Ngày 14-07-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nhẫn nại đợi chờ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:57 14/07/2011
Chúa nhật 16 A

Nước Trời là một mầu nhiệm, Chúa Giêsu đã mạc khải và thiết lập trong lịch sử nhân loại. Qua những hình ảnh đơn sơ, bình dị, gần gũi với cuộc sống, Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để giảng dạy về Nước Trời.

Chúa nhật trước với dụ ngôn “người gieo giống”,Chúa Giêsu cho thấy Nước Trời đã khai mạc. Cũng như người gieo giống đi gieo hạt trên khắp cánh đồng, Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Lời Chúa. Hạt giống ấy tăng trưởng trổ sinh hoa trái nơi mỗi người ra sao là tùy thái độ đón nhận của từng người ấy.

Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục giảng dạy về Nước Trời bằng dụ ngôn “lúa và cỏ lùng”. Như vậy, sau khi nói đến việc khai mạc Nước Trời, Người nói đến sự phát triển của Nước Trời trong lịch sử trần thế.

Chúa Giêsu đã khởi đầu công trình của Người với một nhóm nhỏ Mười Hai Tông Đồ. Sự khiêm tốn của “hạt cải bé nhỏ được gieo vào lòng đất bao la”. Sự khiêm tốn của “một nắm men bị vùi sâu vào ba đấu bột”. Điều kỳ diệu là “hạt bé hơn mọi thứ hạt giống” lại “trở thành cây cao bóng cả đến nỗi chim trời có thể đến nương náu nơi ngành nó”. Nắm men ít ỏi kia lại có khả năng làm dậy lên cả ba đấu bột chôn vùi nó. Cũng như vậy, Nước Trời sẽ vươn xa vươn rộng cho muôn dân nước đến nương nhờ. Hạt giống Nước Trời đã làm dậy lên cả thế giới bằng một tinh thần mới của Tin Mừng,biến đổi lịch sử trong tình thương và hòa bình.

Một vấn nạn luôn được đặt ra: Nếu Nước Trời đã được Chúa Giêsu thiết lập cách đây hơn 20 thế kỷ và nếu Thiên Chúa là Đấng nhân hậu giàu lòng xót thương thì tại sao cho đến nay cuộc sống con người vẫn đầy dẫy bất công,bạo lực,khổ đau,chiến tranh tương tàn, và xem ra sự dữ có chiều hướng gia tăng ? Đôi khi những người xấu xa tội lỗi gian manh lại giàu có sung túc trong đời sống vật chất hơn những người lành ? Vấn nạn này vẫn luôn là trăn trở khôn nguôi người Kitô hữu ở mọi thời đại ! Dụ ngôn “lúa và cỏ lùng” giải thích vấn nạn ấy.

Cánh đồng được gieo toàn hạt giống tốt.Thiên Chúa đã gieo vào trần thế những con cái Nước Trời. Ban đêm kẻ thù xuất hiện. Satan tới gieo cỏ lùng. Thế là có cảnh lẫn lộn trên trần gian. Người lành kẻ dữ cùng chung nhau một mảnh đất. Đang khi hạt giống được gieo giữa ban ngày thì Satan lại lợi dụng đêm tối khi mọi người đã mất cảnh giác để gieo rắc tội lỗi. Hành động thấp hèn. “Xấu” chưa chắc đã “hèn”, nhưng “hèn” thì chắc chắn là “xấu”, bởi lẽ nhiều tay “giang hồ”, bặm trợn, vẫn rất ghét thói “ném đá dấu tay”, trong khi động cơ, phương tiện và mục đích của những hành động lén lút, luôn là bỉ ổi, xấu xa và hại người.

Thế giới này giống như cánh đồng lúa đầy cỏ lùng xen vào. Những ông thánh sống lẫn lộn với những thằng quỷ, tốt xen lẫn với xấu. Tốt như những tổ chức nhân đạo, nhân quyền, hoà bình thế giới: UNESCO, UNICEP, FAO, OLYMPIC, WORLD CUP là những tổ chức xây dựng văn hoá, giáo dục tình thương bảo vệ sức khoẻ trẻ em, phát triển lương thực thế giới, thăng tiến những tài năng, chăm lo y tế. Nhưng lại có rất nhiều những tổ chức xấu xen vào như Mafia, buôn lậu, ma tuý, vũ khí, khủng bố, trộm cướp, du đãng, buôn bán trẻ em, phim ảnh sách báo đồi truỵ… Đồ thật, hàng tốt bị xen lẫn hàng xấu, đồ giả. Người lương thiện, chân chính bị lẫn lộn với kẻ tham ô, móc ngoặc, bất lương. Những thứ cỏ lùng gai góc đó không bao giờ hết, chỉ đến mùa gặt tận thế chúng mới bị quét sạch, đốt sạch. Tận thế sẽ thiêu đốt tất cả những thứ cỏ lùng đó, những kẻ xấu, kẻ dữ đó. Còn lúa thì được gánh về, chở về kho. Những thánh nhân, những người lương thiện, công chính sẽ sáng chói trong ngày vinh quang đó, họ được rước vào nước hạnh phúc đời đời.

Thấy cỏ lùng xuất hiện với lúa, các đầy tớ đến hỏi ông chủ : “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy ?”.Thấy sự dữ tràn lan trên thế giới, bao nhiêu người thắc mắc: sự dữ, sự ác bởi đâu ra ? Chúng ta nhiều lần thấy gian tà thắng ngay lành, bất công thắng công chính. Kẻ ác thắng kẻ thiện, cũng thất vọng kêu trách : Sao Chúa để kẻ dữ sống lâu, mạnh khoẻ, giàu sang, may mắn, còn kẻ lành phải khổ cực trăm chiều?

Trước những thắc mắc đó, Chúa đáp : “Kẻ thù đã làm đó!” Kẻ thù là ai ? Thánh kinh cho biết có hai thứ kẻ thù : kẻ thù ở trong ta và kẻ thù ở ngoài ta. Kẻ thù ở ngoài ta có những tên khác nhau : con rắn cám dỗ phỉnh gạt (St 3,2.13), con rồng, rắn xưa, quỷ, satan (Kh 12,9), con thuồng luồng Leviathan (Is 27,1), kẻ thù, kẻ chống đối (Mt 13,25; Lc 10,19; 2Cr 6,15). Những kẻ thù này ở ngoài con người, nhưng chúng xâm nhập vào con người sâu hiểm tới độ đồng hoá với bản tính nhân loại. Nhưng chúng sẽ bị “Thiên Thần Chúa từ trời xuống, tay cầm chìa khoá vực thẳm và một dây xích lớn, bắt lấy con rồng, tức là con rắn xưa cũng là ma quỷ satan xích nó… quăng vào vực thẳm, rồi đóng cửa niêm phong lại” (Kh 20, 2-3). Nhưng một mình quỷ thôi, chúng sẽ bất lực như bất lực đối với Thánh Gióp. Chỉ khi có sự tiếp tay của ta như Eva tiếp nó, nó mới thành kẻ thù trong ta : nó trở nên kẻ nội thù ghê gớm. Nó mọc lên những cỏ lùng, bụi gai, đá sỏi, quỷ dữ (Mt 13,18-22). “Vì tự lòng phát xuất ra những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, chứng gian, vu khống” (Mt 15, 19). Khi chủ cho biết kẻ thù làm đó, thì đầy tớ xin nhổ đi, chủ sợ hại đến lúa, nên ông đáp : “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”. Thái độ của chủ thật khôn ngoan, ông kiên nhẫn chờ đợi đến mùa gặt, mới nhặt cỏ lùng đốt đi.

Có thể trong tâm tưởng nhiều người lại quy gán cho Thiên Chúa trách nhiệm về tình trạng khổ đau đó chẳng khác gì câu hỏi ngày xưa: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng ở đâu mà ra?” Một câu hỏi không lên án nhưng chứa đựng sự nghi ngờ.

Để trả lời cho vấn nạn đó, Chúa Giêsu đã lấy lại giáo huấn của sách Sáng Thế : Sự ác không đến từ Thiên Chúa. Ngài chỉ gieo hạt giống tốt lành vào mảnh đất người đời. Sự ác cũng không chỉ đến từ tâm trí con người nhưng nó đã có trước đó.Sự dữ cũng là một mầu nhiệm. Đối với Chúa Giêsu, con người là nạn nhân của sức mạnh mà Người gọi là ”Kẻ thù”, là ”Quỹ dữ” như cách diễn tả trong dụ ngôn : “Khi mọi người đang ngũ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng rồi đi mất”. Ở cội nguồn tội lỗi của con người,còn có một sức mạnh luôn tìm cách phá hoại công trình của Thiên Chúa và hành tung của nó rất bí mật. Đó là quỷ dữ lợi dụng đêm tối để gieo rắc tội lỗi rồi trốn đi.Thánh Phaolô đã nói về sự dữ trong thư Rôma : Công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa tốt lành.Satan đã cám dỗ Adam,Eva, Nguyên Tổ sa ngã,tội lỗi sinh ra đau khổ và sự chết rồi nó như con bạch tuộc vươn vòi vào trần thế, con người nô lệ cho tội lỗi và nhận lấy án phạt là sự chết (x.Rm 1,20 -31 ;15,12).Ma quỷ luôn có mặt để gieo rắc sự xấu.

Thiên Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hòa bình. Đẹp biết bao khi mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng thực tế lại đáng buồn thay ! Cánh đồng hòa bình tươi xanh đã bị những cỏ dại của tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sử thế giới được ghi bằng những trang buồn đau vì không lúc nào mà không có chiến tranh.

Thế giới này sẽ tươi đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần chung tay xây dựng! Nhưng thật đáng tiếc,rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa, nô lệ hóa con người. Đó là những hạt cỏ xấu ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt. Lúa tốt và cỏ lùng lẫn lộn trên cùng ruộng lúa. Cái tốt, cái xấu đan xen trong cuộc sống hàng ngày,nhất là trong tâm hồn mỗi người. Ở đó, hạt mầm sự sống và nọc độc sự chết cùng sống chung. Mỗi con người chắc chắn đều có kinh nghiệm bản thân như Thánh Phaolô đã từng kinh nghiệm “Điều lành tôi muốn làm tôi lại không làm, còn điều dữ tôi không muốn làm nhưng tôi lại cứ làm ( Rm 7,19). Con người có tự do để chọn lựa cái đúng cái sai, chọn cái tốt cái xấu. Nước Trời cũng gồm những con người có tự do, thì cũng có những người xấu do chọn lựa sai lầm. Cảm nhận được sự thật ấy trong tâm hồn mình để chúng ta biết khoan dung trong cách nhìn về người khác. Sự khoan dung không đồng nghĩa với đầu hàng cái ác nhưng phát xuất từ niềm tin vững chắc vào sự tất thắng của Nước Trời: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. Cho dù cỏ lùng có bóp nghẹt lúa tốt trong một thời gian dài, nhưng mùa gặt đến, cỏ lùng sẽ bị gom lại và đốt đi, còn lúa tốt được cất vào kho lẫm.

Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa tốt được,nhưng người xấu có thể hoán cải để nên người tốt.Thiên Chúa ghét tội lỗi nhưng lại yêu mến tội nhân vì Người chờ nơi họ lòng thống hối để được thứ tha (x.Rm 2,4). Chính vì thế mà Thiên Chúa kiên tâm chờ đợi. Chờ đợi vì Thiên Chúa tin vào sự hoán cải của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa tôn trọng tự do lựa chọn của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa nuôi một niềm hy vọng lớn lao.Thiên Chúa vẫn luôn nhẫn nại đợi chờ cho đến ngày tận thế “ cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.

Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở trong tim con người. Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt, giữa cái thiện và cái ác, giữa Thiên Thần và Satan.Tự do chọn lựa là quyền mỗi người.Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng trong con người. Thiên Chúa nhẫn nại đợi chờ con người thanh luyện dần dần và hy vọng mọi sự trong họ sẽ thành lúa tốt.

Lạy Chúa, xin cho con nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường ghập ghềnh cuộc đời, trong thác dốc tâm hồn với tất cả niềm tin và hy vọng. Amen.
 
Giết người đi thì ta ở với ai?
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:38 14/07/2011
ChúaNhật XVI Thường Niên A

“Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (x. Ed 18,23) . Câu Lời Chúa thường được lặp đi lặp lại trong suốt mùa Chay thánh nói lên tấm lòng của Đấng chúng ta tôn thờ. Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật XVI TN A khởi đầu bằng đoạn trích sách Khôn ngoan làm nổi rõ lòng từ nhân của Thiên Chúa đồng thời gieo rắc niềm hy vọng cho tội nhân xiết bao: “Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh… Làm như thế, Chúa đã dạy dân rằng: người công chính phải có lòng nhân ái. Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối” (Kn 12,16-19). Chúng ta lại được nghe Chúa Giêsu nói thêm một số dụ ngôn về Nước Trời, đặc biệt là dụ ngôn “cỏ lùng trong ruộng” (Mt 13,24-29).

1. ĐỪNG NHỔ CỎ, KẺO NHỔ LẪN CẢ LÚA:

Một mệnh lệnh xem ra nghịch thường, nếu có một chút hiểu biết về nghề nông và kinh nghiệm trồng lúa. “Công cuốc, công cày là công bỏ; công làm cỏ mới là công ăn”. Trước khi thuốc diệt cỏ ra đời, thì làm cỏ là một khâu không thể xao nhãng trong nghề nông. Gieo trồng mà không làm cỏ thì chắc chắn “xôi hỏng, bỏng tay”; “mất cả chì lẫn cả chài”. Ngay cả chút “giống” bỏ ra cũng chẳng mong thu lại được, nếu không chịu làm cỏ.

Theo văn phong dụ ngôn thì điều muốn nói, muốn trình bày, chỉ có một hoặc hai điều mà thôi. Và điều muốn nói thường ở nơi câu kết hoặc nơi một chi tiết nghịch thường của câu chuyện. Và ta có thể nói rằng nội dung chính của dụ ngôn “cỏ lùng trong ruộng” muốn dạy ta là đừng tự phong làm “thẩm phán” của bất cứ ai. Với lý trí suy xét và dưới ánh sáng Lời Mạc khải chúng ta có thể phân biệt điều tốt, điều xấu, hành vi chính đáng, phải đạo và hành vi bất chính…nhưng chúng ta thật khó mà quy kết ai là chính nhân, ai là quân tử. Cha ông ta đã từng truyền dạy kinh nghiệm rằng vẫn có đó nhiều người “khẩu phật mà tâm xà” và cũng có nhiều người “ngoài miệng thì nói nam mô mà trong bụng lại chứa một bồ dao găm”. Nhân sinh quan về sự nhập nhằng đen trắng, chính nhân quân tử hay tiểu nhân, mắt người phàm khó biện phân, thì Kim Dung, một cây bút nổi tiếng loại hình tiểu thuyết võ hiệp lịch sử kỳ tình Trung Hoa đã trình bày xuyên suốt qua các pho truyện của ông như “Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Cô Gái Đồ Long…

Sau biến cố 1975, Chính quyền cộng sản đã ra lệnh bài trừ và tiêu hủy “các loại hình văn hóa phản động”, trong đó có tiểu thuyết của ngài Kim Dung. Lý lẽ đưa ra là cần minh bạch rõ ràng người xấu với kẻ tốt, phải rõ ràng “địch với ta”. Nếu không ta thì là địch. Nếu không theo cách mạng là phản động… Quả thật kiểu nhân sinh quan này tưởng rằng là triệt để nhưng thực ra là quá khích, độc đoán, một chiều… May thay, với thời gian, nhân sinh quan này hình như đang dần được chuyển hóa, đổi thay.

Con người, thường xem xét kẻ khác qua diện mạo bên ngoài, kiểu xem mặt mà bắt hình dong, vì thế, sai lầm là chuyện khó tránh. Thế mà ta lại cả gan muốn loại trừ người mà ta cho là xấu xa, là tội lỗi. Nếu giả như hễ ai đã phạm tội đều đáng bị loại bỏ, bị giết đi, thì thử hỏi có ai còn đáng sống. Và ngay chính bản thân ta cũng không đáng tồn tại. Giết người đi thì ta ở với ai? Hơn nữa, kẻ đáng giết trước hết, chính là ta!

2. HÃY BIẾT KIÊN NHẪN ĐỢI CHỜ:

Chỉ mình Thiên Chúa mới tỏ tường đâu là lúa, đâu là cỏ lùng. Chỉ có Chúa mới là Đấng thấu tỏ mọi bí ẩn tâm can con người. Thế mà Người lại chờ cho đến mùa gặt. Thiên Chúa không thích con người phải chết và cũng chẳng muốn tội nhân bị diệt vong. Chỉ một người tội lỗi sám hối ăn năn là cả triều thần thiên quốc vui mừng khôn xiết hơn chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn (x.Lc 15,7). Lượng từ bi vô biên của Chúa nào ai đo lường được. Người kiên nhẫn đợi chờ vì Người là Đấng Hoàn Thiện, là Cha từ nhân, Đấng chậm bất bình và rất mực khoan dung. Người kiên nhẫn đợi chờ vì Người biết con người là hữu thể đang chuyển thành (L’homme c’est l’être en devenir). Không một thánh nhân nào mà không có một quá khứ (quá khứ lỗi lầm), chính vì thế, chẳng có một tội nhân nào lại chẳng có thể có một tương lai (tương lai tốt đẹp). Với con người nhiều khi là không thể, vì quá khó, khó hơn cả lạc đà chui qua lỗ kim, nhưng với quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể (x.Mt 19,23-26).

3.CHỜ ĐỢi KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ NGỒI KHOANH TAY HAY ĐỨNG NHÌN:

Rất có thể có nhiều người viện cớ rằng mình có thể sai lầm trong phán đoán để rồi không làm gì cả. Và cũng có thể có nhiều người vì lười biếng hoặc nhát đảm nên vô tình phạm đến đức trông cậy khi khoán trắng mọi sự cho Chúa. Chúng ta cần khử trừ sự xấu nhưng không được phép loại bỏ tội nhân. Ngoại trừ Mẹ Maria được Chúa gìn giữ vẹn tuyền, còn chúng ta, thảy đều là tội nhân cách này hay cách khác. Tuy nhiên, trong thực tế, giữa sự xấu với người xấu nhiều khi khó phân biệt ranh giới. Hơn nữa, có khi khoan dung với người xấu thì lại vô tình để cho sự xấu lan truyền. Vấn đề thật nan giải! Một trong những cách thế xem ra khôn ngoan là chỉ lên án hay cảnh báo các hiện tượng tiêu cực cách chung chung mà không ám chỉ trực tiếp một ai để rồi “ai có tật thì giật mình”. Tuy nhiên, làm sao tránh được chuyện công luận hướng ngay về một hay những ai đó khi có một sự xấu được nêu lên và bị kết án. Đã là phương thế, đặc biệt các phương thế mang tính tiêu cực như khử trừ, loại bỏ, lên án…, thì không một phương thế nào là hoàn hảo và tối ưu.

Một kinh nghiệm nhà nông, đó là nếu lúa tốt nhanh, thì cỏ sẽ bị che rợp và khó phát triển. Cần nổ lực sử dụng các phương thế tích cực. Hãy làm chút men nồng. Chỉ một nắm men nhỏ thì cả khối bột sẽ dậy men (x.Mt 13,33). Trong khi khoan dung, kiên nhẫn với tội nhân thì chúng ta cần nhân rộng các nghĩa cử bác ái, những hành vi đạo đức, thánh thiêng, cao thượng. Thà thắp lên một ánh nến còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối. Một cây nến, hai cây nến, nhiều cây nến…cả không gian sẽ bừng sáng và đêm tối sẽ phải lùi xa.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:45 14/07/2011
ÁO MÃO HOÀNG ĐẾ
N2T

Một người ăn mày từ Bắc Kinh trở về quê nhà và khoe rằng mình đã thấy hoàng đế, có người hỏi hoàng đế ăn mặc như thế nào, người ăn mày nói:
- “Hoàng đế à, ông ta trên đầu đội vương miện có gắn trăm hạt ngọc, mình mặc áo long bào được làm bằng vàng ròng”.
Người ấy lại hỏi:
- “Mặc áo bằng vàng ròng thì làm sao chắp tay vái chào được ?”
Người ăn mày “xì” một tiếng, nói không nghĩ:
- “Ông đúng là người không nhìn xa thấy rộng, đã làm hoàng đế rồi thì còn phải chắp tay vái chào ai nữa chứ ?”

Suy tư:
Vâng, đã làm hoàng đế rồi thì còn phải chắp tay vái chào ai nữa, đó là quan niệm của người xưa về hoàng đế, bởi vì hoàng đế là thiên tử, tức là con của ông trời, do đó mà quyền sinh sát nằm trong tay của hoàng đế, cho ai sống là sống, cho ai chết là chết…
Linh mục là Alter Christus nghĩa là Đức Ki-tô khác, là Đức Ki-tô thứ hai, điều này không sai, nhưng cái sai ở chỗ người mang danh Đức Ki-tô thứ hai cứ nghĩ rằng, mình là linh mục rồi, là Alter Christus rồi còn sợ ai nữa, còn phải vái chào ai nữa, cho nên:
- Có một vài linh mục không hề cúi đầu chào các ông già bà lão trong giáo xứ của mình, vì ngài tự cho mình là Alter Christus.
- Có một vài linh mục đi đâu củng ngẫng đầu ngẫng mât lên trời, nói chuyện với người khác thì nhìn họ bằng nửa con mắt, vì ngài tự cho mình là Alter Christus.
- Có một vài linh mục bặm môi trợn mắt tát tai các em nhỏ trong giáo xứ khi chúng nó sai lỗi, vì ngài tự cho mình là Alter Christus.
- Có một vài linh mục kiêu ngạo khoe mình quá đáng, đến nỗi diễn giải giáo lý quá đà “say men kiêu căng” mà sai cả giáo lý căn bản của Giáo Hội, giáo dân thấy kỳ quặc nên góp ý, thì bị cho là kiêu ngạo dám góp ý cho cha sở, bởi vì ngài tự cho mình là Alter Christus.
Linh mục là Alter Christus, là một Đức Ki-tô khác không sai chút nào, nhưng một Đức Ki-tô khác chỉ là phần đầu, còn phần tiếp theo mà các linh mục ấy thường quên hoặc không để ý, nên không muốn chắp tay chào ai, phần tiếp theo đó là: Chúa Giê-su bôn ba giảng đạo, phục vụ người chứ không để người khác phục vụ, thực hành đức ái với mọi người, và cuối cùng thì chịu nạn chết trên thập giá…
Sống như Chúa Giê-su đã sống, làm việc như Chúa Giê-su đã làm thì mới xứng đáng là Alter Christus, chứ không phải là kiêu hãnh với chữ “Alter Christus, Đức Ki-tô khác”, mấy chữ đó chỉ là cái áo khoác bên ngoài của linh mục mà thôi.
-------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:46 14/07/2011
N2T

23. Nếu tôi nhìn thấy tội lỗi xấu xa của mình thì cảm thấy khó mà chấp nhận; nếu như tôi nhắm mắt không nhìn bản thân mình thì tôi không thể tránh khỏi cái chết; tự mình chán ghét mình cố nhiên là bất hạnh.

(Thánh Anselm)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Minh xác về việc phong chức cho nữ giới
Vũ Văn An
08:00 14/07/2011
Mấy ngày gần đây có việc tranh luận chung quanh các câu trả lời của Đức Hồng Y José da Cruz Policarpo, Thượng Phụ Lisbon, về việc phong chức cho nữ giới. Câu trả lời này gây bất mãn cho một số người vì họ cho rằng ngài ủng hộ việc phong chức ấy. Điều ấy khiến ngài phải công bố một bản minh xác vào ngày 6 tháng 7 vừa qua để xác nhận rằng ngài luôn trung thành với học thuyết chính thức của Giáo Hội về vấn đề này nghĩa là không có việc phong chức cho nữ giới.

Theo hãng tin CNA ngày 8 tháng 7, bản minh xác trên đã được đưa ra sau khi một nguồn tin từ Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha, mà Đức Hồng Y Policarpo vốn là chủ tịch, cho hay Đức HY Policarpo không ủng hộ việc phong chức cho phụ nữ nhưng “trong cuộc phỏng vấn ấy, ngài đã không chính xác khi nói về chức linh mục”. Một phần cũng vì ngài cố gắng giải thích giáo huấn Công Giáo về chức linh mục cho giới truyền thông thế tục, vốn xa lạ với Đạo Công Giáo. Giới này hiểu lầm vì đã chỉ dựa vào “các đoạn họ cố ý chọn” để tường trình. Nguồn tin vì thế xác nhận như sau: “kết luận rằng Đức Hồng Y ủng hộ việc phong chức cho phụ nữ là một phóng đại và còn bóp méo điều ngài thực sự muốn nói nữa”.

Thiết nghĩ đây cũng là điều may, vì nó đem lại cho Đức Hồng Y Policarpo, trong tư cách giám mục và mục tử của Dân Thánh Chúa, cơ hội đào sâu vấn đề và nói lên giáo huấn truyền thống của Giáo Hội về một vấn đề đang còn tranh cãi và tiếp tục bị hiểu lầm. Có người vẫn lý luận như sau: Giáo Hội có quyền cho phép các trẻ nữ giúp lễ, cử nhiệm phụ nữ đọc Sách Thánh cũng như thừa tác viên Thánh Thể và xướng lĩnh viên (cantors), thì Giáo Hội cũng có quyền phong chức linh mục cho phụ nữ.

Ai cũng thấy những việc vừa kể khác xa với việc làm linh mục, dù linh mục cũng làm những việc ấy. Linh mục là điều gì đó sâu xa hơn nhiều. Cụ thể, linh mục là những người cha thiêng liêng của chúng ta. Trong Thánh Lễ, linh mục hành động “in persona Christi” hay trong vị thế của chính Chúa Kitô lúc truyền phép. Chỉ có nghĩa như thế, khi linh mục là nam giới như chính Chúa Kitô. Ở đây, có người còn gợi ra ý niệm này: Giáo Hội luôn được quan niệm như một người mẹ, thành thử nếu linh mục cũng là phái nữ nữa, thì khó có thể tưởng tượng được việc ngài “truyền phép” bánh và rượu trở thành mình và máu Chúa Cứu Thế. Giáo Hội và hàng giáo sĩ nam giới bổ túc cho nhau, như hôn nhân bổ túc cho người đàn ông và người đàn bà.

Lý luận sau cùng trên đây có vẻ mới lạ, xem ra không hẳn là lý luận chính thống. Trích dẫn từ ý kiến bạn đọc sau khi đọc bản tin về việc minh xác của Đức Hồng Y Policarpo đăng trên bản tin của Catholic News Agency, là để ta thấy khía cạnh nam tính của chức linh mục xâu xa hơn là kiểu suy luận đầu tiên cũng của một bạn đọc của Catholic News Agency. Tuy nhiên, đọc kỹ bản minh xác của Đức Hồng Y Policarpo, loại hình song đối này không hẳn không đúng sự thật. Xin mời bạn đọc xem tiếp phần minh xác của Đức Hồng Y Policarpo.

Đầu tiên, Đức Hồng Y nhắc lại nguyên tắc: Giáo Hội không có năng quyền phong chức linh mục cho nữ giới. Đây là truyền thống đã có từ thời Tân Ước, từ chính Chúa Giêsu Kitô và trong đường lối Người đặt để nền tảng cho Giáo Hội của Người.

Sau đó Đức Hồng Y nhắc đến nguyên tắc bổ túc. Theo ngài, Chúa Giêsu Kitô dẫn sáng thế đến chỗ hoàn thành, và một thành phần cấu tạo ra sự hoàn thành đó chính là sự hòa hợp giữa người nam và người nữ, trong sự dị biệt bổ túc cho nhau và trong phẩm giá bằng nhau của họ, đem đến cho trình thuật Sáng Thế một kết thúc trọn vẹn: “Thế là Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Người; theo họa ảnh mình, Người dựng nên họ; Người dựng nên họ có nam có nữ” (St 1:27). Tính bổ túc cho nhau giữa người đàn ông và người đàn bà trong lịch sử cứu rỗi đạt tới chỗ hoàn thành của nó trong mạc khải về Chúa Kitô và Đức Mẹ. Vị trí và sứ mệnh của Đức Mẹ đã linh hứng Giáo Hội một cách sâu sắc. Ngắm nhìn Đức Mẹ là điều quan trọng để ta hiểu bộ mặt nữ giới của Giáo Hội.

Khi Chúa Giêsu chọn các Tông Đồ của mình, Người đã chọn những người đàn ông, dù Người luôn được nhiều phụ nữ theo chân và được họ tháp tùng trên đường thập giá. Đã đành trong xã hội Do Thái, các quan điểm văn hóa và xã hội về phụ nữ khó cho phép việc chọn phụ nữ để thi hành sứ mệnh Tông Đồ. Trong cuốn thứ hai bộ “Chúa Giêsu Nadarét”, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nhìn nhận rằng, trong chứng tá Phục Sinh, trong truyền thống tuyên tín, chỉ thấy nhắc tới những người đàn ông, có lẽ vì trong truyền thống Do Thái chỉ những người đàn ông mới được nhận làm nhân chứng ở tòa án; chứng tá của người đàn bà không được coi là khả tín.

Hình thức kỳ thị về xã hội nói trên không ngăn cản việc nhấn mạnh tới vai trò có tính quyết định của người đàn bà: “phụ nữ có vai trò quyết định trong truyền thống Thánh Kinh”. Sự khác nhau về thừa tác vụ không làm giảm phẩm giá của sứ mệnh. Về điều này, Đức Bênêđíctô XVI cho hay: “cơ cấu luật pháp của Giáo Hội được đặt căn bản trên Phêrô và Mười Một Tông Đồ, nhưng trong sinh hoạt hàng ngày của Giáo Hội, chính những người đàn bà mới là những người không ngừng mở cửa dẫn tới Chúa” (1).

Sau Lễ Ngũ Tuần, thời của Giáo Hội bắt đầu, là thời tiếp tục thừa tác vụ của Chúa Giêsu Kitô. Việc kế tục tông đồ là động lực thiết lập và xây nền của Giáo Hội vừa khai sinh. Các Tông Đồ đặt tay lên những người đàn ông và những người này sẽ tiếp tục thừa tác vụ tông đồ của các ngài. Sự kiện không có người đàn bà nào trong số những vị kế nghiệp và cộng tác không có nghĩa là giảm thiểu vai trò người đàn bà, mà là để tìm kiếm tính bổ túc giữa nam và nữ, từng được thể hiện trọn vẹn trong mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Đức Mẹ Maria. Trong các giáo hội của Thánh Phaolô, ta thấy có nhiều phụ nữ xuất chúng với nhiều trách nhiệm lớn lao, cả trong việc truyền giáo lẫn trong việc củng cố các cộng đoàn Kitô hữu. Tuy nhiên, Thánh Tông Đồ không đặt tay trên họ. Nhưng trong Giáo Hội Rôma, ai cũng thấy vai trò của các “trinh nữ” tử đạo là quan trọng như thế nào.

Thời Giáo Hội sơ khai, điều đáng lưu ý là sự hòa hợp giữa sự kiện chức linh mục tông truyền chỉ trao cho những người đàn ông và tầm quan trọng cũng như phẩm giá phụ nữ trong Giáo Hội. Phẩm giá nền tảng của mọi tín hữu phát sinh từ việc họ kết hợp với Chúa Giêsu Kitô, vị Linh Mục duy nhất. Toàn thể Giáo Hội dự phần vào phẩm giá ấy, vì họ đều là một Dân Tộc Tư Tế. Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô nói rõ: “và như những viên đá sống động, anh em hãy tự xây dựng mình thành căn nhà thiêng liêng, để trở thành chức linh mục thánh thiện, tiến dâng các hy lễ thiêng liêng được Thiên Chúa chấp nhận nhờ Chúa Giêsu Kitô” (2:5); “Nhưng anh em là dân được chọn, một hàng tư tế vương giả, một dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để anh em tuyên xưng những kỳ công của Người, Đấng đã kêu gọi anh em ra khỏi bóng tối mà bước vào ánh sáng diệu kỳ của Người” (2:9).

Mọi chi thể của Giáo Hội, cả đàn ông lẫn đàn bà, đều tham dự vào phẩm giá vương giả và tư tế này, một phẩm giá được họ phát biểu rõ ràng hơn cả khi cử hành Thánh Thể. Việc phát biểu này liên tục bao hàm sự chủ tọa của Chúa Giêsu Kitô, là đầu và là Chúa của Giáo Hội, một sự chủ tọa được Người thực thi qua hàng linh mục tông truyền, là hàng linh mục, “in persona Christi”, luôn bảo đảm cảm nghiệm của Giáo Hội về chính phẩm giá tư tế của mình. Sự hòa hợp này rõ ràng đã được cảm nghiệm và xây dựng trong suốt các thế kỷ vừa qua. Thừa tác vụ của các linh mục thụ phong tìm thấy sự thật của nó trong cảm nghiệm của Giáo Hội tự coi mình là Dân Tư Tế.

Theo Đức Hồng Y Policarpo, vấn đề phong chức cho phụ nữ để họ đảm nhận thừa tác vụ của hàng linh mục tông truyền chỉ mới đặt ra gần đây, đặc biệt tại các nước Tây Phương và hiện đang được giải thích bằng nhiều nhân tố khác nhau:

-- Các phong trào cổ vũ phụ nữ. Các phong trào này không những bênh vực phẩm giá phụ nữ mà cả sự bình đẳng của họ về quyền lợi và chức năng trong các xã hội hiện đại. Các phong trào duy nữ biến cuộc tranh đấu này thành đặc thù bằng cách cho rằng phụ nữ phải bình đẳng với nam giới trong mọi chức năng của xã hội. Các tiêu chuẩn thần học của Truyền Thống Giáo Hội phải được thay thế bởi các tiêu chuẩn văn hóa và xã hội học.

-- Mất ý thức về phẩm giá tư tế của mọi chi thể trong Giáo Hội. Họ cho rằng việc mất ý thức này đã rút gọn ý niệm linh mục vào hàng tư tế thụ phong.

-- Hiểu hàng linh mục thừa tác như một thứ quyền và một thứ lực. Mà quên mất rằng không một ai, cả đàn ông lẫn đàn bà, có quyền đòi thứ quyền này, trái lại phải chấp nhận lời mời gọi của Giáo Hội mà bước vào việc phục vụ này, một việc phục vụ bao hàm việc hiến thân trọn đời.

Đức Hồng Y Policarpo cho rằng: tình huống xã hội mới nói trên đã kích thích nhiều suy tư thần học và nhiều can thiệp rõ ràng hơn của huấn quyền. Khởi đầu, nền thần học nghiêm túc tuy đánh giá cao truyền thống lâu đời này của Giáo Hội, nhưng không loại bỏ việc coi đây là một vấn đề để ngỏ, miễn là phải lưu ý tới hành động của Chúa Thánh Thần, mục đích là để tìm ra cách nói lên mầu nhiệm của Giáo Hội trong các thực tại mới mẻ.

Về phần huấn quyền, các giáo huấn gần đây nhất của các vị giáo hoàng vẫn luôn giải thích truyền thống liên tục này, một truyền thống vốn bắt nguồn từ chính Chúa Kitô và đoàn Tông Đồ, không những như một phương cách hành động thực tiễn, một phương cách có thể thay đổi tùy theo nhịp độ hành động của Chúa Thánh Thần, mà còn như một biểu thức nói lên chính mầu nhiệm Giáo Hội mà ta phải chấp nhận.

Ở đây, Đức Hồng Y trích dẫn lời của Đức Gioan Phaolô II viết trong tông thư "Ordinatio Sacerdotalis": "Dù giáo huấn dạy về việc phong chức linh mục chỉ dành cho nam giới đã được duy trì bởi Truyền Thống bất biến và phổ quát của Giáo Hội và được giảng dạy một cách chắc chắn bởi huấn quyền trong các văn kiện mới đây hơn, hiện nay, tại nhiều nơi, người ta vẫn coi giáo huấn ấy được bỏ ngỏ để bàn cãi, hay phán quyết của Giáo Hội về việc phụ nữ không được nhận để phong chức vẫn bị coi là chỉ có sức mạnh kỷ luật.

“Thành thử, để loại bỏ mọi hoài nghi liên quan đến vấn đề hết sức quan trọng này, một vấn đề liên hệ tới chính hiến pháp thần linh của Giáo Hội, nhân danh thừa tác vụ phải củng cố anh em của ta (xem Lc 22:32), ta tuyên bố rằng Giáo Hội không có thẩm quyền nào ban chức linh mục cho phụ nữ và phán quyết này phải được mọi tín hữu của Giáo Hội tuân theo một cách dứt khoát”

Như thế, chúng ta được mời gọi vâng theo giáo huấn của Đức Thánh Cha, trong sự khiêm nhường của Đức Tin, và tiếp tục suy tư về mối liên hệ của chức linh mục thừa tác với bản chất tư tế của toàn thể Dân Thánh Chúa cũng như khám phá ra phương cách xây dựng Giáo Hội của nữ giới, trong vai trò có tính quyết định của họ trong sứ mệnh của Giáo Hội.

(1) Benedict XVI, Jesus of Nazareth, Vol. II, page 263.
 
''Sống người Công giáo ở Trung Quốc”: Một Blog mới của hãng tin Fides
Phạm Kim An
14:14 14/07/2011
"Sống người Công giáo ở Trung Quốc”: Một Blog mới của hãng tin Fides

Khuyến khích đối thoại giữa các người phụ trách truyền giáo

ROMA – Hãng tin Fides thông báo rằng hãng đã tạo ra blog "Sống người Công Giáo ở Trung Quốc" (Etre catholiques en Chine, Being catholic in China), như một phương tiện "thông tin và đào tạo nhằm giúp người Công giáo Trung Quốc Đại lục".

Blog này có địa chỉ: http://catholicsinchina.blogspot.com

Fides giải thích: “Đây là thời điểm thuận tiện của Chúa Thánh Thần, đòi hỏi một việc đọc tình hình cẩn thận, để cho Giáo Hội, vốn có mặt trong mọi quốc gia và mọi nền văn hóa, có thể tự do thực hiện sứ vụ đã được Chúa Kitô uỷ thác”.

Fides nhấn mạnh rằng thông qua blog, người ta có thể "đối thoại và trợ giúp các người có trách nhiệm phối hợp hoạt động Truyền giáo về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc".

Cuối cùng, blog này có thể "làm một công cụ của sự hiệp nhất Giáo Hội tại Trung Quốc với tất cả các Giáo hội trên thế giới và với Giáo Hội hoàn vũ". (Zenit 13-7-2011)

Phạm Kim An
 
Đại sứ của 50 quốc gia hợp tác tại Đại hội Giới Trẻ Madrid
Nguyễn Trọng Đa
08:39 14/07/2011
Đại hội Giới trẻ Thế giới: Cả thế giới trong một thành phố

Đại sứ của 50 quốc gia hợp tác tại Đại hội Madrid

ROMA – Ban tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) đã có cuộc họp thông tin lần thứ ba với đại diện của hơn 50 đại sứ quán được công nhận ở thủ đô Tây Ban Nha. Ban tổ chức đã chuyển cho các đại sứ quán các chi tiết mới nhất của sự kiện này, vốn sẽ diễn ra không đầy một tháng nữa.

Trong số các đại diện tham dự cuộc họp này, có đại diện của đại sứ quán Brazil, Cape Verde, Croatia, Na Uy, Ghana, Iceland, Haiti và Thái Lan.

Đức Giám mục Cesar Franco, tổng điều phối viên của Đại hội Giới trẻ Thế giới WYD, nói: “Chuẩn bị cuộc gặp gỡ này, tôi cám ơn quý vị về sự hợp tác của quý vị. Vai trò của quý vị là không thể tranh cãi được trong sự kiện có tính quốc tế rõ ràng này”.

Sứ thần Tòa thánh ở Tây Ban Nha, Đức Tổng Giám mục Renzo Fratini, đã có mặt tại cuộc họp, và đại diện các Bộ Ngoại giao, Bộ nội vụ, Bộ lao động và các vấn đề xã hội, và đại diện của Phủ Thủ tướng.

Theo Ban tổ chức, đã có hơn 440.000 người đăng ký cho Đại hội Giới trẻ Thế giới, đến từ 182 quốc gia. Các quốc gia có số lượng tham dự viên đăng ký nhiều nhất là: Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ, Đức, Brazil, Bồ Đào Nha, Mexico, Ba Lan và Argentina. Các nước của châu Phi có nhiều đại biểu nhất là: Nam Phi, Nigeria; châu Á: Philippines và châu Đại Dương: Úc.

Tính chất quốc tế của Đại hội Giới trẻ Thế giới cũng được phản ánh trên trang web chính thức của Đại hội Giới trẻ Thế giới, được dịch ra 13 ngôn ngữ, và trên các bảng giới thiệu chính thức của Đại hội có ghi chữ của 21 ngôn ngữ.

Ông Francisco Morales, người phụ trách an ninh tại Đại hội Giới trẻ Thế giới, báo cáo về một "sự hợp tác rất chặt chẽ" giữa Chính quyền và Đại hội Giới trẻ Thế giới, nhằm kiểm soát tốt lưu lượng và an toàn của các người hành hương khi họ đến, và trong suốt thời gian họ dự Đại hội.

Tất cả các khách hành hương đều có bảo hiểm, vốn sẽ chi phí cho nhu cầu của họ về mặt y tế và việc hồi hương khi cần thiết.

Tại sân bay, mười điểm thông báo thông tin sẽ trợ giúp các người hành hương trong sinh hoạt của họ. Các sinh hoạt này, ngay khi họ đăng ký, sẽ có thẻ vận chuyển, thay đổi tùy theo thời gian lưu trú (suốt cả tuần lễ hoặc chỉ ngày cuối tuần mà thôi), một vé cho các bữa ăn (nếu họ có yêu cầu vào thời điểm đăng ký), và một thẻ thông hành đặc biệt để họ có thể đến với các hoạt động chính của Đại hội, tham gia các hoạt động văn hóa, và vào thăm các viện bảo tàng công cộng và di sản quốc gia.

Trong buổi lễ nghênh đón tại Puerta de Alcalá, nơi ĐTC Biển Đức XVI sẽ đến, năm thanh niên, mỗi châu lục một người, sẽ đi qua dưới các vòm của đài này.

Khi Đi Đàng Thánh Giá – với 14 nhóm tác phẩm điêu khắc được thực hiện bởi các nghệ sĩ lớn của Tây Ban Nha ở các chặng đàng - ĐTC Biển Đức XVI sẽ đi kèm Thánh Giá của Đại hội Giới trẻ Thế giới, vốn được vác bởi các nhóm thanh thiếu niên của 14 quốc gia đang phải đối mặt với nhiều nỗi đau khổ, chẳng hạn như nạn đói, thiên tai, dịch bệnh.

Trong buổi canh thức, người trẻ của mỗi châu lục sẽ trình bày với ĐTC Biển Đức XVI các ngờ vực hoặc nỗi lo lắng của mình. (Zenit 13-7-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Indonesia: Linh mục kêu gọi cha mẹ dạy Kinh Thánh
Phạm Kim An
08:31 14/07/2011
Indonesia: Linh mục kêu gọi cha mẹ dạy Kinh Thánh

Banten, Indonesia – Đầu tuần này, Linh mục Martinus Harun, Dòng Phanxicô, đã kêu gọi các bậc cha mẹ hãy dạy Kinh Thánh cho con cái của họ, và giúp con cái lấy Kinh thánh làm nền tảng cho đời mình, tại một hội thảo tại hội trường của Giáo xứ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ tại Tangerang, Banten.

Cha Martinus, thuộc Trường Triết học Driyarkara do Dòng Tên điều hành ở Jakarta, nói với khoảng 170 người tham dự hội thảo: “Điều kiện ở đây là rằng cha mẹ mời con cái của họ đọc Kinh Thánh, nói cho con cái biết nội dung của Kinh thánh, làm các hoạt động có liên quan đến các câu chuyện của Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng".

Ngài nói thêm: “Cha mẹ phải có tính sáng tạo trong việc sử dụng các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại, để làm cho nó tạo điều kiện dễ dàng cho họ trong việc rao giảng Tin Mừng".

Bà Stefania Mariete Irma, 40 tuổi, người đã tham dự hội thảo, nói rằng việc dạy Kinh thánh cho con cái đặt ra một thách thức khó khăn cho một số cha mẹ.

Bà nói: “Tôi quá bận bịu với công việc nội trợ. Và tôi không có kiên nhẫn để dạy cho con cái mình". (UCA News 13-7-2011)

Phạm Kim An
 
Các Nghị Sĩ Phi Luật Tân: Các Giám Mục có thể giữ tiền và xe do cơ quan bác ái tặng
Bùi Hữu Thư
09:13 14/07/2011
MANILA, Philippines (CNS) -- Các nghị sĩ đã giải tỏa cho bẩy giám mục Công Giáo về vụ tiếp nhận những đóng góp bằng hiện kim và xe hơi của Văn Phòng Xổ Số Bác Ái Phi Luật Tân (Philippine Charity Sweepstakes Office) dưới thời chính quyền của cựu Tổng Thống Gloria Macapagal-Arroyo.

Theo tin tức của cơ quan truyền thông của Giáo Hội Á Châu (Asian church news agency UCA News): Các nghị sĩ nói không có gì bất thường trong hành động của các giám mục, vì các xe hơi được dùng để giúp đỡ tha nhân, chứ không phải là để cổ võ cho tôn giáo.

Tuy nhiên, các giám mục Phi Luật Tân đã công nhận là vấn đề này đã đem lại tai tiếng cho giáo hội, và các ngài đã trả lại các xe hơi, mặc dầu đã có quyết nghị của Thượng Viện Phi Luật Tân.

Trong một tuyên ngôn do Tổng Giám Mục Orlando Quevedo thuộc Tổng Giáo Phận Cotabato trong buổi điều trần, các giám mục cho biết các chiếc xe đã được dùng cho các chương trình xã hội trong các giáo phận của các ngài, nhưng các ngài sẽ trả xe lại.

Ba giám mục thuộc tỉnh Luzon đã đem xe tới Thượng Viện và trả xe lại cho Văn Phòng Xổ Số Bác Ái Phi Luật Tân (Philippine Charity Sweepstakes Office).

Đức Tổng Giám Mục Quevedo nói các xe thuộc tỉnh Mindanao, kể cả một chiếc thuộc tổng giáo phận của ngài đã sẵn sàng để trao trả ngay cho một đại diện có thẩm quyền của Văn Phòng Xổ Số.

Sáu vị trong số bẩy giám mục có liên hệ đến vấn đề được mang ra tranh luận này đã có mặt trong buổi điều trần tại Thượng Viện Phi Luật Tân.
 
Đức Tổng Giám Mục Dolan nhận định về Luật hôn nhân đồng tính của New York
Trần Mạnh Trác
15:09 14/07/2011
Ngày 13 tháng 7 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan đã gửi một thông điệp tới những người đồng tính để làm sáng tỏ lập trường của Giáo Hội sau khi Tiểu Bang New York hợp pháp hoá "hôn nhân" đồng tính.

Ngài mở đầu: "Tôi lấy làm vinh dự khi thấy nhiều người trong quí bạn đã tìm thấy đại gia đình Công giáo của chúng ta là một mái ấm thực sự, chính tại nơi đây mà với ân sủng và lòng thương xót của Chúa, mọi người trong chúng ta cố gắng để sống một cuộc sống phù hợp với Thánh ý Chúa và với lời rao giảng của Ngài."

Ngài than thở rằng Tiểu Bang New York đã thông qua bộ luật "đúng vào ngày lễ giáng sinh của thánh Gioan Tẩy Giả, người đã bị vua Hê-rốt chặt đầu, bởi vì vị thánh đã dám bảo vệ chân lý hôn nhân từ Thiên Chúa."

Ngài tỏ lòng biết ơn đối với "hàng triệu người dũng cảm đã chiến đấu chống lại đề án xã hội đáng tiếc này" và bày tỏ sự lo lắng cho tương lai của tự do tôn giáo ở New York.

"Nếu lấy kinh nghiệm từ những tiểu bang khác và từ những quốc gia đã áp dụng những đạo luật tương tự, thì các giáo hội, và tín hữu, sẽ sớm bị quấy rối, đe dọa, và lôi ra tòa để bị buộc tội chỉ vì họ xác tín rằng hôn nhân là mãi mãi giữa một người đàn ông và một người đàn bà với mục đích mang sự sống con trẻ vào thế giới ".

Sự bất khoan dung

Đức Tổng Giám Mục Dolan nói rằng "những thế lực bất khoan dung đã thực sự bị "lột mặt nạ" trong cuộc tranh luận ở New York vừa qua. "Báo chí đã dựng nên nhiều bức tranh bôi bác khi mô tả những người bảo vệ hôn nhân truyền thống, cho họ là mù quáng, thiên hữu và khủng bố. Tuy nhiên, theo nhận xét của một nhà báo ở ngòai tiểu bang đã theo dõi cuộc tranh luận và gửi thư cho đức Tổng thì, 'Qua những đề mục, blog, luận điệu mà người ta có thể đọc được thì rõ ràng những quả lựu đạn đã không phải tung ra từ phía của ngài (phía Đức Tổng)...'

"Một bình luận gia nổi tiếng đã quan sát rằng vấn đề căn bản ở đây không phải là việc 'bài đồng tính' nhưng là 'bài tôn giáo', phát xuất bởi lòng hận thù Thiên Chúa, đức tin, tôn giáo, và Giáo Hội."

Nhân dịp này Đức Tổng đã đưa ra một lời xin lỗi nếu có ai bị tổn thương trong việc "phòng thủ hôn nhân của chúng tôi"

"Chúng tôi đã cố gắng cách tốt nhất để nhấn mạnh ngay từ đầu rằng mục tiêu của chúng tôi là ủng hộ hôn nhân, chứ không bao giờ là chống đồng tính", ngài nói. "Nhưng, tôi sợ rằng một số nào đó trong cộng đồng đồng tính sẽ bị xúc phạm. Mới đây khi trả lời một phóng viên hỏi nếu tôi có một thông điệp gì cho cộng đồng đồng tính, tôi đã nói " Có:.. Tôi thương yêu các anh chị em. Mỗi buổi sáng, tôi cầu nguyện với và cho anh chị em và cho sự hạnh phúc và an vui của anh chị em. "

Một lịch sử lặp lại

Đức Tổng Dolan đưa ra vài phản ánh về lịch sử của Giáo Hội trong việc bảo vệ định chế hôn nhân.

"Những người cùng lứa tuổi với tôi hoặc già hơn có thể nhớ lại hồi 60 năm về trước, khi chúng ta tranh đấu chống lại luật 'ly hôn không cần lỗi' (no-fault divorce, có thể ly hôn theo ý thích, không cần phải nại ra lỗi của ai), chúng tôi đã cảnh báo là luật này sẽ hạ thấp hôn nhân và gây tổn hại cho trẻ em. Và quả thực như vậy, các nghiên cứu đã báo cáo những sự việc đó thực sự đã xảy ra," Cũng vậy, ngài nhắc lại việc "Giáo Hội chống lại khuynh hướng tránh thai, vì lo sợ nó sẽ phá vỡ mối quan hệ thánh thiêng giữa tình yêu và sự sinh sản.

"Sau đó, hãy nhớ Giáo Hội đã lên tiếng cảnh báo về tỷ lệ gia tăng của những nạn chung chạ bừa bãi, ngoại tình, quan hệ tình dục trước hôn nhân, và chung sống trước hoặc thay vì hôn nhân. Và bây giờ thì chúng ta lại reo một hồi chuông nữa về cái tệ nạn mới nhất này, đang sói mòn sự hiểu biết đích thực của hôn nhân, sợ rằng bước kế tiếp sẽ là một thay đổi về định nghĩa để biện minh cho nạn tạp dâm và không chung thủy".

Đức Tổng đưa ra dẫn chứng rằng "Giáo sư Robert George của Đại học Princeton đã hùng hồn cho biết, khi ông cảnh báo về những nạn tạp hôn, ly hôn, chung chạ (thay vì hôn nhân,) ngoại tình, và hôn nhân 'đồng tính', rằng những gì Giáo Hội cảnh báo hầu như là đã những lời tiên tri đánh trúng vào mục tiêu chứ không phải chỉ là la ó, cay đắng, phản động, hay chua chát", vị tổng giám mục tiếp tục. "Những nghiên cứu gần đây ... cho thấy sự suy yếu của hôn nhân và gia đình là nguyên nhân gây ra khủng hoảng xã hội và văn hóa, đặc biệt là gánh nặng đối với phụ nữ nghèo và trẻ em."

Không nhiều thay đổi

Cuối cùng Đức Tổng Giám Mục đã viết cho các tín hữu Công giáo như sau: "Đối với chúng ta trong Giáo Hội, không có nhiều thay đổi," ngài nói. "Chúng ta tiếp tục giữ vững định nghĩa của hôn nhân mà Thiên Chúa đưa ra, và xác tín rằng thực tế và đạo đức sẽ không thay đổi chỉ vì một đạo luật đáng tiếc nào đó ."

Ngài thừa nhận rằng có một "thách thức giáo lý, trong đó chúng ta phải thừa nhận rằng sẽ có một số người không còn nắm giữ những chân lý đạo đức vượt thời gian".

Dù vậy, vị tổng giám mục nói thêm, "Tôi vẫn tin rằng hầu hết mọi người sẽ tin vào chân lý, do đó những người chủ trương rằng 'đạo luật này lấy cơ sở từ những phong trào nhân dân sâu rộng khắp nước' đã sợ hãi không dám mang vấn đề ra trưng cầu dân ý ."

Ngài đề cập đến tai tiếng của nhiều nhà "lãnh đạo chính trị, mang danh là Công giáo, rêu rao rằng Giáo Hội ủng hộ vấn đề đó, là không có cơ sở chân lý."

Đức Tổng Giám Mục Dolan kết luận: "Vì vậy, việc tốt nhất cho chúng ta là cố gắng làm chứng cho sự thật, khuyến khích các cặp vợ chồng và con cái của họ sống yêu thương, rạng rỡ như những ngọn 'đèn soi thế giới'. Chúng ta biết rằng, như Thánh Augustinô đã dạy, nếu một điều gì là sai, ngay cả khi tất cả mọi người đều làm điều đó, thì nó vẫn sai, và, nếu có điều gì đúng, ngay cả khi không có ai làm việc đó, nó vẫn đúng. "

"Giống như Thánh Thomas More, chúng ta sẵn sàng đương đầu và thậm chí chịu rơi đầu để sống theo một lương tâm đã được hình thành bởi sự mặc khải của Thiên Chúa và sự giảng dạy của Giáo Hội, ngay cả khi nó đi ngược với không khí chính trị thức thời, và phải đụng độ với ý chí của một vị vua muốn thay đổi định nghĩa hôn nhân. "
 
Lời kêu gọi khẩn cấp chống lại tấn phong giám mục bất hợp thức ở Sán Đầu, Trung Quốc
Lã Thụ Nhân
19:45 14/07/2011
Lời kêu gọi khẩn cấp chống lại tấn phong giám mục bất hợp thức ở Sán Đầu, Trung Quốc

Hong Kong (AsiaNews) - Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân và Đức Giám mục của Hồng Kông, Đức Cha Gioan Thang Hán, đã đưa ra hai bản tuyên bố trước khi diễn ra việc tấn phong giám mục bất hợp thức vào ngày 14/7 ở Sán Đầu (Quảng Đông, Trung Quốc).

Chính quyền đã tỏ lộ ý muốn để cha Giuse Hoàng Bỉnh Chương (Joseph Huang Bingzhang) được tấn phong giám mục mà không có phép của Đức Giáo Hoàng. Bốn giám mục đến từ Quảng Đông bị buộc phải tham dự Thánh lễ do chính quyền tổ chức cùng với 4 giám mục khác (xin xem Chính quyền Trung Quốc bắt cóc Giám Mục).

Theo các nguồn tin của hãng Tin Tức Á Châu, đến 5 giờ chiều ngày 13/7 (giờ Bắc Kinh), sáu giám mục hợp pháp, gồm bốn giám mục từ các giáo phận thuộc Quảng Đông, Hải Môn và Giang Tây đã được đưa tới thành phố Sán Đầu để chuẩn bị cho lễ tấn phong ngày 14/7 tại nhà thờ Thánh Giuse, thành phố Sán Đầu. Đức Giám Mục Phaolô Bùi Quân Dân (Paul Pei Junmin) của Liêu Ninh được chỉ định làm chủ phong không nằm trong số họ.

Đức Hồng Y Trần, Giám mục danh dự của Hồng Kông đã đưa ra một "lời kêu gọi khẩn cấp" theo hình thức "quảng cáo" trên tờ nhật báo Apple Daily. Lời kêu gọi được gửi tới Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Được ký với tên "Trần Nhật Quân, công dân lão thành của Hồng Kông", Đức Hồng y Trần yêu cầu hai vị lãnh đạo nhà nước "dành thời gian chú ý đến người Công Giáo của chúng tôi" ở Trung Quốc. Đức Hồng y thúc giục các nhà lãnh đạo nhà nước Trung Quốc ngăn chặn tức thì "những đầy tớ dân sự lừa đảo, những kẻ vi phạm Hiến pháp nhà nước, sử dụng bạo lực để giúp đỡ những kẻ xấu xa của Giáo Hội, và ép buộc các giám mục, linh mục và giáo dân của đại lục làm những việc trái với lương tâm của họ". Cuối cùng, vị giám mục cho hay "Thiên Chúa giàu lòng xót thương, nhưng Ngài không thể chúc phúc cho những ai làm cho đời sống của dân Ngài khó khăn".

Cùng ngày, Đức Giám Mục Gioan Thang Hán của Hồng Kông đã đưa ra một bức thư gửi tất cả các giáo xứ và các cộng đoàn tôn giáo trong giáo phận, nhắc nhở các tín hữu những vụ tấn phong giám mục bất hợp thức vào ngày 20 Tháng Mười Một năm 2010 và 29 tháng Sáu năm 2011 ở Trung Quốc, và một vụ khác dự kiến sẽ được tổ chức tại giáo phận Sán Đầu vào ngày 14/07. Các vụ tấn phong như thế là "bất hợp thức vì chúng được thực hiện bởi chính quyền mà không có sự phê chuẩn của Đức Thánh Cha chúng ta". Ngài cho hay: "Đối mặt với tình trạng lo buồn và đau đớn này, tôi kêu gọi tất cả anh chị em cầu nguyện cho anh em, chị em chúng ta ở Trung Quốc khi họ đấu tranh để gìn giữ đức tin của mình".

Trong khi đó, Ủy ban Công Lý và Hòa Bình của Giáo phận Hồng Kông đang chuẩn bị tờ báo "đặc biệt" gồm hai trang, với 60.000 bản để phân phát vào chiều ngày 14/7 tại các điểm đông dân cư và nhà ga tàu điện ở Hồng Kông sau vụ tấn phong bất hợp thức tại Sán Đầu. Tờ báo này cũng sẽ được phân phát vào ngày Chúa Nhật 17 tháng Bảy tại hơn 40 giáo xứ trong giáo phận. Chúng cũng sẽ được phân phát ở Giáo phận Macau.

Lina Chan, thư ký điều hành của Ủy ban, cho hãng Tin Tức Á Châu hay rằng tờ báo được Đức Hồng y Trần đưa ra và Ủy ban biên tập nội dung. Nội dung tờ báo đặc biệt sẽ bao gồm bốn phần: lời kêu gọi khẩn cấp của Đức Hồng y Trần; các điều khoản Hiến pháp Trung Quốc liên quan đến đức tin tôn giáo và tự do tôn giáo, các vụ tấn phong bất hợp thức ở Sán Đầu và Lạc Sơn, và vụ cấm tấn phong giám mục ở Hàm Đan ngày 29 tháng 6; những điều trị vô nhân đạo đối với giáo sĩ bị giam cầm, điểm 7 và 8 Bức thư của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi người Công Giáo Trung Hoa vào năm 2007.

Lã Thụ Nhân
 
Trung Quốc thụt lùi về thập niên 50 khi tấn phong giám mục bất hợp thức
Lã Thụ Nhân
19:37 14/07/2011
Trung Quốc thụt lùi về thập niên 50 khi tấn phong giám mục bất hợp thức

Rôma (CNA/EWTN News) .- Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy, Thư ký Thánh Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho hay việc tấn phong thêm một giám mục Trung Quốc không có phép của Đức Giáo Hoàng sẽ là một "bước thụt lùi" trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tòa thánh Vatican.

Vị giáo sĩ sinh tại Hồng Kông cho hay trên tờ báo La Stampa của Ý hôm 12 tháng Bảy: "Chính quyền và các chính trị gia Trung Quốc cho rằng Giáo Hội phải do chính quyền quản lý".

Bình luận của Đức Tổng Giám Mục Hàn Đại Huy được đưa ra chỉ 2 ngày trước khi cha Giuse Hoàng Bích Chương (Joseph Huang Bingzhang) sẽ được tấn phong giám mục bất hợp thức vào ngày 14/07 để trở thành giám mục của giáo phận Sán Đầu, thuộc phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Trong vòng chín tháng qua, đây là vụ tấn phong thứ ba không có sự bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng. Các vụ tấn phong này đều nằm dưới sự tổ chức của Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, một cơ quan Bắc Kinh điều khiển và không thừa nhận thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng.

Đức Tổng Giám Mục Hàn Đại Huy cho biết: "Chắc chắn rằng với những vụ tấn phong bất hợp thức vào tháng Mười Một năm 2010, vào ngày 29 tháng Sáu vừa qua, chính quyền đã đi một số bước thụt lùi, trở lại tình hình trong suốt thập niên 50". Ngài nói thêm: "Họ muốn các giám mục được tấn phong dưới sự kiểm soát của chính quyền. Điều này gây nhạc nhiên cho tôi, khi mà chúng ta đã có những bước tiến về phía trước để có thể xích lại gần nhau hơn".

Đức Tổng Giám Mục Hàn cho hay ngài tin rằng Giáo Hội Công Giáo đã trở thành một nạn nhân gián tiếp của những hoạt động chính trị nội bộ đảng cộng sản: "Trong Bộ Chính trị, các nhà lãnh đạo cao cấp đều đang tại vị. Vẫn còn 18 tháng trước khi có một số thay đổi lớn xảy ra ở Trung Quốc. Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch và Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, phải được thay thế. Vì vậy, để tự cứu mình, mọi người đang cố ngã về cánh tả hết mức có thể, để giành một vị trí vững chắc hơn cả. Đó là hình thức tinh vi của chiến dịch vận động tranh cử".

Cuộc phỏng vấn này diễn ra chỉ sau một tuần Tòa thánh Vatican cảnh báo các giám mục Công Giáo đã tham gia phong chức giám mục bất hợp thức ở Giáo phận Lạc Sơn vào tháng Sáu rằng họ có thể phải đối mặt với vạ tuyệt thông.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Hàn Đại Huy giải thích rằng một số các giám mục có liên quan đã viết thư gửi về Rôma giải thích "họ bị cưỡng bách" hoặc họ "bị buộc ép buộc làm điều đó". Tuy nhiên, những vị khác "trở về giáo phận của mình như không có chuyện gì xảy ra", do đó "tạo ra sự hỗn loạn trong các tín hữu". Vì vậy đối với cả hai trường hợp, giờ sự sám hối là cần thiết. "Họ phải xin lỗi Dân Chúa, đưa ra một ngày cầu nguyện và sám hối trong giáo phận của họ. Bằng cách này họ có thể khôi phục uy tín và tiếp tục điều hành giáo phận của mình".

Theo khoản 1382 Bộ Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo nói rõ cả vị giám mục "không có ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng mà phong chức cho một người khác trở thành Giám Mục, và người được phong, phải chịu vạ tuyệt thông (tiền kết) dành cho Tòa Thánh".

Lã Thụ Nhân
 
Vatican đưa ra đề án tái truyền giáo ở các thành phố lớn của Âu Châu
Lã Thụ Nhân
19:39 14/07/2011
Vatican đưa ra đề án tái truyền giáo ở các thành phố lớn của Âu Châu

Vatican City (CNA / EWTN News).- Hôm 12/7, Hội đồng Giáo hoàng về Cổ Võ Tân Phúc Âm Hóa công bố một đề án mới để tái loan báo Tin Mừng cho một số thành phố lớn của Âu Châu.

Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng cho hay trên số báo ngày 12 tháng Bảy của tờ báo Tòa Thánh, Quan Sát Viên Rôma: "Mục đích thật đơn giản: mang đến một dấu hiệu hiệp nhất giữa các giáo phận khác nhau hiện diện nơi những thành phố lớn nhất Âu Châu, nhất là các thành phố bị ảnh hưởng bởi nạn tục hóa".

Đức Tổng Giám Mục Fisichella đã chủ trì một hội nghị các giám mục từ một loạt các thành phố của Âu Châu gặp nhau tại Vatican ngày 11 tháng Bảy để thảo luận về đề án được đề xuất.

Các giám mục đến từ Barcelona, Budapest, Brussels, Cologne, Dublin, Lisbon, Liverpool, Paris, Turin, Warsaw và Vienna. Kế hoạch được mô tả như là một "đề án đô thị lớn".

Đức Tổng Giám Mục Fisichella cho biết: "Tại thời điểm này, sáng kiến được giới hạn trong một số giáo phận lớn của Âu Châu để kiểm tra hiệu quả cụ thể của nó", ngài đề nghị rằng đề án có thể được triển khai ở các thành phố khác trên toàn cầu nếu nó thành công.

Sáng kiến sẽ diễn ra trong Mùa Chay năm 2012 và sẽ được dựa trên cơ sở nhà thờ chánh tòa của mỗi thành phố, từ đó tổ chức hàng loạt các hoạt động.

Cho đến nay, các sự kiện đã lên kế hoạch gồm: đọc Tin Mừng liên tục, giám mục địa phương giảng dạy cho giới trẻ, cho các gia đình và những người tân tòng theo đạo Công Giáo, khuyến khích xưng tội, và một số hình thức làm việc bác ái. Đức Tổng Giám Mục Fisichella cũng đề cập đến một sự kiện mang cả đặc tính tinh thần và văn hóa, chẳng hạn như đọc Sách Tự Thú của Thánh Augustinô: "Những sáng kiến này sẽ bắt đầu trong nhà thờ chánh tòa vì ý nghĩa biểu tượng quan trọng của nó, nhưng mục đích là để mở rộng cho các giáo xứ của các giáo phận vì một tác động trực tiếp hơn về mặt địa hạt".

Theo Đức Tổng Giám Mục Fisichella, những sứ mạng đô thị lớn sẽ nhắm đến những người sống đức tin, nhưng thường thực hành đức tin theo cách "thiếu nhận thức làm thế nào có thể truyền tải được lối sống của họ". Các sứ mạng này cũng hy vọng thu hút những người xa rời đức tin, nhưng "tuy nhiên lại thu hút bởi con người của Chúa Giêsu Kitô."

Hội đồng Giáo hoàng về Cổ Võ Tân Phúc Âm Hóa mới được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thành lập vào năm 2010. Ngài muốn lập ra để "thăng tiến việc canh tân truyền giáo" ở các quốc gia Kitô giáo truyền thống đang sống trải qua "tiến trình tục hóa xã hội và một loại 'lu mờ ý thức về Thiên Chúa'".

Lã Thụ Nhân
 
''Nỗi đau đớn và lo âu'' của Đức Giáo Hoàng đối với Giáo Hội tại Trung Quốc
Lã Thụ Nhân
19:50 14/07/2011
"Nỗi đau đớn và lo âu" của Đức Giáo Hoàng đối với Giáo Hội tại Trung Quốc

Vatican City (AsiaNews) - Chỉ vài giờ sau khi vụ tấn phong bất hợp pháp cha Giuse Hoàng Bích Chương (bị vạ tuyệt thông) trở thành giám mục của Sán Đầu, với sự tham gia – bị ép buộc - của tám giám mục hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, cha Federico Lombardi, Giám Đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh Vatican đã cho các ký giả hay rằng Tòa Thánh Vatican theo dõi sát sự kiện này "với nỗi đau đớn và lo âu".

Cha Lombardi cho hay: "Lập trường và ý kiến của Tòa Thánh và Đức Thánh Cha đã được thể hiện trong những trường hợp trước đó", và nảy sinh từ thực tế rằng đó là "một hành động trái ngược với sự hiệp nhất của Giáo Hội phổ quát".

"Nỗi đau đớn và lo âu" của Đức Giáo Hoàng đã rõ ràng trong huấn từ được ngài bày tỏ lúc kết thúc buổi triều yết hôm 18 tháng Năm vừa qua, khi ngài mời gọi các Kitô hữu trên toàn thế giới cầu nguyện cho "các giám mục anh em của chúng tôi" những người "chịu đau đớn và đang chịu áp lực trong việc thực hiện sứ vụ Giám Mục của họ". Đức Thánh Cha nói thêm: "Tôi cầu xin Đức Maria để soi sáng cho những người lưỡng lự, kêu gọi người lạc bước trở về, an ủi người đau khổ, bổ sức những người bị gài bẫy bởi sức cám dỗ của chủ nghĩa cơ hội".

Kể từ tháng Mười Một năm ngoái, Trung Quốc đã quyết định tiến hành bầu chọn và tấn phong giám mục mà không cần chờ đợi phép của Đức Giáo Hoàng: Cha Quách Tấn Tài (Guo Jincai) của Thừa Đức (Tháng 11 năm 2010), cha Phaolô Lôi Thế Ngân (Paul Lei Shiyin) của Lạc Sơn (ngày 29 tháng Sáu năm 2011), hôm nay 14/07, cha Giuse Hoàng Bích Chương (Joseph Huang Bingzhang) của Sán Đầu, và một số vị khác trong tương lai.

Các vụ tấn phong giám mục mà không có ủy nhiệm của Tòa Thánh có nghĩa là tự động bị vạ tuyệt thông cho ứng viên và các giám mục tấn phong. Nhiều vị trong số này - giống như vụ việc hôm nay 14/07 - bị buộc phải tham gia vào sự kiện, vì vậy có thể họ không bị vạ tuyệt thông. Nhưng ít nhất hàng chục vịi trong số họ đang trong tình trạng gây ra bê bối chia rẽ cộng đoàn Trung Quốc.

"Nỗi đau đớn và lo âu" của Đức Giáo Hoàng là do thực tế qua những động thái nhằm thống trị Giáo Hội tại Trung Quốc, công việc kiên nhẫn cải thiện mối quan hệ ràng buộc giữa Giáo Hội hầm trú và chính thức được cả hai vị giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI cố gắng tháo gỡ. Một Giáo Hội bị chia rẽ thì chậm chạp trong việc loan báo Tin Mừng và hơn thế nữa, nó không được bảo đảm quyền và không gian cho tự do tôn giáo từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà theo lý thuyết, thì cùng một hiến pháp Trung Quốc cho phép.

Phải nói rằng đối mặt với những tham vọng chuyên chế của chính quyền Trung Quốc, nhiều tín hữu và giám mục đã trở nên táo bạo hơn: các trang web công bố các tài liệu của Tòa Thánh Vatican, ngay cả những nhân vật quan trọng của Bắc Kinh, một con số ngày càng gia tăng các giám mục nói không với các vụ tấn phong bất hợp thức vì đức tin và mối quan hệ của họ với Đức Giáo Hoàng.

"Nỗi đau đớn và lo âu" cũng vì đời sống của các giám mục này. Vì vụ tấn phong ở Sán Đầu, Đức Cha Phaolô Bùi Quân Dân (Paul Pei Junmin) của Liêu Ninh đã không thể rời khỏi giáo phận của mình, được sự giúp sức của tất cả các linh mục, những người cùng với ngài cầu nguyện liên tục trong những ngày qua, nhằm ngăn chặn không để vị giám mục của họ bị bắt cóc. Một vị mục tử khác, Đức Cha Cai Bingrui của Hạ Môn đã tìm cách lẫn trốn. Tuy nhiên, giờ ngài bị giới chức chính quyền truy nã. Vào tháng Mười Hai năm ngoái, một giám mục khác, Đức Cha Li Lianghui của Cangzhou (Hà Bắc), đã trốn đi để tránh tham gia vào một cử chỉ chống lại Đức Giáo Hoàng (Đại hội Đại biểu người Công giáo Trung Quốc). Công an lùng sục ngài trong nhiều ngày như một "tội phạm" và sau khi tìm thấy ngài, đã buộc cô lập ngài ba tháng và tẩy não để thuyết phục ngài "ý định tốt" của Đảng đối với Giáo Hội. Có thể là Đức Cha Pei và Đức Cha Cai đã phải chịu bị cô lập và tham gia các phiên họp chính trị, nhằm giằng họ khỏi sứ vụ của mình và triệt phá họ từ quan điểm tâm lý học.

Với tất cả những điều này, chúng ta phải nói rằng những người chia sẻ "Nỗi đau đớn và lo âu" của Đức Giáo Hoàng là quá ít. Trên hết, họ có quá ít trong Giáo Hội. Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc, được ủy nhiệm và khẩn nài bởi Đức Giáo Hoàng Benêđictô XVI với lời kêu gọi hôm 18 tháng Năm vừa qua, chỉ thấy vài giáo phận cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc, cho sự bách hại Giáo Hội và các giám mục "cơ hội".

Không đề cập đến xã hội dân sự. Bởi giờ đây, cá heo trắng của sông Dương Tử có nguy cơ tuyệt chủng do ô nhiễm ở Trung Quốc, kích động một phản đối kịch liệt lớn hơn hơn so với sự tuyệt chủng của tự do trong một đất nước dự định thống trị thế giới, nhưng sử dụng các phương pháp nặng tay mà không cần nháy mắt.

Một sự nổi lên các vị tổng thống khuyến khích hơn nữa thái độ này (bao gồm cả Tổng Thống Ý) cũng như các vị ngoại trưởng, những người đến thăm Trung Quốc không ngớt lời ca tụng "đường hướng tích cực" được thực hiện bởi Bắc Kinh về nhân quyền, trong khi - ngoài các giám mục và linh mục - hàng ngàn nhà hoạt động, người khiếu kiện, các nghệ sĩ và nhà văn bị giam cầm và buộc phải im lặng.

Khi Ngoại trưởng Hillary Clinton thừa nhận trong chuyến đi đầu tiên của bà tới Trung Quốc "với Bắc Kinh, chúng ta có thể nói về tất cả mọi thứ, gồm cả nhân quyền, nhưng không gây nguy hiểm cho mối quan hệ kinh tế của chúng tôi".

Đó không phải là chỉ là một trường hợp tham lam đơn giản, quan tâm đến thị trường Trung Quốc, đó là một vấn đề của cận thị không nhìn thấy rằng những tấn công vào quyền tự do tôn giáo, sớm hay muộn cũng trở thành những tấn công vào tất cả các quyền tự do. Các công nhân Trung Quốc, bị bắt làm nô lệ và trả công thấp, nông dân bị lừa đất của họ, trẻ em và người tàn tật buộc phải làm việc trong các nhà máy gạch, ưu tiên cho người trưởng thành vì "dễ sai khiến hơn", biết điều này quá rõ. Tuy nhiên, thậm chí tự do kinh tế đang bắt đầu bị nghẹt thở: giờ không có ngay cả một doanh nhân có đầu tư vào Trung Quốc ở lại, sớm hay muộn cũng bị cướp bằng sáng chế, hoặc buộc phải trả tiền hối lộ lên đến 25% doanh thu của mình để có thể đặt chân lên xứ El Dorado (xứ tưởng tượng có nhiều vàng) Trung Quốc.

Ngoài ra nạn cận thị trong giới lãnh đạo Trung Quốc thay vì phản ứng với việc thiếu cải cách chính trị và tôn trọng nhân quyền bằng sự thay đổi, thì lại thích đàn áp và một nhà nước công an, do đó chuẩn bị nền tảng cho một cuộc xung đột xã hội ngày càng bùng nổ. 180 ngàn vụ bạo loạn nổ ra trong nước hàng năm chỉ là một giọt nước trong đại dương những gì có thể xảy ra nếu Trung Quốc và thế giới tiếp tục vỗ về lẫn nhau ủng hộ để bóc lột người dân Trung Quốc và cùng nhau bóp nghẹt các quyền con người và tôn giáo của họ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Nam Hưng vui mừng lần đầu tiên có tân linh mục
AP. Mặc Trầm Cung
06:55 14/07/2011
SAIGÒN - Hôm 09/07/2011, một ngày khác thường đối với các gia đình giáo dân trong giáo xứ, dường như thiên nhiên cũng hòa vào niềm vui chung với mọi người, bầu trời thật đẹp, nắng vàng tươi, làn gió mát nhẹ mơn man trên từng chiếc lá, cánh hoa xung quanh khuôn viên giáo đường nhẹ nhàng đong đưa làm cho ngày trọng đại hôm nay càng thêm đẹp, thêm vui và ý nghĩa, như cảm nghiệm thấy được ân sủng của Thiên Chúa là Cha từ trời cao đang chia sẻ niềm vui cùng đàn con bé nhỏ. Đã 56 năm, kể từ ngày thành lập giáo xứ, đây là lần đầu tiên một người con ưu tú của giáo xứ được tiến chức linh mục, thánh lễ tạ ơn được tổ chức để cảm tạ, dâng lên Thiên Chúa những tâm tình tri ân với biết bao hồng ân mà Thiên Chúa đã yêu thương ban cho giáo xứ từ ngày thành lập và đặc biệt hôm nay Ngài đã tuyển chọn một người con của giáo xứ là Giuse Đinh Quang Lâm nối bước chân Ngài với một sứ mạng đặc biệt trong thiên chức linh mục, trong thánh lễ tạ ơn còn có sự hiện diện của 50 linh mục trong và ngoài giáo phận cùng tham dự đồng tế. Đón nhận niềm vui lớn và trọng đại này, tất cả đều là hồng ân của Chúa.

Xem hình ảnh

“Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”(Mc 10, 17). Đó là câu nói của một chàng thanh niên đã quỳ trước mặt Đức Giêsu và hỏi Ngài phương cách để đạt được sự sống đời đời, chàng là người có đời sống nhân bản và đạo đức tốt, chàng đã giữ các giới răn từ hồi còn bé như: “chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”. Đức Giêsu nhìn anh lòng đầy yêu mến, Ngài mời gọi anh tiến thêm một bước nữa để được sở hữu một gia nghiệp vĩnh cửu là Nước Trời: “Hãy đem bán hết những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Ta” (Mc 10, 21 ). Nghe những lời này chàng đã sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, lòng chàng chưa thật sự thanh thản siêu thoát, lòng chàng còn tiếc nuối đến của cải, chàng muốn đi theo Chúa nhưng lòng chàng đã để cho của cải chế ngự, lôi kéo và bóp nghẹt con tim của chàng, lời mời gọi dấn thân của Thiên Chúa đã bị thất bại nơi tâm hồn chàng và vì ham mê tiền của, nó đã ngăn cản con đường của chàng tiến đến Nước Trời.

“Hãy đến theo Ta”, suốt hơn 2000 năm qua, Thiên Chúa vẫn tiếp tục mời gọi những tâm hồn biết hy sinh, biết từ bỏ, biết bứt phá những ràng buộc của trần thế, tiến lên tìm kiếm những giá trị đích thực của cuộc đời và đã có biết bao tâm hồn đáp lại tiếng gọi đó, đã tìm kiếm và đã gặp. Nơi giáo xứ Nam Hưng nhỏ bé này, Thiên Chúa cũng yêu thương mời gọi, nhưng “được gọi thì nhiều mà được chọn thì ít”, chỉ có những tâm hồn thực sự biết từ bỏ, biết hy sinh, biết cậy dựa vào ơn trợ giúp của Chúa mới đủ quảng đại và bền vững trong cuộc hành trình tìm kiếm “viên ngọc quí được chôn giấu này”.

Sống giữa một xã hội mà các giá trị Tin Mừng bị xem nhẹ, thậm chí là bị loại trừ, vì vật chất đang được xem là thước đo giá trị con người, mà người ta đang nỗ lực tìm kiếm, thu vén về cho mình càng nhiều càng tốt. Địa vị, danh vọng, quyền thế đang là những điểm vàng son mà người ta quyết tranh giành cho bằng được, bằng bất cứ phương thức nào, bất chấp cả phương thức đó có phù hợp với giá trị Tin Mừng hay không? Thì việc phải từ bỏ, phải hy sinh là một đòi hỏi thật gắt gao, con tim phải rướm máu. Việc chọn các giá trị Tin Mừng làm giá trị cho cuộc sống và là cùng đích của đời mình không phải là một điều dễ dàng thực hiện, nếu không có tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn nhận ra sự giới hạn của mình, mà cậy dựa vào ơn Chúa thì không ai có thể đủ sức bơi ngược dòng trong một dòng sông chảy xiết của xã hội hôm nay.

Chàng trai trẻ Giuse Đinh Quang Lâm, người con ưu tú của giáo xứ cũng đã nhiều lần phân vân, đắn đo, ray rứt và tự hỏi lòng mình trước tiếng gọi của Thiên Chúa: “Với bản tính hiền lành và nhút nhát liệu mình có thể vững bước trên con đường loan báo Tin Mừng trong vai trò “Thợ Gặt” không? Liệu mình có đủ nghị lực để bước lên thuyền “Ra Khơi” giữa đêm khuya “tung lưới” không?”. Muốn bơi ngược dòng và bơi đến đích ắt hẳn tất cả đều là hồng ân của Chúa.

Vâng, tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không muốn “độc quyền” ban phát hồng ân cho người mà Ngài đã tuyển chọn, Ngài cũng cần đến sự cộng tác của con người để cùng Ngài yêu thương giúp đỡ cho “Hạt giống ơn gọi” được phát triển nảy mầm.

Trước hết là Song thân và các anh chị trong gia đình của Tân Linh Mục, đã hy sinh quảng đại dâng hiến một người con, người em của mình cho Thiên Chúa và Giáo Hội, không phải chỉ hy sinh hiến dâng mà còn đồng hành nâng đỡ cả tinh thần lẫn vật chất và nhất là luôn cầu nguyện cho con em mình luôn vững vàng trong ơn gọi.

Quí giáo sư, linh mục, các thầy của Đại Chủng Viện Giuse luôn yêu thương sát cánh đồng hành nâng đỡ.

Cha chánh xứ, các hội đoàn và các giáo dân trong xứ luôn thêm lời cầu nguyện.

Và đặc biệt có một người luôn âm thầm đồng hành, yêu thương nâng đỡ trong những lúc Tân Linh Mục gặp khó khăn, dao động tâm hồn đó là Linh mục Nghĩa Phụ Vinh Sơn Bùi Quang Điện, nguyên chánh xứ Nam Hưng. Khi còn là chánh xứ Nam Hưng, cha Vinh Sơn luôn gieo rắc Lời Chúa vào mảnh đất tâm hồn của các giáo dân, Ngài luôn quan tâm và gieo “Hạt giống ơn gọi” nơi tâm hồn của giới trẻ, hạt giống đó đã rơi vào mảnh đất tốt là tâm hồn của Tân Linh Mục hôm nay đã nảy mầm phát triển. Tuy sức khỏe của ngài yếu kém, vì thường xuyên phải dùng thuốc hóa trị căn bệnh ung thư quái ác luôn hoành hành, mỗi lần “vào thuốc” thân xác ngài héo hắt như tàu lá chuối phơi khô, nhưng khi vừa khỏe lại ngài lại năng nổ công việc của người mục tử, nay vì lý do sức khỏe ngài phải ngưng công việc giáo xứ để dưỡng bệnh. Dù ở đâu, sức khỏe thế nào ngài vẫn luôn thao thức đến Hạt giống Lời Chúa, đặc biệt là Hạt giống Ơn Gọi gieo nơi tâm hồn giáo dân. Ngài vẫn âm thầm lặng lẽ như viên đường, hạt muối chịu tan biến đi để đem hương vị cho đời. Hôm nay niềm vui dâng cao khi nhìn thấy Nghĩa Tử của mình đã trưởng thành, trong bữa tiệc liên hoan mừng Tân Linh Mục, ngài vẫn khép mình lặng lẽ nơi bàn ăn cuối hội trường, âm thầm lặng lẽ thưởng thức niềm vui.

Tất cả là hồng ân Thiên Chúa, tất cả những nghĩa cử cao đẹp của mọi người dành cho, cuối thánh lễ Tân Linh Mục đã nói lên lời tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn mọi người trong bùi ngùi xúc động.

Tên con Chúa đã gọi ngàn đời,
Nối kết ân tình khắp mọi nơi.
Muối mặn âm thầm, bừng đức ái,
Men nồng lặng lẽ, dậy tình người.
Sáng soi Chân Lý, trong giông bão,
Gieo rắc Tin Mừng, giữa biển khơi.
Thân xác phàm hèn nên hiến tế,
Thần linh sự sống nở hoa tươi.
(Trích thơ: Hiến Dâng – của tác giả: Hạt Nắng)

Thiên Chức Linh Mục không phải là điểm cùng đích, không phải là điểm dừng lại để bắt đầu sống một cuộc sống xa hoa, vương giả, danh vọng, quyền uy, mà là điểm khởi đầu cho “một cuộc chơi xướng họa”. Người linh mục phải xướng lại những lời mà Đức Giêsu Kitô đã loan báo, phải họa lại những hành vi, cử chỉ và lối sống mà Đức Giêsu Kitô đã thể hiện khi còn tại thế. Chính vì vậy, mà người linh mục được mệnh danh là Alter Christus, là một Đức Kitô khác. Người linh mục là người thường hay bị đòi hỏi nhiều nhất vì phải sống cảnh làm dâu trăm họ, không phải chỉ làm dâu cho những gia đình giáo dân mà còn làm dâu cho cả những gia đình ngoại giáo nơi địa bàn mình được sai đến, người linh mục như tấm bánh bị bẻ ra làm trăm mảnh để trở thành lương thực cho nhiều người theo nguyên mẫu là Đức Giêsu Kitô mà mình đang phác họa.

Con đường của người linh mục đi là con đường dấn thân tận hiến, là con đường từ bỏ mình vác thập giá theo lộ trình mà Đức Giêsu Kitô đã đi. Trong hành trình dấn thân, họ biểu lộ tình yêu bằng đời sống hy sinh, nỗ lực thi hành sứ mạng phục vụ Giáo Hội, bác ái với tha nhân, trưởng thành trong ơn sủng và trung thành với lời hứa mà mình cam kết.

Tuy nhiên, cuộc sống của người linh mục không phải lúc nào cũng là mùa xuân, không phải lúc nào đường đi cũng trải thảm xanh, nhưng còn có cả những chông gai, giông tố. Hơn nữa, người linh mục vẫn là con người còn trong cõi nhân sinh với tất cả ưu khuyết điểm của con người, dù muốn dù không, người linh mục cũng phải đối mặt với cuộc chiến giữa trần gian, can đảm bước đi giữa cuộc đời bằng những hy sinh, để giữ lại cho mình và tha nhân những phẩm chất tốt đẹp tối thượng hầu kéo ân sủng từ trời cao ban xuống cho đời những cơn mưa hồng ân cứu độ, để vững vàng và an bình trong niềm hạnh phúc vĩnh cửu là hạnh phúc Nước Trời.

Chiếc áo chùng đen, chết cho đời tục lụy,
Những ngọn sóng trong tim,
Những ước mộng xuân tình.
Trọn một lòng, vững ý chí, trung trinh,
Trước những thách đố,
Chết một lần cho mối tình dâng hiến.
(Trích thơ: Alter Christus – của tác giả: M.Madalena Hoa Ngâu)

Thật xúc động trong thánh lễ tạ ơn hôm nay còn có sự tham dự của 10 Tân Linh Mục khác, tất cả đều quì giữa cung thánh, trước nhan thánh Chúa và cộng đoàn, mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện, xin Thiên Chúa tuôn đổ tràn đầy hồng ân cho các Tân Linh Mục để giúp các Tân Linh Mục kiên cường trung thành trong ơn gọi và sứ vụ của mình.

Thật đẹp thay, những hình ảnh của các linh mục giữa cuộc đời, như một dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian, nhờ có sự hiện diện của các linh mục đã làm cho cuộc sống này bớt đi những căng thẳng, những xáo động, nhờ sự hiện diện của các linh mục mà nhiều tâm hồn tìm thấy chính lộ để đi đến cùng đích của đời mình và tìm thấy được bình an.

Hình ảnh của các Tân Linh Mục hôm nay, đặc biệt là của Tân Linh Mục Giuse Đinh Quang Lâm, người con ưu tú của giáo xứ, như những tia nắng vàng ấm áp đang chiếu rọi vào tâm hồn của giới trẻ ngày nay nói chung và nói riêng là của giới trẻ Nam Hưng những tia hy vọng về giấc mơ tận hiến mà Hạt giống Ơn Gọi đã và đang âm thầm sống động trong tâm hồn. Hy vọng một ngày nào sẽ được nứt mộng, nảy mầm, nhờ những tia nắng ân sủng từ trời những hạt giống này sẽ được vươn cao.

Thánh lễ tạ ơn Mừng Tân Linh Mục hôm nay như một mùa nắng mới rực rỡ chiếu tỏa trên xứ đạo Nam Hưng.
 
Mừng lễ quan thầy giáo lý viên giáo xứ Tân Lộc, hạt Cửa Lò
Antôn Hoàng cảnh Hồng
12:43 14/07/2011
Vinh - Cứ thường năm kể từ năm đại hội quy tụ giáo lý viên trong giáo phận Vinh sau những năm mà nhiều khuôn mặt của nền giáo dục đức tin của giáo phận được quy tụ. Đại hội đã thống nhất nhận lễ kính thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự ngày 10/7 hàng năm làm ngày lễ bổn mạng giáo lý viên và từ ngày đó tất cả các giáo lý viên giáo xứ trên khắp giáo phận cứ năm một lần vui mừng tổ chức lễ bổn mạng của mình, dù những xứ heo hút xa xăm, đến những vùng thành phố đô thị khắp nơi nô nức đón mừng ngày lễ long trọng và đầy ý nghĩa này. Năm nay cũng như mọi năm giáo xứ Tân Lộc, hạt Cửa Lò vui mừng tổ chức thánh lễ sau những ngày thi giáo lý các cấp, trên khuôn mặt rạng rỡ của hơn 130 giáo lý viên, phụ huynh đứng lớp và hơn 1.400 học sinh các lớp tề tịu tập trung tại thánh đường để hiệp dâng thánh lễ vào lúc 19h30.

Xem hình ảnh

Trước đó vào lúc 8h sáng cha Martinô Nguyễn Xuân Hoàng đã cùng hơn 130 giáo lý viên phụ huynh tĩnh tâm đến 10h, anh em giáo lý viên dọn mình mình đến với toà xá giải, 10h30 bữa cơm thân mật được cha xứ, Ban giáo lý xứ tổ chức tại sân trường giáo lý phổ thông, hơn 200 giáo lý viên, ban ngành, đại diện các hội đoàn ân thân nhân trong toàn giáo xứ cùng đến tham dự chúc mừng.

Đã là ngày lễ trọng của giáo lý viên cũng giống như ngày nhà giáo 20/11 bên phổ thông, ai ai cũng vui mừng hớn hở từ giáo lý viên phụ huynh đến các em học sinh, trên khuôn mặt lúc nào cũng rạng rỡ. Nhiều giáo lý viên tâm sự “ Cả năm vất vả lao vào việc dạy, bao nhiêu là khó khăn, nào là kiến thức có hạn, nào là công ăn việc làm xô đẩy, có khi cả người thân la rầy v.v, nhưng có được ngày lễ hôm nay là vui sướng lắm, những dây phút như thế này bù lại bao nhiêu vất vả trong đời dạy giáo lý”. Vâng dạy giáo lý là một thử thách cho đại đa số giáo lý viên nói chung, cách riêng là bộ phận giáo lý viên của giáo phận Vinh mà cụ thể là giáo xứ Tân Lộc chúng tôi. Từ những năm trước còn là học kinh bổn thuộc lòng “Ông Biện” cứ thế đến giờ lên lớp với một hành trang là cuốn sách bổn và kinh, trong tay cầm một đoạn thước cứ thế gõ theo nhịp hỏi thưa cho đến hết giờ. Nhưng từ ngày giáo phận cải cách dạy học giáo lý, việc học thuộc không còn chú trọng nữa mà giáo lý viên phải theo giáo trình chung của giáo phận, lúc này đòi buộc giáo lý viên phải tham khảo bài, lên giáo án (soạn bài) xắp xếp bài dạy thế nào cho sống động và khớp với giờ học v.v. Đòi buộc nhiều giáo lý viên phải guồng mình lên để xây dựng một bài học, đến những người có vốn kiến thức còn đỡ, tội nhất là những anh chị em giáo lý viên bị hạn hẹp về kiến thức và trình độ văn hoá thì thật vất vả nhường nào, chưa nói đến những giáo lý viên do công việc quá nhiều hoặc những người chủ quan không lên chương trình cho một bài học, khi đến lớp cứ cho học sinh ôn đi ôn lại cho qua giờ học làm cho buổi học khô khan chán ngắt. Nhưng dù khó và vất vả là vậy, song đội ngũ giáo lý viên tại các giáo xứ luôn nhiệt tình hăng say trên cánh đồng truyền giáo của xứ nhà, nhiều em thanh niên mười tám đôi mươi, đến các vị có tuổi già bảy mươi hơn, đều nhu toàn sứ vụ của mình, có những vị suốt đời gắn bó với “nghề giáo biện”.

Ngày lễ bổn mạng giáo lý viên hôm nay cũng xin nhìn lại một vài kỷ niện quá khứ trong ngày lễ bổn mạng này. Ngày lễ quan thầy giáo lý viên phải nói là rộn ràng nhất, vui nhất đối với giáo lý viên và các em học sinh, rất nhiều cái vui, trong đó có một việc mà chúng ta phải bàn. Giáo xứ chúng tôi trước cha Martinô Nguyễn Xuân Hoàng cứ mỗi lần trước lễ, trong ngày lễ và sau ngày lễ là học sinh góp một ít tiền mua quà đến nhà giáo lý viên, đây là một việc biết ơn người thầy, cô, đáng hoan nghênh không ai chê trách, nhưng việc tôi muốn nói lên đây là thầy cô phải tiếp các em quá mệt, có những thầy cô khiêng hết két bia này đến két bia khác, rồi kẹo, mực v.v. rồi có phải các em đi một vài thầy cô đâu, đã thích lên và lúc này cũng nhiều sáng kiến được đề xuất phải đi thầy cô cũ các năm khác nữa, thế là trên tay một bó hoa nhỏ, vài tí quà nhỏ các em kéo nhau đi hết nhà giáo lý viên này đến thầy giáo lý viên khác, và thế là giáo lý viên phải tiếp, có những năm giáo lý viên phải tiếp các em mãi thâu khuya, bia kẹo vung vãi, các em nhỏ thì tranh nhau lấy kẹo, ai nhanh khoẻ thì lấy được nhiều, ai yếu thì mếu máo về không, nhiều giáo lý viên tâm sự “ không tiếp các em cũng tội mà tiếp các em cũng khổ”, nhiều em lại đưa các giáo lý viên ra để trên bàn cân, giáo lý viên này tiếp nhiều bia, uống xả láng, giáo lý viên kia kẹo tha hồ v.v. Những hình ảnh không đẹp này đã làm đau xót nhiều cha mẹ học sinh và giáo lý viên. Sau khi Cha Martinô Nguyễn Xuân Hoàng về quản xứ, Ban giáo lý đã đưa vấn đề này ra bàn và đi đến quyết định là cấm học sinh các lớp đến nhà giáo lý viên để chúc mừng trong ngày lễ giáo lý viên, thay vào đó là cử đại diện các em học sinh học ngoan, giỏi tặng hoa và quà trong nhà thờ trước thánh lễ. Ban tổ chức cứ lần lượt mời các giáo lý viên của các khối lên để các em lên chúc mừng và việc làm này đã được giáo lý viên và cha mẹ các em hưởng ứng nhiệt tình, nhiều giáo lý viên như đã trút được gánh nặng đè trĩu mỗi khi lễ quan thầy của mình đến.

Lễ quan thầy giáo lý được tổ chức sau vụ mùa gặt hái giáo lý của một năm học. năm nay vì biết học sinh lười học đến gần ngày kiểm tra kiến thức giáo lý cha quyết định khảo vấn đáp. Bốn giáo họ và hơn 1400 học sinh cả khối mầm non sơ cấp phải làm việc vào ban đêm, có giáo họ khảo vấn đáp 14 đêm liền, sau khi cấp giáo họ khảo vấn đáp xong chọn 20% từ cao điểm xuống và những em ưu về cấp xứ thi khảo viết và cứ thế sàng lọc các em điểm từ cao xuống để thi giáo hạt, giáo phận, nhìn chung từ mấy năm nay trong các lớp học giáo lý không có tình trạng nuôi “gà chọi” các giáo lý viên nhiệt tình dạy và kiểm tra kiến thức định kỳ một cách công bằng, làm cho học sinh chăm lo học. Việc thi cử thì đã có nhiều tiến bộ, năm nay cấp giáo xứ không có một em nào bị kỷ luật, hơn 300 học sinh về dự thi thật là trang nghiêm như một giờ cầu nguyện. Không bù cho những năm trước thi cử thì trao đổi, cốp bi vô tội vạ, mang tài liệu thi tự do, thi xong có năm các bà vệ sinh quét thu dọn vài bao bì giấy lộn được xé ra từ các sách kinh, bổn, các giáo trình học. Một số thầy cô thì nặng chạy theo thành tích. Ở cấp hạt thì xứ này cạnh tranh xứ kia, chọn học sinh đi thi thì ngoài những em giỏi còn một số nhìn em này con cháu ai để ưu tiên, có những buổi thi, giáo lý viên ngấm ngầm với học sinh đưa bài về nhà làm xong mang tới nạp, vì vậy mà có một năm, một em không biết chữ lên nhận giấy khen khảo viết.

Nhìn về quá khứ để so sách bây giờ mà cám ơn Chúa, cám ơn Cha quản hạt, nhất là cha Đặc trách giáo lý Phaolô Nguyễn Xuân Tính cùng các ban ngành đã cùng chung tay nhất quyết không cho sự dối trá lẻn vào trong ngôi trường giáo lý, nhất là trong thi cử mà các em đã nhiễm tại các nền giáo dục trong các năm học phổ thông quá nhiều.

Thánh lễ quan thầy giáo lý năm nay được ba cha đồng tế, Trước lễ Ban tổ chức đã thu xếp cho các em lên tặng hoa và quà cho giáo lý viên, phụ huynh đứng lớp, Cha hạt Martinô Nguyễn Xuân Hoàng đã cảm tạ động viên chúc mừng anh chị em giáo lý viên và phụ huynh, cha Micae Phan Tuấn Hồng dòng Chúa Cứu Thế chia sẻ, cuối lễ cha đặc trách giáo lý Phaolô Nguyễn Xuân Tính cám ơn và khơi dậy tinh thần hy sinh nhiệt tình của đội ngũ giáo lý viên phụ huynh. Những tràng pháo tay nồng nhiệt chúc mừng, những bài hát ca ngợi tinh thần ra đi loan báo Tin Mừng. Trên khuôn mặt giáo lý viên và phụ huynh ai cũng rạng rỡ vui mừng và cảm động vì đã được hưởng trọn một ngày lễ quan thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự vị thầy giảng trung tín đến cùng, ngài là một tấm gương sáng ngời cho giáo lý viên noi theo.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đánh dấu chữ Việt tại phi trường, trên Ipad, Iphone...
VietCatholic Network
16:27 14/07/2011
1. VcatKey online:

Muốn đánh dấu chữ Việt, nguyên tắc chung là quý vị cần một chương trình keyboard driver chẳng hạn như VcatKey 7.0 của VietCatholic (download ở đây http://vietcatholic.net/PublicSoftware/WareHouse/Vcatkey.zip chỉ có 227KB download trong 1 giây là xong).

VcatKey không cần install gì hết cứ download xuống rồi nhấn vào file Vcatkey.exe là chạy được.

Tuy nhiên, VcatKey 7.0 chỉ dùng trên Windows. Thành ra, trên các máy điện toán công cộng như tại phi trường, trong các thư viện..., hay trên các máy không dùng Windows thì không dùng được.

Trong các trường hợp như thế, giải pháp tạm thời là quý vị có thể dùng chương trình VcatKey online.

Có 2 cách dùng chương trình VcatKey online:

- Cách 1: Vào VietCatholic http://vietcatholic.net rồi chọn như hình bên.

- Cách 2: Đánh trực tiếp địa chỉ sau: http://vietcatholic.net/news/Vcatkey.htm

1.1 Cách đánh VIQR:

Các dấu ', `, ?. ~,. (khi đánh ? và ~ phải đè phím Shift xuống) tạo dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, và nặng.

Thí dụ, muốn đánh chữ á, xin đánh a rồi '

^, +, (, và – dùng để tạo ra dấu mũ, móc (ư, ơ), móc ă và gạch ngang trong chữ đ.

Thí dụ, để đánh ba chữ: Đấng Cứu Chuộc, ta đánh như sau:

D-a^'ng Cu+'u Chuo^.c

1. 2 Cách đánh VNI

Các số 1, 2, 3, 4, 5 tạo dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, và nặng.

Thí dụ: Muốn đánh chữ á, xin đánh a và đánh số 1

Số 6 dùng để tạo mũ ^ (trong â, ê, ô). Thí dụ, để ra chữ ân, ta đánh a rồi 6 rồi n.

Số 7 dùng để tạo móc ư, ơ. Thí dụ, để đánh chữ sư, ta đánh s rồi u rồi 7

Số 8 dùng để tạo móc ă. Thí dụ, để đánh chữ ăn, ta đánh a rồi 8 rồi n

Số 9 dùng để tạo gạch ngang trong chữ đ. Thí dụ, để đánh chữ đi, ta đánh d rồi 9 rồi i

2. Giới thiệu lại về VcatKey.exe

Chương trình VCatKey 7.0 gồm 2 chức năng chủ yếu là: đánh máy chữ Việt và chuyển đổi giữa các hệ phông chữ Việt.

2.1 Cách cài đặt

Sau khi lấy file VcatKey.zip http://vietcatholic.net/PublicSoftware/WareHouse/Vcatkey.zip xuống (chỉ có khoảng 227 KB - mất vài giây), quý cha và anh chị em unzip ra.



Các hồ sơ được unzip ra bao gồm VCatKey.exe, VCatKey.dll và Vietnam.fon. Tất cả 2 files này chiếm khoảng 472 KB - tức là khoảng 1/4 dung lượng một dĩa floppy bình thường (1.44MB). Cho nên, dư sức để nhét vào trong một floppy. Những khi cần làm việc bên ngoài, quý cha và anh chị em có thể copy vào trong một floppy hay USB để mang theo. Đến nơi, bỏ dĩa floppy vào là chạy được tức khắc. Khi chạy lần đầu, chương trình sẽ tạo ra một icon trên desktop để lần sau muốn chạy, ta chỉ cần nhấn vào icon này là xong.

2.2 Chuyện gì xảy ra sau khi chương trình khởi động ?

Sau khi được khởi động, chương trình sẽ xuất hiện một dialog quảng cáo và mất đi ngay để khỏi choáng chỗ. Chương trình cũng trình bày một vệt mầu vàng ở góc phải bên dưới để lưu ý quý cha và anh chị em về cái icon nhỏ hình cái tay đang viết thư ở gần đồng hồ. Nếu để con mouse trên icon này, nhấn mouse bên phải (right-click) ta sẽ thấy hiện lên một menu chọn.

2.3 PHẦN I: ĐÁNH MÁY CHỮ VIỆT

Chọn cái gì ?

Muốn đánh máy chữ Việt, quý cha và anh chị em phải quyết định chọn cách đánh nào và hệ phông chữ nào.

Ba cách đánh máy chữ Việt

Có ba cách đánh máy chữ Việt thông dụng là VNI, VIQR, và Telex.

2.3.1 Cách đánh VNI

Các số 1, 2, 3, 4, 5 tạo dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, và nặng.

Thí dụ: Muốn đánh chữ á, xin đánh a và đánh số 1

Số 6 dùng để tạo mũ ^ (trong â, ê, ô). Thí dụ, để ra chữ ân, ta đánh a rồi 6 rồi n.

Số 7 dùng để tạo móc ư, ơ. Thí dụ, để đánh chữ sư, ta đánh s rồi u rồi 7

Số 8 dùng để tạo móc ă. Thí dụ, để đánh chữ ăn, ta đánh a rồi 8 rồi n

Số 9 dùng để tạo gạch ngang trong chữ đ. Thí dụ, để đánh chữ đi, ta đánh d rồi 9 rồi i

2.3.2 Cách đánh VIQR:

Các dấu ', `, ?. ~,. (khi đánh ? và ~ phải đè phím Shift xuống) tạo dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, và nặng.

Thí dụ, muốn đánh chữ á, xin đánh a rồi '

^, +, (, và – dùng để tạo ra dấu mũ, móc (ư, ơ), móc ă và gạch ngang trong chữ đ.

Thí dụ, để đánh ba chữ: Đấng Cứu Chuộc, ta đánh như sau:

D-a^'ng Cu+'u Chuo^.c

2.3.3 Cách đánh Telext:

Chữ s cho dấu sắc

Chữ f cho dấu huyền

Chữ r cho dấu hỏi

Chữ x cho dấu ngã

Chữ j cho dấu nặng

aw thành ă

uw thành ư

ow thành ơ

aa thành â

ee thành ê

oo thành ô

dd thành đ

Những lưu ý để đánh nhanh

1) Muốn đánh chữ đ, đánh liên tiếp d rồi d

2) \ được dùng làm dấu thoát. Nói thí dụ, khi ta chọn kiểu đánh VNI, nếu đánh a rồi 1, lập tức ta có chữ á. Nếu thâm tâm ta muốn đánh a1 thì đánh như sau a rồi \ rồi 1. Cũng vậy, trong cách đánh VIQR, để chữ tư trong câu: Xin cất khỏi con những ưu tư. (có dấu chấm sau chữ tư ) ta đánh tu+\. (Nếu đánh tu+. ta sẽ có chữ tự ). Nếu ta muốn có \. Thí dụ, c:\VietCatKey thì ta đánh \ hai lần.

3) Khi đánh dấu kép, số 0 dùng để sửa dấu. Thí dụ, khi đánh chữ ấ, mà lầm ra là ẩ thì đánh 0, để bỏ dấu hỏi đi.

4) Khi quên bỏ dấu, xin cứ đánh tiếp, rồi bỏ dấu ở cuối chữ. Chương trình có thể biết nên để dấu ở đâu. Thí dụ, khi dùng cách đánh VIQR, để đánh chữ Chúa, ta nên đánh Chu dấu sắc và chữ a. Nhưng nếu quên bỏ dấu sắc, ta cứ đánh tiếp rồi bỏ dấu sắc cuối cùng cũng được.

2.3.3 Chọn cách đánh chữ Việt

Như trên đã trình bày, có tất cả 3 cách đánh chữ Việt thông dụng là VNI, VIQR và Telex. VCatKey cho phép đánh cả ba kiểu nói trên. Lần đầu tiên, khi mới khởi động, chương trình ngầm định là ta dùng cách đánh VNI. Lý do VietCatholic chọn cách đánh này là để vinh danh anh Phêrô Hồ Thành Việt, cố giám đốc VNI, người đã bỏ rất nhiều công sức cho việc nghiên cứu chữ Việt trên computer, đồng thời cũng phản ảnh một thực tế là hiện nay đa số người Việt sử dụng computer đang dùng cách đánh VNI do anh nghĩ ra. Hơn thế nữa, cách đánh này khá nhanh và có nhiều tiện lợi. Nếu quý cha và anh chị em chuộng cách đánh VIQR hoặc Telex, xin nhấn vào dòng Gõ kiểu VIQR (hoặc vào dòng Gõ kiểu Telex).

2.3.4 Chọn hệ phông chữ Việt

Theo những tính toán ban đầu, người ta chỉ tính đến 255 ký tự (character) dùng trong computer gồm 52 ký tự vần Anh Ngữ (gồm 26 chữ HOA và 26 chữ thường) và 32 ký tự gọi là ký tự điều khiển (control character). Ký tự thứ 13, chẳng hạn, là một ký tự điều khiển. Khi gặp ký tự này, các chương trình soạn thảo văn bản đẩy xuống một dòng mới. Ký tự thứ 7 là một thí dụ khác. Nó làm cho chuông kêu.

Cố nhiên, một số chữ Việt lọt sổ trong danh sách 255 ký tự đó. Chuyện này người Việt ta không thể chấp nhận được. Ta bèn duyệt lại danh sách 255 ký tự nói trên và quăng đi những chữ ta ít dùng và thay thế chúng bằng chữ Việt của ta. Tuy nhiên, có sự không thống nhất giữa các nhóm soạn thảo phông chữ Việt. Chẳng hạn, VNI-Dos quăng ký tự số 244 của ông ASCII đi để làm chữ ớ, trong khi VPS làm chữ ớ bằng ký tự 167. Chính vì những chữ Việt, như chữ ớ nêu trên, được mã hóa khác nhau nên ta có nhiều hệ phông chữ Việt như VNI, VPS, VISCII,. .. Nếu ta quyết định chọn hệ phông chữ VNI thì trong Microsoft Word (hay các trình soạn thảo văn bản khác) ta phải chọn những phông chữ bắt đầu bằng VNI (như VNI-Times, VNI Aptima.. ) thì mới thấy chữ Việt hiện ra. VCatKey cho phép nhiều hệ phông chữ Việt khác nhau, quý cha và anh chị em chọn từ menu hệ phông chữ nào thích hợp với mình.

2.3.5 Lưu ý:

1) Trong một văn bản, quý cha và anh chị em chỉ nên dùng một loại phông chữ duy nhất. Nói thí dụ dùng Unicode thì từ đầu đến cuối phải là Unicode. Nếu một đoạn dùng Unicode, một đoạn dùng VNI thì sau này khó chuyển đổi.

2) Với những văn bản nào có giá trị sử dụng lâu dài, VietCatholic đề nghị quý cha và anh chị em sử dụng phông Unicode để đỡ công sức chuyển đổi sau này (mà có khi chưa chắc đã chuyển đổi được). Lý do là như thế này. Khi thay thế các ký tự tiêu chuẩn trong bảng mã Ascii thành các chữ Việt, người Việt cũng như các dân tộc khác không động đến phần những chữ Anh, chữ số 0, 1,2,3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và đặc biệt không ai dại gì đụng đến những ký tự điều khiển. Tuy nhiên, với đà phát triển vũ bão của kỹ thuật điện toán, 32 ký tự điều khiển ban đầu trở nên không đủ nữa và ngày càng có khuynh hướng muốn định nghĩa thêm các ký tự điều khiển từ những chữ mà người Việt cũng như các dân tộc khác dùng để lưu trữ các ký tự riêng của mình. Và đây là một hiểm họa thực sự. Nói thí dụ, nếu một hệ điều hành mới người ta quy định rằng ký tự 167 được dùng làm Save Screen thì khi computer đọc tới chữ ớ nó sẽ tắt màn hình đi. Nói như vậy, để thấy rằng các giải pháp chữ Việt ta đang dùng hiện nay không phải là "chính tắc" và bấn quá ta phải làm như vậy mà thôi. Quý cha và anh chị em phụ trách việc lưu trữ các tài liệu, văn kiện, kinh sách, các tác phẩm có giá trị lâu dài của Giáo Hội cần có những nỗ lực cần thiết để chuyển đổi những hồ sơ mình đang phụ trách sang Unicode là dạng an toàn và chính thức được công nhận. Quý cha và anh chị em sáng tác, dịch thuật hoặc phụ trách văn khố tại các tòa báo cũng nên lưu trữ các hồ sơ xét thấy có một giá trị lâu dài sang Unicode. Khi lưu trữ dưới dạng Unicode thì nói chung kích thước hồ sơ lớn hơn lưu trữ dưới các dạng khác vì các chữ được lưu dưới dạng 2 bytes thay vì 1 byte. Do đó, kích thước hồ sơ tăng gần gấp đôi. Nói "gần gấp đôi" vì nếu quý cha và anh chị em lưu trữ dưới dạng UTF-8 thì những chữ Anh vẫn chỉ mất 1 byte. Mặt khác, một số chữ của VNI Windows thực ra cũng đã dùng 2 bytes để lưu trữ như Unicode. Cho nên, cũng không hoàn toàn là gấp đôi khi lưu trữ dưới dạng Unicode. Trong nhiều trường hợp, kích thước hồ sơ chỉ lớn hơn một chút.

2.3.6 Tạm ngưng

Muốn tạm ngưng không dùng VCatKey (để đánh chữ địa phương), xin nhấn con mouse vào icon ngón tay đánh máy. Ta cũng có thể right-click để khi chương trình hiện ra menu, thì ta chọn menu Tạm ngưng dùng VCatKey, khi thấy icon ngón tay đánh máy chuyển thành dấu xóa (hình như chữ X) là được. Muốn kích hoạt trở lại, xin nhấn con mouse vào icon dấu xóa, hoặc là right-click và chọn menu Chuyển sang đánh chữ Việt, hễ thấy ra hình ngón tay đánh máy là được.

2.3.7 Ngưng

Muốn thôi dùng VCatKey, xin right-click và chọn menu Kết thúc dùng VCatKey.

2.4 PHẦN II: CHUYỂN ĐỔI GIỮA CÁC HỆ PHÔNG CHỮ VIỆT

Chương trình VCatKey 7.0 còn cho phép chuyển đổi một văn bản chữ Việt đã đánh máy trong Microsoft Word dùng một hệ phông chữ Việt nào đó hay dùng Unicode, sang một hệ phông chữ Việt khác hay sang Unicode.



Làm sao chuyển đổi một tài liệu

Bước 1: Khởi động Microsoft Word và mở hồ sơ muốn chuyển đổi.

Bước 2: Để con mouse vào icon ngón tay đánh máy. Right-click. Chọn menu Chuyển đổi hệ phông chữ.

Bước 3: Trong dialog vừa hiện lên, chọn Bảng Mã Nguồn và Bảng Mã Đích cho phù hợp rồi nhấn nút Chuyển Đổi là xong. Chương trình sẽ tạo ra một hồ sơ mới với nội dung đã được chuyển đổi.

Hỏi đáp

1. Nếu muốn đổi một hồ sơ khác nữa thì sao?

Trong Microsoft Word, xin mở hồ sơ đó ra. Để con mouse vào icon ngón tay đánh máy. Right-click. Chọn menu Chuyển đổi hệ phông chữ để thấy dialog của chương trình chuyển đổi. Chọn Bảng Mã Nguồn và Bảng Mã Đích cho phù hợp rồi nhấn nút Chuyển Đổi là xong.

2. Nút thu nhỏ dùng để làm gì?

Ta có thể nhấn nút thu nhỏ để tạm thời tắt chương trình này đi. Khi nào muốn chuyển đổi, ta có thể để con mouse vào icon ngón tay đánh máy, right-click, và chọn menu Chuyển đổi hệ phông chữ.

3. Nút Ngưng dùng để làm gì?

Để tắt chương trình này đi khi không dùng đến nữa.

4. Tôi không biết bảng mã của hồ sơ gốc. Làm sao đây?

Khi chuyển đổi chương trình tạo ra một hồ sơ mới chứ không ghi đè lên hồ sơ cũ. Thành thử, quý vị không lo mất hồ sơ gốc. Do đó, cứ thử chọn đại bảng mã nguồn. Sau khi chuyển đổi nếu không thích thì chỉ cần nhấn vào nút x (Close đóng lại) và khi được hỏi có Save không thì chọn No. Sau đó, trở lại hồ sơ gốc và thử nữa.

5. VCatKey 7.0 có thể chuyển đổi các hệ phông chữ nào?

VietCatholic Word Converter có thể chuyển đổi hầu hết các hệ phông chữ Việt. Các hệ có thể chuyển đổi là VNI (Windows và DOS), VPS, VISCII, Unicode, TCVN, Bách Khoa Sàigòn 1 và Bách Khoa Sàigòn 2.

6. Giữ lại format của văn bản là gì?

Là giữ lại những thuộc tính (attributes) như đậm, nghiêng, gạch dưới. Chẳng hạn trong văn bản gốc chỗ nào đậm thì trong văn bản chuyển đổi cũng đậm. Nếu bạn có ý định dùng văn bản này vào một hồ sơ HTML, bạn có thể chọn Thêm HTMLTags. Chương trình sẽ bọc quanh những chữ in đậm bởi tags , những chỗ nghiêng với , những chỗ gạch dưới với .

7. VCatKey 7.0 có “support” cách đánh aa thành â, ee thành ê. ..không?


Không. Lý do là vì muốn đánh tắt thí dụ nếu ta thường xuyên đánh máy từ Giáo Hội Công Giáo, ta nên làm như sau:

Trong Microsoft Word, đánh máy chữ Giáo Hội Công Giáo. Làm sáng toàn bộ cụm chữ đó, giữ Alt xuống trong khi nhấn F3. Trong hộp hội thoại tiếp theo, đánh cgvn. Từ đó về sau, mỗi khi ta đánh chữ cgvn rồi nhấn F3 thì sẽ ra cụm chữ Giáo Hội Công Giáo. Muốn aa thành â. .. ta cũng làm tương tự.

8. Giao diện VcatKey không ra dấu chữ Việt:

Nếu giao diện VcatKey không ra dấu chữ Việt như hình bên

Bước 1: Ở chỗ Search programs and Files (hay Start Run) ở góc trái bên dưới màn hình đánh lệnh sau: %windir%\fonts

Bước 2: Trong Windows Exporer, kéo file Vietnam.fon vào trong danh sách các fonts.
 
Văn Hóa
Mầm cỏ hoang
Trầm Hương Thơ
18:54 14/07/2011
Chúa Nhật 16 thường niên (Mt,16,24-43)

AI gieo Lời Chúa thời khôn
GIEO chi lời xấu liệu hồn mai sau!
LỜI gian dối tựa mũi dao
CHÚA đau như giáo đâm vào "Thánh Tâm"
THỜI gian tiếng nói thì thầm
KHÔN ngu sẽ rõ Chúa lầm được sao?

ĐỪNG như kẻ xấu sa nào
GIEO toàn cỏ xấu lộn vào lúa kia
LỜI đẹp được khắc vào bia
XẤU sa chẳng được thông chia "Nước Ngài"
VÀO nơi tăm tối tuyền đài
HỒN luôn tỉnh thức Lời Ngài dạy con
TRẺ thơ trong trắng hồn non
THƠ ngây nên dậy lời tròn nghĩa nhân

HỒN non hấp thụ ân cần
NON cao Chúa dựng cõi trần Chúa ban
NHẬP môn thánh thiện tâm an
NHIỄM vào nét đẹp chứa chan "Tin Mừng"
NÀO là con trẻ Chúa cưng
NGỜ thì chẳng có, không ngừng thêm khôn

CỎ lùng khó nhập vô hồn
LÙNG bùng tư tưởng, bồn chồn trong tâm
XEN vào lúa tốt âm thầm
LÚA kia mất đẹp bởi "mầm cỏ hoang"
LÀM người lớn phải đàng hoàng
DƠ lời nói sẽ mọi đàng bẫn dơ
TÂM hồn ta là bàn thờ
HỒN con Chúa ngự đợi chờ thiên thu.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chuồn Chuồn
Joseph Ngọc Phạm
21:45 14/07/2011
CHUỒN CHUỒN
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Mùa hè đang nắng cỏ gà mọc trắng trời mưa
Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão
(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền