảnh hưởng của Á Căn Đình trên thông điệp mới của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cô Silvina Perez cho biết lưu vực sông Matanza của Á Căn Đình được “xếp hạng thứ tám trong số mười địa điểm ô nhiễm nhất thế giới”. Vùng đất kéo dài đến 60 km này là nơi tập trung nhiều nhà máy, đặc biệt là các nhà máy sản xuất hóa học. Chúng gây ô nhiễm môi trường, đầu độc bầu không khí với đủ loại chất độc. Mặc dù được coi là không thích hợp cho con người cư trú, khu vực này là một khu dân cư đông đúc.

Perez cũng ghi nhận rằng “hiện nay vẫn còn 130 triệu người khắp Mỹ Châu La tinh không được tiếp cận với nguồn nước sạch”. Thông điệp, do đó, là “một tài liệu bao gồm những trang từ thực tế cuộc sống, kết hợp với nhau trên một sợi thép dài những câu chuyện của những người tị nạn trốn khỏi những nơi mà phẩm giá xã hội của họ bị từ chối; những nạn nhân của việc khai thác các nguồn lực, và những nạn nhân của ‘nền văn hóa vứt bỏ’”.

Perez cũng đã đề cập đến những nhân vật người Á Căn Đình mà Đức Thánh Cha đã lắng nghe khi ngài phác thảo thông điệp này, bao gồm học giả Andean Clelia Luro, chính trị gia và đạo diễn phim Pino Solanas, và Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández.

Đức Hồng Y Peter Turkson và các chuyên gia của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình thu thập các tư liệu hình thành nên thông điệp từ các miền khác nhau của thế giới, phát triển các bản thảo đó trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô đọc và sửa đổi. Ngài đã gửi dự thảo cho Bộ Giáo Lý Đức Tin, phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và các nhà thần học của Đức Giáo Hoàng góp ý thêm. Đức Giáo Hoàng có ý muốn cho thông điệp được công bố trước khi hội nghị về biến đổi khí hậu ở Paris khai diễn.

9. Chính phủ Ai Cập đang trong chiến dịch có hệ thống nhằm loại bỏ văn học Hồi giáo cực đoan

Chính phủ Ai Cập đang loại bỏ văn học Hồi giáo cực đoan khỏi các thư viện, các nhà sách, và các nhà thờ Hồi giáo. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết như trên.

Giáo sĩ Mohammed Abdel Razek, một quan chức của Bộ tôn giáo chính phủ, nói rằng văn phòng của ông đang phối hợp với Bộ an ninh quốc gia nhằm loại bỏ thứ văn học thánh chiến.

Văn phòng của ông đã mở các cuộc hội thảo để chống lại ảnh hưởng của trào lưu cực đoan, và cảnh báo các quan chức Hồi giáo rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về các thứ được sử dụng trong nhà thờ Hồi giáo của họ.
 
Lễ đón tiếp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Phi Trường Quito, Ecuador
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:57 05/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 14:45 giờ địa phương, ĐTC đã đáp xuống phi trường Quito.

Trong diễn từ tại buổi đón tiếp ngài nói:

Kính thưa Tổng Thống,


Kính thưa các nhà cầm quyền trong chính phủ,

Kính thưa các hiền huynh giám mục,

Kính thưa quí ông quí bà,

Các bạn thân mến,


Tôi cám ơn Thiên Chúa đã cho phép tôi trở lại Mỹ Châu và có mặt tại đây với quí vị hôm nay trên lãnh thổ tươi đẹp Ecuador này. Tôi cảm thấy hân hoan và biết ơn khi được thấy sự tiếp đón nồng hậu quí vị dành cho tôi. Đây là dấu chỉ hiếu khách vốn xác định ra người dân của quốc gia cao quí này.

Tôi xin cám ơn ngài, thưa Tổng Thống, vì những lời tốt đẹp của ngài, và tôi xin bày tỏ những lời cầu chúc từ trái tim tôi cho việc ngài thừa hành chức vụ. Tôi chào kính các nhà cầm quyền cao quí trong chính phủ, các hiền huynh giám mục, các tín hữu của Giáo Hội tại xứ sở này, và tất cả những ai, ngày hôm nay, đã mở rộng cõi lòng của họ, mái ấm của họ, quốc gia của họ cho tôi. Với tất cả quí vị, tôi xin bày tỏ lòng âu yếm và thành thực đánh giá cao của tôi.

Tôi đã từng viếng thăm Ecuador nhiều dịp vì các lý do mục vụ. Ngày hôm nay, tôi cũng đã tới như một chứng nhân của lòng từ bi Thiên Chúa và của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Cả nhiều thế kỷ qua, đức tin này đã lên khuôn cho căn tính của dân tộc này và nó đã mang lại nhiều hoa trái tốt đẹp, trong đó có những nhân vật xuất chúng như Thánh Mariana de Jesus, Thánh Miguel Febres, Thánh Narcisa de Jesús và Chân Phúc Mercedes de Jesús Molina, được phong tại Guayaquil ba mươi năm trước đây nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Những nhân vật này, và nhiều người khác giống như các ngài, đã sống đức tin của họ một cách cao độ và nhiệt thành, và qua công trình thương xót, họ đã đóng góp nhiều cách vào việc cải thiện xã hội Ecuador thời họ.

Trong thời ta cũng thế, chúng ta có thể tìm thấy trong Tin Mừng chìa khóa để giải quyết các thách đố hiện thời, qua việc tôn trọng các dị biệt, cổ vũ đối thoại và tham gia trọn vẹn, để việc tăng trưởng trong tiến bộ và phát triển vốn đã có sẽ bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người, với sự quan tâm đặc biệt đối với những người yếu thế nhất trong anh chị em chúng ta. Trong các cố gắng này, thưa Tổng Thống, ngài luôn có thể tin tưởng vào sự cam kết và hợp tác của Giáo Hội.

Các bạn thân mến, tôi bắt đầu cuộc viếng thăm của tôi với lòng hào hứng và hy vọng cho những ngày ở đàng trước. Ecuador là địa điểm gần nhất đối với ngoại không gian; đây là đỉnh Chimborazo, mà chính vì thế được gọi là nơi “gần mặt trời”, mặt trăng và các vì sao nhất. Kitô hữu chúng ta vốn đồng hóa Chúa Kitô với mặt trời, còn Giáo Hội và cộng đồng tín hữu với mặt trăng. Không một ai, trừ Chúa Giêsu Kitô, có được ánh sáng riêng. Ước mong những ngày sắp tới sẽ làm tất cả chúng ta ý thức rõ rệt hơn mặt trời, thực thể “đang ló dạng trên ta từ trên cao” gần gũi với ta như thế nào. Ước mong mỗi người chúng ta là một phản chiếu đích thực ánh sáng và tình yêu của Người.

Từ nơi này, tôi muốn ôm hôn toàn bộ Ecuador. Từ đỉnh Chimborazo qua bờ Thái Bình Dương; từ rừng nhiệt đới Amazon tới các Hải Đảo Galapagos, ước mong các bạn đừng bao giờ đánh mất khả năng bảo vệ những gì là nhỏ bé và đơn sơ, chăm sóc cho con cái các bạn và cho người cao niên của các bạn, tin tưởng vào người trẻ, và không ngừng ngưỡng phục vẻ cao quí của dân tộc các bạn và vẻ đẹp có một không hai của xứ sở các bạn.

Xin Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria, mà Ecuador vốn được thánh hiến, ban cho các bạn mọi ơn phúc và chúc lành. Cám ơn quí vị.