Ngày 09-07-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Làm Từ Thiện
Lm Vũđình Tường
05:52 09/07/2015
Khi nói đến làm từ thiện chúng ta nghĩ ngay đến việc cho của cải, vật chất, tiền bạc mà ít khi nghĩ đến những nhu cầu khác. Từ thiện đúng nghĩa bao gồm cả việc cho tài năng, thời gian, lời nói và dĩ nhiên cả việc cầu nguyện. Những nhu cầu này cần cho xã hội tân tiến. Có những việc từ thiện rất dễ làm và có những việc xem ra cần can đảm và khuyến khích làm.

Việc từ thiện dễ làm chẳng hạn như khi có ai đau yếu bệnh tật chúng ta không ngại cầu cho họ hay yêu cầu họ cầu cho khi chúng ta gặp hoạn nạn. Cầu nguyện không phải chỉ là từ thiện, bác ái với tha nhân và bác ái với chính Thiên Chúa. Việc làm vừa có lợi cho mình và cho người mình cầu cho.

Việc từ thiện khó hơn khi có người yêu cầu chúng ta chấp nhận í kiến nghịch, chống lại í kiến, tư tưởng mình. Thông thường nhất và nhiều người mắc phạm đó là bác ái trong ngôn ngữ, lời nói, nhận xét phê bình hay phán đoán. Có người còn tin rằng đó là việc làm chính đáng, cần phải làm. Từ thiện, bác ái trong lời nói, việc làm có nguồn gốc từ Kinh Thánh và là dấu chỉ của người giầu lòng bác ái, vị tha là những nhân đức của Kitô hữu.

Việc từ thiện khác là cho nhau thời gian cần thiết. Một em bé than phiền ‘buồn quá, không ai chơi với con’. Điều than phiền này cho thấy em bé cô đơn, buồn giữa một gia đình có đông người nhưng ai cũng bận rộn với công việc riêng mình để mình em cô đơn. Cần cho người thân thời gian, vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em, cần dành thời gian cho nhau, để đời bớt cô đơn. Cô đơn vì thiếu yêu thương, âu yếm của người thân.

Từ thiện trong việc đổ thừa xem ra có vẻ khó khăn hơn. Đổ thừa cho người lãnh trách nhiệm để mình tránh trách nhiệm, đồng thời tránh thiệt hại. Thay vì chấp nhận bất toàn và chịu trách nhiệm, thiệt hại ta đổ cho người khác lãnh và coi đó là hành động khôn ngoan. Cần lưu í đến an vui hạnh phúc của mình đồng thời an vui, hạnh phúc của người và gia đình họ như thế mới là trưởng thành, thánh thiện. Đức Kitô dặn các tông đồ sẽ bị xua đuổi. Nếu họ chào đón anh em hãy trú ngụ tại đó; nếu họ xua đuổi hãy âm thầm, lặng lẽ ra đi, mà không chống đối.

Từ thiện và thánh thiện cần đi chung. Từ thiện mà thiếu thánh thiện sẽ được nổi tiếng, người đời ca tụng; thánh thiện mà thiếu từ thiện là sáo ngữ, giảo hoạt, lẻo mép. Từ thiện và khiêm nhường, hi sinh chung vai sát cánh để cùng đồng hành với người mình phục vụ.

Đức Kitô dặn các tông đồ đi truyền giáo mà không cần mang hành lí phụ thêm ngoài những nhu cầu cần thiết. Không hành lí, của cải họ sẽ tự do hơn trong khi truyền giáo mà không lo mất của cải, vật chất bởi không có lấy chi mà mất. Các tông đồ có nhiều giờ hơn cho việc truyền giáo và yên tâm hơn để làm việc. Tình yêu và ân sủng Chúa đủ làm hành trang cho các ông. Các ông có thể nghèo của cải, vật chất nhưng giầu Lời Chúa, bình an và ân sủng Ngài. Các ông ban phát những ơn đó và những ai đón nhận ân sủng Chúa trở thành kẻ đồng hành cùng các ông trong cuộc đời rao giảng. Nghèo vật chất; giầu tình thương, lòng mến là thành quả không hư nát của người rao giảng.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tường trình nhanh ngày tông du thứ tư của Đức Phanxicô tại Mỹ Châu La Tinh
Vũ Van An
00:36 09/07/2015
A.P. có bản tường trình ghi nhanh về ngày thứ tư, 8 tháng 7, chuyến tông du Mỹ Châu La Tinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

8:45 giờ sáng: Điểm dừng chân kế tiếp trong cuộc viếng thăm Nam Mỹ của Đức Giáo Hoàng là Bolivia. Ngài sẽ lên đường tới đó vào trưa hôm nay.

Trước khi rời Ecuador, ngài sẽ gặp, tại Quito, các người cao niên và cổ vũ hàng giáo sĩ địa phương. Sau đó, ngài sẽ qua Bolivia, nơi các căng thẳng giữa nhà nước và Giáo Hội về đủ mọi điều từ môi sinh qua vai trò của Giáo Hội trong xã hội đang lên cao.

Tại La Paz, Đức GH Phanxicô sẽ được sự tiếp đón tiếp của Tổng Thống Bolivia, Ông Evo Morales, một người thổ dân thuộc sắc dân Aymara, nổi tiếng về việc chống chủ nghĩa đế quốc, và việc bênh vực các chủ trương xã hội chủ nghĩa.

Cuộc dừng chân ở La Paz chỉ kéo dài 4 tiếng đồng hồ để tránh cho vị giáo hoàng 78 tuổi này khỏi sự khắc nghiệt của độ cao 4 ngàn mét. Phần thì giờ còn lại, Đức Giáo Hoàng sẽ lưu trú tại Santa Cruz.

Đức Phanxicô và Ông Morales từng gặp nhau mấy lần. Lần mới nhất là tháng Mười vừa qua, tại Vatican, lúc Tổng Thống, trước đây vốn là một người trồng coca, tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhóm thường dân người bản địa và các người đấu tranh cho người nghèo là những nhóm được Đức Phanxicô hết lòng cổ vũ.

9:15 giờ sáng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất hiện từ trong Tòa Khâm Sứ ở Quito, Ecuador, nơi ngài nghỉ qua đêm. Hàng trăm người đứng đợi Đức Giáo Hoàng và một ca đoàn thiếu nhi đang ca hát. Nhiều người tung tán hoa hồng khi Đức Giáo Hoàng vẫy tay chào họ.

Dọc con đường Đức Giáo Hoàng sẽ đi để viếng một nhà dành cho người cao niên, hàng ngàn người đứng xếp hàng. Sau khi thăm một nhà dưỡng lão, Đức Phanxicô sẽ gặp hàng giáo sĩ địa phương rồi bay đi Bolivia cho phần kế tiếp của chuyến tông du Nam Mỹ.

9:50 giờ sáng: Đức GH Phanxicô đang thăm viếng một nhà dưỡng lão của Ecuador, do Các Nữ Tu Truyền Giáo Bác Ái điều khiển, một dòng do Mẹ Têrêxa thành lập. Hơn một chục nữ tu đón chào Đức Giáo Hoàng và tặng ngài một chiếc đai trắng với những tua xanh dương, vốn là các mầu của Dòng.

Đức Giáo Hoàng gặp gỡ các cư dân của nhà và chúc lành cho họ. Nhiều cư dân ngồi xe lăn.



Nhà ở Quito dành cho những vị cao niên không có tài nguyên tiếp tục ở lại nhà mình hoặc các thành viên gia đình không có khả năng săn sóc các vị.

10:45 giờ sáng: Được chào đón bằng những tiếng hô “Vạn tuế Đức Giáo Hoàng!”, Đức Phanxicô đã bước vào đền thánh El Quinche trong biến cố công cộng cuối cùng ở Ecuador trước khi bay qua Bolivia.

Đức Giáo Hoàng được chào đón bởi một đám đông hoan hô, vỗ tay và thực sự mưa tán hoa hồng vào giáo hoàng xa của ngài.

Đức Phanxicô được dâng tặng một bó hoa hồng, một trong các sản phẩm chủ yếu được trồng tại vùng này. Sau đó, ngài tiến lại tượng Nữ Trinh El Quinche, im lặng cầu nguyện.

Đền thánh này, cách đông Quito chừng 50 kilô mét, là nơi Đức Giáo Hoàng nói chuyện với khoảng 6,500 linh mục, nữ tu và chủng sinh.

11:55 giờ sáng: Đức GH Phanxicô gạt bỏ bài diễn văn được soạn sẵn cho buổi gặp gỡ các linh mục và chủng sinh Ecuador; ngài cho hay ngài cảm thấy không thích đọc nó. Thay vào đó, ngài ứng khẩu nói chuyện với cử tọa và lời ứng khẩu này khiến họ vui cười ngay trong đền thánh El Quinche.

Ngài thúc giục các giáo sĩ và nữ tu ở đây rằng họ không bao giờ được quên nơi họ phát xuất và đừng bao giờ cảm thấy mình không xứng đáng bất cứ điều gì.

Lưu ý ở Ecuador có nhiều ngôn ngữ khác nhau, ngài bảo: “Đừng bao giờ quên cội rễ của mình!”

12:25 giờ trưa: Tổng Thống Bolivia dự tính rút ngắn bài diễn văn ông soạn để chào mừng Đức GH Phanxicô tới La Paz chiều nay. Thành phố cao nguyên nằm ở một độ cao gần 4,000 mét so với mặt biển.

Marianela Paco Duran, Bộ Trưởng Truyền Thông của Bolivia, nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng Tổng Thống Morales dự tính nói 15 phút khi Đức GH Phanxicô tới La Paz. Nhưng thay vào đó, theo bà, tổng thống sẽ chỉ nói chừng 5 phút thôi.

Bà giải thích: “Dân chúng Bolivia muốn được nghe và được thấy Đức Giáo Hoàng bao nhiêu có thể mà thôi. Vì lý do này, và vì sức khỏe của Đức Giáo Hoàng, tổng thống của chúng tôi sẽ sử dụng rất ít thì giờ để nói lời chào đón”.

Cuộc dừng chân tại La Paz đã được giới hạn vào 4 tiếng đồng hồ để tránh cho vị giáo hoàng 78 tuổi khỏi ở quá lâu tại một độ cao có thể gây nôn mửa và đau đầu cho những người không quen với khí hậu này. Thời gian còn lại, Đức Giáo Hoàng sẽ ở Santa Cruz, cao khoảng 416 mét so với mặt biển.

Đức Phanxicô xem ra rất khỏe mạnh lúc xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng ở Ecuador, nơi ngài đùa dỡn với các linh mục và nữ tu ở Quito sau khi không đọc bài diễn văn soạn sẵn.

1:20 giờ chiều: Đức Phanxicô đang trên đường tới Bolivia sau 3 ngày ở Ecuador, nơi ngài cử hành các Thánh Lễ, gặp hàng giáo sĩ và tu sĩ, cũng như các nhóm giáo dân và nói về việc cần phải bảo vệ môi trường. Bolivia, một trong các nước nghèo nhất của Nam Mỹ, là nước thứ hai trong ba nước Đức Giáo Hoàng viếng thăm kỳ này.

Trước khi lên chiếc máy bay của Hãng Boliviana de Aviacion, Đức Giáo Hoàng ôm hôn và chúc lành cho hàng chục trẻ em mặc y phục truyền thống của vùng núi Andes.

Tổng Thống Ecuador, Ông Rafael Correa, nói lời tạm biệt với Đức Phanxicô khi ngài bước lên bậc thang máy bay. Như thường lệ, Đức Phanxicô mang theo chiếc cặp nhỏ mầu đen.

Đức Giáo Hoàng sẽ tới La Paz vào lúc xế chiều.

2:15 giờ chiều: Nhóm thổ dân lớn nhất của Ecuador tỏ ý thất vọng không được hội kiến riêng với Đức GH Phanxicô, điều mà họ mong muốn trong suốt cuộc viếng thăm ba ngày của ngài. Dù 5 phút cũng không. Thay vào đó, họ đã phá cả nghi lễ để trao cho ngài một lá thư.

Hai mươi lăm đại diện của Liên Đoàn Các Sắc Dân Thổ Địa của Ecuador (CONAIE) đã tham dự cuộc gặp gỡ có giấy mời vào hôm thứ Ba, bao gồm các nhà lãnh đạo kinh danh, và các nhân vật văn hóa và thể thao. Tuy nhiên, các đại diện của họ đã không thể nào tiến gần Đức Giáo Hoàng được, nên họ đã yêu cầu một thiếu nữ trao tận tay ngài một bức thư.

Viên chức của Liên Đoàn là Severnino Sharupi nói rằng CONAIE xứng đáng được gặp vì Đức Phanxicô “đặt người nghèo và môi sinh ở tâm điểm các ngôn từ của ngài, và chúng tôi thì đại diện cho cả hai chính nghĩa”.

Đức Giáo Hoàng gọi người thổ dân là các quản lý viên tốt nhất của môi trường và là những người chịu ảnh hưởng hơn cả bởi nạn phá rừng và ô nhiễm.

CONAIE vốn không thuận hảo với Tổng Thống Rafael Correa vì ông này khuyến khích việc khoan dầu và đào mỏ trên đất cổ truyền của họ tại vùng Amazon.

3:20 giờ chiều: Người dân Bolivia sẽ phải chờ lâu hơn một chút trước khi Đức GH Phanxicô tới La Paz.

Các giới chức Giáo Hội cho biết chuyến bay chở Đức Giáo Hoàng rời Quito, Ecuador, hơi trễ hơn dự định và sẽ tới Pa Paz khoảng 45 phút trễ hơn dự tính. Đức Phanxicô dự tính sẽ đáp xuống gần thủ đô Bolivia lúc 4 giờ 15 phút chiều.

Đức TGM Edmundo Abastoflor của La Paz cũng cho hay: buổi lễ nghinh đón có thể được di chuyển vào bên trong phi trường để tránh cho vị giáo hoàng 78 tuổi khỏi cái giá buốt. Phi trường ở cao độ 4 ngàn mét so với mặt biển và nhiệt độ xuống tới 12 độ bách phân.

3:30 giờ chiều: Người Bolivia đang tụ tập để đón chào Đức GH Phanxicô tại thành phố đông đúc El Alto, và đang bị những làn gió khắc nghiệt thổi tới tấp dưới cái nắng chói chang của cao nguyên Andes.

Một số người ẩn mình dưới những tấm nhựa, người khác dùng dù. Họ đang hát các bài thánh ca dưới nhiều thể loại, một số bằng các ngôn ngữ không phải Tây Ban Nha nhưng được nhiều người nói tại Mỹ Châu La Tinh.

Phi trường quốc tế cho thủ đô La Paz của Bolivia tọa lạc tại thành phố El Alto kế cận.

Đại đa số 1.2 triệu dân của El Alto là người thổ dân Aymara giống như Tổng Thống Evo Morales. Cùng với những người nói tiếng Quichua, họ chiếm ưu thế tại các cao nguyên phía tây của Bolivia, chiếm tới 90 phần trăm dân số ở đấy.

4.00 giờ chiều: ABI, hãng tin chính thức của Bolivia, tường thuật rằng Đức GH Phanxicô sẽ nhai lá coca để chống lại thứ bệnh độ cao khi ngài tới đây tông du thủ đô Pa Paz.

Đức Phanxicô hiện chỉ còn một lá phổi hoạt động, trong khi La Paz và thành phố lân cận El Alto nơi có phi trường quốc tế cao tới 4 ngàn mét so với mặt biển. Thành phố ngài vừa rời khỏi là Quito ở Ecuador thấp hơn gần một dặm.

Dù không chắc là Đức Giáo Hoàng có nhai lá coca hay không, một phụ nữ thổ dân Ayamara trong số những người đang đứng chờ ngài tại El Alto để được thấy ngài đi qua nói rằng bà rất thích được chứng kiến việc ấy.

Ines Canqui nói rằng người thổ dân vùng núi Andes có thói quen nhai lá coca. Lời bà: “Chúng tôi biết nó đem lại sức mạnh. Bạn sẽ không thấy mệt, và, hơn nữa, nó sẽ giúp ngài không cảm thấy mấy sự thay đổi của độ cao”.

4:15 giờ chiều: Đức GH Phanxicô đã tới phi trường quốc tế gần thủ đô Bolivia để bắt đầu chặng thứ hai chuyến thăm 3 nước Nam Mỹ.

Máy bay của ngài đã đáp xuống trễ hơn dự tính khoảng một giờ, do rời Quito, thủ đô Ecuador, trễ.

Ngài dự định chỉ ở thủ đô La Paz của Bolivia 4 tiếng đồng hồ vì các lo lắng liên quan tới hậu quả của độ cao đối với sức khỏe của vị giáo hoàng 78 tuổi này.

Đêm nay, ngài sẽ bay đi Santa Cruz, một thành phố ở hạ nguyên trung phần Bolivia.

4:55 giờ chiều: Tổng thống Bolivia, Evo Morales, ôm hôn Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau khi ngài bước khỏi chiếc máy bay của Hãng Bolivia de Aviacion tại phi trường dành cho thủ đô La Paz.

Sau đó, Ông Morales đã đeo một chiếc túi nhỏ quanh cổ Đức Phanxicô, dệt bằng lông lạc đà alpaca với các trang trí thổ dân. Đây là loại túi nhỏ thường được dùng để đựng lá coca, mà dân trong vùng núi Andes quen nhai để chống bệnh độ cao.

Các trẻ em trong trang phục cổ truyền thuộc một số trong 36 sắc dân thổ địa vây chặt lấy Đức Giáo Hoàng trong một vòng ôm tập thể và ngài nắm tay hai em để rời sân bay với ông Morales.

Đám đông tại phi trường vào khoảng 4,000 người, co cụm với nhau chống cái rét đang kéo tới khi mặt trời bắt đầu xuống ở chân trời. Hàng chục ngàn người xếp hàng trên đường của đoàn hộ tống, ngoằn ngoèo hàng tám dặm xuyên qua cao nguyên lộng gió dẫn vào thủ đô giữa những vách núi thẳng đứng.

5:30 giờ chiều: Đức GH Phanxicô ca ngợi Bolivia đã đưa ra nhiều biện pháp quan trọng để bao gồm người nghèo và người bị hắt hủi vào sinh hoạt chính trị và kinh tế, nhưng nhấn mạnh rằng Giáo Hội Công Giáo cũng có một vai trò có tính “tiên tri” để đóng trong xã hội.

Trong diễn văn đọc lúc mới tới, Đức Phanxicô nhắc nhở rằng Đạo Công Giáo đã bén “rễ sâu” vào Bolivia hàng nhiều thế kỷ qua và nói rằng Giáo Hội “vẫn đã tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của nó và lên khuôn nền văn hóa của nó”.

Tổng Thống Bolivia, Evo Morales, là một người Thổ Dân Aymara, nổi tiếng về ngôn từ chống đế quốc chủ nghĩa và khi nắm được quyền hành đã tranh đấu cho 36 nhóm thổ dân của quốc gia.

Nhưng Ông Morales chọc giận Giáo Hội địa phương bằng nhiều sáng kiến bài giáo sĩ, trong đó, có việc tuyên bố trong hiến pháp rằng quốc gia với đa số áp đảo Công Giáo là một nhà nước thế tục.

Ông cũng chọc giận nhiều nhóm thổ dân ở đồng bằng qua việc thúc đẩy việc khoan dầu và hơi đốt. Giáo Hội Công Giáo vốn giúp đem tiếng nói tới cho các nhóm thổ dân trong cuộc tranh đấu của họ.

5:45 giờ chiều: Trong diễn văn chào mừng Đức Giáo Hoàng, Tổng Thống Bolivia, Evo Morales, nói rằng Đức GH Phanxicô đang làm việc cho cùng các mục tiêu như của chính phủ ông nhằm bênh vực cho “những người thiếu thốn nhất”.

Lời Ông Morales: "Ai phản bội người nghèo là phản bội Đức GH Phanxicô”.

Tổng Thống nhắc nhở rằng nhiều lần trong quá khứ Giáo Hội Công Giáo đã đứng về phía kẻ áp chế nhân dân Bolivia, mà 2/3 có nguồn gốc thổ dân.

Nhưng ông nói rằng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sự việc đã ra khác và nhân dân Bolivia đang chào kính Đức Phanxicô như một người “trợ giúp vào việc giải phóng nhân dân chúng tôi”.

Tuy vậy, chính phủ Bolivia không có các dị biệt với Giáo Hội. Trong mấy tuần gần đây, nhiều viên chức cao cấp đã vướng vào một cuộc đấu tranh bằng mồm với một linh mục Tây Ban Nha; vị linh mục này đòi chính phủ Morales phải dành nhiều ngân quĩ hơn nữa cho sức khỏe công cộng.

6:10 giờ tối: Đức GH Phanxicô dừng giáo hàng xa ít phút trên đường tới dinh tổng thống tại La Paz, Bolivia, gần nơi thi thể của một linh mục cùng Dòng Tên với ngài bị liệng năm 1980 sau khi độc tài quân phiệt hạ sát ngài.

Vị linh mục này, tên Luis Espinal, là một người lớn tiếng bảo vệ người nghèo, giống Đức Phanxicô. Ngài cũng không chính thống chút nào. Là một nhà truyền thông lành nghề, ngài sử dụng phim ảnh và báo chí làm phương tiện. Thi thể ngài được tìm thấy với 12 lỗ đạn.



Đức Giáo Hoàng ra khỏi xe ở bên đường, đặt vòng hoa rồi hướng dẫn đám đông giữ im lặng giây lát sau đó cầu nguyện.

Đức Phanxicô nguyên văn nói rằng Cha Espinal là “anh em chúng ta, nạn nhân của những nhóm quyền lợi không muốn ngài đấu tranh cho tự do của Bolivia”.

Đây là lần thứ hai trong mấy tháng nay, Đức Phanxicô thừa nhận một linh mục bị phe cực tả Mỹ Châu La Tinh sát hại trong một thời kỳ trong đó Hoa Kỳ chống lưng cho các chế độ độc tài. Tháng năm vừa qua, Đức TGM Oscar Romero của El Salvador đã được phong chân phúc 25 năm sau khi bị hạ sát.

7:25 giờ tối: Tổng Thống Evo Morales trao tặng Đức GH Phanxicô một số tặng phẩm nặc mùi chính trị trong buổi lễ trao đổi tặng phẩm truyền thống giữa các nguyên thủ quốc gia.

Chính trong số tặng phẩm này là tượng chịu nạn khắc vào cây liềm búa bằng gỗ, vốn là biểu tượng Cộng Sản chỉ sự đoàn kết giữa công nhân và nông dân. Hình ảnh này cũng xuất hiện trên một huy chương được Ông Morales dâng tặng Đức Giáo Hoàng và được ngài đeo vào cổ.

Một tặng phẩm khác cũng nặc mùi chính trị: một bản “Hải Thư” (Book of the Sea) nói về vụ Bolivia mất đường ra biển trong Chiến Tranh Thái Bình Dương với Chile năm 1879-1883. Năm 2013, Bolivia cố gắng tái thương thuyết để có đường ra Thái Bình Dương tại Tòa Án Công Lý Quốc Tế, trong khi Chile thì biện luận rằng tòa này không có thẩm quyền vì biên giới Bolivia đã được xác định bởi một hiệp ước năm 1904. Tòa án sẽ phải phán quyết vào cuối năm, nếu nó có năng quyền quyết định vụ việc.

Về phần mình, Đức Phanxicô tặng Ông Morales một tranh ghép ảnh Đức Mẹ và một bản thông điệp mới đây của ngài về môi trường.

9:45 giờ đêm: Đức GH Phanxicô đã đáp xuống Santa Cruz, Bolivia, và đang trực chỉ tòa Hồng Y để nghỉ đêm.

Trưa nay, ngài đã kết thúc chuyến thăm Ecuador rồi sau đó ở thủ đô La Paz của Bolivia 4 tiếng đồng hồ. Các viên chức Vatican cho rằng điều này tốt cho ngài vì độ cao của La Paz.

Đức Phanxicô sẽ ngụ ở Santa Cruz trong suốt thời gian còn lại ở Bolivia. Vì thành phố này ở dưới hạ nguyên trung phần Bolivia.

Chương trình ngày thứ Năm của ngài sẽ bao gồm một Thánh Lễ ngoài trời vào buổi sáng rồi một bài diễn văn với các linh mục và chủng sinh vào buổi chiều. Ngài sẽ kết thúc ngày này với việc tham dự Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Thứ Hai Các Phong Trào Bình Dân, cùng với Tổng Thống Evo Morales.
 
Hằng triệu người dự Lễ đầu tiên của Đức Thánh Cha tại Bolivia
Lm Trần Đức Anh OP
15:59 09/07/2015
SANTA CRUZ. Hằng triệu tín hữu đã tham dự thánh lễ đầu tiên ĐTC Phanxicô cử hành tại thành phố Santa Cruz, thủ đô kinh tế của Bolivia, sáng ngày 9-7-2015.

ĐTC đã rời tòa nhà ĐHY Terrazas Sandoval, nguyên TGM Santa Cruz từ lúc quá 9 giờ sáng. Ngài đi xe díp mày trắng có mái kiếng che tiến qua các đại lộ rộng rãi dài 1 cây số dười dẫn đến quảng trường Chúa Kitô Cứu Thế để cử hành thánh lễ cho các tín hữu tụ tập tại đây. Ngoài những người da trắng còn có đông đảo các tín hữu thuộc 36 bộ tộc thổ dân tại Bolivia, nhiều người mặc y phục truyền thống.

Nhiều màn hình khổng lồ đã được bố trí dọc theo đại lộ để những người ở xa lễ đài cũng có thể tham dự thánh lễ ĐTC cử hành bắt đầu lúc 10 giờ sáng.

Thánh lễ này cũng là lễ khai mạc Đại Hội Thánh Thể toàn quốc kỳ 5 của Bolivia và sẽ được tiếp nối tại thành phố Tarija. Ngoài tiếng Tây Ban Nha, còn có những phần của thánh lễ, kinh nguyện, bài đọc bằng các tiếng thổ dân như Guaranì, Quechua và Aimara.

Đồng tế với ĐTC có khoảng 50 GM Bolivia và các GM khách, và hàng trăm Linh Mục trong phẩm mục màu trắng. Phần thánh ca do một ca đoàn hùng hậu 500 ca viên đồng phục màu đen và vàng đảm trách.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đi từ sự kiện các môn đệ đứng trước tình trạng 4 ngàn người nghe Chúa Giêsu giảng và không có gì để ăn. Các môn đệ xin Chúa giải tán họ vì không thể kiếm đủ lương thực cho đám đông ấy. Từ đó ngài nêu bật trách nhiệm của mọi người góp phần làm việc để không ai bị loại trừ trong xã hội. ĐTC nói:

”Đứng trước bao nhiêu tình trạng đói khổ trên thế giới, có thể chúng ta nói: không thể nào đương đầu với những tình trạng như vậy, và thế là tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm tâm hồn chúng ta.

”Đường hướng người ta chủ trương áp đặt trong thế giới ngày nay thật dễ chiếm chỗ trong một con tim tuyệt vọng. Đường hướng đó tìm cách biến đổi mọi sự thành đối tượng trao đổi, tiêu thụ, tất cả đều có thể thương lượng được. Đường hướng ấy chủ trương chỉ dành chỗ cho một thiểu số, và gạt bỏ tất cả những người ”không sản xuất”, không được coi là thích hợp và xứng đáng, vì họ có vẻ là không có lợi gì. Một lần nữa Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: ”Không cần phải bảo họ ra đi, chính các con hãy cho họ ăn!”

”Đó là một lời mời gọi ngày nay vẫn còn vang vọng mạnh mẽ đối với chúng ta: ”Không cần một ai phải ra đi; hãy chấm dứt tình trạng bị gạt bỏ, chính các con hãy cho họ ăn”. Chúa Giêsu tiếp tục nói với chúng ta điều ấy tại quảng trường này. Đúng vậy! Hãy chấm dứt tình trạng gạt bỏ người, chính các con hãy cho họ ăn. Quan niệm của Chúa Giêsu không chấp nhận sự gạt bỏ những người yếu nhất, những người đang túng thiếu hơn cả. Khi chấp nhận sự thách đố ấy, thì chính Chúa nêu gương và chỉ đường cho chúng ta. Chỉ dẫn của Chúa được tóm gọm trong 3 câu: Ngài cầm lấy một chút bánh và vài con cá, chúc tụng, phân chia và giao cho các môn đệ phân phát cho người khác. Đó chính là con đường phép lạ. Chắc chắn đây không phải là ma thuật hay là tôn thờ thần tượng. Qua 3 hành động ấy, Chúa Giêsu biến đổi được chủ trương gạt bỏ thành một đường hướng hiệp thông, cộng đồng. Tôi muốn nhấn mạnh vắt tắt 3 hành động ấy.

- Người cầm lấy. Điểm khởi hành là: Chúa rất nghiêm túc coi trọng sinh mạng những người của Ngài. Ngài nhìn tận mắt và qua đó ngài hiểu cuộc sống, tâm tình của họ. Ngài thấy trong cái nhìn ấy điều đang đập và điều ngưng đập trong ký ức và con tim của dân Ngài. Ngài cứu xét và đề cao giá trị của điều ấy. Ngài đề cao giá trị của tất cả những gì tốt mà họ có thể cống hiến, tất cả những gì tốt đẹp trên đó có thể xây dựng được. Nhưng Chúa không nói về những đồ vật hoặc tài nguyên văn hóa hay ý tưởng, nhưng là những con người. Sự phong phú đích thực của một xã hội được đo lường trong cuộc sống của dân chúng, được đo lường nơi những người già có khả năng thông truyền sự khôn ngoan và ký ức của dân tộc cho những người bé nhỏ nhất. Chúa Giêsu không lơ là, không coi nhẹ phẩm giá của một ai, không viện cớ là họ không có gì để cho hoặc để chia sẻ.

- Hành động thứ hai là chúc tụng. Chúa cầm lấy và chúc tụng Cha ở trên trời. Ngài biết rằng những món quà đó là một hồng ân của Thiên Chúa, vì thế Ngài không đối xử với những vật ấy như bất kỳ vật nào, vì tất cả sự sống ấy là thành qủa của tình yêu thương xót. Chúa nhìn nhận điều ấy. Ngài đi xa hơn cái vẻ bề ngoài và trong cử chỉ chúc tụng, ngợi khen, Ngài xin Chúa Cha ban hồng ân Thánh Linh. Chúc phúc hay làm phép bao gồm 2 cái nhìn ấy, một đàng là cảm tạ và đàng khác là có thể biến đổi. Có nghĩa là nhìn nhận rằng sự sống luôn luôn là một hồng ân, một món quà khi đặt trong tay Chúa thì đạt được một sức mạnh tăng thêm nhiều. Chúa Cha của chúng ta không tước bỏ điều gì, Ngài làm tăng thêm nhiều.

- Sau cùng là trao ban. Trong Chúa Giêsu không có sự cầm lấy mà đồng thời không có một sự chúc lành, và không có một sự chúc lành mà không có trao ban. Chúc lành luôn luôn là một sứ mạng, có một mục tiêu, chia sẻ, cùng phân chia điều mình đã nhận lãnh, vì chỉ qua sự trao ban, chia sẻ, chúng ta mới tìm được nguồn mạch vui mừng, chúng ta mới cảm nghiệm được ơn cứu độ.

Từ những giải thích trên đây, ĐTC đề cập đến Đại hội Thánh Thể toàn quốc kỳ 5 của Giáo Hội tại Bolivia, được khai mạc hôm nay nhưng sẽ tiến hành tại Tarija. Ngài nói:

”Đó là Bí tích hiệp thông, làm cho chúng ta thoát khỏi cá nhân chủ nghĩa để cùng nhau sống ơn gọi theo Chúa, và làm cho chúng ta xác tín rằng điều chúng ta sở hữu và chính con người của chúng ta, nếu được đón nhận, chúc phúc và dâng hiến, thì nhờ quyền năng của Thiên Chúa, do quyền năng tình thương của Chúa, có thể trở thành bánh cho tha nhân.

Giáo Hội là một cộng đoàn tưởng niệm. Vì thế, trung thành với mệnh lệnh của Chúa, được lập lại mỗi lần ”Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Giáo Hội hiện tại hóa từ đời nay sang đời kia, nơi mọi góc trên trái đất, mầu nhiệm Bánh Sự Sống. Giáo Hội làm cho mầu nhiệm ấy hiện diện và trao tặng chúng ta. Chúa Giêsu muốn chúng ta tham gia vào sự sống của Ngài và qua chúng ta, sự sống ấy hóa ra nhiều trong xã hội chúng ta. Chúng ta không phải là những người cô lập, phân cách, nhưng là một dân tộc có ký ức được hiện tại hóa và luôn được dâng hiến”.

Một cuộc sống tưởng niệm cần những người khác, cần những quan hệ, cần gặp gỡ, cần tình liên đới thực sự, có khả năng đi vào con đường đón nhận, chúc phúc và dâng hiến, theo đường hướng của tình yêu.

Cuối thánh lễ, sau lời cám ơn của Đức Cha Sergio Gualberti Calandrina, TGM sở tại, ĐTC đã trao Thánh Giá truyền giáo cho một số thừa sai.
 
Tường thuật chuyến viếng thăm mục vụ ba nước Ecuador, Bolivia và Paraguay
Linh Tiến Khải
16:01 09/07/2015
Trong các sinh hoạt ngày thứ ba viếng thăm Ecuador còn có hai cuộc gặp gỡ khác vào ban chiều: đó là cuộc gặp gỡ giới sinh viên học sinh tại Đại học Công Giáo Ecuador và với các đại diện giới dân sự.

Sau khi dùng bữa trưa và nghỉ ngơi tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh lúc sau 16 giờ ĐTC đã đi xe papamobil tới Đại học giáo hoàng Công Giáo Ecuador cách đó 3 cây số. Hai bên đường đã có rất đông tín hữu chào đón ĐTC.

Đại học giáo hoàng Công Giáo Ecuador được thành lập năm 1946 thuộc tổng giáo phận Quito do các cha Dòng Tên điều khiển. Đại học gồm 14 học viện và phân khoa gồm Kiến trúc, Quản trị, Sư phạm, Khoa học, Triết học, Thần học, Khoa học nhân văn, Truyền thông, Văn chương, Kinh tế, Y tá, Kỹ sư, Luật, Y khoa, Sinh học, Trợ giúp xã hội. Có tất cả 30.000 sinh viên.

Vào thời thực dân Giáo Hội đã thành lập Đại học San Fulgencio do các cha dòng Agostino điều khiển; đại học thánh Gregorio do các cha dòng Tên điều khiển cho tới khi các vị bị trục xuất; và đại học San Tomas do các cha dòng Đa Minh điều khiển.

ĐTC đã được viện trưởng César Fabián Carrasco Castro tiếp đón trong khuôn viên đại học có chỗ cho 5.000 người. Sau lời chào của ĐC Alfredo José Espinoza Mateus, GM Loja và là chủ tịch Ủy ban giáo dục và văn hóa của HĐGM Ecuador, các sinh viên học sinh đã tặng qùa cho ĐTC. Tiếp đến mọi người đã nghe chứng từ của một nữ sinh viên, một giáo sư và viện trưởng đại học.

Ngỏ lời trong dịp này ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa của dụ ngôn người gieo giống và lệnh Thiên Chúa truyền cho con người phải vun trồng và giữ gìn thụ tạo. ĐTC nói:

Thiên Chúa không chỉ ban cho con người sự sống, nhưng cũng ban cho con người trái đất, thụ tạo. Ngài không chỉ ban cho con người một người bạn đường và các khả thể vô tận. Nhưng Ngài cũng đưa ra một lời mời gọi, và trao ban cho con người một sứ mệnh nữa. Ngài mời gọi họ tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài và nói: hãy vun trồng! Ta ban cho con các hạt giống, trái đất, nước, mặt trời, Ta ban cho con đôi bàn tay và tay của anh em con. Nó cũng là của con. Nó là một món quà, một ơn, một sự cống hiến. Nó không phải là cái gì được chiếm hữu, được mua. Nó đi trước chúng ta và sẽ tiếp nối chúng ta… Thụ tạo là một ơn phải được chia sẻ. Nó là không gian Thiên Chúa ban cho chúng ta để xây dựng với chúng ta, để xây dựng một “chúng ta”. Thế giới, lịch sử, thời gian là nơi chúng ta đi xây dựng chúng ta với Thiên Chúa, với người khác và với trái đất. Cuộc sống của chúng ta luôn dấu ẩn lời mời gọi này, một lời mời gọi ít nhiều ý thức nhưng tồn tại luôn mãi. Tuy nhiên, chúng ta ghi nhận một điểm đặc biệt. Trong trình thuật của sách Sáng Thế, cùng với từ “vun trồng” Thiên Chúa nói ngay một lời khác “giữ gìn”, chăm sóc. Từ này được hiểu nhờ từ kia. Một bàn tay giơ ra cho một bàn tay khác. Ai không vun trồng thì không chăm sóc, ai không chăm sóc thì không vun trồng. Chúng ta không chỉ được mời gọi là phần của công trình sáng tạo bằng cách vun trồng nó, làm cho nó lớn lên, phát triển nó, nhưng chúng ta cũng được mời gọi chăm sóc, che chở, giữ gìn nó nữa. Ngày nay lời mời gọi này càng mạnh mẽ hơn nữa. Không phải chỉ như là một lời nhắn nhủ, nhưng như là một đòi buộc nảy sinh từ “sự dữ mà chúng ta đã gây ra, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và lạm dùng các tài nguyên Thiên Chúa đã đặt để trong trái đất. Chúng ta lớn lên và nghĩ rằng chúng ta là chủ và là kẻ thống trị, được phép cướp bóc nó, vì thế giữa các người nghèo bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất có trái đất của chúng ta bị áp bức và tàn phá” (Laudato sì, 2).

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Có một tương quan giữa cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của mẹ đất, giữa sự hiện hữu của chúng ta và ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. “Môi sinh nhân bản và môi sinh thiên nhiên cùng nhau trở nên đồi tệ, và chúng ta không thể đương đầu với sự suy đồi môi sinh một cách thích hợp, nếu không chú ý tới các lý do có tương quan với sự suy đồi nhân bản và xã hội” (ibid., 48). Nhưng chúng cũng nâng đỡ nhau và có thể thay đổi hình dạng. Đó là một tuơng quan giữ gìn một khả thể của sự rộng mở, thay đổi, của sự sống cũng như của tàn phá và chết chóc.

Có một điều chắc chắn: đó là chúng ta không thể tiếp tục quay lưng lại với thực tại của mình, với các anh em mình, với mẹ đất. Chúng ta không được phép không biết điều đang xảy ra chung quanh chúng ta, làm như thể là các tình trạng xác định không hiện hữu hay không liên quan gì tói thực tại của chúng ta. Một lần nữa câu Thiên Chúa hỏi lại vang lên: “Em ngươi đâu?”. Tôi tự hỏi không biết câu trả lời của chúng ta có tiếp tục là “Tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu?” (St 4,9).

Trong bối cảnh đại học này, sẽ rất đẹp nếu chúng ta tự vấn liên quan tới nền giáo dục của chúng ta trước trái đất đang kêu lên tới trời. Các trường học của chúng ta là một vườn ương cây, một khả thể, là đất phì nhiêu mà chúng ta phải chăm sóc, kích thích, và che chở. Đất phì nhiều khát sự sống.

Cùng anh chị em là các giáo sư tôi tự hỏi: Anh chị em có thức tỉnh trên các sinh viên học sinh bằng cách trợ giúp họ phát triển một óc phê bình, một tinh thần tự do có khả năng chăm sóc thế giới ngày nay hay không? Một tinh thần có khả năng tìm ra các câu trả lời mới cho nhiều thách đố mà xã hội ngày nay đưa ra hay không? Anh chị em có khả năng khích lệ họ đừng không biết tới thực tại bao quanh họ hay không? Làm thế nào để bước vào trong các chương trình khác nhau của đại học hay trong các lãnh vực khác nhau của công việc giáo dục cuộc sống chung quanh chúng ta với các đòi hỏi, các vấn nạn và các cật vấn của nó? Chúng ta làm nảy sinh ra và đồng hành với cuộc thảo luận xây dựng này việc đối thoại sinh tử cho một thế giới nhân bản hơn như thế nào?

Tiếp đến ĐTC khẳng định như sau:

Có một suy tư lôi cuốn tất cả chúng ta: các gia đình, học đường và nhà giáo, đó là làm thế nào để người trẻ đừng đồng hóa bằng biếu đại học với địa vị cao hơn, với tiền bạc và uy tín xã hội. Chúng ta làm thế nào để giúp họ nhận diện việc chuẩn bị này như dấu chỉ của một trách nhiệm lớn hơn đối với các vấn đề ngày nay, tôn trọng và săn sóc người nghèo, tôn trọng việc cứu vãn môi sinh. Và với các các bạn trẻ thân mến, là hiện tại và tương lại của Ecuador, là hạt giống biến đổi của xã hội này, tôi muốn tự hỏi: các bạn có biết thời gian học hành các bạn có không phải chỉ là một quyền lợi mà cũng là một đặc ân không? Biết bao nhiêu bạn bè, quen và không quen, muốn có một chỗ trong nơi này, mà vì các hoàn cảnh khác nhau đã không có được? Việc học hành của chúng ta giúp liên đới với họ trong mức độ nào?

Các cộng đoàn giáo dục có một vai trò sinh động, nòng cốt trong việc xây dựng xã hội và nền văn hóa. Phân tích, miêu tả thực tại thôi không đủ, cần phải trao ban sự sống cho các môi trường, nơi chốn nghiên cứu đích thật, cho các thảo luận làm nảy sinh ra các giải pháp cho các vấn đề hiện hữu đặc biệt ngày nay.

Trước sự toàn cầu hóa của mô thức kỹ thuật hướng tới chỗ tin rằng mỗi chiếm hữu quyền lực là tiến bộ, gia tăng an ninh, hữu ích, hạnh phúc, sức sống, gia trị tràn đầy, làm như thể thực tại, thiện ích và sự thật phát sinh một cách tự phát từ chính quyền lực của kỹ thuật và kinh tế” (Laudato si’, 105), chúng ta được hỏi một cách cấp thiết mau chóng suy tư, tìm tòi, thảo luận về tình trạng của chúng ta hiện nay. Chúng ta muốn và yêu sách cho con cháu chúng ta loại văn hóa nào đây? Trái đất này mà chúng ta đã nhận như gia tài, như một ơn, một món quà, chúng ta muốn để lại nó như thế nào? Chúng ta muốn in các chỉ dẫn nào trên cuộc sống? “Chúng ta đi qua trái đất này với mục đích nào? Chúng ta đến trên trái đất này với mục tiêu nào? Chúng ta làm việc và chiến đấu cho mục đích nào? (ibid., 160). Các sáng kiến cá nhân luôn luôn tốt và nền tảng, nhưng chúng ta phải nhìn thực tại một cách tổng quát, có trật tự và không rời rạc, đưa ra các vấn nạn bao gồm tất cả mọi người. Như là đại học, như là các cơ cấu, các giáo sư và sinh viên cuộc sống thách đố các bạn trả lời cho câu hỏi này: tại sao chúng ta cần trái đất này? Người anh em con ở đâu? Ước chi Chúa Thánh Thần linh hứng và đồng hành với các bạn và ban cho chúng ta sức mạnh và ánh sáng cần thiết để chu toàn sứ mạng giáo dục này.

Sau khi từ giã giới trí thức lúc 6 giờ chiều ĐTC đã đi xe đến nhà thờ thánh Phanxicô cách đó 4 cây số để gặp gỡ các đại diện giới dân sự trong lãnh vực văn hóa, kinh tế, doanh thương kỹ nghệ và nông nghiệp, cũng như các tổ chức thiện nguyện và đại diện của các thổ dân Amazzonia.

Nhà thờ thánh Phanxicô là nhà thờ cổ kính nhất trong toàn Châu Mỹ Latinh, được khởi công xây năm 1536, ba năm sau ngày thành lập thủ đô Quito, và hoàn thành năm 1680. Toàn bộ kiến trúc nghệ thuật rất phong phú vì cũng chứa đựng 3.500 tác phẩm nghệ thuật thuộc trường phái Quito và một thư viện vào bậc nhất của các cha Phanxicô.

Sau lời chào của ĐC Luis Cabrera Herrera, TGM Cuenca, Chủ tịch Ủy ban giáo dân của HĐGM Ecuador, đã có phần chia sẻ chứng từ của ba giáo dân: ông Francisco Jarrin, đại diện Hiệp hội các doanh thương kitô, bà Lidia Marlene Arcos Miranda, doanh thương tỉnh Ambato, và bà Imelda Caicedo Vega, giáo lý viên 85 tuổi, dậy giáo lý cho dân quê tỉnh Los Rios từ 60 năm qua. Họ đã nói lên các ưu tư, các khó khăn và thách đố của cuộc sống đức tin trong môi trường xã hội ngày nay. Dàn nhạc Sunamune gồm các người trẻ tàn tật và bị bệnh khờ cũng đã trình tấu chào mừng ĐTC.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khích lệ mọi người dấn thân xây dựng một xã hội bao gồm sự hiện diện và tham gia của mọi thành phần xã hội, chiến thắng ích kỷ và nền văn hóa gạt bỏ. Xã hội hãy học nơi gia đình để không ai bị loại bỏ ra ngoài. Trong gia đình con người nhận được các giá trị nền tảng của tình yêu thương, tình huynh đệ và sự tôn trọng lẫn nhau, được diễn tả ra bằng các giá trị xã hội nòng cốt là sự nhưng không, tình liên đới và sự phụ đới.

Trong tương quan xã hội, hay trong lãnh vực chính trị, nhiều khi người ta dựa trên sự đối đầu, trên việc gạt bỏ. Nhưng xã hội phải là một gia đình, gồm cha mẹ, con cái, anh chị em, trong đó khi gặp khó khăn, người ta tương trợ nhau, trong đó nỗi đau đớn của một người là nỗi đau của tất cả. Trong gia đình tất cả mọi người đều góp phần vào chương trình chung, tất cả đều làm việc cho lọi ích chung, nhưng không hủy bỏ cá nhân. Trái lại, họ nâng đỡ và thăng tiến cá nhân. Và ĐTC cầu mong người ta có thể nhìn đối thủ chính trị, và người hàng xóm với đôi mắt mà chúng ta nhìn người thân của mình trong gia đình.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC đưa ra câu hỏi: Chúng ta có yêu thương quê hương đất nước, cộng đoàn mà chúng ta đang tìm xây dựng không? Nếu yêu thương thật, thì phải yêu thương bằng việc làm nhiều hơn là bằng lời nói. Trong lãnh vực xã hội sự nhưng không không phải là một bổ túc, nhưng là một đòi buộc cần thiết của công lý. Cái mà chúng ta là và có đã được ban cho chúng ta để phục vụ tha nhân. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho nó sinh hoa trái trong các công việc lành.

Các tài nguyên được chỉ định cho tất cả mọi người, vì thế khi một người chiếm làm của riêng, là việc hợp pháp, thì một quyền sai áp luôn luôn đè nặng trên chúng. Hướng tới các anh chị em thổ dân đến từ vùng Amazzonia ĐTC nêu bật rằng việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên dư đật tại Ecuador không được tìm lợi nhuận tức khắc. Là người giữ gìn sự phong phú mà chúng ta đã lãnh nhận phải khiến cho chúng ta dấn thân với toàn hội và với các thế hệ tương lai. Có những nơi cần phải được săn sóc đặc biệt vì tầm quan trọng khổng lồ của chúng đối với hệ thống sinh thái thế giới. Liên quan tới tình liên đới ĐTC khẳng định như sau:

Từ tình liên đới sống trong gia đình nảy sinh tình liên đới trong xã hội. Nó không hệ tại việc cho những người cần được giúp đỡ, nhưng là có trách nhiệm đối với nhau. Nếu chúng ta trông thấy nơi tha nhân một người anh em, thì không ai có thể bị loại bỏ, bị tách rời.

Các điều khoản và luật lệ cũng như các dự án của cộng đoàn dân sự phải tìm kiếm sự bao gồm, để tạo thuận tiện cho các không gian đối thoại, gặp gỡ, và như thế để lui vào ký ức đau đớn bất cứ loại đàn áp, kiểm soát vô giới hạn và lấy mất đi sự tự do nào. Hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn đòi hỏi cống hiến các khả thể thực thụ cho các công dân, nhất là cho giới trẻ, bằng cách tạo ra công ăn việc làm. Tới đây ĐTC đã ứng khẩu và mạnh mẽ tố cáo nền văn hóa gạt bỏ gây thương tích cho người trẻ và người già với các hậu quả kinh khủng dẫn đưa tới các vụ tự tử. Tình trạng này thuận lợi cho các kẻ phục vụ sự ích kỷ, thần tiền bạc ở trung tâm của một hệ thống đè bẹp tất cả chúng ta.

Sau cùng ĐTC đã đề cập tới sự phụ đới và nói : Khi nhận biết những gì là hay đẹp nơi người khác, cả với các hạn hẹp của họ, chúng ta thấy sự phong phú định tính sự khác biệt và giá trị của việc bổ túc. Các con người, các nhóm có quyền thành toàn lộ trình của mình, cả khi điều này có đưa tới các sai lầm đi nữa. Đối thoại là điều cần thiết để đạt sự thật, không thể bị áp đặt, nhưng được tìm kiếm với lòng chân thành và óc phê bình. Trong việc tôn trọng sự tự do, xã hội dân sự được mời gọi thăng tiến mọi người và mọi tác nhân xã hội để họ nhận lãnh vai trò của họ và góp phần chuyên môn vào công ích. Trong một nền dân chủ được tham gia mọi lực lượng xã hội phải là tác nhân. Cả Giáo Hội cũng muốn cộng tác vào việc tìm kiếm công ích, với các hoạt động xã hội, giáo dục của mình bằng cách thăng tiến các gia trị luân lý đạo đức và tinh thần, vì Giáo Hội là dấu chỉ ngôn sứ đem lại ánh sáng và niềm hy vọng cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người cần được trợ giúp nhất. Và ĐTC kết luận : Có nhiều người hỏi tại sao tôi hay nói tới các người cần được trợ giúp, những người bị gạt bỏ, bị loại ra bên lề xã hội nhiều như thế. Một cách đơn sơ bởi vì thực tại này và câu trả lời cho thực tại này là trọng tâm của Tin Mừng.

Sau khi từ giã các đại diện thế giới dân sự, ĐTC đã đi xe đến thăm nhà thờ của dòng Tên cách đó một cây số. Nhóm tu sĩ dòng Tên đầu tiên đến Quito năm 1586. Năm 1602 cha Nicolas Duran Mastrilli, giám đốc tiên khởi của Trường dòng Tên đến Quito mang theo sơ đồ nhà thờ. Nhà thờ này được xây bởi kiến trúc sư Domenico Zampilli cũng là kiến trúc sư đã xây nhà thờ Chúa Giêsu của dòng Tên ở Roma. Tiếp đến có hai kiến trúc sư khác tới tiếp tục việc xây cất, và nhà thờ đã hoàn thành năm 1765. Tháp chuông bị sập trong trận động đất năm 1859, đuợc xây lại nhưng lại bị sập trong trận động đất năm 1868 và không bao giờ được tái thiết. Nhà thờ bị hư hại trong trận động đất năm 1987 và việc trùng tu hoàn tất năm 2005.

Trong nhà thờ này có tượng Đức Mẹ Sầu Bi với trái tim bị 7 lưỡi gươm đâm thâu. Vào năm 1906 Ecuador tuyên bố tính cách đời của nhà nước, cấm các biến cố tôn giáo và tịch thu các tài sản của Giáo Hội. Ngày 20 tháng 4 cùng năm xảy ra phép lạ Đức Mẹ Sầu Bi. 35 sinh viên dòng Tên đã trông thấy mắt Đức Mẹ chuyển động trong nhà cơm trường San Gabriel. Phép lạ được thừa nhận ngày 31 tháng 5 năm 1907. Và kể từ đó trường San Gabriel trở thành trung tâm thánh mẫu. Hằng năm tượng Đức Mẹ được rước trong toàn nước.

Sau khi viếng thăm nhà thờ ĐTC đã về Toà Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa tối và nghỉ đêm kết thúc ngày thứ 3 viếng thăm Ecuador.

Ngày thứ tư mùng 8 tháng 7 ĐTC đã chỉ có hai sinh hoạt : thăm viện dưỡng lão do các nữ tu Thừa Sai Bác Ái trông coi, và gặp gỡ hàng giáo sĩ tu sĩ chủng sinh tại đền thánh Đức Bà El Quinche. Trung tâm Đức Bà El Quinche đưọc xây năm 1928 và được tuyên bố là trung tâm thánh mẫu quốc gia năm 1985. Tượng Đức Bà el Quinche bằng gỗ trắc bá cao 60 cm, do ông Don Diego de Robles thuộc trường phái Quito tạc năm 1586, theo lời xin của các thổ dân Lumbici. Vì các thổ dân không có tiền trả công, nên nhà điêu khắc nhường tượng lại cho các thổ dân Oyacachi muốn có bức tượng này vì giống hình Đức Mẹ đã nhiều lần hiện ra với họ.

Sau khi dâng thánh lễ riêng lúc 7 giờ rưỡi và điểm tâm, ĐTC đã từ giã Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đi xe đến nhà dưỡng lão tại Tumbaco là một vùng phụ cận cách xa Quito 21 cây số.

Ngài đã được nữ tu bề trên và 10 nữ tu tiếp đón. ĐTC đã gặp các cụ già trong sân nhà dưỡng lão, bắt tay và hỏi chuyện từng người.

Sau khi từ biệt các cụ lúc 10 giờ ĐTC đi xe đến đền thánh Đức Bà El Quinche cách đó 27 cây số. Đã có hàng chục ngàn người quy tụ về đây để chào đón ngài. Khi xe vào thành phố tín hữu đứng hai bên đường đã tung hoa chào mừng ĐTC trong một bầu khí lễ hội tươi vui. Mui chiếc xe papamobil đầy cánh hoa hồng. ĐTC đã được linh mục quản đốc đền thánh tiếp đón tại thềm đền thờ và đưa vào trong để ĐTC dâng hoa kính Đức Mẹ. Ngài đã đứng cầu nguyện một lát trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Tiếp đến ĐTC đã vào nhà dòng và viết vào sổ lưu niệm lời cầu sau đây : « Lạy Me là Đức Trinh Nữ đền thánh Quinche, xin chăm sóc nhân dân Ecuador. Họ là con cái Mẹ, Mẹ ơi » Ký tên Phanxicô Giáo Hoàng.

Tiếp đến ĐTC đã ra khán đài bên ngoài đền thánh để gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh. Sau lời chào mừng của ĐC Celmo Lazzari, đặc trách những người sống đời thánh hiến của HĐGM Ecuador, đã có phần chứng từ của cha Silvino Mina, thuộc Toà Giám quản tông toà Esmeraldes và nữ tu Marisol Sandoval dòng Agostino.

ĐTC đã không đọc diễn văn dọn sẵn nhưng ứng khẩu. Ngài cám ơn các linh mục tu sĩ và chủng sinh đã quảng đại đáp lại lời kêu mời của Chúa dấn thân trong các hoạt động khác nhau lo cho dân Chúa. Ngài khích lệ mọi người sống thân tình với Chúa, biết săn sóc sức khoẻ thể lý, nhưng nhất là săn sóc sức khỏe tinh thần và đời sống thiêng liêng, không bị bệnh lão hóa tinh thần, luôn biết tin yêu phó thác, cậy dựa vào ơn thánh Chúa, ý thức mình là người phục vụ, và tận dụng các tài khéo Chúa ban cho công tác rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa lòng trần gian, tránh bệnh lão hóa tinh thần và khuynh hướng tìm chức tước. Vì không phải là người làm thuê ăn lương, nên công tác mục vụ phải nhưng không. Đừng để người ta trả tiền cho ơn thánh.

Trong diễn văn dọn sẵn ĐTC phó thác cho trái tim Mẹ Sầu Bi người già, người bệnh và mọi cuộc gặp gỡ trong chuyến công du của ngài. Ngài cũng để tất cả mọi thành phần dân Chúa trong con tim của những người sống đời thánh hiến. Dựa trên trình thuật Đức Mẹ dang mình vào đền thánh, ĐTC rút tỉa ra vài suy tư và áp dụng vào đời sống thánh hiến. Trước hết ơn gọi thánh hiến là một ơn nhưng không Thiên Chúa ban. Ngài tuyển chọn và sai chúng ta đi. Sự kiện này giải thoát chúng ta khỏi nguy hiểm lấy mình làm điểm tham chiếu, vì chúng ta không thuộc về mình nữa, và ơn gọi xin chúng ta từ bỏ mọi ích kỷ, tìm lợi lộc vật chất hay bù trừ tình cảm. Chúng ta là những người phục vụ, chứ không phải là lính đánh thuê, không phải đến để đuợc hầu hạ nhưng để phục vụ, hoàn toàn không dính bén, không gậy, không bị, không chạy theo vinh quang giả tạo và tinh thần thế tục, xa lánh các tham vọng, các lợi lộc thấp hèn ích kỷ, các chú ý tới mình một cách thái quá.

Cũng như quyền bính của các Tông Đồ các ơn chúng ta nhận được là để canh tân và xây dựng Giáo Hội. Không khước từ chia sẻ, cho đi và khép kín trong tiện nghi dễ dãi, biết là suối mát bổ dưỡng, đặc biệt cho những người bị tội lỗi, thất vọng và thù hận đè bẹp.

Điểm thứ hai là sự kiên trì. Cũng như Mẹ Maria đã không quay lại đàng sau, nhưng cương quyết tiến vào đền thánh, người sống đời thánh hiến cũng phải kiên trì trong sứ mệnh, không lang thang tìm nơi dễ dãi tiện nghi hơn, kiên trì cả khi có gặp đêm đen và lạc lối hay nguy hiểm, vì biết rằng dân thánh Chúa đồng hành với chúng ta, những người thân thương và Giáo Hội đồng hành và đỡ nâng chúng ta. Cần tiến buớc trong hiệp nhất, tương trợ lẫn nhau và sống tươi vui vì được sống trong nhà Chúa, tham dự cuộc sống thân tình với Chúa, dấn thân loan báo Tin Mừng và đem ơn cứu độ đến cho mọi ngưòi. Ý thức được trách nhiệm của mình đối với các dân tộc Mỹ châu la tinh, vun trồng, linh họat và giáo dục lòng đạo đức bình dân, để tín hữu biết biểu lộ đức tin với ngôn ngữ và kiểu cách riêng của họ, thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ để Giáo Hội là căn nhà chung cho mọi người, một Giáo Hội ra đi, một Giáo Hội tới gần và thích ứng để không xa cách con người, một Giáo Hội ra khỏi tiện nghi dễ dãi của mình và có can đảm tới với mọi vùng ngoại biên cần đến ánh sáng Tin Mừng.

ĐTC đã ban phép lành và từ giã mọi người để ra phi trường lấy máy bay sang thủ đô La Paz của Bolivia, bắt đầu chặng thứ hai trong chuyến viếng thăm ba nước Eucador, Bolivia và Paraguay.

Lễ nghi tiễn biệt đã diễn ra tại phi trường rất long trọng. Tổng thống và phu nhân đứng hai bên ĐTC trên bục trải thảm đỏ. Ban nhạc và ban vũ thiếu nhi đã cử hành quốc thiều Vaticang và quốc thiều Ecuador. ĐTC đã bắt tay từ biệt các Giám Mục và nhiều bộ trưởng chính phủ. Khi tiến tới chân máy bay ĐTC đã dừng lại bắt tay và ôm hôn các trẻ em cầm cờ toà thánh đứng hai bên. Các em ùa đến vây quanh ngài và vô cùng sung sướng. Trước khi lên máy bay ĐTC đã ôm hôn tổng thống và bắt tay phu nhân rồi cầm lấy chiếc cặp da của ngài. Ngài đã quay lại lần cuối chào từ biệt mọi người trước khi bước vào trong máy bay.

Chiếc boeing 737 của hãng hàng không Bolivia đã cất cánh lúc sau 12 giờ trưa và đến La Paz sau 3 giờ 15 phút bay. Chúng tôi sẽ tường thuật lễ nghi tiếp đón ĐTC tại La Paz và thánh lễ ĐTC chủ sự sáng thứ năm 9-7 để khai mạc Đại Hội Thánh Thể Bolivia tại quảng trường Chúa Kitô Cúu Thế tại Santa Cruz trong các buổi phát ngày mai.
 
Diễn Văn của Đức Phanxicô ở lễ nghinh đón tại La Paz, Bolivia
Vũ Van An
16:20 09/07/2015

"Chúng ta không thể tin Thiên Chúa Cha nếu không nhìn mọi người như anh chị em, và chúng ta không thể theo Chúa Giêsu nếu không hiến đời ta cho những người mà chính vì họ, Người đã chết trên thánh giá”.

Đó là lời Đức Phanxicô nói trong buổi lễ nghinh đón ngài tại La Paz, Bolivia, ngày 8 tháng 7. Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của ngài:

Kính thưa Tổng Thống,
Kínhh thưa các nhà cầm quyền cao quí,
Kính thưa các hiền huynh giám mục,
Anh chị em thân mến,

Ở đầu chuyến viếng thăm mục vụ của tôi, tôi cầu xin hòa bình và thịnh vượng xuống trên mọi người dân của đất nước này. Tôi cám ơn Tổng Thống của Quốc Gia Đa Sắc Tộc Bolivia vì sự tiếp đón nồng hậu và lời lẽ chào mừng tốt đẹp của ngài. Tôi cũng cám ơn các bộ trưởng chính phủ và các nhà chức trách quốc gia, quân lực và cảnh sát quốc gia, vì sự hiện diện của quí vị. Tôi xin chào kính các hiền huynh giám mục, các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các tín hữu giáo dân, và toàn bộ Giáo Hội lữ hành của Bolivia, trong một tinh thần hiệp thông trong Chúa. Tôi đặc biệt nghĩ tới các con trai con gái của lãnh thổ này vì nhiều lý do khác nhau đã phải đi tìm “mảnh đất khác” để cư ngụ; một nơi khác ở chỗ đó trái đất này cho phép họ trở thành hữu dụng và tìm được các khả thể ở trong đời.

Tôi rất hài lòng được có mặt ở đây, trên xứ sở đẹp đẽ có một không hai này, được Thiên Chúa chúc phúc suốt các vùng khác nhau: cao nguyên và thung lũng, miền Amazon, các sa mạc và những mặt hồ không gì sánh kịp. Lời mở đầu Hiến Pháp của quí vị đã dành một mô tả thơ mộng cho vẻ đẹp tự nhiên này: “Thời xa xưa, núi mọc lên, sông đổi dòng và hồ thành hình. Vùng Amazon của ta, đầm lầy và các cao nguyên của ta, và các đồng bằng cùng thung lũng được trải đầy cây cỏ và hoa lá”. Nó làm tôi hiểu một lần nữa rằng “thay vì là một vấn đề phải giải quyết, thế giới là một mầu nhiệm vui tươi để chiêm ngắm với niềm hân hoan và tạ ơn” (Laudato Si’, 12). Nhưng trên hết, Bolivia là lãnh thổ được chúc phúc nơi người dân của nó. Đây là tổ ấm của rất nhiều nền văn hóa và sắc dân khác nhau, vừa là nguồn vĩ đại để phong phú hóa vừa là lời mời gọi không ngừng phải tôn trọng và đối thoại hỗ tương. Ở đây, có những dân tộc thổ dân cổ xưa và những dân tộc bản địa gần đây hơn. Ngôn ngữ Tây Ban Nha được đem đến lãnh thổ này hiện đang vui vẻ cùng sống với 36 ngôn ngữ bản địa, những ngôn ngữ đến với nhau để tạo nên vẻ đẹp và sự hợp nhất trong đa dạng, giống như mầu đỏ và mầu vàng trong các loại hoa quốc gia Kantura và Patujú. Việc công bố Tin Mừng đã bén rễ sâu vào lãnh thổ và người dân ở đây, và qua năm tháng, nó tiếp tục rõi sáng lên xã hội, góp phần vào việc phát triển quốc gia và lên khuôn nền văn hóa của nó.

Trong tư cách một người khách và một người hành hương, tôi đến để củng cố đức tin của những người tin Chúa Kitô Phục Sinh, để, trong cuộc hành hương trên cõi đời này, các tín hữu chúng tôi có thể trở thành chứng nhân cho tình yêu của Người, thành men cho một thế giới tốt đẹp hơn và thành những người hợp tác trong việc xây dựng một xã hội công bình và huynh đệ hơn.

Bolivia đang thực hiện được những bước quan trọng hướng tới việc bao gồm nhiều giới khác nhau vào đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước. Hiến pháp của quí vị nhìn nhận quyền của các cá nhân, các nhóm thiểu số và môi trường tự nhiên, và chu cấp cho các định chế để họ cổ vũ chúng. Muốn đạt được các mục tiêu này, cần phải có một tinh thần hợp tác và đối thoại công dân, cũng như sự tham dự của các cá nhân và các nhóm xã hội vào những vấn đề được mọi người lưu tâm. Việc thăng tiến toàn bộ một quốc gia đòi các cá nhân phải biết đánh giá các giá trị cao hơn và việc họ phải càng ngày càng xích lại gần nhau hơn trong các lý tưởng chung mà mọi người có thể làm việc với nhau, không ai bị loại trừ hay bỏ quên. Một tăng trưởng chỉ có tính vật chất sẽ luôn có nguy cơ tạo ra các chia rẽ mới, sự giầu có của một số người được xây dựng trên cảnh nghèo của người khác. Do đó, ngoài sự trong sáng định chế, sự hợp nhất xã hội đòi phải có các cố gắng để cổ vũ nền giáo dục công dân.

Trong những ngày sắp tới, tôi muốn khuyến khích ơn gọi của các môn đệ Chúa Kitô biết chia sẻ niềm vui Tin Mừng, trở thành muối đất và ánh sáng thế gian. Tiếng nói của các giám mục, một tiếng nói cần phải có tính tiên tri, ngỏ với xã hội nhân danh Giáo Hội, Mẹ chúng ta, theo [giáo huấn] ưu tiên chọn người nghèo của Tin Mừng. Tình bác ái anh em, vốn là biểu thức sống động của giới răn mới của Chúa Giêsu, đã được phát biểu trong các chương trình, công trình và định chế nhằm làm việc cho việc phát triển toàn bộ con người, cũng như để chăm sóc và bảo vệ những ai yếu thế nhất. Chúng ta không thể tin Thiên Chúa Cha nếu không nhìn mọi người như anh chị em, và chúng ta không thể theo Chúa Giêsu nếu không hiến đời ta cho những người mà chính vì họ, Người đã chết trên thánh giá.

Trong một thời đại khi các giá trị nền tảng thường bị quên lãng hay bóp méo, gia đình đáng được các người có trách nhiệm đối với ích chung chú ý đặc biệt, vì gia đình là tế bào căn bản của xã hội. Các gia đình phát huy các mối dây hợp nhất bền vững trên đó việc sống chung nhân bản được đặt cơ sở, và, qua việc cưu mang và giáo dục con cái, họ bảo đảm việc đổi mới xã hội.

Giáo Hội cũng cảm thấy một quan tâm đặc biệt đối với giới trẻ, những người, nhờ cam kết đối với đức tin và trân trọng các lý tưởng cao vời, là hứa hẹn của tương lai, “những lính canh công bố ánh sáng của hừng đông và mùa xuân mới của Tin Mừng” (Đức Gioan Phaolô II, Sứ Điệp cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới Lần Thứ 18, 6). Chăm sóc trẻ em và giúp giới trẻ sống theo các lý tưởng cao quí là một bảo đảm cho tương lai của xã hội. Một xã hội sẽ khám phá được sức mạnh đổi mới khi biết đánh giá, tôn trọng, và chăm sóc người cao niên của mình, khi biết quyết định phát huy “nền văn hóa hoài niệm” có khả năng biết chắc điều này: người cao niên không những biết thưởng thức phẩm chất sự sống trong các năm tháng cuối đời của họ mà còn là sự âu yếm nữa, như hiến pháp của quí vị đã viết rất hay.

Kính thưa Tổng Thống, anh chị em thân mến, tôi cám ơn qúi vị về sự hiện diện của qúi vị. Trong mấy ngày này, chúng ta có thể mong chờ những thời khắc gặp gỡ, đối thoại và cử hành đức tin. Tôi rất hài lòng được có mặt ở đây, tại một đất nước tự xưng mình là duy hòa bình, một đất nước biết phát huy nền văn hóa hòa bình và quyền hòa bình.

Tôi xin phó thác chuyến viếng thăm này cho Nữ Trinh Diễm Phúc Copacabana, Nữ Vương Bolivia, và tôi cầu xin ngài che chở mọi con cái của ngài. Xin cám ơn qúi vị. Xin Chúa chúc lành cho quí vị! Jallalla (vạn tuế?) Bolivia.
 
Diễn từ của Đức Phanxicô với đại diện các tổ chức dân sự Ecuador
VietCatholic Network
16:54 09/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 8:27 giờ sáng thứ Ba 7 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu ngày thứ ba cuộc viếng thăm Mỹ Châu La Tinh của ngài bằng cách gặp gỡ các Giám Mục nước này tại Thủ Đô Quito trước khi cử hành Thánh Lễ tại Bicentennial Park, trước đây vốn là phi trường cũ của Thành Phố.

Trong bài giảng nhân “Thánh Lễ Cầu Cho Việc Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc”, Đức Thánh Cha đã nói về chủ đề hợp nhất và độc lập, ngài muốn kết hợp hai chủ đề này với nhau “dưới thách thức phúc âm hóa tươi đẹp”. Ngài nói thêm: “chúng ta phúc âm hóa không bằng những lời nói lớn lao hay các quan niệm phức tạp, nhưng bằng ‘niềm vui Tin Mừng’”.

Buổi tối ngày 7 tháng 7 tại Nhà Thờ San Francisco ở thủ đô Quito, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ đại diện các tổ chức công dân, các nhà doanh nghiệp, các cộng đồng bản địa và các nhóm giáo dân Công Giáo. Đức Thánh Cha đã đọc một diễn từ được nhiều người chú ý vì liên quan trực tiếp đến nhiều khía cạnh trong đời sống chính trị và xã hội tại Ecuador.

Mở đầu bài nói chuyện, Đức Phanxicô nói:

Các bạn thân mến

Tôi rất vui được hiện diện với các bạn, những người nam nữ đại diện và thăng tiến đời sống xã hội, chính trị và kinh tế của đất nước này.

Khi tôi bước vào nhà thờ này, Thị Trưởng Quito đã trao cho tôi các chìa khóa của thành phố. Việc ông biểu lộ sự gần gũi thân tình, mở các cánh cửa của các bạn cho tôi, giúp tôi, đến lượt mình, nói tới một số chìa khóa khác: các chìa khóa dẫn vào đời sống của chúng ta trong xã hội, bắt đầu với đời sống gia đình.

Đức Thánh Cha ngay sau đó đã đề cập đến não trạng chính trị phe phái tại Ecuador. Cũng như nhiều quốc gia Nam Mỹ khác, chính trị tại Ecuador là thứ chính trị phe phái, bất hợp tác. Các đảng phái lãng phí tài nguyên quốc gia trong việc lôi kéo quần chúng về phía mình, đôi khi đề ra những chính sách phi thực tế chỉ với mục đích thu phục nhân tâm trong ngắn hạn, đôi khi lại xúi giục các cuộc biểu tình triền miên ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia, đôi khi làm tay sai cho ngoại bang hay cho các thế lực tư bản để có kinh phí. Đức Thánh Cha khuyên các thành phần trong xã hội phải đối xử với nhau như người thân trong gia đình. Ngài nói Xã hội chúng ta được hưởng nhờ khi mỗi người và mỗi nhóm xã hội cảm nhận mình đang thực sự ở trong nhà. Trong gia đình, cha mẹ, ông bà và con cái luôn cảm thấy mình ở trong nhà; không ai bị loại trừ. Nếu ai đó có vấn đề, dù là nghiêm trọng, ngay cả nếu họ là nguyên nhân, thì cả gia đình sẽ tới giúp đỡ họ; cả gia đình nâng đỡ họ. Các vấn đề của họ cũng là các vấn đề của gia đình. Chả lẽ không nên như thế trong xã hội hay sao? Dù các liên hệ của ta trong xã hội và đời sống chính trị thường dựa trên đối chất và mưu toan loại bỏ các địch thủ của ta. Chủ trương của tôi, các ý tưởng của tôi và các kế hoạch của tôi chỉ có thế tấn tới nếu tôi thắng vượt được người khác và áp đặt được ý muốn của mình. Gia đình có nên như thế không? Trong các gia đình, mọi người đều góp phần vào mục đích chung, mọi người đều làm việc cho ích chung, không bác bỏ quyền lợi cá nhân của mỗi người nhưng khuyến khích và hỗ trợ nó. Các vui buồn của mỗi người đều được mọi người cảm nhận. Là gia đình có nghĩa như thế đấy! Nếu ta có thể nhìn các địch thủ hay láng giềng chính trị của ta cùng một cách như ta nhìn con cái hay người phối ngẫu, người mẹ hay người cha, thì hay biết bao! Ta có yêu xã hội của ta không? Ta có yêu đất nước ta không, cái cộng đồng mà ta đang cố gắng xây dựng? Ta có yêu nó cách trừu tượng, trong lý thuyết không? Ta hãy yêu nó bằng hành động hơn là bằng lời nói! Trong mọi người, trong các hoàn cảnh cụ thể, trong đời sống chung của ta, tình yêu luôn dẫn ta tới thông đạt, không bao giờ dẫn tới cô lập cả.

Đức Thánh Cha cũng tái khẳng định gia đình là trường dạy ta các đức tính quy giá cho đời sống xã hội.

“Tôi thừơng nói tới sự quan trọng của gia đình như là tế bào đệ nhất đẳng của xã hội. Trong gia đình, ta tìm được các giá trị nền tảng của tình yêu, của tình huynh đệ và lòng kính trọng lẫn nhau, mà ta có thể diễn dịch thành các giá trị chủ yếu cho xã hội như lòng biết ơn, tình liên đới và tính phụ đới. Tình yêu của cha mẹ giúp con cái thắng vượt được tính ích kỷ của chúng, học cách sống với người khác, biết nhượng bộ và kiên nhẫn. Trong cuộc sống rộng lớn hơn của xã hội, ta sẽ tiến tới chỗ thấy rằng “tính nhưng không” (“gratuitousness”) không phải là một cái gì phụ trội, ở bên ngoài, mà đúng hơn là một điều kiện cần thiết của công lý.

Bên cạnh những vấn nạn trong đời sống chính trị, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những vấn đề về môi sinh. Ngài nói

Không được quan tâm tới các lợi ích ngắn hạn khi khai thác các tài nguyên thiên nhiên, là thứ rất phong phú tại Ecuador. Là những người quản lý các tài nguyên này, những tài nguyên mà ta nhận được, ta có nghĩa vụ đối với xã hội như một toàn thể và đối với các thế hệ tương lai. Ta không thể để lại di sản này cho họ nếu không chăm sóc thích đáng cho môi sinh, nếu không ý thức được tính nhưng không phát sinh từ việc chiêm ngưỡng thế giới tạo dựng. Sống giữa chúng ta hiện nay là một số anh chị em của chúng ta đại biểu cho các sắc dân bản địa của Amazon Xích Đạo. Vùng này là một trong “những khu vực phong phú nhất cả về con số các chủng loại lẫn các chủng loại đặc hữu, hiếm hoi hoặc ít được bảo vệ… nó đòi được bảo vệ nhiều hơn vì tầm quan trọng lớn lao của nó đối với hệ sinh thái hoàn cầu…

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói:

Về phần mình, Giáo Hội mong ước được hợp tác trong việc theo đuổi ích chung, qua các công trình xã hội và giáo dục của mình, cổ vũ các giá trị đạo đức và tâm linh, và phục vụ trong tư cách dấu chỉ tiên tri đem lại một tia ánh sáng và hy vọng cho mọi người, nhất là những người túng thiếu nhất. Xin cám ơn các bạn đã có mặt ở đây, đã lắng nghe tôi. Tôi xin các bạn vui lòng đem những lời khuyến khích của tôi tới các cộng đồng và các nhóm khác nhau mà các bạn làm đại diện. Xin Chúa ban ơn để xã hội dân sự mà các bạn đại diện sẽ luôn là một khung cảnh thích hợp để trải nghiệm và thực hành các giá trị mà tôi vừa nói.
 
Bài giảng đầu tiên của Đức Thánh Cha tại Bolivia
VietCatholic Network
16:57 09/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng Thứ Năm, 9 tháng 7, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại Quảng trường Chúa Kitô Cứu Thế. Trong bài giảng trưóc một cộng đoàn đông đảo hàng triệu người tại đây, Đức Thánh Cha nói:

“Đứng trước bao nhiêu tình trạng đói khổ trên thế giới, có thể chúng ta nói: không thể nào đương đầu với những tình trạng như vậy, và thế là tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm tâm hồn chúng ta.

“Đường hướng người ta chủ trương áp đặt trong thế giới ngày nay thật dễ chiếm chỗ trong một con tim tuyệt vọng. Đường hướng đó tìm cách biến đổi mọi sự thành đối tượng trao đổi, tiêu thụ, tất cả đều có thể thương lượng được. Đường hướng ấy chủ trương chỉ dành chỗ cho một thiểu số, và gạt bỏ tất cả những người “không sản xuất”, không được coi là thích hợp và xứng đáng, vì họ có vẻ là không có lợi gì. Một lần nữa Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Không cần phải bảo họ ra đi, chính các con hãy cho họ ăn!”

“Đó là một lời mời gọi ngày nay vẫn còn vang vọng mạnh mẽ đối với chúng ta: “Không cần một ai phải ra đi; hãy chấm dứt tình trạng bị gạt bỏ, chính các con hãy cho họ ăn”. Chúa Giêsu tiếp tục nói với chúng ta điều ấy tại quảng trường này. Đúng vậy! Hãy chấm dứt tình trạng gạt bỏ người, chính các con hãy cho họ ăn. Quan niệm của Chúa Giêsu không chấp nhận sự gạt bỏ những người yếu nhất, những người đang túng thiếu hơn cả. Khi chấp nhận sự thách đố ấy, thì chính Chúa nêu gương và chỉ đường cho chúng ta. Chỉ dẫn của Chúa được tóm gọm trong 3 câu: Ngài cầm lấy một chút bánh và vài con cá, chúc tụng, phân chia và giao cho các môn đệ phân phát cho người khác. Đó chính là con đường phép lạ. Chắc chắn đây không phải là ma thuật hay là tôn thờ thần tượng. Qua 3 hành động ấy, Chúa Giêsu biến đổi được chủ trương gạt bỏ thành một đường hướng hiệp thông, cộng đồng. Tôi muốn nhấn mạnh vắt tắt 3 hành động ấy.

- Người cầm lấy. Điểm khởi hành là: Chúa rất nghiêm túc coi trọng sinh mạng những người của Ngài. Ngài nhìn tận mắt và qua đó ngài hiểu cuộc sống, tâm tình của họ. Ngài thấy trong cái nhìn ấy điều đang đập và điều ngưng đập trong ký ức và con tim của dân Ngài. Ngài cứu xét và đề cao giá trị của điều ấy. Ngài đề cao giá trị của tất cả những gì tốt mà họ có thể cống hiến, tất cả những gì tốt đẹp trên đó có thể xây dựng được. Nhưng Chúa không nói về những đồ vật hoặc tài nguyên văn hóa hay ý tưởng, nhưng là những con người. Sự phong phú đích thực của một xã hội được đo lường trong cuộc sống của dân chúng, được đo lường nơi những người già có khả năng thông truyền sự khôn ngoan và ký ức của dân tộc cho những người bé nhỏ nhất. Chúa Giêsu không lơ là, không coi nhẹ phẩm giá của một ai, không viện cớ là họ không có gì để cho hoặc để chia sẻ.

- Hành động thứ hai là chúc tụng. Chúa cầm lấy và chúc tụng Cha ở trên trời. Ngài biết rằng những món quà đó là một hồng ân của Thiên Chúa, vì thế Ngài không đối xử với những vật ấy như bất kỳ vật nào, vì tất cả sự sống ấy là thành qủa của tình yêu thương xót. Chúa nhìn nhận điều ấy. Ngài đi xa hơn cái vẻ bề ngoài và trong cử chỉ chúc tụng, ngợi khen, Ngài xin Chúa Cha ban hồng ân Thánh Linh. Chúc phúc hay làm phép bao gồm 2 cái nhìn ấy, một đàng là cảm tạ và đàng khác là có thể biến đổi. Có nghĩa là nhìn nhận rằng sự sống luôn luôn là một hồng ân, một món quà khi đặt trong tay Chúa thì đạt được một sức mạnh tăng thêm nhiều. Chúa Cha của chúng ta không tước bỏ điều gì, Ngài làm tăng thêm nhiều.

- Sau cùng là trao ban. Trong Chúa Giêsu không có sự cầm lấy mà đồng thời không có một sự chúc lành, và không có một sự chúc lành mà không có trao ban. Chúc lành luôn luôn là một sứ mạng, có một mục tiêu, chia sẻ, cùng phân chia điều mình đã nhận lãnh, vì chỉ qua sự trao ban, chia sẻ, chúng ta mới tìm được nguồn mạch vui mừng, chúng ta mới cảm nghiệm được ơn cứu độ.

Từ những giải thích trên đây, Đức Thánh Cha đề cập đến Đại hội Thánh Thể toàn quốc kỳ 5 của Giáo Hội tại Bolivia, được khai mạc hôm nay nhưng sẽ tiến hành tại Tarija. Ngài nói:

“Đó là Bí tích hiệp thông, làm cho chúng ta thoát khỏi cá nhân chủ nghĩa để cùng nhau sống ơn gọi theo Chúa, và làm cho chúng ta xác tín rằng điều chúng ta sở hữu và chính con người của chúng ta, nếu được đón nhận, chúc phúc và dâng hiến, thì nhờ quyền năng của Thiên Chúa, do quyền năng tình thương của Chúa, có thể trở thành bánh cho tha nhân.

Giáo Hội là một cộng đoàn tưởng niệm. Vì thế, trung thành với mệnh lệnh của Chúa, được lập lại mỗi lần “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Giáo Hội hiện tại hóa từ đời nay sang đời kia, nơi mọi góc trên trái đất, mầu nhiệm Bánh Sự Sống. Giáo Hội làm cho mầu nhiệm ấy hiện diện và trao tặng chúng ta. Chúa Giêsu muốn chúng ta tham gia vào sự sống của Ngài và qua chúng ta, sự sống ấy hóa ra nhiều trong xã hội chúng ta. Chúng ta không phải là những người cô lập, phân cách, nhưng là một dân tộc có ký ức được hiện tại hóa và luôn được dâng hiến”.

Một cuộc sống tưởng niệm cần những người khác, cần những quan hệ, cần gặp gỡ, cần tình liên đới thực sự, có khả năng đi vào con đường đón nhận, chúc phúc và dâng hiến, theo đường hướng của tình yêu.

Cuối thánh lễ, sau lời cám ơn của Đức Cha Sergio Gualberti Calandrina, TGM sở tại, Đức Thánh Cha đã trao Thánh Giá truyền giáo cho một số thừa sai.?title=0&byline=0&portrait=0' width='640' height='360' frameborder='0' webkitAllowFullScreen mozallowfullscreen allowFullScreen>
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 8:27 giờ sáng thứ Ba 7 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu ngày thứ ba cuộc viếng thăm Mỹ Châu La Tinh của ngài bằng cách gặp gỡ các Giám Mục nước này tại Thủ Đô Quito trước khi cử hành Thánh Lễ tại Bicentennial Park, trước đây vốn là phi trường cũ của Thành Phố.

Trong bài giảng nhân “Thánh Lễ Cầu Cho Việc Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc”, Đức Thánh Cha đã nói về chủ đề hợp nhất và độc lập, ngài muốn kết hợp hai chủ đề này với nhau “dưới thách thức phúc âm hóa tươi đẹp”. Ngài nói thêm: “chúng ta phúc âm hóa không bằng những lời nói lớn lao hay các quan niệm phức tạp, nhưng bằng ‘niềm vui Tin Mừng’”.

Buổi tối ngày 7 tháng 7 tại Nhà Thờ San Francisco ở thủ đô Quito, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ đại diện các tổ chức công dân, các nhà doanh nghiệp, các cộng đồng bản địa và các nhóm giáo dân Công Giáo. Đức Thánh Cha đã đọc một diễn từ được nhiều người chú ý vì liên quan trực tiếp đến nhiều khía cạnh trong đời sống chính trị và xã hội tại Ecuador.

Mở đầu bài nói chuyện, Đức Phanxicô nói:

Các bạn thân mến

Tôi rất vui được hiện diện với các bạn, những người nam nữ đại diện và thăng tiến đời sống xã hội, chính trị và kinh tế của đất nước này.

Khi tôi bước vào nhà thờ này, Thị Trưởng Quito đã trao cho tôi các chìa khóa của thành phố. Việc ông biểu lộ sự gần gũi thân tình, mở các cánh cửa của các bạn cho tôi, giúp tôi, đến lượt mình, nói tới một số chìa khóa khác: các chìa khóa dẫn vào đời sống của chúng ta trong xã hội, bắt đầu với đời sống gia đình.

Đức Thánh Cha ngay sau đó đã đề cập đến não trạng chính trị phe phái tại Ecuador. Cũng như nhiều quốc gia Nam Mỹ khác, chính trị tại Ecuador là thứ chính trị phe phái, bất hợp tác. Các đảng phái lãng phí tài nguyên quốc gia trong việc lôi kéo quần chúng về phía mình, đôi khi đề ra những chính sách phi thực tế chỉ với mục đích thu phục nhân tâm trong ngắn hạn, đôi khi lại xúi giục các cuộc biểu tình triền miên ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia, đôi khi làm tay sai cho ngoại bang hay cho các thế lực tư bản để có kinh phí. Đức Thánh Cha khuyên các thành phần trong xã hội phải đối xử với nhau như người thân trong gia đình. Ngài nói Xã hội chúng ta được hưởng nhờ khi mỗi người và mỗi nhóm xã hội cảm nhận mình đang thực sự ở trong nhà. Trong gia đình, cha mẹ, ông bà và con cái luôn cảm thấy mình ở trong nhà; không ai bị loại trừ. Nếu ai đó có vấn đề, dù là nghiêm trọng, ngay cả nếu họ là nguyên nhân, thì cả gia đình sẽ tới giúp đỡ họ; cả gia đình nâng đỡ họ. Các vấn đề của họ cũng là các vấn đề của gia đình. Chả lẽ không nên như thế trong xã hội hay sao? Dù các liên hệ của ta trong xã hội và đời sống chính trị thường dựa trên đối chất và mưu toan loại bỏ các địch thủ của ta. Chủ trương của tôi, các ý tưởng của tôi và các kế hoạch của tôi chỉ có thế tấn tới nếu tôi thắng vượt được người khác và áp đặt được ý muốn của mình. Gia đình có nên như thế không? Trong các gia đình, mọi người đều góp phần vào mục đích chung, mọi người đều làm việc cho ích chung, không bác bỏ quyền lợi cá nhân của mỗi người nhưng khuyến khích và hỗ trợ nó. Các vui buồn của mỗi người đều được mọi người cảm nhận. Là gia đình có nghĩa như thế đấy! Nếu ta có thể nhìn các địch thủ hay láng giềng chính trị của ta cùng một cách như ta nhìn con cái hay người phối ngẫu, người mẹ hay người cha, thì hay biết bao! Ta có yêu xã hội của ta không? Ta có yêu đất nước ta không, cái cộng đồng mà ta đang cố gắng xây dựng? Ta có yêu nó cách trừu tượng, trong lý thuyết không? Ta hãy yêu nó bằng hành động hơn là bằng lời nói! Trong mọi người, trong các hoàn cảnh cụ thể, trong đời sống chung của ta, tình yêu luôn dẫn ta tới thông đạt, không bao giờ dẫn tới cô lập cả.

Đức Thánh Cha cũng tái khẳng định gia đình là trường dạy ta các đức tính quy giá cho đời sống xã hội.

“Tôi thừơng nói tới sự quan trọng của gia đình như là tế bào đệ nhất đẳng của xã hội. Trong gia đình, ta tìm được các giá trị nền tảng của tình yêu, của tình huynh đệ và lòng kính trọng lẫn nhau, mà ta có thể diễn dịch thành các giá trị chủ yếu cho xã hội như lòng biết ơn, tình liên đới và tính phụ đới. Tình yêu của cha mẹ giúp con cái thắng vượt được tính ích kỷ của chúng, học cách sống với người khác, biết nhượng bộ và kiên nhẫn. Trong cuộc sống rộng lớn hơn của xã hội, ta sẽ tiến tới chỗ thấy rằng “tính nhưng không” (“gratuitousness”) không phải là một cái gì phụ trội, ở bên ngoài, mà đúng hơn là một điều kiện cần thiết của công lý.

Bên cạnh những vấn nạn trong đời sống chính trị, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những vấn đề về môi sinh. Ngài nói

Không được quan tâm tới các lợi ích ngắn hạn khi khai thác các tài nguyên thiên nhiên, là thứ rất phong phú tại Ecuador. Là những người quản lý các tài nguyên này, những tài nguyên mà ta nhận được, ta có nghĩa vụ đối với xã hội như một toàn thể và đối với các thế hệ tương lai. Ta không thể để lại di sản này cho họ nếu không chăm sóc thích đáng cho môi sinh, nếu không ý thức được tính nhưng không phát sinh từ việc chiêm ngưỡng thế giới tạo dựng. Sống giữa chúng ta hiện nay là một số anh chị em của chúng ta đại biểu cho các sắc dân bản địa của Amazon Xích Đạo. Vùng này là một trong “những khu vực phong phú nhất cả về con số các chủng loại lẫn các chủng loại đặc hữu, hiếm hoi hoặc ít được bảo vệ… nó đòi được bảo vệ nhiều hơn vì tầm quan trọng lớn lao của nó đối với hệ sinh thái hoàn cầu…

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói:

Về phần mình, Giáo Hội mong ước được hợp tác trong việc theo đuổi ích chung, qua các công trình xã hội và giáo dục của mình, cổ vũ các giá trị đạo đức và tâm linh, và phục vụ trong tư cách dấu chỉ tiên tri đem lại một tia ánh sáng và hy vọng cho mọi người, nhất là những người túng thiếu nhất. Xin cám ơn các bạn đã có mặt ở đây, đã lắng nghe tôi. Tôi xin các bạn vui lòng đem những lời khuyến khích của tôi tới các cộng đồng và các nhóm khác nhau mà các bạn làm đại diện. Xin Chúa ban ơn để xã hội dân sự mà các bạn đại diện sẽ luôn là một khung cảnh thích hợp để trải nghiệm và thực hành các giá trị mà tôi vừa nói.
 
Tường trình nhanh ngày thứ năm chuyến tông du Mỹ Châu La Tinh của Đức Phanxicô
Vũ Van An
22:09 09/07/2015
Hãng tin A.P. có bản ghi nhanh về ngày thứ năm chuyến viếng thăm Mỹ Châu La Tinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

9:30 giờ sáng: Đức GH Phanxicô đã lên giáo hoàng xa tiến về cuộc gặp gỡ công cộng thứ nhất trong ngày (9 tháng 7) tại Bolivia, tức Thánh Lễ ngoài trời tại Công Viên Chúa Kitô Cứu Chuộc ở Santa Cruz.

Các cận vệ của Đức Giáo Hoàng chạy bộ khá nhanh cạnh giáo hoàng xa của ngài trong lúc Đức Giáo Hoàng vẫy tay chào công chúng.

Con đường của đoàn hộ tống được xếp hàng dài bởi người dân Bolivia tay cầm cờ vẫy hân hoan, bị hàng rào cảnh sát án ngữ.

10:15 giờ sáng: Đức GH Phanxicô bắt đầu cử hành Thánh Lễ ngoài trời tại Thành Phố Santa Cruz của Bolivia.

Hàng trăm ngàn người đã đứng chật ních ở Công Viên Chúa Kitô Cứu Chuộc và các con phố gần đó.

Hàng mấy ngàn người ngủ qua đêm tại Công Viên để có chỗ tốt ở hàng đầu.

Đức Phanxicô tới Bolivia vào xế chiều hôm thứ Tư sau ba ngày ở Ecuador.

11.00 giờ sáng: Cử hành Thánh Lễ đầu tiên ở Bolivia, Đức GH Phanxicô lên tiếng kêu gọi tín hữu từ bỏ chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa mà theo ngài chỉ tạo ra các rào cản giữa mọi người.

Đức Phanxicô ngỏ lời với hàng trăm ngàn người tại Công Viên Chúa Kitô Cứu Chuộc ở Santa Cruz.

Ngài nói rằng chủ nghĩa tiêu thụ bao hàm một luận lý học trong đó, mọi sự đều trở thành một đồ vật để tiêu thụ và thương lượng. Ngài nói rằng chủ nghĩa này loại bỏ con người, nhưng ta cần điều ngược lại nếu muốn hoàn thành đời sống.

Ngài nói: “Một đời đáng nhớ đòi phải có [sự tham dự] của người khác”.

Sau Thánh Lễ, biến cố chính trong ngày của Đức Phanxicô sẽ là bài diễn văn với hội nghị thượng đỉnh các nhóm thường dân mà việc bênh vực người nghèo và người bị hất hủi của họ vốn được vị giáo hoàng đầu tiên của Mỹ Châu La Tinh cổ vũ.

12 giờ trưa: Với một đám đông bao la và một bàn thờ tạm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cần một nơi để thay trang phục trước khi cử hành Thánh Lễ. Nơi gần nhất có được là tiệm Burger King.

Thành thử vị giáo hoàng nổi tiếng không cần đình đám này đã sử dụng tiệm ăn đồ nhẹ trước khi bước lên bàn thờ. Tiệm ăn này đã đóng cửa không buôn bán vì Thánh Lễ, trong đó, Đức Giáo Hoàng sẽ lên án chủ nghĩa tiêu thụ.

1:15 giờ chiều: Chính phủ Á Căn Đình đang thi hành một chiến dịch rộng lớn để cung cấp dịch vụ y tế cho hơn một triệu người Á Căn Đình dự tính tràn qua biên giới vào lân bang Paraguay để tham dự Thánh Lễ do người đồng hương nổi tiếng của họ cử hành là Đức GH Phanxicô.

Bộ Trưởng Y Tế nói rằng họ đang thiết lập các trạm y tế tạm thời tại các địa điểm dọc biên giới với Paraguay, nơi Đức Giáo Hoàng sẽ tới vào hôm thứ Bẩy.

Cố gắng này bao gồm các xe cứu thương phụ trội, các trực thăng và các máy bay trang bị đặc biệt, cũng như các lều bệnh viện quân sự và các nhà vệ sinh lưu động.

Nhiều người Á Căn Đình đã bắt đầu lên đường qua Paraguay vì thứ Năm là ngày lễ nghỉ của cả nước.

Đức Giáo Hoàng bỏ Á Căn Đình trong chuyến tông du lần này, một phần vì Tòa Thánh muốn tránh các nước nơi sắp sửa tổ chức bầu tổng thống.

2:45 giờ chiều: Tòa Thánh đang cố gắng giải thích “tượng chịu nạn Cộng Sản” mà Tổng Thống Bolivia Evo Morales tặng Đức GH Phanxicô; Tòa Thánh nói rằng đây là một biểu tượng của đối thoại chứ không phải là một pha trộn có tính xúc phạm giữa đức tin và ý thức hệ.

Ông Morales tặng Đức Phanxicô tượng chịu nạn được khắc vào một chiếc búa liềm khi hai vị gặp nhau vào hôm thứ Tư lúc Đức Phanxicô mới đặt chân lên Bolivia.

Tòa Thánh không mong chờ món quà quái lạ này và lập tức tỏ ý khó chịu.

Chuyện bất ngờ là tượng chịu nạn này khởi thủy do nhà tranh đấu Dòng Tên là Cha Luis Espinal nghĩ ra; ngài bị ám sát năm 1980 bởi các nhóm bán quân sự đáng hoài nghi trong các tháng dẫn tới cuộc đảo chánh quân sự. Đức Phanxicô cũng là một tu sĩ Dòng Tên và hôm qua, ngài đã dừng giáo hoàng xa để cầu nguyện tại địa điểm nơi thi thể Cha Espinal bị liệng bỏ.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, nói rằng Đức Giáo Hoàng không hề có ý niệm gì về việc Cha Espinal nghĩ ra một tượng chịu nạn như thế.

Cha Lombardi cho hay các linh mục cùng Dòng Tên với Cha Espinal nói rằng cha nghĩ ra tượng chịu nạn này như một biểu tượng của đối thoại và dấn thân cho tự do của Bolivia trong thời sóng gió.

Nhiều nhà thần học của Giáo Hội đã cay đắng lên tiếng tố cáo ảnh hưởng Mácxít đối với thần học giải phóng, nhưng Đức Phanxicô cố gắng phục chỉnh phong trào này bằng cách loại bỏ chủ nghĩa Mác.

4:30 giờ chiều: Theo chương trình, Đức GH Phanxicô sẽ đọc bài diễn văn vào xế chiều trước đại biểu Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Lần Thứ Hai Các Phong Trào Bình Dân, một cuộc tụ tập đầy mầu sắc của những người bị tước đoạt ở Mỹ Châu La Tinh và các nhóm, như cơ quan bác ái Công Giáo Caritas, thường bênh vực họ.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của các phong trào này được tổ chức tại Vatican hồi tháng Mười năm ngoái. Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Vatican tổ chức cuộc gặp gỡ lần này cùng với chính phủ Bolivia, sẽ gồm hơn 1,500 đại biểu.

Bên trong phòng thể thao Santa Cruz, những người bênh vực quyền đất đai từ Peru trao đổi kinh nghiệm với những người bị rời cư vì các dự án thủy điện tại Ba Tây, liên đoàn lao động chính của Bolivia và liên đoàn các tổ hợp hầm mỏ nổi bật ở đây cùng với liên đoàn lao động CUT của Brazil.

Cũng nổi bật là đại biểu của CONAMAQ, tổ chức thổ dân chính ở các cao nguyên của Bolivia, đại diện cho hai sắc dân chiếm ưu thế là Quichua và Aymara.

Và rồi còn có những người thực sự nghèo nữa, trong đó có hơn chục tổ hợp những người lượm rác gọi là "cartoneros" (lượm cáctôn) từ Á Căn Đình, những tổ chức đặc biệt thân thiết đối với Đức Giáo Hoàng.

5.00 giờ chiều: Một nhà lãnh đạo hàng đầu của một trong các nhóm thổ dân lớn nhất của Bolivia đang phát biểu nỗi thất vọng không được phép tham dự hội nghị thượng đỉnh về xã hội với Đức GH Phanxicô vào chiều thứ Năm.

Người Guarani vốn không thuận hảo với chính phủ của Tổng Thống Evo Morales vì quyết định của chính phủ này mở 22 khu vực hoang dã được bảo vệ cho việc thăm dò dầu hỏa và khí đốt.

Nhà lãnh đạo người Guarani, Celso Padilla, nói rằng “hội nghị thượng đỉnh đã hoàn toàn bị kiểm soát bởi người của chính phủ. Chính phủ chỉ cho phép tham dự những người gần gũi với họ. Chúng tôi bị cho ra rìa”.

Phó bộ trưởng phối hợp với các phong trào bình dân của Bolivia cho hay: người Guarani đáng lẽ đã được tham dự rồi nếu họ tìm cách tham dự một cách tích cực.

Cha Xavier Albo, một linh mục Dòng Tên, tác giả và là người có thế giá hàng đầu về người thổ dân Bolivia, nói rằng điều lạ là Đức Giáo Hoàng không tổ chức các cuộc gặp mặt riêng với các nhóm thổ dân trong suốt chuyến viếng thăm Nam Mỹ 9 ngày của ngài.

Cha nói: “Không có bất cứ hành vi riêng nào minh nhiên dành cho người thổ dân, mà đúng hơn họ được lồng vào các cuộc gặp gỡ với các phong trào xã hội và các giới khác”.

6:55 giờ tối: Đức GH Phanxicô đang kêu gọi phải có nhiều thay đổi trong trật tự kinh tế thế giới, là trật tự hiện chỉ biết theo thứ luận lý học lợi nhuận và loại bỏ nhiều người và phá hủy môi sinh.

Ngài đưa ra các nhận định trên trong bài diễn văn trước Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Lần Thứ Hai Các Phong Trào Bình Dân tại Snata Cruz, Bolivia.

Ngài nói rằng hiện cần phải có “một thay đổi thực chất, một thay đổi cơ cấu”. Lời ngài: “hệ thống này không đứng vững, các nông dân không thể chịu đựng được nó, các công nhân không thể chịu đựng được nó, các cộng đồng không thề chịu đựng được nó, người dân không thể chịu đựng được nó mà đất đai cũng không thể chịu đựng được nó”.

7:20 giờ tối: Đức GH Phanxicô tạ lỗi vì các tội và “xúc phạm” Giáo Hội Công Giáo đã phạm chống lại các thổ dân thời thực dân xâm chiếm Mỹ Châu.

Vị giáo hoàng Mỹ Châu La Tinh đầu tiên trong lịch sử “khiêm cung” xin sự tha thứ vào hôm thứ Năm trong cuộc gặp gỡ tại Bolivia với các nhóm thổ dân và các nhà tranh đấu khác và trước sự hiện diện của tổng thống thổ dân đầu tiên của Bolivia, Ông Evo Morales.

Đức GH Phanxicô nhận định rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội ở Mỹ Châu La Tinh trong quá khứ đã nhận rằng “nhân danh Thiên Chúa, người ta đã phạm nhiều tội lỗi nặng nề chống lại người bản địa của Mỹ Châu”. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra lời xin lỗi chung vào năm 2000 vì các tội lỗi của Giáo Hội trong quá khứ và năm 2001, ngài lại gửi một điện thư (email) xin lỗi vì các lạm dụng của các nhà truyền giáo đối với các thổ dân của Đại Dương Châu.

Nhưng Đức GH Phanxicô đi xa hơn và trực tiếp hướng lời xin lỗi của ngài vào người thổ dân của lục địa ngài.

Lời ngài nói: “Tôi khiêm cung xin sự tha thứ, không những vì các xúc phạm của chính Giáo Hội, mà còn vì các tội ác chống lại người bản địa thời gọi là chinh phục Mỹ Châu nữa”.

7:40 giờ tối: Đức GH Phanxicô đã kết thúc bài diễn văn mạnh mẽ của ngài trước cuộc tụ tập của các phong trào xã hội; ngài cực lực kết án các chính phủ thế giới vì điều ngài gọi là “hèn nhát” trong việc bảo vệ Trái Đất.

Ngài nói rằng sự hèn nhát này là một “tội nặng”. Lặp lại khảo luận về môi sinh tháng rồi của ngài, Đức Giáo Hoàng nói rằng Trái Đất “đang bị cướp bóc, để cho hoang phế và tàn hại mà không bị trừng phạt” trong khi “hết thượng đỉnh quốc tế này tới thượng đỉnh quốc tế khác diễn ra mà chẳng đem lại một kết quả nào có ý nghĩa”.

Ngài nhận định như thế vào tối thứ Năm với hơn 1,500 nhà tranh đấu, phần lớn từ Mỹ Châu La Tinh và nhiều người từ quê hương Á Căn Đình của ngài. Ngài nói với họ rằng tương lai của nhân loại, về căn bản, đang nằm trong tay các đại cường và các giới ưu tú chứ không nằm trong tay người dân thường.

Ngài thúc giục họ hãy giữ vững cuộc tranh đấu của họ. Rồi ngài xin họ cầu nguyện cho ngài và gửi đi “các tiếng vang tốt đẹp”.

9:05 giờ tối: Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thức ngày đầy đủ thứ nhất tại Bolivia bằng việc tới thăm Đức Hồng Y yếu đau Julio Terrazas, người đang nằm trong bệnh viện nên không thể tham dự cuộc thăm viếng thành phố Santa Cruz của Đức Giáo Hoàng.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, cho hay: Đức Phanxicô đã đi thăm người bạn già của mình trước khi lui về nghỉ đêm.

Trong ngày đầy đủ thứ nhất ở Bolivia, Đức Phanxicô đã đưa ra lời xin lỗi có tính lịch sử vì các tội lỗi và tội ác của Giáo Hội Công Giáo đối với người thổ dân thời thực dân chinh phục Mỹ Châu.
 
Top Stories
Pope Francis arrives in Bolivia
ViS
09:36 09/07/2015
Vatican City, 9 July 2015 (VIS) – Pope Francis began the second leg of his trip in Latin America yesterday, as he arrived at El Alto airport, the highest on the planet, situated at more than four thousand metres above sea level, in La Paz, Bolivia, where he was awaited by the president of the Plurinational State of Bolivia, Evo Morales, the country's first leader to come from the indigenous population (Wru-Aimara), whom the Holy Father met in the Vatican during the First World Meeting of Popular Movements, organised by the Pontifical Council “Justice and Peace” in October 2014.

In his first discourse in Bolivia, the Holy Father affirmed that he came “as a guest and a pilgrim … to confirm the faith of those who believe in the Risen Christ, so that, during our pilgrimage on earth, we believers may be witnesses of his love, leaven for a better world and co-operators in the building of a more just and fraternal society”. After thanking President Morales for his “warm and fraternal welcome”, he greeted the religious and civil authorities, adding, “I think in a special way of the sons and daughters of this land who for a variety of reasons have had to seek 'another land' to shelter them; another place where this earth can allow them to be fruitful and find possibilities in life”.

The Pope also expressed his joy in encountering a land of such singular beauty, as declared in the preamble of its Constitution: “In ancient times the mountains arose, rivers changed course and lakes were formed. Our Amazonia, our wetlands and our highlands, and our plains and valleys were decked with greenery and flowers”. “It makes me realise once again that 'rather than a problem to be solved, the world is a joyful mystery to be contemplated with gladness and praise'. But above all, Bolivia is a land blessed in its people. It is home to a great cultural and ethnic variety, which is at once a great source of enrichment and a constant summons to mutual respect and dialogue. There are the ancient aboriginal peoples and the more recent native peoples. The Spanish language brought to this land now happily co-exists with thirty-six native languages, which come together – like the red and yellow in the national flowers of Kantuta and Patuju – to create beauty and unity in diversity. In this land and people, the proclamation of the Gospel took deep root, and through the years it has continued to shed its light upon society, contributing to the development of the nation and shaping its culture”.

“Bolivia is making important steps towards including broad sectors in the country’s economic, social and political life. Your constitution recognises the rights of individuals, minorities and the natural environment, and provides for institutions to promote them. To achieve these goals a spirit of civic cooperation and dialogue is required, as well as the participation of individuals and social groups in issues of interest to everyone. The integral advancement of a nation demands an ever greater appreciation of values by individuals and their growing convergence with regard to common ideals to which all can work together, no one being excluded or overlooked. A growth which is merely material will always run the risk of creating new divisions, of the wealth of some being built on the poverty of others. Hence, in addition to institutional transparency, social unity requires efforts to promote the education of citizens.

“In days to come, I would like to encourage the vocation of Christ’s disciples to share the joy of the Gospel, to be salt for the earth and light to the world. The voice of the bishops, which must be prophetic, speaks to society in the name of the Church, our Mother, from her preferential, evangelical option for the poor. Fraternal charity, the living expression of the new commandment of Jesus, is expressed in programs, works and institutions which work for the integral development of the person, as well as for the care and protection of those who are most vulnerable. We cannot believe in God the Father without seeing a brother or sister in every person, and we cannot follow Jesus without giving our lives for those for whom he died on the cross.

The Pope also touched on the theme of the family in his first discourse, emphasising that “in an age when basic values are often neglected or distorted, the family merits special attention on the part of those responsible for the common good, since it is the basic cell of society. Families foster the solid bonds of unity on which human coexistence is based, and, through the bearing and education of children, they ensure the renewal of society”.

He continued, “the Church also feels a special concern for young people who, committed to their faith and cherishing great ideals, are the promise of the future, 'watchmen to proclaim the light of dawn and the new springtime of the Gospel'. To care for children, and to help young people to embrace noble ideals, is a guarantee of the future of society. A society discovers renewed strength when it values, respects and cares for its elderly, when it chooses to foster a 'culture of remembrance' capable of ensuring that the elderly not only enjoy quality of life in their final years but also affection, as your Constitution puts it so well”.

Addressing those present, he added, “in these days we can look forward to moments of encounter, dialogue and the celebration of faith. I am pleased to be here, in a country which calls itself pacifist, a country which promotes the culture of peace and the right to peace”.

Finally, he entrusted his visit to the protection of the Blessed Virgin of Copacabana, Queen of Bolivia, and concluded by exclaiming “Jallalla Bolivia!”, an Aimara word meaning “life” and “hope”.
 
Pope in Bolivia: No one needs to be discarded
Vatican Radio
09:37 09/07/2015
2015-07-09 Vatican - Pope Francis opened the Fifth National Eucharistic Congress in Bolivia with a Votive Mass for the Most Holy Eucharist in the city of Santa Cruz. The Congress will take place in the city of Tarija in the southern part of the country.

In his homily, Pope Francis said those who had come to the Mass were like the people who had come out into the desert to listen to Jesus. “Frequently, we tire of this journey,” the Pope said. “Frequently we lack the strength to keep hope alive.” When our hearts lack hope, and fall into despair, we can fall into a kind of materialistic thinking “in which everything has a price, everything can be bought, everything is negotiable.” This way of thinking, he said, “has room only for a select few, while it discards all those who are ‘unproductive,’ unsuitable or unworthy, since clearly those people don’t ‘add up’.”

But Jesus, he said, tells us not to turn people away, but to give them “something to eat.” “No one needs to go away, no one has to be discarded; you yourselves, give them something to eat.”

Pointing to the Gospel, the Pope says Jesus takes the bread and fish, blesses them, and gives them to his disciples to share. Jesus, he said, takes people’s lives and experiences seriously, blesses them and gives them to the Father, and encourages people to share what they have. “A memory which is taken, blessed, and given always satisfies people’s hunger.”

Pope Francis noted that the Eucharistic Congress has for its theme “Bread Broken for the Life of the World.” The Eucharist, he said, “is a sacrament of communion, which draws us out of our individualism in order to live together as disciples.” The Church continually makes remembrance of the mystery of the Eucharist, which is a sharing in the life of Christ. This sharing in Christ’s life means “we are not isolated individuals, separated from one another, but rather a people of remembrance, a remembrance ever renewed and ever shared with others.”

Below please find the full text of Pope Francis’ prepared homily for the Votive Mass of the Most Holy Eucharist, celebrated in Santa Cruz de la Sierra, Bolivia:

Mass in Christ the Redeemer Square
Santa Cruz de la Sierra

Thursday, 9 July 2015

We have come from a variety of places, areas and villages, to celebrate the living presence of God among us. We have travelled from our homes and communities to be together as God’s holy People. The cross and the mission image remind us of all those communities which were born of the name of Jesus in these lands. We are their heirs.

The Gospel which we just heard speaks of a situation much like our own. Like those four thousand people who gathered to hear Jesus, we too want to listen to his words and to receive his life. Like them, we are in the presence of the Master, the Bread of Life.

Back then, many mothers could be seen carrying their children on their shoulders. Like so many of you here! Carrying them, you bring your lives, the future of your people. You bring all your joys and hopes. You bring the blessing of the earth and all its fruits. You bring the work of your hands, hands which work today in order to weave tomorrow’s hopes and dreams. But those people’s shoulders were also weighed down by bitter disappointments and sorrows, scarred by experiences of injustice and of justice denied. They bore on their shoulders all the joy and pain of their land. You too bear the memory of your own people. Because every people has a memory, a memory which is passed on from generation to generation, a memory which continues to move forward.

Frequently we tire of this journey. Frequently we lack the strength to keep hope alive. How often have we experienced situations which dull our memory, weaken our hope and make us lose our reason for rejoicing! And then a kind of sadness takes over. We think only of ourselves, we forget that we are a people which is loved, a chosen people. And the loss of that memory disorients us, it closes our heart to others, and especially to the poor.

We may feel the way the disciples did, when they saw the crowds of people gathered there. They begged Jesus to send them away, since it was impossible to provide food for so many people. Faced with so many kinds of hunger in our world, we can say to ourselves: “Things don’t add up; we will never manage, there is nothing to be done”. And so our hearts yield to despair.

A despairing heart finds it easy to succumb to a way of thinking which is becoming ever more widespread in our world. It is a mentality in which everything has a price, everything can be bought, everything is negotiable. This way of thinking has room only for a select few, while it discards all those who are “unproductive”, unsuitable or unworthy, since clearly those people don’t “add up”. But Jesus once more turns to us and says: “They don’t need to go away; you yourselves, give them something to eat”.

Those words of Jesus have a particular resonance for us today: No one needs to go away, no one has to be discarded; you yourselves, give them something to eat. Jesus speaks these words to us, here in this square. Yes, no one has to be discarded; you, give them something to eat. Jesus’ way of seeing things leaves no room for the mentality which would cut bait on the weak and those most in need. Taking the lead, he gives us his own example, he shows us the way forward. What he does can be summed up in three words. He takes a little bread and some fish, he blesses them and then gives them to his disciples to share with the crowd. This is how the miracle takes place. It is not magic or sorcery. With these three gestures, Jesus is able to turn a mentality which discards others into a mindset of communion and community. I would like briefly to look at each of these actions.

Taking. This is the starting-point: Jesus takes his own and their lives very seriously. He looks at them in the eye, and he knows what they are experiencing, what they are feeling. He sees in those eyes all that is present in the memory and the hearts of his people. He looks at it, he ponders it. He thinks of all the good which they can do, all the good upon which they can build. But he is not so much concerned about material objects, cultural treasures or lofty ideas. He is concerned with people. The greatest wealth of a society is measured by the lives of its people, it is gauged by its elderly, who pass on their knowledge and the memory of their people to the young. Jesus never detracts from the dignity of anyone, no matter how little they possess or seem capable of contributing.

Blessing. Jesus takes what is given him and blesses his heavenly Father. He knows that everything is God’s gift. So he does not treat things as “objects”, but as part of a life which is the fruit of God’s merciful love. He values them. He goes beyond mere appearances, and in this gesture of blessing and praise he asks the Father for the gift of the Holy Spirit. Blessing has this double aspect: thanksgiving and transformative power. It is a recognition that life is always a gift which, when placed in the hands of God, starts to multiply. Our Father never abandons us; he makes everything multiply.

Giving. With Jesus, there can be no “taking” which is not a “blessing”, and no blessing which is not also a “giving”. Blessing is always mission, its purpose is to share what we ourselves have received. For it is only in giving, in sharing, that we find the source of our joy and come to experience salvation. Giving makes it possible to refresh the memory of God’s holy people, called and sent forth to bring the joy of salvation to others. The hands which Jesus lifts to bless God in heaven are the same hands which gave bread to the hungry crowd. We can imagine how those people passed the loaves of bread and the fish from hand to hand, until they came to those farthest away. Jesus generated a kind of electrical current among his followers, as they shared what they had, made it a gift for others, and so ate their fill. Unbelievably, there were even leftovers: enough to fill seven baskets. A memory which is taken, blessed and given always satisfies people’s hunger.

The Eucharist is “bread broken for the life of the world”. That is the theme of the Fifth Eucharistic Congress to be held in Tarija, which today we inaugurate. The Eucharist is a sacrament of communion, which draws us out of our individualism in order to live together as disciples. It gives us the certainty that all that we have, all that we are, if it is taken, blessed and given, can, by God’s power, by the power of his love, become bread of life for all.

The Church is a community of remembrance. Hence, in fidelity to the Lord’s command, she never ceases to say: “Do this in remembrance of me” (Lk 22:19). Generation after generation, throughout the world, she celebrates the mystery of the Bread of Life. She makes it present and she gives it to us. Jesus asks us to share in his life, and through us he allows this gift to multiply in our world. We are not isolated individuals, separated from one another, but rather a people of remembrance, a remembrance ever renewed and ever shared with others.

A life of remembrance needs others. It demands exchange, encounter and a genuine solidarity capable of entering into the mindset of taking, blessing and giving. It demands the logic of love.

Mary, like many of you, bore in her heart the memory of her people. She pondered the life of her Son. She personally experienced God’s grandeur and joyfully proclaimed that he “fills the hungry with good things” (Lk 1:53). Today may Mary be our model. Like her, may we trust in the goodness of the Lord, who does great things with the lowliness of his servants.
 
Pope Francis: discourse to clergy and religious of Bolivia
Vatican Radio
18:41 09/07/2015
2015-07-10 Vatican - Pope Francis met with clergy, religious men and women, and seminarians on Thursday afternoon in Santa Cruz, Bolivia. Below, please find the full text of the Holy Father’s prepared remarks, in their official English translation.

Meeting with Clergy, Religious and Seminarians
Coliseum of Don Bosco College
Santa Cruz de la Sierra
Thursday, 9 July 2015

Dear Brothers and Sisters,

I am pleased to be able to meet you and to share the joy which fills the heart and the entire life of the missionary disciples of Jesus. This joy was expressed in the words of welcome offered by Bishop Roberto Bordi, and by the testimonies of Father Miguel, Sister Gabriela, and by Damián, our seminarian. I thank each of you for sharing your own experience of vocation.

In the Gospel of Mark we also heard the experience of Bartimaeus, who joined the group of Jesus’ followers. He became a disciple at the last minute. This happened during the Lord’s final journey, from Jericho to Jerusalem, where he was about to be handed over. A blind beggar, Bartimaeus sat on the roadside, pushed aside. When he heard Jesus passing by, he began to cry out.

Walking with Jesus were his apostles, the disciples and the women who were his followers. They were at his side as he journeyed through Palestine, proclaiming the Kingdom of God. There was also a great crowd.

Two things about this story jump out at us and make an impression. On the one hand, there is the cry of a beggar, and on the other, the different reactions of the disciples. It is as if the Evangelist wanted to show us the effect which Bartimaeus’ cry had on people’s lives, on the lives of Jesus’ followers. How did they react when faced with the suffering of that man on the side of the road, wallowing in his misery.

There were three responses to the cry of the blind man. We can describe them with three phrases taken from the Gospel: They passed by, they told him to be quiet, and they told him to take heart and get up.

1. They passed by. Perhaps some of those who passed by did not even hear his shouting. Passing by is the response of indifference, of avoiding other people’s problems because they do not affect us. We do not hear them, we do not recognize them. Here we have the temptation to see suffering as something natural, to take injustice for granted. We say to ourselves, “This is nothing unusual; this is the way things are”. It is the response born of a blind, closed heart, a heart which has lost the ability to be touched and hence the possibility to change. A heart used to passing by without letting itself be touched; a life which passes from one thing to the next, without ever sinking roots in the lives of the people around us.

We could call this “the spirituality of zapping”. It is always on the move, but it has nothing to show for it. There are people who keep up with the latest news, the most recent best sellers, but they never manage to connect with others, to strike up a relationship, to get involved.

You may say to me, “But Father, those people in the Gospel were busy listening to the words of the Master. They were intent on him.” I think that this is one of the most challenging things about Christian spirituality. The Evangelist John tells us, “How can you love God, whom you do not see, if you do not love your brother whom you do see?” (1 Jn 4:20). One of the great temptations we encounter along the way is to separate these two things, which belong together. We need to be aware of this. The way we listen to God the Father is how we should listen to his faithful people.

To pass by, without hearing the pain of our people, without sinking roots in their lives and in their world, is like listening to the word of God without letting it take root and bear fruit in our hearts. Like a tree, a life without roots is a one which withers and dies.

2. They told him to be quiet. This is the second response to Bartimaeus’ cry: keep quiet, don’t bother us, leave us alone. Unlike the first response, this one hears, acknowledges, and makes contact with the cry of another person. It recognizes that he or she is there, but reacts simply by scolding. It is the attitude of some leaders of God’s people; they continually scold others, hurl reproaches at them, tell them to be quiet.

This is the drama of the isolated consciousness, of those who think that the life of Jesus is only for those deserve it. They seem to believe there is only room for the “worthy”, for the “better people”, and little by little they separate themselves from the others. They have made their identity a badge of superiority.

They hear, but they don’t listen. The need to show that they are different has closed their heart. Their need to tell themselves, “I am not like that person, like those people”, not only cuts them off from the cry of their people, from their tears, but most of all from their reasons for rejoicing. Laughing with those who laugh, weeping with those who weep; all this is part of the mystery of a priestly heart.

3. They told him to take heart and get up. Lastly, we come upon the third response. It is not so much a direct response to the cry of Bartimaeus as an echo, or a reflection, of the way Jesus himself responded to the pleading of the blind beggar. In those who told him to take heart and get up, the beggar’s cry issued in a word, an invitation, a new and changed way of responding to God’s holy People.

Unlike those who simply passed by, the Gospel says that Jesus stopped and asked what was happening. He stopped when someone cried out to him. Jesus singled him out from the nameless crowd and got involved in his life. And far from ordering him to keep quiet, he asked him, “What do you want me to do for you?” He didn’t have to show that he was different, somehow apart; he didn’t decide whether Bartimaeus was worthy or not before speaking to him. He simply asked him a question, looked at him and sought to come into his life, to share his lot. And by doing this he gradually restored the man’s lost dignity; he included him. Far from looking down on him, Jesus was moved to identify with the man’s problems and thus to show the transforming power of mercy. There can be no compassion without stopping, hearing and showing solidarity with the other. Compassion is not about zapping, it is not about silencing pain, it is about the logic of love. A logic, a way of thinking and feeling, which is not grounded in fear but in the freedom born of love and of desire to put the good of others before all else. A logic born of not being afraid to draw near to the pain of our people. Even if often this means no more than standing at their side and praying with them.

This is the logic of discipleship, it is what the Holy Spirit does with us and in us. We are witnesses of this. One day Jesus saw us on the side of the road, wallowing in our own pain and misery. He did not close his ear to our cries. He stopped, drew near and asked what he could do for us. And thanks to many witnesses, who told us, “Take heart; get up”, gradually we experienced this merciful love, this transforming love, which enabled us to see the light. We are witnesses not of an ideology, of a recipe, of a particular theology. We are witnesses to the healing and merciful love of Jesus. We are witnesses of his working in the lives of our communities.

This is the pedagogy of the Master, this is the pedagogy which God uses with his people. It leads us to passing from distracted zapping to the point where we can say to others: “Take heart; get up. The Master is calling you” (Mk 10:49). Not so that we can be special, not so that we can be better than others, not so that we can be God’s functionaries, but only because we are grateful witnesses to the mercy which changed us.

On this journey we are not alone. We help one another by our example and by our prayers. We are surrounded by a cloud of witnesses (cf. Heb 12:1). Let us think of Blessed Nazaria Ignacia de Santa Teresa de Jesús, who dedicated her life to the proclamation of God’s Kingdom through her care for the aged, her “kettle of the poor” for the hungry, her homes for orphaned children, her hospitals for wounded soldiers and her creation of a women’s trade union to promote the welfare of women. Let us also think of Venerable Virginia Blanco Tardío, who was completely dedicated to the evangelization and care of the poor and the sick. These women, and so many other persons like them, are an encouragement to us along our way. May we press forward with the help and cooperation of all. For the Lord wants to use us to make his light reach to every corner of our world.

I ask you please to pray for me, and I bless all of you from my heart.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội nghị sơ kết mục vụ Giáo phận Hưng Hóa
Lm Giuse Nguyễn Văn Thành
08:04 09/07/2015
Ngày 7.7.2015, Hội đồng Mục vụ giáo phận đã tổ chức hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm tại Trung tâm Mục vụ, với sự tham dự của Đức Giám Mục giáo phận, Đức Cha phụ tá, cha tổng đại diện, các linh mục, nữ tu đại diện các hội dòng, đại diện các hội đoàn và hội đồng giáo xứ. Tổng số tham dự viên là 144 trên 152 vị được mời.

Hình ảnh

7g30, Đức Cha Gioan Maria chủ tế Thánh lễ tại nhà nguyện Trung tâm Mục vụ để cầu nguyện cho hội nghị. Đức Cha Anphong chia sẻ câu Tin Mừng: “Chúa Giêsu chạnh lòng thương”, và mời gọi các linh mục học nơi Chúa lòng yêu thương, hiền lành và khiêm nhượng để đối xử với giáo dân. Đừng nổi giận, nóng nảy, cứng cỏi với giáo dân. Ngài lặp lại ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Anh em hãy mang vào mình mùi chiên”.

8g45, Hội nghị bắt đầu với phần khai mạc của Đức Cha Gioan Maria.

Trước hết, ngài điểm lại một sự kiện nổi bật là chuyến viếng thăm mục vụ Sơn La và Điện Biên của Đức Tổng Leopoldo Girelli vào trung tuần tháng 6 vừa qua, qua đó khai thông sự đối thoại với chính quyền để tiến tới việc công nhận đạo Công Giáo là tổ chức sinh hoạt hợp pháp tại hai tỉnh này, như gần đây, tại Sơn La, chính quyền đã chấp nhận một điểm và sẽ dẫn đến việc thành lập giáo xứ.

Tiếp đến là việc chia tách giáo phận. Từ lâu, ai cũng thấy việc chia giáo phận là điều cần thiết, để thuận lợi cho việc quản trị. Nay đã đến lúc bắt đầu tiến trình, từ việc lập hồ sơ, đến việc thông qua các Giám Mục trong giáo tỉnh, rồi trình với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam để được sự đồng thuận, sau đó mới đến Tòa Thánh xét duyệt. Hội nghị cũng được xem bản đồ hành chính về ranh giới của hai giáo phận khi chia tách, cũng như những thông tin liên quan đến nhân sự hiện tại và tương lai.

Liên quan đến khu đất Nhà Tràng Hà Thạch, Tòa giám mục đang tiến hành thủ tục xin xây tường rào để tránh việc người dân lấn chiếm, và làm dãy nhà ngang nối liền đầu nhà nguyện để phục vụ cho các nhu cầu của giáo phận.

Vấn đề đất nhà thờ Sapa vẫn nhức nhối vì cho tới nay, sau bao lời hứa hẹn của chính quyền, và sau nhiều năm thương thảo trong sự nhẫn nại, sự việc vẫn chưa được giải quyết. Hội nghị đã bàn luận sôi nổi với nhiều ý kiến bức xúc và đi đến kết luận rằng Tòa giám mục sẽ gặp chính quyền Lào Cai một lần nữa để yêu cầu giải quyết chứ không chấp nhận để dây dưa mãi. Nếu không thì giáo phận buộc lòng gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ để xin giải quyết. Ngoài ra cũng tại Sapa, chính quyền đang có kế hoạch cải tạo khu đất thuộc tu viện Tà Phìn vốn là đất của Giáo Hội để kinh doanh du lịch mà không trao đổi với Tòa giám mục. Cha Phạm Thanh Bình đã đại diện Tòa giám mục gửi văn thư kiến nghị chính quyền giữ nguyên hiện trạng.

Sau cùng, Đức Cha thông báo quyết định phê chuẩn việc thành lập 24 giáo xứ mới, nâng tổng số giáo xứ trong giáo phận là 115. Sắp tới sẽ định ngày để công bố với toàn giáo phận và làm lễ trao văn bằng thành lập các giáo xứ mới.

Sau phần trình bày của Đức Giám Mục giáo phận, hội nghị bước vào phần thứ hai: báo cáo của các ủy ban. Hội nghị đã nghe 17 ủy ban lần lượt báo cáo về hoạt động sáu tháng đầu năm, và tiếp nhận ý kiến đóng góp của các tham dự viên. Nhiều ý kiến rất hay, thiết thực, quyết liệt, xây dựng.

Hội nghị vui mừng đón tiếp cha Tổng Cố Vấn dòng Vinh Sơn viếng thăm các cha thuộc hội dòng đang phục vụ tại giáo phận đến dùng cơm trưa.

Buổi chiều, hội nghị làm việc từ 14g00, lắng nghe các ủy ban còn lại báo cáo hoạt động.

Nhìn chung, đa số ủy ban hoạt động rất tốt và tích cực, một vài ủy ban xem ra còn yếu ớt vì phụ thuộc nhiều yếu tố ngoài ý muốn. Hy vọng trong 6 tháng còn lại, các ủy ban sẽ nỗ lực thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Sau cùng, ban thư ký đúc kết văn bản, và hội nghị sơ kết mục vụ giáo phận đã kết thúc tốt đẹp lúc 16g00 trong niềm phấn khởi.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hôn nhân đồng tính ở Mỹ: Các nhân viên lục sự Công Giáo có cần phải thôi việc không?
Trần Mạnh Trác
12:50 09/07/2015
Toàn thể các nhân viên hành chánh ở quận Decatur cuả Tiểu Bang Tennessee đã từ chức vì lý do tôn giáo. Họ từ chối cung cấp hôn thú cho các cặp đồng tính. Cô lục sự Gwen Pope, có thâm niên từ năm 2008, tuyên bố với báo The Jackson Sun rằng:

"Tôi thành thật tin rằng Thiên Chúa sẽ chăm sóc cho chúng tôi."

Nhưng ông Ken Connelly, tư vấn pháp lý cuả Alliance Defending Freedom (Liên Minh Bảo Vệ Tự Do), không hài lòng về những việc như vậy, ông nói:

"Thành thật mà nói, không có lý do nào làm cho họ phải từ chức."

Giả định đây là một trường hợp mà trong văn phòng cuả quận đã có một nhân viên khác sẵn sàng cấp giấy hôn thú cho các cặp đồng tính.

Quyết định mới đây của Tòa án Tối Cao về vụ 'Obergefell v. Hodges' ra phán quyết rằng tất cả 50 tiểu bang phải cấp hôn thú cho các cặp đồng tính và phải công nhận các hôn thú như vậy từ các tiểu bang khác.

Tuy nhiên, nhiều nhân viên lục sự chịu trách nhiệm về hôn thú, đã bày tỏ sự phản đối vì lý do tôn giáo. Điều gì sẽ xảy ra cho họ là còn tùy theo những trường hợp khác nhau.

Thí dụ như ở Texas, ông chưởng lý Ken Paxton cam kết rằng "Văn phòng này sẽ làm tất cả mọi thứ có thể được để cung cấp một tiếng nói công khai" cho những nhân viên đang phải đối mặt với những khoản tiền phạt và các vụ kiện bởi vì họ không cấp giấy hôn thú.

Do đó, khi cô lục sự Katie Lang ở quận Hood từ chối cấp giấy hôn thú, một cặp đồng tính đã kiện. Quận cuối cùng đã phải cấp giấy cho họ, nhưng họ tiếp tục kiện cho đến khi văn phòng lục sự đồng ý cấp giấy phép "cho tất cả các cặp vợ chồng, đồng tính hay không, không chậm trễ", và hoàn trả lệ phí luật sư cuả họ.

Nhưng một nhân viên lục sự khác ở quận Boone ở Kentucky thì ban đầu đã từ chối cấp giấy kết hôn cho các cặp đồng tính, nhưng ba ngày sau lại 'xám hối' , sau khi có quyết định cuả Tòa án tối cao.

Sẽ có nhiều rắc rối về pháp lý xảy ra cho các nhân viên như vậy, theo ông Roger Severino, Giám đốc Trung tâm Tôn giáo và Xã hội Dân sự DeVos cuả quĩ Heritage Foundation.

Những rắc rối sẽ khác nhau vì tùy theo từng tiểu bang. Một nhân viên lục sự có thể bị kiện trực tiếp từ một cặp đồng tính. Hoặc cặp đồng tính ấy có thể kiện cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về hôn thú. Hoặc một cơ quan chính phủ có thể xử phạt một nhân viên vì cớ phân biệt đối xử.

Tuy nhiên trong mọi trường hợp, một người nhân viên không bị bắt buộc phải từ chức, chịu phạt hoặc phải cấp giấy hôn phối bởi vì họ được bảo vệ bởi pháp luật hiện hành.

Đầu tiên, ông Connelly cho biết, người nhân viên có thể trích dẫn Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ tự do tôn giáo và ngôn luận. Và Hiến pháp của mỗi tiểu bang thì đều có những biện pháp bảo vệ tương tự và nhiều khi còn mạnh mẽ hơn cả Tu Chính Án Thứ Nhất nữa.

Nếu một cơ quan chính phủ có hành động chống lại một nhân viên từ chối cấp hôn thú, nhân viên đó có thể viện dẫn Chương VII của Luật Dân Quyền, ông Severino nói thêm.

Chương VII Luật Dân Quyền nói rằng việc tuyển dụng không thể phân biệt đối xử với nhân viên của họ trên cơ sở tôn giáo, chủng tộc, hoặc quan hệ tình dục.

Luật đó "đòi hỏi chủ nhân phải cung cấp những thích nghi cho sự tin tưởng và thực hành tôn giáo," miễn là sự thích nghi đó không "tạo ra một khó khăn quá đáng cho cơ quan."

Như vậy nếu một nhân viên đã nại cớ tôn giáo trong Chương VII với chủ nhân mà từ chối cấp giấy hôn thú, thì người chủ nhân lao động phải tìm một nhân viên khác để cấp giấy kết hôn.

Người chủ nhân cũng có thể thiết lập một hệ thống "ở hậu trường", có những nhiệm vụ nhất định cho những nhân viên nhất định. Trong trường hợp này, việc cấp giấy phép kết hôn đồng tính sẽ là một công việc chỉ dành cho một nhân viên đồng ý làm như vậy.

"Vì vậy, có nhiều cách mà vấn đề tôn giáo có thể được thích nghi, và không có kẻ thua," ông Severino nói.

Tất nhiên, nếu toàn bộ mọi nhân viên cuả một văn phòng đều từ chối cấp giấy phép hôn nhân đồng tính - như trường hợp văn phòng quận Decatur ở Tennessee - thì sự thích nghi này sẽ trở thành phức tạp, vì không có một người nhân viên nào cung cấp một giấy hôn thú cho cặp đồng tính cả.

Trong trường hợp Chương VII không áp dụng được, thì vẫn còn có những qui định (statutory) bảo vệ khác theo luật lệ cuả tiểu bang, một loại "quay ngược trở lại Tu Chính Án Thứ Nhất," theo cách nói cuả ông Connelly. Một số tiểu bang đã có các qui định bảo vệ quyền tự do tôn giáo rất mạnh mẽ, ông lưu ý.

Ví dụ, một số tiểu bang đã có Đạo luật Phục hồi Tự do Tôn giáo (Religious Freedom Restoration Act ). Luật này ngăn ngừa chính phủ đưa ra một "gánh nặng đáng kể" trên một người thi hành sự tự do tôn giáo, trừ phi chính phủ chứng minh được rằng việc tăng thêm gánh nặng là vì "lợi ích đầy thuyết phục của chính phủ" và rằng gánh nặng đó là "phương cách hạn chế tối thiểu nhất".

Như vậy các nhân viên có thể núp bóng dưới những luật lệ như thế mà tránh khỏi những hành động bất lợi từ chính quyền.

"Miễn là chính quyền có thể thích nghi mà không có kẻ bị thiệt thòi, trong một trường hợp như vậy thì khó mà nghĩ rằng một người nhân viên như thế có thể thua được" , ông Connelly nói thêm.

Một số tiểu bang hiện nay đang cung cấp thêm những quy định để bảo vệ (tôn giáo). Nhưng không chắc chắn sẽ có thêm nhiều tiểu bang nữa.

"Tôi nghĩ chúng ta cần một số pháp lý (cấp Liên Bang) mới để bảo vệ cho các nhân viên lục sự," theo ý kiến cuả Tiến sĩ Chad Pecknold, giáo sư thần học và chính trị tại The Catholic University of America.

"Chúng ta cần có luật mới để bảo vệ cho những người tin rằng phán quyết (Obergefell) này là sai trái."

Vì các tiểu bang sẽ dè dặt trong việc cung cấp bảo vệ, Pecknold dự đoán.

"Đây là một bi kịch của phán quyết 'Obergefell,' phán quyết này đã được đưa ra trong một cách mà các tiểu bang phải vội vàng áp dụng. Và nhiều tiểu bang không cảm thấy nhu cầu bảo vệ tự do tôn giáo là ưu tiên. "

Tuy nhiên ông Severino cũng cho biết riêng tiểu bang Bắc Carolina đã cụ thể cung cấp nhiều bảo vệ cho nhân viên cuả họ.

Sau khi văn phòng hành chính của tiểu bang gửi ra một thông cáo rằng tất cả các nhân viên phải cung cấp giấy hôn thú đồng tính hay là bị sa thải và có thể bị truy tố với một tội hình sự, thì nghành lập pháp cuả tiểu bang đã hành động tức thời.

Quốc hội cung cấp một thể thức "không tham gia" cho nhân viên, trên cơ sở tôn giáo, từ chối việc cung cấp giấy hôn thú. Khi ông thống đốc phủ quyết dự luật, thì hai viện lập pháp đã gạt quyền phủ quyết (override) cuả ông.

"Chúng ta cần mọi tiểu bang thực sự đứng lên để bảo vệ quyền lợi của các công chức," ông Severino nói, và theo như luật cuả North Carolina, "Tôi nghĩ rằng đó là một sự bảo vệ tuyệt vời bởi vì không có kẻ thua cuộc. Tự Do tôn giáo vẫn được bảo vệ mà không có ai bị từ chối bất cứ điều gì. "
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bên Nhau
Nguyễn Đức Cung
21:25 09/07/2015
BÊN NHAU
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Nắng soi bụi chuối sau nhà
Con sâu cái kiến thật thà bên nhau
Mặn mà trước cũng như sau.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: Câu chuyện Vị Tiên Tri Cô Độc
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:30 09/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Hãy gần gũi với những người bị xã hội loại trừ

Giáo Hội chỉ có thể trở thành một cộng đoàn thật sự nếu các thành viên của mình sẵn sàng để cho bàn tay của mình bị dơ bẩn khi đón nhận những ai bị gạt bỏ ra ngoài lề xã hội. Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Sáu 26 tháng 6 tại nhà nguyện Santa Marta khi suy tư trên đoạn Tin Mừng về việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bệnh phong.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng phép lạ được tường thuật trong Tin Mừng Thánh Matthêu khi Chúa Giêsu xúc động và chữa lành cho người bệnh phong ngay trước mặt các thày thông luật, là những người coi người đàn ông này là “ô uế”. Đức Thánh Cha giải thích rằng vào thời đó bệnh phong tựa như một án phạt chung thân vì chữa một người phong cùi được cho là khó như làm cho một người sống lại từ cõi chết. Những người cùi bị loại trừ khỏi xã hội, nhưng Chúa Giêsu dang rộng đôi tay và chỉ cho chúng ta thấy những gì có nghĩa là sự gần gũi với những người như vậy.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng chúng ta không thể là một cộng đoàn, chúng ta không thể kiến tạo hòa bình, và chúng ta không thể làm việc thiện mà không gần gũi với mọi người. Chúa Giêsu có thể chỉ cần nói với người phong cùi, “anh đã được chữa lành”, nhưng thay vào đó Ngài dang tay ra và chạm vào anh ta, tự làm mình ra “ô uế”. Đây là mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Ngài mang trên mình những bẩn thỉu của chúng ta, và những tội lỗi của chúng ta để trở nên gần gũi với chúng ta.

Tin Mừng cũng ghi nhận rằng Đức Giêsu đã yêu cầu người đàn ông được chữa lành đừng nói cho bất cứ ai, nhưng đi gặp một tư tế và 'dâng của lễ theo luật Môisen' như là bằng chứng mình đã được sạch. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng Chúa Giêsu không chỉ làm cho tay mình dơ bẩn nhưng Ngài còn hướng dẫn người đàn ông này đến với các tư tế để anh có thể được đón nhận lại trong Giáo Hội và trong xã hội. Chúa Giêsu không bao giờ loại trừ bất cứ ai. Ngài chỉ loại trừ chính mình ngõ hầu đón nhận chúng ta là những người tội lỗi.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận phản ứng của những người xung quanh Chúa Giêsu, nhiều người trong số đó ngạc nhiên trước những lời giảng dạy của Ngài và đã đi theo Ngài. Những người khác, quan sát từ xa với trái tim chai cứng để chỉ trích và lên án Ngài, trong khi lại có những người khác nữa muốn đến gần Chúa Giêsu, nhưng chưa đủ can đảm để làm như vậy. Với những người như thế, Chúa Giêsu chìa tay ra, như Ngài đã chìa tay ra với tất cả chúng ta, gánh lấy tội lỗi của chúng ta để trở thành một người trong chúng ta. Liệu chúng ta có đủ sức mạnh và can đảm để bước ra và chạm vào những người bị loại trừ hay không? Đây là ý nghĩa của một cộng đoàn Kitô giáo và đây là câu hỏi mà mỗi người trong chúng ta - các linh mục, giám mục, tu sĩ, tất cả chúng ta - phải tự hỏi chính mình.

2. Những mục tử gắn bó với thế gian nói rất nhiều lắng nghe chẳng bao nhiêu

Lời nói, việc làm và khả năng lắng nghe là ba yếu tố quyết định khiến các tín hữu có thể nhìn thấy nơi một vị mục tử sự nhất quán và thẩm quyền. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 25 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.

Nhắc lại Tin Mừng trong ngày trong đó mọi người ngạc nhiên về những lời giảng dạy đầy thẩm quyền của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nói rằng ngày nay người ta cũng cảm thấy thuyết phục “khi một linh mục, giám mục, một giáo lý viên, một Kitô hữu, có sự nhất quán mang lại cho người ấy thẩm quyền luân lý”.

Đức Thánh Cha nói Chúa Giêsu đã từng “khuyên nhủ các môn đệ của Ngài” hãy cẩn thận tránh xa các “tiên tri giả”. Nhưng ngài đặt vấn đề là làm thế nào để phân biệt những người rao giảng Tin Mừng đích thực và những kẻ giả mạo?

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, có ba điều giúp ta phân định: họ nói như thế nào, họ làm gì, và họ có chịu lắng nghe không?

“Họ nói, họ làm, nhưng họ thiếu một thái độ khác là cơ sở, là nền tảng cho những phát biểu, và hành động, đó là họ thiếu khả năng lắng nghe”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “sự kết hợp giữa nói và làm thì chưa đủ.. .” và thường có thể chỉ là trò lừa đảo. Thay vào đó, điều Chúa Giêsu hy vọng nơi chúng ta là biết “lắng nghe và hành động - để đưa vào thực tế. “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7:24-25).

Hãy cảnh giác với những “tiên tri giả”

Thay vào đó, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng những người “nghe nhưng không biến những lời ấy thành của mình thì không lắng nghe nghiêm chỉnh hay không đưa những lời ấy vào thực hành sẽ giống như một người xây dựng ngôi nhà của mình trên cát”.

“Khi Chúa Giêsu cảnh báo mọi người hãy cẩn thận các 'tiên tri giả’ Ngài nói: ‘Xem quả thì biết cây’. Và cụ thể ở đây là thái độ của họ: Nói rất nhiều, và làm bao nhiêu những chuyện to tát, nhưng mà họ không có một trái tim rộng mở để lắng nghe Lời Chúa; họ sợ sự im lặng của Lời Chúa và họ là những 'Kitô hữu giả', các 'mục tử giả’. Đúng là họ làm được nhiều điều tốt đẹp, nhưng họ thiếu nền tảng”

Mục tử của thế gian nói rất nhiều nhưng lắng nghe chẳng bao nhiêu

Cái mà những người này thiếu là “đá tảng tình yêu của Thiên Chúa, đá tảng Lời Chúa” Và khi không có đá tảng này, họ không thể rao giảng, họ không thể xây dựng: Họ chỉ giả vờ và cuối cùng tất cả mọi thứ sụp đổ”

Đây là những “mục tử giả”, là những “Kitô hữu nặng lòng thế gian”, là những người nói quá nhiều. Họ sợ sự im lặng; có thể vì họ làm quá nhiều. Họ không có khả năng đón nhận những gì họ đã nghe, họ thích những âm thanh của tiếng nói riêng mình – và những điều không đến từ Thiên Chúa.

Nêu bật ba từ “làm, nghe, nói,” Đức Giáo Hoàng nhận định rằng “ai chỉ nói và làm thì không phải là một tiên tri chân thật, không phải là một Kitô hữu chân chính, và cuối cùng tất cả mọi thứ sẽ sụp đổ vì mọi thứ không được xây trên đá tảng tình yêu Thiên Chúa - mọi thứ không vững như đá. Một người biết lắng nghe và có hành động đáp lại những gì người ấy đã nghe, với sức mạnh của lời Chúa, không phải sức riêng mình thì đạt đến sự cân bằng. Dù người ấy là một người khiêm hạ đi chăng nữa cũng không quan trọng – có biết bao những người vĩ đại như thế trong Giáo Hội! Biết bao những giám mục cao cả, biết bao nhiêu linh mục vĩ đại, biết bao những tín hữu tuyệt vời là những người đã lắng nghe và đem ra thực hành những gì đã lắng nghe!

Một ví dụ trong thời đại của chúng ta là Mẹ Teresa thành Calcutta, là người “không nói gì, nhưng biết lắng nghe trong im lặng” và “đã làm rất nhiều!” Cả Mẹ Teresa và những công việc Mẹ làm đều không sụp đổ. Những người vĩ đại biết lắng nghe và hành động đáp lại những gì đã nghe vì niềm trông cậy và sức mạnh của họ dựa trên đá tảng là Chúa Giêsu Kitô.

3. Câu chuyện Vị Tiên Tri Cô Độc

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Người Ấn Ðộ có kể lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây:

“Vì tội lỗi của loài người, Thượng đế dọa sẽ trừng trị họ bằng một trận động đất. Ðất sẽ nứt nẻ và nước sẽ rút hết vào trong lòng đất... Một thứ nước độc sẽ tràn ngập mặt đất. Ai uống vào sẽ trở nên bất bình thường.

Một vị tiên tri nọ đã không xem thường lời đe dọa của Thượng đế. Ông chuẩn bị đương đầu với biến cố bằng cách từng ngày đem nước lên một ngọn núi cao. Số nước dự trữ đủ cho ông sống đến ngày tàn của cuộc đời...

Ðộng đất đã xảy đến, bao nhiêu sông nước trên mặt đất đều bốc hơi, một thứ nước khác được thay thế vào.

Một tháng sau, vị tiên tri trở lại đất bằng để xem những gì đang xảy ra cho loài người. Ðúng như lời đe dọa của Thượng đế, mọi người sống trên mặt đất đều hóa ra điên dại. Nhưng kỳ lạ thay, loài người không ý thức được tình trạng điên dại của mình. Trái lại, ai cũng muốn ra đường để chế diễu vị tiên tri vì họ cho rằng ông mới là người điên dại...

Buồn tình, vị tiên tri trở lại chốn núi cao của mình. Ông sung sướng vì nước dự trữ vẫn còn và ông vẫn là người duy nhất còn có một tâm trí lành mạnh, bình thường...

Nhưng ngày qua ngày, ông cảm thấy không chịu nổi sự cô đơn của mình. Ông khao khát được sống một cách bình thường với những người đồng loại. Thế là một lần nữa, ông trở lại đồng bằng. Và một lần nữa, ông lại bị dân chúng ruồng rẫy, vì họ cho rằng ông không còn giống họ nữa.

Không còn chịu được sự hắt hủi của những người đồng loại, vị tiên tri đã đổ hết số nước dự trữ của mình và ông uống lấy nước mới của người đồng loại để cũng trở nên điên dại như họ...”

Con đường dẫn đến chân lý không phải là con đường rộng thênh thang. Người đi tìm chân lý thường là người cô độc...

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Phụng Vụ ngày 3 tháng 7 kính nhớ thánh tông đồ Tôma. Ai cũng biết lời bất hủ của Toma khi tuyên bố về sự sống lại của Chúa: Nếu tôi không xỏ tay tôi vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài, tôi không tin... Theo phương pháp khoa học, nhiều người đã lấy câu nói của Toma làm châm ngôn cho việc đi tìm chân lý. Nghĩa là, nếu tôi không kiểm chứng được, nếu tôi không sờ mó được, tôi không chấp nhận điều đó là đúng...

Thái độ đó chưa hẳn là thái độ thực tiễn trong cuộc sống. Giá trị cao cả nhất trong cuộc sống: đó là sự tin tưởng, tín nhiệm đối với người khác. Ðau yếu, chúng ta đi mua thuốc, chúng ta buộc phải tin tưởng ở người bán thuốc. Lạc đường, chúng ta buộc phải tin tưởng ở lòng thành thật của người chỉ lối...

Thái độ đó càng đúng hơn trong lĩnh vực Ðức Tin... Chúng ta tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu không phải vì chúng ta đã thấy Người hiện ra, nhưng chỉ vì lời chứng của các tông đồ, của các tiền nhân... Một thái độ như thế đòi hỏi rất nhiều phấn đấu của lý trí. Lắm khi, chúng ta chỉ là một thiểu số cô độc.

Chúng ta dễ dàng rơi vào nỗi cô độc của những người đang đi tìm chân lý. Người Kitô thường phải đi ngược dòng. Ðiều người đời cho là bất bình thường, có lẽ phải là cái bình thường đối với người Kitô. Ðiều người đời cho là yếu nhược, có khi phải là sức mạnh của người Kitô. Ðiều người đời cho là điên dại, có khi phải là lẽ khôn ngoan của người Kitô.

4. Mọi đổ vỡ và lựa chọn sai lầm của cha mẹ gây khổ đau cho con cái

Trong gia đình tất cả đều gắn liền với nhau. Vì thế mọi lời nói việc làm và thiếu sót của cha mẹ đều gây ra các thương tích trong tâm hồn con cái, và để lại các hậu qủa trầm trọng trong cuộc sống của chúng. Khi các người lớn mất lý trí, khi mỗi người chỉ nghĩ tới chính mình, khi cha mẹ làm cho nhau đau khổ, tâm hồn của trẻ em đau khổ rất nhiều, nó cảm thấy tuyệt vọng. Và chúng là các vết thương để lại dấu vết trong suốt cuộc đời.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 24 tháng Sáu, lễ kính Thánh Gioan Tẩy Giả.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý các vết thương trong cuộc sống chung của gia đình. Ngài nói: thật là điều xấu, khi trong gia đình người ta làm cho nhau đau khổ. Chúng ta biết là không có lịch sử gia đình nào mà lại không có các thời gian, trong đó sự thân tình của các trìu mến bị xúc phạm bởi thái độ sống của các thành phần trong gia đình. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Các lời nói, các hành động và các thiếu sót, thay vì diễn tả tình yêu thương, thì lại lấy mất đi, hay tệ hại hơn, gây khổ đau cho tình yêu thương. Khi các vết thương này còn có thể sửa chữa được, chúng bị lơ là, trở nên trầm trọng và biến thành các ưu quyền, sự thù nghịch và khinh rẻ. Và lúc đó chúng có thể trở thành các xâu xé sâu đậm, chia rẽ vợ chồng, và dẫn đưa tới chỗ tìm ở nơi khác sự cảm thông, nâng đỡ và an ủi. Nhưng thường khi các “nâng đỡ” ấy không nghĩ tới hạnh phúc của gia đình.

Sự trống rỗng tình yêu hôn nhân làm lan tràn sự oán hận trong các tương quan. Và thường khi sự tan vỡ đổ ập trên con cái. Con cái, đó là điểm tôi muốn đề cập tới một chút. Mặc dù sự nhậy cảm của chúng ta bề ngoài xem ra đã tiến triển, và mọi phân tích tâm lý tinh tế của chúng ta, tôi tự hỏi chúng ta cũng có đang gây mê đối với các vết thương trong tâm hồn các trẻ em hay không. Người ta càng tìm cách bù trừ bằng quà cáp và bánh ngọt bao nhiêu, thì lại càng đánh mất đi ý thức về các vết thương của tâm hồn – đau đớn và sâu đậm hơn – bấy nhiêu. Chúng ta nói nhiều về các thái độ hỗn loạn, về sức khỏe tâm thần, vể hạnh phúc của trẻ em, sự lo âu của cha mẹ và con cái… Nhưng chúng ta có còn biết vết thương của tâm hồn là cái gì không? Chúng ta cảm thấy sức nặng của quả núi đè bẹp tâm hồn một trẻ em, trong các gia đình, trong đó người ta đối xử tàn tệ với nhau và làm cho nhau đau khổ, cho tới chỗ bẻ gẫy mối dây liên kết của sự chung thuỷ hôn nhân? Các lựa chọn của chúng ta có sức nặng nào trên tâm hồn của các trẻ em? Có sức nặng nào trong các lựa chọn của chúng ta – các lựa chọn sai lầm chẳng hạn, có sức nặng biết bao nhiêu trên tâm hồn của các trẻ em?

Khi các người lớn mất lý trí, khi mỗi người chỉ nghĩ tới chính mình, khi cha mẹ làm cho nhau đau khổ, tâm hồn của trẻ em đau khổ rất nhiều, nó cảm thấy tuyệt vọng. Và chúng là các vết thương để lại dấu vết suốt cả cuộc đời.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Trong gia đình tất cả đều gắn bó với nhau: khi tâm hồn của trẻ em bị thương tích tại một điểm nào đó, thì sự nhiễm trùng lan sang mọi nguời. Và khi một người đàn ông và một người đàn bà dấn thân để trở nên “một thân thể duy nhất” và thành lập một gia đình, nghĩ tới các đòi hỏi riêng của họ liên quan tới sự tự do và tưởng thưởng một cách ám ảnh, thì sự lệch lạc này tấn kích con tim và cuôc sống của con cái một cách sâu đậm. Biết bao lần các trẻ em lẩn trốn để khóc một mình… Chúng ta phải hiểu rõ điều này. Chồng vợ là một thịt xác duy nhất. Nhưng các thụ tạo của họ là thịt xác của thịt xác họ. Nếu chúng ta nghĩ tới sự cứng rắn mà Chúa Giêsu dùng để cảnh cáo người lớn đừng gây gương mù gương xấu cho các trẻ em, như đã nghe trong đoạn Tin Mừng (x. Mt 18,6), thì chúng ta cũng có thể hiểu một cách dễ dàng hơn lời nói của Ngài liên quan tới trách nhiệm trầm trọng phải gìn giữ mối dây hôn nhân khai mào gia đình nhân loại (x, Mt 19,1-9). Khi người nam và người nữ đã trở nên một thịt xác duy nhất, thì mọi vết thương và các bỏ rơi của người cha hay người mẹ ghi đậm dấu vết trên thịt xác sống động của con cái họ.

Đàng khác, cũng đúng thật là có những trường hợp, trong đó sự chia ly không thế tránh được. Đôi khi nó có thể trớ thành cần thiết trên bình diện luân lý, khi người ta tìm lấy khỏi người phối ngẫu yếu duối hơn, những đứa con còn bé khỏi các vết thương trầm trọng hơn, bị gây ra bởi ưu quyền và bạo lực, sự nhục nhã và khai thác bóc lột, sự xa lạ và thờ ơ.

Nhưng cám ơn Chúa không thiếu những người được nâng đỡ bởi đức tin và tình yêu thương đối với con cái, làm chứng cho sự chung thủy của họ đối với mối dây ràng buộc mà họ đã tin, dù xem ra không thể làm nó sống lại được. Tuy nhiên, không phải mọi nguời ly thân đều cảm thấy ơn gọi này. Không phải ai cũng thừa nhận trong thinh lặng một tiếng gọi của Chúa hướng tới họ. Chung quanh chúng ta chúng ta tìm thấy các gia đình khác nhau trong những hoàn cảnh bất bình thường. Tôi không thích từ này và chúng ta đặt ra nhiều câu hỏi? Làm sao trợ giúp các gia đình? Làm thế nào để đồng hành với chúng? Làm thế nào để đồng hành với các gia đình để con cái không trở thành con tin của cha hay mẹ?

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta một đức tin lớn lao để nhìn thực tại với cái nhìn của Thiên Chúa; và một tình bác ái lớn lao để đem con người tới gần trái tim thuơng xót của Chúa.

5. Hãy tha thứ để được thứ tha

Để cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta phải thực hành lời dạy trong kinh Lạy Cha: nghĩa là phải chân thành ăn năn vì những tội lỗi của chúng ta, vì biết rằng Thiên Chúa luôn tha thứ, và chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ cho người khác. Đức Thánh Cha đã nói như trên khi phân tích bài trích Phúc Âm theo Thánh Mátthêu (18: 21-35), trong đó Chúa khuyên các môn đệ của Ngài tha thứ “bảy mươi lần bảy”, tức là luôn luôn và tất cả, Đức Thánh Cha đã đề cập đến những liên kết chặt chẽ giữa việc Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng ta và sự tha thứ của chúng ta cho tha nhân.

Suy tư trên bài đọc từ Cựu Ước trích từ sách tiên tri Daniel, kể về lời van xin Thiên Chúa khoan hồng của Azariah, người đại diện cho toàn dân, thú nhận tội lỗi và cầu xin được tha thứ vì đã từ bỏ con đường đoan chính của Chúa. Azariah không biện hộ cho dân, cũng không cầu xin Chúa hãy xem nhẹ những tội lỗi của họ, hay là bỏ qua những tội lỗi của dân Người, nhưng xin Chúa tha thứ cho họ.

Đức Thánh Cha nói:

“Kêu cầu sự tha thứ là một điều khác với việc chỉ đơn giản nói rằng, tôi đã thực hiện một sai lầm 'cho tôi xin lỗi’ hay ‘Xin lỗi, tôi đã làm sai’. Không, ‘Tôi đã phạm tội!’ - Đó là sự khác biệt: hai điều này không giống nhau. Tội lỗi không phải là một sai lầm đơn giản. Tội lỗi là thờ ngẫu tượng: đó là sự tôn thờ những ngẫu tượng như niềm tự hào, phù hoa, tiền bạc, ‘cái tôi’, ‘sự sung túc riêng mình’. Chúng ta có quá nhiều ngẫu tượng vì thế mà Azariah không xin lỗi nhưng ông cầu xin sự tha thứ”

Sự tha thứ phải được khẩn xin một cách chân thành, hết lòng - và sự thứ tha cũng phải được trao ra hết lòng với những người đã làm tổn thương chúng ta. Đức Thánh Cha nhắc lại thái độ của người đầy tớ được tường thuật trong Tin Mừng, là người đã được chủ tha cho một món nợ lớn, nhưng đã không hào phóng như thế với người bạn mình. Đức Thánh Cha giải thích rằng động lực của sự tha thứ là những gì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha:

“Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha như thế này: Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” Nếu tôi không thể tha thứ, thì tôi không thể cầu xin được tha thứ. ‘Nhưng thưa cha, con đi xưng tội’ Nhưng anh chị em sẽ làm gì trước khi đi xưng tội? ‘Thưa, con nghĩ đến những điều con đã làm sai. Sau đó, con cầu xin Chúa tha thứ và hứa sẽ không làm những điều đó nữa. Và sau đó con đến gặp một linh mục’ Nhưng trước khi anh chị em làm những điều này, anh chị em vẫn thiếu một cái gì đó: anh chị em có tha thứ cho những người đã làm tổn thương anh chị em không?”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận rằng sự tha thứ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta đòi buộc chúng ta phải tha thứ cho người khác.

“Đây là những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta về sự tha thứ: đầu tiên, xin tha thứ không phải là một lời xin lỗi đơn giản, đó phải là một nhận thức về tội lỗi, về sự sùng bái ngẫu tượng mà tôi đã phạm; thứ hai, Thiên Chúa luôn tha thứ, luôn luôn - nhưng Ngài đòi hỏi tôi phải tha thứ cho người khác. Nếu tôi không tha thứ, trong một nghĩa nào đó, tôi đã đóng cửa với sự tha thứ của Thiên Chúa. Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.